Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:32:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sức mạnh làm nên chiến thắng  (Đọc 9656 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:00:35 pm »


TRỞ THÀNH SĨ QUAN ĐIỀU KHIỂN TÊN LỬA RA QUÂN ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU

        Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đầu năm 1965 đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, mở đầu là cuộc tập kích bằng không quân đánh phá tập trung vào các mục tiêu quân sự của ta ở khu vực các tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh ngày 7 tháng 2 năm 1965. Thời gian cuối tháng 2 năm 1965, trong các buổi sinh hoạt đơn vị chúng tôi đều được quán triệt tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, đưa miền Bắc hước vào trạng thái chiến tranh. Từ tháng 3 năm 1965, cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng phát triển lan rộng ra khắp miền Bắc. Đây là cuộc chiến tranh hoàn toàn mới không những đối với ta mà ngay cả với đế quốc Mỹ - kẻ tiến hành chiến tranh. Do vậy, bản thân đế quốc Mỹ cũng phải vừa đánh vừa thăm dò vừa đánh vừa nghiên cứu, thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh leo thang từng bước: leo thang cả về phạm vi đánh phá, mục tiêu đánh phá, cường độ đánh phá; leo thang về áp dụng kỹ thuật và chiến thuật. Đối với ta, tiến hành chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ là hình thức chiến tranh đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Do vậy chúng ta cũng phải vừa đánh vừa nghiên cứu, vừa đánh vừa xây dựng, phát triển lực lượng, bảo đảm càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

        Đến tháng 10 năm 1965, chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đã bao trùm toàn miền Bắc, thế trận phòng không của ta cũng đã được thiết lập với 4 lực lượng cơ bản là: rađa, không quân, tên lửa và các lực lượng súng, pháo phòng không. Cường độ, quy mô, thủ đoạn kỹ thuật, chiến thuật đánh phá của không quân Mỹ ngày càng tăng đặt ra yêu cầu phát triển lực lượng của ta bảo đảm đánh thắng các lực lượng không quân chiến thuật và không quân của hải quân Mỹ. Tháng 11 năm 1965, tôi và một số đồng chí bộ đội rađa được lệnh đi xây dựng một số đơn vị tên lửa mới. Trong lòng chúng tôi rất phấn khởi, mong sao mau đến đơn vị, nhanh được biên chế và bước vào học tập để được đi chiến đấu như các đơn vị tên lửa mà mình đã hiệp đồng chiến đấu. Nhưng khi tôi về đơn vị nhận nhiệm vụ mới biết có lệnh điều động tôi về đơn vị khác. Quyết định cầm trong tay là về Trung đoàn tên lửa 257, nhưng khi đến nơi tôi được đồng chí Vũ Hữu Nam phụ trách cán bộ của Trung đoàn 257 cho biết, tôi có danh sách ở đây, nhưng nay lại có lệnh điều động về Trung đoàn 278. Tôi hỏi: Trung đoàn 278 ở đâu? Đồng chí chỉ đường cho tôi và nói nhỏ: "Nghe nói: Trung đoàn 278 sẽ đi Liên Xô học tập chuyên binh chủng", về đến Trung đoàn 278, tôi trình giấy giới thiệu và quyết định điều động nhận nhiệm vụ, cán bộ phụ trách hồ sơ giải thích cho tôi: "Theo quyết định đồng chí về làm Trợ lý Đài rađa H12, nay có một đồng chí nhận nhiệm vụ rồi, đồng chí nhận nhiệm vụ khác".

        Sau đó, tôi được điều về Ban Hậu cần, đồng chí Quang Hưng phụ trách quân nhu trung đoàn phân công tôi chịu trách nhiệm nhận những trang thiết bị từ kho Quân chủng về cho Trung đoàn. Lúc này tôi nghĩ, đã làm quân nhu thì làm gì phải sang Liên Xô học tập nữa. Bao nhiêu ao ước mong chờ của tôi lâu nay là được về đơn vị tên lửa, phải được học tên lửa để chiến đấu trực tiếp, đành gác lại. Khi giao nhiệm vụ, các đồng chí thủ trưởng Trung đoàn động viên tôi làm trợ lý quân nhu trong ngành hậu cần của Trung đoàn. Từ trước đến giờ tôi chỉ mới học kỹ thuật rađa, chẳng biết gì về công tác hậu cần thế nhưng lại được giao nhiệm vụ này tôi suy nghĩ, hay các đồng chí thấy tôi có thời gian làm tiếp phẩm, anh nuôi, hay là trong hồ sơ lý lịch tôi ghi Ban Hậu cần - kỹ thuật mà cấp trên giao cho tôi làm Trợ lý quân nhu. Những băn khoăn đó cứ trăn trở mãi trong suy nghĩ của tôi. Mặc dù vậy, tôi xác định mình là đảng viên, việc gì được cấp trên phân công mình đều phải làm tốt. Tôi lao vào công việc hăng say, trong việc này tôi có thuận lợi là ở Quân chủng tôi đã quen biết nhiều nên khi đi đến đâu đều nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của đồng chí, đồng đội.

        Đầu tháng 12 năm 1965, Trung đoàn 278 nhận được lệnh đi Liên Xô, trong danh sách tôi cũng có tên, nhưng không phải với chức danh trợ lý quân nhu mà là sĩ quan điều khiển thuộc Đại đội 1 Tiểu đoàn 93. Tôi rất phấn khới, bởi đây là một vinh dự tôi vẫn ước ao, là bước ngoặt trên con đường binh nghiệp, từ một kỹ thuật viên rađa của đơn vị trinh sát kỹ thuật, chuyển thành sĩ quan tên lửa của đơn vị hỏa lực chiến đấu. Và cái tên Tiểu đoàn tên lửa 93 thân thương, trìu mến gắn với tôi từ đây.

        Trên đường hành quân từ Việt Nam sang Liên Xô học tập chuyển loại binh chủng tên lửa, chúng tôi đi qua Trung Quốc và được quán triệt là những sinh viên Việt Nam đi du học. Tàu xuất phát từ ga Hà Nội, chúng tôi đi lên ga Đồng Đăng - Lạng Sơn, sau đó chuyển sang tàu của bạn để đi Bằng Tường - Trung Quốc. Chúng tôi đi trên đất Trung Quốc bốn, năm ngày thì đến ga Mãn Châu Lý tiếp tục chuyển sang tàu của bạn Liên Xô và đi thêm khoảng sáu đến bảy ngày mới đến nơi học tập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:01:22 pm »


        Đi trên đường chúng tôi có nhiều chuyện vui nhưng cũng phải khắc phục nhiều khó khăn, vất vả. Khi đến sông Cầu, Cầu Đáp Cầu đã bị bom Mỹ phá hỏng, chúng tôi phải xuống tàu đi bộ băng qua cầu phao. Lúc này cả đoàn mấy trăm con người xuống tàu cùng đi bộ, việc hành quân phải mang theo vali thật là khó khăn, vất vả vì chúng tôi vốn chỉ quen hành quân bằng ba lô. Dù mệt nhưng tất cả đều rất vui, vì từ cán bộ trung đoàn cho đến người chiến sĩ, từ đồng chí đã trải qua thời kỳ chống Pháp, đến những chiến sĩ vừa nhập ngũ, đồng chí tuổi đã ngoài 40, đồng chí còn trẻ măng mười tám, đôi mươi cùng kết thành một khối hành quân. Cả đoàn vừa đi vừa trò chuyện để lại phía sau những đoạn đường gian khổ, khó khăn, vất vả từ lúc nào không hay.

        Đến đầu cầu phao phía nam sông cầu, cách quê nội tôi chỉ vài trăm mét, tôi dừng lại đưa ánh mắt nhìn qua màn đêm về phía bãi Vọng Nguyên, nằm sát bờ đê là nơi an nghỉ của các cụ tổ tiên, dòng họ và đặc biệt là 18 tiến sĩ triều nhà Lê của họ Nguyễn làng Kim Đôi. Tôi tâm niệm cảm ơn tổ tiên và thầm hứa, đi học về con nguyện cùng đơn vị, cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để báo đáp công ơn của tổ tiên, dòng họ, giành độc lập, tự do cho quê hương đất nước.

        Sau khi đi bộ đến ga Sen Hồ, chúng tôi tiếp tục hành quân bằng tàu hỏa đến ga Đồng Đăng, tàu của bạn Trung Quốc đã chờ sẵn, chúng tôi chuyển tàu, thế là lại một lần nữa phải di chuyển quân trang, hành lý, đồ đạc của người lính và sắp xếp lại cho gọn gàng trên tàu của bạn. Nói là quân trang, đồ đạc, hành lý của người lính, nhưng thực tế không phải là những chiếc ba lô con cóc bạc màu mà Nhà nước trang bị cho chúng tôi đầy đủ từ vali đựng quần áo, túi xách, giày dép. Nhìn cả đoàn người thì không ai có thê biết đó là những quân nhân. Đoàn tàu lướt qua những núi đồi, cánh rừng bạt ngàn, những cánh đồng màu mỡ, làng mạc của Trung Quốc; những đồng đất, cánh rừng đó cũng giống như đất nước Việt Nam ta. Có một điều khác là, họ sống và làm việc trong không khí hòa bình rất nhộn nhịp nên chúng tôi thấy cuộc sống ở đây rất sôi động. Qua 4 ngày 4 đêm, đoàn tàu Trung Quốc đã đưa chúng tôi vào ga Mãn Châu Lý. Ngay bên kia là đất nước Liên Xô vĩ đại. Tàu của Liên Xô cũng đã chờ sẵn để đón đoàn với sự hợp đồng rất nhịp nhàng, ăn khớp. Dọc đường đi trên đất Trung Quốc, đến các ga dừng nghỉ chính quyền và nhân dân địa phương chào đón chúng tôi rất nồng ấm, niềm nở. Sang đến đất nước Liên Xô, vào ga Bai Can cả đoàn dừng nghỉ và tắm nước nóng. Đây đúng là một điều thú vị vì đã mấy ngày trên tàu chúng tôi chưa được tắm thoải mái nên nước giội đến đâu làm cho da thịt nở nang, sảng khoái đến đó. Sau đó, chúng tôi hành quân bằng tàu hỏa trên đất nước Liên Xô mất 6 ngày đêm nữa mới đến địa điểm học tập. Đây là Trung tâm huấn luyện tên lửa của bạn, nằm trên bãi sa mạc Kapakum, một vùng sa mạc mênh mông. Những ngày này trời đang sang xuân, cây cối đã có những chồi xanh nở rộ. Nơi học tập rất xa làng mạc, phố xá, nên chúng tôi không có thời gian và điều kiện để đi chơi, cả đoàn chúng tôi đều xác định: đi sang nước bạn phải cố gắng học cho tốt để nhanh chóng về nước tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

        Khi chuẩn bị bước vào học chính thức, tôi được biên chế vào lớp sĩ quan điều khiển, cả lớp có 10 đồng chí (mỗi tiểu đoàn có 2 đồng chí; Ban Kĩ thuật 1 đồng chí; Ban Tham mưu 1 đồng chí):

        - Tiểu đoàn 91 có đồng chí Nguyễn Sinh Thủy và đồng chí Nguyễn Văn Tể.

        - Tiểu đoàn 92 có đồng chí Vũ Văn Thố và đồng chí Hoàng Văn Đề.

        - Tiểu đoàn 93 có đồng chí Trần Danh Tùng lớp trưởng) và tôi.

        - Tiểu đoàn 94 có đồng chí Nguyễn Văn Hiến và đồng chí Trần Kim cảnh.

        Cơ quan Tham mưu có đồng chí Nguyễn Văn Độ.

        Cơ quan Kĩ thuật có đồng chí Lê Quang Thừa.

        Bước vào học tập, tôi xác định cho mình phải tập trung ngay từ bài đầu, học đến đâu phải nắm chắc đến đó, không hiểu thì phải hỏi ngay. Tiếng Nga tuy đã được học nhưng cả lớp vẫn còn lõm hõm, nghe câu được câu chăng, chúng tôi phải học qua phiên dịch nên thời gian dài gấp đôi. Đây mới là bước học tập lý thuyết cơ bản, chứ chưa được học thực hành trên máy. Chương trình học tập của chúng tôi rất căng thẳng với nhiều môn học: binh khí tên lửa toàn đài, xạ kích các phương pháp điều khiển tên lửa, chế độ nổ của đạn tên lửa, học chiến thuật cấp phân đội với các bài bắn, quy tắc bắn mục tiêu trên không, bắn mục tiêu mặt đất, mặt nước trong các điều kiện khác nhau... đòi hỏi người học phải có kiến thức cơ bản về vô tuyến điện mới tiếp thu được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:01:48 pm »

       
        Ở vị trí sĩ quan điều khiển như "quả tim" của cả tổ hợp tên lửa, đòi hỏi chúng tôi phải nắm chắc chức năng hoạt động của từng thành phần, trên từng xe: xe điều khiển YA, xe tính toán AA, xe thu phát PA trong quy trình điều khiển khép kín của toàn bộ bộ khí tài. Có như vậy khi thao tác kiểm tra chức năng, đánh giá chất lượng khí tài, sĩ quan điều khiển mới có thể đưa ra được kết luận chính xác khí tài có bảo đảm sẵn sàng chiến đấu được hay không. Đây là một thử thách không chỉ đối với riêng tôi, mà với tất cả các đồng chí trong lớp học chuyển loại tên lửa. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp thu kiến thức, nhưng mỗi lần nghĩ về quê hương, về tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược, trong lòng tôi lại dấy lên một ý chí quyết tâm phải học tập tốt, nắm chắc vũ khí, khí tài trang bị để về cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Với quyết tâm của bản thân và sự khiêm tốn học tập, sau các buổi lên lớp của giảng viên, tôi tranh thủ học thêm ngoài giờ, do đó các môn kiểm tra kế cả lý thuyết lẫn thực hành tôi đều đạt điểm cao nhất (5 điểm theo thang điểm 5 của bạn).

        Trong chương trình huấn luyện chuyển loại tên lửa, học thực hành trên máy thì có, nhưng thực tế thao tác bắt máy bay trên màn hiện sóng thì không có vì các sân bay đều ở xa, nhưng khi bắn đạn thật thì phía bạn Liên Xô yêu cầu phải thao tác bắt mục tiêu là máy bay thật. Được sự nhất trí của Trung tâm huấn luyện Bacu, ở đó có Trung đoàn 275 là đơn vị cùng được thành lập và sang Liên Xô học chuyển loại cùng một đợt với chúng tôi; Trung đoàn 275 có khí tài để huấn luyện thực hành; các kíp chiến đấu của Trung đoàn tôi gồm: tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển tên lửa và ba trắc thủ được sang để cùng luyện tập với các kíp chiến đấu ở các tiểu đoàn của Trung đoàn 275. Trên đường hành quân di chuyển sang Trung đoàn 275 để học thực hành bắt mục tiêu máy bay, chúng tôi phải đi qua một biển gọi là: "Biển Caxpi" để đến vùng Xi Tan Trai của thành phố Bacu, một điều thú vị vì tất cả chúng tôi chưa có ai được đi tàu biển bao giờ. Lần này chúng tôi được đi trên biển suốt cả một đêm nên thấy rất thú vị. Dù chưa được đi tàu biển, nhưng tôi không bị say và ngủ rất ngon vì sóng ở biển này không to. Sáng hôm sau khi tàu vào cảng đã có xe của bạn đón và đưa chúng tôi về Trung đoàn 275. Khi sang huấn luyện tại Trung đoàn 275 tại Trung tâm huấn luyện Bacu, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 93 được biên chế vào học tập cùng Tiểu đoàn 69 của Trung đoàn 275. Những ngày ở đây được luyện tập thao tác bắt mục tiêu máy bay MiG-21, được nhìn rõ tín hiệu mục tiêu thật trên màn hiện sóng làm cho tâm trạng chúng tôi phấn khởi, hứng thú học tập và hiểu biết thực tế hơn.

        Thời gian học thực hành bắt máy bay mới được 10 ngày, đã đến ngày đi bắn đạn thật, chúng tôi hành quân bằng tàu hỏa, đi hơn một ngày thì đến trường bắn. Đến nơi, mỗi tiểu đoàn được nhận một bộ khí tài và ba quả đạn tên lửa. Phía bạn còn cho biết, bộ khí tài tên lửa này các đồng chí Việt Nam bắn xong, nếu có sai sót gì thì bạn sửa chữa và ngay sau đó sẽ chuyển sang Việt Nam bàn giao trực tiếp cho các đơn vị chúng tôi. Nhận khí tài, làm công tác chuẩn bị, với lý thuyết đã học, chúng tôi thao tác điều chỉnh với quyết tâm làm cho bộ khí tài có tham số tốt nhất, bảo đảm bắn tiêu diệt mục tiêu, tạo lòng tin cho đơn vị. Khi bạn nói bộ khí tài tên lửa chúng tôi bắn kiểm tra lần này, sẽ được bàn giao cho chúng tôi để sử dụng chiến đấu ở Việt Nam, tôi thầm nghĩ, không hiểu có đúng không nên đã ghi tên mình vào bên trong khung máy tủ sĩ quan điều khiển. Quả thật, khi về Việt Nam đi nhận khí tài đế chiến đấu, tôi kiểm tra, đúng là bộ khí tài mà kíp chiến đấu của Tiểu đoàn tôi đã sử dụng bắn đạn thật tại trường bắn của khối Vacxava ở Liên Xô.

        Ngày bắn đạn thật kiểm tra kết quả huấn luyện, tâm trạng tôi thật khó tả, niềm vui sướng, phân khởi xen lẫn những hồi hộp và lo lắng trách nhiệm. Mỗi tiểu đoàn nhận 3 quả đạn làm công tác chuẩn bị để bắn hai mục tiêu: một mục tiêu dù do máy bay thả ra, khi máy bay thoát ly khỏi khu vực thì được lệnh thao tác phát sóng bắt mục tiêu dù để bắn. Mục tiêu thứ hai là máy bay không người lái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:02:27 pm »


        Các tiểu đoàn lần lượt bước vào làm công tác chuẩn bị bắn. Lúc đầu tôi nghĩ chắc theo thứ tự các tiểu đoàn thì chúng tôi sẽ bắn sau, nhưng ngược lại, đơn vị tôi được Trung đoàn giao nhiệm vụ bắn đầu tiên. Đây vừa là vinh dự, nhưng cũng mang trách nhiệm rất nặng nề trước những tình cảm mong đợi của phía bạn về kết quả huấn luyện. Tôi thầm nghĩ, đây là trận đánh đầu tiên mà tôi và các đồng đội được sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại đê chiến đấu. Nếu bắn tiêu diệt mục tiêu tức là chúng tôi đã đánh thắng và chúng tôi có khả năng sử dụng loại vũ khí hiện đại này để đánh thắng không quân của đê quốc Mỹ xâm lược đang gây bao nhiêu tội ác cho nhân dân miền Bắc nước ta. Sau khi bắn xong tôi hỏi lại mói được biết, trong quá trình Trung đoàn theo dõi huấn luyện hiệp đồng kíp chiến đấu, Tiểu đoàn 93 của tôi kết quả huấn luyện đạt khá hơn các tiểu đoàn khác nên được chọn chỉ định giao nhiệm vụ vào bắn trước đế tạo tâm lý tự tin cho kíp chiến đấu các tiểu đoàn khác. Trước khi vào tuyến bắn tôi rất hồi hộp, lo đến trách nhiệm mà Trung đoàn tin tưởng giao cho bắn đầu tiên để rút kinh nghiệm. Sau một thoáng suy nghĩ định hình những kiến thức đã học được ỏ Trung tâm huấn luyện, tôi bình tĩnh, tự tin bước vào thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh tôi có đồng chí sĩ quan điều khiển của bạn tên là Daxapon cùng quan sát, theo dõi kíp chiến đấu thao tác bắn. Đồng chí Daxapon sau đó sang Việt Nam làm chuyên gia theo dõi, giúp đỡ quá trình chiến đấu của đơn vị và bản thân tôi hơn một năm.

        Trước cuộc diễn tập bắn đạn thật, tôi rất hồi hộp, phần vì lần đầu tiên được ấn nút phóng đạn bay thật, phần vì lo trách nhiệm trước đơn vị. Tôi nhớ lại những ngày luyện tập bắt mục tiêu máy bay MiG và thực hành phóng giả đạn tên lửa, cảm giác nhận biết khi tên lửa phóng lên diệt mục tiêu như thế nào với tôi vẫn còn mơ hồ. Còn kíp chiến đấu của Tiểu đoàn, tôi rất tin mọi người thao tác chính xác, bám sát ổn định, các khẩu lệnh hiệp đồng nhanh, gọn, rõ, nhịp nhàng theo thứ tự các bước thực hành xạ kích chiến đấu. Bây giờ là lúc yêu cầu cao, tập trung trí tuệ hiệp đồng chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ. Vừa có lệnh phát sóng, cả hai mục tiêu dù và máy bay không người lái tôi đều sục sạo bắt được và giao tay quay cho trắc thủ sớm, đồng thời theo dõi diễn biến và báo cáo Tiểu đoàn trưởng. Đến cự ly phóng, tôi hô to và rõ, Tiểu đoàn trưởng lệnh "phóng", tôi nhanh chóng đưa ngón tay cái bên phải ấn mạnh, dứt khoát vào nút phóng. Một tiếng "cạch" nhẹ, xe điều khiển hơi rung, tên lửa rời bệ phóng dũng mãnh bay đi, để lại phía sau một tiếng "ào" rít lên xé tan bầu không khí đang hết sức tập trung của kíp chiến đấu trong xe điều khiển YA. Khi tên lửa bay vào cánh sóng, "cửa sóng chờ" nhảy ra bắt dẫn bay theo quỹ đạo của phương pháp điều khiển đã chọn. Tên lửa có điều khiển tốt bay về phía mục tiêu, tôi bình tĩnh đọc thông báo các khoảng cách cự ly của tên lửa tiến đến mục tiêu và điếm gặp. Tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng nhanh chóng bị xóa, tôi hô "mục tiêu bị tiêu diệt", cả ba trắc thủ: góc tà, cự ly và phương vị đều hô mục tiêu bị tiêu diệt. Cảm giác trong tôi thật khó diễn tả khi sở chỉ huy trường bắn thông báo mục tiêu bị tiêu diệt. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức mạnh của vũ khí hiện đại và bộ đội Việt Nam có khả năng khai thác, sử dụng để tiêu diệt không quân Mỹ. Với hai quả đạn, Tiểu đoàn tôi đã tiêu diệt hai mục tiêu, như vậy đơn vị đã tiết kiệm được một quả đạn. Lúc này tôi thầm nghĩ, mình đã hoàn thành nhiệm vụ, không phụ lòng mong mỏi của các đồng chí bạn Liên Xô và thủ trưởng Trung đoàn; tôi cũng đã thực hiện được lòi hứa trước cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và Tiểu đoàn. Một sự khởi đầu với hai quả đạn tiêu diệt hai mục tiêu, sau này lại trùng hợp với trận đánh đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 12 năm 1972, bằng hai quả đạn tên lửa, trong vòng 10 phút tôi đã chỉ huy Tiểu đoàn bắn rơi hai máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ.

        Chuẩn bị chia tay với các thầy cô giáo, chia tay với Trung tâm huấn luyện, với đất nước của V.I. Lênin vĩ đại đề trở về quê hương chiến đấu, tình cảm thật là lưu luyến. Chúng tôi đóng gói xếp gọn quân tư trang cho vào vali. Hành lý được phía bạn chuyển lên xe, chở đi trước, chúng tôi mới lên xe hành quân đi sau tiến thẳng ra ga tàu. Khi chia tay ở bến tàu, người ở người đi thật là bịn rịn, tàu kéo hết hồi còi này đến hồi còi khác mà vẫn chưa tạm biệt nhau được. Những câu tạm biệt, hẹn gặp lại bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga mãi không dứt, phải đến khoảng 10 phút sau tàu mới rời ga được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:02:47 pm »


        Rời đất nước Xô viết anh hùng, chúng tôi ra về mỗi người đều được trang bị một kiến thức mới, kiến thức tiên tiến, hiện đại để về chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tàu chạy suốt hơn 10 ngày, qua các cánh rừng, đồng ruộng của đất nước bạn Liên Xô và Trung Quốc mà chúng tôi cảm thấy gần gũi như ở đất nước Việt Nam. Khi tàu đến ga nào dừng lấy nước và nghỉ ngơi, chúng tôi lại được chính quyền và nhân dân địa phương đón tiếp rất thân tình, đầm ấm như đón tiếp những người thân trên đường ra trận. Trong không khí cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào đón, ở nhiều nhà ga còn có những đoàn văn nghệ biểu diễn chào mừng đoàn chúng tôi. Các bạn như những người ở hậu phương lớn, tiễn những người con, người chiến sĩ Việt Nam ra tiền tuyến. Trong mỗi chúng tôi lúc đó rất xúc động và tự hào rằng, nhân dân hai nước lớn xã hội chủ nghĩa anh em đang đứng bên cạnh Việt Nam, coi Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam như người thân một nhà. Sự tự hào và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của mỗi chúng tôi lại trào dâng lên hơn bao giờ hết, muốn con tàu chạy nhanh lên, đua với thời gian để chúng tôi sớm được nhận khí tài, vũ khí kịp thời triển khai chiến đấu bảo vệ bầu trời quê hương.

        Nhân dân hai nước Liên Xô, Trung Quốc trương cờ, khẩu hiệu, băng rôn đón tiếp, tiễn những người con ra mặt trận là thế đấy. Tình cảm quốc tế vô sản mãi mãi in sâu trong tâm trí của tôi, động viên chúng tôi chiến đấu vì dân tộc Việt Nam, vì chủ nghĩa xã hội và khát vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhưng có một điều làm cho chúng tôi suy nghĩ là khi tàu từ Liên Xô chạy qua Trung Quốc, chúng tôi phải chờ ở ga Mãn Châu Lý đến 4 ngày, nghe nói là vì không có hợp đồng trước. Suốt thời gian chờ tàu, chúng tôi không được đi đâu, cứ phải chờ ở trên tàu, thật là một điều đáng tiếc trước những khát khao, mong muốn được ra trận của những người lính. Sau 4 ngày chờ đợi, chúng tôi nhận được lệnh tiếp tục lên tàu hành quân về nước.

        Về đến ga Hà Nội vào đêm của những ngày cuối thu, cuối tháng 9 năm 1966, chúng tôi xuống tàu tập hợp đội hình trước sân ga, sau đó hành quân về Cát Động, xã Bình Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) để làm công tác chuẩn bị trả quần áo đã mượn và nhận quần áo của mình gửi lại. Với bộ quân phục màu cỏ úa trông mỗi người chúng tôi đều cứng cáp hơn, rắn rỏi hơn. Dù thời gian học ở nước bạn ngắn, nhưng mỗi chúng tôi bây giờ đã bổ sung thêm cho mình những nhận thức mới rộng lớn hơn và được trang bị những kiến thức quân sự tiên tiến mới. Chúng tôi thầm biết ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện, cho chúng tôi được đi học. Chúng tôi nguyện hứa quyết tâm, ra quân chiến đấu phải đánh thắng ngay trận đầu mới xứng với công lao to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng dành cho và xứng đáng với tấm lòng của đất nước và nhân dân hai dân tộc Liên Xô và Trung Quốc đã giúp đỡ.

        Về đơn vị làm công tác chuẩn bị xong mà chúng tôi vẫn chưa có lệnh đi nhận khí tài, mỗi khi nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú, oanh tạc, làm mưa, làm gió trên bầu trời hòa bình của chúng ta, trong lòng tôi và các đồng đội chỉ muốn có khí tài để vít đầu bọn "thần sấm", "con ma" của giặc Mỹ, bắt chúng phải đền tội. Phải nằm chờ năm, sáu ngày rồi mà chúng tôi vẫn còn phải chờ tiếp. Tâm trạng sau chuyến đi học nước ngoài về ai cũng muốn được về thăm nhà vài ngày, một phần vì muốn chia sẻ những điều mới lạ vừa được biết về đất nước bạn với gia đình, bạn bè, mặt khác muốn cùng gia đình, vợ con được hưởng niềm phấn khởi, vinh dự vì trong nhà có người được đi học nước ngoài về cho dù chẳng có quà gì làm kỷ niệm. Nhưng vì chiến tranh không cho phép, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc không chỉ cướp đi tính mạng, tài sản của nhân dân mà nó còn lấy mất cả những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhất của những người dân lương thiện như gia đình những người lính chúng tôi.

        Chúng tôi tiếp tục chờ đợi, mong muốn sớm được nhận khí tài triển khai chiến đấu trỗi lên đã làm lắng xuống tư tưởng muốn về thăm nhà. Không chỉ để giữ bí mật mà là bảo toàn lực lượng, mà đây lại là lực lượng kỹ thuật hiện đại nên lúc này là rất quan trọng.

        Ngày 9 tháng 10 Tiểu đoàn tôi được lệnh về ga cổng Quân chủng ở đường Tàu Bay (bây giờ là đường Trường Chinh) nhận khí tài. Con đường từ ngã tư Vọng đến ngã tư Sở lúc đó còn nhỏ, lại có đường tàu hỏa rẽ từ ngã tư Vọng đi vào. Gọi là đi vào, nhưng thực tế tàu phải lùi vào đến ụ đất tự đắp để bốc dỡ, vận chuyến khí tài từ trên các toa tàu xuống, hay chuyến hàng hóa từ dưới kho đưa lên tàu, ngay gần cổng số 2 của Quân chủng Phòng không - Không quân hiện nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:03:29 pm »


        Chúng tôi tiếp nhận được xe khí tài nào thì ngay lập tức hành quân về Xuân Mai làm công tác chuẩn bị, bảo quản định kỳ, lau chùi. Sau khi nhận đủ cả bộ khí tài thì chúng tôi tiến hành lắp ráp đồng bộ, định kỳ làm tham số và triển khai sẵn sàng ra quân chiến đấu.

        Về nước chuẩn bị ra quân chiến đấu, thực hiện mục tiêu đánh thắng trận đầu vừa là phương châm chỉ đạo, vừa là quyết tâm của Bộ đội Phòng không - Không quân phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta. Đánh thắng ngay từ trận đầu với đôi tượng tác chiến là không quân Mỹ, tại chiến trường miền Bắc sẽ tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu, đặc biệt là đối với kíp chiến đấu của chúng tôi mới đi học ở Liên Xô về nước. Bởi lẽ, đánh thắng trận đầu sẽ tạo được niềm tin đánh thắng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ngay từ đầu; khắng định Bộ đội Tên lửa có đủ khả năng, trình độ thao tác sử dụng vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại để đánh thắng không quân Mỹ. Đánh thắng trận đầu đôi với máy bay chiến thuật của không quân Mỹ, sẽ tạo lòng tin vào khả năng đánh thắng các lực lượng không quân của Mỹ. Các đơn vị bạn ra quân chiến đấu trước đều đã thực hiện được quyết tâm đánh thắng trận đầu. Chúng tôi là đơn vị ra đời sau, tuy áp lực về khả năng thao tác sử dụng vũ khí có phần bớt căng thẳng so với các đơn vị đầu tiên, nhưng về mặt tâm lý cũng rất căng thắng vì cuộc đối đầu của Bộ đội Tên lửa với các thủ đoạn áp dụng kỹ thuật tác chiến điện tử của không quân Mỹ ngày càng diễn ra gay go, quyết liệt hơn.

        Cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang phá hoại của không quân và hải quân Mỹ đối với miền Bắc lúc này đã kéo dài tới 18 tháng, đang ở thời kỳ gay go, quyết liệt. Chiến dịch "mũi lao lửa" sử dụng không quân đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ đang từng bước bị quân và dân ta chặn đứng. Hàng trăm máy bay Mỹ đã bị bắn rơi tại chỗ trên miền Bắc. Quân và dân miền Bắc, từ các cụ dân quân, các nữ dân quân, các lực lượng phòng không ba thứ quân, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang thi đua lập công bắn máy bay Mỹ, với khẩu hiệu "bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái". Hầu hết các địa phương trên miền Bắc đều lập công bắn rơi máy bay Mỹ, không ngày nào Đài Tiếng nói Việt Nam không đưa tin máy bay Mỹ bị bắn rơi. Có thể nói, khí thế thi đua đánh Mỹ vang dội khắp núi sông như thôi thúc chúng tôi lập công đánh thắng ngay từ trận đầu.

        Khí thế thi đua đánh Mỹ là như vậy, nhưng thực chất bước vào chiến đấu các đơn vị hỏa lực tên lửa gặp rất nhiều khó khăn, phải "đấu trí" quyết liệt với tác chiến điện tử và tên lửa chống rađa của không quân Mỹ. Kể từ cuối tháng 7 năm 1965, Trung đoàn tên lửa 236 ra quân đánh thắng trận đầu, từ ngày đó Bộ đội Tên lửa đã trở thành mục tiêu phải tiêu diệt ngay từ đầu của không quân Mỹ mỗi khi chúng đánh phá miền Bắc. Khi phát hiện thấy tên lửa SAM-2 xuất hiện trên chiến trường miền Bắc, lập tức các lực lượng không quân chiến thuật của Mỹ đã săn lùng để tiêu diệt. Do lực lượng tên lửa của ta lúc đầu còn mỏng, ta áp dụng chiến thuật đánh du kích, bí mật phục kích đánh chặn và liên tục cơ động thay đổi trận địa, thay đổi địa bàn chiến đấu để bảo toàn lực lượng, thường xuyên làm cho không quân Mỹ bị bất ngờ. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh không quân chiến thuật và không quân của hải quân Mỹ đều hiểu rằng, tên lửa phòng không của Bắc Việt Nam chỉ có thể là tên lửa phòng không của khối Vacxava viện trợ. Chính vì vậy, trong từng bước leo thang chiến tranh, không quân Mỹ từng bước nghiên cứu áp dụng các biện pháp chế áp điện tử, chế áp hỏa lực, đánh phá các trận địa tên lửa của ta. Thao tác chiến đấu đánh trả không quân Mỹ giai đoạn này không thuần túy chỉ là thao tác bám sát, bắt chính xác mục tiêu và thực hành xạ kích bằng phương pháp điều khiển tối ưu khi xác định rõ cự ly mục tiêu trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ. Đánh chặn không quân Mỹ vào đánh phá các mục tiêu bảo vệ, Bộ đội Tên lửa phải đương đầu với tác chiến điện tử, phải tác chiến trong điều kiện không quân Mỹ sử dụng thả "nhiễu tiêu cực"1, phát "nhiễu tích cực"2, cả nhiễu ngoài đội hình (do các máy bay EB66, EC121 bay ngoài đội hình phát ra) và nhiễu trong đội hình (do các máy bay tiêm kích, cường  kích ném bom được trang bị máy phát nhiễu phát ra) để che giấu đội hình tiến công. Đồng thời, không quân Mỹ còn sử dụng "tên lửa tự dẫn"3 không đối đất - tên lửa chống rađa, ký hiệu AGM-45 và AGM-78, có tên gọi là Sraike và Standa bay theo tâm cánh sóng rađa điều khiển tên lửa để đánh trả mỗi khi ta phát sóng.

---------------------------
        1, 2. Là dạng nhiễu địch sử dụng giấy tráng phủ kim loại được máy bay thả ra làm nhiễu đài rađa.

        3. Là loại tên lửa không đối đất do máy bay Mỹ phóng ra, nó hoạt động theo nguyên lý tự dẫn, khi có năng lượng sóng điện từ nó tự bay theo ở tâm cánh sóng nơi tập trung năng lượng mạnh nhất.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:36:09 am »


        Thực tế trong cuộc đối đầu quyết liệt này, đã không ít đơn vị tên lửa của ta đánh không thắng, lại bị tên lửa không đối đất của không quân Mỹ phá hỏng khí tài, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đơn vị mất sức chiến đấu. Bởi lẽ, thao tác chiến đấu của Bộ đội Tên lửa là cuộc đấu trí quyết liệt, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu, quyết tâm đánh thắng với sự nhanh trí, thông minh, sáng tạo, quyết đoán... để thao tác loại bỏ nhiễu tiêu cực, nhận định và lựa chọn đúng dải nhiễu có mục tiêu, tránh nhiễu giả để sục sạo và bám sát; đồng thời phải tính toán phát sóng theo chu kỳ hợp lý để tránh hoặc gạt bỏ tên lửa chống rađa. Mỗi trận chiến đấu diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vài chục giây. Trung đoàn cho Tiểu đoàn 93 ra quân đánh trận mở màn cho toàn Trung đoàn. Tôi làm sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn nên rất lo lắng. Trận đánh lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định khả năng thao tác sử dụng khí tài chiến đấu trong tình huống thông thường như khi bắn đạn thật ở trường bắn nước bạn, mà là cuộc đối mặt giữa kỹ thuật với chiến thuật, giữa cái sống với cái chết, giữa chiến thắng hay thất bại. Không chỉ riêng tôi mà cả toàn bộ kíp chiến đấu đều có tâm trạng lo lắng như vậy. Thủ trưởng Trung đoàn, Tiểu đoàn động viên kíp chiến dấu, đồng đội trong kíp chiến đâu nhìn tôi với ánh mắt tin cậy. Vì tôi là sĩ quan điều khiển, người bật công tắc phát sóng, thao tác sục sạo mục tiêu mở đầu mỗi trận đánh và cũng là người ấn nút phóng cho tên lửa bay lên và theo dõi kết thúc trận đánh. Tuy không ai nói ra, nhưng tôi hiểu rằng, vị trí, vai trò và trách nhiệm của tôi trong kíp chiến đấu là hết sức nặng nề.

        Được Trung đoàn chỉ vị trí trận địa, các đồng chí cán bộ đại đội, Tiểu đoàn đã đi trinh sát, làm công tác chuẩn bị. Đó là khu rừng bãi bụa rộng bao la, còn nơi chúng tôi đặt trận địa gọi là trận địa Mẫn Đức thuộc tỉnh Hòa Bình. Tiểu đoàn tôi triển khai chiến đâu theo phương án bố trí trận địa phục kích, trên một đường bay được xác định là đường bay chủ yếu mà máy bay Mỹ bay từ hướng tây nam vào đánh phá Thủ đô Hà Nội. Đây thực chất là những trận địa bảo vệ Hà Nội ở vòng ngoài. Đêm 20 tháng 10 năm 1966, Tiểu đoàn tôi triển khai sẵn sàng chiến đấu xong, khí tài kiểm tra tham số 3 rãnh, 5 bệ và đạn tốt, sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu. Ngày 21 tháng 10 năm 1966, bầu trời yên tĩnh, không có máy bay bay qua, đơn vị luyện tập theo các phương án chiến đấu đã dự kiến trước. Chúng tôi suy nghĩ có thể trong một vài ngày tới trận đánh mở màn của Tiểu đoàn vẫn chưa thể xảy ra. Vừa luyện tập, vừa hồi hộp chờ đợi, chúng tôi chính thức bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, sẵn sàng đối mặt với bom, đạn Mỹ và sẵn sàng chiến đấu hy sinh. Sau mỗi bài tập, chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, tuy chưa có thực tiễn trận đánh nào của Tiểu đoàn, nhưng mọi ý kiến trao đổi trong kíp chiến đấu theo lý thuyết đã học vẫn rất sôi nổi. Do nhận thức đúng nhiệm vụ và trách nhiệm, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu, cả Tiểu đoàn bước vào chuẩn bị chiến đấu với sức mạnh tinh thần to lớn, bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng chờ đợi những gì sẽ xảy ra phía trước với một niềm tin chiến thắng. Cuộc đấu trí của kíp chiến đấu Tiểu đoàn 93 chúng tôi với sức mạnh quân sự và phương tiện kỹ thuật tác chiến điện tử hiện đại nhất thế giới của không quân Mỹ đã diễn ra sớm hơn so với chúng tôi phán đoán, dự định.

        Đúng 10 giờ ngày 22 tháng 10 năm 1966, Tiểu đoàn được lệnh báo động chiến đấu vào cấp 1. Chúng tôi nhanh chóng về vị trí chiến đấu. Sĩ quan điều khiển và cả ba trắc thủ tuy hồi hộp, nhưng rất tự tin, thao tác kiểm tra khí tài nhanh chóng, chính xác, khẩu lệnh dứt khoát, rõ ràng. Kiểm tra chức năng, đánh giá khí tài xong, tôi báo cáo với Tiểu đoàn trưởng: khí tài 3 rãnh, 5 bệ đạn tốt. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Lộc, quê Hà Tĩnh, với giọng nói miền Trung nhẹ nhàng nhưng rất ấm áp ra lệnh cho chúng tôi: sục sạo, bắt mục tiêu từ phương vị 230 đến 300. Tôi nhẹ nhàng quay tay quay, nhanh chóng đưa anten chính xác về hướng đã định để sục sạo, quan sát, phát hiện máy bay địch. Trên màn hiện sóng xuất hiện hai dải nhiễu cơ động, biến dạng, tạo hình xoắn, vặn thừng; tôi báo cáo Tiểu đoàn trưởng và tiếp tục theo dõi phát hiện mục tiêu. Bỗng màn hình xuất hiện rõ 4 máy bay đang bay vào ở phương vị 280, tôi báo cáo phát hiện mục tiêu ở cự ly 50km.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:36:37 am »

   
        Theo dõi thao tác chiến đấu của tôi lúc này, ngoài Tiểu đoàn trương còn có đồng chí sĩ quan điều khiển Daxapon chuyên gia Liên Xô ngồi sau nên tôi cũng vững tin hơn. Khi bắt và dẫn mục tiêu ở cự ly 40km, trên màn hiện song lại xuất hiện màn nhiễu dạng sương mù che phủ mục tiêu, tôi báo cáo có nhiễu, Tiểu đoàn trưởng quan sát trên màn BMKO và lệnh: "chống nhiễu". Tôi bật công tắc về chế độ chống nhiễu, mục tiêu lại hiện rõ, vì đây là nhiễu tiêu cực bằng các bó giấy tráng kim loại do máy bay địch thả ra. Thực hành các thao tác chuẩn bị chiến đấu xong, 3 trắc thủ bám sát tốt, tôi tắt anten không cho phát sóng ra không gian (tránh máy bay địch phát hiện có sóng điện từ và sử dụng tên lửa chống rađa danh phá đài điều khiển) chỉ theo dõi máy bay địch trên màn Bl/IKO của Tiểu đoàn trưởng, còn tôi là sĩ quan điều khiển cứ theo dõi trắc thủ cự ly bám sát mà vạch đường đánh dấu cự ly trên màn hiện sóng chuyển động theo. Đến khoảng cự ly 35km, tôi tiếp tục bật công tắc phát sóng trở lại, 4 máy bay địch vẫn ngang nhiên bay vào. Tôi báo cáo xin lệnh phóng. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phóng, tôi đã ấn nút phóng ở cự ly 28km, 2 đạn rời bệ vào cánh sóng có điều khiển tốt. Quan sát, theo dõi tên lửa bay về phía mục tiêu và đê phát hiện xem có tên lửa chống rađa không. Đến khoảng cách 10km tôi bình tĩnh dọc thông báo rõ ràng: mười,... năm,...ba,..., mục tiêu có biểu hiện cơ động tránh tên lửa nhưng trắc thủ bám sát tốt. Tên lửa gặp mục tiêu, đạn nổ tốt, mục tiêu bị tiêu diệt, 1 máy bay F-105 bị bắn rơi tại chỗ trên đất Hòa Bình. Cảm giác đánh thắng ngay từ trận đầu thật vui sướng, khi đạn gặp và tiêu diệt mục tiêu, cả kíp chiến đấu như muốn đứng dậy ôm lấy nhau nhảy múa, nhưng vì đang chiến đấu nên chúng tôi phải nén niềm vui đó trong lòng. Đồng chí Daxapon thực sự vui mừng, cứ đưa ngón cái tay phải của mình lên mãi không thôi. Không phải đồng chí ra hiệu ngón tay ấn nút phóng đạn mà là biểu lộ rất tốt, quá tốt. Đây là trận đánh đầu tiên, lại là trận đánh thắng do kíp trắc thủ của Tiểu đoàn tự điều khiển, các tham số kỹ thuật của khí tài do đội ngũ kỹ thuật viên của Tiểu đoàn tự hiệu chỉnh; do vậy cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn phấn khởi và tin vào khả năng khai thác làm chủ khí tài và thao tác chiến đấu bảo đảm đánh thắng không quân Mỹ ở những trận tiếp theo.

        Khi Trung đoàn tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh mở màn, tôi mới biết Trung đoàn đặt niềm tin và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 93 đánh trước để rút kinh nghiệm cho các kíp chiến đấu của Trung đoàn. Tin vui Tiểu đoàn 93 đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ nhanh chóng được truyền đến các đơn vị. Tiếu đoàn ra quân đánh thắng, đã giữ vững và phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa. Thật là vinh dự cho Tiểu đoàn 93, tôi là sĩ quan điều khiển đã thực hiện được đúng quyết tâm và ý định của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn. Tiểu đoàn 93 đã có chiếc máy bay đầu tiên được ghi vào sổ vàng truyền thống của Trung đoàn.

        Ra quân đánh thắng trận đầu, được Trung đoàn biểu dương chúng tôi rất phấn khởi; cán bộ, chiên sĩ Tiểu đoàn, nhất là kíp trắc thủ lại càng có lòng tin vào chính mình. Nó còn là niềm tự hào, bởi vì ra quân chiến đấu trên mỗi xe, mỗi hệ vẫn còn có một chuyên gia của Liên Xô đi kèm để giúp đỡ về mặt kỹ thuật. Trận này các đồng chí không trực tiếp làm tham số như ở trường bắn mà chỉ theo dõi, khi phát hiện có sai sót thì mới hướng dẫn. Ra quân chiến đấu chúng tôi nghĩ phải tự mình vươn lên nắm và làm tốt công tác kỹ thuật, chiến thuật, thuần thục cách đánh để bạn nhanh chóng không còn trực tiếp cùng ngồi chiến đấu với chúng tôi nữa. Thời gian này tôi và các đồng chí, đồng đội luôn suy nghĩ nhân dân Liên Xô đã giúp mình vũ khí, khí tài chiến đấu. Đây là mồ hôi, xương máu của giai cấp công nhân và nhân dân Liên Xô, bên cạnh đó còn có những đồng chí - những con người cụ thể trực tiếp giúp mình thì đừng để các đồng chí đó phải hy sinh. Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm học tập vươn lên làm chủ vũ khí, khí tài để các đồng chí chuyên gia Liên Xô từng bước không phải trực tiếp có mặt tại trận địa tham gia chiến đấu. Những trận đánh tiếp theo sau của Tiểu đoàn, đều do chúng tôi tự làm tham số chiến đấu và thao tác chiến đấu, chuyên gia bạn chỉ giúp khi bảo quản định kì, tham số tuần, tháng cho khí tài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:37:43 am »


Chương 3

THAM GIA CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ NHẤT CỦA KHÔNG QUÂN MỸ(1967-1968)

        Chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc diễn ra từ tháng 3 năm 1965 đến ngày 30 tháng 11 năm 1968. Không quân Mỹ không chỉ từng bước leo thang về không gian mà chúng từng bước leo thang về kỹ thuật và chiến thuật. Điển hình là những nấc thang mà không quân Mỹ áp dụng phương tiện kỹ thuật tác chiến điện tử chế áp hỏa lực các trận địa tên lửa, đồng thời điều chỉnh các đội hình chiến thuật máy bay tiến công đánh phá. Để đánh thắng không quân Mỹ, các lực lượng phòng không -  không quân mà trước hết là Bộ đội Tên lửa phải đối đầu, đấu trí quyết liệt nhất với các thủ đoạn gây nhiễu chế áp điện tử và chiến thuật tập kích đánh phá của không quân chiến thuật và không quân của hải quân Mỹ. Tính đến thời điểm cuối năm 1966 đế quốc Mỹ đã khai thác tối đa sức mạnh tác chiến điện tử, áp dụng vào chiến trường miền Bắc nước ta, chủ yếu nhằm chế áp các đài rađa, trước hết là rađa điều khiển tên lửa. Cuộc "đấu trí", "đấu lực" giữa sức mạnh của con người Việt Nam với sức mạnh của vũ khí Mỹ biểu hiện đặc trưng nhất ở Bộ đội Tên lửa.

        Cuộc đối đầu khó khăn nhất trong chiến đấu của các lực lượng phòng không - không quân nói chung và Bộ đội Tên lửa nói riêng là chống các thủ đoạn tác chiến điện tử của không quân Mỹ. Đó là các thủ đoạn gây nhiễu chế áp đài rađa, dưới các dạng nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực nhằm che giấu đội hình máy bay vào tập kích đánh phá mục tiêu. Nhiễu tiêu cực là nhiễu do chúng sử dụng giấy kim loại thả để che lấp đội hình máy bay vào đánh phá, làm nhiễu loạn tín hiệu phản xạ trở về từ máy thu của các đài rađa; làm cho các trắc thủ rađa, trắc thủ tên lửa không quan sát, phát hiện thấy mục tiêu để theo dõi, bám sát, chỉ thị, điều khiển hỏa lực tiêu diệt máy bay địch. Các dạng nhiễu tích cực phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với nhiễu tiêu cực. Đó là loại nhiễu được điều chế từ máy phát nhiễu đặt trên máy bay, nó được tạo ra dưới dạng năng lượng sóng điện từ có cùng tần số làm việc của máy thu các đài rađa và đài điều khiển tên lửa. Thủ đoạn gây nhiễu tích cực, có nhiễu ngoài đội hình và nhiễu trong đội hình với các dạng nhiễu hình thù khác nhau; đặc biệt là nhiễu xung, nhiễu râu do máy bay của hải quân Mỹ thực hiện, nó luôn biến đổi hình dạng, rất khó xác định đâu là nhiễu thật, đâu là nhiễu giả. Đối với nhiễu xung, nhiễu râu khi thao tác bắt mục tiêu, bám sát mục tiêu tín hiệu luôn co bóp, biến dạng làm cho việc căn tim đường tín hiệu cự ly và phương vị không chuẩn xác sẽ không diệt được mục tiêu. Nhiễu tích cực tác động mạnh, trực tiếp, chủ yếu chế áp vào các đài rađa sóng ngắn (sóng xăngtimét) như rađa điều khiển tên lửa, rađa dẫn đường của không quân và rađa ngắm bắn của pháo, do nguyên lý tạo cánh sóng của các loại rađa này khác với rađa sóng mét. Ngoài chế áp điện tử, không quân Mỹ còn tăng cường chế áp hỏa lực bằng việc đánh phá của bom, đạn và tên lửa chống rađa.

        Đơn vị tôi vinh dự được sang Liên Xô để học chuyển loại khí tài tên lửa, lực lượng chuyển loại chủ yếu là bộ đội rađa, pháo cao xạ, pháo binh. Thời gian học 9 tháng cả lý thuyết và thực hành. Chúng tôi thi đua nhau học tập nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật của loại vũ khí hiện đại này. Do đó, trình độ nắm khí tài, thao tác chiến đâu cũng có những thuận lợi nhất định, bảo đảm hiệu suất chiến đấu tốt hơn. Trong năm 1966, riêng Tiểu đoàn 93 đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Có 2 chiếc rơi tại chỗ, tiêu thụ 20 quả đạn tên lửa, được đánh giá là đơn vị chiến đấu có hiệu suất cao của Trung đoàn.

        Năm 1967, do thất bại ở chiến trường miền Nam, đê quốc Mỹ đã ra sức đánh phá miền Bắc, cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang phá hoại của không quân Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt hơn. Đế quốc Mỹ sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tác chiến điện tử và áp dụng nhiều thủ đoạn chiến thuật tập kích đánh phá mục tiêu ở trình độ tinh vi hơn. Chúng đã leo đến nấc thang cao nhất, thực hiện đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội là chủ yếu. Chúng dùng mọi thủ đoạn, sức mạnh quân sự để triệt phá, hủy diệt các lực lượng phòng không và các mục tiêu mà chúng cần hủy diệt. Thủ đoạn gây nhiễu trong và ngoài đội hình tập kích đã gây khó khăn cho tên lửa rất nhiều, nay chúng lại dùng nhiễu QLC-71 (nhiễu rãnh đạn) làm cho nhiều đơn vị bắn lên đạn lại rơi xuống đất không diệt được máy bay địch, mà mục tiêu bảo vệ thì cứ bị phá hoại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:38:04 am »


        Thời gian này, Tiểu đoàn 93 được Trung đoàn tiếp tục giao nhiệm vụ cơ động chiến đấu bảo vệ vòng ngoài Thủ đô Hà Nội; Tiểu đoàn cũng tham gia đánh một số trận nhưng không bắn rơi được máy bay Mỹ. Một thời gian sau, với quyết tâm nung nấu, ý chí quyết vươn lên trong kỹ thuật, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn" tìm ra cách đánh thắng. Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã tập trung nghiên cứu nghiêm túc, từ những suy nghĩ nhỏ, động tác nhỏ, phát hiện nhỏ về thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ mà các thành phần trong từng kíp chiến đấu của Bộ đội Tên lửa nêu ra tại các cuộc rút kinh nghiệm, phân tích, mổ xẻ từng vấn đề. Trong những buổi rút kinh nghiệm như vậy, từ người trắc thủ đến tiêu đoàn trưởng đều là những người trực tiếp nói về những diễn biến thật trong mỗi trận đánh; các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thắng hay không thắng được đề nghị làm rõ; từ đó tìm được nguyên nhân chính xác để khắc phục là một hệ thống thống nhất. Chúng ta phải cảm ơn những nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô đã đúc kết, nghiên cứu nhanh, cải tiến kịp thời vũ khí, khí tài nên chỉ trong một thời gian ngắn đã khắc phục thành công các nhược điểm của khí tài. Giữa năm 1967, các đơn vị tên lửa lại thi đua lập công trong chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Vào cuối năm 1967, Tiểu đoàn 93 bắn rơi 3 máy bay, có một chiếc bắn rơi tại chỗ.

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta ở miền Nam đã giáng một đòn chiến lược bất ngờ vào Mỹ - ngụy, làm cho nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Trước tình hình đó, Tổng thống Giônxơn quyết định xuống thang chiến tranh, ra lệnh từ ngày 31 tháng 3 năm 1968 không quân Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Pari. Nhưng với bản chất hiếu chiến, ngày 4 tháng 4 năm 1968, Tổng thống Giônxơn lại ra lệnh cho không quân tập trung đánh phá ác liệt tuyến giao thông vận chuyển chiến lược từ địa bàn Quân khu 4 trở vào phía Nam, tăng cường trinh sát miền Bắc để khi cần quay lại đánh phá được ngay. Từ ngày 1 tháng 4 năm 1968, từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra tạm được phân chia thành chiến trường Al, còn từ nam vĩ tuyến 20 trở vào là chiến trường A2. Tại chiến trường A2, các trận chiến đấu của Bộ đội Tên lửa diễn ra rất ác liệt với không quân và hải quân Mỹ. Trung đoàn tên lửa 278 được giao nhiệm vụ cơ động chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, rồi từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

        Không khí chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của đồng bào miền Nam càng thúc giục chúng tôi quyết tâm ra quân đánh thắng. Đầu năm 1968, đơn vị chúng tôi cơ động chiến đấu khu vực Ninh Bình, đánh 8 trận, tiêu thụ 16 quả đạn, diệt 2 máy bay, cả 2 chiếc rơi tại chỗ. Quá trình chiến đấu sát biển chúng tôi không chỉ phải đối phó với các thủ đoạn phóng tên lửa không đối đất từ các loại máy bay của địch mà còn phải đối phó với pháo biến từ ngoài khơi đánh vào khi trận địa bị lộ. Ở Nông trường Hà Trung, trận địa của chúng tôi chủ yếu triển khai trong rừng cà phê. Chiến đấu ở đây chúng tôi không chỉ chú ý hướng chính, hướng chủ yếu mà phải quan sát sẵn sàng đánh trả không quân Mỹ trên tất cả các hướng. Triển khai chiến đâu ở những địa bàn này có nhiều điểm bất lợi so với triển khai trận địa chiến đấu ở các khu vực khác. Các trận địa tên lửa của ta nằm giữa hai gọng kìm của không quân và hải quân Mỹ. Thường là phía tây có máy bay thuộc lực lượng không quân chiến thuật của Mỹ ở căn cứ Thái Lan tiến công đánh phá, phía biển có máy bay thuộc lực lượng không quân của hải quân Mỹ từ Hạm đội 7 tập kích đánh phá. Khi ta phóng tên lửa diệt những máy bay từ biển bay vào, có thể sẽ có máy bay của không quân địch từ hướng Lào sang đánh vào trận địa và ngược lại.

        Có một điều chúng tôi phải tính toán kỹ vì từ đây vào đến vĩ tuyến 17, thường trong một trận chiến đấu gặp cả máy bay của hải quân và máy bay của không quân địch. Đây là một vấn đề rất khó khăn vì máy bay của hải quân Mỹ mang loại nhiễu khác, chủ yếu là nhiễu xung và nhiễu râu, cách tập kích đánh phá của chúng cũng theo chiến thuật khác. Máy bay của hải quân Mỹ thường tập kích chớp nhoáng, đánh vẹt từ biển vào rồi bay ra, nếu công tác chuẩn bị cho trận đánh không tốt, chuẩn bị chậm là lỡ thời cơ. Máy bay của lực lượng không quân chiến thuật Mỹ lại mang nhiễu khác, cách đánh mục tiêu cũng khác; do vậy, các đơn vị tên lửa chiến đấu ở chiến trường Quân khu 4 phải chịu nhiều áp lực. Lực lượng chi viện của ta giữa tên lửa với tên lửa, đội hình khó cho phép như lý thuyết đã học. Lực lượng pháo cao xạ bố trí bảo vệ trận địa tên lửa cũng gặp khó khăn trong bố trí đội hình cụm hỏa lực. Lực lượng không quân từ các sân bay ở khu vực Hà Nội vào chi viện càng khó khăn hơn. Vì địch không chỉ dùng máy bay của hải quân và máy bay của không quân đón đánh mà chúng còn sử dụng cả tên lửa pháo hạm ngoài biển để đánh chặn không quân của ta chi viện cho chiến trường và chế áp hỏa lực, đánh phá các trận địa tên lửa, trận địa pháo cao xạ của ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM