Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:59:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia Lai 30 năm chiến tranh giải phóng  (Đọc 9137 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2020, 10:57:07 am »

*   *
*

Quân và dân Gia Lai sớm bước vào thế trận chiến đấu mới:

Chính quyền cách mạng vừa giành được một tháng thì ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp núp sau lưng quân Anh gây hấn, nổ súng tiến công vào Sài Gòn.

Cũng trong những tháng cuối năm 1945, tình hình ở Tây Nguyên ngày một xấu đi nghiêm trọng do âm mưu xâm lược của giặc Pháp. Từ tháng 11 năm 1945 chiến sự đã lan rộng đến Bô-Keo (Campuchia). Ngày 5 tháng 12 năm 1945, quân Pháp từ Kratiê (CPC) tràn sang đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

Trước tình hình đó chính quyền cách mạng tỉnh Gia Lai phải khẩn trương tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu, các cấp từ tỉnh xuống huyện đề ra nhiều biện pháp để ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, động viên góp quỹ nuôi quân và giải quyết các nhu cầu cuộc sống cho dân.

Vào tháng 01 năm 1946, sau khi phái Đoàn đồng chí Võ Nguyên Giáp vào thăm tỉnh Gia Lai, cán bộ quân dân chính được hiểu rõ thêm âm mưu xâm lược của Pháp và xác định phải chuẩn bị xây dựng căn cứ của tỉnh ở vùng Hà Bàu (Đông Bắc thị xã Pleiku khoảng 15 km). Mặc dù thời gian khẩn trương, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn chưa chuẩn bị được bao nhiêu, nhưng chủ trương trên phản ánh ý thức của quân dân Gia Lai nắm được vấn đề cốt từ để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống lại quân xâm lược Pháp.

Công việc chuẩn bị chiến đấu của tỉnh được khẩn trương thực hiện, nhất là sau tiếng súng của giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Lực lượng vũ trang Trung Trung bộ nhanh chóng điều Chi đội 4 và 5 tiến lên Gia Lai để phối hợp chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Phía Nam từ giữa tháng 10 năm 1945 bộ đội ta đã tổ chức chặn đánh, vây hãm giặc Pháp đến chiếm Nha Trang, đồng thời bố trí lực lượng ngăn chặn mũi tiến công của giặc trên các đường số 21, 11; Một bộ phận lực lượng ta chặn đánh giặc Pháp ở Phan Thiết, Phan Rang. Những trận chiến đấu xảy ra giữa bộ đội ta và giặc Pháp tuy không cân sức, nhưng diễn ra liên tục, vô cùng quyết liệt, giành đi giật lại từng trận địa, từng đoạn đường, từng góc phố trên một không gian rộng.

Bước đầu đã chặn đứng được âm mưu xảo quyệt của giặc Pháp hòng tiêu diệt nhanh lực lượng ta chiếm dễ dàng ngay các tỉnh Nam Trung bộ. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội ta ở Nha Trang – Phan Thiết đã cổ vũ lực lượng vũ trang Gia Lai tin tưởng vào quyết tâm chiến đấu của mình.

Trong lúc đó bọn Pháp đã trắng trợn tập trung lực lượng nhằm đánh chiếm toàn bộ vùng cao nguyên Trung bộ trong thời gian ngắn để làm bàn đạp khống chế chiến trường Nam Đông Dương. Cuộc tấn công ào ạt của mười lăm ngàn quân Pháp có máy bay, cơ giới, pháo lớn yểm trợ là một thử thách nặng nề với các lực lượng vũ trang ta.

 Tuy lúc đầu trang bị còn quá ít ỏi, thô sơ, nhưng với lời thề “Hy sinh vì tổ quốc” “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, cán bộ, chiến sỹ Mặt trận Tây Gia Lai xông lên dũng cảm quyết chống giặc. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, các phân đội Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (Chi đội Tây Sơn) đã sát cánh cùng Chi đội 4 và 5 nam tiến bố trí chặn đánh cánh quân Pháp từ Bô-Keo (Campuchia) định tràn sang phòng tuyến Ia Dao, Chư Ty.

Ngay từ những ngày đầu, đồng bào dân tộc Jơrai, các làng sát biên giới đã sát cánh cùng bộ đội chiến đấu. Tổ du kích của ba làng Moc Đen, Moc Trêl và Moc Trang do anh Rơ Chăm Bút làm tổ trưởng cùng các đội viên RahLan Suyên, Rơ Chăm Suin, RahLan Phơn và Sit Hăt đã hăng hái làm trinh sát, liên lạc dẫn đường cho Chi đội Tây Sơn bám đánh địch. Tổ du kích cùng cán bộ Ủy ban cách mạng lâm thời do anh Ksor Thanh phụ trách đã huy động hàng trăm thanh niên, dân làng chặt cây rấp đường, đắp chướng ngại vật từ khu vực suối Ia Brang đến suối Ia Bi; cho dân quân chặt loại nữa ống to, nhét giẻ rách đốt gây tiếng nổ nghi binh quấy rối địch. Anh Rơ Chăm Bút tổ trưởng du kích đã mưu trí lợi dụng vật chướng ngại dùng tên ná tẩm thuốc độc bắn chết ba tên Pháp tại suối Ia Bi ngày 23 tháng 11 năm 1945. Đây là trận chiến đấu đầu tiên của du kích Gia Lai sát cánh cùng chi đội Tây Sơn, chặn đánh quân xâm lược Pháp tràn xuống xâm chiếm biên giới tỉnh ta. Các hoạt động của quân và dân Gia Lai cùng Chi đội Tây Sơn, bộ đội Nam tiến đã chặn đánh địch quyết liệt. Công tác động viên nhân dân phía sau tích cực chi viện cho tuyến biên giới bảo đảm chiến đấu liên tục. Lực lượng tự vệ và thanh niên tình nguyện chiến đấu được bổ sung quân số cho Chi đội Tây Sơn. Trạm phẫu dã chiến đặt tại Bàu Cạn do bác sĩ Nguyễn Thiện Thành phụ trách đã khắc phục muôn vàn khó khăn, thiếu thốn tận tình cữu chữa thương binh từ Plei Móc đen chuyển về.

Hoạt động của lực lượng ta đã gây nhiều thiệt hại cho địch, buộc chúng phải trụ lại lập phòng tuyến biên giới chờ quân tiếp viện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 07:53:57 am »

*   *
*

Ngày 06 tháng 03 năm 1946 Hiệp định sơ bộ được ký giữa Chính phủ nước ta và Bộ chỉ huy quân Pháp. Hiệp định đã tạo ra cho nhân dân ta thời gian và có thêm điều kiện để xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng cho cuộc chiến đấu mới. Đấu tranh buộc địch phải thi hành hiệp định “6-3”, một đoàn đại biểu của Chính phủ ta được cử vào Nha Trang để bàn với Bộ chỉ huy Pháp ở Nam Trung bộ về việc thực thi lệnh ngừng bắn ở các tỉnh phía Nam Trung bộ. Ở Gia Lai cũng cử một phái đoàn gồm ba cán bộ; Đồng chí Nguyễn Đường – Đại diện lực lượng vũ trang, đồng chí Phan Bá – đại diện Mặt trận Việt Minh và đồng chí Nguyễn Xuân đại diện chính quyền tỉnh đến Ô Ia Đao đấu tranh đòi quân Pháp phải tôn trọng hiệp định sơ bộ “6-3”, ngừng ngay hành động khiêu khích và lấn chiếm. Nhưng ta càng thiện chí, hòa bình, nhân nhượng thì giặc Pháp lại ngoan cố tập trung lực lượng, phương tiện chiến tranh ở Bô-Keo, Bô-Khăm (CPC) và cả cánh quân ở phía Nam (Buôn Ma Thuột) khiêu kích, lấn chiếm tiến công và các tuyến phòng giữ của bộ đội ta.

Trước hành động bội ước của giặc Pháp quân và dân Gia Lai tỉnh táo theo dõi từng hành động của chúng. Ủy ban kháng chiến Miền Nam Việt Nam lệnh cho toàn tuyến phía Tây sẵn sàng chiến đấu đánh trả địch. Ban vận động Quốc dân thiểu số trực tiếp chỉ đạo công tác vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng bộ đội sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhận thức được dã tâm của thực dân Pháp, khối đoàn kết các dân tộc được củng cố một bước làm cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 19 tháng 4 năm 1946 Đại hội “Đoàn kết đánh Pháp” của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có chừng 1.000 vị được tổ chức tại thị xã Pleiku. Trong thư gửi Đại hội Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở các dân tộc phải coi nhau như anh em ruột thịt. Người viết “… đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jơrai hay E Đé, Sé Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Nhân dân Gia Lai vô cùng tự hào phấn khởi trước thắng lợi của Đại hội “Đoàn kết đánh Pháp”, thấy rõ lòng thương yêu các dân tộc của Bác Hồ, mong muốn các dân tộc đoàn kết chung quanh chính phủ, Mặt trận Việt Minh để chống giặc Pháp xâm lược. Sau Đại hội các đại biểu dân tộc của tỉnh tỏa về các khu vực Cheo Reo, PleiKly, Chu Ty, PleiPiơm (Mang Yang) phát huy kết quả Đại hội, nhân dân vô cùng phấn khởi, hoan nghênh nhiệt liệt.

Âm mưu địch đánh chiếm hết Tây Nguyên lúc này càng bộc lộ rõ rệt. Chúng tập trung quân lực, cơ giới giới từ Nam Bộ ra, Nha Trang lên, Buôn Ma Thuột xuống; nhất định sắp có những cuộc hành quân lớn để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.

Để đối phó với tình hình, Ủy ban kháng chiến Miền Nam Việt Nam điều Đại đoàn 23 lên phối hợp chiến đấu với các tỉnh Gia Lai và Kon Tum, kiên thủ mặt trận phía Tây. Trung đoàn 67 bố trí một Tiểu đoàn từ Buôn Hồ Ki lô mét 152 để cản địch trên đường 14 từ Buôn Ma Thuột ra Pleiku. Tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ phòng giữ tại Cheo Reo sẵng sàng phối hợp với Mặt trận Buôn Hồ. Tại thị xã Pleiku, thị xã Kon Tum mỗi nơi có một Tiểu đoàn phòng giữ.

Lực lượng vũ trang Gia Lai được củng cố, bổ sung thêm một số cán bộ Đảng viên vào làm nòng cốt cho Chi đội Tây Sơn. Ban hỗ trợ kháng chiến Mặt trận phía Tây tổ chức nhiều đợt huấn luyện du kích, tự vệ cấp tốc ngắn ngày để bổ sung quân số cho Chi đội Tây Sơn. Chính quyền và Ủy ban Mặt trận Việt Minh động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyên góp tiền của gây quỹ “kháng chiến nuôi quân”, “hũ gạo nuôi quân” được phổ biến khắp làng.

Hạ tuần tháng 4 năm 1946, Ủy ban hành chính ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, huy động nhân dân phá hoại cầu cống, di chuyển kho tàng về phía sau; các cơ quan tỉnh, bộ phận nặng chuyển dần xuống An Khê khi tình hình Mặt trận căng thẳng chuyển tiếp xuống vùng giáp ranh tây tỉnh Bình Định. Cơ quan huyện Cheo Reo được dời về tây tỉnh Phú Yên.

Máy móc các đồn điền chè tháo gỡ cất dấu, chuyển về sau, khi có lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhân dân thị xã Pleiku bắt đầu tản cư, đốt nhà, chuyển hàng; lửa cháy ngợp trời, từng dòng người, phần lớn ông bà già, trẻ em chuyển về sau. Dân quân tự vệ thị xã và các đồn điền và một số làng en thị xã ở lại bám trụ, làm nhiệm vụ canh gác, cứu thương, tiếp tế phục vụ bộ đội chiến đấu.

Mặt trận phía Nam tỉnh lúc bấy giờ đang sôi động. Một cánh quân Pháp từ M’Drak đến chiếm Buôn Kít. Tại Buôn Tring bắc Buôn Ma Thuột, chúng tập trung một lực lượng khá đông có cơ giới yểm trợ nhằm đánh thẳng vào Buôn Hồ. Liên tục những ngày cuối tháng 4 năm 1946, giặc Pháp đã gây ra nhiều vụ khiêu khích để dò xét thế trận của bộ đội ta. Ta chủ trương dùng bộ phận nhỏ của phân đội Nguyễn Huệ phối hợp với Chi đội 4 Nam tiến khẩn trương củng cố phòng tuyến và bí mật đánh sâu vào các vị trí của địch ở Buôn Hồ, Buôn Lak, buộc quân Pháp phải co đội hình lại. Tại đây thế trận cầm cự giữa ta và địch rất quyết liệt. Ngày 1 tháng 5 năm 1946, hai nghìn quân Pháp có phi pháo yểm trợ mở hai giọng kìm tấn công bộ đội ta đang giữ ở Buôn Tung Thang và Buôn Bluk; Phân đội Nguyễn Nhạc đã kịp thời chặn đánh bẻ gãy một trong hai gọng kìm của địch, làm chết và bị thương 100 tên, chúng phải lui về vị trí cũ.

Kế hoạch chuẩn bị chiến đấu ban đầu đã chuyển được một phần chủ động trong đối phó của ta với cuộc tấn công quy mô của giặc Pháp. Ta khắc phục mọi cách, phát hiện kịp thời các thủ đoạn của địch và đánh trả có hiệu quả. Cán bộ, chiến sỹ của Chi đội Tây Sơn và Trung đoàn 67 cùng lực lượng dân quân du kích đã chịu đựng gian khổ, ác liệt, trụ bám giữ được các phòng tuyến của ta ở kilômét 90 (đường số 14) cũng như trên biên giới phía Tây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 07:56:10 am »

*   *
*

Cuộc hội nghị trù bị giữa phái đoàn quân sự của ta với Pháp ở Đà Lạt đi vào bế tắc. Ta bác bỏ những ý kiến của bên đại diện Pháp đòi đưa vấn đề “Dân tộc thiểu số” tại bàn Hội nghị, đòi mở cuộc trưng cầu để lập chính thể Trung kỳ, Nam kỳ và Tây kỳ tự trị nhằm phủ nhận vai trò của Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tại Phông-Ten-Nơ-blô, giữa lúc cuộc đàm phán chính thức của Đoàn đại biểu chính phủ ta với Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp sắp sửa khai mạc thì ở Việt Nam, giặc Pháp âm mưu “làm việc đã rồi” tập trung 5000 quân Pháp có phi pháo yểm trợ mở cuộc tấn công trên toàn Mặt trận Nam Trung bộ, chủ yếu chúng tập trung vào chiếm các vùng còn lại của Tây Nguyên.

Ngày 22 tháng 06 năm 1946, chúng mở cuộc tiến công bằng hai hướng vào mặt trận Buôn Hồ (đường số 14) và hướng Plei Móc Đen; cùng ngày một số cán bộ của Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam phân công nhau lên củng cố Mặt trận tây Pleiku và Cheo Reo.

3 giờ sáng ngày 23 tháng 6, Bộ chỉ huy Mặt trận phía Tây do đồng chí Đàm Quang Viễn chỉ huy và Bộ chỉ huy Đại đoàn 23 khai hội quyết định:

“Kiên quyết giữ các trọng điểm Pleiku, Mang Yang, Đèo An Khê.

- Chuyển một bộ phận lực lượng ở Kon Tum về tăng cường giữ Pleiku.

- Phải cố thủ ở Cheo reo, kiến lập trận địa ở Mang Yang, quyết tử ở đèo Mang Yang.

- Củng cố các bộ phận của lực lượng ta đang giữ Hôn Drung. Thanh Bình, Plei Móc Đen.

- Đơn vị ở Pleiku phải có kế hoạch phòng thủ cả phía Đông Nam thị xã từ Hon Drung đến Tra Dom…”.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, các đơn vị ta triển khai kế hoạch chiến đấu. Phân đội Nguyễn Nhạc tổ chức phá hoại cầu đường, chôn bom, mìn kết hợp tiêu hao ngăn chặn từng cánh quân Pháp, đồng thời cho các mũi nhỏ luồn phía sau đánh vào bộ phận địch đang chốt giữ Buôn Tang Thang. Tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ tập kích vào cánh quân Pháp đang di chuyển ở Buôn Đá tiêu diệt một số địch, chúng bỏ chạy tán loạn, ta thu được 7 gánh quân trang và thuốc men. Ngày hôm sau (23 và 24/06) Phân đội Nguyễn Nhạc cùng Chi đội Nam tiến chặn đánh quyết liệt cánh quân tại Kilômét 90, diệt và làm bị thương 150 tên lính Pháp. Phía Cheo Reo – Buôn Huynh bộ đội ta giao chiến quyết liệt với địch, để gọng kìm Buôn Blêch không tiến sát đến đường 14 được.

Mặt trận phía Tây Chi đội Tây Sơn (Phân đội Nguyễn Huệ) cùng Trung đoàn 67 kiên quyết đánh địch tại Bô Khâm, nhưng lực lượng ta mỏng, bộ phận tiếp viện chưa đến kịp nên ta rút về phía Plei Móc Đen.

Sau khi chiếm Bô Khâm chúng cho một cánh tiến sang Plei Mnú, tập kích một bộ phận của ta ở Plei Ia Dao, rồi từ điểm này xuyên rừng đánh úp mặt sau phòng tuyến Plei Móc Đen. Lực lượng ta chống đỡ yếu ớt vì bị đánh bất ngờ. Tổ du kích anh Rơ Chăm But kịp thời nổ súng diệt hai tên địch tại suối Ia Brang.

Trước sức tấn công ồ ạt của địch, tuyến chiến đấu Plei Móc Đen bị phá vỡ, nhất là sau khi chiếc xe của Bộ chỉ huy mặt trận phía Tây đi kiểm tra tình hình quay về bị địch tập kích(1); cánh quân này tiến xuống Thanh Bình, nhưng đến Chư Klơm Ya bị bộ đội và du kích liên tiếp chặn đánh, có hai tên sĩ quan Pháp bị diệt. Trưa 24 tháng 6 chúng đến Bàu Cạn.

Tại Bàu Cạn công nhân đã sớm sơ tán từ trước, cảnh vườn không nhà trống, đường sá đắp nhiều ụ chống xe cơ giới một đoạn dài, phản khó khăn lắm chúng mới vượt qua đoạn phía Đông Bù Cạn để hợp quân với cánh từ phía Nam ra tràn xuống đánh chiếm thị xã Pleiku vào 15 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1946.

Quân Pháp đến Pleiku, trước cảnh “một thành phố chết”(1), nhà cửa hoang tàn, không một bóng người, từng đêm khói bốc lên nghi ngút, chúng vội chia làm hai cánh đánh ra Kon Tum và một cánh tiến xuống An Khê.

Tại Cheo Reo, Tiểu đoàn Hùng Việt quần đánh nhau với địch từ 25 và 26 tháng 4 năm 1945, rồi rút về Tây Bình Định.

Cánh Bắc Tiểu đoàn 4 của trung đoàn 67 và phân đội Nguyễn Lữ (chi đội Tây Sơn) chặn đánh quyết liệt khi quân Pháp đang vượt sông Đăk Bla, diệt và làm bị thương 100 tên giặc Pháp.

Hướng Đông, Trung đoàn 67, Chi đội Tây Sơn (Phân đội Nguyễn Huệ) do đồng chí Linh chỉ huy cùng với Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 94 bố trí chiến đấu tại khu vực Trà Dom liên kết với tuyến phòng giữ của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 94 bố trí từ Cầu AYun đến đèo Mang Yang.


(1) Trong xe có 7 đồng chí thì hy sinh 6, còn đồng chí Linh chạy về Pleiku; trong số hy sinh có đồng chí Đàm Quang Viễn, Hữu Thành.
(2) Theo báo cáo của UBKCMN VN – Hồ sơ số 1 – Quân ủy Trung ương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 07:57:53 am »

Nhưng vì không có kế hoạch tổ chức lực lượng triển khai từ trước, việc chuyển quân từ Bình Định lên chậm do thiếu phương tiện nên các tuyến chiến đấu của bộ đội ta ở Trà Dom, Cầu Ayun, suối Đôi không vững chắc đã bị vỡ trước sức tấn công bằng cơ giới của giặc Pháp.

Tuy vậy bộ đội ta đã dũng cảm chặn đánh địch quyết liệt trên từng chặn đường. Trưa ngày 28 tháng 6 năm 1946 đoàn xe cơ giới địch lên đỉnh đèo Mang Yang, không có vũ khí đánh xe bọc thép, chiến sỹ Bùi Thức cảm tử giả chết nằm ngang trên mặt đường, khi xe địch đến gần anh đã vùng dậy dùng chai dầu xăng và Cà rép đốt xe cơ giới địch. Học tập Bùi Thức một số cảm tử quân của ta đã anh dũng lao vào diệt xe giới địch, buộc chúng phải lùi về sau 500 mét; Cùng ngày một tổ súng đại liên 13 ly, bắn rơi một báy bay khu trục của Pháp tại đỉnh đèo Mang Yang.

Chiều ngày 28 tháng 6 năm 1948, địch tiến đánh đèo An Khê, lực lượng ta có một đại đội dựa vào thế hiểm trở đã đánh cản được địch. Chiều ngày 29 tháng 6 năm 1946 một đoàn xe cơ giới Pháp gồm 12 chiếc dẫn đầu đội hình tiến công ồ ạt lên đèo, lúc này ta có thêm quân tiếp viện, nên đã đánh lui được đoàn xe cơ giới của địch, ta phá hủy được 2 xe tăng và 4 xe thiết giáp địch, buộc quân địch lui về sau củng cố. Cuộc đánh trả của bộ đội ta rất anh dũng, quyết liệt. Nhưng quân Pháp cố dồn binh lực và xe cơ giới tiến công, qua ba đợt tiến đánh lên đèo An Khê từ 28 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1946 lúc 14 giờ 30 phút chúng mới chiếm được. Bộ đội ta rút khỏi đỉnh đèo về Vườn Xoài (Bình Định).

Chiếm đỉnh đèo An Khê, quân Pháp tổ chức tuyến phòng ngự tại đấy, thực chất chúng cũng không còn đủ sức tiến xa hơn nữa. Tiến chiếm đỉnh đèo An Khê, giặc Pháp phải chịu nhiều thiệt hại sinh lực và phương tiện chiến tranh mới chiếm được và cũng từ đây chúng kết thúc kế hoạch đánh chiếm Tây Nguyên.

Về ta, chính quyền nhân dân cách mạng thiết lập vừa tròn 314 ngày trên địa bàn Gia Lai, giờ đây đã thành chiến trường hậu địch vùng giặc Pháp chiếm. Qua các trận đọ sức quyết liệt ban đầu giữa quân và dân Gia Lai với giặc Pháp xâm lược đã nổi bật lên truyền thống chiến đấu anh dũng bất khuất của các dân tộc trong tỉnh.

Tình hình cơ sở cách mạng trong nhân dân mới tổ chức, chính quyền cách mạng mới hình thành chưa được củng cố xây dựng, nhất là các vùng sâu, vùng cao. Lực lượng vũ trang tập trung cũng như dân quân tự vệ còn ít về số lượng, chất lượng chưa xây dựng được bao nhiêu, vũ khí quá ít ỏi, nhưng quân và dân tỉnh một lòng một dạ tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, nên liên tục chiến đấu. Nhân dân chịu đựng gian khổ ác liệt, theo sát cuộc chiến đấu của bộ đội ta, giúp đỡ bộ đội tận tình, hy sinh tính mạng, tài sản để quyết chiến đấu chống giặc Pháp. Cán bộ và nhân dân các vùng Ya Hôi, Thượng An, An Thượng, Cửu Đạo, An Xuân, An Thạch, đồng bào kinh, đồng bào dân tộc đã bí mật tổ chức tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, đưa đón bộ đội rút lui từ các phòng tuyến phía Tây về; cả một số đồng bào thị xã, anh chị em công nhân các đồn điển tản cư vượt vòng kiềm tỏa của địch về vùng tự do an toàn. Trên đường hành quân về xuôi, tuy mệt nhọc, thiếu đói, nhưng cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng ta giữ nghiêm kỷ luật dân vận, tuyệt đối không đụng chạm đến tải sản của dân.

Về tác chiến, cức lực lượng vũ trang ta tuy đã bố trí thế trận trên các trọng điểm, tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ vô cùng dũng cảm, nhiều gương hy sinh cực kỳ anh dũng. Nhưng là những đơn vị tập trung mới xây dựng, chưa có thời gian huấn luyện nhiều về chiến thuật. Trình độ chỉ huy của cán bộ chưa có kinh nghiệm, nên sức đối phó với đội quân xâm lược nhà nghề sừng sỏ, trang bị hiện đại rất hạn chế; Trong khi đó lực lượng ta đông, nhưng phân tán dàn mỏng, thiều chiều sâu. Có một số đơn vị đóng sâu ở hậu phương, khi tình hình khẩn trương, cơ động tiếp viện không kịp thời. Thế trận chiến tranh nhân dân, hoạt động của du kích quá yếu nên không góp sức đắc lực cho bộ đội tập trung có điều kiện diệt địch.

Song ta đã kịp thời chủ động có kế hoạch đối phó từ đầu, dự lường được tương quan lực lượng giữa ta và địch, nên kịp thời chủ trương sơ tán dân, di chuyển cơ quan kho tàng, thực hiện biện pháp vừa đánh trả vừa ngăn chặn địch, nên bảo toàn được thực lực của cách mạng, hạn chế một phần tổn thất.

Nhìn chung Đảng bộ Gia Lai lúc bấy giờ đã thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mình là vừa tranh thủ thời gian khẩn trương xây dựng thực lực cách mạng, vừa động viên quân và dân nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu xâm lược của kẻ thù; và đã động viên các lực lượng quân, dân các dân tộc đoàn kết, kiên cường chặn đánh các cuộc tấn công ào ạt của địch góp phần cùng khu Trung Trung bộ đánh bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của giặc Pháp, bảo tồn được thực lực cách mạng. Đó là thắng lợi bước đầu của kết quả quán triệt và vận dụng đúng đắn đường lối kháng chiến của Đảng, phát huy được trí tuệ và sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân mới thành lập, phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh để kháng chiến, trong hoàn cảnh so sánh lực lượng giữa ta và địch trên địa bàn tỉnh quá chênh lệch, địch hơn ta gấp nhiều lần về số lượng, trang bị, vũ khí kỹ thuật.

Sau khi chiếm được Tây Nguyên thực dân Pháp lập xứ “Tây kỳ tự trị”, tìm mọi cách chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hòng lôi kéo đồng bào Tây Nguyên chống lại cách mạng. Chúng gấp rút “tổ chức lực lượng vũ trang Cao Nguyên”(1) để phục vụ cho mưu đồ chính trị lâu dài của chúng.

Nhưng nhân dân các dân tộc Gia Lai bất khuất, quyết vượt qua khó khăn thử thách một lòng đoàn kết kháng chiến, giải phóng quê hương.


(1) Forces armées des hauts phanteaux
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:00:58 am »

CHƯƠNG III

Chấn chỉnh củng cố lực lượng, trở lại bám địa bàn,
đẩy mạnh hoạt động vùng sau lưng địch
(1947-1949)

Sau khi chiếm tỉnh Gia Lai, giặc Pháp khẩn trương xây dựng hệ thống cứ điểm giáp ranh giữa Gia Lai – Bình Định cùng với củng cố các trung tâm thị xã và các quận lỵ. Chúng cho quân rải lập đồn từ vùng Sơ Ró (phía Nam) đến Ya Hội, đầu đèo An Khê đến phía Bắc giáp ranh Tây huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), đồng thời đóng cứ điểm chốt giữ các trục lộ giao thông quan trọng đường số 19 và 14 hòng ngăn chặn các lực lượng ta từ các tỉnh đồng bằng tiến lên.

Về chính trị, chúng dồn hết số dân Kinh quanh thị xã, thị trấn chưa kịp tản cư, mua chuộc, dụ dỗ và hăm dọa để lập cho được bộ máy tề tay sai, cùng với tung quân ra lùng quét các nơi có cơ sở du kích của ta.

Về ta, sau khi các đơn vị bộ đội tập trung rút về Phú Phong (Bình Định) đã khẩn trương ổn định tình hình, củng cố sắp xếp biên chế lực lượng. Số cán bộ, chiến sỹ Kinh của Chi đội Tây Sơn sát nhập với các đơn vị chủ lực ở đồng bằng. Số đông anh em người dân tộc sát nhập thành Tiểu đoàn Ama Trăng Lơng, được tập trung chỉ đạo nuôi dưỡng, huấn luyện.

Để tăng cường lãnh đạo cuộc kháng chiến ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Trung Trung bộ quyết định điều động bổ sung cán bộ, kiện toàn các cấp ủy Đảng và Ủy ban kháng chiến các tỉnh, đưa lực lượng trở lại bám đất, bám dân.

Hội nghị của Tỉnh ủy Gia Lai quyết định: “Gấp rút đưa lực lượng lên bám địa bàn, khẩn trương xây dựng củng cố cơ sở, trước hết là vùng Nam và Bắc An Khê, tạo bàn đạp đưa các bộ phận công tác phát triển lên các vùng khác đi sâu vào lòng địch, nhất là vùng ven thị xã, các đồn điền. Tổ chức các đoàn thể cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Minh các địa phương ở An Khê”.

Tháng 9 năm 1946, sau khi củng cố Đại đội Đinh Drong cùng các đoàn cán bộ cơ sở tiến lên vùng địch chiếm An Khê và Cheo Reo.

Đại đội Đinh Drong thành lập tháng 9 năm 1946, quân số lúc đầu có 44 cán bộ và chiến sỹ, hầu hết là anh em dân tộc Bahnar vùng An Khê, rút ra trong số anh em người dân tộc Ama Trăng Lơng đang huấn luyện ở Quảng Ngãi, trang bị được 3 súng trường (mỗi khẩu 18 viên đạn), 3 súng moussqueton (súng trường loại ngắn).

Đồng chí Kpă Y Yao làm Đại đội trưởng

Đồng chí Nguyễn Nhuận làm chính trị viên.


Tranh thủ lúc địch còn đang xây dựng cứ điểm, chưa kịp bung ra kìm kẹp nhân dân, các đội cán bộ gây cơ sở của ta đã nhanh chóng bắt liên lạc với một số cán bộ thôn địa phương vùng Cửu An, Cửu Đạo, An Xuân và một số cụ già các làng dân tộc (phần đông là Hội viên Hội phụ lão tổ chức sau khởi nghĩa tháng 8) bám ruộng đất, phát động nhân dân, ổn định tư tưởng chọn cốt cán xây dựng cơ sở, củng cố lập chính quyền cách mạng. Chỉ một thời gian ngắn ta đã bắt mối liên lạc được hầu hết cơ sở cũ ở vùng Kinh và gây mối trong thị trấn An Khê. Có cán bộ và lực lượng vũ trang trở lại đại bàn, đồng bào Kinh và dân tộc vô cùng phấn khởi. Ngay khi giặc Pháp vừa chiếm An Khê, một số đồng bào dân tộc Bahnar lập tức dời nhà lên núi cao lập làng chiến đấu chống địch.

Giữa tháng 9 năm 1946 tỉnh mở Hội nghị có 30 cán bộ cơ sở vùng Kinh An Khê, tại vùng núi giữa An Bình và Cửu Định để bồi dưỡng hướng dẫn thống nhất chương trình và phương pháp hoạt động; cùng lúc, một bộ phận lãnh đạo của tỉnh và huyện An Khê đứng tại chiến khu Thượng Bình để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Hướng Cheo Reo còn có nhiều khó khăn, cán bộ gây cơ sở đã dựa vào Phòng Quốc dân thiểu số Trung Trung bộ, đứng tại Tây Bắc tỉnh Phú Yên để tổ chức xây dựng cơ sở từ vùng ƠiNu, Đăk Băng tiến lên phía Nam tỉnh. Cuối tháng 9 năm 1946, cơ quan tỉnh, huyện đã được củng cố ổn định, tranh thủ bắt tay vào lãnh đạo phát triển cơ sở hầu hết ở An Khê. Một số vùng làng đồng bào dân tộc ở Kan nak đã khôi phục được cơ sở - Tháng 10 năm 1946 đã có đoàn cán bộ vượt sang Sông Ba phối hợp với lực lượng vũ trang diệt tề trừ gian, tổ chức thêm cơ sở mới.

Cùng với việc đẩy mạnh cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang ở địa phương, chủ trương của tỉnh và huyện An Khê xây dựng chiến khu Xóm Ké làm căn cứ đứng chân chỉ đạo phong trào.

Chiến khu Xóm Ké ở Thượng Bình (thuộc xã Song An nay) cách thị trấn An Khê 15 km về phía Đông, tiếp giáp phía Tây tỉnh Bình Định rộng khoảng 20 km2. Nơi cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Gia Lai và huyện An Khê từ năm 1946 – 1950.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:03:19 am »

Trong vùng Kinh A Khê ta đã tổ chức dân quân được 13 xã, nơi xã khá tổ chức được một trung đội, các tổ dân quân du kích Thượng Bình, Cửu An đã phối hợp với bộ đội chiến đấu nhiều lần để bảo vệ chiến khu Xóm Ké và đã độc lập tác chiến thu được kết quả ở các trận phục kích tại Cầu Đá Trắng, truông Giây Bom, ở suối Gấm diệt một tiểu đội địch vào sâu lùng càn, do đồng chí Trần Khanh chỉ huy.

Chủ trương “trở lại địa bàn bám dân gây dựng cơ sở” của tỉnh là một quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình chiến trường, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, nên chỉ thời gian ngắn phong trào cách mạng quanh vùng An Khê đã móc nối, gây dựng được cơ sở sâu rộng và hoạt động tích cực.

Nhưng tình hình chung cả nước đang căng thẳng trước âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp. Ngày 14 tháng 9 năm 1946 Hồ Chủ tịch ký với Chính phủ Pháp tạm ước Phông-Ten-nơ-blô; bản tạm ước ký chưa ráo mực thì ngày 16 tháng 9 năm 1946 quân Pháp huy động lực lượng tấn công ta trên các mặt trận. Ngày 19 tháng 10 năm 1946, đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư Đảng ta đã khẳng định: “Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.

Ngày 19 háng 12 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “… bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người giàn, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu nước…”.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, chủ trương quân sự của ta lúc này là tăng thêm lực lượng cho các vùng bị địch chiếm, đẩy mạnh du kích chiến tranh trong lòng địch, hỗ trợ cho bám dân gây dựng cơ sở.

Để hỗ trợ cho xây dựng cơ sở chính trị ở Gia Lai, Bộ chỉ huy Quân khu V chủ trương mở đợt hoạt động quân sự trên địa bàn tỉnh.

Sau khi nhận lệnh các đơn vị đứng chân tại Vĩnh Thạnh, Phú Phong chia làm nhiều cánh tiến lên khu vực An Khê. Bộ đội ta đã đồng loạt hoạt động bao vây, quấy rối và đánh chiếm một số vị trí tiền tiêu của địch ở Kan nak, Tú Thủy, Cửu An, An Thạch, Eo Gió, diệt một số địch có 2 tên Pháp, bắn bị thương một số. Ta thu một trung liên, hai tiểu liên và 10 súng trường. Cánh phía Nam bộ đội ta tấn công Đồn Thượng An, cứ điểm Đầu Đèo, đánh cứ điểm Hòn Cỏ, Ya Hội, diệt 3 tên địch có 01 tên Pháp, bắn bị thương 3 tên khác. Hướng Tây một lực lượng do đồng chí Giáp Văn Cương chỉ huy đánh cứ điểm Kon braih bắt sống 3 lính Ngụy, thu 01 súng trường, phá hủy 01 súng máy của địch.

Sau đợt hoạt động rầm rộ, cuối tháng 9 sang đầu tháng 10 năm 1946, bộ đội chủ lực phân tán cùng dân quân du kích chặn đánh liên tiếp các toán quân tuần tiểu bao vây đồn bót, phục kích giao thông, tiêu diệt từng tốp địch, phá hủy nhiều xe quân sự của chúng. Nhiều đêm ta bí mật chôn mìn cách cổng đồn vài trăm mét, sáng hôm sau địch hành quân ra khỏi cổng đồn đã vấp mìn nổ, giặc chết ngay trước cổng đồn, làm cho chúng rất khiếp sợ.

Được bộ đội chủ lực hoạt động hỗ trợ, phong trào du kích chiến tranh vùng đồng bào dân tộc Nam và Bắc An Khê phát triển khá hơn trước, nhiều thôn đã xây dựng Trung đội du kích được huấn luyện và trang bị bom, mìn, lựu đạn. Nhân dân vùng du kích hoạt động phá đường, phá cầu, đắp chướng ngại vật và bố phòng nhiều tuyến chông thò dài hàng mấy trăm mét. Đại đội Đinh Drong liên tục bám địa bàn An Khê cùng du kích đánh địch nống lấn ra vùng Xóm Ké, Ya Hội, Thượng An, dùng bom giật nổ diệt 32 tên địch, phá sập cầu suối Vối, thu 7 lựu đạn.

Cuối năm 1946, hoạt động quân sự của lực lượng ta sôi động, phong trào cơ sở chính trị phát triển khá. Địch ở An Khê lúc này tăng thêm lực lượng, củng cố các cứ điểm mới ở Ya Hội, Đầu Đèo, mở rộng sân bay Cây Me để đối phó với ta.

Tháng 01 năm 1947, cơ quan tỉnh có bộ phận lớn chuyển lên chiến khu Đé Groi (thuộc xã Sơ Ró) để chỉ đạo phong trào. Tỉnh tổ chức đại hội thành lập Ban chấp hành Việt Minh huyện An Khê, khối đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, Tỉnh ủy tăng cường cán bộ chuyên trách xây dựng các làng Kan nak, Ya Hội, Kơ Chơn Bơng, riêng vùng Kinh An Khê chia thành hai khu vực để chỉ đạo cụ thể(1).


(1) Khu 1: Từ Thượng Bình vào đến thị trấn.
Khu 2: Từ Cửu An, Cửu Đạo và phía Tây thị trấn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:07:27 am »

Đầu năm 1947, Ban chỉ huy Mặt trận quyết định mở đợt tấn công vào khu vực An Khê, trọng điểm là tổ chức đánh cứ điểm Tú Thủy. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 đồng chí Vi Dân đích thân tổ chức chỉ huy trận đánh này. Để tăng thêm khí thế cho bộ đội, công tác động viên tuyên truyền trong nhân dân ủng hộ bội đội được phát động rầm rộ, kết hợp nghi binh địch. Huy động đồng bào Kinh các làng Đông Sông Ba đồng loạt xé thẻ kiểm soát, đốt phá nhà cửa nơi gần đồn, phá hoại giao thông, thực hiện vườn không nhà trống, nhân dân tập trung về 5 khu vực sống bất hợp tác với địch, mỗi khu vực có từ 1 đến 3 trung đội dân quân được tổ chức, trang bị tốt, huy động đồng bào dân tộc và đồng bào Kinh ủng hộ cho 5 khu vực hàng trăm tấn thóc, hàng trăm trâu bò, heo gà cho bộ đội và du kích.

Đêm 14 tháng 3 năm 1947, một lực lượng cảm tử quân bao gồm phần lớn cán bộ từ tiểu đội trở lên đến Tiểu đoàn do đồng chí Vi Dân trực tiếp chỉ huy tiến công vào Đồn Tú Thủy; cán bộ chiến sỹ ta dùng mã tấu, tiểu liên, lựu đạn vượt rào kẽm gai, bãi mìn chông của địch, hết đợt này đến đợt khác xung phong vào đồn. Bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm nhưng do bị lộ từ đầu, địch đã đề phòng đối phó nên trận đánh không kết quả.

Cùng với bộ đội chiến đấu tấn công vào đồn, lực lượng dân quân được huy động tham gia chiến đấu đông đảo. Hơn 300 quần chúng nhân dân ở Tú Thủy, Cửu Đạo, An Xuân tiến vào khu vực Cây Đa đầu chợ Đồn (cách đồn Tú Thủy 500 mét) giương cờ dỏ sao vàng, nổi trống thanh la hô khẩu hiệu địch phản kích, một số đồng bào bị thương, nhưng đội ngũ quần chúng đấu tranh không nao núng.

Trận tấn công đồn Tú Thủy không thu thắng lợi, Trung đoàn trưởng Vi dân cùng một số lớn cán bộ hy sinh(1), mất nhiều vũ khí. Kết thúc trận đánh bộ đội ta rút về vùng tự do, lại có lệnh huy động đồng bào tản cư xuống Bình Định(2).

Chủ trương tấn công quy mô đồn Tú Thủy chưa có sự bàn bạc cụ thể và thống nhất phân công trách nhiệm giữa đơn vị quân sự và cấp ủy, chính quyền địa phương trong lúc điều kiện khách quan và chủ quan chưa có phép. Sau khi không giành được thắng lợi về tiêu diệt địch lại chủ trương đưa dân tản cư xuống vùng tự do đồng bằng. Đó là một chủ trương không sát thực tế, không phù hợp với đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, lâu dài của Đảng ta, vừa không phản ánh đúng nguyện vọng của quần chúng, nó cũng xuất phát từ tư tưởng chủ quan, phiêu lưu mạo hiểm, mất cảnh giác, phô trương lực lượng, lộ ý đồ chiến đấu từ đầu.

Quân địch nhân trận đánh không thành này phản kích lại phong trào cách mạng, đánh phá truy lùng cơ sở, khủng bố tra tấn giết hại hàng trăm đồng bào, gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng trong địa bàn. Tỉnh ủy đã kịp thời chủ trương phân công cán bộ xuống cơ sở, bám chặt địa phương, động viên giáo dục nhân dân ổn định dần tình hình.

Tuy trận đánh không thành nhưng bọn địch ở Tú Thủy cũng như các nơi khác khiếp sợ và khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm hy sinh của bộ đội ta.

Ngày 02 tháng 07 năm 1947 gần 2000 quân Pháp, có 20 đại bác và một số xe bọc thép yểm trợ hành quân càn quét xuống vùng Phú Phong nhằm đánh vào các cơ quan và đơn vị của ta mà chúng cho rằng đây là nơi xuất phát tiến công lên địa bàn Gia Lai. Ta kịp thời chủ trương kiên quyết đánh bại cuộc hành quân của địch. Một mặt bộ đội ta phân tán từng bộ phận phối hợp với dân quân du kích tổ chức chặn đánh địch từ nhiều phía. Mặt khác ta chuẩn bị một số quyết chiến điểm sẵn sàng cơ động lực lượng đánh diệt từng bộ phận, bẻ gãy từng cánh quân của chúng. Đại đội quyết tử luồn lên hướng An Khê đánh chặn tuyến vận chuyển tiếp tế của địch. Trưa ngày 4 tháng 7 cánh quân có 300 tên men theo đường Đồng Hào, Tiên Thuận đang vượt đèo Bồ Bồ đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Bị đánh bất ngờ trên đoạn độc đạo nên cánh quân này hoàn toàn tan rã, trên 150 tên địch bỏ xác tại trận, số sống sót tháo chạy về An Khê.

Thất bại của cuộc tung quân càn quét xuống Phú Phong đã buộc chúng phải co về giữ vùng đã chiếm, lo củng cố tuyến phòng thủ dọc giáp ranh, không thực hiện được chiến lược đánh nhanh mà quay về dùng mọi thủ đoạn chính trị, kinh tế để củng cố vùng chiếm đóng.

Hoạt động quân sự của ta đã thực sự thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Từ khi cơ quan chỉ đạo tỉnh lên đứng chân tại Đê Groi (xã Sơ Rơ) công tác tuyên truyền của Đảng bộ lên mạnh, một số Chi bộ Đảng vùng Kinh An Khê được tổ chức(3) công tác xây dựng căn cứ tại địa bàn tạo điều kiện mở rộng và phát triển cơ sở ra phía bắc, mở phía nam giáp tỉnh Đăk Lăk.


(1) Theo số liệu tại Mô Chung tại Tú Thủy có 107 đồng chí hy sinh trong tấn công vào đồn Tú Thủy.
(2) Theo sơ thảo lịch sử Đảng bộ huyện An Khê
(3) Tháng 9 năm 1947 huyện An Khê đã lập 5 Chi bộ, 30 đảng viên, chủ yếu là Đảng viên ở cơ sở và lực lượng vũ trang. Lịch sử Đảng bộ An Khê tóm tắt sơ thảo – Trang 15
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:09:52 am »

Đầu năm 1947 cơ sở ta có 73 làng, đến tháng 12 năm 1947 cơ sở phát triển lên 214 làng. Riêng các tháng gần cuối năm đã phát triển thêm 118 làng có cơ sở. Trong lúc địch tập trung đánh phá vùng kinh. Ta đẩy mạnh hoạt động vùng đồng bào dân tộc. Phong trào cơ sở ở Kan nak Ya Hội phát triển mạnh, nhân dân liên tục đấu tranh chống lập tề, chống làm xâu nộp thuế; dân quân Ya Hội liên tục hoạt động bao vây, quấy rối cứ điểm, bố phòng chống địch càn quét. Tháng 9 năm 1947 đồng chí Gôt chỉ huy dân quân phục kích địch ở làng Môn Bar diệt 7 tên.

Từ phía Nam An Khê ta đã xây dựng, củng cố và phát triển lên Mang Yang Đak Bơt, có lúc tiến lên được vùng PleiKly Tây sông Ayun; phía Bắc An Khê ta củng cố vững BơNâm, Ka-nak để tiến lên Konmơha. Trong đó Ya Hội, Đak Bok, Kan nak, Kơchơng Bơng là vùng cơ sở khá. Đoàn công tác địch hậu gồm các đồng chí Trần Xi, Nguyễn Khoa, Lê Văn Roi đã lên đến Kon Mơ ha, Biển Hồ, Ngô Sơn, Tiên Sơn gây dựng cơ sở và móc nối liên lạc với các linh mục, gây dựng cơ sở trong đồng bào công giáo.

Đây là sự cố gắng lớn của quân và dân Gia Lai qua một năm trở lại bám trụ địa bàn tiến vào vùng địch gây dựng cơ sở. Tình hình cơ sở phát triển khá tạo điều kiện để xây dựng dân quân du kích. Tháng 8 năm 1947 dân quân du kích vùng Kinh An Khê phát triển đông, hoạt động tốt. Huyện chủ trương xây dựng đại đội dân quân danh dự, sinh hoạt và chiến đấu tập trung làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh tại đại phương.

Đại đội dân quân danh dự huyện An Khê gồm những dân quân có tinh thần chiến đấu và số thanh niên hăng hái thoát ly, có một số cán bộ của bộ đội chủ lực làm nòng cốt; quân số lúc đầu có 70 người, trang bị một số tiểu liên, súng trường, bom mìn, lựu đạn.

      Đồng chí Phạm Phương làm đại đội trưởng
      Đồng chí Dương Thành làm chính trị viên
(1)

Thời gian sau chuyển thành Đại đội bộ đội địa phương huyện An Khê, phía nam, đại đội dân quân Cheo Reo thành lập và tiếp sau là Trung đội dân quân xã Đăk Băng (huyện Krongpa) được thành lập(2).

Tháng 8 năm 1947 đại đội Đinh Drong của tỉnh đã trưởng thành, quân số 114 người, trang bị 22 súng trường, bổ sung thêm một số tân binh người dân tộc và lập thành ba đại đội tập trung của tỉnh là Y Bhin Nam và Y Bhin Bắc. Y Bhin Nam hoạt động phía Nam An Khê, Y Bhin Bắc hoạt động phía Bắc An Khê.

Một thành công lớn của ta lúc này là đã kịp thời rút kinh nghiệm trong chiến đấu hỗ trợ cho xây dựng cơ sở. Nhất là các đơn vị thuộc Trung đoàn 210 (khu 5) đã bám sát chỉ đạo tác chiến luôn gắn chặt phối hợp cùng cán bộ địa phương xây dựng được nhiều cơ sở mới. Đội ngũ cán bộ cơ sở được chỉnh đốn về tổ chức, xây dựng cơ sở và bồi dưỡng phương pháp công tác vận động quần chúng, do đó phong trào cách mạng ở địa phương phát triển khá nhanh, mạnh; cả phía Nam và phía Bắc đường 19 phát triển đồng đều, đã cắm sâu cơ sở vào vùng địch, cả các vùng đồng bào công giáo ở Kon Mơ ha, Ngô Sơn, Tiên Sơn cũng xây dựng được cơ sở cách mạng.

Tiêu biểu nhất là trận chiến đấu tiêu diệt một Trung đội âu Phi ngày 12 tháng 11 năm 1947 của quyết tử quân Ngô Mây ở Rộc Dừa.

Ngô Mây sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha chết sớm, Ngô Mây rất vất vả từ nhỏ; Ngô Mây lớn lên xung phong vào bộ đội để đánh giặc giữ làng.

Vào bộ đội Ngô Mây xung phong vào Đội quyết tử. Trong trận đánh Dộc Dừa (cửa suối Dứa) cách An Khê 4 km, gặp khó khăn đơn vị tổ chức yểm hộ để đội hình rút quân. Quân Pháp cậy đông ào tới, vừa đi vừa hét: Việt Minh! Việt Minh!

Từ vị trí ẩn nấp chở sẵn, Ngô Mây cổ quàng khăn đỏ, ôm bom lao vào địch, thét lớn: Việt Minh đây!

Một tiếng nổ rền vang, khói tan, một trung đội âu Phi tan xác. Ngô Mây và chiếc khăn quàng đỏ trở thành biểu tượng cho tinh thần QUYẾT TỬ, bám đất, bám dân, đánh địch hỗ trợ cho xây dựng cơ sở, nhân dân huyện An Khê và quanh vùng còn nhắc mãi người anh hùng quyết tử Ngô Mây!



(1) Lịch sử tóm tắt Đảng bộ Huyện An Khê – Trang 74
(2) Đại đội dân quân Cheo Reo có 30 người. Anh Tứ Đại đội trưởng. Nay Then chính trị viên
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:10:26 am »

*   *
*

Cuối năm 1947 cuộc kháng chiến toàn quốc vừa tròn một năm. Nếu tính từ ngày đầu đánh giặc Pháp kéo đến biên giới tỉnh Gia Lai (ngày 23/11/1945) quân và dân Gia Lai đã trải qua hơn hai năm chiến đấu dũng cảm kiên cường chống lại một kẻ thù đông, mạnh, tàn bạo, nham hiểm.

Tuy trước bối cảnh lúc đầu giáp mặt với kẻ thù hung hãn, nhưng quân và dân Gia Lai có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Xứ ủy Trung kỳ đã đoàn kết các dân tộc kinh thượng, Jơrai, Bahnar thực hiện đúng theo lời kêu gọi ngày toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Chính phủ. Kiên định tư tưởng, không chạy dài, luôn luôn động viên cán bộ, chiến sỹ, dân, quân, chính, Đảng xây dựng tinh thần bám địa bàn, bám cơ sở, xây dựng bàn đạp, luồn sâu vào hậu địch, lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Nhờ vậy mà đã nhanh chóng khôi phục cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh chống địch.

Có sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh nắm vững khâu đoàn kết, toàn dân các cấp chính quyền cách mạng đã nắm được dân, tập hợp mọi lực lượng trong vùng đồng bào Kinh, dân tộc, tôn giáo cùng một lòng đoàn kết đánh Pháp, nắm vững phương châm tác chiến tiêu diệt địch, bảo vệ và xây dựng phát triển cơ sở cách mạng.

Chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh cùng cơ quan Phân Ban quốc dân thiểu số chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, lập các hợp tác xã cung cấp gạo, muối, vải, công cụ thuốc men và tiêu thụ lâm thổ sản của đồng bào, quan hệ các tỉnh đồng bằng cứu trợ cho đồng bào kinh, dân tộc hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm nâng thêm uy tín của chính quyền cách mạng.

Tuy vậy ta còn phạm những thiếu sót là:

- Thiếu biện pháp tích cực để đẩy mạnh công tác vùng dân tộc, nhất là thời kỳ cuối năm 1946 sang đầu năm 1947, nắm chỉ đạo lực lượng quân sự và hoạt động quân sự phục vụ cho xây dựng củng cố cơ sở yếu.

- Chưa chú trọng đào tạo cán bộ địa phương, cán bộ người dân tộc để làm nòng cốt trên từng địa bàn, do vậy xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở chưa đều khắp, một số nơi có cơ sở nhưng hoạt động còn yếu.

Tuy còn những thiếu sót trên, nhưng quân dân Gia lai đã đứng trụ bám địa bàn góp phần cùng cả nước đánh bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, vững vàng tin tưởng bước vào giai đoạn chiến đấu mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2020, 08:14:51 am »

*   *
*

BÁM ĐẤT GIÀNH DÂN, ĐẨY MẠNH CHIẾN TRANH
DU KÍCH TRONG VÙNG ĐỊCH:

Ngày 15 tháng 01 năm 1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng nhận định “Năm 1948 là năm chiến tranh thực sự sẽ diễn ra khắp nước, quân thù sẽ càn quét dữ dội hơn các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Khu 5, lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại”.

Vì vậy mục tiêu chiến lược của ta năm 1948 là: “Phát triển mạnh mẽ chiến tranh nhân dân trên khắp chiến trường, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, qua đó ta mạnh dần lên, địch suy yếu đi, so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta…”

Sau khi chiếm được Gia Lai nhận thức vai trò, vị trí chiến lược của địa bàn quan trọng này, chúng ra sức thực hiện chủ trương “Bình Định”, dựa vào bọn tay sai Ngụy quyền cũ lập bộ máy cai trị từ tỉnh xuống buôn làng, mỵ dân bằng sách “Tự trị” giả hiệu với những thủ đoạn:

- Tuyên truyền chia rẽ, lừa phỉnh nhân dân.

- Chia rẽ giữa Kinh và Thượng

- Chia rẽ giữa các bộ lạc

- Phát triển mạnh Thiên chúa Giáo (Thực hiện tôn giáo hóa nhân dân) phát triển đạo thiên chúa, tin lành trong đồng bào dân tộc.

- Phát triển mạnh Ngụy quân, Ngụy quyền, giăng mạng lưới gián điệp, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”.

- Bao vây cướp bóc kinh tế, thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”

Chúng tập trung thực hiện ba chính sách lớn:

+ Chính sách có mặt(1): Thông qua bộ máy tề điệp từ trên xuống dưới, dùng các cuộc hành quân, kinh lý, chiêu an, dồn dân để luôn luôn buộc dân có mặt ở buôn, rẫy, nắm quyền dân siết chặt hơn, hạn chế đến cắt đứt liên lạc quan hệ với cách mạng.

- Chính sách không can thiệp(2) còn gọi là không đụng chạm, chúng mị dân bằng tuyên bố không đụng chạm, không can thiệp vào phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, đề cao vai trò tù trưởng, chủ làng (thực chất là bộ máy tề tay sai của giặc Pháp) để tự xem xét giải quyết những sự vụ trong dân theo tập quán dân tộc, đề cao Ngụy quyền tay sai người dân tộc.

- Chính sách muối, ký ninh và dụng cụ(3) bằng cách độc quyền phân phối muối, thuốc qui-nin chữa bệnh sốt rét và quản lý chặt việc mua sắm các dụng cụ bằng kim loại và những thứ đồ dùng rất thiếu mà quần chúng chưa tự sản xuất được để khống chế đồng bào.

Xương sống của ba chính sách trên là “Bình Định”, chiếm đóng phòng giữ bằng hệ thống “Lô cốt” chúng xây thêm và củng cố một số cứ điểm thành hệ thống phòng thủ chăng chịt quanh thị xã, thị trấn, dọc theo các trục giao thông đường số 19, số 14, phân cách phía Đông và Tây Sông Ba.

Pháp xúc tiến mạnh việc bắt lính nhất là thanh niên địa phương người dân tộc để xây dựng các đơn vị quân địa phương, giữ các thị trấn, đồn điền, ấp, xã, để thay thế cho quân Lê Dương, rút số này lập những đơn vị cơ động ứng chiến nhỏ để tập trung lực lượng càn quét.


(1) Politique de Présence
(2) Politique de non compromis
(3) Politique du sel, du quinacrine, des outlis
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM