Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:55:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ niệm Cứu quốc quân  (Đọc 6940 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:22:44 am »



Tên sách: Kỷ niệm Cứu quốc quân
Tác giả: Thượng tướng Chu Văn Tấn
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 1971
Số hóa: macbupda

Cứu quốc quân là một trong những đội vũ trang tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ra đời sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn oanh liệt, trong những năm đen tối của nước nhà dưới ách thống trị thực dân tàn bạo của đế quốc Pháp, Nhật câu kết với bọn phong kiến phản động, Cứu quốc quân được Đảng lãnh đạo, được nhân dân che chở và nuôi dưỡng, đã tiến hành một cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng và gian khổ để «duy trì tiếng súng Bắc Sơn», để xây dựng căn cứ địa cách mạng, tiến tới khởi nghĩa toàn quốc. Từ năm 1944 Cứu quốc quân đã cùng với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chiến đấu, công tác, góp phần lập nên Khu giải phóng đầu tiên, tích cực chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Nhiều đồng chí trong đội vũ trang đó đã hy sinh anh dũng trong quá trình chiến đấu, nhiều đồng chí khác ngày nay đã trở thành những cản bộ lãnh đạo và chỉ huy xuất sắc của Đảng ta, của quân đội ta.

Đồng chí Chu Văn Tấn là một trong những người đã trực tiếp đóng góp vào những hoạt động vẻ vang của Cứu quốc quân, từ lúc nó mới ra đời. Đồng chí đã ghi lại nhiều mẩu chuyện về Cứu quốc quân được đăng rải rác trên các báo, hoặc đã in thành sách. Năm 1964, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn «Một năm trên biên giới Việt — Trung » của đồng chí, ghi lại một chặng đường hoạt động của Cứu quốc quân, với sự giúp đỡ hết lòng của Đảng và nhân dân nước bạn.

Cùng với các quyển hồi ký khác mà Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản, như quyển TỪ NHÂN DÂN MÀ RA của đồng chí Võ Nguyên Giáp,
DƯỚI NGỌN CỜ VINH QUANG CỦA ĐẢNG của đồng chí Song Hào, TỪ NÚI RỪNG BA TƠ của đồng chí Phạm Kiệt, quyển MỘT NĂM TRÊN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG của đồng chí Chu Văn Tấn đã giúp cho bạn đọc tìm hiểu về quá trình sinh trưởng rất gian khổ, nhung rất anh dũng, về truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo rất tài tình và rất sáng suốt của Đảng ta.

Theo yêu cầu của bạn đọc muốn được hiểu Cứu quốc quân một cách đầy đủ hơn, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã đề nghị đồng chí Chu Văn Tấn bổ sung tập hồi ký. Mặc dầu rất bận, đồng chí Chu Văn Tấn đã dành nhiều thời giờ và công sức để đáp ứng yêu cầu đó và đã trao lại cho chúng tôi quyển KỶ NIỆM CỨU QUỐC QUÂN.

Chúng tôi vui mừng giới thiệu với bạn đọc, và vô cùng biết ơn đồng chí Chu Văn Tấn, cùng nhiều cơ quan, đặc biệt là Ban nghiên cửu lịch sử Đảng Trung ương, nhiều đồng chí và nhiều đồng bào ân nhân cách mạng đã góp sức, giúp chúng tôi ra tập sách này.


                                                                                                                                                                 
Tháng 11 năm 1971
NHÀ XUẤT BẢN
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:18:00 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:24:14 am »

Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, đi đôi với việc ban bố lệnh động viên, đế quốc Pháp thực hiện chính sách phát-xít, ra sức khủng bố cách mạng, thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, vơ vét sức người, sức của để phục vụ chiến tranh của bọn phát-xít.

Trước tình thế biến chuyển, Đảng ta đã chỉ thị cho các cấp ủy và cán bộ, đảng viên đang hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp mau lẹ rút vào bí mật và giữ vững liên hệ với quần chúng, duy trì cơ sở và lực lượng ở thành thị, nhưng đồng thời chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, biến nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng.

Tháng 5 năm 1940, phát-xít Đức tiến công nước Pháp. Hơn một tháng sau, bọn tư bản phản động Pháp đầu hàng phát-xít Đức. Nhân cơ hội Pháp thua Đức, bọn phát-xít Nhật liền nhảy vào Đông Dương, chiếm lấy miếng mồi béo bở mà chúng thèm khát từ lâu. Ngày 22 tháng 9 năm 1940, phát-xít Nhật đem quân tiến đánh Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân đổ bộ lên Đồ Sơn (gần Hải Phòng). Sau vài trận thử sức ở vùng biên giới Việt —Trung, quân đội Pháp ươn hèn bỏ chạy. Tên toàn quyền Đờ-cu vội vã theo gương đồng bọn của chúng ở Pháp quỳ gối đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật.

Từ đây, nhân dân Việt Nam bị hai kẻ thù là phát-xít Pháp và phát-xít Nhật thống trị. Đứng trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam chỉ có một con đường là vùng lên đấu tranh để tự cứu mình.

Vùng Bắc Sơn — Võ Nhai, nơi có phong trào cách mạng từ lâu, cũng bị khủng bố. Một số đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Nhưng cơ sở Đảng và tổ chức cách mạng vẫn tồn tại và phát triển.

Khi quân Nhật đánh Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy qua đường Bình Gia, Bắc Sơn, về Thái Nguyên. Hệ thống chính quyền của địch ở những vùng quân Pháp chạy qua đều lung lay dữ: tri châu Thất Khê bỏ trốn ; tri châu Na Sầm bị dân bắt; tên đại lý Pháp ở Bình Gia vứt cả súng đạn, bỏ đồn, chạy trốn. Khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục. Nhiều người phục kích lính địch để cướp súng. Một số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, lính khổ xanh, khố đỏ ngả theo cách mạng. Một số đảng viên cộng sản người Bắc Sơn — Võ Nhai bị giam trong nhà tù Lạng Sơn từ năm 1939 như các đồng chí Nông Thái Long, Vương Văn Nè (tức Thánh), Ruệ, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư, v.v. vượt ngục, thoát về. Các đồng chí này cùng với các đồng chí ở địa phương họp vào sáng ngày 27 tháng 9 năm 1940 để nhận định tình hình, quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa, chỉ định Ban phụ trách đánh đồn Mỏ Nhài.

Ngay tối hôm đó, hơn sáu trăm người gồm đủ các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh... thuộc các xã Hương Vũ, Bắc Sơn, Tam Hoa, Chiêu Vũ, Trấn Yên, cùng một số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, lính khố đỏ ngả theo cách mạng, rầm rộ kéo tới nơi tập trung. Ngoài gậy gộc, giáo mác, quân khởi nghĩa có gần 30 súng trường.

Đúng 8 giờ tối, quân khởi nghĩa chia làm 3 mũi tiến công đồn Mỏ Nhài (tức châu lỵ Bắc Sơn). Cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sau hơn mười phút kịch chiến, tri châu và lính đồn chạy trốn, quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ.

Được tin chiến thắng, đồng bào các dân tộc nô nức kéo tới chân đồn Mỏ Nhài, họp thành một cuộc mít-tinh lớn. Đồng chí đại diện Ban chỉ huy khởi nghĩa báo cáo trước quần chúng kết quả trận đầu, tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc. Tức khắc, bao nhiêu sổ sách, giấy tờ, bằng, triện của địch được đem ra dốt ngay trước quần chúng. Ai nấy vô cùng sung sướng hò reo vang dậy.

Ngày 28 và 29 tháng 9, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích ở đèo Canh Tiếm và đèo Sập Rì, diệt hơn chục tên Pháp, trong đó có một quan ba, tước được một số súng.

Đứng trước cuộc khởi nghĩa, cả Nhật lẫn Pháp đều hoảng sợ. Do bản chất phản động của chúng, thực dân Pháp hòa hoãn với phát-xít Nhật để rảnh tay đàn áp cách mạng Việt Nam. Phát-xít Nhật cũng thấy lật đổ ngay thực dân Pháp chưa có lợi nên nhanh chóng thỏa hiệp với thực dân Pháp, dùng chúng làm công cụ đàn áp quân khởi nghĩa.

Thực dân Pháp cho quân chiếm lại đồn Bình Gia, đồn Mỏ Nhài. Quân khởi nghĩa phải rút vào rừng. Cuộc khủng bố trắng bắt đầu.

Được báo cáo về cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào.

Trung tuần tháng 10 năm 1940, Ban chỉ huy Khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ban chỉ huy nêu cao khẩu hiệu đánh Pháp đuổi Nhật, tuyên bố giải tán ngụy quyền địa phương, tịch thu bằng, triện và đốt sổ sách của tổng lý, kỳ hào, thành lập đội du kích, diệt mật thám đầu sỏ, tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng sẵn sàng đối phó với địch. Lực lượng du kích của ta lúc đó khá lớn, lấy vùng Đon Úy, Bó Tát, Sa Khao, Nam Nhi, Vũ Lăng... làm trung tâm khu căn cứ du kích.

Thực dân Pháp tập trung khoảng một trăm lính dõng chiếm đóng trường học Vũ Lăng, thực hiện âm mưu mở rộng khủng bố. Ngày 25 tháng 10 năm 1940, quân cách mạng chia làm hai mũi tiến đánh trường Vũ Lăng. Trước khí thế uy hiếp của quân cách mạng, lính địch bắn chỉ thiên vài phát, rồi tìm đường chạy trốn.

Ba hôm sau... Ngày 28 tháng 10 năm 1940, quần chúng cách mạng tổ chức một cuộc mít-tinh ở sân trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhài.

Sau khi nắm lại được một số lớn dõng và tổng đoàn, thực dân Pháp dùng bọn mật thám địa phương để dắt đội quân của tên Boóc-di-ê, chủ đồn điền ở Dinh Cả, và lính tập từ Mỏ Nhài đi theo đường tắt vào, đánh úp ta. Quần chúng cách mạng tản vào rừng. Đội du kích bị phân tán mỗi người một ngả.

Địch tiến vào Vũ Lăng, bắn giết quần chúng cách mạng, đốt phá làng bản. Chúng «sức» cho nhân dân phải «lập công chuộc tội», cắt đầu cán bộ nộp cho chúng. Bọn tổng, xã đoàn vác loa đi các làng, các xóm, các lân, đòi «Cộng sản» phải ra đầu thú chính phủ Pháp.

Tháng 11 năm 1940, Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương họp. Thực tế của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn làm cho Đảng ta thấy rõ, dưới hai tầng áp bức, bóc lột của phát-xít Nhật — Pháp «một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy, Đảng phải chuẩn bị gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập»(1). Tuy nước ta «chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng», nhưng trong điều kiện thế giới và trong nước hồi bấy giờ, cuộc cách mạng của nước ta có thể nổ ra bằng những cuộc khởi nghĩa địa phương ở những nơi có điều kiện (chẳng hạn như Bắc Sơn), tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Về vấn đề phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, sau khi nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo, Hội nghị quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn — Võ Nhai làm trung tâm, do Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trách nhiệm cùng các đồng chí ở địa phương thực hiện nghị quyết này.

*
*   *

Được sự chăm sóc của Trung ương, sau khi được tăng cường một số cán bộ ở trường quân sự Bắc Giang và ở vùng xuôi lên, đội du kích Bắc Sơn được tập họp lại. Ban chỉ huy khu du kích Bắc Sơn lúc này có anh Vân (một bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ), anh Giáo (một bí danh của đồng chí Lương Văn Chi, tức Huy) và tôi; anh Vân phụ trách chung. Cơ quan Ban chỉ huy lúc đầu đóng ở Đon Úy (gần Vũ Lăng), sau rút dân dần về Vũ Lễ, Khuổi Nọi.

Thời gian này, với khẩu hiệu hoạt động bí mật, vũ trang tuyên truyền, đội du kích Bắc Sơn đã chia thành từng tổ, gây lại cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng. Phong trào luyện tập quân sự phổ biến ở khắp các xã. Giữa lúc ấy Ban chỉ huy khu du kích nhận được chỉ thị: chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới...


(1) Văn kiện Đảng (25-1-1939 – 2-9-1945) – Sự thật, Hà Nội, 1963 – Đoạn: B – Tình hình chính trị Đông Dương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:27:26 am »

I

Từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, Trung ương đã nhiều lần cho cán bộ ra nước ngoài để chắp lại mối liên lạc với Quốc tế cộng sản và bộ phận hải ngoại của Đảng. Việc đi ra nước ngoài lúc đó rất khó khăn. Có lần có đồng chí đã sang tới Long Châu (Trung Quốc) đợi hai tháng vẫn không gặp được liên lạc, lại phải quay về. Đi một mình đã khó, đi thành đoàn càng khó.

Sang đầu năm 1941, chúng tôi nhận được chỉ thị: tìm đường và bảo vệ Trung ương đi công tác. Mãi về sau tôi mới biết đây là một chuyến công tác hết sức quan trọng : các đồng chí đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác Hồ triệu tập.

Tháng 2 năm 1941, các đồng chí Sơn (Trường Chinh), Vân (Hoàng Văn Thụ), Chính (Hoàng Quốc Việt), Trần Đăng Ninh lên tới Võ Nhai. Qua làng tôi, các đồng chí nghỉ lại một thời gian. Sau, mọi người lên cơ quan của Ban chỉ huy khu du kích Bắc Sơn ở Khuổi Nọi để chuẩn bị thêm về mọi mặt.

Chính thời gian ở Khuổi Nọi, anh Vân cho biết quyết định của Trung ương : đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân. Ý định này của Trung ương đã có từ cuối năm 1940. Đội quân khởi nghĩa đã được lọc lại qua mấy tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nay còn lại vừa một trung đội.

Ngày 14 tháng 2 năm 1941, Trung đội Cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập ở khe Khuổi Nọi, bên một dòng suối nhỏ chảy giữa cánh rừng sâu của xã Vũ Lễ, giáp hai châu Võ Nhai và Bắc Sơn. Xế chiều, anh em đã tới đông đủ đứng trên nền nhà cũ của hai anh em Lô và Liêu. Từ Võ Nhai đến có Nông Thái Long, Nhì Phung và tôi, lúc đó lấy tên là Ba ; từ Bắc Sơn có các anh Bình, Quốc Vinh, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư, Hoàng, Tần, Ruệ, Vẩn Sang, Hác Chắp, Phó Sáng ; ở xuôi lên có các anh Nguyễn Cao Đàm (tức Độ), Bình, Đắc, Bút, An (tức Hoàng Văn Thái), ông già Sính (tức Mạnh, quê ở Thái Bình), Lương Văn Chi (tức Giáo) v.v. Toàn đội gồm 24 chiến sĩ là cán bộ, đảng viên miền xuôi và miền ngược đã lớn lên trong Bắc Sơn khởi nghĩa, đã từng hoạt động trong đấu tranh sống chết với quân thù.

Suối rừng reo vui chào đón những người đi làm cách mạng từ bốn phương tụ hội ở đây. Anh Vân thay mặt Trung ương dự buổi lễ này.

Anh Vân là người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Anh tạng người gầy, nhưng đi núi quen, trèo đèo lội suối giỏi. Anh vẫn thường qua lại nhà tôi. Tôi coi anh như người anh trong nhà, vừa thân mật vừa rất tôn trọng, quý mến.

Với cử chỉ điềm đạm, ung dung, anh Vân bước ra trước hàng quân. Giọng sang sảng, anh nói đại ý :

— Chúng ta đang phải sống trong cảnh nước mất nhà tan. Tổ quốc chúng ta đang điêu đứng vì giặc Nhật, giặc Pháp. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy tạm thời thất bại, nhưng nó đã chứng tỏ tinh thần quật khởi của dân ta ngày một dâng cao, không gì dập tắt được. Cuộc khởi nghĩa đã tạo cho nhân dân ta một lực lượng vũ trang cách mạng. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển vốn quý đó. Vì vậy Trung ương quyết định thành lập Đội Cứu quốc quân. Là Cứu quốc quân, các đồng chí phải nêu cao truyền thống của Quân du kích Bắc Sơn, chịu đựng gian khổ — Phải giữ bí mật cho tốt !

Về nhiệm vụ của Cứu quốc quân, anh Vân nêu rõ:

— Cứu quốc quân phải dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ địa du kích. Cứu quốc quân sẽ là nơi để anh em các nơi khác tới học tập. Với vị trí quan trọng của Bắc Sơn, các đồng chí còn có nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ Đảng qua lại vùng này...

Sau khi truyền đạt chỉ thị của Trung ương, anh Vân trao cho chúng tôi một lá cờ đỏ sao vàng có tua rất đẹp do phong trào của phụ nữ Hà Nội gửi tặng. Tiếp đó, anh Giáo đọc năm lời thề(1) của Cứu quốc quân. Rồi đến tôi thay mặt anh em, hứa «sẽ làm tròn nhiệm vụ Đảng giao cho... Cứu quốc quân không nề gian khổ, không ngại khó khăn, không sợ hy sinh, quyết tâm xây dựng phong trào lớn mạnh».

Buổi lễ xong, anh Vân và tôi trở về cơ quan. Dọc đường, anh Vân cho biết Trung ương chỉ định tôi vào Xứ ủy và nói rõ lần này các đồng chí Trung ương sẽ đi dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng và chúng tôi được giao phụ trách việc bảo vệ đoàn đi họp.

Tôi thuộc đường trên này như những đường chỉ trong lòng bàn tay mình. Vì cái công việc «ký ca-dát»(2) và làm gỗ để che mắt bọn mật thám địa phương đã đưa tôi đến những khu rừng sâu nhất, những con đường hẻo lánh nhất. Đồng chí Tài, cán bộ địa phương và đồng chí Lam, đội viên Cứu quốc quân người Lạng Sơn cũng được chọn đi làm nhiệm vụ này. Hai đồng chí đều là «thổ công» ở vùng các đồng chí Trung ương sắp phải đi qua.

Thật là vinh dự cho những người được chọn đi làm công tác đặc biệt này ! Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì thấy được phụ trách một việc đầu tiên do Trung ương trực tiếp trao cho Cứu quốc quân: bảo vệ Trung ương đi dự một hội nghị có quan hệ đến vận mệnh cả nước. Lo vì biết trước đường đi sẽ rất gian lao nguy hiểm, phải trèo đèo lội suối, phải vượt qua nhiều đồn địch trong khi chúng đang tung hàng ngàn binh lính và mật thám bao vây. Nhất định bảo đảm an toàn cho các đồng chí Trung ương ! Tôi hứa với anh Vân :

— Chúng tôi quyết tâm bảo vệ Trung ương đi đến nơi về đến chốn.

Hạ thấp giọng, anh Vân nói :

— Đi lần này có thể gặp đại biểu quốc tế...

Trong lời nói ấy của anh tôi cảm thấy tràn đầy lòng tin tưởng và tình cảm thiết tha. Tôi bồi hồi nghĩ đến chuyến đi sắp tới. « Nhưng còn công việc ở nhà, ở đơn vị, nhất là đơn vị mới thành lập?». Như đoán biết nỗi băn khoăn ấy, anh Vân nói ngay :

— Trung ương chỉ định anh Chi ở lại phụ trách với nhiệm vụ tổ chức giữ con đường từ Bắc Sơn về Đình Cả và huấn luyện đơn vị Cứu quốc quân. Tôi đã nói chuyện với anh Chi.

Anh Chi — mà chúng tôi thường gọi là anh Giáo — đã từng cùng anh Vân ra hoạt động ở nước ngoài. Anh có học ở Học hiệu quân sự ở Trung Quốc. Chúng tôi đã được anh dìu dắt, chỉ bảo nhiều về chính trị, quân sự. Cũng vì thế chúng tôi gọi anh là anh Giáo. Anh là người Tày, mắt một mí, sống mũi cao, vóc người anh nhỏ nhắn, rõ ra dáng «văn nhân». Tuy nhiên, tác phong của anh lại rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, rất quân sự...

Chuyện trò, suy nghĩ dọc đường, về đến cơ quan lúc nào không hay. Ở nhà, anh em đang đan sọt để chuẩn bị lên đường...


(1) Năm lời thề là: - 1. Không phản Đảng; - 2. Tuyệt đối trung thành với Đảng; - 3. Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí đã hy sinh; - 4. Không hàng giặc; - 5. Không hại dân.
(2) Làm việc đo đạc
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:28:23 am »

*
*   *

Đoàn đi có chín người: bốn đồng chí Trung ương là anh Sơn (Trường Chinh), anh Vân (Hoàng Văn Thụ), anh Chính (Hoàng Quốc Việt) và anh Trần Đăng Ninh, anh em thường gọi là anh Đầu to; một đại diện Xứ ủy Trung Kỳ (đồng chí San), một đại diện Xứ ủy Nam Kỳ (đồng chí Thảo); đi dẫn đường và bảo vệ có đồng chí Tài, cán bộ địa phương ; đồng chí Lâm, đội viên Cứu quốc quân và tôi.

Hành lý là mấy đôi sọt đựng quần áo, trong để tài liệu bí mật. Lương thực là mấy đấu gạo nếp rang thật khô. Vũ khí của tôi là một loại súng đặc biệt: súng Dóp tháo báng, chỉ có ổ súng và nòng không, với một băng đạn 5 viên. Tôi chuẩn bị sẵn hai cái khăn tay để khi bắn lót tay cho khỏi nóng. Ban ngày cả súng đạn đều giấu trong cái chăn dạ cuộn tròn vào đòn gánh. Anh em chúng tôi lúc đi bí một, lúc giả dạng lải buôn đi công khai lên Thất Khê rồi đi đêm ra biên giới.

Chúng tôi khởi hành vào một buổi chiều vài hôm sau lễ thành lập Đội Cứu quốc quân. Xuyên khu rừng Vân Hạ. Đến tối mịt thì vượt qua bản Loòng, theo đường núi đá tai mèo lởm chởm xuyên qua xóm Phie Khao đến Bó Tát, một xóm đầu xã Vũ Lăng, nằm trong khu vực cơ sở của ta. Đoàn nghỉ lại ở đây mấy hôm để điều tra lại đường, nắm thêm tình hình: từ đây trở đi là vùng chưa có cơ sở cách mạng, lính địch hay đi tuần. Phải đi gấp làm sao trong một ngày đêm từ Bó Tát đến bến sông Văn Mịch. Chặng đường này dài, phải qua mấy cây số đường cái lớn Bắc Sơn — Bình Gia, lại phải qua mấy làng Bản Quế, Bản Sao, Vạn Thủy, Rạng Mông có nhiều tay sai địch hay sục sạo.

Từ Bó Tát đi qua Nà Tởu, qua Lũng Chỏn, chúng tôi ngồi nghỉ ở ven rừng, chờ cho tối thật lâu mới qua Bản Quế rồi qua quãng đường cái lớn, rẽ vào đường đi Bản Sao, Vạn Thủy. Mọi người rất mừng vì qua được một đoạn đường nguy hiểm. Nhưng ai cũng thấy mệt. Anh Ninh, người yếu sẵn, bắt đầu lên cơn sốt...

Hôm ấy trời tối đen như mực. Đồng chí Tài đi trước dò đường, còn tất cả bám sát nhau, người đi sau nắm áo người đi trước hoặc bíu vai nhau mà đi. Mấy đồng chí dưới xuôi lên không quen đường rừng, chập choạng, vấp ngã luôn. Đến mỗi ngã ba, tôi phải chạy lên chạy xuống chờ cho mọi người đi hết rồi mới bước theo sau.

Chúng tôi sẽ phải qua Rạng Mông : Đây là quãng nguy hiểm nhất, chỉ có độc một con đường qua giữa bản, hai bên là núi đá. Trong bản này có nhiều lý dịch phản động. Ở chỗ này mà lộ thì không có đường chạy. Chúng tôi phải ngủ lại trên một đỉnh núi cao nằm dọc đường đi Rạng Mông để ngày hôm sau vượt chỗ nguy hiểm này.

Hôm sau, sắp sửa vượt được Rạng Mông đã nghe có tiếng gà gáy. Tim tôi hồi hộp: sắp sáng rồi. Đồng chí Tài chắc cũng sốt ruột như tôi. Tài nói nhanh trong hơi thở gấp :

— Mau lên, các đồng chí ! Sáng thì khó khăn đấy !

Anh Ninh lúc này người nóng như hòn than hồng. Anh đang lên cơn sốt, một cơn sốt ghê gớm, nhưng anh vẫn bám theo người đi trước. Anh Chính thì đau chân, bước thấp bước cao, đi rất vất vả. Nhưng biết rằng nhanh một phút là đỡ nguy một phút nên ai nấy đều dồn hết sức xuống hai chân, cố bước cho thật mau, mắt mở to quan sát bốn phía. Một giờ sau, qua được Rạng Mông !

Sáng sớm, chúng tôi vào rừng thay quần áo vì sau một đêm làm bạn với đường trơn, dốc cao, quần áo rất bẩn. Xong lại tiếp tục đi ngay. Dọc đường có các bản xóm lẻ tẻ, gặp nhiều người qua lại: chúng tôi chia ra làm hai tốp đi cách nhau. Anh Vân, anh Tài, anh Lâm và tôi vờ nói chuyện làm ăn bằng tiếng địa phương; các đồng chí khác, nhất là hai đồng chí Trung Kỳ và Nam Kỳ thì đành im như hạt thóc. Vì đây là khu người Nùng ở. Nói tiếng Kinh bình thường đã lộ rồi, huống hồ lại nói tiếng miền Trung thì càng lộ !
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:29:15 am »

Chiều hôm đó, chúng tôi đến được bến Pác Cáp là ngã ba sông Văn Mịch. Đoàn vào nhà hai đồng bào Nùng làm ruộng có quen biết đồng chí Tài ít nhiều. Gia đình này vui vẻ xếp chỗ cho nghỉ rồi giúp chúng tôi làm cơm ăn. Anh Ninh đã ốm lại phải đi bộ suốt ngày đêm trong rừng núi dầm sương dãi gió, bây giờ sốt li bì, không ăn được. Chúng tôi đều rất lo ngại: đường còn dài, sợ anh Ninh bệnh càng nặng thêm...

Tài đi dò đường gặp đồng bào cho biết tụi châu đoàn thường lùng sục từ Pác Cáp đi Pò Có. Như vậy là đường bộ không thể đi được. Các đồng chí Trung ương quyết định đi đường sông để tránh nguy hiểm. Từ đây bắt đầu phải đi mảng dọc con sông Văn Mịch cho tới cầu Bản Trại (Thất Khê). Đi dọc sông có cái lợi là ít đồn địch, ít qua làng, đỡ nguy hiểm hơn đường bộ. Đồng chí Tài rất thông thuộc con sông này, nhớ từng mỏm đá, từng con thác. Đến chiều, chúng tôi kiếm được bốn cái mảng nhỏ, mỗi cái là mấy cây nứa ngộ(1), dồn lại thành hai mảng to, một cái chở bốn người, một cái năm người. Đồng chí Tài chặt ít cây xếp ngang hai lượt lên trên mảng thành một chỗ cao ráo cho anh Ninh nằm khỏi ướt.

Sâm sẩm tối, chúng tôi xuống mảng. Lại nảy ra vấn đề: Ai chở mảng? Chở giỏi chỉ có đồng chí Tài. Tôi thì không thạo lắm. Bàn tính một lúc rồi phân công: mảng trước đồng chí Tài chở, đồng chí Lâm đứng đằng đuôi. Mảng sau tôi chở, anh Vân đứng đuôi. Tôi vừa chở vừa bảo vệ. Bốn chân sào không có người thay đổi.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trên sông nước, đồng chí Tài bảo chúng tôi :

— Nhỡ có bị lật thì cứ bám lấy mảng, không được bỏ mảng mà bơi. Bỏ mảng, nước cuốn mình đi mất!

Con sông Văn Mịch có nhiều mỏm đá, nhiều thác, nhiều ghềnh, vòng đi vòng lại quanh co. Hai cái mảng đi trong đêm tối luôn luôn bập bềnh, nghiêng ngả. Mỗi lần mảng va vào sườn núi, người ngồi trên mảng xô đi xô lại, đổ xiêu đổ vẹo. Mỗi lần qua thác là một lần thử thách. Cuộn nước réo ào ào. Dòng nước ánh mây trời đêm vẫn lang láng. Hai cái mảng tựa như hai chiếc lá trên dòng sông. Mảng tôi theo vột mảng đồng chí Tài. Đứng chở mảng, luôn tay luôn chân, căng mắt ra mà nhìn phía trước mới thấy được tài chèo chống, cưỡi sóng của đồng chí Tài: cái bóng người thâm thấp, mập, ngày thường trông không có gì đặc biệt, nay trông vững chãi, đĩnh đạc, đôi chân nhún lên nhún xuống theo sóng nước bồng bềnh. Mỗi lần sắp qua thác, anh Tài lại làm hiệu cho chúng tôi. Nhiều đồng chí phải cúi rạp xuống, níu chặt lấy cây nứa ngộ. Sóng réo ồ ồ, mảng vục xuống nước lại chồm lên. Nước xô ào ào, ào ào...

Cứ đi như thế đến nửa đêm thì tới một bến cách đồn Văn Mịch độ vài trăm thước. Để tránh đồn Văn Mịch ở ngay vệ sông, chúng tôi chuyển lên bờ đi bộ vòng qua một làng nhỏ, theo đường cái, vượt lên núi, rẽ xuống Hát Quang. Còn đồng chí Tài chống hai mảng làm một, chở anh Ninh theo dọc con sông đến Hát Quang chờ sẵn.

Đường vòng chỉ hơn một cây số mà thật là vất vả. Nửa đôm, không ai quen đường, vừa đi vừa dò dẫm theo lời đồng chí Tài dặn. Lúc qua sát làng, ai nấy nín thở, rón rén cho nhẹ bước. Gần một tiếng đồng hồ sau mới tới Hát Quang. Men xuống sông đã thấy đồng chí Tài ngồi chờ sẵn. Chúng tôi mừng quá, vừa bước chân xuống mảng vừa hỏi «Có anh Chính chưa?». Thường chúng tôi rất lo cho anh Chính : mắt anh kém, chân tập tễnh, độ này anh lại không được khỏe. Điểm lại thấy thiếu anh Chính thật. Cả đoàn đều hoảng sợ. Không khí im lặng quá, tôi nghe cả tim mình đập thình thình. Các đồng chí cử tôi và đồng chí Lâm đi tìm.

Mò mẫm một hồi lâu hết bụi này bụi khác không thấy, hai chúng tôi lại quay về mảng báo cáo. Mọi người thất vọng, nhìn nhau, cổ nghẹn như muốn khóc. Có đồng chí nêu ý kiến :

— Chờ đến sáng ở chỗ này nhất định là lộ. Sẽ hỏng toàn bộ công việc lớn. Hay là đành...

Nhưng các đồng chí Trung ương quyết định để tôi đi tìm một lần nữa. Anh Vân nhắc thêm tôi :

— Dù nguy hiểm cũng cố tìm cho được !


(1) Nứa to.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:29:54 am »

Tôi coi đó là một chỉ thị. Thêm nữa cái tình giữa người cách mạng với nhau, sự giúp đỡ tận tình của anh Chính đối với phong trào ở Bắc Sơn đã đem lại cho tôi thêm sức và thêm trí minh mẫn. Tôi nhớ lắm. Từ những ngày mà bầu trời và núi rừng Bắc Sơn còn âm u tăm tối, anh Chính đã đến vùng tôi. Anh là người miền xuôi, thế mà đi vào đâu, dù nơi đó là vùng người Tày, người Nùng hay người Mán , anh vẫn đứng vững chân ở chỗ rừng núi tưởng như khó khăn hết sức ấy. Anh làm công tác quần chúng đối với các vùng dân tộc ít người còn giỏi hơn cả chúng tôi nữa. Khi phong trào ở Đình Cả được đẩy mạnh, anh còn cùng chúng tôi vào Tràng Xá rồi xuống huyện Đại Từ, đến La Bàng để xây dựng cơ sở...

Tôi quay vào con đường vòng, dò đến tận bến đằng kia, chỗ ở mảng bước lên bờ. Đến một ngã ba có lối rẽ vào làng, tôi nằm phục xuống đất nghe ngóng : có tiếng chó sủa gióng một ! Đoán là có người ở phía hàng rào, tôi bò thẳng tới. Khi còn cách rào độ dăm chục bước thấy có bóng người trong bụi cây, tôi tắc lưỡi làm hiệu. Có tiếng tắc lưỡi trả lời. Đúng rồi ! Đúng người của ta rồi !

Mừng hết chỗ nói, tôi bò nhanh tới, nắm lấy cánh tay thân thiết, khẽ kêu lên :

— Ấy, ấy! Anh Chính !... Các đồng chí chờ anh muốn nổ con mắt đấy !

Rồi để khỏi chậm và khỏi lạc lần nữa, tôi vừa xốc anh Chính lên lưng vừa nói: «Mau lên! không anh em chờ!». Tôi cõng anh chạy thẳng một mạch về phía mảng.

Anh em đang nóng lòng chờ. Thấy anh Chính và tôi về, mọi người hoạt bát hẳn lên. Có đồng chí quên cả có địch ở gần, vỗ tay hoan hô. Tiếng vỗ tay vang đi rất xa. Có tiếng xuỵt xuỵt khe khẽ, nhắc mọi người phải giữ bí mật.

Đồng chí Tài giục mọi người xuống mảng. Anh em chẳng kịp hỏi gì thêm nữa, vội vàng chèo chống đi ngay, cho mau ra khỏi khu vực đồn Văn Mịch trước khi sáng rõ.

Cả ngày hôm sau vẫn đi trên mảng. Người nào cũng mệt bã. Nhất là mấy chân sào suốt ngày suốt đêm không được nghỉ tay phút nào. Mệt thì mệt, lo thì lo, nhưng vẫn vui. Đến mỗi khúc sông vắng, đồng chí Sơn bảo ai biết bài hát nào thì hát cho vui hoặc kể chuyện. Anh Vân kể nhiều mẩu chuyện rất lý thú trong cuộc Vạn lý trường chinh và các trận Giải phóng quân Trung Quốc đánh Nhật. Hai đồng chí Trung Kỳ và Nam Kỳ hát mấy bài ca cách mạng. Tôi cũng hát mấy bài hát dân tộc. Riêng anh Ninh vẫn sốt li bì và chỉ đòi uống nước. Thỉnh thoảng anh em hỏi thì anh vẫn trả lời trong hơi thở nóng hồi: «Còn cố được, cứ đi!», hoặc: «Mệt lắm, nhưng còn đi được »... Nghe anh Ninh nói, tôi rất xúc động. Anh đang phải vật lộn với cơn sốt oái oăm và ác nghiệt. Đối với phong trào Bắc Sơn, anh Ninh cũng là một đồng chí đã góp nhiều công sức và vực được phong trào dậy, xây dựng được khu du kích vững mạnh. Giữa lúc Bắc Sơn gặp khó khăn, Đảng đã phái anh đến dìu dắt chúng tôi và đã tham gia đắc lực vào việc tổ chức đội Du kích Bắc Sơn.

Chiều hôm ấy, mảng chúng tôi ghé bờ, vào nhờ một gia đình ở ven sông nấu cơm. Hai ông bà chủ nhà rất tốt, sốt sắng giúp đỡ. Cơm xong lại xuống mảng đi ngay để kịp tới Bản Trại vào nửa đêm. Qua Bản Trại vài cây số là lối tắt lên biên giới...

Gần đến bến phà Bản Trại, trời bỗng đổ mưa to gió lớn. Mảng lao trong hai tầng nước đều lạnh giá. Gió nhiều lúc cứ như muốn bốc mảng lên khỏi mặt sông mà ném ra xa. Anh em cứ bíu chặt lấy mảng, mặc cho trời nước chụp lên đầu mình những khối nước kinh người. Mấy đồng chí yếu, rét run cầm cập.

Hai chiếc mảng cập bến hữu ngạn Bản Trại thì anh Ninh lịm hẳn: gọi không thưa, chân tay anh lạnh giá. Biết anh Ninh không thể tiếp tục đi được nữa, các đồng chí Trung ương quyết định để anh quay trở lại. Chúng tôi bày cho đồng chí Tài cõng anh Ninh vào cấp cứu ở một cái lều coi bắp trên nương ngay gần đấy rồi tìm cách đưa anh về xuôi. Chúng tôi bỏ mảng, đi bộ. Từ đây lên biên giới, anh Vân và anh Lâm đều rất thuộc đường.

Trời vừa mưa vừa gió. Phải từ biệt anh Ninh, các đồng chí đều khóc. Nước mắt tôi chảy ra, bùi ngùi thương xót anh, lo anh khó qua khỏi được. Qua bao nhiêu chặng đường gian khổ, không ngờ đến đây anh phải quay trở lại!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:31:01 am »

Đồng chí Tài chở mảng đưa anh Ninh sang tả ngạn. Chúng tôi nhìn dòng sông và chiếc mảng mảnh dẻ trong mưa gió, lòng thắt lại. Nhưng chúng tôi rất tin ở tài đi trên sông nước của anh Tài. Mảng đã cập bờ. Chúng tôi trông theo từng cử động của anh: anh nhẹ nhàng xốc anh Ninh lên lưng và cõng anh đi lên nương bắp...

Đồng chí Tài cõng anh Ninh đi rồi, chúng tôi mới lên đường. (Mấy tháng sau, chúng tôi trở về Võ Nhai hỏi tin tức về đồng chí Ninh, các đồng chí ở đây cho biết là nhờ sự tận tâm của đồng chí Tài và sự săn sóc của đồng bào, anh Ninh đã khỏe hẳn và đã lên Võ Nhai tìm Trung ương mấy lần).

Qua Bản Trại độ 3 cây số là đường rẽ lên biên giới. Vượt qua bót dõng Pác Cam, độ ba giờ sáng tới Kim Lỵ, Nà Khau, Nà Kẻ là vùng cơ sở của anh Vân. Đến xóm Nà Cại, còn 10 cây số nữa thì lên đến biên giới Việt—Trung. Ông chủ nhà thấy anh Vân đến và biết chúng tôi là cán bộ của Đảng thì rất vui mừng, hỏi hết chuyện này chuyện khác. Ông lấy nước cho uống rồi mở thùng lấy mật ong mời chúng tôi ăn cho đỡ mệt. Biết đây là chỗ tin cậy được, các đồng chí Trung ương lấy tài liệu bị nước mưa làm ướt ra sấy ở bếp lửa, vừa hơ vừa nói chuyện với ông chủ nhà. Máy đồng chí mệt quá không kịp thay quần áo, cứ thế lăn ra ngủ.

Tối hôm sau chúng tôi lại đi. Đoàn rẽ vào thăm làng Kim Lỵ, một làng cơ sở tốt. Quần chúng ở đây phần lớn là dân tộc Nùng và Tày. Thấy đồng chí Vân và chúng tôi về, họ kéo đến thăm rất đông. Gia đình nào cũng muốn đồng chí Vân ở lại ít ngày. Khi biết chúng tôi có việc cần đi ngay, đồng bào rất quyến luyến, chúc chúng tôi đi được may mắn. Cuộc gặp gỡ với đồng bào ở đây làm chúng tôi cảm động và tăng thêm tinh thần hăng hái, phấn chấn.

Từ đây đi toàn là đường leo núi. Song chúng tôi chẳng coi mùi mèn gì...

Đêm khuya lờ mờ. Đồi cỏ xen lẫn với núi non trùng điệp. Quá nửa đêm thì tới một đỉnh núi cao, có cái mốc đá phân chia địa giới Việt—Trung. Thế là sau bốn ngày đêm liên tục đi bộ rồi đi mảng, qua bao nhiêu lo lắng, vất vả, đoạn đường nguy hiểm nhất đã vượt. Mọi người thấy phấn khởi hẳn lên, cười nói vang vang.

Chúng tôi đến Bản Khiếc, một làng Trung Quốc ở sát biên giới. Bà con nông dân Bản Khiếc đối với chúng tôi thật là thân thiết. Thấy anh Lý (một bí danh khác của đồng chí Hoàng Văn Thụ) và chúng tôi đến, họ tiếp đón rất ân cần, hỏi thăm tin tức cách mạng Việt Nam, chuyện trò tíu tít. Bà con tổ chức làm thịt ngay một con ngựa để thết đãi. Khi các anh tỏ ỷ không muốn để nhân dân tốn kém thì họ nói:

— Chúng tôi ăn nhiều, chứ các anh ăn được bao nhiêu mà lo!

Anh Lý có cảm tình đặc biệt với nhân dân vùng này. Ai gặp anh cũng quý mến. Anh quán xuyến mọi công việc liên lạc với địa phương, tìm cách xin được giấy thông hành đi Long Châu.

Nghỉ lại bản Khiếc mấy ngày, chúng tôi lại lên đường. Đến Long Châu, lại liên lạc với các đồng chí địa phương tìm cách xin giấy đi Tĩnh Tây. Tất cả mất 5 ngày đường ròng rã. Dọc đường có mấy điều làm tôi rất chú ý: một là đời sống nhân dân Trung Quốc rất khổ cực, tình hình khá phức tạp. Chúng tôi không dám đi đêm. Đâu đâu cũng thấy nhân dân kêu ca, oán giận bọn Quốc dân đảng áp bức bóc lột, và khao khát Đảng Cộng sản như hạn hán chờ mưa. Hai là tinh thần cách mạng của nhân dân Trung Quốc rất cao. Đi qua chỗ nào cũng gặp những quần chúng cách mạng tốt. Nhân dân những vùng này hiểu khá nhiều tình hình cách mạng Việt Nam, thấy chúng tôi thì quý mến và nhiệt tình giúp đỡ.

Đến Tĩnh Tây, chúng tôi mới biết địa điểm hội nghị không phải ở Trung Quốc mà ở xóm Pác Bó(1) thuộc Hà Quảng (Cao Bằng). Từ thị trấn Tĩnh Tây, chúng tôi đi vòng xuống phía Nam. Gần hai ngày đường qua Lục Tùng (Dường Lầu), lại tới mốc biên giới Trung—Việt.


(1) Pác: miệng; Bó: nguồn nước chảy ở hang ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:31:34 am »

*
*   *

Gió thổi lồng lộng.

Đứng trên cao nhìn xuống khe hướng ra Pác Bó, chúng tôi thấy lố nhố có mấy người bên đất Việt Nam. Đã từng quen với hoạt động du kích, chúng tôi đoán được ngay đó là du kích đang làm nhiệm vụ đứng bảo vệ. Đúng như vậy, anh Lê (Lê Quảng Ba) và Sơn Hùng (Hoàng Sâm) đã chạy nhanh tới, tay bắt mặt mừng, dẫn chúng tôi ngoặt vào khe núi đất. Ở đây các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp đứng chờ đón. Các đồng chí đều tươi cười vui vẻ khi thấy chúng tôi... Rồi tất cả đi lên ruộng bậc thang để ngược lên cửa khe. Mới được nửa đường, chúng tôi đã thấy một ông già cao cao, xương xương, có chòm râu đen lơ thơ, dáng dấp nhanh nhẹn. Khi chúng tôi tới nơi, ông cụ vui vẻ bắt tay tất cả mọi người rồi hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình đi đường của đoàn. Đến sự việc anh Trần Đăng Ninh, ông cụ thoáng vẻ buồn và lo lắng, hỏi lại cặn kẽ và dặn chúng tôi khi nào trở về thì nhớ hỏi thăm xem như thế nào. Lúc đó, tôi không hiểu ông cụ làm gì, đã có tuổi mà sao nhanh nhẹn và ân cần với mọi người làm vậy. Tôi không dám hỏi và cũng chưa hề nghĩ đấy lại là đại biểu quốc tế, nhưng hình ảnh «ông Ké lãnh đạo» từ giờ phút đó đã in sâu vào đầu óc tôi. Ông cụ vừa đi vừa chỉ đường, dẫn các đồng chí Trung ương đến cửa khe bên núi có hòn đá phẳng dùng làm chỗ ngồi, rồi qua chỗ có cái đu, mới vào tới trong nhà. Đi từ bờ ruộng vào tới nhà độ gần trăm thước.

Ông cụ mời ngồi và bảo :

— Hãy nghỉ ngơi nói chuyện thoải mải đã ! Các đồng chí đi đường xa hẳn là mệt lắm !

Nhưng các đồng chí Trung ương đã lấy bút mực, giấy má, tài liệu ra làm việc...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:32:46 am »

II

Mới hôm nào tới Pác Bó, hôm nay đã sắp rời Pác Bó rồi!

Tôi được chỉ thị chuẩn bị đưa các đồng chí Trung ương và mang tài liệu, phương tiện, súng đạn trở về Chiến khu Bắc Sơn.

Lúc đi còn non nớt, nay về đã cứng cáp hơn, thêm lông thêm cánh, thêm sức bay cao. Được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ của Đảng, người mà mình hằng tôn kính, mong đợi, tin tưởng, tôi sướng vui vô hạn.

Lúc đi chúng tôi chỉ có khẩu súng Dóp 5 tháo bỏ báng cho gọn, nay về có đủ súng ngắn, súng dài, lựu đạn. Hơn nữa, chúng tôi còn có những của cải, những tài liệu vô giá : đó là NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG lần thứ tám.

Lúc đi, chúng tôi chỉ có ba anh em Cứu quốc quân, nay về có thêm nhiều cán bộ nữa bổ sung cho đội ngũ. Trong sổ cán bộ Đảng tăng cường cho Chiến khu Bác Sơn có anh Phùng Chí Kiên. Anh là ủy viên Trung ương Đảng, một đồng chí tuổi đời còn trẻ mà tài năng phát triển rất sớm. Từ lúc gặp anh ở khe núi đất hôm đầu tiên đến những ngày được tiếp xúc với anh ở lớp học, được nghe anh nói chuyện, tôi vừa thấy mến vừa kham phục anh. Dần dà tôi được biết anh Phùng Chí Kiên quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, xuất ngoại đã mười mấy năm. Anh vào «Thanh niên kháng địch hậu viện hội», là một tổ chức của Đảng ta ở nước ngoài để tập họp những người thanh niên yêu nước lại. Anh đã ở khu du kích Sán Đầu, học ở trường Đại học của Hồng quân tại khu Xô Viết, quân sự giỏi, tiếng Hoa giỏi. Năm 1939, khi còn ở Trung Quốc, anh giữ chức liên trưởng Hồng quân Trung Hoa (như đại đội trưởng). Hình ảnh người chỉ huy trẻ tuổi Phùng Chí Kiên ở một khu du kích Trung Quốc làm tôi càng thêm tin tưởng.

Được anh Phùng Chí Kiên về với Bắc Sơn, với Cứu quốc quân, thật là vinh dự và càng biết ơn sự chú ý chăm sóc của Trung ương Đảng đối với chiến khu này, càng biết ơn ông cụ Thu Sơn. Nghĩ đến Ông cụ, tôi càng bồi hồi xúc động...

Bao nhiêu sự việc đã qua, bao nhiêu kỷ niệm về ông cụ Thu Sơn, về Già Thu, người có đôi mắt dịu hiền và rất sáng, có chòm râu đen lơ thơ, dáng dấp nhanh nhẹn ấy, lại như hiện ra trước mắt tôi.

Trong suốt thời gian các đồng chí Trung ương tiến hành hội nghị, tôi và mấy đồng chí Xứ ủy khác được Ông cụ thu xếp cho học tập về chủ nghĩa Mác — Lê-nin. Trình độ văn hóa của tôi còn kém lắm. Nhưng tôi cặm cụi để hết tâm trí vào tài liệu, gắng tìm hiểu những điều nói trong đó. Được gần Ông cụ, tôi vừa mừng vừa cảm động. Ông cụ đã nói cho chúng tôi nghe nhiều chuyện từ Á sang Âu. Tôi bỗng nhớ lại hồi đi học nghe bạn bè kháo nhau: «Nước ta có mấy nhà cách mạng đi ra ngoại quốc». Tôi muốn hỏi, nhưng nhớ lời anh Chính dặn dò về công tác bí mật, nghĩ mình chẳng nên tò mò...

Ngoài giờ học, Ông cụ thường đến chỗ tôi bày việc cho làm, hoặc hỏi tỉ mi về phong trào Bắc Sơn — Võ Nhai. Một lần, Ông cụ bước tới gần tôi, nhẹ nhàng hỏi:

— Chú viết được không?

— Thưa được ạ.

— Chú lấy giấy mực lại đây. Qua lời chú nói về Bắc Sơn tôi sẽ đọc cho chú viết bài thơ này.

Tôi đã ghi bài thơ đó đem về Bắc Sơn, nhưng tiếc rằng đến nay đã thất lạc, chỉ còn nhớ được đại ý là ông cụ khen phong tráo cách mạng ở địa phương.

Không phải một ngày, một buổi, mà là nhiều lần, Ông cụ đã gọi tòi đến dặn những điều chung, điều riêng cho Bắc Sơn, lấy phong trào cách mạng quốc tế động viên tôi, làm cho tòi thấy rõ và tin tưởng sức mạnh của cách mạng trong nước và thế giới, thấy rõ tầm vĩ đại của Cách mạng Nga, thấy rõ sự lớn mạnh của các chiến khu Trung Quốc kháng Nhật...

Một bữa, tôi vào khe tìm một hòn đá làm chỗ ngồi đọc sách. Lưng tựa vào cây, tôi suy nghĩ nhưng hai con mắt cứ lim dim muốn ngủ. Chợt có tiếng động; Ông cụ đã đến gần:

— Này, cố gắng chứ, mới ngồi học mà chú Ba đã muốn ngủ ư ?

Tôi bừng tinh, nhìn lại chỉ thấy lưng áo vải chàm của Ông cụ. Ông cụ nhắc thế thôi rồi đã lại quay về làm việc. Hình dáng, cử chỉ, lời nói của Ông cụ làm tôi ngẫm nghĩ mãi. Ông cụ đang bận họp mà vẫn chú ý tới tôi ngồi học bên khe này? Tôi được Ông cụ săn sóc, nhưng liệu hết thảy những anh em khác có được săn sóc như tôi không? Có lần tôi đi hỏi, các đồng chí trong đoàn đều cho biết là luôn luôn được Ông cụ đến tận nơi nhắc nhở học tập. Ông cụ chỉ nhắc khẽ mấy lời như vậy mà, trong lúc nghiên cứu, tôi không buồn ngủ nữa. Vì nghĩ Ông cụ làm việc mệt nhọc hơn mà còn luôn luôn quan tâm đến mình, phải làm sao xứng đáng với lòng thương yêu săn sóc đó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:33:37 am »

Hàng ngày, được sống gần Ông cụ, tôi thấy thoải mái, lại được Ông cụ kể cho nghe nhiều chuyện bổ ích. Tôi nhận thấy Ông cụ biết rất rộng và rất sâu. Tôi nghĩ: Mình thật là may, được lên đây học tập. Anh Giáo và anh em Cứu quốc quân ở nhà chẳng được cái may mắn như mình. Thế thì mình phải học tập cho tốt để về nói lại cho anh em những điều Ông cụ đã dạy bảo, dặn dò.

Trong những cuộc sinh hoạt chung ban đêm, có lúc Ông cụ kể cho nghe về hoạt động của Ông cụ, chuyện chỉ gồm những mẩu ngắn. Ông cụ không nói nhiều. Đồng chí Phùng Chí Kiên cũng đã được Ông cụ phân công nói cho anh em nghe về việc tham gia Bát Lộ quân, tham gia cuộc Vạn lý trường trinh, tham gia các trận đánh Nhật thắng lợi ở Trung Quốc. Ai có chuyện gì hay, thích thú cũng kể. Tôi cũng kể chuyện chiến đấu ở Bắc Sơn.

Một lần cùng đồng chí Lê ra thăm các làng ở Pác Bó tôi hỏi dò đồng chí Lê về ông cụ. Đồng chí Lê hé cho biết Ông cụ chính là Nguyễn Ái Quốc. Tôi càng kính trọng Ông cụ và tin rằng Cuộc cách mạng càng đi gần tới thắng lợi.

Một hôm trinh sát báo tin là Tây đồn Sóc Giang dẫn quân đi tuần vào vùng chúng tôi đang ở. Một số đồng chí xách súng đi. Các đồng chí Trung ương phân công nhau mang các tài liệu. Ra khỏi nhà là dọc ngược khe. Ông cụ bảo chúng tôi:

— Đến đỉnh núi có ngã ba, có ngả rẽ sang biên giới Trung Quốc. Lên đến đấy, địch không làm gì nổi.

Tôi không ngờ Ông cụ lại thông thuộc địa hình địa vật vùng này đến thế.

Ông cụ chỉ xách cái máy chữ; súng và tài liệu trao cả cho chúng tôi. Tôi nói:

— Cụ giữ tài liệu, còn máy chữ đưa tôi cầm ạ!

Ông cụ đáp:

— Thôi chú cứ giữ tài liệu và súng, để tôi cầm máy.

Tôi vừa sung sướng vừa băn khoăn thăm nghĩ: «Mình thanh niên giữ súng đã đành. Nhưng sao Ông cụ đưa mình giữ cả tài liệu quan trọng nữa! Ông cụ tin mình lắm đây. Mà sao Ông cụ chỉ giữ có cái máy chữ?».

Ông cụ với cái máy chữ thật cứ như bóng với hình. Ở gần, tôi ít khi thấy Ông cụ dùng bút mực. Chỉ có tập giấy trắng để đánh máy và Ông cụ ngồi đánh ngày này qua ngày khác. Thông thường, không thấy Ông cụ viết bản nháp, chỉ thấy Ông cụ hết đánh máy chữ lại xem, rồi lại đánh máy chữ,

Ông cụ thật là một người mẫu mực : từ việc ăn ngủ đều giữ nền nếp, giờ nào việc ấy, trừ khi tình hình thay đổi. Ông cụ nói là làm, nhắc ai thu xếp gì là chỉ dẫn cách làm ngay.

Gian nhà sàn chỉ nhỏ như cái lán. Ngay trước cửa lán có một cây Hoa Mạ, hoa vàng đang nở rộ. Sáng sáng. Ông cụ đã đánh thức anh em dậy tập thể dục. Gác đồng chí Trung ương và Ông cụ đều đi ra tràn ruộng bậc thang. Riêng Ông cụ tập nhu quyền rất đẹp. Tôi vốn thích quyền, cử ngắm mà học nhẩm, sau đó vào rừng bí mật bắt chước. Ông cụ chăm luyện thân thể, trách nào chẳng nhanh nhẹn, khỏe mạnh? Tôi để ý thấy Ông cụ ngồi xổm theo lối của đồng bào địa phương cũng được rất lâu. Lại cả khi leo núi, bước chân Ông cụ cứ thoăn thoắt. Tôi bận học tập, ít khi được dịp cùng với Ông cụ leo núi. Một buổi, chúng tôi được theo Ông cụ đi thăm hang. Hôm ấy, Hoa Mạ tháng tư nở vàng rực từng chùm. Rừng núi rộn ràng tiếng chim họa mi, chim khướu. Trời nắng ấm, cái nắng cuối xuân sang hè. Mấy bác cháu đi, bên này núi đất, bên kia núi đá, xa xa thác nước tung xuống trắng xóa như hoa bạc nở. Ông cụ chống gậy thăm rừng, rồi vào thăm hang, đến cả những nơi mà dân làng không dám vào. Đôi lúc Ông cụ quay lại nhắc chúng tôi bám sát để khỏi lạc. Theo bước Ông cụ, qua từng chỗ có địa thế, Ông cụ lại vạch ra cách đối phó với địch. Khi vào sâu trong hang, Ông cụ nói:

— Bà con ở đây còn mê tín, không dám vào đây vì sợ có ma thiêng, có hùm beo, chứ mình là người cộng sản không tin có ma quỷ gì. Trong hang sâu chỉ có khí lạnh thôi.

Ở mọi nơi, trong mọi lúc, Ông cụ đều quan tâm giáo dục chúng tôi. Chẳng bỏ phí một dịp nào, một giờ nào nếu không nói chuyện với các đồng chí Trung ương, với chúng tôi, thì Ông cụ lại đi gặp đội bảo vệ hoặc gặp nhân dân. Thanh thiếu niên ở đây được Ông cụ giáo dục kỹ càng. Các em đi thả trâu bò quanh đó. Thanh niên nam nữ thì hát si hát lượn, mới thoạt nhìn thì có vẻ nhàn nhã, nhưng chính họ, trong giờ phút đó, đang làm tai mắt cho cách mạng, bảo vệ cơ quan. Ông cụ thường bảo chúng tôi: « Làm cách mạng không thể một mình làm được, mà cần nhiều người, cần toàn dân. Muốn được toàn dân ủng hộ, cán bộ phải tranh thủ mọi nơi, mọi lúc tuyên truyền, động viên, giáo dục quần chúng». Ông cụ lại hay nhắc riêng tôi: «Đồng bào dân tộc ít người ở đâu cũng vậy, đã tin thì tin đến cùng. Chú là người dân tộc, cùng dân tộc hiểu nhau dễ, nhưng luôn luôn phải thận trọng trong công tác ».

Những lời dạy bảo ấy đối với tôi rất thấm thía. Tôi nghĩ đến anh em Cứu quốc quân ở nhà, bụng bảo dạ:

« Lần này về phải kể tỉ mỉ cho anh em nghe mới được ».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM