Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:08:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hiroshima trong cơn ác mộng  (Đọc 7355 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2020, 02:31:49 pm »


I5-9-I945

        Sau bữa điểm tâm, có mấy nhân viên Ty Bưu Điện Kuré tới thăm tôi và cho tôi biết tin những người Mỹ đã đổ bộ tại đó rồi...

        Danh từ « Shinchu-Gun » vói ý nghĩa «lực lượng chiếm đóng », đối với tôi, quả đã xa lạ như chính những lực lượng ấy. Tin đó khiến tôi buồn bã khi nghĩ tới hải cảng quân sự lớn lao của chúng tôi tại Kuré đã bị chiếm cứ bởi địch quân rồi. Từ thuở nhỏ, tôi đã học nên biết mà coi Kuré như một pháo đài tối quan trọng và một cứ điểm trọng yếu của Hải Quân Hoàng Gia. Vậy mà bây giờ, nó đã thuộc về tay những kẻ ngoại bang và không ai có thể biết rằng rồi đây, nó sẽ có được giải tỏa để sự lưu thông được tự do hay sẽ trở nên một khu cấm địa ?

        Các bạn tôi cũng báo cho tôi biết tin : rồi đây, khu Ugina — hiện đang dùng làm bến tàu tại Hiroshima — cũng sẽ bị chiếm đóng nốt. Để phòng ngừa những cuộc biến chuyển rất có thể xảy ra ấy, ai nấy đều lo dựng những hàng rào xung quanh nhà và lắp những ống khóa thật lớn nơi các cửa ra vào và cửa sổ, bởi họ nghe đồn rằng các binh sĩ của các lực lượng đồng minh rất tôn trọng những ngôi nhà đã khóa cửa kỹ lưỡng cũng như các khu đất đai đã được rào dậu kín đáo.

        Trước đây ít lâu, những binh sĩ đồng minh đã thường xuất hiện nơi bệnh viện chúng tôi. Rồi, người ta trông thấy họ càng ngày càng nhiều tại xung quanh nhà ga xe lửa trung ương Hiroshima.

        Ty Bưu điện đã bắt đầu phân phát thư tín kể từ ngày 1-9 và hôm ấy, tôi đã ngạc nhiên khi nhận được tới 24,25 bức thư. Tôi chăm chú đọc từng bức thư một và xem xét kỹ ngoài phong bì. Có nhiều cái được đóng dấu từ ngày 12-8; đó là thư của các bạn tôi sau khi họ đọc bài tường thuật của tôi trong báo Sangyo Keizai. Họ tỏ ý vui mừng khi hay tin tôi còn sống và ca tụng bài tường thuật nói trên của tôi... Có những bức thư khác được đóng dấu từ ngày 10-8 của các bạn gửi tới với những nỗi lo âu thắc mắc vì không được tin tức của tôi nên không hiểu tôi sống chết ra sao.
         
Số các bệnh nhân tại đây giảm xuống một cách mau chóng và chỉ còn những người nào không thể  cử động được mới còn ở lại mà thôi. Họ đã tìm đường lánh nạn bởi mỗi ngày mỗi thêm sợ hãi những đoàn quân chiếm đóng mặc dầu họ chưa trông thấy... Một số lớn còn ở lại với chúng tôi đều là những trẻ mồ côi vì chúng không có gì để phải sợ những người xa lạ ấy cả.

        Tôi gặp một đám trẻ em đang chơi đùa trước thềm bệnh viện. Tất cả mọi thứ đều trở nên những đồ chơi của chúng : những nắm cỏ, những mảnh gỗ vụn, những hòn đá sỏi với những hình thù kỳ dị. Một đám trẻ em khác đang chơi trò xây cất một toà lâu đài nhỏ trên một tấm hình của Thiên Hoàng Minh Trị. Tôi liền hỏi chúng :

        — Các em lấy tấm hình đó ở đâu ra vậy?... Các em có biết đó là hình của Minh Trị Thiên Hoàng hay không ?

        Không biết là đã vô tình mắc tội phạm thượng, chúng thản nhiên trả lời :

        — Thưa bác sĩ, có cả đống những hình nảy trong đám nhà đổ tại Tồng hành Dinh mà !

        Tôi liền cất giọng nghiêm nghị bảo chúng : — Các em phải kính trọng hình ảnh của Thiên Hoàng, nếu không thì các em sẽ bị trừng phạt nặng nề đấy !... Bây giờ, tốt hơn hết là các em nên đưa tấm hình ấy cho tôi !

        Lũ trẻ không ngăn ngại mà trao ngay tấm hình cho tôi. Nét mặt chúng lộ vẻ ngạc nhiên pha lẫn sự bất mãn. Khi trở về phòng, tôi tự hối vì đã đối xử với chúng bằng một thái độ quá nghiêm khắc như vậy.

        Sau bữa cơm trưa, tôi hay tin người ta có thể trông thấy những đoàn quân chiếm đóng tại xung quanh nhà ga trung ương. Mặc dầu trời mưa, tôi cũng quyết định tới đó để xem cho biết. Dọc đường, tôi chợt có cảm giác lạ lùng khi gặp rất nhiều thanh niên để tóc dài và không đội mũ. Tới gần nhà ga, tôi gặp một toán thanh niên khác cũng để tóc dài. Người ta cho tôi biết đó là kiểu tóc mới nhất đang thịnh hành tại đây. Tôi tự nhủ: « Phải đấy. Đã bại trận rồi, các anh hãy để tóc dài đi ! ». Hồi còn là sinh viên, chúng tôi thường chơi trò giao tranh với các sinh viên trường khác. Khi bên nào thua liền bị trừng phạt bằng cách cạo trọc đầu đi như dấu hiệu tang tóc. Trong thời chiến tranh, phong trào để tóc ngắn rất thịnh hành. Nhưng, ngày nay thì không một ai muốn bị coi là một binh sĩ giải ngũ bởi sợ những thủ đoạn trả thù của những kẻ chiến thắng.

        Nhà ga trung ương đã đen nghịt những người. Họ chen chúc nhau lộn xộn và có vẻ nóng ruột khác thường. Chúng tôi không thấy một binh sĩ đồng minh nào cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2020, 02:32:13 pm »


        Những cửa tiệm nhỏ, hay nói cho đúng hơn là các sạp hàng rộng bằng một chiếc chiếu (tatami), đã được cất dài thành từng dẫy tại các đường phố lân cận nhà ga. Các sạp hàng này đứng khít bên cạnh nhau khiến khách mua không thể đi vòng xung quanh được. Tại đó, người ta bày bán đủ mọi thứ. Có vài căn lều nhỏ dính đất bùn nhơ nhớp được mệnh danh là quán ăn. Một trong những quán ấy chuyên bán món « Somen » là một thứ mì nấu, ăn lẫn vái những sợi rong biển. Một quán khác chuyên bán món «Kantoni» gồm những cộng rau trộn lẫn với những miếng cá và thịt rồi người ta xiên vào những cái que nhọn đầu bằng tre mà nướng trên lò than. Một quán khác nữa chuyên bán món «Yomogi»là một loại bánh ngọt đặc biệt làm bằng bột gạo. Những quán ăn thuộc loại này dơ dáy một cách kinh khủng, vậy mà coi có vẻ phát đạt lắm.

        Đa số những người đàn ông mà tôi gặp đều mặc quân phục, nhưng có vài thiếu nữ cũng mặc như vậy. Tôi thấy có rất ít sắc phục hải quân. Oai vệ hơn hết là những chàng trai mặc bộ đồng phục màu hạt dẻ của các phi công với những đôi giày cao cồ bằng da. Nói đúng sự thực ra thì lúc đó, tôi cũng ước ao một bộ đồng phục như của họ. Tôi gặp một thiếu phụ nghèo khổ mà bề ngoài của bà đã khiến tôi phải tê tái cõi lòng vì bà đang mặc chiếc « kimono » trong ngày lẽ cưới và trên lưng mang một bao đây khoai lang. Bà ta đã mất hết tất cả áo làm việc nên đành phải mặc chiếc áo quí giá duy nhất ấy của mình trong khi chạy trốn những cuộc oanh tạc của quân thù.

        Một phòng bán vé lâm thời đã được thiết lập ngay trên đám đất hoang tàn của nhà ga và người ta đã cấp tốc đặt một cái mái trên những cây cột để cho hành khách chờ xe có chỗ trú mưa.

        Tôi ngừng lại trong giây lát để ngắm những khách lữ hành qua lại. Những chàng quân nhận giải ngũ, mang những chiếc túi lớn bằng vải trên lưng, chen chúc trong đám thường dân tỵ nạn. Tôi thấy một bé trai, chỉ mặc có chiếc quần lót năn nỉ xin ăn trước đám người ngồi xổm dưới đất và đang ăn uống. Nó cứ đứng lì một chỗ cho đến khi người ta bố thí cho một miếng mới chịu đi chỗ khác. Hình dáng thảm thương của thằng bé đó khiến tôi hồi tưởng đến những đứa trẻ đói khát mà tôi đã trông thấy từ hồi 17, 18 năm về trước, trong những thành phố bị phá hoại tại Mãn Châu và Cao Ly. Những đứa trẻ ấy cũng đã lạy van chúng tôi để xin những miếng ăn thừa thãi. Không có gì đáng tượng trưng cho cái nhục bại trận hơn là những hình bóng lạc loài trôi giạt đáng thương trong đám nhân loại này. Không thể chịu đựng lâu hơn trước khung cảnh thương tâm thảm mục này, tôi lủi thủi quay về bệnh viện. Trên đường về, tôi đi loanh quanh một vòng và qua Tổng Hành Dinh của Bộ Chỉ Huy Miền Tây và của Đoàn Kỵ Binh,

        Trong bầu không khí yên lặng đến xót xa của những cảnh hoang tàn — ngoại trừ những tiếng mưa rơi tí tách đều đều không thay đổi — tôi cảm thấy tâm hồn tràn ngập một nỗi thất vọng khi nghĩ đến những sĩ quan trước kia đã là đối tượng để chúng tôi cảm phục tôn sùng... Ngày nay, số phận, của họ đã ra sao ?

        Tôi đã được biết rất nhiều chuyện trong khi đi một vòng quanh nha ga, Tại đó, tôi đã thấy một viên sĩ quan già, với mớ tóc búi theo lối xưa, đang ngồi xổm trong một góc và một lũ trẻ lạc loài đang bao vây ông để xin ăn, Hoạt cảnh đau thương đã hiện ra rõ ràng trước mắt tôi : những nạn nhân chiến tranh với tấm thân hao mòn vì mỏi mệt; những quân nhân giải ngũ ; những người già cả ngồi tựa lưng nơi những cây cột đã cháy thành than ; những người lang thang cất bước trên con đường vô định, thản nhiên với tất cả mọi người xung quanh và nhất là những đám hành khất kéo nhau đi như nước lũ.

        Sau bữa cơm chiều, những ý nghĩa của tôi liền quay trở lại một lần nữa với những khung cảnh mà tôi đã thấy tại nhà ga trung ương Hiroshima —  Hình như ai nấy đều cùng sống một cách riêng tư ích kỷ trong lúc này — Một xã hội thê lương đang được phát sinh ! Trong khi những kẻ đau khổ này đang sống một cuộc đời lang thang đói khát thì những kẻ kia vẫn ngụp lặn trong cuộc sống: xa hoa lãng phí như vừa mới được hưởng gia tài. Cũng như những chàng trai mang sắc phục phi công trông thì có vẻ oai nghi hơn ai hết, nhưng sự thực thì chúng đã chẳng khác chi những phường trộm cắp hoặc những chính trị gia hạ cấp vậy. Lúc nào chúng cũng có vẻ vênh váo kiêu căng trông thật đáng ghét. Chúng bước vào các tiệm buôn nhỏ, chen lấn tất cả mọi người rồi đưa bàn tay thô bỉ vuốt ve những cô gái lẳng lơ và cử chỉ hết sức lố lăng hèn hạ. Người ta cho rằng ngày nay, hết thảy đều thuộc quyền sở hữu của bọn chúng. Xứ sở đang rơi vào tay những phường dâm ô bợm bãi và những phường ngu ngốc vô liêm sỉ.

        Tôi bỗng cảm thấy căm giận chúng thậm tệ và tôi đã nghiến chặt hàm răng khi nghĩ tới chúng đang ngang nhiên xâm lấn cả chính quyền.

        Thế là những điều kiện sống đã đến lúc biến đổi cả rồi ! Còn gì dành cho tương lai của những vị sĩ quan trở về già của nước Nhật Bản này nữa hay không ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2020, 02:33:06 pm »


16-9-1945

        Trời vẫn mưa. Những đám mây thấp và u ám.

        Sáng sớm hôm nay, tôi tiếp Bs Akiyama. Thường lệ, ông không hay đến sớm như vậy bao giờ. Bởi vậy, tôi cười nói với ông :

        — Xin cho tôi được phép ngợi khen bạn. Rất hiếm có khi nào được thấy bạn đến làm việc sớm như hôm nay đấy !... Nguyên nhân nào đã gây ra cuộc biến chuyển thú vị này ?

        Bs Akiyama thường rất ưa những câu chuyện vui đùa, nhưng lần này ông đã thản nhiên trước sự đặc biệt chú ý đó của tôi và trông ông có vẻ ngơ ngác như một người đang bị lùng bắt vậy.

        Ông đưa mắt nhìn xung quanh với vẻ đầy lo ngại trước khi trả lời tôi khiến tôi ngạc nhiên nên vội hỏi :

        — Ô kìa, sao bạn phải đề phòng kỹ như thế ?

        Với giọng dè đặt, ông thì thào bên tai tôi :

        — Hoàn cảnh của chúng ta đã trở nên nguy ngập rồi ! Vợ của bạn đang ở trước một tình trạng hiểm nghèo khôn tả ! Chúng ta phải chạy trốn ngay đi. Tôi van bạn, chúng ta phải chạy trốn ngay cho kịp thì giơ kẻo khi các lực lượng đồng minh đổ bộ  tới đây thì sẽ quá muộn... Chúng ta sẽ mất hết... Bạn hãy nên tin tôi đi vì đó là sự thực... Tôi hiểu rõ những lời tôi đang nói đây mà.

        Tôi chớp chớp mắt và ngập ngừng hỏi:

        — Bạn tin như vậy thật ư ?

        — Đúng vậy, bạn ơi ! Tụi chúng sẽ chẳng lùi bước trước một trở lực nào đâu... Bạn tôi được phép dẫn vợ chồng bạn ra khỏi thành phố này... Nếu bạn từ chối thì hãy để tôi đưa vợ bạn đi vậy. Một lần này, xin bạn hãy tin lời tôi đi... Tôi nói là vì tôi đã hiểu rõ vấn đề quá rồi.

        Tôi vô cùng cảm kích trước trạng thái xúc động và tấm lòng thành thực ấy của Bs Akiyama. Đã từng tham chiến tại mặt trận miền Bắc nước Trung Hoa nên nay ông quá lo sợ khi sẽ phải thấy tái diễn những cảnh hiếp chóc dã man mà ông đã nhiều phen chứng kiến.

        Tôi ân cần nói;

        — Tôi xin đa tạ những lời khuyên nhủ chân thành ấy của bạn. Thực quả là tôi rất cần sự giúp đỡ quý báu của bạn và tôi sẽ nói lại cho vợ tôi biết về việc bạn đã nhiệt thành muốn giúp đỡ chúng tôi... Nhưng, xin bạn làm ơn cho tôi có thì giờ suy nghĩ đã... Những lời bạn vừa nói đã khiến tôi rối loạn tinh thần nên tôi chưa có thể quyết định được việc gì cả.

        Trong khi tôi nói chuyện với Bs Akiyama thì thằng bé Masao — cháu gọi tôi bằng cậu — xuất hiện nơi khung cửa và nó lẽ phép đứng chờ. Masao là một thanh niên mới 16 tuổi, tính nết trầm tĩnh và khiêm tốn dễ thương. Nay trông nó lớn hẳn hơn khi tôi gặp nó lần trước. Hôm nay, nó mang đến biếu tôi một thùng trái lê mà nó đặt trên bàn kế bên chỗ tôi ngồi.

        Khi Bs Akiyama đi khỏi, Masao cho tôi biết tin tức về thành phố Okayama. Thằng bé này đã trải qua một thời ấu trĩ nhiều gian nan vất vả đã hằn dấu vết trên thân hình và gương mặt. Trông thấy nó, tôi chợt nhớ đến mẹ nó là chị ruột của tôi và bao nhiêu cơn thử thách mà chị đã can đảm vượt qua. Chồng của chị đã được gửi đi công cán tại Java từ trước thời kỳ chiến tranh rồi khi chiến cuộc bùng nổ, anh đã bị trục xuất khỏi Java mà cũng không được phép trở về quê hương. Đã từ hai năm nay, gia đình không hề nhận được một tin tức gì về anh nữa. Ngôi nhà của chị tôi đã hoàn toàn tiêu diệt và tới tháng 6, chị đã cùng đứa con trai trở về Yokoi là nơi sinh quán của tôi. Tôi hỏi thăm Masao về sức khỏe của mẹ và hai em gái nó cùng tất cả bà con trong họ. Nó nói tất cả mọi người đều binh yên khiến tôi rất vui mừng. Tôi cũng đã kiếm lời an ủi nó và khuyên nó nên an tâm về số phận của cha nó mặc dầu vẫn biệt vô âm tín.

        Trong ngày hôm nay, tôi đã liên tiếp nhận được hai nguồn tin mới đang làm xôn sao khắp mọi phòng bệnh : đó là tin những người mới đến Hiroshima đã bắt đầu đau đớn vi chứng bịnh nguyên tử và tin những người vốn ở lâu tại Hiroshima sẽ trở nên sói đầu và chết nội năm nay. Tuy nhiên, con số những bệnh nhân của tôi vẫn không ngừng hạ thấp bớt và những người còn ở lại bệnh viện thì đã thuyên giảm rất nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2020, 02:33:25 pm »


        Khi trở về phòng, tôi thấy vợ tôi và bà Saeki đang vui cười và thì thào nói chuyện như có vẻ gì bí mật. Thì ra bà Shima, cô chúng tôi, đã đem đến tặng Yaeko-San một cái áo ngắn lót lông thú và nàng đang mặc thử rồi bắt chước điệu bộ như một cô kiểu mẫu chuyên nghiệp.

        Riêng phần tôi thì tôi cũng nhận được một món quà bất ngờ do Tổng Văn Phòng Miền Tây gửi tặng : đó là một bộ đồng phục và một cái áo tơi trùm đầu kiểu nhà binh. Thế là ít nhất thì vợ tôi và tôi cũng sẽ được ấm áp trong mùa Đông năm nay.

        Giữa lúc chúng tôi đang ngắm nghía những tặng phẩm quý báu đó thì ông Mizoguchi bước vào và reo lên:

        — Bộ đồng phục này thực xứng với ông quá ! Có lẽ đây là sắc phục của cấp sĩ quan bởi vì những bộ kiểu khác đều quá ngắn và quá chật hẹp.

        Khi thấy những bộ quần áo này, hình như ông Mizoguchi đã phân vân không biết có chuyến tặng phẩm nào mới đến hay chưa và vốn là người không thể bỏ qua một cơ hội may mắn nào ông liền vội vã sang ngay Văn Phòng để yêu cầu dành riêng một phần cho bệnh viện.

        Buổi chiều, ông trở về và báo cho tôi biết tin:

        — Tôi vừa ra phố và thấy từng đống không lồ những quần áo mà phần nhiều được xếp ở ngoài trời dưới cơn mưa gió. Tôi yêu cầu nhà chức trách dành cho chúng ta một phần và được họ chấp thuận ngay một cách dễ dãi. Họ bảo tôi cứ tự tiện xếp riêng qua một bên những gì có thể  giúp ích cho chúng ta và hứa sẽ cất giùm để ngày mai tới lấy đi. Sáng sớm mai, tôi sẽ đem chiếc xe bốn bánh đi chở những quân áo đó về... Bác sĩ hãy tin tưởng ở nơi tôi đi !... Khi đã phân phát đủ số cho toàn thể bệnh nhân tại đây rồi, thể nào cũng sẽ còn đủ để phân phát cho các nhân viên của chúng ta nữa.

        Sau bữa cơm chiều, cuộc đàm thoại của chúng tôi lại trở về với cuộc đầu hàng vô điều kiện. Một sự kiện đã trở nên chắc chắn là Lục Quân và Hải Quân sắp bị giải tán ; những vũ khí và đạn dược sẽ bị sung công hết.

        Theo một nguồn tin có vẻ chắc chắn thì lực lượng của ông Tương Giới Thạch sẽ chiếm đóng Shikoku và tất cả các kho vật liệu — trong số có cả quân phục — sẽ được trao lại cho quân đội Trung Hoa. Tin này đã giải thích cho tôi hiểu rõ cái nguyên nhân khiến sở Quân nhu đã cố gắng di chuyển một số lớn vào rặng núi và có rất nhiều phẩm vật được chuyên chở bằng những đoàn xe lửa đi về các làng xóm nhỏ miền sơn cước để phân phối cho các đồng bào tỵ nạn và những quân nhân giải ngũ.

        Tất cả các chuyến xe lửa rời khỏi Hiroshima đều đi về các ngả đường Mihara, Sangyo và Geibi đều đây ních hết. Có nhiều người đã ngang nhiên chiếm đoạt những tài sản của quân đội, họ viện dẫn lý do rằng họ đã phải đóng nhiều sắc thuế má nặng nề trong thời kỳ chiến tranh rồi nên nay họ có quyền chiếm lấy để bù lại. Một số người khác đã công khai phủ nhận là mình ăn cắp bởi lẽ một khi quân đội đã giải tán rồi thì không ai có đủ quyền thừa nhận những tài sản ấy một cách hợp pháp hơn là chính những người đã đóng góp thuế má để nuôi sống quân đội.

        Trong thành phố đã nhan nhản những quân gian phi trộm cắp, Một số trong bọn đó còn giữ được tư cách hào hiệp bởi lẽ họ đem những của trộm cắp ấy chia cho những người nghèo khổ... Nhưng, còn đa số thì... than ôi! đã không có tấm lòng vị tha đáng quý ấy... Chúng đã đem bán những của trộm cắp ấy để lấy tiền hầu tạo nên một cơ nghiệp vững chắc trong nay mai. Sự vắng mặt của đoàn quân cảnh lại càng khiến cho những kẻ gian phi này được tự do hoành hành thêm nữa.

        Trong lúc đang còn chiến tranh, không một ai dám nghĩ đến những hành vi trộm cắp. Những của cải quý báu nhất đã có thể được đem bày ra đầy đồng, cũng không cần phải có nhà chức trách bảo vệ, mà không một ai dám đụng chạm đến. Nhưng, ngày nay thì không một vật gì có thể  an toàn dù là đã được niêm phong cẩn thận.

        Chúng tôi đã chóng mặt khi nghĩ đến những khoản lợi tức mà chúng tôi đã phải trích ra đóng thuế tới 80% để giúp cho quân đội mua sắm những vật liệu này... Ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, có lẽ may ra thuế má sẽ được giảm bớt chăng? Và không một ai trong chúng tôi dám nghĩ đến những phí khoản vĩ đại sẽ được xử dụng cho việc tái thiết xứ sở.

        Đêm qua đến tận khua, chúng tôi mới đi nằm vuốt ve niềm hy vọng là chúng tôi sẽ được một cuộc đời vô tư lự trong một quốc gia bình thịnh vượng,không phải đóng thuế không bị những đoàn quân cảnh rình mò soát bao giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:35:00 pm »


17-9-1945

        Sáng nay, khi tôi thức dậy thì trời vẫn mưa.

        Sau bữa điểm tâm, tôi nhận được một xấp thư, trong số có thư của Bs Moriya kèm theo mấy tấm hình. Đó là những tấm hình của chúng tôi do ông đã chụp trong chuyến viếng thăm lần trước. Khi giơ hình lên gần mắt để xem, tôi ngạc nhiên vì thấy rất ít sẹo ở trên thân thể mọi người. Tôi đã có ít nhất là 150 vết sẹo khắp toàn thân, vợ tôi có chừng 15 vết — dù nhỏ —  Bs Sasada bị phỏng nặng trên mặt và Bs Koyama bị thương trên đầu. Vậy mà những vết thương ấy đã không hiện rõ rệt trên những tấm hình này. Bất giác, tôi đưa tay khẽ vuốt ve những vết sẹo săn sùi trên mặt với ý cầu mong cho nó hoàntoàn biển mất hết đi như ở trong tấm hình. Nếu không, tôi sẽ giống như chàng Yosu, một trang dũng sĩ thần thoại đã bị thọ thương, với nhiều vết sẹo rạch sâu trên mặt, trong những cuộc giao tranh rối rút cuộc, trông chàng chẳng khác chi một tên cướp đường vậy. Tôi không thể tin rằng Bs Sasada có thể lấy lại gương mặt khôi ngô tuấn tú... rằng khuôn mặt của vợ tôi không bị biến dạng bởi những vết sẹo ấy. Có lẽ các nhiếp ảnh viên đã dùng xảo thuật để che dấu những vết tích xấu xa ấy của chúng tôi chăng ? ... Tôi đã nhận thấy trên tấm hình những chiếc giường cong queo đen xì, những đống gạch ngói vụn nát và những cuộn giây điện rối tung ngổn ngang trên mặt đường.

        Những tấm hình này là vật kỷ niệm rất quý báu đối với chúng tôi nên tôi đã gửi thư cảm ơn Bs Moriya về việc ông đã có mỹ ý gửi tặng chúng tôi món quà này.

        Nghĩ rằng các bệnh nhân khác cũng sẽ rất sung sướng khi nhìn thấy những tấm hình này nên tôi đã đem nó đi khắp mọi nơi, từ bệnh viện đến Văn Phòng Bộ Giao Thông để mọi người cùng xem.

        Dọc đường, tôi gặp ông Oishi, người mà tôi đã không ngớt tìm kiếm từ hôm được nghe ông Yasuda kề chuyện ông đã góp công trạng lớn lao vào việc bảo vệ pho tượng của Thiên Hoàng.

        ông bảo tôi :

        — Thưa bác sĩ ! Trông ông có vẻ khá hơn kỳ trước khi tôi được gặp ông. Hồi đó, ai cũng tưởng là ông không thể nào sống nổi. Ông có biết được những nỗi lo âu phiền muộn mà ông đã gây ra cho chúng tôi hay không ?

        Tôi đáp :

        — Người ta vẫn thường nói thế với tôi... Nhưng, xin ông đừng nói gì về tôi vì chuyện đó không ích lợi chút nào cả. Sở dĩ mời ông vào đây là vì tôi muốn được nghe ông tự kể chuyện về ông cơ.

        Õng vẫn ung dung nói tiếp :

        — Khi người ta đem ông về bệnh viện, tôi đã tưởng ông không tài nào thoát chết được. Tôi đang quét dọn phòng giải phẫu thì Bs Katsubé và ông Sera bước vào yêu cầu tôi đừng gây nên tiếng động bởi lẽ ông đang nằm tại phòng kế bên... Chúng tôi cố hết sức gượng nhẹ để khỏi gây nên tiếng động, nhưng vô hiệu quả... Nếu ở địa vị chúng tôi thi ông phải làm sao... khi ông đang quét dọn một căn phòng đầy những gạch ngói vụn nát, những mảnh kính và những dụng cụ đổ vỡ lung tung ?

        Tôi năn nỉ :

        — Tôi van ông... đừng nói chuyện về tôi nữa. Tôi chỉ muốn biết những gì đã xảy ra cho chính ông mà thôi. Ông Yasuđa đã nói với tôi rằng ông đã lập được một kỳ công đáng ghi nhớ.

        Ông Oishi cúi đàu xuống và gương mặt ông thoáng hiện một vẻ kiêu hãnh. Rồi, ông bắt đầu kề :

        — Tôi đã thấy một làn chớp trắng xóa và phỏng đoán ngay rằng chúng ta đã bị oanh tạc. Tôi liền nằm lăn xuống đất rồi bịt mắt và tai lại. Đồng thời, tôi cảm thấy đau đớn như bị đụng phải một vật gì cứng. Tuy nhiên, khi đứng lên và xem xét lại, tôi đã ngạc nhiên vì không thấy một thương tích nào cả. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là những phi cơ địch đã oanh tạc ra ngoài mục tiêu. Rồi, tôi nhận thấy là tôi đã bị quẳng ra khỏi phòng và tất cả mọi vật xung quanh tôi đều bị xụp đổ hết. Cảnh tượng ấy khiến tôi lại nghĩ rằng chúng ta cũng đã bị thiệt hại nặng nề rồi. Tôi đi về phía chiếc cửa sổ đã bị bật tung hết những bản lề...  Nhìn ra phía xa xa, tôi đã chỉ thấy những cảnh hoang tàn chìm trong khói lửa. Thế là thành phó đã bị phá hủy ! Thế là đã xảy ra một biến có cực kỳ nghiêm trọng rồi !

        Tức thì tôi nhảy bốn bực thang một mà chạy xuống trong khi cất tiếng kêu gào inh ỏi với ý định phải làm một việc gì trước tai biến phi thương này. Có rất nhiều người đang đứng lố nhố trong hành lang với dáng điệu hoàn toàn ngây dại. Tôi tập trung họ lại và ra lệnh cho họ khiêng những ngươi bị thương tới bệnh viện. Chỉ một lúc, tất cả các phòng cũng như các dãy hành lang đeu đầy nghẹt những ngươi bị thương nên chúng tôi phải đặt họ nằm xếp hàng ra tận ngoài vườn, dài theo dãy hàng rào. Một mình tôi đã di chuyển được năm người bị thương, bằng một cách khó khăn. Sau đó, tôi trở về văn phòng để xem xét khắp mọi nơi... tôi nhòm cả xuống gầm những bàn ghế và vào tận các phòng rửa mặt để được yên trí rằng không còn ai bị chôn vùi dưới đống gạch ngói vụn nữa... Đoạn, tôi vào căn phòng riêng là nơi chúng tôi bảo tồn pho tượng của Thiên Hoàng. Tới đó, tôi gặp các ông Kagehira, Yasuda và Aivaya. Họ đang phá cửa bằng những nhát rìu thật mạnh và sau càng, đã lấy được pho tượng của Ngài Ngự, rồi chúng tôi cùng với ông Ushio rước ra ngoài. Theo một lộ trình cong queo khúc khuỷu ở phía sau những trại lính, chúng tôi ra tới bờ sông, gần công viên Asano Sentei.

        Ông Ushio rước pho tượng Ngài Ngự đến Hakushima, phía bên bờ sông đối diện, tới một địa điểm tiếp giáp phía Bắc nhà ga xe điện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:35:59 pm »


        Tới đấy, ông Oishi hạ thấp giọng để tỏ lòng tôn kính Thiên Hoàng. Rồi, ông lại kể tiếp :

        — Khi ông Ushio rước pho tượng qua sông thì phòng Thí Nghiệm và Nghiên Cứu Kỹ Nghệ, gần cầu Tokiva, phát hỏa và đồng thời biến thành một lò than khổng lồ đỏ rực. Tất cả mọi người đang ở gần phòng Thí Nghiệm đều phải lao mình, xuống sông trong khi tòa nhà dang từ từ xụp dơ hầu tránh khỏi nạn bị chôn vùi dưới hàng tấn sắt đã bị nung đỏ. Tôi thấy những người khốn khổ ấy đã rơi từng chùm xuống nước và đa số đã bị chết đuối. Hôm sau, có hàng ngàn xác chết lập lờ trôi nổi trên suốt dòng sông.

        Trong khi đang nhìn những ngươi trong đám lửa và vùng vẫy dưới sông thì tôi trông thấy một chiếc thuyền đi qua. Một người đàn ông nằm co quắp trong lòng thuyền với chiếc đầu gần lìa khỏi cổ và một người đàn bà ra sức chèo thuyền với về mặt ngơ ngác vì sợ hãi. Tôi liền cất tiếng gọi bà ta ghé vào bơ, nhưng bà ta không nói nói năng gì cả. Tôi chợt nhận ra rằng bà ta đã mất trí rồi ! Tôi dành chiếm lấy chiếc thuyền và đưa được một số nạn nhân qua sông... Tôi không nhớ là đã chở được bao nhiêu chuyến vừa đi vừa về như một con thoi từ bờ bên này qua bờ bên kia. Nhưng, số ngươi bị thương đứng xếp hàng dài hầu như bất tận, tôi đành phải giao mái chèo cho một ngươi khác vì đã mệt lả ra rồi.


        Đột nhiên, ông Oishi nói qua vấn đề khác :

        — Những gã trong quân đội quả là láu cá. Hôm sau, tôi gặp một gã đi xe đạp về phía Hesaka để ngủ qua đêm tại đó. Y có hai con gà buộc ở phía sau xe. Tôi hỏi y đã lấy gà đó ở đâu thì y đáp rằng y đã lượm được ở trong xạ trường. Tôi lại hỏi lai lịch của chiếc xe đạp thì y thản nhiên đáp ĩ «ồ ! Ông có thể lượm được cả đống xe ở xung quanh vùng này ấy mà...», y làm như cái việc «lượm» một chiếc xe đạp là một việc giản dị nhất ở trên đời vậy.

        Bộ điệu của ông Oishi trong lúc kể chuyện đã khiến tôi phải bật cười. Tôi hỏi ông đã làm cách nào để tiếp tế cho bệnh viện.

        Ông đáp:

        — Ôi thật là giản dị quá mà ! Những viên chức tại Tòa Đô Sảnh và tại Quận chẳng hiểu biết một tí gì cả. Nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên bởi lẽ họ không phải là người ở địa phương này... Mình chỉ cần đối xử với họ với thái độ kẻ cả và nói với họ bằng giọng oai nghiêm một chút là họ sẽ cung cấp cho mình tất cả mọi thứ mà mình muốn... Tôi không hề thắc mắc khi bảo họ giao cho tôi 300 chai rượu saké, nhưng tôi đã vô cùng vất vả khi đem nó từ Kusatsu về tới bệnh viện (Kusatsu ở cách bệnh viện 8 cây so). Và thật là một kỳ tích khi tôi đã đem được 300 chai saké đi suốt cuộc hành trình ấy mà không có chai nào bị vỡ cả... Tuy nhiên tôi không biết những chai rượu ấy đã đi về đâu vì sự thực thì tôi không hề uống một giọt nào hết.

        Chúng tôi cố tán tỉnh để ông tiếp tục kể chuyện bởi lúc đó, có một đám đông bệnh nhân đang quây quần lại để nghe. Nhưng ông cho rằng kể bấy nhiêu đó là đủ rồi nên đứng lên từ biệt chúng tôi.

        Đến bữa cơm trưa, tôi cảm thấy khó chịu nơi bao tử nên đã uống một tách «matcha» thay cho bữa ăn. Khi tôi đang uống trà thì một cơn gió đột ngột nổi lên rồi thổi mạnh kịch liệt. Những làn hơi nóng do các cửa sổ lọt vào phòng ăn. Sợ trời mưa rào, tôi liền chạy về phòng cố gắng buộc chặt tấm vải che trước cửa sổ. Rồi tôi giúp mọi người kéo dịch những chiếc giường cho thật xa các cửa sổ để khỏi bị mưa tạt vào. Khi làm xong hết mọi việc, tôi mới thuật cho vợ tôi nghe những lời Bs Akiyama đã nói với tôi và dự định của ông sẽ giúp chúng tôi ra khỏi thành phố... Nàng mỉm cười yên lặng và tiếp tục làm việc.

        Sau bữa cơm chiều, ngọn gió trở nên hung hăng dữ dội và những trận mưa rào đã trút xuống như thác lũ. Những vòi nước mưa do cơn gió đẩy vào đã quét sạch cả căn phòng y như những làn sóng xô đuổi nhau trên mặt biển cả... Thì ra đây không phải là một cơn giông thường mà là một trận bão lớn... Tấm vải mà tôi buộc trước cửa sổ đã rách tan tành. Những cái mùng đập phần phật như những lá cờ tung bay trước gió. Chúng tôi đã ướt sũng như đứng ờ ngoài trời. Sau một cơn gió nổi lên mãnh liệt hơn hết, tất cả đèn trong bệnh viện đều nhất loạt tắt ngủm hết. Cơn bão từ khắp mọi phía tả hữu đột nhập vào phòng, trong khi chúng tôi phải bám chặt vào những bức tường để khỏi bị gió cuốn bay đi.

        Khoảng 9 giờ, những vòi nước mưa đã biến thành những dòng thác chảy cuồn cuộn không không ngừng. Người ta đã lo một trận hồng thủy ghê gớm phát sinh. Những người ở bên ngoài lũ lượt kéo nhau vào bệnh viện trú ẩn. Có nhiều người đã chạy trốn ra ngoài để khỏi bị những căn lều mới dựng đồ sập lên mình. Mực nước cao dần và chúng tôi đã sợ một trận lụt to. Tất cả mọi người đều rét buốt thấu xương. Chỗ nào cũng tràn ngập những nước, chẳng khác gì không có mái nhà che trên đầu... Gió găm rít dữ dội mà ùa vào tất cả các cửa khiến cho tòa nhà rung động khác thường.

        Vào khoảng nửa đêm, cơn gió mới bắt đầu êm dịu và mưa đã dứt hột. Nhưng, không một ai có thể ngủ được bởi chúng tôi đã ướt như vừa được kéo từ dưới nước lên. Thần kinh chúng tôi bị căng thẳng đến cực độ... Tuy nhiên, đến gần sáng, tôi cũng đã chợp mắt được một lúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:36:45 pm »


18-9-1945

        Trời nhiều mây, nhưng gần về trưa đã trở nên quang đãng.

        Khi tôi thức dậy thì cơn giông tố đã qua rồi và tôi không thể hiểu được sao buổi sáng nay lại êm tịnh thế này ?

        Tôi nằm co quắp trên sàn xi măng và cố ngủ thêm một chút, song không thể được vì vết thương nơi đùi đang hành tôi nhức nhối vô cùng. Đi ra ngoài bao lơn, tôi trông thấy một cái hồ lớn đã thành hình nơi trước cửa bệnh viện. Tất cả các căn nhà nhỏ mới được xây dựng đã bị trận bão phá hủy và những cái mái bằng kẽm đã bị gió cuốn đi rồi.

        Hàng ngàn bức thư và cánh bưu thiếp nằm rải rác khắp khu vườn khoảng giữa bệnh viện và Văn phòng. Tôi xuống đó cố gắng lượm lặt tất cả những gì mà tôi có thể lượm được. Đa số những thư này đều được gửi bảo đảm. Tôi liền chạy qua Văn phòng loan báo cho hết thảy nhân viên rõ vụ này. Tức thì tất cả mọi người đều chạy ra vườn để lượm thư và bưu thiếp. Cảnh tượng này khiến tôi hồi tưởng ngay tới một việc mà tôi đã quên thuật lại. Ngày bom nổ, những giấy tờ xuất xứ từ Hiroshima đã được tìm thấy tại Minochi, Hongi và Suzubari, tức là tại những địa phương cách xa thành phố này từ 25, 30 và 35 cây sổ. Sức mạnh của vụ bom nổ đã làm cho những giấy tờ đó bay xa đến như vậy.

        Tôi qua phòng Hành Chánh để hỏi thăm các ông Sera và Kitao về những sự thiệt hại sau trận bão đêm qua. Họ cho biết không có gì đáng kể. Tôi được tin những người ở bên ngoài chạy trốn vào bệnh viện hồi đêm qua đã ra đi và đem theo cả những tấm mền mà chúng tôi đã cho họ mượn. Đã tưởng tượng được những gì không may xảy ra tại các căn lều của họ, tôi không nỡ phiền trách họ về hành vi đó chút nào bơi lẽ bọn người khốn khổ ấy cần mền hơn chúng tôi.

        Dạo qua bệnh viện và Văn phòng, tôi thấy những vũng nước ở khắp mọi nơi. Chẳng một tấm chiếu hay mùng mền nào là không bị xuyên thủng cả. Các bệnh nhân than bị lạnh, nhưng tôi không nhận thấy người nào thực sự đau yếu hết. Người thiếu nữ, mà tôi đã nói tới nhiều lần, cũng đã khá bình phục và có thể tự tắm rửa lấy một mình rồi.

        Sáng nay, không có việc gì rắc rối xảy ra. Chỉ có thằng cháu Masao trở lại thăm tôi và một liên lạc viên đem thư của Giáo sư Hata yêu cầu tôi cấp tốc đi Miyajima để khám bệnh cho ông Giám Đốc chi nhánh Nhật Bản Ngân Hàng tại Hiroshima. Tôi trả lời cho ông biết rằng lúc này tôi không được khỏe để có thể đi xa như vậy được. Hôm qua, tôi đã thúc giục Masao trở về nơi nhà cô Shima của tôi tại Saijo vì ở đó an ninh hơn là đây. Tôi tưởng nó đã trở về rồi, ai ngờ nó còn ngủ lại một đêm nữa để đi thăm những cảnh hoang tàn tại Hiroshima.

        Buổi chiều, trời đã khá êm tịnh nên tôi quyết định đi dạo một vòng. Sau những trận mưa buồn tẻ, tôi như khỏe hẳn lên khi được thấy lại ánh mặt trời. Tôi đi lang thang hết nơi này đến nơi khác và sau cùng đến tận những con hào bao quanh tòa lâu đài cổ Hiroshima.

        Một ông cụ già đang ngồi câu ếch trên bờ hào. Một con sâu đang quằn quại nơi đầu lưỡi câu để làm mồi. Trong vòng vài phút, tôi thấy ông câu được 5,6 con ếch. Mỗi lần ông giật được một con lên, tức thì một đám người đứng xem lại đồng thanh reo lên :

        — « 50 yens !... 100 yens! ». Người ta có thể tưởng tượng được rằng những con ếch này đã lên cao tới giá đó hay không ?... Vậy mà trước sự kinh ngạc của tôi, quả nhiên ông ta đã bán nó với giá 100 yens mỗi con lớn và 50 yens mỗi con nhỏ đấy.

        Sau bữa cơm chiều, tôi thuật cho các bạn tôi nghe chuyện ông già câu ếch thì họ cũng ngạc nhiên vì thấy thời thế đã biến đổi quá nhiều rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:37:47 pm »


19-9-1945

        Một ngày quang đãng xuất hiện.

        Buổi mai trong sáng và êm đềm. Mặt trời chiếu rọi ánh sáng huy hoàng rực rỡ.

        Đêm qua, tôi đã ngủ ngon giấc nên hôm nay tôi cảm thấy tinh thần khoan khoái khác thường. Tôi liền nghĩ đến việc đi Miyajima để thăm ông Giám Đốc Ngân Hàng mà Gs Hata đã yêu cầu tôi khám bệnh. Hôm qua, khi tiếp được thư của ông, tôi không ngờ đã có thể bình phục một cách mau chóng như vậy.

        Tất cả mọi người tề tựu trong phòng ăn đều vui vẻ. Tôi tuyên bố ý định đi Miyajima và yêu cầu bà Saeki sửa soạn bữa điểm tâm cho tôi.

        Mượn con đường đi Koi, tôi theo lộ trình mà ông Yasuda thường đi qua mỗi buổi sáng đến sơ làm. Đến cầu Misasa, tôi gặp một người đàn ông đẩy chiếc xe đầy thịt bò. Từ đã lâu, tôi không được thấy thịt bò nên nó đã khiến tôi ứa nước miếng. Thuở trước, tôi không thể nào chịu được mỗi khi trông thấy những miếng thịt sống và không bao giờ tôi dám bước chân vào tiệm bán thịt... Vậy mà...

        Tôi đi qua nhà ga Yokogama, nay đã bị hoàn toàn tiêu diệt, và xa hơn một chút là một đường phố mà một bên dãy nhà đã bị thiêu rụi hết. Xa hơn nữa, tôi thấy những ngôi nhà bị xụp đồ dở dang.

        Tại Koi, những ngôi nhà xung quanh nhà ga này đã biến thành các cửa tiệm nhỏ với cảnh nhộn nhịp hơn là cảnh tôi đã thấy kế bên nhà ga trung ương tại Hiroshima... Nhưng, ngán thay ! Tại đây cũng có những cảnh chướng tai gai mắt vì đồi phong bại tục đáng ghê tởm như ở đó.

        Khi tới ga Koi thì trời đã xế trưa, tôi kiếm chỗ ngồi trong một toa xe đầy ních để đến Miyajima Guchì. Giữa Koi và Takasu, tôi thấy những ngôi nhà mà mái đã bị bật đi ; những cửa sổ đều lìa ra hết và các bức tường rạn nứt tứ tung. Người ta có thể nói những ngôi nhà đó đã trải qua một trận động đất dữ dội. Ra khỏi Kusatsu (cách trung tâm địa chấn 5.000 thước), những mái nhà có vẻ còn nguyên vẹn, song nhiều tấm cửa sổ cũng đã rời khỏi khung rồi. Tôi lưu ý thấy cái cảnh điêu tàn ấy kéo dài mãi đến tận Itsukaichi. Chỉ có từ Hatsukaichi trở đi, tôi mới thấy những ngôi nhà nguyên vẹn hoàn toàn. Ra khỏi Jigozen, tôi trông thấy chiếc cổng thành lớn của đô thị Miyajima xuất hiện nơi bờ biển. Quay về phía tay mặt, tôi say sưa ngắm nhìn những tòa biệt thự tráng lệ nguy nga là nơi mà những gia đình giàu có thường tới nghỉ mát. Khi tới Miyajima, tôi ngạc nhiên khi lại thấy vài ngôi nhà mà các cửa sổ đều bị bật tung, mặc dầu khoảng cách rất ra với Hiroshima. Tôi ngừng bước nơi xưởng chế tạo đồ gốm Goneida để dùng điểm tâm. Hồi còn nhỏ, tôi được ông già Tosai, giám đốc xưởng này, dạy cách làm những cái bình bằng đất nung. Hôm nay, ông đã vô cùng xúc động khi gặp tôi. Ông không ngớt nhắc đi nhắc lại rằng ông đã vui mừng chẳng khác chi thấy con trai ông đã trở về. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay áo lên để lau nước mắt. Bà vợ và cậu con của ông cũng niềm nở tiếp đãi tôi với vẻ thiết tha âu yếm.

        Cậu con ông Tosai nói chuyện khi bom nổ, cậu đang ở trong công viên đô thành, ngay trước cửa xưởng đồ gốm, và bị hơi của trái bom quật ngã xuống đất.

        Vì xưởng đồ gốm của ông Tosai ở bên cạnh bến đò nên tôi có thể ngồi nói chuyện với gia đình ông cho đến khi nghe tiếng chuông báo hiệu đò rời bến. Tôi liền cáo biệt họ rồi chạy men theo bến mà nhảy vội xuống đò đúng lúc nó vừa tách khỏi bờ.

        Từ đây tới Miyajima phải mất từ 25 đến 30 phút. Tôi đã thích thú vì được ngắm khung cảnh đẹp đẽ nên thơ trong suốt cuộc hành trình. Nhìn vè phía Tây và phía Bắc, người ta thấy bóng đáng những ngọn núi in hình trên mặt biển về mạn Hiroshima và đàng xa, người ta có thể phân biệt được cả thành phố Hiroshima chìm trong sương sớm. Không bao giờ phong cảnh Miyajima đẹp bằng lúc con đò sắp tới bến. Từ tít tận đàng xa, người ta trông thấy chiếc thể môn đó sộ bằng gỗ dùng làm cổng cho ngôi đền Itsukashima thấp thoáng và xa hơn chút nữa là ngôi đền Thiên Tịch (Một ngàn chiếc chiếu — tatamis — Ở Nhật Bản, chiếc chiếu được dùng làm đơn vị đo lường nên người ta thường nói căn nhà hay căn phòng này rộng bao nhiêu chiếu ? Kích thước của mỗi chiếc chiếu là 1m x 2m. Như vậy thì ngôi đền Thiên Tịch này đã rộng tới 2.000 thước vuông). Ở dưới đò nhìn lên dọc theo bờ biển, người ta thấy những tiệm buôn, những tiệm ăn và những khách sạn là nơi mỗi năm tiếp đón hàng ngàn du khách hành hương. Đa số du khách thường hay tới đây vào mùa Xuân khi hoa anh đào nở và vào mùa Thu khi những cây phong đã biến khu rừng thành màu vàng thẳm và đó tươi như một đám cháy lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:38:12 pm »


        Đò cập bến ở phía cuối con đường phố chính đẫn lên đảo. Tôi lên bờ và quay trở lại phía ngôi chùa. Qua đó chừng vài trăm thước tôi đã đến trước cửa Miyajima-Kan, một quán ăn nhỏ do các bạn thâm giao của tôi chủ trương. Tôi quyết định ngừng lại nơi đây chốc lát trước khi đến Bairinso, môt khách sạn tao nhã mà ông Giám Đốc Ngân Hàng đang trú ngụ. Tới nơi, tôi cất tiếng gọi. Tức thì bà Korenaga, chủ quán ăn, từ phía trong chạy vội ra. Bà ngạc nhiên đến nỗi không thể thốt nên lời khi trông thấy tôi. Chị người làm Sumi-San theo bà ra và cũng rất đỗi vui mừng khi thấy tôi còn sống. Thoạt tiên những vết sẹo trên mặt tôi đã khiến họ sợ hãi, nhưng họ liền trấn tĩnh ngay được và mời tôi vào quán ăn uống nghỉ ngơi. Tôi ngỏ lời cảm ơn và nói cho họ biết rằng tôi phải vội đi thăm ông Giám đốc Ngân Hàng nên chỉ ghé lại đây một chút để hỏi thăm tin tức các bạn mà thôi. Tôi hứa khi trở về, tôi sẽ có thì giờ nói chuyện lâu hơn... Vì tôi không biết đường đến khách sạn Bairinso nên Sumi-San đã vui vẻ hướng dẫn tôi đi.

        Khách sạn Bairinso tọa lạc trên một gò đất nhỏ với những tòa nhà lịch sử cũ kỹ rải rác xung quanh. Từ đây nhìn xuống, tôi thấy một khung cảnh huy hoàng trên mặt biển và những rặng núi xa xa. Sau khi nhờ người thông báo, tôi được mời vào một phòng đợi bài trí theo lối tây phương. Qua một khung cửa rộng, cao hơn những mái nhà lân cận, tôi nhìn về phía ngôi đền Ituskushima và những cánh rừng thông rậm rạp chạy dài theo hai phía tả hữu chiếc thể môn trang nghiêm hùng vĩ. Lồng trong khung cảnh này, một cây bách cổ thụ và một thửa vườn với hương thơm ngào ngặt khiến cho khách càng thêm say sưa thích thú. Tận đàng xa là bầu trời đầy sương bao phủ vịnh Hiroshima.

        Tôi không thấy rõ một đoàn xe lửa đang tiến đến men quanh sườn núi, nhưng ngọn khói dày đặc tuôn ra từ nơi đầu máy đã vạch thành một con đường trắng xóa như giải lụa trên rặng núi u ám sương mù. Thật là một một cảnh thiên nhiên tuyệt diệu ! Nếu được ở lại đây nghỉ ngơi vài ngày thì thống khoái biết bao !

        Giữa lúc mải suy nghĩ miên man, tôi thấy một người đàn bà cao và gầy, mặc bộ y phục đúng thời trang, bưng khay trà vào mời tôi. Bà tự giới thiệu là vợ của ông Giám Đốc Ngân Hàng và sau khi trao đổi những nghi lễ xã giao, bà kể cho tôi nghe những việc đã xảy ra cho chồng bà.

        Khi bom nổ thì ông đang ở trong ngân hàng, nhưng may mắn không bị vết thương nặng nào cả. Bởi ngân hàng này chỉ cách trung tâm địa chấn có 400 thước nên tôi phỏng đoán là ông đã bị ngã xuống, nhưng bà nói không phải vậy và cho tôi biết rằng ngày nay, những triệu chứng khiến ông khó chịu chỉ là chứng ăn mất ngon và vô cùng yếu mệt.

        Sau khi dùng trà, bà dẫn tôi , sang một căn phòng lớn rất khoáng đãng là nơi mà ông đang nằm dài trên một chiếc giường kiểu Nhật. Đây là một ông già to béo, trạc 50 tuổi, với khuôn mặt phinh phính. Tuy ông than yếu mệt, nhưng cuộc khám nghiệm cơ thể đã không cho thấy một dấu hiệu gì đáng lo ngại. Mấy phút sau khi bom nổ, người ta đã chở ông về Miyajima... Bs Matsuo, giám đốc Bệnh Viện Trung Ương tại Hiroshima, lúc đó cũng đang tản cư nơi khách sạn Bairinso. Nhưng, trước đó hai ngày, ông được di chuyển về Bệnh Viện Hồng Thập Tự tại Ono bởi ông cần được điều trị bằng một phương pháp đặc biệt.

        Khi trận bão nổi lên dữ dội, Bs Matsuo đã bị tử nạn một cách vô cùng bi thảm, cùng với rất nhiều bệnh nhân khác, vì cả một phần bệnh viện đã bị nước biển cuốn băng đi mất. Ông Giám đốc Ngân Hàng kể chuyện này với mục đích cho tôi biết ông đã may mắn là ngần nào vì đáng lẽ ông cũng đã được di chuyển tới Ono cùng một lượt với Bs Matsuo. Nhưng, một sự ngộ nhận đã xảy ra trong phút cuối cùng đã ngăn cản ông đi, nên ông đã thoát chết.

        Khi chẩn bệnh xong, tôi khuyên ông cứ an tâm vì sức khỏe của ông sẽ được phục hồi trong một ngày gần đây.

        Tôi nói :

        — Mặc dầu ở rất gần nơi trung tâm địa chấn nhà ngân hàng của ông đã được xây dựng rất kiên cố nên ông đã được bảo vệ trong một lúc cả trận hỏa tai lẫn những phóng xạ tuyến do trái bom nguyên tử phát sinh...  Một khi biết rằng nhà ngân hàng của ông đã được biến thành một trung tâm thông tin thì chắc ông lấy làm thú vị lắm ? Tất cả những bức tường của nhà ngân hàng đều đầy những tờ cáo thị nhỏ để cung cấp hoặc hỏi thăm tin tức của những người đã chết hoặc mất tích... Nếu ông có thể ăn được nhiều thì ông không cần phải lo nghĩ tới vấn đề sức khỏe nữa. Ông đừng quên rằng một người bệnh mà còn biết ngon miệng thì không bao giờ chết cả... Sự tẩm bổ và tĩnh dưỡng là những thuốc rất hay mà tôi có thể chỉ dẫn cho ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 03:38:33 pm »


        Sau khi cáo biệt vợ chồng ông Giám Đốc Ngân Hàng, tôi trở lại Miyajima-Kan, nơi mà các bạn tôi đang chờ đợi. Tới nơi, tôi thuật lại cho bà Korenaga nghe về trận bão đã xảy ra tại Hiroshima và bà cũng kể cho tôi rõ những gì đã xảy ra tại Miyajima. Ngày 17-9, trận bão đã quét sạch cả chi nhánh của khách sạn Iwaso, nằm trên bờ sông Momiji-Dani, khiến cho nhiều khách trọ bị tử thương. Ngôi đền Itsukushima cũng bị thiệt hại vì lúc đó nước thủy triều đang dâng cao nên một phần nền bị bao phủ đầy cát. Sau ngày bom nổ, đã có hàng ngàn người bệnh và bị thương lánh nạn tới Miyajima và những bệnh tật đã bành trướng mãnh liệt nơi đây cũng giống y như những nơi khác. Đã có nhiều người chết vì bệnh nôn mửa và tháo dạ; họ đã có những triệu chứng giống với những nạn nhân mà tôi đã phát giác được với bao nỗi kinh hoàng lo sợ.

        Bà Korenaga đãi tôi một bữa ăn thịnh soạn. Sau một lúc nghỉ ngơi, tôi từ biệt và ra về với nhiều món quà tặng trên tay.

        Khoảng 4 giờ chiều, tôi tới Miyajima-Gucfci và khi đi qua xưởng đồ gốm Goneido, tôi thấy ông già Tosai đang đứng đợi trên ngưỡng cửa. Khi thấy tôi, ông gọi :

        — Xin bác sĩ sẽ trở lại đây với chúng tôi ! Trở lại đây cùrig vòi bà vợ ông nữa nhé !

        Tôi hứa sẽ trở lại và ngồi nói chuyện phiếm với ông một lúc cho tới khi có tiếng chuông báo hiệu xe điện khởi hành.

        Trong toa xe chật ních, tôi lắng nghe những mẩu chuyện giữa hai chàng thanh niên ngồi gần bên. Một chàng hậm hực nói :

        — Hừ, con đó là một con điếm ! Nó không biết hổ thẹn trước nơi công chúng chút nào cả... Mà tại sao nó lại có thể làm cái trò bỉ ổi xấu xa ấy nhỉ ? ..... Cũng vì vậy nên tôi đã liệng cổ nó xuống biển rồi đấy !

        Anh chàng đã có vẻ tức giận đến cực điểm khi trông thấy cô bạn của mình khoác tay một anh binh sĩ thuộc lực lượng chiếm đóng. Thái độ của thanh niên này có một vẻ đặc biệt..., đó là thái độ phát sinh từ sự căm hờn kẻ địch vậy. Tôi không thể biết chàng đã xử trí ra sao đối với cô gái vô liêm sỉ kia ; nhưng, nếu tôi ở địa vị chàng thì chắc chắn là tôi cũng đã hành động như chàng rồi... Tôi nghĩ rằng có một giải pháp tốt đẹp hơn hết là tất cả các thiếu nữ đều nên tức khắc rời khỏi thành phố để họ cũng như các binh sĩ kia khỏi bị lôi cuốn vì dục vọng.

        Vừa ra khỏi nhà ga Itsukaichi, bỗng nhiên xe điện đột ngột ngừng lại khiến mọi người xôn xao kinh ngạc. Tôi nhìn qua khung cửa sổ thấy có hai chàng say rượu đang đứng nghênh ngang giữa đường ray khiến chuyển xe điện bị bắt buộc ngừng lại... Chúng xô đẩy anh kiềm soát viên rồi leo lên xe. Sau khi chen lấn luôn người thợ máy, chúng hiên ngang đi lui đi tói khắp toa xe rồi cất giọng thô bỉ nạt nộ những người chúng gặp trên lối đi của chúng. Đoạn, chúng cất tiếng ca bản « Arizan » là một bản tình ca của xứ Cao Ly, thỉnh thoảng lại ngừng tiếng ca để cất tiếng hô lên: «Thiên Hoàng vạn tuế » ! với giọng nhừa nhựa sặc mùi sake. Trước khi tới ga Koi, chúng lại bắt buộc người tài xế cho xe ngừng lại để chúng nhảy xuống, mà không nói gì đến chuyện trả tiền lộ phí cả. Tuy nhiên, không một ai dám hỏi đến vé của chúng. Thái độ khó coi của hai chàng say rượu đó khiến tôi đã thất vọng khi nghĩ tới một tấm biểu ngữ với lời công bố: «Cường quyền tức Công Lý và Công Lý tức Cường quyền» đã được phổ biến sâu rộng khắp nơi trong thời kỳ chiến tranh... Nhưng, liệu người ta đã tiếp tục áp dụng những lời công bố đó được trong bao lâu rồi ?... Từ ngày có cuộc đầu hàng, những phường bất lương khả ố này đã chiếm trọn vai tuồng trên sân khấu xã hội.

        Khi về tới bệnh viện, tôi vừa mệt nhọc lại vừa đau xót vì những cảnh não lòng mà tôi đã được chứng kiến, nhưng tôi không muốn kể lại cho các bạn tôi nghe những việc mà tôi đã làm trong ngày hôm nay nữa.

        Tôi đi tắm và chà xát ống chân rồi đi nằm, mà không dùng bữa cơm chiều.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM