Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:39:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hiroshima trong cơn ác mộng  (Đọc 7258 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2019, 03:42:07 pm »

 
        - Tên sách : Hiroshima trong cơn ác mộng

        - Tác giả : Michihiko Hachiya
                        Thiếu Mai dịch

        - Nhà xuất bản Lá Bối

        - Năm xuất bản : 1966

        - Số hóa : Giangtvx

        Giữa khoảng bệnh viện Hồng Thập tự và Trung tâm thành phố, tôi không thấy gì nữa vì hết thảy đều biến ra tro cả rồi. Tôi trông thấy những đoàn xe điện bị ngừng lại ở Kawaga-Cho và Kamyia-Cho. Những đoàn xe ấy còn chứa nhiều hành khách ngồi xếp hàng 12 người trên mỗi tấm ghế dài. Người họ đều đen kịt vì nám cháy. Tôi lại trông thấy những hồ chứa nước đầy nghẹt những xác chết. Trông họ như những ngươi đã bị luộc chín. Ở một trong những hồ ấy, tôi thấy một người đàn ông còn sống, mặc dầu đã bị phổng một cách khủng khiếp. Anh ta ngồi xổm bên cạnh một xác chết và đang chậm chạp uống cái chất nước lẫn lộn những máu và thịt người ấy. (trang 47)


  
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2020, 07:28:19 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2019, 09:31:11 pm »


ĐỊA ĐIỂM VÀ NHÂN VẬT

        Bác sĩ Hachiya bắt đầu viết thiên nhật ký này mà không hề có ý định một ngày kia sẽ cho nó ra mắt độc giả. Bời vậy, ông thấy rằng việc mô tả ngôi bệnh viện — đã dược dùng làm khung cảnh để ông nhắc tới luôn — hoặc nói kỹ đến các nhân viên trong bệnh viện ấy —- mà họ đều là vai chánh —  không ích lợi gì.

        Bệnh viện Giao Thông ở Hiroshima có nhiệm vụ săn sóc, riêng trong khu vực ấy, những nhân viên của Bộ Giao Thông ; Bộ này phụ trách việc liên lạc về ngành điện tín, điện thoại và bưu vụ ở khắp nước Nhật Bản.

        Hiroshima là một tỉnh và dân số có trên 500.000 người. Do đó, bệnh viện Giao Thông đã là một cơ quan rất trọng yếu. Ban nhân viên điều khiển bệnh viện này có ước trên hai chục người và có 125 chỗ nằm. Tuy nhiên, con số trên đây không thề ước lượng được phạm vi hoạt động lớn lao của nó, bởi lẽ ở Nhật, số người ở ngoài đến xin chữa bệnh thường thường vẫn nhiều hơn số người được nằm điều trị tại bệnh viện.

        Bệnh viện ở gần bên văn phòng Bộ Giao Thông. Tất cả haỉ cơ sở này được xây dựng bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố. Sau cuộc thả bom, văn phòng ấy được biến thành một chi nhánh của bệnh viện. Cả hai cùng ở cách xa 1.500 thước nơi trung tâm cuộc thả bom, ngay chỗ địa giới phía đông bắc của một khu vực quân sự rộng lớn và khu vực này đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

        Nhà của Bác sĩ Hachiya ở cách bệnh viện vài trăm thước. Kể từ ngày chiến tranh phát khởi Hiroshima chưa từng bị bom tàn phá lần nào. Nhưng mấy tháng trước hồi tháng 8 năm 1945, đề phòng những cuộc tấn công bất ngờ của không quân địch, nhà cầm quyền quân sự đã tản bớt một phần binh lực. Và họ đã ra lệnh triệt hạ hàng ngàn ngôi nhà, biến thành những giải đất trống, để hỏa hoạn khỏi lan tràn một khi biến cố xảy ra.

        Tiếp theo những biện pháp nói trên, Bs Hachiya cũng bắt đầu làm phận sự của riêng mình là cho các bệnh nhân tản cư đi hết.

        Dưới đây là danh sách (theo thứ tự A.B,C...) những nhân viên trong bệnh viện Giao Thông và một số người khác nữa thường được ông nhắc tới trong thiên nhật ký này:


        Bs AKIYAMA : Trưởng phòng Sản khoa và Phụ Khoa.

        Bs FUJII   : Trường phòng Nha Khoa.

        Bs HACHIYA : Giám đốc Bệnh viện và tác giả thiên nhật ký này.

        Bs HANAOKA : Trường phòng Nội Khoa.

        Bs HARADA : Dược sĩ.

        Cô HINADA : Y tá.

        Bs HINOI   : Trưởng phòng Bào Chế.

        Ô. IGUCHI   : Tài xè của Bộ Giao Thông.

        Ô. IMACHI   : Nhân viên Hành chánh, có lúc tạm thời phụ trách chức vụ cai quản nhà bếp.

        Ô. ISONO   : Trường khu Giao Thông tại Hiroshima, thay thế Ô.Yoshida.

        Cô KADO   : Y tá riêng của Bs Hachiya

        Bs KATSƯBÉ   : Trưởng phòng Giải phẫu.

        Bs KITAJIMA   : Trường ty Vệ sinh ở Hiroshima.

        Ô. KITAO   : Nhân viên hành chánh.

        Bs KOYAMA   : Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng phòng Nhãn Khoa.

        Ô. MIZOGUCHI : Nhân viên văn phòng kiêm chức vụ trưởng ban tiếp tế kiểm soát thực phẩm và quản lý bệnh viện. Ông lại cũng phụ trách cả việc ngoại giao nữa.

        Bs MORISUGI : Y sĩ chuyên khoa về ngành nội thương.

        Ô. OKAMOTO : Trưởng khu miền Tây của Bộ Giao Thông.

        Bs OKƯRA : Y sĩ Nha Khoa.

        Bà SAEKI : Được xếp ngạch nhân viên gác cổng, nhưng như vậy là không công bằng cho bà ta. Chồng và ba đứa con trai của bà ta đều chết vì chiến tranh cả. Bà có một thân hình lực lưỡng và một tâm hồn cứng rắn, đã quen với sự đau thương và những nỗi gay cấn của cuộc đời. Bà đã là người bạn thiết, vị cố vấn, vị phát ngôn viên và là một bà mẹ hiến của toàn thể nhân viên bệnh nhân và cho đến cả khách khứa của bệnh viện nữa. Bà vẫn thường được mọi người nhắc tới với cái tên thân mật «BABA-SAN » có nghĩa ỉà « Bà già hiền hậu » hay « Bà nội ».

        Ô. SASAKI   : Một người hàng xóm, bạn thiết của Bs Hachiya.

        Bs SASADA   :   Trưởng phòng Nhi Khoa.

        Ô. SERA   :   Trưởng ty Thương vụ.

        Ô. SHIOTA   :   Nhân viên Ty Thuơng vụ.

        Cô SUSƯKIDA   :   Y tá trưởng.

        Cô TAKAO   :   Y tá phòng Giải phẫu, đặc biệt phụ trách bên Bs Katsubé.

        Bs TAMAGAWA : Giáo sư Giải phẫu và Bệnh lý học tại Y Khoa Đại Học Đường Hiroshima.

        Ô. USHIO   : Giám đốc Tổng Cục.

        Bà YAEKO-SAN : Vợ của Bs Hachiya.

        Cô YAMA   : Y tá trưỏmg phòng Giải phẫu.

        Ô. YAMAZAKI : Nhân viên phụ trách việc hỏa thiêu xác chết.

        Bà YOSHIDA : Vợ của ông Cựu Trưởng khu Giao thông tại Hiroshima.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:35:32 pm »

 
6-8-1945

        Trời hãy còn sớm lắm ! Binh minh xuất hiện trong một bầu trời tĩnh mịch huy hoàng dưới ánh thái dương sán lạn. Những đám lá cây, phản chiếu ánh mặt trời không điểm qua một gợn mây, hợp thành một khung cảnh tương phản nhưng vẫn dịu dàng, — với những bóng râm mát trong, vườn nhà tôi.

        Tôi buông tầm mắt nhìn về phương Nam qua những khung cửa mở rộng trước nhà. Bận một cái quần cụt và cái áo lót mình, tôi nằm ruỗi thẳng trên sàn nhà vì đang mỏi mệt sau một đêm không ngủ.

        Đêm qua là phiên tôi phải đi gác ở bệnh viện vì tôi đã gia nhập «đoàn cứu thương» thường trực đề phòng những cuộc tấn công bất ngờ của không quân địch. Thốt nhiên, một ánh chớp sáng lòa khiến tôi giật mình sửng sốt..., rồi lại một ánh chớp nữa !

        Thật là một sự kinh khủng phi thường đã ghi sâu hẳn vào ký ức của tôi !

        Tôi nhớ rõ ràng đã trông thấy ngọn lửa rung động trong chiếc đèn lồng bằng đá ở cuổi vườn và tôi đã bâng khuâng tự hỏi : không biết luồng chớp đó có phải là ánh sáng của chất magnesium hay là do đèn ở chuyến xe điện vừa chạy qua chiếu ra, cách đây không xa ? Những bóng mát dịu trong vườn bỗng biến hẳn đi. Khung cảnh cách đây một phút đang rực rỡ huy hoàng nay đột nhiên tối tăm u ám.

        Tôi cố hết sức định thân mới nhận ra được cái cột gỗ ở góc nhà qua những đám bụi đang bốc lên mù mịt bởi một trận gió phũ phàng. Cái cột đó cứ ngã dần xuống và mái nhà rung rinh, trông rất ghê rợn.

        Thúc đầy bởi một phản ứng mãnh liệt, tôi toan chạy trốn ; song, những đống gạch ngói vụn đã chắn mất lối đi. Tuy nhiên, tôi cũng đi lần lần ra tới ngoài hiên và chạy xuống vườn. Tới đó, tôi bỗng đứng sững lại vì cảm thấy một sự mệt nhọc lạ thường. Và tôi đã vô cùng khiếp đảm khi nhận thấy toàn thân tôi trần truồng như con nhộng. Thật là kỳ dị ! Cái quần cụt và cái áo lót mình của tôi đã biến đi đâu mất cả rồi ? Việc gì đã xảy ra ở đây thế này ? Tất cả bên sườn phía tay mặt của tôi đều hiện ra những vết cắt sâu hoắm và máu chảy đầm đìa. Một mảnh gỗ lớn ghim sâu trong một vết thương chảy máu ở đùi bên tay mặt và một chất nước êm ấm bỗng ứa ra ở trong miệng tôi. Sờ tay lên má, tôi thấy nó bị rách và môi dưới bị mất hết một nửa đã xệ hẳn xuống. Một mảnh thủy tinh dài ghim vào cổ tôi. Tôi bình tĩnh rút nó ra và để lên lòng bàn tay đẫm máu mà ngắm nghía với thái độ thản nhiên của một kẻ ngây dại trước sự xúc động quá mạnh ấy.

        Vợ tôi đâu mất rồi ?

        Thốt nhiên, tôi khủng khiếp và kêu gọi rầm lên ;

        — Yaeko-San ! Yaeko-San ! Mình ở đâu?

        Một giòng máu chảy tuôn ra ở cổ tôi. Cuống

        họng tôi cũng bị cắt đứt hay sao thế này ? Máu trong người tôi chảy ra cho đến chết ư ?

        Tinh thần rối loạn tôi lại kêu gào :

        — Trời ơi, đây là một trái bom nặng hàng năm trăm tấn !... Yaeko San, mình ở đâu ?... Một trái bom năm trăm tấn vừa rớt xuống đây...

        Yaeko-San, vợ tôi, đang ngồi bó gổi giữa đống gạch ngói vụn trong ngôi nhà của chúng tôi. Mặt nàng xanh xao ngơ ngác, quần áo rách tả tơi và đầy những vết máu đã đông lại. Tôi yên tâm khi trông thấy nàng ; lúc đó, đã bớt kinh khủng, tôi cố hết sức trấn tĩnh vợ tôi cho nàng đỡ sợ.

        Tôi nói :

        — Mình đừng sợ. Việc cốt yếu là chúng mình phải đi thật mau ra khỏi chốn này.

        Nàng gật đầu ưng thuận và tôi ra dấu cho nàng đi theo tôi. Chúng tôi đi tắt qua nhà hàng xóm để chạy ra đường. Chúng tôi chạy thật nhanh, bước chân loạng choạng, thỉnh thoảng ngã xuống rồi lại đứng lên và cắm cổ chạy cho tới khi chân tôi vấp phải một vật gì mềm nhũn và ngã sóng xoàỉ xuống giữa đường. Khi đứng lên, tôi thấy tôi đã bước lên một cái đầu người.

        Run sợ, tôi liền năn nỉ :

        — Ôi chao ! tha lỗi cho tôi, ông ơi ! Xin tha lỗi cho tôi.

        Không một tiếng trả lời : thì ra người ấy đã chết ! Cái đầu ấy là của một viên sĩ quan trẻ tuổi, thân mình ông ta ở cách đấy mấy bước, bị mắc kẹt dưới một bức hàng rào nặng bằng gang vừa đổ sập xuống.

        Chúng tôi cứ đứng sững đó cho tói lúc thấy một ngôi nhà trước mặt bắt đầu rung rinh và đổ sập, xuống. Tức thì mấy giây sau, ngôi nhà riêng của chúng tôi cũng chuyển động rồi đổ xuống làm bụi bốc lên mù mịt. Xung quanh chúng tôi, có biết bao nhiêu ngôi nhà khác sập đổ hoặc bay bổng lên. Từ những đống gỗ gạch vụn nát nổi lên những ngọn lửa dữ dội tung tóe và lan dần ra trước một ngọn gió mỗi phút một thêm cuồng bạo. Lần lần, tôi nhận thấy rằng chúng tôi không thể đứng mãi ngoài phố như vậy được và chúng tôi đi về phía bệnh viện.

        Nhà của chúng tôi bị hoàn toàn tiêu diệt ; chúng tôi đều bị thương và cần sự săn sóc. Hơn nữa, tôi còn có phận sự phải ở liền bên những bạn cộng sự của tôi. Ý nghĩ sau cùng này thật là buồn thảm : bị thương tích thế này, tôi còn giúp ích gỉ cho ai được nữa ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:36:14 pm »


        Chúng tôi bắt đầu đi, nhưng mới được vài chục bước, tôi phải ngừng lại nữa. Như người hụt hơi, trái tim tôi đập mạnh như sắp đứt ra và hai chân tôi đờ hẳn ra vì mệt nhọc. Tôi khát vô tả và năn nỉ Yaeko-San đi tìm cho tôi chút nước, nhưng nàng đã không kiếm ra được một giọt nào. Một lát sau, sức khỏe phục hồi, chúng tôi lại có thể lên đường. Tôi vẫn trần truồng như con nhộng ; vậy mà lúc đó tôi chẳng biết hổ thẹn là gì cả.

        Khi rẽ vào một góc phố, chúng tôi gặp một người lính đứng sững ở giữa đường. Trông hắn có vẻ ngây ngô, trên vai choàng mệt tấm khăn rửa mặt. Tôi hỏi xin hắn tấm khăn đó để che bớt thân thể thì hắn liền đưa cho ngay nhưng vẫn không nói một lời nào. Đi được một quãng, tôi vô ý làm rơi mất tấm khăn và Yaeko-San phải cởi chiếc áo mỏng khoác ngoài để quấn quanh mình tôi vậy .

        Chúng tôi chậm chạp tiến dần về phía bệnh viện. Bỗng nhiên, hai ống chân tôi bị cứng ra, vì máu đọng khô lại, và hầu như không mang nổi người tôi nữa. Tôi đã kiệt lực và không buồn cất bước.

        Tôi bảo vợ tôi, lúc đó cũng đang bị trọng thương như tôi :

        — Mình đi trước đi !

        Thoạt tiên, nàng không chịu bỏ tôi mà đi. Nhưng, bây giờ không phải là lúc lưỡng lự nữa: nàng cần phải đi trước để tìm một người tới cứu tôi. Yaeko-San cúi xuống nhìn tôi. Rồi, không nói một lời, nàng tất tả chạy về phía bệnh viện. Chạy được chừng năm chục thước, nàng ngoảnh lại vẫy tôi rồi lại tiến bước đi. Nàng đã khuất dạng trước mắt tôi, ngăn cách bởi một đám sương mù.

        Bây giờ thì trời đã tối hẳn ! Xa cách Yaeko- San, tôi cảm thấy mình bị chìm đắm trong cảnh hoàn toàn cô độc.

        Có lẽ tôi đã bị ngất đi trong lúc nằm quằn quại ở bên đường. Sở dĩ phỏng đoán như vậy vì tôi bỗng nhận thấy vết thương ở đùi tôi lại bật ra và máu lại bắt đầu chảy. Tôi bịt tay lên vết thương và một lát sau, máu ngừng chảy khiến tôi cảm thấy dễ chịu.

        Tôi có thể tiếp tục lên đường được không ? Hãy cứ thử xem sao. Tất cả đều chỉ là một cơn ác mộng : những vết thương đẫm máu, bầu trời tăm tối nặng nề và con đường dài trước mắt tôi ! Tuy những cử động đều chậm chạp lúng túng, nhưng khối óc của tôi vẫn còn minh mẫn như thường.

        Sau một hồi khá lâu, tôi đi tới một khu đất trống. Trong khoảng tối lờ mờ, tôi đã nhận ra được cái bóng đen của Bộ Giao Thông, một toà nhà đồ sộ bằng xi măng cốt sắt mà ở phía sau đó là ngôi bệnh viện. Tôi lấy lại được chút can đảm vì biết rằng bây giờ thế nào cũng có người trông thấy tôi và bất hạnh, nếu tôi có chết thì chắc chắn sẽ có người lo việc tống táng cho tôi.

        Tôi ngồi nghỉ một lúc. Cảnh vật xung quanh tôi đã lần lần hiện ra rõ rệt. Tôi thấy những bóng người qua lại ở trước mắt y như một đoàn ma quỷ. Trong bọn họ, có một số người tỏ vẻ đau đớn lắm thì phải : họ dơ những cánh tay ra đàng trước hoặc để tay buông lủng lẳng coi rất đáng thương. Những bóng người ấy khiến tôi vô cùng phiền não cho tới khi tôi hiểu ra rằng họ đều là những nạn nhân của mấy đám cháy vừa qua.

        Một người đàn bà khỏa thân bồng một đứa con nhỏ trên tay, lặng lẽ đi trong đám sương mù. Cảnh tượng ấy đã khiến tôi phải ngoảnh mặt đi và phân vân suy nghĩ : có lẽ mẹ con mụ này vừa đi tắm về chăng ? Nhưng, liền ngay lúc đó, tôi lại trông thấy một người đàn ông cũng trần truồng.. như con nhộng. Thế là tôi chợt hiểu ra rằng họ cũng đều trải qua một cuộc phiêu lưu rùng rợn như tôi : một cái gì huyền bí đã lột hết cả quần áo của chúng tôi đi rồi !

        Một bà lão già vừa ngã gục bên cạnh tôi ; mặt bà ta có rúm lại bởi đau đớn, nhưng bà không thốt ra một tiếng nào cả.

        Tất cả mọi người xung quanh tôi đều chung một trạng thái như nhau : họ giống như những hình ma bóng quỷ vì họ chỉ cử động trong sự hoàn toàn câm lặng. Những người nào có sức đều chậm chạp tiến về phía bệnh viện. Tôi gia nhập đoàn người sầu não đó sau khi đã vãn hồi được chút sức khoẻ và chúng tôi đã đi tới trước hàng rào của Bộ Giao Thông. Tới đây, tôi thấy lại khung cảnh và những bộ mặt quen thuộc thường ngày. Tôi đã thấy các ông Iguchi, Yoshihiro và ông bạn già Sera, Trưởng Ty Thương Mại. Tất cả những người này đều hấp tấp chạy lại với tôi. Nhưng, sự vui mừng trên mặt họ đã biến đổi khi thấy tôi bị thương trầm trọng như vậy. Riêng phần tôi thì tôi rất sung sướng khi lại gặp họ để cùng họ chia sẻ những nỗi đau thương trong khi hoạn nạn này.

        Không để phí thì giờ trao đổi những lễ nghĩa xã giao và chỉ bằng một cái giơ tay, họ đã đặt tôi nằm trên chiếc cáng và khiêng tôi vào văn phòng Bộ Giao Thông, mặc dầu tôi đã hết sức chối từ vì còn đủ sức để tự đi vào được.

        Sau này, tôi mới được biết rằng bệnh viện đã chật ních những người nên văn phòng Bộ Giao Thông đã được biến thành một bệnh viện phụ thuộc. Trong các gian phòng và ngoài hiên đều đầy những người bị thươngmà trong số đó tôi đã nhận được mấy người hàng xóm.

        Các bạn tôi nhấc chiếc cáng chở tôi lên và đưa qua khung một cửa sổ mở sẵn vào gian phòng của người gác cổng vừa được dùng làm phòng cứu thương. Khắp gian phòng đều bừa bãi lung tung. Những gạch ngói vỡ, những đồ gỗ gãy nát và đủ các thứ vụn vặt rải rác trên mặt đất. Các bức tường đều rạn nứt hết. Một khuôn cửa sổ làm bằng thép dày đã bị vặn đi như một tàu lá và rời hẳn một nửa ra khỏi chiếc xà ngang.

        Thật là thảm đạm !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:36:35 pm »


        Rồi, tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy lần lượt hiện ra : cô Kado, y tá riêng của tôi — Ô. Mizoguchi, và bà Saeki.

        Cô Kado bắt đầu ngay công việc xem xét những vết thương của tôi và... cô không nói năng gì cả. Mà tất cả những người kia, cũng không ai nói năng gì cả. Tôi hỏi xin một cái áo sơ mi và một cái quần ngủ. Họ liền đưa ngay cho tôi những thứ đó và cũng vẫn chẳng nói năng gì với tôi.

        Ồ, lạ quá ! Tại sao hết thảy mọi người đều im lặng thể này !

        Cô Kado đã khám xét xong và một lúc sau, ngực tôi nóng ran lên như lửa. Cô bắt đầu xức cồn pha i ốt lên những vết thương của tôi, mặc dầu tôi đã hết sức van nài, cô cũng không thôi. 

        Tôi đành nghiến răng chịu đau đớn và trong khi đó, tôi lơ đãng nhìn xem cảnh vật bên ngoài.

        Bệnh viện đứng ngay phía trước cửa sổ chỗ tôi nằm. Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng một phần mái ngói và căn phòng « điều dưỡng bằng ánh mặt trời» ở tầng lầu thứ ba. Tôi mải ngước nhln về phía ấy, hầu như quên hết rát bỏng ở các vết thương.

        Bỗng, những làn khói nặng nề bốc lên từ những khung cửa sổ phòng điều dưỡng nói trên. Tôi kinh khủng hô hoán :

        — Cháy ! Cháy ! Bệnh viện cháy !

        Các bạn tôi vội ngẩng nhìn về phía đó. Đúng rồi ! Rõ ràng bệnh viện đang làm mồi cho thần hỏa rồi !

        Chỉ trong chớp mắt, còi báo động nổi lên những hồi rùng rợn và ai nấy đều cất tiếng hô hoán vang trời. Tiểng kêu the thé của Ô. Sera át cả tiếng mọi người ở trong phòng. Và đây là lân đầu tiên tôi được nghe tiếng người nói, kể từ lúc tôi ngộ nạn. Bầu không khí yên lặng đã bị tan vỡ. Tôi có cảm tưởng như bị đưa vào một trại những người điên.

        Tôi nhớ rằng Bs Sasada, Trưởng phòng Nhi Khoa, đã cúi xuống để trấn tĩnh tôi, nhưng tôi phải cố gắng hết sức mới hơi nghe rõ tiếng ông ta giữa bao nhiêu tiếng huyên náo ở xung quanh.

        Lần lần, tôi nhận được tiếng Bs Hinoi rồi tiếng Bs Koyama. Hai người này đều kêu gào thúc giục tản cư tất cả mọi người ra khỏi bệnh viện ngay tức khắc : họ nỗ lực kêu gào chẳng khác chi gọi những người hấp hối lai tỉnh vậy.

        Tất cả bầu trời đều sáng rực vì ánh lửa. Liền đó là tới phiên văn phòng Bộ Giao Thông cũng bị đe dọa ; Ô. Sera hạ lệnh tản cư ngay. Chiếc cáng của tôi được khiêng ngay ra khu vườn ở phía sau Bộ và đặt dưới bóng một cây anh đào. Những người bị thương khác được cáng đi hoặc đích thân lần ra ngoài bãi cỏ. Chỉ trong giây lát, tất cả khu vườn đều chật ních những người và chỉ có những người bị thương nặng mới được có chỗ nằm hẳn hoi. Không một ai nói năng gì; thỉnh thoảng bầu không khí buồn tẻ lại bị khua động bởi những tiếng rên rỉ thảm thiết. Hết thảy đều nóng lòng chờ đợi mà người ta cũng chẳng biết là chờ đợi gì nữa. Có lẽ chờ đợi ngày tận thế chăng ?

        Bầu trời đầy những làn khói đen cuồn cuộn và những đốm lửa đỏ tung bay. Ngọn lửa mỗi lúc một lớn thêm khiến nhiệt độ cao vọt hẳn lên. Gió thổi mỗi lúc càng thêm mãnh liệt khiến những tấm kẽm lợp mái nhà đều bật tung hẳn ra và bay vun vút lên không trung. Những rui nhà bị cháy gãy răng rắc và rơi tung xuống, sáng loáng như những con chim lửa.

        Trong khi tôi đang cố gắng trấn áp ngọn lửa ở quanh mình thì một thanh gỗ cháy rơi xuống trúng mắt cá chân. Tôi vội luống cuống dơ tay hất mạnh ra để khỏi bị chết thiêu.

        Văn phòng Bộ Giao Thông đã bắt đầu bén lửa. Tất cả các khung cửa sổ đều lần lượt biến thành những khung lửa sáng rực và chỉ một phút sau, cả tòa nhà kiên cố chỉ còn là một hỏa ngục với những tiếng ù ù và răng rắc ghê rợn. Gió nóng bỏng hú lên ở khắp xung quanh bốc tro bụi tạt vào mắt mũi chúng tôi. Thật là kinh khủng ! Miệng chúng tôi khô queo hẳn lại, cổ họng nóng rát vì hơi khói cay sè lùa vào trong phổi. Chúng tôi quyết định phải rời Bộ Giao Thông để khỏi bị chết ngạt. Nhưng ngay lúc đó khu nhà bằng gỗ ở cuối vườn cũng bị lửa lan tràn tới và bắt đầu cháy ngùn ngụt như những bó đuốc.

        Ngọn lửa mỗi phút một thêm cuồng bạo khiến chúng tôi khiểp đảm vội tìm đường rời ngay khỏi khu vườn đó. Người nào còn sức thì mạnh ai nấy cắm đầu chạy trốn ; còn thì đều bị cháy thành than cả. Nếu không có những người bạn tận tâm cứu cấp thì tôi cũng đã gục ngay xuống đó rồi ; họ đã tới kịp để cướp tôi ra khỏi tay Tử Thần một lần nữa. Họ lại hấp tấp khiêng chiếc cáng chở tôi ra tới tận cổng chính của Bộ Giao Thông. Một toán nhỏ những người bị thương đã tề tựu ở đó rồi. Và tôi đã được gặp vợ tôi. Bs Sasada và cô Kado cũng chạy đến với tôi ngay.

        Lửa cháy ở khắp mọi phía trong khi cơn giông tố phũ phàng nổi lên giúp cho ngọn lửa lan tràn hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác. Tức thì chúng tội lại bị bao vây bởi lửa ; khoảnh đất mà chúng tôi đang ẩn tránh ở trước Bộ Giao Thông đã thành ra một biển lửa mông mênh.

        Mặc đầu bị sức lửa nóng hành hạ, tôi cũng vẫn run như cày sấy. Trống ngực tôi đập liên hồi ; tất cả mọi vật đều như quay cuồng ở trước mắt tôi.

        Tôi yếu đuối rên rỉ ;

        — « Kurushii !» (Thế là hết cả !).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:37:17 pm »


*

*       *

        Tôi bỗng nghe văng vẳng những tiếng nói nghẹn ngào ở bên tai : hình như tiểng nói đó đang từ phương xa vọng lại.

        Những tiếng lại gần và trở nên rõ rệt. Tôi liền mở mắt ra : Bs Sasada đang thăm mạch cho tôi và cô Kado cũng đang tiêm thuốc cho tôi nữa. Việc gì đã xảy ra thế này ? Thì ra tôi đã ngất đi và đã dần dần hồi tỉnh lại.

        Những hạt mưa nặng nề bắt đầu rơi xuống. Tất cả chúng tôi đều hi vọng một trận bão xuất hiện để dập tắt hết những ngọn lửa vô tình và tàn khốc kia đi. Song, ngán thay ! những hạt mưa quý hóa ấy đã hiếm hoi quá, nó chỉ rơi xuống có một lúc là ngừng hẳn.

        Tầng lầu thứ nhất của Bộ Giao Thông chỉ còn là một cái lò than. Ngọn lửa lan rất nhanh về phía chúng tôi đang tạm trú. Lúc đó, tôi không còn đủ khả năng để nhận xẻt rõ tình trạng đang diễn ra nữa và tôi đã bất lực ở trước tình thế nguy nan đó.

        Chiếc xà ngang bằng sắt ở một cái cửa sổ đã bị bật ra và rơi xuống ngay phía sau lưng chúng tôi với một tiếng « ầm » dữ dội. Một khối lửa vút bay xẹt qua bắt cháy ngay cái áo sơ mi của tôi đang mặc. Người ta vội múc nước dội lên người để cứu tôi.

        Từ phút ấy trở đi, tôi lại không biết việc gì đã xảy ra nữa.

        Bây giờ, tôi nhớ lại sự đau đớn vô tả do Bs Hinoi gây ra khi ông dựng tôi đứng dậy một cách đột ngột. Lúc đó, hình như có ai thúc đẩy hoặc lôi kéo một cách tàn nhẫn khiến tôi phẫn uất vô cùng vì những cực hình ấy.

        Thế là một lần nữa, các bạn tôi lại cứu cho tôi thoát chết !

        Từ một hầm trú ẩn, tôi thấy một cái đầu người nhô lên: đó là bà Saeki ! Bà dịu dàng nhủ tôi:

        — Hãy can đảm lên, thưa bác sĩ ! Tất cả phía Bắc thành phố đã hoàn toàn bị thiêu hủy rồi. Nhưng giờ phút này, chúng ta không còn gì đáng sợ nữa.

        Tôi rất cảm động trước những lời khuyên nhủ ấy và tưởng hình như mình đã là đứa con trai yêu dấu của bà Saeki rồi. Mà thật vậy, bà đã can đảm đè nén những sự đau đớn của chính mình để cố sức trấn tĩnh tôi trong cơn hoạn nạn này. Bà Saeki nói rất đúng : tất cả phía Bắc thành phố đã biến ra tro bụi cả rồi ! Trời đất vẫn âm thầm khiến tôi không thể phân biệt lúc đó là buổi trưa hay buổi tối nữa. Thời gian không còn ý nghĩa gì cả. Sự sống còn của tôi đây có thể là chỉ trong chốc lát mà cũng lại có thể kéo dài cả một kỉếp người vô vị này. Khói vẫn bốc lên nghi ngút ở tầng lầu thứ nhì của bệnh viện, nhưng lửa đã bị đàn áp hẳn rồi. Vả chăng, ở đó cũng không còn gì để có thể làm mồi cho thần hỏa được nữa. Tôi đã phỏng đoán và sau này tôi được biết rõ rằng tầng lầu thứ nhất của bệnh viện đã thoát nguy là nhờ sự tận tụy hi sinh cứu chữa của các bác sĩ Hinoi và Koyama.

        Trong các phố im lặng chỉ còn ngổn ngang những xác người chết. Những người này đã gục xuống trong khi kinh hoàng chạy trốn ; lại có những người nằm chết co quắp cả tứ chi như bị ném từ trên ngọn núi cao xuống,

        Hiroshima không còn là một nơi đô thành phồn thịnh nữa mà đã trở nên một bãi sa mạc mênh mông ngập tràn khói lửa. Toàn cõi phía đông và phía tây thành phố đã thành bình địa cả. Những trái núi ở nơi chân trời xa thẳm nay đã như dịch gần hẳn lại. Những rặng đồi ở Ushita và những cánh rừng ở Nigitsu tràn ngập sương mù và khói bụi.

        Hiroshima bé nhỏ nên thơ nay đã trở nên điêu tàn thảm hại ; không còn một ngôi nhà nào đứng vững ở trên mặt đất nữa !

        Gió lại nổi lên và bầu trời càng tối đen vì khói.

        Đột nhiên, tôi nghe tiếng ai kêu thất thanh : — Máy bay kìa ! Trời ơi, máy bay địch kìa ! Có thể thế được không ? Máy bay địch trở lại nữa ư ? Ở đây có còn gì để chúng phá hoại được nữa đâu ?

        Những ý nghĩ trên của tôi bị cắt đứt ngay phút ấy vi tôi vừa nghe nói đến một cái tên rất quen thuộc : một cô y-tá vừa cất tiếng gọi Bs Katsubé.

        Tức thì bà Saeki mừng rỡ reo lên :

        — Bác sĩ Katsubẻ ! Ồ, đúng phải ông ta rồi ! Bác sĩ Katsubẻ đã đến !

        Đúng phải Bs Katsubé, Trưởng phòng giải phẫu của chúng tôi. Nhưng, hình như ông không biết sự có mặt ở đây của chúng tôi nên đã rảo bước đi thẳng vào bệnh viện.

        Chúng tôi đã quên hẳn chuyện máy bay địch vì đã quá vui mừng sung sướng khi thấy Bs Katsubé còn sống và đã đến với chúng tôi.

        Không cho tôi kịp thì giờ thoái thác, các bạn tôi vội khiêng tôi vào trong bệnh viện. Quãng đường chỉ dài có độ vài trăm thước nhưng cũng đủ khiến tôi mệt lả vì bị lúc lắc.

        Tôi không quên được những phút kinh hoàng khi nằm trên mặt chiếc bàn cứng rắn để chịu những cực hình đau đớn trong lúc người ta bắt đầu công việc khâu lại những vết thương ở trên môi và mặt tôi. Cho tới khi Bs Katsubé vá lại hơn bốn chục vết thương khác ở khắp toàn thân tôi thì tôi không còn nhớ gì cả.

        Sau đó người ta chuyền tôi sang gian phòng bên cạnh.

        Tôi ngủ thiếp đi sau khi mặt trời đã lặn hẳn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:38:37 pm »


7-8-1945

        Đêm qua, có lẽ tôi đã ngủ được rất nhiều bởi khi mở mắt ra, tôi thấy mặt trời đã lên cao lắm rồi. Ở phòng này, không có qua một cánh cửa hay tấm màn gió nào để ngăn cản ánh thái dương chói lòa ở trước mắt tôi cả. Bên tai tôi lại vang lên những tiếng rên la thảm thiệt của các nạn nhân. Tất cả bệnh viện đều không còn trật tự gì nữa.

        Trên mặt đất bừa bãi những gạch, ngói, gỗ, đá nát vụn và cả những đồ dùng về thuốc men nữa. Tường và trần nhà đều đầy những lỗ thủng và vết rạn nứt.

        Phần nhiều những vết xây xát ở trên thân thể chúng tôi đều do những mảnh kính gãy vụn gây nên. Còn những vết dài và sâu hoắm là do những mảnh sắt ở xà nhà bật ra và những vết dao do các vị bác sĩ giải phẫu để cứu chúng tôi,

        Một tủ đựng thuốc đồ nằm lăn kềnh bên cạnh cửa sổ. Một chiếc ghế dùng vào việc khám bệnh tai, mũi và họng bị gãy tan nát, Một cái đèn rọi gãy làm đôi nằm bơ vơ dưới đất, Khắp phòng đều bị đảo lộn, không bút nào tả xiết được.

        Bs Sasada, hôm qua vừa săn sóc tôi, nay đang nằm dài ở phía tay trái tôi đây, Thoạt tiên, tôi tưởng ông được vô sự ; ai ngờ, bây giờ tôi mới nhận thấy rằng ông cũng bị phỏng nặng, Bàn tay và cánh tay ông được băng bó kín cả và mặt ông sưng phù hẳn lên khiến tôi không thể nhận ra được. Duy nhờ có tiếng nói của ông nên tôi mới được biết.

        Vợ tôi nằm quằn quại ở phía tay mặt tôi, Mặt nàng được quét một lớp thuốc mỡ trắng xóa trông như một quái tượng, Cánh tay mặt của nàng bị đóng khung trong một chiếc máng. Cô Kado chỉ bị thương nhẹ, nằm giữa vợ tôi và tôi. Vậy mà cô đã săn sóc chúng tôi suốt một đêm qua.

        Thấy tôi thức giấc, vợ tôi ngoảnh lại bảo tôi:

        — Chiều hôm qua, trông anh có vẻ đau đớn nhiều quá.

        Cô Kado lên tiếng :

        — Đúng đấy, bác sĩ ạ, Tôi đã phải luôn luôn nghe ngóng từng hơi thở của ngài.

        Tôi nhận ra bà vợ của Bs Fujii, Bà ngồi yên như pho tượng trên chiếc ghế dài dựa mé tường. Mặt bà hiện rõ những nét âu sầu và thất vọng.

        Tôi quay lại hỏi cô Kado xem bà ta bị thương thế nào.

        Cô đáp :

        — Bà Fujii chỉ bị thương xoàng thôi. Nhưng đứa con nhỏ của bà vừa mới từ trần đêm hôm qua.

        — Bây giờ, Bs Fujii ở đâu ?

        — Đứa con gái lớn của ông bà ấy bị thất lạc nên ông phải đi tìm kiếm suốt từ chiều hôm qua và bây giờ vẫn chưa trở lại. Có lẽ ông còn đang đi lang thang trên những chỗ hoang tàn ấy.

        Bs Koyama đã vào hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của chúng tôi. Đầu ông băng bó lù lù một đống và tay ông phải đeo lên cổ. Tôi đã ứa nước mắt khi trông thấy ông. Ông đã phải mổ xẻ cho người bịnh suốt một đêm qua. Mặc dầu đã kiệt sức, ông vẫn quên mình mà chỉ nghĩ đến người khác. Bs Katsubẻ và cô Takao — y tá phòng giải phẫu — cùng Bs Koyama đi thăm hết thảy các bệnh nhân. Người nào cũng có vẻ dữ tợn bởi những chiếc áo choàng dơ dáy và đầy vết máu.

        Tôi được biết rằng ô. Iguchi, tài xế của tôi, đã lắp một chiếc đèn cấp cứu vào một cái bình điện xe hơi. Nhờ vậy, các vị bác sĩ mới có thể  làm phận sự suốt đêm qua được. Và tới gần sáng, chiếc đèn cấp cứu duy nhất đó cũng bị tắt. Thấy tôi tỏ vẻ lo âu, Bs Koyama vội khuyên nhủ :

        — Đừng nên lo lắng gì cả. Rồi mọi việc đều sẽ xong xuôi hết bạn ạ.

        Bs Katsubé xem xét bệnh trạng và bắt mạch cho tôi rồi nói :

        — Bạn bị nhiều vết thương quá. Nhưng may những chỗ hiềm yếu đều không việc gì cả.

        Rồi, ông tả lại những vết thương của tôi và thuật cho tôi biết tôi đã được săn sóc thế nào. Tôi rất ngạc nhiên khi được biết một bên vai của tôi bị chém sâu hẳn xuống vì sự thực thì tôi không cảm thấy đau đớn gì cả.

        Vẻ lạc quân của Bs Katsubé trước tình trạng của tôi khiến tôi khỏe hẳn lên.

        Tôi hỏi Bs Koyama :

        — Trong bệnh viện có bao nhiêu người bị thương ?

        — Ước chừng 150 người. Đã có nhiều người trong số đó bị thiệt mạng rồi. Nhưng, rồi đây sẽ có nhiều người đến nữa khiến chúng tôi sẽ không biết phải đặt họ vào đâu. Không còn một chỗ nào để họ đặt chân nữa. Bệnh nhân nằm ngồn ngang khắp mọi nơi, kể cả trong buồng rửa mặt.

        Bs Katsubé đứng yên lặng một lúc rồi lắc đầu cất tiếng :

        — Hiện thời, có nửa tá người nằm chen chúc dưới gầm cầu thang và độ năm chục người nữa ở ngoài vườn bệnh viện.

        Rồi ông cùng Bs Koyama thảo luận hầu tìm những biện pháp để vãn hồi chút trật tự ở đây hoặc ít ra cũng để cho các lối ra vào được quang đãng. Phân nhiều các nạn nhân đã bị phỏng một cách ghê gớm; có người bị những vết thương khác rất nặng. Nhưng rút lại, ai nấy đều cùng bị trầm trọng như nhau cả. Có nhiều người đang đi ở giữa thành phố đúng lúc cuộc thả bom diễn ra. Họ đã chạy trốn nhưng chỉ có thể đi tới Bộ Giao Thông được thôi. Tới đây, họ đã ngã gục xuống vì kiệt sức. Có những người khác ở các miền lân cận đã tới xin cấp cứu. Họ nhận thấy rằng toà nhà kiên cố này vẫn đứng trơ trơ ở giữa cảnh tàn phá điêu linh kia đã là nơi trú ẩn duy nhất của họ rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:26:37 pm »


        Họ đã kéo nhau như nước chảy tới làm đông nghẹt hết cả ngôi bệnh viện. Không có một người bà con hay bạn hữu nào ở bên giường, cũng không có một ai để săn sóc miếng ăn thức uống cho họ1. Để tình hình thêm nghiêm trọng, họ lại đã mắc thêm cả chứng nôn mửa và bệnh hạ lỵ. Những người bệnh nặng đã đại tiện và tiểu tiện ngay trên chỗ nằm. Người nào còn có sức đi được thì cố gắng đi ra phía ngoài bậc cửa để đại và tiểu tiện ngay ở đó. Kẻ ra người vào tấp nập cả ngày không tài nào tránh cho khỏi đạp phải những vật ô uế rải rác khắp nơi.

        Hết ngày này tới ngày khác, lối cổng chính vào bệnh viện lúc nào cũng nồng nặc lên những mùi hôi thối. Vậy mà không có cách gì để thay đổi được cái tình trạng ghê gớm đó cả vì lẽ ở đây không có chậu để người bệnh dùng; mà dù có chăng nữa thì cũng chẳng có ai là người mang đến giùm họ được.

        Khiêng những xác chết đem chôn là một việc rất dễ dàng. Song tẩy uế từ trong các phòng ra tới cổng bệnh viện lại là cả một vấn đề nan giải.

        Những người bị phỏng đã đáng thương hơn hết vì da người họ dần dần tróc hẳn ra đề phơi những vết thương đỏ lòm dưới ánh nắng mặt trời và những bụi bậm dơ bẩn.

        Đó là cái cảnh mà những nạn nhân bị đầy ải trong bao nỗi đau đớn xót xa ! Chỉ nghĩ đến cái cảnh ấy không thôi cũng đủ khiến ta phải rùng mình ghê sợ. Nhưng, biết làm thế nào bây giờ ? Nằm quằn quại dưới đất, tôi lắng tai nghe các vị thầy thuốc đang bàn tán với nhau về những hiểm họa khác rất có thể xảy ra trong tình trạng này.

        Có những chi tiết khiến bạn phải dựng ngược tóc lên vỉ kinh khủng!

        Tôi hỏi Bs Katsubé :

        — Bao giờ tôi có thể đậy được? Tôi rất muốn giúp đỡ bạn...

        — Bạn không thể dậy được trước khi các vết thương hàn khẩu tức là không thể trước một tuần lễ.

        Nói dứt lời, ông đi sang phòng bên cạnh, đề mặc tôi với những tư tưởng của tôi.

        Tôi không bị cô độc lâu. Các vị bác sĩ trong bệnh viện đã lần lượt vào thăm để ngỏ lời chia buồn với tôi ; họ đã biểu lộ nỗi lo lắng khi thấy những vết thương của tôi. Hết thảy đều cầu chúc cho tôi mau bình phục. Tôi đã băn khoăn đau khổ khi thấy một vài người trong bọn hình như cũng bị trọng thương như tôi.

        Bs Nishimura, Chủ tịch Hiệp hội các Y sĩ ở Okayama đã vượt qua 130 cây số để đến lấy tin tức của tôi2. Chúng tôi đã cùng ngồi chung một ghế nhà trường ở Okayama. Khi trông thấy tôi, ông không cầm được nước mắt.

        Sau khi nhìn kỹ mặt tôi, ông tha thiết nói :

        — Nhờ ơn Thượng đế, bạn hãy còn sống sót đấy ! Bây giờ, bạn nghe trong mình ra sao ?

        Không đợi tôi đáp, ông lại nói tiếp ngay :

        — Đêm hôm qua, tôi được tin Hiroshima bị tấn công bởi một thứ khí giới mới lạ. Người ta quả quyết rằng sự thiệt hại không đáng kể. Nhưng, tôi muốn đích thân tới thăm tận nơi và xem có cần thêm y sĩ giúp việc hay không ? Tôi mượn một chiếc xe vận tải nhỏ và tức tốc đến ngay đây, Ôi ! Thật là một khung cảnh vô cùng rùng rợn đang bày ra trước mắt tôi !

        Rồi, ông bắt đầu tả lại những cảnh khủng khiếp mà ông đã chứng kiến ngay từ lúc mới bước chân tới địa đầu thành phố. Đây là những chi tiết đầu tiên mà chúng tôi được biết từ lúc tai họa xảy ra. Chúng tôi dán mắt vào môi Bs Nishimura để nghe ông ta thuật chuyện. Vừa nghe chuyện, tôi vừa nghĩ đến những nỗi lo âu sợ hãi của mẹ tôi hiện đang ở quê nhà kế cận Okayama. Khi Bs Nishimura nói xong, tôi liền yêu cầu ông làm ơn báo tin cho mẹ tôi và một đứa em gái của tôi cư ngụ tại ngay Okayama để người được biết rằng Yaeko-San và tôi đã ở trong số những người sống sót.

        Ông hứa sẽ giúp tôi việc đó và sẽ tổ chức một phái đoàn y sĩ và y tá tới Hiroshima để giúp đỡ chúng tôi.

        Bs Tabuchi, một bạn già ở Ushita, cũng tới thăm chúng tôi. Mặt và hai tay ông đều bị phỏng, nhưng không lấy gì làm nặng lắm.

        Sau khi trao đổi lời chào nhau rồi tôi liền hỏi nguyên nhân tình trạng ấy của ông.

        Ông đáp :

        — Bom nổ giữa lúc tôi đang hái trái mận ở trong sân nhà tồi. Thoạt tiên, tôi chỉ thấy một làn chớp trắng xóa chói lòa. Rồi, một luồng hơi nóng tạt vào mặt tôi. Đồng thời, tôi nghe một tiếng nổ dữ dội đinh tai choáng óc. Thật là một sự phi thương và vô cùng khiếp đảm ! Tiếng nổ mạnh quả khiến tôi ngã lăn xuống đất. Nhưng may mắn quá, tôi không bị thương tích nào nặng cả ; vợ tôi cũng vậy. Tuy nhiên, bạn phải trồng thấy cái nhà của tôi thì mới biết được: nó không bị sập đổ hẳn, song nó lại nằm sấp rạp xuống đất ! Tôi chưa hề trông thấy cái cảnh tượng như thế bao giờ : cả trong và ngoài đều bị tiêu diệt hết. Thật là một đại phúc nên vợ chồng tôi và thằng Rioji, con tôi đều còn sống cả. Tôi quên không nói để bạn biết rằng buổi sáng hôm đó, Rioji đi ra phố. Quãng nửa đêm, chúng tôi không còn hy vọng trông thấy nó nữa vì chúng tôi không ngờ nó đã có thể  thoát ra khỏi đám cháy tàn khốc sau khi bom nổ ấy. Và nó đã vô sự mà trở về nhà.

----------------
        1. Theo tục lệ nước Nhật, mỗi người vào điều trị trong bệnh viện phải đem chăn màn gồi nệm của riêng mình đến. Họ phải đem cả thực phẩm, đồ dùng nấu ăn và một cái lò nhỏ nấu bằng than (gọi là Konro). Một thân nhân cảa họ được phép vào ở đó để lo nấu ăn và giặt rũ quần áo cho họ.

        2. Bs Hachiya sinh trưởng ở Okayama và tòng học tại đó. Đấy là một thành phố quan trọng và một trung tâm văn hóa nổi danh, ở phía Đông đào Hiroshima.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:27:58 pm »


        Tới đây, ông bỗng lặng yên suy nghĩ rồi cất tiếng nói tiếp :

        — Nhưng, sao bây giờ bạn không đến tạm trú tại nhà tôi nhỉ ? Nhà tôi tuy không đủ tiện nghi trong lúc này, song dù sao thì bạn cũng sẽ được dễ chịu hơn ở đây.

        Tôi rất tiếc không thể nhận lời ân cần mời mọc ấy của ông được. Bởi vậy, tôi cố kiếm lời khéo léo chối từ để khỏi mếch lòng ông. Tôi nói:

        — Bs Tabuchi ! Chúng tôi rất cảm ơn sự chiếu cố ấy của bạn. Nhưng, Bs Katsubé đã ra lệnh buộc tôi phải nằm yên một chỗ từ nay cho tới khi những vết thương này thành sẹo thỉ mới được dậy.

        Lời giải thích ấy của tôi chưa đủ khiển ông hoàn toàn tin nên ông có ý giận mà định ra đi ngay.

        Tôi vội năn nỉ :

        — Tôi van bạn ! Bạn không nên đi ngay như vậy. Bạn hãy kể nốt cho chúng tôi rõ hết những chi tiết của vụ tai nạn đã xảy ra trong ngày hôm qua.

        Ông lại tiếp tục kể :

        — Thật là kinh khủng ! Hằng mấy trăm người bị thương, tìm đường chạy trốn về phía rặng đồi, đã đi qua nhà tôi. Cái cảnh thương tâm ấy khiến tôi không cầm lòng đậu : người nào cũng bị phỏng ở mặt và tay; những mảng thịt lớn bật ra và lủng lẳng trên cánh tay họ. Họ bước đi hàng một như những đàn kiến và đi như vậy suốt đêm. Nhưng, tới sáng thì họ ngừng lại. Tôi đã trông thấy họ nằm chông chất lên nhau ở hai bên vệ đường.

        Tôi nằm dài nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng tới những cảnh khủng khiếp mà Bs Tabuchi vừa tả.

        Thốt nhiên, tôi nghe tiếng ai rên rĩ ở dưới chân giường. Tôi liền mở mắt nhìn và thấy Bs Katsutani, người bạn thâm giao của tôi. Vốn biết ông là người có tính đa cảm mà tôi cũng không thể tự chủ được khi thấy ông nằm phục ở bên giường tôi mà thở than như vậy. Ông đã đi bộ suốt 16 cây số từ Jigozen tới Hiroshima để thăm tôi.

        Ông quay lại cất tiếng nghẹn ngào nói với Bs Sasada :

        — Hôm qua, nếu tôi không chạy mau thì khó lòng mà vào Hiroshima được. Cho đến hôm nay cũng vậy, những đám cháy hãy còn đang hoành hành dữ dội ở một vài khu trong thành phố. Thật là rùng rợn khi trông thấy cảnh vật đều biến đổi hoàn toàn. Sáng nay, khi đi tới cầu Misasa, tôi thấy hết thảy đều biến đổi, đến cả toà lâu đài đồ sộ ở đấy nữa. Duy chỉ có những nhà cửa ở đây là còn đứng vững được trong vòng mấy cây số tiếp cận vậy. Bởi thế nên từ đàng xa tôi đã nhìn thấy hình dáng Bộ Giao Thông đột khởi lên ở giữa cảnh điêu tàn này.

        Bs. Katsutani ngừng một lát để lấy lại hơi sức rồi lại tiếp tục nói :

        — Tôi đã phải đi dọc theo đương hỏa xa để đến đây. Đường này cũng bị bế tắc bởi những dòng giây điện và những mảnh vỡ của những toa xe lửa. Chỗ nào cũng đầy những xác chết và những ngươi bị thương quằn quại. Khi đi tới cầu, tôi trông thấy một cảnh tượng khủng khiếp mà các bạn khó lòng tin được. Tôi thấy một ngươi đàn ông đang ngồi trên chiếc xe đạp và dựa mình vào thành cầu : trông anh ta có vẻ như đang ngắm cảnh điêu tàn trước mắt. Nhưng, khi tới gần, tôi thấy anh ta đã chết cứng tự bao giờ roi. Tiếng nổ của bom đã biến anh thành ra pho tượng. Ôi, người ta có thể tưởng tượng được cái cảnh như vậy không ?

        Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu hỏi trên và kể tiếp :

        -— Một phần lớn xác chết đen nằm ở trên hoặc dưới gầm càu... Người ta phỏng đoán rằng những ngươi bị thương ấy đã chạy đến đấy để nhảy xuống uống nước ở dưới sông, rồi họ chết luôn tại chỗ.

        Tôi lại trông thấy có nhiều người sống đang vùng vẫy giữa đám tử thi ở dưới sông, trong khi dòng nước vẫn cứ đưa đầy dần họ ra biển cả. Có hàng trăm hàng ngàn người liều lĩnh nhảy xuống nước để khỏi bị chết cháy ; nhưng, than ôi ! Họ cũng lại bị chết trôi một cách vô cùng thảm hại.

        Song, thương tâm thảm mục nhất là cảnh những người lính. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu là lính. Họ bị phỏng suốt từ đầu xuống tới háng, lột hẳn lớp da ngoài để thịt trơ ra với màu xám xịt như mầu mốc. Có lẽ lúc xảy ra tai nạn thì họ đội mũ nên đầu tóc họ không việc gì cả. Tuy nhiên, ngươi ta trông thấy như những chiếc bát sơn đen úp chụp lên đau họ vậy.

        Gương mặt họ không còn hình thù gì nữa : mắt mũi và miệng họ đã bị cháy xém hết cả. Tai họ đã nát ngấu ra rồi. Khó lòng mà phân biệt được đâu là phía trước và đâu là phía sau của cái sọ ngươi nữa.

        Một trong những ngươi lính ấy, mà mặt chỉ còn là một cái lỗ đen thui, chỉ còn nhe hai hàm răng trắng nhởn ra được thôi. Họ lừ lừ tiến lên giữa những đống thịt người sưng phù trông rất ghê tởm. Người lỉnh nói trên năn nỉ tôi xin chút nước, nhưng tôi không có. Tôi chỉ còn có thể chắp tay lại để cầu nguyện cho anh ta. Và anh ta cũng không nói thêm gì nữa : có lẽ lời cầu khẩn lúc nãy đã là lời nói cuối cùng của anh ta vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:30:29 pm »


        Hình như Bs Katsutani đã nhẹ bớt được nỗi đau thương khiếp sợ, sau khi đã kể cho chúng tôi rõ những thảm cảnh vừa qua. Trong khi ông kể, có rất nhiều người xúm lại để nghe và không một ai dám ngắt lời ông vì lòng chúng tôi đều nặng chĩu xuống vì những câu chuyện thương tâm ấy. Mãi sau, có một người hỏi ông đang làm gì khi trái bom nổ xuống.

        Ông trả lời :

        — Tôi vừa ăn điểm tâm xong và sắp châm một điếu thuốc thì đột nhiên thấy một làn chớp trắng xóa. Một lát sau, tôi nghe tiếng nổ dữ dội. Không kịp thì giờ suy nghĩ, tôi thét lên một tiếng và nhảy ngay xuống ham trú ẩn ở đầu nhà. Rồi một lát sau nữa, tôi lại kinh hồn hoảng vía vì một đám cháy lớn bừng lên... đám cháy lớn không thể tưởng tượng được và suốt đời tôi chưa từng nghe nói đến bao giờ. Thật là khủng khiếp ! Tôi nhảy ra khỏi hầm và đẩy vợ tôi đi. Linh cảm thấy có một sự gì khác thường vừa xảy ra ở Hiroshima, tôi liền leo lên nóc trại để nhìn vào trong thành phố.

        Tới đây vì quá xúc động, Bs Katsutani giơ tay giơ chân và kề tiếp :

        — Nhìn về phía Hiroshima, tôi thấy một đám lớn đen sì cao ngất trời và lần lần lan rộng mãi ra. Biết chắc chắn là một tai nạn phi thường đã giáng xuống đó rồi, tôi nhảy xuống khỏi nóc trại và cắm cổ chạy thật mau đến căn cứ quân sự ở Hatsukaichi. Tôi chạy vào văn phòng vị sĩ quan hiện dịch ở đó, thuật cho y nghe những cảnh tôi vừa trồng thấy và năn nỉ yêu cầu y phái ngay ngươi đi cấp cứu Hiroshima. Nhưng, y không tin lời tôi nói. Sau một hồi ngắm nghía mặt tôi với một vẻ nghi hoặc, các bạn có biết y đã nói gì với tôi không ? Y bảo tôi: anh không nên bận tâm quá như vậy ! không phải là chỉ một hay hai trái bom mà có thể gây họa lớn cho thành Hiroshima được đâu ». Thật là phí thì giờ để nói chuyện với hạng ngươi ngu đần đó, các bạn ạ.

        Tôi là một nhân viên cao cấp trong Hội các cựu Sĩ Quan. Vậy mà chúng tôi cũng không biết xoay sở ra sao cả vì bữa đó, các nhân viên thuộc hạ của tôi đều phải đi công tác ở Miyajima. Tôi tìm kiếm khắp mọi nơi mong được một số người khả dĩ có thể tập thành một đoàn cấp cứu, nhưng tôi không thấy một ai cả, Trong khi tôi đi tìm kiểm thì từng làn sóng ngươi đã bắt đầu xâm nhập vào làng. Tôi hỏi họ xem việc gì có thể xảy ra thì họ chỉ có thì cho tôi biết là thành Hiroshima đã bị tiêu diệt và tất cả dân ở đó đều phải chạy trốn hết. Tức thì, tôi lấy ngay xe đạp và phóng nhanh đến Itsukaichi.

        Khi tới nơi, tôi thấy khắp các đuờng lớn nhỏ đều đã tràn ngập những người đi bộ. Một lần nữa, tôi muốn biết sự gì đã xảy ra, nhưng không một ai có thể cho tôi biết gì hơn nữa. Khi tôi hỏi họ ở đâu đến, thì họ chỉ tay về phía Hiroshima và đáp : « ở kia ! ». Và khi tôi hỏi họ định đi đâu thi họ chỉ tay về phía ngược lại và nói : « Đàng này ! ». Hết thảy đều có vẻ hoàn toàn ngớ ngẩn và cùng trả lơi như nhau cả.

        Ở Itsukaichiy tôi không thấy một ngươi nào bị thương hoặc bị phỏng nặng. Song, khi tới Kusatsu thì thấy người nào cũng mang thương tích trầm trọng cả Càng tới gần Hiroshima thì số người trọng thương càng tăng lên và khi tới Koi thì thấy mặt mũi ngươi nào cũng biến đổi cả khiến tôi không dám nhìn thẳng vào họ nữa. Người nào cũng khét lẹt như mùi lông cháy.


        Tới đây, Bs Katsutani lại ngừng một hồi lâu. Rồi, ông thở dài nói tiếp :

        — Khu vực chung quanh trạm Koi được thần hỏa chừa lại nhưng nhà ga xe điện và những nhà ở ngay tại đó đều đã ra tro hết. Những ngươi bị thương chen chúc nhau ở sân ga, không thừa một chỗ nào cả. Người nằm kẻ đứng ngổn ngang. Hết thảy đều kêu rêu xin nước uống. Thỉnh thoảngy người ta lại nghe tiếng một đứa trẻ gọi mẹ. Thật là cảnh một địa ngục trần gian ! Tôi cam đoan như vậy, thật là một địa ngục trần gian ! Hôm nay, vẫn cái cảnh tượng ấy diễn ra.

        À, các bạn có thấy Bs Hanaoka không ? Hôm qua, tôi gặp ông ta vượt qua đường xe điện ở Koi. Ồng ta đi về phía bệnh viện, nhưng tôi không tin rằng ông ta có thể vượt nổi cái hàng rào lửa đang bao vây khắp tứ phía ấy.


        Một người đáp bằng giọng buồn thảm :

        — Không, chúng tôi không thấy ông ta đâu.

        Bs Katsutani hất đầu với vẻ tư lự rồi tiếp tục kể :

        — Tôi rời ga Koi và đi đến trường tiểu học. Từ chiều hôm trước, trường này đã biến thành một trạm cấp cứu và đã đầy những ngươi bị thương rồi. Cả ngoài sân vận động cũng đầy những ngươi đã chết hoặc đang hấp hối : ngươi ta có thể nói đây giống như một cái sân đang phơi hằng vạn con cá ở trên cỏ. Thật là thương tâm vô hạn khi trông thấy họ nằm phơi mình dưới ánh mặt trời gay gắt như vậy ! Tôi đã có thể tiên đoán được rằng rồi họ sẽ chết hết.

        Lúc chập tối, trên con đường trở về nhà, tôi bỗng gặp chị tôi mà nhà ở tận Tokaishi. Tôi tưởng chị tôi đã chết rồi mà ai ngờ đâu người hãy còn sống và chị em gặp nhau ở đây. Chị tôi sung sướng quá đến nỗi không nói được một lời nào với tôi cả. Những tiếng rên rỉ đã làm nghẹn họng chị và chị đã khóc như mưa vì mừng rỡ. Có vài ngươi hảo tâm giúp tôi kiếm đồ ghép thành một cái cáng để khiêng chị tôi về nhà tôi ở Jigozen. Cả đến làng tôi, ở cách Hiroshima những 16 cây số, cũng đã biến thành một cảnh địa ngục trần gian rồi. Đền chùa nào cũng đầy những người bị thương.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM