Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:38:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sám hối Hiroshima  (Đọc 5040 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2019, 03:35:16 pm »

     
        - Tên sách : Sám hối Hiroshima (Avoir Détruit Hiroshima — Offlimits fur das Gewissen)

        - Tác giả : Claude Eatherly và Gunther Anders
                        Lê-Cao-Phan dịch

        - Nhà xuất bản Minh-Đức

        - Năm xuất bản : 1973

        - Số hóa : Giangtvx

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Năm, 2020, 09:11:59 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2019, 09:24:55 pm »

         
       (Thư ngỏ gửi nữ Bác-sĩ Marie losèphe Bonnet)

        Chị Bonnet thân mến,

        Tôi còn nhớ trong chuyến bay trên vòm trời Việt-Nam khói lửa năm nào, khi tôi trao cho Chị mượn đọc cuốn AVOIR DÉTRƯIT HIROSHIMA, thoạt nhìn bìa sách, Chị đã bất giác thổt ra câu : « Vụ Hiroshima và Nagasaki ? Kinh khủng thật!» Và tôi có tỏ bày cùng Chị ý định dịch cuốn sách này ra tiếng Việt-Nam để cống hiến thêm một tài liệu về vụ án nguyên từ tày trời ấy cho đồng bào tôi, nhất là để những giới hữu trách bên này cũng như bên kia lẳn mức phân ranh dân tộc tôi lưu ý hơn nữa đến vấn đề lương tâm nhân loại. Ý định trên đã được Chị nhiệt liệt tán đồng.

        Bộ y phục phụ nữ Việt-Nam Chị mặc hôm đó đã làm cho Chị càng thêm vẻ duyên dáng thùy mị và càng gần gũi nhân dân Việt-Nam chúng tôi hơn nữa. Chị lại càng gần gũi thêm khi tôi liên tưởng đến hình ảnh của một nữ bác sĩ giải phẫu tây phương có kinh nghiệm, trẻ tuổi và giàu nhiệt tâm, ngày đêm lặng lẽ giúp giới y sĩ Việt-Nam hàn gắn vết thương cho những con người Việt-Nam đang khốn đốn vì bom đạn suốt một phần tư thế kỷ này.

        Và nay bản địch mang tên SÁM HỐI HIROSHIMA sắp được chuyền đến hầu Chị bằng đường bưu điện, cũng như mùa Thu năm 1970 ấy AVOIR DÉTRUIT HIROSHIMA đã được trả lại tôi bằng đường bưu điện, vì chúng ta đã rủi ro không được gặp nhau lần cuối trước khi Chị lên đường trở về Pháp.

        Trước khi đọc lại Avoir Détruit Hiroshima bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, xin Chị vui lòng dành cho tôi mối hân hạnh được gửi đến Chị những giòng thư ngỏ thay lời phi lộ cho bản dịch này. Quả vậy, niềm thông cảm hồn nhiên — dù đang ở buổi sơ giao — giữa Chị, một y sĩ Thiên-Chúa giáo dịu hiền, giàu tình nhân loại, và tôi, một tín đồ Phật-giáo làm nghề dạy học kiêm văn nghệ sĩ đang đau niềm đau Việt-Nam và nhân loại, chính ra đã thúc đẩy tôi có cử chỉ đường đột này. 


        Chị Bonnet thân mến.

        Tôi đang cố quên đi hình ảnh của những đoàn quân viễn chinh Nhật-Bản với chương trình Đại-Đông-Á của họ trên quê hương tôi vào những năm 1943-45 ; tôi đang cố quên đi những hành động dã man của chiến binh Nhật hung hãn đeo kiếm dài lê thê, nhét những dân Việt-Nam có tội chống lại họ (!) vào bụng ngựa Mông-cổ rồi khâu lại và đem chôn...

        Hẳn Chị cũng như tôi, chúng ta có thừa sáng suốt để phân biệt những kẻ quân phiệt, thực dân của một nước với đại đa số quần chúng thuần lương, hiếu hòa và giàu tình nhân loại của chính nước ấy. Vậy thì tại sao trên nửa triệu dân Nhật-Bản ở Hiroshima và Nagasaki lại không thể là đại đa số quần chúng nói trên ?

        Vào hồi 08 giờ 17 phút ngày 6 tháng 8 năm 1945, thứ vũ khí mới lạ ấy từ cao độ 7.000m rơi xuống thành phố Hiroshima. Rồi một khối lửa đường kính 500m, mà người Nhật gọi là «Mặt trời Tử thần», đã tỏa ra một sức nóng khoảng 2 triệu độ bách phân, tương đương với 100 triệu tấn than hồng, làm mù mắt hẳn những ai nhìn thẳng vào nó dù ở cách xa hơn 10 km. Trong khắc đồng hồ đầu tiên, nó đã đốt tan thành khói bụi 17.000 người dân Hiroshima. Họ chưa kịp hoảng sợ thì đã đi về bên kia thế giới mà không để lại một dấu tích nào ! Sau đó, trong phạm vi một đường kính 3.000m, mọi người và vật đều bắt lửa cháy thành than. Những kẻ sống sót đều bị nhiễm chất phóng xạ, phỏng nặng, mắc chứng nôn mửa, tháo dạ, rụng tóc, suy giảm huyết cầu trầm trọng và xuất huyết nội tạng bắt nguồn từ trong cốt tủy, để rồi phải chết sau đó vài ba tuần lễ.

        Nếu tôi không nhầm thì hơn một phần ba trong số gồm 200 đồng nghiệp Nhật-Bản của Chị tại Hiroshima đã chết hoặc mất tích vì đại họa ấy. Và cao đẹp thay, một số bác sĩ khác còn lại vẫn quên mình, thản nhiên săn sóc các nạn nhân đồng bào của họ, trong khi chính họ tự biết mình cũng đã bị nhiễm độc và có the tiến dần đến cõi chết.

        Tổng kết riêng tại Hiroshima, quả bom nguyên tử đã giết 120.000 người trong số 220.000 nạn nhân, với sức công phá tương đương với 15.000 quả bom 250kg loại thường.

        Thiếu tá phi công Hoa-kỳ Claude Eatherly đã bị lương tâm dày xéo và đã có những hành động sám hối chân thành đến nỗi ông đã bị đối xử như một người điên. Bấy nhiêu chỉ vì Eatherly đã tham gia chuyến công tác lịch sử gây ra hỏa ngục kinh hoàng mà không hề được biết trước. Thế nhưng, có một điều an ủi lớn là ông đã tìm được nơi triết gia người Áo, Gunther Anders, một bạn tri kỷ cao niên đã giúp ông gióng lên tiếng chuông báo động về mối đại họa của vũ khí nguyên tử.

        Hiện nay người ta vẫn còn nói đến viễn tượng của một vực sâu nguyên tử, vẫn còn có những vụ chống đối các cuộc thí nghiệm nguyên tử, vẫn còn có những cuộc hội nghị quốc tế kiểm soát và hạn chế vũ khí hạch tâm, mà những ai đang chủ trương sản xuất đều tuyên bố rằng đấy chỉ là những vũ khí cảnh bị, tự vệ và... bảo vệ hòa bình.

        Riêng tại Việt-Nam, trong khi chiến tranh thảm khốc đang kéo dài, đã có lẫn tôi thấy đính chính tin đồn rằng một loại bom nguyên tử cỡ nhỏ có thể được dùng để... chóng kết thúc cuộc chiến !

        Mặc dù vụ án Hiroshima đã lùi dần vào dĩ vãng, mặc dù ngày 14-12-1946 đại hội đồng Liên-Hiệp-Quổc đã quyết định loại bỏ bom nguyên tử ra ngoài vòng pháp luật, nhưng « cây nấm khồng lồ » của 27 năm về trước nay vẫn còn in đậm dấu tích-trên thân thể tật nguyền của vô số dân Hiroshima và Nagasaki. Và nguyên tử năng — mà người ta mệnh danh là « nguyên tử năng phụng sự hòa bình » — vẫn có thề là « lưỡi gươm Damoclès » luyện bằng Uranium, Thorium, hoặc bằng hóa chất Hydrogène-Hélium và gì gì nữa, đang treo lủng lẳng trên đỉnh đầu của chúng ta, ngày nào trên quả đất này vấn đề lương tâm nhân loại chưa được đặt lại một cách nghiêm chỉnh hơn, ngày nào còn có những lực lượng đối nghịch tranh giành nhau ngôi vị bá chủ chỉ vì những quyền lợi phe phái hay một tinh thần quốc gia mù quáng và tuyệt đối.

        Biết bao giờ con người có được một vốn liếng tinh thần khả dĩ tự kiểm soát được chính mình, để hận thù, bạo lực và ích kỷ không còn chế ngự con tim nhân loại ?


        Chị Bonnet thân mến,

        Hẳn Chị thừa hiểu rằng chỉ vì những mối lo sợ đó mà bản dịch « SÁM HỐI HIROSHIMA» này đang tìm cách đến tận tay đồng bào tôi, nhất là thế hệ trẻ Việt-Nam đang lên và hằng làm cho tôỉ vô cùng tin tưởng ; và đến tận tay những ai thông hiểu ít nhiều tiếng Việt-Nam, trong số này tôi rất vui mừng đã tìm thấy có Chị, Nữ Bác-Sĩ M. J. Bonnet.

Viết tại Saigon,                                      
 tháng 10 năm 1972,                                  
vào những ngày Hòa Bình Việt-Nam được nói đến nhiều nhất
Dịch giả : LÊ-CAO-PHAN                                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:25:10 pm »

       
TỰA

        Trường hợp CLAUDE không chỉ là dẫn chứng khủng khiếp của một bất công đang kéo dài đối với một cá nhân : trường hợp Claude Eatherly còn là điển hình của sự điên khùng thời đại, điên khùng có thể dẫn ngay đến tự vẫn. Những độc giả không thiên vị, khi đọc thư từ của hẳn sẽ không hoài nghi tình trạng thần kinh rất bình thường của viên phi công này. Riêng phần tôi, tôi vẫn thấy khó tin rằng những bác sĩ trước kia đã phán quyết tình trạng loạn thần của Eatherly có thể cầm chắc rằng họ đã kết luận chính xác. Eatherly chỉ bị lương tàm cắn rứt vì đã tham gia — cho dù chỉ giữ một vai tuồng tương đối phụ thuộc — vào một hành động tự do thảm sát tập thể. Có thể rằng những vận động ông nhằm thuyết phục nhân loại về điên rồ này chưa mang lại nhiều kết quả. Thế nhưng, những động lực thúc đẩy ông hành động rất đáng được những ai còn chút lương tâm nhân loại thán phục. Có điều là nếu trước đây thế giới sẵn sàng tuyên dương công trạng ông tham gia vụ tàn sát, thì ngay khi ông tỏ ra hối tiếc về hành động của ông, thế giới lại quay mũi dùi trở ông, cho rằng cử chỉ ăn năn của Eatherly chỉ là một sự ý buộc tội.Tôi thành thực mong rằng sau khi trường hợp Eatherly được phổ biến các nhà hữu trách chuyên môn sẽ có những nhận xét ve sự vật chính xác hơn, ngõ hầu giải oan cho phi công này.

BERTRAND RUSSELL        

KHI NHỮNG PHẠM NHÂN TRỞ THÀNH NẠN NHÂN

I

        Các chuyên gia Âu-châu, từ 1945, đã từng tốn nhiều giấy mực để mô tả tác dụng của vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, trong khu rừng sách vở dày cộm này vẫn không khỏi còn có một sự thiếu sót. Bởi vì, dù thực ra các chuyên gia đã quan sát tỉ mỉ các lưu tích điêu tàn và hàng vạn người sống sót sau cuộc ném bom, nhưng họ vẫn quên một yếu tố quan trọng : đó là bản thân của chính họ.

        Như vây, họ đã không nhận chân nguyên động lực có tính cách chung quyết sau đây : bom nguyên tử tác hại cho ngay cả những ai sử dụng nó, và ngay cả những ai có dự tính sử dụng nó. Phản hưởng của những phương tiện phá hoại đại qui mô này không có tính cách vật chất, nhưng thuộc địa hạt tinh thần và tâm lý. Bởi vì năng lực phá hoại của các vũ khí nguyên tử — lớn lao hơn bao giờ hết trong các cuộc chiến tranh vừa qua — đang đè nặng lên chính những ai sử dụng hoặc đang định sử dụng chúng : ảnh hưởng tinh thần của vũ khí nguyên tử tác động mạnh trên lương tri và vô thức của họ.

        Trường hợp Eatherly, lần đầu tiên, đã cho chúng ta nhận thức phản hưởng của các vũ khí mới. Chúng ta đang thấy một người, thay vì lẩn tránh sự hãi hùng thảm khốc trong đó đương sự có phần trách nhiệm, hoặc tự khép mình trong tư thái dồn ép, đã nhận chân tội lỗi của mình và gióng lên tiếng chuông báo động trong khi những kẻ khác nhẫn nhục giữ yên lặng. Sự rối loạn và bất bình của Eatherly, đối với các thế hệ tương lai, sẽ là một thái độ bình thường, bình thường hơn cả thái độ của những đồng bào của ông nói riêng, và của những người đương thời vời ông, nói chung.

        Đáng lẽ chúng ta phải cùng thông cảm nỗi đau khổ của Eatherly và nói lêu nỗi đau khổ ấy ; đáng lẽ chúng ta phải vận dụng tất cả mãnh lực của lương tâm và lý trí để chống lại sự xuất hiện của những gì phi nhân và phản nhân loại trên quả đất này.

        Nhưng khốn nỗi chúng ta đã yên lặng trong tư thái bình tĩnh, chúng ta đã giữ vẻ mặt « chán chường ».

        Sự bình yên của chúng ta thực ra chỉ có vẻ bên ngoài. Quả vậy, chúng ta không thể nào chịu đựng nổi sự thử thách tâm lý của những vũ khí tối tân. Dưới sức tác xạ của chúng, những căn bản sinh tồn của chúng ta về luân lý lẫn chính trị đều phải sụp đổ. Giữa những gì chúng ta muốn bảo vệ và những phương tiện dùng để bảo vệ, sự cách biệt ngày càng tăng trưởng. Hậu quả của sự tăng trưởng ấy chính là tình trạng căng thẳng tinh thần thường xuyên và sự xuất hiện của những bệnh thần kinh tập thể đang ngày càng tác hại nhiều cho nhân loại.

        Nếu Hoa-kỳ là quốc gia đầu tiên đã mang những quái vật phá hoại này lên sân khấu thế giới, và đã không ngần ngại tăng gia mức độ phá hoại của chúng, mặc dù Nhật-bản đã vang lên tiếng kêu thảm thiết, thì chính Hoa-kỳ lại là quốc gia đầu tiên thu lãnh phản hưởng tâm lý của bom nguyên tử. Nếu so sánh với trường hợp Hoa-kỳ thì trường hợp Eatherly còn quả đơn giản. Điểm cốt yếu của tấn bi kịch, theo nghĩa chinh của nó, không phải là nỗi đau khổ của phi công Hoa- kỳ, mà chính là sự sai lầm nguy hại của những đồng bào ông và quốc gia ông. Để thoát khỏi sự kinh hãi, họ đã gieo cho thế giới mối kinh hãi nguyên tử ; để mang hạnh phúc và tự do cho từng cá nhân, họ tưởng cần phải đe dọa giết hại hàng triệu sinh linh.

        Thêm vào «trường hợp Hoa-kỳ» đã có những trường hợp Nga-sô, Anh, Pháp, Đức, và mai kia chúng ta sẽ còn có những « trường hợp Thụy-điển », Thụy-sĩ, Do- thái, Trung-hoa. Bất cứ một quốc gia nào có ý định dùng thử vũ khí mới — thứ vũ khí có mãnh lực triệt hạ mọi giá trị và quyền lợi — để bảo vệ những giá trị và quyền lợi của chính mình, tất sẽ không thoát khỏi sự thử thách tâm lý do công trình chuẩn bị một cuộc sát hại như vậy gây nên.

        Mặc dù chưa được sử dụng, những vũ khí nguyên tử đang được lưu trữ, do sự hiện hữu của chúng mà thôi, đã quay mũi dùi trở lại những ai đã chủ xướng ra chúng, chúng đánh tan hẳn ý thức dân chủ vì bao nhiêu quyền quyết định tối thượng đều đặt trong tay một thiểu số, chúng làm cho những kẻ có trách vụ bảo vệ quốc gia mất hết nhân tính, vì lẽ họ phải luôn luôn sẵn sàng đánh xả láng. Chúng làm tiêu tán nơi công dân của những nước sử dụng chúng tất cả niềm tin sâu đậm vào thiên khiếu nhân đạo và luân lý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:30:51 pm »


II

        Khi nhìn chân dung của thanh niên Claude Robert Eatherly, phi công tình nguyện của thế chiến trước, ta thấy đó là điển hình của một khuôn mặt trẻ Hoa-kỳ nhẵn nhụi (clean cut boy) (1), không in lấy một vết hẳn thời cuộc, mà là phản ảnh của những anh hùng tiểu thuyết, với đầy đủ đức tính cương nghị, quả cảm và trong sạch.

        Hàng nghìn thanh niên như vậy đã tòng quân để bảo vệ những gì gọi là « sĩ diện và dân chủ » (decency and democracy) chống lại « sự dã man của ý thức quốc gia xã hội ». Sinh viên Eatherly, khi rời ghế nhà trường tại Texas để nhập ngũ, có quyền tin tưởng rằng người ta có thể cầm súng để bảo vệ tự do và nhân loại.

        Do đó lập trường của thanh niên này đã được khẳng định và càng thêm vững chãi, đối với mọi chiến tranh, ngay cả những cuộc chiến có vẻ hợp chính nghĩa. Bởi vì giữa sự tình nguyện đầu quân của người thanh niên thuở ấy và tư tưởng hiếu hòa của một kẻ đang bị an trí ngày nay, còn có kinh nghiệm của sự tàn phá nguyên tử. Quả nhiên, Ealherly đã vô tình dự phần tích cực vào cuộc tàn phá nguyên tử mà không ý thức rõ rệt vai tuồng mình đã được giao phó.

        Người ta kể lại rằng sau vụ Hiroshima động trời ấy, thiếu tá Eatherly không nói chuyện với các bạn hữu của ông nữa. Tình trạng này không làm cho ai lo ngại trong thời gian người phi công, được lừng danh một cách đau khổ, đang đợi lệnh giải ngũ tại Tinian.

        Người ta gọi đó là tình trạng « chiến sĩ thấm mệt » (battle fatigue) của bất cứ quân nhân nào ; và chính Eatherly, vào năm 1943, đã từng bị suy nhược tinh thần sau 13 tháng hoạt động tuần thám tại Nam Thái-Bình-Dương.

        Mười lăm ngày tĩnh dưỡng tại một bệnh viện ở Nữu-Ước hồi đó đã mang lại thăng bằng cho ông. Quả vậy, các chiến sĩ Thái- Bình-Dương đã xác nhận sự thăng bằng ấy qua những lời đùa giỡn, văng tục, những mẫu chuyện chiến tranh của ông trong khi chơi bài với anh em.

        Cũng vào thời kỳ dó, có tin đồn khắp thế giới rằng một trong những phi công ném bom Hiroshima đã vào sám hối trong một nhà tu kín. Và đấy chỉ là một huyền thoại, vì thực ra, thiếu-tá L. mà tên tuổi đã được công bố, đã nhận chức giám đốc một hãng kẹo sô-cô-la. Tiếng đồn đại có vẻ « chính xác hơn cả sự thật» vì làm cho thiên hạ chú ý đến một cử chỉ ân hận mà mọi người đang chờ đợi.

        Trong những kẻ có tham gia cuộc ném bom nguyên tử, Eatherly là người duy nhất đã không chịu để thiên hạ hoan nghênh như một anh hùng chiến thắng trong mấy tháng hậu chiến. Những người đồng xử của ông tại thành phố Alstyne nhỏ bé thông cảm thái độ của ông : họ không cho ông là « điên » và cũng chẳng bảo ông « lập dị ».

        Bởi vì vào thời ấy chưa có một hố chia rẽ nào ngăn cách « người công dân Mỹ tốt» với đồng bào của họ. Sự kinh hoàng do đại họa bom nguyên tử gây nên chưa bị xem là một « trạng thái hèn yếu » : người ta vẫn chưa ngán những kẻ buộc tội bom nguyên tử. Hồi đó rất nhiều người liên hệ đã nhận chân sự lầm lỗi và tỏ ra ân hận. Dư luận quần chúng đồng một loạt lên tiếng tẩy chay vũ khí nguyên tử, nhiều đoàn thể chính trị đề nghị Mỹ quốc bỏ việc nắm độc quyền nguyên tử — dù là ngắn hạn — và trao những bí mật về sáng chế loại vũ khí siêu nguyên tử cho các quốc gia đồng minh trong Liên-hiệp-quốc. Thế nhưng nhóm thiểu số chủ trương rằng Mỹ phải nắm độc quyền nguyên tử năng này — bị cô lập lúc ban đầu — về sau thắng thế, nhờ chỗ Nga sô bác bỏ những đề nghị thuộc chương trình kiểm soát nguyên tử do Mỹ đưa ra một cách miễn cưỡng. Hồi đó là « chiến tranh lạnh », là « cuộc thi đua võ trang nguyên tử ». Trong khi con số khổng lồ những nạn nhân Hiroshima đã làm cho thế giới vô cùng xúc động trong trận thế chiến trước, người ta lại hoan hỷ nuôi viễn ảnh của những con số nạn nhân nguyên tử gấp mười gấp trăm lần lớn hơn ! Một đơn vị đo lường mới đã xuất hiện: đấy là danh từ « megadeath » đê chỉ một triệu nạn nhân chết vì một vụ nổ bom nguyên tử. Con số này được dùng trong tất cả những bài tính thuộc « chính sách can gián ». Nếu một cá nhân riêng lẻ nào đó dám nuôi hoài bão « megadeath » này, tất hắn sẽ bị xem là loạn óc ngay, và sẽ bị giam cầm như một kẻ nguy hiểm !

        Nhưng nếu là trường hợp của những bộ tham mưu hay những chính phủ, vấn đề lại khác hẳn. Các cơ cấu chấp hành của xã hội loài người có quyền thảo ra những kế hoạch điên khùng và chuyển sang những công trình chuẩn bị cụ thể trước sự hoan hô của một phần dư luận quần chúng. Thí dụ một công dân vốn hiền lương, bỗng nhận thấy nơi người láng giềng nhất cử nhất động đều có hậu ý sát nhân, bèn dựng chướng ngại vật quanh nhà mình, rút lui vào ngọn tháp tự vệ, và buông màn bí mật bao trùm cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không khỏi cho rằng người công dân này mắc bệnh cuồng sảng và sẽ khuyên đương sự vào y viện thần kinh. Đối với một đại cường quốc thì không thế. Vì mọi cử chỉ tự vệ như trên sẽ được xem như là « thông minh và thực tiễn ».

        Bom nguyên tử không ngờ đã trở gậy đánh vào lưng những ai làm chủ nó : việc nắm giữ những phương tiện bí hiểm không giúp các cường quốc trở nên khôn khéo và khiêm tốn. mà trái lại chỉ làm cho họ kiêu căng và khắc nghiệt.

----------------
        1. Những từ ngữ hoặc cầu Anh văn trong bản dịch này đều sao y bản Pháp văn. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:32:01 pm »

 
III

        Ngày mai — nếu chúng ta có viễn ảnh một « ngày mai » — tòa án Lịch sử sẽ xử tội những kẻ chủ xướng vũ khí nguyên tử và những tên toán học ngồi tính ra sự ám sát tập thể này, chẳng khác gì hiện nay chúng ta đang xử tội Hitler với những chủ thuyết cuồng trí của hẳn. Thế nhưng xử tội như vậy sẽ quá muộn, vì không thể nào làm sống lại những nạn nhân của sự điên rồ hiện nay. Trước khi hàng loạt đô thị và thôn quê bị tiêu tan vì một con toán nhầm lẫn của chánh sách đe dọa, trước khi quả đất biến thành nghĩa địa, — hoặc giả, lạc quan hơn (!) một trại khổng lồ nuôi những bệnh nhân nan y — chúng ta cần phải giải thích cho những kẻ đang nắm giữ bom nguyên tử rằng bom nguyên tử đang làm cho chính họ trở nên cuồng trí. Căn bệnh càng tệ hại thê thảm hơn nữa khi các bệnh nhân ăn nói và hành động có vẻ như những kẻ hoàn toàn lành mạnh và đầy đủ lý trí, xử sự với một ý thức trách nhiệm cao.

        Thử hỏi, chúng là — những công dân thường hôm nay nhưng sẽ là nạn nhân ngày mai — có thể làm được gì để ngăn cản các «nhà toán học của tử thần» khỏi gieo mối đại họa nguyên tử lên đầu chúng ta ? Thiếu tá Êatherly đã thử trả lời câu hỏi quyết định trốn đây, một câu hỏi đặt ra cho tất cả những ai sống sót sau đệ nhị thế chiến. Những sáng kiến đầu tiên của cựu phi công này đã tỏ ra chưa được thích đáng và nhất là vô hiệu. Thoạt tiên, ông dùng biện pháp di cư : một thời gian sau 1917, kinh hoàng trước những biến chuyển chính trị Hoa-kỳ, ông đã lìa bỏ quê hương. Sau đó, ông lại trở về và cố gắng, cũng như mọi người chung quanh ông, tìm sự nguôi quên, làm ăn và cố chú tâm vào các sinh hoạt hàng ngày. Ông kiếm được việc tại một hãng dầu ở Houston, hàng ngày đều đặn đến sở làm, lại học thêm các lớp tối và đạt đến chức vụ « giám đốc mãi dịch ».

        Năm 1943, Eatherly lập gia đình với một nữ nghệ sĩ trẻ tuổi, Concetta Margetti, bạn quen của ông thời còn đi học tại Californie. Trong 7 năm đầu hôn phối, họa hoằn mỗi năm họ sống chung được vài hôm, thỉnh thoảng may lắm là vài tuần lễ. Cuối cùng họ tiến đến một cuộc sống gần như bình thường bên cạnh con cái họ trong một ngôi nhà có vườn, nghĩa là với hoài bão tìm « hạnh phúc tổ ấm ».

        Nhưng khốn nỗi đấy chỉ là bức tranh sinh hoạt ban ngày, vì về đêm viên cựu phi công này vẫn còn bị những hình ảnh kinh hoàng và nhũng giấc mơ hãi hùng ảm ảnh. Lúc đầu tình trạng chưa đến nỗi bi đát lắm, Eatherly còn tìm được quên lãng bằng vài cốc rượu, (drinks) bằng thuốc an thần. Nhưng về sau những phương thuốc này đều hóa ra vô hiệu và ông tưởng cứ phải thấy lại trong giấc mơ bàng hoàng nét mặt nhăn nhỏ rùng rợn của các nạn nhân địa ngục Hiroshima.

        Cũng vào thời kỳ đó, Eatherly bắt đầu bỏ những tiền giấy vào phong bì gửi đến Hiroshima, và gửi sang Nhật những bức thư thổ lộ tâm tình, vừa tự kết án mình vừa xin thứ lỗi. Thế nhưng «phương thuốc» này cũng chẳng làm ông khuây khỏa hơn những phương thuốc khác. Bởi vậy, vào năm 1950 — năm mà tổng thống Truman tuyên bố rằng Hoa-Kỳ sẽ sản xuất những bom mạnh hơn nữa, tức là loại « bom khinh khí » — Eatherly đã toan tự vẫn bằng thuốc ngủ tại một phòng khách sạn ở New Orleans.

        Sau khi được cứu sống và lưu lại bệnh viện trong hai hôm, ông được chuyên đến tĩnh dưõng hơn sáu tuần lễ tại y viện thần kinh Waco, nơi chuyên chữa trị cho những quân nhân mắc chứng loạn óc. Sau đó Eatherly xuất viện, mặc dù tình trạng của ông chưa hẳn đã khả quan hơn.

        Ông bèn tự chữa trị bằng cách ngưng công việc văn phòng và chuyển sang những hoạt động lao lực tại các mỏ dầu lửa của hãng ông. Nhờ những công việc tay chân này, giấc ngủ của ông được yên tĩnh trong một thời gian. Nhưng rồi khúc phim quá khứ vẫn tái diễn trong trí óc, và Eatherly lại bóp trán suy nghĩ phải làm gì để ngăn ngừa một trận chiến tranh nguyên tử khác.

        Ông vạch ra một kế hoạch kỳ dị: để chống lại khuynh hướng quân phiệt của Hoa-Kỳ biểu lộ qua việc bầu cử một tướng lãnh của thế chiến trước làm tổng thống, Eatherly tìm cách làm lung lạc sự tôn thờ thần tượng anh hùng quốc gia, thứ anh hùng chiến trận khoác đủ loại huy chương tài đức. Thần tượng mà ông sẽ lột mặt nạ không ai khác hơn là chính bản thân ông, « người hùng Hiroshima », thiếu tá Claude Robert Eatherly...  kể ra vô nghĩa. Thế rồi tòa án chấp cung lấy lệ theo thủ tực, hỏi vài câu bâng quơ, kết án 9 tháng tù... Để tòa còn xử vụ khác...

        Cựu thiếu tá phi công Eatherly — vì ổng chính là nạn nhân kể trên — không hề có dịp mở lời để tự biện hộ. Lẽ ra ông có thể giải thích rằng ông đã gửi tấm chi phiếu cho một viện mồ côi đang chăm sóc những nạn nhân vụ ném bom Hiroshima ; lẽ ra ông có thể nhắc lại tình trạng quân vụ, trưng ra những chiến công hiển hách của ông. Nhưng ông chẳng được nói gì cả. Bộ máy tư pháp làm việc theo dây chuyền, trường hợp Eatherly không đáng để tòa ngừng lại lâu hơn...

        Một thời gian sau, ông được ân xá và phỏng thích nhờ hạnh kiêm tốt. Rồi lại một mưu toan khác tại Dallas : cướp giựt có vũ khí. Nhưng kẻ cướp kỳ dị đã không lấy đi một cọng rác nào ! Trạng sư biện hộ cho Eatherly tuyên bố thân chủ ông vô trách nhiệm ; tòa án miễn tố và Eatherly được đưa đến chữa trị tại một dưỡng trí viện. Bốn tháng sống tại Waco. Lần này người ta nhận ra rằng thiếu tả Eatherly là một « phế nhân tâm linh » và còn trợ cấp cho ông mỗi tháng một trăm ba mươi hai Mỹ kim, về sau khoản trợ cấp này được tăng gấp đôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:33:39 pm »


        Người ta không tố cáo Eatherly là một phạm nhân đại hình, điều mà chính ông ao ước, người ta không chịu trừng phạt Eatherly « để làm phúc cho chính ông », vì lẽ ra sự trừng phạt đã giúp được ông chuộc tội mình. Mặt khác người ta lại không thể nào chữa cho ông khỏi bệnh. Trong sáu tháng, Eatherly đi công tác di chuyển cho một hãng sản xuất máy may. Lại toan tự tử lần nữa. Vợ ông can thiệp kịp khi ông đang cắt mạch máu ở cườm tay. Nàng đòi ly dị nếu Eatherly không chịu kiếm bác sĩ chữa trị bệnh thần kinh. Và một lần nữa ông đến gõ cửa y viện Waco. Bác sĩ Me Elroy, giám đốc y viện, định bệnh của Eatherly như sau : « Cá tính bị suy nhược trầm trọng. Bệnh nhân mất hẳn liên lạc với thực tế. Lo âu, căng thẳng tinh thần, phản ứng giác quân tê nhụt, ảo giác. Người ta giải thích sự cắn rứt lương tâm của Eatherly bẵng vài định nghĩa bệnh lý học ; người ta dùng danh từ « cơ năng tình cảm suy giảm » để chỉ sự dễ cảm của ông, một sự bén nhạy làm ông khác hẳn nhiều đồng bào vô tư của ông. Người ta định dùng phương thuốc tụy linh (insuline) để làm dứt những ấn tượng hãi hùng nơi Eathcrly.

        Mỗi tuần lễ bốn năm lần, Eatherly phải chịu chữa trị như vậy để tập quên. Sáu tháng sau, người ta cho rằng một phần những kỷ niệm xấu xa của ông đã dược xóa mờ. Người cựu phi công lại cùng vợ về sống tại thành phố dầu lửa Beaumont, cùng đau khổ ôn lại bao nhiêu thử thách đã làm rời rạc đời sống vợ chồng của họ. Concetta Margetti khởi sự xin sống ly thân, và ít lâu sau nàng xin ly dị. Eatherly không được tiếp xúc với con cái, nhưng Concetta từ khước mọi trợ cấp. Chiều theo ý vợ, ông không thăm viếng con, nhưng vẫn tiếp tục chu cấp hằng tháng cho con học tập.

        Trong thời gian 5 năm, từ 1954 đến 1959, đời sống bị quả bom nguyên tử xáo trộn ấy đã kẻo dài qua sự đều đặn nhàm chán của những tòa án và y viện thần kinh. Những hành động phiến loạn, tấn công thu ngân viên nhưng không giựt tiền, trộm tại các nhà bưu điện... rồi những chuỗi ngày vào bệnh viện chữa trị... Nhưng không một phương  sách trị liệu tâm linh nào, không một vị « thuốc an thần » nào có thể bồi dưỡng sức khỏe cho một người — vì thực ra tâm linh của Eatherly vẫn minh mẫn — rất khó thích nghi với một xã hội bệnh hoạn. Bởi vì vào năm 1945 Eatherly đã đánh mất « chiếc áo giáp » vốn là một thứ võ trang tinh thần giúp những người đồng thời với ông, mệnh danh là « những người bình thường, vô bệnh » có thể sống yên lành giữa những ấn tượng Auschwitz1, Hiroshima và viễn ảnh tàn khốc tày trời của cuộc chiến tới.

        Dù sao chăng nữa, thiếu tá Eatherly có thể tự hào đã thành công ở một địa hạt nhất định : ông đã làm cho dư luận chú ý đến « trường hợp » của ông. Thực ra, dư luận chưa phản ứng đúng hẳn theo ý hướng mà « viên phi công Hiroshima hóa điên » đã ước tính. Eatherly muốn giày xẻo, làm đau đớn những  kẻ đương thời với ông, nhưng ông chỉ mới làm cho họ cảm kích, động lòng thôi. Thay vì làm mất uy thế của cánh quân đội do chiến tranh tạo nên và đang ngồi vững như bàn thạch ở tòa Bạch-ốc, vụ Eatherly, trái lại. còn bị bộ Quốc-phòng lợi dụng để quảng cáo cho bộ này. Vì hồi đó người ta chỉ được biết rằng Không-lực đã phải can thiệp nhiều lần với các tòa án để Eatherly khỏi bị cầm tù mà chỉ bị cấm túc trong những y viện thần kinh. Nhà cầm quyền quân sự muốn nhân vụ này tự gây cho mình chút tiếng tăm nhân đạo. Và trường hợp Eatherly gây được dư âm gì ? Rất nhiều tò mò, và chút ít thương hại, thế thôi.

        Nhưng mùa xuân năm 1959, triết gia Gunther Anders, người Vienne, biết đến số phận của Eatherly qua một tờ tạp chỉ (News magazine) Mỹ. Nhà đại học giả uyên thâm với bộ óc khác thường này bèn chụp lấy « trường hợp Eatherly » ; bởi vì ông nhận chân được tính cách quan trọng hàng đầu của vụ Eatherly đối với sự biến chuyển của thời đại chúng ta, trong lúc những kẻ khác chỉ cho đấy là một « giai thoại» đáng chú ý bên lề Lịch sử.

        Sự trao đồi thư từ giữa « nhà trí thức » và « kẻ phạm tội » tiếp diễn sau khi hai người bắt được liên lạc với nhau, đã cung cấp cho chúng ta một giải đáp cho câu hỏi đầy thắc mắc : « Làm sao đây? » Giải đáp này sẽ chẳng thấu đáo gì, nhưng nó sẽ là một đóng góp quan trọng vào công trình cứu chữa một xã hội bệnh hoạn, bởi vì nó chẩn mạch cho thấy rõ sự điên cuồng nguyên tử trong lúc xã hội, trái lại, cho là «lề phải ».

        Nhưng tác dụng cảm động nhất của sự trao đổi thư từ này là sự lành bệnh tuần tự của Eatherly mà độc giả sẽ có dịp theo dõi qua các giai đoạn. Mọi liều thuốc cũng như mọi chuyên gia về bệnh tâm linh đều đã thất bại. Nhưng một bộ óc sáng suốt, một người bạn giàu thiện cảm và nhân ái đã mang lại bình thản nội tâm và nguồn hy vọng nơi một con người bị tòa án lương tâm dày xéo.

-------------------
        1. Auschwitz: một thành phố tại Ba-Lan nơi có một trại an trí của Bức. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:17:05 pm »


        Tuy nhiên, nhà triết học đã không giúp gì được cho người môn đệ mà ông bảo trợ, khi đương sư đã đầy đủ ý thức về bạn thân, về phận sự mình, và muốn tìm lại tự do, làm lại cuộc đời. Nhà hữu trách cứ lặp đi lặp lại rằng Eatherly không bị cấm túc tại quân y viện Waco, mà là một bệnh nhân tự do. Tuy nhiêu vẫn không chịu để cho Eatherly xuất viện, cho đến một ngày kia, vi quá phẫn uất, Ealherly phải bỏ trốn. Đúng vào lúc Eatherly vừa thôi là một kẻ phản nghịch hơi loạn óc, vào lúc ông chuẩn bị, với tư thế con người tự do và làm chủ tư tưởng của minh, hiến dâng quãng đời còn lại cho cuộc tranh đấu chống vũ khí nguyên tử, người ta lại bắt giữ ông chẳng khác nào một tên tù khổ sai vượt ngục, rồi tuyên án phạt ông cấm lúc tại quàn y viện thần kinh Waco. Phiên tòa không hề có một chuyên gia độc lập nào được mời đến giám định, mà chỉ có một quân y sĩ về bệnh thần kinh tham dự.

        Để có thế có một ý niệm về quân y viện Waco, ta hãy đọc đoạn phóng sự sau đây của ký giả Ray Bell đăng trên một tờ nhật báo địa phương, tờ Waco News Tribune:

        « Bệnh viện cựu quân nhân Waco gồm nhiều nhà lầu hai tầng. Gần đầy Eatherly được di chuyển đến « phòng giam số 10». Đây là khu nhữug người loạn óc. Phần lớn các bệnh nhân ở đây không biết ngay cả tên của chính họ. Eatherly thì tuyên bố : « Chỉ có y tá là những người tôi có thể nói chuyện».

        « Ông dậy sớm, nhưng chẳng ai giao ông làm việc gì cả. Chỉ được thấy y sĩ vào những chuyến thăm bệnh thường lệ. Về thuốc men, ông chỉ lãnh hai viên « therazine ». Trong phòng giam của Eatherly có khoảng ba mươi bệnh nhân. Không khí phòng giam làm ông chán nản vì không cho ông tự do viết lách, công việc mà ông thích nhất. Trong thời gian này, Eatherly còn bị cấm ngay cả đi lễ nhà thờ, mặc dù giáo đường tọa lạc hẳn trong khuôn viên của y viện... »

        Thái độ của Eatherly như thế nào — một Eatherly bị giam chung với những bệnh nhân hung bạo (violent cases) — khi trường hợp của ông được đưa ra phiên tòa đại hình vào tháng giêng 1961 ? Cũng nhà báo Mỹ nói trên, khi viết thiên phỏng sự cho một tờ báo Pháp, đã mô tả phiên tòa như sau :

        « Eatherly đã tỏ là người xử thế khéo léo... thỉnh thoảng ông cười khi người biện hộ cho ông đưa ra một luận cứ có tính cách khích động,(chẳng hạn,khi một trong những y sĩ nhân chứng trình tòa rằng Eatherly có đánh máy một bảng câu hỏi soạn trước, Eatherly nói khẽ vào tai nhân chứng rằng chính mình chưa bao giờ biết đánh máy chữ). Khi tòa hỏi, ông trả lời bằng những câu hỏi thẳng thắn và trực tiếp, thường là theo kiểu quân sự : Thưa ngài, có, thưa ngài, không ạ. » Eatherly tỏ vẻ bất bình khi trạng sư Don Hall của bên phía thỉnh nguyện (chính John, anh của Eatherly, đã yêu cầu phòng thỉnh nguyện của Không- lực giam ông) hỏi ông những câu về xuất xứ những tiền bạc của ông. Trạng sư Hall tỏ ra có nhiều ác ý nêu Eatherly trả lời: « ông có cách kiếm tiến của ông, và tôi có cách của tôi ! » Dù cáu tiết, Eatherly vẫn giữ được bình tĩnh. Ông ta có vẻ thản nhiên, đầy tự chủ và chín chắn chẳng kém một người bình thường nào. Lẽ dĩ nhiên lời phán quyết của các quan tòa  đã làm ông thất vọng, nhưng nhìn ông chẳng có vẻ nào muốn bỏ cuộc. Eatherly chỉ tuyên bố bấy nhiêu lời : «Được thì ra sự việc là như vậy đấy ».

        Trong một bức thư kèm theo thiên phóng sự dài về vụ án này, viên bỉnh bủt của nhật báo địa phương, khi đề cập «bệnh nhân » bị giam tại khu dành cho những trường hợp trầm trọng, có nhận xét : « Eatherly hẳn là người thông minh nhất trong phòng xử án ».

        Trong khi đó, tờ nhật báo nơi người phỏng viên trung trực Ray Bell có chân biên tập lại cho đăng một bài phóng sự khác về phiên tòa nói trên, do một cộng sự viên khác viết, với những lời kết luận hoàn toàn mâu thuẫn với bài của Ray Bell. Bài phóng sự sau khốn nỗi lại ăn khớp với luận cứ của đa số báo chí Hoa-Kỳ, nghĩa là phi công Eatherly bị suy nhược tinh thần và bị giam cầm hợp lý.

        Bởi vì chúng ta đang ở vào thời đại mà kẻ có thiện chí bị xem là khờ khạo, kẻ trung trực bị xem là ngu muội, lòng thương hại chỉ là một nhược điểm, và chỉ những người khùng mới giàu lòng nhân ái ! Trên lý thuyết nền đạo đức vẫn có giá, nhưng trong thực tế của đời sống hằng ngày, thiên hạ cho đấy là trò cười. Những người bị chẽ riễu, lừa bịp sẽ không cần phản ứng nữa vì phản ứng cũng bằng thừa. Tuy nhiên, ít ra họ cũng được giác ngộ và quyết không để bị chơi xấu nữa. Kẻ nào nói chuyện luân lý với họ sẽ không khỏi bị xem là nói khoác, dạo đức giả, lạc hậu ! Bởi vì những kẻ hoài nghi, vô liêm sỉ vẫn thản nhiên tự cho mình là « thực tế », lầm tưởng rằng họ đã hiểu rõ chiếu bạc và hăng hái nhập cuộc, cho dù họ chỉ là những «thẻ đồi tiền » dùng cho người khác ăn thua. Trách nhiệm lại còn nặng nề hơn nữa đối với những kẻ không biết « lố bịch Don Quichotte »1 là gì.

        Sự giúp đỡ tinh thần mà Gunther Anders dành cho người bạn Mỹ không hề quen biết, đối với tôi có vẻ thật gương mẫu. Nó chứng minh rằng những ai có ý thức trách nhiệm không thể đầu hàng và cũng không thể nhẫn nhục chịu đựng. Trái lại, họ phải là phát ngôn viên cho các nạn nhân : có như vậy mới gọi là làm tròn trách vụ.

        Hành động như vậy không có nghĩa — như nhiều người vổ đoán — là gieo rắc mầm tan rã cho xã hội, mà trái lại còn giúp xã hội nhận thức được những sai lầm của mình.

        « Trường hợp Eatherly » điển hình đơn giản cho câu chuyện cổ điền — nhưng vẫn hợp với mọi thời đại — của « kẻ trung thần đã trót mù quáng phục vụ cho một lý tưởng thiêng liêng », rồi sau đó dám đi ngược chiều quần chúng, tố cáo những kẻ có thế lực của thế giới và nền đạo đức đang lung lay của họ. Trường hợp Ealherly thường là dấu hiệu cho sự xuất hiện của những bộ luật mới...

ROBERT JUNGK       

----------------
        1. Don Quicholle là nhân vật chính trong cuốn chuyện hài hước Tây-Ban-Nha « Don Quijote » của Miguel Cervantes (1517—1616) — Vì quá say mê những chuyện võ hiệp kỳ tình, Don Ọuichotte đã trở thành một hiệp sĩ loạn óc đi lang thang làm trò cười cho thiên hạ. (Chú Illicit của dịch giả bản Việt văn).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:19:14 pm »

     
THƯ SỐ 1


        Gửi ông Claude r. Eatherly, cựu thiếu tá không lực y viện cựu quân nhân waco, texas,

        Ngày 3 tháng 6 năm 1959.

        Ông Eatherly thân mến,

        Hẳn ông không biết người viết những giòng này là ai. Trái lại, tôi cũng như các bạn tôi đều biết ông. Dù ở Nữu-Ước, Vienne, hay Đông-Kinh, chúng tôi đều đang say sưa theo dõi cuộc tranh đấu của ông chống lại một nghịch cảnh. Chúng tôi không tò mò và cũng chẳng phải những lợi ích « y học » hay « tàm lý » trong trường hợp của ông đã thúc đẩy chúng tôi. Vì chúng tôi đâu phải là những y sĩ hay tâm lý gia ? Trong sự khoắc khoải và kinh hoàng, chúng tôi cố gắng phân tích những vấn đề tinh thần, đạo đức đang trỗi dậy trên con đường chúng ta đi. Sự cơ khí hóa đời sống, sự ràng buộc chúng ta, chẳng khác gì một bánh xe guồng máy, vào những diễn tiến của một công tác mà chúng ta không thể tiên đoán hiệu lực — hoặc giả nếu tiên đoán được thì chúng ta đã không tán thành — tệ trạng đó đã đặt chúng ta vào một hoàn cảnh tinh thần đạo đức mới. Sự cơ khí hỏa đã có hiệu lực làm cho chúng ta trở thành những «phạm nhân hàm oan », là điều không hề xảy ra vào thời đại ông cha chúng ta, những người chưa biết đến những tiến bộ của nền kỹ thuật tân kỳ.

        Nói vậy tất ông đã biết ngay vấn đề này liên quan đến ông như thế nào. ông là nạn nhân đầu tiên vướng vào hình thức « phạm tội » mới này. Số phận của ông ngày nay, ngày mai có thế là số phận của mọi người. Vì lẽ ấy, ông đang giữ vai tuồng của một dẫn chứng, của một kẻ tiền phong.

        Có lẽ ông đang bực mình đến cực độ vì vai tuồng này. Ông thích sống yên thân, «your life is your busines», đời ông là việc riêng của ông. ông hãy tin rằng chúng tôi cũng như ông, ghét thậm tệ cái thói xen vào việc người, do đó, xin ông vui lòng tha lỗi chúng tôi về sự vận động thiếu kín đáo này. Thế nhưng, trong trường hợp này và bởi những lý do vừa trình bày trên đây, điều không đẹp ấy quả thật khó tránh, trái lại còn là một điều cần thiết nữa là khác. Vì thực ra cuộc đời của ông đã trả thành mối bận tâm « của chúng tôi ». Một khi ông, Claude Eatherly, một cá nhân thường, đã « ngẫu nhiên » (hoặc giả dùng một danh từ nào khác để chỉ tình trạng này cũng thế) tượng trưng cho tương lai, tất ông không thể từ khước để chúng tôi được xen vào việc của ông. Nếu ông bị bắt buộc phải giữ vai tuồng tượng trưng này, thay vì một trong vô số những kẻ đồng thời với ông, thì đấy không phải lỗi của chúng tôi; nhưng khốn nỗi sự kiện đã hiển nhiên sờ sờ ra đấy.

        Tuy nhiên, xin ông chớ lầm tưởng rằng ông đang đơn độc chịu đựng mà không có người cùng cảnh ngộ. Bởi vì định mệnh bắt buộc chúng ta sống vào thời đại này, và bắt tất cả chúng ta đặt giả thiết mỗi người đều có thể phạm tội như ông. Chúng tôi có bao giờ chọn để ra đời vào thời đại khốn khổ này, và ông cũng vậy, ông có bao giờ tự chọn lấy vai tuồng oái oăm hiện tại ? Theo ý hướng này, ông và chúng tôi là những người «đồng hội  đồ thuyền » — (in the same boat), nói theo ngôn ngữ của ông, — chúng ta là con cả cha chung. Vì cùng chung định mệnh, chúng tôi có những liên hệ với ông. Chúng tôi chủ tâm đến nỗi đau khổ của ông chẳng khác nào những anh chị em ruột thịt; chúng tôi nói chuyện với ông như với một người anh em đã khổ tâm vướng vào một việc mà một ngày kia mỗi chúng tôi có thể bị ép buộc phải làm. Những người anh em này hy vọng một ngày kia không bị bất hạnh dồn vào một thế ác liệt tương tự, cũng như ông hiện nay, đang tìm cách thoát ly —  một cách tuyệt vọng — khỏi sự bất hạnh của những ngày qua. Nhưng đấy là chuyện đã rồi. Cơ cấu của những mệnh lệnh được ban bố và truyền đi thật quả ư hoàn thiện, và hồi đó, khốn nỗi ông còn trẻ, chẳng hay biết gì. Bởi vậy, ông đã « làm» việc ấy. Vì ông đã « làm » nên chúng tôi sẽ nhờ đến ông — nhờ ông mà thôi — để tìm biết vận mệnh của chúng tôi nếu chúng tôi đã, hoặc sẽ phải ở vào địa vị của ông. Hẳn ông đã ý thức vai tuồng quan trọng của ông đối với chúng tôi. Chúng tôi rất cần ông, ông chẳng khác nào là « môn sư » của chúng tôi.

        Chắc rằng ông sẽ từ khước chức vị này. Ông sẽ nóỉ : « Gì cũng được, ngoại trừ điều đó», bởi vì ông sẽ không quyết định gì được về số phận của ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:20:18 pm »


        Vậy thì ông sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng chính sự bất lực của ông trong vụ gỡ rối này là một điều rất quan trọng đối với chúng tôi. Những khó khăn của ông an ủi chúng tôi đấy. Thoại tiên, sự quả quyết này có vẻ vô nghĩa. Tôi xin giải thích thêm :

        Tỏi không nói rằng ở đây có vấn đề an ủi ông. Tôi chẳng bao giờ có ý định an ủi ông, vì người an ủi chỉ biết nói : « Không đến nỗi gì đâu », hắn cố gắng giảm thiểu mọi khổ đau và lỗi lầm, dùng lời nói để thủ tiêu sự thật. Chính các y sĩ của ông có khuynh hưởng hành động như vậy. Điều này rất dễ, vì họ là những quân nhân, và đã là quân nhân thì họ dại gì rước vạ vào mình bằng cách bài bác, kết tội một hành động quân sự mà thiên hạ xem như một chiến công hiển hách ? Họ còn không có quyền nghĩ đến sự bài bác nữa là khác. Họ có bồn phận phải xem như hợp pháp một hành động mà ông đã cảm thấy một cách chi lý là một lỗi lầm đạo đức. Bởi vây, các y sĩ của ông đã nói với ông : « Hiroshima itself is not enough to explain your behaviour », câu này có nghĩa đơn giản là : «Hiroshima đến nỗi trầm trọng lắm »! Thế rồi họ chỉ bình phẩm cách thức phản ứng của ông, thay vì chỉ trích ngay hành động ném bom (hoặc chỉ trích cái xã hội trong đó một hành động như vây có thể được nhận thức). Họ phải xem những nỗi đau khổ và sự chờ đợi hình phạt của ông như là một « chứng bệnh » (mặc cảm phạm tội thông thường — classical guilt complex) : họ phải nói đến hành động của ông như một điều sai quấy tưởng tượng (self imagined wrong). Chúng ta không thể ngạc nhiên được, khi những người vì nặng óc thủ cựu, vì thiếu hẳn tinh thần độc lập, đã xóa trắng hành động tội lỗi của ông, đã gán nhãn hiệu « bệnh hoạn » cho những đau khổ của ông. Chúng ta cũng không thể ngạc nhiên được khi những kẻ đã dựa trên những nguyên tắc dối trá như vậy, dù cố gắng bao nhiêu vẫn không thể chữa ông khỏi bệnh. Tôi có thể tưởng tượng được — xin ông vui lòng đính chính nếu tôi nói quá lời — ông hoài nghi biết bao nhiêu khi ông phải tiếp xúc những kẻ biết xét đến tình trạng của ông thay vì chỉ xét đến hành động của ông. Vả lại, đối với họ Hiroshima chỉ là kết quả của sự tưởng tượng của ông mà thôi (self imagined). Phần ông, tất ông tự biết mình nhiều hơn họ. Không phải để đùa dai mà những tiếng kêu than của các thương nhân vang dội mãi trong tai ông, mà những bóng ma chập chờn ảm ảnh mãi giấc ngủ của ông ! Ông biết rõ những gì đã xảy ra — biết rõ chứ không phải tưởng tượng, ông không chấp nhận một sự đánh tráo nào, ông từ khước những lối « an ủi » ấy.

        Vì vây, trên kia tôi đã nói đây là mối bận tâm « của chúng tôi ». Chính mối ray rứt dằng dai của ông đã an ủi chúng tôi, vì điều đó chửng tỏ rằng sau vụ ném bom ông đã cố gắng tìm hiểu hành động của mình có tầm quan trọng nào, tầm quan trọng mà trước kia ông chưa nhận thức được. Và cho dù thất bại, những toan tính của ông chứng tỏ rằng ông đã giữ được lương tri luôn luôn thức tỉnh sau khỉ ông đã đóng vai tuồng bánh xe trong một guồng máy kỹ thuật rất hoàn thiện. Ông đã chịu làm bánh xe ấy để chứng tỏ rằng mọi người lâm vào hoàn cảnh đều phải tham gia guồng máy, và chúng tôi cũng vậy, sẽ chẳng làm được gì khác hơn. Bây giờ chúng tôi mới biết điều đó, và chúng tôi thọ ơn ông cũng ở điểm đó.

        Tôi có nói « cho dù thất bại », vì những toan tính của ông thế nào cũng thất bại. ông muốn biết lý do ?

        Đại phàm khi ta gây thiệt hại cho một cá nhân thôi — ở đây tôi không nói đến sự giết chóc — ta đã thấy khó quên và đã ân hận rồi, mặc dầu sự thiệt hại chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó. Nhưng khốn nỗi trường hợp của ông thì lại khác. Tai họa của ông là đã dập tắt 200.000 sinh mạng. Thử hỏi tìm đâu ra một nỗi thống khổ tương xứng với 200.000 sinh mạng bị tàn sát ? Làm sao ân hận được khi đã sát hại đến 200 000 người ? Đến mức độ ấy, không chỉ mình ông bất lực, mà chúng tôi cũng bất lực, và cả thế  giới cũng bất lực nốt! Dầu ông cố công đến bao nhiêu đi nữa, những thống khổ và ân hận của ông chẳng bao giờ giúp ông chuộc lại những gì ông đã làm. Ông Eatherly ạ, thất bại ở trường hợp này không phải lỗi ở ông. Sự thất bại này chính là hậu quả của cái mà trên đây tôi đã gọi là « tình thế mới » ; chúng ta có thể phạm những tệ đoan ngoài sức tưởng tượng của chúng ta ; những dụng cụ do chúng ta hiệu chính đã có những tác dung mãnh liệt quá tầm nhân thức của chúng ta, mãnh liệt đến nỗi trí óc chúng ta không tài nào quán xuyến được. Vậy ông cũng chở nên tự trách mình đã sám hối hết lòng nhưng vô hiệu quả. Làm như vậy chỉ hoài công, vì không thể nào sám hối được. Có điều là tháng ngày ông vẫn đau khổ vì sự hoài công ấy ; kinh nghiệm đau đớn của sự thất bại này là điều duy nhất có thể thay thế sự sám hối, là điều duy nhất có thể cản trở chúng tôi trong tương lai khỏi phải nhúng tay vào những hành động thái quá như vậy. Mọi người đều thông cảm dễ dàng khi thấy ông băn khoăn và ngơ ngác vì những gắng công vô vọng của ông. Lẽ ra người ta còn có khuynh hướng xem đây là một dẫn chứng cho sức mạnh tinh thần của ông nữa là khác. Bởi vì cách phản ứng của ông đã chứng tỏ rằng lương tri nơi ông không hề bị đánh mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:20:56 pm »


        Phương pháp thông thường để khước bỏ một sự việc đang ám ảnh mình là làm như không biết đến sự việc ấy : tiếp tục cuộc sống như trước, hủy bỏ hết những gì đã xảy ra, tuyên bố rằng một lỗi lầm đại qui mô không còn là lỗi lầm nữa. Tóm lại, người ta đạt tới đích bằng cách ... từ chối không tiến tới đích. Chính Joe Stiborik cựu vô tuyến điện viên trên chiếc Enola Gay, người bạn đồng đội và đồng bào của ông — người từng được nêu ra để làm gương cho ông — đã... đạt tới đích bằng cách ấy : sau vụ ném bom, hắn ta vẫn tiếp tục sống vui vẻ, vô tư, và còn hỏm hỉnh rằng « kể ra quả bom hôm đó cũng mạnh hơn những quả khác chút đỉnh » ! Phương pháp giản dị nói trên được chính vị Tổng thống của ông chứng minh rành mạch hơn nữa khi ông ta ra lệnh cho ông « tiến lên » (go ahead), cũng như đến lượt ông, ông đã truyền lệnh « tiến lên » (go ahead) cho viên phi công lái chiếc mảy bay ném bom. Vậy vị tổng thống ở cùng hoàn cảnh với ông, nếu không nói là ở vào một hoàn cảnh thậm tệ hơn ông. Tuy nhiên, ông ta « trót quên » không làm những gì một Eatlierly đã làm. Cách đây vài năm, ông ta đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn — chẳng hay ông có biết vụ này hay không, quả thực là một sự đảo ngược luân thường quá ngây thơ ! — rằng ông ta chẳng hề bị lương tâm cắn rứt một mảy may nào (pangs of  conscience) điều đó chứng minh ông ta vô tội ! Ngày ăn mừng sinh nhật thứ 75 của ông ta, tổng kết lại quãng đường đã đi qua, ông ta lại tuyên bố lỗi lầm duy nhất của ông ta là đã lấy vợ hơi muộn, vào năm ba mươi tuổi! Tôi không tin rằng ông sẽ ganh tị vị Tổng thống của ông về điểm lương tâm yên ổn này (clean sheet). Nhưng tôi tin chắc rằng ông sẽ không xem những lời quả quyết của một tội nhân đại hình không hề sám hối là một biện minh cho sự vô tội của hắn. Một người tự trốn tránh chính mình, nghĩ cho cùng, phải chăng là một kẻ lố bịch ? Phần ông, ông đã không hành động như vậy. Ông vẫn tranh đấu, cho dù tranh đấu để thất bại. Và đấy là một mối an ủi lớn cho chúng tôi, giả dụ một Eatherly ngày nay không giống một Eatherly ngày trước thì cũng thế, vì người ta đã nhận thức được ông qua hành động của ông.

        Ông thấy rằng ở đây tôi đã ám chỉ các vụ đánh cướp, giả mạo giấy tờ và mọi hành vi phạm pháp khác của ông ; rằng tôi đã ám chỉ trình trạng « loạn óc » mà thiên hạ gán cho ông. Xin ông đừng lầm tưởng rằng tôi là phiến loạn nên coi thường các vụ phạm pháp của ông. Trong trường hợp của ông, các vụ phạm pháp có một ý nghĩa rất đặc biệt; đấy chính là công trình vận động của một người thất vọng. Phạm tội như ông mà được thiên hạ cho là vô tội, lại được tuyên dương là « anh hùng thỏa chí» (Smiling hero), đấy quả là một tình thế không thể tha thứ được đối với con người quân tử. Để chấm dứt tình trạng ấy, ông đã định công kích kịch liệt nêu luân lý thông thường. Vì lẽ thế giới trong đó ông đang sống không hiểu nổi tội phạm đại hình đã và đang đè nặng trên tâm linh của ông, ông đã thử diễn tả tội phạm của Ông theo ngôn ngữ thích hợp với những cái «nhỏ nhặt, vô nghĩa » (petty) « thường phạm », hoặc giả « tội gian manh đại qui mô (big larceny) theo ngôn ngữ của cái xã hội mà ông đang lệ thuộc, ông đã thử chứng minh tội trạng của ông bằng những hành động mà người ta chỉ xem như những khinh tội. Ớ đây ông lại thất bại nữa. Ông bị xem như một « bệnh nhân » thay vì một « phạm nhân ». Và ông đang khổ sở vì thiên hạ khống cho phép ông làm một « phạm nhân ».

        Để chấm dứt thư này, tôi muốn đề nghị cùng ông một việc :

        Năm ngoái tôi có viếng thăm Hiroshima. Tôi có nói chuyện với những người sống sót sau « cuộc viếng thăm » của ông xuống đảo này. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng chẳng ai nghĩ đến buộc tội ông đã làm chiếc bánh xe răng cưa trong bộ máy quân sự ấy — khi thi hành « công tác » ông mới 26 tuổi — và chẳng ai nghĩ đến thù ghét ông cả.

        Trong khi đó, khác hẳn nhiều người, ông đã chứng tỏ rằng, sau khi bị dùng làm bánh xe guồng máy, ông vẫn còn là một con người, hoặc ông đã thu hồi lại được nhân tính. Vậy ông hãy nghĩ đến việc mà tôi sắp đề nghị với ông.

        Cũng như mọi năm, vào ngày (6 tháng 8 tới đây, dân chúng Hiroshima sẽ kỷ niệm « biến cố » tày trời ấy. Ông hãy gửi cho họ một thông điệp đến đúng vào ngày kỷ niệm. Chẳng hạn, nếu ông nói với họ : « Hồi đó tôi không ý thức được hành động của tôi, nhưng bây giờ tôi đã biết. Và tôi biết rằng một biến cố như thế sẽ không bao giờ tái diễn, không một người nào sẽ bị giao phó một công tác tương tự. Sự tranh đấu của quý bạn hầu loại bỏ vĩnh viễn một vụ bất thần như vậy, chính cũng là sự tranh đấu của tôi. Khẩu hiệu « Không tái diễn một Hiroshima khác » (No more Hiroshima) của quý bạn, chính cũng là khẩu hiệu « Không tái diễn một Hiroshima khác » của tôi vậy... Ông hãy tin rằng một thông điệp đại khái như trên sẽ mang lại cho những dân Hiroshima còn sống sốt một niềm vui không nhỏ, và họ sẽ xem ông như một người bạn, như một người đồng xứ của họ. Tôi tưởng họ nên xử sự như vậy mới gọi là công minh đối với ông, bởi vì chính ông, Eatherly, cũng là một nạn nhân vụ Hiroshima. Như vậy, nếu không được an ủi, thì ít nhất ông cũng sẽ hưởng một niềm vui.

        Xin tạm chào ông với những cảm nghĩ hướng về tất cả các nạn nhân.

Anders.       
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM