Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:43:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 1  (Đọc 7189 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 09:05:40 pm »

Anh hùng Nguyễn Cụ


Nguyễn Cụ (tức Nguyễn Tư Cường) sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nhập ngũ tháng 10 năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đoàn phó đặc công thuộc tiểu đoàn 323, đại đoàn 324, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ tháng 10 năm 1945 đến năm 1954, Nguyễn Cụ tham gia chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5, luôn luôn nêu cao tinh thần hăng say đánh giặc. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, đồng chí đã tỏ ra xuất sắc trên các cương vị được giao, ở hoàn cảnh nào đồng chí Nguyễn Cụ cũng tìm cách hoàn thành nhiệm vụ, luôn luôn dẫn đầu đơn vị xung phong tiêu diệt địch, 7 lần bị thương vẫn kiên quyết chiến đấu không rời trận địa.


Nguyễn Cụ đã đánh 101 trận, chỉ huy diệt 605 tên địch, riêng đồng chí đã diệt 294 tên, lập công xuất sắc.

Năm 1945, lúc còn là chiến sĩ, đồng chí đã đánh 7 trận, có trận bị lạc nhịn đói 10 ngày phải tìm lá cây, củ rừng ăn nhưng vẫn quyết tâm luồn rừng tìm về đơn vị.

Năm 1947, trong trận phục kích địch ở đèo Phượng Hoàng trên đường 21, Nguyễn Cụ chỉ huy 1 trung đội bộ đội địa phương phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực. Giữa lúc trận chiến đấu đang giằng co ác liệt, đồng chí dẫn đầu trung đội vòng bên sườn rồi bất ngờ xung phong vào giữa đội hình địch, làm cho chúng rối loạn, diệt 75 tên, đốt cháy 5 xe, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực diệt gọn gần một tiểu đoàn địch.


Trận Hòn Khói năm 1948, ngay phút đầu Nguyễn Cụ đã xông lên vượt qua hàng rào dây thép gai, ném lựu đạn vào lỗ châu mai diệt bọn địch trong lô cốt, yểm hộ cho đơn vị tiến vào. Sau khi xông lên gác, bắn chết tên đồn trưởng, đồng chí bị thương nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy trung đội tiêu diệt xong đồn, bắt sống 38 tên, thu toàn bộ vũ khí.


Năm 1948-1949, nhiều lần địch tập trung lực lượng tiến công trung đội của Nguyễn Cụ, hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang của địa phương, có lần chúng huy động một trung đoàn có máy bay, pháo binh yểm hộ, bao vây bộ đội và cơ quan chính quyền địa phương. Đồng chí chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu suốt một ngày, cơ động chặn địch hết nơi này đến nơi khác, bảo vệ cho cơ quan rút lui an toàn.


Một lần khác, có 40 cán bộ huyện, xã đi hội nghị về nghỉ tại đơn vị, mới mờ sáng đã bị một đại đội địch bao vây, đồng chí dũng cảm chỉ huy trung đội đánh lui địch, diệt một tiểu đội, bảo vệ được cán bộ.

Trận Vạn Khê năm 1952, biết tin địch sắp đi càn, trong khi cơ sở ta chưa chuẩn bị kịp để đối phó, Nguyễn Cụ bí mật đưa trung đội lọt qua nhiều vòng kiểm soát và bố trí trận địa phục kích ngay gần cửa đồn. Giặc vừa ra khỏi cửa bị đánh bất ngờ, một tiểu đội bị diệt, chúng hoang mang chạy vào đồn cố thủ, bỏ ý định đi càn ngay hôm đó.


Trận Đại Mỹ năm 1953, đồn giặc bố phòng rất nghiêm ngặt, Nguyễn Cụ đã táo bạo và kiên trì bò vào tận đồn điều tra tỉ mi, sau đó chỉ huy đơn vị tiến công chớp nhoáng, diệt các mục tiêu rất chính xác bằng thủ pháo, tiêu diệt gọn 2 trung đội địch, rồi rút ra an toàn.


Tháng 7 năm 1954, đơn vị được giao nhiệm vụ diệt đồn Cầu Đức. Đây là một cứ điểm mạnh của địch ở Khánh Hòa. Chúng canh phòng cẩn mật, bố trí lực lượng và hỏa lực mạnh. Sau khi điều tra, Nguyễn Cụ chỉ huy đơn vị bí mật vào đánh. Sắp đánh thì bị lộ, đồng chí dũng cảm dẫn đầu trung đội lập tức tiến công rất quyết liệt, bị thương hai lần vẫn không rời trận địa, sau hai giờ chiến đấu ác liệt, đơn vị đồng chí đã diệt gọn đồn này, tiêu diệt một đại đội địch, bắt 38 tên, thu toàn bộ vũ khí.


Tháng 5 năm 1954, Nguyễn Cụ chỉ huy 3 tiểu đội đột nhập nhà lao Ninh Hòa diệt gọn hai trung đội địch, giải thoát 600 cán bộ, du kích và đồng bào bị giam giữ.

Nguyễn Cụ đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 17 lần được Liên khu và tỉnh khen.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956 Nguyễn Cụ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 09:06:12 pm »

Anh hùng Phan Trọng Dường


Phan Trọng Dường, sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nhập ngũ tháng 1 năm 1950, khi được   tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội phó bộ binh bộ đội tình nguyện, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Suốt 4 năm hoạt động trên vùng phía tây Tổ quốc, Phan Trọng Đường đã luôn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nắm chắc đường lối, phương châm, chính sách, kiên trì bám sát nhân dân xây dựng cơ sở, biểu thị tinh thần quốc tế chân chính của người chiến sĩ tình nguyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Để thâm nhập quần chúng, Phan Trọng Đường đã kiên trì học thêm được ba thứ tiếng, tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng ở 77 thôn trong vùng địch tạm chiếm, củng cố và phát triển mối quan hệ tốt với quản đội và nhân dân nước bạn.


Từ tháng 9 năm 1950 đến tháng 1 năm 1951, Phan Trọng Đường phụ trách một tổ 3 người hoạt động ở một vùng tráng, chưa có cơ sở cách mạng, địch càn quét liên tiếp, tổ đồng chí phải tránh địch, ở bí mật trong rừng, mưa rét, thiếu thốn, muỗi độc nhưng vẫn kiên trì hoạt động. Có lần hàng tháng trời thức khuya dậy sớm, Phan Trọng Đường đi hết nơi này sang nơi khác tuyên truyền xây dựng cơ sở, qua 7 tháng, đã thành công trong việc xây dựng chính quyền ở 7 thôn, tổ chức được 70 dân quân phối hợp với đội vũ trang đánh giặc.


Từ tháng 1 năm 1951 đến tháng 7 năm 1951, Phan Trọng Đường chuyển về hoạt động ở một   vùng   khác, núi non hiểm trở, sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều đồng chí ngại khó nảy sinh tư tương tiêu cực, Phan Trọng Đường đã động viên giúp đỡ anh em cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng được cơ sở ở 30 thôn Vùng này sau trở thành căn cứ địa tốt của ta. Tháng 7 năm 1951, tổ Phan Trọng Đường đến hoạt động ở một vùng địch thường vây quét, đánh phá, khủng bố nhân dân, đồng chí bị ốm, hai chân phù thũng sưng to, vẫn chống gậy dầm mưa đi vận động quần chúng. Sau khi xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức được vững vàng, các đồng chí vận động và tổ chức nhân dân tiến lên đánh địch, phá sập 10 cầu gỗ trên đường 23, gây nhiều khó khăn cho địch.


Tháng 7 năm 1952, Phan Trọng Đường được điều về công tác ở vùng dân tộc Gia Rai. Lúc đầu nhân dân bị địch lừa bịp còn sợ cán bộ cách mạng, thấy ta là chạy trốn. Có đêm đồng chí đi vận động bị đồng bào đuổi ra khỏi bản 3 lần. Phan Trọng Đường vẫn kiên trì tìm gặp và hòa mình gần gũi nhân dân, khi giúp đỡ người già, khi thăm hỏi chữa bệnh cho người ốm. Địch đe dọa và treo giải thưởng cho ai lấy được đầu cán bộ người Kinh. Để che mắt chúng, hòa vào đồng bào tiếp tục hoạt động, Phan Trọng Đường đã hóa trang: để tóc dài, đóng khố, phơi nắng cho đen da, xâu tai đeo vòng, cưa răng sát lợi, nói tiếng địa phương... Nhân dân rất tin yêu, hết sức giúp đỡ các đồng chí hoạt động, vì vậy 10 thôn cơ sở ở vùng này được xây dựng và củng cố rất tốt.


Tháng 4 năm 1954, Phan Trọng Đường phụ trách một đội vượt qua bao khó khăn phức tạp, xây dựng chính quyền cách mạng có lực lượng dân quân bảo vệ ở 30 thôn.

Suốt quá trình hoạt động, Phan Trọng Đường đã gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhân dân, luôn luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng chí, lúc nào cũng khiêm tốn, giản dị, được đồng đội và nhân dân hết sức tin yêu.


Phan Trọng Đường đã được bộ đội bạn khen thưởng hai lần, là Chiến sĩ thi đua của bộ đội tinh nguyện Việt Nam bên nước bạn.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Phan Trọng Đường được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 09:07:10 pm »

Anh hùng Đặng Đình Hồ


Đặng Đình Hồ sinh năm 1923, dân tộc Kinh, quê ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đang chỉ là tiểu đoàn phó bộ binh, đại đoàn 304, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà nghèo, cha mẹ chết sớm, có đứa em lại bị chết đói, Đặng Đình Hồ phải đi chăn trâu, kiếm củi kiếm ăn. Từ ngày vào bộ đội, đồng chí rất hăng hái dũng cảm, trưởng thành từ chiến sĩ xung kích lên cán bộ trung đội. Đặng Đình Hồ có tác phong chiến đấu linh hoạt, táo bạo, đã nổ súng là kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, dù bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu, có tác dụng cổ vũ đơn vị hăng hái thi đua giết giặc lập công.


Trận Đồi Mồi trong chiến dịch Hòa Bình (tháng 1 năm 1952), khi nổ súng, Đặng Đình Hồ đã nhanh chóng dẫn đầu tổ ba người xông lên cửa mở, chiếm lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện cho đơn vị đánh thẳng vào trung tâm, diệt một đại đội địch, làm chủ trận địa. Trong khi chiến đấu, Đặng Đình Hồ bị thương cả hai mắt, nhưng tự bò ra ngoài để anh em dìu về trạm quân y, nhường cáng thương cho đồng chí khác.


Trong trận Lạc Quần (ngày 5 tháng 4 năm 1952), khi quả bộc phá cuối cùng vừa nổ, đồng chí dẫn đầu tổ ba người vượt lên chiếm vị trí đầu cầu. Thấy hỏa lực địch bắn rất mạnh uy hiếp cửa mở, đồng chí đề nghị đại đội điều trung liên lên cùng với tổ đồng chí đánh chiếm rộng ra, giữ vững chỗ đứng chân cho toàn đơn vị phát triển vào bên trong. Sau đó, đồng chí dẫn đầu tổ đánh vào chiếm được hai căn nhà thì bị thương, không chạy được nữa. Đồng đội đến băng bó, đồng chí động viên anh em xông lên tiếp tục tiêu diệt địch, khi diệt xong vị trí địch, mới chịu đi quân y.


Trong trận Tuy Lộc Thượng, Ninh Bình (tháng 11 năm 1952), do chuẩn bị chu đáo nên tổ Đặng Đình Hồ làm nhiệm vụ mở cửa rất nhanh. Cửa mở xong, tiểu đội bạn đang phát triển vào bên trong thì vấp phải hỏa lực địch ở tường hộp cản lại. Đây là một kiểu chướng ngại mới, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm nên không giải quyết được lại bị thương vong. Tiểu đội Đặng Đình Hồ lên thay, đánh đầu này, chúng cụm lại đầu kia, rất khó; đồng chí liền nghĩ ra sáng kiến dùng bộc phá và lựu đạn đánh sập đoạn tường giữa, chia đôi địch ra, từ đó đánh phát triển ra hai đầu tiêu diệt địch, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiến vào giải quyết nhanh trận đánh. Sáng kiến đánh tường hộp của Đặng Đình Hồ được phổ biến trong toàn đại đoàn, các đơn vị áp dụng tốt.


Trận đánh bốt Vạn Lại (tháng 12 năm 1952) rất đặc biệt: ở bốt này địch bố trí hàng rào thép gai dài hàng trăm mét, dùng pháo binh các nơi bắn về mãnh liệt sát thương ta từ bên ngoài. Vừa mở xong cửa mở, Đặng Đình Hồ đã hết sức mau lẹ dũng cảm đánh chiếm vị trí đầu cầu, dùng lựu đạn, thủ pháo uy hiếp địch, cùng đơn vị đánh mạnh giải quyết nhanh diệt và bức hàng một đại đội Âu Phi trong 20 phút.


Tháng 4 năm 1954, Đặng Đình Hổ phụ trách trung đội phó trung đội dũng sĩ của trung đơàn ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị nhận lệnh phối hợp với đại đội bạn đánh sở chỉ huy địch ở đồi C. Bước vào trận đánh, bạn chưa mở được cửa đã bị thương vong nhiều, Đặng Đình Hồ đề nghị xin lên đánh nhưng bộc phá hết, phải chờ, giữa lúc đó đồng chí không may bị thương. Nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị, chờ bộc phá đưa lên mở được cửa mới chịu để anh em đưa ra ngoài.


Ngoài tinh thần chiến đấu hăng say, lập công xuất sắc, Đặng Đình Hồ còn rất chịu khó học tập, rèn luyện. Bị thương, hỏng mắt phải và tay phải yếu, đồng chí đã kiên trì tập bắn tay trái và đã bắn giỏi.

Đặng Đình Hồ đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 7 lần được tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của trung đoàn.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Đặng Đình Hồ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2019, 09:12:43 pm »

Anh hùng Trần Đình Hùng


Trần Đình Hùng, sinh năm 1931, dân tộc Kinh quê ở xã Canh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 7 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng pháo binh ĐKZ, trung đoàn 36, đại đoàn 308, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ tháng 7 năm 1950 đến tháng 5 năm 1954, Trần Đình Hùng đã tham gia tất cả các chiến dịch lớn trong đội hình chiến đấu của đại đoàn ở Bắc Bộ. Đồng chí luôn cùng đồng đội phát huy truyền thống "chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng" của binh chủng pháo binh. Bản thân đồng chí đã có nhiều hành động rất dũng cảm, có tác dụng động viên khích lệ đơn vị hăng hái xông lên giết giặc lập công.


Trong một trận chiến đấu, Trần Đình Hùng nhận nhiệm vụ pháo thủ số một. Ngay phút đầu đồng chí đã ngắm bán chính xác, diệt 2 hỏa điểm địch, mở thông cửa mở. Nhưng xung kích chưa lên kịp, địch dùng lựu đạn ném ra và phản kích chiếm lại, đồng thời dùng pháo bắn vào trận địa khẩu đội. Đồng chí bị pháo đổ đè lên người nhưng đã bình tĩnh thoát ra, nâng pháo lên tiếp tục ngắm bắn, diệt thêm một số địch. Lúc này đồng chí đã bị thương, nhưng vẫn động viên đồng đội, đồng thời tiếp tục ngắm bắn, diệt hỏa điểm đầu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho xung kích xông lên diệt gọn bọn địch trong vị trí.


Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khẩu đội Trần Đình Hùng làm nhiệm vụ phòng ngự đồi 106. Địch tập trung 1 tiểu đoàn, có máy bay và pháo binh yểm trợ, tiến công lên trận địa phòng ngự của đơn vị (chỉ có 1 khẩu DKZ và 1 tiểu đội bộ binh gồm 20 người). Thấy lực lượng ta ít, một số anh em lo ngại, Trần Đình Hùng vừa động viên anh em củng cố công sự, vừa đi tìm trong các hầm hào, lô cốt của địch nhặt được 40 quả lựu đạn đem về phân phát thêm cho khẩu đội. Đồng chí vui vẻ nói: "Hỏa lực tăng cường đây, khi nào bắn hết đạn, ta dùng lựu đạn này kiên quyết đánh đến cùng!". Quyết tâm chiến đấu và hành động tích cực của Trần Đình Hùng đã bước đầu củng cố được tư tưởng đơn vị.


Bộ binh địch bắt đầu tiến lên, kính ngắm ĐKZ bị hỏng, đồng chí ngắm qua nòng pháo, hô cho xạ thủ bắn, ngay phát thứ nhất đã trúng giữa đội hình địch. Một số tên bị tiêu diệt, bọn còn lại chững lại rồi tản ra. Sau một hồi nghe ngóng chúng lại hò nhau xông lên. Lần này đồng chí chờ cho chúng vào thật gần mới bắn, để vừa sát thương được nhiều, vừa uy hiếp tinh thần địch. Cứ thế liên tiếp nhiều lần, bọn địch xông lên, lần nào cũng đều bị pháo ĐKZ của khẩu đội Trần Đình Hùng bắn trúng đội hình, buộc phải rút lui ra xa. Biết không làm gì nổi, chúng gọi pháo bắn rất ác liệt vào trận địa khẩu đội. Anh em bị thương vong hết. Đồng chí đặt nòng pháo lên miệng chiến hào tiếp tục bắn. Kết qua trận địa vẫn được giữ vững, khẩu đội ĐKZ do đồng chí chỉ huy đã bắn diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 81 mi-li-mét.


Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đánh vị trí 311B, chân súng ĐKZ bị hỏng, không ngần ngại. Trần Đình Hùng đã lấy vai bạt lót nòng súng vác lên vai, bò lên bờ hào để đồng đội nạp đạn bắn, diệt nhiều hỏa điểm và binh lính địch, chi viện cho xung kích phát triển thuận lợi. Lúc gần diệt xong đồn, đồng chí đang chuẩn bị ngắm bắn một hỏa điểm thì bị thương vào đầu và cánh tay, nhưng Trần Đình Hùng vẫn cố gắng chịu đựng, bắn diệt được hỏa điểm địch, rồi mới chịu băng bó. Hành động dũng cảm của đồng chí đã được đơn vị phát động học tập.


Ngoài tinh thần anh dũng chiến đấu, Trần Đình Hùng còn là một cán bộ gương mẫu về mọi mặt, có tác phong sâu sát, hết lòng thương yêu dìu dắt anh em đồng đội. Trong công tác cũng như trong chiến đấu, đồng chí luôn luôn giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng đội lập công.


Trần Đình Hùng đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Trần Đình Hùng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:44:07 pm »

Anh hùng Nguyễn Xuân Lực


Nguyễn Xuân Lực sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 1 năm 1948. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là tiểu đoàn phó bộ binh thuộc đại đoàn 325, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày nhập ngũ đến 1954, đồng chí Nguyễn Xuân Lực tham gia chiến đấu ở Bình - Trị - Thiên và chiến trường miền Tây. Đồng chí đã trải qua nhiểu thử thách, được rèn luyện và trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn. Đồng chí liên tục chiến đấu 36 trận, chỉ huy binh lính, gan dạ, xử trí linh hoạt, lúc nào cũng nêu cao quyết tâm tiêu diệt địch, bảo vệ dân.


Trong trận chống càn ở Thanh Hương đầu năm 1951, với cương vị chiến sĩ, đồng chí bị 2 viên đạn xuyên qua mông nhưng vẫn dũng cảm xông lên bắt sống một tên địch.


Trận chống càn ở chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên), đơn vị đồng chí chặn đánh 2 tiểu đoàn Âu Phi đi càn. Được lệnh xung phong. Nguyễn Xuân Lực dẫn đầu tiểu đội từ ngang sườn đánh thẳng vào giữa đội hình địch, tạo điều kiện cho toàn đơn vị, đánh bật chúng xuống bờ sông, tiêu diệt nhiều địch, phá vỡ cuộc càn.


Trận Thanh Hương, Thừa Thiên (tháng 9 năm 1952) Nguyễn Xuân Lực chỉ huy trung đội suốt một ngày, một đêm đánh lui 6 đợt phản kích của địch, diệt 1 xe và 50 tên. Ngoài ra đồng chí còn chủ động phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy một cánh quân khác của địch, diệt nhiều tên, bảo vệ được cơ quan, giải thoát cho 500 đồng bào bị địch bắt tập trung.


Trận Sơn Tùng (tháng 3 năm 1953), lần đầu tiên trung đoàn dùng bộc phá đánh vào một vị trí kiên cố của địch với nhiều hàng rào dây thép gai các kiểu, nhiều công sự, hầm ngầm. Đồng chí tự tay đánh liên tiếp 7 quả bộc phá, phá bung ba hàng rào phức tạp nhất rồi hướng dẫn anh em phá nốt hàng rào cuối cùng. Cửa mở thông, đồng chí đứng lên quan sát, địch ném lựu đạn bị thương nhưng vẫn dũng cảm dẫn xung kích lên đánh chiếm lô cốt đầu cầu.


Trận đánh giao thông trên đường 13 đầu năm 1954, đơn vị Nguyễn Xuân Lực làm nhiệm vụ khóa đuôi quân địch, đồng chí chỉ huy trung đội khóa chặt và xung phong lên diệt hết bọn địch trên 2 xe, chiếm 1 khẩu pháo 37 mi-li-mét, thu nhiều súng, bắt sống 3 tên.


Trong trận chống càn ngày 29 tháng 5 năm 1954, Nguyễn Xuân Lực bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy 1 tiểu đội (chỉ có 7 người) chống lại 1 tiểu đoàn địch có máy hay, pháo binh yểm trợ. Đồng chí đã chỉ huy linh hoạt, lúc tập trung đánh chính diện, lúc phân tán đánh cả ba mặt, lúc khôn khéo luồn ra sau lưng hoặc đánh ngang sườn. Cuộc chiến đấu giằng co từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tiểu đội đồng chí đã diệt 20 tên địch, phá vỡ cuộc càn của chúng.


Nguyễn Xuân Lực đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng 3, 31 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Nguyễn Xuân Lực được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:44:59 pm »

Anh hùng Bùi Quang Mại


Bùi Quang Mại sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xả Dân Chủ, huyện Đông Anh, ngoại thành Hả Nội, nhập ngũ tháng 2 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng bộ binh, tiểu đoàn 79, trung đoàn 102, đại đoàn 308, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Gia đình đồng chí Bùi Quang Mại rất nghèo, quanh năm phải đi làm mướn, bản thân đồng chí phải đi ở cho địa chủ ngay từ nhỏ.

Từ ngày nhập ngũ đến năm 1954, Bùi Quang Mại đã tham gia chiến đấu trong tất cả các chiến dịch lớn ở Bắc Bộ, đánh 60 trận, chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm địch, thu nhiều vũ khí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng đồng chí đã diệt 41 tên, phá hủy 4 xe quân sự, 2 khẩu đại liên, bắn rơi 1 máy bay khu trục.


Tháng 8 năm 1946, Bùi Quang Mại làm nhiệm vụ trinh sát đồn Bảo Sơn, Vĩnh Yên (cũ), đồng chí đã kiên trì táo bạo nằm trong hàng rào địch nhiều đêm để theo dõi quy luật hoạt động của chúng. Khi đơn vị đánh, đồng chí chỉ huy tiểu đội giả làm lính ngụy đi thẳng vào đồn, đánh từ trong đánh ra, kết hợp với ngoài đánh vào, diệt gọn 1 đại đội địch đóng ở đây.


Đầu tháng 1 năm 1947, đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự trên đê sông Đuống, Bùi Quang Mại đã dùng trọng liên bắn rơi 1 máy bay khu trục, được tuyên dương thành tích là một trong những người đầu tiên bắn rơi máy bay giặc Pháp chiến trường Bẳc Bộ.


Tháng 1 năm 1947, đơn vị phục kích đoàn xe địch trên đường Phủ Thông - Bắc Cạn, Bùi Quang Mại đã dùng súng ba-dô-ca bắn cháy 4 xe, góp phần cùng đại đội diệt gọn đoàn xe 10 chiếc chở đầy hàng quân sự.


Trong trận Lũng Phây (đường số 4), 2 đơn vị đang xung phong bất ngờ bị vướng 3 lớp rào (địch mới tăng thêm, ta không nắm được), đồng chí xông lên dùng mã tấu chặt đứt cả ba lớp rào, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nhanh chóng xung phong diệt gọn vị trí địch.


Tháng 11 năm 1949, Bùi Quang Mại tham gia tiến công địch ở Phố Lu, Lao Cai, ngay phút đầu, đồng chí đã dẫn đầu đơn vị xung phong, dùng tiểu liên kiềm chế hóa lực địch trong lô cốt cho toàn đơn vị tiến vào. Lúc đang dẫn đầu tiểu đội phát triển vào bên trong thì 1 quả pháo nổ gần làm đồng chí ngất đi. Khi tỉnh dậy đồng chí lại tiếp tục dẫn tiểu đội xông lên đánh chiếm dãy nhà lính, góp phần cùng đơn vị làm chủ hoàn toàn trận địa.


Trong trận đánh vị trí Non Nước tháng 5 năm 1951, đồng chí Bùi Quang Mại được giao nhiệm vụ sử dụng trung liên bắn kiềm chế hỏa lực địch, bảo vệ cho đơn vị pháo binh và yểm hộ cho xung kích. Ngay những phút đầu, đồng chí đã nổ súng kiềm chế hỏa lực địch và diệt 15 tên dịch, sau đó đã cùng tổ trung liên chiến đấu quyết liệt đánh lui ba đợt phản kích của chúng. Giữa lúc trận đánh đang gay go, Bùi Quang Mại được điều lên Non Nước bảo vệ thương binh. Lực lượng địch đông hơn gấp bội, chúng dùng pháo binh bắn dữ dội vào trận địa, rồi liên tiếp xông lên. Đồng chí tuy bị thương nhưng đã kiên cường động viên đồng đội chiến đấu diệt 20 tên, đánh lui hai đợt phản kích của chúng, đưa thương binh thoát ra ngoài an toàn, về đến Gối Hạc, bộ phận đồng chí lại bị địch pháo kích bất ngờ, Bùi Quang Mại đã cùng anh em thương binh trụ lại trong một hang đá, ngoan cường chiến đấu từ trưa đến tối, đánh lui 9 đợt, phản kích của địch, diệt 17 tên, bảo vệ và đưa được thương binh về căn cứ an toàn.


Bùi Quang Mại đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 6 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Bùi Quang Mại được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:45:35 pm »

Anh hùng Vũ Mạnh


Vũ Mạnh (tức Đỗ Văn Đoàn), sinh năm 1923, dân tộc Kinh, quê ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ tháng 8 nám 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng là đại đội trưởng bộ binh, đại đội 2, tiểu đoàn 9, trung đoàn 675, Quân khu Tả Ngạn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ đời ông, cha, gia đình đồng chí Vũ Mạnh rất cực khổ, quanh năm đi làm thuê, làm mướn. Bản thân đồng chí cũng phải đi ở từ năm lên 7 đến năm 20 tuổi. Tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và đi bộ đội luôn từ đó. Địa bàn hoạt động và chiến đấu của đồng chí là đồng bằng Bắc Bộ. Là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở, Vũ Mạnh đã trực tiếp chiến đấu 65 trận, luôn luôn nêu cao tinh thần hăng say giết giặc, tác phong chiến đấu dũng cảm, táo bạo, chỉ huy linh hoạt, mưu trí, bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu, nêu gương sáng cho toàn đơn vị. Từ ngày nhập ngũ tới năm 1954, đồng chí đã chỉ huy đơn vị diệt được hơn 500 tên địch, bắt hàng chục tên, phá hủy hơn 400 xe, 20 khẩu pháo, thu nhiều súng và nhiều phương tiện chiến tranh khác; riêng Vũ Mạnh đã diệt 71 tên địch, bắt 3 tên, gọi hàng 22 tên, thu 9 súng các loại.


Trận Lão Phụ, An Lão (ngày 1 tháng 5 năm 1949), trước khi đánh, Vũ Mạnh đã nằm hầm bí mật trong thôn, kiên trì bám sát, nắm chắc tình hình địch và tổ chức công tác vận động binh lính địch. Khi đánh, Vũ Mạnh chỉ huy tiểu đội giả làm lính ngụy đi thẳng vào đồn phối hợp với số anh em ngụy binh đã được giác ngộ tiến công địch giữa ban ngày, diệt gọn trung đội địch, thu 19 súng, đơn vị an toàn.


Trận Hòn Dấu (Đồ Sơn) là một trận tổ chức công phu. Đây là một hòn đảo chơ vơ, bốn bề là biển, địch canh phòng rất cẩn mật. Ta rất khó tiến quân và cũng khó đường rút vì rất dễ gặp địch. Đã ba lần đơn vị tập kích không được. Lần thứ tư, Vũ Mạnh chỉ huy anh em giả làm người đánh cá bơi ra Hòn Dấu và bí mật đột nhập sở chỉ huy, dùng dao găm diệt địch. Ngay phút đầu, đồng chí xông vào phòng tên quan tư Pháp, vật lộn với tên này rồi dùng dao đâm chết. Sau đó, Vũ Mạnh cùng một tổ sang phòng bên cạnh diệt được 1 tên quan ba và 2 tên sĩ quan khác, thu toàn bộ máy vô tuyến điện, giải thoát được 200 công nhân và đồng bào bị địch giam giữ. Trước khi rút, đồng chí còn chỉ huy anh em lấy được 3 chiếc ca nô và tự mình ở lại phá huy chiếc đèn biển rồi về cuối cùng.


Trận phục kích địch ở Quán Cháy trên đường 10 (ngày 25 tháng 3 năm 1953), Vũ Mạnh chỉ huy 2 tiểu đội đào hầm giấu mình ngay cạnh đường, khi địch đến đồng chí nhanh chóng xông lên diệt 18 tên, thu 6 súng tiểu liên, 1 trung liên.


Trận tập kích thị xã Kiến An (đêm 20 tháng 4 năm 1953) là một trận nổi tiếng. Trước khi đánh, Vũ Mạnh đã táo bạo giả làm sĩ quan ngụy vào điều tra tình hình. Khi đánh, đồng chí chỉ huy 15 chiến sĩ chuyên đánh bộc phá, có lúc bị sức ép ngất đi, tỉnh dậy đồng chí lại chỉ hướng cho trung liên bắn kiềm chế, và tự mình tiếp tục cùng anh em đánh bộc phá, vừa đánh vừa gọi hàng. Kết quả: bộ phận đồng chí diệt 175 tên, thu 62 súng, gọi hàng 23 tên (có 20 tên Pháp). Toàn tiểu đoàn diệt 325 tên (đa số là sĩ quan), bắt tên tỉnh trưởng và tỉnh phó, phá hủy 403 xe quân sự, 20 khẩu pháo 105 mi-li-mét. Ngày hôm sau, địch phản kích; Vũ Mạnh bình tĩnh chỉ huy trung đội đánh lui 7 đợt phản kích của chúng, diệt 120 tên, thu nhiều vũ khí.


Trận tập kích địch ở Cao Bạt, Thái Binh (đêm 1 tháng 5 năm 1954), vừa bước vào trận đánh đã gặp trở ngại; trung đội Vũ Mạnh đứt liên lạc với đại đội, xung kích bị lạc chưa lên, trung liên bị tắc, địch tập trung bắn mạnh vào đơn vị; giữa lúc khó khăn đó, Vũ Mạnh chủ động xông lên liên tiếp ném 8 quả lựu đạn diệt ba hỏa điểm trung liên của địch rồi nhanh chóng nhảy lên chiếm lô cốt đầu cầu, cướp 1 khẩu trung liên địch và bắn mãnh liệt vào trong căn cứ, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên diệt địch và làm chủ trận địa. Kết quả trận này trung đội đồng chí diệt 157 tên địch, thu 22 súng, góp phần tích cực cùng tiểu đoàn diệt một tiểu đoàn địch, gồm 2 đại đội quân Pháp và 1 đại đội ngụy.


Vũ Mạnh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 4 lần được trung đoàn và tỉnh đội khen thưởng và là Chiến sĩ thi đua Quân khu Tả Ngạn.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Vũ Mạnh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:46:30 pm »

Anh hùng Võ Văn Mừng


Võ Văn Mừng (tức Võ Văn Hóa) sinh năm 1928, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Thuận Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nhập ngũ tháng 6 năm 1951. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng đặc công, phân liên khu Tây Nam Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong thời gian là du kích cũng như khi vào bộ đội, đồng chí Võ Văn Mừng luôn luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hăng say giết giặc, đã đánh 107 trận, trận nào cũng dũng cảm, mưu trí, táo bạo, phát huy nhiều sáng kiến tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Năm 1947 - 1948, địch đóng nhiều đồn bốt trong xã, chúng thường lùng sục vào các xóm bắt bớ, cướp bóc của nhân dân. Đồng chí Võ Văn Mừng đã có sáng kiến dùng lựu đạn gài1 (Lựu đạn gài là loại lựu đạn tự động nổ của địch gài vào hàng rào dây thép gai, hễ vướng vào là nổ. Hồi đầu kháng chiến đánh Pháp ta rất thiếu vũ khí, phải lấy vũ khí giặc giết giặc. Đồng chí Võ Văn Mừng đã có sáng kiến cải tiến lựu đạn gài của địch thành lựu đạn ném để tiến công) để ném bằng cách lấy cỏ khô cuộn xung quanh chốt càng của lựu đạn, khi ném cuộn cỏ dãn dần ra, quả đạn vừa tới đích thì nổ. Đồng chí còn nghĩ cách giăng dây, đào hầm gài lựu đạn chùm, những kinh nghiệm đó được phổ biến cho toàn xã áp dụng, có kết quả diệt địch rất tốt.


Đồn Cái Bẫy là một đồn xung yếu, địch xây dựng ở giữa lòng sông rộng, nước chảy xiết, xung quanh là một thôn có nhiều bọn phản động, chúng bố trí ở đây 2 khẩu pháo. Đồng chí đã kiên trì điều tra và cùng anh em tập dượt cách đánh. Tháng 10 năm 1952, được cấp trên chuẩn y kế hoạch tiêu diệt đồn này. Võ Văn Mừng đã phải bò vào, bò ra đến 6 lần để cùng anh em chuyển bộc phá. Đặt xong các khối bộc phá anh em ra ngoài chập điện, làm nổ tung 500 viên đạn pháo, phá hủy 2 khẩu pháo, đánh sập đồn, tiêu diệt hoàn toàn một trung đội địch.


Tháng 11 năm 1952, đơn vị Võ Văn Mừng nhận lệnh đánh tàu trên kênh xã Phong Mỹ. Địch cho một tiểu đoàn bộ binh và ba chiếc tàu càn vào xã. Đồng chí được giao khẩu ba-dô-ca có nhiệm vụ đánh chiếc tàu chỉ huy nhưng khẩu súng chỉ có một viên đạn. Để bảo đảm đã bắn là phải chắc trúng cần phải bố trí rất gần nhưng địa hình lại rất khó khăn, kẻ địch canh phòng rất nghiêm ngặt. Qua nghiên cứu điều tra, Võ Văn Mừng đã nắm được quy luật tuần phòng của chúng, liền dùng bè chuối đưa súng luồn vào gần và đã nổ súng bắn trúng đầu máy chiếc tàu chỉ huy này, diệt 2 tiểu đội và cơ quan đầu não địch. Đồng chí bị thương ở tay, tuy rất nhức buốt nhưng vẫn cố phá chiếc bè chuối để giữ bí mật cách đánh và đưa súng về an toàn.


Tháng 6 năm 1953, trên đường tiến quân gặp 1 tiểu đội địch đóng giữ bốt Tân Thuận Đông, Võ Văn Mừng cùng 5 du kích giả làm lính đi vào đồn giữa ban ngày, nhanh chóng diệt tên lính gác, rồi xông vào chặn kho súng, bắn chết 1 tên gọi hàng toàn bộ, thu 9 súng và một số lựu đạn.


Trận đánh bốt Xẻo Quýt, Cao Lãnh (tháng 2 năm 1953), nhân lúc tên gác sơ hở đồng chí đã táo bạo đưa bộc phá vào đặt tận nhà ngủ, vừa đặt xong thì bị lộ. Một tên địch trông thấy đồng chí. Võ Văn Mừng liền xông đến quật ngã, rồi rút súng ngắn bắn chết tên này. Một tên khác đuổi theo, đồng chí quay lại bắn chính xác kết liễu đời nó. Ra ngoài Võ Văn Mừng gặp 2 tên gác, đồng chí bắn chết 1 tên còn 1 tên sợ quá bó chạy. Đồng chí hô anh em chập điện, bộc phá nổ, bốt sập, diệt gọn 1 trung đội địch.


Trận đánh bốt Ông Kho (tháng 8 năm 1953), Võ Văn Mừng tiến vào đánh bộc phá thì dẫm phải chông, nhưng đồng chí vẫn quyết tâm tiến lên làm nhiệm vụ. Không may, bộc phá lại không nổ. Không do dự, Võ Văn Mừng vòng ra sau, leo lên nóc nhà dỡ mái, ném thủ pháo vào diệt một số, tạo điều kiện cho đơn vị tiến vào truy kích diệt nốt bọn còn lại và tiêu diệt hoàn toàn bốt này.


Trận đánh bốt Phong Mỹ (tháng 9 năm 1953), sau khi bí mật vượt qua 3 lớp rào, Võ Văn Mừng chạy thẳng vào trong bốt, gặp tên đốc gác, đồng chí đánh gục hẳn, rồi xông vào đặt bộc phá giữa cửa giật nổ. Bị thương nhiều chỗ ngất đi, tỉnh lại đồng chí vẫn dùng đèn bấm chỉ mục tiêu cho đồng đội và hướng dẫn xung kích xông vào.


Võ Văn Mừng đã nhiều lần được huyện, tỉnh khen và 3 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua của huyện, tỉnh, khu.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Võ Văn Mừng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:47:03 pm »

Anh hùng Đinh Văn Mẫu


Đinh Văn Mẫu, sinh năm 1924, dân tộc Mường, quê ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 1 năm 1949. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc đại đội 9 tiểu đoàn 11, trung đoàn 209, đại đoàn 312, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày ở bộ đội địa phương huyện, đồng chí Đinh Văn Mẫu đã tỏ ra bền bỉ, tích cực trong mọi công tác. Tuy hoạt động lẻ tẻ, nhưng qua hai trận đồng chí đã diệt 3 tên địch, mang được 7 tử sĩ và 3 thương binh ra ngoài. Bổ sung  vào bộ đội chủ lực, Đinh Văn Mẫu được phân công làm cấp dưỡng, 7 năm liên tục ở công tác này, trải qua 8 chiến dịch, đồng chí đã phát huy nhiều sáng kiến, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hết lòng phục vụ, đảm bảo đơn vị luôn luôn ăn uống tốt.


Trong các cuộc hành quân chiến dịch: Biên Giới, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ..., tuy đường xa, phải qua nhiều đèo dốc, sông suối, Đinh Văn Mẫu vẫn thương xuyên gánh nặng 50 - 60 ki-lô-gam theo đơn vị, đến nơi lại vui vẻ, nhanh nhẹn thổi cơm nấu nước phục vụ bộ đội ngay. Có những lần giữa đường hành quân có người yếu mệt, đơn vị thiếu người mang vác, đồng chí đã gánh tới 80 ki-lô-gam. Có lần bản thân cũng bị ốm, giữa lúc đơn vị đang truy kích địch. Đinh Văn Mẫu vẫn cố gồng gánh chạy theo kịp đơn vị, bảo đảm có cơm cho anh em ăn đuổi giặc.


Chiến dịch Lý Thường Kiệt (tháng 8 năm 1951), có lần Đinh Văn Mẫu cùng đồng đội mang cơm ra trận địa nhưng không gặp bộ đội (vì đơn vị đang truy kích địch), đồng chí vẫn bình tĩnh quyết tâm động viên anh em hướng theo tiếng súng tìm cho bằng được đơn vị bảo đảm cho bộ đội ăn no, tiếp tục chiến đấu.


Một lần trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), tiểu đội đồng chí đem cơm cho bộ đội phải qua con suối nước lũ chảy xiết. Đinh Văn Mẫu đã dũng cảm vượt qua trước, dùng dây rừng căng qua suối, buộc vào hai gốc cây to hai bên bờ để anh em vịn vào, đội cơm qua. Đồng chí còn giúp đỡ đội cả ba gánh của các đồng chí yếu vượt suối lũ an toàn, nên đã bảo đảm cơm cho bộ đội ăn trước giờ nổ súng.


Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị phòng ngự trên đồi C1, D1, D2. Mỗi ngày đồng chí phải đi về 2, 3 chuyến trên chặng đường gần 3 ki-lô-mét, luôn luôn bị máy bay, pháo binh địch oanh tạc. Đồng chí vẫn bảo đảm đủ cơm nước cho đơn vị mình và còn giúp thêm đơn vị bạn. Đường mang cơm từ D1 sang D2 phải vượt một đoạn hào nông giữa ban ngày, máy bay và pháo địch tập trung bắn dữ dội, nhiều anh em nuôi quân rất ngại khi mang cơm ra trận địa qua đoạn đường này. Đồng chí đã đề nghị cán bộ cho bọc cơm vào vải mưa, rồi bọc vải dù ngụy trang ra ngoài, khéo léo bò qua, kéo gói cơm theo. Anh em làm theo đồng chí và đã vượt an toàn qua lửa đạn dày đặc của địch, đưa cơm đến tận tay từng chiến sĩ. Hành dộng dũng cảm sáng tạo của Đinh Văn Mẫu đã giải quyết được tư tưởng cho anh em nuôi quân và động viên bộ đội ngoài trận địa, góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị.


Trong các chiến dịch, điều kiện phục vụ chiến đấu gặp nhiều khó khăn, nhưng Đinh Văn Mẫu đã có nhiều cố gẳng cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Đồng chí đã tích cực đi kiếm măng, đào củ mài, lấy hoa chuối rừng... bảo đảm thường xuyên bữa ăn của đơn vị có canh rau, góp phần bảo đảm tốt sức khỏe của bộ đội, thực hiện khẩu hiệu "ăn no đánh thắng".


Đinh Văn Mẫu luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, tích cực giúp đỡ, dìu dắt anh em trong tiểu đội, đồng chí khiêm tốn, giản dị, chân thành, liêm khiết, được đồng đội rất tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 9 lần được đại đoàn và trung đoàn khen thưởng và là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Đinh Văn Mẫu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lưựng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:47:50 pm »

Anh hùng Lê Văn Nổ


Lê Văn Nổ (tức Lê Cường), sinh năm 1928, dân tộc Kinh, quê ở xã Hùng Sơn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 3 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên phó đại đội 59 bộ binh, tiểu đoàn 664, trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ khi nhập ngũ đến tháng 4 năm 1954, Lê Văn Nổ đã đánh 20 trận trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, với nhiệm vụ chuyên đánh bộc phá. Đồng chí luôn dũng cảm, táo bạo, dù khó khăn, nguy hiểm   thế nào cũng kiên quyết vượt qua, thực hiện bằng được yêu cầu của xung kích, phá được nhiều hàng rào lô cốt, hầm ngầm, ụ súng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị chiến đấu và chiến thắng.


Trận Triệu Nội (tháng 5 năm 1952), sau khi dùng bộc phá phá xong mấy lớp rào ngoài, tiểu đội bộc phá tiến vào bên trong thì gặp một chiến hào rộng 8 mét, sâu đến cổ, giữa có hàng rào dây thép gai cản lại. Địa thế rất khó khắc phục để đánh bộc phá, nhưng chùng chình chậm phút nào lại thêm thương vong vì hỏa lực địch tập trung bắn về hướng cửa mở rất mạnh, đồng chí Lê Văn Nổ ôm bộc phá lăn xuống, quyết tâm phá rào, mở thông cửa mở. Bộc phá nổ dội vào trong hào, Lê Văn Nở bị sức ép nặng, nhưng khi tỉnh dậy lại ôm bộc phá dũng cảm xông lên đánh sập tiếp một hầm ngầm, diệt được hỏa điểm quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị xông vào diệt gọn 2 trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí.


Trận Cầu Tràng (tháng 12 năm 1952), Lê Văn Nổ đã 6 lần lên xuống đánh bộc phá dưới hỏa lực rất mạnh của địch, mở được cửa mở cho đơn vị xông lên diệt gọn 1 đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí.

Trận La Tiến tháng 1 năm 1954, khi mở xong cửa mở, địch ở lô cốt đầu cầu bắn về phía đơn vị rất dữ dội, cả tiểu đội bộc phá lần lượt lên đánh đều bị thương vong. Trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn và nguy hiểm đó, đồng chí đã xung phong ôm bộc phá lên đánh. Lê Văn Nổ khéo léo lợi dụng địa hình, vừa bò vừa vần khối bộc phá, chỉ sau ít phút đồng chí đã áp được bộc phá vào lỗ châu mai và đánh sập lô cốt. Hành động dũng cảm của đồng chí đã mở đường kịp thời cho các chiến sĩ xung kích xông vào tiêu diệt gọn đại đội địch.


Cũng vào đầu năm 1954, đơn vị Lê Văn Nổ đánh trận diệt đồn Nghĩa Lộ (đường số 5). Dây là một tiểu khu quan trọng, địch có 2 đại đội Âu Phi thường xuyên chiếm giữ để kiểm soát tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Khi đơn vị vừa mở xong cửa mở thì bị địch tập trung hỏa lực bắn ra rất mạnh... Đồng chí dũng cảm ôm quả bộc phá 10 ki-lô-gam lên đánh sập một ngôi nhà, mở thêm đường cho đơn vị xông vào bên trong tiểu khu, diệt gọn 2 đại đội địch gồm hơn 200 tên.


Lê Văn Nổ là một chiến sĩ bộc phá dũng cảm kiên cường, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí còn hết lòng thương yêu đồng đội, nhiều lần cõng thương binh vượt qua bom đạn địch về phía sau được an toàn. Khi được phân công làm công tác vận động quần chúng, đấu tranh chống âm mưu cưỡng ép di cư của địch năm 1955, Lê Văn Nổ đã kiên trì, cùng anh em trong tổ công tác vận động được 500 đồng bào công giáo ở lại làm ăn không vào Nam theo địch.


Lê Văn Nổ đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 lần được trung đoàn và Quân khu khen thưởng và là Chiến sĩ thi đua Quân khu Tả Ngạn.


Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Lê Văn Nổ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM