Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:27:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 1  (Đọc 7067 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 09:41:07 pm »

Anh hùng Bế Văn Đàn
(Liệt sĩ)


Bế Văn Đàn sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng nay là xã Triệu Âu, huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội phó bộ binh thuộc đại đoàn 316, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. (Tháng 12 năm 1953 được truy nhận).


Xuất thân từ gia đình vô sản, mẹ chết sớm, cha làm thợ mỏ, chú hoạt động cách mạng bị giặc Pháp giết, đồng chí phả đi ở cho địa chủ từ nhỏ. Sau năm năm đi ở, đồng chí trốn về ở với dì và tham gia hoạt động du kích. Tháng 1 năm 1949, Bế Văn Đàn xung phong vào bộ đội và đã tham gia nhiều chiến dịch, chiến dịch nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ ngày nhập ngũ đến lúc hy sinh, đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, chấp hành mọi mệnh lệnh nghiêm túc chính xác, kịp thời.


Đông-Xuân năm 1953-1954 Bế Văn Đàn làm liên lạc tiểu đoàn đưa đơn vị hành quân đi chiến dịch. Một đại đội của tiểu đoàn đồng chí được giao nhiệm vụ bao vây địch ở Mường Pồn. Thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân ta đánh bật lại. Tình hình chiến đấu hết sức căng thẳng. Địch liều chết nống ra. Ta kiên quyết ngăn chặn. Cần có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ địch bằng bất cứ giá nào để đơn vị lớn triển khai lực lượng thực hiện chủ trương chung của chiến dịch. Bế Văn Đàn vừa đi công tác về đã xung phong làm nhiệm vụ. Đồng chí dũng cảm vượt qua lưới đạn dày đặc của địch xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chu đáo. Tình hình chiến đấu càng ngày càng ác liệt; đồng chí được lệnh ở lại đại đội chiến đấu. Địch phản kích đợt thứ ba, điên cuồng mở đường tiến. Đại đội bị thương vong, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương nhưng đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì vận động lên không có chỗ đặt súng. Tình thế hết sức khẩn trương; không ngần ngại, Bế Văn Đàn chạy lại cầm hai chân trung liên đặt lên vai mình và hô bạn bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết hết chúng nó đi!”. Pù nghiến răng nổ súng vào đội hình quân địch, quật ngã liên tiếp hàng chục tên. Địch hoảng hốt bỏ chạy. Đợt phản kích của chúng bị bè gãy. Trong thời gian đứng làm giá súng. Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh, hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái xông lên tiêu diệt quân thù, đem toàn thẳng về cho chiến dịch.


Trong Đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và được binh bầu là Chiến sĩ thi đua số một của đại đoàn.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955 Bế Văn Đàn được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 09:45:24 pm »

Anh hùng Phan Đình Giót
(Liệt sĩ)



Phan Đinh Giót sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đi bộ đội nám 1950. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội phó bộ binh đại đội 58, tiểu đoàn 428, trung đoàn 141, đại đoàn 312, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Gia đình đồng chí Phan Đình Giót rất nghèo. Bố bị chết đói. Đồng chí đã phải sống cuộc đời đi ở, làm
 thuê từ năm 13 tuổi rất cực khổ. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí tham gia tự vệ chiến đấu, đến năm 1950 xung phong vào bộ đội chủ lực. Trong cuộc sống tập thể ở quân đội, Phan Đình Giót luôn luôn tự giác gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu giúp đỡ đồng đội, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn nên luôn được đồng đội mến phục, tin yêu. Phan Đình Giót đã tham gia nhiều chiến dịch lớn: Trung-Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phùủ... trận đánh nào đồng chí cũng nêu cao tinh thần quả cảm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai lần bị thương nặng vẫn tiếp tục chiến đấu và đã hy sinh oanh liệt với chiến công đặc biệt: lấy thân mình lấp lỗ châu mai mở đường cho đơn vị tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành toàn thắng cho trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.


Mới 3 tháng tuổi quân, Phan Đinh Giót đã tham gia chiến dịch Đường số 18, đánh đồn Tràng Bạch, trận chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt, đồng chí vẫn bám sát tổ trưởng, thể hiện tinh thần chiến đấu rất hăng say. Tiêu diệt xong lô cốt số một, đồng chí bị thương nặng, nhưng vẫn xin ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến lúc trận đánh kết thúc thắng lợi.


Trong trận tiêu diệt vị trí Chùa Tiếng (cuối năm 1950), đồng chí đã dũng cảm xung phong một mình đánh sập bốn ụ súng của địch.

Mùa Đông năm 1951, địch đánh lên Hòa Bình, đơn vị đồng chí nhận nhiệm vụ vượt sông Đà, thọc sâu vào hoạt động trong lòng địch vùng chân núi Ba Vì. Địch phát hiện chủ lực ta, tập trung máy bay, đại bác, thường xuyên bắn phá dữ dội. Phan Đình Giót vẫn kiên trì và gương mẫu, xung phong đi đầu trong mọi công tác, đã cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.


Mùa Đông năm 1953, đơn vị đồng chí được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500 cây số, vượt qua nhiều đèo, dốc mang vác nặng đồng chí vẫn kiên trì và giúp đỡ đồng đội đi tới đích.

Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường, kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, đồng chí đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em kiên quyết chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.


Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, lệnh nổ súng tiêu diệt vị trí Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo ta bắn chuẩn bị. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh qua thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ 10. Địch tập trung hòa lực bán như trút đạn xuống trận địa ta. Đồng đội bị thương vong nhiều. Lửa căm thù bốc cao, đồng chí lao lên đánh tiếp hai quả nữa, phá toang đoạn rào cuối cùng, mở thông cửa mở để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, Phan Đình Giót lại vọt lên bám chắc lô cốt số hai, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Đồng chí lại bị thương vào vai, máu chảy đầm đìa. Nhưng hỏa điểm địch từ lô cốt số ba đã xuất hiện rất nguy hiểm, bắn mạnh vào đội hình ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, Phan Đình Giót cố gắng lê lên, nhích dần người đến gần lô cốt số ba với ý nghĩ cháy bỏng, duy nhất là phải dập tắt ngay nó. Đồng chí dùng hết sức mình còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to:

- Quyết hy sinh... vì Đảng... vì dân!!!... rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất đã bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bảo, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam.


Phan Đình Giót đã được tiểu đoàn, đại đoàn khen thường 4 lần.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Phan Đình Giót được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Một, 2019, 07:25:45 pm gửi bởi quansuvn » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 07:30:18 pm »

Anh hùng Ngô Mây
(Liệt sĩ)


Ngô Mây sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhập ngũ tháng 4 năm 1947. Khi hy sinh đồng chí là đội viên đại đội quyết tử, trung đoàn 120, đại đoàn 305, Liên khu 5.


Đồng chí Ngô Mây sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Bố chết sớm. Đồng chí là người con duy nhất trong gia đinh. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí tham gia dân quân du kích ở xã. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, đồng chí xung phong tình nguyện vào bộ đội. Để đợi thời cơ giết giặc lập công, trong huấn luyện lúc nào đồng chí cũng nêu cao tinh thần gương mẫu bền bỉ, say sưa học tập và rèn luyện. Có lần bị đau chân không tập được, cán bộ cho nghỉ, đồng chí vẫn xin ra thao trường ngồi xem anh em tập để rút kinh nghiệm. Có thể nói: đồng chí đã chuẩn bị rất tích cực, vì vậy, khi có dịp bước vào chiến đấu, đồng chí đã nêu tấm gương dũng cảm tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng. Tiếng bom của đồng chí đã làm cho quân và dân ta rất tự hào, kẻ thù thì hết sức kinh hoàng khiếp sợ.


Thu Đông năm 1947, đơn vị Ngô Mây được lệnh chuẩn bị chiến đấu, mặt trận đang có phong trào vận động thi đua tiêu diệt bộ binh và cơ giới địch. Thời kỳ này, trang bị của ta còn yếu kém, chỉ có vũ khí thô sơ, phải có lòng dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng dám trực tiếp dùng bom mới diệt được xe tăng, xe cơ giới địch. Ngô Mây thiết tha xin xung phong vào đội cảm tử để được nhận nhiệm vụ vẻ vang đó. Đồng chí chuẩn bị rất chu đáo, hỏi han, học tập cách đánh kỹ càng, lau chùi giữ gìn quả bom rất cẩn thận. Tuy biết rõ trận đánh này mình có thể hy sinh, nhưng Ngô Mây vẫn bình tĩnh, tự tin, biên thư về động viên mẹ và đem những đồ dùng cá nhân của mình tặng lại các đồng chí thiếu.


Đầu tháng 10 năm 1947, đơn vị lên đường đi phục kích địch ở Suối Voi (trên đường An Khê đi Plây Cu). Ngô Mây có nhiệm vụ ôm bom phá xe tăng tạo điều kiện cho bộ binh xung phong tiêu diệt địch. Nhưng tình hình trận đánh đã diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho ta ngay từ đầu. Trận địa bị lộ, hơn một đại đội Âu Phi và bốn xe cơ giới địch hành quân mới tới gần trận địa ta đã phát hiện và nổ súng trước. Lực lượng quá chênh lệch cả về binh lực và hỏa lực buộc đơn vị phải chống trả quyết liệt, rồi yểm hộ cho từng bộ phận rút dần để bảo toàn Lực lượng. Ngô Mây ôm bom, nấp kín trong bụi cây. Quả bom nặng, địch lại đến đã rất gần. Không diệt được cơ giới thì đây cũng là thời cơ đế tiêu diệt sinh lực địch. Ngô Mây bình tĩnh chờ một toán đông quân địch tới thật gần rồi dũng cảm mở chốt, ôm bom xông thẳng vào giữa bọn chúng. Tiếng bom nổ rền vang dữ dội. Hơn 1 trung đội lính Âu Phi tan xác và đồng chí Ngô Mây cũng hy sinh vô cùng oanh liệt.


Sau trận đánh, bọn địch không dám lên xuống con đường đó nữa; nếu có đi, chúng phải huy động lực lượng đông và hễ gặp chiến sĩ ta cổ quàng khăn đỏ (đồng chí Mây khi đánh bom, cổ quàng khăn đỏ) là khiếp vía bỏ chạy.


Ngô Mây đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, được tuyên dương công trạng trong toàn Liên khu.


Ngày 31 tháng 8 năm 1955 đồng chí Ngô Mây được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 07:32:49 pm »

Anh hùng Trương Công Man
(Liệt sĩ)




Trương Công Man sinh năm 1930, dân tộc Mường quê ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1947. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội trưởng liên lạc thuộc trung đoàn 2, đại đoàn 320, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đồng chí Trương Công Man là một chiến sĩ liên lạc xuất sắc, mưu trí, dũng cảm của đại đoàn Đồng Bằng, đại đoàn chủ lực hoạt động trong vùng sau lưng địch. Nhiều lần đồng chí xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn, vượt dưới làn bom đạn ác liệt của địch, truyền đạt mệnh lệnh kịp thời, chính xác. Trương Công Man chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bị thương nhưng vẫn tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị.


Đồng chí luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh cấp trên, hết lòng thương yêu đồng đội, bảo vệ cán bộ, chấp hành nghiêm túc các chính sách và kỷ luật chiến trường.

Tháng 1 năm 1952, trong trận Yên Ninh (Ninh Bình), khi đơn vị được lệnh xuất kích, đồng chí lập tức xung phong diệt địch ngay. Bị thương vào sườn, Trương Công Man vẫn nén đau, bám sát đại đội trưởng để truyền lệnh kịp thời. Trận đánh vừa kết thúc, địch tập trung máy bay, đại bác các nơi bắn về liên tục và ác liệt. Suốt một ngày, đồng chí đã nhiều lần như con thoi chạy đi, chạy về giữa đồng nước, dưới làn bom đạn, đưa lệnh của trên xuống các đơn vị, và tham gia chuyển thương binh về trạm. Năm lần bị thương, không rời trận địa, Trương Công Man vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao và cùng với đồng đội chuyển được 15 thương binh ra ngoài an toàn.


Trong trận Tầm Phương (Thái Bình), đồng chí bình tĩnh chờ địch tới gần mới nổ súng diệt ngay 3 tên. Địch phản công mãnh liệt, trung liên ta bị tắc, xạ thủ bị thương, đồng chí đã nhảy ra chữa súng, rồi bắn mạnh cản địch lại, diệt thêm 7 tên. Địch bắn dữ dội để uy hiếp và chuẩn bị phản kích, đồng chí đã nhanh chóng đưa lệnh của đại đội xuống điều một trung đội kịp lên phối hợp đánh tan bọn chúng. Trong trận này, cả đơn vị đã đánh lui 5 đợt phản kích của địch, riêng Trương Công Man đã diệt được 19 tên.


Tháng 2 năm 1952, trong trận chống càn ở Thái Ninh (Thái Bình), bị máy bay địch bắn phá, 2 lần Trương Công Man bị thương nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ liên lạc. Khi về trạm giải phẫu, dụng cụ y tế thiếu, phải dùng cưa gỗ để cưa, mổ vai lấy đạn, đồng chí vẫn nghiến răng chịu đau, không hề kêu rên.


Trong trận An Bình (Thái Bình), ngay lúc đầu, Trương Công Man đã chủ động chỉ huy tổ trung liên bắn chết 6 tên địch, gọi hàng được 6 tên, thu 9 súng.


Khi cùng đoàn cán bộ đi nghiên cứu trận địa lạc vào chỗ địch, đồng chí đã dũng cảm một mình chiến đấu đánh lạc hướng địch để cán bộ rút ra an toàn.


Trong trận tiến công đồn Tìm (Đông Quan, Thái Bình), đơn vị vừa mở được một hàng rào thì đại bác địch ở các vị trí khác tập trung bắn về dữ dội. Tổ đánh bộc phá tiếp tục mở cửa dưới hoa lực địch, bị thương vong gần hết, Trương Công Man xung phong lên đánh tiếp và cũng bị trọng thương. Trước lúc hy sinh, đồng chí còn nhấn lại đồng đội:

- Các đồng chí giữ vững quyết tâm, làm tròn nhiệm vụ.

Căm thủ bọn giặc, cả đơn vị đã xông lên diệt gọn vị trí này.

Trương Công Man đã được trung đoàn, đại đoàn khen thường 9 lần, và được bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn, được thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.


Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Trương Công Man được Chủ tịch nưởc Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 07:45:16 pm »

Anh hùng Lâm Úy
(Liệt sĩ)


Làm Úy sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Binh, nhập ngũ tháng 9 năm 1945. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội phó bộ binh thuộc đại đoàn 325, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà nghèo, ngay từ nhỏ, đồng chí Lâm Úy đã phải đi ở, làm thuê để kiếm sống. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí xung phong đi bộ đội và tình nguyện vào đội quân Nam tiến chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên.


Từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 5 năm 1950, đơn vị Lâm Úy về hoạt động và chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên. Đồng chí đã chiến đấu hơn 30 trận, trận nào cũng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí và xông xáo. Đặc điểm chiến đấu của đồng chí Lâm Úy là: dù một mình cũng kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, không có súng thi dùng mã tấu, súng hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng, đánh giáp lá cà với địch. Đồng chí đã diệt được hơn 100 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 15 súng các loại, lập nhiều chiến công xuất sắc.


Đầu năm 1947, Lâm úy xung phong dẫn một tổ đem cờ vào cắm ở đồn Phú Vinh (Huế). Khi tới chân hàng rào, Lâm Úy để anh em nằm ngoài yểm hộ, còn mình bí mật chui vào đồn, leo lên cầm cờ rồi lại bí mật luồn ra. Sáng hôm sau, nhân dân nhìn thấy lá cờ Tổ quốc hiên ngang phấp phới trên đồn địch, rất phấn khởi tin tưởng, trầm trồ khen ngợi bộ đội ta. Trái lại, kẻ địch rất hoang mang lo sợ.


Cũng trong thời gian này, đồng chí về hoạt động phá tề, xây dựng cơ sở ở vùng Sào Nam (Lệ Thủy). Bọn địch thường tập trung nhân dân để tuyên truyền lừa gạt. Một hôm, đồng chí và 4 đồng đội, chỉ có mã tấu và lựu đạn, đã xông vào giữa lúc chúng đang tập trung nhân dân, chém chết tại chỗ 4 tên ngoan cố chống cự, bắt sống 8 tên và giải thích rõ chính sách của Đảng ta cho đồng bào biết.


Giữa năm 1948, đơn vị về hoạt động xây dựng cơ sở, tổ chức dân quân ở vùng Cảnh Dương - Tú Loan. Lâm Úy đã tích cực, xông xáo tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tổ chức và hướng dẫn hoạt động cho dân quân. Một lần đồng chí đưa dân quân vào sát đồn rồi một mình bò vào đặt mìn làm mẫu cho anh em học tập, giết 20 tên, gây được lòng tin tưởng cho anh em đánh giặc.


Cuối năm 1948, đơn vị bị địch phản kích bất ngờ. Chúng dùng một lực lượng lớn bao vây chặt trung đội đồng chí. Đơn vị lui lên nấp kín ở mỏm Đồi Cao (gần Minh Lễ). Bọn địch ở các hướng cùng tiến công lên. Ta chờ chúng đến thật gần, bất ngờ nhằm chỗ địch yếu nhất đồng loạt xung phong quyết liệt. Bọn địch hoảng sợ bỏ chạy, vòng vây bị phá vỡ, trung đội rút an toàn. Trong trận này, một mình Lâm Úy đã dùng lưỡi lê đâm chết 6 tên địch.


Tháng 1 năm 1950, Lâm Úy tham gia chống càn bảo vệ cán bộ và nhân dân vùng Bang Bơn (Quảng Bình). Giặc Pháp dùng một tiểu đoàn có máy bay yểm hộ, hai lần tiến công đều bị đại đội đồng chí đánh bật trở ra. Lần thứ ba, địch củng cố lại lực lượng, tập trung sức tiến công. Đơn vị bị thương vong một số, đạn gần hết; tình thế vô cùng hiểm nghèo. Địch vẫn tiến lên, chỉ còn cách ta độ 20 mét nữa. Lâm Úy dũng cảm nhảy lên khỏi công sự, dùng khẩu trung liên vừa cướp được của chúng, bắn mạnh vào đội hình quân địch, diệt hàng chục tên, bọn còn lại hốt hoảng bỏ chạy. Đơn vị đã đánh tan cuộc càn, diệt gần 1 đại đội địch, thu hơn 100 súng các loại.


Trận Xuân Bồ (tháng 5 năm 1950), địch tập trung một tiểu đoàn lính lê dương có máy bay, pháo binh yểm trợ hòng diệt chủ lực ta và phá hoại mùa màng của nhân dân ở khu vực này. Đơn vị được lệnh vượt sông chiến đấu. Lâm Úy hăng hái vượt trước. Sang tới bờ bên kia, đại đội đồng chí nhanh chóng xung phong tiêu diệt địch ngay, chiếm vị trí có lợi, làm chỗ đứng chân chiến đấu. Suốt từ 9 giờ đến 14 giờ, đơn vị đã đánh lui hơn 10 đợt phản kích của địch. Đạn gần hết, quân số lại thương vong nhiều. Lâm Úy vẫn bình tĩnh động viên anh em “tìm mọi cách diệt địch”. Bản thân đồng chí tự đi nhặt lựu đạn của địch về phát cho đơn vị chiến đấu, tiếp tục đánh lui hai đợt phản kích nữa. Nhưng rồi lựu đạn cũng hết. Lâm Úy liền nêu khẩu hiệu “Dùng lưỡi lê, báng súng quỵết chiến đấu đến cùng!”. Địch lại phản kích. Lâm Úy dẫn đầu đơn vị nhảy ra khỏi công sự, dùng dưỡi lê đâm chết 3 tên, vừa đâm được tên thứ 4, lưỡi lê mắc chưa rút ra được, thì bị một tên khác lao vào ôm chặt. Mặc dù người nhỏ, sức yếu, đồng chí đã mưu mẹo quật ngã tên địch, một tay bóp bộ hạ, một tay bóp cổ, miệng cắn chặt vào bụng nó. Thấy vậy, những tên địch khác xả súng bắn vào đồng chí. Tuy bị thương nặng, Lâm Úy vẫn cố hết sức ghì chặt tên địch và kéo nó cùng lăn xuống sông. Đồng chí Lâm Úy đã hy sinh vô cùng anh dũng. Khi được đồng đội vớt lên, hai tay Lâm Úy vẫn ghì chặt tên giặc và miệng vẫn còn cắn chặt vào bụng tên Pháp.


Lâm Úy đã được tặng thương 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 lần được Liên khu 4 và Ủy ban kháng chiến tỉnh Qụảng Bình khen.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Lâm Úy được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 08:04:56 pm »

Anh hùng Đặng Quang Cầm




Đặng Quang Cầm sinh năm 1921, dân tộc Kinh, quê ở xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 9 năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội phó thuộc đội vũ trang tuyên truyền Liên khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày nhập ngũ đến tháng 7 năm 1954, Đặng Quang Cầm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường cực Nam Trung Bộ. Khi là chiến sĩ trinh sát, khi phụ trách đội bảo đảm một tuyến giao thông liên lạc quan trọng, khi làm công tác vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức dân quân trong lòng địch, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên trì, bám đất, bám dân hoạt động, đoàn kết cùng đồng đội vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.


Đặng Quang Cầm tham gia chiến đấu từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở vùng Đà Lạt - Ninh Thuận.
Lúc mặt trận vỡ, đơn vị rút, đồng chí bị kẹt lại cùng với chín thương binh, nhiều đồng chí cụt tay, cụt chân không làm gì được, di chuyển một chút cũng phải dùng cáng để khiêng, địch lại lùng sục khủng bố, nhân dân thì hoang mang lo sợ. Đồng chí đã tìm cách chuyển anh em ra rừng và nuôi dưỡng trong 3 tháng 15 ngày. Sau đó tìm cách liên lạc được với trung đoàn, tổ chức đưa anh em về đơn vị an toàn.


Đầu năm 1947, địch huy động gần 2.000 quân bao vây chiến khu ta. Được giao nhiệm vụ theo dõi nắm địch, đồng chí đã gan dạ liên tục bám sát địch suốt một ngày. Mười bốn lần đụng đầu với địch, có lần chỉ cách chúng 20 mét. Địch phát hiện chúng cố đuổi bắt sống, nhưng đồng chí đã bình tĩnh, nhanh nhẹn, đánh lừa địch chạy thoát. Sau khi đã nắm chắc mọi hoạt động của địch, đồng chí đã báo cáo kịp thời và đưa được cơ quan thoát ra khỏi vòng vây của chúng.


Từ tháng 2 năm 1948 đến tháng 12 năm 1950, Đặng Quang Cầm là trung đội phó, phụ trách một đoạn trên tuyến đường giao liên “Hồ Chí Minh” giữ vững liên lạc giữa các miền trong quân khu, giữa Nam Bộ và Trung ương. Trên chặng đường hơn 200 cây số đi qua nhiều đèo dốc, nhiều vùng chưa có cơ sở cách mạng, địch thường xuyên đánh phá ngăn chặn, điều kiện ăn ở khó khăn thiếu thốn, có lần mất liên lạc, đơn vị bị đói 7 ngày, phải tìm rau, lá rừng ăn thay cơm, đồng chí đã gương mẫu chịu đựng những khó khăn đó và chỉ huy, lãnh đạo đơn vị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Gần 3 năm bám trụ, trung đội đồng chí đã bảo đảm cho 70 đoàn cán bộ, đoàn vận tải vũ khí từ Trung ương đi vào và đi ra an toàn, dần dần xây dựng được cơ sở cách mạng ở khắp các địa phương mình hoạt động.


Từ tháng 1 năm 1951 đến tháng 7 năm 1954, Đặng Quang Cầm phụ trách đội vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng đồng bào dân tộc ít người. Các vùng này tề điệp nhiều, nhân dân hiểu biết rất ít về cách mạng. Đồng chí đã kiên trì lãnh đạo đơn vị đi vào tuyên truyền vận động quần chúng, dần dần xây dựng được chính quyền, tổ chức được dân quân, vận động những người lầm đường theo giặc trở về làm ăn. Đơn vị đã xây dựng được chính quyền ở 19 xã, với gần 1.000 dân quân du kích, phối hợp cùng dân quân đánh gần 30 trận, diệt hàng trăm địch, bảo vệ được cơ sở và tính mạng tài sản của nhân dân.


Đồng chí Đặng Quang Cầm luôn luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Bản thân đồng chí luôn luôn gương mẫu, hết lòng thương yêu đồng đội, bảo vệ và giúp đỡ nhân dân nên được đồng đội và nhân dân tin yêu, mến phục.


Ngày 31 tháng 8 năm 1955 Đặng Quang Cầm được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 08:08:34 pm »

Anh hùng Bùi Chát




Bùi Chát sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 1 năm 1951. Khi được tuyên dương Anh hùng là trung đội trưởng công binh thuộc trung đoàn 93, đại đoàn 324, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Năm 1947, giặc Pháp chiếm Hội An, Bùi Chát xung phong vào tự vệ, tham gia diệt ác, trừ gian. Sau đó đồng chí là một trong những thanh niên đầu tiên của thị xã tham gia đội biệt động. Đồng chí đã chiến đấu 55 trận, trận nào cũng dũng cảm, táo bạo, nhiều trận đột nhập thị xã giữa ban ngày để diệt bọn tề điệp, ác ôn, có lần đã bắt sống cả tên tỉnh trưởng. Trong đánh giao thông đồng chí cũng đã lập công xuất sắc, đặt mìn giật đổ 7 đoàn tàu có 3 đầu máy, 18 toa, diệt 5 xe, cùng đơn vị diệt gần 2 đại đội địch.


Năm 1949, 2 ca nô địch thường xuyên chạy trên đoạn sông Hội An - Câu Lâu bắn phá gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Đơn vị đã nhiều lần phục kích nhưng đều đánh hụt. Đồng chí xung phong dẫn một tổ lặn lội suốt đêm đưa thủy lôi tới tận nơi đánh chìm cả 2 chiếc, diệt 14 tên giặc Pháp.


Từ năm 1952, đơn vị Bùi Chát nhận nhiệm vụ đánh giao thông địch trên đèo Hải Vân. Đây là đoạn giao thông huyết mạch của địch, địa hình rất hiểm trở, địch bố trí canh phòng nghiêm ngặt, đồn bốt san sát, quân tuần tiễu và ứng chiến thường xuyên sẵn sàng phản kích khi có động. Tháng 1 năm 1952, đồng chí dẫn một tổ xuống đường đặt mìn tự động. Sáng hôm sau, tàu địch chạy qua, mìn nổ hất nhào một đầu máy và một toa xuống vực. Đại bác địch các nơi bắn về dữ dội, quân của chúng tỏa đi sục khắp nơi. Tổ đồng chí đã mưu trí và sáng tạo, bò vào sát đồn địch ấn nấp, đánh lạc hướng địch, đến tối rút ra an toàn.


Tháng 12 năm 1953, để phối hợp với chiến dịch Xuân Hè 1953, Bùi Chát được giao nhiệm vụ đánh đoàn tàu chở lính địch từ Đà Nẵng đi Huế. Suốt 10 ngày trèo đèo, lội suối, tìm đường vừa tới nơi đồng chí trực tiếp ra chọn chỗ chôn mìn ngay. Địch cho nhiều đoàn tàu chở đá và toa không chạy trước, anh em trong tổ nóng lòng muốn đánh, Bùi Chát bình tĩnh động viên đồng đội chờ đợi. Đúng như phán đoán của đồng chí, chuyến tàu chở lính và vũ khí chạy sau cùng. Khi đoàn tàu lọt vào trận địa, đồng chí trực tiếp bấm nút điện; mìn nổ, hất cả đoàn tàu xuống chân đèo, gần 100 tên địch gồm cả lính và sĩ quan bị tiêu diệt không sót một tên. Đồng chí dẫn đầu tổ xông ra thu 300 súng các loại.


Cuối tháng 5 năm 1954, Bùi Chát nhận được lệnh đánh đoàn tàu chở bọn sĩ quan Pháp. Thời gian rất gấp, vừa chôn mìn xong thì bọn lính tuần tiễu đi tới. Có nguy cơ bị lộ, nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh quan sát và ra hiệu cho cả tổ nằm im. Bọn chúng vừa đi qua thi đoàn tàu đến, đồng chí chập điện cho mìn nổ, hất cả đoàn tàu xuống chân đèo, rồi rút về căn cứ an toàn. Trận này ta đã diệt gọn 100 tên sĩ quan Pháp. Sáng hôm sau, các đồn bốt địch ở khu vực Đà Nẵng và Huế đều treo cờ tang.


Đồng chí Bùi Chát tuy lập nhiều chiến công xuất sắc nhưng luôn luôn khiêm tốn, giản dị, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến mọi người, thể hiện một tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ. Là một cán bộ gương mẫu, tận tụy, đồng chí hết sức quan tâm xây dựng đơn vị tiến bộ toàn diện, hết lòng thương yêu đồng đội, tích cực giúp đỡ chiến sĩ mới nhanh chóng trưởng thành.


Bùi Chát đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 10 lần được tỉnh, Liên khu khen thưởng và là Chiến sĩ thi đua của Liên khu 5.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Bùi Chát được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 08:20:33 pm »

Anh hùng Bùi Đình Cư




Bùi Đinh Cư sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Việt Tiến, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 5 năm 1949. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội trưởng pháo binh thuộc trung đoàn 675, đại đoàn 351, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Suốt từ ngày nhập ngũ đến năm 1954, đồng chí Bùi Đình Cư liên tục chiến đấu và trưởng thành ở binh chủng pháo binh, đã trực tiếp tham gia 9 chiến dịch lớn ở Bắc Bộ, luôn luôn thể hiện rõ tinh thần hăng say đánh giặc, bền bỉ tích cực trong công tác, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiệm vụ nào cũng xung phong gương mẫu đi đầu, có tác dụng động viên, cổ vũ mọi người noi gương phấn đấu.


Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1950), đơn vị Bùi Đình Cư phối hợp với đơn vị bạn đánh bốt Vẽn. Đồng chí đã trực tiếp bắn 4 quả pháo sát thương 1 trung đội địch, tạo điều kiện cho xung kích diệt đồn.


Trong chiến dịch Quang Trung (năm 1951), trận đánh đồn Yên Mô Thượng vào giữa đêm mưa, trời tối đen như mực không nhìn rõ mục tiêu, đồng chí xung phong bò vào vị trí địch, bấm đèn soi vào từng lỗ châu mai cho pháo bắn. Địch bắn ra dữ dội về phía mình nhưng Bùi Đình Cư vẫn bình tĩnh, khôn khéo làm tròn nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tiêu diệt gọn đồn.


Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1952), khi đơn vị chuẩn bị tiến công đồn Tu Vũ thì bị lộ, pháo phải di chuyển trận địa. Để bảo đảm an toàn cho pháo và kịp thời bắn chi viện cho bộ binh, Bùi Đinh Cư đã không do dự vác cả nòng súng cối nặng 101 ki-lô-gam chuyển tới vị trí mới cách xa hơn 200 mét dưới hỏa lực địch. Hành động dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ toàn đơn vị nhanh chóng chấp hành nghiêm mệnh lệnh.


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trận đánh đồn Him Lam mở màn cho chiến dịch, đồng chí đã dũng cảm động viên đồng đội tháo rời từng bộ phận pháo, vượt dưới làn bom đạn ác liệt của địch vào chiếm lĩnh trận địa. Mặc cho địch phản pháo, đồng chí đã bình tĩnh liên tục bắn hơn 30 quả pháo, đánh sập lô cốt, chi viện đác lực cho bộ binh, góp phần cùng đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ vị trí quan trọng này.


Trận đánh đồn Độc Lập, sau khi ta đã làm chủ trận địa, pháo binh địch ở các nơi bắn về dữ dội, đồng chí đã dũng cảm chỉ huy tiểu đội xông vào tháo súng địch vác ra, thu được ba khẩu cối 120 ly.

Không những anh dũng trong chiến đấu, đồng chí Bùi Đinh Cư còn luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Đồng chí hết lòng thương yêu chiến sĩ, nhiều lần cõng thương binh, tử sĩ vượt qua bom đạn địch về phía sau. Bùi Đình Cư là một cán bộ khiêm tốn, giản dị, sống cởi mở, chân thành, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Bùi Đình Cư đã được tặng thướng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 42 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và được Hồ Chu tịch tặng một áo lụa.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Bùi Đinh Cư được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 08:31:09 pm »

Anh hùng Hoàng Khắc Dược




Hoàng Khắc Dược sinh năm 1917, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc trung đoàn 66, đại đoàn 304, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Cuối năm 1946, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, chúng tiến công đánh chiếm thành phố Nam Định. Hoàng Khắc Dược tham gia tự vệ thành cùng bộ đội chiến đấu liên tiếp 13 ngày liền trong thành Nam Định. Đồng chí đã dùng mã tấu lựu đạn chiến đấu. Tự mình đem được một thương binh và một tử sĩ ra phía sau. Trong trận đánh quân nhảy dù (tháng 1 năm 1947), đồng chí đã dùng mã tấu chém chết 3 tên địch, thu 2 súng.


Chiến đấu đã anh dũng như vậy, khi được phân công làm công tác nuôi quân, Hoàng Khắc Dược cũng rất chịu khó, với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Bảy năm làm công tác nuôi quân, Hoàng Khắc Dược vẫn luôn luôn phấn khởi, không hề kêu ca phàn nàn, dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn vẫn tìm mọi cách khắc phục, bảo đảm nuôi dưỡng bộ đội chu đáo. Nét nổi bật ở đồng chí là tinh thần liêm khiết, chí công vô tư, hết lòng thương yêu đồng đội, phục vụ đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu.


Năm 1954, có lần máy bay địch bắn phá và thả bom na-pan đốt cháy lán trại. Đơn vị đi công tác vắng, chỉ còn anh nuôi ở nhà, Hoàng Khắc Dược dũng cảm xông vào chữa cháy và cùng tổ nuôi quân đưa hết được bộc phá, địa lôi và nhiều dụng cụ khác ra ngoài an toàn.


Trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), đơn vị hành quân xa, đồng chí đã chuẩn bị đầy đủ và tỉ mỉ lương thực thực phẩm cho bộ đội. Nhiều đêm đồng chí thức đến 2, 3 giờ sáng. Ban ngày nấu cơm, kiếm củi, chiều tối lại đi 8, 9 cây số tìm mua thức ăn, Hoàng Khắc Dược vẫn vui vẻ phục vụ chu đáo bộ đội. Có lần, một mình đồng chí bảo đảm nuôi dưỡng 30 đồng chí ốm mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ một thời gian ngắn anh em đều hồi phục sức khỏe và trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.


Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, trong những ngày truy kích địch, Hoàng Khắc Dược thường gánh nặng 30, 40 ki-lô-gam, chạy theo đơn vị, bảo đảm đầy đủ cơm, nước cho bộ đội. Có thời kỳ thiếu gạo, mỗi ngày bộ đội chỉ được ăn có 2 lạng, Hoàng Khắc Dược rất gương mẫu chấp hành và vận động tổ nuôi quân bớt phần mình cho các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Bản thân có những lần bị đau ốm, nhưng đồng chí vẫn bền bỉ làm nhiệm vụ trong suốt chiến dịch, góp phần cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.


Là một tiểu đội trưởng nuôi quân gương mẫu về mọi mặt, Hoàng Khắc Dược, với đức tính khiêm tốn, giản dị, liêm khiết và tinh thần trách nhiệm phục vụ cao, rất xứng đáng với lòng tin yêu, mến phục của toàn đơn vị.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến cộng hạng ba, 6 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn.


Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Hoàng Khắc Dược được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng tHưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 08:37:07 pm »

Anh hùng Phạm Đường




Phạm Đường sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ờ xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 10 năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên phó đại đội bộ binh thuộc Liên khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, lên 10 tuổi, Phạm Đường đã phải đi ở cho địa chủ, sống cuộc đời đắng cay, cực nhục 4 năm liền. Sau đó đồng chí phải trốn đi lang thang làm thuê để kiếm sống. Năm 1944, may mắn gặp được cán bộ cách mạng, Phạm Đường được tuyên truyền giác ngộ và rất phấn khởi hăng hái tham gia   tổ chức Thanh niên cứu quốc. Năm 1945, đồng chí hoạt động du kích bí mật, cùng với du kích Ba Tơ khởi nghĩa cướp chính quyền. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, đồng chí dẫn đầu đội du kích đánh chặn đoàn xe địch chở đầy lính, dùng mã tấu diệt 40 tên, riêng đồng chí chém chết 2 tên.


Tháng 10 năm 1945, đồng chí xung phong vào bộ đội, chiến đấu và hoạt động trên chiến trường Khu 5, tham gia 65 trận đánh, trận nào cũng thể hiện tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, dũng cảm, táo bạo, dù bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu. Trong mọi tình huống khó khăn nguy hiểm Phạm Đường luôn bình tĩnh, kiên trì tìm mọi cách vượt qua, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, lập công xuất sắc.


Năm 1949, Phạm Đường cùng một đồng chí đi chuẩn bị chiến trường trong vùng địch tạm chiếm ở Khánh Hòa. Suốt 3 tháng ròng gặp bao khó khăn: địch lùng sục gắt gao, địa bàn chưa quen, cơ sở chưa có, nhiều khi phải nhịn đói nằm hầm bí mật mấy ngày liền..., đồng chí đã kiên trì cùng bạn điều tra nắm chắc địch, báo cáo kịp thời và dẫn bộ đội vào chiến đấu giành thắng lợi.


Trong hoạt động Hè năm 1952, đồng chí tham gia đánh trận Vạn Lý (Quảng Nam). Đây là một trận đánh công sự kiên cố của địch. Ngay từ đầu ta đã vấp phải sức kháng cự tập trung, quyết liệt của chúng, gặp nhiều khó khăn trong việc mở cửa. Giữa lúc gay go, đồng chí đã xung phong ôm bộc phá, dũng cảm lao qua lửa đạn dày đặc, phá bung 3 lớp hàng rào, mở thông cửa cho xung kích xung phong diệt gọn cứ điểm địch.


Năm 1953, tham gia đánh đồn Tứ Thủy (vị trí kiên cố vào bậc nhất của địch ở An Khê), đồng chí đã dẫn đầu tổ bộc phá vào phá được 5 lớp rào, dọn sạch chông, khai thông cửa mở cho bộ đội tiến vào diệt địch. Trận đánh diễn ra gay go ác liệt, bộ đội thương vong nhiều. Đồng chí nhận nhiệm vụ chuyển thương, đã dũng cảm dẫn đầu tổ lên xuống 5 lần, đưa được 14 thương binh và 2 liệt sĩ ra ngoài.


Năm 1954, đánh trận Tuy Hòa, ngay phút đầu Phạm Đường đã chỉ huy tiểu đội mũi nhọn vượt dưới làn đạn địch xông vào đánh chiếm 3 nhà lĩnh, diệt 6 xe rồi thọc sâu chia cắt khu nhà lính và khu hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị xung phong và tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch, bắt sống 550 tên Pháp.


Là một cán bộ chính trị, Phạm Đường luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, của anh em, khiêm tốn, giản dị, cởi mở, chan hòa, được mọi người thương yêu quý mến.

Phạm Đường đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 13 lần được trung đoàn và Liên khu khen, 2 lần là chiến sĩ thi đua của liên khu.


Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Phạm Đường được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM