Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:00:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử liên Trung đoàn 301-310-1945-1950  (Đọc 5988 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:52:14 pm »

Ngày 3 tháng 12 năm 1947, tôi nhận được điện của trên “xử lý ngay đối tượng X không được chậm trễ, để kéo dài sẽ phát sinh hậu quả xấu”. Vậy là trên chỉ thị phải tiêu diệt gấp “chiến khu quốc gia” Bình Quới Tây. Điện này đến không bất ngờ đối với tôi vì tôi đã chuẩn bị phương án tác chiến ngay từ khi bố trí đội hình trong doanh trại, có điều cho đến ngày đó chúng vẫn chưa chịu trang bị cho ta.


Sau khi bàn với anh Lê Đức Anh về kế hoạch thực hiện và báo cáo với anh Sáu Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, tôi điện về trên “trong vòng 7 ngày tôi sẽ hoàn thành xong nhiệm vụ”.


Ngày 6 tháng 12, tại một khách sạn tại trung tâm Chợ Lớn, với danh nghĩa một bữa tiệc mừng làm ăn phát tài, tôi triệu tập một cuộc họp gồm Hoàng Của, Tham mưu trưởng Bình Quới Tây, Bảy Thanh cán bộ tham mưu, Xuân, Ty, Mười Tài chỉ huy lực lượng ta. Phổ biến xong mệnh lệnh của cấp trên và quyết tâm của chúng tôi, tôi nhìn anh em một lượt, cười:

- Làm được không nè?

Hoàng Của cũng cười:

- Nhất định phải được. Ta đã vào hang cọp và đã cỡi lên lưng nó rồi.

Tôi hỏi lại anh ta:

- Đã nắm chắc ban tham mưu và đại đội Tây Ninh chưa?

- Thật chắc rồi - Hoàng Của đáp với vẻ đầy tự tin.

Tôi quay sang ba anh em trong Ban chỉ huy lực lượng ta:

- Về ta, các anh thấy thế nào?

- Trăm người như một, anh em chúng ta có hơn một trăm trái tim và hơn trăm cái miệng, vậy mà đã mấy tháng rồi, bí mật vẫn được giữ vững mặc dầu kẻ địch ra sức dò xét, đánh hơi, thử thách.


Thấy ổn, tôi chỉ định Ban chỉ huy trận đánh gồm Hoàng Của chỉ huy trưởng, Bảy Thanh Chỉ huy phó phụ trách thông tin liên lạc và ba đồng chí Xuân, Ty, Tài trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang. Tôi ra chỉ thị cụ thể:

- Các anh thấy đó, ta đang ở thế chủ động, mạnh đoàn kết, mạnh ý chí. Vũ khí có kém thì ta tạo lực bằng cách tạo thời cơ thật thích hợp khiến chúng mất cảnh giác, bộc lộ sơ hở và ta sẽ chộp ngay sơ hở đó mà quật ngã chúng. Các anh cần chú ý là ta có ba cụm chiến đấu cần giải quyết. Một là Ban tham mưu - cơ quan đầu não điều hành căn cứ, phải đánh dập đầu rắn, nếu để chúng lọt lưới thế trận chúng ta sẽ bị đảo lộn ngay. Hai là tháp canh cầu sắt nếu trong khi ta ra tay mà nó còn đứng sừng sững đó, quân tiếp viện sẽ cơ động ứng cứu dễ dàng. Ba là người và vũ khí nguồn sinh lực của đôi phương. Mà ba cụm này phải bị hạ trong cùng một thời điểm. Nói cách khác là ba quả đấm thép phải giáng xuống cùng một lượt, cùng một lúc. Nghĩa là đúng ngày “N” giờ “G”, ba cụm này phải bị ta hạ gục, không được phép chệch choạc, không được phép sơ sẩy. Cuối cùng ta phải chọn giờ “G” thế nào vừa hạn chế tác dụng của quân cứu viện, vừa để ta rút khỏi chiến trường về căn cứ được an toàn. Nên nhớ ta mà làm ăn lụp chụp, nổ súng kéo dài, quân địch toàn thành phố và vùng lân cận sẽ báo động đỏ ngay.


Rồi chúng tôi giả say, bám vai bá cổ bàn thêm tình huống và nêu thêm các chi tiết còn vướng mắc cần phải tháo gỡ.


Tan “tiệc” về, hôm sau Hoàng Của đề nghị về Tây Ninh xin cho được tổ chức ăn mừng kỷ niệm ngày hòa nhập giữa hai lực lượng tại “chiến khu quốc gia”. Đề nghị đã được Lê Văn Hoạch chấp thuận và cho ngày 9 và ngày 10 làm lễ liên hoan.


Về phần tôi, đối với cấp trên và Chi đội 1, với bà con Thủ Dầu Một và Sài Gòn - Gia Định, đây là thời điểm quyết định cuối cùng qua bao nhiêu ngày, bao nhiêu anh em vì Tổ quốc, vì đạo vì đời mà xông vào tận sào huyệt của kẻ thù, nên tôi phải xuống tận nơi lần nữa đế kiểm tra thế trận đã bày và hạ đặt mệnh lệnh tác chiến. Thấy tôi bất ngờ xuất hiện trước giờ nổ súng, anh em hết sức phấn khởi. Những ánh mắt ngời sáng chan chứa niềm tin như ngầm thông cảm, ngầm hứa hẹn, ngầm đảm bảo sự thành công.


Ngày 9, hai bên vui chơi, ca hát, đánh cờ, múa lân. Hôm sau, đúng 14 giờ ngày 10 tháng 12 năm 1947, một trận bóng đá được khai mạc mà sân bóng là sân chào cờ nằm giữa doanh trại hai bên. Trận đấu diễn ra sôi nổi và hữu nghị. Qua hiệp 1, sau khi giải lao, hai bên đổi sân. Cổ động viên của bên nào thì theo về phía bên ấy. Và bây giờ, bây giờ đây đã đến lúc doanh trại của lực lượng Tây Ninh đang nằm sau lưng của bên ta tức là nằm sau lưng các cầu thủ và cổ động viên của ta.


Lúc này, ngay tại sở chỉ huy, Tham mưu trưởng Hoàng Của đang mở tiệc chiêu đãi 5 tên trong Ban tham mưu Bình Quới Tây, có sự tham dự của cán sự tham mưu Bảy Thanh. Hoàng Của liếc nhìn đồng hồ tay, biết là hiệp hai trận bóng đá bắt đầu. Chờ đúng 15 giờ 15 phút, anh đưa mắt cho Bảy Thanh và bất thình lình hai người vụt đứng lên. Súng ngắn của Hoàng Của vẩy vào hai sĩ quan tham mưu của đối phương, còn Bảy Thanh chụp Thompson hét to: “Tao bắn tụi mày”. 5 tên trong Ban tham mưu địch ngã vật ra.


Súng nổ tại Ban tham mưu đồng thời cũng là hiệu lệnh tấn công trên toàn mặt trận. Các cầu thủ bên ta vội ngưng chân bóng quay lại cùng các “cổ động viên” đồng đội ùa vào các giá súng, theo sự phân công từ trước, xạ thủ súng máy chụp lấy các khẩu súng máy, một tổ chiếm khẩu súng cối, rồi thì súng trường, lựu đạn... Xuân và Ty cầm tiểu liên đứng trấn hai cửa lớn, không để tên lính nào bên Tây Ninh nhào đến.


Súng đã có trong tay, anh em ta lao ra ngoài nhanh chóng dàn trận, nã đạn vào những tên ngoan cố, buộc một số đầu hàng và bắn đuổi số khác chạy ào vào vùng sình lầy. Cổng nhà giam được phá, mấy chục người được trả tự do, chĩ giữ lại mấy tên nội giám. Vợ con binh sĩ trong khu gia binh và số lính bị bắt sống, trước khi thả ngay tại chỗ đã được tập trung giải thích rõ về âm mưu của địch, chính sách tôn giáo và chính sách khoan hồng của cách mạng.


Rồi thì cả khu vực “chiến khu quốc gia” ngùn ngụt bốc cháy, về phía Tám Lãnh, trước giờ G, anh đã cùng một tổ có mặt ở tháp canh cầu sắt, họ đẩy xe đến chở nước như thường ngày và nhân tiện đưa rượu, thịt cùng số lính trong tháp canh tổ chức ăn mừng. Đang khi chén tôi, chén anh, nghe súng lệnh phát ra, anh cùng đồng đội hạ ngay các đối thủ, chiếm ngay ổ súng máy, gom lựu đạn súng trường, bịt chặt con đường độc đạo, sẵn sàng đánh quân tiếp viện (bộ phận của anh rút sau cùng).


Phần tôi, sau khi hạ đạt mệnh lệnh cuối cùng, tôi tỏ ý muốn ở lại với anh em trong giờ phút nghiêm trọng này nhưng cả ban chỉ huy trận đánh không ai đồng ý. Họ yêu cầu tôi phải tin ở anh em, nếu tôi mà có mặt tại trận, anh em sẽ phân tâm không tập trung hết tâm trí vào chiến đấu. Thế là tôi đành phải lên xe ra về. Đến cầu Bình Lợi, tôi nhìn đồng hồ: đã đúng giờ G. Liền đó súng nổ mấy tiếng, mấy phút sau nổ mấy loạt nữa rồi im bặt. “Ăn” rồi! Tôi nghĩ bụng như vậy. Thấy bọn lính trong đồn Bình Lợi bình chân như vại, tôi mừng thầm. Chắc bọn này cho những tiếng súng vừa rồi là những tiếng nổ quen thuộc mà ngày nào từ “chiến khu quốc gia” cũng vọng đến tai chúng đến phát nhàm, khỏi cần phải điện hỏi lôi thôi.


Tôi dự kiến cuộc chiến đấu có thể diễn ra trên dưới 30 phút, nhưng chỉ không đầy 10 phút, anh em đã làm chủ chiến trường. Từ đêm trước, tôi đã giao nhiệm vụ cho Trần Lương (Trần Hải Phụng) điều trung đội đã chuẩn bị xuống ém bên kia sông, bắt liên lạc với tổ chốt bến đò Bình Quới Tây, sẵn sàng chi viện cho bên trong nếu xảy ra bất trắc. Suốt đêm suốt ngày đơn vị đặc biệt này giấu mình trong mấy lùm dừa nước chịu cho muỗi cắn, chờ mãi mà không thấy gọi. Chỉ có liên lạc đường thủy là phải hoạt động. Cùng với chiếc ghe 3 tấn của Ba Thành nép mình chờ sẵn, ngay từ gần trưa ngày N (tức ngày 10 tháng 12), chốt gác của ta ở bến đò Bình Quới kêu xét và giữ lại một số ghe lớn. Mấy má, mấy chị chủ ghe giận dữ, bảo: “chốt gác này mọi khi hiền khô, bỗng dưng bữa nay trở chứng, chúng tôi tội gì mà bắt ghe, giữ hàng?”. Lính ta “trợn mắt”: “Mấy bà yên bụng đi, tin báo có ghe chở hàng cấm, cứ nấu cơm ăn rồi chờ đó, đợi chúng tôi báo cáo lên trên rồi tính”. Các má, các chị càu nhàu, cằn nhằn mãi, cho đến khi chiều xuống, hàng trăm quân ta cùng với chiến lợi phẩm từ trong “chiến khu” Bình Quới lao ra. Một cán bộ chỉ huy bắt tay làm loa: “Thưa đồng bào, xin lỗi các má, các chị, chúng tôi bộ đội và các đạo hữu, vâng lệnh cấp trên đã tiêu diệt hoàn toàn chiến khu ma Bình Quới. Bây giờ xin nhờ các má, các chị đưa chúng tôi sang sông”. Vậy là các má, các chị đổi giận làm vui, hoan hô vang dậy.


Có trung đội của Trần Lương mở đường, khoảng 3, 4 giờ khuya hôm ấy, anh em về đến Thuận An Hòa, không mất một người. Và cũng ngay sáng hôm đó, báo chí Sài Gòn chạy tít lớn “Trong mấy phút, chiến khu quốc gia đã bị xóa sổ trên đất Sài Gòn - Gia Định”.


Số vũ khí quân trang quân dụng thu được đủ trang bị một tiểu đoàn. Lực lượng Bình Quới Tây được xây dựng thành đại đội cơ đoàn của Chi đội 1.

Lúc bấy giờ Xứ ủy đang họp hội nghị mở rộng. Anh Lê Đức Anh chính trị viên Chi đội báo cáo chiến thắng Kinh Quới Tây. Cả hội nghị và đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy nhiệt liệt hoan nghênh. Sau này khi gặp tôi, sau cái bắt tay thân mật, đồng chí vỗ nhẹ vai tôi: “Các cậu đánh trận Bình Quới Tây rất hay".


Mấy ngày sau đó, chi đội tổ chức tuyên dương công trạng. Gia đình cán bộ chiến sĩ Bình Quới Tây được mời đến. Một số mẹ tưởng con đã hy sinh nên không cầm được nước mắt. Nhiều chị nghĩ rằng chồng mình khóng còn nữa nên đã vấn khăn tang. Chừng gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, con gọi mẹ, vợ nắm tay chồng, niềm vui không thể nào kể xiết. Ngay sau cuộc lễ, Ban chỉ huy Bình Quới Tây ra lời kêu gọi các đạo hữu, kêu gọi đồng bào, đừng có nghe theo lời đường mật giả nhân giả nghĩa của kẻ thù mà sa vào âm mưu chia rẽ, dùng người Việt đánh người Việt của kẻ thù. Lời kêu gọi có hiệu lực tức thì: đồn Cao Đài xã Phú Hòa và lính ở văn phòng đại diện Cao Đài thị xa Thủ Dầu Một đã vác súng trở về với cách mạng.


Vừa qua, tôi gặp lại chị Tư vợ của đồng chí Nguyễn Oanh nguyên Xứ ủy viên, năm 1943 được phân công phụ trách miền Đông, sau cách mạng tháng Tám là Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thủ Dầu Một, hy sinh tại chuồng cọp Côn Đảo thời chống Mỹ. Chị nói với tôi: "Tôi ở tại Bình Quới mấy chục năm nay và cũng đã nhiều năm băn khoăn day dứt vì trận Bình Quới Tây kỳ diệu đến như vậy mà sao không dựng bia kỷ niệm để cho người sau được biết”. Tôi cười, không biết trả lời như thế nào cho phải, chỉ nói: “Chị thông cảm, diệt giặc là nhiệm vụ của chúng tôi, còn dựng bia kỷ niệm là việc của ngành bảo tồn bảo tàng”.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:53:12 pm »

QUÂN Y VIỆN TRUNG ĐOÀN 301

Bảy Bua


Do yêu cầu nhiệm vụ chính trị chuyển sang giai đoạn mới, nhằm phát triển quân đội để đáp ứng yêu cầu vào những năm 1947 - 1948, lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một chuyển từ Chi đội 1 thành lập Trung đoàn 301. Từ đó, ngành quân y được tổ chức chấn chỉnh lại thành Ban quân y và quân y viện Trung đoàn 301. Bác sĩ Phạm Duy Thoan được giao phụ trách kiêm quân y viện trưởng. Quân y viện được thành lập giữa khu rừng ở Chòi Đúng chiến khu 2 - xây cất bằng cây rừng lợp tranh có 3 dãy nhà dành cho thương bệnh binh nằm, nhà mổ, có cả câu lạc bộ cho bệnh nhân sinh hoạt.


Tỉnh đưa anh Tám Sanh về làm chính trị viên, tổ chức bộ phận chuyên môn và không chuyên môn.
Trong công tác điều trị tận dụng khả năng hiện có, tổ đông y điều trị do anh Thi phụ trách, hoạt động đông - tây y kết hợp, điều trị một số bệnh nhân đạt kết quả tốt.


Trong điều kiện lương thực thực phẩm khó khăn, chế độ thương bệnh binh mỗi ngày được ăn 2 lon gạo, còn nhân viên được nửa lon gạo nấu trộn với khoai mì. Rau xanh thiếu thốn, trước tình hình trên, đơn vị tổ chức một tổ sản xuất 3 người trồng rau xanh do bác Chuộng phụ trách. Nhờ đó trong tuần có ba bốn buổi có rau xanh để cải thiện.


Lúc giờ lương thực càng ngày càng khó khăn, tất cả anh chị em nhân viên phải luân phiên tải gạo từ kinh Ba về, chỉ có bác sĩ viện trưởng và đồng chí chính trị viên bị thương tật không phải đi mà thôi.

Công tác tải gạo rất nguy hiểm vì phải đi qua đường ban đêm, vượt qua quốc lộ 13, đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, địch thường phục kích. Anh chị em nhận thức: tải được gạo góp phần nuôi dưỡng thương bệnh binh, hơn nữa đi tải gạo được ăn no bụng. Công tác tải gạo có nhiều đơn vị bạn phải đổi bằng máu và có một số đồng chí cán bộ hi sinh trên đường 16.


Đầu năm 1948, quân y viện có nhà câu lạc bộ, có thư viện, có bàn pingpong, đặc biệt có ra tờ báo vui sống, xuất bản mỗi tháng một số, nội dung cũng khá hấp dẫn do anh Tám Sanh biên tập cùng anh em nhân viên đóng góp. Nội dung tuyên truyền phòng bệnh đường ruột, làm cầu tiêu kiểu mẫu, vệ sinh ăn đũa hai đầu. Việc này trong vùng đã thực hiện tốt. Tôi có nhớ có một bài viết khuyên không nên hút thuốc lá. Năm 1996, Nhà nước ta đã có văn bản hạn chế hút thuốc, vận động không hút thuốc lá.


Công tác vận động vệ sinh phòng bệnh được tiến hành rộng khắp và bằng nhiều hình thức, tổ tuyên truyền vệ sinh, tổ diễn kịch đốt lửa trại. Anh chị em nhân viên và vài bệnh nhân nhẹ tham gia, gây không khí vui tươi lành mạnh trong bệnh viện. Anh chị em trong quân y viện còn ra mấy xã đóng gần bệnh viện hoạt động tuyên truyền vệ sinh, cắt tóc, cắt móng tay, ăn đũa hai đầu, cầu tiêu vệ sinh, anh chị em còn diễn kịch được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng.


Về phần chuyên môn, ngoài công tác điều trị tại viện, ngoài đối tượng lực lượng vũ trang của tỉnh nhà, quân y viện còn tiếp nhận thêm thương bệnh binh công an dân chính đảng và các đồng bào kế cận khi bệnh tật được bà con chuyến tới.


Trong công tác điều trị, còn có tổ phẫu thuật lưu động phục vụ chiến dịch. Chiến dịch Thu - Đông năm 1947 mở màn, tổ phẫu thuật lên đường phục vụ, có bác sĩ Thoan, tôi và một số anh em nữa.


Trong trận đánh vào đoàn xe lửa chuyên chở quân sự, bác sĩ Thoan muốn góp phần mình trực tiếp chiến đấu, được chỉ huy bảy Cẩm cho phép anh mang theo khẩu tiểu liên, nằm gần đường xe lửa đi qua. Khi nghe tiếng mìn nổ lệnh thì lực lượng ta tiếp nổ vào các toa xe lửa phía sau, bác sĩ Thoan cũng nổ được một loạt súng vào quân thù và sau đó trở về với tổ phẫu thuật. Trận đánh này quân ta đánh hỏng nặng một đầu máy xe lửa, phá một số toa tàu, chết một số địch tuần tiễu bên dưới, sau đó địch tiếp viện đến, quân ta đánh trả và rút về căn cứ an toàn.


Song song với nhiệm vụ điều trị thương bệnh binh quân y viện Trung đoàn 301 còn tổ chức mở lớp đào tạo cứu thương cho các đơn vị trực thuộc, lực lượng vũ trang và các xã vùng lân cận. Sau 2 tháng học tập, anh chị em về đơn vị, địa phương bảo đảim phục vụ tốt, số lượng đào tạo 42 người.


Viện còn cử 5 nhân viên học lớp y tá khoá Pasteur, sau này có đồng chí trở thành bác sĩ như bác sĩ Tăng Văn Ngà (giờ đã về hưu), ba nhân viên học lớp y tá khoá Lê Văn Bờ, trong đó có bác sĩ Tư Tưng và bác sĩ Bảy Bua (đã nghỉ hưu).


Quân y viện trung đoàn, bảo đảm được yêu cầu lúc bấy giờ, hoạt động đảm bảo có hiệu quả gây được sự tín nhiệm của lãnh đạo và thủ trưởng của các đơn vị trực thuộc và bà con địa phương trong vùng.
Cũng cần nói thêm, yếu tố quan trọng thành công và có hiệu quả trên được sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã kịp thời bồi dưỡng kết nạp một số đảng viên, thành lập chi bộ trực tiếp lãnh đạo bệnh viện.

Chi ủy lúc bấy giờ có 3 đồng chí:

- Anh Tám Sanh phụ trách Bí thư.

- Bác sĩ Thoan, Chi ủy viên.

- Tôi (Bảy Bua), Chi ủy viên.


Một yếu tố không kém phần quan trọng tạo sức mạnh và đưa Quân y viện của Trung đoàn 301 hoàn thành nhiệm vụ là sự đoàn kết gắn bó giữa cán bộ nhân viên, giữa anh em với lãnh đạo, mặc dù điều kiện vật chất thiếu thôn, có miếng xà bông chị em cũng chia nhau dùng, có gói thuốc lào anh em cũng chia nhau hút.

Vinh quang thay ngành áo trắng quân y
Góp phần xây dựng ngại gì gian lao
Thành quả gặt hái cũng đáng tự hào
Lòng tin trên hết làm sao cho tròn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:53:47 pm »

QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH

Nguyễn Thị Minh Tâm


Sông Đồng Nai nước đang mùa mưa chảy xiết, sáng tinh sương hơi nước bốc la đà. Như thường lệ vào buổi sáng quân y xá Đại đội B (Chi đội 10) đóng ở ven sông Đồng Nai, thuộc địa bàn Nom Trường (nay là Trị An) vẫn tiến hành công tác theo sự phân công của quân y xá trưởng. Sau khi chào cờ, người cho bệnh nhân ăn, người chuẩn bị thuốc men, hấp dụng cụ bông băng để lo điều trị cho thương bệnh binh. Tôi đang ngồi soạn thuốc, tính từ viên thuốc và ống thuốc (tôi giữ kho thuốc), gần tôi có các anh chị cứu thương đang cuốn bông băng chuẩn bị hấp để băng vết thương, bỗng nhiên có tiếng khóc: hu, hu, hu, và tiếng cười khúc khích. Tôi ngơ ngác chưa biết chuyện gì thì thấy anh Phạm Văn Ngự là quân y xá trưởng từ trại bệnh nặng đi lên, mặt đỏ hoe. Chị Bảy Hội (vợ anh Hai Sỹ) lại còn nói nhỏ: hôm nay có thương binh chết, không ai khóc nên tôi khóc, tình cờ anh Ngự nghe được, anh tức giận kêu toàn bộ nhân viên ra sân, đứng nghiêm dưới cột cờ, nói: Anh Nam là một đồng chí trẻ tuổi, gan dạ, đã cùng anh Đinh Quang Ân (Trung đội trưởng Trung đội 4, anh Ân chiến đấu vô cùng dũng cám. Khiếp sợ trước tài trí và sự dũng cảm của anh, giặc Pháp tôn anh là con hùm xám đất Xuân Lộc) đánh giặc từ đồn điền cao su Bình Lộc qua Ma Thiên lãnh (Cây Gáo), không may anh bị thương, đạn xuyên cột sống nên anh Nam bị liệt toàn thản. Và sáng nay anh đã hy sinh. Tại sao các anh chị không đau xót lại giả khóc cười trong sự đau thương? Hôm nay tôi cảnh cáo đứng cột cờ 15 phút, nếu anh chị nào còn tái phạm sẽ đuổi khỏi Quân y xá.


Toàn bộ đơn vị đứng nghiêm để nhận kỷ luật, lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra, do chị Hội giả khóc và các anh chị khác cười nên toàn đơn vị bị kỷ luật.

Anh Nam bị thương đưa về quân y cách 30 ngày, anh khoảng 20 tuổi, trắng trẻo thư sinh là tiểu đội trưởng Phân đội 1, Trung đội 4, tuy bị thương anh vẫn nói: anh là sinh viên Sài Gòn về thăm cha mẹ ở Xuân Lộc và xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Vì bị liệt toàn thân nên lưng và các gout đều bị loét (ESCARRE). Những năm đầu kháng chiến, thuốc men dụng cụ y khoa rất thiếu thốn, phải dùng lá chuối rửa sạch, lau khô rắc phấn tale để anh nằm và giăng mùng để tránh ruồi muồi, còn việc giải phẫu vượt quá tầm tay, ngành y cũng đành chịu nên anh Ngự chỉ đau buồn nhìn anh Nam đi vào cõi chết.


Mặc dù bị thương rất nặng và đau đớn nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh kêu la. Khi y tá thay băng, lau vết thương, trái lại lúc tỉnh sau uống thuốc giảm đau, mắt anh lại sáng lên thều thào qua hơi thở, nhất định thực dân Pháp phải thua, Việt Nam phải tự do, độc lập. Anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ với đầy mơ ước cống hiến cho Tổ quốc. Hình ảnh của anh và bao liệt sĩ khác của Chi đội 10 cứ hiện trong tâm trí của tôi những tấm gương sáng về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.


Đêm Nom Trường (Trị An) sương xuống lành lạnh, dòng sông Đồng Nai êm ả xuôi dòng, trên trời lấp lánh ánh sao, bao hồn chiến sĩ thanh thoát bay cao để giành lại hạnh phúc tự do cho thế hệ mai sau.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:55:02 pm »

CỌP BA MÓNG

Bùi Cát Vũ


Sự việc chính thức bùng nổ khi chị Bảy Cao - đoàn trưởng phụ nữ xã Lạc An - bị bắt cóc trong một trường hợp chưa từng có. Trước đó anh em trinh sát báo là có dấu cọp đào bới những cái mả mới trên đường hành quân từ La Ngà về Sông Bé, nhưng chi đội cho đó là quân Pháp tìm xác của hai đại tá là Đơ Sê-ri-nhê và Pa-ruýt. Rồi có tin huyện đội Vĩnh Cửu báo một em bé ở Thiện Tân đi lượm hột cầy bị mất tích. Lúc bấy giờ, ở Chiến khu Đ đã rất quen với cọp thật, cọp giả. Cọp thật thì thợ săn bắn được luôn, đem thịt ra chợ Bà Đã, Lạc An, Mỹ Lộc bán. Tháng trước đây anh Sáu Mẹo bắn được một con cọp xám rất to ở gần vàm sông Bé, đo từ giữa đầu đến chót đuôi chỉ thiếu vài phân là đầy 3 thước tây. Còn cọp giả thì đêm đêm tiếng nó bép1 (Cọp kêu, gọi là cọp bép (voi gầm, mang tác, vượn hú, cọp bép)) rền rừng xen với tiếng sủa của bầy chó chóc2 (Loại chó sói nhỏ con) giả rộ lên, nghe mà nổi da gà. Tiếng cọp bép rất dễ bắt chước, bằng miệng không tôi có thể làm ra một tiếng kêu giống hệt như vậy. Còn dấu chân cọp giả thì rất dễ, chỉ cần mang đôi giày cao su có đế hình móng chân cọp. Chúng tôi cũng thường hay nắm bàn tay lại, ấn xuống đất cát ướt, giả dấu cọp để gạt nhau chơi. Có hôm hai anh liên lạc Nhở và Ưu đi từ Binh công xưởng ra xóm gặp một con cọp trên đường xe bò, các anh đưa súng lên vai, la hét dọa: Bỗng nó đứng xổng lên trên hai chân chạy vào rừng.


Chị Bảy Cao bị cọp bắt ở Lạc An có đủ bằng chứng. Công an xã, xã đội, huyện đội, trung đoàn, quân khu đều phái cán bộ đến điều tra nghiên cứu. Chị là người cao lớn nhất - như tên của chị - trong số ba chị em nằm ngủ trên bộ ván trong nhà dân. Chị Bảy lại nằm phía trong cùng, gần vách lá buông ngăn với buồng của vợ chồng chủ nhà. Chị to lớn như vậy mà bị bắt đi mất không ai hay biết, đặc biệt là hai chị nằm ngay bên cạnh cũng đến sáng thấy mất chị, chỗ chị nằm có máu mới la hoảng lên. Ở ngoài sân có dấu chân cọp và một ít máu rải dài ước độ không đến một xị. Trong dấu chân cọp có một chân chỉ có ba móng (bàn chân cọp có bốn móng trước). Lần theo dấu vết vào rừng cách xóm nhà chừng 2 cây số, trong một lùm mật cật tối tăm, người ta phát hiện chỗ cọp ăn thịt người, còn sót lại một ống xương chân bị róc thịt máu me nhầy nhụa, một ít ruột già ruột non, một mớ tóc dài của phụ nữ. Rồi từ đó không còn thấy dấu tích gì nữa.


Rất nhiều lời bàn, các cụ già ở Lạc An thì cho là ban đêm mắt cọp cũng giống như mắt mèo nhìn rõ như ban ngày, nó lựa người mập mạp, lứa lứa vừa ngon, cũng như mình chọn con thịt vậy. Nằm ngoài hay nằm trong không thành vấn đề, móng nó sắc hơn dao, chỉ lảy ngang cổ họng thì không kêu được một tiếng. Còn bắt người thì nó làm nhẹ nhàng, khéo léo, như con mèo bắt chuột (tôi gọi bằng con bằng nó cho dễ phân biệt chớ các cụ thì gọi là ông là ngài cơ). Tại sao cọp lại có một chân trước ba móng, thì các cụ có hai giả thuyết: một là cọp nuôi của Tây sở sút chuồng, bị xích một chân từ nhỏ mang tật mất một móng; giả thuyết thứ hai theo tôi thì có lý hơn - con cọp này già rồi rụng mất một móng, nó không còn đủ sức rượt bắt các con thú khác, trong trận La Ngà nó ăn xác Tây, thấy thịt ngon mà người thì lại dễ bắt hơn thú nên nó ăn quen bám theo bộ đội để kiếm mồi.


Giới quân sự - cơ quan tham mưu của trung đoàn và quân khu, nhất là quân báo - thì cho đó là một vụ biệt kích giả cọp. Các anh phân tích: “Con cọp bao lớn mà bắt một con người to cao sung sức như vậy mà không giãy giụa tí nào, đến nỗi hai người nằm bên cạnh trên một bộ ván hẹp lại không hay biết? Bụng cọp bao lớn mà chỉ có vài giờ đã ăn hết sạch một con người hơn 50 ký lô, cả những xương to như xương đầu, xương bàn tọa? Cọp gì mà biết ai là đoàn trưửng phụ nữ xã? Chỉ có gián điệp biệt kích, đánh thuốc mê cả nhà, rồi khiêng chị Bảy Cao đi, còn máu và xương tóc ruột là của một người nữ tù khác ở bót Rạch Đông. Các anh kết luận: “Nay mai đây sau khi đã điều tra, định bắt người cán bộ phụ nữ nào khác, nó mới làm thịt chị Bảy Cao lấy xương tóc, ruột và hãm máu như đánh tiết canh xách theo để lại đánh lừa ta”.


Dù như thế nào cũng phải làm rào chống cọp. Ở trong rừng sâu thì làm nhà sàn. Khổ nhất là bệnh viện, thương binh mà ở nhà sàn thì hết sức bất tiện: Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ra lời kêu gọi đồng bào giúp đỡ lẫn nhau, bộ đội giúp dân làm rào chống cọp.


Từ đó, mỗi khi mặt trời vừa lặn thì toàn thể Chiến khu Đ sống trong nỗi kinh hoàng. Đêm nào cũng có dấu chân cọp ba móng ở xóm này hay cơ quan nọ. Có khi, trong một đêm phát hiện dấu cọp ba móng ở 2-3 địa điểm cách nhau hơn 20 ki-lô-mét. Tham mưu trung đoàn hàng ngày phải tổng hợp tình hình báo lên Tham mưu khu về hoạt động của cọp ba móng.


Một chị ở Hàng Dài ru đứa con mới sanh trên võng gần vách rào, chị vừa bưng đèn ra ngoài một chút trở vào thì chỉ còn cái võng không, vách rào cây to bằng bắp chân bị vạch một lỗ trống hoác. Đêm sau, một anh nông dân, cũng ở Hàng Dài, vừa thò tay ra ngoài rào lấy cái gáo múc nước liền bị vuốt đứt ngọt mất cánh tay đến bả vai. Anh ấp đội trưởng Bà Sầm, ôm khẩu súng nằm ngủ trong nhà, xung quanh có rào cây găng có gai bằng bắp vế, cũng bị bắt đi mất, khẩu súng trường còn lại trên giường.


Ban chỉ huy trung đoàn triệu tập cuộc họp thành lập một đại đội săn cọp cơ động; còn mỗi cơ quan, ấp, xã thì tổ chức cho du kích cơ quan, du kích xã ấp làm việc này, kết hợp chống gián điệp biệt kích luôn.

Đại đội cơ động lên phục kích Hàng Dài thì cọp về bắt người ở Suối Ngang, đại đội về Suối Ngang thì cọp ra Bà Sầm, Đất Cuốc. Cho đến anh Lung, trung đoàn trưởng cũng nghi, anh nói với tôi: “Cọp gì mà biêt sợ súng, biết tránh bộ đội”.


Quân địch ở chi khu Tân Uyên, Cây Đào rất biết lợi dụng sự kiện này. Chúng tăng cường cọp giả, cũng có dấu chân 3 móng. Chúng liên tục mở những cuộc hành quân nhỏ bằng lực lượng com-măng-đô, buộc dân chúng và cơ quan phải thoát ly khỏi rào và nhà sàn.


Đồng bào và cơ quan ta rất xôn xao, lo sợ. Ở nhà sàn, giữa bốn tường rào như bị nhốt trong rọ, chống biệt kích rất bất tiện. Còn ra rừng ở lẻ thì không dám, ở chung thành đám đông lại phải đốt lửa xung quanh để trừ cọp thì lại để làm mồi cho bọn biệt kích.


Trung đoàn rất khổ tâm, đánh giá kẻ thù mới này còn lợi hại hơn 1 tiểu đoàn com-măng-dô. Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh phát động nhân dân làm bẫy làm hầm, treo giải thưởng 2.000 đồng cho ai giết được cọp 3 móng.


Khổ nỗi có một số đồng bào mê tín, cho việc làm rào, ở nhà sàn chẳng qua là “lấy vải thưa che mắt thánh”. “Ngài ngủ trong rừng chớ ai nói gì ngài cũng nghe hết, đừng chọc giận ngài, liệu anh có thể ở trên nhà sàn quanh năm suốt tháng được không?”. Những người này không làm rào làm sàn gì cả, như hai ông thầy chùa ở Đất Cuốc, vì vậy mà cọp ba móng tiếp tục bắt người đều đều, gây khủng khiếp ngày càng cao.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:56:31 pm »

Sức mạnh tinh thần lúc này không phải dựa vào súng ống mà dựa vào những người hiểu biết nhiều về rừng, như ở Lạc An có chủ tịch Ngân, công an Sáu Lòng, ở Hàng Dài có ông Ba Cho, ở Giáp Lạc có anh Chín Quỳ. Chúng tôi phải học kinh nghiệm của những người thợ rừng lão luyện như vậy.


Hết bắt người đang ngủ rồi tới bắt người còn thức, cọp cũng không còn biết sợ lửa nữa. Một phân đội săn cọp phục kích đến gần sáng mới vào ngủ trong nhà đồng bào bỏ hoang ở Nhà Nai, đội viên nằm dưới đất xung quanh, phân đội trưởng nằm ở giữa trên mặt bàn, bên ngoài nhà có đốt mấy đông lửa, thế mà nó phóng vào chớp trung đội trưởng đem đi mất, cả phân đội không ai bị thương. Một anh tiểu đội trưởng về thăm vợ ở trại sản xuất Thuộc Nghĩa. Chị vợ rất sợ không dám ngủ dưới đất với chồng, mà đòi lên sàn gác nằm chung với anh em. Anh chồng giận lẫy, tự ái, cho là vợ không chung tình, anh ở dưới đất một mình. Thấy vậy chị vợ phải chiều chồng tụt xuống đất. Trại sản xuất nổi tiếng làm rào kiên cố nhất chiến khu. Từ nhà ra rào có một khoảng trông chừng 10 thước. Anh tiểu đội trưởng cẩn thận đốt bốn đống lửa ở bốn góc rào. Anh em nằm trên gác còn nói xuống trêu chọc hai anh chị. Nằm với chồng trên chiếc giường tre ngay dưới sàn gác, chị vợ cứ nghển cổ dòm chừng xung quanh. Bỗng chị run rẩy nói ú ớ: “cái gì kìa, cái gì như hai cục than lửa kia, em sợ quá”. Anh chồng đứng dậy lấy khẩu súng trường trên đầu giường lên đạn, đi một vòng xung quanh rào, vừa đi vừa nói: “Cọp đâu, tao bắn thấy mẹ chớ cọp”. Đi giáp một vòng trở lại giường, anh vừa nằm gối đầu lên khẩu súng, choàng chân gác qua bụng chị - như lời chị kể lại - thì bỗng chị cảm thấy như có một luồng gió thổi qua nhẹ nhàng như thể anh tự rút chân ra khỏi bụng chị. Tiếp theo là một tiếng rầm ở vách rào. Anh em trên gác bắn theo, đánh mõ, đánh thùng rồi xuống đất khiêng chị lên gác - chị bất tỉnh, tuy không bị một vết xây xát nào cả. Sáng ra mới thấy có một chỗ rào bị vạch cây bẹt ra, trên vỏ cây còn vướng mớ lông cọp. Đó là chỗ nó bí mật chui vào, còn hai cây rào bị tróc ngã ở kế bên đó là chỗ nó nhảy ra.


Nỗi kinh hoàng bao trùm khắp Chiến khu. Địch lớp rải truyền đơn, lớp tung tin đồn là: “Việt Minh vô rừng làm náo động đất thiêng mà trời đã dành cho muông thú. Nên trời sai thần hổ đuổi Việt Minh ra, trả rừng thiêng lại cho chúa sơn lâm ngự trị”. Một số người vừa tin vừa sợ bỏ về thành. Bà con vô rừng làm nương rẫy cũng bỏ hết đi về xóm cũ ngoài bờ sông. Những người có kinh nghiệm làm bẫy, cần cụp, thì ở ngoài xóm làng, mà cọp thì ít khi ra xóm nên bẫy không được gì. Chúng tôi, những cơ quan trong rừng cũng làm bẫy, làm hầm theo kiểu của đồng bào bày cho, nhưng không kết quả, trong lúc ấy thì dấu cọp ba móng đâu đâu cũng có. Thật là lạ. Điều này càng làm cho giả thuyết biệt kích thêm nặng cân hơn. Giáo điều, mê tín lại càng sâu thêm: “Cọp là giống vật linh thiêng nên người xưa mới tôn là thần hổ, mới có những tượng thờ trước các đình chùa miếu mạo, đừng động đến “ông ba mươi”, tờ sắc phong thần do ông giữ còn mới nguyên, đêm ba mươi tết ông mới mang về miếu đình cho dân làng cúng bái...”.


Trong rừng khoảng 8 giờ tối trở đi thì cứ một chốc lại nghe hướng cơ quan này la ó, đánh mõ gõ thùng, một lát lại nghe hướng cơ quan khác. Tất cả đều ở trên sàn gác, thế mà một cành cây rơi, một tiếng mơ trong giấc ngủ, một tiếng kêu rên của thương bệnh binh... đều kéo theo tiếng la bài hãi, tiếng đập thùng, đập mõ, không cản được. Bên quân y viện, trời đã hừng sáng, một anh nuôi xuống bến suối vo gạo liền bị cọp chụp dìm xuống nước lôi qua bên kia bờ suối mất tích luôn. Từ đó thương binh mê sáng cũng kêu cọp! cọp! Nữ y tá nằm ngủ chung với nhau, chị nọ gác chị kia, cũng la cọp. Y tá trực đi thăm bệnh cũng tưởng cọp. Một y sĩ mắc trượng bịnh mò gái, hễ thấy bóng anh ta thì nữ hộ lý la cọp! cọp! (sau này anh ta cùng được tặng danh hiệu là “cọp ba móng”). Tiếng thùng mõ nổi lên thâu đêm suốt sáng. Khách đồng bằng lên, Trung ương vào lỡ đường tối đến trèo lên cây cao ngồi như vượn mà vẫn còn sợ. Khách đến là đòi đi ngay chớ không chịu nấn ná như trước. Khi buộc phải hành quân đêm thì bộ độ vác súng cắm lưỡi lê, ai không có lười lê thì vác một cây lồ ô vạc nhọn. Ban đêm tốt nhất là ngủ trong mùng. Đó là cách mà các cụ bày cho, các cụ bảo cọp rất sợ cây nhọn, sợ vướng móng vào lưới. Nhớ lại hàng cọc sắt ở các chuồng cọp sở thú thấy cùng có lý. Còn cán bộ chúng tôi, cấm đi lẻ ban đêm thì cưỡi ngựa - lúc bấy giờ trong chiến khu có phong trào nuôi ngựa từ trường đua Phú Thọ đưa về. Ngựa đánh hơi cọp rất thính. Khi nó không chịu chạy nữa mà đút đầu vào bụi day mông ra ngoài, cụp tai, run rẩy toàn thân là có cọp đâu gần đây. Anh rút súng bắn vài phát, ngựa bình phục và chịu chạy là lúc cọp đã bỏ đi ra rồi.


Bên xưởng bì đạn, có một đêm, cọp vào nhảy lên bắt hàng chục con gà trong giỏ treo ngay dưới sàn ngủ. Sáng ra chỉ còn thấy đống lông gà dưới đất. Trâu của anh Chín Quỳ nhốt trong chuồng có rào, cọp thò tay vào vỗ trán, sáng ra thấy ba bốn con trâu gật gù gật gưỡng nước óc chảy lòng thòng. Ở xưởng cơ khí, một buổi sáng chúng tôi thấy ngay dưới sàn ngủ có một đống nước bọt, cứt và lông cọp. Chắc là ai nằm ló tay ló chân ra ngoài sàn, cọp ta thèm rỏ dãi mà không biết làm sao với đầu cây lót sàn nhọn tua tủa. Một hôm anh Thành thư ký văn phòng trung đoàn có việc vào xưởng. Khuya hôm ấy bỗng nghe có tiếng nhào đánh rầm trên sàn rồi mọi người la lạc giọng. Anh em đánh thùng, gõ mõ, bắn súng lung tung như điên. Tôi bồn chồn sốt ruột chờ cho anh em hết la để hỏi coi đồng chí nào xấu số. Hét mãi anh em mới chịu nín. Nằm tại chỗ điểm danh, thấy không thiếu người nào. Rủ nhau ngồi dậy, đốt đèn hội ý để tìm xem chuyện gì đã xảy ra. Truy mãi, mới ra ông khách Thành. Cậu ta đi đái (cầu tiểu tiện cũng ở trên cao) dưới trời trăng mờ mờ, cậu ta thấy cái chuồng gà lợp tranh vàng vàng tưởng là cọp nên nhào vô đè bừa lên người đang ngủ, anh em la hoảng. Từ đó anh em thấy mặt anh Thành là nhớ chuyện chuồng gà. Thành thì mắc cỡ đỏ mặt. Xưởng bì đạn lại bị bắt mất con heo gần đầy tạ trong chuồng có rào.


Thấy nó lộng hành quá, chúng tôi cưa gỗ làm một cái cũi hai ngăn. Một ngăn nhốt con heo làm mồi, ngăn kia là bẫy sập. Định bụng khi nó dính bẫy rồi sẽ tháo nêm tách hai ngăn ra, bỏ đói, xông khói, cho nó liệt rồi chở xe bò ra Mỹ Lộc để cho đồng bào xem lấy thưởng. Nhưng mãi không thấy nó đến nữa, mà lại đi nơi khác. Anh em trong xưởng lại cãi nhau: “Cọp thật hay cọp giả? Cọp thiêng hay chỉ là con thú như muôn ngàn loài thú khác?”. Nói lén “ngài” mà sợ ngài nghe. Nhưng có người lại nói: khi ngủ “ngài” nghe đủ hết, nhưng lúc dậy đi đụng một lá cây làm cho ngài quên một tiếng, rốt cuộc cũng không nhớ được gì.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:57:56 pm »

Nói gì thì nói, nhưng ai cũng sợ nên khắp nơi đều đề phòng cả cho người, cả cho thú, tình hình lắng dịu được một thời gian. Nhưng càng đói nó càng táo bạo hơn. Từ chỗ chỉ bắt người đang nằm, nó dám bắt người đang đi trong đám đông. Lộng hành nhất là hôm nó bắt anh đại đội trưởng đại đội hỏa lực của khu ở Bà Sầm. Khoảng 8 giờ tối, đại đội sinh hoạt xong mới rủ nhau đi đái tập thể để lên gác ngủ. Đại đội trưởng cầm đèn pin đi trước mở cổng rào ra chỗ đi tiểu. Anh rọi đèn, thấy cặp mắt đỏ như hai hòn than bèn lùi lại hô: “cọp”. Nhanh như chớp nó nhảy đến, vồ anh, lôi ra rừng. Anh em trong đại đội quay vào nhà vác hai khẩu đại liên bắn theo hướng có tiếng kéo người nghe sột soạt phía trước. Anh em đốt đuốc sáng trưng, rượt theo bắn. Đuổi mãi, bắn như một trận đụng độ lớn - Binh công xưởng ở gần đó chúng tôi nghe rất rõ - anh em giành lại được xác của đại đội trưởng không đầu. Đuổi nữa, anh em đòi lại được đầu đại đội trưởng mới thôi. Khoảng 3 giờ sáng hôm ấy nó bắt mất một trong hai ông thầy chùa ở gần đó.


Hai ông thầy chùa này không chịu làm rào. Không ngủ sàn gác, mà tụng kinh rồi nằm lăn ra chiếu trải trên đất trước bàn thờ Phật. Có ai khuyên bảo thì họ nói: “Con người ta có số, nếu số bị ngài rước thì ở giữa Sài Gòn cũng không thoát khỏi. Có người chỉ thấy cái tượng ngài trên giấy cũng lăn ra chết...”. Hai ông thầy chùa lại còn bày chuyện đi gửi kinh cho đồng bào, nói rằng: “Ngài đến ngoài cửa am ngồi nghe tụng kinh còn để lại một đống nước bọt, ngài thèm nhưng Phật tổ Như Lai chưa cho phép. Sợ bần đạo tu chưa tới, ngài rước đi thì kinh bị thất lạc”. Công an phải theo dõi để xác minh hành động của họ. Trinh sát lén trèo lên cây rình coi ban đêm hai ông có ngủ trên đất thật khóng. Biết hai ông thầy chùa ngủ dưới đất thật, chúng tôi két luận là vì cọp thấy họ xanh xao ôm yếu quá (ăn chay trường mà) nên cọp chê đó thôi. Quá thật khi bị mất mồi đại đội trương, cọp ba móng liền quay lại xơi tạm một ông thầy chùa cho đỡ thèm. Ông thầy đi êm nhất trong chiến khu, không một tiếng kêu la, không một tiếng thùng mõ. Ông thầy sống sót nằm bên cạnh sợ chết khiếp, đến sáng mới tập tễnh đến mếu máo nói với chúng tỏi: “Ngài rước ông thầy kia đi hồi canh ba đêm qua rồi”. (Thế mà còn gọi là rước!). Chúng tôi không buồn mà còn giận bảo với ông này: “Nếu ông không chịu làm rào ngủ sàn thì sẽ đến phiên ông, đó là điều tất yếu".


Binh công xưởng cũng tổ chức một đội săn cọp hoạt động vùng Giáp Lạc - Bưng Kò - Suối Cá, nơi có các cơ sở của mình và quân y viện. Đội trưởng là anh Sáu Mẹo, một thợ săn nhiều kinh nghiệm, lại nổi tiếng vừa hạ con cọp xám ở vàm Sông Bé. Đội được trang bị rất mạnh, có cả đại liên mắc xim.


Một đêm tháng 5 trời trăng mờ mờ, khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi nghe tiếng la ó tiếng gõ thùng và vài ba phát súng trường ở hướng lò than của Binh công xường do anh Chín Lùn làm trưởng tổ. Tôi cùng với đội săn cọp lập tức chạy sang đó. Có một số anh em chưa từng Cầm súng chiến đấu cũng chạy theo, như anh Vinh thợ nguội, anh Lịch trưởng ban đúc. Ba công nhân đốt than ở trên sàn gác báo với chúng tôi là anh Chín Lùn thấy lò than lên khói trắng, sợ để đến sáng than biến thành tro, nên anh xuống đi nhét lỗ thông hơi (việc này anh Chín vẫn thường làm). Xong việc anh vào nằm trên võng hút thuốc. Bỗng anh em nghe tiếng cây sào phơi quần áo trước sân bị đổ ngã, nhìn xuống, thấy con cọp rất to, khệ nệ bê anh Chín Lùn qua suối, anh em bắn theo la ó đánh thùng chớ không dám xuống đất.


Tôi quyết định truy theo một lần cho đến nơi đến chốn. Anh em đốt đuốc, tôi có cây đèn 2 pin còn Sáu Mẹo thì có đèn săn đội đầu.

Qua suối rồi theo dấu không có gì là khó. Trên mặt đất đầy lá mục, nổi rõ hai vệt chân người bị kéo lê theo một hướng thẳng, thỉnh thoảng có một vệt máu còn mới, một mẩu da thịt, hoặc giẻ rách dính trên gốc cây. Chúng tôi gồm một tiểu đội dàn thành hàng ngang càn tới để bảo vệ lẫn nhau. Áp thợ đúc và Đức thợ nguội vác khẩu đại liên mắc xim đi theo sau, còn lại là súng trường, Sáu Mẹo thủ khẩu súng 2 nòng calíp 12. Trời còn trăng, nhưng trong rừng tối như bưng, không dám soi đèn pin đèn săn nhiều sợ hết điện, phần lớn là dùng đuốc nên chúng tôi tiến rất chậm.


Khoảng 1 giờ khuya, dấu vết dẫn chúng tôi vào một đám mật cật rậm rạp, mặt đất ẩm ướt. Ai nấy rùng mình vì mùi cọp vừa khét vừa tanh, y như mùi chuồng cọp ở sở thú. Bao vây lùm mật cật, rọi đèn pin rất kỹ vào trong một hồi lâu không thấy gì. Tôi, Sáu Mẹo và Lịch mới ghìm súng chui vào. Giữa những tàu lá mật cật gai nhọn như răng cưa bày ra một khoảnh đất trống nát dấu chân cọp xung quanh và chính giữa là những mẩu bầy nhầy tươi sống của một sinh vật vừa bị làm thịt, máu me phân cứt lẫn với một ông xương chân, một mớ ruột già ruột non, một vài mảng tóc dính trong da đầu như người ta dùng dao gọt. Mới đây thôi, cái mớ bầy nhầy này hãy còn ấm. Đúng y như những vụ trước mà chúng tôi nghe thuật lại, bây giờ thì thấy tận mắt. Từ trước người ta chỉ theo đến đây, gói những mẩu thừa thẹo này về làm đám ma đây.


Chỉ trong vòng 3 giờ phải đi mất hơn 2 ki-lô-mét, tha một con người kềnh càng như vậy, bụng dạ nào chứa hết một con người? Còn các xương khác ở đâu? Xương chân mà còn không nhai nuốt được thì xương đầu, xương chậu, xương ngực ở đâu? Giả thuyết về biệt kích lại thoáng hiện. Rùng rợn quá! Nhưng chúng tôi đông, lại trang bị tận răng, không sợ, dù là cọp 3 móng thật hay là biệt kích đi nữa.


Chúng tôi quyết định tìm dấu vết, theo đến cùng, đêm nay không thấy thì đi luôn ngày mai. Một dịp như thế này hiếm có, dấu vết kẻ thù còn nóng hổi. Phải trả thù cho anh Chín Lùn. Thương anh quá, một con người hiền lành, đốt than là nhiệm vụ chính, nhưng anh tranh thủ trồng rau cải, nuôi gà, nuôi heo, biến lò than làm một nơi an dưỡng cho Binh công xưởng. Mỗi khi anh Võ Cương và các anh ở quân y viện sang thăm chúng tôi hay ghé qua nghỉ chân ở đây, đều biết anh Chín Lùn.


Chúng tôi phân công từng tổ chia ô tìm tiếp dấu vết xung quanh lùm mật cật nhất là hướng đối diện với con đường vừa qua. Sâm soi thật lâu, một tổ phát hiện một vết máu trên lá khô, cầm nghiêng lá cây thấy giọt máu vẫn chưa đông. Rồi chúng tôi tìm được giọt máu thứ hai theo một đường thẳng nối từ lò than qua bụi mật cật. Từ đó nhằm đúng hướng, chúng tôi phăng theo. Cứ phát hiện được dấu mới thì bỏ chỗ cũ, một người cầm đuốc đứng làm hoa tiêu còn lại túa ra tìm tiếp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 07:59:29 pm »

Hình dung động tác mèo bắt chuột cũng dễ thấy rằng khi cọp ngoạm xác người lôi đi, đôi chân người kéo lê trên mặt đất để lại dấu trên lá khô rất rõ, lại vướng víu cây gai dây rừng, ì ạch chậm chạp. Đến một cự ly an toàn (chừng vài cây số) nó tìm một chỗ kín đáo dừng lại ăn xổi bộ chân, bộ lòng, vừa để thu vén cho miếng mồi gọn lại. Từ đó trở đi nó ngoạm mồi tha đi vừa gọn vừa nhanh. Nhưng máu trong xác người thì tiếp tục rỉ ra, càng về sau càng ít đi.


Theo dấu vết trong giai đoạn này rất chậm, phần thì trời tối đen như mực, dưới ánh đuốc chập chờn cứ nhầm những lá cây khô có đốm màu đỏ màu nâu. Được cái là hướng đi của nó theo một đường thắng, tránh qua chỗ bụi gai rậm rạp rồi cũng trở lại theo hướng cũ. Ngoài những vết máu, qua những chỗ đất mềm thỉnh thoảng cũng phát hiện dấu chân cọp còn mới nguyên. Lòng say mê theo dấu kẻ thù hấp dẫn chúng tôi đi mãi đến hừng sáng thì đến bờ một con suối vừa rộng vừa sâu. Không biết hiện mình đang ở đâu. Chiến khu Đ chỉ có hai con suối lớn: Suối Sâu và suối Cái. Suối Cái ở Mạng Xinh, Chang Chang, Đất Cuốc, ở đây là Giáp Lạc đi vào, chắc là suối Sâu.


Đến đây mất dấu. Trời đã sáng dần, không vội vã gì nữa, nghỉ một chập, chúng tôi chia nhau đi cặp theo mép nước hai bên bờ suối. Đất mềm, nhiều chỗ lầy, một con chồn xuống uống nước cũng để lại dấu chân, huống chi là cọp. Thế mà không ai phát hiện một dấu vết nào cả. Mùa mưa nước suối dâng cao, giữa dòng chảy xiết, sâu ngập đầu.


Dàn hàng ngang dò kiếm dọc trên dãy rừng dọc bờ suối một quãng rất xa cũng không thấy một dấu vết máu nào nữa.

Thật là như ma quỷ, không ai dám đưa ra một phán đoán nào nữa. Dấu máu cuối cùng còn rành rành đây chỉ cách bờ suối không đầy 10 mét thôi. Chỉ có cánh mới bay qua suối mà không để lại dấu vết. Thế này là thế nào!

Lại đổi chỗ, phân công nhau tìm thật kỹ hai bên mép nước, vạch những bụi rậm, đám tranh dọc theo bờ suối, nhất là bờ phía đối diện, ở bên này thì có thể phi thân xuống nước như người ta nhảy cầu ở bể bơi. Còn bên kia thì phái trèo lên chứ. Thế mà vẫn không thấy gì cả.


Chúng tôi ngồi nghỉ một chút, định sẽ trở lại một đoạn tìm coi có bị nghi binh đánh lạc hướng không. Trong lúc đó cậu Áp thợ đúc mới rắn mắt trèo lên đám rễ của một gốc cây cổ thụ bị đổ nằm vắt ngang qua suối. Giề rễ cây dính đất dựng lên như một bức tường cao phải đến 4-5 mét. Thân cây to 3 người ôm, nằm trên cao, như một chiếc cầu vồng cách mặt đất đến 3 mét. Ngọn cây nằm bên kia bờ suối ngổn ngang cành lá như một ngôi nhà sập. Bỗng Áp từ trên thân cây reo lên, cậu ta phát hiện một vệt máu trên ấy. Thế mà không nghĩ ra. Thật không ai ngờ. Vì lúc chúng tỏi mới tới bờ suối thì trời còn mờ tối - rễ cây cổ thụ bật gốc cao to lại nằm giữa đám cây đổ ngã xô bồ, đến độ mà chúng tôi cho là một vật chướng ngại khổng the vượt qua, nêu không phải là loài có cánh.


Chúng tôi phải đỡ nhau, đứng lên vai nhau để trèo lên bức tường rễ cây ấy, chuyền qua thân cây, tìm một cành tương đối thấp đu người xuống đất bờ bên kia suối. Tôi đi sau với tổ đại liên hóc-kít.


Giữa cảnh trời hừng sáng, rừng sâu im lặng - hình như khóng có cả tiếng chim kêu - bỗng nổi lên tiếng của anh Vinh thợ nguội, giọng nói mà mỗi lần nhớ lại là tôi thấy ớn lạnh, nổi gai ốc, dựng đứng lông cánh tay:

- Anh Chín đây nè!

Trời! Cái giọng nông dân tỉnh khô của Vinh, thoạt tiên tôi và nhiều anh em khác tưởng đâu anh Chín Lùn bị bệnh tâm thần chạy cút bắt với chúng tôi từ đêm qua tới giờ, đang ngồi nấp đâu đó.

Chạy đến chỗ anh Vinh: Anh Chín chỉ còn là một mảnh xác rách tả tơi, đầu mặt bị lột da thịt nham nhở, không thể nào nhìn ra anh Chín Lùn (người ta nói cọp dùng lưỡi có gai liếm mà như dao lóc da thịt vậy đó), ngực và hai cánh tay bầm vập như da trái banh bưởi non của trẻ con vậy. Phần bụng chỉ còn phập phều lớp da bọc, một chân bị tháo khớp, một chân còn lại cũng trầy tróc lở loét, bàn chân vặn ngược ra phía sau. Anh Chín đã nhỏ người, giờ đây chỉ còn vừa một xách. Tôi quan sát thật kỹ: ở cổ chỗ yết hầu có một vết móng cắm thật sâu, cổ họng bị cắt đứt, nhưng động mạch thì còn nguyên. Vì vậy mà anh Chín không la được. Hồi mới đến lò than tôi quan sát trên võng bao bố cũng chỉ thấy rất ít máu. Còn phía dưới thì sau khi gậm hết một chân, nó thò tay dưới làn da bụng bốc tuột bộ đồ lòng cả tim, phổi, ngực bụng chỉ còn cái vỏ.


Theo kế hoạch của Sáu Mẹo, chúng tôi phân công nhau làm công tác chuẩn bị.

Về tình hình địch, Sáu Mẹo khẳng định: chỗ lùm mật cật là nơi nó dùng bữa lót lòng, cũng như mình đi săn thú về đói thèm nhậu trước bộ đồ lòng vậy. Tại chỗ này đây, bên bờ suối, là chỗ nó giấu mồi. Nó về hang ổ ngủ cho khỏe rồi trưa chiều mới trở lại vờn mồi ăn kỹ bữa chính rồi xuống suối uống nước. Vì vậy mà ta cứ chuẩn bị, không sợ lộ. Chúng tôi phân làm hai bộ phận, một thì bứt mây ràng cổ chân và cột ngang nách cái xác bịn chặt vào các gốc cây gần đó để giữ xác. Chú ý là tư thế cái xác nằm như thế nào giữ y như thế đó. Còn một bộ phận thì đốn cây làm giàn gác trên cành hai thân cây sống, cách cái xác chừng 10 mét để làm chỗ phục kích cho ba người. Không cần đông hơn, dễ lộ.


Khoảng 8 giờ sáng thì mọi việc xong xuôi. Chúng tôi phân công tổ phục kích gồm: Sáu Mẹo, Lịch và tôi... Sáu Mẹo chỉ huy là niềm tin rồi, còn Lịch thì dù chưa ra trận, nhưng lớn tuổi thận trọng đỡ ngủ gật khi thần kinh căng thẳng, còn tôi là tiểu đoàn trưởng - giám đốc Binh công xưởng trách nhiệm nặng nề. Năm sáu anh em còn lại thì tìm đường đi về nhà lấy cơm và đánh xe bò ra để chở xác cọp về. Cây mắc xim để lại, dựng dưới gốc cây lấy lá đậy lại.


Anh em về cả, ba chúng tôi ngồi trên sàn gác, ngụy trang cẩn thận. Nói là sàn gác chớ thật ra là 3 lóng gỗ gác ngang giữa hai cành cây to. Rừng vắng quá, nhìn xác anh Chín Lùn, khung cảnh như trong chuyện huyền thoại nào đó về rừng.


Tôi ngồi giữa thủ cây mút Nhật quen thuộc, Sáu Mẹo bên phải tôi với khẩu súng hai nòng calíp 12 nhồi đạn to thuốc mạnh dùng để bắn thú dữ, bên trái tôi là Lịch cầm cây mút Anh đạn nguyên chất theo kế hoạch, đúng như lời dặn của anh Chín Quỳ, là tập trung bắn lúc cọp vồ lên xác, lúc nó mất đà và mê mồi, đừng bắn lúc nó đang đi, tối kỵ là lúc nó đang ngồi quẫy đuôi chuẩn bị vồ xác. Vì theo anh Chín thì khi nghe tiếng súng, nó nhảy rất nhanh, đạn không trúng nó được. (Về ý này thì tôi không cãi trực tiếp với anh Chín, nhưng tôi giải thích cho anh em là đạn bay trước tiếng nổ). Theo kế hoạch của Sáu Mẹo: anh bắn trước kéo 2 cò một lúc khi cọp vờn mồi, tôi bắn bồi trong lúc anh nạp đạn, còn Lịch thì dự bị để bảo vệ đề phòng cọp chồm lên chúng tôi.


Trời càng về trưa, vắng vẻ quá. Một tiếng gió rào, một cành cây rơi, một tiếng sóc chạy, một cánh chim vỗ đều phải chú ý quan sát, căng thẳng. Lịch lầm bầm van vái: “Anh Chín linh thiêng, hãy kéo nó lại đây, chúng tôi trả thù cho anh”. Sáu Mẹo thì lầm lì, tự tin. Đạn calíp 12 này là do anh tự rờ-sạc lấy. Tôi tin cậy ở anh. Với khẩu hai nòng này anh đã hạ hàng tấn thịt rừng trong 2 năm qua, có gần đủ mặt các loại thú dữ, kể cả cọp, gấu heo, gấu chó, beo, heo rừng...


Mãi đến 12 giờ trưa, bụng càng đói, thần kinh căng thẳng, cơn buồn ngủ từ đâu trong tim làm tê liệt thần kinh không thể nào cưỡng nổi. Hút thuốc cũng không dám, ngồi tê chân cũng chỉ được phép cục cựa nhè nhẹ trở bộ thôi. Tôi bắt đầu hoài nghi mà không dám nói ra: “hồi sáng mình gây tiếng động nhiều quá, đốn cây bứt mây để lại nhiều dấu vết lạ, lại còn hơi người đông đảo như thế này, Sáu Mẹo cũng mới làm việc này lần đầu, lý thuyết suông thôi”. Tôi bắt đầu tiếc cho cơ hội ngàn năm có một này. Tôi dựa lưng vào Lịch lim dim. Thấy vậy Sáu Mẹo gợi ý luân phiên nhau nằm nghỉ lưng, tôi nằm trước. Nói vậy chớ đâu có lòng dạ nào mà ngủ được, mắt nhắm mắt mờ nằm ngoẻo nhìn ra phía sau lưng.


Bỗng, như trong giâc mơ, tôi thoáng thấy hình dáng một con cọp vằn đen vàng lượn dưới đám bụi rậm, êm trơn như một con trăn gió, như kéo một dải lụa. Tôi ngồi dậy, day đầu về phía đó, nói nho nhỏ: “cọp! cọp!”. Sáu Mẹo và Lịch nhìn theo. Đến một khoảng trống, có tranh lúp xúp, một con cọp hiện nguyên hình, rất to. Nó dừng lại, bộ lông dưới cổ và bụng nó trắng như bông. Nó cong mình như con mèo vươn vai, thật không giống các con cọp trong vườn bách thú hay gánh xiếc, nó to và mập hơn nhiều. Nó lại đi khuất trong bụi, rất êm, chỉ có lá cây rung rinh. Nó đánh vòng một lượt ra phía sau lưng chúng tôi rồi đến gần chỗ cái xác mà mắt nó không rời.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 08:01:28 pm »

Đến một cự ly tạo thành chỗ chúng tôi và cái xác ba đỉnh của hình tam giác cân, nó ngồi lại. Bị một số dây rừng và cành lá nhỏ che bớt, nhưng cũng trông rõ cái đầu, ngực, đuôi nó vẫy vẫy quét trên mặt đất. Mắt nó lừ đừ, thoắt mọp xuống nhìn cái xác, thoắt nghểnh lên. Không biết có ai nhúc nhích co chân co cẳng gì không, mà bỗng nhiên nó ngước nhìn lên chúng tôi. Rồi lại nhìn cái xác, lại nhìn chúng tôi. Bây giờ mới cảm thấy cái giàn của mình quá thấp. Anh Chín Quỳ, ông Ba Cho, chủ tịch Ngân đều nói: Thí dụ con mèo từ dưới đất nhảy lên bàn cao hai mét, thân mèo dài ba tấc thì tức là nó nhảy cao gấp 6 lần chiều dài thân của nó. Con cọp cũng vậy, nếu không kể phần đuôi, nó dài 1 mét thì nó nhảy cao 6 mét. Con cọp này không nhỏ hơn con hùm xám Sông Bé, nó có thể nhảy cao 7-8 mét. Cái giàn của chúng tôi chỉ cao có 4 mét. Nó phủ ngang qua đầu dễ như chơi. Rào nhà người ta cao như vậy mà nó còn phóng qua huống chi giàn chỗ chúng tôi ngồi quá thấp. Tôi có cảm tưởng là đứng thẳng trên hai chân sau, nó có thể vớ lấy bàn chân chúng tôi.


Nó ngồi như thế, nhìn cái xác rồi nhìn lên chúng tôi, chắc không lâu lắm, nhưng tôi chợt có cảm tưởng: “Nó không dám vồ mồi”. Tạng mặt kẻ thù đây rồi mà để nó mất hút là hèn nhát, tức chết được. Nhìn Sáu Mẹo, thấy anh biến sắc, khẩu hai nòng vẫn hướng về phía cái xác, còn mục tiêu sống thì đang ở bên phải, thuận phía của anh. Tôi quyết định và nói nho nhỏ:

- Bắn, Sáu Mẹo, bắn đi.

Sáu Mẹo trả lời thì thào:

- Bắn trật, chờ chút nữa.

- Anh không bắn, tôi bắn (trong cự ly này với khẩu mút Nhật quen thân tôi bảo đảm bắn trúng con mắt cọp).


Vừa nói tôi vừa rê nhẹ nòng súng sang phải. Sáu Mẹo thấy vậy liền lấy tay trái, cản nhẹ khẩu súng của tôi, tay phải anh kéo khẽ nòng súng về phía mục tiêu.

Trong nháy mắt, một tiếng nổ đôi dữ dội, phá tan bầu không khí im lặng nặng nề. Bên trái tôi, Lịch nổ ngay một phát lên không làm gãy cành lắc rắc lá xanh rơi tơi tả. Tôi hỏi lớn như quát:

- Lịch, sao mầy bắn?

Lịch đáp tía lia như cái máy nói tự động:

- Tôi khủng bố tinh thần nó mà!

Khói tan, tôi nhìn thấy dây lá rừng chỗ cọp ngồi lúc nãy bị phá đứt thành một lỗ trông còn ám khói.
Lịch reo lên:

- Nó ngã rồi, nằm một đống kìa.

Tôi và Sáu Mẹo cũng thấy một đống vàng vàng phía sau chỗ cọp ngồi lúc nãy.

Lịch tuột xuống đất trước, vì phía ấy có cành cây làm thang. Tôi và Sáu Mẹo xuống sau. Đến chỗ cái đống vàng sẫm ấy thì hóa ra là ụ gò mối.


Tìm lại chỗ cọp ngồi, thấy hai dấu quàu khá sâu làm bật rễ cây chảy nhựa. Đi vòng phía sau gò mối cũng thấy có hai dấu như vậy. Thì ra, con cọp đã nhảy lộn ngược về phía sau, bay qua phía trên gò mối, một bước nhảy xa phải đến 5-6 thước. Từ đó nó chạy tế bôn chân dấu đều đều trên lá mục. Chúng tôi theo dấu cũng một đường thẳng ngược với chỗ cái xác ra suối. Bây giờ thì chúng tôi chỉ mong nó bị thương. Thấy lá cây khô màu đỏ đỏ nào cũng cầm lên xem. Người ta nói: cọp hay liếm vết thương, lưỡi nó vừa có gai, vừa bẩn nên vết thương không lành và bị nhiễm trùng, nên cọp bị thương thì trước sau gì cũng chết.


Không có dấu máu. Chỉ có Sáu Mẹo là biết mình đã bắn trật, cọp đã nhảy khi anh kéo cò. Đạn bắn trúng mục tiêu tiếng nổ ấm, người đi săn thiện nghệ họ biết. Anh buồn, nhưng để không phụ lòng chúng tôi, anh không nói ra.


Đi cũng chừng non một cây số thì ngửi thây mùi cọp khét quá. Theo mùi mà tìm, chúng tôi chui vào một đám lá buông thấy trên mặt đất sạch nhẵn cành lá, có nhiều cứt cọp, lông và nước bọt cọp, cũ có mới có. Sáu Mẹo xanh mặt ra hiệu bảo chúng tôi mau mau quay trở về chỗ cũ.


Về đến nơi, nhìn xác anh Chín Lùn vẫn còn nguyên. Theo thứ tự chỗ ngồi thì phải Sáu Mẹo lên thang trước, kế tôi rồi mới tới Lịch. Nhưng lúc Sáu Mẹo vừa trèo lẻn thì Lịch nắm lưng tôi xuống, giành leo lên trước.

Lên sàn ngồi, tôi mới hỏi Lịch:

- Tại sao anh bắn không đúng kế hoạch.

Lịch mới thú thật:

- Tôi cứ nghi là cọp giả, tôi chờ cho Sáu Mẹo nổ súng sẽ thấy nó đứng hai chân, mà biệt kích thì không phải một đứa, nên tôi bắn khủng bố tinh thần tụi kia. Tôi sợ tụi nó chụp khẩu mắc xim thì mình mệt.
- Bây giờ thì anh tin là cọp thật chưa? Tôi hỏi.

- Tin, tin rồi.

Sáu Mẹo1 (Anh Sáu Mẹo hi sinh cùng với anh Sơn trong một trận đánh bảo vệ Binh công xưởng) thì không nói gì, trông anh buồn lắm.


Khoảng 3 giờ chiều thì anh em đánh xe bò tới bên kia suối. Thì ra họ đã tìm được đường đá đỏ Lò Than - Thục Nghĩa và đưa xe bò ra gần Suối Sâu. Nghe tiếng súng, anh em vừa dọn đường vừa đánh xe bò vào tới chỗ gốc cây đổ bên kia suối. Anh em mang theo cơm nước. Chúng tôi vừa ăn, vừa thuật lại mọi tình tiết. Xong tôi thúc anh em ra đường đỏ chờ, để ba chúng tôi ở lại phục kích tiếp.


Đêm ấy, một đêm nhiều mây đen, gió mạnh nhưng không mưa, ba anh em chúng tôi thức đến khuya. Anh Sáu Mẹo, đội đèn săn, thỉnh thoảng nghe có tiếng động anh bật đèn quất qua một lượt rồi tắt. Tôi bàn luân phiên nhau ngủ, nhưng anh Sáu Mẹo tình nguyện thức canh đến sáng. Chốc chốc anh lại rọi đèn.


Sáng hôm sau, đả giáp cứ, cái xác đã trở màu xám bốc mùi và có ký sình trùng li ti trên các chỗ lở loét. Anh em từ ngoài đường đỏ lại vào. Chúng tôi nhặt xác anh Chín gói vào mành bao bố, vác súng ra về, lòng buồn rười rượi. Đây là trận thảm bại cay đắng đầu tiên của tôi.


Tuy vậy từ thất bại rút ra những bài học quan trọng. Chúng tôi báo cáo tỉ mỉ với Bộ tham mưu Trung đoàn và Quân khu, cam đoan đây là cọp thật chớ không phải cọp giả. Rút ra một số quy luật máy móc của nó: chỗ có ống xương chân và ruột của nạn nhân chưa phải là chỗ cuối cùng; trước khi ăn bữa chính cọp đi quanh rồi mới vồ mồi cho nên dùng mìn gài chắc ăn hơn là phục kích bằng súng. Và hiệu lực đầu tiên của những kết luận đó là Ủy ban hành chánh tỉnh ra thông tri: “Từ nay về sau, khi rủi có xảy ra việc cọp bắt người thì thân nhân không nên đi tìm tử thi làm mất dấu vết mà báo cho các đơn vị săn cọp”.


Ít lâu sau, cọp ba móng bắt con heo của Binh công xưởng. Chúng tôi theo lập tức và đã tìm thấy xác heo hầu như còn nguyên, chỉ mất bộ lòng. Tuy rất thiếu ăn, nhưng chúng tôi kiên quyết không mang xác heo về mà để y tại chỗ, cột vào bốn chân heo bốn quả mìn hộp loong. Cũng vào khoảng 12 giờ trưa hôm sau nghe tiếng mìn nổ. Chúng tôi vào xem thì xác heo bị lôi đứt dây mây văng ra cách chỗ cũ chừng 3-4 mét. Hai quả mìn nổ, nhưng có lẽ mìn nhỏ lại nhồi thuốc đen, cọp lại phóng nhanh như tên bắn, nên không sát thương được nó. Xung quanh chỗ ấy cây cối bị dẫm nát như có một bầy cọp quần đạp chớ không phải chỉ mỗi một con. Như vậy là sau khi bị một trận Suối Sâu cọp càng cảnh giác, quần xoáy trôn ốc rất kỹ xung quanh rồi mới nhảy vào con mồi. Nhưng dù sao đó cũng là trí khôn máy móc của loài thú. Chúng tôi phổ biến kinh nghiệm cho các đội săn cọp, ngoài việc gài mìn trực tiếp vào xác mồi, cần phải gài mìn xung quanh. Lúc nó đi chậm, mìn nổ hiệu quả còn lớn hơn lúc nó vồ mồi.


Vụ giết cọp ba móng, trừ một thảm họa khủng khiếp cho nhân dân Chiến khu Đ, vạch trần mọi luận điệu tuyên truyền hù dọa của địch như thế nào xin nhường lời cho đơn vị lập chiến công là anh em công nhân xưởng bì đạn và anh Bùi Văn Nguyệt. Nhưng sau trận Suối Sâu, cơ quan, bộ đội, nhân dân mới tin chắc tai họa lâu nay là do một con cọp thật, một con cọp già ăn xác Tây ở trận La Ngà ngon miệng, nó theo bộ đội để hôi mồi, ăn quen nhịn không quen nó trở nên táo tợn, vượt qua những quy định mà tạo hóa cố tình hạn chế sức mạnh tàn bạo của loài thú dữ: nó không sợ lửa, nó không sợ mắt người, không sợ người đang thức tay cầm vũ khí nhưng dù gì đi nữa thì trí khôn của nó cũng chỉ là trí khôn của loài thú mà người xưa đã đúc kết bằng những chuyện dân gian như chuyện “người đi cày với con cọp”. Truyền thuyết dân gian về loài cọp đều đúng, nhưng người thời sau thì hay thần thánh hóa, hoặc hiểu một cách cố định. Từ đó dễ hoang mang, phán đoán sai. Sau vụ Suối Sâu đồng bào, cơ quan phòng chống cọp tốt hơn, tích cực hơn, nên tình hình gây tác hại của cọp ba móng cũng lắng đi nhiều, không phải quá khủng khiếp như mấy tháng đầu. Cho tới một hôm giữa ban ngày ban mặt, cọp ba móng dám từ trong rừng phóng ra giữa rẫy, lúc bà con ta đang tỉa lúa rất đông và bắt đi mất người con gái út của ông chủ tịch Lạc An, con người mới biết cái đói và thói quen hung dữ đã đưa loài dã thú đến chỗ táo tợn không lường.


Và chỉ sau đó ít hôm đội săn cọp của xưởng bì đạn đã hạ cọp ba móng tại trận, mổ bụng nó ra còn mấy móng chân người. Còn móng của nó thì sứt mất một, đúng như phán đoán của các cụ già ở Lạc An: Con cọp này đã quá già.


Miền Đông gian lao, Chiến khu Đ không phải chỉ gian khổ vì địch, đói, đau như anh em giải thích chữ Đ một cách dí dỏm, mà còn nạn thú dữ, nạn cọp ba móng hoành hành. Ta mất đi trên 100 mạng người, trong đó có đủ đại đội trưởng, trung đội trưởng, xã ấp đội trưởng, đoàn trưởng phụ nữ xã. Lỗi tại chúng ta, những người cầm súng. Đó cũng là một bài học xương máu không chỉ dành riêng để trừ cọp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 08:03:19 pm »

CHIẾN KHU Đ CÒN SÀI GÒN MẤT

Bùi Cát Vũ


Chỉ trong vòng hai tháng, Chiến khu Đ náo nức đón nhận nhiều tin vui từ Nam Bộ bay về, những sự kiện chuyển động về tổ chức chỉ huy diễn ra dồn dập đánh dấu một đỉnh cao của đợt sóng kháng chiến đầu tiên. Ban quân sự trong Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm trưởng ban1 (Ngày 12-12-1947). Sau đó, Chính phủ Trung ương cử đồng chí Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh Nam Bộ và sắc phong Trung tướng2 (Ngày 20-1-1948). Như vậy là toàn quân toàn quốc có một Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trung tướng Nguyễn Bình - niềm hãnh diện chung cho chiến trường Nam Bộ. Anh Huỳnh Văn Nghệ chưa kịp làm nhiệm vụ Khu bộ phó Khu 7 liền được giao quyền Khu bộ trưởng. Để tiện việc chỉ huy và cũng để chuẩn bị căn cứ địa cho Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Nam Bộ, anh Nghệ được chấp nhận dời cơ quan quân khu bộ trở về chiến khu Đ. Anh Chín Quỳ - được điều động lên khu - đã cùng anh Trịnh Đình Hoa - kỹ sư xây dựng - lo việc xây cất nhà cửa khang trang cho khu tại Nhà Nai - Đất Cuốc.


Tiểu đoàn lưu động Hoàng Thọ được điều về đóng ở Bưng Kè - Giáp Lạc, bảo vệ mặt tiền cơ quan Quân khu.

Thật như là có phép lạ, mới đây chưa đầy một tháng, tôi là khách của cơ quan khu bộ, thì nay nghiễm nhiên tôi trở thành chủ nhà. Tôi có thể gặp các anh, không phải mất 4 ngày đường, mà chỉ 2 giờ thôi. Tuy vậy công việc chuẩn bị cho cuộc hành quân sắp tới xâm chiếm hết thời gian. Đã vậy địch còn mở một cuộc càn lớn vào chiến khu, có thể chúng đánh hơi thấy quân khu bộ mới về, hoặc là trả đũa trận Đồng Xoài mà chúng không đủ lực để thực hiện truy kích sát gót như trước.


Ngày 11 tháng 1, địch tấn công Chiến khu Đ. Chúng huy động trên 2.000 quân, 50 xe cơ giới, 12 tàu chiến, có pháo binh và phi cơ yểm trợ chia thành nhiều mũi nhiều hướng tiến vào chiến khu. Trọng điểm chúng nhằm vào cơ quan quân khu bộ mới về Nhà Nai, sở chỉ huy chi đội ở Tân Hòa và các cơ quan dân chính đảng tỉnh ở Mỹ Lộc. Trên hướng chủ yếu, chúng dùng 50 xe cơ giới chở một tiểu đoàn quân Lê dương từ đường 16 chọc thẳng vào Nhà Nai. Đồng thời một cánh quân nhảy dù xuống Bưng Kè - Giáp Lạc. Một cánh quân khác do tàu chiến từ Biên Hòa chở thẳng một mạch đổ bộ lên Tân Hòa. Cuộc hành quân này địch không tập trung lên Tân Uyên, Cây Đào như trước mà cơ động từ xa bằng máy bay, tàu thủy, xe cơ giới, nên tình báo ta không phát hiện trước. Nhưng nhờ đã có chuẩn bị thường xuyên và bố trí lực lượng đúng chỗ, nên ngay từ hôm đầu quân ta đã đánh tốt. Chỉ có cánh quân cơ giới địch vào Nhà Nai là trót lọt. Bộ phận du kích đánh mìn ở hướng này của huyện Tân Uyên rất dũng cảm nhưng chưa có kinh nghiệm, bị trinh sát địch phát hiện bắn chết hai người và lấy mất hai quả mìn điều khiển bằng điện.


Chi đội cho người vào Binh công xưởng tìm tôi và Hùng. Chúng tôi ra xóm Chùa gặp anh Lung, có cả anh Mười Thọ - cán bộ công binh khu, anh Cổ Tấn Chương - Huyện đội trưởng Tân Uyên, Trừ Sùng Thới - Huyện đội trưởng căn cứ. Anh Lung bàn với chúng tôi kế hoạch “nhốt” cơ giới địch trong chiến khu. Có thể nói kế hoạch anh Lung vạch ra rất sắc sảo. Chúng tôi tin là sẽ thực hiện được, ai cũng hăng hái. Huyện đội xã đội huy động dân quân, nhân viên cơ quan và đồng bào trong căn cứ ngả cây lấp tất cả các đường xe bò từ Nhà Nai ra sông Đồng Nai và ra đường 16. Làm từng đoạn từ xa đến gần rút ngắn tầm cơ động bao vây 50 xe địch ở Nhà Nai. Trên các đường ấy có đội du kích đánh mìn chặn đầu đoàn xe. Nội trong đêm, chúng tôi phải huấn luyện cho xong các đội du kích và hừng sáng hôm sau phân ra đi bố trí các ngả. Tôi cùng với Khanh phụ trách trực tiếp đội du kích đánh mìn hướng bến Chang Chang, trên con đường mà cơ giới địch vào. Anh Mười Thọ phụ trách ngõ ra Tân Uyên còn Hùng thì chặn đường ra Mỹ Lộc. Đó là những con đường be cũ có trên bản đồ, nay trở thành những đường xe bò mọc chồi lúp xúp mà cơ giới địch muốn trở về nhất thiết phải đi qua.


Dân quân du kích do anh Cổ Tấn Chương và anh Trừ Sùng Thới tập họp về Đất Đạo là nơi trung tâm, tổ chức thành tổ đội, huấn luyện xong phân tán đi các hướng.

Chúng tôi nghiên cứu thấy hai du kích của ta hy sinh mà không đánh được xe tăng là vì địch có hai tốp bộ binh luồn rừng đi trước cặp hai bên đường. Gặp ta bố trí nó nổ súng và phăng dây điện lấy quả mìn. Nếu không bị giết thì du kích cũng bỏ chạy không ai điều khiển cho mìn nổ khi xe tới. Chúng tôi nảy ra ý kiến làm bẫy tự động. Xe tăng, cơ giới cơ động bằng bánh xe. Làm thế nào dùng sức đè của bánh xe làm chập điện nổ mìn. Thế rồi bằng những thanh vạt giường tre trong nhà dân và vỏ lon đồ hộp, chúng tôi làm ra những cái bẫy khi bị lực đè lên mạnh hai miếng kim loại chập nhau nối mạch điện làm nổ quả mìn. Làm kiểu này lại rất tiết kiệm dây điện và pin. Chỉ dùng vài ba cục pin và mấy tấc dây điện là được một quả mìn tự động.


Đêm ấy, dưới ngọn đèn dầu, chúng tôi lên lớp cho các chiến sĩ du kích. Anh em đều là thanh niên nông dân, gan to mật lớn nhưng vừa mới chống nạn mù chữ, cần phải làm cho anh em hiểu và tin có cơ sở khoa học thì khi dùng mới sáng tạo. Tôi lo nhất là anh em làm chập dây điện mìn nổ tan xác thì thật là đáng buồn. Chính cậu Áp là thợ Binh công xưởng mà còn lúng túng làm nổ quả mìn trên đường 14, chút nữa thì anh Tám Nghệ - anh Lung - anh Quang và chúng tôi đi đời rồi.


Tôi giảng cho anh em về lý thuyết thật đơn giản, thật chậm rãi, anh Hùng và anh Mười Thọ phụ giáo, minh họa bằng thao tác mẫu với bóng đèn pin thay cho quả mìn. Tôi nói đi nói lại: “Các đồng chí thấy không, hai thanh vạt tre có ốp miếng thiếc bị tách rời ra bởi những cái nêm tre này, hai miếng thiếc bị bánh xe đè lên sẽ chập lại nối mạch điện làm cháy bóng đèn trong quả mìn, thì mìn nổ. Đúng, mìn nổ. Đấy các đồng chí thấy tôi cho sợi dây đồng này nối hai miếng thiếc, bóng đèn cháy. Rõ chưa? Bây giờ tôi làm lại tôi nối hai cái râu của bóng đèn vào với hai cái râu của cái gấp tre, bóng đèn không cháy vì chưa chập điện. Khi bánh xe tăng của địch cán lên làm hai miếng thiếc chạm nhau thì bóng đèn cháy nghĩa là mìn nổ. Cho nên cấm không được để chạm vào nhau giữa hai miếng thiếc dù chỉ là một sợi dây điện nhỏ bằng sợi tóc, coi đây: bóng đèn cháy, thấy chưa?”.


Tôi chỉ định cho học viên nói lại lý thuyết, hỏi những chỗ chưa rõ và mỗi người thao tác một lượt với bóng đèn.

Xong đâu đó, tôi cho anh em đi nấp sau các gò mối coi tôi thao tác mắc bẫy điện vạt tre vào một quả mìn thật, to bằng cái nồi ba. Thao tác đến đâu tôi nói đến đó. Lúc tôi nối sợi dây điện thứ hai vào râu của quả mìn, tuy đã nắm rất chắc, nhưng tôi vẫn ớn xương sống nổi da gà và các anh em khác chắc cũng rất hồi hộp, không khí im phăng phắc. Mắc xong tôi đặt tay lên quả mìn giải thích:

- Bây giờ có sức nặng, thật nặng, đè lên làm gẫy vạt tre hai miếng thiếc đụng nhau thì sao? - anh em trả lời: mìn nổ - Phải mìn nổ, nếu Tây có cầu Chúa cho đừng nổ thì nó cũng cứ nổ. Còn ta cũng vậy, lúc bố trí mìn hay lấy mìn lên mà làm chạm nhau giữa hai miếng thiếc bằng lưỡi dao hoặc sợi dây điện nhỏ bằng sợi tóc thì sao nè? - nổ! Phải rồi, ta có cúng heo xin đừng nổ nó cũng cứ nổ.


Lớp học giải tán lúc 11 giờ đêm. Anh Cổ Tấn Chương tổ chức thành ba đội mỗi đội có ba tổ mang theo 3 quả mìn và nhiều lựu đạn gài. Riêng đội của tôi được 5 quả. Dù sao tôi tin anh Mười Thọ và Đặng Sĩ Hùng sẽ trực tiếp thao tác không sợ rủi ro. Còn đội của tôi thì đã có tôi và Khanh.


Ngày 13 tháng 1, cánh quân cơ giới địch, sau hai ngày không làm được trò trông gì ở Nhà Nai, lục tục kéo ra theo đường cũ. Còn cách bến Chang Chang độ 1 cây số thì trinh sát địch vướng lựu đạn gài 2 bên đường xe bò. Chúng bắn như một trận chạm súng lớn. Rồi xe tăng tiến lên bị mìn nổ. Địch dừng lại bắn, sục sạo hai bên rừng rồi lại đi, lại bị nổ mìn lần thứ hai. Chúng buộc phải bố trí trú quân tại chỗ qua đêm. Hôm sau, ngày 14 bọn Pháp phải đưa một đơn vị viện binh và công binh từ Sài Gòn lên loay hoay mãi đến ngày 15 chúng mới mở được đường đưa đoàn cơ giới có máy bay hộ tống chạy tháo thân ra Bàu Cá Trê - đường 16. Bọn viện binh cũng bị vướng lựu đạn gài chết thêm mấy đứa. Chúng nó vừa qua khỏi, tôi, Khanh, và anh em du kích đến xem, nó bỏ lại một xác xe tăng, rất nhiều đoạn xích, quần áo bông băng máu me bê bết. Hai bên rừng chúng còn để lại những tấm nhôm hình chữ nhật dùng lót đường cho bộ binh chúng bước qua để tránh lựu đạn gài và mìn chống bộ binh của ta. Khi về anh em nói có một cái đùi lính tây mắc trên ngọn cây, nhưng lúc đó tôi mải nhìn dưới đất nên không trông thấy.


Trên các hướng khác, đại đội A cùng với bộ đội lưu động của khu phối hợp với dân quân du kích, diệt một số địch, thu 1 trọng liên và một số súng nhỏ, 400 chiếc dù bông. Đặc biệt là lần này địch vào các xóm “đời sống mới” gặp phải hầm chông cạm bẫy, buộc chúng phải chùn chân. Đáng lẽ chúng rút sớm hơn, nhưng vì phải chờ giải tỏa cho cánh quân cơ giới Nhà Nai nên đêm ngày 16 tháng một địch mới rút lui toàn bộ ra khỏi Chiến khu Đ.


Đánh thắng trận càn lớn này của địch - lần đầu tiên có xe tăng thiết giáp vào chiến khu - nhân dân ta rất phấn khởi. Nhân đó chính quyền và các đoàn thể cùng với tỉnh đội huyện đội phát động phong trào xã chiến đấu liên hoàn. Chôn cọc chống xe tăng trên các bến, các mối đường và cắm thêm cọc chống nhảy dù rộng khắp trên các ruộng đồng các trảng trống. Dân quân du kích xã, ấp phát triển thêm, khí thế bừng bừng. Các xã đều dựng lò rèn xưởng mộc làm chông tre chông sắt, hầm chông tự động, những cạm bẫy nổ và không nổ. Chiến khu Đ vững vàng thiện chiến, Chiến khu Đ càng phát triển toàn diện cuộc sống mới trong mối quan hệ đoàn kết chiến đấu sản xuất, trở thành niềm tự hào và là chỗ dựa về tinh thần của nhân dân vùng tạm chiếm và vùng du kích. Quân địch thì cũng bắt đầu đánh giá: Bình luận trên bản tin AFP “Chiến khu Đ còn thì Sài Gòn mất”.


Cũng qua cuộc chống càn này bộc lộ rõ hơn chỗ yếu của bộ đội lưu động Hoàng Thọ. Trên đường về Chiến khu Đ, lúc dừng chân ở An Điền, đơn vị này đã được du kích dẫn đi đánh một trận phục kích rất ngon, diệt địch lấy khá nhiều súng. Nhưng sau trận đánh, đơn vị vội vã lưu động ngay để tránh địch phản kích, không chia cho du kích một khẩu súng nào cả. Lời bình của giới quân sự đối với bộ đội lưu động của Khu: “dễ đánh khó thôi, đánh xong te liền, dân quân lãnh đủ” - đã được chứng minh ở An Điền, về Chiến khu Đ được bố trí ở Giáp Lạc -Bưng Kè, một dãy ruộng hẹp giữa rừng trên đường tắt từ Lạc An xuống Mỹ Lộc. Địch nhảy dù đúng như dự kiến, rất ngon, thế mà bộ đội Hoàng Thọ chỉ nổ súng một ít rồi rút lui. Chờ khi địch cơ động đi nơi khác liền huy động ra lấy dù, lượm vỏ đạn. Vì vậy mà tuy chi đội đang thiếu lực lượng để đánh đường 20 sắp tới. Ban chỉ huy nhất trí không sử dụng bộ đội Hoàng Thọ và tuyệt đôi giữ bí mật trận đánh này. Sau đó khu trưởng điều đơn vị này xuống Phù Mỹ (Bà Rịa).


Đối với chúng tôi, những công nhân Binh công xưởng, thì trận đánh xe tăng ở bến Chang Chang, tuy mới hạ được 1 chiếc, nhưng đó là cuộc thí nghiệm thực tế vô cùng quý báu đối với loại Ba-zô-min mới cải tiến. Sau trận Đồng Xoài và trước đó là trận dốc 47 trên quốc lộ 15 của đại đội B, mìn bị lép - trái nổ thì không hạ nổi xe thiết giáp, bộ đội mất lòng tin. Chúng tôi rất buồn. Thậm chí có cán bộ ở đơn vị chiến đấu nghi ngờ là chúng tôi muốn đề cao cá nhân nên khi Binh công xướng đi đánh thì đem theo mìn tốt, còn phát cho bộ đội thì mìn xấu. Anh em có biết đâu, trong hoàn cảnh thiếu thôn đủ mọi bề mọi thứ rất khó bảo đảm cho thuốc mồi khỏi bị ẩm trong khí hậu chứa nhiều lượng hơi nước, chưa nói là anh em ta phải qua sông qua suối, lội ruộng lội bưng dìm vũ khí xuống nước. Còn chúng tôi, đi ra trận với đầu nổ trong túi vải bọc kỹ mang theo bên mình, luôn luôn được sưởi ấm bằng nhiệt độ của người. Khi chôn mìn xong, chúng tôi mới lắp đầu nổ vào, lại còn nối dây, thử điện, đứt tắc chỗ nào chúng tôi biết và thay ngay bằng những phụ tùng dự bị.


Chiếc xe tăng địch bỏ lại bến Chang Chang thật có nhiều ý nghĩa. Nó là một chứng tích về niềm tin và lòng tự hào của bộ đội, du kích và nhân dân trong căn cứ Chiến khu Đ. Người được ăn ngon ngủ yên hơn cả có thể là anh Ba Lung, vì trong trận tới trên đường 20, anh đảm nhiệm vai trò quyết định thay cho anh Tám Nghệ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2019, 08:04:32 pm »

Xuân chiến khu

HUỲNH VĂN NGHỆ


Xuân vẫn về đây giữa chiến khu

Rừng thiêng nay bỗng hết âm u.

Núi non hớn hở thay màu áo

Suối biếc ngăn reo chuỗi hạt châu

Ánh sáng tưng bừng trên lá non

Chim đồi mát giọng hát véo von

Xa xa vọng gác thùng nhịp trống

Bướm giật mình bay: những mảnh hồn

Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng tươi

Bên hoa ngồi kể chuyện, nô cười:

“ Xuân sau ăn tết nơi đâu nhỉ?

Tùy bóng cờ kia sẽ trả lời”.

Phấp phới cờ bay dưới gió xuân

Quân ca từng khúc nhịp xa, gần

Từng đoàn chiến sĩ đi ra trận

Có bướm chim đưa tận núi rừng.



Tết kháng chiến đầu tiên - CKĐ 1946
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM