Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:24:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người anh hùng chân đất  (Đọc 16380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 30 Tháng Mười, 2019, 06:10:13 am »

    
        - Tên sách : Người anh hùng chân đất

        - Tác giả : Trúc Phương

        - Thể loại : Truyện ký

        - Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh

        - Năm xuất bản : 2019

        - Số hóa : Giangtvx

 
Tưởng nhớ tới Anh hùng lực lượng vũ trang phi công tiêm kích Nguyễn Văn Bảy (A)






« Sửa lần cuối: 14 Tháng Sáu, 2020, 04:25:18 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 10:24:45 am »

 
LỜI GIỚI THIỆU

        Nggày 30 tháng Tư năm 1975 - kim đồng hổ như dừng lại khi điểm khắc cuối cùng chỉ vào con số 11 giờ 30 phút. Thời gian vật lý bỗng trở thành thời gian lịch sử: chấm dứt 30 năm chiến tranh với hai tên đế quốc hùng mạnh, sừng sỏ nhất địa cẩu; chấm dứt hơn 100 năm thực dân đô hộ, đọa đày kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh chiếm Đà Nắng và sau đó triều Nguyễn dâng đất nước ta cho đế quốc - thực dân. Hơn một trăm năm dân tộc Việt Nam chiến đấu ngoan cường cho độc lập, tự do. Hơn một trăm năm mà mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây đểu có người ngã xuống, đều có tang tóc thương đau hiển hiện trong cuộc sống. Để bây giờ, sau gần nửa thế kỷ sống trong hòa binh, từ sâu thẳm giấc mơ của người Việt Nam các thế hệ cẩm súng gươm tranh đấu còn sót lại, cả người Việt Nam được may mắn sinh ra sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, vẫn còn đó hình ảnh và sự lay động của chiến tranh xưa. Đó là truyền thống, tình yêu, những nét tinh hoa đời đời trong cốt cách dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa được kết thành trong mỗi tâm hồn người Việt Nam về Tổ quốc - Dân tộc, về Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho mọi người và cho mỗi con người. Lịch sử được tạo ra từ đó, và từ đó các anh hùng có công với Dân tộc - Đất nước được sinh ra...

        Một chút cơ duyên từ Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hố Chí Minh đã cho người anh hùng Không quân Nguyễn Văn Bảy và nhà văn Trúc Phương gặp nhau - tạo thành duyên "anh hùng - nghệ sĩ" giữa hai người. Để rồi sau một năm làm việc cật lực của một trang anh hùng đã bước qua tuổi 82 và một người bị bệnh nan у - tuần tuần, tháng tháng phải khăn gói ra vào bệnh viện - Truyện ký NGƯỜI ANH HÙNG CHÂN ĐẤT ra đời.

        Còn nhớ, anh hùng Nguyễn Văn Bảy cứ thắc thỏm trong lòng, sợ tác giả viết chưa kịp xong thì đã vội xa ông (hoặc ông sẽ đi xa) mà thất hứa với Nhà xuất bản cùng độc giả. Còn tác giả thì vừa theo cựu phi công Nguyễn Văn Bảy cùng các đồng đội của ông "vào trận" cho các cuộc không chiến trên trang sách hết sức vất vả, vừa phải cẩm cự, chiến đấu từng ngày với thẩn chết đang rình rập bất kể ngày đêm.

        Không phải hồi ký, không phải tự truyện, Người anh hùng chân đất được viết theo thể loại truyện ký. Người nông dân chân phèn, người thiếu niên của đồng ruộng ra đi và trở thành chiến sĩ Cách mạng, người lính học mới xong lớp ba do ông giáo làng dạy được tuyển đi học lái máy bay, chờ mãi mới đánh được trận đầu rồi sau đó đánh thêm nhiều trận sống mái với quân thù nhằm chống lại cuộc chiến tranh hủy diệt hung bạo của tên đế quốc đầu sỏ hùng mạnh số một hành tinh để giải phóng đất nước, giành lấy độc lập tự do, thống nhất nước nhà... thành nhân vật, là nhân vật xuyên suốt của truyện trong bối cảnh mà con người nguyên mẫu đã trải qua gắn suốt cuộc đời mình. Song hành với nhân vật chính, tác giả hóa thân thành người dẫn truyện, cùng độc giả xuyên qua cuộc chiến tranh, ẩn hiện khi gần khi xa từ ngoại biên của cuộc chiến đầy thách đố, nghiệt ngã, để đến với chiến thắng chung của toàn dân tộc và của những người lính - trong đó có người chiến sĩ nông dân chân phèn ngày nào ra đi từ đất Sa Đéc - Lai Vung.

        Nghệ thuật truyện ở đây chỉ góp phần khiêm nhị hầu dẫn dắt, lý giải, triển khai nội dung, mở rộng không gian cho nhân vật đi từ đẩu đến cuối truyện một cách trình tự, nhất quán trong phối cảnh chung của lịch sử, để ai tiếp xúc với truyện đều nhận rõ đây là con người Việt Nam, làng quê sông nước Việt Nam, cuộc chiến tranh xảy ra ở miền Nam, miền Bắc Việt Nam v.v... cùng một chút nghệ thuật giúp cho câu chuyện được truyền dẫn nhiều cảm xúc hơn, làm cho câu chuyện thật về một đời người bớt đi phẩn tự nhiên rời rạc, thô kệch, sù sì, để nó được trơn mịn, mạch lạc hơn, đẹp đẽ hơn, dễ khúc xạ vào tri giác và tâm hồn người đọc, cùng với những thông điệp gửi về phía tương lai.

        Dù trước nay đã có rất nhiều quyển sách viết về chiến tranh, nhưng riêng với với lực lượng Phòng không - Không quân và cuộc chiến đấu của nhân dân miền Bắc đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô, mức độ khốc liệt chưa từng có trong lịch sử loài người, thiết nghĩ phải có thêm nhiểu sáng tác nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc của sự kiện biên niên vĩ đại này. Và đó chính là lý do, là động cơ ân tình, cũng là niểm vui - hạnh phúc nho nhỏ cho việc ra đời quyển sách này.

        Quyển sách này được viết chủ yếu dựa vào lời kể của anh hùng Nguyễn Văn Bảy và các đồng đội chiến đấu của ông, ngoài ra tác giả có tham khảo tư liệu từ một số sách viết về lịch sử Không quân Việt Nam, Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả và các bạn đồng nghiệp, nhất là từ phía các cựu phi công, để sách sẽ hoàn thiện hơn trong lẩn tái bản sau.

        Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành, tình cảm, công sức đóng góp của những người anh em, những đồng đội của người Anh hùng Không quân Nguyễn Văn Bảy cho quyển sách Người anh hùng chân đất được tái bản, đáp ứng phần nào lòng mong mỏi của anh em, gia đình bè bạn trong lực lượng Phòng không Không quân và độc giả yêu mến.

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ       
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2019, 03:06:45 pm »

 
THUỞ HỒNG HOANG

        Hoa trên cành
        Trăng trong nước
        Gió mây nghìn năm xiêu bạt
        Chim trời bay bổn phương
        Nắng mưa xô giạt
        Mỏi cánh không dừng
        Rừng xanh, núi cao, biển sâu...
        Vùi xác
        Đã ra đi không màng sống thác
        Tự do là chốn của linh hồn
        Đạo nghĩa, ân tình trên ngực
        Vực thẳm, non ngàn dưới chân
        Phương Nam thệ cùng Đất Nước
        Ra đi không hẹn ngày về
        Ngàn năm biệt ly hề!

        Dọc theo tả ngạn sông Tiền, làng Nha Mân, thuộc Cái Tàu Hạ, được lập từ rất sớm. Tương truyền rằng, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu đã cắn răng bỏ bớt lại bầu đoàn thê tử gồm toàn cung phi mỹ nữ xinh đẹp, vì hai lẽ: Thứ nhất, để cho đoàn người còn lại được tinh gọn, hầu thoát được đường gươm mũi giáo truy sát của địch quân; thứ hai, dùng các trang tuyệt sắc giai nhân, thực hiện mỹ nhân kế nhằm mê hoặc quân tướng Tây Sơn, giảm hung khí kẻ thù, giúp Nguyễn Ánh toàn mạng. Đám người thượng lưu này đã lập nên làng Nha Mân, dẩn dà kết thân, gá nghĩa với lưu dân Việt có mặt nơi đây khẩn hoang từ rất sớm, sinh con đẻ cháu đầy đàng. Những người phụ nữ chân yếu, tay mềm chuyên sống với nghề làm bột, làm bánh, không dang nắng, dầm mưa, lâu ngày nổi tiếng xinh đẹp. Từ đó dân gian truyền tụng với nhau rằng: “Giồng nào cao bằng giồng Sa Đéc; Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân” là vậy.

        Mấy đời vua Nguyễn qua đi.

        Rồi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng. 17 tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp chiếm Sài Gòn. Công cuộc khẩn hoang trì trệ. Một bộ phận lưu dân theo các thủ lĩnh nghĩa quân, số xiêu lạc, rời bỏ nơi khai khẩn trước đó tìm đến nơi khác khẩn hoang sinh sống. Pháp chiếm Gia Định thành lần hai - 1861. Năm 1862 mất ba tỉnh miến Đông. Năm 1867 mất ba tỉnh miền Tây. Miền Nam rơi vào tay thực dân Pháp với nền cai trị bạo tàn.

        Các cuộc kháng chiến anh hùng của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Vương, Nguyễn Trung Trực, nghĩa sĩ Cần Vương... dần dần bị dập tắt sau khi gây cho giặc xâm lăng nhiều khó khăn, thiệt hại. Một bầu trời u ám phủ lên đất nước Việt Nam và Lục Tỉnh Nam Kỳ.

        Từ đó thôn làng phân rã. Đất khai khẩn ngày nào lại hóa hoang. Những di dân và lưu dân trôi nổi đó đây tìm phương sinh sống. Người tới sau khai khẩn tiếp khu đất, thửa vườn của người đi trước để lại. Trời mây nghiêng nắng đổ mưa lên phận con người. Lau nước mắt, lưu dân lại dầm thân khai khẩn.

        Những lão nông đinh vẫn truyền tụng nhau những câu chuyện về cọp ba giò, về loài cá sấu đầy dẫy trên các vàm sông, về rắn hổ mây giăng mình ngang mương tát nước và những bãi xương người tan chìm trong đất. Chiếc khăn rằn người lưu dân đội đầu là thứ vũ khí lợi hại để chống trả lại loài rắn hổ mây như mãnh thú đuổi người...

        Mồ hôi cháy trên đầu ngọn cỏ. Nắng bỏng da người. Mưa tối mày tắt mặt. Tiếng gọi nhau dài thành những xa xăm trầm mặc, u buồn. Bao cuộc đời, bao thế hệ liền nhau, trên đồng cạn dưới đồng sâu, phận người úp mặt. Chồng vợ thương nhau nệ gì chăn chiếu, cỏ rơm khuya sớm ấm thân người...

        Và Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, những dãy cù lao dọc sông Hậu, sông Tiên, đến cuối thế kỷ 19, đẩu thế kỷ 20 vẫn tiếp tục được hàng vạn lưu dân tụ về khai phá và ổn định dân tình sản xuất, canh nông, dần hồi thịnh lạc.

        Trong muôn ngàn những gia đình lưu dân ngang dọc sông hồ, cặm chân trên rừng động ma thiêng, cò kêu, khỉ gọi: “Dưới sông sấu quẫy, trên bờ cọp um” ấy, có gia đình của một lưu dân đi sâu vào thôn Hộ Thành dựng chòi cùng các dân đinh khác hợp sức nhau khẩn hoang làm ruộng.

        Ruộng vừa thành khoảnh, một năm một mùa gieo gặt, trồng thêm cây trái quanh vườn sau khi khống chê thủy triều bằng cách đào đất, khai mương, thì chẳng bao lâu thế hệ những người đi trước lần lượt về với đất, gởi lại nắm xương trên đường khai khẩn, thế hệ sau tiếp nối cha ông mình đổ mồ hôi cho ra lúa ra khoai, biến vùng đất dữ của lưu dân ngày nào thành quê hương xứ sở, thành nơi chôn nhau cắt rún của những đứa trẻ ra đời để sống và làm theo di nguyện của Tổ tiên, Ông bà, ra sức chăm giữ, đắp bồi mảnh đất ân tình có được từ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của bao thế hệ tiền nhân đắp bổi, để lại.

        Cũng từ đây, có một thằng bé ra đời mà không nhìn thấy ông nội mình là ai, chỉ nghe Cha kể lại lịch sử từ bao giờ về mảnh đất mà ông nội và các bô làng đã dày công khai khẩn, lao dịch, với bốn bế tô tức, thuế xâu... còn giữ được cho con cháu đến bây giờ...

        Thằng bé ấy lớn lên cùng với đất, từ sen súng mà ra rồi đi vào chiến tranh và trở thành người anh hùng chân đất của quê hương Lai Vung - Sa Đéc - Đồng Tháp ngoan cường, suốt ba mươi năm cùng miền Nam đi trước về sau cho đến ngày sạch bóng quân thù trên đất nước Việt Nam - toàn dân mừng chiến thắng
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Một, 2019, 03:12:14 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:57:33 am »


THUỞ THIẾU THỜI CHO ĐẾN LÚC RA ĐI

        Trời xanh. Mây trắng. Nắng vàng. Đồng cỏ. Triền sông. Những câu hò, điệu lý thơm ngát ánh trăng. Những cánh cò dìu dặt mơ màng. Những ngày mùa rộn ràng đầu thôn cuối xóm, lúa mới vào nhà ăm ắp niềm vui. Khói đốt đồng bay trắng trời cao, trào lộng cánh diều. Những cái chớp roi cày nhắc người nông phu mùa nồm nam đã đến. Những vạt đất trở mình. Những cơn mưa đầu mùa gọi sấm đồng xa. Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão. Những vầng mây xám ăn trăng, giấu đi tiếng hò trai gái hát vào nhau. Những mùa lũ về ruộng đêm cá quẫy, phù sa đuổi nhau theo con nước lớn ròng. Những bầy chim áo già về bên đám cỏ đuôi chồn. Những bầy chim lá rụng. Những đàn cò trắng chiều hôm kết thành những cầu ca dao trên trời cao. Những con bìm bịp kêu nước lớn. Những con chim vịt kêu chiều...

        Không biết từ bao giờ, những đứa trẻ quê ra đời, bú sữa mẹ, uống nước cơm pha đường, lên hai, lên ba biết ăn cơm nhai, cơm dặm, cha mẹ ra đồng thì nghe chị hát ru, cười mụ mấy lần đã thành những đứa trẻ làng biết nô, biết nghịch. Bỏ lại tấm tã thâm kim trên chiếc nôi tre, những đứa trẻ ào ra đồng mò cua, bắt ốc, đốt cỏ, chăn bò, giữ trâu, be đất, đắp bờ và nghiễm nhiên trở thành lũ nhóc con - những chú tiểu nông dân trên ruộng. Và cứ thế những mùa mưa nắng đi qua. Và cứ thế những đời người hiện đến. Sự mầu nhiệm của làng quê, của đất trời; sự mầu nhiệm của tình yêu thương từ trái tim con người và tạo vật; sự mầu nhiệm của những cuộc thiên di với tầng tầng, lớp lớp mồ hôi, nước mắt, xương thịt rã tan hòa với bụi bùn, cùng ý chí của những thế hệ người yêu tự do, lao động, sống thác không màng, cầm cuốc, mang cày xuôi về phương Nam mở cõi, đã tạo ra sự tiếp nối thần kỳ để tháng ngày thành lịch sử ta yêu; để những đời cha ông buộc nối vào đời những cháu con trên vùng đất dữ với bao hiểm họa khôn lường làm thành cuộc trường chinh vĩ đại cuối thiên niên kỷ thứ hai của người Đại Việt, với những chàng An Tiêm ngực trần lưng đất, nghiêng bóng dưới mặt trời lấy sức bình sinh biến biển thẳm thành cồn dâu, biến miến châu thổ hoang vu rừng thiêng nước độc thành mảnh đất ngọt lành cò bay thẳng cánh, dịu vợi những niềm vui, đầy ắp ân tình... Đi đến đâu vui buồn đến đó. Sống chết mặc tình, không tham sanh úy tử. Bưng tràm, vàm nước đong đưa lời hát tiếng cười. Đờn kìm, dờn gáo từng tưng ò í bên chai rượu còn ủ hơi men. Tối tối, dưới trăng, dân làng hay tụm nhau hàng mấy mươi người nghe các ông, các bà thầy tuồng hát ca ra bộ, đốt lửa, nhảy múa tưng bừng. Nhất là các cô gái, chàng trai tới tuổi tình tự ngồi dưới ánh trăng thanh nghe các Bà, các Má nói thơ Vân Tiên có vần có điệu, hết đêm này qua đêm khác mới tới ngày Lục Vân Tiên hết mù, đội mũ Trạng nguyên về làng cùng nàng Kiều Nguyệt Nga nên duyên chổng vợ. Mười ngày, nửa tháng mới thuộc được một hồi. Muốn thuộc hết phải học cả năm. Có đám, có tiệc, họ hàng, bà con xúm nhau chơi dờn ca ra bộ, hát bội diễn tuồng, nói Lục Vân Tiên thâu đêm suốt sáng. Ra tới đồng có người còn hát lại một mình cho thuộc, để bận sau tới lượt mình thi hát cho vui xóm vui làng.

        “Trước đèn xem truyện Tây Minh
        Nực cười hai chữ nhân tình éo le
        Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
        Dữ răn việc nước, lành dè thân sau
        Làm trai ơn nước nợ nhà
        Thảo cha, ngay chúa mới là tài danh
        Trạng nguyên về tới Đông thành
        Lục ông trước đã xây dinh ở làng
        Bày ra sáu lễ sẵn sàng
        Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga
        Trăm năm biết mấy tinh thần
        Sanh con sau nối gót lân đời đời”


        Cứ thế con người cùng cỏ ruộng sinh sôi. Những giọt mồ hôi non đọng lại trên má, trên môi, trên những nụ cười và lưng áo rách. Những thằng bé, con bé vui đùa, nghịch ngợm bên những ngày mưa đầu mùa đầy trời sấm giăng, sét nổ. Mới nắng cháy da, trời đã vội mưa. Mưa như trút nước. Đất ruộng khô nuốt ừng ực những vạc nước được đổ ra từ bàn tay vô hình của lão trời cao vào bụng mình, nuốt đến đừ đã, say khướt. Chừng như trong mưa có men nên đất đã say. cỏ lác, cỏ năng, cỏ ống, cỏ chỉ, cỏ bợ, cỏ bờm và bao nhiêu là cỏ, nhiều đến lủ trẻ không thể thuộc hết tên, cứ nghiêng ngả, rũ rượi sau những cơn mưa đầu mùa mà đứa trẻ trâu, trẻ đồng nào cũng mong đợi. Không gì sướng hơn được tắm mưa đầu mùa. Trong những cuộn mưa trắng giã, những đứa trẻ mình trần - áo gói vào lá môn - có cả con gái tóc đuôi chim, đuôi gà cứ rượt đuổi nhau, mồm la chí chóe, tiếng hét luồn vào mưa, hòa cùng tiếng sấm, tay vuốt mặt, tay quơ tìm nhau, ghịt nhau, ôm vật nhau đến thích. Thật thương cho đứa con gái nào bị bắt được... Đấy rồi mưa tạnh. Cả bọn trai gái xúm nhau đi bắt ốc bị mưa ngập trồi đầu bò lên trên cỏ. Có cả cá rô, cá lóc mắc cạn đâu đó trong vũng, đầm kéo nhau trườn lên cỏ đi tìm chỗ dung thân, liền bị đám trẻ đồng tóm gọn. Rồi cả bọn con trai chia nhau đi tìm rơm, cỏ, cây khô để đốt lửa trên một gò đất cao. Khi mặt trời dụi mắt ló ra bên kia chân đồng vừa tan đám mây đen, thì đám trai gái chia nhau chiến lợi phẩm có được sau cơn mưa đầu mùa. Ngon và vui hết kể! Có đứa còn giành ăn, tối về nhà mê ngủ còn mơ: “Của tao, sao mày giành. Trả cho tao, không tao giận.” Toàn gọi mầy tao không thôi. Cả anh em cách nhau vài tuổi trong nhà. Phải là nhà “có giáo dục” lắm thì may ra có một vài đứa trẻ biết gọi anh em. Còn thì mọi thứ tự nhiên như cỏ, như đồng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:58:46 am »


        Buổi tối sau những trận mưa to thì cả người lớn lẫn đám trẻ trai đều dẫn nhau đi soi ếch. Những anh chị ếch say nhau trong cơn mê lạc, không hề tỏ ra sợ hãi trước những ánh đuốc chết chóc, được bắt đem về cho bữa ăn thịnh soạn của các gia đình nông phu ngày mai. Nhiều hơn nữa thì người ta mang ra chợ bán. Dẫu vậy, hễ mưa lên thì các trự ếch cứ chứng nào tật nấy, lại rủ nhau ra những vũng nước hẹn hò để tự nạp mình. Còn cóc thì cũng chẳng khác. Cứ mưa to thì lũ cậu mợ ông trời gọi nhau có bẩy. Từ ao, mương, hà lãng, chỗ nào hò hẹn được thì nghe tiếng gọi của nhau, tất thảy đểu kéo đến. Gọi là cóc hội. Bắt cả giỏ, cả thùng. Thịt cóc ăn bổ và ngon hơn thịt ếch, nhưng có lẽ vì cóc có thân hình xấu xí quá nên người ta không ham đi bắt cóc lắm - trừ những nhà cực ăn, hoặc bắt để mang ra chợ bán, lấy tiền mua thứ khác về đổi bữa. Ngại nhất là làm cóc, khi đè dao cắt cổ thì con cóc bị xử trảm cứ đưa hai tay lên như bảo: “Xin đừng giết tôi!”, trông thật tội. Thời này người ta chưa biết ăn con ễnh ương, chắc là tại tiếng kêu có vẻ nhị tỳ của chúng. Vì vậy mà giống loài này không cần phải trốn tránh con người. Ngoài ra, sau những cơn mưa đầu mùa, người dân trong các xóm ruộng còn mang lờ, lợp đi đặt ở các rãnh nước có đường thông lên ruộng, hoặc từ chỗ lung đầm này sang những thửa đất kia để bắt cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt rằn, rùa rắn. Rọng cả lu, cả khạp. Cá sẵn, lươn rắn, rùa, cua đinh, chim, chuột sẵn, lại đủ các loại rau ngoài ruộng, dân trong ấp, trong làng cứ thế mà sống qua ngày để cày cấy, làm rẫy, làm nương suốt tháng quanh năm.

        Đến tháng Bảy âm lịch, các thuộc đất phải cày để trộn phù sa lên mặt nhất thiết phải xong. Các thuộc đất không cần cày thì phải phát dọn lần thứ nhất. Mạ đã lên xanh. Tháng tám, nước nổi, trâu tràn ngập đồng để trục và bừa. Trục, bừa cho chín đất là cấy. Đất thấp hơn, thì người nông dân phải sạ. Từ tờ mờ sáng, đầu xóm, cuối thôn vang dậy tiếng “hú” “ỳ” gọi nhau đi cấy. Xôi với mắm được người nhà đội ra ruộng, đặt lên bờ mẫu, hoặc gò cao, tới giờ, bạn cấy gọi nhau ăn. Tất cả đểu là phụ nữ. Đàn ông thì lo trục, bừa tiếp chỗ đất chưa chín, hoặc kéo mạ, gánh mạ từ xa bỏ đều trên những vuông đất cho phụ nữ có sẵn mạ mà cấy. Người cấy giỏi - một buổi đứng là xong một công - ngàn mét vuông. Ai chưa cấy xong thì được giúp để cùng nhau về. Ai vui miệng thì hát hò, chọc ghẹo nhau cho vui. Đám trẻ thường chỉ giúp người lớn xé mạ rải đều ra trên những luống cấy. Con gái thường tập cấy với mẹ hoặc chị. Đám trai thích nhất là được ngổi khinh lên bừa hoặc trục để được sống với cảm giác làm người đàn ông trên ruộng. Khoái nhất là nhìn những trận trục đua khi trâu còn khỏe. Trâu chạy như bay, người đứng sau nắm đuôi trâu mà hét như xung trận, trâu lao đi thắng khói. Trẻ con đứng quanh trên bờ mẫu vỗ tay cổ vũ, reo hò. Vui đến ngất trời mây! Mùa cấy qua nhanh trong một tháng theo tiếng nhái kêu nhiên nhiết mỗi chiều đêm xuống nhá nhem. Ngoài chuyện vui vì được bận bịu với người lớn, cũng là để tập dần cho thuần thạo việc đồng áng mai sau, đám trẻ trai còn nhiều trò vui trong mùa nước nổi. Trước hết là đi cắm câu, hoặc giăng câu trên ruộng. Câu bằng mồi ốc sống và mồi trùn. Được dế nhũi là hảo hạng. Câu cắm thì phải đi từ chiều vừa xuống, nước vừa chảy vào ruộng, chia đều những cần câu theo dải, dài hàng trăm mét. Câu giăng thì đi bỏ câu muộn hơn, khi nước đã ngập ruộng. Cứ một giờ là đi thăm cầu một lần. Hôm trúng thì một trăm cầu cần có thể được hằng yến cá. Khi thất cũng vài chục con. Còn câu giăng khi trúng thì đầy cả khoang xuống. Rồi còn lưới bén, còn đi soi cá, đặt trúm bắt lươn. Đặc biệt là thú đi đâm chuột. Mỗi anh cẩm một cây chĩa, được làm bằng kèo dù hoặc căm xe đạp. Oai hơn là căm xe máy, hoặc khúc sắt 5 ly, đem mài nhọn, chặt ngạnh, tra lên đẩu một ngọn tầm vông được uốn cho ngay thẳng để giữ trọng tâm, đâm chính xác. Khi đi săn phải mang theo loại chó tinh khôn, được huấn luyện chuyên về săn chuột. Muốn chuột chạy ra ngoài, hay lặn xuống nước cho dễ bắt, thì phải xua lũ chó càn vào lùm bụi. Có khi săn được cả rắn hổ mang. Ai săn giỏi thì có khi còn bắt được cả chuột cống nhum - gọi là chuột cống đồng. Loại này thịt ăn còn ngon hơn cả chuột cơm, thịt thỏ. Đi săn thường phải đông người - từ 5 đến 10 tay chĩa. Cách vài trăm mét đã nghe người đi săn la ó vang trời, thật vui nhộn. Món chuột thường là khìa với nước dừa, nướng, chiên, kho. Còn món mà mấy ông nhậu thích là món chuột hấp cơm hoặc chuột nấu canh chua sả ớt, ai nhát gan, nghe canh chua chuột đã bệnh đến ba ngày. Vậy mà mấy ông nhậu lại đưa ngón tay cái lên trời ra hiệu là số dách!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:59:29 am »

         
        Cũng chưa hết trò vui. Ban đêm - trúng ngày con nước tối, các ông nình ông và trẻ nhỏ còn đi xuồng, dùng đèn khí đá sáng choang để đi săn ếch, bồ tọt dọc theo các bờ mương, gò đất, ụ cao giữa đồng. Một đêm trúng, mang về cả giỏ, ăn đến mấy ngày, hoặc phải cho hàng xóm ăn giùm, không thì phải mang ra chợ. Rồi ai giỏi thì còn dùng súng ná lãi tự làm, bắn bằng tên sắt, đi săn cò, diệc, dơi quạ, chim trích mồng đậu trên cây hay trong rừng rậm. Bao nhiêu là lạc thú trên đời, kể hoài không hết, kể đến chết cũng chưa xong. Rối qua hết mùa mưa dẩm thối ruột, nước rút cạn đồng, gió bấc hây hây về, những khoanh đất rẫy được xuống giống các loại hoa màu phục vụ Tết. Dưa hấu, dưa leo, cải bẹ xanh, cải tầng - sại dùng để muối dưa, khổ qua, bầu bí... tươi tốt bên những nụ cười ướt đẫm mồ hôi. Cá trên đồng bắt đầu xuống sông. Tháng mười một âm là mùa tôm sổ. Người dân sống dọc theo sông bắt đầu dỡ những đống chà nhử bằng cây khô nén chặt dưới búng, chỗ nước sâu, để bắt đủ loại cá tôm tìm đến ăn mồi hoặc trú ẩn. Muốn dỡ chà thì phải dùng đăng tre hoặc lưới bao quanh chu vi đống chà, đoạn bốc từng nhánh chà ném ra ngoài cho đến khi không còn nhánh chà nào bên trong, sau đó gạn lưới hoặc đăng lại, dùng rổ to xúc tất cả các loại lên xuồng. Chà trúng có thể bắt được hàng trăm ký cá tôm. Thất cũng đủ ăn vài bữa. Rồi còn câu cá ngát, cá hô, câu tôm, cào cá chạch, đẩy nhủi, chài lưới đủ nghể.

        Tối tối, trên sông, trên ruộng dập dìu lời con gái, con trai thi nhau hát đối, hò vè vang rộn cả xóm thôn.

        Cứ thế, hết mùa khô lại sang mùa ướt, hết thú chơi nẩy lại đến thú chơi kia nối tiếp nhau cho đến tuổi biết nhìn nhau đỏ mặt, ngượng ngùng. Những đứa trẻ lại theo mẹ theo cha tập làm người lớn.

        Và cái thằng bé NGUYỄN VĂN BẢY - thằng trai hai mươi năm sau trở thành anh hùng - cũng bắt đầu từ cuộc sống thôn dã, đổng quê của những đứa trẻ lớn lên từ ruộng rẫy. Có khác chăng chỉ khác ở chỗ thay vì chăn trâu, Bảy lại chăn bò - bầy bò năm con của một gia đình trung nông tá điển được canh tác trên miếng đất ruộng rộng đến ba héc-ta và một mảnh vườn trông sum suê cây trái.

        Năm lên bảy, Bảy đã biết đào đất, ôm đất đắp vườn, khai mương, xả nước. Nhà anh em đông, lại quen với không khí lao động, sinh hoạt ruộng rẫy, nên phụ giúp việc nhà trở thành công việc tự nhiên của đứa trẻ bảy tuổi. Không những làm vườn, làm ruộng, Bảy còn giỏi nghể bắt cá, bắt lươn, lại siêng tính, nên lúc nào cũng có xâu cá, xâu lươn, con cua, con ốc, con rắn, con rùa cho bữa ăn gia đình. Sức khỏe tốt, có thân hình cao to hơn những đứa trẻ cùng lứa, lại gan lì, cho nên Bảy còn những trò chơi mạnh mẽ khác như đẩy cây, kéo tay, bẻ chân và thường là thắng, trừ khi gặp kỳ phùng địch thủ thì huề, hoặc thua. Thuộc loại con trai năng động, không ngồi yên một chỗ, luôn chủ động bày ra trò chơi, hay làm đầu têu trong các vụ việc đình đám dưới sông trên ruộng, từ vật lộn, chia phe đánh nhau, tổ chức các bữa tiệc phá phách trên đồng, đến lập trận giả, lấy trâu bò làm voi ngựa, gươm tre, quyển trượng, nạng giàn thun, ống thụt nổ, thụt nước, bắn nhau, đánh nhau đến vêu đầu sứt trán. Chuyện bị mắng vốn xảy ra như cơm bữa, không xóm dưới thì cũng xóm trên, không xóm dưới xóm trên thì cũng xóm trong, xóm giữa. Mười ngày nửa tháng bị đòn một lần, tùy theo tội nặng nhẹ mà số lượng roi mây phải chịu, giờ nằm cúi dài ngắn khác nhau. Hôm nào tội nặng, biết trước thế nào cũng bị một trận đòn ra mẽ, ví như cái hôm dùng đạn xơ dừa làm tên lửa bắn cháy nhà người ta, hoặc hôm dùng miểng chai làm chảy máu bạn cùng chơi ở phía bên đối địch thì anh chàng tinh khôn lấy mo độn vào trong quần để roi không cắn tới. Mấy lần tinh ranh như thế mà lỡ bị phát hiện thì sẽ bị tăng hình phạt và số lượng roi gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Có hôm thành thật khai báo, chịu nhận lỗi một cách chân thành thì được cho thiếu nợ. Ba roi thì cho nợ một roi. Lần sau tái phạm thì một roi thành hai roi, coi như vay trả lãi. Dù vậy, Bảy vẫn thấy cuộc đời và tuổi thơ của mình thật trào lộng và vui thú làm sao.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 09:00:08 am »

         
        Trong làng có trường học của ông thầy giáo Xệ. Ông mở một lúc từ lớp vỡ lòng cho đến lớp nhì. Một lớp có khi chỉ vài đứa học trò. Bao nhiêu ông cũng dạy. Tiền công thì khi là gạo, khi là cá, tôm, khi là rau củ, đôi khi nhận được từ những người nông dân có con đi học năm cắc, một đổng. Bảy cũng lò mò đến trường học lấy cái chữ để chơi, thấy người ta học thì mình cũng học, nhưng Bảy không biết học chữ, học toán cộng, toán trừ là để làm gì. Không ai nói với Bảy và những đứa trẻ là học để làm quan, hay mai kia sung sướng cuộc đời, không bị người ta coi thường, hay không học sẽ bị chê cười, bị cho là dốt. Học là học cho vui, được đến lớp chơi giỡn nô đùa thỏa thích. Con trai, con gái cút bắt, vật lộn, chơi nhảy chàm, thảy đáo, bắn cu-li bằng đạn thủy tinh, không đạn thủy tinh thì bắn bằng đạn đất, đạn vò, ai thua phải đưa mắt cá chân cho kẻ thắng cuộc nẻ vào. Ngoài đồng cũng chơi, trong lớp cũng đùa, đêm cũng chơi, ngày cũng chơi; có trăng cũng chơi, tối trời cũng chơi. Làm cũng chơi, ở không cũng chơi, đi học cũng chơi. Vậy mà cu Bảy cũng vác cặp đệm, cặp mo cau mà học tới lớp ba từ cái trường xiêu vẹo và ông thầy già tốt bụng này.

        Nhớ hoài, có lần đang học thì bọn Tây mặt mày hung tợn, rầu ria xồm xoàm, có cả trắng lẫn đen, súng đạn đeo bít cứng mình mẩy, nói toàn tiếng Tây. Cả bọn học trò nháo nhác, rồi không đứa nào bảo đứa nào, cứ nháy mắt nhau chui xuống sàn lủi trốn. Bọn lính Tây thấy vậy càng khoái chí, hét to lên, khiến mấy đứa nhỏ cứ ôm miết vào nhau, bất kể trai gái, cố làm cho thần hình mình nhỏ lại hầu trốn cho khỏi con mắt cọp vằn xanh lắc, có cái nhìn lạnh sắt của bọn Tây Dương mới lần đầu trông thấy.

        Ông thầy giáo ở ngoài cứ nói chuyện bằng tiếng Tây với Tây. Mấy chữ “on”, “đơ”, “tro”, “các”, “săn”, “sít”, “quít”, “nốp”... tự dưng nhìn vào, đám học trò vụt biến đâu mất khi thấy mấy tên Tây mũi lõ xuất hiện. Chợt ông nhìn xuống sàn ngựa gõ, lắc đầu.

        Khi bọn lính Tây đi rồi, ông thầy giáo kêu đám trẻ ra, hỏi:

        -   Sao tụi con chui xuống sàn, làm mất thể diện dân Nam ta quá vậy?

        -   Tụi con sợ nó bắt ăn thịt quá thầy ơi!

        - Tụi con sợ nó bắn. Người ta nói bọn Tây hung dữ như quỷ. Chúng nó hay bắn những người đi câu rê trong đổng lắm.

        - Đúng vậy. Chúng nó ác lắm. Nhưng các con là học trò, không việc gì phải sợ chúng đến phải chui xuống sàn. Lần sau, chúng nó có đến, các trò cứ ngồi trên bàn học đàng hoàng. Chúng nó là lũ cướp nước, chúng sợ mình mới phải, các con à.

        Cả lớp khoanh tay, đổng thanh “dạ”, rồi ngồi vào bàn học tiếp.

        Một đứa học trò vội mách thầy:

        - Hồi nãy ai cũng sợ, cũng ôm siết lấy nhau để trốn. Trò Bảy ôm siết con, khiến con muốn nghẹt thở luôn vậy thầy.

        - Bảy, có phải vì sợ quá mà ôm siết bạn đến nghẹt thở không?

        - Thưa thầy, nó nói xạo đó. Trò Bé Ba đó ôm siết con, nên con cũng ôm siết trò ấy cho cả hai cùng nhỏ lại để bọn Tây không nhìn thấy. Bây giờ bày đặt méc thót với thầy. Mai mốt Tây nó tới nữa, Bảy này bỏ cho mà chết luôn chớ hổng thèm ôm đâu. Làm như người ta thích ôm mình lắm vậy.

        Tự dưng cả bọn con gái vỗ tay trêu chọc làm cho cu Bảy thưỡn mặt sượng sùng.

        - Nhớ đó, rồi sẽ biết tay thằng cỡi bò này. - Bảy cố vớt vát thể diện mình là thằng đực rựa.

        Buổi học tiếp tục. Chốc chốc cu Bảy lại ngó sang chỗ bạn gái vừa méc mình, nghiến răng, gật gật đẩu.

        - Liệu mầy đó, nhỏ à?

        - Đồ thù vặt!

        Thế rồi một hôm, vừa nhận tuổi thứ 9 mấy bữa, bất thần Bảy lội qua một khoảng đổng, mấy con rạch, hớt hởi hỏi xin người bác ruột của mình 5 đồng xu để về cưới vợ. Ông bác trố mắt nhìn, hỏi:

        - Mẩy nói giỡn với tao à?

        - Không, con nói thiệt. - Bảy quả quyết bằng cách đưa cánh tay phải lên trời như thể.

        - Mầy cưới con nào? Nó là con của ai?

        - Con cưới một hơi mấy đứa luôn. Tụi nó, con bà Năm, bà Ba, bà Bảy đang chơi chòi dưới gốc cây xoài tượng. Tụi nó thách con có một đồng xu nạp tài là cho cưới hết, cho làm chồng hết một đám luôn. Nó khi dễ con nghèo. Có cả con bé con không thích nó nữa. Con phải cưới được nó, rồi cho nó biết tay!

        Ông bác lắc đầu cười rồi bước vào trong, dỡ cái kỷ trên bàn thờ, lấy ra 5 đồng xu lẻ cho thằng cháu. Bảy cúi đầu cảm ơn, cầm lấy tiền, hai tay xắn quần (vì bị đứt dây thun) đoạn cắm đẩu cắm cổ chạy về bên gốc cây xoài tượng để làm lễ thành hôn, cưới một lúc mấy con vợ đem về khoe cùng tía má. Nhất là phải cưới cho được con Bé Ba - con bé chọc quê mình hôm có mấy thằng Tây ghé trường thầy giáo Xệ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:38:43 pm »


        Cứ thế, tuổi thơ đồng ruộng, bưng biền trôi qua vùn vụt tháng ngày. Tới phong trào Việt Minh giành chính quyền, làng nước như mở hội. Lúc nào cũng sôi động làng trên xóm dưới. Bọn địa chủ, quan làng nghe uy danh Việt Minh tuốt mùng vô thúng chạy ra thị trấn Lai Vung, Sa Đéc lánh nạn vì sợ Việt Minh chặt đầu, cắt cổ, neo đá thả trôi sông. Cả đám cho vay nặng lãi trong làng cũng tìm phương lẩn trốn. Đêm đêm dưới ánh trăng, các tổ du kích, dân quân tự vệ hay kéo nhau đến các sân lúa rộng để tập cước, luyện quyền, cu Bảy bắt đẩu để ý thấy anh Hai nhà mình vác tầm vông, quảy nóp đi canh làng giữ xóm. Trống mõ cứ chiều chiều kêu rang “lum cum”, “lốc cốc”, rộn rịch đầu dưới, xóm trên. Người ta xầm xì với nhau về vua Bảo Đại và chính phủ Quốc gia bù nhìn. Một hôm, theo làng xóm, cả trăm người, già trẻ, lớn bé, đốt lá dừa, con cúi rơm làm đuốc, kéo đi bộ hàng 5-6 cây số lên Tân Dương để coi Việt Minh tổ chức mít-tinh, đốt hình nộm vua Bảo Đại, hô vang các khẩu hiệu đánh Tây, hạ bệ chính phủ bù nhìn, săn lùng địa chủ cường hào, ác bá, trống mõ rần trời, tự dưng cu Bảy và bạn bè trang lứa thấy hăng hái lên, cũng lao vô đá đấm, cầm lửa đốt mấy hình nộm của Tây, của Bảo Đại cho phỉ chí anh hùng. Cả bọn cứ xem đây là trận thật, chứ không phải trận giả nữa. Thật hào hứng biết bao! Dọc đường về, mổm miệng cứ tu lại mà hét vang: “Đả đảo Bảo Đại và Chính phủ bù nhìn!”. Vã mồ hôi, khàn cả tiếng vì đánh giặc mồm.

        Về nhà, mấy ngày sau, cứ kéo nhau ra đồng là đám trẻ lại chia quân hai phe Việt Minh và quần Pháp cùng lính Quốc gia Bảo Đại đánh nhau tới tấp. Cứ mỗi bên luân phiên làm Việt Minh một lần - có cả cờ đỏ sao vàng xung trận. Phía Pháp thì có cờ tam tài. Có hôm đánh như thật làm mấy đứa bị thương, phải dắt nhau vào chòi chăm sóc cho nhau, dặn nhau về nhà nói dối để không bị đòn. Đánh bằng bộ binh chán rối thì đánh bằng kỵ binh: cưỡi trâu, cưỡi bò dàn trận rồi ném nhau bằng đất ướt, đất sình. Người ngợm đứa nào đứa nấy nhìn xám xịt, bùn khô quánh thành da, như quỷ ma chui ra từ địa phủ, chỉ còn hai con mắt nhìn thì biết đó là người. Rồi tràn xuống sông tắm lặn cho đến đỏ đèn mới lên. Đói bụng, về nhà ăn cơm với muối cũng ngon lành.

        Một hôm, bà hàng xóm, quần ống thấp ống cao, hớt ha hớt hải chạy về phía nhà Bảy, vừa chạy vừa la làng, vừa kêu ba hồn chín vía, xộc thẳng vào nhà rồi ngồi giẫy đành đạch:

        - Ông bà ơi! Ông bà, làng xóm hãy đến mà coi: Thằng Bảy nó giết con tôi rồi, nó giết chết con tôi rồi... Ông Ba, bà Ba ơi... làng xóm ơi...!

        Ồng cha, bà mẹ Bảy chạy ra không biết ất giáp gì, cố hỏi người khách mặt mày tèm nhem, tuốc nhuốc kia:

        - Thím bình tĩnh lại nói cho tụi tui nghe. Có phải đám nhỏ có gì với nhau không?

        - Nó... Nó đánh trận, nó bắn giàn thun, nó bắn ống thụt nổ... Thằng nhỏ nhà tôi... Thằng Cà Thum nhà tôi máu me đầy mặt... Nó chết rồi... Ông bà lại đẳng mà coi...

        Thằng bé được đưa tới ông lang trong xóm chữa trị. Nó bị thủng một lỗ trước trán vì bị miểng chai đâm. Một loại vũ khí mà đám nhỏ mới sáng chế, trong đó có cả công của thằng Cà Thum - con người hàng xóm vừa la làng của ông bà Ba.

        Tối lón lén về, vừa bước xuống bếp kiếm cái bỏ bụng thì bỗng dưng có cái giọng hung thần từ bóng tối gọi giật ra:

        - Mầy lên cúi, không được ăn. Bữa nay mầy làm ra vũ khí tối tân để bắn cho con người ta bể đầu chảy máu, chút nữa là người ta lọt tròng con mắt ra rồi. Lên!

        - Có phải mầy sáng chế ra loại vũ khí đó không?

        - Cả đám lận. Có cả thằng Cà Thum cùng làm. Tại nó quánh giặc dở, chạy dở mới bị thương... Vậy rồi còn đi méc. Thật chẳng anh hùng! Dám chơi dám chịu. Nó dở nên nó...

        - “Chót”, “chót”, “chót”!

        Mấy roi liên tục như bắn “phan”, ông già lại hỏi:

        - Nó dở chắc mầy giỏi hả? Giỏi thì thêm ba roi nữa thưởng cho mầy:

        “chót”, “chót”, “chót”...!

        - Mầy có chịu bỏ trò bắn nhau chưa?

        Đau đến không cất mồm khóc được, vậy mà vẫn phải cố trả lời:

        - Tụi nó không chơi thì tui không chơi nữa...

        - Tao không cho mầy chơi nữa. Chơi mà để người ta kéo đến nhà mắng vốn...

        - Tại má nó hổng biết đó. Trước khi chơi đã thỏa thuận nhau chết bỏ chớ không méc... Đánh trận thì phải có bị thương, có đổ máu chớ...

        - Ạ, mầy còn ngoan cố hả - Ông già giở chiếc roi tre lên vụt vào đít thằng con nghịch ngợm ngang bướng của mình thêm bốn roi nữa cho chẵn mười. Đã vậy mà ông còn chưa hạ lệnh cho xuống để ăn cơm. Bảy phải cúi đến nửa đêm gà gáy mới giật mình thức dậy lò mò xuống bếp bóc cơm nguội cho đỡ lòng và không quên rủa thầm thằng bạn bị thương.

        - Đồ mắc ôn, mắc dịch mà chết đi! Mai mốt thì đừng có mà chơi. Hở méc, hở méc. Thấy ghét! Sau này mầy chỉ có đi lính Quốc gia Bảo Đại thôi, chứ làm sao mà theo Việt Minh được. Việt Minh phải lì chớ. Hừ!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:39:47 pm »


        Ruộng đồng không thiếu những trò chơi hoang dã. Bị đòn tuy có đau, nhưng sau đó ra tới ruộng thì lại mắc chơi, không trò này thì trò kia, không chơi chịu hổng thấu. Sợ nhất, mà cũng khoái nhất trò chơi làm cung tên, trèo lên lưng trâu, chia phe nhau, hét trâu chạy rồi bắn nhau. Chơi riết rồi trâu cũng mê, cứ chiều chiểu là chúng sắp hàng nhìn ngó xem mấy chú mục đồng có trèo lên lưng hét chạy nữa không. Có những con trâu đực cổ, hăng máu lên là đánh nhau với trâu bạn luôn. Nhìn nó cụng sừng vào nhau “cum”, “cụp”, “cốp” mà sợ khiếp lên được. Sợ nhưng khoái, cứ vỗ tay cổ vũ chúng đánh nhau để học miếng, thế bổ sung cho những lúc vật nhau trên cỏ. Chơi đến ghiền, đương không cũng nổi hứng mở miệng bắn nhau “bùm”, “bùm” cho đã, cầm roi bắn roi, cầm cây bắn cây, cầm gì bắn nấy. Tay không cũng đưa vào nhau mà bắn “bùm”, “bùm”.

        Hôm khác, cũng quen thói bắn, cu Bảy và ông anh Ba của mình ra ruộng đào chuột, bỗng thấy mấy chiếc máy bay Pháp quần đảo, hai anh em ngứa nghề, bèn bồng cái xà-vi1 bắt chuột đưa lên làm súng giả bắn “phùm phùm”, đạn giả kêu “chí chụt”(đạn mồm) bay về phía hai chiếc máy bay. Lập tức máy bay Pháp phản công, bắn liên tù tì những loạt đạn cực nhanh, khiến hai anh em Bảy phải nhảy xuống ao bùn mà lặn, đút đầu xuống nước, chổng mông lên trời, quẩn áo, đầu cổ ngoi ngóp, chèm nhèm như khỉ mắc mưa, nhìn không ra thể thống chiến binh Việt Minh gì nữa. Khi mệt quá, leo lên bờ ngồi thở dốc, mãi mới biết hai chiếc máy bay kia không phải bắn hai anh em nhà Bảy, mà bắn vào một nơi nào đó xa đến biệt ngàn. Để giữ thể diện cùng bạn bè, cả gia đình nữa, hai anh em Bảy phải đến một cái búng đập, tắm giặt, phơi quần áo cho đến khô mới mặc vào rồi kéo nhau về. Thấy hai anh em nhà Bảy đi đào chuột mà giỏ trống không, thằng bạn hỏi: “Sao đào mà không có con nào?”, Bảy liến thay anh, lém lỉnh trả lời: “Tụi tao bị máy bay bọn Pháp bắn suốt buổi. Lo trốn không, chớ đào được gì đâu. Phải tài lắm mới mang được hai cái mạng trở về đó mầy!”

        - Vậy à? ủa, nhưng tao thấy xóm mình có ai nói bị máy bay bắn đâu. Nó bắn ở tuốt bên Mỹ An gì lận.

        - Làm gì có? Tao với anh Ba tao đưa xà-vi lên bắn, nó tưởng bắn nó, nó xả súng cà-nông bắn lại quá trời, đạn đi “véo”, “véo” trên đầu. Bọn tao bèn nhảy xuống ao, lặn sâu trong nước mà trốn mới còn mạng đó chứ. Không tin hả, hỏi anh Ba tao coi?

        Thằng bạn của cu Bảy nhìn anh Ba, thấy anh Ba trợn mắt, liền tháo chạy, vừa chạy vừa vỗ tay, miệng la chí choái:

        - Á, ngộ quá, hai anh em nhà thằng Bảy bị máy bay bắn... Máy bay bắn hai anh em thằng Bảy Đầu Giồ... Làng xóm ơi, hai anh em thằng Bảy Đầu Giồ bị máy bay bắn mà vẫn sống nhăn răng... Ngộ quá...! Chuyện lạ có thật, bà con ơi...!

        Tới trong giấc mơ, hai anh em cu Bảy vẫn cười, khiến những người xung quanh nghe thấy, nghĩ mãi cũng không biết hai anh em nó có gì vui đến mang cả nụ cười đi vào giấc ngủ.

        - Tao thấy anh Hai nhà mình dường như hoạt động cho Việt Minh.

        - Sao anh biết?

        - Tao thấy mấy ông Việt Minh quen hay nói chuyện xầm xì với ảnh.

        - Nghĩa là ảnh dám lén ba mà tham gia quốc sự?

        - Đừng có nói lớn. Tao tính sau này cũng theo Việt Minh.

        - Hả, theo Việt Minh!? Nghĩa là đi đánh trận thiệt đó hả? Vậy là tui... tui cũng...

        - Mẩy còn con nít mà đi với đứng gì. Vô đó phải biết chạy cho nhanh, để lính Pháp đi càn còn chạy trốn.

        - Thì tui...

        - Thôi, dẹp, vế tới nhà rồi. Mẩy nói bậy là bị đòn nát đít ráng chịu đó nhen.

        - Tưởng khó gì, làm Việt Minh mà chỉ chạy thì tui cũng làm được. Không cần anh đâu!

        Vậy rối mấy ngày sau, khi Việt Minh kéo đại quân vế đóng trong xóm, cu Bảy thấy súng ống, đạn dược rình rang, đầy đàng đầy đống, khoái đến nôn ruột luôn. Cứ lén nhìn mấy anh rối đưa tay đặt lên báng súng xoa vuốt suốt ngày thật sướng tay. Súng thật có khác. Ai đã từng chơi súng giả bằng cây, khi gặp súng thiệt mới biết mê mẩn tâm thần. Hết sờ báng cây đến sờ nòng súng. Rồi sờ đến đạn. Đến lựu đan và mìn. Rồi sờ đến mấy chiếc mũ nan. Thay vì bị rầy thì lại bắt gặp những nụ cười hiến lành, độ lượng. Lúc các anh bộ đội ăn cơm, Bảy ưu tiên được ngồi giữ súng. Oai ra phết! Tối hôm ấy nhất định phải tìm mấy thằng bạn thân để khoe cho được chuyện giữ súng của mình. Thật là linh thiêng!

        Công việc cách mạng tự dưng lại đến. Bọn giặc vào xã đóng đồn. Mấy anh sai Bảy trà trộn, giả đò đi chơi, hoặc giúp mấy tên lính quốc gia, lính tây lấy nước, mua thuốc để dò la tin tức từ chúng. Xem hấm hào chúng đào kiên cố ra sao, bề ngang mấy thước, bề dài mấy thước; bọn chúng có bao nhiêu thằng, bao nhiêu súng, súng lớn, súng nhỏ, tên thằng chỉ huy v.v... Và cứ mỗi lần như thế, cu Bảy mang thông tin về báo cáo, được mấy anh khen, khi cao hứng còn cho đeo súng thử vào người, khoái đến bỏ cơm bỏ nước...

------------------
        1. Xà vi : một loại bẫy chuột
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:41:05 pm »


        Rồi mấy năm sau, mỗi thằng cu, con hến đều nhận thêm tuổi vào mình. Chiến tranh cũng không đủ sức làm cho tuổi thơ phải buồn, phải chán. Thật là kỳ diệu lắm thay! Vậy mà quây tới quây lui, nhìn lại, dường như tuổi thơ bị ai đó lấy cắp. Cái tuổi khóc chưa có nước mắt, vừa khóc vừa cười, quần vá áo rách, ăn cái gì cũng biết ngon, chơi trò gì cũng thấy vui, vụt cái, như trăng lặn. Con gái lấy chồng, lạy xuất giá cứ khóc ngùi ngùi, chắc là tiếc nuối cái tuổi thơ đầy chim, đầy bướm và những cánh chuồn chuồn. Biết đi dọn vài cái đám cưới xóm giếng là đã thành chàng trai cô gái. Người ta, đặc biệt là những ông bà già, cứ coi cẳng coi giò mấy đứa nhỏ trong những ngày đám tiệc. Công dung ngôn hạnh là đây. Đàn ông con trai ”mười bảy bẻ gãy sừng trầu”, vai nở, lưng rộng, biết cày, biết cuốc, biết lo toan, biết lễ độ, biết nghĩa xóm tình làng, biết nghe “quốc sự”, biết “đem thân bảy thước tráng sơn hà” cũng từ đây. Rồi cúng đình, cúng miễu, cúng chùa. Bao nhiêu thứ làm nên ký ức, tâm hồn lũ trẻ ngoài chuyện ruộng nương, đồng bái, chòm riềng. Một trời tuổi thơ bịn rịn chia tay từng cô, từng cậu sau những nụ cười. Và cứ thế, người ta lớn lên, người ta trưởng thành, người ta để lại cái tuổi đẹp nhất đời người bên đầm sen, ruộng súng, mùa cấy, mùa gặt và mùa khói đốt đồng cay mắt gọi nhau...

        Một đêm tháng Mười nước nổi, chàng Bảy chống xuồng trên ruộng đi trể1 cá lòng tong, cá nhái, không biết động lòng trai trẻ thế nào, hay ma xui quỷ khiến, Bảy bèn cặp sát chiếc xuống của mình bên be xuồng của cô gái hôm nào khoanh tay xin lỗi rồi nhận được 5 đồng xu ăn bánh và bất thần phùng mang làm gió tắt đèn! Trời đang sáng bỗng tối đen như mực. Thổi đèn xong, Bảy thở hổn hển, còn cô gái cũng ngồi lặng thinh như chết ngồi, không nhúc nhích, cục kịch, vẫn chưa thấy anh chàng Bảy làm gì. Cô gái bỗng nhớ tới lời hứa làm vợ hôm nào. Chắc là anh ta đang muốn mình làm vợ ảnh đây. Và cô gái lại ngồi yên không nói năng gì. Chỉ có hơi thở là bắt đầu dồn dập. Mưa lích rích ngoài trời. Sao vẫn chưa thấy chàng Bảy động đậy gì. Cô gái nóng lòng chờ đợi. Cá ăn mống trên đồng kêu lùm tũm. Gió đồng tràng se sẽ từng cơn. Cô gái vẫn chờ. Vậy rồi thật là tai oái, thật là phũ phàng, anh chàng Bảy bất thần xô mạnh xuồng ra, chiếc xuồng trôi mỗi lúc một xa trong đêm tháng Mười trừ tịch. Không ngờ lúc đó, chính cái lúc mà mọi chuyện sắp đầu vào đấy, cái con Bé Ba oan nghiệt, oan gia kia lại thoáng hiện trong đẩu Bảy. Dường như nó đang cười, mới tức chứ?

        Vể đến nhà, chàng Bảy mới đấm đầu, bóp trán, tự trách mình:

        - Đồ ngu! Ngươi ta ngồi êm ru mà mình chẳng biết làm gì, chẳng biết nói gì... Trên trời dưới thế, chưa thấy thằng nào ngu như mình. Tức thiệt! Nhưng mà con Bé Ba chết tiệt kia, tại sao nó lại mò tới trong đẩu mình ngay lúc cấp bách ấy chớ? Thiệt là tức đến điên người được. 
Chẳng biết tâm sự với ai cái chuyện quá “lớn lao” vừa có được, Bảy bèn mang chuyện nói lại với ông anh Ba của mình.

        Ông anh Ba lại gặp ông già tía, nói rằng “Thằng Bảy nó đòi lấy vợ”. Ba cứ lấy vợ cho nó đi để nó ở nhà với ba má. Còn con, con theo Việt Minh. Mai mốt con lấy vợ “đời sống mới” sau cũng được. Thật là một công hai chuyện, vẹn cả đôi đường. Con muốn dừng cuộc hôn nhân mà má ba đã chọn vài năm...

        - Thằng Bảy là thằng Bảy, mầy là mẩy. Chuyện của người lớn chứ không của đám trẻ ranh tụi mẩy. Không dừng, không hẹn gì hết. Đi kiếm thằng Bảy về cho tao!?

        - Dạ... - thằng anh Ba của Bảy lấm lét bỏ đi, không dám nhìn lại.

        Lúc anh chàng Bảy đang tính “thua keo này bày keo khác” với cô em hàng xóm để đem chiến công mình mà khoe với thiên hạ thì... Hỡi ơi! Ông già tía lệnh cho Bảy phải cưới vợ vào đầu năm sau: bước qua 17 tuổi âm lịch (tính luôn cả tuổi trong bụng mẹ), 16 tuổi Tây! Trời ạ, thiện tai, thiện tai! Quýnh quáng cầu cứu ông anh Ba, không ngờ lại được nghe ông anh vỗ vai động viên, giọng thật nham hiểm:

        - Thì cưới cho nó xong cũng được chứ sao. Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên lấy chổng. Ai cũng phải đi vào con đường đó hết. Thôi chịu đi, cho ba má vui lòng.

        - Sao ba má không cưới cho anh mà cưới cho tui. Năm nay không phải anh đã hăm hai tuổi rồi đó sao? Không phải anh đã theo ba má đến coi mắt nhà người ta rồi đó sao?

        - Tao à... tao bận việc nước non... Tao muốn bên đàng gái, chỗ ổng bả đi hỏi, cho tao khất lại vài năm...

        - Ạ, vậy là anh lén ba má đi làm quốc sự phải không? Tui méc!

        - Không phải, tại tao lỡ miệng nói để chọc tức thằng em mầy chơi thôi. Tao chưa được tuổi, ông thầy coi tuổi nói vậy. Thôi, tao có việc phải đi đây. Cứ nghe lời ba má, sang năm vui cửa vui nhà...

-----------------------
        1. Trể: Một cách bắt cá của người dân Nam bộ.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM