Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:37:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 14749 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:51:14 pm »

     
ANH HÙNG LÊ KHƯƠNG

       

        Anh hùng Lê Khương sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Tịnh Bình, huyện Tịnh Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Đại đội phó Đoàn Không quân 935.

        Từ tháng 8 năm 1975 đến tháng 2 năm 1979, Lê Khương chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đánh 38 trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh trực tiếp cùng đơn vị diệt 8 sở chỉ huy Sư đoàn, Trung đoàn địch, 20 lần đánh trúng đội hình bộ binh địch, phá hủy 7 trận địa pháo 22 khẩu từ 82 đến 130 ly, 2 kho quân sự, 23 xe trong đó có 3 xe tăng, đánh chìm và đánh hỏng nặng 5 tàu chiến.

        Ngày 6 tháng 5 năm 1978, Lê Khương chỉ huy Biên đội sử dụng 4 máy bay F-5 ném bom bắn phá vào đội hình của một Tiểu đoàn địch ở khu vực Tà Nốt, Xa Mát (Tây Ninh).

        Trong hai ngày 3 và 4 tháng 7 năm 1978, Lê Khương đã 5 lần chỉ huy ở khu vực điểm cao 62 và 105 biên giới Tây Ninh, phá hủy 15 xe quân sự, diệt nhiều địch chi viện cho bộ binh, diệt và làm bị thương 400 tên địch, thu 10 tấn vũ khí.

        Từ ngày 24 tháng 7 đến 26 tháng 7 năm 1978, Lê Khương đã 4 lần chỉ huy Biên đội ném bom phá hủy 11 khẩu pháo 105 và 130 ly, nhiều xe vận tải chở đồ dùng quân sự và diệt hàng trăm tên địch.

        Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Lê Khương chỉ huy Biên đội bay thâp, bất ngờ đánh phá sân bay Pô chen tông, làm cho địch hốt hoảng bỏ chạy, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm sân bay này, thu 19 máy bay và nhiều xe đồ dùng quân sự, tạo thuận lợi cho liên quân Việt Nam - Campuchia tiến vào giải phóng Phnom Penh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Lê Khương được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN KHÁNG

       

        Anh hùng Nguyễn Văn Kháng sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Huy, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy lái máy bay Phi đội 2, Đoàn Không quân 394.

        Từ tháng 5 năm 1978 đến tháng 1 năm 1979, Nguyễn Văn Kháng đã đánh 45 trận, cùng Biên đội diệt, làm bị thương gần 400 tên địch, phá hủy 6 xe Ml13, 12 súng 12, 7 ly và 2 pháo 40 ly, phá hủy nặng căn cứ hậu cần ở Tây Bắc Xvây-riêng, nhiều trận địa pháo trên cảng Công Pông Xom, diệt nhiều cụm hỏa lực địch trên đảo Cô-công. Riêng Kháng đánh chìm, đánh hỏng nặng ba tàu trên sông Mê Kông (đoạn qua tỉnh Công Pông Chàm), phá hủy 5 xe vận tải, 2 trận địa pháo và diệt nhiều tên địch.

        Ngày 6 tháng 5 năm 1978, Nguyễn Văn Kháng ném bom và bắn nhiều loại đạn vào đội hình một Tiểu đoàn địch, bẻ gãy cuộc càn quét của chúng ở vùng Tà Nốt, Xa Mát (Tây Ninh).

        Ngày 26 tháng 5 năm 1978, một Sư đoàn địch ở khu vực Prây-viêng định đánh sang biên giới nước ta. Nguyễn Văn Kháng đã cùng Biên đội xuất kích ba lần, kết quả anh đã cùng Biên đội diệt hàng trăm tên địch, phá hủy 1 xe Ml13, 12 súng 12,7 ly, 2 pháo 105 ly.

        Ngày 26 tháng 9 năm 1978, Nguyễn Văn Kháng cùng Biên đội ném bom diệt 3 trận địa pháo và bắn súng cối. Ngày 3 tháng 1 năm 1979, Kháng cùng Biên đội ném bom, bắn phá trúng trận địa pháo, bãi đỗ xe thị trấn Niếc Lương, khi quay về đồng chí đánh trúng 1 phà, 1 tàu địch.

        Ngày 15 tháng 1 năm 1979, trận đánh ở đảo Cô-công, Nguyễn Văn Kháng cùng Biên đội đã phá hủy 3 trận địa pháo, đánh chìm 1 tàu chiến của địch.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Văn Kháng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 06:31:37 am »

     
ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN PHI HÙNG

       

        Anh hùng Nguyễn Phi Hùng sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở Thọ Nam, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Trung đội trưởng lái máy bay thuộc Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Nguyễn Phi Hùng đã tham gia chiến đấu ở các đơn vị 919, 910, 923 cùng đồng đội chiến đấu 26 trận, trực tiếp bắn rơi 5 máy bay Mỹ (gồm 2 chiếc F-4, 2 chiếc F-105, 1 chiếc F-8).

        Ngày 19 tháng 11 năm 1967, Nguyễn Phi Hùng cùng Biên đội bí mật di chuyển đội hình từ sân bay Gia Lâm - Hà Nội, xuống sân bay Kiến An — Hải Phòng phục kích đánh địch. Địch huy động 20 máy bay cường kích A-4 và 6 chiếc tiêm kích F-4 yểm hộ nhau đánh ở Hải Phòng. Biên đội của Hùng 4 chiếc được lệnh xuất kích, chúng hoàn toàn bị bất ngờ khi Biên đội của ta nhử bám được mục tiêu, Nguyễn Phi Hùng công kích và bắn một loạt đạn hạ tại chỗ 1 chiếc F-4 của địch. Trong vòng ba phút cả Biên đội bắn hạ 3 chiếc, làm tan tác đội hình của chúng. Biên đội của Nguyễn Phi Hùng trở về sân bay an toàn. Đây là một trận đánh có hiệu suất cao, bằng chiến thuật cơ động phục kích của Không quân ta.

        Tháng 7 năm 1968, Trung đoàn tranh thủ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, khắc phục khó khăn, cơ động Lực lượng vào các sân bay Quân khu 4 đánh địch đế bảo vệ đường giao thông chiến lược.

        Ngày 9 tháng 7 năm 1968, trong trận chiến đấu với máy bay địch ở vùng trời Hà Tĩnh, sau khi bắn rơi 1 chiếc F-8 của địch, Nguyễn Phi Hùng đã anh dũng hi sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Phi Hùng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ QUANG TRUNG

       

        Anh hùng Lê Quang Trung sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Đoàn Không quân 925.

        Lê Quang Trung được tuyển vào Không quân năm 1956. sau đó được cử đi học lái máy bay ở Trung Quốc, anh đã tích cực rèn luyện đạt kết quả tốt.

        Đồng chí Lê Quang Trung đã trực tiếp bắn rơi 5 máy bay Mỹ.

        Năm 1969, Lê Quang Trung được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Đoàn 925 - là Đơn vị Không quân tiêm kích chuyển từ nước bạn về. Trung đoàn được trang bị máy bay Mig-19 và MiG-17.

        Trong khi đó số phi công ít nên số anh em học lái MiG-21 ở Liên Xô và MiG-17 ở Đoàn 910 về phải huấn luyện chuyển loại. Lê Quang Trung đã tổ chức huấn luyện bay kèm, bay trong các điều kiện, đồng thời cho máy bay thực tế theo nhiệm vụ. Trong một thời gian ngắn, Trung đoàn đã nhanh chóng bước vào chiến đấu với 19 phi công Mig l9 và 4 phi công MiG-17, có thể trực ban chiến đấu tốt. Trong một năm xây dựng chiến đấu, Trung đoàn đã bắn rơi 9 máv bay Mỹ.

        Ngày 6 tháng 4 năm 1970, Lê Quang Trung đã hi sinh trong lần bay huấn luyện ở sân bay Yên Bái. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho bộ đội Không quân, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến. Lê Quang Trung thể hiện tốt trên cả ba mặt, chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay địch. Phẩm chất và lối sông trong sạch, được đồng đội tin yêu mến phục.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trung đoàn được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Quang trung được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 06:35:41 am »


ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN BẢY (B)



        Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (tức Nguyễn Văn Bảy B) sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở Hưng Mỹ, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Khi hi sinh, đồng chí là đảng viên, Trung úy, chiến sĩ lái máy bay thuộc Đại đội 4, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Nguyễn Văn Bảy là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1965, anh nhập ngũ và được cử đi lái máy bay ở Liên Xô cũ. Năm 1968 về nước, anh được điều về Đoàn Không quân Yên Thế, trước tình hình phải tìm phương án đánh địch trên biển, Trung đoàn đã cơ động vào sân bay Khe Cát, Nguyễn Văn Bảy là một trong số những phi công đầu tiên được cử làm nhiệm vụ dùng máy bay MiG-17 ném bom tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ.

        Sáng ngày 19 tháng 4 năm 1972, Biên đội của Lê Xuân Dỵ số 1 và Nguyễn Văn Bảy số 2 trực ban chiến đấu. 9 giờ 30 phút, phát hiện 3 chiếc tàu địch nhưng do trời mù, tầm nhìn hạn chê nên sở chỉ huy chưa cho cất cánh. 16 giờ 5 phút, Biên đội được lệnh cất cánh, hai máy bay cách bờ biển khoảng 10 ki-lô-mét thì vòng phải. Được sở chỉ huy thông báo tàu địch nằm chếch hướng Nam 15 độ, Biên đội phát hiện được mục tiêu, cắt 4 quả bom làm hai tàu khu trục bốc cháy và hỏng nặng, trong đó tàu Hegbee bị hỏng rất nặng, khiến cho tàu địch phải lùi xa, ngừng pháo kích vào đất liền. Trận đánh có ý nghĩa lớn, lần đầu tiên Không quân tiêm kích của ta đánh bị thương tàu khu trục Mỹ trên biển Đông. Trận đánh đã mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân Nhân dân Việt Nam.

        Ngày 6 tháng 5 năm 1972, trong trận không chiến với Không quân, Hải quân Mỹ tại vùng trời Thanh Hóa, sau khi bắn rơi 1 chiếc A-6 của Mỹ, Nguyễn Văn Bảy đã anh dũng hy sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Bằng khen, 3 Giấy khen. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Bảy được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ VŨ XUÂN THIỀU

         

        Anh hùng Vũ Xuân Thiều sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Đoàn Không quân 937, Đoàn 371.

        Trung tuần tháng 12 năm 1972, Đế quốc Mỹ mở rộng tập kích quy mô lớn bằng máy bay B52 vào thành phố Hà Nội và Hải Phòng, Vũ Xuân Thiều cùng đồng đội quyết tâm diệt B52. Để đánh chắc thắng, anh đề xuất phương án công kích gần mặc dù có khả năng nguy hiểm cho cả máy bay lẫn người lái.

        Ngày 28 tháng 12 năm 1972, Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy - Thanh Hóa, được sở chỉ huy dẫn vòng phía sau đội hình máy bay địch đến vùng trời Sơn La, sau khi vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích, bảo vệ máy bay B52, Vũ Xuân Thiều phát hiện được mục tiêu, anh bắn trúng chiếc B52 của địch bốc cháy. Vì cự ly quá gần, Vũ Xuân Thiều đã không kịp thoát ly và anh dũng hy sinh.

        Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi máy bay B52 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh lên, ghi một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội Không quân.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Vũ Xuân Thiều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 06:37:50 am »


ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ HỐNG THỊNH

         

        Anh hùng Lê Hồng Thịnh sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Sĩ quan điều khiển kiêm trưởng xe điều khiển Đại đội 1, Tiểu đoàn Tên lửa 81, Trung đoàn Tên lửa 238, Đoàn Phòng không 363.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đến tháng 7 năm 1967 đồng chí Lê Hồng Thịnh là sĩ quan điều khiển, kiêm trưởng xe điều khiển Đại đội 1, Tiểu đoàn Tên lửa 81, Trung đoàn tên lửa 238 Quân chúng Phòng không - Không quân, đã tham gia chiến đấu 23 trận ở nhiều tỉnh trên miền Bắc, cùng kíp chiến đấu bắn rơi 17 máy bay Mỹ (có 13 chiếc rơi tại chỗ).

        Ngày 5 tháng 10 năm 1965, tại La Khê (Quảng Ninh) đồng chí Lê Hồng Thịnh đánh 2 trận, bắn rơi 3 máy bay A-4, bảo vệ Nhà máy điện Uông Bí.

        Ngày 14 tháng 9 năm 1966 tại trận địa xã Hưng Dũng (Nghệ An), đồng chí cùng kíp chiến đấu bắn rơi tại chỗ 2 chiếc máy bay AD-6, đây là chiếc máy bay thứ 99 và 100 của thành phố Vinh (được Bác Hồ gửi thư khen).

        Ngày 10 tháng 5 năm 1967, tại Cồn Tiên (Vĩnh Linh), bằng 4 quả đạn đồng chí cùng kíp trắc thủ bắn rơi 2 máy bay F-4, đây là chiếc máy bay thứ 100 và 101 của Vĩnh Linh.

        Ngày 6 tháng 7 năm 1967, tại Nông Trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), khi đang điều khiển tên lửa, địch đánh vào trận địa, đồng chí Lê Hồng Thịnh bị thương nặng, vẫn bình .tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu, bám sát địch chính xác bắn rơi 2 máy bay F-105 tại chỗ. Khi trận đánh kết thúc, đồng chí Lê Hồng Thịnh hi sinh bên tay quay điều khiển tên lửa.

        Đồng chí Lê Hồng Thịnh hi sinh là tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thành tích của đồng chí đã góp phần quan trọng trong thành tích chung của Tiểu đoàn. Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ mẫu mực, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn nêu cao phẩm chất cách mạng của người đảng viên cộng sản, luôn gần gũi quần chúng, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, giữ gìn tốt mới quan hệ đoàn kết quân dân.

        Lê Hồng Thịnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20 tháng 12 năm 1994.

ANH HÙNG LIỆT SĨ HÀ VĂN CHÚC

         

        Anh hùng Hà Văn Chúc sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Đại đội phó lái máy bay, thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Từ một chiến sĩ cao xạ đi học lái máy bay năm 1964, Hà Văn Chúc tốt nghiệp về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 1, Đoàn Không quân Sao Đỏ. Được giao nhiệm vụ làm cán bộ Đại đội, anh xây dựng đơn vị vừa làm huấn luyện, vừa trực tiếp chiến đấu và lập công xuất sắc.

        Ngày 3 tháng 1 năm 1968, giặc Mỹ sử dụng 36 chiếc máy bay cường kích và tiêm kích từ Sơn La vào đánh Hà Nội. Hà Văn Chúc được lệnh xuất kích tốp F-105 của địch vòng lại đón đầu, anh nhanh chóng cho máy bay vọt lên, nhìn trái thấy một tốp F-105 khác, Hà Văn Chúc cho máy bay bổ nhào, do động tác quá mạnh, máy bay không bám được mục tiêu. Anh phát hiện 8 chiếc F-105 ở hướng Tam Đảo, được lệnh Hà Văn Chúc cho máy bay hướng thẳng vào chiếc F-105 chính giữa và phóng tên lửa. Chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy, đội hình máy bay địch bị rối loạn, không thực hiện được ý đồ vào đánh phá khu vực Hà Nội, máy bay của Hà Văn Chúc hạ cánh an toàn.

        Ngày 14 tháng 1 năm 1968, Hà Văn Chúc cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F-105 của Không quân Mỹ trên vùng trời huyện Sơn Dương. Trong chiến đấu, máy bay của anh bị trúng đạn, Hà Văn Chúc bị thương nặng phải nhảy dù.

        Ngày 19 tháng 1 năm 1968, anh đã hi sinh tại Quân y viện 108. Anh đã góp phần xây dựng Đại đội 1 Không quân 2 lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Hà Văn Chúc được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 06:39:37 am »


ANH HÙNG LIỆT SĨ NGÔ ĐỨC MAI


        Anh hùng Ngô Đức Mai sinh năm 1938, quê ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Khi hi sinh, đồng chí là đảng viên, thượng úy Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Ngô Đức Mai được chọn đi học lái máy bay. Năm 1965 anh về nước và tham gia chiến đấu. Trong 3 năm từ (1965 năm 1967), Ngô Đức Mai đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi 3 máy bay của Không quân Mỹ gồm 2 chiếc F-4 và 1 chiếc A-4D.

        Ngày 4 tháng 2 năm 1966, Ngô Đức Mai cùng Biên đội xuất kích trên vùng trời Yên Bái, Phú Thọ với 3 loạt đạn ngắn, anh đã bắn tan xác chiếc F-4 của Không quân Mỹ. Trên đường trở về căn cứ, Biên đội phát hiện máy bay địch bám theo. Được sự yểm hộ của đồng đội, Ngô Đức Mai quay trở lại đánh địch, buộc chúng phải sợ hãi bỏ chạy. Gần đến sân bay, đồng hồ báo hết dầu, anh tìm mọi cách hạ cánh an toàn, bảo vệ máy bay. Đây là trận mang tính truyền thống của Đoàn Không quân Yên Thế — đánh thắng trận đầu và đã ra quân là chiến thắng.

        Ngày 14 tháng 7 năm 1966, Ngô Đức Mai bay trong Biên đội 2 chiếc chiến đấu với 12 máy bay A-4D của Không quân Mỹ trên bầu trời Hải Dương. Anh cùng đồng đội công kích 2 chiếc máy bay địch (có chiếc thứ 1200 bị bắn rơi trên miền Bắc).

        Ngày 12 tháng 5 năm 1967, trong Biên đội 4 chiếc chiến đấu với 20 máy bay địch (gồm cả F-4 và F-105) trên bầu trời Hà Nội, Ngô Đức Mai cùng đồng đội bắn rơi 3 chiếc.

        Ngày 3 tháng 6 năm 1967, trong khi chiến đấu với máy bay địch trên vùng trời Hà Bắc, Ngô Đức Mai đã anh dũng hi sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Ngô Đức Mai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ MINH HUÂN

         

        Anh hùng Lê Minh Huân sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Hải, huyện Tình Gia tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, Trung úy, Trung đội trưởng Đại đội 1, Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Lê Minh Huân vào bộ đội năm 17 tuổi, tham gia kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, do yêu cầu xây dựng Không quân, đồng chí được cử đi học lái máy bay. Mặc dù văn hóa thấp, tiếp xúc với khoa học - kỹ thuật mới nhưng Lê Minh Huân đã khắc phục khó khăn, miệt mài học tập, chịu khó rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm chủ được trang bị. Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng Không quân đổi với miền Bắc, đồng chí cùng đơn vị tích cực học tập, xây dựng quyết tâm cao, cùng nhau bàn bạc trao đổi cách đánh trong điều kiện máy bay của ta có tốc độ chậm, so với máy bay địch còn nhiều hạn chế.

        Ngày 4 tháng 4 năm 1965, Lê Minh Huân được lệnh cùng đồng đội xuất kích đánh địch trên bầu trời Hàm Rồng - Thanh Hóa. Địch vào đông, hỏa lực mạnh, bay nhiều tầng. Nhất là chúng dùng loại F-105 “thần Sấm”. Với ý chí cao, Lê Minh Huân cùng đồng đội bay luồn lách, phá vỡ đội hình của chúng, chủ động và liên tục tiến công địch. được đồng đội yểm hộ, đồng chí đã bắn rơi 1 chiếc F-105, nhưng do địch quá đông, hỏa lực mạnh, máy bay đồng chí bị trúng đạn. Lê Minh Huân đã anh dũng hy sinh. Chiến công bắn rơi chiếc F-105 của Mỹ ngày 4 tháng 4 năm 1965 đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội Không quân Nhân dân Việt Nam, góp phần hạ uy thế của Không quân Mỹ những ngày đầu khi chúng xâm phạm bầu trời Tổ quốc.

        Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Lê Minh Huân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2019, 06:41:41 am »


ANH HÙNG LIỆT SĨ VÕ VĂN MẪN

         

        Anh hùng Võ Văn Mẫn sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Thọ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, Thượng úy, chiến sĩ lái máy bay thuộc Đại đội 1, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Võ Văn Mẫn tập kết ra Bắc, tháng 2 năm 1959 đồng chí nhập ngũ vào Lực lượng Không quân, sau đó đồng chí được cử đi học lái máy bay ở nước ngoài. Tháng 9 năm 1965, đồng chí về nước đúng lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng Không quân đối với miền Bắc. Võ Văn Mẫn luôn thể hiện tinh thần anh dũng, có những trận đánh tác dụng lớn về mặt chiến thuật và tư tưởng. Đồng chí đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, đồng thời yểm hộ cho đồng đội bắn rơi nhiều chiếc khác.

        Ngày 19 tháng 7 năm 1966, Võ Văn Mãn cùng Biên đội chiến đấu trên vùng trời Vĩnh Phú, bắn rơi 2 máy bay F-105 (riêng đồng chí bắn rơi 1 chiếc).

        Ngày 5 tháng 9 năm 1966, Võ Văn Mẫn chiến đấu trên vùng trời Nam Định, diệt gọn một tốp 2 chiếc F-8 (rơi tại chỗ), riêng đồng chí bắn rơi 1 chiếc.

        Ngày 16 tháng 9 năm 1966, Võ Văn Mẫn cùng Biên đội chiến đấu với 30 máy bay địch, bắn rơi 6 chiếc, riêng đồng chí bắn rơi 2 chiếc. Khi máy bay của đồng đội bị trúng đạn phải nhảy dù, Võ Văn Mẫn quần vòng với địch, bảo vệ đồng đội nhảy dù an toàn. Mặc dù máy bay bị thương, đồng chí vẫn lái về hạ cánh an toàn.

        Ngày 14 tháng 5 năm 1967, Võ Văn Mãn cùng Biên đội đánh chặn địch, do Lực lượng của chúng quá đông, sau khi bắn bị thương 1 chiếc F-4, đồng chí bị trúng đạn, anh dũng hi sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Võ Văn Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ HOÀNG VĂN KỶ

         

        Anh hùng Hoàng Văn Kỷ sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi hi sinh, đồng chí là đảng viên, trung úy, chiến sĩ lái máy bay chiến đấu ở Đại đội 1, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Hoàng Văn Kỷ là chiến sĩ lái máy bay chiến đấu, được đào tạo ở Liên Xô từ tháng 2 năm 1962 đến tháng 10 năm 1964 thì về nước. Đồng chí đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, linh hoạt táo bạo, lập công xuất sắc, 4 lần nổ súng là 4 lần rơi máy bay địch. Một số trận tiêu biểu:

        - Ngày 20 tháng 9 năm 1966, Hoàng Văn Kỷ đã cùng Biên đội bắn rơi 2 chiếc F-105 của Mỹ ở vùng trời Thái Nguyên (riêng đồng chí bắn rơi 1 chiếc).

        - Ngày 5 tháng 2 năm 1967, Hoàng Văn Kỷ cùng Biên đội chiến đấu với Không quân Mỹ trên vùng trời Xuân Mai, trong trận này, đồng chí bắn rơi 1 chiếc F-4 của Mỹ.

        - Ngày 25 tháng 4 năm 1967, Hoàng Văn Kỷ cùng Biên đội đánh chặn quân địch trên vùng trời Kiến An - Hải Phòng đã phải đối đầu với 16 máy bay F-105 của Mỹ, đồng chí đã yểm hộ cho đồng đội bắn rơi máy bay địch. Khi máy bay của Kỷ bị thương, đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ Biên đôi bạn cùng trở về hạ cánh an toàn.

        - Đặc biệt là ngày 12 tháng 5 năm 1967, Biên đội Hoàng Văn Kỷ phải đối đầu với 20 máy bay địch, các đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và mưu trí bắn rơi tại chỗ 3 máy bay Mỹ (2 F-4, 1 F-105).

        - Ngày 5 tháng 6 năm 1967, Hoàng Văn Kỷ đã anh dũng hi sinh trong khi chiến đấu với máy bay Mỹ trên vùng trời Vĩnh Phú.

        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Hoàng Văn Kỷ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 09:25:15 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ PHAN VĂN TÚC

         

        Anh hùng Phan Văn Túc sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, Đại úy Đại đội phó Đại đội 1, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Phan Văn Túc được đào tạo lái máy bay, chiến đấu ở nước ngoài. Tháng 7 năm 1963, đồng chí về nước lái máy phản lực MiG-17, Phan Văn Túc tích cực học tập làm chủ khoa học kỹ thuật, trong trận chiến đấu ngày 3 tháng 4 năm 1965, Phan Văn Túc đã cùng các đồng chí Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương xuất kích bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ trên vùng trời Hàm Rồng (Thanh Hóa), riêng đồng chí đã bắn rơi 1 chiếc.

        Phát huy thắng lợi, ngày 4 tháng 4 năm 1965, Phan Văn Túc cùng Biên đội MiG-17 của các đồng chí Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Long xuất kích bắn rơi 2 máy bay F-105 của Không quân Mỹ, trên vùng trời Hàm Rồng. Chiến công xuất sắc trong 2 ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 có ý nghĩa to lớn, bộ đội Không quân non trẻ của ta đã đánh thắng Không quân Mỹ, cổ vũ bộ đội Không quân (đã xuất kích là đánh thắng) .

        Trận ngày 21 năm 1966, Phan Văn Túc cùng Biên đội bắn rơi 2 chiếc F-8 tại Kép (Hà Bắc) trong đó đồng chí bắn rơi 1 chiếc. Trận ngày 29 tháng 6 năm 1966, Phan Văn Túc cùng Biên đội đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F-105 trên vùng trời Bắc Thái.

        Ngày 21 tháng 12 năm 1967, Phan Văn Túc đã anh dũng hi sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Phan Văn Túc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN THẾ HÙNG

         

        Anh hùng Nguyễn Thế Hùng sinh năm 1945, dân tộc Kinh quê ở xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, trung úy lái máy bay chiến đấu ở Đại đội 4, Đoàn Không quân 937.

        Nguyễn Thê Hùng là phi công tiêm kích MiG-17. Tháng 2 năm 1975 đồng chí được chuyển loại máy bay A-37 của Mỹ do ta thu được. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Thế Hùng đã làm chủ được loại máy bay này. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng chí đã tham gia 9 trận, phá hủy nhiều trận địa pháo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch chi viện đắc lực cho bộ binh.

        Trận ngày 29 tháng 9 và 1 tháng 10 năm 1977, Nguyễn Thế Hùng cùng Biên đội xuất kích ném bom bắn phá tiêu diệt hoàn toàn một trận địa pháo, khu kho hậu cần của địch, tạo điều kiện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.

        Ngày 1 tháng 10 năm 1977, Nguyễn Thế Hùng và Tạ Đông Trung cùng trên một chiếc A-37 (hai người lái) sau khi cắt loạt bom vào đội hình địch , các đồng chí hạ thấp độ cao đế cắt tiếp loạt bom thứ hai thì máy bay trúng đạn bốc cháy, Nguyễn Thế Hùng và Tạ Đông Trung buộc phải nhảy dù trên đất địch, quân địch bao vây định bắt sống, các đồng chí đã dùng súng ngắn và dao găm diệt một số tên và anh dũng hi sinh.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Nguyễn Thế Hùng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 09:27:09 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ TRỌNG HUYÊN

         

        Anh hùng Lê Trọng Huyên sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, thiếu tá, Trung đoàn phó Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Cuối năm 1953, Lê Trọng Huyên nhập ngữ là chiến sĩ Tiểu đoàn 329, Sư đoàn 320. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, anh về Không quân và được cử đi học lái máy bay tại Trung Quốc. Năm 1963 về nước, trong tình hình nhiệm vụ mới, Lê Trọng Huyên cùng anh em nghiên cứu cách đánh mới phù hợp với tính năng tác dụng kỹ thuật chiến thuật của MiG-21. Anh vận dụng tốt phương pháp chủ động đánh chặn từ xa, đánh địch trên đường thẳng không phải quần vòng. Với cách đánh này Lê Trong Huyên đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, cùng Biên đội bắn rơi nhiều chiếc khác.

        Ngày 21 tháng 9 năm 1966, trên vùng trời Lục Ngạn - Hà Bắc , anh cùng Biên đội bắn rơi 1 chiếc F-105 của Mỹ.

 Ngày 2 tháng 12 năm 1966, trên vùng trời Hà Nội được đồng đội yểm trợ, Lê Trọng Huyên bắn rơi 1 chiếc F-105.

        Tháng 12 năm 1966, Mỹ đánh dồn dập Hà Nội. Cách đánh thọc sâu vào đội hình lớn của địch, đánh nhanh rút nhanh của MiG-21 được hình thành.

        Ngày mùng 5 và 13 tháng 12 năm 1966, trên vùng trời Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Lê Trọng Huyên và Biên đội đánh 2 trận, bắn rơi hai chiếc. Ngày 30 tháng 4 năm 1967, máy bay Mỹ vào khá đông, Biên đội Huyên - Đỉnh xuất kích chỉ sau ít phút, các anh bắn rơi 2 chiếc F-105, phá tan ý định tìm kiếm phi công của chúng.

        Tháng 5 năm 1967, Biên đội Huyên - Song bắn rơi 1 chiếc F-105. Ngày 11 tháng 7 năm 1967, hai anh Huyên -  Song bắn rơi 1 chiếc F-4 của Mỹ.

        Ngày 3 tháng 3 năm 1972, anh đã hi sinh trong một tai nạn tại Nghệ An.

        Đồng chí được tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, ngày 28 tháng 4 năm 2000, Lê Trọng Huyên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THOA

         

        Anh hùng Nguyễn Văn Thoa sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vinh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thượng sĩ, xạ thủ A.72, Đại đội 3, Tiểu đoàn 172, Đoàn Phòng không 367.

        Hơn 3 năm chiến đấu cực kỳ khó khăn gian khổ ác liệt. Đi phối thuộc bảo vệ bộ binh. Đồng chí Nguyễn Văn Thoa đã tham gia 6 chiến dịch lớn, chiến đấu đạt hiệu xuất cao. Dũng cảm kiên cường, bị thương không ròi trận địa, đồng chí đã lập công xuất sắc: sử dụng 18 quả đạn tên lửa tầm thấp A.72 bắn rơi 13 máy bay các loại của Mỹ - Ngụy (3 máy bay trinh sát L.19; 4 máy bay trực thăng chiến đấu HU.1A; 2 máy bay vận tải đổ quân CH.54; 2 máy bay ném bom AD.6; 2 máy bay vận tải hạng nặng C.130).

        Giữa năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị của đồng chí có nhiệm vụ bắn máy bay trên không của Mỹ -  ngụy, để bộ binh ta chốt chặn, vây ép không cho địch cứu viện về giải toả thị xã Bình Long. Trên quốc lộ 13 miền Đông Nam Bộ, trong một trận đánh bằng 3 quả đạn đồng chí đã bắn rơi 3 máy bay, trong đó có 2 chiếc máy bay trực thăng HU.1A và 1 máy bay trinh sát L.19, góp phần ngăn chặn được bộ binh địch đến giải toả thị xã Bình Long.

        Trận đánh tháng 1 năm 1973, với tinh thần dũng cảm, mưu trí không sợ hi sinh đồng chí bám sát địch và với 2 quả đạn đã bắn rơi 2 máy bay (1HU.1A, 1L.19) bắt sông 1 phi công, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị, không cho địch giành dân, chiếm đất tại chốt Tông Lê Chân.

        Trận đánh tháng 3 năm 1973, tại khu vực suối Đá và núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh, bằng 3 quả đạn đồng chí đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc CH.54 của Mỹ, trên máy bay chở 200 quân tiếp viện cho núi Bà Đen bị tiêu diệt hoàn toàn.

        Trong trận đánh tại chốt Đức Hoà - Đức Huệ, để bảo vệ lực lượng bộ binh tấn công chốt, đồng chí bắn 3 quả đạn diệt 2 máy bay AD.6 đang bổ nhào ném bom vào trận địa bộ binh ta.

        Trong trận chiến đấu tại thị xã Mộc Hoá (tỉnh Kiến Tường) đồng chí đã bắn rơi 2 máy bay (1 C.130, 1 HU.1A) bằng 3 quả đạn A-72. Kết thúc trận đánh, địch cho máy bay trực thăng đến bao vây trận địa và bắn rốc két để trả đũa, đồng chí bị thương vào sọ não đã được đưa đi cấp cứu.

        Mặc dù vết thương chưa ổn định, mảnh đạn còn trong đầu, nhưng do yêu cầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí xin tiếp tục trở lại đơn vị chiến đấu và đồng chí cùng với biệt động thành Sài Gòn làm nhiệm vụ luồn sâu, ém sẵn chờ thời cơ nổ súng, để bảo vệ cho bộ binh cơ giới đánh chiếm chốt Tân Thới Hiệp sát quốc lộ 13; đồng thời không chế máy bay địch lên xuống tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là trận đánh vào lúc 9 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 đồng chí cùng với đơn vị biệt động thành Sài Gòn luồn sâu, ém sẵn bắn rơi tại chỗ 1 chiếc C.130 trước cửa ngõ Sài Gòn trước giờ giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

        Trong suốt quá trình tham gia công tác, dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn khắc phục mọi khó khăn rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn nêu cao và giữ vững được phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên.

        Ngày 8 tháng 11 năm 2000, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 09:28:43 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ VŨ QUANG TRUNG

         

        Anh hùng Vũ Quang Trung sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 86, Trung đoàn Tên lửa 274, Đoàn Phòng không 377.

        Đồng chí Vũ Quang Trung đã liên tục tham gia chiến đấu cùng Tiểu đoàn 86 Trung đoàn 274 Tên lửa Phòng không. Ngay từ ngày Trung đoàn 274 ra quân chiến đấu 6 năm 1966 đến ngày hi sinh 1 tháng 7 năm 1972. Đã cùng Tiểu đoàn 86 bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 2B52.

        Khi chiến đấu ở Hà Nội đồng chí Vũ Quang Trung là một cán bộ luôn tích cực học hỏi, suy nghĩ sáng tạo, là một sĩ quan điều khiển giỏi. Vào chiến trường từ giữa năm 1971 với cương vị Tiểu đoàn phó đồng chí tham gia chiến dịch Quảng Trị.

        13 giờ 58’ ngày 4 tháng 4 năm 1972 đồng chí là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 86, chỉ huy đơn vị chiến đấu đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B52. Đây là chiếc B52 đầu tiên do Trung đoàn Tên lửa 274 bắn rơi. Chiến công này đã góp phần vào kho tàng kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội Tên lửa Phòng không trong đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc cuối tháng 12 năm 1972.

        21 giờ 18 phút ngày 19 tháng 6 năm 1972 tại trận địa Vạn Trạch, xã Lệ Ninh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đồng chí Vũ Quang Trung trực tiếp chỉ huy đơn vị bắn rơi thêm 1 máy bay B52. Sau chiến thắng Vạn Trạch Tiểu đoàn 86 cơ động về phục kích đánh địch ở Ba Dốc gần sân bay Đồng Hới.

        17 giờ 30 phút ngày 1 tháng 7 năm 1972 địch ném bom vào trận địa làm hỏng 1 xe, 1 bệ và 1 đạn, 1 số xe bị hỏng nhẹ. Đồng chí Vũ Quang Trung đã anh dũng hi sinh trong trận chiến đấu này.

        Đồng chí Vũ Quang Trung luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi ở chiến trường luôn bận rộn và căng thẳng, đồng chí vẫn giữ nề nếp ghi chép nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua từng trận đánh. Có tác phong chỉ huy sâu sát tỷ mỷ, tính tình cởi mở, chân thành, luôn được đồng đội yêu mến. Là tấm gương mẫu mực cho toàn Trung đoàn.

        Ngày 8 tháng 11 năm 2000, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG PHẠM MINH THƯ

         

        Anh hùng Phạm Minh Thư sinh năm 1955, quê ở thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí là đảng viên, trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật bay Sân bay Pleiku, Đoàn Không quân 372.

        Được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy Sân bay Pleiku từ những ngày đầu tiên mới tiếp quản sau chiến thắng 1975, Phạm Minh Thư đã cùng Tiểu đoàn của mình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm bay cho các đơn vị trong Quân chúng Phòng không - Không quân thực hành chiến đấu ở biên giới Tây Nam, chiến trường Campuchia, bay huấn luyện, bay phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm kiểm tra địa bàn Tây Nguyên...

        Phạm Minh Thư với trách nhiệm của người chỉ huy, đã vô cùng lo lắng về tình trạng bom mìn còn lại ở sân bay làm chết và bị thương nhiều người (trong đó có cả bộ đội và dân trong những năm 1977 - 1992). Năm 1992, anh cùng đồng đội thu gom, xử lý 10.005 quả, sau đó lại một mình thu được 7.192 quả, và các đồng chí khác thu được 352 quả bao gồm khác loại như bom Mk82, bom Blu/66B, bom bi, rổc két, đại cối và các loại mìn bộ binh khác.

        Trong hơn 10 năm, Phạm Minh Thư đã cùng đồng đội thu gom được 17.549 quả bom mìn các loại bảo đảm an toàn tuyệt đối. Năm 2004 được sự chi viện của trên, số bom mình này đã được hủy nổ an toàn tại sân bay Pleiku. Việc làm này đã giúp cho sân bay và dân cư quanh khu vực không còn bị một tai nạn nào. Sân bay Pleiku từ đó đến nay yên tâm làm rất nhiều nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

        Công tác tại đơn vị 26 năm, thì 21 năm Phạm Minh Thư là cán bộ Tiểu đoàn, trong đó có 17 năm là Tiểu đoàn trưởng. Anh luôn tích cực chủ động và chịu khó trong tổ chức chỉ huy và điều hành nhiệm vụ, để cao trách nhiệm, toàn tâm toàn ý xây dựng đơn vị, chăm lo cho bộ đội.

        Đồng chí được tặng thưởng 11 danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, 5 Bằng khen. Ngày 21 tháng 12 năm 2005, Phạm Minh Thư được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2019, 09:29:49 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ DƯƠNG VĂN THANH

         

        Anh hùng Dương Văn Thanh sinh năm 1958, dân tộc Kinh, quê ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi hi sinh đồng chí là đảng viên, Thượng tá phi công lái máy bay quân sự, thuộc Đoàn Không quân 910 - Trường Sĩ quan Không quân.

        Năm 1976 (18 tuổi) đồng chí trúng tuyển Phi công và được đào tạo lái máy bay tại Trường Sĩ quan Không quân (10 năm 1976- 12 năm 1981). Tốt nghiệp xuất sắc, đồng chí được giữ lại để đào tạo làm giảng viên bay tại Đoàn Không quân 910 - Trường Sĩ quan Không quân.

        Trải qua 29 năm phấn đấu, rèn luyện, đồng chí lần lượt được bổ nhiệm từ chức vụ Giảng viên bay kiêm Biên đội trưởng, đến Phó Phi đội trưởng, Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng - Tham mưu trưởng và Phó Trung đoàn trưởng huấn luyện - Trưởng ban Quân huấn (tháng 10 năm 2003); được thăng quân hàm sĩ quan từ Thiếu uý (1981) đến Thượng tá (9 năm 2003), được đào tạo qua Trường Sĩ quan Không quân và học viện Phòng không - Không quân với học hàm Cử nhân Khoa học Quân sự.

        Sống và làm việc trong môi trường sư phạm quân sự chính quy, mẫu mực, đồng chí Dương Văn Thanh là phi công có trình độ bay giỏi, đồng thời là người thầy gương mẫu, người cán bộ lãnh đạo chỉ huy có năng lực, trách nhiệm. Trên cương vị Phó Trung đoàn trưởng - Trưởng ban Quân huấn, công việc phức tạp, đồng chí có phương pháp làm việc khoa học, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi được giao chỉ huy Lực lượng cơ động huấn luyện bay trên máy bay L39 tại sân bay Nha Trang (từ tháng 3 năm 2004), đồng chí đã cùng các cán bộ cơ quan, đơn vị tổ chức tốt bay huấn luyện - đào tạo phi công mới, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu theo yêu cầu nhiệm vụ.

        Đặc biệt, ngày 29 tháng 4 năm 2005, là giảng viên trực tiếp kiểm tra, đồng chí đã cùng tập thể giảng viên và đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 100% chỉ tiêu và kế hoạch thả bay đơn cho học viên khoá 30. Nhưng một bất trắc xảy ra vào lúc 15 giờ 25 phút. Trong một chuyến bay huấn luyện chiến đấu cùng Biên đội, thực hiện nhiệm vụ ở độ cao thấp, máy bay của đồng chí đã đột ngột chết máy trên không. Phía trước là đảo Hòn Tre cao gần 500 mét. Đồng chí bình tĩnh quan sát, báo cáo về Sở chỉ huy và được phép nhảy dù thoát hiểm. Là người thầy có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm trong xử lý bất trắc, sau khi giữ tốt trạng thái máy bay, đồng chí đã lệnh cho phi công trẻ buồng lái sau nhảy dù. Còn lại một mình trên máy bay, độ cao đã quá thấp, phía trước dưới cánh máy bay là khu nghỉ mát khách sạn 5 sao của công ty du lịch Hòn Ngọc Việt (tỉnh Khánh Hoà) có hàng trăm phòng nghỉ với những dãy nhà cao tầng, hàng nghìn khách du lịch đang vui chơi, giải trí.

        Đồng chí Thượng tá Dương Văn Thanh đã dũng cảm hi sinh ngay trên vùng trời mà ở đó đồng chí gắn bó gần 30 năm với đồng đội, với những học viên phi công thân yêu và trường Sĩ quan Không quân. Đây là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng cho mọi người học tập và noi theo.

        Đồng chí đã được tặng thưởng: 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 03 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba); 01 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; 01 Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và nhiều Bằng khen, Giấy khen...

        Ngày 9 tháng 1 năm 2007, Dương Văn Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM