Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:14:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 14751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2019, 10:57:02 am »


ANH HÙNG PHẠM TUÂN



        Anh hùng Phạm Tuân sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5 máy bay tiêm kích MiG-21, Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Trong thời gian từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội. Phạm Tuân xung phong trực chiến liên tục, nhiều khi suốt cả ngày đêm. Đồng chí luôn chủ động xin được cất cánh, đánh máy bay B52 địch.

        Đêm 18 tháng 12 năm 1972, khi được lệnh cất cánh, mặc cho máy bay địch đang bắn phá sân bay, Phạm Tuân nhanh chóng vận động qua hố bom đến nơi để máy để lập tức cất cánh. Địch phóng tên lửa khi phát hiện máy bay của đồng chí bay lên. Bĩnh tĩnh tránh tên lửa địch, Phạm Tuân đến khu vực chiến đấu kịp thời. Khi được lệnh hạ cánh, máy bay địch vẫn đang đánh ở sân bay, hệ thống

        thông tin liên lạc đèn dấu, đường băng sân bay hỏng, đồng chí vẫn hạ cánh an toàn.

        Đêm 27 tháng 12 năm 1972, nhiều tốp B52 bay từ hướng Tây Bắc bay vào đánh phá Hà Nội, được lệnh cất cánh, Phạm Tuân nhanh chóng tiếp cận khu vực có máy bay địch xin công kích. Lúc này máy bay F-4 bay ở nhiều độ cao để bảo vệ B52 rất chặt chẽ. Đồng chí dũng cảm xông thẳng vào tốp B52, bắn hai quả tên lửa, hạ tại chỗ 1 chiếc B52 rồi trở về hạ cánh an toàn. Phạm Tuân luôn nghiên cứu rèn luyện nên đã lái thành thạo hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21 trong mọi điều kiện thời tiết.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 3 tháng 9 năm 1973, Phạm Tuân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN GIẰNG

         

        Anh hùng Nguyễn Văn Giằng sinh ngày 7 tháng 1 năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng sĩ, Trung đội trưởng Rađa, Đại đội 46, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn ra đa 293, Đoàn Phòng không 373).

        Từ năm 1968 đến năm 1972, đồng chí Nguyễn Văn Giằng làm trắc thủ ra đa phục vụ cho các Lực lượng Phòng không và Không quân chiến đấu. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu khó nghiên cứu học hỏi, nắm chắc phương tiện, khí tài, nên lần nào máy bay địch bay vào đồng chí cũng phát hiện nhanh, thông báo kịp thời, chính xác.

        Đồng chí Nguyễn Văn Giằng đã cùng kíp chiến đấu phát hiện được 1.500 lần tốp máy bay địch ở độ cao 200 đến 300 mét (độ cao rất khó phát hiện) và rút được nhiều kinh nghiệm tốt cho binh chủng về phát hiện và theo dõi máy bay địch ở độ cao thấp.

        Ngày 6 tháng 8 năm 1969, thời tiết xấu, mây nhiều, 1 máy bay C-130 mang 1 máy bay trinh sát không người lái từ biển vào; đồng chí phát hiện nó từ xa (170 ki-lô-mét) và luôn bám sát hướng, đường đi. Khi cách bờ biển Nam Hà 100 ki-lô-mét, chiếc C-130 thả chiếc máy bay không người lái bay vào. Đồng chí Nguyễn Văn Giằng kịp thời thông báo cho Lực lượng phòng không chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt, bắn rơi chiếc máy bay trinh sát. Từ đó giúp Trung đoàn rút được kinh nghiệm về cách đánh máy bay trinh sát không người lái do máy bay C-130 thả vào.

        Ngày 23 tháng 5 năm 1972, 32 lần chiếc máy bay địch ở nhiều hướng, nhiều độ cao thả nhiễu và vào đánh phá Hải Phòng. Do trình độ kỹ thuật giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, đồng chí đã theo dõi, bám sát mục tiêu từ xa 220 ki-lô-mét, thông báo số lượng, kiểu loại máy bay địch cho các đơn vị phòng không chiến đấu bắn rơi 4 máy bay địch.

        Ngày 11 tháng 7 năm 1972, 32 lần chiếc máy bay địch thả nhiễu dày đặc, vào đánh Hà Bắc, đồng chí theo dõi sát, thông báo kịp thời, chính xác cho các đơn vị chiến đấu tốt.

        Đồng chí Nguyễn Văn Giằng luôn tranh thủ mọi thời gian học tập, đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, sử dụng thành thạo khí tài, trang bị, phát hiện, bám sát máy bay địch trong nhiều tình huống phức tạp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        Ngày 3 tháng 6 năm 1973, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng:

        - 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì
        - 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba
        - 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
        - 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng;
        - 1 Huy hiệu Bác Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 10:49:38 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN CÔNG TƯỜNG

         

        Anh hùng Nguyễn Công Tường sinh ngày 10 tháng 1 năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở Thôn Tân Bình 1, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá. Khi được tuyên dương Anh hùng: Thượng sĩ, tiểu đội trưởng lái xe Đại đội 13, Tiểu đoàn 105, Trung đoàn pháo phòng không 280, Đoàn Phòng không 367.

        Từ năm 1964 đến năm 1972 đồng chí lái xe kéo pháo cao xạ cơ động trên nhiều khu vực địch đánh phá ác liệt (đường 12, 15, 16, 20 ...) và nhiều khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình (cũ). Trong điều kiện máy bay địch đánh phá ác liệt, đường hẹp, xe phần lớn đã chạy quá thời gian sử dụng, đồng chí vẫn kiên quyết bám xe, bám đường, kéo pháo, bảo đảm cho đơn vị chiến đấu tốt. Đồng chí đã đưa 724 lần khẩu pháo và 29 lần chuyến xe chở đạn vào trận địa an toàn.

        Đồng chí Nguyễn Công Tường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng, bảo quản, giữ gìn xe tốt, có trình độ sửa chữa giỏi. Hàng chục lần đồng chí đến nơi địch hay đánh phá, tháo phụ tùng ở những xe bị hỏng nặng, đưa về thay thế vào những bộ phận hư hỏng ở xe mình và xe đồng đội, 3 lần đồng chí nhận xe hỏng nặng chữa thành xe chạy tốt. Đồng chí đã lái 10 vạn ki-lô-mét an toàn trên nhiều đoạn đường xấu, địch đánh phá ác liệt

        Tháng 11 năm 1968, sau khi kéo pháo phục vụ đơn vị bắn rơi 2 máy bay Mỹ ở đường 20, địch đánh bom vào trận địa, một số pháo thủ bị thương. Mặc cho máy bay địch đang hoạt động, đồng chí dũng cảm lái xe chở thương binh về viện quân y an toàn. Sau đó đồng chí lại đưa xe về trận địa kéo pháo đi nơi khác.

        Tháng 4 năm 1969 khi kéo pháo đến trọng điểm Phu La Nhích (đường 20), địch đánh bom, xe cháy 2 lốp sau, đồng chí bình tĩnh dùng mọi phương tiện dập lửa, cứu xe, cứu pháo.

        Tháng 11 năm 1971, Đồng chí bị đau khớp và sốt rét nặng, đang điều trị ở viện thì được tin đơn vị đi chiến đấu, tuy sức khoẻ chưa hồi phục, đồng chí vẫn xin ra viện sớm. về đơn vị, thấy có một xe cũ, hỏng nhiều bộ phận, đồng chí tích cực tìm phụ tùng thay thế, sửa chữa và chỉ sau 2 ngày đã chữa xong chiếc xe, kịp thời đưa pháo vào chiến trường.

        Ngày 16 tháng 4 năm 1972 ở ấp Ca Lu (Quảng Trị) địch pháo kích làm xe hỏng két nước, cháy lốp xe, đồng chí nhanh chóng đi kiếm phụ tùng về sửa chữa, thay thế. Nhờ chữa được xe, đồng chí đã kéo pháo cho đơn vị cơ động vào trận địa đúng thời gian, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

        Ngày 15 tháng 5 năm 1972 ở Bến Than (Quảng Trị) trong lúc máy bay địch ném bom cháy vào trận địa, đồng chí dũng cảm xông vào dập lửa cứu pháo. Hành động của đồng chí đã cổ vũ đơn vị làm theo cứu được 2 khẩu pháo. Sau đó tuy mắt bị đau nặng, đồng chí vẫn lái xe liên tục 3 đêm, đưa pháo vào Ái Tử, kịp thời chi viện cho bộ binh chiến đấu.

        Đồng chí Nguyễn Công Tường luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Hơn 20 lần đồng chí kéo xe, kéo pháo giúp đơn vị bạn ra khỏi nơi địch hay đánh phá.

        Ngày 31 tháng 12 năm 1973, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng:

        - 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba;
        - Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba;
        - 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
        - 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng;
        - 4 lần được danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng;
        - 4 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 10:50:29 pm »


ANH HÙNG KIỂU VĂN TỊNH

         

        Anh hùng Kiều Văn Tịnh sinh ngày 20 tháng 2 năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung uý, sĩ quan điều khiển tên lửa Tiểu đoàn 81, Trung đoàn Tên lửa 238, Đoàn Phòng không 363.

        Từ năm 1965 đến năm 1972, đồng chí Kiều Thanh Tịnh tham gia đánh gần 100 trận, bắn máy bay Mỹ ở khu 4 (cũ), Hà Nội, Hải Phòng. Trận nào đồng chí cũng bình tĩnh, dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Khi làm trắc thủ cự ly, đồng chí Kiều Thanh Tịnh đã cung cấp các phần tử, độ cao, độ xa của máy bay địch chính xác, góp phần tích cực cùng kíp trẳc thủ bắn rơi 8 máy bay Mỹ.

        Khi làm sĩ quan điều khiển, đồng chí luôn hăng say chiến đấu, nhiều ngày trực chiến 13-14 giờ liền. Từ tháng 8 năm 1971 đến tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn chỉ có mình đồng chí là sĩ quan điều khiển. Mỗi khi báo động, đồng chí đều có mặt kịp thời ở vị trí chiến đấu. Đồng chí đã điều khiển đạn chính xác trong nhiều tình huống phức tạp như: địch gây nhiễu bằng nhiều loại, thay đổi độ cao, phóng tên lửa vào trận địa, mục tiêu xuất hiện bất ngờ ở hướng đối diện đồng chí đã trực tiếp điều khiển tên lửa bắn rơi 11 máy bay Mỹ (có 2 máy bay B52, 4 máy bay F-4, 1 máy bay AC-130, 2 máy bay AD-6, 2 máy bay trinh sát không người lái); 53 lần đồng chí phát hiện tên lửa địch phóng vào trận địa, lần nào đồng chí cũng bình tĩnh xử trí vô hiệu hoá tên lửa của địch, hạn chế được thiệt hại cho đơn vị.

        Ngày 16 tháng 5 năm 1971, tại Hà Tĩnh, 1 máy bay AC-130 lượn vòng hẹp và thấp chuẩn bị đánh phá vào trận địa. Đồng chí đã điều khiển 1 quả đạn tên lửa bắn rơi máy bay.

        Ngày 16 tháng 4 năm 1972, địch cho nhiều tốp máy bay B52 đánh phá Hải Phòng. Mặc dù địch thả nhiều loại nhiễu, cho nhiều máy bay đi kèm, đồng chí vẫn bám sát mục tiêu chủ yếu, điều khiển đạn chính xác, bắn rơi 1 chiếc B-52. Buổi chiều, 1 máy bay trinh sát không người lái vào trinh sát khu vực vừa đánh phá, đồng chí đã điều khiển 1 quả đạn bắn rơi máy bay.

        Ngày 6 tháng 8 năm 1972, tại Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), địch phát hiện trận địa tên lửa của ta, chúng phóng tên lửa từ máy bay xuống, đồng chí vẫn bình tĩnh bám sát mục tiêu, kịp thời “gạt” tên lửa địch đi chệch ra ngoài trận địa, sau đó tiếp tục điều khiển đạn bắn rơi 1 máy bay A-7 (đây là chiếc máy bay thứ 3.800 bị bắn rơi trên miền Bắc).

        Ngày 16 tháng 8 năm 1972, trong khi đang theo dõi địch ở một hướng, thì bất ngờ địch ở hướng đối diện lẻn vào đánh phá, đồng chí chỉ huy kíp trắc thủ bắt được mục tiêu, phóng 2 quả đạn tên lửa. Địch phát hiện được tên lửa ta, chúng đột nhiên hạ thấp độ cao xuống 600 mét (độ cao khó bắn), nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh điều khiển tên lửa cho nổ trúng máy bay địch, hạ 1 chiếc AD-6.

        Đồng chí Kiều Thanh Tịnh luôn chịu khó học tập, nghiên cứu, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ kíp trắc thủ có trình độ chuyên môn giỏi, bắt được mục tiêu trong nhiều tình huống.

        Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Kiều Thanh Tịnh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 11:03:58 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN TRƯỜNG XUÂN

         

        Anh hùng Nguyễn Trường Xuân sinh ngày 6 tháng 2 năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở thôn Cao Lãm, xã Cao Thành , huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thượng sĩ, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275.

        Từ năm 1966 đến năm 1972, đồng chí Nguyễn Trường Xuân tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở Hà Nội, Tây Bắc, Khu 4... trận đánh nào cũng dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi làm trắc thủ góc tà, đồng chí hiệp đồng chặt chẽ với kíp chiến đấu, tham gia đánh 12 trận, phát hiện mục tiêu và thông báo độ cao kịp thời, bám sát chính xác, xử lý nhiều tình huống phức tạp, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

        Từ tháng 3 năm 1972, là sĩ quan điều khiển tên lửa, kiêm trưởng xe YA. Đồng chí tích cực học tập, nghiên cứu rút kinh nghiệm, nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, sử dụng thành thạo trang bị, khí tài, đánh ngày, đánh đêm đều giỏi. Những tình huống phức tạp như: có nhiều nhiễu, cùng một lúc máy bay địch bay vào nhiều hướng, nhiều loại, đống chí vẫn bình tĩnh chọn đúng hướng, đúng tốp, diệt được mục tiêu quan trọng. Đồng chí đã tham gia đánh 34 trận, trực tiếp điều khiển tên lửa bắn rơi 13 máy bay Mỹ (có 1 chiếc B52).

        Ngày 12 tháng 3 năm 1967, làm nhiệm vụ trắc thủ góc tà, đồng chí hiệp đồng chặt chẽ với kíp trắc thủ, phát hiện địch từ xa, thông báo kịp thời, chính xác, cùng đơn vị bắn rơi 1 máy bay địch.

        Ngày 24 tháng 4 năm 1972, nhiều tốp máy bay phản lực có cả máy bay B52 vào đánh phá thị xã Thanh Hoá, nắm được thủ đoạn hoạt động của máy bay địch, đồng chí kịp thời phát hiện và đã cùng kíp trắc thủ điều khiển tên lửa, hạ 1 máy bay B52 của Mỹ.

        Ngày 6 tháng 8 năm 1972, nhiều máy bay địch vào đánh phá khu vực Hàm Rồng (Thanh Hoá). Đang theo dõi mục tiêu thì máy đo phương vị bị hỏng, đồng chí bình tĩnh, nhanh chóng sửa chữa được máy, bảo đảm khí tài tốt, tiếp tục bám sát mục tiêu, điều khiển 1 quả đạn tên lửa diệt 1 máy bay A7 của Mỹ.

        Ngày 25 tháng 10 năm 1972, bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược ở khu vực Thanh Hoá, đồng chí luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kíp trắc thủ đã phát hiện mục tiêu từ xa, kịp thời phóng 2 quả đạn tên lửa diệt 1 máy bay A7 của Mỹ, bảo vệ an toàn đoàn tàu chở hàng vào chiến trường.

        Ngày 28 tháng 11 năm 1972, ở trận địa Hoằng Thắng, (Hoằng Hoá, Thanh Hoá), đài 1 phát hiện có nhiều tốp mục tiêu ở hướng Đông Bắc Thanh Hoá. Lệnh chiến đấu vào cấp 1. Trên màn hiện sóng của đồng chí Tiểu đoàn trưởng tốp mục tiêu 1 bay vào cự ly 30 ki-lô-mét, phương vị 040 độ cao 3 ki-lô-mét, khi cự ly còn 24 ki-lô-mét đồng chí Tiểu đoàn
trưởng hạ lệnh phóng, đồng chí Nguyễn Trường Xuân ấn nút phóng. Khi quả tên lửa gần tới mục tiêu thì phát hiện máy bay địch phóng tên lửa Sơrai xuống trận địa tên lửa ta, đồng chí đã bình tĩnh động viên các trắc thủ, đồng thời bằng động tác kỹ thuật thành thục của mình đã gạt được tên lửa địch ra ngoài trận địa và điều khiển đạn chính xác tới mục tiêu, hạ tại chỗ 1 máy bay AD6, bảo đảm an toàn cho đơn vị.

        Đồng chí tích cực học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật, sử dụng thành thạo máy móc, trang bị, sửa chữa được nhiều trường hợp khí tài hỏng hóc phức tạp, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật, gương mẫu, đoàn kết, khiêm tốn. Hết lòng giúp đỡ đồng đội.

        Ngày 31 tháng 12 năm 1973, đồng chí đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 11:05:30 pm »

   
ANH HÙNG NGUYỄN NHẬT CHIÊU
     


        Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải dương. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thiếu tá, Trung đoàn phó, Đoàn Không quân 927.

        Từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 12 năm 1967, Nguyễn Nhật Chiêu xuất kích 13 lần, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, chỉ huy Biên đội bắn rơi 8 chiếc khác.

        Ngày 20 tháng 9 năm 1965 trên vùng trời Hà Bắc, anh lái chiếc MiG-17 xông thẳng vào đội hình 5 máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-105. Khi về đến sân bay thì máy bay hết dầu, Nguyễn Nhật Chiêu bĩnh tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh an toàn.

        Ngày 23 tháng 8 năm 1967, từ nhiều hướng, nhiều tầng, 36 chiếc máy bay vào đánh phá Thủ đô Hà Nội Chúng bay đội hình dài, yểm trợ cho nhau khá chặt chẽ. Anh cùng Biên đội nhanh chóng cho máy bay tăng tốc và độ cao rồi lao vào đội hình máy bay địch. Nguyễn Nhật Chiêu bắn 1 quả tên lửa hạ được 1 chiếc và yểm hộ cho Biên đội hạ 1 chiếc khác. Khi đội hình máy bay địch rối loạn bỏ chạy, anh đã bám theo bắn thêm 1 quả tên lửa và hạ thêm 1 chiếc nữa. Trên bầu trời Hưng Yên, 4 chiếc máy bay địch tập trung vây máy bay của Nguyễn Nhật Chiêu, anh bĩnh tĩnh chuyển từ thế bị động sang chủ động tấn công địch, bắn 1 quả tên lửa diệt 1 chiếc F-4, những chiếc khác hoảng sợ tháo chạy.

        Năm 1972, là Trung đoàn phó Nguyễn Nhật Chiêu chỉ huy đơn vị chiến đấu 10 trận, đạt hiệu quả bắn rơi 6 máy bay Mỹ.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Nguyễn Nhật Chiêu được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN ĐINH TÔN

       

        Anh hùng Nguyễn Đinh Tôn sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Trung đoàn phó Đoàn Không quân Yên Thế.

        Từ năm 1968 đến năm 1972, Nguyễn Đinh Tôn đánh nhiều trận, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, hạ 4 máy bay Mỹ bằng 5 quả tên lửa. Có lần đang chiến đấu, máy bay bị hỏng, đáng lẽ phải nhảy dù những Nguyễn Đinh Tôn bĩnh tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh an toàn.

        Ngày 15 tháng 4 năm 1968, trên vùng trời tỉnh Ninh Bình, sau khi bắn 1 quả tên lửa hạ 1 máy bay trinh sát không người lái thì máy bay của anh bị tắt máy ở độ cao 14 ki-lô-mét. Được phép nhảy dù, nhưng Nguyễn Đinh Tôn bĩnh tĩnh cho hạ thấp độ cao xuống 4 ki-lô-mét, mở máy 2 lần, máy bay mới nổ máy và điều khiển được máy bay hạ cánh an toàn.

        Ngày 26 tháng 5 năm 1968, trên vùng trời Vĩnh Phú, anh lại bắn hạ một máy bay không người lái bằng 1 quả tên lửa.

        Ngày 16 tháng 6 năm 1968, trên vùng trời Nghệ An, thấy 4 máy bay F-4 của địch đang bay về phía mình, anh cho máy bay tăng tốc độ, lao thẳng vào đội hình địch, bắn 1 quả tên lửa hạ 1 chiếc F-4.

        Tháng 4 năm 1971, tại Quảng Bình tuy địa hình hiểm trở lại gần tối, Nguyễn Đinh Tôn cho hạ thấp độ cao bám sát mục tiêu, bắn 1 quả tên lửa hạ 1 máy bay OVl0 đang bay trên trục đường 20. Anh thường rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh, có nhiều sáng kiến tốt về bắn máy bay B52 ban đêm, Anh là người đầu tiên cho máy bay phản lực hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới chật hẹp, rút được kinh nghiệm về hạ và cất cánh trên sân bay dã chiến.

        Đồng chí Đinh Tôn đã được tặng thưởng 2 huân chường Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 lần là chiến sĩ Quyết thắng, 7 lần là chiên sĩ Thi đua. Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Nguyễn Đinh Tôn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 11:08:17 pm »

     
ANH HÙNG TRƯƠNG KHÁNH CHÂU

       

        Anh hùng Trương Khánh Châu sinh năm 1935, dân tộc kinh, quê ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Kỹ sư sửa chữa máy bay thuộc Phòng Kỹ thuật Đoàn 371. Từ năm 1966, Trương Khánh Châu làm nhiệm vụ kiểm tra hư hỏng, phân cấp, hướng dẫn và trực tiếp sửa chữa máy bay.

        Tính đến năm 1973, Trương Khánh Châu đã cùng tổ kỹ thuật sữa chữ được 221 lần chiếc máy bay, trong đó có nhiều chiếc hỏng nặng, lẽ ra phải gửi đi sửa chữa ở nước ngoài. Đồng chí làm việc không kể ngày đêm, lúc nào có máy bay hỏng là tới tận nơi kiểm tra và trực tiếp sửa chữa. Trương Khánh Châu luôn chịu khó nghiên cứu kỹ thuật, tích cực học hỏi rút kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, cái tiến máy bay phục vụ tốt cho chiến đấu.

        Do yêu cầu nhiệm vụ, Lực lượng không quân phải đưa một số máy bay vào tuyến trong nhưng sân bay hẹp, ngắn, MiG-17 khó hạ cánh, đồng chí đã nghiên cứu thành công lắp dù, hãm đà cho máy bay MiG-17 hạ cánh được xuống các sân bay trên. Có loại máy bay chuyên dùng để trinh sát, Trương Khánh Châu nghiên cứu cải tiến hệ thống mang bom và đã mang được 3.000 ki-lô-gam bom, chiến đấu tốt. Đồng chí tham khảo tài liệu có giá trị như: Quá trình sửa chữa thân cánh Mig-15, MiG-17, MiG-19... nguyên lý bay siêu âm; cơ học kết cấu máy bay... Ngoài ra trương Khánh Châu còn mở nhiều lớp kỹ thuật gò, hàn nâng cao tay nghề cho 27 người.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần là Chiến sĩ Quyết thắng, được tặng 13 Bằng khen và Giấy khen. Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Trương Khánh Châu được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ VĂN LẪM

 

        Liệt sĩ Anh hùng Lê Văn Lẫm sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi được tuyên dương Anh hùng Lê Văn Lẫm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ 591, Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Nay Trung đoàn pháo cao xạ 591 thuộc Đoàn Phòng không 377.

        Từ năm 1966 đến năm 1972 đồng chí Lê Văn Lẫm tham gia chiến đấu bắn máy bay địch bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Lúc làm phó phòng cao xạ thuộc Bộ tư lệnh, đồng chí thường xuyên đi sát cơ sở chiến đấu, tích cực nghiên cứu những thủ đoạn đánh phá của địch, đề xuất nhiều biện pháp hay giúp cấp trên chỉ đạo các đơn vị pháo cao xạ bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ các đoàn xe vận tải và các đơn vị hành quân vào chiến trường an toàn. Khi làm Trung đoàn trưởng pháo cao xạ 591 (đồng chí là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn pháo phòng không 591); trong các trận đánh, đồng chí Lê Văn Lẫm luôn luôn nêu cao tinh thần chủ động, mưu trí, linh hoạt, bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu, chỉ huy các đơn vị bắn rơi 120 máy bay địch và góp phần xây dựng Trung đoàn trở thành đơn vị anh hùng.

        Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào (năm 1971), mặc cho máy bay địch bắn phá rất ác liệt, đồng chí vẫn luôn có mặt ở trận địa, bình tĩnh, gan dạ chỉ huy Trung đoàn bắn rơi 101 máy bay. Đặc biệt, ngày 5/3 năm 1971, đơn vị bắn rơi tại chỗ 10 máy bay lên thẳng chở đầy lính, bẻ gãy một mũi đổ bộ đường không của địch.

        Trong chiến dịch Quảng Trị (năm 1972), các trận địa của ta đều bị địch đánh phá, đơn vị có thương vong, nhưng đồng chí vẫn động viên các chiến sĩ ngoan cường chiến đấu bắn rơi 13 máy bay phản lực, bảo vệ được mục tiêu.

        Ngày 5 tháng 7 năm 1972, đồng chí đã anh dũng hi sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Lê Văn Lẫm là một cán bộ chỉ huy mẫu mực, luôn luôn chăm lo đến sự tiến bộ của đơn vị, được các chiến sĩ tin yêu mến phục.

        Ngày 3 tháng 6 năm 1976, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:44:33 pm »


ANH HÙNG HOÀNG VĂN QUYẾT

         

        Anh hùng Hoàng Văn Quyết sinh năm 1952, dân tộc Tày, quê ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Chuẩn uý, Trung đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 tên lửa vác vai, Đoàn Phòng không 367.

        Từ năm 1972 đến tháng 4 năm 1975, Đồng chí Hoàng Văn Quyết tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Đồng chí đã bắn rơi 14 máy bay địch, gồm 9 kiểu loại khác nhau (F-5, A-37, AD-6, C-130, C-123, C-119, L năm 19, UH-1A, CH-47) trong đó có 12 chiếc rơi tại chỗ. Đồng chí là một trong những chiến sĩ bắn rơi nhiều máy bay nhất trong Quân chủng Phòng không - Không quân bằng Tên lửa vác vai (A-72).

        Ngày 19 tháng 9 năm 1972, Trung đội nhận nhiệm vụ phối thuộc với bộ đội chốt chặn trên đường số 13 (đoạn Lai Khê), tất cả anh em đều bị sốt rét và ốm đi viện, còn lại một mình nhưng đồng chí vẫn xin đi đánh địch. Địch cho 2 máy bay AD-6 đánh phá trận địa chốt. Đồng chí kịp thời bắn rơi tại chỗ 1 chiếc, trong đó có tên thiếu tá nguỵ đi trên máy bay, lập chiến công đầu của Tiểu đoàn tên lửa vác vai.

        Ngày 25 tháng 10 năm 1972, sau 7 ngày đêm hành quân mang vác nặng, đến khu vực Hà Đông (Củ Chi) đồng chí nhanh chóng chỉ huy đơn vị triển khai chiến đấu ngay. Trong suốt cả trận đánh ngày hôm đó, đồng chí đã bắn rơi 2 máy bay địch (1 L19, 1 AD-6) chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu.

        Ngày 17 tháng 11 năm 1973, tại thị xã Gia Nghĩa, đồng chí cùng đơn vị bắn rơi 1 máy bay C-123.

        Ngày 6 tháng 12 năm 1973, tại Kiến Đức, đồng chí và đơn vị đã bắn rơi tại chỗ máy bay C-130.

        Đầu tháng 12 năm 1973, địch đánh lấn chiếm Bù Bông, mặc dù chúng đánh phá vào trận địa rất ác liệt, nhưng đồng chí vẫn bám trận điạ, chọn đúng thời cơ bắn 2 quả đạn, hạ tại chỗ 2 máy bay (1 C-130, 1 C-123).

        Trong 2 ngày 29 và 30 tháng 3 năm 1974, đồng chí Hoàng Văn Quyết tham gia chiến đấu ở khu vực Đức Huệ (tỉnh Long An), bắn rơi 2 máy bay địch (1 L19, 1 AD-6).

        Ngày 13 tháng 1 năm 1975, máy bay A-37 của địch đến bắn phá vào đội hình bộ binh của ta và thả quả cầu lửa để chống đạn tên lửa, Đồng chí Hoàng Văn Quyết đã bình tĩnh chọn thời cơ bắn 1 quả đạn, hạ tại chỗ 1 chiếc A-37. Những chiếc khác phải bỏ chạy.

        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 28 tháng 4 năm 1975, 2 chiếc F-5 của địch đến đánh phá trận địa của ta. Đồng chí kịp thời phóng 1 quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay địch. Đây là một trong những chiếc máy bay địch cuối cùng bị quân dân ta bắn rơi trong trận kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

        Ngày 20 tháng 10 năm 1976, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

                Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng

        - Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
        - 3 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba;
        - 3 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:46:12 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ BÙI ANH TUẤN

         

        Anh hùng Bùi Anh Tuấn sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vinh Phúc. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung sĩ, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 tên lửa vác vai A-72, Đoàn Phòng không 367.

        Từ năm 1972 đến tháng 3 năm 1973, đồng chí Bùi Anh Tuấn làm nhiệm vụ bắn máy bay địch bằng Tên lửa vác vai (A-72) ở chiến trường Nam Bộ. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần hăng say đánh giặc, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, kiên quyết bắn rơi máy bay địch. Đồng chí đã phóng đạn chính xác, bắn rơi tại chỗ 6 máy bay (có 2 HU-1A, 1 C-130, 1 CH-54) diệt 80 sĩ quan và giặc lái Mỹ - nguy, đồng chí đã cùng Tiểu đội bắn rơi 2 chiếc khác.

        Ngày 25 tháng 5 năm 1972, máy bay và pháo binh địch bắn phá ác liệt vào trận địa đơn vị tại thị xã Xuân Lộc. Đồng chí bình tĩnh ngắm chính xác bắn hạ tại chỗ 1 máy bay C-130, lập công đầu cho Đại đội, gây khí thế phân khởi tin tưởng vào loại vũ khí mới.

        Ngày 9 tháng 9 năm 1972, địch cho 5 máy bay lên thẳng đến đổ quân lần thứ tư ở xã Nhị Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho cũ) đồng chí đã mưu trí, táo bạo bố trí trận địa ngay giữa cánh đồng trông, bất ngờ phóng một quả đạn, hạ tại chỗ 2 chiếc trực thăng, diệt 30 tên địch trên máy bay, bắt sống 4 tên.

        Ngày 11 tháng 10 năm 1972, do chuẩn bị trận địa tốt, bằng 01 quả đạn, đồng chí bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay CH- 47 chở 41 sĩ quan Mỹ - nguỵ từ Mỹ Tho đi Gò Công (có 1 chuẩn tướng Mỹ, 1 thiếu tướng nguỵ).

        Ngày 27 tháng 1 năm 1973, với tinh thần cảnh giác cao đồng chí Bùi Anh Tuấn phóng một quả đạn, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay L 19, diệt một tên đại tá nguỵ đang quan sát đường 18 (Cai Lậy - bắc Mỹ Tho) trong cuộc hành quân lấn chiếm của chúng trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1973, đồng chí Bùi Anh Tuấn đã hi sinh trong khi đang chỉ huy đơn vị bắn máy bay địch. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng.

        Đồng chí Bùi Anh Tuân bắn rơi nhiều máy bay, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất ở Nam Bộ bằng tên lửa phòng không vác vai (A-72).

        Ngày 6 tháng 11 năm 1978, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG DƯƠNG VĂN NGỌ

         

        Anh hùng Dương Văn Ngọ sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở Thôn Phù Xá Đông, xã Phú Minh, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú. Khi được tuyên dương Anh hùng, Dương Văn Ngọ là Thiếu uý, Chính trị viên phó Đại đội 14, Tiểu đoàn pháo cao xạ 24, Trung đoàn Pháo cao xạ 591, Bộ Tư lệnh 559. Nay thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Từ năm 1966 đến năm 1971, đồng chí Dương Văn Ngọ là chiến sĩ lái xe kéo pháo phục vụ đơn vị chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn (Đoàn 559). Đồng chí luôn nêu cao tinh thần vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, kéo pháo vào trận địa nhanh chóng, an toàn, phục vụ tích cực cho đơn vị chiến đấu. Đồng chí đã lái xe kéo pháo đi hơn 5 vạn ki-lô-mét an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Ngày 11 tháng 11 năm 1969, trong lúc đồng chí lái xe Zin 157 chở xăng vượt trọng điểm Tà Lê (Đường 20 Quyết Thắng) thì máy bay địch đến đánh phá. Xe bị trúng đạn, thủng lớp, đồng chí bị 4 vết thương nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, dồn hết sực lực lái chiếc xe đã bị xẹp lớp vượt qua trọng điểm, để giải phóng đoàn xe của đơn vị đi sau khỏi bị tắc đường, cả đoàn xe đã vượt qua trọng điểm an toàn. Vì vết thương chảy máu nhiều, đồng chí bị ngất bên tay lái. Tấm gương của đồng chí Dương Văn Ngọ đã được anh em trong đơn vị khen ngợi và học tập.

        Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 2 năm 1971) đồng chí liên tục lái xe, khi kéo pháo di chuyển trận địa, khi chở đạn, chở gạo phục vụ đơn vị chiến đấu, lúc lại chở tù binh. Đặc biệt, có lần đơn vị bị địch bao vây ở trận địa Bản Đông, đồng chí được lệnh cùng một chiến sĩ lái xe khác vượt qua bom đạn lái xe vào cứu pháo quyết không để pháo rơi vào tay quân thù. Đồng chí đã đưa được 4 khẩu pháo và các pháo thủ đến nơi an toàn để tiếp tục triển khai trận địa chiến đấu.

        Từ năm 1972 đến tháng 4 năm 1975, đồng chí Dương Văn Ngọ là chính trị viên phó Đại đội, luôn gương mẫu trong mọi hành động. Tháng 7 năm 1972, khi đơn vị hành quân di chuyển trận địa về phía Nam sông Ba Lòng (Quảng Trị) phải qua một ngầm nước lũ chảy xiết, với kinh nghiệm nghê nghiệp đồng chí tự mình lái một xe vượt trước để rút kinh nghiệm cho đồng đội và động viên đơn vị vượt qua ngầm an toàn, thoát khỏi trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt đến chiếm lĩnh trận địa đế kịp thời chiến đấu.

        Đồng chí luôn gương mẫu về mọi mặt, khiêm tốn giản dị, được đồng đội tin yêu.

        Ngày 6 tháng 11 năm 1978, đồng chí vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng

        - 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất;
        - 2 Huân chương Chiến công hạng Ba;
        - 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất;
        - 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai
        - 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
        - 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:47:42 pm »


ANH HÙNG VŨ ĐỨC CHÍNH

         

        Anh hùng Vũ Đức Chính sinh ngày 20 tháng 7 năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở thôn Vân Bối, Xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Chuẩn uý, thợ sửa chữa ra đa (bậc 5/7), Ban Kỹ thuật Trung đoàn 291, Đoàn Phòng không 373.

        Từ năm 1965 đến năm 1972, đồng chí Vũ Đức Chính làm nhiệm vụ sửa chữa các máy ra đa trên địa bàn từ Thanh Hoá đến Vĩnh Linh. Hoạt động trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn: bom đạn ác liệt, phải đi bộ leo núi tới các trạm, đài, vật liệu thiếu, chuyên môn có hạn..., đồng chí đã nêu cao tinh thần phục vụ, tìm mọi cách sửa chữa các máy ra đa, kịp thời phục vụ chiến đấu. Đồng chí đã sửa chữa được gần 500 lần chiếc các loại máy ra đa khác nhau, đã sửa chữa thành thạo các loại ra-đa sóng mét và ra-đa sóng cm.

        Đồng chí Vũ Đức Chính chịu khó học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình sửa chữa. Từ một thợ sửa chữa loại máy trình độ sơ cấp, trở thành thợ sửa chữa bậc 5, có khả năng sửa chữa được nhiều loại máy ra đa khác nhau. Đồng chí tự nghiên cứu và cải tiến nhiều bộ phận thiết bị của máy, trong đó có nhiều sáng kiến và cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn, phục vụ tốt cho chiến đấu. Có những sáng kiến như: Quy trình bảo quản đèn hiện sóng, đế kéo dài thêm 600 giờ sử dụng của đèn; Cải tiến mạch điện trong biến thế động cơ UV- 2 của máy và 513K đảm bảo nâng cao độ tin cậy và tham số chiến đấu, bảo đảm ăng-ten quay bình thường trong điều kiện độ ẩm lớn và cơ động nhiều; Có lần cơ động máy lên núi cao ở Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) không có đường cho xe lên, máy phải tháo rời từng khối, dùng sức người đưa lên đỉnh núi để triển khai bảo đảm phục vụ đơn vị chiến đấu, đồng chí đã thiết kế và trực tiếp tổ chức tháo máy đưa lên các đỉnh núi cao lắp ráp lại được an toàn, bảo đảm độ chính xác tạo điều kiện phát hiện tốt mục tiêu bay thấp. Kinh nghiệm này được áp dụng trong toàn binh chủng. Năm 1972 đồng chí đã có sáng kiến hiệu chỉnh các thiết bị đồng bộ của ra-đa phát hiện máy bay B52 từ cự li hơn 240 ki-lô-mét, rút ra quy tắc thao tác ở một số máy ra đa để bắt được mục tiêu B52 ở độ xa mà trước đó không bắt được, đã góp phần quan trọng vào việc phát huy tác dụng của Ra đa chiến đấu cùng với các Lực lượng binh chủng khác trong thời kỳ giặc Mỹ dùng B52 đánh phá Miền Bắc.

        Đồng chí luôn gương mẫu về mọi mặt, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu.

        Ngày 6 tháng 11 năm 1978, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng:

        - Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        - 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba;
        - 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì;
        - 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
        - 1 huy chương Quân kỳ Quyết thắng.

ANH HÙNG TRẦN VĂN XUÂN

         

        Anh hùng Trần Văn Xuân sinh ngày 26 tháng 11 năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Chuẩn uý, Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 tên lửa phòng không vác vai (A72), Đoàn Phòng không 367.

        Từ tháng 2 năm 1972 đến tháng 4 năm 1975, đồng chí Trần Văn Xuân chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, tham gia chiến đấu 16 trận đánh, trận nào cũng chiến đấu dũng cảm, mưu trí, theo sát bộ binh, bình tĩnh bắt mục tiêu chính xác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bắn rơi 8 máy bay, gồm 6 kiểu loại: 2 A-37,1 F-4, 1 C-119, 1 AD-6, 2 UH-1A, 1 CH-47 hầu hết rơi tại chỗ. Chỉ huy đơn vị bắn rơi 6 chiếc khác, chi viện cho bộ binh ta chiến đấu.

        Tháng 9 năm 1972 tại sân Bầu Bàng, đồng chí có sáng kiến tạo khung tham số ngắm bắn chính xác máy bay bổ nhào, sử dụng khung điểm đón bắn rơi 1 F-4 .

        Ngày 25 tháng 7 năm 1973, tại Đức Nhuận (Củ Chi, Gia Định) đồng chí Trần Văn Xuân đã bắn rơi 1 máy bay C-119, diệt 14 sĩ quan, có 1 đại tá.

        Tháng 01 năm 1974, tại Sùng Đức, bằng phương pháp bắn đón đồng chí đã bắn rơi 1 máy bay HU-1A; máy bay HU- 1A của Mỹ đồng chí đã cải tiến ống xả, tên lửa vác vai A72 là tên lửa tự dẫn theo nguồn hồng ngoại, bay qua tự huỷ (Đạn không cho tín hiệu đèn còi) nhưng vẫn va chạm vào máy bay và làm rơi máy bay tại chỗ .

        Ngày 5 tháng 12 năm 1974 tại An Lộc, đồng chí Trần Văn Xuân bắn rơi tại chỗ máy bay CH-47 của Mỹ bằng phương pháp bắn đón, diệt 5 sĩ quan, 9 lính nguỵ cùng 2 tấn hàng.

        Đồng chí luôn gương mẫu về mọi mặt, tích cực học tập kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, đã tự làm ra khung tham số áp dụng tốt nên đã bắt mục tiêu trên không được nhanh và chính xác. Đồng chí luôn khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu.

        Ngày 6 tháng 11 năm 1978, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:49:31 pm »


ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠ ĐÔNG TRUNG

         

        Anh hùng Tạ Đông Trung sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở phố Ngọc Lâm, thị trấn Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, Thượng úy lái máy bay của Đoàn 937, Đoàn Không quân 372.

        Từ tháng 5 tháng 1975 đến tháng 10 năm 1977, Tạ Đông Trung đánh 11 trận, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh cùng đồng đội đánh thiệt hại 2 sở chỉ huy Trung đoàn, 3 trận địa pháo, đánh trúng 2 vị trí hành quân lấn chiếm của địch.

        Trong các ngày 11, 12, 13 tháng 6 năm 1975, Tạ Đông Trung chỉ huy Biên đội đến đánh phá đảo Vai (cách đất liền 250 ki-lô-mét). Địch ở mặt đất đánh lên mạnh, anh vẫn bay thấp, lượn nhiều vòng, thả bom diệt được nhiều mục tiêu trên đảo, đã tạo điều kiện cho hải quân ta diêt hơn 1 Tiểu đoàn địch ở đây.

        Ngày 7 tháng 5 năm 1977, Tạ Đông Trung chỉ huy Biên đội bay thấp, bất ngờ ném bom đanh trúng một số điểm cao ở vùng Khánh Hội (An Giang). Trận đánh này Trung đã cùng Biên đội đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy Trung đoàn địch, phá hủy 2 trận địa pháo.

        Ngày 29 tháng 9 và ngày 1 tháng 10 năm 1977, Tạ Đông Trung chỉ huy Biên đội phá hủy 2 trận địa pháo, bắn cháy kho tàng quân sự, diệt nhiều địch ở khu vực Xa Mát biên giới Tây Ninh. Sau khi cắt một loạt bom trúng vào trận địa của địch, thì máy bay bị trúng đạn hỏng nặng, Tạ Đông Trung buộc phải nhảy dù trên đất đối phương. Vừa đặt chân xuống đất, thấy địch bao vây định bắt sống, anh đã dũng cảm dùng súng ngắn, dao găm diệt được một số tên. Tạ Đông Trung đã hi sinh ngày 1 tháng 10 năm 1977.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1979 Tạ Đông Trung được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN ĐÌNH KHOA

         

        Anh hùng Nguyễn Đình Khoa sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thiếu tá Trung đoàn phó Đoàn Không quân 917.

        Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 4 năm 1979, Nguyễn Đình Khoa tham gia chiến, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Anh đã đánh 22 trận, chỉ huy đơn vị đánh trúng 2 sở chỉ huy Trung đoàn địch, diệt và làm bị thương hàng trăm tên, bắn cháy 3 xe chở đạn, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh trong chiến đấu.

        Ngày 6 tháng 12 năm 1977, Nguyễn Đình Khoa chỉ huy một Biên đội bắn chính xác vào đội hình 1 Trung đoàn địch càn quét vùng bến sỏi (Tây Ninh) diệt nhiều tên, bắn cháy nhiều xe, tạo điều kiện cho bộ binh ta đánh thiệt hại nặng Trung đoàn này.

        Ngày 14 tháng 1 năm 1978, mặc dù hỏa lực địch bắn lên mạnh, máy bay bị thương 2 lần, Nguyễn Đình Khoa vẫn bình tĩnh cho máy bay lượn nhiều vòng và bắn trúng vào đội hình địch, diệt thêm một số, sau đó cho máy bay hạ cánh an toàn. Trận này anh đã chỉ huy Biên đội đánh trúng sở chỉ huy Trung đoàn địch, phá hủy một trận địa pháo, diệt nhiều tên, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm các điểm cao ở đầm Chít.

        Ngày 4 tháng 2 năm 1978, Nguyễn Đình Khoa chỉ huy một Biên đội hiệp đồng chặt chẽ với máy bay A-37, đánh vào mục tiêu của địch ở biên giới Hà Tiên, phá hủy một sở chỉ huy Trung đoàn địch, tạo điều kiện cho bộ binh diệt ba Tiểu đoàn địch.

        Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Đình Khoa được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM