Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:22:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 15005 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2019, 03:26:14 pm »


VỚI NHỮNG ĐỒNG ĐỘI ĐÃ RA ĐI THẦM LẶNG

        Nhân dịp đi lấy tư liệu để thực hiện cuốn sách này tôi có ghé thăm Đoàn Không quân Yên Thế và tiện thể tôi lại có cơ hội đi thăm lại những nơi mà ngày xưa tôi có rất nhiều kỷ niệm quanh khu vực Sân bay Sao Vàng.

        Cách Sân bay hơn hai chục cây số, là nhà của Lê Trọng Huyên ở huyện Thiệu Hóa. Nhiều bận sau vài trận đánh căng thẳng, chúng tôi được cấp trên cho nghỉ phép. Nhưng vì chỉ được nghỉ tranh thủ có một, hai ngày nên những đứa quê xa rất ngại về cho dù trong lòng rất nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con. Mỗi lần như thế, mấy đứa bọn tôi thường kéo nhau về nhà Huyên chơi, bắt vịt, bắt cá dưới ao làm thịt rồi đánh chén.

        Gần năm mươi năm tìm về quê cũ của bạn, làng xóm đổi khác đã nhiều, duy chỉ có ngôi nhà của bạn năm xưa vẫn y nguyên. Tôi cố gắng bước thật chậm, nhưng sao bước chân cứ líu ríu thề này. Tôi vào đến sân rồi lại lùi ra xa nhìn lên mái nhà lợp ngói ta qua thời gian đã phủ màu rêu xanh thẫm rồi mới cất tiếng gọi:

        - Anh Bang! Có phải đây nhà anh Bang không nhỉ?

        Nghe tiếng gọi, một người đàn ông gày gò, cỡ tuổi tôi

        từ trong nhà bước ra, vẻ mặt còn nghi ngại hỏi:

        - Ông ông hỏi ai ạ?

        Tôi ngập ngừng giây lát ngắm kỹ ông, rồi buột miệng:

        - Anh Bang! Tôi, Chao đây, không nhận ra tôi sao? Tôi là đồng đội cũ của Huyên đây mà.

        - Trời! Anh Chao! Sao anh lại có thể tìm được nhà tôi? Mấy chục năm rồi. Quý hóa quá anh Chao ơi - Người đàn ông mà tôi gọi là anh Bang cứ ôm chầm lấy tôi xuýt xoa.

        Tôi cười:

        - Nhà anh có gì mà không tìm được? Chúng tôi đã ăn mòn bát, mòn đũa ở đây. Trưa hè còn nằm ngủ trên cái phản này. Thế cả nhà đi đâu hết rồi anh Bang?

        - Bà Kiều ơi! Có anh Chao tới thăm này - Ông Bang gọi với vào nhà trong.

        - Tôi đây, anh Chao à, có phải anh Chao thật không? - Bà Kiều, vợ ông Bang tất tả bước ra - Ôi anh Chao thật ông ạ, thấy anh lại nhớ anh Huyên nhà em! - Bà Kiều vừa nói, vừa lấy tay áo chấm những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, vừa ôm tôi nắn nắn cánh tay tôi xúc động. - Sao anh Huyên nỡ đi sớm, chẳng về mà xem có buổi hôm nay. Cả đời chỉ biết có nhiệm vụ, chẳng kịp lấy vợ con gì.

        Nghe bà Kiều nói, nước mắt tôi chỉ trực trào ra, nhưng tôi cố gắng lảng sang chuyện khác:

        - Hôm nay tôi đưa vợ lên thăm anh chị, xin được thắp nén nhang cho anh Huyên.

        Nói rồi tôi bày ít hoa quả lên ban thờ, ở đó có tấm ảnh Thiếu tá phi công Lê Trọng Huyên cười rất đẹp sau làn khói hương nghi ngút, nụ cười ấy làm cho những kỷ niệm về người đồng đội yêu quí như sống lại trong tôi.

        Những mẩu chuyện về Huyên được ông bà Bang chắp nối thành một câu chuyện như đoạn phim chầm chậm quay về...

        Bố Huyên lấy người vợ đầu tiên sinh được một người con rồi lấy thêm người vợ nữa chính là mẹ đẻ hai em Huyên và Bang. Nhà nghèo, nhưng trời lại phú cho Huyên có một sức khỏe hơn người nên vừa lớn Huyên đã được tuyển đi học phi công bên Trung Quốc cùng đợt với tôi. Huyên hiền lắm, hiền đến nỗi bao nhiêu lần chúng tôi gán ghép Huyên với một cô gái làm việc cùng đơn vị, mà không thành. Giữa trời mưa lạnh, cô gái đứng co ro, còn Huyên thì cứ cầm ô hút thuốc, rồi rọi đèn pin tứ phía chẳng biết nói gì, làm cho cô gái giận bỏ về.

        Ngược lại với chuyện tán gái, trong chiến đấu Lê Trọng Huyên chẳng hề nhút nhát tí nào. Làm Trung đoàn phó đã lâu, tuổi đời cũng khá nhiều, tôi nhớ không nhầm khi ấy Huyên đã ba mươi tám tuổi mà cấp trên giục chuyện vợ con thế nào Huyên cũng ậm ừ, lần lữa. Huyên còn bảo: “Khi nào đất nước thống nhất, lấy vợ cũng chưa muộn”.

        Chúng tôi khi ấy nghe Huyên nói vậy chỉ biết cười, nói đùa: “Thằng Huyên nó phấn đấu khi nào nó bắn rơi được 10 chiếc máy bay nó mới chịu lấy vợ!” .

        Huyên là người xông xáo, việc gì khó khăn đều vơ vào làm. Cũng bởi thế mà, lần đó Huyên trực tiếp bay vào Nam để không may bị bọn Mỹ bắn hi sinh. Tuy không bắn được 10 chiếc như chúng tôi đã trêu, nhưng Huyên cũng kịp hạ rơi 4 chiếc máy bay Mỹ trước khi làm nhiệm vụ cuối cùng.

        Sau khi Huyên hi sinh, bọn chúng tôi một thời gian dài cứ buồn thương Huyên mãi. Và mãi sau này mới biết Huyên đã có một mới tình thật đẹp với cô gái tên Thảo là Giảng viên Trường Chính trị Quốc gia, qua lá thư cô gái gửi về gia đình anh Bang (là em trai của Huyên) sau khi Huyên mất. Có thể đó cũng là lý do tại sao Huyên chẳng yêu ai và lúc nào cũng chỉ lo nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 06:40:00 pm »


*

        Vợ chồng tôi cùng vợ chồng ông Bang, bà Kiều cứ thế ngồi ôn lại những câu chuyện từ xửa, từ xưa như vậy.

        Ông Bang chép miệng:

        - Anh Huyên tôi thì thế, ra đi chẳng có vợ, có con gì. Nhưng có khi như thế cũng hay, chứ nhiều anh hi sinh, để lại vợ con lúc chiến tranh khổ cực lắm.

        - Anh nói đúng, lứa chúng tôi đi học ở Trung Quốc về 60 người loại dần đến lúc trở về Việt Nam chiến đấu còn có 18 người. Mà trong số 18 người ấy hiện nay chỉ còn có ba, trong đó có tôi. Đó cũng là điều may mắn hơn các anh ấy. Còn cái đầu là hạnh phúc lắm rồi. Cũng là may rủi mà thôi.

        - Anh Bang còn nhớ Trần Huyền không? Anh Trần Huyền cũng có lần về nhà ta chơi đó. Anh ấy hi sinh nhưng cũng thật tội cho chị Tân - Tôi nói tiếp - một mình với ba con nhỏ, mà chẳng được như người ta, mỗi lần lên thăm anh Huyền đều bị anh ấy trốn, hắt hủi đuổi về.

        - Vậy sao? - Ông Bang ngạc nhiên hỏi: - Hồi đó tôi không có dịp trò chuyện nhiều, nên không được biết.

        - Thế đúng là anh không biết thật rồi, để tôi kể cho nghe..

        Trần Huyền sinh ra trong một gia đình rất đông con, có những chín người, mà Huyền là anh cả. Lúc ấy tuy không phải là gia đình giàu có, nhưng nhà anh nền nếp gia phong theo lối cũ, kiểu “bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.

        Năm Trần Huyền mười sáu tuổi, bố anh đã cưới vợ cho anh, người ấy là chị Tân hơn anh tới bốn tuổi. Vì không được tự do yêu đương, vừa chênh lệch về tuổi tác, lại vin vào việc để răng đen cổ hủ, nên Trần Huyền rất ngại gặp vợ.

        Rất ít khi Trần Huyền được nghỉ phép mà về thăm nhà. Hầu như chị Tân lên đơn vị thăm chồng là chính, mà thời ấy phụ nữ có chồng làm phi công đi tìm chồng đâu có dễ, hết sân bay này tới sân bay khác mới gặp được chồng, hệt như bà Thêu nhà tôi đây. Nhưng bà Thêu lên thì còn hạnh phúc, vì chúng tôi mong muốn được gặp nhau, chứ chị Tân lên gặp chồng lại khác, cứ hễ thấy bóng chị Tân đâu thì Trần Huyền tìm cách lẩn trốn ngay. Nhiều lúc tình cờ gặp vợ tôi cùng lên thăm chồng, chị ấy khóc: “Chẳng biết chị ăn ở kiếp trước thế nào mà kiếp này ông trời bắt tội. Em có cách nào bảo anh ấy (Trần Huyền) gặp chị một lát được không?”.

        Thòi bấy giờ, phi công được tuyển lựa kỹ càng kể từ gốc gác gia đình, lý lịch người ta “săm soi” kỹ lắm. Cứ đúng hai tám tuổi mới được lấy vợ (đó là áp dụng cho những anh chưa lấy vỢ trước khi đi học) còn đã lấy vợ rồi như Trần Huyền nhất định không được bỏ, bỏ là cắt bay ngay.

        Trần Huyền tuy không yêu vợ, nhưng anh cũng rất mực thước không có tính này nọ. Dạo đó có một cô rất thích anh, mặc dù đã biết anh có vợ, mỗi một lần anh đi trực về, bao giờ cũng tìm đến, như hình với bóng. Đang trong hoàn cảnh chán vỢ, lại tự do, rất có thế anh cũng đã từng xiêu lòng, nhưng vì nghĩ đến việc phải nghỉ bay, anh đã từ chối cô gái đó.

        Trần Huyền rất giống Lê Trọng Huyên ở chỗ rất chú trọng nhiệm vụ được giao và bay rất tốt. Nhiều lúc anh tâm sự với tôi:

        - Mình có thể hi sinh chuyện tình cảm, chứ không thể không bay. Nghe nói, đào tạo được một người phi công như mình, Trung Quốc đã phải mất 80 ki-lô-gam vàng cho mỗi người. (Theo tính toán của người Trung Quốc, họ tính tất cả các khoản chi phí từ lúc đưa học sinh từ Việt Nam sang, lo chỗ ăn nghỉ, cho đến học tập, huấn luyện bay, từ lúc 60 học viên cho tới khi được 18 học viên về nước số chi phí lên tới 80 ki-lô-gam vàng ròng/người). Mình không thể lãng phí bao nhiêu công lao đào tạo như vậy để thỏa mãn ham muốn cá nhân được.

        Bạn tôi đấy, mỗi người một vẻ nhưng hầu như ai cũng luôn tự mình phấn đấu, hi sinh những sở thích của riêng mình và hiểu rõ Tổ quốc cần mình thế nào để có trách nhiệm với Tổ quốc.

        Tôi nói điều này, với thời nay hơi có vẻ lý thuyết, nhưng đó là sự thật: Phi công lứa đầu tiên của Binh chủng Không quân như chúng tôi, những người như các anh Trần Huyền, Lê Trọng Huyên và còn bao người khác nữa, mà tôi chưa biết, chưa kịp kể lại trong cuốn sách nhỏ này.

        Họ đã thầm lặng ra đi, tất cả đều xứng đáng là những anh hùng!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 09:42:41 pm »

       
PHỤ LỤC MỘT

CÁC ANH HÙNG CỦA QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG VÀ KHÔNG QUÂN

       
ANH HÙNG TÔ VĨNH DIỆN


        Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xã Nông Trường huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Khi hi sinh đồng chí là tiểu đội trường pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

        Năm 1946, Tô Vĩnh Diện tham gia dân quân ở địa phương. Năm 1949, xung phong vào bộ đội, đến năm 1953, Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Quá trình đơn vị hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000 ki-lô-mét tối vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn luôn gương mẫu, gánh vác việc nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội đưa pháo tới đích an toàn. Những lúc gặp chặng đường nguy hiểm, Tô Vĩnh Diện luôn xung phong ở những vị trí khó khăn nhất để đảm bảo an toàn cho pháo. Kéo pháo vào đã gian khổ, khó khăn nhưng kéo pháo ra càng gay go, trắc trở. Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối - một cái dốc nghiêng 70 độ, đường hẹp và cong rất nguy hiểm - Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Ty xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh bĩnh tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường. Không may, một trong bôn dây kéo lại bị đứt, pháo lao rất nhanh, hất Ty xuống suối. Trước hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em: “Thà hi sinh, quyết bảo vệ pháo!” và anh buông tay lái chạy lên phía trước, lấy thân mình lao vào chèn bánh pháo. Pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ được pháo dừng lại. Tấm gương hi sinh vô cùng anh dũng của Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ cho toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạnh Nhất. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Tô Vĩnh Diện được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

ANH HÙNG NGUYỄN THÀNH ÚT


        Anh hùng Nguyễn Thành Út (tức Huỳnh Văn Voi) sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Trung đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 570, Đoàn 330.

        Chín năm chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, Nguyễn Thành Út đã đánh 42 trận (trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), 6 lần bị thương. Tháng 8 năm 1948, một Trung đội của địch đi càn lọt vào trận địa phục kích của ta, đồng chí đã diệt được nhiều tên, làm cho chúng khiếp sợ. Trận đánh đồn Bà Lực (tháng 12 năm 1950) địch bắn ra dữ dội, đơn vị xung phong hai đợt vẫn chưa vào được, Nguyễn Thành út xách súng trung liên xông vào sát đồn, kẹp trung liên vào nách bắn chế áp hỏa điểm địch. Cửa được mở, đơn vị tiến vào diệt gọn vị trí này. Tháng 8 năm 1952, trận Bảy Ngàn, Nguyễn Thành út và Trung đội trưởng đi trước, hai người đội bèo ngâm mình dưới nước bí mật lọt vào đồn, chiếm cầu thang gác chẹn địch. Địch phản kích, Trung đội trưởng hi sinh còn mỗi một mình Nguyễn Thành út vẫn dũng cảm, kiên quyết chặn địch cho đến khi xung kích vào tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Tháng 3 năm 1954, đơn vị đồng chí đánh vận động ở An Biên, cả tiểu đội thương vong gần hết, Nguyễn Thành út bị thương vẫn chỉ huy anh em đánh thẳng vào giữa đội hình địch, làm cho chúng rối loạn, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn Đại đội địch.

        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Nguyễn Thành út được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 09:47:49 pm »


ANH HÙNG TRẦN HANH


        Anh hùng Trần Hanh sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở làng Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên,

        Thiếu tá, Trung đoàn phó Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Hanh ở Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, chiến đấu 25 trận lớn nhỏ, qua các chiến dịch Hà Nam Ninh, tây nam Ninh Bình và Đông - Xuân 1953 năm 1954. Từ năm 1956 do yêu cầu phát triển quân đội, Trần Hanh được cử ra nước ngoài học lái máy bay phản lực. Ngày 3 tháng 4 năm 1965 Không quân ta lần đầu tiên xuất trận, Phi đội của Trần Hanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm hộ trên tầng cao cạnh sườn đế Phi đội bạn lập công xuất sắc.

        Ngày 4 tháng 4 năm 1965, Trần Hanh nhận nhiệm vụ chiến đấu trên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hóa. Đồng chí phát hiện 4 chiếc máy bay địch ở bên phải đang lấy độ cao bay lên tránh hỏa lực pháo cao xạ của ta từ dưới bắn lên. Tranh thủ yếu tố bất ngờ, đồng chí cho máy bay tăng hết tốc độ và vòng gấp từ trên cao lao xuống bám sát 1 chiếc F-105. Tới cự ly có hiệu quả, Trần Hanh nổ súng chiếc F-105 bị trúng đạn vào giữa thân, bốc cháy và rơi xuống. Chiến đấu được 4 phút, khi nhận được lệnh quay về, Trần Hanh phát hiện 2 máy bay địch ở thế có lợi, không còn cách nào khác đồng chí dũng cảm quay ngược máy bay lại lao thẳng vào đối đầu với bọn địch. Không chịu nổi lối đánh đó, chúng hốt hoảng bỏ chạy. Khi máy bay hết dầu, được phép nhảy dù nhưng anh vẫn cố gắng tìm cách hạ cánh an toàn.

        Đồng chí Trần Hành đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba và Chiến sĩ Thi đua năm 1954 (trong kháng chiến chông Pháp), 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trần Hanh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BẢY


        Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Thanh, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 Không quân, thuộc Đoàn Không quân Yên Thế.

        Từ năm 1954 đến 1959, Nguyễn Văn Bảy ở đơn vị bộ binh. Năm 1960, anh được chuyển sang Không quân đi học lái máy bay phản lực. Tháng 4 năm 1965, anh tốt nghiệp trở về nước. Tính đến ngày được tuyên dương Anh hùng, anh đã chiến đấu bảy trận, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng Phi đội bắn rơi 12 chiếc máy bay địch. Riêng anh 4 lần nổ súng bắn rơi tại chỗ 4 máy bay phản lực Mỹ (2F-4, 1 F-105 và 1 F-8).

        Ngày 26 tháng 4 năm 1966 trên vùng trời Võ Nhãi (Bắc Thái cũ) Nguyễn Văn Bảy phát hiện máy bay địch, anh bất ngờ lái máy bay xông thẳng vào giữa đội hình máy bay địch, làm cho chúng hốt hoảng tháo chạy. Anh bĩnh tĩnh bám chắc một chiếc, tối cự ly có hiệu quả bằng 2 loạt đạn làm cho nó bốc lửa và rơi ngay tại chỗ.

        Ngày 29 tháng 6 năm 1966 trên vùng trời Việt Trì, Biên đội của anh bị máy bay địch bám đuổi, Nguyễn Văn Bảy quay lại đối đầu, giành thế chủ động bắn rơi 2 chiếc phản lực Mỹ, riêng anh bắn rơi một chiếc.

        Ngày 5 tháng 9 năm 1966, 16 chiếc máy bay địch gồm F-4 và F-105 xâm phạm vùng trời Chí Linh (Hải Dương) anh cùng đồng đội bắn tơi 3 chiếc máy bay F-4 và trở về hạ cánh an toàn, riêng anh bắn rơi một chiếc.

        Nguyễn Văn Bảy được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen, giấy khen. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Văn Bảy được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 09:50:14 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN TUYÊN

         

        Anh hùng Nguyễn Tuyên sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xá Tân Dân, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thiếu úy, đội trưởng đội kỹ thuật lắp ráp tên lửa, thuộc Tiểu đoàn 65, Trung đoàn 236.

        Từ khi nhập ngũ (tháng 2 năm 1954) qua mười năm Nguyễn Tuyên đã được giao nhiều nhiệm vụ, nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc. Sau đó Tuyên được cử đi học kỹ thuật ở nước ngoài. Tháng 2 năm 1965, đang học dở, đồng chí được điều về xây dựng một đơn vị tên lửa. Do yêu cầu xây dựng đơn vị và thời gian huấn luyện gấp, Nguyễn Tuyên trực tiếp phụ trách nhóm trung tâm và dây chuyền đột phá để rút kinh nghiệm.

        Tháng 7 năm 1965, đơn vị triển khai sản xuất đạn chiến đấu, Nguyễn Tuyên đã cùng đơn vị khắc phục khó khăn, phát huy nhiều sáng kiến có giá trị. Đồng chí đã nghiên cứu đưa hòm số một vào nhà, giảm được 10 người và thời gian nhanh gấp 3 lần, lắp đầu đạn, bớt được 1 xe đẩy, giảm được hai người thời gian nhanh gấp đôi; đưa đạn hỏng có nhiên liệu vào hòm. Bảo quản tốt nhiên liệu, giải phóng xe nhanh. Đồng chí tích cực tìm tôi nghiên cứu rồi cùng đồng đội chữa được 7 bộ cánh, hàn thân được 5 quả đạn, lắp được 4 quả đạn mới.

        Chiều ngày 7 tháng 11 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay đến đánh phá khu vực của Tiểu đoàn, Nguyễn Tuyên bị thương, nhưng khi thấy lửa cháy lan gần tới kho chứa 20 quả đạn tên lửa, đồng chí cùng anh em xông vào dập lửa cứu đạn. Bị ba vết thương, nhưng Nguyễn Tuyên xin tình nguyện ở lại cùng đồng đội khắc phục hậu quả của trận bom hạn chế rất nhiều thiệt hại.

        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạnh Nhất, 2 Bằng khen, là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Tuyên được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LÂM VĂN LÍCH

         

        Anh hùng Lâm Văn Lích sinh năm 1932 dân tộc Hoa, quê ở xã Định Thành, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đảng viên, Đại úy lái máy bay của Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Tháng 8 năm 1964 sau khi đi học lái máy bay trở về đơn vị, Lâm Văn Lích cùng đồng đội kiên trì học thêm một số khoa mục mà ở trường thời gian học ít như bay xuyên mây. Cả Biên đội bay ngay cả khi thời tiết xấu mà vẫn đạt kết quả tốt. Lâm Văn Lích đã tham gia chiến đấu 3 trận, trận nào đồng chí cũng dũng cảm, mưu trí linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ với đồng đội, luôn giành thế chủ động tiến công. Có lần bị máy bay địch bám đuôi, Lâm Văn Lích đã vòng gấp và đánh trả vào sườn hoặc bám đuôi máy bay địch hoặc nhanh chóng lái máy bay của mình quay lại đối đầu với máy bay địch bắn làm bọn chúng khiếp sợ, đội hình rối loạn.

        Ngày 4 tháng 4 năm 1965, Lâm Văn Lích đã bắn rơi 1 máy bay địch, Biên đội an toàn. Trận ngày 17 tháng 6 năm 1965, Lâm Văn Lích chỉ huy Biên đội bắn rơi 2 chiếc máy bay địch, bắn bị thương hai chiếc khác, bản thân đồng chí bắn trúng 1 chiếc. Khi trở về, một đồng đội bị nạn phải nhảy dù, đồng chí đã bay cảnh giới để đồng đội được an toàn.

        Trận đánh đêm 3 tháng 2 năm 1966, Lâm Văn Lích đã dũng cảm mưu trí, tranh thủ thời cơ bất ngờ tiếp cận máy bay địch nổ súng chính xác, bắn rơi hai máy bay địch và trở về hạ cánh an toàn. Trận đánh đêm đầu tiên giành thắng lợi đã cổ vũ động viên đồng đội càng thêm tin tưởng về chiến thuật và khả năng đánh đêm của ta.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương chiến công hạng Nhì, 28 Bằng khen và giấy khen. Lâm Văn Lích được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 1 tháng 1 năm 1967.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 09:52:19 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN HỒNG NHỊ

         

        Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị (tức Hồng Việt) sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Đại úy Trung đoàn phó Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nguyễn Hồng Nhị luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí tích cực tiến công, hạ được nhiều máy bay địch. Từ năm 1966 đến năm 1968, đồng chí đã tham gia chiến đấu 15 trận, 12 lần nổ súng, hạ 8 máy bay địch (gồm 3 chiếc F-4, 3 chiếc F-105, 1 chiếc F-8 và 1 chiếc không người lái). Ngoài ra, Nguyễn Hồng Nhị còn chỉ huy Biên đội bắn rơi hai chiếc máy bay khác.

        Trận ngày 4 tháng 1 năm 1966 trên vùng trời Quảng Ninh, Nguyễn Hồng Nhị là người đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam hạ một máy bay không người lái ở độ cao 18 ki-lô-mét. 

        Trận ngày 9 tháng 9 năm 1967 trên vùng trời Chiêm Hóa (Tuyên Quang) mặc dù thấy địch có tới 16 chiếc F-4, đồng chí vẫn cùng đồng chí bay số 2 yểm hộ nhau chặt chẽ, tạo thế có lợi mưu trí và dũng cảm xông thẳng vào đội hình máy bay địch kịp thời nổ súng, mỗi người hạ một chiếc, làm cho số máy bay địch còn lại phải bỏ chạy tán loạn. Trận ngày 7 tháng 11 năm 1967 trên vùng trời Văn Yên (Nghĩa Lộ), gặp một đội hình máy bay địch có chiến thuật khác lạ, Nguyễn Hồng Nhị bĩnh tĩnh tìm chỗ yếu của chúng, dẫn đầu Biên đội cắt đội hình phía sau của địch. Tốp máy bay F-4 quay lại đối phó, Nguyễn Hồng Nhị phóng một quả tên lửa làm rối loạn đội hình tốp này, rồi xông thẳng vào tốp máy bay F-105 đi đầu, hạ ngay 1 chiếc, khiến cho số còn lại hốt hoảng tháo chạy.

        Đồng chí Nguyễn Hồng Nhị đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 8 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Ngày 18 tháng 6 năm 1969 Nguyễn Hồng Nhị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG PHẠM THANH NGÂN

         

        Anh hùng Phạm Thanh Ngân sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, Đại úy, Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Trung đoàn Không quân 921 được trang bị loại máy bay chiến đấu hiện đại MiG-21, Phạm Thanh Ngân đã ra sức học tập nắm vững tính năng kỹ thuật, sử dụng thành thạo loại máy bay này. Từ giữa năm 1966 đến giữa năm 1969, trong những trận không chiến ác liệt với Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Phạm Thanh Ngân đã nêu cao tinh thần quyết chiến, kiên quyết tấn công địch, dũng cảm linh hoạt, mưu trí, sáng tạo nhiều cách đánh hay, chủ động đánh chặn địch từ xa, nêu một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Cùng Biên đội bắn rơi mười sáu máy bay Mỹ. Riêng đồng chí bắn rơi 8 chiếc (3 chiếc F-4, 2 chiếc F-105. một chiếc RF, 1 chiếc F102, và 1 máy bay không người lái. Hầu hết các máy bay trên đều do những giặc lái sừng sỏ
của Không quân Mỹ điều khiển. Phạm Thanh Ngân luôn bảo vệ tốt phương tiện chiến đấu được giao, máy bay của đồng chí chưa một lần nào bị đôi phương bắn hạ. Say mê nghiên cứu, thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực chỉ huy, khiêm tốn giản dị trong sinh hoạt, Phạm Thanh Ngân luôn được cấp trên tin tưởng và đồng đội mến phục.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, và 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 8 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người và nhiều lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng. Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Phạm Thanh Ngân được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2019, 07:55:34 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN CỐC


        Anh hùng Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Bích Sơn huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Đại úy, lái máy bay phản lực thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ.

        Nguyễn Văn Cốc đã tham gia 10 trận, 7 lần nổ súng, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, gồm 4 chiếc F-105 và 2 chiếc F-4. Ngoài ra anh còn yểm hộ tốt cho số 1, góp phần cùng đồng đội bắn rơi 9 máy bay khác của địch.

        Ngày 23 tháng 8 năm 1967, Nguyễn Văn Cốc tham gia trận chiến đấu với máy bay Mỹ trên bầu trời Tuyên Quang, đồng chí làm nhiệm vụ số 2. Khi phát hiện địch đông tới 36 chiếc, Nguyễn Văn Cốc bĩnh tĩnh quan sát, báo chính xác cho Biên đội trưởng, cùng với Biên đội trưởng công kích, bắn rơi 3 máy bay của địch trở về hạ cánh an toàn.

        Ngày 20 tháng 11 năm 1967, trên bầu trời Phú Thọ, Nguyễn Văn Cốc làm nhiệm vụ số 2 trong Biên đội. Tới khu vực chiến đấu, phát hiện 1 tốp 4 chiếc F-4 của địch đang đối
đầu với Biên đội mình, Nguyễn Văn Cốc dũng cảm vượt lên trên đầu đội hình tốp F-4 rồi công kích tốp F-105 bắn rơi tại chỗ 1 chiếc, phá vỡ đội hình của chúng, bảo vệ được mục tiêu. Khi trở về, gặp lúc địch đang đánh phá quanh sân bay, Nguyễn Văn Cốc vẫn bĩnh tĩnh hạ cánh an toàn.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba và 1 Bằng khen, được Bác Hồ tặng 6 huy hiệu của Người, nhiều lần là Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ quyết thắng. Ngày 18 tháng 6 năm 1969 Nguyễn Văn Cốc được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN HUY HỒNG

         

        Anh hùng Nguyễn Huy Hồng sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng sĩ Trung đội phó cao xạ, thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 233, Đoàn Phòng không 361.

        Chưa tròn 3 tuổi quân, Nguyễn Huy Hồng đã tham gia chiến đấu hơn 100 trận. Trận nào đồng chí cũng nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, nhiều lần bị thương nặng vẫn không rời trận địa, chỉ huy phân đội lập công xuất sắc.

        Ngày 21 tháng 7 năm 1966 tại Đáp Cầu (Bắc Ninh), địch cho 24 lần chiếc thay nhau đánh phá và không chế trận địa pháo, Nguyễn Huy Hồng bị nhiều vết thương vào đầu, vào tay, vào mặt, vào bụng vẫn tiếp tục chỉ huy và động viên khẩu đội chiến đấu, cùng các khẩu đội bạn bắn rơi một máy bay.

        Ngày 27 tháng 7 năm 1967 tại cầu Giẽ (Hà Tây) địch cho nhiều lần chiếc máy bay thay nhau ném bom bi, bom phá, bom nổ chậm vào trận địa. Khẩu đội trưởng Nguyễn Huy Hồng vẫn bĩnh tĩnh, dũng cảm cùng các khẩu đội khác trong Đại đội bắn rơi một máy bay Mỹ. Trong lúc đang chiến đấu ác liệt, Nguyễn Huy Hồng bị thương nặng vào đầu, vào ngực máu ra nhiều bị choáng, không đứng vững được, Nguyễn Huy Hồng đề nghị đồng chí số 5 thay mình chỉ huy khẩu đội tiếp tục chiến đấu, còn mình nén chịu đau đứng tựa vào bánh xe pháo, động viên anh em cho đến khi trận chiến đấu kết thúc.

        Ngày 25 tháng 10 năm 1967, trong một trận chiến đấu bảo vệ Hà Nội, máy bay Mỹ ném bom trúng khẩu đội của Nguyễn Huy Hồng làm cho một số chiến sĩ bị thương vong, đồng chí vừa làm nhiệm vụ khẩu đội trưởng chỉ huy phân đội chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ số 5 tiếp đạn, góp phần bắn rơi một máy bay Mỹ.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 huân chương Chiến công hạng Ba, 4 Bằng khen và giấy khen, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua. Ngày 18 tháng 6 năm 1969 Nguyễn Huy Hồng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2019, 07:57:26 am »


ANH HÙNG BÙI XUÂN CHIẾN


        Anh hùng Bùi Xuân Chiến sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê xã Yên Tân, Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, hạ sĩ, Khẩu đội trưởng pháo cao xạ 100 ly, thuộc Đại đội 172, Trung đoàn 240, Đoàn Phòng không 363.

        Từ năm 1964 đến tháng 6 năm 1969, Bùi Xuân Chiến đã tham gia chiến đấu 300 trận, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Ngày 1 tháng 5 năm 1966, trong trận chiến đấu bảo vệ thành phố Vinh (Nghệ An) sau khi bắn được hai loạt đạn, bộ phận tông vỏ đạn bị hỏng, làm cho vỏ đạn không văng ra ngoài được, Bùi Xuân Chiến không nề hà nguy hiểm dùng hai tay kéo vỏ đạn ra, nhờ đó khẩu đội tiếp tục nổ súng được ngay, góp phần với trận địa hoàn thành nhiệm vụ.

        Ngày 5 tháng 5 năm 1967 tại Hải Phòng, giữa lúc trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt thì Khẩu đội trưởng bị thương. Bùi Xuân Chiến lên thay thế, đồng chí bĩnh tĩnh động viên khẩu đội chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Ngày 21 tháng 9 năm 1967 ở Tân Dương (Hải Dương) giữa lúc máy bay địch đang bắn phá, không nề hà nguy hiểm, Bùi Xuân Chiến nhảy ra ngoài công sự múc nước cùng đồng đội dập tắt lửa cứu được hơn một tấn đạn. Bảo đảm an toàn cho cả khẩu đội.

        Ngày 28 năm 11 năm 1967 ở Vĩnh Khê địch oanh tạc dữ dội trận địa làm cho một số anh em bị thương vong và hầm đạn bị cháy. Bùi Xuân Chiến lại dũng cảm cùng đồng đội dập tắt lửa ở hầm đạn, cứu được một tấn đạn và kịp thời chuyển hai đồng chí bị thương ra ngoài. Trở lại trận địa thấy đội trưởng đơn vị bạn bị thương nặng, anh em đang lúng túng, Bùi Xuân Chiến liền tạm thời thay thế chỉ huy chiến đấu, động viên khẩu đội quyết tâm lập công trả thù cho đồng đội.

        Đồng chí được tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 lần được danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 3 Bằng khen, 3 giấy khen. Ngày 18 năm 6 năm 1969 Bùi Xuân Chiến được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGÔ VĂN TÁC

         

        Anh hùng Ngô Văn Tác sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Định Hòa, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, trung úy, trưởng xe kiêm sĩ quan điều khiển thuộc Tiểu đoàn 71 tên lửa, Trung đoàn 285, Đoàn Phòng không 369.

        Là sĩ quan điều khiển, Ngô Văn Tác đã chiến đấu 44 trận, góp phần trực tiếp bắn rơi 22 máy bay Mỹ, trong tổng số 26 chiếc đơn vị bắn rơi, có năm chiếc rơi tại chỗ.

        Ngày mùng 3 tháng 3 năm 1966, đơn vị bố trí ở Hòa Bình, do phán đoán đúng thủ đoạn của địch, Ngô Văn Tác mưu trí đón địch, điều khiển tên lửa bắn rơi 2 chiếc F-105 khi chúng vừa ló ra khỏi khe núi, khiến cả bọn còn lại hoảng loạn bỏ chạy, phá tan âm mưu của chúng định đánh phá Hà Nội.

        Ngày 25 tháng 7 năm 1966 ở Bắc Thái, Ngô Văn Tác điều khiển tên lửa hạ một F-105 góp phần cùng đơn vị bạn bảo vệ an toàn mục tiêu được phân công.

        Ngày 23 tháng 8 năm 1966, trong điều kiện địch đã vào gần phải đánh gấp rất ít thời gian để chuẩn bị nhưng Ngô Văn Tác vẫn bình tĩnh, khẩn trương cùng kíp trắc thủ thao tác, điều khiển tên lửa bắn tan xác 1 chiếc F-8 của Hải quân Mỹ.

        Ngày 29 tháng 8 năm 1966, tại Quảng Ninh, Ngô Văn Tác khéo léo điều khiển 3 quả tên lửa, hạ hai máy bay Mỹ định đánh vào mỏ cọc 5 và tàu chở hàng của ta đậu ở Cảng.

        Ngày 9 tháng 9 năm 1966 ở Quảng Yên với tinh thần cảnh giác cao, Ngô Văn Tác cùng đồng đội bắn rơi một F-4 của Mỹ.

        Ngày 16 tháng 11 năm 1967 ở Hải Phòng, Ngô Văn Tác điều khiển tên lửa bắn rơi tại chỗ một máy bay địch. Những thành tích nổi bật nhất củá Ngô Văn Tác là các trận ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1967 chống lại tên lửa sơ-rai của địch dùng để phá tên lửa của ta.

        Đồng chí được tặng 1 Huân chương chiến công hạng Ba, 3 lần là Chiến sĩ thi đua, 2 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 7 Bằng khen và giấy khen. Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Ngô Văn Tác được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2019, 08:00:09 am »


ANH HÙNG LƯU HUY CHAO

         

        Anh hùng Lưu Huy Chao sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở Đông Anh huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Thượng úy,

        Đại đội trưởng Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên Thế.

        Trong 4 năm từ 1965 đến 1968, Lưu Huy Chao đã đánh 19 trận, bắn rơi 6 máy bay địch (gồm 2 chiếc F-4, 2 chiếc F-8, 1 chiếc F-105, 1 chiếc C47), ngoài ra anh còn chỉ huy Biên đội đánh và yểm hộ cho đồng đội bắn rơi 11 chiếc khác.

        Ngày 14 tháng 12 năm 1967 trên vùng trời tỉnh Thái Bình, Lưu Huy Chao đã chỉ huy Biên đội 4 chiếc MiG-17B tiến công 16 chiếc F-8 của địch, bắn rơi chiếc F-8 ngay tại chỗ. Cách đánh này nêu kinh nghiệm tốt cho MiG-17 diệt F-8 Mỹ.

        Ngày 3 tháng 1 năm 1968 anh lại chỉ huy Biên đội 4 chiếc, khi vừa rời khỏi khu chờ, Lưu Huy Chao nghe thông báo phía sau có địch còn cách 4.000m và trời mây mù anh quyết định cho Biên đội quay lại, chủ động bất ngờ tiến công. Toàn Biên đội yểm hộ cho số 3 lao thẳng vào công kích bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4. Lúc này máy bay hết dầu, cấp trên cho phép nhảy dù nhưng anh quyết định hạ cánh, bĩnh tĩnh cố gắng điều khiển máy bay hạ dần độ cao. Lái máy bay theo quán tính về sân bay, hạ cánh an toàn. Chiếc MiG-17B hôm ấy đã bị 40 vết mảnh đạn, chỗ thủng to nhất ở cánh phải dài 60 cm, rộng 40 cm.

        Ngày 29 tháng 7 năm 1968 Lưu Huy Chao chỉ huy Biên đội vào Nghệ An chiến đấu, trận này ta 4 chiếc MiG- 17B, địch 4 chiếc F-8 - Lực lượng ngang nhau. Ta lại có kinh nghiệm của những trận đánh trước nên Biên đội của anh làm chủ không phận ngay từ đầu, bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F-8, riêng anh bắn rơi 1 chiếc.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, ba Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), 1 Bằng khen, 1 danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 6 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Lưu Huy Chao được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

ANH HÙNG MAI VĂN CƯƠNG

         

        Anh hùng Mai Văn Cương sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, Đại úy, Đại đội phó Đại đội 1, Đoàn Không quân Sao Đỏ...

        Mai Văn Cương đã cất cánh 98 lần, gặp địch 21 lần, nổ súng 15 lần, bắn rơi 8 máy bay phản lực Mỹ (2 chiếc F-4C, 3 chiếc F-105, 3 máy bay không người lái (7 chiếc rơi tại chỗ) và cùng Biên đội bắn rơi 2 chiếc khác.

        Ngày 8 tháng 10 năm 1966, Biên đội Mai Văn Cương được lệnh xuất kích về phía Hà Nội và được thông báo có nhiều máy bay địch đang đánh phá Đông Anh, Mai Văn Cương mưu trí lao vào đội hình địch, bắn yểm hộ cho số 1, uy hiếp tinh thần địch làm cho chúng vội vàng bỏ mục tiêu tháo chạy. Bị lạc đội hình, anh vẫn bĩnh tĩnh bám luôn một tốp 4 chiếc F-105 khác rồi khéo léo sử dụng rocket bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-105 trên vùng trời Tam Đảo.

        Ngày 28 tháng 4 năm 1967, Biên đội Mai Văn Cương cất cánh chặn địch ở vùng trời Nghĩa Lộ. Phát hiện 2 chiếc F-105, số 1 được anh em yểm hộ liền nhanh chóng xông vào công kích địch. Chiếc F-105 vội vàng lao xuống khe núi tháo chạy. Mai Văn Cương dùng kỹ thuật bổ nhào theo, bắn tiếp 1 phát tên lửa nữa, chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy, cắm đầu xuống vùng núi Nghĩa Lộ.

        Ngày 7 tháng 10 năm 1967, Biên đội Mai Văn Cương xuất kích về hướng Sơn Tây. Sau khi phóng 1 quả tên lửa hạ 1 chiếc F-4, đồng chí số 1 bị chiếc F-4 bám đuôi phóng liền 2 quả tên lửa. Mai Văn Cương nhanh trí ra lệnh cho đồng đội ngoặt gấp tránh tên lửa rồi tự mình lao vào cắt ngang đội hình địch, bám chắc một chiếc, phóng 1 quả tên lửa khiến cho máy bay địch nổ tung lao đầu xuống đất.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần là Chiến sĩ quyết thắng và 6 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Mai Văn Cương được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2019, 08:01:45 am »


ANH HÙNG ĐẶNG MINH CHỨC

         

        Anh hùng Đặng Minh Chức sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Nam, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, thiếu úy, sĩ quan điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 73, Trung đoàn 285, Đoàn Phòng không 363.

        Đặng Minh Chức tham gia chiến đấu 49 trận, điều khiển tên lửa bắn rơi 18 máy bay Mỹ (có 7 chiếc rơi tại chỗ). Trong những ngày cuối tháng 8 năm 1967, máy bay địch hoạt động nhiều. Sáng ngày 31 tháng 8 năm 1967, 2 tốp máy bay địch từ hướng đông nam 12 chiếc và tây nam 3 chiếc vào đánh phá. Đặng Minh Chức kịp thời phát hiện mục tiêu, xin đánh tốp 12 chiếc. Anh điều khiển phóng hai quả đạn, quả đầu tiên nổ cháy liền cả 2 máy bay Mỹ.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1967, anh phát hiện kịp thời máy bay địch bám chắc mục tiêu và khi mục tiêu được lệnh chủ động hiệp đồng với các trắc thủ, phóng đạn về phía địch. Địch tránh xuống thấp, Đặng Minh Chức điều khiển tên lửa hướng trung mục tiêu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4H của giặc Mỹ.

        Trong trận ngày 11 tháng 9 năm 1967, địch đánh ở Hải Phòng, anh đề nghị được đánh ngay. Địch cho 2 máy bay F-8 không chế trận địa, anh động viên kíp trắc thủ bĩnh tĩnh phóng tên lửa, bắn rơi ngay 1 chiếc. Lập tức trận địa tên lửa bị địch đánh dồn dập. Được lệnh sơ tán, Đặng Minh Chức cho trắc thủ di chuyền trước, còn mình ở lại cùng cán bộ giải quyết hậu quả, bảo vệ khí tài. Là sĩ quan điều khiển đã trải qua nhiều trận chiến đấu, anh học được nhiều kinh nghiệm điều khiển tên lửa bắn máy bay giặc, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba 1 lần là chiến sĩ thi đua, nhiều Bằng khen và giấy khen. Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Đặng Minh Chức được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG VŨ NGỌC DIỆU

         

        Anh hùng Vũ Ngọc Diệu sinh năm 1948, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, Hạ sĩ, Trắc thu ra-đa Đại đội 14, Trung đoàn 290, Đoàn Phòng không B73.

        Trong ba năm chiến đấu ở vị trí trắc thủ ra-đa, Vũ Ngọc Diệu phát hiện 456 tốp máy bay chính xác, góp phần cùng các đơn vị chiến đấu ở Nghệ An bắn rơi trên 300 máy bay Mỹ. Anh có nhiều công nghiên cứu chống nhiễu tổng hợp thành công, có sáng kiến dùng máy cũ phục vụ dẫn đường cho không quân đánh thắng giặc Mỹ.

        Tháng 4 năm l967, cùng Trung đội trưởng phiên ban, Diệu tìm cách khắc phục nhiễu, phát hiện 1 máy bay trinh sát vào Đô Lương, báo kịp cho đơn vị bạn bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Tháng 11 năm 1967, dùng F-8 cũ nhưng do rèn luyện thành thạo, anh phát hiện địch từ xa 200 ki-lô-mét, báo kịp thời cho sở chỉ huy, giúp bạn bắn rơi máy bay địch.

        Trong 2 ngày 7 và ngày 8 tháng 5 năm 1968, địch đánh lớn vào Vinh, Bến Thủy, Đô Lương. Từ cự ly 200 ki-lô-mét, tổ Diệu phát hiện địch, báo ngay. Bom làm rung máy, anh chỉnh máy phục vụ bắn rơi 1 máy bay Mỹ.

        Ngày 16 tháng 6 năm 1968, dùng máy F-8 và P15 dẫn đường cho Không quân, Vũ Ngọc Diệu sử dụng máy linh hoạt, đổi số và chống nhiễu tổng hợp góp phần cho Không quân ta hạ 2 máy bay Mỹ tại Nghệ An. Ngày 22 tháng 7 năm 1966, Vũ Ngọc Diệu bị thương vào tay vẫn cõng bạn bị thương nặng ra khỏi trận địa, tiếp tục làm nhiệm vụ suốt cả 10 lần địch đánh trận địa.

        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua, 1 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 2 Bằng khen, 2 giấy khen. Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Vũ Ngọc Diệu được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM