Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:51:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 15059 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2019, 12:23:01 am »


        Gần giống với tình huống của Thượng tá Dương Văn Thanh, Trung úy phi công Ngô Sĩ Minh cũng đã dũng cảm xử lý bất trắc cứu được máy bay, cho dù trong trường hợp ấy anh hoàn toàn có thể nhảy dù để bảo toàn tính mạng của mình...

        Ngày 27 tháng 6 năm 2006, như thường lệ, Trung uý phi công Ngô Sĩ Minh - số hiệu bay 054 (Đoàn không quân C40, Trường sĩ quan Không quân) làm mọi công tác chuẩn bị để tiến hành bay tập sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch của đơn vị. Bầu trời miền Trung trong xanh, nắng vàng trải khắp mọi nơi.

        Chiếc máy bay chiến đấu XY79 của Minh nổ máy giòn giã lấy đà, rồi lao vút lên không trung. Kết thúc bài tập, Biên đội bay về sân bay giải tán vào hạ cánh. Minh bay đến vòng 3, tiến hành thả càng chuẩn bị tiếp đất. Thế nhưng lạ thay, chiếc càng trước của máy bay không sao mở ra được. Biết là máy bay đã gặp sự cố, Minh điện ngay cho chỉ huy bay dưới mặt đất. Vốn là một giáo viên bay kỳ cựu về bay chiến đấu, một chỉ huy bay dạn dày kinh nghiệm, Thượng tá Vũ Văn Sĩ, Đoàn trưởng đoàn bay C40 bình tĩnh lệnh cho Minh tiếp tục điều khiển máy bay lên cao và thả càng bằng cơ học. Chiếc máy bay lại vút lên không trung. Khi cách mặt đất khoảng 800 mét, tốc độ 750 ki-lô-mét giờ, Minh cho chiếc máy bay bổ nhào tạo độ quá tải và thả càng bằng cơ học liên tục ba lần, nhưng cũng không có kết quả. Chiếc càng trước của máy bay như bị gắn chặt vào buồng càng, không chịu nhả ra.

        Lúc này, dưới mặt đất, Thượng tá, chỉ huy bay Vũ Văn Sĩ cùng các cán bộ của Đoàn đã nhận thấy tình thế hết sức nguy hiểm đối với tính mạng phi công và chiếc máy bay. Trong tình huống này, theo sổ tay phi công thì phi công được phép nhảy dù để giữ tính mạng và chấp nhận mất chiếc máy bay. Còn nếu ra lệnh hạ cánh bằng phương pháp trượt bụng thì tính mạng phi công cũng ngàn cân treo sợi tóc. Hơn nữa, phải là những phi công lão luyện thì mới có thể thực hiện được phương pháp hạ cánh này. Trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam củng chỉ có vài trường hợp hạ cánh theo phương pháp này và thành công. Còn đối với phi công Ngô Sĩ Minh thì anh còn quá trẻ, mới có 29 tuổi đời và 7 tuổi bay. Nghĩ thế, Thượng tá Vũ Văn Sĩ hỏi:

        - 054! Có quyết tâm hạ cánh được không? Nếu không chắc chắn, còn phản vân, thì cho phép rời khỏi máy bay.

        Khẩu lệnh được nhắc đi, nhắc lại đến ba lần và lần nào củng nhận được câu trả lời đầy tự tin: Tôi quyết tâm hạ cánh!. Nhận rõ quyết tâm của Minh, chỉ huy bay Vũ Văn Sĩ liền hướng dẫn Minh chuẩn bị hạ cánh bằng phương pháp trượt bụng vào đường băng số Hai.

        Máy bay như một con én bạc lao từ không trung xuống, trượt bụng trên đường băng. Cát bụi bay lên mù mịt. Chiếc máy bay như con ngựa sắt bất kham cày một vệt dài trên đường băng và dừng lại phía dưới đường băng. Mọi người thấy tiếng động cơ tắt hẳn, chiếc dù đuôi của máy bay bung ra. Cửa bật mở, phi công Ngô Sĩ Minh nhanh chóng bước ra khỏi máy bay.

        Mọi người ùa lại mừng vui không kể xiết. Các phương tiện cứu hoả, cấp cứu, ứng cấp nhanh chóng có mặt tại hiện trường, nhưng không phải thực hiện nhiều thao tác, bởi chiếcmáy bay chỉ bị xây xát nhẹ. Lúc này, Thượng tá Vũ Văn Sĩ mới thở phào, rời khỏi đài chỉ huy. Anh lặng lẽ nắm chặt tay Minh, trong mắt anh ánh lên niềm tin yêu, mến phục người đồng đội trẻ.


        (Theo bài đăng trên Báo QĐND ngày 1 tháng 7 năm 2006 và in trong sách “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” tập V, năm 2006, Nhà xuất bản QĐND của Đặng Thái Sơn -  Ban Tuyên huấn Trường sĩ quan Không quân).

       
*

        Tôi biết chắc chắn trong suy nghĩ của lớp phi công già như tôi, ai cũng phải công nhận là sự hi sinh trong thời chiến đã đáng được biểu dương nhưng sự hi sinh trong thời bình còn giá trị hơn gấp nhiều lần. Trong chiến tranh hầu như ai cũng phải đối diện ít nhất một lần với cái chết hoặc nếu không cũng phải chiến đấu theo kiểu “không đánh nó thì nó cũng đánh mình” - chúng tôi cho đó là lẽ thường. Còn trong thời bình? Việt Nam bây giờ không còn trong bom rơi lửa đạn, người người thi nhau làm giàu, cuộc sông là vui vầy với gia đình, con cái, thậm chí sống để hưởng thụ thế mà những phi công như Dương Văn Thanh, Ngô Sĩ Minh không những chẳng ngại gian khó dấn thân vào con đường binh nghiệp, xung phong làm phi công lái máy bay chiến đấu thường xuyên phải xa nhà (chỉ riêng lúc huấn luyện không thôi đã bao nhiêu bất trắc rủi ro) mà kể cả lúc nguy hiểm nhất cũng chẳng hề nghĩ đến tính mạng của mình để bảo vệ tài sản của Quốc gia (máy bay chính là tài sản của Quốc gia, tính đến thời điểm này mỗi chiếc máy bay bằng cả tấn vàng), bảo vệ tính mạng của nhân dân. Các anh thật xứng đáng là những anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2019, 04:21:25 pm »


CHUYỆN CON CHÓ MIG CỦA TÔI

        Tôi muốn dành hẳn một chương để nói về con chó MiG yêu quí của tôi. Bởi nó là con vật mà tôi cưng nhất, gắn liền đời lính phi công của tôi.

        Ngoài những lúc phải trực chiến, hay chỉ huy, tôi vẫn thường dành thời gian cho thú chơi chim thú. Thực ra lúc bấy giờ cũng chẳng có trò giải trí nào hay hơn thế, hơn nữa tôi vốn đã thích trồng cây, nuôi vật từ hồi còn ở nhà với mẹ.

        Bấy giờ miền Nam đã giải phóng, nhiệm vụ chiến đấu không nặng nề như trước nên tôi càng có điều kiện nuôi chim, nuôi thú. Dạo trước có cậu người dân tộc bắt được hai mẹ con khỉ vàng, chẳng may khỉ mẹ bị thương chết, tôi thấy khỉ con mất mẹ tồi tội nên xin mang về, nuôi mãi rồi nó cũng lớn chừng được 4-5 ki-lô-gam. Con khỉ làm bạn với con chào mào hót rất hay. Phải nói, mỗi lúc làm việc xong được về vui với mấy con thú thấy mình cũng phấn chấn hẳn lên, bớt mệt mỏi. Hễ tôi về là chúng lại quấn quít bên chân, đặc biệt con khỉ cái đành hanh rất ghét đàn bà con gái, cứ thấy bóng con gái đến đơn vị là nó lại gờm gờm kêu lên èng ẹc, giằng lấy giấy bút mà xé, nhiều khi quát không được.

        Đã thế con MiG cũng hùa theo, sủa nhặng xị, bởi nó cũng ghét đàn bà con gái chẳng kém gì con khỉ vàng kia. Con MiG này là giông chó Đức, trong một lần lên thăm Đoàn Không quân Sao Đỏ, thấy Đinh Tôn có một đàn chó đẻ, tôi xin về một con đem về đơn vị nuôi cho vui. Con chó quả là rất khôn, tôi đi đâu nó cũng đi theo đó.

        Nhiều lần trực đêm, đi kiểm tra sân bay, mọi người cứ bảo tôi gọi mấy chiến sĩ đi cùng, nhưng tôi bảo: “Các cậu cứ yên tâm, tôi có con MiG này bảo vệ, còn sợ gì nữa".

        - Đi nào MiG\ - tôi quay sang gọi.

        Con MiG ngoáy tít đuôi, rồi dụi dụi mõm vào chân tôi. Hai thầy trò tôi cứ đi vòng quanh sân bay một vòng như thế, thi thoảng nó dỏng tai lên nghe ngóng, rất ít khi nó sủa vu vơ, chỉ khi nào nó phát hiện ra cái gì đó mới lên tiếng. Tôi đã có con MiG đi theo thì yên tâm vô cùng.

        Một bữa, có anh Thanh, cán bộ Công an Thành phố Hải Phòng xuống đơn vị chơi, thấy con MiG khôn quá bèn bảo tôi:

        - Con chó này khôn như vậy, cậu để tôi mang về huấn luyện cho. Đảm bảo cậu sẽ thấy nó hơn cả chó nghiệp vụ.

        - Thế thì tốt quá. Anh huấn luyện nó giúp tôi. Thành công tôi hậu tạ - Tôi cười.

        Nói là vậy, chứ lúc ấy tôi phải nịnh mãi con MiG mới chịu theo anh Thanh về Hải Phòng.

        Mấy tháng sau, tôi ra Hải Phòng xem tình hình con MiG "học hành" đến đâu và cũng định lần này mang nó về luôn vì tôi thấy nhớ nó quá.

        Tôi tìm vào khu vực huấn luyện cho nghiệp vụ, thấy con MiG cùng với một số con chó khác, nhưng tôi chỉ cần nhìn thoáng qua vẫn biết con MiG là con nào, tuy nó có vẻ hơi già dặn hơn so với lúc còn ở nhà với tôi.

        Vừa nhìn thấy tôi, con MiG vội rướn người lên rồi chồm hai chân lên phía trước, có vẻ như nó đã nhận ra chủ cũ.

        Tôi khẽ gọi:

        -MiG

        Nó kêu lên một tiếng trong cổ họng mừng rõ chạy lại với tôi và vẫy đuôi quấn quýt.

        Tôi cúi xuống vuốt ve người nó bảo:

        - Tao tưởng mày quên tao rồi?

        Con chó nghe tôi nói, nó dụi mõm vào tay tôi, rồi nhướng mắt lên nhìn vào mắt tôi như để xem thật hay đùa...

        - Nào, đi với tao!

        Con MiG lập tức đứng dậy rất nhanh nhẹn, đi sát bên tôi. Chúng tôi đang định lên phòng anh Thanh thì gặp mấy chiến sĩ mang sắc phục Công an lại gần:

        - Chào anh! Sao anh lại đưa chó của chúng tôi đi đâu thế?

        Tôi dừng lại, nhìn từ đầu đến chân mấy chiến sĩ công an trẻ, rồi lại nhìn con MiG.

        - Đây là con chó của tôi, mấy tháng trước tôi gửi anh Thanh huấn luyện giúp, nay tôi đến xin về. Lẽ ra tôi lên gặp anh Thanh trước, nhưng qua chỗ huấn luyện thấy con MiG của tôi ở đó, tiện thể dắt nó theo luôn. Bây giờ chúng tôi lên chỗ anh Thanh đây.

        - Anh nhầm rồi, con này không phải chó của anh. Jim, lại đây! - Một chiến sĩ trẻ nói.

        Con MiG nghe cậu ta gọi cứ áp sát vào chân tôi, rồi lùi lại. Tôi chợt linh cảm có một chuyện gì đang xảy ra và cười xuề xòa:

        - Thế hóa ra đây là chó của các các cậu à? Thôi được, nếu không phải của tôi, thì tôi chẳng dám dắt nữa. Tiện đây, các cậu đưa nó về khu huấn luyện giúp tôi nhé.

        Tôi ôm con MiG dúi vào tay anh chiến sĩ Công an trẻ, vờ như là biết lỗi.

        Con MiG lưỡng lự vài giây, rồi đứng yên nhìn theo tôi, còn tôi thản nhiên đi tiếp, mặc cho mấy anh chiến sĩ trẻ dắt theo con MiG của tôi về lại khu huấn luyện chó nghiệp vụ.

        Để cho các câu ấy đi chừng chục mét, tôi mới đưa tay lên miệng huýt sáo rồi gọi giật lại:

        - MiG!

        Con chó MiG hình như chỉ đợi tôi gọi hay sao, mà ngay lập tức giằng dây xích trong tay mấy cậu chiến sĩ trẻ, phi nhanh như gió quay lại với tôi, không cần biết mấy cậu ấy tròn mắt lên sửng sốt...

        Cuối cùng tôi cũng đưa được con MiG về đơn vị sau mấy tháng thầy trò xa cách. Nó với tôi như hình với bóng. Tôi thương nó đến mức nhìn thấy cái mũi đó chót của nó bị muỗi cắn máu chảy ròng ròng tôi không cầm lòng được, đêm nào cũng mắc màn cho nó. Nhiều lần đi săn thỏ, bắn chim sẻ nó cũng đi theo nhặt giúp tôi chiến lợi phẩm mang về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2019, 04:26:00 pm »


*

        Năm 1978, tôi theo lệnh cấp trên vào trường Không quân ở Nha Trang nhận chức Hiệu phó Tham mưu trưởng thì con MiG đã hơi bị “ngớ ngẩn” vì một lần bị sét đánh mà thoát chết.

        Tôi còn nhớ rõ lần ấy tôi và Nguyễn Văn Bảy nằm trong phòng, còn chó MiG nằm ở đầu hè. Hôm ấy, mưa rất to, sấm chớp đùng đùng kéo dài cả tiếng đồng hồ, chớp loằng ngoằng, chằng chịt trên bầu trời.

        MiG bất ngò bị sét đánh trúng, lông cháy khét lẹt mà không chết, thật lạ kỳ. Tuy thế nó vẫn rất khôn ngoại trừ thi thoảng như bị đãng trí.

        Sắp xếp mọi việc để chuẩn bị vào Nam xong, tôi bảo với mọi người:

        - Con MiG này là do tôi xin về, nay tôi phải đi không tiện mang theo nó, tôi xin phép đưa nó về cho ông anh tôi chăm sóc hộ.

        Mọi người ở đơn vị bảo:

        - Anh cứ đi yên tâm, nếu đưa về chỗ ông anh mà nó không chịu thì lại đưa nó về đây. Chúng tôi sẽ chăm nó chu đáo.

        Tôi đưa con MiG về chỗ ông anh vài hôm, nhưng nó không chịu ăn uống gì, cho nó ăn ngon thế nào nó cũng chẳng ăn, nó gầy đi trông thấy. Dường như nó không thể xa được sân bay và các phi công.

        Tôi nhìn thấy nó thế không đành, lại dắt con MiG về đơn vị. Thật ngạc nhiên, về đến đơn vị là nó ăn ngay.

        Tôi đã quyết định để con MiG lại đơn vị, có lẽ nó gắn bó với đơn vị lâu rồi nên khó mà rời được. Kể từ đó tôi và con MiG yêu quí chính thức xa nhau.

*

        Tiếc rằng lúc con chó MiG chết, tôi không được chứng kiến, nhưng hình ảnh những ngày cuốỉ cùng của nó được người ta kể lại đến giờ vẫn ám ảnh trong tôi.

        Tôi vào Nha Trang nhận công tác một thời gian thì nghe nguời ta nói con MiG được mấy cậu phi công Đoàn Không quân Yên Thế đưa vào tận Cần Thơ. Rồi Trung đoàn lại lên sân bay Tân Sơn Nhất nhận nhiệm vụ, cũng mang nó đi theo. Nhưng nó vào đó không hợp hay nhớ nhà sao đó nên nó gầy guộc và rất chậm chạp. Nó đã gần hai mươi tuổi còn gì. Giống chó như thế là là tuổi “cụ” rồi. Cậu phi công trẻ thấy nó không có ích gì nữa định đem giết nó, nhưng mọi người ngăn: “Con chó này của anh Chao nuôi lâu rồi, đừng giết nó mà tội!” .

        Cậu đó bảo:

        - Không giết thì để làm gì, để tôi cho nó phát súng giải thoát cho nó là xong!

        Nói là làm, cậu ta dắt con MiG ra bãi vắng rút súng bắn vào trán nó. Bắn phát đầu tiên, không có một giọt máu nào chảy ra, nó gục đầu xuống rồi lại ngẩng đầu lên mở mắt nhìn. Nhìn thấy nó thế, có lẽ cậu phi công kia quá hoảng sợ, bắn liên tiếp hết cả băng đạn, đến lúc đó con chó mới gục hẳn.

        Có người khuyên cậu ta:

        - Con chó ấy khôn lắm, cậu bắn chết nó, phải kiếm cái gì mà cúng cho linh hồn nó siêu thoát đi.

        Cậu phi công trẻ ấy chẳng biết có nghe lời khuyên của người kia hay không. Nhưng một sự trùng lặp ngẫu nhiên và chuyện đau lòng đã xảy ra: hôm sau đó, cậu phi công ấy nhận đi bay đêm, bị tai nạn ngoài biển...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2019, 04:27:01 pm »


ĐOÀN KHÔNG QUÂN TIÊM KÍCH YÊN THẾ NGÀY ẤY BÂY GIỜ

        Sau 45 năm thành lập, Đoàn Không quân Yên Thế thân yêu của tôi giờ đã khác xưa rất nhiều. Không còn phải khổ sở vất vả từ chiếc "hăng ga" như năm nào.

        Bây giờ dưới sự lãnh đạo của Đoàn trưởng Lã Đại Phong, cùng Chính ủy Nguyễn Trọng Khiêm, Tham mưu trưởng Phạm Như Xuân, và Phó đoàn trưởng phụ trách quân huấn Tạ Duy Ninh cơ sở vật chất của Trung đoàn ngày càng thêm vững mạnh và phong phú.

        Ngoài việc chăm lo đời sống cho cán bộ nhân viên cũng như các phi công của Đoàn đầy đủ, đời sống tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đơn vị đã có sân bóng chuyền, sân tennis, sân bóng đá để sau mỗi buổi làm việc cán bộ, nhân viên được thỏa sức rèn luyện thể thao, giải trí. Quanh sân bay, trừ những khu vực dành riêng cho chuyên môn, có rất nhiều ao nuôi cá, nuôi tôm rồi cánh đồng mía bạt ngàn - một cách phát triển quỹ của đơn vị rất hiệu quả.

        Ngồi với Đoàn trưởng Lã Đại Phong có thâm niên hơn 20 năm tuổi quân (cho dù tuổi đời còn trẻ) bên chiếc bàn dưới tán lá cây nhãn ngay trước dãy nhà chỉ huy, tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát xung quanh và thực sự ngỡ ngàng vì sự đổi thay mà các anh làm được.

        Quả là lớp trẻ các anh có điều kiện học hành hơn chúng tôi ngày xưa, cộng với sự thông minh các anh đã có được một số thành tích đáng kể. Qua câu chuyện mà Đoàn trưởng Lã Đại Phong cởi mở trao đổi, tôi được biết hơn 20 năm qua Đoàn Không quân Yên Thế đã không để xảy ra một tai nạn nào trong huấn luyện.

        Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, đơn vị đã được nhiều Cờ thi đua, Bằng khen do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đoàn trưởng 372 trao tặng về thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ bắn ném bom giỏi. Huấn luyện chuyển loại vượt cấp thành công từ L-39 của Nga sang luôn Su-22. (Trước kia học viên sau khi tốt nghiệp phải qua từng bước chuyển loại từ L-39 là loại máy bay huấn luyện của Nga rồi sang MiG-21 rồi mới lại đến Su-22). Bên cạnh đó, đơn vị liên tục được cờ thi đua khen thưởng do đã luôn cùng sát cánh với nhân dân, đặc biệt đã cứu hàng trăm dân thoát khỏi nguy hiểm trong cơn bão số 5 năm 2005.

        Vẫn cái tính tò mò cố hữu năm xưa, tôi thân mật hỏi anh:

        - Để có được thành tích như ngày hôm nay, các cậu có lẽ phải “lao tâm khổ tứ” lắm? Phải xa vợ con ngoài Hà Nội để thường xuyên sát cánh cùng anh em trong đơn vị, chấp nhận “xa trung tâm” trong thời bình như thế là quí lắm.

        Thượng tá Lã Đại Phong cười, khiêm tốn trả lời:

        - Chúng cháu có gì đáng kể đâu, anh em trong đơn vị xuất sắc hơn nhiều. Chính những gương mặt như Đại úy Phi công Dương Quốc Thịnh, Đại úy Chính trị viên Nguyễn Huy Tuấn, Trung tá Trưởng tiểu ban Dẫn đường Nguyễn Văn Hải, Đào Văn Dậy các anh ấy đã góp phần làm nên hình ảnh Đoàn Không quân Tiêm kích bom Yên Thế ngày hôm nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2019, 04:27:31 pm »


*

        Theo lời Đoàn trưởng Lã Đại Phong giới thiệu, tôi lần lượt tìm gặp các anh có tên ở trên để tìm hiểu. Người tôi gặp đầu tiên là Dương Quốc Thịnh, không ngờ con người rất trắng trẻo, đẹp trai đứng trước tôi đây, ngày nhỏ là một chàng trai quê Thái Nguyên gày gò chỉ được 35 ki-lô-gam.

        Hiểu biết đầu tiên về máy bay qua những lần nhìn lên bầu trời thấy những vệt trăng trắng giông như con rắn bò và được biết đó là dấu vết của MiG để lại do bố anh giải thích. Lúc bắt đầu học cấp III cũng là lúc Thịnh không còn được thường xuyên cùng cô bạn hàng xóm có đôi bím tóc rất đẹp cùng chăn trâu nữa. Trường học cách xa nhà tới 14 ki-lô-mét nên nhiều khi Thịnh đã làm mẹ phải lo lắng vì đợi mãi không thấy về dù trời đã tối mù, chỉ sợ đường về phải qua hai con dốc nhiều cây cối rậm rạp nhỡ đâu? Chịu khó đi học như vậy mà đến khi thi đại học lại bị rớt.

        Thời gian phải ở nhà giúp bố mẹ sau khi không thi đỗ làm Thịnh cảm thấy vô cùng bực bội. Thịnh không muốn ở nhà nên anh đã tình nguyện đi bộ đội. Buổi liên hoan chia tay các bạn bè, cô bé có hai bím tóc năm nào cũng có mặt và hát tặng anh: “lúc còn thơ ngắm nhìn anh bộ đội, thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi”.

        Chẳng ngờ câu hát ấy như một động lực thôi thúc anh, để mỗi một ngày trong quân ngũ là một ngày anh không ngừng phấn đấu. Cấp trên thấy anh nỗ lực như vậy đã đề nghị cho anh đi học sĩ quan. Được cử đi học, anh vừa mừng, vừa lo, ba năm rồi không cầm đến sách vở, không biết có thể theo kịp hay không? Một lần nữa, cô bé có hai bím tóc đẹp lại động viên anh bằng câu nói nửa đùa, nửa thật:

        - Em sẽ cho anh mượn sách mà không phải trả lại nếu như anh thi đỗ! Còn nếu không đỗ, anh phải trả lại em không thiếu một quyển nào! - Cô nhìn anh, ánh mắt thật trìu mến.

        Dương Quốc Thịnh cảm nhận rất rõ qua nụ cười và ánh mắt ấy, cô muốn điều gì. Thịnh tự nhủ sẽ phải thật cố gắng để làm sao không phải trả lại sách. Nhưng khổ nỗi, xa rời “đèn sách” đã lâu nên cứ học được một lúc là mắt anh cứ sụp xuống vì buồn ngủ. Quyết tâm bằng mọi giá phải thi đỗ, mỗi lúc cơn buồn ngủ kéo đến anh lấy một hạt muối cho vào miệng Thế rồi trời đã không phụ công anh, mấy năm sau anh đã thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân I.

        Năm 1995 trong đợt khám tuyển phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân, Dương Quốc Thịnh đã may mắn trúng tuyển. Từ đó đến năm 2001 anh đã liên tục tham gia các khóa huấn luyện và trực tiếp thực hành lái máy bay chiến đấu MiG-21, hoạt động an toàn trên sân bay Yên Bái - là một sân bay địa hình rừng núi, rất nhiều mây và tầm nhìn hạn chế.

        Với thành tích đó, anh lần lượt được vinh dự nhận danh hiệu Phi công cấp 3, được tặng thưởng giấy khen trong phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Năm 2006 Thịnh đã chuyển loại thành công máy bay SU-22M4 tại sân bay Phan Rang, sau đó vì Đoàn 371 không có sân bay tiếp nhận máy bay SU-22M4 nên anh được chính thức điều về Đoàn Không quân Yên Thế nhận nhiệm vụ trực ban chiến đấu.

        Ở đây anh đã luôn cố gắng phát huy tinh thần học hỏi và trau dồi kỹ năng bay vì thế anh đã được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện và thực hành bay từ năm 2003 - 2007. Góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội củng cố quốc phòng và bảo vệ Tô quốc”. Những năm 2008 - 2009 anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bắn ném bom 03 chuyến. Tất cả những lần đó anh đều đạt loại giỏi được Đoàn 372 tặng giấy khen “Đạt thành tích xuất sắc bắn ném”.

        Tính đến thời điểm này, Dương Quốc Thịnh 35 tuổi đời đã có được 448 giờ bay an toàn tuyệt đối, vinh dự được nhận vị trí Phó Phi đội trưởng Phi đội 3 của Đoàn Không quân Yên Thế.

        Tiếp xúc với Trung tá Nguyễn Văn Hải, tôi thực sự rất vui, có cái gì đó rất gần gũi làm tôi liên tưởng đến người bạn Nguyễn Văn Chuyên của tôi cũng thuộc ngành dẫn đường như anh bây giờ.

        Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân nghèo thành thị ở thành phố Ninh Bình. Nguyễn Văn Hải ra đòi trong căn hầm trú ẩn của bệnh viên đúng vào ngày Không quân Mỹ đánh phá dữ dội ở Ninh Bình. Đón anh cất tiếng khóc chào đòi được một ngày, mẹ đã phải bế anh cùng các anh chị đi sơ tán trong ánh sáng của lửa đạn súng phòng không và bom đạn Mỹ.

        Cho tới ngày giải phóng Miền Nam, Hải và lũ trẻ cùng nơi sơ tán vẫn sông vô tư trong những ngày ác liệt. Chỉ biết ngày đó là một ngày trọng đại qua niềm vui vỡ òa của người lớn tuy chưa hiểu hết ý nghĩa lớn lao của sự chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2019, 04:28:20 pm »


        Vài tháng sau, bố mẹ anh đưa gia đình rời khỏi nơi sơ tán về lại thành phố. Trước ngày lên đường anh đã không ngủ được vì nhớ lại những đôi mắt của những đứa bạn gái, bạn trai cùng làng sơ tán đó hoe lên vì khóc phải chia tay lúc chiều.

        Xe ô tô tải của Xí nghiệp đá Hệ Dưỡng dừng lại một nơi rất lạ, cảnh vật tiêu điều, anh ngơ ngác hỏi bố:

        - Nhà mình ở đâu hả bố?

        - Bây giờ mình phải tìm nơi ở tạm, nhà cũ của mình bị bom phá nát cả rồi con ạ - Bố anh trả lời.

        Bắt đầu từ đấy, Nguyễn Văn Hải bắt đầu nhận thức được những khó khăn mà gia đình anh phải trải qua chiến tranh. Anh được bố mẹ cho đi học trở lại, và luôn cố gắng học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ thầy cô. Cuối năm lớp 12, đang trong giờ học, cô giáo chủ nhiệm của anh đưa một anh bộ độ đeo quân hàm xanh bước vào lớp giới thiệu về Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Không quân. Hôm ấy anh đã lắng nghe thật chăm chú để rồi quyết định sẽ đăng ký thi vào trường.

        Sau ba năm học với sự nỗ lực hết mình, anh đã tốt nghiệp với quân hàm Trung úy và được phân công về Đoàn 372, trực tiếp công tác tại Tiểu ban dẫn đường của Đoàn Không quân Yên Thế. Từ đó đến nay, anh được cấp trên nhiều lần cử đi học chuyển loại Su-22 М3, đặc biệt là có được nhiều kinh nghiệm trong tính toán dầu liệu, chương trình bay tự động, tính toán sử dụng vũ khí, sử dụng tổ hợp máy ngắm dẫn đường của Su-22 M4, rồi học chuyên ngành Tham mưu - Chỉ huy. Trong vai trò là giáo viên chuyển loại dẫn đường cho các đồng chí phi công của Trung đoàn từ MiG-21 sang Su-22, hay từ Su-22 sang S22M3, M4 anh cũng hoàn thành rất xuất sắc. Liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được giấy khen “đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

        Trên cương vị là Trưởng tiểu ban Dẫn đường, anh đã lãnh đạo Tiểu ban hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, vì thế Tiểu ban cũng thường xuyên được Trung đoàn khen thưởng. Nguyễn Văn Hải đã và đang góp phần cùng với những thành viên khác xây dựng Đoàn Không quân Yên Thế ngày càng vững mạnh.

        Khác với thế hệ của Thịnh và Hải, Đào Xuân Dậy sinh ra trong thời chiến và đã từng tham gia bảo vệ phía Tây Nam Tổ Quốc vốn bản chất của người con xứ Thanh chịu thương, chịu khó kết hợp sự tôi luyện trong chiến đấu, anh đã không ngừng học hỏi, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn nhanh chóng làm chủ loại máy bay F-5 (loại máy bay hệ 2 thu được của Mỹ). Vì thành tích này, anh đã được cấp trên cử đi học ở Học viện Quân sự, chuyên ngành hàng không. Sau khi đi học về, anh trở lại Đoàn Không quân Yên Thế nhận nhiệm vụ tại Xưởng bảo dưỡng Kỹ thuật, là một trong những kỹ sư trẻ đầu tiên chuyển loại máy bay SU-22M - loại máy bay hiện đại thành công, an toàn.

        Năm 1996, Đào Xuân Dậy được cấp trên giao nhiệm vụ làm trợ lý chuyên ngành máy bay động cơ của Trung đoàn bằng những sáng kiến và kinh nghiệm của bản thân anh đã cùng với anh em Xưởng bảo dưỡng máy bay phát hiện, sửa chữa kịp thời nhiều chiếc máy bay của Trung đoàn đã nhiều năm khai thác sử dụng, tăng hạn nhiều lần thường phát sinh hỏng hóc. Ngoài ra Đào Xuân Dậy còn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các thành phần bay khác, các kỹ thuật viên và phi công. Nhất là khi có lớp kỹ thuật hoặc phi công mới ra trường về Trung đoàn làm việc. Anh đã được tặng thưởng nhiều bằng khen và phần thưởng cao quí nhất là được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốíc.

        Cùng trang lứa với Phi công Dương Quốc Thịnh, Đại úy Hà Huy Tuấn đến với Binh chủng Không quân trong hoàn cảnh hơi khác một chút. Anh lớn lên trong một gia đình truyền thông quân nhân nên anh có điều kiện tiếp xúc với Quân đội sớm hơn các bạn.

        Tuy vùng Thanh Hà (Hải Dương) quê Hà Huy Tuấn rất gần với sân bay Kiến An. Ngày nhỏ, anh vẫn thường cùng bạn bè ngước lên bầu trời nhìn theo mỗi khi máy bay bay qua nhưng anh vẫn chưa bao giờ hình dung nổi người phi công là như thế nào...

        Cùng với những lần đến đơn vị của bố, ước muốn được trở thành bộ đội như bố cứ dần nung nấu trong Hà Huy Tuấn. Thế rồi tháng 9 năm 1993 anh được gọi nhập trường dự bị bay văn hóa Không quân, ước mơ thành anh bộ đội đã thành sự thật.

        Cố gắng học thật tốt, nên Hà Huy Tuấn đã lần lượt chuyển qua lái các loại máy bay từ L-39 đến MiG-21 rồi đến Su-22, trình độ bay của anh lên rất nhanh, từng bước làm chủ được các loại máy bay và vũ khí, khí tài trang bị. Không những thế, vì là người trực tiếp lái máy bay nên anh rất hiểu tâm tư tình cảm của những phi công như mình, anh đã được cấp trên giao nhiệm vụ làm Chính trị viên Phi đội I - Đoàn Không quân Yên Thế. ở vai trò này, anh lại càng phát huy được những kinh nghiệm, kiến thức của mình đã trau dồi để chia sẻ với đồng nghiệp, đồng đội.

        Cả bốn nhân vật trên đều có chung một điểm là lớn lên trong hoàn cảnh đất nước mới giải phóng còn khó khăn về mọi mặt, vậy mà bằng ý chí vượt khó các anh đã không ngừng cố gắng học tập, mỗi người một vẻ đều đã và đang hết sức mình đóng góp xây dựng cho Đoàn Không quân Yên Thế cũng có nghĩa là đóng góp cho Quân đội nhân dân Việt Nam những thành tích đáng kể. Với tôi, những con người tuyệt vời ấy thật đáng ngưỡng mộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2019, 03:21:37 pm »


CÓ MỘT TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG NHƯ THẾ!

        Chiến tranh tuy đã lùi dần vào quá khứ, nhưng nó còn để lại nhiều hậu quả nặng nề cho đến tận bây giờ cho dù cả nước ta đã cố gắng khắc phục mà vẫn chưa thể hết.

        Sân bay Pleiku nguyên là căn cứ quân sự hỗn hợp của Mỹ - Ngụy được ta tiếp quản sau chiến thắng năm 1975 có nhiệm vụ bảo đảm bay cho các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân thực hành chiến đấu ở Biên giới Tây Nam, chiến trường Campuchia, truy quét FULRO, giúp nước bạn Lào, Campuchia, bay huấn luyện chiến đấu, bay phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hay kiểm tra địa bàn Tây Nguyên, bảo đảm các chuyến bay kinh tế xã hội khác...

        Kể từ khi Phạm Minh Thư tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân về nhận công tác tại căn cứ sân bay Pleiku từ tháng 4 năm 1979 cho đến năm 2004, anh trải qua các cương vị chỉ huy từ Trung đội lên đến Tiểu đoàn. Phạm Minh Thư đã phải chứng kiến những mất mát quá lớn của bộ đội và nhân dân xung quanh sân bay, vì trong quá trình tiếp nhận lại sân bay từ chế độ cũ, ngoài những khó khăn về an ninh chính trị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đơn vị anh còn phải tiếp nhận một kho bom đạn cũ đã bị nổ hai lần (năm 1975 và 1977), bom đạn không nổ hết văng ra trên diện tích 50 héc-ta cùng với một số mìn do chế độ cũ cài lại. Tính từ năm 1977 đến,năm 1992 đã có 9 người chết (trong đó có 5 bộ đội) và 30 người khác bị thương.

        Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Đoàn 372 đã rất lo lắng, tổ chức tiến hành hai đợt thu gom bom mìn mà không thành công, cả hai đợt đều bị nổ gây thương vong cho những người tham gia, nên đành phải dừng lại.

        Là Tiểu đoàn trưởng bảo đảm kỹ thuật bay của cả Sư đoàn, Phạm Minh Thư vô cùng trăn trở: “Muốn cho tiểu đoàn vững mạnh, trước hết phải lo làm sao thu gom, xử lý được hết số bom mìn này (đã bị văng lên, lấp xuống nhiều lần, luôn trong trạng thái sẵn sàng nổ).

        “Làm thế nào bây giờ?”- Câu hỏi ấy lúc nào cũng thường trực trong đầu Phạm Minh Thư. Nếu báo cáo, cấp trên chắc chắn sẽ không đồng ý, vì đơn vị và chính Phạm Minh Thư đều không đủ khả năng chuyên môn để làm việc đó.   v

        Cuối cùng anh tìm gặp được Giám đốc Trung tâm ứng dụng và xử lý vật liệu nổ Nguyễn Anh Tiễu, trình bày với Giám đốc trung tâm về những suy nghĩ của mình. Không ngờ Giám đốc Nguyễn Anh Tiễu vô cùng thông cảm đã hướng dẫn tận tình cho anh cách làm. Được khích lệ, Phạm Minh Thư bàn với đồng chí Phó chính trị “rủ” Trung đội trưởng Kho bom Nguyễn Tiến Đạt (sau là Thiếu tá, Phó Tiểu đoàn trường) cùng thực hiện.

        Thế là hàng ngày Phạm Minh Thư và Nguyễn Tiến Đạt giờ làm việc thì lo giải quyết công việc của đơn vị, giờ nghỉ thì làm việc “riêng” thu gom các loại bom như MK-82, bom BLU/66B (bom cam), bom bi, rocket, đạn cối và các loại mìn bộ binh khác. Đặc biệt các loại bom này đều bị nổ phóng ra từ bom mẹ nên mức độ nguy hiểm rất cao. Có hàng trăm quả đạn M79, các anh phải cho đốt nổ tại chỗ vì không thể vận chuyển về kho tập trung, hoặc có lúc Phạm Minh Thư thấy khát nước, vừa bước đi được chục mét thì đầu đạn nổ nguy hiểm và cái chết luôn rình rập.

        Ban đầu, hai anh em thu gom được 10.005 quả vật liệu nổ, nhưng rồi Nguyễn Tiến Đạt phải chuyển đơn vị công tác nên chỉ còn lại Phạm Minh Thư tiếp tục thực hiện thêm 7.192 quả, sau đó một số đồng chí khác hỗ trợ anh, thu thêm được 352 quả nữa.

        Trong hơn mười năm cần mẫn, kiên trì, Phạm Minh Thư đã cùng các đồng đội của mình thu được 17.549 quả bom mìn các loại, bảo đảm an toàn tuyệt đôi cho người và sân bay Pleiku.

        Việc làm của Phạm Minh Thư đã giúp cho những người dân xung quanh sân bay không ai còn bị thương vong nữa, mảnh đất ấy nay đã được trồng gần 100 héc-ta bạch đàn, phủ lên khu vực sân bay một màu xanh bình yên.

        Có người bảo Phạm Minh Thư là dại dột, liều lĩnh nhưng anh lại nghĩ khác. Phạm Minh Thư chỉ muốn chứng minh rằng đứng trước khó khăn, không nề hà gian khổ và quyết tâm cao là sẽ vượt qua được, vả lại nếu cứ ỷ lại cấp trên, thì hậu quả của bom mìn để lại sẽ còn đến bao giờ?

        Việc làm của Phạm Minh Thư tuy âm thầm lặng lẽ và bản thân anh cho đó là việc bé nhỏ nhưng so với thế hệ chúng tôi thì thật vô cùng ý nghĩa lớn lao.

        Anh đã góp phần làm cho công cuộc đổi mới của đất nước thêm nhiều lạc quan, tạo đà cho đơn vị xây dựng và phát triển những năm sau này.

        Còn tôi đã thật hạnh phúc vì đã biết có một Tiểu đoàn trưởng dám nghĩ, dám làm như thế!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2019, 03:22:15 pm »

   
MỘT PHI CÔNG VIỆT NAM CÓ TÊNTRONG 29 NHÂN VẬT XUẤT CHÚNG CỦA BANG KENTUCKY (MỸ)

        Tại bang Kentucky (Mỹ) hiện có một danh sách gồm 29 nhân vật xuất chúng trên cả thế giới được đặt trang trọng ở Tòa thị chính của bang này. Danh sách này ghi tiểu sử những người nổi tiếng như: Tổng thống Lyndon в. Johnson (Mỹ), Thủ tướng Winston Churchil (Anh) hay John Glenn -  người đàn ông Mỹ đầu tiên đi ra khoảng không được chỉ định trong khi di chuyển theo quĩ đạo trái đất để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình và đặc biệt, danh sách trên còn có cả một người phi công Việt Nam: Nguyễn Hồng Mỹ! Ông là ai? Tại sao lại có nhiều vinh dự như vậy?

        Nguyễn Hồng Mỹ quê gốc Nghệ An, trong chiến tranh chống Mỹ chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Mỹ là phi công lái máy bay chiến đấu MiG-21, thuộc Phi đội 1 anh hùng - Đoàn Không quân Sao Đỏ - Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Nguyễn Hồng Mỹ đi học bay ở Liên Xô (cũ) cùng đợt với Đinh Tôn, Nguyễn Đức Soát, Vũ Đình Rạng... và khi về Đoàn Không quân Sao Đỏ, những đợt bay đêm khó khăn cùng đồng đội săn B-52 anh luôn có mặt.

        Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, anh là một trong 12 phi công xuất sắc được lựa chọn vào đội bay diễu hành qua lễ đài ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, đúng lúc Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kết thúc bài điếu văn. Dù chỉ lướt qua lễ đài chừng vài chục giây, nhưng đội bay diễu hành bằng máy bay chiến đấu của anh đã phải tập luyện mất mấy ngày kể từ ngày Bác Hồ mất (từ ngày 3 tháng 9 năm 1969, đến ngày 9 tháng 9 năm 1969). Vì thực tế, từ khi về nước các anh chỉ lo hàng ngày xuất kích chiến đấu, chứ chưa được tập duyệt đội hình duyệt binh bao giờ.

        Điều khó khăn nhất lúc bấy giờ là cả đội bay gồm 12 chiếc chia thành ba tốp phải giữ vận tốc 800 ki-lô-mét/giờ, độ cao thấp mà đội hình không bị tách rời đồng thời phải căn sao cho khéo vừa lúc Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dứt lời là bay qua lễ đài...

*

        Đầu năm 1972 Không quân Mỹ chuẩn bị mở rộng chiến tranh ra miền Bắc sau một thời gian dài ném bom hạn chế. Binh chủng Không quân được giao nhiệm vụ chuẩn bị các phương án đánh trả.

        Bộ Tư lệnh Quân chủng khẩn trương triển khai kế hoạch tác chiến đến từng cán bộ chiến sĩ nhất là các đồng chí phi công trực tiếp chiến đấu, với những khẩu hiệu như:

        Trung thành vô hạn!
        Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể!
        Tiến công kiên quyết!
        Bắn rơi tại chỗ bắt sống giặc lái!

        Trước khí thế đó, toàn Phi đội của Nguyễn Hồng Mỹ ai ai cũng sẵn sàng chuẩn bị cho những trận Không chiến ác liệt với Không quân Mỹ.

        Ngày 17 tháng 01 năm 1972, Phi đội gồm hai anh Mỹ - Khương được lệnh xuất kích. Cả hai anh đã quần nhau với 12 chiếc F-4 của Không quân Mỹ, bắn hết 8 quả tên lửa, nhưng không rơi chiếc nào. Với sự tiếc nuối cùng với trách nhiệm, Phi đội của anh lại lao vào chuẩn bị cho những trận mới, hi vọng sẽ hiệu quả hơn.

        Hai ngày sau, ngày 19 tháng 1 năm 1972 Phi đội của Mỹ lại được lệnh xuất kích lúc 10 giờ. Bay số hai cho anh lần này là Thượng úy Lê Minh Dương. Vừa lên tới độ cao 3.000 mét thì sở chỉ huy thông báo có địch, nên anh đã chỉ huy số Hai của mình cùng bay về hướng 230 độ đón đánh địch từ Thái Lan vào.

        Đến vùng trời Hòa Bình, Nguyễn Hồng Mỹ phát hiện một tốp 8 chiếc F-4 bên trái khoảng 18 ki-lô-mét liền thông báo cho số Hai tiếp cận mục tiêu và đồng thời tăng tốc phát hiện thêm một chiếc F-4 đang cơ động phía trên.

        Nguyễn Hồng Mỹ nói nhanh vào hộp thoại: “Số Hai cảnh giới cho tôi”! Rồi anh vào công kích luôn vì chiếc này gần hơn. Sau một loạt động tác cơ động, thì chiếc F-4 này lấy độ cao bay về hướng Thanh Hóa. Còn Mỹ không lấy độ cao ngay mà tăng tốc đuổi theo đến lúc cách mục tiêu còn khoảng 8 ki-lô-mét thì đèn trong buồng lái của anh báo dầu đó lên.

        Nguyễn Hồng Mỹ báo cáo về sở Chỉ huy tình hình của mình, nhưng Sở Chỉ huy lệnh cho anh quay về ngay. Tiếc vì mục tiêu đã gần mà nhiên liệu thì hết, anh phán đoán có thể tiếp cận địch nên tiếp tục công kích. Khi cự ly còn khoảng 4 ki-lô-mét anh kéo máy bay lên theo mục tiêu và khi cự ly còn 2.000 mét anh bóp cò, phóng một lúc hai quả tên lửa phụt lao thẳng vào mục tiêu, chiếc F-4 không kịp trở tay bốc cháy và đứt làm hai phần, phần đuôi đánh sang trái, phần đầu, cánh lao xuống bên phải...

        Do cự ly quá gần, máy bay của Nguyễn Hồng Mỹ lao vào vùng cháy, nên bị tắt máy cứ thế rơi tự do, xuống độ cao 3.500 mét anh mới bĩnh tĩnh khởi động lại động cơ vừa lúc đèn báo dầu nhấp nháy liên hồi. Anh phải khẩn trương về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa, nạp dầu xong mới bay về lại Nội Bài trong niềm vui chào đón của Lãnh đạo Quân chủng và đồng đội.

        Sau trận không chiến đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Nguyên soái Thứ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô Bachisky đã đến rút kinh nghiệm động viên và biểu dương Biên đội anh tại đơn vị. Anh còn được Chủ tịch Nước tặng “Huy hiệu Bác Hồ” - phần thưởng chỉ dành riêng cho những phi công bắn rơi máy bay Mỹ.

        Lại nói về chiếc F-4 mà Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn rơi ngày 19 tháng 1 năm 1972, mãi tới năm 2008 anh mới biết rằng hai phi công lái chiếc máy bay đó đã kịp nhảy dù trước khi chiếc máy bay bị bốc cháy hoàn toàn và được trực thăng Mỹ kịp thời đến cứu. Một trong hai phi công đó, sau này là Trung tướng Không quân Dan Cherry (Mỹ) sang thăm Việt Nam tìm gặp người phi công Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn trúng máy bay, khiến ông phải nhảy dù trong một trận không chiến giữa hai chiếc MiG-21 của Việt Nam với 24 chiếc F-4, F-105 của Không lực Hoa Kỳ ngày 16 tháng 4 năm 1972 (cuộc gặp gỡ này với tinh thần nhân chứng của hai chiến tuyến gặp nhau trong hòa bình, đã được Đài truyền hình Việt Nam ghi lại).

        Năm 2009, rất nhiều báo chí Mỹ đã đưa tin, viết bài về người phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972. Họ cho rằng năm 1972 người Mỹ đã rất tỉ mỉ công phu lập một kế hoạch lớn nhằm thôn tính Bắc Việt. Họ đã rất tự tin và thường sử dụng một số lượng lớn máy bay hiện đại xuất kích, để hòng đàn áp vài chiếc MiG-21 “nhãi nhép” của Việt Nam. Vậy mà chỉ trong vài trận đầu tiên của chiến dịch, Không lực Hoa Kỳ đã bị tiêu diệt bởi Nguyễn Hồng Mỹ. Và việc Nguyễn Hồng Mỹ bắn rơi chiếc F-4 đầu tiên của chiến dịch, làm cho người Mỹ lúc đó vô cùng hoang mang, lo ngại không hiểu Không quân Việt Nam có bí quyết gì?

        Ngưỡng mộ về một con người xuất chúng như thế, tháng 4 năm 2009, Trung tướng Không quân Mỹ Dan Cherry đã mời bằng được Nguyễn Hồng Mỹ sang thăm Mỹ và dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bang Kentucky, đích thân Thống đốc bang đã trao quân hàm danh dự Đại tá cho cựu Phi công Nguyễn Hồng Mỹ, cùng anh trồng cây lưu niệm trước tòa nhà Bowling Star - toà nhà lớn nhất bang Kentucky.

        Rồi đích thân Trung tướng Dan Cherry - Giám đốc Bảo tàng Không quân của bang Kentucky đã mời Nguyễn Hồng Mỹ cắt băng khánh thành Bảo tàng Không quân của bang này. Hình ảnh của Nguyễn Hồng Mỹ đã được Bưu điện Mỹ sử dụng làm con tem và báo chí Mỹ nhắc đến nhiều lần.

        Quả thật, Nguyễn Hồng Mỹ đã là một niềm tự hào cho Không quân nhân dân Việt Nam, cùng với anh còn có nhiều phi công xuất sắc như Đặng Ngọc Ngự, Đinh Tôn, Nguyễn Đức Soát... đại diện cho một thế hệ phi công MiG-21 anh hùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2019, 03:24:00 pm »


CỰU PHI CÔNG PHAN VĂN ĐIỆT LUÔN “BAY” CÙNG ĐÔI NẠNG GỖ

        Năm 1961, Phan Văn Điệt đang là một học sinh cấp III Huỳnh Thúc Kháng (Vinh - Nghệ An). Tuy học ở thành phố nhưng Điệt trọn vẹn là con gia đình nông dân nghèo “Chân đất, đầu trần”. Ngày đó nhà Điệt không đủ cung cấp cho con trọ lại ngoài thành phố nên anh phải cuốc bộ sáng đi, trưa về hoặc tối về tùy hôm nào học cả ngày hay một buổi trên con đường dài 8 ki-lô-mét. Cũng may có bốn bạn cùng cảnh nên Điệt thấy vẫn vui. Điệt thấy các anh chị lớp trước học hành giỏi giang nên Điệt quyết tâm lắm.

        Bữa ấy, có Đoàn Quân y về trường Huỳnh Thúc Kháng khám tuyển một số học sinh đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Có vẻ bí mật là thê nhưng mấy hôm sau, Điệt và các bạn cũng biết đó là khám tuyển Phi công. Họ khám rất cẩn thận tất cả mọi phần trên cơ thể, lại còn xem xét lí lịch ba, bốn đời nhưng Điệt cũng vẫn vượt qua được hết và nhận được giấy mời tập trung tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An chỉ hơi chậm hơn so với các học sinh khác nên Phan Văn Điệt phải trực tiếp ra ngay trạm 66 - Hà Nội. Ngày Điệt ra tới Hà Nội, cũng chính là ngày anh chính thức nhập ngũ.

        Khi xuống Hải Phòng vào trường Hàng không, Phan Văn Điệt được học lái máy bay thể thao IaK-18, nhưng dạo ấy trường khó khăn về khí tài, máy bay, nên Điệt phải nghỉ huấn luyện giữa chừng. Sau đó, Điệt lại được điều sang Trung Quốc học bay chụp ảnh hàng không làm bản đồ.

        Thời gian đó ở trong nước, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội quá, mà lượng phi công tại Việt Nam thì quá ít ỏi. Bởi một số trục trặc về huấn luyện ở nước ngoài, nên Điệt đang học bay chụp ảnh cùng với Phạm Đình Tuân, thì phải nhận lệnh chuyển qua trường lái máy bay chiến đấu ở Trung Quốc, do một số giáo viên của ta và giáo viên Trung Quốc đào tạo gấp lái máy bay chiến đấu.

        Khóa học của Phan Văn Điệt gồm có 17 học viên, tập hợp từ nhiều nguồn đều đang học dang dở cả, hầu hết học viên đều trong trường hợp xét đi, xét lại. Đó là khóa học đầu tiên của Trường Không quân do Việt Nam thành lập, nên khó khăn và thiếu thốn rất nhiều.

        Tiếp thu những kiến thức về khoa học thì còn đỡ vất vả, nhưng về những động tác kỹ thuật thì không có mô hình, học viên phải hình tượng nó ra hình học không gian khó lắm. Tuy vậy, ai cũng mong muốn học đạt kết quả cao nhất, để mau trở về nước chiến đấu, vì biết rằng cả dân tộc Việt Nam đang rầm rập “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

        Năm 1966, tất cả học viên Không quân khóa I về nước và được phân công về các đơn vị Đại đội 1, Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên Thế. Đơn vị tổ chức huấn luyện thực tế thêm một thời gian nữa, đồng thời để làm quen với đội hình và địa hình chiến đấu chống máy bay Mỹ ném bom ra Bắc.

        Sau ba tháng huấn luyện thực tế, Phan Văn Điệt chính thức được phân công trực chiến. Anh là một trong những phi công đầu tiên được phân công nhiệm vụ, nhưng Điệt rất tự tin không hề lo lắng gì, tuy biết rằng mỗi lần cất cánh bay là biết trước cái chết đang rình rập.

        Đã có lúc Điệt lấy bút ra ghi vào sổ nhật ký:

        “Tôi đâu phải phi công
        Tôi là chiến sĩ trên không
        Tôi là lưỡi mác
        Tôi là mủi chông
        Tôi là ngọn tầm vông
        Bắn vào tim giặc Mỹ”.


        Những buổi xuất kích qua Hòa Bình, xuyên qua Ba Vì, Điệt mơ màng nhìn ngắm bầu trời trong xanh, ở phía dưới -  hướng Mai Châu những hòn núi như những chiếc bát úp, cái to, cái nhỏ san sát nhau, sao Điệt thấy hùng vĩ vô cùng. Có những hôm mây che kín bầu trời, Điệt bay xuyên qua những tầng mây trắng xóa mênh mông để ngắm những vệt mây màu len lỏi xuyên qua những đụn mây, lảng vảng như những sợ tơ mỏng manh huyền bí lững lờ. Điệt cứ ngỡ là mình lạc vào chốn đào nguyên rồi giật mình nhớ là đang phải đi tìm giặc chứ đâu phải tìm các nàng tiên. Bất giác Điệt mỉm cười, tự giễu mình sao mà lãng mạn...

        Vài ngày trước đó, Vũ Huy Lượng - một phi công trong đoàn mới về, bạn của Điệt - trong một trận không chiến trên bầu trời Hòa Lạc đã hi sinh và không trở về. Lượng đã bị rơi bên đường - nơi mà hàng ngày Điệt và đồng đội vẫn đi từ chỗ ở ra sân bay.

        Trong nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Đồng, Lượng nằm đó dưới một nấm mồ phủ đầy hoa trắng, lọt thỏm giữa vòng

        người - những đồng đội và người thân trong gia đình của anh. Điệt đau đớn nhìn nắm hương trên mộ nghi ngút khói và những giọt nước mắt cứ lặng lẽ lăn xuống gò má anh. Không ai khóc lên thành tiếng. Điệt vẫy tay nói với bạn:

        - Chào nhé, ngày mai mình còn đi chiến đấu!

        Điệt và đồng đội từ biệt Lượng, cố ghìm tiếng nấc nghẹn ngào.

        Một ngày sau, trên nấm mộ của Lượng ngập tràn những bông hồng màu trắng với khói hương. Những bông hồng ấy được chính tay người yêu của Lượng rải lên - cô gái Hà Nội đang là sinh viên của trường Y sơ tán trên Thái Nguyên tìm về, lăn ra ôm nấm mộ Lượng mà khóc. Đích thân Phan Văn Điệt đưa cô gái đến, mà khi thấy cô khóc lóc cổ họng anh cứ cứng lại, đứng không nổi. Điệt không dám đứng bên cạnh cô vì sợ mình sẽ khóc theo. Anh vội chạy ra cổng nghĩa trang để giấu đi những giọt nước mắt không sao dừng được.

        Lần đầu tiên Điệt chứng kiến cảnh cô gái ôm nấm mồ bạn của mình khóc. Anh thấy rõ sự hi sinh khiến cho người thân của các phi công đau đón đến nhường nào. Đây chính là thời điểm tập trung cao độ của những tích lũy giáo dục, tri thức cọ xát với thực tiễn. Sự hi sinh của Vũ Huy Lượng khiến anh đau lòng, nhưng Điệt hiểu rằng chiến tranh là thế, có hi sinh và mất mát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2019, 03:25:33 pm »


        “Ai gây ra cuộc chiến tranh này ? Bọn giặc Mỹ! Ai dẹp bỏ được chiến tranh này ! - Những người lính như ta, sự tồn vong của đất nước phụ thuộc vào lòng can đảm của chính ta! - Điệt cứ tự hỏi và trả lời như thế mỗi lúc đêm về. Anh suy nghĩ như vậy và cuối cùng anh tự nhủ: “Phải chiến đấu và chiến thắng"!

        Những ngày đó, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam dường như không ngăn nổi sức nóng của chiến trường. Không quân Mỹ ngày càng hung hăng đánh vào Hà Nội, hòng gây sức ép cho cuộc đàm phán. Phan Văn Điệt và đồng đội được lệnh tập trung bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Các anh phải trực chiến nhiều hơn, xuất kích nhiều hơn.

        Chiều 19 tháng 5 năm 1967, Biên đội của Điệt cất cánh lên vùng trời Hà Tây. Vừa cất cánh, Phi đội của anh liền chạm trán với 3 chiếc F-8 bay từ hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển theo hướng Phủ Lý vào Chương Mỹ. Đây là cơ hội để toàn Phi đội lập công mừng sinh nhật của Bác.

        Điệt vẫn còn nhớ hôm Bác đến sân bay Đa Phúc thăm phi công hồi đầu năm, Người ân cần dặn: “Không quân chúng ta lực lượng còn ít, nên đã đánh là phải thắng, sau chiến thắng phải còn hùng mạnh”!

        Trên bầu trời Chương Mỹ, Phi đội của Điệt quần đảo với bọn Mỹ một hồi, trong ba phút ấy Điệt đã kịp bắn trúng một chiếc F-8, khiến cho nó phải bốc khói định bay về phía Phủ Lý. Thấy đang còn thuận lợi, Điệt quyết định rượt theo ép vào nó, bắn thêm một loạt 37 ly nữa cho nó phải rơi ngay tại chỗ.

        Nhưng Điệt không để ý thấy bọn chúng quá đông, chỉ đợi anh sơ xuất là tấn công ngay. “Một máy bay của chúng ở phía trước đã bị cháy, chỉ sợ chúng hoảng nên phụt tên lửa ngay” - Một ý nghĩ vừa lướt trong đầu Phan Văn Điệt như vậy thì trong chớp mắt anh đã thấy hình như máy bay của mình bị thương. Điệt vội vàng nhảy dù, cho dù biết đang ở độ cao thấp chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm. Vì rất có thể dù vừa bung ra đã đẩy anh xuống đất ngay, anh sẽ không thể chủ động tiếp đất được.

        Tỉnh lại sau 4 ngày, Điệt mới biết rằng hôm ấy anh đã nhảy dù rơi xuống một cái ao bùn. Hậu quả của lần nhảy dù bất đắc dĩ này là anh bị vỡ liền một lúc mấy đốt xương sống.

        Nằm trên giường bệnh, Điệt ngẫm nghĩ về sự ngây thơ của mình: Máy bay nó đã bốc cháy, đằng nào cũng bị rơi, lẽ ra không cần đuổi theo nữa mà phải đề phòng những chiếc khác tấn công mới phải. Một sai lầm về chiến thuật phải trả bằng một giá quá đắt...

        “Nếu không bị thương, Điệt có thể sẽ còn bắn rơi được nhiều máy bay nữa. Tiếc là sai lầm này không còn cơ hội để sửa chữa nữa rồi”.

*

        Hàng chục tháng Điệt không được rời khỏi giường. May mắn làm sao có cô y tá thương Điệt vừa đẹp trai, dũng cảm lại vừa học thức nên chăm bẵm Điệt không quản ngày đêm. Có những lúc Điệt hai tay hai nạng gỗ lết từng bước đau đớn, mồ hôi nhễ nhại tập đi.

        Lần tập đi thứ hai trong đời này sao mà khó khăn, cực nhọc đến thế, cố lắm cũng chỉ đi được chục mét là cùng. Điệt trở thành một người lính thương binh đáng thương đến nỗi, một lần Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Đinh Đức Thiện đã nắn từ đầu đến chân anh mà nói rằng: “Làm hậu cần phải nuôi được những người lính như thế này mới coi là hoàn thành nhiệm vụ”.

        Phan Văn Điệt nghe mà rưng rưng, không dám khóc mà đau khổ nuốt nước mắt vào trong. Mới hai tư tuổi đời, bỗng dưng phải lê lết như thế này, thê thảm quá. Điệt cảm thấy mình chấp nhận hoàn cảnh mới khó gấp trăm vạn lần những ngày trực chiến xuất kích, căng tròn đôi mắt lùng sục địch trên bầu trời.

        Nhiều khi Điệt ngồi với đôi nạng gỗ, mắt nhìn xa xôi vào cõi vô tận: “Rồi đây mình sẽ ra sao?”. Nhưng sự vò xé trong lòng không còn khốc liệt như thời gian đầu mới ra viện nữa. Phan Văn Điệt lấy lại tinh thần, anh cạo trọc đầu và miệt mài lao vào đống sách vở mà xưa nay anh vẫn yêu thích. Anh nhất định không để tâm hồn mình cô độc và biệt lập.

        Điệt lặng lẽ nhìn đồng đội mình chuẩn bị bay với tâm trạng tiếc nuôi. “Làm gì để sống, khi đất nước vẫn còn chiến tranh chưa có nhiều điều kiện chăm lo cho người tàn tật như mình?”. Năm tháng khắc nghiệt đã dạy cho Phan Văn Điệt một chân lý “Có làm việc mới đưa con người đến cuộc sông có ý nghĩa thực sự” và anh nghĩ về câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn, nhưng không phế", thế là Phan Văn Điệt quyết định chống nạng dạy bổ túc cho những chị em công nhân chưa tốt nghiệp cấp I, có thêm kiến thức văn hóa...

        Sau gần nửa thế kỷ trên đôi nạng gỗ, Phan Văn Điệt đã trải qua một cuộc sống đa chiều, đa diện, với những gam màu nóng lạnh thay đổi từng ngày; nhưng dường như tâm hồn anh vẫn đang “bay” cùng nghị lực và ước mơ của một Cựu phi công chiến đâu.

        Giò đây thương binh Phan Văn Điệt đã có ba người con trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học với người vợ yêu thương người xứ Nghệ quê hương của anh. Phan Văn Điệt - người lính phi công lãng mạn năm xưa vẫn kiên cường trên đôi nạng chống trụ với cuộc đời...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM