Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:37:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 14778 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 10:31:03 pm »


MỘT CHIẾC MIG ĐÃ DŨNG CẢM ĐÁNH CHẶN ĐƯỢC 36 MÁY BAY MỸ

        Ngày mùng 3 tháng Giêng năm 1968.

        Sáng hôm ấy Biên đội của Kính, Nhu đã bắn rơi một chiếc F-4, và Biên đội của Chao (tôi), Diệp, Sưu, Hải cũng đã hạ được một chiếc ở Bắc Ninh.

        Như vậy là buổi chiều ấy, cả Trung đoàn tôi chỉ còn 4 chiếc MiG-17, nhưng vì lực lượng phi công trực ban buổi sáng đã mệt mỏi vì quần nhau với địch, nên không thể sử dụng tiếp. MiG-21 chỉ còn đúng một chiếc của phi công Chúc. Trong khi ấy, tin trinh sát báo về phải kiểu gì cũng phải cho phi công ta xuất kích, tình thế bắt buộc đành phải để Chúc cất cánh.

        Sở Chỉ huy Binh chủng dẫn đường cho Chúc đến Hòa Bình và để Trung đoàn dẫn tiếp, phát hiện ra 8 Biên đội gồm 36 chiếc máy bay của Không quân Mỹ đang dần tiến vào theo hàng dọc. Chúng có tất cả 32 chiếc F-105 và 4 chiếc F-4 đi sau cùng yểm trợ. MiG-21 của ta bám luôn kiểu "đút đít".

        Thông thường dẫn đường chỉ huy là sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của Sở Chỉ huy Binh chủng và Sở Chỉ huy Trung đoàn. Sơ Chỉ huy Binh chủng có nhiệm vụ quyết định thời cơ cất cánh và dẫn đường ở giai đoạn đầu, vì ra-đa mở sớm. Còn Sở Chỉ huy Trung đoàn mở ra-đa muộn hơn, sẽ dẫn ở giai đoạn cuối, khi giữa chừng ra-đa bắt tín hiệu tốt hơn.

        Trận đánh này không nằm ngoài cách dẫn thông lệ, khi còn cách địch 50 ki-lô-mét, sở Chỉ huy Đoàn Không quân Sao Đỏ do Trần Mạnh chỉ huy, Tạ Quốc Hưng dẫn tiêu đồ, Lê Thiết Hùng dẫn hiện sóng ra-đa bắt đầu dẫn trực tiếp. Khi cách địch còn khoảng 12 ki-lô-mét thì ra-đa phát hiện có F-4 quay vòng trở lại, Lê Thiết Hùng bị bất ngờ không kịp báo sở chỉ huy bằng điện thoại mà phải báo qua đôi không:

        - F-4 quay lại đấy, đề nghị 36 (số hiệu của phi công Chúc) vòng trái gấp!

        Nguyễn Văn Chuyên phán đoán rất nhanh, anh nói luôn:

        - 36 tiếp tục hướng bay 40!

        Anh quyết định như vậy vì cho rằng nó vòng lại thì không thể đuổi kịp mình với tốc độ 900 ki-lô-mét/giờ, trong khi MiG-21 của mình đang bay với tốc độ 1.200 ki-lô-mét/ giờ.

        Lẽ ra, trợ lý dẫn đường phải báo cáo với chỉ huy trước khi hạ lệnh, nhưng trong trường hợp này không thê đủ thời gian cho Nguyễn Văn Chuyên báo cáo, anh lo sợ cứ làm theo đúng thủ tục thì F-4 kịp hạ máy bay của mình mất. (Hành động đó rất có thể sau này nếu như MiG-21 không hề hấn gì thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu MiG-21 bị bắn anh sẽ phải chịu trách nhiệm).

        Thế là Chúc điều khiển MiG-21 theo lệnh của Chuyên nhằm hướng 40 độ mà tiến, lần thứ nhất vào không bắn được, lần thứ hai cũng không bắn được, Chuyên kiên nhẫn dẫn Chúc tiếp cận lần thứ ba lúc này và thật không uổng công, gần đến vùng trời Tuyên Quang, Chúc phóng tên lửa bắn trúng một chiếc F-105, khiến cho tên giặc lái của chiếc máy bay này phải nhảy dù, 35 chiếc máy bay còn lại vô cùng hốt hoảng (một vài chiếc trong số đó vội vàng trút bom không đúng mục tiêu đã định) quay đầu bỏ chạy.

        Không ngờ chính tên giặc lái nhảy dù lại là Đại tá Paul (Anh hùng phi công Mỹ, và là phi công bay giỏi số 1 của Không quân Mỹ), chỉ huy trực tiếp 8 Biên đội đó.

        Như tôi đã có lần nói tới, sự sông chết đối với những ngươi lính Không quân chúng tôi đều luôn luôn được xác định trong suy nghĩ, bất kỳ lúc nào cái chết không báo trước cũng có thể đến với bất kỳ ai trong chúng tôi.

        Chúng tôi thường nói vui với nhau: Đời ai củng có một lần chết, hi sinh cho Tổ quốc là cái chết vinh quang, có gì mà phải sợ. Mặc dù đã đả thông tư tưởng cho vợ con và gia đình, nhưng không phải người vợ nào, hay bố mẹ nào cũng bĩnh tĩnh đón nhận tin xấu về người chồng hay đứa con thân yêu của mình.

        Kể cả tôi, hay anh Toại đều nhiều lần khiến cho gia đình phải hoảng hốt lên đơn vị tìm.

        Có hôm vợ anh Mai Đức Toại nghe người ta nói trận đánh ở Hàm Rồng có hai người hi sinh thì vô cùng lo lắng, vì cả hai đứa con đang còn nhỏ nên gia đình không ai cho đi mà phải cử ngay hai ông anh trai vợ lên đơn vị “điều tra thực hư” thế nào. Nhưng may quá, ngày đó anh Toại đang ở Trung Quốc chưa về và chưa hề “sứt mẻ” gì.

        Một buổi chiều hè năm 1967, cái nắng sao mà oi ả, không khí sền sệt đặc quánh đến ngạt thở. Vợ Nguyễn Văn Lai vất vả cùng cái bụng sắp đến ngày sinh từ Nghệ An tìm đến tận Chỉ huy sở sân bay Nội Bài gặp Mai Đức Toại, vừa khóc vừa la lối:

        - Các anh, các anh trả chồng cho tôi! Tại sao các anh để cho chồng tôi chết? Anh Lai ơi là anh Lai, sao người ta lại bắt anh phải chết?

        Mai Đức Toại không bất ngờ, anh hiểu tâm trạng của người đàn bà mất chồng lúc này đang rất đau khổ. Anh kéo ghế mời vợ Lai ngồi, rồi nói:

        - Cô ngồi xuống đây đã. Cô phải bĩnh tĩnh nghe anh nói. Không phải tại các anh xui nó vào chỗ chết, mà đó là do nó nhiệt tình, quyết tâm bắn rơi máy bay địch. Nhưng Lai không biết rằng máy bay của bọn Mỹ có thể linh hoạt với tốc độ nhỏ, luồn lách được trong khi mình đang tốc độ lớn vòng sơ ý một chút đã bị va cánh vào núi, không có cách nào cứu được.

        - Thôi em hiểu rồi, anh không cần phải nói nữa - vợ Lai òa khóc to hơn - Anh Lai ơi, con anh còn chưa biết mặt bố. Em biết sống thế nào khi không còn anh trên đời này? Anh Toại ơi, con em sẽ thế nào đây?

        - Cô ạ, chúng tôi là chỉ huy, không bao giờ muốn cho quân của mình phải chết cả. Nhưng đã là phi công, cất cánh lên trời là phải đối mặt với cái chết, may mắn thì giữ được mạng sống mà thôi.

        Mai Đức Toại tuy miệng thì nói thế, nhưng chính anh cũng cảm thấy cái chết của Lai oan ức quá. Giá như... chẳng thể giá như được nữa. Trước mặt anh người phụ nữ với cái bụng vượt mặt đang run lên nức nở. Nỗi đau khổ quá lớn của chị khiến cho không khí căn phòng trở nên rất nặng nề.

        Bóng một con chim cất tiếng kêu thất thanh từ bụi mía vụt bay lên khiến anh chú ý, bỗng nhiên anh không kìm được cảm xúc của mình... tiếng thơ dài nghèn nghẹn bật ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2019, 07:33:53 am »


QUÀ SINH NHẬT MUỘN DÂNG LÊN BÁC HỒ

        Giữa năm 1968 Đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân.

        Những năm 1966 - 1967, Không quân Việt Nam đã cho bọn Mỹ biết thế nào là MiG-17, tuy không hiện đại bằng những Thần Sấm (F-105) Con Ma (F-4) nhưng MiG-17 lại làm cho bọn Mỹ sợ hết hồn, khiếp vía. Chẳng khác gì châu chấu đá voi, nhưng châu chấu nhỏ bé mà khôn lanh đã đánh bại voi to lớn.

        Không quân Mỹ đã bị hao tổn lớn về máy bay và người lái, buộc chúng phải tiến hành “ném bom hạn chế” để đánh tập trung, đánh lẻ, đánh liên tục và ác liệt trong phạm vi Khu 4, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Và đặc biệt, chúng muốn gây căng thẳng trong nhân dân, hòng làm cho nhân dân quân Khu 4 hoang mang, lo sợ...

        Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định đưa lực lượng Không quân vào chiến đấu ở chiến trường Quân khu 4 cùng với các Binh chủng bạn và lực lượng vũ trang địa phương kiên quyết tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, góp phần tích cực đập tan âm mưu “ném bom hạn chế” của Không quân Mỹ.

        Lệnh trên vừa đưa xuống, Ban chỉ huy Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế liền khẩn trương vạch kế hoạch tác chiến ngay. Lần này, phải giao nhiệm vụ cho những phi công dày dạn kinh nghiệm và thông thạo địa hình mới có thể lập chiến công, vì Ban chỉ huy quyết định không sử dụng hệ thống dẫn đường trên không. Chỉ có chỉ huy bổ trợ trực tiếp tại khu vực chiến đấu cho biên đội mà thôi.

        Nhiệm vụ thật khó khăn, tại thời điểm này chỉ có hai phi công Lưu Huy Chao và Lê Hải có thể đáp ứng yêu cầu này.

        Ngày 18 tháng 6 năm 1968, tôi và Lê Hải vô cùng mừng rỡ vì được giao nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu và đánh địch tại vùng núi Thung Nưa - phía bắc tỉnh Nghệ An, quê hương của Bác Hồ.

        Riêng tôi thì vui mừng hơn cả, bởi năm trước có dịp được gặp Bác Hồ trong lần đến thăm Phủ Chủ tịch và được Người tặng lẵng hoa cho Trung đoàn, tôi còn nhớ y nguyên lời của Bác nói với mình lúc đó: “Chú đã bắn được bốn chiếc, thế là rất tốt, nhưng chú phải ăn nhiều nữa, đừng để gầy thế này, có sức khỏe chú sẽ bắn rơi thêm nhiều máy bay hơn...".

        Từ lúc gặp Bác cho đến nay, hầu như hôm nào tôi cũng tự nhủ sẽ cố gắng lập thành tích trên quê hương của Bác Hồ để tỏ lòng biết ơn lời căn dặn của Người. Bây giờ thì đúng là thỏa ước nguyện, chỉ chờ xem có bắn được "Con Ma" hay "Thần Sấm" nào không.

        Đúng 8 giờ 15 phút, chúng tôi chuyển trường từ sân bay Gia Lâm và chỉ một lát sau đã hạ cánh xuống sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân - Thanh Hóa). Tôi và Lê Hải hồi hộp từng giờ, chờ lệnh cất cánh

        Thế rồi, phát súng báo động cấp I đã nổ. Đồng hồ chỉ đúng 14 giờ 27 phút. Tôi cùng Lê Hải nhanh chóng ra máy  bay. Ở sân bay, các anh ở Tổ thợ máy đã hoàn thành việc kiểm tra và đang chờ sẵn hai người. Tất cả đã sẵn sàng. Chúng tôi bước lên máy may, vẫy chào mọi người.

        Bầu trời Sao Vàng không một gợn mây, xanh trong ngút ngát. Tôi dẫn đội, vòng phải hướng 180 độ, giữ độ cao 500 mét và vận tốc 650 ki-lô-mét/ giờ, còn Lê Hải thì bay bên phải, phía sau giữ cự ly giãn cách vừa phải, hai anh em cứ men theo bên phải đường 15 tới Nghĩa Đàn.

        Gần đến Đô Lương thì chúng tôi nâng lên độ cao 700 mét - 1.000 mét. Nghe chỉ huy mặt đất nói:

        - Vòng phải 360 độ!

        Tôi hỏi lại:

        - Có phải bay đến địa điểm công tác không?

        Mặt đất trả lời:

        - Phải!

        - Thế thì tôi tự bay được - Tôi đáp.

        Tôi và Hải lập tức bay thẳng đến Thanh Chương, bay vòng 360 độ chừng một phút thì dưới mặt đất hô:

        - Vòng phải 150 độ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2019, 07:34:09 am »


        Lúc này thì tôi và Hải đã tăng độ cao tới 1.500 mét và vận tốc 700 ki-lô-mét/giờ liền vòng phải bay chừng một phút nữa thì nghe mặt đất thông báo :

        - Phía trước, bên trái 10 độ 50 ki-lô-mét có địch, sáu chiếc F-4 ở độ cao 3.000 mét.

        Chúng tôi nhanh chóng tăng hết cửa dầu và lên dần độ cao 2.000 mét, vận tốc 750 ki-lô-mét/giờ. Chỉ còn cách địch khoảng chừng 25 ki-lô-mét thì Lê Hải thấy pháo ở đường 1 bắn lên và đồng thời phát hiện địch từ phía biển đi vào hướng 260 độ, chúng bay theo đội hình 2 chiếc hàng dọc kéo dài.

        Lê Hải báo cáo qua điện đàm:

        - Số Một, bên trái có địch, tiếp tục vòng trái đi!

        - Chưa thấy! - Tôi đáp. Lúc này thì máy bay của ta đã ngang địch với góc 90 độ.

        Chiếc F-4 đi sau bỗng phóng ra 2 quả tên lửa ra phía sau máy bay của Lê Hải, khói phụt trắng cả vùng trời.

        Lê Hải hô:

        - Số Một, vòng trái gấp, công kích!

        Tôi vẫn chưa nhìn thấy địch nên trả lời:

        - Tôi vẫn chưa nhìn thấy, số Hai công kích đi, tôi yểm hộ!”

        Tôi và Lê Hải cùng ném thùng dầu phụ cho máy bay bớt nặng và kéo độ cao lên 2.700 mét. Lê Hải vừa vòng trái vừa bắn một loạt đạn vào chiếc F-4 đi đầu, nhằm bắt buộc địch phải cơ động đôi phó, tạo điều kiện thuận lợi cắt bán kính tiêu diệt chúng. Chiếc F-4 đi đầu hốt hoảng vòng phải gấp, vội vàng chạy thoát thân ra hướng biển.

        Đội hình của địch bắt đầu bị phá, chiếc F-4 thứ hai vội vã hạ thấp độ cao. Lê Hải nhanh như cắt đuổi theo cắt bán kính và bắn loạt đạn thứ hai, trúng luôn chiếc F-4 này. Chiếc F-4 bùng cháy rồi rơi ngay tại chỗ.

        Mừng quá, Lê Hải kéo độ cao lên và tiếp tục vòng trái quay lại yểm hộ cho tôi. Anh bay tới vòng thứ 3 thì phát hiện thêm một chiếc F-4 đang ở độ cao 1.000 mét, Lê Hải đuổi theo bắn thêm một loạt đạn nữa nhưng cự ly xa quá, hơn nữa lại hết đạn vì băng đạn bị đứt, chỉ còn có 6 viên 23 ly nên Lê Hải phải vòng phải rút về.

        Trong khi đó, tôi vòng trái yểm hộ cho Lê Hải nhìn thấy địch thì nghĩ “Tại sao địch chỉ có 2 chiếc? Hướng Đông Nam thế nào cũng có địch”, tôi bèn vòng phải chừng một phút thì phát hiện ngay 1 chiếc F-4.

        Tôi liền ép độ nghiêng, nhưng cự ly không thu ngắn lại được, cố xả một loạt đoạn nhưng không trúng. Tôi nôn nóng hạ địch nhưng tình thế không cho phép nên tiếp tục yểm hộ cho Lê Hải.

        Đây rồi, lại phát hiện thêm một chiếc F-4 đang từ phía Đông Nam đi lên, nó cứ lòng vòng rồi lại quay đầu ra biển, chắc là nó đang tìm để yểm hộ cho đồng bọn. Lê Hải nói qua điện đàm:

        - Số Một yên tâm công kích, phía sau đã có tôi.

        Tôi như được tiếp thêm sức mạnh lao vào cắt bán kính và bắn. Loạt đạn đầu tiên trúng vào đuôi máy bay F-4, hai loạt đạn liền sau đó bồi thêm, đã làm cho thân chiếc F-4 thủng to, khiến cho chiếc máy bay này lảo đảo, tròng trành cố bay ra biển rồi cuối cùng cũng rơi xuống biển trong nháy mắt. Vừa lúc đó thì tôi phát hiện thêm một chiếc F-4 nữa, nhưng máy bay của tôi vừa vặn hết đạn. Định gọi cho Lê Hải nhưng thấy Lê Hải còn đang ở xa quá không lên kịp, tôi liền quyết định dừng đánh, gọi Lê Hải trở về căn cứ.

        Chỉ trong vòng 3 phút mà tôi và Lê Hải đã cơ động tiêu diệt được 2 chiếc F-4B, loại máy bay ném bom của Hải quân, hiện đại nhất nhì của Mỹ. Không những thế, những chiếc F-4 đều được lái bởi những phi công xuất sắc của quân đội Mỹ, hầu như phi công Mỹ đã trải qua kinh nghiệm tính bằng hàng nghìn giờ bay. Còn phi công MiG- 17 của ta - tại thời điểm đó - người nào nhiều nhất cũng chỉ được huấn luyện chừng 400 giờ. Các anh chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của ra-đa cùng những thiết bị tối tân dẫn đường như của bọn Mỹ mà vẫn tiêu diệt được chúng. Quả là một sự phi thường.

        Trên đường trở về sân bay Sao Vàng, tôi và Lê Hải cùng dâng lên niềm vui vô bờ bến. Thế là ước nguyện đánh địch trên quê Bác của tôi nay đã thành hiện thực “Bác Hồ ơi, chúng con kính yêu Người”.

        Trận đánh trên quê hương Bác Hồ ngày 18 tháng 6 năm 1968 hôm ấy đã là một kỷ niệm không thê nào quên của hai phi công Lưu Huy Chao và Lê Hải. Chúng tôi đã lập một chiến công như một món quà mừng sinh nhật muộn dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2019, 07:35:03 am »


PHI CÔNG MIG CŨNG CẤY LÚA, NẤU RƯỢU NHƯ NÔNG DÂN

        Tôi đi đến đâu cũng nghe người ta rỉ tai: “Anh Chao có biết khắp Trung đoàn và dân quanh vùng Kép nói gì không”?

        - Không? Họ nói gì? - Tôi tò mò hỏi lại.

        - Là chuyện cấy lúa đó.

        - Họ nói sao?

        - Ôi giòi, ông này chán quá, bây giờ ai chả thuộc câu “Mạ ông Chao, ao ông Bộ, gỗ ông Xưởng, giường ông Châu". (Câu này là tôi mới có tên, trước kia nói "ao ông Bộ" là do Chu Tất Bộ tổ chức cho Cơ quan Tham mưu đào ao thả cá, nhưng không để ý chỗ đó là đất đá ong, nên cứ bơm nước đầy qua một đêm là cạn sạch, cá giống không có nước, chết phơi bụng trắng đáy ao. “Gỗ ông Xưởng” là vì Đào Công Xưởng đi mua gỗ về đóng giường cho Chiêu đãi sở mua phải gỗ mục nên không dùng được, còn "giường ông Châu" là ông Châu hành chính thực hiện nhiệm vụ đóng giường cho Chiêu đãi sở làm từ "gỗ của ông Xưởng" nên giường vừa đóng xong đã sập...). Ồng gieo mạ ở chỗ thấp như thế, chỉ một trận mưa là ngập hết ngay.

        - Kệ, người ta nói là một chuyện, tôi khác. Tôi đã hỏi kinh nghiệm dân rồi - Tôi ra vẻ cứng cỏi, kỳ thực trong lòng hơi lo lo. Có thế sẽ bị mưa ngập nhưng chỉ một lúc sau là rút ngay, vì địa hình vùng này như thế, nước sẽ rút xuống suối ngay.

        Còn nhớ, về Kép được ít lâu, Trung đoàn vận động anh em phi công ngoài những lúc bay, nên tranh thủ tăng gia sản xuất. Mỗi một phi công ít nhất cũng phải có 20 ki-lô-gam lương thực nộp cho đơn vị một năm. Tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2 nên phải có trách nhiệm cùng với anh em phi công thực hiện kế hoạch.

        Chúng tôi tận dụng giếng có sẵn để thả cá, còn trên khu đồi thả vài chục con gà, rồi trồng rau cần. Những tay lái chao liệng trên trời khi xung trận, giờ lại sắn quần xuống ruộng chẳng khác gì nông dân chính hiệu, mỗi lúc không phải xuất kích. Chẳng phải trước khi là phi công chúng tôi -  những Chao, Địch, Cống... đều là nông dân thực đó sao!

        Tôi nghĩ mãi, cuối cùng mới xin hợp tác xã hai sào ruộng và quyết định cấy lúa nếp, cày bừa thì đã mượn được trâu của dân làng. Nghe tin tôi định cấy lúa, ai cũng nói: “Cán bộ lái máy bay MiG thì biết gì về nông nghiệp, mà cũng dám làm lúa?”.

        Còn tôi thì gan vì nghĩ là mình đã có kinh nghiệm từ ngày còn ở nhà với mẹ nên tôi cứ làm. Nhưng giờ nghe người ta đọc vè, tôi đâm ra lo quá, chả lẽ bao nhiêu công sức của phi công mất hết cả?

        Mà nghe nói, hình như mấy ông biết tôi gieo mạ trên đám ruộng này còn rủa tôi ngu nữa chứ. Bụng tôi như lửa đốt, chỉ mong cho trời tạnh mưa rồi ra xem đám ruộng mạ thế nào.

        Tôi cứ đi ra, đi vào mãi cho tối 3 giờ chiều mưa mới ngớt hẳn, tôi kéo mấy cậu phi công không phải trực chiến chạy như bay ra đám ruộng. Cứ tưởng ra là thấy nước ngập hết ngọn mạ, nhưng may quá trước mắt tôi nước trong đám ruộng đã rút gần hết. Chúng tôi tìm đủ mọi cách khơi cho nước chảy hết cho đến khi thấy vài đám mạ đã dần dần lộ ngồng mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi cười sung sướng, vỗ vai cậu lính mới:

        - Ông trời thương chúng ta rồi, chả lẽ tôi đã mất công đi hỏi dân, mà lại mất trắng ruộng mạ được sao?

        - Thế là hết sợ người ta giễu nhé - Anh em mỗi người một câu động viên tôi - Giờ thì ai có nói gì cũng mặc anh Chao nhỉ, chúng ta cứ cấy, rồi họ sẽ phải tròn mắt ngạc nhiên vì phi công cũng cấy được lúa cho mà xem.

        Từ hôm ấy, cứ hết giờ trực chiến là chúng tôi lại đáo qua đám ruộng lúa nếp. Cây lúa cứ lớn lên từng ngày cùng với niềm vui của chúng tôi.

*

        Gần đến Tết năm 1968, chúng tôi phấn khởi mượn xe cải tiến của dân đi gặt lúa. Tướng chỉ được vài chục ký, hóa ra gom tất lại chúng tôi cũng được bốn bao tải, chừng 160 ki- lô-gam lúa nếp.

        Lúc ấy có từng đó gạo nếp phải nói là quí lắm. Người thì bảo cứ xay ra rồi biếu mỗi người vài cân ăn Tết. Người thì bảo để dành đúng đến Tết gói bánh chưng...

        Còn tôi, vẫn cái tính ngang tàng, với lại vẫn còn cay cú những lời chế giễu dạo trước, nên tôi quyết định đem xay xát hết tất cả bằng ấy thóc để... nấu rượu, mặc kệ lời mấy người hỏi sao không nộp cho đơn vị ít nào?

        - “Gạo này mà nấu rượu thì ngon phải biết chứ chẳng bỡn” - Tôi hồ hởi nói.

        - Còn chỗ cám này anh tính sao? - Thằng Địch hỏi tôi.

         - Còn sao nữa, cho ông già có xe cải tiến cho mình mượn hết. Đế’ ông ấy nấu cám cho lợn - Tôi dứt khoát - Các cậu khiêng lên xe đi.

        - Đi đâu anh?

        - Đi vào trong xóm nhờ người ta nấu rượu chứ đi đâu nữa. Tôi đã hỏi rồi. Cứ kéo vào xóm đi theo tôi.

        Chúng tôi hì hục kéo mấy bao gạo vào làng đến trước cổng nhà ông Sao, tôi gọi:

        - Bác Sao ơi! Bác Sao có nhà không nhỉ?

        - Tôi đây, các chú đem gạo đến đây à? - ông Sao quần sắn móng lợn tất tả chạy ra.

        - Vâng, như đã nói chuyện với bác hôm trước đấy, nhờ bác nấu cho chúng tôi hết bằng này gạo. Bác nấu xong tôi sẽ biếu bác một ít uống Tết.

        - Các chú yên tâm, ai chứ chú Chao thì tôi ngại gì nữa. Khi nào xong tôi sẽ báo các chú đến nhé.

        Thế là việc nhờ nấu rượu coi như đã xong, chỉ chờ đến ngày mang can đến mà lấy rượu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2019, 07:35:29 am »


*

        Mười ngày sau. Lê Hải ở đâu chạy về thông báo:

        - Anh Chao ơi! Bác Sao gọi đến lấy rượu đấy!

        - Thế à, vậy là cuối tuần có rượu uống rồi. Nhưng bọn mày phải giữ kín đấy, các ông ấy mà biết chúng mày uống rượu là lôi thôi. Nhất là mấy ông bác sĩ quân y ấy. Các ông ấy không muốn cánh lái uống rượu đâu.

        - Anh yên tâm đi, mang về có khi các ông ấy cũng thích ấy chứ. Anh phải chuẩn bị cái can to vào.

        Mấy anh em chúng tôi đi tìm can rồi vào làng. Quả là công sức bỏ ra cho vụ cấy lúa này kể ra cũng không phải ít. Lo từ đầu mạ lên đến khi gặt lúa rồi xát thành gạo rồi đem nhờ người ta nấu thành rượu. Tất nhiên chẳng phải khó khăn to tát gì, nhưng chuyện phi công cấy lúa mà lại cấy lúa nếp người ta bàn ra tán vào khắp nơi. Ông Sao nấu hết chỗ 160 ki-lô-gam mà được nhiều rượu quá. Tôi bảo ông:

        - Nhò có Bác mà chúng tôi có rượu uống. Bác để lại vài lít mà dùng trong dịp Tết sắp tới. Coi như chúng tôi trả công cho bác. Chỗ còn lại, chúng tôi mang về chia cho anh em lái uống dần.

        - Các chú đã cho cám nuôi lợn, bã rượu tôi cũng để nuôi lợn, nay các chú lại cho cả rượu nữa, quí hóa quá, nhà tôi biết lấy gì cảm ơn bây giờ? - Bác Sao mừng rỡ nói.

        - Ấy, bác đừng nói thế, anh Chao với chúng cháu phải cảm ơn bác mới đúng chứ - Mấy cậu lái thấy thế phà trò - Thôi, chúng cháu về đây, sắp tối rồi. Ui, rượu thơm quá.

        Chúng tôi khệ nệ khiêng mấy can rượu nếp về đơn vị không quên chào bác Sao và dặn bác mùa lúa sau nếu còn ở Kép sẽ lại nhờ bác nữa.

        Trồi về chiều đã lãng đãng sương mò. Tôi bảo :

        - Mấy đứa kiếm chai chia rượu, rồi mang biếu mấy thủ trưởng, còn lại các cậu mỗi đứa một bi - đông mang về cất vào tủ mà uống dần!

        Mang rượu tới đúng bữa ăn, các thủ trưởng đơn vị cười, bảo mở luôn ra uống thử xem sao. Anh Phiếu nâng chén rượu đưa lên ngang mũi, rồi hạ xuống bảo:

        - Ngon! Ngon lắm, thế có được nhiều không?

        - Cũng được hơn chục lít thôi anh ạ - Tôi đáp.

        - Ngon thê này, lẽ ra phải cho nhiều nhiều vào chứ - Anh Phiếu cười.

         Câu chuyện xoay quanh món “rượu phi công” xem chừng rôm rả mãi không dứt. Cho đến mấy hôm sau thì cả Trung đoàn đã biết tôi nấu rượu, “mà lại nấu rượu nếp mới ghê”.

       
*

        Bẵng đi một tuần, bỗng dưng Chính ủy Phiếu cho gọi tôi lên. Có người bảo:

        - Chuyến này tay Chao chết rồi! Rồi sẽ bị các thủ trưởng xạc cho một trận tơi bời cho mà xem.

        Tôi nghe xong cười khẩy:

        - Tôi trồng được lúa, thì tôi làm gì là việc của tôi, nấu rượu thì cũng bình thường có sao mà...

        Từ nhà lên đến chỗ Chính ủy, tôi cứ nghĩ chắc là Chính ủy gọi lên để chuẩn bị tinh thần thực hiện kế hoạch đánh Mỹ mới, chứ không phải vì tôi nấu rượu.

        Tôi lò dò vừa vào đến cửa thì anh Phiếu nói luôn, vẻ bực bội:

        - Cậu hay thật, ai cho phép cậu nấu rượu?

        - Sao tự nhiên anh lại hỏi tôi thế? - Tôi ngạc nhiên - Tôi nấu rượu, các anh cũng uống còn khen ngon, giờ lại bảo tôi phải có phép mới được nấu à? Thôi tôi về đây...

        Tôi nói xong về luôn chẳng đê cho Chính ủy Phiếu nói thêm câu nào, vừa đi vừa nghĩ về lời nói của thằng bạn trước khi lên đây: Cái thằng... thế mà đoán như thần.

        Một tuần liền tôi bị Chính ủy đơn vị gọi lên ba lần. Đến lần thứ ba thì tôi bực lắm, nhưng vẫn cố kiềm chế. Thoáng thấy bóng tôi Chính ủy nói vọng ra:

        - Vào đi!

        Tôi vào phòng Chính ủy:

        -Gì ạ?

        Chính ủy nghiêm giọng nói:

        - Cậu ngồi xuống! Yêu cầu cậu nói rõ việc... nấu rượu!

        Tôi quay ngoắt ra, không nói không rằng.

        - Đồng chí Chao đứng lại! - Chính ủy Phiếu nghiêm giọng gọi giật tôi lại.

        - Việc nấu rượu, đồng chí hỏi nhiều lần rồi, chuyện ấy tôi làm đúng chẳng có gì sai. Tôi tưởng là địch đốt phá sân bay, giết hại dân mới phải điều tra kỹ càng thế, chứ tôi nấu rượu cho anh em phi công uống những ngày không phải trực, có phải tôi để anh em say li bì ngày này sang ngày khác đâu mà cứ nói mãi, khoét mãi thế? - Tôi nóng mặt, to tiếng - Tôi nói thật, nếu lần sau gọi tôi lên vì việc này, tôi không lên nữa đâu!

        Tôi vùng vằng bỏ đi, Chính ủy Phiếu tay cầm tờ tài liệu gì đó, còn mắt thì tròn lên nhìn theo tôi ra khỏi phòng rồi lắc đầu.

*

        Tôi bực vì nhiều lý do, hình như người ta nói đúng: “Các ông chính trị ở mặt đất làm sao nói chuyện trên trời”. Mới hôm qua Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Chu Tất Bộ yêu cầu ngày nghỉ, phi công phải gác lán (vì sân bay mới, sợ an ninh không đảm bảo) mỗi người một giờ đồng hồ, tôi đã không chịu nổi bảo:

        - Mai còn đi đánh nhau gác gác cái gì? Các ông muôn cắt ai gác thì gác, tôi là Đại đội trưởng, tôi nhất định không để lái gác đêm. Ngày nghỉ phải cho anh em nghỉ chứ. Một tiếng đồng hồ cũng làm cho người ta thấp thỏm cả đêm, còn sức đâu mà bay, mà chiến đấu?

        Cuối cùng Chu Tất Bộ thấy tôi phản đối kịch liệt quá, nên nhượng bộ tôi, cử chính trị viên thay nhau gác. Anh em phi công được nghĩ ngơi để dành sức sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2019, 07:36:04 am »


BẢO VỆ NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHỤ NHƯ LÀ MỘT KỲ TÍCH!

        Năm 1967. Ngày hôm ấy tin trinh sát báo về Sở Chỉ huy 923 tại sân bay Hòa Lạc sẽ có ít nhất 12 chiếc F-105 đi từ Lào sang, tấn công mục tiêu nóng nhất Hà Nội là Nhà máy điện Yên Phụ.

        Tại Sở Chỉ huy, Tư lệnh Binh chủng Nguyễn Văn Tiên dường như rất lo lắng, có vẻ như không tin lắm về khả năng có địch, ông nói như gắt:

        - Địch ở đâu? Có vào đâu mà đòi đánh?

        Nguyễn Văn Chuyên điềm tĩnh nhận định:

        - Lần này, nếu thực hiện phương án tốt, có thể sẽ ngăn chặn Không quân Mỹ tấn công mục tiêu.

        Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên hầu như không hài lòng về nhận định của Chuyên, không đáp.

        Nguyễn Văn Chuyên vẫn nói:

        - Được sự đồng ý của trên, ta cho Biên đội MiG-21 cất cánh đánh từ Suối Rút trở ra và Biên đội MiG-17 từ Gia Lâm cất cánh sau bốn phút, sẽ đánh từ Hòa Bình trở vào.

        Tư lệnh miễn cưỡng hỏi Chuyên:

        - Anh định dẫn thế nào?

        - Báo cáo thủ trưởng, khi ta ra đến Mai Châu thì địch sẽ xuất hiện ở biên giới Lào Việt - Nguyễn Văn Chuyên khẳng định.

        Tư lệnh lặng thinh theo dõi. Đúng lúc chì đó trên bản đồ đến Mai Châu, ông nói như hét:

        - Anh cho vòng trái đi!

        Chuyên liếc nhìn Tư lệnh, chắc có lẽ ông ấy lo sợ nếu ra xa sẽ bị bọn tiêm kích tấn công?

        Lúc đó chưa có địch nên Chuyên buộc lòng phải ra hiệu cho phi công vòng trái, hướng bay 90 độ. Phi công vừa bẻ cần lái, thì địch ùn ùn kéo vào ba tốp liền, tình thê thật nguy hiểm, trong khi ấy nguyên tắc khi vòng là bắt buộc phải vòng 360 độ, thế là đương nhiên phi công mất hẳn đi một phút, lỡ một cơ hội tấn công.

        Tình thế bắt buộc Nguyễn Văn Chuyên phải hướng cho phi công ta có muốn rút gì cũng phải vòng đến 350 độ, rồi đối đầu với tốp máy bay Mỹ, không thể bám đít được.

        Đúng như dự tính, chiếc máy bay MiG-21 của phi công ta đốì đầu với chiếc F-4, hai bên quần nhau một lúc mà không phân thắng bại, tuy nhiên MiG-21 đã làm được một việc quan trọng là cản F-4 không cho chúng yểm hộ F-105, còn F-105 không thấy F-4 yểm trợ trong lúc bị MiG-17 ra sau săn đuổi ráo riết thì vô cùng hoang mang. Trong lúc đang lúng túng, thì một chiếc bị dính đạn pháo của MiG-17 lảo đảo rơi ngay tại chỗ, khiến cho cả tốp hoảng hốt trút bom quay đầu bỏ chạy.

        Như thế là kế hoạch mang bom tấn công Nhà máy điện Yên Phụ của bọn Mỹ đã chấm dứt sớm ngay từ Suối Rút, do dẫn đường của ta đã dẫn cực kỳ chính xác.

        Tối hôm ấy Nguyễn Văn Chuyên ngồi chỉnh lý những gì đã xảy ra. Anh hơi buồn vì người ta nói rằng, dẫn gì mà bắn được một cái tận ngoài rừng núi... phải dẫn làm sao đế hạ ít nhất vài chiếc mới đáng nói...

        Thấy anh không vui, Chính ủy Binh chủng Phan Hy vỗ vai anh:

        - Chuyên! Cậu bạo phổi thật đấy, hôm nay mà cậu sai thì chết với ông Tiên!

        Hình như chỉ đợi câu nói ấy của Chính ủy đê Nguyễn Văn Chuyên bật khóc mà không phải kiềm chế. Trong thâm tâm anh nghĩ rằng, đường đường một người Chính ủy Binh chủng mà ông Phan Hy bỏ qua hết cả lễ nghi quân đội, giữa lãnh đạo với cấp dưới để nói với anh những lời chân thành như thế, có lẽ ông ấy rất hiểu anh.

        Tuy anh chỉ là Trợ lý dẫn đường, nhưng nếu không dám làm, không dám cả quyết thì liệu có cản được ba tốp máy bay cường kích và tiêm kích kia không? Thà bắn được ít nhưng bảo vệ được mục tiêu còn hơn là bắn được 10 chiếc, mà mục tiêu bị bắn phá.

        Nếu so sánh trận đánh này của Không quân Việt Nam với Không quân những nước mạnh có thế nói đó là một kỳ tích, vì họ có nhiều máy bay sẵn sàng bảo vệ mục tiêu ngay tại chỗ, còn việc có bắn rơi chiếc nào hay không thì coi như thêm thắt vào kết quả trận đánh mà thôi.

        Còn Không quân ta, vừa ít về máy bay, vừa yếu về lực lượng, thế mà đuổi đánh ba tốp hùng mạnh của chúng phải rút chạy, võ mộng tấn công mục tiêu đó là một thành tích rất đáng kể, thử nghĩ xem nếu bằng ấy tốp máy Mỹ vào đến tận nơi và thả bao nhiêu tấn bom vào Nhà máy điện thì khu vực đó sẽ thế nào? Nếu có bắn rơi ngay tại mục tiêu ba, bốn chiếc thì thiệt hại của ta vẫn là vô cùng lớn.

        Nhưng thời điểm ấy, người ta không chú trọng đến mặt tích cực của ngăn chặn, mà thường chỉ tính xem đã bắn được mấy chiếc? Còn tôi lại cho rằng trận đánh bảo vệ mục tiêu Nhà máy điện Yên Phụ quả là một kỳ tích của ngành dẫn đường cũng như của Nguyễn Văn Chuyên!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2019, 06:34:59 am »


"ĐỘC CHIÊU" ĐÁNH TÀU CHIẾN MỸ

        Do thất bại liên tục các chiến trường, Tổng thống Mỹ Nich-xơn đã phiêu lưu dùng Không quân và Hải quân đánh phá vào Bắc Việt Nam suốt một tuần liền, từ 11 tháng 4 đến 18 tháng 4 năm 1972.

        Các tàu chiến của Hạm đội 7 liên tiếp bắn phá vào đất liền từ vùng biển Đồ Sơn tới Quảng Bình. Nhất là đêm 18 tháng 4, khoảng 23 giờ đến 23 giờ 50 phút, Hải quân Mỹ cho hẳn 4 khu trục bắn vào khu vực Quảng Xá và Lý Nhân dữ dội, cự ly bắn rất gần 10 - 15 ki-lô-mét. Lầu Năm Góc định làm một trận lớn uy hiếp Việt Nam.

        Song song với việc dùng Không quân ném bom miền Bắc, mở rộng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng địch còn tăng cường pháo trên các hạm tàu từ ngoài khơi bắn vào đất liền, hòng gây khó khăn trở ngại cho quân và dân ta vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

        Phân tích tình hình, Bộ tư lệnh Không quân Việt Nam quyết định phối hợp với các lực lượng toàn quân, quyết tâm đập tan âm mưu của Mỹ, giao nhiệm vụ cho Đoàn Không quân Yên Thế dùng MiG-17 tham gia trận đánh tàu. Đó là mũi nhọn chủ yếu, kiên quyết đánh chìm tàu chiến của địch, hạn chế chúng pháo kích, đẩy chúng ra xa bờ biển của ta để bảo vệ huyết mạch giao thông cho chiến dịch.

        Đánh hạm tàu là một nhiệm vụ mới, cực kỳ khó khăn, bởi vậy Đại đội 4 anh hùng được Đoàn Không quân Yên Thế nhắm đến đầu tiên vì các phi công ở Đại đội này đều là những người bay giỏi và nhiều kinh nghiệm. Ngay lập tức Trung đoàn tổ chức huấn luyện bay biển cho chúng tôi. Trước mắt, đưa 6 phi công vào cơ động để chuẩn bị bay, chuẩn bị ném bom và các loại ngòi nổ.

        Căn cứ vào hoạt động của địch, nên Trung đoàn quyết định thời cơ chuyển trường vào lúc hoàng hôn là thuận lợi nhất, có thể đảm bảo được yếu tố bí mật bất ngờ cho trận đánh. Đại đội bay đêm cử Biên đội Điệp và Đễ cất cánh từ sân bay Vinh đi sân bay Gát sau hơn 10 phút đã hạ cánh an toàn.

*

        Buổi sáng ngày 19 tháng 4 năm 1972.

        Tất cả chỉ huy cũng như phi công trực chiến đều căng như dây đàn theo dõi diễn biến của Mỹ Ngụy từng phút, từng giờ.

        Tin ra-đa báo về: Phát hiện 3 tốp tàu Khu trục Mỹ, tốp thứ nhất gồm 4 chiếc phía đông Lệ Thủy 40 ki-lô-mét. Tốp thứ 2 gồm 6 chiếc phía đông cửa sông Gianh cách 120 ki-lô- mét, tốp thứ 3 có 3 chiếc phía đông cửa Sót cách 80 ki-lô-mét.

        Sở Chỉ huy luôn trong tình trạng báo động cấp 1, nhưng không đánh được do trời quá mù.

        Buổi chiều, ngoài biển.

        Ra đa 403 vẫn thấy 3 tốp buổi sáng, riêng có tốp ở cửa sông Gianh thì chúng đã triển khai đội hình hàng dọc di chuyển về phía bắc. Nhưng để tiếp tục theo dõi thủ đoạn của địch, ta không chủ trương đánh tốp này.

        Khoảng 4 giờ chiều, Hải quân cung cấp thông tin: 3 chiếc cách 18 ki-lô-mét về phía đông nam Lý Hòa, 2 chiếc cách 25 ki-lô-mét phía đông các cửa sông Gianh, 2 chiếc cách Lý Hòa về phía đông 8 ki-lô-mét đang đi về hướng Nhật Lệ, 2 chiếc cách cửa sông Gianh về phía đông bắc 40 ki-lô-mét, còn 2 chiếc cách Đông Nhật Lệ 12 ki-lô-mét.

        Đồng thời trên đài quan sát phát hiện thêm 3 chiếc phía Đông bò biển Nhật Lệ cách bờ 10 - 12 ki-lô-mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2019, 06:35:23 am »


       
*

        Khoảng 16 giờ ngày 19 tháng 4 năm 1972.

        B8 - Sở Chỉ huy tiền phương Binh chủng do đồng chí Nguyễn Phúc Trạch chỉ huy - điện cho B5 - Sở Chỉ huy tại sân bay Đồng Hới do Trung đoàn phó Lưu Huy Chao chỉ huy - Lệnh cho Biên đội gồm Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy в cất cánh đi theo hướng 75 - 80 độ, độ cao 150 - 200 mét, với vận tốc 600 - 700 ki-lô-mét/giờ. Biên đội đi hơi chếch về bên trái cao điểm 280, cách biển 10 ki-lô-mét rồi vòng phải hướng 140 -150 độ, vận tốc 750 ki-lô-mét/giờ.

        Trong khi đó, trên bầu trời, C41 căng mắt dõi theo từng mục tiêu là những chiếc máy bay F-4, F-105 Mỹ yểm hộ cho tàu khu trục. Chúng cơ động thoắt ẩn, thoắt hiện. 16 giờ 10 phút, ta phát hiện 2 chiếc máy bay Mỹ ở độ cao 4.000 mét phía Đông Vĩnh Linh vòng lên sân bay Đồng Hới, ta bám theo được 15 phút thì chúng mất hút.

        Ở phía Đông Vĩnh Linh cách 15 ki-lô-mét đi lên Đông đèo Ngang có 2 chiếc lượn lờ ở độ cao 300 mét nhưng ta bám đến phút thứ 23 thì cũng mất mục tiêu. Còn Trung đoàn 290 lúc 16 giờ 20 phút phát hiện 2 chiếc ở độ cao 3.000 mét, cách Đồng Hới về phía đông 90 ki-lô-mét, vòng lên Mũi Ròn 20 ki-lô-mét rồi vòng phải ra biển. Bám 2 chiếc này đến phút thứ 23 thì mất mục tiêu.

        Tại sở chỉ huy của Hải quân, đã có một tổ theo dõi và chỉ huy bổ trợ, do Trần Văn Trung là chỉ huy trưởng. Ngay tại Cửa Dinh, tổ bổ trợ đã bố trí một đài quan sát dùng TZK để theo dõi địch, đồng thời quan sát cơ động phía ta. Ó Nhật Lệ, bố trí thêm một ra-đa 403 đối hải nhằm thu thập tình hình trên biển cung cấp thông tin thường xuyên cho Sở Chỉ huy sân bay Đồng Hới.

        Lê Xuân Dỵ cho bay thấp, anh báo cáo về B5:

        - Cấp biển liên lạc tốt!

        Và một phút sau thì được B5 thông báo:

        - Bay theo hướng 125 độ, gió cạnh phải 45 độ 5 mét/ giây! Hai tàu địch chếch nam 14 độ.

        Trong lúc Dỵ cùng Bảy bay theo lệnh chỉ huy qua cửa Lý Hòa, anh thấy trong đất liền khói đạn của Mỹ cuồn cuộn bay lên. Dỵ bật công tắc thoại báo cáo:

        - Đã phát hiện 2 tàu, cự ly 10 - 12 ki-lô-mét.

        Nói rồi Dỵ vòng trái khoảng 70 độ tăng lực cải bằng, nâng độ cao ngắm vào chiếc đi sau. Bên tai anh, B5 rành rọt:

        - Bình tĩnh, chính xác, quyết tâm tiêu diệt!

        Tất cả đã sẵn sàng, Dỵ điều khiển điểm ngắm bắn đúng giữa tàu hơi chếch về phía đầu một chút. Xong. Lê Xuân Dỵ cắt bom ở cự ly 750 mét. cắt bom xong, anh lập tức cho ép độ nghiêng trái, thấy cột nước to trắng xóa vọt lên bên kia tàu.

        Có lẽ tàu Mỹ đã bị thương - Dỵ nghĩ vậy và tiếp tục bay theo hướng 250 - 270 độ cơ động vào bờ. B5 nhắc anh đổi đài nên anh đã đối đài về B7 - sở Chỉ huy đảm bảo mặt đất tại sân bay Gát do Nguyễn Văn Tiêu trực tiếp chỉ huy và hạ cánh luôn ở đó.

        Từ lúc Lê Xuân Dỵ vòng trái thì Nguyễn Văn Bảy в tách đội hình, kéo dài cự ly theo hướng 170 độ, nhưng anh vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Bay được khoảng 20 giây theo hướng 90 độ thì anh nghĩ: “Cứ bay ra biển chắc chắn sẽ tìm thấy địch”. Nhưng bay đến Đông Bắc Cửa Dinh vẫn chưa thấy gì, anh lại cố bay thêm một đoạn nữa.

        May mắn làm sao, ngay lúc đó anh phát hiện liền 2 tốp tàu bằng cách quan sát bọt sóng biển. Tốp 2 chiếc ở dưới, còn tốp 4 chiếc ở trên. Anh định đánh chiếc đi đầu của tốp 2 chiếc nhưng cự ly gần quá, các phần tử ngắm chưa chuẩn bị kịp nên anh đã bay thông qua chiếc đi đầu. Bảy kiểm tra công tắc quân giới thấy công tắc nổ chưa bật, anh phải bật lại công tắc nổ rồi mới vòng trở lại. Trong lúc anh vòng lại thì thấy một chiếc tàu đang lừng lững từ ngoài chạy vào.

        “Không kịp rồi. Đành phải bỏ qua để đánh chiếc đi sau thôi” - Bảy В nghĩ vậy và nhanh chóng quyết định.

        Anh vòng trái xong cải ra hướng 260 độ, tăng vận tốc lên 800 ki-lô-mét/giờ, vẫn giữ độ cao 200 mét. Anh nhanh chóng điều khiển phần tử ngắm bắn. Lúc này góc ngắm là 90 độ, điểm ngắm vào 1/3 thân tàu phía sau. Anh làm động tác cắt bom cự ly 750 mét rồi kéo lên ngay. Chỉ kịp nhìn thấy 2 cột nước bên mé tàu. Vừa lúc ấy, Lê Xuân Dỵ hỏi anh:

        - Công tác tốt không?

        Bảy В trả lời:

        - Công tác không tốt lắm!

        Vì anh thấy cột nước vọt lên nên nghĩ mình ném sai vị trí.

        Sau khi hạ cánh an toàn thì Bảy в mới biết khi máy bay của anh vòng trái, đài chỉ huy bổ trợ đã nghe một tiếng nổ lớn, kèm theo một cột khói màu da cam cao tới 20 - 30 mét; đồng thời, trên không ở độ cao 2.000 mét một tiếng nổ của tên lửa cũng dữ dội không kém tiếp theo. Ngay sau đó 2-3 phút 2 chiếc F-4 của Mỹ tụ lại quanh khu vực tàu bị đánh, nơi đó tàu bốc cháy, lửa càng lúc càng lớn.

        Đại đội trưởng Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy в là hai phi công ưu tú đã tham gia đánh bị thương tàu khu trục Mỹ HICH -BI ngày 19 tháng 4 năm 1972.

        Thế là lần đầu tiên kê hoạch đánh tàu chiến Mỹ đã thành công. Đó là một sự mở màn cho một loạt kế hoạch đánh tàu được thực hiện sau này, chứng minh rằng không có gì có thể cản trở quyết tâm diệt giặc Mỹ của quân đội Việt Nam bằng mọi hình thức, mọi phương tiện. Trận đánh này, các anh Lê Xuân Dỵ, Nguyễn Văn Bảy в cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị đã đánh dấu một sự kiện lịch sử mà từ trước tới giờ không một ai nghĩ đến: Không quân Việt Nam có thê tiêu diệt được tàu chiến Mỹ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2019, 06:37:43 am »


PHI CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM BẮN TRÚNG B-52

        Sinh ra trong một làng quê nghèo ở Thái Bình, Vũ Đình Rạng vẫn thường nói đùa rằng: “Chẳng hiểu thế nào, tôi sinh vào đúng năm 1945 - năm có bao nhiêu người chết đói mà tôi vẫn khỏe mạnh và thậm chí còn khỏe mạnh hơn người”.

        Tuy gia đình không phải giàu có gì, nhưng mấy anh em Vũ Đình Rạng vẫn được bố mẹ cho đi học. Vậy mà có lần anh suýt bỏ học, vì thấy người anh cùng đi học với mình bị thầy phạt đánh đòn. Rạng cảm thấy rất nản, coi đi học như là “sự hành xác, chẳng đem lại kết quả gì, rồi cuối cùng củng chỉ cày với cấy mà thôi”. Nhưng rồi cuối cùng sau một năm nghỉ học ở nhà cày cấy bố mẹ động viên Rạng nghĩ lại và anh đi học tiếp.

        Với Vũ Đình Rạng, từ việc đi học tới việc học lái máy bay, tới việc trực tiếp chiến đấu đều là những việc không phải tự anh mơ ước, ấp ủ mà đều là khách quan đưa lại. Năm 18 tuổi, người ta vận động anh đi bộ đội anh bảo:

        - Thưa các anh, không phải tôi không muốn đi, nhưng lúc này cả hai anh trai tôi đều đi bộ đội, chỉ còn cha mẹ già, các anh cho tôi hoãn lại chứ tôi không trốn.

        - Nhưng mặt trận bây giờ rất cần người. Quân số cũng đã chốt. Không thể hoãn được.

        - Thôi được, các anh không cho hoãn thì tôi đi.
 
        Vũ Đình Rạng đã đi bộ đội trong hoàn cảnh như thê và đầu quân vào Sư đoàn Dù 305. Vào Sư đoàn này được hai năm thì năm 1965 trong đợt khám sức khỏe, anh đã trúng tuyển đi học Không quân ba năm bên Liên Xô (cũ) cùng với một số đồng đội... Anh là một trong số rất ít người được lựa chọn ra từ 120 người trong danh sách học sơ cấp ban đầu. (trong số đó có cả Vũ Xuân Thiều, Phạm Phú Thái...).

       
*

        Khi về nước Vũ Đình Rạng được phân công chuyên bay đánh đêm. Anh nhận nhiệm vụ bay đánh đêm với tâm trạng không thích thú lắm vì trên thực tế đánh đêm rất khó, đòi hỏi kỹ năng cao. vả lại người ta đánh ban ngày có nhiều cơ hội lập thành tích, chứ mấy ai lập được thành tích ban đêm. Hơn nữa đánh đêm toàn phải cô đơn một mình... Nhưng nhiệm vụ đã được cấp trên giao, anh vẫn vui vẻ chấp nhận.

        Cấp trên chỉ thị: “Đồng chí có nhiệm vụ vào chiến trường Khu 4, chi viện cho chiến trường trong cuộc chiến tranh hạn chế. Miễn là cậu vào phục kích ở đó. Nếu cất cánh mà không đánh được, thì cũng coi như "dọa" cho B-52 biết rằng vẫn còn có MiG-21 luôn sẵn sàng chiến đấu để cho chúng phải quay đầu lại. B-52 không thể như một nỗi kinh hoàng mãi được”.

        Đặc điểm của sân bay ở Khu 4 thường là ngắn hẹp, nên đòi hỏi kỹ thuật bay của phi công phải rất cao, ở đấy nếu bay cao sẽ bị tên lửa ở Hạm đội của Mỹ ở ngoài biển bắn liền, còn nếu bay thấp thì sẽ bị va vào núi Đại Huệ hoặc dãy núi Trường Sơn, vô cùng nguy hiểm.

        Ở chiến trường Khu 4 còn phải di chuyển liên tục, có lúc không thế phân biệt nổi đâu là địch, đâu là ta. Bay từ ngoài Bắc vào không có chỉ huy, không có liên lạc, bởi vì chỉ cần chúng phát hiện bằng sóng điện từ có máy bay của ta vào là chúng sẽ cho F-105 hoặc F-8 đánh chặn ngay. Vũ Đình Rạng và đồng đội phải tìm đường bằng cách nghĩ xem mình đi được mấy phút rồi, mấy phút là sẽ đến đâu... Kể cả khi mưa, gió cũng vẫn phải cất cánh. Kể cả khi biết trong điều kiện như thế có thể đi sẽ không về... Nhưng nhiệm vụ là trên hết, không nghĩ đến tính mạng của mình, anh đã cùng với Đinh Tôn luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy.

        Như thường lệ, 5 giờ hôm ấy (20 tháng 11 năm 1971) Vũ Đình Rạng và Hoàng Biểu được lệnh cất cánh từ Nội Bài vào Khu 4. Hoàng Biểu thì hạ cánh ở sân bay Vinh, còn anh thì ém ở sân bay Anh Sơn. Đến 7 giờ 30 phút tối thì Hoàng Biểu báo động cấp 1. Cất cánh lên được vài phút, thì Hoàng Biểu bị địch phát hiện.

        Chỉ huy lệnh:

        - Kéo cao lên nữa! Để cho địch biết là có MiG đang hoạt động!

        Hoàng Biểu lên được một lúc nhưng sợ không tránh được nên đã quay ra. Bọn Mỹ mất mục tiêu cũng quay lại Thái Lan. Đến lúc 20 giờ 40 phút, bọn chúng cho rằng mới đe dọa với B-52 đã hết nên quay lại.

        Tại Sở Chỉ huy Trung tâm, Tư lệnh Đào Đình Luyện trao đổi nhanh với Phó tư lện Binh chủng Trần Mạnh cho Vũ Đình Rạng xuất kích. Anh cứ theo chế độ đã định sẵn mà bay dọc trên đỉnh Trường Sơn vượt qua Keo Nưa. Lúc này từng tốp B-52 vẫn tiến vào, chiếc MiG-21 của Rạng bay về phía Tây Hà Tĩnh và giãn cách rất tốt. Khi cách mục tiêu 80 ki-lô-mét anh được sĩ quan dẫn đường lệnh cho vứt thùng dầu phụ để máy bay tăng lực, linh hoạt hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2019, 06:38:18 am »


        Vậy là bây giờ mục tiêu chỉ còn cách 60 ki-lô-mét, anh yên trí cải hướng bám sát mục tiêu. Đường bay của Rạng áp dần vào gần trùng với tốp B-52. Lúc anh kéo lên độ cao 9 ki- lô-mét thì mục tiêu chỉ còn cách 15 ki-lô-mét. Điều kiện để phóng tên lửa rất khả quan. Theo lệnh chỉ huy yêu cầu, anh bật ra-đa. Trên thực tế khi nhận được lệnh xong thì mục tiêu chỉ còn chừng 11 ki-lô-mét. Anh vừa lấy độ cao, vừa phải lấy thăng bằng nhằm vào chiếc số Hai mà bỏ qua chiếc số 1 vì cự ly quá gần không thế nào ngắm bắn kịp. Nhìn vào màn hình, mục tiêu rõ mồn một, hình ảnh lên rất đẹp, còn có 2 ki-lô-mét nữa thôi, Vũ Đình Rạng bóp cò phóng một quả tên lửa. Nó lao vút về phía trước. Một chớp nổ lóe lên, lửa bùng ra từ một bên cánh B-52 rồi tắt ngấm. Anh thoát ly ngay và khẳng định đã trúng mục tiêu, chính xác còn hơn bài huấn luyện rất nhiều.

        Ở độ cao 9 ki-lô-mét, anh nhìn về phía bên phải trên lưng chiếc B-52 có phát đèn tín hiệu gì đó giống như bên hàng không dân dụng. Vì vẫn còn một quả tên lửa nên anh lại chờ tiếp cận gần 2 ki-lô-mét phóng nốt. Nhưng lần này đường bay hơi vòng, anh không chắc có trúng hay không. Bắn xong, anh lập tức lao vun vút trong màn đêm tối đen quay về sân bay Anh Sơn.

        Cách sân bay Anh Sơn 5 ki-lô-mét, Vũ Đình Rạng thả càng hạ cánh, yêu cầu toàn bộ sân bay tắt hết đèn. Đúng như dự đoán của anh, vừa mở cửa buồng lái máy bay bước ra thì đã nghe thấy rất nhiều tiếng máy bay tiêm kích của địch ở trên đầu. Nếu cứ để đèn trên đường băng sáng trưng như lúc đầu, thì e rằng toàn bộ sân bay sẽ bị đánh phá và không còn một mống người.

        Đêm hôm ấy, Vũ Đình Rạng không tài nào ngủ được vì vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Anh đã vừa làm được việc vô cùng khó khăn, chưa một phi công Việt Nam nào làm được là đã bắn trúng B-52. Tư lệnh Binh chủng Đào Đình Luyện biết anh chưa ngủ nên đã cho người gọi anh lên để nghe anh kể hết những tình tiết của trận đánh. Ông bảo:

        - Sáng mai, trực thăng sẽ đưa cậu về sở chỉ huy Yên Thành để rút kinh nghiệm với chuyên gia. Chuẩn bị tinh thần nhé!

        Bẵng đi một thời gian, đầu năm 1972 trong một cuộc họp chỉnh đốn Đảng, Chính ủy Chu Duy Kính nói với anh:

        - Các anh ấy đi đánh về có gì đều nói hết, riêng cậu có vấn đề gì khúc mắc, hay dao động, sợ đi đánh thì cứ mạnh dạn trao đổi. Hoặc nếu chưa nói được thì sẽ để thời gian cho cậu suy nghĩ.

        - Tôi nói thật, các anh ấy đi đánh ngày dễ dàng lập công liên tục. Tôi nhận nhiệm vụ đánh đêm cũng rất muốn lập công chứ - Vũ Đình Rạng nói - Nếu đã sợ chết, thì tôi đã không thường xuyên xuất kích kể cả những ngày gió mưa. Đã là phi công được Nhà nước cho đi học, về nước chiến đấu tôi chỉ mong muốn được chiến đấu và lập công, sao lại nói tôi "dao động"?

        - Cậu cứ suy nghĩ cho kỹ, nếu cậu khó nói thì cứ nói với chính trị viên. Còn nếu cậu không nói ra thì nhiệm vụ sắp tới sẽ phải xem xét lại khi giao cho cậu - Chính ủy Chu Duy Kính lạnh lùng.

        - Báo cáo Chính ủy, tôi là phi công, là đảng viên, nhiệm vụ cấp trên giao tôi luôn cố gắng làm tròn. Còn nhiệm vụ sắp tới có giao cho tôi hay không là tùy cấp trên - Vũ Đình Rạng đỏ mặt.

        - Cậu không dao động, sợ chết thì sao trong lần gặp B-52 hồi tháng 11 năm ngoái (1971) cậu chỉ bắn có một quả tên lửa rồi quay về? Sao không bắn liền hai quả?

        - Việc tôi bắn một quả đầu tiên trúng B-52 nhưng chỉ làm nó bị thương đã được rút kinh nghiệm với các chuyên gia. Theo lý thuyết dù có bắn hai quả liền thì hiệu quả cũng chỉ đến thế - Vũ Đình Rạng bắt đầu run lên vì giận.

        - Thôi được. Cậu không phải nói bây giờ. Hãy suy nghĩ thật chắc chắn trong một thời gian nữa - Chính ủy Chu Duy Kính gằn giọng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM