Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:18:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 15056 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2019, 08:42:36 pm »


*

        Chuyện tôi đánh “du kích trên không” người ta bàn tán đã đành, việc tôi trốn vợ đi làm nhiệm vụ, có lẽ bây giờ chính vợ tôi cũng phải ngỡ ngàng. Mỗi lần Thêu của tôi gặp được chồng là phải vượt qua bao nhiêu chặng đường từ Thanh Hóa đến Hàm Rồng, Đò Lèn, Phủ Lý, cầu Giẽ, Hà Nội rồi mới đến được sân bay Đa Phúc dưới mưa bom của giặc Mỹ. Thậm chí đến được Chiêu đãi sở nào đó chắc gì đã gặp được tôi đâu? Vì những người trong doanh trại cho dù biết tôi vẫn còn ở đơn vị vẫn nửa úp nửa mở:

        - Không biết Chao đang ở đâu.

        - Hình như cậu ấy được về thăm vợ rồi mà

        Những câu trả lời như thế làm cho Thêu đứng ngồi không yên. Thêu nằm ở Chiêu đãi sở ba, bốn ngày liền không thấy tin chồng, ban đầu hoài nghi còn giữ trong lòng nhưng mấy ngày sau thì chuyển sang lo lắng bồn chồn ra mặt.

        Giữa lúc đó toàn bộ Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh phải chuyển trường sang sân bay Kép. Tất cả MiG-17 đều tách ra từ Nội Bài sang sân bay Kép, còn sân bay Đa Phúc để dành cho MiG-21 đang lắp ráp bay thử, đồng thời là sân bay dự bị cho MiG-17 hạ cánh.

        Đế tránh máy bay địch, các bộ phận Quân y, hành chính phải lên đường thật sớm. Bác sĩ Lê Như Bổng và Thiếu

        úy Oanh ở bộ phận hành chính cùng lên chiếc xe Gát 3 cầu của Liên Xô chở đầy đồ đạc của phi công cùng với bao nhiêu bàn ghế đã yên vị chuẩn bị khỏi hành, thì anh Phiếu Chính ủy Đoàn Không quân Yên Thế ra đập tay vào thành xe nói:

        - Cho tôi gửi ông Bổng và ông Oanh cô Thêu vợ của phi công Lưu Huy Chao sang sân bay Kép với. Ở đây cô ấy khóc quá mà để lại thì không ai chăm sóc được.

        - Được thôi, nhưng liệu cô Thêu có ngồi được giữa đống đồ đạc như các anh được không nhỉ?

        Thêu lên xe với đôi mắt đó hoe, hố mắt trũng sâu do mất ngủ nhiều ngày.

        Thiếu úy Oanh và bác sĩ Bổng nhìn cô ái ngại. Còn cô cứ hỏi dò hết người này lại quay sang người kia:

        - Các anh nói thật đi, nhà em còn hay mất? Các anh cứ nói thật cho em nhờ, em sẽ chịu được mà. Em chỉ cần biết sự thật là em yên tâm, chứ em không làm gì cả

        Thiếu úy Oanh nghe Thêu khẩn cầu lại càng tủm tỉm cười, Oanh càng cười thì Thêu lại càng nghi ngờ... vừa nói, vừa mếu máo khóc.

        Bác sĩ Lê Như Bổng thấy tình hình căng quá nên nghiêm nghị nói:

        - Chao không sao cả, nhưng đang bí mật làm nhiệm vụ... Cô Thêu đừng có nghĩ ngợi lung tung mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

        Bác sĩ Bổng ngập ngừng, không dám nói đến nhiệm vụ bí mật mà tôi đang làm là cùng với Nguyễn Khắc Lộc tìm cách mai phục đánh máy bay Mỹ ở tầm thấp.

        Thòi điểm đó Mỹ áp dụng chiến thuật bay thấp, có chỗ nó chỉ bay ở độ cao 100 mét thậm chí nó còn bay thấp 50 mét để tránh ra-đa của ta.

        Thường thì chúng xuất kích từ hạm tàu trong vịnh Bắc Bộ, bay là là mặt nước rồi luồn theo các cửa sông vào đến gần mục tiêu để tấn công. Do đó tôi và Nguyễn Khắc Lộc được giao nhiệm vụ cứ chiều tối đến cất cánh từ sân bay Đa Phúc xuống sân bay Kiến An để nếu phát hiện có địch vào là bất ngờ đánh địch luôn. Chiến thuật này bí mật, bất ngờ và hiệu quả.

        Nếu bác sĩ Lê Như Bống nói ra với Thêu chẳng những không giữ được bí mật mà còn bị kỷ luật nặng. Mà không nói, chỉ động viên thôi thì Thêu chỉ an tâm được một lúc rồi lại sụt sịt khóc.

        Cứ như vậy cho đến hết quãng đường đi, đường thì xấu, ô tô lại vừa to, vừa dài, khiến cho mỗi lần gặp ổ gà là xe lại nghiêng đi một bên dồn cả ba người vào sườn xe như muốn hất tung cả ba người xuống đường, vậy mà Thêu vẫn không kêu ca một lời nào.

        Xe đến sân bay Kép cũng là lúc mà Bác sĩ Bổng và thiếu úy Oanh phải khẩn trương lao vào việc để mặc Thêu ngày nào cũng chờ chồng đó hoe đôi mắt cho đến gần một tuần sau thì tôi mới trở về
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 09:14:15 pm »


*

        Bữa cơm tôi hôm ấy, có đầy đủ tất cả mọi người. Tôi kể lại câu chuyện hôm trước, lúc sáng sớm tôi với Nguyễn Văn Bảy cùng một số anh em khác như kế hoạch, xuống nhà ăn để chuẩn bị bay. Vừa ăn xong, đang chuẩn bị ra xe để ra sân bay, thì trời đổ mưa rất to. Vì điều kiện thời tiết như vậy nên Tham mưu trưởng lệnh cho Biên đội được nghỉ. Chúng tôi phải chấp hành lệnh của thủ trưởng ngay, hơn nữa lâu lắm có được nghỉ bay, nên quay về ngay.

        Trên đường về chúng tôi phải leo dốc sườn núi, hai bên có những bụi cây rậm rạp. Tôi đi trước, tôi phát hiện ra một thứ trong bụi, liền nắm chặt trong tay reo lên:

        - Tôi bắt được con gì đây này!

        Nguyễn Văn Bảy nghe tôi gọi chạy vội lên tò mò. Được thể tôi nói tiếp:

        - Ông lấy đèn pin soi vào xem nào.

        - Con gì mà có hai con mắt tròn tròn như cú mèo ấy nhỉ - Nguyễn Văn Bảy soi đèn pin vào tay tôi thích thú - Nhưng khéo nó cắn cho lại phải đi viện đấy.

        Nguyễn Văn Bảy cứ loanh quanh bên tôi còn tôi thì ngồi mà mông thì cứ nhấp nha nhấp nhổm như thể con vật sắp tuột khỏi tay.

        Sốt ruột quá, Bảy vồ lấy tay tôi làm “con vật” mà tôi đang giữ trong tay tuột ra mất. Lúc ấy Bảy mới biết là bị tôi lừa, chỉ là con thú nhồi bông mà Nguyễn Văn Bảy cứ tưởng là con chim cú mèo thật.

        Bảy tức mình đuổi đánh tôi chạy tí ngã. Chính trị viên Bằng hôm ấy cũng đi cùng, bật cười:

        - Cậu Chao này, chúa là hay đùa dai.

        Câu chuyện vui của tôi làm cả nhà ăn cười rộ lên vui vẻ. Thêu cũng vui nhưng vì còn giận tôi nên chỉ nói:

        - Anh đúng là...

        Tôi biết Thêu chỉ giận tôi chút thôi, chứ tôi về thế này là cô ấy mừng lắm rồi. Đúng là đã đánh “du kích trên không”, về mặt đất còn “du kích” cả với vợ.

        Nói về chiến thuật mới của MiG-17 Việt Nam sử dụng đánh máy bay F-4 và F-8 của Mỹ trong thời gian này, trong cuốn “Bí mật các chiến dịch không chiến của Mỹ vào Bắc Việt Nam” (Tài liệu tham khảo do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2008) có đoạn viết:

        “Từ 14 tháng 2 năm 1967 các hoạt động ném bom tăng lên đáng kể và tiếp đó 10 tháng, Mỹ cố gắng lần lượt đánh phá cơ sở công nghiệp Bắc Việt. Trong một vài trận giao chiến tháng 2, F-4 nhận thấy chiến thuật của MiG-17 có tiến bộ. Ngày 4 tháng 2, 4 F-4 hộ tống F-105 trên khu vực Hà Nội ở độ cao khoảng 3.000 feet phát hiện 2 MiG-17 ở phía trước. Khi họ ngoặt tới tấn công, thì đồng thời F-4 bị tấn công bời 2 MiG-17 từ phía sau. Cuộc tiếp chiến hóa thành đuổi bắt ở độ cao thấp với các cú ngoặt gấp, không bên nào có thể chiếm ưu thế. Cứ lúc nào F-4 tiếp cận được phía sau một MiG-17 thì nó lại bị một MiG-17 phía sau đánh bật.

        Trước kia, MiG-17 sẽ kéo cao theo F-4 rồi bị hụt hơi giữa chừng mà rơi xuống khiến cho sau đó F-4 có thể ngoặt lao theo tư phía sau và phóng tên lửa. Nhưng lần này phi công Bắc Việt đã học được chiến thuật không kéo cao theo mà giữ ở phía dưới, bằng cách đó họ đã làm mất ưu thế chiến thuật của F-4. Những chiếc F-4 trong thất vọng đã bắn 8 tên lửa (3 Sparow và 5 Sidewinder) nhưng không có quả nào gần đích, (trang 214).


        Nhớ về thời gian này, Đại tá Lê Hải, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể lại:

        “Mùa hè năm 1967, Không quân Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt, hòng làm nhân dân ta nao núng, chấp nhận điều kiện Mỹ đưa ra. Vào đúng dịp sinh nhật Bác, chúng cho gần 300 lượt/chiếc máy bay cường kích, tiêm kích (khoảng 1.200 máy bay chiến thuật) từ Thái Lan qua, từ miền Nam ra, từ hạm tàu cất cánh lên, thậm chí có đợt chúng tập trung hàng trăm chiếc máy bay các loại đánh một loạt các mục tiêu quan trong và sân bay. Chúng muốn nhân dân Hà Nội, Miền Bắc, Trung ương và Bác Hồ biết thế nào là quân đội Mỹ.

        Các chiến sĩ Phòng không - Không quân cùng nhân dân Hà Nội đã chiến đấu một cách ngoan cường, đánh tan nhiều đợt oanh kích của Không quân Mỹ, bắn rơi hơn chục chiếc máy bay. Riêng các chiến sĩ Không quân Việt Nam bắn hạ 10 chiếc trong đó Đoàn Không quân Yên Thế chuyên sử dụng MiG-17 xuất kích 4 Biên đội mỗi Biên đội 4 chiếc ngăn chặn và đánh tan đội hình của Không quân Mỹ vào phía Đông Nam Hà Nội bắn rơi 5 chiếc.

        Đoàn Không quân Sao Đỏ chuyên sử dụng MiG-21 cũng xuất kích nhiều Biên đội đánh chặn nhiều đợt Không quân Mỹ ồ ạt bay sang từ Thái Lan, hướng này người anh em 921 cũng bắn rơi được 3 đến 5 chiếc, ở Hà Nội, cả một lưới lửa Phòng không tuôn lên trời đón địch bằng đạn 57 ly, 80 ly, 100 ly nổ đầy trời thành những đám lửa thần xé tan nhiều “Thần sấm”, “Con ma”... của địch.

        Nhưng cũng chính những ngày này, các phi công MiG-17 hi sinh nhiều nhất. Chúng ta đã mất 7 chiếc máy bay và 7 chiến sĩ đã ra đi mãi mãi...

        Có thể nói: Những năm chiến tranh nói chung và trong thời điểm này nói riêng, mỗi phút yên tĩnh của bầu trời Hà Nội đã phải đổi bằng xương máu của các chiến sĩ Phòng không - Không quân và nhân dân Hà Nội, nhân dân miền Bắc anh hùng. Thời điểm hè năm 1967, các phi công như Mai Đức Toại, Lưu Huy Chao, Hồ Văn Quỳ, Lê Hải và những phi công khác đã phải xuất kích tới 5 lần trong ngày. Có hôm sáng đánh một trận, chiều lại đánh trận nữa.

        Qua vài năm chiến đấu, số phi công còn lại đến năm 30 tuổi có thế đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết họ đã hi sinh vì nhiệm vụ, vì Tổ quốc, khi mới 24 - 25 tuổi đời. Các anh đều là những phi công ưu tú nhất mới được chọn là phi công Tiêm kích...”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 09:15:15 pm »


TRẮC THỦ VŨ NGỌC DIỆU VÀ NHỮNG ĐIỂU KỲ DIỆU

        Ông cụ thân sinh ra Vũ Ngọc Diệu là người ít nói, nghiêm khắc và biết xem tướng số, ông không chấp nhận những gì làm sai ý ông răn dạy và Vũ Ngọc Diệu ngày bé là đứa trẻ hiếu động và có cá tính, hầu như không ngủ với bố bao giờ mà toàn ngủ với mẹ.

        Cho đến trước ngày nhập ngũ người cha mới bảo Vũ Ngọc Diệu sang ngủ với ông một đêm, mà thực ra đêm ấy hai cha con không chợp mắt tí nào. ông đã nói với Diệu nhiều điều, có cả những điều triết lý âm dương, số phận... nhưng có một điều mà Diệu không bao giờ quên được, đó là số mệnh.

        Ông bảo:

        - Con sinh ra năm Hợi, giờ Tuất, mặc dù là con một nhưng con sẽ không bao giờ ngã trận nơi hòn tên mũi đạn, nên con phải vươn lên bằng anh bằng em. Có thể bố sẽ không gặp con ngày trở về và mẹ con cũng vậy nhưng trong một định mệnh khác.

        Diệu không hiểu gì cả và không nghĩ rằng điều đó sau này là sự thật. Ông cụ đã tiên lượng đúng. (Chỉ trong năm 1968 đã ba lần Diệu may mắn thoát chết rất tình cờ, hình như ai đó đã che chở cho anh)?

        Cuộc đời kể ra thật phũ phàng nhưng dường như số phận đã định trước lại đúng đến kỳ lạ. Bố Diệu mất vào ngày rằm tháng 2 năm Mậu Thân khi anh đang ở Vĩnh Linh, còn mẹ anh mất ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, khi anh đang học ở Liên Xô (cũ). Những lần Diệu về thăm nhà đều trùng với ngày sang áo cho bố và mẹ. Điều trùng khớp khó tin hơn nữa là toàn bộ tư trang của Diệu gửi về cho mẹ lại đúng vào ngày bố mất.

        Sự đau khổ tột cùng vào thời điểm ấy làm bà mẹ anh suy sụp lâm bệnh, vì khi ấy đã hơn ba tháng Diệu bị mất tích trên đường đi công tác vào Vĩnh Linh, đơn vị không biết còn sống hay đã chết và họ đã làm các thủ tục ban đầu để chuẩn bị báo tử.

*

        Đó là hồi tháng 6 năm 1969, Diệu cùng các trắc thủ Nguyễn Văn Vĩ và Nguyễn Xuân Đài của Đại đội 15 và 16 được cử đi công tác ở Vĩnh Linh để tìm cách phát hiện B-52.

        Trên đường, ba anh em bị lạc nhau, thế là đi bộ gần ba tháng trời mới đến được nơi cần đến. (Hơn ba tháng lạc đường trên vùng đất miền tây Quảng Bình, đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy như là một huyền thoại). Đơn vị tưởng các anh hi sinh, thì được tin các anh đã vào tới Vĩnh Linh.

        Nhóm ba người Nguyễn Văn Vĩ, Vũ Ngọc Diệu, Nguyễn Xuân Đài vinh dự thuộc nhóm những trắc thủ đầu tiên phát hiện ra tín hiệu B-52 thời bấy giờ. Những tư liệu ban đầu về cách nhận dạng B-52 trong nhiễu, từ đội hình bay, quy luật bay, tính chất, hình thái của những siêu pháo đài bay B-52 đã được bộ đội ta lấy làm cơ sở để nghiên cứu sau này cho các trận đánh trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm trên vùng trời miền Bắc.

        Vũ Ngọc Diệu sinh ra ở làng Chùa của huyện Chí Linh. Bà cụ thân sinh ra Vũ Ngọc Diệu kể lại: Diệu sinh ra giờ Tuất và suýt chết bởi vía dữ của một người bà con tới thăm, cả đêm ấy phải đốt vía, vẩy cành dâu có thấm nước giải mới qua khỏi. Cậu bé Diệu biết nói và đi khá sớm, lúc được mười tháng tuổi.

        Những năm học phổ thông, Diệu học rất giỏi, chưa bao giờ xếp thứ 3 trong lớp, trong trường (thời ấy học lực xếp theo thứ tự từ 1 là giỏi nhất). Ở cấp 3 Diệu học giỏi môn toán, đặc biệt là lượng giác, hình học và tiếng Nga, bạn bè bảo Diệu có lối suy diễn độc đáo. Mặc dù luôn được giấy khen và tặng phẩm vì thành tích học tập, nhưng Diệu chỉ là học sinh có hạnh kiểm khá vì rất nghịch và hay bỏ tiết học cuối ngày (nhà nghèo phải về sớm để chiều còn đi làm giúp mẹ).

        Đúng năm Diệu lên đường nhập ngũ, cô giáo An chủ nhiệm bảo Diệu: “Em rất nghịch nhưng khi ra trận em sẽ là người lính dũng cảm”.

        Trong hồ sơ ghi: Vũ Ngọc Diệu nhập ngủ ngày 20 tháng 9 năm 1966. Nhưng chính xác phải là 10 giờ ngày 19 tháng 9 năm 1966 vì lúc ấy anh đã được mặc áo lính.

        Lính mới mà phải đi bộ từ huyện Thanh Trì vào đơn vị (Đại đội 15, huyện Diễn Châu - Nghệ An) mất hơn 20 đêm (ngày nghỉ, đêm đi). Có một điều không may là trên đường đi hành quân chưa vào tới đơn vị thì đã có hai đồng chí phải hi sinh vì một trận ném bom của 4 chiếc A-4 trên đất Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Đó cũng chính là đêm đầu tiên Vũ Ngọc Diệu bắt đầu nghĩ đến cái sống và cái chết sẽ đến bất kể lúc nào.

        Sau lễ truy điệu, Diệu và 14 tân binh được phân về Đại đội 14, Trung đoàn 290 đóng quân trên địa bàn xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

        Ngay trong đêm đầu tiên đến đơn vị mới được phân công ngủ tại trận địa pháo 12 ly 7. Khoảng 1 giờ gì đó thì có 4 chiếc máy bay A-4 đánh vào trận địa. Thật kinh hoàng bởi ánh chớp của bom đạn và súng pháo. Lúc đó có rất nhiều người hoảng loạn và có cả những người sợ quá mà khóc. Tâm trạng đó thật khó tả. Đó cũng là lần thứ hai Diệu ở trong tâm trạng ấy.

        Sau này ông Chính viên mới cho hay: “Hãy thử lửa để biết vàng thật hay giả ngay từ khi mới nhập về, con người cũng vậy”. Ông là người Nam Đàn, rất dũng cảm và sâu sát. Diệu đã học ở ông những triết lý giản đơn nhưng rất thật. Những trận sau này rất ác liệt, cái chết gần mười mươi nhưng không có ai dừng bước và đứng lại.

        Đầu quân vào Đại đội 14, Trung đoàn 290, Sư đoàn 373, Diệu nhanh chóng vượt qua hai tháng huấn luyện tại chỗ với những khó khăn trong việc học cách phát âm cho chuẩn và học cách nhớ hàng trăm sóng cố định trên nền màn huỳnh quang. Những người có trình độ học lớp 9 cấp III như Diệu lúc đó không nhiều. Diệu được phân công về làm trắc thủ ra-đa máy 513K. Trung đội trưởng Quê, người Yên Định - Thanh Hóa động viên Diệu:

        - Tính đến giờ phút này cậu là người có trình độ văn hóa thuộc nhóm cao nhất đơn vị, hãy học tập tốt và làm được điều gì đó khác thường, cậu rất có khiếu đấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 09:15:31 pm »


*

        Sáu tháng sau Diệu được chuyến về máy ra-đa P18 (một loại ra-đa cổ nhất thế giới lúc bây giờ vì nó ra đời vào thế chiến thứ 2, nhưng năm 40 của thế kỷ trước do Liên xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam vào đầu những năm 60). Nơi đây và từ loại đài ra-đa này Diệu đã gắn bó cùng nó chiến đấu hơn ba năm trên xứ Nghệ. Nó đã cho Diệu niềm tự hào về sự vượt khó dùng khí tài cũ để cùng kíp trắc thủ dẫn đường cho Không quân đánh thắng nhiều trận trên vùng trời Khu 4 anh hùng. Nhiều chuyện về chiếc ra-đa cổ lỗ sĩ này đã làm nên bản lĩnh của các anh, trong đó có thời kỳ đầu của cuộc chiến đấu vạch nhiễu tìm kẻ thù.

        Những năm đó địch đánh phá rất ác liệt, đơn vị của Diệu phải cơ động liên tục nhiều khi cứ ba, bốn ngày lại phải cơ động để vừa chiến đấu vừa bảo đảm an toàn cho con người và khí tài. Dù vậy thì những hi sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Đơn vị lúc ấy mới có vài người lập gia đình còn lại đều là trai trẻ cả. Tuổi còn trẻ, có trận chiến chứng kiến ba người ra đi cùng một lúc ai cũng xót thương, nhưng tuyệt đối không ai nao núng chỉ mong sao trả thù được cho đồng đội.

        Hôm ấy bọn Mỹ đánh vào trận địa thôn Vĩnh Trinh, xã Nghi Thạch. Máy bay địch đánh trúng trận địa nhưng không ai rời máy. Ăng-ten ra-đa sắp bị đổ, mấy anh em xông ra giữa bom đạn để níu giữ, dùng dây kép ăng-ten chạy xung quanh tiếp tục làm nhiệm vụ. Diệu bị thương nhưng quyết không rời vị trí, tiếp tục phát hiện và thông báo về sở Chỉ huy những tin tức trinh sát quan trọng dẫn đường cho Không quân trên vùng trời Đô Lương.

        Trận đánh ngày 17 tháng 11 năm 1968 với Vũ Ngọc Diệu sẽ là một kỷ niệm khó quên. Hôm đó là ngày Lễ kết nạp Đảng kết nạp Diệu và Nguyễn Văn Cách - người anh em kết nghĩa đang tiến hành thì địch đánh vào thành phố Vinh. Được lệnh các anh nhanh chóng về vị trí chiến đấu.

        Hôm đó các anh đã phát hiện đội hình 12 chiếc máy bay Mỹ, bao gồm cả cường kích và tiêm kích đang tiến vào, chỉ cách sân bay Vinh chừng 70 ki-lô-mét. Kíp trực khẩn trương thông báo về Sở Chỉ huy, cung cấp tọa độ cho Biên đội phi công đang bay chờ trên vùng trời Nam Đàn, giúp cho Biên đội hạ rơi hai chiếc AD4, chiến thắng ấy rơi vào đúng ngày các anh đứng trong hàng ngũ của Đảng - như một món quà thiêng liêng làm Vũ Ngọc Diệu và Nguyễn Văn Cách vui thêm bội phần.

        Hơn bôn năm chiến đấu ở chiến trường Khu 4 là trắc thủ ra-đa, Vũ Ngọc Diệu đã cùng đồng đội phát hiện và thông báo hàng ngàn tốp máy bay các loại. Trong đó có trên 500 tốp đạt hiệu quả cao, góp phần cho hỏa lực Phòng không có thời cơ tiêu diệt địch, anh đã sử dụng thành thạo nhiều loại khí tài từ P8, P12 đến P30, đã cùng đồng đội của Đại đội 14, Trung đoàn 290 đóng góp một thành tích không nhỏ trong thành tích chung của Binh chủng ra-đa. Vì những thành tích ấy, tháng 12 năm 1969 anh đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang ở tuổi 21.

        Nhưng niềm tự hào đó vẫn không thể nào làm Vũ Ngọc Diệu quên đi những hình ảnh về sự hi sinh của đồng đội và những người dân dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Nó còn đeo bám đến day dứt mãi cho đến những năm tháng sau này khi Vũ Ngọc Diệu làm nhiệm vụ ở cương vị mới...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 09:16:12 pm »


PHI CÔNG MIG-17 ĐÃ HI SINH NHIỀU LẮM!

        Khi chúng tôi mới về nước, tâm lý phi công anh nào cũng muốn được thử sức ngay. Được phân công trực đã mừng nhưng được xuất kích còn được mừng hơn nữa.

        Các phi công trẻ đều có tâm lý rất tốt như Nguyễn Văn Bảy hay Võ Văn Mẫn chẳng hạn, khi lên trời có vẻ lù đù nhưng chỉ cần thoáng thấy bóng mục tiêu các anh này bỗng trở nên sắc sảo và quyết đoán vô cùng. Như lần đi theo dãy núi từ Chương Mỹ về Phủ Lý hai anh này phát hiện thấy F-4 liền bám theo “xử” ngay, lúc xem lại phim thấy nó bị cháy, sướng lắm.

        Nhiều anh em tinh thần chiến đấu thì có thừa, nhưng kinh nghiệm và cách xử lý tình huống lại còn quá ít, hoặc thậm chí là chưa có. Điển hình như trường hợp của Trần Tấn Đức bám theo F-105, vận tốc của nó thì lớn gấp mấy lần mình mà cứ bám theo đường thẳng. Hơn nữa nó lại có ra-đa dẫn địa hình, còn MiG-17 chỉ có ra-đa dẫn mục tiêu. Nó được ra-đa hỗ trợ nên thấy đỉnh núi thì nó vượt qua được, còn Đức mải theo dõi mục tiêu mà quên mất ngọn núi phía trước, nên đã va phải núi, rơi luôn chẳng kịp nhảy dù.

        Trên thực tế, một số phi công ta thời đó đã phải chấp nhận một sự hi sinh vô lý, chỉ vì ham đánh mà quên giữ khoảng cách an toàn khi bám mục tiêu. Ví dụ khi đánh mục tiêu là những chiếc máy bay không người lái của Mỹ, mải bám mục tiêu và bắn mà không hề biết mình đã quá gần mục tiêu, bắn nó nổ bùng xong, thì chính mình cũng bị vạ lây tan xác.

        Điều tất yếu có chiến tranh là có hi sinh, nhưng đôi khi chỉ vì một sự lơ đễnh của Chỉ huy sở không bám sát quân của mình đề điều khiển bay cho an toàn hay cũng có thể do chủ quan của người lái mà thiệt hại không nhỏ. Một vài anh xuất kích xung trận, sau vài phút quần nhau với địch không có kết quả như mong muôn phải quay về khi đã vứt thùng dầu phụ (lúc vứt thùng dầu phụ là lúc cần phải tăng tốc). Và cứ nghĩ rằng địch không đuổi theo nữa nên không đề phòng. Khi gần về đến nơi, lúc cho máy bay thả càng ra, thì địch mới tấn công, nên không kịp trở tay nữa.

        Nhiều anh em phi công ta đã quên mất một kinh nghiệm xương máu trong chiến tranh Triều Tiên đã được phổ biến rồi: máy bay Mỹ đuổi theo máy bay Triều Tiên về đến tận sân bay, nó chỉ chờ lúc phi công Triều Tiên thả càng máy bay chuẩn bị hạ cánh, là nó ào tối tấn công. Phi công Triều Tiên ít kinh nghiệm nên bị dính nhiều trận như vậy. Cũng bởi sự hi sinh quá lớn, mà hồi đó ngoài ba Trung đoàn ra, Triều Tiên còn có thêm một số máy bay do Trung Quốc viện trợ, thế mà cuối chỉ trong vòng ba tháng Không quân Triều Tiên không còn chiếc máy bay nào mà đánh. Tất nhiên trong số những máy bay Triều Tiên bị rơi, không phải cái nào cũng do sơ xuất của phi công như vậy.

*

        Khoảng tháng 5 năm 1967 Mỹ tìm hiểu cách đánh của Không quân Việt Nam và phát hiện được một số điểm yếu của MiG-17. Riêng về độ cao thì MiG-17 chỉ có thể linh hoạt khi đánh ở độ cao 2.500 ki-lô-mét - 4.000 ki-lô-mét... Từ đó, chúng thường xuyên tổ chức đội hình F-8 hai chiếc một vè vè ở độ cao thấp 200 mét trên vùng trời sân bay Hòa Lạc nghi binh, dờn dứ và rình MiG-17. Bất cứ một chiếc MiG-17 nào cất cánh xuất kích hướng Hòa Bình là bị chúng bám theo ngay. (Sau này, người Mỹ gọi đây là Chiến dịch "Săn chim sẻ" của F-8).

        Có hôm Không quân ta xuất kích 8 chiếc thì chỉ còn 4 chiếc trở về. Trong phút chổc lực lượng của ta bị tổn thất nhanh chóng tới 50%. Quả là đau xót không có gì tả nổi!

        Sau mỗi lần đồng đội bị hi sinh như vậy, hầu như chúng tôi - những người còn sống sót không thể nuốt nổi miếng cơm, chỉ cố gắng húp một chút nước canh giữ sức. Chẳng phải chúng tôi sợ chết, mà vì sự hụt hẫng quá lớn, sáng vừa còn bên nhau, nói với nhau những câu bông đùa thế mà đến lúc trưa, tối ngồi ăn, chỗ ngồi của đồng đội trống vắng... đến người quen còn cảm thấy đau lòng, huống gì chúng tôi là đồng đội, bao ngày gắn bó buồn vui cùng nhau?

        Tôi thương nhất thằng Thái, bay số Hai cùng tôi vài lần, nên tôi biết nó bay không được tốt lắm. Có lần bay huấn luyện độ cao thấp, chẳng hiểu Thái bay thế nào mà khi hạ cánh chúng tôi thấy cành phi lao găm vào buồng càng máy bay của nó. Chắc chắn Thái đã không thể xử lý khéo léo để tránh bụi phi lao này. Chính tôi đã hơn một lần nói với Chính ủy Phiếu và Trung đoàn trưởng Trạch:

        - Để cậu ấy trực có lẽ không an toàn đâu. Thiếu kinh nghiệm như vậy, không sớm thì muộn cũng bị bắn.

        Chính ủy Nguyễn Ngọc Phiếu gạt đi:

        - Cậu thì... chỉ quân sự đơn thuần. Chiến đấu phải bằng ý chí chứ! Hay là cậu sợ?

        - Không phải tôi quân sự đơn thuần - Tôi cãi - Các anh ở dưới hầm, bom nguyên tử ném cũng không chết thì biết sợ là gì? Tôi mà ngồi dưới hầm như các anh, xi măng cốt thép dày tới hai mét, cách mặt đất mười mấy mét thì tôi cũng cóc sợ gì! Nhưng nếu chiến đấu mà không có kỹ năng thì chỉ có chết vô ích!

        Ý kiến của tôi thế là bị bỏ xó, có lẽ vì chiến tranh và vì nhiều thứ nữa mà hồi ấy Không quân Việt Nam cần có người, kể cả việc phải dùng những người không có kinh nghiệm.

        Thế rồi trong một lần xuất kích, Biên đội có bốn chiếc mà Thái không bám theo, cứ lững thững bay một mình. Tôi gọi cậu ta mà không thấy trả lời, thì ra Thái đã bị F-4 nã tên lửa...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 09:16:42 pm »


*

        Tối nay, đơn vị triệu tập tất cả số phi công còn lại để làm công tác "Chống tư tưởng hoang mang dao động", lấy lại tinh thần chiến đấu cho anh em.

        Nói thẳng ra tôi chưa bao giờ thích các anh mặt đất làm chính trị cả. Những buổi học tập chính trị thế này cánh lái chúng tôi chẳng mây ai hào hứng, bởi vì họ có bay như chúng tôi đâu mà biết căng thẳng tới mức nào, mà hiểu tâm tư tình cảm của phi công?

        Chính trị viên hỏi:

        - Gần đây chúng ta thương vong nhiều, các đồng chí suy nghĩ thế nào? Có sợ không?

        Hỏi đến mây lần, mà không thấy phi công nào lên tiếng. Tất cả đều im lặng, có người nhìn ra ngoài xa xăm, có anh cúi đầu vờ suy nghĩ...

        Tôi nhìn anh em một lượt, bỗng thấy nóng bừng cả mặt. Tôi đứng lên:

        - Tôi nói thật, không hiểu các anh nghĩ sao chứ là con người theo bản năng ai chẳng sợ chết. Vậy mà gần đây, hầu như ngày nào cũng có anh em phi công ta hi sinh, có ngày lên tới 5 chiếc bị rơi, chỉ có một nhảy dù thoát còn bốn chết. Có hôm nhìn lại cả Trung đoàn chỉ còn tôi và Hồ Văn Quỳ hai người trực ở sân bay Kép một ngày xuất kích năm lần, chỉ với mục đích để "đánh tiếng" cho Không quân Mỹ biết là "MiG- 17 vẫn còn đang hoạt động đấy, chúng mày liệu hồn".

        Chúng tôi đã bay nhiều đến nỗi có lúc làm động tác lớn một chút là đôi mắt tối đen lại. (Bộ phận điều áp của mũ phi công MiG-17 không hiệu quả như của MiG-21, chỉ cần làm động tác mạnh là máu không lưu thông lên não được trong một khoảng khắc, phi công mà không vững tâm lý sẽ hoảng sợ không lái được).

        Lê Hải là tay lái gan nhất mà cũng có lúc đổ máu tai. Tần xuất hoạt động như thế, thử hỏi ai mà không sợ? Tôi nói thật chẳng có anh nào là không sợ, nhưng sợ thì sợ vẫn phải chiến đấu. Tìm cách mà chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, chứ chả lẽ không bay nữa hay sao?

        Tôi nói xong, anh em trong Đại đội ồ cả lên.

        Thực ra, tôi là thằng dám nói suy nghĩ của mình, nên nói vậy thôi chứ tâm tư của anh nào thế nào tôi đọc được hết. Hầu hết đều có suy nghĩ như tôi.

        Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp ngay sau cuộc họp này là xin thôi bay ngay lập tức. Những anh này xin thôi bay cũng phải, chứ cái kiểu vừa lên máy bay quần đã ướt sũng thành vũng trước cửa máy bay, nếu có cất cánh thì sớm muộn cũng bị bắn rơi. Thậm chí có anh chưa xin thôi bay nhưng cứ khi nào thời tiết tốt thì viện cớ đau bụng đi ngoài,

        hay ốm để thoái thác, còn khi nào mưa gió thì thôi vì biết thừa Trung đoàn chẳng khi nào cho xuất kích lúc thời tiết xấu cả.

*

        Một số ít Chính trị viên bất đồng quan điểm với các phi công chiến đấu trong đơn vị. Lý do: Chính trị viên không tôn trọng quy luật tự nhiên và vũ khí kỹ thuật, chỉ coi trọng tư tưởng, ý chí, nên thường chụp mũ cho phi công.

        Có những điều mà trong lúc huấn luyện các vị cán bộ tư tưởng này không tìm hiểu xem khi xử lý những động tác nguy hiểm, lúc ấy phi công nghĩ gì hoặc tư tưởng họ thế nào? Tôi nhớ có một vài trường hợp phi công làm động tác không chính xác, Chính trị viên thường nói: “Thằng này thì” làm cho phi công luôn cảm thấy bị ức chế, không thoải mái thậm chí còn ghét Chính trị viên.

        Điều đó hết sức phi lý, tại sao một Trung đoàn của Triều Tiên sang giúp ta có tới mười anh phi công nhảy dù và đứt luôn đôi bàn chân? (Do cấu tạo buồng lái của MiG-17, trước khi nhảy dù, phi công phải nhớ động tác co chân lên, nếu không sẽ bị giữ lại đôi chân) mà phi công ta rất ít khi bị như vậy. Đó chẳng phải phi công ta thông minh, bình tĩnh và can đảm nên mới xử lý được tình huống hay sao?

        Cái chết của Lê Quang Trung không làm chúng tôi ngạc nhiên, tuy vậy cả Trung đoàn vẫn cảm thấy chua xót thế nào và rất thương cậu ấy... Một số nói rằng “Lê Quang Trung chỉ có thể mặc được cái áo nhỏ thôi, nhưng người ta cố khoác cho anh ta cái áo quá rộng”.

        Trong lĩnh vực kỹ thuật không thể chỉ "hô quyết tâm", hoặc “lấy tinh thần công nông binh làm chủ" được. (Thòi gian đó, ở hầu hết các đơn vị cơ quan trên cả nước đều chủ trương đưa những người có lai lịch thuần nông, hoặc có lý lịch bần cố nông đảm nhận những vị trí lãnh đạo hay những ngành kỹ thuật cao...). Chúng tôi cảm thấy thương cho Lê Quang Trung, vì ngay cả việc bay khí tượng phức tạp, bay đồng hồ, cậu ấy cũng chưa hề qua nổi một lần huấn luyện, thì làm sao có thể bay ở sân bay Yên Bái luôn trong tình trạng khí tượng xấu? (Sân bay Yên Bái là một trong những sân bay có khí tượng xấu nhất Việt Nam).

        Khi ở Trung Quốc về, chúng tôi còn được bay huấn luyện nhiều nữa, thậm chí khi chúng tôi đã thành thạo lái MiG-19 thì Lê Quang Trung vẫn còn đang kỳ cạch bài bay đơn giản. Vậy mà, nhờ cái lý lịch bần cố nông, nên Lê Quang Trung đã từ chiến đấu viên rất bình thường “phải” nhận trách nhiệm Trung đoàn trưởng. Lẽ đương nhiên, với vai trò lãnh đạo Lê Quang Trung luôn phải bay thử những trường hợp phức tạp để lấy tinh thần cho các phi công khác. Và lần này, Lê Quang Trung đã không qua nổi vì cảm giác sai, máy bay anh lái đã bị đâm vào núi...

        Những cái chết với những lý do "lãng nhách" đó cũng tệ như khi bị người ta “chụp mũ” vậy. Đôi khi sự “chụp mũ” còn làm cho một vài phi công nào đó khổ sở hơn rất nhiều, vì anh ta vẫn còn sống và phải chịu đựng những nhận xét của cấp trên như muối xát vào lòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 10:27:59 pm »


KIẾP SAU EM CHẲNG LẤY CHỒNG PHI CÔNG NỮA ĐÂU!

        Những năm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ và ác liệt. Hàng ngày, hàng giờ quân đội ta đã mất đi bao nhiêu người lính phải hi sinh ngoài chiến trường.

        Không quân Mỹ càng ngày càng đánh phá miền Bắc ác liệt hơn, bởi vậy lực lượng Không quân ta cũng càng phải tích cực đối phó, góp phần cùng lực lượng Phòng không ngăn cản không cho chúng tự do đánh rộng và phá hủy nhiều hơn nữa.

        Nhưng cũng theo quy luật chiến trường, thì càng ra trận chiến đấu nhiều thì hi sinh cũng càng lớn...

        Mỗi lần nghe tin Không quân cất cánh bị hi sinh, là Luận, phụ nữ Hải Dương xinh đẹp - người vợ trẻ của phi công Nguyễn Khắc Lộc lại tất tả một mình với chiếc xe đạp đi khắp các sân bay xem chồng mình có sao không? Nhưng khổ là một người bay trên trời, còn người kia đạp xe dưới đất, chẳng biết đâu mà đoán trước được.

        Nhiều khi một mình Luận đạp xe từ Hải Dương đến sân bay Kép, xa tới bốn năm chục ki-lô-mét thì Lộc lại cơ động về Vĩnh Phúc. Còn khi Luận lóc cóc đạp xe về Vĩnh Phúc, thì Lộc lại đi chiến đấu rồi hạ cánh ở sân bay Hòa Lạc... Cứ như vậy, nhiều lần Luận phải đi tìm mấy sân bay liền mới gặp được chồng...

*

        Một hôm, Luận tới sân bay Nội Bài, vừa bỏ nón ra quệt mồ hôi ròng trên trán xuống thì anh Nguyễn Nhật Chiêu xách va ly của Lộc ra giọng buồn buồn nói:

        - Cô Luận đấy à, đây là va li của cậu Lộc, cô cầm về, cậu ấy đã đi xa...

        - Anh... anh nói thật không? - Luận hốt hoảng tái mặt.

        - Thật! - Nhật Chiêu nghiêm nét mặt lại.

        Chỉ nghe có thế thôi, Luận òa khóc nức nở. Còn Nguyễn Nhật Chiêu hoảng quá, vì không ngờ mình chỉ trêu tí thôi mà Luận khóc nhiều đến thế. Luận khóc nhiều đến nỗi Nhật Chiêu phải vội vàng cải chính ngay:

        - Anh đùa em đấy, Lộc đang đi trực chiến, gớm, thằng Mỹ nào làm gì được nó. Em không phải lo gì hết, thôi để anh đưa em sang Chiêu đãi sở nghỉ ngơi (nơi này thường dành để tiếp đón người thân của phi công). Em cứ chờ ở đó, chiều tối nó về.

        Luận nghỉ ở phòng chiêu đãi sở, chờ Lộc đến tối mà vẫn không thấy Lộc về, trong lòng như có lửa đốt. Mỗi một mình ở đây, cũng không biết hỏi ai. Càng lúc càng sốt ruột. Đến 7 giờ tôi, thì Luận không thể chờ được nữa, cô đi lên Ban Chỉ huy rụt rè hỏi:

        - Các anh cho em hỏi anh Lộc nhà em đã về chưa, mà đến giờ này vẫn chưa thấy ạ?

        Trong phòng chỉ huy, có mấy anh đang chụm đầu vào một cái bản đồ, một anh ngẩng đầu lên bảo:

        - Cô là vợ cậu Lộc à? Cô cứ về nghỉ ngơi đi, Lộc nó chưa về đâu, cô cứ yên tâm mà ngủ.

        - Vậy sao? Lúc chiều em nghe nói tối nay anh ấy sẽ về... - Luận bắt đầu rân rấn nước mắt: “Hình như anh Lộc đã xảy ra chuyện gì, hình như các anh ấy đang giấu mình thì phải” - Trong lòng Luận rối như tơ vò.

        Các anh ở ban chỉ huy thấy cô gái xinh đẹp mắt ngân ngấn nước thì thương, nên cứ dỗ dành Luận về. Nhưng họ càng dỗ dành thì cô lại càng tưởng là Lộc có chuyện. Cuối cùng cô đành lủi thủi về phòng chờ chồng.

        Nhưng tối hôm ấy Nguyễn Khắc Lộc lại không về Nội Bài, vì Biên đội của anh lại được lệnh hạ cánh ở sân bay Hòa Lạc...

        Cả đêm, Luận cứ chong chong mắt nhìn lên trần nhà, lẩm nhẩm: “Cầu mong anh của em không sao, đừng có chuyện gì anh nhé. Nếu anh có bề gì, em làm sao sống nổi?” Luận trằn trọc giở mình hết bên nọ đến bên kia cho đến tận sáng không chợp mắt tí nào.

        Sáng hôm sau, Luận dậy rõ sớm, cô nấu một nồi cháo gà thật ngon để khi nào Lộc vê sẽ rất vui vì được ăn cháo do chính tay vợ mình nấu. Có tiếng chân ai đó... rồi có tiếng gõ cửa. Luận hớn hở:

        - Anh về rồi đấy à, làm người ta chờ mỏi cả mắt!

        Luận vừa nói vừa chạy ra mở cửa. Bao nhiêu nỗi mừng vui vụt tắt lịm vì ngoài cửa không phải là Lộc mà là... anh Chính trị viên.

        Anh chính trị viên cười bảo:

        - Cô Luận à, chú Lộc đi chiến đấu hạ cánh ở sân bay khác rồi. Đơn vị đã có xe cho cô về Hải Dương. Mong cô thông cảm...

        Chiều hôm ấy, đơn vị cho xe đưa Luận về Hải Dương. Thế là mất hai ngày chờ đợi mà không gặp được chồng.

        Lần khác nữa, Luận cũng đạp xe đi thăm chồng ở Yên Bái, lần này may mắn gặp được nhau. Nhưng vừa mới tới hôm truớc, thì sáng hôm sau Luận đã tận mắt chứng kiến hai đổng đội của chồng bị hi sinh. Sự mất mát đau thương làm cho Luận không cầm được nước mắt.

        Đêm ấy nằm cạnh chồng, Luận ôm cổ Lộc thủ thỉ:

        - Kiếp này em đã trót lấy phi công rồi, kiếp sau em sẽ không bao giờ lấy chồng phi công nữa đâu!

        Câu nói hờn mát của Luận làm cho anh thấy thương vợ hơn. Anh ghì chặt Luận, hôn nhẹ lên má cô thầm thì:

        - Kiếp này, em có anh là được rồi, không cần kiếp sau đâu.... Anh hứa nếu có kiếp sau, đất nước hoà bình là đêm nào anh cũng ngủ với em như thê này. Mãi mãi chúng mình không phải xa nhau nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 10:28:34 pm »


ĐƯA TRỰC THĂNG HÀNG BINH BAY TỪ LÀO VỀ VIỆT NAM

        Phi công Trần Ngọc Bích được các đồng đội gọi với cái tên trìu mến là "Anh cả của làng trực thăng".

        Không những các phi công vận tải biết đến, mà tất cả những phi công lái máy bay chiến đấu ai cũng biết anh, thường gọi anh bằng biệt danh “Bích rượu”, “Bích thuốc lào” VI thế chất khỏe nên Bích uống được rượu, còn thuốc lào thì Bích nghiện nặng.

        Chả thế, hồi đó, người ta thây trên máy bay của anh hầu như lúc nào cũng sẵn có một can màu vàng 5 lít trong đó đựng đầy rượu và một cái điếu cày rất đẹp. Cứ khi nào thôi bay là anh lại cầm điếu lên rít một hơi dài phả khói mù mịt rồi chiêu ngay một ngụm rượu. Bích còn được gọi là “Bích ngang” vì rất hay tranh cãi với cấp trên.

        Có lần một cán bộ chính trị phê tổ bay của Bích là “Các ông chỉ có chuyên môn kỹ thuật đơn thuần!”

        Bích nóng mặt cãi luôn:

        - Tôi hỏi các anh, các anh làm chính trị phải trau dồi nghề nghiệp từ cách ăn nói, cách truyền đạt nghị quyết, hay là cách chuẩn bị bài giảng chính trị cho chiến sĩ... sao các anh không gọi đó là “ chính trị đơn thuần?”. Chúng tôi cũng là đảng viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chấp hành mọi nghị quyết, chỉ thị, chúng tôi là phi công thì phải bay giỏi mới không để xảy ra tai nạn, tại sao các anh cứ chụp cho chúng tôi cái mác “Chuyên môn kỹ thuật đơn thuần”?

        Sự cãi cọ gay gắt ấy xảy ra thường xuyên, nhưng mỗi lần như vậy Bích thường được các bộ phận làm kỹ thuật ủng hộ. Cái tên "Bích ngang" nổi tiếng đến nỗi lớp đàn em sau này Bích chưa biết mặt ai, những người đó cũng có người chưa ai biết mặt Bích nhưng nói đến tên là họ biết ngay Bích có ba biệt danh ngoài tài bay trực thăng...

        Vào một ngày trung tuần tháng 5 năm 1972, Trần Ngọc Bích và một số đồng chí thợ máy nhận lệnh cấp trên sang bản Ban của nước bạn Lào để đưa chiếc máy bay trực thăng H-34 do Mỹ sản xuất, cùng với một phi công hàng binh người Lào tên là Xi-vay về Việt Nam.

        Chiếc máy bay này là của lực lượng đối phương, phi công Xi-vay đưa sang hàng chúng ta, nhưng trên đường từ Viên Chăn đến đó thì hết nhiên liệu phải hạ cánh gần cánh rừng phía Đông Bắc bản Ban.

        Sau khi nhận lệnh, tổ bay của Trần Ngọc Bích khẩn trương hành quân tới binh trạm 11 đóng ở Tương Dương (phía Tây Nghệ An), để ngày hôm sau làm việc với Trạm trưởng và lên kế hoạch thực thi nhiệm vụ.

        Bàn bạc một hồi, khoảng 5 giờ chiều tố bay của Trần Ngọc Bích lên ô tô, chở theo bốn phuy xăng máy bay lên đường, cho đến tận 5 giờ sáng hôm sau mới đến chỗ máy bay của Xi-vay hạ cánh. Có mỗi quãng đường 20 ki-lô-mét tới đó mà phải mất cả đêm vì đường số 7 đêm ấy bị địch đánh phá liên tục.

        Tổ bay quyết định nghỉ ngơi để tôi sẽ bí mật mang xăng ra cho máy bay H-34. Trời tối hẳn, tổ bay mỗi người ôm một can xăng 20 lít ra đường 7, chỗ ô tô đỗ đế lấy xăng tiếp sang máy bay. Cứ làm như vậy, mỗi người đi và về 3 lượt thì thùng xăng của chiếc H-34 cũng đầy.

        Trần Ngọc Bích gỡ hết lá ngụy trang ra rồi mở máy cho chiếc trực thăng cất cánh...

        Nhưng vừa bay được ít phút, khi lên tối độ cao 1.000 mét, thì bỗng đâu trận địa phòng không của ta bắn pháo 37 ly lên trời như mưa.

        Trần Ngọc Bích phải vội vàng đưa máy bay lên độ cao 3.000 mét, nhưng đến đèo đất lại bị pháo phòng không 14 ly 5 bắn lên tới tấp. Tuy nhiên, ở độ cao này, Trần Ngọc Bích yên tâm không phải cơ động nữa cho đến khi nhìn thấy đồn biên phòng Nậm Cắn thì Trần Ngọc Bích hạ thấp độ cao, vì nghĩ rằng khu vực này không phải lo pháo cao xạ nữa. Nào ngờ, họ vẫn không tránh được trận địa pháo 14,5 ly loại 4 nòng.

        Trần Ngọc Bích đành cho cơ động sang phía bên trái đường số 7, phía bên kia dãy núi để tránh hỏa lực của ta, giữ độ cao 500 mét cho tới tận lúc về tới Tương Dương thì trời đã nhá nhem tối.

        Trần Ngọc Bích cho máy bay hạ cánh trong điều kiện không có bộ phận ám hiệu (xi nhan) chỉ đường vì lúc này họ đã về nghỉ hết. Cuổĩ cùng chuyến bay cũng kết thúc bình an, các đồng chí lãnh đạo vui mừng ra đón tổ bay của Trần Ngọc Bích đã mang được chiếc H-34 trở về sau bao nhiêu lần nguy hiểm một cách xuất sắc. Đồng chí Binh trạm trưởng Trạm 11 đi vòng một vòng kiểm tra máy bay thây không bị dính một vết đạn nào, ôm chầm lấy Trần Ngọc Bích thanh minh:

        - Trận địa pháo của Binh trạm vừa mới hành quân tới đó, nên chưa nhận được thông báo kịp thời. Chúc mừng đồng chí nhé!

        Tổ bay của Trần Ngọc Bích ở lại Tương Dương 4 ngày và xin chỉ thị của cấp trên đưa máy bay về Hà Nội. Các anh lấy bùn xoa kín phù hiệu con voi trên máy bay của địch cho an toàn. Dọc đường đi về sân bay Sao Vàng, anh luôn bay ở độ cao 4.000 mét vì ở độ cao này chỉ lo mỗi tên lửa, mà vào khu vực phía Tây Nghệ An và Thanh Hóa toàn rừng rậm nên trận địa tên lửa ở đây rất ít. Chặng này coi như không có gì phải băn khoăn lắm vì chỉ sau 1 giờ bay, tổ bay vận tải đã hạ cánh an toàn. Điều đáng phải suy nghĩ là chặng đường từ sân bay Sao Vàng về đến sân bay Gia Lâm sẽ khó khăn lắm đây.

        Tổ bay phải ngồi cùng với sở chỉ huy Quân chủng bàn phương án bay thế nào tốt nhất: bay cao cao thì lo tên lửa của ta, bay thấp thì có thể bị hỏa lực của dân quân tự vệ, vì lực lượng này rất đông. Dù lực lượng tên lửa và các trận địa pháo cao xạ cũng đã được thông báo về chuyến bay này.

        Đúng 7 giờ sáng hôm sau, các anh lại lấy bùn xoa kín phù hiệu trên máy bay H-34 của địch, dùng một mảnh dù trắng cột chặt vào khúc tre làm cờ hàng và cho một anh đứng ở cửa máy bay cầm giơ hẳn ra ngoài thân máy bay để dân quân có thấy cũng bỏ qua. Tổ bay cứ thế bay về sân bay Gia Lâm mà không bị một sơ sảy nào diễn ra.

        Đưa được chiếc máy bay H-34 về trong niềm vui hân hoan của thủ trưởng và đồng đội, Trần Ngọc Bích thấy mình vui sướng biết bao. Anh cùng đồng đội đã thực hành liên tục trong suốt một tháng trời trên chiếc máy bay này. Sau này, được biết chiếc máy bay ấy đã được đóng thùng gửi sang Liên Xô để phục vụ các nhà khoa học nghiên cứu về máy bay của địch.

        Lái máy bay trực thăng ai cũng tưởng dễ, nhưng thực tế là ngược lại. Đó là nhận xét chung của tất cả những phi công lái may bay phản lực. Giai đoạn đầu mới học lái có thể hình dung máy bay như một quả lắc trong không trung, rất khó điều khiển. Nhưng khi đã nắm chắc kỹ thuật bay quen rồi thì lại lâu quên hơn bay phản lực.

        Bay trực thăng khó nhất vẫn là bay trong mây hoặc bay đêm, về điểm này thì không khác bay phản lực là mấy. Vì vậy những người phi công hầu như phải luyện tập rất gian khổ để có được kinh nghiệm bay.

        Phi công bay trực thăng sướng hơn phi công bay phản lực ở chỗ các anh lúc nào cũng có mấy người trong tổ bay. Tình đồng đội vì thế mà keo sơn hơn, các anh được trang bị gạo muôi, dầu mỡ, thực phẩm trên máy bay để phòng khi đến nơi nào không có điều kiện là có thể tự túc nấu ăn. Ngoài ra, luôn có tổ thợ máy đi cùng để khi thì sửa chữa, khi thì xin lá ngụy trang cho máy bay lúc sơ tán gần dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 10:29:11 pm »


TRẦN NGỌC BÍCH VỚI NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỀ BÁC HỒ

        Trần Ngọc Bích sinh ngày 20 tháng 7 năm 1934 trong một gia đình nông dân nghèo có năm anh chị em ở xã Trường Sơn - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh.

        Tháng 10 năm 1955 anh được lệnh từ Trường Văn hóa Kiến An - Hải Phòng về sân bay Gia Lâm để đi sang Trung Quốc học bay cùng một đợt với anh Đào Đình Luyện (sau này là Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

        Ban đầu Bích được học lái TU-2, loại máy bay ném bom cùng các anh Đào Đình Luyện, Nguyễn Ái Đồng, Hoàng Ngọc Trung, Nguyễn Xuân Tình, Hoàng Trọng Khai... ở Trường Không quân số Hai tại thành phố Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc. Nhưng sau khi tốt nghiệp thì lại phải chia thành hai nhóm học chuyển loại. Trần Ngọc Bích và Hoàng Trọng Khai được phân vào nhóm học lái trực thăng Mi-4.

        Năm 1960 Trần Ngọc Bích cùng một số phi công khác về nước và anh được phân công làm giáo viên bay, đồng thời cũng nhận những nhiệm vụ khác nữa tại Đoàn bay 919, Cục Không quân.

        Trần Ngọc Bích đã vinh dự cùng với hai chuyên gia Liên Xô phục vụ bay cho Bác Hồ trên chiếc 50D trong 9 năm liền, bên cạnh đó những chuyến bay phục vụ cho các vị lãnh đạo cao cấp Đảng - Nhà nước - Quân đội của nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và các đoàn quốc tế sang thăm nước ta.

*

        Một lần, Trần Ngọc Bích được giao nhiệm vụ đưa Bác lên Đá Chông, nhưng khi ra sân bay, sở Chỉ huy lại yêu cầu Bích phải hạ cánh ở sân bay Tông. Vừa mới hạ cánh, tắt máy xong thì thấy anh Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) hớt hải chạy lại:

        - Bích! Sao cậu lại hạ cánh ở đây?

        - Dạ, em thấy sở Chỉ huy nói là hạ cánh ở đây mà -  Bích báo cáo, vừa đưa mắt nhìn ra, đã thấy rất đông bộ đội đã đứng quanh máy bay rồi. Thì ra ở đây có một đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ sửa nhà, thấy máy bay thì tò mò ra xem. Bích ngớ người ra vì biết hạ cánh ở đây là sai lầm.

        - Thôi, cậu bay sang K9 ngay đi - Anh Vũ Kỳ lo ngại.

        Trần Ngọc Bích liền nổ máy cất cánh ngay. Bác Hồ biết chuyện, nhưng vẫn không trách anh lồi nào lại còn nói: “Lần sau chú lại bay cho Bác nhé”.

        Kỷ niệm ấy, anh còn nhớ mãi cho tối tận sau này.

        Một lần khác Trần Ngọc Bích nhận lệnh đưa Bác tới vịnh Hạ Long, cho hạ cánh ở Bãi Cháy, rồi cả đoàn đi tàu Hải quân qua các đảo đến một vịnh phía Tây Hạ Long.

        Ở đó có một bãi cát mịn màng rất đẹp. Đồng chí Ti-tốp (Anh hùng Vũ trụ Liên Xô) đi cùng đoàn, thích quá, bất ngò nhảy từ trên tàu xuống biển bơi vào bờ. Bác Hồ thấy thế cũng định nhảy xuống bơi, nhưng các anh Vũ Kỳ và anh Ninh (bảo vệ Bác) ngăn, không cho Bác nhảy xuống và yêu cầu tàu cập bến luôn. Bãi biển ấy sau này người ta quen gọi là "Bãi Ti-tôp".

*

        Trong những năm Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, việc đi lại trên cầu Long Biên rất khó khăn. Những năm này sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều nên Bộ Y tế thường phải đưa Bác sang Trung Quốc để theo dõi sức khỏe. Tổ bay của Trần Ngọc Bích thường đưa Bác từ sân vận động Cột Cờ - Quần Ngựa, sân bay Bạch Mai lên sân bay Nội Bài để Bác đi sang nước bạn.

        Hầu hết những chuyến đi như thế đều phải đi lúc chập choạng tối, hay ban đêm để giữ bí mật. Ngay cả đến việc hạ cánh cũng không dám bật đèn chiếu sáng, mà chỉ lợi dụng đèn pha ô tô. Thậm chí không có cả chỉ huy mặt đất điều khiển.

        Vì vậy, tổ bay của Trần Ngọc Bích đã phải tập bay đêm với đèn gầm, chỉ được phép lắp một chiếc đèn nhỏ ở dưới bụng máy bay mà thôi. Còn hạ cánh thì theo tín hiệu đèn pin. Việc tập luyện thường xuyên như vậy đã giúp cho anh điều khiển những chuyên bay trực thăng chuyên cơ rất thành công.

        Ngoài vinh dự lớn lao 9 năm phục vụ Bác Hồ, tổ bay của Trần Ngọc Bích còn thường xuyên phục vụ các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị...

        Trần Ngọc Bích còn bay phục vụ các đồng chí lãnh đạo của nước bạn Lào, phục vụ Hội nghị Na mon Hin Hợp, đưa nhà vua Lào từ Luông Phara Băng về khu giải phóng Na Kay và ngược lại, tham gia nhiệm vụ chuyển thương - tiếp tế cho chiến trường Lào, góp phần giải phóng đất nước Lào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 10:29:51 pm »

   
TÔI BỊ THƯƠNG VÀ HẠ CÁNH KHI MÁY BAY ĐÃ HẾT DẦU

        Ngày 3 tháng 1 năm 1968.

        Không quân Mỹ vừa chấm dứt đợt 7 đánh vào các mục tiêu Hà Nội và chúng bị thất bại nặng nề. Trung đoàn của tôi đã tham gia đánh năm trận, bắn rơi 6 chiếc máy bay và bắt sống một giặc lái Mỹ. Phía Mỹ có ý định qua đợt thời tiết xấu này sẽ tổ chức đánh tiếp đợt 8.

        Đoàn Không quân Yên Thế sau một loạt chiến thắng phấn khởi rút ra những bài học ưu khuyết điểm, quyết định sử dụng Biên đội vững nhất của Đại đội 1 Anh hùng ra quân đầu năm đối phó với chiến dịch đợt 8 của địch.

        Tôi được giao nhiệm vụ là Biên đội trưởng bay số 1, cùng với Lê Sĩ Diệp bay số Hai, Bùi Văn Sưu bay số Ba, và Lê Hải bay số Bốn.

        Theo tin trinh sát, bọn Mỹ đã tập trung 70 lượt chiếc xuất kích trong đó có cả RB-66 thả nhiễu. Chúng bố trí 16 chiếc F-4 trực tiếp tấn công cường kích, nhưng nếu gặp Không quân ta, chúng sẽ không ngại ngần gì mà không phóng tên lửa. Thậm chí có thể tăng cường loại F-4 làm nhiệm vụ cường kích thay loại F-105. Chúng có thế lợi dụng khí tượng đi sát tầm mù để dễ phát hiện ta mà đánh.

        7 giờ 33 phút sáng, Biên đội chúng tôi đã sẵn sàng vào cấp I. Hai phút sau, chúng tôi cất cánh từ sân bay Kép qua vùng Quê Võ, xuyên mây lên độ cao 4.000 mét chúng tôi bay khoảng 20 độ về phía Nhã Nam, nghe chỉ huy thông báo địch đang vào Thái Nguyên, ở đằng sau khoảng 40 ki-lô-mét. Nhưng tôi cảm thấy chúng đang rất gần, lúc chúng tôi vẫn chưa ra khỏi mây.

        Tôi không tin tưởng về độ chính xác của ra-đa P-12 chuyên bắt sóng tầm trung, nên có linh cảm không tốt lắm. Bản đồ thì đã chỉ rõ, nhưng sác xuất chênh lệch khoảng cách của P-12 báo như vậy, rất khó đoán trước được điều gì xảy ra. Nếu căn cứ vào lý thuyết, Biên đội của tôi đang ở trong mây mà địch chỉ cần đằng sau 30 ki-lô-mét là chỉ huy phải cho Biên đội trưởng biết để chỉ huy Biên đội tản sang hai bên rồi sau khi qua mây lại chụm vào, nhưng tôi vẫn không thấy chỉ huy lệnh cho cơ động.

        Tôi đang phân vân thì phát hiện địch ở ngay trên đầu, lúc này độ cao của toàn Biên đội khoang 3.800 mét, đồng thời nghe lệnh chỉ huy về hạ cánh sân bay Kép. Tôi vòng 360 độ một phút thì thấy bên trái 8 chiếc F-4 đang chếch góc với ta 45 độ, cự ly khoảng 6 đến 8 ki-lô-mét, vận tốc lớn.

        Tôi cố bám được một chiếc, góc tiến vào lớn, giảm độ nghiêng quay lại sau quan sát thì thấy địch phóng tên lửa vào số Hai Lê Sĩ Diệp, rồi trong tích tắc, chính mắt tôi thấy lóe sáng lên, rồi nghe rầm một tiếng.

        Tôi cảm thấy tất cả ngừng hoạt động, không biết là 5 giây hay là bao lâu nữa, cho đến lúc tôi tỉnh lại trong trạng thái mắt hoa lên thì thấy máy bay của tôi cứ vòng phải lao xuống tự do với tốc độ rất nhanh.

        “Có lẽ mình đã bị thương” - tôi nghĩ vậy và kịp nhìn thấy cánh phụ bên phải bị thủng một lỗ to chừng 60 cm. Còn đầu tôi, bắt đầu có cảm giác nhức nhối, rất khó chịu. Theo quán tính, tôi lập tức nhìn đồng hồ báo độ cao chỉ còn có 2.500 mét! Các giác quan của tôi lúc đó căng ra để cảm nhận “Tốt rồi, tiếng động cơ vẫn nổ!”.

        Tôi rờ vào cần lái, xem có còn hoạt động nữa hay không? Thật may cần lái vẫn theo sự điều khiển của tôi. Tôi bèn nhích cần lái, thu cửa dầu cho tăng độ cao, máy bay của tôi hơi chòng chành một chút nhưng vẫn lên được. Tôi yên trí, thế này thì không phải nhảy dù nữa. Tôi vòng lại thấy có mấy vệt khói của 4 chiếc F-4 đang vòng trái cắt 1 chiếc bắn 3 loạt đạn, trùm lên thân nó, ánh chớp chớp phun cả màu trắng ra. Trong hỗn loạn âm thanh tôi vẫn nghe thấy số Hai Lê Sĩ Diệp xin phép nhảy dù.

        Tình hình có vẻ không ổn lắm nên tôi loay hoay tự tìm hướng thoát ly về về phía Bắc Ninh. Ra được khỏi mây và ở độ cao 1.200 mét thì đèn báo dầu sáng nháy liên hồi. Nguy hiểm quá! Không biết có về hạ cánh ở sân bay Kép được không?

        Cho dù cái đầu của tôi lúc này máu chảy khá nhiều, nhưng vẫn đủ tỉnh táo phân tích tình hình. Kiểu này thì không thể về Kép hạ cánh được mà phải tìm đường ngắn nhất, có lẽ về Nội Bài là hơn cả. “Nhất định không nhảy dù (mặc dù trong điều kiện này vẫn có thể nhảy dù được), nhưng không thể vứt máy bay” - Tôi quyết định.

        Tôi cố gắng sử dụng chút dầu còn lại để kéo lên, nhằm hướng Nội Bài bay về. Vừa đúng độ cao có thể bay về thì đèn báo hết dầu. Đến lúc này, tôi điều khiển máy bay cho nó bay tự do dần về sân bay, tính toán làm sao cho đến khi vào vòng 4 vừa vặn khoảng 1.000 mét, để từ đây nó tự rơi đến đúng đường băng.

        Khi nhìn thấy sân bay cũng là lúc tôi nghe thấy dưới mặt đất hô: “Tầm cao, tầm cao! Giảm độ cao!”. Có lẽ đài chỉ huy không biết rằng lúc đó máy bay của tôi đã hết dầu và ngừng động cơ từ lâu, họ tưởng tôi vẫn điều khiển máy bay  bình thường mà hạ cánh với độ cao như thế thì nguy hiểm quá nên hốt hoảng cảnh báo.

        Khi tôi cách đường băng 500 mét thì chỉ huy mới biết chắc tôi đang hạ cánh với máy bay không còn dầu. Lúc này anh động viên tôi: “Bình tĩnh hạ cánh nhé”. Và tôi... vẫn còn vòng trái đường băng để lăn vào, tránh đường cho các máy bay khác hạ cánh rồi mới bóp phanh. Máy bay khựng lại.

        Biết là mình đã về hạ cánh an toàn, đúng lúc toàn thân rã ròi và kiệt sức, tôi ngất đi và mê man không còn biết gì nữa...

*

        Tôi tỉnh lại sau ba ngày, thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Quân y 108. Xung quanh tôi rất nhiều bác sĩ, trong đó có cả Giáo sư Phạm Gia Triệu, một lần nữa ông đã cứu thêm tính mạng phi công.

        Cái đầu của tôi bị va đập, rạn xương sọ một vệt lớn, có người bảo phải thay mê ca như đã thay cho Nguyễn Khắc Lộc, nhưng ông bảo: “Cứ bĩnh tĩnh, tôi đã có cách không phải thay mê ca”.

        Và quả thật, Giáo sư Phạm Gia Triệu đã rất giỏi trong chuyên môn của mình. Tôi không những không phải ghép một miếng mê ca trên đầu, mà vẫn còn tiếp tục lái và chiến đấu nhiều trận sau này nữa.

        Nhưng tôi thấy hơi tiếc, giá như chỉ huy trận đánh vừa rồi sáng suốt hơn nữa và không bị lúng túng thì có lẽ tôi đã không bị thương, Lê Sĩ Diệp chắc không phải nhảy dù vứt máy bay và có khi Biên đội sẽ bắn thêm được vài chiếc nữa, chứ không chỉ dừng lại ở một chiếc bị bắn bởi phi công Bùi Văn Sưu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM