Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:31:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 15029 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:36:57 pm »


TRÚNG TUYẾN PHI CÔNG

        Đó là thời điểm tháng 4 năm 1956.

        Chúng tôi được lệnh hành quân từ sân bay Kiến An (Hải Phòng) về Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm Công trình Quốc phòng.

        Xa Hải Phòng, xa dân Cát Hải đã được năm ngày. Bọn lính chúng tôi, đứa nào cũng phải khoác trên lưng một ba lô nặng trĩu đủ thứ lỉnh kỉnh chăn màn, đồ dùng cá nhân ở bên trong. Phải hành quân đi bộ chứ không được đi tàu chở than như năm trước, cứ đi khoảng 30 cây số mới dừng lại nấu ăn.

        Trời nắng chang chang như đổ lửa. Nóng quá, uống nước cũng không ăn thua, chúng tôi bàn nhau bứt lá tre ven đường, đun lấy nước rồi bỏ chút đường vào, khi nào nóng quá thì uống một hớp, vừa đỡ khát lại đỡ mệt.

        Cả Trung đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ làm Công trình Quốc phòng. Công việc hàng ngày của chúng tôi là phá đá trên núi rồi đập nhỏ. Mới nhìn, tưởng là đơn giản, nhưng nếu chỉ dùng sức mạnh mà làm thì chỉ được một lúc là thấm mệt ngay. Mấy cậu lính mới không có kinh nghiệm cứ vác búa đập mãi mà không xong một phiến đá.

        Tôi nghĩ ra cách kê phiến đá thật chắc rồi dang tay bổ mạnh một phát, phiến đá toác ra làm mấy mảnh. Đập đá rồi thì làm sao đo được khối lượng mỗi người đập được bao nhiêu mà báo cáo cấp trên đây? Đại đội trưởng biết tôi đã học hết lớp năm nên cho tôi theo phụ giúp anh kỹ sư tính toán. Thế là mỗi ngày làm việc xong tôi lại phải nán lại đo đo đạc đạc bằng cách vận dụng thể tích hình nón để tính xem anh lính này đập được bao nhiêu đá, anh kia đập được bao nhiêu.

        Vì có một mình nên có khi mọi người được về nhà ăn cơm hết rồi mà tôi vẫn lọ mọ ở ngoài bãi đá. Lắm hôm đói lả cả người. Gì chứ bị đói là tôi không chịu nổi.

        Tôi làm một mình mấy hôm rồi tìm cách rủ thằng Kẽm lính mới ở lại làm cùng, nhưng nó làm được vài hôm nó bảo chán, nó chuồn luôn.

        Hôm sau tôi lại bảo anh chàng giáo Bính đi theo. Anh chàng này hồi chưa đi bộ đội làm thầy giáo làng. Dù sao cũng thuần và chăm chỉ hơn. Tôi vì vậy mà cũng đỡ vất vả.

        Hàng ngày chúng tôi cứ làm việc như vậy, chẳng mấy chốc Công trình Quốc phòng cũng gần hoàn thành. Tôi còn được đề nghị tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba vì đã có thành tích và sáng tạo giúp cho Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cuôl cùng, tôi chỉ được Quân khu cấp Bằng khen.

        Hôm nay, đơn vị tôi đã chuyển ra Quán Chẹt làm nốt đường hầm. Đang hì hục đập những phiến đá thành những viên đá nhỏ thì ở đâu có đoàn Quân y đến. Họ đi xe ô tô, mang theo cả một số máy móc gì đó. Đám lính chúng tôi tò mò, dừng tay búa nhớn nhác cả lên.

        - Chúng mày ơi, họ về làm gì ấy nhỉ? - Một người hỏi.

        - Chẳng biết nữa, nghe đâu họ về tuyển "Lính Không quân" - Một giọng khác nghe chừng có vẻ biết nhiều chuyện lên tiếng.

        - Ôi! "Lính Không quân" là thế nào?

        - Làm sao mà biết được, phải hỏi người ta chứ.

        Chúng tôi chỉ biết được chừng đó, thậm chí không biết lính không quân là gì. Câu chuyện cứ thế bàn tán mãi không dứt cho đến khi Đại đội trưởng Thanh tới nói:

        - Các cậu! Đoàn Bác sĩ của Không quân đến khám tuyển người cho Không quân. Chỉ chọn những cậu có sức khỏe tốt. Sau đây là danh sách 18 người. Các cậu nghe tôi đọc tên, ai có tên thì chuẩn bị rửa ráy đi, rồi sang phòng Y tế khám sức khỏe.

        Tất cả chúng tôi dường như chỉ chờ đợi mỗi câu nói này của Đại đội trưởng, ngay lập tức thu dọn búa, đá gọn gàng. Chúng tôi xếp hàng dài đợi đến lượt khám.

        Có mấy đứa ở Tiểu đội một khám xong, bọn tôi túm lấy hỏi:

        - Khám gì thế mày?

        - Khám hết, mắt mũi tai, toàn thân.

        - Nhưng mà người ta có nói khám làm gì không?

        - Người ta bảo là khám tuyển người đi “Líng hàng”. Tiếng Trung Quốc “líng hàng” sang tiếng mình có nghĩa là dẫn đường ấy mà - Họ giải thích.

        - Ừ, có thế chứ, dù sao tôi cũng biết là mình đang khám làm gì rồi. Chẳng biết có trúng không.

        Đến lượt tôi cứ vào. Ông bác sĩ bắt tôi há miệng, vạch mắt, xem tai đủ cả, rồi ông ta ghi gì đó vào một tờ giây gọi là phiếu kiểm tra sức khỏe. Tôi liếc thấy hầu hết là A, chỉ có vài dòng là В thôi. Khám xong tôi lại cùng mấy đứa trong tiểu đội về chỗ làm việc tiếp, cả ngày hôm ấy, đoàn Quân y khám hết cho cả Trung đoàn mãi tận chiều tối mới nghỉ...

        Một tuần sau khi khám sức khỏe, tôi vẫn cùng anh em đào núi làm công trình Quốc phòng ở Quán Chẹt, đường đi vào Nghệ An.

        Tôi gần như đã quên bẵng việc đi khám tuyển hôm trước, thì bỗng nhiên anh Thanh xuống Tiểu đội bảo tôi:

        - Cậu trúng tuyển rồi. Cả Trung đoàn mình có cậu và ba người nữa trúng tuyển là Hạ sĩ Lê Hồng Thịnh, Đại úy Nguyễn Văn Phúc và Thiếu úy Nguyễn Quốc Thông. Các cậu chuẩn bị ngay ngày mai sẽ lên đường đi Trường văn hóa Lạng Sơn học tập.

        Nghe anh nói, tôi hơi bất ngờ một chút, vì tôi không nghĩ mình lại trúng tuyển. Bây giờ biết mình được đi học, tôi vui quá tí nữa thì nhảy lên ôm lấy anh Thanh.

        Tôi nhìn quanh anh em đơn vị một lượt thầm nghĩ “thế là lại phải xa chúng mày rồi”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:37:25 pm »


*

        Bốn anh em chúng tôi phải mất trọn ba ngày trời mới lên đến Trường Văn hóa Lạng Sơn. Ngôi trường nằm ở trung tâm Thị xã Lạng Sơn .

        Thực ra đơn vị này lúc đầu ở Kiến An - Hải Phòng chuyên giảng dạy bổ túc văn hóa cho những chiến sĩ hoặc sĩ quan được lựa chọn để đi học chuyên ngành hay nước ngoài, nhưng do cần bàn giao cho Quân khu 3 nên trường mới chuyển lên đây được ít lâu.

        Chúng tôi vừa học vừa phải khắc phục sửa chữa lại trường học của bọn Pháp để lại.

        Lên đây, tôi được ghép ở cùng phòng với Mai Đức Toại (sau này là, Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân) học tiếp lớp 6 cùng với một số anh em khác ở các đơn vị tuyển về.

        Còn Lê Hồng Thịnh cùng với Nguyễn Văn Phúc (sau này chúng tôi gọi thân mật là "Phúc Dù") thì được ở lại học đến hết lớp mười.

        Gọi là học tiếp văn hóa, nhưng chúng tôi chủ yếu là học ba môn toán, hóa, lý để phục vụ cho chuyên ngành học sau này, còn những môn văn sử địa, các thầy bảo cho qua hết.

        Thời gian ở Trường Văn hóa, phải nói là cực kỳ khó khăn, cơm không đủ ăn, chúng tôi phải trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày thêm cho đỡ đói.

        Đêm ở Lạng Sơn lạnh thấu xương nhưng mỗi tiểu đội vẫn phải cắt cử người để lấy phân bón rau. Tiểu đội nào cũng muốn có phân tưới rau cho tiểu đội mình nên không nhanh chân là hết.

        Một hôm, chúng tôi ai nấy hí hửng ngồi sẵn trước bàn trong nhà ăn của Nhà trường, nhìn chằm chằm vào đĩa rau cải bắp trắng nõn mà nuốt nưóc bọt vì quá hấp dẫn. Bàn ăn của tôi, được một đĩa có vẻ to hơn cả. Tôi sung sướng gắp một miếng cho vào miệng. Nhưng đưa miếng rau lên miệng, thấy có mùi gì thum thủm chẳng giông mùi thơm của bắp cải tí nào. Tôi vội vàng chạy ra ngoài nhổ phì phì rồi quay vào lẩm bẩm:

        - Các ông có ai ăn rau thấy mùi gì lạ không?

        - Làm gì có mùi gì? - Cả phòng ăn nhao nhao lên, rồi dí sát mũi vào đĩa rau cải - Ôi, đúng thật các ông ạ, mùi gì kinh quá.

        Bây giờ thì anh nào cũng gắp rau đưa lên mũi ngửi. Thằng Kháng bói tung đĩa rau lên, thì... 01 chao ôi! Một hòn phân lẫn trong đĩa rau lăn ra bàn. Cả bọn chúng tôi bỏ chạy ra ngoài nhà ăn, ôm bụng cười lăn lộn trêu nhau:

        - Cái ấy đúng là của thằng P. rồi, mày có ăn rau đâu mà chẳng bị táo bón! Có bị táo bón thì nó mới tròn như viên bi chứ.

        - Mày nói thế mà được à, của mày thì có...

        Sau bữa ăn ấy, thằng Giang người Huế lấy gạch viết lên bức tường dòng chữ: “Ở đây khổ hơn tù...”.

        Khố thân nó, vì mấy dòng chữ đó mà mấy hôm sau nó bị nhà trường khai trừ khỏi Đảng, đuổi học về quê tít tận Huế.

        Nhưng quả thật cuộc sống trên Trường Văn hóa khổ và đói quá.

        Ngoài nhiệm vụ học tập và duy trì phong trào văn hóa văn nghệ ra, những lúc rảnh rỗi chúng tôi vắt óc nghĩ cách cải thiện cho bữa ăn.

        Mỗi một Chủ nhật vừa để gây quỹ cho Chi đoàn, cũng vừa là một cách kiếm tiền, tôi dành dụm được mấy đồng mua đỗ đen và đường phên nấu một nồi chè bán cho học viên. Mỗi bát chè đỗ đen nấu đường phên bán được mấy xu, thế mà cuối tháng cũng để dành được vài đồng lãi.

        Đó cũng là một cách giải trí duy nhất ở Trường Văn hóa này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 09:58:32 pm »

       
ĐƯỢC ĐI HỌC LÁI MÁY BAY MIG

        Cuối năm ấy, chúng tôi được gọi về Kiến An để học lý luận, phần học cuối cùng để chuẩn bị sang Trung Quốc học “líng hàng".

        Nhóm bạn chơi thân gồm tôi và Mai Đức Toại đã kịp học hết lớp Bảy, Ngô Đức Mai mới chỉ hết lớp Năm lại lục tục kéo về Kiến An.

        Khi ấy tất cả anh em ở Kiến An đã tập trung đông đủ theo sự phân công, sau này mỗi người sẽ theo học một ngành tùy theo lực học và tình trạng sức khỏe. Họ đã học tiếng Trung Quốc hầu như đã thành thạo lắm rồi, chỉ có tôi chẳng hiểu sao lại phải học muộn. Chỉ có một tháng rưỡi học tiếng, làm sao có thể học được đây? Tôi đâm lo ngay ngáy.

        Chỉ còn có vài ngày nữa là toàn bộ số học viên sẽ lên đường sang Trung Quốc. Danh sách đã công bố tất cả có 60 người được đi học lái máy bay.

        Tôi không có tên trong danh sách 60 người đi học lái máy bay, thì đùng một cái, hai người có trong danh sách học lái máy bay từ chổi không đi.

        Cả đoàn đều bất ngờ với quyết định của hai người đó, Lãnh đạo bỗng trở nên lúng túng, không biết tìm ai thay thế, vì để lỡ cơ hội học tập bồi dưỡng thế này thật uổng.

        Đến ngày thứ ba sau sự cô ấy thì tôi được Đoàn trưởng Trần Mạnh gọi lên phòng thầy Hiệu trưởng. Tôi vừa bước vào phòng thì đã thấy Triệu Bội Ngọc, một thằng bạn người Tày đã ngồi ở đó. Chúng tôi nhìn nhau và cố đoán xem vẻ mặt của Đoàn trưởng nói lên điều gì?

        Đoàn trưởng Trần Mạnh dường như cố ý để chúng tôi phải đoán già đoán non một hồi, mới chậm rãi lên tiếng:

        - Chắc các em đã sẵn sàng cho chuyến đi?

        - Vâng ạ! - Chúng tôi đồng thanh đáp.

        - Các em biết đấy, việc lựa chọn các em đi học là một sự ưu ái. Bởi rất nhiều người muốn đi học như các em mà không đủ khả năng hoặc sức khỏe mà đi. Chắc các em cũng đã biết việc hai em có tên trong danh sách học bay từ chổi đi học nước ngoài? Tôi muốn hai em sẽ thay thế những học sinh đó. Tôi hi vọng các em sẽ không phụ lòng tin của tôi, sau này sẽ công hiến cho đất nước những gì mà các em sẽ học được ở nước bạn. Kể từ ngày hôm nay, các em chính thức có tên trong danh sách học bay. Các em có thể về quê báo cho gia đình biết rồi trở lại trường ngay. Chỉ có năm ngày cho các em chuẩn bị.

        Đồng chí Đoàn trưởng Trần Mạnh nói liền một mạch khiến cho chúng tôi không kịp phản ứng gì. Chúng tôi chỉ biết vâng dạ rồi xin phép ra về.

        Ra khổi phòng, Triệu Bội Ngọc nói giọng tiếc rẻ:

        - Có lẽ tôi không về nhà được, nhà tôi xa thế chỉ có mấy ngày tôi làm sao kịp trở lại trường?

        - Ừ, cũng phải - Tôi gật gù - Nhà cậu ở tận Cao Bằng, đi lên đó cũng mất cả tuần. Nhưng tôi ở Thanh Hóa, nêu tranh thủ thì cũng kịp.

        - Thế thì chịu khó đi, cố mà về gặp u, biết đâu u cậu đã nhắm cho cô nào ở quê rồi, về là cưới luôn chứ lị - Triệu Bội Ngọc trêu tôi.

        Tôi không suy nghĩ gì thêm, về phòng thu xếp về Thanh Hóa luôn. Phải đi ngay nếu không sẽ không kịp chuyến tàu...

*

        Cũng may, tôi vừa đến ga thì tàu cũng chuẩn bị lăn bánh. Tôi háo hức về thăm mẹ đến nỗi quên mất mây lần phải xuống ga, tăng bo mấy lần mới về tới cầu Hàm Rồng thì khoảng mười một giờ đêm.

        Nhìn quanh quẩn chẳng còn phương tiện gì khác ngoài xe đạp hoặc xích lô. “Bằng giá nào hôm nay cũng phải có mặt ở nhà, chứ không thể chạy bộ từ Hàm Rồng về đến Đông Anh được” - tôi nghĩ thế và vời ngay một bác xích lô nhảy tót lên, tiền bao nhiêu không quan trọng.

        Bác xích lô tha hồ gò người mà đạp hết sức. Hai bác cháu vừa đi vừa nói chuyện trên trời dưới bể, mệt thì nghỉ một lát uổng nước rồi lại đi tiếp.

        Cho đến một giờ sáng, tôi đang gà gật ngủ trên xích lô thì bác xế gọi tôi dậy:

        - Này cậu ơi, về đến làng cậu rồi đấy.

        - Thế hả, bác đi nhanh quá nhỉ? - Tôi choàng tỉnh ngay như sáo - Thôi, bác để cháu xuống đây, cháu cảm ơn bác, bác cầm tạm vài đồng uống nước.

        Tôi móc trong túi quần 20 chục đồng, giúi vào tay bác rồi chạy về nhà.

        Mặc kệ đêm tối và như chưa hề xa nhà bao giờ, tôi lần đúng nhà mình gọi cửa. Tranh thủ lúc chờ mẹ tôi lên tiếng, tôi liếc nhìn xung quanh, cảnh vật vãn y nguyên như hồi tôi mới đi bộ đội, chẳng khác là mấy.

        - Mẹ ơi! Mở cửa cho con - Tôi sốt ruột.

        - Ai? Ai đấy? - Tiếng mẹ tôi vọng ra, chắc mẹ đang thắp đèn vì tôi thấy ánh đèn sáng lọt qua khe cửa.

        - Con là Chao đây.

        - Ôi, thằng Chao, thằng Chao về. Sao mi viền giữa đêm tối thế hả con? - Mẹ tôi mừng rỡ.

        Tôi chẳng đợi được nữa, mẹ vừa mới hé cửa là tôi ôm chầm lấy mẹ.

        - Con về thăm mẹ rồi lại đi luôn, chắc lần này con sẽ đi lâu mẹ ạ.

        - Thê đi đâu? Mày định không lấy vợ cho mẹ có cháu bế à?

        - Ôi, mẹ lo gì chứ? Khi nào con đi học về, mẹ lại mỏi tay mà bế cháu - Tôi cười rồi lảng sang chuyện khác - Thê anh chị Phao thế nào rồi mẹ? Còn cái Diệp nữa, nó được mấy đứa rồi?

        - Mày nói mẹ nghe đi, cấp trên cho mày đi học gì? Mẹ tò mò lắm rồi.

        - À, con đi học đường sắt bên Trung Quốc - Chả hiểu sao lúc ấy tôi nói dốì dẻo như kẹo kéo - Con đi mấy năm rồi sẽ về.

        Tôi chỉ ở nhà với mẹ đúng một hôm, rồi vội vàng phải bắt xe đi về trường ở Kiến An.
        Vậy là cuối cùng thì kể cả mẹ cũng chẳng biết chính xác là tôi sẽ đi học gì bên Trung Quốc. Chính vì điều đó mà sau này khi tin tôi được phong Anh hùng về xã Đông Anh, ai cũng ngạc nhiên bảo: “Lạ nhỉ, sao thằng Chao nó học đường sắt mà lại được phong Anh hùng lái máy bay !"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 10:00:22 pm »


KHI NHỮNG ANH NÔNG DÂN ĐƯỢC NGỒI LẺN BUỒNG LÁI MÁY BAY PHẢN LỰC

        Đó là năm 1958 chúng tôi gồm sáu mươi mốt người được lựa chọn, dẫn đầu là Đoàn trưởng Trần Mạnh lên đường sang Trung Quốc qua lối Bằng Tường bằng tàu hỏa. Không phải đi chui như đoàn trước, lần này có vẻ đàng hoàng hơn, vì mỗi người dược trang bị một chiếc va ly da và bộ đồ công nhân màu xanh.

        Đến Bằng Tường, chúng tôi được chuyển sang tàu khác của Trung Quốc đến thẳng Trường số Ba ở tỉnh Liễu Ninh, nằm ngoài thành phố Cẩm Châu, Trường này chuyên đào tạo phi công cho các nước An-ba-ni, Triều Tiên, Việt Nam...

        Lúc mới sang, đại đa số những anh đã được học tiếng ở Cát Bi hầu như không có vấn đề gì, nhưng những người như tôi và một số anh em thì đúng là chật vật với thứ ngôn ngữ Tàu. Bởi vì tôi được lựa chọn muộn nhất nên ở Cát Bi phải tranh thủ học lý luận, có được học tiếng tí nào đâu, ngoại trừ những giờ rảnh rỗi học lỏm qua mấy anh.

        Mỗi cuối tuần học viên được tung tẩy ra ngoài phố, chúng tôi liều lĩnh nhảy tàu lên tận Bắc Kinh dù tiếng Trung Quốc mới học được mấy chục ngày.

        Người ta bảo, ngày đó cứ thấy mấy anh chàng mặc bộ đồ học viên bay, đi nghênh ngang trên đường phố thì đích thị là bộ đội Việt Nam. Trần Đình Lộc là anh chàng chẳng biết tí tiếng nào, nhưng lại hay đi la cà nhất, có lần bị Công an Trung Quốc bắt vào đồn. Sau họ biết là học sinh Trường Không quân, người Việt Nam, mới thả ra.

        Vào dịp Tết nguyên đán, chúng tôi kéo xuống nhà giáo viên chúc Tết, nhìn thấy người phụ nữ đang ẵm đứa trẻ chừng ba tháng, chúng tôi cứ nhao nhao lên chỉ vào đứa bé hỏi: Đây có phải con tôi không? (cấu trúc ngữ pháp tiếng Trung Quốc ngược hẳn với Việt Nam, lẽ ra phải hỏi Đây có phải con của thầy không?) làm cho vợ chồng thầy giáo cười rơi nước mắt. Có lần anh Trần Mạnh xuống tận phòng bảo chúng tôi:

        - Nhà trường gửi xuống thông báo cho học viên cùng với học viên Trung Quốc đi bắt rận cho cừu, tham gia sản xuất cùng bà con, các cậu chuẩn bị đi nhé!

        - Sao lại đi bắt rận cho cừu? - Chúng tôi ngạc nhiên bắt bẻ - Bọn em không đi đâu. Vối lại làm gì có cừu mà bắt rận?

        - Anh Trình ơi, anh xem lại đi chứ, em nghe thấy người ta đọc có từ “bải chai” có nghĩa là “cải trắng". “Đi thu hoạch cải trắng” mà chẳng hiểu sao anh lại dịch là “Đi bắt rận cho cừu”? - Tôi nhanh nhảu thêm vào.

        Đúng là chuyện dở khóc dở cười. Cho đến thời gian gần thi, tôi quyết định không cần nhờ phiên dịch nữa mà tự mình làm bài thi bằng tiếng Trung Quốc, vì có nhờ họ thì họ cũng không diễn đạt hết ý của mình, hoặc thậm chí dịch sai đi.

*

        Khác xa với sự tưởng tượng của tôi khi còn ở sân bay Cát Bi - Hải Phòng, việc học bay hóa ra không đến nỗi quá phức tạp.

        Điều quan trọng là phải nắm chắc lý thuyết để có thể vận dụng hiệu quả nhất. Việc này, với những người trình độ văn hóa lớp mười có lẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những người trình độ lớp bảy như tôi, hay lớp bốn như Nguyễn Văn Bảy.

        Cũng vì sự hạn chế về kiến thức văn hóa mà Nguyễn Văn Bảy không thể “tiêu hóa” nổi định luật Bec-nu-li, khiến cho trong một trận chiến đấu sau này, máy bay của Bảy bị Mỹ bắn trọng thương một lỗ to bằng bàn tay trên thân máy bay chỗ gần buồng lái, Bảy đã suýt mất mạng vì lấy tay bịt lỗ thủng và ngay lập tức bị gió kéo tuột ra ngoài. Sau trận tí chết ấy, Nguyễn Văn Bảy mới vỡ lẽ thế nào là định luật Bec-nu-li.

        Còn tôi mới vỡ lẽ ra: Nông dân ngồi buồng lái máy bay phản lực quả là một điều phi thường!

        Đó là chưa kể đến việc có chịu nổi thử thách đối với tiền đình hay không? Trong tất cả các môn thể thao của Không quân, tôi cũng như hầu hết các anh em đều vượt qua khá suôn sẻ kể cả tập vòng xoay 360 độ (môn thể thao này, mình phải đứng giữa vòng tròn, rồi đút hai chân và nắm hai tay chặt vào vòng ở tư thế hai chân là chữ A, hai cánh tay giơ lên hình chữ V, rồi cho vòng xoay thật mạnh 360 độ, lấy người là trọng tâm xoay người theo vòng tròn).

        Chỉ trừ có hai anh chàng Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Văn Bảy người miền Nam tập kết ra Bắc là hơi vất vả. Nhơn thì đỡ hơn, chứ Bảy thì luôn luôn có một cái ruột quả bóng đá, cắt cái miệng cho rộng ra và treo lủng lẳng bên mình. Cái ruột quả bóng này có một tác dụng duy nhất là khi nào lên máy bay Bảy có thể nôn thả phanh vào đó. Với Bảy, mỗi một lần lên khoang máy bay đều như bắt đầu một cuộc chiến, suốt gần bảy năm trời học lái cho đến mãi khi gần về nước tình trạng nôn của Bảy mới đỡ và tới khi trực tiếp chiến đấu thì mới dứt hẳn.

        Thực sự cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi làm sao mà Nguyễn Văn Bảy lại có sức bền bỉ theo đuổi nghề bay và càng không thể hiểu được tại sao thời kỳ đó Việt Nam lại có được nhiều những người con ưu tú như vậy. (Sau này Nguyễn Văn Bảy đã là phi công nối tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, với 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ).

        Có một lần cả trường tôi xôn xao bàn tán về việc Võ Văn Mẫn quê Bến Tre bị cấp trên phê bình là: “Tư tưởng chán sống khi ở xa Tố quốc - làm nao núng tinh thần của đồng đội".

        Vào thời điểm ấy, khi nghe những câu tương tự chúng tôi thường sởn gai ốc vì rất có thể người bị kết tội như thế sẽ phải trở về nước hoặc bị kỷ luật nặng.

        Võ Văn Mẫn thì tôi biết, cậu ta rất hiền, đẹp trai, to con và học lái không đến nỗi nào. Không lẽ nào cậu ta lại hớ hênh khiến cho cấp trên phải để ý.

        Việc của Mẫn tuy thế cũng chưa khó bằng việc chúng tôi phải từ chối bắn người hình nộm. Thời điểm ấy mới quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rạn nứt và trở nên cực kỳ căng thẳng. Trường Không quân số Ba của Trung Quốc, đương nhiên có rất nhiều người Trung Quốc ngoài những học sinh các nước ra.

        Những buổi ngoại khóa chơi thể thao, người Việt thích chơi các môn bóng đá, bóng rổ hay bóng bàn, nhưng người Trung Quốc chỉ khoái có mỗi môn bắn cung vào hình nộm. Mà hình nộm đó là ai? Người ta đã làm hình nộm bằng rơm và vẽ mặt giống y hệt Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khơ-rúp- xổp. Người Trung Quốc lúc này rất hận Liên Xô, nên mỗi lần tổ chức bắn cung đều yêu cầu phi công Việt Nam bắn cùng.

        Tôi tuy ít học nhưng cũng lờ mờ hiểu được ý nghĩa vấn đề này và từ chối thẳng thừng. Cái cảm giác đau đớn sau mỗi lần người Trung Quốc bắn trúng hình nộm, rồi cười ha hả, cứ dai dẳng theo tôi mãi cho tới tận lúc về nước.

        Tất cả những chuyện đó với tôi chỉ là chuyện nhỏ so với chuyến bay cảm giác đầu tiên. Thật khó để tả lại giây phút đó tôi đã hoảng sợ như thế nào khi máy bay ép độ nghiêng, trong phút chốc người như đổ nghiêng xuống mặt đất. Nguyên tắc khi bay cảm giác lần đầu bao giờ học viên cũng ngồi trước để giáo viên hướng dẫn ngồi đằng sau, nhưng thầy giáo Lục Gia Thành hô luôn: “Chao, mày lượn vòng tròn tao xem”.

        Bất ngờ vì lời nói của thầy vài giây, nhưng tôi cũng mạnh dạn ép cần kéo lượn luôn một vòng với tốc độ không đổi 450 ki-lô-mét/ giờ. Xong lần lượn vòng phải tôi làm luôn một vòng lượn trái, hoàn thành bài tập phức tạp một cách trôi chảy.

        Dù sao tôi cũng tự hào là người đầu tiên trong đoàn học lái năm ấy được giáo viên Trung Quốc và Đoàn trưởng Trần Mạnh tin tưởng chỉ định bay cảm giác. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 10:01:24 pm »

     
TÌNH YÊU CỦA TÔI

        Tôi sắp xếp hành lý để chuẩn bị về nước. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được về thăm quê hương kể từ ngày sang đây học và là một kỳ nghỉ dài hơi cho đến khi nào có thông báo thì mới sang học tiếp.

        Kế’ ra được về cũng tốt, vì chúng tôi đã xa Việt Nam hơn một năm rồi còn gì. Nếu không vì Liên Xô cắt viện trợ (đợt cắt viện trợ này là đỉnh điểm đánh dấu sự rạn nứt mỗi quan hệ giữa Xô - Trung), thì lẽ ra chúng tôi cũng chưa được về đâu. Sự kiện này nhiều người cho là may, nhưng số còn lại thì đâm ra lo lắng vì không biết đến bao giờ mới học lại.

        Chúng tôi về tập trung ở sân bay Cát Bi, vừa là để tập trung không bị phân tán học viên, vừa là có điều kiện luyện tập kẻo quên mất kỹ năng thực hành, bởi vì ở Cát Bi loại máy bay YAK-18 lúc nào cũng có sẵn.

        Lại những ngày tập văn nghệ, trồng rau đến phát nhàm chán. Anh Chính, người cùng đơn vị bảo tôi:

        - Tao có cô em họ xinh lắm, ở ngay gần nhà mày, xã Đông Tiến ấy. Lúc nào về quê, tao giói thiệu cho.

        - Cô ấy xinh thế thì đâu đến lượt em? - Tôi bắt đầu hào hứng, nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ.

        - Đúng là con bé có vấn đề thật. Chứ không thì giờ đã về nhà người ta rồi chú mày ạ - Anh Chính nói tưng tửng.

        - Vấn đề gì?- Tôi tò mò.

        - Vấn đề là vì con bé xinh nên rất nhiều người hỏi. Cũng dăm bảy đám rồi, mà nó không ưng, lại ưng thầy dạy học mới chết chứ. Mà chú mày nghĩ xem, các cụ ai cho phép thầy giáo yêu đương học trò mà đòi lấy? Lúc con bé Thêu học lớp bốn thì chưa có gì, đến lúc nó học lớp năm, thầy giáo dạy lớp năm để ý nó chú mày ạ. Thế là chú mày biết chuyện gì xảy ra không? Chú của nó biết được làm ầm lên ở trường, làm cho tay thầy giáo kia phải bỏ dạy đấy. Tất nhiên là từ dạo đó con bé và thầy giáo cấm có được gặp nhau. Hiểu chưa chú mày?

        - Hì, em hiểu, nhưng mà các cụ cũng lạ thật. Thầy trò yêu nhau thì sao mà ngăn với cản.

        Tôi nói vậy, chứ trong bụng đã mừng thầm rồi.

        - Thì xưa nay vẫn thế, các cụ vẫn nói rằng kỵ nhất là thầy yêu trò mà.

        - Anh này, hôm nào về quê nhé. Anh nhớ giới thiệu cho em.

        - Được rồi. Chú cứ sắp xếp đi.

        Rồi tôi và anh Chính cùng về quê. Đến đầu làng, tôi bảo anh Chính cứ sắp xếp sao cho khéo, tôi về nhà rồi sẽ sang ngay.

        Ba giờ chiều, tôi xúng xính trong áo trắng tinh “sơ-vin” trong chiếc quần màu xanh Không quân, mò sang nhà anh Chính, ở bên này, anh Chính đã ngồi chờ sẵn, tôi liếc hỏi nhỏ:

        - Cô ấy đâu?

        - Chú mày cứ ngồi xuống đã. Vợ anh nó đi gọi rồi. Chú cứ yên trí.

        Nghe anh, tôi ngồi xuống nhưng mắt tôi chốc chốc lại ngoái ra ngoài cổng nhà anh. Hàng rào râm bụt rung rinh. Đây rồi, đây rồi. Tim tôi bỗng dưng đập liên hồi. Vợ anh Chính đi trước, còn “cô bé" đi sau. Đúng là đẹp thật. Tôi сố ngồi cho ngay ngắn, chờ hai người phụ nữ vào tận trong nhà mới lên tiếng chào. Chả hiểu sao, lúc ấy tôi bỗng trở nên “người lớn’ thế.

        Khi mọi người đã yên vị, anh Chính trịnh trọng giới thiệu từng người, anh còn nhấn mạnh:

        - Chú Chao đây, rất hiền lành lại giỏi giang. Sau này có thể trở thành phi công giỏi đấy cô Thêu ạ.

        Nghe anh Chính nói vậy, tôi ngượng đó cả mặt, nhưng cũng kịp nhìn thấy Thêu liếc nhìn tôi.

        Tôi bỗng nói liền một mạch với Thêu, không thèm để ý đây là lần đầu tiên gặp mặt:

        - Được anh Chính giới thiệu và biết chị hôm nay. Tôi xin đặt vấn đề tìm hiểu chị.

        - Ơ - Thêu bị bất ngờ nên buột miệng thốt lên - Em em vẫn còn đang đi học mà.

        - Tôi sẽ chờ em học xong - Tôi quả quyết - Chỉ mong em từ nay chấp nhận tôi.

        Thấy tôi nói vậy, Thêu lúng túng, mặt đó bừng lên nom lại càng xinh xắn. Cô thẹn thùng xin phép vợ chồng anh Chính ra về. Để lại tôi ngồi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.

        Trước khi tôi phải trở lại Trung Quốc học tiếp, mẹ tôi lại sắp bánh kẹo, trầu cau đi hỏi vợ cho tôi.

        Nhưng lần này không phải như những lần còn ở nhà với mẹ, tôi hào hứng sắp xếp phụ mẹ thứ nọ thứ kia, nào là đi gửi đường, đậu xanh cho người quen làm bánh kẹo; nào là nhờ người chọn loại trầu cau nào đẹp, ngon nhất để mua. Tôi muốn làm đám hỏi với Thêu phải hoành tráng nhất. Mà có lẽ thế thật, cả làng tôi lúc ấy chẳng gia đình nào làm đám hỏi to như thế bao giờ.

        Lễ ăn hỏi, tôi trịnh trọng trong bộ quần áo Không quân, còn em thật đẹp trong bộ áo bà ba mới may. Chúng tôi nhìn nhau mà chẳng dám nói gì, vì sợ mọi người bắt gặp. Mãi cho đến lúc làm lễ xong, mọi người đã về hết thì tôi mới nán lại, lén cầm tay em. Thêu rút trong túi áo bà ba một chiếc khăn tay trắng tinh thêu hai chữ lồng “C&T" dúi vào tay tôi nói:

        - Tặng anh đấy!

        Chẳng có gì có thể tả nổi niềm hạnh phúc của tôi lúc đó. Tôi chỉ ước sao được ôm em thật chặt để nói cảm ơn em.

        Tạm biệt em, kể từ đó tôi luôn giữ kỷ vật mà em trao tặng tôi bên mình. Suốt sáu năm đằng đẵng tôi đi học, em đã chờ đợi tôi, chúng tôi đã gửi cho nhau những lá thứ thật dài gửi gắm bao nhiêu yêu thương trong đó.

        Có những lần nhớ em quá, tôi đã viết lá thư dài cả mét bằng giấy pơ-luya về Việt Nam cho em. Lá thư ấy chúng tôi còn giữ mãi đến lúc có đứa con gái đầu lòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 10:03:47 pm »


MỘT ĐƠN VỊ KHÔNG QUÂN ANH HÙNG ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ

        Thế là sau gần bảy năm học bay ở Trường Không quân Số 3 của Trung Quốc, chúng tôi đã được trang bị đủ kiến thức và kỹ thuật cần thiết, để có thể trở về nước chiến đấu.

        Hồi đó, người ta nói trong nước cả dân tộc Việt Nam đang bừng khí thế chống Mỹ. Già trẻ lớn bé, tất thảy đều tham gia sau trận Mỹ ném bom miền Bắc. Còn chúng tôi? Ai cũng nôn nóng được quay về đất mẹ.

        Khi mới sang Trung Quốc, đoàn chúng tôi có tất cả 61 người. Thế mà sau bảy năm trở về, điểm lại quân số chỉ còn 23 người ít ỏi. Bởi vì sau lần khám lại đợt I, Nhà trường đã loại 16 người. Khi bay sơ cấp, loại thêm 20 người. Khi bay MiG-15 lại loại thêm lần nữa. Trong số 23 người ấy thì đã có hai người ở lại làm giáo viên, hai người là lãnh đạo, còn một người xin thôi bay trước khi về nước.

        Chúng tôi nhanh chóng đến sân bay Mông Tự để chuẩn bị cho chuyến chuyển trường.

        Một buổi chiều một ngày đáng nhớ năm 1964.

        Cả Đại đội gồm đầy đủ các thánh phần từ lãnh đạo đoàn cho tới Bác sĩ quân y, và tất nhiên là có cả các phi công ưu tú. Đoàn trưởng Trần Mạnh, Bác sĩ Lê Như Bổng... cùng ngồi trên chiếc máy bay AH-2 mà chúng tôi hay gọi đùa là máy bay Bà già hai tầng, cánh vuông bay vè vè với tốc độ chỉ 300 ki-lô-mét/ giờ.

        Còn chúng tôi gồm các phi công: Toại, Lai, Bảy, Hoàng, Huyền, Síu, Chao, Đe, Chung, Huyên, Đức, Xuân, Lộc... mỗi người “cưỡi” một chiếc MiG-17 về nước.

        Khoảng không gian từ Mông Tự về Việt Nam trời khá nhiều mây. Kể ra điều đó cũng làm chúng tôi hơi lo ngại, vì một số bài bay như khí tượng phức tạp, bay đêm, bay biển chúng tôi chưa được học và nhất là chưa được luyện tập nhảy dù trong chiến đấu nhiều.

        Trong lòng tôi dâng lên rất nhiều cảm xúc, vừa lo lắng vì lần đầu tiên chính thức điều khiển máy bay trên đường bay lạ, vừa hồi hộp vì sắp được hạ cánh trên quê hương...

        Khi qua biên giới Việt - Trung, đoàn trưởng Mạnh hét to trong máy bay:

        - Bổng ơi, qua biên giới rồi nhé, ông có nhìn thấy sông Hồng và quốc lộ Lào Cai - Hà Nội không?

        Bổng ghé nhìn xuống phía dưới sông và đường chạy song song với nhau xúc động nói gần như khóc:

        - Thấy rồi!

        Còn Nguyễn Khắc Lộc vẫn cái khiếu văn thơ trời cho bỗng nhiên xuất khẩu thành thơ, khi vừa hạ cánh:

“ Bay trên sông Đuống, sông Hồng
Ngỡ Hương Giang, ngỡ Cửu Long sóng trào
Nghiêng đôi cánh bạc trên cao
Nghe miền Nam gọi xôn xao mây trời"

        Khi chiếc máy bay cuối cùng do Nguyễn Khắc Lộc điều khiển là một chiếc máy bay hai buồng lái (cho một bao cát thay người) hạ cánh an toàn vào sân đỗ, thì niềm vui mới thực sự vỡ òa.

        Mọi người cảm động rơi nước mắt. Những cái bắt tay chúc mừng một ngày chuyên trường lịch sử thành công hơn mong đợi - Một cuộc chuyển trường có lẽ chẳng thể nào quên được trong mỗi chúng tôi.

        Tuy xuất thân từ Đoàn Không quân số Hai, nhưng chúng tôi (sau này là Đoàn Không quân Yên Thế) kể từ khi về nước phải nói là vô cùng vất vả.

        Phi công về đơn vị phải sống ở nơi sơ tán là cái xóm Thông Nhất ven sông Hồng. Nhà ở là những cái lán làm bằng vách tre dựng tạm cạnh dãy chuối cả ngày gió thối lá rách tả tơi, lật phà lật phật.

        Nhưng như thế có hề gì? Vì khí thế của cả đơn vị lúc này đang hừng hực, liên tục bắn rơi máy bay Mỹ, khiến cho anh em phi công phấn chấn lên rất nhiều, chẳng ai để ý tới khó khăn vất vả.

*

        Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế ra đời sau Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ một thời gian rất ngắn.

        Đó là khoảng thời gian đầu tháng Tư, Đại đội 2 do Mai Đức Toại chỉ huy sau chiến thắng trận đầu ngày 3 tháng 4 năm 1965 đã hòa vào đội ngũ chiến đấu của Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ.

        Trong thời gian đó, Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế hình thành bởi một số’ Phi công, cơ quan Tham mưu, Chính trị, Kỹ thuật, Thợ máy được san sẻ từ Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ cùng với toàn bộ phi công của Đại đội Mai Đức Toại.

        Được giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ Đoàn Không quân Yên Thế đó là người mà chúng tôi đã thân quen từ rất lâu (từ ngày bắt đầu sang Trung Quốc học bay) - người đó không ai khác là Nguyễn Phúc Trạch.

        Trước đó anh Nguyễn Phúc Trạch đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp bổ nhiệm phụ trách theo dõi Quân Binh chủng. Sau khi tuyển chọn Đoàn học viên Không quân I (tiền thân của Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ) anh lại tiếp nhận luôn phụ trách Đoàn Không quân II chúng tôi.

        Trước lúc bàn giao nhiệm vụ cho anh Đại tướng hỏi:

        - Cậu còn băn khoăn gì không?

        - Tôi chỉ băn khoăn bị thương tật thế này làm phi công sao được? - Nguyễn Phúc Trạch xòe bàn tay có ngón trỏ cụt nói.

        Đại tướng cười:

        - Quân chủng cần người chỉ huy, lãnh đạo giỏi, hiểu biết kỹ thuật mà cậu thì có đủ tố chất đó. Tin cậy được, nhận đi!

        Kể từ đó, Nguyễn Phúc Trạch như có duyên với anh em phi công Đoàn Không quân Yên Thế, đang là Đoàn phó Đoàn Sao Đỏ giờ anh nhận trách nhiệm Đoàn trưởng Đoàn Yên Thế, với bao nhiêu khó khăn đang đợi trước mắt.

        Vừa phải xây dựng Trung đoàn mới, nhưng vừa phải chiến đấu. Hai nhiệm vụ song song không thể lơ là nhiệm vụ nào.

        Nguyễn Phúc Trạch bắt tay vào việc ngay. Anh chỉ thị cho Trần Kỳ kiểm tra đường hạ cánh theo tiêu chuẩn an toàn của MiG-17 để chuẩn bị cho việc chuyển sân từ sân bay Nội Bài về sân bay Kép.

        Trần Kỳ cho biết tĩnh không rất hạn chế do dãy đồi nằm ngang đường hạ cánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 10:04:08 pm »


*

        Mấy ngày sau đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới sân bay Kép đang ngổn ngang gạch đá thị sát, yêu cầu Bí thư Nguyễn Văn Định và Tư lệnh Phùng Thế Tài phải khẩn trương tiến hành san đồi.

        - Nhưng phá đồi phải được sự cho phép của... - Tư lệnh Phùng Thế tài ngập ngừng.

        - Quân đội không đủ quyền hạn làm việc lớn thế này, phải nhân danh Chính phủ, Phó Thủ tướng ký thay cho Đại tướng - Đại tướng quả quyết.

        Vậy là ít lâu sau, việc xin phép san đồi coi như không còn khó khăn gì, Bộ đội công binh thi công theo phương pháp nổ mìn “văng định hướng” do cán bộ giáo viên Trường Mỏ địa chất và Trường Bách khoa nghiên cứu.

        Bộ đội Công binh đã đào sâu vào lòng bốn quả đồi hàng trăm giếng lò, nạp 250 tấn bộc phá. Ngày mùng 8 tháng 7 năm 1965 bộc phá nổ. Trong chớp mắt bốn quả đồi phía Nam sân bay Kép được san phẳng.

*

        Bộ phận chỉ huy hạ cánh, kiêm sở Chỉ huy Trung đoàn đóng chốt trên ngọn đồi thông phía nam sân bay. Người cầm đối không chỉ huy trực tiếp chính là Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Trạch, luôn có Chủ nhiệm Thông tin Lê Đại Hinh và dẫn đường Trần Kỳ sát cánh cùng.

        Mai Đức Toại là người thực hiện ba chuyến bay thử. Lần thứ nhất mang thùng dầu phụ thông trường độ cao thấp không hạ cánh, lần thứ hai hạ cánh không mang thùng dầu phụ, lần thứ ba hạ cánh với thùng dầu phụ đã tiêu hao. Cả ba chuyến bay thành công mỹ mãn làm cơ sở cho việc chuyển sân của Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế vào ngày 7 tháng 9 năm 1965.

        Thế là từ nay, phía Đông Bắc Hà Nội có thêm Trung đoàn Không quân khá mạnh kết hợp với lưới lửa phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

        Ngoài nhiệm vụ phủ kín hỏa lực vùng đông bắc Hà Nội, Đoàn Không quân Yên Thế còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là cơ động trên các sân bay toàn miền Bắc như sân bay Yên Bái, Kiến An, Thanh Hóa, Nghệ An, cho tới Quảng Bình...

        Từ đây, những chiếc MiG-17 thoắt ẩn, thoắt hiện trên bầu trời đã khiến cho không quân Mỹ phải nhiều phen hoang mang lo sợ.

        Ngày đó, Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế là đơn vị chủ yếu sử dụng MiG-17, có thể cắt vòng bán kính hẹp để đánh địch, và đánh thấp hiệu quả. Ở Liên Xô hồi đó, MiG-17 đã được xếp hạng cũ, thế mà sang Việt Nam, phi công ta vẫn sử dụng nó một cách điêu luyện chẳng kể gì tính năng của nó không hiện đại, thậm chí còn lạc hậu nhiều so với các loại máy bay của Không quân Mỹ...

        Tuy xuất thân từ Đoàn Không quân Số Hai, nhưng Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế kể từ khi về nước, đóng quân ở sân bay Kép (tỉnh Hà Bắc cũ) phải nói là vô cùng vất vả.

        Những Đồng Văn Đe, Ngô Đoàn Nhung, Võ Văn Mẫn, ... nguyên là học sinh miền Nam là những phi công đầu tiên của Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế.

        Các anh đều xuất thân từ những gia đình Cách mạng, hoặc gia đình bị kẻ thù sát hại, nên những phi công này đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng thời họ là những phi công thông minh, dũng cảm thậm chí hơi liều mạng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

*

        Chỉ sau vài tháng thành lập đơn vị, tháng 11 năm 1965 phi công Ngô Đoàn Nhung đã rất thành công trong kỹ thuật bắn trực thăng - một kiểu chiến thuật, kỹ thật tương đối khó, vì những trận chiến kiêu này thường xảy ra ở những vùng rừng núi địa hình phức tạp, tốc độ chênh lệch của máy bay MiG-17 so với trực thăng của địch là rất lớn có thể lên tới 500 ki-lô-mét/ giờ. Đặc biệt là thủ đoạn né tránh công kích của trực thăng Mỹ luôn bay rất thấp, sà xuống các thung lũng, nếu phi công ta công kích chỉ cần sơ xuất một chút là có thể va vào núi ngay.

        Còn phi công Võ Văn Mẫn, người Bến Tre, con trai của Bí thư Huyện uỷ Ba Tri, lại là một trong những phi công xuất sắc nhất trong số những học viên bay còn trụ lại trong tổng số 60 học viên học lái máy bay tại Trung Quốc những năm 60 của thế kỷ XX.

        Võ Văn Mẫn cũng chính là người bay số Hai trong Biên đội Biên - Mãn không chiến với 12 chiếc F-105 do Zem-các-lơ, người hùng phi công Mỳ chỉ huy trên bầu trời sân bay Nội Bài, ngày 19 tháng 4 năm 1966. Các anh đã chiến đâu vô cùng linh hoạt và dũng cảm, khiến đội quân của Zem-các-lơ phải tháo chạy, để rồi ngày hôm sau chúng quay trở lại chưa kịp vào đến mục tiêu đã bị pháo cao xạ ở Yên Bái bắn rơi. Và chính hắn đã bị bắt đưa về Hỏa Lò.

        Và phi công Lê Hải sau một năm học lái MiG-17 khẩn cấp ở Vân Nam - Trung Quốc (trước đó Lê Hải đang là lái chính, kiêm dẫn đường trên không máy bay AN-2, tốc độ tối đa 250 ki-lô-mét/ giờ), trở về bổ sung cho Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế trong lúc số phi công của Trung đoàn bị hao hụt khá lỏn.

        Chính tôi là người phát hiện ra khả năng nhanh nhạy, chính xác, điềm tĩnh trong chiến đấu của Lê Hải lúc mới về. Chỉ qua một vài lần bay chung, tôi chỉ muốn kéo Lê Hải bay số Hai cho tôi mỗi lần Biên đội xuất kích.

        Và tôi đã không nhầm, sau này Lê Hải đã 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ và nhiều lần yểm hộ cho đồng đội bắn rơi nhiều chiếc khác...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2019, 11:32:37 pm »


“HĂNG GA” KIỂU VIỆT NAM

        Đoàn Không quân Tiêm kích Yên Thế mới thành lập đã sẵn sàng làm nhiệm vụ, mọi cơ sở để thiết lập cho một Trung đoàn bay dần đi vào hoạt động, kể từ xưởng bảo dưỡng đến tổ cơ khí, tổ thợ máy

        Nhìn ngắm những cơ sở vật chất của đơn vị hiện tại, Đại úy Hồ Thanh Minh (anh là kỹ sư chế tạo máy bay gần như là người đầu tiên gắn bó với Trung đoàn Bay đầu tiên của Không quân Việt Nam) cười nói với chúng tôi:

        - Cho dù vẫn còn khó khăn vất vả nhiều, nhưng Trung đoàn của các cậu vẫn còn may mắn hơn bọn tôi nhiều. Còn nhớ khi Trung đoàn Bay Tiêm kích phản lực MiG-17 đầu tiên của Không quân Việt Nam với đầy đủ trang bị vũ khí bay về nước thì hàng ngày vẫn phải luyện tập động tác và đội hình chiến đấu trên không, trực chiến trên sân bay Nội Bài. Tuy vậy, khi máy bay về hạ cánh vẫn phải để ngoài, không có gì che chắn dưới cái nắng nóng của mùa hè, có lúc lên tới 60 đến 70 độ trên thân cánh máy bay. Đã vậy, công tác kiểm tra định kỳ máy bay cũng diễn ra luôn tại đường băng, nên anh em càng vất vả.

        Tất cả số máy bay của Trung đoàn chỉ có 32 chiếc bay chiến đấu và 4 chiếc bay huấn luyện. Nên hầu như máy bay nào cũng hoạt động hết công suất. Nhất là sau "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", đơn vị càng phải lo trực cũng như huấn luyện mỗi ngày lên đến 20 - 30 giờ bay.

        Nếu làm một phép tính đơn giản, thì với nhịp độ bay như thế, mỗi một ngày phải có ít nhất từ một đến ba chiếc máy bay phải kéo vào xưởng. Nhưng xưởng chưa có nên máy bay vẫn nằm trên sân bay, mà không được che mưa nắng và như thế là nguy cơ hỏng hóc càng tăng lên.

        Trước tình hình khó khăn như vậy, Hồ Thanh Minh mạnh dạn trình bày suy nghĩ với lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn: Cần phải có ngay một cái ‘"hăng ga"” cho máy bay vào bảo dưỡng, vì máy bay không phải như ô tô, muôn kéo vào đâu cũng được. Hơn nữa MiG-17 có sải cánh dài và đuôi cũng không hề thấp.

        Được cấp trên đồng ý, Hồ Thanh Minh cùng các anh em thợ máy bắt tay ngay vào việc thiết kế, thi công một "hăng ga" đặc biệt. Đó là nơi đủ rộng, to, cao có mái lợp nứa cót, cột trụ chống mái bằng những cột tre chôn trong những thùng phi đầy đất cát (để tránh việc đào phá đường băng).

        “Hăng ga” nằm chình ình ngay trên bãi đỗ đầu phía Tây sân bay, sát cạnh đường lăn và tất nhiên là chẳng có tường che nên bốn bề luôn lộng gió. Mỗi lần đưa máy bay vào là phải làm động tác nâng cột giữa của mái nhà lên cho máy bay chui qua rồi lại hạ cột xuống. Chỉ có phần đầu được ở trong mái, còn phần đuôi phải thò ra ngoài trời.

        Kể từ đó cái "hăng ga" đặc biệt chính thức được gọi là "xưởng bảo dưỡng máy bay" của Đoàn Không quân Sao Đỏ. Ngày 9 tháng 11 năm 1964 "hăng ga" đã được chọn làm nơi tập trung cán bộ chiến sĩ của Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ đón Bác Hồ lần đầu tiên đến thăm Trung đoàn bay của Không quân Việt Nam, cũng là nơi toàn bộ chiến sĩ Không quân được nghe bác căn dặn như lời tiên tri:

        “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên không, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm đó trước tiên là của các chú. Các chú có làm được không?

        Tất cả những ai có mặt dưới mái "hăng ga" lợp bằng cót lúc đó đều đồng thanh hô: “Có ạ.r

        Sau ngày đáng nhớ đó ít lâu, mùng 3 tháng 4 năm 1965, trận đánh mở màn của Không quân Việt Nam trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) Biên đội của các phi công Lan, Túc, Quỳ, Phương đã làm nên một chiến công phi thường bắn rơi liên hai chiếc F-8 của Mỹ. Ngay liền sau đó, ngày 4 tháng 4 năm 1965 Biên đội của các phi công Hanh, Giây, Huân, Năm cũng lập công bắn rơi hai chiếc F-105.

        Thật không thể ngờ được với điều kiện cơ sở vật chất sơ sài chỉ bằng những tranh, tre, nứa lá mà "hăng ga" của Đoàn Không quân Tiêm kích Sao Đỏ đã bảo dưỡng cho những chiếc máy bay làm nên chiến công lẫy lừng. Đó là chiếc máy bay mang số hiệu 2310 do phi công Phạm Ngọc Lan lái, chiếc máy bay số 2318 do phi công Trần Minh Phương lái, chiếc máy bay số 2316 do phi công Trần Hanh lái, hay chiếc máy bay số 2416 do phi công Phạm Giấy lái và chiếc máy bay số 4721 do phi công Lâm Văn Lích lái.

        Chiếc “Hăng ga" có một không hai trên thề giới ấy đã hoàn thành sứ mệnh đầu tiên cao cả của mình sau hơn một năm hoạt động hiệu quả. Lẽ đương nhiên, đồng hành với nó trong khoảng thời gian ấy luôn luôn là cánh thợ kỹ thuật và các Kíp trực chiến...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2019, 11:33:02 pm »


        Lắng nghe anh Hồ Thanh Minh kể về chiếc "Hăng ga" đặc biệt đó, tôi cứ nghĩ sao dân tộc Việt Nam nhỏ bé và nghèo nàn đến thế mà có thề làm được những việc tưởng chừng chỉ có ở những câu chuyện “trên trời’’.

        Bằng giọng nói Quảng Bình chậm rãi, rõ ràng, Hồ Thanh Minh khiến cho tất cả chúng tôi bị hút vào câu chuyện của anh, không cưỡng lại được. Có thê chính anh cũng đã là một con người đặc biệt chăng?

        Hồ Thanh Minh sinh ra ở làng Lý Hòa ngay trên đèo Lý Hòa, nơi quanh năm đầy ắp nắng, gió với bốn bề sóng vỗ gần nằm ở vị trí phía nam sông Gianh và đoạn cuối động Phong Nha, gần cửa biển Lý Hòa - Quảng Bình (mà sau này chính cửa biển Lý Hòa đã có nhiều dấu ấn của các trận đánh Không quân).

        Người ta kể rằng ngày xưa những người dân họ Hồ ở Quỳnh Lưu - Nghệ An không theo vua Lê mà đi theo chúa Nguyễn, họ mong muốn sẽ đi xa hơn nhưng vì sóng to gió lớn nên bị dạt vào nơi này sinh cơ lập nghiệp.

        Hồ Thanh Minh được thừa hưởng tính cách của người cha là chủ một chiếc thuyền buôn 60 tấn chở gạo bán cho Nhật Bản di chuyển từ Phan Thiết tới bờ biển Nam Định -  vừa mạnh mẽ vừa phóng khoáng như biển cả và tính chịu thương chịu khó của mẹ.

        Anh lớn lên giữa thiên nhiên đẹp đẽ của ngọn đèo Lý Hòa, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn có dòng sông từ Phong Nha chảy xuống lững lờ ở phía dưới, từ đây nhìn lên có thể thấy những ngọn núi lấn ra sát biển, đúng như người ta thường nói “non nước hữu tình”.

        Nhưng thật không may cha của Minh mất sớm trong một lần đi thuyền vào Phan Thiết vì một cơn đau ruột thừa ở tuổi ba mươi mốt, để lại mẹ anh với năm đứa con trai. Từ khi mất cha, mẹ anh hàng ngày thường phải bắt con tôm, con cá về làm sạch rồi kho lên thật ngon mang lên làng quê đổi thóc về nuôi mấy anh em anh ăn học.

        Khó khăn là thế, nhưng Hồ Thanh Minh vẫn học rất giỏi cho đến năm 1948 anh được nhà nước cho đi học Thiếu sinh quân để từ đây cuộc đời anh - bắt đầu từ lúc anh 23 tuổi gắn liền với máy bay, gắn liền với Không quân Việt Nam, rất tự nhiên như là định mệnh vậy.

        Hồi ấy, sau khóa tốt nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong thì ngôi trường ở Liên Xô đó được chia thành hai trường: một là trường chuyên về Kỹ thuật và một là trường Không quân. Các anh được lựa chọn từ hai trăm người đang học tập ở Trung Quốc, để lấy chỉ có bốn người có khả năng nhất vào học ngành Không quân.

        Bốn người đó là Lê Hãn (con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn), Nguyễn Văn Tường, duy chỉ có Nguyễn Văn Soạn và Hồ Thanh Minh là đi từ chiến trường miền Nam và Lào. Mỗi người đi theo một lĩnh vực. Lê Hãn thì học về máy bay, Hồ Thanh Minh học về vũ khí trên máy bay, Nguyễn Văn Soạn thì học về điện trên máy bay, còn Nguyễn Văn Tường thì học về ra-đa.

        Học tập một thời gian, anh Lê Hãn được cấp trên điều về nước làm nhiệm vụ mới, Hồ Thanh Minh phải thay thế Lê Hãn, chuyển sang học chế tạo máy bay.

        Như vậy có thể nói Hồ Thanh Minh chính là một trong ba người hiếm hoi của Việt Nam được học ngành chế tạo máy bay lúc bấy giờ. Và chính anh đã cùng anh Huỳnh Ngọc An đã chế tạo ra cái dù đuôi của máy bay MiG-17F.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2019, 11:34:15 pm »


TRẬN “KHÔNG CHIẾN” ĐẦU TIÊN CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM?

        Cuối năm 1963, được Đế quốc Mỳ hậu thuẫn, Ngụy quân Sài Gòn bắt đầu gia tăng các hoạt động khiêu khích phá hoại đôi với miền Bắc Việt Nam.

        Chúng cho máy bay vào trinh sát, thả biệt kích và rải truyền đơn tại nhiều nơi thuộc địa bàn các tỉnh Khu Bốn và đưa tàu chiến vào sâu trong cửa Vịnh Bắc Bộ.

        Trước tình hình đó, hàng loạt các nội dung công tác rất quan trọng đã được các cơ quan đơn vị gấp rút triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân là sử dụng không quân đánh máy bay địch.

        Tháng 10 năm 1963, Phòng Máy bay và xưởng Bạch Mai bắt đầu từng bước tìm hiểu nghiên cứu và phục hồi máy bay T-28 - Chiếc máy bay này ban đầu do một phi công hàng binh của Không quân Hoàng gia Lào lái và hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai vào tháng 9 năm 1963.

        Sau một thời gian, đội ngũ kỹ thuật bằng khả năng trí tuệ và tay nghề giỏi đã sửa chữa thành công, đưa chiếc máy bay này chính thức vào "biên chế" của Không quân Việt Nam với số hiệu 963. Chiếc T-28 đủ khả năng đánh mục tiêu trên không bằng 2 khẩu súng 12,7 mm với 200 viên đạn, hệ thống ngắm đáp ứng yêu cầu xạ kích ban đêm, la bàn bị hỏng đã được thay thế bằng la bàn mới (GIK) của máy bay An-2.

        Thượng úy Nguyễn Văn Ba và Trung úy Lê Tiến Phước -  hai phi công đồng thời cũng là giáo viên IAK -18 của Trường Hàng không được Quân chủng điều về trực tiếp bay T-28.

        Công tác huấn luyện chuyến loại được tiến hành rất khẩn trương với cường độ cao. Từ học lý thuyết đến thực hành các bài bay cơ bản và ứng dụng chiến đấu, bay ngày rồi chuyển sang bay đêm ngay. Cùng với việc huấn luyện bay, thì các sỹ quan dẫn đường sở chỉ huy cũng vất vả không kém. Hai anh Trần Quang Kính và Đào Ngọc Ngư cũng lao vào tìm hiểu tính năng kỹ thuật của chiếc T-28 để sử dụng ra-đa dẫn đường 402, cùng huấn luyện với Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước.

        Theo nguyên tắc của ngành Hàng không, thì phi công không được phép bay trên chiếc máy bay không có lý lịch. Vậy mà chiếc T-28 này - như người phi công hàng binh kế lại - nó được sản xuất năm 1950, đại tu năm 1956. Cán bộ kỹ thuật Không quân Việt Nam không có một ai biết chút gì về nó cả.

        Để sử dụng chiếc máy bay trên, Lê Tiến Phước và Nguyễn Văn Ba phải đối diện với rất nhiều khó khăn vì các trang thiết bị trên máy bay đều là tiếng Anh, trong khi ở miền Bắc Việt Nam hồi đó, tìm mỏi mắt cũng không ra một người phiên dịch thuật ngữ chuyên môn kỹ thuật hàng không. T-28 lại phải dùng xăng của phe Tư bản sản xuất mới bay được, hơn nữa các thiết bị ra-đa trên không và mặt đất cũng không có. Phải nhờ ra-đa cảnh giới, tín hiệu lúc được lúc mất dẫn đường. Nhiều lần bay thử ra tận biên giới Việt Lào rồi không xác định được vị trí đành lang thang bay về. Thậm chí có những hôm đang bay thì ống xả nhiên liệu bị rơi, khói mù mịt. Phước và Ba phải mở buồng lái mới thấy đường...

        Thời điểm ấy, người Mỹ thường dùng máy bay thả biệt kích xuống các khu vực gần biên giới Việt - Lào. Phương án đưa T-28 đánh địch trong thời tiết đêm giản đơn, có trăng đã được Quân chủng tính đến và lên kế hoạch tỉ mỉ. Nhưng đã mấy lần xuất kích mà chưa một lần nào hạ được mục tiêu. Lần thì không phát hiện được, lần phát hiện được thì lại không bám theo kịp, lần tiếp cận tốt thì bắn không trúng...

        Hơn nữa ra-đa dẫn đường thường bị ngắt quãng không liên tục. Phía ta, tất cả đều đã sẵn sàng, khí thế đánh địch không hề suy giảm, nhưng thấy địch cứ ngày ngày ngang nhiên quấy rối mà không làm gì được, thì thực sự sốt ruột.

        Cuối cùng thì cơ hội cũng đã đến

        Đúng 23 giờ 30 phút ngày 15 tháng 2 năm 1964, ra-đa vòng ngoài của ta phát hiện có địch. ít phút sau, đường bay của địch được đánh dấu bằng chì xanh trên mạng Bl (mạng ra-đa cảnh giới). Sau đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận được điện báo từ Huyện đội Con Cuông: Có tiếng máy bay qua vùng trời địa phương... Chúng đang bay đến khu vực Hồi Xuân và chuyển hướng lên Tây Bắc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM