Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:51:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi và MiG-17  (Đọc 14760 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 30 Tháng Mười, 2019, 06:05:25 am »

     
        - Tên sách : Chúng tôi và MiG-17

        - Tác giả : Lưu Huy Chao;  Thủy Hướng Dương (ghi)

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Số hóa : Giangtvx

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:41:53 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 10:02:31 am »

 
LỜI CẢM ƠN CỦA TÁC GIẢ

        XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN:

        * ĐẢNG ÚY VÀ BỘ TƯ LỆNH QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN;
        * CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN;
        * HỌC VIỆN PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN ;
        * CÁC ĐOÀN KHÔNG QUÂN B70. B71 VÀ B72;
        * TRƯỞNG SỸ QUAN KHÔNG QUÂN;
        * CÁC ĐOÀN KHÔNG QUÂN YÊN THẾ VÀ SAO ĐỎ;
        * CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM;
        * HÃNG HÀNG KHÔNG QUỐC GIA VIỆT NAM;
        * CÁC SÂN BAY QUỐC TẾ: HÀ NỘI, ĐÀ NẴNG, TÂN SƠN NHẤT;
        * ĐOÀN BAY 919;
        * TỔNG CÔNG TY BAY DỊCH VỤ VIỆT NAM;
        * CÔNG TY BAY DỊCH VỤ MIỀN BẮC;
        * CÔNG TY BAY DỊCH VỤ MIỀN NAM;
        * CÁC ĐƠN VỊ SÂN BAY KIẾN AN, SÂN BAY VINH;
        * BẢO TÀNG QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN;
        * NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN;
        * CÁC ĐỔNG ĐỘI VẢ BẠN CHIẾN ĐẤU CŨ;
        * CÁC ANH EM THƯƠNG BINH VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ;
        * BẠN BẺ, NGƯỜI THÂN VÀ GIA ĐÌNH...

        ĐÂ GIÚP ĐỠ, ỦNG HỘ TÔI CẢ VẾ TINH THẨN VẬT CHẤT, CUNG CẤP TƯ LIỆU. TỔ CHỨC BẢN THẢO VÀ THỤC HIỆN ẤN HÀNH CUỐN SÁCH NÀY !

                                HÀ NỘI. THÁNG 12 NĂM 2009
                                      ĐẠI TẢ LƯU HUY CHAO

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2019, 03:03:07 pm »

   
Chuyện của những anh trai làng
tạm xa việc đồng ruộng, cấy cày,
đi lái máy bay MiG đánh giặc

        Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2008, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Giọng một người đàn ông đã có tuổi:

        - Xin lỗi, anh là Đặng Vương Hưng phải không?

        - Dạ vâng, thưa... ông là ai và tôi có thể giúp được gì chăng?

        - Tôi là Nguyễn Trọng Đắc, cùng nghề làm văn chương như anh.

        - Vâng, em xin kính chào nhà văn Nguyễn Trọng Đắc!

        - Chào anh! May quá, người tôi cần đã gặp được rồi. Xin vào đề ngay: Tôi có một người bạn, là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phi công MiG-17. Ông ấy đang muốn viết và in một cuốn tự truyện. Tôi rất muốn nhờ anh giúp cho...

        - Vậy sao nhà văn Nguyễn Trọng Đắc không trực tiếp viết luôn?

        - Không, tôi chỉ chuyên về sáng tác và hư cấu văn học, còn ông bạn tôi lại cần một người tâm huyết với thể loại "Chuyện đời tôi" và nhiều kinh nghiệm tổ chức tủ sách về đề tài tư liệu chiến tranh như "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam" và đặc biệt là "Mãi mãi tuổi 20”, mà anh là tác giả của những sự kiện ấy.

        - Cảm ơn bác đã động viên và nhớ đến, nhưng quả là thời gian này em quá bận với công việc sự vụ chuyên môn biên tập sách, lại còn phải dành thòi gian chăm sóc cho trang website lucbat.com, nên không dám hứa trước điều gì.

        - Tôi rất hiểu điều đó. Đến được với nhau hay không còn là cái duyên nữa. Nhưng chí ít thì anh hãy nhận lời tới thăm nhà và động viên ông ấy. Xin hãy gọi cho Đại tá Lưu Huy Chao, số điện thoại: 01699630167.

*

        Theo lời hẹn trước, tôi và bạn văn Thủy Hướng Dương (một admin thường trực của website lucbat.com) cùng đến thăm nhà ông Lưu Huy Chao ở số 35, phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

        Đón chúng tôi, là một người dàn ông dáng dong dỏng, nói giọng xứ Thanh, tuổi đã ngoài 70 nhưng trông còn rất phong độ - Đó chính là Đại tá, Cựu phi công MiG-17, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Huy Chao. Đặc biệt là, cái sự nhiệt tình của ông, thì dù gặp lần đầu, cũng khó mà từ chối được lời đề nghị: "Mong muốn có một cuốn sách để tri ân với đồng chí, đồng đội; không chỉ cho riêng tôi, cho những người đang sống, mà cho cả những người không còn nữa. Đấy là tâm nguyện cuối đời của một người lính già".

        Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận là sẽ giúp Anh hùng Lưu Huy Chao thực hiện tâm nguyện nêu trên. Tôi đã tiến cử: Thủy Hướng Dương, một cựu nữ sinh chuyên văn của trường Lê Hồng Phong, Nam Định sẽ giúp ông sưu tầm tư liệu và ghi chép lại những câu chuyện đáng nhớ nhất. Còn tôi, sẽ là người hoàn thiện bản thảo trước khi đưa in. Chúng tôi cùng cam kết là sau một năm cuốn sách viết về những cựu Phi công MiG-17 sẽ được trình làng, vối độ dày ít nhất là 500 trang in, khổ lớn...

        Chúng tôi đã có những chuyến đi tới nhiều sân bay quân sự; được nhìn tận mắt, sò tận tay những chiếc máy bay huyền thoại một thòi chưa xa, thậm chí còn được ngồi vào buồng lái của những chiếc máy bay phản lực kiểu mới... Chúng tôi đã được tiếp xúc với nhiều nhân chứng của một thời lịch sử hào hùng. Họ là những cựu Phi công MiG-17, dù sau này một số người đã chuyển loại, lái cả MiG-21 và một số loại máy bay chiến lợi phẩm của Mỹ thì MiG-17 vẫn là trung tâm của những hồi ức không thể nào quên, những câu chuyện cảm động, lạ lùng đến ly kỳ, dường như chỉ có trong chiến tranh.

        Liên quan đến MiG-17, dĩ nhiên là có cả MiG-21, rồi những trắc thủ ra-đa, những sĩ quan dẫn đường và cả những người thợ máy bình thường, nhưng vô cùng quan trọng vì lo bảo đảm kỹ thuật cho máy bay. Cũng liên quan đến MiG-17 còn có cả những phi công lái trực thăng, bộ đội tên lửa, cao xạ, dân quân, tự vệ...

        Nhưng trước hết, phải là những phi công lái MiG-17. Họ là lớp phi công tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Hầu hết, đó là những anh trai làng, vừa tạm biệt tay cày, tay cuốc, ruộng đồng là lên đường đi học lái máy bay chiến đấu. Tuy trình độ văn hóa còn có hạn, nhưng lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chiến đấu lập công của họ thì có thừa. Khi vào trận, bắn hết đạn, họ sẵn sàng xả thân lao cả máy bay mình vào máy bay giặc... Nhiều người trong số họ đã hi sinh trong các trận không chiến bảo vệ vùng trời Tổ quốc và “Mãi mãi tuổi 20”. Nhưng họ đã cùng đồng đội bắn rơi hàng trăm máy bay hiện đại của Mỹ, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của một kẻ địch hùng mạnh nhất thế kỷ.

        Lịch sử dân tộc sẽ mãi ghi công các anh - Những “Anh hùng nông dân lái MiG-17” một thời.

*

        Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Huy Chao là một trong số ít những cựu Phi công Việt Nam xuất kích tới trên 100 lần. Trước khi vào bộ đội, rồi trúng tuyển đi học lái máy bay phản lực ở nước ngoài, Lưu Huy Chao mới học hết lớp 7 (nhiều đồng đội của ông chỉ mới học hết lớp 5, thậm chí là lớp 4); vừa đi học, vừa đi cày, cấy lúa. Sau này, khi đã bay thành thạo MiG-17, chỉ huy cả một Đại đội bay, Lưu Huy Chao vẫn giữ nguyên cái chất của một anh nông dân Thanh Hóa: ông từng lệnh cho các anh em phi công trong Đại đội đi vào xóm mượn... ruộng của dân để... cấy lúa nếp, gần sân bay Kép. Vụ ấy, các phi công trong Đại đội của Chao đã thu được hơn một tạ thóc nếp. Rồi Chao quyết định mang tất cả số thóc ấy đi... nấu rượu lậu. Chả là Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy và nhiều anh em trong đơn vị đều rất mê rượu "cuốc lủi" và nghiện... thuốc lào nặng.

        Nhưng cuốn sách này không chỉ viết về Lưu Huy Chao. Ông chỉ đóng vai trò như một nhân chứng, như người dẫn chuyện cho bạn đọc yêu quý. Bởi thế, chúng ta sẽ gặp trong cuốn sách này những câu chuyện kể, những kỷ niệm sâu sắc của nhiều người khác nữa. Từ anh Chủ nhiệm Quân y chuyên săn sóc sức khỏe cho phi công; vừa nghe thông tin có anh em ta phải nhảy dù, là vội băng rừng lội suôi đi tìm mấy ngày liền, đến nỗi khổ của những người vợ các phi công bị “khát yêu”. Từ chuyện “anh cả” của những người thợ máy đã nghĩ ra cái "hăng-ga" độc đáo cho

        MiG-17, kiểu “ma-de-in-Việt-Nam” đến chuyện không quân ta tự khôi phục những chiếc máy bay cường kích A-37 của Mỹ phục vụ cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam...

        Đại tá Lưu Huy Chao tâm sự: Ông không có ý định “viết lại lịch sử’, mà chỉ muốn cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn của một “người trong cuộc". Đó có thể là những cảm nhận mang tính riêng tư và nhất thời; không phải là sự đánh giá, đúc kết bản chất của sự vật và hiện tượng sau chiến tranh.

        Bởi thế, có thể một số chi tiết, một vài nội dung của cuốn sách này chưa đồng nhất với quan niệm của ai đó; nên tác phẩm rất cần được quý bạn đọc góp ý và bổ sung thêm cho hoàn thiện hơn.

Hà Nội, tháng 12 năm 2009          
Nhà văn ĐẶNG VƯƠNG HƯNG        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:51:36 am »

           
TUỔI THƠ KHÔNG ÊM Ả

        Gần Tết, Đại tá Lưu Huy Chao mời mấy người bạn già cùng ngồi uống trà tại nhà ông.

        Tiếng cười nói rổn rang vui vẻ vang lên trong căn phòng ấm cúng. Các ông đều đã ngoài bảy mươi, gần tám mươi tuổi cả rồi. Trong số các bạn bè cùng lứa của Lưu Huy Chao, có người là cán bộ Nhà nước, nhà giáo, có người là giáo sư, tiến sĩ; nhiều người là kỹ sư, cử nhân, giám đốc công ty còn ông là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người được nể trọng nhất.

        Đến cỡ tuổi này, thật khó để có dịp tất cả bạn bè ông được gặp nhau đầy đủ. Mỗi người một câu chuyện, còn cựu Phi công, Anh hùng Lưu Huy Chao thì buổi gặp mặt cuối năm ấy bỗng dưng khiến ông nhớ về tuổi ấu thơ, một thời đã gắn vối ký ức không thế nào quên cho đến tận bây giờ -  khi ông đã sống bình yên với vợ con, và sau khi đã đi qua hai cuộc kháng chiến, trải qua mấy chục năm chiến tranh, bom đạn.

        Đại tá Lưu Huy Chao kể...

        Làng Thanh Oai (Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa) của tôi là một miền quê thuần nông, vào những năm 1950 chỉ vẻn vẹn có vài chục nóc nhà với hơn 200 nhân khẩu, hầu hết là làm nghề nông, chẳng có thêm một nghề nào khác.

        Ruộng đồng rộng mênh mông, cò trắng về đầy đồng ăn tôm, ăn cá. Lứa chúng tôi sinh ra tuy là thời chiến tranh, nhưng vì làng tôi thuộc vùng tự do, nên chưa phải nhìn thấy những trận chiến giáp lá cà, cho dù bọn Pháp đã hoành hành khắp nơi. Thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng súng, tiếng bom của máy bay địch bắn đì đùng phía làng ngoài, hoặc chỗ Rừng Thông.

        Làng tôi cũng đã có những chú, những anh lên đường đi bộ đội tiến về Tây Bắc, nhưng dường như chúng tôi vẫn được hưởng sự bình yên của xóm làng miền Trung chưa bị xáo trộn lên bởi bom đạn giặc thù.

        Tôi nhớ, ngày trước làng tôi có cái nếp nhà thờ họ, mái ngói ta, rêu phủ xanh đen rì, thờ Cụ tổ họ Lưu là Lưu Ngạn Quang.

        Cụ Lưu Ngạn Quang đỗ Tiến sĩ đã làm đến chức Tả Thị Lang, thời Hồng Đức (Hậu Lê). Tôi tự hào là hậu duệ đời thứ 7 của cụ. Những buổi tối sáng trăng, các cụ già thường kéo nhau ra sân đình rót trà mời nhau, ngâm nga mấy câu thơ thế này:

Làng ta rợp bóng dừa xanh
Dưới ao cá lặn vươn mình nên thơ...

        Hay:

Có ông Hoàng Giáp Văn Quang
Sân đình đó chót hai hàng sơn tô...

        Ngày còn nhỏ, tôi nổi tiếng nghịch ngợm và láu cá, nhưng những trò láu cá của tôi thì không bao giờ có thể đánh lừa bố tôi được.

        Bố tôi là Lưu Huy Nghếch. Cái tên "Nghếch" của ông là do ngày bé, ông bà nội tôi sinh ra bố gần tám năm mới biết nói. Đã thế, bố tôi lại khờ chứ không nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác, nên ông bà nội mới đặt cho bố cái tên "Nghếch" đó. Vậy nhưng lớn lên rồi, bố tôi lại rất ham học, nên cuối cùng thì ông cũng học hành tốt hơn cả và làm nghề dạy học trong làng.

        Ngày ấy, làm nghề dạy học chỉ là dạy chữ Hán mà thôi. Bố thường bắt tôi ngồi cả buổi sáng học chữ Nho. Oái oăm là cái tính của tôi có chịu ngồi yên bao giò? Cứ tranh thủ lúc bố không để ý là tôi lại tót đi chơi, lúc thì đánh đáo vói thằng Sam, thằng Tân, khi lại đi trèo cây bứt trộm ổi, trộm khế với thằng Nửu...

        Có lần tôi mải trèo cây thế nào mà cái cành ổi tự nhiên gãy gập xuống. Nó không gãy hẳn mà lại lơ lơ lửng lửng khiến cho cái áo của tôi mắc vào đó, còn hai tay tôi thì ra sức bám lấy cành đề không bị rơi phịch xuông đất. Loay hoay mãi mà không xuống được, tôi đâm hoảng, hét toáng lên:

        - Ối giời ôi, cứu tôi với! Ai cứu tôi với không tôi chết đây!

        Tôi chưa kêu dứt câu, thì thấy tiếng của mẹ tôi la thất thanh:

        - Thằng Chao! Ông ơi, ra xem thằng Chao nó làm sao kìa! Con ơi là con! Mày làm gì mà lại leo lên đó. Ông xem, ông đỡ nó xuống không nó rơi xuông đất là đập đầu chết còn gì!

        Tiếng bố tôi đủng đỉnh vọng ra từ nhà ngang:

        - Bà cứ kệ nó, để nó treo trên đó, nó leo lên được thì khắc tìm cách xuống được, đừng có lo!

        - Ông ơi là ông! Con ông chết đến nơi rồi mà ông vẫn còn nói thế ư? Đấy nó la ầm ầm thế, chắc sắp rơi đến nơi rồi! - Mẹ tôi càng thúc giục và lúc này thì bà đã tận mắt nhìn thấy tôi bị treo ngược cành cây thế nào.

        Nghe nói thê, bố tôi mới nhẩn nha bước ra nói:

        - Bà cứ để yên đó, nó mà làm sao thì nó đâu còn kêu la thế này được. Phải để cho nó biết, chứ bà cứ thấy nó kêu là đến liền à? Nó lừa ai, chứ đâu lừa tôi được!

        Bố nói vậy, nhưng cũng đỡ tôi xuống, nhưng lần ấy, ông đã đánh tôi một trận bằng thước lim nhớ đời.

        Nói thế chứ, cái tính hiếu động của tôi lúc bấy giờ chẳng ai kiềm chế được. Tôi vẫn rình cơ hội những lần mẹ tôi sai đi hái lá để làm thuốc trị rắn cắn giúp bà con hàng xóm để đi chơi.

        Mà mỗi một lần đi chơi, thì cấm có thấy tôi về đúng bữa cơm bao giờ và thế nào khi trở về nhà cũng bị mẹ tôi mắng: “Thằng tê! Mi hay đi chơi quá, chẳng chịu ở nhà cho tau nhờ !”.

        Tôi biết mẹ thế nào cũng mắng lâu nữa. Tôi thường tìm cách lỉnh đi đâu đó thật nhanh.

        Tôi học chữ nho bố tôi dạy cho đến khi mười ba tuổi thì làng tôi bắt đầu phong trào Bình dân học vụ.

        Anh Phao của tôi vì học chữ đã lâu nên được bố mẹ tôi cho đi học trường công buổi ban ngày. Học được ít nào, anh lại về dạy lại tôi làm quen với những chữ cái A, B, c...

        Lúc phong trào học chữ Quốc ngữ rộ lên khắp làng trên xóm dưới thì tôi sốt ruột lắm, tìm cách xin đi học. Tướng xin học dễ lắm, ai dè khi tôi đến chỗ đăng ký học, người ta bảo:

        - Mi quá tuổi rồi, bây giờ sao học được lớp trường công? Thôi, về bảo mẹ cậu xin vào lớp dân lập mà học.

        Tôi nghe xong, thấy buồn quá. Bây giờ mà phải học dân lập thì mẹ tôi đào đâu ra tiền mà cho tôi đi chứ?

        Anh Phao được học trường công, chả lẽ tôi lại không được? Bố dạy học, cả đời chỉ loay hoay ở nhà dạy trẻ con học

        chữ Hán. Mẹ thì cấy được mấy sào ruộng ông bà để lại, thỉnh thoảng hoặc có bữa cắt thuốc chữa rắn cắn cho bà con được mấy hào lại phải nuôi ba anh em tôi, ngày được ăn hai bữa cơm không phải độn là khá lắm rồi...

        Nghĩ vậy, tôi liền chạy đến xã nói với anh thư ký:

        - Anh sửa lại năm sinh cho em.

        - Thế chú định sửa thế nào? - Anh hỏi.

        - Anh cứ sửa cho em thê nào để được đi học là được Tôi năn nỉ.

        Anh nhìn tôi từ đầu tới chân một hồi rồi bảo:

        - Thôi được, thế thì phải sửa cho chú mày sinh năm 1933 thành 1939 mới được.

        Tôi sướng rơn. Không cần biết tôi sinh năm nào miễn là tôi được đi học, mà lại học trường công thì chẳng có gì trên đời này quan trọng hơn việc này cả. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:53:36 am »


VỪA ĐI HỌC, VỪA ĐI CÀY, CẤY LÚA...

        Lại nói chuyện đi học, gà lên chuồng là chúng tôi lo chuẩn bị sách vở để đi đến lớp. Vở cũng chẳng có gì ngoài mấy tờ giấy đã có chữ của mấy người học trường Pháp bỏ đi để dùng lại.

        Phải nói giấy của người Pháp làm tốt thật. Chúng tôi lấy giấy cũ ngâm vào nước vôi trong cho chữ nhạt đi sau đó lại ngâm vào nước gạo. Ngâm nước gạo xong lại lấy giấy cho vào nước phèn chua, phải mấy công đoạn thì giấy cũ mới sạch hết chữ rồi mới lấy giấy phơi cho thật khô và khâu lại thành tập vở. Viết trên loại giấy tái chê thủ công ấy kể cũng hơi nhòe, nhưng thế cũng tốt chán.

        Sách giáo khoa không có, cả lớp chỉ có mấy đứa con nhà giàu ở huyện và con thầy giáo là có sách giáo khoa, lũ chúng tôi ngày nào cũng phải xem nhờ mấy đứa đó. Lớp học xa nhà tôi mấy cây số, phải đi bộ. Điều kiện đi học khó khăn là thế nhưng chúng tôi đều rất vui.

        Tôi thường chuẩn bị cái vó nhỏ, cắt từ một cái vó rách chỉ còn lại ước chừng gần một mét để bắt cá, bắt tôm. Trên đường đi học, gặp khoảnh ruộng nào tôi đoán là hôm ấy sẽ có nhiều cá thì tôi đặt cái vó nhỏ của tôi ở đó, ngụy trang lại sao cho khéo để không có người làng nào phát hiện ra tôi kéo vó trộm.

        Sau khoảng ba tiếng học xong là tôi về, vứt túi sách trên bờ, rồi nhảy xuống kéo vó lên.

        Tôi thuộc dạng "sát cá", nên hầu như đêm nào về tôi cũng được mẻ cá ngon lành. Nhất là những hôm nào có mưa rào, tôi không những được cá mà lại còn bắt được vô số ếch. Hôm sau, chắc chắn mẹ lại làm được một bữa tươi cho cả nhà.

        Tôi là đứa lười rửa bát nhất nhà, mỗi lần ăn xong tôi thường tìm cách chuồn cho thật nhanh để khỏi phải rửa bát. Cái Diệp, em gái tôi hoặc chị dâu lại phải rửa thay tôi. Nhiều lúc nó cáu mách mẹ, tôi lại bị mẹ mắng cho té tát. Tôi cười bảo nó:

        - Mày rửa bát cho anh, lúc nào anh có tiền mua quà cho, như thế không thích à?

        Cái Diệp cười tít mắt:

        - Anh nhớ phải mua quà cho em đấy nhé!

*

        Ngày nào cũng thế, ban ngày tôi đi làm đồng cùng mẹ và anh chị em còn tối lại sắp sách vỏ đi học. Thấy tôi nhanh nhẹn, xã đội cho tôi làm liên lạc. Thực ra việc làm liên lạc cũng chẳng có gì khó. Chỉ khi nào có việc như nghe tin Pháp nó chuẩn bị đánh đến đâu hoặc có công văn của cấp trên thì tôi mới phải đi. Chẳng kể đêm tối, lúc nào có lệnh là tôi cùng thằng bạn ở làng Đại Từ phải lập tức đi ngay chuyển tin khắp 12 thôn không chậm trễ.

        Đúng là “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng năng”. Nhiều bận, tôi trốn mẹ đi ra đồng xem có ai cắt lúa về nhà thì tôi nói với họ để tôi gánh giúp.

        Các bà, các chị thấy tôi nói thế thì ngạc nhiên lắm. Họ đều hỏi:

        - Thế mi hết việc à? Hay định gánh lúa lấy tiền?

        - Thì cứ đưa cháu gánh cho, chất đầy vào, cháu không lấy tiền đâu - Tôi vừa nói vừa giành lấy gánh lúa.

        Chẳng phải tôi ham việc gì đâu. Việc này chỉ có chị dâu tôi và con bé Diệp là biết rõ nhất.

        Khổ thế, lúc ấy trông tôi cao hơn mấy đứa cùng làng, người thì đã gầy sẵn nên trông cứ lênh khênh. Tôi nghe người ta nói muốn thấp thì phải gánh nặng vào làm tôi cứ tưởng thật vì tôi vốn sợ mình cao hơn bạn bè nên lúc nào tôi đi cũng phải cố còng lưng xuống cho thấp.

        Mỗi lần tôi năn nỉ người ta cho gánh lúa, tôi cứ thấy chị dâu và con bé Diệp khúc kha, khúc khích cười.

        Thấm thoắt tôi cũng được lên lớp Ba, bây giờ học lớp Ba phải chuyển trường xa hơn nhưng không phải học buổi tối nữa.

        Học trường xa nên tôi càng có cơ hội bày trò với lũ bạn. Ngày nào đi học về mấy đứa cũng rủ nhau đánh đáo ăn tiền. Tôi bắt thằng Sam giữ cặp sách hộ để tôi chơi. Món đánh đáo này thì tôi chơi giỏi lắm.

        Chơi một lúc thế nào cũng có tiền. Không được là bao, chỉ là mấy xu thôi, nhưng tôi có tiền đế mua quà, đãi lũ bạn hoặc về cho con bé Diệp nịnh nó rửa bát hộ. Thằng Sam có công giữ cặp sách cho tôi thì tôi cho nhiều hơn nên nó quí tôi lắm. Hầu như ngày nào cũng tình nguyện giữ cặp sách cho tôi mà không phàn nàn gì.

        Tuy nghịch ngợm là thế, nhưng cuối kỳ thi tôi luôn được điểm khá cao so với mấy đứa học cùng lớp. Hầu như cuối năm học tôi đều được thầy cho thẳng lên lớp, mà không cần thi cuối năm theo diện biểu quyết. Chả là cuối năm cả lớp có sự chứng kiến của thầy lựa chọn ra ba học sinh giỏi nhất lớp, trong ba học sinh đó lại chọn ra một học sinh theo cách giơ tay biểu quyết cho lên thẳng lớp trên mà không cần thi.

        Tôi được bầu là đội trưởng đội thiếu niên phụ trách đám thiếu niên trong làng. Vui đáo để. Nào là tổ chức trồng lúa gây quĩ, nào là bán lúa lấy tiền gom vào giúp thầy giáo cưới vợ. Lại còn tổ chức may áo đồng phục cho thiếu niên nữa chứ.

        Gọi là áo đồng phục, thực ra chỉ là mấy mảnh vải nhuộm nâu, nhuộm vàng chúng tôi bán lúa lấy tiền rồi nhờ người mua vải cắt may hộ. Như thế cũng đáng để nói lắm vì lũ trẻ làng tôi đâu có được mặc đẹp bao giờ ngoài bộ nâu sòng sờn rách mà bố mẹ may cho?

        Người làng thấy chúng tôi trồng được lúa thì ngạc nhiên lắm. Lúc này chúng tôi đang học lớp Bốn. Mấy đứa tụi tôi thây nhà chùa có một mảnh ruộng hoang phía rìa làng thì mừng lắm, lân la đến chùa hỏi mượn ruộng cấy. Nhà chùa cho ngay. Bây giờ mới lo đến chuyện chuẩn bị cấy lúa. Tôi nghĩ ngay đến bà cụ gần đó, thử nhờ xem sao:

        - Bà ơi, chúng cháu muốn cấy lúa ở khoảnh ruộng hoang của nhà chùa, bà bảo cho chúng cháu làm với nhé?

        Bà cụ vừa nhỏm nhẻm nhãi trầu, vừa bảo:

        - Người ta nói, ruộng bỏ hóa không cần phải bón phân gio gì đâu, chúng mày cứ thế mà cấy. Chỉ tội, khoảnh ruộng đó hơi cao, phải mất công tát nước. Cấy lúa ngắn ngày thôi. Như thế cũng mau được thu hoạch.

        - Vậy bà giúp cháu gieo mạ nhé, cháu sẵn có ít tiền dành dụm đây, cháu gửi bà mua thóc giống. Khi nào mạ lên bà ới chúng cháu một câu.

        - Cha bố các anh - Bà cười mắng - Được rồi, khi nào mạ lên thì bà gọi.

        Tôi sướng rơn như mở cờ trong bụng, họp mấy đứa lại phân công thằng Tân, thằng Nửu, thằng Sam, Cung,... chuẩn bị phân chuồng sẵn sàng, nếu cần phải bón là có ngay.

        Tôi còn dặn mấy đứa con gái: cái Thơm, cái Thảnh, cái Teng là những đứa con gái đảm, cấy lúa rất giỏi chuẩn bị tinh thần, có mạ là cấy, tháng Sáu sẽ tranh thủ bắt tay vào việc. Vì ở Thanh Hóa, tháng này là tháng có mưa, lợi dụng thời tiết để đỡ mất công tát nước vào ruộng. Chứ để tháng Tám hoặc tháng Chín lại phải mất công nhiều hơn. Bà cụ gieo giúp tôi hơn một yến thóc giống lúa ngắn ngày. Trồng loại lúa này chỉ độ ba tuần trăng là có thể thu hoạch.

*

        Thấm thoắt ba tháng trôi vèo qua, lúa trên mảng ruộng hoang không ngờ lại tốt đến thế. Lúa chín vàng khiến cho nắng tháng Chín dường như cũng vàng óng hơn.

        Buổi sáng hôm ấy, tôi đến lớp thấy mấy đứa con trai, con gái học cùng lớp xôn xao bàn tán về mảnh ruộng hoang của chúng tôi. Đứa nào cũng phấn khởi. Tôi tranh thủ dặn mấy đứa: “Ngày mai đi học về tranh thủ gặt lúa chúng mày nhé”.

        Cứ như vậy, tôi và lũ bạn đã cấy được trên mảnh ruộng đó một mùa lúa. Kinh nghiệm cấy lúa kể trên, sau này khi đã trở thành phi công, chỉ huy một đơn vị, tôi còn cho anh em "tăng gia" cấy lúa thành công, thu hàng tạ thóc nếp để... nấu rượu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:55:01 am »

       
HỎI VỢ VÀ ĐI BỘ ĐỘI

        Tuy tham gia cấy, cày nhưng được cái tôi học cũng tốt, năm nào tôi cũng được bầu là lớp trưởng.

        Nhưng cũng thời gian này, tôi đã bị ảnh hưởng bởi hủ tục tảo hôn ở làng quê. Gia đình cứ thúc ép tôi lấy vợ sớm. Phần vì tôi học khá hơn mấy đứa cùng lớp (năm nào cũng được học sinh tiên tiến), phần vì ở lớp một số đã lấy vợ, lấy chồng chỉ còn mỗi tôi là chưa. Như thằng Nửu, thằng Tân bố mẹ chúng nó bắt chúng nó lấy vợ từ khi mười ba, mười bốn tuổi. Mà nghe đâu, mẹ đang dạm hỏi cho tôi chị Cúc làng bên thì phải.

        Vào năm 1952, tôi lúc ấy đã gần mười chín tuổi. Một hôm, tôi đang ở ủy ban xã, mấy chú bảo tôi làm cái đơn để học lớp "Cảm tình Đảng". (Chả gì tôi cũng có mấy năm làm Bí thư Đoàn thanh niên, lại là một trong những liên lạc của xã rất nhiệt tình). Thì mẹ tôi tất tả tìm đến, kéo tôi ra một chỗ và rỉ tai việc rất quan trọng:

        - Mi viền ngay đi! Mẹ chuẩn bị đủ cả rồi!

        - Viền mần chi? Con sắp được học "Cảm tình Đảng"!

        - Cứ viền là khắc biết. Việc này còn quan trọng hơn cả đi học lớp "Cảm tình Đảng". Chỉ cần mi viền rồi đi cùng mẹ. Dã có người gánh lễ sang bên ấy. Mẹ sẽ hỏi vợ cho anh...

        - Ôi dào, mẹ đi đi, con chưa thích lấy vợ.

        - Ơ cái thằng ni! Tao mất công bao nhiêu mới được. Mi cứ nói không là không hả? Đây là chuyện người lớn, đâu phải trẻ con chơi đùa.

        - Nhưng chị ấy hơn con những sáu tuổi. Con không lấy đâu - Tôi phụng phịu - Còn lớn tuổi hơn chị dâu nữa.

        - Nhiều tuổi một tí, nhưng mà nó đảm đang, hay lam hay làm. Có về làm dâu thì nhà mình mới được nhờ.

        Mẹ tôi nói vậy, rồi chẳng cần biết ý tôi thế nào nữa, bà kéo tay tôi lôi về.

        Tôi ngượng, mặt đỏ lựng cả lên, không dám ho he gì nữa vì sợ mấy chú, mấy anh trên xã mà biết thì...

        Thôi, tốt nhất là cứ về xem sao đã rồi tính.

        Làng tôi có cái lệ tảo hôn, lấy vợ lấy chồng rõ sớm. Cha mẹ hỏi ai là phải lấy người đó cấm được cãi. Mẹ biết tính tôi nên cũng chiều, hễ tôi không ưng ai là lập tức đi hỏi đám khác ngay.

        Đếm đi, đếm lại phải đến mười lăm lần mẹ sắm sửa đồ lễ ăn hỏi cho tôi rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi cứ khất lần thoái thác. Có lần mẹ bực quá bảo:

        - Bố mày mất sớm, tao còn sống lo cưới vợ được cho mày chứ chết đi rồi ai lo?

        Tôi thương mẹ, nhưng trong lòng không ưng ai cả ngoài một cô gái làng bên cạnh. Tôi thích cô ấy nhưng không đến nỗi say mê lắm, và cũng không dám nói với mẹ. Tôi chặc lưỡi: Kệ, đến đâu thì đến, cứ chơi đã, sao vội lấy vợ sớm làm gì.

        Mấy hôm nay xã tôi, người ta kháo nhau có đợt tuyển quân đi bộ đội. Thanh niên các làng Đông Anh, Đông Tiến... nô nức rủ nhau đi khám tuyển.

        Tôi nghe ngóng, bồn chồn không yên. Tôi đợi hết buổi học, rồi vác cả cặp sách lên xã. Người đi khám tuyển đông quá.

        Tôi định len vào giữa nhưng lại chợt giật mình nhỡ có ai biết về mách mẹ thì chết, nên lại thôi.

        Anh Phao đã đi thoát ly rồi, bây giờ mà tôi cũng đòi đi thì thế nào mẹ cũng cản. Đành phải chờ đến lượt vậy.

        Tôi cứ đứng ở bên cạnh bàn tuyên quân, núp sau cái cột nhà đợi người ta ghi tên người cuối cùng trong hàng xong rồi mới dám bước ra.

        Không cần đợi tôi trình bày gì nhiều vì các anh ở xã đã biết tôi. Với lại, đợt khám tuyển quân lần này dành cho những thanh niên tình nguyện. Ai thích thì đi, xã không bắt buộc. Họ lấy cả những người đã có vợ lẫn người chưa có vợ.

        May quá, tôi trúng tuyển ngay.

        Chiều tối, tỏi ôm cặp sách về nhà, vẫn coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Mẹ tôi đang cho đứa cháu ăn.

        Tiếng lợn kêu ụt à ụt ịt phía chuồng sau nhà, chắc chị dâu đang cho chúng ăn. Tôi quẳng cặp sách xuống cuối giường rồi nằm giang tay ra, mắt mở to nhìn lên mái ngôi nhà cũ kỹ.

        Tôi cứ nằm như thế mà nghĩ ngợi lung tung. Mấy hôm nữa mình đi bộ đội rồi, rất có thể sẽ rất lâu sau mới về thăm nhà được hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ về nữa... giống như chú Sung ở cuối làng. Không biết đi bộ đội có giống như đi dân công không nhỉ?

        Chợt những hình ảnh đợt tôi đi dân công trước đó hiện về... Đó là khi tôi cùng đoàn dân công Thanh Hóa gánh gạo cho bộ đội lên miền Tây Bắc phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ mấy tháng trước thay cho chị dâu tôi lúc ấy đang phải mang bầu. Nhưng chỉ tiếc một điều là tôi chỉ được tham gia một thời gian ngắn khoảng bốn tháng. Đi dân công tuy vất vả, phải gánh gạo, lương thực, phải trèo đèo, lội suối... nhưng mà vui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:55:50 am »


        Nhớ những câu hò Thanh Hóa mà các anh, các chị đã hát động viên nhau dạo trước bỗng làm tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi bật ngồi dậy, gọi toáng lên:

        - Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?

        - Có chuyện gì thế Chao? - Mẹ tôi bồn chồn hỏi.

        - Mẹ ạ, con quyết định rồi, ngày mai con sẽ đi bộ đội. Sáng nay con đi khám và đã trúng tuyển. Mẹ cho con đi mẹ nhé?

        - Mày đi khám tuyển rồi còn hỏi mẹ gì nữa? Thế mày nhất định không cưới vợ à? Anh Phao mày đã có cháu cho mẹ, con Diệp cũng sắp lấy chồng, chỉ còn có mày nữa thôi. Hay là mày lấy vợ đã rồi hãy đi?

        - Thôi mẹ ạ, thời gian không còn nhiều nữa. Mai con phải đi tập trung nghe người ta phổ biến để mấy hôm nữa lên đường.

        - Mày khó bảo quá, mẹ chỉ lo mày đi rồi thì... - mẹ nói đến đây thì nước mắt đã rơm rớm đó hoe cả đôi mắt.

        Tôi không dám nhìn mẹ, vội vàng nói:

        - Thôi, con đi sang thằng Nửu một lát.

        Tôi chạy thật nhanh. Tôi nghĩ, chỉ nán lại ở nhà thêm chút nữa là tôi cũng khóc. Nhưng lẽ nào, một thằng con trai mười chín tuổi đầu lại khóc chứ?

        Từ sáng sớm tinh mơ, khi con gà gáy một hồi dài cuối cùng, làng tôi đã nhộn nhịp khác thường.

        Bây giờ là đầu tháng Tư, vẫn chưa hết mùa Xuân nên khung cảnh trong làng có cái gì đó ấm áp lắm. Tiếng người làng í ới nhau ra đồng, tiếng trẻ con khóc theo mẹ, cả tiếng chó sủa vu vơ, tiếng gà gọi đàn con cục cục. Tất cả những âm thanh đó ngày nào tôi cũng nghe mà sao hôm nay thấy bâng khuâng quá.

        Một số người làng đã từng tốp đi về phía ủy ban xã. Hôm nay xã tổ chức buổi tiễn thanh niên đi bộ đội.

        Chỉ một lúc nữa thôi, tôi sẽ có tên khi người ta đọc danh sách những người lên đường nhập ngũ lần này.

        Cả lớp tôi, chưa đứa nào biết tôi đi bộ đội ngoài mấy thằng Sam, thằng Nửu, kể cả bọn con gái cũng không đứa nào biết.

        Hì hì, tôi đoán nếu bọn con gái mà biết thì hôm nay thế nào cũng có đứa sưót mướt khóc cho mà xem. Con gái đứa nào chẳng hay mau nước mắt? Tôi chỉ sợ nhìn thấy chúng khóc lại không đủ “dũng khí” mà đi...

        Tôi sốt ruột đi ra đi vào, tưởng chừng một giờ đồng hồ bằng mấy năm liền khiến cho mẹ tôi phải gắt lên:

        - Mày làm gì mà lượn như cờ lông công thế? Đây, quần áo mẹ đã sắp sẵn cả rồi. Mày khoác vào. Để mẹ xuống bếp lấy đùm xôi với miếng thịt mang theo mà ăn.

        Nói rồi, mẹ tất tả đi ngay, loáng cái đã thấy mẹ mang ra một đùm xôi to tướng. Mẹ nhét hết vào túi vải. Xôi vẫn còn nóng, tôi đeo túi mà cái nóng vẫn chạm vào người âm ấm.

        - Đi nào! Mấy đứa đâu? cùng mẹ đưa thằng Chao ra xã.

        Thế là tôi đã chính thức là bộ đội được mấy tuần rồi.

        Những tưởng tôi lên đường lần này là có cơ hội đi ra chiến trường ngay. Nhưng mà mãi vẫn chưa thấy cấp trên có động tĩnh gì.

        Tôi chỉ thấy bảo, đợt tuyển này là tuyển bộ đội địa phương. Tức là bộ đội chỉ có làm nhiệm vụ ở địa phương nơi mình sinh sống, khi nào có lệnh khẩn cấp thì sẽ phân công nhiệm vụ giúp bộ đội chủ lực sau.

        Và hiện tại chúng tôi vẫn đóng quân ở địa bàn xã, chưa có quân phục nên tôi vẫn mặc đồ áo vải nâu như hôm còn ở nhà với mẹ. Tôi hơi thất vọng vì không được đánh nhau ngay. Cứ loanh quanh ở Huyện thê này, thì khác nào dân quân du kích, buồn chết đi được.

        Có mấy thằng làng bên đi cùng đợt với tôi đã bỏ về. Hôm qua thằng Ruân còn bảo với tôi:

        - Chao ơi, tao nhớ vợ quá. Có khi tao về thôi.

        - Anh về, không sợ cấp trên sao?

        - Không, tao nhớ vợ lắm rồi. Tao mới lấy vợ được một tuần, chắc vợ tao thấy tao đi thê này thì buồn lắm, với lại tao thấy người ta về cũng nhiều có ai nói gì đâu? Ai thích thì đi, ai không thích thì về, làm gì có nội quy nào mà sợ.

        Tưởng thằng Ruân nói thế cũng phải mấy hôm nữa mới về, ai dè nó lẻn đi từ đêm hay sao mà sáng nay tôi dậy không thấy nó nằm bên cạnh như mọi khi nữa.

        Như vậy tính cho đến hôm nay, cả xã tôi còn mỗi hai đứa là tôi với thằng Phép còn bám trụ. Tôi không dao động, vì tôi chưa có vợ nên không biết nhớ là gì, thỉnh thoảng có nghĩ đến cô Cúc (chỉ thoáng thôi) lại qua ngay. Nhưng tôi vẫn mong một ngày tôi được ra trận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:34:12 pm »


LẦN ĐẦU RA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

        Tháng 10 năm 1954.

        Sau một thời gian làm nhiệm vạ áp giải tù binh từ Điện Biên Phủ về, tôi và thằng bạn cùng xã được lệnh cấp trên: Hành quân về thị xã Thanh Hóa diễu binh, ngay sau đó là ra tiếp quản Hà Nội, bổ sung quân số vào một đơn vị của Trung đoàn 53.

        Tôi sung sướng quá chạy ra chạy vào. Thế là thoát khỏi cái cảnh địa phương. Bộ đội gì mà cứ loanh quanh hết xã rồi lại huyện chạy ba cái việc lặt vặt liên lạc, bộ đội gì mà chưa được mặc lần nào bộ quân phục chán chết đi được. Lần này đi, tôi nhất định phải ra trận. Như thế mới gọi là bộ đội được chứ!

        Ra Hà Nội, tôi không làm liên lạc nữa mà nhiệm vụ chính của tôi là làm lính gác, có mặt ở những nơi như Nhà máy Điện, Bốt điện, Nhà máy nước để ngăn không cho những phần tử xấu sau giải phóng phá hoại hay tiêu hủy những công trình Pháp để lại.

        Ra Hà Nội, cái gì cũng lạ lẫm đối với chúng tôi. Ngoài giờ làm việc, lũ chúng tôi cứ lang thang quanh khu vực đóng quân ở Bạch Mai để thỏa mãn trí tò mò.

        Chiều hôm ấy, mấy chú lính vừa đi vừa rôm rả nói chuyện thì gặp một hàng kem. Tôi liền vào mua một lúc bốn chiếc, chia đều mỗi thằng một chiếc. Chà, kem Hà Nội có khác, ngon quá! Tôi và mấy thằng bạn ăn một loáng đã hết cái kem. Giá mà còn tiền, chắc tôi phải ăn luôn một lúc mấy chiếc liền cho đã.

        Chỉ riêng có thằng Lâng là không ăn, nó xin cô bán kem giấy báo. Vì mải ăn nên chúng tôi chẳng đê ý nó xin giấy báo làm gì. Thê là chúng tôi lại nghêu ngao đi... Bỗng dưng thằng Lâng kêu ré lên:

        - Cha mẹ ơi, lạnh quá! - Nó vừa nói vừa rờ chỗ túi quần.

        Chúng tôi đồng loạt đổ dồn mắt về thằng Lâng. Quần của nó từ chỗ túi quần đến đầu gối ướt hết. Tôi thấy vậy ôm bụng cười:

        - Mày đái dầm à? Mót quá thì tè vào gốc cây, sao phải nhịn?

        Mấy thằng kia thấy tôi nói thì được thể, cười lăn cười bò. Chúng nó xúm lại thằng Lâng...

        Còn thằng Lâng mặt méo xệch, tay thò vào túi quần lôi ra một đông giấy báo ướt nhoẹt, nhão nhoét. Nó cãi:

        - Không phải tao đái dầm. Khi nãy, tao thấy vừa đi vừa ăn ngại quá nên tao xin giấy báo gói kem lại cho vào túi quần định bụng khi nào về đơn vị thì ăn.

        - Ui chao, sao mày ngốc thê hả Lâng! Kem là phải ăn ngay, mày cho vào túi quần thì nó chảy ra là phải. Bây giờ nhìn mặt thằng Lâng trông tồi tội.

        Chúng tôi không dám cười nữa. Thực ra thằng Lâng không biết cũng phải, vì từ lúc bé tới giờ nó chỉ quanh quẩn ở làng, học hành lại ít làm sao biết cái kem có thể tan chảy.

        Nhìn mặt thằng Lâng đỏ lựng vì xấu hổ, chúng tôi lại thấy nhói đau vì cái sự lạc hậu của dân mình.

        Lại nhớ cách đó một tuần, cậu lính trẻ ở Đại đội 2 canh gác ở bốt điện gần sân bay Bạch Mai, chả hiểu thế nào lại nghịch ngợm cho tay vào ổ điện ba phà, bị điện giật chết cháy đen trong bốt, ngày hôm sau Đại đội mới phát hiện ra.

        Nghe nói, mấy cậu lính bên Đại đội ấy rất hay bày trò lấy dây nguội quẹt vào đầu dây nóng cho tóe lửa để xem. Cũng có hôm bị giật nhẹ, lại còn rủ nhau thử xem giật như thế nào.

        Từ hôm cậu lính bị điện giật chết, không còn có ai dám mon men đến bốt điện, trừ khi phải làm nhiệm vụ.

        Chúng tôi lại chuyển sang làm công tác dân vận, vận động bà con Thủ đô giao nộp vũ khí cho Chính quyền mới. Có những lần tôi trực tiếp tổ chức những buổi văn nghệ quần chúng biểu diễn ở Nhà Hát lớn, dân nô nức kéo tới xem.

        Kể cũng phấn khởi. “Tuy không được đánh trận, nhưng dẫu sao cũng làm được một số việc có ích” - Tôi nghĩ thầm và tự động viên mình như thế.

        Tháng 5 năm 1955.

        Trung đoàn 53 lại nhận lệnh cấp trên chuyển xuống tiếp quản thành phố Hải Phòng.

        Lẽ ra phải đi sớm hơn nữa, nhưng do một số trục trặc về công văn đến chậm nên bây giờ mới chính thức chuyển quân. Lần này không phải hành quân bộ mà sẽ được đi tàu hỏa.

        Khoảng chín giờ tối, mấy Đại đội chúng tôi tập trung sẵn ở ga Hàng Cỏ để lát nữa sẽ lên tàu.

        Cả Đại đội phải ép người chui cho vừa ba toa tàu chở than. Ban ngày tàu khách đông cứng người, với lại cũng ít có chuyến đi, nên chúng tôi phải đi tàu hàng chạy chậm như rùa bò.

        Ban đêm tiếng bánh xe toa tàu chạy trên đường ray rít lên lọng óc. Tuy nhiên, vẫn có người ngủ được, vừa ngồi vừa ngủ. Tôi cũng nhắm mắt cho đỡ mỏi, đôi lúc giật mình hé mắt ra nhìn bắt gặp đồng đội có những kiểu ngủ thật tức cười.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:34:35 pm »


        Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi mới đến địa điểm tập kết. Nhìn ra, ai nấy đều đen nhẻm từ đầu đến chân, mặt mũi loang lổ những than là than.

        Thì ra lúc đêm tối không ai nhìn rõ, bây giờ nhìn thấy nhau thê này, chúng tôi không ai nhịn được cười.

        Chắc cả nước chẳng có anh lính nào như chúng tôi cả, vừa bước xuống tàu đã vội vã tản đi kiếm chỗ rửa ráy ngay. Chúng tôi đều là lính trẻ nên chẳng ai chịu mang bộ mặt nhem nhuốc thế này mà đi vào thành phố.

        Hải Phòng sau ngày tiếp quản, bộ mặt thành phố dường như vẫn ngổn ngang trăm bề. Có lẽ chúng tôi phải ở đây để giúp dân một thời gian dài thì mới có thể ổn định được.

        Vẫn là công việc gác những địa điểm trọng yếu, nhưng ở Hải Phòng vất vả hơn ở Hà Nội nhiều, tôi nhận nhiệm vụ gác một xí nghiệp. Quanh đó dân nghèo đói quá. Chỉ cần lơ đễnh một chút là có người lẻn vào tháo thiết bị máy móc, thậm chí kể cả những bu lông ốc vít họ cũng tháo tuốt mang về bán lấy tiền.

        Hôm ấy đến phiên tôi gác, vừa nhận ca trực được một lúc thì phía cuối xưởng có tiếng la hét ồn ào. Tôi bồng súng trong tư thế sẵn sàng, nhưng mắt không quên liếc nhìn về phía đó. Một thằng bé mặc độc cái quần đùi vá, giơ cái lưng còm nhom đầy vết dính dầu mỡ đang luôn miệng vừa khóc vừa xin:

        - Các chú tha cho cháu lần này, cháu sẽ không bao giờ dám lấy của các chú nữa...

        - Á, thằng này còn già mồm, đánh chết nó đi. Bé ranh con mà đã trộm cắp! - Mấy cậu ở tiểu đội gác bên xưởng mặt mũi đó gay, giữ chặt tay thằng bé bẻ quặt ra sau.

        Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi đã hiểu sự tình, vội chạy đến xin cho thằng bé. Tôi chỉ sợ mấy anh nóng lên, đánh nó thật thì tội vì tôi thấy nó bé quá. Thằng bé chừng mười tuổi là cùng, chắc vì nhà nghèo đói quá mới thế.

        Các anh ở tiểu đội nghe tôi nói, tha cho thằng bé ăn cắp ấy. Nó được tha, len lén nhìn tôi, rồi lí nhí:

        - Cháu cám ơn chú.

        - Được rồi, để chú đưa ra cổng. Từ nay đừng có lấy trộm nghe chưa? Nếu muốn, cứ đến phiên trực của chú, chú cho mày lấy, muốn lấy gì thì lấy, chú còn mang ra cổng cho. Mày mà cứ đi ăn trộm thế này, có ngày người ta bắn chết.

        Tôi dắt tay nó ra cổng và nói thế. Nó nghe tôi nói vậy thì mới thấy sợ hay sao mà òa lên khóc nức nỏ:

        - Mấy ngày rồi cháu không được ăn, thầy u cháu bữa trước bị người ta bắt mất rồi...

        Từ lúc tôi đi bộ đội tới giờ, chẳng bao giờ gặp tình huống này, lại càng chưa bao giờ chứng kiến trẻ con khóc một cách tức tưởi như vậy. Tôi đâm ra luông cuống, vụng về an ủi nó:

        - Thôi đừng khóc nữa, để chú tìm cho cái gì ăn. Mà tìm ở đâu ra bây giờ? Các chú cũng bị đói vì cả nước cũng bị đói mà.

        Tôi biết có tìm cũng không ra cái ăn nên đành lấy nắm cơm mà đơn vị chuẩn bị sẵn cho tôi ăn bữa chiều đem ra cho nó.

        Coi như chiều nay nhịn một bữa vậy. Nhìn nó ăn nắm cơm ngon lành, tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2019, 05:35:23 pm »

       
CHO CHÚNG CHÁU ĐI THEO VỚI!
     
        Năm ấy, Hải Phòng bị nạn đói hoành hành khiến cả thành phố lao đao. Nơi nào cũng có tin người chết đói.

        Trẻ con đứa nào đứa ấy gầy giơ xương, lở loét khắp người. Chúng tôi được phân công ở cùng với dân. Đôi lúc thấy chúng nó đói quá, có củ khoai, củ sắn nào chúng tôi cứ luộc sẵn để khi nào chúng đến thì cho mỗi đưa một củ.

        Ở xã Cát Hải quanh năm sóng nước này, cấy được khoảnh ruộng thì quí hơn vàng, bởi vậy trẻ con được chúng tôi cho ăn thì thích lắm. Hầu như ngày nào chúng cũng đến chơi.

        Thế lại hay, vì ngoài nhiệm vụ canh gác các trọng điểm ra, chúng tôi chẳng biết làm gì. Khi nào rảnh rỗi thì dạy chúng hát, tập văn nghệ cho chúng thế là có chúng nó bọn lính chúng tôi thêm vui vì có việc. Nào là lôi chúng ra cắt tóc, nào là bôi thuốc ghẻ, hắc lào (vì hầu như đứa nào cũng bị thế cả). Trong một tháng mà tất cả bọn trẻ con khác hẳn đi trông thấy, không còn nhếch nhác bẩn thỉu như trước nữa.

        Cơn bão số Bốn bỗng ầm ập đổ vào Cát Hải.

        Trên xã đã nhiều lần thông báo về cơn bão nguy hiểm này yêu cầu dân phải đi sơ tán, thậm chí Đại đội tôi đã phải cử người xuống tận làng vận động bà con đi nơi khác để tránh bão nhưng rất nhiều hộ gia đình cứ lấy lý do này khác lần lữa không đi.

        Đến chiều thì gió lớn táp mạnh đổ hết cây cối dọc đường làng. Một vài mái nhà bị tốc, tung hết cả mái rạ tả tơi. Chúng tôi được lệnh khẩn trương đến từng nhà giúp bà con nhưng vẫn không kịp. Mưa lớn ào ào đổ xuống, gió quất mạnh đến nỗi không thể bước, thậm chí có một vài anh đã thử ra ngoài liền bị gió nhấc bổng lên không trung, không thể cưỡng nổi.

        Chúng tôi bám nhau đi trong mưa bão, cố tìm trẻ con và người già đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Cứ như vậy cả một đêm vật lộn với mưa bão, cho đến lúc chính chúng tôi phải lả đi vì mệt thì đếm ra cứu được vài chục người kể cả người lớn lẫn trẻ con. Lúc ấy đêm đã gần về sáng.

        Không ngờ đến sáng hôm sau cả xã bị ngập mênh mang là nước. Tiểu đội tôi lại được huy động đi khắc phục hậu quả sau bão vì Xã đội trưởng báo cáo một số bà con không kịp sơ tán đã bị nước cuốn trôi. Chẳng kịp nghỉ ngơi, chúng tôi lại đội mưa gió ra đi.

        Trước mắt tôi cảnh tượng thật hoang tàn. Xác người chết nổi trên dòng nước cuồn cuộn không biết bao nhiêu mà kể. Chẳng còn cách gì hơn, chúng tôi phải lao ngay xuống dòng nước để vớt từng người. Làm khẩn trương càng nhanh càng tốt vì sợ nếu chậm xác sẽ trôi ra biển khó mà tìm. cả tiểu đội từ sáng tới giờ đã hàng chục lần lao xuống nước rồi lại lên bờ mà mãi vẫn chưa kéo được hết xác người.

        Trong lần thứ mười một nhảy xuống cứu một bà cụ đang cố bám lấy cành cây gãy để đưa bà cụ lên thì anh Đức, một chiến sĩ cùng tiểu đội tôi do đuối sức bị dòng nước cuốn đi...

        Cho đến lúc biết tin anh Đức hi sinh thì tôi đã vớt được mười hai người, không còn đủ hơi sức lết đi thêm một bước nào nữa. Tôi nằm vật ra rệ đất, mặt mũi nhợt nhạt, tay chân nhăn rúm hết cả lại vì ngâm nước quá lâu và lạnh.

        Trận bão kinh hoàng đã làm cho người dân Cát Hải đã nghèo khổ, giờ lại càng khổ hơn. Còn chúng tôi sau trận bão khó mà quên được cảnh tượng hãi hùng cho đến mãi sau này.

        Thế rồi, thời gian tiếp quản Hải Phòng cũng đã hết. Cấp trên nói anh em chiến sĩ chuẩn bị thu xếp lên đường, rất có thể sẽ hành quân bộ vào Thanh Hóa làm công trình quốc phòng.

        Tôi vẫn biết là bộ đội thì luôn phải di chuyển theo đơn vị nay chỗ này mai chỗ khác nhưng trong lòng vẫn cứ thấy bâng khuâng sao ấy. Chẳng gì nơi đây chúng tôi đã từng ở chung với dân gần một năm trời, chúng tôi đã thuộc lòng tên từng đứa trẻ mỗi khi nhắc đến chúng.

        Chẳng biết khi chúng tôi đi, chúng nó có nhớ không nhỉ? Còn tôi chắc sẽ nhớ chúng lắm.

        Sáng nay, tất cả chúng tôi đã tập trung đông đủ ở doanh trại để chia tay bà con Cát Hải lên đường.

        Bọn trẻ con cũng theo bố mẹ tới. Lúc trước nghe nói những buổi chia tay giữa bộ đội với dân của các anh chị lúc nào cũng bịn rịn tôi chỉ biết vậy, bây giờ tôi lại chính là một trong những anh bộ đội đó mới thấy thực sự cảm động.

        Lẫn trong tiếng cười nói là những giọt nước mắt. Tôi cứ tưởng mình cứng rắn lắm nhưng thực tế hóa ra tôi lại là người đa cảm. Chúng tôi khoác ba lô hành lý lên vai tạm biệt đất Hải Phòng, bà con cô bác tiễn chân chúng tôi. Những câu chuyện chắp nối bỗng dưng chẳng thể nào dứt ra được.

        Đoàn chiến sĩ hành quân xen lẫn những người nông dân tạo nên một bức tranh chan chứa yêu thương khiến cho tôi thấy trái tim mình rộn rã lạ thường.

        Tôi giơ tay bứt một bông dâm bụt ven đường đưa cho thằng bé con đang được mẹ bế trên tay. Nó sướng quá cười toe toét. Bà con không còn đi theo chúng tôi mà dừng lại nhìn theo chúng tôi khuất dần sau chỗ ngoặt cuối con đường. Thỉnh thoảng chúng tôi ngoái đầu lại, vẫy tay chào thêm một lần nữa.

        Bỗng có tiếng trẻ con vừa chạy vừa khóc:

        - Các chú ơi, cho chúng cháu đi với! Chú Chao ơi, cho chúng cháu đi với!

        Chúng tôi thấy chúng khóc gọi thì không đành bước tiếp, chờ cho chúng lại gần, mấy anh mới nói:

        - Các cháu về đi, các chú đi bây giờ sẽ đi xa lắm, còn phải đánh giặc nữa. Các cháu ngoan về đi nhé.

        - Không, chúng cháu không về đâu, cho chúng cháu đi theo với, chúng cháu muốn học hát cơ - Bọn trẻ như bảo nhau đồng loạt khóc rống lên, nước mắt ròng ròng.

        Nói thế nào cũng không được, chúng chẳng chịu về. Chúng nó lại cứ bám lấy tay tôi:

        - Chú Chao ơi, cháu đi với, nếu chú không cho, các chú đi đâu, cháu sẽ đi theo!

        Tôi đâm ra lúng túng, đến nước này thì chịu thật rồi. Đại đội trưởng Thanh xuống cười bảo tôi:

        - Thôi có lẽ cậu phải ở lại, chứ chúng đi theo thế này kể cũng tội, chúng nó chắc không muốn cậu đi đâu. Ai bảo cậu quí chúng nó quá cơ! Cậu đưa chúng nó về rồi làm cách này...

        Đại đội trưởng cúi xuống nói thầm với tôi. Nghe lời anh Thanh, tôi dẫn lũ trẻ quay về làng.

        Đêm hôm ấy, tôi với lũ trẻ ngủ ở nhà một người làng.

        Nhìn lũ trẻ ngủ trong ánh đèn dầu leo lét, tôi thấy chúng mới dễ thương làm sao. Mà cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại có duyên với bọn trẻ đến thế. Tôi chờ chúng nó ngủ thật say rồi mới lẻn đi. Trước khi đi tôi còn kịp báo với anh chủ nhà:

        - Em đi nhé, bây giờ đuổi theo đơn vị, chắc tối sáng mai là kịp.

        Anh chủ nhà nắm tay tôi thật chặt, nhìn ánh mắt anh, tôi nghĩ anh đã thông cảm và hiểu cho bộ đội chúng tôi.

        Trăng trên đỉnh đầu sáng vằng vặc. Gió xào xạc bụi tre làng. Tôi khoác ba lô rảo bước thật nhanh theo hướng đơn vị sáng nay đã đi.

        Bao nhiêu ý nghĩ trong đầu cứ vậy miên man theo bước chân tôi. Thế là tôi đã đi bộ đội được hơn năm rồi. Cứ ở làng thì làm sao tôi được chứng kiến những câu chuyện thú vị thế này?
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM