Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:32:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tình ái và binh nghiệp của thống tướng Mac Arthur  (Đọc 6600 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2019, 12:44:20 pm »

       
        Quả thật trong hồi ký của ông, MacArthur đã biện minh rằng các sư đoàn Nam Cao «được huấn luyện kỹ, đầy đởm lược và lòng yêu nước nhưng lại không được võ trang đầy đủ. Ta sẽ thấy họ hành động trong chốc lát đây. Không phải một mình MacArthur là có ảo tưởng. Trước cuộc xâm lãng ít lâu, Thiếu Tướng William Roberts, sau khi mãn nhiệm chức vụ chỉ huy phái bộ quân sự Mỹ tại Cao Ly trở về đã tuyên bố một cách hết sức giản dị rằng quân đội Nam Cao «là đạo quận tinh nhuệ nhất thế giới, tất nhiên là «ngoài quân đội Mỹ ra». Tờ Times ngày 5 tháng 6 năm 1950 (ba tuần lễ trước khi cuộc xung đột mở màn) viết : «giờ đây các quan sát viên đều cho rằng đạo quân 100.000 người này là quân đội tinh nhuệ nhất trong số các quân đội cùng loại tại Á châu... quên rằng chiến tranh không phải là một trận quyền Anh trong đó người ta có thể đưa hạng trung bình đấu với hạng nặng, ngay cả nếu điều đó «không chơi được» như trẻ con vẫn nói. Và người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng đây chính là trẻ con.

        Riêng phần người Mỹ, thì bất chấp những lời khuyến cáo của Ngoại trưởng Dean Acheson — tuy bị MacArthur và nhiều đảng viên Cộng Hòa coi như một cán bộ Cộng Sản nằm vùng — đã quyết định rút hết quân đội về năm 1948. Sau nhiều lần can thiệp với Quốc Hội, Ạchcson thành công trong việc duy trì lại một lữ đoàn. Nhưng đơn vị này cũng bị rút đi ngày 29 tháng 6 năm 1949 Một lần nữa, trong một phiên họp bàn về ngân sách năm 1950, ông ngoại trưởng, viên chức duy nhất sáng suốt, đã đoan quyết rằng nếu không có viện trợ được gia tăng, «cộng hòa Nam Cao Ly sẽ có thể sụp đổ trong ba tháng.» Phần ông, «chuyên viên «lớn» nhất của Mỹ về Á châu», «người Mỹ duy nhất hiểu rõ tâm hồn Á châu, thì chẳng thấy động tĩnh gì. Chẳng thấy có lần nào nhà chống cộng vô địch tại Á châu lên tiếng đòi duy trì hay tăng cường cho quân Mỹ, mà sự có được duy trì hay không chỉ tùy thuộc thật sự vào một mình ông.

        Cũng quả thật là lúc đó MacArthur khoe khoang có trong tay «cơ sở tình báo giỏi nhất thế giới» nhất là khi ông đến hội kiến với Tổng Thống Truman tại đảo Wake, tháng 10 năm 1950 và trong Hồi ký của ông. Một cơ sở như thế, mạnh hơn cả KGB, CIA hay là IS1 chỉ có thể làm cho mọi người yên tâm về thế quân bình lực lượng đương thời và về các ý định hòa bình của Bắc Cao.

        Vào cuối tháng ba 1950, Trung tướng Willoughby chỉ huy trưởng tình báo của MacArthur đã viết trong một phúc trình cho Hoa thịnh đốn : «Ở dây (Đông- Kinh) mọi người đều nghĩ rằng sẽ không có nội chiến tại Cao Ly vào mùa xuân hay mùa hè này.» Thế mà bộ tham mưu của Tướng MacArthur, trong tư thế là bộ tư lệnh tối cao đồng minh, là nơi nhận các tin tức tình báo của các cơ sở tình báo Hoa Kỳ chính thức và được các cơ quan tình báo Nam Cao thông báo cho biết kết quả việc làm của họ. Sáu tháng trước cuộc xâm lăng, các cơ sở này nhấn mạnh đến một cuộc tập trung quân lực của Bắc Cao dọc theo vĩ tuyển 38. 185.000 quân, 173 chiến xa, 32 chiến hạm và 197 phi cơ đang được ồ ạt dồn về đấy (những con số này phản ảnh một cách đáng kể, với đôi chút sai biệt nhỏ, quân số của đạo quân xâm lăng ngày 25 tháng 6 tiếp theo đó.) Ngày 12 tháng 5, tướng Huberts cho các con số này là đúng và trấn an viên Tổng trưởng Quốc Phòng Nam Cao bằng cách quả qưyết rằng ông không nghĩ là một cuộc tấn công có thể xảy ra. Vả chăng ông nói thêm rằng nếu vạn nhất cuộc tấn công xảy ra, «Quân đội Nam Cao sẽ có khả năng đẩy lui địch».

        Hơn thế nữa : ngày 10 tháng 3, Tổng hành dinh сủа MacArthur chuyển về cho Hoa thịnh đốn một bản tin tình báo theo đó «quân đội nhân dân sẽ tấn công Nam Cao vào tháng 6 năm 1950» (do Ngoại trưởng trích dẫn khi ra làm chứng trước một ủy ban các tham mưu trưởng). Bản giải đoán đính kèm (cũng được trích dẫn) , mà ta có thể coi như là của Tướng Willoughby, kết luận rằng cần giải thích bản phúc trình theo chiều hướng «quân đội nhân dân sẵn sàng xâm chiếm Nam Cao từ mùa thu». Vả chăng, người giải đoán tin tình báo thuộc bộ tham mưu của MacArihur viết thêm, ngay cả với nhiều bản tin báo động mới được đưa đến, cũng sẽ không có báo động quá mức, bởi vì «rất có thể quân Cộng Sản còn chờ đợi ít lâu nữa để cho Nam Cao thật chín mùi trước khi gặt hái». Điều đó không ngăn MacArthur sẽ viết trong tập Hồi ký :

        «... Cơ sở tình báo của tôi không ngừng cho tôi biết một sự đe dọa tấn công сủа quân Bắc Cao vốn có vẻ như sẽ thành sự thật trong mùa hè 1950...»

------------------
        1. KGB = tình báo Nga, CIA = tình báo Mỹ, I.S = tình báo Anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 01:19:57 am »


*

*       *

        Chủ nhật 25 tháng 6 năm 1950 lúc 4 giờ sáng, quân Bắc Cao tràn xuống Nam Cao.

        Và những binh sĩ tuyệt vời của Nam Cao — mà báo chí Mỹ sẽ mệnh danh là «Rok» (các chữ đầu của các tiếng «Republic of Korea») — thuộc đạo quân tinh nhuệ nhất thế giới (ngoài quân đội Mỹ) nhào lăn lông lốc như tuyết lở về phía nam trước đoàn quân xâm lăng cộng sản.

        Nhờ ơn các múi giờ, tại Hoa thịnh đốn người ta còn ở vào ngay hôm trước, thứ bảy 24 tháng 6. Lúc 22 giờ, một tin điện của hãng thông tấn tư va một điện văn của Đại Sứ Mỹ tại Đài Bắc, Muccio, tiếp theo ngay, được đưa đến bộ Ngoại Giao. Dean Acheson có ở đấy. Con người lịch sự bảnh bao của chính giới này, như các địch thủ của ông vẫn gọi ông, «người đã gài vào bộ Ngoại giao vô số cộng sản nằm vùng» — họ phải tuyên thệ trên thánh kinh — và ngoài ra còn là người để râu mép kiểu Ăng-Lê và mặc y phục kiểu Tô cách lan, hôm đó không đi nghỉ cuối tuần như tất cả mọi người. Dean Acheson điện thoại cho Tổng Thống Truman đang ở cách đó 1.600 cây số về phía tây bắc, nơi tiểu bang Wisconsin sinh quán của ông, chung quanh bao bọc bởi những hồ nước lớn của Gia nã đại. Rồi ông triệu tập các cố vấn. Đến 8 giờ sáng, qua trung gian của đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông ra lệnh yêu cầu ông Trygve Lie, tổng thư ký của tổ chức vui lòng triệu tập Hội đồng Bảo An. Đến 8 giờ, Acheson gọi lại Tổng Thống Truman. Cần phải xác định lập trường của Hoa Kỳ trước cuộc xâm lăng trước khi cuộc họp tại Lake- Success bắt đầu. Harry Truman không có ở nhà. Ông đã đi thăm người em Vivian và cô em gái Mary-Jane tại trang trại Grand View của họ. Rốt cuộc đến 11 giờ 30, ông Ngoại trưởng mới nói chuyện được với Tổng Thống bên kia đầu dây, tổng Thống quyết định sẽ trở về Hoa thịnh đốn, nhưng sau khi ăn trưa xong. Xế chiều, Tổng Thống đã có mặt tại Blair House một ngôi nhà nhỏ xinh đẹp kiểu «Early American -  nằm cách tòa Bạch Ốc một con đường trong vườn và thường dành cho thượng khách khi đến viếng thăm Hoa Kỳ. Tòa nhà lớn của Tổng Thống đang được sửa chửa.

        Trong thời gian chiếc Independence, phi cơ của Tổng Thống, bay về Hoa thịnh đốn, với Tổng Thống bên trong, tại Lake Success gần Nữu ước, Hội đồng Bảo an đang nhóm họp. Không có măt ông Joseph Malik. Song le Nga sẽ nắm quyền phủ quyết cùng với bốn hội viên thường trực khác. Do đó Hội đồng yêu cầu rút các lực lượng Bắc Cao về vĩ tuyến 38 và chấm dứt hành đông thù nghịch bằng chín phiếu, Nam Tư bỏ phiếu trắng và Nga Sô thì... vắng mặt

        Tại Hoa thịnh đốn, sau bữa ăn tối, tổng Thống Truman tham khảo ý kiến các cố vấn dân sự và quân sự. Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Dean Acheson có cùng một ý kiến với Tổng trưởng Quốc phòng Louie Johnson. Nếu Hoa Kỳ để cho cộng sản mua gậy vườn hoang tại Cao Ly, thì đấy là mở cánh cửa cho cộng sản xâm lăng Đài Loan, có lẽ cả Phi luật tân cũng không chừng. Và cả Nhật Bản, tại sao không ? Tại Đông Dương người Pháp đã khốn đốn với Việt Minh từ lâu. Dầu cho quân đội của Mao từ nay đã đóng tại biên giới phía bắc thì cũng chẳng dàn xếp được việc gì giữa đôi bên. Chỉ có một người tỏ vẻ ngần ngại trước sự can dự của Mỹ. Lạ lùng thay đấy lại là một quân nhân. Tướng Omar Bradley, chủ tịch ủy ban các tham mưu trưởng, thấy rằng chiến trường Cao Ly không mấy thuận lợi cho một cuộc đụng độ với Nga Sô.

        Bởi vì đối với tất cả, đó mới chính là vấn đề.

        Truman quyết định can thiệp. Thật ra, chỉ can thiệp giới hạn thôi. Để hậu thuẫn cho công cuộc kháng cự của Nam Cao, chỉ cần gửi hải quân và không quân đến đấy. Đây chính là điều được minh xác trong bản tuyên cáo của Tổng Thống được công bố lúc 12 giờ trưa hôm sau. thứ ba 27 tháng 6 năm 1950.

        Ngày này sẽ được ghi trong sử sách. Hoa Kỳ vừa lao vào cuộc chiến đấu võ trang chống cộng sản tại Á châu.

        Đối với MacArthur, không bao giờ cạn những công thức sang sảng, thì Hoa Kỳ đã nhận sự thách thức mà đế quốc cộng sản tung ra cho thế giới tự do. Ông sắp được dùng ngay lập tức cho sự chấp nhận thách thức như vậy

        Phải thừa nhận là guồng máy đã quay. Đối với Hoa Kỳ không thể nào chỉ ủng hộ quân Nam Cao bằng không quân và hải pháo mà thôi. Vì lý do đơn giản là chỉ trong vài giờ nữa, sẽ chẳng còn quân đội nào để mà hỗ trợ. Quyết định can thiệp nhất thiết phải kéo theo sự can dự của lực lượng bộ chiến.

        Đấy chính là điều MacArthur đòi hỏi, ngay sau khi thực hiện một vòng quan sát tại mặt trận Cao Ly trở về, nếu ta có thể dùng danh từ này để nói về một đạo quân đang tan rã tháo chạy. Với sự táo bạo quen thuộc, ông cho đáp chiếc phi cơ riêng, chiếc Bataan, xuống cách Đài Bắc 35 cây số. Rồi dùng xe Jeep tiến thằng về thủ đô «dưới một cơn oanh tạc liên tục của không quân địch, đi ngược lên dòng người ghê gớm của một đạo quân đang tháo chạy» ông kể lại trong tập Hồi ký. Ông dừng xe lại bên bờ sông Han để ngắm thủ đô Nam Cao đang ở trong tay địch quân. «Tôi quan sát trong vòng một giờ quang cảnh tai biến mà tôi sẽ thừa hưởng...»
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 01:20:53 am »


        MacArthur là một chiến thuật gia tuyệt vời mặc dầu đôi khi là một chiến lược gia đáng phàn nàn. Trong lúc ông nhìn các cột khói bốc lên cao từ một thủ đô, đã được xây đựng từ sáu thế kỷ, ông đã vạch ra kế hoạch đầu tiên để can thiệp trên bộ, với các lực lượng chiếm đóng dưới quyền tại Nhật, sao cho mệnh lệnh được chặt chẽ. Sợ rằng một cuộc xâm lăng của Nga Sô có thể xảy ra, nền an ninh của Nhật không được để cho bị đem ra suy xét hơn thiệt. Và một khi tình thế đã ổn định, ông nghĩ đến việc phản công. Trong trí ông — ít ra là về sau ông xác định như thế — đã phác lộ cuộc hành quân Inchon «cuộc hành quân duy nhất có thể chuyển bại thành thắng «và nó vẫn còn là một trong những thành công về quân sự đáng được ngưỡng phục nhất của ông nếu không phải là phi thường nhất. Điều chắc chắn là, quả thật, ông sẽ cho các vi tham mưu trưởng biết ngay ý chí của ông muốn tấn công vào sau quân Bắc Cao bằng các cuộc điều quân thủy bộ.

        Khi trở lại Đông Kinh, MacArthur điện cho Hoa thịnh đốn : « Hy vọng duy nhất để giữ phòng tuyến hiện nay và tái chiếm sau này lãnh thổ đã mất, ông nói, nằm trong sự can thiệp của lục quân Hoa Kỳ...» Sau khi tham khảo các cố vấn, Truman chấp thuận.

        Song le, Tổng Thống từ chối đề nghị tham chiến của 33.000 người trong số các «chiến sĩ thiện chiến nhất» của Tướng Giới Thạch. Cả cuộc biểu dương tại xứ họ lẫn vũ khí của họ đều không có gì đáng tin tưởng, và nhất là các phản ứng quốc tế rất bất định. Bóng đen Nga Sô, giờ đây là thần hộ mạng của Trung Cộng, kẻ thù của Đài Loan, đè nặng lên Cao Ly cũng như lên Nhật Bản, Ba Tư, Âu châu v.v... Vả chăng, trong dịp viếng thăm Đông Kinh của họ vào đầu tháng 7, MacArthur đã khuyên các Tướng Collins và Vandenberg «phải mạnh mẽ từ chối sự cung hiến 33.000 quốc quân của Tưởng Giới Thạch», Truman đã nhấn mạnh trong Hồi ký của ông. Điểm này rất quan trọng. Ta sẽ thấy tại sao sau này. Nếu hai ông Tướng đến gặp MacArthur, chính là để xác định ý nghĩa chính xác của các chỉ thị đã được gửi đến cho ông. Tổng Thống Truman biết quá nhiều về ông Tổng Tư lệnh tại Viễn Đông của ông, nên đã không khỏi sợ những hành động bốc đồng của ông này. Nhất là ông chưa bao giờ được gặp ông Tướng. Thật quá kỳ lạ, con người không ngừng tự cho phép chống đối công khai chính sách của Mỹ tại Âu châu và Á châu («Hoa Kỳ không có chính sách về Á châu», ông vẫn thường lặp đi lặp lại như thế cho những người nào muốn nghe ông nói), lại không có đặt chân trở lại lục địa Mỹ một lần nào nữa kể từ khi khởi hành đi Manille năm 1935, ngoài chuyến tháp tùng Tổng Thống Quezon của Phi luật tân năm 1937 trong một chuyến công du chính thức. Do đó, từ mười lăm năm qua, sự xáo trộn vĩ đại của Đệ II Thế chiến vốn đã ban cấp cho Hoa Kỳ tư cách lãnh đạo của thế giới tây phương bằng cách hạ đo ván hai đế quốc Anh và Pháp, và đã xác nhận trên bình diện ngoại giao những gì đã xảy ra trên binh diện kinh tế, tức là cường quốc mạnh nhất thế giới, trong suốt thời gian đó MacArthur không cho rằng tìm hiểu tiến bộ của xứ sở mình về mặt kỹ nghệ cũng như về mặt tinh thần là điều hữu ích. Cá nhân ông chỉ được biết tình hình qua các nhà lãnh đạo đến thăm ông. Thế mà chính ông, người cho rằng mình đã nói nhân danh dân tộc Mỹ, lại làm vang dội những phản ứng giả định của ông.

        Nhân chuyến khới hành đi Đông Kinh của hai trong số các cố vấn quân sự của ông, Harry Truman cay đắng ghi chú rằng riêng ông, ông thấy rằng, «trong một lúc như vậy, các vị tham mưu trưởng có mặt tại thủ đô có ích hơn». Tuy nhiên. Tổng Thống nói thêm:

        «Tôi hoàn toàn hiểu biết sự cần thiết phải tránh hiểu lầm giữa Hoa thịnh đốn và Đông Kinh và tôi rất lấy làm tiếc là Tướng MacArthur vẫn luôn luôn từ chối mọi lời mời về Hoa thịnh đốn được chuyển đến cho ông, dầu cho chỉ là một chuyến thăm viếng ngắn hạn.» Điều mà Truman muốn MacArthur hiểu rõ chính là hành động của Mỹ tại Cao Ly chỉ nhằm mục đích «tái lập hòa bình tại đó và đường ranh ngừng bắn cũ». Ông đã cho thay đổi đoạn chót của chỉ thị gởi cho MacArthur, bởi vì bản văn này «cho phép giả định rằng chúng tôi đang chuẩn bị chiến tranh với Nga Sô. «Tôi tuyên bố một cách quả quyết, Tổng Thống nhớ lại trong Hồi ký của ông, rằng bằng bất cứ giá nào tôi cũng không muốn thấy một dấu hiệu cỏn con nào trong ý nghĩa đó. Tôi chỉ thuận làm mọi chuyện cần thiết để đẩy quân Bắc Cao lui về vĩ tuyến 38, nhưng tôi giữ vững lập trường chủ yếu là chúng ta không can dự quá sâu vào xứ này để đến nỗi không còn có thể sẵn sàng đương đầu với một tình thế khác cùng loại có thể xuất hiện ở nơi khác.»

        MacArthur có hoàn toàn thực thi chính sách này không — một chính sách mà ông vẫn cho là không hề có vì nó ngược lại với quan điểm riêng của ông và cuộc viễn chinh sẽ đưa Hoa Kỳ vào thế chống lại Cộng sản tại Á Châu — sự tiếp diễn của các biến cồ đã không cho thấy rõ lắm...,

        Điều đó cũng không ngăn được MacArthur chứng tỏ tài tổ chức của ông ở Đông Kinh.

        Ông trưng dụng tất thảy các phương tiện chuyên chở dân sự và quân sự — phi cơ, xe lửa, thuyền bè — đề tập họp quân đội dưới quyền tại Nhật Bản bốn Sư đoàn của đệ VIII lộ quân, nhưng chỉ với 70% cấp số thời chiến, ông không có thì giờ chờ cho đến khi tập họp đủ quân số, mà tung ngay lực lượng đã được tập trung vào trận đánh trước khi quân Bắc Cao chiếm toàn diện Cao Ly. Ông sẽ chấp nhận nguy cơ là đưa vào chiến trường từng đoàn quân nhỏ, khai thác nỗi lo âu của địch trước sự can thiệp của Mỹ và sự thiếu hiểu biết rất có thể của địch về số lượng của lực lượng can thiệp. Chiến lược này thành công. Thay vì tiếp tục dồn gấp các đơn vị thiết giáp về phía trước (vì các chuyên viên Nga Sô thì lại không cho là chiến trường Cao Ly không thích dụng cho chiến xa), theo một trục xâm nhập duy nhất của bán đảo — con đường dọc chính giữa — quân Bắc Cao lại lập một phòng tuyến. Sự do dự này đã giúp cho MacArthur có mười ngày cần thiết đề đưa tất cả quân số của ông ta đến. Nhưng không phải là sư đoàn 24 — sư đoàn đầu tiên của đệ VIII lộ quân tham chiến — đã không bị đánh tả tơi thật sự trong các trận đánh trì hoãn hào hùng trong đó vị tư lệnh, Tướng Dean, đã tử trận, ông này đươc nhìn thấy lần cuối cùng, một khẩu Bazoka cầm tay, trong một trận đánh dã man chống lại chiến xa trên đường phố ở Taejon.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 01:21:34 am »


*

*      *

        Từ ngày 7 tháng 7, do đề nghị của Hoa Kỳ, Tướng MacArthur được Liên Hiệp Quốc chỉ định như là Tổng tư lệnh các đoàn quân mà tổ chức đề nghị gởi qua cứu Nam Cao. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử the giới, một bộ tư lệí.h như thế được thành lập. Các đoàn quân sẽ chiến đấu dưới lá cờ xanh của Liên Hiệp Quốc.

        Đoàn quân đổ bộ đầu tiên — quân Anh — chỉ đặt chân lên đất Cao Ly vào ngày 31 tháng 8. Tiếp ngay sau đó là các thành phần quân Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Thổ nhĩ kỳ, Úc, Phi luật tân. Tất cả đều đồ bộ lên một vùng đầu cầu nhỏ hẹp, rộng khoảng một ngàn cây số vuông chung quanh hải cảng Pusan, trên bờ phía đông nam đối diện với Nhật Bản. Đấy là tất cả lãnh thổ còn lại trong tay «quân Liên Hiệp Quốc», đoàn quân này sẽ phải trả giá đắt về sinh mạng để bảo vệ mãnh đất ấy trong một tháng chiến đấu khốc liệt.

        Tất nhiên là sư viện trợ quốc tế không phải là không đáng kể nhất là về mặt tinh thần, nhưng rõ ràng  rằng nỗ lực chủ yếu phải do Hoa Kỳ cáng đáng cả. Cùng ngày 7 tháng 7 ấy, MacArthur xin Hoa thịnh đốn tăng viện. Không phải dễ dàng gì. Theo quan điểm của ông, một lực lượng tối thiều gồm năm sư đoàn sẵn sàng chiến đấu và ba tiểu đoàn chiến xa với pháo binh và các cơ sở phụ dịch tương ứng, rất cần cho ông, bổ túc cho bốn sư đoàn Mỹ mà ông hiện có sẵn. Thật vậy ông ước tính trước mắt có sáu sư đoàn quân Bắc Cao và ba lữ đoàn cảnh bị được yểm trợ bằng hai trăm chiến xa và một sự che chở bằng không quân.

        Quả thật tình hình chiến trường không có gì đáng khích lệ. Lại còn thật hơn nữa là MacArthur có lẽ chưa hoàn toàn nắm hết ý nghĩa các chỉ thị của Hoa thịnh đốn. Trong tập Hồi ký, ông chẳng đã viết :«Thà là Hoa Kỳ đã nhận sự thách đố. Nguy cơ can thiệp của Trưng Cộng và của Nga Sô hoàn toàn được hiểu rõ và được chấp nhận

        «Truyền thống của Mỹ, MacArthur viết tiếp, luôn luôn là một khi quân đội đã can dự vào, thì tất cả sức mạnh và tất cả phương tiện của Quốc Gia phải được động viên cho cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng chứ không phải cho đến khi huề hay đến sự thỏa hiệp (nói rõ ra là phải hiểu rằng cho đến khi đưa quân Bắc Cao trở lại vĩ tuyến 38). Chính vì thế  mà tôi đã nghiên cứu các phương tiện có thể mang lại chiến thắng này. Không một lúc nào tôi tưởng tượng được rằng chúng ta lại đoạn tuyệt với truyền thống của chung ta.» Câu sau cùng này đã giải thích sự thiếu thiện ý bề ngoài của tác giả, bằng lời nói và chữ viết, muốn làm sai lạc ý định chính xác của chính phủ mình.

        Sự «hiểu lầm» hoàn toàn cố ý này sẽ gây ra nơi MacArthur một loạt «ngạc nhiên», «bất ngờ» và «ngẩn ngơ» được nhét đầy trong tập Hồi ký của ông và làm cho đọc giả hết sức kinh ngạc.

        Chẳng hạn như, một trong muôn vàn ví dụ, MacArthur «ngẩn ngơ vì sự đón tiếp lạnh nhạt dành cho bức điện văn này (ngày 7 tháng 7), điện văn báo hiệu các nhu cầu cực kỳ khẩn bách (của ông) ». Trước «sự ngạc nhiên vô cùng» của ông, cuộc viếng thăm Đài Loan của ông đã đưa đến một «cơn thịnh nộ nổ bùng»; sự ngạc nhiên của ông sẽ đến mức toàn diện, khi Tổng Thống Truman yêu cầu ông rút. lại chúc từ của ông gởi cho các cựu chiến sĩ Mỹ trong đó ông công khai tán dương cho Đài Loan một chính sách đối nghịch với chính sách của chính phủ.

        Và tuy nhiên... người ta cũng mong muốn có một phút thành thật khi MacArthur không gặp được, tại Ngũ giác đài, tất cả những sự thông cảm mà ông, mong ước, dành cho các lời yêu cầu tăng viện của ông. Thế nhưng ông lại thấy những phản ứng đối với những «màn» trình diễn của ông về Đài Loan và về lá thư gởi cho các cựu chiến sĩ đưa đến việc tự đặt các câu hỏi, đều là bất thường cả.

        Vì rốt cuộc, với vụ Đài Loan và nhất là với vụ cựu chiến sĩ, có lẽ người ta mới thấy đối diện với hành động có tính cách nổi loạn đầu tiên của một người vốn đã từng viết vào một trong các phác trình năm 1932 :

        «Chiến lược quốc gia trong bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng phải được chính quốc trưởng xác định... và không thể ủy quyền cho bất cứ một cộng sự viên nào».

        Quả thật là vài ngày sau vụ Đài Loan và trước vụ cựu chiến sĩ, chính ông MacArthur ấy đã tâm sự với đại sứ lưu động Averell Harriman được Tổng Thống Truman phái đến gặp ông để cố giải quyết êm đẹp nhất vụ Đài Loan và để báo cho ông biết chiều hướng các kế hoạch chính trị được thiết lập tại Hoa thịnh đốn, «rằng ông thấy chủ thuyết Truman thật phi thường»... Thật là cách xa một trời một vực với «Một lần nữa tôi tự hỏi: đâu là chính sách của Hoa Kỳ về Á Châu»? Và câu trả lời kinh khủng đưa ra là :«không có chính sách Mỹ về Á châu nào cả». Nhưng Tổng Thống Roosevelt chẳng từng than phiền rằng MacArthur không có khả năng nói sự việc thẳng trước mắt là gì ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 01:22:06 am »


        Vậy thì chuyện gì đã liên quan đến Đài Loan ? Ngày 31 tháng 7 năm 1950 MacArthur đã đến hòn đảo nơi Tưởng Giới Thạch và đoàn quân quốc gia của ông đến ẩn náu. Trong tư cách tư lệnh tối cao quân đội Đồng minh tại Viễn đông hiệp ước hòa bình với Nhật chưa được ký kết công cuộc phòng thủ Đài Loan lệ thuộc vào MacArthur. Nhân đây cũng nên ghi lại rằng, vì không tiên liệu được tình trạng bị đuổi ra khỏi Trung Hoa bằng võ lực, Tưởng đã ký tại Le Caire ngày 1 tháng 9 năm 1943 một văn kiện theo đó Đồng minh cam kết hoàn lại cho Cộng Hòa Trung Hoa tất cả các lãnh thổ mà Nhật Ban đã cướp của Trung Hoa, nhất là Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Pescadores... Cũng nên ghi thêm rằng Đồng minh được ưu đãi nhất của Hoa Kỳ là Anh quốc, nước duy nhất trong số các đại công quốc không cộng sản, đã thừa nhận chính phủ của Mao trạch Đông như là chính phủ hợp pháp của Тrung Hoa. Lập trường của Hoa Kỳ, vốn vẫn khăng khăng cho rằng nước Trung Hoa hợp pháp chính là Đài Loan, vừa không hợp lý vừa không chính đáng. Ít ra họ cũng nghĩ rằng, để cám ơn, Tưởng không tạo ra cho họ những phiền phức với điều mà có lẽ không phải là một nước Trung Hoa trong ngôn ngữ Mỹ, nhưng cũng không phải kém là một quốc gia đông dân nhất thế giới trên đó 1 phần tư dân số hoàn cầu đang sinh sống.

        Ngày 27 tháng 6 năm 1950 hai ngày sau cuộc tấn công của quân Bắc Cao xuống Nam Cao, khi tuyên cáo cuộc can thiệp của Hoa Kỳ trên biển và trên không, Tổng Thống Truman cũng nhấn mạnh đến mệnh lệnh của ông cho «đệ thất hạm đội là ngăn chặn mọi cuộc tấn công vào Đài Loan» mà ông đã minh xác dưới hình thức báo trước, «sự chiếm đóng của quân cộng sản sẽ tạo nên một đe dọa trực tiếp cho nền an ninh của khu vực Thái Bình Dương và của các đoàn quân đang theo đuổi một hành động hợp pháp tối cần thiết». Dựa trên hệ luận của sự cam kết này dành cho Tưởng Giới Thạch, Harry Truman đã «đưa ra một lời kêu gọi chính phủ Trung Hoa tại Đài Loan để ngưng lại tất cả mọi cuộc hành quân trên biển và trên không nhằm chống lại lục địa», Và Hoa Kỳ thân ái từ chối sự cung hiến ba mươi ba ngàn binh sĩ để tham chiến ở Cao Ly do họ Tưởng đề nghị.

        Khi gặp nhau tại Đài Bắc, hai nhân vật đã thật sự nói với nhau những gì, người nhân danh 700 triệu dân và đang cai trị 10 triệu, và người tin tưởng một cách có ý thức ít nhiều là được Chúa chỉ định để tuyệt diệt cộng sản tại Á châu ? Bốn ngày trước Hoa Kỳ đã quyết định gia tăng viện trợ cho Đài Loan (trong tháng giêng 1950 Tổng Thống Truman đã cắt hết mọi viện trợ) cũng như quyết định một sự canh chừng bằng không quân tích cực hơn trên vùng bờ biển của lục địa để khám phá ra các sự chuẩn bị sẽ xảy ra của cộng sản nhằm tấn công «hòn đảo» mà Trung Cộng yêu sách như là một phần bất khả phân của lãnh thổ quốc gia. Liệu có phải MacArthur quyết tâm áp dụng các biện pháp cụ thể do những quyết định trên đòi hỏi và một lần nữa ghi nhận «sự đề cung quảng đại» quân lực cho Cao Ly hay không ?

        «Vào thời đó, mọi người đều nghĩ rằng một hành động như thế có thể đe dọa làm giảm thiểu một cách nguy hiểm tiềm lực phòng thủ Đài Loan», MacArthur bình luận trong tập Hồi ký của ông. Làm như thế, ông «quên» rằng mấy ngày trước, ông đã khuyến cáo các Tướng Collins và Vaudenberg đừng có nhận đề nghị này và rằng an ninh của Đài Loan ít thành vấn đề hơn là ảnh hưởng chính trị quốc tế của một sự tham dự như thế. Do đó, như ông viết, ông đành chỉ «đề cập đến một sự phổi hợp phòng thủ tốt đẹp» với «người bạn vong niên Tưởng Giới Thạch» (mà không một ai xác nhận rằng ông đã từng gặp trước đó ?) Dẫu sao khi chiếc phi cơ Baiaan cất cánh, ông Tổng tư lệnh cũng tuyên bố rằng «các căn bản của một sự hợp tác quân sự Mỹ-Ноа đã được thiết lập» và gợi ra niềm tin nồng nhiệt của ông vào «chiến thắng cuối cùng trong cuộc đấu tranh chung chống công sản».

        Trên thế giới, nhất là tại Âu châu, nơi mà thần kinh rất căng thẳng vì chiến tranh lạnh và vì sự sợ hãi một cuộc xung đột lan rộng, thì lời tuyên bố của ông là cả một sự phản đổi kịch liệt. Các chính phủ tới tấp yêu cầu Hoa thịnh đốn giải thích. Có phải MacArthur đã ký kết một liên minh quân sự nhằm xâm lăng Trung Cộng hay không ? Hoa thịnh đốn làm cho mọi người yên tâm và cố sức trấn an báo giới cho mọi người yên tâm và cố sức trấn an báo giới cuồng nộ. Riêng phần MacАrthur, ta đã nói rồi, ông ngạc nhiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 01:22:29 am »

     
        Tình hình tại Cao Ly quá trầm trọng khiến Truman không thể xem thường nội vụ được. Vả lại, ông là người được phủ cho một đức bình tĩnh không chê trách được và một khuynh hướng bén nhạy về quyền lợi tối thượng của dân tộc. Ông phái Averell Harriman đến Đông Kinh để thăm dò MacArthur. Ông này cam đoan với vị đại sứ rằng «trong tư cách quân nhân, ông vẫn tuân hành tất cả mọi mệnh lệnh của Tổng Thống» và rằng «ông chỉ đề cập đến các vấn đề quân sự với Tướng Tổng Tài trong chuyến thăm viếng Đài Loan». Tin vào các lời cam kết ấy, «tôi thấy rất an tâm, Truman viết, và tôi công bố cho báo chí biết rằng chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhau về vấn đề Đài Loan». «Sau đó, Tổng thống viết tiếp trong Hồi ký của ông» tôi giả định rằng nội vụ đã được giải quyết và Tướng MacArthur vẫn chấp nhận đường lối hành động do vị Tổng tư lệnh của ông ta vạch ra đối với Đài Loan của ông. Vị Tổng tư lệnh của ông ta, chính là Harry Truman, theo Hiến Pháp. Tổng thống thường ưa nhấn mạnh đến điểm nay khi ông gợi ra câu chuyện về mối tương quan giữa ông và Tướng MacArthur. Chắc chắn là lối nhắc nhở này đã gây cho ông Tướng một ảnh hưởng đau đớn như thanh sắt nung đó áp vào vết thương ông, một người từ trên vóc dáng cao lớn, biểu diện đáng ngưỡng mộ của một lãnh tụ lão thành của dân tộc Sioux miền Bắc Mỹ. Các ngôi sao Tướng lãnh và hào quang của kẻ «chiến thắng Nhật Bản», vẫn khinh thường «anh chàng buôn bán dải đeo quần» nhỏ con của tiểu đang Wisconsin đã leo được lên chiếc ghế Tổng Thống không biết qua ngõ ngách chính trị nào.

        Tất cả những cam kết và thề thốt của MacArthur cũng không ngăn được ông khiêu khích Hoa thịnh đốn một lần nữa vào ba tuần sau có lẽ đó không phải là một hành động hoàn toàn cố ý. Ta phải hiểu rằng có lẽ MacArthur không phán xét điều đó dưới góc cạnh của một sự khiêu khích. Mà chính là dưới một khía cạnh cao quý hơn. Và trầm trọng hơn. Có lẽ Douglas MacArthur rất tin tưởng vào câu chuyện truyền kỳ mà ông đã góp phần xây dựng bằng cách giữ bên cạnh cả một triều đình nho nhỏ gồm các sĩ quan. Dường như ông chân thật tin chắc rằng ông là người duy nhất nắm giữ Đường lối Chính trị Tốt đẹp nhất cho Hoa Kỳ. Hiển nhiên ông là người Mỹ duy nhất hiểu rành tâm lý đông phương.

        Môt hôm, sau khi bị Tổng Thống Truman goi trở về Mỹ, vì ông Tướng đến chậm trong một cuộc hẹn gặp, một ký giả cù không cười đã gợi ý rằng có lẽ người ta đã gặp khó khăn khi gỡ ông xuống khỏi thập tự dá của ông chăng, mà không tạo ra một cơn cười nôn ruột toàn diện. Do đó thái độ phản kháng của ông đối với chính phủ không phải bị thúc đầy bởi một ý chí thấp hèn của con người Tổng Thống muốn đặt Truman vào một vị thế khó khăn đã chiếm quyền trong cuộc bầu cử sắp đến mà, theo nhiều quan sát viên, thái độ phản kháng ấy bị thúc đẩy bởi ý thức cao xa của một nhà tiên tri được Trời ủy cho sứ mạng dìu dắt Quân đội Của ông và phanh thây quân thù Của ông.

        Hội cựu chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh hải ngoại đã yêu cầu MacArthur cho một thông điệp nhân đại hội thường niên ngày 28 tháng 8 năm 1950. Tổng Thống Truman được biết bản văn này vào ngày 26 do sở báo chí tòa Bạch ốc đệ trình. Vì lý do đơn giản dễ hiểu là cơ quan báo chí riêng của MacArthur tại Đông Kinh, ngay từ ngay 19 đã phát nó cho báo chí và một tuần báo có đăng bản văn ấy đang được phân phối đến cho những độc giả dài hạn. Bản văn của chúc từ này. Tổng Thống Truman nhận xét, «kết cuộc chỉ là một sự chỉ trích chính đường lối hành động mà ông ta từng tuyên bố sẵn sàng noi theo mới trước đây ít lâu». Thật vậy, MacArthur đoan xác rằng «tâm lý đông phương» (quyết nhiên là giỏi chịu đựng) đòi hỏi «một đường lối hành động gây hấn, quả quyết và sinh động»; và đoan xác thêm rằng «không có gì giả dối hơn là những luận cứ nhàm chán của những kẻ tán dương sự hòa dịu và chủ bại trong khu vực Thái Bình Dương bằng cách cho rằng nếu chúng ta bảo vệ Đài Loan, chúng ta sẽ gây thù chuốc oán với lục địa Á châu». Bằng lời lẽ rõ ràng, MacArthur đề nghị một chính sách gây hấn từ Bài Loan phát đi. Và để chống ai ? Bắt buộc là chống lại kẻ đang chống Đài Loan, chính là Trung Cộng. Nhưng, ngày 14 tháng 8, Tổng Thống Truman vừa cho chuyển đến MacArthur một chỉ thị, liên quan đến chính vấn đề phòng thủ Đài Loan. Chỉ thị qui định là phải giới hạn hành động của Hoa Kỳ trong khu vực này vào các hành động yểm trợ độc nhất có thể được thực hiện mà không cần phải đưa quân Mỹ đồ bộ lên chính đảo Đài Loan. Cũng không có một cuộc can dự nào có thể được thỏa thuận với chính phủ Quốc Gia để tổ chức một không đoàn săn giặc tại Đài Loan, và không có bất cứ đơn vị nào của Mỹ bất kỳ thuộc loại nào được đồn trú trên đất liền mà không có phép minh thị của hội đồng liên quân.

        Phải nói rằng, kề từ cuộc viếng thăm của MacArthur tại Đài Loan, ngày 31 tháng 7, thế giới rất chú tâm đến những gì đang xảy ra tại xứ của Tưởng Giới Thạch. Vấn đề đã được đặt ra tại Hội đồng Bảo An. Người Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc mở cuộc thanh sát. Nhưng Nga Sô cho rằng sự kiện đặt đệ thất hạm đội giữa lúc địa và đảo ấy đem lại hậu quả là hội nhập đảo Đài Loan vào chu vi ảnh hưởng của Mỹ. Ngày 25 tháng 8, một hôm trước ngày khám phá ra bản chúc từ của MacArthur, Tổng Thống Truman vừa minh xác chính sách của Hoa thịnh đốn cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Trygve Lie, trong một bức thư dài.

        Vậy thì sự bối rối lại được tạo ra trong tâm trí mọi người, trên toàn thế giới, vì chính sách do MacArthur đề nghị là tuyệt đối mâu thuẫn với sự xác định lập trường này.

        Nhưng, Hiến Pháp Hoa Kỳ rất là minh bạch. Nếu ai cũng có quyền nghĩ những điều mình muốn, kể cả sĩ quan, thì chính Tổng Thống, chỉ một mình Tổng Thống thôi, mới có quyền chính thức xác định lập trường nhân danh xứ sở, về các vấn đề đổi ngoại.

        Truman nghiêm chỉnh nghĩ đến việc cách chức MacArthur khỏi chức vụ Tổng Tư lệnh quân Mỹ tại Viễn Đông và đưa Tướng Bradley thay thế, nhưng vẫn để lại cho ông chức vụ lãnh đạo công cuộc chiếm đóng Nhật Bản. Nhưng ông giải thích trong Hồi ký những năm làm Tổng Thống, sau khi suy nghĩ chính chắn, tôi quyết định không áp dụng biện pháp này, một biện pháp khó tránh khỏi vẻ bề ngoài của một sự thất sủng, vì về phương diện cá nhân tôi không bề có một ý muốn nào làm hại đến ông Tướng. Mối ưu tư duy nhất của tôi là làm sao cho thế giới biết rằng lời tuyến bố của ông không phù hợp lập trường chính thức của chúng tôi.

        Cùng ngày 26 tháng 8 ấy, sau một cuộc họp với các viên chức hữu trách Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng và các Tham mưu trưởng, Tổng Thống Truman cho lệnh yêu cầu MacArthur rút lại bản chúc từ.

        Phản ứng của ông Tướng rất đáng phục. Ông vâng theo ngay lập tức, tất nhiên, nhưng ông lại có thể viết một cách không ngượng nghịu : «Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Sau khi yêu cầu người ta gởi cho tôi một ban sao chúc từ này (!), tôi xem xét nó lại và không thấy chẳng có câu nào lại không phù hợp với các lời tuyên bố của Tổng Thống...»
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 06:15:18 am »

         
*

*     *

        Trong khi người ta gây gổ nhau, giữa Đông Kinh và Hoa thịnh đốn, hai bên tiếp tục đánh nhau tại Cao Ly. Và bên phe Mỹ - Nam Cao, để khỏi bị đẩy bật ra biển. Các trận đánh chống lại mười ba sư đoàn Bắc Cao thật là dã man.

        Song le, trên chiến trường, từ đầu tháng 8, tình thế tỏ ra khá hơn. Bằng cách vét hết quân số tại Hoa Kỳ, tại Hạ uy di, tại Porto Rico và tận Địa Trung Hải (vì không nên quên rằng ngay sau Đệ II Thế chiến, trái với ý muốn của Tổng Thống Truman và của vị Tổng tham mưu trưởng, Tướng Lisenhower, nhưng dưới áp lực của báo chí, Quốc Hội Mỹ đã nhận chìm sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ), lực lượng Mỹ đã lên đến 65.000 người. Hai sư đoàn bổ sung sẽ được đổ bộ vào 25 tháng 9, và quân Nam Cao được tổ chức lại thành năm sư đoàn,

        MacArthur cho rằng đã đến lúc tung ra cuộc phản công. Hành động rất táo bạo. Đây không phải là gỡ áp lực của chiếc kẹp xiết chặt vùng đầu cầu Pusan mà là đánh bọc hậu địch bằng một cuộc đồ bộ lên bờ biển phía tây bán đảo, tại Inchon, không quá xa Hán Thành và dưới vĩ tuyến 38 một chút.

        Kế hoạch này của MacArthur đã được các tham mưu trưởng nghiên cứu từ ba tuần qua khi, ngày 19 tháng 8, Truman gửi tướng Collins, tham mưu trưởng Lục quân, và đô đốc Sherman, tham mưu trưởng Hải quân, đến gặp ông, Kế hoạch táo bạo đến nỗi hai vị sĩ quan cố gắng khuyên MacArthur từ bỏ ý định thực hiện, nhất là khi hai người lại có được quan điểm của ông Tổng tham mưu trưửng Omar Bradley, vốn cho rằng loại hành quân đổ bộ nầy đã hoàn toàn lỗi thời. Lần này giọng kẻ cả và bóng bảy của MacArthur - đã lập được kỳ công. Ông thuyết phục được những người đối thoại. Về phần ông, Tổng Thống rất lấy làm phấn khởi.

         Hoàn loàn tư tin, ngày 1 tháng 9, Tổng thống đọc thông điệp truyền thanh nhắc lại những điều kiện can thiệp và lập trường của Mỹ đối với Á châu. Đặс biệt là ý chí của Hoa Kỳ không muốn thấy cuộc xung đột bành trướng và hy vọng rằng Trung Cộng sẽ không để bị lôi kéo vào đấy. Ông xác nhận rằng Hoa Kỳ không có chủ trương chiếm đóng lãnh thổ nào, cả Đài Loan lẫn những nơi khác, để rồi kết luận rằng người Mỹ không chủ trương «cả sự xâm lăng, lẫn hình thái chiến trạnh phòng ngừa».

        Tuy nhiên sợ rằng các phương tiện mới được đặt dưới quyền MacArthur và các dự tính phân công của ông khiến cho ông quá khích động chăng, Tổng Thống triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia. Ngày 11 tháng 9 năm 1950 ông soan thảo một lời tuyên bố và đến ngày 15 nó biến thành chỉ thị cho MacArthur.

        «Thống tướng MacArthur, Truman viết, phải lãnh đạo các cuộc hành quân cần thiết, hoặc để đầy lui quân Bắc Cao về bên kia vĩ tuyến 38, hoặc để tiêu diệt lực lượng Bắc Cao. Nếu không có chỉ dẫn nào hay sự đe dọa nào cho phép tiên liệu sự can dự bằng sức mạnh của các thành phần quân đội Nga Sô hay Trung Cộng, Hội đồng khuyến cáo rằng Tướng MacArthur nên nới rộng các cuộc hành quân qua khỏi bên kia vĩ tuyến và chuẩn bị các kế hoạch chiếm đống Bắc Cao. Song le, không một cuộc hành quân nào trên bộ được phép vượt quá vĩ tuyến 38 trong trường hợp có sự xâm nhập của quân Nga hay quân Trung Cộng».

        Tài liệu không thiếu phần thú vị. Đây là lần đầu tiền người ta thấy xuất hiện viễn ảnh của một cuộc vượt vĩ tuyến 38. Do đó ngay cả trước khi Liên Hiệp Quốc cho phép, Tướng MacArthur đã được khuyến dụ chuẩn bị kế hoạch xâm chiếm Bắc Cao rồi.

        Ngày 15 tháng 9, chính là ngày MacArthur chọn lựa để mở cuộc phản công tại Inchon.

        Inchon là một hải cảng nằm trên cửa sông Han phát nguồn từ điểm không xa bờ biển phía đông bao nhiều. Cách Hán thành ba mươi lăm cây số về phía tây, đấy là hải cảng thứ nhì của Cao Ly. Hải lộ dẫn vào hải cảng rất hẹp, quanh co và hơn nữa đầy bùn. Thủy triều ở đấy được kể như là một trong những nơi mạnh nhất thế giới. Tuy được kể là một ngày trời đẹp nhất, nhưng nước triều cũng cao tới cả mười thước. Hải lưu mạnh đến nỗi khó lòng mà tin vào các đồ đáy biển để tránh những bãi nổi ngầm dưới nước, luôn luôn biến đổi. Do đó phải kể như là sẽ có nhiều tàu bè mắc cạn. Cũng rất có thể là với cả sự chặn bản kẹt luôn hải lộ nếu một chiến hạm trúng mìn ngay tại đấy. Trong trường hợp thời tiết xấu và mặc dầu có ưu thế mãnh liệt của không quân Mỹ (cũng như Hải quân), cũng sẽ không có yểm trợ của không lực.

        Song le không có một sự chống đối nào do hải quân rồi do lúc quân trình lên cho MacArthur đã làm ông chịu thua. Sự say mê điên cuồng của ông, sự cứng rắn trước các chống đối và các lời cảnh cáo đã tạo nên đồng thời là yếu điểm lẫn sức mạnh của ông. Ông Tổng tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc đã chứng tỏ rằng nắm giữ Inchon và Hán thành tức là cắt ngang đường giao thông nhỏ hẹp của địch và cấm chỉ mọi liên lạc với miền Nam. Rồi trước Collins và Sherman, ông tuồn ra hàng tràng danh từ hoa mỹ — và đôi khi cảm động — mà ông biết rõ bí quyết. Ông kêu gọi uy tín của thế giới tây phương, nêu rõ ràng Âu châu sẽ mất nếu Á châu rơi vào tay Cộng sản. Rồi ông tình nguyện đem «Danh tiếng cá nhân ông, binh nghiệp ông» ra làm vật hy sinh trong trường hợp thất bại.

        Ít ai có thể cưỡng lại được các diễn từ đẹp đẽ. Đô Đốc siết chặt tay MacArthur «Một tiếng nói vĩ đại cho một chính nghĩa vĩ đại», ông ta thì thầm, cảm động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 06:20:43 am »


SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT "CON NGƯỜI VĨ ĐẠI"

        Ngày 12 tháng 9 năm 1950, MacArthur bước lên chiếu hạm Mount Mckinleỵ tại Sasebo Ông đến chỗ hẹn gấp với hạm đội. Bốn mươi ngàn người của sư đoàn 7 bộ binh và sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến tạo thành quân đoàn 10 — «sẽ lao mình vào một hành động táo bao để cứu 100.000 người đang ichiến đấu tại miền Nam», MacArthur viết, và nhận xét : «Trong cuộc đời binh nghiệp, tôĩ thường vạch các dự án chiến lược loại này, nhưng không có dự án nào lại mạo hiểm hơn lẫn hứa hẹn để thành công hơn».

        Bình minh ngày 15 tháng 9, sau một đợt chuẩn bị pháo binh, các phi cơ khu trục oanh tạc Corsair tấn công hòn đảo nhỏ bé Wolmi-Do án ngữ hải cảng Inchon. Những đợt xung phong đầu tiên сủа Thủy quân lục chiến bắt đâu đổ bộ. Đến 8 giờ một đầu cầu đã được thiết lập. Phải mất mười một giờ mới chiếm được Inchon.

        MacArtbur mừng điên lên. Đối với ông, đấy không những chỉ là một thành quả quân sự mà còn là một lá bài tẩy chính tri. Ông vui mừng đến mức gởi một điện văn khen thưởng Hải quân và Thủy quân lục chiến «chưa bao giờ tỏ ra sáng chói đến thế...» nhưng chưa hề được quen thuộc với cách đãi ngộ dễ thương như thế trong thời chiến đấu trên Thái Bình Dương. Ngày trước hôm ông bước lên khỉnh tốc đỉnh rời khỏi pháo đài Corregiđor trong lúc ông để quân sĩ lại để đương đầu với quân Nhật trong những trận đánh tối hậu, MacArthur đi bỏ quên Thủy quân lục chiến và Hải quân trong lần ban gắn huy chương sau cùng. Năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, Holland Smith, tướng tư lệnh Thủy quân lục chiến đã có thể viết : «ông có thể lục hết trong các thông cáo của MacArthur nói về các cuộc hành quân tại Phi luật tân mà không tìm thấy một chữ Thủy quân lục chiến nào». Và cũng chính ông Smith nầy đã kể lại rằng có một lần, một thủy quân lục chiến trẻ, bị thương ghê rợn nơi chân tại Leyte đã tâm sự với ông : «Mất một chân tôi cũng cóc cần, thưa thiếu tướng, nhưng giá như ông «Doug» rủ lòng thừa nhận rằng chúng ta, thủy quân lục chiến, chúng ta cũng chiến đấu như ai !»

        Chúng ta không còn ở Leytè thuộc Phi luật tân nữa, chúng ta đang ở Inchon, thuộc Cao Ly và Hải quân cũng như Thủy quân lục chiến vừa chứng tỏ rằng MacArlhur đã có lý, ngược lại với quan điểm của tất cả các đại lãnh tụ quân sự trong nước. Điều đó xứng đáng gởi một điện văn khen thưởng trong khi không tổ chức được một lễ tạ ơn.

        Inchon bị chiếm đóng, quân đoàn 10 thọc sâu về phía đông và Hán thành. Ngày 28 tháng 9, thủ đô miền nam được quét sạch. Quân địch hỗn loạn.

        Ông Tổng tư lệnh đề nghị đưa Lý thừa Vãn lại thủ đô của ông ta. Hoa thịnh đốn tỏ ra chưa vội. MacArthur nhận được một công điện lạ lùng (lại lạ lùng nữa !) của Hội đồng liên quân, «chắc chắn là do Bộ Ngoai giao gợi ý» ông nghĩ. Các tham mưu trưởng yêu cầu ông đừng thi hành kế hoạch của ông. Như vậy là pháo đài chống cộng mà Lý thừa Vãn là tượng trưng đã bị tấn công bởi quân cộng sản nằm vùng mà MacArthur tin chắc là đang thống trị Bộ Ngoại giao.

        MacArthur quyết định bất chấp các chỉ thị nhận được. Ông ra lệnh chính thức bắt đầu đặt lại chính phủ, ngày 29 tháng 9. Hoa thịnh đốn chịu trận, không động tĩnh gì.

        Buỗi lễ được tổ chức đúng ngày đã định. Thật rực rỡ. Người ta cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Không còn nghi ngừ gì nữa, chính sức mạnh thiên chúa giáo đã đánh bại cộng sản vô thần. Lý thừa Vân khóc sụt sùi.

        «Chúng tôi yêu ông, ông la lớn với MacArthur trong khi thổn thức. Chúng tôi yêu ông như người bảo trợ cho chủng tộc chúng tôi». Chính MacArtbur kể lại câu này trong tập Hồi ký của ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 06:21:12 am »


*

*       *

        Ngày 1 tháng 10, không còn một binh sĩ Bắc Cao nào dưới vĩ tuyến 38 nữa. Tất cả đều chứng tỏ rằng lực lượng của Bình Nhưỡng đã kiệt quệ về mặt vật chất cũng như tinh thăn. Trong vòng ba tháng lực lượng ấy bị mất 335.000 người trong đó 135.000 bị bắt làm tù binh. Theo con số của MacArthur, những thành quả có lẽ cần một sự điều chỉnh nghiêm túc hơn.

        Cùng ngày 1 tháng 10 ấy, phù hợp với các chỉ thị đã nhận được và cùng với kế hoạch đã được chấp thuận ngày 29 tháng 9 bởi Hội đồng các tham mưu trưởng, sư đoàn 3 Nam Cao vượt vĩ tuyến 38. MacArthur đã lập kế hoạch tung ra khắp thế giới một lời tuyên bố bi hùng để đánh dấu biến cố này. Lần này ông lại thông báo các ý định riêng cho Hội-đồng liên-quân. Các tham mưu trưởng liền lập tức yêu cầu ông ngưng ngay ý định đó. Làm cho thế giới hướng sự chú ý vào cuộc vượt tuyến này là điều vô ích.

        Nam quân tiến mau lẹ, mà không gặp sức kháng cự thật sự nào. Nhưng ngày 3 tháng 10, bộ Ngoại giao bị tấn công bởi vô số điện văn phát xuất từ Mạc tư khoa, từ Stockholm (Thụy điển), từ Delhi (Ấn độ). Lập tức chúng được chuyển cho MacArthur vì chúng liên hệ đến ông Tổng tư lênh. Tại Bắc Kinh, Thủ Tướng Chu ân Lai mời đại sứ Ấn Độ đến. Ông ta báo trước cho ông Pannikkar rằng nếu lực lượng Liên Hiệp Quốc vượt vĩ tuyến 38, Trung Cộng sẽ bị bắt buộc phải gởi quân cứu viện Bắc Cao. Ngược !ại nếu chỉ có quân Nam Cao vượt tuyến thì Trung Cộng sẽ không động dụng. Điều đáng buồn trong nội vụ, và điều làm cho vẫn đục lòng «thành tín» của ông, là ông Pannikkar vốn nồi tiếng là một người thân Trang Cộng và đây không phải là lần đầu tiên ông làm vang dội lại những lời cảnh cáo báo động chẳng bao giờ mang lại tác dụng. Đấy há chẳng phải chỉ là một cuộc vận động dọa nạt vào ngay lúc Liên Hiệp Quốc sắp biểu quyết một quyết nghị cho phép đoàn quân của tổ chức tiến lên Bắc Cao là gì ?

        Dầu sao chăng nữa, vì sự can thiệp của Trung Hoa chưa hề bị gạt bỏ, ông Tổng Trưởng Quốc phòng mới, Tướng Marshall ngày 9 tháng 10 nhắc nhở MacArthur  rằng trong trường hợp có «sự xử dụng công khai hay được ngụy trang» các đơn vị Trung Cộng, ông phải theo đuổi tiếp hành động «lâu bao nhiều cũng được tùy theo sự xét đoán (của ông), các lực lượng được đặt dưới quyền (của ông), lúc đó sẽ có cơ may rất hữu lý để thành công». Nhưng «trong mọi trường hợp», ông muốn «được phép rõ ràng của Hoa thịnh đốn trước khi bắt đầu một hành động quân sự bé nhỏ nào để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Cộng».

        Tuy nhiên, ngay trước khi gởi chỉ thị bổ túc này, Tổng Thống Truman quyết định đích thân tiếp xúc với MacArthur. Sự việc đã trở nên quá trầm trọng trong sự dây dưa trên tầm mức quốc tế đến nỗi người nắm vận mạng Hoa Kỳ trong tay (và cũng là vận mạng của cả thế giới nữa) không thể không biết rõ dụng cụ truyền đạt đầu tiên Của mình trong cuộc đấu tranh.

        Hơn nữa, từ tháng 6, các biến có đã chứng tỏ với Truman rằng thời gian mười bốn năm trời ẩn mình tại Đông phương, từ chối đặt chân lên đất Mỹ dầu cho là chỉ trong 48 giờ thôi, đã làm cho MacArthur không những mất hẳn sự xúc tiếp với xứ sở mà còn mất hẳn khă năng ước tính lành mạnh đứng đắn các vấn đề quốc tế khác nhau.

        «... tất cả tư tưởng của ông ta đều bị các vấn đề trong khu vực này của thế giới thu hút», Tổng Thống nhận xét trong các tài liệu viết của ông, để rồi thêm: sau khi tiếc là một lần nữa MacArthur lại từ chối lời mời về Hoa thịnh đốn «Tôi đã thực hiện nhiều nỗ lực, qua trung gian của Harriman và những người khác để trình bày cho ông ta hiểu hình ảnh toàn diện của tình hình thế giới như chung tôi thấy tại Hoa thịnh đon, nhưng tôi có cam tưởng rằng chúng tôi không thành công và đường như là có lẽ ông ta sẽ thích ứng với việc đó dễ dàng hơn nếu chính bản thân tôi trực tiếp trình bày với ông ta».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 06:22:15 am »


*

*     *

        Cuộc gặp gỡ diễn ra tại đảo Wake, một hòn đảo tí hon của Hoa Kỳ chìm khuất cô quạnh trong Thái Bình Dương nằm trên hai phần ba con đường nối liền từ bờ biển phía Tây Hoa Kỳ và Trung Hoa. Người ta nghĩ rằng đó là một vùng đất trung lập, một thứ bãi đấu Pré-Aux-Clercs vào lúc bình minh, dành cho một trận thư hùng kỳ lạ. Và có lẽ là như thế thật dầu cho Tổng Thống Truman có nghĩ như thế không khi ông phải vượt ba phần tư con đường vì đã khởi hành từ Hoa thịnh đốn và từ bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Nhưng con người của sự khiêm nhường đó không muốn phân cách quá lâu vị Tổng Tư lệnh với đoàn quân của ông ta đang chiến đấu tại Cao Ly. Riêng phần MacArthur, như vẫn thường tỏ ra rất âm hiểm, sực nhớ các cuộc bầu cử Quốc hội sắp tổ chức đến nơi, thì nghĩ rằng «Nếu để cho rằng cuộc vận động chính trị ấy là mục tiêu duy nhất của chuyến hành trình của ông Truman thì đó sẽ là làm thương tổn đến ông ta». «Tổng Thống, ông Tướng nói thêm, bằng cách đó sẽ mang về cho đảng của ông mỗi lợi của chiến công tại Inchon».

        Đâу là lần thứ hai tướng MacArthur được một Tổng Thống Hoa Kỳ triệu dung. Lần đầu ông trở về tận Hạ uy di để gap Franklin Roosevelt năm 1944, và ông chiến thắng bước ra khỏi cuộc hội kiến.

        Lần này sự việc cho thấy không thuận lợi lắm cho MacArthur. Điều làm ông điên tiết không phải là vì cuộc hội kiến được tổ chức trong một doanh trại quân sự khắc khổ, lợp tôn dợn sóng, mà là vì đoàn ký giả trung kiên của ông không được phép lên phi cơ của ông, trong lúc Tổng Thống Truman di chuyển với ba mươi lăm đại diện báo chí.

        Để bày tỏ nỗi bực dọc, MacArthur không thèm chăm sóc bộ mã bên ngoài. Khi ông đón tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ dưới chân thang máy bay, Tổng Thống không thể không nhận thấy sự xềnh xoàng nơi y phục của ông Tướng. «Quân phục của ông ta hở nút và ông ta mang một chiếc nón hiển nhiên đã được dùng quá nhiều, Harry Truman ghi lại. Cũng rất có thể để tỏ rõ ràng ông, MacArthur, cũng là một quân nhân đang đánh giặc chớ không phải là một chính khách mất thì giờ trong những câu chuyện vô bổ. Khi ông bênh vực cho cuộc hành quân Inchon trước mặt Tướng Collins và Đô Đổc Sherman, ông đã từng lưu ý :«Ở đây, chúng ta đánh trận chiến của Âu Châu nhưng chúng ta chiến đấu bằng vũ khí, trong khi tại đấy người ta chiến đấu với danh từ». Vả chăng đấy là một trong những luận cứ ưa thích của ông. Ông đã dùng nó trong bức thư gởi cho dân biểu Joe Martin, người sẽ làm tràn bình nước đã đầy và sẽ làm cho ông bị gọi về Hoa Kỳ. Và để nhấn mạnh cho thấy những giờ phút của ông quý báu như thế nào và Tổng Thống đã quấy rầy ông biết bao nhiều khi triệu dụng ông đến, mỗi lần một ký giả chớp đèn chụp hình, là MacArthur lại công khai xem đồng hồ.

        Song le, khi tránh khỏi được ánh đèn của các phóng viên, MacArthur tỏ ra lịch sự. «Cuộc đàm luận của chúng tôi rất thân mật, Tổng Thống Truman ghi lại, thân mật nhiều hơn là tôi chờ đợi, tôi phải nói lên điều đó». Thời gian nói chuyện tay đôi kéo dài một giờ rưỡi trước khi được tiếp nối bằng một hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Lục quân Pace, Tướng Bradley, Phụ tá Ngoại trưởng Dean Rusk, đại sứ lưu động Averell Harriman v.v...

        Dĩ nhiên là người ta nêu ra hiệp ước hòa bình với Nhật Bản mà Hoa Kỳ quyết định sẽ ký kết dầu cho Nga Sô từ chối. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là Cac Ly. MacArthur xác nhận trước các chứng nhân những gì ông đã nói riêng với Tổng Thống trong cuộc hội kiến đặc biệt. Đó là «cuộc chiến trên bán đảo sẽ toàn thắng và ít có thể xảy ra một sự can thiệp của Trung Cộng», Tổng Thống Truman ghi lại. ông còn cam đoan cả rằng «ông có thể gởi một sư đoàn tại Cao Ly sang Âu châu trong tháng giêng 1951». Thật vậy, Tổng Thống Truman viết tiếp, «MacArthur tuyên bố tin chắc rằng mọi sự kháng cự cả ở Bắc Cao lẫn ở Nam Cao sẽ chấm dứt vào ngày lễ Thanksgiving (lễ tạ ơn của Mỹ thường rơi vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11), điều nay sẽ cho phép ông đưa đệ VIII lộ quân trở về Nhật đúng dịp Giáng Sinh. Và khi ông Thứ trưởng lục quân Pace hỏi MacArthur rằng quân đội và cơ quan hợp tác kinh tế có thể làm điều gì đề giúp ông, thì (ông trả lời không do dự rằng ông không thấy một vị tư lệnh nào, trong suốt lịch sử chiến tranh, lại đã được yểm trợ toàn diện và hữu hiệu hơn ông bởi tất cả các cơ quan tại Hoa thịnh đốn».
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM