Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:09:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Tây Nguyên  (Đọc 16713 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:55:53 am »

*
*   *

Một điều như đã thành quy luật là khi người ta có thể ăn no thì tiếp đó sẽ nghĩ ngay đến chuyện phải tiến tới ăn ngon. Cái gọi là “ăn ngon” của bộ đội Tây Nguyên thật giản dị, đó chỉ là thức ăn mà thôi. Cao siêu thì thịt cá, bình thường thì chỉ là rau đậu, mắm muối.

Tây Nguyên những năm chống Mỹ, muối vẫn còn thiếu, nhưng không đến nỗi phải ăn trò tranh thay muối, chưa phải đến mức “giữ muối như giữ từng hạt máu” như những năm kháng chiến chống Pháp. Người lính Tây Nguyên luôn luôn tự nhủ mình rằng muốn làm việc gì cũng cần có sự chủ động, đánh địch cũng vậy, sản xuất cũng vậy, và ngay cả chuyện ăn uống cũng vậy. Là thế nên ngay từ khi mới gặp khó khăn trong việc tiếp tế từ hậu phương lớn, từ các cửa khẩu miền Tây vào họ đã nghĩ ngay đến việc phải tự túc thực phẩm song song với việc tự túc một phần về lương thực. Không thể để bộ đội đói cơm đã là một lẽ, cũng không được để bộ đội lạt muối. Với hai lạng mỡ, hai lạng mắm kem cho bộ đội dùng trong một tháng thì khó có được sức để sống để chiến đấu. Vì vậy vấn đề cải thiện đời sống được đưa vào chương trình nghị sự.

Cải thiện đời sống trước hết là cải thiện bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Bữa ăn của người lính Tây Nguyên những năm 1968 — 1970 rất đạm bạc, sáng bánh sắn, trưa cơm độn sắn, canh sắn, tối cũng bánh sắn, dưa sắn.

Để có thực phẩm, các đơn vị đã tổ chức sưu tầm hơn 100 loại rau rừng ăn được. Ngoài việc hướng dẫn bộ đội cách trồng rau, các kỹ sư và công nhân trong xưởng chế biến của Mặt trận còn nghiên cứu chế biến thành công một số mặt hàng như: tương sắn, mắm kem chế từ lá sắn và xương động vật, thịt khô đóng gói, bánh kẹo làm bằng sắn, ngô, kê.

Nhiều đơn vị đã thành lập các tổ nông cụ, đồ dùng săn bắn, đánh cá, xay giã, chế biến thực phẩm, tiêu biểu nhất là các loại “máy” thái sắn, nồi hông, lò sấy măng...

Lao động cần cù không chỉ làm ra của cải vật chất mà trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ người chiến sĩ Tây Nguyên còn ngày càng trở nên tháo vát, thông minh, biết lo xa và giàu tinh thần tự lực trong cuộc sống.

Rất nhiều chiến sĩ sau những năm làm bạn với nương rẫy, núi rừng đã thuộc lòng từng loại lá, quả chua, phân biệt chính xác các loại nấm. Nhìn vào rừng cây đã có thể xác định được ở đó có loại thú nào, ăn đêm, ăn ngày, đi lẻ hay đi đàn. Nhìn xuống dòng suối, vùng nước có thể đoán được số lượng cá có thể đánh bắt. Săn bắn, bẫy thú, câu cá, bắt ong, đào măng, hái nấm, nhặt rau, đào củ... đã trở thành thói quen, niềm vui trong sinh hoạt hàng ngày của họ.

Trong hai năm 1969-1970 Cục Hậu cần Tây Nguyên đã xuất bản mấy tập “Sổ tay rau rừng”. Riêng tập I đã giới thiệu được 61 loại rau rừng ăn được, trong đó có hơn 50 loại có hình vẽ để bộ đội nhận dạng. Ngoài hình vẽ, các tác giả còn mô tả tỉ mỉ bằng lời về hình dạng, mùa vụ có thể hái lượm, địa điểm thường thấy, công dụng cũng như cách thức chế biến từng loại rau.

Xuất bản những cuốn “Sổ tay rau rừng” ở mặt trận là một sáng tạo rất quan trọng của ngành hậu cần Tây Nguyên. Việc làm này không chỉ nhằm tăng nguồn lương thực thực phẩm cho bộ đội mà còn có ý nghĩa rất lớn khác. Với “Sổ tay rau rừng”, bộ đội Tây Nguyên đã chứng tỏ tinh thần tự lực tự cường cao, ý chí bám trụ mãnh liệt. Và trên một phương diện nào đó, “sổ tay” này đã chứng tỏ tiềm năng và tri thức của những người lính bấy giờ là rất dồi dào.

Cũng từ trong cuộc sống lao động sản xuất, bộ đội ta, khi còn ở quê có thể còn là những “thư sinh mặt trắng” nay đã biết đan mũ, đan rổ rá, giần sàng, biết nấu ăn, hàn xoong, hàn nồi, làm giò măng, bánh sắn... Nhiều người trong số đó còn biết vá may, sàng sảy, cắt may quần áo... .

Chỉ cần một cây AK, một đôi dép lốp, một tấm vải nhựa, một con dao găm và chiếc bật lửa cùng một chút gạo mang theo, người lính Tây Nguyên đã có thể lên đường đi công tác. Hết gạo họ chặt chuối rừng, đào củ, hái rau rừng, bắt cá ăn. Không có nước chặt giang, hạ chuối lấy nước, không có xoong nồi thì lấy ống tre nướng cơm lam. Ở phía trước, bộ đội vẫn có thể giã bột làm bún, làm bánh. Cối xay, cối giã là những thân cây cưa ngang, bọc vải nhựa nẹp lại. Lúc ở gần địch cũng có thể giã bột bằng cách đưa mũ sắt xuống hầm... Tất cả mọi thứ từ cái mũ, cái mắc võng, giá ba lô, ngọn đèn, lọ dầu chống vắt... người lính đều có thể tự làm được. Dọc đường hành quân, dọc đường công tác, chỉ với con dao nhỏ, thậm chí một mảnh cật nứa bộ đội ta cũng có thể làm thịt một con nai, con dộc, con cheo, đôi khi là cả một con lợn rừng nặng cả tạ. Thịt thú rừng những khi ăn không hết thì làm giàn sấy khô tại chỗ, đem theo ăn dần...

Cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên, từ cuộc sống lao động chiến đấu đã nhận thức rõ sản xuất không chỉ đơn thuần là chống đói và cải thiện đời sống trước mắt mà còn là nhiệm vụ có tầm chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế gắn liền với việc xây dựng địa bàn chiến lược lâu dài ở Tây Nguyên. Hơn hai mươi năm đã qua đi nhưng không khí và dư âm những ngày hội ra quân làm nương, phát rẫy năm nào vẫn còn trong ký ức của mỗi một người lính B3. Đồng loạt, khí thế và vui như những ngày hội xuống đồng, ngày lễ hạ điền ở các vùng quê.

Bằng bàn tay lao động cần cù và sáng tạo, bộ đội B3 đã biến cả một vùng rừng núi, bom đạn và hẻo lánh thành nương rẫy. Một vùng nương rẫy rộng lớn, mênh mông mà bom đạn địch, mà thú rừng không có cách nào phá hoại, tìm đến được.

Qua thực tiễn chỉ đạo sản xuất, Tây Nguyên đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về sự kết hợp giữa các nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất, giữa tác chiến trước mắt và xây dựng căn cứ lâu dài, giữa giành và giữ đất giữ dân, đúng như đánh giá của Hội nghị sản xuất toàn mặt trận ngày 27 tháng 10 năm 1970: Thắng lợi của công tác tăng gia sản xuất không chỉ là thắng lợi về kinh tế mà còn là thắng lợi về chính trị, tư tưởng, về xây dựng con người, xây dựng phẩm chất người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cách đây mấy năm, tức là sau hơn một phần tư thế kỷ sau trận thất bại nặng nề ở thung lũng Ia Đrăng (17-1-1965), viên trung tá Harol Mo chỉ huy tiểu đoàn 1 (kỵ binh bay Mỹ) - nay là trung tướng, đã trở lại Việt Nam và xin được gặp những người chỉ huy trận đánh này của ta. Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã có cuộc đối thoại rất thú vị với viên tướng Mỹ thua trận năm nào. Hơn hai mươi năm đã trôi qua mà viên tướng nọ vẫn còn chưa trả lời được câu hỏi vì sao họ lại thua đau trong trận Ia Đrăng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:56:53 am »

*
*   *

Vấn đề sức khỏe của bộ đội luôn luôn được đặt thành một công tác trọng yếu ở tất cả các cấp, các đơn vị, địa phương toàn Tây Nguyên.

Sức khỏe của bộ đội được đảm bảo ngoài việc ăn, mặc, ở, đi lại còn phải được chăm sóc cả về mặt tinh thần lẫn chữa chạy thuốc men, trong đó chăm sóc chạy chữa, thuốc men là vô cùng quan trọng.

Việc chăm sóc chạy chữa thuốc men cho bộ đội những năm chiến tranh chỏ yếu là do ngành quân y đảm nhiệm. Mạng lưới quân y của Mặt trận Tây Nguyên nằm khắp nơi, từ đại đội đến mặt trận. Cống hiến của quân y Tây Nguyên những năm chống Mỹ cứu nước thật vô cùng to lớn. Cũng như nhiều thanh niên, trí thức khác lúc bấy giờ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhiều lứa sinh viên y khoa, sinh viên Trường đại học Quân y cùng nhiều giáo sư bác sĩ giỏi, giáo sư bác sĩ đầu ngành đã đến với B3, cùng chia lửa, chia gian khó với cán bộ và chiến sĩ.

Đến với Tây Nguyên, các chiến sĩ áo trắng không những phải cùng với bộ đội trèo đèo, lội suối, đi dưới khói lửa của bom đạn, trong đó có bom B52 rải thảm mà họ còn phải mang ngoài quân tư trang nào thuốc men, dụng cụ y tế, máy móc. Bác sĩ Lê Cao Đài, nguyên Viện trưởng Viện quân y 211 Tây Nguyên kể: Có cô nhân viên ở cửa hàng dược phẩm Hàng Bài (Hà Nội) rất ngạc nhiên không hiểu vì sao bộ đội mua quá nhiều bao cao su primeros cỡ to nhất. Chị không biết rằng bao cao su đó bộ đội ta dùng để nhồi thuốc, ruốc, đường... vừa nhẹ vừa tránh được ẩm ướt. Có anh nhồi vào cái túi đó đến cả 1 kg ruốc. Ít lâu sau ruốc đắng không ăn được vì có hóa chất diệt tinh trùng ở trong.

Câu chuyện thật lạ, tưởng như bịa mà có thật. Lại có chuyện khác. Khi các chuyên gia y tế nước bạn hỏi về “quy mô” của Viện quân y 211 Tây Nguyên, bác sĩ Lê Cao Đài đã trả lời, bệnh viện của chúng tôi lớn nhất thế giới, vì phải đi một tuần lễ mới hết các khoa trong viện.

Các chiến sĩ quân y ở đây ngoài công việc chuyên môn còn phải đào hầm, đôi khi trực tiếp chiến đấu và còn phải đảm nhiệm mỗi người trồng 500 gốc sắn. Toàn ngành quân y đã làm 140 héc-ta nương, trung bình mỗi người đảm nhận nửa héc-ta.

Công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh của các chiến sĩ áo trắng thật vô cùng vất vả gian khổ. Như ở trên đã nói, ngoài thương binh thì bệnh binh ở chiến trường này rất nhiều, có khi số bệnh binh gấp nhiều lần số thương binh. Ở chiến trường đặc biệt này, có hàng trăm thứ bệnh. Bệnh nguy hiểm nhất là sốt rét, đường ruột và thiếu B1... Có lúc ở bệnh viện, bệnh xá, trạm quân y, bệnh binh nằm la liệt, nhất là vào các tháng giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Lúc bây giờ, những năm 1969 - 1970 tình hình sức khỏe của bộ đội ta thật đáng lo ngại.

Quán triệt tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, phát huy truyền thống “thầy thuốc như mẹ hiền”, với tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, các bác sĩ, y tá, hộ lý ở các trạm quân y đã làm việc quên mình với tinh thần “tất cả vì người chiến sĩ, vì đồng chí, đồng đội”.

Có nhiều chuyện về họ thật cảm động. Đó là những chuyện về một vụ tranh nhau tấm kính ô tô vỡ để dùng làm dụng cụ lăn thuốc, cắt viên. Chuyện tìm kiếm hai chiến sĩ ở đơn vị nọ vốn là những người thợ thổi thủy tinh giỏi để điều về làm nhiệm vụ nấu thủy tinh, bởi “một ống tiêm nhỏ ở mặt trận cũng quý, dùng xong phải thu hồi để nấu lại”. Rồi chuyện hành trình của mấy chục viên gạch chịu lửa từ Hà Nội vào, chuyện mẻ thủy tinh đầu tiên được nấu thành công trên mảnh đất Tây Nguyên. Và cả chuyện có người đạp xe (đèn đi-na-mô) để lấy ánh sáng phục vụ một ca mổ. Đạp từ 3 đến 5 giờ một ca. Xong ca mổ có khi người đạp xe cũng ngất luôn. Ai đó đã nêu ra một bài toán rằng, nếu cộng số giờ đạp xe phục vụ các ca mổ lại thì có thể bằng đoạn đường từ Tây Nguyên ra Hà Nội...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:57:23 am »

Tôi còn giữ được tờ Tây Nguyên (tờ tin của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên) số 57 ra ngày 1 tháng 1 năm 1969 có bài viết của Bá Đàn về tinh thần tự lực của người lính cao nguyên. Bài viết có nhan đề Mẻ thủy tinh của tinh thần tự lực. Bài báo viết: “... Nằm trên chiếc giường con, Trần Bá Song cố vắt óc tìm kiếm mà vẫn thấy khó. Nguyên liệu cần nhiều, chiến trường lấy đâu ra được. Bao nhiêu dự tính đưa ra rồi lại xóa di. Thần kinh anh căng lên như những sợi dây đàn. Anh vừa thiếp đi thì những ống thủy tinh trong suốt và cuộc đời hơn 9 năm làm thuê cho thằng chủ Hiến ở xưởng thủy tinh H.P lại trở về chập chờn trong giấc mơ. Anh choàng dậy khi thấy thằng chủ đạp vào mình ngã giúi vào lò chỉ vì anh cho than hơi chậm.

Anh đốt đèn lên rồi đập khẽ Đàm và Sơn cùng dậy. Anh thản nhiên kể lại cuộc đời cay cực của mình cho các đồng chí cùng nghe. Rồi anh nhắc đi nhắc lại lời các thủ trưởng dặn lúc chiều. Cuối cùng anh nói như để cùng với Đàm và Sơn, những đồng chí mà anh vẫn coi như em út của mình:

- Ta phải làm bằng được, dù với một giá nào. Phía trước các đồng chí của ta không tiếc gì xương máu, ở đây ta cũng tiếc gì sức lực và mồ hôi.

Rồi ba anh em bắt tay vào công việc trong một buổi sáng đẹp trời như chính lòng họ đang đẹp những niềm tin và hy vọng của sự thành công. Làm nhà xong đến đắp lò, ống khói và nồi đất mới khó. Đi khắp suối đào vẫn không có đất mịn. Tìm đâu ra gạch chịu lửa để đảm bảo sức nóng trên 2.000 độ, ống khói dựng thế nào đây, v.v...

Họ lại cùng nhau bàn tính, được cấp ủy và thủ trưởng động viên, săn sóc, được anh em khoa dược và các khoa sẵn sàng chi viện, giúp đỡ, bước đầu họ đã thắng lợi. Lò nung dựng theo kiểu bếp Hoàng Cầm, một kiểu do lòng nghị lực và quyết tâm xông thẳng vào khó khăn thiếu thốn mà họ đã sáng tạo ra. Còn ống khói thì đi nhặt sắt, chặt đai thùng mà gò, mà hàn lại, lò thì đào sâu xuống lòng suối lấy đất đưa về rây bột, rồi cũng do những bàn tay từng trải, đầy nghị lực của họ đắp ra.

Mọi việc tạm ổn, thủ trưởng đến hỏi Song: “Bao giờ chúng ta có thể cho ra lò mẻ thủy tinh đầu tiên?”.

Song bình tĩnh đưa tay về phía ống khói của lò có đắp nổi con số 25, anh báo cáo với thủ trưởng và mọi người xung quanh:

- Đó, chúng tôi bắt đầu vào đúng cái ngày đã ghi trên ống khói và ngày hôm sau xin mời thủ trưởng và các đồng chí đến đón nhận mẻ thủy tinh đầu.

Đêm 25 tháng 11 năm 1968 - một đêm lịch sử trong đời bộ đội của Song. Anh lại bắt tay vào cồng việc quen thuộc của 20 năm trước đây anh đã nguyện từ giã nó, anh cho than vào lò...

Thuốc phải có ống, có chai, có lọ mới bảo quản được, mới đưa đến tận tay anh em đồng đội đang đêm ngày chiến đấu gian khổ ở phía trước... Suy nghĩ đó đã giúp đôi tay Sơn, Đàm nhanh hơn, trí não sáng ra và đôi mắt không còn muốn ngủ nữa.

Suốt đêm Song hồi hộp, than càng đỏ, sức nóng càng cao, nhưng anh vẫn không một phút dám rời lò. Anh theo dõi từng biến chuyển của lò dốt như theo dõi nhịp đập của chính con tim mình, từng bước đi chập chững của đứa con đầu lòng. Thắng lợi đã đến, thủy tinh bắt đầu chảy trong nồi. Nhìn nồi thủy tinh đỏ rực như một bông hoa, lòng các anh rạo rực hẳn lên. Thành quả của những ngày những đêm vắt óc tìm kiếm đang mang đến cho các anh niềm vui đó.

Đúng 9 giờ sáng ngày 26 tháng 11, khi thủ trưởng và mọi người tới, cùng là lúc Song và Đàm bắt đầu lấy chiếc ống nhỏ cho vào nồi, tách thủy tinh ra và bắt đầu thổi. Nhìn những ống thủy tinh dài ra theo tay kéo của Đàm mọi người như muốn reo lên. Rồi đây những chiếc ống, chiếc lọ đựng đầy thuốc sẽ theo những chiến sĩ quân y đi ra phía trước phục vụ bộ đội, góp phần vào thắng lợi cuối cùng”.

Ý chí tự lực tự cường của quân và dân Tây Nguyên còn được thể hiện trong tinh thần dám nghĩ dám làm, khắc phục khó khăn, sáng tạo, sửa chữa, sản xuất ra các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Quãng mùa thu năm 1969 - năm Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, ngành hậu cần tổ chức một cuộc triển lãm khá quy mô, trong đó có gian trưng bày của quân giới. Ở đây, người xem được tận mắt thấy rất nhiều loại vũ khí tự tạo của bộ đội, du kích Tây Nguyên. Người ta còn được nghe giới thiệu về một đồng chí xã đội trưởng ờ khu 4 (Gia Lai) lấy bom bi của địch làm thành mìn đánh xe tăng, diệt bộ binh địch; chuyện bộ đội huyện 80 (Kon Tum) ăn rau rừng cả tuần, lăn lộn khắp các hẻm núi, lạch sông khênh về hàng chục tấm sắt, tôn, thuốc nổ... do địch bỏ lại để rèn gò ra xẻng, cuốc, rìu, rựa để sản xuất và vũ khí đánh địch. Dường như với bộ đội và du kích Tây Nguyên bất cứ thứ gì, từ chiếc xe, từ khẩu pháo của địch bị bắn cháy, bị phá hỏng dọc đường đến quả bom câm nằm bên bờ suối, thậm chí cả một tảng đá, một ngọn tre, một cuộn dây thép gai đều có thể tạo thành vũ khí giết giặc. Tôi được nghe một địa phương báo cáo rằng để có nguyên liệu làm vũ khí, anh em ta đã nghi binh lừa địch, làm những trận địa giả thu hút bom đạn địch. Từ đó mà có sắt thép, thuốc nổ lấy từ những quả đạn không nổ để chế tạo ra vũ khí. Tinh thần sáng tạo của các chiến sĩ quân giới còn được thể hiện qua hàng ngàn sáng kiến như sáng kiến đắp lò nung để tăng nhiệt độ nóng chảy, sáng kiến của xưởng X53 dùng đĩa xe đạp cũ làm tấm đè cắt vỏ mìn, dùng vỏ lựu đạn làm chày giã thuốc, làm máy cắt bi, dập khuôn mìn, rồi bàn nhồi thuốc, máy nén tạo ra đầu đạn cối...

Cho đến hôm nay, có những câu chuyện về “đạn” thời ấy nhớ lại vẫn còn thấy buồn cười. Đạn với bộ đội ở chiến trường là thứ sống còn. Có những năm đạn thật khan hiếm vì “nguồn” từ miền Bắc không vào được, thành thử đơn vị nào cũng có quỹ đạn, đôi khi là quỹ riêng - một thứ “quỹ đen” đạn chiến lợi phẩm (chủ yếu là đạn pháo, cối). Là thế nên mới có chuyện vay đạn, “vay một trả hai” thực sự... Có một lần, đơn vị nọ vì muốn có nhiều đạn pháo hơn để đánh điểm nên đã cử cán bộ lên cấp trên ráng sức nài nỉ “ưu tiên giải quyết” cho vay. Nài nỉ mãi khiến cấp trên bực lên và nói:

- Đã bảo là không còn nữa. Tôi không phải là giám đốc nhà máy sản xuất đạn!

Quát cấp dưới xong, đêm về nghĩ lại người cán bộ thấy ân hận vô cùng, thương cấp dưới vô cùng, ông nghĩ, bộ đội mình tốt quá, ăn đói mặc rét không kêu ca phàn nàn, xin xỏ mà chỉ suy nghĩ tạo điều kiện để giết được nhiều quân giặc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:57:46 am »

*
*   *

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt ở Tây Nguyên, giao thông vận tải luôn luôn được xem là một trong những khâu then chốt đầu tiên. Chúng ta đã nghe những chiến dịch mở rừng, vượt sông, vượt suối; chúng ta đã nghe nói tới những chiến công mở đường đầy tinh thần sáng tạo và quả cảm của bộ đội công binh trước một chiến dịch, trước một trận đánh. Nhưng chúng ta còn ít được nghe những chuyện về vận tải thô sơ, vận tải và giao thông bộ của chiến sĩ và đồng bào ở chiến trường ác liệt này. Đây mới thật sự là những công việc vĩ đại, đây mới thực sự là một biểu hiện của tinh thần và ý chí quyết thắng và chính đây cũng là một biểu hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của đường lối toàn dân đánh giặc.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ mùa xuân toàn thắng năm 1975 trên đất Tây Nguyên nhưng trong tôi hình ảnh các con đường thồ từ tây sang đông, dọc cánh Nam, cánh Bắc Tây Nguyên với những đoàn dân công, bộ đội nườm nượp, náo nức như ngày hội vẫn còn hiện lên thật mới mẻ, sống động.

Bên cạnh các đơn vị vận tải của bộ đội là các đơn vị đi làm công tác vận chuyển đột xuất của cán bộ, chiến sĩ ba cơ quan thuộc Bộ tư lệnh, của các viện quân y, đội điều trị, các xưởng quân giới, các binh trạm. Dọc các con đường tải lương, thồ đạn ra phía trước nổi bật lên các khẩu hiệu: “Mặt đường là trận địa, xe thồ là vũ khí, năng suất là chiến công” và “Nhanh như chong chóng, phóng như vệ tinh, tăng chuyến, tăng cân, đưa hàng ra phía trước”...

Các tiểu đoàn vận tải của mặt trận luôn luôn đạt năng suất gùi cõng từ 50 đến 60 kg mỗi chuyến một người, ở đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 2 - đơn vị được coi là “con voi đầu đàn” của ngành vận tải Tây Nguyên đã xuất hiện hàng chục “kiện tướng”: gùi được từ 70 đến 90 kg một chuyến. Nhiều người trong số này gùi được cả trăm ki-lô-gam, nặng gấp hai lần trọng lượng cơ thể! Đặc biệt có trường hợp như Bùi Xuân Chế đạt tới kỷ lục chưa từng có, gùi trọn 118 kg gồm năm đầu đạn ĐKB, một khẩu AK, quần áo và gạo sẵn sàng chiến đấu. Từ tấm gương này, phong trào gùi 5 đầu đạn ĐKB đã dấy lên sôi nổi ở khắp các đơn vị vận tải trên toàn mặt trận.

Với chiếc xe đạp thồ, các chiến sĩ quân y thuộc đơn vị 211 đã liên tục bám đường, vững tay lái bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù bom đạn, mưa nắng, biệt kích, thám báo vẫn đưa được hàng ra phía trước. Là bác sĩ, y tá, hộ lý “chân yếu tay mềm” mà dẻo dai đến kỳ lạ. Có chị thồ đến 140 kg hàng mà vẫn vượt được dốc cao, lội qua suối sâu.

Chuyện kể về bộ đội vận tải Tây Nguyên, nhiều chuyện đời sau nghe lại tưởng như huyền thoại. Ví như chuyện gùi xăng bằng ống bương, bằng can, bằng túi ni lông... Có chiến sĩ gùi cả một bao gạo nặng trăm cân vượt dốc, leo đèo. Lại có chiến sĩ dùng xe đạp thồ cả hai phuy xăng loại 200 lít... Đúng là “vai ngàn cân, chân ngàn dặm”!

Không chịu bó tay trong khi chiến trường còn đang thiếu phương tiện vận chuyển, các chiến sĩ xăng dầu, quân giới và vận tải thuộc binh trạm cánh Bắc đã mạnh dạn tháo ô tô ra từng bộ phận nhỏ để dễ khênh, dễ cõng qua núi qua đèo, đến nơi tập kết lắp ráp lại. Một sáng kiến thật thông minh và táo bạo. Sẽ không dám làm thế nếu không có tinh thần dám nghĩ dám làm và có niềm tin.

Ở trung đoàn pháo binh 40 lại có chuyện kỳ lạ khác. Để đưa pháo 105 và 85 nòng dài ra sát phía trước nhằm kiềm chế pháo binh địch một cách nhanh chóng, an toàn, chiến sĩ ta đã có sáng kiến cải tiến mang vác là tháo rời các bộ phận ra. Nhờ vậy mà từ chỗ phải dùng 24 người đi lại rất vướng víu và chậm (mỗi ngày 1 km) đã rút xuống chỉ cần 15 người có thể chuyển một cỗ pháo 105 đi được 3-4 km một ngày! Thật xứng đáng với truyền thống Điện Biên năm xưa, truyền thống của “lòng quyết tâm còn cao hơn núi”!

Với các chiến sĩ công binh Tây Nguyên thì mở đường và vận tải luôn luôn đi song song với nhau. Công binh, vận tải, pháo binh và bộ binh luôn luôn là những người bạn đường. Thành tích mở đường của các chiến sĩ công binh Tây Nguyên nói chung và của tiểu đoàn 31 nói riêng trong những năm gian khổ, ác liệt 1967-1971 có thể xem như là những kỳ tích. Đường Tây Nguyên vào nam ra bắc, sang tây, tới đông chằng chịt, cheo leo. Đường Tây Nguyên còn có những cung đoạn thật độc đáo. Ấy là những đoạn ken dày tre gỗ dài hàng chục ki-lô-mét, rợp bóng ngụy trang, là những cáy cáu mây vắt vẻo nối hai sườn núi, vượt qua một thung sáu hoặc một con suối rộng trông xa như một công trinh du lịch hấp dẫn...

Có công binh mới có những con đường đưa đạn, gạo, hàng hóa ra phía trước. Và có các chiến sĩ công binh xe tăng ta mới có thể vượt được ngầm Pô Cô, xông thẳng vào Tân Cảnh vượt Xê-rê-pốc vào Buôn Ma Thuột khiến cho địch hết sức ngỡ ngàng, lo sợ! Ngày nay, chiến tranh đã đi qua nhiều năm, những con đường mới đã mở ra thênh thang và đẹp đẽ nhưng đây đó, trong buôn gần, bản xa, giữa lưng chừng núi cao, cạnh một con suối vắng vẫn còn rất nhiều dấu tích. Nhiều đoạn đường thời ấy, nhiều cây cầu được bộ đội công binh bắc trong chiến tranh nay đã trở thành đường dân dụng. Đồng bào Tây Nguyên gọi đó bằng những cái tên thật trìu mến: đường bộ đội, đường Sư 10, cầu bộ đội, cầu quân y...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:59:30 am »

*
*   *

Trong chiến tranh chúng tôi phải luôn luôn tìm cách giải quyết hai vấn đề “đất đứng chân” và “tiềm lực” để chiến đấu, chiến đấu không chỉ ngày một ngày hai mà là lâu dài, “năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa”. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc thấu triệt đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, ngoài việc có một “hậu phương vững chắc” là miền Bắc xã hội chù nghĩa luôn luôn đáp ứng những nhu cầu về sức người, sức của, ở chiến trường Tây Nguyên chúng tôi thấy vấn đề triệt để dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân là một vấn đề cốt tử, nó góp một phần như là quyết định đến thành bại của cuộc chiến đấu.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn nhất trên chiến trường Tây Nguyên, những năm tháng chống Mỹ, cứu nước chúng tôi mới thấu hiểu câu ca dao “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà Bác Hồ có lần đã nói với cán bộ ta. Làm nên hình ảnh cao đẹp “anh bộ đội Cụ Hồ”, quân đội ta, kể từ khi ra đời đã xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “hiếu với dân”. Đó là tình quân dân như cá với nước, là sự gắn bó chan hòa máu thịt giữa quân đội với nhân dân. Quân dựa vào dân và dân cũng dựa vào quân trong mối quan hệ quân với dân một ý chí. Làm theo lời Bác dạy: “Tất cả quân nhân phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu”, “khi mình chưa đến thì dân mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”, suốt những năm chiến đấu ở Tây Nguyên cán bộ, chiến sĩ ta đã thực hiện lời thề đó, coi giữ, vun đắp tình quân dân cá nước như lời thề tự trái tim mình. Có lẽ nhiều đồng chí còn nhớ lời khen nôm na, dân dã, thân yêu của đồng bào: “bộ đội ta đẹp như con chó con, đánh giặc dữ như con hổ”, và cũng không thể quên lời trách “giận thì giận mà thương vẫn thương” của các bá, các mí: “phá... con khỉ”. Thực tế những năm chiến đấu trên chiến trường đói khổ và ác liệt này, bộ đội ta đã được sống trong sự che chở, đùm bọc rất to lớn của đồng bào các dân tộc sống trên cao nguyên đất đỏ này. Không có các bá, các mí, không có các anh các chị và các em, không có buôn làng chắc rằng bộ đội Tây Nguyên sẽ không trưởng thành, lớn lên và giành chiến thắng cuối cùng được. Cũng khó có thể quên câu chuyện về lòng yêu nước, khoan dung của đồng bào với bộ đội. Có chiến sĩ vi phạm, bẻ ngô ở nương rẫy của đồng bào, cán bộ dắt đến xin lỗi thì bà mế già nói: “Ta mới có lỗi, con em đồng bào miền Bắc vào đây, ta không cho ăn được no”.

Dân Tây Nguyên là dân bản địa, có mặt lâu đời trên quê hương này. Họ gồm nhiều dân tộc, đông hơn cả là các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Ê Đê... cư trú rải rác dọc các sông suối, thung lũng. Do điều kiện địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt cũng như trình độ sản xuất còn thấp nên đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả đều trông chờ vào hạt lúa, củ sắn trên nương ngoài rẫy, con thú, cuộng rau trên rừng, con cá, con cua dưới suối nhưng lòng yêu nước, yêu quê hương, thiết tha với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ thì thật vô cùng sâu sắc và rộng lớn.

Đế quốc Mỹ và bè lù tay sai của chúng trong nhiều năm đã thực hiện nhiều chính sách thâm độc và tàn bạo ở Tây Nguyên hòng mua chuộc, dụ dỗ đồng bào, chia rẽ sự đoàn kết giữa người Kinh - người Thượng... Chúng đặt ra nhiều quỷ kế nhăm “thu phục các tù trưởng”, kích động lòng tị hiềm giữa các dân tộc, bày trò lập “khu tự trị”, lập các tổ chức “sắc tộc”, “dân vệ”, “bảo an”, các “đơn vị đặc biệt”, nuôi dưỡng Phun-rô, gom dân lập các khu “dinh điền”, “khu trù mật”, “trại tị nạn”... hòng ngăn chặn sự giao lưu giữa miền xuôi, miền ngược, “tách cá ra khỏi nước”, tách đồng bào Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình dân tộc Việt Nam, ra khỏi cách mạng để dễ bề đàn áp, xâm lược. Nhưng mọi âm mưu thủ đoạn của chúng đã liên tiếp bị thất bại. Đồng bào, ngay từ thời cách mạng mới thành công đã một lòng một dạ đi theo “con đường của Bok Hồ”(1) - “con đường đầy ánh sáng của giàng”(2). Họ nói “giặc Mỹ còn ác hơn cả thú rừng, chúng đi đến đâu là nát rừng nát rẫy đến đó” và “rừng Tây Nguyên có nhiều thú dữ nhưng không có con thú nào ác bằng thằng Mỹ đâu”. Thật vậy, trong những năm giặc đến Tây Nguyên, cả một vùng cao nguyên rộng lớn trở nên xơ xác vì bom đạn, vì chất độc hóa học. Làng buôn cháy, nhà rông(3) đổ, tượng mồ bị trúng đạn pháo, nương rẫy hoang hóa, lũ làng phiêu bạt nay đây mai đó góc rừng xó núi chạy giặc, tránh bom.

Trong những năm tháng ác liệt đó, đồng bào vẫn một lòng một dạ hướng về cách mạng, hướng về. miền Bắc, về Bác Hồ với niềm tin son sắt như cây kơ-nia hướng về phía mặt trời, rễ cắm sâu vào lòng đất mẹ, họ hát:

      Người Ê Đê chưa một lần gặp mặt Bác Hồ
      Mà trong bụng còn thương hơn cha mẹ
      Người Gia Rai chưa được ra miền Bắc
      Mà trong bụng thương Bác Hồ hơn mẹ cha(1).



(1) Bok Hồ: Bác Hồ.
(2) Giàng: trời.
(3) Nhà rông: nhà công cộng của buôn làng, dùng làm nới tiếp khách và hội họp, vui chơi chung.
(4) Một bài dân ca quen thuộc thời chín năm chống Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 09:00:38 am »

Các lực lượng vũ trang Tây Nguyên ngay từ khi mới ra đời đã được sống trong niềm yêu thương và tin tưởng đó. Với đồng bào, thì bộ đội, thì quân giải phóng chính là cách mạng, là con cháu của Bác Hồ. Nhớ lại những năm đầu đứng trên đất cao nguyên, khi lực lượng còn ít ỏi, bộ đội phải cùng ăn, cùng ở, cùng phát rẫy làm nương với đồng bào, những người lính Tây Nguyên chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh những người mẹ, người chị hiền từ, lầm lụi suốt ngày trên rẫy, ngoài rừng dưới suối lo cho chúng tôi từng củ sắn, bắp ngô, ngọn rau, con cá, đêm về cũng lại cặm cụi vá áo cho từng chiến sĩ. Chúng tôi cũng không thể nào quên được những ngày khắp buôn cao làng thấp đồng bào bừng bừng trong khí thế nổi dậy diệt ác, phá kềm. Đuốc sáng rực trời, tay mang nỏ, giáo mác cung tên trong tiếng chiêng tiếng mõ vang dậy núi rừng, đồng bào đã đứng lên đồng khởi cướp chính quyền, thành lập các đội du kích, các đơn vị bộ đội địa phương.

Các đơn vị bộ đội chủ lực Tây Nguyên tồn tại, trưởng thành nhanh chóng và chiến thắng được kẻ địch chính là vì được đồng bào yêu thương, tin tưởng, che chở, Cưu mang.

Chúng tôi đã dựa vào đồng bào mà sống, mà xây dựng, mà huấn luyện trong những năm dài gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Nhớ lại những năm 1968-1969, khi mà tổng lương thực dự trữ cho cả chiến trường gần như đã cạn kiệt, địch lại “phản kích”, “tìm diệt”, “xúc tát gom dân”, rải bom B52, rắc chất độc hóa học, tung biệt kích thám báo... rất ráo riết, khi mà Lầu Năm Góc tuyên bố: “Việt cộng đã hết hơi” mà đồng bào các dân tộc ở khắp các buôn làng đã chung tay cưu mang che chở cho chúng tôi một cách vô tư và đầy cảm kích. Theo số liệu thông kê lúc bấy giờ thì nhiều địa phương thuộc Kon Tum, Gia Lai đã đóng góp tới 80% thu hoạch của cá đình cho bộ đội. Rất nhiều chuyện cảm động về tình quân dân ta bấy giờ đến nay chúng tôi vẫn không sao quên được.

Giữa mùa thu hoạch lúa mà nhiều gia đình vẫn tự nguyện ăn sắn, ăn bắp hoặc củ nâu rừng thay cơm để dành gạo cho bộ đội đánh giặc. Hỏi vì sao thì đồng bào trả lời một cách thật tự nhiên:

- Bộ dội ở phía trước dang khó khăn, mình ở nhà kiếm cái ra cái củ ăn cũng sống.

Hoặc:

- Đuổi được thằng giặc Mỹ thì có phải ăn cái rau rừng cái củ nâu cái bụng nó cũng ưng.

Ngoài việc đóng góp hàng năm cho cách mạng, mỗi lần có bộ đội về hoạt động ở địa phương hoặc sau mỗi trận đánh đồng bào lại đem trâu bò, đem heo gà, gạo nếp đến cho bộ đội. Có những bà mẹ có những em bé đi xa cả một ngày đường đến gặp bộ đội chỉ cốt dưa được năm ba lon gạo, lon ngô, thậm chí chỉ một gùi củ sắn!

Tôi nhớ có lần, hình như sau chiến thắng Plây Me thì phải. Để mừng chiến thắng, nhiều làng buôn đã đi suốt lúa về giã gạo, thổi cơm, mổ heo “đãi” cả một đơn vị lớn, đông đến cả trăm người.

Lại một chuyện nữa. Một lần các đồng chí lãnh đạo Kon Tum đến thăm Bộ tư lệnh. Đang thời kỳ thiếu đói, từ cán bộ đến chiến sĩ đều phải lên rừng, xuống suối kiếm cái ăn. Khách đến, thật khó nghĩ. Dường như rất hiểu sự khó khăn của bộ đội, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã đem tặng lãnh đạo Bộ tư lệnh một con heo nặng chừng... chục kg, “để các đồng chí bồi dưỡng”! Thật là “Người giàu trong bếp giàu ra, Ta nghèo đến khách thăm ta cũng nghèo”. Tối hôm dó chúng tôi quyết định mổ heo nấu cháo để toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều được hưởng một bữa ăn tươi. Sau bữa liên hoan chao heo vui vẻ đó, càng nghĩ tôi càng thấy thấm thìa câu thơ cùa cụ Nguyễn Trãi thuở nào: Tướng sĩ một lòng phụ tử, Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.

Tình thương yêu của nhân dân Tây Nguyên với bộ đội chẳng những chỉ là chuyện “nhường cơm, sẻ áo” mà còn là sự “chung sức, chung lòng”. Khi bộ đội chúng tôi đến đâu, cho dù là đèo cao, rừng rậm, cho dù là gần ngay sào huyệt của kẻ thù chúng tôi vẫn thật yên lòng vì lúc nào cũng nghĩ có nhân dân ở bên.

Dường như trận đánh nào, chiến dịch nào chúng tôi mở, đồng bào cũng góp công, góp sức. Làm đường, bắc cầu, đào hầm hào, tiếp lương, tải đạn, chuyển thương... Tất cả, tất cả đều có sự đóng góp lớn lao của bà con các dân tộc. Có chiến dịch, đồng bào tham gia đến cả mấy ngàn ngày công, đóng góp hàng ngàn tấn tre gỗ. Thật cảm động khi được thấy những bà mẹ, ông bố, đôi khi là cả những em bé đi bên bộ đội trong những cuộc hành quân. Áo các mẹ, các chị, các em đẫm mồ hôi vì đường xa, vì trên vai gùi nặng những đạn, những gạo. Được hỏi, đại loại: “Mẹ già rồi, việc đánh giặc đã có chúng con” thì các mẹ trả lời:

- Cách mạng bằng nhau cả mà!

Ý các mẹ muốn nói rằng công việc đánh giặc không phải của riêng ai, ai cũng phải làm, ai cũng có phần, cũng phải, cũng được góp công góp sức. Là vậy nên mới có chuyện dân công Tây Nguyên đi chiến dịch mang theo cả cối để giã sắn, giã ngô; mang theo cả cuốc cả dao để đào măng, nhặt rau, nhặt quả tự túc. Đồng bào thường nói: “Đi với bộ đội phải tự kiếm cho no cái bụng thôi. Gạo để dành cho bộ đội đánh giặc chứ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 09:00:59 am »

Tình thương yêu của đồng bào đặc biệt dành cho các đồng chí thương binh. Tôi nghe chuyện có một cô gái Ba Na tự làm bị thương mình để vào đồn địch xin thuốc về cứu chữa cho một chiến sĩ ta bị thương. Tôi lại được nghe báo cáo có gia đình ven đường 14 nuôi dưỡng thương binh ta cả tháng trong nhà ngay sát gần căn cứ địch. Lại nghe ở buôn nọ có cả mấy thớt voi chở thương binh đi bệnh viện hoặc trả về đơn vị... Và còn nghe, trong mùa xuân Tổng tiến công năm 1968, có nhiều đồng chí vì là lần đầu tiên đánh vào thành phố, đánh xong không biết đường rút ra đã bị kẹt lại. Đồng bào đã hoặc là dẫn đường đưa về tận hậu cứ, hoặc là che chở, nuôi dưỡng nhiều ngày.

Cái quý nhất đối với đồng bào Tây Nguyên là con cái. Ở vùng đất này, do đời sống khó khăn nạn hữu sinh vô dưỡng thường xảy ra. Vì thế đẻ được một đứa con nuôi lớn, đồng bào thường không muốn cho đi xa nhà. Nhưng khi cách mạng cần, đồng bào sẵn sàng. Tiễn những đứa con yêu vào bộ đội, một bà mẹ ở huyện 6 Kon Tum nói:

- Còn thằng Mỹ, phải đánh. Con đi đánh Mỹ là con thương mẹ. Mẹ cho con đi đánh Mỹ là mẹ thương nước, thương buôn làng.

Những bà mẹ Tây Nguyên có hai, ba con nhập ngũ rất nhiều. Mẹ Cáp ở buôn Huê Trang có hai con lớn đi giải phóng, thằng con út mới cao bằng khẩu súng trường mẹ cũng động viên đi luôn, ở nhà mẹ tham gia du kích, có lần dùng dao quắm bắt sống thám báo, có lần xung phong giữ làng cả tháng để du kích đi đánh giặc... Những tấm gương như vậy trên đất Tây Nguyên không phải là hãn hữu.

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên đã có 19 người con ưu tú được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có nhiều người có ảnh hưởng rộng rãi, cả nước biết như Đinh Núp, Kơpa Klơng, A Sâu và Puih San tức A Sanh (trong bài hát Người lái đò trên sông Pô Cô của nhạc sĩ Cầm Phong), v.v...

Nhưng còn nhiều hơn cả là những người anh hùng vô danh mà dường như ở huyện nào, tỉnh nào, dân tộc nào cũng có. Ấy là những du kích, những chiến sĩ đột ấp xuất sắc ở huyện 5 Kon Tum, là một ông già du kích mắt lòa đã đi vào ca dao, thơ ca:

Già Siu Se chân chậm mắt lòa
Đánh giặc giỏi như chim pơ xe đánh ó,


là “ông già rau muống” bí mật làm liên lạc cho bộ đội, giữa bốn bề đồn bốt vẫn giữ được tấm ảnh Bác Hồ thuở chín năm, là cả những em bé dẫn đường cho bộ đội. Khi dẫn đường em luôn luôn đi trước, hỏi thì trả lời rất giản dị: “Mình khổng đi bằng bộ đội được, phải đi hơn vì nếu gặp địch, nó bắn mình chết không sao. Còn bộ đội chết không có ai chỉ ra cái đường cho người Xê Đăng, người Ba Na đuổi thằng Mỹ, giải phóng buôn làng”.

Thật không có câu nói nào giản dị hơn, nhưng cũng không có câu nói nào chứa đựng tình cảm nặng sâu hơn thế!

Được nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tin tưởng, cưu mang, che chở và chung sức đánh giặc, cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên càng gắn bó với nhân dân. Với truyền thống “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”, các đơn vị bộ đội chủ lực luôn luôn thực hiện được khẩu hiệu “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên từng có nhiều nghị quyết về xây dựng căn cứ địa vùng giải phóng, từng có nhiều chủ trương, biện pháp về xây dựng hậu phương quân đội; đặc biệt là xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất nhằm tăng nhanh tiềm lực kinh tế quân sự tại chỗ để đánh thắng địch trong bất kỳ tình huống nào. Nhiều hội nghị liên tịch giữa đại biểu các lực lượng vũ trang với đại biểu của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ba tỉnh Tây Nguyên về xây dựng căn cứ địa, xây dựng và giữ vững vùng giải phóng đã được tiến hành. Nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ địa phương được tổ chức. Rất nhiều lượt cán bộ quân đội đã được tung về các địa phương để xây dựng cơ sở.

Trong điều kiện vừa tác chiến, vừa củng cố, vừa huấn luyện rất khó khăn, bận rộn... các đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc nói chuyện, tuyên truyền về chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng, về tình hình thời sự trong nước và thế giới, về chiến thắng của quân và dân ta cũng như vạch trần những âm mưu và hành động thâm độc của kẻ thù, rồi tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ, chiếu phim phục vụ nhân dân. Nhờ thế mà trong khó khăn, gian khổ, bom đạn, quần chúng vẫn tin tưởng, lạc quan.

Để xây dựng căn cứ địa một cách toàn diện, bên cạnh việc chăm lo đời sống cho dân, Bộ tư lệnh Mặt trận còn tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ quân sự địa phương, dân quân du kích; củng cố kiện toàn các tổ chức quần chúng khác như thanh niên, phụ nữ, thiếu niên nhi đồng ở các xã, các buôn làng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 09:02:05 am »

*
*    *

Để bám trụ chiến trường, để xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng của mình, trong những năm tháng khó khăn nhất, bộ đội B3 ngoài việc tăng gia sản xuất, cứu đói, ngoài tinh thần vượt mọi khó khăn, cần cù sáng tạo, đoàn kết thương yêu nhau, ngoài việc làm tốt công tác dân vận... còn tỏ rõ một niềm lạc quan, tin tưởng rất sâu sắc, niềm tin ấy được biểu lộ qua tinh thần chiến đấu kiên cường, tinh thần vượt khó khăn, ý thức bám dân bám đất, tình đồng đội, đồng chí... Niềm tin ấy còn được thể hiện qua cuộc sống hàng ngày, qua những đêm liên hoan văn nghệ, qua những bài thơ, câu hát cùng những câu nói “cửa miệng” của cán bộ, chiến sĩ ta.

Tôi nghĩ Tây Nguyên là một trong những chiến trường khó khăn ác liệt vào bậc nhất trong những năm chiến tranh, nhưng cũng nghĩ, hiếm có ở nơi nào “tiếng hát át tiếng bom” lại đúng như ở đây. Những đêm liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng, những cuộc giao lưu nhằm thắt chặt mối quan hệ quân dân và những lễ hội ở vùng giải phóng, vang lên tiếng hát bộ đội ta. Tiếng hát của người chiến sĩ còn được cất lên giữa hai chặng của một cuộc hành quân chiến đấu, trên nương rẫy, ngoài sông vắng, trong viện quân y và cả bên bếp lửa nhà sàn. Bộ đội Tây Nguyên hát không hay lắm nhưng hay hát. Vui: hát; buồn: hát; nhớ nhà: hát; sau cơn đau: hát; gặp nhau chia tay nhau: hát và hát cả khi tình yêu trắc trở. Có phải chăng vì thế mà bộ đội Tây Nguyên mới có những chương trình độc đáo tham gia các hội diễn toàn miền, mới có những tiết mục tự biên tự diễn xuất sắc như bài hát Cây sắn tấn công? Có phải chăng vì thế mà đoàn văn công quân giải phóng Tây Nguyên sau những lần “ba chìm bảy nổi” do hoàn cảnh chiến trường khó khăn vẫn hiện diện như một đoàn văn nghệ xung kích được không những quân và dân Tây Nguyên yêu mến mà còn được nhiều nơi biết tới? Và có phải chăng vì thế mà chiến trường Tây Nguyên trở thành cái nôi ra đời của nhiều bài hát được nhiều người ưa thích và có sức sống lâu bền như Ca ngợi anh hùng Núp, Tháng ba Tây Nguyên, Em là hoa pơ-lang, Đưa anh đi hái măng rừng, Cô gái vót chông, Bóng cây Kơ-nia, Người lái đò trên sông Pô Cô...

Tình yêu văn nghệ của bộ đội B3 còn được thể hiện qua những vần thơ. Thơ in trên báo Tây Nguyên, thơ gửi ra báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ; thơ viết trên báo tường, dán trên báo liếp các đơn vị; thơ đọc trong các buổi sinh hoạt; thơ chuyền tay, truyền miệng. Trong số những người làm thơ đó sau này theo tôi biết rất ít người trở thành nhà thơ, nhưng thơ của bộ đội còn trong kỷ niệm - trong trí nhớ và trong sổ tay của bộ đội B3 hiện còn rất nhiều.

Tôi còn nhớ bài thơ có tên là Xe đi của một chiến sĩ viết hồi 1968.

   Xe băng qua núi qua đèo
   Xe đi trên gió, xe trèo trên mây
   Có đoàn dũng sĩ hôm, nay
   Lái xe vun vút như bay lưng trời
   Đường ra tiền tuyến xa xôi
   Vì yêu nên... vạn núi đồi cũng qua
   Thồ hàng ra chiến hào xa
   Tăng cường thêm sức quân ta diệt thù
   Hỡi anh hỡi chị xe thồ
   Tiền phương từng phút từng giờ mong ta


Tôi còn giữ trong tay, còn chép trong sổ rất nhiều bài thơ khác của cán bộ, chiến sĩ ta. Nhưng tôi thích nhất là lời bài hát “Đêm khiêng pháo” của trung đoàn pháo binh 40, lời bài hát như sau:

“Đêm nay chúng con khiêng pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Đường đi chiến dịch vui sao. Nghe lời Bác căn dặn ngày nào: càng gần thắng lợi càng nhiều gian lao.

Đường lên Chư-mo-ray gặp mây bay. Con nhớ tóc Bác; đường cắt rừng khuya nhiều sao con thấy mắt Bác cười. Bác Hồ ơi!

Con biết Bác thương nhiều đoàn con pháo thủ, dãi nắng dầm mưa, đường chiến dịch còn xa.

Pháo nặng trĩu trên vai, pháo nặng trĩu trên vai sao nặng bằng gánh giang sơn trên vai Bác.

Con đường chúng con đi, cho dù có gian nguy sao bằng đường xa Bác đã đi.
 
Chúng con cùng pháo đêm nay trút lửa xuống đầu thù. Chiến công này xin dâng Bác, Bác hẳn cùng vui”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 09:03:26 am »

Và mỗi ai ở Tây Nguyên cho đến bây giờ cũng không thể quên mấy câu thơ vui:

      Tà tà chân bước vào nương
      Tay ôm quả bí lòng thương đồng bào
      Về nhà lòng dạ nao nao
      Bát canh bốc khói lẽ nào chẳng ăn


Nhiều cán bộ ở cơ quan Bộ tư lệnh cũng làm thơ. Tôi không rành về thơ lắm, nhưng cũng có lần đã viết những cảm xúc suy nghĩ của mình bằng một bài thơ độc vận. Ấy là vào dịp xuân 1969 - một mùa xuân đầy thử thách khó khăn trên chiến trường Tây Nguyên. Bài thơ có tiêu đề Một lòng theo Đảng(1). Tôi còn nhớ có đoạn như sau:

      Vâng lời Đảng, Bác, ta lên đường
      Kiên trì đánh Mỹ mặc phong sương
      Dù cho gian khổ và ác liệt
      Chí khí luôn luôn vẫn kiên cường
      Tình ta gắn bó với chiến trường
      Dãy Trường Sơn đó - ấy quê hương
      Diệt địch mở vùng sao cho tốt
      Để hoa chiến thắng ngát mùi hương
      Cho đàn em nhỏ được đến trường
      Cho bá, cho mí hết đau thương
      Chấm dứt đói cơm và lạt muối
      Cho đàn trâu sắt chạy trên nương...


Tinh thần lạc quan của bộ đội B3 còn được thể hiện trong rất nhiều câu chuyện tiếu lâm, trong lời ăn tiếng nói của lính. Đi đến buôn làng nào, đơn vị nào tôi cũng được nghe những câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh vừa thông minh. Có những chuyện nghe xong cười đến vỡ bụng, cười đến chảy nước mắt. Rất tiếc là hồi đó, không ai kịp nghĩ đến ghi chép lại.

Đó là chuyện cười, chuyện tiếu lâm của lính. Loại hình này đã phong phú rồi, cách nói của lính Tây Nguyên còn phong phú và độc đáo hơn. Tếu, vui, sáng tạo và thông minh vô cùng. Ví dụ: Ăn thì ăn cơm cục; uống thì uống nước đục. Không đi thì thủ trưởng giục. Đi thì địch phục, nhưng không còn phải ăn cơm cục. Rồi những chuyện về mũ cối, dép râu, về con tôm và con tép, về châu chấu và cào cào..., tất cả, tất cả dưới cách nhìn của lính ta đều thành ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca đao.

Khi viết lại những dòng hồi tưởng này, trong tôi cứ lao xao, quanh quất đan cài lẫn lộn những tiếng hát, những giọng nói, những câu cửa miệng vừa tếu táo vừa hóm hỉnh của những người lính trẻ năm nào. Tôi nghĩ đó là cách anh em thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin và sức mạnh của bộ đội ta trong những năm tháng khắc nghiệt và khó khăn.

Chính qua khó khăn gian khổ, qua lao động sản xuất anh em ta càng thêm gắn bó với chiến trường, với nhân dân Tây Nguyên. Những đức tính tốt đẹp: cần cù, tiết kiệm, chịu thương chịu khó, lạc quan, giản dị, quý trọng thành quả lao động càng nảy sinh phát triển, lòng tin vào khả năng lao động sáng tạo của mình và bình tĩnh vững vàng trước mọi khả năng thử thách càng được nâng cao.

Sau một năm phấn đấu đầy hy sinh gian khổ, lao động sản xuất đã đem lại cho chiến trường những thu hoạch có ý nghĩa: 535 tấn thóc, 136 tấn ngô hạt, 11 tấn đậu lạc vừng, 937 tấn rau xanh, 18 tấn thịt, để lại cho năm sau 13 triệu rưỡi gốc sắn và đàn lợn 2.400 con. Không chỉ như vậy, năm 1969 còn là năm đạt kỷ lục cao nhất về tốc độ mở các chiến dịch và đợt hoạt động cũng như về số lượng và chất lượng diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Đi đôi với thắng lợi trên mặt trận quân sự trong năm 1969, hơn 20.000 đồng bào các dân tộc đã giành được quyền làm chủ, vùng giải phóng ở Tây Nguyên được mở rộng và không ngừng củng cố.

Khó khăn gian khổ và những thử thách mới còn đang đặt ra trên bước đường đi tới. Song với niềm tin, ý chí và nghị lực được tôi luyện qua thực tiễn chiến trường, đặc biệt trong năm 1969, đồng bào và các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên bước vào năm 1970 trong tư thế đĩnh đạc và chủ động sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.


(1) Bài thơ sau này các đồng chí trong ban biên tập báo Tây Nguyên in trong số ra ngày 3 tháng 2 năm 1969 với bút danh Ngọc Linh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2019, 02:42:05 pm »

V

CHIẾN TRƯỜNG SÁNG TẠO VÀ NHỮNG THÀNH TÍCH CHIẾN ĐẤU MỚI

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ở chiến trường Tây Nguyên rất quyết liệt, liên tục và toàn diện. Trên địa bàn chiến lược hệ trọng này, Mỹ - ngụy đã tập trung mọi cố gắng quyết giành ưu thế. Chúng đã sử dụng nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại với khối lượng tập trung lớn, từ máy bay chiến lược B52 được sử dụng sớm từ chiến dịch Plây Me (1965), bom 7 tấn, bom điều khiển bằng tia la-de đến các loại pháo và xe tăng hạng nặng. Chúng cũng điều lên Tây Nguyên nhiều đơn vị sừng sỏ bậc nhất của quân đội Mỹ cùng nhiều đơn vị thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân ngụy. Tây Nguyên cũng là chiến trường được những người chỉ huy quân đội Mỹ chọn làm nơi thí điểm nhiều âm mưu chiến lược và thủ đoạn chiến thuật mới. Việc đánh bại quân địch ở Tây Nguyên là một sứ mệnh lịch sử đặt ra cho các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Nguyên. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị to lớn đó đòi hỏi bộ đội ta không những có quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường mà còn phải có trình độ tác chiến và nghệ thuật đánh địch giỏi.

Trong cuộc chiến đấu giáp mặt với quân thù trên chiến trường, hơn ai hết, các chiến sĩ là người đầu tiên đón nhận và có phản ứng nhạy cảm trước mọi thủ đoạn mới của địch. Trong những trận đánh đó đã xuất hiện mầm mống đầu tiên để sau này được đúc kết và bổ sung qua thực tiễn trở thành các chiến thuật hoàn chỉnh. Vượt khó nên khôn, qua thực tiễn chiến đấu mà trưởng thành, bộ đội ta đã vận dụng linh hoạt tìm ra cách đánh phong phú, sáng tạo, bẻ gãy các thủ đoạn của địch dể giành thắng lợi.

Ấn tượng sâu sắc đối với tôi là trận đánh của tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 Sư đoàn 1 vào ngày 3 tháng 7 năm 1966 tại khu “Rừng im lặng” . Trưa hôm đó, tổ trinh sát tiểu đoàn trên đường đi bám địch, phát hiện một đại đội Mỹ đang dừng ăn trưa. Anh em để lại hai người tiếp tục bám, còn một người chạy về báo cho chỉ huy tiểu đoàn. Ban chỉ huy tiểu đoàn 7 lúc đó gồm có các anh Lê Văn Tam, tiểu đoàn trưởng; anh Võ Hùng Cường, chính trị viên; anh Võ Quang Tịnh, tiểu đoàn phó; anh Tạ Ngọc Sinh, chính trị viên phó.

Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý gấp và quyết định sử dụng đại đội 2 (đơn vị chủ công) được tăng cường 1 khẩu cối 82 ly với 30 quả đạn, do anh Võ Quang Tịnh trực tiếp chỉ huy. Nhận được lệnh, đại đội trưởng Hứa Văn Kính và chính trị viên Hoàng Thanh Bình cho bộ đội làm công tác chuẩn bị ngắn. Được trinh sát dẫn đường, cán bộ, chiến sĩ đại đội 2 nhanh chóng tiếp cận quân Mỹ. Khi quan sát, thấy toàn bộ đội hình quân Mỹ nằm trong tầm bắn có hiệu quả, Võ Quang Tịnh chỉ thị cho đại đội 2 nổ súng. Ngay từ những loạt đạn đầu của cối 82 ly, cối 60 ly, chỉ huy và toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của địch đã bị tiêu diệt. Quân Mỹ như rắn mất đầu lại không được hỏa lực phi pháo chi viện, chúng chống cự lúng túng trước lối đánh gần, áp sát của chiến sĩ ta. Khẩu cối 82 ly do trung đội trưởng Trương Quang Tú, quê An Thạch, Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi đánh rất giỏi chi viện đắc lực cho bộ binh. Đại đội trưởng Hứa Văn Kính xông xáo chỉ thị mục tiêu cho chiến sĩ B40 Phạm Đình Tá, quê Vĩnh Trù, An Nông, Triệu Sơn, Thanh Hóa diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Sình, quê xóm 2, Hà Ninh, Hà Trung, Thanh Hóa; Nguyền Văn Thỏa, chiến sĩ, quê Trại Xá, Văn Côn, Hoài Đức, Hà Tây Hoàng Minh Khôi, quê xóm 6, Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình dùng lựu đạn và súng AK diệt 8 tên Mỹ. Trung đội trưởng Phạm Công Vụ, quê Quỳnh Thượng, Thượng Văn, Nông Cống, Thanh Hóa dùng súng AK diệt 3 tên, dùng lưỡi lê đâm chết 2 tên Mỹ khác. Đại đội 2 ở thế áp đảo, chưa đầy 20 phút đã diệt hoàn toàn 1 đại đội Mỹ, nêu kỷ lục lần dầu tiên 1 đại đội ta diệt 1 đại đội Mỹ trên chiến trường.

Cán bộ, chiến sĩ đại đội 2 kiểm tra trận địa đếm được hơn 100 xác lính Mỹ. Tiểu đoàn phó Võ Quang Tịnh trao đổi với đại đội trưởng Hứa Văn Kính: Nhất định quân Mỹ phải dùng lực lượng hành quân giải tỏa để lấy xác đồng bọn. Nói rồi anh cho đại đội 2 tổ chức trận địa phục kích và điện xin tiểu đoàn tăng cường lực lượng sẵn sàng chặn đánh quân Mỹ. Đúng như dự đoán, ngay chiều hôm đó quân Mỹ từ đồn Đức Vinh có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ mở cuộc phản kích vào trận địa đại đội 2. Các chiến sĩ ta đã biến trận địa phục kích thành trận địa chốt thu hút, giam chân quân địch. Chỉ huy tiểu đoàn 7 ra lệnh cho đại đội 1 và đại đội 3 xuất kích. Đại đội 1 do đại đội trưởng Trần Đình Bốn, đại đội 3 do đại đội trưởng Bùi Trung Du chỉ huy nhanh chóng cho bộ đội vận động tới bao vây đánh vào hai bên sườn quân địch. Do kết hợp chặt chẽ giữa chốt giữ trận địa của đại đội 2 và tiến công vào sườn, phía sau quân địch của đại đội 1 và đại đội 3, tiểu đoàn 7 đã diệt thêm 1 đại đội Mỹ, bắn cháy 3 xe bọc thép M113, buộc quân địch phải tháo chạy và dùng máy bay oanh tạc vào trận địa hủy xác đồng bọn, xóa dấu vết thất bại.

Như vậy, trận đánh của tiểu đoàn 7 đã bước đầu hình thành chiến thuật “chốt kết hợp vận động”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM