Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:49:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Tây Nguyên  (Đọc 16411 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2019, 02:18:38 pm »

*
*   *

Cuối năm 1966, cơ quan chính trị chúng tôi đề xuất với Bộ tư lệnh Mặt trận tổ chức đại hội mừng công lần thứ nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên với mục đích là tổng kết kinh nghiệm và biểu dương phong trào thi đua giết giặc lập công của các lực lượng vũ trang. Đại hội mở ra sau cuộc sinh hoạt chính trị và cuộc vận động xây dựng Đảng trên toàn mặt trận là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu cho cán bộ và chiến sĩ chuẩn bị bước vào cuộc đọ sức với quân Mỹ trong mùa khô lần thứ hai.

Ý nghĩa của đại hội là thế, nên chúng tôi muôn tạo ra không khí thật sôi nổi, vui tươi. Thời gian này miền Bắc có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, còn ở Tây Nguyên không những bom đạn Mỹ ngày đêm trút xuống mà bộ đội nằm la liệt vì sốt rét. Như vậy càng cần đến tiếng đàn, tiếng hát. Tiếng hát ở đây không chỉ “át tiếng bom” mà tiếng hát còn “át cả khó khăn, gian khổ”. Để có một đội văn nghệ xung kích thì phải có hạt nhân văn nghệ. Bàn đi bàn lại chúng tôi quyết định tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng, qua đó mà chọn “nhân tài”. Sư đoàn 1, cơ quan hậu cần mặt trận, Viện 211 là những đơn vị chủ lực có nhiều tiết mục tự biên tự diễn khá, nhiều người hát hay múa giỏi. Và chúng tôi đã lựa chọn được một danh sách khá dài. Người đầu tiên là Vũ Sắc, chính trị viên đại đội 18 trung đoàn 88, người đã từng đoạt huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân năm 1966. Anh em kế lại: với những cái bát xếp cạnh nhau và lượng nước vơi đầy khác nhau, Vũ Sắc đã tạo thành cây đàn bát kỳ diệu. Anh biết sử dụng thành thạo nhiều loại đàn từ măng-đô-lin đến ác-coóc... Vũ Sắc còn có khả năng sáng tác ca khúc. Thật là tuyệt vời khi chúng tôi có được một người như anh. Tiếp đến là Nguyễn Duy Nhiệm có giọng nam cao, cũng đã từng giành huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân năm 1964. Duy Nhiệm hát tốt và có khả năng sáng tác tốt. Ngoài Vũ sắc và Duy Nhiệm ra còn lại đều là chiến sĩ, y tá, hộ lý. Nam diễn viên có Trần Khuê, Ngô Luân (trung đoàn 66), Minh Thắng, Mạnh Dần, Đức Hộ, Văn Tam, Văn Hạnh (trung đoàn 88). Nữ diễn viên có Thanh Lịch, Kim Liên, Thanh Níu (quê Quảng Bình), Minh Tỵ (quê Bắc Giang) Tuyết Minh (quê Sơn Tây), Minh Thư (quê Hà Tĩnh), v.v... Số nữ trên đều thuộc quân số của cơ quan hậu cần mặt trận và Viện 211. Chúng tôi cử Vũ Sắc làm đội trưởng. Ít ngày sau anh chị em đã lao vào làm công tác chuẩn bị nhạc cụ và xây dựng chương trình. Lúc này cả đội chỉ có hai chiếc đàn măng-đô-lin và một chiếc đàn ác-coóc. Số nhạc cụ còn lại do anh em tự tạo cả.

Viết đến đây tôi nhớ đến bài thơ “Chiều liên hoan” của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh khi anh đi qua Tây Nguyên viết tặng đội văn nghệ xung kích của chúng tôi:

      Chặt bương làm ống
      Gọt gỗ làm đàn
      Đục lon làm nhị
      Mở chiếu liên hoan

      Ôi đội văn nghệ
      Giữa đất Tây Nguyên
      Không son, không phấn
      Mà đẹp mà duyên

      Bệnh viện gửi về
      Dăm cô hộ lý
      Đơn vị đưa lên
      Mấy anh chiến sĩ

      Lấy chuyện đời mình
      Phổ trong khúc nhạc
      Đem cả nhiệt tình
      Gửi vào tiếng hát

      Ta lên dây đàn
      Ta so tiếng trúc
      Cho đêm liên hoan
      Niềm vui rạo rực

      Dẫu cho giọng hát
      Lạc nhịp sai cung
      Sá gì việc ấy
      Vui này vui chung

      Khúc nhạc lòng ta
      Ta yêu ta mến
      Cô hộ lý ơi
      Can chi mà thẹn

      Hãy vững lòng tin
      Bước lên sân khấu
      Hát bằng trái tim
      Cuộc đời chiến đấu...


Bài thơ này phần nào nói lên hoàn cảnh khi mới ra đời của đội văn nghệ xung kích Mặt trận Tây Nguyên hồi ấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2019, 02:20:12 pm »

Tiếp sau đội văn nghệ xung kích, các đội chiếu bóng cũng lần lượt được thành lập. Anh em bắt đầu gùi máy, cõng phim xuống đơn vị phục vụ bộ đội. Lần đầu trong rừng sâu gian khổ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong vùng giải phóng được nghe tiếng máy nổ và thấy điện sáng, được xem những bộ phim thời sự, tài liệu, phim truyện ca ngợi cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân ta và bạn bè thế giới. Cũng từ đây phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển rộng rãi trên toàn mặt trận. Bộ đội đua nhau viết bích báo, sáng tác ca khúc, viết kịch, làm thơ. Thiếu giấy anh em viết trên vỏ bao thuốc lá, nhãn đồ hộp thu được của địch, có khi viết vào mảnh nứa, vỏ cây. Trung đoàn pháo binh 40 có đại đội làm báo tường bằng các mảnh mo nang ghép lại. Sau mỗi chiến dịch, những ngày lễ lớn, trung đoàn nào cũng ra được tập san thơ ca, bản tin người tốt việc tốt. Bộ mặt chiến trường thay đổi cơ bản, toàn diện. Trên đường ra trận, bên cạnh khẩu súng của người chiến sĩ bộ binh, pháo binh còn có cây đàn, cây sáo trúc của người chiến sĩ văn nghệ xung kích, chiếc máy chiếu phim của người chiến sĩ điện ảnh. Từ đây, trong gian khổ ác liệt có tiếng nói lạc quan tin tưởng của “binh chủng công tác chính trị” làm tươi trẻ thêm, phong phú thêm cuộc sống chiến trường.

Đội văn nghệ xung kích của Mặt trận vừa biểu diễn vừa thâm nhập sáng tác, dàn dựng tiết mục. Các đơn vị thương yêu, gắn bó và giúp đỡ mọi mặt, tạo điều kiện cho đội văn nghệ hoạt động. Có trung đoàn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhận nuôi đội văn nghệ xung kích giữa những ngày rất khó khăn về lương thực. Bộ đội Tây Nguyên thà đói cơm nhạt muối chứ không thể thiếu lời ca tiếng hát lạc quan giữa chiến trường gian khổ.

Tôi được đội trưởng đội văn nghệ xung kích mặt trận kể lại: Bộ đội rất thích nghe ca sĩ Thanh Lịch hát bài “Đường cày đảm đang” và bài “Xuân chiến khu”. Có lần đội văn nghệ phục vụ một đơn vị ở phía trước, trên trời máy bay phản lực Mỹ lồng lộn đánh phá một khu vực gần đó. Nhưng Thanh Lịch vẫn bình tĩnh hát vang bài “Xuân chiến khu”. Sau buổi biểu diễn, một anh lính hóm hỉnh, thông minh ứng khẩu tặng Thanh Lịch một câu:

Trên trời phản lực ầm ầm
Dưới đất Thanh Lịch vẫn gầm chiến khu
(Xuân chiến khu)


Thế mới biết chiến sĩ ta đánh giặc giỏi và chọn từ cho thơ ca cũng rất hóm. Mới nghe câu ca kia tưởng như bị ép vần “ầm” với vần “gầm”. Nhưng không, tiếng hát lúc ấy mà không “gầm” lên thì sao át được tiếng gầm rít của “thần sấm”, “con ma” Mỹ.

Đầu năm 1967, Báo Tây Nguyên được thành lập do đại úy Nguyễn Kim Thanh, chính trị viên tiểu đoàn 9 trung đoàn 66 phụ trách cùng chín phóng viên, đều là những giáo viên dạy văn, sử. Trước khi vào chiến trường các anh được đào tạo nghiệp vụ báo chí một thời gian ngắn ở Trường Tuyên giáo Trung ương, đó là: Đinh Ngãi, quê Thọ Ngọc, Triệu Sơn, Thanh Hóa; Nguyễn Đình Thảo, quê ở Tân Dân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; Lê Sĩ Hành, quê ở Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa; Nguyễn Văn Minh, quê Đức Phong, Đức Phổ, Quảng Ngãi; Nguyễn Bá Đàn, quê Nghi Lộc, Nghệ An; Hoàng Khắc Nhu, quê Đức Thọ, Hà Tình; Đặng Chức, quê Thành Thiệu, Xuân Trường, Nam Định; Nguyễn Phú Tuấn, số nhà 53 Hàng Lược, Hà Nội và Nguyễn Khắc Quán. Sau đó được bổ sung ba họa sĩ: Mai Văn Kế và Lê Đức Tuấn từ miền Bắc vào, Ngô Bình Thiểm từ trung đoàn 40 lên. Các đồng chí đều là những họa sĩ có tài, sau này nhiều bức tranh được giải thưởng cao trong các kỳ thi do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tôi còn nhớ anh Nguyễn Hồng Tịnh, ở số nhà 28 Lý Thái Tổ, Hà Nội, một thợ khắc gỗ rất giỏi. Các anh trong Bộ tư lệnh Mặt trận giao cho tôi là người chịu trách nhiệm đọc duyệt cuối cùng trước khi đưa in, từ lúc báo còn in rô-nê-ô đến lúc báo in nhiều màu. Có thể nói, tờ báo của quân giải phóng Tây Nguyên chúng tôi được ra đời và phát huy sức mạnh là nhờ sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Tổng cục Chính trị đã bổ sung một đội ngũ phóng viên chiến trường đều là những người có năng lực, dũng cảm, yêu nghề. Anh em lăn lộn cùng bộ đội phục kích chờ địch, tập kích đánh đồn, chia sẻ gian khổ, ác liệt và cùng chia vui mỗi khi chiến thắng. Mỗi bài phóng sự, một tấm ảnh tư liệu, một tin về những trận đánh hay, những người đánh giỏi đều mang hơi thở cuộc sống thực của người lính ở mặt trận.

Do máy in từ miền Bắc chưa chuyển vào kịp nên thời gian đầu anh em phải in bằng máy quay rô-nê-ô. Tít bài và công việc trình bày đều do đồng chí Hường đánh máy của cơ quan chính trị mặt trận đảm nhiệm. Nhưng vì Hường chưa có kinh nghiệm đánh máy vào giấy nến, đánh nhẹ in không lên, đánh mạnh giầy thủng to mực chảy ra lem luốc, người đọc vừa đọc vừa đoán. Có khi đoán mãi mới ra một chữ. Vậy mà cán bộ, chiến sĩ ta vẫn chuyền nhau đọc một cách hứng thú. Tòa soạn ngày càng nhận được nhiều thư động viên và cả tin bài của cộng tác viên từ những đơn vị chiến đấu phía trước chuyển đến. Điều đó là nguồn cổ vũ khích lệ anh em làm báo rất nhiều. Thì ra, trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn người đọc sẵn sàng lượng thứ, bỏ qua lỗi và hình thức trình bày cũng như kỹ thuật in ấn. Cái chính là tờ báo đã đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho cán bộ, chiến sĩ ta.

Thời gian đầu mỗi tháng báo ra hai số, về sau mỗi tuần một số. Cuối năm 1967, máy in, chữ chì, thợ sắp chữ từ miền Bắc mới chuyển vào Tây Nguyên và nhà máy in được thành lập do đồng chí Nguyễn Địch Long(1) phụ trách. Từ đây trở đi tờ báo Tây Nguyên — tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức. Nó đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên.

Cũng vào thời gian này, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định thành lập Hội đồng khoa học Y học quân sự Tây Nguyên. Thời gian đầu hội đồng do anh Võ Văn Vinh, sau đó là anh Nguyễn Tụ làm chủ tịch. Hoạt động của hội đồng này rất tích cực và hiệu quả, tổ chức được nhiều hội nghị khoa học, nhiều lớp tập huấn xử trí vết thương chiến tranh, phòng và chữa bệnh sốt rét ác tính. Ngày 22 tháng 10 năm 1967, Hội đồng khoa học Y học quân sự Tây Nguyên cho xuất bản cuốn Nội san Quân y Tây Nguyên số đầu tiên, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học và là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm về y học ở chiến trường. Nội san Quân y Tây Nguyên ra đều đặn 3 tháng một số, đến cuối năm 1974 đã xuất bản được 21 số. Ban biên tập chủ yếu là các chủ nhiệm khoa Viện Quân y 211 (đều là cán bộ giảng dạy và quen với công tác nghiên cứu) do anh Lê Cao Đài, viện trưởng làm trưởng ban.

Có thể nói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, ngành quân y đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa được nhiều vết thương hiểm nghèo và bệnh sốt rét ác tính làm yên lòng cán bộ chiến sĩ ta. Ngoài ra, quân y Tây Nguyên còn đóng góp vào nền y học quân sự Việt Nam nhiều công trình khoa học có giá trị, đặc biệt là xử trí vết thương sọ não và chữa trị bệnh sốt rét ác tính.


(1) Năm 1968, sau một chuyến ra Bắc nhận vật tư in trên đường vào Nguyễn Địch Long gặp máy bay Mỹ đánh phá, anh đã anh dũng hy sinh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2019, 02:20:54 pm »

*
*   *

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, do phải chiến đấu liên tục nhiều tháng bộ đội chưa được nghỉ ngơi củng cố nên một số cán bộ, chiến sĩ tỏ ra thiếu vững vàng, kiên định sa sút ý chí chiến đấu. Cá biệt có người như tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 trung đoàn 66, bác sĩ đội phẫu thuật tiền phương bạc nhược bị chiêu hồi. Hai tên phản bội này đã bày cho kẻ thù những thủ đoạn đánh phá vô cùng nham hiểm và thâm độc. Trước đây những tọa độ máy bay oanh tạc thường là pháo binh địch không tham gia. Nhưng nay, cứ sau mỗi đợt máy bay phản lực, B52, B57 dội bom là chúng cho pháo binh bắn cấp tập trùm lên nơi máy bay vừa bắn phá. Với thủ đoạn này địch đã gây không ít khó khăn cho anh em ta cứu nhau khi có người bị thương hay sập hầm. Tình hình đó ít nhiều tác động đến tinh thần, tâm lý bộ đội. Phát hiện tình hình trên, một lần nữa, từ sau chiến dịch Plây Me, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị tập trung sâu rộng trong các đơn vị trên toàn mặt trận.

Trong đợt học tập này, cơ quan chính trị mặt trận chúng tôi chủ trương làm cho các đơn vị từ cơ sở đến cơ quan bộ tư lệnh có nhận thức sâu sắc về thắng lợi to lớn và toàn diện của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trong Tết Mậu Thân, khẳng định quyết tâm của Đảng ta là tích cực, từ đó phát huy thắng lợi đã giành được, động viên toàn quân, toàn dân liên tục tấn công, liên tục nổi dậy thực hiện kỳ được mục tiêu đề ra; đồng thời làm cho cán bộ chiến sĩ thấu triệt nhiệm vụ quân sự trước mắt của lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận ngụy quân, ngụy quyền giải phóng phần lớn vùng nông thôn, đánh phá nặng nề cơ sở vật chất kho tàng hậu cứ địch, chặt đứt giao thông tiếp tế của chúng. Xây dựng đơn vị càng đánh càng mạnh, càng giành thắng lợi to hơn, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị lấy bảy điều Bác Hồ dạy trong bức điện của Người gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam tháng 3 năm 1968 và lời kêu gọi ngày 20 tháng 7 năm 1969 của Bác làm nội dung liên hệ kiểm điểm. Bảy điều Bác Hồ dạy là: “Ý chí phải thật kiên quyết; Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; Kiểm tra phải thật kỹ càng; Phối hợp phải thật ăn khớp; Chấp hành phải thật chu đáo; Cán bộ phải thật gương mẫu; Bí mật phải giữ triệt để”. Trong lời kêu gọi của Bác có đoạn: “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nàm, bảo vệ miền Bắc tiến tới hòa binh thống nhất nước nhà”.

Cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận đã nghiêm khắc kiểm điểm, vạch ra những thiếu sót của mình, phê phán, cùng nhau bàn biện pháp khắc phục tư tưởng mệt mỏi bi quan, ngại lâu dài, trông chờ thắng lợi, chỉ chú trọng chiến đấu trước mắt mà buông lỏng xây dựng lâu dài. Tình cảm và ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, đối với nhân dân Tây Nguyên của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên.

Qua học tập, tư tưởng tình cảm được phát động mọi người càng thấm thìa sâu sắc với nỗi khổ cực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên khi buôn làng chưa sạch bóng quân thù, càng gắn bó với chiến trường gian khổ, với nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên. Tình đồng đội, nghĩa đồng bào càng thêm sâu đậm trong lòng người chiến sĩ. Những chao đảo, phân vân hôm nào đã được khắc phục.

Cán bộ và chiến sĩ đều xác định trách nhiệm và tình cảm của mình đối với nhiệm vụ, đối với chiến trường, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách lớn nhất, kiên quyết đứng vững trên địa bàn chiến lược cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và quân dân cả nước kề vai sát cánh chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

Hôm kết thúc Hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung cao cấp toàn mặt trận, thay mặt hội nghị tôi đọc bản quyết tâm thư của các lực lương vũ trang nhân dân giải phóng Tay Nguyên gửi lên Bác Hồ. Toàn văn bản Quyết tâm thư đó như sau:

“Chúng cháu gồm toàn thề cán bộ trung cao cấp của các lực lượng vă trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên, bao gồm các đơn vị chủ lực và địa phương đang học tập tình hình nhiệm vụ cách mạng, xây dựng quyết tâm cho nhiệm vụ mới, rất xúc động và vô cùng phấn khởi được nghe lời kêu gọi của Bác nhân ngày 20 tháng 7 năm nay.

Đón lời kêu gọi của Bác với tất cả tình cảm sâu sắc nhất và lòng tôn kính nhất của chúng cháu đối với Đảng, với Bác, mỗi người chúng cháu đều suy nghĩ phải làm gì để đền đáp lại công ơn và tình cảm của Đảng và Bác đối với đồng bào miền Nam và đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như đối với mỗi người chúng cháu.

Chúng cháu tự xác định cho mình một quyết tâm nỗ lực cao nhất để nghiêm chỉnh thực hiện lời kêu gọi của Đảng, của Bác trước giờ phút quang vinh vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.

Qua học tập, chúng cháu đã thấy rõ thắng lợi, thấy rõ ưu, khuyết điểm của mình trong thời gian vừa qua và thấy rõ thời cơ cách mạng vô cùng thuận lợi hiện nay và yêu cầu của nhiệm vụ tới.

Thay mặt toàn thề cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên, chúng cháu xin hứa với Bác sẽ đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, chiến đấu giỏi, sản xuất tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Bác đã giao cho. Trong quá trình chiến đấu và xây dựng dù có gian khổ, ác hệt đến đâu, khó khăn đến mức độ nào chúng cháu cũng kiên quyết vượt qua, lập nhiều chiến công xuất sắc nhất để kỷ niệm ngày lễ lón trong năm 1970 và mừng thọ Bác 80 tuổi. Chủng cháu kiên quyết ghì chặt tay súng thừa thắng xông lèn liên tục tiến công và nổi dậy đánh bại mọi âm mưu đen tối của bọn xâm lược Mỹ và quân chư hầu của Mỹ và bè lũ tay sai buộc quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ phải rút hết sạch, ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ tan tành, cho miền Nam mau được giải phóng, Tổ quốc mau được thống nhất, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên sớm được đón Bác vào thăm.

Kinh chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu muôn tuổi.

Thay mặt các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên.

Toàn thể cán bộ dự lớp học tập tình hình nhiệm vụ mới”.


Sau đợt học tập chính trị tập trung sâu rộng đó, chưa bao giờ tôi thấy ý chí tiến công vào khó khăn, gian khổ; truyền thống quyết thắng, sáng tạo, cần kiệm, tự lực và tình đồng đội, tình quân dân lại được phát huy mạnh mẽ và thể hiện một cách phong phú trong cuộc sống của bộ đội Tây Nguyên như thời kỳ này. Các đơn vị đều có quyết tâm vươn lên lập công, xứng đáng với lời dạy của Bác. Bộ tư lệnh Mặt trận phát động một phong trào thi đua lập công sôi nổi, đều khắp ở các đơn vị chiến đấu, đơn vị phục vụ và cơ quan; cổ vũ phong trào xây dựng các đại đội, tiểu đoàn giỏi, trong sạch vững mạnh. Và tôi nghiệm ra một điều răng, mỗi lần Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là một lần cách mạng có bước phát triển nhảy vọt, quân và dân ta lại giành được những thắng lợi to lớn hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2019, 02:21:51 pm »

*
*   *

Có một điều mà chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ hơn một tháng sau khi chúng tôi gửi bản Quyết tâm thư lên Bác thì sáng ngày 3 tháng 9 năm 1969, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi bản tin thông báo đặc biệt về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đều hồi hộp lo âu, cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị đến cơ quan xôn xao bàn tán, theo dõi hỏi han nhau về tình hình sức khỏe của Người.

Sáng ngày 4 tháng 9, khi cái tin đau đớn nhất đến với mọi người - Bác Hồ đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9(1), thì cán bộ, chiến sĩ không cầm được nước mắt. Được sống và chiến đấu trên mảnh đất mà “hạt muối và cái chữ Bác Hồ” đã đi vào con tim, khối óc của mỗi người dân, đi vào lịch sử, nơi có những người già giữ ảnh Bác Hồ từ nãm 1946 đến lúc bấy giờ, nơi mà người dân đã nhiều lần đốt buôn làng, chịu đói cơm, nhạt muối, thề quyết một lòng theo Bác, theo Đảng làm cách mạng, nơi đã nhiều lần được Bác gửi thư riêng dạy bảo, khen ngợi và động viên, toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên vô cùng xúc động khi được tin Bác từ trần. Ngay sau đó cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh đã tập trung nghe đọc bản thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chuẩn bị tổ chức lễ tang Bác. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến đấu nhưng với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, trong buổi lễ truy điệu Người các đơn vị vẫn có bàn thờ treo ảnh Bác lồng trong khung đen, cờ đính dải băng đen, khẩu hiệu và vòng hoa rừng viếng Bác. Các đơn vị và cơ quan phía sau, nhiều đơn vi phía trước đã tổ chức lễ đài với nghi thức trang nghiêm để mỗi buổi sáng tập trung tưởng nhớ Bác.

7 giờ sáng ngày 6 tháng 9 năm 1969, lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Ngay chiều ngày 6 tháng 9, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức trọng thể lễ truy điệu Bác. Các đại biểu của cơ quan và đơn vị trực thuộc, các cán bộ trung cấp, cao cấp đại diện các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích về đông đủ dự lễ truy điệu Người.

Anh Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh và anh Trần Thế Môn — Chính ủy Mặt trận kính cẩn đặt vòng hoa (với đủ loại hoa của rừng núi Tây Nguyên được anh em tiểu đoàn vệ binh làm rất công phu) trước chân dung Bác. Trong giọng nghẹn ngào, nhiều lúc phải ngừng lại vì quá xúc động, anh Thảo đọc tiểu sử của Người và điếu văn viếng Bác. Đồng chí Tư lệnh ôn lại công ơn trời biển và sự quan tâm săn sóc của Bác đã dành cho đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên qua mỗi chặng đường cách mạng; đồng thời nhắc nhở toàn thể cán bộ, chiến sĩ hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, nâng cao quyết tâm chiến đấu, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên chiến trường, xứng đáng với sự quan tâm dạy dỗ của Bác.

Thay mặt toàn thể đảng viên, đoàn viên, cán bộ và chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, tôi đọc bức điện của Đảng ủy Mặt trận gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn văn như sau:

“Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên trong các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên vô cùng xúc động và đau đớn khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yểu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta từ trần.

Cùng với quân dân toàn miền, chúng tôi ân hận vì chưa hoàn thành thắng lợi triệt để sự nghiệp giải phóng miền Nam để đón Bác vào thăm miền Nam, thăm Tây Nguyên thỏa ỉòng mong ước của đồng bào và chiến sĩ. Quân và dân các dân tộc Tây Nguyên rất vinh dự và vô cùng thấm thía biết ơn Bác vì được Người luôn luôn chăm sóc ân cần, nhiều lần viết thư riêng khen ngợi, dặn dò, giáo dục. Trong những ngày chiến đấu quyết liệt với quản thù, trước những khó khăn, gian khổ, thiểu thốn, hình ảnh và tiếng nói của Bác Hồ luôn luôn là niềm động viên cổ vũ quân dân Tây Nguyên vượt qua mọi trở lực giành từ tháng lợi này đến thắng lợi khác hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Bác giao phó.

Trong giờ phút đau thương này, để tỏ lòng thương nhớ Bác kính yêu, chúng tôi xin hứa với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quăn ủy Trung ương:

1. Suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối tin tưởng và đoàn kết chặt chẽ chung quanh Trung ương Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi đường lối chính sách của Đảng, mọi chi thị mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, quyết tâm chiến đấu góp phần xứng đáng nhất thực hiện bằng được nguyện vọng cao cả của Bác Hồ là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trước mắt khắc phục mọi khó khăn, đạp bằng mọi trở ngại, vượt qua mọi gian khổ ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

2. Ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác, kiên quyết thực hiện tốt lời dạy của Người đối với quân, dân Tây Nguyên: “Đoàn kết, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.


Đó cũng là lời thề thiêng liêng của tất cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong giờ phút vĩnh biệt Người.

*
*   *

Qua thực tiễn ở chiến trường những năm ấy, tôi nhận ra rằng bản lĩnh chiến đấu của bộ đội là sự hợp thành giữa ý chí và trí tuệ, kiến thức, năng lực hành động và kinh nghiệm cả về quân sự, về chính trị. Vấn đề đó phải thể hiện cụ thể ở từng người chiến sĩ, từng phân đội trên chiến trường. Từ chiến dịch Đắc Tô trở về sau, chúng tôi đặt vấn đê này đúng mức hơn, xen giữa các đợt chiến đấu, song song với những cuộc chỉnh huấn chính trị, chúng tôi đã chú trọng công tác tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu, tập huấn cán bộ và huấn luyện bộ đội. Nhờ vậy, năm 1969, năm đỉnh cao của gian nan và thắng lợi, cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên càng đoàn kết thương yêu đồng bào, đồng chí, càng gắn bó với chiến trường trong tư thế đĩnh đạc, chủ động, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.


(1) Ngày 19 tháng 8 năm 1989, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày Quốc khánh của nước ta. Để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định công bỏ ngày mất của Bác vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:52:39 am »

IV

VƯỢT QUA THỬ THÁCH TRỤ BÁM CHIẾN TRƯỜNG

Tôi vẫn thường trở lại Tây Nguyên. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng (3-1975), dường như năm nào tôi cũng về thăm lại miền đất thương nhớ và vơi đầy kỷ niệm này. Nói là về thăm thì không hẳn đúng lắm. Tôi trở lại Tây Nguyên để làm nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình, gặp lại đồng đội, bạn bè chiến đấu năm xưa, thăm lại những nơi mà mình đã sống và chiến đấu. Mỗi cuộc gặp, mỗi lần thăm (đặc biệt với đồng bào ở các khu căn cứ cũ) không chỉ gợi lại niềm vui chiến thắng mà nhiều hơn là kỷ niệm những ngày gian khổ thiếu thốn, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào đoàn kết gắn bó, chia sẻ ngọt bùi.

*
*   *

Với mỗi người chiến sĩ Tây Nguyên năm xưa, mỗi lần nhớ về Tây Nguyên, nhớ lại những năm tháng khó khăn chưa xa ấy, có lẽ câu chuyện ám ảnh nhất, ấn tượng nhất, khó quên nhất là câu chuyện về cái đói, sự chiến thắng cái đói, rồi sau đó mới là chuyện đánh giặc.

Tôi còn nhớ cuối năm 1965, đầu năm 1966, đến ngày 29 tháng chạp, ở cơ quan chính trị mặt trận chỉ còn vài chục lon gạo và sắn, thực phẩm không có gì. Anh em bàn nhau và quyết nghị: ngày 30 Tết một mình chủ nhiệm trực ở nhà giải quyết công việc, còn hơn hai chục cán bộ phân công nhau đi “kiếm ăn”, đào củ rừng, hái rau, săn bắn. Và kết quả cũng khá: đủ cho ba ngày Tết.

Hai năm 1966, 1967 cán bộ, chiến sĩ toàn chiến trường một mặt rút kinh nghiệm trong những trận đầu đánh Mỹ, huấn luyện nâng cao trình độ, tác chiến lập được nhiều chiến công khá lớn. Chiến dịch Sa Thầy, diệt 1 tiểu đoàn Mỹ và đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khác; chiến dịch Đắc Tô I, đánh thiệt hại nặng lữ dù 173 Mỹ và lữ 1 sư đoàn 4 Mỹ, góp phần cùng quân dân toàn miền đánh bại chiến lược “tìm diệt” của đế quốc Mỹ; mặt khác tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh hoạt động mua hàng ở Cam-pu-chia và đường chiến lược 559 đã vào đến binh trạm 37 nên tiếp tế, hậu cần khá hơn, đời sống tương đối dễ chịu. Sang năm 1968, nhiệm vụ tác chiến liên tục vừa duy trì đòn tiến công đô thị, vừa đánh phá âm mưu và thủ đoạn “bình định” của địch, giữ vững nồng thôn và phá ấp mở vùng, giải phóng nhân dân (năm 1968 đã phá được 130 ấp chiến lược, giải phóng 60.000 dân) nên không còn thời gian sản xuất.

Do đó bước sang năm 1969, chiến trường Tây Nguyên gặp khó khăn lớn vì đạn dược, thuốc men, quân trang và nhất là lương thực. Nguồn dự trữ rất mỏng, lại phân tán nhiều nơi.

Theo số liệu ghi trong sổ tay của tôi thì vào đầu mùa hè năm 1969 tổng lương thực dự trữ của cả chiến trường B3 chỉ đủ để nuôi bộ đội một tuần, gạo năm 1968 chuyển qua năm 1969 chưa bằng một phần ba tồn kho năm 1967 chuyển qua năm 1968 ! Thực phẩm còn bị cạn kiệt hơn. Dường như tất cả hệ thống kho tàng đều trống rỗng. Cũng xin được nói thêm rằng, nguồn lương thực thực phẩm nuôi sống bộ đội Tây Nguyên dựa vào bốn nguồn:

1. Trên cấp, tức là từ A, từ miền Bắc vào.

2. Tự mua.

3. Địa phương cho.

4. Tự túc bằng tăng gia sản xuất.

Thì cả bốn nguồn trên đều bị "tắc”. Số lương thực thực phẩm từ A không vào được hoặc vào rất nhỏ giọt do địch đánh phá, năm 1969 chỉ nhận được khoảng 30%. Trong khi đó cửa khẩu miền Tây (nguồn tự mua) bị đóng do những biến động ở Cam-pu-chia. Đồng bào thì còn đói hơn bộ đội lấy gì mà cho. Còn về việc tăng gia sản xuất cũng không phải không gặp khó khăn bởi địch đang ráo riết giành dân song song với giành đất. Chúng còn coi mục tiêu triệt phá nguồn cung cấp của ta là một trong những mục tiêu “chiến lược” quan trọng của chúng. Địch không chỉ dùng bom pháo, chất độc phá hoại nương rẫy mà chúng còn chủ trương “giành rẫy”, “giành ruộng” của ta nữa. Vả lại việc tăng gia sản xuất đâu chỉ ngày một ngày hai là có ăn ngay. Từ cái hom sắn đặt xuống đất phải mất nhiều thời gian và công lênh mới có được củ sắn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:53:10 am »

Trong tình hình các nguồn tiếp tế bị nghẽn, kho tàng cạn kiệt như vậy, Tây Nguyên vẫn vừa phải lo tự nuôi mình vừa phải lo toan việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị khách đi qua (gồm cán bộ đi công tác, thương bệnh binh, từ A vào B2 Nam Bộ, hoặc ngược lại từ B2 ra hậu phương lớn miền Bắc), gọi là khách hành lang (năm 1969 Tây Nguyên đã cung cấp 494 tấn lương thực, thực phẩm cho hơn 61.500 người qua lại trên hành lang).

Do vậy mà từ tiêu chuẩn 2 lon gạo (tương đương 5 lạng) một ngày cho mỗi người nay rút xuống còn 2,5 lạng/người/ngày, rồi rút tiếp xuống 1,2 lạng. Nhiều tuần lễ cả cơ quan phải ăn sắn, rau trừ bữa!

Cái đói của Tây Nguyên những năm ấy, sau này đã được đưa vào thơ văn. Cái ống coóng của bộ đội - một cái ống bơ để đun nấu, cải thiện mà dường như người lính Tây Nguyên nào cũng biết. Lính ta đi đâu cũng mang nó theo để gặp bất cứ thứ gì ăn được là cho vào đó, đun lên thành thức ăn. Đó là một thứ nồi thắng cố, canh hổ lốn của lính gồm đủ loại: cua, cá, rau, củ, chuột, chim, khoai... tất tật. Cái ống coóng đã đi vào một bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo gọi là Bài ca ống coóng. Nhiều chiến sĩ Tây Nguyên nay vẫn nhớ bài thơ như sau:

      Bài ca của chúng tôi
      Là lời ca ống coóng
      Hành trang quân giải phóng
      Đơn giản nhất trên đời
      Tháng năm sẽ dần phai
      Bao bài ca duyên dáng
      Nhưng tôi biết giờ đây
      Như khắc vào đá tảng
      Như vạch vào thân cây
      Bài ca của hôm nay
      Thô sơ và rực sáng


Nhà thơ thì viết về cái đói như vậy còn người thầy thuốc viết về cái đói đáng sợ hơn nhiều. Bác sĩ Lê Cao Đài - nguyên Viện trưởng Viện quân y 211 thuộc chiến trường B3 trong một quyển hồi ký viết, đói là nguyên nhân căn bản của bệnh thiếu vi-ta-min B1 cộng với lao động nặng nhọc dẫn đến phù tim. Người mắc bệnh tương tự như kẻ ốm giả vờ. Đang họp lăn ra chết, có người đang ăn tự nhiên tay thõng xuống và liệt luôn! Mổ tử thi những người này thấy tim to như quả bưởi, thành tim mỏng như tờ giấy bìa, nhợt nhạt, nhẽo mềm. Ở Tây Nguyên hồi ấy có cả trăm đồng chí chết vì thiếu vi-ta-min B1. Bác sĩ Võ Văn Vinh, nguyên chủ nhiệm quân y B3 nhận xét: bệnh ấy chỉ thấy trong các nạn đói.

Nói về các đói ở Tây Nguyên, không thể không nói cái thiếu. Cuốn sổ taỳ của tôi ở chiến trường năm 1969 ghi: Chiến sĩ B3 được phát trong năm:

- 01 bàn chải đánh răng.

- 250 gam xà phòng (kế hoạch 1 kg).

- 700 gam thuốc lá (50 gam/tháng).

Bước sang năm 1970, tiêu chuẩn cũng vậy. Mỗi tháng chiến sĩ được hưởng: 2 lạng mỡ, 2 lạng mắm kem, 1 kg muối, 12 kg gạo (đi trận thêm 5 lạng đường, 1 hộp sữa, nửa cân đậu xanh, 5 lạng gạo hấp/ngày).

Về mặc, mỗi người một bộ dài, một bộ lót (lành). Những người đi chiến đấu bổ sung thêm 4 người 1 bộ, trực thuộc cơ quan 8 người 1 bộ. Toàn mặt trận có tới 1/3 lính bận đồ rách vá, một nửa số quân không có võng, tăng, ni-lông...

Vì thiếu đói nên bệnh sốt rét phát triển mạnh, có tháng sốt cả ngàn người và dường như ai cũng qua cái sốt. Người sốt rét gặp tình trạng thiếu ăn, lao động nặng nhọc thì lại chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học Mỹ... càng mắc thêm các chứng bệnh khác như tiêu chảy, phù thũng, suy tim... Có thời kỳ ở các bệnh xá, bệnh viện thương binh thì ít, bệnh binh thì nằm la liệt kể đến cả ngàn người. Nhiều bệnh nhân tiêu chảy, suy kiệt sức lực không nhổm người lên được. Nước phân chảy qua lỗ hậu môn rộng hoác, không thuốc nào cầm được, cứ thế suy kiệt cho đến chết. Có những đồng chí bị phù thũng toàn thân, đặc biệt là hai bàn chân. Ấn ngón tay đến đâu lõm đến đó như ấn vào miếng đất sét dẻo. Hồng cầu giảm dưới 2 triệu... Theo thống kê của quân y mặt trận thì số bệnh binh nằm ở quân y thường đông gấp 10 lần số thương binh!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:53:54 am »

Cũng do đói thiếu mà sinh ra bệnh tật, cũng do đói thiếu mà người lính Tây Nguyên còn phải chịu bao nhiêu tai họa khác. Họ chết, họ mang bệnh tật nhiều khi không phải do bom đạn mà do bị “suối cuốn, núi xô, cây đổ, hổ vồ”, hoặc bị nhiễm độc vì rau, củ, quả rừng... trên đường đi lấy gạo, đi công tác, đi sản xuất. Ai đó đã viết những câu thơ rất đúng về những sự hy sinh này:

      Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thủy
      Còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng
      Những lán hầm nứa đêm mưa xối xả
      Giấc ngủ vùi bên nhau khô ướt mấy mươi lần


Tình hình Tây Nguyên đang đứng trước một thử thách nghiệt ngã và có thể nói năm 1969 là năm đỉnh cao của gian nan.

Trước tình hình hết sức khó khăn đó, Đảng ủy Mặt trận ra nghị quyết củng cố xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, nhẹ, ở cơ quan giảm phục vụ, tăng chiến đấu, phát triển lực lượng tinh nhuệ”. Tư tưởng “có đất, có ăn”, lấy sản xuất là một mũi tiến công đã được quán triệt sâu sắc đến từng chiến sĩ Tây Nguyên.

Dường như suốt những năm 1968 đến 1972, ở tất cả các cuộc giao ban tuần, giao ban tháng, hội ý... của mọi cấp từ phân đội đến Bộ tư lệnh vấn đề chống đói, vấn đề tăng gia sản xuất đều được đưa vào chương trình nghị sự. Tăng gia sản xuất nhiều lúc được đặt ngang, thậm chí đặt trên công tác tác chiến bởi như các cụ ta thường nói “thực túc binh cường” - có lương thực đủ mới có thể xây dựng được những đơn vị mạnh.

Để cụ thể hóa công tác tham gia sản xuất chống đói, trước hết, cũng như đánh giặc phải bố trí, sắp xếp lại lực lượng trên toàn chiến trường theo hướng tinh gọn, dành ưu tiên cho lực lượng làm kinh tế, trực tiếp sản xuất.

Năm 1968, ở Tây Nguyên có Sư đoàn 1 (nông trường 1) và một số đơn vị độc lập. Trước tình hình gay gắt về lương thực, thực phẩm, trang bị, tinh gọn, chủ lực Tây Nguyên còn bốn trung đoàn (95, 66, 24A, 28) và một số đơn vị binh chúng kỹ thuật. Đồng thời với việc rút lại các đơn vị chủ lực, ta buộc phải tiến hành đưa một lực lượng không nhỏ ra hậu phương lớn. Tháng 5 năm 1969 rút toàn bộ trường quân chính, trường quân y ra Bắc. Rồi rà soát lại toàn bộ lực lượng như văn công, thương bệnh binh, người mất sức, phụ nữ, trẻ em... và tất cả những lực lượng phục vụ khác. Ai là người “không cần lắm” cho chiến đấu, sản xuất đều xếp vào diện cho ra A. Lực lượng này không nhỏ, cuộc chuyển quân này không đơn giản... Sau này có người ví cuộc “chuyển quân” này như là một cuộc “tập kết lần thứ hai” (trước đó, năm 1954 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ cuộc tập kết ra Bắc của các lực lượng kháng chiến là cuộc tập kết thứ nhất).

Cho đến hôm nay, dường như chưa có tài liệu sách vở nào viết một cách thật đầỷ đủ về những cuộc chuyển quân này, nhưng chỉ đọc một số bài báo, một số đoạn hồi ký của các nhà văn có dịp qua chiến trường Tây Nguyên những năm sáu chín, bảy mươi chúng ta cũng có thể hình dung được về cuộc “tập kết lần thứ hai” ấy. Anh Bảo Định Giang - một cán bộ cao cấp của Ban Tuyên huấn Trung ương, từ Nam Bộ ra Bắc, qua Tây Nguyên ghi trong nhật ký: “ở trạm 73 anh em săn được nai. Tám giờ rưỡi tối đem về. Mười giờ trạm luộc cho một đĩa. Hơn hai tháng rưỡi nay mới được ăn thịt. Chỉ ăn thịt luộc chấm muối thôi, không có rau. Sau năm giờ đi đường bằng, không trèo dốc như các trạm trước đã tới trạm 71... Trên đường đi gặp toàn thương binh hỏng chân không đi được. Anh em nằm trên cáng chuyển hết trạm này đến trạm khác đến miền Bắc mới thôi. Mỗi lần cáng một thương binh mất bốn giao liên. Dốc núi nhiều chặng rất cao, làm người cáng rất mệt sức. Đó là chưa kể, những trường hợp ốm đau bất thường của cán bộ quân đội qua đường bị sốt nặng cũng phải cáng. Mỗi trạm có từ 18 đến 20 đồng chí kể cả ban phụ trách, phải thường xuyên làm các nhiệm vụ sau đây: đưa rước cán bộ ra, nấu ăn tiếp tế, sản xuất một năm 3 tháng tự túc, chữa bệnh thông thường cho những người đau ốm nhẹ. Năm nay lại phải chuyển mấy nghìn thương binh từ Tây Nguyên, Nam Bộ ra Bắc, phải lo nhà cửa cho anh em đến ở, tổ chức ăn uống, cáng những đồng chí đau ốm nặng và cụt chân. Nói chung anh em rất có kỷ luật tôn trọng tổ chức. Chỉ có quân đội mới tổ chức được tốt như thế” (Bảo Định Giang trong cuốn Về Nam, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 131, 132).

Cuộc giản chính, giảm quân năm 1969 ở Tây Nguyên là một “giải pháp tình thế”, chúng ta buộc phải làm như vậy vì lý do cốt yếu là vấn đề lương thực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:54:23 am »

Song song với việc chuyển bớt lực lượng ra Bắc, Bộ tư lệnh Tây Nguyên quyết định đưa 10% quân số còn lại chuyển qua sản xuất lương thực “chuyên nghiệp”. Thế là những “người nông dân mặc áo lính” lại trở về với công việc nhà nông quen thuộc của mình, chỉ khác một chút là họ không cày sâu cuốc bẫm trên đồng đất quê hương mình mà làm nương, phát rẫy, trỉa lúa, trồng ngô ngay trên mành đất của chiến trường Tây Nguyên.

Việc sản xuất, nói thì đơn giản nhưng vấn đề sản xuất ở chiến trường Tây Nguyên thật không đơn giản chút nào. Muốn sản xuất, trước hết phải có đất để mà sản xuất, vì vậy phương châm của cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên lúc ấy là lấn đất, ép địch, giành dân tạo thể chiến trường. Công cuộc giành dân, ép địch lấy đất sản xuất thật vô cùng gian nan, đôi khi để có được đất đai canh tác, bộ đội ta phải đánh đổi bằng cả máu của mình.

Có đất là có ăn — bộ đội Tây Nguyên vẫn thường nhắc nhau nhự vậy. Và khi đã có đất, những chỉ tiêu, những kế hoạch được đặt ra thật rõ ràng. Kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất của Mặt trận Tây Nguyên lúc bấy giờ được xem như “quân lệnh”, đơn vị nào, cán bộ chiến sĩ nào cũng phải bắt buộc thực hiện. Cụ thể:

Kế hoạch sản xuất vụ mùa 1969-1970:

- Loại 1 (bao gồm cán bộ chiến sĩ trong các đơn vị chiến đấu) phải trực tiếp lao động từ 20-23 ngày công trong năm, quân bình 5,2 người làm 1 héc-ta.

- Loại 2, 3, 4 (bao gồm cán bộ chiến sĩ cơ quan, cán bộ chiến sĩ hậu cần, phục vụ, cán bộ chiến sĩ làm chuyên môn nghiệp vụ...) phải trực tiếp tham gia sản xuất mỗi năm 40-60 ngày công, quân bình từ 2,1 đến 3,4 người làm 1 héc-ta.

- Loại 5 (bao gồm 10-15% quân số trực tiếp sản xuất) phải làm 100 - 200 ngày công một năm, trung bình 1 người làm 1 héc-ta.

Cách canh tác lúa ở miền cao nguyên rất khác với đồng bằng, với những chiến sĩ quê ở đồng bằng Bắc Bộ thì cái khác ở đây ở mức “một trời, một vực”. Ở ngoài Bắc người nông dân làm lúa nước theo chu trình cày, bừa, cấy, gặt, còn ở Tây Nguyên, từ bao đời nay dân làm rẫy, canh tác theo chu trình phát, cốt, đốt, trỉa và tuốt.

Phát là phát rẫy, phát hoang. Người làm rẫy dùng dao quắm phạt những cây nhỏ, rồi đốt. Cốt là chặt những cây lớn, những thân gỗ chưa cháy hết trong lúc đốt rồi gom lại tạo ra một mặt bằng. Sau đó là trỉa. Trỉa tức là lấy gậy nhọn chọc lỗ bỏ hạt... Công đoạn sau cùng là tuốt lúa, thu hoạch. Người Thượng tuốt lúa bằng tay, bộ đội ta cũng vậy. Sau này chỉ có một số ít đơn vị sản xuất có tính chuyên nghiệp dùng liềm, hái, còn đại bộ phận vẫn tuốt lúa bằng tay.

Việc canh tác lúa ở Tây Nguyên phụ thuộc ít nhiều vào các yếu tố đất đai, thời vụ, thời tiết và sự phá hoại của chim rừng, thú rừng. Thông thường từ tháng ba, tháng tư khi mùa mưa bắt đầu là mùa làm rẫy. Bộ đội Tây Nguyên ai cũng thuộc câu hát: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông lấy nước, mùa em đi phát rẫy làm nương...”. Qua tháng 5, tháng 6, 7, 8 đến tháng 9,10 mới là mùa thu hoạch. Như vậy là ở Tây Nguyên không phải là “ba tháng trông cây” mà phải chín tháng trông cây mới có “ngày hái quả”. Có được hạt gạo ở đất này thật vô cùng khó khăn, gian khổ. Để có bát cơm, cán bộ chiến sĩ và đồng bào Tây Nguyên càng thấm thìa câu ca cũ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Để có hạt cơm người chiến sĩ không những phải đổ mồ hôi mà như trên đã nói còn phải đổ máu nữa. Máu đổ do bom đạn địch, máu còn đổ vì “rắn cắn, nước trôi, cây đổ, hổ vồ”... Không ở đâu, cái chết lại rình rập con người thường xuyên như ở Tây Nguyên. Có những cái chết đến thật bất ngờ. Bom B52 rải thảm, pháo bầy, đạn biệt kích thám báo, dĩ nhiên rồi, nhưng còn có những cái chết tức tưởi vì hổ xé, voi giày, vì cả những con vật bé tí như con mò, con ve.

Con ve màu nâu, nhỏ chỉ bằng hạt tấm. Khi đốt vòi nó cắm sâu vào da thịt con người, đít chổng lên như con muỗi lúc hút máu. Người khi bị ve đốt chỉ nhoi nhói đau, nhưng sau đó chỗ bị đốt mẩn ngứa, gãi mấy cũng không hết, rồi cương cứng lên, rồi lở loét, nhiễm trùng. Cũng bé như con ve, con mò thường sống trong các bụi cây. Bị mò đốt, người tự dưng sốt cao, nổi hạch, đau cơ, lở loét và chết..

Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là muỗi. Muỗi gây bệnh sốt rét cho bất kỳ ai. Nói đến sốt rét rừng Tây Nguyên không ai tránh khỏi rùng mình. Chính bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn con người, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên trong những năm chưa xa đó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:54:57 am »

Một nắng hai sương mới có được hạt lúa, hạt gạo vì thế, với Tây Nguyên những năm sáu chín bảy mươi gạo được coi như một thứ vàng. Gạo, gạo, ở đâu cũng thấy vang lên những tiếng đó. Là thế cho nên bộ đội Tây Nguyên suy tôn gạo là vị tư lệnh cao nhất của chiến trường, tư lệnh gạo có quyền tối thượng, có sức mạnh lớn nhất ở đây. Mọi chủ trương, mọi kế hoạch, mọi hoạt động nhất nhất đều do “tư lệnh gạo” quyết định.

Để có gạo, bộ đội cùng đồng bào Tây Nguyên đã tìm mọi chỗ, mọi nơi để trồng trỉa lúa. Ăn sắn, ăn rau cũng làm nương, bụng đói mèm vẫn đi phát rẫy. Chưa hết, còn đánh địch, đuổi thú dữ để giành lấy đất làm nương...

Năm tháng đã đi qua, nhưng với nhân dân. hai bên bờ sông Sa Thày, Pô Cô, vùng ba biên giới Pa Kha, Tà xẻng, Đắc Son... những cái tên “bộ đội nông trường 1” , “nương nông trường 1”... đã thành những cái tên thân yêu, mãi mãi chẳng phai mờ.

Rẫy “nông trường 1” (Sư đoàn 1) nằm sát ngay tuyến phòng thủ cơ bản của địch, rẫy tiểu đoàn 6 độc lập cách sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy chưa đầy 10 km. Nương rẫy của bộ đội cũng “lấn đất, ép địch, giành dân, tạo thế chiến trường”.

Song song với việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phổ biến kinh nghiệm trồng trỉa lúa, làm nương, làm rẫy thường xuyên trên báo Quân giải phóng Tây Nguyên, Mặt trận còn cử những đoàn cán bộ kỹ thuật tới tận các đơn vị, các làng bản hẻo lánh để trực tiếp hưởng dẫn bộ đội và nhân dân tăng gia sản xuất. Qua vụ mùa 1969-1970, về cơ bản, bộ đội Tây Nguyên đã có gạo. Theo số liệu thống kê lúc ấy thì trong năm 1970 toàn chiến trường đã thu hoạch được 535 tấn thóc, một số đơn vị như các trung đoàn 66, 95, 28, 40 đã có gạo dự trữ phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, gạo vẫn là câu chuyện thời sự, vẫn là vấn đề sống còn của chiến trường này, vì thế chủ trương đẩy mạnh sản xuất hơn nữa, tiết kiệm hơn nữa vẫn được thường xuyên quán triệt. Dành gạo cho chiến đấu vẫn là khẩu hiệu hàng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ.

Có những đơn vị, mỗi chiến sĩ chỉ ăn nửa lạng gạo mỗi ngày. Anh em đề nghị đồng chí chỉ huy và đồng chí chính ủy ăn thêm để lấy sức chỉ huy đơn vị. Các đồng chí ấy đã không nhận sự ưu tiên ấy và đề nghị chuyển qua cho anh em thương binh mới từ mặt trận trở về. Cần kiệm, chắt chiu là một trong những đức tính vô cùng quý báu của người lính Tây Nguyên. Chiến sĩ Nguyễn Văn Mai, trong trận đánh địch ở đèo Măng Giang ngày 17 tháng 8 năm 1969 bị thương, biết mình không sống nỗi đã nhường nắm cơm duy nhất của mình cho đồng đội và dặn lại: “Tôi không sống được nữa, ăn vào cũng chẳng ích gì, đồng chí cầm lấy mà ăn để có sức tiếp tục đánh giặc”. Nắm cơm sâu nặng nghĩa tình đồng đội ấy mãi mãi ghi sâu trong ký ức của những người lính Tây Nguyên trong những năm tháng thử thách ghê gớm.

Trong nhiều tháng liền và kể cả những ngày lúa chín đầy nương, gạo còn trong kho, chiến sĩ các đơn vị phía sau vẫn chỉ dám ăn ngày từ 1 đến 2 lạng gạo, có lúc ăn toàn sắn. Rau và sắn là những thứ dùng thường ngày của bộ đội ta. Từ các cán bộ chỉ huy, các bác sĩ ngày đêm bên bàn mổ, những chiến sĩ “ngụ binh ư nông” sáng sáng chiều chiều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những chiến sĩ vận tải gùi hàng leo dốc... cho đến những chàng vệ binh đẵn gỗ đào hầm, canh gác đều cũng chỉ ăn những khẩu phần như vậy.

Các chiến sĩ vận tải có thói quen, hễ đeo gùi lên vai là trong túi không quên kim chỉ để khâu bao gạo mỗi khi bị rách. Mọi người đều nhận thức rằng hạt gạo vào được chiến trường đã thấm bao mồ hôi, xương máu của đồng chí đồng bào. Các chiến sĩ giữ kho đã tìm cách chăng vải nhựa dưới sàn để thu gom gạo rơi vãi.

Tại các bến tiếp nhận hàng, chiến sĩ ta dường như phải chiến đấu với bom đạn địch để giành từng bao gạo. Tiểu đoàn 2 binh trạm Bắc đã quét, nhặt đãi toàn bộ số gạo vương vãi sau trận chiến đấu đem về ăn thay tiêu chuẩn được cấp, dành gạo tốt trong kho cho các đơn vị chiến đấu.

Về phía đồng bào, tuy còn vô cùng đói rét nhưng vẫn bảo vệ nương rẫy của bộ đội một cách rất trách nhiệm. Chẳng những thế bà con còn chắt chiu từng lon gạo, gùi sắn khô để thành lập các “khu cách mạng” chuẩn bị cho bộ đội ăn khi về đánh giặc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2019, 08:55:28 am »

*
*   *

Trong số các cây lương thực quen thuộc với cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên bên cạnh cây lúa thì cây sắn có vai trò hết sức quan trọng. Sắn mọc trên nương, trên rẫy, sắn men tới chiến hào, sắn theo người chiến sĩ hành quân ra mặt trận, sắn đi vào chương trình nghị sự của các cuộc giao ban, sắn được ghi trong sổ tay tư lệnh. Sắn vào thơ văn, sắn thành bài hát, thành kỷ niệm một thời chinh chiến của người lính Tây Nguyên.

Sắn là thứ cây lương thực được đưa lên Tây Nguyên giữa thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa phương gọi là củ mì. Cây sắn là cây lương thực, cây thực phẩm, là loại cây dễ trồng, dễ chế biến, vì thế rất dễ gần với bộ đội ta trong những ngày gian nan, đói kém. sắn cho củ. Củ sắn có thể luộc, hấp, đồ xôi, nướng ăn ngay, cũng có thể thái phơi khô, giã nhỏ thành bột làm bánh, để tích trữ rất tiện lợi. Ngoài củ, sắn còn cho lá. Lá sắn nấu canh, làm nộm, làm dưa...

Thấy rõ sự “ưu việt” của cây sắn như vậy, nên trong các kê hoạch sản xuất của mặt trận, các đơn vị, các địa phương đều có chỉ tiêu trồng sắn. Chỉ tiêu cho đơn vị, chỉ tiêu với tất cả mọi người. Những năm thiếu đói ở Tây Nguyên, mặt trận quy định mỗi người lính phải trồng 500 gốc sắn. Đó là chỉ tiêu bắt buộc. Theo chỉ tiêu đó, sắn dường như được độn thổ, đồng loạt nảy mẩm, xòe tán khắp Tây Nguyên, ở đâu, chỗ nào cũng thấy hình ảnh cây sắn và những mẩu chuyện về sắn. Theo thống kê của các đơn vị lúc bấy giờ thì toàn Tây Nguyên có chừng trên 20 triệu gốc sắn. Cũng như lúa, ở đây có “nương lúa nông trường 1” thì cũng có “nương sắn nông trường 1”, “kho sắn nông trường 1”... Đoàn Plây Me là đơn vị có phong trào trổng sắn phát triển nhất ở Tây Nguyên; ở đó bình quân năm 1969 là 1.000 gốc, qua năm 1970 lên bình quân 1.200, riêng diện tích sắn trồng tập trung ước tới 1.500 héc-ta.

Những câu chuyện về sắn trong bộ đội Tây Nguyên lúc ấy thật nhiều. Nay hơn 20 năm đã trôi qua, những người lính già Tây Nguyên năm nào vẫn còn nhớ nhiều chuyện.

Chuyện kể rằng: Có lần một đơn vị bộ đội chủ lực ta cơ động về phía nam chiến đấu trong những ngày thiếu gạo. Đến khu vực Cầu Lẩy toàn đội hình đã phải dừng lại để lấy sắn ăn thay cơm. Mỗi chiến sĩ được phát tiêu chuẩn 10 - 20 chiếc bánh sắn gói bằng lá dong, lá chuối rừng. Chưa hết, mỗi người còn chất đầy nóc ba lô những bó lá sắn non làm thức ăn dọc đường. Đơn vị đã hành quân bộ ròng rã một tháng trời vất vả như vậy, nhưng không ai tụt lại phía sau, tất cả đều đến đích tập kết. Và khi đến đích, chiến sĩ ta đã ví cây sắn có sức mạnh còn hơn cả một vườn mơ mà Tào Tháo đã bịa ra để động viên binh sĩ trong sách Tam quốc diễn nghĩa.

Chuyện kể rằng: Có một đơn vị sau này hành quân qua Tây Nguyên, thấy có nương sắn già, gốc thân như cây cổ thụ mà chẳng có ai thu hoạch. Hỏi, dân địa phương trả lời đó là nương sắn bộ đội trồng hồi bảy mươi. Lại hỏi sao không nhổ, không thu hoạch đi. Trả lời, đợi bộ đội về mãi chả thấy. Thì ra, theo chủ trương của mạt trận lúc ấy thì bộ đội đến đâu phải trồng sắn đến đó; ngày mai hành quân di chuyển đơn vị, hôm nay cũng phải trồng sắn để người sau, đơn vị sau đên có cái ăn. Nương sắn này đã bị quên lãng vì địa bàn ấy không có đơn vị nào qua, hóa thành “vườn sắn cổ thụ”. Có một bài thơ, hình như là của Cảnh Trà nói về nương sắn kiểu này ở Tây Nguyên cho đến nay vẫn còn có người thuộc lòng. Bài thơ như sau:

      Bọn tôi tới những nơi tưởng không có hơi người
      Thì nương sắn lại hiện ra xòe lá vẫy
      Sắn rồi sắn, cứ biếc lên như vậy
      Khắp một vùng lũng hẹp, dốc cao

      Như là sắn của trời cho, muốn dỡ, có sao đâu,
      Dỡ để luộc, dỡ để gùi, được tất
      Một trung đoàn ư? Một sư đoàn ư? Thả sức!
      Đây nồi - sắn - Thạch Sanh mà, không thể hết, đừng lo!
      Vào đây lần đầu xin bạn nhớ cho
      Có thói quen của người đi trước ta để lại
      Dỡ một gốc hãy trồng thêm mấy gốc
      Gặp bom phạt cây nào, nhặt cành gãy, trồng thay
      Bọn tôi đi vào những rừng sắn ở đây
      Cây mới nhú mầm, cây đã tầm tay với
      Đội ngũ sắn cũng có nhiều lứa tuổi
      Cũng như là trong đội ngũ chúng ta

      Nhớ các chị, các anh tới phát rẫy năm nào
      Dưới mỗi gốc giọt mồ hôi thấm đọng
      Tình đồng chí ngấm bùi hương vị sắn
      Đường đi, lá biếc xôn xao…


Cũng phải kể thêm rằng không những chỉ trồng sán mà bộ đội ta còn trồng cả dừa, cả lê-ki-ma để tỏ rõ ý chí bám trụ đến cùng của người lính Tây Nguyên.

Lại có chuyện về bài ca cây sắn. Nói đến bài “Cây sắn tấn công” không một người lính Tây Nguyên nào thời chống Mỹ lại không biết tới. Trước cao trào trồng sắn ở mặt trận, có người lính đã cảm xúc và làm thành bài hát. Lời của bài hát như sau:

      Một cây sắn ta trồng là một tên Mỹ gục
      Ngàn cây sắn ta vun là ngàn tên giặc tan thây
      Khoải không? Khoái không?
      Ta yêu cây sắn dễ trồng xanh tươi với núi sông.
      Nơi nơi cây sắn khắp vùng.
      Bao la sắn điệp trùng
      Ngàn ngàn kho sắn đầy.
      Giặc nào dám đến đây, sắn này vung lên ngay, đánh cho giặc tan thây.
      Khoái không? Khoái không?


Bài hát “Cây sắn tấn công” đã được đội văn nghệ xung kích của mặt trận dàn dựng và là tiết mục độc đáo của bộ đội Tây Nguyên tham dự hội diễn văn nghệ toàn chiến trường miền Nam tổ chức vào cuối năm 1969.

Ngoài cây lúa, cây sắn, bộ đội Tây Nguyên còn trồng ngô, trồng đỗ, trồng lạc, trồng khoai, trồng dong giềng, gieo kê, gieo vừng, gieo đỗ... Có thể nói chưa thấy ở nơi đâu trên thế giới này, từ trong lịch sử các cuộc chiến tranh lại có một đội quân vừa chiến đấu vừa sản xuất “thuần thục” như quân đội ta nói chung và bộ đội Tây Nguyên nói riêng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM