Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:56:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Tây Nguyên  (Đọc 16678 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:06:58 am »

Pháo binh địch vẫn bắn từng đợt không ngớt, trực thăng lên xuống liên tục, chúng vừa đổ thêm quân vừa chuyển những tên bị thương và cả xác những tên Mỹ xấu số. Tại sở chỉ huy trung đoàn 66, khi thấy hướng tiểu đoàn 9 nổ súng liên hồi, các phương tiện thông tin liên lạc với tiểu đoàn này đều mất, anh Lã Ngọc Châu(1) cùng một số cán bộ, trinh sát, truyền đạt trực ở sở chỉ huy trung đoàn đi ngay xuống tiểu đoàn 9.

Anh Lã Ngọc Châu kể lại: “Trên đường xuống tiểu đoàn 9, tôi gặp hơn hai chục anh em thương binh, người băng kín đầu, người băng ngực, băng cánh tay, có người chống gậy đi khập khiễng nhưng họ đều đem theo vũ khí của mình. Có người còn mang thêm cả những khẩu súng AR15 và M79 thu được của Mỹ. Khi được hỏi về tình hình địch anh em sôi nổi: “Lính Mỹ rất đông, có cả da đen và da trắng. Lúc đầu chúng rất hung hăng dàn hàng ngang tiến lên. Nhưng khi bị ta nổ súng đánh trả, rồi anh em ta giương lê lao vào chúng vô cùng hoảng sợ, dẫm đạp lên nhau mà chạy”. Có anh em lại nói: “Lính Mỹ lười đào công sự, khi chạm súng với ta nhiều tên cúi mặt bắn lên trời”. Số đông anh em cho rằng: “Lính Mỹ chẳng có gì đáng sợ, nó to cồng kềnh xuyên rừng khó hơn ta, bắn nó dễ trúng, nó xoay xỏa chậm hơn anh em mình nên chúng rất sợ ta đánh gần”. Khi được hỏi về hỏa lực phi pháo của Mỹ nhiều người tỏ ra rất ngại. Một số anh em kêu lên: “Sao tụi Mỹ nhiều bom lắm pháo thế!”. Tuy vậy nhiều anh em lạc quan nói: “nếu cấp trên kiềm được phi pháo của chúng, một mình em chấp ba thằng Mỹ”...

Được tiếp xúc với những con người vừa giáp mặt với lính Mỹ mà họ tỏ ra không hề sợ chúng, hơn thế nữa họ còn có vẻ xem thường quân Mỹ; chính những người chiến sĩ bình thường ấy đã phần nào củng cố niềm tin và quyết tâm đối với chính ủy trung đoàn Lã Ngọc Châu.

Sau khi biết sơ bộ tình hình, anh Lã Ngọc Châu nói:

- Tôi là chính ủy trung đoàn của các đồng chí đây. Thay mặt chỉ huy trung đoàn tôi khen ngợi tinh thần chiến đấu của các đồng chí. Quân Mỹ đang hoang mang dao động mạnh, chúng ta phải đánh cho chúng những đòn thật đau hơn nữa, diệt gọn nhiều đại đội, tiểu đoàn quân Mỹ để chúng biết thế nào là khí phách của người Việt Nam thế nào là khí phách của một quân đội cách mạng, một quân đội của Bác Hồ, các đồng chí có đồng ý không?

Tất cả đều đồng thanh: Đúng ạ! Đúng ạ!

Dừng hồi lâu anh Lã Ngọc Châu nói tiếp:

- Tôi yêu cầu thế.này: đồng chí nào bị thương nặng không thể chiến đấu được thì đi tiếp ra trạm phẫu trung đoàn. Đồng chí nào bị thương nhẹ còn sức chiến đấu dẫn chúng tôi vào nơi quân địch co cụm để chúng ta tổ chức tập kích quân địch ngay trong đêm nay, quyết không cho chúng một phút nghỉ ngơi, hồi sức.

Anh Châu vừa dứt lời gần hai chục cánh tay giơ lên xin được quay lại chiến đấu. Nhưng anh Lã Ngọc Châu “chọn” mười sáu anh em còn sức khỏe tốt, hăng hái nhanh nhẹn, tháo vát làm nhiệm vụ dẫn đường bám địch để anh điều động lực lượng tiểu đoàn 7 vào diệt chúng.

Càng gần khu vực chiến sự pháo địch càng bắn dữ dội. Trên trời trực thăng vũ trang không ngớt quần đảo những vòng lượn rộng và xa hơn. Tuy trời chưa tối nhưng máy bay C130 cũng đã thay nhau thả pháo sáng, bắn đạn 20 ly.

Chập tối ngày 14 tháng 11, ở sở chỉ huy tiền phương chúng tôi đã liên lạc được với anh Lã Ngọc Châu đang có mặt tại tiểu đoàn 7 (lúc này bộ phận anh Phạm Công Cửu cũng vừa từ tiểu đoàn 9 trở về). Chúng tôi chỉ thị cho anh Châu tổ chức tiểu đoàn này tập kích quân Mỹ ngay trong đêm.

Anh Lã Ngọc Châu thống nhất với ý định của chúng tôi và ngay lập tức anh cho triệu tập các đồng chí đảng ủy viên tiểu đoàn 7. Anh nói: “Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, con át chủ bài của quân đội Mỹ đã bước vào cuộc chiến đấu với ta. Ngay lần đầu ra quân chúng đã bị tiểu đoàn 9 giáng cho những đòn choáng váng. Anh em tiểu đoàn 9 đánh rất giỏi, diệt gọn một đại đội, đánh thiệt hại một đại đội khác. Lực lượng còn lại của quân Mỹ đang hoang mang cực độ. Đây là thời cơ tốt để tiểu đoàn 7 góp phần diệt gọn tiểu đoàn Mỹ này. Do vậy các đồng chí phải cho bộ đội xuất kích ngay. Cán bộ tiểu đoàn phân công nhau xuống từng đại đội, phổ biến quán triệt nhiệm vụ, động viên bộ đội thi đua giết giặc lập công”.


(1) Anh Lã Ngọc Châu, sinh năm 1926, quê Khánh Cư, Yên Khánh, Ninh Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám anh vào bộ đội. Năm 1946 được cử làm chính trị viên trung đội. Tháng 3 năm 1954 làm chính trị viên tiểu đoàn 2 trung đoàn 9 sư đoàn 304. Tháng 12 năm 1959 anh được bổ nhiệm làm chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Tháng 6 năm 1965 anh được điểu về làm chính ủy trung đoàn 66. Anh là một cán bộ dày dạn kinh nghiệm chiến đẩu, tác phong sâu sát, cụ thể, có tinh thần và ý chí chiến đấu cao, luôn có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, được anh em trong trung đoàn kính trọng và quý mến. Nhiều câu nói của anh cho đến bây giờ cán bộ chiến sĩ trung đoàn 66 còn truyền lại nhau như một kinh nghiệm trong xây dựng đơn vị. Vi như:
      Trên quyết tâm
      Dưới sáng tạo;
      Trên lập lờ
      Dưới làm loạn, v.v…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:09:09 am »

Vì không còn thời gian để bàn phương án đánh địch, anh Phạm Công Cửu chấp hành ngay mệnh lệnh của chính ủy Lã Ngọc Châu, phát lệnh cho các đại đội xuất kích. Anh yêu cầu bộ đội bỏ lại quân tư trang, động viên anh em đem theo càng nhiều đạn càng tốt. Phạm Công Cửu đặc biệt lưu ý các đơn vị học tập tinh thần chiến đấu của tiểu đoàn 9, sẵn sàng dùng dao găm, lưỡi lê diệt địch.

Lệnh chiến đấu vừa phát ra, các đơn vị bắt tay ngay vào làm công tác chuẩn bị. Ai cũng hăng hái, không những anh em khỏe mà các đồng chí ốm khi nghe tin được đi đánh Mỹ đều như khỏe ra. Tuy trong mỗi người có chút hồi hộp lo lắng, nhưng anh em rất tin tưởng và mong muốn lập công.

Sau 30 phút làm công tác chuẩn bị, đại đội 2 (chủ công), đại đội 1 và 2 khẩu cối 81 ly của đại đội 4 bắt đầu xuất phát (lúc này đại đội 3 đi lấy gạo vẫn chưa về). Trên đường hành quân cán bộ tiểu đoàn phố biến nhiệm vụ cho cán bộ đại đội, cán bộ đại đội phổ biến nhiệm vụ cho cán bộ trung đội, cán bộ trung đội phổ biến đến từng chiến sĩ.

Tiểu đoàn 7 hành quân dưới tán lá rừng trong đêm, đường tối đen, người đi sau chỉ chậm chân dăm mét là có thể đi lạc. Anh em có sáng kiến lấy những mảnh gỗ mục có chất lân tinh gài lên ba lô của nhau tạo thành vật chuẩn để tránh bị lạc.

Theo kế hoạch, 2 giờ sáng ngày 15 tháng 11 tiểu đoàn 7 nể súng. Nhưng do hành quân trong rừng rậm trời tối, mặc dù rất cố gắng nhưng anh em cũng không thể đi nhanh hơn. Khi đến khu vực trống trải, có đèn dù và pháo sáng của địch tạo thuận lợi hơn cho việc quan sát, nhưng phi pháo của địch hoạt động mạnh. Sau mỗi trận địch đánh phá địa hình lại thay đổi. Chiến sĩ dẫn đường rất khó nhận ra. Bộ đội lại phải vượt qua bãi bom, pháo nên đội hình lúc hàng dọc, khi chuyển hàng ngang, nhưng mọi người vẫn nhằm thẳng khu trung tâm phi pháo của địch mà tiến (địch thường bắn xung quanh khu vực đóng quân của chúng). Mãi đến 5 giờ sáng ngày 15 tháng 11, tiểu đoàn 7 mới tiếp cận được quân Mỹ.

Đại đội 2 tổ chức trung đội 2 do trung đội trưởng thiếu úy Nguyễn Văn Khương(1) quê Nhạc Lộc, Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên và trung đội phó chuẩn úy Nguyễn Văn Nhượng quê Uy Sơn, Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình chỉ huy thành mũi đột kích mạnh gồm 13 súng tiểu liên AK, 6 súng trung liên RPĐ, 3 súng thượng liên, 3 súng B40 có nhiệm vụ thọc thẳng vào trung tâm cụm quân địch diệt chỉ huy và điện đài. Đại đội trưởng Lê Văn Tam trực tiếp nắm 2 khẩu cối 82 ly, bắn ứng dụng chế áp ngắn, đạn cối của ta rơi trúng giữa đội hình quân Mỹ. Súng cối vừa ngừng, Lê Văn Tam ra lệnh cho bộ đội xung phong. Các mũi lao lên thọc sâu hình thành thế vừa bao vây vừa chia cắt quân địch ra từng mảnh để diệt. Tiểu đội trưởng tiểu đội 6 trung đội 2 (mũi đột kích mạnh) Vũ Hải Triều(2) quê Thanh Hạ, Ninh Hòa, Gia Khánh, Ninh Bình dẫn đầu tiểu đội xông thẳng vào sồ chỉ huy đánh trúng trung tâm thông tin của địch.

Bị mất phương tiện thông tin nên liên lạc giữa mặt đất và trên không của quân Mỹ bị cắt đứt. Phi pháo địch không thể nào yểm trợ cho bộ binh của chúng. Đây là thời cơ thuận lợi để cán bộ chiến sĩ ta phát huy sở trường đánh gần. Anh em ta lao thẳng vào quân Mỹ đánh chúng bằng lựu đạn và AK. Nhiều đồng chí dùng lưỡi lê, dao găm diệt địch. Đại đội trưởng đại đội 2 Lê Văn Tam(3), tiểu đội phó Hà Huy Trọng quê Minh Thành, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa; Phạm Văn Tiết quê Yên Thái, Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa; Cao Thái Thưởng quê Lạng Sơn, Cẩm Quý, Cẩm Thủy, Thanh Hóa; Trần Minh Duyên quê Như Sơn, Xuân Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình; Đỗ Văn Vinh quê số nhà 31, Cao Thắng, thị xã Thanh Hóa là những chiến sĩ diệt từ 5 đến 7 tên Mỹ đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Riêng đồng chí Lê Văn Tam dùng lê diệt 7 tên Mỹ. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ 45 phút, tiểu đoàn 7 diệt gọn một đại đội Mỹ. Bọn địch còn lại hốt hoảng phải chạy vòng quanh trong bãi cỏ le(4) rậm rạp dưới chân núi Chư Pông. Quân Mỹ bắt đầu oanh tạc vào trận địa. Chỉ huy trung đoàn 66 cho bộ đội lui quân để củng cố chuẩn bị cho trận chiến đấụ tới. Trên đường lui quân là cuộc chiến đấu quyết liệt với máy bay Mỹ. Chiến sĩ ta trên vai mang vác thương binh, tử sĩ, chiến lợi phẩm nhưng vẫn phải đánh trả quyết liệt với máy bay địch. Nguyễn Hữu Tài, trung đội 1 đại đội 1 tiểu đoàn 7 ba lần lấy thân mình làm giá súng để đồng đội bắn rơi một máy bay AD6 của địch. Trong trận này tiểu đoàn 7 còn bắn rơi 4 máy bay trực thăng Mỹ.


(1), (2) Trong trận này trung đội 2 diệt 1 sở chỉ huy, 3 khẩu cối 60 ly, 2 đại liên và 54 tên Mỹ, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Riêng các đồng chí Nguyễn Văn Khương, chỉ huy trung đội 2, Vũ Hải Triều chỉ huy tiểu đội 6 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân diệt hơn chục tên Mỹ, được tặng thưởng huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II.
(3) Đồng chí Lê Văn Tam được tặng huân chương Chiến công hạng nhì và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp III.
(4) Lính Mỹ gọi loại cỏ này là cỏ voi.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2019, 09:40:30 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:11:39 am »

Trước sự tiến công mạnh mẽ của quân ta, quân Mỹ vô cùng hoảng loạn, tháo chạy. Dưới ánh sáng của đèn dù và pháo sáng, các chiến sĩ tiểu đoàn 7 xắn cao tay áo, lăm lăm súng tiểu liên AK tiếp tục tìm đánh quân Mỹ. Khẩu hiệu “Gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt” chính thức ra đời trong đêm săn Mỹ trên cao nguyên đất đỏ này.

Để cứu tiểu đoàn 1 Mỹ khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ra lệnh cho không quân ném bom bắn phá bừa bãi dọc hai bờ sông Ia Đrăng. Ngoài việc huy động 120 lần máy bay chiến đấu tham chiến, chúng còn cho pháo binh từ Bầu Cạn, Quynh Kla và hai trận địa pháo dã chiến ở đông nam Ia Đrăng bắn tới 4.000 quả đạn các loại. Với lượng bom pháo như vậy xem ra chưa đủ trấn an binh lính của chúng, ngay trong đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng 11, những người chỉ huy quân đội Mỹ đã huy động hơn 100 lần chiếc máy bay chiến lược B52 từ đảo Gu-am đến ném bom rải thảm xuống thung lũng Ia Đrăng hòng cứu nguy cho binh lính của họ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã phải dùng máy bay chiến lược yểm hộ chiến thuật cho bộ binh của chúng. Thung lũng Ia Đrăng ngày đêm rung chuyển trong tiếng nổ của bom B52 và pháo bầy Mỹ. Cây cối đổ gãy ngổn ngang, bốc cháy ngùn ngụt lan rộng khắp thung lũng.

Cuộc chiến đấu ác liệt của tiểu đoàn 7 với quân Mỹ kéo dài đến gần trưa ngày 16 tháng 11. Kết quả quân ta diệt 250 tên Mỹ, gồm một đại đội và một bộ phận tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 1 Mỹ.

Trưa ngày 16 tháng 11, sợ ta tập kích tiếp vào đêm ấy, mặt khác cũng có thể do thiếu phương tiện trực thăng vận tải nên bộ phận còn lại của tiểu đoàn 1, sở chỉ huy hành quân của tiểu đoàn 2 và lữ dù 3 Mỹ vội vã rút lui bằng đường bộ về phía trận địa pháo ở đông nam Ia Đrăng, bỏ lại cả xác chết lẫn thương binh của chúng (sau đó Mỹ dùng máy bay ném bom phá và bom na-pan vào khu chiến để xóa dấu vết thất bại). Lực lượng của địch còn khoảng 400 tên, tinh thần rất hoảng loạn, đội hình lê thê hàng cây số.

Về phía ta, tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 sau nhiều đợt tiến công liên tiếp quân số một phần bị thương vong, một phần do mãi truy kích địch trền địa hình bằng phẳng nhưng cỏ cây rậm rạp nên bộ đội bị lạc một số, đạn dược thiếu, chỉ huy trung đoàn 66 quyết định không cho tiểu đoàn 7 tập kích vào đêm ngày 16 tháng 11 nữa và giao cho tiểu đoàn này làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, đưa hết thương binh tử sĩ và chiến lợi phẩm ra ngoài. Tiểu đoàn 9 cũng trong tình trạng tương tự, ngoài số anh em bị tổn thất trong những trận đánh với quân Mỹ, lực lượng còn lại mỗi đại đội lạc một hướng cần có thời gian thu quân.

Trước tình hình trên, sở chỉ huy tiền phương chúng tôi chỉ thị cho chỉ huy trung đoàn 66 điều gấp tiểu đoàn 8 còn đang sung sức từ hướng Ba Bỉ hành quân về Ia Đrăng tập trung tiêu diệt gọn lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 Mỹ.

Ngay chiều ngày 16, anh Lã Ngọc Châu giao cho chiến sĩ truyền đạt trung đoàn Nguyễn Đức Tăng mang mệnh lệnh viết tay của anh chuyển đến tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8.

Nội dung mệnh lệnh như sau:

Gửi đồng chí Lê Xuân Phôi(1)

Hai ngày qua tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 đã chiến đấu rất giỏi diệt gọn 2 đại đội, đánh thiệt hại 2 đại đội tinh nhuệ nhất của quăn Mỹ. Hiện nay quân Mỹ đang hoang mang dao động mạnh. Đồng chí cho tiểu đoàn hành quân gấp về trung đoàn. Trong quá trình hành quân tiểu đoàn phải sẵn sàng đánh địch, vì các đồng chí rất có thể gặp Mỹ.


Ký tên
                                                                                                                                                                                                     
Lã Ngọc Châu

Cần nói thêm, tiểu đoàn 8 hành quân kịp thời về Ia Đrăng có công lớn của chiến sĩ truyền đạt Nguyễn Đức Tăng. Anh sinh năm 1941, quê thôn Hai, Quảng Na, Hoành Bồ, Quảng Ninh - một vùng quê có truyền thống cách mạng. Tăng là một chiến sĩ dũng cảm, tháo vát, có trí nhớ tốt, sử dụng địa bàn giỏi. Mặc dù trên mình bị 7 vết thương nhưng Nguyễn Đức Tăng vẫn gắng hết sức lực còn lại của mình chuyển mệnh lệnh cho tiểu đoàn 8. Khi Lê Xuân Phôi nhận được mảnh giấy viết tay của chính ủy trung đoàn từ trong túi áo đẫm máu của Tăng thì cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng...


(1) Đại úy Lê Xuân Phôi. Quê Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30 tháng 8 năm 1995
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:15:57 am »

Lê Xuân Phôi ý thức được thời cơ diệt gọn tiểu đoàn Mỹ đã đến. Anh hội ý ban chỉ huy tiểu đoàn và phổ biến sơ bộ phương án tác chiến như sau: Sử dụng đại đội 7, được tăng cường 1 đại liên đi đầu đội hình tiểu đoàn. Đại đội này tổ chức một phân đội đi trước đội hình 500 mét theo hướng giữa sông Ia Đrăng và đường mòn Ba Bỉ đi làng Sinh. Khi tới ngã ba làng Tung và làng Sinh thì theo đường về làng Sinh gặp con suối thứ nhất, men theo bờ suối về hướng đông nam tìm địch mà đánh. Hành động của đại đội 7 chiến đấu bên cánh phải của tiểu đoàn. Đại đội 6 hành quân theo đường của đại đội 7 cách khoảng 1 km. Khi đến ngã ba làng Sinh và làng Tung thì chiếu thẳng theo góc phương vị đi về hướng tây nam tìm Mỹ mà đánh. Hành động của đại đội 6 là chiến đấu trên hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Đại đội 5 đi sau tiểu đoàn bộ và theo đường đi của đại đội 6. Khi tác chiến làm thê đội 2 của tiểu đoàn. Đại đội 8 (trừ 1 đại liên) khi có lệnh dùng hỏa lực cối 82 ly (3 khẩu) chi viện trực tiếp cho đại đội 6. Đại đội cao xạ 12,7 ly đi sau đội hình làm nhiệm vụ bắn máy bay yểm hộ cho tiểu đoàn. Theo phương án đã định, cả tiểu đoàn bắt đầu hành quân ngay trong đêm ngày 16 tháng 11.

Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 17 tháng 11, đại đội 7 đã tới ngã ba làng Tung và làng Sinh. Đại đội 6 do tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi trực tiếp chỉ huy cũng có mặt ở một con suối cạn (nơi trú quân của đại đội 1 tiểu đoàn 1 trung đoàn 33). Cán bộ đại đội 1 báo cáo với Lê Xuân Phôi bên trái phía trước có khoảng 2 trung đội Mỹ đang đi về phía ta. Phôi lệnh cho đại đội 6(1)chuẩn bị chiến đấu và cho liên lạc chạy lên báo cho đại đội 7 sẵn sàng phối hợp đánh địch.

Lê Xuân Phôi chỉ thị cho đại đội 6  hình thành hai thê đội. Thê đội 1 gồm trung đội 2 do thiếu úy Phạm Minh Tâm quê Thành Mỹ, Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình chỉ huy và trung đội 3 do thiếu úy Trần Hữu Trung quê Chí Chủ, Thanh Ba, Phú Thọ chỉ huy. Trung đội 1 do thượng sĩ Vũ Văn Dường, quê Ninh Quý, Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình chỉ huy làm nhiệm vụ thê đội 2. Chỉ huy tiểu đoàn 8 chỉ thị cho đại đội hỏa lực chuẩn bị phần tử súng cối sẵn sàng chi viện cho đại đội 6.

Trên trời từng đàn máy bay đủ loại của Mỹ quần lượn và bắn phá không ngớt. Mặt đất chuyển rung trong tiếng bom gầm đạn réo của quân thù. Anh em tiểu đoàn 8 nhìn rõ từng đụn khói màu đen, màu nâu bốc cao vượt lên những cánh rừng khoọc, rừng le.

Khoảng 12 giờ trinh sát chạy về báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn, có một đại đội Mỹ đang tiến về hướng đại đội 6. Anh em vừa nói dứt lời, đột nhiên quân Mỹ bắn loạn xạ nhưng cách tổ tiền tiêu của đại đội 6 hơn 200 mét. Biết quân địch bắn vu vơ để tự trấn an, chỉ huy tiểu đoàn động viên bộ đội chờ chúng đến gần mới nổ súng. Quân Mỹ bắn như đổ đạn vẫn không thấy động tĩnh gì, chúng tiếp tục thận trọng tiến lên. Anh em ta theo dõi từng bước của chúng, chờ đến khi phần đông đội hình địch lọt vào trong tầm đạn AK và lựu đạn, chỉ huy tiểu đoàn mới ra lệnh cho súng cối 82 ly bắn cấp tập vào đội hình địch. Cùng lúc chiến sĩ thượng liên Lê Khắc Nga, trung đội 2 nã những loạt đạn chính xác bắn gục hai mươi tên Mỹ, đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú đầu tiên của chiến trường. Trung đội 3 đại đội 6 cũng đồng loạt nổ súng chính xác vào đội hình quân Mỹ. Bị đòn bất ngờ, quân Mỹ vô cùng hoảng loạn. Anh em ta xông lên dùng AK và lưỡi lê diệt địch. Trận đánh kéo dài chưa đầy mười phút, đại đội 6 đã diệt gọn khoảng hai trung đội Mỹ đi đầu. Sau khi làm chủ trận địa, anh em đại đội 6 đã cứu được hai chiến sĩ của đại đội 1 tiểu đoàn 1 trung đoàn 33(2).

Phát hiện lực lượng lớn quân ta, địch cho pháo binh và máy bay chần nát những cánh rừng già nguyên sinh, ở khu vực này bầu trời như biến mất, thay vào đó chỉ toàn khói bụi và tàn tro bay quay cuồng. Không khí ngột ngạt, khét lẹt vì bom na-pan và cây rừng cháy. Quân Mỹ lại tập trung lực lượng lớn tiến lên hòng mở đường máu thoát khỏi khu chiến. Đại đội 6 lúc này tập trung thành một lực lượng. Đại đội 7 khi nghe súng nổ đã vòng vào sườn phía sau quân địch nổ súng. Bị đánh phía trước, đến giờ lại thấy lực lượng mổi quân ta đánh vào sườn phía sau, quân địch vô cùng lúng túng.

Anh em tiểu đoàn 8 kể lại rằng: Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi di chuyển thoăn thoắt, anh luôn tìm cho mình những gò mối cao để vừa quan sát địch vừa chỉ huy bộ đội chiến đấu.


(1) Đại đội 6 tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 trong trận này diệt 170 tên Mỹ, đạt danh hiệu Đơn vị anh dũng diệt Mỹ đầu tiên ở.chiến trường. Trong đại đội 6 có trung đội 2 (diệt 42 tên), trung đội 3 (diệt 36 tên), đại đội bộ đại đội 6 (diệt 32 tên) cũng được tặng danh hiệu Đơn vị anh dũng diệt Mỹ.
(2) Hồi 8 giờ sáng ngày 17 tháng 11, trên đường tháo chạy quân Mỹ sục vào một tổ săn máy bay của tiểu đoàn 1 trung đoàn 33, chúng bắt được hai chiến sĩ của ta, trói mang theo. Sau khi được giải thoát, hai đồng chí này tham gia chiến đấu cùng tiểu đoàn 8.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2019, 09:46:45 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:17:09 am »

Giọng Phôi vang to, rành rọt:

- AK bắn từng phát một. Trung liên, đại liên điểm xạ ngắn.

Phôi trực tiếp nắm cối 82 ly, chỉ thị từng mục tiêu cho anh em nhả đạn chính xác vào đội hình quân địch.

Quân Mỹ bị ta giáng trả quyết liệt phải bật trở lại. Hơn chục tên nhảy xuống một hố bom cạnh con suối cạn ngoan cố chống cự. Trung đội trưởng trung đội 2 đại đội 6 Phạm Minh Tâm quê Thành Mỹ, Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình, liền lệnh cho cối 60 ly bắn.

Lê Xuân Phôi chạy lên nhắc:

- Đồng chí Tâm, không cần dùng cối, cho anh em sử dụng lựu đạn tiêu diệt địch.

Tâm giao nhiệm vụ tiêu diệt quân Mỹ cho tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Giao, quê Trung Thành, Xuân Hòa, Thọ Xuân, Thanh Hóa và Nguyễn Văn Khuyến, quê Hữu Văn, Thống Nhất, Chương Mỹ, Hà Tây. Cả hai còn rất trẻ, tuổi đời chưa quá đôi mươi. Sau 4 tiếng nổ liên tiếp đanh gọn, hơn chục tên lính kỵ binh không một tên sống sót.

Bị tổn thất nặng nề, quân Mỹ điên cuồng cho máy bay và pháo binh đánh phá dọn đường, rồi xua quân liều mạng xông lên. Chiến sĩ ta bình tĩnh nhằm từng chiếc mũ sắt nhấp nhô trên những ngọn cỏ le mà bắn.

Khi nghe tiếng súng của tiểu đoàn 8, đồng chí Bùi Thế Luận(1) tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 trung đoàn 33, chỉ huy đại đội 1 hỉnh thành một mùi phối hợp với tiểu đoàn 8 chiến đấu.

Lúc này quân địch bị bao vây bốn phía. Như con thú cùng đường chúng điên cuồng chống trả. Trận đánh càng về chiều diễn ra càng quyết liệt. Nhiều đồng chí anh dũng hy sinh, không ít người bi thương vẫn bám trận địa. Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1, chiến sĩ ta xông thẳng vào đánh giáp lá cà với quân Mỹ. Cường độ cuộc chiến ngày càng tăng gấp bội.

Anh em tiểu đoàn 8 kể lại, một quả đạn pháo của địch nổ gần, cả tiểu đoàn trưởng Phôi và trung đội trưởng Tâm đều dính mảnh đạn. Không để ý đến vết thương ở bả vai mình đang chảy máu, Lê Xuân Phôi chạy đến, dùng cánh tay còn lại đỡ Tâm dậy, hỏi gấp:

- Tâm, cậu thấy trong người thế nào?

Phạm Minh Tâm ngước nhìn Lê Xuân Phôi - người chỉ huy anh tin cậy và yêu mến, người đồng hương cùng xã Ninh Mỹ, huyện Gia Khánh mà Tâm coi như anh ruột của mình. Tâm nói qua hơi thở:

- Em bị thương nặng, chắc không thể sống nổi!

Mắt Phôi đỏ hoe. Anh xốc Tâm dậy xem lại vết thương. Một mảnh đạn xuyên qua ngực, máu ra nhiều. Thấy vậy, một số anh em chạy lại cùng tiểu đoàn trưởng chăm sóc vết thương cho Tâm. Lê Xuân Phôi lệnh cho số anh em này tản ra đề phòng địch bắn pháo gáy thương vong, rồi anh cúi xuống động viên Tâm:

- Cậu không sao đâu! Tôi cho anh em đưa về phía sau, đi điều trị ít ngày là cậu khỏi ngay thôi mà!

Tâm gắng gượng nói giọng thều thào, ngắt quãng:

- Anh Phôi ơi! Không cần đưa em đi đâu cả. Em biết, em không qua được. Em nhờ anh, mai ngày thắng lợi về quê anh nói với vợ em... cô ấy... tên là Nhung, Nguyễn... Thị... Nhung, người thôn Thành... Mỹ...

Tâm nói được có vậy rồi anh trút hơi thở cuối cùng. Tiếng súng quân Mỹ lại nổ dồn. Nét mặt tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi se lại, anh vuốt mắt cho Tâm rồi nói vài chiến sĩ đưa thi hài anh đặt dưới lòng con suối cạn và đắp chiếc võng lên. Phôi động viên anh em xông lên diệt Mỹ để trả thù cho các đồng đội đã hy sinh.


(1) Đồng chí Bùi Thế Luận được truy tặng huân chương Chiến công hạng nhì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:18:33 am »

Trên bầu trời Ia Đrăng máy bay trực thăng, máy bay phản lực địch đan kín, chúng thi nhau bắn đạn 20 ly, phóng rốc-két, ném bom phá, bom bi. Bộ đội ta áp sát đội hình quân địch, thực hiện đánh gần với quân Mỹ. Một quả đạn pháo nổ gần, anh em thấy tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi khuỵu xuống, vạt áo của anh bị xé toạc mảng lớn, máu từ trong bụng chảy đầm đìa, một đoạn ruột lòi ra. Phôi lấy tấm vải dù ngụy trang khó khăn lắm mới nhét được đoạn ruột vào thành bụng buộc lại, rồi cố gượng dậy. Nhưng vừa lảo đảo được vài bước thì anh lại quỵ xuống...

Lòng căm thù giặc Mỹ và nỗi tiếc thương vô hạn người chỉ huy quả cảm thông minh như tiếp thêm sức mạnh cho anh em tiểu đoàn 8 xông lên diệt quân Mỹ. Chiến sĩ ta hình thành từng tổ, từng mũi bám sát, yểm hộ cho nhau lao vào đánh giáp lá cà quyết liệt với quân Mỹ. Chiến sĩ Cao Đình Thơ bằng một đường lê chính xác và quả cảm, đâm chết một tên Mỹ, cứu được đồng đội đang ôm vật với lính Mỹ. Chính trị viên phó đại đội 6 Đinh Văn Đế(1) quê Trà Bồng, Quảng Ngãi ba lần bị thương vẫn dồn hết sức lực còn lại đuổi địch bắn chết 5 tên Mỹ. Khi hết đạn anh dùng dao găm đâm chết 3 tên Mỹ khác. Trung úy Vũ Đình Dự, chính trị viên đại đội 8 quê Tiên Ninh, Tiên Lãng, Kiến An; trung úy Đoàn Ngọc Đảnh, đại độì trưởng đại đội 7 quê Đa Xã, Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre, thiếu úy Nguyễn Xuân Ngạnh; trung đội trường đại đội 7 quê An Lão, Xuân Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; thiếu úy Vũ Đức Thắng trung đội trường đại đội 8, quê Quỳnh Phú, Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình; chiến sĩ trể Lê Văn Quỳnh (18 tuổi), quê Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây... người diệt ít nhất 5 tên, có người diệt đến hai chục tên Mỹ, đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Cuộc chiến đấu giữa tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 và tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 với lính sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ kéo dài đến 20 giờ ngày 17 tháng 11 năm 1965 thì kết thúc. Khoảng 400 tên của tiểu đoàn 1 trung đoàn 7 và một đại đội hành quân của tiểu đoàn 2 trung đoàn 45 lữ đoàn 3 chỉ còn vài chục tên sống sót chạy về căn cứ. Cuộc chiến đấu diễn ra trong tình thế quân địch liều chết chạy tháo thân và quân ta kiên quyết chặn lại, do đó tính chất rất quyết liệt. Cuộc chiến đấu giáp lá cà, cán bộ chiến sĩ phân đội này lạc sang phân đội kia nhưng đều chủ động hợp đồng tự nguyện chịu sự chỉ huy chung để diệt địch.

Chúng tôi đi kiểm tra trận địa sau khi ta làm chủ chiến trường, địa hình hàng chục ki-lô-mét vuông bị đảo lộn, cây gãy, đổ ngổn ngang, không còn đường còn lối. Địch chết thành đống; có chỗ năm, ba tên; xen lẫn vào đó là xác chiến sĩ ta. Nhiều đồng chí nằm đè lên xác lính Mỹ, lưỡi lê còn cắm vào ngực tên địch. Có đồng chí hy sinh tay vẫn nắm chặt quả lựu đạn bên sườn. Có tổ ba ba hy sinh mà phía trước và phía sau các anh có hàng chục xác Mỹ. Có đồng chí hy sinh trên vai còn vác thi thể đồng đội...

Nhìn vào trạng thái địch ta như trên không những thấy rõ được tính chất quyết liệt một cách cụ thể, đồng thời thấy được sự hy sinh dũng cảm tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ ta. về mặt chiến thuật càng thấy rõ nét hoạt động của tổ ba ba, thậm chí của bộ phận một, hai đồng chí có rất nhiều tác dụng trong việc nhập sâu vào đội hình tung thâm của địch. Hầu hết anh em ta hy sinh trong phạm vi một ki-lô-mét vuông nhưng tư thế đều hướng vào giữa hình thành các mũi bao vây kín rất rõ. Ngay trong chỉ huy sở của địch, cạnh đài 15w, cạnh một lô cốt nắp sắt cũng có thi hài của anh em ta.

Giá trị trận đánh của tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 1 ngày 17 tháng 11 không những chỉ là trận kết thúc của một cuộc chiến đấu về mặt hiến thuật mà về mặt chiến dịch nó là một trận then chốt quyết đinh sự thất bại của lữ đoàn 3 quân Mỹ trong chiến dịch Plây Me. Tuy rằng đến ngày 19 tháng 11 những tên lính Mỹ cuối cùng mới rút chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng và chiến dịch còn tiếp diễn đến ngày 26 tháng 11, với sự tham chiến của quân ngụy, nhưng trận đánh ngày 17 tháng 11 là cái mốc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn trong ý đồ chiến dịch của những người chỉ huy quân đội Mỹ, lần đầu chúng thực hiện ở chiến trường Tây Nguyên.


(1) Đinh Văn Đế được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhì, sau trận này được điều về làm bảo vệ cho anh Chu Huy Mân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:19:32 am »

*
*   *

Ngày 27 tháng 11 năm 1965, tôi về trung đoàn 66 dự hội nghị tổng kết chiến dịch của trung đoàn, cũng là dịp trực tiếp nghe và trao đổi với cán bộ chỉ huy các cấp của đơn vị. Cán bộ trung đoàn tham dự hội nghị có anh Lã Ngọc Châu, chính ủy - bí thư đảng ủy trung đoàn; anh Lê Tiến Hòa, quyền trung đoàn trưởng; anh Nguyễn Văn Lanh, phó chính ủy trung đoàn; anh Phạm Công Cửu, trung đoàn phó; anh Nguyễn Bá Hùng, chủ nhiệm chính trị trung đoàn; anh Vũ Bào, tham mưu trưởng trung đoàn và một số cán bộ tiểu đoàn, cán bộ cơ quan, cán bộ đại đội trợ chiến.

Sau khi nêu mục đích, yêu cầu và những nội dung chủ yếu của hội nghị, khi trình bày về ưu điểm, thay mặt đảng ủy và chỉ huy trung đoàn anh Lã Ngọc Châu nói:

- Thắng lợi lớn nhất và trước hết của trung đoàn là đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong trung đoàn có ý chí quyết tâm cao, vượt mọi gian khổ, khó khăn, hành quân mang vác nặng liên tục dài ngày (2 tháng 16 ngày) đưa gọn cả trung đoàn đến đích an toàn, với quân số bước vào chiến đấu từ 2.689 cán bộ, chiến sĩ, có 428 đảng viên và 1.721 đoàn viên.

Trong nhiệm vụ thực hành chiến đấu từ ngày 14 đến ngày 7 tháng 11, anh Lã Ngọc Châu khẳng định:

- Tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn có thể nói là dũng cảm phi thường. Mọí người chấp hành mệnh lệnh trong chiến đấu nghiêm, cả trung đoàn thống nhất về tư tưởng đánh gần với quân Mỹ.

Nếu như trận phản kích của tiểu đoàn 9 ngày 14 tháng 11 buộc quân Mỹ từ thế chủ động tiến công sang thế bị động phòng ngự chiến thuật thì hành động tích cực tập kích vào 5 giờ sáng ngày 15 tháng 11 và 3 giờ sáng ngày 16 tháng 11 của tiểu đoàn 7 đã cho chúng ta kết luận dứt khoát thế bị động hoàn toàn về chiến thuật buộc quân Mỹ phải rút lui có tính chất tháo chạy.

Hành động của tiểu đoàn 8 là rất đáng khen. Khi nhận được lệnh chiến đấu chỉ huy tiểu đoàn đã nghiêm túc cho bộ đội chuẩn bị ngắn rồi xuất kích ngay. Cả tiểu đoàn nắm chắc phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”, động viên bộ đội vượt qua bom đạn ác liệt chia thành nhiều mũi cắt vụn, cắt đứt quân Mỹ từng mảng, đáng giáp lá cà diệt hết cụm quân này đến cụm quân khác tiến lên làm chủ chiến trường.

Để làm rõ hơn những vấn đề trên, anh Phạm Công Cửu nói như giải thích:

- Như các anh đều biết, khi chúng ta đi kiểm tra chiến trường, một hiện tượng ai cũng dễ nhận ra là hầu hết lính Mỹ chết do bị bắn vào đầu và sau lưng. Chứng tỏ chúng bị chiến sĩ ta truy đuổi bắn lúc tháo chạy. Một số không ít lính Mỹ chết vì lưỡi lê và dao găm của chiến sĩ ta. Trong khi đó bộ đội ta đã phát huy tốt từng tổ, từng nhóm trong chiến đấu. Họ luôn chủ động tìm Mỹ để diệt Mỹ là đánh và lấy tiếng súng làm hiệu lệnh hiệp đồng. Đây là nét đặc sắc của cán bộ, chiến sĩ ta.

Anh Lã Ngọc Châu nói tiếp:

- Tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ của bộ đội còn được thể hiện ở chỗ đánh xong trận thứ nhất mặc dù có thương vong, nhưng được lệnh đánh tiếp anh em vẫn hăng hái, không chỉ các đồng chí khỏe; mà cả anh ốm yếu cũng xin được đi chiến đấu. Hành động bám sát của đại đội 9 tiểu đoàn 9 đêm 14 tháng 11 của trung đội 1 đại đội 1 tiểu đoàn 7 ngày 15 tháng 11 có tác dụng nhất định về một chiến thuật tạo nên thế liên tục tiến công của ta; đồng thời cũng tạo điều kiện cho ta tổ chức từng đợt tấn công dồn dập liên tục buộc địch luôn luôn căng thẳng đi đến không tránh khỏi đòn tiêu diệt.

Hành động dũng cảm xử trí linh hoạt để vượt qua tuyến phi pháo dày đặc của quân Mỹ đêm ngày 15 rạng ngày 16 tháng 11 của cán bộ chiến sĩ đại đội 3 tiểu đoàn 7 có ý nghĩa rất lớn đến trận thắng quân Mỹ sáng ngày 16. Ở đây có vai trò của cán bộ tiểu đoàn và đại đội. Như vậy là trong lúc đạn bom ác liệt nhất, nếu cán bộ biết tổ chức vẫn có thể đưa đơn vị vượt qua khu vực nguy hiểm. Một khi ưu thế tinh thần của ta được phát huy cao độ thì ta sẽ hạn chế được binh khí kỹ thuật của quân Mỹ, đánh ngay vào điểm yếu cơ bản của chúng là ỷ vào hỏa lực phi pháo và sợ đánh giáp lá cà với ta.

Từ đó cho ta một kinh nghiệm, vì một lý do nào đó ta không thực hiện được việc khống chế máy bay và pháo binh địch thì nhiệm vụ của người chỉ huy phân đội đột kích vẫn phải tự tạo điều kiện khắc phục như đại đội 3, tiểu đoàn 7 để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của phân đội mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:21:01 am »

Những, trận đánh Mỹ vừa qua cho thấy muốn hạn chế sự chi viện từ trên không cho bộ binh Mỹ ở mặt đất thì thời cơ đánh chúng tốt nhất là vào lúc chập tối và rạng sáng. Mặt khác, đánh quân Mỹ khi chúng mới đổ xuống, sự chuẩn bị của ta không cần dài, kế hoạch tác chiến không cần đầy đủ và tỉ mỉ như đánh công kiên. Việc tìm hiểu địch, xác định kế hoạch và một số mặt chuẩn bị khác có thể tiến hành trong quá trình hành quân tiếp cận địch. Trong những trường hợp này nếu ta kéo dài thời gian chuẩn bị thi sẽ mất cơ hội diệt chúng. Những vấn đề tôi nêu trên có thể rút một kết luận rất cơ bản là bộ binh Mỹ yếu chứ không mạnh như người ta tưởng và như tuyên truyền của báo chí và các hàng thông tấn phương Tày. Tôi được nghe anh em một số đơn vị nói về bộ binh Mỹ như thế này:

Lính Mỳ nhát như cáy.

Lính Mỹ ngốc nghếch không biết lợi dụng địa hình.

Lính Mỹ to dễ bắn trúng.

Lính Mỹ lười đào công sự nên chúng dễ bị sát thương.

Nói về sử dụng hỏa lực, anh Lê Tiến Hòa cho rằng:

- Qua các trận đánh của tiểu đoàn 9, tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 cho thấy nếu ta sử dụng cối 82 ly bắn dồn dập chính xác trong một thời gian ngắn, địch không có công sự thì chắc chắn tỷ lệ thương vong của chúng là rất lớn. Những đòn hỏa lực như vậy tuy tiêu thụ lượng đạn không nhiều nhưng cũng đủ gây cho địch hoang mang và rối loạn đội hình. Khi súng cối ngừng bắn, bộ binh phải xung phong ngay, thọc sâu vào đội hình quân địch càng nhanh thì hiệu quả diệt địch càng cao. Đây là bài học quý cho chúng ta trong những trận đánh quân Mỹ tiếp theo.

Anh Lê Tiến Hòa dẫn chứng và phân tích kỹ hơn:

- Cuộc đối mặt với lính kỵ binh không vận số 1 Mỹ vừa qua còn cho chúng ta thấy hỏa lực trên máy bay trực thăng, nhất là trực thăng vũ trang của chúng khá mạnh. Tuy vậy, trong những trận đánh ấy bộ đội ta đã thể hiện ý chí kiên cường, không sợ máy Mỹ, đánh trả chúng mọi lúc mọi nơi, bắn cả máy bay phản lực máy bay trực thăng. Trận đánh ngày 15 tháng 11, tiểu đoàn 7 hành quân qua trảng trống, bị máy bay địch phát hiện oanh tạc. Thấy đồng đội loay hoay mãi không có nơi nào làm giá cho khẩu thượng liên, chiến sĩ nuôi quân đại đội 1 Bùi Văn Tài liền xung phong lao vào làm giá súng(1). Nòng súng nóng bỏng, vỏ đạn văng ra làm cháy sém quần áo, nhưng đồng chí vẫn nghiến răng ghì chặt chân súng để đồng đội bắn rơi một máy bay AD6 của Mỹ.

Trong ba ngày từ 14 đến 17 tháng 11, trung đoàn đã bắn rơi và phá hủy 34 máy bay các loại gồm phản lực, F105, F101, AD6, L19, OV10, nhưng phần lớn là trực thăng. Trong điều kiện súng phòng không của ta lớn nhất là 12,7 ly với số lượng không nhiều mà ta bắn rơi được một số lượng lớn máy bay trực thăng Mỹ, một phần do tinh thần tích cực săn bắn máy bay Mỹ của bộ đội, mặt khác, mật độ chúng bay dày từng tốp 3 đến 5 chiếc, có lúc hàng đàn từ 20 đến 25 chiếc ở độ cao từ 100 mét đến 600 mét, đôi lúc chúng sà sát ngọn cây. Như vậy rất thuận lợi cho ta dùng súng bộ binh để diệt chúng.

Thấy anh em nói nhiều về thành tích và kinh nghiệm xem ra như thế cũng là đủ, tôi đề nghị mọi người nói kỹ hơn về khuyết điểm, thiếu sót và những vấn đề cần phải khắc phục ngay. Anh Lã Ngọc Châu đứng lên trầm giọng:

- Tinh thần quả cảm, khí phách anh hùng của cán bộ và chiến sĩ trung đoàn trong những trận đánh quân Mỹ vừa qua sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử truyền thống chiến đấu của trung đoàn ta nói riêng và quân đội ta nói chung. Anh em cán bộ chiến sĩ ta không tiếc tuổi xuân và xương máu của mình, tất cả để đánh thắng quân Mỹ, hạ uy thế của chúng trên mảnh đất Tây Nguyên này. Nhưng chúng ta trong thực hiện chính sách thương binh tử sĩ ngoài trận địa chưa tốt, mặc dù trung đoàn đã tổ chức lực lượng vận tải ra tận trận địa chuyển thương binh tử sĩ và tổ chức các trạm phẫu từ tiểu đoàn đến trung đoàn. Chúng ta không phủ nhận một thực tế là máy bay và pháo binh địch bắn phá có tính chất hủy diệt trận địa. Nhưng cán bộ chỉ huy các bộ phận này quyết tâm không cao, không sâu sát tổ chức chỉ huy bộ đội. Do vậy, nhiều bộ phận khi thấy phi pháo đã tìm hầm trú ẩn không ra đến trận địa. Cho đến lúc này chúng ta vẫn chưa giải quyết hết tử sĩ, một số đơn vị chưa thu hết anh em bị thương và bị lạc. Như vậy, chúng ta có tội với anh em. Tôi đề nghị sau cuộc họp này trung đoàn phải đứng ra tổ chức ngay lực lượng có cán bộ phụ trách để đi tìm kiếm thật kỹ trận địa đưa hết anh em tử sĩ về an táng ở nơi quy định. Phải thực hiện quyết tám chưa tìm hết anh em chưa được lui quân.

Khuyết điểm thứ hai trong công tác chỉ huy, từ trung đoàn đến tiểu đoàn trong những trận đánh vừa qua thiếu tập trung, còn phân tán. Song nhờ tinh thần chủ động và ý chí chiến đấu cao của từng người, từng tổ và ý thức hiệp đồng chiến đấu của bộ đội đã tạo nên sự cố kết, tạo nên sức mạnh chiến thắng quân Mỹ. về lãnh đạo chỉ huy trung đoàn, chúng ta phải rút kinh nghiệm ngay không để xảy ra những trường hợp tương tự trong những trận chiến đấu tới.


(1) Khẩu súng thượng liên trên, anh em đại đội 1 gọi đó là “khẩu thượng liên thần” bởi lẽ nó bắn rất chính xác, nó đã theo Tài tham gia nhiều trận chiến đấu sau này diệt hàng chục tên Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2019, 10:21:45 am »

Khuyết điểm thứ ba, công tác giáo dục và tổ chức cho bộ đội ý thức thu hồi chiến lợi phẩm, nhất là vũ khí trang bị chưa đầy đủ. Chưa tận dụng lấy vũ khí địch để diệt địch, còn nặng về lấy thức ăn. Có đồng chí đang đánh nhau vẫn ngồi ăn. Lại có anh em diệt địch xong, lấy thuốc lá vừa hút vừa xông lên đánh tiếp.

Khuyết điểm thứ tư, công tác củng cố bộ đội sau từng trận đánh rất chậm. Chưa chú trọng làm công tác tư tưởng cũng như công tác cổ vũ chiến trường. Nhiều gương chiến đấu tốt không được nêu gương học tập như trường hợp đồng chí Trần Văn Đắc đại đội 6 tiểu đoàn 8 bị thương do bom na-pan và bị địch bắt. Anh nghĩ cách làm cho địch không đưa đi được, lợi dụng sơ hở rút lựu đạn diệt hai Mỹ, phá hủy chiếc trực thăng rồi lẩn vào rừng, ba ngày sau anh em mới tìm thấy. Lê Khắc Nga, Lê Văn Điều diệt 22 tên Mỹ nêu kỷ lục Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú đầu tiên của chiến trường cũng chưa được kịp thời nêu gương để cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn học tập.

Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận việc xây dựng đơn vị cả về tư tưởng và tổ chức. Mọi người đều thống nhất cho rằng trong những trận chiến đấu vừa qua, bằng nhiều việc làm sinh động cụ thể, thiết thực của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trước và trong chiến đấu đã thực sự góp phần quyết định xây dựng quyết tâm đánh Mỹ cho bộ đội. Chúng ta đã làm khá tốt công tác lãnh đạo xây dựng tinh thần dám đánh và quyết thắng quân Mỹ; đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, cũng như vấn đề đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực cả trong nhận thức tư tưởng và hành động. Từ những kinh nghiệm bước đầu trong chiến đấu, hội nghị cho rằng nhiệm vụ trước mắt hiện nay của trung đoàn cần tập trung làm cho bộ đội nhận rõ ý nghĩa thắng lợi của ta, giải quyết cho được những vướng mắc trong tâm tư cán bộ chiến sĩ. Một số anh em cho rằng ta thắng rất lớn, chiến trường ngổn ngang xác Mỹ nhưng cũng không ít anh em mình nằm lại ở dó. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề tư tưởng và nhận thức cho anh em không thể nôn nóng áp đặt. Phải làm thận trọng từng bước, làm bước nào chắc bước đó, trước hết phải làm tốt trong cán bộ, đảng viên, từ đó làm nòng cốt xây dựng đơn vị.

Về phần mình, thay mặt Bộ tư lệnh tiền phương Mặt trận tôi nói:

- Các đồng chí đã tự kiểm điểm rút kinh nghiệm khá sâu sắc, vấn đề còn lại là việc triển khai tổ chức thực hiện. Trước khi các đồng chí ra về tôi nói thêm một số vấn đề:

Thứ nhất, chiến thắng Plây Me - Ia Đrăng là trận phủ đầu quân Mỹ ở Tây Nguyên. Lần đầu tiên trên chiến trường ta tiêu diệt một chiến đoàn quân ngụy và một tiểu đoàn quân Mỹ. Thắng lợi tiêu diệt tiểu đoàn Mỹ là cái mốc lịch sử của quân và dân Tày Nguyên. Trong những trận chiến đấu với quân Mỹ ta chỉ có vũ khí bộ binh, quân Mỹ có pháo binh, có máy bay trực thăng, phản lực và cả máy bay chiến lược B52. Nêu chiến tranh là sự đối chọi giữ con người và con người thì trong trận Ia Đrăng sự đối chọi đó đâ diỗn ra trực diện giữa chiến sĩ ta với lính Mỹ. Khí phách anh hùng của chiến sĩ ta hoàn toàn áp đào tinh thần quân Mỹ. Chiến thắng Ia Đrăng đã làm cho ta lớn lên về tầm nhìn và sự suy nghĩ. Trước chiến dịch có những băn khoăn: Quân Mỹ vào ta có đánh được không ? Quân Mỹ vào ta tiến công hay phòng ngự ? Nhưng Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận hạ quyết tâm: “Trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh khắc tìm ra cách đánh”. Như vậy, theo tôi bài học lớn nhất của trận Ia Đrăng là bài học dám đánh và quyết thắng Mỹ. Các đồng chí cần giáo dục tinh thần này đôi với từng cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn.

Vấn đề thứ hai, chúng ta đang bước vào một thời kỳ chiến đấu rất quyết liệt, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sĩ mài sắc cảnh giác giữ vững quyết tâm, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái chủ động, anh dũng diệt địch, không ngại lâu dài và gian khổ, không ngại ác liệt, không sợ hy sinh và chỉ qua cuộc chiến đấu quyết liệt đó chúng ta mới giành được thắng lợi và chắc chắn giành được thắng lợi to lớn hơn. Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải làm cho bộ đội nắm vững phương châm đánh lâu dài, đồng thời tích cực tạo và tranh thủ thời cơ đánh thắng địch trong thời gian tương đối ngắn. Trước mắt, các đồng chí cần nắm vững hai nhiệm vụ chù yếu mà Quân ủy Trung ương giao cho quân và dân Tây Nguyên là: Tiêu diệt quân địch cả Mỹ và ngụy làm chủ đại bộ phận rừng nui Tây Nguyên. Trên cơ sở đó mà duy trì thế liên tục tiến công. Hai nhiệm vụ trên thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào công tác tư tưởng và công tác tổ chức của chúng ta. Sau chiến đấu sức lực suy giảm, quân số thương vong của các đơn vị khá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến tư tưởng bộ đội. Mặt khác công tác bảo đảm hậu cần của chung ta đang gập khó khăn, bộ đội có thể thiếu đói, bệnh tật bắt đầu phát triển, nhất là bệnh sốt rét. Như vậy công tác đảng, công chính trị càng khó khăn phức tạp hơn, đòi hỏi trong lãnh đạo phải có quyết tâm, có kế hoạch cụ thể chúng ta mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó...

*
*   *

Trên đường trở về Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tôi suy nghĩ và tự rút ra cho mình một điều: Tất cả mọi chiến thắng ở chiến trường, mọi kỳ tích anh hùng trước hết và trực tiếp đều do những người chiến sĩ binh nhất, binh nhì, những người cán bộ phân đội làm nên dưới sự lãnh đạo vững mạnh của các tổ chức đảng mà nổi bật là vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Những con người được sự giáo dục và huấn luyện chu đáo đã phát huy ý chí quyết thắng sáng tạo làm sống lại hình ảnh bất diệt của dũng sĩ đâm lê Hoàng Văn Nô và người anh hùng lấy thân mình làm giá súng Bế Văn Đàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây. Đối với những người lính Mỹ được ném vào cuộc chiến ở thung lũng Ia Đrăng may mắn thoát chết, họ chắc không thể nào quên trận đánh đẫm máu ấy với những đường lê sáng quắc của người chiến sĩ Tây Nguyên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2019, 02:12:11 pm »

III

CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG TẠO THẾ CHIẾN TRƯỜNG

Sau chiến thắng Plây Me - Ia Đrăng, một phần do tính chất ác liệt của cuộc chiến, thương vong của quân ta cao(1), một phần do sau một thời gian hành quân liên tục dài ngày đến chiến trường bước vào chiến đấu ngay nên bộ đội xuống sức rất nhanh. Thêm vào đó ăn uống kham khổ, thuốc men thiêu thôn, bộ đội bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, bệnh tật phát triển, nhất là bệnh tê phù và sốt rét ác tính. Quân số chiến đấu các đơn vị chỉ còn một nửa. Có trung đoàn số anh em sốt rét, tê phù lên đến 400 người. Cá biệt có đại đội 115 người chỉ còn 33 người tương đối khỏe. Bệnh xá các trung đoàn tỷ lệ thương binh: 4, bệnh binh: 1. Kẻ địch lợi dụng tình hình trên ngày đêm cho máy bay L19, OV10 thả truyền đơn trắng rừng và dùng loa công suất lớn ra rả kêu gọi chiến sĩ ta “chiêu hồi” với những luận điệu thâm độc vừa dụ dỗ vừa hăm dọa như: “Hỡi các bạn cán binh Bắc Việt, các bạn có thể sinh ra ở Bắc để chết ở Nam không ? Các bạn hãy mau mau trở về với chánh nghĩa quốc gia, các bạn sẽ được đối xử tử tế”. Đêm đêm chúng sử dụng cả tiếng trẻ con khóc, tiếng chó sủa, lợn kêu để gợi nhớ quê hương gia đình hòng lung lạc tinh thần bộ đội ta.

Những vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến tư tưởng bộ đội. Ở các đơn vị bao trùm không khí trầm trầm, có nơi nặng nề. Mọi người tỏ ra mệt mỏi, ngán ngẩm. Khi ăn cơm thấy đồng đội vợi hẳn, nhiều anh em khóc. Một số đơn vị có đến hai phần ba số quân suốt ngày nằm võng, bàn tán đủ chuyện tiêu cực. Có người mặt mũi bẩn thỉu, ở gần suối cũng không chịu rửa. Có những lá thư gửi về gia đình khẳng định rằng trước sau gì rồi mình cũng thương vong, không vì đạn thẳng thì cũng vì pháo và bom địch, không vì đói thì cũng vì sốt rét ác tính. Nhiều nơi xuất hiện những câu ca tiêu cực bi hài như:

      Tây Nguyên đi dễ khó về
      Thiếu gạo, thiếu muối tái tê lòng người


hay:

      Tây Nguyên thiếu muối, thiếu rau
      Ốm đau thiếu thuốc thương nhau làm gì!


Chua chát hơn, bi quan hơn có người cho mình như con cua nằm trong cái coóng sớm muộn gì rồi cũng chết:

      Con cua nằm trong cái coóng
      Chẳng biết lúc nào cái chày nó giã lên mai,...

Tôi còn được nghe kể lại những hiện tượng sống gấp. Anh em nói với nhau: “Có mà không ăn là có tội với dạ dày”, nên cơm tiêu chuẩn hai ngày họ ăn một bữa. Rồi khi thấy máy bay quần lượn nảy ra trò: “máy bay bay một vòng đổ một thìa đường vào miệng, máy bay bay hai vòng đổ hai thìa đường vào miệng, máy bay bay ba vòng đổ ào vào miệng”, v.v... Trong khi đó một số cán bộ có hành động quân phiệt gây nên trạng thái tâm lý căng thẳng giữa cán bộ và chiến sĩ làm không khí đoàn kết thương yêu, sống chết cùng nhau bị giảm sút. Chiến sĩ không thiết tha gắn bó với đơn vị, không nghe lời cán bộ. Chỉ huy quát mắng chiến sĩ càng không nghe, đưa chiến sĩ đến chỗ bị động. Do đấu tranh kém, ý thức tự tôn, tự trọng kém dẫn đến một số làm ngơ và đồng tình trước những vi phạm phẩm chất, khí tiết: ăn cắp của nhau, lấy chuối, bắt gà của dân, đi lại, bắn súng bừa bãi. Lối sống thực dụng bè tha phóng uế bừa bãi nơi trú quân phát triển.

Diễn biến tâm lý của chiến sĩ xoay quanh:

Ba lo: Lo bom giặc, lo đạn giặc, lo ốm bệnh.

Hai ngán: Ngán chiến trường Tây Nguyên, ngán lâu dài.

Một bực: Bực cán bộ ăn ở bạc bẽo, quân phiệt.

Nghiêm trọng hơn, trong cán bộ và chiến sĩ xuất hiện tư tưởng ngại hy sinh gian khổ, thực chất là dao động, giảm sút ý chí chiến đấu.


(1) Từ 19 tháng 10 đến 26 tháng 11 năm 1965, trung đoàn 320 hy sinh 166, bị thương 197; trung đoàn 33 hy sinh 170, bị thương 232, trung đoàn 66 hy sinh 208. bị thương 146.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM