Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:52:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Năm nguyên soái Liên Xô  (Đọc 8867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2019, 10:27:04 am »

     
BỌN CHÚNG ĐÃ RA TAY NHƯ THẾ NÀO?

        Vào khoảng đầu tháng 5, có lẽ sau khi Kira Ivanốpna cùng chồng dự buổi chiêu đãi cuối cùng ở Điện Kremli, Stalin cho gọi Bêria đến phòng làm việc riêng của mình. Vì cả hai đều là người Gruzia, cho nên những việc gì có quan hệ đến chuyện bí mật của cá nhân thì cả hai đều nói bằng tiếng Gruzia, như vậy thì cho dù có kẻ nào muốn nghe lén cũng chẳng hiểu nổi. Buổi tối hôm đó sự việc cũng diễn ra đúng như vậy, Stalin trông có vẻ buồn bực, nóng nẩy. Bêria liếc nhìn cấp trên của mình như vậy thì ông ta hiểu ngay là có một chuyện hệ trọng gì đây, Bêria lập tức cảnh giác và chuẩn bị lắng nghe xem “Ông ấy” sẽ giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng... Nhưng Stalin lại làm ra vẻ như giao cho Bêria một chuyện rất nhỏ. Thậm chí bản thân Bêria cũng không biết là đằng sau nó có ẩn giấu một chuyện gì. Stalin không thích nói chi tiết, nhất là đối với những chuyện riêng tư như vậy, ông chỉ nói những việc cần phải làm như sau:

        “Rávrenki ! Anh hãy nghe cho rõ, cần phải khử ngay con mụ đó. Vì nó thường xuyên quan hệ với bọn người nước ngoài, việc này đã rõ ràng, có thể là chúng đang hoạt động gián điệp... ”.
      
        “Tất nhiên, cần khử là phải khử rồi. Thưa đồng chí Jôzép, huống hồ việc phạm tội cua con mụ ấy rất nguy hiểm, nhưng xin đồng chí cho biết con mụ đó là ai?”

        “Vợ của Tướng Culicôp, chúng ta sắp sửa phong quân hàm Nguyên soái cho ông ta. Nhưng phải làm cho ông ta không biết một tí gì và cũng không đoán ra được, cần phải lặng lẽ khử ngay con mụ đó và không được để lại bất kỳ một dấu vết gì”.

        Sau khi trở về nhiệm sở của mình ở Rupienca, Bêria gọi ngay người phó của mình là Côpulốp và ra lệnh đi tìm hai người là Vlađimiaski và Srêđrépli đến văn phòng và cả ba người này nhanh chóng đến ngay phòng làm việc của Bêria, họ đứng đối diện với bàn làm việc của Bêria. Sau khi nhìn kỹ mặt từng người xong, Bêria trầm ngâm một lúc lâu rồi dùng ánh mắt thâm trầm của mình để nói rằng sự việc mà ông ta định nói với họ là rất quan trọng. Sau đó Bêria mới nói:

        “Cấp trên có lệnh, cần phải bí mật khử ngay nữ công dân Ximônika (tên gọi của Kira trước khi bà lấy chồng) - vợ của Culicốp”.

        Đây là cách nói thông thường, khi mệnh lệnh đó trực tiếp là của Stalin, nhưng không ai được phép gọi tên ông, mà chỉ được nói là “cấp trên”. Lần này Ravrenki cũng dùng đại từ ấy, mà những người có mặt cũng biết đó là ai. Bêria nói tiếp:

        “Về việc này thì bất kỳ người nào và bất kỳ lúc nào cũng không cần được biết: người phụ nữ đó cần phải biến mất tăm tích. Đồng chí Vlađimiaski, tôi ủy thác cho cá nhân đồng chí hoàn thành việc này”. Bêria quay sang nói trực tiếp với Srêđrépli: “Hãy mang mụ ấy đến Trại giam Sukhanôvô. cần phải cắt đứt mốì quan hệ gián điệp của mụ ấy với bọn nước ngoài. Công việc điều tra giao cho đồng chí Vlađimiaski tiến hành. Kết quả thẩm vấn báo cáo trực tiếp cho tôi. Không cần đăng ký tên mụ đó vào Trại giam Sukhanôvô. Không ai được biết tên của mụ đó. Anh phải trực tiếp giải mụ đó đến Trại giam. Khi bắt mụ cũng không được cho ai trông thấy và cũng không để ai biết mụ ấy đi đâu. Tốt nhất là ta bắt ngay trên đường phố, khi mụ ấy đi đâu một mình. Các anh phải bảo đảm bí mật của vụ này bằng cái đầu của mình, hoàn toàn không được để lộ một chút gì... Đây không phải là đối với tôi, mà là cấp trên yêu cầu... ”.

        Những người ấy đã từng chấp hành những nhiệm vụ ghê gớm đáng sợ, nhưng khi nghe thấy những lời nói ấy thì cũng thấy lạnh xương sống. Các bạn chắc cũng biết rằng đó là những tên cướp có kinh nghiệm, họ đã từng giết người trong toa xe lửa, đã từng giết hại vợ chồng Đại sứ Liên Xô thường trú tại Trung Quốc... Họ là những kẻ táng tận lương tâm gây ra khá nhiều tội ác. Những tên có mặt hôm đó không biết vì sao phải thủ tiêu người phụ nữ này, nhưng có một điều họ biết rất rõ: “đó là mệnh lệnh của Stalin”, mà những việc có liên quan đến cái tên của con người đó thì bọn tội phạm cũng hiểu rằng đấy là nguy hiểm và đáng sợ.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2019, 04:17:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2019, 10:27:20 am »


        Về sau, khi Bêria đã bị hạ bệ và người ta cần tiến hành điều tra lại những vụ án mà ông ta đã làm một cách lén lút mò ám. Dưới đây là lời khai của những tên đồng sự với Bêria khi ra thẩm vấn trước tòa vào năm 1953:

        Vlađimiaski khai rằng: “Vào mùa hè năm 1940, Bêria cho gọi tôi tới phòng làm việc của ông ta, có cả Côpulốp ở đó, Bêria tuyên bố rằng tôi là người được ủy nhiệm đi bắt vợ của Nguyên soái Culicốp”.

        Sau khi được giao nhiệm vụ thì nhóm của chúng tôi gồm bốn người: Tôi, Srêđrépli và hai người nữa cùng đi trên hai chiếc ô tô, tới mai phục ở gần nhà của Culicốp.” Bọn chúng nằm ở trong xe suốt mấy ngày trời. Nhưng Kira Ivanốpna không đi ra ngoài, hoặc nếu có đi thì lại có bạn gái cùng đi, hoặc có lúc thì lại đi cùng với chồng. Tóm lại là không có cơ hội thích hợp để bắt cóc bà. Trong kế hoạch thì có nhấn mạnh một điều là không được để bất kỳ ai trông thấy bà Kira bị bắt cóc. Xem ra nếu cứ để kéo dài thì mọi người đều cảm thấy sốt ruột, Bêria cũng nhiều lần gọi điện thoại cho chúng, hỏi vì sao lại chưa hoàn hoàn thành nhiệm vụ, có thể là Stalin cũng nhiều lần gọi điện hỏi Bêria đã hoàn thành nhiệm vụ chưa. Để kiểm tra xem hành động của tổ này có chính xác không, đồng thời cũng là để đẩy nhanh tiến trình của vụ án, Côpulốp - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng thân xuống hiện trường mai phục để kiểm tra. Nhưng mãi Kira Ivanốpna vẫn không ló mặt.

        Nhưng rồi có một hôm, như chúng ta đã biết, răng của bà bỗng nhiên bị đau, Kira liền gọi điện cho phòng khám Nha khoa đế lấy số rồi bà đi một mình ra khỏi nhà. Khi bà sắp sửa bước xuống lòng đường, lúc đó chung quanh không có ai thì xe của Vlađimiaski và Srêđrépli nhanh chóng áp sát đến bên bà. Chúng mở cửa xe, rồi mỉm cười hòa nhã mời bà lên xe:

        “Tại sao bà lại phải đi bộ như thế? Xin mời bà lên xe để chúng tôi đưa đi... ”.

        Thoạt đầu tuy Kira Ivanốpna không nghi ngờ họ có ý xấu, nhưng bà vẫn từ chối. Khi cảm thấy bà không muốn đi xe thì Srêđrépli bèn đẩy bà vào trong xe và nhanh chóng chui vào ngồi cạnh, rồi đóng cửa xe lại. Vladimiaski từ hướng khác cũng nhảy lên ngồi kẹp lấy bà vào giữa, và chúng uy hiếp bà:

        “Bà muốn sống thì câm ngay!”

        Chiếc xe phóng như bay trên đường phố Mátscơva, thậm chí cả khi gặp đèn đỏ ở ngã tư mà xe cũng không dừng lại, cảnh sát giao thông nhìn thấy số xe biết ngay là xe của Bộ Nội vụ đang đi làm nhiệm vụ, nhưng làm việc gì thì chẳng ai biết rõ. Chiếc xe chạy xuyên qua thành phố, tiến vào khu rừng ở ngoại ô và nhanh chóng dừng lại ở cổng Trại giam Sukhanôvô.

        Dưới đây là lời khai của Srêđrépli:

        “Tôi tham gia vào vụ án bí mật thủ tiêu vợ của Nguyên soái Culicôp và làm theo chỉ thị của Bêria. Lãnh đạo trực tiếp thực hiện vụ này là Vlađimiaski và ông ta cũng là người sau này đưa bà ấy đi thủ tiêu. Còn vì sao lại phải thủ tiêu người phụ nữ ấy và những chuyện về sau này xảy ra đối với bà ta thì tôi không rõ”.

        Như vậy là Kira Ivanốpna đã bị bắt mà không có lệnh của Kiểm sát trưởng và khi bắt bà thì họ cũng không cho bà xem lệnh bắt. Bà không có tên trong sổ sách của Trại giam và được giam vào một phòng giam một người. Không ai trong Trại giam được phép trông thấy bà, khi họ dẫn bà vào thì toàn bộ hành lang vắng tanh và họ cũng không cho bà được ra ngoài thay đổi không khí. Chỉ có mỗi một người gác phòng giam là được phép nhòm qua một cái lỗ nhỏ để giám sát bà và người đó sau khi nhìn thấy bà rất đẹp thì ngạc nhiên, tại sao lại đối xử với con người này một cách bí mật ác độc đến thế?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2019, 04:08:22 pm »

   
TRONG TRẠI GIAM SUKHANÔVÔ

        Tôi vừa đi vòng quanh Trại giam vừa suy nghĩ xem nên tìm gặp ai để có thể lần ra manh mối của Kira Ivanôpna trong thời gian người ta giam bà ở đây, vì Trại giam này đã được đóng cửa từ năm 1954, hồi đó Stalin đã qua đời, còn Bêria thì đã bị xử bắn. Những người trước đây từng làm việc trong Trại giam này đã đi khỏi đây, người nghỉ hưu, người chuyển sang làm công việc khác. Nhưng tôi biết trong số họ cũng còn có những người cư trú quanh đây, vì sau khi Trại giam bị đóng cửa thì vùng này có rất nhiều nhà cao tầng mọc lên. Tôi đã tìm được mấy người làm công việc gác Trại giam. Trong đó có hai viên đội trưởng trực ban và nhân viên gác hành lang (những người có nhiệm vụ ngày đêm trông coi cửa vào, giám sát tất cả các song sắt, canh gác trong hành lang, phải luôn luôn qua cái lỗ nhỏ của phòng giam giám sát mọi hành động của phạm nhân.). Tôi còn tìm được một số lớn sĩ quan. Bọn họ bây giờ đều nghỉ hưu cả. Khi tôi hỏi chuyện từng người trong bọn họ, thoạt đầu thì họ khá căng thẳng. Họ đều nói là không nhớ được một điều gì, họ chỉ làm mỗi một việc là canh gác. Còn những người mà họ phải canh giữ thì họ không biết là ai, vì tất cả những người đưa vào đây đều được đánh số, chứ không gọi tên. Tôi hiểu nỗi lo lắng của họ, đồng thời hứa với họ là sẽ không viết tên thật của họ. Để cho họ tin, tôi chỉ hỏi họ về những vấn đề mà mình định viết và làm cho họ yên lòng. Ví dụ: Thượng tá Đurinôp đã nhiều năm làm Giám đốíc Trại giam Sukhanôvô. sau khi Trại giam bị đóng cửa thì ông bị bắt, người ta đã tước sạch cả quân hàm, huân huy chương và lương hưu của ông. Nhưng rồi người ta đã trả lại tất cả cho ông và Đurinôp cũng như những người lao động bình thường khác, sống nốt quãng đời còn lại của mình -  cách đây hai năm ông đã qua đời.

        Vậy họ đã nói với tôi điều gì? Những người bị bắt trước hết được đưa đến bộ phận thu nhận, đăng ký vào sổ, rồi bản thân phạm nhân đó được nhận một con số, ghi rõ là giam trong phòng giam nào. Chúng tôi có trách nhiệm là chấp hành mệnh lệnh .

        Điều tra viên gọi điện đến, nói rằng:

        “Vào lúc 10 giờ, cho giải phạm nhân số 46 ở phòng giam số 10 lên phòng làm việc số 4 của tôi !.”

        “Tôi chấp hành lệnh làm đúng như thế".

        “Có trường hợp nào phải tra khảo đánh đập phạm nhân không?”

        “Chúng tôi không làm việc đó. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ canh gác thôi!” “Tất nhiên là sau những cuộc tra hỏi thì có người đã đi không vững nữa và đó là chuyện thường gặp, khi đó chúng tôi phải giúp đỡ họ. Chẳng lẽ, tôi làm việc đó lại là một khuyết điểm hay sao ... ?”.

        Nhìn những tên mặt người dạ thú đó. Tôi chợt nhớ lại, vào năm 1940... cũng đã có một tên với “lòng tốt” như thế cầm hai chân tôi kéo từ phòng tra hỏi ra, chúng kéo tôi xuống các bậc thềm đến nỗi đầu tôi bị đập xuống từng bậc một. Sau khi mở được phòng giam thì chúng đã dùng chân đá tôi, bắt tôi phải bò vào trong phòng giam. Một sự giúp đỡ tốt bụng là như thế!

        Họ kể tiếp: “Có một lần, tôi được gọi lên phòng đăng ký để nhận một người mới bị bắt. Đã là một người gác tù thì đây là một chuyện thông thường. Khi bước vào phòng thu nhận thì thấy một người nhỏ con đang đứng cạnh bàn, dáng bộ xấu xí. Nhân viên trực ban sau khi vào số xong bảo tôi dẫn đi tối phòng giam số mấy, tôi cũng không nhớ nữa. Tôi nhìn kỹ mặt người bị bắt thì thấy có vẻ quen quen, hình như đã gặp người này ở đâu rồi, nhưng là gặp ở đâu mới được chứ? Bỗng nhiên, tôi giật bắn mình thì ra đó là người trong bức ảnh treo trên tường của phòng trực ban đang nhìn tôi. Đó chính là Yê giơnốp! ủy viên nhân dân Yêgiơnốp - một con người lòng sắt dạ đá, là cấp trên của chúng tôi - đã bị bắt”. Mặt mày nhân viên trực ban cũng tái đi vì sợ, lúc đó tôi nhìn thấy tay ông ta cũng đang run run. Ông ta bảo tôi: “Dẫn đi !” “Sao còn đứng đó há miệng ra làm gì?” về sau tôi lại tiếp tục đưa Yêgiơnốp đi thẩm vấn và đi thay đổi không khí. Ông ấy không hề hé răng nói với tôi một lời nào, vì ông ấy biết đó là nội quy của chúng tôi. Yêgiơnốp khi ấy lại đang bị bệnh, ông ấy ở chỗ chúng tôi vào khoảng 6 tháng, nghe nói sau này ông ấy đã bị hành quyết”.

        “Tại đây các anh bắn người ở chỗ nào ?” Tôi hỏi tiếp.

        “Tại đây chúng tôi không chấp hành lệnh xử bắn. Chúng tôi chỉ là Trại điều tra xét hỏi. Còn việc tuyên án và xử bắn thì ở chỗ khác”.

        “Ở đâu ?”

        “Chúng tôi không biết!”.

        Tôi hỏi họ về vụ bắt một người phụ nữ bịt kín mặt được đưa vào mà không đăng ký... thì không một người nào biết về việc này. Như vậy đủ thấy họ là những người giữ bí mật giỏi biết chừng nào!

        Tôi muốn tìm hiểu xem Nguyên soái Culicốp bị giam tại phòng nào. Nhưng ai cũng trả lời không biết”.

        Tôi bảo: “Sao lại có thể như vậy được ? Dù sao thì ông ta cũng là một Nguyên soái cơ mà !”

        Nhưng họ đều trả lời tôi rằng: Tất cả những người đó khi đã vào đây thì chỉ được gọi theo số, kể cả Tướng quân và Ủy viên nhân dân (tức Bộ trưởng), cho nên không thể nhớ hết được, vả lại họ cũng không cho phép chúng tôi được biết”.

        Cuối cùng rồi tôi cũng tìm hiểu được những điều đặc biệt bí mật ở Sukhanôvô.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2019, 04:17:56 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2019, 04:08:39 pm »


        Vào tháng 5 năm 1940, Kira Ivanốpna được đưa vào đây.

        Sau khi hoàn thành xong vụ bắt cóc đó thì Bêria lánh mặt một thời gian. Còn Stalin thì chờ xem có hậu quả gì không, có khả năng một người nào đó trông thấy vợ Nguyên soái bị bắt cóc, hoặc người ta có thể đoán ra hay nghi ngờ từ một khâu nào đó...

        Vlađimiaski trong quá trình thẩm vấn đã cố gắng ép buộc Kira Ivanốpna phải nhận tội hoạt động gián điệp. Nhưng bà cảm thấy mình không có gì sai lầm, nên không chịu nhận để chui vào bẫy của hắn, đồng thời bà cũng không chịu khuất phục trước sự uy hiếp của hắn, do đó hắn không lấy được một lời khai nào của bà. Những cuộc hỏi cung như thế đã không để lại một dấu vết gì và bản thân Vlađimiaski cũng cố gắng không để lại một dấu vết gì.

        Như tôi đã nói tới ở trên, khi Bêria gặp Nguyên soái Culicốp thì ông ta đã hứa là sẽ dốc toàn lực lượng để tìm lại vợ cho ông, chính thức báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương về đề nghị của Nguyên soái Culicốp và cả những phương sách mà Bêria áp dụng để truy tìm người mất tích. Đúng là Bêria đã ra lệnh truy tìm bà Kira Ivanôpna trong toàn quốc. Bộ Nội vụ của các nước Cộng hòa đã tốn không biết bao nhiêu công sức để truy tìm người phụ nữ mất tích, nhưng tất cả những cuộc truy tìm đều không kết quả, các báo cáo gửi về đều nói lên điều này. Tất cả các báo cáo đó về sau đã được đóng thành tập Hồ sơ về cuộc truy tìm Kira Ivanốpna trong toàn quốc.

        Chúng ta có thể thấy được rằng, Kira Ivanốpna đáng thương bỗng nhiên bị giam vào trong Trại giam theo một phương thức khá kỳ quặc. Có thể bà suy nghĩ mãi mà vẫn không sao hiểu nổi vì đâu mà bà phải chịu khổ đến như vậy. Cũng có thể bà đã suy nghĩ về toàn bộ cuộc sống  và cả những người thân của mình, để tìm cho ra nguyên nhân bỗng nhiên bị bắt. Bà cũng không biết rằng chồng mình ở cương vị cao như vậy rồi sẽ xảy ra chuyện gì. Thậm chí bà cũng không biết rằng ông đã là Nguyên soái Liên Xô, bởi vì quân hàm cao quý đó ông mới được phong sau khi bà bị bắt cóc mấy ngày. Tất nhiên là bà cũng hồi tưởng lại những chuyện giữa bà và Jôzép Vítsariônôvích, có thể từ dòng ý nghĩ này bà đoán ra được nguyên nhân khiến bà bị bắt... có thể bà còn nghĩ ra nhiều chuyện khác nữa. Nhưng tất cả những bí mật đó chúng ta sẽ không bao giờ được biết vì Kira Ivanốpna và bản thân Stalin cũng đã mang theo nó xuống dưới mồ. Ngoài hai người ra thì không ai có thể biết giữa họ đã xảy ra chuyện gì.

        Sau hơn một tháng thì những tin đồn và những lời bàn bạc về việc vợ của Nguyên soái Culicốp mất tích đã dần dần lắng xuống. Stalin và Bêria đều cho rằng đã đến lúc kết thúc hành động tội ác mà họ đã bày ra. Họ đã đợi sau một tháng, để đề phòng vạn nhất có người trông thấy bọn họ bắt cóc vợ của Nguyên soái Culicôp thì có thể cứu vãn bằng cách đưa bà ra tòa xét xử với tội danh làm gián điệp cho người nước ngoài, hoặc chụp cho bà một tội danh nào đó để truy tố bà. Nhưng rồi dư luận về người bị mất tích đã dần dần lắng xuống, việc người ta chủ mưu bắt cóc bà cũng không để lại dấu vết gì, cho nên đã đến lúc phải kết thúc mạng sống của Kira Ivanôpna.

        Dưới đây là một đoạn trong lời cung khai của Poócđan Sakharôvích Côpulốp:

        “Đại thể là sau khi vợ của Nguyên soái bị bắt một cách bí mật chừng một tháng hay là tháng rưỡi gì đó. Bêria gọi tôi đến và nói rằng: “Cấp trên có chỉ thị phải thủ tiêu ngay vợ của Culicốp. Nhưng việc này cần phải làm như sau, ngoài Vlađimiaski ra thì không cho phép bất kỳ ai được biết chuyện này. Bêria cho gọi Vlađimiaski đến, đồng thời bảo hắn phải làm những việc như sau: “Anh và Mirônốp tới nhà giam Sukhanôvô giải con mụ đó đến đây, giam vào trong phòng giam nội bộ rồi thủ tiêu tại đây. Để đề phòng mụ đó kêu la trong lúc bị giải đi và cũng không cho những người canh gác mụ đó nghe thấy tiếng la hét của mụ, các anh hãy nói là đưa mụ ta đi để thả. Tốt nhất là không để ai trông thấy mặt của mụ ta, các anh phải lấy vải trùm kín mặt mụ ấy... ”.

        “Bêria gọi điện cho Giám đốc trại giam Sukhanôvô, nói là Vlađimiaski sẽ đến mang người phụ nữ đó đi... Anh phải giao “người đó” cho Vlađimiaski... ”.

        Đúng như chúng ta đã biết, tất cả mệnh lệnh chỉ truyền đạt bằng mồm, tuyệt nhiên không có một văn bản bằng giấy nào và trực tiếp do đích thân Rávrenki Bêria - Bộ trưởng Nội vụ ra lệnh.

        Khi thẩm vấn thì tòa có nêu một câu hỏi với Côpulốp; “ Trong quá trình điều tra, anh có nắm được tài liệu gì về Kira Ivanốpna ?”

        Côpulốp trả lời: “Không có bất kỳ một tài liệu nào về việc bà ấy hoạt động gián điệp cả”.

        Tòa lại hỏi tiếp một nhân viên của Bộ Nội vụ là Stefan Salômônôvích Mômulốp - người phụ trách theo dõi và bảo vệ hồ sơ cá nhân của Bêria, Mômulốp trả lời rằng:

        “Chúng tôi đã áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngụy tạo ra vụ án của vợ Nguyên soái Culicôp. Bà ta có gặp Đạo diễn Moócđơvinốp, sau đó ông này bị bắt, rồi vợ của Culicốp cũng mất tích luôn. Chúng tôi cũng đã cho áp dụng các biện pháp để truy tìm bà ta, nhưng không có kết quả. Culicốp nghi ngờ Bộ Nội vụ có dính dáng đến việc vợ ông ta bị mất tích và sau này ông ta đã nói ra những nghi ngờ ấy. Chúng tôi đã có báo cáo về việc bà Kira bị mất tích và việc áp dụng các biện pháp để truy tìm bà ấy gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Stalin. Báo cáo này do Bêria ký”.

        Tòa lại hỏi tiếp: “Trong Hồ sơ có tài liệu nào nói về Culicốp, vợ của ông và Đạo diễn Moócđơvinốp đã làm gián điệp cho nước ngoài không ?”

        Mômulốp trả lời rằng: “Không có, những tài liệu như vậy không có trong Hồ sơ, trong Hồ sơ chỉ nêu những vấn đề sinh hoạt thường ngày của họ... ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2019, 04:10:48 pm »

       
KẾT CỤC BI THẢM

        Vlađimiaski được lệnh đến trại giam Sukhanôvô để áp giải một nữ phạm nhân được trùm kín mặt mà mọi người không biết là ai, và đồng thời cũng không cho phép ai được trông thấy người nữ phạm nhân này và chỉ nói là giải người đó về Rupienka. Trong lời khai của mình, Vlađimiaski viết: “Để chấp hành lệnh, tôi và Mirônốp tới Trại giam Sukhanôvô, khi dẫn bà ta từ trong phòng giam ra và trùm vải lên mặt bà thì tôi nhận ra là bà chính là vợ của Culicốp - người mà tôi đã được lệnh phải bắt. Bọn chúng đưa bà đến Trại giam của Bộ Nội vụ và theo với sự phát triển của vụ án thì còn cần phải cho một người nữa biết cái bí mật này. Người đó là Vasili Mikhailovich Brôkhin - Cục trưởng Cảnh vệ của Bộ Nội vụ. Từ năm 1921, Brôkhin đã làm công tác Trêka1, có một thời gian đã từng làm cảnh vệ cho Zeczinski, từ năm 1926 được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng An ninh chính trị của Nhà nước Liên Xô. Brôkhin và cấp dưới của y chẳng những phụ trách bảo vệ cho Trụ sở của Bộ Nội vụ, mà còn chịu trách nhiệm áp giải những người bị bắt và thi hành lệnh xử bắn. Những việc đó thường do Brôkhin tự tay làm... ”.

        Vlađimiaski viết tiếp: "Tôi và Mirônốp áp giải Kira Ivanốpna đến Trụ sở của Bộ Nội vụ thì Cục trưởng cảnh vệ Brôkhin đã chờ ở đó, hắn và Mirônôp tiếp tục giải bà xuống một gian buồng ở dưới tầng hầm. Tôi và họ đến gian hầm thứ nhất thì tôi dừng lại... ”.

        Dưới đây chúng ta hãy nghe lời khai của Brôkhin.

        Tòa hỏi Brôkhin: “Anh hãy kể lại việc xử bắn Kira Ivanốpna - vợ của Nguyên soái Culicốp”. Brôkhin trả lời: “Tôi không biết cái tên Kira Ivanốpna là ai, vì tôi chưa từng được nghe thấy cái tên đó bao giờ. Nhưng tôi có thể kể lại tinh hình đó như sau. Côpulốp - Thứ trưởng Bộ Nội vụ gọi tôi đến và bảo rằng, Vlađimiaski sẽ mang đến cho anh một người phụ nữ... và anh sẽ phải xử bắn người đó, đồng thời Côpulốp cấm tôi không được hỏi han gì người đó. Tôi chấp hành lệnh và xử bắn người phụ nữ đó. Còn người đó là ai thì tôi không biết, cả Vlađimiaski và Mirônốp đều không giao cho tôi bất kỳ một giấy tờ gì, bởi vì tôi đã từng chấp hành lệnh xử bắn mà không cần giấy tờ. Theo trí nhớ của tôi khi tôi bắn người đó thì chỉ có Vlađimiaski và Mirônốp ở hiện trường, còn ngoài ra không có ai khác.

        Ở đây tôi cảm thấy nhận xét của Svétlana con gái của Stalin là rất đúng.

       Hành động của những người đó thật quá giản đơn mà đồng thời cũng rất đáng sợ. Vì không có bất cứ một giấy tờ gì, cũng không được xét xử, áp giải phạm nhân đến là bắn, thậm chí lại còn cảm không được nói chuyên với phạm nhân. Như vậy là cả hắn và một người áp giải củng không biết phạm nhân là ai?!, trong ba người đó chỉ có mỗi một mình Vlađimiaski là biết rõ phạm nhân (vì hắn đã được nhìn mặt), đó là Kira Ivanốpna - vợ của Nguyên soái Culicốp".

        “Hàng ngàn người đã bị Bêria vô cớ giết hại. Họ đều mất tích, bị thủ tiêu, còn ông ta thì chưa bao giờ cảm thấy đau lòng trước tình cảnh đó. Những việc do Stalin trực tiếp ra lệnh hoặc những việc có liên quan đến bí mật cá nhân của lãnh tụ thì Bêria bao giờ cũng rất lo lắng. Đúng như lời kể lại của Côpulôp: “Trong khi chờ đợi việc xử bắn Kira Ivanốpna thì thần kinh của ông ấy rất căng thẳng, vì Bêria cho rằng sự việc quá kéo dài và có ủy nhiệm cho tôi điều tra xem nguyên nhân tại đâu. Nhưng khi tôi đến thì Vlađimiaski và Brôkhin đều báo cáo rằng nhiệm vụ đã hoàn thành".

        “Khi nhận được báo cáo đó thì Bêria đã thở phào nhẹ nhõm, lập tức gọi điện báo cho Stalin biết bằng ám hiệu nói rằng sự việc đã làm xong”. Sau Benin, Stalin là một trong những Lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và Nhà nước Liên Xô, ông đã có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Liên Xô trở thành một quốc gia hùng mạnh. Trong cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ Tổ Quốc, Stalin đã lãnh đạo Hồng quân và Nhân dân Liên Xô đánh bại bọn phát xít Hítle xâm lược, góp phần quyết định trong việc đập tan ý đồ nổ dịch và hủy diệt nhân loại của phát xít Đức. Công lao của Stalin đối với Nhân dân Liên Xô và Nhân loại thật là to lớn, nhưng mặt khác Stalin cũng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình thanh trừng nội bộ. Ông là người vừa có công lao to lớn vừa là người có tội.

        Svétlana nói tiếp: “Như trên tôi đã nói, rõ ràng là cả Bố tôi và Bêria đều có tội. Tôi không muốn đổ tội của cá nhân người này lên đầu người khác. Thật đáng tiếc là về mặt tinh thần họ không còn đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai... Nhưng một điều thật khủng khiếp là con quỷ hung ác đã ảnh hưởng đến Bố tôi quá nhiều...


---------------
        1. Công tác An ninh
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2019, 04:18:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2019, 04:12:16 pm »

        
NGUYÊN SOÁI LIÊN XÔ R.F. BÊRIA

        Chương sách này tôi đã viết xong và đang đặt trên bàn. Tôi đã đánh một dấu chấm hết, ngồi suy nghĩ về những sự kiện khủng bố gắn liền với tên tuổi của con người đáng nguyền rủa này. Nếu nói rằng tôi viết bốn chương trên với tâm trạng vô cùng đau khổ và đồng tình cảm thông với các Nguyên soái bị xử bắn một cách vô cớ; còn đối với con người này, nếu ta dùng các hình phạt như treo cổ, cho lên ghế điện hoặc như thời trung cổ lấy cuốc bổ vào đầu phạm nhân thì đối với tội của ông ta vẫn còn là nhẹ. Tôi không phải là một con người tàn nhẫn, nhưng tôi tin rằng sau khi độc giả đọc xong chương viết về Nguyên soái thứ năm này thì các bạn sẽ nghĩ xem là nên trừng phạt ông ta bằng thứ hình phạt nào.

        Tôi bỗng nhiên nhớ tới một người cùng thời đại với tôi, mà tôi có duyên đã gặp, tôi còn nhớ ông ta là một tên ác ôn, tôi biết ông ta vô cùng xấu, nhưng thời gian trôi qua đã mấy chục năm, cũng có thể chỉ là mấy năm, có lẽ...

        Thế rồi tôi quyết định tiến hành một cuộc điều tra. Ngày hôm nay phải điều tra ngay lập tức, vì mấy chục năm đã trôi qua, không rõ người ta có còn nhớ không ?

        Tôi đi ra phố và bắt đầu chọn đối tượng để phỏng vấn. Trước hết tôi gặp một chàng trai vào khoảng mười tám tuổi. Cái mà tôi hứng thú không phải là nghề nghiệp, mà là tuổi tác, phải cách cái sự kiện mà tôi miêu tả xa một chút. Được rồi tôi hỏi chàng trai thứ nhất:

        “Cậu bao nhiêu tuổi rồi ?”

        “Hai mươi ?”

        “Thế cậu sinh vào năm nào ?”

        “Năm 1969.”

        “Tôi nhẩm tính trong bụng, đó là lúc Bêria bị xử bắn đã mười sáu năm”.

        “Thế cậu có biết Bêria có quân hàm gì không?”

        Cậu ta ngạc nhiên và hơi ngơ ngác.

        “Bêria ? Thế ông ta là ai?”

        Chà, tôi thật không ngờ!

        “Thế... ” -Tôi nói.

        “Đúng rồi, tôi nhớ ra rồi, tôi đã đọc trên báo, ông ta là phó cho Stalin. Nhưng xin lỗi, vì tình hình cụ thể thì tôi không nắm được”.

        Tiếp đó tôi lại chọn một người nhiều tuổi hơn một chút, ước khoảng ba mươi tuổi, ông ta trả lời:

        “Bêria? Có phải ông ta là quân nhân không? Tôi trông thấy rất nhiều ảnh của ông ta trên báo. Ông ta luôn đội một cái mũ phớt đen, với một cặp kính kẹp trên mũi”.

        Lần này tôi hỏi một người già hơn, rõ ràng là người cùng thời đại với tôi. ông ta nói một cách thẳng thắn:

        “Tất nhiên là nhớ! Tuy chưa gặp mặt ông ta bao giờ, nhưng nghe nói về ông ta thì nhiều. Bêria là một tên khốn nạn. Quân hàm của ông ta thì tôi không rõ, hình như là Tướng thì phải. Nhưng lúc nào ông ta cũng mặc thường phục”.

        Tôi còn hỏi rất nhiều người, kể cả những người đã có tuổi, nhưng không ai biết Bêria đã từng là một Nguyên soái Liên Xô.

        Thì ra là Nguyên soái nhưng chưa hề đánh thắng một trận nào, Bêria là một Nguyên soái như vậy đó.

        Bây giờ xin cho tôi được kể từ đầu, tất cả mọi người chung quanh Bêria đều không ai ngờ được rằng ông ta lại trở thành một tên đầu sỏ về mạo hiểm trong lịch sử. Bởi vì chỉ có Bêria mới biết, còn những người chung quanh thì chỉ biết những chức vụ mà ông ta đảm nhiệm và những phần thưởng của hắn. Về sau ông ta đảm nhận một chức vụ rất cao, cuối cùng là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô, Chính ủy thứ nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia (Tương đương Nguyên soái). Bởi vậy trên thực tế là Bêria có hai quân hàm Nguyên soái.

        Trong cơ cấu chính quyền Nhà nước, Bêria là nhân vật thứ hai sau Stalin. Nhưng mọi người đồn rằng Bêria còn hơn cả Stalin.

        Khi Stalin còn sống thì ông được coi là sự hóa thân của chính nghĩa. Bọn Iacốtta, Iênốp, Bêria khi còn sống thì đã nổi tiếng là những tên đao phủ siêu cấp.

        Cuộc sống bình thường của Bêria được bắt đầu ở Côcadơ. Bêria được sinh vào năm 1899 trong một gia đình nông dân ở Sukhumi.

        Bêria có hai bản lý lịch, một bản là do Nhà nước công bố, chứng minh những công hiến của ông cho Đảng và Nhà nước là vô cùng to lớn; Còn một bản nữa là ghi lại những gì ông ta đã sống và hoạt động trong thực tế. Những cái cho mọi người xem là cái được đăng trên báo chí, thậm chí còn được ghi vào Bách khoa toàn thư. Còn bản lý lịch chân thực kia thì chỉ có Bêria và những người đã gặp ông ta, chứng kiến một số việc làm của ông ta thì mới được biết. Nhưng rồi cùng với thời gian trôi đi, hầu như tất cả những nhân chứng đó đều bị Bêria thủ tiêu hết.

        Muốn khôi phục lại những việc ấy quả thực là hết sức khó khăn. Để độc giả có được một khái niệm về bản lý lịch giả và lý lịch thật của Nguyên soái Bêria, tôi đành phải dẫn ra một đoạn trong Bách khoa toàn thư, sau đó sẽ chú thích để nói rõ về tình hình thực tế của Bêria trong giai đoạn ấy. Những tài liệu mà tôi dùng để chứng minh là được lấy trong chuyên án của Bêria, do những người chứng kiến và đồng phạm của ông ta cung cấp, rất tin cậy. Tôi đã đọc chuyên án 48 tập của Bêria và cũng đọc cả những bút ký mà ông ta ghi lại, cùng một lượng lớn những biên bản thẩm vấn, cho đến cả biên bản ghi lại việc thi hành án.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2019, 04:18:44 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2019, 04:15:01 pm »


        Tôi đành phải dùng phương pháp mô tả một cách vắn tắt, bởi vì những cái mà tôi viết ra thì chỉ là một chương, chứ không phải là một quyển sách.

        Vâng trước tiên tôi xin trích dẫn một đoạn trong Bách khoa toàn thư để độc giả xem: “Bêria Ráprenki Páplôvích, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1899 ở thôn Mâykhơuri thuộc Gruzia, là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô (B) và Nhà nước Xô viết, người học trò trung thực và là người bạn chiến đấu gần gũi của Stalin, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô khoá 1, khoá 2 và khoá 3, Nguyên soái Liên Xô”.

        Tôi xin lược đi những năm tháng tuổi thơ và tuổi niên thiếu của Bêria, chỉ nói về tình hình Bêria được giáo dục ra sao. Bêria học xong tiểu học ở Sukhumi, năm 1915 Bêria thi vào Trường Trung cấp Kỹ thuật Cơ giới Xây dựng Bacu và đến năm 1919 thì tốt nghiệp.

        Lý lịch của Bêria sau khi trưởng thành đã bắt đầu như sau: “Tháng 3 năm 1917 R. P. Bêria gia nhập Đảng Bônsêvích và xây dựng chi bộ Công đảng Xã hội Dân chủ Nga (Bônsêvích) ở trong Trường kỹ thuật”.

        Đoạn bắt đầu trưởng thành của Bêria nói trên là giả. Trong tất cả các bản lý lịch và tự thuật của Bêria đều nói là từ tháng 3 năm 1917, Bêria đã là đảng viên. Bêria làm như vậy là để tự đề cao mình: Trước Cách mạng tháng 10, khi còn trong bí mật, Bêria đã là Bônsêvích!

        Nhưng không có tài liệu nào chứng minh tuổi Đảng của Bêria bắt đầu từ tháng 3 năm 1917. Trong khi thẩm vấn, đối với vấn đề tuổi Đảng bắt đầu từ khi nào, thì khẩu cung của hắn cực kỳ rối rắm, không chân thực. Bêria khai: “Trong thời gian tháng 3 năm 1917, Bêria đã cùng một số bạn học quyết định gia nhập Đảng cộng sản. Họ được “đăng ký gia nhập Đảng Bônsêvích”. Việc đăng ký này là do một bạn học tên là Prinốp - Auanêxốp tiến hành, bạn học đó đã liên hệ với Khu ủy ra sao và liên hệ với ai thì tôi không biết”.

        Bêria nói ông ta không có một văn bản nào về thời gian đó, bởi vì “không được phát một giấy chứng nhận nào về việc gia nhập Đảng”.

        Bạn học của Bêria trong Trường Kỹ thuật Bacu là Đảng viên Đảng Cộng sản Sécrâynốp thì khai rằng Bêria không phải là đảng viên năm 1917.

        Tiếp đó Bách khoa toàn thư đã viết như sau: “Sau khi Adécbaidăng đã thành lập Chính quyền Xô viết thì Bêria được phái đến Gruzia hoạt động cách mạng. Ông đã bắt liên lạc với tổ chức Bônsêvích bí mật, tích cực tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang chống Chính phủ Mensêvích. Trong thời gian này thì Bêria bị bắt ở Tiblixi và bị giam trong nhà tù Cuđaixi. Tháng 8 năm 1920, sau khi Bêria tổ chức một đợt chính trị phạm đấu tranh tuyệt thực, bị Bộ Nội vụ của Chính phủ Mensêvích đưa đi khỏi Gruzia”.

        Trước đoạn văn này cần phải thêm vào một chi tiết cực kỳ quan trọng: Năm 1919, trước khi Bêria được phái đến Gruzia hoạt động bí mật thì ông ta đã làm một việc bí mật khác.

        Bêria đã từng là thành viên của cơ quan phản gián Musavát1, nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức này là phá hoại tổ chức hoạt động bí mật của Bônsêvích và tổ chức công nhân...

        Từ trong Hồ sơ của Cơ quan Phản gián Musavát thì Bêria đã từng là một phần tử tích cực của cơ quan này. Trong một bức thư của người phụ trách cơ quan này viết vào năm 1919, chứng minh là Bêria đã từng lục soát Ban biên tập và Nhà in “Báo Tia lửa” của Bônsêvích. Trong thư gửi cho “Ngài Cảnh sát trương Khu vực 5 của Bacu”, người phụ trách đã viết: “Xin cho tình báo viên Bêria được phối hợp cùng đến lục soát Ban biên tập Báo Tia lửa””.

        Để chứng minh rằng Bêria đã tích cực hoạt động trong cơ quan tình báo này, còn có cả lời khai của một số nhân chứng. Những người đó đều là đảng viên Cộng sản lão thành, hồi đó được phái đến hoạt động bí mật ở vùng Nam Côcadơ, đã từng bị Bêria và cơ quan này trực tiếp bức hại ở Bacu.

        Ví dụ Jéc-Sáckisốp vào Đảng năm 1917, năm 1919 được phái đến Nam Côcadơ hoạt động bí mật đã khai rằng:

        “... Hồi đó ở Bacu, và không chỉ ở Bacu, mà ở trong Nước Cộng hòa Nam Côcadơ đều do người Anh lũng đoạn, bọn Musavát chẳng qua chỉ là bù nhìn của người Anh mà thôi. Cơ quan Phản gián Musavát do một người khống chế, giúp người Anh bắt và thủ tiêu những đảng viên Cộng sản và những người ủng hộ họ. Chính trong thời kỳ đó tôi đã gặp Bêria tại Cơ quan Phản gián này... ”.

        “... Cùng với tôi từ Mátscơva được phái đến Bacu công tác tại Đảng ủy Biên khu có khoảng 25- 28 người. Đến ga xe lửa Bacu, bỗng nhiên chúng tôi bị bắt. Tổng cộng số bị bắt là 14 hay 15 người , bọn Hiến binh đã bắt chúng tôi sau đó ít lâu chúng giải chúng tôi đến Cơ quan Phản gián, ban đêm bọn chúng thẩm vấn chúng tôi. Người thẩm vấn tôi lại chính là Bêria, hắn mặc sắc phục của Cơ quan Phản gián Musavát, đeo cầu vai và tự xưng là Phó Chủ nhiệm”.

------------------
        1. Musavát - Chính Đảng Dân tộc Chú nghĩa Adécbaidan (1911-1920) đã từng liên kết với lực lượng can thiệp vũ trang Thổ Nhĩ kỳ và Anh để chống chính quyền Xô viết. Tháng 9 năm 1918. Đảng này chủ trương thực hiện chuyên chính của giai cấp tư sán. Tháng 4 năm 1920. sau khi chính quyền Xô viết được thành lập ớ Adécbaidan thì Đảng này không tồn tại nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2019, 11:03:31 am »


        Còn việc nói là sau khi Adécbaidan đã thành lập Chính quyền Xô viết thì Bêria đã từng công tác tại Cơ quan Tình báo Xô viết, đó là sự thực. Bêria đã che giấu một đoạn lịch sử làm việc cho Musavát, giành được sự tín nhiệm của chính quyền mới, chui được vào Phòng tình báo của Tập đoàn quân số 11, đổi tên là Rắcbai để tiến hành công tác bí mật ở Gruzia.

        Tiếp đó là việc Bêria muốn vĩnh viễn che giấu những bí mật của đời mình nên đã thủ tiêu tất cả những người biết sự việc. Số là Bêria đã từng bị bắt tại Gruzia, ông ta đã nhanh chóng khai thật tên họ, những người mà mình liên hệ, trụ sở bí mật và nhiệm vụ được giao.

        Một phần tử lưu manh ở Gruzia tên là Piếcsơvili là người chứng kiến vụ bị bắt đó đã khai rằng:

        “Vào một ngày của năm 1928 hay năm 1929, tôi và cậu tôi là Ramiếcsơvili (Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Mensêvích) chúng tôi đọc được tin trên báo “Người cộng sản” của Tiblixi về việc bổ nhiệm Bêria, Ramiếcsdvili nhớ và kể lại cho tôi nghe về việc Bêria bị Chính phủ Mensêvích bắt giữ năm 1920. Hắn nói, năm 1920 khi Bêria từ Bacu đến đến Gruzia để làm nhiệm vụ do Bônsêvích giao cho thì bị Mâyki Khơria - đội trưởng Đội Đặc công bắt giữ. Hôm đó Ramiếcsơvili còn nói với tôi rằng: Bêria sau khi bị bắt đã khai với hắn về nhiệm vụ và người liên hệ. Hắn còn bảo tôi rằng khi nào Mâyki Khơria đến thì nhớ hỏi về việc đó. Con người ấy thường đến chơi nhà chúng tôi luôn”. Điều này khiến tôi thực sự giật mình.

        “Sau khi Mâyki Khơria đến, chúng tôi hỏi về việc Bêria bị bắt năm 1920 và tình hình khi thẩm vấn ra sao. Khơria đã khẳng định là, khi Bêria bị bắt thì đã khóc rống lên và đã cung khai hết tất cả, sau đó thì lại được thả ra”.

        Còn một số tình hình nữa cũng chứng minh lời khai của Piếcsơvili là có thực.

        Người em họ của Bêria là Craximu Bêria -  người làm chứng cho vụ án này cũng đã từng bị thẩm vấn. Năm 1920, khi Bêria đến Tiblixi đã ở nhà Craximu. Craximu nói: “Bêria ở trong nhà giam đã dùng tên thật của mình chứ không dùng biệt danh mà Cơ quan Tình báo khi phái ông ta đến Gruzia đã đặt cho là Rácbai”.

        Theo lời khai của Craximu thì sau khi Bêria bị bắt ít lâu, ngôi nhà của Craximu đã bị lục soát. Điều này có thể chứng minh rằng Bêria khi bị bắt đã nhanh chóng cung khai nơi ở bí mật của mình.

        Bêria làm thế nào để ra khỏi nhà tù? Theo thông lệ, những tình báo viên khi bị bắt thường là bị bắn chết. Nhưng Bêria thì vẫn bình yên vô sự, bởi vì hắn được đối phương sử dụng. Việc “Bêria bị giải đến Gruzia”, thực chất là ông ta đã bị đối phương tuyển dụng và đưa đi gài vào Cơ quan Tình báo của Xô viết. Bêria sau khi về tới Bacu, ông ta đã che giấu việc bị bắt, cùng với sự phản bội của mình và tiếp tục công tác trong Phòng tình báo của Tập đoàn quân số 11. Dưới đây trong cuốn Bách khoa toàn thư đã viết như sau:

        “Tháng 4 năm 1921, Đảng phái Bêria làm công tác thanh trừng phản cách mạng. Từ năm 1921 đến năm 1931, Bêria vẫn ở trên cương vị lãnh đạo Gơ quan Tình báo và Cơ quan Phản gián của Liên Xô. Bêria đã từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban thanh trừng phản cách mạng của Adécbaidăng, Chủ tịch ủy ban An ninh Chính trị Quốc gia của Gruzia, Chủ tịch ủy ban An ninh Chính trị Quốc gia vùng Nam Côcadơ kiêm đại biểu toàn quyền của Tổng cục An ninh Chính trị Quốc gia thường trú tại Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Nam Côcadơ, là một trong những người phụ trách Cục An ninh Chính trị Quốc gia của Liên Xô. Trong thời gian Bêria công tác tại các ủy ban nói trên đã tuân theo chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (B) và đã làm được một số lớn công việc, như: thanh trừng những phần tử Mensèvích , Đátsnắc1, các phần tử Musavát mai phục chui sâu chống lại Đảng và Nhà nước Xô viết. Do những thành tích đó mà Bêria đã được tặng thưởng một Huân chương Cờ đỏ và nhiều Huân chương Lao động".

        Bêria dùng thủ đoạn che giấu lịch sử bản thân để chui vào cơ quan thanh trừng phản cách mạng của Gruzia và Nam Côcadơ và sau đó là nắm lấy những chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng.

        Trong thời gian đó Bêria đã tập hợp được một lũ tay sai, gồm những phần tử hủ hóa truy lạc, là cấp dưới phạm tội được ông ta bao che cứu vớt, nên bọn chúng rất trung thành, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà Bêria giao cho.

        Trong số đồng bọn này, gần gũi thân cận với Bêria nhất có: Mâyơcurốp - Cục trưởng cảnh sát vùng Trakhađác của Nam Côcadơ, Côpulốp vì phạm pháp mà bị bắt giam, Sêrêtrépli - nguyên là sĩ quan lục quân Nga hoàng, sau tham gia “Quân đoàn Gruzia” do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức đánh chiếm Nam Côcadơ, Miasthain - con trai một nhà buôn (gia đình hắn khi đó đang ở bên Mỹ, có một người anh về sau bị xử bắn về tội làm gián điệp), Savinski -  Thượng tá Lục quân của Nga hoàng lưu vong ở Hải ngoại, Batốp - Tôpôrítdơ - nguyên là phần tử Mensêvích tích cực V.V...

---------------------
        1. Đátsnắc là chính Đáng dân tộc chủ nghĩa cùa giai cấp tư sản Ácmêni. được thành lập năm 1890. Sau năm 1920 đòi tách Acmêni ra khỏi nước Nga Xô viết. Từ tháng 5 năm 1918 đến tháng 11 năm 1920 là Đảng chấp chính Nước CH Acmêni. Tháng 2 năm 1921 tổ chức cuộc đảo chính chống lại Xô viết và bị đập tan.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2019, 11:03:52 am »


        Mítsurin - Lavia, đồng bọn của Bêria đã khai về vấn đề này như sau:

        “... Trong nhiều năm quen biết Bêria và được chứng kiến những việc làm của ông ta, tôi có thể khẳng định được rằng ông ta là một con người có tham vọng về quyền hành và chuyên quyền độc đoán. Bất kể là thời gian Bêria ở Adécbaidăng hay ở Gruzia thì vấn đề này cũng biểu hiện rất rõ.

        “Bêria dùng thủ đoạn để gạt bỏ những người không ăn cánh với mình, nếu không đủ tài liệu để chứng minh họ là kẻ thù của nhân dân thì nói là họ không thể đảm nhiệm công việc lãnh đạo. Bây giờ tôi mới rõ, trong những năm Bêria ở Gruzia và Nam Côcadơ, thoạt đầu ông ta theo con đường Ủy ban thanh trừng phản cách mạnh toàn Nga, rồi Tổng cục An ninh Chính trị Quốc gia, tiếp đó là Bộ Nội vụ, về sau Bêria chuyển sang lãnh đạo Đảng, kết quả là ông ta nhanh chóng đạt được mục đích, leo lên cương vị cao - “Lãnh tụ” của Nhân dân Gruzia. Những nhân viên trong ủy ban thanh trừng phản cách mạng được Bêria lôi kéo đã giúp đỡ ông ta rất nhiều. Trong bọn này được Bêria tín nhiệm ở Gruzia có Sacuia, Mâyơculốp, Côpulốp, Miasthain, Chiêcanôdôp, Sanaoa, Goacơrít, Lapaoa, Sêrêtrépli và về sau là Rucátdơ; ở nước Cộng hòa Nam Côcadơ thì có Pachêrốp, Acơpa, Mucơđuxisađrôp v.v... Trừ Pachêrốp ra, còn những người kia đều là do Bêria tự tay lựa chọn đề bạt vào cương vị lãnh đạo ủy ban thanh trừng phản cách mạng. Đợi đến khi Bêria trở thành người lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia và Ủy ban Biên khu Nam Côcadơ thì ông ta lại cất nhắc những người kia lên cương vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền. Sacuia làm Bí thư Khu ủy Acha (Nước Cộng hòa Tự trị), Chiếckhanôdốp trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Gruzia kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Sanaoa làm Cục trưởng Cục Công trình đường xá của Nông trang tập thể, sau đó làm Bí thư Khu ủy Khu Bôki, Mâyơculốp thì đã từng là Trưởng ban Đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia, Trưởng ban một ban của Trung ương, ủy viên Trung ương cục, Oacơrítdơ thì lãnh đạo Bộ Nội vụ”.

        Saturốp - đồng bọn của Bêria trong thời kỳ công tác ở Nam Côcadơ, hồi đó là Bí thư tổ chức Đảng Cục An ninh Chính trị Quốc gia Nam Côcadơ và Gruzia, dưới đây là lời khai của hắn:

        “Bêria đã từng dựa vào những thủ đoạn thâm hiểm giảo hoạt trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, cuối cùng đã đạt được mục đích của mình, leo lên chiếc ghế quyền lực Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Quốc gia của Nam Côcadơ... cá nhân Bêria và những “công lao” của ông ta đều là những thứ mà mọi người chung quanh ông ta thổi phồng lên mà thôi. Còn về việc Bêria là thành viên của tổ chức phản gián Musavát được lưu truyền trong các đồng sự của ông ta thì được coi là sự nói xấu của bọn bè phái mà thôi, dần dần cũng không có ai nhắc đến nữa.”

        Con đường thăng tiến về sau của Bêria, đã được ghi chép chính thức trong lý lịch như sau:

        “ Tháng 11 năm 1931, Bêria được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia (В) và Bí thư Khu ủy Biên cương Nam Côcadơ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1932 được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Nam Côcadơ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia. Dưới sự lãnh đạo của mình, Bêria đã làm được một số lớn công tác, như cũng cố đội ngũ của tổ chức Đảng, đã giáo dục cho đảng viên tư tưởng trung thành vô hạn với Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô và với Stalin -  người thầy và vị lãnh tụ vĩ đại. Bêria đã từng động viên sức mạnh to lớn của các tổ chức Đảng Nam Côcadơ hoàn thành nhiệm vụ Bônsêvích mà Trung ương Đảng, Chính phủ Liên Xô và Stalin giao cho tại Gruzia, Acmênia và Adécbaidăng”.

        Bêria trong một thời gian ngắn đã thay thế hết những người lãnh đạo Đảng và Chính quyền của nước Cộng hòa, đồng thời cài cắm những nhân viên trước đây công tác ở Bộ Nội vụ rất trung thành với hắn vào làm Bí thư của 32 Khu ủy địa phương.

        Saturôp - một người ý hợp tâm đầu với Bêria nói:

        “Bêria sau ‘khi làm Bí thư Khu ủy Biên cương, tiếp tục lãnh đạo và chủ trì Cục An ninh Chính trị Nam Côcadơ. Hắn đã tiến hành cuộc “thanh lọc” các cơ quan của Đảng, đưa những tay chân thân tín vào nắm công tác Đảng. Chéckhanôdốp vào làm Bí thư thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia, Mâyơculốp làm Trưởng ban Đặc biệt, Tôi làm Trưởng ban tổ chức của Khu ủy Khu Lênin. Ngoài chúng tôi ra, còn có một số lớn nhân viên trong ủy ban thanh trừng phản cách mạng sang làm lãnh đạo công tác Đảng. Bêria đã sử dụng Cục An ninh Chính trị Quốc gia để không chế giám sát từng cán bộ phụ trách. Bí thư Khu ủy, Cơ quan Trung ương hoặc nhân viên công tác ở cơ quan Biên khu Nam Côcadơ, nếu có ai không tín nhiệm hoặc không vừa lòng đối với Bêria thì đều được báo đến tai Bêria. Kiểu giám sát khống chế đó, nói cho đúng hơn là giám thị, khiến cho mọi người luôn luôn cảm thấy có nguy cơ và không ai dám phê bình Bêria, chỉ nói tốt về ông ta. Tất cả mọi thành tích của Nam Côcadơ, mọi thành tích của Cục An ninh Chính trị Quốc gia đều thuộc về một mình Bêria, ai cũng chỉ dám nói là công của ông ta”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2019, 11:04:15 am »


        “Hanxen - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ácmênia đã bị “Thủ tiêu” như thế nào?"

        Sađôrốp đã khai về vấn đề này như sau: “Bêria mời tôi đến nhà ông ta, trong lúc ăn tối, Bêria nói là đã quyết định phái tôi đến Ácmênia công tác. Tiếp đó Bêria bảo phải thủ tiêu Hanxen, người tôi phái đi làm việc này đã làm hỏng việc. Đối phó với Hanxen thì cần phải động não, tôi bảo sao không cách chức hắn đi. Bêria bảo: Nếu cách chức hắn thì phải có căn cứ, các anh đi lần này phải tìm cho ra căn cứ. Tôi và Acôpốp sau khi đến Ácmênia, đã tìm đủ mọi cách để chống lại Hanxen trong Hội nghị Bộ Chính trị... ”.

        “... Vvề sau tôi đi Tiblixi, nhân tiện ghé qua văn phòng của Bêria, gặp Hanxen đang ngồi ở đó. Bêria trách tôi sao lại chống đối Hanxen và bảo ông ta là một nhân vật lớn cần phải bảo vệ ông ta. Tôi giật mình... ”.

        “Bêria đã ngụy trang cho mình như thế, trước mặt là thể này nhưng sau lưng thì lại khác đi. Trước mặt thì là bạn của Hanxen, còn sau lưng thì lại cưỡng bức Hanxen phải tự sát... ”.

        Để lấy được khẩu cung chứng minh có người hoạt động khủng bố hoặc hoạt động phản cách mạng chống lại Bêria và đồng bọn, người ta đã ngụy tạo ra nhiều vụ án. Những vụ án này về sau do “Tổ đặc biệt ba người” của Bộ Nội vụ Gruzia thẩm vấn, mà tổ trưởng của tổ này là Vacơritdơ - tay chân thân tín của Bêria.

        Năm 1937, Bêria ra lệnh phải dùng cực hình để bức cung đối với các phạm nhân, từ đó ông ta đạt được mục đích là trấn áp những người mà hắn cảm thấy không vừa lòng...

        Sau khi bị bắt, Vacơrítdơ khai rằng:

        “Bêria bảo nếu phạm nhân không nói ra những tình hình mà chúng tôi cần thì cho phép đánh. Từ đó trở đi, bắt đầu được đánh phạm nhân trong phạm vi của Gruzia, đồng thời xuất hiện khẩu cung của rất nhiều người. Mặc dù Bêria quy định nguyên tắc chung là có thể đánh người , số người bị bắt tự nhiên tăng nhiều, vì không chỉ bắt những người mà Bộ Nội vụ biết chắc chắn là địch mà còn bắt cả những người theo lời khai của phạm nhân. Trong thời gian từ năm 1937-1938, có thể đánh phạm nhân một cách tùy tiện mà không cần phải được phép của Bộ chủ quản... ”.

        “... Trong thời gian Bêria làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia, ông ta đã từng nhiều lần trực tiếp thẩm vấn phạm nhân, có một số người bị đánh rất dã man ngay trước mặt ông ta. Tôi còn nhớ khi phạm nhân Oracơvirít phản cung, tôi báo cáo với Bêria về việc đó. Bêria liền đến Bộ Nội vụ tìm tôi và yêu cầu cho thẩm vấn lại Oracơvirít (Giám đốc Nhà Hát kịch Rútstavili). Oracơvirít lại một lần nữa phản cung ngay trước mặt Bêria. Và thế là Bêria ra lệnh đánh phạm nhân ngay trước mặt ông ta”.

        “Ngoài ra Bêria còn nhiều lần ra lệnh cho tôi và Côpulốp đánh phạm nhân này hay phạm nhân khác”.

        Nataraia - đã từng là Giám đốc Trại giam của Bộ Nội vụ Gruzia, về sau là thành viên của Đội cảnh vệ tư nhân, khi bị bắt đã khai rằng:

        “... Bêria thường hay đến Bộ Nội vụ và thẩm vấn phạm nhân ở trong văn phòng của Côpulốp”.

        “Có khi phạm nhân cũng bị áp giải đến Trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương - nơi làm việc của Bêria để Bêria trực tiếp thẩm vấn”.

        “Những người trong nhà giam thường dùng roi da, dây thừng và gậy gộc để tra tấn phạm nhân, vừa đánh vừa chửi họ. Phạm nhân thường bị trừng phạt bằng cách bắt đứng liên tục mấy ngày đêm trong góc tường, hoặc bắt phải gánh những vật nặng đứng suốt mấy ngày đêm, cho đến khi phạm nhân không còn hơi sức nữa thì mới thôi.

        “Phạm nhân bị đánh dã man cho đến chết dần dần cũng ngày càng nhiều thêm... ”.

        Qua đó ta cũng có thể thấy được rằng, sau khi Bêria nắm được quyền hành và trong quá trình ngụy tạo danh tiếng cho mình thì ông ta và đồng bọn đã gây ra biết bao nhiêu án oan và án giả, bắt các phạm nhân phải thừa nhận là có hoạt động khủng bố chống lại ông ta.

        Phạm nhân Savítski đã khai về vấn đề này như sau:

        “Để mở rộng uy tín cá nhân, thổi phồng những công lao trong việc xây dựng Đảng và Nhà nước Gruzia, Bêria đã tự mình và cùng đồng bọn là Oacơrít, Côpulốp thẩm vấn những người mà bọn chúng nghi ngờ là Phái Trốtkít và là thành viên của tổ chức Dân tộc hoạt động bí mật, có hoạt, động khủng bố chống ông ta, trong khi thẩm vấn ông ta đã bức phạm nhân phải nhận tội. Như vậy kết quả là Bêria và đồng bọn đã dùng mọi cách để bức cung. Về vấn đề này chính do Bêria đã ra lệnh”.

        Thậm chí ngay cả khi Bêria đã giữ cương vị lãnh tụ cao nhất của Đảng ở vùng Côcadơ, ông ta vẫn tiếp tục chủ trì công tác của Bộ Nội vụ và trực tiếp tham gia điều tra thẩm vấn, bởi vì dây chính là sở thích, là thế mạnh của ông ta, ông ta làm công việc đẫm máu đó để bảo vệ danh vị của mình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM