Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:32:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa gió chướng  (Đọc 12933 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 04:49:19 pm »

CHƯƠNG 27

   Tháng bảy nước nhảy lên bờ. Năm nào cũng vậy, sau những ngày mưa dầm, đến con nưóc rong rằm tháng bảy thì nước trên mặt sông Cửu Long dâng cao. Nước tràn qua bờ, chảy qua mặt đường, bò qua sàn nhà. Nước sông hòa với nước trên cánh đồng. Mưa vẫn tầm tã. Mặt nước mỗi lúc mỗi dâng cao. Đến con nước rong rằm tháng tám, nước lại cao vọt lên. Rồi đến con nước rong rằm tháng chín, nước trên cánh đồng Tháp Mười lai láng, mênh mông. Đó là cuộc sống hằng năm của con sông và mưa gió của trời đất ở đây. Cá từ Biển Hồ xuôi theo nước, kéo về đồng. Cây lúa được tắm mát, phủ ngọn lên mặt nước, mướt mượt màu xanh. Điên điển trổ bông, từng chòm, từng chòm rải rác trên cánh đồng, vàng rực như bông mai.

   Những cái chòi hoang trên cánh đồng bị nước cuốn trôi. Hầm hố bị ngập. Chúng tôi sống và chiến đấu trên mặt nước. Sáng nay, tôi được dự trận đánh đầu tiên trên cánh đồng nước.

   Mặt trời vừa lên khỏi mặt nước, chúng tôi đã nghe tiếng động cơ.

   Một đoàn tàu mủ của quân ngụy mưòi hai chiếc, mỗi chiếc hai thằng từ trong rặng cây ngoài sông, một bè ba chiếc, theo đội hình chữ V, nổ máy, như mười hai mũi tên băng thẳng vào cánh đồng. Tiếng máy “veo veo”, nước trước mặt tàu dựng ngược lên, lả ra, trắng xóa. Trên trời, một chiếc đầm già bay tè tè, đi trước, tắt máy, cắm đầu, sút hỏa tiễn vào khu vườn.

   Trong khu vườn, năm chiếc xuồng của đội du kích dàn ra, mỗi chiếc cách nhau hàng hai ba trăm mét, mặt trận dài độ một cây số.

   Tàu mủ của bọn ngụy, vừa chạy, vừa bắn. Lúc đầu, chỉ nghe tiếng máy, với nước dựng ngược lên sủi tới, không mấy chốc mà đã thấy rõ mặt nó.

   - Bắn chưa Út Đợ?

   Tôi ngồi trước mũi xuồng, cầm cây AK của Năm Bờ để lại, nép mình sau cây xoài, chong về phía nó hỏi.

   - Chờ một chút nữa, đừng nóng!

   Thật ra thì tôi có nóng nảy gì đâu. Chẳng qua là tôi chưa quen. Những người chưa quen, thường như vậy, cứ muốn nổ súng ngay. Cái phút chờ đợi thật hồi hộp. Đây là trận đánh trên mặt nước lần đầu đối với tôi.

   Với cái đà ấy, tưởng chừng bọn chúng, mười hai chiếc sẽ lao thẳng vào khu vườn. Không ngờ, chiếc chạy đầu vấp phải sợi dây thép căng ngầm dưới mặt nước, nó nhào lộn. Hai thằng lóp ngóp! Tôi chưa kịp bắn. Chiếc xuồng của Châu gần đó, Châu đã nổ trước tôi. Hai chiếc sau vấp theo, nhưng không lộn nhào, cũng không thể dừng lại, với cái trớn đang lao tới, cả hai chiếc đều rẽ theo đường dây thép đâm thẳng vào khu vườn! Lựu đạn gài đã sẵn ở đó, treo trên cành cây, là đà dưới mặt nước. Lựu đạn nổ nghe thật sướng tai! Còn mấy chiếc kia, tưởng sao, nó quay đầu, nổ máy to hơn, lao nhanh, ào ào, một bãi sóng đuổi theo và trong nháy mắt, nó khuất mất trong rặng cây. Mặt trận trên đồng nước chỉ còn một con đầm già, đạn hỏa tiễn cũng hết, nó tè tè, ngơ ngác.

   Một hồi sau, ba chiếc trực thăng bay tới, bắn như rãi đá xuống mặt nước. Nó bắn thì chúng tôi lặn. Lặn hết hơi, lại trồi lên, lấy hơi, lặn xuống. Nó bắn khu vườn đến tả tơi, nhưng mặt nước thì vẫn y nguyên. Nước vẫn đầy. Nó bắn dai như trâu đái, bắn đến mấy tiếng mới chịu đi.

   Nó đi rồi, năm chiếc xuồng của du kích lại đậu mũi dưới cây xoài nhà ông Hai. Châu với Thon một chiếc xuồng ba lá, dài như con thoi. Chiếc xuồng động cơ, phóng như mũi lao. Lâm, Thảnh với Tuyết đi trên chiếc xuồng cui, lừ lừ như tàu chiến. Dũng với Thả đi trên chiếc xuồng Cần Thơ, người bơi mũi, người bơi lái trông thật thong dong. Bé Ba, Quyền với Út Trầm đi trên chiếc tam bản nhỏ, ba ngưòi ba mái đầm.

   Kiểm điểm, rút kinh nghiệm xong, lại tản ra mỗi chiếc về một nơi.

   Tôi với Út Đợ cho xuồng vào tận cửa nhà ông Hai, thay quần áo, mỗi đứa uống một hớp rượu. Hai đứa lại bơi về  vọng gác. Xuồng của chúng tôi cũng xuồng cui, xuồng đi sông lớn, mũi quớt cao. Cũng như xuồng của cả đội du kích, xuồng có đủ thứ cho đời sống. Trước mũi là công sự bằng cây chuối, bên ngoài tô một lớp đất, có thể tránh được đạn, mảnh pháo với bom bi. Mỗi người một cây dầm và mỗi người một cây sào dài. Trong xuồng có bếp có củi, chén đũa, gạo, thức ăn, quần áo, tăng, và hai cái cần câu, như một gia đình, hơn cả gia đình là mỗi người một cây súng và một giỏ lựu đạn.

   Chúng tôi bơi trên con đường đất cập bờ kinh. Chống gậy dầm xuống, nước trên mặt đường cao hơn một thước. Nước ngầu đỏ phù sa. Út Đợ bơi lái, tôi bơi mũi. Còn khoái với trận đánh, anh kêu tôi:

   - Nè, anh Thắng! Ba cái máy đó phải có ai sửa, mình gắn sau đít xuồng, mình chạy tóe nước chơi, há!

   Nghe anh nói, tôi hỏi:

   - Máy đó chắc mạnh hơn máy đuôi tôm?

   - Mạnh hơn nhiều chớ anh. Lúc nó quay đầu nó chạy nó bay trên mặt nước anh không thấy sao?

   - Thấy!

   Tôi cũng đang còn khoái với trận đánh, nhưng tôi lại nghĩ đến một điều khác, những sợi dây thép. Dây to bằng ngón tay, mỗi cuộn dài hơn nghìn mét. Mỗi cuộn không biết nặng đến bao nhiêu, chỉ biết là nặng đến khẳm xuồng. Dây để trên xuồng, còn người thì lội dưới nước, đeo theo bè đẩy đi. Hôm ấy nhằm con nước rong rằm tháng tám. Ông Hai Cò, cô bé Thiều cũng chống xuồng tiếp tay du kích. Dây buộc vào gốc cây giữa đồng, căng thẳng đến tận vườn. Mỗi một đầu dây là một bãi lựu đạn gài. Hì hục từ sáng cho đến tối mịt mới căng xong. Người nào người nấy lạnh đến móp cả đầu ngón tay. Ngưòi cực khổ nhứt là Châu. Chỉ có bàn tay khỏe mạnh của anh mới ghịt chặt được mối dây. Sáu sợi căng dọc căng ngang như bàn cờ.

   Tôi không hình dung được những sợi dây ấy sẽ đánh giặc ra sao? Thì sáng nay, tôi đã thấy rõ. Chỉ vì vấp phải những sợi dây căng ngầm dưới mặt nước mà chúng phải quay đầu tháo chạy!

   Trận đánh diễn ra trước mắt tôi như một giấc mơ. Tôi chưa kịp bắn, chưa kịp có cái cảm giác của người dự trận đánh thì bọn nó, chín chiếc còn lại, đã “cao chạy xa bay rồi!”. Có gì đâu, chỉ vì những sợi dây căng ngầm dưới mặt nước!

   - Ai là người đầu tiên nghĩ ra trận đánh này vậy Út?

   - Anh Cổi bí thư của tụi tôi, anh chưa được gặp ảnh, tiếc quá, song toàn!

   - Bắt đầu từ cái gì mà ảnh nghĩ ra?

   - Anh có cái tật, đã hỏi thì hỏi đến tận gốc. Chuyện như vầy nè. - Út Đợ vừa bơi vừa nói, tôi cũng vừa bơi vừa nghe. Anh tiếp:

   - Hồi Mậu Thân năm sáu mươi tám, chủ lực đi ngang qua đây. Xứ của mình, qua rạch qua kinh thì đi cầu khỉ. Chủ lực tới chủ lực của mình không phải là người sanh đẻ ở đây, có người từ nhỏ tới lớn chưa biết cái cầu khỉ ra làm sao. Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi! Mà! Mấy ảnh, bước lên cây cầu, hai cái chân cứ lắc lia lắc lịa, hai tay chới với chơi vơi như hát xiệc đi dây, rồi té xuống một cái đùng, ba lô quần áo, súng ống, đạn dược, ướt hết. Lại không biết lội. Một trung đoàn qua cái cầu khỉ, thì tới bao giò? Sáng đêm cũng chưa qua được, làm sao đến điểm X đúng giờ G mà chiến đấu! Ai dè! Nếu có dè thì cũng không thể bắc cầu cho đường hoàng được. Cây gỗ thiếu gì. Hô một tiếng, xong. Nhưng bắc một cây cầu vừa đi nện gót được thì tụi nó thấy, nó biết. Anh biết sao không?

   - Sao?

   - Xã đội mới đem xuồng lại. Nhưng xuồng chở cũng không kịp. Do đó, tụi tôi mới nghĩ ra cách, giăng dây ngang qua kinh. Xuồng để súng ống, đạn dược, với ba lô đồ đạc, còn người thì cứ đeo theo dây mà lội qua. Nhờ vậy mà cánh quân mới kịp giờ chiến đấu.

   - Nhưng bắt đầu từ cái gì mà anh Cổi nghĩ ra cách đánh bằng dây? - Nghe anh nói dài dòng, tôi sợ anh lạc đề, tôi sốt ruột nhắc lại câu hỏi.

   - Biết rồi! Nói phải có đầu có đuôi chớ anh. Sau đó, tôi với anh Cổi lái chiếc xuồng đuôi tôm, từ trong ngọn chạy ra, chạy ban ngày. Tôi với ảnh chạy ra xóm ngoài, vận động bà con đi tải đạn. Mấy ngày đó, chuyện này hết chuyện khác, dồn dập. Thả hết tốc lực, xuồng đang cất mũi chạy ào ào, chạy như tụi nó hồi sáng vậy, chiếc xuồng vấp phải sợi dây, hai đứa tôi lộn nhào xuống nước. Lúc đó mới biết sợi dây thép căng qua sông, quên cuốn. Hai đứa lóp ngóp. Tôi lắc xuồng, trèo lên. Thấy ảnh ngồi buồn hiu, tôi hỏi: “Anh có bị gì không anh Cổi?”. Ảnh nhìn tôi: “Hay lắm!” - “Lộn cổ xuống nước mà hay?” - “Mở máy chạy đi, tối tôi nói cho nghe!” - Tôi lại nổ máy, thả hết tốc lực. Xuồng đang chạy băng băng, thì ào một cái, ầm một cái, mũi xuồng đâm vô bờ, hai đứa lật ngang! Mũi xuồng bể nát như bánh tráng nướng, chìm luôn. Tôi với ảnh lại lóp ngóp leo lên bờ. Ướt như chuột. Lại đụng cái sợi dây căng ngầm dưới mặt nước! Anh đứng chắp tay sau đít, ảnh nhìn xuống: “Hay, hay, hay!” - “Ba cái hay! Chìm xuồng mà hay, hay cái con khỉ gì mà hay, anh?” - Tôi nói với ảnh! Ảnh nhìn lại tôi, ảnh cười: “Chạy đi mượn chiếc xuồng khác đi, tối tôi nói cho nghe”. Bắt đầu từ như vậy đó?

   Tôi gật gù. Đúng là đồng chí bí thư.

   - Ảnh đánh đươc mấy trận như vậy?


   - Ảnh chưa kịp đánh thì ảnh hy sinh.

   - Phải chi ảnh còn sống, ảnh thấy cho ảnh đã con mắt!

   Mái chèo sau lái trong tay anh quạt mạnh.

   - Như có tiếng đầm già đó, móc vô!

   Tôi đưa dầm qua bên trái, móc cái mũi quay vào khu vườn. Xuồng chúng tôi bỏ con đường nước trên mặt đưòng, bơi len len theo cụm vườn.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:37:14 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 04:53:02 pm »

Con đầm già lại tè tè bay qua, hướng ra cánh đồng, chỗ đánh buổi sáng. Nó vẫn xoáy người đó, rồi đánh một vòng rộng, vây tròn cả cụm vườn.

   - Nó gọi pháo đó anh Thắng! Thằng này hay bắn bậy lắm. Đi - Út Đợ gác mái dầm, cầm lấy cây sào, đứng dậy, chống xuồng đi. Anh chống, tôi bơi, xuồng lao nhanh.

         Xuồng đi trên mặt nước trong khu vườn, phải lách qua cây, phải tránh những cành lá là đà dưới mặt nước. Út Đợ với cây sào dài, tay lái anh thật vững vàng. Đường xuồng lượn như con rắn... ào... à... òa... òa... o. Không mấy chốc mà xuồng vượt ra khỏi tầm bay của đầm già.

   Đi trong khu vườn, không thể thấy được nó, nhưng nghe tiếng bay, chúng tôi biết. Nó đang xiết vòng bay, mỗi lúc mỗi nhỏ lại, rồi bung ra xa. Pháo nổ.

   - Hụp! - Nó “đè ba” đó, Út Đợ bảo tôi, coi chừng! Tiếng pháo hú qua đầu chúng tôi. Ùng!

   - Hụp. Ùng! Hụp. Ùng...

   Pháo nổ liền ba trái. Ngưng. Con đầm già bung ra ngoài xa, lại tè tè bay vào, xoáy thêm một điểm mới. Nó bung ra xa. Pháo nổ.

   - Hụp. Ùng! Hụp. Ùng! Hụp. Ùng!

   Lại ngưng. Con đầm già từ ngoài xa lại tè tè bay vào, xoay trên mặt điểm ba bốn vòng, lại bung ra. Pháo nổ.

   - Hụp. Ùng! Hụp. Ùng! Hụp. Ùng!

   Tiếng pháo nổ trên đồng nước, nghe to, nghe rền hơn tiếng pháo nổ trên mặt đất. Gió động lá rụng, mặt nước gợn rung rinh. Tiếng pháo vang dài, vang xa, rất xa. Pháo nổ trên cánh đồng nước nghe như nổ trên mặt biển to rền, nhưng nghe nó lạc lõng làm sao.

   - Nó bắn chỗ hồi sáng?

   - Thì đó chớ đâu anh.

   - Nhắm xem dây của mình có bị đứt không Út?

   - Một trái pháo của nó mắc tiền hơn sợi dây của mình. Pháo nó nổ rồi, nó không hốt lại được, còn dây của mình đứt mình nối lại, không lo gì!

   Út Đợ gác sào lên xuồng, cầm lấy cây dầm bơi nhởn nhơ. Pháo vẫn nổ. Biết mình đã ra khỏi tầm pháo không lo gì nữa, hai đứa vừa bơi vừa nói chuyện.

   - Đánh thằng Mỹ với thằng ngụy, hai thằng, thằng nào khó hơn, Út Đợ?

   Câu này tôi đã hỏi Năm Bờ, anh còn dè dặt chưa trả lời. Còn Út Đợ, anh đáp ngay:

   - Thằng nào cũng khó, thằng nào cũng dễ.

   - Hai thằng có khác nhau lắm không? - Tôi lại hỏi.

   Út Đợ cũng đáp ngay, không một phút chần chờ.

   - Sao lại không khác, anh này hỏi lạ! Nghe anh hỏi mà tôi phát thèm thuốc! Làm một điếu đi.

   Hai đứa móc thuốc, Út Đợ ngậm điếu thuốc, bật lửa nhưng chưa đốt, anh nhìn tôi:

   - Đi với anh có cái sướng là có chuyện nói tối ngày, đỡ buồn ngủ. Nhưng có cái cực...

   - Cực gì?

   - Anh có cái tật, hỏi như nhận người ta xuống nước vậy, thở không ra hơi.

   - Tật tôi vậy, khác nhau làm sao?

   Út Đợ hít mấy hơi liền, cầm cây dầm bơi mạnh, trong lúc đó pháo vẫn nổ, anh hăng lên:

   - Khác nhau... ví dụ như trận đánh hồi sáng này. Nếu là bọn Mỹ thì nó không đánh như vậy đâu. Thằng ngụy tụi nó quay đầu chạy như vậy là vì tụi nó thấy không êm, nó chạy. Thấy thằng này chạy được thì thằng kia chạy theo, rồi chạy hết cả đám. Thằng chỉ huy ở sau, thấy vậy cũng chạy luôn, cho xong. Còn Mỹ thì khác. Trước khi nó tới thì bom pháo nó tới trước rồi. Nếu ba chiếc đi đầu mà bị vấp, bị nhào, bị tạt vô bãi lựu đạn, mấy chiếc sau, theo lệnh trên, nó vẫn cứ tiến tới, chừng nào chết hẵng hay! Khác là vậy.

   - Chỉ khác có như vậy thôi à?

   - Còn nữa chớ anh, để tôi kể cho anh nghe! Thằng Mỹ này kỳ cục lắm. Lúc nó mới tới, không hiểu nó ra làm sao cả. Nó khôn hay nó ngu chẳng biết. Đi hành quân, nó đi một đưòng, thẳng băng. Đi ngay cái đìa. Nếu là thằng ngụy thì nó vòng theo cái bờ nó đi. Thằng Mỹ thì không. Cứ con đường thẳng, nó đi. Thằng đi trước bước xuống một cái đùng, thằng theo sau cũng bước xuống một cái đùng. Nếu đìa cạn thì nó đi, đìa sâu thì nó lội. Thằng này nối thằng kia một hàng dọc, lội lõm chõm như chó! Hành quân sau hè nhà người ta, đụng cái chuồng heo thì vòng qua một cái, có mấy bước đâu, nó cũng không thèm. Nó đá cái chuồng heo của người ta, nó đi. Thằng sau cũng vậy, cứ theo cái dấu chân của thằng trước, đạp bừa lên cứt heo! Lúc đầu bọn tôi tưởng bọn nó là bọn khùng! Quánh nhau rồi mói biết! Nó hành quân theo kiểu của một đội quân cơ giới, rất máy móc. Trên bản đồ, thằng chỉ huy vạch ra: đường nào hành quân thì hành quân, đường nào của máy bay thì bay, đường của pháo thì pháo cứ theo đó mà nã tới. Thủy lực không quân với cơ giới, nó phối hợp với nhau, chặt chẽ máy móc, khít riêm. Chệch đường chết chịu. Nó đo đạc thế nào mà nó bắn sát nút anh? Mấy lần chụp bót, tôi biết. Lúc đầu tụi tôi tưởng, nếu mình áp sát vào hàng rào hoặc áp sát vào công sự của nó thì sẽ tránh được pháo. Không phải như vậy đâu! Trước khi đóng bót, nó đo đạc hết rồi. Hễ nghe bót kêu pháo thì nó coi theo bản đồ nó bắn. Mảnh pháo tạ vô công sự cứ chan chát vậy. Nếu mình “alaxô” chiếm bót, nó biết không thể cứu vãn được, cho pháo nổ thẳng vô, nổ tới tấp, hủy diệt cả hai bên! Thằng Mỹ nó khác với thằng ngụy là như vậy. Cơ giới, máy móc, khít riêm. Vậy đó!

   Lúc nói, anh gác dầm qua đùi, nói xong, anh thọc dầm quạt mạnh.

   - Chỉ khác có vậy thôi sao?

   - Còn nữa chớ. - Anh lại gác dầm qua đùi.

   - Quánh với nó trận đầu, tôi thấy nó quánh sao mà kỳ cục! Trận đầu tôi đụng với nó, anh Cổi bắn trung liên, tôi bắn AK, thằng Châu bắn CKC. Từ ngoài đồng, nó đâm thẳng vô, thằng nào thằng nấy cao lêu nghêu, mập thù lù như con trâu, bắn nó nghe bình bịch thiệt đã! Để nó vô gần, ba đứa tôi mới hè nhau nổ. Nó ngã thôi liệt địa! Nếu thằng Tây hay thằng ngụy thì nó quay đầu nó chạy mất mẹ nó rồi. Không chạy thì cũng tháo trở ra, thay lại chiến thuật, tung ra nhiều mũi, mũi đánh vô sườn, mũi vòng ra sau lưng, mới phải. Còn thằng Mỹ! Trận đó, cũng như những trận mà tôi quánh nó, nó không làm vậy. Tốp trước chết, tốp sau bò lên kéo xác, tưởng lấy xác rồi chạy, không, nó lại tiến lên, lừ lừ ngay họng súng. Anh biết nó làm sao không?

   - Làm sao?

   - Nó chầu Diêm vương chớ làm sao nữa! Mình đồng da sắt gì mà chịu nổi đạn của tụi tôi, anh! Tốp sau lại bò lên, kéo xác, ngồi bệt ở ngoài kia, trong đám lúa, khóc hu hu. Nó khóc như bò rống! Lúc mới nghe, tụi tôi có biết đâu. Đã khóc rồi thì đánh đấm gì nữa, vậy mà cũng chưa chạy, khóc đã rồi lại cầm súng, lóp ngóp tiến lên, đưa ngực ngay họng súng! Cứ như vậy hoài, từ sáng cho đến trưa. Cuối cùng anh biết sao không?

   - Sao?

   - Tụi tôi hết đạn, tụi tôi phải rút.

   - Rút!

   - Chớ sao anh! Quánh du kích, quánh vậy chớ sao nữa!

   - Rồi sao?

   - Nó tiến lên nó chiếm lấy cái mô đất của tụi tôi. Nó coi là nó chiếm được trận địa của đối phương, theo nó, vậy là nó thắng! Lúc đầu tôi tưởng bọn nó ngu. Sau này tôi mới được biết là trong sách vở của nó dạy, dạy như vầy: Không phân tán lực lượng thành từng mảng, mà tập trung toàn lực vào một mũi, mà khoan vào trận địa của đối phương. Với sức mạnh tuyệt đối của mũi nhọn, trận địa của đối phương trước sau gì cũng bị khoan thủng. Nó làm y như vậy, cuối cùng, tụi tôi hết đạn phải rút... Nó chiếm đến chiều, nó lại rút. Tụi tôi lại trở ra chơi. Cái đó sách vở có dạy không, tôi không biết, khi nào anh gặp được nó thì anh hỏi.

   Tấm ảnh của cô gái mặc áo bà ba đầu đội nón lá trong cái đèn chai của anh lại cười, cười với cái duyên kể chuyện của anh.

   - Còn thằng ngụy thì khác - Anh tiếp - như hồi sáng, anh thấy rồi đó. Hễ mình thổi nó một loạt, thằng nào chết thì nằm lại, thằng nào bị thương thì bò lóp ngóp, còn mấy thằng còn sống, chạy tứ tung. Thằng nấp dưói bờ mẫu, thằng nhảy xuống đìa, thằng lặn xuống mương, thẳng lủi vô lúa, trốn mất... Vậy đó!

   Anh ném cái tàn thuốc đánh xèo một tiếng trên mặt nước, rồi cầm cây dầm, quạt mạnh.

   - Chỉ khác có mấy cái vậy thôi sao?

   - Còn, còn nhiều, kể tối mai cũng không hết.

   - Ví dụ như cái gì?

   Út Đợ gác dầm qua đùi:

   - Ví dụ... Thằng Mỹ bay trên trời, ném bom từ trên trời ném xuống, thằng Mỹ giật cò pháo, thằng Mỹ lái xe tăng, cho tới thằng thủy quân lục chiến cầm súng đi càn, mình không hề biết tên biết tuổi nó, cũng không biết nó con ai, ở xóm nào, làng nào, quận nào, tỉnh nào ở nước Mỹ; nó có tên đó, nhưng cái tên của nó muốn nói, như tôi đã có lần nói với anh, nói tên nó thì vặn miệng bẻ mồm như đớ lưỡi, cho nên dân mình cứ gọi chung là thằng Mỹ, thằng nào cũng Mỹ, Mỹ tuốt! Ngược lại, dân mình, tụi lính đó, nó cũng chẳng biết tên ai! Người bị nó giết bằng bom từ trên trời liệng xuống, ngưòi bị nó giết bằng pháo từ xa bắn tới, người bị nó giết bằng súng bộ binh, người bị nó giết bằng mìn, người bị nó xẻo lỗ tai, nó cũng chẳng biết người đó tên gì, con ai, người nào bị nó giết, nó coi Vi Ci tuốt! Vi Ci là người như thế nào, nó cũng không hiểu! Trước đó, nó ở tận bên kia, xa lơ xa lắc, hai bên, chẳng người nào quen với ngưòi nào! Vậy mà từ bên đó, nó kéo qua đây, nó bắn, nó giết mình. Nó xâm lăng! Đánh cái thằng xâm lăng ngoại quốc thật sướng tay. Mày ỷ mày giàu, mày ỷ mày mạnh, mày ỷ mày có nhiều vũ khí tối tân, tao đánh cho mày chết, đánh cho mày chừa. Còn thằng ngụy, cũng là da vàng mũi tẹt, xa đến mấy cũng là người một nước, gần hơn là người một tỉnh, gần hơn nữa là người ở một làng, gần nữa là người một nhà cùng một mẹ một cha! Ở ngoài ấp chiến lược giờ, có gia đình, trên một bàn thờ có hai tấm hình của hai đứa con, đứa thì hy sinh vì Tổ quốc, đứa thì bị đền tội vì tội Việt gian; ngay trên bàn thờ nhỏ xíu mà đã như vậy đó! Mình với nó lạ gì nhau? Hai bên không chỉ biết tên, biết tuổi mà còn biết cả đời cha, đời ông nội, ông cố, ông sở ông sơ nhau nữa. Ví dụ như ở cái làng này. Như tôi chẳng hạn. Chị tôi hồi trước ở đợ cho thằng Phiến. Cha tôi ngày trước ở đợ cho nhà thằng Long. Trong làng trong xóm, nó biết chị nào, cô nào có chồng đi kháng chiến. Không làm gì được anh em mình, nó lại đánh cách khác, cho lính ve vãn o bế, làm cho gia đình anh em mình nghi ngờ ly tán. Có đứa thật là đáng đánh; có đứa mình không muốn đánh mà cũng phải đánh! Trận càn năm ngoái, tụi tôi bắt được bảy đứa của đoàn Chín. Mới mười sáu mười bảy tuổi, không có tiền lo lót, bị bắt đi quân dịch, nó kêu tụi tôi bằng anh, bằng chú. Có một thằng bị thương gãy chân, nó vừa khóc vừa nói: “... Cháu định bụng hễ đụng trận, thì cháu đưa tay cháu đầu hàng ngay, nhưng cháu chưa kịp đưa tay thì cháu té sụm xuống rồi, ối đau quá má ơi”. Nghe nó nói mà rơi nước mắt. Đánh với thằng Mỹ thằng ngụy khác nhau như vậy đó! Tôi biết anh hỏi làm gì mà! Thấy sao tôi nói vậy, còn tổng kết để rút ra rút vô cái gì đó là chuyện của mấy anh. Đánh với Mỹ là đánh với đám giặc ở ngoài, đánh dữ dội; đánh với thằng ngụy là đánh với người trong nước, trong làng, trong xóm, trong nhà, nó khuất tạp... (Út Đợ thường hay dùng hai tiếng khuất tạp thay cho hai tiếng phức tạp. Lần nào cũng vậy, khi anh nói đến tiếng khuất tạp thì đôi mày rậm anh lại chau lại, miệng lại chu nhọn, thấy khó khăn, trắc tréo, nó phức, nó tạp hơn cả cái nghĩa phức tạp mà anh muốn nói). Như vậy được chưa cha!

   Ý kiến của anh Út Đợ lẻ mẻ rời rạc, nhưng đó là ý nghĩ của một người thực sự cầm súng đánh với kẻ thù, gợi cho tôi nhiều điều hay hay.

   - Được. - Tôi cười.

   - Được rồi thì bơi đi, bơi nhanh về, tới giờ rồi.

   Anh cầm dầm, tôi cũng cầm dầm, hai đứa khom lưng quạt mạnh.

   Tự nãy giờ tiếng pháo vẫn nổ, một chùm ba trái.

   - Hụp. Ùng.... Hụp... Ùng... Hụp... Ùng...

   Hai đứa bơi về phía vọng gác vườn xoài. Chiếc xuồng đậu ngay cái chỗ trước chỗ căng võng dưới mái tăng. Tôi lấy dây buộc vào nhánh xoài.

   Pháo thôi bắn... đầm già cũng bay đi tè tè ngang qua đầu chúng tôi, bay thẳng ra sông lớn, về sân...

   Trời trưa nắng nhưng trong khu vưòn vẫn râm mát. Mặt nước im phăng phắc. Thỉnh thoảng, một vài con rắn mối từ trên cây rơi xuống, lõm tõm lội đi. Con cá nghe mồi, quẫy đuôi, tớp ùm ùm. Sóng xôn xao gợn thành những khoanh sóng tròn, lan rộng ra, lặn dần.

   Tôi buộc võng lên hai cành cây là là trên mặt nước, Út Đợ lui cui chẻ củi, nấu nước pha trà. Sau khi uống một tuần trà hiệu “Củ măng”, Út Đợ dồn đồ đạc ra sau lái, trải đệm lên giữa khoang, lấy vở lấy bút ra, bảo:

   - Bữa nay viết chánh tả chớ anh?

   - Ờ, chính tả.

   Tôi dạy Út Đợ được hơn tháng, ngày nào anh cũng thu xếp thời giờ để học, lúc buổi trưa, lúc buổi chiều, lúc buổi sáng.

   Trên xuồng không thể kê bàn, anh đặt quyển vở xuống đệm, quỳ hai gối xuống để viết:

   - Rồi! Anh đọc đi.

   - Chờ tôi một chút. - Tôi lấy cần câu, móc, cầm lấy cái dùa đựng trứng kiến, leo lên võng. Tôi để cái dùa mồi vào chảng ba, móc mồi. Tôi gác cần lên một cái cây gần võng, buông nhợ xuống gần gốc xoài chỗ im bóng, xong, tôi ngồi xếp bằng trên võng, nhìn xuống quyển vở học trò giấy kẻ ô vuông, đọc:

   - Nói lối, gạch đít, hai chấm xuống hàng. - Dạy cho Út Đợ học, tôi không dạy theo sách giáo khoa, cũng không dạy theo chương trình được soạn sẵn của nhà trường. Vì tôi không phải là nhà giáo, cũng không phải là cán bộ giáo dục, tài liệu giáo dục không có, nên đành phải dạy theo ý riêng, về toán, trừ cộng nhân chia, anh đã qua. Tôi bắt đầu dạy phép nhân, chia có số lẻ. Về văn, theo yêu cầu của anh thì đọc bài ca cho anh viết. Mấy hôm trước, nhân một cuộc họp xã đội, anh em có đề nghị tôi viết sáu câu vọng cổ về cuộc đời của anh Cổi, vừa là đồng chí bí thư, vừa là xã đội trưởng, và cũng là người yêu quý của anh chị em. Viết sáu câu vọng cổ, với tôi không khó, nhưng viết có văn học là một việc tôi không làm nổi. Nhưng với anh chị em, tôi không nề hà. Tôi viết xong, và hôm nay tôi lấy đó làm bài viết chánh tả cho anh.

   - Nói lối, gạch đít, hai chấm, xuống hàng, xong!

   Tôi đọc tiếp:

   - Hò... ơ... Tháp Mười đất nước mênh mông.

   Út Đợ vẫn quỳ như vậy, vừa đọc lại lời bằng giọng hò nho nhỏ, vừa cắm bút viết. Viết xong, như vừa qua một việc nặng nhọc, anh ngẩng lên, thở phào, nhìn tôi, cười. Tôi vừa đọc tiếp thì anh kêu:

   - Giựt, giựt!

   Tôi quay lại, giựt cái cần câu lên, nặng trĩu. Một con cá rô bằng bàn tay. Tôi hất con cá vào xuồng, nhảy xuống, gỡ cá bỏ vào khoang; lại leo lên võng, móc mồi, gác cần câu vào chỗ cũ, rồi đọc tiếp...

   Đọc cho anh viết xong ba câu thì được năm con cá đủ bữa cơm chiều. Tôi cầm lại quyển vở soát lỗi. Chữ anh tròn như trứng gà, không lỗi, vở viết sạch sẽ, đáng mười điểm. Tôi vừa cầm cây bút cho anh điểm thì anh kêu tôi:

   - Khoan, anh!

   Tôi dừng lại, nhìn anh:

   - Sao?

   - Anh có ruột bic màu đỏ không?

   - Có. Chi vậy.

   - Cho “bon” phải cho điểm màu đỏ chớ anh!

   - Tôi để trong ba lô ấy, lấy mất công lắm.

   - Được, anh để tôi lấy cho. Tôi viết mực xanh, cho “bon” anh cũng cho mực xanh, trùng màu, tôi chán quá!

   Anh mở ba lô tôi, lấy cái ruột màu đỏ đưa cho tôi. Tôi tra vào viết, chấm mười trên mười; tôi viết bên lề, số thật to và hơi nghiêng - theo kiểu thầy giáo, rồi đưa lại cho anh.

   Anh cầm quyển vở. Gương mặt của anh góc cạnh, mày rậm, vẻ dày dạn của một chiến sĩ trải nhiều trận mạc, nhưng mắt anh khi nhìn cái điểm mười trên mười viết bằng mực đỏ, mắt anh sáng trong như mắt học trò. Thương anh quá!

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:37:26 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2019, 11:04:28 am »

CHƯƠNG 28

   Mùa nước rồi lại mùa khô. Không ai nghiêng nổi cánh đồng, cũng không ai tát, nhưng mỗi năm sau cơn nước ròng rằm tháng chín thì nước trên cánh đồng cứ một chiều đổ ra sông, sông đổ ra biển.

   Nằm trên võng treo lắt lẻo trên cành cây, ngủ đêm sáng dậy, nhìn xuống thấy mặt nước đã giật xa còn để lại quanh thân cây cái chớn nước đêm qua, nhìn ra đồng đã thấy gò đất trồi lên mặt nước, đây đó lô nhô cái thấp cái cao.

   Bờ ruộng, mặt đường rồi sàn nhà, nước cạn dần...

   Vọng gác của chúng tôi, mặt đất trong khu vườn đã cạn nước, nhưng hãy còn lầy lội, lớp lá mục nát nhão ra như bùn.

   Tôi với Út Đợ mỗi đứa một cái leng, vét lại hầm. Trời đổi gió đã mấy hôm - Gió sáng nay, mát lạnh miên man, gió thổi lan tràn qua khắp cả cánh đồng, thổi vào khu vườn, lá trong khu vườn xao động, ngửa nghiêng.

   - Gió chướng non thổi về rồi đó anh Thắng!

   - Ờ! - Tôi đứng yên lắng nghe ngọn gió rồi xắn cái lưỡi beng xuống đất - ngọt xớt! - Lúc nước về nước đỏ ngầu! Lúc nước đi, nước trong veo, nước để lại trên mặt đất một lớp phù sa. Hạt phù sa đọng lại trong hầm chúng tôi đầy dâng lên, hầm cạn nhách, không thể nào chui được. Lật cái beng lên, màu đất trông thật ngon mắt tươi đỏ như thịt non. Đất của mùa dưa hấu và mùa đậu dây. Nhưng sáng nay thì chúng tôi đưa lớp đất ngọt ngào này đắp lại nắp hầm, che chở cho mình. Trong lúc này cũng như chúng tôi, cũng như những người du kích ở trong làng, làng ở cạnh bên và xa hơn, những người dân hai bên bờ sông Cửu Long, mọi người đều đang đào đất. Người vét hầm, người đào hầm, đắp hầm, người thì dọn rẫy trồng đậu trồng lúa.

   Hai đứa tôi vừa làm vừa trò chuyện.

   - Ai làm gì ì ạch trong vườn đó?

   Có ai đó đang hỏi, chưa trông thấy người, nhưng Út Đợ nhận ra tiếng.

   - Ai như tiếng chị Bảy, phải hôn?

   - Chú Út đó hả?

   Chị Bảy Thá từ ngoài đường bước vào. Chị đã sanh rồi, đứa con gái, người chị trở nên dong dải, xanh xao và thướt tha.

   - Cháu khỏe không chị?

   - Nó sắp lật rồi.

   - Chị đi đâu qua đây giờ này vậy chị Bảy?

   - Thì cũng có chuyện mới đi chứ.

   Chị vừa đi vừa đáp lại, chị đứng lại bên chiếc võng của tôi:

   - Chị qua bên này cho hai em biết, có một ông ở Sài Gòn mới xuống, ở ngoài ấp vô đây, ghé qua nhà tôi, nói là muốn qua bên này, kiếm chú Năm Bờ với chú Thắng. Chú nhờ tôi qua đây hỏi giùm.

   - Người đó ra sao? - Út Đợ hỏi.

   - Tôi nhớ, hôm mùa khô rồi, chú đó có quá giang xuồng bà con mình, vô trỏng một lần. Nghe chú nói là chú có ăn gà hấp rượu ở nhà ông Hai Cò.

   - Thôi tôi biết rồi, - Tôi nói - cao nhồng, ốm nhách, móm xọm, phải không chị Bảy?

   - Đúng vậy, có đeo cái máy chụp hình nữa.

   - Anh có hẹn với tụi tôi, chị dẫn ảnh qua đây giùm tụi tôi.

   Chị Bảy Thá đi rồi, Út Đợ hỏi:

   - Ông nhà báo hả anh Thắng?

   - Phải.

   - Thôi anh đi rửa tay, mặc quần dài mặc áo vô đi.

   Tôi với Út Đợ đang ở trần, mặc quần đùi, chân tay bùn đất lấm lem. Tôi với anh chạy ra đường, xuống kinh, rửa tay chân.

   Hai đứa tôi vừa mặc xong quần áo thì nhà báo Trần Hoài Sơn cũng vừa tới. Nhà báo Trần Hoài Sơn vẫn thế, quần xám, áo sơ mi trắng, khoác bên ngoài chiếc áo bludông Mỹ, vai đeo máy ảnh. Nhưng thái độ của anh hôm nay khác hơn. Như một ngươi đi xa mới về và gặp lại bạn cũ, qua đến vùng du kích, bước chân anh không rụt rè, hướng về phía chúng tôi, anh bước nhanh, mặt hớn hở. Anh không bắt tay tôi mà ôm chầm lấy vai tôi:

   - May quá! Còn gặp được Thắng ở đây, may cho tôi quá!

   Sau lúc mừng nhau, tôi giới thiệu anh với nhà báo Trần Hoài Sơn. Lần này, trông anh cởi mở và gần gũi hơn. Tôi với Út Đợ nhường riêng cho anh cái võng ni lông, còn tôi với Út Đợ cùng ngồi trên chiếc võng ka ki. Có lẽ lần đầu ngồi trên chiếc võng kháng chiến, anh nhún thử mấy cái, ra vẻ thích thú, rồi đưa tay vo vo mấy sợi dây dù, hỏi cách buộc võng. Út Đợ thích vẻ tò mò ngây ngô của anh. Út Đợ bảo tôi đứng dậy, rồi anh giật dây võng, buộc lại cho anh xem. Út Đợ làm đi làm lại đến ba lần, cuối cùng Trần Hoài Sơn cầm dây, vòng qua cây, nắm lấy một mối, kéo lên, ghịt xuống. Rồi anh lại ngồi thử:

   - Tôi phải tập lần cho quen! Trước sau gì tôi cũng nằm võng như mấy anh. - Đang vui, anh bỗng ngồi im, nhìn xuống. Tôi biết anh đang lựa lời để mở đầu cho câu chuyện mà anh vào gặp chúng tôi lần này. Anh ngẩng lên, trang trọng và giọng cũng khác hẳn:

   - Hai anh! Lần này tôi trở lại đây với mục đích khác hẳn lần trước. Tôi đã quyết định, quyết định rồi. Trước khi nói về quyết định của tôi, tôi muốn đưa anh Thắng một lá thư của người bạn.

   Anh móc túi áo trên, trao cho tôi lá thư giấy mỏng xếp làm tư.

   - Anh Thắng với anh Út xem đi, rồi tôi sẽ nói sau.

   Tôi giở lá thư ra. Thư viết chữ nhỏ hơi nghiêng.

   Sơn thân mến!

   Thế là đã ba năm, chúng ta xa nhau. Ngày ra đi tôi đến nhà Sơn, gõ cửa, nhưng Sơn đã đi vắng. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu lúc đó Sơn có nhà thì biết đâu giờ này chúng mình cùng một nhà. Nằm trên võng lắc qua lắc lại và ôn lại chuyện Sài Gòn, tôi tin như vậy, có thể lắm, nhưng tiếc là Sơn đã đi vắng. Và tôi, không thể chờ được và cũng chẳng kịp từ giã ai, kể cả cha mẹ của tôi. Bây giờ đã ba năm, càng ngày tôi càng khẳng định: mình làm đúng, đi đúng. Đúng với lòng “trời” và đúng với lòng mình! Bao nhiêu năm lận đận đến cay đắng chỉ vì một chỗ đứng! Mặt đất rộng mênh mông đứng đâu mà chả được, nhưng cái chỗ đứng đúng với vị trí của mình thì tìm mãi, chọn mãi, đầu đến hai thứ tóc rồi mới nhận thấy! Chỗ đứng mà tôi chọn - đúng với vị trí của mình: hẳn không phải là cái bên kia thối nát, nhưng cũng không hẳn là phía “bên này”, chỗ đứng của mình là điểm giữa, trung dung; như bao nhiêu bạn bè ra đi sau Mậu Thân 68, tôi vào mặt trận thứ ba. Mặt trận Liên minh. Đúng là những mặt trận của những con người như chúng ta. Yêu nước và cứu nước.

   Sơn! Chần chờ gì nữa! Bạn bè đang đợi Sơn. Mỗi lần nhắc đến Sơn, anh em cứ tiếc - Nếu trong anh em, một người nào đó được sự hiểu biết của Sơn thì đó là một cống hiến to lớn - Chỉ cần một quyển sách ghi lại sự thật của nhà tù mà Sơn từng chứng kiến, củng đủ rồi. Sơn suy nghĩ và quyết định đi. Chỗ đứng của Sơn không phải là ở ngoài kia, mà chỗ này, chỗ của chúng ta.

   Tôi viết thư này, củng vừa thay mặt cho một số bạn bè, gởi đến Sơn lời tâm huyết.

   Mong đợi Sơn.

   Ký tên...

   T.B: Tôi không ngờ đã được gặp lại cô đào Mỹ Thanh. Bây giờ cô là diễn viên đoàn văn công Giải phóng. Mỹ Thanh có già dặn hơn, nhưng thanh sắc vẫn như xưa. Chúng tôi nói ở ngoài ấy, những đêm buồn, Sơn thường mở băng ghi âm nghe lại tiếng hát của Mỹ Thanh, Mỹ Thanh cảm động lắm...


   Xem xong, tôi xếp thư trao lại cho Sơn.

   - Đây là thơ của một giáo sư, vốn là bạn của tôi. Anh đi sau ngày Mậu Thân 68. Anh nói đúng. Nếu cái hôm anh đến gõ cửa nhà tôi trước khi đi, nếu tôi không đi vắng thì chắc bây giờ tôi đã khác rồi. Từ đó đến nay, mùa xuân sáu mươi tám đã trôi qua. Người Sài Gòn không còn nhìn thấy chiến sĩ giải phóng trên đường phố nữa, nhưng hình ảnh dũng cảm của các anh còn in đậm trong tâm trí của mọi người. Tiếng súng không còn, nhưng trong lòng người Sài Gòn, trong lòng tôi, tiếng nổ vẫn chưa dứt! Tiếng nổ đã phá vỡ những bức tưòng đã ngăn cách chúng ta. Bức tường của chính kiến, của những sự dị biệt bị phá vỡ. Đầu óc của con người đã trở nên quang đãng. Từ đó mà tôi hiểu. Từ đó mà tôi đi. Tôi đi đến đây. Tình cờ mà may mắn, tôi được gặp bác Hai, được nghe câu chuyện của một gia đình chống xâm lăng cứu nước. Rồi tôi trở lại Sài Gòn, trở lại đường phố và căn phòng. Những nơi đầy kỷ niệm, với tôi đã trở thành xa lạ. Tôi lại nhận được lá thư của người bạn từ Mặt trận Liên minh gởi về, lá thư mà hai anh vừa đọc đó. Tôi nghĩ, phải! Trong cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc, là một đứa con, ta không thể chỉ là một nhân chứng! Mà phải dấn thân, phải dấn thân!

   Anh gật đầu và gật đầu, hai lần. Có thêm được một người bạn chiến đấu, đáng lẽ chúng tôi phải tỏ ra mừng rỡ đối vói anh. Nhưng lúc đó, sau khi anh nói xong thì cả ba đều im lặng. Lúc ấy, cũng như sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi không cắt nghĩa được tại sao tôi với Út Đợ không reo không mừng, không vồ vập lấy anh? Có thể đó là phút im lặng trước bước thay đổi của con người? Hay là quyết định dấn thân của anh quá đột ngột đối với chúng tôi? Hay là giọng nói trang nghiêm vừa nhỏ nhẹ vừa buồn buồn như hối lỗi của anh?

   - Tôi vào đây để nhờ các anh giúp cho tôi tìm đến cơ quan của Mặt trận Liên minh.

   - Sơn định bao giờ thì đi? - Tôi hỏi Sơn.

   - Tôi đã quyết định dấn thân rồi, quyết định ấy không có gì thay đổi, nhưng tôi chưa muốn đi ngay. Tôi đang tìm một nơi yên tĩnh để viết một quyển sách nói về những sự thật tàn bạo trong cái nhà tù mà tôi có dịp chứng kiến. So với anh em bạn bè, tôi là ngưòi đi sau, tôi không muốn gặp lại bạn bè với hai bàn tay trắng. Tôi đang mượn cái nhà bè của bà Út Nhỏ để ngồi viết. Tôi vào đây để xin phép các anh được ở đó trong thời gian ngồi viết.

   Tôi muốn khuyên anh nên đi sớm, càng sớm càng tốt, rồi sau đó sẽ viết cũng không muộn. Nhưng tôi kịp nghĩ, lời khuyên của tôi sẽ không có kết quả và chỉ làm cho anh khó xử.

   - Bắt đầu từ giờ phút này, xin các anh coi tôi là người của lực lượng thứ ba.

   Tôi chưa chọn được câu trả lời thế nào cho hợp với câu chuyện. Tôi mới khẽ gật đầu, thì một chiếc đầm già bay thấp ào tới. Qua kẽ hở của khu vườn, chúng tôi thấy hai cái cánh của nó giăng ra, lướt qua ngọn xoài, đen sì, và nó quay trở lại, xoáy tròn qua khu vườn chỗ của chúng tôi.

   Trong vòng bay của con đầm già lần này, tôi thấy Trần Hoài Sơn tỏ ra khác hơn lần trước. Lần trước - ở nhà ông Hai Cò, khi con đầm già xoáy tròn trên cụm vườn, anh không tỏ ra sợ sệt, cũng không phải bình tĩnh mà dửng dưng. Anh dửng dưng vì trong ý nghĩ của anh, nó với anh chưa phải là kẻ thù. Còn lần này, nằm trong tầm bay của nó, anh theo dõi đường bay của nó trong tư thế tự vệ. Trong ý nghĩ của anh, trong lòng anh, anh là kẻ thù của nó. Chưa quen với bom đạn, anh không được bình tĩnh như chúng tôi, anh ròi khỏi võng và dớn dác.

   Cái hầm mà tôi với Út Đợ vét từ sáng đến giờ không đủ chỗ cho ba người. Hai người thì chật, một người thì hơi rộng.

   Con đầm già nghiêng cánh, cái độ nghiêng của nó như dựng lên, xoáy theo vòng khu ốc, mỗi lúc một siết chặt.

   Út Đợ nhanh tay giựt lấy đầu dây võng, cuốn tròn lại một phía:

   - Anh Thắng! Đưa anh Sơn xuống hầm! - Xuống hầm thì cần gì phải đưa đón?

   - Xuống hầm đi anh Sơn! - Tôi bảo Sơn lúc Sơn đã ngồi sẵn dưới hầm rồi!

   - Hầm của mấy anh đâu? - Sơn hỏi chúng tôi.

   - Tụi tôi núp dưới gốc xoài được rồi!

   Con đầm già vừa bay ra thì pháo vọt tới. Tôi với Út Đợ không núp theo gốc xoài mà nhào xuống mương vườn. Một chùm pháo ba trái, nổ trong khu vườn của chúng tôi.

Một chùm pháo nổ xong, nó nghiêng cánh nhìn xuống rồi lảng ra tè tè đi tìm một điểm khác. Chúng tôi trèo lên mương, quần áo ướt mèm. Cành, lá tả tơi khắp cả khu vườn.

   - Anh Sơn ơi! Hết rồi, lên!

   Sơn bước lên hầm, phủi áo, phủi quần, nhưng chưa thật yên tâm. Anh cứ ngước nhìn theo hướng bay của con đầm già.

   - Nó đi rồi! Ngồi võng đi anh Sơn! - Út Đợ vừa bảo vừa buộc lại dây võng, quần áo anh bùn đất lấm lem. Trần Hoài Sơn trở lại bình tĩnh qua từng cử chỉ của Út Đợ. Sau trái pháo ấy, chúng tôi lại gần nhau hơn, vui hơn. Để Trần Hoài Sơn ngồi lại trên võng, hai đứa tôi chạy ào xuống kinh tắm rửa lặn hụp, thay quần áo.

   Hai đứa tôi trở lên, thấy Trần Hoài Sơn đang đưa máy ảnh chụp lấy cái hầm anh vừa nấp.

   - Cho tôi một tấm ảnh kỷ niệm, anh Sơn!

   - Anh vô đứng đây, đứng đây!

   Út Đợ chạy lại, đứng bên nắp hầm nhưng Trần Hoài Sơn vừa đưa máy lên, nghĩ thế nào, anh xòe tay đưa lên:

   - Khoan! Chụp vầy không hay!

   Bộ quân phục có cầu vai anh đang mặc, vừa gọn vừa chỉnh tề, anh không muốn. Anh cởi áo, cởi cả quần dài, mặc cái quần cụt đen, cầm cái leng.

   - Anh cho tôi xin một “pô” đào hầm hay hơn!

   Một cái chớp lóe lên.

   Sau khi Út Đợ mặc lại quần áo, cùng với tôi ngồi trên chiếc võng ka ki, đối diện với Trần Hoài Sơn thì tôi bắt chuyện:

   - Trong lá thư Sơn cho mình đọc, thấy có nhắc đến cô Mỹ Thanh, cô ấy mình biết.

   - Vậy sao? - Cặp mắt ốc nhồi của Trần Hoài Sơn mở to ra, và vẻ mặt anh rạng lên.

   - Thắng cũng biết? Thắng gặp hồi nào?

   - Cơ quan của tôi cách Đoàn văn công của cô Mỹ Thanh một khu rừng.

   - Thắng có hiểu gì về cuộc đời của cô Mỹ Thanh không?

   Tôi biết, biết quá rõ, nhưng vì tò mò muốn hiểu anh với Mỹ Thanh quen biết nhau ra sao, hồi cô còn ở Sài Gòn, tôi lắc đầu:

   - Tôi không được rõ lắm!

   - Bây giờ nhắc lại, thật đau lòng! - Anh nhìn xuống gật đầu mấy lần, rồi mới nói: - Mỹ Thanh là một cô gái mồ côi, sống với ngưòi ghì ghẻ. Dì chiên chuối, cô bưng đi bán. Cô mê gánh hát. Ngày nào cô cũng bưng cái xề bánh chuối chiên đến bán cho đào kép của một gánh hát. Thấy cô là một cô gái nhỏ đẹp, duyên dáng, ai cũng thương! Mỗi lần cô bưng bánh đến, cả gánh chia nhau ăn. Hết bánh, cô không về. Cô ngồi bệt dưối thềm, nghe đờn ca. Đào kép tập tuồng. Cô vừa ngồi xem vừa lép nhép ca theo. Suốt mấy năm trời như vậy, từ năm lên tám đến năm mưòi sáu, tám năm bán chuối chiên cho đào kép của một gánh hát, chưa lên sân khấu, nhưng cô đã trở thành một diễn viên, cô thuộc hết bài bản! Một hôm, trong gánh hát có một cô đào bị bịnh bất ngò, cô bị đau bụng đang lúc tập tuồng, phải đưa đi nhà thương. Không biết thay ai, đang lúc rối rắm đó thì thầy tuồng thấy cô bưng chuối chiên tới. “Con nhỏ chuối chiên, để cái xề chuối đó, lên đây, lên đây cháu!”. Cô tập thử vai ấy. Rồi sao? Đêm biểu diễn ấy, khán giả không ngờ, cả đào kép trong gánh không ngờ, mà cả ông thầy tuồng cũng không ngờ! Dưới ánh đèn trên sân khấu, cô lộng lẫy như tiên, khiến cho khán giả mê hồn. Đêm đó tình cờ tôi cũng đi xem. Tôi chưa bao giờ nghe ai có một giọng ca kỳ lạ như vậy, giọng thổ và hơi rè. Khi cô cất tiếng thì cả rạp như nín thở. Sáng hôm sau, báo chí Sài Gòn rộ lên hình ảnh của cô. Tuổi mười sáu, cô bước lên sân khấu như một ngôi sao!

   Nhà báo Trần Hoài Sơn kể lại cuộc đời của cô đào Mỹ Thanh vối vẻ sôi nổi đam mê. Rồi bỗng dưng anh dừng lại, hạ thấp giọng:

   - Nhưng Nguyễn Du đã nói chữ tài liền với chữ tai một vần! Như một biến thiên của vũ trụ, ngôi sao ấy vụt tắt thật bất ngờ. Hai năm, đến cái tuổi mười tám của cô, có một tên nhà báo nào đó muốn chiếm cô, bị cô từ chối, nó trả thù! Một chuyện không ai lường được. Một hôm, trên một tò báo ở Sài Gòn có một hàng tít đậm đen “Đĩ Mỹ Thanh”, và phía dưới là những câu chuyện tục tĩu của cô với bọn đàn ông. Tờ báo làm xôn xao cả giới mộ điệu của Sài Gòn. Chuyện gì đã xảy ra sau khi tờ báo ấy được rao bán khắp nơi? Mỹ Thanh đến tòa báo, hai tay cầm chiếc guốc, cô định đập vỡ mặt kẻ vu cáo đã phỉ báng cô.

   - Cô có đập đầu thằng đó không anh? - Út Đợ hỏi.

   - Cô chẳng tìm được ai! Sau đó, ngưòi ta thấy cô cạo đầu. Rồi không ai biết cô đi đâu nữa!

   - Cô Mỹ Thanh bây giờ ra sao anh Thắng? - Người hỏi tôi câu này, không phải của Trần Hoài Sơn mà của Út Đợ.

   Tôi chưa kịp kể lại với Út Đợ và Trần Hoài Sơn về cuộc sống của cô và Đoàn văn công Giải phóng thì tiếng con đầm già đã vẳng tới! Con đầm già bay thấp, vừa nghe tiếng, đã thấy hai cánh của nó sà lướt qua ngọn cây.

   Ba đứa chúng tôi rời khỏi võng, đứng với tư thế sẵn sàng. Nhưng con đầm già chỉ nghiêng cánh liếc qua khu vưòn của chúng tôi một vòng, rồi tè tè bay theo lòng kinh, bay thẳng ra chi khu.

   - Tôi vào đây để báo và xin phép với hai anh, bây giờ tôi xin phép hai anh cho tôi trở ra ngoài. - Nhà báo Trần Hoài Sơn không ngồi lại võng, nhìn theo hướng bay của con đầm già, anh nói với chúng tôi.

   Con đưòng đưa anh về đến cơ quan của Mặt trận Liên minh, nếu suôn sẻ, cũng phải mất hơn mười ngày, nghĩ đến chuyến đi của anh, tôi hỏi:

   - Sơn định ngồi viết đến bao giờ thì lên đường? - Tôi gọi tên cũ của anh để dễ trao đổi với anh.

   - Tôi sẽ viết đêm ngày, độ hai tháng, có gì tôi sẽ trở vào, tìm lại các anh. - Nói xong, anh lấy gói ảnh để sẵn trong túi, trao cho tôi, nhờ tôi gởi đến tận tay ông Hai, và nhắc lại lời anh đã hứa: Nếu tôi muốn ra ngoài ấp chiến lược bằng con đường “hợp pháp” anh sẽ tạo điều kiện giúp tôi.

   Sau khi đưa Trần Hoài Sơn qua khỏi cây cầu khỉ bắc qua con rạch chia hai vùng, trở lại vọng gác, tôi với Út Đợ cỏi áo, cởi quần dài, cầm leng, tiếp tục vét hầm. Hai đứa vừa làm vừa nói chuyện:

   - Anh nhà báo đó chắc mê cô Mỹ Thanh, phải không anh?

   - Chắc vậy.

   - Nếu ảnh về cơ quan của Mặt trận Liên minh thì liệu ảnh có gặp lại cô Mỹ Thanh không anh?

   - Gặp!

   - Lần này gặp nhau chắc dính quá?

   - Cô Mỹ Thanh đã hứa hôn rồi.

   - Ai vậy anh?

   - Hứa với một đồng chí quay phim.

   - Người đóng tuồng, người quay phim, ngon quá ha!

   Hai đứa không nói gì nữa, anh vét hầm, tôi xúc đất đắp lại nắp. Mồ hôi trên lưng tôi đổ lấm tấm. Út Đợ vét mỗi lúc mỗi sâu vào bên trong. Anh từ dưới hầm chui lên, đứng sổng lưng, dựng cái leng trước mặt, đốt thuốc, nghĩ gì anh kêu tôi:

   - Anh Thắng ơi!

   - Ơi!

   - Anh biết ai viết cái bài báo nói xấu cô Mỹ Thanh không?

   - Nó giấu mặt, cô ấy không biết được!

   Anh “hừm” lên một tiếng rồi cầm cái leng, giơ cao, xắn mạnh xuống.

   - Khốn nạn quá!

   Cái leng xắn ngập xuống đất đánh “ụp” một cái, bùn nước trào ngược lên, ngập cả leng.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:37:38 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2019, 11:12:44 am »

CHƯƠNG 29

   Út Đợ được đề bạt làm xã đội trưởng. Châu thay anh làm xã đội phó. Sáu Linh giữ chức bí thư chi bộ, lo gây dựng cơ sở ở vùng ngoài. Vọng gác dưới lùm xoài, Út Đợ giao lại cho Châu với Lâm và Dũng. Ra vọng gác, ngày trước, ngày sau, Châu đã dọn xong bãi tập, vừa để tập quân sự, vừa để dạy võ cho anh em.

   Út Đợ trở về văn phòng xã đội. Tôi cũng theo anh trở lại cái sàn nhà nhỏ trong vườn xoài, gần nhà ông Hai Cờ.

   Với nhiệm vụ xã đội trưởng, Út Đợ bắt đầu làm quen với giấy tờ, tôi thấy anh lóng ngóng đến tội nghiệp! Mỗi khi nghiên cứu một chỉ thị hay viết một bản báo cáo, thì giấy tờ để ngập cả bàn. Tôi để ý thấy, trước khi bày giấy tờ, lần nào anh cũng cởi tấm vải dù bông quấn cô trải lên bàn. Tôi tưởng anh bắt đầu nhiễm lấy cái bệnh thích bàn giấy. Một lần, sau khi trải tấm vải dù lên bàn xong, quay lại thấy tôi nhìn, anh hỏi:

   - Sao anh cười?

   Tôi cười chứ không trả lời.

   - Anh tưởng tôi làm điệu chắc. Tôi làm vậy là tôi bắt chước anh Năm Bờ với anh Cổi bí thư! Làm vậy, nếu tụi trực thăng nó tới đổ quân thì túm lại cho gọn. Mùa này là mùa chúng càn mà!

   Ở làng này, năm nào cũng vậy, khi nước rút, mặt đất bắt đầu khô ráo, đã lâu, người ta không gọi mùa khô hay mùa gió chướng nữa, mà gọi là mùa chống càn! Ngày nào cũng phải chuẩn bị chống càn. Mọi ngưòi, ngày cũng như đêm, luôn luôn với tư thế sẵn sàng. Khuya dậy nấu cơm ăn sớm. Võng không nằm không giăng, phải cuốn gọn và lúc nào cũng đeo sát bên hông. Sợi dây nịt thắt ngang lưng phải có đủ thứ cần thiết cho cuộc sống. Võng, ni lông, đèn, bình toong nước, hộp lương khô, hoặc muối sả, hoặc đường, hoặc thịt hay cá chà bông, đèn; đèn thì chai đèn dầu và đèn pin. Súng đạn sát bên mình, cả lúc ngủ cũng phải nai nịt sẵn sàng! Và bắt đầu vào mùa khô thì du kích lo nạo vét hầm cũ, đào thêm hầm bí mật, xây đắp lại công sự chiến đấu, dọn thêm bãi lựu đạn gài.

   Buổi trưa, sau khi cơm nước xong, không ai nghỉ. Đội nữ du kích của Bé Ba kéo nhau ra mí vườn, dọn bãi lựu đạn. Hai cái hầm trong sàn nhà bị sạt lở. Tôi vét hầm, Út Đợ ra vưòn chặt cây mù u. Hai đứa đang lui cui lấy nắp hầm thì có tiếng hỏi:

   - Ai làm gì lạch cạch ở trong nhà đó?

   Tôi nhận ra tiếng ông Hai Cờ, nhưng Út Đợ đã lên tiếng trước:

   - Bác Hai đi đâu đó?

   Ông Hai Cờ bước vào, quần ống thấp ổng cao, áo bà ba màu cháo lòng, đầu bịt khăn khấc, vai vác cuốc:

   - Tao đi rẫy mà con đầm già mắc dịch đó nó cứ liếc tao.

   Con đầm già đang quần đảo ngoài cánh đồng, chắc là đang nhìn vào những cái chòi hoang mới mọc lên, tiếng bay của nó dội lại lúc gần lúc xa.

   Ông Hai Cờ để cuốc xuống sàn nhà, lấy cán cuốc làm ghế ngồi, quấn thuốc hút. Tôi với Út Đợ nghỉ tay, ngồi trên cái leng.

   Ông Hai Cờ phà một hơi khói.

   - Nói vậy là chú nhà báo đó chịu theo mình? - Ông hỏi tôi.

   Tôi chưa nói thì Út Đợ nói trước:

   - Theo mình, nhưng đứng trong mặt trận thứ ba.

   - Thứ ba, thứ tư hay thứ năm gì cũng được, miễn là cùng với mình đánh Mỹ là được rồi. Vậy là mừng cho chú rồi! Còn chuyện này, bác muốn hỏi thằng Út.

   - Dà!

   - Hôm rồi chú Năm Bờ với con Sáu đi họp ỏ quận về, tao thấy mặt mày của nó, tao biết trước sau gì cũng có chuyện, tao hỏi nó nhưng nó giấu tao. Nó chỉ bảo tao đào thêm hầm hố. Hầm hố thì mùa chống càn nào mà tao không đào. Út, mày làm xã đội, có gì mày nói tao nghe coi!

   Út Đợ liền nhìn tôi, tôi tảng lờ như không thấy, muốn để anh nói.

   - Anh Năm Bờ với chị Sáu cũng nói với xã đội như nói với bác, chớ có nói cái gì đâu!

   - Dóc! Mày giấu tao. Tao đoán là trên đang rục rịch, phải không chú Thắng?

   - Dà!...

   Thực ra, tôi cũng không hiểu gì hơn ông. Cách đây mấy hôm, trên cho liên lạc hỏa tốc về gọi Năm Bờ và Sáu Linh đi họp. Hai ngưòi không lên quận như ông biết, mà đi thẳng về tỉnh cùng với đồng chí bí thư quận ủy và đồng chí quận đội trưởng, đến ngày trở về, tôi thấy hai ngưòi phấn khởi ra mặt. Tôi cũng đoán là có chuyện gì sắp xảy ra, nhưng không biết được cụ thể. Sau cuộc họp của Năm Bờ, Sáu Linh với ban chỉ huy xã đội (Út Đợ và Châu) thì qua ngày hôm sau, không khí của xã đội đã thấy khác. Mọi việc như đào hầm bí mật, nạo vét hầm cũ, đào xây thêm hầm mới... mọi việc đều khẩn trương hơn! Ngoài những công việc thông thường của xã đội, còn có một vài việc khác như: đốn cây chặt lá cất kho, đào những cái hầm rộng có thể kê giường, kê bàn để làm việc, xuồng úp dưới sàn nhà được lệnh kéo ra, trét lại và mua sắm thêm xuồng mới. Công việc chuẩn bị cho chiến trường đang bắt đầu. Tôi tò mò muốn hiểu, Năm Bờ chỉ hở cho tôi có một câu “Mình đang chuẩn bị”... Năm Bờ với Sáu Linh từ cuộc họp ở tỉnh trở về làng, hai người chỉ ghé qua một đêm, ở chơi một ngày, qua hôm sau, hai người lại trở ra ngoài ấp, tôi không có dịp tìm hiểu thêm.

   Đêm cùng nằm dưới sàn nhà - có hai anh em, tôi hỏi Út Đợ, anh nói úp mở.

   - Anh nhớ cái đêm, tôi, anh với anh Năm Bờ nằm ở vọng gác không?

   - Nhớ!

   - Tôi hỏi ảnh cái gì, anh nhớ không?

   Tôi nhớ, nhưng tôi làm bộ quên:

   - Nhiều chuyện quá tôi nhớ sao nổi!

   - Tôi hỏi ảnh chừng nào thì ảnh nói chắc phải tới mùa gió chướng, bây giờ gió chướng rồi đó, còn gì nữa! Kế hoạch quân sự của cấp trên thì ai mà biết được! - Tôi đoán, chắc anh cũng hiểu chung chung vậy thôi.

   Ông Hai Cờ chắc cũng đang thấy những việc khác thường của xã đội, ông dò hỏi hai đứa tôi. Hỏi Út Đợ không được. Nhưng ông không bực tôi mà bực với Út Đợ. Lần đầu tôi thấy ông tỏ ra bực bội. Điếu thuốc đang hút, ông cắn đứt cái đuôi, phun nó đánh “phẹp” xuống đất.

   - Mày giấu tao, nay mai có chuyện chi thì đừng có... -Ông không nói hết câu, ông lột khăn, quơ ra sau, đập xuống lưng như đập muỗi.

   - Hai đứa bây không nói, nhưng tao xem qua cái binh tình của thằng địch, tao cũng biết rồi. Con đầm già - Sự bực bội của ông, ông đổ lên con đầm già - con đầm già mắc dịch đó, mấy hôm nay nó không nghỉ trưa. Trưa nào nó cũng “tì ti”. Tối nó cũng “tì ti”...

   Vừa lúc đó, có tiếng của bé Thiều từ ngoài đường gọi vọng vào:

   - Anh Út ơi, anh Út!

   Bé Thiều đã thay cho Út Trầm, làm nhiệm vụ giao liên cho xã đội.

   - Ơi!

   Thiều bước vào sàn nhà thở hổn hển:

   - Chú Thắng có khách.

   - Chú hả? - Tôi hỏi lại.

   - Dạ.

   Tôi ngạc nhiên, tôi làm gì có khách ở đây?

   - Hay là anh nhà báo ảnh vô nữa đó anh Thắng? Ông khách đó ra làm sao? Cao, ốm, miệng móm phải không? -Út Đợ hỏi.

   - Dạ không, ông này lớn - Bé Thiều dang hai tay ra - mập lắm!

   - Ai vậy cà?

   - Sao không đưa ổng vô? - Ông Hai hỏi.

   - Dạ, cháu sợ chú Út với chú Thắng không có ở nhà. Ông này, lúc đầu ông hỏi chú Năm Bờ, cháu nói chú Năm đi vắng, thì ổng hỏi chú Thắng.

   - Thôi! - Ông Hai vẫy cái khăn - Ra đón người ta vào để người ta chờ.

   Bé Thiều chạy vụt ra. Tôi chưa đoán được là ai thì Bé Thiều dẫn ông khách vào.

Tôi sững người! Ông khách to lớn đứng trưóc mặt chúng tôi là ông Chín Nghề, ông bác sĩ “Quì bông nông”.

   Tôi đứng phắt dậy kêu to và lao đến anh.

   - Anh Chín!

   - Quì.

   Bác sĩ Chín dang hai tay, ôm chầm lấy tôi.

   - Vào đây, vào đây anh Chín.

   Bác sĩ Chín bước vào nhà, khệ nệ mà lanh lẹ, anh bắt tay ông Hai, bắt tay Út Đợ.

Ông Hai, Út Đợ đều có vẻ lạ trước dáng dấp của ông, một con người to lớn, tuổi chưa già, nhưng tóc đã bạc trắng, lại cắt ngắn, trong như cái bông gáo, quần ka ki ống rộng, áo bludông màu cỏ chết, nhìn đến dáng dấp của ông, đã thấy vui vui.

   - Ngọn gió nào đưa anh đến đây vậy anh Chín? - Tôi ngước nhìn anh, và hỏi.

   - Có ngọn gió nào khác hơn ngọn gió hôm nay đâu! -Ông đứng cao hơn tất cả chúng tôi, gần sát cái sàn nhà, giọng to và sôi nổi, tôi biết là ông đang bắt đầu, ông xoay qua nhìn ông Hai:

   - Thưa anh với hai chú! Hồi ngày xưa, không phải năm năm hay mười năm, mà hơn ba mươi năm trước, khi tôi còn đi học ở trường làng. Tôi nhớ mỗi năm, hễ đến mùa này, mùa gió chướng thổi về thì ở Côn Đảo anh em tù chánh trị xuống bè, nương theo ngọn gió mà trở về đất liền. Ghe bầu ngoài miền Trung căng buồm vượt qua biển, chạy trên con sông trước cửa nhà tôi. Bây giờ, tôi cũng nương gió này mà trở về đây. Tôi không đi bè cũng không đi ghe bầu. Cánh buồm của tôi là cái ba lô mang trên lưng, tôi vượt qua đồng chó ngáp.

   - Nói vậy là chú ở xa mới về? - Ông Hai Cờ hỏi và phải ngước nhìn lên ông.

   - Quì. Thưa anh, chỗ tôi ở, ca nông của Mỹ ba cây chập làm một bắn cũng không tới. Máy bay của nó, bay tới, liệng một vài trái bom rồi phải về ngay, ở lâu thì hết xăng...

   Nghe cái giọng sôi nổi và hài hước của ông, ông Hai với Út Đợ cứ phải nhìn lên, miệng mở ra tròn như chữ O.

   - Anh Chín đây là bác sĩ...

   Tôi mới vừa giới thiệu ông đến đó, ông đưa một ngón tay lên miêng, suỵt một hơi gió.

   - Pác đông. Xin lỗi! Tôi quên nói trước với ông. Ở đây chỉ có ba người. Xin anh với hai chú không nên giới, thiệu với ai tôi là bác sĩ giải phẫu. Vì cái nghề của tôi, tôi đi đến đâu là có chuyện đến đó.

   Thế là điều tôi dự đoán, điều mà ông Hai sốt ruột muốn hiểu, sự có mặt của ông đã rõ.

   Tôi nói thêm cho ông yên tâm:

   - Không sao anh Chín! Anh Út Đợ đây là xã đội trưởng, còn bác Hai đây là ủy viên Mặt trận xã, trước sau gì anh cũng làm việc với bác, với anh Út.

   Ông lại đưa tay bắt tay ông Hai, bắt tay với Út Đợ.

   - Bông. Bông. Được vậy, tôi xin nói thêm, tôi về đây là để bắt thằng Nixơn phải ký... - Ông vừa nói, một tay thì đưa quả đấm, một tay thì xòe ra, dứt câu ông đánh bốp xuống một cái.

   Bé Thiều chạy ra vườn báo với các cô.

   Nghe có khách lạ, các cô du kích đang đào hầm, đang dọn bãi lựu đạn, kéo nhau vào. Tôi giói thiệu với bác sĩ Chín:

   - Đây là cô Bé Ba, đây là cô Thon, cô Thả, cô Thanh, Út Trầm... là nữ du kích của xã.

   Giới thiệu đến tên cô nào bác sĩ Chín cũng bông; sau khi bắt tay từng cô, ông lại chắp hai tay đưa lên trán xá từng cô, khiến các cô đỏ cả mặt. Bé Ba lanh lẹ, chạy lên nhà, mang xuống một cái ghế cho ông. Ông ngồi, còn chúng tôi thì đứng xung quanh, nhờ đó mà mọi người đỡ phải ngước cổ nhìn lên.

   - Sao anh biết tôi với anh Năm Bờ ở đây, anh Chín?

   Bác sĩ Chín ngồi xuống ghế, hai chân dạng ra, hai tay để lên đầu gối, xòe ra đủ năm ngón như ngồi trước máy ảnh.

   - Chuyện biết được hai anh, tôi suýt trả bằng máu!

   Các cô nhìn nhau cười chúm chím trước giọng đùa duyên dáng của ông.

   - Vượt qua đồng chó ngáp. Sau đó một hai hôm, giao liên đưa chúng tôi đến một rừng tràm thưa. Chúng tôi đến trạm vào lúc nửa đêm, chẳng ai hay. Vào chòi, chúng tôi ngủ như bị chụp thuốc mê. Nửa đêm thì pháo nổ. Pháo nổ đầu này, pháo nổ đầu kia, pháo nổ trước mặt, pháo nổ sau lưng, pháo nổ bên trái, pháo nổ bên phải, đâu đâu cũng nổ, nhưng có điều là trên đầu trên lưng, và ngay cái chòi của mình thì pháo không nổ. Đầu hôm sớm mai về tới đồng bằng, mình đã rơi ngay giữa bãi pháo tụi nó rồi! Hầm hố không có, nhìn ra chòi, tối mù tối mịt, chỉ thấy có ánh chớp, thôi, đành phải thí thân mẹo dậu vậy, cứ nằm dán xuống mặt đất! Sau đợt pháo thì giao liên cầm loa: “A lô..! Các đồng chí nằm đâu nằm đó, đừng lộn xộn. Đây là pháo thực tập của đội pháo binh”. Hú hồn, hú vía! Sáng hôm sau tôi ra chòi, đi tìm đội pháo. Tôi toàn gặp các cô gái, tóc cắt ngắn, đẹp như các cô tiên.

   - Đội pháo của chị Mai - Út Trầm nghe sướng quá, reo lên.

   - Pháo của cô Mai. Quì. Đúng là pháo của cô Mai. Tôi đến thăm đội pháo, dò la thăm hỏi phải qua hàng trăm câu chuyện, tôi mới được biết, chính cô là người ở làng này, cô biết Năm Bờ, biết cả ông Thắng.

   - Bác Hai đây là thân sinh của cô Mai.

   Ông Chín bác sĩ ngước nhìn lại ông Hai, ồ lên một tiếng, bật đứng dậy rồi lại chìa tay ra bắt tay ông, lần này là lần thứ ba.

   - Thiệt may mắn! Hôm tôi đi, cô ấy có nhờ tôi ghé thăm ông già. Bây giờ lại gặp anh ở đây, ngay phút đầu, đó là một điềm lành. Bông.

   Thấy ông nhún người bắt tay ông Hai, vẻ kính cẩn, các cô lại gục đầu vào vai nhau cười rúc rích!

   Cử chỉ bình thường của ông khiến cho mọi người vui thích, câu chuyện của ông khiến cho mọi người phải cười đến hả hê. Con người có một sức hấp dẫn không ai bằng.

Bắt tay ông Hai xong, ông nhìn quay lướt qua mọi người, rồi đưa tay xem đồng hồ:

   - Ồ! Đã mười giờ. Xin lỗi các đồng chí! Tôi đến đây không phải chỉ có một mình, mà tôi đến với một đạo quân dao kéo hơn hai mươi người.

   - Bây giờ các anh chị đang ở đâu? - Nhiều người cùng hỏi.

   - Trạm giao liên phân cho chúng tôi ở mấy ngôi nhà trong ngọn. Anh chị em đang còn mệt. Còn tôi, một mình một ngựa đến đây để...

   Bé Ba cắt lời:

   - Chú với các anh cơm nước gì chưa?

   Ông bác sĩ già vui tính lại mọp đầu:

   - Dạ rất tiếc là chưa!

   Bây giờ ông Hai mới lên tiếng:

   - Con Ba với mấy đứa bây chạy lo cơm nước cho anh em đi. Còn bác sĩ, rảnh thì xin về qua nhà tôi.

   - Xin đa tạ. Bông.

   Các cô lại cười rộ lên, rồi chạy túa đi...

   Đêm ấy, Út Đợ họp du kích, bàn việc chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở cho đội tiền trạm của trạm quân y dã chiến - còn tôi với ông bác sĩ già, mắc võng nằm dưới sàn nhà của xã đội.

   - Chỗ của anh nằm là chỗ của Năm Bờ hồi chúng tôi mới về. - Tôi nói với ông.

   - Từ sáng đến giờ, tôi chưa có dịp hỏi. Có đúng như tôi đoán là chú Năm có phiăngxê ở xã này phải không?

   - Dạ đúng.

   - Viên đạn ấy, đường đi của nó ra sao? Có phá vỡ nổi hạnh phúc của luy không?

   Tôi vừa đưa võng vừa đáp:

   - Khi tôi nghe anh nói, tôi luôn để ý.

   - Quì.

   - Trên đường đi, tôi đã biết. Người yêu của anh ở xã này.

   - Quì.

   - Tôi dự đoán bao nhiêu tình huống sẽ xảy ra: hoặc sẽ tan vỡ, hoặc sẽ giận hờn.

   - Quì.

   - Nhưng đến nơi khi hai người gặp nhau, thì mọi việc đều khác với dự kiến của tôi. Ở những chỗ khác, chỗ riêng của hai người thế nào tôi không rõ, nhưng trưóc mắt tôi thì không có gì phải tan vỡ, cũng không tỏ ra hờn giận! Tôi thấy có vẻ mặn mà nhưng cũng bình thường, như một điều hết sức dĩ nhiên là họ sẽ gặp lại nhau, không có gì khác! Cách đây mấy hôm, hai người cùng trở về, cùng đi lên tỉnh, rồi cùng trở ra ngoài ấy, tôi thấy, hai người vừa là đồng chí, vừa là người yêu. Tôi nghe nói, sau chuyến này, hai người sẽ tính.

   - Bông. Còn ông?

   Tôi hiểu câu hỏi của ông, tôi muốn hỏi đến Mai, nhưng tôi ghìm lại.

   - Về đây, tôi cũng làm được một ít việc, đã thật sự là người ở đây. Còn ở trên Rờ, anh em mình ra sao, anh? -Tôi cố ý hỏi lại ông để lái câu chuyện sang hướng khác.

   - Rờ vừa chật lại vừa thưa! Quân ta từ ngoài kéo về, trùng trùng điệp điệp. Một buổi trưa sau một ca mổ, đầu óc căng thẳng, tôi bước ra trảng. Nhìn cái trảng, tôi thấy lạ. Mới có mấy hôm mà cây cỏ đã khác rồi. Tôi thò tay vào túi, lấy kính đeo lên. Nhìn kỹ, tôi mới rõ, té ra là ngoài trảng, quân ta áo quần màu cây cỏ, trên mình đầy lá ngụy trang, nhìn kỹ nữa thì biết quân ta đang luyện quân. Đêm thì xe pháo chạy ì ầm. Xe chở gạo, xe chở đạn, xe chở quân... Còn dân ở Rờ mình thì lần lượt hạ phóng xuống chiến trường. Người già như tôi, đáng lẽ phải thủ trại. Nhưng anh em, người này, rồi người nọ cứ đến chia tay vói tôi. Tôi ngồi không yên nữa. Tôi xin đi “Tuổi già không mệt mỏi” - Ông nhắc lại một câu trong bài hát dành cho các chiến sĩ già. - A lê hấp, ba lô lên vai... - Giọng ông bác sĩ già đang sôi nổi bỗng trầm xuống.

   - Nè ông Thắng! Hồi tôi ở Pháp. Một buổi trưa nắng ấm, tôi nằm bên bò sông Xen - Tôi ngủ. Có một con ngựa gặm cỏ gần đó, thè cái lưỡi liếm qua má tôi. Tôi mơ màng, tưởng như bàn tay vuốt ve của mẹ tôi. Tôi giựt mình. Từ đó, tôi cứ nghĩ đến quê hương, vậy mà bao nhiêu năm tôi chưa được trỏ về với con sông; lần này, tôi quyết sẽ ra đứng bên bờ sông, vốc lấy một ngụm nước sông Cửu Long mà uống.

   Nghe ông nói, cái giọng trầm ít có của ông, lòng tôi bỗng xao xuyến! Giữa ông và tôi, hai lứa tuổi khác nhau, hai cuộc đời cũng khác nhau, nhưng cùng một nỗi nhớ! Tôi ngồi dậy, đốt một điếu thuốc. Tôi nghĩ chuyện tâm sự của hai người sẽ kéo dài, và sẽ đến khuya, sẽ đến sáng. Nhưng con người sôi nổi yêu đời đang nằm bên tôi sau bao nhiêu ngày đường mệt mỏi và mất ngủ, vừa mới đó mà đã thiếp đi rồi! Ông ngủ quên cả bỏ mùng!

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:37:50 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2019, 09:16:31 am »

CHƯƠNG 30

   Phải, chiến sĩ trinh sát của đơn vị đặc công lại trở về. Tên anh, tôi được nghe một lần trong tâm sự của Mười - phòng vệ dân sự, qua lời kể của Sáu Linh. Bây giờ, một buổi sáng nắng đầy vườn, anh đứng trước mặt tôi, trình giấy cho xã đội. Người tiếp anh phải là anh xã đội trưởng. Nhưng suốt mấy ngày hôm nay, Út Đợ cứ vất vả ngược xuôi. Là xã đội trưởng của một xã đang chuẩn bị chiến trường, công việc cứ dồn tới, từ cái nhỏ đến cái lớn. Hầm hố, cơm gạo, cầu đường... tất tất, việc gì anh cũng phải lo. Đội du kích của anh cũng phân ra, mỗi người một việc. Bé Ba, Thảnh lo chỗ ở, hầm hố cho trạm quân y dã chiến, cho những đơn vị và khách từ trên xuống. Thon, Thả hai chị em một chiếc xuồng lo tải gạo, cá mắm đưa vào kho, xây cất bảo quản kho. Tuyết đen cùng đi với trinh sát của đội nữ pháo binh. Bé Thiều con chị Nở được chuyển ra nhà vợ chồng anh Bảy Thá, làm trạm chuyển tin từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, Út Trầm chuyển về làm giao liên cho xã đội.

   Anh xã đội phó Châu, Dũng, Lâm và một số thanh niên làng - ngoài ấp chiến lược trở về, thì lo canh gác, cầu đường, hầm hố chiến đấu. Bấy nhiêu người với bấy nhiêu việc, rộn rịp, tất bật mà âm thầm! Út Đợ có mặt ở khắp nơi, khi thì gặp anh đang ngâm mình dưới nước, xốc lại cây nọc cầu, khi lại gặp anh cầm leng xúc đất đắp lên công sự, lúc lại thấy anh ngồi trên xuồng chở gạo... Anh đi, hai bàn chân không nghỉ, khuya lơ khuya lắc mới trở về, gặp đâu ăn đó.

   Còn tôi, tôi được phân công giữ nhà, thu xếp và giải quyết giúp anh một số việc. Đọc qua giấy giới thiệu của Phải, Đặng Ngọc Phải, trình cho xã đội, tôi đoán hiểu được mũi quân nào về đây. Tôi gọi Trầm, bảo em đi tìm Út Đợ. Tôi giăng võng, mời anh ngồi đợi, rồi đi nấu nước.

   Cái bàn trà tôi đặt giữa hai cái võng, anh ngồi bên kia, tôi ngồi bên này. Tôi xúc ấm bằng nước sôi, rửa chung cũng bằng nước sôi; hai cái chung rửa xong, tôi lật úp cả hai cái xuống đĩa, rồi đổ nước sôi lên đít chung, đúng kiểu cách của dân sành trà. Tôi làm cái việc đó trước mắt anh, để tỏ thiện cảm với anh, và cũng muốn chứng tỏ, dù con đầm già đang rà soát qua khu vườn, rặng cây bên kia làng, đang có tiếng pháo gầm rít, tiếng bom nổ, và ngoài xa trên cánh đồng đang có tiếng trực thăng, tôi vẫn ung dung tiếp anh. Ngược lại, anh cũng để ý quan sát từng cử chỉ nhỏ của tôi. Tôi pha một ấm trà, loại ngon của Năm Bờ gởi cho, nước trong xanh phảng phất mùi sen. Qua một vài chung trà, một vài câu chuyện, ngắm nhìn anh, tôi thầm nghĩ, cấp trên đưa anh vào đơn vị đặc công thật là khéo chọn. Một binh chủng thần kỳ đặc biệt Việt Nam. Khi phải leo tường, anh chiến sĩ đặc công sẽ bám sát người vào bức tường dựng đứng, bò dần lên, bám chắc và nhanh như con thằn lằn. Lội dưới nước thì êm như cá. Ra vào đồn bót giặc như chỗ không người! Nếu cần, anh sẽ có một món gì đó - cái gạt tàn thuốc để trên bàn làm việc của bọn nó chẳng hạn, mang ra làm chứng. Những con chó Béc giê, nuôi từ bên Mỹ đưa sang, không thể phát hiện được hình bóng, mùi vị, hoặc dấu vết của anh. Lúc đặc công thực tập, ta cầm cây đèn dài loại năm pin, sáng như pha, ta đứng trong một cái chòi, như cái lô cốt của giặc, quanh ta là bãi trống. Một anh đặc công đứng ngoài kia, báo cho ta biết là anh sẽ vào. Với cây đèn rực sáng ấy, cầm trong tay ta cứ rà, cứ rọi, cứ soi đi! Rồi bất thần anh chiến sĩ đặc công đứng cạnh bên ta, ta cũng không hề hay biết, đến lúc có một bàn tay khỏe mạnh, chộp lấy gáy ta, ta mới giật mình... Và còn bao nhiêu câu chuyện nữa của đặc công, tôi đã được nghe. Bây giờ con người của những câu chuyện như thần thoại ấy đang ngồi uống trà với tôi, dưới sàn nhà. Một người trai tuổi độ hăm lăm, hăm sáu, không to lớn, nhưng liền lạc gọn gàng, không gân guốc mà mềm mại, sự mềm mại của con người khỏe mạnh. Cái áo sơ mi trắng bằng vải phin trắng, hàng nút như nứt ra vì lồng ngực căng đầy của anh, vẻ mặt sáng láng với đôi mắt sắc và vầng trán thanh thanh.

   - Công tác của anh gian khổ nhưng chắc là thú vị lắm?

   Tôi bắt đầu gợi chuyện. Anh cười:

   - Cũng bình thường như những công việc khác thôi. Nhưng binh chủng nào cũng có cái riêng của nó.

   - Trong đời hoạt động của anh, có lần nào anh gặp những tình huống gay go, đáng nhớ?

   Ấy, cái tật của tôi là vậy, tôi đang bắt đầu và đã hỏi dồn đến tận nơi! Với lại, muốn gặp và nghe chuyện một chiến sĩ đặc công đâu phải dễ. Bằng mọi giá, tôi sẽ bám lấy chuyện của anh. Bởi vì tôi biết, một chút nữa, Út Đợ sẽ trở về. Anh sẽ bắt tay vào công việc, rồi dù có hẹn, thì sau đó mỗi người sẽ mỗi nơi, rất khó gặp lại nhau.

   - Nhiều lắm! Lần nào tôi cũng thấy gay go.

   Tôi hứng thú với câu mở đầu của anh. Nhưng tôi bị con đầm già phá đám. Đang quần đảo u u, nó tắt máy.

   - ... C... ả... o... X... ù... y...

   Nó cảo một phát hỏa tiễn. Tiếng hỏa tiễn rít xiên ngang mái nhà trên đầu chúng tôi, đùng một tiếng cách chúng tôi - trong cụm vườn, chừng năm bảy mươi thước. Hai chúng tôi phải rời võng đứng bật dậy, bước ra khỏi sàn nhà, nhìn theo nó. Đó là phát hỏa tiễn cuối cùng, nó trút xuống trước khi về, chẳng cần đến mục tiêu.

   Con đầm già mắc dịch đó bắn xong, nó cất cánh, tè tè bay thẳng ra sông lớn.

   Khu vườn lại yên tĩnh, sự yên tĩnh sau tiếng nổ thật kỳ lạ! Tiếng động trong khu vườn nổi lên rõ hơn. Lá lao xao, và tôi nghe rõ tiếng lá rơi vãi cuộn tròn chạy theo gió.

Chuyện giữa tôi với Phải bị dứt đi xa, khó bề xoay lại được. Anh chưa trở lại chỗ ngồi. Nếu vì nể tôi mà anh phải trở lại câu chuyện, chuyện sẽ gượng và tôi sẽ trở nên vô duyên. Đành phải để dịp khác vậy, “sự vô duyên” đó để cho con đầm già nó nhận. Nó bắn thật vô duyên! Tôi để cho Phải được đứng yên, được nhìn khu vườn. Anh nghĩ gì mà tư lự? Tôi không thể hiểu, nhưng qua cái nhìn sâu và lặng lẽ của anh, khiến tôi nghĩ đến Mười, cô gái đã mấy năm vò võ đợi anh, và mong cùng sống với anh. Tôi không muốn tỏ cho anh biết là tôi hiểu được chuyện riêng của anh. Tôi không muốn khuấy động đến sự im lặng của anh!

   Trước đây, khi tôi nghe chuyện của Mười, tôi tưởng tượng và hình dung hình dáng của cô. Bây giờ đứng trước người con trai mà cô yêu, trong sự tưởng tượng của tôi, hình dáng của cô khác đi, xứng với anh hơn. Phải đứng đó, đang nghĩ đến ngày gặp lại người yêu của mình chăng?

   Trước mắt tôi, và trước mắt anh, vườn xoài đang bắt đầu trang điểm với những nụ hoa đầu mùa, trắng li ti như rắc phấn. Những chùm hoa nhỏ không chịu yên, lay động ngả nghiêng cười đùa với nắng. Và thỉnh thoảng buông xuống vài nụ, rắc lên mặt vườn những cánh hoa nhỏ, trắng li ti...

   - Ai như thằng Phải đó phải không?

   Út Đợ về. Từ ngoài vườn anh vừa đi vừa chạy, đeo trên vai một cuộn dây luộc.

Trông hai người bạn cũ gặp nhau kia, thấy mà vui lây, mà thèm cái tình bạn của họ. Hai người chạy lại nhau, không bắt tay, mà vừa ôm vừa đấm vào lưng nhau, nhìn kỹ, mắt của họ đỏ hoe.

   - Trận này mày mà không về, tao giết.

   - Mày đi đâu từ sáng tới giờ hả? Tao chờ muốn chết.

   - Thôi vô đây, vô đây uống nước. Uống nước, rồi mai chiều tao nói cho mà nghe.

   Út Đợ nắm lấy tay của Phải kéo vào sàn nhà:

   - Anh Thắng, đây là Phải, bạn hàng xóm của tôi. Hồi nhỏ, hai đứa chia thành phe, làm Tây với Việt Minh đánh nhau tối ngày... Còn đây là anh Thắng, cán bộ ở Rờ hạ phóng, bạn của anh Năm.

   Giữa hai người thì Út Đợ sôi nổi hơn. Anh đặt hai tay lên vai Phải ấn Phải ngồi xuống võng:

   - Ngồi xuống đây uống nước.

   Tôi lại pha thêm ấm trà mới.

   - Trầm đâu rồi Út? - Tôi hỏi.

   - Gặp tôi rồi nó ghé nhà ông Hai.

   Út Đợ xách ghế, đặt trước đầu bàn, giữa hai cái võng, ngồi dạng chân, mừng bạn, miệng anh tía lia.

   - Thằng Châu nó nghe mầy về nó mừng hết lớn! Nó cứ nói với tao, là nó muốn theo mày làm đặc công.

   - Tao định rút nó lên để nó dạy võ cho anh em.

   - Tao giết mày.

   - Mày đi đâu mà dây luộc lên vai? Định trói tao sao chớ?

   - Ờ quên. - Út Đợ cởi sợi dây luộc ném xuống đất - Chạy đi lo cho tụi bây chớ làm gì nữa. Muốn đứt hơi!

   Tôi rót trà, mời một tiếng gọn:

   - Uống!

   - Uống đi mày, Phải, rồi tao nói cho mà nghe. Đi từ sáng tới giờ, mới được một cuộn dây luộc đó. Tao kinh nghiệm rồi. Hồi năm sáu mươi tám, cứ để mấy cái cầu khỉ đó, mấy cha chủ lực mình qua cầu như hề hát xiệc đi dây. Tao định buộc lại cầu, nhưng mấy hôm nay, máy bay đêm nào cũng chụp hình. Trời, chớp lình phình sáng đêm! Nó chụp đường chụp cầu, hai ba bốn cái, nó đem so lại thấy khác, nó biết, cho nên tao nghĩ là phải làm cầu nổi, bằng tre, để sẵn trong vườn, chừng nào mấy cha tới, thì tao thả xuống cho mấy chả đi. Mấy chả đi xong thì tao kéo lên, để trong vườn. Mệt muốn đứt hơi!

   Út Đợ cầm chung nước, ực một cái rồi tiếp:

   - Bây giờ cái gì cũng sắp xong, chỉ còn cái bầy vịt ngoài ấp nữa thôi.

   - Bầy vịt gì? - Phải hỏi.

   - Cái bầy vịt đó, - Anh chửi thề một tiếng - nó phá đám tao một lần, muốn chết! Mày nghĩ (Anh nhìn sang tôi) như vầy anh Thắng. Mậu Thân năm 68. Trong những ngày chuẩn bị để bảo đảm bí mật, mấy cái thằng thám báo ở trong xóm, tụi tôi triệt hết. Đến lúc chủ lực về, không ai báo cho nó, êm ru. Khi tôi dẫn bộ đội tắt qua đường đồng để hợp điểm, đi cách bót nó độ năm trăm thước, nó không biết gì hết. Êm re! Nhưng tôi không lường trước được. Tôi dẫn quân đi ngang qua một bầy vịt tàu, một bầy cả ngàn con. Nghe động, nó vỗ cánh nó kêu, nó chạy. Một ngàn con vịt tàu nó cạp lên. Thiệt thấu trời, ai mà bụm miệng nó được? Thiệt quá cha thám báo! Trong bốt nó nghe, nó nã cối ra - Tôi bị mấy cha chủ lực chửi cho một trận. Biết mình sơ suất tôi làm thinh! Mấy hôm nay, thằng Châu dấn qua xóm anh Bảy Thá rồi. Ngũ da ngũ diếc, thằng nào cũng bị nó cảnh cáo! Bàn tay thằng Châu mà thộp ngực đứa nào thì đứa đó hồn vía bay mất, hai cái chân sụp xuống, hai cái đầu gối đánh nhau lộp cộp, run như thằn lằn đứt đuôi. Việc đó, coi như xong! Cuối cùng, chỉ còn cái bầy vịt!

   - Bây giờ Út định giải quyết bầy vịt đó thế nào? - Tôi hỏi. Út Đợ đưa tay phạt ngang.

   - Đánh tiết canh ăn ráo. - Rồi anh ngã ra cười. - nói vậy, biết làm sao được. Lúc đầu tôi định nói với chủ nó, điều nó đi. Nhưng tai vách mạch rừng. Thôi thì, biết nó phải tránh nó vậy. Còn mày sao Phải?

   - Sao là sao?

   - Về một mình hay về với ai.

   - Một tiểu đội nữa. Tao đi trước, còn anh em thì vài hôm nữa mới tới.

   - Ngon! - Anh quay sang tôi. - Ờ, bị thằng Phải mà nãy giờ tôi quên. - Anh móc túi đưa cho tôi một lá thư.

   - Thư của chị Sáu gởi cho anh.

   - Út gặp cô Sáu, hôm nào? - Tôi và Phải cùng hỏi.

   - Gặp được đâu! Chỉ vô nhà anh Bảy Thá, biểu con Thiều đem qua vọng gác.

   Tôi cầm thư, ngồi lại võng, mở xem. Thư của Sáu viết:

   Anh Thắng thân mến.

   Tôi với anh Năm có bàn với nhau, và hôm lên tỉnh báo cáo các đồng chí trên cũng đồng ý cho anh đi hợp pháp. Mấy hôm nay, tình hình này, chúng tôi thấy rất cần. Chúng tôi hoạt động bất hợp pháp có nhiều điều bị hạn chế. Có được một người được đi lại hợp pháp như anh thì tình hình mới nắm được toàn diện. Nếu anh đồng ý thì anh biểu em Thon đo cho anh hai bộ quần áo, gởi ni tấc cho tôi, tôi sẽ may gởi cho anh. Anh cần liên lạc với anh nhà báo để bàn bạc. Tôi cũng đã viết thư cho anh Út Đợ. Anh bàn thêm với ảnh. Chúc anh mạnh khỏe
.

   Tôi xếp thư, nhìn lên thì thấy Út Đợ đang nhìn tôi, anh cười:

   - Lần này thì anh ngon rồi đó, anh Thắng!

   Tôi nhướn mày. Tôi lại nhìn Phải. Nay mai, tôi sẽ gặp người yêu của anh. Tôi nghĩ mà không nói.

   - Bây giờ thì sao Phải?

   - Tao muốn đi ra ngoài thằng Châu.

   - Thì đi, tao cũng cần gặp nó.

   Út Đợ đứng dậy, cuộn dây luộc mang lên vai:

   - Tôi đi! Anh Thắng ở nhà, tối tôi về.

   Tôi đưa hai người ra đến tận đường. Đưa Phải đi, tôi thấy mình bị mất những câu chuyện hay của anh chiến sĩ đặc công. Tại con đầm già. Bây giờ thì tại Út Đợ. Nhưng Út Đợ bù lại cho tôi.

   Tối, Út Đợ trở về. Bước vào nhà sàn, anh ngã ngay xuống võng, ngả lưng, thở phào.

   - Phải đâu không thấy về?

   - Nó đi ra ngoài con Mười rồi!

   - Vậy à? Làm sao gặp được?

   - Thằng đó, - Anh gọi Phải bằng thằng đó với giọng thân yêu - đâu mà nó không tới được anh.

   Bao nhiêu ngày vất vả, biết anh mệt, tôi không muốn gợi chuyện. Và tôi cũng đang lo nghĩ, bận rộn đến chuyến đi, qua lá thư của Sáu Linh. Nhưng Út Đợ đã ngồi dậy, bật lửa đốt ngọn đèn chai đặt lên bàn, và lại hăng hái:

   - Anh xem, nó tài như vầy, thì đâu mà nó chẳng tới! Có lần, nó kể với tôi. Nó vào nhà của một tên ác ôn. Nó vào lúc trời vừa chạng vạng tối. Vào nhà, nó ngồi dưới một cái chõng, ngồi rúc trong bóng tối. Thường đêm, mười hai giờ thằng ác ôn mới về nhà. Nó ngồi đó nó chờ. Đến tối bà già thằng ác ôn, ngồi trên chõng gọt cau. Cây đèn dầu trứng vịt để trên ghế, bên thành chõng. Nó ngồi nghe rõ tiếng dao cắt khoanh theo trái cau, nghe cả tiếng lẫy từ cái vú cau tách ra. Chẳng hiểu làm sao một trái cau tuột khỏi tay, rơi xuống. Lộ hay không lộ, sống hay chết là lúc đó! Rớt trái cau, tất nhiên bà phải tìm. Khi bả đã tìm, mắt già yếu, bả phải bước xuống đất, phải cầm cây đèn soi tới soi lui, trước sau gì bả cũng phát hiện ra; nó có thể thoát, nhưng công việc sẽ bị hỏng. Trở lại lần thứ hai, sẽ khó gấp trăm lần! Nếu như anh, đứng trong trường hợp như vậy, anh xử trí bằng cách nào. - Út Đợ hỏi tôi.

   Tôi ngửa cổ ra cười, và hỏi lại anh:

   - Cách nào?

   - Lúc đó nó tính, phải làm cách nào để bà ấy không bước chân xuống đất, cũng không cầm cây đèn. Có như vậy mới không phát hiện ra nó, phải không anh?

   - Phải, nhưng mà làm sao?

   - Bả bước xuống, cầm cây đèn soi tối soi lui là cốt để tìm trái cau. Nó nghĩ phải cho bả lượm trái cau mà chân không cần bước xuống đất, làm được vậy, coi như xong! Nói thì dài nhưng làm thì nhanh. Nếu nó tính mà chậm như tôi nói với anh tự nãy giờ thì nó bị lộ rồi; nó nói đôi lúc nhớ lại, hình như lúc đó nó chẳng tính chẳng nghĩ gì bao nhiêu. Nghe tiếng trái cau rơi xuống trước mặt nó, nó chộp lấy rồi đặt ngay trên chiếc dép bên phải của bà, dưới đất - Bởi vì một người già như bà, muốn tìm lại trái cau, trước nhất, cái chân bên phải phải thò xuống quơ qua quơ lại tìm chiếc dép, chân phải xỏ vô dép rồi mới tới chân trái. Đằng này, chân vừa quơ được dép thì cũng vừa đụng trái cau. Đụng được trái cau rơi rồi bả cần gì phải xuống đất, cầm đèn soi tới soi lui làm gì nữa? Chân của bả đụng trái cau, bả giựt mình giựt cái chân lên! Nó tưởng bà sẽ khom xuống lượm nhưng bả không thèm khom xuống nữa mà dùng mấy ngón chân quặp lấy trái cau đưa lên! Bả lại ngồi chẻ cau, còn nó thì cũng ngồi yên ở đó. Anh thấy nó tài chưa? Chuyện thứ hai. Có một lần cấp trên giao cho nó phải lấy một tài liệu mật của một tên - thằng này giữ tài liệu ở một nơi rất kỳ lạ. Không để trong cặp, không để trong tủ, cũng không để trong túi, mà lại dắt sau sống lưng y như nông dân đi làm dắt cái mo trầu mo thuốc sau sống lưng vậy! Đêm ngủ thằng ác ôn cũng giắt tài liệu như vậy! Lấy làm sao được? Nhưng phải lấy cho được! Nó vào nhà đứng cạnh bên giường ngủ của thằng ác ôn. Đứng chờ thằng ác ôn trở mình mà ba đêm không lấy được. Đến đêm thứ tư thằng Phải mới có cách. Thằng ác ôn ngủ mê, thằng Phải mới kê miệng sát vào tai nó, kêu nho nhỏ: “Bớ làng xóm ơi, nhà cháy! Bớ làng xóm ơi, nhà cháy!”. Thằng ác ôn trở mình, nhưng chưa tỉnh ngủ. Nó lại kêu nho nhỏ: “Bớ làng xóm ơi, - nhà cháy! Bớ làng xóm ơi, nhà cháy!”. Trong lúc mê mê tỉnh tỉnh ấy, thằng ác ôn tưởng như tiếng kêu của hàng xóm từ xa vẳng lại. Nó chồm dậy thì thằng Phải cũng vừa thò tay, gắp lấy. Nó khoát mùng, chạy ra mở cửa. Nó vừa mở cửa thì thằng Phải cũng vừa ra khỏi nhà!

   Câu chuyện của Út Đợ kể, tôi biết đó mới là chuyện râu ria của một anh đặc công thôi. Nhưng dưới sàn nhà trong một khu vườn, nghe anh kể cũng vui tai.

   - Còn chuyện gì nữa không?

   - Còn, còn nhiều! Có một lần, nó vào đồn. Nó vào mới độ năm phút thì bọn địch báo động. Địch báo động giả hay phát hiện được dấu vết của nó, nó chẳng biết. Bọn lính đang còn nghễu nghện ngoài sân, ngoài rào, chen lấn la hét, chưởi bới, xô nhau chạy vào chộp súng ra công sự. Đèn pha của bọn chỉ huy năm sáu cái, rà quét tứ tung. Nó thấy thằng chỉ huy đồn trưởng từ trong buồng tông cửa chạy ra. Cánh cửa thằng chỉ huy chưa kịp đóng. Thế là nó mở cửa nó bước vào. Nó phát hiện đó là buồng riêng của gia đình tên chỉ huy. Lúc đó chẳng có ai. Nó lại thu mình trong một chỗ kín. Nghe tiếng động bên ngoài, nó biết bọn địch đang lùng sục. Nó đoán biết là bọn địch đã phát hiện được dấu vết của nó. Bọn địch lùng sục đến cả giờ, không thấy gì lại thôi. Sanh hoạt đêm của đồn bót lần lần được trở lại bình thường. Chỗ mở đài nghe nhạc, chỗ nhậu, chỗ đánh bài. Nó chưa kịp trở ra thì vợ thằng chỉ huy trở về. Hai vợ chồng một đứa con cùng ngủ trên giường. Con của vợ chồng thằng chỉ huy độ hai tuổi; vợ chồng con cái nó ngủ trong ánh đèn màu tím. Không thể ngồi trong buồng ngủ của vợ chồng nó đến sáng, đến mai được. Phải ra! Nhưng cửa khóa rồi làm cách nào ra?

   Phải mở cửa! Nhìn cái ổ khóa của bọn nó, thằng Phải thấy là một cái ổ khóa lạ, nó chưa từng gặp. Nếu không biết cách mà đụng đến cái ổ khóa sẽ báo động! Đây là một cái đồn lớn, trang bị của nó là trang bị của Mỹ, tối tân. Mình không nắm được cách mở, thì phải làm cho nó mở. Làm sao bây giò? Thằng Phải nghĩ ra được một kế. Xin lỗi anh, thằng Phải kể với tôi là nó ngồi nó rặn, cuối cùng nó rặn được một tí! Thằng Phải lấy cái tí đó nhét dưới đáy quần của thằng nhỏ, rồi chọc cho nó khóc. Hai vợ chồng thằng chỉ huy giật mình choàng dậy. “Sao con? Sao con? Con nằm chiêm bao hả con? Ai đánh con?” Vợ thằng chỉ huy sờ xuống quần thằng nhỏ, nó kêu “Không phải mình ơi, thằng nhỏ nó ỉa. Đúng rồi nó ỉa. Con đĩ mẹ mày. Mở cửa ra đi mình”! Thằng chồng nhảy xuống giường. Thằng Phải để ý thấy đúng là cái ổ khóa đặc biệt. Trước khi găm cái chìa vào ổ khóa, thằng chỉ huy nó bấm một cái nút. Cửa mở. Vợ chồng thằng chỉ huy vừa bế con ra thì thằng Phải cũng theo ra! Anh thấy nó tài không? Đêm nay nó không gặp con Mười sao được anh?

   - Phải biết chuyện cô Mười chưa? - Tôi hỏi.

   - Chuyện người yêu của người ta, người ta không biết sao được. Anh này hỏi lạ! Tôi mà như thằng Phải, tôi sẽ trổ nóc nhà tôi xuống, tôi hù cho cô ta giật mình chơi.

   Tôi không thể hiểu đêm nay, Phải và Mười hai người sẽ gặp nhau ra sao? Mười sẽ giật mình trước sự xuất hiện bất ngờ của Phải, hay là hai người đã hẹn với nhau! Mười sẽ cười hay khóc! Ai biết được! Tôi chỉ biết là bây giờ, dưới cái sàn nhà của xã đội, qua các chuyện của Út Đợ, cô gái mặc áo bà ba đen đầu đội nón lá trong cái đèn chai đang cháy, cô gái ấy bao giờ cũng cười với anh. Nụ cười không bao giờ tắt.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2019, 10:55:59 am »

CHƯƠNG 31

   Thế là tôi ở dưới nhà bè cùng với Trần Hoài Sơn với tư cách là bạn của anh. Có lẽ tôi đóng vai ấy không đến nỗi tồi, không có một tên cảnh sát nào đến tra hỏi giấy tờ, khiến cho Trần Hoài Sơn và cả tôi, hai đứa đều vững bụng. Cái nhà bè bập bềnh dưới sông, cách xa mọi người, nhờ đó mà chúng tôi sống thoải mái, nói năng cũng không phải dè dặt. Tôi ở buồng bên trái, anh ở buồng bên phải, phòng giữa là phòng chung của hai người. Cơm mỗi ngày hai bữa do một cô gái mười bốn mười lăm tuổi - đứa ở của bà Út Nhỏ từ trên nhà bưng xuống.

   Đứng dưới nhà bè, qua cửa sổ vách sau của căn buồng, tôi có thể nhìn thấy cả xóm đình. Nhà ông Sáu Đương nằm khuất trong vườn chuối, ngôi nhà sàn nhỏ của bà Chín dưới bóng cây xoài bên kia đường, nhà sàn lớn của thằng Long với hàng rào lá lưỡi cọp, con đường trải đá chạy qua làng với những chiếc xe qua lại, dãy nhà chen chúc hai bên đường và cây lá trong vườn cây ăn trái.

   Mỗi ngày ba lần, buổi sáng, buổi trưa và buổi tối, tôi nhờ Trần Hoài Sơn đưa tôi qua các con đường vòng theo chi khu bằng xe Hon đa. Tôi có nhiệm vụ điều tra cách bố phòng của quân địch! Tôi nhìn bằng con mắt của người dân “hợp pháp”. Còn Phải, anh nhìn cách bố phòng của quân địch bằng con mắt của một chiến sĩ đặc công.

   Đến chuyến đi lần thứ chín của ngày thứ ba - và qua sự dò hỏi, tôi đã khẳng định được tình hình bố phòng của quân địch.

   Vào giữa trưa, lúc vắng người, tôi đến nhà ông Sáu Đương, liên lạc với Năm Bờ.

   Ông Sáu Đương một ông lão hơn tám mươi, đôi mắt đã lòa nhưng vẫn cường tráng. Ông chỉ mặc một cái quần đùi, người ông trông dẻo dai như sợi mây già. Ông ngồi trên bộ ngựa, vót nan. Nghe tôi hỏi, ông ngước đôi mắt lòa nhìn tôi, sau khi nhận ra ám hiệu, ông bảo thằng Hải đi chơi. Chú bé Hải cũng như ông lão, mình trần, chỉ mặc một cái quần đùi ngả màu cháo lòng. Trước khi bước ra cửa nó tròn mắt nhìn tôi một hồi lâu. Có lẽ nó đã nhận ra tôi, người ở dưới nhà bè, và cũng có thể là thói quen, nó cần nhìn tôi cho kỹ để tả lại hình dạng một người lạ cho ông ngoại nghe. Chẳng hiểu nó nghĩ gì mà nó quay lại nhìn tôi toét miệng cười.

   Năm Bờ đang nằm trong buồng cách tôi một tấm vách chằm bằng lá, mới nhìn qua, tấm vách như đã nát nhưng không thấy một kẽ hở nào.

   Nghe tiếng động bên trong, tôi biết anh đang cựa mình ngồi dậy.

   - Sao ông Thắng? - Giọng của anh vừa mừng rỡ vừa sốt ruột.

   - Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Phải. Bố phòng của nó là bố phòng cố định. Bọn nó không sửa sang cũng không tu bổ gì thêm. Nó chỉ thay hình đổi dạng bằng ánh sáng. Ánh sáng mỗi đêm mỗi khác.

   - Chắc không ông Thắng?

   - Chắc! - Tôi đáp lại dứt khoát và tự tin.

   - Chừng nào anh Năm? - Tôi hỏi lại anh.

   - Chắc là nay mai, tôi đoán không thể lâu được nữa. Tìm cách đưa anh Sơn ra vùng mình càng sớm càng tốt. Phải bảo vệ ảnh. Hễ thấy thằng Long về nhà, Thắng báo ngay với Sáu Linh giùm tôi. Nếu không gặp tôi ở đây, ông liên lạc với cơ sở hai.

   - Dà...

   Báo cáo xong, tôi chào ông Sáu, chào thằng Hải đi trở xuống nhà bè.

   Trần Hoài Sơn ngồi xếp bằng trên chiếu bông trải ra ở phòng giữa trước chồng bản thảo, đợi tôi.

   - Bữa nay anh thấy hứng không? - Anh hỏi tôi.

   - Để làm gì?

   - Tôi muốn đọc cho anh nghe một vài chương.

   Ba hôm cùng sống với anh, vì tâm trí đang đổ dồn vào công tác, tôi không có thời giờ tìm hiểu thêm cuộc đời của anh. Nhờ sống chung một nhà - cách biệt với mọi người, tôi có dịp hiểu rõ anh hơn, đôi điều về cách sống và cách làm việc của anh. Chiều nào anh cũng ra chợ mua báo - báo hàng ngày của Sài Gòn. Báo để trên bàn làm việc, báo để trên giường ngủ, báo để rải rác khắp cả nhà, chỗ nào cũng thấy báo - Báo Điện tín, Sóng thần, Tiền tuyến, Chính luận, Tin sáng, Dân chủ mới, Trắng đen... báo nào cũng có... Là người làm báo tôi tưởng anh cần những tò báo ấy như cơm ăn nước uống, không có nó anh không thể sống nổi, nhưng anh chỉ cần mua, cần thấy mặt chớ chẳng bao giờ đọc - Có thể nói như vậy! Tôi chưa hề thấy anh đọc một bài nào từ đầu cho đến cuối. Cầm tờ báo lên, anh lướt qua các đầu đề rồi ném đi một cách giận dữ, khi ném ngang, khi ném xuống, rồi chộp lấy tờ khác lại ném đi. Rồi cũng không buồn xếp dọn cho gọn. Có tờ vô phúc bị chà đạp dưới bước đi của anh. Theo anh những cơ quan ngôn luận ấy là những cái miệng, những cái miệng nói dối. Anh ví ngòi bút của họ là cái lưỡi, cái lưỡi của một tâm hồn vẩn đục, cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Tôi thấy anh phủ nhận những tờ báo ấy có phần quá đáng! Trong trăm ngàn những tờ báo dối trá ấy, ta có thể lọc ra những lời chân thật của một tâm hồn trong sáng. Tôi nghĩ, nhưng chưa đến lúc tranh cãi với anh. Anh phủ nhận tất cả. Qua đó tôi hiểu anh hơn. Tôi nhớ, hôm tôi với anh Năm Bờ được tin anh vào vùng giải phóng, Năm Bờ tưởng sẽ nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về những quan điểm khác nhau. Anh cứ băn khoăn, không hiểu Trần Hoài Sơn sẽ đặt ra những vấn đề gì và sẽ đối đáp ra sao? Đến lúc gặp nhau thì khác hẳn. Theo cách nói của Trần Hoài Sơn, những cuộc tranh luận ấy đã xảy ra từ lâu ngay trong bản thân anh. Sau những cuộc tranh luận dai dẳng tự thân đã ngã ngũ rồi, anh mới tìm đến chúng tôi. Anh vào vùng giải phóng là nhờ sự thật để chứng minh! Và sự thực: du kích đi hái xoài cho dân, chuyện gia đình ông Hai Cò, sự tiếp xúc giản dị và chân thật của chúng tôi, và những sự thật mà anh hiểu đã chứng minh cho anh. Từ đó theo cách nói của anh, anh quyết định: dấn thân!

   Anh thèm khát được nói sự thật của cuộc sống mà mình lăn lộn đến đắng cay! Từ ngày tách mình ra khỏi nó, quay mặt nhìn lại nó, như anh nói, anh thấy bộ mặt thật của nó rõ hơn. Anh bực bội, anh tự trách mình đã bị nó ràng buộc đến hơn nửa cuộc đời! Bây giờ, anh thấy mình được tự do, được nói. Và anh đang nói, anh đang nói bằng ngòi bút của mình - anh viết say mê! Khi cần phải đưa tôi đi, anh mới rời khỏi bàn viết, nhưng đầu óc anh vẫn để lại trên trang giấy. Trở về nhà, anh bước vào bàn viết một cách vội vã. Đêm, anh ngồi viết đến hai ba giờ sáng, có đêm anh ngồi viết đến sáng trắng. Anh làm việc đến phờ phạc, nhưng đôi mắt lúc nào cũng tỉnh táo, và cái môi dưới của anh lúc nào cũng run run như sắp sửa nói một điều gì.

   - Tôi đang viết một chương khó như vượt núi! - Đầu hôm anh nói với tôi như vậy. Trước khi vào bàn, anh chuẩn bị nào cà phê, nào thuốc, một vài món ăn đêm. Và anh đã “đánh vật” với nó suốt cả đêm.

   Bây giờ, anh muốn đọc cho tôi nghe như con gà đẻ xong cần phải cục tác! Tôi hiểu và thông cảm công việc của anh nhưng không đủ tâm trí để nghe. Lòng dạ tôi đang để vào trận đánh sắp xảy ra, tôi chờ đợi đến bồn chồn! Nhưng tôi không muốn làm cho anh mất hứng.
   - Đi tắm cho mát mẻ rồi hẵng đọc - Tôi rủ anh.

   Suốt ba hôm ở chung với anh, anh chưa tắm lần nào. Có lẽ anh mê viết. Nghe tôi rủ, anh đồng ý ngay. Anh cởi cái máy ảnh dính cả trên vai anh lúc ngồi viết, dằn lên chồng bản thảo.

   - Phải, tắm cho tỉnh táo cái đã.

   Anh cởi áo, thay đồ tắm. Anh quơ tay, quơ chân, ra vẻ hăm hở, nhưng lại sợ nước như người bị sốt rét.

   Anh ngồi trên bậc cầu thang, vỗ vào cái ngực gầy hai ba cái rồi mới dám hụp xuống. Kỳ cọ sơ sịa, chưa đâu vào đâu, anh đã nhảy lên, choàng lấy khăn. Còn tôi, tôi lặn ngụp như con rái. Tôi biết rằng, không còn mấy hôm nữa, không biết ngày nào, có thể đêm nay, cũng có thể là đêm mai, đêm mốt hay đêm kia, sau trận đánh, tôi sẽ đi. Cũng dòng sông này, hơn hai mươi năm trước, trong thời thơ ấu, mỗi ngày hai lần, cùng với lũ nhỏ hàng xóm chúng tôi lặn hụp, đùa giỡn đến tái cả môi. Ngày ấy lũ nhỏ chúng tôi chưa biết mắc cỡ, tắm hãy còn ở truồng, bây giò tóc trên đầu đã có vài sợi bạc. Suốt hơn hai mươi năm, tôi có dịp đi qua nhiều con sông trên khắp mọi miền đất nước, tôi chưa thấy đâu đó có con sông mênh mông mà hiền hòa như con sông này. Sông Cửu Long! Tên sông gợi cho người đi xa một nỗi thương day dứt! Nước sông ngọt ngào. Nước sông tưới mát cho cánh đồng và vườn tược hai bên bờ. Nước sông như dòng sữa mẹ của cỏ cây và con người. Trong lúc tôi lặn sâu xuống đáy nước mát lạnh, tôi chợt nhớ đến ông bạn bác sĩ già. Ông đang ao ước được uống lại một ngụm nước của con sông!

   Tôi trồi lên, thấy Trần Hoài Sơn đang đứng tựa lan can gọi tôi. Tôi lấy hơi, lặn xuống một lần nữa, lặn thật sâu, áp mình xuống mặt cát lạnh...

   Tắm xong, cả hai đều sảng khoái! Tôi ngồi ngửa người, hai tay ra sau, nhìn ra cảnh mênh mông của con sông, sẵn sàng nghe anh đọc.

   - Tàn bạo thay! Là nhân chứng của lịch sử, tôi đã chứng kiến cái chết của một nữ tù nhân, tuổi mới vừa tròn hai mươi! - Tôi ngạc nhiên vì âm thanh phát ra từ trong giọng đọc khác thường của anh. Giọng anh hơi run run, nghe nghẹn ngào, nhưng rõ từng lời, trầm hẳn xuống, ấm áp vừa gợi lại vừa xa... Niềm xúc động đang hiện lên đôi mắt vẻ mặt và đôi môi run run của anh.

   - Chị bị bắt vì tội gì, không ai hiểu vì chính bản thân chị, chị cũng không hiểu nổi! Những đòn tra tấn cực kỳ dã man và cảnh sống cay nghiệt của nhà tù đã làm tổn thương trái tim non trẻ của chị. Chị thường bị ngất khi bị kích động - trái tim tổn thương của chị không thể tiếp nhận một tin buồn hay một tin vui. Nhưng cảnh ngộ của chị thật éo le! Bọn giặc bắt cả người yêu của chị. Chúng tra khảo một người mà thành hai. Chúng tra khảo chàng trai ấy trước mặt chị! Chị bị chết ngất vì nỗi đau của người yêu. Nhưng chị là một người can trường, là dòng dõi của Trưng Nhị. Khi tỉnh dậy, chị vẫn không hé một lời khai. Thâm độc hơn, chúng hành hạ chị bằng một tin vui! Một hôm chúng gọi chị và người yêu của chị lên phòng tra. Tên đao phủ tuyên bố: “... Hôm nay, hai anh chị được tự do, được trở về làm đám cưới”. Đột ngột đón nhận lấy tin mừng, chị té xỉu! Và lần này chị không dậy được nữa! Chị chết vì một niềm vui giả dối...

   Trần Hoài Sơn hai tay cầm tập bản thảo đưa lên, xúc động và trang trọng!

   Tôi chưa nghe anh đọc, chỉ mới nghe anh nói để mở đầu, chưa hiểu văn chương anh ra sao, nhưng trước mắt tôi và cả anh, đó là tấm gương sáng. Chính những con người ấy đã giúp cho anh nhìn thấy cuộc sống, dẫn dắt và đang thôi thúc bước chân anh! Tôi thấy anh gần gũi với tôi hơn. Và anh lại nói trước khi đọc.

   - Đây mới là phác thảo đầu tiên. Sau này nếu có thời giờ, tôi sẽ viết lại thành một câu chuyện dài với nhiều tình tiết. - Anh cầm bản thảo đưa lên mắt, say sưa đọc thì có tiếng động. Có bước chân của ai đang nhún nhảy trên thanh ván mỏng bắc từ trên bờ xuống nhà bè.

   Trần Hoài Sơn vội xếp bản thảo để vào cái bìa cứng màu xanh, có đề một dòng lớn mực đen: “Bằng chứng của người làm báo”.

   Người xuống nhà bè là vợ của đại úy Long. Một người phụ nữ trẻ, một con, dáng mảnh khảnh trong bộ bà ba, quần đen áo phin trắng nõn, nước da trắng xanh với đôi mắt buồn xa lạ và ngơ ngác. Cái mũi của cô không xứng với gương mặt nhỏ và đôi môi mỏng lúc nào cũng chúm chím muốn cười. Cái mũi hơi to và dẹp.

   Chúng tôi chào và mời cô ta ngồi. Trần Hoài Sơn tiếp cô với vẻ niềm nở.

   - Anh có thư của nhà tôi! - Cô ngồi xuống bên mép chiếu, vẻ e dè, nói và trao thư cho Trần Hoài Sơn.

   - Cô bồng cháu lên thăm ảnh mới về?

   Buổi trưa dưới nhà bè vắng lặng, chỉ có tiếng sóng vỗ quanh bè và tiếng gió thổi ù ù.

   - Dạ không! - Cô ta đáp - Bữa nay tôi không đi, thằng nhỏ tôi bị sốt! Tôi phải bồng nó trên tay từ đêm tới giờ này, hai tay tôi rụng rời hết.

   - Cháu đau làm sao vậy cô? - Trần Hoài Sơn hỏi.

   - Bà Chín nói là cháu bị sốt mọc răng. Đầu răng sốt, cuối răng cũng sốt! - Cô nói giọng mệt mỏi.

   - Cháu đã đỡ chưa.

   - Cháu đang ngủ. Tôi gởi cháu cho cô Út con bà Chín. Tội nghiệp cô ấy, đẹp lại hiền, vậy mà bị điếc.

   - Không mang cháu lên cho ảnh, chắc ảnh sốt ruột lắm!

   - Kệ ảnh, biết làm thế nào được, ảnh không về thì thôi, ai hơi sức đâu mà bồng con vô đồn vô bót cho ảnh hoài vậy!

   Trần Hoài Sơn cầm lá thư của đại úy Long trong tay nhưng chưa vội xem. Thư gửi cho anh, nhưng người sốt ruột, muốn biết nội dung ấy có lẽ là tôi. Qua lá thư tôi có thể đoán hiểu thêm một vài điều.

   - Hai anh chừng nào về Sài Gòn? - Cô ta hỏi. Tôi nhường lời cho Trần Hoài Sơn.

   - Có lẽ không lâu. - Trần Hoài Sơn đáp.

   - Còn anh? - Cô hướng sang tôi.

   - Tôi cùng về với anh Sơn.

   Cô tắc lưỡi:

   - Mấy hôm nay tôi muốn đưa con về Sài Gòn cho yên nhưng ảnh không cho. Hôm qua, hai người mới cãi nhau.

   - Sao lại cãi nhau? - Trần Hoài Sơn hỏi, vẻ ngạc nhiên.

   - Tôi một mực đòi bồng con về Sài Gòn. Ảnh lại không cho. Ảnh nổi quạu, ảnh bảo tôi, tôi muốn về thì cứ về một mình, còn con thì để lại cho ảnh. Tôi thì tôi cứ nói với ảnh, tôi là mẹ, tôi đẻ ra nó, tôi có thể xa anh chớ không thể xa con tôi được đâu! Tôi nghĩ, đứa con như cái cầu bắc qua sông vậy anh, chính nó đã nối liền sự ngăn cách của đôi bờ! Sao anh cười? Chừng anh có vợ, có con, rồi anh sẽ biết!

   Nói đến đó, cô xếp chân, ngồi bó gối, nhìn ra sông. Dòng sông mênh mông nhưng vắng lặng, không có một cánh buồm, cũng không có một con thuyền.

   - Nghĩ về hạnh phúc lứa đôi của con người thật kỳ lạ. - Cô nói với giọng xa xôi, như không phải nói với chúng tôi, mà nói với những ngọn sóng bạc đầu ngoài xa khơi kia trên giữa dòng sông.

   - Tôi có bao giờ ngờ là cuộc đồi lại bị bó chân ở đây. Trước khi tôi lấy ảnh, tôi có biết ảnh là ai đâu! Trong thời học sinh của tôi, tôi có yêu một người cùng trường, học trên tôi hai lớp. Hai người yêu nhau nhưng chưa bao giờ nói. Yêu mà nói, tình yêu ấy không sâu bằng tình im lặng! Một ngày không thể vắng nhau được. Một ngày mà không nghe được tiếng nói của nhau, người cứ thẫn thờ như mất hồn. Chúng tôi hiểu và yêu nhau đến hai năm! Rồi một hôm ảnh đến chia tay với tôi. Ảnh đi! Ảnh đi vào vùng giải phóng...

   Tưởng câu chuyện sẽ còn dài, nhưng nói đến đó, cô bỗng đứng phắt dậy:

   - Ngồi đây tôi sẽ lảm nhảm như con điên! Thôi tôi về.

   - Cô ngồi chơi, về làm gì vội! - Tôi nài cô ngồi nán lại, muốn hiểu rõ cô hơn. Cô đứng trù trừ, muốn ngồi xuống rồi vội quay đi.

   - Thôi tôi về, hai anh ngồi chơi...

   Trần Hoài Sơn đưa cô ra đến thanh ván bắc lên bờ. Nghe qua tiếng động của thanh ván, tôi biết cô đã lên bờ. Trần Hoài Sơn trở lại và kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện dở dang của cô:

   - Sau đó một năm, người yêu đầu tiên của cô ấy bị hy sinh. Ở đây, không có người để trò chuyện, cô ấy thường hay tâm sự với tôi. Cô lấy thằng Long ít nhiều cũng có tình yêu. Người anh thứ hai của cô ta cũng là sĩ quan của lính dù, cũng bị thất thế bị ra rìa. Cô ta yêu thằng Long qua lời kể của ông anh về một người bạn ngông cuồng. Khi thằng Long từ Bảy Núi về Sài Gòn, hai người bất ngờ được gặp nhau...

   Chuyện đời của cô ta, Trần Hoài Sơn nghe chắc đã nhàm tai, cô không có gì hứng thú đối với anh nữa, anh vừa nói vừa đọc thư của Long. Đọc xong, anh trao lá thư ấy cho tôi, rồi ngả lưng, nằm xuống chiếu. Thư của thằng Long viết, chữ nghiêng, viết bằng mực màu tím.

   Cher ami!

   Hơn một tuần nay, chúng ta không gặp nhau. Mấy lần, mình định viết thư khuyên Sơn nên trở về Sài Gòn, nhưng mình nghĩ lại. Sơn có mặt ở đây, một vùng bình định ở bên bờ sông Cửu Long trong dịp này kể cũng lý thú. Sơn sẽ có dịp chứng kiến một cuộc tranh chấp của đôi bên. Nhưng rất tiếc, điều ấy lại không xảy ra ở đây, trước mắt Sơn. Phải nói là những cuộc hành quân nghi binh của đôi phương đã lừa được tôi, đã giam tôi trong công sự chỉ huy, hơn tuần nay, tôi không thể bước chân ra khỏi công sự chỉ huy này. Tình hình như một quả bóng căng thẳng, chẳng biết lúc nào thì nổ. Họ tiến quân về phía của tôi, nhưng chiến sự lại nổ ở một nơi khác, cũng trên bờ sông này, cách đây gần năm mươi cây số, ở một chi khu nằm trong địa giới tỉnh Định Tường. Họ như những làn sóng. Nhưng tiếc thay những làn sóng ấy lại đập vào một quả núi. Sóng đập mạnh bao nhiêu thì tan ra thành bọt bấy nhiêu. Tiếc là chiến sự không xảy ra ở đây trước đôi mắt của một nhân chứng lịch sử.

   Cho đến hôm nay mình mới thở được, một hơi thở dài khoan khoái. Cho đến bây giờ mình mới có thời giờ nghĩ đến vợ con và bạn bè. Thôi vài lời vắn tắt. Tôi sợ Sơn chán cái cảnh sống ở đây và bỏ đi! Sẽ gặp lại nhau.


   Đọc qua lá thư, tôi không thể băn khoăn. Đúng là chiến sự đã xảy ra, và sự chuẩn bị của chúng tôi ở đây là động tác nghi binh?

   Xuất phát từ nhận định ấy mà tình hình từ sáng đến giờ đã dịu hẳn đi? Pháo không nghe bắn. Hoạt động của máy bay phản lực cũng như trực thăng giảm sút đến mức im lặng. Hoạt động của quân địch đã chuyển về một hướng khác, tiếng bom pháo từ xa vẳng lại rền như tiếng sấm.

   Tôi đọc lại lá thư, cảm thấy bực bội vì những lòi kiêu căng của hắn.

   Tôi trao lá thư lại cho Trần Hoài Sơn và dò xét thái độ của anh. Trần Hoài Sơn tỏ ra hững hờ với lá thư. Anh nằm, cầm lá thư bằng hai ngón tay, khép lại, đút vào túi. Ba hôm nay, tôi thấy, anh không để tâm đến một cái gì ngoài tập bản thảo của anh. Lá thư rơi ra ngoài túi, anh cũng không hay biết. Tay cầm cây bút mực đỏ, tập bản thảo không rời khỏi mắt anh. Anh bôi, anh xóa, anh ngước đầu lên, viết thêm một vài chữ. Vào những lúc khác, tôi để yên cho anh làm việc, nhưng lúc này, lá thư của thằng Long bắt tôi phải dò hỏi:

   - Như vậy là đại úy Long có thể về nhà?

   - Tối nay. - Anh đáp nhưng vẫn đọc bình thản.

   Cái tin ấy khiến cho tôi phấn chấn đến kỳ lạ.

   - Sao anh biết? - Tôi hỏi.

   - Hồi nãy, lúc tôi đưa ra cầu, cô ấy nói với tôi. Cô ấy hỏi tôi với anh muốn ăn món gì, để tối nay cô ấy lo.

   - Vậy! Anh nói sao?

   - Ăn gì mà chẳng được! Gặp nó, anh thấy có ngại gì không? - Mãi đến lúc ấy, tập bản thảo mới ròi khỏi mắt anh. Anh để tập bản thảo xuống chiếu, xoay người ngồi dậy.

   - Cũng bình thường - Tôi đáp- Tôi sẽ cố gắng tự nhiên.

   - Cuộc gặp gỡ đêm nay, tôi, anh và nó - Anh cố nhấn mạnh tiếng tôi, anh, và nó - ba người trên những trận tuyến khác nhau, ngồi cùng một bàn, một mâm, sau này nhớ lại kể cũng thú vị hay hay.

   Tôi không nghĩ đến sự thú vị của cuộc gặp gỡ mà phải báo ngay cho Sáu Linh.

   - Có lúc nào, đại úy Long dao động đến mức muốn đầu hàng chúng ta không? - Tôi nhấn mạnh hai tiếng chúng ta để giữa tôi với anh không có sự cách biệt. Tôi muốn anh đứng hẳn về phía chúng ta, ít nhất là trong câu chuyện anh sắp nói.

   - Có.

   - Lần nào?

   - Có một lần, lúc nguy khốn nhứt của anh ta. Hồi tôi mói về đây chơi lần đầu, hàng chục năm hai đứa mới gặp lại nhau. Có một đêm, không biết làm gì hai đứa ngồi uống rượu suông, nhân kể lại những kỷ niệm cũ, anh ta có kể lại với tôi. - Qua giọng nói của Trần Hoài Sơn, tôi hiểu, tâm trí anh đã thực sự dứt khỏi tập bản thảo của anh, anh kể với giọng chưa thật say mê nhưng không đến nỗi hững hờ, anh gọi Long là anh ta không có vẻ ác ý, anh nói:

   - ...Từ Phú Quốc, anh ta bị chuyển về Bảy Núi với chức trung úy đồn trưởng của một cái đồn, dưới tay có hơn bốn mươi tên lính. Theo anh ta nói thì đó là một xứ khỉ ho cò gáy. Dân chúng là những người thuộc đạo Hiếu Nghĩa. Đàn ông không được cạo râu, để tóc như đàn bà. Họ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Có nhiều tiếng phải kiêng. Ví như đường thì phải nói là nẻo, đường để ăn phải nói là ngọt, đèn phải nói là dầu, nếp phải nói là dẻo. Bàn theo kinh sấm, họ nói gần nói xa, bọn lính của anh ta là quỷ dương. Họ sống âm thầm, xa lánh. Người cùng một dải núi mà như người của hai thế giới khác nhau! Anh ta kể, có một lần, súng cối trong đồn bắn vào xóm, giết chết một người đàn bà. Họ không chống lại bằng những cuộc biểu tình, mà chống lại bằng im lặng. Họ khiêng quan tài qua cửa đồn, hàng trăm người chít khăn tang, họ đi, mắt đỏ ngầu, nhưng lặng lẽ, không hề gây ra một tiếng động. Bước chân của họ êm như bước chân một con hổ đang bước nhẹ đến con mồi! Rồi suốt trong ba ngày, chợ không nhóm, đường không người qua lại. Người không nói không cười, không khóc. Không có một tiếng búa đốn cây, không có một tiếng dao động thớt. Chỉ thấy khói nhang trước bàn thờ thông thiên của mỗi nhà nghi ngút suốt ngày đêm! Cái đồn của anh ta và bản thân anh ta bị bao vây trong sự im lặng rùng rợn. Anh ta thú thật với tôi, lần đầu tiên trong đời, anh ta hoảng sợ trước đối phương!

   Cái đồn của anh ta đóng giữa một cái vùng núi mà mỗi nhà là một một chùa. Nhà nào cũng có chuông có mõ. Chiều, khi hoàng hôn đổ dài xuống chân núi thì nhà nhà đều gõ mõ gõ chuông. Rồi nửa đêm, đêm hoang vắng của một vùng heo hút, tiếng chuông lại rền qua vách núi. Tiếng chuông khuya như xốc dậy trong lòng anh ta một nỗi ê chề.

   Du kích sông lẩn lút trong lòng núi. Súng thường nổ bất thần, nghe đó, thấy đó, rồi cũng mất đó! Anh ta nghĩ, cuộc đời mình đang bị chôn sống ở đây, cái chết đang day dứt rỉa rói cuộc đời mình. Cái thói chơi ngông để giải sầu không có đất sống. Anh ta đâm liều, anh ta muốn nhận một viên đạn của du kích! Bọn lính của anh ta tiêu phí thời gian, tiêu phí tâm lực và cuộc đời bằng rượu và con bạc đỏ đen... Lúc nghe anh ta kể, tôi nghĩ, người lính con cưng của một chế độ bị đày đọa đến thế là cùng! Hoàn cảnh như tôi, hay bất cứ ai, cũng phải tìm một lối thoát. Chết là một lối thoát cuối cùng! Mỗi ngày, sau khi uống một vài chén rượu, anh ta thoát ra khỏi cửa đồn, đến với dân xóm. Theo anh ta kể, anh ta đi không có bảo vệ, cũng không mang súng. Bị bắn cũng được, bị bắt làm tù binh của đối phương, đối với anh ta, đó cũng là một lối thoát. Gặp anh ta, người ta không hỏi, cũng không chào. Anh ta cảm thấy mình xa lạ với con người đến nỗi có lúc phải tự nghĩ: mình là quỷ dương thật chăng? Nhưng may. Có một cô gái! Một cô gái dong dải, cũng âm thầm như những người khác, vẻ xanh xao với đôi mắt mở to. Đôi mắt ấy nhìn anh ta đăm đăm, nhìn với vẻ xót thương. Giọng thỏ thẻ thì thầm như giọng nói trong một giấc mơ, cô ấy hỏi thăm quê quán và cuộc đời lính của anh ta. Gần một năm trời ngoài những tiếng thô lỗ cộc cằn của bọn lính, lần đầu tiên anh ta mới nghe lại tiếng nói của con người, tiếng nói của một người con gái! Đêm trong đồn, trong tiếng gió núi thổi hun hút, đôi mắt mở to ấy lại hiện ra và tiếng nói thỏ thẻ thì thầm ấy lại vẳng đến tai anh ta, khiến anh ta trăn trở, không yên! Từ đó, anh ta không thể vắng được vẻ mặt xanh xao với đôi mắt mở to ấy.

   Ngày nào anh ta cũng lần xuống xóm. Theo anh ta, anh ta tự ví mình như một kẻ lạc đường trong đêm tối đang lần về một tia sáng. Dù là một tia sáng nhỏ lập lòe, nhưng đó là tia sáng trong đêm tối. Anh ta cảm thấy mình có gượng sống được là nhờ tia sáng ấy.    Anh ta gởi cho cô gái một lá thư, than thở về cuộc đời lính của mình. Buổi chiều sau đó mấy hôm, sau khi chia tay với cô gái dưới sườn núi, cô gái đặt vào tay anh ta một phong thư.

   Về đồn, ngồi một mình, anh ta thận trọng như lần đầu nhận được thư của người con gái, anh ta xúc động, anh ta hồi hộp. Phong thư mở ra, và anh ta sững người. Trong phong thư, không phải là thư phúc đáp lời tỏ tình của anh ta, phong thư là một lá truyền đơn bằng ba ngón tay in hai hàng chữ đậm: “Hỡi anh em binh sĩ ngụy quyền! Hãy trở về với nhân dân! Hãy trở về với Tổ quốc!”.

   Anh ta tưởng, sau khi trao lá truyền đơn ấy, cô gái sẽ lánh mặt. Anh ta sợ mất tia sáng nhỏ trong cuộc đời tăm tối của mình. Không nghĩ gì, cũng không sợ gì nữa, anh ta đâm đầu trở lại xóm. Cô gái vẫn còn đó, vẫn ngồi trên cái chõng như mỗi khi anh ta đến chơi. Và vẫn đôi mắt mở to ấy nhìn anh ta, nồng cháy hơn, vẫn cái giọng thủ thỉ ấy lại nhỏ nhẹ, êm ái hơn và cứng rắn hơn. Rồi sau đó hai hôm, bất thình lình anh được lệnh chuyển về Sài Gòn. Theo lời nhờ gởi của anh ta trước đó, một số bạn bè còn ít nhiều vai vế trong bộ tham mưu vận động cho anh ta. Anh ta chuyển đi trong cái lúc mà anh không ngờ tới.

   - Sau khi biết cô gái ấy là người của Giải phóng thì tâm trạng của anh ta thế nào? - Tôi hỏi.

   - Trong lúc kể, anh ta tránh nói đến tâm trạng của mình. Mà tôi cũng không hỏi, nhưng tôi hiểu, rõ ràng là anh ta đã yêu cô gái ấy. Anh ta kể, ngồi trên trực thăng, nhìn lại cái xóm nhỏ dưới chân núi, anh ta vẫn còn thấy lại vẻ mặt xanh xao với đôi mắt mở to ấy. Theo anh ta nói, anh ta vừa đau khổ, vừa mừng rỡ vì đã thoát khỏi cái ánh sáng chập chờn trong vòng vây của đêm tối! Theo như anh nói, phải lấy đàn bà trị cái bịnh đàn bà! Về đến Sài Gòn, anh ta đi lấy vợ, vợ của anh ta bây giờ đó. Nhờ bạn bè giúp đỡ, và nhân chuyện “Việt Nam hóa chiến tranh”, anh ta được cất nhắc lên chức đại úy.

   - Và bây giờ anh ta muốn lập công? - Tôi hỏi.

   - Đúng vậy! Theo anh ta nói, anh ta đang muốn lập lại cuộc đời.

   Anh ta đã phản bội lại người con gái đã dang tay cứu lấy cuộc đời của anh ta, và bây giờ anh ta đang lập lại cuộc đời bằng con đường gây tội ác. Nhưng anh ta đã lầm! Lầm! Tôi lại chợt nhớ đến nội dung lá thư của anh ta gởi cho Sơn. Ngay trong lá thư ấy, anh ta cũng lầm, đang lầm! Chiến sự xảy ra đêm qua ở một chi khu thuộc tỉnh Định Tường nhất định không phải là mặt trận chính, đây, tại làng Mỹ Hương này. Hôm tôi đi, bộ đội đã lần lượt kéo về, đang ém quân - Và đội nữ pháo thủ của Mai cũng về rồi! Nơi nào có pháo, nơi đó là mặt trận chính! Tôi nghĩ, mọi sự chuẩn bị của chúng tôi, đây mới là mặt trận chính. Còn đó chỉ là một trận đánh nghi binh mà thôi! Tôi quật ngược lại nhận định của anh ta.

   Ý nghĩ ấy như đốt cháy trong người. Tôi ngồi trước ngọn gió mát của con sông mà người lại nóng ran như ngồi bên bếp lửa.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2019, 02:21:06 pm »

CHƯƠNG 32

   Buổi chiều trong công sự chỉ huy, qua tin tức của con đầm già rè rè lượn đi lượn lại trên cánh đồng, qua những cuộc hành quân thăm dò, qua tin tức của đơn vị thám báo, qua tình hình chiến sự đã xảy ra, đại úy Long khẳng định: mặt trận ở đây là mặt trận nghi binh của đối phương. Theo cách nói của hắn, khi hắn nói với kẻ chung quanh: “Ở đây, họ định thừa nước đục thả câu, chẳng có gì!”. Tin vào sự nhận định của mình, hắn ngả người ra ghế, thở khoan khoái. Sau khi cạo râu xong, hắn cởi bộ đồ da cọp, gói cuộn lại, ném cho tên lính bảo vệ ra lịnh một tiếng gọn lỏn:

   - Giặt!

   Thay bộ quần áo dân sự, quần xám áo sơ mi trắng, bước ra khỏi công sự, hắn khoát tay:

   - Tự do!

   Bọn lính đứng chung quanh hắn, có đứa nhảy cẫng lên. Bằng cử chỉ ấy của hắn, binh sĩ được lệnh trở lại sinh hoạt bình thường. Các quán rượu trong chợ lại đầy lính. Sòng bạc với những con bài kéo bọn lính bu lại từng nhóm, vòng ngoài vòng trong.

Còn hắn, hắn trở về nhà với vợ con. Trước khi bước chân lên xe, hắn ra lệnh bắn một chùm pháo vào xóm trong cho vui tai!

   Hắn trở về đúng hẹn! Sau này, theo cách nói của nhà báo Trần Hoài Sơn, đó là sự sai lầm may mắn của hắn. Xe đỗ vào sân, hai ngọn đèn rực lóa lên trong tiếng máy rú to trước khi tắt.

   Trước đó không mấy phút, thằng Mịnh đã bị bắt! Sau một tuần bị chôn chân trong đồn bót, nó tắm rửa, chải đầu bằng sáp thơm, bôi nước hoa lên cổ áo, cổ tay, quẹt nước hoa lên lông mày; như ngựa quen đường cũ, nó lên xe chạy thẳng đến xóm Đình. Không như người ta, đi vào xóm nó không xuống xe, vẫn ngồi trên xe, mở đèn nổ máy nhỏ chạy trên con đường nhỏ cặp theo hàng rào bông bụt, vào cổng, chạy qua sân nhà của Mười. Nó cố ý cho bánh xe đụng vào chân bàn đặt dưới cây vú sữa trước khi tắt máy.

   Cũng như mọi người, mọi đêm nó đến chơi, Mười với Sườn và Bổn ra tiếp đón và quây quần xung quanh nó. Nhưng đêm ấy, trong con mắt của thằng Mịnh, Mười có vẻ khang khác.

   Với Mười không phải lúc nào cô cũng được gặp người yêu, nhưng từ cái đêm gặp lại Phải, lúc nào cô cũng chải chuốt, lúc nào cũng làm đẹp để đợi anh! Cô mặc chiếc áo bà ba vải nin phờ răng trắng có viền đăng ten, cổ đeo sợi dây chuyền vàng, mặt dây chuyền hình trái tim nhỏ, cẩn hột đá, treo tong teng trên giữa ngực. Cô không đánh phấn nhưng đôi má lúc nào cũng ửng hồng.

   Thằng Mịnh đặt chai rượu xuống bàn, qua ánh sáng của ngọn đèn dầu, hắn nhìn cô không chớp mắt. Lòng hắn thấy nôn nao thèm khát. Hắn thổi tắt ngọn đèn:

   - Đêm nay có trăng, đèn đuốc làm gì!

   Hắn đưa tay vòng qua phía dưới bàn, bấm vào vế thằng Sườn, ý muốn bảo Sườn và Bổn nên kiếm cớ lảng đi. Cái bấm ấy khẽ thôi, nhưng Sườn lại nhổm lên. Hắn rót rượu ra bốn ly. Nhưng hắn chưa kịp uống thì Châu đã đứng sát bên lưng hắn. Nghe có hơi thở của người đứng sau lưng mình, hắn vừa quay lại thì bàn tay của Châu đã siết lấy cổ hắn. Hắn giãy nhưng hai tay đã bị bẻ ngoặt ra sau. Và cái mồm hôi thối chứa những lời trơ trẽn của hắn bị đầy giẻ. Hắn bị lôi ra vườn.

   Từ trong bóng cây vú sữa, tổ du kích của Châu và tổ du kích mật của Mười tiến lại nhà thằng Long. Trận đánh đang bắt đầu, nhưng trong con mắt của thằng Long, vùng bình định và xóm Đình của hắn vẫn yên tĩnh. Đêm ấy, đêm trăng non thượng tuần tháng cuối năm. Một đêm mờ ảo, đầy gió và dòng sông gầm thét.

   Trong xóm Đình, có người lăn cối ra sân, và trai gái thi nhau giã bánh phồng. Thằng Long bước xuống xe trong tiếng chày gõ nhịp một cách yên bình đang chuyển đi khắp xóm.

   Theo sau hắn là hai tên lính bảo vệ, cứng đơ trong bộ quân phục màu da cọp bó sát người, đầu đội mũ sắt, mặt lầm lì, hai họng súng chĩa về phía trước. Hai tên lính dừng lại dưới chân cầu thang, như hai con cọp đứng thẳng lưng.

   Còn hắn, hắn bước lên cầu thang.

   - Con đâu? - Đó là câu hắn hỏi vợ. Vợ hắn, người đàn bà nhỏ nhắn trong bộ quần áo lụa mỏng màu hột gà đang đứng trực trên sàn nhà, đáp lại:

   - Con đang nằm trong buồng, con đang sốt!

   - Má em đâu?

   - Má em đi chơi ở nhà bà Chín.

   Tầm thước và gọn gàng, hắn tỏ ra là người đang mãn nguyện vừa làm xong nhiệm vụ.

   - Cho đến hôm nay tôi mới thở được! - Giọng kiêu căng, hắn vừa nói vừa đưa tay, bước đến nhà báo Trần Hoài Sơn. Hắn bắt tay, lắc mạnh và nhìn khách lạ với vẻ mặt niềm nở.

   - Đây là bạn đồng nghiệp của tôi, tôi rủ về chơi!

   - Hân hạnh!

   Hắn tiếp khách lạ trong thái độ của người chủ đang sung sướng. Hắn nhìn lên bàn ăn đã dọn sẵn:

   - Hai bạn đợi tôi có lâu không?

   Hắn hỏi mà không đợi trả lời. Hắn đưa một bàn tay hạ xuống, bảo khách ngồi:

   - Xin lỗi, chờ tôi một chút!

   Hắn bước vào gian nhà trong, vợ hắn bước theo sau. Hắn trở ra với đứa con bế trên tay. Bé Giang con của hắn đã gần một tuổi. Một đứa bé khỏe mạnh kháu khỉnh và hiếu động. Mới chập chững và bập bẹ được tiếng bà với tiếng ba. Nó không bao giờ chịu ngồi yên. Nhưng đêm nay, đầu răng bị sốt, nó nằm thiêm thiếp. Long cúi nhìn con - lòng của một người cha của đứa con trai đầu, không thể không bối rối. Hắn bế con trên hai tay, vẻ vụng về, đứng giữa nhà... ru con, hắn hát:


      - Đại bác đêm đêm dội về thành phố
      Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.
      …
      Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
      Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng...


   Giọng hắn trầm nghe như lời kể lể...

   Bữa ăn tối của ba người ở ba vị trí khác nhau, theo Trần Hoài Sơn là một bữa ăn lý thú không kịp xảy ra, và bài hát mà hắn đang hát để ru con chưa dứt thì tổ phòng vệ dân sự của Mười đã bước vào sân. Theo sau tổ phòng vệ dân sự là cô gái trong dáng dấp Út Sương, chiếc khăn rằn che kín mặt. Mười với chiếc áo bà ba nin phờ răng trắng viền đăng ten, súng khoác vai. Sườn với Bổn đi hai bên, dưới ánh trăng non, cô đi thẳng đến cầu thang.

   - Ai như cô Mười vậy? - Một tên lính hỏi, giọng lẳng lơ.

   - Trời sáng trăng vầy mà không nhận ra sao? - Giọng của cô gái đáp lại vừa nhão vừa kéo dài.

   Tổ phòng vệ dân sự bước dần tới, và phía sau, dưới sàn nhà, tổ du kích của Châu có Lâm với Dũng tràn tới.

   Nghe có tiếng ịch đụi dưới cầu thang. Long dừng tiếng hát, hỏi vọng xuống:

   - Cái gì đó?

   Dưới sàn nhà, không có tiếng trả lời. Nhưng có linh cảm, hắn quay mắt vào trong, muốn trao con lại cho vợ, không tìm thấy vợ, hắn nhìn dáo dác! Vừa lúc đó, Sáu Linh trong dáng dấp của Út Sương, áo bà ba màu hột é, chiếc khăn rằn choàng kín mặt, vượt lên cầu thang.

   - Cô Út đi đâu đó? - Hắn hỏi với giọng bực bội không bình tĩnh.

   Cô Út mà hắn hỏi, tràn tới như một ngọn gió! Cô đứng trước mặt hắn, đưa tay kéo chiếc khăn trợt xuống ót. Mặt đối mặt với kẻ thù. Chợt nhìn thấy họng súng chĩa về phía mình, hắn “a” lên một tiếng, miệng há hốc!

   - Đứng im!

   Không thể hiểu nổi giây phút đó, hắn nghĩ gì. Chỉ thấy hắn ôm đứa con sát vào người, khiến đứa bé giật mình, thét lên. Có lẽ tiếng thét của đứa con càng khiến cho con hắn thêm bối rối.

   - Long! Đêm nay là đêm đền tội của mày! - Lòng căm thù của dân làng dồn nén trong giọng nói của Sáu. Tôi tưởng họng súng trong tay Sáu sẽ nổ, và tên ác ôn sẽ gục xuống mà tay vẫn còn ôm con. Nhưng việc lại xảy ra khác với ý nghĩ của tôi.

   Cùng trong lúc ấy, tổ du kích của Mười từ dưới cầu thang tràn lên. Mười, Sườn với Bổn, ba họng súng dài như ba ngọn gươm đưa sát vào người hắn. Có lẽ, đến lúc đó, hắn mới hiểu ra. Ánh sáng của ngọn đèn nê ông (riêng nhà của hắn mới có) mặt hắn tái nhợt với vẻ sẵn sàng nhận lấy cái chết! Vì đứa con đang bế trên tay, hắn không thể chống trả nhưng cũng không tỏ ra hèn hạ đến run rẩy hay cuống cuồng! Hắn bế con dựng lên, áp mặt con sát vào mặt mình.

   - Cô Sáu! - Hắn đã nhận ra người con gái đang đứng trước mặt mình là Sáu Linh - Tôi hiểu rồi! Cô cho tôi xin một điều. Trị tội, tôi xin cô đưa tôi ra sau vườn. Con tôi đang bịnh. Xin cô đừng nổ súng trước mặt con tôi.

   Trước lời van xin ấy, họng súng trong tay Sáu Linh hạ xuống:

   - Tao tha chết cho mày, nhưng mày phải chuộc tội.

   Đứa bé trên tay hắn giãy giụa, thét to. Hắn ôm con vụng về bối rối, loay hoay.

   Mười xuống đạn, khoác súng qua vai, bế lấy đứa bé trên tay hắn. Mười trao đứa bé cho vợ hắn đang đứng chết điếng ở cửa buồng.

   Sau đó một việc xảy ra, hầu như không có ý nghĩa gì, nhưng tôi vẫn cứ nhớ mãi. Sáu Linh và đội du kích mật của cô đưa thằng Long xuống nhà, dẫn ra sau vườn rồi, mà nhà báo Trần Hoài Sơn vẫn còn bàng hoàng trong tư thế đứng nghiêm như một người lính. Ngơ ngác với gian nhà trống lạnh dưới ánh sáng trắng của ánh đèn, anh hỏi tôi:

   - Chuyện gì vậy, anh Thắng?

   - Thằng Long bị du kích bắt đi rồi.

   - Vậy sao?

   Anh vẫn chưa tin.

   - Cô kia là phòng vệ dân sự!

   - Du kích của mình.

   - Vậy sao? Tôi tưởng là vùng hẻo lánh này đang có một cuộc đảo chánh.

   Việc trừng trị bọn ác ôn ngay trong vùng chiếm đóng xảy ra như vậy là một chuyện thường. Nhưng đây là lần đầu, anh chứng kiến. Nghe tôi nói, anh thở phào như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ.

   Từ vọng gác dưới lùm cây xoài, Năm Bờ nhận ra ánh đèn đỏ từ cây đèn năm pin trong tay của Sáu Linh phát ra. Anh ra lệnh tiến quân. Và anh ra lịnh theo cách của anh - người chỉ huy du kích, anh kêu to:

   - Đợ ơi! Mai ơi! Các đồng chí ơi! Nó chết rồi. Mau lên đi.

   Những người mà anh kêu đều đứng bên cạnh anh, chẳng đâu xa.

   Một trận đánh như một cuộc chiến tranh được thu nhỏ lại. Người chỉ huy dù là một thiên tài cũng không thể lường hết mọi tình huống, thuận lợi hay khó khăn sẽ xảy ra. Trận đánh chiếm lại làng lần này đã được chuẩn bị xong, nhưng phải chờ lệnh nổ súng, vì còn phải đợi một đơn vị chủ công. Và đơn vị ấy đang trên đường hành quân. Nhưng một tình huống đang xảy tới. Khi được tin thằng Long có thể trở về, anh rời khỏi nhà ông Sáu Đương từ lúc trời vừa nhọ mặt người. Anh gặp Sáu Linh ngay trong khu vườn sau hè nhà của Mười. Mười và tổ du kích mật của cô canh gác cho cuộc họp ngắn ngủi giữa hai người. Sau đó, một mình anh, anh tắt qua cánh đồng về vọng gác dưới lùm xoài, triệu tập hội nghị đề ra phương án tác chiến, chờ đợi và nắm lấy thời cơ. Thời cơ ấy đã được báo hiệu bằng ánh đỏ của Sáu Linh.

   Đội pháo của Mai đã ngồi sẵn dưới đoàn xuồng chờ lịnh. Xuồng đi đầu gắn chiếc máy đuôi tôm, vòng theo bốn chiếc. Xuồng đi đầu nổ máy.

   Chiến sĩ và du kích như dậy lên từ dưới mặt đất.

   Tổ du kích mật của Mười, của Đoan cô chủ tiệm, bắt đầu xuất phát từ xóm Đình. Theo lịnh của Sáu Linh, vì cần phải bảo vệ nhà báo Trần Hoài Sơn nên tôi với anh đi ngược lại con đường tiến quân.

   Tôi với anh dừng lại trước một cây cầu khỉ đợi để một đoàn quân tiến ra.

   - Út Trầm đâu?

   - Dạ, em đây!

   - Cứ dẫn mấy anh đi thẳng qua bầy vịt, nó kêu kệ nó! Tôi nhận ra tiếng Út Đợ.    Bầy vịt đối với anh không còn một trở ngại nữa. Dưới ánh trăng non, tôi nhận ra anh đang đứng trước đầu cầu đưa tay đỡ lấy từng chiến sĩ.

   - Khỏi! - Tiếng của một chiến sĩ đã quen đi cầu khỉ nói với anh. Rảnh tay, nhìn lại, anh nhận ra tôi:

   - Anh Thắng hả?

   - Tôi!

   Anh xô tới, ôm chầm lấy tôi, miệng anh kề sát vào tai tôi:

   - Trận này anh có công lớn lắm!

   - Công gì?

   - Anh báo tin thằng Long thật kịp thời, nhưng anh giấu tôi.

   - Giấu gì đâu?

   - Anh gặp chị Mai chưa?

   - Làm sao gặp được?

   - Tụi tôi biết hết rồi.

   - Biết gì?

   - Cái bồng của anh gởi lại, bị một mảnh pháo, văng ra quyển nhật ký, con Bé Ba nó đọc.

   - Thiệt sao?

   Quyển nhật ký của tôi có nhiều trang, nhiều đoạn, nhiều ngày ghi lại tình cảm của tôi đối với Mai! Mối tình âm thầm vừa chớm nỏ, chưa thổ lộ với ai! Tôi giật mình hỏi lại.    Anh nói:

   - Con Bé Ba đưa chị Mai, chỉ đọc hết rồi!

   - Trời đất!

   - Tôi gặp chỉ, chỉ hỏi thăm gia đình anh, tôi kể cho chỉ nghe chuyện anh đi móc ông già.

   - Thiệt hay chơi vậy Út Đợ?

   - Thiệt!

   - Cổ có nói gì tôi không?

   - Chỉ nói: tội nghiệp!

   Nói vậy rồi anh quay lại cây cầu:

   - Hết chưa các đồng chí?

   - Hết! - Anh chiến sĩ cuối cùng qua khỏi cầu vừa đáp vừa xốc lại súng.

   Út Đợ chụp lấy hai vai tôi, bóp mạnh:

   - Tôi đi nghen! - Anh vụt chạy đi.

   Chuyện mà Út Đợ nói với tôi lúc đó không có ý nghĩa gì đối với trận đánh và đang trên đường tiến quân, chuyện anh nói tưởng như lạc lõng nhưng tôi lại nhớ đến một lời: Khi người ta yêu nhau người ta thường hay hỏi nhau: “Sao em yêu anh”, “Sao anh yêu em” hay là “Anh yêu em từ lúc nào”… Mùa gió chưóng năm sau trước khi tôi trở về Rờ, Mai tiễn tôi đến trạm giao liên. Đó là cái chòi hoang trên cánh đồng Tháp Mười. Một cái chòi nhỏ với hai cái mái bện bằng bưng đã ngả màu như màu nắng. Nền chòi không đắp cao, cũng không đào sâu, bằng phẳng như mặt đất, được rải lên một lớp cỏ khô. Mái chòi được ngọn đưng ngả theo chiều gió phủ qua. Vách chòi là cọng rau muống bò theo mặt nước đã khô đi, rủ xuống lua tua. Trước cửa chòi là bãi rau muống đồng. Rau muống đồng đã quá mùa, nhưng lác đác hãy còn hoa. Ngồi trong chòi nhìn ra, chúng tôi như đang ngắm nhìn một vườn hoa tím. Đó là nơi chia tay của chúng tôi. Trong cái chòi hoang vắng ấy, trong câu chuyện giữa hai người, Mai hỏi tôi:

   - Anh yêu em từ lúc nào?

   - Từ lúc mới gặp.

   - Sao vội vậy!?

   - Còn em, sao em yêu anh?

   - Nghe anh Út Đợ kể anh đi đón cha, em tội nghiệp!

   ... Nhưng lúc đó, tôi đâu có ngờ. Niềm vui chỉ rộn lên trong giây phút khi tôi nhìn theo bóng anh Út Đợ chạy vụt đi dưới ánh trăng.

   Tôi cầm tay Trần Hoài Sơn dẫn qua cầu. Châu và tổ du kích của anh giải đại úy Long về vọng gác trước chúng tôi.

   Tôi muốn chứng kiến cảnh thằng Long đứng trước mặt Năm Bờ, và cuộc đối thoại giữa hai người. Nhưng không kịp! Tôi với Trần Hoài Sơn vừa qua khỏi cầu thì gặp Lâm và Dũng chạy ngược lại. Tôi hỏi:

   - Anh Năm đâu? Thằng Long đâu?

   - Đang đi xuống bến.

   - Lâm với Dũng bây giờ đi đâu?

   - Anh Năm lịnh cho tụi tôi trở ra rước vợ con nó, đưa vô bịnh xá, cho nó yên tâm.

   Lâm, Dũng bước lên cầu, chạy qua, cây cầu khỉ lắc rung lên. Lâm quay lại:

   - Anh Thắng ơi!

   - Ơi!

   - Anh Năm dặn tụi tôi, gặp anh, nói với anh đưa ông nhà báo vô chỗ ông bác sĩ.

   - Chạy xuống bến đi Sơn! - Tôi nắm tay Sơn, kéo anh chạy theo.

   Tôi với Trần Hoài Sơn xuống đến bến thì xuồng đã nổ máy ra xa rồi. Tôi nhận ra Năm Bờ với bộ bà ba đen ngồi trước mũi, Long ngồi giữa, Châu ngồi sau. Người lái máy là ông Hai Cò. Dòng kinh trải dài dưói ánh trăng. Sóng ọc ạch vỗ vào bờ.

   Trần Hoài Sơn không quen đi giày trên đường ruộng, anh mở giày, buộc lại, treo lên cổ. Cái máy ảnh đeo xệ một bên vai. Tay ôm chồng bản thảo. Hai chiếc giày nằm xuôi theo hai bên ngực. Anh nhìn theo chiếc xuồng đang lao đi, anh tắc lưỡi:

   - Tiếc quá... Không được gặp nó để nói với nó một câu!

   - Nếu gặp nó thì Sơn nói với nó câu gì?

   - Nếu gặp nó, chắc nó sẽ ngây ra không nói được một lời. Qua sự im lặng kinh ngạc ấy, tôi hiểu nó muốn hỏi tôi: “Mày đó hả Sơn!”. Tôi sẽ nói với nó: “Long! Có gì lạ! Cuốu cùng rồi chỉ trừ một vài thằng, còn tất cả sẽ như tao với mày. Hoặc dấn thân, hoặc đầu hàng!”.

   Qua đêm sau, đài phương Tây loan tin: “Một vùng bình định kiểu mẫu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long bị Việt cộng đánh úp”. Đài phương Tây mô tả: “Một nhân viên tình báo của Việt cộng đóng vai ký giả đã bắt cóc viên đại úy chỉ huy chi khu - Đại úy chỉ huy chi khu đã phát loa kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng trước khi nổ súng. Như rắn bị mất đầu, chi khu bị thất thủ nhanh chóng”.

   Tin của đài phương Tây không có gì phải bình luận thêm.

   Tôi, người ghi lại vài câu chuyện về một bên bờ sông Cửu Long qua một chuyến đi, trước khi kết thúc, tôi xin phép bạn đọc được nói thêm một điều cuối cùng.

   Sáng hôm sau, vui với niềm vui làng được giải phóng, người ta tìm nhau để hỏi nhau việc làm của mình. Qua chuyện của nhau, ai thấy mình cũng có công. Có người chỉ cầm cái cây củi đánh cái thùng thiếc, kể lại cho người khác nghe, cũng thấy sướng. Công ấy tuy nhỏ nhưng không thể thiếu. Có một người hỏi bà Chín:

   - Chị Chín ơi! Đêm qua chị làm gì ở đâu?

   Bà Chín đáp:

   - Tôi nghe súng tôi sợ quá! Tôi lôi con Út xuống mương, lạnh muốn chết.

   - Chị nhát quá!

   Người ta chê bà với tấm lòng rộng lượng, đang vui. Một cái công nhỏ nhất là đánh thùng thiếc để hỗ trợ cho anh em bà cũng không làm nổi!

   Ba hôm sau, quân địch trở lại với một sư đoàn thủy quân lục chiến, một bầy trực thăng, năm chiếc tàu chiến với nhiều khẩu pháo. Chúng đóng lại bót. Tên chỉ huy chi khu là một tên cấp tá. Thay cho thằng cảnh sát Bá là tên an ninh tỉnh, gốc là dân di cư. Thay cho thằng đại diện Phiến là một tên chiêu hồi rút ra từ một đoàn “bình định” gốc là người làng. Trong con mắt của bọn đó, trong con mắt của dân xóm, dân làng, bà vẫn là bà mụ vườn. Bà vẫn đi đỡ đẻ. Bà đi đỡ đẻ cho người ở xóm ngoài, đi đỡ đẻ cho người ở xóm trong.

   Bà đi trước, đứa con gái út của bà đi theo sau. Và Út Sương vẫn là Út điếc với chiếc khăn rằn trùm kín mặt...


20-4-1975




Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM