Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:12:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa gió chướng  (Đọc 12537 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 08:36:59 am »

CHƯƠNG 9

   Sáng hôm sau, xã đội họp du kích. Kể cả xã đội trưởng và xã đội phó, đội du kích còn được mười hai người, năm trai, bảy gái.

   Đội du kích Mỹ Hương thường ngày họ phân tán mỏng, dọc theo hai bờ kinh, rải rác từ trong ngọn cho đến xóm cuối cùng của ấp chiến lược.

   Bảy cô gái khăn rằn quấn cổ ngồi trên nắp hầm, súng gác qua đùi. Mấy anh con trai thì ngồi chồm hổm dưới đất, súng dựng thẳng lên trước mặt. Tôi cũng dự họp, còn Năm Bờ thì bị sốt, anh đang nằm trên sàn nhà. Nằm trên đó anh có thể nghe được tiếng nói của mọi người.

   Chị xã đội trưởng Sáu Linh, đứng dựa vào cột nhà. Bắt đầu vào cuộc họp, chị giới thiệu tôi với đội du kích. Tôi để ý thấy có một cô đưa tay véo Bé Ba, khiến Bé Ba đỏ mặt, trợn mắt dọa lại cô kia.

   - Giới thiệu với anh, đây là em Thon với em Thả!

   - Thon Thả! Hai chị em - Út Đợ nhanh miệng nói chêm vào.

   Cô chị khoảng hai mươi, cô em khoảng mười tám, đúng như cái tên của mình, dáng người của hai chị em trông thật thon thả, chị thì bới tóc, em thì để tóc thề, mặt giống nhau như đúc. Hai chị em bẽn lẽn quay nhìn ra sau vườn.

   - Còn đây là em Thảnh.

   - Thảnh bánh bèo! - Út Đợ cũng lại nhanh miệng nói thêm.

   - Cái anh Út Đợ này kỳ cục! - Cô tên Thảnh đỏ mặt, nguẩy người, liếc Út Đợ, cái liếc mắt bén như dao. Thảnh độ hăm hai tuổi, người mảnh khảnh, nước da trắng xanh, đôi môi lại mọng đỏ. (Sau này tôi mới biết, trước khi vào đội du kích cô sống bằng nghề bán bánh bèo).

   - Còn em này: Tuyết.

   - Tuyết mà đen! - Người nói chêm vào cũng không ai khác là Út Đợ. Cô tên Tuyết, cô gái hai mươi tuổi, khỏe mạnh, nổi bật với đôi mày rậm, cô có vẻ lì hơn các cô khác, cô xoay mặt qua Út Đợ, lườm anh một cái rồi tỉnh như không.

   - Còn em nhỏ nhứt là Út Trầm.

   Út Đợ có lẽ bị mất hứng vì cái lườm của Tuyết, anh không chêm vào một câu gì nữa, chỉ cười cười. Út Trầm, cô bé độ mười sáu, để tóc thề, chỉ riêng em không có súng.

   Sáu Linh định giới thiệu sang qua bên con trai thì nhiều cô nhao nhao kêu lên:

   - Còn một người nữa.

   - Người quan trọng nhất.

   Tất cả các cô đều quay lại Bé Ba.

   Sáu Linh nhìn tôi, múm mím cười, rồi cô làm nghiêm.

   - Bé Ba thì anh Thắng biết rồi. Thôi, các đồng chí đừng đùa nữa! - Cô hướng mặt về một anh con trai.

   - Em Châu!

   Châu đứng phắt dậy, người to lớn, da đỏ hồng, chân to, bàn tay to. Châu vừa liếc nhìn Út Đợ, như không để Út Đợ kịp nói thêm gì về mình, Châu dõng dạc:

   - Châu, khỏe như trâu, hai mươi hai tuổi, sống độc thân!

   Mọi người cười ồ, các cô gái thì đấm vào vai nhau, bụm miệng cười. Nhưng Út Đợ cũng không tha anh.

   - Khỏe như trâu nhưng lại sợ da gà!

   Tiếng cười lại to hơn. (Sau này tôi mới hiểu, như người Ấn Độ, Châu không ăn được da gà).

   Cánh con trai không để Sáu Linh giới thiệu, mà họ lần lượt đứng dậy, tự giới thiệu.

   - Dũng! Dũng nóng! Hai mươi tuổi.

   - Lâm, mười chín tuổi.

   - Quyền, Quyền mụn, mười lăm tuổi. - Quyền, một cậu thanh niên đang tuổi dậy thì mặt đầy trứng cá.

   Người cuối cùng là anh xã đội phó. Con người vui tính ấy, tôi chú ý anh hơn những người khác. Đôi mắt to với gương mặt vuông, tóc rễ tre, người thâm thấp với đôi vai ngang và cái lưng đầy như lưng gấu.

   - Tôi, Đợ, Út Đợ, hai mươi lăm tuổi - Anh đứng phắt dậy, dõng dạc tự giới thiệu với đôi mắt mở trừng trừng khiến mọi người không thể nhịn cười. Anh ăn mặc gọn gàng chỉnh tề và cũng có vẻ diện hơn người khác. Người trông lẫm liệt, khỏe và chắc trong bộ quân phục màu đen may theo kiểu vệ quốc đoàn: túi áo có nắp, cầu vai có hai con đỉa vắt ngang bằng hai ngón tay. Nổi bật hơn cả là sợi dây nịt Mỹ thắt ngang hông, sợi dây nịt to bản màu cỏ úa, còn mới tinh, quanh sợi dây nịt đeo giắt đủ thứ: hai bao đạn đầy cứng, bao đạn bằng một loại da như da đóng giày, bên hông lủng lẳng một cái bình toong Mỹ để ló lên cái muỗng i-nốc; hông bên kia là cái đèn quáo cũng của Mỹ, gần bao đạn lại còn cái đèn chai. Một cái đèn thông dụng của mọi người kháng chiến, từ bộ đội đến cán bộ hoặc du kích, ai ai cũng có, luôn luôn ở bên mình. Cây đèn làm bằng chai xức tóc của phụ nữ, hoặc bằng chai đựng cồn hoặc bằng một thứ chai nào đó đại loại như vậy vừa nhỏ vừa xinh, đèn thắp bằng dầu lửa với một sợi tim bằng vải. - Cây đèn ấy, tác dụng của nó không chỉ dừng lại ở chỗ đơn giản là một cây đèn để thắp nữa, nó đã biến thành một trang sức có tánh chất nghệ thuật. Người ta làm cây đèn hết sức công phu: chọn một cái chai cho đẹp, trong veo, tìm một cái ruột bi bằng đồng để làm ống dẫn tim, tìm một sợi dây thép nhỏ, thường là sợi dây đàn - dây la - quấn thành một chiếc lò xo, đem nướng, rồi trui vào nước, cho dẻo. Cái lò xo quấn theo ống dẫn tim, bên ngoài lại bọc thêm cái vỏ đồng, vừa khít. Rắc rối, lôi thôi vậy! Vỏ đồng là vỏ đạn carbin. Đến lúc cần thắp, người ta dùng đầu ngón tay bật khe khẽ cái đầu ống dẫn tim, cái lò xo bật lên cành cạch, và cái đầu tim bật dần lên. Rồi đến cái nắp đèn. Hoặc là cái nắp cũ của chai, hoặc là một cái nắp mới do chủ nó tạo ra, bằng kim khí, có thể là đầu đạn đem nấu ra đổ vào khuôn. Cái cuối cùng là sợi dây để đeo nó. Có người đeo bằng ruột dây dù, có người đeo bằng sợi dây đủ màu bằng chỉ thêu xe, có người đeo bằng dây bạc, dây đồng. Ở miền Nam, có bao nhiêu người đi kháng chiến thì có bấy nhiêu cây đèn chai như vậy. Để trang trí cho cây đèn thêm đẹp, có người bỏ vào đó một ít hạt cườm để nó chao lên chao xuống đỏ đỏ xanh xanh, cho vui mắt. Cao hơn một bước, có người để cả tấm ảnh của một cô gái chắc chắn là người yêu của mình - vào cây đèn, hễ cầm đến cây đèn là thấy tấm ảnh chao đi chao lại, nhìn mình. Vừa để xem cho đỡ nhớ, vừa để giữ tấm ảnh. ảnh ngâm trong dầu lửa, không bị mốc, hằng bao nhiêu năm tấm ảnh vẫn còn tươi.

   Nhìn cây đèn chai đang lủng lẳng cạnh bên hông của Út Đợ, tôi nghĩ hơi miên man vì cây đèn của anh bắt tôi phải chú ý. Cũng cây đèn ấy gợi cho tôi nhớ một câu chuyện kỳ lạ của chiến tranh.

   Trong trận Đồng Xoài, bọn ngụy đưa tiểu đoàn “Trâu Điên” đến cứu viện. Bọn tiểu đoàn “Trâu Điên” đến mặt trận thì tiếng súng vừa chấm dứt. Với cái vẻ điên của mình, cái tiểu đoàn “Trâu Điên” bắt đầu tung hoành với những cái xác chết của bọn chúng. Cuối cùng nó nhặt được hai cây đèn dầu của hai chiến sĩ ta đánh rơi. Chỉ có thế mà tiểu đoàn “Trâu Điên” làm rùm beng nghe thật chướng tai. Hai cây đèn chai ấy, chúng coi là chiến lợi phẩm của tiểu đoàn. Chúng mang hai cây đèn ấy đặt hai bên cái đầu trâu trong trụ sở ban chỉ huy. Khách khứa hoặc các nhà báo, hoặc các cố vẫn Mỹ mỗi lần ghé qua tiểu đoàn, bọn chúng đều dẫn đến tham quan cái đầu trâu ấy, và khoe chiến công của trận Đồng Xoài: hai cây đèn chai!

   Rồi mùa xuân năm 1968. Quân ta đánh vào Sài Gòn. Một cánh quân của ta tiến thẳng vào tiểu đoàn “Trâu Điên”, chiếm trụ sở ban chỉ huy, chiến sĩ ta không ngờ lại thấy hai cây đèn chai để hai bên cái đầu trâu. Chiến sĩ ta dùng báng súng đập nát cái đầu trâu, còn hai cây đèn thì bỏ túi.

   Đâu có ai ngờ, hai cây đèn chai ấy, nhờ có hai tấm ảnh của hai cô gái, hai cây đèn lại được chuyển về tận tay của chủ nó.

   Trong trận đánh vào Sài Gòn mùa xuân 1968, đi đâu, người ta cũng nghe kể chuyện hai cây đèn ấy. Chuyện thật mà nghe như bịa. Bây giờ, trong cây đèn của Út Đợ cũng có một tấm ảnh của một cô gái mặc áo bà ba đen, đầu đội nón lá, đang chao qua chao lại như con cá đang lượn, và cô đang cười.

   Chắc hẳn là người yêu của anh! Thế nào tôi cũng hỏi cho biết.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:30:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 08:39:17 am »

Út Đợ ngồi xuống qua loạt vỗ tay, chấm dứt phần giới thiệu, thì Sáu Linh đứng dựa vào cột nhà, lật quyển sổ tay ra.

   - Tôi xin báo cáo!

   Tất cả đều hướng về Sáu. Còn tôi, lần đầu tiên được dự cuộc họp của du kích. Tôi cũng hướng về cô, chờ đợi. Tôi hết sức chú ý, rồi cũng hết sức ngạc nhiên về bản báo cáo của cô. Tôi tưởng là tôi sẽ được nghe một bản báo cáo dài trong đó có tình hình địch, âm mưu địch, rồi tình hình ta, tình hình nhân dân trong mấy ấp giải phóng, tình hình nhân dân trong ấp chiến lược... Nhưng cô không báo cáo một điều gì theo tôi nghĩ cả, mà cô nói đến mùa xoài. Cô nói:

   - Đã đến mùa xoài rồi. Trời bắt đầu mưa dông. Bà con mình chưa ai trở về. Xoài rụng đầy vườn. Nếu không có ai lượm, ai hái, thì xoài rụng hết. Xã đội đề nghị với các đồng chí, đợt này du kích mình chia nhau ra, lượm xoài cho nhân dân.

   - Phải đó! - Một cô nói đệm vào. Ra vẻ thích thú, các cô nhìn nhau, huých nhau, miệng cười tủm tỉm.

   - Hễ lượm xong thì bắt đầu hái. Xã đội đề nghị với các đồng chí, xoài của nhà nào gom lại cho nhà nấy, không nên để lộn xộn. Nhà nào còn lu, có hũ thì mình để xoài vào giú, nhà nào không còn lu còn hũ thì mình lấy cà ròn hoặc bố tời, hoặc lá chuối khô, xếp lại cho gọn, làm sao cho đồng bào trở về thấy vừa lòng.

   - Chừng nào thì đồng bào về? - Út Trầm vụt đưa tay hỏi, mọi người lại nhìn nhau rồi lại nhìn Sáu, mặt Sáu ửng đỏ.

   - Mình phải vận động đồng bào đấu tranh đòi trở về thu hoạch huê lợi. Trước sau gì đồng bào cũng trở về. Du kích mình làm sao, khi đồng bào trở về đồng bào thấy, dù có bị xúc ra ấp chiến lược, nhà cửa cũng như vườn tược, huê lợi của mình luôn luôn được Cách mạng chăm sóc giữ gìn.

   Lời nói của Sáu thật bình thường, thật giản dị, nhưng lại làm cho đội du kích của cô xôn xao; nhìn Sáu, người nào cũng tươi tắn, hớn hở ra. Họ sắp gặp lại dân, những má bảy má ba, những anh những chị, những cô dì những em... những người đã sinh ra họ, nuôi nấng họ và sống chết có nhau.

   - Cuộc họp chỉ có như vậy. Xã đội đề nghị Bé Ba phụ trách việc lượm xoài, hái xoài; công tác chiến đấu thì anh Út Đợ phụ trách, còn tôi, tôi sẽ đi công tác vài hôm. Anh Năm cũng vừa mới về, có gì anh Năm sẽ giúp đỡ.

   Sáu gấp quyển sổ tay lại:

   - Hết! - Và cô cười.

   Các cô du kích vùng chạy ra như một đàn chim. Thế là cuộc họp kết thúc và giải tán.

   Tôi ngồi đó, như bị hẫng.

   Út Đợ đứng dậy, nhìn tôi, nháy mắt. Hai đứa tự nhiên thấy thích nhau qua cái nháy mắt và nụ cười.

   - Anh Út! Bây giờ tôi giao anh Thắng cho anh đó. Anh Thắng muốn gặp bà Chín. Còn tôi, tối tôi mới ra.

   Sáu Linh nói và vẫn đứng dựa vào cột.

   - Chừng nào đi, đi bây giờ được không?

   - Tùy anh.

   - Đi bây giờ đi anh Thắng! - Út Đợ bảo tôi.

   - Đi thì đi! Mà khoan, chờ tôi một chút.

   Tôi lên nhà, thăm Năm Bờ. Năm Bờ lên cơn sốt từ nửa đêm. Anh nằm trên chiếc chiếu trải trên sàn nhà, đắp miếng vải dù bông từ đầu đến chân. Nghe có bước chân đến gần, anh choàng dậy:

   - Thắng đó à?

   - Anh đã đỡ chưa?

   - Về đến đồng bằng rồi mà vẫn bị sốt, ức quá! Ngồi xuống đây.

   Tôi ngồi cạnh bên anh, ngửa bàn tay đặt lên trán anh. Vầng trán nhơm nhớp mồ hôi và lạnh ngắt.

   - Sốt rét này dai dẳng lắm. Anh phải nằm dưỡng vài hôm!

   - Tôi định tối nay sẽ gặp bà Chín để hiểu thêm tình hình, nhưng chẳng biết có đi nổi không?

   - Anh phải nằm nghỉ, có gì tôi sẽ báo cáo lại với anh.

   - Anh thấy thế nào?

   Tôi chưa kịp hiểu câu hỏi của anh thì anh tiếp, một con mắt anh lại sáng lên:

   - Vậy là mình đã phá lỏng rồi, không phải bế tắc như lúc ở Rờ mình nghĩ, phải không?

   - Tôi chưa hiểu nhiều, nhưng tôi cũng đã thấy như vậy. Lúc ở Rờ tôi cũng tưởng là vùng bình định, một con kiến cũng không qua được. Về đến đây tôi mới thấy.

   - Vấn đề là bây giờ phải tổ chức lại cho khoa học,tiến lên một bước cao hơn. Chẳng biết tôi có lạc quan tếu hay không, chớ tôi, tôi thấy, tình hình này không lâu đâu.

   - Anh Thắng ơi, đi đi, trưa rồi! - Tiếng của Út Đợ từ dưới sàn nhà dội lên giục tôi. Tôi cúi xuống, nhìn qua kẽ sàn nhà, nói với anh:

   - Chờ tôi một chút, tôi đi đây.

   - Thôi, Thắng đi trước đi, nếu tôi khỏe, tối nay tôi sẽ ra. - Năm Bờ vừa nói vừa đưa tay bắt tay tôi, mắt trõm lơ, và tay anh hầm hập nóng.

   Tôi đứng trên sàn nhà, trên đầu cầu thang. Nắng rải rác từng đốm nhỏ xuống khu vườn. Có ba cô du kích, Thon, Thả, Tuyết, mỗi người đeo một cái giỏ đang lom khom lượm xoài. Tự nhiên tôi không còn băn khoăn với nội dung cuộc họp sáng nay nữa. Những điều tôi tưởng là tôi sẽ được nghe qua bản báo cáo của chị xã đội trưởng Sáu Linh ấy, đội du kích của chị đã hiểu hết rồi, những điều mà người khác hiểu rồi thì nói nữa để làm gì? Tôi để ý thấy rằng, ở những chiến trường gay gắt, mặt đối mặt với quân thù, người ta không có thời giờ để hoa hòe hoa sói, người ta tước bỏ đi tất cả những điều vô ích, và bản thân cuộc sống cũng không chấp nhận những điều vô ích đó.

   Cũng như cuộc họp của xã đội sáng nay, một cuộc họp với nội dung hết sức giản dị mà thiết thực.

   Trong lúc bọn chúng - kẻ thù, tìm mọi cách để bắn phá vườn tược, rải thuốc độc cho cỏ cây xơ xác, thì du kích đánh trả bọn chúng không chỉ bằng tiếng súng, mà đánh trả lại bọn chúng bằng công việc đi lượm từng trái xoài rụng cho nhân dân.

   Nếu tính từ buổi sáng nay, thì cuộc chiến đấu giành đất giành dân đang bắt đầu từ những người du kích đang lom khom ngoài vườn kia.

   Cô Thon, cô Thả, cô Tuyết... các cô chạy từ chỗ này đến chỗ khác, rồi nhảy qua con mương vườn, cúi lượm lấy một trái bỏ vào giỏ... Châu, Quyền, cánh con trai đang trèo xoài, thọc cái lồng ra, giựt đứt từng cái cuống xoài già, xoài chín...

   Tôi đưa mắt tìm Bé Ba để nói một câu gì đó trước khi đi. Nhưng không thấy Bé Ba đâu, có lẽ cô đang lượm xoài ở một khu vườn khác, có thể là khu vườn ở bên kia bờ kinh...

   Tôi chạy xuống cầu thang. Út Đợ đang đợi tôi.

   - Đi chớ anh Thắng?

   - Đi! Chị Sáu đâu rồi?

   - Chỉ đang nấu cháo cho anh Năm.

   Út Đợ sóng vai tôi:

   - Đi đi cho hai ông bà người ta tò tí.

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:30:53 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 02:05:29 pm »

CHƯƠNG 10

   Út Đợ đưa tôi ra khỏi khu vườn, chỗ mấy cô du kích đang lom khom lượm xoài.

   Chân mang dép cao su, nhưng khi bước lên con đường tôi vẫn nghe gan bàn chân mình mát lạnh vì hơi đất. Con đường đất! Lần đầu tiên tôi bước chân trên con đường này, nhưng con đường lại thân thuộc với thời thơ ấu cách đây đã hai mươi năm. Con đường đất rộng cặp bờ kinh chạy qua trước sân nhà! Con đường vừa cho chiếc xe ngựa qua lại, con đường lúc nào cũng có tiếng vó ngựa nện đều đều và tiếng lục lạc leng keng... Cũng như bao nhiêu con đường qua những làng khác, bước ngang qua con đường trước mỗi nhà là một cái bến nước, cây cầu, và một chiếc xuồng. Nhưng con đường này bây giờ - dân làng bị xúc đi, chỉ còn là một con đường vắng, dài hun hút. Con đường đầy lá. Và bến nước dài theo bờ kinh vẫn còn những chiếc cầu nho nhỏ đó, không thấy ai múc nước, không thấy ai giặt giũ, không thấy ai ngồi gội đầu, vắng tanh. Lác đác trên một vài bến nước, vẫn hãy còn cái gáo dừa cán dài móc trên cột cầu nằm đó.

   Hai đứa đi trên con đường vắng, qua những ngôi nhà đổ nát, qua những khu vườn cháy, đi ngược lại chiều con nước, con nước buổi sáng từ dòng sông Cửu Long đổ vào, căng đầy, ngầu đục chất phù sa.

   Một nỗi buồn tê tái xâm chiếm lấy tâm hồn tôi, tôi muốn thoát khỏi. Tôi gợi chuyện:

   - Út Đợ, chú có vợ con gì chưa vậy? - Tôi hỏi và liếc nhìn tấm ảnh của cô gái đang chao qua chao lại trong cây đèn chai của anh.

   - Không có thằng Mỹ hề thì tôi làm đám cưới rồi!

   - Chú nói sao! - Tôi hỏi và quay sang nhìn Út Đợ, xem anh chàng vui tính này nói đùa hay nói thật. Mỹ thì Mỹ, sao lại có Mỹ hề? Hai người vẫn sóng vai nhau đi trên con đường vắng.

   - Ở trên Rờ, anh có nghe nói hai thằng Mỹ hề ở chiến trường này không?

   - Mỹ thì ai mà chẳng nghe nói, còn Mỹ hề thì tôi không nghe. Tôi cũng chưa nghe anh Năm Bờ nói lần nào.

   - Mỹ hề có cách đây mới hai năm thôi, sau khi anh Năm về trển.

   - Sao lại là Mỹ hề, hả?

   Tôi lại quay nhìn Út Đợ.

   - Vậy mới có chuyện nói chớ!

   - Ừ... a. Sao nói nghe.

   - Sau đợt tổng công kích năm sáu mươi tám thì xuất hiện hai thằng Mỹ hề...

   Tôi lại quay nhìn Út Đợ, xem anh nói thiệt hay nói chơi.

   Từ khi tôi về đến làng này, đã mấy hôm rồi, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng. Từ cảnh đến người, cả những điều nho nhỏ khác, như con cá vồ, con khô sặc, trái xoài non, trái xoài chín, vốn quen thuộc đối với tôi; bây giờ gặp lại, tất cả cái gì cũng khiến cho tôi xúc động. Mấy cô du kích có lúc thấy tôi như một người ngớ ngẩn. Sáng nay, trước khi họp, cô du kích bé nhất - Út Trầm - chắc có một cô nào đó bày cho cô, tự dưng cô chạy đến tôi, đưa cho tôi một trái cau tươi, bảo:

   - Anh Thắng, ăn đi, ngon lắm, ngon lắm!

   Tôi chưa kịp hiểu thì cô Thảnh tiếp:

   - Anh ăn đi, nhưng ăn xong thì đừng có nổ súng bắn tụi tôi nghen!

   Rồi các cô nhìn tôi, có lẽ tôi đang ngơ ngác, các cô đấm vào vai nhau, cười rũ ra, cười đến đỏ mặt, tía tai.

   Tôi chẳng biết gì cũng cười theo, thấy vậy, các cô càng cười to hơn. Út Trầm cười đến chảy nước mắt. Bé Ba đỏ mặt ngượng thay cho tôi. Còn Sáu Linh thì quay nhìn chỗ khác, tủm tỉm một mình. Một hồi sau, mấy cô gái mới giải thích cho tôi. Khi quân Mỹ đổ xuống Bình Đức, dùng tàu mủ chạy dọc theo sông Cửu Long, cái bọn mũi lõ mắt xanh râu ria lông ngực thấy cái gì ở xứ này nó cũng lạ. Một hôm có hai thằng Mỹ ngồi trên xuồng máy chạy trên sông thấy một bà chở cau ra chợ. Nó cho nổ máy nhỏ, cặp theo chiếc xuồng cau của bà. Hai thằng: thằng già, thằng trẻ, cả hai đều chồm qua xuồng của bà, mỗi thằng vớ lấy một buồng cau, mắt sáng rỡ. Nó “ô kê, ô kết” gì đó như con vịt kêu càm cạp, bà đoán là nó hỏi mua, bà nói:

   - Cau để ăn trầu, ăn không được.

   Thằng Mỹ, hai thằng lính ấy có biết gì đâu, nó đưa lên ba ngón tay ý chừng là trả ba đồng. Bà lắc đầu.

   - Để ăn trầu, ăn không được, mua làm gì?

   Nhưng nó có nghe có biết gì đâu, hai thằng nhìn nhau, xòe cả năm ngón tay đưa lên. Bà cũng lại lắc đầu, vừa giảng giải vừa đưa tay làm như ngoáy trầu cho nó thấy.

   - Cau này để ăn trầu, ăn không được đâu, chát ngầm hè, một đô la tôi cũng không bán. - Bà nói to hơn, tưởng như nói to thì nó nghe thấy vậy. Nó ngu chứ có điếc đâu, mà bà nói lớn! Nó tưởng bà chê rẻ. Hai thằng lại nhìn nhau, nói với nhau, thằng nhỏ lại xòe cả hai bàn tay, đủ mười ngón, đưa lên.

   - Cau ăn trầu chớ không phải xoài đâu mà mua.

   Thằng Mỹ già banh hai con mắt đục ra nhìn bà. Thằng nhỏ móc ví bóp, móc tiền ra, ném đại vào xuồng của bà, rồi mỗi thằng chụp lấy một buồng cau, xô xuồng, nổ máy chạy băng ra giữa sông. Biết là nó mua lầm, may là cũng vừa tới đầu vàm, bà khom lưng bơi riết vô kinh.

   Hai thằng Mỹ đó lầm thiệt, ra tới giữa sông, nó bẻ cau, đưa lên miệng, cắn, chát ngầm. Tức mình, nó nổ súng bắn đuổi theo...

   - Hồi sáng là chuyện trái cau, bây giờ là chuyện Mỹ hề, hả chú? - Tôi hỏi.

   - Tôi nói thiệt, tôi có là con gái đâu mà chọc anh.

   - Ờ thiệt, thiệt thì kể đi.

   - Chuyện đó đầu đuôi như vậy nè. Sau trận tổng công kích Mậu Thân năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, thằng Mỹ chỉ huy căn cứ Bình Đức nó nói: “Vi Ci đánh du kích, Mỹ cũng đánh du kích”. Mấy người thông ngôn nói với dân, dân nói lại với mình. Từ đó, ngày nào cũng vậy, khoảng bốn năm giờ sáng, trời còn mờ đất, có ba chiếc trực thăng chớp đèn đít, lạch cạch bay, từ Bình Đức bay tận xuống đây, rồi bay xa nữa, đâu đâu chẳng nhìn thấy, nó quần, nó đảo, hết chỗ này, đến chỗ khác. Trong ba chiếc đó có một chiếc hạ thấp thả xuống hai thằng Mỹ. Hai thằng Mỹ đó, đố anh thấy nó được. Nó mặc quần áo xanh lá cây, mặt mày nó cũng sơn màu lá cây. Từ trên trực thăng nhảy giò xuống, nó mới lủi vô sậy, vô đế, lủi vô ruộng, lủi vô vườn, “quánh” du kích với mình.

   - Vậy thì sao gọi là Mỹ hề?

   - Hề là vì mặt mũi nó vẽ, vẽ rằn vẽ rện như hề, người ta mới gọi là Mỹ hề.

   - À. Té ra là như vậy.

   - Hề còn có cái nghĩa khác nữa, nhưng để chút nữa rồi tôi nói. Có cái thằng, mà nó làm rối loạn cả một vùng. Nó nằm phục ở đâu đó, bất thình lình nó nổ một phát, giết một người, rồi nó lủi mất. Quần áo, mặt mũi nó tiệp màu với cây cỏ, không ai lùng được. Nó bắn không lựa chọn gì hết. Không phân biệt bộ đội, phân biệt già trẻ gì ráo. Nó chủ trương giết được người trong vùng giải phóng mình, gây hoang mang là được. Nó không dám nổ súng nhiều. Nó bắn bằng carbin, nó chỉ nổ một phát, “bép” một cái, giết một người, rồi lủi mất. Mai nó ở làng này, mốt nó ở làng kia, lúc ở xa, lúc ở gần, khi ở ngoài đồng, khi ở trong vườn... Có hai thằng mà tưởng như ở chỗ nào cũng có nó. Từ Bình Đức xuôi về đây, ngày nào cũng nghe có người chết vì hai thằng Mỹ ôn binh dịch vật đó. Nó không dám bắn bộ đội, cũng không dám đụng đầu với du kích, nhè dân mà nó bắn. Đi đâu người ta cũng nơm nớp. Người ta sợ nó hơn sợ cả pháo đĩ? Anh biết pháo đĩ là pháo gì nữa không đó?

   Pháo đĩ là tiếng pháo do bọn con gái điếm bắn chơi. Pháo đó chẳng theo một quy luật gì của chiến tranh, không giờ giấc, nổ vào những lúc bất ngờ, chẳng biết đâu mà tránh.

   - Sao lại không biết. Sao nữa, kể tiếp đi.

   - Hai thằng Mỹ ôn binh dịch vật đó quấy rối như vậy từ bốn năm giờ sáng cho tới tối. Trời vừa sâm sẩm thì ba chiếc trực thăng lạch cạch bay tới, bay là là trên mặt bãi, quăng dây kéo nó lên. Nó thả giò mỗi ngày mỗi chỗ khác nhau, mỗi chiều nó rước về, cũng mỗi chỗ khác nhau, chẳng biết đâu mà phục mà đánh. Nó có vô tuyến liên lạc với nhau mà.

   Nó lộng hành quá. Ban chỉ huy vành đai, rồi huyện đội, xã đội ra lệnh cho bộ đội, ra lệnh cho du kích phải diệt cho kỳ được hai thằng Mỹ chó đẻ đó.

   Hai đứa đang say chuyện, trời chuyển lúc nào chẳng để ý, đến lúc mưa đổ hạt mới biết. Hai đứa mở bao ni lông, choàng qua người, đi ngược lại chiều gió.

   - Sao nữa? - Tôi hỏi.

   - Du kích thì phải có dân mới sống, mới hoạt động được Đằng này nó không có dân mà nó dám đánh du kích với mình, mình thua nó sao?

   - Nói cho đúng chữ, không phải đánh du kích mà phải gọi là đánh lén.

   - Ừ đúng, đánh lén, đánh lén, phải! - Út Đợ thú vị với cái từ mới ấy, anh bước nhanh, giọng càng hào hứng.

   Nói vậy chớ không phải dễ. Một hôm nó nổ súng bắn người gần đại đội địa phương quân. Đại đội liền mở vòng vây, vây chặt cả một vùng nó mới nổ súng. Tụi tôi chắc mẻm là nó tới số rồi. Chỗ nào rậm rạp thì nổ súng bắn. Rồi dậm như dậm cù. Vậy mà cũng không tìm được nó. Chiều lại, trời vừa sâm sẩm tối, ba chiếc trực thăng lạch bạch bay tới. Một chiếc rà xuống quăng dây, hai thằng nằm trong đám lác, cách chỗ dậm cù chẳng bao xa, chạy ra, đeo dây, leo lên trực thăng, bay thẳng về Bình Đức. Anh nghĩ có tức không? Rồi một hôm nó lại nổ súng giết một cô gái mười tám tuổi đang chèo xuồng giữa trưa, ngay con kinh này. Nghe tin đó, tụi tôi kéo hết du kích, cả dân trong xóm, vây chặt hai bên bờ kinh, lùng sục từng bụi cỏ. Rồi sâm sẩm tối, hai thằng lại leo lên trực thăng bay đi. Cô gái chèo xuồng giữa kinh là vợ chưa cưới của tôi! Nếu không thì Tết này, hai đứa tôi làm đám cưới rồi!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:31:06 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 02:08:30 pm »

Hai người vẫn đi ngược lại chiều gió. Gió cuốn những hạt mưa, từ đâu chẳng biết, ném xuống từng hạt vào người, vào mặt hai đứa tôi. Trên gương mặt góc cạnh của Út Đợ có vài hạt mưa như những giọt nước mắt vỡ tan. Anh đi nhanh hơn, bàn chân anh nện mạnh hơn, nghe rõ tiếng dép nện bem bép xuống mặt đường. Tôi lại nhìn cây đèn chai của anh. Tấm ảnh của cô gái đầu đội nón lá, mặc chiếc áo bà ba đen đang chao qua chao lại và lúc nào cũng bên anh trên mọi ngả đường.

   - Sao, rồi mình có diệt được nó không? - Tôi sốt ruột, cố hỏi to để phá tan sự im lặng.

   - Không diệt được nó thì làm du kích làm gì? Tôi tự hạ quyết tâm, nếu không lùng được hai thằng chó đẻ đó, thì tôi, tôi sẽ ra tận Bình Đức, sẽ giết nó trước khi nó leo lên trực thăng. Sau đó ban chỉ huy xã đội năm xã dọc theo sông Cửu Long này họp lại, phối hợp chiến đấu. Nửa đêm, du kích của năm xã đều ra đồng, chia ra từng tổ, nằm phục sẵn trong những bãi nó thường đổ quân.

   Trời tờ mờ sáng, ba chiếc trực thăng chớp đèn đít, lạch cạch bay vào, nó chia ra mỗi chiếc một nơi cách nhau hằng cây số. Nó sà xuống chỗ này, nó đáp xuống chỗ khác, rồi cất lên, lại quần đảo, nó cứ quần đảo như vậy đến nửa giờ. Một chiếc sà xuống, lướt qua đám đế ngay chỗ tôi. Tôi lom khom nhìn theo nó mà người cứ run lên. Tôi thủ cây bá đỏ, đạn lên nòng, sẵn sàng, nó mà nhảy xuống là tôi nổ ngay. Nhưng rủi cho tôi, tôi nằm phục ngay cái bãi nó dùng để nghi binh. Ở một bãi khác, cách tôi không xa, một chiếc trực thăng vừa sà xuống lại bay lên rất nhanh. Sau này, nghe anh em chỗ đó nói lại, vừa thấy thằng Mỹ từ trên nhảy xuống, anh em định chờ cho trực thăng bay xa, nhưng trực thăng vừa cất cao lên thì thằng Mỹ lủi đâu mất. Lúc đó mà bắn thì bị lộ - Còn ở một bãi khác, chiếc trực thăng quần đảo rất lâu, sà xuống cất lên, lại sà xuống cất lên đến mấy lần, lần cuối cùng nó sà lướt qua một vạt đế, thằng Mỹ hề từ trên trực thăng vừa nhảy xuống, chân chưa chấm đất nó bị lấy họng không kịp ngáp. Chỗ đó là chỗ của Sáu Linh và thằng Châu. Sáu Linh với thằng Châu cùng nổ một lúc. “Bằn” một viên trúng đầu, một viên trúng ngực. Chiếc trực thăng vừa thả giò liền quay lại, bắn. Hai chiếc khác cũng bu lại. Năm người, năm cây súng giữa đồng trống làm sao đánh lại ba chiếc trực thăng. Tôi liền kéo anh em chỗ tôi đạp đế, băng đồng, chạy tới, tiếp viện. Cánh đồng dài theo năm xã, tất cả du kích đều nổ súng. Nó quần đảo xa gần gì cũng bị súng dưới mặt đất bắn lên. Nó hoảng, nó kêu tụi F đến rắc bom bi. Tụi F vừa tới thì du kích tụi tôi cũng vừa bám được địa hình.

   - Mình có ai làm sao không? - Tôi hỏi.

   - Người nào cũng bị thương.

   - Dữ vậy?

   - Nhưng không phải bị thương vì bom vì đạn của nó. Bị thương vì sậy đế, người nào người nấy, sậy đế, đưng lác cắt nát mặt nát mày hết.

   - Vậy là mình giết được có một thằng?

   - Chưa hết. Còn cái thằng lủi mất đó, nó sợ, nó không dám bắn ai nữa. Mà cũng không ai biết nó lủi đi đâu. Nhưng nó tới số. Nó gặp một em nhỏ đi đào dế câu cá. Em nhỏ mười hai tuổi, chú đi đào dế ở trong vườn. Thằng Mỹ hề đó lủi vô vườn hồi nào, ai biết? Nó ngồi co ro trong bụi rậm. Chú nhỏ mười hai tuổi nghe tiếng dế gáy re re, chú cầm cái xuổng đi tới. Thấy hang dế, chú cắm cúi đào, đào gần tới, con dế cơm từ dưới hang búng lên cái tách, thoát khỏi tay chú. Con dế búng nhảy vô bụi rậm. Vậy là chú nhỏ bắt gặp thằng Mỹ. Chú nhận ra được nó là nhờ hai con mắt mở trừng trừng của nó. Như mọi lần thì nó bắn chú nhỏ rồi. Bữa đó nó sợ. Thấy hai con mắt xanh lè của nó, lúc đầu chú tưởng là mèo nhà ai. Nhìn kỹ, chú thấy cái nòng súng. Chú nhỏ muốn bỏ chạy. Nhưng thằng Mỹ tới số, chú làm tỉnh, chú trở lại cái hang dế, chú đào, chú móc như chẳng có việc gì xảy ra. Xong cái hang dế đó, chú lại đào cái hang khác. Bỏ đi ngay, sợ nó nghi, mà chỗ đó thì hết hang dế rồi. Chú mới nghĩ: thằng Mỹ thì biết gì cái chuyện đào dế, có phải thằng ngụy đâu. Khôn quá!

   - Con nít bây giờ khôn lắm.

   - Nghĩ như vậy, chú ngồi xuống cạnh đó, đào đại xuống đất một hồi. Một lúc, chú mới bỏ đi, nhưng cũng không bỏ đi xa. Chú đào một chỗ khác xa hơn, có ý cho thằng Mỹ nhìn thấy. Cứ như vậy mà chú đi xa dần, rồi đi khuất con mắt của nó, trước khi chạy đi báo, chú còn nghêu ngao ca một câu vọng cổ cho nó nghe nữa. Vừa xuống chữ hò, là chú cắm đầu cắm cổ chạy về. Thằng Mỹ đó tới số. Chị Sáu với du kích tụi tôi chưa kịp phân tán. Bọn tôi lập tức bủa vòng vây, cả dân xóm, người súng, người gậy, người cuốc, người phảng, người dao, giậm như giậm cù; nghĩa là, tụi tôi vạch từng cọng cỏ. Nó không thể thoát. Anh biết nó làm sao không? Quýnh quá, thấy con mương vườn, tưởng con mương sâu, nó vụt chạy rồi nhào xuống, định trầm mình rồi lặn mất. Có ngờ đâu, nó vừa lao xuống thì đầu cắm xuống bùn. Tới nước cùng, nó vùng dậy, giơ súng bắn. Nhưng súng đã nổ vô đầu nó trước rồi.

   - Anh bắn, hay ai bắn?

   - Tôi bắn thì còn nói gì. Tôi vừa bóp cò thì nó đã giãy đành đạch rồi. Có tức không?

   - Ai bắn cũng vậy, giết được nó là được.

   - Biết vậy, nhưng nếu tôi bắn được nó trước, thì vong linh của vợ tôi mới hả. Ông bà mình nói: vong linh người chết còn lại trong vong linh của mình. Mình thấy hả thì vong linh người chết được hả theo, mình chưa hả thì vong linh người chết còn ấm ức. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ như vậy - Tôi nói tiếp: nó quậy cái mương vườn bùn đất nổi lên như trâu đầm. Kéo cái xác nó lên, thấy nó bận hai lớp áo, một lớp nó vẽ sậy vẽ đế, một lớp nó vẽ lúa vẽ lá cây. Hai lớp áo, bốn mặt vải, mỗi mặt nó vẽ mỗi kiểu khác nhau, giống hệt. Còn mặt của nó thì rằn rện, thấy có màu đất, màu lá tươi, lẫn lá khô lá chết. Mỗi thằng có hai cây súng, một cây carbin, một cây lục, với cái máy bộ đàm.

   Không liên lạc được với nhau, thằng chỉ huy Bình Đức biết sự thể như thế nào rồi. Nó khôn trật đời. Nó làm như chẳng có gì xảy ra. Nó bắt hai thằng lính Mỹ khác, vẽ mặt vẽ mày y như vậy. Chiều, nó cho lên trực thăng cũng quần đảo, sà xuống cất lên như mọi chiều. Về tới Bình Đức, nó thả hai thằng Mỹ hề giả đó xuống, tuyên truyền với dân chúng là hôm nay Vi Ci kéo về một trung đoàn đánh với hai thằng Mỹ hề, hai thằng Mỹ hề diệt của Vi Ci gần một đại đội, và trở về an toàn. Đó, hai thằng còn y nguyên đó!

   Nó quên là nó còn hai cái xác của hai thằng Mỹ hề ở đây. Ở trên Rờ của anh ra làm sao tôi không biết, còn ở đây, chiến trường này, thằng Mỹ có điểm khác hơn thằng ngụy ở chỗ: thua gì thì thua, nó cũng không bỏ xác lại chiến trường. Lấy không được xác thì nó ném bom cho cháy sạch để phi tang. Lần đầu tiên, nó phải để lại hai cái xác nguyên vẹn.

   Nghe tụi nó tuyên truyền là hai thằng Mỹ hề vẫn trở về an toàn, tụi tôi ức lắm. Trong xóm có ông già Hai Cờ. Ông già đem cho con cá vồ đêm anh mới về đó, anh nhớ không? Ông già vui tính lắm. Nghe đồng bào ấp chiến lược nói vậy, ông đến xã đội xin hai cái xác của hai thằng Mỹ hề. Anh biết ổng làm gì không? Ổng đổ tro lên chiếc xe bò, rồi cho hai thằng Mỹ lên nằm trong đống tro. Sáng sớm, ông đánh xe ra ấp chiến lược, chiếc xe bò chở hai cái xác của hai thằng Mỹ hề cứ lọc cọc chạy theo con đường đá dọc theo sông. Đi đến đâu ông cũng nói, ông đem xác Mỹ hề trả cho Mỹ. Dân chúng hai bên đường chạy ra hỏi, ra xem. Ông vừa đưa cây roi chỉ hai thằng Mỹ hề nằm trên đống tro, kể cái chuyện nó đánh lén giết người, kể tên từng người chết vì nó, rồi kể cả chuyện du kích đánh nó như thế nào... Chiếc xe bò của ông cứ lọc cọc đi trên đường, qua làng, qua xóm. Gần tới chốt Mỹ, ông làm một xị, lấy rượu làm nư, ông đánh chiếc xe bò tới ngay cổng gác của nó. Ông nhờ người thông ngôn nói: “Tôi thấy người Mỹ chết mà chẳng có ai chôn, tội nghiệp, tôi chở ra cho mấy ông”.

   - Nó có làm gì ổng không? - Tôi hỏi.

   - Không. Lúc đó nó đang mị dân.

   Thằng đại úy ra tiếp ông, móc bóp cho mười đô la, ông cầm đô la nói: “Tiền này là tiền của dân tôi, tôi lấy lại, chớ không phải là của Mỹ”. Người thông ngôn không dám dịch lại, thấy vậy ông không chịu đi. Cuối cùng, người thông ngôn phải năn.nỉ: “Thôi bác, bác lấy mười đô la về uống rượu, nói đi nói lại với nó làm gì”. Ông già tức mình, to tiếng với người thông ngôn: “Chú thông ngôn lại lời của tôi chớ chú có nói đâu mà chú sợ, hả”. Người thông ngôn quay lại thằng Mỹ, ô cà ô kê gì đó, ổng mới chịu đi. Ổng nói với tụi tôi: “Tao biết thằng thông ngôn nói cái gì đó thôi, nhưng thây kệ cha nó, thằng thông ngôn nghe là được rồi, không thì nó tưởng mình ham tiền, mà mình bỏ thì nó nói mình ngu”.

   - Sau đó còn thêm thằng Mỹ nào như vậy nữa không? - Tôi hỏi.

   - Thôi! Nó hoảng cha, nó thôi luôn cho tới ngày cuốn gói.

   - Nè, hai thằng Mỹ đó nó sơn mặt sơn mày như vậy thì phải gọi là Mỹ ma hay Mỹ quỷ gì mới phải, chớ sao gọi là Mỹ hề, lúc mới nghe tôi tưởng nó làm hề cho người ta cười.

   - Cái mặt của nó, nó có làm hề mình cũng không cười được. Hề mà tôi nói lúc đầu là nói theo người không biết chữ. Còn người biết chữ thì hiểu theo cái nghĩa khác. Anh biết chữ Nho không?

   - Không.

   - Ông Hai Cờ ổng biết. Cái hòm chở xác hai thằng Mỹ hề trên chiếc xe bò đi tuyên truyền chiến thắng trở về, ổng làm gà đãi du kích, uống ba hột hừng hừng, ổng mới cắt nghĩa cho tụi tôi nghe. Ông ngồi chồm hổm đầu bịt khăn khấc, ông nói: “Mấy cháu giết được hai thằng Mỹ hề, hỏi vậy mấy cháu ngồi đây, đứa nào biết được chữ hề là giỏi lắm đó, chữ hề viết như vầy nè!”. Rồi ổng đưa lên một ngón tay vẽ quằn quện như vẽ bùa. “Mấy cháu thấy chưa? Chữ hề này là chữ Hán. Hề chữ Hán có nghĩa là ôi, và vậy là vậy thay. Mỹ hề là Mỹ ôi, Mỹ vậy, Mỹ vậy thay, Mỹ ôi ôi”. Ông vừa cắt nghĩa vừa gục gật cái đầu bịt khăn khấc, tụi tôi cười muốn nôn ruột. Ông còn nói thêm: “Thằng Mỹ ngựa, thằng Mỹ ăn cắp, thằng nào cũng là Mỹ hề tuốt!”. Anh có nghe nói thằng Mỹ ngựa không?

   - Kể đi! - Tôi vừa giục vừa rảo bước theo Út Đợ. Đi trên con đường vắng, nghe chuyện cũng đỡ mỏi chân.

   - Ừ... à! Tôi kể cho anh nghe. Thằng Mỹ nào mà chẳng có tên. Nhưng cái tên nó, muốn nói phải vặn mồm bẻ miệng, nói nghe như đớ lưỡi, khó lắm. Thằng Mỹ này nó tên gì, thây kệ cha nó. Đồng bào đặt cho nó cái tên: “ngựa” là vì nó chạy như ngựa vậy. À! Cái tụi lính Mỹ mặt mày nó làm sao mà khó đoán tuổi quá. Mặt thằng nào cũng sần sần, không ra trẻ cũng không ra già. Thằng Mỹ ngựa này cũng vậy, mặt nó sần sần, cao như cây tre miễu. Nó hay đi ruồng một mình, một mình một cây súng, nó ruồng qua xóm này rồi đến xóm khác, nó ruồng theo vườn, lội qua sông.

   - Du kích mình đâu mà để nó tung hoành như vậy? - Tôi hỏi.

   - Nó chỉ ruồng trong ấp chiến lược với mấy cái xóm chung quanh cái chốt của nó. Lâu lâu, bất thình lình nó mới chọt ra ngoài một cái, rồi ù chạy về. Tôi nói là nó chạy như ngựa mà.

   - Ừa.

   - Vậy đó. Cái gì ăn được là nó lấy. Gặp vịt bắt vịt, gặp gà bắt gà. Mãng cầu xiêm, vú sữa, hoặc đu đủ, thấy trái nào chín là đưa tay hái, thồn vô túi quần. Nó thích nhứt là vịt. Gặp vịt hãng người ta nuôi ở ngoài đồng là nó rượt bắt. Nó định bắt con nào thì con đó đừng hòng thoát khỏi tay nó. Tôi nói là nó chạy như ngựa mà! Nó đụng lựu đạn gài của du kích mấy lần mà không chết. Đang đi, vấp phải dây là nó vụt chạy, lựu đạn nổ cái đùng là nó đã chạy ra khỏi tầm rồi, giỏi vậy. Ở xứ này, người mình, ở Mỹ Tho có chị Gấm là nhanh không thua nó. Một hôm, nó thấy cô gái đi lượm củi ở trong vườn. Nó rượt bắt. Nó chạy như ngựa, làm sao chạy kịp nó. Nó bắt được. Nó vừa hiếp vừa bóp cổ người ta. Dân ấp chiến lược khiêng xác cô gái đi đấu tranh. Nó phá làng phá xóm dữ quá. Phải triệt nó. Ban chỉ huy xã đội phái tôi đi. Anh Năm Bờ ảnh không nói cho anh chuyện đó à?

   - Không, kể tiếp đi.

   - Ờ! Ra ấp chiến lược, tôi cải trang làm thằng chăn vịt. Tay cầm roi đầu đội nón lá, tôi đuổi một bầy vịt ra đồng. Tôi thấy nó từ xa, cao lêu nghêu như cây tre miễu, quần áo rằn ri, cây carbin bá xếp nó cầm trong tay, thấy nhỏ xíu như đồ chơi. Nó rà tới, đứng bên cạnh tôi, người tôi dềnh dàng như vầy mà chỉ đứng tới ngực nó. Nó ô kê ô ka gì đó, tôi chỉ cái đám vịt cho nó. Nó cứ dòm tôi, dường như thấy một người lạ. Nó lật cái áo của tôi lên. Biết nó không nghe được tiếng mình, tôi mới chửi nó: “Đ... mẹ mày, tao là du kích, bữa nay tao giết mày để trả thù cho đồng bào tao, mày biết chưa?”. Nó nhăn răng cười rồi nhảy ào xuống ruộng. Bầy vịt cạp cạp chạy tứ tung. Nó rượt nó đuổi, nó chụp nó bắt. Tôi cúi xuống, dỡ đống cỏ, ngay dưới chân, cắn chốt lựu đạn. Lựu đạn nổ một cái đùng. Nó thì giãy, vịt thì chạy. Tôi cũng ba chân bốn cẳng rút lui. Pháo nó bắn theo, thôi khỏi phải nói!

   - Nó chết?

   - Chết.

   Hai đứa tôi lại cắm cúi đi.

   - Tôi muốn ra ngoài sông, được không? - Tôi chợt hỏi sau một lúc im lặng, câu hỏi của tôi không dính dáng gì đến câu chuyện của mấy thằng Mỹ anh đã kể.

   - Anh đi chưa được đâu.

   - Chú có thường ra ngoài không?

   - Lâu lâu tôi chọt ra một lần.

   - Đã sắp tới chưa?

   - Đêm, trời động thì ở đây nghe được tiếng sóng.

   - Vậy!

   Con đường cặp bờ theo kinh chạy dài ra bờ sông Cửu Long, vẫn vắng tanh. Trên con đường chỉ có hai đứa, khoác ni lông, đi ngược lại chiều gió, cùng với những câu chuyện của anh.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:31:21 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 03:10:08 pm »

CHƯƠNG 11

   Út Đợ đưa tôi đến vọng gác của anh trong vườn xoài, thì mưa cũng vừa tạnh. Nói là vọng gác cho ra vẻ, thật ra đó chỉ là một khoảng đất được dọn sạch dưới những cây xoài lùn dày lá. Ánh nắng không lọt qua, máy bay không nhìn thấy, trực thăng có quạt cũng không thể lật được nhành, nhánh của chòm xoài mà nhìn xuống được. Một cái hầm dày, được nện chắc, vừa chống phi pháo, có thể mắc được hai cái võng, vừa là chỗ để gạo, thức ăn, cả nồi niêu. Một cái công sự chiến đấu. Giao thông hào là những con mương vườn.

   - Mệt không? Giăng võng nằm nghỉ đi. - Anh bảo tôi.

   Tôi mở dây nịt, đeo lòng thòng nào võng, nào ni lông, nào bình toong lên cái sườn nhà bằng tre dựng trên khoảng đất trống. Cơn mưa vừa qua, chỉ là một cơn mưa rào. Mưa mà không ướt đất, làm rụng không biết bao nhiêu xoài. Một chút nữa, mình cũng phải đi lượm xoài cho nhân dân. Tôi nghĩ và đứng nhìn qua khu vườn vừa bừng lên với muôn nghìn giọt mưa trên tàn lá đang lấp lánh dưới ánh nắng rực rỡ. Chim trao trảo nghe hương mật của xoài, nhảy nhót hót vang.

   - Đói chưa anh?

   - Đói.

   - Chà, bữa nay không có cái gì cho anh ăn.

   - Có nước nắm không?

   - Tưởng gì, chớ nước mắm thì cả chai.

   - Xoài băm với nước mắm, được rồi - Tôi chỉ mới nói thôi mà đã thấy thèm.

   - Nói vậy chớ dầu hèn cũng thể, dầu bể cũng nghe cành cạnh. Còn khô sặc.

   - Chà! - Tôi chép miệng - Trên Rờ tụi tôi mà có được con khô đặc, ít nhứt cũng một xị.

   - Nếu muốn, thì tốt, tôi với anh qua ấp chiến lược. Anh giăng võng nằm nghỉ đi, tôi đi nấu cơm.

   - Đi xem qua cái ấp chiến lược trước đi.

   - Đi thì đi.

   Tôi nịt dây nịt vào lưng, cùng đi với anh. Út Đợ dẫn tôi đi qua hai con mương rồi ra khỏi vườn, đến bờ con rạch nhỏ bắt nguồn từ con kinh, chảy ngoằn ngoèo. Con rạch nhỏ um tùm ô rô với cóc kèn.

   - Kia kìa!

   Tôi nhìn lên, chợt bị chói mắt vì hàng trăm hàng nghìn cái mái tôn hắt nắng, kề sát, chen chúc, xếp tiếp nhau như vẩy cá ở phía bên kia cánh đồng. Nhà của dân trong ấp chiến lược. Một cái làng với những mái lá, mái ngói với những cái sàn cao thấp thoáng dưới rặng cây của ngày xưa, từ xa nhìn về, ta đã thấy nao nao. Bấy giờ, cũng là cái làng, một cái làng với cái tên “ấp chiến lược” này, sao mà xa lạ mà nhức mắt đến thế? Tôi cứ chớp mắt, chớp mắt, rồi lấy tay che tìm bóng mát. Tôi thấy có người đi và từ đó vọng lại tiếng ồn ào: có lẽ tiếng người, có lẽ tiếng xe, có lẽ tiếng khóc, rõ hơn là tiếng súng, và tiếng cành cạch của một chiếc trực thăng cần cẩu vừa hạ cánh.

   - Sau cái dãy nhà, sau rặng cây là chợ Vàm, chi khu của nó. - Út Đợ nói với tôi - Từ đây ra cái bót của chi khu đúng một ngàn bốn trăm năm mươi ba mét ba phân.

   Tôi nhìn anh, cười vì con số quá chi li của anh.

   - Tôi nói thiệt, không giỡn với anh đâu. Tụi tôi đo đạc kỹ lắm. Đo cho pháo bắn mà.

   - Làm sao mà đo được bốn trăm năm ba mét ba phân.

   - Đúng như vậy.

   - Vậy thì máy ngắm của anh tối tân quá!

   - Không phải máy ngắm máy đo gì đâu.

   - Đo bằng gì mà chính xác dữ vậy.

   - Đo bằng bánh xe đạp.

   Không nhịn được, tôi bật cười và phát vào vai anh một cái.

   - Anh tưởng tôi nói chơi à? Anh không tin anh hỏi chị Sáu Linh thì biết.

   - Đo như thế nào, nói tôi nghe xem.

   - Như vầy. Chiếc xe đạp chỉ buộc một sợi dây vải trắng qua cái bánh xe trước để đánh dấu. Bắt đầu từ cái vàm rạch này, chỗ đặt pháo, chỉ bắt đầu chạy một đường thẳng ra ngoài. Hễ cái vòng vải trắng chấm xuống đất thì đếm một cái. Chỉ chạy ra tới tận cổng đồn của nó, chỉ đếm được a a... bao nhiêu vòng tôi quên rồi. Cứ lấy cái số vòng đó mà nhơn lên chiều dài của bánh xe thì được một ngàn bốn trăm năm ba mét ba phân.

   - Muốn nhớ cái số vòng thì cứ lấy con số một ngàn bốn trăm năm mươi ba mét ba phân mà chia cho chiều dài của bánh xe thì biết, chớ gì.

   - Ờ phải đó! Nhờ vậy mà xuân sáu mươi tám, pháo mình bắn như để. Bụp bùm ... bụp bùm bu ù..m chỗ thì bung... păng bung oăng, nghe thiệt đã.

   Ut Đợ tả lại tiếng pháo miệng anh phồng lên xọp xuống, cùng với cái giọng tròn ấm và hào hứng của anh tôi nghe cũng sướng tai.

   - Bây giờ chỗ nào của tụi nó, - Anh tiếp- mình cũng đo sẵn hết rồi. Trong cuốn sổ tay của chị Sáu có đủ. Anh ở đây lâu thế nào anh cũng nghe bắn.

   - Anh giết thằng Mỹ ngựa ở chỗ nào?

   - Đó - Anh đưa tay chỉ cánh đồng sau dãy nhà tôn.

   - Tụi nó chốt ở chỗ nào?

   - Thằng Mỹ không có chốt ở đây, cứ của nó ở tận Bình Đức. Nhưng cả cái vùng này đều thuộc dưới quyền kiểm soát của nó. Bọn nó thường hay tới đây, đóng dã chiến, rồi về.

   Tôi lại đưa tay lên che mắt:

   - Hàng rào dây kẽm gai của nó đâu, tôi không thấy?

   - Phá hết rồi.

   - Sao nó không dựng lại? - Tôi hỏi, vẫn nhìn qua những mái tôn hắt nắng, và dõi theo một bóng áo trắng từ trong mái tôn bước ra đồng.

   - Mình phá nó cũng phá.

   - Nó cũng phá?

   - Ờ. Nó rút kinh nghiệm. Tụi nó nói với nhau. Bờ tường hay rào kẽm gai, cuối cùng rồi cũng bị phá. Ăn thua là ở lòng dân. Nó nói, hàng rào dây kẽm gai làm cho dân họ thấy họ bị nhốt trong một nhà tù lớn. Ngột ngạt. Tù túng. Bực bội. Bị “Việt cộng phản tuyên truyền”. Bây giờ, nó không rào nữa. Đi làm đồng không qua cổng gác. Luông tuồng xóm này qua xóm khác.

   - Mị dân.

   - Ờ - mị dân. Nó cứ vậy, khủng bố không thành công, thì xoay qua mị dân một lúc thấy không xong, nó lại khủng bố. Cũng như mấy thằng bình định. Nếu nó ở chỗ nào đó độ năm ba ngày thì nó còn làm bộ làm tịch được. Mấy ngày đầu, nó đi đắp đường, đi quét nhà, bến nước nhà nào xộc xệch thì nó đốn cây nó bắc cầu, nó tắm rửa cho trẻ em, đủ thứ y như mình công tác dân vận vậy. Nhưng đến ngày thứ năm thứ sáu thì cái gì hườn lại cái ấy khỉ hườn khỉ. Nó phá không ai chịu nổi. Nó ăn cắp, ăn cắp không được thì ăn cướp. Đàn bà con gái thì nó ve vãn, không ve vãn được thì nó hiếp.

   - Người ta vẫn cứ được tự do đi lại?

   Tôi nhìn theo một chiếc đầm già đen từ trong đồng sâu bay vào, đang rà rà qua những mái tôn hắt nắng, hỏi anh điều tôi đang băn khoăn.

   - Nó không rào bằng rào kẽm gai nhưng rào bằng một hàng rào bom đạn. Nó phân vùng. Vùng nào nó coi là của nó thì dân chúng tự do đi lại, nhưng phải ăn bận đồ trắng hoặc vải bông cho nó dễ thấy, chớ không được bận đồ đen hay màu cứt ngựa, - Út Đợ đưa tay chỉ dòng nước, và tôi nhìn theo một con còng đang đào hang, anh tiếp: - Nó lấy con rạch trời sanh này làm ranh giữa vùng ta với nó. Bên này là vùng mình, bên kia là vùng nó. Như hai đứa mình đứng ở đây, hễ nó thấy là nó bắn, chẳng biết là ai. Nếu mình lội qua bển, mình mặc đồ trắng mình đi, nó thấy nó cũng bỏ qua.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:31:33 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 03:11:45 pm »

Vậy là cái ấp chiến lược gọi là vùng bình định này không có đặc điểm gì mới. Tôi thầm nghĩ. Tôi đã từng qua những ấp chiến lược như vầy trên đường vào Sài Gòn năm sáu mươi tám (1968). Một cái làng, một con rạch với hai rặng dừa nước chảy qua làng. Phía bên này rạch là vùng giải phóng. Bọn nó chia ra như vậy. Phía bên vùng giải phóng, chúng quy thành vùng bắn phá tự do. Cũng như ở đây.

   - Hôm nào tôi với anh lội qua rạch, bận đồ trắng đi thử một bữa xem. - Tôi nói. Tôi tưởng Út Đợ sẽ hưởng  ứng, không ngờ anh giãy lên như phải lửa.

   - Ậy! Thôi đi cha. Khó chớ không phải dễ đâu. Tôi đã làm thử một hai lần, suýt thì bỏ mạng sa tràng rồi. Hôm đó tôi ngồi trên xuồng máy đuôi tôm, cũng mặc áo sơ mi trắng, đi với mấy bà đi chợ. Con Út Trầm du kích của mình bây giờ đó, nó lái máy. Tôi ngồi giữa, chễm chệ ra vẻ lắm. Ngồi ở đằng mũi là bà già. Sáng sớm, xuồng cứ nối đuôi nhau nổ máy, đi theo kinh hồi nãy đó. Đang đi, đầm già nó rà theo. Nó cứ xoáy theo đoàn xuồng. Có chết không! Tôi làm bộ tỉnh, mà cứ nơm nớp. Phía sau tôi, con Út Trầm cứ nhắc tôi: “Anh Út! Ngồi yên, ngồi yên!”. Tôi cứ dòm theo chiếc đầm già, tôi nghĩ: mày mà tắt máy, sút hỏa tiễn thì tao nhào xuống nước ngay. Nó cứ rà theo, rồi bất thần nó cất lên, rồi tắt máy, đâm đầu xuống. Tôi dợm lao xuống nước thì Út Trầm hét tôi: “Anh Út! Ngồi yên!”. Tôi chưa nhảy nhưng xuồng cũng sắp lật ngang, nước vô cái ào. Con đầm già đó nó không cắm thẳng ngay xuống chiếc xuồng của tôi, nó không thấy; nó cắm ngay xuống chiếc xuồng cuối cùng. Nó cắm xuống nhưng nó không bắn. Chiếc xuồng đó, hợp pháp quen rồi, mấy người đàn bà con gái cứ tỉnh như không. Nếu mình mà lao chao, nó biết nó bắn nhảy không kịp. Nó kiểm soát, nó thử người bằng cách đó. Cái chết cái sống chỉ bằng đường tơ kẽ tóc. Con đầm già tè tè cất lên máy bay mất rồi, tôi liền bảo Út Trầm: “Bây ghé lại cho tao lên. Tao với nó không đội trời chung, tao không hợp pháp được đâu!”. Từ đó tới nay tôi tởn tới già. “Hợp pháp” không dễ đâu cha đừng giỡn.

   Vui miệng, tôi kể với anh:

   - Hồi tôi đi Sài gòn, tôi cũng đi “hợp pháp” một lần. Tôi cũng mặc áo trắng, đi trên bờ mẫu. Một chiếc trực thăng thấy tôi, nó sà xuống, nó đảo qua đầu tóc. Tóc tôi bị gió cuốn lên dựng đứng. Mình quýnh thì nó bắn. Phải làm tỉnh. Tôi cứ bước đều đều. Nó sà xuống, đậu ngay trước mặt tôi, đầu thằng Mỹ ló ra, nó hỏi. À! Nó xét giấy, mà tôi thì có giấy tờ gì đâu. Đến nước đó thì phải liều. Tôi móc bóp, tôi bành cái bóp ra đưa lên. Nó là thằng Mỹ, chắc nó cũng chẳng biết cái gì, thấy tôi tự nhiên, thế là nó vẫy tay, rồi cho trực thăng cất lên bay thẳng. Thật hú vía!

   - Vậy là anh giỏi hơn tôi.

   - Cũng có một anh, cũng đi “hợp pháp” như tôi. Khi nó vừa sà xuống, chân cẳng của ảnh cứ lính qua lính quýnh. Nó rà lại lần thứ hai, thế là ảnh vụt chạy. May mà lúc đó nhờ có du kích bắn yểm trợ.

   - Nó chơi cú tâm lý với mình đó. Mình là du kích thì tâm lý của mình không tự nhiên được. Tôi thì tôi cứ làm du kích, mày bắn tao, tao bắn mày, vậy!

   - Có một anh cán bộ Tây Ninh, ảnh cũng đi “hợp pháp”. Nó sà xuống xét giấy, mặt thằng Mỹ với mặt ảnh cách nhau một tầm tay. Thẻ căn cước không có, bên hông lại đeo cây súng.

   - Anh thấy chưa. Bí nó bắt sống như không, mà!

   - Đến nước đó, chẳng có cách nào khác hơn, ảnh móc súng ra, cạch cho nó một phát. Chiếc đó là chiếc cá rô, lại đi lẻ một mình. ảnh bắn trúng chỗ nghiệt, nó phừng cháy.

   - Chuyện đó tôi cũng có nghe. Đụng trường hợp của tôi tôi cũng vậy. Bắn!

   - Đội du kích của mình ai quen đi công tác “hợp pháp”? - Tôi hỏi.

   - Mấy cô nữ, cô nào cũng đi được, đụng mặt nó, mấy cô cứ tỉnh như không. Còn bọn đàn ông con trai tụi tôi, nếu cần cũng đi được, nhưng dở nhứt là tôi.

   - Chú dở sao chú giả thằng chăn vịt giết thằng Mỹ ngựa được?

   - À! Cái đó khác. Cái đó là cải trang, cải trang một chút rồi quánh nó. Còn đằng này, nó cứ vờn vờn trước mặt mình.Với lại tôi đã nói với anh, hễ cần thì cũng làm được. Mà anh cũng nên nhớ cho là, cái tụi nó, ngồi trên máy bay, nó rà theo mình, ngoài cái nhiệm vụ kiểm soát, còn do cái tính lý lắc của từng thằng nữa. Cánh đồng trước mặt mình đây, nhằm mùa cấy hay mùa gặt, sáng nào cũng sà xuống đảo lên đầu đàn bà con gái; nó ló đầu ra, nói chọc, thằng nào cũng dê. Có khi nó bắt người ta giở nón cho nó xem mặt. Quạu thì nó bắn tẹt tẹt cho người ta chạy, nó cười; lúc nó khoái chí cái gì đó thì nó nghiêng cánh, làm như con gà trống xòe một cánh rè rè theo gà mái vậy. Có một lần, một thằng lái “Scarâyđơ” về qua cánh đồng rà thấp, thấy đông đàn bà con gái, động cỡn thế nào, nó mới cất lên, nhào xuống, nhào xuống lại cất lên, rồi nhào lộn nữa, lộn thấp nữa, cất lên không kịp, cái đầu của nó chúi luôn xuống ruộng, cái đầu máy với thằng lái ngập mất tiêu. Đáng đời!

   - Thiệt hay chơi đó?

   - Thiệt chớ anh.

   Tôi lại nhìn theo một bầy trực thăng ba chiếc, bay thành hai tầng từ trong đồng sâu bay ra. Nó lại quần đảo trên cánh đồng, chỗ có mấy cái bóng áo trắng đầu đội nón đang cúi lom khom. Những cái bóng áo trắng vẫn tự nhiên dưới tầm bay của nó.

   - Nhà của thằng đại úy Long ở hướng nào? - Tôi hỏi.

   Út Đợ đưa một ngón tay:

   - Nhà của nó đó. - Anh chỉ một mảng ngói đỏ hiện ra giữa một khoảng trống của vòm lá.

   - Như vậy là từ Vàn tới nhà nó độ một cây số.

   - Chín trăm ba mươi mét!

   Tôi lại cười vì con số lẻ của anh.

   - Tôi nói thiệt. Hồi Mậu Thân sáu mươi tám, tụi tôi đặt pháo ngay tại sân nhà nó, tụi tôi bắn mà. Cũng bằng bánh xe đạp đó.

   - Cũng do chị Sáu Linh đo?

   - Bằng xe đạp, nhưng không phải chị Sáu, mà Bé Ba. Cô đó cũng khá lắm. Vừa rồi cổ định đi theo bộ đội nữ pháo binh. Tôi với chị Sáu năn nỉ quá tay.

   - Còn nhà của bà Chín, bà mụ vườn ấy, ở đâu? - Tôi hỏi.

   - Cũng trong cái cụm vườn nhà thằng Long đó, nhưng khuất không thấy được.

   Ba chiếc trực thăng rời khỏi cánh đồng bay dọc trên rặng cây ven sông.

   - Đói chưa anh?

   - Đói.

   - Thôi về nấu cơm.

   - Một chút nữa.

   Cái làng nằm trong ấp chiến lược này vừa xa lạ, nhìn lâu thấy nhức mắt, nhưng tôi chưa muốn rời đi. Một cái làng “bình định”. Phải giành lại trong tay giặc!

   Sau bữa cơm ăn với khô sặc nước mắm xoài, Út Đợ và tôi, cả hai đều không nghỉ trưa. Tôi nói với anh chia nhau đi lượm từng trái xoài cho dân. Xoài non để riêng, xoài già để riêng. Xoài hườm hườm để riêng.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:31:44 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 03:31:57 pm »

CHƯƠNG 12

   - Chị Bảy ơi, bà Chín tới!

   Chị Bảy là vợ anh Bảy Thá, người đàn bà hơn ba mươi tuổi có ba con: một trai, hai gái, và bụng đang mang thai. Nhà chị đêm nay là điểm hẹn của Sáu Linh và bà Chín. Gia đình chị xưa nay vốn ở xóm này, nay là xóm cuối cùng của ấp chiến lược, có hơn bốn mươi nhà, hai bên bờ kinh, nhà cuối cùng cách con rạch phân hai vùng một quãng vắng. Xóm này ban ngày bọn giặc có thể la cà, lui tới từng nhà, nhưng đêm thì nhà nào cũng rộng cửa đón mời du kích, cán bộ trở về. Và nhà nào cũng dành món ngon cho anh em.

   Chị không có chân trong du kích, cũng không phải là cán bộ, nhưng khi cách mạng cần, thì sẵn sàng nhận bất cứ việc gì: đi liên lạc, lấy tin, canh gác cho hội nghị, nuôi giấu cán bộ... Chị không từ chối một việc gì, nhưng phải có một điều kiện: người giao việc cho chị phải là người chị thích. Chị cũng nói thẳng ra như vậy: “Người nào tôi thích thì việc gì tôi cũng làm”. Chị nói như vậy, nhưng chưa thấy chị ghét ai. Cán bộ du kích, người nào chị cũng thương. Anh Bảy Thá, chồng chị tánh lù khù, ít nói, còn chị thì lanh lợi, vui chuyện. Chị xếp xoài vào đĩa, đẩy cái đĩa vào bộ phản, bảo:

   - Sáu với mấy chú ăn đi, tôi kể tiếp cho mà nghe. Tụi nó làm bộ dân vận. Mày muốn dân vận thì tao cho mày dân vận. Tôi cứ đem củi gốc cho nó bửa. Mấy cái củi gốc tôi để lổm ngổm ở ngoài sân là củi tôi để dành cho tụi nó đó. Hễ thấy nó bước vô sân là tôi ném cái búa ra, tôi chào: “Chào chú bình định đi dân vận, tôi bụng mang dạ chửa, giúp cho tôi mấy gốc củi cái!”. Mới hồi sáng này đây chớ đâu nó cầm cái búa, nó đứng chàng hãng, nó quơ búa, bửa xuống. Búa thì lụt mà củi thì cứng, cái búa cứ dội lên tưng tưng, bửa được mấy búa, bị phồng da tay, nó hoảng cha. Từ sáng đến chiều, đi ngang qua nhà tôi, dòm vô sân thấy mấy cái gốc củi, thằng nào cũng lấm lét...

   Chị đang kể thì nghe tiếng Út Trầm đứng gác ở ngoài gọi vào. Chị bỏ chân xuống phản, cầm cây đèn bão để trên bàn thờ, rồi quay lại:

   - Hôm qua tôi nghe cô Sáu nhắn tôi đón bà Chín, nghĩ hoài, tôi không biết làm cách nào. Tôi biểu ba sắp nhỏ mượn xuồng máy đuôi tôm ra ngoài nói là tôi đang chuyển bụng. Mới có sáu tháng mà chuyển bụng cái gì. Đêm nay làm sao tôi đẻ đây. Nè, chú Năm, chú giấu mặt xem bả có nhớ không...

   - Thôi, cầm đèn đi đi...- Anh Bảy Thá ngồi cạnh bên Năm Bờ, lưng dựa vào vách, giục chị.

   - Chào cả nhà! - Bà Chín bước vào, người dong dỏng, tuổi đã sáu mươi, mái tóc bạc lơ thơ được chải gọn, vầng trán rộng, miệng đã móm mém, nhưng đôi mắt lại sáng như mắt con gái, cái mũi nhỏ hơi cao, bà mặc chiếc áo bà ba trắng. Nhìn qua dáng dấp bên ngoài của bà, không thể đoán là bà mụ vườn; bà như một cô giáo đã trở về già, thông minh, điềm đạm và nghiêm khắc. Bước theo sau bà là cô gái. Bà như để lại cái tuổi hai mươi của mình qua dáng dấp của con. Út Trầm ôm ngang lưng cô gái, cả hai cô đều bước vào cửa, cùng đến một cái ghế gần vách rồi hai cô cùng ngồi, hai cô vẫn choàng tay ôm lưng nhau.

   Sáu Linh, Út Đợ, anh Bảy Thá, tôi, cả ba đứa con của chị Bảy đều chào hỏi bà. Chỉ có Năm Bờ - theo lời dặn của chị Bảy, vẫn ngồi im.

   - Còn thằng kia, - Bà nhận ra anh - mày tưởng tao không nhận ra mày à? Con về hồi nào. Con ốm đau làm sao, má biết hết.

   Năm Bờ cười, chúng tôi cười, chị Bảy cười thích thú hơn cả. Bụng mang dạ chửa vậy mà lúc nào cũng thoăn thoắt nhẹ nhàng.

   Chị đặt cây đèn bão lên bàn thờ, rồi xách chiếc ghế, đặt cạnh bộ phản, miệng bằng tay, tay bằng miệng:

   - Thím ngồi đây.

   - Để đó tao.

   - Cháu biểu chú không được ra mặt để xem thím có nhớ không?

   - Cái gì của tụi nó mà tao không nhớ. - Bà ngồi xuống ghế, xoay qua chị Bảy: - Tao già, đúng lục tuần rồi nhưng tao lại nhớ dai, đứa nào mà tao đỡ, hễ gặp mặt là tao nhớ ngay lúc nó lọt lòng ra làm sao. Như thằng Năm đây, tao làm sao quên được.

   Chị Bảy đang cầm ấm nước rót cho bà, chị dừng tay, liếc, nhìn Năm Bờ với Sáu Linh:

   - Thím kể cho cô với chú ấy nghe đi.

   - Thôi, để kể chuyện khác. Mà nghĩ cũng lạ. Những đứa đó bây giờ, hễ tao gặp mặt là tao biết ngay là nó đang ở bên nào. Tao để ý thấy hễ đứa nào mà theo tụi nó, gặp tao, một là nó không biết, hai là biết mà làm bộ không biết, làm như tao không đáng đỡ đẻ cho nó vậy. Lúc đầu tao cũng không để ý làm gì, mình không đỡ thì người khác đỡ, có phải là mẹ đẻ đâu mà mang nặng đẻ đau, hơi sức đâu mà nhớ, nhưng rồi tao nghiệm thấy, mười thằng như một. Nghĩ cũng kỳ.

   - Nó ăn phải bả mà thím không biết à? Thím uống nước. Còn hai cái cô út đó làm gì mà cứ ôm lưng nhau hoài vậy, qua đây ngồi ăn xoài. Tối tao cho hai đứa ngủ chung.

   Hai cô cùng thứ út ấy nhìn chúng tôi, bẽn lẽn, rồi lại nhìn nhau cười; hai cánh tay chàng lấy lưng nhau chặt hơn.

   Bà Chín hớp lấy hớp nước trà nóng rồi nhìn tôi.

   - Còn con, má trông hơi lạ.

   - Đồng chí Thắng ờ trên Rờ, cùng về với con.

   - Vậy!

   Rồi sau những hớp trà nóng, câu chuyện của bà cứ thu hút chúng tôi mãi đến khuya.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:31:57 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2019, 09:05:33 am »

CHƯƠNG 13

   Chuyện thằng Long, tên đại úy chỉ huy chi khu.

   Nó khoe với bà về cái tên của thằng con. “Hôm trước thím có hỏi cháu, cháu đặt tên cho thằng con tên Tây hay tên Mỹ - nó cay cú với câu hỏi của bà, - cháu trả lời với thím: cháu là người Việt, tên nó phải là tên Việt, cháu đặt cho nó là Nguyễn Long Giang. Long là tên cha lấy làm chữ lót, Giang nghĩa là sông và cũng có nghĩa là sanh ra bên bờ Cửu Long Giang này!”. Bà ừ cho qua chuyện, nhưng từ đó, bà chú ý nó hơn. Không mấy chốc mà đến ngày ăn đầy tháng của con nó. Rủi cho nó, nhằm cái ngày vui của đời nó, nó phải đi càn.

   Bà nội của đứa bé - bà Út Nhỏ, và cả mẹ của thằng Giang có nhờ đến sự giúp đỡ của bà. “Chờ đến cái tuổi này gần xuống lỗ mới có được một thằng cháu nội”. Bà Út Nhỏ nói, bà muốn ăn đầy tháng cho thằng cháu đúng theo phong tục của ông bà. Cái bếp của nhà bà nổi lửa từ nửa đêm, mãi cho đến chín giờ sáng thì mọi việc mới xong.

   Cái mâm cúng ai thấy cũng khen. Bà Út Nhỏ, cũng như mẹ của thằng bé thật hài lòng với mình. Cái mâm cúng có đủ loại xôi màu: xôi màu lá cẩm, xôi nghệ, xôi vò. Bánh bò thì bánh bò trong - làm bằng đường cát, heo quay có cả hai con, một con heo sữa nhỏ bằng cườm chân để cúng, còn heo để ăn, để đãi khách thì đúng một tạ. Và cái món không thể thiếu trong ngày ăn đầy tháng là chè trôi nước, chè trôi nước nấu bằng đường thốt nốt để giữ lấy màu chè. Cúng bà mẹ sanh và cúng cả mười hai con giáp từ con tí, con sửu cho đến con hợi. Vậy là mỗi món đều phải xếp đủ mười ba đĩa, cho mỗi vị. Tất cả các món được xếp trên cái mâm đồng to đến một vòng tay ôm cũng không hết. Con heo quay đặt ở giữa - với tư thế chết cháy; xôi màu, bánh hỏi, bánh bò trong, và chè trôi nước xếp vây quanh. Cái mâm cúng ấy phải hai người lực lưỡng đưa từ dưới bếp lên.

   Bàn thờ lớn ở gian giữa của nhà lớn thắp đủ mười ba cây đèn cầy, lư hương cũng cắm đủ mười ba cây nhang. Bà con xa cũng như họ hàng gần cùng với hàng xóm láng giềng được lời mời của chủ, đến mỗi lúc một đông. Giày, dép, guốc xếp sắp lớp dưới cầu thang. Cái thảo bạc tiếp khách của ngôi nhà đã chật người. Những vị khách có máu mặt như đại diện Phiến, cảnh sát Bá, và một số gọi là công chức được ngồi trên ghế xa lông, chiếu bông, lớp nhỏ cũng ngồi chiếu bông, nhưng là chiếu ni lông cho mát đít và cũng hợp với sở thích của lớp nhỏ.

   Những món gì có trên mâm cúng đều được dọn ra, dài theo chiếc chiếu cổ.

   Bà Út Nhỏ mặc chiếc áo dài đen may theo lối cổ, đon đả tiếp từng người. Nhân vật chính là đứa bé vừa tròn một tháng được mặc một bộ đồ quần áo lính thủy, như một người lính thủy thu nhỏ, chỉ có cái khác là đáy quần có khoét lỗ để lòi con “chim” ra cho mọi người đều thấy rằng: nó là con trai. Thằng nhỏ bụ bẫm, đỏ hồng, trông thật kháu khỉnh.

   Nó được người này người nọ chuyền qua tay nhau nựng nịu hôn hít. Mẹ nó, một người đàn bà trẻ, tuổi độ hai mươi lăm, không mắc phải cái tánh đanh đá, cộc cằn như những cô vợ lính khác. Vốn là nữ sinh Sài Gòn, lúc nào cũng âu sầu với vẻ xa xôi, một con người lúc nào cũng mang cái vẻ lạc lõng, xa lạ với người làng. Cô đứng trong bậc nhà trong nhìn theo con, tươi cười, hể hả với nó. Bà Út Nhỏ đang bận tiếp khách, nhưng lúc nào cũng thấy từng cử chỉ của đứa cháu nội.

   Mọi việc đã xong xuôi, khách khứa đã ngồi sẵn, chỉ còn thiếu có một người, mà chưa ai được cầm đũa. Đó là cha của đứa bé; đại úy Long đang chỉ huy trận càn trong xóm ruộng.

   - Tội nghiệp thằng nhỏ, nhè cái bữa nay mà nó đi càn đi bố! - Bà Út Nhỏ ngồi tiếp khách mà cứ thấp thỏm không yên, chốc chốc bà lại xoay sang bà Chín, than vãn, chậc lưỡi rồi thở dài. Từ ngày có thằng bé, hai người bỗng trở thành đôi bạn thân. Mẹ của đứa bé, cô nữ sinh lạc lõng ấy thì đâm ra quý đứa con gái út của bà mụ vườn.

   Đôi bạn già ấy lúc nào cũng ngồi cạnh bên nhau. Bà Út Nhỏ dù có nói chuyện với ai đó cũng không quên bà bạn của mình. Nói xong một câu chuyện là bà quay sang bà bạn: “Có phải vậy không chị Chín?”. Hoặc trước khi mở đầu câu chuyện, bà cũng nhìn sang bà bạn mà nói: “Tôi nói có chị Chín đây...” hoặc “Chị Chín ngồi đây, chị biết tôi”..

   Tiếng súng của trận càn trong xóm ruộng vẫn vang tới khi thì tiếng nổ của hỏa tiễn, khi thì tiếng đạn kéo hàng loạt, hàng dây của trực thăng. Lâu lâu, con đầm già, hoặc chiếc Đakôta chiêu hồi lại đảo vòng qua đầu nhà. Mỗi lần nghe tiếng súng lớn nổ, bà biết đó là tiếng súng được lịnh bắn của con bà, bà cũng cứ giật mình, ngai ngái lo cho con:

   - Súng gì nổ vậy, chị Chín?

   Chờ con đến sốt ruột, bà đâm ra ghen với mấy ông khách:

   - Chị Chín nhìn kìa, cũng là người của “quốc gia”, người ta thì an nhàn, thảnh thơi, còn nó giờ này... - Bà tắc lưỡi.

   Nhìn kìa là nhìn hai người khách đang chễm chệ trên ghế xa lông. Ông cảnh sát Bá, năm mươi tuổi, .người đen đúa, mặt vuông, mũi lân, mặc bộ đồ cảnh sát kaki vàng, đang nói oang oang. Còn người kia nữa là ông đại diện Phiến, mặc bà ba lụa, tuổi đã sắp sửa sáu mươi, bụng to, mặt phị với hai con mắt ti hí, lúc nào cũng lim dim. Ông cảnh sát, ông đại diện và đại úy Long là bộ ba của chi khu này.

   Bà Chín chẳng lạ gì hai ông khách đang ngồi đó. Ông cảnh sát đã rõ ràng là kẻ hung ác, giết người và tống tiền bất cứ ai. Còn ông đại diện cũng rõ ràng là tên gian tham, thâm độc. Người mà bà cảm thấy còn nhiều điều khó hiểu trong cái bộ ba này, chính tên đại úy, con của người bạn già ngồi bên cạnh bà.

   Ông cảnh sát Bá biết bà chủ nhà đang sốt ruột chờ con, ngồi trên ghế xa lông, hắn chồm mặt xuống, nói:

   - Thím Út có gì mà sốt ruột, tới giờ là ông đại úy về thôi. Cuộc hành quân này là cuộc hành quân cảnh giới, có đụng độ với họ đâu. Với lại người hùng như chú Long đây thì ai làm gì được chú.

   Nói xong, hắn liếc nhìn ông đại diện Phiến, hắn dò xem ông đại diện có nhìn thấu được tâm can của hắn không. Hắn vốn không ưa đại úy Long. Kể ra thì hai người chẳng có gì xích mích với nhau, cũng chưa tranh giành với nhau một món gì. Có giành nhau là giữa hai người, giữa hắn với ông đại diện. Nhưng đối với cấp trên, so với đại úy Long, hắn là kẻ bị lép vế. Và đại úy Long lúc nào cũng tỏ ra khinh khỉnh. Nhỏ hơn hắn hàng chục tuổi đầu nhưng lúc nào Long cũng tỏ ra là kẻ bề trên của hắn. Một điều càng rõ ràng hơn, hắn bị chê là kẻ thất học, vũ phu. Còn ông đại diện, thâm tâm ông, ông mến đại úy Long hơn. Theo ông, Long dù gì cũng là người có ăn, có học. Long còn được ông quý mến vì một lẽ khác nữa, quan trọng hơn cả, Long không hề tranh giành với ông một món gì; còn phần tiếng tăm, mặt đó, ông không màng. Với ông, đó chỉ là cái hương, cái khói của sự đời, nó bay xa, nhưng thoảng rồi lại mất. Cái còn lại của con người là cái khác: đất đai, tài sản và tiền bạc, là những cái thứ ăn được, những cái thứ sờ đụng đến là nghe mát lạnh cả bàn tay. Đó là thứ mà ông với ông cảnh sát đang giành nhau. Nghĩ cho công bằng, theo ý ông, trong công cuộc bình định này, Long là người có công lớn, sẽ tiến xa. Và cũng mặt nào đó, có lúc, ông thương quý Long như một đứa cháu, ông thật lòng muốn an ủi bà chủ:

   - Nãy giờ tôi ngồi tôi lắng nghe, tôi chỉ nghe tiếng súng của mình.

   Lời an ủi của ông đại diện, bà thấy dễ nghe hơn, nhưng bà vẫn không yên tâm. Bà thổ lộ với người bạn già của mình. Bà nghe nói ở trong ấy còn có một đội du kích của Sáu Linh, một cô gái mà bà chỉ còn nhớ mang máng lúc cô còn nhỏ, một cô gái nước da ngăm ngăm đen, thường ngồi trước mũi xuồng của ba má mỗi khi ghé lại bến ở nhà bà. Từ sáng đến giờ, đôi mắt nhỏ thơ ngây ngày xưa ấy cứ hiện lên trước mặt bà. Đôi mắt ươn ướt lung linh đen màu hột nhãn ấy, bà thấy sờ sợ, sờ sợ cho đứa con. Bà tiếp chuyện với khách, mắt nhìn theo thằng cháu nội, tai thì lắng nghe tiếng súng.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:32:24 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2019, 09:07:38 am »

Đám trẻ con hàng xóm, hầu hết đều chạy ra sau vườn, nhìn vô phía đồng. Thỉnh thoảng lại có một vài đứa chạy vào, đứng dưới sân, nhìn lên đám người lớn, kêu to:

   - Má ơi! Chín chiếc trực thăng.

   - Tụi bây có thấy khói trong xóm vườn không? - Người lớn đứng trên sàn nhà, tay vịn lan can, hỏi vọng xuống.

   - Lửa cháy bừng bừng. - Một đứa đáp.

   - Tụi bây thấy hai bên đụng nhau chưa hả? - Một người lớn lại hỏi.

   - Đụng rồi! Đụng từ hồi sáng. - Một đứa nhỏ khác lại thêm.

   - Quốc gia không dám xáp vô vườn, chỉ cho trực thăng sút hỏa tiễn.

   - Còn gì nữa không?

   - Quánh nhau dữ lắm.

   - Thôi, tụi bây chạy đi coi đi, có gì, chạy vô cho biết.

   Ba đứa nhỏ chạy ào qua sàn nhà, chạy thẳng ra sau vườn. Bốn thằng khác từ sau vườn lại chạy ra sân, báo thêm tin. Người lớn lại đổ dồn ra lan can, tranh nhau hỏi:

   - Đụng độ có dữ không bây?

   - Trực thăng ở trên bắn xuống, súng ở dưới bắn lên. Ngoài đồng bắn vô, trong vườn bắn ra.

   Bờ mương sau vườn, chỗ của bọn trẻ con đứng nhìn, cách trận càn hàng năm sáu cây số, chúng có thấy cái gì rõ ràng đâu, thế mà đứa nào cũng tả lại trận đánh y như thật, ngay trước mắt nó, và hấp dẫn như phim.

   Người ta theo dõi trận càn của đại úy Long qua cử chỉ múa tay múa chân và giọng nói sôi nổi của trẻ con. Đối với chúng, trận càn nào cũng vậy, phần thắng đang nghiêng về phía du kích. Qua bọn trẻ con và ngồi trong cảnh xôn xao của khách khứa, bà Út Nhỏ càng thêm lo.

   - Nhè cái bữa nay mà nó lại đi ruồng đi bố? - Bà lại chặc lưỡi, than vãn - Chị Chín nghĩ coi... - Bà lại thở dài, không nói hết câu.

   - Sao chị không cản nó? Tôi mà như chị, tôi không cho nó đi đâu. Cả đời mới có một ngày vui.

   - Tối hôm qua nó về, nó ôm con không như mọi lần, tôi thấy nó không vui. Biết làm thế nào, chuyện nhà binh.

   Dưới sân, một đám nhỏ, hàng chục đứa từ sau vườn chạy ra, bọn nó hét lên:

   - Trực thăng về rồi!

   Mọi người đang ngồi trên thảo bạc, lại ùa ra.

   - Sao, tụi bay?...

   Mấy đứa nhỏ, mỗi đứa một câu, nghiêng mặt nhìn lên, cùng đáp một lượt, mỗi đứa mỗi ý khác nhau.

   - Đụng bộ đội.

`   - ...

   - Coi đã ghê!

   - Trực thăng hốt xác nặng lắm.

   - Lựu đạn gài nổ nghe điếc tai.

   - Việt cộng bữa nay đông lắm.

   - Chủ lực về từ hồi hôm.

   - Đầm già bay tuốt lên mây, không dám xuống.

   Tiếng trực thăng mỗi lúc mỗi nghe rõ. Một đàn chín chiếc, mỗi bè ba chiếc, nối nhau bay sát ngọn cây, rầm rộ bay ngang qua mái nhà, rồi bay ra lòng sông. Người trong nhà lại ùa ra lan can. Dưới sân, trẻ con la hét, chỉ trỏ, rồi đuổi nhau, chạy ra đường, chạy xuống bờ sông.
 
   Con đầm già mở một vòng rộng đến giữa sông.

   - Trận càn kết thúc rồi đó thím... - Cảnh sát Bá ngước mắt nhìn ra sông, nói to, rồi nghiêng nhìn cái mặt đen của đồng hồ Seiko có cả ngày, tháng, ờ lên mấy tiếng:

   - Còn sớm, chưa tới mười một giờ.

   Bầy trực thăng bay xa, khuất mắt sau rặng cây bên kia bờ sông Cửu Long...

   Một lát sau, chiếc xe gíp hình con cóc, từ phía chợ chạy về, với cái đà đang lao nhanh, nó rẽ vào, rít lên một tiếng, đứng sựng lại giữa sân.

   - Ba nó về!

   Người trong nhà lại đổ dồn ra lan can. Có người mong hắn về vì ngày vui của hắn, có người mong hắn về để được biết anh em mình trong ấy ra sao, qua trận càn do chính hắn chỉ huy.

   Cửa xe không phải mở, từ trên nệm xe hắn nhảy thót ra. Tiếp theo là hai người lính “gạc-đờ-co” cũng từ trong nhảy vọt ra, hai cây carbin chĩa ra bên, nhanh và ăn rập như hai cái máy, khiến cho trẻ con phải trố mắt, nhướn mày. Người cuối cùng, cánh cửa xe mở ra, mới bước xuống. Ông nhà báo, cao lêu nghêu, mang bên vai cái máy ảnh. Đại úy Long đầu đội nón sắt đeo kiếng gọng to, vẫn nguyên bộ quân phục của trận càn, quần áo màu da cọp, ống tay áo bên trái rách một mảng to. Cái mảng áo rách bay lạch phạch đó rách hơn một năm nay vì một mảnh lựu đạn chạt qua, hắn muốn giữ làm kỷ niệm của chiến công; và bộ quân phục với cánh tay rách ấy, hắn chỉ mặc lúc xông pha. Hắn đi hấp tấp với những bước sải dài, bước một bước lên ba bậc cầu thang.

   Cảnh sát Bá với đại diện Phiến, hai người đã đứng chực sẵn ở hai bên cầu thang, vì cái tánh ngang ngổ hay vì không để ý, hắn chẳng chào hỏi, cũng chẳng bắt tay, hắn bước thẳng đến thằng con đang được bồng trên tay cô vợ trẻ.

   - Con lại ba đi con!

   Hai cánh tay hắn vừa giơ ra thì đứa bé giật thét lên. Với vẻ khủng khiếp của trẻ con, nó quay mặt vào mẹ.

   - Anh làm gì mà như cọp vồ mồi vậy!

   Nghe câu nói của vợ hắn, mọi người đứng xung quanh đó, nhìn lại, thấy hắn: với bộ quần áo ấy, hắn đúng như một con cọp đứng hai chân đang vồ chụp lấy con mồi.

   - Thôi, thôi con đừng khóc. Nín, nín đi con!

   Vợ hắn vỗ nhè nhẹ lên vai con với bàn tay nhỏ xanh xao, rồi lại gắt với chồng:

   - Thấy anh, tôi còn sợ, đừng nói đến con.

   Cũng trong lúc đó, mọi người lại giật mình vì một ánh chớp lóe lên. Người ta quay lại thì thấy ông nhà báo cao lêu nghêu vừa hạ cái máy ảnh xuống, và ông ta cười, chẳng hiểu ông ta cười vì cái gì.

   - Từ sáng đến giờ tôi mới được một “bô” có giá trị tình cha con của lính!

   Chẳng biết ông ta nói với ai.

   - À, thôi con! Con không muốn cho ba đi lính à? - Hắn đứng ra xa, nhìn lại đứa con - Thì thôi, ba không đi lính nữa. Nè Giang, con có biết không, cuộc hành quân này do ba chỉ huy, còn người chỉ huy ba là ai con biết không? Người chỉ huy ba là con đó. Ba về sớm hơn một tiếng!

   - Thôi, đi thay quần thay áo đi, rồi cúng, trưa trờ trưa trật rồi, đứng đó mà nói láp đáp.

   Bà Út Nhỏ nạt rầy con.

   Sau khi đại úy Long vào nhà trong thì ông nhà báo cao lêu nghêu ấy bước gần lại đứa bé đưa ngón tay trỏ nựng lấy cái cằm của nó.

   - Chào chú chỉ huy! - Và ông ta lại nói một câu gì đó chẳng biết tiếng Tây hay tiếng Anh, chẳng ai hiểu, khiến cho mẹ của đứa bé đỏ mặt.

   Đại úy Long thay xong bộ quần áo thường: quần “tẹc gan” xám, áo sơ mi trắng. Đứa bé mới vừa tròn một tháng chưa nhận được mặt người, nhưng nó không sợ nữa.

   Đại úy Long bế con trên tay, đứng giữa mọi người, đụ qua đu lại, đứng nhìn mẹ đang cầm cái nhạo rượu rót vào mười ba cái ly nhỏ trên bàn thờ.

   - Kìa con! - Hắn nói với giọng âu yếm - Con nghe bà đang vái cho con mạnh khỏe ăn chơi kìa. Con có nghe không? Cười đi con! Cười đi con...

   Hắn hôn, hắn hôn lên đôi má bụ bẫm của con, hôn lên con “chim” của đứa bé, hắn cười, hắn đùa với con. Rồi, khi ngước mắt nhìn lên, trong ánh sáng chập chờn của mười ba ngọn đèn cầy cháy lay lắt, người mẹ đang đứng trước bàn thờ, hai tay thắp mười ba nén nhang nghi ngút khói, lầm thầm khấn vái, hắn thôi không cười đùa với con nữa, lòng hắn nao nao.

   - Nam mô A Di Đà Phật! Mười hai mụ bà, mười ba đức thầy...

   Trong giọng khấn vái thì thầm của người mẹ, hắn ôm con, lặng im. Bà Chín thấy hắn xúc động qua vẻ ngậm ngùi.

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:32:35 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2019, 09:12:43 am »

CHƯƠNG 14

   Trong số khách đến ăn ngày đầy tháng của đứa bé, ông khách có đeo cái máy ảnh là người lạ hơn cả, không phải người làng. Từ tối đêm qua, chiếc xuồng máy đuôi tôm từ bên kia sông đưa ông ta đến, ông ta ngủ ngay trong bót với đại úy Long, rồi theo Long tham dự cuộc hành quân. Chưa đầy bốn mươi, ngực lép kẹp như con khô mực, cao lêu nghêu, tóc phủ đến tận ót, miệng móm xọm, cái môi dưới trề ra xám xịt như thằng ghiền mà chắc là ghiền thật, hai con mắt như hai con ốc nhồi. Người như vậy mà lại nghênh ngang. Cái máy ảnh treo trên vai nặng nề gì mà cái vai của ông ta cứ nghiêng xệ xuống một bên. Ông ta chả thèm để mắt đến một ai, kể cả ông cảnh sát Bá với ông đại diện Phiến. Hai ông đó đang chực chờ ông ta chào hỏi, ông ta giả như không thấy. Cái vai nghiêng xệ một bên, ông ta đi tới, rồi lại đi lui không ngồi cũng không đứng, lúc ngó lên trần nhà, lúc quay mặt ra sông, lúc lại quay vào bàn thờ cúng, cái gì ông ta cũng nhìn cũng ngó, nhưng lại chẳng nhìn ngó một cái gì. Thỉnh thoảng lại gật gù một mình, lại cười, chẳng biết cười cái gì, cười với ai. Ông Bá ngồi trên ghế xa lông, ngồi với cái thế chồm tới, nhìn theo ông ta với con mắt cảnh sát. Rõ là ông cảnh sát không ưa. Bất thình lình, một cái chớp lóe lên. Cái máy ảnh của ông ta xoay qua ngay mặt ông cảnh sát khiến ông cảnh sát giật mình, không kịp ngồi lại cho chỉnh tề. Ông cảnh sát ngượng hay giận? Ông quay mặt, đằng hắng một cái...

   Khấn vái xong, bữa ăn bắt đầu, một bữa ăn linh đình, ồn ào vui vẻ.

   Ở cái mâm đặc biệt dành riêng cho khách quý có ông đại diện Phiến, ông cảnh sát Bá, ông đeo máy ảnh; phía chủ nhà có đại úy Long, bà Út Nhỏ. Bà Út Nhỏ không thể quên mời người bạn già ngồi cạnh bên mình. Bà Chín không muốn, nhưng bà đang cần nghe những câu chuyện của họ, đó là mục đích của bà hôm nay, và cả những ngày sau. Bắt đầu vào tiệc, Long mới giới thiệu ông mang máy ảnh với mọi người, đây là ông Trần Hoài Sơn phóng viên nhà báo, và hai người vốn thân nhau từ thuở nhỏ, ở ghế nhà trường. Ông cảnh sát mở tròn hai mắt nhìn ông nhà báo, ý muốn nói: hèn gì, ông cứ ngạo mạn, nghênh ngang! Rượu rót. đầy ly, - trừ hai người già - cánh đàn ông cầm ly đưa lên chạm vào nhau với đôi lời chúc tụng. Ông nhà báo chỉ đưa ly lên khỏi đầu, đưa lên đưa xuống chớ chẳng chạm với ai. Ông ta như lười cả việc gắp thịt mà để vào miệng, làm cho ông cảnh sát vốn phàm ăn, bụng lại đói, cũng không thể mạnh dạn. Liếc nhìn những cái mâm khác họ ăn ngon lành làm sao!

   Ông cảnh sát muốn ăn như họ, nhưng vì có cái ông nhà báo mắc dịch này - sau bữa ăn ông than phiền như vậy - ông cũng phải ăn nhỏ nhẹ, nhấm nháp như mèo. Trong lúc đó, chiếc Đakôta chiêu hồi màu trắng, trước khi rời khỏi trận địa, nó rà thấp, đảo vòng qua làng; từ trên nói vọng xuống lời từ giã, rồi nổi lên một bản nhạc. Tiếng đàn vọng cổ tắc tăng, tắc tằng, tằng tăng tăng; chiếc máy bay không thể đứng yên, và tiếng ồn ào của nó, người ta chỉ nghe tiếng được tiếng không. Rồi một giọng ảo não cất lên...

   Đại úy Long buông đũa:

   - Anh Sơn thấy chưa? Coi đó, nó làm ăn như vậy đó?

   Theo ý của Long - người chỉ huy trận càn, phải kết thúc trận càn thắng lợi bằng một bản nhạc hùng.

   - Để lầm băng rồi! - Đại úy Long ngửa cổ lên trần nhà như muốn nói với tên nhân viên đang ngồi trên máy bay.

   - Nhân viên chiêu hồi không để lầm băng đâu. - ông nhà báo Trần Hoài Sơn nói. - Họ đang khóc cho vùng bình định này đó. Điềm báo: trước sau gì cái vùng này cũng mất.

   Bà Chín chưa thấy ai dám bạo miệng bạo mồm. trước mặt những người có chức trách như vậy. Tự nhiên bà cảm thấy có cảm tình với ông ta. Ông cảnh sát đang ngoạm miếng thịt quay, hầm quá, ông dừng lại, lần này thì ông phật ý, ông trợn hai mắt, nhưng thấy ông đại úy - chủ nhà không tỏ ra tức giận mà lại cười nên ông ta không thể giận lâu. Lần đầu tiên, bà Chín thấy ông cảnh sát phải chịu nhịn. Còn ông đại diện Phiến; ông vẫn bình thản như không, với hai con mắt lim dim của ông, không ai có thể đoán là ông đang nghĩ đến chuyện gì.

   - Họ như cua gãy càng, - Đại úy Long nói với ông phóng viên Trần Hoài Sơn - họ không làm gì nổi nữa. Suốt cả cuộc hành quân, không đụng phải một đối phương. Trong đời lính của tôi, tôi chưa thấy một cuộc hành quân nào lại an toàn như lần này. Không mẻ một thằng lính, không đổ một giọt máu... - Rồi đại úy Long nói thêm điều gì nữa, bằng tiếng Anh, chẳng ai biết. ông nhà báo mỉm cười, mặt lạnh như tiền. Để tiếp lời ông đại úy chủ nhà, miếng thịt đang ăn ông cảnh sát không kịp nhai, ông nuốt trọng cho nhanh, thấy rõ miếng thịt đang tuột dài xuống cái cổ họng gà cồ của ông, ông ực một cái, giọng oang oang:

   - Tôi dám hứa với ông, chừng nào mà bộ ba của tụi tôi chết hết thì họ mới mong chiếm được cả vùng này.

   Ông nhà báo ngửa mặt, nãy giờ ông mới cười ra tiếng:

   - Ông cảnh sát nói quả không sai, họ chiếm được thì các ông phải chết chớ làm sao sống nổi?

   Ông cảnh sát biết mình bị hớ, nhưng vốn là người thất học, văn dốt võ dát, không thể ứng đối nhà báo, ông chỉ biết đỏ mặt. Ông nhà báo cũng không coi đó là chuyện đáng tranh cãi, cũng không tự mãn hay vênh váo vì đắc thắng, ông cầm ly rượu, chép một miếng, lại rung đùi, mặt ngước lên trần nhà nghĩ đâu đâu.

   - Tôi muốn được thăm viếng cái nhà giam của ông, ông cảnh sát? - ông nhà báo chợt nói.

   - Ông có người quen, ông muốn thăm ai? - ông cảnh sát hỏi lại.

   Ông nhà báo không đáp lại câu hỏi của ông cảnh sát, mà nhếch mép, rồi liếc nhìn ông chủ nhà, nhờ ông chủ nhà nói tiếp cho. Và, chủ nhà, đại úy Long tiếp lời thay cho bạn:

   - Anh Trần Hoài Sơn muốn thăm với tư cách nhà báo.

   Ông nhà báo lại rung đùi, chép một chép rượu, rồi bất thình lình ông nổi hăng lên:

   - Các ông có biết tại sao chúng ta chưa thắng Việt cộng không? Nếu chưa muốn nói là chúng ta thua?

   Ông ngước mắt nhìn hai nhà chức trách, tiếp:

   - Một là vì chúng ta tàn ác quá. Hai là chúng ta tham nhũng hối lộ hết chỗ nói. Trong lịch sử của các nước qua các thời đại, tôi chưa thấy chính quyền nào tham nhũng như chính quyền của chúng ta ngày nay.

   Như bị hai mũi dao đâm trúng vào tim, ông đại diện với ông cảnh sát đau đến nỗi không thể ngồi yên, nhưng cũng không dám giãy. Ông cảnh sát trố hai con mắt nhìn ông nhà báo với vẻ lạ lùng. Ông đại diện, từ nãy giờ vẫn bình chân như vại, như người ngoài cuộc, hai con mắt lim dim của ông ta đến lúc phải liếc ngang, chớp liền mấy cái. Cảnh sát Bá bị chạm nọc vì ông ta vốn là kẻ vũ phu có tiếng. Ông đại diện vốn là chủ ấp. Trào Ngô Đình Diệm, được đưa vào ban đại diện. Lúc đó ông ta còn sợ, còn thủ thân, chỉ ăn những món vặt, người nào đút lót mới dám nhận, chưa dám đòi hỏi vơ vét của ai. Từ ngày Mỹ đổ quân, tin là “Việt cộng” không thể thắng, ông bắt đầu vơ vét ông ta đã cất được vi la, trong nhà có tủ ướp lạnh, có vô tuyến truyền hình, dưới bến có xuồng máy đuôi tôm, trên bộ thì có xe Honda. Dưới sông, ông cảnh sát sắm tàu để đưa đò. Trên bộ, ông đại diện đang chạy tiền mua xe lam. Hai người đang phân cho nhau, mà người trong làng ai cũng biết. Nạo vét tiền của dân làng thuộc về ông đại diện. Nạo vét tiền của dân vùng giải phóng bị dồn ra, thì thuộc về phần ông cảnh sát. Bị đánh một đòn bất ngờ, cả hai đều co lại. Còn ông đại úy Long - là người trong bộ ba ấy lại có vẻ hể hả.

   - Thím Chín thấy chưa? Trong hàng ngũ quốc gia đâu phải ai cũng dơ dáy. Chúng tôi đang thanh toán nạn tham nhũng.

   - Mấy chú uống đi chớ! - Bà Chín đáp lại bằng lời mời Chú nhà báo, chú uống đi.

   - Dạ, cám ơn thím, thím để cho cháu. - ông ta khum cái bàn tay đậy lên ly rượu, rồi lại hăng lên:

   - Lâu nay chúng ta tồn tại. Tồn tại nhưng bấp bênh. Chế độ của chúng ta như một con tàu ở giữa biển, tồn tại mà bấp bênh, bấp bênh, bấp bênh!

   Và ông lại gật gù như tỉnh như say. Từ đó về sau, ông ta không nói thêm một điều gì, cũng không gắp thêm một miếng nào, với vẻ khinh khỉnh và chán chường, dựa lưng vào ghế, mệt mỏi nhìn mọi người.

   Ông cảnh sát Bá thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn, và ông là người trước nhất xin kiếu, viện là có việc bận. Ông ta lên Hon đa chạy thẳng về bót. Sau này bà Chín được biết, ông ta đỗ xe lại trước cửa trại giam, ra lệnh mở cửa, rồi từ ngoài nói vọng vào:

   - Tôi nói cho mấy người biết, nay mai có người đến thăm, đứa nào tố cáo tao tàn ác, tao đánh hộc máu!

   Vì nực, vì giận hay vì rượu chẳng biết, hắn cởi hết hàng nút áo, cầm vạt áo quạt phành phạch. Cái mặt cọp xăm trên ngực hắn nhe răng, nhưng không dữ bằng bộ mặt thật của hắn.

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:32:47 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM