Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:01:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa gió chướng  (Đọc 12535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:42:36 am »

CHƯƠNG 5

   Đêm sau, không đợi đến chuyến đi của giao liên, Bé Ba đưa chúng tôi đến Tỉnh ủy. Cô nghỉ lại chỗ thường trực “nằm vạ”, để chờ xem chúng tôi được Tỉnh ủy phân công về đâu.

   - Chắc mẻm là Tỉnh ủy phân công ảnh về chỗ em, rồi anh xem! - Cô lại tiếp: - Bây giờ ảnh là cán bộ Rờ, chớ hồi ở tỉnh, ảnh là tỉnh ủy viên dự khuyết, trẻ nhất, bộ giỡn sao?

   Tôi cũng nghỉ ở thường trực, có cô cũng đỡ buồn, lại biết thêm nhiều chuyện lý thú. Phòng thường trực của tỉnh gồm có ba cái chòi gần nhau nhưng tươm tất hơn cái chòi của trạm giao liên, ở cùng một cánh đồng với dân, có hầm hố, có người lo cho cơm nước, có giường có chiếu, có cả bình trà.

   Muốn vào chỗ làm việc phải có giao liên dẫn đường, phòng giặc đổ quân, theo những con đường mòn có rất nhiều bãi lựu đạn gài. Tôi được Tỉnh ủy mời cho nghe thông báo tình hình chung của tỉnh. Cả tôi và Bé Ba được giao liên đưa vào dự bữa cơm của Tỉnh ủy mừng Năm Bờ trở về. Năm Bờ thì ăn ở và làm việc ngay trong cơ quan.

   Tôi ở một chòi, Bé Ba ở một chòi, nhưng thường qua lại chuyện trò.

   - Nghe nói chị Sáu có nhiều người thương lắm phải không?

   - Thiếu gì!
   
   - Bây giờ chị ưng ai?

   - Ưng ai, anh hỏi làm gì?

   Cô trả lời giọng một như vậy, nhưng không cộc cằn mà nghe dịu dàng, thế mới chết! Trong mấy ngày thảnh thơi này, cô thay cái áo màu cỏ úa giặt sạch, phơi khô, xếp lại dưới đáy bồng, mặc cái áo màu hột é; cái áo khéo may theo thời trang, bó sát lấy thân người, trông khỏe và tươi mát hơn. Và cũng cổ trái tim, cái cổ áo không muốn giấu nốt ruồi son ấy. Tự nhiên tôi lại nghĩ, nếu một cái nốt ruồi son ấy mất đi, thì vẻ mặt của cô không được sáng sủa như vậy.

   - Được nhiều người thương chắc chỉ đẹp lắm?

   - Tôi là con gái mà tôi còn thương chỉ nữa kia.

   - Dữ vậy? Bây giờ chắc chỉ chê anh Năm?

   - Chỉ mà chê thì tôi từ chỉ ngay.

   - Sao lại từ?

   - Ảnh đánh Mỹ, ảnh bị thương chớ làm sao mà chỉ chê.

   - Mình là người ngoài cuộc, mình nghĩ vậy, còn chỉ, chỉ là người trong cuộc, chỉ nghĩ khác chớ!

   - Trong ngoài gì cũng vậy, chỉ mà chê thì tôi từ - Cô nói, bàn tay xòe ra, phạt ngang dứt khoát như một nhát dao.

   - Bây giờ cô là người ngoài cuộc, cô mới đơn giản vậy, đến lúc, phức tạp lắm.

   Cô mở tròn mắt nhìn tôi, nhìn với vẻ lạ lùng, giọng cô gắt lên:

   - Sao anh lại nghĩ là chưa đến lúc? Em nói là nói chuyện của em, người của em bị thương còn nặng hơn ảnh nữa kia?

   Tôi giật mình:

   - Thiệt à?

   - Tôi nói dóc anh làm gì!

   Đôi mắt của cô vẫn mở tròn đó nhưng trông đã thấy lông mày ửng đỏ. Hóa ra tôi chẳng hiểu gì về cô.

   - Người của em bị thương mất một chân. Sau khi bị cưa chân, ảnh viết cho em lá thư cắt đứt. Đọc thư ảnh, em giận quá. Em viết thư lại cho ảnh, em phê cho một trận, em biểu ảnh, chừng nào ra viện thì về làm đám cưới, em nuôi.

   Vậy là con mắt của tôi không phân biệt một cô con gái còn son với người con gái đã lấy chồng.

   - Bây giờ ảnh ở đâu? - Tôi hỏi, nghiêm chỉnh hơn.

   Đôi mắt của cô chớp chớp:

   - Ảnh hy sinh rồi. Hôm đó, bệnh viện có lệnh di chuyển thương binh nặng đi bằng xuồng máy đuôi tôm. Trực thăng rà thấp dưới mặt ruộng tới lúc nào không nghe...

   Sau đó không bao lâu, có một anh bộ đội hỏi em. Ảnh cũng đàng hoàng đứng đắn lắm, nhưng khi nghe ảnh hỏi, thì em giận quá, sao ảnh không để cho em nguôi ngoai một chút?

   - Bây giờ anh ấy ở đâu?

   - Ảnh lấy vợ rồi, năm ngoái, cũng mừng cho ảnh.

   Sau lần nói chuyện ấy, tôi không sang cái chòi của cô nhiều như hai ngày trước nữa. Qua ngày thứ ba, tôi thấy buồn vì phải nằm chờ, cũng vừa dịp Năm Bờ đã xong việc, anh ra thăm chúng tôi vào buổi tối đầy mây, sắp sửa mưa to. Bé Ba, kể cả tôi chưa hết vui vì được biết Tỉnh ủy phân công anh trở về chiến trường cũ, thì anh đã nói với Bé Ba về tin làng, anh mới nhận được cách đây hơn tuần. Thằng đại úy Nguyễn Vân Long lại mở trận càn. Trận càn không vấp phải một sự chống trả nào của du kích, một tiếng súng không có, cả lựu đạn gài cũng không nổ. Đó là điều chưa bao giờ xảy ra ở chiến trường này. Du kích còn lại ở xã không phải là ít; súng, lựu đạn gài, mìn, đạp lôi không thiếu một thứ gì! Cánh quân của thằng Long như vào chỗ không người và nó trở về với ngày ăn đầy tháng của thằng con đầu lòng tại nhà nó, thật tưng bừng. Không ai hiểu được vì sao du kích không nổ súng! Từ đó đã có tiếng xì xào “bể rồi”; tiếng xì xào cứ gom dần vào cho người đứng đầu: Sáu Linh. Bể, có nghĩa là không còn nguyên nữa, theo nghĩa đen; là mất tinh thần, theo nghĩa bóng. Bể! Bể chiến trường. Anh thấy mình bị xúc phạm, Bé Ba cũng thấy mình bị xúc phạm, tôi chưa dính dáng gì cũng thấy bị xúc phạm lây.

   - Tỉnh ủy nhận định hay là ai, anh Năm? - Bé Ba hỏi.

   - Tỉnh ủy không ai kết luận vội vàng như vậy.

   - Vậy chớ ai?

   - Một số anh em.

   - Người nào nói như vậy thì bảo họ về dưới, biết đá biết vàng. - Bé Ba tức giận ra mặt.

   - Tình hình này khó hiểu quá, ông Thắng! Tôi muốn về ngay đêm nay, nhưng tôi còn một cuộc họp nữa. Đêm mai mới đi được.

   Anh bực bội ra mặt, nói vậy rồi trở vào cuộc họp.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:28:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:54:46 am »

Trong chòi chỉ còn tôi với Bé Ba. Cô ngồi làm thinh, mặt buồn hiu, như xấu hổ với cả tôi.

   Năm Bờ đánh thức tôi lúc 5 giờ sáng, trời đang mưa, mưa đầu mùa như trút nước, bầu trời trên cánh đồng Tháp Mười đen nghịt.

   - Chuẩn bị đi ông! - Anh bảo tôi.

   - Đi bây giờ?

   - Trời mưa này, máy bay ướt cánh hết, xế chiều là mình tới nhà. - Bé Ba đáp lại tôi. Cô mặc lại cái áo màu cỏ úa, cả hai người, bồng đang mang vai, súng khoác vai, tay cầm vải che mưa, sẵn sàng.

   Tôi xếp võng, mùng, dồn vào bồng, định buộc dây thì Bé Ba dúi vào bồng tôi một đòn bánh tét.

   - Ở đâu vậy? - Tôi hỏi.

   - Em đi mua, mỗi người một đòn, mưa gió vầy, cơm nước gì được!

   - Cô mua hồi nào vậy?

   - Hồi nãy.

   - Sao cô không gọi tôi sớm.

   - Muốn để anh ngủ. Đi được chưa, anh Năm?

   - Đi!

   Cô giũ vải ni lông, choàng qua người, đầu súng chúc xuống đất, bước ra.

   Chúng tôi đi dưới cơn mưa, đường trơn trượt, nhưng lại yên ổn. Theo cách nói của Bé Ba thì máy bay bị ướt cánh, nó nằm gí ở tận đâu, không thấy một bóng nào lai vãng, cũng không nghe thấy tiếng động cơ nào từ xa vẳng tới. Chỉ có những tiếng pháo nổ chìm mất trong mưa gió. Không chỉ có ba chúng tôi mà hầu như người nào có việc đi đều chờ lúc này, nào bộ đội, nào khách của tất cả các trạm trên đường dây, nào vải ni lông đủ màu: màu xanh, màu đen, màu xám, màu nước mắm; tất cả đều đổ lên mặt đường, kẻ ngược người xuôi. Đường trơn trợt, đáng lẽ phải bám đầu ngón chân xuống mặt đường thì người mới vững, nhưng không ai dám bỏ đôi dép vì vỏ ốc dưới mặt đường bén như dao cạo. Người phía trước trợt, người phía sau té, ạch đụi, tiếng cười đùa lại vang lên trong cơn mưa, thiệt vui.

   Mưa đầu mùa nặng hột, mịt mù. Cây cỏ trên cánh đồng tha hồ được tắm gội. Những con cá chờ nước: cá rô, cá lóc cá trê lóc lên mặt đường.

   Mấy anh bộ đội ngược đường chúng tôi, vốn là người ở xứ ít cá, cứ reo lên chụp bắt, rồi lại té, lăn quay, lại cười vui.

   Con đường xuyên qua rừng đế, rồi xuyên qua đưng, qua lác, vắt theo bờ ruộng, rồi lại dẫn qua đồng cỏ hoang. Chúng tôi đi, đi mãi đến lúc dứt cơn mưa. Mưa như cũng xối ngược lên, rửa sạch nền trời. Trời không một gợn mây, vòm trời xanh trong, cao khum khum. Nắng rực rỡ, đã xế chiều.

   Chúng tôi đến cánh đồng mới bỏ hoang khi dân làng bị giặc xúc ra ấp chiến lược, đã hai năm. Cánh đồng của những cây lúa họ “nàng”: nàng tiên, nàng rừng, nàng tây.

   Và bây giờ những chiếc máy bay vừa rồi phải nằm gí dưới cơn mưa, đang cất cánh, nhìn đâu cũng thấy chúng. Những chiếc F gầm rú lao như ánh chớp, những chiếc T28 đen sì chầm chậm bay lừng lừng giữa trời, đầm già đen, đầm già trắng bay lè tè, quần xoáy theo các con đường, và trực thăng như chuồn chuồn, ầm ì. Cái nguy hiểm nhất của chiến trường đồng lầy, chính là nó: trực thăng.

   Nếu cơn mưa kéo dài thêm một tiếng nữa thì chúng tôi đã đến nơi rồi.

   Rặng cây xanh um dài dọc theo bờ sông Cửu Long - mà ở xa nhìn về thì như đường chân trời, đó là những làng còn đang trong tay giặc, cách chúng tôi một cánh đồng. Và vườn cây chạy dài theo con kinh bắt nguồn từ chỗ con kinh đổ vào cánh đồng, đó là làng du kích: chỗ của Sáu Linh, cách chúng tôi chừng hơn cây số. Vàm Kinh, ngã ba ấy là chi khu quân sự. Sắp đến nơi, mưa lại tạnh, chúng tôi phải dừng lại trên cánh đồng chỉ còn những ngôi nhà nát, hoặc cháy rụi, hoặc dỡ ủi, hầm hố đã sụp lở, sậy đế um tùm.

   Bé Ba đưa chúng tôi đến một ngôi nhà đổ, nhưng hầm vẫn còn tốt, đủ sức chống đạn trực thăng.

   - Anh Năm còn nhớ nhà này là nhà của ai không?

   Năm Bờ nhìn cái mái lá đẫm ướt, treo dính trên đầu cây cột cháy, rồi nhìn lại cái hầm, cái hầm nổi vững chắc, vách bằng thân dừa với một lớp đất sét trộn trấu, trong hầm có thể trải qua một chiếc chiếu đôi, một cái mùng lớn cho cả gia đình, trên mặt hầm cỏ xanh um.

   - Sao lại không nhớ? - Anh đáp.

   - Tội nghiệp chỉ quá! Bây giờ hai anh nghỉ ở đây, em đi vào trước em báo cho chị Sáu.

   - Tụi tôi đi luôn không được sao?

   - Em đi vắng lâu, không biết mấy anh mấy chị gài lựu đạn ở đâu, lớ quớ vướng dây chết oan mạng.

   Bé Ba xếp vải đi mưa cho vào bồng, lấy con dao găm, chặt một bó sậy, đứng bên miệng hầm nhờ tôi ngụy trang.

   Anh ngụy trang làm sao cho trực thăng với đầm già đừng thấy em thì anh làm.

   Tôi vừa vắt lá, vắt sậy, vắt đế theo những cái túi nhỏ quanh cái bồng của cô, vừa sung sướng như được chăm sóc cho cô. Trong lúc đó, cô nói với Năm Bờ:

   - Anh có nhớ anh Bảy Thá không?

   - Sao lại không nhớ?

   - Mấy ngày nay, nhiều chuyện quá, em quên kể cho anh, bây giờ nói tới lựu đạn gài em nhớ. Anh Bảy Thá bị lựu đạn gài của mình.

   - Vậy à?

   - Nhưng không chết, chỉ có tật ở chân trái thôi, ảnh đi cà thọt. Ai hỏi ảnh, ảnh cũng nói là mìn “playmo” của nó. Ảnh nói với chị Sáu: “Lựa đạn gài với mìn “playmo” của nó lẫn sao được. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu không vì chúng nó thì anh em mình gài lựu đạn làm gì?”.

   Thật chí lý. Tôi hỏi:

   - Anh Bảy Thá đó bây giờ ở đâu?

   - Cũng bị nó xúc ra ngoài rồi! Xong chưa anh?

   - Xong! - Tôi thấy thú vị như vừa trang điểm cho cô.

   - Thôi, hai anh ở đây, nếu nghe nổ là em vướng lựu đạn gài đó, nhưng em không sao đâu, em học tập chị Hồng Gấm rồi.

   Bé Ba đi. Hai chúng tôi ngồi bên miệng hầm, mở bánh tét ra ăn. Năm Bờ ngồi dựa vách hầm, nhìn vào rặng cây làng Mỹ Hương, sau khi ăn xong một khoanh bánh, anh nói:

   - Địa hình địa vật như vầy mà đánh không được, kỳ quá!

   Không muốn để anh buồn bực, tôi hỏi lảng sang chuyện khác:

   - Hầm này là hầm của ai vậy anh Năm?

   - Hầm của chị Nở. Hồi trước khi Mỹ mới đổ quân, nó định xúc dân ra bờ sông, viện cớ là dân ở trong vườn dễ chứa Việt cộng. Dân không đi, nó cho trực thăng bay dọc theo kinh, bắn ngày bắn đêm. Cả làng mới dời nhà ra đồng, rồi kéo biểu tình, cho người nói với nó là: dân bỏ làng thì ruộng bỏ hoang, dân dời nhà ra đồng ở “lộ thiên” cho nó thấy. Cho nên mấy năm nay, tất cả các làng ở dọc theo bờ kinh trên đồng Tháp Mười đều dời ra đồng là vậy. Bay trên trời, nhìn xuống thấy nhà, thấy người, nó mới chịu. Nó nghi nhà nào thì trực thăng nó dừng lại trước cửa nhà đó, thò đầu ra nói chuyện. Có lúc, nó cho trực thăng đứng ngay trên nóc nhà người ta, đưa bồ cào cào mái nhà người ta để dòm xuống kiểm soát. Dân phải sống nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp. Còn bộ đội, du kích, cán bộ thì bám lấy địa hình, vậy mà, đêm vui lắm. Ngoài đồng, nhà đỏ đèn như sao sa. Nhà nào cũng mở ra-đi-ô nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng. Hồi tôi còn ở đây, tôi thường hay về nhà này. Chị là bà con bên dì tôi.

   Tôi vừa nghe anh nói vừa nhìn theo Bé Ba, không quên để ý đến tiếng bay của đầm già đang văng vẳng từ xa, cũng không rời mắt khỏi một bầy trực thăng đang chúi mũi xuống cánh đồng ở tận trong sâu, nhỏ như ba cái cán gáo.

   - Mùa nước ở đồng Tháp Mười, người cực khổ nhứt ở cái chiến trường này là ai anh có biết không? Cực khổ nhứt là phụ nữ có con nhỏ. Anh dòm cái chớn nước ở vách hầm này thì biết: cao hơn thước rưỡi. Hầm hố ngập hết. Ngồi trên sàn, sống trên xuồng, muốn tránh bom hoặc trực thăng, chỉ có lặn thôi, trẻ con làm sao lặn được. Mùa nước năm đó tôi về đây, nước ngập hầm, hễ nó bắn thì lặn xuống nước, hầm nào chưa ngập lút thì cũng ngập hết nửa hầm.

   Bé Ba đã qua khỏi đám đế, đang đi theo bờ ruộng. Một đường khói đen từ “con cá lẹp” ở xa kia đang cắm xuống. Nó bắn hỏa tiễn.

   - Muốn vào hầm, cũng phải lặn. Chị Ba Nở tôi, con còn nhỏ quá, không thể ôm con mà lặn vô cửa hầm được. Mỗi lần nó bắn, chỉ phải để thằng nhỏ ngồi trên cái thau, đẩy nó vô hầm, thấy đứt ruột đứt gan.

   Bé Ba lại khuất vào một đám cỏ tây tươi xanh, thấy rõ những cọng đế quanh người cô đang chuyển động.

   - Đến lúc trong hầm không còn không khí để thở nữa, chỉ còn có một cách là lặn thôi. Trong xóm, trong làng, chị nào có con nhỏ cũng phải thủ ở bên mình một cái bọc ni lông, hễ nó tới bắn thì để con vào bọc ni lông, túm miệng lại, ôm con lặn xuống rồi trồi lên, mở miệng ni lông cho con thở, rồi lại lặn xuống. Cứ ôm con trong bọc ni lông trồi lên hụp xuống cho đến khi nó bay đi. Năm đó, năm sáu mươi sáu, nhằm năm bão lụt, nước cao quá, mấy cái gò cao ở đồng cũng bị ngập, không có đất để chôn người chết nữa. Người chết được liệm trong một cái bọc ni lông, hàn kín để trong hòm rồi gác lên ngọn cây, chờ đến mùa khô mới đem xuống chôn cất.

   Bé Ba đi đã xa, không nhìn thấy được nữa, chắc là vừa đến rặng cây.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:28:55 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:56:39 am »

Ba chiếc trực thăng bay về hướng chúng tôi. Tiếng “con đầm già” đã tới.

   Ba chiếc trực thăng bay qua đầu chúng tôi, con đầm già đen thì xoáy tròn trên cụm vườn. Chúng nó, bay hai tầng, con cá lẹp, dài ốm nhom ốm nhách và đen sì bay trên cao, một chiếc hình cá rô, một chiếc hình con cá nóc rà thấp. Nó rà một vòng, rồi lại đảo qua một vòng nữa, một vòng nữa, lại một vòng nữa, nhưng chưa bắn. Chiếc “cá rô” dừng lại trên những cụm đế, con đường của Bé Ba vừa đi qua, quạt cho đế ngã rạp xuống, vẹt ra, rồi lại cất lên, lại dúi mũi ngửi một chỗ khác.

   - Kiểu này nó có thể nhảy cóc lắm đó, ông Thắng! - Năm Bờ nói với tôi: - ông cứ ở trong hầm đi, chừng nào tôi kêu thì chạy ra nghen.

   Mỗi lần nó rà tới, Năm Bờ lại lách ra cửa hầm, cây AK đã lên đạn, ghé con mắt nhìn theo. Nó bay khỏi, anh bước ra, dõi theo nó. Chiếc hình cá lẹp bay tận trên cao, cánh nó quạt lạch xạch, yểm trợ cho chiếc dưới.

   Tôi đứng mấp mé bên cửa hầm, nhìn theo nó, rồi nhìn Năm Bờ đang đứng cạnh bên tôi, giấu mình trong vạt đế lưa thưa, tay cầm AK. Cây súng ngắn bên hông tôi lúc này quả là chẳng có tác dụng gì, chả đủ bảo vệ mình.

   - Chia cho tôi một trái lựu đạn, anh Năm!

   Năm Bờ đưa tay vào dây lưng, đứt ra một trái da láng đưa cho tôi. Tôi cầm lấy trái lựu đạn, không ẩn vào cửa hầm nữa.

   Con đầm già đen tè tè bay dọc theo kinh. Chiếc trực thăng hình cá lẹp bay trên tầng cao, nó bay xấp xải vội vàng, trông nó tung hoành, khát máu đến muốn chửi.

   Chiếc trực thăng bụng tròn như con cá nóc, cái bụng chở quân, rà xuống cánh đồng. Nó bắn.

   - Nó sắp đổ giò đó, ông Thắng!

   Đường bay của nó sà xuống thì tiếng súng từ trong rặng vườn nổ ra. Như một con chim nghe đường đạn, nó vụt cất lên, cánh quay tròn. Tiếng súng trong rặng vườn du kích lại nổ tiếp.

   Một trận đánh bắt đầu. Con đầm già đang tè tè bay thẳng ra sông lớn, nó vòng lại, ba chiếc trực thăng cất cao, rồi chúi mũi về phía súng của du kích, bắn xả xuống. Chiếc hình cá lẹp đen sì xấp xải bay tới, bắn hỏa tiễn, khói bựng lên.

   Tiếng súng của du kích bắn lên như ném theo dây thòng lọng vào đầu nó ghì nó xuống.

   Du kích đang kéo lửa về phía mình cho chúng tôi thoát khỏi vòng vây...

   - Hai anh mới về?

   Sáu Linh, cô gái mà tôi nghe nhắc đến, mà tôi mong mỏi, bây giờ đang đứng trước mặt tôi. Đêm đã xâm xẩm tối, nhưng tôi vẫn nhìn rõ. Một cô gái người thon thả, gọn gàng, đầu bới tóc, nước da ngăm đen, một cô gái bình thường, cái đặc biệt ở cô là đôi mắt, đôi mắt thăm thẳm lung linh. Cô hỏi giọng nhỏ nhẹ, hơi run, ngón tay cái tỳ vào dây súng đeo qua vai.

   - Anh em mình có ai làm sao không? - Năm Bờ đứng đó, trước mặt cô, không đeo kiếng mát, hỏi lại Sáu.

   Tôi bỗng cảm thấy sự có mặt của tôi và những chị em du kích đang đứng chung quanh trong lúc này, thật vô lý. Bé Ba cũng đứng đó. Sau trận đánh, mà tôi tưởng như tôi đã xa cô lâu lắm. Hai cô du kích kia thì chào mừng rối rít với bao nhiêu câu hỏi.

   - Anh đi đâu mà biệt tăm biệt tích vậy?

   - Tụi em chờ anh muốn chết!

   - Anh bạc quá. Không gởi cho tụi em một chữ làm thuốc nữa.

   - Người ta ở Rờ, người ta nhớ làm gì cái dân ở xã của mình.

   - Nói vậy chớ, mấy em biết trước sau gì anh cũng về thôi.

   - Bỏ cái đất này đâu có dễ, hở anh Năm!

   Tôi hiểu rồi, những lời trách móc, hờn dỗi, cũng như sự vồn vã rối rít của các cô, chính là của Sáu, mà các cô đã mang đến cho anh. Sáu đứng lùi lại phía sau, nhưng đôi mắt của cô khiến tôi thấy cô đứng gần với Năm Bờ hơn mọi người, đôi mắt cô bật lên trong cái nhìn thăm thẳm mênh mông. Khi cô nhìn Năm Bờ, đôi mắt cô chợt sáng như ánh sáng của một vầng trăng. Một đôi mắt có ánh trăng! Tôi thầm nghĩ. Năm Bờ! Anh có thấy ánh trăng trong đôi mắt ấy không?

   Lúc đó, Năm Bờ lại nói:

   - Hôm nay về Tỉnh ủy, anh nghe nói, trận càn vừa rồi, du kích mình không nổ được một tiếng súng, một trái lựu đạn gài cũng không nổ, anh nghe kỳ quá, không hiểu sao?

   - Em nói với chị Sáu hết rồi, chị Sáu nói cho anh Năm nghe đi chị Sáu.

   Bé Ba vẫn bộ quần áo đi đường, vai mang CKC, đứng gần bên Sáu, nói và nhìn chúng tôi.

   - Nó càn nhưng nó không vô định hình, làm sao đánh được anh? - Sáu vẫn đứng xa hơn các cô, nói với chúng tôi - Nó sắp càn, tụi em biết, tụi em bố trí đâu đó sẵn sang. Nhưng nó cứ dẫn quân đi lơi khơi ngoài đường; ngay chỗ mình đang đứng đây, nó cũng không dám tới. Nó cứ quần tới quần lui ở ngoài kia kìa. Lúc đầu, em tưởng là nó phát hiện được cánh quân nào của mình mới chuyển về, đang ém quân. Té ra là nó không dám đụng đầu với du kích, nó càn cho có chừng, không dè nó bể đến như vậy. Quân của nó cứ lặn ngụp trong sậy trong đế cách mình hàng ba bốn cây số, nếu có bắn, đạn cũng không bay tới! Nổ súng làm gì?

   Năm Bờ đứng nghe, vừa ư hừ vừa gật gù. Té ra là như vậy, có đến tận nơi mới biết, sự thật hết sức giản đơn. Du kích không nổ súng, chính vì nó không dám đương đầu.

   - Em phải báo cáo cho rõ để các đồng chí ấy biết!

   - Em làm rồi, nhưng chữ nghĩa của em, em viết cụt ngủn cụt ngẳn thôi…

   - Nếu vậy thì phải làm lại, anh Thắng sẽ giúp em. - Anh nói và nhìn sang tôi.

   Sáu Linh vẫn đứng đó với đôi mắt lung linh, cô nói:

   - Cần gì anh, thì giờ để làm việc khác, trước sau gì rồi các ảnh cũng biết thôi, lo gì! - Cô nói với giọng nhẹ nhõm, bình thản, không vướng bận gì đến những dư luận oan ức đó đối với cô. Người ở chiến trường xử sự có khác, hành động và ý chí đều hướng vào kẻ giặc, một mất một còn, ngoài ra, những điều phiền toái và rắc rối khác là những điều nhỏ mọn không đáng kể. Sáu vẫn đứng đó, sau mọi người; tôi thấy cô rõ hơn, nhưng không phải nhờ ánh sao vừa mới bật sáng mà chính vì câu nói của cô. Không hiểu Năm Bờ nghĩ gì mà làm thinh, một hồi lâu mới nói:

   - Cũng nên nói rõ để cấp trên hiểu rõ tình hình.

   - Dà! Thôi về đi hai anh, đi được rồi. Đi đi mấy em, đi dang ra xa, coi chừng pháo - Cô nói.

   Bé Ba vụt đi trước rồi đến ba cô du kích, tôi vọt chân lên trước đe cho hai người đi sau cùng. Năm Bờ hỏi Sáu:

   - Bà Chín còn không, Sáu?

   - Còn chớ anh, Bé Ba không nói gì với anh à?

   - Không biết tình hình ở xã ra sao, anh không muốn hỏi. Anh cứ lo là bà Chín không còn.

   - Nè anh, vừa rồi, bà Chín đã đỡ đẻ cho vợ thằng Long đó.

   - Vậy hả?

   Tôi không biết bà Chín ấy là ai mà mãi đến lúc này Năm Bờ mới hỏi, rõ ràng là anh vui mừng trong tiếng “vậy hả!” của anh.

   - Để em kể cho anh nghe...

   Giọng của cô gái nghe dễ thương lạ, hèn chi!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:29:05 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 03:38:11 pm »

CHƯƠNG 6

   Bà Chín, vốn là mụ vườn, trong làng ai cũng biết. Nếu tính từng ngày thì hôm nay đã đúng một tháng mười ngày chẵn.

   Hôm đó vào nửa đêm, bỗng có tiếng gõ cửa. Bà nằm trong buồng với đứa con gái út, bà chưa ngủ nhưng bà không lên tiếng.

   Lại cộp cộp cộp, lần này to hơn. Bà nằm im, nín thở, lắng tai nghe. Không phải là người của mình. Người mình về phải báo trước.
Người mình có về thì cũng không gõ cửa như vậy. Nhưng cũng không phải là giặc. Nếu là giặc thì nó cần gì gõ cửa, nếu có gõ, nó cũng không gõ dè dặt như vậy.

   Cộp cộp cộp. Tiếng gõ cửa to hơn, dồn dập khẩn khoản.

   - Bà Chín ơi, mở cửa!

   Tiếng người không quen nhưng nghe không phải tiếng người gian. Bà đưa hai ngón tay lắc lắc cái mũi của con gái, đánh thức con dậy, rồi lên tiếng:

   - Ai đó, chờ tôi một chút.- Bà bước xuống giường, bật lửa, đốt ngọn đèn trứng vịt.

   Cửa mở, hai tên lính to lớn với cây súng cầm lăm lăm, hiện ra trước mặt bà. Bà giật mình, lùi lại, mình lộ rồi chăng, nhưng bà làm tỉnh:

   - Hai chú đi đâu mà khuya khoắt như vầy? - Bà thoáng lo cho cô gái đang tuổi dậy thì của mình. Theo thói quen bà chuẩn bị đối phó.

   - Thưa bác, bác có phải là bác Chín không? - Tên lính nói với giọng lễ phép, bà đỡ lo.

   - Tôi thứ chín, ở xóm này thiếu gì người thứ chín như tôi. Hai chú muốn hỏi ai?

   - Tôi muốn hỏi bà mụ.

   - À! - Bà à một tiếng dài, nhẹ người. Bà hiểu rồi. - Hai chú vào đây uống nước cái đã. Thím ở nhà bây giờ làm sao?

   - Dạ. Không phải người nhà cháu. Người nhà ông đại úy.

   - Ối trời ơi, mắt tôi lèm nhèm lại đêm hôm khuya khoắt, té ra hai chú đây là “gạc đờ co” của đại úy. Thôi vào nhà. - Bà xoay người nhường đường cho hai người lính.

   - Dạ thôi, bác để cho lúc khác. Vợ của ông đại úy đang chuyển bụng.

   - Tưởng ai chớ nhà ông đại úy với tôi cũng gọi là người hàng xóm, tôi biết. Ổng là người của Mỹ, - Bà cố ý nhấn tiếng đó - sao ổng không đưa lên nhà thương tỉnh của Mỹ mà đẻ; tôi là mụ vườn, tôi chỉ đỡ đẻ cho bà con nghèo hàng xóm thôi. Thôi, vào ngồi đây uống nước cái đã.

   Bà muốn dềnh dàng để nói chuyện với hai chú lính “gạc đờ co” nhưng trong lòng cứ áy náy lo âu cho người đàn bà sắp vượt cạn. Bà bước vào buồng dặn cô gái, rồi cầm cái túi nghề nghiệp bước ra.

   - Xin bác đến mau mau cho, để lúc khác hai cháu lại

   - Ờ thôi, đi.

   Hai người lính rọi đèn pin chiếu lên mặt đường đá trắng chạy dài theo con sông. Bà đi giữa, hai người đi hai bên.

   Trong làng, người ta vẫn quen gọi bà là mụ vườn. Bà vào nghề từ năm hai mươi tuổi, xách túi, xách trầu cau cho cô, rồi được cô truyền nghề cho.

   Gần bốn mươi năm trong nghề. Tiếng là mụ vườn nhưng người trong làng không ai dám xem thường nghề nghiệp của bà. Năm 1949, bà được dự một lớp hộ sinh của Ty y tế. Bà không nói được tiếng Tây tiếng u gì, nhưng bà đọc được toa thuốc Tây, nói đúng tên thuốc và hiểu được cái toa dạy bảo người bịnh phải làm sao. Bà cũng biết một ít thuốc gia truyền do cô để lại, vừa rẻ lại vừa lành cho bà con nghèo. Trong đời làm mụ, bà chưa để xảy ra một điều gì đáng tiếc. Những người sanh nở gặp khó khăn, đều do bàn tay bà mà mẹ tròn con vuông. Trong làng, kẻ trên người dưới ai cũng nể bà. Ngay cả thời đen tối nhất, cái thời mà nhà nhà đều phải treo biển trắng biển đen, bọn làng lính kể cả bọn ác ôn không ai không biết bà có một thời làm việc cho y tá xã, và không ai có thể quên đứa con trai đầu của bà, anh xã đội trưởng, đã hy sinh trong trận đánh Tây ở ngay vàm. Nhưng đối với bà, bà vẫn được thong thả, được đi sớm về khuya. Vì ngay cái bọn ác ôn, vợ con nó có lúc cũng phải cần đến bà. Và ngay chính những tên đó, những thằng đã bị trừng trị, và cả những thằng con sống như thằng đại diện Phiến đương quyền bây giờ, cũng chính do bàn tay bà mụ cô của bà đưa nó ra đời. Theo hồ sơ của những người bị bắt, không có một lời khai nào dính líu đến bà. Trước đây, khi xóm này chưa là khu trù mật, cái ngôi nhà sàn nhỏ bé của bà cũng dưới bóng cây xoài thanh ca đó. Rồi đến ấp chiến lược, cây xoài thanh ca cũng tỏa bóng che mát cho ngôi nhà của bà. Đến ngày Mỹ đổ quân, xây căn cứ Bình Đức nhà bà cũng dưới bóng xoài thanh ca. Bà với đứa con gái và ngôi nhà sàn nhỏ bé của bà luôn luôn nằm trong vùng kiểm soát của “quốc gia” và trong đời sống hàng ngày, cái lưới kềm kẹp của ngũ gia liên bảo, của thám báo, không ai thấy, cũng không ai nghe bà có liên lạc với Việt cộng. Trong đời sống bình thường, không vì cái lẽ đã có một thời làm việc cho y tá xã mà bà tỏ ra sợ sệt hay dè dặt trong lời ăn tiếng nói như một số người có dính dáng với kháng chiến. Trong sổ kiểm tra của cảnh sát, của đại diện, bà không được xếp trong cái cột là dân dã làm ăn. Tên bà là Trần Thị Chín nằm trong cái cột “người kháng chiến được cải hóa”. Nói như vậy, không có nghĩa là bà thuộc vào loại người được thoát khỏi mọi đe dọa. Cũng có một lần bà bị bắt, đó là năm tố cộng. Rủi thay và cũng may thay, đang ở khu tập trung thì chính thằng cảnh sát trưởng ác ôn đánh xe đến đón bà. Vợ nó chuyển bụng đã ba hôm mà chưa nở. Nó định đưa vợ lên tỉnh, nhưng mẹ nó can lại:

   - Mày đưa lên nhà thương để cho họ lấy dao họ rạch bụng vợ mày hả? Chết sống gì mày cũng phải rước bà Chín.

   - Bả đang bị tập trung!

   - Tập trung tập triếc gì. Mày cứu người ta rồi người ta cứu vợ cứu con mày.

   - Mà chắc gì bả đỡ được?

   - Thằng cha này! Tao là mẹ mày tao biết, chính cái bản mặt mày bây giờ là do bà mụ cô của bả đỡ chớ ai. Mau lên, mau lên.

   Lớp học tố cộng làm ngay trong nhà việc, ở phòng giữa - Người phải học là các bà mẹ có con đi kháng chiến, đi tập kết, là những người đàn bà có chồng là cán bộ là bộ đội và cả những cô gái đang hứa hôn với người kháng chiến. Bà được lính đến mời lên phòng cảnh sát.

   - Thưa ông cảnh sát, ông gọi tôi lên có việc gì? Tôi học như vậy ông thấy không được sao?

   - Thôi thím Chín, thím gọi tôi bằng con, bằng cháu. Cháu mời thím, vợ cháu chuyển bụng từ đầu hôm đến giờ mà chưa đẻ.

   - Tôi đang học tố cộng, làm sao bỏ lớp mà đi được.

   - Chuyện đó để cháu lo. Thôi, xin mời thím ra xe.

   Tên cảnh sát xòe hai tay vừa xoay vừa đẩy lưng bà.

   Được mẹ tròn con vuông, tên cảnh sát bảo:

   - Thôi bây giờ xin thím Chín trở về.

   - Về sao được, tôi học chưa xong làm sao tôi dám bỏ về.

   - Có tôi mà, thím Chín!

   Bà mẹ tên cảnh sát nói vào:

   - Thôi chị Chín về đi. Chị cứu vợ con cháu, thì cháu nó cứu lại chị.

   - Làm vậy coi sao được, người ta sẽ nói là ông cảnh sát cá nhân với tôi. Nếu ông cảnh sát cho tôi về thì phải tuyên bố với lớp học, phải tuyên bố với quan chức, với lính làng cho rõ ràng, như vậy mới công minh, để nay mai ông cảnh sát có đổi đi đâu, (ý bà muốn nói nó bị đền tội), người khác thay chân thì cũng hiểu rõ như vậy.

   - Chuyện đó thì có khó gì, nó không lo thì tôi, thì vợ con nó cũng lo cho chị.

   Cái tên của bà được ghi vào cột “Người kháng chiến được cải hoá” là vậy.

   Thằng cảnh sát ác ôn ấy bị đền tội rồi.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:29:17 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 03:40:56 pm »

Bây giờ lại đến vợ của thằng đại úy. Đi trên con đường rải đá giữa đêm khuya trong gió mát và tiếng sóng của con sông, có hai tên lính kèm theo, bà nghĩ ngợi miên man, hết chuyện này đến chuyện khác. Bà nhớ lại chuyện thằng cảnh sát, nghĩ đến thằng đại úy, nghĩ đến đứa con của nó và nghĩ đến những gì sẽ xảy ra.

   Nhà nó, ngôi nhà sàn cao lớn nhất trong vùng, do cha nó để lại. Nhà sàn gỗ, mà hồi nhỏ bà nghe nói đắt tiền bằng một dãy phố ở chợ. Vách gỗ, sàn gỗ, mái ngói, bốn gian, một bếp. Cũng đã gần mấy mươi năm nay bà mới để cái đôi guốc dưới cầu thang nhà nó.

   Thằng đại úy và mẹ nó đang chực sẵn ở đầu cầu thang. Mẹ nó xưa kia vốn cũng là bạn gái của bà. Mẹ tên đại úy, người trong xóm quen gọi là bà Út Nhỏ. Bà thứ út, lại là vợ nhỏ của nhà điền chủ, cũng là một bà già nhỏ nhắn. Bà Út Nhỏ bước từ trên sàn xuống cầu thang đon đả đón bà:

   - Chị Chín cứ mang guốc lên nhà. Là bạn hàng xóm mà không biết bao lâu chị mới đến tôi. Chị cùng một tuổi với tôi mà chị còn sõi quá.

   - Cháu nó làm sao vậy chị Út?

   - Nó đang chuyển bụng.

   Bà Út Nhỏ đưa tay nắm lấy tay bà Chín, nâng lên theo từng bậc thang. Bà Chín vẫn không quên để guốc dưới nấc thang cuối cùng trước khi bước lên sàn. Gian trong, đèn măng sông treo giữa, sáng loáng cả cái sàn gỗ đen mượt màu mun.

   - Dạ, thím Chín!

   Người đàn ông đã sắp đến bốn mươi mặc bộ pijama màu xanh, cúi đầu chào bà: đại úy Long. Nó hiện ra hôm nay thật khác, trước mắt bà bấy giờ nó chỉ là một anh chồng, cũng như bao nhiêu người chồng khác, đang bấn loạn trước giờ sinh nở của vợ.

   - Vợ cháu cứ ôm lấy thành giường, rên dữ lắm!

   - Ô! Sao không đưa thím lên nhà thương có tiện hơn không?

   - Dà... dà...

   - Lúc đầu nó cũng định đưa đi nhưng tôi không cho - Bà Út Nhỏ nói thành thật - Nửa đêm nửa hôm như vầy, xe thì xóc, lại sợ mấy ổng nằm phục.

   - Ai người ta đánh đàn bà đẻ bao giờ.

   - Biết vậy, nhưng có nó, lại có lính, có súng, lôi thôi lắm.

   - Dạ... lúc đầu cháu cũng nghĩ như vậy, nhưng nhớ là có thím ở đây, đi đâu xa làm gì. Với lại, chính cháu khôn lớn cho đến bây giờ là cũng nhờ thím.

   - Chú mà cũng biết được chuyện đó à?

   - Nó thì biết cái gì. Tôi nhắc cho nó nhớ đó chớ!

   - Xin thím vào ngay cho. Vợ cháu lăn lộn dữ quá.

   - Cô bây giờ đang nằm ở buồng nào.

   - Dạ đây! - Hắn đưa một tay ra trước, hướng vào buồng ngủ của vợ... chân hắn đi lấp vấp tất bật.

   Vợ nó chuyển bụng chớ nó có chuyển bụng đâu mà đầu tóc nó cứ rối bù. Bà bước theo chân nó, nhìn lại nó từ đầu đến chân; bà chợt nghĩ, nó dám về đây với hai thằng lính. Nó không còn sợ ai nữa, thật dễ ngươi. Bà thấy người bứt rứt, không yên.

   - Cũng cái buồng này - Bà nói thầm...

   Trời sáng... Đại úy Long với mẹ hắn ngồi tiếp chuyện bà. Hai người già cùng ngồi một cái ghế trường kỷ có chạm rồng, còn đại úy Long thì ngồi trong chiếc xa lông niệm nhung màu máu bầm, xa xa, thấp hơn và cũng bệ vệ hơn.

   - May mà có thím ở cùng xóm!

   Hắn nói những lời cám ơn mà người cứ nhấp nhỏm vì tiếng khóc oa oa của đứa bé từ trong buồng dội ra. Bà nhìn nó. Trước mắt bà, nó không còn là người chồng, người cha của đứa con mới ra đời nữa. Mới đây, mới đây thôi. Không đầy mấy tiếng, khi nó bối rối trong tiếng kêu rên của vợ, khi nó bừng lên tươi tỉnh trong tiếng khóc chào đời của đứa bé; giây phút đó, bà thấy gần với nó, cùng với nó trong một nỗi lo âu và vui mừng. Bây giờ, cũng nó, nó ngồi đó, đầu đội mũ lưỡi trai màu cứt ngựa, cây súng ngắn lủng lẳng bên hông. Một kẻ thù với tất cả tội ác mà bà đã tận mắt thấy từ ngày nó trở lại làng thay chân cho quân Mỹ, gần hai năm nay.

          Bà nhớ trong một buổi sáng, giữa trận càn do nó chỉ huy, những người cùng xóm đứng nhìn vào đám khói của những ngôi nhà rải rác trên cánh đồng đang bốc lửa giữa tiếng bom pháo và tiếng gầm rú của máy bay, có một người chợt hỏi bà:

   - Bà Chín, sao hồi đó bà không bóp mũi nó cho rồi.

   Bà không thể trả lời được câu hỏi đó. Bà đứng lặng, chẳng hiểu sao nước mắt lại lưng tròng. Thật trớ trêu, hơn ba mươi năm trước, chính tay bà đã đưa nó ra đời. Nó có khác gì những đứa trẻ khác đâu? Có đứa bé nào mà không đáng cho ta nựng nịu, hôn hít, yêu thương? Đứa bé, cả cái tính xấu của nó cũng không thể nào ghét được! Và nó, nó cũng là con của một người con gái nghèo, phải lấy thân mình báo hiếu cho cha mẹ. Mẹ nó vốn là con tá điền của cha nó. Ngày xưa, - Út, cô con gái mười bảy tuổi, mới dậy thì, nước da mơn mởn, phải đến nhà cha nó, làm con ở để trừ nợ, làm những chuyện vặt trong nhà: lau sàn, cơm nước, giặt giũ, ăn cơm ở nhà dưới và cũng ngủ trên cái vạt ở nhà dưới. Cha nó, con một nhà điền chủ, học giỏi nhưng thất chí, trở về làng giữ cái chức hương sư hờ, ông ta hay mặc bộ bà ba lụa màu hột gà. Không keo kiệt, thích chơi bời, xài tiền như đốt. Ông ta làm chủ hội banh của làng, lại thích đờn ca. Thời kháng chiến đánh Tây, ông ta hiến một ít ruộng và có chân trong Liên Việt quận. Dân làng coi ông ta là một điền chủ có chút ít “đầu óc”. Vợ ông ta cũng là con của một điền chủ, ở làng bên kia sông, do cha mẹ đặt đâu ngồi đó. Vợ ông ta sanh được ba đứa con gái, ông ta lại thích một đứa con trai. Tính ông hay mèo mỡ. Có một lần ông nói thẳng: “Người nào đẻ cho tôi một đứa con trai thì tôi đội lên đầu”. Ông sợ ai mà không dám nói thẳng? Và khi cô gái tá điền ấy có mang với ông, vợ ông nổi ghen, nhưng không phải là người sợ vợ, ông nói: “Chừng nào người ta đẻ con gái thì tôi đuổi, không đợi đến cô!”. Ông chờ đợi đứa con của cô gái tá điền.

   Nó, tên đại úy đang ngồi trước mặt bà đó, nếu là đứa con gái, hoặc là đứa con trai thứ hai hay thứ ba của ông chủ thì cuộc đời của nó có lẽ sẽ khác chăng? May hay rủi cho nó? Dù là con của một cô gái tá điền, nhưng nó là đứa con trai, đứa con duy nhất của ông chủ muốn có người để nối dòng nối giống.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:29:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 03:42:52 pm »

Bà Chín, bà còn nhớ cái đêm cách đây đã hơn ba mươi năm đó. Bà đang bế một đứa bé đỏ hỏn trên tay, trong buồng đẻ nhà dưới thì bên ngoài có tiếng hỏi vọng vào:

   - Trai hay gái?

   - Dạ, con trai!

   Lập tức, cửa buồng đẻ bị mở tung.

   Cha nó, bộ bà ba lụa màu hột gà, bước vào, xúc động đến run rẩy:

   - Cô đưa đây cho tôi. - Cha nó đưa hai bàn tay ra nâng lấy nó, rồi cũng chính cha nó đưa nó lên nhà lớn. Bây giờ nhớ lại, bà nghĩ, cuộc đời của nó được quyết định và khác người đã bắt đầu từ hai bàn tay của cha nó, đêm đó. Nếu nó là đứa con gái, thì nó vẫn ở lại cái nhà dưới, là con của một đứa ở, chỗ nằm của nó không quá mặt đất năm tấc, trên chiếc chiếu trải trên tấm vạt tre. Nhưng vì nó là đứa con trai trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, nó được đưa lên ngôi nhà lớn, chỗ nằm cách mặt đất một cái sàn cao hơn đầu người, trên cái giường sắt, có nệm, có trải chiếu hoa. Nó được đặt cái tên có ý nghĩa cao xa hơn thiên hạ: Long. Long có nghĩa là rồng. Nguyễn Vân Long: Rồng trong mây (theo lối cắt nghĩa của cha nó). Rồi cũng khác hơn những đứa nhỏ khác, không ai dám gọi nó bằng thằng, dù cái tiếng thằng trong cái nghĩa âu yếm yêu thương; người chung quanh đều gọi nó bằng cậu. Lúc chưa biết gì, nó đã được cha nó trao cho nó một quyền lực mà tự nó, nó không thể hiểu được. Cũng như bao nhiêu những đứa trẻ khác, khi no nó vui, khi vui nó cười; lúc đói lúc đau nó la nó khóc. Tiếng khóc tiếng la của nó nghiễm nhiên trở thành những mệnh lệnh nghiêm khắc đối với kẻ hầu người hạ trong nhà. Ngay cả mẹ đẻ ra nó cũng phải nể sợ nó. Nhờ đó mà mẹ nó được lên nhà trên, nhờ nó mà người vợ lớn không thể ăn ở khắc nghiệt với mẹ nó như một đứa ở. Rồi đến lúc người vợ lớn mất, mẹ nó trở thành vợ chính của người chồng vốn là ông chủ của mình.

   Và bây giờ, thằng nhỏ đó, nó ngồi trước mặt bà, là kẻ giết người với cái chức đại úy, chỉ huy chi khu bình định này. “Nếu nó biết mình là ai thì chính tay nó, nó sẽ giết mình”. - Bà thầm nghĩ và nhai ngấu nghiến miếng trầu đang ăn.

   Rồi đến đứa con của nó hôm nay cũng chính tay bà đưa nó ra đời, cũng đứa con trai, đứa con trai đầu lòng, nó cũng được yêu thương như thằng cha nó ngày trước vậy. Cũng như bao nhiêu đứa nhỏ khác, không một ai có thể oán ghét được nó. Nhưng rồi, khi lớn lên, nó sẽ ra sao?

   Khác hơn tất cả mọi lần, sau khi chăm lo cho một người vượt cạn được mẹ tròn con vuông, bà không thấy vui mừng, không thấy thanh thản, cũng không có cái vui sướng của người làm nghề, mà như có một cái lưỡi câu đang móc ngược lên trong lồng ngực bà. Bà muốn đứng dậy, ra về. Nhưng bà cũng đã quen với cuộc sống hàng ngày đối mặt với kẻ thù. Bà Út Nhỏ, mẹ nó đang nói gì, bà không để tai, bà chợt hỏi:

   - Con của cháu, cháu định đặt cho nó tên Mỹ hay tên Tây?

   Không kềm được, bà muốn hỏi xỏ nó một câu cho hả bớt. Nhưng bà bị thất vọng vì tên đại úy không tỏ ra bực bội hay khó chịu. Nó cười, nó cười với cái vẻ của người rộng lượng trước một người kém cỏi vì không hiểu mình mà lỡ lời:

   - Cháu cũng là người Việt như thím. Nó là con của cháu, cháu đặt tên Tây, tên Mỹ làm gì?

   Chuyện đặt tên cho con, trả lời đến đó là đủ, nó phải thôi đi; nhưng sực nhớ điều gì sau một giây im lặng, nó ngước mắt nhìn bà, nó lại tiếp:

   - Bà con trong làng chưa hiểu cháu. Cháu không ưa Tây, chuyện đó dễ hiểu thôi. Vì cháu chưa làm việc cho Tây một ngày nào. Cháu chỉ mới làm việc từ ngày có chính phủ quốc gia. Cái gốc của cháu không phải là Việt gian. Cháu nói là cháu không ưa Mỹ thì khó tin quá. Nhưng thím cũng nên nhớ cho là trong hàng ngũ quốc gia hiện nay không phải ai cũng ưa Mỹ đâu. Có thằng đã bị chúng cháu bạt tai, chắc thím cũng nghe nói. Nếu cháu ưa Mỹ, phục Mỹ thì cuộc đời của cháu không như bây giờ. (Nó xòe ra hai bàn tay với cái nhún vai, cử chỉ áy bà thấy thật ngứa mắt). Thím ở đây, thím cũng thấy đó. Mỹ về đây, nó làm được gì. Chúng tôi phải mời nó đi. (Nói vậy mà nói được à? Bà nói thầm lại với nó) Từ ngày chúng cháu ra tay thì vùng này ra sao? Bình định! - Nó kết luận bằng hai tiếng gọn sắc, kiêu căng. (Nhà cháy, người chết... hiện lên trước mắt bà trong giọng nói của nó.)

   - Thím có thấy không? - Nó lại hỏi.

   Bà không thể ngồi cho nó khoe chiến công mà đối với bà là tội ác, bà cắt lời nó:

   - Cháu nói thím hiểu rồi, cháu cứ đi đi lại lại như vầy, cháu phải coi chừng. Bây giờ cháu không phải một thân một mình, cháu phải nghĩ tới thằng nhỏ.

   Bà Út Nhỏ, mẹ nó nói thêm vào.

   - Chị Chín nói đúng đó. Tôi nói nó hoài mà nó cứ dễ ngươi. Thời buổi này có yên đâu! Chị Chín còn nhớ năm kia không, mìn du kích nổ chết mấy thằng Mỹ với ông cảnh sát ngay trước nhà con Thon chớ đâu xa. Chị uống nước đi chị Chín.

   - Chị để đó tôi, tôi đang còn miếng trầu.

   Ly nước trà đường do chính tay nó pha cho bà, bà không muốn uống.

   Chưa làm gì được nó, bà muốn dọa nó một câu nhưng nó không có vẻ sợ mà lại cười, cái cười tự mãn, nó cười ngửa cả người, hai tay khuỳnh lên, trông thật ứa gan.

   - Nếu cháu cứ khúm núm trong đồn, nếu cháu không đi qua đi lại, không đi tới đi lui thì sao gọi là vùng bình định được hở thím?

   - Thôi đi! - Mẹ nó giận đến phải nạt vào mặt nó - Có ngày du kích nó thịt mày bây giờ, cứ dễ ngươi.

   Bị nạt, nó cũng không tự ái, không ngượng, mà ngửa cổ ra cười, cười hơ hớ giọng lên. Những thằng giặc ở trong làng mà bà gặp, những thằng hung bạo nhất, mặt mày nó cũng có nhớn nhác lo sợ, bà chưa gặp thằng nào tự mãn, tự đại như thằng này.

   - Nếu cứ lo nghĩ như má, không chết vì Việt cộng thì cũng chết mòn. (Nó đưa tay đánh một vòng tròn qua đầu) Không nói đâu xa, cháu chỉ nói trong vùng bình định này. Việt cộng còn được bao nhiêu? Còn không quá mười người? Đứng đầu là ai? Con Sáu Linh. Một bầy pháo cũng đủ tan xác rồi. Nhưng đó là hạ sách. Tôi muốn để họ tự thân trở về làm ăn như dân làng.

   Bà mỉm cười, biết nó nói gượng.

   - Con Sáu Linh không phải là người tầm thường - Mẹ nó nói - Mày đừng có dễ ngươi, tao nghe ở trong đó, anh em tôn nó là dũng sĩ. Mày đừng có dễ ngươi.

   Đại úy Long không gật gù bằng cái đầu, mà gập cả người trên cái ghế xa lông, nó không nói với mẹ mà nói với bà:

   - Về đây cháu có nghe, trong một cuộc hành quân, quân đội đồng minh bắt được cô ta, cô ta nói cái gì đó, đưa tay chỉ mấy con trâu ngoài đồng, quân đồng minh thấy cô ta đen đúa, tưởng là đứa chăn trâu, thả cô ta đi. Cô ta qua mặt được quân đồng minh chớ không qua mặt được cháu đâu.

   - Rồi mày sẽ được gặp. - Bà nói thầm...

          Sáu Linh, với cái giọng nhỏ nhẹ kể lại chuyện của bà Chín cho chúng tôi, chuyện chưa hết, nhưng Sáu phải dừng lại. Đã đến cụm vườn rồi. Bé Ba với mấy cô du kích đã nhảy qua con mương vườn, đi đã xa, không còn thấy nữa. Trăng cũng vừa lên.

   - Nè ông Thắng! - Năm Bờ đi sau cùng gọi với lên.

   - Hả? - Tôi quay lại.

   - Tôi cũng là người được bà Chín đỡ đẻ cho đó.

   - Vậy à? Những người do bà đưa ra đời có người ở phía bên này, có người ở phía bên kia! - Tôi gật gù thú vị với ý nghĩ của mình.

   Trong khi tôi tìm hiểu cuộc đời của Năm Bờ chưa xong, thì tôi nghe chuyện của Sáu. Đến lúc được gặp Sáu, chưa thấy rõ mặt người thì tôi lại nghe chuyện của bà mụ vườn. Bây giờ, tôi lại mong mỏi được gặp bà, một mẹ già đang sống và chiến đấu ngay trước mặt kẻ thù.

   - Nhảy qua, anh! - Sáu đi phía sau nhắc tôi.

   Tôi cắm cúi với ý nghĩ của mình, không để ý đến con mương vườn.

   Khi tôi đưa chân nhảy qua con mương để bước vào cụm vườn đang lốm đốm ánh trăng thì một trong những ý nghĩ về chuyến đi của tôi như đã để lại phía sau, phía bên kia con mương, nơi chấm dứt của cuộc hành trình. Tôi chợt nhớ buổi xế chiều ghé thăm bác sĩ Chín. Ông có nói với tôi: “Ông đi chuyến này cũng có nghĩa là ông đi theo tới cùng cái viên đạn đó. Nó không giết nổi chú ấy, nhưng ông xem nó có phá vỡ được hạnh phúc của chú ấy không?...”. Phải nói thật rằng, lúc mới nghe ông nói, tôi đã chộp lấy ý nghĩ ấy một cách vồ vập như vớ được một viên ngọc quý và tôi đã nâng niu suốt cả cuộc hành trình. Đôi lúc cái ý nghĩ ấy choán hết cả tâm trí của tôi nữa. Từ đó mà tôi băn khoăn, tôi lo âu, tôi phập phồng lo sợ hai người sẽ bỏ nhau. Tôi mong mỏi được thấy hai người sẽ vì đó mà yêu thương nhau hơn, để được nói lên một ý nghĩ mà tôi đã chuẩn bị trước. Viên đạn ấy có thể phá vỡ con mắt anh, có thể giết cả anh nữa, nhưng không thể nào phá được hạnh phúc của anh; đường đi của nó, viên đạn của quân thù dù có đi xa đến mấy cũng không thể chạm tới tâm hồn của chúng ta!

   Bây giờ, khi thấy hai người đã gặp lại nhau, tôi lại nghĩ khác. Vì viên đạn ấy, hai người sẽ gắn bó với nhau hơn, nhưng cũng có thể vì viên đạn ấy mà họ sẽ xa nhau. Âu cũng là chuyện thường tình ở trong đời, có gì đến nỗi? Cái điều lớn lao hơn của họ, của anh, của Sáu, của bà Chín, của anh Bảy Thá, của anh chị em du kích, của những người tôi mới nghe mà chưa biết mặt, của những người tôi chưa được nghe nhắc tới và cả tôi nữa, cuộc sống của mỗi người sẽ tiếp diễn ra sao trong sự mất còn của cái làng.

   Nhảy qua con mương, nhìn lại hai người, Năm Bờ và Sáu chắc nghĩ như tôi? Thoắt cái hai người đã qua con mương thật nhẹ nhàng.

   “Bủm!”

   Cái gì vừa đánh tõm xuống mặt nước? Tôi quay lại, một trái xoài rụng. Nhìn mặt nước gợn lên dưới ánh trăng, tôi tưởng như đó là viên đạn, con đường đi của nó đã mãn rồi, nó rơi ra khỏi người anh, rơi ra khỏi người tôi, nó nằm lại phía sau, dưới lớp bùn của con mương, nhìn xuống, chỉ thấy ánh trăng với một khoảng trời đêm.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:29:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 03:46:02 pm »

CHƯƠNG 7

   Đã nửa đêm.

   Tôi nằm duỗi chân dài theo võng, hãy còn ợ lên mũi mùi món canh chua bữa tối. Đã lâu tôi mới được ăn bữa canh chua ngon lành và no nê đến như vậy. Ở rừng cũng có lúc tát được cá, cũng nấu canh chua, nhưng không sao mò đâu ra cái thứ cá vồ tuyệt diệu này. Con cá vồ do ông già Hai đem đến, mừng Năm Bờ. Và nồi canh ở rừng không thể có đủ cái hương vị của rau om, rau tần như ở đồng bằng. Sau bữa cơm, Sáu Linh còn pha cho mỗi người một tách cà phê. Tách cà phê đậm sau món ăn béo ngậy với điếu thuốc Ruby, tôi thấy trong người sảng khoái lạ lùng. Và cũng vì tách cà phê mà mắt tôi mở trao tráo.

   Đêm nay hoặc ngày mai, bọn chúng có thể trả thù trận đánh trực thăng của du kích lúc xế chiều. Tôi ân hận vì không biết giữ gìn sức khỏe khi mới đặt chân đến một chiến trường lạ. Nhưng sau đó tôi lại thấy thú vị, nhờ mất ngủ mà tôi nghe được tiếng động của ban đêm. Đêm rừng. Trời lặng gió, rừng cũng xào xạc tiếng lá rơi, tiếng trái cây rụng lộp bộp, tiếng rì rào của con suối, tiếng con mang tác ngoài trảng... Đêm ở đây, cũng tiếng gió lùa, nhưng ngọn gió mang theo tiếng sóng mơ hồ, mang theo hơi mát của con sông, không có tiếng của con mang, nhưng có tiếng chó sủa giật mình nghe tiếng súng, tiếng xoài rụng đồm độp trên mái lá, tiếng gà chợt gáy với ánh trăng, tôi cảm thấy thắm thiết, âm ấm trong mùi lá âm ẩm sau cơn mưa, trong hơi gió thoang thoảng hương thơm của hoa quả trong vườn cây ăn trái. Nhưng cái thú vị hơn cả là tôi nghe cả cái hơi thở trăn trở của mỗi người.

   Trong bữa cơm tối, anh chị em du kích lần lượt đến thăm Năm Bờ. Nhưng không thể rời lâu vị trí chiến đấu của mình, họ chào mừng, nói năm ba câu chuyện rồi ra về, hẹn lại một dịp khác. Cả Bé Ba, người tôi quen đầu tiên cũng đi. Cô xuống xuồng bơi về phía bên kia bờ kinh, chỗ cô ở, và vị trí chiến đấu của cô.

   Trong văn phòng xã đội, nhà sàn nhỏ đã bỏ hoang trong vườn xoài, chỉ còn có Năm Bờ, tôi và người chủ của nó: Sáu Linh, vừa là xã đội trưởng vừa là bí thư xã.

   Dưới sàn nhà, văn phòng của xã đội, tôi với Năm Bờ mắc võng theo hình tam giác giữa nhà trên hầm chống phi pháo. Sáu Linh mắc võng ở gần bếp trên một hầm nhỏ, cách cái chân võng tôi không xa, độ nửa tầm đất là cùng.

   Tôi nghe Năm Bờ trở mình sột soạt trên chiếc võng ni lông. Anh không ngủ được là chuyện đã đành. Còn Sáu Linh, cô bảo một hớp cà phê cũng làm cô thức đến sáng trắng, cô không uống, nhưng cô có ngủ được đâu. Cô nằm trong mùng, cái mùng cà lé màu xanh căng dài theo võng, một chân thòng xuống đất, lắc võng khẽ đu đưa, thỉnh thoảng lại thở dài. Hình như cô muốn trách Năm Bờ qua tiếng thở dài đó? Tôi lại thấy mình thật vô lý, sao lại mắc võng ở đây. Nhưng biết làm cách nào được. Nghĩ vậy thôi, chớ tôi không có mặt ở đây thì mỗi người đã ngủ mỗi nơi rồi.

   Tôi đoán là hai người muốn nói chuyện với nhau, đúng vậy. Tôi thấy Sáu vẹt mùng, ngồi dậy, kéo mái tóc rũ dài xuống ngực mình.

   - Anh Năm, anh không ngủ được à? - Cô cất tiếng, hỏi khe khẽ.

   - Cà phê em pha đậm quá! - Năm Bờ cũng vẹt mùng, ngồi dậy, đáp lại.

   Sáu đứng dậy, đi ra sau võng, trở lại với chiếc ghế đẩu để hơi xa chiếc võng của mình:

   - Anh Năm ngồi đây, em kể chuyện cho anh nghe.

   Từ lúc gặp nhau đến giờ, hai người chưa được gặp riêng lấy một phút. Năm Bờ ngồi lên ghế. Sáu Linh ngồi trên võng, cách nhau không quá một tầm tay. Năm Bờ ngồi xoay lưng lại phía tôi, che khuất cả Sáu. Tôi không muốn tò mò, nhưng bởi tại cái tách cà phê và cũng chính do tay cô pha cho.

   Trước nhà qua một cái sân, đến con đường đất nhỏ là dòng kinh, có bến nước với cây cầu dưới bóng ba cây dừa. Đêm trăng này, hai người sao không đưa nhau xuống đò, trò chuyện có hơn không? Tôi thầm nghĩ và thở nhẹ như đã ngủ say.

   - Từ ngày anh đi.

   Tôi nghe cô nói, giọng nho nhỏ trong hơi thở, chắc cô đang tìm lời để bắt đầu vào chuyện.

   Cô tiếp:

   - Mới có hai năm mà xã mình thay đổi quá.

   Sao, vẫn chuyện tình hình!?

   - Lúc ở Rờ, nghe tụi Mỹ rút khỏi đồng bằng sông Cửu Long, chắc anh tưởng tụi em sướng lắm? Anh ở xa, nếu anh nghĩ như vậy là đã đành; còn em, em ở lại xã đây, em cũng tưởng như vậy. Nhưng có phải như vậy đâu anh! Bê bối vô cùng. Mấy em nói đùa với nhau, đợt này là đợt phấn khởi “tơi bời”. Trong cái lúc đáng lẽ mình phải chồm lên, thì bao nhiêu sức lực mình đã dồn cho năm sáu mươi tám. Hội nghị Pari, thằng Mỹ buộc phải cuốn gói khỏi đồng bằng. Xã nhà chưa kịp củng cố lực lượng, thì nó mở đợt bình định, bình định cấp tốc, bình định đặc biệt, nó đánh từ sau lưng mình, đánh tới. Mỗi một cây súng, đạn còn không quá hai mươi viên. Toàn xã mà lựu đạn gài chỉ có hai mươi trái. Đánh một trận hết trọi hết trơn. Mỗi người chỉ còn có hai trái lựu đạn để thủ thân. Còn tụi nó, nó dồn quân lại, thằng Long trở về. À, từ chiều đến giờ em quên nói với anh là thằng Bá, lúc đó nó trở lại làm cảnh sát, anh có nghe không?

   - Anh nghe tin thằng Long trở lại từ lúc ở Rờ, còn thằng Bá, thì anh nghe từ lúc gặp Bé Ba.

   - Dà. Em kể tiếp cho anh nghe! Lúc đó đêm cũng như ngày, trực thăng tốp đi tốp lại, cái xuống cái lên như chuồn chuồn đáp nước. Bọn nó chà đi xát lại, nó cưỡng bức hành quân đến nỗi, trực thăng vừa thả giò xuống là có thằng mệt quá, ngã lăn trên bờ ruộng, ngáy khò khò. Có thằng vô tới nhà dân, nằm ngủ luôn trên bộ ngựa của dân. Trong mấy cuộc càn quét đó có một đại đội chuyên moi hầm, chỉ huy là thằng chiêu hồi. Nó moi hầm như vầy đây nè. Một đại đội dàn hàng ngang, mỗi thằng cách nhau một tầm tay, ngồi chồm hổm, hai tay cứ bươi từng cọng rác, cọng cỏ, nó bươi còn kỹ hơn là gà bươi nữa, nó cứ nhích lên từng bước. Hôm đầu, em không biết nên cứ bám hầm. Em nghe nó bươi qua hầm em. Em tưởng như có hàng ngàn triệu con chí đang lúc nhúc bò trong đầu mình, vừa rởn tóc gáy vừa nhột nhạt cả da đầu, vừa căng thẳng. Em nghe những cái ngón tay của tụi nó bươi rát rạt trên mặt đất, tưởng như có kiến bò trong xương sống của mình. Em nghe những ngón tay của nó mần mò gần đến chỗ nắp hầm. Không thể nào thoát được. Một là sống hai là chết. Em móc trái lựu đạn gài, rút chốt, ấn vào lỗ thông hơi. Nhờ làm cái hầm kỹ lưỡng em mới sống. Cái hầm của em, lỗ thông hơi em làm vừa khít trái lựu đạn. ấn trái lựu đạn gài vào lỗ thông hơi rồi, còn trái lựu đạn da láng em cũng rút chốt, cầm tay. Phen này thì chia hai, chắc mẻm như vậy, chẳng có cách nào khác hơn! Mày chết, tao chết. Lúc đó, em chỉ có nghĩ như vậy thôi! Em cầm cây thông nòng đẩy trái lựu đạn gài lên. Lúc đầu em đẩy từ từ rồi em thọc mạnh. Một tiếng nổ váng đầu. Em bật nắp hầm, nhảy vọt lên. Em không có thì giờ mà nhìn thấy cái gì nữa. Sau này nhớ lại mới biết là trái lựu đạn gài giết được ba thằng, làm bốn thằng bị thương. Còn tụi kia thì nằm rạp xuống. Vọt lên, em cứ chạy, được một quãng, em quay mình liệng thêm một quả thứ hai. Em chạy được một khúc mới nghe nó bắn theo. Nó bắn hoảng. Chẳng biết nó bắn thế nào mà hai cái ống quần của em rách tưa ra, tay áo cũng bị lủng mấy lỗ, mà em thì chẳng làm sao. Ba bốn ngày sau, ngồi một mình em cứ tự hỏi mình, mình đang ngồi, đang sống thật à? Em thì như vậy Còn anh Cỗi bí thư, ảnh rủi hơn em. Ảnh cũng vẹt nắp hầm, liệng lựu đạn, nhưng cái chỗ của ảnh, có một nhóm bộ binh với thằng Long ở gần đó. Mấy thằng moi hầm không kịp bắn ảnh, nhưng thằng Long đang ở cụm vườn gần đó, trái lựu đạn của ảnh có mấy cái miếng chạt qua cây xoài cạnh bên thằng Long, còn một miếng thì chạt qua ống tay áo của nó, uổng quá! Nó thấy ảnh đang vọt qua con mương, nó bắn ảnh bằng cây súng ngắn. Ảnh té xuống mương nước, chồm lên không được nữa. Bọn nó lấy xác ảnh đưa lên trực thăng, đem về chi khu trong bữa khao quân. Tụi nó coi đó là chiến công đầu. Phóng viên báo “Tiền tuyến” của nó ở Sài Gòn xuống phỏng vấn, chụp hình, quay vô tuyến truyền hình. Báo chí nó khen thằng Long là người hùng. Xem vô tuyến truyền hình, người ta thấy nó bận nguyên cái bộ đồ rằn ri có rách một ống tay áo đứng trả lời với phóng viên nhà báo. Nó càng lên mặt.

   Đêm bị khuấy động vì tiếng pháo. Làm như Sáu nhắc tới nó thì nó giật mình bắn hoảng vậy. Tiếng pháo bay vèo vèo nổ ùng oàng, một trái nổ ở bên kia bờ kinh, một trái bay lướt qua chỗ của chúng tôi, nổ. Một trái lại nổ ngoài cánh đồng. Tôi cũng đã quen với tiếng pháo của chiến trường nên vẫn cứ nằm yên. Thấy hai người vẫn ngồi đó, tôi càng yên tâm.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:29:53 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 03:47:01 pm »

Sau tiếng pháo, đêm lại chìm xuống trong tiếng lá khua động của khu vườn. Sáu Linh lại tiếp:

   - Trong ngày đó, bọn nó bới được hơn hai mươi cái hầm, phần lớn là hầm cũ. Nó huênh hoang là nó biết được ba mươi sáu kiểu hầm của Việt cộng. Sau đó, tụi em thấy không thể sống ở hầm bí mật được nữa, tụi em bảo nhau, nó biết ba mươi sáu kiểu hầm thì bây giờ mình phải sống kiểu hầm thứ ba mươi bảy. Anh đi đã lâu, anh biết kiểu hầm thứ ba mươi bảy của tụi em là kiểu hầm gì không? Tụi em cứ len lỏi mà tránh. Lúc đó, nếu không thoát lên mặt hầm, cứ cố thủ ở đó thì thế nào cũng bị nó phát hiện. Nhứt là các đồng chí ở xa mới về, hoặc là các đồng chí theo đường dây giao liên tạt qua để chờ chuyến qua sông. Anh nhớ không? Hồi trước, lúc thằng Mỹ bắt đầu đổ quân, nó bắn dọc theo kinh, dân mới dời nhà ra đồng hợp pháp hóa với nó. Bây giờ đợt “bình định” vừa rồi, nó bắn, nó đốt cả những ngôi nhà rải rác trên mặt đồng.

   Dân cũng chưa chịu bỏ đi, bà con lại dời nhà vô vườn. Nó lại đem xe ủi cả vườn tược. Nhưng dân làng cũng không phải đi vì bom đạn. Nó xúc dân bằng cách khiêng từng hũ gạo, hũ mắm đưa lên trực thăng chở đi. Nó lùa cả trâu vào một cái túi lưới, rồi túm lại, cho trực thăng cần cẩu móc lên. Đứng ở dưới nhìn lên thấy mấy con trâu trong túi lưới lủng lẳng dưới cái bụng của trực thăng cần cẩu cái đầu với hai cái sừng của nó giãy dùng dằng như muốn chém đứt dây lưới để nhảy chồm xuống đồng cỏ. Nhìn mấy cái chân của nó bơi bơi, thương đứt ruột đứt gan. Có người đi ra ngoài rồi còn nhắn lại với tụi em: “Tôi đi theo mấy con trâu, tôi không theo giặc đâu”. Tụi nó còn có cả một đại đội chuyên đi hiếp phụ nữ nữa. Như nhà chị Nở, nó vét chén đũa của chị lên trực thăng, chị cũng không chịu đi. Nó mới cho một thằng lính trong đại đội đó tới. Cái thằng đen như củ súng, nó cởi trần truồng, rồi nó chỉ đứa con gái của chị. Con bé mới có mười hai. Con bé sợ quá, chạy lại ôm chị. Chị ôm con nhìn lại tụi nó: “Đến cái nước này thì tôi đi!”.

   Lúc anh còn ở đây, ban ngày ở địa hình, tối tối nhìn ra đồng đèn sáng giăng giăng, nhà nào cũng mở đài nghe hát, nghe tin tức, nhà này mời ăn chè, nhà kia mời uống nước... thiệt vui. Còn những ngày đó, đêm nhìn ra đồng, lạnh tanh. Giờ phút đó mới là giờ phút ác liệt nhứt của tụi em.

   - Lâu nay mình có liên lạc với bà con mình ở ngoài đó không? - Nãy giờ, Năm Bờ mới lên tiếng, anh hỏi.

   - Được nhưng mới lẻ mẻ từng người thôi!

   - Anh muốn ra ngoài, bắt liên lạc với bà con, gây lại cơ sở, tình hình này em thấy có được không?

   - Được chớ anh, nhưng phải đợi em ra em chuẩn bị, tụi nó biết mặt anh nhiều. Anh phải ở đây lâu lâu, dưỡng sức, anh ốm quá. - Sáu nói với giọng thỏ thẻ, săn sóc, lo âu.

   Đêm lại bị khuấy động vì tiếng bay của chiếc Đakôta rè rè từ tận trong đồng sâu, bay ra, dọc theo con kinh. Nó vừa bay vừa mở một cái băng vọng cổ bài ca chiêu hồi. Tiếng đờn và giọng hát vọng xuống, lẫn trong tiếng bay ồn ồn ào ào. Ù ù ù rồi tẳng tằng tăng... anh hỡi anh ơi gì đó, rồi ù ù, rồi lại tẳng tằng tăng... cứ ì ì ồm ồm, hai lỗ tai không chịu nổi, phát bực. Nó lại bay vòng theo con kinh trên cụm vườn, và khi dứt sáu câu thì nó nói dội xuống “Chiêu hồi... tử thần”. Động cả đêm khuya. Khi nó bay vòng qua bên kia bờ kinh, tôi nghe có tiếng súng dưới mặt đất bắn lên, ba tiếng. Tôi suýt bật cười vì nhớ đến hình ảnh một du kích đất Long An. Không ai ưa cái chiếc Đakôta chiêu hồi này, nó cứ làm cho người ta mất ngủ, nhức tai. Đêm đó, tôi ngủ với anh. Nghe nó bay tới là anh xách súng ra bắn. Anh bắn nó. Viên đạn lửa vọt lên. Chiếc Đakôta đó bao giờ cũng bay quá tầm súng của du kích, của anh. Viên đạn của anh, một đốm lửa lừ lừ bay lên, khi sắp đụng chiếc máy bay thì đường đi của nó cong lại, nhểu xuống, rồi tắt mất. Nếu còn sức đi thẳng thì chiếc máy bay đó cháy rồi. Viên đạn cách chiếc máy bay ít nhất cũng vài ba mươi thước, nhưng ở dưới nhìn lên, thấy nó sắp đụng chiếc máy bay, thấy như cách chừng một gang tay là cùng. Anh vừa ức vừa tiếc. Anh kêu lên: “Còn một chút nữa thôi”. Anh bắn thêm một phát nữa. Viên đạn lửa lừ lừ bay thẳng lên, khi nó sắp mãn, đường đi của nó vừa cong xuống thì anh đứng khum khum, súng để dựa vào một bên vai, đưa hai tay khoát lên như khoát nước, mắt ngước nhìn theo viên đạn la to: “Còn một gang nữa, ráng lên con, ráng lên con...”. Viên đạn không ráng được. Anh bắn phát thứ ba, và cũng làm như vậy, lần này hai bàn tay anh khoát mạnh hơn và kêu viên đạn của mình to hơn. Nhìn theo viên đạn uốn cong xuống dưới cái lườn của chiếc Đakôta, anh chửi thề một tiếng thật tục, nhưng rất dễ thương.

   Chiếc Đakôta chiêu hồi này bao giờ cũng vậy, hễ tiếng súng dưới mặt đất bắn lên là vội vã, rè rè bay thẳng.

   Chiếc Đakôta quần qua khu vườn, trên đầu tôi, bay thẳng ra sông lớn. Ba tiếng súng ở bên bờ kinh, nghe như tiếng súng CKC, chắc là tiếng súng của Bé Ba. Chắc cũng như tôi, như hai người đang nói chuyện với nhau kia, cô hãy còn thức. Nếu mình cũng được ngồi nói chuyện với cô như hai người ngồi đó, dù không nói chuyện riêng tư, nói với nhau chuyện làng chuyện nước, như vậy cũng thích lắm rồi... Tôi lại thấy cái nốt ruồi son của cô. Tôi mơ màng, rồi ngủ thiếp đi. Tôi ngủ mà tai vẫn nghe tiếng thầm thì của hai người…
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:30:03 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 08:30:01 am »

CHƯƠNG 8

   Tôi ngủ trong tiếng bay của chiếc đầm già đang xoáy tròn trên vùng cỏ sau cánh đồng. Tiếng bay của chiếc trinh sát L19 này rất lạ, khi nghe nó người ta hồi hộp, đứng ngồi không yên, nhưng mi mắt lại nặng cứng, thiu thiu muốn ngủ, và khi đang ngủ thì tiếng bay rền rĩ của nó như để người ta chìm sâu xuống giấc ngủ say.

   Tôi muốn choàng dậy mấy lần nhưng không dậy nổi. Nhưng lại mơ thấy vươn vai, ngồi dậy, vắt mùng ngang qua dây, xách thùng theo con đường mòn đổ ra suối. Rồi tôi lại thiếp đi. Đến lúc có một tiếng nổ lớn tôi mới thoát ra khỏi vòng vây của giấc ngủ. Tôi ngồi bật dậy, bừng mắt mới biết mình đang ngủ dưới sàn nhà của chiến trường đồng bằng. Người ê ẩm. Năm Bờ, Sáu Linh, hai người đã dậy từ lúc nào, cuốn võng đi đâu mất. Tôi đưa tay xem đồng hồ, đã chín giờ. Nắng rơi đầy ngoài khu vườn. Nắng đồng tươi vàng như lõi mít. Tôi vội rửa mặt. Quay trở vào, thấy Sáu Linh bước vào sàn nhà, để đỡ ngượng vì dậy muộn, tôi hỏi lớn:

   - Anh Năm đâu rồi, chị Sáu?

   - Bé Ba dẫn ảnh đi thăm anh em với bà con rồi.

   - Sao chị không gọi giùm tôi.

   - Ảnh có công việc của ảnh, còn anh có công việc của anh. Việc của anh là ngủ. Hồi hôm tôi với ảnh nói chuyện rì rầm làm anh mất ngủ, phải để cho anh ngủ chớ!

   Vậy là cô biết đêm qua mình thức để nghe lén. Có lẽ vì vậy mà hai người chưa tiện nói đến chuyện riêng? Tôi hơi ngượng.

   Nhưng Sáu thì vẫn tự nhiên.

   Bây giờ tôi mới để ý thấy dưới cái bàn làm việc của Sáu - kê cạnh bên cái hầm - có để một cái lu. Sáu khom người, đưa tay lấy ra ba trái xoài chín vàng để lên bàn:

   - Anh ăn xoài lót lòng, rồi tôi với anh bàn chút việc.

   - Chị ăn đi.

   - Tôi, anh Năm với Bé Ba ăn rồi.

   - Mấy chị ở đồng bằng sướng thật. Lúc nào cũng có chất tươi.

   - Cũng có lúc vầy lúc khác, sướng như vậy tôi không ham.

   - Sao vậy chị?

   - Nó xúc dân đi hết, những bữa đang ăn, nghĩ tới, ăn cơm mà như ăn rơm. Anh ăn đi.

   Xoài thanh ca thơm ngọt, chỉ muốn ngửi chớ chẳng muốn ăn. Tôi cầm trái xoài, cắn cái cuống lấy răng lột vỏ, tôi quay mặt ra vườn - cho lịch sự - cầm trái xoài mà cạp như hồi còn nhỏ. Tôi ăn hai trái, còn một trái để vào túi quần, cho thơm.

   Tiếng đầm già vẫn còn đang xoáy tròn ngoài cánh đồng sau vườn, tôi hỏi:

   - Hồi nãy nó bắn đâu vậy chị?

   - Nó bắn mấy cái nhà ngoài đồng ấy mà! Về đây thì ngày nào anh cũng nghe nó. Bây giờ anh đi với tôi, xem địa hình địa vật, xem hầm bí mật.

   Sáu đưa tôi đến hầm bí mật trong vườn xoài. Sáu đưa tay quét lớp lá xoài khô sang một bên.

   - Anh có thấy sợi dây chì này không? Dây nắp đây. Anh kéo nắp lên thử xem. Tôi nghe anh Năm nói là ở Rờ không cần hầm bí mật, hồi sáng ảnh dặn là phải chỉ cho anh thật kỹ.

   Tôi cầm sợi dây chì, kéo cái nắp lên, hơi nặng. Cửa hầm nhỏ, tôi ghé mắt nhìn xuống, mùi đất xông lên âm ẩm.

   - Anh xuống thử xem.

   Tôi làm theo lời của cô. Tôi thò hai chân xuống, đứng dưới đất, rồi thu hai vai chui xuống. Cái cửa hầm vừa khít với người tôi. Tôi bật hộp quẹt để xem. Một cái hầm khá rộng, có thể ngồi được ba người. Trong hầm có hai chai nước trắng, một cái hũ cơm khô. Bốn góc hầm có bốn cái lỗ thông hơi là ống nhôm cuộn tròn, lỗ thông hơi vừa tròn khít trái lựu đạn. Tôi cầm cây tre nhỏ đưa theo lỗ thông hơi, nhớ đến trận đánh thoát thân của cô mà cô đã kể lại với Năm Bờ, đêm qua.

   - Xem xong chưa anh, lên đi.

   Tôi chui lên khỏi hầm, phủi áo, phủi quần.

   Tôi hỏi:

   - Anh Năm có hầm chưa chị?

   - Ảnh với Bé Ba trốn chung. Ảnh thì khỏi lo, ảnh quen rồi. Hầm này là hầm của tôi với anh. Có chuyện gì thì tôi với anh trốn chung.

   Nói xong, cô ngước nhìn tôi, như đoán được ý tôi, cô tiếp :

   - Du kích tụi tôi có kinh nghiệm, một cái hầm toàn là nam hoặc toàn là nữ thì dễ bị ngộp lắm. Còn một cái hầm có nam có nữ thì dễ thở hơn.

   Điều này tôi mới nghe lần đầu, tôi kêu lên:

   - Ngộ quá ha. Sao vậy?

   - Trời sanh ra vậy ai mà biết, tôi không cắt nghĩa được, nhưng kinh nghiệm là vậy. Hôm nào có càn, anh sẽ biết.

   Năm Bờ với cô một hầm, tôi với Bé Ba một hầm, có hợp lý hơn không?

   Biết mình nghĩ bậy, chẳng biết làm gì cho đỡ ngượng, tôi bước tới rồi nhảy qua bên kia mương.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:30:13 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2019, 08:32:23 am »

Trong lúc đó, cô đậy lại nắp hầm, khỏa hai lớp lá khô, cô hỏi:

   - Hồi hôm anh có nghe tôi kể bọn nó bươi hầm không?

   - Có! - Tôi thú nhận - Chỗ đó ở đâu?

   - Ở tận ngoài kia, xa lắm.

   - Nó khui hầm như vậy, sao bây giờ mình vẫn ở hầm.

   - Lâu lâu cái tụi moi hầm nó mới đến một lần, không phải trận càn nào cũng có. Với lại, lúc nào bí lắm, mình mới xuống, phải ở trên mà đánh nó chớ anh.

   Tôi với Sáu cùng ngồi dưới bóng một cây xoài, nhưng cách nhau một con mương vườn.

   Tôi ngồi bệt xuống đất, nhìn sang. Cô ngồi bên nắp hầm trên lớp cỏ non xanh, bó gối, tấm vải dù bông khoác từ vai phủ đến chân.

   - Tôi nghe Bé Ba nói anh là người ở bên kia sông?

   - Dà!

   - Nghe nói lâu lắm anh chưa gặp lại gia đình?

   - Dà!

   - Cha mẹ anh em anh còn đủ không?

   - Má tôi mất từ hồi tôi còn nhỏ. Cha tôi hiện nay nghe nói là ở Sài Gòn, chị tôi với mấy đứa em đều có chồng có con, mỗi người một nơi, chỉ còn có chị tôi ở lại làng thôi!

   - Chừng nào anh muốn thăm anh cho tôi biết, tôi nhờ người đi đón về.

   - Tôi cũng định vậy, nhưng để thư thư một chút.

   - Từ trước tới giờ anh có qua lại đây lần nào không?

   - Có, hồi còn nhỏ. Chú tôi có vợ trong ngọn Đốc Vàng. Tôi nhớ, năm một nghìn chín trăm bốn mươi bốn, bà nội tôi chết, tôi đi đò qua đây, tìm chú thím tôi. Cái chợ ở ngoài Vàm, hồi đó, tôi nhớ chỉ có hai dãy nhà lá, lèo tèo lắm.

   - Bây giờ là chi khu, lớn lắm, phố ngói, có đèn điện. Dân chúng dọc theo kinh, bị xúc ra đó, chật cứng.

   - Tôi làm sao ra đó được?

   Tôi muốn biết cái ấp chiến lược nó ra làm sao!

   Tôi nói cho có chuyện, để tìm cách dò hỏi chuyện giữa cô với Năm Bờ - Bây giờ tôi mới nhìn rõ cô. Một cô gái không đẹp, cũng không xinh xắn, nhưng ở cô lại có một vẻ riêng hết sức đặc biệt. Sáng nay cô mặc áo bà ba vải nhưng nở nang, nước da bánh ít, trông mặn mà. Cái vẻ riêng của cô không phơi bày ra trong làn da nước tóc, như ẩn như hiện lên trong đôi mắt của cô. Đôi mắt đen màu hột nhãn, đôi mắt lung linh, thăm thẳm lại mênh mông. Đôi mắt cô đang xôn xao một niềm vui thầm kín, cô muốn che giấu nhưng không giấu nổi, nó chợt tắt rồi chợt sáng, mỗi lần cô chớp mắt, nó lại sáng lên anh ánh. Tôi chưa biết bắt đầu từ đâu để gợi chuyện của hai người thì cô nói:

   - Anh muốn ra ngoài cũng được. Có hai cách, một là bí mật, hai là đi theo con đường hợp pháp.

   - Tôi có thẻ căn cước của nó.

   - Vậy à? Hai con mắt cô mở to, nhìn tôi - Anh có đó không? Cho tôi xem.

   Tôi móc bóp, lấy cái thẻ căn cước, xích tới bờ con mương, với đưa cho cô.

   - Giống quá! - Cô cầm cái thẻ căn cước bằng nhựa của tôi xem - Của mình làm hay của nó vậy anh?

   - Của mình.

   - Giống quá! - Cô tặc lưỡi - Anh làm hồi nào vậy.

   - Hồi tôi theo bộ đội vào Sài Gòn năm sáu mươi tám, phòng lúc bị lạc đường.

   - Giấy này đi được đó, tôi mà có cái thẻ như vầy tôi cũng đi - Cô cầm cái thẻ, với tay đưa lại cho tôi:

   - Anh cất đi, khi nào có dịp, tôi sẽ tổ chức cho anh đi. Nói vậy chớ cũng khó lắm. Thằng cảnh sát Bá này ác ôn lắm. Nó có một cái lưới để dò xét người lạ mặt, ở bến xe, bến tàu, ngoài chợ, trong tiệm nước, đâu đâu cũng có người của nó. Người ở Sài Gòn về, thấy lạ mặt là nó mời vô bốt, tống tiền rồi mới được đi.

   - Nó là người ở làng hay ở đâu?

   - Nó là người ở xứ khác tới, nó với anh Năm, hai người như có duyên nợ.

   - Vậy à? Nó với ảnh có bà con họ hàng với nhau hay là nó có nợ máu với ảnh?

   - Chuyện đó anh phải hỏi ảnh, tôi cũng nghe ảnh nói lại thôi.

   Nghe cô bảo vậy, lúc đầu tôi cũng có ý định sẽ hỏi Năm Bờ, nhưng ngay lúc đó tôi lại hiểu. Chuyện của Năm Bờ cũng chính là chuyện của cô. Vả lại, tôi đang muốn ngồi lại dưới bóng cây xoài giữa con mương vườn yên tĩnh, và muốn nghe cô nói.

   - Thì chị cứ kể cho tôi nghe đi.

   Cô nhìn tôi, đôi mắt ấy niềm vui trong cô lại ánh lên. Tôi biết cô muốn nói, muốn nhắc đến chuyện, đến người và tên của Năm Bờ.

   - Chuyện này tôi nghe ảnh kể lại trong một cái chòi lúc tôi với chị em du kích đi đón ảnh về.

   Tôi nhớ cái chòi ấy rồi, cái chòi mà Năm Bờ đã kể với tôi đêm đầu tiên anh gặp người con gái dũng sĩ này.

   - Tôi với ảnh tuy là người cùng làng, nhưng ảnh ở ngoài sông, còn tôi thì ở trong kinh, kinh này. Tôi nghe nói mà không biết mặt ảnh. Nhưng thôi! Tôi không kể cho anh nghe nữa đâu!

   - Sao vậy? Mới mở đầu rồi sao lại thôi!

   - Anh biết rồi!

   - Chuyện đó tôi chưa biết thiệt mà.

   - Sao anh lại cười. Tôi biết, chuyện gì mà ảnh không kể với anh - Sáu bật đứng dậy, xoay mình đi, như muốn giấu vẻ sung sướng và xấu hổ.

   Tôi không muốn nài nỉ, nhưng tôi vẫn muốn ngồi lại và nghe cô nói. Với lại chuyện của Năm Bờ tôi không háo hức bằng chuyện của những người khác, chuyện của bà mụ vườn.

   - Cô không kể nữa thì thôi, nhưng cô ngồi lại đi, tôi muốn hỏi chuyện khác.

   - Chuyện gì, anh nói đi! - Cô nói nhưng vẫn chưa ngồi xuống, và ngước mắt nhìn lên cây xoài đang đơm trái.

   - Tôi muốn hỏi chuyện của bà Chín.

   - Anh muốn hỏi bà mụ vườn ở ngoài ấp phải không?

   - Phải!

   - Tối mai tôi sẽ bố trí cho anh gặp.

   - Thiệt hả? - Tôi vui mừng hỏi lại.

   - Tối mai. À! Còn chuyện này tôi định bàn với anh.

   Cô ngồi lại chỗ cũ, nhìn lại tôi.

   - Sáng nay tôi có bàn với anh Năm. Ngoài ấp chiến lược có một nhà báo ở Sài Gòn mới về. Ông nhà báo này nghe nói cũng là người cùng làng với anh, ở bên kia sông. Ông ta là bạn của thằng Long, đang ở trong nhà nó. Ông này lạ lắm, ổng muốn vô vùng du kích của mình để tìm hiểu kháng chiến. Mấy hôm nay tôi lúng túng quá. Ổng muốn gặp tôi nhưng tôi thì lại đi ra đi vô, cho ổng gặp không tiện. Ổng chạm mặt tôi một lần rồi, đêm trăng dưới bến sông, tôi cũng hỏi ổng một vài câu, nhưng ổng có biết tôi đâu. Bây giờ có anh với anh Năm, nếu ổng có vào thì anh với anh Năm tiếp chuyện với ổng.

   - Ông ta chừng bao nhiêu tuổi.

   - Nhỏ thôi, cũng cỡ với anh.

   - Là người cùng một làng với tôi.

   - Tôi nghe nói vậy.

   - Người cùng làng, lại cùng một lứa tuổi, rất có thể là bạn học của tôi cũng nên. Ông ta tên gì?

   - Hoài Sơn.

   - Chắc không phải là tên cúng cơm?

   - Mấy ông nhà báo, ông nào tên nghe cũng hay.

   - Tướng tá ông ta ra làm sao?

   - Cao nhòng, ốm nhách, móm xọm trông như thằng ghiền.

   - Hay là...

   - Anh nhớ ra rồi hả?

   - Không chắc lắm. Hồi nhỏ tôi có một thằng bạn học, tướng tá cũng như vậy, nhưng không phải tên Hoài Sơn, mà tên Hơn. Tụi tôi gọi là thằng Hơn móm.

   - Hay ông ta đổi tên đổi họ, thời buổi bây giờ, bên nó cũng như bên mình hay đổi tên đổi họ lắm.

   - Sao cô biết nó muốn vào vùng mình?

   - Ông ta nói với thằng Long, bà Chín nghe được, bà Chín kể lại với tôi. Ông ta dự định, nếu không tìm được người đưa đường thì ông ta đi đại cho du kích bắt. Gặp được bà Chín, anh sẽ rõ hết mọi chuyện.

   - Nghe cô nói, tôi sốt ruột quá.

   - Tối mai.

   - Tối mai? - Tôi mừng rỡ hỏi lại.

   - Tôi có hẹn, tối mai bà sẽ đến chỗ hẹn để đưa tôi ra ngoài. Anh Út Đợ xã đội phó sẽ đưa anh đi. Chuyện ngoài ấp chiến lược, anh cứ hỏi bà Chín, còn chuyện du kích chuyện trong làng, anh cứ hỏi anh Út Đợ.

   - Anh Út Đợ? Phải anh tối hôm qua ôm anh Năm Bờ nhấc bổng lên đó không?

   - Phải. Ảnh vui tánh lắm.

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:30:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM