Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:09:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa gió chướng  (Đọc 12898 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 04:16:53 pm »


MÙA GIÓ CHƯỚNG

Tác giả : Nguyễn Quang Sáng

Rút trong tập “NGUYỄN QUANG SÁNG -
Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh”

Nhà xuất bản Văn học 2007

Số hóa: hoi_ls











NGUYỄN QUANG SÁNG - MẤY NÉT TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM




   Nguyễn Quang Sáng có bút danh Nguyễn Sáng, ông sinh ngày 12-1-1932, nguyên quán tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; mất ngày 13-2-2014 tại thành phố Hồ Chí Minh.

   Tháng 4 năm 1946, Nguyễn Quang Sáng xung phong đi bộ đội làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Năm 1948, ông được đơn vị cho đi học thêm văn hóa ở trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, ông về công tác tại phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ. Rồi làm cán bộ chuyên nghiên cứu tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo.

   Năm 1955, Nguyễn Quang Sáng theo đơn vị tập kết ra Bắc, rồi chuyển ngành về làm cán bộ phòng Văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cho ra đời truyện ngắn Con chim vàng. Từ năm 1958, ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên Tuần báo Văn nghệ, biên tập nhà xuất bản, cán bộ sáng tác; và cho ra đời truyện ngắn Người quê hương. Ông nhận Giải thưởng văn học trong cuộc thi viết truyện ngắn báo Thống nhất cho tác phẩm Ông Năm Hạng, nhận Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội cho tác phẩm Tư Quắn vào năm 1959. Năm 1962, ông xuất bản tiểu thuyết Người ở lại; và năm 1963: tiểu thuyết Đất lửa. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng và cho xuất bản truyện vừa Câu chuyện bên trận địa pháo. Năm 1968, ông cho xuất bản truyện ngắn Chiếc lược ngà; năm 1969 cho xuất bản truyện ngắn Bông cẩm thạch. Năm 1972, Nguyễn Quang Sáng ra Hà Nội và tiếp tục công tác ở Hội Nhà văn. Năm 1975, ông cho xuất bản truyện vừa Cái áo thằng hình rơm, tiểu thuyết Mùa gió chướng.

   Sau ngày giải phóng miền Nam, Nguyễn Quang Sáng trở lại thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố Hổ Chí Minh các khóa 1, 2, 3. Ông cho xuất bản truyện ngắn Người con đi xa, kịch bản phim Mùa gió chướng vào năm 1977 - được nhận Huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc năm 1980; kịch bản phim Cánh đồng hoang vào năm 1978 - được nhận Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc năm 1980; Huy chương vàng Liên hoan phim Matxcơva năm 1981; truyện ngắn Bàn thờ tổ của một cô đào, tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu vào năm 1985 và cùng năm, được nhận giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn cho tiểu thuyết này; kịch bản phim Mùa nước nổi vào năm 1986; truyện ngắn Tôi thích làm vua, kịch bản phim Dòng sông hát, Câu nói đầu tiên vào năm 1988; 25 truyện ngắn vào năm 1990; truyện ngắn Con mèo Fujita vào năm 1991 - nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993; kịch bản phim Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại vào năm 1995. Năm 1996, ông cho xuất bản tập I, II và năm 2000 tập III “Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng”.

   Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà, Đất lửa.



TÁC PHẨM CHÍNH

   - Con chim vàng (NXB. Kim Đồng, 1957);
   - Người quê hương (NXB. Văn học, 1960);
   - Đất lửa (NXB. Văn học, 1963);
   - Câu chuyện bên trận địa pháo (NXB. Văn học, 1966);
   - Người con đi xa (NXB. Tác phẩm mới, 1977);
   - Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, NXB. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1981);
   - Chiếc lược ngà (NXB. Văn học, 1962);
   - Dòng sông thơ ấu (NXB. Kim Đồng, 1985);
   - Mùa nước nổi (Truyện phim, Sở VHTT Đồng Tháp, 1985);
   - Truyện ngắn chọn lọc (NXB. Hội Nhà văn, 1996);
   - Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng, tập I, II (NXB. Văn học, 1996);
   - Con mèo Fujita (NXB. Hội Nhà văn, 1990),
   - Mùa gió chướng (NXB. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999);
   - Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng, tập III (NXB. Văn học, 2000);
   - Nó và tôi (NXB. Kim Đồng, 2002),
   - Tạo hóa dưới trần gian (NXB. Trẻ, 2003).
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 02:31:33 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 04:26:00 pm »

CHƯƠNG 1


   Điểm hẹn của tôi với Năm Bờ là nhà của một ông bác sĩ, ông Chín Nghề. Vết thương của anh được lành lặn là nhờ sự cứu chữa, chăm sóc của ông. Trước khi trở về chiến trường, anh muốn ghé thăm ông vì nhà của ông Chín cũng thuận đường ra trạm giao liên. Nhà ông Chín nằm trong khu bệnh viện. Nhìn qua ngôi nhà của ông, đủ biết ông là người có nhiều kinh nghiệm sống ở đất rừng. Nhà dựng lên gần mí trảng, gần nắng và nhiều gió. Ngồi trong nhà, ngước mắt nhìn ra, thấy được bầu trời cao và có thể thấy được máy bay - loại nào, từ đâu bay đến. Nhà dựng bên dưới lùm cây tai nghé, một loại cây nhỏ nhiều nhánh lá, lá như cái tai của con nghé, lá tươi xanh đủ bốn mùa, khỏi phải ngụy trang vào mùa lá rụng. Nhà lợp bằng lá trung quân, một thứ lá rừng nhỏ bằng bàn tay, lá xếp lại làm đôi, chầm lại từng miếng, một thứ lá vừa đẹp, vừa bền. Nhìn mái nhà lợp bằng lá trung quân, ta thấy đó là một công trình nghệ thuật. Mái lá trung quân nhà ông đã ngả sang màu cánh gián.

   Tôi đến nhà ông trước giờ hẹn, lúc trời vừa xế bóng. Rừng im gió. Tôi đến trước vì ông cũng vốn là bạn đường vượt Trường Sơn với tôi. Ông là bác sĩ học ở Pháp, trở về Tổ quốc vào những ngày đầu kháng chiến. Một con người cao lớn, khoẻ mạnh và vui tính. Đầu ông bạc trắng lại cắt ngắn, đẹp và tròn như cái bông gáo. Ông đọc nhiều, hiểu nhiều, là bác sĩ nhưng ham thích văn chương. Trên đường Trường Sơn, ông là “cây văn nghệ” của đường dài. Lúc mới gặp ông, tôi nghe anh em gọi ông là ông bác sĩ “Quì Bông Nông”. Họ là họ Quì, tên thì Nông, chữ lót thì lại lót là Bông. “Quì Bông Nông”. Tên với họ nghe thật lạ tai! Nhưng sau thì tôi được biết, trong câu chuyện của ông, ông thường hay đệm tiếng Pháp. Ông nói, lúc mới về nước, ông không đủ tiếng để nói, phải “ăn nhờ” vào tiếng Pháp. Ông bỏ dần, chỉ còn có ba tiếng chưa bỏ được là Qui, Bon với Non . “Quì Bông Nông” mãi rồi thành danh. Ông có biệt tài gây tiếng cười. Trên đường Trường Sơn, mỗi một trạm nghỉ chân là mỗi câu chuyện. Đặc biệt là chuyện tiếu lâm, chuyện tiếu lâm của toàn thế giới, tiếu lâm nước nào ông cũng biết. Ông nói, ông đã ghi lại hầu hết chuyện tiếu lâm thời kháng chiến chống Pháp, bây giờ ngoài chuyên môn của ông, ông còn có ý định sẽ ghi lại chuyện tiếu lâm thời đánh Mỹ của dân tộc Việt Nam. Với cái tài kể chuyện của ông, ông quen biết nhiều nhưng người mà ông nhớ thì chẳng được bao nhiêu. Tôi cũng là một thính giả bình thường của ông như bao nhiêu người khác. Nhưng nhờ có một việc nhỏ mà ông hãy còn nhớ tôi. Hôm ấy, một buổi trưa qua rừng thông, nắng gắt, sau một câu chuyện tiếu lâm, ông nói:

   - Tôi đã gần sáu mươi rồi. Nhưng nếu bây giờ có một thằng nhỏ, nhỏ xíu thôi, nó mà cho tôi một miếng đường, nó bắt tôi dạ thì tôi sẽ dạ ngay!

   Mọi người lại cười rộ lên, và thương ông. Tôi biết dự trữ đường của anh em trong đoàn đã hết từ lâu rồi. Riêng tôi, tôi chỉ còn được một vài muỗng, tôi cũng thèm lắm, nhưng cố nhịn, dành để lúc ốm đau. Tôi mở ba lô lấy gói đường ra, định chia phần cho ông phân nửa, nhìn đi nhìn lại, tôi thấy ít quá, đối với ông chẳng thấm tháp gì. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi mới nghĩ ra. Tôi chia ra phân nửa, độ hai muỗng cà phê, pha vào nước. Tôi cầm cái ca nước đường đến võng anh:

   - Anh Chín, mời anh uống với tôi một ca nước.

   Anh ngồi bật dậy:

   - Gì đó ông? Trà?

   - Dạ không. Anh uống thì biết.

   Anh cầm ca nước, nhắm lấy một miếng, chớp hai con mắt, người như ngẩn ra. Tiếng anh vốn sang sảng, thế mà lúc ấy, giọng anh phào ra như hơi thở:

   - Nước đường à?

   - Dạ, nước đường, mời anh.

   - Bon! - Anh uống thêm một hớp.

   Tôi thấy anh uống từ từ, rất chậm, cho từng giọt thấm vào người. Anh đưa ca lại cho tôi.

   - Mời ông.

   - Phần này của anh, anh uống đi. Tôi uống rồi.

   - Bon.

   Sau khi uống cạn ca nước đường ngọt lờ lợ, người ông như tỉnh ra.

   - Ông tên gì? - ông Chín hỏi tôi.

   Tôi xưng tên.

   - Ông làm nghề gì?

   Tôi xưng nghề nghiệp.

   - Bon - ông chìa tay, bắt tay tôi và siết chặt.

   Rồi trận đánh vào Sài Gòn và Tết Mậu Thân năm 1968, từ trong chiến trận trên đường phố Sài Gòn trở về, tôi lại có dịp tạt qua bệnh viện dã chiến của ông, biếu cho ông một chai rượu Champagne Pháp. Ông khui Champagne thật đúng kiểu, gây thành một tiếng nổ như tiếng súng ngắn, và cái nút bắn thẳng lên mái nhà, rơi ngược trở lại bàn.

   - Ông là ân nhân của tôi, ông Thắng! Nhưng tôi lại bạc bẽo, không muốn trả ơn cho ông. Tôi muốn trả ơn cho ông có nghĩa là mổ xẻ cho ông thôi. Thôi, xin trả ơn lại ông bằng một lời suông: chúc ông, ký giả của chiến tranh, được nhiều may mắn!

Rừng im gió và bầu trời đang im tiếng máy bay. Tôi không đi quanh theo đường vòng, tôi đâm tắt qua trảng, đi thẳng lại nhà ông. ông bác sĩ “Quì Bông Nông” vui tính của tôi đang ngồi ghi chép.

   - Chào anh Chín.

   Ông quay lại, gỡ kính, nhìn, buông viết, “ồ” lên một tiếng dài:

   - Chào ông bạn cho rượu và cho đường của tôi. Tôi có nghe chú Năm Bờ nói, chú ấy chưa tới, ông vào đây, vào đây. Tôi đang ghi lại mấy câu chuyện, thú vị lắm.

   Ông đưa tay chỉ cái võng dài quá cỡ, giăng xiên ngang qua nền nhà trong lúc tôi cởi bòng ra khỏi vai.

   - Ông ngồi xuống đây, ngồi xuống đây, tôi kể lại cho ông nghe.

   Tánh ông vô tâm và sôi nổi như vậy. Gặp nhau, ông bắt vào chuyện ngay, không cần phải mào đầu gì cả. Biết tính ông, tôi không hỏi gì, ngồi vào võng sẵn sàng nghe ông nói. Tôi biết là sau câu chuyện, hoặc giữa chừng, ông mới chợt nhớ là bạn đến chơi đã lâu mà chưa mời nước.






--------------------------------------------------------------------------------
1. Qui (Tiếng Pháp): Ừ, Bon (Tiếng Pháp): Tốt, Non (Tiếng Pháp): Không.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:26:10 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 04:28:25 pm »

Ông xoay cái ghế quay ra, ngồi dựa vào bàn, nhìn tôi, mở đầu bằng giọng nói sang sảng:

   - Tôi xin kể cho ông nghe về chuyện con rùa - một chuyện tiếu lâm mới. Cách đây mấy hôm, có một bịnh nhân ở miền Tây mới lên, kể cho tôi nghe chuyện của một ông già nói dóc, nói dóc nổi tiếng cả miền Tây, ai cũng mê, tên ông là Ba Phi. Chuyện dóc của ông toàn là chuyện về đất nước của ta.

   - Chuyện ra sao, ông Chín?

   Chưa biết chuyện hay dở ra sao, nhìn qua dáng điệu của ông, tôi cũng thấy hứng thú lắm rồi. Tôi hỏi với giọng chờ đợi ông khum hai bàn tay theo hình của con rùa, đưa ra:

   - Chuyện về con rùa U Minh, ông ta cường điệu lên đến như vậy. Ông ta kể, rùa ở U Minh - xứ của ông ta, mỗi lần ông ta đi bắt rùa, ông ta đi bằng ghe, ghe trần không có mui. Ông ta kể, chiều hôm đó, ông ta đậu ghe dưới bến, rồi ông bắc cái đòn dài lên bờ. Thế là rùa từ trong rừng lộp ngộp kéo ra, chen chân, chen mu mà chạy xuống ghe của ông. Con này đứng trên mu con kia, xếp lớp đến đầy ghe. Ghe đã khẳm rồi mà rùa cứ chen nhau ào xuống. Sợ ghe chìm, ông phải rút đòn dài, chống ghe lui đi. Ông cho ra tới sông lớn thì trời tối, lại ngược nước, ngược gió, chèo không lên. Cái đám rùa ở ghe thấy vậy nó mới thay nhau thò tay thò chân ra bơi tiếp ông. Mỗi một cái tay chân của nó quạt mạnh như thể một mái chèo. Lúc đó phía bên kia sông có một chiếc ghe chở lúa đi ngược chiều, thấy sóng to và thấy bên kia có một cái gì lù lù đang chạy, họ tưởng là tàu. Chủ ghe bên kia mới kêu lên: “Tàu làm ơn bớt máy, ghe lúa của tôi sắp chìm rồi!”. Ông bảo đàn rùa ngừng lại, nhưng nó không chịu nghe, nó càng quạt mạnh, sóng nổi to hơn, sóng đập lên cái ghe lúa bên kia, chìm luôn. Đấy! Chuyện dóc về con rùa của ông ta là như vậy, ông nghe có tài không?

   Ông hỏi tôi mà không cần tôi trả lời, ông ngây người dựa lưng vào bàn, cười với giọng cười sung sướng hả hê. Ông cười, bụng và từng thớ thịt cũng rung lên, cười theo.

   - Một chuyện nữa. Chuyện nếp ở xứ U Minh. Ông già Ba Phi nói, nếp của ông ta là nếp dẻo nhất - ông ta chứng minh cái dẻo của nếp U Minh bằng một câu chuyện - ông nói hôm đó, nhà ông nấu một nồi cơm nếp. Ông lấy đũa bếp xới nếp. Nếp dẻo quá, ông nạy mãi không lên. Ông mới bảo vợ ông giữ cái nồi, còn ông thì dùng hai tay đặt lên chiếc đũa bếp xeo lên. Khi ông bật lên được thì có miếng nếp văng lên, dính vào xà nhà. Con chó ông - cũng là một con chó lạ đời, đứng dưới, thấy vậy, nó mới phóng lên, táp lấy miếng nếp. Nhưng miếng nếp dẻo quá, làm cho con chó dính luôn. Nó muốn xuống mà không sao xuống được, nó cứ treo trên xà nhà, kêu ăng ẳng. Ổng nói, thấy vậy, ổng mới múc một thùng nước, ổng trèo lên mái nhà, đổ xuống. Ổng phải đổ ba thùng nước, nếp nhà ổng mới rã ra cho con chó rơi xuống.

   Nghe chuyện và nhìn qua điệu bộ của ông, lần này tôi bật cười to hơn ông.

   - Còn chuyện nào nữa không, anh Chín? - Tôi hỏi, muốn nghe thêm.

   - Đồng chí bệnh nhân của tôi mới kể có hai chuyện thì đồng chí bị sốt, đồng chí nói là còn hàng trăm câu chuyện vậy.

   - Lần này thì anh gặp được một kho chuyện rồi.

   - Nếu mà về miền Tây, chết sống gì tôi cũng đến tìm ông lão ấy.

   Nói xong, ông xoay người trở vào bàn:

   - Xin lỗi… Xin lỗi…

   Qua hai câu chuyện rồi, ông mới nhớ là chưa mời tôi uống nước. Ông cầm phích, pha trà rồi quay lại hỏi:

   - Ông cùng về chiến trường với chú Năm Bờ?

   - Dà. - Nghe ông hỏi, tôi biết ông đang muốn bắt sang một chuyện khác.

   - Ông với chú Năm Bờ quen nhau nhiều chưa?

   - Dà. Tôi mới quen ảnh hôm ảnh đến cơ quan báo cáo thực tế. Sau khi biết ảnh sắp trở lại chiến trường, tôi mới xin cơ quan cùng đi với ảnh một chuyến.

   - Bon. Nên đi với người lặn lội như vậy. Mới nghe tên cũng đủ biết. Bờ, Năm Bờ! Đúng là tên dã chiến. - ông cầm chén nước vừa đưa cho tôi, vừa hỏi:

   - Trong cuộc chiến tranh này, ông là người đi đây đi đó nhiều. Tôi hỏi ông, có bao giờ ông thử phân tích và tìm hiểu đường đi của một viên đạn chưa?

   Ông hỏi nhưng không chờ câu trả lời, hỏi để mở đầu cho câu chuyện của ông, tôi biết nên không đáp, mà nhìn ông với thái độ sẵn sàng nghe.

   - Tôi là bác sĩ giải phẫu. Tôi đã giải phẫu hàng trăm chiến thương, đã lấy ra hàng trăm viên đạn trong thân thể của con người, nhưng tôi không thể nào phân tích và hiểu nổi con đường đi của nó, như viên đạn trong vết thương của người sẽ là bạn đường của ông chẳng hạn. - ông cong một ngón tay đưa ra để diễn tả con đường đi của viên đạn mà ông muốn nói, từ giọng mũi cao, ông chuyển qua giọng ồ ề, vừa trầm vừa đục. - Một viên đạn kỳ lạ nó không đi theo con đường thẳng mà đi theo một con đường cong. Viên đạn trong vết thương của chú Năm Bờ đi như vậy đó. Viên đạn của một thằng Mỹ nào đó bắn ngay con mắt trái của chú ấy, rồi không đi nữa, mà dừng lại, nằm trong hốc mắt. Vết thương khiến bịnh nhân đau đớn mê man. Hội đồng bác sĩ chúng tôi hội chẩn và đi đến một kết luận: phải lấy viên đạn ấy ra, nhưng hoàn cảnh của chúng ta chưa làm được. Việc trước mắt là phải chữa vết thương cho bịnh nhân mau lành lặn, còn viên đạn thì phải để cho nó nằm yên.

   Sức của bịnh nhân được hồi phục, hội đồng bác sĩ chúng tôi đề nghị với cấp trên, phân công cho chú ấy làm việc nhẹ, không được làm động đến vết thương. Thế là chú được chuyển về cơ quan nghiên cứu. Độ nửa năm sau, chú ghé thăm tôi, cũng nhà này, cũng ngồi trên chiếc võng này. Chú bảo với tôi là chú sẽ đến nha y để khám răng. Hàm răng trên của chú có cái gì cồm cộm như một cái răng khôn đang xé thịt, nhoai ra. Về răng thì phải đến nha y. Nhưng tôi, tôi là bác sĩ của chú ấy, tôi cảm thấy. Tôi bảo chú vào phòng mổ. Tôi tiêm gần đó một mũi thuốc tê, và lấy con dao nhỏ, rạch ra. Tôi nhìn thấy nó. - ông mở tròn mắt, nhìn vào một điểm như đang nhìn lại nó, cùng với điệu bộ nhanh nhẹn của một bác sĩ giải phẫu, ông đưa hai ngón tay kẹp vào lại như đang cầm cây kềm. - Tôi gắp nó ra. Lần đầu tiên bàn tay giải phẫu của tôi hơi run. Tôi sung sướng đến nỗi phải kêu lên: “Này, chú Năm Bờ, ngồi dậy, xòe tay ra”. Tôi để cái đầu của viên đạn vào bàn tay xòe của chú. Tôi nói: - “Sức sống của tế bào trong con người của chú thật là kỳ diệu. Tế bào của chú đã bắt nó phải tháo lui theo con đường cong. Chú thấy chưa?” - Bằng một con mắt còn lại, chú ấy nhìn viên đạn trong lòng tay của mình như nhìn một vật kỳ lạ, - một đầu đạn carbin nhỏ bằng đầu ngón tay út màu đồng. Tôi cũng cúi nhìn đầu viên đạn ấy, thấy người mình nhẹ đi như chính nó đã rời ra khỏi thân thể mình. “Giữ lấy làm kỷ niệm”. Tôi bảo chú. Tôi vỗ vai chú: “Bắt đầu từ hôm nay, chú về chiến trường được rồi. Bon! Nhưng khoan, chú hãy đợi tôi, tôi sẽ tìm cho chú một con mắt cùng màu với con mắt của chú”... Tôi lại cúi nhìn cái đầu viên đạn trong lòng bàn tay của chú, và nghĩ đến một điều khác.

   Ông dừng lại, gỡ kính, nhìn ra trảng trống:

   - Ông có biết tôi nghĩ đến điều gì không? Tôi nghĩ nó nằm đó, nhưng đường đi của nó chưa phải mãn. Nó còn đi, đi xa nữa. Sao tôi lại nghĩ như vậy? Trong những ngày chú ấy nằm trong bịnh viện, tôi thường chuyển cho chú ấy những lá thư của chiến trường gởi tới. Thư gởi một cách trang trọng. Ngoài phong bì được bọc bằng giấy nhựa trắng, được dán kín bằng cách hơ lửa cho nhựa chảy ra dính liền nhau, đường hàn trông đẹp như một đường dây đăng ten. Ngoài phong bì, không đề tên người gửi, nhưng nhìn tuồng chữ, tôi đoán biết đó là chữ viết của một bàn tay mềm mại. Có một điều lạ là tôi không thấy chú ấy viết trả lời. Là một người già, lại là người luôn tiếp xúc với chiến thương, tôi đoán hiểu được tâm trạng của chú. Thế rồi một hôm, tôi thấy thư của chú gửi đi. Hôm đó, nhằm ngày tôi phải duyệt thư. Xem thư một người khác là điều bất nhã. Nhưng đó là nguyên tắc của thời chiến. Thư của chú không phải gởi cho một cô gái mà gởi cho một người bạn trai ở chiến trường. Thư bảo là chú đang yêu một cô y tá. Đọc đến đó, nếu là một người khác, thì người ta sẽ tìm hiểu xem chú đang yêu ai, cô nào trong bịnh viện của mình. Nhưng tôi thì tôi biết. Nghĩ là mình đã bị mất một con mắt, chú muốn từ chối một tình yêu. Đọc thư của chiến thương từ bệnh viện gởi về cho người yêu, tôi thường gặp những tâm trạng như vậy.

   Viên đạn ấy, nó phá vỡ một con mắt của chú, nhưng nó không đủ sức phá vỡ bộ óc của chú, nó không giết nổi chú, vì bấy giờ nó đang nằm trên lòng bàn tay của chú. Nhưng đường đi của nó chưa mãn, nó đang làm náo động tình yêu của chú. Tôi nghĩ đến điều đó ông bạn thân mến ạ! Cho nên, nhân chuyến đi này, tôi muốn ông theo dõi tiếp con đường đi của nó, xem nó có phá vỡ nổi hạnh phúc của chú ấy không? Chú theo dõi đường đi của nó cho tôi, viết thư về báo cho tôi với.

   Nói đến đó, ông dừng lại. Có lẽ điều ông vừa nói khiến cho ông nghĩ ngợi, ông ngả lưng dựa vào bàn, với vẻ buồn và mơ màng ít có trên gương mặt của ông, ông nhìn ra xa.

   Rừng im tiếng gió nhưng rừng vẫn xôn xao. Trời yên lặng đến khác thường. Không thấy có một chiếc máy bay nào bay qua hoặc một tiếng máy bay nào từ xa vẳng tới. Nhìn theo tầm mắt của ông, một đám mây trắng đang chuyển hình trôi qua.

   Một đàn chim từ bên kia trảng vụt bay lên, sà xuống cây gùi sau nhà, có lẽ nó đang tìm thấy một trái gùi chín, cả bầy cùng rộ lên, hót líu lo.

   Bác sĩ Chín đưa tay lên che mắt rồi bật đứng dậy:

   - Ai như chú ấy đang tới kìa!

   Ngoài trảng trống, có một người dáng cao cao, lưng mang bồng, vai khoác cây AK vắt ngang vai chiếc ruột tượng hạo, tay cầm một nhành lá ngụy trang che đầu. Đúng là Năm Bờ, anh đang đi tắt qua trảng, đi về phía chúng tôi.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:25:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 08:41:11 am »

CHƯƠNG 2


   Cơm nước xong xuôi, nhưng chưa có thể vượt qua cách đồng lúc trời chưa tối, cứ loay hoay trong cụm rừng, chẳng biết làm gì, tôi rủ:
   
        - Ra mí rừng ngồi hứng gió chơi cho mát, anh Năm.

        - Ra ngoài bây giờ cho trực thăng nó rỉa à?

   Năm Bờ vừa đáp vừa nhìn nhìn, ngó ngó để tìm cây mắc võng.

   - Lại chỗ này mắc võng nằm nghỉ một chút để lấy sức mà lội, mai tôi cho ông tha hồ nhìn.

   Cánh rừng mà chúng tôi lặn lội mấy ngày nay đến đây như đã đuối rồi, cây cối không còn đủ sức xum xuê um tùm nữa, càng về gần đồng bằng, rừng càng thấp, càng thưa, lại bị đánh đến xác xơ, đầy nắng, và hãy còn khét mùi bom đạn, tìm một một bóng đủ cho một cái võng không phải dễ. Anh đã khéo chọn không chỉ cho anh, mà cho cả tôi, một cái bóng vừa đủ cho hai cái võng, dưới bóng mát lại có một cái hầm chống đạn trực thăng, chắc của một đoàn nào mới đi qua, hãy còn một đống tro bếp dã chiến vừa mới tắt lửa.

   Hai cái võng mắc theo hình tam giác giữa ba thân cây. Mỗi người một võng, nằm ngược chiều nhau, để lúc chuyện trò, không phải xoay trở gì, vẫn cứ thấy mặt nhau. Năm ngày đi đường, nhìn anh tôi đã quen mắt, không như những lần đầu, mới nhìn anh, tôi cứ áy náy. Anh bị thương ở con mắt phía bên trái, đã được lắp bằng một con mắt giả. Nhìn con mắt ấy của anh, trong con mắt tôi có gì cồm cộm không yên. Anh mới ba mươi sáu cùng một tuổi với tôi, tóc vẫn xanh, nhưng trông anh cằn cỗi quá, da lại xám xịt vì vết thương và sốt rét rừng. Bây giờ nhìn anh tôi đã quen, có lúc chợt thấy anh có vẻ đẹp trai nữa.

   Anh nằm, mắt lim dim. Gió trên cánh đồng thổi lao xao qua rừng. - Tôi cố ý không gợi chuyện, chực chờ anh thiếp đi là tôi sẽ lẻn chạy ra mí rừng, dòm cánh đồng một cái cho sướng mắt.

   Tôi xa cánh đồng, cánh đồng mà tôi vừa nghe ngọn gió và chưa nhìn thấy nó đã hai mươi năm, từ năm 1950, khi tôi theo bộ đội xuống tận rừng U Minh. Không còn mấy trăm thước nữa là tôi lại được nhìn thấy nó, thế mà bây giờ tôi cứ phải nằm đây, nằm trên võng dưới cái bóng nhỏ của cây rừng.

   Ngọn gió trên cánh đồng khuấy lên trong tôi biết bao kỷ niệm, nhớ nhung.

   Tôi đang thả mình theo ý nghĩ thì chợt có tiếng bay của một bầy trực thăng. Nó đang quần đảo ở đâu ngoài kia. Nghe xa xa vậy, nhưng ào một cái là nó sà qua mặt mình, không kịp tránh. Tôi đã từng đụng nó ở một làng ven ô Sài Gòn hồi mùa xuân năm 1968.

   Tôi nhổm người, nhìn lại cái nắp hầm, nhìn lên tàn cây xem có kín không.

   - Ngủ hay thức đó, anh Năm?

   - Thức chớ ngủ sao được, không nghe tiếng trực thăng sao ông?

   - Nghe chớ!

   - Phải theo dõi nó! - Anh vẫn nằm im trên võng.

   Bầy trực thăng như muốn dọa chúng tôi, nó rộ lên rầm rầm, y như có hàng chục chiếc tàu thủy đang chạy tới, rồi lại dang ra xa, lại ào tới gần hơn, rồi lại dang ra xa, xa xa dần…

   Vậy là tôi yên tâm nằm lại trên võng rồi, không còn muốn chạy ra mí rừng để xem cánh đồng nữa, và tôi bắt đầu gợi chuyện.

   - Nè anh Năm, so thằng Mỹ với thằng ngụy, đánh hai thằng, thằng nào khó hơn, anh Năm?

   - Lâu lâu ông mới hỏi một lần, mà lần nào cũng hóc búa. Trên chưa tổng kết, tôi làm sao dám trả lời. Ông là người đi đây đi đó nhiều, ông hiểu hơn tôi chớ.

   - Tôi đi nhiều nhưng mới cưỡi ngựa xem hoa thôi. Tôi không cắm sâu một chỗ như anh.

   - Thì bây giờ, ông cắm cho sâu đi.

   - Nhưng trước khi cắm, tôi muốn biết ý kiến của anh.

   - Tôi nhắc lại.

   Năm Bờ chống hai tay lên mép võng, cất nửa thân người hướng về tôi:

   - Chính vì cái câu hỏi đó mà lần này tôi mới xin về chiến trường. Mới xa chiến trường chưa được hai năm mà tôi thấy mình lạc hậu quá. Nằm bệnh viện mất đứt một năm. Hơn nửa năm ngồi ở rừng làm cán bộ nghiên cứu. Tôi thấy tôi không đủ trình độ để hiểu chiến trường qua báo cáo. Với lại, chiến trường mới là đất dụng võ của tôi. Đi, đi phải đi thôi, từ cơ quan trong căn cứ tới chiến trường, cách nhau chẳng bao xa, ù một cái là tới mà hai cuộc sống thật khác nhau.

   Tưởng anh nói thêm, không ngờ anh lại nằm xuống võng, thò chân chấm đất, đạp liền mấy cái, võng lắc mạnh làm như anh nực lắm. Cây rung rinh, lá và sâu rơi xuống mình, xuống mặt mũi tôi. Anh không trả lời ngay câu hỏi của tôi. Rồi nghĩ gì, anh lại chống hai tay lên mép võng, lần này, không ở cái thế nửa ngồi nửa nằm như lúc nãy, anh ngồi hẳn dậy, thòng cả hai chân xuống đất, nhìn tôi với một con mắt còn lại, sáng long lanh:

   - Câu hỏi của ông cũng là câu hỏi của tôi. Chiến trường sẽ trả lời. Bây giờ, tôi muốn kể cho ông nghe một thằng sĩ quan ngụy cấp đại úy, tên Nguyễn Văn Long, hiện là thằng chỉ huy khu bình định. Tôi với ông rồi sẽ gặp nó, không lâu đâu, nay mai thôi! Đúng là trái đất tròn, tôi với nó lại gặp nhau! Hai đứa là người cùng làng. Hồi nhỏ, còn học lớp bét “quánh” lộn nhau luôn. Học hết trường làng, nó lên Sài Gòn. Mãi đến đầu năm năm mươi tư gần ngày hòa bình, nó trở về, xin làm công tác thanh niên xã, lúc đó tôi làm thanh niên huyện. Hai đứa thỉnh thoảng lại gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, hai đứa vỗ vai nhau mà cười. Nó yêu một cô cán bộ phụ nữ xã, cũng chẳng ai xa, là người cùng xóm. Năm ấy, bắt đầu có phong trào chỉnh huấn. Vì nó là con địa chủ, cô kia mới “phăng teo”. Rồi đến ngày tập kết, cô gái xuống tàu ra Bắc. Nghe đâu bây giờ cô là kỹ sư. Còn nó, nó trở về Sài Gòn, vào lính dù, lính con cưng của thằng Diệm, đóng lon trung úy.

   - Nếu tình duyên của nó mà thành, chắc là nó không đi theo giặc?

   - Chuyện không xảy ra, không nói được. Có bao nhiêu người như nó, người ta có theo giặc đâu - Anh kể tiếp - Một hôm nó mặc nguyên bộ đồ lính dù trở về làng. Nghe nó về, một số tề cũ tới thăm nó, xúi nó đòi đất. Ngay lập tức, chiều hôm đó, nó cho mời tất cả những gia đình đang sanh sống trên đất đai của nó. Bà con đứng dưới sân, còn nó, nó cũng thưa ông thưa bà, thưa bà con cô bác vậy. Nó lên giọng diễn thuyết:

   “… Hồi thời nô lệ đánh Tây, ba tôi là ủy viên Liên Việt quận. Ba tôi có hiến điền cho Việt Minh chia cho bà con. Ba tôi chết rồi. Tôi là con, tôi không dám làm sai ý của ba tôi. Ba tôi đã hiến thì tôi hiến. Từ nay về sau, nếu có người nào muốn thừa nước đục thả câu, ho he đòi đất, bà con cô bác cứ viết thơ báo cho tôi, tôi sẽ trừ tiệt, không tha. Xin bà con hãy nhớ cho tôi, tôi là chiến sĩ quốc gia, chớ không phải là thằng Việt gian bán nước”. Nói xong, nó đưa một tay lên ngực, mọp đầu chào.

   - Nó nói thiệt hay có âm mưu gì, anh Năm?

   - Thiệt, nó nói thiệt.

   - Thằng địa chủ lạ quá ha!

   - Có thằng nào giống thằng nào đâu. Cũng không có gì lạ. Nó tưởng là nó có lý tưởng, nó đang hăng máu. Rồi từ đó, nó đi biệt tăm biệt tích. Cho nên bây giờ, trong làng, không phải ai cũng thù oán nó.

   - Độc!

   - Không độc sao được, nếu nó không độc thì mình dấn tới luôn rồi, còn đâu như bây giờ. Thằng Mỹ rút quân ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long, thì nó trở về với cấp đại úy và một đoàn bình định.

   - Lần này thì nó gặp đối thủ của nó rồi.

   Năm Bờ đỏ mặt, anh cười:

   - Nhất định là tôi không chịu thua nó, nhưng lần này, tôi biết, tôi chưa thể làm nên cơm cháo gì nhiều. Thời buổi này là thời buổi của đàn bà con gái đó, ông! Sao ông cười?

   Tôi cười vì nhận xét của anh nghe lạ tai.

   - Tôi muốn hiểu rõ hơn. - Tôi nói.

   - Đàn bà con gái như sao ở trên trời. Qua bao nhiêu trào rồi, tôi nghiệm thấy như vậy. Ban ngày ban mặt, sao hôm sao mai gì cũng lặn hết. Nhưng trời càng tối thì sao lại càng sáng. Cách mạng thoái trào, vai trò phụ nữ lại nổi bật. Như hồi thằng Diệm, thời kỳ “điều lắng” ấy, mỗi người đi một nơi, lúc đó ai là người đi nối lại cơ sở? Chính là các bà má, các chị, với các em. Ai là người nuôi giấu cán bộ? Như cái làng Mỹ Hương mà mình sắp về, lúc đó mấy má, mấy chị đêm nào cũng tụ tập lại một chỗ vắng, đổ nước vô lỗ mũi nhau, để tập. Ai chịu đựng giỏi mới được rước cán bộ về nuôi. Nhưng cũng lạ, có một má gọi là má Mười, lúc tập, nước đổ vô mũi chưa được nửa tỉn thì la oai oái, hai tay cứ quơ lên, gạt cái tỉn nước ra ngoài, rồi sặc sụa, mặt mày tái mét, mũi dãi chảy lòng thòng. Má bị rớt trong cuộc thi đó. Vậy mà khi vào tù, bị tra tấn, bị đổ bao nhiêu nước, má cũng không khai. Sau đó, má là người được cử đi đón tôi về nuôi. Gặp tôi má hỏi: “Lâu nay con ăn ngủ ở đâu?”. “Ngoài bờ ngoài bụi chớ đâu má!”. Má nuôi giấu tôi trong nhà được hơn tháng. Biết bọn giặc chú ý, nghi ngờ, tới lui rập rình, tôi chuyển. Đưa tôi đi, má hỏi: “Bây giờ con đi đâu?”. “Con ra ngoài bờ”. - Tôi đáp. “Bờ” - Má lặp lại, rồi má khóc. Sau này má cứ gọi tôi là thằng Bờ. Má hy sinh rồi. Tôi lấy tên đó làm kỷ niệm.

Anh lại ngồi dậy, nhìn tôi:

   - Cho nên, đối thủ của thằng Nguyễn Văn Long bây giờ, không ai khác là một cô gái hai mươi sáu tuổi. Cô bí thư xã...

   - Tên gì anh?

   - Sáu Linh.

   - Sáu Linh à?
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:26:34 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 08:43:38 am »

Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã kể tiếp:

   … Đêm mùa gió chướng năm sáu mươi bảy, anh gặp Sáu trong trạm giao liên, một cái chòi trên đồng lúa. Sáu cùng với mấy cô du kích đến trạm để đón anh về làng. Anh được tỉnh phái về để xây dựng vành đai. Là người cùng làng, nhưng hai người mới biết mặt nhau. Đến giờ lên đường, anh giao liên người to khỏe, quàng cây bá đỏ lên vai nói với anh:

   - Đêm nay anh Năm chịu khó đi đường vòng, đường lầy lội khó đi, nhưng an toàn.

   - Sao lại đi vòng, cứ đi theo con đường thẳng như mọi lần, cho nó gần. - Sáu cãi lại.

   - Tôi phụ trách đường dây, tôi biết - Anh giao liên nói. - Đường bị lộ rồi. Ngày nào trực thăng nó cũng rà theo mặt đường. Hồi sáng này, nó cũng vừa mới đổ quân.

   - Chiều nay, trực thăng nó hốt quân lên rồi. - Một cô du kích cùng đi với Sáu cãi lại anh giao liên.

   - Tôi ngồi trong trạm, tôi thấy, tôi có đui đâu. Nó nghi binh đó thôi. Nó làm bộ hốt, nhưng nó còn để lại một cánh ngầm, phục mình, bao nhiêu người chết là vì sợ khó.

   Sáu nói :

   - Tôi cũng biết là nó nghi binh nhưng tôi đoán là cánh ngầm của nó sẽ lẫn đi chỗ khác. Cứ đạp lên dấu chân của nó mà đi.

   Anh giao liên nổi quạu:

   - Tôi phụ trách trạm, tôi có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho khách.

   - Ai lại không biết như vậy. Chị em tôi có sợ khổ, sợ khó đâu. - Sáu nói nhỏ nhẹ hơn - Chị em đi đón cán bộ, chị em tôi cũng phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chớ.

   Hai bên không thống nhất trong việc nhận định tình hình địch, cuối cùng phải chờ đến ý kiến quyết định của anh. Anh hỏi Sáu:

   - Em nghĩ thế nào mà nhận định là Mỹ nó không phục theo đường dây?

   - Thằng Mỹ nó xảo quyệt lắm. Nó biết mình đoán là nó phục ở đó, mọi lần nó hay làm như vậy, nằm chờ đến khuya, đến sáng mà chẳng phục được ai. Em đoán là trước sau gì nó cũng thay đổi. Nó nghi binh là để nghi binh thôi.

   Trong sự nhận định của Sáu, anh thấy có cái mới và sinh động, anh ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định đi theo con đường của Sáu. Anh giao liên nể anh và nể cả cô dũng sĩ, đành phải nghe theo, nhưng không yên tâm:

   - Thôi được, tôi theo đa số, tôi cũng liều thử một chuyến xem.

   - Nếu anh còn ngại, anh để chị em tôi đi trước, anh đi sau vậy. - Cô du kích nhỏ tuổi nhất, tên Bé Ba, nói.

   - Cô này nói như vậy mà nghe được - Anh giao liên nổi tự ái - Thà tôi không đi, đã đi thì tôi phải làm nhiệm vụ giao liên của tôi chớ. Tôi chỉ xin anh Năm với mấy cô một điều là, nếu đụng phải ổ phục kích của nó, người nào còn sống sót thì nhớ cho là tôi, tôi không muốn đi con đường này. Vậy là đủ, thôi, bồng lên vai!

   Đạn lên nòng, đánh rốp một cái, súng lăm lăm trong tay, kẻ thù như đâu đó trong đám đế, đám sậy, trong dưng lác chung quanh anh, anh xăm xăm bước tới.

   Đường dây xuyên qua cánh đồng hoang um tùm cỏ lác, mòn nhẵn, rộng gần cả thước, thênh thang dưới đêm sao. Con đường như vậy làm gì không lộ. Anh giao liên đi trước, đến hai cô du kích, đến anh, người sau cùng là Sáu với cây carbin bá xếp của Mỹ. Họ đi cách khoảng thật xa, đề phòng bất trắc, ngậm tăm mà đi. Quá nửa đêm, đã nhìn thấy rặng cây làng. Đã sắp đến nơi an toàn. Vừa lúc đó, bọn biệt kích Mỹ nằm phục theo con đường lầy, chắc không chịu nổi muỗi của Đồng Tháp Mười, nó bắn báo hiệu, gọi trực thăng rồi nổ súng loạn xạ một lúc. Không bắn được ai, nó muốn bắn vỡ bầu trời trong đêm tối. Một bầy trực thăng từ căn cứ Bình Đức cất cánh, chớp đèn đít lạch xạch bay về hướng đó.

   Thấy vậy, Bé Ba, cô du kích nhỏ tuổi, mới gọi anh giao liên:

   - Nè, đồng chí, đồng chí phục chị Sáu tôi chưa hả?

   - Tôi phục lâu rồi chớ mới phục đây đâu. Cái cô dũng sĩ đó nói đâu có đó, linh thiệt, hèn chi cha mẹ đặt cho cái tên Linh, không uổng!

   - Linh tôi là cá linh, chớ có phải linh thiêng, linh cảm hay linh tính gì đâu anh!

   Trong cái đà vui được an toàn đó, Sáu kể với anh về lai lịch tên cô. Bà nội cô đã qua đời rồi, lúc còn sống, nhứt là những đêm hè, trải đệm ra sân, nội thường hay kể. Hồi đó tía má cô không có đất, sống bằng nghề cày thuê cấy mướn, đến mùa nước thì sống bằng nghề cá. Năm nào cũng vậy, đến con nước rong rằm tháng bảy, đồng lai láng, tía má Sáu cùng với bà con nghèo trong xóm chèo ghe về miệt Tân Thành, Cả Cái đóng đáy, đón cá linh về. Năm ấy, má Sáu đang có mang, nội Sáu kể, chưa có năm nào cá linh về nhiều đến như vậy. Cá đặc ngừ dưới mặt nước, cá chạy vào đáy, thấy sền sệt như bánh canh. Mắt cá cứ ngời ngời như có ai rắc kiếng vụn xuống, nước rồi chao lên chao xuống vậy. Nội Sáu kể, nội Sáu có nghe người ta nói, nếu ngược theo dòng nước, đến gần Biển Hồ, cá linh mà đổ về thì đứng trên bờ hay đi xuống, đều nghe cả tiếng cá kêu “ao ao” như tiếng gió thổi qua dây đồng căng ngang trời qua hai cột dây thép. Cho đến năm đó, nội của Sáu mới nghe được tiếng cá, lúc mới nghe, mọi người ai cũng tưởng là tiếng u u rền rền của một chuông chùa nào đó vang tới. Má Sáu đã sắp đến giờ sanh nở rồi, thấy mắt cá ngời ngời dưới mặt nước, ham quá, quên cả cơn đau. Nội kể tiếp: “Đến lúc con nhỏ chần ngần chui ra mới biết, không kịp rước mụ nữa. Đẻ ngay trên xuồng, con thì khóc mà xung quanh thì cá cứ nhảy lách chách. Bà con thấy vậy mới đặt cho đứa nhỏ ấy tên là Linh”.

   - Em tên Linh là vậy đó anh!

   Rồi, vui chuyện, Sáu kể lại với anh, trong gia đình chỉ có Sáu là con gái. Bốn anh trai với thằng em út đều đi bộ đội. Mẹ mất. Sáu ở với tía. Sau mỗi mùa xoài, Sáu cắc ca các củm từng đồng, dành dụm, rồi mua một cái ra-đi-ô Nhựt ba băng gởi cho thằng em chiến đấu ở miền Đông. Mùa xoài năm sau, Sáu lại mua một cái đồng hồ “Sâykô” có cả ngày, cả thứ gởi cho người anh. Mỗi năm là mỗi món quà gởi cho các anh đi bộ đội, tùy theo ý thích của mỗi người. Bấy nhiêu việc ấy cũng nặng nề lắm rồi. Tía của Sáu đã hơn sáu mươi, nhưng vẫn cầm bá đỏ làm du kích.

   Năm Mỹ đổ quân, nó đổ xuống đồng bằng ồ ạt lắm. Trực thăng bay như chuồn chuồn, cánh nó quạt lật cả cành cây, lật tốc cả mái nhà, không lúc nào dứt tiếng súng. Bắn nó không phải khó, nhưng bắn cháy một chiếc, thì nó bu lại như ruồi, nó bắn tan nát cả một vùng, tạm thời phải nhịn nó. Một hôm vào buổi chiều, một bầy chín chiếc, nó quần đảo trên đầu xóm của Sáu. Sáu núp dưới hầm. Tía của Sáu, lão du kích cầm cây bá đỏ đứng dưới gốc xoài, dõi theo. Trong tiếng bay rầm rộ của nó, Sáu nghe tía gọi:

   - Sáu! Sáu!

   Sáu ngước cổ nhìn lên miệng hầm.

   - Con chạy qua núp bên hầm thím Tư đi!

   - Sao vậy tía? Nó thấy hả?

   - Mau đi!

   Sáu bước lên hầm, nhìn tía, thấy ông già đã mở trừng mắt hướng theo một chiếc trực thăng, mặt và tay ông ướt đẫm mồ hôi, ông rít trong hai hàm răng nghiến lại:

   - Cha mẹ mày! Khốn nạn!

   - Cái gì vậy tía?

   - Thằng Mỹ, thằng Mỹ nó đang đứng bên cửa trực thăng, nó vạch quần đái xuống kia kìa! Chạy, chạy mau lên đi.

   Sáu phóng qua con mương vườn, vừa chạy đến miệng hầm nhà thím Tư thì nghe ba tiếng nổ của cây bá đỏ, tiếng máy rú dài rồi phừng lên một đám cháy, một đám cháy đang lồng lộn trên không. Rồi tiếng trực thăng lại dồn tới, hỏa tiễn nổ nghe nứt cả mặt đất.

   Tía của Sáu đã bắn cháy chiếc trực thăng của thằng Mỹ khốn nạn và mất dạy đó. Cái hầm dưới gốc xoài của Sáu bị đạn hỏa tiễn bới tung lên. Lá của cây xoài héo quắt lại, ông lão du kích nằm bên miệng hầm, một tay đã nám đen vẫn còn nắm chặt lấy súng.

   Đám tang của ông lão đi trên dòng sông trong đêm mưa dầm tháng sáu. Chiếc quan tài được đặt trên chiếc ghe bốn chèo, chiếc ghe với hai con mắt màu đỏ, chiếc ghe đưa lão về một cái gò cao, nơi yên nghỉ cuối cùng của dân làng trong ngày đầu mùa nước nổi. Đêm đen, mưa rát mặt. Sấm chớp. Gió gào, sóng vỗ. Từng xuồng, từng xuồng nối theo nhau hàng trăm chiếc dài dọc theo con sông. Dân làng dân xóm nghiến răng, cố nhẹ mái dầm, lặng lẽ tiễn ông đi.

   Nhà không còn ai nữa, Sáu đến xã đội với bộ bà ba đen, miếng vải tang trắng, xin nhận công tác. Sáu đi thẳng đến Bình Đức. Bọn Mỹ đang xây chốt. Trên vai, chiếc đòn gánh với hai cái ki, Sáu trà trộn trong đám dân đi gánh cát mướn. Cát từ trên cái xáng Mỹ hút dưới lòng sông thổi lên, ngập mất cả cỏ cây. Sáu gánh cát và sống ngay tại đó, kề bên chốt Mỹ. Một buổi sáng, Sáu đặt một trái mìn định hướng bên vệ đường, dưới một lớp cát còn ẩm nước sông Cửu Long. Một đội tuần tra Mỹ vừa trờ tới. Sáu gí điện. Mìn nổ, khói, cát phụt lên một đường dài. Đội tuần tra Mỹ hai mươi bốn thằng không sót được một tên. Từ cái miệng hầm, trận địa của Sáu, Sáu ôm một đứa nhỏ chưa đầy một tuổi, băng qua vườn, bước vào nhà. Một đám Mỹ ập đến, trên đầu có trực thăng quần đảo, nó vây chặt cái nhà của Sáu. Sáu vẫn ngồi đó, trên mép phản, tay ôm đứa con nhỏ. Một đám Mỹ bước vào với một viên thông ngôn đeo kiếng cận. Sáu đáp lại lời hỏi của viên thông ngôn:

   - Nhà tôi ở đây. Ba nó đi gánh cát cho mấy ông. Tôi cũng đi gánh cát, nhưng sáng nay con tôi đau. Vi Ci hả? Vi Ci đánh mìn đó hả? Tôi không biết.

   Sáu lại dỗ con.

   - Tôi chỉ nhưng mấy ông phải giữ kín cho tôi. Hồi khuya tôi thấy họ về hai người. Họ đào hầm ở ngoài sau vườn kia. Họ đưa súng vô ngực tôi, tôi sợ lắm.

   Bọn nó, lập tức bủa ra, vây lấy khu vườn. Nó nổ súng xung phong, chiếm lấy cái hầm. Không thấy ai, chỉ thấy mấy miếng lá chuối còn vắt ra vung vãi, và dưới hầm hãy còn sợi dây điện.

   - Lá này là lá bánh tét, còn mới, chắc là họ ăn trước khi đi.

   Tên thông ngôn nói:

   - Ông trung úy nói với chị, là từ nay về sau, hễ thấy như vậy thì phải đi báo. Ông sẽ cho đô la nuôi con, khỏi phải gánh cát.

   - Tôi biết nói tiếng Mỹ đâu mà nói.

   Tên thông ngôn:

   - Gặp ai cũng được, nắm tay họ lại, nói Vi Ci, Vi Ci, rồi đưa tay chỉ cho họ.

   - Chết! Người ta thấy người ta giết tôi thì sao. Ngủ, ngủ đi con. Đừng sợ, ngủ đi con...

   Trong lúc mọi người đang tìm cách đánh Mỹ, thì đó là một cách đánh của Sáu, trận đánh đầu tiên...

   Năm Bờ nói đến đây rồi chợt nhìn lên trời:

   - Thôi! Cuốn võng đi. Chuyện còn dài lắm, trời sâm sẩm rồi.

   Trong lúc mở dây, cuốn võng, tôi còn nghĩ đến Sáu, cô gái ấy.

   - Lần này về, chắc là được gặp chở anh Năm?

   Anh không nhìn tôi, làm thinh, ngồi lúi húi với cái bồng.

   Tôi nhìn lên trời, trời xanh mênh mông. Sao hôm, sao mai và muôn vàn vì sao khác có đấy, còn đấy, nhưng tôi chưa thấy. Một lát nữa đây, trời tối, khi hai đứa vượt qua cánh đồng, thì sao sẽ chi chít đầy trời.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:26:51 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:03:58 am »

CHƯƠNG 3


   Mỗi lẫn nghĩ đến ngày trở về, chỉ mới nghĩ đến mà đã nghe xúc động đến rợn người. Tôi mường tượng thấy mình sẽ nằm lăn trên bãi cỏ, sẽ ngửa mặt nhìn trời cao, sẽ thở, sẽ hít căng đầy lồng ngực cái không khí đậm đà hương vị của cỏ cây lẫn trong mùi ngào ngạt của hoa sen... Tôi sẽ đứng giữa cánh đồng, cỏ ngập đầu, sẽ lặng nghe sóng cỏ tràn qua người, rồi tôi sẽ khóc, khóc như một đứa trẻ thơ. Sau hai mươi năm! Ôi quê hương! Hạnh phúc biết bao! Ngày trở về...

   Và bây giờ, sáng tinh sương, chân đã bước đến nơi rồi, trên một lớp cỏ năng, thì tôi không còn sức để xúc động như tôi tưởng nữa. Tôi vừa vượt qua cánh đồng lầy lội suốt một đêm trắng - đồng chó ngáp, bụng đói cồn cào, chân tay bủn rủn, thở chẳng ra hơi. Nếu tôi còn sức để nằm lăn lộn trên bãi cỏ như tôi nghĩ thì trong con mắt của Năm Bờ, tôi là một thằng điên. Nhưng mơ tưởng không phải là xấu. Con người ai chẳng có lúc bốc?

   Tôi muốn ngồi quỵ xuống chỗ nào cũng được, lưng dựa vào cái bồng duỗi chân ra một chút, nhưng Năm Bờ đã giục tôi:

   - Đi nhanh lên! - Và giọng anh gay gắt - Súng sao lại đeo lủng lẳng như vậy, lên đạn cầm tay đi.

   Anh cũng mệt rũ như tôi, nhưng đôi chân vẫn dẻo dai, dáng lom khom, anh lội qua bãi năng lầy, đôi dép cao su của anh chắc làm sao! Khác hơn tôi, khác hơn cả cán bộ cỡ như anh, anh không đeo súng ngắn, bên hông giắt ba trái lựu đạn da láng và trang bị cho mình một cây AK. Cây AK đạn đã lên nòng, lăm lăm trong tay, nòng súng khi thì hướng vào vạt đế bịt bùng trước mắt, khi thì hướng qua đám đưng bên phải, bên trái, sẵn sàng nổ, nếu có kẻ thù đang phục đâu đó.

   Trời chưa hửng nắng, không nghe rõ tiếng bay, nhưng tôi đã thấy những cái chấm đen của bầy trực thăng, nhỏ xíu, đang chúi chúi trên vòm trời của dòng sông Cửu Long; cũng không nghe tiếng nổ, nhưng đã thấy một đường khói đen của hỏa tiễn từ một cái chấm nhỏ của con đầm già đang bắn xuống một xóm nào đó. Xa xa nữa, loang loáng trên bầu trời, rồi nghe như tiếng sấm, khói của bom bi ùn lên như một đám mây trắng.

   Tôi cố đuổi theo anh, nhưng đôi dép của tôi, đôi dép không thích nghi với đồng lầy, quai sau cứ tuột, kẹt cứng dưới bùn; suốt cả đêm qua, tôi phải đi hai bàn chân không, gốc tràm đâm đau điếng; bây giờ, phải xách nó trong tay để chạy theo anh.

   Hai người vượt qua bãi năng trống, bước vào con đường mòn giữa đám đế, kín đáo hơn. Tôi cũng muốn ngồi nghỉ chân một chút, muốn cởi hai cái dây bồng ra khỏi vai, tháo dây nịt, mở nắp hănggô, bốc một nắm cơm mà nhai, mà nuốt.

   - Phải tìm cho được trạm giao liên, nghe ông.

   Tôi chỉ còn có việc cúi xuống, xỏ dép vào chân, lại đi. Trời hửng nắng. Tôi cũng không còn đủ sức mà nhìn cái nắng nữa. Vào một cái chòi hoang, chẳng có ai, tôi đứng trước cửa chòi, chưa kịp quay ra, lại nghe anh nhắc:

   - Chết sống cũng phải tìm cho được trạm giao liên, nghe ông.

   Tôi không buồn trả lời nữa, xốc lại cái bồng cho đỡ mỏi, quay ra, bước theo anh và lại đi tìm cái chòi của giao liên.

   Đứng trên gò mà nhìn thì nhiều vô kể, xa xa một cái rải rác khắp cả cánh đồng, phải đến hàng trăm, và chắc còn nhiều hơn nữa, ở những chỗ tầm mắt không nhìn thấy. Những cái chòi đã có từ xưa, cũng không thể hiểu nổi ai đã dựng lên nó. Nó được dựng lên từ lúc có dấu chân người. Những cái chòi đơn sơ với hai mái nằm trệt dưới cỏ, có chòi đệm bằng đưng, có chòi đệm bằng lá, hoặc bằng sậy, bằng đế, có chòi vùi sâu trong một đám lác bịt bùng, có chòi bẹp xuống, thấp lè tè. Mùa nước nổi, nó bị nước cuốn trôi đi, có mái trôi lềnh bềnh, có mái rã ra thành cỏ rác. Tháng chín, tháng mười, nước lại rút trở về sông, gió bấc se se thổi, đất lại khô, chòi lại được dựng lên, và cũng lại xa xa một cái rải rác lô nhô, xệp xuống rồi lại mọc lên như mùa nấm - Đó là nơi nghỉ chân của những người đi cắt đưng, cắt lác, của những người đi bắt rùa, bắt rắn, bắt trăn, của những người đi bắt cá, bắt chim hoặc hái sen, và của những ai lỡ bước giữa đồng.

   Bây giờ, những cái chòi vô chủ này hàng ngày đều bị soi mói dưới con mắt của kẻ giặc ở trên không. Có chòi bị thiêu cháy vì một trái hỏa tiễn, có chòi bị gió của cánh trực thăng cuốn tả tơi.

   Trong những cái chòi ấy có một cái là trạm của giao liên.

   Cái chòi! Trên đường đi, Năm Bờ đã kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện kỳ thú đã xảy ra. Cái chòi điểm hẹn của những người xa lạ. Gặp nhau, quen nhau, gắn bó, chiến đấu, có cả những mối tình đã nảy nở từ những cái chòi ấy. Có người đi ba đồng bảy đỗi tìm nhau mà không thấy, bất thình lình lại gặp nhau trong một cái chòi. Đặc biệt hơn nữa, trạm nào cũng có một cô gái và cô gái nào cũng đáng quý, đáng yêu.

   Một đêm, có một anh cán bộ ngồi trong chòi, chờ giao liên, chờ mãi, trăng đã lên tới đỉnh đầu, gió cũng se se lạnh mà chẳng thấy ai tới. Cánh đồng đang im lặng trong tiếng xào xạc ngoài vạt đế, anh nghe có tiếng trực thăng, nhìn ra, anh thấy đạn nối nhau như một dòng lửa từ trên trực thăng xối xuống. Trực thăng bắn như vậy là thường, đêm nào cũng có, nhưng lần này anh đâm lo. Bầy trực thăng, ba chiếc, bắn vậy, vài lượt rồi lại lảng đi, lại bắn, suốt đêm.

   Cũng không thấy ai đến, chắc gì có trở ngại, anh vừa thầm nghĩ, thì chợt thấy dưới ánh trăng có một bóng người mảnh khảnh bước tới. Anh hỏi:

   - Ai?

   - Em, giao liên.

   - Dữ không, tôi chờ cô lâu quá.

   Cô giao liên bước gần tới:

   - Anh có băng, có bông gòn, có thuốc đỏ không?

   - Cô làm sao?

   - Em bị thương.

   Anh cán bộ quay vào chòi, kéo cái bồng ra ánh trăng, mở dây, vừa tìm kiếm, vừa hỏi:

   - Cô bị có nặng không? - Anh hỏi giọng lo lắng có cả hốt hoảng nữa.

   - Không sao, nhẹ thôi, em băng rồi, nhưng em sợ nhiễm trùng. May quá, chỉ xước qua bắp tay. - Người bị thương nói với giọng bình thản, dịu dàng nữa.

   Anh cán bộ thấy cái băng trắng trên bắp tay cô thấm máu. Cô giao liên ngồi bệt xuống cỏ, hai chân duỗi ra, cây carbin gác ngang, nhấc cánh tay bị thương cho anh cán bộ, còn một tay thì cầm lại mái tóc giũ qua giũ lại:

   - Em bị thương là tại mái tóc này.

   - Sao vậy?

   - Hồi chiều, trước khi đi, em gội đầu. Thằng trực thăng nó bắn em nhằm lúc em lội qua vũng nước. Em phải trầm mình. Nước bùn, sợ dơ tóc em mới đưa lên, không dè có một viên phớt qua.

   - Trực thăng thằng giặc không làm bẩn được mái tóc em! - Anh cán bộ xúc động, thầm kêu lên như một câu thơ, và nhìn lại cô gái.

   Mây trôi nhanh. Trăng sáng tỏ. Anh thấy trời đêm trong đôi mắt của cô. Và đâu đấy, ngan ngát dìu dịu cái hương sen thoang thoảng bên anh. À! Cái hương sen từ mái tóc của cô gái. Rồi anh yêu và anh gởi thơ cho cô. Một năm sau, anh trở lại cái chòi ấy, theo lời hẹn của cô…
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:27:07 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:07:27 am »

Bây giờ thì tôi không cần một cô gái với cái trạm giao liên như vậy nữa. Một ông già với cái trạm cũng được, miễn là gần đây, cạnh bên đường, cho đỡ mệt. Chúng tôi đã đi qua đến chòi thứ tám rồi.

   - Mệt lắm phải không ông? - Anh Năm Bờ quay lại hỏi.

   - Bình thường - Tôi đáp.

   - Ráng lên chút nữa, về đây mà không bám được giao liên thì chết như chơi đó. - Năm Bờ lại nói rõ hơn: - Nó đổ quân, không biết đường đâu mà chạy. Không phải chết vì nó, mà có khi chết vì lựu đạn gài của mình.

   - Chết sống gì thì cũng phải tìm cho được chớ, anh! - Tôi nói ngon. Vì nói ngon như vậy, nên phải tỏ ra cho xứng đáng, tôi xốc lại hai cái quai bồng, cái bồng cứ nặng dần theo từng bước, tôi vượt lên, đi trước anh.

   - Nè! Có con đường mòn mới vẹt, quẹo vô đây thử cái coi.

   Tôi bỏ con đường mòn lớn, quẹo vô theo ngón tay chỉ của anh, chẳng biết đúng hay sai, tôi cứ đạp bừa lên sậy đế, dấn tới. Tôi đi trước anh đi sau, luồn qua một đám đế cao ngập đầu; và kìa, trước mặt tôi, một cái chòi. Tôi thở phào. Dữ không! Lúc tôi mong đợi thì cô trốn mất, khi tôi mệt muốn chết thì cô lại hiện ra. Một cái chòi, hai cái mái bện bằng đưng đã úa vàng, dựng trên một cái hầm bề ngang độ hơn mét, bề dài gần hai mét, bề sâu hơn nửa mét, được rải một lớp cỏ khô. Tôi quay ra, nói đùa với giọng thì thầm quan trọng:

   - Có một nàng tiên đang ngủ!

   Trạm giao liên hôm nay không có khách, chỉ có một người giao liên ôm súng, nằm nghiêng và đang ngủ ngon. Tấm vải dù bông đắp kín từ đầu đến chân, chỉ nhìn thấy mái tóc dài, và qua làn vải dù, có thể thấy mờ mờ cái gót chân nho nhỏ của một cô gái.

   - Nhè nhẹ để cô ấy ngủ - Chúng tôi cởi dây bồng, mở dây nịt, để đồ đạc xuống một góc.

   - Ông ngả lưng trước đi, tôi ra ngoài này một chút. - Năm Bờ bỏ hết đồ đạc, bảo tôi, rồi bước ra cửa chòi, chẳng biết anh đi đâu và làm gì, nhưng tôi không hỏi.

   Đói quá hóa no, tôi không thiết đến ăn, chỉ uống một ngụm trà đặc trong bình toong, lau miệng bằng ống tay áo, rồi dựa lưng vào cái bồng, thở cho khoan khoái.

   Vậy là mình đã đến trạm giao liên! Từ cái chòi giữa cánh đồng cỏ lác um tùm này, điểm hẹn của những người chưa quen biết nhau; cái gì sẽ bắt đầu, sẽ đến cho tôi, cho anh và cho cả cô giao liên đang ngủ ngon kia? Tôi liếc nhìn cô giao liên, thầm nghĩ như vậy, đáng lẽ tôi phải ngủ, ngả lưng xuống là ngáy, nhưng ý nghĩa ấy lại đến với tôi cùng với những câu chuyện lý thú mà anh đã kể - Nói vậy, tôi vẫn phải tìm một chỗ nằm có thể duỗi chân, khốn nỗi cái chòi giao liên lại quá nhỏ và người chủ của nó đã choáng hết chỗ rồi. Một người con trai với một người con gái nằm cùng trong một cái chòi, thật bất tiện. Nằm xuôi theo chòi thì không được rồi. Nằm ngang thì thừa chân thừa cẳng.

   Tôi xếp hai cái bồng cùng với súng ống và đồ đạc linh tinh dồn lại một góc, rồi nằm khoanh con tôm, dưới chân người con gái. Tôi sắp sửa ngủ, bỗng chợt như đâu đó, ai gọi đến tên mình, tôi liếc nhìn sang cô gái, rồi đưa tay sờ cằm. Thức một đêm, râu mọc ra tua tủa. Tôi vừa mới thiếp đi, bỗng nghe đánh rốp một tiếng, giật mình choàng dậy, tôi hoảng hồn. Cô gái đang chĩa nòng súng vào ngực tôi mặt đỏ bừng:

   - Anh là ai? - Giọng cô gay gắt, mắt mở tròn.

   - Tôi là Giải phóng - Tôi đưa tay ngang nòng súng của cô - đừng... đừng… tôi...

   Chẳng hiểu bộ tịch của tôi thế nào mà cô muốn phì cười, nhưng cô vẫn làm ra vẻ giận dữ. Cô tạt nòng súng sang bên, cái nòng súng CKC, rồi lại đánh rắc một cái, viên đạn bật ngược ra, tôi kêu lên:

   - Cô lên đạn thiệt à?

   - Không thiệt sao được. Anh ở đâu mà lại nằm đây? - Giọng của cô còn gắt, nhưng mặt đã hết giận.

   - Tôi vừa mới tới, tìm từ sáng tới giờ, mệt muốn chết.

   - Sao giao liên không giao cho tôi!

   - Tôi đi tự lực.

   Tôi nói và theo dõi từng cử chỉ của cô. Cô đặt CKC xuống lớp cỏ, ngồi dựa lưng vào vách hầm. Cô gái khoảng độ hăm mốt hăm hai, nước da của cô có lẽ trắng trẻo, nhưng bây giờ thì rám nắng: Một cô gái bình thường, không có gì đặc sắc; nhưng tôi đã nhìn thấy cái vẻ riêng của cô, hết sức đặt biệt, một cái nốt ruồi son ở cổ. Tự nhiên tôi thấy thinh thích cái nốt ruồi son ấy của cô. Hình như cái nốt ruồi son ấy làm sáng cả gương mặt cô. Chắc cũng chính vì vậy, nên  cô mặc cái áo bà bà cổ trái tim. Tôi bắt đầu nói chuyện với cái thế của một người con trai.

   - Sao anh không trình giấy cho tôi mà tự tiện vào trạm?

   - Tôi sợ mất giấc ngủ của cô.

   - Nếu tôi gài lựu đạn ở bên ngoài thì sao?

   - Thì vì giấc ngủ của cô mà tôi chết thôi. - Tôi bắt đầu chủ động, nói trêu cho vui.

   Không nhịn được cười, cô quay mặt đi:

   - Anh ở đâu về đây?

   - Tôi ở Rờ.

   - Anh cơm nước gì chưa?

   - Đói muốn chết.

   - Anh chủ quan quá. Đến nơi là phải cơm nước ngay để khi nó đổ quân, còn sức mà đánh, mà chạy chớ.

   Cô với tay, kéo cái bồng nhỏ, mở dây, móc ra một chiếc bánh dừa đưa cho tôi:

   - Anh ăn đỡ cái bánh đi.

   - Bánh dừa!

   - Thì bánh dừa chứ gì mà anh mừng rỡ vậy.

   Đã lâu lắm rồi, tôi mới thấy lại cái bánh dừa, cái loại bánh ở chợ nào cũng có bán, thường treo từng đùm năm bảy cái trước những tiệm nho nhỏ ở nông thôn, đứa trẻ nào cũng thích. Cái bánh dừa nằm trong lòng bàn tay tôi, nằng nặng, thơm thơm mùi nếp chín và mùi beo béo của dừa. Tôi chỉ muốn cầm nó mà ngửi, nhưng làm vậy trước mắt cô, e không tiện. Nhìn lên tôi thấy cô chớp mắt.

   - Anh ăn đi, tôi còn nữa mà. Đêm qua anh ngủ đâu mà bây giờ anh mới đến đây?

   - Ngủ nghê gì đâu. Tôi lội qua đồng chó ngáp từ đầu hôm đến sáng trắng. Cô có biết cái đồng chó ngáp đó không?

   - Trước mặt chớ đâu mà không biết, tôi cũng lội qua lội lại hoài.

   Tôi thấy gần với cô hơn, muốn kể lể với cô một đôi điều:

   - Cánh đồng thật trời ơi, mùa khô mà cứ xăm xắm nước, chỗ không nước thì sình lầy ngập đến gối, có chỗ lún tới lưng quần. Đi dép thì dép tuột, thò tay kéo nó, rứt không muốn lên, đi chân thì bị tràm đâm. Ở rừng đi một giờ còn nghỉ được mười phút, hoặc mười lăm hai mươi phút cũng được; còn ở đây, nghỉ cũng phải đứng, ngồi ở đâu ngồi ở trên bùn thì nó lún xuống, nghỉ mà ba lô, bồng bị, súng ống cứ phải đeo trên vai, làm mồi cho đỉa với muỗi, thôi thà đi quách cái cho xong, vậy là tôi lội cho đến sáng trắng.

   - Rồi sao nữa?

   - Vậy thôi.

   - Vậy mà anh cũng báo công với tôi à?

   Cô gái đã mạnh bạo lên rồi đó, có thích không? Cô lại trêu tôi:

   - Anh có khóc không?

   - Sao lại khóc? - Tôi làm bộ giận.

   Cô cười để giả lả, hàm răng đều như hột bắp.

   - Như vậy là anh còn khá đó. Tôi có gặp một ông trung tá ở trên Rờ về nghiên cứu chiến trường. Gặp tụi tui ông hỏi: “Từ đây về trên Rờ có con đường nào khác hơn không?” Tụi tui nói: “Có thiếu gì”. Ổng mừng quá, ổng lại hỏi, đường nào, muốn theo những con đường đó phải có điều kiện giấy tờ gì để ổng lo trước? Tụi tôi nói: “Đường máy bay với tàu lặn”. Ổng cười rồi ổng nói, ổng đã từng vượt Trường Sơn, vậy mà khi qua đồng chó ngáp thì ổng thấy không có con đường nào gian khổ hơn, chỉ có một đêm thôi mà có đủ mọi thứ gian khổ trên đời. Ổng nói: “Mình là trung tá, chẳng lẽ mình khóc, coi sao được!”. Ông trung tá đó như vậy. Còn tôi? lần nào lội qua đồng chó ngáp tôi cũng khóc. Có những gốc tràm đâm đau điếng, mình không muốn khóc mà cứ chảy nước mắt.

   Tôi cười vì thấy cô nói đúng quá. Tôi không khóc, nhưng có mấy lần chảy nước mắt vì bị gốc tràm đâm, nó đâm ở chân mà đau nhói tới tận đầu. Mỗi lần như vậy, tôi đâm quạu với anh Năm Bờ. Quạu vì đôi dép của anh rất vững, có lúc tôi mong cho đôi dép của anh tuột ra một lần cho đồng đều, nhưng đôi dép cứ gắn chặt lấy chân anh, dép với chân, hai cái như dính làm một vậy.

   Tôi mới biết xỏ dép kiểu chiến trường đồng lầy khác hơn kiểu xỏ dép ở chiến trường rừng núi. Xỏ dép đi chiến trường đồng lầy, lỗ phải xiên dài theo dép, bốn cái lỗ phải châu gần lại nhau, vừa chắc, vừa bó sát lấy chân. Trước khi đi, cái gì anh cũng bày vẽ cho tôi, chỉ có đôi dép là anh không nói, có ức không?

   - Thôi, anh ăn đi chớ, cầm làm gì mà cầm hoài vậy.

   - Tôi ăn một mình à?

   - Thì anh cứ ăn đi, tôi no rồi - Rồi như giật mình, cô ngoảnh ra cửa chòi.

   - Như có tiếng máy bay.

   - Tiếng đầm già đó mà, kệ nói - Tôi làm ngon, nói vậy nhưng đã thấy thấp thỏm.

   - Anh này chủ quan quá, đây không phải là Rờ, anh xếp đồ đạc vô vách đi, nó thấy là nó bắn đó. Kìa nó tới...

   Cô chồm dậy, quỳ xuống, đưa cả hai tay đẩy hai cái bồng và đồ đạc sát vào một góc.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:27:21 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:11:07 am »

Máy bay trinh sát L.19 mà ta thường gọi là đầm già, tiếng bay của nó kêu “hi hi” đều đều như tiếng rên rỉ, mỗi lúc mỗi to dần.

   Rõ ràng là đường bay của nó đang hướng về phía chúng tôi.

   Cô giao liên đã đứng dậy, cầm lấy cây CKC, tấm vải dù bông đội trùm qua đầu, cô nép mình vào chòi, đưa mắt nhìn ra.

   - Nè anh, nếu nó ở đàng kia thì mình nép vô vách kên kia, nếu nó qua bên này nhìn lại thì mình nép vô vách bên này. Còn nếu nó tắt máy, chúi đầu xuống ngay mình là nó sút hỏa tiễn vô chòi mình đó. Mình phải nổ trước cho nó hoảng thì hỏa tiễn bay chệch qua chỗ khác. Nếu không, nó bắn như để, nghe không?

   Tôi thấy cô giao liên có vẻ rối, tôi làm ra bộ tỉnh:

   - Sao không làm cái cửa cho kín, chạy qua chạy lại làm gì cho mất công.

   - Anh này không biết cái gì hết. Chòi nào có cửa nó cho là có người, nó bắn ngay. Sao anh còn ngồi đó, lớ ngớ quá vậy.

   Cô quay phắt lại tôi, rồi lại quay ra cửa chòi:

   - Cầm lấy súng đi, nép qua lưng sau lưng tôi đây nè. Mau lên!

   Không phải chuyện đùa nữa, nghe cô hét như ra lịnh, tôi vừa chụp lấy cây AK, đã nghe cô lên đạn.

   - Lên đạn đi! - Cô lại hét tôi, lúc tôi vừa nép sau gần sát người cô. Con đầm già bay thấp, thấp lắm, là là qua đầu ngọn cỏ, nếu không để ý, nó tới lúc nào không biết, rồi bay ào qua của chòi. Nó hiện nguyên hình với tất cả kích thước to lớn của nó, đen sì. Tôi thấy rõ cả cái đầu của thằng ngồi lái, như cái gáo dừa.

   Ở rừng, nó không bao giờ bay thấp được như vậy. Ở chiến trường Sài Gòn hồi Mậu Thân năm 1968, tôi thấy nó bay sà theo mặt đường, nhưng cũng chỉ dám bay qua một lần; còn ở đây, đồng cỏ này nó bay, hai cái bánh xe như bò trên ngọn cây ngọn cỏ. Cỏ lác, sậy, đế xoáy hút theo đường bay của nó. Rồi nó đảo, nó vòng. Rõ ràng là nó nhìn vào từng cái chòi. Nó đang vòng lại.

   - Qua bên kia anh.

   Hai người nhảy qua, nép sát vào vách. Nó lại ào tới, hiện nguyên hình, đen sì, với cái đầu của thằng lái, lần này, cái cánh đen bè bè của nó rà ngang mái chòi, gió thốc vô, tưởng hai cái mái bị bưng lên.

   - Nó có nghi gì cái chòi của mình không?

   - Ai biết được!

   Tôi nghĩ đến Năm Bờ, chẳng biết ở đâu, có phải vì anh mà nó quần đảo như vậy không?

   Nếu lúc nãy cô giao liên không quát tôi, tôi vẫn còn lớ ngớ ở giữa chòi với đống đồ đạc, thì thằng lái khốn nạn đó, nó đã thấy tôi rồi.
   Con đầm già đen ấy dai như đỉa, nó chưa chịu cất cánh bay cao; chúng tôi phải chạy qua chạy lại hai bên vách chòi, núp nó như cút bắt. Rồi nó đảo một vòng rộng, từ từ cất cao lên.

   - Coi chừng nó sút hỏa tiễn, cứ đưa họng súng ngay nó. Tôi bắn thì anh bắn nghe không, anh cứ đẩy hết băng cho tôi.

   Con đầm già tè tè trên đầu chúng tôi, rồi nó tắt máy, nó chúi đầu, nhưng không chúi ngay cái chòi của chúng tôi.

   Ca... ô... x... u... ỳ đùng!

   Một trái hỏa tiễn. Một đường khói đen từ chiếc máy bay cắm xiên xuống. Một cái chòi, trước mắt chúng tôi, ở đằng kia, phía mặt trời, rất xa, bốc lên một ngọn lửa: một bựng khói đen.

   - Cháy ở đâu vậy? - Tôi hỏi.

   - Một cái chòi.

   - Có ai ở không vậy?

   - Không! Nó bắn đúng cái chòi có nhiều đường mòn.

   Chắc là cái chòi lớn có những con đường mòn nhẵn, lúc nãy tôi và Năm Bờ đã đi qua. Bắn xong, con đầm già lại tè tè vòng qua, rồi xấp xải bay thẳng.

   Cô giao liên tháo đạn ra khỏi nòng CKC, ngồi bệt xuống lớp cỏ, thở phào. Tôi cũng làm như vậy: tháo đạn, ngồi bệt xuống lớp cỏ nhưng không thở phào, mà nhìn cái nốt ruồi son nổi lên trên cái đuôi trái tim của cổ áo cô.

   - Ở trên Rờ của anh có cực như vậy không?

   - Cực nhưng cực cái khác, đầm già không dám nghênh ngang. Lâu lâu mới bị B.52 với F một lần.

   - Còn ở đây có đủ, từ B.52 cho tới tiếng súng của thằng Việt gian hạng bét ở xã. Đừng có dễ ngươi, mấy anh ở Rờ về, có nhiều anh lớ ngớ quá. Tôi định đề nghị với cấp trên như vầy, anh thấy có được không, anh nào vì lớ ngớ mà chết thì trong giấy báo tử nên đề rõ là “hy sinh anh dũng mà lớ ngớ”.

   Tôi cười thích thú với câu nói đùa của cô. Cô cũng cười, lấy tấm vải dù bông che miệng.

   - Trạm ở đây có một mình cô sao? - Tôi hỏi.

   - Tôi có phải là giao liên của trạm đâu?

   - Vậy cô là ai? - Tôi ngạc nhiên.

   - Tôi là tôi, cũng như anh, tôi đi tự lực, đêm qua, tôi cũng lội trắng đêm, mệt quá, tôi lủi vô cái chòi này.

   - Cô nói thiệt hay nói chơi vậy?

   - Tôi có nói chơi hồi nào đâu, mà nè, anh đi một mình, sao đồ đạc nhiều quá vậy?

   - Tôi đi hai người.

   - Còn một anh nữa đâu?

   - Ảnh đi chơi đâu rồi, tôi chẳng biết nữa.

   - Trời đất! - Bây giờ cô lại ngạc nhiên về tôi - Hay là nó bắn ảnh hồi nãy, mấy anh ở Rờ này lớ ngớ kỳ cục quá. Anh đi tìm ảnh đi chớ.

   - Anh đó ảnh không lớ ngớ như tôi, ảnh là người của chiến trường này.

   - Ở chiến trường nào cũng vậy, anh đi tìm ảnh đi, đồ đạc để đây tôi coi cho.

   Vừa lúc đó, tôi nghe có tiếng rột roạt ngoài vạt đế trước chòi.

   - Ảnh về rồi đó - Tôi nói.

   Cô giao liên quay ra, rồi bật đứng dậy, kêu lên thảng thốt:

   - Trời ơi! Anh Năm. Tưởng ai!

   - Bé Ba, em đi đâu đây!

   Bé Ba! À tôi nhớ ra rồi, cái tên tôi thường nghe trong những câu chuyện của anh.

   Năm Bờ bước vào chòi, vẫn mang kiếng mát đen.

   - Hồi máy bay anh ở đâu, anh Năm? - Tôi hỏi.

   - Tôi ở đằng trạm, trạm giao liên ở gần đây.

   Anh khom người, bước vào chòi, cười với Bé Ba.

   Bé Ba vẫn xúc động nhìn anh:

   - Sao anh ốm nhom ốm nhách vậy, bây giờ anh đi đâu, sao lâu nay anh không gởi thơ về cho tụi em, anh có được thơ của tụi em với chị Sáu của em không...

   Bé Ba hỏi một thôi một hồi, anh không kịp trả lời:

   - Còn em, em đi đâu đây?

   - Em đưa cán bộ về Tỉnh ủy.

   - Bà con mình mạnh giỏi hết hả?

   - Mạnh, anh có trở về vành đai của tụi em nữa không?

   - Anh phải về Tỉnh ủy, tùy Tỉnh ủy phân công.

   - Được, em sẽ đưa anh đi, em sẽ nằm vạ tại Tỉnh ủy, em sẽ đưa anh về.

   Hai người cứ lom khom trong chòi, nói chuyện, không kịp ngồi. Năm Bờ xoay qua tôi:

   - Đây là anh Thắng cùng đi với anh; còn đây là Bé Ba du kích vành đai.

   Đến lúc đó, tôi mới nhớ, hai người trong một cái chòi, nói với nhau cũng khá nhiều mà chưa tự giới thiệu tên cho nhau. Cô gái không để ý đến tôi nữa, làm như tôi không có mặt trong cái chòi chật chội vậy, cô cứ xoắn lấy Năm Bờ. Cũng phải thôi.

   - Ông ăn cơm chưa? - Anh hỏi tôi.

   - Tôi chờ anh nãy giờ.

   - Thôi dọn cơm ăn, vừa ăn vừa nói chuyện.

   Tôi mở tấm ni lông đi mưa, xếp làm đôi, trải trên lớp cỏ, dọn cơm.

   - Mấy anh có cái gì ăn?

   - Thịt dọc.

   - Về chỗ tụi em, hai anh thích ăn thức gì, tụi em đãi thức nấy.

   - Tôi muốn ăn rùa rang muối. - Tôi vừa bày hănggô cơm và lon thịt lên mâm, vừa nói.

   - Rùa thì phải chờ trực thăng đổ quân mới có - Cô nói.

   - Tôi nói thiệt mà cô lại nói đùa, đốt đồng bắt nó chớ sao chờ trực thăng.

   - Tôi nói thiệt, không nói đùa với anh đâu. Bây giờ mà đốt đồng cho trực thăng nó bắn cháy da à? Nè anh Năm... - Cô không nói với tôi mà nói với Năm Bờ - Hôm anh đi rồi, sau đợt hai, tụi nó bắt đầu phản kích.

   Tôi nghĩ là cô đang nói lảng sang chuyện khác. Cô vẫn tiếp:

   - Trời tờ mờ đất, nó đem ba đợt B.52, rồi pháo Bình Đức dập vô, trực thăng lại dọn bãi. Một bầy hai mươi mốt chiếc trực thăng, nó quần tới quần lui, bị nó rà sát mặt cỏ, nắp hầm của mấy em thiếu đều bị nó bứng lên. Ôi! Đưng, lác, sậy, đế gì cũng cuộn tròn tròn, khi thì xẹp xuống lúc lại cuốn trốc gốc, cỏ mục với rác cứ cuốn lên; lúc đó, rùa, rắn, trăn, con nào cũng hoảng. Nhiều nhất là rùa, ôi thôi, bị động ổ, nó bò lổm ngổm không biết bao nhiêu mà kể. Lúc đó không chậm như mình nói đâu, bốn cẳng cứ bơi bơi, nó bò qua tay, qua chân, bò qua cả mình tụi em. Có con bò rớt xuống hầm. Lúc đầu còn ham, trực thăng kệ trực thăng, thấy con nào là bắt bỏ hầm con nấy. Sau rồi kệ nó, nó muốn bò đi đâu thì bò. Sau trận càn đó, nhà nào cũng ăn rùa. Nào rùa rang muối, rùa luộc, rùa xé phay, có nhà còn rọng ăn tới mấy bữa sau.

   Nghe cô nói chuyện rùa, tôi chợt nhớ chuyện rùa của ông Ba Phi mà bác sĩ Chín kể cho tôi, tôi muốn kể lại với cô nhưng tôi kịp nghĩ, kể lại lúc ấy thật vô duyên. - Thôi ăn cơm đi, ăn đỡ thịt rừng, chừng nào trực thăng đổ quân thì mình ăn rùa. - Cô nhìn lại tôi, cười, rồi vẫn giữ cái lễ độ của một cô gái gia đình, cô giành phần bới cơm cho chúng tôi.

   - Chuyện làng mình bây giờ ra sao, em kể cho anh nghe đi. Bà con mình ai còn ai mất, ai ở ai đi?

   - Em không kể cho anh nghe đâu, anh cứ về thì anh biết. Em chỉ dặn anh một điều.

   - Điều gì em cứ nói.

   - Anh phải chuẩn bị một câu trả lời là tại sao lâu nay anh không biên thơ cho chị Sáu em?

   Vừa lúc đó, Năm Bờ đưa tay gỡ cái kiếng mát. Tôi thấy cô giật mình khi nhìn thấy vết thương của anh. Cô bàng hoàng, rồi cúi mặt, chống đôi đũa xuống chén cơm như đang mắc nghẹn. Bây giờ, có lẽ cô đã hiểu vì sao anh không biên thư cho chị Sáu của cô. Cô chớp mắt liếc nhìn tôi không nói gì, vẻ ỉu xìu, lặng thinh.

   Và tôi cũng bắt đầu hiểu.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:27:34 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:14:51 am »

CHƯƠNG 4

   Cái chòi có thể đủ chỗ cho ba hoặc bốn người con trai, nhưng không đủ chỗ cho hai người con trai với một cô con gái. Sau bữa cơm, Bé Ba phải đến trạm, nhường chỗ cho chúng tôi. Bé Ba vừa soạn lại bồng vừa bảo:

   - Đi mệt hai anh cứ ngủ đi, có gì em sẽ cho hay. Có cái lung ở gần đây, chiều mát, hai anh ra đó tắm rửa. Cơm nước em sẽ lo, em sẽ bắt cào cào châu chấu, giật vài con cá, kho ăn chiều.

   Cô vác súng, bước ra cửa chòi rồi quay lại, khẳng định thêm cái quyết tâm của mình:

   - Về đây, hai anh đi tự lực không được đâu. Chờ giao liên trạm thì phải năm ngày nữa mới có chuyến, trực thăng nó dòm ngó dữ lắm. Ngày nào cũng phải cắt cỏ để chụm cực lắm. Hai anh cứ nghỉ ở đây lấy sức, tối mai em sẽ đưa hai anh đi, vậy nghen, anh Năm?

   - Về trễ, em không sợ chị Sáu bí thư phê bình sao? - Tôi hỏi để mà hỏi cho vui.

   - Đi chơi đâu mà phê bình. Đưa anh Năm về, chị Sáu phải thưởng huân chương cho em chớ. - Cô cười.

   Tôi nhìn cái nốt ruồi son ở cổ của cô trước khi quay đi, lách mình qua vạt đế. Năm Bờ cũng cười và đỏ mặt. Vậy là rõ rồi, tôi quyết định đêm nay sẽ hỏi anh cho rõ hơn, còn bây giờ thì phải đánh một giấc cái đã...

   - Anh với chị Sáu thế nào anh Năm?

   Cả chiều nay, hai chúng tôi ngủ say như chết. Một bầy trực thăng chín chiếc, bay ngang qua chòi, nhảy cóc nhảy nhái đó đây trên cánh đồng chúng tôi cũng chẳng hay biết. Nghe tiếng trực thăng, Bé Ba từ trong trạm chạy ra, thấy hai đứa ngủ ngon, tầm hoạt động của trực thăng cũng xa xa, cô không đành đánh thức, cứ ngồi gác cho chúng tôi ngủ. Chiều lại, hai đứa ra ngoài lung tắm giặt, người tỉnh hẳn ra; sau đó tôi bắt được hơn chục con cào cào, đưa cho cô làm quà câu cá. Lát sau, từ một cái đìa vốn là hố bom, cô xách về một xâu cá rô, gần hai mươi con, cá rô mề, to bằng ba ngón tay. Cơm chiều với cá rô kho và có cả canh chua nữa. Thật no nê.

   Đêm nay yên tĩnh, trời cao, gió mát. Không đâu được cái ngọn gió lồng lộng như ngọn gió đang mang tiếng sóng của dòng sông Cửu Long dồi qua cánh đồng. Bé Ba lại vào trạm. Trong chòi, chỉ có hai anh em. Hai đứa nằm xuôi theo chòi, lấy võng trải trên lớp cỏ, thật êm lưng, nhìn qua kẽ hở của mái chòi, thấy cả ánh sao. Nghe tôi hỏi, Năm Bờ ngồi dậy, đốt một điếu thuốc, rồi lại nằm xuống.

   - Tôi không nói thì về đến nơi, ông cũng biết. Nếu nói hai người không có tình ý gì với nhau thì không đúng, nhưng bảo tôi yêu cô và được cô yêu, thì cũng không có bằng chứng gì rõ ràng.

   - Trong tình yêu thường có chuyện như vậy thật! - Tôi xác nhận, và anh kể tiếp.

   Anh tự biết mình đã yêu Sáu cách đây đã hơn hai năm. Một đêm anh được lệnh Tỉnh ủy mời lên để chuẩn bị cho đợt hai xuân 1968. Từ vành đai Bình Đức trở về, anh ghé qua thăm Sáu. Từ khi cha Sáu mất, Sáu nhường nhà cho gia đình má Hai, người cùng xóm, nhà đã bị bom đánh sập, đến ở nhờ. Thỉnh thoảng Sáu mới về một lần.

   Anh vào sân nhà, vừa bước đến cửa đã nghe tiếng má Hai, giọng chả chẹt dễ thương:

   - Năm đó hả? Mèn đét ơi! Hai đứa bay sao mà như cút bắt vậy? Con ngồi đây. Con Sáu nó vừa mới đi hồi chiều. Tắm gội, giặt giũ xong, ăn được mấy hột cơm là nó tất tả đi. Má hỏi con đi đâu, đi lại chỗ thằng Năm hả? Nó cười ngoen ngoẽn rồi đi tuốt.

   Anh đứng đó, trước cửa, nhìn cái vẻ đon đả của má, anh ngượng ngùng, sung sướng. Anh không muốn nói quanh co là nhân tiện ghé qua chơi, mà chỉ cười để xác nhận với má, mình qua đây tìm Sáu, trước khi đi.

   Anh cởi bồng, ngồi xuống ghế bên bàn, trong lúc má rót nước pha cho anh ấm trà, và cũng cái giọng chả chẹt như vậy, má bảo:
   - Nó đi rồi, nó còn phơi cái áo của nó kia, sau lưng con đó.

   Cái áo bà ba trắng vải nin phờ trắng nõn, cổ trái tim. Sáu thường mặc lúc thảnh thơi, cái áo đang phơi trên cây sào bằng ngọn tầm vông treo bên vách, sau lưng anh. Bước đến cửa, anh đã nhìn thấy cái áo của Sáu. Nhìn cái áo, anh thấy vui vui. Sáu đi, nhưng vẫn còn để lại cái gì đó của Sáu, hết sức quen thuộc đối với anh, từ trong chiếc áo bên vách, sau lưng anh đang tỏa ra.

   - Hai con chừng nào thì tính?

   Má đưa mắt nhìn cái áo, nhìn anh, nhìn xuống cốc trà đang cầm trên tay, hỏi anh, má hỏi giọng chia vui với hạnh phúc của hai người.

   - Hai con chưa nói gì với nhau, cũng chưa có gì đâu má!

   - Má cũng biết vậy. Cái trái trên cây, nó chín, nó không biết là nó chín, nhưng người ngoài nhìn thì biết là nó đã muồi. Phải lòng nhau là được, cần gì phải nói, mà chưa nói thì nói đi…

   Ngoài chuyện cái áo, anh không kể gì thêm giữa anh với Sáu nữa. Với anh, anh kể đến như vậy cũng là nhiều. Mới quen nhau, và hơn năm ngày lặn lội với nhau, tôi hiểu anh không phải người bộc tuệch, mà chừng mực, kín đáo.

   Ngồi gần cái áo của một người con gái mà xúc động mà nhớ và kể lại, cũng đủ biết, anh yêu người con gái ấy đến dường nào. Anh kể tiếp, trong những ngày xa vành đai, định gởi thư cho Sáu, nhưng chưa kịp gởi thì anh bị thương. Kể đến đó anh lại bỏ lửng câu chuyện giữa anh với Sáu, mà kể một chuyện khác. Hồi đen tối, thời còn thằng Diệm, sau luật “mười năm mươi chín” anh và một người nữa, cùng nằm một hầm bí mật, trong vườn mận hồng đào. Đêm đêm hai người thường thay nhau vào làng, gây dựng lại cơ sở. Đêm ấy đến phiên của bạn. Đêm tối, và dưới bóng cây vườn đen sẫm, hai người giở nắp hầm bước lên mặt đất. Dưới hầm tối đen, trên mặt đất cũng tối đen, nhưng cái tối đen trên mặt đất mênh mông hơn; cũng như bao nhiêu đêm khác, hai người lại bắt tay nhau, vì sau đó, có thể không còn gặp lại nhau nữa. Bạn đi rồi, như tan trong bóng đêm, còn lại một mình, ngồi bên nắp hầm, anh thấy băn khoăn, tim cứ đập dồn dập như báo động, người không yên. Đêm nay, anh thấy có cái gì khác hơn những đêm trước. Cái bắt tay của bạn chặt hơn, lâu hơn, và tuy đêm đen, anh vẫn nhìn thấy đôi mắt của bạn. Hai con mắt nhoi nhói, nhìn khắp người anh, nhìn lâu và sâu hơn. Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, tim anh lại báo động, đập dồn dập không kịp thở. Như có linh tính.

   Thế là anh rời khỏi cửa hầm, rời khỏi khu vườn mận hồng đào, anh ra ruộng, ngồi trên bờ, ngồi im như cục đất nghe ngóng.

        Sau đó không lâu tiếng chó sủa từ đầu xóm, sủa chuyển đến khu vườn của anh.

   Bạn anh bị bắt, chịu đòn không nổi, ảnh đã khai và dẫn bọn giặc trở lại hầm. Chắc còn thương anh, nên lúc đi ngang qua nhà một cơ sở, ảnh kêu lên: “Đừng đánh tôi nữa, tôi sẽ dẫn đi”. - Anh nói, đúng là linh tính báo trước cho anh.

   Linh tính mà anh nói, theo tôi đó là bộ óc nhạy bén của anh. Sự nhạy bén của anh khiến tôi phải nể.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:27:56 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2019, 09:16:37 am »

Tôi nhớ buổi xế chiều gặp nhau trong nhà bác sĩ Chín, ông muốn giữ chúng tôi ở lại chơi đến sáng mai hẵng đi. Nhưng anh lại muốn đi ngay.

   - Chú móc được chuyến đặc biệt hay sao mà vội quá vậy - ông Chín hỏi.

   Ở rừng, thỉnh thoảng có một chuyến giao liên đặc biệt bằng xe Hon đa, mát mặt lắm. Tôi cũng tưởng vậy và lấy làm mừng.

   Anh lắc đầu.

   - Không có, nhưng mình muốn đi sớm.

   - Vội gì mà vội dữ vậy anh, mai hẵng đi. - ông Chín cố nài nỉ.

   - Vội thì cũng không có gì vội lắm, nhưng mình nghĩ là đêm nay Bê năm hai sẽ hoạt động ở vùng mình.

   - Chú được tin báo à?

   - Không, nhưng tôi nghi, đêm qua không ngủ được, tôi nghe Tê hai mươi tám (T28), hai chiếc cứ cắt dọc cắt ngang khu rừng mình. Từ sáng đến giờ, rừng cứ im lặng. Lỡ có bề gì, mắc kẹt lại đây, tôi sốt ruột lắm.

   Nghe anh nói, chúng tôi mới để ý, rừng im lặng quá. Ở chiến trường, một vùng B.52 sắp hoạt động thì các loại máy bay như lẩn tránh đi, bay dạt tận đâu đâu, không bao giờ nghe tiếng. Sau đó, tiếng bay nặng nề kéo tới, vừa nhận được tiếng, thì bom đã trút xuống. Nhưng cũng không nhất thiết, hễ sau một lúc im lặng là có B.52.

   - Không chắc đâu, ở chơi đi anh Năm. - Bác sĩ Chín không tin lắm, lại nài nỉ.

   - Ở thì ở.

   Khi anh bằng lòng ở lại chơi thì ông Chín đâm ra lo. Ông nghiêng tai, nghe tiếng động.

   - Im lặng quá! Thôi hai ông cứ đi thôi. Thà không nghi, đã nghi thì phải tránh, hai ông lỡ có bề gì, tôi ân hận suốt đời, thôi đi đi cho mau, tôi cũng nghi lắm. Tôi phải sắp xếp lại cơ quan cho gọn.

   Hai đứa tôi lên đường giữa chiều nắng. Đêm đó, ngủ trong ngôi nhà bên bờ sông xóm chợ, đúng 9 giờ tối chúng tôi nghe tiếng B52 nổ cách chúng tôi độ hơn mười cây số.

   Nhưng không phải mới có như vậy mà tôi đã phục anh. Tôi cũng đã từng thoát ra khỏi vùng bom bằng những nhận xét như vậy. Cũng không chỉ anh với tôi, mà tất cả những người lính, trước cái sống cái chết, trên đầu đều có những sợi tóc như những sợi ăng ten có tầm hoạt động rất xa và hết sức nhạy bén.

   - Cái thằng đã chỉ hầm của anh đó, sau này hắn ta ra sao, anh? - Tôi hỏi thêm, để anh đừng hiểu là tôi cứ chăm chăm muốn biết chuyện giữa hai người, anh và Sáu.

   - Sau này tôi có gặp hắn ta một lần. Trước khi về xây dựng căn cứ Tháp Mười, tôi có việc phải đi Sài Gòn. Bận trở về, ra tới bến xe, tôi đã thấy hắn. Hắn mặc pijama, mang kiếng đen, đúng là một tên chỉ điểm. Có lẽ hắn cũng đã thấy tôi, không thể nào thoát ra khỏi con mắt của hắn. Từ xa tôi đi thẳng lại hắn, còn hắn nhìn tôi, mặt tái xanh. Bước tới, tôi vừa chìa tay vừa hỏi:

   - Mạnh chớ?

   - Trời ơi, anh Năm! - Hắn đưa cả hai tay ôm lấy tay tôi, giọng run run. - Anh đi đâu, anh Năm?

   - Tôi về Mỹ Tho.

   - Anh để tôi lấy vé cho anh, tôi đưa anh lên xe. - Hắn làm đúng như vậy, đi lấy vé, giành cả chỗ ngồi cho tôi.

   - Lần anh bị thương, anh nghi mà sao anh không tránh? - Tôi trở lại câu chuyện đang bỏ dở.

   - Chuyện đó hả? - Anh ngồi dậy, móc thuốc, đưa tôi một điếu, tôi bật lửa cho anh, xong tôi lại nằm xuống.

   - Nghi thì nghi, tránh sao được. Tôi có nhiệm vụ đưa một cánh quân bổ sung cho vành đai. Dù có biết mình chết cũng cứ đi. Đã vào đợt hai rồi. Vừa đánh vừa đi, chúng tôi hạ quyết tâm như vậy.

   Anh kể, đêm đó, cánh quân của anh đụng phải bọn Mỹ nằm phục giữa đồng. Hai bên đánh nhau trong một vạt đế. Cuối trận đánh, giữa lúc một bầy trực thăng nghĩa trang lạch xạch chớp đèn, hạ xuống để hốt xác Mỹ và hốt cả những thằng Mỹ bị thương đưa về Bình Đức, một thằng Mỹ chạy lại trực thăng hoảng hốt bắn loạn xạ, thì một viên đạn của nó trúng vào con mắt trái của anh. Một tổ ba người thay nhau cõng anh quay về bệnh viện dã chiến. Cả cánh quân của anh vẫn tiếp tục mở đường, tiến vào mặt trận.

   Về đến bệnh viện, tay anh còn giữ chặt một nắm cỏ chỗ anh ngã xuống. Và lá thư định gởi cho Sáu vẫn còn nằm trong túi áo anh.

   - Vậy là anh chưa gởi. - Tôi hỏi.

   - Chưa.

   - Hai năm nay, anh có nghe ai dạm hỏi hay tấn công cô ấy không?

   Tôi hỏi thẳng, tánh tôi như vậy.

   - Nhi... i... ều! - Anh chỉ đáp một tiếng kéo dài, nghe như hờn dỗi, và điếu thuốc trên môi anh lại cháy như một hòn than đỏ.

   Tôi biết anh không muốn nhắc đến nữa và ngọn gió thổi luồn vào cửa chòi; ngọn gió như nhắc cho tôi, đêm nay tôi lại ngủ trong một cái chòi, trên một lớp cỏ khô giữa đồng hoang, cánh đồng mà tôi đã xa đến những hai mươi năm!

   Hai đứa nằm lặng thinh. Qua cửa chòi, tôi thấy vạt đế đang được bàn tay của ngọn gió ve vuốt, xa nữa là khoảng trời vời vợi ánh sao. Mọi chuyện hãy gác lại mà nghe tiếng nói của cánh đồng! Dế đang gáy, cánh chim đang bay qua, tiếng chim kêu xé lên rồi tắt ngấm, nhưng vang mãi trong trí nhớ, và tiếng gió hiu hiu thổi... Chẳng mấy chốc mà tôi thiếp đi... Tôi ngủ mà vẫn nghe tiếng nói của cánh đồng, tiếng động của muôn vàn cây cỏ đang cựa mình, tiếng nứt mầm của sậy đế đang trồi lên khỏi lớp tro bom.

   Mặt nước các ao, đìa đang dợn sóng trong tiếng cá đớp mồi, cùng với tiếng động của đàn rùa, đàn rắn kéo nhau đi; sen đang nở cánh đưa hương và cánh đồng đang trải rộng ra, phơi mình chờ đón những cơn mưa, đế nước trên cánh đồng lại lai láng với mùa cá.

   Giấc ngủ say mà êm ái lâng lâng. Ngủ mà vẫn mơ hồ nghe tiếng sóng của cánh đồng. Tôi nằm khoanh trên lớp cỏ trong cái chòi hoang và choàng dậy vì tiếng bay của một lũ trực thăng, và đã thấy Bé Ba đứng trước cửa chòi:

   - Có gì thì hai anh theo em nhé!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:28:15 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM