Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:46:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa gió chướng  (Đọc 12911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 07:01:15 am »

CHƯƠNG 20

   Chúng tôi choàng ni lông đứng bên bờ con rạch nhỏ chia hai vùng, nhìn vào bóng tối của đêm ngoài rặng cây - ấp chiến lược, chờ một ánh đèn.

   Bọn nó chẳng biết gì, cứ bắn pháo như mọi đêm.

   Vẫn mưa - Mưa ngày mưa đêm. Xoài đâm lá non. Cây cỏ xanh tươi, mươn mướt màu xanh. Mưa đến thúi đất. Đã đến mùa lỡ nước lỡ khô. Đất dậy mùi bùn. Nước chưa lên đầy để đi xuồng, đường sá thì lầy lội. Bộ binh với xe tăng không thể càn lên một bãi lầy. Ngày thì máy bay, đêm thì pháo. Trên các ngả đường chỉ còn có bước chân người du kích. Một bước đi qua, mưa lại xối xuống nhòe mất dấu. Út Đợ cùng với đội du kích - cánh con trai đã vượt qua con rạch từ lúc tròi vừa sụp đổ mưa, đang dọn đường.

   Bóng tối của chi khu như thon thót giật mình, chớp lóe, pháo lại hú qua đầu chúng tôi bay vào bên trong, nổ sau lưng chúng tôi hằng mấy cây số.

   Mưa. Là giọt nước mà như những hột đậu bắn vào ni lông đồm độp, giòn khô. Lạnh run, răng đánh cầm cập, không ai nói với ai một lời.

   - Có đèn rồi!

   Sau cái đêm nằm chung giường với Mười, Sáu bị cảm lạnh vì suốt ngày phải ngồi dưới căn hầm ngập nước. Sáu phải trở về nghỉ ngơi lấy sức. Cô đã trở ra ngoài ấy ba hôm, vẫn theo con đường cũ, cái khăn trùm qua đầu kín mặt, đạp xe đèo bà Chín đi thăm thai bà con nghèo xóm nhà chị Bảy Thá. Và đêm nay, thì đến lượt của Năm Bờ.

   Trước mắt chúng tôi, trong đêm tối, vừa bật lên một ánh đèn xanh.

   - Mình đi nhá! - Năm Bờ bắt tay tôi.

   - Tụi em đi nhá! - Tiếng của các cô gái, của Bé Ba, của Thon, Thả.

   Họ đi. Họ vừa bước xuống ruộng, đã hòa trong bóng tối, chỉ còn nghe tiếng dép, tiếng mưa như hột đậu bắn vào ni lông choàng của mỗi người, đồm độp, giòn khô.

   Tôi đứng lại một mình. Đêm mưa, trời đất một màu đen. Nhìn cái ánh đèn xanh ấy, tôi bỗng nhớ đến câu nói của Năm Bờ: “...Đàn bà con gái như sao trên trời. Đêm càng tối, sao càng sáng”. Đúng vậy! Và bầu trời không thể chỉ có một vì sao. Đã có Sáu Linh, có bà Chín, bây giờ lại có thêm Mười, và ai nữa? Trong cuộc đấu tranh, có những con người bật lên, sáng rực, không ai lường trước được. Nếu đêm nay là một đêm sao, sao có chi chít đầy trời, những con đường dưới mặt đất dù có được soi sáng, cũng không thể có được một chuyến đi như đêm nay. Chuyên đi này, đêm nay phải nhìn theo ngọn đèn xanh ấy, ngọn đèn của Mười, như con mắt thần. Chỗ đứng của cô, cái lưới kềm kẹp của quân thù đã bị phá vỡ, một mảng to.

   Tiếng chân, tiếng mưa quất đồm độp lên ni lông choàng của Năm Bờ, của các cô du kích đã xa, chìm mất trong tiếng ầm ào của cơn mưa. Tôi chợt nhớ đến một trận đánh của một người chỉ huy trẻ, tôi có dịp làm quen. Anh là cán bộ trung đoàn, tuổi mới hơn ba mươi. Trong trận càn “Giônxơn Xyti” của quân Mỹ mùa khô năm sáu mươi bảy (1967) tăng của quân Mỹ không chạy băng qua rừng, mà theo dưới bụng chiếc trực thăng cần cẩu, đổ xuống. Một cụm tăng, một cánh quân Mỹ nằm trong vòng vây của đơn vị anh. Thế mà sáng sớm, rừng còn hơi sương, một chiếc Đakôta màu trắng bay ngang qua đầu anh, bay vòng theo cánh quân của anh, nó bắc loa, nó gọi đúng phiên hiệu của trung đoàn, gọi đúng cả tên anh, người chỉ huy. Nó nói rằng đơn vị của anh đang bị kẹt giữa vòng vây! Nó gọi đúng tên anh, và kêu gọi chiến sĩ của anh hãy buông súng. Chiếc Đakôta lại rè rè và từ trên không kêu vọng xuống: “...Chiêu hồi... hay... tử thần”. Mình đang vây nó mà nó bảo nó đang vây mình. Được! Một quyết định táo bạo, anh ra lệnh cho đơn vị cắt rừng, lặng lẽ chui vào ruột bọn nó. Tên chỉ huy ra lệnh cho tên chiêu hồi tiếp tục đòn tâm lý chiến, nhưng nó thì nó hiểu, nó đang nằm gọn trong vòng vây. Theo lệnh nó, khi tăng bắt đầu chuyển xích, súng bắt đầu nổ, thì bất thần, tiếng súng từ bên trong đánh thốc ra. Tăng không kịp quay đầu, lính không kịp trỏ tay. Nó như một cái vỏ bi nổ từ bên trong vỡ tan... Còn cái chiếc Đakôta “phao tin đồn nhảm” ấy, súng từ dưới đất bắn lên nó không phải là tiếng súng nhỏ của du kích. Cái lườn của nó hứng cả một loạt 13 ly 2, lãnh đủ, không chừa một viên. Tôi có dịp qua chiến trường ấy, một lần, còn thấy xác xe tăng. Nhìn kỹ, tôi thấy những cái xác tăng bị cháy bẹp từ phía sau... như con rùa sắt bị vạt đít, quỳ hai chân sau, cái đầu ngóc lên, bất động.

   Trận đánh táo bạo của người chỉ huy trẻ ấy với cuộc chiến đấu của Năm Bờ đêm nay, chẳng có gì giống nhau, khác xa. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ. Đêm nay, Năm Bờ sẽ vào ấp chiến lược, sống lẩn lút, gây dựng lại từng cơ sở, chuẩn bị cho một ngày nổi dậy, người dân từ trong ấy sẽ phá ra... Không gọn, không nhanh như một trận đánh. Không phải đêm nay, không phải ngày mai, cũng không phải ngày kia; theo sự tính toán của anh, phải sau mùa nước và phải đến mùa gió chướng. Cái ấp chiến lược này cũng sẽ như cái vỏ, bị nổ từ bên trong, sẽ vỡ tan.

   Vẫn có cái gì giống nhau, chớ chẳng phải không. Tôi vẫn đứng đó, dầm mình trong cơn mưa, nhìn ngọn đèn xanh của Mười, nghĩ miên man. Đến lúc ngọn đèn ấy tắt, báo yên, tôi mới quay lại vọng gác, dưới lùm xoài. Tôi đốt ngọn đèn chai xem đồng hồ, đã gần một giờ khuya. Tôi nằm lắc võng hút thuốc, nghỉ lưng. Mưa vẫn đồm độp trên mái tăng.

   Tôi với Năm Bờ, hai anh em từ trên Rờ cùng về, đêm nay anh đã vào ấp chiến lược, sẽ được việc chớ không đến nỗi, “không ra cơm cháo gì” như anh nói. Còn tôi, tôi vẫn nằm gí ở đây, chưa làm được việc gì, như người thừa. Ngủ không được, nằm không yên. Tôi bật dậy, đi nấu cháo. Mưa lạnh thế này, anh chị em trở về, có một nồi cháo cá bốc hơi, còn gì bằng.

   Cái bếp dã chiến của Út Đợ nằm ngoài mưa, lạnh ngắt lạnh tanh. Tro chảy theo nước trôi mất, chỉ còn ba ông táo như ba con ếch bà ngồi trơ trơ. Nhưng cớ gì phải nản chí? Sao bằng con đường Trường Sơn?

   - Miền Nam ơi miền Nam...

   Tôi dời ba ông táo vào trong tăng, cạnh bên võng, vừa làm vừa hát. Đố ai tìm được câu hát ấy trong bài nào của ai? Tôi hát theo ngẫu hứng. Tính tôi như vậy, hễ hứng thì tôi hát, chẳng nghĩ gợi gì, cứ bật ra, có lúc tôi hát cả một bài dài, lấy câu hát của bài này nối qua câu của bài khác, lại nhảy qua một câu của bài kia, có ra gì, nhưng là tiếng hát của mình.

   “Miền Nam ơi! Miền Nam ơi!”...

   Xong cái bếp, tôi rọi đèn quơ củi. Củi xoài ướt mèm. Chọn cành củi mập, tôi róc cái vỏ ướt, rồi chẻ nhỏ để làm mồi. Tôi chui xuống hầm chống phi pháo, xúc gạo vào nồi, định đem xuống bến, vo gạo, lấy nước, bắc lên bếp rồi đi bắt cá. Vậy không tiện. Để cái bếp lửa đỏ mà đi bắt cá, máy bay nó ù tới, ai tắt cho. Phải bắt cá trước, rồi ngồi làm cá cạnh bên bếp, cạnh lửa. Ở chiến trường, những chuyện nho nhỏ như vậy, cũng phải tính toán, nếu không thì sẽ “anh dũng hy sinh mà lớ ngớ”... Tôi để nồi gạo ngay giọt mưa dưới tăng, thổi tắt ngọn đèn chai, rọi đèn pin, quơ một sợi dây, ra mương. Lúc trời mưa sa, Út Đợ có đào mấy cái hầm dọc theo bờ giữa hai con mương. Mỗi cái hầm là một cái lu. Mưa này, cá từ dưới mương lốc lên, con nào lốc qua hầm thì rơi xuống, nằm đó. Đó là cách bắt cá của dân đồng bằng, mùa mưa sa. Tôi cứ ra những cái hầm ấy mà chọn. Cá trê, cá lóc, hầm nào cũng lóc nhóc. Cá mùa này ăn không hết. Nhưng chẳng ế đi đâu. Con nào chưa kịp ăn thì xẻ ra ướp muối, làm khô, làm mắm. Nghĩ thương bà con, cá nó ở đây mà người thì ngoài kia, phải ăn cá chợ!

   Rọi đèn, tôi chọn hai con cá lóc bự bằng bắp chuối, lấy dây xỏ qua mang, xách vào.

   Ngồi làm cá cạnh nồi cháo bên bếp lửa dưới mái tăng, tôi chợt nhớ tới nhà báo Trần Hoài Sơn, thằng Hơn. Buổi cơm sáng nhà ông Hai, nó bảo: trước khi đi, nó nghĩ nó sẽ bị bắt, bị trói, bị bịt mắt, bị tra hỏi, không ngờ lại được gặp bạn cũ với bữa cơm ngon. Nó tấm tắc cái món canh chua cá vồ, khứa cá cắt xiên, nước canh mỡ màng, ớt như những vòng hoa đỏ, hột ớt là nhụy trắng.

   Chiều, trước khi nó theo xuồng bà con để trở về, ông Hai lại đãi nó thêm một món lạ. Món gà hấp rượu. Phải cho chú nhà báo đó thấy đời sống của dân kháng chiến mình. Món này tôi cũng thạo lắm, nhưng hôm ấy, tôi không muốn nhúng tay, để cho ông, người chủ. Ông bắt con gà mái giập trứng nặng hai cân.

   Con gà làm xong, ông đem ướp tỏi, bột ngọt, một muỗng xì ỉu cho có màu. Mâm chén dọn xong, một đĩa rau sống, bốn cái ly với một nhạo rượu. Ông sai thằng Út bưng cả cái cà ràng dưới bếp đem lên, đặt dưới mái hiên, ra lịnh cho thằng Út nổi lửa. Con gà ông để trong xoong, ông cầm cái nhạo, rót một ly rượu trắng. Nhà báo Trần Hoài Sơn - thằng Hơn, nói theo từng cử chỉ của ông như người thuyết minh:

   - Rượu chỉ cần độ năm xê xê, một ly nhỏ, cứ đổ vào con gà. Dưới xoong không cần có tấm vỉ, nắp xoong đậy thật kín, rồi bắc lên bếp, lửa cháy đều.

   Cái đồng hồ reo để trên bàn thờ ông bà đang tích tắc, nhưng ông không xem, ông hỏi nhà báo Trần Hoài Sơn:

   - Mấy giờ rồi chú?

   - Dạ bốn giờ năm.

   - Đúng bốn giờ mười hai, chú nhắc tôi, bảy phút! Cơm nước xong, chú về thì vừa, tôi có dặn con Bảy Nở hàng xóm, chờ chú...

   Chúng tôi lên ngồi quanh mâm, nhìn bếp lửa.

   - Mấy phút rồi cháu?

   - Dạ hai phút.

   - Còn năm phút nữa.

   Hơi bốc lên và đã nghe mùi thơm.

   - Còn một phút nữa thôi bác.

   Ông Hai bước lại bếp, khum khum một bàn tay, quơ qua nắp xoong, hốt lấy hơi đưa lên mũi.

   - Bảy phút chưa cháu.

   - Dạ đúng bảy phút.

   - Út nhắc xuống, con.

   Thằng Út mười lăm tuổi, cầm hai miếng giẻ, bưng nồi đặt xuống rế,

   - Giở nắp ra, con.

   Hơi bốc lên, thơm phức cả nhà.

   - Lấy chiếc đũa, xăm nó, đặt lên đây. Còn nước hay khô, con?

   - Dạ còn.

   - Lấy chén chắt ra, đưa lên đây, con.

   Con gà đặt lên đĩa, con gà mái vàng, căng da tươm mỡ, bốc hơi, thơm đến nỗi cái cánh mũi của nhà báo cứ phập phồng. Nước từ con gà rỏ xuống, đọng lại độ một chung mắt trâu. Ông đặt cái chén ấy trước mặt anh nhà báo:

   - Phần này là của cháu. Cháu nếm thử.

   Nhà báo Trần Hoài Sơn - thằng Hơn, húp một miếng, nó ngồi ngẩn ra, hai con mắt ốc nhồi nhìn lên, mở tròn.

   - Sao, cháu?

   - Ngon hơn nước trứng vịt lộn.

   Món gà hấp rượu, ý của ông, như ông nói, là để đãi khách Sài thành một món ăn của bưng miền, cho lạ miệng, để nhớ lâu. Không ngờ, con gà hấp rượu ấy khiến cho anh nhà báo Trần Hoài Sơn lại nghĩ ra những điều khác; anh nói:

   - Thưa bác, thưa hai anh, đây chính là văn hóa. Gà rô ti của Pháp, không thể so nổi con gà hấp rượu này. Món gà của Mỹ lại càng không thể sánh. Món gà hấp rượu này của bác cho cháu hiểu thêm: Một dân tộc có những món ăn như vầy, chứng tỏ là một dân tộc có một nền văn hóa cao, dân tộc ấy nhứt định không thể bị tiêu diệt, dân tộc đó sẽ tồn tại mãi mãi. Cám ơn! Cám ơn! Lần này về Sài Gòn, cháu sẽ làm như bác trước mặt bạn bè, cháu sẽ kể lại với anh em. Thưa bác, bác có thể giúp cho cháu hiểu thêm là, món gà hấp rượu này xuất xứ từ đâu và lúc nào. Đây là lần đầu tiên cháu mới được nghe, được thưởng thức.

   Ông Hai cầm nhạo, rót đầy cả bốn ly:

   - Cháu uống đi. Nó xuất từ đây, xứ Tháp Mười này từ ngày đánh Mỹ. Mỹ nó có phản lực, nghe ù cái là tới, nhìn lên đã thấy nó xa lắc xa lơ. Làm gà mà lửa củi cứ cà rề cà rà, lửa khói lôi thôi, nó ào tới, gà chín mà mình chẳng được ăn. Để khói lửa cho nó liệng bom, mình chỉ được ăn gà cúng. Còn cái món này: đâu đó xong xuôi, đứng dòm bốn phía, không thấy nó nhấp nháy ở đâu, đổ một ly rượu vô đốt lửa lên. Nó có ào tới, mình cũng vừa xong. Nó nhanh thì mình gọn. Vậy đó, cháu!

   - Dà... dà... cám ơn, cám ơn bác...

   Anh nói, ở Sài Gòn mấy năm sau này, có thêm mấy cái quán, gọi là quán dừa. Những cái quán lá ngoài ngoại ô dưới bóng dừa, theo xa lộ. Vì bom đạn, hằng năm đến ngày hè, ngày tết, người Sài Gòn không mấy khi về quê, họ thường đổ ra quán dừa, ngồi nhìn rặng cây, nhìn cánh đồng, thở hít khí trời trong lành, cho đỡ nhớ quê. Quán dừa bán những món ăn đặc sắc của đồng quê: rùa, rắn, ếch, nhái, tôm. Tất cả đều còn sống, được dộng trong nước, khách có thể nhìn thấy, muốn ăn con nào, chỉ con nấy. Anh thích nhất cái món tôm nướng mía. Nhưng cái món ấy bây giờ đối với anh không thể so sánh với món gà hấp rượu. Anh nói, nghĩ cho cùng, món tôm nướng mía chẳng qua là một món lạ, dành cho kẻ ăn chơi. Còn món gà hấp rượu của ông Hai, anh đang thưởng thức, chính là món ăn thể hiện trình độ văn hóa và tinh thần chiến đấu của nhân dân. Chuyện của anh nói với chúng tôi, không ngờ, chuyện món gà hấp rượu lại là chuyện dài nhất. Từ một món ăn mà phát lên những ý nghĩ như anh, tôi với Năm Bờ thấy có hơi quá, nhưng chúng tôi không muốn tranh cãi. Dù có hơi quá, nhưng đó là ý nghĩ tốt, ý nghĩ xúc động đầu tiên của anh.

   Đêm nay, ở Sài Gòn, anh bạn cũ của tôi, thằng Hơn, đang làm một con gà hấp rượu khoe với bạn bè hay làm gì? Chia tay với tôi, Hơn nó hứa, sẽ trở lại làng này một lần nữa. “Xin tái ngộ, xin tái ngộ. Cám ơn! Cám ơn!”. Và Hơn cũng hứa, với riêng tôi, lần sau nếu tôi muốn, bằng cái thẻ căn cước sẵn có của tôi, Hơn sẽ tạo điều kiện giúp tôi ra ngoài ấy, có thể vào ở ngay trong nhà thằng đại úy Long với anh. Cán bộ nội thành sống và hoạt động như vậy là việc bình thường. Với tôi thì mạo hiểm, sau cái mạo hiểm là hấp dẫn, bao giờ cũng vậy. Mùa xuân Mậu Thân năm 68, cái thẻ căn cước mà tôi đang có, chính là để đi một chuyến như vậy, vào hẳn trong nội thành, như một người Sài Gòn, sống và hoạt động. Nhưng tôi chưa kịp đi thì phải nhận một công tác khác, trở về Rờ, cứ tiếc mãi.

   Hai con cá làm xong, không cần phải xuống bến, tôi rửa ngay trong một cái nồi đã đầy nước, hứng dưới mái tăng. Trời vẫn mưa. Mưa cho thúi đất mà! Cháo nhừ, tôi thả hai con cá vào nồi. Tôi cời lửa, ngọn liu riu, lại chui xuống hầm.

   Từ ngày bà con trở về thăm xóm vườn cũ, anh em du kích sống thật đầy đủ. Bà con mỗi người cho mỗi món, chẳng thiếu thứ gì! Nào tiêu, nào bột ngọt, nào hành, nào tỏi... trà đương, thuốc lá, cả cà phê!

   Nồi cháo đã chín rồi mà anh em chưa về. Tôi dụi lửa, cời than.

   - Hù!

   Hai bàn tay chụp lấy vai tôi, lạnh ngắt. Tôi giật mình quay lại: Út Đợ!

   - Làm mình hết hồn. Tưởng biệt kích chớ! Anh Năm đị lọt không?

   - Hai ông bà gặp nhau ngoài đó rồi.

   - Gặp nhau hả? - Tôi hỏi lại, ngây thơ.

   - Nói giỡn với anh vậy thôi.

   - Về đủ hết chưa, Út Đợ?

   - Đủ, còn đang rửa chân rửa cẳng dưới bến. Bốn trai, ba gái, bảy người về đủ.

   - Ngồi lại đây, ngồi xung quanh bếp lửa cho ấm! -Không ai nghĩ là tôi nấu cháo, sau khi mọi người ngồi quây tròn quanh bếp, ngọn lửa vừa bùng lên thì bất thình lình, tôi giở nắp vung ra, hơi bốc lên, thơm lừng.

   - Cái gì vậy anh Thắng? - Mấy cô hỏi.

   - Cháo cá!

   - Hoan hô anh Thắng!

   - Tụi em vừa lạnh, lại vừa đói.

   - Đứa nào cũng ước có cái gì ăn.

   - Đốt đèn!

   - Đốt liền hai ba cái cho nó sáng.

   - Máy bay nó ướt cánh hết rồi, đốt đi.

   Thêm bảy ngọn đèn chai, anh em ngồi túm tụm dưới mái tăng nói, cô gái mặc áo bà ba đen, đầu đội nón lá trong cái chai đèn của Út Đợ, cũng cười.

   - Ca của ai người ấy ăn. - Út Đợ bảo - Múc cháo đi.

   Nồi cháo có ngon lành gì đâu, nhưng tôi lại sướng đến cuống lên. Nấu được nồi cháo đúng lúc cho anh em! Tôi chui xuống hầm, vội ló đầu lên:

   - Khoan, tôi chưa nêm bột ngọt!

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:35:06 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 07:05:29 am »

CHƯƠNG 21

   Cũng dưới cái mái tăng ni lông trong vọng gác vườn xoài, cũng ba cái võng, tôi với Út Đợ cũng lại nằm bìa nhưng người nằm giữa lần này không phải Năm Bờ mà là Châu. Thật ra, anh không nằm mà ngồi, đang cắm cúi viết cái gì đó. Út Đợ chợt hỏi:

   - Mày làm gì mà con Bé Ba nó mặt lớn mặt nhỏ với mày vậy, Châu?

   Châu đưa cái cán viết màu sữa chọc lên đầu.

   - Làm gì đâu. Thanh niên sôi nổi mà không thông cảm cái gì ráo!

   - Hai đứa mày cứ như vậy hoài. Nay giận mai hờn. Có gì mày nói thiệt cho tao nghe, tao giải quyết cho.

   Châu ngồi xoay lưng lại phía tôi, tôi không thấy được mặt anh, chỉ thấy anh lại gãi đầu bằng cán viết:

   - Có gì đâu... ừ... ừ... m...

   - Mày bốc hốt chứ gì?

   - Bốc hốt gì đâu, tôi mói... na... a... ắm tay thôi!

   Người to lớn như anh mà cứ ừ à từng tiếng, tôi thấy khổ cho anh quá.

   - Rồi sao nữa?

   - Cổ bảo tôi khinh cổ, cổ đòi cắt đứt.

   - Lúc đó có ai thấy không? - Út Đợ hỏi như lấy cung.

   - Dòm quanh quất, có thấy ai đâu. Vậy mà lúc đó, nghe cái rột, hai đứa quay lại thì con quỷ con Thon, không biết ở đâu, từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên, nó đứng bên kia mương nó cười.

   - Hèn gì! Mày cứ sớn sác, không ngó trước ngó sau. Bây giờ mày làm gì đó, viết thư xin lỗi hả? Rubi đây nè, hút một điếu đi cho ra ý. - Út Đợ móc bao thuốc lá, đưa lên, dùng cái ngón trỏ búng banh bách; Châu rút lấy một điếu. Út Đợ lại tiếp: - Mà thôi, mày không nhớ chuyện con Thon sao mà thơ với từ? Nè anh Thắng! - Út Đợ ngoẹo đầu ra khỏi võng, nhìn sang tôi:

   - Năm kia có một anh cũng ở Rờ của anh về đây công tác. Nói cho ngay, ảnh thì không chê vào đâu được, mặt mày sáng láng, với bom đạn thì lì không ai bằng, chịu chơi lắm, ai cũng thích. Ảnh nói ảnh học xong lớp mười. Người như vậy ai mà không tin. Ảnh thương con Thon! Con Thon thấy vậy cũng vừa mắt. Cuối cùng chỉ vì một cái thơ mà tan cuộc. Hôm đó, ảnh hẹn đến thăm con Thon, nhưng bận họp. Con Thon giận. Ảnh mới viết thơ xin lỗi. Thơ nói: “...Hôm đó, anh hứa sang thăm em, tại gì anh bận họp” - Con Thon học hành chẳng tới đâu, nhưng cũng rành được chánh tả. Đọc lá thư, con Thon cứ lấy làm lạ, ảnh học tới lớp mười mà sao chữ vì lại viết là tại gì? Con Thon đâm nghi, từ đó nó bắt đầu điều tra. Té ra ảnh chỉ mới học có lớp hai. Con Thon nó thấy mình bị người ta gạt, nó tự ái.

   - Cứu vãn được không? - Tôi hỏi.

   - Tội nghiệp! Ảnh nói thiệt với tôi, mặt buồn hiu. Tôi thương ảnh quá, tích cực lại gan lì, nhưng tôi giận ảnh, tôi nói: “Sao lúc đầu cha nội không nói thiệt với nó. Mình là nông dân, đi đánh Mỹ từ nhỏ, không được học hành, thằng nào khinh thì cứ nói thẳng vô mặt nó, anh cầm súng đánh Mỹ cho tôi đi, rồi tôi sẽ học cho anh xem. Anh dốt, con Thon cũng không dám khinh anh. Người như cha nội vậy là ngon quá xá rồi, nói dóc thêm làm gì?”. Đời nó “khuất tạp” vậy đó anh! Vậy đó Châu, mày thấy chưa?

   - Anh làm như tôi từ trên mới rơi xuống hay sao mà không thấy... Nhưng mà tôi có nói tôi học tới lớp mười lớp bảy gì đâu?

   - Biết vậy, nhưng chữ nghĩa của mày như con cua bò. Mày đưa thơ cho anh Thắng xem, ảnh góp ý cho.

   Châu cất hai chân, ngả lưng xuống võng, rồi ném hai chân sang cạnh bên võng tôi, đặt quyển vở học trò vào bụng tôi, mồm ngậm điếu thuốc méo một bên.

   Từ ngày về làng, mỗi người mỗi việc, chỗ ở cũng là vị trí chiến đấu, xa cách nhau, thỉnh thoảng tôi mới gặp lại Bé Ba. Và cũng được biết cô với Châu, hai người đã đính hôn. Thật xứng đôi. Tình bạn đầu tiên của tôi đối với cô được hòa chung trong mọi người. Đôi lúc, tôi nghĩ buồn cười cho mình, những ngày đi đường ấy, sao cứ chú ý đến cái nốt ruồi son dưới cổ của cô.

   Châu viết trên trang giấy giữa quyển vở, chữ nguệch ngoạc ngả nghiêng nhưng rõ ràng, dễ đọc. Xem xong, tôi hỏi anh:

   - Châu mới viết đây phải không?

   - Thì từ nãy giờ đó.

   - Bây giờ là buổi trưa, - Tôi nói - anh xem mưa tạnh, nắng ấm, xa xa thì có tiếng pháo tiếng bom, mà sao cậu viết là “Đêm nay, mưa đổ dầm dề, gió thổi lạnh lùng, mọi người đều an giấc, riêng anh, nhớ em, trằn trọc suốt năm canh” là sao? - Mắc cỡ quá, Châu bụm mặt, cười lên hơ hớ. Út Đợ thấy vậy càng đắc chí, anh ngồi bật dậy:

   - Thấy chưa? Trời đang nắng ấm mà nói đêm mưa, tao với anh Thắng nằm hai bên, đang thức mà dám nói là mọi người đang an giấc ngáy kho kho, là sao hả? Con Bé Ba nó điều tra ra nó biết, thì tao làm sao giải quyết cho mày hả?

   Bị Út Đợ dồn vào thế bí, đỏ cả mặt, tía cả tai, không biết làm gì cho hết mắc cỡ, anh bật dậy, chụp lấy tay của Út Đợ, bẻ ngoặt ra sau.

   Tôi được biết, anh là con của ông Sáu Nghệ, thầy võ nổi tiếng. Tiếng là thầy, nhưng chẳng thấy ông dạy ai. Ông bảo, dạy nghề phải coi mặt. Xóm làng thương ông ăn ở hiền lành. Người nào không biết ông, lỡ đụng chạm, ông nhịn. Không nói, vì lỡ biết nghề nên ông không dám đụng ai. Người ở xa đến tìm hỏi ông, người làng chỉ cần bảo, thấy ông già nào để đầu tóc, đó là ông. Cái búi tóc của ông sau ót, nhỏ như củ hành. Bao nhiêu chỗ đến đón, ông cứ một mực không đi. Mãi đến ngày kháng chiến, ông mới mở trường dạy cho trinh sát đặc công.

   Một buổi chiều cách đây đã năm năm, từ ngoài đồng trở về, ông lọt giữa một đám pháo bầy.

   Đã lâu, hơn mười năm về trước, những đêm trăng, hàng xóm thường tụ tập trước sân đập lúa nhà ông, xem thằng Châu, sáu tuổi, con ông Sáu đi đường thảo... Với bàn tay khỏe và có võ nghệ ấy của Châu, cánh tay của Út Đợ bị bẻ ngoặt ra sau, ảnh ngoẹo đầu, méo mặt, kêu ai ái.

   - Chừa chưa Đợ, hả? Chừa chưa?

   - Ái, ái... chừa!... Ái...

   Hai người đang giỡn thì Út Trầm từ ngoài đường chạy vào.

   - Anh Út, anh Châu ơi ớ ơi!

   Châu buông tay Út Đợ, quay ra.

   - Cái gì đó?

   - Chị Mai về...

   - Đi, đi về thăm chị một chút.

   Châu xếp quyển vở, Út Đợ thì cuốn võng. Tôi chưa quen với Mai, nhưng cũng quýnh lên tôi nhảy xuống, giật dây võng. Lúc đó, Út Trầm đứng đó, mướt mồ hôi, nói liếng thoắng:

   - Bữa nay trông chỉ khác lắm. Ông Hai biểu mấy anh về trỏng ăn cơm. Từ trỏng ra đây, em đi rồi em chạy, em chạy rồi em đi, mệt muốn đứt hơi.

   Chúng tôi, ba đứa cuốn võng xong.

   Đến lúc Út Trầm hỏi, chúng tôi mới té ra, phải có một người ở lại. Châu với Út Đợ nhìn nhau, không ai chịu nhường ai. Hai người lại nhìn tôi. Đúng là tôi phải ở lại rồi. Tôi có quen biết gì với cô ấy đâu mà đi thăm? Lúc đó, nếu tôi nói một tiếng, hoặc có một cử chỉ gì tỏ ra chịu nhường thì hai người sẽ đồng ý ngay. Hai người đang đợi tôi chỉ có vậy. Tôi biết, và bụng tôi không muốn. Không một chút nhún nhường hay xã giao, tôi lờ đi, tránh cái nhìn của hai người; tôi cúi gầm, lúi húi buộc lại cái võng dù cái võng đã buộc gọn rồi, gọn rồi thì tháo ra, tôi buộc lại.

   - Thôi hai anh đi đi - Châu giải thoát cho cả ba, vừa nói vừa xổ cái võng ra - tôi ở lại, tối hai anh ra, tôi về. -Châu vừa nói dứt câu thì một đầu võng cũng vừa buộc xong.

   - Vậy cũng được! - Tôi mừng lắm, nhưng vẫn cứ nói mại hơi, và Út Đợ thì vui ra mặt.

   - Thôi, đi, anh Thắng. Lần này chỉ về, chắc là trên có kế hoạch lớn. Sư... ớ... ng!

   Đi được mấy bước, anh còn quay lại:

   - Từ đây tới chiều cho mày mặc sức viết thơ.

   Châu bật ngồi dậy dậm chân, dọa anh:

   - Muốn chết hả?

   Út Đợ vụt chạy, vừa chạy vừa la: “Thuốc tao để chỗ cũ nghe h... ô... ô... n!”Anh búng hai chân nhảy qua con mương...
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:35:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 07:14:01 am »

*
*   *

   - Chị Mai mới về?

   - Dà, anh Út, khỏe không anh?

   - Tôi thì trâu đạp cũng không chết.

   - Chào anh.

   - Chào cô, cô mới về.

   - Anh Thắng ở trên Rờ.

   - Dạ, tôi có nghe tía tôi nói, mời anh ngồi.

   - Trên có kế hoạch gì lớn không chị? - Út Đợ hỏi.

   - Tôi về chơi. Hai anh ngồi, tôi đang kể cho mấy cô đây nghe chuyện cắt tóc của đơn vị.

   - Cô kể tiếp đi! - Tôi vừa nói, vừa nhắc cái ghế để tựa vào vách.

   Trên bộ ngựa có Bé Ba, Thon, Thả, và Thiều, con của chị Nở. Thiều tên thật là Thiệu, vì có thằng Việt gian Thiệu nên em đổi tên. Thiều ở lại nhà ông Hai từ hôm theo má về hái xoài. Một em gái mười bốn mà đã bắt đầu nghĩ đến thân phận của một cô gái! Vì cuộc đời con gái của em, mà má em đành phải bỏ nhà ra ấp chiến lược. Thằng lính cột tràm cháy ấy như một bóng ma, cứ hiện lên, dọa em. Khi thì nó hiện lên trong con người của thằng Bá, khi lại hiện lên trong dáng đi của thằng Mịnh, và bất cứ thằng lính nào qua lại cũng thấp thoáng cái bóng ma ấy, khiến em cứ rúm lại, không đám lớn. Bây giờ em ngồi đó, cây carbin bá xếp - chắc là của Mai, để qua đùi, em ngước nhìn Mai, mặt cứ ngẩn ra.

   Không để cho tôi, một người lạ mới quen bị lạc lõng. Mai kể tiếp câu chuyện với các cô mà như kể riêng với tôi:

   - Đơn vị của tụi em đều là chị em nông dân, anh à!

   - Dà.

   - Tóc cô nào cũng dài, cô thì bới, cô thì kẹp, cô nhỏ nhứt thì để tóc thề. Đơn vị của tụi em là nữ nhưng có khác gì mấy anh đâu, cũng phải hành quân, lại là đơn vị pháo, phải mang vác, rồi cũng phải ém quân, phải ăn ở trong địa hình, phải chém vè có khác gì mấy anh. Tụi em lại thêm cái rắc rối của giới nữ nữa, rồi lại tóc tai cứ lượt bượt, anh tưởng tượng xem - Mai vẫn như nói với tôi, khiến tôi thấy vui vui và mắt không nhìn lảng đi đâu được. Mai nói: - Trên đầu là trực thăng, dưới đất thì bọn thủy quân lục chiến, đứa thì vác nòng, đứa thì vác chân, đứa thì vác đạn, đang chạy dưới mưa đạn mà cái đầu tóc bị xổ ra, anh nghĩ coi, có khổ không? Đứng không đứng được mà chạy thì vướng, lùng nhùng lằng nhằng vướng lá vướng cây. Rồi đến chuyện tắm gội nữa. Có được thảnh thơi như ở nhà đâu. Gội xong thì được lệnh hành quân! Thiệt là bất tiện, làm thân con gái như tụi em khổ vậy!

   Mai nói có vậy mà tôi xúc động. Thật lạ cho tôi! Giọng của cô lại trầm, dễ thương, cứ muốn nghe.

   - Tụi em họp lại bàn, rồi quyết định cắt tóc cho gọn. Đứa nào cũng đồng ý. Nhưng có đơn giản đâu anh. Đến lúc kéo cái mái tóc ra, nhìn nó, đứa nào cũng thấy thương. Cuối cùng không đứa nào chịu cắt. Đứa nào cũng có lý do. Đứa thì sợ má nghe má rầy. Đứa thì sợ người của mình thắc mắc. Anh thấy có rắc rối không? Tụi em phải họp lại, đả thông, lần này thì em nói mạnh, cái đẹp mà đặt không đúng chỗ cũng thành xấu. Đẹp mà chết thì đẹp làm gì! Em xung phong cắt trước làm gương! Em cầm cái mái tóc của em, bảo cắt đi, cắt đi. Mấy đứa cứ bu lại xung quanh em. Nó cắt ở phía sau ót em, em có thấy đâu, mà em cứ nhắm mắt. Nghe tiếng kéo, em cứ nổi gai ốc. Sợ tóc cắt đi, không chảy máu mà đau!

   Mấy cô ngồi nghe cứ tắc lưỡi.

   - Vậy đó anh. Cắt cái mái tóc mà như bị mất cái đầu! Trên cổ mình, suốt mấy ngày cứ nhẹ tênh tênh, nhiều lúc cứ muốn lấy cái gì dằn lên cho nặng như cũ, nghĩ mà tức cười!

   Mấy cô đang ngồi nghe, cười theo cô, một cô hỏi:

   - Còn mấy chị kia?

   - Lần lượt rồi cũng cắt hết, nhưng không phải cắt trong một ngày hay một buổi, mà phải đến cả tháng. Có đứa đồng ý cắt nhưng còn phải đợi thơ trả lời, đứa đợi thơ của má, đứa đợi thơ của người yêu.

   Nghe Mai nói đến đó, tôi bỗng chợt nghĩ: còn cô, cô thì không còn ai để hỏi nữa! Một cảm giác xót xa cùng đến với ý nghĩ ấy của tôi! Và Mai vẫn như nói riêng với tôi:

   - Cắt xong, nhìn nhau thấy lạ hoắc, cứ nhìn nhau cười hoài! - Cô mỉm cười, còn các cô thì cười ra tiếng.

   - Cắt tóc rồi, có phải là xong đâu. Phải cho chị em lần lượt về nghỉ phép để đem mái tóc về gởi cho gia đình, đến lượt em là người cuối cùng. Hôm nay em về, trước là để thăm anh Năm, thăm gia đình, sau nữa là gởi mái tóc lại nhà...

   Nghe cô nói, tôi bỗng muốn được nhìn mái tóc của cô, nhưng hỏi sao tiện; may sao, Út Trầm như đoán hiểu được ý tôi, Trầm dang hai tay ra, nhìn tôi:

   - Tóc của chị d... a... ài như vầy nè, đẹp lắm.

   - Đâu mà dữ vậy, con nhỏ! - Mai phát vào cánh tay của Út Trầm, mặt đỏ bừng.

   Tôi quay mặt lại.

   - Bác Hai, tự nãy giờ bác đi đâu?

   - Bác ở ngoài vườn, cháu với thằng Út tới lâu chưa?

   - Dạ nãy giờ.

   Ông nhìn lướt qua:

   - Coi, con Mai, sao con không pha nước cho hai chú uống.

   - Nước nôi làm gì, bác.

   - Để em đi cho - Út Trầm nhẹn miệng và cũng nhanh chân chạy xuống bếp.

   - A..! - Đến lượt Út Đợ cất tiếng - Hôm rồi, tụi tôi nghe trên khu có diễn vở tuồng của chị, chị có coi không?

   Mai nhìn lảng đi chỗ khác:

   - Tôi có xem một lần. Mấy ảnh thêm mắm giậm muối dữ lắm. Đến cái lớp cô ấy gặp anh cán bộ lãnh đạo, cô ấy ca sáu câu, tôi ngồi ở dưới, tôi khóc ròng.

   Các cô gái lại hít hà tắc lưỡi.

   - Hồi tôi gặp anh Năm, tôi có khóc như vậy đâu.

   - Hừ!

   Ông Hai ngồi xếp bằng trên bộ ngựa, hừ lên một tiếng, nhìn cô con gái, hỏi:

   - Có ai đóng vai tao không?

   - Dạ có.

   - Tao có ca sáu câu không?

   - Anh ấy đóng vai tía mà ca giọng trẻ khô hè!

   - Vậy! Nếu đoàn đó về đây diễn, vai của tao để tao đóng.

   Các cô gái đều quay lại ông, cười chúm chím. Thấy vậy, ông quơ tay cất giọng tuồng.

   - Như ta đây... a là...

   Các cô ngả vào nhau cười rộ lên. Tự nãy giờ, Bé Thiều cứ nhóc mỏ nhìn Mai như bị thôi miên, đến lúc đó, Thiều cũng phải quay mặt sang nhìn ông, cười lăn ra...

   Sau bữa cơm chiều nhà ông Hai, tôi với Út Đợ trở về vọng gác thay cho Châu. Hai người lại mắc võng, nằm ngược chiều để thấy mặt nhau. Sau những ngày dông mưa tầm tã, những chiếc lá già úa, những cành khô mục rơi rụng hết, khu vườn đỡ âm u. Một ngày nắng ráo, đêm không mây. Chúng tôi cuốn tăng để ngửa mặt nhìn trời. Tôi lắc võng, nhìn lên những vì sao qua kẽ lá. Út Đợ vẫn nhắc đến Mai:

   - ... Anh có biết không? Hồi năm kia, sư đoàn Chín về đây, bị đội pháo của chỉ giã cho một trận ban ngày. Một thằng đại úy tức mình, nó chửi thề, nó nói: “Cái bộ đội đầu tóc đó, lâu lâu nó rình, nó ngắt, nó véo mình một cái, chẳng chết ai, mà sao ghét quá!”. Chết mấy chục thằng mà nó biểu chẳng chết ai! Anh có nghe không anh Thắng! Làm gì mà lắc võng dữ vậy?

   - Sao lại không nghe. Sao nữa?

   Quả là tôi không để ý nghe. Chuyện này tôi đã nghe rồi, một lần. Tâm hồn tôi đêm nay có một cái gì khác, vui mà xao xuyến.

   - Nó tuyên bố, - Út Đợ tiếp - sẽ bắt sống đơn vị đội nón lá của chỉ đem về chia cho bọn sĩ quan làm vợ lẽ. Nó tung bọn thám báo ra đeo riết theo đơn vị của chỉ như đỉa đói. Đội pháo của chỉ vừa chuyển tới địa điểm đầu hôm thì sớm mai trực thăng nó bay tới, đổ quân. Lần nào, thằng đại úy đó cũng nói với bọn lính: “Tự do em nghe tụi bây!”. Nó đặt tên cho cuộc hành quân là “Hành quân đi tìm em”. Tụi ngụy, tánh tình thằng nào cũng kỳ cục. Mới ba mươi tuổi đầu, mà để râu, râu móc họng, hoe hoe như râu bắp, trận nào nó cũng giơ súng ngắn nhào lên trước. Đội pháo của chỉ phải mất hơn một tháng trời vất vả. Rồi đến một hôm, sáng sớm, trực thăng của chúng lại vây chặt cái cụm vườn mà đội pháo của chỉ mới tới từ khuya. Lần này cũng lại hụt, đội pháo của chỉ đã thoát khỏi vòng vây từ khi nó chưa đến. Phía bên kia vườn, cách một cánh đồng, pháo của chỉ nã qua, rớt ngay đội hình của chúng. Quay mặt nhìn qua, bọn chúng thấy những chiếc nón lá đang thấp thoáng sau hàng cây trâm bầu. Tiếng pháo thì phì phùm theo cái kiểu vừa đánh vừa rút. Thằng đại úy râu móc họng liền đưa súng ngắn bắn chỉ thiên, dẫn cả một tiểu đoàn quần áo rằn ri, tụi nó như một bầy cọp lao tới. Rời khỏi địa hình phơi mình ra đồng trống, hở sườn, hở lưng; đợi đến lúc đó, du kích của tụi tôi với đại đội địa phương tỉnh mới nổ súng, bắn xiên hông. Bọn nó ngã nhào coi thiệt đã, chạy tán loạn, tứ tung. Lúc đó, pháo của chỉ mới cấp tập nổ ton ton... trực thăng không kịp hốt xác thằng đại úy. Hôm sau, bọn đồng đội của chúng có thằng chơi cắc cớ, đi mua một con dê có một bộ râu xồm y như nó, quăng xuống huyệt, lấp đất, rồi dựng lên một cái bia bằng giấy, để một hàng chữ “Đại úy Nguyễn Văn Lanh, tử vì em”... tụi ngụy nó chơi nhau như vậy, anh thấy có đã không?

   - Ờ...

   Tôi không chú ý nghe, không phải vì thơ ơ vói câu chuyện của Mai, mà lúc đó, tôi đang nghĩ đến cô. Chúng ta, mọi người đều sẵn sàng hy sinh những gì quý báu nhất của đời mình cho độc lập tự do, nhưng sự hy sinh không thể chia đều cho mọi người. Mai đã nhận phần nhiều về mình. Và từ đó, cô lớn lên - là người chỉ huy của một đội pháo, đồng thời cũng là chị của một đàn em. Vây quanh mình là các em du kích, Mai ngồi đó, bộ quần áo bà ba của pháo thủ, ngắn gọn, bạc màu, tóc cắt ngắn như cô công nhân trong xưởng máy, đậm đà với vẻ sâu xa, giọng thâm trầm chững chạc... Sự có mặt của Mai trong tâm hồn tôi đêm ấy, không chỉ là một nét, đôi mắt, hay nụ cười, mà cả hình dáng và cả cuộc đời của cô.

   Út Đợ kể dứt chuyện. Có lẽ tôi làm anh mất hứng. Anh không nói gì nữa, anh nằm im, phì phèo với điếu thuốc.

   Còn tôi? Trên trời có một vì sao. Nếu cái võng nằm im thì bị tàn xoài che khuất. Lắc cái võng, đưa mình qua dưới khoảng trống mới nhìn thấy: ngôi sao giữa khoảng trời. Cái võng đưa về phía bên này, thấy. Cái võng đưa về phía bên kia thì mất. Trong lòng tôi có cái gì đó rộn ràng không chịu yên, bắt cái võng cứ phải đưa vùn vụt, và khi Út Đợ nằm làm thinh, thì tôi muốn anh kể tiếp chuyện của Mai. Tôi gợi:

   - Cô Mai về chơi mà không gặp anh Năm Bờ, tiếc quá!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:35:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 03:01:36 pm »

CHƯƠNG 22

   Đêm ấy, Năm Bờ gặp một chuyện bất ngờ. Mười ra tận mí vườn đón anh. Sau khi Út Đợ và các cô du kích quay trở về. Mười đi trước, anh đi sau, mò mẫm từng bước theo bờ mương. Mưa vẫn tầm tã, bỗng có một người lao tới, không rõ mặt.

   - Ai? - Giọng súng đã gí vào bụng anh.

   Nhanh tay, anh nắm chặt nòng súng, gạt qua, hỏi lại:

   - Ai?

   - Tôi.

   - Mày tên gì?

   - Sườn.

   - Con anh Hai Mậu hả?

   - Dạ phải. Còn ông?

   - Mày không nhận ra chú sao? - Năm Bờ nắm cái vai áo của Sườn kéo gần lại, nói nhỏ vào lỗ tai nó từng tiếng một:

   - Chú là Năm Bờ.

   Cái tên của anh khiến cho chú phòng vệ dân sự giật mình.

   - Trời đất ơi! Chú Năm đồng khởi!

   Mười một năm về trước, Sườn mới chín tuổi, nhưng chú vẫn còn nhớ. Nhớ cái đêm đồng khởi dậy trời chuyển đất ấy. Cả xóm, cả làng đều nổi mõ, nổi chiêng. Súng nổ. Cả làng đều đổ ra đường, đuốc đỏ rực trời. Những đứa trẻ con hàng xóm như chú, có đứa chạy theo người lớn quơ được cái gì cầm cái ấy, đứa cầm dao, đứa cầm củi, còn chú thì chú vác cái thùng đặt ra giữa sân, đánh nghe phèn phèn, đánh đến móp xẹp một bên, phồng cả tay. Chú nghe mấy anh, mấy cô, mấy dì kéo nhau theo bộ đội ông Năm Bờ chụp bót. Không được đi, chú đứng ở giữa sân, cũng xung phong, cũng gào thét đến khàn đặc cả tiếng. Đồn bót của bọn Diệm ở chợ Vàm bốc lửa, đỏ cả trời đêm! Sáng hôm sau, chú với bọn trẻ con hàng xóm chạy đua ra chợ để nhìn lá cờ xanh đỏ ngôi sao vàng, và tay chú cũng cầm một lá cờ, chú chạy đi coi bộ đội ông Năm Bờ. Ông Năm Bờ tưởng ai, hóa ra là một anh trai trẻ, người cùng xóm, gọi cha mình bằng anh. Chú với lũ trẻ con đứng thập thò ngoài cửa, rụt rè đưa bàn tay sờ lên cái bá súng - lòng bàn tay mát rượi! Và hạnh phúc thay! Chú được chú Năm Bờ chỉ huy nắm tay kéo vào lòng, lúc đó, được đứng dựa lưng vào người chỉ huy, nhìn những đứa bạn đứng chung quanh chú thấy mình thiệt ngon! Chú tiếc sao mình không phải là người lớn để được làm lính của chú. Mười một năm qua cái ngày ấy đối với chú không thể quên. Mấy năm sau này, trong câu chuyện với bà con hàng xóm, cha của chú hay nói: “Trước sau gì chú Năm Bờ cũng trở về. Đồng Khởi tới nơi!” - Và bây giờ, chú Năm Bờ đã trở về, đang đứng trước mặt chú. Đồng khởi đã tới nơi!

   - Chú Năm ơi! Cháu bị bắt buộc! - Hai tay chú rụng rời. - Cháu xin nộp cây súng này cho chú!

   - Cháu cứ giữ lấy cây súng này mà canh gác cho đằng mình.

   - Dạ.

   - Đêm khuya mưa gió như vầy, cháu đi canh đi gác với ai?

   - Dạ, cháu đi chém cá.

   - Ba cháu khỏe không?

   - Dạ khỏe, ba cháu nhắc chú hoài.

   Trời vẫn mưa, đêm trong khu vườn tối đen, không nhìn rõ mặt nhau.

   - Cháu nhận ra ai đây không?

   - Dạ... ạ... dạ...

   - Tôi - Mười hạ nòng súng của mình xuống.

   - Chị Mười hả?

   - Ừ... à, tôi!

   - Vậy mà chị không rủ tôi.

   - Còn ai như cháu nữa không? - Năm Bờ hỏi.

   - Còn chớ chú, nhưng mà... để cháu coi lại, còn bây giờ thì cháu biết chắc có một đứa.

   - Ai?

   - Thằng Bổn.

   - Bổn con chú Tư Giàu?

   - Dạ phải.

   - Sao cháu biết?

   - Dạ, có lần nó nói với cháu, nó muốn ôm súng chạy vô trong, đi tìm chú, nhưng nó sợ gia đình bị liên can.

   - Nói là chú muốn gặp nó.

   - Hay là để cháu chạy đi kêu nó. Hồi nãy cháu rủ nó đi chém cá, nó kêu lạnh, nó trùm mền nó ngủ.

   - Được, cháu đi đi, chú đứng đây, chú đợi.

   - Chú đứng đây mưa lạnh lắm. Chị Mười, chị đưa chú Năm vô cái chòi của em, chỗ đó kín. Cháu đi nghe chú Năm.

   - Em tin thằng Sườn không? - Năm Bờ hỏi khi Sườn đã đi xa.

   - Em tin!

   - Thấy sao mà em tin?

   - Em thấy nó ghét em.

   - Còn thằng Bổn?

   - Cũng vậy! Hai đứa nó chơi với nhau...

   Sườn cầm cây súng, đứng trước cửa nhà thằng Bổn bên kia lộ.

   - Thím Tư ơi! Thằng Bổn ngủ hay thức!

   - Thức, đứa nào đó?

   - Cháu, Sườn.

   - Đi đâu mà mưa gió như vậy, vô đây.

   - Dạ thôi! Bổn ơi!

   Bổn, một thanh niên hai mươi tuổi, khỏe mạnh, nước da đen giòn, từ trong buồng nhảy ton ra.

   - Bổn ơi, ra đây mau lên. - Bổn vố lấy tấm ni lông choàng qua người, chụp cây súng dựng bên vách, nhảy ra cửa.

   - Giờ này đi đâu mà súng ống hả? Rủ ren chuyện gì đó, Sườn? - Thím hỏi gắt.

   - Dạ không đi đâu đâu thím.

   Thím Tư ló ra cửa, nói với theo hai đứa:

   - Đừng có làm gì bậy bạ đó, nghen!

   - Dạ không có gì đâu.

   Sườn kéo Bổn đứng dưới gốc xoài.

   - Lạnh quá, chuyện gì vậy mày?

   - Tao bữa nay mà làm biếng thì tụi mình đứt đầu cả đám.

   - Sao? Mày nói sao?

   - Lạnh quá, có thuốc cho tao một điếu. Thuốc tao ướt nhẹp hết rồi.

   - Sao? Chuyện gì, nói đi!

   - Xem có ai không mày?

   - Không, chỉ có mưa, nói đi.

   - Đồng khởi tới nơi rồi.

   - Cái gì? Đồng khởi, hả?

   Sườn nói gằn từng tiếng một, như sau mỗi tiếng là một dấu phẩy vậy.

   - Tao, nói, là, đồng, khởi, tới, nơi, rồi!

   - Sao mày biết?

   - Tao mới gặp chú Năm Bờ.

   Đến phiên thằng Bổn giật mình khi nghe đến tên anh. Sườn lấy đó làm thú vị.

   - Thiệt chơi mày?

   - Tao nói dóc mày làm gì!

   - Tụi mình có sao không?

   - Có tao, mày vững bụng đi. Tao giới thiệu mày với chú rồi.

   - Thiệt hông?

   - Sao lại không thiệt.

   - Sao mày được gặp chú?

   - Tao đi đón chú chớ ai.

   - Sao hồi nãy rủ tao đi chém cá?

   - Tao nói giỡn với mày vậy thôi, chị Mười chỉ đón về.

   - Cái bà nội đó, hèn chi. Nghe bả nói bả cầm súng trả thù cha là tao biết ngay, tao biết từ đầu mà. Vậy mà bả giấu tụi mình ha!

   - Phải giữ bí mật chớ mày. Thôi đi đi!

   - Nè Sườn, tao hỏi thiệt, gặp chú có làm sao không mậy?

   - Tao đã nói với mày là tao giới thiệu mày với chú rồi mà! Tao bảo đảm. Đi.

   - Ừ, đi, mày đi trước đi.

   Cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, nếu anh không phải là Năm Bờ, nếu là một người khác, dù tài dũng có hơn mà không gọi đúng tên cha người lính phòng vệ dân sự ấy thì sẽ ra sao? Không thể nào lường trước được tổn thất hay hiểm nguy, và chắc chắn không thể có được cuộc họp trong chòi củi giữa khu vườn.

   Trong chòi củi. Sườn, Bổn ngồi sát vào nhau. Cái chòi quá nhỏ, Mười phải ngồi ra ngoài, lấy ni lông trùm kín đầu. Năm Bờ được nhường cho một chỗ rộng giữa chòi, ngồi trên một gốc củi khô. Mưa như xối nước, đêm đen, không thấy rõ mặt nhau, nhưng sự có mặt của Năm Bờ đã cho họ thấy rõ được bụng dạ của nhau.

   - Đêm nay, tôi xin tuyên bố chánh thức ba đồng chí: Mười, Sườn, Bổn là đội du kích mật của Cách mạng. Ba đồng chí là một tổ. Ba đồng chí bầu lên một người chỉ huy.

   - Dạ. Chị Mười đi trước, cháu xin bầu chị Mười.

   - Dạ, cháu đồng ý.

   - Bắt đầu từ giờ phút này nữ đồng chí Mười là tổ trưởng, hai đồng chí phải thi hành theo mạng lịnh của đồng chí Mười. Là chiến sĩ cách mạng, các đồng chí phải yêu thương nhau, đùm bọc nhau, chết sống có nhau.

   - Dạ.

   - Dạ.

   - Các đồng chí có cảm tưởng gì, cứ phát biểu.

   - Dạ, cháu xin hứa vối chú Năm là cháu sẽ theo chú tới mút mùa.

   - Cháu cũng vậy, chừng nào chết cháu mới thôi.

   Cuộc họp đầu tiên của tổ du kích chỉ có vậy, trong chòi củi, dưới đêm mưa. Trời tối đen, nhưng trước mặt họ là con đường sáng, thiêng liêng.

   Sườn trở về nhà, lòng rạo rực, quên cả con dao chém cá. Sườn vào buồng, nắm cái ngón chân cái của cha, lắc nhè nhẹ - Ông già giật mình, mở mắt, lồm cồm ngồi dậy.

   - Gì đó?

   Sườn nói nhỏ vào tai cha:

   - Chú Năm Bờ về.

   - Mày nói gì, hả?

   - Đồng khởi tới nơi rồi! Chú Năm về.

   Ông già nháy mắt mấy cái.

   - Mày nói sao? Ai về? Chú Năm Bờ hả?

   - Con nói vậy mà cha không nghe à?

   - Sao mày biết?

   - Con đi đón.

   Ông già lặng người nhìn lại đứa con. Nỗi lo cho đứa con khắc khoải trong lòng ông bấy nay, giờ tan đi hết.

   - Thiệt vậy hả con?

   - Chú Năm chú gởi lời thăm cha.

   - Sao từ trước tới giờ mày không nói với tao.

   - Cha nói kỳ quá. Con phải bí mật chớ! Thôi cha ngủ đi. Con phải đi.

   - Mày đi đâu nữa, giờ này, trời mưa gió?

   - Công việc của con bây giò nhi... ều lắm.

   - Có họp hành với chú Năm, nói tao gỏi lời tạ ơn chú, nghe không?

   Sườn bỏ mùng, bước ra, rồi lại quay vào.

   - Gì nữa đó?

   - Hôm qua con nghe cha nói cha định dỡ cái chòi củi? Cha đừng dỡ.

   - Sao vậy?

   - Kỷ niệm của con đó!

   Ông già chợt hiểu. Nãy giờ ông tưởng nó đi chém cá ở ngoài vườn. Hai giọt nước mắt rưng rưng!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:35:40 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 03:16:59 pm »

CHƯƠNG 23

   Ngay đêm ấy, Năm Bờ về ở nhà ông Sáu. Ông Sáu Đương người già nhất trong làng. Người trong làng bây giờ đều sanh ra từ năm một ngàn chín trăm (1900) trở về sau, là người sanh ra trong thế kỷ hai mươi; chỉ có ba người là sanh ra từ thế kỷ mười chín, ba ông lão sanh cùng năm: một ngàn tám trăm tám mươi sáu (1886). Người làng ví ba ông lão như ba cây cổ thụ sau đình. Khi lớn lên và bắt đầu biết thì người ta thấy ba cây đa ấy rồi. Ba cây đa đã mọc râu, từ trên cành trên nhánh buông thòng xuống bám lại đất, biến thành rễ, và râu của ba cây đa chắc đến nỗi trẻ con bám lấy, trèo lên tụt xuống vẫn không đứt. Nhờ ba cây đa mà đình làng thêm vẻ thiêng liêng. Ban ngày lúc nào cũng mát rượi, âm u. Đêm thì người trong xóm đếm theo tiếng tắc kè đoán chuyện rủi may. Ba cây đa vẫn còn đó, nhưng người thì còn có ông Sáu. Hai ông bạn già của ông vừa mới qua đời được hai năm, thọ tám mươi hai. Ông Sáu năm nay đã tám mươi tư. Trước, ông làm thợ mộc, chuyên nghề tủ. Ông rời khỏi tay bào tay đục từ năm sáu mươi, hai mươi năm nay ông sống bằng nghề đan rổ, đan thúng, đan mẹt, đan nia... Con cái cháu chắt tủa ra khắp mọi phương trời, lâu lâu mới có một đứa về thăm. Ông sống với thằng cháu ngoại, thằng thứ hai của đứa con gái thứ mười. Mắt ông lòa, không nhìn thấy gì nữa.

   - Trời hôm nay sao con? - Muốn biết trời đất ra sao thì ông hỏi đứa cháu.

   - Dạ, trời nắng - Thằng Hải mười hai tuổi nhìn trời đáp lại.

   - Ừ nắng, nhưng nắng ra làm sao chứ?

   - Nắng sáng lắm, ở trên trời không có mây.

   - Ngoài sông thì sao?

   - Nhìn ra sông chói mắt lắm. Có chiếc tàu mủ của Mỹ đang chạy, chạy như bay, sóng ở đằng trước tả ra, sóng ở đằng sau như cái đuôi, dài thoòng. Thằng Mỹ ở trần, da nó đỏ như cái cổ của con gà nòi.

   Mỗi lần nghe bọn lính tràn vào xóm trong, ông cũng ra mí vườn, ngồi xem:

   - Trên trời có cái gì con? - Ông hỏi thằng cháu ngoại.

   - Trên trời, để con đếm coi một hai... ba, có sáu chiếc trực thăng! Tổ cha nó, cái đầu của nó chúi chúi xuống như cái cán gáo... Một con đầm già đen bay tè tè, một chiếc chiêu hồi bay u u ở trên, còn phản lực ba chiếc bay vòng ngoài. Đó nó bắn, tổ cha nó, nó xịt xuống một lằn khói.

   - Có nhà ai bị cháy không con?

   - Dạ, có! Kìa! Kho... ó... i!

   - Khói ra làm sao?

   - Khói ở dưới thì đen, ở trên thì trắng.

   - Ở dưới có bắn lên không vậy con?

   - Sao lại không có ngoại, dữ lắm, nhưng mà đạn nhỏ quá, con không thấy.

   - Có chiếc nào cháy không con?

   - Một chút nữa mới cháy... Kìa, ngoại ơi cháy!

   - Cái gì cháy.

   - Trực thăng.

   - Vậy hả con. Sao? Ngồi xuống nói cho ngoại nghe coi.

   - Nó đang bay. Phụp một cái. Nó phụt khói, rồi phụt lửa, khói với lửa quay quay, quay tròn như bông vụ rồi nó đâm xuống ruộng. Bỏ mẹ chưa con. Còn mấy thằng kia hoảng hồn, dạt ra hết, cho mày làm phách!

   Đã hai ba năm nay, với đôi mắt lòa của ông, ông nhìn cảnh trời qua đôi mắt trong trẻo của đứa cháu.

   Đêm ấy, gặp lại Năm Bờ, ông nhận ra người thân bằng cảm giác của hai bàn tay. Ông đưa tay sờ mặt, sờ vai, sờ đầu xuống hai tay anh.

   - Đúng là mày. Năm! Mắt tao lòa rồi, nhưng đố đứa gạt được tao đó! Hải đâu, con?

   - Dạ! - Chú Hải nằm khoanh con tôm trên bộ ngựa sau lưng ông, nó lồm cồm ngồi dậy từ lúc có người lạ bước vào nhà.

   - Con ra ngoài cửa!

   - Dạ! - Nó nhảy xuống, nhưng vẫn còn quay lại nhìn người khách, để sau đó, tả lại cho ngoại nghe.

   - Trời ra làm sao con?

   - Dạ, mưa vừa dứt hột, tối đen.

   - Tối đen thì ngoại lúc nào mà không tối đen. Tối làm sao nói cho kỹ.

   - Dạ! Mưa ngớt hột mà trời ngay trên nóc nhà, mây... a... nhiều lắm.

   - Không thấy cái gì hết sao?

   - Dạ thấy, chơn trời ở bên kia sông thì trống rồi, có một ngôi sao.

   - Sao nữa, ở ngoài sông?

   - Có sóng bỏ vòi.

   - Cây cối xung quanh?

   - Dạ. Cây thì đen, đậm hơn... a... ban đêm. Cái nhà bè của bà Út Nhỏ dưới bến thấy một cục đen hù.

   - Nếu có người đi qua đi lại thì con có thấy không?

   - Dạ thấy chớ ngoại.

   - Ờ, con đi rửa mặt đi, cho nó tỉnh, rồi ngồi ở ngoài đó.

   - Chú Năm về, con không ngủ đâu - Nói rồi chú nhảy ra sân đi vòng quanh nhà.

   Ông Sáu cầm lấy bàn tay của Năm Bờ.

   - Năm, con ngồi xuống đây, ngồi xuống.

   - Dạ, ông Sáu năm nay có được khỏe bằng mấy năm trước không?

   - Già rồi nó vậy. Đất sanh cỏ, già sanh tật, tao bị đau lưng. Con ngồi xuống đây, ngồi xuống đây... - Năm Bờ đã ngồi lên bộ ngựa rồi, cạnh bên ông, ông xúc động đến nỗi chưa biết bắt đầu vào chuyện gì.

   - Ờ, cái này phải dặn trước! Cái hầm ngay dưới nền nhà trong buồng. Có gì động tĩnh thì con xuống đó. Chà... ít hôm nữa, nước nổi rồi... hôm rồi, cuộc hành quân cảnh sát của bọn nó, nhà nào nó cũng xét, chỉ trừ có nhà tao. Không phải nó nể tao già mà nó tha đâu. Nó nghĩ tao già đã gần đất xa trời rồi, nó bỏ quên. Nó thì quên, nhưng tụi con thì nhớ. Vậy, đủ biết tụi nó thua rồi... À, con cơm nước gì chưa?

   - Dạ, con không đói.

   - Nhà còn một đòn bánh tét, tao mua từ chiều. Còn chuyện này, nhớ tới đâu nói tới đó, để rồi quên, Hải à!

   - Dạ.

   - Chú Quyện tới đây mua rổ hôm nào con.

   - Dạ, sáng hôm kia.

   - Ờ, sáng hôm kia. Con còn nhớ Tám Quyện không?

   - Dạ nhớ.

   - Ờ. Sáng hôm chú tới đây mua rổ. Chú ngồi chú than chú bị thất nghiệp, em út của chú cũng bị thất nghiệp. Thằng cảnh sát Bá tới dụ chú vì miếng cơm, chú chưa biết tính sao? Tao mới bảo chú. “Nghèo thì cạp đất ăn, Quyện! Đừng quên anh em hồi đó!”. Năm bốn mươi, con còn nhỏ, nó cũng là đứa gác đường cho anh em treo cờ đó.

   Từ cái chuyện treo cờ năm bốn mươi, giọng phều phào, ông nhắc lại:

   - Tao còn nhớ, lá cờ đỏ búa liềm năm bốn mươi đó! Cây sao nhìn trật ót, cao lắm. Không ai leo lên được. Muốn leo lên, phải lên mấy cái cây thâm thấp mọc chung quanh rồi quăng dây lên nhánh leo chuyền qua. Cờ cắm lên ngọn xong rồi tao với ngoại con với anh em thợ mộc đem cưa ra, cưa hết mấy cái cây thâm thấp đó, cưa tới sáng đêm. Cờ treo theo dây thép ở giữa sông, tụi Tây nó cho cắt dây thép, còn lá cờ trên ngọn sao thì bọn nó, không đứa nào leo nổi. Lá cờ trên ngọn sao! Cha ơi, cứ phất phới tới bảy tám ngày sau. Chẳng biết làm sao mà hạ xuống, cuối cùng nó phải bắt lính cưa đứt cây sao. Cây sao ngã xuống mặt sông, đùng một cái, như tiếng bom nổ. Cái gốc nằm trên bờ, cái ngọn ở tuốt ngoài kia. Cha ơi, nước ròng nước lớn, con nước nào cũng xoáy cũng vặn theo tàn lá. Nước tràn qua thân cây, ầm ầm như thác đổ, suốt mấy năm trời. Con còn nhớ không?

   - Dạ, con nhớ.

   - Cây sao bốn mươi nằm ngay cửa nhà này. Mắt tao lòa, tối đen. Nhưng hễ buồn là tao ngồi ngay cửa, nhìn xuống bếp. Ờ. Nói vòng vo tam quốc quá, tao lại nói chuyện Tám Quyện. Trong lúc trò chuyện Tám Quyện nó còn nhớ ba của con.

   - Chú Quyện còn nhớ ba con?

   - Muốn quên một người tốt đâu có dễ! - Đang câu chuyện chợt nhớ đến điều gì, ông lại gọi cháu.

   - Hải à?

   - Dạ.

   - Trời đất ra làm sao rồi con?

   Tiếng của thằng Hải ngoài sân nói vọng vào:

   - Mây bay qua khỏi nóc nhà rồi.

   - Ờ.

   - Trên trời có sao. Cái gì con cũng thấy mờ mờ. Cái nhà bè thấy rõ rồi, nhồi lên hụp xuống. Ngoài sông sóng bỏ vòi. Sóng đập lên bờ rồi. Ầm ầm, ngoại nghe không?

   - Cái đó thì ngoại nghe.

   - Hải ơi, cháu buồn ngủ chưa? Cháu!

   Thằng Hải chạy vào, đứng ôm cột nhà, nhìn vào:

   - Cháu tỉnh lắm, chú Năm. Chú Năm dầm mưa nãy giờ, lạnh, chú hút thuốc đi; ở ngoài nhìn vô thấy như con đom đóm, không sao đâu. Cháu ngồi gác. Chú nói chuyện với ngoại cháu nữa đi. - Nói rồi, không đợi Năm Bờ trả lời, chú lại nhảy qua sân, đi vòng quanh nhà, lần này chú tính một vòng rộng hơn.

   - Chuyện chú Quyện sao nữa, ông Sáu? - Năm Bờ hỏi.

   - Ờ. Nó cũng nhắc tới con. Nó nói với tao là nó nghe con bị thương.

   - Chú biết con về chưa?

   - Cái đó, nó không biết. Con làm sao cho người nhắn với nó một câu.

   - Dà.

   - Tội nghiệp! Nghe nó nói vậy, tao cho nó hai cái rổ. Tao già cứ hay nghĩ lẩn thẩn. Người trong làng bây giờ chẳng khác mấy cái thanh tre, ngổn ngang, xếp lớp dưới nền nhà đó. Có cái đã vót thành nan rồi. Nan mà để rời rạc thì chẳng làm được gì. Phải đan lại thì mới thành cái thúng cái mủng. Người cũng vậy. Người tốt có người xấu có. Người xấu thì lấy lời khuyên bảo họ. Tốt rồi mà rời rạc, đèn nhà ai nấy tỏ thì cũng như không. Phải đan lại. Tao thì tao chỉ biết đan thúng đan rổ. Đan người lại với nhau là chuyện của người cách mạng của tụi con.

   Rồi chợt nhớ điều gì, ông gọi cháu:

   - Hải ạ!

   - Dạ.

   - Con đốm đâu?

   - Nó nằm dưới bếp.

   - Gọi nó ra đây cho ngoại biểu.

   Thằng Hải bước vào tróc lưỡi. Con đốm nằm dưới bếp, chạy xổ lên.

   - Nó đây ngoại.

   - Đốm lại đây con.

   Con đốm đứng chồm lên, bỏ hai chân trước lên vê ông. Ông đưa tay vuốt đầu nó, rồi cầm hai chân nó đặt lên đùi Năm Bờ.

   - Chú Năm của mày đây. Biết chưa? Năm, con nhổ nước miếng vô miệng nó cho nó quen người quen hơi.

   Con đốm thè lưỡi rồi liếm tay Năm Bờ, vẫy đuôi mừng rối rít.

   - Thôi được rồi, con! Thằng Hải ở cửa trước, còn con thì ở cửa sau. Thấy ai lạ thì sủa nghe chưa? Hải a!

   - Dạ.

   - Cho con đốm ăn uống cho đầy đủ nghe con...
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:35:56 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2019, 03:19:30 pm »

Lúc đầu, Năm Bờ định ghé thăm ông, nhân đó, tìm hiểu thêm bà con lối xóm. Nhưng qua câu chuyện với ông, anh quyết định: ở hẳn trong nhà ông. Nhà của Mười anh dành làm điểm dự bị cho Sáu Linh.

   Nhà ông tách ra khỏi xóm nhà dài theo con lộ đá một bãi dâu. Trước nhà là bến sông. Quanh nhà không vườn tược, chỉ có vài ba bụi chuối lơ thơ. Nhà ông vừa choi loi vừa trống trải. Nhà ông ở vào một vị trí bất lợi, khó thoát thân. Nhưng kinh nghiệm của anh, trong những ngày đen tối, khi sống trong vòng vây của kẻ thù, nếu tìm thấy được sơ hở của bọn chúng, thì đó chính là nơi an toàn; anh đã từng sống, hoạt động và tồn tại ở những nơi đó. Cũng có nơi tưởng là sơ hở, nhưng chính là cái bẫy của bọn chúng đã dọn cho ta đến. Ngôi nhà này, chính là sơ hở của bọn chúng, ngôi nhà nhỏ của một người già đã bị chúng bỏ quên. Đây chính là căn cứ vững chắc của anh. Và sự vững chắc ấy cũng chính là tấm lòng của ông.

   Thế là trong đêm đầu vào ấp chiến lược, anh đã tổ chức được một tổ du kích mật và đã tạo cho mình một căn cứ.

   Đêm ấy, hai ông cháu ngủ cùng giường, buồng trong. Chú Hải nằm ngoài, nằm khoanh như một con tôm trên bộ ngựa trải chiếu.
   Sau những cơn sốt, người ê ẩm, sau một đêm lặn lội mệt nhọc, được nằm trong ngôi nhà yên ổn, anh tưởng ngả lưng xuống là ngủ ngon lành. Anh nhắm mắt, nằm im nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng gió và tiếng sóng giữa bờ sông vừa ru cho anh, vừa làm xôn xao cả giấc ngủ của anh.

   Nhà của ông Sáu với nhà của bà Chín - chỗ của Sáu Linh, cách nhau một tiếng hú. Đến gần sáng, anh mới thiếp đi.

   Theo thói quen của người già, ông Sáu dậy sớm. Ông ngồi trên bộ ngựa, vót nan. Thằng Hải cũng dậy theo ông. Nó xuống bếp nấu nước, pha trà cho ông.

   Thấy Năm Bờ ngủ ngon, hai ông cháu không nỡ gọi. Sáng sớm, theo sáng kiến của cháu, ông đem tất cả rổ rá ra sân, để người mua khỏi phải vào nhà. Còn Hải, chú không rời khỏi bộ ngựa. Chú nằm khoanh con tôm, cạnh bên vách buồng, mắt nhìn ra cửa, canh cho chú Năm ngủ. Chờ cho chú Năm dậy, bưng cho chú một ly nước trà, đậy hầm cho chú Năm xong, chú mới tọt ra chợ.

   Đêm sau, Năm Bờ đến thăm gia đình khác. Nhà còn hai ông cháu. Cũng như đêm qua, đêm kia, và những đêm khác, nhà không đốt đèn. Cái đèn để trên bàn thờ chỉ đốt khi có người đến chơi, hoặc cần tìm kiếm cái gì mà thằng Hải lục không ra. Ông thích ở thầm. Ông ngồi trên bộ ngựa vót nan. Thằng Hải nằm sau lưng, con đốm nằm sau bếp, giữ cửa sau. Ông vừa vót nan vừa hỏi:

   - Con thấy chú Năm con làm sao?

   Ông hỏi cháu không phải để biết hình dáng hay mặt mũi của Năm Bờ, mà để hiểu tình cảm của đứa cháu đối với anh. Qua câu trả lời của cháu, ông sẽ biết đứa cháu của mình thương ai ghét ai. Có hôm ông hỏi:

   - Mặt mày ông cảnh sát Bá ra sao con?

   - Mặt như cái giàn hành sập!

   Mặt người mà ví như cái giàn hành bị sập thì thật khó hình dung, nhưng ông hiểu và ông cười.

   - Còn mặt của ông đại diện Phiến?

   - Mặt của ông đó, khi ông ngồi một mình thì chừ bự như cái bánh bao thiu tiệm chú Phồi. Cái gì cũng ăn, mặt có nọng như heo.

   - Còn mặt của đại úy Long con bà Út Nhỏ.

   - Như con gà vậy đó ngoại. Phùng xòe phách lắm. Cứ rướn cái cổ lên mà gáy o o. Nhưng là con gà rót, hễ đụng du kích thì vỗ hai cánh, rót vô bụi rậm.

   - Còn thằng Mịnh?

   - Thằng đó ưa bận cái quần màu cứt gà sáp, thối hoắc...

   Hải đã quen câu hỏi như vậy của ông, chú lồm cồm ngồi dậy nhìn ra cửa.

   - Tối hôm qua chú bận bà ba đen, hiền lắm.

   - Ờ.

   - Chú bị thương ngay con mắt. Chú có một con mắt giả, giông như con mắt thiệt.

   - Phải hay trái?

   - Trái.

   - Sao nữa.

   - Chân mày của chú đậm. Mũi của chú cao cao.

   - Mũi vậy là mũi dọc dừa.

   - Mũi dọc dừa. Tóc của chú chưa bạc. Nước da của chú bị nắng ăn, con hỏi sao chú ốm, chú nói là chú bị sốt rét rừng.

   - Da chú Năm mày xấu lắm không?

   - Xấu mà con thương.

   - Mai, con coi nhà ai lấy thúng lấy rổ mà chưa trả tiền, con đi đòi, rồi ra chợ mua hai con vịt xiêm già.

   - Đãi chú sao ngoại đãi vịt xiêm già?

   - Mua về nuôi. Mỗi ngày chích cái mồng nó, lấy máu pha rượu cho chú Năm mày uống.

   - Chi vậy ngoại?

   - Cho mau lại máu! Hồi trước mấy chú bị đày ở Côn Đảo về da người nào người nấy xám xịt như đất. Uống máu vịt xiêm như vậy chừng một tháng, người nào cũng hồng hào.

   - Sáng mai con đi mua ngay. Tiền không đủ thì con đập con heo của con. Con heo của con bữa nay đầy nhóc.

   - Nhưng phải kín, đừng cho chú Năm mày biết, chú có nói chuyện gì với con không?

   - Chú hỏi con sao không bận áo mà ở trần trùi trụi vậy. Con nói áo con có tới hai ba cái lận. Nhưng con bắt chước ngoại hồi nhỏ, ở trần cho nó quen, sống lâu, chú cười.

   - Từ sáng tới giờ, mấy người tới nhà, có ai dòm ngó gì không?

   - Dạ không. Nhưng mà mấy bà cứ luông tuồng. Mai ngoại cũng đem rổ đem thúng để ngoài hiên, đừng để ngươi ta vô nhà.

   - Đừng làm vậy, người ta để ý. Một bữa nay thôi, trước sao thì bây giờ vậy.

   - Chú nằm dưới hầm, con thương quá. Để rổ để thúng ngoài đó, người ta không vô nhà để chú lên giường chú nằm, con chơi ở ngoài con gác, hễ động tĩnh thì con tằng hắng, chú thụt xuống.

   - Chú là người cách mạng đang ẩn náu trong nhà mình, chớ phải là khách đâu mà giường với chiếu. Nhưng để ngoại tính lại coi.

   - Ngoại tính gấp đi. Nước bữa nay đầy bờ rồi. Ít hôm nữa, nước ngập, hầm nước không, chú làm sao nằm.

   - Chuyện đó để cho ngoại lo. Con bước chân ra ngoài cho ngoại cái.

   Thằng Hải bước xuống đất. Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng vậy, một cái quần đùi, lưng trùi trụi đen thui. Nó bước ra hiên.

   - Đêm nay trời không mưa. Trời cao thiệt là cao, xanh thiệt là xanh, dòm đâu cũng thấy sao. Sao ngay trên nóc nhà một chòm dày đặc. Rặng cây bên kia con cũng thấy, xanh rì, giữa sông có ba chiếc ghe chèo. Sóng bò lên tối bờ rồi. Nó đập vô bờ đó, a... o... ào, a... o... ào.

   Rồi chợt nhớ điều gì, nó chạy vào, kề miệng sát tai ông Sáu:

   - Hồi nãy con quên, chú Năm có hai trái lựu đạn da láng!

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:36:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2019, 02:56:50 pm »

CHƯƠNG 24

   Một buổi sáng của thằng Bá cảnh sát.

   Trong phòng làm việc, một thiếu niên đứng trước mặt hắn. Hắn hỏi:

   - Sao chưa đi quân dịch.

   - Tui chưa tới tuổi.

   - Bao nhiêu mà chưa tới? - Hắn quát, trợn mắt làm ra vẻ nổi giận.

   - Qua Tết, tui mới mười sáu.

   - Mười lăm mười sáu gì mà chồng ngồng vậy, hả?

   Chú thiếu niên chẳng biết phải đáp lại thế nào câu hỏi đó của hắn. Chú cúi mặt như muốn nhìn lại tầm vóc của mình.

   - Sao làm thinh vậy mậy?

   - Da...ạ... ạ!

   - Nhà mày vừa rồi đem ra được bao nhiêu xoài, mấy xuồng.

   - Dạ, hai xuồng.

   - Hai chục hả?

   - Dạ, hai thôi.

   - Bao nhiêu tuổi? - Hắn lại hỏi.

   - Qua Tết tui mới mười sáu.

   - Mười lăm mười sáu gì mà chồng ngồng vậy hả?

   Lần này, chú thiếu niên không nhìn xuống nữa, chú đáp:

   - Dòm mặt tôi mà ông không đoán được sao?

   - Mặt mày là mặt dân vùng giải phóng, tao làm sao đoán được, khai sanh cũng không có, tao làm sao biết.

   Đang ngồi, bất thần hắn bật đứng dậy, lại trợn mắt nhìn thằng nhỏ:

   - Cởi quần ra.

   Chú thiếu niên nhìn lại hắn vừa ngó vừa ngơ ngác.

   - Tao biểu mày cởi quần ra. Dòm cái mặt dưới của mày thiệt hơn. Cởi ra!

   À! Té ra là vậy, tưởng gì chớ cái đó thì có khó gì, không một chút ngần ngại, chú cúi xuống, mỏ sợi dây lưng quần, tuột xuống, rồi hẩy cái đít lên.

   - Thôi! Kéo lên. Ra! Đứa khác!

   Nghe nó hét. Chú không kịp buộc lại dây lưng, hai tay xách lấy lưng quần, chạy ra. Mấy chú thiếu niên khác đang ngồi đợi ở ngoài quay lại hỏi.

   - Nó bắt cởi quần cho nó coi.

   - Thiệt sao?

   - Thằng nào có thì nhổ đi.

   Có một chú nghe vậy, liền quay mặt vô vách, thọc tay vào túi quần, mặt nhăn nhăn.

   Nhìn vào mặt dưới của năm chú thiếu niên, buổi sáng hôm ấy, cảnh sát Bá kết tội hai chú giấu tuổi trốn quân dịch. Mỗi chú bị phạt một trăm ngàn đồng (100000) giá có sẵn.

   Người cùng cùng là chị Nở. Chợ đang nhóm, chị phải gởi thúng xoài cho một cô bạn, theo chân hai tên cảnh sát, bước vào nhà việc, đứng trước mặt hắn. Hắn hỏi:

   - Sao?

   - Sao là sao ông cảnh sát?

   - Tôi giỡn với cô sao mà cô hỏi dần lân vậy?

   Hắn thấy nực, hắn đưa tay cởi cúc áo, rồi hắn hỏi:

   - Con nhỏ lớn của cô đâu?

   Chị vẫn không nao núng, mặc dù cái mặt cọp trên bộ ngực của hắn đang nhìn chị, nhe răng. Chị đáp:

   - Tôi để nó ở lại coi vườn.

   - Vườn tược gì mùa này?

   - Vườn tược không coi thì sang năm lấy gì mà ăn, ông cảnh sát?

   - Mấy người định đấu lý với tôi sao chớ? - Hắn cầm cái vạt áo quạt lia lịa, như muốn thúc cái mặt cọp nhảy xô ra.

   - Chuyện có sao tôi nói vậy, tôi đấu đá gì đâu.

   - Tôi không có thì giờ để cà kê dê ngỗng với mấy người. Nói trắng ra, để con gái ở lại trong đó là có tội. Một trăm!

   Chị không ngờ hắn kết luận câu chuyện nhanh gọn đến như vậy. Một trăm mà hắn nói có nghĩa là một trăm ngàn đồng! Có mấy người để con lại trong ấy, mỗi người đã phải nộp cho hắn đúng một trăm ngàn đồng, sáng hôm qua. Không thể nào thoát được, nhưng chị vờ như không hiểu. Chị cúi xuống, móc túi. Hắn đưa mắt nhìn theo mấy ngón tay gầy xanh xao của chị. Chị rút tấm giấy một trăm. Chị vừa đặt tờ giấy một trăm xuống bàn thì tay của hắn cũng vừa phủi tờ một trăm bay xuống cùng với cái đấm bàn và tiếng thét:

   - Một trăm ngàn.

   - Ông ăn gì mà sát đức bất nhơn, ông cảnh sát?

   Hắn tức đến lồng lên, nhưng chẳng biết làm gì, hắn đứng bật dậy, cựa quậy hai cái vai, cái mặt cọp trên ngực hắn cử động, nhưng vẫn cứ dính sát vào da, hắn quay qua quay lại, rồi bước sang phòng bên, hắn gọi:

   - Mịnh đâu?

   - Dạ. - Thằng Mịnh cũng đang ngồi bàn giấy, nó bước tới...

   - Mày qua nói chuyện với con mẹ Nở cho tao. Nói chuyện với nó tao nực lắm.

   - Chuyện tới đâu mà anh nực?

   - Giá có sẵn, nó biết mà nó dám trêu gan tao. Nó móc túi đưa tao tấm giấy “cent”, làm như tao đói, tao xin tiền ăn hủ tiếu vậy?

   - Anh để đó cho em.

   Thằng Mịnh là thằng chịu khó, biết ngọt ngào. Còn thằng Bá, vẫn còn cái thói quen của thằng đứng bến xe. Mở miệng là chửi thề, giữa câu chửi thề, và cuối câu cũng chửi thề. Đối với lính thì nạt nộ, bạt tai, tự xưng là đại ca. Trước đây, hồi thời Pháp, đối với dân trong vùng hắn chiếm đóng, hắn là hiện thân của quỷ sứ. Đánh dân bằng chày vồ hai màu, một đầu màu xanh một đầu màu đỏ. Tội đánh bằng đầu màu xanh là tội phải lo tiền. Tội đánh bằng màu đỏ là tội chết. Ngươi dân vùng đạo Hòa Hảo gọi đó là chày vồ đầu sinh đầu tử.

   Cái thời ấy đi qua, nhưng hắn thì vẫn còn - Thời này cũng vậy, nhưng phải làm cách khác, hắn không quen. Theo hắn, nói trắng ra, hắn thường nói với bạn bè như vậy, thời trước thì làm Việt gian cho Tây, thời này thì làm Việt gian cho Mỹ, khác gì? Cộng hòa với cộng hòa, quốc gia với quốc diếc, bày đặt. Được làm vua, thua làm giặc, ăn không được phá cho hôi, nói trắng ra, kẻ trên người dưới gì cũng vậy?

   Công việc sáng nay không được trôi chảy, hắn đâm bực, bực lây với ông đại diện Phiến. Thời Tây, cái thời hắn làm trưởng, vùng nào hắn chiếm đóng, trên trời dưới đất đều thuộc vào hắn, một tay. Tề xã phải cúi đầu. Bây giờ quyền hành phải chia năm xẻ bảy. Dân lại cứng đầu, đấu tới, đấu lui. Trong việc phân chia, thằng đại diện Phiến đã giành lấy miếng ngon, còn hắn thì gặm xương. Một cái thằng trông lúc nào cũng bệ vệ đứng đắn và đa mưu. Hắn đến chơi nhà này, rủ rỉ vài câu, đến nhà khác, kê miệng vào tai người ta thủ thỉ vài điều, thế là thiên hạ hiềm khích nhau. Còn nó thì nó đứng ngoài. Lại nịnh nọt, được lòng cấp trên. Còn thằng Long thì lúc nào vỗ ngực chiến sĩ quốc gia, trống rỗng như một cái thùng không.

   Bá bước ra khỏi nhà việc, trong lúc bực bội hắn đi thẳng xuống bến tàu.

   Trong lúc đó, thằng Mịnh bước qua phòng.

   - Chào chị Nở. Chị ngồi xuống - Hắn ngồi lại cái ghế của thằng Bá. - Chị làm sao mà để ổng nổi giận vậy chị? Chị ngồi đi, đứng lâu mỏi chân.

   - Tôi đứng được rồi, chú nghĩ coi.

   - Dà, chị cứ nói.

   - Mùa xoài vừa rồi tôi được có mấy xuồng đâu mà ổng đòi ăn một trăm ngàn!

   - Chị ngồi đi. Tôi nói vầy cho chị nghe. Trước sau rồi cũng vậy, nói tới nói lui làm chi cho mệt.

   Chị Nở ngồi xuống ghế, nhưng chỉ ngồi một bên mép cho có chừng:

   - Chánh phủ đang hô hào chống nạn tham nhũng, báo nào cũng đăng, đài Sài Gòn nào cũng nói mà ở đây thì hở ra là tiền, ai chịu nổi.

   Thằng Mịnh được cái là ai nói gì nó cũng gật đầu, nhưng mặt thì lạnh như tiền:

   - Chị nói đúng. Nhưng xin chị hiểu cho là ở đây tiếng là chi khu, đêm thì có đèn điện, nhưng vẫn là nhà quê. Lý lẽ thì đúng nhưng ai nghe. Chị nghĩ kỹ coi, tôi nói có đúng không! Có phải như ở Sài Gòn đâu. Mà ở Sài Gòn thì cũng vậy thôi. Ở Sài Gòn người ta có cái cách của Sài Gòn, người ta ăn bạc triệu; ở nhà quê, người ta cách của nhà quê, ăn bạc ngàn!

   - Nói như chú vậy có nghĩa là...

   - Dạ phải! Chị là người vùng giải phóng, ỏ trong đó khác, ngoài này khác! Ở trong đó người ta nói lý nói lẽ, nói tình nói nghĩa, còn ở đây thì nói quyền với tiền. Nếu chị ở trong đó thì ai người ta dám vô đó tống tiền chị. Chị ra đây chị phải theo đây, con cá trong rọ, vùng vẫy chỉ làm cho mình trầy vi tróc vảy, ích gì.

   - Nói như chú vậy....

   - Chị để tôi nói hết - Nó cắt lời chị - nếu chị làm cho ổng giận, ổng ra lịnh bắt giam chị, thì ai người ta dám vô đây binh chị? Ổng buộc tội là chị cho con theo Việt cộng, chị cãi sao trôi? Chị ngồi trong tù, mấy đứa nhỏ ai lo? Muốn ra tù chị phải tốn tiền. Đến chừng đó, không phải một trăm mà là hai hoặc ba trăm. Tiền với con, cái nào quý hơn? Chị nghĩ kỹ đi. Ở trong tù nếu không bị đánh đập, nếu không ai đụng chạm gì tới chị, ra tù, người ngoài biết chị thế nào? Còn ảnh, ảnh ở trong kia...

   - Thôi. Chú đừng nói nữa! - Chị không chịu nổi sự thật cay đắng qua lời lẽ của nó. Chị muốn đưa bàn tay vả vào cái miệng hôi thối của nó, chị nắm lấy vạt áo, giận run. Nó thấy chị giận đến tím môi, nhưng mặt nó vẫn lạnh, nó tiếp:

   - Tôi biết, chị với bà con trong đó, không ưa tụi tôi. Trước sau gì dân chúng cũng nổi dậy, tụi tôi bị liệt vô loại ác ôn rồi, không được khoan hồng đâu. Ở trong làng những đứa như tụi tôi, có đứa nào sống đến hai thứ tóc đâu, có đứa ăn không được một mùa lúa, nhưng chừng nào tới đó rồi hẵng hay, tụi tôi xin chịu đứt đầu. Còn bây giờ thì... chị nghĩ kỹ đi. Tôi không ép.

   Nó nói rõ ràng và lạnh lùng đến vậy thì còn nói gì được nữa. Chị cứ nhìn thẳng vào mặt nó, cũng mặt người mà sao trơ như đá.

   - Nhưng tôi không có đủ một trăm ngàn thì làm sao?

   Nhìn cái mặt của nó, tởm quá. Chị móc hết hai túi, hai tay cầm hai nắm bạc, đập xuống mặt bàn trước mặt nó, chị giận đến lạc tiếng, giọng the thé:

   - Tôi có bây nhiêu đó, lấy hết đi. Chê ít thì hốt cứt mà ăn. Muốn bắt thì bắt.

   Chị đứng dậy, nghiêng người thách thức. Mặt nó vẫn trơ như đá, lạnh như tiền.

   - Bắt giam chị thì sướng ích gì tôi. Chị cứ để đó ổng sẽ đếm. Thiếu đủ gì, tôi sẽ lựa lời nói lại với ổng.

   Chị bước nhanh ra để nước mắt đừng rơi trước mặt nó.

   Trong lúc đó, thằng Bá đứng dưới bến sông, dòm ngó ba chiếc tàu đò của mình đang rộn ràng đưa đón khách. Một chiếc tách bến, rúc còi, chạy ra sông.

   Hắn có thói quen, khi có điều gì bực bội là hắn xuống bến, nhìn những chiếc tàu - của cải của mình, lòng nó lại khuây khỏa. Nhìn theo chiếc tàu để lại phía sau một đường sóng, hắn thấy vui vui. Hắn trở lên, đi ngang chợ, thấy chị Nở đang ngồi sau thúng xoài, hắn biết là chuyện đã giải quyết xong. Hắn thầm khen thằng Mịnh. Thằng nhỏ mà khôn khéo. Như con nhện cái, nó có tài giăng lưới.

   Trong công việc của hắn, gặp điều gì rắc rối khó khăn, hắn đều nhờ đến thằng Mịnh. Nhưng chỉ có thằng Mịnh, hắn thấy chưa đủ. Theo cái đầu óc dốt nát của hắn, hắn gọi thằng Mịnh là quan văn. Hắn cần thêm một quan võ nữa, quan võ theo cái nghĩa của hắn là dân anh chị, là người có bàn tay sắt, dùng để tra khảo tù nhân. Hắn nghĩ đến ông Tám Quyện, tay anh chị lâu đời ở trong làng, ai cũng biết. Lúc mới nhận chức cảnh sát trưởng, hắn đã nghĩ đến ông. Hắn mời ông ra cộng sự với hắn, nhưng chuyện không thành - Ông Tám Quyện một mực từ chối. Bây giờ, ông Tám Quyện đang thất nghiệp, lại phải đỡ đầu cho một đám em. Cách đây mấy hôm, hắn lại mời ông và lại bị ông từ chối. Nhưng lần này, ông từ chối không quyết liệt như lần trước. Ông không nhận, nhưng có bỏ thòng một câu: “Chú để cho tôi nghĩ lại”. Hắn đoán biết giờ này chắc ông hãy còn ngồi trong tiệm cà phê. Hắn rảo bước đi nhanh đi lại tiệm chú Phồi.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:36:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2019, 03:36:55 pm »

CHƯƠNG 25

   Tiệm chú Phồi, một cái tiệm lâu đời ở chợ làng. Chú Phồi đã chết đi từ đời nảo đời nào rồi, chẳng ai nhớ, cũng có ngưòi không biết ông chủ tiệm ấy ra sao, nhưng cái tiệm ở đầu phố ấy, vẫn còn mang tên của ông, tiệm chú Phồi. Tiệm bán đủ món ăn và thức uống: bánh bao, xí mại, giò cháo quảy, bánh phình, hủ tiếu, cà phê sữa, nước đá. Tiệm chú Phồi đã vãn khách và chợ cũng đã tan rồi, nhưng ông Tám Quyện vẫn còn ngồi. Ông ngồi chồm hổm trên chiếc ghế đẩu, một mình một bàn, trong một góc. Ông Tám Quyện, gần sáu mươi nhưng vẫn khỏe mạnh, gân guốc, nước da màu đồng điếu, con người cao lớn, dềnh dàng, sần sùi góc cạnh như một bức tượng. Ông ăn mặc khác lạ hơn mọi người. Lúc nào ông cũng mặc quần đùi đen, áo xá xẩu cũng đen, đầu cũng đội nón phớt đen. Không hề thấy ông mặc kiểu quần áo nào khác, ngoài cái kiểu: quần đùi với cái áo xá xẩu ấy, dù ở bến xe, bến tàu, trong tiệm nước, hay ở bất kỳ đâu. Ông có thói quen, ngày nào cũng vào tiệm cà phê, một ngày ít nhứt là ba cữ. Có tiền hay không có tiền, điều đó ông không nghĩ tới. Có tiền thì ông trả, không có tiền thì ông ngồi đó, trước sau rồi cũng có một thằng em, bước vào, trả cho ông.

   Ở mối đường này, đường sông có ba hãng tàu, đường bộ có ba hãng xe. Đường xe, ông đứng bến cho hãng Ứng Hòa, bến tàu ông đứng bến cho hãng Vạn Ký. Sau lưng ông, ông có một đàn em. Nhưng mấy tháng nay, từ ngày đường tàu và đường xe quy về một mối, dưới bến là tàu của cảnh sát Bá, bến xe là xe lam của đại diện Phiến, hai người chủ mới này giành khách và giành bến với những chủ cũ không phải dựa vào dân anh chị mà bằng quyền lực và súng ống. Chủ cũ bị phá sản. Không ai giành khách, giành bến với ai, ông và cả đàn em của ông bị thất nghiệp. Túi không tiền, nhưng ông không bỏ được thói quen vào tiệm cà phê.

   Sáng nay, cũng như sáng hôm qua, hôm kia, sau khi uống xong, ông vẫn ngồi đó, ngồi chồm hổm trên chiếc ghế đẩu, đợi một thằng em. Thấy mặt một thằng đàn em vào tiệm ông gọi cho nó một ly. Thằng em bắt chước ông, cũng ngồi chồm hổm. Nghe qua câu chuyện dài dòng của thằng em, ông biết thằng em cũng như ông, không một xu dính túi. Dù không một xu dính túi, ông vẫn giữ được cái tánh hào phóng của một đàn anh, ông bảo:

   - Thôi, mày có việc mày cứ đi, để đây cho qua trả. -Thế là trên bàn của ông thêm một ly chưa trả tiền. Và ông lại ngồi đó chờ đứa khác. Thấy một thằng đàn em bước vào, tưởng nó có tiền, ông vừa nhướng mày chào vừa gọi cho nó một ly. Người hủ ki thấy vậy, mừng cho ông, tiếng rao của anh ta cũng vui hơn “Dách cô fé nại xíu xìa thòn lầy...”. Tiếng rao của người hủ ki trầm bổng, ngân nga; kéo dài như một câu hát. Rồi qua câu chuyện dài dòng của nó, ông biết nó muốn đùn ly cà phê cho ông, nhưng ông không để lộ ra điều gì cho thằng em thấy khó xử.

   Ông bảo với thằng đàn em như những lần đã sẵn tiền.

   - Thôi mày có việc mày cứ đi, để đây cho qua trả. -Sáng hôm qua, hôm kia, và những hôm trước, trên bàn của ông nào ly nào đĩa cứ chồng lên nhau trước mặt ông. Cuối cùng rồi cũng có một thằng đàn em bước vào, nón phớt đội lệch, mồm ngậm điếu thuốc, mặt hớn hở. Rồi sau khi uống xong, nó gọi hủ ki đưa tay đánh một vòng qua bàn, bảo với giọng kiêu hãnh:

   - Thẩy xu!

   Đến lúc đó, ông mới rời khỏi ghế! Nhưng sáng nay xúi quẩy làm sao, ly tách trước mặt ông đã đầy bàn rồi, mà chưa thấy một thằng đàn em nào tới. Người chủ già hiểu được tình cảnh của ông, bằng thái độ của một ông chủ biết chiều khách, ông ta đến chào ông, tỏ ra sẵn sàng và hài lòng được để cho ông thiếu, chỉ xin ông cho phép hủ ki được dọn đĩa ly cho gọn, nhưng ông khoát tay.

   - Để tôi trả! - Ông đáp lại với vẻ nhục nhã mà lạnh lùng. Nếu cái bàn được dọn đi thì ông ngồi lại đó với cái gì? Và ông vẫn cứ ngồi lại đó, ngồi chồm hổm lên ghế đẩu.

   Lúc đó, cảnh sát Bá bước vào tiệm. Nhìn lên cái bàn đầy ly đầy đĩa trước mặt ông, nó hiểu. Ra vẻ nhún nhường, nó khom mình:

   - Chào đại ca.

   Đứng về vai vế của làng anh chị, thằng Bá thuộc vào bậc đàn em của ông. Ngực nó xăm mặt con cọp, ngực ông thì xăm rồng, một con rồng đang lộn trong mây, nằm trọn trên bộ ngực to tướng của ông. Cảnh sát Bá kéo ghế, ngồi cùng một bàn với ông:

   - Đại ca uống thêm?

   - Tôi uống rồi, đầy bàn đó, chú uống đi.

   Thằng Bá gọi một ly cà phê. Nó vừa quậy cà phê vừa nói chuyện với ông:

   - Sao đại ca?

   - Mày nghĩ tới tao, tao cám ơn! Nhưng tao ngẫm. Cái làng dao búa của mình, mày biết, mỗi lần hành sự, mình phải đề phòng, không thì bị người ta lấy thẹo. Còn công việc của mày, tao ngẫm, mình đánh đập người ta mà người ta không dám đánh lại, coi sao được?

   - Đánh người ta mà người ta không dám đánh lại, vậy mới sướng chớ, đại ca.

   - Làm vậy sao gọi là anh hùng?

   - Nói trắng ra thì cũng vì miếng cơm thôi, đại ca?

   Ông Tám Quyện nghe nhói đến tận tim. Vì miếng cơm? Ông ngồi lặng thinh. Vì miếng cơm mà ông bước chân vào làng đao búa. Cái miếng cơm ấy bị cướp mất rồi. Bây giờ nó mang miếng cơm đến nhử cái miệng đói của ông.

   Thằng Bá uống xong ly cà phê, nó gọi hủ ki, vẫy tay qua mặt:

   - Tính hết!

   Nó muốn làm nhục ông bằng miếng cơm, bây giờ nó muốn vung tiền ra trước mặt ông nữa. Là dân anh chị, nhưng ông là người trọng nghĩa khinh tài. Không nhịn được, ông chụp lấy bàn tay nó. Bàn tay nó nhỏ như con chim trong bàn tay ông, ông nhìn thẳng vào mặt nó:

   - Phần của tao mày để tao.

   Thằng Bá ngượng đến đỏ mặt, nhưng nó không dám giận, nó cười, cười giả lả cho qua. Cảnh sát Bá đi rồi, tức mình mà không biết làm gì, ông gọi thêm một ly nữa, uống cho bõ ghét.

   Chợt có một chú nhỏ không thuộc đàn em của ông bước vào, lễ phép cúi đầu chào:

   - Thưa chú Tám!

   Qua cái cung cách chào hỏi đó, đủ biết là ai rồi. Không phải những tay em của ông, nhưng chú lại kéo ghế ngồi cùng bàn vối ông, gọi hủ ki:

   - Cho tôi một ly cà phê.

   Người hủ ki có đôi mắt quen nhìn khách, biết đây là một chú nhỏ mới tập tành, và cũng biết đây là ông khách đang có tiền, chú ta bèn cất tiếng bảo pha một ly cà phê để nhiều đường qua giọng hát trầm bổng và kéo dài.

   - Dách cô phé nại tố tố thờn... a...

   Chú nhỏ cầm cái muỗng, khuấy đường, rồi múc từng muỗng. Cái muỗng có đục ba cái lỗ nhỏ, nó vừa múc lên, chưa đưa đến miệng thì cà phê đã chảy xuống hết rồi. Đúng là một thằng nhỏ chưa biết uống cà phê.

   - Cháu đổ vô dĩa cho nó nguội mà húp. - Ông bảo chú nhỏ, nhưng chú nhỏ không thiết uống cà phê, chú hỏi:

   - Thưa chú Tám, lâu nay chú có khỏe không?

   Ông không đáp mà hỏi lại:

   - Cháu tên gì?

   - Dạ, cháu tên Sườn.

   - Cháu con ai?

   - Dạ, cháu là con của Hai Mậu.

   - Hai Mậu xóm nhà ông Sáu Đương phải không?

   - Dạ thưa phải.

   - Bữa nay cháu đi đâu mà ghé qua đây?

   - Dạ, cũng có chuyện.

   - Thôi, uống đi, nguội hết.

   Thằng Sườn cầm ly, húp một cái rột, thấy vậy, ông bật cười. Uống xong, chú rụt rè:

   - Thưa chú Tám. Bữa nay cháu có tiền, chú cho cháu trả hết cái phần của chú.

   - Nếu cháu có lòng tốt! - Ông đoán chắc là một thằng nhỏ đang bước vào nghề, muốn kiếm ông làm đại ca.

   Hủ ki tính tiền xong, cả thảy là bảy ly. Nếu là đàn em thì vậy là xong, ông sẽ bỏ chân xuống ghế, bước ra cửa. Nhưng đây là một đứa lạ, ông muốn nấn ná hỏi vài câu:

   - Tiền đâu mà cháu trả cho chú?

   - Dạ... ạ... dạ...

   Thấy nó ngập ngừng, đâm nghi, ông nặng lời:

   - Sao mậy?

   - Dạ... ạ... tiền, không phải của cháu.

   - Ủa.

   Hai con mắt ông trợn ngược lên.

   - Cảnh sát Bá giao tiền cho mày hả? - Giọng ông gầm gừ trong cuống họng và vừa nói vừa nghiến.

   - Dạ thưa không.

   - Vậy chớ của ai?

   - Dạ... ạ của một người quen với chú.

   - Người quen của tao?

   - Dạ.

   - Mày nói sao mà tao nghe lạ vậy?

   Tiệm về trưa, ít khách, Sườn kéo chiếc ghế ngồi xích lại ông, nói nhỏ:

   - Dạ ... ạ, tiền của chú Năm.

   - Chú Năm nào?

   - Dạ... ạ, chú Năm cũng nghèo. Nhưng chú Năm biết tình cảnh chú, chú Năm đưa tiền cho cháu, biểu cháu ra đây, trả tiền cà phê cho chú!

   - Chú Năm mà chú Năm nào? Mày nói tao nghe lạ quá. Mày không nói trôi thì đừng có trả.

   - Dạ... ạ, chú bước ra ngoài, cháu mới nói được.

   Ông thấy chú nhỏ ngồi trước mặt mình có vẻ lạ, rụt rè nhưng không sợ sệt.

   - Mày ra trước đi!

   Sườn ra trước, ông ra sau, hai người bước ra cửa tiệm.

   - Chú Năm nào, cháu nói chú nghe coi.

   - Dạ... ạ, chú Năm Bờ.

   Ông giật mình quay lại, nhìn Sườn với vẻ lạ lùng:

   - Sao? Cháu nói của ai?

   - Dạ, của chú Năm Bờ.

   - Của chú Năm Bờ? - Giọng ông lạc hẳn đi.

   - Dạ phải, của chú Năm Bờ, chú không biết sao?

   - Năm Bờ tức là Hai Dân, con của ông chủ tịch Việt Minh quận, sao tao lại không biết! Mà thiệt vậy sao! Trời đất!

   Sườn thấy ông đã biến thành một người khác. Con người dữ dội và sắt đá của ông như mềm dịu lại qua giọng nói thều thào và nhỏ nhẹ của ông. Cũng con người cao lớn, gồ ghề và góc cạnh ấy, cũng cái vẻ ngang tàng ấy, Sườn thấy ông sao hiền lành, dễ gần đến kỳ lạ! Lạ hơn nữa là đôi mắt ông đang mờ qua một làn nước!

   Từ lâu, tuy là dân anh chị, nhưng ông vẫn nghĩ mình là “người của anh em”. Không phải mới đây mà từ lâu, từ cái thời trai tráng của ông, trong những ngày còn bóng tối. Ông là đứa trẻ mồ côi của xóm mộc, ông ở đợ nuôi thân. Khi đến tuổi thành người, ông học nghề cưa, ông đã cùng với bạn thợ, vác cưa đi cưa cây trong đêm treo cờ. Nam Kỳ năm 40 bị khủng bố, để thoát khỏi vòng vây của bọn giặc, ông làm bạn chèo cho một ghe cá lên Sài Gòn. Vì miếng ăn, ông bước vào làng anh chị, làm tay sai cho một người anh chị đứng bến xe. Trong một trận đánh, ông dùng cây sắt chọc lò nướng đỏ, xông vào trận, đánh quỵ hết đối phương. Cây sắt nướng đỏ ấy được ghi lại hình ảnh con rồng lộn trong mây trên lồng ngực của ông. Từ đó cuộc đời của làng đao búa đưa ông đi mỗi ngày mỗi xa. Đôi lúc nhớ đến anh em, tự an ủi mình, ông nghĩ: “Thôi, ta đã lỡ nhúng chàm rồi!”. Bây giờ, khi ông lâm vào cảnh đói nghèo, thì cách mạng lại nhớ đến ông.

   - Nè cháu, cháu về nói với chú Năm Bờ, chú cám ơn. Nói với chú Năm Bờ, cuộc đời của chú đây chẳng khác gì dòng nước đổ, đục ngầu, nhưng là dòng nước ngọt nghe cháu!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:36:34 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2019, 03:51:02 pm »

CHƯƠNG 26

   Đoan bồng con đứng tựa cửa nhìn ra. Đêm mưa, đường vắng. Ngoài sông, sóng đã chồm lên mặt bờ, đập ầm ì. Gió thổi lạnh. Đoan đặt thằng con ngồi vào giữa chõng, bước vào, nói thỏ thẻ qua vách buồng:

   - Trời đang mưa, Sáu dặn thằng Tòng kỹ không?

   - Kỹ.

   - Tụi trời đánh, chắc thế nào tụi nó cũng tới. Thôi, nằm đó nghen.

   - Tối rồi, sao chưa đốt nhang?

   - Ừ mấy bữa nay mình quên.

   Đoan trở ra, bồng con, đốt một nắm nhang có gần một chục cây, cắm vào lư hương. Khói nhang ngùn ngụt như bếp hun muỗi.

   Đoan là bạn cùng xóm với Sáu, lớn hơn Sáu ba tuổi, theo chồng ra bờ sông đã ba năm. Sau ngày sanh nở được ba tháng, hai vợ chồng ra riêng. Con chưa đầy năm, chồng bị bắt lính, bị đưa ra tận A Sầu, ngoài Huế. Tay nách con, không làm được gì, ruộng đất cũng không có. Đoan nhờ bên chồng, mỗi người một ít làm vốn mở tiệm “chập bô” bán tương, đường, nước mắm, hành tỏi... với rượu. Từ A Sầu, chồng gởi về cho một lá thư, rồi biền biệt gần năm. Một hôm, thằng đại diện Phiến cho người mang tới cái giấy báo tử. Sau đó có một anh hàng xóm, cùng một ngày lính, cùng đơn vị, thân tàn ma dại, bộ quần áo rằn ri, một ống quần lép kẹp, gió thổi phất phơ, chống cây nạng, trở về:

   - Chị Đoan ơi! Chị nghe tin của anh chưa?

   - Rồi! Anh có thấy xác ba nó không? Chào chú đi con. Hay là nhà tôi cũng như anh mà người ta báo lầm.

   - Tôi rủi mà may. Chưa hành quân thì tôi bị một miểng pháo. Còn ảnh, xác làm sao thấy được. Tôi nghe mấy đứa chạy về nói. Ảnh nằm ngay cái chỗ máy bay đồng mình rắc bom hủy diệt. Làm sao thấy xác được.

   Vậy là chắc rồi. Cô mang tấm ảnh ra chợ, mướn thợ vẽ, họa lại to ra, rồi lập bàn thờ, thờ chồng.

   - Ngày ảnh đi, khóc - Ngày được thơ ảnh từ A Sầu gởi về, khóc - Ngày nhận được giấy báo tử, khóc, - Ngày anh bạn hàng xóm cho tin, khóc. Đoan khóc, khóc mãi mà không hết nước mắt. Đến ngày lập bàn thờ - không hy vọng gì nữa, nước mắt lại nhiều hơn!

   Một hôm, bà Chín đi đâu đó, tạt qua chơi, thăm sức khỏe thằng nhỏ. Bà hỏi:

   - Mày được tin gì chưa Đoan?

   - Tin gì mà được, dì Chín?

   - Thằng chồng mày còn sống.

   Đoan mừng đến tái người, đứng sững người, nhìn bà một hồi, mới bật ra tiếng:

   - Sao dì biết? Thiệt không dì Chín! Thiệt không dì Chín? - Cô mừng đến rối ruột rối gan.

   - Mày ngồi xuống đi, bình tĩnh, tao nói đầu đuôi khúc ngọn cho mà nghe.

   - Dạ, cháu ngồi. Con ngồi im, ngồi im nghe bà nói. -Cô vẫn chưa bình tĩnh, nói ngồi mà vẫn đứng, bồng con trên tay mà bảo con ngồi im.

   - Tối qua tao đi thăm vợ thằng Bảy Thá xóm trong, tao gặp con Sáu.

   - Sáu nào dì Chín?

   - Sáu Linh chớ Sáu nào nữa.

   - Dì gặp được con Sáu? Nó khỏe mạnh. Xóm trong bây giờ làm sao mà dì gặp được con Sáu?

   - Nửa mình, nửa nó.

   - Rồi sao. Tin ba nó làm sao dì Chín?

   - Con Sáu nó nhờ tao nhắn với mày là chồng mày còn sống. Chồng mày bị quân giải phóng bắt, có chết đâu!

   - Thiệt vậy hả dì Chín? Rồi sao nữa, dì? Con Sáu nó gặp ba nó hay sao dì Chín?

   - Chồng mày bị bắt ở ngoài kia, con Sáu làm sao gặp được. Con Sáu được tin là nhờ vậy. Trong chỗ con Sáu, xã đội của nó có một cái ra-đi-ô ghi âm. Con Sáu phân công cho con Thảnh hàng ngày phải nghe đài theo dõi tin tức. Hôm đó con Thảnh nghe chồng mày nhắn tin cho mẹ con mày...

   - Anh nói trong máy hả dì, đúng tiếng của ảnh không gì? Con ơi, con có nghe bà nói gì không con?

   - Tao có nghe đâu mà biết. Con Sáu sợ mày không tin, nó gởi luôn cái này cho mày.

   - Cái gì vậy dì Chín?

   Đoan nhìn theo bàn tay bà Chín đưa vào túi lấy ra cái gì đó gói trong chiếc khăn trầu sọc đỏ. Bà mở cái khăn ra.

   - Cái băng ghi âm đây. Trong này có tiếng nói của chồng mày. - Bà Chín thấy Đoan đưa tay cầm cái băng ghi âm như đứa trẻ nhỏ đang đói đưa tay cầm lấy cái bánh.

Đoan để cái băng ghi âm tròn màu cánh gián trong lòng tay, nhìn không chớp mắt, ngực thở phập phồng. Nhìn một lúc lâu lại áp cái băng vào tai:

   - Biết ai có ra-đi-ô mà nghe nhờ dì Chín?

   - Mày nhớ xem, xóm mình ai có.

   - Có thì thiếu gì người có, nhưng toàn là bọn nó.

   - Hay là như vầy. Nếu không nhờ nhà ai được thì bồng con vô chơi nhà vợ chồng thằng Bảy Thá, nhắn với con Sáu nó đem máy ra.

   - Được vậy thì tiện nhất. Dì làm ơn giúp cho cháu, nhắn với con Sáu giùm cho cháu một tiếng.

   - Chuyện gì chớ chuyện đó thì tao giúp được. Mày tính xem ngày nào thì mày đi.

   - Ngay tối nay được không dì, cháu sốt ruột quá! Dì làm ơn giúp cháu một phen.

   - Để tao tính lại coi. Mà thôi, cũng được.

   Ngay đêm đó, Đoan mượn chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm, cùng với bà Chín vào nhà vợ chồng anh Bảy Thá, xóm trong.

   Cái ra-đi-ô có băng ghi âm màu đen để trên bàn bên ngọn đèn. Đoan với con, với cả nhà anh Bảy Thá, bà Chín, Sáu Linh, Thon, Thả và người hàng xóm ngồi chật trên bộ ngựa. Đoan ôm con vào lòng, ngồi trước, sát bên ra-đi-ô. Thảnh ấn nút. Tiếng máy chạy rè rè, cái băng màu cánh gián chạy tháo ra, bật lên tiếng nói:

   - Tôi là Huỳnh Văn Sơn nhắn cho vợ là Lê Thị Đoan xã Mỹ Hương thuộc tỉnh Long Châu Sa. Em và con yêu quý. Trong trận càn vùng căn cứ rừng A Sầu, anh được quân Giải phóng bắt. Nhờ lượng khoan hồng của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, anh được bình an, được đối xử tử tế, được ăn uống đầy đủ, được học tập để biết đường ngay lẽ phải. Hôm nay anh nhờ Đài phát thanh Giải phóng, nhắn tin này cho em, cho con, cho ba má, bà con họ hàng hai bên cùng bà con hàng xóm. Hôn em và hôn con! Huỳnh Văn Sơn...

   Nước mắt Đoan chảy ròng ròng:

   - Cho chị nghe lại một lần nữa Thảnh!... - Cái băng ghi âm quay đi quay lại đến bảy lần cho Đoan nghe.

   Về đến nhà, đã nửa đêm, không ngủ được. Đoan chạy đi tìm thằng Tòng. Tòng và Sơn - chồng cô, là hai anh em chú bác, nhưng thương nhau như anh em cùng một cha một mẹ. Cô báo tin mừng với em chồng! Sau đó mấy hôm cô đưa Tòng đến gặp Sáu, ngay trong nhà mình.

   Đêm nay, Tòng hứa sẽ đưa hai thằng bạn phòng vệ dân sự đến gặp Sáu.

   Đốt xong nắm nhang lấy lệ, cô đặt con lên võng, ru nó, rồi bế vào buồng, gởi cho Sáu.

   Cô trở ra, quét dọn lại cho gọn. Nhà cô, ngôi nhà nhỏ, nền đất, cạnh đường, ở giữa xóm. Nhà ngăn đôi: gian trong là buồng ngủ và nhà bếp; ngăn ngoài là tiệm, lổn nga lổn ngổn nào cần xé, nào hũ, nào khạp và chai.

   Dài theo cửa sổ thì treo nào bánh tét, bánh dừa và vở học trò. Chật chội và xông lên đủ thứ mùi: nào tỏi, nào hành, tương, đường với nước mắm... nồng nặc. Nhưng là tiệm của cô vợ lính vắng chồng, lại là gái một con. Vì vậy mà ngày cũng như đêm, bọn con trai - nhất là bọn phòng vệ dân sự, đi đâu cũng tạt qua. Tiệm không bàn, không ghế, chỉ có cái chõng tre trước bàn thờ. Nhưng khách hàng có cần gì bàn với ghế, hai bàn chân chà vào nhau, vỗ bạch bạch mấy cái, rồi rút chân lên ngồi xếp bằng, làm một vài ly, vậy là được rồi. Có mấy đứa hư thân, lấy rượu làm nư, nhìn cô, cười liếc muốn bỏ mòi. Cô muốn tống nó ra cửa, nhưng chính những thằng đó nó mang tiền đến nộp cho tiệm của cô nhiều hơn cả! Hết tiền nó dẫn khách hàng đến cho cô. Đêm nào cũng ồn ào cho tới khuya! Có đêm cô phải đuổi khéo:

   - Thôi mấy ông nội, rượu hết, để tối mai.

   - Vậy thì tụi tôi ngủ ở đây, mai uống tiếp.

   - Làm gì mà lườm đàn em dữ vậy a chị Hai?

   - Thôi, về tụi bây. Khuya rồi.

   - “Gút bay” bà chị.

   Có đứa chụp lấy bàn tay của cô, đặt vào tay nó “bông sua”.

   Nhục và mủi lòng! Nhưng biết làm cách nào? Từ ngày được Sáu cho nghe cái băng, cô trở nên cứng cỏi. Đối với bọn nó, cô là vợ của một người lính chết trận, cô chẳng sợ ai! Đối với anh em thì chồng cô và cô là người của anh em, cô vui thầm với con.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:36:46 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2019, 03:56:05 pm »

Cô quét nhà, giũ chiếu, nhìn ra cửa. Cô bước sát lại vách buồng.

   - Sáu ơi, tụi nó tới.

   Một đứa bước vào cửa, ni lông choàng qua vai, đầu súng chúc xuống đất, hỏi:

   - Có gì vui không chị Hai?

   - Mấy đứa?

   - Ba thôi.

   - Vô đi.

   Ba anh con trai phòng vệ dân sự, cởi ni lông choàng, vắt bừa lên thanh cửa, bước vô. Thằng Xẹ, rồi thằng Sanh, cuối cùng là Tòng, bộ ba đi đâu cũng có nhau.

   - Vậy mà hồi chiều tụi nó nói rượu chị hết rồi, tối nay chị nghỉ.

   - Người ta thì hết, nhưng mấy cậu thì còn.

   Thằng Xẹ liếc thằng Sanh, vênh mặt nháy một con mắt.

   - Mà cũng chỉ ba cậu thôi, ai hỏi thì nói là rượu mấy cậu đem lại nghe hôn! Đừng mời mọc thêm đứa nào, om sòm lắm! Đóng cửa lại, Tòng.

   Ba đứa đặt lên chõng ba cái ra-đi-ô National Panasonic một cái màu đen của thằng Xẹ, hai cái màu đỏ của hai đứa kia.

   Ba đứa leo lên chõng, mỗi đứa một góc.

   Đoan lấy tờ nhựt trình trải lên chiếu, đưa ra một chai rượu, một đĩa tôm khô củ kiệu, ba cái ly.

   - Còn khô sặc, đứa nào muốn thì nói tôi đi nướng.

   Thằng Xẹ đưa tay bốc một con tôm, há họng, ngửa mặt, bỏ vào miệng, nhai.

   - Kiếm sáu câu nghe mày Xẹ, trời mưa rả rích này.

   - Ra-đi-ô nào? - Thằng Xẹ hỏi.

   - Mày! - Thằng Sanh đáp.

   Thằng Xẹ cười. Nó hỏi chơi vậy thôi, không mở ra-đi-ô của nó thì mỏ ra-đi-ô của ai nữa! Trong xóm bây giờ, bọn thanh niên gặp nhau là bày ra đấu, không phải đấu đá hay đấu lý gì, mà đấu của, đấu đồng hồ với ra-đi-ô.

   Đem ra-đi-ô của nhau ra so, xem của ai tốt. Tiêu chuẩn tốt xấu của ra-đi-ô không căn cứ vào máy móc, bởi vì có ai biết được máy móc đâu mà ra tiêu chuẩn? Những người có của đem ra đấu vừa đặt ra tiêu chuẩn vừa làm trọng tài. Ra-đi-ô đứa nào kêu to nhất, ra-đi-ô của đứa đó tốt, một tiêu chuẩn. Cần “ăng ten” ra-đi-ô nào nhiều mắt, cái đó tốt, tiêu chuẩn thứ hai. Bật qua, bật lại âm thanh trầm bổng của ra-đi-ô nào rõ nhất, cái đó tốt, tiêu chuẩn thứ ba. Còn đồng hồ, cái nào có đủ ba kim, có thứ, có ngày, có tháng cái đó nhất - về đồng hồ, tiêu chuẩn để so sánh ngày mỗi cao. Đồng hồ nào ngâm dưới nước vẫn chạy, đồng hồ đó tốt. Vài hôm sau, đồng hồ loại đó trở thành lạc hậu. Đồng hồ nào ném xuống mặt đường đá không bể mà vẫn chạy, đồng hồ đó mới đáng hạng nhất. Cao hơn thế nữa, đồng hồ nào ném vô lửa không cháy mà vẫn chạy, đồng hồ đó mới đáng “bậc anh hùng”.

   Bộ ba này là bộ ba chơi ra-đi-ô. Trong cuộc đấu ra-đi-ô vừa rồi, ra-đi-ô của thằng Xẹ đoạt giải nhất. Ra-đi-ô ba băng, mặt đen, cần “ăng-ten” tám nấc, trầm bổng rõ ràng, có máy đo điện, có cả đèn. Ra-đi-ô làm từ bên Nhật. Còn ra-đi-ô của thằng Sanh, thằng Tòng, của mấy đứa khác là ra-đi-ô ráp ở Sài Gòn - thua xa.

   Thằng Xẹ đắc ý với cái ra-đi-ô của mình, nó ngồi xếp bằng, đặt ra-đi-ô lên đùi, vặn tới vặn lui. Cái ra-đi-ô kêu rồ rồ rẹt rẹt, chạy qua bao nhiêu làn sóng, làn sóng đài Hà Nội, đài Giải phóng, đài Sài Gòn, đài Quân đội. Nó vặn tới, vặn lui, vặn qua rồi vặn lại mãi mà không tìm được sáu câu vọng cổ. Thằng Sanh lấy đó làm thích, nó trề môi:

   - Đêm mưa rúc rắc, ngồi uống rượu, ra-đi-ô số dách mà không mở được sáu câu! Tao mà như mày tao đá bỏ.

   Thằng Xẹ cười:

   - Mày giỏi thì mở cái ra-đi-ô của mày đi!

   - Nếu ra-đi-ô tao là ra-đi-ô số dách thì tao bật lúc nào nó “sáu câu” lúc đó, không phải như mày.

   - Đài nó không phát thì ra-đi-ô nào bắt được?

   - Vậy mà có đó.

   - Nói dóc.

   - Rồi mày coi. Tết tao sẽ có một ra-đi-ô, mày muốn sáu câu giờ nào, tao cho mày nghe giờ đó! Nửa đêm giựt mình thức dậy, đài tắt hết, mà mày muốn nghe, nó sẽ ca cho mày nghe.

   - Thôi đừng nói dóc, uống đi! - Thằng Xẹ đặt cái ra-đi-ô cạnh bên đùi, cầm ly.

   - Tao nói thiệt. Mày chưa thấy mày không biết.

   - Tao mà chưa thấy?

   - Mày thấy ở đâu?

   - Ở Sài Gòn chớ đâu!

   - Bao lớn?

   - Bằng cái đình.

   - Ôi trời đất mẹ ơi!

   - Trong ra-đi-ô có một gánh hát.

   Thằng Xẹ biết thằng Sanh đang xỏ mình, nó cười nhạt!

   - Mày dốt lắm! Ra-đi-ô đó là ra-đi-ô có băng ghi âm hiểu chưa?

   - À... à... - Thằng Xẹ cầm ly, gật gù - Tưởng gì chớ cái đó, sang năm tao cũng có! Tòng uống đi mậy.

   Tự nãy giờ, thằng Tòng ngồi làm thinh, nó đang nghĩ đến một chuyện khác! Cái bộ ba phòng vệ dân sự này, bao giờ cũng vậy, mở đầu bữa rượu là chuyện ra-đi-ô, - Nhóm khác thì chuyện đồng hồ, chuyện Honda.

   Không được nghe vọng cổ, dẹp ra-đi-ô qua một bên, ba đứa bắt đầu uống.

   Đoan ngồi ở mép chõng. Trước đây - chẳng mấy hôm, thấy bọn nó uống bao nhiêu thì Đoan vui bấy nhiêu. Bây giờ, ngồi nhìn bọn nó, Đoan thấy thương thương! Thằng Xẹ mới mười tám, thằng Sanh mười chín, thằng Tòng cũng mới mười chín, chưa có đứa nào đến tuổi hai mươi nhưng khi ngồi bên ly rượu, đứa nào trông cũng sành sỏi, bê tha! Thằng Xẹ cầm ly rượu, cánh tay cong cong, ly rượu đưa vào môi đánh trót một cái, cạn nửa ly. Ba lần nâng ly, cạn hết nửa lít! Đứa nào trông cũng khác. Đoan thuộc hết tính nết của khách hàng. Như thằng Xẹ, trong suốt bữa rượu, tánh tình nó thay đổi đến ba lần, lúc bình thường, miệng mồm lách chách như con tép, uống rượu vào nó không nói, mặt tai tái, lầm lì. Đó là giai đoạn đầu. Đến giai đoạn thứ hai thì nó bắt đầu nói, nhưng lại nói rỉ vào tai người khác. Chẳng biết nó rù rì cái gì, bất thình lình nó bật lên một tiếng “nhưng”, lại rù rì lại “nhưng”. Đến giai đoạn thứ ba thì vừa nói vừa đập vai người bên cạnh; cuối cùng đầu nó gục xuống. Thằng Sanh bình thường ít nói hơn, nhưng rượu vào, thì cười ha hả, nói oang oang, chưởi thề không ngớt miệng. Còn thằng Tòng, đêm nay có ý, nó lặng lẽ, nghĩ suy.

   Thằng Xẹ lại cầm cái ra-đi-ô, vặn rọt rẹt một lúc rồi đặt xuống.

   - Cho em thêm một chai nữa, chị Hai!

   - Hết.

   Thằng Xẹ, thằng Sanh mới đến giai đoạn thứ nhứt mà hết rượu, nó ngước nhìn chị như bị hẫng.

   - Đừng giỡn chớ chị Hai!

   - Thôi, uống vậy được rồi.

   - Trời đất mẹ, uống chưa đã “ngứa” mà hết! Lấy cho tụi em thêm một chai nữa chị Hai. Trời đang mưa mà sáu câu thì chưa có, chị Hai!

   Đoan cầm cái chai, vẫn ngồi bên mép chõng:

   - Uống nhiều làm sao canh gác?

   - Canh ai với gác ai, chị Hai?

   - Canh gác Việt cộng chớ ai, làm phòng vệ dân sự mà hỏi sao nghe lạ vậy ha?

   - Bình định rồi, Việt cộng đâu mà canh với gác chị Hai!

   - Tôi sẽ đong thêm một chai.

   - Có vậy chớ! - Hai đứa lại hào hứng, nháy nhau, cười re ré - Chị nướng cho mấy em thêm vài con sặc nữa chị Hai.

   Đoan nói vậy nhưng vẫn ngồi đó, bên mép chõng:

   - Nhưng trước khi đong chị hỏi mấy em một điều.

   - Điều gì chị Hai cứ hỏi. - Thằng Sanh lẹ miệng.

   - Đong đi rồi hỏi chị Hai, em chua miệng quá! Thằng Xẹ nói giục!

   Đoan hỏi:

   - Chị hỏi mấy em điều này.

   - Điều gì, chị cứ hỏi, em trả lời một cái re.

   - Chị hỏi, nếu mấy em gặp Việt cộng, mấy em có bắn không?

   Cả hai đứa đều chưng hửng, không ngờ bị hỏi câu đó, cả hai như tỉnh rượu nhìn nhau.

   - Nói trả lời một cái re mà sao ngồi làm thinh vậy, ba đứa?

   Thằng Sanh hừ lên một tiếng:

   - Người ta sao thì em vậy, chị Hai.

   - Còn thằng Xẹ, em thì sao?

   - Chị đong đi rồi em nói.

   Đoan vẫn ngồi ở mép chõng:

   - Chị hỏi thêm câu nữa. Ví dụ như mấy em gặp Sáu Linh thì sao?

   Thằng Sanh lẹ miệng:

   - Trời đất mẹ ơi, sao chị lại xúi tụi em gặp, chị Hai?

   Đoan cười:

   - Chị ví dụ vậy mà mấy em không trả lời được, rồi nay mai, mấy em gặp, mấy em làm sao?

   Thằng Xẹ sốt ruột:

   - Chuyện tới đâu hay tới đó chị Hai, chị đong cho tụi em đi.

   - Không! - Chừng nào mấy em trả lời một câu nghe dứt khoát, chị mới đong.

   Thằng Sanh nhìn lại thằng Tòng:

   - Tòng! Đêm nay mày đớ lưỡi sao mà nãy giờ, mày làm thinh vậy. Mày trả lời một câu cho chỉ nghe được cái coi mậy.

   Thằng Xẹ nhìn lên bàn thờ.

   - Mày trả lời sao cho tao có rượu thì trả lời.

   Thằng Tòng nhớm lưng ra:

   - Tao hả! Tao mà gặp chỉ thì tao quỳ xuống tao lạy.

   Thằng Sanh, thằng Xẹ tưởng chị chủ quán sẽ giận vì cái bàn thờ chồng, khói còn nghi ngút đó, nhưng nó thấy chị cười, hai đứa bắt cười theo.

   - Thằng Tòng thì vậy, còn hai em thì sao?

   Hai đứa lại nhìn nhau, lại nhìn lên bàn thờ, thằng Sanh cũng lẹ miệng hơn:

   - Thằng Tòng là em chú bác của ảnh. Còn tôi, tôi nói với chị là ai sao tôi vậy.

   - Thiệt là quỳ xuống lạy phải không Tòng?

   - Thiệt.

   Đoan vẫn ngồi ở mép chõng, nhìn hết ba đứa, ngước mắt lên:

   - Kìa, mấy em quay lưng lại, coi ai kìa?

   Thằng Sanh nhìn qua, nó thấy trước. Một cô gái bất thần hiện ra, đứng bên mép chõng: Sáu Linh! Hết hồn hết vía, nó la hoảng:

   - Trời ơi! Ma! Chị Sáu! - Chân tay nó chới với. Thằng Xẹ thấy Sáu, nó vừa lết vừa lui lại sau.

   - Chị chớ ma đâu mà ma! Ba em ngồi lại đây, chị muốn nói chuyện với ba em.

   Thằng Sanh, thằng Xẹ, hai đứa hãy còn run. Đoan không nhịn được cười, cô bụm miệng quay mặt, bảo Tòng:

   - Tòng, em ra ngoài gác, còn thằng Sanh với thằng Xẹ ở lại đây nói chuyện với chị Sáu.

   - Dạ! - Thằng Tòng bước xuống chõng, cầm súng, mở cửa, rồi quay lại, dặn:

   - Hai đứa bây ở lại vơi chị Sáu, tao đi gác cho.

   Thằng Sanh nhìn thằng Tòng, trách móc:

   - Mày! Vậy mà mày giấu tao.

   Thằng Tòng khoác ni lông, cười, rồi nhảy ra ngoài mưa.

   - Hai em ngồi lại đi, xích vô - Đoan vừa bảo vừa đưa tay đẩy lưng hai đứa.

   Thằng Sanh vừa lết vào vừa nói:

   - Nói cho có trời làm chứng, hồi nãy có chị Hai đây, em có nói là thằng Tòng làm sao thì em làm vậy!

   Thằng Xẹ đã tỉnh rượu, nhưng môi hãy còn run:

   - Chị Sáu thương tụi em! Tụi em mà không vô phòng vệ dân sự thì tụi em bị bắt lính, bị đưa đi ngoài A Sầu!

   - Chuyện của mấy em chị biết! - Sáu nói.

   - Dà... - Hai đứa ngồi sát vào nhau, dựa lưng vào bàn thờ, mặt cúi gầm, đứa này nhìn qua vế của đứa kia.

   Đoan chạy vào buồng thăm chừng giấc ngủ của con rồi trở ra, ngồi ở mép chõng, chỗ cũ lúc nãy. Sáu cũng ngồi ở mép chõng, đầu này. Sáu nói, giọng nho nhỏ, êm êm:

   - Chị coi hai em như em của chị. Hai em cầm súng phòng vệ dân sự, chẳng qua là vì hoàn cảnh!

   - Dà... phải, thưa chị Sáu, - Thằng Xẹ nói - ba má em phải chạy tiền nếu không thì...

   Thằng Sanh đưa cùi chỏ thúc thằng Xẹ, khiến nó nín bặt.

   - Chị biết, mấy em cầm súng của tụi nó, nhưng lòng của mấy em thì theo anh em, bà con với xóm làng.

   - Dạ. Chị Sáu nói đúng ý em. Em cầm súng của tụi nó, nhưng đêm nào tụi em cũng mong anh em đằng mình...

   Lần này, thằng Sanh không thúc cùi chỏ mà đưa tay véo thằng Xẹ, thằng Xẹ đau đến phải nhổm lên.

   - Để chị Sáu nói, ăn cơm hớt! - Thằng Xẹ cúi gầm mặt làm thinh.

   - Chị gặp hai em đêm nay là muốn khuyên hai em mấy điều!

   - Dạ tụi em có gì sai lầm, xin chị Sáu cứ giáo dục -Người lên tiếng cũng là thằng Xẹ.

   - Chị khuyên hai em không nên rượu chè.

   - Dạ, mấy em buồn uống chơi chớ không ghiền đâu chị Sáu!

   - Biết là mấy em uống chơi, rồi dần dần sẽ quen, sẽ bê tha, bị bọn giặc lợi dụng mà không biết.

   - Dà.

   - Chị khuyên hai em đừng chạy đua theo vật chất, không nên đấu ra-đi-ô với đồng hồ; chạy theo nó, không đủ tiền thì về moi của cha mẹ, cha mẹ không có thì làm sao? Có em vì đồng hồ, vì ra-đi-ô, vì một chiếc xe HON ĐA mà làm tay sai cho bọn nó! Một lần, hai lần, rồi thành tay sai thành ác ôn; trong làng có mấy đứa như vậy, hai em biết rồi. Đó là gương xấu, chị khuyên hai em nên tránh!

   - Mấy thằng đó tụi em không ưa.

   - Được vậy, chị mừng.

   Và Sáu nói thêm với hai chú phòng vệ dân sự ấy về lý tưởng và nhiệm vụ của thanh niên. Những điều đó, thằng Sanh, thằng Xẹ đã có nghe rồi, nhưng hôm nay, cũng những lời đó, nhưng là lời của một người chị; một người mà nó đã thầm phục! Hai đứa ngồi im, nghe như mới nghe lần đầu.

   - Những điều chị nói, hai em về suy nghĩ thêm.

   - Dà.

   - Hồi nãy chị không đong thêm rượu cho tụi bây là vậy, đừng giận! - Đoan nói - Bây giờ hai đứa bây, đứa nào muốn vô du kích của chị Sáu.

   - Chuyện này, chị không ép, hai em suy nghĩ kỹ đi.

   - Dạ, hồi nãy em có nói thằng Tòng sao thì em vậy.

   - Còn thằng Xẹ? - Đoan hỏi.

   - Thằng Tòng, thằng Sanh không vô, em cũng vô! -Thằng Sanh lại đưa cùi chỏ thúc thằng Xẹ. Đến lúc đó, hai đứa mới ngẩng lên nhìn. Thấy Sáu cười, hai đứa cúi xuống, thò tay quèo nhau, cười theo...

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2019, 04:36:57 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM