Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:30:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: T  (Đọc 20549 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #180 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 05:56:39 pm »


        TRẬN CẢNH DƯƠNG (8.6.1953), trận chống càn của du kích và nhân dân làng chiến đấu Cảnh Dương (nay là xã Cảnh Dương, h. Quảng Trạch, t. Quảng Bình), đánh trả cuộc càn quét của 1 tiểu đoàn quân Pháp. Lực lượng ta có 125 du kích, trang bị 26 súng bộ binh và các loại chông, mìn, lựu đạn, đại đao, mác... 5 giờ 30 phút, địch có pháo binh yểm trợ, triển khai tiến công từ ba hướng (2 hướng đường bộ và 1 hướng đường biển) vào các xóm Trung Vũ, Đông Yên, Đông Hải. Dựa vào hệ thống công sự, trận địa đã chuẩn bị trước, ta chờ địch vào gần mới nổ súng, đẩy lui các mũi tiến công của địch. 10-15 giờ địch dùng máy bay bắn phá và tăng cường lực lượng tiếp tục tiến công, chiếm được xóm Trung Vũ và một phần các xóm Liên Trung, Đông Hải, Đông Yên. Ta tích cực bám đánh, giành giật với địch từng căn nhà, ngách tường, kết hợp đánh phía trước, phía sau, tạt sườn... đến 17 giờ buộc địch phải rút quân. Kết quả diệt và làm bị thương 49 địch, giữ vững làng chiến đấu, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địa phương, đánh bại âm mưu càn quét, cướp phá, bắt phu, bắt lính của địch.

        TRẬN CÁNH ĐỒNG CHUM (18-20.12.1971), trận tiến công của quân tình nguyện VN phối hợp với QGP nhân dân Lào, đánh quân phái hữu Lào (có quân Thái Lan giúp sức) ở Cánh Đồng Chum (Lào), mở đầu chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường sủi (18.12.1971-6.4.1972). Lực lượng quân tình nguyện VN gồm; Sư đoàn bộ binh 312 (3 trung đoàn: 141, 165 và 209), Trung đoàn bộ binh 174 (Sư đoàn 316), Trung đoàn bộ binh 335, Trung đoàn pháo phòng không 226, Tiểu đoàn xe tăng 195 (Trung đoàn 202), Tiểu đoàn pháo binh 42... Lực lượng địch gồm: 2 binh đoàn cơ động (GM21, GM23) quân phái hữu Lào, 13 tiểu đoàn phỉ Vàng Pao. một số đơn vị biệt động và pháo binh Thái Lan... 4 giờ 45 phút ngày 18.12 ta sử dụng pháo binh bắn chế áp, chi viện cho bộ binh và xe tăng đột phá trận địa địch trên nhiều hướng. Ở hướng nam, Trung đoàn 165 đánh chiếm Phu Thengneng, Phu Tàng, buộc địch ở Phu Tôn rút chạy; Trung đoàn 141 truy kích địch hướng Nậm Khô - Mường Pốt; Trung đoàn 209 diệt địch trên cánh đồng Cang xẻng... Ở hướng bắc, Trung đoàn 174 đánh chiếm Na Hin, phát triển sang Bản Sút; Trung đoàn 335 làm chủ Phu Keng... Kết quả diệt 6 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, khôi phục lại toàn bộ khu vực Cánh Đồng Chum bị địch lấn chiếm từ 6.1971.

        TRẬN CÁT BI (7.3.1954) nh TRẬN SÂN BAY CÁT BI

        TRẬN CATALAO (451), trận đánh giữa liên quân Tây La Mã - Tây Gót với qụân Hun tại đồng bằng Catalao (đông bắc Pháp). Trong cuộc xâm chiếm xứ Gôlơ (địa phận nước Pháp ngày nay), quân Hun của Attila từ phương bắc tràn xuống bị đẩy lùi về Catalao. Tại đây 20.6 trong khi quân Hun đang thắng thế ở chính diện và cánh phải thì bị quân Tây Gôt phản công mạnh ở cánh trái, bị thiệt hại nặng, phải lui. Ngày hôm sau, do không bị đánh tiếp, quân Hun vượt Sông Ranh, rút lui an toàn. Chiến thắng của quân Tây La Mã - Tây Gôt trong TC mở đầu quá trình tan rã của liên minh bộ tộc Hun và chặn được cuộc tiến quân của Hun vào Tây Âu. TC xảy ra gần vùng Salông (P. Châlons) bên sông Macnơ nên cg trận Salông.

        TRẬN CATE (29.10-1.11.1969), trận vây lấn căn cứ Cate do Tiểu đoàn bộ binh 8 thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 (Mặt trận Tây Nguyên) tiến hành, nhằm phá một mắt xích trong tụyến phòng ngự biên giới VN - Campuchia của Mĩ và QĐ Sài Gòn. Căn cứ nằm trên điểm cao 936, trong tuyến phòng ngự Bu Prăng - Đức Lập, do 2 đại đội biệt động quân QĐ Sài Gòn và 1 đại đội pháo binh Mĩ đóng giữ, có 2 tuyến công sự, 3 hàng rào dây thép gai và bãi mìn bảo vệ. Đêm 28.10 Tiểu đoàn 8 sử dụng Đại đội bộ binh 5 và hỏa lực tăng cường, bí mật tiếp cận làm công sự bao vây căn cứ, lực lượng còn lại cơ động tiến công ngoài căn cứ. 5 giờ ngày 29.10 Đại đội 5 nổ súng. Sau 4 ngày bị ta vây lấn, địch phải bỏ căn cứ rút chạy, rồi bị tiêu diệt. Kết quả loại khỏi chiến đấu 190 địch, 6 pháo 105-155mm, 14 máy bay (2 phản lực). Là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm rung chuyển thế phòng ngự từ xa của Mĩ, củng cố lòng tin cho ta về cách đánh công sự vững chắc bằng “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #181 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 05:57:31 pm »


        TRẬN CĂN CỨ 41A (19.6.1972), trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 20 (Trung đoàn 400) QGP Tây Nguyên đánh căn cứ 41A của QĐ Sài Gòn nằm trên đường 14, nam tx Kon Tum 20km (nay thuộc xã la Khươi, h. Chư Păh, t. Gia Lai). Lực lượng địch gồm SCH Chiến đoàn 53 và Thiết đoàn 19, một tiểu đoàn pháo và 1 đại đội biệt kích (quân số hơn 400), có hệ thống công sự vững chắc. Đêm 18.6 tiểu đoàn triển khai bốn mũi, bí mật luồn sâu, áp sát; 2 giờ 56 phút ngày 19.6 nổ súng, sau gần 1 giờ chiến đấu diệt được chỉ huy tiểu đoàn pháo và phần lớn mực tiêu. Bị địch chống trả quyết liệt, tiểu đoàn tàng cường thêm lực lượng, tập trung đánh chiếm SCH Chiến đoàn 53 và giải quyết cơ bản các mục tiêu còn lại, 4 giờ 25 phút tổ chức rút quân. Kết quả loại khỏi chiến đấu 380 địch (bắt 30), phá hủy 15 khẩu pháo, cối các loại, 1 xe thiết giáp, 1 xe vận tải,... làm tê liệt hoàn toàn SCH hành quân của địch, góp phần hỗ trợ tích cực cho đơn vị bạn cắt đường 14 và đánh phá giao thông ở khu vực nam tx Kon Tum.

        TRẬN CĂN CỨ BÀ THÀY (7.4.1972), trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 7 (Trung đoàn đặc công 10, Quân khu 9) vào căn cứ Bà Thày (xã Khánh An, h. Mười Tế. nay là h. U Minh. t. Cà Mau), nơi có SCH Trung đoàn 33 (Sư đoàn 21) QĐ Sài Gòn. Đêm 6.4 ta chia nhiều mũi bí mật tiềm nhập, áp sát mục tiêu; 0 giờ 45 phút ngày 7, do bị lộ nên phải nổ súng sớm trước giờ quy định. Trận đánh lúc đầu phát triển thuận lợi, ta làm chủ nhiều khu vực, nhưng sau 30 phút chiến đấu, bộ đội hết lựu đạn, thủ pháo, bị địch phản kích quyết liệt nên tiểu đoàn quyết định kết thúc trận đánh và lui quân. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 600 địch (bắt 14), phá hủy 12 pháo, cối, 1 trạm rađa, bắn chìm 3 tàu, thu 64 súng. Trận đánh góp phần đánh quỵ Trung đoàn 33, kìm chân lực lượng chủ lực địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch Nguyễn Huệ (1.4.1972- 19.1.1973) ở miền Đông Nam Bộ.

        TRẬN CĂN CỨ CARÔN (7.3.1967), trận tập kích hỏa lực của Trung đoàn pháo binh 84B, Tiểu đoàn pháo binh 11 (Trung đoàn 164) và các đại đội hỏa lực (cối 82mm, 120mm) của Sư đoàn bộ binh 324 vào căn cứ Carôn (căn cứ hành quân của Sư đoàn lính thủy đánh bộ 3 Mĩ) tại điểm cao 241 (h. Gio Linh, t. Quảng Trị). Lực lượng địch ở căn cứ khoảng 2.500 quân (có SCH sư đoàn), 20 khẩu pháo 105mm và 155mm, 15 xe tăng... Trận đánh diễn ra lúc 0 giờ 7 phút, bắt đầu bằng toàn bộ các loại hỏa lực bắn cấp tập, sau đó thay phiên bắn liên tục đến sáng. Với 1.056 viên đạn (có 224 đạn pháo phản lực ĐKB, 375 đạn pháo phản lực H6) gây cháy nổ suốt 48 giờ, phá hủy phần lớn căn cứ, loại khỏi chiến đấu hơn 1.000 địch, buộc địch phải chuyển căn cứ sang vị trí khác. Trận đánh đạt hiệu quả cao, lần đầu tiên sử dụng pháo phân lực tập kích căn cứ địch trên chiến trường miền Nam trong KCCM.

        TRẬN CĂN CỨ THẺ 23 (1.4.1970), trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 269B. Tiếu đoàn bộ binh 261A (Quân khu Cool đánh căn cứ Thẻ 23 (căn cứ hành quân của Sư đoàn bộ binh 7, đồng thời là hậu cứ của Trung đoàn bộ binh 12 QĐ Sài Gòn) ở khu vực ngã ba QL 4 (nay là QL 1) và đường 20, trên địa bàn h. Cái Bè, t. Mĩ Tho (nay là t. Tiền Giang). Lực lượng địch gồm: Tiểu đoàn bộ binh 3 và cơ quan trung đoàn bộ Trung đoàn 12, có 1 trung đội thám kích, 1 đại đội và 1 trung đội pháo (8 pháo 105 và 155mm, 10 súng cối 81 và 60mm); hệ thống bảo vệ kiên cố bằng tường đất kết hợp lô cốt. công sự chiến đấu, hàng rào (3-5 lớp) xen kẽ bãi mìn... Đêm 31.3 ta bí mật tiếp cận mục tiêu từ bốn hướng, 1 giờ 45 phút ngày 1.4 nổ súng, kết hợp giữa đặc công luồn sâu, ém sẵn đánh bên trong, bộ binh mở cửa đánh từ ngoài vào, sau 1 giờ chiến đấu phá hủy căn cứ, diệt và bắt hơn 350 địch (có 4 cố vấn Mĩ), phá hủy 50 xe QS. 16 khẩu pháo, cối và hàng vạn tấn đạn... Là trận mở màn thắng lợi trong đợt hoạt động ABC của LLVT Quân khu 8, làm mất chỗ dựa quan trọng cho kế hoạch bình định của địch ở đồng bàng sông Cửu Long.

        TRẬN CĂN CỨ TOÀN THẮNG (16.12.1974), trận tiến công của Tiểu đoàn bộ binh 8 (Trung đoàn 2, Quân khu 9) được tăng cường hỏa lực (2 cối 120mm, 2 ĐKZ, 4 súng máy phòng không 12,7mm) vào căn cứ pháo binh Toàn Tháng tại xã Biển Bạch (h. Thới Bình, t. Cà Mau), do 1 đại đội và 1 trung đội bảo an, 1 trung đội pháo binh (2 pháo 105mm) QĐ Sài Gòn đóng giữ. 6 giờ 40 phút ta sử dụng hỏa lực chế áp, đồng thời các mũi xung kích tạo cửa mở từ ba hướng xung phong đánh chiếm các lô cốt, khu nhà ở...; sau 32 phút chiến đấu làm chủ căn cứ, diệt và bắt hơn 100 dịch, phá hủy 2 pháo 105mm, thu 6 máy thông tin PRC25 và 72 súng các loại... Cùng với hoạt động tác chiến trong khu vực, TCCTT góp phần khai thông hành lang từ U Minh Thượng đến U Minh Hạ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #182 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 05:58:28 pm »


        TRẬN CẢNG ESEPIC 28.12.1951, trận tập kích của Tiểu đoàn bộ binh 86 (Trung đoàn 812 Liên khu 5) và LLVT thị xã Phan Thiết vào căn cứ Cảng Esepic (Trường cao đẳng thể thao Đông Dương, tây nam tx Phan Thiết 4km, nay là tp Phan Thiết, t. Bình Thuận), do 1 đại đội Âu - Phi, 1 trung đội pháo (2 khẩu 75mm) và hơn 100 học viên đào tạo hạ sĩ quan của Pháp đóng giữ. Đêm 28.12 tiểu đoàn triển khai lực lượng bí mật áp sát mục tiêu, tổ chức một bộ phận (đội quyết tử) cải trang làm lính địch đi tuần bất ngờ đột nhập vào cổng chính, đồng loạt đánh chiếm khu trường huấn luyện và trận địa pháo, sau đó chặn đánh đẩy lui đoàn xe địch từ Phan Thiết lên ứng cứu. Kết quả sau 40 phút chiến đấu, ta diệt và làm bị thương hơn 150 địch, phá hủy 2 khẩu pháo, 2 xe bọc thép, thu 175 súng các loại. Trận tập kích lớn nhất và tiêu biểu về diệt sinh lực địch, góp phần phá vỡ kế hoạch đào tạo bổ sung đội ngũ sĩ quan của địch ở chiến trường Nam Trung Bộ trong KCCP.

        TRẬN CĂNG ESEPIC 22.2.1969, trận tập kích của bộ đội đặc công tỉnh Bình Thuận đánh căn cứ hành quân của Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn kị binh không vận 506) QĐ Mĩ tại Căng Esepic (tây nam tx Phan Thiết 4km, nay thuộc tp Phan Thiết, t. Bình Thuận). Ta sử dụng 85 đặc công của các đơn vị Đại đội 5 (Tiểu đoàn 840), Đại đội 1 (Tiểu đoàn 481) và Tiểu đoàn 482, đêm 21.2 tổ chức lực lượng thành 7 tổ, bí mật tiềm nhập từ ba hướng; 0 giờ 22 phút ngày 22 đồng loạt nổ súng đánh vào sân bay, bãi xe, trận địa pháo, khu nhà ở, kho tàng... Sau 40 phút chiến đấu, diệt và làm bị thương hàng trăm địch, phá hủy 11 máy bay trực thăng, 12 khẩu pháo, 2 xe tăng... Trận đánh diễn ra nhanh, gọn, đạt hiệu quả cao, mờ màn thắng lợi đợt hoạt động Xuân 1969 ở Khu 6.

        TRẬN CẨM LÍ (21.7.1948), trận tập kích của 2 đại đội bộ binh thuộc Trung đoàn Bác Bác (Trung đoàn 36), đánh đồn Cẩm Lí (xã Vũ Xá, h. Lục Nam, t. Bắc Giang), do 1 trung đội quân Pháp đóng giữ. Đồn nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm, có lô cốt, hầm ngầm xi măng cốt sắt và 4 hàng rào dây thép gai bảo vệ. Được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, lợi dụng lúc quân Pháp bắt dàn chuyển gạch xây công sự, 54 chiến sĩ ta cải trang làm dân phu (20 người hóa trang là phụ nữ) gánh gạch vào đồn, bất ngờ dùng dao găm, đoản kiếm diệt gọn quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận đánh diễn ra mau lẹ giữa ban ngày, đạt hiệu quả cao; được Bộ tổng chỉ huy tuyên dương trong toàn quân.

        TRẬN CẨM SƠN (26.10.1961), trận phục kích của Tiểu đoàn 120 bộ đội địa phương tỉnh Khánh Hoà, phối hợp với du kích địa phương đánh 1 đại đội bảo an và 1 chi đội thiết giáp (3 xe) QĐ Sài Gòn đi giải tỏa tại khu vực cẩm Sơn (h. Diên Khánh, t. Khánh Hòa). Đêm 25 rạng 26.10 ta diệt lực lượng dân vệ ở ấp Đại Điền, đồng thời bố trí trận địa phục kích trên đoạn đường Diên Khánh - Gia Lệ chờ đánh địch giải tỏa. 10 giờ ngày 26.10 địch từ tiểu khu Khánh Hòa hành quân giải tỏa bằng cơ giới lọt vào trận địa, ta nổ súng nhưng phối hợp không tốt, để địch chiếm được cứ điểm Cấm Sơn (cứ điểm cũ thời Pháp, có công sự kiên cố) co cụm chống trả quyết liệt. Ta chuyển sang đánh công kiên, diệt địch sau 3 giờ chiến đấu. Thầng lợi của TCS góp phần làm tê liệt, tan rã hệ thống kìm kẹp của địch ở nhiều ấp, xã từ Đại Điền đến Suối Dầu, tạo điều kiện cho phong trào CM địa phương phát triển.

        TRẬN CẤM DƠI (17-19.8.1972). trận tiến công của Sư đoàn bộ binh 711 (Quân khu 5) được tăng cường hỏa lực (pháo 130mm và tên lửa chống tăng B72), đánh căn cứ Cấm Dơi và chi khu quận lị Quế Sơn (h. Quế Sơn, t. Quảng Nam) do 2 trung đoàn bộ binh (5 và 6) thuộc Sư đoàn 2, 1 trung đoàn và 1 chi đoàn thiết giáp, 1 liên đoàn biệt động quân, 2 liên đoàn bảo an, 2 tổng đoàn dân vệ QĐ Sài Gòn đóng giữ. Cấm Dơi là điểm cao đột xuất trong thung lũng Quế Sơn (cách quận lị Quế Sơn 2km) được xây dựng thành căn cứ vững chắc với 3 tầng công sự, lô cốt, nhà hầm, 12 lớp rào xen kẽ mìn. có lực lượng cơ động vòng ngoài bảo vệ. không quân, pháo binh chi viện. Đêm 17.8 ta bất ngờ tiến công các vị trí bảo vệ vòng ngoài; ngày 18 dùng pháo 130mm bắn phá căn cứ, khống chế các trận địa pháo của địch, yểm trợ cho các đơn vị vận động tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa và đánh địch phản kích. Sáng 19.8 sau 20 phút hỏa lực cấp tập của pháo binh, các mũi bộ binh đồng loạt tiến công đánh chiếm mục tiêu, đến 15 giờ 10 phút làm chủ căn cứ, diệt SCH Trung đoàn 5 của địch; tiếp đó phát triển tiến công đánh chiếm quận lị Quế Sơn. truy kích, đón lõng đánh địch rút chạy. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 3.000 địch, phá hủy 40 khẩu pháo. 70 xe QS, thu 30 xe (có 12 xe M113), hơn 500 súng các loại; phá vỡ tuyến phòng thủ chủ yếu của địch ở tây nam Đà Nẵng, giải phóng thung lũng Quế Sơn với 20.000 dân.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #183 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 05:59:35 pm »


        TRẬN CẦN ĐÂM (8.6.1966), trận phục kích của Trung đoàn bộ binh 2 (Sư đoàn 9) chặn đánh đoàn xe QS Mĩ và QĐ Sài Gòn trên đường 13, đoạn ngã ba Cây Đa - cầu Cần Đâm thuộc khu vực xã Tân Khai (quận An Lộc, t. Bình Long, nay là h. Bình Long, t. Bình Phước), nhằm cắt giao thông, hỗ trợ cho hướng chủ yếu tiến công căn cứ Lộc Ninh, Hớn Quản trong đợt hoạt động tác chiến mùa mưa 1966 của Sư đoàn 9. Trận địa phục kích được triển khai từ 25.5 trên đoạn đường dài 3,5km, tuyến xuất phát xung phong cách đường 200- 400m. Sau nữa tháng bí mật ém quân, 13 giờ 20 phút ngày 8.6 trận đánh bắt đầu. Khi đoàn xe địch lọt vào trận địa, lực lượng công binh nổ mìn chặn đầu, tiếp đó các đơn vị vận động tiếp cận đánh chính diện và vòng đánh tạt sườn, nhưng do phối hợp không chặt, để địch co cụm chống cự và dùng hỏa lực không quân bắn phá ác liệt làm trận đánh kéo dài. Từ 14 giờ 40 phút trung đoàn kịp thời đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu đến 18 giờ kết thúc trận đánh. Kết quả diệt và làm bị thương 500 địch, phá hủy 40 xe QS (có 31 xe tăng, xe bọc thép), bắn cháy 8 máy bay, thu 45 súng các loại.

        TRẬN CẨN GIUỘC (16.12.1861), trận tiến công của nghĩa quân Trương Định vào quân Pháp ở đồn Cần Giuộc (nay thuộc t. Long An). 16.12.1861 Trương Định đem quân từ Gò Công (nay thuộc t. Tiền Giang) đến phối hợp với cai tổng Là, chủ động tiến công đổn Cần Giuộc nhằm phá kế hoạch của Pháp mở rộng đánh chiếm vùng Tân An - Cần Giuộc. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm bằng các loại vũ khí thô sơ, diệt dược nhiều lính Pháp, nhưng cũng bị tổn thất. TCG thể hiện tinh thần hi sinh vì nước của các nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhân dân Nam Bộ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thời Nguyễn (1858-84), được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi trong bài “văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

        TRẬN CẨU CÂY KHẾ (15.4.1949), trận đánh phá giao thòng bằng vũ khí tự tạo của Đại đội 21 (Khu 7) tại cầu Cây Khế, một vị trí bảo đảm giao thông trọng yếu của quân Pháp trên trục lộ 15 (nay là QL 51) từ Sài Gòn đi Vũng Tàu. Đêm 14 rạng 15.4 đại đội bố trí một bộ phận yểm trợ và một bộ phận bí mật vượt qua hệ thống canh phòng của địch, dùng 18 quả mìn lõm (loại 10kg, nổ bằng kíp điện) đánh sập 2 trong số 5 nhịp cầu, sau đó rút lui an toàn. Kết quả trận đánh cho ta kinh nghiệm chế tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng loại mìn lõm, đồng thời đấy mạnh phong trào dùng vũ khí tự tạo đánh địch trong những năm đầu KCCP.

        TRẬN CẦU GHỂNH (27-29.4.1975), trận tập kích của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 23) và 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 174 (Trung đoàn đặc công 113) tại khu vực Cầu Ghềnh trên QL 1 (đoạn Biên Hòa - Sài Gòn) do QĐ Sài Gòn đóng giữ trong chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30.4.1975). Đêm 27 rạng 28.4 ta bí mật luồn sâu, lót sẵn, bất ngờ đánh chiếm cẩu và tổ chức chốt giữ; tiếp đó 28-29.4 liên tục đánh địch phản kích, giữ vững cầu, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 4 nhanh chóng đánh chiếm Biên Hòa và phát triển tiến công vào Sài Gòn.

        TRẬN CẦU GIẤY 21.12.1873, trận phục kích quân Pháp do quân Cờ Đen tiến hành ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) trong kháng chiến chống Pháp thời Nguyễn (1858-84). Sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần 1 (20.11.1873), theo lệnh của Hoàng Tá Viêm - thống đốc quân thứ Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) và Tôn Thất Thuyết - tham tán quân thứ, quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy về bố trí xung quanh Hà Nội; 21.12.1873 tổ chức mai phục ở khu vực Cầu Giấy rồi cho quân đến khiêu chiến ở cửa tây thành Hà Nội. Chỉ huy quân Pháp chiếm đóng thành Hà Nội là Gacniê đang hội đàm với phái đoàn đại diện triều Nguyễn vội bỏ họp, dẫn quân ra nghênh chiến, đuổi theo quân Cờ Đen đến Cầu Giấy, lọt vào ổ phục kích; đại úy Gacniê, trung úy Banni Đayricua và một số lính Pháp bị bắn chết. TCG khiến Pháp hoang mang (trong thành Hà Nội chỉ còn 40 quân) định rút chạy, nhưng triều đình Huế nhu nhược, không nắm thời cơ để phát huy thắng lợi, tiếp tục nhượng bộ Pháp bằng hiệp ước Giáp Tuất (15.3.1874).

        TRẬN CẦU GIẤY 19.5.1883, trận phục kích quân Pháp do quân triều Nguyễn và quân Cờ Đen tiến hành ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội). Sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần II (25.4.1882), quân triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy, cùng quân Cờ Đen ở Sơn Tây, về giữ phủ Hoài Đức (Hà Tây) và bao vây, uy hiếp Hà Nội. Để đối phó. Pháp mở cuộc hành quân lớn về phía tây, nhằm ổn định tình hình và mở rộng địa bàn chiếm đóng quanh Hà Nội. Nắm được kế hoạch của địch, Hoàng Tá Viêm bố trí sẵn trận địa ứng chiến ở Cầu Giấy, chia lực lượng thành ba cánh, lập trận địa theo hình vòng cung từ làng Dịch Vọng Tiền sang Dịch Vọng Trung đến Hạ Yên Quyết, đón đánh quân Pháp. Sáng 19.5 HăngriRivie (chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc Kì) đưa khoảng 500 quân, có đại bác yểm trợ, từ Hà Nội bí mật tiến về phủ Hoài Đức. Đến Cầu Giấy, quân Pháp bị đánh tổn thất nặng (chết 33, trong đó có Rivie; bị thương 61), phải rút về Đồn Thủy (Hà Nội) cố thủ. TCG 19.5.1883 làm quân Pháp ở Bắc Kì rất hoang mang, nhưng triều Nguyễn và Hoàng Tá Viêm đã dừng lại, không phát huy thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #184 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:00:44 pm »


        TRẬN CẦU LỒ (13-14.7.1954), trận vây lấn tiến công của Tiểu đoàn bộ binh 80 (Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) được tăng cường hỏa lực (2 sơn pháo 75mm, 3 ĐKZ 75mm, 2 cối 120mm), đánh cứ điểm Cầu Lồ (nay thuộc xã Lan Mẫu, h. Lục Nam, t. Bác Giang) trong hệ thống phòng ngự bắc Phủ Lạng Thương của Pháp. Tại đây địch có 1 đại đội (sĩ quan Pháp chỉ huy), tổ chức phòng ngự vững chắc, trang bị hỏa lực mạnh. Đêm 13.7 tiểu đoàn triển khai trận địa vây lấn, đưa hỏa lực vào sát hàng rào cuối cùng, rạng sáng 14.7 nổ súng tiến công chiếm được nửa cứ điểm. Địch co cụm chống cự quyết liệt, đồng thời gọi máy bay ném bom, bắn phá ngăn chặn ta tiến công, đến tối 14.7 địch bí mật rút chạy. Kết quả diệt và bắt hơn 60 địch, thu 28 súng các loại, rút được nhiều kinh nghiệm đánh cứ điểm boong ke.

        TRẬN CẨU MĨ ĐỨC (20, 22.4.1965), các trân chiến đấu của Tiểu đoàn pháo phòng không 9 (Trường sĩ quan phòng không) phối hợp với Đại đội pháo phòng không 4 (Quân khu 4), tự vệ nông trường Quyết Thắng và dân quân địa phương, đánh máy bay Mĩ tại trận địa bảo vệ cầu Mĩ Đức trên đường 15 (h. Lệ Thủy, t. Quảng Bình). Thực hiện tác chiến hiệp đồng, bố trí hỏa lục tập trung, kết hợp làm trận địa giả nghi binh, trong 2 ngày đánh trả 4 đợt tiến công của 33 máy bay Mĩ, bắn rơi 14 chiếc (10 AD-6. 4 F-100), bảo vệ an toàn mục tiêu. Trận đánh đạt hiệu quả cao, thực hiện tốt phương châm “huấn luyện ở nhà trường gắn liền với chiến trường”.

        TRẬN CẦU QUAN ÂM VÀ BẮC LỆ (24 và 29.6.1884), hai trận tiến công của quân Cờ Đen và các nhóm nghĩa quân VN đánh quân Pháp ở cầu Quan Âm và đồn Bắc Lệ (t. Lạng Sơn) trong kháng chiến chống Pháp thời Nguyễn (1858-84). Nhằm thi hành kế hoạch thay thế quân Thanh (TQ) ở Bắc Kì, độc chiếm VN, Pháp tổ chức 1 lữ đoàn (khoảng 1.000 quân) tiến đánh Lạng Sơn. 24.6 khi vượt cầu Quan Âm, quân Pháp bị quân Cờ Đen phối hợp với nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện,... phục kích gây tổn thất nặng, phải lui về giữ đồn Bắc Lệ. 29.6.1884 quân Pháp ở Bắc Lệ lại bị nghĩa quân Hoàng Đình Kinh tập kích diệt thêm một số, buộc phải tháo chạy về Đáp Cầu (Bắc Ninh). Sau thất bại TCQÂVBL, chính phủ Pháp quyết định gây sức ép QS buộc nhà Thanh thực hiện hiệp ước Thiên Tân (11.5.1884) để độc chiếm VN.

        TRẬN CẦU QUẢNG TRỊ (29.4.1972), trận tiến công của Tiểu đoàn bộ binh 3 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304) phối hợp với Đại đội xe tăng 5 (Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 202) đánh chiếm cẩu Quảng Trị do QĐ Sài Gòn chốt giữ, nhằm cắt đứt giao thòng, cô lập địch ở khu vực bắc và đông Quảng Trị, trong chiến dịch Trị Thiên (30.3-27.6.1972). Sau khi căn cứ Phượng Hoàng bị tiêu diệt (9.4), địch tăng cường lực lượng bảo vệ cầu Quảng Trị, điều 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp hoạt động ở khu vực An Đôn, An Dập, Thượng Phước sẵn sàng chi viện khi bị QGP tiến công. 23 giờ 10 phút ngày 28.4, sau khi đánh chiếm làng An Đôn, ta dùng xe tăng dẫn bộ binh đột phá, tập trung hỏa lực diệt xe tăng và các ổ đề kháng của địch, đến 1 giờ 45 phút ngày 29.4 làm chủ trận địa, tiến hành phá cầu, ngăn chặn và đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch. Kết quả diệt 2 đại đội, bắn cháy 10 xe tăng và xe bọc thép, hoàn thành tốt nhiệm vụ chia cắt địch, tạo điều kiện cho lực lượng chiến dịch phát triển tiến công đánh chiếm căn cứ Ái Tử và khu vực bắc sông Thạch Hãn.

        TRẬN CẦU TA RẾCH (9.1.1965), trận phục kích của trung đội du kích xã Hồng Quang (h. A Lưới, t. Thừa Thiên - Huế) và 1 tiểu đội bộ đội huyện, chặn đánh 1 đại đội QĐ Sài Gòn tuần tra tại khu vực phía đông cầu Ta Rếch trên đường A Sầu - A Lưới. Địch tổ chức lực lượng tuần tra thành hai bộ phận, mỗi bộ phận cách nhau 500m. 7 giờ 30 phút khi bộ phận đi đầu của địch (2 trung đội) lọt vào trận địa phục kích của ta bố trí cách cầu 400m, ta đồng loạt nổ súng chặn đầu, khóa đuôi, xung phong diệt phần lớn, tiếp đó đánh địch co cụm và đẩy lui trung đội dịch phía sau lên tiếp ứng. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt 40 địch và rút lui an toàn. Là trận đánh tập trung đầu tiên của du kích xã Hồng Quang, phối hợp chiến đấu tốt với bộ đội huyện, nhưng do chưa chú ý tổ chức chặn viện nên kết quả còn hạn chế.

        TRẬN CẦU VĨ (18.1.1972), trận phục kích của 2 tiểu đoàn bộ binh (514C và 2009B) bộ đội tinh Mĩ Tho được tăng cường 1 đại đội đặc công, 1 phân đội hỏa lực, cùng du kích địa phương chặn đánh Liên đoàn biệt động quân 41 (thiếu 1 tiểu đoàn) QĐ Sài Gòn hành quân giải tỏa tại khu vực Cầu Vĩ (xã. Tân Hội, h. Cai Lậy, t. Mĩ Tho, nay thuộc t. Tiền Giang), trong đợt 2 chiến dịch đồng bằng sông Cửu Long (10.6-10.9.1972). Ngày 16.7 ta sử dụng 1 đại đội cùng du kích xã Mĩ Hạnh Đông vây ép đồn Cống Huế, đồng thời tổ chức lực lượng chuẩn bị đánh quân cứu viện. 15 giờ 35 phút ngày 18.7, địch từ Tân Phú đến giải tỏa lọt vào trận địa phục kích, ta đồng loạt nổ súng, chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt và truy kích. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, ta diệt và bắt 270 địch, thu 102 súng các loại, buộc địch ở đồn Cống Huế và một số đồn khác rút chạy; giải phóng các xã Mĩ Phước, Mĩ Phước Tây, Mĩ Hạnh Đóng, mở lại mảng 3 Cai Lậy Bắc, tạo thuận lợi cho chiến dịch phát triển.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #185 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:01:31 pm »


        TRẬN CHÀ LÀ 23-24.11.1963, trận đánh điểm diệt viện của 2 tiểu đoàn bộ binh (306 và U Minh), Tiểu đoàn súng máy phòng không 207 và lực lượng pháo binh hỗn hợp Quân khu 9, phối hợp với bộ đội và du kích địa phương đánh QĐ Sài Gòn tại cụm cứ điểm Chà Là (nay thuộc h. Đầm Dơi, t. Cà Mau). Ta sử dụng Tiểu đoàn U Minh được tăng cường hỏa lực và đại đội địa phương huyện Cái Nước tiến công cụm cứ điểm Chà Là; các tiểu đoàn 306 và 207 cùng bộ đội địa phương huyện Ngọc Hiển và du kích tổ chức trận địa đánh viện. 23 giờ 30 phút ngày 23.11 trận đánh bắt đầu, sau hơn 3 giờ chiến đấu ta làm chủ ấp chiến lược Chà Là và 1 đồn tam giác, diệt và đánh thiệt hại nặng cơ quan hành chính quận, 1 đại đội biệt động quân, 1 đại đội dân vệ (thiếu) và tiểu đội thám báo. Trong ngày 24 các đơn vị kiên cường bám trụ đánh lui 3 đợt đổ bộ đường không của 3 tiểu đoàn địch đến ứng cứu, đồng thời chặn đánh tàu chiến địch trên sóng Bảy Háp. Kết quả loại khỏi chiến đấu gần 600 địch, bắn rơi 19 máy bay, bán bị thương 1 tàu chiến, thu 100 súng và nhiều đồ dùng QS; hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá hai ấp chiến lược Chà Là và Giá Ngựa. Trận mở đầu đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực QĐ Sài Gòn trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, một trong những chiến thắng lớn nhất của quân và dân miền Nam trong năm 1963, góp phần đánh bại chiến thuật trực thăng vận của địch.

        TRẬN CHÀ LÀ 21.8.1968. trận tập kích của Trung đoàn bộ binh 5 (Sư đoàn 5) và một bộ phận đặc công Miền vào cụm cơ giới Mĩ ở Chà Là (đông tx Tây Ninh, nay thuộc h. Dương Minh Châu, t. Tây Ninh), trong đợt 1 chiến dịch Tây Ninh (17.8-28.9.1968). Địch đóng quân trên gò đất cao (dài 700m, rộng 500m). xung quanh có hàng rào dây thép gai gồm 3 hàng rào bùng nhùng đơn, 1 hàng rào bùng nhùng kép. Đêm 21.8 từ nhiều hướng mũi, ta bí mật tiếp cận, bất ngờ đánh chiếm các mục tiêu, sau hơn 3 giờ chiến đấu, tiêu diệt gần hết cụm quân địch, phá hủy 13 khẩu pháo và 140 xe QS (có 80 xe bọc thép). Thắng lợi của TCL tạo thuận lợi cho chiến dịch phát triển.

        TRẬN CHÁNH THIỆN (23.6.1974), trận phục kích của Tiểu đoàn bộ binh 50 bộ đội tỉnh Bình Định, đánh 2 chi đoàn xe M113 (Thiết đoàn 19), 2 đại đội biệt động (Tiểu đoàn 35), 2 đại đội bộ binh (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 47) QĐ Sài Gòn hành quân lấn chiếm vùng giải phóng tại Chánh Thiện (xã Mĩ Chánh, h. Phù Mĩ, t. Bình Đinh). 12 giờ 40 phút cánh quân thứ nhất của địch gồm 1 chi đoàn xe M113 và 2 đại đội biệt động, có pháo binh mở đường lọt vào trận địa phục kích của ta ở Trung Thuận - Chánh Thiện. Ta đồng loạt nổ súng, diệt gọn chi đoàn xe M113 (12 chiếc), 1 đại đội biệt động. 13 giờ 30 phút địch điều cánh quân thứ hai, gồm 1 chi đoàn xe M113 và 2 đại đội bộ binh, có máy bay yểm trợ đến ứng cứu, bị ta đánh thiệt hại nặng (diệt 7 xe), số còn lại rút chạy về Trà Quang. Là trận diệt nhiều xe M113 nhất của các LLVT tỉnh Binh Định, bảo vệ vùng giải phóng, đập tan âm mưu phản kích, lấn chiếm bằng lực lượng cơ giới kết hợp với bộ binh của địch.

        TRẬN CHÂN MỘNG - TRẠM THẢN (17.11.1952). trận phục kích của Trung đoàn bộ binh 36 (Đại đoàn 308) chặn đánh quân Pháp trên đường 2, tại khu vực Chân Mộng - Trạm Thản (thuộc h. Phù Ninh và h. Đoan Hùng, t. Phú Thọ), nhằm chống lại cuộc hành quân Loren và âm mưu của địch đánh phá hậu phương chiến dịch của ta, trong chiến dịch Tây Bắc (14.10-10.12.1952). Đêm 16.11, Trung đoàn 36 chuẩn bị đánh đồi Chân Mộng, phát hiện lực lượng hành quân của địch đang rút lui khỏi Đoan Hùng, đã kịp thời tổ chức trận địa phục kích trên đường Chân Mộng - Năng Yên, Trạm Thản (dài hơn 1km). 9 giờ 43 phút, khi đoàn xe chờ Tiếu đoàn 2 thuộc Trung đoàn lê dương 2 (2/2REI) của địch lọt vào trận địa, ta đồng loạt nổ súng chận đầu, khoá đuôi, đánh giáp lá cà diệt phần lớn quân địch, sau đó tiếp tục truy kích diệt thêm một số, buộc địch ở đồn Chân Mộng hoảng sợ bỏ đồn rút chạy. Kết quả diệt và bắt gần 300 địch, phá hủy 44 xe QS (có 17 xe tăng và xe bọc thép). TCM-TT góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Loren của Pháp, bảo vệ hậu phương chiến dịch, tạo điều kiện cho chiến dịch Tây Bắc phát triển thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #186 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:02:15 pm »


        TRẬN CHEO REO (17-19.3.1975), trận truy kích của Sư đoàn bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 95B. Trung đoàn pháo phòng không 593, Trung đoàn pháo binh 675 và 1 tiểu đoàn xe tăng đánh QĐ Sài Gòn rút chạy tại khu vực thị xã Cheo Reo (t. Phú Bổn, nay là thị trấn Ayun Pa, h. Ayun Pa. t. Gia Lai), trong chiến dịch Tây Nguyên (4.3-3.4.1975). Đêm 16.3 phát hiện lực lượng địch ở bắc và trung Tây Nguyên (khoảng 15.000 quân, gồm cơ quan Quân đoàn 2 - Quân khu 2, Sư đoàn không quân 6, Lữ đoàn kị binh 2 và 6 liên đoàn biệt động quân, 6 tiểu đoàn pháo...) theo đường liên tỉnh 7 rút chạy qua Cheo Reo về đồng bằng Khu 5, Sư đoàn 320 được lệnh cấp tốc truy kích tiêu diệt. Sáng 17.3 sư đoàn tập trung mọi khả năng cơ động triển khai lực lượng chiếm lĩnh trận địa: Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) cắt đường liên tỉnh 7 chặn phía đông nam Cheo Reo, Trung đoàn 48 cơ động về phía tây thị xã làm mũi đột phá chủ yếu, Trung đoàn 9 tiến xuống Phú Thiện cắt đường liên tỉnh 7 ở phía tây bắc Cheo Reo. Sau khi hình thành thế bao vây, tổ chức lực lượng chốt chặn nhiều tầng trên đường 7 và đẩy lui các đợt phản kích của địch, 11 giờ 30 phút ngày 18.3 ta tập trung pháo binh và các loại hỏa lực bắn chế áp, chi viện cho bộ binh xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã Cheo Reo, đến 18 giờ 30 phút làm chủ sân bay, sau đó phát triển đánh địch ở trại Ngô Quyền, chiếm ti cảnh sát, đài phát thanh và một số mục tiêu phía tây bắc tiểu khu. Đêm 18 và sáng 19.3 các đơn vị tiếp tục đánh địch co cụm và các mục tiêu còn lại, đến 9 giờ 10 phút ngày 19.3 hoàn toàn làm chủ thị xã, truy quét tàn quân địch rút chạy. Kết quả diệt, bắt và gọi hàng 13.570 địch, thu gần 4.000 súng các loại (có 32 khẩu pháo 105mm-175mm) và hơn 1.000 xe QS (có 161 xe tăng, thiết giáp), giải phóng phần lớn tỉnh Phú Bổn với khoảng 20.000 dân. Thắng lợi của TCR tạo điều kiện cho lực lượng chiến dịch tiếp tục phát triển tiến công về hướng đông, tạo thế chia cắt chiến lược và đập tan ý đồ co cụm phòng ngự ở đồng bằng của địch.

        TRẬN CHI KHU CÁI BÈ (20.7.1964), trận tiến công của Tiểu đoàn bộ binh 261 (bộ đội chủ lực Quân khu Cool được tăng cường 1 đại đội dặc công, 2 đại đội hỏa lực cùng LLVT địa phương vào chi khu QS Cái Bè (t. Mĩ Tho, nay thuộc t. Tiền Giang) do QĐ Sài Gòn đóng giữ. Ta dùng đặc công luồn vào bên trong diệt các mục tiêu chủ yếu, phối hợp với bộ binh tiến công từ ngoài vào, trong đêm 20.7 đánh chiếm chi khu Cái Bè, diệt hơn 100 địch, phá hủy 2 pháo 105mm, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Là trận đầu tiên diệt chi khu QS địch ở chiến trường Trung Nam Bộ.

        TRẬN CHI KHU HÒA ĐA (19.9.1968), trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 200C (thiếu 1 đại đội) được tăng cường một bộ phận Đại đội đặc công 5 (Tiểu đoàn 840), 1 pháo DKZ75 của Quân khu 6 và 1 tiểu đội đặc công huyện Bắc Bình đánh chi khu Hòa Đa (h. Bắc Bình. t. Bình Thuận), do 1 đại đội bảo an, 2 trung đội dân vệ QĐ Sài Gòn đóng giữ. Đêm 18.9 ta tổ chức lực lượng thành 3 mũi tiềm nhập mục tiêu từ ba hướng, 1 giờ ngày 19.9 đồng loạt nổ súng, diệt các lô cốt và ổ đề kháng của địch, đánh chiếm SCH, khu trại lính, nhà cố vấn Mĩ và tiến hành truy kích quân địch rút chạy. Sau 40 phút chiến đấu ta làm chủ trận địa, diệt và làm bị thương 120 địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Là chiến công đầu của Tiểu đoàn 200C, diệt một chi khu QS lớn ở bắc Bình Thuận, gây hoang mang cho địch trong khu vực, tạo điểu kiện cho phong trào CM ở địa phương phát triển. 

        TRẬN CHI KHU KIÊN LƯƠNG (6.10.1964), trận tiến công của Tiểu đoàn 364 bộ đội địa phương tỉnh An Giang được tăng cường 1 trung đội địa phương huyện Hà Tiên, 2 trung đội đặc công, 1 đại đội trợ chiến, đánh chi khu QS Kiên Lương (nay là thị trấn Kiên Lương, h. Hà Tiên, t. Kiên Giang) do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Lực lượng địch tại chi khu có 250 lính, cảnh sát và nhân viên chính quyền, tổ chức phòng ngự vững chắc, xung quanh có 4 lớp rào kẽm gai xen kẽ bãi mìn bảo vệ. Được lực lượng nội ứng phối hợp, đêm 5.10 ta chia thành nhiều mũi, bí mật tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa; 1 giờ 40 phút ngày 6.10 nổ súng tiến công trên 2 hướng (tây nam và đông nam), nhanh chóng phá hủy các lô cốt, lần lượt đánh chiếm khu cảnh sát, trại lính, dinh quận trưởng..., sau đó đẩy lui 1 trung đội dân vệ của địch (có xe thiết giáp) từ Núi Còm đến ứng cứu; 3 giờ kết thúc trận đánh. Kết quả diệt và bắt hơn 200 địch, thu 127 súng các loại. Trận đánh lớn đầu tiên của Tiểu đoàn 364, mở ra khả năng tiêu diệt chi khu QS địch của bộ đội địa phương miền Tây Nam Bộ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #187 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:03:15 pm »


        TRẬN CHI KHU PHƯỚC BÌNH VÀ THỊ XÃ PHƯỚC LONG (31.12.1974-6.1.1975), trận tiến công của QGPMN VN vào chi khu Phước Bình và tx Phước Long (nay là huyện lị Phước Long, t. Bình Phước) do QĐ Sài Gòn đóng giữ, trong đợt 3 chiến dịch Đường 14- Phước Long (14.12.1974- 6.1.1975). Lực lượng ta có 6 trung đoàn bộ binh: 165. 141 (Sư đoàn 7), 271,201 (Sư đoàn 3), 2 (Sư đoàn 9) và 16. được tăng cường Tiểu đoàn đặc công 79 (Trung đoàn 429), 1 tiểu đoàn và 1 đại đội xe tăng, 2 tiểu đoàn công binh, 2 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn pháo phòng không. Lực lượng địch có: Tiểu đoàn 1 (Chiến đoàn 7), 3 tiểu đoàn bảo an (340, 362 và 363), 1 chi đội thiết giáp, lực lượng cảnh sát, dân vệ và bộ máy chính quyền tinh, sau được tăng cường thêm 2 đại đội biệt kích dù. Sáng 31.12.1974 ta nổ súng tiến công và đánh địch phản kích, sau 2 ngày chiếm được chi khu Phước Bình, núi Bà Rá và các cụm địch quanh Thác Mơ, Hiếu Phong, Long Điền, tạo bàn đạp triển khai bao vây tx Phước Long từ 4 hướng. Sáng 2.1 ta sử dụng hỏa lực pháo binh khống chế mục tiêu, đồng thời tổ chức các mũi bộ binh và xe tăng thọc sâu đột phá vào trung tâm thị xã, kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào, đến chiều 6.1 làm chủ thị xã; diệt, bắt và làm tan rã hơn 2.000 địch, bắn rơi 12 máy bay, thu và phá hủy 90 xe QS cùng nhiều vũ khí, phương tiện kĩ thuật. Là trận then chốt quyết định của chiến dịch, giải phóng hoàn toàn tinh Phước Long, tạo điều kiện cho ta củng cố quyết tâm chiến lược mở chiến dịch Tây Nguyên (4.3-3.4.1975).



        TRẬN CHI KHU THƠI BÌNH (10.6.1972), trận tập kích của Trung đoàn đặc công 10 (Quân khu 9) được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh. 1 đại đội hỏa lực vào chi khu QS Thới Bình (t. Cà Mau). Chi khu nằm trên địa hình nhiều sông, rạch, có hệ thống phòng ngự vững chắc, do 3 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, thám báo, cảnh sát của QĐ và chính quyền Sài Gòn đóng giữ. Đêm 9.6 ta triển khai lực lượng thành 8 mũi bí mật tiềm nhập, 3 giờ 15 phút ngày 10.6 nổ súng tiến công, đến 7 giờ chiếm phần lớn mục tiêu; số địch còn lại dựa vào lô cốt, hầm ngầm cố thủ và chống cự quyết liệt. Từ 9 giờ ta chuyển sang chặn đánh 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn bảo an của địch phản kích, đến 19 giờ rút khỏi trận địa. Kết quả loại khỏi chiến đấu gần 400 địch (bắt 16), thu 49 súng, phá hủy 3 khẩu pháo, bắn cháy 14 tàu, xuồng, góp phần làm thất bại kế hoạch lấn chiếm vùng u Minh của địch.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #188 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:04:19 pm »


        TRẬN CHI LĂNG - XƯƠNG GIANG (8.10- 3.11.1427), trận quyết chiến chiến lược diệt quân Minh (TQ) trên địa bàn từ Chi Lãng đến Xương Giang (113km) do nghĩa quân Lam Sơn (Đại Việt) tiến hành, kết thúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418-27). Tháng 10.1427 nhà Minh đưa viện binh sang giải vây thành Đông Quan (Hà Nội), gồm 2 cánh: cánh chính, khoảng 100.000 quân, từ Quảng Tây (TQ) tiến theo đường Lạng Sơn, do Liễu Thăng cùng các tướng Lương Minh, Lí Khánh, Thôi Tụ, Hoàng Phúc chỉ huy; cánh phụ, khoảng 50.000 quân, từ Vân Nam (TQ) tiến vào hướng Lào Cai, do Mộc Thạnh chỉ huy. Thực hiện chủ trương 'Vây thành, diệt viện”, một bộ phận quân Lam Sơn tiếp tục vây thành Đông Quan và các thành khác, một bộ phận chặn quân Mộc Thạnh, còn lực lượng chính được bố trí diệt quân Liễu Thăng. 8.10 cánh quân Liễu Thăng vượt biên giới, 10.10 bị phục kích tại Chi Lãng (nay thuộc Lạng Sơn), hàng vạn quân bị diệt, Liễu Thăng tử trận ở núi Mã Yên. 15 và 18.10 quân Minh tiếp tục bị tập kích, phục kích thiệt hại nặng ở Cần Trạm, Phố Cát (nay thuộc Bắc Giang), tướng chỉ huy là Lương Minh bị giết, Lí Khánh tự vẫn. Thôi Tụ, Hoàng Phúc chỉ huy số quân còn lại cố tiến về thành Xương Giang (nay thuộc Bắc Giang), nhưng thành đã bị hạ (x. trận Xương Giang, 9.1427), quân Minh phải đắp lũy tự vệ trên cánh đồng Xương Giang. 3.11 nghĩa quân Lam Sơn từ bốn hướng tổng công kích, diệt và bắt toàn bộ quân Minh, bắt Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Biết tin cánh quân Liễu Thăng bị diệt, Mộc Thạnh vội rút quân, bị truy kích, tổn thất trên 20.000 quân. Sau TCL-XG tướng Minh là Vương Thông ở Đông Quan buộc phải chấp nhận rút quân, âm mưu xâm lược của nhà Minh bị đập tan. Chiến thắng của TCL-XG chứng tỏ tài thao lược của những người lãnh đạo nghĩa quân, chọn hướng chiến lược chính xác, sử dụng binh lực hợp lí, bày thế trận lợi hại.



        TRẬN CHÍ HÒA (24-25.2.1861), trận phòng ngự của quân triều Nguyễn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy chống lại cuộc tiến công của quân Pháp tại đại đồn Chí Hòa (Gia Định) trong kháng chiến chống Pháp thời Nguyễn (1858-84). Từ 8.1860 Nguyễn Tri Phương được triều dinh cử giữ chức tổng thống "quân vụ, xây dựng Chí Hòa thành cụm cứ điểm lớn, gồm 12.000   quân, 150 đại bác, chia thành 5 khu, xung quanh có thành đất và đá ong, nhiều lớp rào tre, hầm hố, chông bẫy...; phía sau có các đồn nhỏ yểm trợ (Tham Lương, Thuận Kiều, Rạch Tra...), ở hai bên có hai chiến lũy dài (đồn tả và đồn hữu) làm điểm tựa nhằm ngăn chặn và giam chân quân Pháp ở Sài Gòn. 7.2.1861 quân Pháp được tăng viện (khoảng 4.000 quân và 50 tàu thuyền chiến) do đô đốc Sacnơ chỉ huy tập trung tại Bên Nghé, 4 giờ 30 phút ngày 24.2 bắt đầu tiến công. Quân Nguyền dựa vào thành lũy chống trả quyết liệt, nhưng chỉ cầm cự được gần 2 ngày trước hỏa lực áp đảo và cách đánh thọc sườn, kết hợp với nghi binh chính diện của địch; Nguyễn Tri Phương bị thương phải rút quân về giữ Biên Hòa, bỏ lại toàn bộ đại bác và hàng nghìn khẩu súng. Chiếm được Chí Hoà, Pháp tạo bàn đạp mở rộng đánh chiếm các tinh thành Định Tường, Biên Hòa (x. Pháp chiếm ba tinh Đông Nam Kì, 1861).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #189 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2019, 06:05:06 pm »


        TRẬN CHIẾN ĐẤU, cuộc giao chiến có tổ chức của binh đoàn, binh đội, phân đội (bộ đội chủ lực và LLVT địa phương), máy bay, tàu chiến... của hai bên, diễn ra trong một khu vực hạn chế và trong thời gian ngắn, nhằm tiêu diệt (đánh bại) quân địch, chiếm hoặc giữ khu vực mục tiêu được giao và hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu khác; một hình thức tác chiến. Loại cơ bản của TCĐ là tiến công và phòng ngự. Theo lực lượng sử dụng và môi trường tác chiến, có: TCĐ binh chủng hợp thành, TCĐ hiệp đồng nhiều binh chủng của một quân chủng hoặc của nhiều quân chủng khác nhau, TCĐ độc lập của từng quân chủng, binh chủng, TCĐ trên bộ, TCĐ trên không, TCĐ trên biển, TCĐ phòng không; TCĐ có thể là thành phần cơ bản của chiến dịch hoặc được tiến hành độc lập. TCĐ là đối tượng nghiên cứu của chiến thuật. TCĐ xuất hiện lần đầu trong các cuộc xung đột giữa quân của các tộc trưởng đối địch ở thời kì tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy. Nó không ngừng phát triển và hoàn thiện trên cơ sở phát triển và hoàn thiện các phương tiện đấu tranh vũ trang và nghệ thuật QS. Ở thời cổ đến trước khi hỏa khí xuất hiện, tất cả các TCĐ đều là những trận đánh giáp lá cà của những chiến binh được trang bị vũ khí lạnh. Với việc xuất hiện và hoàn thiện hỏa khí vào tk 14-17, hỏa lực dần dần trở thành yếu tô quan trọng nhất của TCĐ. TCĐ trên biển xuất hiện từ thời cổ, khi hải quân chỉ mới được trang bị thuyền chiến chèo tay và vũ khí lạnh; TCĐ trên không xuất hiện vào đầu tk 20 (trong CTTG-I), khi máy bay được sử dụng trong tác chiến. Việc trang bị hàng loạt súng máy, pháo và các phương tiện khác cho bộ đội, việc sử dụng xe tăng và máy bay trong CTTG-I và nhất là việc sử dụng tập trung các lực lượng và phương tiện đó trong CTTG-II làm cho thắng lợi trên chiến trường chi có thể giành được bằng sự nỗ lực thống nhất (hiệp đồng) của tất cả các lực lượng tham chiến. Từ đó TCĐ hiệp đồng đã trở thành hình thức tác chiến đặc trưng. Trong điều kiện hiện đại, các phương tiện đấu tranh vũ trang có nhiều đổi mới và hoàn thiện, tính chất và nội dung TCĐ hiện đại đang có thay đổi lớn.

        TRẬN CHIẾN ĐẤU binh chủng hựp thành, trận chiến đấu do binh đoàn, binh đội binh chủng hợp thành tiến hành, dược tăng cường một số binh đội (phân đội) của binh chủng và bộ đội chuyên môn của lục quân, có thể được không quân và hải quân chi viện. TCĐbcht được thực hiện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực, cơ động, vật cản, công sự, và đột kích của nhiều lực lượng, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật khác nhau, trong không gian và thời gian nhất định. Loại TCĐbcht cơ bản là tiến công và phòng ngự được tiến hành trên mọi địa hình và trong mọi thời tiết. TCĐbcht có một quá trình phát triển lâu dài nhưng hình thành rõ nét trong CTTG-I, nhất là khi bộ đội được trang bị nhiều súng máy, pháo và xe tăng; máy bay cũng như khi các binh chủng khác được sử dụng trong tác chiến. Điều đó yêu cầu các lực lượng tham chiến phải hiệp đồng chặt chẽ nhằm tạo nên sức mạnh thống nhất, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chung trong tác chiến. Việc có nhiều thành phần lực lượng tham gia trong chiến đấu làm tăng quy mô về không gian (chính diện và chiều sâu) của nó. Đặc điểm chủ yếu của TCĐbcht: quy mô lớn, tính cơ động và linh hoạt cao, tình huống diễn biến nhanh chóng và đột ngột, phát triển không đều về chiều sâu và chiều rộng, phương thức tiến hành rất đa dạng, biến hóa, có thể diễn ra đồng thời trên bộ và trên không, thứ thách cao về tâm lí tinh thẩn và về thể lực của bộ đội, tiêu hao nhiều về người và phương tiện vật chất.

        TRẬN CHIẾN ĐẤU đặc công, trận chiến đấu do tổ, mũi, đội, tiểu đoàn, trung đoàn đặc công thực hiện chủ yếu bằng tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện vật chất quan trọng của đối phương, khi cần thiết có thể chiếm giữ mục tiêu trong thời gian nhất định. Đặc trưng của TCĐđc là: độc lập. táo bạo, bí mật, bất ngờ, tạo thế có lợi hơn đối phương trước và trong quá trình trận đánh, tiến công mạnh mẽ, dồn dập, đánh nhanh, rời khỏi chiến đấu nhanh. Có TCĐđc: trên bộ, dưới nước, ở địa bàn rừng núi, đồng bằng, thành thị. Từ tk 18 đã xuất hiện những trận chiến đấu kiểu đặc công. Trận diệt tháp canh cầu Bà Kiểu đêm 18 rạng 19.3.1948 là TCĐđc đầu tiên của bố đội đặc công VN.

        TRẬN CHIẾN ĐẤU không quân, trận chiến đấu do từng chiếc (tốp) hoặc nhiều tốp máy bay tiến hành nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước. TCĐkq tiêu diệt mục tiêu trên không gọi là không chiến.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM