Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:07:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: N  (Đọc 7083 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


N
« vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 12:12:08 pm »

         
        NA UY (Vương quốc Na Uy; Kongeriket Norge, A. Kingdom of Norway), quốc gia ở Bắc Âu, trên bán đảo Xcãngđinayơ. Dt 323.877km2 (tính cả quần đảo Xpitbecghen và đảo Giáng Maien 387.000km2); ds 4,55 triệu người (2003); 98% người Na Uy. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Na Uy. Tôn giáo: 92% giáo phái dòng Luthơ. Thủ đô : Ôxlô. Chính thể quân chủ lập hiến, đứng đầu nhà nước là quốc vương. Cơ quan lập pháp: quốc hội. Cơ quan hành pháp: chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Phần lớn lãnh thổ là núi, đỉnh cao nhất Ganhôpigen 2.469m; ven biển là các miền đất thấp, hẹp. Bờ biển bị chia cắt, nhiều lạch biển dài kẹp giữa các vách đá cao, nhiều vụng nhỏ, nhiều đảo. Khí hậu ôn đới biển. Hệ thống sông ngòi dày đặc. Sông Glômma dài 598km. Rừng chiếm 25% diện tích lãnh thổ. Khoáng sản: uran, đồng, sắt, chỉ, niken...; trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn. Kinh tế phát triển cao. Công nghiệp: năng lượng, đóng tàu, đánh cá, khai thác dầu mỏ...; chăn nuôi lấy thịt, sữa là ngành chủ đạo trong nông nghiệp. Nguồn thu ngoại tệ chủ yếu từ xuất khẩu dầu lửa, khí đốt, gỗ xây dựng, cá... GDP 166,145 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 36.810 USD. Cảng biển: Nacvich, Ôxlô, Becghen, Stayangơ...; sân bay lớn: Phoocnhebu. Gađeơnuên, Becghen, Stanvangơ. Thành viên LHQ (27.11.1945), NATO. Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 25.11.1971. LLVT: lực lượng thường trực 26.600 (trong đó lục quân 14.700, hải quân 6.100, không quân 5.000); lực lượng dự bị 219.000. Tuyển quân theo chế độ động viên. Trang bị: 170 xe tăng, 159 xe chiến đấu bộ binh, 189 xe thiết giáp chở quân, 184 pháo mặt đất, 320 tên lửa chống tăng, 252 pháo phòng không, 300 tên lửa phòng không, 6 tàu ngầm, 3 tàu frigat, 15 tàu tên lửa, 10 tàu quét mìn, 7 tàu hộ tống, 61 máy bay chiến đấu, 36 máy bay trực thăng... Ngân sách quốc phòng 3,8 tỉ USD (2002).



        NÀ NGẦN, bản thuộc xã Cẩm Lí, châu Nguyên Bình (nay là xã Hoa Thám, h. Nguyên Bình, t. Cao Bằng), nơi có đồn lính khố xanh của Pháp đóng tại nhà phó lí Páo bị Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiêu diệt trong trận Nà Ngần (26.12.1944), trận thắng thứ hai của đội ngay sau khi thành lập.

        nh NỎ

        NAGAXAKI, thành phố cảng trên bờ tây đảo Kiusu, Nhật Bản. Dt khoảng 241 km2; ds 450 nghìn người (2001). Trung tâm công nghiệp lớn (đóng tàu, chế tạo máy, luyện kim, hóa dầu, thực phẩm, chế biến gỗ...). Được xây dựng vào tk 12 từ một làng đánh cá. 9.8.1945, trong những ngày cuối cùng của CTTG-II, Mĩ đã ném quả bom nguyên từ đương lượng nổ 20.000t xuống N, phá hủy 1/3 thành phố, làm chết và bị thương 75 nghìn người.

        NAKAHARA X. MINH NGỌC

        NAM Á, khu vực phía nam châu Á, gồm các nước: Ấn Độ, Pakixtan, Bănglađet, Nêpan, Butan, Xri Lanca, Manđivơ. Dt khoảng 4,5 triệu km2; ds 1,4 tỉ người (2002). Rừng nhiệt đới, phía tây có sa mạc. Nông nghiệp nhiệt đới. Có nhiều mỏ sắt, than đá, bôxít, mănggan, vàng, kim loại màu hiếm, đá quý, các mỏ dầu, khí đốt. Trên Ấn Độ Dương, gần bờ biển NA có các đường hàng hải quốc tế quan trọng.

        NAM BỘ, phần lãnh thổ phía nam VN, từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở vào. Thời Tây Sơn và đầu triều Nguyễn là khu vực hành chính với tên gọi Gia Định Thành. 1832 nhà Nguyễn bỏ quy chế khu vực hành chính đối với Gia Định Thành; từ 1834 đặt tên vùng này là Nam Kì. Theo hiệp ước Quý Mùi (1883), Nam Kì có thêm t. Bình Thuận và bị đặt dưới sự cai trị của Pháp theo chế độ thuộc địa. Hiệp ước Giáp Thân (6.6.1884) trả t. Binh Thuận cho Trung Kì. Từ 1887 trở thành một xứ thuộc địa trong Liên hiệp Đông Dương (Đông Dương thuộc Pháp). 3.1945 thống sứ Nhật Nasimura đổi Nam Kì thành NB.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 12:13:23 pm »


        NAM CHIÊU, vương quốc của người Thái cổ ở nam TQ, tồn tại từ tk 8 đến tk 13 trên vùng đất phía tây t. Vân Nam ngày nay. Nguyên là đất 6 chiếu (tiểu quốc) hình thành sau sự tan rã của nhà Hán đầu tk 3 và phụ thuộc nhà Đường. Lúc đầu tên NC được dùng để gọi chiếu Mông Xá, chiếu cuối cùng ở phía nam. 729 đời Khai Nguyên nhà Đường (713-741), vua chiếu này là Pilôkê (Bì La Các) được sự trợ giúp của nhà Đường thống nhất 6 chiếu, lấy tên nước là Quy Nghĩa, dời đô lên thành Thái Hoà (phía tây thôn Thái Hoà, nam thành cổ Đại Lí, t. Vân Nam ngày nay). Sau đó, NC tiếp tục thực hiện chính sách bành trướng, từng mang quân đánh phá Tubô (ở VN quen đọc là Thổ Phồn, nay thuộc Tây Tạng) và trở nên hùng mạnh vào giữa tk 9, với lãnh thổ bao gồm toàn bộ Vân Nam, nam Tứ Xuyên, tây Quý Châu, một phần bắc Mianma, bắc Lào và tây bắc VN ngày nay. 860 vua NC xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Mông, sau đổi là Đại Lễ. Nhiều lần NC mang quân đánh phá và từ 863 chiếm đóng Giao Châu, đến 866 bị tướng Cao Biền nhà Đường đánh chiếm lại. 902 dòng họ quý tộc của Trịnh Mãi Tư diệt triều đại người Thái ở NC; 937 bị Đoàn Tư Bình diệt, lập ra nước Đại Lí.

        NAM CỰC, vùng cực Nam của Trái Đất, giới hạn phía bắc trong khoảng vĩ tuyến 48-60° nam. Bao gồm lục địa NC, các đào và biển bao quanh phía nam Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương. Dt khoảng 52,5 triệu km2, trải rộng trên hai đới địa lí: cực đới (lục địa NC và các đảo phụ cận) và cận cực đới (vùng đại dương và các đảo). Riêng lục địa NC có dt 13,975 triệu km2 (cả 1,582 triệu km2 thềm lục địa đóng băng và các đảo dính liền), trong đó 99% diện tích thường xuyên bị băng phủ với tổng thể tích khoảng 24 triệu km3, độ dày trung bình 1.720m, nơi dày nhất 4.300m. Độ cao trung bình 2.040m, cao nhất 5.140m. Khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhất hành tinh. Điểm lạnh nhất ở phía đông lục địa NC, nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông từ -60 đến -70°C, mùa hè từ -30 đến -50°C. Nhiệt độ tương ứng ở ven bờ là -35 và 0- 5°C. Qua NC có các đường hàng hải và hàng không ngắn nhất giữa châu Phi, châu Đại Dương và Nam Mĩ. Theo hiệp định quốc tế về NC 1959, NC là khu trung lập, nơi tự do tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và chỉ được phép sử dụng vào mục đích hòa bình. Trạm nghiên cứu khoa học Nam Cực được thành lập nhân Năm vật lí địa cầu quốc tế với sự tham gia của Nga, Mĩ và một số nước khác.

        NAM ĐỊNH, tỉnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ; bắc và đông bắc giáp Hà Nam, Thái Bình, nam và đông nam giáp Biển Đông, tây giáp Ninh Bình. Dt 1.637,40km2; ds 1,93 triệu người (2003). Nguyên là trấn Sơn Nam Hạ, 1822 đổi thành trấn NĐ. 1831 đổi thành tỉnh. 1965 hợp nhất với Hà Nam thành t. Nam Hà (1975- 91 hợp nhất với Ninh Bình thành t.  Hà Nam Ninh). 1996 tái lập. Tổ chức hành chính: 9 huyện, 1 thành phố; tỉnh lị: tp Nam Định. Địa hình bằng phẳng. Các sông lớn: Sông Hồng, sông Ninh Cơ, Sông Đáy, đổ ra Vịnh Bắc Bộ ở các cửa Ba Lạt, Ninh Cơ, Cửa Đáy. Bờ biển dài 72km. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 23,4°C, lượng mưa 1.500-2.000mm/năm. Tỉnh nông nghiệp. Sản lượng lương thực có hạt năm 2002 đạt 993,5 nghìn tấn (lúa 983,4 nghìn tấn); thủy sản 51,6 nghìn tấn. Công nghiệp: dệt. may xuất khẩu, chế biến thủy hải sản, nhiều làng nghề truyền thống. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2002 đạt 1.951,8 tỉ đồng. Giao thông: đường sắt Bắc - Nam; đường bộ: đường 10, 21A, 56, 57, 12; bốn tuyến đường sông, cảng biển: Hải Thịnh. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa: đền thờ các vua Trần, đền Trần Hưng Đạo, chùa tháp Phổ Minh, Chùa Keo, chùa cổ Lễ... Truyền thống lịch sử CM: phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy dệt Nam Định (1930), làng chiến đấu kiểu mẫu trong KCCP: Liên Minh, Duy Tân (Vụ Bản), Vũ Dương, Yên Bình (Ý Yên).



        NAM HÀ, tỉnh cũ ở nam đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh lị: tp Nam Định. Thành lập 1965 do hợp nhất hai tinh Nam Định và Hà Nam. 12.1975 hợp nhất với Ninh Bình thành t. Hà Nam Ninh. 12.1991 tái lập. 1996 chia lại thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam. 6.11.1978, LLVTND Nam Hà được phong tặng danh hiệu Ah LLVTND.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 12:15:21 pm »


        NAM HÁN, quốc gia phong kiến cổ ở nam TQ từ 917 đến 971; một trong mười nước thời Ngũ Đại Thập Quốc. Nguyên là đất Thanh Hải Quân nhà Đường. Năm 917 tiết độ sứ Lưu Cung (tên thật Lưu Nham) xưng đế, lập nước riêng, đặt quốc hiệu là Việt, kinh đô tại Quảng Châu. Lãnh thổ bao gồm t. Quảng Đông, phần phía nam t. Quảng Tây, t. Phúc Kiến ngày nay. Năm 947 đổi quốc hiệu là Hán (sử quen gọi NH để phân biệt với các triều đại Đông Hán và Tây Hán trước đó). NH hai lần mang quân xâm lược Giao Châu, đều bị quân dân Giao Châu dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền đánh bại. Năm 971 NH bị Bắc Tống diệt. 

        NAM KINH, thành phố, thủ phủ t. Giang Tô (TQ); nằm ở hạ lưu sông Trường Giang, cách cửa sông 250km. Dt 6.516 km2 (nội thành 867km2); ds 5,29 triệu người (2003, nội thành 2,73 triệu). Công nghiệp chế tạo máy, luyện kim, hóa chất, dệt. thực phẩm, vật liệu xây dựng. Có trường đại học tổng hợp, đại học sư phạm, học viện kĩ thuật, đài thiên văn, bảo tàng. Phân viện hàn lâm khoa học TQ. Là đầu mối giao thông thủy bộ, có cảng sông, ba tuyến đường sắt: Tần Phố, Hộ Ninh. Ninh Phú. NK được xây dựng năm 472tcn, là kinh đô dưới nhiều triều đại: Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Minh. Thái Bình Thiên Quốc, thủ đô Trung Hoa dân quốc (1927-37 và 1945-49). Các di tích văn hóa hiện còn: chùa Kê Minh, chùa Linh Cốc (tk 10), Tử Kim Sơn, hồ Huyền Vũ...

        NAM LONG (Đoàn Văn Ưu: 1921-99), tư lệnh Quân khu 4 (1966-67). Dân tộc Tày, quê xã Đề Thám, h. Hoà An, t. Cao Bằng; tham gia CM 1940, nhập ngũ 1944. trung tướng (1981); đv ĐCS VN (1945). Tốt nghiệp Trường QS Hoàng Phố (TQ). 12.1944 chính trị viên trung đội, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 10.1945 chi dội trường Chi đội Nam Long Bộ đội Nam tiến. 4.1946 ra miền Bắc, trung đoàn trướng các trung đoàn: Hải Dương, 59, 36. Tháng 6.1953-55 tham mưu trưởng, đại đoàn phó Đại đoàn 304, sư đoàn trường Sư đoàn 304. Tháng 12.1958 phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng BTL pháo binh. 2.1961 phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. 4.1962 phó tư lệnh, rồi tư lệnh Quân khu 4 (1966-67). Cuối 1967 phó tư lệnh Quân khu Trị - Thiên. 6.1974 phó giám đốc Học viện QS. 1977-83 phó giám đốc Học viện QS cấp cao. Huân chương: Hồ Chí Minh, 2 Quân công hạng nhất...



        NAM PHI (Cộng hòa Nam Phi; Republiek van Suid-Aírika, A. Republic of South Africa), quốc gia ở cực nam châu Phi. Dt 1.221.037km2; ds 42,77 triệu người (2003); 74% người da đen, 16% da trắng, 9% người lai... Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh. Aphrican... Tôn giáo: Bái vật giáo. Thiên chúa giáo. Tin Lành... Thủ đô: Pretoria, Kep Tao, Blumphôntên. Chính thể cộng hoà, đứng đầu nhà nước và cơ quan hành pháp (chính phủ) là tổng thống. Cơ quan lập pháp: quốc hội hai viện (thượng nghị viện và hội đồng dân tộc). Phần lớn lãnh thổ là cao nguyên, kẹp giữa các dãy núi Đrakenbec (đỉnh cao nhất 3.482m) ở phía đông và Capxcơ ở phía nam. Ven biển là các dải đồng bằng đứt quãng. Khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phía đông và nam hệ thống sông ngòi dày đặc, bắc và tây sông khô nước. Các sông chính: Ôrangiơ, Limpôpô. Nước công - nông nghiệp phát triển, kinh tế phụ thuộc nhiều vào tư bản nước ngoài (Anh, Pháp, Mĩ và các nước Tây Âu). Công nghiệp: khai khoáng, luyện kim đen, chế tạo máy... Đứng đầu thế giới về khai thác vàng, thứ hai về sản lượng kim cương. Công nghiệp QS phát triển. Chăn nuôi là ngành chính trong nông nghiệp. GDP 113,274 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 2.620 USD. Cảng biển lớn: Đuban, Êlidabet...; sân bay quốc tế: En-Smit. Luit-Bôta. Thành viên LHQ (7.11.1945), Liên minh châu Phi. Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 22.12.1993. LLVT: lực lượng thường trực 60.000 người (lục quân 40.250, hải quân 5.000, không quân 9.250), lực lượng dự bị 73.438. Tuyển quân theo chế độ tình nguyện. Trang bị: 168 xe tăng, 1.240 xe chiến đấu bộ binh. 242 xe thiết giáp trinh sát, 967 xe thiết giáp chở quân, 190 pháo mặt đất, 76 pháo phòng không, 2 tàu ngầm, 4 tàu tên lửa . 3 tàu tuần tiễu, 3 tàu quét mìn, 36 tàu hộ tống, 85 máy bay chiến đấu.. Ngân sách quốc phòng 1,8 tì USD (2002).



        NAM QUAN X. HỮU NGHỊ QUAN
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 12:16:44 pm »


        “NAM QUỐC SƠN HÀ”, bài thơ tương truyền là của Lí Thường Kiệt, được truyền đọc trong trận Như Nguyệt, 18.1- 2.1077 nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt chống lại quân Tống (TQ) xâm lược: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đảng hành khan thủ bại hư”. Bài thơ ngắn gọn. thể hiện khí phách hiên ngang và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, được ghi vào lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc VN sau hơn một nghìn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ.

        NAM TƯ (Jugoslayia, A. Yugoslayia), quốc gia cũ ở đông nam châu Âu, trên bán đảo Bancăng. Thủ đô Bêôgrat. Cư dân chủ yếu thuộc các dân tộc nhóm Nam Xlavơ, ngoài ra còn có người Anbani và một số dân tộc khác. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Xecbi - Crôat. Nguyên là vương quốc của những người Xecbi, Crôat và Xlôvenia thành lập năm 1918. Từ 1929 lấy tên là NT (Jugoslavia - đất nước của những người nam Xlavơ). 1941-45 bị Đức chiếm đóng. 15.5.1945 được hoàn toàn giải phóng. 29.11.1945 nước Cộng hòa nhân dân Liên bang NT được thành lập gồm 6 nước thành viên là Xecbia, Crôatia, Bôxnia-Hecxêgôvina, Xlôvenia, Makêđônia và Môntênêgrô. Thành viên LHQ (24.10.1945). Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 10.3.1957. Năm 1963 đổi tên thành CHXHCN Liên bang NT. Cuối những năm 1980 đầu 1990 tình hình chính trị khổng ổn định, các nước thành viên lần lượt tách ra thành các quốc gia độc lập: Cộng hòa Xlôvenia, Cộng hòa Crôatia (25.6.1991), Cộng hòa Makêđônia (8.9.1991), Cộng hòa Bôxnia và Hecxêgôvina (15.10.1991). Ngày 27.4.1992 hai nước còn lại Xecbia và Môntênêgrô thành lập một liên bang mới: Cộng hòa liên bang NT. Tình hình chính trị tiếp tục không ổn định, kinh tế bị ảnh hường nặng nề do nội chiến (1991-92), do cuộc tiến công của Mĩ và các nước NATO (1999) và cấm vận quốc tế. 4.2.2003 nhà nước Xecbia và Môntênêgrô được thành lập, chấm dứt sự tồn tại của Liên bang NT.

        NAM VIỆT, nhà nước cát cứ tk 3-tk 2tcn ở khu vực nam TQ, bắc VN ngày nay. Do Triệu Đà, quận úy q. Nam Hải (đại bộ phận t. Quảng Đông ngày nay) thành lập cuối đời nhà Tần (đầu tk 3tcn) sau khi chiếm cả q. Quế Lâm (t. Quảng Tây ngày nay). Kinh đô: Phiên Ngu (Phiên Ngung, nay là tp Quảng Châu). 179tcn chiếm thêm nước Âu Lạc của người Việt. 111tcn bị Hán Vũ Đế diệt, sáp nhập vào Hán.

        NAM YẾT. đảo thuộc h. đảo Trường Sa, t. Khánh Hoà, tọa độ: 114°25’ độ kinh đông, 10°10’ độ vĩ bắc, dài 700m, rộng 250m. nơi cao nhất: 2,7m. Dt khoảng 0,5km2. Đất trên đảo: cát san hô, quanh đảo có vòng đai san hô cách xa bờ tới hơn 300m; không có nước ngọt; khí hậu 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau.

        NAMIBIA (Cộng hòa Namibia; Namibiê, A. Republic of Namibia; tên cũ: Cộng hòa Tây Nam Phi. Suidwesafrica), quốc gia ở tây Nam Phi; bắc giáp Ănggôla và Dămbia. đông và đông nam giáp Bôtxoana và Nam Phi. tây giáp Đại Tây Dương. Dt 824.292km2; ds 1,93 triệu người (2003); 92% người Phi. 7,3% người gốc Âu. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Aphrican. Tôn giáo: Bái vật giáo, đạo Cơ Đốc. Thù đô: Uyn-huc (Windhoek). Chính thể cộng hoà, đứng đầu nhà nước là tổng thống. Cơ quan lập pháp: quốc hội một viện. Cơ quan hành pháp: chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Phần lớn lãnh thổ là cao nguyên, cao 900-1.500m. Sa mạc Namít ven biển ăn sâu vào nội địa 160km. Khí hậu nhiệt đới, khô, nóng, lượng mưa 10-700mm/năm. Các sông chính: Orangiơ, Cunen. Nước chậm phát triển, có nhiều khoáng sản quý hiếm. Công nghiệp khai khoáng là ngành chủ yếu, do tư bản nước ngoài nắm. Xuất khẩu kim cương, đồng, chì... GDP 3,1 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 1.730 USD. Thành viên LHQ (24.3.1990). Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 21.3.1990. LLVT: lực lượng thường trực 9.000 người. Tuyển quân theo chế độ động viên, thời hạn phục vụ 24 tháng. Trang bị: 20 xe tăng, 60 xe thiết giáp chở quân, 50 tên lửa phòng không, 24 pháo mặt đất G-2, 5 pháo phản lực BM-21, 65 pháo phòng không, 10 máy bay các loại, 3 tàu tuần tiễu... Ngân sách quốc phòng 84 triệu USD (2002).


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 12:17:52 pm »


        NAPAN, hỗn hợp cháy được tạo thành từ nhiên liệu lỏng (xăng. dầu hỏa...) và bột làm đặc (muối nhôm của các axit hữu cơ naphtenic và palmitic), dạng sột dính, màu hồng hoặc nâu, có khả năng dính chắc vào đối tượng hủy hoại. N không tự bốc cháy nhưng dễ bén lừa, nhiệt độ ngọn lửa N tới 1.100°C (nếu chế tạo từ polystyron, có thể tới 1.600°C), tạo nhiều khói đen đặc, mùi hắc. Khi cho vào N phôtpho hoặc các hợp kim của kim loại nhẹ như natri, mãnggan,... sẽ tạo ra N đặc biệt, có khả năng tự bốc cháy. N được nạp vào bom (x. bom napan). mìn cháy, súng phun lửa,... để gây cháy.

        NAPÔLÊÔNG I (P. Napoléon Bonaparte; 1769-1821), hoàng đế Pháp (1804-14 và 1815), danh tướng. Sinh tại đảo Cooc. Khởi đầu binh nghiệp với cấp hàm thiếu úy pháo binh (1785). Tham gia CM Pháp (1789-94). nhanh chóng trở thành viên tướng có tài nắm quyền chỉ huy QĐ. 1796 chỉ huy quân Pháp ở Italia. 1799 đảo chính thành công và trở thành tổng tài thứ nhất. 1805 thắng liên quân Nga - Áo tại Aoxteclit. 1806- 10 đánh bại quân Phổ tại Giêna và Aoxtet, chiếm một nửa nước Phổ; liên tiếp đánh thắng nhiều trận, buộc phần lớn các nước Tây Âu và Trung Âu thuần phục nước Pháp. 1812 tiến đánh Nga, bị tiêu hao nặng trong trận Bôrôđiô (1812); tuy vào được Maxcơva, nhưng liên tục bị đánh cả trước mặt và sau lưng, tổn thất ngày càng lớn, buộc phải rút khỏi nước Nga. 1813 thua trận Laixich, rút về Pháp. 1814 buộc phải thoái vị khi quân liên minh chống Pháp vào Pari và bị đày ra đảo Enbơ. 3.1815 trốn về Pháp, giành lại ngôi hoàng đế. Sau thất bại trong trận Oateclô (18.6.1815), thoái vị lần thứ hai (6.1815), bị Anh đày ra đảo Xanh Êlen. N đã làm phá sản chiến lược phòng thủ dàn đều và chiến thuật nhiều tuyến hàng ngang của QĐ các nước châu Âu thời đó.

        NATO (vt từ A. North Atlantic Treaty Organization - Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), khối quân sự lớn nhất của các nước phương Tây từ sau CTTG-II, do Mĩ đứng đầu nhằm chống các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc. Thành lập trên cơ sở hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mĩ, Anh, Pháp, Canada, Italia, Bỉ, Hà Lan, Luyxembua, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Na Uy, Aixlen kí 4.4.1949 tại Oasinhtơn (Mĩ), có hiệu lực 24.8.1949. Gia nhập NATO còn có: Thổ Nhĩ Kì, Hi Lạp (1952-74 và từ 1980), CHLB Đức (1955), Tây Ban Nha (1982). Trụ sở tại Brucxen (Bỉ). Cơ quan quyền lực cao nhất là kì họp của Hội đồng NATO, được tiến hành hai lần trong năm; ngoài ra còn có ủy ban kế hoạch phòng thủ gồm bộ trường BQP các nước thành viên, có chức năng hoạch định chính sách và kế hoạch QS chung, về QS, cơ quan quyền lực cao nhất là ủy ban QS gồm tổng tham mưu trưởng QĐ các nước thành viên do tổng thư kí NATO đứng đầu. Ngoài LLVT của từng nước, NATO có LLVT liên minh dưới sự chỉ huy của bộ tổng chỉ huy liên minh và các bộ chỉ huy liên minh khu vực (3.1966 Pháp rút khỏi cơ cấu QS NATO, Tây Ban Nha chưa tham gia). Mĩ giữ vai trở chủ đạo, nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất trong LLVT liên minh. NATO luôn thực hiện chính sách chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh, tăng cường sức mạnh hạt nhân, tạo nên tình hình căng thảng ở châu Âu và trên thế giới. Sau khi Tổ chức hiệp ước Vacsava giải thể (1991), NATO vẫn tiếp tục tồn tại thông qua cải tổ cơ cấu và mở rộng thành viên về phía Đông, kết nạp hầu hết các thành viên của Tổ chức hiệp ước Vacsava. một số nước thuộc LX, Tiệp Khắc và Nam Tư trước đây: Ba Lan, Hunggari, Sec (3.1999), Bungari, Rumani, Xlôvakia, Extônia, Latvia, Litva, Xlóvênia (4.2004), đưa tổng số thành viên NATO lên 26 nước, nhằm tăng cường vai trò ở châu Âu và trên thế giới. Tổng thư kí đầu tiên: Itxomay (Anh); tổng tư lệnh đầu tiên: Aixenhao (Mĩ).

        NAURU (Cộng hòa Nauru; Naoreo, Respublika Nauru, A. Republic of Nauru), quốc gia trên đảo Nauru trong quần đảo Micrônêdia ở tây nam Thái Bình Dương. Dt 21km2; ds 12,6 nghìn người (2003); 60% người Nauru, 40% TQ và người châu Âu. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Nauru, tiếng Anh. Tôn giáo: đạo Tin Lành. Thủ đô: Yaren. Chính thể cộng hòa, đứng đầu nhà nước và cơ quan hành pháp (chính phủ) là tổng thống. Cơ quan lập pháp: hội đồng lập pháp. Lãnh thổ là đảo san hô, thấp, trầm tích đá phốtpho, cao 65m. Khí hậu xích đạo, gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng tháng 28°C. Lượng mưa 2.500mm/năm. Công nghiệp khai thác và xuất khẩu quặng phôtpho là ngành kinh tế chủ đạo. Thành viên LHQ (14.9.1999), Khối liên hiệp Anh. Không có LLVT.


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 01:59:04 pm »


        NAVA (R Henri Nayarre; 1898-1983), tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương (1953-54), đại tướng. Tham gia CTTG-II, phụ trách tình báo. 1944 trung đoàn trường xe bọc thép trinh sát. 1952 tham mưu trưởng lục quân NATO ở Trung Âu. Tại Đông Dương N chủ trương phòng thủ chiến lược bắc vĩ tuyến 18, bình định miền Nam VN, nhưng buộc phải phân tán lực lượng để đối phó với thể trận chiến tranh nhân dân Việt Nam, cùng sai lầm khi thiết lập Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, dẫn đến sự thất bại của quân Pháp. Tác giả Kế hoạch Nava và sách “Đông Dương hấp hối”, “Thời điểm của những sự thật”.

        NAVSTAR (vt từ A. Navigation System (Satellite) Timing And Ranging), hệ thống định vị toàn cầu của Mĩ, triển khai từ 12.1973. Gồm 24 vệ tinh trên 6 quỹ đạo bay qua 2 cực Trái Đất ở độ cao 20.000km, bay 1 vòng quanh Trái Đất hết 12 giờ, làm việc trên 2 tần số 1.275,60 và 1.575,42 MHz. NAVS- TAR bảo đảm từ mặt đất quan sát được ít nhất là 9 vệ tinh, người sử dụng chọn 4 vệ tinh nhìn rõ nhất, nhận thông báo và xác định tọa độ, thời gian chính xác. Hệ thống có bán kính xác suất sai số 16m về cự li và 10-7S về thời gian. Để đạt được độ chính xác cần thiết phải thu được tín hiệu của 3 vệ tinh (2 tọa độ) hoặc 4 vệ tinh (3 tọa độ), nếu thu được tín hiệu của hơn 4 vệ tinh thì độ chính xác sẽ tăng lên. Được sử dụng rộng rãi trong QS cũng như dân sự.

        “NĂM 1999 CHIẾN THẮNG KHÔNG CẦN CHIÊN TRANH”, sách do Nichxơn, tổng thống Mĩ thứ 37 (1969-74) viết, xuất bản 1.1988; gồm 10 chương, hơn 200 trang. Nội dung: phản ánh lập trường chống cộng, bản chất xâm lược, hiếu chiến và tham vọng bá quyền của Mĩ. Phần đầu, phân tích tình hình chính trị thế giới trong các thập kỉ gần đây, dựng nên nguy cơ xâm lược, thống trị thế giới từ LX và đề xuất chính sách đối phó của Mĩ nhằm thực hiện mưu đồ “chiến thắng không cần chiến tranh”, đưa Mĩ trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới tk 21. Tiếp theo, Nichxơn phê phán các chính sách “bất hợp lí” của Mĩ và đưa ra chính sách toàn diện đến cuối tk 20 là: kết hợp răn đe, cạnh tranh và thương lượng, lấy răn đe bằng vũ khí hạt nhân làm giải pháp quan trọng, tiến hành “diễn biến hòa bình” để phá hoại toàn diện LX; nêu 6 khả năng thời chốt trong cạnh tranh với LX, nhất là cạnh tranh tư tưởng; khẳng định tính tất yếu và vai trở to lớn của thương lượng dựa trên 3 vấn đề có tính nguyên tắc và 5 chiến thuật thời chốt trong thương lượng với LX. Ở các chương còn lại, Nichxơn lần lượt phân tích tình hình chính trị châu Âu, Nhật Bản, TQ và thế giới thứ ba, trong đó tập trung kích động mâu thuẫn Xô - Trung, mâu thuẫn Xô - Nhật, vu khống LX có mưu đồ xâm lược thế giới thứ ba và nêu chính sách của Mĩ đối với các nước này. Cuối cùng, Nichxơn đề xuất những giải pháp cho các nhà lãnh đạo Mĩ, cổ vũ, khích lệ nhân dân Mĩ thực hiện mưu đồ lãnh đạo thế giới.

        NĂM NGUYÊN TẮC CÙNG TỒN TẠI HÒA BÌNH, năm nguyên tắc trong quan hệ giữa các nước, do Ấn Độ và TQ đề xướng 4.1954 trong lời nói đầu của hiệp định về vấn đề thương mại và quan hệ giữa Tây Tạng với Ấn Độ, sau đó được xác định trong tuyên bố chung Trung - Ấn do Chu An Lai và Nêru kí 28.6.1954. Nội dung năm nguyên tấc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình.

        NĂM XUNG PHONG, phong trào hành động CM của thanh niên miền Nam VN trong KCCM, do đại hội Đoàn thanh niên nhân dân CM VN lần thứ nhất (17-26.3.1965) phát động với năm nội dung: xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; xung phong đi dân công và tham gia thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; xung phong sản xuất nông nghiệp trong nóng hội. NXP đã thu hút hàng triệu thanh niên miền Nam (1965-66, riêng t. Bến Tre có 10.215 người, ở nhiều xã số đội viên NXP chiếm trên 60% tổng số thanh niên), cùng với phong trào ba sẵn sàng của thanh niên miền Bắc, đã góp phần to lớn vào thắng lợi KCCM.

        NẮM THẮT LƯNG ĐỊCH MÀ ĐÁNH, phương châm tác chiến của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kì Mĩ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ với tư tưởng chủ đạo là đánh gần, không phân tuyến hai bên đối địch, hạn chế địch phát huy uy lực pháo binh và không quân. Đánh gần vốn là cách đánh sở trường của QĐND VN trong KCCP. Trong KCCM ở miền Nam, khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, Mĩ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, tổ chức các cuộc hành quân tìm diệt và bình định với sự yểm trợ của pháo binh và không quân nhầm tiêu diệt lực lượng chủ lực QGPMN VN. Trước tình hình đó, dưới sụ chỉ đạo của Trung ương cục miền Nam, hội nghị Quân ủy Miền được tổ chức, tại hội nghị đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của quân dân miền Nam, khái quát thành phương châm tác chiến. NTLĐMĐ trở thành khẩu hiệu hành động trong phong trào thi dua giết giặc, thể hiện tinh thần chiến đấu gan dạ. dũng cảm, mưu trí của QGPMN VN.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 02:00:38 pm »


        NĂNG LỰC SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, khả năng sản xuất, sửa chữa lớn nhất mà công nghiệp quốc phòng đạt dược trong một thời gian nhất định. NLSXCNQP được xác định bằng chỉ tiêu giá trị, hoặc hiện vật. Sự gia tăng của NLSXCNQP tùy thuộc vào sự phát triển của khoa học và công nghệ, đổi mới tổ chức quản lí và đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.

        NĂNG LỰC VẬN TẢI, khả nàng chuyên chở lực lượng, vật chất hậu cần, trang bị kĩ thuật mà một loại phương tiện hoặc một đơn vị vận tải có thể thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định với một nhiệm vụ vận tải nhất định. NLVT được tính bằng số tấn phương tiện quy đổi hoặc tính bằng số lượng đơn vị vũ trang có thể cơ động được trên một phương tiện hoặc một đơn vị vận tải, theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. NLVT phụ thuộc quy mô tổ chức biên chế. kết cấu, chủng loại, chất lượng phương tiện, trình độ tổ chức chỉ huy và các yếu tố khách quan khác.

        NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN, năng lượng bên trong hạt nhân nguyên tử gắn với sự chuyển động và tương tác của các nucleon (nơtrôn và prôton) tạo nên hạt nhân, được giải phóng trong quá trình phân rã phóng xạ. phân chia hạt nhân nặng hoặc tổng hợp các hạt nhân nhẹ. Độ lớn của NLHN được xác định bời năng lượng liên kết hạt nhân (hiệu giữa năng lượng của các nucleon ở trạng thái liên kết và năng lượng của các hạt đó ở trạng thái tự do). Nguồn NLHN trong vũ khí hạt nhân là phản ứng nổ dây chuyền phân chia hạt nhân nặng (uran và plutôni) và phản ứng tổng hợp các hạt nhân nhẹ (đêtơri và triti). Hiện nay, các thiết bị NLHN thường sử dụng năng lượng của các phân rã phóng xạ và phản ứng phân chia hạt nhân dây chuyền có điểu khiển, trong tương lai sẽ sử dụng các phản ứng tổng hợp hạt nhân có điểu khiển.

        NÂUTINH (A. Frederich Ernest Nolting; 1911-89), đại sứ Mĩ tại miền Nam VN (1961-63). Sinh tại Richmôn, bang Vơginiơ, tiến sĩ triết học (1942). Trong CTTG-II, phục vụ trong hải quân. 1955 nhân viên phái đoàn Mĩ ở NATO. 1957 đại diện thường trực của Mĩ ở NATO. 1961-63 đại sứ tại miền Nam VN, đã ủng hộ chính sách diệt cộng của Ngô Đình Diệm và không tán thành việc Mĩ lật đổ Diệm.

        NENXƠN MANĐÊLA (A. Nelson Mandela; s. 1918), lãnh tụ người Phi, nhà hoạt động chống chủ nghĩa Apacthai, người da đen đầu tiên làm tổng thống Nam Phi sau khi chế độ Apacthai bị xóa bỏ (1994-99). Sinh tại t. Tran Svan. miền Đông Nam Phi. trong một gia đình tù trường thuộc bộ tộc Côsu. 1938 thi đỗ vào Trường đại học Henbơc dành cho người da đen; tại đây NM đã tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng. 1942 tốt nghiệp đại học luật. 1944-52 gia nhập Đại hội dân tộc Phi (ANC), rồi phó chủ tịch kiêm tổng tư lệnh LLVT của ANC. 1962 bị chính quyền phân biệt chủng tộc Prêtôria bắt và kết án tù chung thân. 2.1990 được trả tự do, tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa Apacthai. 7.1991 chủ tịch Đại hội dân tộc Phi, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Nam Phi và làm tổng thống (1994-99). Giải thưởng quốc tế đặc biệt Ximôn Bôliva (1983), Giải thưởng Nôben về hòa bình cùng với tổng thống Đơclec (1993).

        NEO LÀO HẮCXẠT nh MẶT TRẬN LÀO YÊU NƯỚC

        NEO LÀO ITXALA nh MẶT TRẬN LÀO TỰ DO

        NÊPAN (Vương quốc Nẽpan; Nepal Adhirajya, A. Kingdom of Nepal), quốc gia ở Nam Á, trên dãy Himalaya. Dt 147.18lkm2; ds 26,47 triệu người (2003); trên 50% người Nêpan, còn lại người Guôckha, Nêvana, Gurunghi. Taman... Ngôn ngữ chính thức: tiếng Nêpan. Tôn giáo: 90% đạo Hindu. Thủ đô: Catmanđu. Chính thể quân chủ lập hiến, đứng đầu nhà nước là quốc vương, tổng tư lệnh QĐ. Cơ quan lập pháp: quốc hội. Cơ quan hành pháp: chính phủ. Phần lớn lãnh thổ là núi cao. Dãy Đại Himalaya cao trung bình 6.000m, Tiểu Himalaya cao 3.000m, miền nam là dải đồng bằng rộng 20-30km. Khí hậu cận xích đạo gió mùa. Nước nông nghiệp kém phát triển. GDP 5.562 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 240 USD. Thành viên LHQ (14.12.1955), Phong trào không liên kết. Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 15.5.1975. LLVT: lực lượng thường trực 51.000. lực lượng bán vũ trang 40.000. Tuyển quân theo chế độ tình nguyện. Trang bị: 40 xe thiết giáp trinh sát, 130 xe thiết giáp chở quân, 25 pháo mặt đất, 70 cối, 32 pháo phòng không... Ngân sách quốc phòng 70 triệu USD (2002).


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 02:01:23 pm »


        NGA (Liên bang Nga; A. Russia, Russian Federation), quốc gia trên lục địa Á, Âu (phía đông châu Âu và phía bắc châu Á). Dt 17.075.400km2; ds 144,53 triệu người (2003); 81% người Nga. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Nga. Tôn giáo: đa số theo đạo chính thống Nga. Thủ đô: Maxcơva. Chính thể cộng hòa liên bang, đứng đầu nhà nước là tổng thống, tư lệnh tối cao các LLVT. Cơ quan lập pháp: quốc hội liên bang gồm hai viện: hội đồng liên bang và Duma quốc gia. Cơ quan hành pháp: chính phủ do chủ tịch đứng đầu. Nước rộng nhất thế giới, chiếm 10% diện tích toàn cầu, bắc giáp Bắc Băng Dương, đông giáp Thái Bình Dương, có biên giới chung với 14 quốc gia (riêng t. Caliningrat nằm biệt lập ở vùng Bantich giữa Ba Lan và Litva). Đồng bằng chiếm gần 70% diện tích lãnh thổ. Phần lớn lãnh thổ phía tây thuộc đồng bằng Đông Âu (độ cao 250- 400m), hạ lưu Sông Đông và ven biển Caxpi là vùng đất thấp. Dãy Uran (độ cao 800-1.200m) chạy dọc từ bắc xuống nam, ngăn cách đồng bằng Đông Âu với đồng bằng Tây Xibia thuộc châu Á. Giữa hai sông lớn Ênixây và Lêna là cao nguyên Trung Xibiri với hệ thống sông ngòi dày đặc, một số khu vực có núi cao (đỉnh Putôrana cao 1.701m). Núi tập trung chủ yếu ở phía đông và nam. Phía nam, trên lãnh thổ châu Âu có dãy Capcadơ, đỉnh cao nhất 5.642m. Dọc bờ biển Thái Bình Dương, có dãy Camchatca (đỉnh Copca cao 4.750m) và bán đảo Curin. Khí hậu đa dạng phong phú, chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng rất lớn. Vùng cực Bắc băng giá quanh năm. Vùng Xibiri khí hậu lục địa rõ rệt, mùa đông rất lạnh, mùa hè nóng. Khu vực giáp Biển Đen, Caxpi khí hậu Địa Trung Hải. Vùng Viễn Đông khí hậu gió mùa. Nhiệt độ trung bình tháng 1 từ 0 xuống -50°C, tháng 7 từ 1 đến 25°C. Nước công - nông nghiệp; giàu tài nguyên thiên nhiên (trữ lượng than lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 trữ lượng khí đốt, 1/3 diện tích rừng thế giới). Các ngành: chế tạo máy, vật liệu xây dựng, vận tải, dầu khí. năng lượng... phát triển mạnh, phân bố chủ yếu ở vùng Đông Âu, Tây Xibiri và Viễn Đông. Nông nghiệp: lúa mì, lúa mạch, khoai tây, củ cải đường... Giao thông phát triển. GDP 309,9 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 2.140 USD. Sau khi LX tan rã, N kế tục vị trí thành viên LHQ và ủy viên thường trực Hội đồng bào an LHQ (từ 24.10.1945). Ngày 8.12.1991 cùng với Ucraina và Bêlarut kí hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 30.1.1950. LLVT: lực lượng thường trực 988.100 người (trong đó lục quân khoảng 321.000, không quân 184.600, hải quân 171.500, binh chủng tên lửa chiến lược 100.000, các tổ chức, đơn vị trực thuộc BQP 200.000), lực lượng bán vũ trang 409.100, lực lượng dự bị 20 triệu. Tuyển quân theo chế độ động viên, thời hạn phục vụ 18- 24 tháng. Trang bị: 5.720 xe tăng (ngoài 8.000 xe đang cất giữ trong kho), 6.648 xe chiến đấu bộ binh, 4.205 xe thiết giáp chờ quân (ngoài 1.150 xe đang cất giữ), 2.060 xe thiết giáp trinh sát, 6.675 pháo các loại (2.262 pháo xe kéo, 2.562 pháo tự hành. 444 pháo lưỡng dụng. 354 cối, 1.053 pháo phân lực), 740 tên lửa xuyên lục địa, 100 tên lửa chống tên lửa, 200 bệ phóng tên lửa chiến dịch chiến thuật, 4.500 bệ phóng tên lửa phòng không, 60 pháo phòng không tự hành, nhiều tên lửa , pháo và súng chống tăng; 251 máy bay ném bom chiến lược, 411 máy bay ném bom chiến thuật, 237 máy bay cường kích, 1.004 máy bay tiêm kích, 226 máy bay trinh sát, 40 máy bay chống ngầm, 20 máy bay chỉ huy điều khiển, 18 máy bay tác chiến điện tử, 20 máy bay tiếp dầu, 391 máy bay vận tải, 1.840 máy bay trực thăng (ngoài 600 đang cất giữ), 1.173 máy bay huấn luyện các loại, nhiều tên lửa không đối đất; 17 tàu ngầm hạt nhân tên lửa với 280 tên lửa đường đạn, 34 tàu ngầm tấn công, 5 tàu ngầm loại khác, 1 tàu sân bay, 7 tàu tuần dương, 17 tàu khu trục, 10 tàu frigat, 27 tàu tuần la, 54 tàu tên lửa cao tốc, 71 tàu phóng lôi, 25 tàu đổ bộ, 436 tàu chi viện bổ trợ. Ngân sách quốc phòng 8,3 tỉ USD (2002).


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 02:02:56 pm »


        NGÃ BA ĐỒNG LỘC, điểm gặp nhau giữa QL 15 với tỉnh lộ 2 ở xã Đồng Lộc, h. Can Lộc, t. Hà Tĩnh; trọng điểm giao thông quan trọng trong KCCM, mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt của không quân Mĩ. Tại NBĐL, trong 7 tháng (1968) không quân Mĩ đã ném 42.900 quả bom các loại. Lực lượng bảo đảm giao thông gồm các bộ phận quan sát bom, rà phá bom, sửa chừa đường, cảnh sát giao thông,... đã giữ vững giao thông thông suốt, nhiều đơn vị và cá nhân được tuyên dương anh hùng (tổ rà phá bom, tổ máy gạt, tổ cảnh sát giao thông, La Thị Tám, Nông Xuân Lí...). NBĐL trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng với tấm gương hi sinh tập thể của “mười cô gái anh hùng Ngã Ba Đồng Lộc” (x. Tiểu đội Võ Thị Tần).

        NGẠCH DỰ BỊ, hình thức (loại) phục vụ quân sự ngoài biên chế của QĐ thường trực, để phân biệt với phục vụ tại ngũ. Được áp dụng ở nhiều nước để xây dựng lực lượng dự bị động viên. Ở VN, NDB được thể chế hóa trong Luật nghĩa vụ quân sự, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản pháp quy khác.

        NGÀNH MẬT MÃ QUẢN ĐỘI. hệ thống tổ chức cơ yếu thuộc cơ quan tham mưu các cấp của QĐ. Chức năng: nghiên cứu và ứng dụng khoa học kĩ thuật niật mã để giữ bí mật thông tin về lãnh đạo, chỉ huy trong QĐ khi truyền đạt qua các phương tiện thông tin. Hệ thông tổ chức gồm: Cục cơ yếu thuộc BTTM, các phòng, ban, tổ cơ yếu thuộc cơ quan tham mưu liên binh đoàn, binh đoàn, binh đội và một số phân đội hoạt động độc lập. Tiền thân của NMMQĐ là Ban mật mã QS do Tạ Quang Đệ phụ trách, thành lập 12.9.1945 thuộc Phòng thông tin BTTM; 1.1946 tách ra lập Phòng điện mật BTTM; 7.1947 chia thành Phòng mật mã BQP và Phòng mật mã BTTM. Từ 3.1961 đến nay là Cục cơ yếu BTTM, cơ quan đầu ngành của NMMQĐ: được Bác Hồ căn dặn “mật mã phải bí mật. nhanh chóng, chính xác” và được BQP tặng cờ biểu dương truyền thống “trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỉ luật, sáng tạo”. Ngày truyền thống 12.9.1945.

        NGÀNH PHỤC VỤ CẤP CỨU SỰ CỐ CỦA HẢI QUÂN, ngành chuyên môn của hải quân để tìm kiếm, cấp cứu các lực lượng gặp sự cố trên biển; bao gồm: tìm kiếm cấp cứu người, các tàu chiến, khí cụ bay và các phương tiện nổi khác khi bị tai nạn trên biển; trục vớt lai kéo các tàu chiến, khí cụ bay, các phương tiện nổi bị chìm; tham gia xây dựng, sửa chữa các công trình thủy và các công tác ngầm dưới nước. Cg ngành phục vụ cứu nạn trên biển.

        NGÀNH TRÊN TÀU, tổ chức phân đội cơ sở trên tàu theo chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sinh hoạt hàng ngày. Thông thường trên tàu có các ngành: hàng hải (ngành 1), tên lửa, pháo tên lửa hoặc pháo hạm (ngành 2), vũ khí dưới nước (ngành 3), thông tin liên lạc (ngành 4), cơ điện (ngành 5), hàng không (ngành 6) và rađa quan sát (ngành bảo đảm ). Tùy theo trang bị, vũ khí kĩ thuật và chức năng của tàu để tổ chức, biên chế từng ngành.

        NGÀNH trong quân đội, gọi chung hệ thống cơ quan chuyên môn nghiệp vụ (và đơn vị trực thuộc) được tổ chức ở các cấp hoặc lĩnh vực hoạt động trong QĐND VN, để thực hiện từng mặt công tác (N tình báo, N tác chiến. N quân lực (tổ chức động viên), N quân y, N quân lương, N tài chính, N vận tải, N cán bộ, N tòa án QS, N xe máy, N vũ khí đạn...). Thường có: cơ quan đầu ngành (tổng cục, cục, viện... ở cơ quan thuộc BQP), cơ quan N cấp dưới (phòng (ban) ở quản khu, quân chủng, binh chủng, tổng cục, quân đoàn..., ban (bộ phận) hoặc trợ lí ở binh đoàn, binh đội và tương đương). Hình thành và phát triển cùng với sự phát triển cơ cấu tổ chức và trường thành của QĐND VN.

        NGÀY BIÊN PHÒNG, ngày hội truyền thống toàn dân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền nhà nước, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội biên phòng vững mạnh. Được tổ chức vào 3.3 hàng năm, bắt đầu từ 1989, theo quyết định 16/HĐBT (nay là Chính phủ) nước CHXHCN VN. NBP đã đi vào các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức hoạt động phong phú và sinh động mang lại hiệu quả thiết thực; trở thành phong trào sâu rộng của toàn dân vì biên phòng; hình thành tập quân sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của quân, dân biên giới; tạo được nhiều mô hình tiên tiến và cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ sự nghiệp quốc phòng, an ninh. NBP đồng thời cũng là ngày truyền thống của Bộ đội biên phòng (3.3.1959).

        NGÀY CHÍNH TRỊ Ở ĐẠI ĐỘI nh NGÀY CHÍNH TRỊ - VĂN HÓA TINH THẨN Ở CƠ SỞ
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 02:03:55 pm »


        NGÀY CHÍNH TRỊ - VĂN HÓA TINH THẦN Ở CƠ SỞ, ngày quy định sinh hoạt chính trị - văn hóa tinh thần ở cơ sở, được tổ chức định kì vào một ngày của tuần cuối mỗi tháng; một hình thức thực hiện dân chủ về chính trị ở cơ sở nhằm phát huy trí tuệ tập thể quân nhân tham gia xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả CTĐ-CTCT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của QĐ; sự phát triển và hoàn thiện Ngày chính trị ở đại đội trước đây (1988-98). Do TCCT ban hành quy chế và hướng dẫn, được thực hiện thống nhất trong toàn quân từ 5.1998. Phương pháp tiến hành: đối thoại trực tiếp giữa cán bộ và chiến sĩ, tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần (diễn đàn, thi tìm hiểu về những chủ đề nhất định, liên hoan văn nghệ, nói chuyện chuyên đề lịch sử truyền thống, sinh hoạt tự phê bình và phê bình...). Mọi quân nhân đều có quyền và trách nhiệm tham gia NCT-VHTTƠCS. Cơ quan chính trị các cấp xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức tiến hành; đồng thời thông báo, hướng dẫn, kiểm tra đơn vị cơ sở thực hiện. Cấp ủy và người chỉ huy đơn vị cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện ở cấp mình.

        NGÀY DÂN VẬN. ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Được thực hiện trong cả nước vào 5.10 hằng năm. bắt đầu từ 1999. theo quyết định của BCT BCHTƯ ĐCS VN, nhân kỉ niệm 50 năm (15.10.1949-15.10.1999) ngày chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật”. Trong NDV, mỗi cán bộ. đảng viên, mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung kiểm điểm, suy xét lại nhận thức, việc làm của mình đối với dân và công tác dân vận cũng như vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giữ gìn truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đàng, nhà nước, QĐ với nhân dân.

        NGÀY ĐẢNG, ngày được quy định thống nhất trong tháng để các tổ chức cơ sở đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành sinh hoạt đảng (lãnh đạo, học tập, tự phê bình và phê bình...) nhằm giữ vững chế độ sinh hoạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, ý thức đảng của đảng viên. NĐ được thực hiện trong toàn quân từ 1.5.1954 theo quyết nghị của Ban thường vụ trung ương ĐLĐ VN ngày 15.3.1954 và chi thị 91CT/H ngày 10.4.1954 của TCCT. Thời gian và nội dung cụ thể của NĐ do cấp ủy cơ sở quy định, hướng dẫn.

        NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN. ngày toàn dân VN tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và QĐ. nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng QĐ, bảo vệ tổ quốc. Các hình thức hoạt động chính: mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, dạ hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao QS... NHQPTD dược tổ chức từ 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đàng và quyết định của chính phủ vào 22.12 hàng năm, cùng với Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944).

        NGÀY KĨ THUẬT, ngày được quy định thống nhất định kì ở đơn vị cơ sở để tiến hành các công việc nhằm duy trì chế độ công tác kĩ thuật, trạng thái sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị; nâng cao trình độ, năng lực sử dụng, quản lí, bảo đảm kĩ thuật của cán bộ, chiến sĩ. Nội dung thường gồm: kiểm tra tình trạng kĩ thuật và đồng bộ của vũ khí, trang bị kĩ thuật; bảo quản vũ khí, trang bị kĩ thuật (kể cả các trang bị của khu kĩ thuật) và các dụng cụ, thiết bị khác; sửa chữa hỏng hóc nếu có; cùng cố cơ sở hạ tầng, các phương tiện bảo vệ, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ của khu kĩ thuật; ôn luyện tính năng kĩ thuật, chiến thuật, cấu tạo và nguyên lí hoạt động của vũ khí, trang bị kĩ thuật, các quy định, tiêu chuẩn định mức và phương pháp, nội dung bảo quản, bảo dưỡng kĩ thuật, các biện pháp phòng ngừa hư hỏng, sự cố kĩ thuật; kiểm tra và chấn chỉnh hệ thống hồ sơ, tài liệu quản lí.

        NGÀY N, ngày quy định lực lượng chiến dịch (trận chiến đấu) bắt đầu nổ súng hoặc sẵn sàng đánh địch; căn cứ tính toán lập kế hoạch thời gian, trình tự công tác của người chỉ huy, cơ quan, đơn vị trong tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch (trận chiến đấu). Trong tiến công, NN là ngày nổ súng, trong phòng ngự là ngày hoàn thành mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. NN do người chỉ huy chiến dịch (trận chiến đấu) hoặc cấp trên trực tiếp xác định và thông báo cho cấp dưới liên quan vào thời điểm thích hợp. Trước NN là: N-l, N-2.. sau NN là: N2, N3...
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM