Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:55:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: M  (Đọc 5729 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:24:39 pm »


        MÁY BAY NÉM BOM, máy bay chiến đấu dùng bom (hoặc tên lửa) để diệt mục tiêu trên đất (biển) của đối phương. Theo nhiệm vụ tác chiến, có: MBNB chiến thuật (tầm gần) và MBNB chiến lược (tầm trung và xa). Theo khối lượng cất cánh, MBNB có các hạng: nhẹ, trung và nặng. MBNB hiện đại dùng động cơ phản lực, có tốc độ vượt ám. có tầm bay xa (tới 18.000km) và trần bay cao (tới 21.000m), có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, mang bom thường, bom có điều khiển, bom hạt nhân hoặc tên lửa: được trang bị các hệ thống dẫn đường, điều khiển vũ khí, tác chiến điện tử, cho phép đánh phá các mục tiêu cố định và di động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Còn có súng, pháo để tự vệ. MBNB đầu tiên được chế tạo trựớc CTTG-I. Trước CTTG-II xuất hiện MBNB bổ nhào. Điển hình có Il-4, TB-7 (LX); Ju-88, He-111 (Đức); Xteclinh, Oelinhtơn (Anh); B-17 (Mĩ)... Trong CTTG-II, MBNB được trang bị máy ngắm để ném bom. hệ thống dẫn đường bằng rađa. bom phá cỡ lớn, bom bay và cuối CTTG-II (1945) có bom nguyên tử. Từ sau CTTG-II, MBNB không ngừng được cải tiến, nâng cao chất lượng về trang bị kĩ thuật. Trong chiến tranh xâm lược VN, Mĩ đã sử dụng MBNB: B-57, B- 52, F-111... Không quân nhân dân VN đã sử dụng MBNB Il- 28 (LX).


Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M (LX)

        MÁY BAY PHẢN LỰC, máy bay có thiết bị động lực là động cơ phản lực, chủ yếu là động cơ phản lực không khí, (động cơ phản lực không khí dòng thảng, động cơ phản lực không khí dòng xung và động cơ tuabin phản lực). MBPL đầu tiên được thử nghiệm ở Đức 6.1939 (He-176) và LX (RP- 318-1 do s. p. Côrôliốp thiết kế). Phát triển mạnh từ sau CTTG-II. Từ đầu những năm 50 tk 20, MBPL được sử dụng cả trong QS và hàng không dân dụng. Hiện nay phần lớn các loại máy bay có cánh, đặc biệt là máy bay chiến đấu trên thế giới là MBPL. Các MBPL hiệir đại có thể đạt tốc độ 3.500km/h hoặc hơn, trần bay đến 30km, tầm bay 16.000km.

        MÁY BAY SĂN NGẨM, máy bay được trang bị các thiết bị và vũ khí để tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương. Tùy vào nhiệm vụ, có: MBSN hoạt động trên vùng biển rộng ngoài khơi, căn cứ chính là tàu sân bay và MBSN hoạt động ven bờ có căn cứ chính trên đất liền. MBSN có tầm bay tới 9.000km (máy bay có cánh) và l.000km (máy bay trực thăng), bay liên tục trong 20 giờ (cả hai loại). Thiết bị tìm kiếm chính của MBSN hiện được sử dụng rộng rãi là phao vô tuyến thủy âm và đài dò từ thủy âm. Vũ khí diệt ngầm chủ yếu là ngư lôi, bom chìm, mìn, tên lửa - ngư lôi. Một số MBSN tiêu biểu của các nước: SNG: IL-38, Be-12, A40 (máy bay có cánh) và Ka-25, Ka-28, Mi-14PL (máy bay trực thăng); Mĩ: P-3. P-3A, P-3C, S-3, SV-22 (máy bay có cánh) và Xi Hue SH-60B, Hiu-500M (máy bay trực thăng); Anh: Xi Kinh, Linh (máy bay có cánh) và Nim-Rôt. Hariơ (máy bay trực thăng); Pháp: Atlantich, Alixơ (máy bay có cánh)... VN đã và đang sử dụng: Ka 25, Ka-28, Be-12.

        MÁY BAY SIÊU NHỎ, máy bay không người lái, có kích thước rất nhỏ; dài khoảng 6-20mm, khối lượng 10-100g, sức chờ 1-18g, thời gian hoạt động 20-60 phút với tốc độ bay 30- 65km/h. Bay theo một chương trình được lập sẵn hoặc được điều khiển từ mặt đất. Các trang thiết bị điện từ trên MBSN có thể thu nhỏ bằng 1/5 tổng khối lượng của máy bay. Các xenxơ gồm: các bộ tạo ảnh thị tần nặng lg và các bộ tạo ảnh hồng ngoại nặng l0g. Một xenxơ khối lượng dưới lg sẽ tiêu tốn công suất chưa đến 25mW. úng dụng MBSN: giám sát (quan trắc); phát hiện các tác nhân sinh hóa, hạt nhân; truyền tin; phóng (thả) vũ khí hoặc trinh sát bên trong các tòa nhà và cơ sở lớn... Được sử dụng hiệu quả trong tác chiến vùng đô thị. Mĩ đang tập trung nghiên cứu loại MBSN có sải cánh 15cm, có thể mang theo như một phần của trang bị trinh sát dã chiến.

        MÁY BAY Su nh Su
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:27:12 pm »


        MÁY BAY TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ, máy bay có thiết bị chuyên dùng để tiến hành tác chiến điện tử. Gồm hai loại: loại chuyên dụng (chỉ có nhiệm vụ tác chiến điện từ, như EF- 111 A, EA-66B, E-2A, E-3A của Mĩ, I1-76, An-12, Tu-16, Tu- 95 của LX...); loại không chuyên (máy bay chiến đấu, trinh sát, vận tải. máy bay trực thăng được trang bị thêm các thiết bị chuyên dùng để kết hợp làm nhiệm vụ tác chiến điện tử, như A-6, A-7, F-4, F-111 của Mĩ). MBTCĐT có các loại thiết bị chuyên dùng chủ yếu: gây nhiễu vô tuyến, gây nhiễu hồng ngoại, báo động tên lửa, rađa nhiều tác dụng, máy tính điện tử số, thiết bị nhận biết, thiết bị thông tin, dẫn đường... Họ thiết bị tác chiến điện tử chính của Mĩ là AN/ALQ (126B. 114, 137, 164, 156...). Trong chiến tranh hiện đại, MBTCĐT giữ vai trò hết sức trọng yếu. Mĩ đã sử dụng MBTCĐT trong chiến tranh VN và đặc biệt có hiệu quả trong chiến tranh Vùng Vịnh (1990-91), chiến tranh Nam Tư (1999).

        MÁY BAY TÀNG HÌNH, máy bay sử dụng các giải pháp kĩ thuật và công nghệ nhằm vô hiệu hóa hoặc gây khó khăn cho việc phát hiện bằng các phương tiện trinh sát điện tử, quang học và âm thanh (chủ yếu là rađa) của đối phương. Cuối những năm 50 tk 20, khi nghiên cứu chế tạo máy bay A- 12. sau đó là máy bay SR-71, Mĩ đã sử dụng các giải pháp đầu tiên nhằm thực hiện mục đích này. Cuối những năm 70, đầu 80 tk 20, Các hãng Lôchit và Nothrop (Mĩ) đã nghiên cứu hình dáng và thiết kế chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F- 117A và máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2. Có ba phương pháp chính để giảm khả năng phát hiện của rađa đối với MBTH: tạo dáng có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ nhất, sử dụng vật liệu sơn phủ có khả năng hấp thụ sóng điện từ và giảm tối đa bức xạ nhiệt và bức xạ điện từ phát ra từ máy bay. MBTH có thể đột nhập sâu lãnh thổ, tạo yếu tố bất ngờ và làm giảm khả năng đánh trả của đối phương. Hạn chế của MBTH: bị phát hiện bởi các đài rađa có độ nhạy máy thu cao, các đài rađa hồng ngoại làm việc ở dải sóng dài và các trạm quan sát bằng mắt; giá thành cao và phức tạp trong việc bảo đảm kĩ thuật. Mĩ đã sử dụng MBTH F-117A trong chiến tranh Vùng Vịnh và F-117A, B-2 trong chiến tranh Nam Tư. Một MBTH F-117A đã bị LLVT Nam Tư bắn rơi. .

        MÁY BAY THÔNG TIN TIẾP SỨC, máy bay dùng để chuyển tiếp (thu nhận, khuếch đại, truyền) thông tin, tín hiệu, đóng vai trò trạm thu phát di động trên không. Ưu điểm: đưa thông tin đi xa hơn so với trạm tiếp sức mặt đất, sử dụng nhiều kênh thông tin liên lạc, chất lượng liên lạc cao, khả năng chống nhiễu tốt do sử dụng dải sóng cực ngắn và anten định hướng. Các loại thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến tiếp sức và thiết bị chuyên dùng khác giúp cho MBTTTS có khả năng: khuếch đại và truyền ngay tín hiệu cùng kiểu như khi thu hoặc biến đổi, hiệu chỉnh tín hiệu bị méo do quá trình truyền trước đó; giữ tín hiệu một thời gian nào đó (nhờ thiết bị ghi nhớ); chuyển tiếp thông tin bằng thoại, tín, ảnh, sao chụp và truyền số liệu. MBTTTS chủ yếu dùng cho QS.

        MÁY BAY TIÊM KÍCH, máy bay chiến đấu chủ yếu để diệt các các mục tiêu trên không của đối phương (cũng có thể dùng để trinh sát đường không hoặc đánh phá mục tiêu mặt đất hoặc trên biển). Có ưu thế so với các loại máy bay chiến đấu khác về tốc độ. tính cơ động, trần bay... MBTK với trang bị 1-2 súng máy hoặc pháo sử dụng lần đầu trong CTTG-I. Trong CTTG-I1 được phát triển mạnh về số lượng, kiểu và chất lượng chiến đấu (hỏa lực, tốc độ...), vd: LX có Iak-3, Iak-9, La-7, La-9; Đức có: Me-109 và FW-190, Anh có: Haritcai và Xpitphai; Mĩ có: P-38 Laining, P-39 Ecôbơra và P-47 Muxơtan. Cuối những năm 40, ra đời máy bay tiêm kích-bom và máy bay tiêm kích - đánh chặn. Hiện nay, MBTK hầu hết là máy bay phản lực vượt âm hiện đại, vd: MiG-29 (Nga). F-15A (Mĩ), Toocnađô (Anh)..., có tốc độ trên 2.500km/h, trần bay thực tế gần 30.000m. được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất (có điều khiển và không điều khiển), pháo, súng máy, các thiết bị trinh sát, dẫn đường qua vệ tinh, gây nhiễu..., có thể hoạt động trong mọi thời tiết, ban ngày và ban đêm. Trong chiến tranh phá hoại Bắc VN (1965-72), Mĩ đã dùng nhiều kiểu MBTK; VN đã sử dụng các MBTK MiG-17, Mig-19. Mig-21.

        MÁY BAY TIÊM KÍCH - BOM, máy bay chiến đấu dùng diệt mục tiêu trên không, trên đất (biển), kể cả mục tiêu nhỏ, di động của đối phương. Để diệt mục tiêu trên không, dùng tên lửa không đối không. Để đánh mục tiêu trên đất (biển), MBTK-B được trang bị bom hàng không (thông thường hoặc hạt nhân), tên lửa không đối đất có hoặc không điểu khiển. Súng máy, pháo trên MBTK-B có thể dùng để chống cả mục tiêu trên không và trên đất (biển). MBTK-B còn được trang bị máy ngắm rađa và máy ngắm quang học, thiết bị dẫn đường, thiết bị gây nhiễu... Thuật ngữ MBTK-B xuất hiện đầu tiên ở Mĩ cuối những năm 40 của tk 20, ở LX từ những năm 50. Đầu những năm 70 tk 20, Mĩ và Tây Âu dùng thuật ngữ “máy bay tiêm kích chiến thuật” thay cho thuật ngữ MBTK-B. Tiêu biểu cho MBTK-B hiện đại là: F-4, F/A-18A, F-16A, F-111 (Mĩ); Hariơ GR-3 (Anh), Miragiơ-2000 (Pháp), Su-27 (LX)... trong đó các kiểu F-111, F-4 đã được Mĩ dùng trong chiến tranh VN.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:28:21 pm »


        MÁY BAY TIÊM KÍCH CHIẾN THUẬT X. MÁY BAY TIÊM KÍCH - BOM

        MÁY BAY TIÊM KÍCH - ĐÁNH CHẶN, máy bay chiến đấu dùng để đánh chặn và diệt các phương tiện tiến công đường không của đối phương. Có khối lượng cất cánh 16- 46,2t, tốc độ tối đa 2.200-3.000km/h. trần bay 16-20km, tầm bay 3.300km, kíp bay 1 hoặc 2 người. Trang bị pháo tự động 20-30mm, tên lửa có điều khiển, rôckét, rađa... Thực hiện nhiệm vụ từ các vị trí trực ban trên không hoặc trên sân bay, tìm diệt các mục tiêu trên không ở xa các căn cứ, mục tiêu cần bảo vệ trong mọi điều kiện thời tiết, ngày và đêm, ở các độ cao khác nhau. Một số kiểu MBTK-ĐC hiện đại: MĨG-25R, MiG-31, Su-15, Su-27 (Nga); F-14, F- 15, F-16 (Mĩ), F-2 Toocnađô (Anh, Đức, Italia); Miragiơ 2000 (Pháp)...

        MÁY BAY TIẾP NHIÊN LIỆU TRÊN KHÔNG, máy bay chuyên dùng để bổ sung nhiên liệu cho khí cụ bay khác (thường là máy bay chiến đấu) trong khi bay. Các bộ phận chính (cho việc tiếp nhiên liệu) gồm: khoang chứa nhiên liệu, bơm nhiên liệu, ống mềm (vòi) hoặc cần cứng có gắn phễu và cảm biến nhiên liệu ở đầu ra và tời để thả hoặc thu vòi. Khí cụ bay được tiếp nhiên liệu có bộ phận nhận nhiên liệu ở phía đầu (vd: cần nối cứng...). Khi tiếp nhiên liệu, MBTNLTK bay phía trước, khí cụ bay nhận nhiên liệu bay phía sau với cùng tốc độ, cách nhau một khoảng theo tính toán. Ông mềm (hoặc cần cứng) từ MBTNLTK được tự động bật ra và nối vào bộ phận nhận nhiên liệu của khí cụ bay được tiếp, bơm nhiên liệu làm việc. Cảm biến nhiên liệu sẽ báo mức nhiên liệu bổ sung và thời điểm dừng tiếp nhiên liệu. Ống mềm (hoặc cần cứng) được tự động thu về vị trí ban đầu sau khi kết thúc bơm. Từ cuối những năm 70 của tk 20 Mĩ có MBTNLTK KC-135, kiểu phản lực, tầm bay 1.850km, tiếp 24,5t nhiên liệu với tốc độ 4,5t/phút (đã được dùng trong chiến tranh Vùng Vịnh). Anh có MBTNLTK Vichto K-l và K-2 với lượng nhiên liệu tiếp tối đa là 23t.



        MÁY BAY TRINH SÁT, máy bay được trang bị các khí tài trinh sát để thu thập và truyền thông tin về đối phương để phục vụ mục đích QS. Có hai loại chính: MBTS có người lái và MBTS không người lái. MBTS có người lái thường là máy bay chiến đấu đã được chuyên dụng hóa (hệ thống vũ khí ở phần đầu máy bay được thay bang hệ thống trinh sát điện tử, camera...), vd: MiG-25, Su-24, Su-27 (LX), RF-4 (các nước phương Tây), hoặc được lấp đặt thêm các khí tài trinh sát hiện đại để làm cả hai chức năng chiến đấu và trinh sát, vd: Toocnađô (Anh), F-14 (Mĩ), MiG-21 (LX). Đặc biệt, có những kiểu MBTS có trần bay lớn, vd: U2/TR-1, SR-71 (Mĩ), Iak-25 (LX); MBTS không người lái xuất hiện vào cuối những năm 60 của tk 20 được điều khiển từ xa, theo chương trình hoặc quán tính, có thể thâm nhập sâu vào không phận đối phương, vd: Phrêben (Mĩ), Iaxtrep (LX)... Các ưu điểm chính: không cần phi công, giá thành thấp, tương đối đơn giản trong sử dụng, có loại không cần sân bay. Mĩ đã dùng các MBTS không người lái kiểu Q-2C, 147-J, AQM-34, BQM-34 trong chiến tranh phá hoại miền Bắc VN (chiếc MBTS đầu tiên bị bấn rơi 21.6.1965 tại Thanh Hóa là Q-2C). Máy bay trực thăng trinh sát dùng để trinh sát rađa và bức xạ điện từ khác (xt máy bay không người lái).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:30:19 pm »


        MÁY BAY TRỰC THĂNG, máy bay mà lực nâng và lực đẩy được tạo ra bằng một hoặc một số bộ cánh quay, có khả năng bay lên hoặc hạ xuống thẳng đứng, bay theo các hướng khác nhau hoặc bay treo tại một điểm. Tốc độ đạt 350-370 km/h. trọng tải tới 40t, tầm bay tới 2.000km. Được dùng cả trong QS và hàng không dân dụng. Trong QS, MBTT được phân ra: MBTT chiến đấu (cg MBTT vũ trang) dùng để yểm trợ hỏa lực, chống tăng, chống ngầm, vận tải đổ bộ...; MBTT bảo đảm chiến đấu có nhiệm vụ trinh sát, thông tin liên lạc, sửa bắn pháo binh, vận tải, thả mìn...; MBTT chuyên dụng để huấn luyện, cứu thương, cẩu khí tài...; MBTT đa năng. Ý tưởng về MBTT của Lêôna Đờ Vanhxi (Italia) có từ 1475 và được M. V. Lômônôxôp (Nga) dựng lên mô hình có hai cánh quạt đồng trục (1754). Ngày 29.9.1907, Lui Brơgiô (Pháp) chế tạo kiểu MBTT đầu tiên (lên khỏi mặt đất 0,6m). Đầu những năm 20 tk 20, Hoan đê la Xiêva (Tây Ban Nha) phát minh máy bay có cánh quay. 26.6.1936 Luit Brơgiô đã thử nghiệm thành công MBTT với độ cao bay 157m trong 1 giờ 2 phút 5 giây, tầm bay 44km và tốc độ 44,8km/h. Từ đó MBTT dược sản xuất hàng loạt và không ngừng được cải tiến. MBTT hiện đại có các thiết bị điện từ cho phép thực hiện các nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện khí tượng. Các MBTT tiêu biểu: máy bay Mi (LX), UH, AH (Mĩ). Trong chiến tranh xâm lược VN, Mĩ đã sử dụng một số lượng lớn MBTT (như UH-IA(B) để thực hiện chiến thuật trực thăng vận.


1. WG-J3 (Anh); 2. UH-13J (Mĩ); 3. SE-3160 (Pháp); 4. CH-47 (Mĩ); 5. UH 1 (Mĩ); 6. Wassex (Mĩ).

        MÁY BAY TRỰC THĂNG CÓ CÁNH (máy bay trực thăng liên hợp), máy bay kết hợp các đặc tính của máy bay có cánh và máy bay trực thăng. Việc cất cánh, hạ cánh, bay treo và bay với tốc độ thấp được thực hiện nhờ hệ thống các lá cánh quay. Khi tốc độ tăng lên, các cánh lái khí động trở nên hiệu dụng hơn và MBTTCC có thể bay như máy bay có cánh nhờ lực nâng của cánh, lực kéo (đẩy) của cánh quạt hoặc động cơ phản lực. MBTTCC có tốc độ bay lớn hơn, song kết cấu phức tạp và nặng hơn so với máy bay trực thăng cùng tải trọng. MBTTCC đầu tiên được Bratukhin (LX) thiết kế, chế tạo từ 1936. Đầu những năm 50 tk 20, hãng Mac Đônan (Mĩ) đã chế tạo MBTTCC thử nghiệm XV-1. Năm 1965 Mĩ chế tạo MBTTCC chiến đấu AH-56A. Cuối những năm 50 tk 20, hãng Pheri (Anh) chế tạo MBTTCC vận tải “Rotodain” với khối lượng cất cánh 17,7t, tốc độ bay bằng lớn hơn 300km/h, nhưng không được sản xuất hàng loạt do sức chở nhỏ. 1961 MBTTCC hiện đại Ka-22 (LX) lập 8 ki lục thế giới, với tốc độ bay 356km/h, tải trọng 16.485kg ở độ cao 2.588m.


Ka-52 (Nga)

        MÁY BAY TRỰC THĂNG VŨ TRANG, máy bay trực thăng được trang bị vũ khí mạnh để diệt các mục tiêu trên không và mặt đất (mặt nước) của đối phương, yểm trợ và chi viện hỏa lực cho các máy bay trực thăng vận tải và máy bay trực thăng đa năng khác. Trạng bị: tên lửa chống tăng có điều khiển, rôckét, pháo, cối, súng máy, súng phóng lựu, bom (có thể lắp tên lửa có điều khiển không đối không). MBTTVT thường tác chiến hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, có thể diệt mục tiêu mà vẫn tránh được hỏa lực phòng không đối phương nhờ khả năng lợi dụng địa hình hoặc do được chỉ thị mục tiêu. MBTTVT có các biện pháp phòng chống các phương tiện tác chiến điện tử: giảm diện tích phản xạ hiệu dụng của cánh quay và thân máy bay, giảm bức xạ hồng ngoại của động cơ; dùng thiết bị gây nhiễu tiêu cực và tích cực. Buồng lái và vị trí đặt các thiết bị quan trọng thường được bảo vệ bàng vỏ giáp. Một số MBTTVT điển hình: AH-1, AH-56, AH-64... (Mĩ); Mi-24, Mi-28, Ka-32... (Nga).

        MÁY BAY Tu nh Tu
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:32:23 pm »


        MÁY BAY VẬN TẢI, máy bay dùng để chuyên chở hàng hóa (dân sự), người, vũ khí, phương tiện KTQS, quân trang, quân dụng (trong QS). Có hai loại chính: MBVT dân dụng, MBVT QS. MBVT thường chia ra: hạng nhẹ, hạng trung, hạng nặng hoặc đường ngắn (tầm gần), đường trung bình (tầm trung), đường dài (tầm xa). MBVT QS còn chia ra: chiến thuật, chiến lược. MBVT QS chiến thuật thường là tầm gần, tầm trung, hạng nhẹ và hạng vừa, vd: C-130, 123, 160, Casa 235 (Mĩ); An-12, 24, 26 (LX). MBVT QS chiến lược thường là tầm xa, hạng nặng, vd: C-141, C-5 (Mĩ), I1-76, An- 22, 124, 225 (LX). Xu hướng phát triển của MBVT QS là tăng tầm bay, đa năng, tăng tải trọng, vd: vào đầu những năm 90 tk 20, hãng Mac Đônan Đuglat nghiên cứu chế tạo MBVT QS C-17, xuyên lục địa, có thể vận chuyển hàng hóa QS quá cỡ và vẫn hạ cánh được trên đường băng ngắn, dã chiến như hiện nay.


C-17 (Mĩ)

        MÁY BAY VŨ TRỤ, máy bay có cấu trúc đặc biệt (kết hợp giữa máy bay và khí cụ bay vũ trụ) có khả năng hoạt động cả trong khí quyển lẫn trong vũ trụ. Nguyên lí hoạt động: được đưa lên quỹ đạo vũ trụ nhờ tên lửa mang (phương pháp phổ biến hiện nay), từ máy bay mang ở trên không, hoặc tự cất cánh từ sân bay, hoạt động trong vũ trụ, sau đó trở về Trái Đất bằng cách hạ cánh như máy bay thường. Nhiệm vụ của MBVT: đặt vệ tinh lên quỹ đạo, thu hồi vệ tinh, phục vụ trạm vũ trụ có người (cung cấp thiết bị. trao đổi đội bay...). MBVT còn có khả năng được dùng trong chiến tranh vũ trụ. Một dạng MBVT được dùng hiện nay là tàu con thoi.



        MÁY BẮN ĐÁ, Vũ khí lạnh thời cổ, dùng nguyên lí đòn bẩy và tính đàn hồi của cần để bắn đá đi. sát thương sinh lực, phá hủy thành trì và doanh trại đối phương. Gồm: giá chắc chắn bằng gỗ chôn chặt xuống đất hoặc đặt trên xe di động, một hoặc nhiều cần (gọi là sảo) gắn với giá bằng trục ngang, đầu trên của cần buộc nhiều dây da bền chắc, mỗi đầu dây có 1 -2 người kéo khi bắn, đầu dưới cần buộc các giỏ đựng đá (khối lượng đá tùy thuộc số cần và số dây kéo). Khi bắn, theo hiệu lệnh, mọi người kéo thật mạnh làm cho đầu dưới của cần bật tung lên, đá trong giỏ theo quân tính bay bổng về phía đối phương. MBĐ cg sảo pháo hay cự thạch pháo. MBĐ do người Chiêm Thành theo Hồi giáo sử dụng chống lại quân Toa Đô (tk 13) gọi là Hồi Hồi pháo, loại ba cần gọi là Hồi Hồi tam sảo pháo. MBĐ lớn nhất mà sử sách nói đến do quân Nguyên -  Mông dùng khi đánh Biện Kinh, kinh đô Kim (1234) có 13 sảo, dùng 500 người kéo dây. bắn đạn đá nặng 60kg.


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:33:44 pm »


        MÁY BỘ ĐÀM. máy thu - phát vô tuyến điện thoại cỡ nhỏ (có thể mang xách cá nhân). Đặc điểm: gọn nhẹ, công suất nhỏ, cự li liên lạc ngắn, thường làm việc ở chế độ đơn công (thu phát lần lượt), chủ yếu ở dải sóng cực ngán, có thể dùng trong hành tiến, nguồn năng lượng là pin hoặc ăcquy. Thường có hai loại: điều tần và điều biên. Trong QS, MBĐ được trang bị cho cấp phân đội. Những năm 1930-50 sử dụng MBĐ đèn điện từ, 1958 xuất hiện MBĐ bán dẫn, những năm 70 tk 20 có MBĐ mạch tích hợp, kĩ thuật số và kĩ thuật vi xử lí. Hiện nay QĐND VN đang sử dụng rộng rãi các MBĐ R-105M, PRC-25, IC-2N Kenut TH-26A...

        MÁY CHỈ HUY (máy điều khiển hỏa lực), thiết bị cơ điện hoặc điện tử dùng tự động tính toán phần tử bắn cho pháo (phòng không, bờ biển, trên tàu...) theo những dữ liệu về mục tiêu do khí tài trinh sát và đo đạc cung cấp. có tính tới lượng sửa khí tượng đường đạn và những điều kiện bắn khác. MCH thường lắp đặt trên một xe cùng với những khí tài khác tạo thành tổ hợp khí tài chỉ huy bắn, kết quả tính ra được đưa đến từng khẩu pháo dưới dạng thích hợp để điều khiển pháo hướng vào mục tiêu.

        MÁY CHỤP ẢNH ĐƯỜNG ĐẠN, thiết bị chuyên dùng chụp ảnh quá trình chuyển động của đạn trong nòng cũng như trên quỹ đạo. nhằm xác định những đặc trưng định lượng và định tính của đường đạn. MCAĐĐ có thể chụp một lần, tức thời một pha bất kì hoặc chụp nhanh liên tiếp nhiều pha khác nhau (với tốc độ trên 10.000 ảnh/s). Nguồn sáng khi chụp của MCAĐĐ là một trong các loại đèn: hồ quang, chứa khí, điốt quang hoặc xung rơnghen graphit. MCAĐĐ dùng trong nghiên cứu mẫu vũ khí, đạn.

        MÁY CHỤP ẢNH HÀNG KHÔNG, khí tài quang học chuyên dùng để chụp anh từ các khí cụ bay hàng không. Có thể chụp ở khoáng cách lớn (đến hàng chục kilômét) và được đặc trưng bởi cỡ khuôn và tiêu cự máy (thường dùng cỡ khuôn 23x23mm và tiêu cự 70, 100, 140, 200mm). Có: máy chụp ngày, máy chụp đêm và máy chụp ngày - đêm. MCAHK hiện đại có tiêu cự từ 50-500mm có thể chụp trong mọi thời tiết, ở mọi tốc độ của khí cụ bay và cả ngày - đêm. Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, trên một khí cụ bay hàng không có thể lắp nhiều MCAHK (10-12 chiếc). MCAHK được sử dụng rộng rãi trong QS (trinh sát, kiểm tra xạ kích, kiểm tra đường đạn...) và trong kinh tế (đo đạc bản đồ. khảo sát địa hình, thăm dò địa chất, thăm dò dầu khí...). V. I. Sretnepxki (Nga) là một trong những người đầu tiên chế tạo MCAHK. Bức ảnh dầu tiên chụp bề mặt Trái Đất từ khí cụ bay được Nađac (Pháp) thực hiện 1858 ở độ cao 80m. MCAHK đang được dùng ở VN: PA-1, UA-47, AFA-39 của LX và K-38 của Mĩ.

        MÁY CHỤP ẢNH VỆ TINH, khí tài quang học chuyên dùng lắp trên vệ tinh để chụp ánh bề mặt Trái Đất (từ vệ tinh nhân tạo của Trái Đất), bề mặt hành tinh khác (từ vệ tinh nhân tạo của các hành tinh), những quá trình và hiện tượng xảy ra trong chuyến bay của vệ tinh, ghi lại tham số ở thiết bị đo kiểm trên vệ tinh. Đặc điểm của MCAVT là khối lượng và kích thước nhỏ, chụp từ xa, độ tin cậy cao, tự động hoàn toàn hoặc bán tự động. Theo nguyên lí cấu tạo, có: máy chụp ảnh thường, máy chụp ảnh hồng ngoại (dùng bức xạ hồng ngoại để tạo ảnh của mục tiêu, có thể chụp cả ban đêm), máy chụp ảnh đa quang phổ (căn cứ vào sự khác biệt về quang phổ và năng lượng bức xạ để nhận biết mục tiêu)... Cỡ phim thường dùng của MCAVT là 16, 35, 70mm hoặc lớn hơn. Các MCAVT đã sử dụng: Cônvat, MKF-6M. Maypep, Dupha, Lêningrat, Vêga... Bức ảnh đầu tiên chụp Trái Đất do Gheơnan Titôp thực hiện từ tàu vũ trụ Phương Đông 2 của LX 1961.

        MÁY DÒ ÂM DƯỚI NƯỚC, khí tài thủy âm thụ động dùng để phát hiện và xác định hướng tới các nguồn dao động âm trong nước (tàu thuyền mặt nước, tàu ngầm, ngư lôi...). Gồm: anten thu, hệ thống khuếch đại và xứ lí tín hiệu, thiết bị truyền và thể hiện thông tin. Theo dạng anten thu, MDÂDN có: anten tuyến tính, anten vòng tròn, anten theo hình dạng vỏ tàu, anten hình cầu, anten hình trụ. Có các loại anten cố định, nhấc lên hạ xuống và lai kéo. Khác với sôna, MDÂDN không phát năng lương vào môi trường xung quanh nên khi làm việc không bị đối phương phắt hiện. Cự li phát hiện của MDÂDN phụ thuộc vào các tính năng kĩ thuật của nó (độ nhạy, mức nhiễu nội bộ...), cường độ và dải tần của tín hiệu, đặc tính thủy văn của biển... và có thể đạt tới hàng chục kilômét khi làm việc ở các tần số thấp. MDÂDN có thể độc lập hoặc nằm trong thành phần của tổ hợp khí tài thủy âm, có thể có thiết bị đặc biệt cho phép phân loại, tự động bám mục tiêu và truyền thông số tới khí tài điểu khiển bắn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:35:28 pm »


        MÁY DÒ BOM (MÌN), máy hoặc các thiết bị dùng đế phát hiện bom. mìn. đạn pháo và các vật nổ khác ở dưới mặt đất, dưới nước... Theo nguyên lí làm việc, có: MDB(M) kim loại. MDB(M) phi kim loại; theo chiểu sâu dò tìm. có: MDB(M) nông, MDB(M) sâu; theo sử dụng, có: người mang và máy tự hành. Các bộ phận chính: bộ cảm biến (đầu dò), bộ xử lí tín hiệu, bộ điều chỉnh, bộ phận chỉ báo (màn hình, đồng hổ hoặc âm thanh...), nguồn điện, cơ cấu tự hành (ở MDB(M) tự hành). Mẫu đầu tiên do B. Ia. Cudưmôp (LX) chế tạo 1934. MDB(M) hiện đại (sử dụng máy vi tính) có khả năng xác định chính xác độ sâu, vị trí, khối lượng vật nổ.



        MÁY ĐÀO HẨM (HÀO), máy làm đất chuyên dùng để cơ giới hóa việc đào hầm, hào khi xây dựng trận địa, công sự, SCH... Xe cơ sở có thể là xe xích hoặc xe bánh lốp, trong đó xe xích được sử dụng rộng rãi hơn. Thiết bị công tác chủ yếu là thiết bị đào, vận chuyển và san ùi đất. Các loại MĐH(H) chủ yếu được trang bị trong QĐND VN hiện nay là: máy đào hào BTM-3 (xe xích), TMK-2 và PZM-2 (bánh lốp), máy đào hố MĐK-2, MĐK- 2M... do LX chế tạo.



        MÁY ĐIỆN BÁO ẢNH. thiết bị phát, thu hoặc cả phát và thu hình ảnh tĩnh, phẳng trong thông tin liên lạc truyền ảnh. Theo công dụng, có: MĐBA phát, MĐBA thu, MĐBA thu - phát. MĐBA phát biến đổi các hình ảnh (ảnh, bản vẽ, sơ đồ. văn bản...) nguyên bàn thành các dao động điện từ cao tần tương ứng và phát vào không gian qua anten. MĐBA thu dùng để biến đổi sóng điện từ nhận được từ anten thu tái tạo lại các hình ảnh do MĐBA phát phát đi. MĐBA phát - thu có cấu tạo tương ứng để làm được chức năng của hai loại máy thu và phát. MĐBA được sử dụng rộng rãi cho QS và dân sự. Cg máy fax.

        MÁY ĐIỆN THOẠI, thiết bị thu phát tiếng nói trong thông tin liên lạc điện thoại, theo nguyên lí biến đổi dao động âm của tiếng nói thành dao động điện và ngược lại. Theo nguyên lí biến đổi dao động, có: MĐT điện từ. MĐT điện động và MĐT áp điện; theo cơ cấu chuyển mạch, có: MĐT quay tay, MĐT tự động; theo kiêu bộ chọn số, có: MĐT đĩa quay, MĐT bấm số... Để có thể liên lạc với nhiều đối tượng và sử dụng các đường truyền khác nhau. MĐT thường được đấu qua thiết bị chuyển mạch.

        MÁY ĐIỆN THOẠI MẬT, máy điện thoại (thường là máy diện thoại tự động) có các thiết bị mã hóa và giải mã để bảo đảm bí mật tin tức trong quá trình liên lạc. Thiết bị mã hóa và giải mã có thể lắp chung trong một hộp với máy điện thoại hoặc lắp riêng. MĐTM có hai chế độ liên lạc: bảo mật và rõ (không sử dụng thiết bị mã và giải mã). Có loại MĐTM vừa bảo đảm liên lạc thoại vừa bảo đảm liên lạc fax, truyền số liệu (khi có thiết bị bổ trợ kèm theo). MĐTM thường được trang bị cho cấp chiến dịch, chiến lược.

        MÁY ĐIỆN THOẠI TỰ ĐỘNG, máy điện thoại được đấu (nối) với thiết bị chuyển mạch của tổng đài thông tin liên lạc tự động. Nguyên lí hoạt động: khi quay số (ấn phím - bấm số) bộ dao động tranzitor dao động đồng thời ở hai tần số khác nhau, sinh ra một cặp âm thanh dược thiết bị chuyển mạch ở tổng đài điện thoại nhận và tự động nối mạch truyền đến số máy cần gọi. Các bộ phận chủ yếu: bộ phận đàm thoại, bộ phận cấp nguồn và tạo xung, bộ phận bàn phím (đĩa quay) và tạo số... Theo kiểu bộ chọn số, có: MĐTTĐ quay số (đĩa quay) và MĐTTĐ bấm số (ấn phím). Một số MĐTTĐ bấm số có thể thực hiện các chức năng: hiển thị thời gian, thực hiện cuộc gọi đặt trước, ghi lại nội dung đàm thoại và các dịch vụ thuê bao khác. Được trang bị rộng rãi ở các cấp trong QĐ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:36:39 pm »


        MÁY ĐỊNH HƯỚNG VÔ TUYẾN ĐIỆN, máy để xác định hướng tới một nguồn bức xạ điện từ nào đó bằng cách thu những bức xạ này nhờ các anten có tính hướng. Gồm thiết bị anten phiđơ và bộ chi thị mức thu. Cự li hoạt động của MĐHVTĐ phụ thuộc vào dải sóng và phương thức hoạt động: đến 350km (với sóng cực ngắn), 600-1.000km (sóng ngắn hoạt động gần), 1.200-1.400km (sóng trung), 5.000- 6.000km (sóng ngắn hoạt động xa). Độ chính xác đo hướng từ 0.7-3°. MĐHVTĐ có thể đặt trên mặt đất, xe, máy bay hay tàu biển... Được ứng dụng trong dẫn đường vô tuyến điện và trinh sát vô tuyến điện.

        MÁY ĐỊNH VỊ, khí tài xác định vị trí của mục tiêu (đối tượng) nhằm nhận biết, bám, xác định các tham sô chuyển động của mục tiêu; dùng để dẫn tên lửa, máy bay, tàu thuyền... Tùy thuộc vào bản chất vật lí của các dao động được sử dụng trong MĐV có: MĐV vô tuyến (rađa), MĐV quang học (gồm cả các MĐV lade. hồng ngoại...), MĐV âm thanh (gồm cả MĐV thủy âm).

        MÁY ĐỊNH VỊ QUANG HỌC. khí tài phát hiện, xác định tọa độ và có thể nhận dạng mục tiêu nhờ sóng điện từ ở dải quang học. Có: MĐVQH dải ánh sáng nhìn thấy; MĐVQH hồng ngoại (làm việc có hiệu quả cả ngày và đêm trong điều kiện môi trường thuận lợi); MĐVQH lade (dùng lade làm nguồn bức xạ thăm dò).

        MÁY ĐO ĐỘ CAO, khí tài xác định khoảng cách từ khí cụ bay đến bề mặt Trái Đất hoặc một hành tinh nào đó; dùng cho khí cụ bay, các tổ hợp rađa định vị, rađa dẫn đường và một số thiết bị khác. Có: MĐĐC khí áp (đo độ cao so với mặt biển dựa vào sự thay đổi áp suất khí quyển) và MĐĐC vô tuyến (đo độ cao của khí cụ bay trên địa hình). Loại sau làm việc theo nguyên lí: với độ cao lớn, đo gián tiếp qua thời gian giữa thời điểm phát ra xung vô tuyến từ khí cụ bay và thời điểm thu xung vô tuyến phản xạ từ mặt đất (hoặc bề mặt hành tinh); với độ cao nhỏ, dùng bức xạ vô tuyến liên tục điều tần, xác định độ cao qua độ lệch giữa tần số phát ra và tần số phản xạ. Các loại MĐĐC mới ứng dụng kĩ thuật lade, bức xạ, ion hóa.

        MÁY ĐO ĐỘ SÂU, thiết bị để đo độ sâu của biển (sông, hồ...) dưới sống tàu hoặc độ lặn sâu của các thiết bị làm việc dưới nước. Theo nguyên lí hoạt động, có MĐĐS: áp kế và thủy âm. MĐĐS áp kế dựa trên việc đo áp suất nước ở độ sâu tương ứng, thường dùng đo độ lặn sâu của tàu ngầm. MĐĐS thủy âm dựa trên việc đo khoảng thời gian giữa thời điểm phát tín hiệu siêu âm tới thời điểm thu tín hiệu đội từ đáy về, thường dùng trên tàu mặt nước. Độ sâu đo được của MĐĐS hàng hải tới 4.500m (MĐĐS khảo sát tới 500m, MĐĐS dò cá tới l.000m, MĐĐS lớn tới 12.000m) với sai số 1-3% độ sâu được đo. Một số MĐĐS có thiết bị tự động liên tục ghi lại độ sâu của biển theo hành trình của tàu. MĐĐS được sử dụng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ở vùng nước nông hoặc có chướng ngại ngầm; xác định gần đúng vị trí của tàu theo những độ sâu nổi bật; đo đạc, thiết lập hoặc bổ sung các độ sâu ghi trên hải đồ, nghiên cứu đại dương...

        MÁY ĐO GIÓ, thiết bị xác định tốc độ và hướng gió (hoặc luồng khí). Trang bị cho các trạm khí tượng, phòng thí nghiệm khí động. Có: MĐG kiểu gáo (xác định tốc độ gió trung bình); MĐG kiểu áp kế (xác định tốc độ gió tức thời); MĐG kiểu cánh quạt (đo tốc độ luồng khí định hướng trong các hệ thống thông gió, ống khí động); MĐG tự ghi (xác định và ghi liên tục tốc độ, hướng gió); MĐG vô tuyến (đo tốc độ, hướng gió từ xa và truyền số liệu bằng tín hiệu vô tuyến với khoảng cách tới 100km). MĐG hiện đại còn có thiết bị tự động báo các đợt gió nguy hiểm. Sai số đo của MĐG từ 0,05-0, lm/s.

        MÁY ĐO LIÊU CHIẾU XẠ CÁ NHÂN, khí tài trinh sát phóng xạ dùng để đo liều lượng chiếu xạ cho người khi hoạt động trong khu nhiễm xạ hoặc tiếp xúc với các nguồn phóng xạ ion hóa. Bộ phận chủ yếu: hòm đựng, các ống đo chiếu xạ, máy nạp. Nguyên lí làm việc: khi nạp điện cho ống đo chiếu xạ và chưa có bức xạ, diện tích trên buồng ion, tụ điện tĩnh điện kế không thay đổi nên dây điện nghiệm của tĩnh điện kế không dịch chuyển. Khi có tia bức xạ chiếu vào buồng ion, làm ion hóa chất khí và xuất hiện dòng điện; điện tích trên tụ điện và tĩnh diện kế giảm đi dẫn đến sợi dây điện nghiêm dịch chuyển ti lệ thuận với liều chiếu xạ vào buồng ion (thang chia ống đo chiếu xạ khắc đơn vị là rơnghen - R). Theo nguyên lí hoạt động, có các loại MĐLCXCN: ion hóa; hóa học, phim ảnh, tinh thể nhấp nháy... Hiện nay trong trang bị QĐND VN có các loại MĐLCXCN: DP-22V, IĐ-1, ĐK-0,2...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:37:46 pm »


        MÁY ĐO PHÓNG XẠ, khí tài trinh sát phóng xạ dùng để phát hiện và đo mức bức xạ địa hình và môi trường; đo mức nhiễm xạ cho: vũ khí, trang bị kĩ thuật, người, nguồn nước, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng...; nhằm xác định khả năng chiến đấu của bộ đội trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân và những biện pháp phòng ngừa thích hợp. Cấu tạo chính gồm: hộp đựng, khối điểu khiển, đầu đo, khối nguồn và đồng bộ phụ tùng kèm theo. Nguyên lí hoạt động: khi cấp điện cho ống đo và chưa có bức xạ, điện tích trong buồng ion không thay đổi, mạch tích phân chưa có dòng điện đưa vào mạch đồng hồ, kim đồng hồ ở vị trí số “0”. Khi có tia bức xạ chiếu vào buồng ion, làm ion hóa chất khí, xuất hiện dòng điện xung tỉ lệ thuận với suất liều lượng bức xạ chiếu vào buồng ion, mạch tích phân biến đổi dòng điện xung và đưa tới mạch đồng hồ. Đồng hồ khắc đơn vị đo là R/h và mR/h. MĐPX còn dùng trong các phòng thí nghiệm, kho tồn trữ vũ khí hạt nhân, các nhà máy điện hạt nhân, ngành công nghiệp hạt nhân, đặt tại các trạm quan trắc quốc gia để theo dõi và báo động hạt nhân. Hiện nay, trong trang bị QĐND VN có các loại MĐPX xách tay: 01-92, ĐP-5A (B, V); láp cố định ở SCH hoặc trên các phương tiện cơ động (ô tô, xe tăng, xe thiết giáp, máy bay...): ĐP-3B, IMĐ-21B.

        MÁY ĐO SƠ TỐC ĐẠN, thiết bị chuyên dùng để xác định sơ tốc đạn bằng thực nghiệm. Gồm hai phần chính: bia thuật phóng (x. bia) và máy đo thời gian. Hoạt động theo nguyên tắc: đo khoảng thời gian đạn bay qua hai bia thuật phóng (bia thứ nhất ở sát mặt cắt miệng nòng, bia thứ hai đặt cách bia thứ nhất một khoảng chính xác chọn trước), tính tốc độ trung bình của đạn trong khoảng đó, sau đó tính chuyển đổi về mặt cắt miệng nòng. Các xung điện đánh dấu các thời điểm đạn bay qua hai bia được tạo thành nhờ bia thuật phóng loại tiếp xúc (điện, cơ điện...) hoặc không tiếp xúc (âm thanh, quang điện, cảm ứng, tĩnh điện, rađa...). Máy đo thời gian có thể dùng loại bất kì. Trong pháo binh, để đo sơ tốc đạn thường sử dụng trạm đường đạn dã chiến (là một đài rađa phát xạ liên tục, dùng sóng cực ngắn để đánh dấu khoảng đã chọn trên đường đạn và xác định sơ tốc đạn dựa trên hiệu ứng Đôple). Hiện nay MĐSTĐ thường có một máy tính điện tử, cho phép tự động tính toán và hiện kết quả đo lên màn hình hay in ra giấy.

        MÁY ĐO XA, khí tài dùng để xác định khoảng cách từ điểm đặt máy tới một đối tượng nào đó mà không cần đo trực tiếp. MĐX gồm các loại: quang học, âm học và vô tuyến điện. Theo nguyên lí hoạt động, có: MĐX chủ động và MĐX thụ động; theo đặc tính tín hiệu, có: MĐX xung và MĐX liên tục. MĐX được dùng trong chỉ huy xạ kích tên lửa, pháo binh, ném bom, trắc địa, dẫn đường, thiên văn và những lĩnh vực khác.   

        MÁY ĐO XA LADE, máy đo xa dựa trên nguyên tắc phát xạ cưỡng bức của các hệ lượng tử bị kích thích bàng máy phát lượng tử dải quang học (lade). Được sử dụng từ đầu những năm 60 tk 20 và ứng dụng rộng rãi trong pháo binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến, hệ thống phòng không và trong bộ binh (máy đo xa cầm tay). Nhờ tính định hướng cao, đơn sắc và mật độ năng lượng bức xạ rất cao, MĐXL có giới hạn đo lớn (200-10.000m), tốc độ đo nhanh, độ chính xác cao (thường từ ±10 đến ±5m, tùy thuộc vào tần suất công tác của thiết bị đo thời gian); sử dụng đơn giản; không bị ảnh hường của nhiễu điện từ và sóng tạp, nhưng chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường (mưa, tuyết, sương mù, khói, bụi...), trong đó năng lượng lade bị không khí hấp thụ, tán xạ... làm giảm hiệu quả của thiết bị. Theo phương pháp phát xạ, có: MĐXL mạch xung, xác định cự li thông qua việc xác định thời gian truyền đi và phản xạ trở lại của chùm tia lade được phát đi dưới dạng các xung ngắn gián đoạn phóng tới mục tiêu; MĐXL liên tục, dùng phương pháp đo lượng sai giữa tín hiệu phát đi và tín hiệu phản hồi của một dải sóng hình sin điều biên được phát liên tục về phía mục tiêu. MĐXL có thể sử dụng chất công tác thể rắn hoặc thể khí. MĐXL thể rắn thường dùng hồng ngọc, aluminat ytri pha nêôđi hoặc thủy tinh nêôđi. chịu ảnh hưởng tương đối lớn của điều kiện khí hậu và môi trường. MĐXL thể khí dùng cacbon điôxit, ít chịu ảnh hường của điều kiện khí hậu và môi trường, khó gây tổn thương cho mắt người, được sử dụng trên tất cả các xe tăng chủ lực mới từ 1980.

        MÁY FAX nh MÁY ĐIỆN BÁO ẢNH

        MÁY HỎI, thiết bị thu - phát tín hiệu vô tuyến điện mã hóa nhằm xác định mục tiêu địch - ta do rađa phát hiện. Việc phát, thu và xử lí tín hiệu được tiến hành tự động bằng các mã dặc biệt. Về bản chất, MH là một rađa chủ động, hoạt động độc lập với đài rađa chính; về kết cấu, nó thường nằm trong thành phần và là một bộ phận quan trọng của đài rađa, đặc biệt là rađa điều khiển hỏa lực. Tín hiệu hiển thị xác định mục tiêu (địch - ta) được thể hiện trên màn hình của rađa chính, bên cạnh tín hiệu phát hiện mục tiêu. MH có thể dùng anten riêng hoặc chung với đài rađa chính.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 04:39:00 pm »


        MÁY KINH VĨ, dụng cụ trắc địa chuyên dụng để đo góc phẳng ngang và góc phẳng đứng trên địa hình. Các bộ phận chính: bàn độ nằm ngang quay quanh trục thẳng đứng, bàn độ đứng, kính nhìn, trụ đứng và giá ba chân. Theo mức độ sai số phép đo, MKV gồm: loại chính xác cao (sai số bình phương trung bình 0,5-1”), loại chính xác (2-5”) và MKV kĩ thuật (15-30”). Được sử dụng trong trắc đạc pháo binh, khảo sát địa hình, đo đạc công trình,... MKV có thể mang vác.

        MÁY LỤC PHÂN, dụng cụ chuyên dùng để định vị khí cụ bay hàng không (máy bay, khinh khí cầu...), phương tiện hàng hải (tàu nổi, tàu ngầm...) và những đối tượng trên mặt đất (phương tiện cơ giới, đoàn thám hiểm...) thông qua việc xác định độ cao (tính bằng góc) của các thiên thể, góc ngang giữa hai vật chuẩn và góc đứng của các vật thể. Có MLP quang học (theo nguyên lí quang hình) và MLP vô tuyến (dùng bức xạ vô tuyến của Mặt Trời, độ chính xác cao với sai số nhỏ hơn 1’). Được sử dụng rộng rãi trong dân sự và QS.

        MÁY NGẮM, khí tài dùng để lấy phần tử bắn hay đường ngắm cho vũ khí (súng, pháo, thiết bị phóng...); có loại còn dùng để quan sát chiến trường, lựa chọn mục tiêu. Theo nguyên lí hoạt động của bộ phận ngắm cơ bản, có MN: cơ khí, quang - cơ khí, quang - điện tử (quang học, nhìn đêm, lade, truyền hình), định vị vô tuyến (rađa); theo mức độ tham gia của con người trong quá trình ngắm, có MN: tự động, nửa tự động, không tự động; theo đặc điểm liên kết với vũ khí. có MN: có đường ngắm phụ thuộc, có đường ngắm độc lập, có đường ngắm nửa độc lập; theo loại vũ khí, có MN: pháo binh (MN pháo mặt đất, MN pháo phòng không, MN cối, MN pháo trên tăng...), hàng không, tổ hợp tên lửa. súng bộ binh... MN đơn giản nhất là khe ngắm và đầu ruồi trong súng bộ binh (kiểu này đã dùng cho pháo nòng trơn giữa tk 19). MN có tính lượng sửa độ đạt xuất hiện nửa sau tk 19. MN quang học ra đời đầu tk 20.

        MÁY PHÁT THÔNG TIN VÔ TUYẾN ĐIỆN, thiết bị dùng để phát tin tức bằng cách biến đổi tín hiệu thông tin thành các dao động điện cao tần (được điều chế), rồi bức xạ trong không gian dưới dạng sóng điện từ qua anten phát. Thành phần chính gồm: thiết bị đầu vào, khối dao động cao tần, khối khuếch đại (tần số, công suất), khối điều chế, khối nguồn, thiết bị đầu ra và anten phát. Theo tần số, có các loại MPTTVTĐ: sóng dài, sóng trung, sóng ngắn và sóng cực ngắn. Theo phương thức điều chế, có: MPTTVTĐ điều biên, MPTTVTĐ điều tần, MPTTVTĐ đơn biên... Theo công suất, có các loại MPTTVTĐ: công suất nhỏ (dưới 100W), công suất trung bình (100-1.000W) và công suất lớn (trên 1.000W). MPTTVTĐ được sử dụng rộng rãi trong liên lạc vô tuyến điện, phát thanh, truyền hình, dẫn đường, định vị vô tuyến điện, điều khiển từ xa...

        MÁY QUAY PHIM XẠ KÍCH, thiết bị chuyên dụng, tự động chụp từng kiểu liên tục đồng thời hai hình: mục tiêu và lưới trên máy ngắm. Chủ yếu dùng cho không quân để kiểm tra chất lượng ngắm, kiểm tra điều kiện thực hiện và kết quả công kích khi bắn súng máy (pháo), phóng tên lửa hoặc ném bom mục tiêu.

        MÁY TẢI BA, thiết bị kĩ thuật tạo ra các dao động cao tần được điều chế từ tín hiệu âm tần (tín hiệu có tần số tiếng nói) ở đầu vào (khi phát) và giải điểu chế tín hiệu cao tần ở đầu ra (khi thu) thành tín hiệu âm tần để thực hiện liên lạc nhiều kênh trên một tuyến thông tin. Được sử dụng để bảo đảm thông tin liên lạc qua phương tiện thông tin hữu tuyến điện (dây trần, cáp), vô tuyến điện tiếp sức,... có dung lượng từ một đến hàng chục kênh. Trong QĐ, MTB thường được trang bị cho các đơn vị từ cấp chiến dịch trở lên.

        MÁY THU - PHÁT THÔNG TIN VÔ TUYẾN ĐIỆN, tổ hợp thiết bị dùng để thu và phát tin tức bằng cách biến đổi tín hiệu điện thành tin tức (khi thu) và biến đổi tin tức thành tín hiệu điện (khi phát). MT-PTTVTĐ thường đặt chung trong một hộp, trong đó một số mạch điện (khối) được dùng chung cho cả hai chức năng thu và phát. Trong QS thường sử dụng MT-PTTVTĐ sóng cực ngấn, công suất nhỏ, làm việc đơn công (thu, phát lần lượt), điều tần hoặc điều biên...; cấu tạo gọn, nhẹ, có thể dùng trong liên lạc tĩnh tại cũng như cơ động. 

        MÁY THU THÔNG TIN VÔ TUYẾN ĐIỆN, thiết bị dùng để thu tín hiệu sóng điện từ qua anten thu và biến đổi thành tin tức. Thành phần chính gồm: anten thu, mạch vào, khối khuếch đại cao tần, khối dao động ngoại sai, khối đổi tần, khối khuếch đại trung tán, khối tách sóng, khôi khuếch đại âm tần, khối nguồn, thiết bị đầu ra (nghe, nhìn). Theo tần số sử dụng, có MTTTVTĐ: sóng dài, sóng trung, sóng ngắn và sóng cực ngắn. Theo phương thức điểu chế, có MTTTVTĐ: điều biên, điều tần, đơn biên... Theo độ nhậy, có MTTTVTĐ: cấp 1, cấp 2 và cấp 3. MTTTVTĐ được sử dụng rộng rãi trong liên lạc vô tuyến điện, phát thanh, truyền hình...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM