Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:18:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: D  (Đọc 3995 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


D
« vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:00:23 am »

     
        DÃ TƯỢNG (?-?), gia tướng của Trần Quốc Tuấn. Năm 1285 quân Nguyên - Mông đánh vào ải Nội Bàng, Chi Lăng; quân Trần phải rút về Vạn Kiếp, địch đuổi gấp, DT cùng với Yết Kiêu đưa Trần Quốc Tuấn về Vạn Kiếp an toàn. 6.1285 DT tham gia cánh quân tiến công địch tại Tây Kết (xt trận Tây Kết, 1285). DT luôn tỏ lòng trung quân, được Trần Quốc Tuấn tin tưởng và quý mến.

        DẢI BẢO ĐẢM (ngoại), dải địa hình trước tiền duyên phòng ngự được cấu trúc trận địa, điểm tựa, cụm điểm tựa... và hệ thống vật cản để từng bước ngăn chặn cuộc tiến công của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự. Do liên binh đoản xây dựng ở trước tiền duyên của dải phòng ngự cơ bản (dải 1) trong điều kiện không trực tiếp tiếp xúc với địch, đôi khi còn xây dựng ở trước tiến duyên của dải phòng ngự 2 trong chiều sâu phòng ngự. Mục đích lập DBĐ: đánh lừa quân địch về hệ thống phòng ngự thật của mình, làm chậm cuộc tiến công của chúng, tranh thủ thời gian để hoàn chình việc chuẩn bị phòng ngự, buộc quân địch phải triển khai lực lượng tiến công chủ yếu sớm hơn dụ định, kịp thời xác định tổ chức lực lượng và hướng tiến công chủ yếu của quân địch, chặn đánh gây cho chúng những thiệt hại trước khi tiếp cận tiền duyên phòng ngự. Chiều sâu của DBĐ được xác định tuỳ theo điểu kiện cụ thể nhưng thường phải bảo đảm sao cho dải phòng ngự cơ bản nằm ngoài tầm hỏa lực của đại bộ phận pháo binh và tên lửa chiến thuật của đối phương. Phòng ngự DBĐ do các đội tác chiến phía trước hoặc các binh đội yểm trợ tiến hành dưới sự chi viện của pháo binh và không quân. Trong QĐ Mĩ và QĐ một số nước khác, DBĐ là thành phần của vùng yểm trợ.

        DẢI BẮN PHÁO BINH, dải địa hình (khu vực mặt nước) trong khu vực tác chiến được chọn để chỉ định cho các phân đội pháo binh tiến hành sát thương địch bằng bắn ngắm trực tiếp. DBPB được giới hạn từ phải qua trái với các hướng từ trận địa tới vật chuẩn (địa vật). Chiều rộng và chiều sâu của dải bắn phụ thuộc vào khả năng bắn của các phương tiện hỏa lực. Có dải bắn chính và dải bắn phụ: dải bắn chính được chọn trên hướng chủ yếu, dải bắn phụ bổ sung cho dải bắn chính trên hướng ít quan trọng hơn.

        DẢI CHIẾU ĐỒ, hình chiếu một phần bề mặt Trái Đất lên mặt phẳng theo một phép chiếu nhất định. Bản đổ địa hình VN dùng phép chiếu giữ góc (Gauss và UTM), theo đó bề mặt Trái Đất được chia theo chiều kinh tuyến thành 60 dải, đánh số từ 1 đến 60, bắt dầu từ kinh tuyến gốc Grinuych về phía đông. Kinh tuyến nằm trên trục đối xứng của mỗi dải gọi lả kinh tuyến giữa của mỗi dải đó. Lãnh thổ VN nằm ở các dải 18, 19 và 20 với các kinh tuyến giữa tương ứng 105, 111 và 117°Đ. Cg múi chiếu.

        DẢI GADA (A. Gaza Strip), dải đất của Palextin trên bờ phía đông Địa Trung Hải bị Ixraen chiếm đóng. Dt 378km2; ds 1,18 triệu người (2001), trong đó 446.000 là người tị nạn. Thủ phủ: tp Gada, một trong những tp Philixtin cổ đại. Thời cổ dải đất này thuộc đế quốc Hồi giáo Arập, sau thuộc quyền cai trị của Ai Cập; đầu tk 16-1917 thuộc đế quốc Ôttôman; 1920-47 sáp nhập vào đất úy trị Palextin thuộc Anh; 11.1947 nhập vào lãnh thổ các nước Arập. Sau chiến tranh Arập - Ixraen (1948-49) thuộc quyển kiểm soát của Ai Cập. Bị Ixraen xâm chiếm 1956, tái chiếm 1967, và chiếm hẳn sau chiến tranh Trung Đông 1973. Sự tranh chấp chủ quyền DG giữa Palextin và Jxraen ngày càng quyết liệt, dẫn đến xung đột (1988). Từ 5.1994 thuộc vùng đất tự trị của người Palextin.


        DẢI NHIỄU ĐIỆN TỬ, phạm vi (góc tà, góc phương vị) nhiễu xuất hiện trên màn hiện sóng rađa. đài điều khiển tên lửa phòng không dưới dạng các vệt sáng có hình quạt, sọc cố định hoặc di động che khuất mục tiêu, gây khó khăn hoặc không thể phát hiện, bám sát mục tiêu. DNĐT trên màn hiện sóng rađa có thể dùng để xác định vị trí nguồn nhiễu theo phương pháp giao hội các dải nhiễu của các đài rađa ở trận địa khác nhau. DNĐT trên hai màn hiện sóng góc tà và phương vị của đài điều khiển tên lửa phòng không từ cùng một nguồn nhiễu của mục tiêu, có thể chọn lấy một dải để bám sát, xác định phần tử và thời điểm phóng tên lửa. Có dải nhiễu: bên phải, bên trái; dải thấp, dải cao.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:01:53 am »


        DẢI PHÁT HIỆN DẤU VẾT BIÊN GIỚI, loại công trình kĩ thuật bảo vệ biên giới nhằm phát hiện dấu vết vi phạm biên giới quốc gia trên mặt đất. DPHDVBG được xây dựng giữa hàng rào biên giới và đường phát quang biên giới, bằng cách bừa kĩ hay rải chất đất bồi phủ sa, mịn hoặc cát xốp, có chiều rộng 5-10m; được giữ trong trạng thái sạch sẽ, đảm bảo khả năng giữ dấu vết trong mọi thời gian. Việc bảo dưỡng, đi lại qua DPHDVBG được quy định chặt chẽ.

        DẢI PHÒNG NGỰ, dải địa hình do các binh đoàn binh chủng hợp thành phòng ngự. Trong DPN có: trận địa (khu vực) phòng ngự của thể đội 1, 2 (lực lượng dự bị); trận địa hỏa lực pháo binh (tên lửa); trận địa bắn (phóng) của pháo (tên lửa) phòng không; khu vực (trận địa) của các đội dự bị; trận địa chéo; tuyến triển khai phản kích (phản đột kích); SCH; khu vực bố trí hậu cần kĩ thuật; hệ thống vật cản; đường cơ động. Giới hạn của DPN: phía trước là tiền duyên phòng ngự, phía sau đến hết chiều sâu đội hình chiến đấu binh đoàn, hai bên là giới tuyến chiến đấu. Trong phòng ngự của liên binh đoàn chiến dịch có thể có: dải phòng ngự cơ bản (DPN 1), DPN 2. Khi chuyển vào phòng ngự không trực tiếp tiếp xúc với địch, trước tiền duyên phòng ngự có thể có khu vực tác chiến phía trước. Hiện nay ở VN chỉ tổ chức khu vực phòng ngự.

        DẢI PHÒNG NGỰ CƠ BẢN, dải phòng ngự do các binh đoàn (lực lượng tương đương) thể đội 1 của chiến dịch chiếm lĩnh. Tại đây tập trung nỗ lực chủ yếu của chiến dịch phòng ngự để sát thương (tiêu diệt) một bộ phận quân địch tiến công, giữ vững khu vực (tuyến) quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho thể đội 2 (dự bị) tiến hành phản đột kích, đánh bại tiến công của địch, hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch phòng ngự. Thường gồm: khu vực phòng ngự của các trung đoàn, cụm điểm tựa (điểm tựa) của các phân đội độc lập; trận địa pháo binh (tên lửa), trận địa phòng không; khu vực bố trí và tuyến triển khai của thể đội 2 và các đội dự bị; hệ thống hỏa lực, vật cản; vị trí SCH; khu vực phòng ngự dự bị và giả; đường cơ động...

        DẢI QUAN SÁT, dải địa hình (vùng nước) và phần không gian trên nó mà trong giới hạn đó tiến hành quan sát để thu tin tức về tình hình đối phương (bố trí lực lượng, phương tiện, •thay đổi đội hình, tính chất hoạt động...), theo dõi tình hình bộ đội, bảo đảm cho chỉ huy. Chiều rộng của DQS được giới hạn bên trái và bện phải bằng các vật chuẩn, còn chiều sâu được giới hạn bằng khả năng của phương tiện quan sát.

        DẢI TÁC CHIẾN PHÍA TRƯỚC, dải địa hình do liên binh đoàn binh chủng hợp thành tổ chức trước chính diện dải phòng ngự cơ bản (khi phòng ngự không trực tiếp tiếp xúc với địch), nhằm: phát hiện sớm lực lượng, thành phần và ý định tiến công của địch; ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận địch, làm chậm tốc độ tiến công; buộc địch phải bộc lộ, triển khai sớm lực lượng và tiến công bất lợi; tạo điều kiện cho bộ đội phòng ngự chủ động và có thêm thời gian chuẩn bị. Chiều sâu DTCPT phụ thuộc vào mục đích, ý định chiến dịch, địa hình và thời gian tổ chức phòng ngự. Hiện nay, nghệ thuật QS VN không tổ chức DTCPT mà tổ chức khu vực tác chiến vòng ngoài.

        DẢI TIẾN CÔNG, dải địa hình để liên binh đoàn (binh đoàn, binh đội) thực hành tiến công, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch (chiến đấu). DTC được giới hạn về chiều rộng bằng giới tuyến chiến đấu ở bên phải và bèn trái, và chiều sâu từ khu vực triển khai đến hết chiều sâu nhiệm vụ chiến dịch (chiến đấu). DTC dược xác định căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, tình hình đối phương, khả năng, vai trò vị trí chiến đấu của đơn vị tiến công; đặc điểm địa hình...

        DÁNG ĐẤT, dáng bên ngoài của mặt đất, được tạo nên do sự kết hợp các hình thái bằng phẳng hay lồi lõm khác nhau của vỏ Trái Đất. DĐ dược biểu thị trên bản đồ bằng các đường bình độ và một số kí hiệu địa hình. DĐ là một yếu tố đặc trưng của địa hình có ảnh hường trực tiếp đến việc cơ động, quan sát, bắn, ngụy trang... của bộ đội.

        DẠNG HỎA LỰC PHÁO BINH, hình thức thể hiện của hỏa lực pháo binh. DHLPB phụ thuộc tính chất mục tiêu, hành động chiến thuật của đối phương, khả năng pháo đạn, cách đánh của bộ đội pháo binh và bộ đội binh chủng hợp thành. Có các dạng hỏa lực: đơn lẻ, tập trung, chặn (cố định, di động)... Hỏa lực đơn lẻ: hỏa lực được tạo ra khi sử dụng không quá một đại đội pháo binh bắn ngắm gián tiếp vào một mục tiêu. Hỏa lực tập trung: hỏa lực được tạo ra khi sử dụng đồng thời một số đại đội (tiểu đoàn) pháo binh bắn ngắm'gián tiếp vào một (cụm) mục tiêu. Hỏa lực chặn: hỏa lực ngăn cản bộ binh, xe tăng hay các đợt sóng đổ bộ của đối phương đang tiến công hay rút chạy. Hỏa lực chặn cố định: hỏa lực được tạo ra khi bắn vào một vị trí (tuyến) không đổi, nhằm tạo ra một tuyến hỏa lực trên đường vận động của đối phương đang công kích (phản kích). Hỏa lực chặn di động: hỏa lực được tạo ra khi bắn lần lượt trên một số vị trí (tuyến) nhằm tạo ra từng tuyến hỏa lực trên đường vận động của đối phương đang công kích, rút chạy. Pháo binh nước ngoài còn có dạng hỏa lực màn đạn, tập trung, tập trung lần lượt...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:03:27 am »


       DANH HIỆU VINH DỰ, hình thức khen thưởng của nhà nước, tổ chức hoặc đoàn thể xã hội tặng những tập thể và cá nhân đã nêu gương về phẩm chất cao đẹp và có những cống hiến xuất sắc trong một lĩnh vực hoạt động nhất định, được xã hội công nhận. Ở VN, DHVD nhà nước có: Ah lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú... DHVD QĐ có: Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, Đơn vị quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mĩ, Dũng sĩ giữ nước... Tiêu chuẩn và thể thức xét tặng do nhà nước, tổ chức hoặc đoàn thế định ra DHVD quy định, căn cứ vào hiến pháp và pháp lệnh hiện hành. Cá nhân được tặng DHVD được cấp bằng hoặc giấy chứng nhận, huy chương hoặc huy hiệu, có thể được hưởng một số chính sách ưu đãi. Đơn vị được tặng DHVD còn được tặng cờ thưởng.

        DAO (vt từ A. Defence Attache Office), cơ quan tùy viên QS Mĩ ở Sài Gòn, tổ chức thay thế MACV điều khiển các hoạt động QS của chính quyền và QĐ Sài Gòn dựa vào viện trợ Mĩ trong giai đoạn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh sau Hiệp định Pari 1973 về VN. Nhiệm vụ: cung cấp viện trợ, hỗ trợ QS cho QĐ Sài Gòn, thu thập tin tức tình báo về QS và tình hình liên quan đến viện trợ QS. Thành lập 28.1.1973. Gồm: phòng tác chiến - kế hoạch, Phòng thông tin - điện tử và 3 phòng quản lí viện trợ QS với 50 nhân viên QS, 1.200 nhân viên dân sự, 5 sĩ quan tùy viên QS làm việc tại Đại sứ quân Mĩ ở Sài Gòn và 23.000 nhân viên hợp đồng. Trụ sở chính tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất (trụ sở của MACV) và nhiều chi nhánh dã chiến ở các địa phương. 30.4.1975 nhân viên cuối cùng rút khỏi miền Nam VN khi QĐ Sài Gòn hoàn toàn thất bại. Chỉ huy đầu tiên: trung tướng Muyray (1.1973-6.1974).

        DĂMBIA (Cộng hòa Dămbia; A. Republic of Zambia), quốc gia ở Trung Phi. Dt 752.618km2; ds 10,31 triệu người (2003); 98% người da đen. Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh. Tôn giáo: 75% Bái vật giáo, 25% đạo Cơ Đốc. Thủ đô Luxaca. Chính thể cộng hòa, đứng đầu nhà nước và cơ quan hành pháp (chính phủ) là tổng thống. Cơ quan lập pháp: quốc hội. Địa hình cao nguyên và núi, độ cao 1.000-1.350m. Khí hậu cận xích đạo. Mạng sông dày đặc. Rừng nhiệt đới khô. Nước nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng kim loại màu có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. GDP 3,639 tỉ USD (2002), bình quân đầu người 350 USD. Thành viên LHQ (1.12.1964), Phong trào không liên kết, Liên minh châu Phi. Lập quan hệ ngoại giao với VN cấp đại sứ 15.9.1972. LLVT: lực lượng thường trực 21.600 người (lục quân 20.000, không quân 1.600). Tuyển quân theo chế độ tình nguyện. Trang bị: 60 xe tăng, 70 xe thiết giáp trinh sát, 13 xe thiết giáp chở quân, 96 pháo mặt đất xe kéo, 50 pháo phản lực BM-21, 91 súng cối, 136 pháo và súng máy phòng không, 61 máy bay chiến đấu... Ngân sách quốc phòng 23 triệu USD (2002).
 
         
        DĂMOAN (A. Elmo Russell Zumwalt; s. 1920), tư lệnh hải quân Mĩ ở miền Nam VN kiêm trường nhóm cố vấn hải quân Mĩ cho Quân lực Việt Nam cộng hòa (1968-70). Sinh tại Xan Phranxixcô, bang Caliphoocnia; đô đốc (1970). Năm 1942 tốt nghiệp Trường sĩ quan hải quân. 1942-45 tham gia CTTG- II. Sau chiến tranh tiếp tục làm việc trên các tàu chiến Mĩ. 1957-59 trợ lí Bộ hải quân. 1962-63 trợ lí BQP, chỉ huy kiểm soát vũ khí và vạch kế hoạch đối phó với Cuba. 1965-66 chỉ huy Đội tàu tuần tiễu số 7. Năm 1966-68 trưởng nhóm phân tích tác chiến hải quân. 1968-70 tư lệnh hải quân Mĩ ở miền Nam VN. 1970-74 tư lệnh tác chiến hải quân Mĩ. Trong thời gian ở VN, vạch kế hoạch và chỉ huy chiến dịch Xilôt (Sealords), cho không quân phun dày đặc chất độc màu da cam lên vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm cắt đứt đường tiếp tế cho lực lượng CM miền Nam VN, gây tác hại lâu dài cho con người và môi trường sinh thái. Con trai D, là trung úy hải quân, chỉ huy tàu tuần tiễu trên sông ở đây cũng bị nhiễm và chết vì chất độc này.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:04:51 am »


        DÂN BINH (cổ), tổ chức vũ trang quần chúng không thoát li sản xuất; bộ phận hợp thành LLVT của nhà nước hay một tập đoàn chính trị; lực lượng dự bị và lực lượng hỗ trợ đắc lực cho quân thường trực. Thời bình DB được huấn luyện QS cần thiết. Thời chiến phối hợp tác chiến với quân thường trực và tiến hành chiến tranh du kích, duy trì trật tự trị an xã hội và sẵn sàng bổ sung cho QĐ. DB có từ thời cổ, trong từng thời kì lịch sử, ở các nước khác nhau, tên gọi, hình thức tổ chức, chức năng nhiệm vụ và tính chất giai cấp cũng khác nhau.

        DÂN CÔNG, công dân làm nghĩa vụ lao động trong thời gian quy định (thường tính bằng ngày công). Do nhà nước huy động để phục vụ công cuộc xây dựng, phòng thủ đất nước trong thời bình (làm các công trình giao thông, thủy lợi, quốc phòng) và phục vụ LLVT hoạt động trong thời chiến (làm đường QS, trận địa, vận chuyển lương thực, đạn dược, thương binh...).

        DÂN CÔNG HỎA TUYẾN, dán công được tuyển chọn căn cứ vào sức khỏe, phẩm chất chính trị - tinh thần để trực tiếp phục vụ cho đơn vị LLVT đang hoạt động tác chiến. Thường sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, chuyển thương binh, bệnh binh. Khi cần DCHT có thể được tuyển chọn để bổ sung cho các đơn vị bộ đội đang chiến đấu. DCHT có từ chiến dịch Biên Giới (1950). Trong KCCP, các đội DCHT đã phục vụ chiến đấu có hiệu quả.

        DÂN CƯ BIÊN GIỚI, công dân VN cư trú hợp pháp và có hộ khẩu thường trú trong khu vực biên giới. DCBG gồm: nhân dân các xã biên giới, cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội có trụ sở làm việc thường xuyên ở khu vực biên giới và công dân VN đến cư trú ở khu vực biên giới được công an tỉnh biên giới cấp giấy phép (trừ những người nước ngoài). DCBG được cấp chứng minh nhân dân  theo quy định của pháp luật. DCBG phải chấp hành các quy định chung của pháp luật VN và các điều ước quốc tế về biên giới đã được nước C1ỈXHCN VN cam kết thực hiện và quy chế khu vực biên giới do chính phủ VN ban hành. 

        DÂN QUÂN, bộ phận của dân quân tự vệ được tổ chức ở xã, phường, thị trấn, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, có nhiệm vụ: báo vệ Đảng, chính quyền ở địa phương; chiến đấu và phục vụ chiến đấu như: làm đường, vận chuyển thương binh, vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược, báo vệ và tổ chức cho nhân dân sơ tán... Theo Pháp lệnh dân quân tự vệ (2004), DQ gồm những người có tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe, nam 18-45 tuổi, nữ 18-40 tuổi. Tùy tình hình cụ thể, DQ ở cấp xã và tương đương thường tổ chức thành các phán đội chiến đấu và phân đội phục vụ với quy mô thích hợp; gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.

        DÂN QUÂN DU KÍCH IASAO (h. Chư Păh, t. Gia Lai), một trong những đơn vị dân quân lá cờ đầu của phong trào chiến tranh nhân dân ở Tây Nguyên; đơn vị Ah LLVTND (2.1970). Được tổ chức trong giai đoạn 1954-75, có nhiệm vụ: trực tiếp chiến đấu báo vệ làng xóm, ấp, giữ vững thế đấu tranh  hợp pháp với địch. 1966-67 đánh 60 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 184 địch, bắn cháy 4 xe M113, bắn rơi 4 máy bay, phá 5 ấp chiến lược, giải phóng 1.000 dân. 1969 đánh 154 trận, diệt 486 địch (50% là Mĩ), phá hủy 52 xe QS, 1 kho đạn, 34 nhà lính, 1 kho xăng, 19 lô cốt, bắn rơi 19 máy bay. DQDKI đã vận động nhân dân làm hàng vạn bàn chông bố trí ở các nơi hiểm yếu trong xã, làm cho quân địch khiếp sợ. Huân chương: 6 Chiến công và một cá nhân Ah LLVTND (Rơ Chãmớt dân tộc Giarai, xã đội trưởng).

        DÂN QUÂN DU KÍCH XÃ CÁT HANH (h. Phù Cát, t. Bình Định), đơn vị Ah LLVTND (1970). Gồm: 1 trung đội du kích xã (33 người), 10 tiểu đội du kích thôn (54 người) và 17 du kích mật. Trang bị chủ yếu súng trường (thu được của địch) và các loại vũ khí tự tạo. Từ 1968 địch đưa về xã 8 đại đội Nam Triều Tiên, 4 trung đội dân vệ, 2 đoàn bình định. Du kích xã đã đánh địch bằng nhiều hình thức chiến thuật, đạt hiệu suất chiến đấu cao, như: hóa trang diệt chốt Cầu Chun trên QL 1 giữa ban ngày; đánh phá giao thông trên QL 1 và tỉnh lộ 6 đi Vân Canh; phá kìm, phá đồn, bám trụ chòng bình định... Từ 10.1968 đến 6.1969, đánh trên 100 trận, diệt 341 địch (trong đó một nửa là lính Nam Triều Tiên và Mĩ), diệt gọn 1 trung đội, 3 tiểu đội, làm tan rã một đoàn bình định 36 địch.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:05:34 am »


        DÂN QUẦN TỰ VỆ, LLVT quần chúng, một thành phần trong ha thứ quản của LLVTND VN, có chức năng vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu kết hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn trật tự xã hội, an ninh chính trị tại địa phương; là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc tại địa phương. Được tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh CM, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước. DQTV do cấp úy đảng, chính quyền địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, người chỉ huy QS ở địa phương trực tiếp chỉ huy. Hình thành từ các đội tự vệ (có từ 1930-31 trong cao trào CM ở Nghệ - Tĩnh). Từ 1940, lựa chọn những đội viên tự vệ ưu tú lập thành các tiểu tổ du kích cứu quốc (cg tự vệ chiến đấu) và các đội du kích. 19.2.1947, tự vệ và du kích gọi thống nhất là dân quân, gồm hai thành phần: DQTV và du kích địa phương (thông tư số 33/TL của BQP). Từ 7.4.1949 một bộ phận du kích địa phương chuyến thành bộ đội dịa phương (sắc lệnh số 103-SL của chủ tịch nước VN DCCH; DQTV, về pháp lí trở thành một trong ba thứ quân của LLVTND VN. Theo Pháp lệnh dân quân tự vệ (2004), dân quân được tổ chức ở xã, phường, thị trấn; tự vệ được tổ chức ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; gồm DQTV nòng cốt, DQTV rộng rãi; thường là trung đội. đại đội (có nơi tổ chức tiểu đoàn...); có lực lượng chiến đấu và lực lượng phục vụ chiến đấu; được trang bị vũ khí thích hợp (vũ khí tự tạo, súng bộ binh, súng cối, ĐKZ, súng máy phòng không, pháo mặt đất, pháo phòng không, pháo bờ biển...). DQTV có phủ hiệu riêng, được hưởng chế độ chính sách do nhà nước quy định, được xây dựng và hoạt động theo Pháp lệnh dân quân tự vệ, Điều lệ DQTV (ban hành theo nghị định số 29-HĐBT 29.1.1990 của HĐBT). Ngày truyền thống 28.3.1935 (ngày đại hội ĐCS Đông Dương lần thứ nhất ra nghị quyết tổ chức “Công nông tự vệ đội”).

        DÂN TỘC, cộng đồng người ổn định hình thành trong lịch sử tạo lập một quốc gia, trên cơ sở cộng đồng bền vững về: lãnh thổ quốc gia, kinh tế, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa. đặc điểm tâm lí, ý thức về DT và tên gọi của DT. DT hiểu theo nghĩa quốc gia DT xuất hiện khi các quan hệ kinh tếTBCN được xác lập; trước đó là cộng đồng thị tộc, bộ lạc, bộ tộc. Tính cộng đồng DT là nhân tố thống nhất các giai cấp, các tộc người, các chủng tộc trong một DT, nhưng vẫn có sự khác biệt về giai cấp, tộc người và chủng tộc. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc cố kết cộng đồng DT, tạo thành sức mạnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

        DÂN VỆ ĐOÀN. LLVT ở thôn (ấp) xã của chính quyền Sài Gòn dùng để đàn áp phong trào cách mạng; phối hợp tác chiến với các lực lượng khác trên địa bàn; thu thập tin tức và phá hoại cơ sở CM ở địa phương. Hình thành 28.8.1955 tại Sài Gòn; chính thức thành lập 4.4.1956. Có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở, trực thuộc Bộ nội vụ. Đến 1961 DVD đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Nha tổng giám đốc bảo an và dân vệ trực thuộc BQP, quân số trên 80.000 người, tổ chức thành tiểu đội 11 người (mỗi xã, ấp có từ 1-2 tiểu đội), trung đội 38 người (liên xã có 1 trung đội) và đại đội 124 người (mỗi quận có 1 đại đội). Đến 12.5.1964 đổi thành nghĩa quân** và trở thành một bộ phận của Quán lực Việt Nam cộng hòa.

        DẪN ĐƯỜNG, tổng thể các hoạt động nhằm hướng dẫn, điều khiển và theo dõi chuyển động của các phương tiện cơ động theo không gian và thời gian. Khái niệm DĐ ban đầu được dùng trong kĩ thuật hàng hải, sau mở rộng sang các ngành hàng không (DĐ hàng không), du hành vũ trụ (DĐ vũ trụ) và cả trong việc điều khiển các phương tiện chiến đấu cơ động mặt đất (xe tăng, thiết giáp...). Những nội dung cơ bản của DĐ: xác lập và điều chỉnh lộ trình (quỹ đạo) và lịch trình chuyển động nhằm bảo đảm (với những yêu cầu khác nhau tuỳ theo đối tượng điều khiển) đưa đối tượng đến điểm chỉ định đúng thời gian cần thiết, an toàn, tiết kiệm hoặc theo yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ nhất định; xác định hướng, tọa độ và các tham số chuyển động của đối tượng... DĐ sử dụng các phương pháp và phương tiện địa vật lí (DĐ quán tính, địa từ...), thiên văn (DĐ thiên văn), kĩ thuật vô tuyến điện (DĐ vô tuyến điện)... Trong tác chiến mặt đất. các phương pháp và phương tiện (thiết bị) DĐ được sử dụng rộng rãi để giải quyết những nhiệm vụ trinh sát, chỉ huy hỏa lực... Quá trình DĐ có thể được thực hiện tự chủ, nhờ thiết bị đặt trên đối tượng chuyển động, hoặc thông qua việc trao đổi thòng tin giữa thiết bị DĐ trên đối tượng với thiết bị bên ngoài (xt phương tiện dẫn đường). Cg đạo hàng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:06:30 am »


        DẪN ĐƯỜNG BAY, dẫn đường bằng cách xác định liên tục vị trí máy bay theo hướng bay, tốc độ, độ cao, tọa độ quy định để dẫn máy bay cất cánh, hạ cánh, bay theo đường bay đến các địa điểm, khu vực, mục tiêu, đến các sân bay, bãi hạ cánh thực hiện các nhiệm vụ được giao. DĐB do người dẫn đường trên máy bay và tại các SCH, đài, trạm dẫn đường ở mặt đất trực tiếp đảm nhiệm. Theo phương tiện, DĐB có các loại: bằng mắt (theo địa tiêu) và bằng các thiết bị kĩ thuật chuyên dùng (khí tài).

        DẪN ĐƯỜNG QUÁN TÍNH, phương pháp dẫn đường dựa trên cơ sở tích phân kép liên tục vectơ gia tốc chuyển động của khí cụ bay theo thời gian. Sử dụng thiết bị đo gia tốc (thường là kiểu con quay) xác định gia tốc khí cụ bay, nhờ thiết bị tính toán tìm tốc độ và quãng đường đã bay qua, xác định được khoảng cách mà khí cụ cần bay tiếp đến mục tiêu. Việc so sánh các tọa độ tức thời và đã định trong chương trình bay cho phép tạo ra các lệnh điều khiển cần thiết cho khí cụ bay. Có độ chính xác và tính độc lập cao, không phát năng lượng ra ngoài nên giữ được bí mật. Nhưng sai số của DĐQT tích luỹ theo thời gian (càng bay lâu sai số sẽ càng lớn) nên thường sử dụng kết họp với một số hệ thống bổ trợ (vd: TERCOM, SMAC...) nhằm khử sai số và hiệu chỉnh đường bay chính xác đến mục tiêu. Được áp dụng rộng rãi trong hệ thống điều khiển của nhiều loại tên lửa tầm trung và tầm xa.

        DẪN ĐƯỜNG THIÊN VĂN, phương pháp dẫn đường dựa trên cơ sở quy luật chuyển động của các thiên thể đã biết, ít thay đổi theo thời gian để xác định vị trí của khí cụ bay bằng cách đo góc giữa các đường thẳng nối khí cụ bay với các thiên thể đó (Mặt Trời, các hành tinh và vệ tinh của chúng...) hoặc góc giữa các đường thẳng này với hướng tới các ngôi sao “cố định” đã biết. Sử dụng máy định hướng thiên văn thực hiện việc bám sát tự động các thiên thể đã chọn, giữ đúng hướng bay đến mục tiêu. Có độ chính xác cao, không phụ thuộc vào thời gian và cự li bay. Nhược điểm: chỉ hoạt động dược trong điều kiện thời tiết tốt (nhìn rõ được các vì sao), thiết bị máy móc phức tạp và phải bám sát vào nhiều thiên thể mới bảo đảm chính xác. DĐTV ít thông dụng trong lĩnh vực KTQS, chủ yếu dùng cho các khi cụ bay vũ trụ.

        DẪN ĐƯỜNG TRÊN BIỂN CỦA HẢI QUÂN, dẫn đường tàu thuyền cơ động trên biển và máy bay bay trong vùng trời trên biển. Thực hiện bằng cách thiết lập hệ thống vật chuẩn và dấu hiệu chỉ dẫn đê tàu thuyền và máy bay có thể tự xác định chính xác vị trí của mình, lựa chọn đường đi (bay) và tốc độ có lợi nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Hệ thống vật chuẩn và dấu hiệu chỉ dẫn có thể là lâu dài hoặc tạm thời, công khai hoặc bí mật, chủ động (phát sóng vô tuyến, âm thanh, ánh sáng...) hoặc không chủ động. Khi cần, còn tổ chức các trạm dẫn đường đặt trên bờ đảo (hoặc tàu. máy bay chuyên trách) cho các lực lượng hoạt động chiến đấu trên biển.

        DẪN ĐƯỜNG VÔ TUYẾN ĐIỆN, dán đường cho tàu hải quân hoặc khí cụ bay bằng các phương tiện và thiết bị vô tuyến điện. Các phương tiện và thiết bị vô tuyến điện đặt trên mặt đất và trên phương tiện mang (máy bay, tên lửa, tàu...) tạo thành hệ thống DĐVTĐ để xác định vị trí. hướng di chuyển của đối tượng so với những điểm chuẩn trên mặt đất (vd: cột mốc vô tuyến, đài rađa định hướng...) và các phần tử dẫn đường (góc hướng, tốc độ hành trình, độ cao, khoảng cách bay...). Các thiết bị kĩ thuật DĐVTĐ thường dùng là: đài rađa dẫn đường, máy đo xa và đo cao, la bàn, máy lục phân vô tuyến, máy đo tốc độ hành trình và độ đạt kiểu Đôple...

        DẪN TÊN LỬA, phương pháp điều khiển tên lửa bằng cách cung cấp những tham số chuyển động (góc phương vị, tốc độ, độ cao bay...) để đưa tên lửa tới diệt mục tiêu. Có các phương pháp: tự lập (ôtônôm), từ xa, tự dẫn và hỗn hợp. Khi sử dụng phương pháp DTL tự lập, tên lửa bay theo chương trình tính toán trước khi phóng và việc thực hiện chương trình được kiểm tra, hiệu chinh nhờ các thiết bị đặt ngay trên tên lửa; phương pháp dẫn này có thể thực hiện trên toàn bộ hoặc một phần quỹ đạo của tên lửa. Đối với DTL từ xa, vị trí tương đối của tên lửa và mục tiêu được xác định một cách liên tục và vị trí tên lửa phải thay đổi một cách thích ứng theo lệnh từ đài điều khiển tên lửa. Đối với phương pháp tự dẫn, việc xác định vị trí tương đối giữa tên lửa và mục tiêu, tạo lệnh và hiệu chỉnh quỹ đạo bay được thực hiện nhờ những thiết bị đặt ngay trên tên lửa (x. tên lửa tự dẫn). Trong nhiều trường hợp DTL được thực hiện theo cách kết hợp các phương pháp đã nêu trên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:07:39 am »


        DẦU BÔI TRƠN, chất lỏng chuyên dụng có tác dụng làm giảm ma sát gây tổn thất năng lượng và mài mòn giữa các bề mặt tiếp xúc trong máy móc, thiết bị; đồng thời có tác dụng thoát nhiệt và chống ăn mòn. Được chế biến từ dầu mỏ hoặc bằng phương pháp tổng hợp. Phần lớn DBT có các chất phụ gia với nhiều công dụng khác nhau (chống ôxi hóa, chống đông, chống hoạt hóa kim loại...). Các chi tiêu chất lượng chủ yếu của DBT là độ nhớt, nhiệt độ bốc cháy, nhiệt độ đông đặc, độ bền ôxi hóa...Theo công dụng, có: dầu động cơ (dùng cho động cơ máy bay, ô tô, xe chiến đấu, máy phát lực trong các tổ máy phát điện...); dầu truyền động; dầu công nghiệp và dầu chuyên dụng (dùng cho máy nén khí, tuabin, dụng cụ...). Theo độ nhớt, có: DBT độ nhớt thấp, DBT độ nhớt trung bình, DBT độ nhớt cao.

        DẦU ĐIÊZEN (nhiên liệu điêzen), hỗn hợp các hiđrôcacbon dùng làm nhiên liệu cho động cơ điêzen và động cơ tuabin khí. Thể lỏng, nhiệt độ sôi 180-360°C, tỉ trọng 790- 860kg/m3, độ nhớt động l,5-8,0mm2/s, nhiệt độ đông đặc - 10 đến -60°C. nhiệt độ bén lứa 38-110°C, hàm lượng tạp chất dưới 4%. Có hai nhóm DĐ: nhóm chưng cất trực tiếp từ dầu mỏ, độ nhớt thấp dùng cho động cơ điêzen cao tốc (trên 800vg/ph) và nhóm thu được từ quá trình crackinh các sản phẩm nặng của dầu mỏ, độ nhót cao dùng cho động cơ điêzen tốc độ thấp. Hai chi tiêu quan trọng nhất đánh giá chất lượng nhiên liệu điêzen là chỉ số xétan và hàm lượng lưu huỳnh (dưới 0.2%).

        DẨU HỎA, hỗn hợp các hiđrôcacbon nhẹ, chủ yếu C9 - Cl6 trong đó 23-60% là hiđrôcacbon no, 24-58% naphtalin, 6- 15% hiđrôcacbon thơm, dưới 1% hiđrôcacbon không no, thể lỏng, nhiệt độ sôi 200-300°C, tỉ trọng 790-850kg/m2, nhiệt độ bén lửa 4-62°C. Thường là sản phẩm chưng cất từ dầu mỏ hoặc chuyển hóa từ các phân đoạn dầu mỏ có nhiệt độ sôi cao hơn. Có nhiều loại: loại dùng cho động cơ máy bay; loại dùng trong công nghiệp và sinh hoạt (thắp sáng, cắt kim loại, làm dung môi hòa tan, tẩy rửa các chi tiết, nung thủy tinh và đồ sành sứ, sưởi ấm các tòa nhà, nhiên liệu cho động cơ máy kéo...).

        DẦU THỦY LỰC, chất lỏng được dùng để truyền lực trong máy móc và cơ cấu. Những đặc tính chủ yếu: bền vững với ôxi, trơ với các vật liệu của hệ thống thủy lực (hợp kim, thép, cao su, nhựa...), nhiệt độ đông đặc thấp và nhiệt độ bắt lửa cao. Các loại DTL phổ biến hiện nay là dầu phanh, dầu truyền động và dầu tổng hợp. Dầu phanh được dùng trong hệ thống phanh thủy lực của xe và máy móc; độ nhớt nhỏ, ít bị thay đổi theo nhiệt độ trong phạm vi rộng, nhiệt độ sôi cao và có tính năng bôi trơn. Dầu truyền động được dùng làm chất công tác (truyền lực) trong máy thủy lực, hệ thống điều khiển thủy lực và đồng thời là dầu bôi trơn các bộ phận truyền động. Dầu tổng hợp, ngoài thành phần gốc dầu mỏ, còn thêm một số thành phần khác như dung dịch rượu- glixêrin, hợp chất cao phân tử... nhằm tăng độ bền nhiệt, giảm sự bay hơi, hạ nhiệt độ đông đặc... DTL được sử dụng rộng rãi cho hệ thống thủy lực của trang bị QS như xe tăng, ô tô, máy kéo, máy bay, tên lửa, pháo, tàu chiến, rađa... Loại DTL được dùng phổ biến nhất trong cơ cấu hãm lùi - đẩy lên của pháo là dầu xanh ngọt.

        DẦU XANH NGỌT (Steol-M), dầu thủy lực, hỗn hợp của glixêrin, rượu êtilic và các chất phụ gia chống ăn mòn (natri hiđrôxit NaOH, kalicrômpic K2Cr2O7). Chất lỏng màu vàng xanh, có hệ số dãn nở nhỏ, nhiệt dung cao, tính chất hóa lí ổn định dưới tác động của ma sát và nhiệt; nhiệt độ sôi cao (90°C), nhiệt độ đông đặc thấp (dưới -57°C); khối lượng riêng 1,09-1,11 kg/1. Được dùng làm chất lỏng công tác trong cơ cấu hãm lùi-đẩy lên, cơ cấu cân bằng của pháo, một số cơ cấu thủy lực khác.

        DÂY ĐIỆN THOẠI DÃ CHIẾN (dây bọc), dây dẫn kim loại có vỏ bọc cách điện bền, chắc dùng để truyền dẫn tín hiệu thông tin liên lạc (chủ yếu là điện thoại). Có 2 loại: loại đơn có 1 lõi, loại kép có 2 lõi cách điện với nhau. Cấu tạo gồm 2 phần: lõi dẫn điện làm bằng các sợi dây kim loại (đồng và sắt) xoắn với nhau, vỏ bọc cách điện bằng nhựa PVC. DĐTDC thường được sử dụng rộng rãi trong QS để triển khai mạng liên lạc hữu tuyến điện trong nội bộ SCH các cấp và đến các đơn vị. Mỗi cuộn DĐTDC kép thường có chiều dài sản xuất 500m. Khối lượng dây 10-20kg/km.

        DÂY NỔ, phương tiện gây nổ dùng để truyền xung nổ từ kíp nổ tới các lượng nổ cách xa kíp để gây nổ. DN có dạng hình trụ, đường kính 5-6mm, gồm ba lớp lưới dệt bằng sợi bông (sợi lanh, giấy chống ẩm...), bên trong có lõi bằng thuốc nổ phá mạnh (pentrit, têtrin) dạng bột hoặc nén thành viên nhỏ. Vỏ ngoài cùng bằng chất dẻo (thường màu đỏ). Tốc độ truyền nổ của DN 6,5-9km/s. Ngoài ra DN còn dùng để phá hủy các kết cấu như cột điện, đường ray, nhịp cầu...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:09:14 am »


        DÉP CAO SU BÌNH TRỊ THIÊN, dép cao su có bốn quai rút, do bộ đội địa phương các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tự làm từ 1948 bằng săm, lốp ô tô hỏng. Sau đó được LLVT và nhân dân VN sử dụng rộng rãi trong KCCP và KCCM.



        DI CHUYỂN HẬU CẦN, đưa lực lượng hậu cần từ vị trí này sang vị trí khác trong quá trình tác chiến nhằm bảo đảm hậu cần được liên tục, kịp thời và an toàn cho lực lượng hậu cần. DCHC có thể tiến hành đồng thời hoặc lần lượt, theo lệnh của người chỉ huy; cơ quan hậu cần phải có kế hoạch di chuyển bí mật, an toàn, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao và phải báo cáo với cơ quan hậu cần cấp trên.

        DI CHUYỂN TỔNG TRẠM THÔNG TIN, chuyển tổng trạm thông tin theo sự di chuyển của SCH cấp mình hoặc khi khu vực triển khai tổng trạm thông tin bị địch đánh phá, uy hiếp (không thể khôi phục hoạt động hoặc không có khả năng bảo vệ). Trước khi DCTTTT, phải báo cáo và được cấp trên đồng ý; thông báo cho cấp dưới và các đơn vị có liên quan về thời gian DCTTTT, thời gian tổng trạm thông tin mới bắt đầu làm việc. Không để gián đoạn thông tin liên lạc trong quá trình di chuyển. DCTTTT có thể thực hiện: di chuyển tổng trạm thông tin một lần và di chuyển tổng trạm thông tin lần lượt.

        DI CHUYỂN TỔNG TRẠM THÔNG TIN LẦN LƯỢT, phương pháp di chuyển tổng trạm thông tin bằng cách sử dụng lực lượng dự bị và một bộ phận lực lượng ở tổng trạm thông tin dang khai thác để triển khai tổng trạm thông tin mới. Quá trình DCTTTTLL không để gián đoạn thông tin liên lạc với các đơn vị làm nhiệm vụ quan trọng; tổng trạm thông tin mới liên lạc được với đơn vị nào thì tổng hạm thông tin cũ cắt liên lạc với đơn vị đó. Khi tổng trạm thông tin mới bảo đảm liên lạc được với tất cả các đối tượng, phải di chuyển ngay bộ phận còn lại ở tổng trạm thông tin cũ đến vị trí triển khai tổng trạm thông tin mới để làm lực lượng dự bị. DCTTTTLL được áp dụng chủ yếu ở cấp chiến dịch và chiến lược.

        DI CHUYỂN TỔNG TRẠM THÔNG TIN MỘT LẨN, phương pháp di chuyên tổng trạm thông tin bằng cách cùng lúc đưa toàn bộ lực lượng thông tin ở tổng trạm thông tin cũ đến triền khai tổng trạm thông tin mới. Quá trình DCTTTTML. sử dụng thông tin vô tuyến điện là chủ yếu để bảo đảm thông tin liên lạc với các đối tượng làm nhiệm vụ quan trọng. DCTTTTML được áp dụng chủ yếu ở cấp chiến thuật.

        DI LĂNG, thành cổ thời Tam Quốc, nay thuộc tp Nghi Xương, t. Hồ Bắc, TQ. Nằm trên bờ bắc sông Giang Thúy (nay là Trường Giang, nơi sông Thanh Giang đổ vào Trường Giang). Năm 222tcn tại khu vực DL - Hào Đình (nay cũng thuộc tp Nghi Xuông) diễn ra trận Di Lâng (cg trận Hào Đình), trận phòng ngự chuyển sang phản công thắng lợi nổi tiếng của quân Ngô chống lại quân Thục có lực lượng đông gấp nhiều lần.

        DI SẢN QUÂN SỰ, bộ phận của di sản văn hóa có giá trị lịch sử và khoa học QS do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động QS; sự kết tinh những tri thức và kinh nghiệm hoạt động QS được lưu giữ và truyền bá từ thế hệ này qua thể hé khác. DSQS có thể tổn tại dưới hình thái vật thể hoặc phi vật thể do cá nhân hoặc cộng đồng sáng tạo ra trong một thời kì lịch sử nhất định. DSQS của dân tộc và nhân loại là một tài sản vô giá. việc kế thừa DSQS do lợi ích của giai cấp cầm quyền chi phối. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người VN luôn trân trọng giữ gìn và kế thừa DSQS quý giá của dân tộc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:10:21 am »


        DĨ DẬT ĐÃI LAO. lấy lực lượng tại chỗ, sung sức để đánh quân địch từ xa đến, mệt mỏi. Trong phép dạy quân đánh giặc của ông cha ta, có thời đã nêu DDĐL thành một nguyên tắc hành động trong tác chiến. Yêu cầu của nguyên tắc này là phái đến địa bàn tác chiến trước quân địch, chiếm được địa hình có lợi, chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh, đặt quân địch đến sau, ở vào thế không có lợi, không chuẩn bị hoặc thiếu chuẩn bị cho trận đánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “... Chúng nhiều là mấy vạn, mình mấy triệu đồng bào, chúng đường xa mỏi mệt, mình dĩ dật đãi lao...”.

        DĨ ĐOẢN CHẾ TRƯỜNG, dùng nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, dùng trang bị kém đánh đối phương có trang bị mạnh, phát huy mặt mạnh của ta, hạn chế mặt mạnh của địch để thắng địch... Là một tư tưởng chỉ đạo tác chiến nổi tiếng trong binh pháp Phương Đông, được vận dụng trong suốt lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc VN.

        DIA (vt từ A. Defence Intelligence Agency), cơ quan tình báo quốc phòng Mĩ. Có nhiệm vụ: cung cấp tin tình báo quân sự, quốc phòng cho tổng thống, bộ trưởng BQP, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, các cơ quan QĐ, các nhà hoạch định chính sách an ninh và QS của Mĩ; quản lí, phối hợp và giám sát các hoạt động tình báo của các quân chùng: lục quân (G2), hải quân (ONI), không quân (A2); dào tạo, quản lí hoạt động tình báo của hệ thống tùy viên quân sự Mĩ. Thành lập 10.1961, trực thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, từ 1976 trực thuộc BQP. Cơ cấu tổ chức gồm: Ban giám đốc, tổng thanh tra, cố vấn pháp luật, cục trưởng hành chính, Cục an ninh phản gián (DSC), Cục thu tin và các hoạt động hình ảnh (DCIA), Cục tình báo đối ngoại (DFI), Ban phụ trách các tùy viên QS (DAO), Ban chỉ đạo  tình báo của Bộ tham mưu phối hợp (DCSI); có hơn 5.000 nhân viên. Trụ sở tại Bonlinh (Oasinhtơn). Giám đốc đầu tiên (10.1961-9.1969)- trung tướng không quân Carôn (Joseph F. Caroll).

        DỊCH MÃ X. GIẢI MÃ TRUYỂN TIN

        DỊCH TỄ HỌC QUÂN SỰ, chuyên ngành của dịch tễ học và y học QS nghiên cứu những quy luật dịch tễ của các quá trình bệnh tật có trong QĐ. DTHQS sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản là điều tra mô tả, phân tích và thực nghiệm dịch tễ, nhằm phát hiện và làm rõ đặc điểm vẻ sự phát sinh, phát triển của các quá trình dịch bệnh dưới ảnh hưởng các yếu tố tự nhiên và xã hội theo đặc thù lao động QS, đề xuất các biện pháp phòng và chống các bệnh dịch lưu hành tự nhiên hoặc do vũ khí sinh học, bảo vệ sức khỏe và sức chiến đấu cho bộ đội.

        DỊCH VỤ QUÂN SỰ, tổng thể các hoạt động thực tiễn nhằm đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động, sinh hoạt đời sống và sẵn sàng chiến đấu của các LLVT; bao gồm các lĩnh vực bảo đảm về hậu cần, kĩ thuật như: doanh trại, quân nhu, quân trang, quân y, vận tải, cung cấp nguyên vật liệu, bảo đảm tài chính, bảo quản và sửa chữa vũ khí, trang bị kĩ thuật, các dịch vụ kho tàng... Hệ thống DVQS của mỗi quốc gia chịu sự chi phối trực tiếp của học thuyết QS, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế và thực lực QS. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, vai trò của DVQS ngày càng có ý nghĩa quyết định trong việc đáp ứng các yêu cẩu của nghệ thuật tác chiến, tốc độ và quy mô chiến tranh, trở thành bộ phận cấu thành trực tiếp của tác chiến. Ở VN, khái niệm DVQS không được sử dụng trong các hoạt động QS. Các nội dung tương ứng của DVQS được xác định cụ thể trong nhiệm vụ bảo đảm kĩ thuật và bảo đảm hậu cần.

        DIÊN HỒNG (cổ), cung điện trong thành Thăng Long, nơi vua Trần Nhân Tông triệu tập các bô lão đến (đầu 1285) để bàn nên đánh hay nên hòa với quân Nguyên - Mông do Thoát Hoan chỉ huy sang xâm lược nước ta. Tại DH các bô lão đều đồng thanh xin đánh, biểu thị ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước của toàn dân (x. hội nghị Diên Hồng, 1285).

        DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH, chiến lược cơ bản nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước hết là các nước XHCN từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi QS do CNĐQ và các thế lực phản động, đứng đầu là Mĩ tiến hành. Được hình thành từ những năm cuối thập kỉ 40, đầu thập ki 50 và hoàn chỉnh ở thập ki 80 của tk 20. Nội dung chính: sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh... kết hợp với răn đe QS để ngầm phá từ bên trong, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động các mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc, chủng tộc; truyền bá mô hình chính trị, kinh tế, tư tưởng và lối sống của CNTB; khuyến khích tư nhân hóa về kinh tế và da nguyên chính trị; triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn,, sai sót cửa nhà nước hiện hành, làm trầm trọng thêm quá trình khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên sức ép ngày càng lớn buộc lãnh đạo nhà nước phải tùng bước chuyển hóa, thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng đối lập, làm cho thể chế chính trị tiến bộ, CM bị thú tiêu. DBHB đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các nhà nước XHCN ở Đông Âu và LX. Ngày nay, CNĐQ và các thế lực phản động dang dẩy mạnh DBHB đối với các nước XHCN còn lại. DBHB do các thế lực thù địch tiến hành đã và đang là một trong bốn nguy cơ của CM VN.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:11:30 am »


        DIỄN TẬP, hình thức huấn luyện cao nhất cho người chỉ huy, cơ quan, đơn vị, các ngành về chuẩn bị và thực hành tác chiến, chuẩn bị và thực hành động viên, sử dụng trang bị, vũ khí, bảo đảm hoạt động tác chiến... sát với thực tế chiến đấu. Theo quy mô, có: DT chiến lược (chiến dịch - chiến lược), DT chiến dịch, DT chiến thuật; theo mục đích, có: DT huấn luyện, DT động viên, DT kiểm tra, DT mẫu, DT thực nghiệm, DT nghiên cứu; theo phương pháp tiến hành, có; DT một bên hoặc hai bên (còn gọi là DT đối kháng), DT một cấp hoặc nhiều cấp; theo thành phần tham gia, có: DT thực binh (có thể bán đạn thật, phóng tên lửa...), DT chỉ huy và cơ quan, DT cơ quan, DT ngành. DT được tiến hành trên bản đồ, sa bàn hoặc ở thực địa.

        DIỄN TẬP CHỈ HUY VÀ CƠ QUAN, diễn tập của người chỉ huy và cơ quan chỉ huy nhằm luyện tập cách giải quyết các vấn đề về chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu (chiến dịch) kiểm tra mức độ chính xác của các tính toán chiến thuật, chiến dịch. DTCHVCQ có thể tiến hành ở thực địa hoặc trong SCH (phòng học) bằng bản đồ (sa bàn). Theo mục đích, có diễn tập: theo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, chuyên môn, mẫu, thực nghiệm, nghiên cứu; theo quy mô, có diễn tập: chiến thuật, chiến dịch, chiến lược; theo số lượng các cấp tham gia, có diễn tập: một cấp, hai cấp và nhiều cấp; theo số bên tham gia, có diễn tập: một bên hoặc hai bên. DTCHVCQ do thủ trưởng trên một cấp chỉ đạo, khi chuẩn bị và tiến hành diễn tập phải thành lập ban chỉ đạo, đạo diễn để soạn thảo các văn kiện diễn tập.

        DIỄN TẬP CHIẾN DỊCH, diễn tập của tư lệnh, người chỉ huy, cơ quan chỉ huy và đơn vị về cách tiến hành chiến dịch trong các điều kiện thực tế địa hình và thời tiết... nhằm nâng cao trình độ về chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Trong quá trình DTCD người diễn tập sẽ thực hiện chức trách của mình trong những tình huống đặc trưng của loại chiến dịch, về quy mô, DTCD có: lớn, vừa, nhỏ và thường do quân khu, quân đoàn (tương đương) hoặc Bộ tổ chức. Có DTCD một bên và DTCD hai bên, có hoặc không có bắn chiến đấu. DTCD do thủ trường cấp trên chỉ đạo.

        DIỄN TẬP CHIẾN THUẬT, diễn tập của cấp phân đội, binh đội, binh đoàn, mang tính tổng hợp toàn diện, sát thực tế chiến đấu. Mục đích: nâng cao và hoàn thiện năng lực, bản lĩnh chiến đấu cho người chỉ huy, cơ quan và bộ đội về phương pháp chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu trong các điểu kiện thời tiết, liên tục ngày, đêm. DTCT có thể dược tiến hành theo kế hoạch huấn luyện chiến đấu, để kiểm tra, làm mẫu, hoặc thực nghiệm. Có DTCT một bên, DTCT hai bên có hoặc không có bắn chiến đấu. Khi DTCT có bắn chiến đấu phải do người chỉ huy trên hai cấp tổ chức và chỉ đạo.

        DIỄN TẬP ĐỘNG VIÊN, diễn tập của người chỉ huy và cơ quan, đơn vị dự bị động viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan ở các cấp trong và ngoài QĐ về chuẩn bị và thực hành động viên. DTĐV có các hình thức: diễn tập chỉ huy tham mưu về động viên, diễn tập có huy động nguồn động viên và từng đơn vị dự bị động viên. Tùy tình hình thực tế DTĐV có thể được tiến hành độc lập hoặc gắn với diễn tập chiến thuật, chiến dịch... theo quy định của BQP. Sau diễn tập phải đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm kịp thời.

        DIÊN TẬP HAI BÊN, diễn tập mà lực lượng tham gia được tổ chức thành hai bên đối địch, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao cho ở cùng một thời gian và khu vực tác chiến. Đặc trưng của DTHB: phải tổ chức hệ thống dạo diễn cả hai bên để điều hành, biểu thị, thông báo tình huống và bình xét; thường áp dụng phương pháp “đạo theo diễn” (cung cấp tình hình bên này cho bên kia...); phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của lực lượng diễn tập. DTHB có thể vận dụng hình thức diễn tập thực binh hoặc diễn tập chỉ huy và cơ quan. Hai bên diễn tập thường được đặt tên theo quy ước.

        DIỄN TẬP HIỆP ĐỒNG TÁC CHIẾN, diễn tập của bộ đội các quân chủng, binh chủng dưới sự dẫn dắt theo một tưởng định (kế hoạch) chung nhằm thống nhất chỉ huy, hành động và trình độ hiệp đồng tác chiến của bộ binh, tăng thiết giáp và các binh chủng, quân chủng, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, tạo sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, chiến dịch hay chiến lược. DTHĐTC có nhiều quân chủng, binh chủng, bộ đội chuyên môn, kĩ thuật và LLVT địa phương tham gia nên quy mô tương đối lớn. công tác tổ chức, chuẩn bị phức tạp. Thường được tiến hành trên cơ sở luyện riêng bộ đội từng quân chủng, binh chủng... do cấp trên tổ chức thực hiện. Trọng điểm là huấn luyện nguyên tắc hiệp đồng tác chiến, quan hệ chỉ huy của các quân chủng, binh chủng, LLVT địa phương; phương pháp chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy, hiệp đồng và bảo đảm hậu cần, kĩ thuật.
Logged

Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM