Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:14:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xta-lin-grát trận đánh của thế kỷ  (Đọc 13577 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:56:19 pm »


        Ngay sau đó, một sĩ quan phòng tác chiến của tập đoàn quân 62 là đại úy A. Sê-mi-cốp, sau này trở thành Anh hùng Liên Xô, đã đến đón chúng tôi trong thảo nguyên và dùng ô tô đưa tôi ra khỏi khu vực nguy hiểm.

        ... Thời gian này đang diễn ra những trận đánh quyết liệt bên sườn phải của tập đoàn quân 62 với cụm quân Bắc  của dịch, là cụm quân mạnh nhất, và đến hết ngày 22 tháng bảy chúng đã tiến tới dải phòng ngự chủ yếu của tập đoàn quân 62.

        Mặc dù các đơn vị phía trước của tập đoàn quân 62 đã chiến đấu rất kiên cường và làm cho địch bị tổn thất, song chúng vẫn tiến quân được lên phía trước. Các đơn vị của ta buộc phải rời bỏ trận địa chính của mình, và rút lui trên chặng đường rất trống trải ngoài thảo nguyên, lại bị quân địch có ưu thế hơn chế áp, nên đã bị thiệt hại nhiều. Các đơn vị tiền vệ của tập đoàn quân 64 là các sư đoàn bộ binh, 229 và 214 cùng lữ đoàn lính thủy đánh bộ 154, ngày 23 tháng bảy mới đến được tới sông Xim-la —  Toóc-mô-xin, nhưng cũng đã bị địch đánh vu hồi vào hai bên sườn ngay trong ngày hôm ấy và đã lâm vào tình thế nặng nề. Quân đoàn 51 của bọn Hít-le đang ra sức chế áp các đơn vị trên.

        Trước khi chuyển sang trình bày diễn biến chiến sự ở chỗ khúc ngoặt rộng của sông Đông, tôi muốn nói mấy lời về công tác đảng — công tác chính trị trong các tập đoàn quân 62 và 64.

        Các cơ quan chính trị và tổ chức đảng của tập đoàn quân 64 phải hoạt động trên các đoàn tàu và các đơn vị đang hành quân riêng lẻ lên các tuyến phòng ngự, nên rất bị phân tán.

        Ở tập đoàn quân 62 tình hình có khá hơn. Khi nhận được lệnh của Đại bản doanh lập tuyến phòng ngự ở cho khúc ngoặt rộng của sông Đông, Hội đồng quân sự của tập đoàn quân 62, dưới sự chi đạo của ủy viên Hội đồng quah sự Gu-rốp và chính ủy lữ đoàn Vát-xi-li-ép đã có các cán bộ đảng đến tại chỗ để bảo đảm cho các đơn vị tới các dải phòng ngự được nhanh chóng và có tổ chức, và làm cho các dải này trở thành những vị trí địch không thể  đánh chiếm được.

        Các sĩ quan tham mưu và chính trị của tập đoàn quân được phái đến các binh đội và binh đoàn trong tập đoàn quân để tổ chức công tác đảng — công tác chính trị, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chiến đấu của các binh đội và phân đội.

        Hội đồng quân sự của tập đoàn quân đã chú trọng đặc biệt đến việc tăng cường củng cố các tổ chức đảng, đoàn ở các đại đội, khẩu đội. Đến ngày 20 tháng bảy 1942, các đơn vị của tập đoàn quân đã có 3.255 đảng viên chính thức. 1.744 đảng viên dự bị. 16.425 đoàn viên thanh niên cộng sản, chiếm hơn 25 phần trăm quân số toàn tập đoàn quân.

        Quá trình các binh đội và binh đoàn trong tập đoàn quân 64 ra mặt trận, công tác đảng — công tác chính trị cũng đã được tổ chức tốt. Các sĩ quan đảng viên trong cơ quan tham mưu, các cán bộ trong cơ quan chính trị đã giành phần lớn thời gian công tác của mình ở ngoài tiền duyên phòng ngự, bên bờ tây sông Đông. Họ đón các binh đội và binh đoàn đang tiếp cận tới, dẫn vào các khu vực phòng ngự, vừa làm công tác giáo dục, vừa làm công tác chuẩn bị phòng ngự vững chắc.

        Cũng vào sáng ngày 23 tháng bảy, quân địch đã dùng lực lượng ưu thế hơn tiến công vào các khu vực bị dàn mỏng, kéo dài trên một chỉnh diện rộng và tổ chức phòng thủ yếu nhất của các tập đoàn quân 62 và 64. Tỉnh hình các đơn vị của chúng ta còn trở nên phức tạp hơn bởi các sư đoàn bộ binh Cận vệ 192 và 33 lại ở trong tình thế không có thê đội hai và đội dự bị xe tăng, vì đã phải đưa đi tổ chức các tiểu đoàn phía trước. Ngoài ra, trong khu vực phòng ngự còn có những khoảng trống lớn giữa các trung tâm đề kháng của các tiểu đoàn.

        Ngày 24 tháng bảy, sườn phải của tập đoàn quân 62 trên chính diện Clét-xcai-a, Ép-xtơ-ra-tốp-xki, Can-mư- cíp bị chọc thủng. Địch tung thêm những lực lượng mới và phát triển tiến công vào Ma-nôi-lin, May-ô-rốp-xki và vượt qua Pla-tô-nốp tới Véc-khơ-ne Bu-di-nốp-ca. Cuối ngày 24, các binh đội phía trước của các sư đoàn cơ giới 3 và 60 của địch đã tiến tới sông Đông trong khu vực Gô-lu-bin-xcai-a và khu vực Xcơ-vô-rin. Trước tình hình đó, tư lệnh tập đoàn quân 62, V.Côn-pắc-chi quyết định dùng lực lượng của quân đoàn xe tăng 13 và các binh đội của sư đoàn xe tăng Cận vệ 33 phản công để khôi phục lại tình thế trong khu vực phòng ngự của sư đoàn bộ binh Cận vệ 33, sau đó khôi phục lại tinh hình trên cả sườn phải của tập đoàn quân. Cuộc phản công ấn định vào l0 giờ sáng. Như vậy, chỉ còn có năm tiếng đồng hồ để chuẩn bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:56:40 pm »


        Đây là một cố gắng anh dũng nhằm chặn quân địch chiếm ưu thế về lực lượng hơn ta gấp nhiều lần. Báo chí của tập đoàn quân đã rất kịp thời nắm bắt và phổ biến các gương dũng cảm và anh hùng của chiến sĩ. Báo cáo chính trị và các thông báo về sự anh hùng của binh sĩ và sĩ quan theo các đường thông tin đã truyền tới mọi chiến sĩ, giải thích cho họ là quân đội phát xít đã bị thiệt hại lớn, ta có thể tiêu diệt được quân xâm lăng, và muốn vậy cần phải kiên quyết và có mưu trí.

        Vinh quang về chiến công của bốn chiến sĩ chống tăng: Pi-ốt Bô-lô-tô, Gri-gô-ri Sa-môi-lốp, A-lếch-xăng Bê- li-cốp và I-van A-lây-ni-cốp lan đi khắp mặt trận. Bốn chiến sĩ anh hùng này chốt giữ trên một ngọn đồi cao phía nam Clét-xcai-a, đã đào công sự vững chắc tại đó. Họ đang trò chuyện vui vẻ thì thấy một đám mây bụi xuất hiện. Họ đếm xem có bao nhiêu chiếc xe tăng đang tiến đến chỗ họ. «Ba mươi! Bê li-cốp đếm. Chia cho mỗi cậu bảy chiếc, còn thừa hai chiếc dành cho cả tổ ».

        Các xe tăng dàn đội hình tiến công. Chiếc xe tăng hạng nặng « Ranh-mê-tan » đi đầu hai bên có hai chiếc T - 3 đi kèm. Theo sau là các xe tăng hạng nhẹ T - 2 Lính xe tăng mặc áo liền quần màu đen, chắc là chúng chưa phát hiện ra các chiến sĩ của ta nên đứng thẳng người trong xe, nắp mở rộng. Pi-ốt Bô-íô-tô nhìn thay rõ hình chữ thập ngoặc trắng. Chỉnh lại đường ngắm của súng chống tăng, anh bấm cò. Chiếc xe tăng «Ranh-mê-tan» bốc khói, chạy chậm lại và cuối cùng dừng hẳn Nắp tháp bật mở và bọn lính nhảy ra khỏi xe. A-lếch-xăng Bê-li-cốp bắn tiếp vào một chiếc xe tăng hạng nhẹ T - 2 và xe bị bốc cháy ngay, chắc là đạn trúng bình xăng. Mấy giây sau, Bô-lô-tô và Bê-li-cốp ngắm rất trúng, lại bắn được hai chiếc xe tăng T - 3. Họ cũng chẳng dếm xem đã bắn bao nhiêu phát, nhưng hai chiếc xe tăng đều đứng khựng lại và bốc cháy. Cuộc chiến đấu cứ thế tiếp diễn đến tận chiều, cho đến khi bọn phát xít ngừng tiến công và quay đầu chạy. Mười lăm xe tăng của chúng đã bốc cháy ở xung quanh đồi. Bốn chiến sĩ anh hùng của ta đã kết thúc trận chiến dấu đầu tiên của họ như thế đấy. Nhưng, chiến công anh hùng đó chưa phải là chiến công đầu và cũng chưa phải là chiến công cuối.

        Thời gian đó, các đơn vị của tập đoàn quân 64 mặc dù đã chiếm lĩnh được tuyến phòng ngự do bộ tham mưu phương diện quân quy định, nhưng các đơn vị cũng chưa đến được đầy đủ. Chỉ có sư đoàn bộ binh 214 dưới quyền chỉ huy của tướng Bi-ri-u-cốp và lữ đoàn lính thủy đánh bộ của đại tá Xmiếc-nốp ở trong tình trạng có đôi chút khá hơn. Các đơn vị đã tập trung đầy đủ và có được gần ba ngày để tổ chức phòng ngự. Còn sư đoàn bộ binh 229 vẫn tiếp tục hành quân đến tuyến phòng ngự.

        Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66 và lữ đoàn xe tăng 137 hành quân theo lệnh của phương diện quân từ Xu-vô- i-ốp-xcai-a tiến về Xim-li-an-xcai-a; theo dự kiến của tôi, có nguy cơ bị quân địch đánh bọc sườn.

        Khi biết được địch đã chuyển sang tiến công vào chính diện của tập đoàn quân 62 và vào các trận địa của các đơn vị phía trước của tập đoàn quân 64, tôi đã đề nghị khẩn cấp với tư lệnh phương diện quân cho các lữ đoàn đó trở lại vị trí cũ, đồng chí Goóc-dốp chấp thuận đề nghị của tôi, và 17 giờ ngày 24 tháng bảy, các lữ đoàn đó quay trở về Nô-giơ-ne Triếc-xcai-a.

        Tôi cũng quyết định chuyển sư đoàn bộ binh 112 sang hữu ngạn sông Đông và lập tuyến phòng ngự ở hạ lưu sông Tria-rơ, chỗ tiếp giáp giữa hai tập đoàn quân 62 và 64. Tư lệnh phương diện quân đồng ý ngay.

        Cuộc phản công tổ chức ngày 24 tháng bảy theo lệnh của tướng Côn-pác-chi, tư lệnh tập đoàn quân 62, với lực lượng của quân đoàn xe tăng 13 (khoảng 150 xe tăng), một trung đoàn bộ binh Cận vệ và một tiểu đoàn xe tăng, được ba trung đoàn pháo bắn chi viện, nhưng không đạt được kết quả. Nguyên nhân đánh không thắng là do quân đoàn xe tăng 13 mới thành lập, chưa được huấn luyện chiến đấu tốt, chưa có thời gian tổ chức hiệp đồng với các đơn vị khác và với không quân.

        Đồng thời, ngày 24 tháng bảy kẻ dịch đã lợi dụng ưu thế của chúng về không quân và xe tăng, tiếp tục phát triển tiến công. Sư đoàn xe tăng 16 và sư đoàn bộ binh 113 của địch đã chọc thủng được tuyến phòng ngự ở khu vực Ka-cha-lin-xcai-a và tiến ra sông Li-xca.

        Đến cuối ngày, các sư đoàn cơ giới 3 và 60 của địch đã tiêu diệt được các ban tham mưu của các sư đoàn bộ binh 184 và 192 ở khu vực Véc-khơ-ne — Bu-di-nốp-ca. Quân địch thọc được vào khu vực Gô-lu-bin-xcôi-ê và Ma-lô-na-bát-tốp-xki, đã tạo nên mối nguy cơ hợp vây các binh đội bên sườn phải của tập đoàn quân 62,
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:57:03 pm »


        Sáng 25 tháng bày, tướng Côn-pác-chi, tư lệnh tập đoàn quân 62 quyết định mở cuộc phản kích mới vào các đơn vị quân địch đã thọc được vào phía sau tập đoàn quân. Để thực hiện ý định này, ngoài quân đoàn xe tăng 13 và các binh đội của sư đoàn bộ binh Cận vệ 33, đồng chí đã sử dụng cả sư đoàn bộ binh 196 và tiểu đoàn xe tăng 649. Theo quyết định trên, sư đoàn 196 ban đêm phải rời khu vực phòng ngự, hành quân bộ khoảng 75 ki-lô-mét và đến 6 giờ sáng ngày 26 tháng bảy phải tiến công theo hướng Xcơ-vô-rin, Xu-kha-nốp- xki, Véc-khơ-ne — Bơ-di-nốp-ca. Sư đoàn đã hành quân suốt ngày 25, nhưng đến cuối ngày 26, các đơn vị phía trước cũng chỉ mới tới được khu vực Xcơ-vô-rin, còn lực lượng chủ yếu của sư đoàn mãi đến ngày 27 tháng bảy mới tới được vị trí xuất phát tiến công.

        Cuối ngày 25 tháng bảy, sư đoàn cơ giới 60 và sư đoàn xe tăng 16 của địch đã liên lạc được với nhau ở khu vực Xu-kha-nốp-xki. Do đó, các sư đoàn bộ binh 104 và 192, các trung đoàn bộ binh 84 và 88 của sư đoàn bộ binh Cận vệ 33, lữ đoàn xe tăng 40, tiểu đoàn xe tăng 644 và ba trung đoàn pháo tăng cường bị lâm vào tình thế bị bao vây.

        Đại tá Giu-ra-vlép, trưởng phòng tác chiến và một nhóm sĩ quan được thả dù xuống khu vực bị bao vây để chỉ huy các đơn vị đang bị kẹt trong thế bị vây hãm đó. Các đồng chí đã tổ chức phòng ngự vòng tròn trên tuyến Pla-tô-nốp, Ép-xto-ra-lốp-xki, Can-mư-cốp, May- ô-rôp-xki.

        Các đơn vị của tập đoàn quân 62 phải chiến đấu ác liệt suổt ngày 26 tháng bảy với quân địch đã thọc sâu ở bên sườn phải.

        Thời gian này, bộ tham mưu phương diện quân đã tập trung được nhiều lực lượng. Lực lượng dự bị của đại bản doanh Bộ Tồng lư lệnh tối cao đã tới. Đã thành lập ra tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 gồm bốn quân đoàn xe tăng, có chừng 600 chiếc; các sư đoàn bộ binh 126, 204, 205, 321, 339, 422 và nhiều binh đoàn, binh đội tăng cường cũng đang được điều động đến.

        Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao và đích thân đồng chí Xta-lin đòi hỏi không những phải chặn đứng cuộc tiến công của địch mà còn phái hất được chúng sang bên kia sông Tria-rơ.

        Ngày 25 tháng bảy, tôi dự trận thử lửa đầu tiên.

        Địch sử dụng lực lượng hai sư đoàn bộ binh và một sư đoàn xe tăng đột kích chủ yếu vào sư đoàn 229 giữ sườn bên phải của chúng tôi, trên một tuyến phòng ngự dài 15 ki-lô-mét theo chính diện, và sư đoàn lại chỉ có năm tiểu đoàn, còn bốn tiểu đoàn khác đang trên đường hành quân. Trong đội hình chiến đấu của sư đoàn có lữ đoàn xe tăng 121 với năm xe tăng hạng nặng, chín T-34 và 20 T-60 đang đóng giữ ở sâu bên trong.

        Trận đánh bắt đầu từ sáng sớm.

        Thoạt tiên địch cho một sư đoàn bộ binh có xe tăng yểm trợ tiến công vào trung đoàn 783, ở giữa sư đoàn bộ binh 229. Mặc dù kẻ địch hơn hẳn về số lượng, các tiểu đoàn của ta vẫn ngoan cường đẩy lui các cuộc tiến công của bộ binh và xe tăng địch. Chín xe tăng địch bị phá hủy, và có tới 600 tên lính Hít-le bỏ xác tại khu vực của trung đoàn 783. Xế trưa, một số địch lọt được vào khu vực phòng ngự của ta. Các toán lính tiểu liên của chúng đánh vào sở chỉ huy của sư đoàn. Sư đoàn trưởng buộc phải di chuyển ngay, nên mất liên lạc với trung đoàn bộ binh 783 và tiểu đoàn 2 của trung đoàn bộ binh 804. Một sĩ quan tham mưu được cử đi trên xe tăng đến chỗ các đơn vị đang chiến đấu, nhưng không thấy trở lại, chắc là đã hy sinh. Ngày chiến đấu đầu tiên của tôi, ngày 25 tháng bảy đã kết thúc như vậy đó. Chúng tôi không có gì để bổ sung cho sư đoàn 229, vì tất cả dự trữ đều ở phía đông sông Đông.

        5 giờ sáng ngày 26 tháng bảy, sau khi cho pháo và máy bay bắn chuẩn bị, quân địch lại tung bộ binh và xe tăng vào cuộc tiến công mới. Từ trên đài quan sát đặt cách tây bắc Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a mười ki-lô-mét, tôi đếm được 80 xe tăng Đức đang tiến lên dưới sự chi viện của pháo và súng cối. Những nỗ lực chủ yếu của chúng nhằm vào khu vực phòng ngự của trung đoàn bộ binh 783.

        Tôi thấy rõ các xe tăng địch được không quân yểm trợ đang tiến sâu vào trận địa ta. Một toán xe tăng Đức vấp phải các xe tăng hạng nặng KV của ta. Cuộc đấu xe tăng nổ ra. Các xe tăng hạng nặng của ta chịu đựng được cuộc tiến công của dịch, nhưng ngược lại các xe tăng hạng nhẹ T-60 bị thiệt hại và phải chạy tản xuống các khe.

        Ít lâu sau, trung đoàn trưởng trung đoàn 783 bị hy sinh, chính ủy trung đoàn bị thương và trung đoàn phải rút lui về phía đông.

        Để cố cản cuộc tiến công của địch, sư đoàn trường tung hai tiểu đoàn của trung đoàn 804 vừa mới tới vào trận, nhưng đã muộn. Các tiểu đoàn này bị hỏa lực xe tăng địch bắn rát phải nằm rạp xuống đất, rồi mấy tiếng đồng hồ sau bị bộ binh và xe tăng địch đến bao vây. Các đơn vị chưa kịp đào công sự, nên không chịu nổi sự đột kích của địch và phải rút về thôn Xa-vin-xki trên hữu ngạn sông Tria-rơ để bảo vệ sườn của tập đoàn quân 62.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:57:21 pm »


        Những loạt đạn cối của quân Cận vệ bắn vào các chỗ tập trung quan Đức và các loạt đạn pháo tầm xa của sư đoàn 214 đã gây cho địch nhiều thiệt hại, nhưng quân Đức vẫn lao lên phía trước. Đến trưa, địch tung thêm vào trận hỗn chiến hai binh đoàn xe tăng. Một binh đoàn có chừng 40 xe tăng đuổi theo truy kích các tiểu đoàn của chúng ta đang rút về bờ sông Tria-rơ, còn binh đoàn kia tiến về Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a.

        Đến xế trưa thì tuyến phòng ngự của chúng tôi, ở khu vực của sư đoàn bộ binh 229 bên cánh phải, đã bị chọc thủng. Quân địch vọt tới sông Tria-rơ, đánh vào nơi tiếp giáp của hai tập đoàn quân 62 và 64. Tập đoàn quân của chúng tôi không có lực lượng dự bị ở bờ tây sông Đông. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66 và một phần lực lượng của lữ đoàn xe tăng 137, mới đi tới Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a, được lệnh quay lại Xim-li-an-xcai-n. Mệt mỏi trước các cuộc chuyển quân vô ích, anh em lính thủy đánh bộ bước đi chậm chạp và xe tăng cạn dần số nhiên liệu dự trữ. Để bẻ gãy mũi thọc sâu của địch và nhất là để bảo đảm chỗ tiếp giáp giữa hai tập đoàn quan 62 và 64, tôi quyết định cho sư đoàn bộ binh 112 đang còn nghỉ ngơi sau một chặng đường hành quân đêm, cùng với 10 xe tăng KV của lữ đoàn xe tăng 137 khẩn trương vượt qua sông Đông bằng cầu xe hỏa. Nhiệm vụ của các đơn vị này là chiếm lĩnh tuyến phòng ngự từ Xta-rô-mắc-xi-mốp-xki theo dọc sông Tria-rơ đến ngã ba sông và bám giữ trên các vị trí có lợi, nhanh chóng bảo đảm thật vững chẵc chỗ tiếp giáp giữa hai tập đoàn quân 64 và 62, không cho địch đột kích vào sườn và sau lưng tập đoàn quân 62.

        Cuộc điều quân này thực hiện được tốt. Chiều ngày 26 tháng bảy, sư đoàn bộ binh 112 vượt qua sông tiến đến đường xe lửa Rứt-cốp-xki — Xta-rô-mắc-xi-mốp-xki và liên lạc được với sư đoàn bộ binh 229, Chúng tôi cũng đưa được một phần lực lượng của lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66 cùng với một tiểu đoàn pháo binh lên phía tây-bắc Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a lập thành thê đội hai, đóng ở phía sau sư đoàn bộ binh 229, nhưng ngược lại các xe tăng hạng nhẹ của lữ đoàn xe tăng 137 không tới được Ni- gia-ne Triếc-xcai-a vì thiếu xăng, phải chở xăng từ bờ đông sông Đông đưa sang. Chúng tôi buộc phải điều các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của lữ đoàn 66 cùng với tiểu đoàn pháo tới bảo đảm chỗ tiếp giáp giũa các sư đoàn 214 và 229 thay thế cho xe tăng. Các đơn vị này bị máy bay, rồi xe tăng Đức tới tiến công ngay. Anh em lính thủy đánh bộ ẩn nấp trong các công sự đã đẩy lui được cuộc tiến công của địch.

        Khu vực hiểm nghèo nhất trong thời gian đó là hướng Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a. Nếu xe tăng địch tiến đến hướng này, chúng có thể đồng thời chiếm được cả các bến vượt sông Đông và sông Tria-rơ. Tập đoàn quân lại không có vũ khí chống tăng, còn các xe tăng hạng nhẹ của lữ đoàn xe tăng 137 vẫn không có xăng. Hy vọng cuối cùng chỉ còn trông chờ vào pháo do ngựa kéo của lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Ngựa thì đã gần kiệt sức, tuy vậy vẫn chuyển được pháo.

        Khoảng 14 giờ ngày 26 tháng bảy, đại úy Nô-vi-cốp chỉ huy tiểu đọàn pháo nhận được nhiệm vụ phải triển khai ở phía tây và tây-bắc Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a, ngăn không cho xe tăng địch qua sông Đông và sông Tria-rơ. Tiểu đoàn triển khai ngay ba đại đội pháo, bước vào chiến đấu trên một chính diện khoảng hai ki-lô-mét. Các khẩu đội trưởng (khẩu đội thứ nhất và thứ ba dưới quyền chỉ huy của hai anh em trung úy D. và B. Da-tơ-ri-ép, khẩu đội thứ hai, dưới quyền chỉ huy của trung úy Rôi- giơ-cốp) đặt pháo trên các trận địa bắn trống trải, chưa kịp làm công sự trước khi xe tăng địch, xuất hiện. Các pháo thủ hải quân tiếp nhận trận đánh một cách gan dạ phi thường. Khoảng 25 xe tăng địch dàn đội hình và nổ súng hỗn loạn khi tiến tới cách trận địa pháo ta khoảng 1,5 — 2 ki-lô-mét. Các pháo thủ ta vẫn im lặng bất động. Họ bình tĩnh chờ cho xe tăng đến gần, cách 400 — 600 mét mới nổ súng mãnh liệt vào chúng. Hai xe tăng quay ngang tại chỗ và bốc khói. Cuộc đấu pháo diễn ra giữa các xe tăng địch và các pháo thủ hải quân. Xe tăng địch vừa tiến vừa bắn, không kể gì đến thiệt hại. Chiếc nọ tiếp chiếc kia bốc cháy như những bó đuốc. Một màn khói và tro trải ra trên chiến địa. Nhưng trận đánh không cân sức. Bọn lính xe tăng Đức được vỏ thép dày che chở lại đang di động, còn các khẩu đội pháo của ta thì để lộ thiên. Nhưng không một ai dao động. Các chiến sĩ trinh sát và liên lạc thay thế ngay các đồng chí bi hy sinh hay bị thương. Các chiến sĩ trinh sát được lệnh chuẩn bị các lựu đạn chống tăng và các chai xăng đặc. Trận đánh kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Thần kinh của các pháo thủ ta vững hơn bọn lính xe tăng địch. Sau khi mất 12 xe tăng, chúng buộc phải tháo lui. Cho đến chiều tối, xe tăng và bộ binh dịch vẫn không tiến được tới gần Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a. Các pháo thủ và lính thủy đánh bộ của chúng ta đã chiến đấu rất kiên cường, làm cho địch tưởng là chúng bị vấp phải một tuyến phòng ngự được chuẩn bị chu đáo. Để dập tan sức kháng cự trong khu vực phòng ngự này, địch cho không quân giội bom vào các chiến sĩ lính thủy đánh bộ và các khẩu đội pháo của lữ đoàn 66. Từng đợt 20 đến 25 chiếc máy bay ném bom tới bắn phá các vị trí chiến đấu của ta và các bến vượt qua sông Đông, sông Tria-rơ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:57:42 pm »


        Tôi phải đặc biệt nói đến sự đóng góp dũng cảm của các pháo thủ của lữ đoàn 66. Các đồng chí đã đánh lui được cuộc tiến công của một cụm xe tăng mạnh của địch dự định tiến tới vùng Ni-giơ-ne Triếc-xtai-a và các bến vượt qua sông ở khu vực này. Nếu địch chiếm được Ni- giơ-ne Triếc-xcai-a trong ngày 26, chúng có thể cùng ngày vượt qua sông Tria-rơ và vòng phía nam đánh bọc sườn vào sau tập đoàn 62.

        Tưởng rằng chủng tôi dẫu sao cũng có thể chặn được địch và cản không cho chúng tiến tới sông Đông và sông Tria-rơ và bịt được lỗ thủng. Nhưng ở các tiểu đoàn quân y. các bãi để pháo và các đoàn tàu còn ở hữu ngạn sông Đông và sông Tria-rơ, có ai đó nói là xe lăng địch chi còn cách ta hai, bà ki-lô-mét. Thế là nhiều người đổ chạy ra các bến sông. Để ngăn người và xe cộ lại, tôi phái các sĩ quan tham mưu lúc đó đang ở bên tôi và thiếu tướng pháo binh I. Elơ-rút đến bến sông. Nhưng vô ích, không quân địch đã phát hiện thấy có đông người và xe cộ tập trung ở gần bến sông, nên bắt đầu ném bom, bắn phá.

        Tướng Bơ-rút, trung tá Xi-đô-rin trưởng phòng tác chiến, đại tá Bu-ri-lốp trưởng phòng công binh, cùng một số sĩ quan tham mưu của tập đoàn quân cũng bị hy sinh trong trận bom ấy. Đến chiều, chiếc cầu qua sông Đông ở Ni-giơ-ne Triếc-xcai-a bị không quân địch đánh gẫy. Sư đoàn bộ binh 214 và hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ của tập đoàn quân 64 phải nằm lại bên bờ tây, không vượt qua sông Đông được. Đại tá Nô-vi-cốp, tham mưu trưởng tập đoàn quân và đồng chí A-brô-mốp chính ủy sư đoàn, ủy viên Hội đồng quân sự lúc đó đang ở sở chỉ huy cơ bản, đã có một sáng kiến thừa. Các đồng chí ấy lệnh bằng vô tuyến điện : « Cho sư đoàn bộ binh 214» hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ và lữ đoàn xe tăng 137 vừa đánh vừa rút qua sông Đông». Tôi không biết việc này vì lúc đó đang còn ở tại Ni-giơ-ne Triếc- xcai-a và đêm 26 tháng bảy khi về đến cơ quan tham mưu tập đoàn quân, tôi mới hay. Tôi rất lo khi nghĩ đến những chuyện bất hạnh gì có thể xảy ra vào ban đêm trên sông Đông, vì lúc ấy không có bến phà nào hoạt động được cả.

        Đúng ra, phải tổ chức phòng ngự trên bờ tây sông, hai sườn dựa vào sông. Chúng tôi huy động mọi phương tiện thông tin liên lạc để truyền quyết định đó tới các đơn vị. Tôi không nhớ rõ phương tiện nào đã giúp chúng tôi thoát hiểm, nhưng các đơn vị đã nhận được lệnh ấy, việc rút về sông Đông ít nhiều có tổ chức hơn và vượt sông không bị tổn thất.

        Việc qua sông đã thực hiện được tuy phải mất khá nhiều công sức. Các đơn vị của sư đoàn bộ binh 71 của địch ép chúng tôi trên phía chính diện. Chúng tôi hầu như không có phương tiện qua sông. Một trung đoàn của sư đoàn 214 do tướng Bi-ri-u-cốp chỉ huy và đồng chí A. Xô-bon chính ủy sư đoàn, đã tỏ ra có tài tổ chức và dũng cảm, gương mẫu khi chỉ huy việc rút lui của sư đoàn. Sư đoàn bộ binh 214 và các đơn vị khác của tập đoàn quân sau khi vượt sông đã chiếm lĩnh ngay các vị trí phòng ngự ở trên bờ phía đông. Nhờ các biện pháp ấy mà chiều ngày 27 tháng bảy, đã bịt được đoạn bị chọc thủng trên chính diện của tập đoàn quân 64. Quân địch dầu đột phá được dải phòng ngự thứ nhất , của tập đoàn quân 64, nhưng chúng vẫn không thể phát triển tiến công được xa hơn, và đã bị chặn lại ở quãng giữa sông Tria-rơ và sông Đông. Thế là chấm dứt mối nguy cơ về mũi thọc sâu của địch ở Ni-giơ-ne Triếc- xcai-a để tiến về Xta-lin-grát. Quân địch cũng không thọc được từ phía nam lên các bến vượt gần Ca-lát-chơ.

        Ba ngày chiến đấu không phải là nhiều, nhưng đối với tôi, người vừa mới tới mặt trận, khoảng thời gian ngắn ngủi đó lại rất quan trọng về mọi mặt.

        Các đơn vị cánh phải, của tập đoàn quân 64 buộc phải vừa đánh vừa lùi, nhưng thất bại bước đầu ấy không làm chúng tôi nản chí. Tôi vẫn tin chắc sẽ tới lúc các tên tướng kiêu căng của Hít-le phải nếm mùi cay đắng của thất bại.

        Thắng lợi của địch có thể nói chủ yếu là do chúng tiến công vảo lúc Hồng quân chưa tổ chức được các trung đoàn và sư đoàn hoàn chỉnh. Nếu như chúng tôi có được, dẫu chi hai hay ba ngày để tổ chức phòng ngự, tập hợp các trung đoàn, tiểu đoàn và các khẩu đội pháo, làm công sự, tổ chức hiệp đồng hỏa lực và thông tin liên lạc, vận chuyển đạn được và tiếp tế hậu cần được bình thường, thì quân địch sẽ không thể nào đột phá được phòng ngự của tập đoàn quân 64 dễ dàng như vậy. Theo dõi việc chuẩn bị hỏa lực của địch bắn vào khu vực của sư đoàn bộ binh 229, tôi nhận ra những chỗ yếu trong chiến thuật cửa chúng. Pháo binh và súng cối bắn phân tán, không theo chiều sâu mà dồn vào tiền duyên. Trong suốt trận đánh không thấy chúng cơ động rộng rãi hỏa lực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 10:24:08 pm »


        Trong những năm học ở Học viện quân sự Phrun-de, tôi có nghiên cứu nhiều trận đánh của quân Đức trên mặt trận phía tây trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tôi biết rõ quan điểm của các tướng lĩnh Đức, như tướng Ben-hác-di chẳng hạn, về vai trò của pháo binh trong chiến tranh tương lai. Cho nên trong những ngày đầu giao tranh trên sông Đông, tôi có ý chờ đợt ở phía địch sự hiệp đồng pháo theo bài bản, cách tổ chức hỏa lực bắn chặn chính xác, cơ động nhanh hỏa lực. Nhưng tình hình đã không xảy ra như vậy. Tôi vẫn đứng trước một thủ đoạn không có gì mới, thủ đoạn gậm dần từng bước, từng chiến hào một.

        Nếu hồi đó, chúng tôi tổ chức được phòng ngự có chiều sâu (không phải là năm mà là chín tiểu đoàn) và có lực lượng dự bị chống xe tăng, thì chúng tôi không những sẽ chống được cuộc tiến công của địch, mà còn gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng khác.

        Xe tăng Đức tiến công bao giờ cũng có bộ binh đi kèm và không quân yểm trợ. Trên chiến trường, người ta không nhận thấy sự «dũng cảm»,  «linh hoạt» của lính xe tăng Đức như các báo chí nước ngoài đã ca tụng.

        Sức mạnh của bộ binh Đức là ở khả năng bắn nhanh của vũ khí tự động, như trong tiến công thì không thấy họ hành động mau lẹ, cũng như tinh thần say đánh. Khi tiến công, bộ binh Đức bắn không tiếc đạn, nhưng thường bắn phí đạn.

        Ngày 27 tháng bảy, một trung đoàn của sư đoàn 112 chuyển sang phản kích ở Nô-vô-mắc-xi-mốp-xki. Bộ binh Đức đã tránh giao chiến và rút lui. Phải đến ngày hôm sau, 28 tháng bảy, khi có các binh đội xe tăng tới yểm trợ, chúng mới dám tham chiến để giành lại các vị trí đã bỏ lại hôm trước.

        Tiền duyên của quân Đức dễ nhận ra, đặc biệt là ban đêm, bởi đạn lửa và pháo hiệu nhiều màu của chúng bắn lên. Chúng bắn có thể vì sợ đêm tối, hoặc cũng có thể vì chúng sinh buồn nếu không bắn.

        Khi chúng vận động cũng dễ phát hiện, vì các đoàn xe cơ giới của chúng chạy trên thảo nguyên đều bật hết đèn pha.

        Không quân địch hoạt động chính xác hơn cả trong chiến đấu. Việc liên lạc và hiệp đồng giữa không quân và lục quân của chúng được tổ chức chặt chẽ. Dường như các phi công Đức nắm được chiến thuật của bộ binh chúng cũng như của bộ binh Liên Xô.

        Khi bộ binh Đức phải nắm rạp xuống dưới làn đạn pháo và súng máy của ta, thì chỉ mươi phút sau đã thấy không quân của chúng bay tới bắn phá. Sau khi dàn thành đội hình vòng tròn khép kín, chúng tiến công vào đội hình chiến đấu và các trận địa pháo của ta.

        Những kết luận đầu tiên của tôi về chiến thuật của địch là như vậy. Quan sát địch, nghiên cứu những điểm mạnh, yếu, nắm được thói quen của chúng là coi như ta có thể mở to hai mắt chiến đấu, lợi dụng được những sơ hở của chúng và tránh được những đòn nguy hiểm mà chúng đánh vào những chỗ yếu của ta.

        Từ ngày 26 cho đến hết tháng bảy, hoạt động quân sự của các đơn vị diễn ra chủ yếu ở cánh phải của tập đoàn quân, trong khu vực Băn-xai-a Ốt-xi-nốp-ca, E-rít-xki, Véc-khơ-ne Triếc-xcai-a. Trong khu vực này, địch cố chọc thủng tuyến phòng ngự của các sư đoàn 229 và 112 ở phía đông - bắc để tiến vào sau lưng tập đoàn quân 62 và đến các bến vượt sông Đông ở vùng Lô-gốp-xki và Ca-lát-chơ.

        Trong suốt thời gian đó, tôi ở tại đài quan sát đặt trên cao điểm ở phía bắc đường tránh tàu của ga Rích-cốp- xki, liên lạc trực tiếp với các chỉ huy sư đoàn 229 và 112 và thông qua cơ quan tham mưu tập đoàn quân để liên lạc với các đơn vị khác.

        Các trận đánh vẫn tiếp diễn, kết quả thay đổi luôn, thắng lợi khi thuộc bên này, khi thuộc bên kia. Những ngày đó. quân địch đã ném các đơn vị của quân đoàn 51 được tăng cường nhiều xe tăng ra tiến công. Có ngày, có tới 100 chiếc xe tăng Đức cùng tiến công một lúc, còn chúng tôi ở khu vực này chỉ có 10 xe tăng. Tuy nhiên, các đơn vị của chúng ta, đặc biệt là sư đoàn 112, không những đã đẩy lui được cuộc tiến công của địch, mà còn phản công lại.

        Chiến sự cứ như thế tiếp diễn trong bốn ngày. Tảng sáng ngày 31 tháng bảy, các trung đoàn của sư đoàn 229 và 112 được sự chi viện của 10 xe tăng và không quân đã chuyển sang phản công và hất địch về bên kia sông Tria-rơ. Tối hôm đó, chúng tôi bắt được một bức điện báo của địch truyền qua vô tuyến điện nói về hoạt động của chúng tôi. « Các đơn vị của quân đoàn 51 vượt qua sông Tria-rơ ở Xu-rô-vi-ki-nô đã bị đánh bại». Đây là bức diện của một sĩ quan Đức, ký tên bằng ký hiệu « x», báo cáo về bộ tham mưu cụm tập đoàn quân « B ».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 10:24:43 pm »


        Tập đoàn quân 64 vừa mới được tổ chức lại và đang làm lực lượng dự bị. Phần lớn các chiến sĩ và sĩ quan mới tham gia chiến đấu lần đầu. Họ thử lửa trận đầu ở vùng thảo nguyên sông Đông, nhưng tinh thần họ vững vàng ; thất bại bước đầu không làm nao núng lòng tin của họ vào sức mạnh của mình. Họ rút lui, nhưng vừa rút vừa chiến đấu và đã ngăn chặn được sức ép của quân địch mà đôi khi họ cũng không lường hết được sức mạnh ấy. Không thể đòi hỏi những việc không thể làm được. Địch mạnh hơn ta nhiều, và không thể chặn được cuộc tiến công của chúng bằng lực lượng của tập đoàn quân 64 của ta có được lúc bấy giờ. Nhưng các chiến sĩ và sĩ quan của tập đoàn quân 64 đã kiềm chế được cuộc tiến công ấy, làm thất bại âm mưu của bọn phát xít Hít-le định bao vây, tiêu diệt lực lượng ta trên bờ tây sông Đông.

        Tôi còn nhớ mãi các chiến sĩ anh hùng của sư đoàn bộ binh 112 và các đồng chí chỉ huy sư đoàn I. Xô-lo-gúp và I. Éc-môn-kin. Các đồng chí ấy đã giữ vững trận địa của mình trên sông Tria-rơ cho đến cuối tháng bảy, chống lại quân đoàn 51 và sư đoàn xe tăng 24 của quân phát xít Đức, không cho chúng từ phía nam đánh bọc sườn vào phía sau chủ lực của tập đoàn quân 62, và đã chiến đãu rất anh dũng giữa sông Đông và sông Vôn-ga, chiến đẩu ngay cả trong thành phố Xta-lin-grát, suốt từ đầu cho đến cuối giai đoạn phòng ngự.

        Sư đoàn thứ hai phòng ngự bên cạnh sư đoàn 112, có chung một nhiệm vụ và chung một kẻ thù, là sư đoàn 229, dưới quyền chỉ huy của đại tá F. Xa-gin. Sư đoàn 229, chưa tập trung xong đã bị quân đoàn 51 và sư đoàn xe tăng 24 của phát xít Đức tiến công và ép sư đoàn tới bờ sông Tria-rơ lúc 4 giờ chiều ngày 26 tháng bảy. Nhưng các binh đội và phân đội của sư đoàn đã dựa vào công sự trên tuyến này, đẩy lui nhiều cuộc tiến công của địch từ phía nam ồ ạt tiến lên phía đông-bắc, tới sông Đông và thành phố Ca-lát-chơ để liên lạc với chủ lực của chúng đang tiến về phía sông Đông trong khu vực Gô- lu-bin-xcôi-ê. Nếu sư đoàn này cùng với các binh đội của một số sư đoàn khác bị hợp vây ở phía tây sông Đông, thì lỗi đó không thuộc về sư đoàn trưởng. Dưới quyền chỉ huy của đại tá Xa-gin, sư đoàn đã chống cự và đẩy lui nhiều cuộc tiến công của địch trong khu vực mình và một bộ phận lực lượng đã mở đường rút sang tả ngạn sông Đông.

        Trong thời gian chiến đấu trên sông Đông, tôi lợi dụng mọi cơ hội trực tiếp tham gia hỏi cung tù binh để tìm hiểu về tinh thần các đơn vị địch. Phải thừa nhận rằng, bọn tù binh rất giữ mồm giữ miệng; chúng lấy lý do là giữ lời thề với quốc trưởng, đã ngoan cố không chịu hé răng. Nhưng không phải tất cả đều thế...

        Có lần, các đồng chí dẫn đến tôi một tên phi công tiêm kích. Máy bay của hắn bị trúng đạn, phải hạ cánh bắt buộc. Tên tù binh này rất hay chuyện và, không trù trừ, đã khai ra các sân bay của địch, đánh giá, so sánh máy bay Liên XÔ và Đức. Có lúc, hắn còn phát biểu cả quan điểm của hắn về diễn biến chiến tranh. Hẳn tuyên bố dứt khoát rằng, bộ chỉ huy tối cao Đức đã đánh giá sai lầm về sức mạnh của bản thân mình, và đã không tính đến sức mạnh của Liên Xô, coi Liên Xô là «người khổng lồ chân đất sét» như trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hắn nói rằng, binh sĩ không dám nói toạc ra điều đó, nhưng các phi công thì vẫn trao đổi các ý kiến đó với nhau.

        Tên phi công đặc biệt nhấn mạnh, là bộ binh Đức ngày càng kêu gọi không quân chi viện ngày một nhiều hơn, vì bộ binh không thể tỏ ra «mạnh ở khắp mọi chỗ », nhất là hiện nay, chính diện tiến công ngày càng mở rộng. Không quân, đặc biệt là không quân tiêm kích thường phải đem ra sử dụng ngoài chức năng chính của nó, tức là không phải để chống không quân Xô-viết mà để chống trả bộ binh Xô-viết Tên tù binh nói là các phi công Đức không sợ các máy bay tiêm kích Liên Xô, nhất là các máy bay kiểu cũ, bởi máy bay Mét-xéc-mít của chúng hơn hẳn về tính năng kỹ thuật: tốc độ nhanh hơn 75 ki- lô-mét và hỏa lựu mạnh gấp rưỡi máy bay của Liên Xô. Kể ra hắn cũng nói quá lời về tính ưu việt của máy bay Mét-xéc-mít so với máy bay Liên Xô. Các máy bay tiêm kích loại LA-5, YAK-7, YAK-9 đưa ra dùng trong năm 1942 không thua kém máy bay Mét-xéc-mít cả về tốc độ lẫn hỏa lực. Nhưng hắn đánh giá rất cao sự dũng cảm và mưu trí của các phi công ta.

        «Vũ khí quyết định trong chiến đấu là không quân —  hắn khẳng định. Các đơn vị bộ binh cũng như các phi công hoàn toàn tin cậy vào không quân. Không có không quân mạnh, chúng tôi không thu lượm được thắng lợi như vậy ở phía tây cũng như ở phía đông ».

        Khi tôi hỏi xem hắn nghĩ về chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào, hẳn nhún vai và trả lời: « Quốc trưởng đã nhận định sai lầm về nước Nga. Giống như nhiều người Đức khác, ông ta không ngờ rằng người Nga đã kháng cự lại như vậy, và vì thế khó mà tiên đoán được chung cục của chiến tranh ».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 10:25:44 pm »


5
   

        Trong lúc các trận giao tranh đang diễn ra quyết liệt ở sông Đông, tướng Côn-pác-chi, tư lệnh tập đoàn quân 62 gọi dây nói đến đài quan sát cho tôi. Đồng chí thông báo cho tôi biết theo quyết định của Hội đồng quân sự phương diện quân, đồng chí bị huyền chức tư lệnh tập đoàn quân, và trung tướng A. Lô-pa-tin được bổ nhiệm thay làm tư lệnh tập đoàn quân 62.

        Ngây hôm sau, thiếu tướng M. Xu-mi-lốp đến cơ quan tham mưu tập đoàn quân, nhận quyền chỉ huy tập đoàn quân 64.   

        Cùng lúc, chúng tôi nhận được chỉ thị của phương diện quân, do tham mưu trưởng thiếu tướng D. Ni-ki-xép ký. Chi thị này yêu cầu phải tiêu diệt hai cụm quân địch trong khu vực Véc-khơ-ne Bu-di-nốp-ca và trên sông Tria-rơ bằng cuộc tập kích đồng loạt của hai tập đoàn quân 62 và 64. Tập đoàn quân 64 được tăng cường sư đoàn bộ binh 204 và quân đoàn xe tăng 23. Chỉ thị nhận được lúc 14 giờ ngày 28 tháng bảy, và cuộc tiếp công ẩn định vào 2 giờ sáng ngày 29 tháng bảy, nghĩa là trong thời hạn 12 tiếng đồng hồ.

        Đồng chí Xu-mi-lốp và tôi phải tìm,ngay sư đoàn 204 và quân đoàn xe tăng 23. Chúng tôi chưa nắm được nơi đóng quân của các đơn vị này. Chúng tôi hỏi lên bộ tham mưu thì được trả lời: « Tìm họ ở khoảng giữa sông Đông và sông Lít-ca».

        Chúng tôi chạy ô tô suốt đêm và hết cả buổi sáng trong thảo nguyên để tìm các đơn vị tăng cường cho tập đoàn quân 64. Mãi đến trưa ngày 29 tháng bảy mới tìm thấy một lữ đoàn của quân đoàn 23 ở khu vực Giéc-cốp. Đồng chí chỉ huy lữ đoàn chưa hay biết gì và cũng chưa chuẩn bị để tiến công.

        Trong lúc đi tìm cơ quan tham mưu quân đoàn 23 tại nông trường « Tháng Mười tháng lợi», chúng tôi rẽ vào xóm Vô-lô-đin-xki, nơi đóng quân của sở chỉ huy tập đoàn quân 62. Tướng Lô-pa-tin, người đẫy đà, tóc màu đồng thau, dáng ngoài bình tĩnh, đón chúng tôi và mời cùng ăn bữa trưa. Dồng chí nói tập đoàn quân 62 không thể  thực hiện được chỉ thị của tham mưu trưởng phương diện quân, vì các đơn vị của tập đoàn quân chưa được sẵn sàng, đạn dược tiếp tế chưa đến, và Hội đồng quân sự phương diện quân chưa duyệt y quyết định của tham mưu trưởng.

        Đồng chí Lô-pa-tin nói lên giả thiết của mình về lý do tại sao Hội đồng quân sự phương diện quân không duyệt y chỉ thị của bộ tham mưu phương diện quân. Các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 của ta đã tiến hành phản công địch. Cuộc phản công của các tập đoàn quân 62 và 64 là nhằm phát huy chiến quả của các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 đó. Nhưng cả tập đoàn quân xe tăng l và tập đoàn quân xe tăng 4 đều không thể chặn được cuộc tiến công của địch, và không đánh bại được chúng.

        Đồng chí Lô-pa-tin thông báo cho chúng tôi biết là tập đoàn quân xe tăng 1 do không phối hợp được với tập đoàn quân 4 về thời điểm phản công, nên đang lâm vào một tình thế hiểm nghèo. Không quân địch lại đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên không. Việc tập trung và tổ chức đưa qua sông Đông các đơn vị của tập đoàn quân xe tăng 4 đã thất bại. Cuộc phản công đồng loạt không thu được kết quả.

        Về sau, tôi được biết, cuộc phản công tuy không thu được kết quả, không tiêu diệt được quân địch đã thọc đến sông Đông, nhưng nó cũng đã làm thất bại âm mưu của địch định bao vây và tiêu diệt tập đoàn quân 62, là tập đoàn quân mà sau này đã cùng với tập đoàn quân 64 giữ vai trò chủ yếu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Xta-lin-grát.

        Tôi ngừng việc đi tìm sư đoàn 204 và quân đoàn xe tăng 23, trở về bộ tham mưu phương diện quân Xta- lin-grát

        Trong những ngày này, Xta-lin-grát thực ra đã là thành phố ở gần mặt trận, nhưng người ta vẫn chưa thấy có gì lo ngại rõ rệt, hoặc phải chuẩn bị đối phó cần thiết trước nguy cơ đang tiến tới dần. Nhìn vào nhân dân lại càng thấy rõ. Những người dân Xta-lin-grát khó mà có thể tin được rằng thành phố của mình nay mai sẽ trở thành địa bàn của một trận giao tranh ác liệt và Hồng quân sẽ không chặn được quân thù trên sông Đông.

        Tư lệnh phương diện quân tiếp tôi tối ngày 1 tháng tám. Đồng chí nhận báo cáo củá tư lệnh tập đoàn quân không quân T. Khơ-ri-u-kin lúc tôi đang có mặt tại dấy. Đồng chí Goóc-dốp nói: « Quân địch dang bị sa lầy trong hệ thống phòng ngự của ta. Hiện nay có thể giáng một đòn tiêu diệt chúng ».

        Tôi cố gắng đánh tan sự tự tin chủ quan ấy. Nhưng đồng chí Goóc-đốp ngắt lời tôi: «Tôi biết, rõ tình hình mặt trận không tồi hơn đồng chí đâu. Tôi gọi đồng chí đến là để nghe đồng chí giải thích tại sao cánh phải của tập đoàn quân 64 lại rút sang bên kia sông Tria-rơ».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 10:26:07 pm »


        « Việc rút đó là bắt buộc! — Tôi trả lời — Chúng tôi không có thời gian để triển khai tập đoàn quân. Sư đoàn 229 chỉ có một nửa binh lực ở vị trí phòng ngự...».

        Đồng chí Goóc-đốp cắt ngang câu chuyện : «Đồng chí hãy viết ngay báo cáo! Báo cáo bằng văn bản! ».

        Thế là tôi chỉ còn việc xin phép trở vô tập đoàn quân để viết báo cáo, viết những lời giải thích cặn kẽ dựa trên các bản đồ và văn kiện.

        Ở Xta-lin-grát trở về tập đoàn quân, tôi được biết là nhiều lực lượng mạnh của địch ngày 31 tháng bảy đã tiến công từ khu vực Xim-li-an-xcai-a dọc theo đường sắt Ti- khô-rét-xcơ đi Xta-lin-grát, tiến về hướng Cô-ten-ni-cô- vô, vào sau lưng của tập đoàn quân 64 và của cả phương diện quân Xta-lin-grát. Vấp phải sự chống trả quyết liệt ở khúc ngoặt rộng sông Đông, Hít- le đã phải sửa lại chỉ thị số 45 và điều động lại lực lượng: rút tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Hốt ở cụm tập đoàn quân « A » đương tiến về Cáp-ca-dơ, đưa sang cụm tập đoàn quân « B », và giao cho tập đoàn quân này nhiệm vụ phải chiếm lấy thành phố, từ phía nam tập kích mạnh vào các binh đoàn đang đóng quân trong Xta-lin-grát.

        Mệnh lệnh số 227 của ủy viên nhân dân quốc phòng, phân tích rất rõ ràng và thẳng thắn tính chất phức tạp và nguy hiểm của tình hình, đã được ban hành vào ngày 28 tháng bảy 1942 trong hoàn cảnh đó.

        « Quân thù tung vào trận nhiều lực lượng mới và sung sức; chúng bất chấp những thiệt hại nặng nề và đang lao về phía trước, vào sâu trong đất nước Liên Xô, chiếm đóng nhiều quận, huyện, tàn phá nhiều thành phố, làng mạc của chúng ta, cướp bóc, hãm hiếp và tàn sát những người dân lành Liên Xô.

        Các trận đánh đang diễn ra trong khu vực Vô-rô-ne- giơ, trên sông Đông, ở phía nam, ở cửa ngõ vùng bắc Cáp-ca-dơ. Quân xâm lăng Đức đang tiến về Xta-lin-grát đến sông Vôn-ga và bằng mọi giá muốn chiếm lấy vùng Cu-băng và bắc Cáp-ca-dơ, chiếm các tài nguyên dầu hỏa và ngũ cốc ở các vùng này.

        Quân thù đã chiếm được Vô-rô-xi-lốp-grát, Xta-rô- ben-xcơ, Rốt-xớt-xi, Cu-pi-an-xcơ, Va-lui-ki, Nô-vô- tréc-cát, Rốt-xtốp trên sông Đông, một nửa Vô-rô-ne-giơ... Sau khi mất U-cra-i-na, Bi-ê-lô-rút-xi, vùng Pri-ban- tích và Đôn-bát, chúng ta còn lại ít đất đai hơn, và đương nhiên cũng còn lại ít người, ít lúa mì ít kim loại, ít công xưởng, nhà máy hơn. Chúng ta đã mất trên 20 triệu người, và mỗi năm trên 800 triệu pút lúa mì và hơn 10 triệu tấn kim loại. Hiện nay chứng ta không còn ưu thế về nguồn nhân lực và dự trữ lương thực. Nếu còn lùi xa hơn nữa có nghĩa là chủng ta cam chịu sự thất bại, và đồng thời cũng cam chịu sự thất bại của Tồ quốc chúng ta.

        Mỗi mảnh đất của lãnh thổ bỏ lại sẽ tiếp thêm sức cho quân thù và làm suy yếu sức phòng ngự của chúng ta, của Tổ quốc ta. Do đó, phải chấm dứt triệt để mọi lời bàn tán, cho rằng chúng ta có thể còn tiếp tục lùi nữa, vì đất ta rộng, người ta đông và bao giờ ta cũng thừa thãi lúa mì. Những lời bàn tán đó là dối trá và có
        (mất 2 dòng)
        vừa lùi thì chúng ta sẽ không có lúa mì, không có nhiên liệu, nguyên liệu, không có công xưởng, nhà máy, đường sắt. Do đó, rõ ràng là đã đến lúc phải chấm dứt việc rút lui. Không lùi một bước nào nữa.

        Hiện nay khẩu hiệu của chúng ta phải là như vậy. Phải chống giữ kiên cường đến giọt máu cuối cùng trên từng vị trí, từng thước đất của lãnh thổ Xô-viết, bám chặt lấy từng mảnh đất và bảo vệ nó cho tới khả năng cuối cùng.

        Tổ quốc chúng ta đang trải qua những ngày khủng khiếp. Chúng ta phải chặn lại, rồi đầy lùi và đánh bại quân thù bằng mọi giá. Quân Đức không mạnh như những kẻ hoang mang hình dung. Chúng đang tập trung những lực lượng cuối cùng. Chống được các cuộc tiến công của chúng bây giờ và trong vài tháng nữa, là sẽ bảo đảm được thắng lợi của chúng ta...

        Chúng ta có thể chặn bước tiến, rồi sau đó hất quân thù về phía Tây không? Có thể được, vì các công xưởng nhà máy của chúng ta giờ đây đã sản xuất tốt ở hậu phương, và mặt trận của chúng ta đang nhận được ngày một nhiều máy bay, xe tăng, đại bác, súng cối.

        Vậy chúng, ta thiếu cái gì? Trật tự và kỷ luật trong các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, trong các đơn vị  xe tăng, các phi đội không quân. Hiện nay, đó là nhược điểm chính của chúng ta. Chúng ta phải duy trì trong quân đội của chúng ta một trật tự nghiêm ngặt nhất và một thứ kỷ luật sắt, nếu chúng ta muốn cứu vãn tình thế và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 10:26:27 pm »


        Những kẻ hoang mang và những kẻ hèn nhát phải được xử ngay tại trận. Từ nay, đòi hỏi phải áp dụng kỷ luật sắt đối với mọi cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị, mọi chiến sĩ trong Hồng quân : Không được lùi một bước nếu không có lệnh của bộ tư lệnh cấp trên».

        Mệnh lệnh của Xta-lin_đã được các cơ quan chính trị phổ biến ngay tới căc sĩ quan và chiến sĩ.

        Trước đây đã từng công bố lời kêu gọi: « Không lùi một bước!». Nhưng chưa hề có một văn kiện nào công khai vạch rõ tình hình đất nưóc triệt để như vậy. Mệnh lệnh đó thực ra đã gửi tới toàn thể nhân dân Liên Xô, vì Hồng quân là quân đội của nhân dân, là máu là thịt của toàn thể nhân dân Liên Xô nhiều sắc tộc. Đảng và Chính phủ Liên Xô đã công khai nói cho nhân dân biết các khó khăn, và do đó không thể không được sự đáp ứng nồng nhiệt, và không thể không đem lại kết quả. Mỗi chiến sĩ, mỗi sĩ quan đều thấm sâu trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Quả là, không còn chỗ để lùi nữa.

        Ngay từ khi thành lập, công tác chính trị trong tập đoàn quân 64 đã được tổ chức chu đáo. Các thông báo chính trị được phổ biến tới tận các phân đội nhỏ nhất. Chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển tổ chức Đảng, Đoàn.

        Trong những ngày tập đoàn quân nhận được lệnh tổ chức phòng ngự, các cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị, đều ở gần các chiến sĩ, những người ra trận địa phía trước cũng như những người đang cấp tốc hành quân qua thảo nguyên bao la. Các cán bộ chính trị giải, thích nhiệm vụ được giao cho tập đoàn quân và phổ biến các thủ đoạn và chiến thuật của đối phương. Bây giờ lại có thêm mệnh lệnh mới.

        Văn kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong công tác chính trị. Các cán bộ chính trị giải thích cho các chiến sĩ rất trung thực, không tô hồng, bóp méo sự thật, về tính chẩt nghiêm trọng của tình hình, và yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh. Cán bộ chỉ huy các cấp đều hiểu rằng, rút lui không còn là thần dược để chữa khỏi tất cả các bệnh.

        Nhưng cũng thật ngây thơ nếu cho rằng chỉ mệnh lệnh đó thôi cũng sẽ đem lại sự chuyển biến cơ bản trong tâm lý các chiến sĩ. Có thể nói mệnh lệnh đã diễn dạt được trạng thái tinh thần đã hình thành trong mỗi người từ khi bắt đầu chiến cục mùa hè. Nếu hàng trăm ngàn người không ý thức được tình hình nguy hiểm đó, thì mệnh lệnh tự nó cũng không làm được gì. Sự đau khổ, nỗi thất vọng, tính quyết liệt, đó là những gì đã nảy sinh trong lòng các chiến sĩ ta trong những ngày rút lui khủng khiếp ấy. Nhiều chiến sĩ và sĩ quan trẻ đã nói với chúng tôi : « Năm ngoái chúng ta lùi. Điều đó dễ hiểu, bởi chúng ta bị tiến công bất ngờ. Chúng ta đã mất nhiều máy bay và xe tăng, ngay trước khi bước vào chiến đấu. Nay thì chúng ta có xe tăng và máy bay, có vũ khí... Chúng ta nhất định có thể chặn được địch! Vậy thì tại sao chúng ta lại rút lui ?!»

        Trong những ngày đó, cơ quan tham mưu tập đoàn quân nhận được các tin tức về sự phản ứng của đối phương đối với mệnh lệnh đó. Bề ngoài, đối phương như không có gì làm bận tâm, chúng vẫn đầy tự tin vào sức mạnh và ưu thế của chúng. Nhưng một tướng chỉ huy quân đoàn Đức đã vội vã ra ngay một mệnh lệnh khẳng định với binh sĩ của hắn rằng, mệnh lệnh của Xta-lin không có tác dụng gì đối với tiến trình các hoạt động quân sự. Nhưng sau đó vài ngày, chinh viên tướng đổ lại phái căn dặn các sĩ quan của hắn phải đề phòng quân Nga đang gia tăng sự kháng cự.

        H. Đoóc, một viên tướng của Hít-le đã viết: « Khoảng từ 10 tháng tám; trên mọi khu vực ngoài mặt trận, đối phương đã chống cự mạnh mẽ hơn».

        Vậy là, những mưu toan của quân Đức muốn giáng một đòn mãnh liệt bao vây quân ta ở khúc ngoặt rộng của sông Đông và chiếm lấy Xta-lin-grát đã thất bại. Trong các báo cáo của các tướng Đức gửi lên Hít-le đã tỏ ra lo lắng về sự thay đổi chiến thuật của Bộ chỉ huy Xô-viết. Các đơn vị Hồng quân không thấy rút lui nữa và không chịu để bắt làm tù binh. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Việc đánh chiếm Xta-iin-grát vào những ngày đầu tháng tám đối với quân địch không con là chuyện giản đơn và dễ dàng nữa.

        Trong thời gian đó, việc chỉ huy quân đội của chúng tôi có sự thay đổi.   

        Phương diện quân Xta-lin-grát chia thành hai phương diện quân: Phương diện quân Xta-lin-grát và phương diện quân Tây-Nam. Bộ Tòng tham mưu điều tới đây nhiều lực lượng dự bị mới. Nhưng vẫn khó có thể chặn đứng được ngay bộ máy chiến tranh của Hít-le đang lao ra với hết tốc lực. Hồng quân và nhân dân Liên Xô còn phải chịu đựng trong vài tháng nữa nỗi cay đắng của sự thất bại trên các mặt trận.

        Ấy thế mà các đồng minh của chúng ta vẫn đủng đỉnh, chưa vội gì mở mặt trận thứ hai ở phía Tây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM