Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:44:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xta-lin-grát trận đánh của thế kỷ  (Đọc 13534 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2019, 11:10:34 pm »

      
        - Tên sách : Xta-lin-grát trận đánh của thế kỷ

        - Tác giả : Nguyên soái Liên Xô Va - xi - li    Trui-cốp (В И.Чуйков)
                          Người dịch :Nguyễn Hữu Thân. Người hiệu đính:Trần Anh Tuấn

        - Nhà xuất bản : Nhà xuất bản Tiến bộ Mát-xcơ-va 1975
                                   Nhà xuất bảnQuân đội nhân dân 1985

        - Số hóa : Giangtvx

« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2020, 08:24:12 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2019, 10:35:21 pm »


        Đây là hồi ký của Nguyên soái Liên XÔ Va-xi-li Truí- cổp, thuật lại trận đánh lịch sử bảo vệ thành phố Xta- Iin-grát trên bờ sông Vôn-ga của tập đoàn quân 62, mà tác giả lúc đó làm tư lệnh.

        Cuộc chiến đấu anh hùng kéo dài 180 ngày đêm của tập đoàn quân 62 và nhân dân thành phố, đã chận đứng cuộc tiến công ào ạt và đập tan âm mưu đánh chiếm thành phố, thọc ra sông Vôn-ga của quân phát xít Hít-le, góp phần cùng các đơn vị Hồng quân Liên Xô phản công, bao vây và tiêu diệt hoàn toàn quân địch trên mặt trận Xta-lin-grát, tạo nên một bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, tiêu diệt hoàn toàn bọn xâm lược phát xít Hít-le.

        Tôi sinh ra ờ nước Nga, tại làng Đầm Bạc nay là một thị trấn của một huyện trong vùng Mát-xcơ-va. Tôi đã phục vụ gần sáu chục năm trong quân đội Xô-viết, đã chiến đấu cho Tổ quốc trên các vùng đất đai ở Xi-bê-ri, U-cra-i-na, Bạch Nga và ở miền Trung nước Nga. Nhưng trong cả nước Nga bao la, chỉ có một thành phố mà tôi vô cùng yêu quý, vì cuộc đời tôi gắn chặt với thành phố trên bờ sông Vôn-ga ấy, thành phố đã đi vào lịch sử với cái tên là Xta-lin-grát.

        Chính ở Xta-lin-grát, tôi coi như được sinh ra lần thứ hai. Do những sự ngẫu nhiên may mắn trong bom đạn mà tôi còn được sống. Ở Xta-lin-grát, tôi hiểu được tôi sống và học tập là để phục vụ, và số phận của cuộc đời đã nhào nặn tôi tới đâu.

        Trí nhớ tự nhiên đưa tôi trở lại những ngày đầy thử thách của trận đánh ở thành phố đó. Tôi như thấy lại tất cả, và không thể im lặng, không thể từ giã cõi đời này mà không kể lại thế hệ chúng tôi đã bảo vệ Xta-lin-grát như thế nào, và đòn sấm sét đã giáng vào chủ nghĩa phát xít tại đây ra sao.

        Ngày nay, thành phố Xta-lin-grát đã trở thành nơi hành hương chiêm ngưỡng của hàng triệu người từ khắp các lục địa trên hành tinh chúng ta. Họ đến nghiêng mình trước chiến công anh hùng của các chiến sĩ Xô-viết đã bào vệ không những thành phố của mình, mà còn bảo vệ cả nền văn minh của thế giới nữa.

        Nhân dân đã dựng trên đồi Ma-mai-ép một đài kỷ niệm các chiến sĩ anh hùng. Dưới chân tượng đài ấy, các chiến sĩ đến đọc lời thề của Quân dội ; các đoàn viên Côm-xô- môn đến nhận thẻ Đoàn; những cặp vợ chồng mới cưới ra khỏi Cung Hạnh phúc sau hôn lễ bao giờ cũng đến đó để đặt hoa.

        Những ai đã trèo lên đỉnh đồi Ma-mai-ép, phóng tầm mắt nhìn về phía đông, sang phía sông Vôn-ga nằm gần đó tưởng như với tay được, đều sẽ hiểu rõ tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ Xô-viết đã chặn đứng cuộc tiến công của quân phát xít thực vĩ đại đến chừng nào.

        Trận đánh ở vùng cửa ngõ, ngoại vi thành phố và trong các khu phố Xta-lin-grảt kéo dài một trăm tám mươi ngày đêm. Tiếng nổ như sấm sét của đại bác, tiếng rít của đạn súng trường và súng máy, tiếng kêu rên của những người bị thương không phút nào ngừng. Biết bao nhiêu tên lính phát xít hùng hổ tiến về sông Vôn-ga, biết bao nhiêu chiến sĩ Xô-viết bảo vệ dài đất hẹp này đã nằm xuống trong thành phố, trước con sông Vôn-ga ấy ?

        Thành phố bốc cháy, bị phủ kín dưới khói lửa và bụi đất đá. Từ trên đỉnh đồi Ma-mai-ép, hồi đó trên bản đồ chiến thuật ghi là điểm cao 102,0, chúng tôi chi còn nhìn thấy những khung xương của các tòa nhà đổ nát và từng núi gạch vỡ. Đá cũng không chịu đựng nổi, nhưng con người đã chịu đựng được. Mỗi đống hoang tàn, mỗi khung xác nhà, mỗi đống gạch vụn đều là các trận địa phòng ngự. Chiến dấu giành giật nhau, không chỉ từng đường phố, từng ngõ hẻm mà từng căn gác, từng thước đất.

        Đồi Ma-mai-ép là nơi diễn ra các trận chiến gay go, ác liệt nhất. Sau chiến tranh, người ta đã tính mỗi thước vuông đất đá trên đồi có trộn lẫn hàng ngàn mảnh bom đạn. Đất nhào lẫn với sắt và gang.

        Năm tháng trôi qua. Trên đống hoang tàn đổ nát, một thành phố mới đã mọc lên, một thành phố lộng lẫy, đường phố rộng rãi, nhà cửa kiến trúc đẹp đẽ. Các nhà máy được khôi phục lại, một số mới được xây dựng và một nhà máy điện lớn mọc lên, sông đào Lê-nin đã nối liền vĩnh viễn sông Vôn-ga hiền hòa với sông Đông êm đềm. Những người dân cũ của thành phố đã trở về, nhiều người mới đến theo họ. Thành phố được hồi sinh. Nhưng không ai quên rằng thành phố đã được xây dựng lại trên mảnh đất mà các chiến sĩ anh hùng đã nằm xuống, mảnh đất này lại càng được nhân lên hai, ba lần quý giá hơn.

        Tôi vẫn đến đây luôn, và mỗi khi tới gần thành phố, tim tôi lại đập rộn ràng. Quá khứ xâm chiếm lấy tôi, và tôi như thấy lại ngọn lửa rừng rực của các đám cháy, thấy lại những cảnh đò nát hoang tàn...

        Tôi muốn cổ gắng hết sức mình thuật lại trận đánh lớn trên bờ sông Vôn-ga. Nhưng tôi phải nói trước với độc giả rằng đây không phải là một cuốn sách nghiên cứu lịch sử, đây chỉ là những hồi ức của một người đã tham gia cuộc chiến. Khi trận đánh Xta-lin-grát bắt đầu, tôi là phó tư lệnh tập đoàn quân 64, và bước vào các cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố, tôi được chỉ định làm tư lệnh tập đoàn quân 62. Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ và sĩ quan anh hùng của tập đoàn quân Cận vệ thứ nhất, các tập đoàn quân 24 và 26, sau một cuộc hành quân bộ năm mươi cây số đã lao ngay vào chiến đấu trước Xta-lin-grát, không cần đợi tập trung đủ các sư đoàn bộ binh và pháo binh của mình. TÔI rất trân trọng vai trò anh hùng của tập đoàn quân 64 đã cùng với tập đoàn quân 62 chia số trách nhiệm nặng nề bảo vệ Xta-lin-grát. Nhưng, tôi xin nhắc lại, cuốn sách của tôi không phải là một cuốn nghiên cứu lịch sử, mà chỉ là tập hồi ký của một người đã tham gia trận đánh Xta- lin-grát, kể lại những sự kiện chính mà mình đã chứng kiến hay trực tiếp tham gia, những sự kiện đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong trí nhớ của mình.

TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 04:09:03 pm »

       
Ở CÁC CỬA NGÕ NGOÀI XA

1

        Khởi đầu chiến tranh, tôi ở xa đất nước, làm tùy viên quân sự Liên Xô ở Trùng Khánh, Trung Quốc.

        Khi tôi đi Trung Quốc thì toàn bộ Tây Âu đã lâm vào cảnh chiến tranh. Nước Ba Lan, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Pháp đã bại trận. Học thuyết phát xít về chiến tranh chớp nhoáng đang thắng lợi, và người ta đang đợi cuộc đồ bộ của quân phát xít lên các đảo của nước Anh. Những phi công Anh dũng cảm đã đẩy lùi các cuộc oanh tạc ồ ạt của không quân phát xít vào các thảnh phố yên lành. Luân Đôn bốc cháy, Cô-ven-tơ-ry bị tàn phá.

        Sau chiến tranh, khi đến các phòng lưu trữ hồ sơ của Hít-le, chúng tôi được biết là từ mùa thu năm 1940, Hít- le đã từ bỏ ý định vượt qua biển Măng-sơ. Bên cạnh các kế hoạch chiến lược và chiến thuật, còn có các mưu đồ chính trị rất lộ liễu. Việc này càng rõ ràng đối với các nhà quân sự chúng tôi, khi bộ chỉ huy Hít-le hoãn quyết định tiến công vượt biển Măng-sơ sang mùa xuân 1941.

        Tình hình gay go của nước Anh sau trận Đoong-kéc1, nơi dạo quân viễn chinh Anh đã phải khó khăn lắm mới rút thoát đi được, bây giờ đã khá hơn rõ rệt. Các cuộc oanh tạc dữ dộỉ vào nước Anh không khuất phục được nhân dân Anh. Tương quan lực lượng trên không dần dần đi tới cân bằng. Từng đoàn tàu chờ máy bay nối tiếp nhau từ Mỹ sang Anh. Kỹ nghệ Mỹ đã chuyển sang sản xuất vũ khí các loại, mặc dù còn chậm. Nước Anh đã có được một thời gian để vũ trang và chuẩn bị chống trả. Hít-le hiểu rằng trận đánh chiếm các đảo nước Anh đã thất bại ngay từ đầu. Anh đang tập trung lực lượng, quan hệ giữa Đức và Nhật với Mỹ xấu đi, Nhật đang chờ thời cơ tham gia cuộc chiến hòng phân chia lại thế giới, mở rộng đất đai chiếm đóng trong vùng Thái Bình Dương và các khu vực khác.

        Trong các điều kiện này, liệu chúng tôi có thể coi hiệp ước ký với Đức vào tháng tám 1939 như một đảm bảo nghiêm túc cho sự an toàn của chúng tôi được không ?

        Tình hình có thể xoay chuyển rất bất lợi cho chứng tôi. Hít-le có thể thực hiện một liên minh với Nhật, nhằm cùng xâm lăng Liên Xô từ phía tây và phía đông. Lúc đó, nhiệm vụ của tôi là phải tìm hiểu ý đồ của Nhật: âm mưu của Nhật hướng lên phía bắc hay xuống phía nam? Nhật sẽ đánh vào Liên Xô ở Viễn Đông hay sẽ lao vào cuộc đụng độ với Mỹ để chia lại vừng Đông Nam Á?

        Trong ý đồ của Nhật có nhiều điểm còn chưa rõ. Nguồn nguyên liệu của bản thân Nhật đã cạn, và muốn tiếp tục chính sách quân phiệt của mình, nhất thiết Nhật phải mở rộng phạm vi xâm lăng, nhưng vấn đề là hướng vào đâu ? Nhật đã chiếm các trung tâm sống còn của Trung Quốc nhưng lại không giữ được chắc. Qua nhiều con đường và từ nhiều nguồn khác nhau, Mát-xcơ-va nhận được tin là Hít-le đang chuẩn bị một cuộc tiến quân sang phía đông, và khoảng cuối mùa xuân hay sang mùa hạ, một cuộc xâm lăng vào Liên Xô có thể xảy ra. Ngay ở bên nước Trung Hoa xa xôi, tôi cũng nhận được các tin tức tương tự.

        Từ mùa xuân năm 1941, chúng tôi cũng đã phải đón nhận với sự thận trọng đặc biệt những tin tức về các cuộc chuẩn bị của Đức nhằm tiến công Liên Xô. Rõ ràng không còn bí mật gì nữa: Khi hướng các cuộc tiến công sang phía đông, Hít-le đã giải thoát cho Anh khỏi mọi sự đe dọa nghiêm trọng, ít ra cũng được vài năm. Trước kia, và đặc biệt là thời kỳ năm 1941, không thiếu gì những kẻ muốn cho cuộc xâm lăng của Hít-le chuyển hướng vào Liên Xô. Chính phủ và cơ quan ngoại giao Liên Xô đã làm hết sức minh để tránh chiến tranh. Đó là nhiệm vụ chủ yếu của chính sách đối ngoại Xô-viết. Liên Xô cần phải tranh thủ thời gian, một năm, hai năm, để hoàn tất việc vũ trang lại quân đội của mình.

        Ngành công nghiệp hàng không Liên Xô đã có một số máy bay đâu tiên hơn hẳn các máy bay của Đức về tính năng chiến đấu. Các loại đã bay thử tốt được sản xuất hàng loạt. Các đội quân cơ giới đã được thành lập trong Hồng quân. Công nghiệp Xô-viết đã có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng T.34 và KV, hơn hẳn các loại xe tăng Đức về tính năng chiến đấu. Nhiều loại vũ khí bộ binh mới cũng được sản xuất hàng loạt.

        Bây giờ thì mọi người đều biết là lúc đó, chúng ta đã nắm được nhiều tin tức đáng tin cậy về việc tập trung quân của Hít-le gần biên giới Liên Xô. Các đồn biên phòng đã báo cáo về là các sư đoàn quân Hít-le từ phía tây tới, đang triển khai ở đâu và như thế nào. Xta-lin biết tình hình đó, nhưng Xta-lin và Chính phủ Liên Xô vẫn cố gắâng hết sức mình để làm trì hoãn ngày khởi chiến, để tránh gây ra cuộc xâm lăng của quân thù chỉ do một hành động không khéo léo nào đó. Liên Xô cũng buộc phải triển khai cả một đạo quân mạnh ở biên giới Viễn Đông.

        Hồi đó Hít-le chơi một ván bài chính trị xảo quyệt. Qua nhiều con đường khác nhau, qua nhiều nhân vật trung gian, hắn thăm dò thái độ của Anh, xem chính phủ Anh có tìm kiếm hòa bình riêng rẽ không, để hắn rảnh tay tiến công Liên Xô. Cuối cùng hắn quyết định xâm lăng Liên Xô, chấp nhận chiến đấu cả trên hai mặt trận.

        Chiến tranh đã xảy ra.

        Ở Trung Quốc, trong những ngày này, tôi bồn chồn lo âu, tâm trí hướng cả về quê hương, về các bạn bè, đồng chí đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhiệm vụ của tôi vẫn chưa hoàn thành.

        Tình hình mặt trận trong mùa hè 1941 thật nghiêm trọng. Min-xcơ thất thủ, quân thù đã chiếm Xmô-len-xcơ và chọc thủng tuyến phòng ngự của Liên XÔ. Chúng ào ạt tiến về Mát-xcơ-va, bao vây Lê-nin-grát và chiếm Ki-ép.

        Nguy cơ Nhật tham chiến lớn thêm. Bọn quân phiệt Nhật sẽ không bỏ lở cơ hội tốt để tiến công vào miền Viễn Đông của Liên Xô. Nhưng chính mùa thu đó lại xuất hiện các triệu chứng cho thấy Nhật lợi dụng tình hình khó khăn của Anh, đang chuẩn bị đánh một đòn vào phía nam, vào Mỹ.

        Những tin tức về vấn đề này đến với Mát-xcơ-va, nhưng cũng chưa thể hoàn toàn dựa vào các nguồn tin đó. Chịu một đòn đánh sau lưng ở Viễn Đông thật là phiêu lưu lớn. Cho đến mùa thu thì mới rõ ràng là Nhật đang chuẩn bị tiến công Mỹ.

        Gác tin tức của chúng tôi giúp Bộ Tổng tư lệnh chuyển hướng được kịp thời và đã quyết định rút một số sư đoàn ở Viễn Đông về trong những ngày phải chiến đấu khó khăn ở Mát-xcơ-va.

        Ngày 7 tháng mười hai 1941, Nhật tiến công căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Mỹ, và ngày hôm sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật.
         
        Đầu tháng ha 1942, tôi trở về Mát-xcơ-va và xin ra mặt trận.

-------------------
       1. Đoong-kéc: một quân cảng lớn ở miền bắc nước Pháp, nơi quân Anh chiến đấu ở Pháp lúc mới xảy ra Đại chiến thế giới thứ hai, và phải tập trung rút chạy xuống tàu về nước Anh để tránh bị quân Đức tiêu diệt — N.D.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2019, 02:52:02 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2019, 02:54:03 pm »


2

        Mùa xuân 1942, tình hình mặt trận đã bớt căng thẳng. Mùa thu 1941 đầy khó khăn đã qua. Huyền thoại về sức mạnh vô địch của quân đội Hít-le đã bị chôn vùi trước Mát-xcơ-va. Hồng quân đã làm tan vỡ hy vọng chiến tranh chớp nhoáng của bè lũ quân phiệt Đức, và làm tiêu tan mộng chiến thắng nhanh chóng Liên Xô của Hít-le. Tuy nhiên các giới căm quyền phát xít vẫn say sưa với sự phiêu lưu, chuẩn bị một cuộc tiến công mới trên mặt trận Xô — Đức.

        Theo các kế hoạch của bộ chỉ huy Đức, năm 1942 phải là năm quyết định của chiến tranh, vì Hít-le tin chắc rằng Mỹ và Anh năm đó chưa đổ quân lên châu Âu, và hắn vẫn còn rảnh tay hoạt động ở phía đông.

        Nhưng thất bại của quân Đức trước Mát-xco-va, những tổn thất mà Hông quân giáng cho quân xâm lăng trong mùa hè 1941, không phải không có ảnh hưởng đến chúng.

        Tổng tham mưu trưởng lục quân của Hít-le, thượng tướng Gan-đe đã viết trong nhật ký của hắn nhận xét đáng ghi nhớ này: « Tính đến ngày 1 tháng năm 1942, ta thiếu 318 ngàn người ở phía đông. Đã đề nghị trong tháng năm phải bổ sung 240 ngàn người cho quân đội ở phía đông. Từ tháng năm đến tháng chín, lực lượng dự bị còn động viên được 960 ngàn lính mới. Sau đó, sang tháng mười thì không còn gì nữa».

        Ít lâu sau, bộ tham mưu tác chiến của bộ tổng chi huy quân đội Đức đã làm một bản báo cáo chính xác hơn, tổng kết tỉnh hình chung của quân đội Hít-le. Trong bản

        báo cáo gửi riêng cho Hít-le, có nói: « Khả năng chiến đấu của quân đội nhìn chung thấp hơn hồi mùa xuân 1941, do không thể đảm bảo bổ sung đủ người và các phương tiện vật chất»1.

       

        Tuy nhiên, trong mùa hè 1942, Hít-le cũng cố gắng tập trung được những lực lượng đáng, kể để tiến công Liên Xô ở mặt trận phía đông, Trên mặt trận Xô—Đức, hắn có được một đạo quân 6 triệu người, với 43.000 pháo và súng cối, hơn 3.000 xe tăng và 3.500 máy bay chiến đấu, nhiều hơn hẳn lực lượng lúc mới khởi chiến.

        Lần này thật ra khu vực tiến công còn thu hẹp hơn. Tất cả các lực lượng tham gia trận tiến công mới này đều tập trung ở cánh phía nam của mặt trận.

        Hít-le hành binh vào Cáp-ca-dơ nhằm chiếm khu dầu mỏ tiến ra biên giới I-ran, tới sông Vôn-ga. Chắc hắn tính toán là xa trung tâm đất nước, sức kháng cự của Hồng quân sẽ không có gì đáng kể.

        Nhờ xuống được Cáp-ca-dơ, Hít-le hy vọng lôi cuốn được Thồ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến, và kéo được thêm về phía mình 20 đến 30 sư đoàn. Tiến được tới sông Vôn-ga và biên giới I-rang, hắn cũng tính là sẽ lôi kéo được cả Nhật vào cuộc chiến chống Liên Xô. Vì thế, có thể giải thích tại sao hắn lại cho tuyên truyền về chỉ thị số 41, về chiến dịch xuân — hè 1942 rùm beng đến thế. Chỉ thị mở đầu bẵng những lời lẽ:

        «Chiến cục mùa đông ở Nga sắp kết thúc. Nhờ lòng dũng cảm tuyệt vời và tinh thần hy sinh của binh sĩ ở mặt trận đông, những hành động phòng ngự đã thu được thắng lợi lớn cho quân đội Đức. Đối phương đã bị thiệt hại nặng về người và phương tiện. Cố gắng khai thác lấy một thắng lợi mỏng manh, mùa đông này họ đã làm kiệt sức một bộ phận lớn lực lượng dự bị dành cho các chiến dịch sau này ».

        Kết luận chung đó cho thấy là bộ chi huy Đức đã đánh giá rất sai lầm về sức mạnh của Hồng quân và cố coi thất bại của chúng trước Mát-xcơ-va như một thắng lợi quân sự. Trong khi đánh giá quá thấp lực lượng Liên Xô, Hít-le đồng thời lại đánh giá quá cao lực lương của chúng. Do đó, hắn đề ra những mục tiêu không thực tế. Chỉ thị số 41 viết tiếp:

        «Mục đích của trận tiến công là tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng Xô-viết còn lại và làm cho đối phương mất các trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng càng nhiều càng tốt».

        ... Trước hết, tất cả các lực lượng hiện có phải tập trung để thực hiện chiến dịch chính ở khu phía nam nhằm diệt địch ở phía tây sông Đông, chiếm lấy các vùng dầu mỏ ở Cáp-ca-đơ và vượt qua rặng núi Cáp- ca-dơ ».


---------------------
        1. Tuyệt mật : Gừi riêng cho bộ chỉ huy — « Chiến lược của nước Đức phát xít trong chiến tranh chống Liên Xô » Văn kiện và tư liệu, Nhà xuẩt bản Khoa học, Mát-xcơ-va, 1967, tr 367.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2019, 03:05:20 pm »


        Tiếp theo lại có ngay câu dè dặt này: «Việc bao vây hoàn toàn Lê-nin-grát và chiếm vùng In-gri1 sẽ hoãn lại cho đến khi nào tình hình ở khu vực bao vây thay đổi, hoặc rút ra được các lực lượng khác để tạo nên các điều kiện thích hợp».

        Sự dè dặt đó chứng tỏ, tuy Hít-le có trong tay lực lượng nhiều hơn lúc bắt đầu tiến công vào Liên xô, nhưng cũng không dám hành binh trên khắp các mặt trận, mà chỉ tập trung vào phía nam thôi.

        Chúng đánh vào khu vực Ke-rơ-chi và vây hãm Xê- vát-xtô-pôn. Xê-vát-xíô-pôn đã đứng vững đến cuối tháng sáu, mặc dù quân Đức ra sức tiến công liên tục.

        Sau khi phải trả giá bằng những tổn thất nặng, quân phát xít Đức cũng làm chủ được bán đảo Crưm, bảo đảm sườn cho đạo quân tiến công vào Cáp-ca-dơ và sông Vôn-ga. Một số tình huống làm cho cuộc tiến công của quân Đức gặp thuận lợi, như ngày 12 tháng năm 1942, bộ đội của phương diện quân Tây — Nam chuyển sang phân công trên hai hướng, theo hai trục giao nhau, hướng chính từ chỗ lồi Bác-van-cô-vô đánh vu hồi vào Khác- cốp ở phía tây — nam và hướng phụ từ khu vực Vôn- tran-xcơ. Cuộc tiến công này lúc đầu có thu được thắng lợi, nhưng về sau lại phải chấm dứt với thất bại đau đớn.

        Cuộc tiến công của Hít-le vào sông Vôn-ga, Vô-rô- ne-giơ và Cáp-ca-dơ đã được chuẩn bị trước khá lâu. Các lực lượng hùng hậu của Đức đã tập trung sẵn trên các trục tiến công đó. Bộ chỉ huy-Hít-le không bỏ lỡ dịp lợi dụng tình hình thuận lợi này. Tên tướng Đức Cuốc Típ-pen-kiếc-sơ viết: «Cố gắng của người Nga nhằm cản trở cuộc tiến công đã được bộ chi huy Đức chuẩn bị kỹ chỉ là bước đầu đáp ứng với lòng mong muốn của chúng ta. Việc làm suy yếu sức mạnh phòng thủ của người Nga, tuy đạt được không phải dễ dàng gì, dã giúp rất nhiều cho các chiến dịch ban đầu của chúng ta. Nhưng cũng phải mất gần một tháng chuẩn bị thêm mọi mặt khác nữa, các lực lượng Đức mới tập trung xong người và đủ vật tư, phương tiện để bắt đầu cuộc tiến công ».

        Cuối tháng sáu, bộ chi huy Hít-le đã hoàn tất mọi việc chuẩn bị tiến công.   

        Đạo quân «Nam» hoạt động ở cánh nam mặt trận Xô — Đức chia ra làm hai cụm: Cụm tập đoàn quân «A» có nhiệm vụ tiến công vùng Cáp-ca-dơ, và cụm tập đoàn quân «B» đánh vào Xta-lin-grát. Nhiệm vụ giao cho hai cụm tập đoàn quân này là tiêu diệt, các lực lượng Xô- viết ở phía tây sông Đông.

        Cụm tập đoàn quân «B» phải bao vây lực lượng Xô- viết ở phía tây sông Đông, và hội quân với cụm tập đoàn quân «A» trong khu vực Xta-lin-grát. Chỉ thi số 41 có quy định: «Trong mọi trường hợp, nhất thiết phải cố gắng tiến tới Xta-lin-grát... để cho các lực lượng tiến công dọc sông Đông bắt liên lạc được với các lực lượng tiến công từ khu vực Tan-gan-rốc, Ác-tê-mốp-xcơ trong khu vực Xta-lin-grát».

        Lúc đầu, lực lượng của các cụm tập đoàn quân này phân bổ như sau: Cụm tập đoàn quân « A » dưới quyền chỉ huy của thống chế Lít-xtơ gồm có tập đoàn quân xe tăng 1, các tập đoàn quân dã chiến Đức 17 và 11, cùng tập đoàn quân 8 người Ý. Cụm tập đoàn quân «B» dưới quyền chỉ huy của thống chế Vôn Bốc gồm có tập đoàn quân xe tăng 4, các tập đoàn quân dã chiến Đức 2 và 6, và tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri.

        Ngoài ra, còn có các tập đoàn quân 3 và 4 của Ru- ma-ni từ bên trong đang tiến ra.

        Tồng cộng, đối phương đã tập trung trong khu vực trải dài từ Cuốc-xcơ đến Ta-gan-rốc khoảng 90 vạn quân, 1.260 xe tăng, trên 17.000 pháo và súng cối, 1.640 máy bay chiến đấu, tức là 50 phần trăm các đơn vị xe tăng và cơ giới hiện có trên mặt trận Xô — Đức và 30 phần trăm các lực lượng bộ binh của chúng.

        Đương đầu với lực lượng xung kích lớn đó của địch là các lực lượng của các phương diện quân Bri-an-xơ, phương diện quân Tây — Nam và phương diện quan Nam, gồm có 655.000 người, 740 xe tăng. 14.200 pháo và súng cối hơn 1.000 máy bay chiến đấu.

        Quân địch không những có ưu thế hơn ta ở phía nam, mà còn tăng cường được các hướng đột kích chủ yếu.

        Sáng 28 tháng sáu, tập đoàn quân dã chiến 2 và tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức cùng tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri chuyển sang tiến công vào cánh trái của phương diện quân Bri-an-xcơ.

        Ngày 30 tháng sáu, tập đoàn quân 6 cũng bắt đầu tiến công.

        Xta-lin-grát còn ở xa, quân Đức đang tiến về Vô-rô- ne-giơ.

        Những trận đánh lớn của năm 1942 đã khởi đầu, ngày càng lôi cuốn thêm nhiều lục lượng vào cuộc chém giết đẫm máu.

-----------------------
        1. In-gri : một tinh của Phăn Lan nhượng cho nước Nga năm 1721 - N.D.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:32:13 am »


3

        Tháng năm, tôi được cử làm tư lệnh một tập đoàn quân dự bị đóng ở khu vực Tu-la. Tập đoàn quân này, trong các tháng năm, tháng sáu và đầu tháng bảy, đang ra sức chuẩn bi tham gia chiến dău.

        Đầu tháng bảy, có lệnh của Đại bản doanh đổi tên tập đoàn quân dự bị thành tập doàn quân 64, và chuyển nơi đóng quân của tập đoàn quân tới vùng sông Đông. Hồi đó, phương diện quân Tây-Nam, trước các đòn tiẽn công của quân phát xít Đức, phải rút về phía đông. Các cuộc chiến dấu diễn ra ở khu vực Rốt-sốt-sê gần Lu-gan-xcơ, để giữ Vô-rô-ne-giơ. Tập đoàn quân chúng tôi phải sẵn sàng để đánh quân phát xít xâm lược ở nơi nào đó trên vùng sông Đông, hoặc giữa sông Vôn-ga và sông Đông. Các đơn vị của tập đoàn quân nhanh chóng lên xe lửa đề đi về khu vực tập trung nằm ở giữa sông Vôn-ga và sông Đông.

        Tôi cùng cơ quan tham mưu tập đoàn quân đi xe lửa tới ga Ba-la-xốp, rồi để sớm nắm được tình hình mặt trận và nói chuyện với các chiến sĩ, tôi đi bằng ô tô cùng với Công-xtăng-tin Ki-ri-lô-vích A-bra-mốp, ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân.

        Chúng tôi đi qua tất cả các ga lớn để theo dõi việc chuyển quân của tập đoàn quân. Các máy bay ném bom phát xít bắn phá liên miên các nhà ga và các đoàn tàu đang chạy. Đến ga Phrô-!ô-vô, chùng tôi gặp cơ quan tham mưu của tập đoàn quân 21. Đồng chí tham mưu trưởng tập đoàn quân không sao có thể cho chúng tôi biết rõ tình hình. Phòng tuyến đi qua những đâu, các dơn vị bạn của chúng tôi đang ở đâu, địch ở đâu, đồng chí ấy không nắm được. Chúng tôi chỉ nắm được ở đồng chí ấy một điều là bộ tham mưu phương diện quân hiện ở Xta-lin-grát, trên bờ sông Vôn-ga.

        Chúng tôi càng đi tới gần sông Vôn-ga, quang cảnh càng thay đổi. Nhân dân ở các thị trấn nhỏ và các làng quê không nghĩ là địch có thể đến, họ hy vọng rằng cuộc tiến công của chúng sẽ bị chặn lại. Không ai chuẩn bị tản cư cả. Cuộc sống thanh bình vẫn tiếp tục với công việc bận rộn hàng ngày. Chỗ này gặt, chỗ kia chăn bò, cừu. Ở các thị trấn, các ga xe lửa, các rạp chiếu bóng vẫn nhộn nhịp: Sự yên tĩnh chỉ bị khuấy rối về đêm khi các loạt đạn súng cao xạ bắn các máy bay địch.

        Ngày 16 tháng bảy 1942, chúng tôi tới bộ tham mưu phương diện quân Xta-lin-grát. Ở đây, chúng tôi được biết là các đơn vị trinh sát của địch đã tiến tới đường Tréc-nư-sép-xcai-a, Mô-rô-đốp-xki, Tréc-nư-cốp-xki và bị các đơn vị phái đi trước của tập đoàn quân 62 chặn lại.

        Tập đoàn quân 62 đang chuẩn bị phòng ngự trên tuyến Clét-xcai-a, Can-mư-cốp, Xu-rô-vi-ki-nô, Péc-tréc-xcai-a, Xu-vô-rốp-xki. Cơ quan tham mưu tập đoàn quân đóng ở xóm Ca-mư-chi, trên bờ phía đông sông Đông, cách mặt trận khoảng 60 — 80 ki-lô-mét.

        Thời gian này các đơn vị của tập đoàn quân 64 bắt đầu xuống tàu: sư đoàn 112 xuống ga Gốt-lu-ban, Ca- tra-li-nô, Phi-lô-nô-vô, sư đoàn 214 xuống ga Đôn-xcai-a, Mu-dơ-ga, Rứt-trơ-cốp, sư đoàn 29 xuống ga Giu-tô-vơ, các đơn vị khác xuống các ga dọc sông Vôn-ga, cách tuyến phòng ngự do bộ tham mưu phương diện quân giao cho chừng 120 — 150 ki-lô-mét.

        Bộ tham mưu phương diện quân đã chuyển vào trong thành phố. Liên lạc hay bị đứt nên việc chỉ huy bộ đội gặp nhiều khó khăn. Ở ngay tại bộ tham mưu phương diện quân mà tôi cũng không nắm được các đơn vị của tập đoàn quân đã tới dâu và tới khi nào, các đơn vị xuống tàu và tập hợp tại đâu, bao nhiêu đơn vị đã tới, được, và đang làm gì.

        Ngày 17 tháng bảy, chúng tôi nhận được chi thị của bộ tư lệnh phương diện quân: « Lệnh cho tập đoàn quân 64 gồm các sư đoàn bộ binh 229, 214, 29 và 112, các sư đoàn lính thủy đánh bộ 66 và 154, các lữ đoàn xe tăng 40 và 137, trong đêm 19 tháng 7 phải chiếm lĩnh vị trí trên tuyến chính diện Xu-rô-vô-ki-nô — Xô-lô-nốp-xki Hạ — Pét-tréc-xki — Xu-vô-rốp-xi — Pô-tem-kin- xcai-a — Cuốc-nôi-ác-xcai-a Thượng, xây dựng, củng cố công sự trên tuyến đó và phòng ngự ngoan cường chặn, mọi mũi thọc sâu của địch vào Xta-lin-grát. Lấy ở mỗi sư đoàn một trung đoàn có pháo binh yểm trơ để tổ chức ra các đơn vị phía trước trên tuyến sông Xim-la...».

        Nhiệm vụ giao cho theo chỉ thị này rõ ràng là không thể thực hiện được, vì các sư đoàn và các phân đội hãy còn đang xuống tàu và hành quân bộ về phía tây, phía sông Đông, không phải trong đội hình chiến đấu mà theo chức hành quân di chuyển bằng xe lửa. Những đơn vị đầu của một số sư đoàn đã tiến tới gần sông Đông, nhưng các đơn vị đi sau thì hãy còn ở trên bờ sông Vôn- ga, có đơn vị còn đang ở trên tàu. Cơ quan hậu cần và các đơn vị dự bị của tập đoàn quân phần lớn đang còn ở khu vực Tu-la để chờ lên tàu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 11:32:31 am »


        Các đơn vị của tập đoàn quân khi xuống tàu cần phải tập hợp lại và còn phải tổ chức vượt qua sông Đông. Tuyến phòng ngự quy định trong chỉ thị cách các bến vượt sông Đông ở Chiếc-xcai-a Thượng và Chiếc-xcai-a Hạ một ngày đường, các bến này lại cách ga đổ quân 120—150 ki-lô-mét. Tuyến phòng ngự của các đơn vị phía trước trên sông Xim-la lại còn ở xa hơn, cách tuyến phòng ngự cơ bản của tập đoàn quân 45 — 50 ki-lô-mét. Các đơn vị xuống tàu xong, phải hành quân bộ từ 100 đến 200 ki-lô-mẻt nữa mới tới được vị trí.

        Tôi đến gặp đại tá Ru-khơ-lê, cục trưởng tác chiến của bộ tham mưu phương diện quân, và sau khi chứng minh là không thể thực hiện được chỉ thị theo thời gian quy định, tôi yêu cầu các đồng chí ấy háo cáo lên Hội đồng quân sự phương diện quân, là tập đoàn quân 64 không thể đến chiếm, lĩnh tuyến phòng ngự được, giao trước ngày 23 tháng bảy được.

        Thời hạn được chuyển lại từ ngày 19 sạng ngày 21 tháng bảy. Nhưng ngay ngày 21 tháng bảy, các đơn vị của tập đoàn quân 64 cũng không sao kịp đến chiếm lĩnh tuyến phòng ngự được giao.

        Sau khi đã tập hợp được các đơn vị xuống tàu và lệnh cho họ hành quân bộ qua thảo nguyên về phía tây để tới sông Đông, tôi đến cơ quan tham mưu tập đoàn quân 62.

        Tư lệnh tập đoàn quân là thiếu tướng Côn-pắc-chi một người cao lớn, vóc dáng cân đối, và chính ủy sư đoàn Gu-rốp, ủy viên Hội đồng quân sự, có đôi lông mày đen và tóc cắt ngắn, thông báo cho tôi biết tình hình.

        Các trận địa phòng ngự do bộ tham mưu phương diện quân quy định cho các đơn vị của tập đoàn quân 62 và tập đoàn quân 64 nằm theo đường Clét-xcai-a — Xu-rô-vi-ki-nô — Xô-lô-nốp-xki Thượng — Xu-vô-rốp-xki —  Cuốc-nôi-ác-xcai-a. Các đơn vị phía trước, biên chế từ một tiểu đoàn tăng cường đến một trung đoàn, phải tiến đến tuyến phòng ngự sông Xút-xcan, đến Tria-rơ, Tréc- nức-cốp-xki và xa hơn đến tận sông Xim-la.

        Theo quy định trong điều lệnh và giáo lệnh, người chỉ huy phòng ngự, trước tiên phải đánh giá được đối phương và địa hình sẽ bước vào tham chiến, và phải bố trí lực lượng ở thế có lợi nhất. Đối với bên phòng ngự, địa hình bao giờ cũng là người bạn đồng minh, có được lợi thế chiến thuật thuận tiện cho việc phản kích, nghi trang và sử dụng được mọi loại hỏa lực. Địa hình, đồng thời cũng phải gây trở ngại cho các hoạt dộng, di chuyển của quân tiến công, thiết bị được các hệ thống công sự chống xe tăng khiến cho quân tiến công không thể lợi dụng được xe tăng để tiếp cận và phải nằm trong phạm vi hỏa lực của bên phòng ngự càng lâu càng hay.

        Thế nhưng tuyến phòng ngự của tập đoàn quân 62 đã lựa chọn, không tính đến các yêu cầu chiến thuật đó. Chúng tôi không kịp để sử dụng các chướng ngại vật thiên nhiên như sông, suối, khe nước mà công binh có thể  cải tạo, để làm cho quân tiến công không dễ dàng vượt qua dược. Các trận dịa bị phơi trần trước thảo nguyên trơ trọi, và trinh sát mặt đất hay trên không của địch đều dễ nhận ra. Có nhiều khoảng trống giữa các phân đội và binh đội phòng ngự, nhất là ở sườn bên phải, tạo cho quân địch khả năng đi vòng qua các trận địa phòng ngự để đánh úp sau lưng.

        Chính diện phòng ngự ở phía tây sông Đông, cho bốn sư đoàn thê đội một của tập đoàn quân 62, kéo dài 90 ki-lô-mét, và cho hai sư đoàn cùng một lữ đoàn của tập đoàn quân 64 trên 50 ki-lô-mét. Sư đoàn bộ binh 192 giữ sườn phải bị căng ra dài hơn. Một phần tư, có khi đến một phần ba lực lượng của các sư đoàn thê đội một phải tách ra để tổ chức các đơn vị phía trước, đóng cách lực lượng chủ yếu 40 đến 50 ki-lô-mét mà không có pháo binh hoặc không quân chi viện. Tình hình đó làm suy yếu dải phòng ngự chủ yếu và làm giảm lực lượng của thê đội hai và lực lượng dự bị của các sư đoàn thê đội một đến mức thấp nhất.

        Đồng thời, các sư đoàn thê đội một, ngoài các đơn vị phía trước ra, còn phải tổ chức các đội cảnh giới chiến đấu bố trí cách tiền duyên phòng ngự từ 20 đến 25 ki-lô- mét. Các đội cảnh giới chiến dấu cũng không được pháo tầm xa yểm trợ. Như vậy là việc phòng ngự chia ra thành bốn lớp: các đội phía trước đóng xa 50 ki-lô-mét; các đội cảnh giới chiến đấu 20 đến 25 ki-lô-mét; dải phòng ngự cơ bản; sau cùng là các trận địa của các thê đội hai hoặc lực lượng dự bị của các sư đoàn và của tập đoàn quân.

        Bộ tham mưu phương diện quân Xta-lin-grát đóng ngay trong thành phố, cách tiền duyên 150 — 200 ki-lô- mét theo đường chim bay. Cơ quan tham mưu tập đoàn quân 64 ở cách tiền duyên 30 — 40 ki-lô-mét. Việc chỉ huy  bộ đội đóng cách xa như thế, với các phương tiện liên lạc kém hoàn hảo hiện có lúc đó, thật là khó khăn.

        Khí thế chung ở cơ quan tham mưu tập đoàn quân 62 rất cao. Tư lệnh tập đoàn quân, thiếu tướng Côn-pác-chi báo cho tôi biết trong những ngày tới, đồng chí sẽ cố thăm dò quân địch bố trí ở phía trước tập đoàn quân của đồng chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:54:42 pm »


        Việc liên lạc với đơn vị bạn ở bên phải như thế là đã giải quyết được, nhưng vẫn chưa có tin tức gì về đơn vị bạn ở bên trái. Tôi chỉ biết được giới tuyến chiến đấu vạch trên bản đồ của cục tác chiến bộ tham mưu phương diện quân.

        Các đơn vị của tập đoản quân 64, chấp hành đúng chỉ thị của phương diện quân, đang hành quân về phía tây- nam khi vượt qua sông Đông.

        Với tư cách là phó tư lệnh tập đoàn quân, tôi phải thay tư lệnh quyết định việc tổ chức phòng ngự.

        Sau khi nắm được tình hình và đối chiếu với các tin tức về địch do quân báo các đơn vị của tập đoàn quan 62 thu lượm được, theo đúng chỉ thị ngày 17 tháng bảy của phương diện quân, tôi đã quyết định chiếm lĩnh tuyến phòng ngự trên bờ tây sông Đông, từ Xu-rô-vi-ki-nô đến làng Cô-dắc Xu-vô-rốp-xcai-a bằng hai sư đoàn bộ binh 229 và 214, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 154 và lữ đoàn xe tăng 121. Sư đoàn 229 phải bảo đảm việc phòng thủ khu vực cánh trái của phương diện quân, từ Pô-tem- kin-xcai-a đến Cuốc-nôi-ác-xcai-a. Sư đoàn bộ binh 112 làm nhiệm vụ thê đội hai, đã triển khai trên sông Tria- rơ, chỗ tiếp giáp giữa tập đoàn quân 62 với, tập đoàn quân 64. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66 và lữ đoàn xe tăng 137, các trung đoàn học viện nhà trường quân sự tập trung ở thê đội hai, trong khu vực các vùng dân cư dọc sông Mích-cốp-ca. Bộ tư lệnh phương diện quân tán thành quyết định đó.

        Bên trái tập đoàn quân 64, dọc sông Đông, ở phía nam Cuốc-nôi-ác-xcai-a Thượng, tất yếu phải có các đơn vị phòng ngự của phương diện quân bạn, nhưng tập đoàn quân 64 vẫn chưa liên lạc được với các đơn vị ấy. Chiều ngày 19 tháng bảy, đồng chí Goóc-dốp được chỉ định làm tư lệnh tập đoàn quân 64, đến cơ quan tham mưu tập đoàn quân. Tôi làm cấp phó của đồng chí. Goóc- dóp mang quân hàm thiếu tướng, tóc đã hoa râm, mắt xám, cái nhìn trông có vẻ mệt mỏi.

        Sau khi tìm hiểu các quyết định của tôi, tướng Goóc-dốp không có sửa đổi gì lớn về việc bố trí của thê đội một, đã duyệt y các quyết định đó và ra lệnh thi hành triệt để. Còn về thê đội hai của tập đoàn quân, tư lệnh đã có nhiều thay đổi lớn. Đồng chí yêu cầu sư đoàn 112 bộ binh không bố trí ở nơi tiếp giáp giữa tập đoàn quân 62 và tập đoàn quân 64, mà sẽ trải ra trên tuyến phòng ngự vành ngoài của Xta-lin-grát, trên sông Mích-cốp-ca, từ xóm Lô-gốp-xcôi-ê đến Grô-mô-xláp-ca; lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66, lữ đoàn xe tăng 137 và các trung đoàn học viên nhà trường quân sự được điều về tuyến phòng ngự trên sông nhánh Ác-sai, tức là sang sườn trái của tập đoàn quân. Theo quyết định này, tướng Goóc-dốp giữ tất cả các lực lượng dự bị của tập đoàn quân dọc phía đông sông Đông. Hệ thống phòng ngự của tập đoản quân 64 bên phía tây sông Đông như vậy là không có thê đội hai và không có lực lượng dự bị.

        Ngày 21 tháng bảy, tôi đến tuyến phòng ngự ở phía tây sông Đông và trong hai ngày liền tôi cùng với các sư đoàn trưởng đi nghiên cứu trận địa và chọn các trận địa phòng ngự. Các trung đoàn và sư đoàn trong lúc đó vẫn còn đang hành quân sau khi xuống tàu và đến các vị trí của mình vừa chậm, lại vừa không đầy đủ.

        Trong những ngày này, các binh đoàn và binh đội của tập đoàn quân 64 lần lượt đến tuyến phòng ngự, đã bị quân địch phát hiện. Các máy bay thám thính Phốc-ke Ưn-phơ bay lượn lâu trên các trận địa của chúng tôi, nhưng không thể đánh đuổi chúng được vì tập đoàn quân không có cao xạ, và máy bay tiêm kích của không quân thì còn bận chiến đấu trên các khu vực khác ngoài mặt trận.

         Việc bảo đảm vật chất và kỹ thuật cho tập đoàn quân 64 ở cấp tập đoàn quân — sư đoàn trước khi chiến sự bắt đầu, tức là trước ngày 25 tháng bảy, thực tế coi như chưa có tổ chức. Hậu cần của tập đoàn quân và các cơ quan tiếp tế hãy còn ở trên các đoàn tàu kéo dài từ Tu-la đến Xta-lin-grát. Nói đúng ra, cho tới cuối tháng bảy, tập đoàn quân 64 không có tổ chức hậu cứ của mình. Ngay cả việc bốc dỡ các đồ tiếp tế cho các sư đoàn cũng phải tiến hành lẻ tẻ ở nhiều ga xe lửa giữa sông Đông và sông Vôn-ga, và ở các bến tàu trên sông Vôn-ga.

        Việc cung cấp vật chất kỹ thuật cho tập đoàn quân 62 nói chung được bình thường, vì khu vực đóng quân của tập đoàn quân ở trên bờ sông Vôn-ga, thuộc ngoại vi Xta-lin-grát. Việc chỉ huy và cơ quan tham mưu hậu cần dưới quyền của thiếu tướng Lô-bốp đặt ở khu vực ga và thị trấn Xô-viết cách dải phòng ngự chủ yếu 80 — 120 ki- lô-mét.

        Phương diện quân Xta-lin-grát phải tổ chức rất khẩn trương nên các cơ quan hậu cần không có đủ thời gian để đảm bảo tốt việc tiếp tế cho bộ đội, nhất là về đạn dược  và phương tiện công binh.

        May cho chúng tôi là tập đoàn quân xe tăng 4 và tập đoàn quân 6 của địch, vào giữa tháng bảy cũng bắt đầu có sự trục trặc trong việc tiếp tế nhiên liệu, làm cho việc cơ động một số sư đoàn cơ giới và phương tiện tăng cường của chúng gặp trở ngại và bị chậm trễ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:55:25 pm »


4

        Kề lại trận đánh ở khúc ngoặt rộng của sông Đông tại cửa ngõ còn ở ngoài xa Xta-lin-grảt chúng ta khó mà phân biệt các hoạt động quân sự của tập đoàn quân 62 với tập đoàn quân 64. Cả hai tập đoàn quân đều tác chiến theo một kế hoạch chung của mặt trận Xta-lin-grát, chống các đơn vị của cụm tập đoàn quân «B», đặc biệt là chống lại cuộc tiến công của tập đoàn quân dã chiến 6 do Vôn Pao-luýt chỉ huy và tập đoàn quân xe tăng 4 của Hốt.
Từ ngày 17 tháng bảy, các đơn vị phía trước của tập đoàn quân 62 đã bước vào chiến đấu ngày một quyết liệt với địch, kéo dài đến hết ngày 22 tháng bảy.

        Ngày 23 tháng bảy, địch sử dụng đại bộ phận lực lượng đánh vào dải phòng ngự chủ yếu của tập đoàn quân 62, và sang ngày 25 tháng bảy, đánh vào tập đoàn quân 64.

        Lúc này, chúng ta đã nắm được tài liệu nói về mục tiêu của cuộc tiến công mới đó. Đó là chỉ thị số 45 của Hít-le có sửa đổi đôi chút trên cơ sở của chỉ thị số 41.

        Theo chỉ thị số 45, Hít-le ra lệnh cho cụm tập đoàn quân « A » tiến công theo hướng nam, ở bên kia sông Đông, chiếm lấy vùng Cáp-ca-dơ và các nguồn dầu hỏa tại đấy. Cụm tập đoàn quân « B » tiến công vào Xta-rlin-grát, tiêu diệt cụm quân đối phương ở đó, chiếm lấy thành phố, và chia cắt mảnh đất nằm giữa sông Đông và sông Vôn-ga.

        Hồi đầu chiến cục mùa hè, Hít-le mới chỉ nói đến những hoạt động quân sự một cách đại thể và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tiến công phối hợp giữa các cụm tập đoàn quân «A» và «B» vào Xta-lin-grát. nhưng đến lúc này, trước những thắng lợi chúng đã giành được trong tháng năm và sáu, y cho rằng, quân đội Đức đã có đủ sức để tác chiến trên các hướng khác nhau, nên đã tách riêng hai cụm tập đoàn quân « A» và «B».

        Đánh giá thấp các đơn vị hay còn sung sức của chúng ta mới được điều tới khúc ngoặt rộng của sông Đông, Hít- le thúc quân tiến vội tới vùng Cáp-ca-dơ và lệnh cho tập đoàn quân xe tăng 4 của Hốt nhảy cóc qua đội hình chiến đấu của tập đoàn quân 6 của Vôn Pao-luýt ở bên sườn phải, để tiến về Xim-li-an-xcai-a là một vùng đông dân Cô-dắc, để bắt liên lạc với các đơn vị của cụm tập đoàn quân « A ».

        Để đánh chiếm Xta-lin-grát, chúng đã thành lập hai cụm quân lấy trong lực lượng của tập đoàn quân 6 của Vôn Pao-luýt và các đơn vị Ru-ma-ni.

        Cụm quân «Bắc» gồm bốn sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn xe tăng và hai sư đoàn cơ giới, ngày 23 tháng bảy sẽ tiến công từ khu vực Gô-lốp-xki, Pê-rê-la-dốp-xki, theo dọc hữu ngạn sông Đông tiến về Véc-khơ-ne Bu-di-nốp-ca và Ma-lô Na-ba-tốp-xki nhằm chiếm Ca-lát-chơ.

        Cụm quân «Trung tâm» gồm hai sư đoàn bộ binh và một sư đoàn cơ giới của quân đoàn xe tăng 51, ngày 25 tháng 7 sẽ tiến công từ khu vực Ô-blíp-xcai-a, Véc-khơ- ne A-xê-nốp-xki, để đột phá chính diện ở phía nam Xu- rô-vi-ki-nô, vượt qua Xta-rô Mác-xi-mốp-xki và từ phía nam tiến vào Ca-lái-chơ.

        Cả hai cụm quân này thuộc tập đoàn quân 6 có nhiệm vụ hợp vây và tiêu diệt chủ lực của Hồng quân ở khúc ngoặt rộng của sông Đông, rồi vượt qua sông Đông tiến về Xta-lin-grát.

        Cụm quân thứ ba, cụm quân ở phía nam, gồm hai sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn xe tăng, một sư đoàn cơ giới của tập đoàn quân xe tăng 4 và bốn sư đoàn bộ binh Ru- ma-ni, ngày 21 tháng bảy sẽ tiến công vượt sông Đông, chiếm lấy đầu cầu và sẵn sàng đánh vào thành phố ở mặt phía nam, dọc theo đường xe lửa Cô-ten-ni-cô-vô — Xta- lin-grát, hoặc xuống phía nam, tới Cáp-ca-dơ.

        Qua tình hình trên cho thấy các cuộc tiến công của quân phát xít, đặc biệt của cụm quân «Trung tâm » là nhằm đánh vào tuyến phòng ngự của các tập đoàn quân 62 và 64 mới được chuẩn bị vội vã. Quân địch dùng máy bay trinh sát liên tục nên không thể không phát hiện ra các đơn vị của chúng ta đang tiếp cận, những hoạt động phòng ngự của các binh đội, có nghĩa là chúng hoàn toàn nắm vững những gì xảy ra ở các khu vực của tập đoàn quân 62 và 64.

        Trận đánh Xta-lin-grát được tính bắt đầu từ ngày 17 tháng bảy 1942, là ngày mà các đơn vị phía trước của các tập đoàn quân 62 và 64 chạm địch. Cho đến ngày 19, các đơn vị phía trước của hai tập đoàn quận này đã chống cự kịch liệt, nhưng vẫn không chặn được khối quân Đức ào ạt lao vào họ.

        Một trong những trận đánh lớn nhất của Chiến tranh thế giới lần thử hai đã triển khai.

        Trận đánh Xta-lin-grát chia làm hai giai đoạn. Bộ Tư lệnh tối cao Liên Xô đã thực hiện các phương án khác nhau theo kế hoạch chiến lược chung trong từng giai đoạn, nhằm bảo đảm đánh bại quân địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 11:55:49 pm »


        Giai đoạn phòng ngự kéo dài từ 17 tháng bảy đến 18 tháng mười một 1942. Trong giai đoạn này, các trận chiến đấu đã xảy ra ở cửa ngõ ngoài xa và ngoại vi Xta-lin-grát, trên tuyến phòng thủ thành phố.

        Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 19 và 20 tháng mười một, bằng một cuộc phản công lớn của các phương diện quân Tây Nam, phương diện quân sông Đông và phương diện quân Xta-lin-grát. Tập đoàn quân 62 và tập đoàn quân 64 cũng được lệnh chuyển sang phản công và tiêu diệt quân địch bị bao vây ở Xta-lin-grát. Giai đoạn này kết thúc ngày 2 tháng hai 1943 với kết quả đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch bị vây trong thành phố  và ngoại vi Xta-lin-grát.

        Nhưng trận đánh sẽ diễn biến ra sao và hậu quả của nó như thế nào, lúc đó chúng tôi cũng chưa hình dung nổi phạm vi chiến lược và chiến thuật của nó. Chúng tôi chỉ biết ra sức thực hiện nhiệm vụ trước mắt của mình trong các khu vực phòng ngự được giao.

        Trong khi chờ đợi cuộc chạm trán đầu tiên với quân đội phát xít Đức, tôi thấy mình còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu với một đối phương hùng mạnh và từng trải, mà trước hết cần phải nghiên cứu chiến thuật và các điểm mạnh, yếu của chúng.

        Tôi trao đổi với nhiều sĩ quan đã từng tham gia chiến đấu và hiểu rằng không thể chỉ ngồi ở cơ quan tham mưu tập đoàn quân mà có thể tìm hiểu được địch, do đó phải cố gắng thu xếp xuống các đơn vị càng nhiều càng hay, để học hỏi các cấp chỉ huy đã dày dạn, trong thử thách và tận dụng kinh nghiệm của các chiến sĩ.

        Ngày 22 tháng bảy, tôi trở về cơ quan tham mưu tập đoàn quân và được biết đồng chí Goóc-dóp mới được triệu tập về Mát-xcơ-va và 24 tiếng đồng hồ sau, đồng chí đã trở lại với chúng tội trên cương vị là tư lệnh phương diện quân Xta-lin-grát.

        Cơ quan tham mưu tập đoàn quân nhận được lệnh của phương diện quân phải điều lữ đoàn lính thủy đánh bộ 66 và lữ đoàn xe tăng 137, đi theo bờ tây sông Đông đến Xim-li-an-xcai-a, với nhiệm vụ đánh bọc sườn và vào phía sau, tiêu diệt các đơn vị địch đang qua sông Đông. Theo lệnh đồng chí Goóc-dốp, các đơn vị này trong đêm rạng ngày 23 tháng bảy phải tập trung ở vùng Xu-vô-rốp-xcai-a. Thế nhưng, các xe tăng hạng nặng và hạng trung của lữ đoàn xe tăng 137 khỏng qua được sông Đông vì cầu ở vùng Ni-giơ-na — Triếc-xcai-a không chịu nổi trọng lượng lớn của loại xe tăng đó. Và lữ đoàn chi có một tiểu đoàn bộ binh cơ giới cùng với 15 xe tăng T.60 tham gia được vào các đơn vị này.

        Về sau, chúng ta mới được biết là địch đã tiến tới khu vực Xim-Ii-an-xcai-a với một lực lượng rất đông, còn như khi ký lệnh, tiếc rằng bộ tham mưu phương diện quân chưa nắm được những tin tức chính xác về địch, nên đã cử một lực lượng ít ỏi như vậy để đương đầu với quân đoàn xe tăng 48 của tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức, và tại khu vực của đơn vị bạn, tập đoàn quân 51 của phương diện quân Nam phái chống lại quân đoàn 4 Đức và quân đoàn 6 Ru-mà-ni.

        Trinh sát của tập đoàn quân 64 cũng không thể làm sáng tỏ được hơn tình hình. Tôi không tán thành việc chia nhỏ lực lượng, nhưng đồng chí Goóc-dốp vẫn giữ nguyên lệnh của mình. Do đó, tôi phải đáp máy bay U-2 tới vùng Xu-vô-rốp-xcai-a để theo dõi việc chấp hành mệnh lệnh đó.

        10 giờ ngày 23 tháng bảy, nhóm của chúng tôi đến vùng Xim-li-an-xeai-a. Trên đường về, tôi quyết định cho máy bay U-2 bay theo chính diện của tập đoàn quân để từ trên cao thị sát các trận địa của chúng tôi.

        Ở đông-nam Xu-vô-vi-ki-nô, máy bay chúng tôi gặp chiếc máy bay phát xít JU-88. Nó quay ngay lại và tiến công vào máy bay chúng tôi. Máy bay U-2 của chúng tôi không vũ trang, còn chiếc JU-88 thì có pháo và súng máy. Thế là trò chơi mèo săn chuột bắt đầu.

        Tên giặc lái phát xít lao vào công kích máy bay chúng tôi có tới mười lần, và tưởng chừng như máy bay của chúng tôi sắp bị pháo và súng máy của chúng bắn vỡ tung trên không. Trên thảo nguyên trơ trụi này, chúng tôi không thể hạ cánh được, vì như vậy sẽ trở thành cái bia bẩt động và bị pháo trên chiếc JU-88 bắn trúng ngay. Đồng chí phi công của chúng tôi bay về phía đông, nhằm hướng mặt trời, vừa bay vừa tìm xem có một xóm nhỏ hoặc khóm rừng nào khả dĩ có thể giúp chúng tôi tạm thời ẩn tránh được con diều hâu Đức kia không, nhưng thảo nguyên vẫn trải dài trơ trụi... Tôi không nhớ đến lần công kích thứ chín hay thứ mười của địch thì máy bay của chúng tôi rơi xuống đất và vỡ ra làm đôi.

        Do bay thấp, là sát mặt đất, nên khi máy bay rơi cũng không nguy hiểm lắm. Chúng tôi chỉ bị văng ra khỏi buồng lái: tôi bị bươu đầu và đau ở ngực, còn đồng chí phi công bị bầm tím đầu gối.

        Con diều hâu Đức thấy máy bay của chúng tôi bốc khói, cho là đã kết liễu được đời chúng tôi. Nó lượn một vòng, rồi bay về hướng tây và biến mất ở phía chân trời.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM