Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:45:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong chiến hào Xta-lin-gơ-rát  (Đọc 12461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2019, 08:23:40 pm »


        Tay vịn biến mất. Tôi nằm trên cái gì mềm mại, ấm áp và không tiện lợi. Cái đó chuyển động dưới thân tôi. Tôi lấy tay bám vào nó. Nó bò.

        Không có ý nghĩ gì cả. Óc ngừng hoạt động. Chỉ còn có bản năng thôi: lòng khao khát muốn sống của động vật và sự chờ đợi. Thậm chí không phải là sự chờ đợi, mà là một cảm giác gì đầy: giá kết thúc được chóng, chóng hơn, thế nào cũng được, miễn là chóng hơn.

        Sau đó, chúng tôi ngồi trên giường, hút thuốc. Việc xảy ra như thế nào tôi không còn nhớ. Chung quanh chỉ toàn là bụi, giống như sương mù. Mùi thuốc nổ khét lẹt. Trong răng, trong tai, sau cổ áo: khắp nơi đều có cát. Trên sàn nhà những mảnh đĩa vỡ, những vũng nước canh, những mầu lá bắp cải và một miếng thịt. Một tảng nhựa đường nằm ngay giữa phòng. Các kính đểu bị vỡ sạch. cổ đau, như bị ai đánh một gậy.

        Chúng tôi ngồi hút thuốc. Tôi thấy ngón tay của Va-lê-ga run run. Của tôi chắc cũng thế. Xê-đức xoa bóp chân. I-go có một vềt tím bầm to ở trán. Anh cố mỉm cười.

        Tôi đi ra ban-công. Nhà ga cháy. Ngôi nhà bên phải nhà ga cháy. Ở đấy, chắc là ban biên tập nào đấy hay là ban chính trị. Tôi không còn nhớ. Ở bên trái là kho thóc, đang hừng hực cháy. Trên quảng trường vẳng teo. Một vài hố bom và nhựa đường bị đào lên. Có người nào đấy nằm sau vòi nước phun. Chiếc xe tải bị vứt, bánh sau bị gãy, xe quỵ xuống , như con vật ngồi trên cẳng sau. Con ngựa đang lồng lộn. Bụng của nó vỡ toang hoác và ruột đồ nhầy nhụa trên mặt đường nhựa. Khói trở nên dày đặc và đen ngòm hơn, một lớp khói mù mịt bay trên quảng trường.

        — Các đồng chí có ăn không? — Va-lê-ga hỏi. Giọng của cậu khe khẽ, khàn khàn, như chính không phải của cậu.

        Tôi không biết có muốn ăn hay không, nhưng cứ nói sẽ ăn. Chúng tôi ăn khoai tây nguội ngay trong xanh. I-go ngồi trước mặt tôi. Mặt anh xám vì bụi, trong giống như một bức tượng. vèt tím bầm tan ra khắp trán.

        — Ôi chà, — anh gạt tay, — nuốt chẳng trôi... — Và đi ra ngoài ban-công.

        Pen-gau-nít và Sa-pi-rô đi đến, mặt tái nhợt, đầy bụi. Khi bọn Đức ném bom thì các anh ấy đang ở quảng trường trung tâm. Họ nấp ở trong hầm. Bom rơi trúng Nhà Hồng quân và ngôi nhà đối diện ở góc, nơi đó trước đây là bệnh viện. Phía nam thành phố rực cháy. Một chiếc xe chở đạn được bị trúng bom và đến bây giờ đạn vẫn còn nổ. Một người đàn bà bị đứt đầu. Bà ở rạp chiều bóng đi ra. Ở đấy, có chừng hai mươi người chết. Đúng vào lúc buổi chiếu vừa xong.

        Tôi hồi mấy giờ rồi. Pen-gau-nít nhìn đồng hồ. Chín giờ kém mười lăm phút. Chúng tôi từ thư viện trở về lúc gần bảy giờ. Tức là trận ném bom kéo dài gần hai giờ.

        I-go ở ngoài ban-công vào nhà.

        — Đại úy của chúng mình ở đâu nhỉ ?

        Chẳng ai biết cả, Tình hình mù mịt. Hay là đến chỗ Gôn- stáp? Có lẽ không cần, anh ta đã biết địa chỉ chúng tôi và nếu cần có thể báo tin. Không. Dù thế nào cũng nên đến. Không thể ngồi yên được. Đến đấy không hơn nửa giờ đi bộ.

        Ngoài đường phố, người ta mang tay nải, chở bao bị trên các cỗ xe ngựa tải. Chạy, vấp. Đồ đạc trong xe đồ xuống đường. Người ta đứng lại, xếp lại đồ đạc, lặng thinh không chửi mắng gì, chỉ giương những con mắt đờ đẫn, mở rộng nhìn. Khói cay sè, sặc sụa trong cổ, bay từ các nhà ra và bò lan trên đường phố. Những mảnh kính vỡ kêu lạo sạo dưới chân. Gạch, những mảnh bê-tông, bàn và một cái tù bị lật ngược. Người ta khiêng người nào đấy trên cái cáng làm bằng chăn. Một bà già mặc váy kẻ ô vuông, mang cái ghế đấu và tay nải thật lớn.

        — Lạy Chúa... Lạy Đức Mẹ...

        Tay nải tuột ra. Chiếc khăn vuông chít trên đầu rơi xuống và kéo lê trên mặt đất.

        Ở góc đường Gô-gôn, một hố bom to tướng: cả một ngôi nhà có thể đặt trong đấy được. Các chiến sĩ dẹp những tảng nhựa đương bị tung lên khắp nơi. Không khí rung lên, vì những chiếc xe cứu hỏa rú lên đến inh tai điếc óc.

        Người ta chạy, chạy mãi, chạy mãi...

        Khói bò lan khắp thành phố, phủ kín bầu trời, làm mắt cay sè và cổ sặc sụa. Những ngọn lửa như những cái lưỡi vàng, dài thè ra khỏi các cửa sổ, liếm các bức tường của ngôi nhà nằm ở góc. Lính cứu hỏa tháo các vòi rồng.

        Người ta không cho chúng tôi vào nhà. Chúng tôi gọi điện hồi lâu cho Gôn-stáp từ buồng điện thoại ở đường phố. Chẳng làm thế nào gọi được cả. Có tiếng nói của ai đầy cứ làm phiền mãi. Có cái gì đấy kêu rè rè, rột rột trong ống nghe. Giọng của Gôn-stáp vang đến tai chúng tôi từ đâu đấy xa xăm, tựa hồ như từ bên kia thế giới.

        — Hãy về nhà đi... hãy đợi.

        Chúng tôi đi về nhà. Người ta vẫn chạy, chạy mãi, chạy mãi... Ở căn nhà tầng dưới, đang chuyển ra một chiếc tù kính to.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2019, 05:08:17 pm »


        Chúng tôi cố chợp mắt. Trằn trọc mãi. Chẳng biết vì sao mà thấy cứng và không tiện. Đèn không có. Máy thu thanh ngậm câm như hến. Suốt đêm những đám cháy hoành hành dữ dội.
Sáng tinh mơ, đại úy đến. Khịt mũi. Sau năm phút sẽ có chiếc xe ô-tô loại một tấn rưỡi và chúng tôi sẽ đi đến nhà máy Máy kéo.

        — Đến Máy kéo à? Để làm gì thế?

        — Chẳng biết. Có lệnh thế.

        — Ai ra lệnh?

        — Gôn-stáp. Anh đó cũng sẽ đến Máy kéo.

        — Thế làm gì ở đấy?

        — Tôi đã bảo là tôi chằng biết. Anh đó bảo tập hợp nhóm của mình và đợi xe.

        — Ngoài ra chằng nói gì nữa à?

        — Chẳng nói gì nữa. Anh ta từ phòng thủ trưởng đi ra trong giây lát, nói về xe ô-tô, rồi trở vào lại.

        — Có nghe gì về tình hình không?

        Đại úy nhún vai: phải chăng có thể hiểu được?..

        Xê-đức gọi tôi ra một chỗ.

        — Ờ ngoài ga, kho bị ném bom. Hay là tôi ra đấy nhé ?

        — Liệu đấy, không được đi đâu cả!

        — Nghe nói có rượu trắng đấy mà.

        — Cậu có nghe tôi nói gì không, hả?

        — Nghe ạ.   

        — Đi thu xếp đồ đạc đi.

        Tôi gói cuộn bản đồ và đút vào túi dết. Sa-pi-rô lẳng tai nghe.

        — Chúng lại bay...

        Yên lặng. Va-lê-ga một tay cầm dao, một tay cầm hộp thức ăn. Tiếng ầm ì quen thuộc của động cơ nghe trầm trầm và còn ở xa. Nhiều máy bay.

        — Phải đi xuống hầm nhà, — đại úy khịt khịt cái mũi và đi đến gần cửa. Ở cửa gặp một người mặc áo da, mặt mày đỏ gay và nhễ nhại mồ hôi.

        — Anh là Xa-môi-len-cô à? — giọng khản đặc nói và thở hổng hộc.

        — Tôi...

        — Người của anh đâu? Tôi đưa xe đến. Nào, mau lên. Bóp còi giục rồi đấy.

        Va-lê-ga tay cầm dao và đồ hộp đưa mắt nhìn tôi có ý hồi.

        — Nào, đi ra xe... Cậu nghe chứ?

        Khi chúng tôi vào xe, thì những quả bom đầu tiên rơi xuống. Ở đâu đấy về phía sau, ở khu công nhân đường sắt. Máy bay vút trên đầu, từ từ liệng về tay phải.

        Tôi cất mũ ca-lô để gió không giật đi mất. Chúng tôi đi ra ngoài thành phố. Bây giờ trông rõ những chiếc máy bay đang bồ nhào xuống ga, khu trung tâm và bến tàu. Một đám bụi dày đặc bốc lên trên thành phố. Từ đâu đấy ở trên sông, bốc lên một cột khói cao, đặc, đen và ở bên trên tỏa rộng ra như một tai nằm. Chắc là kho dầu bị cháy.

        Đường chật như nêm, người ta đi đâu đấy, đi mãi, đi mãi, thỉnh thoảng ngoái cổ lại nhìn thành phố. Người thì ở trần không mặc áo, người thì mặc áo lông, mặt mày lọ lem.

        Gôn-stáp ngồi trong hầm nhà. Người đông lắm, không thể nào chen vào được. Nào hòm, nào bao, nào áo ca-pốt chất đống. Có người nào đấy giọng khản đặc đang thét vào ống nói. Gôn- stáp mặt xanh, râu không cạo, nheo mắt nhìn chúng tôi và không nhận ra.

        — Các anh đến gặp ai?

        — Gặp đồng chí. Chúng tôi là công binh.

        — Thế à... Công binh. Tốt lắm! Hãy để áo ca-pốt ở đây, trên hòm. Đi xe ô-tô đến à? Tốt. Đến đây.

        Anh nói vội vã, ngắt đoạn và xoa hai bàn tay gầy gò, nhỏ nhắn có lông đen.

        — Thì giờ ít lắm. Bọn Đức ở phía bên kia mương xói, — anh tìm cái gì đấy trong túi nhưng không tìm thấy và khoa tay. — Chừng năm mươi thước, chứ không hơn đâu. Chúng bắn súng cối vào nhà máy Máy kéo. Quân đổ bộ. Có lẽ không nhiều. Bộ đội chính quy của ta còn chưa đến. Chỉ có công nhân đánh chặn bọn địch thôi. — Anh nhìn chiếc đồng hồ vàng, xinh xắn và nhỏ nhắn đeo ở tay. — Bây giờ sáu giờ mười lăm. Đến tám giờ đúng, nhà máy phải sẵn sàng để phá hoại. Rõ chứ? Công binh ở đấy có, của tiểu đoàn bộ đội, nhưng hơi ít. Thuốc nổ, dây nổ, ngòi nổ đều có đủ. Cần giúp đỡ. Hãy liên lạc với trung úy Bôn-sốp, các anh sẽ tìm anh ta ở đấy, mặc áo ca-pổt xanh và đội mũ ca-lô xanh. Sẽ biết cặn kẽ qua anh ta. Đúng tám giờ, tôi sẽ có mặt ở đấy.

        Anh cắn môi suy nghĩ.

        — Thôi được.

        Anh rút từ túi bên ra một cuốn sổ con bìa bằng da dê, có một cây bút chì con xâu bên cạnh. Và viết.

        — Kéc-gien-xép — xưởng nhiệt điện. Xvi-đéc-xki — phân xưởng đúc. Xa-môi-len-cô — phân xưỡng lắp ráp, và v.v... — Anh cho cuốn sổ vào túi và cài cúc lại. — Tôi chẳng giữ các anh lại lâu hơn đâu. Đồ đạc và áo ca-pốt có thể để lại đây.

        Chúng tôi đi tiếp.

        Chúng tôi tìm thấy Bôn-sốp khá nhanh: theo áo ca-pốt và mũ ca-lô xanh. Anh gầy gò, xanh tái, mắt hơi lồi, hóm hỉnh và thông minh. Bên mép miệng ngậm mẩu tàn thuốc. Tay thọc vào túi.

        — Các anh đến giúp đấy à? — anh nhếch mép cười.

        — Vâng. Đến giúp.

        — Ồ, thế thì chúc mừng đấy. Giá đến sớm hơn hai giờ trước thì tốt. Còn bây giờ... — anh ngáp và nhổ tàn thuốc, — cái chủ yếu đã làm xong rồi. Có ôm kế không?

        — Không. Thì sao?

        — Ngòi nổ không định cỡ. Nói chung nếu hôm nay có lệnh thì chưa chắc đã làm quái gì được. Thế nào, chúng ném bom thành phố à?

        — Ném bom. Vì sao không làm được?

        — Vì sao à? — Bôn-sổp uể oải cười. — Chất nổ thì như cứt ấy. Thuồc nổ tốt rất ít. Còn lại là a-mô-nít. Bị thấm nước, chất đổng ra đấy. Còn ngòi nổ thì không định cỡ. Mạch điện chẳng có cóc gì để kiểm tra cả. Ôm kế không có...

        — Còn dây nổ thì sao? — I-go hỏi.

        — Người ta hứa ngày mai sẽ có. Cả ôm kè cũng ngày mai. Tất cả đều ngày mai. Mà hôm nay phải phá hoại rồi.

        — Hôm nay ư?

        — Nghe nói thế. Nếu không đánh lùi được, thì hôm nay.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2019, 02:46:33 pm »


        Anh lấy từ trong túi ra một tờ báo xếp cần thận và xé một mảnh hình chữ nhật đều đặn.

        — Có thuốc lá rời không, hở?

        Chúng tôi hút thuốc. Những đội công nhân đi qua trên con đường nhựa rộng rãi, hai bên trồng cây. Họ mang những khấu súng máy tháo ở xe tăng ra. Có một vài người không có súng trường, không có gì cả. Họ đi chăm chú, chằng nói chẳng rằng. Tôi hỏi:

        — Bọn Đức đâu?

        — Kia kìa, sau những phân xưởng. Ở đấy là mương xói. Mê-sót-ca hay là Nê-sót-ca, có ma mà biết được. Chúng nã súng cối. Xe tăng chừng mươi chiếc. Cũng chẳng phải là xe tăng, mà là loại tăng con thôi. Từ trên chòi cao kia trông rõ lắm.

        — Thế các mục tiêu của anh đâu?

        — Còn của anh?

        — Xưởng nhiệt điện, — tôi trả lời.

        — Xưởng nhiệt điện à? Chỉ hai bước thôi. Sau tòa nhà kia, đi vể phía trái. Có bốn ổng khói to. Anh hãy tìm trung sĩ của tôi. Vê-đéc-ni-cốp. Chắc là đang ngủ ở đâu đấy trong văn phòng. Anh ta đã làm suốt đêm. Tôi cũng khuyên anh chợp mắt đi.

        Quả là trung sĩ đang ngủ, rúc đầu vào góc đi-văng, duỗi chân trên sàn. Rõ là anh vừa gieo mình xuống đi-văng là đã ngủ ngay.

        — Này ông bạn!

        Trung sĩ trở mình và dụi mắt hồi lâu. Đôi mắt bé nhỏ, lõm sâu và như khuất hẳn trong khuôn mặt có hai gò má cao tơ Anh ta chẳng tỉnh ngủ được.

        — Trung úy phái anh đến à?

        — Vâng. Bôn-sốp.

        — Anh sẽ nhận à?

        — Bây giờ anh sẽ cho biết cái gì đã làm.

        — Lại cho biết ? Ớ đây họ đã đến tìm hiểu rồi. Có một đại úy nào đấy, hình như là Lơ-vô-vít...

        — Còn bây giờ là tôi.

        Trung sĩ vươn vai, ngồi dậy.

        — Thế thì ta đi thôi... — Anh tìm thuốc lá trong túi. — Suốt đêm khiêng bao bỏ mẹ. Lưng mỏi quá chừng. Bao bằng giấy, độ quỷ, rách cả...

        — Có nhiều không?

        — Có đến một trăm, nếu không hơn. Loại năm mươi ki-lô đấy. Xưởng nhiệt điện này rồi chẳng còn gì nữa đâu.

        — Mạng sẵn sàng chứ?

        — Sẵn sàng. Chỉ có mạng điện thôi. Ăc-quy mang đến nhiều vô kể, mà ôm kế thì không có. Có một tay thợ điện ở đây giúp cho tôi, nói rằng họ có cái gì tương tự như thế, nhưng để ở đâu, không thể nào tim ra được. Còn thì nói chung sẵn sàng cả rồi. Các ngòi nổ treo sẵn đấy. Chỉ cần đưa tay và đóng cầu dao nữa thôi.

        — Thế trạm phá hoại ở đâu?

        Trung sĩ khoa tay về phía cửa sổ.

        — Cách đây chừng ba trăm thước là chiến hào. Ở đây có đủ tất cả trang bị. Cả đại úy cũng ở đấy. Và chắc là cả thợ điện nữa.

        Chúng tôi đi quanh xưởng. Xưởng sạch sẽ và to lớn. Tám máy phát điện, dưới mỗi máy đặt ba bốn bao thuốc nổ. Ngoài ra, còn thuốc nổ ở các nồi xúp-de, ở bộ phận chuyển mạch chạy dầu và ở bộ phận biến thế, cách xưởng chừng ba trăm thước. Mạch rất dài, chừng hai cây số, làm rất cần thận: các đầu dây đều chu đáo quấn băng cách điện, ở mỗi lượng thuốc nổ có hai ngòi nổ. Trong một đêm, mà làm được như thế quả là nhiều thật.

        Ở đâu đấy phía bên kia của xưởng nhiệt điện, nghe rõ tiếng đạn súng cối nổ rền.

        — Chúng nã ở ngoài rìa đấy, — trung sĩ nói. — Bẳn súng cối đại đội. Chằng đáng kể. Anh có vào chiến hào không?

        — Điện thoại ở đâu?

        — Trong chiến hào. Tất cả đểu trong đó. Cũng như sở chỉ huy ấy mà.

        Trong chiến hào chật ních. I-go, Xê-đức, một người cao, tóc đen, quăn, mặc quân phục có những hàng tóc mai nhỏ, những người công nhân mặc áo quần làm việc và một người nào đấy gầy nhom, có vẻ ho lao, mặc chiếc áo vét-tông bóng loáng và đội mũ cát-két có cái cúc. Thì ra quân nhân là Lơ-vô-vít, còn người đội mũ cát-két có cái cúc là kỹ sư điện của xưởng nhiệt điện. Tên anh ta là Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích.

        Mọi người ngồi hút thuốc dưới ánh đèn bão, Chiến hào tốt, lát ván chung quanh, có các lớp gỗ đậy bên trên, có cửa đóng kín mít và những tấm phản nằm. Cũng giống chiến hào làm theo kiểu công binh, hình chữ H có hai cửa ra vàơ

        — Không có ôm kế thì làm thế nào đây? — tôi hỏi.

        Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích liếc nhìn tôi.

        — Chúng tôi có cầu Uýt-xtôn đấy.

        — Thế sao anh chẳng nói?

        — Thì tôi nói đấy. Chỉ có điểu là nó nằm trong tủ sắt, mà chìa khóa thì ở ông chánh kỹ sư Pư-scốp cơ. Mà Pư-scốp thì từ chiều qua ở sở chỉ huy.

        — Thế thì phải phái người đi.

        — Đã phái rồi. Anh có thấy không, họ đi đến nhà máy «Tháng Mười Đỏ». Ba giờ trước đây, gọi điện báo cho biết là đang đi. Và cứ đi mãi.

        Mặt của Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích rất hoạt động. Khi nói, không chỉ mồm cử động, mà cả mũi, trán và hai má lõm có màu đồ bệnh hoạn cũng cử động. Anh sún mất một chiếc răng cửa, nên nói phều phào. Khó mà đoán được trạc tuổi của anh, có lẽ chừng ba mươi.

        — Hai đêm liền thức trắng, mà chẳng được tích sự gì cả.

        Anh giận dữ vò điếu thuốc và lấy gót chân dí nát nó.

        — Nếu bây giờ người ta gọi điện bảo hành động đi... Thế thì làm sao?

        — Phải hành động thôi, — tôi đáp.

        — Đóng cầu dao? Hả? Theo anh là thế chứ gì?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2019, 09:09:25 pm »


        Cặp mắt to, có những mi mắt thâm tím giận dữ nhìn như xoáy vào người tôi.

        — Theo tôi thì thế đấy.

        — Còn công nhân ở xưởng thì sao? Để họ cùng với máy móc đi tong cả sao? Ai sẽ báo tin cho họ? Tôi với anh à? Công việc của chúng tôi ở đây sẽ ngập lút đầu lút cổ, — anh lấy tay nhanh chóng ra hiệu. — Nói chung chẳng có kế hoạch, chằng có tổ chức gì cả.

        — Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích, — Lơ-vô-vít ngắt lời anh ta.

        Lơ-vô-vít ngồi tách ra một bên, trên những bình ắc-quy dự trữ và đang uốn cong, rồi bẻ thằng mệt sợi dây thép.

        — Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích cái gì? Dù sao cũng phải suy nghĩ một chút chứ. Ở xưởng nhiệt điện hiện có sáu mươi người làm việc. Công nhân sẽ trốn đi đâu được, nếu như... nếu như đành phải làm nổ bùng. Đi đâu? Tán loạn ư? Muốn đi đâu thì đi à? Thế rồi... Việc phá hoại các phân xưởng có theo trình tự gì không? Không. Phân xưởng đúc sẽ phá hoại, còn chúng ta thì chỉ sửa soạn, hay ngược lại... Nói chung... — Anh khoa tay và lấy những ngón tay dài bóp điếu thuốc. — Đấy thằng Đức bây giờ đang nã súng cối, nếu mảnh đạn trúng vào dây, thế là hết. Toàn bộ mạng của chúng ta chẳng được tích sự khỉ gì cả. Bao nhiêu lần tôi đã bảo là đề cầu Uýt-xtôn trong tủ sắt là ngốc. Nhưng người ta không nghe. Sợ ăn trộm. Bảo rằng trong toàn thành phố Xta-lin-gơ-rát chỉ có một máy duy nhất. Và bây giơ, thế là phải ngồi đợi, mà chẳng biết kết quả sẽ ra sao cả.

        Anh hút vài hơi nhanh và mạnh, rồi dụi điếu thuốc vào tường và đứng lên.

        — Có lẽ là đến rồi... Chẳng tài nào gọi điện được. Quỷ sứ đấy chứ không phải là điện thoại.

        I-go cũng đứng dậy.

        — Có ghé lại chỗ mình ở xưởng đúc không, hả? Sẽ xem.

        Chúng tôi đi đến xưởng đúc.

        — Thế nào, cậu có thích thằng cha ấy không? — I-go hòi.

        — Nói thế nào đây, chỉ đáng thương cho vợ hắn thôi. Ho lao cộng với đau dạ dầy, chắc là thế. Tuy thế, tất cả những điều hắn nói là hoàn toàn đúng sự thật.

        — Còn hắn làm tớ bực mình lắm.

        — Thật đấy, cậu bị đau thần kinh rồi: tất cả đều làm cậu bực mình. Sa-pi-rô làm bực mình, Pen-gau-nít giặt cổ giả — làm cậu bực mình, không vừa lòng. Thế thì cậu cần thằng quý quái nào, hở?

        — Tớ chẳng thích những tay càu nhàu thì làm sao. Mà cái kiểu nóng nảy thế kia, thì chốc nữa chỉ đùn ra đầy quần thôi.

        — Đi lâu mới biết đường dài! Phải cho cả Xê-đức và Va-lê- ga tập luyện về ngòi nổ nữa. Để làm thật đúng và không sợ.

        Xê-đức mỉm cười.

        — Cái đó thì có gì đáng sợ. Hồi đóng quân ở Cu-pian-xcơ, tôi đã dùng thuốc nổ đánh những con cá chép to như thế này. Đồng chí có biết ở đấy cá nhiều như thế nào không? Ngày mai, nếu chúng ta không phá hoại, thì tôi sẽ đánh cá chiên về cho các đồng chí, cá to đến nỗi hai tay không nâng lên được đâu. Tôi đã thấy chiếc thuyền con ở sau hàng giậu rồi.

        Ở cửa vào xưởng đúc, một tốp công nhân xúm quanh một thanh niên to lớn có cánh tay bị băng. Ông tay áo rách từ vai, còn trên băng là những chấm đở

        — Bọn chó đẻ đã mò đến học viện rồi. Bắn tiểu liên tặc .tặc... Còn bên ta, súng trường. Chúng tôi vừa đèn gần cửa vào, thì chúng nã tặc tặc từ cửa sổ. May là lúc đó xe tăng của ta đi đến, khạc đạn thẳng vào nhà. Thế là chúng bỏ chạy như chuột nhắt.

        Bây giờ chúng đang ở phía bên kia Mê-sót-ca.

        Mắt anh thanh niên ngời sáng. Anh khoái chí vì mọi người lắng nghe anh, vì anh đã bị thương, đã bắn vào bọn Đức, và anh không muốn chấm dứt câu chuyện đang kể.

        — Chỉ một phát của chiếc tăng ta. Trúng vào tầng hai. Thế là đá bay tung lên. Còn bọn Đức chuồn ra cửa sau, chạy từ cây này đến cây kia.

        — Bọn Đức có nhiều không, hở? — có người nào đấy hỏi.

        — Cũng khá. Chừng hai sư đoàn, có khi còn hơn.

        — Thế cậu có đếm cơ à?

        — Đếm... — anh thanh niên khinh bị nhổ toẹt xuống đất và đúng lên, lấy tay phải đỡ tay trái bị thương. — Cậu cứ đến đầy mà đếm. Ở đấy thì chỉ học toán được thôi, — anh khoa tay không bị thương. — Này các cậu ơi, trạm cứu thương đâu? Mải nói chuyện với các cậu rồi.

        Trên đường trở về, chúng tôi lại gặp những người bị thương: một cụ già và một em bé. Một người bị ở tay, người kia ở đầu. Cả hai bị nhẹ. Họ cho biết rằng bọn Đức vẫn ở sau mương xói. Chúng bắn súng cối. Nhưng không tấn công. Quân ta cũng thế. Xấu thật, không có cán bộ chỉ huy thật sự. Nghe nói ngày mai, các đơn vị bộ binh có trọng pháo sẽ đến đây. Đã hai lần xe tăng Đức mon men đến mương xói, bắn một ít, rồi đi. Quân ta cũng bắn ít, chắc là đạn dược không có, Còn nói chung, tình hình cũng chưa đến nỗi gì: còn chịu được. Công nhân nhà máy Máy kéo biết bảo vệ xí nghiệp của mình. Và nháy mắt một cách rất trẻ trung, cụ già cùng em bé đi tìm trạm cứu thương. Một tấm ván đóng vào cái cột đèn, trên đó vẽ vội vàng chữ thập đỏ, mũi tên chỉ về phía sông Vôn-ga. Một lúc trước đây, khi chúng tôi đi vào phân xưởng thì tầm ván đó chưa có.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2019, 02:50:20 pm »


        Trong chiến hào, Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích đang loay hoay với cái cầu Uýt-xtôn. Cầu to, đẹp, láng bóng và có cả một mớ công-tắc. Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích đang vui. Mạng điện còn nguyên vẹn.

        — Các anh xem kìa, kim nhảy có tốt không? Cầu tuyệt thật. Ở Xta-lin-gơ-rát chẳng có cái nào nữa đâu. Ngay cả nhà máy điện chính cũng phái người đi mượn nó. Nhạy vô cùng. Bây giờ thì tất cả ngòi nổ của các anh chúng tôi sẽ định cỡ. Có dự trữ không?

        — Nhiều vô thiên lùng, — Vê-đéc-ni-cốp đáp, — chừng vài ba trăm.

        Chúng tôi chỉ mới làm xong việc định cỡ — lẳp các ngòi nổ cùng một điện trở như nhau và thay các ngòi nổ ở lượng thuốc nổ, thì địch bắt đầu bắn dữ dội. Bắn gần một giờ. Cứ cách hai ba phút, một viên đạn đại bác rơi xuống. Phần lớn rơi quanh xưởng. Một vài viên trúng phòng máy, hai viên trúng nồi xúp-de. Người ta#gọi chúng là đạn súng cối, nhưng không phải. Đạn súng cối không có sức phá thủng, thế mà ở phòng máy thì có mầy lỗ thủng trên trần.

        Kim của dụng cụ rơi tụt xuống số không. Mạch bị đứt. Ghê- oóc-ghi A-ki-mô-vích tìm cái mũ cát-két có cúc của mình.

        — Phải chôn dây dẫn, nếu không thì mảnh đạn sẽ làm tình làm tội chúng ta mãi.

        Và không đợi địch ngừng bắn, anh bò ra khỏi chiến hào. Tìm chỗ bị dứt chẳng phải dễ. Mạch của chúng tôi là mạch nối tiếp, và bị đứt ở một chỗ thì toàn bộ bị tắt. Nếu mắc song song thì dễ tìm ra chỗ đứt hơn: chia mạch ra từng khu vực và có thể kiểm tra từng khu vực riêng.

        Chúng tôi vừa đi suốt theo dây dẫn, vừa lấy tay sờ nó. Va-lê- ga cầm cầu Uýt-xtôn đi với chúng tôi, Ghê-oóc-ghi A-khi-mô- vích luôn mồm quát cậu đề cậu thận trọng hơn, kẻo bây giờ chằng tìm đâu ra cầu khác được nữa, Chúng tôi tìm ra hai chỗ đứt khá nhanh, còn chỗ đứt thứ ba loay hoay mãi hồi lâu, nhưng cuối cùng cũng tìm ra được, Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích nhanh nhẹn và khéo léo quấn chỗ dứt bằng băng dính,

        Đền chiều tối, chúng tôi chôn dây dẫn và chuyển mạng sang lồi song song, Bọn Đức hai lần bắn phá nữa, Ghê-oóc-ghi A-ki- mô-vích không rời mắt khỏi cầu Uýt-xtôn, nhưng mọi việc đều tốt lành: mạng không bị đứt,

        Khoảng tám giờ, Gôn-stáp đến, Mang ôm kế tới, Cái đó giúp chúng tôi kiềm tra chỗ đứt dễ dàng hơn nhiều. Anh hỏi công việc của chúng tôi thế nào, Các bao thuốc nổ cần phải chuyển từ phòng máy xuống các buồng con dưới hầm nhà và đặt ngay dưới mỗi máy phát điện, Như thế an toàn hơn và công nhân sẽ yên tâm hơn. Thêm nữa trong bọn chúng tôi hoặc trong các chiến sĩ nhất thiết phải có người túc trực ngay ở xưởng. Và nói chung, trước đêm nay phải chuẩn bị sẵn sàng,

        Gôn-stáp dắt tôi và Lơ-vô-vít ra một chỗ. Xoa tay và nói:

        — Các anh hãy nhớ lấy: sau mệnh lệnh đầu tiên thì các anh sẽ có không quá nửa giờ chuẩn bị đâu. Trong nửa giờ tất cả mọi việc phải chuẩn bị xong xuôi đâu vào đấy. Lơ-vô-vít chịu trách nhiệm về việc tản cư công nhân. Còn Kéc-gien-xép — về phá hoại.

        — Rõ, Thế trình tự thế nào?

        — Không có trình tự gì hết. Cả mệnh lệnh thứ nhất lẫn thứ hai phải đồng thời thực hiện với tất cả các phân xưởng. Phá hoại xong, hãy tập hợp ở gần bến, Lơ-vô-vít đã biết là ở đâu rồi. Sẽ có ca-nô.

        — Rõ.

        — Rõ tất cả?

        — Tất cả.

        Gôn-stáp đi ra. Ở đâu đấy gần ngay bên cạnh, phía sau phân xưởng đúc có những pháo sáng bay vút lên không. Những tràng tiểu liên nổ ran và thỉnh thoảng xen lẫn tiếng súng máy.

        Chiếc cầu dao được lắp thằng vào tường cạnh cửa. Nó nhỏ bé, bình thường và có cái cán đen. Đúng là những chiếc như thể ở các công-tơ của các gia đình. Tôi nhìn nó. Có hai sợi dây dẫn từ cầu dao chạy ra: một sợi đến các bình ắc-quy — có tám bình đen để ở trong hố; một sợi đến lượng thuốc nổ, — tám mươi bao a-mô-nít, mỗi bao gần năm mươi ki-lô. Một sợi dây bị vặn đứt, nhô lên. Cán cầu dao thì bẻ ngửa ra và buộc lại bằng một sợi dây, đề phòng xa. Còn một hay hai giờ sau, cũng có thể sớm hơn, người ta sẽ gọi điện, và tôi sẽ nối lại dây dẫn, tháo sợi dây buộc cán cầu dao, kiểm tra mạng điện một lần nữa, và bằng hai ngón tay tôi sẽ thận trọng đóng ập cầu dao. Và lúc đó thì... Chẳng còn các máy phát điện, chẳng còn các nồi xúp-de, chằng còn phòng máy với những gạch tráng men, như trong phòng mồ. Chằng còn gì nữa...

        Chúng tôi ngồi hút thuốc. Va-lê-ga mạng quần. Xê-đức cùng với trung sĩ ở trong xưởng. Trong góc, chiếc máy điện thoại hơi mờ mờ phản chiếu ánh sáng. Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích luôn luôn cho cầu Uýt-xtôn chạy. I-go nằm trên phản và nhìn trần nhà.

        Mười hai giờ, Gôn-stáp gọi điện: kiểm tra mạng và đừng ngủ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2019, 06:11:23 pm »


        Trong chiến hào người ta hút nhiều đến nỗi không nhận rõ mặt người, chỉ thầy lờ mờ, như trên một tấm phim kém hiện hình. Đến ba giờ, chuông điện thoại lại reo. Chúng tôi choàng dậy. Bôn-sốp gọi điện: có thừa chừng hai mươi ngòi nổ đã định cỡ hay không. Có. Thế thì anh sẽ phái trung sĩ đến lấy. Được.

        — Còn nói chung thì thế nào, yên tĩnh chứ?

        — Yên tĩnh. Còn chỗ anh?

        — Hình như cũng yên. Bẳn ở sau mương xói, còn thì chằng sao.   

        Chúng tôi lại hút. Đi ra sân, nhìn sao, nhìn những pháo sáng và xưởng nhiệt điện đứng lù lù một khối đồ sộ có bốn ống khói. Chúng tôi trở vào. Ngồi. Hút thuốc. Cho cầu Uýt-xtôn chạy, rồi tắt. Và lặng thinh.

        Năm giờ, chuông điện thoại lại reo. Có thế nằm ngủ. Gôn- stáp nói thế.

        Lạy Chúa...

        Sau khi đẩy súng lục ra trước bụng, chúng tôi nằm trên phản không chiếu, không đệm gì cả.

        Bậy thật, chúng tôi đã để áo ca-pốt của mình ở chỗ Gôn- stáp.

        16

        Cũng những việc ấy lặp lại cả ngày thứ ba, cả ngày thứ tư, cả ngày thứ năm. Lại bắn, lại đứt, lại túc trực, lại chờ đợi điện thoại reo — và đến năm giờ thì có thể ngủ được.

        Bầu không khí dần dần bớt căng thẳng.

        Ngày này qua ngày khác, sáng sủa, xanh lam, với những mạng nhện bay.

        Mệnh lệnh vẫn chưa có.

        Thành phố có lẽ không còn gì nữa. Bọn Đức ném bom từ sáng đến chiều tối. Trên thành phố là một đám mây khói và bụi dày đặc. Kho dầu bốc cháy. Một làn khói đen như muội đèn có khi che cả mặt trời, và khi đó có thể nhìn mặt trời mà không nheo mắt, khác nào nhìn qua một tầm kính đã bôi muội đèn khi nhật thực.

        Các trận chiến đầu diễn ra ở phía nam thành phố, cạnh kho chứa lúa, và ở phía bắc — trên đồi Ma-ma-ép.

        Trong mương xói của chúng tôi, không có gỉ thay đồi. Có một bận đang đêm có hai sư đoàn đi qua. Họ đi lâu, đi không ngớt, đi suốt đêm, tiểu đoàn này nối đuôi tiểu đoàn khác. Có cả pháo binh và các đoàn xe. Vài lần bọn Đức định vượt qua mương xói, và lúc đó những tràng tiểu liên vang lên giòn giấ. Hằng đêm, Gôn- stáp gọi điện: «Hãy sẵn sàng», còn buổi sáng thì mọi việc trở lại yên tĩnh, và chúng tôi nằm ngủ.

        Chúng tôi bắt đầu quen với chiến hào của mình. Chúng tôi đưa điện vào, nấu ăn trên bếp điện, treo trên tường giấy vẽ loại tốt nhất lấy ở ban kỹ thuật nhà máy. Trong góc của mình, Va-lê-ga và Xê-đức treo cả chân dung Xta-lin và hai tấm bưu ảnh: một tấm là Nhà hát ca kịch Ô-đét-xa và một tấm in lại bức tranh của Rê-pin Bức thư của những ngươi Da-pa-rô-gi-e.

        Xê-đức còn kiềm ở đâu đấy được cuốn giáo khoa địa lý của Cơ-ru-be, tập thư của Sê-khốp, tạp chí Cánh đồng xuất bản nam mười hai.

        Tối tối, cậu miệt mài đọc, tẩm nước bọt vào tay để giở sách. Nhăn trán, cậu mấp máy đôi môi. Thỉnh thoảng lại hồi «lễ trùng danh» là cái gì, hay là «tướng lĩnh anh-phăn-tơ-ri»1 là cái gì, hay là vì sao hoàng tử kề vị A-lêch-xây có nhiều huân chương thế, mà chỉ mới lên bảy. Tôi rất thích Xê-đức, thích bộ mặt trẻ con, mũi hếch, cặp mắt hơi xềch và tươi cười, tính tình trẻ trung tràn đầy trong người cậu. Thậm chí cũng thích cả cái thói quen buồn cười của cậu, mỗi khi bối rối thì mân mê lòng bàn tay.

        Cậu làm cái gì cũng say sưa và hài lòng. Cậu tắm một cách mà hễ nhìn cậu thì tự mình cũng muồn tắm, cậu hết sức thờ phì phì, tung nước lên rất xa và khoác nước ầm ĩ vào vai, vào bụng. Cứ bảo cậu: đem một ít cùi đến, thì cậu kéo đến cho gần một thước khối. Những bắp thịt trẻ trung của cậu muốn lao vào chiến đấu. Ê-cu thì cậu chỉ vặn bằng tay không. Có một lần cậu đánh vật với I-go, và sau đó hai ngày I-go không thể quay cổ được. Mà I-go thì tự cho mình điêu luyện về môn đánh vật của Pháp và biết rất chi tiết mọi động tác «tua-đơ-bra» và «tua-đờ- tèt».

        Xê-đức ham hiểu biết đèn buồn cười. Cậu đến ngồi, tay khoanh đầu gối, mồm hơi hé mở và lắng nghe như trẻ con nghe truyện cổ tích. Những câu hỏi của cậu thường đột ngột và ngây tho. như trẻ con. Vì sao bọn Đức không thể đoán được bí mật của «ca- chi-u-sa», và vì sao kim địa bàn luôn luôn chỉ phương bắc, và có thật là hai chân của Ru-dơ-ven không đi được không.

        Có một bận, buổi tối, chúng tôi ngồi nói chuyện về các anh hùng và các loại huân chương. Xê-đức ngồi khoanh tay đầu gối — đó là kiểu ngồi thích nhất của cậu, — tập trung tư tưởng chăm chú lắng nghe.

        — Thế phải làm gì để được huân chương Lê-nin? — cậu hỏi.

        Mọi người đều bật cười.

        — Hừ, không nhất thiết là huân chương Lê-nin, mà một huân chương gì đấy thấp hơn cũng được.

        Tôi giải thích, nói rằng chuyện đó thì chẳng dễ đầu. Cậu lặng im nghe, nhìn ở đâu đấy trong góc. Trên môi, một mẩu tàn thuốc.

        — Thế là xong, — cậu nói khẽ.

        — «Xong» thế nào?

        — Tôi sẽ có huân chương.

        Mà cậu nói điều đó một cách hết sức đơn giản và tin tưởng, như nói về một việc gì đã thực hiện rồi. Cậu đứng lên và đi lấy củi đã chẻ. Tôi nhìn cái lưng rộng của cậu, không hợp với những lông măng to. vàng trên má, và tôi nhớ lại cậu đã lấy giẻ chùi khẩu tiểu liên cần thận như thế nào trước cuộc tấn công, cậu chùi từng đinh ốc, từng khe rãnh, và tôi tin điều cậu đã nói.

------------------
        1. Tiếng Pháp (iníanterie) là bộ binh. — ND.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2019, 03:27:07 pm »


        Thái độ của tôi đối với cậu làm Va-lê-ga ghen. Điều đó thấy rất rõ.

        — Thượng úy Xvi-đéc-xki không có cần vụ: cậu cứ đến đấy, — Va-lê-ga cau có nói và lấy cái ca trên tay Xê-đức đang dội nước cho tôi.

        Xê-đức ôm từ đâu về một bó rơm. Va-lê-ga sờ rơm, cau mặt và nói: «Trung úy chẳng nằm ngủ trên đồ quỷ này đâu», rồi mang đến bó khác, chằng khác gì bó trước cả1.

        Nhưng nói chung thì hai cậu sống hòa thuận với nhau, cùng nhau nấu ăn. Va-lê-ga hơi kêu một tí, phê bình món cháo nấu chưa thật chín. Xê-đức vui vẻ cười, nhại lại trêu Va-lê-ga và chẳng hiểu vì sao gọi Va-lê-ga là «snáp-xơ».

        Hằng tối Va-lê-ga và Xê-đức buộc các gói thuốc nổ. Chúng tôi có chừng năm thùng thuốc nổ để dự trữ. Buổi sáng, hai cậu đi bắn cá và mang về những con cá chiên còn vẫy vùng trong thùng.

        Trung sĩ Vê-đéc-ni-cốp được điểu đến một phân xưởng nào đấy và chúng tôi không còn gặp anh nữa. Chúng tôi cũng ít gặp Sa-pi-rô và Pen-gau-nít. Thỉnh thoảng Bôn-sốp đến chỗ chúng tôi, và chúng tôi đặt tạp chí Cánh đồng dày cộm xuống và say sưa đánh «tú-lơ-khơ» hay «xì tẩy». Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích không chịu được cái đó, anh đó. lấy tập thư của Sê-khốp và tỏ vẻ không bằng lòng bỏ đi đến chỗ của mình, Anh thường ngủ trên cánh cửa kê giữa hai dãy phản.

        Tôi bắt đầu thích anh ta, mặc dù anh có tính hay càu nhàu và luôn luôn không bằng lòng với điều gì đấy, Anh làm việc luôn tay và không tiếc sức mình, Anh kiểm tra mạch điện và bao giờ cũng tự mình sửa chữa lấy, mà mạch thì một ngày đứt ba bốn bận, Càu nhàu, chửi rủa, cáu tiết lên, buộc tội mọi người là ăn không ngồi rồi, nhưng đối với xưởng nhiệt điện của mình và mỗi một cái máy, mỗi một chiếc đinh ốc con trong máy thì anh yêu, anh quý như một sinh vật. Nói chung, trong con người của anh, chủ nghĩa bi quan và tính càu nhàu kết hợp một cách hòa thuận với tính hoạt động và nghị lực vô cùng lớn lao,

        — Chúng ta mà đánh với bọn Đức sao nổi, — anh vừa nói, vừa kéo lại cái cà-vạt và cau mặt. — Bọn Đức đi trên xe ô-tô từ Bá-linh đến tận Xta-lin-gơ-rát, còn bọn mình thì mặc áo vét- tông và áo quẩn làm việc nằm trong chiến hào với khẩu súng trường cổ lỗ năm chín mươi mốt.

        I-go phát khùng lên. Anh bao giờ cũng cứ bám vào Ghê- oóc-ghi A-ki-mô-vích để cãi nhau.

        — Với câu đó, anh muốn nói gì thế?

        — Nói là chúng ta không biết chiến đấu.

        — Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích, biết nghĩa là thế nào?

        — Biết ư? Từ Bá-linh đi đên tận sông Vôn-gat đấy, biết nghĩa là thế.

        — Rút từ biên giới đến sông Vôn-ga cũng phải biết.

        Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích cười nhạt. I-go bắt đầu cáu tiết.

        — Anh cười cái gì, hả? Chằng có cái gì đáng buồn cười cả. Thực tế thì nước Pháp chỉ trong hai tuần đã thua. Bọn Đức tấn công, thế là Pháp ngã quỵ và thua mẹp mũi. Còn chúng ta đơn thương độc mã chiến đấu đã năm thứ hai rồi đầy.

        — Sao anh lại so sánh với Pháp làm gì. Một đẳng bốn mươi triệu và một đẳng hai trăm triệu. Một đằng sáu trăm cây số và một đằng một vạn cây số. Và ở đầy ai cầm quyền? Bọn Pê-tanh, bọn La-van bây giờ cúi đầu hợp tác với bọn Đức. Không. Chúng ta không biết chiến đấu. Đúng là như thế.

        — Chính thế, chính thế... — I-go nổi nóng. — Bọn Pê-tanh và bọn La-van. Chính là bọn Pê-tanh và bọn La-van. Còn ở nước ta không có bọn chúng. Đó là điều chủ yếu. Anh có hiểu không, rằng đó là điều chủ yếu? Rằng người của chúng ta là một loại hơi khác. Và chính vì thế chúng ta chiến đấu. Chiên đấu cho đến bây giờ. Thậm chí ở đây, trên sông Vôn-ga, sau khi đã mất U-cơ-ren và Bi-ê-lô-rút-xi chúng ta vẫn chiến đấu. Và anh thử nói xem có nước nào, có dân tộc nào có thể chịu nổi điều đó?

        Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích nhếch mép mỉm cười.

        — Chẳng có nước nào cả.

        — Thế đấy! Chẳng có nước nào, hả? Chính tự anh đã công nhận là chằng cổ nước nào cả.

        — Công nhận. Nhưng lẽ nào vì thế mà dễ chịu hơn? Lẽ nào do nhận thức rằng các nước khác kém khả năng đề kháng hơn chúng ta, lẽ nào do đó mà dễ chịu hơn? Cái đó gọi là tự ru ngủ mình đấy. Mà chúng ta thi không cần cái đó. Phải tỉnh táo nhìn thằng vào mọi việc. Chỉ độc một mình tinh thần dũng cảm thì chẳng làm gì được. Tinh thần dũng cảm là tinh thần dũng cảm, mà xe tăng là xe tăng, hai cái đó hoàn toàn khác nhau.

        — Xe tăng của chúng ta không kém của bọn Đức. Tốt hơn của bọn Đức. Một chiến sĩ lái xe tăng nói với tôi...

        — Tôi không cãi, không cãi. Có thế là xe tăng của ta tốt hơn. Về điểu đó thì tôi không hiểu lắm. Nhưng một chiếc xe tăng tốt không thể diệt được mười chiếc loại trung bình. Theo anh thì thế nào, hở?

        — Hãy gượm... Chúng ta rồi cũng sẽ có nhiều xe tăng.

        — Khi nào? Khi chúng ta đã chạy đến tận U-ran chứ gì?


--------------------
        1. Tiếng Đức là rượu trắng. — ND.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2019, 09:16:35 pm »


        I-go nhảy thót lên như bị ong châm.

        — Ai sẽ chạy đến U-ran? Tôi, anh, nó? Hả? Đếch phải! Cả anh cũng biết điều đó rõ lắm. Anh cứ như thế, chằng qua chỉ vì một sự bướng bỉnh nào đấy thôi, vì một ý muốn ngu ngốc chỉ mong được cãi vã, nhất thiết phải cãi vã.

        Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích khịt khịt cái mũi, cau mày, thóp má.

        — Vì sao anh nồi nóng thế? Anh ngồi xuống đi. Ngồi xuống một chút đã nào. Có thể nói về tất cả mọi điều một cách bình tĩnh. — I-go ngồi xuống. — Đấy, anh nói rằng: cả khi rút lui cũng phải biết cách. Đúng thế. Trước mặt Na-pô-lê-ông, chúng ta cũng đã rút lui mãi đến tận Mát-xcơ-va1. Nhưng hồi đó chúng ta chỉ mất đất, mà thật ra cũng chỉ là một dải đất hẹp mà thôi. Và Na-pô-lê- ông chẳng giành được cái gì cả, ngoài tuyết trắng và những làng mạc bị cháy trụi. Còn bây giờ thì sao? Không có U-cơ-ren và Cu-băng — không có lúa mì. Không có Đôn-bát — không có than đá. Ba-cu bị cắt rời, nhà máy thủy điện Đơ-nhi-ép bị phá hủy, hàng nghìn nhà máy trong tay bọn Đức. Triền vọng như thế nào? Bây giờ kinh tế là tất cả. Quân đội thì phải được ăn mặc, được cung cấp đạn dược. Đó là tôi chưa nói đến thường dân. Chưa nói đến điều là hơn năm mươi triệu người đang sống dưới gót sắt của bọn phát-xít, chúng ta thiếu họ. Thế thì chúng ta có đủ sức để khắc phục tất cả những cái đó không? Theo anh thì có đủ sức không?
       

        — Đù sức... Năm ngoái tình hình còn xấu hơn. Bọn Đức tiến đến Mát-xcơ-va, thế mà quân ta đã đánh lùi...

        — Còn tôi thì chẳng tin là xấu hơn. Đôn-bát, Rôt-xtổp, Cu- băng, Mai-cốp trước đây là của ta. Bây giờ không còn nữa. Sự giao thông trên sông Vôn-ga thực ra đã bị cắt đứt. Anh thử tưởng tượng xem, dầu mỏ Ba-cu phải chở đi theo con đường xa xiết bao. Anh sẽ bảo là chúng ta có Cu-dơ-bát và toàn bộ U-ran nữa. Đúng thế. Đó là những yết hầu công nghiệp rất lớn. Nhưng trước chiến tranh, ngoài chúng ra, còn có Sừng Cong, Ni-cô-pôn, Da-pa-rô-gi-e, Ma-riu-pôn, Kéc, Khác-cốp. Thế mà cũng không chặn chúng được. Một bộ phận các nhà máy chúng ta đã tản cư rồi, nhưng tản cư không có nghĩa là đã đi vào sản xuất được. Anh thấy không, lúc đó tình hình thế nào.

        Lúc đó, một tốp máy bay «gioong-ke-88» đã ném bom xong vút qua trên đầu chúng tôi. Chúng từ từ rẽ ngoặt và lượn vòng khác để tiếp tục ném nữa. 

        — Thậm chí chúng bay mà chẳng cẩn có máy bay khu trục đi kèm... Bọn súc sinh, muốn làm gì cũng được, như là ở nhà của chúng...

        Chúng tôi lặng im một lúc và theo dõi những chiếc máy bay đen ngòm, có cánh vàng đáng ghét, bình tĩnh và tin tưởng vào lực lượng của mình. Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích hút hết điếu này đến điếu khác. Quanh chỗ của anh đã có đến mười mấu tàn thuốc. Anh nhìn theo hướng những chiếc máy bay đã khuất.

        I-go ngồi ném đá vào một ống bơ nằm không xa. Đá rơi quanh nó, nhưng không làm sao trúng được. Hình như anh mải mê với việc đó.

        Và bỗng anh đứng lên.

        — Không, điều đó thì không thể được. Chúng sẽ không đi xa hơn được đâu. Tôi biết, chúng sẽ không đi được.

        Và anh bước ra ngoài.

        . . .

        Không thế được... Đó là tất cả những cái gì mà hiện nay chúng ta có thể nói được.

        Không thế được...

        Chính là trước đây đã từng có năm mười bảy. Cả năm mười tám, cả năm mười chín nữa. Trước đây, tình hình còn xấu hơn nhiều. Bệnh thương hàn, sự đồ nát về kinh tế, nạn đói rét. Đại liên «mác-xim» và đại bác ba đi-um2 — chỉ có thể thôi. Thế mà chúng ta đã thoát ra khỏi tình trạng khó khăn được. Và sau đó, đã xây dựng nhà máy thủy điện Đơ-nhi-ép. Cả Ma-nhi-tô-goóc nữa, cả nhà máy này nữa mà giờ đây chúng ta phải phá hoại.

        Tôi biết là đáp lại ý nghĩ đó, Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích chỉ mỉm cười thôi. Mỉm cười một cách độ lượng. Khi nói về cái đó bao giờ anh cũng chỉ mỉm cười thôi, làm như tuồng chúng tôi là trẻ con. Anh mỉm cười và nói cái gì đấy rằng cuộc đại chiến thứ nhất đã đến năm thứ tư, làm kiệt sức không những chúng ta, mà tất cả mọi người; rằng binh lính Pháp, Anh và Đức không muốn chiến đấu nữa. Và nói thêm cái gì nữa đấy đại loại như thế. 

        Có một lẩn anh nói:

        — Chúng ta sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng. Dân Nga bao giờ cũng chiến đấu như thế cả. Nhưng dù sao vận hội cũng rất ít. Cứu chúng ta được chỉ là nhờ phép mầu nhiệm mà thôi. Nếu không thì chúng đè bẹp chúng ta. Đè bẹp bằng tính tổ chức và xe tăng.

        Phép mầu nhiệm ư?..

---------------------
        1. Nói về cuộc Chiến tranh vệ quốc của nhân dân Nga năm 1812. — ND.

        2. Ba đi-um bằng 76,3 mm. — (ND).

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2019, 05:39:33 pm »

       
        Cách đây không lâu, có những chiến sĩ đi qua ban đêm. Tôi trực nhật cạnh máy điện thoại và đi ra ngoài để hút thuốc. Các chiến sĩ vừa đi, vừa hát khe khẽ. Thậm chí tôi không thấy họ, tôi chỉ nghe bước chân của họ trên mặt đường nhựa và bài hát khe khẽ, buồn buồn về dòng sông Đơ-nhi-ép và đàn chim sếu. Tôi đi đến gần. Các chiến sĩ ngồi nghỉ trên đám cỏ nhàu nát dưới những cây keo ở hai bên đường. Những điếu thuốc lập lòe sáng. Và từ dưới bụi cây, một giọng của ai đấy trẻ trung và không to vang đến tai tôi.

        — Không đâu, Va-xi-a ạ... Mày đừng nói thế... Tốt hơn của chúng ta thì mày chẳng tìm đâu ra được. Thật đấy... Giống như bơ ấy, đất của chúng ta mầu mỡ, đất ra đất. — Thậm chí người nói còn chép miệng một cách rất đặc biệt. — Còn lúa mì thì tốt vô kể: cao quá đầu người...

        Còn thành phố thì bốc cháy, và ánh lửa phản chiều đỏ rực nhảy múa trên những bức tường các phân xưởng; và ở đâu đấy rất gần, nghe vang lên những tràng tiểu liên khi khoan, khi nhặt; và những chiếc pháo sáng bay vút lên không trung; và ở phía trước là một cái gì không biết được và hầu như là một cái chết không tránh khỏi.

        The là tôi chẳng thấy được người đã nói điều đó. Ai đấy thét lên: «Hãy chuẩn bị lên đường!» Mọi người chuyển động, khua những chiếc cà-mèn kêu lách cách. Và họ đi. Những bước chân chậm chạp, nặng nề của những người lính. Họ đi đến địa điểm không biết ấy mà trên bản đồ của chỉ huy trưởng của họ đã đánh dấu, chắc là bằng một chữ thập đỏ.

        Tôi còn đứng hồi lâu nữa và lẳng nghe những bước chân của những người lính xa dần, rồi hoàn toàn im hẳn.

        Có những chi tiết mà ta nhớ mãi suốt đời. Và không chỉ nhớ mãi mà thôi. Những chi tiết nhỏ nhặt, dường như không cổ nghía lý gì, nhưng chúng ăn sâu, thấm sâu vào ta, bắt đầu nảy mẩm, mọc lên thành cái gì lớn lao, có ý nghĩa, biểu hiện toàn bộ thực chất của những sự kiện đã qua và trở thành như là cái tượng trưng.

        Tôi nhớ một chiến sĩ tử trận. Anh ta nằm ngửa, dang rộng hai tay và trên môi dính một mẩu tàn thuốc. Một mấu tàn thuốc bé nhỏ còn bốc khói. Và cái đó đáng sợ nhất trong tất cả những điều mà tôi đã thấy trước đó và sau đó trong chiến tranh. Đáng sợ hơn cả những thành phố bị phá hủy, hơn cả những bụng người bị vỡ toang hoác, hơn cả những chân tay bị đứt rời. Hai tay dang ra và mấu tàn thuốc trên môi. Một phút trước còn là sự sống, tư tưởng và khát vọng. Bây giờ đã là sự chết.

        Còn trong bài hát kia, trong những lời giản dị kia về đất đai màu mỡ như bơ, về những cây lúa mì cao quá đầu người, có cái gì đấy... Thậm chí tôi không biết gọi cái đó như thế nào. Tôn- xtôi gọi đó là lòng nồng nhiệt ẩn kín của chủ nghĩa ái quốc. Có thể đó là định nghĩa đúng nhất. Có thể đó chính là phép mầu nhiệm mà Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích nóng lòng chờ đợi, phép mầu nhiệm còn mạnh hơn cả tính tổ chức Đức và những chiếc xe tăng có chữ thập đen.

        Bây giờ tôi nhìn Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích. Người nhỏ nhắn, cau cổ, mặc chiếc áo vét-tông bóng loáng. Anh cúi gù lưng, ngồi trên bậc thềm hai tay bó đầu gối gầy và nhọn. Tay của anh nhỏ, trắng bùng có những đường gân xanh; và trên thái dương cũng có những đường gân như thế. Chắc là ở nhà anh, chẳng có trật tự gì hết, trẻ con làm anh bực, và anh cãi nhau với vợ. Chắc là cả trước chiến tranh, anh đã thấy nhiều cái không bằng lòng và mọi việc đều làm anh bực bội.

        Thế mà hôm qua, chính mắt tôi đã thấy một viên đạn đại bác nổ bùng bên cạnh anh. Chừng hai mươi bước thôi, không hơn đâu. Anh chỉ hơi cúi xuống và tiếp tục tìm chỗ đứt. Anh quấn chỗ bị hòng và sau đó lại kiềm tra toàn bộ dây dẫn ở khu vực quanh chỗ viên đạn nổ.

        — Anh có hiểu không, — sau đó anh nói với tôi, — cả cuộc đời tôi gắn chặt với nhà máy này. Tôi đến đây làm thực tập sinh, khi ở những chỗ này người ta còn đo ngắm với kính kinh vĩ. Chính mắt tôi trông thấy xưởng nhiệt điện và tất cả những phân xưởng này mọc lên. Năm đêm tôi không ngủ, khi người ta đặt xong máy phát điện số sáu, anh đã biết nó, máy thứ hai từ cửa sổ ấy mà. Tôi biết các máy đó rất rõ. Tính nết, thói quen của từng máy một. Anh có hiểu phá hoại đối với tôi có nghĩa là gì không? Không, anh không hiểu được. Các anh là quân nhân, chằng qua các anh chỉ tiếc nhà máy thôi, và chỉ thế thôi. Còn đổi vói tôi thì...

        Anh không nói hết và đi đến với chiếc cầu Uýt-xtôn của mình. Một tháng rưỡi trước đây, tôi ngồi với I-go trên một gốc cây cong queo bên đường và nhìn xem các đơn vị quân ta rút lui. Mặt trận lúc ấy không có. Có đường mà theo đổ các xe cộ chạy đi đâu đấy. Và người đi. Cũng đi đâu đấy.

        Đó là một tháng rưỡi trước đây: vào tháng bảy.

        Bây giờ là tháng chín. Đã ngày thứ mười chúng tôi đèn nhà máy này. Ngày thứ mười bọn Đức ném bom thành phố. Chúng ném bom — thế nghĩa là quân ta còn ở đấy. Nghĩa là các trận chiến đấu còn tiếp tục. Nghĩa là có mặt trận. Nghĩa là tình hỉnh hiện nay tốt hơn hồi tháng bảy.

        Một viên đạn bùng nổ cạnh xưởng nhiệt điện. Như thường lệ, chúng bắt đầu bắn đúng vào giờ ăn trưa. Từ ba đến ba giờ rưỡi, không sai một phút nào. Nửa giờ sau phải đi chữa lại mạng điện. Va-lê-ga và Xê-đức cầm cà-mèn chạy đi lấy thức ăn trưa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2019, 07:31:48 am »


17

        Chừng hai ngày sau, vào lúc sáng tinh mơ, Gôn-stáp đến chiến hào của chúng tôi. Đi theo anh, có chừng mươi cán bộ chỉ huy.

        Chúng tôi ngồi trên bậc chiến hào và làm hộp đựng thuốc lá bằng nhựa xen-lu-lô-ít. Ở trong phòng thí nghiệm của nhà máy có hàng tấn xen-lu-lô-ít đa dạng và tinh dầu lê óng ánh rất đẹp trong những chai lớn giống như chai của hiệu thuốc. Thế là chúng tôi dùng làm hộp đựng thuốc lá. Chúng tôi cưa, cắt, cạo, gọt, dán; chỉ rời tay để chữa lại mạng điện và ăn trưa mà thôi.

        — Thôi, chúng ta sẽ chia tay nhau, — Gôn-stáp nói và mân mê trong tay hộp đựng thuốc lá bé xíu của I-go có cái nắp đẩy.

        — Cổ kíp khác thay cho các anh. Các chiến sĩ của tiểu đoàn công binh hai trăm mười bảy.

        — Thế chúng tôi đi đâu?

        — Đến bên kia. Đến ban công binh của sở chỉ huy mặt trận.

        Hừ, thế thì càng tốt. Chúng tôi bàn giao những mục tiêu của mình, và nửa giờ sau đã bước trên những tầm ván gập ghềnh của chiếc cầu tấn công bắc qua một nhánh của sông Vôn-ga đến cồn bãi.

        Khi chia tay, chẳng hiểu vì sao chúng tôi đã hôn nhau với Ghê-oóc-ghi A-ki-mô-vích. Anh nẳm chặt tay tôi lắc, chớp mắt, nhăn trán và nói:

        — Tôi sẽ nhớ mãi các buổi nói chuyện của chúng ta trên những bậc này. Tôi hy vọng rằng tất cả những điều mà tôi cố chứng minh sẽ không bao giờ thực hiện cả. Sau chiến tranh chúng ta sẽ gặp nhau, và các anh sẽ nói với tôi: «Thế nào, ai nói đúng?» Và tôi sẽ nói: «Các anh».

        Anh tiễn chúng tôi đến đường mòn chạy trên sườn dốc hung hung đồ tới tận sông Vôn-ga, và còn đứng hồi lâu vẫy chiếc mũ cát-két có cúc.

        Lại thêm một người nữa đi qua cuộc đời, để lại dấu vết không lớn, nhưng nhớ mãi, và khuất bóng, có lẽ là mãi mãi.

        Sau đó, chúng tôi ngồi bên bờ trái trên một chiếc thuyền lật sấp khô ráo và nhìn những ống của nhà máy Máy kéo đang phun khói. Nhà máy làm việc không ngừng một phút. Và Sa-pi-rô kể cho chúng tôi rằng tháng bảy nhà máy sản xuất ba mươi chiếc xe tăng trong một ngày đêm, còn tháng tám đã lên đến năm mươi chiếc, và bây giờ chl làm việc sửa chữa các xe bị hư hỏng. Anh còn nói rằng một bộ phận thiết bị đã được đưa đến vùng U-ran, bộ phận khác đang chuẩn bị chuyển đi, nếu có thể đánh lùi bọn Đức ra khỏi chỗ nào đấy, ở đó có cầu hay bến gì đấy không rõ.

        Ban đêm chúng tôi ngủ trong một ngôi nhà gỗ trong rừng. Suốt ngày hôm sau, chúng tôi đi tìm ngôi nhà người kiểm lâm, nó là điểm định hướng theo đó có thể tìm ra ban công binh của mặt trận.

        Trong mỗi khu rừng con đều có các cơ quan tham mưu và hậu cần, chúng nhiều đến nỗi thật khó tìm được ban công binh

        mà chúng tôi cần. Khắp nơi, lính gác, dây thép gai và những tấm biển đề: «Không có lối đi qua».

        Thế mà đến gần tối thì chúng tôi tìm ra. Ban công binh không đóng ở trong nhà. Từ lâu ngôi nhà đã không còn nữa. Chỉ có ở trên bản đồ mà thôi: một hĩnh chữ nhật con với một nhánh nhỏ nằm nghiêng ở góc. Ban công binh đóng ở bổn nhà hầm. Một trong những nhà hầm đó, hóa trang khéo đèn nỗi chúng tôi cứ đi quanh chừng mươi phút, mà không biết. Trong nhà hẩm đổ có một thiếu tá ngồi, đeo kính rất dày không có gọng và cổ áo thì bằng nhựa xen-lu-lô-ít. Anh lướt mắt đọc nội dung trong giấy giới thiệu và bỗng tươi tỉnh hẳn lên.

        — Tuyệt! Tuyệt thật! Thế mà tôi đã lo là không biết làm thế nào  đây. Mời các bạn ngồi xuống đi... Không, tốt hơn là đi ra ngoài. Ở đây bé như cái lỗ mũi, một người cũng đã chật rồi.

        Thì té ra, đại úy ở ban công binh Quân đoàn thứ 62 chỉ vừa mới ở đây trước chúng tôi một lúc — «các anh không gặp nhau à?» Họ thiếu kỹ sư công binh của trung đoàn. Đêm nay, sư đoàn 184 phải qua sông, còn buổi sáng trong thời gian địch ném bom, một kỹ sư và một trung đội trưởng đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu . Và ở các sư đoàn đang chiến đấu bây giờ cũng thiếu tợn: trung sĩ phải làm thay kỹ sư của trung đoàn. Ở lực lượng hậu bị, chẳng có ma nào cả. Với nhà máy Máy kéo kia đã phải kẻo dài bao nhiêu rồi, đã hai lần hỏi rồi đấy.

        — Nói tóm lại... chắc là các anh đói rồi chứ gì? Các anh hãy đến nhà ăn của chúng tôi, cứ đi thẳng theo lối này, ăn tối xong, hãy trở lại đây. Còn tôi sẽ chuẩn bị giấy tờ. Các anh sẽ kịp bắt gặp một sư đoàn nữa ở phía bên này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM