Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:20:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: C  (Đọc 15039 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:46:05 pm »


        CHIẾN DỊCH CHIẾN LUỢC PHẢN CÔNG, chiến dịch chiến lược đánh lại tập đoàn chiến lược quân địch đang tiến công đã bị tiêu hao hoặc bị chặn lại nhưng chưa kịp chuyển vào phòng ngự. Mục đích của CDCLPC là đập tan tập đoàn tiến công của địch, làm thất bại cuộc tiến công của chúng, chiếm những khu vực quan trọng, giành quyền chủ động chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường, thực hiện mục đích chiến lược đã đề ra. CDCLPC được thực hiện bằng những chiến dịch phản công, tiến công, các đòn đột kích, trận chiến đấu của lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động chiến lược, theo một ý định và kế hoạch tác chiến chiến lược; có thể được tiến hành kế tiếp hoặc không kế tiếp chiến dịch chiến lược phòng ngự; do bộ tổng tư lệnh hoặc BTL chiến trường tổ chức, chỉ huy. Ở VN, CDCLPC xuất hiện 1- 3.1971 khi QGPMN VN đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mĩ và QĐ Sài Gòn ở đường 9 - Nam Lào.

        CHIẾN DỊCH CHIẾN LƯỢC PHÒNG NGỰ, chiến dịch chiến lược đánh trả tập đoàn chiến lược đối phương tiến công, nhằm ngăn chặn, làm suy yếu hoặc đánh bại cuộc tiến công của chúng, thực hiện mục đích chiến lược. Được thực hiện bằng các chiến dịch phòng ngự, đợt tác chiến tập trung, trận chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch, theo một ý định và kế hoạch tác chiến chiến lược. CDCLPN có thể diễn ra khi bắt đầu chiến tranh nhằm ngăn chặn địch, bảo đảm cho ta tập trung và triển khai lực lượng chiến lược bước vào tác chiến; có thể tiến hành trong quá trình chiến tranh, khi không có điều kiện để tiến công, hoặc tiến công không có lợi. Do bộ tổng tư lệnh hoặc BTL chiến trường tổ chức, chỉ huy.

        CHIẾN DỊCH CHIẾN LƯỢC TIẾN CÔNG, chiến dịch chiến lược đánh vào tập đoàn chiến dịch - chiến lược của quân địch phòng ngự, nhằm giành thắng lợi chiến lược có ý nghĩa quyết định, làm thay đổi cục diện hoặc kết thúc thắng lợi chiến tranh. Được thực hiện bằng những chiến dịch tiến công, các đợt tác chiến tập trung, trận chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch, theo một ý định và kế hoạch tác chiến chiến lược, ở VN, CDCLTC thường được tiến hành ở giai đoạn kết thúc chiến tranh, do bộ tổng tư lệnh hoặc BTL chiến trường tổ chức và chỉ huy, như CDCLTC Điện Biên Phủ (3-5.1954), các CDCLTC giải phóng Tây Nguyên (3.1975), giải phóng Huế - Đà Nẵng (3.1975), giải phóng Sài Gòn (4.1975).

        CHIẾN DỊCH CHỐNG ĐỔ BỘ ĐƯỜNG BIỂN, chiến dịch được tiến hành nhằm đánh bại quân địch đổ bộ đường biển có thể kết hợp với đổ bộ đường không, giữ vững địa bàn trọng yếu vùng ven biển, hải đảo (quần đảo) quan trọng. CDCĐBĐB thường là chiến dịch liên quân chủng, do lực lượng lục quân hoặc hải quân giữ vai trò chủ yếu. Tổ chức chỉ huy CDCĐBĐB do cấp trên quyết định căn cứ vào ý định chiến lược, đặc điểm chiến trường và những điều kiện khác.

        CHIẾN DỊCH CRÊT (20.5-1.6.1941), chiến dịch đổ bộ đường không của QĐ phát xít Đức chiếm đảo Crêt tiếp sau chiến cục Bancăng (6-29.4.1941), trong CCTG-II. Sau khi chiếm Hi Lạp, Đức quyết định chiếm đảo Crêt để khống chế mặt phía đông Địa Trung Hải và biển Egiê. Lực lượng sử dụng: 1 sư đoàn đổ bộ đường không, 1 sư đoàn bộ binh rừng núi và một số đơn vị độc lập (khoảng 22.000 người) với sự chi viện của 2 quân đoàn không quân (khoảng 1.200 máy bay) và lực lượng đổ bộ đường biển (khoảng 70 tàu xuồng, 7.000 người). Phòng thủ trên đảo có khoảng 30.000 quân Anh (phần lớn thuộc đạo quân viễn chinh Anh mới rút từ Hi Lạp về) và khoảng 14.000 quân Hi Lạp, phòng thủ thành bốn chi khu và giao cho Hạm đội Địa Trung Hải của Anh với 34 hạm tàu (có 4 tàu thiết giáp, 1 tàu sân bay) đảm nhiệm mặt biển (dự kiến phòng thủ chống đổ bộ đường biển là chính). Sáng 20.5 sau đợt bắn phá của không quân vào các trận địa quân Anh, Đức sử dụng Sư đoàn 7 đổ bộ đường không nhảy dù xuống ba sân bay và thành phố Khania, chiếm giữ được sân bay Malene và Khania bảo đảm cho Sư đoàn bộ binh 5 đổ bộ bằng máy bay trực tiếp tại đây (21.5) và phối hợp tiến công sâu vào trong đảo. Hạm đội Anh bị không quân Đức đánh thiệt hại nặng phải ngừng hoạt động và 23.5 rút về căn cứ ở Alêchxanđri; từ 29-31.5 quân Anh (khoảng 18.000 người) rút khỏi đảo Crêt về Ai Cập. Thiệt hại của Đức: thương vong 6.100 người, mất 220 máy bay và một số lớn tàu, xuồng. Anh thương vong 15.000 người, đắm 8 tàu thiết giáp, 6 tàu khu trục; hư hỏng 1 tàu sân bay, 3 tàu thiết giáp, 6 tàu tuần dương, 7 tàu khu trục. Hi Lạp mất 1 tàu thiết giáp, 12 tàu khu trục, 10 xuồng phóng lôi và thương vong 15.000 người. CDC là chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất trong CTTG-II mở ra khả năng phát triển sau này của bộ đội đổ bộ đường không.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:46:49 pm »


        CHIẾN DỊCH CRƯM (8.4-9.5.1944), chiến dịch tiến công của QĐ LX nhằm giải phóng bán đảo Crưm khỏi sự chiếm đóng của QĐ Đức trong chiến tranh Xô - Đức (1941-45). Lực lượng QĐ LX có Phương diện quân Ucraina 4 và Tập đoàn quân độc lập Duyên Hải, gồm 30 sư đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 6.000 pháo và súng cối, 559 xe tăng, 1.250 máy bay; ngoài ra còn có sự phối hợp của Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội Adôp. Phía Đức có Tập đoàn quân 17 gồm: 12 sư đoàn bộ binh và các đơn vị đặc biệt, 3.600 pháo và súng cối, 200 xe tăng, 150 máy bay. Sau khi đánh chiếm eo đất Pêrêcôp, tiến hành đổ bộ đường biển chiếm căn cứ đầu cầu ở đông bắc Kecchơ, bao vây quân Đức trên bán đảo Crưm, 8.4.1944 QĐ LX bắt đầu tiến công: Phương diện quân Ucraina 4 đột phá trên hướng chủ yếu, dập tan tuyến phòng thủ của quân Đức ở phía bắc Crưm. tiến xuống Ximphêrôpôn; Tập đoàn quân độc lập Duyên Hải từ căn cứ bàn đạp phát triển đánh chiếm toàn bộ bán đảo Kecchơ. 16.4 QĐ LX giải phóng Xêvaxtôpôn; 9.5 quét sạch quân Đức khỏi bán đảo Crưm. CDC kết thúc thắng lợi, đập tan Tập đoàn quân 17 của Đức (diệt và làm bị thương 140.000 quân), loại trừ sự uy hiếp của quân Đức đối với cánh quân phía nam của LX.

        CHIẾN DỊCH CUÔCXCƠ (4.7-23.8.1943), chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công - tiến công của QĐ LX trong chiến tranh Xô - Đức (1941-45) trên địa bàn Ôriôn - Cuôcxcơ - Bengôrôt - Khaccôp. Nắm được kế hoạch của phát xít Đức mở cuộc tiến công Hè 1943 lấy mật danh “Xitađen” nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược bị mất sau chiến dịch Xtalingrat (17.7.1942-2.2.1943), QĐ LX chủ động chuyển vào phòng ngự tạm thời ở vòng cung Cuôcxcơ với ý định sẽ chuyển sang phản công - tiến công sau khi đánh thiệt hại nặng quân Đức. 5-23.7 các phương diện quân Trung Tâm và Vôrônegiơ của LX (1.336.000 người, 19.000 pháo cối, 3.444 xe tăng và pháo tự hành, 2.172 máy bay) tổ chức phòng ngự trận địa có chiều sâu trên chính diện (5-6 dải phòng ngự sâu 250-300km) trước hết để chống xe tăng, đã bẻ gãy các mũi tiến công của 2 cụm tập đoàn quân Trung Tâm và Nam của Đức (hơn 900.000 quân, 10.000 pháo và cối, 2.700 xe tăng, 2.050 máy bay; chiếm 70% số xe tăng và 65% số máy bay trên toàn mặt trận Xô - Đức). 12.7 đã diễn ra trận đấu xe tăng lớn nhất trong CTTG-II ở khu vực Prôkhôrôpca với sự tham chiến của 1.500 xe tăng, 1.000 máy bay của cả hai bên, trong đó Đức bị mất 400 xe tăng và hơn 10.000 quân. Không mở được đột phá chiến dịch, lại bị tổn thất nặng, Đức buộc phải chuyển sang phòng ngự. QĐ LX sau khi khôi phục được các dải phòng ngự, hất quân Đức về tuyến xuất phát tiến công, đã chuyển sang phản công - tiến công (12.7-23.Cool trên hai hướng bắc và nam Cuôcxcơ. ở hướng bắc, với sự tham gia của 3 phương diện quân (Tây, Brianxcơ, Trung Tâm), 29.7 giải phóng Bônkhôp, 5.8 - Ôriôn, 18.8 diệt xong ổ đề kháng cuối cùng ở tây Ôriôn, tiến về phía tây 150km. Ở hướng nam với sự tham gia của 2 phương diện quân (Vôrônegiơ, Thảo Nguyên), 5.8 giải phóng Bengôrôt, 23.8 - Khaccôp, tiến về phía nam và tây nam 140km, mờ rộng chính diện tiến công 300km, kết thúc chiến dịch. Trong CDC phía LX đã sử dụng 5 phương diện quân và Tập đoàn quân 57 của Phương diện quân Tây Nam (2.640.300 người, 52.500 pháo, cối, 8.200 xe tăng và pháo tự hành, 6.950 máy bay); phía Đức 2 cụm tập đoàn quân Trung Tám và Nam. Cụm chiến dịch Kemplơ, khoảng 50 sư đoàn (1.514.000 người, 32.000 pháo, cối, 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 5.000 máy bay). Kết quả QĐ LX đã diệt cụm quân địch trên các hướng Ôriôn - Bengôrôt - Khaccôp, đánh tan 30 sư đoàn Đức, trong đó có 7 sư đoàn xe tăng (500.000 quân, 1.500 xe tăng, 3.000 pháo, 3.700 máy bay). Thắng lợi của QĐ LX ở Cuôcxcơ tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến chống phát xít ở các nước bị Đức chiếm đóng phát triển mạnh, quyền chủ động chiến lược chuyển hẳn sang phía LX, kết thúc bước ngoặt cơ bản trong chiến tranh, tạo điều kiện cho LX chuyển sang tổng tiến công. CDC góp phần giải quyết nhiều vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về tổ chức hiệp đồng chiến lược giữa các cụm phương diện quân, sừ dụng lực lượng dự bị chiến lược để thay đổi tương quan lực lượng trong những hoàn cảnh nhất định và tập trung binh lực trên những hướng quyết định.

        CHIẾN DỊCH DIÊN AN (3.1947), đợt chiến đấu của Dã chiến quân Tây Bắc QGP nhân dân TQ chống lại QĐ Quốc dân đảng TQ có lực lượng đông gấp mười lần tiến công vào khu giải phóng Thiểm - Cam - Ninh, trọng điểm là Diên An. 13.3 Quốc dân đảng dùng 250.000 quân tiến công theo hai đường. Dựa vào địa hình thuận lợi và công trình phòng ngự sẵn có, QGP chặn đánh địch từng bước. Sau sáu ngày đêm chiến đấu, diệt 5.000 địch, bảo vệ được cơ quan trung ương của CM và nhân dân di chuyển an toàn. 19.3 QGP chủ động rút khỏi Diên An, còn bộ chỉ huy CM vẫn ở lại Thiểm Bắc để chỉ đạo chiến tranh cả nước. Cg chiến đấu bảo vệ Diên An.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:48:18 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐÀ NẴNG (28-29.3.1975), chiến dịch tiến công của LLVT Quân khu 5 (gồm Sư đoàn bộ binh 2, Lữ đoàn bộ binh 52, 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tự vệ, biệt động...) phối hợp với Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) nhằm tiêu diệt lực lượng thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 QĐ Sài Gòn co cụm phòng thủ tại Đà Nẵng, trong tổng tiên công và nổi dậy Xuân 1975. Sau khi mất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, địch cố gắng co về giữ Đà Nẵng, lực lượng khoảng 75.000 quân, gồm: SCH Quân đoàn 1 -  Quân khu 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 (có tàn quân của Lữ đoàn 147), Sư đoàn bộ binh 3, tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2, Sư đoàn không quân 1 (279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu), Liên đoàn biệt động quân 17, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 7 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ và 24.000 phòng vệ dân sự... Vào thời điểm này, địch tại Đà Nẵng đã ở vào thế bị bao vây, cô lập; từ 26.3 Mĩ lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mĩ ở Đà Nẵng về Sài Gòn khiến tinh thần binh lính địch càng thêm rối loạn. Thực hiện phương án thời cơ (đánh địch ở tư thế rút chạy), 5 giờ 30 phút 28.3 CDĐN bắt đầu bằng đợt pháo kích mãnh liệt vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn..., kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công từ nhiều hướng: hướng bắc theo QL 1 đột phá qua đèo Hải Vân, chiếm kho xăng Liên Chiểu, thọc sâu vào Đà Nẵng ra bán đảo Sơn Trà, chiếm quân cảng (13 giờ 30 phút 29.3); hướng tây bắc theo QL 14 tiến công trong hành tiến, làm chủ Phước Tường, hòa Khánh và SCH Sư đoàn 3 của địch, sau đó phối hợp đánh chiếm đài phát thanh, tòa thị chính (9 giờ 30 phút 29.3), phát triển ra bán đảo Sơn Trà; hướng tây nam đập tan địch ở Phú Hương, Đồng Lâm. truy kích về Ái Nghĩa, chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm và phối hợp đánh chiếm sân bay Đà Nẵng; hướng nam đánh chiếm các khu vực Bà Rén, Duy Xuyên, Nam Phước, Vĩnh Điện rồi phát triển vào Đà Nẵng, chiếm SCH Quân đoàn 1, Sư đoàn không quân 1 và sân bay Đà Nấng (12 giờ ngày 29.3); hướng đông nam làm chủ tx Hội An, khu Non Nước, căn cứ hải quân, phối hợp đánh chiếm sàn bay Nước Mặn... Đến 15 giờ 29.3 chiến dịch kết thúc, ta giải phóng hoàn toàn tp Đà Nẵng và các vùng phụ cận; diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch, thu và phá hủy 115 máy bay, 47 tàu xuồng, 138 xe tăng và xe bọc thép, hơn 69.000 súng các loại (có 109 khẩu pháo từ 105 đến 175mm) và nhiều trang bị kĩ thuật khác. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế (5-26.3.1975) và chiến dịch Tây Nguyên (4.3-3.4.1975), CDĐN có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam VN.


        CHIẾN DỊCH ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN ĂNGCO CHAY (8-28.8.1972), chiến dịch phản công của QGP miền Đông Nam Bộ (VN) phối hợp với LLVT CM Campuchia chống lại cuộc hành quân lấn chiếm của QĐ Lon Non (Campuchia) tại Jehu vực Ba Khèng - hồ Ba Rài - Coclachan (thuộc vùng Ăngco Vát - Ăngco Thom, t. Xiêm Riệp, Campuchia). Lực lượng ta: VN có 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công và 1 phân đội pháo binh Miền; Campuchia có 5 tiểu đoàn và 7 đại đội. về địch có 15 tiểu đoàn chủ lực (tổ chức thành 4 chiến đoàn A, B, C và D) và 22 tiểu đoàn địa phương (Binh đoàn 9, Quân khu 4); từ 2.1972 được không quân Mĩ chi viện, hành quân đánh chiếm một số khu vực ở tây và đông nam Ăngco Vát. núi Ba Khèng và tây nam Ăngco Thom. Chiến dịch diễn ra hai đợt. Đợt 1 (8-15.8.1972), ta tiến công địch ở Ba Khèng, Coclachan, tây Ăngco Vát, hồ Ba Rài, tập kích sân bay, đánh thiệt hại nặng 2 chiến đoàn (A, D), cắt đứt đường 6, uy hiếp tx Xiêm Riệp. Đợt 2 (16-28.8.1972), bẻ gãy các cánh quân ứng cứu giải tỏa và phản kích của địch, tiếp tục đánh phá giao thông và củng cố các khu vực đã chiếm. Kết quả diệt và bắt hơn 500 địch, phá 20 xe QS, 5 khẩu pháo, 2 kho đạn, thu 75 súng các loại, tạo điều kiện cho LLVT CM Campuchia bảo vệ địa bàn chiến lược, đập tan âm mưu lấn chiếm của chính quyền Lon Non.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:49:21 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN GIANXƠN XITI (22.2-15.4.1967), chiến dịch phản công của QGPMN VN đánh trả cuộc hành quân quy mô lớn của quân Mĩ và QĐ Sài Gòn vào Chiến khu Dương Minh Châu, nhằm bảo vệ căn cứ, làm thất bại biện pháp “tìm diệt” trong chiến lược chiến tranh cục bộ của Mĩ ở miền Nam VN. Lực lượng ta gồm: Sư đoàn bộ binh 9, Trung đoàn bộ binh 16, 1 tiểu đoàn cối 120mm, 3 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, 9 đại đội bảo vệ cơ quan, 13 đại đội địa phương và 4.000   du kích. Lực lượng địch có: 31 tiểu đoàn bộ binh thuộc các sư đoàn 1, 25, 4, 9 và các lữ đoàn 196, 173 của Mĩ, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động quân QĐ Sài Gòn; 1 trung đoàn và 8 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh (tổng số khoảng 45.000 quân) với sự yểm trợ của 17 phi đoàn không quân các loại. Chiến dịch diễn ra hai đợt. Đợt 1 (22.2-15.3), địch từ hướng tây đánh sang, từ hướng nam đánh lên, hình thành thế bao vây, đánh thọc vào căn cứ. Ta sử dụng LLVT tại chỗ chặn đánh, diệt địch ở Sê Lô, Rùm Đuôn, Ang Khắc, Sóc Ki..., đồng thời đưa lực lượng cơ động đánh vào bên sườn và sau lưng địch ở Trảng A Lấn, suối Ông Hùng... Bị thiệt hại nặng, từ 1.3 địch phải dừng lại, đóng chốt dọc đường 22, đường 4. Ta bám đánh, tập kích địch ở Trảng Chiên, Cà Tum, Ang Khắc, Rùm Đuôn, Tà Xia, Bàu cỏ, Đồng Pan... Đợt 2 (18.3-15.4), địch chuyển hướng tiến công sang hướng đông bắc, tây nam. Ta chặn đánh, tiến công địch ở Đồng Rùm (x. trận Đồng Rùm, 21.3.1967), bàu Tri Giết, trảng Ba Vũng, sóc Con Trăng... Không đạt mục tiêu đề ra lại bị tổn thất lớn, từ 4 đến 15.4, địch rút lui từng bước, chấm dứt cuộc hành quân. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 địch, phá hủy 992 xe QS, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay; bảo vệ vững chác căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến; đánh bại cố gắng lớn nhất của QĐ Mĩ trong cuộc phản công chiến lược lần II và cả cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam VN (xt hành quân Gianxơn Xiti, 22.2- 15 4.1967).


        CHIẾN DỊCH ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN QUANG TRUNG 4 (27.2-16.4.1971), chiến dịch phản công của LLVT Tây Nguyên đánh bại cuộc hành quân Quang Trung 4 của QĐ Sài Gòn ở vùng giáp giới 3 nước VN, Lào, Campuchia (trên địa bàn tỉnh Kon Tum, VN). Tham gia chiến dịch có các trung đoàn bộ binh 66, 28 (Mặt trận Tây Nguyên), 31 (Sư đoàn 2), Trung đoàn pháo binh 40 và một số đơn vị đặc công. Lực lượng địch gồm Trung đoàn bộ binh 42 (Sư đoàn 22), Lữ đoàn dù 2, 1 liên đoàn biệt động quân và một số tiểu đoàn bộ binh. 27.2 địch bắt đầu hành quân ra tây Kon Tum. Đang chuẩn bị chiến dịch ở hướng Đắc Siêng ta nhanh chóng chuyển sang đường 18, vận động tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 935 (ngày 1.3), Ngọc Tô Ba (X. trận Ngọc Tô Ba, 3-4.3.1971)-, tiếp đó đánh chiếm cứ điểm Ngọc Rinh Rua (X. trận Ngọc Rinh Rua, 31.3.1971). Từ 1 đến 16.4 địch huy động 20 tiếu đoàn ra phản kích, giải tỏa. Bằng cách đánh vận động, bao vây, tiến công liên tục, ta diệt 3 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Quang Trung 4 của địch, bảo vệ căn cứ và tuyến vận chuyển chiến lược của ta ở Tây Nguyên; góp phần cùng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30.1-23.3.1971) và chiến dịch đóng bắc Campuchia (4.2-31.5.1971) đập tan kế hoạch tiến công mùa khô 1970-71 của địch.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:50:36 pm »

     
        CHIẾN DỊCH ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN SORIA-2 (6.8-11.9.1972), chiến dịch phản công của QGP miền Đông Nam Bộ (VN) phối hợp với LLVT CM Campuchia chống lại cuộc hành quân lấn chiếm của QĐ Sài Gòn và quân Lon Non (Campuchia) tại khu vực Tà Péc trên trục đường 1 (t. Prây Veng, Campuchia). Lực lượng ta: VN có Trung đoàn bộ binh 174 (Sư đoàn 5), Trung đoàn 207 bộ đội chủ lực Miền và 4 tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3, 10), 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cơ giới; Campuchia có 5 tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 13, 14 và 17). Lực lượng địch gồm: 18 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe tăng và Liên đoàn bộ binh 7 (làm lực lượng cơ động). Chiến dịch diễn ra hai đợt. Đợt 1 (6-24.8.1972), ta tiến cồng địch ở Căng Soài, Sa Keo Hông, Tà Péc, chốt chặn ở Lô Vin và thọc sâu vào phía sau lưng địch, ngăn chặn quân Lon Non ở hướng tây và tập trung lực lượng diệt quân Sài Gòn ở hướng nam lên giải tỏa Tà Péc. Đợt 2 (25.8-11.9.1972), tiếp tục đánh địch ở Căng Soài - Lô Vin, chốt chặn ở Sa Thìa, bao vây Tà Péc, chiếm núi Sa Cách, làm chủ vùng Căng Soài - Sa Thìa, vây ép Tà Cúc, thọc sâu cắt địch ở tây Côngpông Sàng, buộc chúng co lại trên tuyến nam Sa Thìa - Côngpông Săng - Cần Đức; từ 9.9 vây giữ Sa Thìa, ngăn chặn địch tái chiếm Sa Cách, bảo vệ khu vực giải phóng. Kết quả diệt và bắt gần 3.000 địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần cùng LLVT CM Campuchia giải phóng khu vực Tà Péc, uy hiếp vùng Niếc Lương, phá vỡ âm mưu phản kích, lấn chiếm của địch.

        CHIẾN DỊCH ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN TOÀN THẮNG 1-71 nh CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC CAMPUCHIA (4.2-31.5.1971)

        CHIẾN DỊCH ĐẮC LẮC (7-9.1950), chiến dịch tiến công quân Pháp ở khu vực Ma Đrắc - Cheo Reo - Buôn Hồ (nay thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc) do BTL Liên khu 5 tổ chức, chỉ huy nhằm diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh gây dựng cơ sở vùng địch hậu và phong trào chiến tranh du kích, phối hợp với các chiến trường trong liên khu và cả nước. Tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ binh (803 và 84) bộ đội chủ lực liên khu và LLVT địa phương. Lực lượng địch có 9 đại đội (1/3 là Âu-Phi). Chiến dịch diễn ra hai đợt. Đợt 1 (7-8.1950), bộ đội chủ lực đánh mạnh trên đường 7, nhưng tiến công cứ điểm Ma Phu và đánh viện không thành công, chuyển sang đánh nhỏ ở đường 7 và đường 21, hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền hoạt động. Đợt 2 (9.1950), tập trung đánh dịch càn quét vào vùng Ma Đrắc - Cheo Reo, đánh giao thông trên đường 21, tạo điều kiện cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch xung quanh tx Buôn Ma Thuột, Bản Đôn... để gây cơ sở, phát động chiến tranh du kích. Kết quả loại khỏi chiến đấu 170 địch, góp phần xây dựng khu căn cứ ở vùng tam giác Cheo Reo - Biển Hồ - Ma Đrắc, tạo bàn đạp vượt qua đường 14 sang đông bắc Campuchia. Cg chiến dịch Nguyễn Huệ.

        CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ I (3-22.11.1967), chiến dịch tiến công của LLVT Mặt trận Tây Nguyên ở khu vực Đắc Tô (bắc Kon Tum) nhầm tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ và QĐ Sài Gòn, thu hút lực lượng cơ động của địch lên Tây Nguyên, phối hợp chiến đấu trên chiến trường Khu 5 và toàn miền Nam. Lực lượng ta có Sư đoàn bộ binh 1, Trung đoàn bộ binh 24, Trung đoàn pháo binh 40, 1 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội đặc công của tỉnh. Lực lượng địch có Lữ đoàn 1 (Sư đoàn bộ binh 4), Lữ đoàn dù 173, Lữ đoàn 1 (Sư đoàn kị binh không vận 1) của Mĩ; Chiến đoàn dù 3 QĐ Sài Gòn. Mở đầu chiến dịch, sáng 3.11 ta pháo kích sân bay Đắc Tô 2 để khêu ngòi; từ 3 đến 9.11 liên tục chận đánh các đợt tiến công của quân Mĩ vào khu chốt chiến dịch ở Ngọc Tang, Ngọc Bơ Biêng... Tại khu quyết chiến chiến dịch ở dãy Ngọc Com Liệt, ta liên tiếp tập kích, phục kích, vận động tiến công tiêu diệt địch trên các điểm cao 823 và 882...; pháo kích căn cứ của Sư đoàn 4 Mĩ ở Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô, trận địa pháo ở điểm cao 530; đánh trận then chốt quyết định ở điểm cao 875 (x. trận điểm cao 875, 19.11.1967), tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn dù 173) Mĩ, kết thúc chiến dịch. Kết quả loại khỏi chiến đấu 4.500 địch, bắn rơi, bắn cháy 70 máy bay, phá hủy 18 khẩu pháo, 52 xe QS, thu 104 súng các loại. CDĐTI góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch (khêu ngòi, dụ địch vào thế trận đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt...); hoàn thiện hình thức chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt của nghệ thuật QS VN.

        CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ II (5.5-26.6.1969), chiến dịch tiến công của LLVT Mặt trận Tây Nguyên ở khu vực Đắc Tô (bắc Kon Tum) nhằm giam chân, thu hút và tiêu diệt một bộ phận QĐ Sài Gòn và quân Mĩ, phá kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch, mở rộng vùng giải phóng và giữ vững thế làm chủ ở bắc Kon Tum, hỗ trợ hoạt động đánh địch ở đồng bằng Khu 5 và toàn Miền. Lực lượng tham gia gồm: 4 trung đoàn bộ binh (66, 24, 28 và 95), Trung đoàn pháo binh 40, 5 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn công binh, 8 tiểu đoàn bộ đội địa phương các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai cùng bộ đội huyện và du kích các xã vùng ven. Lực lượng địch trên địa bàn có: 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn biệt kích, 1 liên đoàn biệt động quân, 3 chi đoàn thiết giáp. Chiến dịch diễn ra ba đợt. Đợt 1 (5-23.5), trên hướng chủ yếu ta tập kích diệt và đánh thiệt hại 2 đại đôi thuộc Tiểu đoàn bộ binh 4 (Trung đoàn 42) QĐ Sài Gòn vừa đổ bộ xuống Ngọc Bơ Biêng; tiến công địch ở điểm cao 824, nam Plây Cần, chặn đánh quân cứu viện, buộc địch phải chấm dứt cuộc hành quân “Dân quyền 35”. Trên hướng thứ yếu, tập kích các sân bay Đắc Tô, Kon Tum, cụm quân Mĩ ở điểm cao 600, SCH Lữ đoàn 3 Mĩ ở Tân Lạc, đánh giao thông trên đường 14, đường 19. Đợt 2 (24.5-6.6), tập trung vây đánh địch ở khu vực Ngọc Dơ Lang và các điểm cao 702, 782 (trận then chốt), đẩy lui cuộc hành quân "Dân quyền 38” của địch; dùng đặc công, pháo binh tập kích sân bay và quận lị Đác Tô, Plây Cần, Ngọc Rinh Rua... Đợt 3 (7-26.6), vây ép Plây Cần, chặn đánh các cuộc hành quân giải tỏa của địch, nhưng do hiệp đồng không tốt, để địch giải vây được cho Plây Cần; 26.6 ta chủ động kết thúc chiến dịch. Kết quả loại khỏi chiến đấu gần 13.000 dịch (bắt 168), bắn rơi và phá hủy 472 máy bay, phá hủy 1.151 xe QS (có 506 xe tăng và thiết giáp), 74 pháo cối, 6 giàn rađa. CDĐTII bước đầu vận dụng thành công nghệ thuật vận động bao vây, tiến công liên tục và phối hợp lực lượng đánh bại chiến thuật di tản, co cụm, đóng chốt điểm cao của địch, làm thất bại một bước biện pháp chiến lược “quét và giữ”, buộc địch phải co vào thế phòng ngự bị động trên chiến trường Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:52:56 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐỊA PHƯƠNG, hình thúc tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương, gồm: các trận chiến đấu của LLVTND địa phương và các cuộc đấu tranh chính trị của lực lượng chính trị, binh vận ở địa phương, được phối hợp chặt chẽ với nhau theo một ý định và kế hoạch thống nhất trong một thời gian, không gian nhất định, tiến công địch bằng QS, chính trị và bằng các phương thức tác chiến, kết hợp đánh địch rộng khắp với các trận then chốt (trận then chốt quyết định) tiêu hao, tiêu diệt, làm tan rã địch, phá tan âm mưu địch, làm chuyển biến cục diện QS ở địa phương, phát triển phong trào đấu tranh của địa phương. CDĐP do cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh (thành phố) trực tiếp lãnh đạo và điều hành, bộ chỉ huy QS tỉnh (thành phố) tổ chức chỉ huy dưới sự chỉ huy thống nhất của BTL quân khu.

        CHIẾN DỊCH ĐIỀN QUÊ - VIỆT QUÊ nh CHIẾN DỊCH THẬP VẠN ĐẠI SƠN (10.6-10.1949)

        CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ (13.3-7.5.1954), chiến dịch quyết chiến chiến lược của QĐND VN nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biền Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cục Đông Xuân 1953-54. Tư lệnh chiến dịch; Võ Nguyên Giáp. Lực lượng ta có: 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có: 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội dù), tổ chức phòng ngự thành 3 phân khu, 8 trung tâm đề kháng, gồm 49 cứ điểm được trang bị hỏa lực mạnh, có 2 căn cứ hỏa lực và 2 sân bay ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Chiến dịch dự định bắt đầu 25.1.1954 (kế hoạch đầu tiên là 20.1.1954), theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng do địch đã tăng cường binh lực và củng cố hệ thống phòng ngự vững chắc, đồng thời về phía ta, việc đưa pháo vào trận địa và công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu bộ binh - pháo binh chưa hoàn tất, nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sửa đổi kế hoạch, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt, chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc”, dùng cách đánh vây hãm tiến công, đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Chiều 13.3.1954 CDĐBP mở màn, diễn biến qua ba đợt. Đợt 1 (13-17.3), ta đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông bắc, mở đầu bằng trận Him Lam (13.3.1954), tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập (x. trận đồi Độc Lập, 15.3.1954), bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo (16.3.1954), đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Đợt 2 (30.3- 30.4), sau hơn 10 ngày xây dựng trận địa tiến công và bao vây với hàng trăm kilômét hào giao thông, hàng ngàn công sự và ụ súng các loại, ta tiến công diệt các cứ điểm E, Dl, D2, C1 trên dãy đồi phía đông và 106, 311 trên hướng tây - bắc sân bay Mường Thanh, nhưng đánh cứ điểm AI (x. trận đồi AI, 30.3-7.5.1954) và các cứ điểm C2, 105 không thành công, bị địch phản kích chiếm lại nửa đồi Cl. Từ 16.4 ta phát triển trận địa bao vây, tiến công, đánh lấn diệt các cứ điểm 105 (ngày 18.4), 206 (x. trận cứ điểm 206, 17-23.4.1954), đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch nhằm giành lại sân bay (x. trận sân bay Mường Thanh, 21-23.4.1954), kết hợp bắn tỉa và đưa pháo phòng không xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế rồi triệt hẳn tiếp tế đường không của địch. Đợt 3 (1-7.5), ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông (Cl, C2 và Al), diệt một số cứ điểm ở phía tây, tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp SCH trung tâm, dập tắt hi vọng rút chạy của địch; 15 giờ 7.5 tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng Đờ Catxtơri và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc số địch còn lại ở phân khu trung tâm phải đầu hàng, truy kích và bắt gọn bộ phận địch ở Hồng Cúm định rút chạy. CDĐBP giành toàn thắng, diệt và bắt hơn 16.200 địch (có 1 thiếu tướng, 369 sĩ quan từ đại tá đến thiếu úy), thu toàn bộ vũ khí trang bị, bắn rơi 62 máy bay. CDĐBP là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân VN trong KCCP, cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác trong Đông Xuân 1953-54 giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơnevơ về Đông Dương (8.5-21.7.1954) đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật QS, nghệ thuật chiến dịch VN trong KCCP (x. minh họa giữa trang 176. và 177).

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:55:29 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG nh CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG HÀ NỘI - HẢI PHÒNG (18-29.12.1972)

        CHIẾN DỊCH ĐỔ BỘ ĐƯỜNG KHÔNG, chiến dịch do lực lượng không quân tiến hành, dùng khí cụ bay đổ (thả) lực lượng xuống hậu phương địch, đánh chiếm khu vực đổ bộ, nhằm đạt được mục đích chiến dịch hay chiến lược. Đặc điểm CDĐBĐK: bí mật, bất ngờ sử dụng tập trung lực lượng, mục đích kiên quyết, không gian rộng. CDĐBĐK gồm các bước: chuẩn bị đổ bộ, thực hành đổ bộ và chiến đấu ở mặt đất. Chuẩn bị đổ bộ bắt đầu từ khi nhận nhiệm vụ đến khi hoàn thành đưa lực lượng lên các phương tiện hàng không. Thực hành đo bộ bắt đầu từ khi rời khu vực xuất phát đổ bộ đến khi đổ bộ xuống đất. Chiến đấu ở mặt đất bắt đầu từ khi đổ bộ xuống đất đến khi kết thúc hành động chiến đấu.

        CHIẾN DỊCH ĐỘC LẬP, 1) chiến dịch tiến hành riêng biệt để giải quyết nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược nhất định, không nằm trong thành phần chiến dịch của cấp trên. Chiến dịch Nghĩa Lộ (Lí Thường Kiệt) 9-10.1951 do Sư đoàn 312 tăng cường tiến hành trên địa bàn Nghĩa Lộ, t. Sơn La, chiến dịch Bắc Tây Nguyên 26.1-17.7.1954 là những CDĐL; 2) chiến dịch do lực lượng của một quân chủng tiến hành để hoàn thành nhiệm vụ độc lập; như chiến dịch đường không, chiến dịch phòng không, chiến dịch trên biển...

        CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC I (8.10-7.12.1948), chiến dịch tiến công quân Pháp ở khu vực An Châu - Đình Lập - Tiên Yên - Hòn Gai (nay thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh) do Bộ chỉ huy Liên khu I tổ chức, chỉ huy nhằm diệt một bộ phận sinh lực, phá cơ sở hậu cần và vận chuyển tiếp tế của địch trên các đường 4, 13, 18, tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Lực lượng gồm 3 trung đoàn bộ đội chủ lực Liên khu 1 (98, 28 và 55), 3 tiểu đoàn độc lập (215, 426 và 517), 2 tiểu đoàn (18 và 29) của Trung đoàn 308 thuộc Bộ tổng chỉ huy cùng LLVT địa phương. Trước chiến dịch, ta tiến hành tiễu phỉ, diệt căn cứ phỉ ở Trại Thán (x. trận Trại Thán, 22.8.1948), tạo thế để triển khai lực lượng. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (8.10-1.11), ta tiêu diệt 2 cứ điểm Đồng Dương, Đổng Khuy, bức rút các vị trí Sông Rạng, Tuấn Đạo và Đồn Dấu, nhưng không diệt được cứ điểm An Châu (x. trận An Châu, 8.10.1948). Pháp cho quân nhảy dù xuống Mai Siu, tăng cường phòng thủ Hòn Gai, Đình Lập, Tiên Yên... Đợt 2 (2.11-7.12), do cơ sở chính trị ở Hòn Gai bị địch phá chiến dịch không phát triển được theo hướng Hòn Gai - Tiên Yên như dự kiến, phải chuyển hướng sang khu vực Khe Cháy - Pắc Lang - Châu Sơn, nhưng vì chuẩn bị không đầy đủ nên tiến công Khe Cháy (2 lần) và Khe Mó đều không thành công, chuyển sang đánh viện nhỏ và phá hoại đường 4. CDĐBI góp phần mở rộng khu du kích vùng đông bắc Bắc Bộ nhưng kết quả diệt địch thấp (diệt 150 địch, phá hủy 2 xe bọc thép, thu 51 súng), cách đánh chưa phù hợp, không thực hiện được nhiệm vụ triệt phá cơ sở hậu cần, tiếp tế của dịch.

        CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC II (4.3-30.4.1949), chiến dịch tiến công quân Pháp trên địa bàn hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh (nay thuộc t. Quảng Ninh, đông bắc Bắc Bộ) do Bộ tổng tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ đạo nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và đánh lạc hướng địch, củng cố và phát triển cơ sở CM vùng Đông Bắc, phối hợp với chiến dịch Cao Bắc Lạng (15.3-30.4.1949). Lực lượng tương đương 2 trung đoàn, gồm 3 tiểu đoàn (426, 215, Minh Hổ), các đại đội độc lập của Trung đoàn bộ binh 98 cùng LLVT địa phương Quảng Yên, Hải Ninh, Hòn Gai và Lộc Bình. Chiến dịch diễn ra hai đợt. Đợt 1 (4-31.3), mở đầu bằng trận phục kích diệt đoàn xe địch ở Điền Xá (X. trận Điền Xá, 4.3.1949), tiếp đó đánh nhiều trận phục kích trên đường 13, đường 18, sông Lục Nam; tập kích tx Móng Cái (27.3), buộc địch phải tăng cường lực lượng phòng giữ các vị trí ở Phả Lại, Lục Nam, Chủ, Đông Triều, Mạo Khê. Đợt 2 (1-30.4), phối hợp các lực lượng đánh địch trên đường 4 và tây nam đường 18, tổ chức các hoạt động quấy rối, phá hoại ở nhiều nơi (Chẽ, Lưu Kiệm, Ninh Tân, -Yên Hưng, cẩm Lí, Bãi Thảo, Nam Tào, Chợ Xá); tiến công thắng lợi vào tx Quảng Yên (28.4), đồng thời đánh lui nhiều đợt càn quét của địch ở Nam Mậu. Sơn Dương, Quang Xa Đông... Kết quả loại khỏi chiến đấu gần 800 địch (bắt và gọi hàng hơn 200), phá hủy 31 xe QS, 2 canô, thu hơn 1.000 súng và nhiều phương tiện QS; thực hiện tốt mục đích đánh lạc hướng địch, tạo thuận lợi cho chiến trường chính Cao Bắc Lạng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:56:15 pm »

   
        CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC CAMPUCHIA 29.4- 30.6.1970, chiến dịch phản công của QGPMN VN phối hợp với LLVT CM Campuchia nhằm đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của quân Mĩ và QĐ Sài Gòn trên tuyến biên giới VN - Campuchia và vùng đông bắc Campuchia, bảo vệ căn cứ, kho tàng, dự trữ vật chất của ta, hỗ trợ việc đánh phá bình định, đồng thời giúp CM Campuchia phát triển lực lượng chính trị và QS. Lực lượng ta gồm 4 sư đoàn (1, 5, 7 và 9) cùng 2 trung đoàn (24 và 95) bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn đặc công. Lực lượng địch lúc cao nhất tới 100.000 quân gồm Sư đoàn bộ binh 25 và Sư đoàn kị binh không vận 1 của Mĩ, 6 sư đoàn bộ binh (5, 25, 18, 7, 9 và 21), 3 lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến, 3 liên đoàn biệt động quân QĐ Sài Gòn, nhiều đơn vị QĐ Lon Non và số lượng lớn máy bay, pháo binh, thiết giáp. Từ 29.4 địch liên tiếp mở 12 cuộc hành quân trên toàn tuyến biên giới, tiến sâu vào đất Campuchia 30-40km, tập trung chủ yếu trên hướng đường 7, đường 13 (thuộc các tỉnh Xvay Riêng và Côngpông Chàm). Ta tích cực phản công, bẻ gãy các mũi tiến quân của địch, đồng thời chủ động tiến công tiêu diệt và làm tan rã quân Lon Non, mở rộng vùng giải phóng: đánh bại cuộc hành quân Sumêcơ của 21 tiểu đoàn quân Mĩ và QĐ Sài Gòn. giải phóng Mi Mốt (t. Côngpông Chàm) mở rộng vùng giải phóng đến bờ sông Mê Công; chặn đánh địch trên đường 1, đường 22, giải phóng nhiều vùng nông thôn ở 2 tỉnh Prây Veng, Xvay Riêng; giải phóng khu vực Tà Ni, Tuc Mia, Côngpông Trạch... ở nam, bắc đường 5; phát triển tiến công giải phóng các tỉnh Crachiê, Mônđunkiri, Xtung Treng, Rattanakiri. Bị đánh thiệt nặng mà không đạt mục tiêu đề ra, 30.6 quân Mĩ và bộ phận lớn QĐ Sài Gòn phải rút khỏi Campuchia, chấm dứt cuộc tiến công. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 10.000 địch, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay, phá hỏng 280 xe QS, 180 khẩu pháo, cối, bảo vệ được căn cứ, kho tàng của ta; giải phóng 5 tỉnh ở đông bắc và bắc Campuchia, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến chống Mĩ của Campuchia (1970-75) có bước phát triển nhảy vọt.

       CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC CAMPUCHIA 4.2-31.5.1971, chiến dịch phản công của QGPMN VN phối hợp với lực lượng CM Campuchia nhằm đánh bại cuộc hành quân Toàn Thắng 1-71 của QĐ Sài Gòn ở vùng đông bắc Campuchia, bảo vệ kho tàng và tuyến hành lang vận chuyển của ta. Lực lượng tham gia chiến dịch có 3 sư đoàn bộ binh (5, 7 và 9), 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn đặc công và lực lượng bảo vệ căn cứ. Lực lượng địch gồm 3 sư đoàn bộ binh (3, 18 và 25), Lữ đoàn kị binh- thiết giáp 3, Liên đoàn biệt động quân 3, 5 thiết đoàn (hơn 400 xe tăng, xe bọc thép), 12 tiểu đoàn pháo binh (216 khẩu 105-175mm) QĐ Sài Gòn; ngoài ra có 5 tiểu đoàn quân Lon Non và lực lượng lớn không quân Mĩ chi viện. Chiến dịch diễn ra ba đợt. Đợt 1 (4.2-4.3), địch tiến công đánh chiếm Suông - Chúp, thọc sâu xuống Đầm Be - Xơheng; ta chặn đánh trên từng khu vực. đánh nhiều trận tập kích, phục kích ở Chúp, Xơnun, Cầu Cháy.... buộc địch phải co về tuyến đương 7. Đợt 2 (5.3-16.4), địch nống ra lập bàn đạp tiến công hòng chiếm lại Chúp; ta tập trung lực lượng nhằm tiêu diệt địch ở Tun Trea - Lung Miên nhưng hiệp đồng không chặt, xuất kích chậm nên không thành công, chuyển sang bao vây tiến công địch ở Pona Rây - Khơna. Đợt 3 (17.4-31.5), vây ép Xơnun, truy kích địch rút chạy và chặn đánh quân cứu viện; bao vây tiến công địch trên hướng sông Tônglê Tốc, đường 7. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 20.000 địch, bắn rơi 238 máy bay, phá hủy 1.500 xe QS, 167 khẩu pháo, thu 34 xe QS, 16 khẩu pháo, gần 2.000 súng các loại; đánh bại cuộc hành quân lớn của địch, giáng đòn nặng vào âm mưu của Mĩ dùng QĐ Sài Gòn làm lực lượng nòng cốt trên chiến trường ba nước Đông Dương. Cg chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Toàn Thắng 1-71.

        CHIẾN DỊCH ĐÔNG PHỔ 17.8-15.9.1914. chiến dịch ở mặt trận chủ yếu phía đông châu Âu giữa Đức và Nga trong thời kì đầu CTTG-I. Theo kế hoạch Sliphen đã sửa đổi, Đức chủ trương phòng ngự ở biên giới khi cần có thể lui về tuyến sông Vixtuyn; sử dụng một tập đoàn quân phòng thủ từ biển Bantích đến Phrankennao. 17-19.8 các tập đoàn quân 1 và 2 của Nga tiến vào Đông Phổ, chia hai cánh chọc thủng phòng tuyến quân Đức ở vùng nam và bắc hồ Maxuri: cánh quân phía bắc chiếm được Gumbinen và tạm dừng ở đấy (20.Cool; cánh phía nam tiến đến Phrankennao - Ooclao. Do cánh quân Nga phía bắc giảm sức ép, Đức đã cơ động phần lớn lực lượng từ bắc xuống nam (chỉ để lại một sư đoàn), tập trung đánh bại Tập đoàn quân 2 của Nga trong trận Tannenbec (26- 31.8.1914). Sau đó quân Đức quay lên phía bắc hồ Maxuri, đánh vào cạnh sườn Tập đoàn quân 1 (9-14.9), buộc quân Nga phải lui về phòng ngự. CDĐP chấm dứt thế tiến công của Nga đối với Đức.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 03:58:21 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐÔNG PHỔ 13.1-25.4.1945, chiến dịch chiến lược tiến công của QĐ LX nhằm tiêu diệt Cụm tập đoàn quân Trung Tâm (từ 26.1 đổi tên là Cụm tập đoàn quân Bắc) của phát xít Đức trên địa bản Đông Phổ trong chiến tranh Xô - Đức (1941-45). QĐ LX có 1.670.000 người gồm các phương diện quân Bêlôrutxia 2 và 3, một phần lực lượng của Phương diện quân Pribantich hiệp đồng. với Hạm đội Bantich đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của Đức ở Đông Phổ (7 tuyến phòng ngự và 6 cụm cứ điểm), chia cắt chủ lực địch (khoảng 32 sư đoàn) thành ba cụm quân cô lập. Đến 25.4 diệt xong cụm quân cuối cùng của Đức tại bán đảo Giemlan, kết thúc chiến dịch. QĐ LX diệt gọn 25 sư đoàn Đức, đánh thiệt hại nặng 12 sư đoàn, chiếm Đông Phổ, giải phóng toàn vùng ven biển miền tây Ba Lan, bảo đảm sườn phải cho hướng tiến công chiến lược Beclin.

        CHIẾN DỊCH ĐỒNG BÀNG SÔNG CỬU LONG (10.6- 10.9.1972), chiến dịch tiến công tổng hợp của quân và dân miền Trung Nam Bộ ở khu vực nam và bắc đường 4 thuộc địa bàn các tỉnh Mĩ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công, Bến Tre, nhằm tiêu diệt sinh lực, phá rã bộ máy kìm kẹp của QĐ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng một số quận lị, chi khu. cắt đứt đường 4 nối Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta. Lực lượng ta gồm: 2 sư đoàn bộ binh bộ đội chủ lực Miền (5 và C30b), 3 trung đoàn bộ binh bộ đội chủ lực quân khu (1, 88 và 320), 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn, 7 tiểu đoàn và 14 đại đội bộ đội địa phương các tỉnh, huyện, cùng lực lượng chính trị, binh vận ở cơ sở. Lực lượng địch gồm; 2 sư đoàn bộ binh (7 và 9), 1 liên đoàn biệt động quân, 2 trung đoàn thiết giáp, 74 khẩu pháo 105- 155mm, 1 liên đoàn đặc nhiệm hải quân và 5 đại đội tuần giang, 27 tiểu đoàn và 65 đại đội bảo an, 3 liên đội và 428 trung đội dân vệ, 4 đại đội cảnh sát dã chiến đóng ở 15 chi khu, 5 yếu khu với 1.015 đồn bốt. Chiến dịch diễn ra ba đợt. Đợt 1 (10-20.6), bộ đội chủ lực Miền đột phá tuyến biên giới VN - Campuchia, thọc sâu xuống tuyến kênh Dương Văn Dương, hỗ trợ LLVT quân khu và địa phương tiến công mở mảng ở các khu vực trọng điểm Ba Dừa. Cai Lậy Bắc. Đợt 2 (3-31.7), thu hút, kiềm chế địch trên tuyến biên giới, tiếp tục tiến công mở mảng ở 8 xã nam và bắc đường 4, mảng 3 Cai Lậy Bắc, Châu Thành Bắc. Đợt 3 (6.8-10.9), đánh địch phản kích, giải tỏa trên tuyến biên giới, tiếp tục tiến công mờ mảng ở nam và bắc đường 4, phát triển vào vùng sâu ở Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công. Kết quả loại khỏi chiến đấu 34.500 địch, bắn rơi 60 máy bay, phá hủy 245 xe QS (có 126 xe thiết giáp), 73 tàu, xuồng, thu hơn 3.200 súng các loại; diệt và bức rút 356 đồn, bốt, giải phóng 27 xã, 240 ấp với 240.000 dân. Thắng lợi của CDĐBSCL tạo thế và lực mới của ta ở đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược 1972 của toàn Miền. Cùng với chiến dịch Bắc Bình Định (9.4- 3.5.1972), CDĐBSCL khảng định vai trò, vị trí của chiến dịch tiến công tổng hợp trong chiến tranh CM VN thời kì KCCM. Cg chiến dịch tiến công tổng hợp Khu 8.

        CHIẾN DỊCH ĐỔNG DƯƠNG (17.11-18.12.1965). chiến dịch tiến công của LLVT Quân khu 5 tại khu vực Hiệp Đức - Đồng Dương và các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kì, Tiên Phước (t. Quảng Nam), nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng căn cứ, đánh phá giao thông, cô lập địch ở Hội An, Tam Kì, Chu Lai. Lực lượng tham gia chiến dịch: bộ đội chủ lực có Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu 1 trung đoàn), được tăng cường 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn hỏa lực; bộ đội địa phương có Tiểu đoàn bộ binh 72 và 1 đại đội đặc công t. Quảng Nam, 6 đại đội huyện, lực lượng biệt động và du kích địa phương. Lực lượng địch phòng ngự tại chỗ có 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo, 1 chi đoàn thiết giáp, nhiều đại đội bảo an, dân vệ QĐ Sài Gòn; lực lượng ứng cứu có 2 sư đoàn (1 và 3) lính thủy đánh bộ Mĩ ở Chu Lai, Đà Nẵng. Chiến dịch diễn ra ba đợt. Đợt 1 (17-20.11), ta tiến công tiêu diệt chi khu quận lị Hiệp Đức và đánh lực lượng cứu viện xung quanh Hiệp Đức. Đợt 2 (26.11 -9.12), vây đồn Việt An, đánh địch ứng cứu trên đường 16, diệt Chiến đoàn 5 QĐ Sài Gòn ở khu vực Đồng Dương, thực hiện thành công trận then chốt chiến dịch (x. trận Đồng Dương, 8.12.1965). Đợt 3 (10-18.12), đánh quân Mĩ phản ứng giải tỏa ở khu vực Việt An, Bình Lâm và Sơn Cẩm Hà. Kết quả diệt 3 tiểu đoàn và 9 đại đội, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn (có 1 tiểu đoàn Mĩ), thu hơn 400 súng các loại, bắn rơi 39 máy bay. giải phóng phần lớn h. Hiệp Đức, mở rộng vùng căn cứ ở Quảng Nam, phá vỡ một mảng lớn tuyến phòng ngự đường 16 của địch, buộc chúng phải lùi sâu đến Việt An.


Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 04:00:06 pm »


        CHIẾN DỊCH ĐỔNG XOÀI (10.5-22.7.1965), chiến dịch tiến công của LLVT miền Đông Nam Bộ tại khu vực tỉnh Bình Long và Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Lực lượng ta gồm: 3 trung đoàn bộ binh (271, 272, 273), 2 tiểu đoàn đặc công, một bộ phận pháo binh, công binh của Miền; 1 trung đoàn, 2 tiểu đoàn bộ binh của Quân khu 6 miền Đông Nam Bộ và LLVT địa phương 6 tỉnh Bình Long, Phước Long, Lâm Đồng, Long Khánh, Biên Hoà, Bà Rịa. Lực lượng địch có: 9 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn và 7 đại đội bảo an, 21 đại đội biệt kích, 1 chi đoàn thiết giáp QĐ Sài Gòn ở hai tỉnh Bình Long, Phước Long (địa bàn tác chiến chủ yếu). Chiến dịch chia làm ba đợt. Đợt 1 (10-31.5), ta đánh điểm để kéo viện: đêm 10 rạng 11.5 Tiểu đoàn bộ binh 1 (Trung đoàn 271) cùng Tiểu đoàn bộ binh 840 và đặc công tiến công tx Phước Long, đồng thời Tiểu đoàn bộ binh 1 (Trung đoàn 272) tiến công chi khu QS Phước Bình. Địch đưa 4 tiểu đoàn đến giải tỏa, ta không tiêu diệt được. Đợt 2 (9-20.6), ta lập thế để đánh trận then chốt, đêm 9.6 Trung đoàn 272 cùng Tiểu đoàn bộ binh 2 (Trung đoàn 273) tiêu diệt chi khu Đồng Xoài, sau đó liên tiếp đánh quân viện, tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn ở khu vực Đồng Xoài, Thuận Lợi, Phú Riềng. Đợt 3 (24.6-22.7), tiếp tục đánh địch ở Bù Đốp, Bầu Bàng, đường 13, 15. Kết quả ta tiêu diệt 3 tiểu đoàn bộ binh, Tiểu đoàn dù 7, 1 chi đội thiết giáp, gồm 4.459 quân; phá hủy 60 xe QS, 34 máy bay trực thăng, 6 đầu máy và 12 toa xe lửa, 390 súng, pháo; thu 1.652 súng, giải phóng 56.000 dân. CDĐX góp phần cùng với chiến dịch Ba Gia (28.5-20.7.1965), chiến dịch Bình Giã (2.12.1964-3.1.1965) đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ, đánh dấu bước trường thành về trình độ tổ chức chuẩn bị và tác chiến tập trung tiêu diệt chiến đoàn QĐ Sài Gòn của LLVTND miền Nam VN



        CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 3 (25.7-12.8.1948), chiến dịch tiến công của LLVTND VN vào phòng tuyến đường 3 của Pháp nhằm diệt sinh lực, phá kế hoạch của địch củng cố thế chiếm đóng ở Cao Bằng - Bắc Kạn sau Thu Đông 1947. Lực lượng ta có 5 tiểu đoàn bộ binh (55, 73, 11, 54 và 45), 2 đại đội độc lập, 1 đại đội công binh và 1 đại đội pháo binh, do bộ chỉ huy Liên khu 1 chỉ huy. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch tương đương 3 tiểu đoàn. Mở đầu chiến dịch, ta tiến công đồn Phủ Thông, diệt phần lớn dịch nhưng không chiếm được đồn (x. trận Phủ Thông, 25.7.1948); tiến hành các hoạt động quấy rối. đánh địch ở Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Nà Phặc, Bắc Kạn, phục kích trên đường 3 nhưng không đạt kết quả, bỏ lỡ cơ hội đánh đoàn xe địch từ Cao Bàng xuống tiếp viện. Từ 28.7 địch tăng cường lực lượng cho Phủ Thông, Bằng Khẩu, Ngân Sơn, khai thông đường 3. Ta chuyển sang phá hoại, đánh địch tuần tiễu trên một số đoạn đường Bắc Kạn - Phủ Thông - Nà Phặc, tập kích tiêu hao địch ở Bằng Khẩu... Là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của QĐ ta trong thời kì đầu KCCP, kết quả còn hạn chế nhưng rút được những kinh nghiệm cần thiết về xác định mục tiêu, tổ chức và thực hành chiến dịch.

        CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 4 nh CHIẾN DỊCH CAO BẮC LẠNG (15.3-30.4.1949)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM