Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:45:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức miền Đông  (Đọc 16654 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2019, 03:27:12 pm »

Từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 8, quân ta hoạt động mạnh hơn. Trung đoàn 3 (thiếu Tiểu đoàn 7) được tăng cường một tiểu đoàn của Trung đoàn 174 tập kích cụm Trà Phí lần thứ hai, loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên, phá hủy 82 xe quân sự, 10 khẩu pháo, bắn rơi 4 máy bay.

Ngày 22 tháng 8, Trung đoàn 2 chúng tôi dùng một đại đội tăng cường tập kích “ấp chiến lược” Bến Sỏi diệt gần 1 đại đội quân ngụy. Đến ngày 28 tháng 8, Trung đoàn 2 dùng Tiểu đoàn 4 được tăng cường hỏa lực của Trung đoàn tập kích cụm quân Mỹ đóng dã ngoại ở tây Bến Sỏi diệt hơn 100 tên.

Cũng vào thời gian này, Sư đoàn 5 và các trung đoàn 33, 88 tập kích cụm quân Mỹ Chà Là (hai lần) suối Ông Hùng, phục kích diệt đoàn xe 141 chiếc của địch trên đường 22, đoạn đi qua ấp Vền Vền, phía nam cầu Đá Hàng.

Hướng thứ yếu (Bình Long), Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh ở khu vực Lộc Ninh, thu hút 3 tiểu đoàn Mỹ lên, tạo điều kiện cho các đơn vị đánh vận động tiêu diệt một số sinh lực địch ngoài công sự.

Từ ngày 10 đến ngày 28 tháng 9, chiến dịch chuyển sang đợt hai. Hướng chủ yếu (Tây Ninh) các Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 tập kích cụm quân Mỹ ở Lâm Vồ, Bến Sỏi, một tiểu đoàn đột nhập thị xã. Quân Mỹ buộc phải tăng viện bằng cơ giới và máy bay lên thẳng. Đây là thời cơ tốt để Trung đoàn 3 và Trung đoàn 88 vận động phục kích diệt xe cơ giới và sinh lực địch trên đường 22 và liên tỉnh lộ 4.

Trung đoàn 2 chúng tôi có nhiệm vụ diệt đồn Tà Băng Rô Bong dụ quân địch lên cứu viện tạo điều kiện cho bộ phận lớn lực lượng của trung đoàn tiêu diệt địch.

Đêm 19 tháng 9 năm 1968, tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 5 dùng đại đội tăng cường diệt đồn Tà Băng Rô Bong do một đại đội ngụy đóng. Sau 30 phút chiến đấu quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa.

Đồn Tà Băng Rô Bong bị diệt, quân Mỹ liền đưa một tiểu đoàn thủ quân lục chiến Mỹ và 2 đại đội lính ngụy lên phản kích.

Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 tổ chức trận địa phục kích tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 2 đại đội biệt kích ngụy.

Trong trận này, chúng tôi đã bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng chở viên trung tướng Keith Lincoln Ware – Sư đoàn trưởng sư đoàn 1 “anh cả đỏ” trong khi ông ta đi thị sát thị sát chiến trường.

Hướng Bình Long, ta tiếp tục hoạt động mạnh ở phía bắc và phía đông Lộc Ninh, thu hút địch lên, tạo điều kiện cho các đơn vị đánh địch ngoài công sự. Trước áp lực mạnh của ta, ngày 19 tháng 9, quân Mỹ buộc phải rút khỏi Lộc Ninh. Lực lượng vũ trang địa phương tiến vào, áp sát thị thị trấn. Trung đoàn 12 Sư đoàn 7 vận động phục kích quân địch rút chạy trên đường 13, phá hủy 52 xe quân sự, diệt và làm bị thương nhiều lính Mỹ.

Ngày 28 tháng 9 năm 1968, chiến dịch Tây Ninh – Bình Long kết thúc, bộ đội chủ lực Miền và lực lượng vũ trang địa phương trên khu vực chiến dịch đã đánh 315 trận, làm thiệt hại 13 tiểu đoàn địch (có 12 tiểu đoàn hỗn hợp Mỹ), 53 đại đội (có 35 đại đội Mỹ), loại khỏi vòng chiến đấu 18.406 tên, bắt sống 77 tên, phá hủy 1.507 xe quân sự (có 1.190 xe tăng, xe bọc thép), bắn rơi và phá hủy 112 máy bay các loại, 107 khẩu pháo, cối.

Diễn ra vào lúc cuộc tiến công trên các chiến trường đã lắng xuống, lực lượng ta bị tổn thất, thế chiến tranh nhân dân và phối hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân không mạnh và rộng khắp như trước, thắng lợi của chiến dịch Tây Ninh – Bình Long chứng minh sự chuyển hướng của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền là đúng hướng; là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu rất cao, vượt qua những khó khăn thử thách cực kỳ to lớn để tiếp tục đánh địch của các đơn vị tham gia chiến dịch. Đây là một đòn mới đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là đòn tiến công tiếp theo, phát huy kết quả cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong những ngày Tết Mậu Thân.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phá với ta tại Hội nghị Pari.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2019, 03:28:25 pm »

Tháng 11 năm 1968, tôi được Bộ Tư lệnh Miền dự tổng kết. Tôi còn nhớ dự tổng kết có anh Trần Độ, chị Nguyễn Thị Định, anh Trần Văn Trà. Tôi được chỉ định là một trong hai trung đoàn trưởng phát biểu ở hội nghị này. Trước khi trình bày chiến lệ trận đánh của Tiểu đoàn 6 trong trận Vĩnh Lộc tháng 5 vừa qua tôi nói:

- Chủ trương của trên tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là hoàn toàn đúng. Nhưng qua đợt hai, tình hình địch đã thay đổi nhưng ta vẫn chủ quan đánh giá địch thấp cho rằng quân Mỹ rất máy móc. Điều đó chỉ đúng với bọn sĩ quan, binh lính mới sang Việt Nam. Thực ra chỉ huy Mỹ khá thông minh, được đào tạo tốt, thực dụng, giàu kinh nghiệm và thay đổi cách đánh, thay đổi thủ đoạn nhanh. Quân Mỹ có khả năng cơ động cao, phản ứng nhanh, hỏa lực nhiều và phát huy uy lực kịp thời. Đánh giá thấp kẻ thù là tự hạ thấp mình. Nói trăm trận trăm thắng phải nhờ gắn nó với vế trước trong câu nói của nhà quân sự Tôn Vũ “Biết người, biết mình” mới có “bách chiến bách thắng”. Trong đợt hai tiến công vào Sài Gòn, Trung đoàn 2 chúng tôi: Tiểu đoàn 5, xuất kích là 500 cán bộ chiến sĩ, khi lui quân còn 47 người. Tiểu đoàn 4 xuất kích 420 cán bộ chiến sĩ, khi lui còn 32 người. Nhưng cán bộ chiến sĩ chúng tôi vẫn kiên cường chiến đấu, ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi.

Sau đó tôi nói về diễn biến của trận tập kích cụm xe tăng và pháo binh quân Mỹ ở khu vực Vĩnh Lộc.



Dự tổng kết ở Bộ Tư lệnh Miền. Chụp ảnh cùng Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Bình
Trong ảnh: Từ phải qua trái, thứ nhất Trương Văn Đàng

Tôi phát biểu vừa ngừng cả hội trường vỗ tay kéo dài mãi. Anh Trần Độ ra hiệu cho mọi người ngừng, tiếng vỗ tay mới dứt.

Cuối buổi tổng kết, anh Trần Độ gọi tôi lên, trao cho tôi tấm Huy hiệu của Bác Hồ và tờ giấy tự tay bác viết: “Đánh giặc, chỉ huy giỏi”. Rồi anh nói:

- Bác Hồ gửi Huy hiệu của Người và tự tay Bác viết khen tặng đồng chí Trương Văn Đàng, đây không chỉ là vinh dự riêng của đồng chí Đàng mà còn là vinh dự cho cả quân dân miền Đông Nam Bộ nói riêng và quân dân miền Nam nói chung. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng lúc nào Bác cũng dõi theo chặng đường chiến đấu của chúng ta. Cán bộ chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam quyết tâm lập nhiều thành tích chiến đấu hơn nữa để dâng lên Bác.

Nhận tấm Huy hiệu của Bác từ tay người Chính ủy Quân giải phóng miền Nam tôi vô cùng xúc động và sung sướng đến trào nước mắt. Tôi thầm hứa với Bác quyết tâm chiến đấu hơn nữa để xứng đáng với lòng tin của Người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:11:59 pm »

CHƯƠNG BỐN
CHIẾN ĐẤU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG MỞ RỘNG

Sau chiến dịch Tây Ninh – Bình Long, các đơn vị chủ lực Miền chuyển về hoạt động ở vùng Trà Cao, Bến Cầu, Gò Noi… thuộc tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt Nam – Campuchia. Cũng như các đơn vị chủ lực khác trên chiến trường, từ cuối năm 1968, đặc biệt là trong năm 1969, Trung đoàn tôi tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp. Một mặt do ta đã đánh giá không đúng tình hình, đề ra chủ trương tiếp tục tiến công vào các đô thị khi thế và lực đã suy giảm, chậm chuyển hướng chiến lược về củng cố địa bàn nông thôn; mặt khác, do địch đã thay đổi âm mưu và biện pháp chiến lược, gây cho ta nhiều khó khăn mới.

Về phía địch, sau thất bại trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, đặc biệt là thất bại nặng nề toàn diện cả về quân sự và chính trị khi quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đã phá sản. chúng phải ngừng ném bom trên miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Pari (13 tháng 5 năm 1968)  R. Níchxơn thay Giônxơn làm tổng thống nước Mỹ đã đưa ra một chiến lược toàn cầu mới gọi là “học thuyết Níchxơn” với ba nguyên tác chính là dựa vào sức mạnh Mỹ, chia sẻ trách nhiệm cho các đồng minh và thương lượng trên thế mạnh.

Ở Việt Nam, R. Níchxơn điều chỉnh kế hoạch “phi Mỹ hóa chiến tranh”. Mục tiêu và biện pháp cơ bản của chiến lược này là tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược bằng quân ngụy được hiện đại hóa và sự yểm trợ tối đa về hỏa lực của Mỹ, bình định quyết liệt để cho cuộc chiến tranh nhân dân của ta mất chỗ dựa, mất nguồn sống. Đồng thời, dùng bom đạn đánh phá hủy diệt và các thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt để bao vây, cô lập, bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, cắt đứt đường vận chuyển bắc – nam, hủy diệt các căn cứ, làm cho các lực lượng vũ trang của ta không còn chỗ đứng ở chiến trường, buộc phải phân tán, không thể tập trung lực lượng đánh lớn vì không có thế chiến tranh nhân dân, không còn căn cứ và không có nguồn tiếp tế hậu cần.

Ý đồ thâm hiểm của địch trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh là làm tan rã các khối chủ lực ta, đẩy các sư đoàn chủ lực ta ra ngoài biên giới, làm cho cuộc chiến tranh giải phóng của ta lùi về trạng thái du kích đơn thuần, tàn lụi dần. Mỹ sẽ thực hiện được cái mà chúng gọi là “thay màu da cho xác chết”, rút được quân viễn chinh ra, vực cho ngụy quân, ngụy quyền mạnh lên, miền Nam Việt Nam vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Ở miền Đông Nam Bộ, tiếp theo các cuộc can quét khốc liệt, làm mất các vị trí bàn đạp của ta ở vùng ven Sài Gòn – gia Định, địch điều sư đoàn 1 kỵ binh bay và sư đoàn 101 cơ động đường không của Mỹ từ miền Trung vào, sử dụng hai sư đoàn này cùng với sư đoàn 25 bộ binh cơ giới “tia chớp nhiệt đới” và sư đoàn 1 bộ binh “anh cả đỏ” liên tục càn quét, đánh phá ác liệt trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Máy bay chiến lược B-52, máy bay cường kích chiến thuật ném bom, rải chất hóa học và pháo bầy bắn phá suốt ngày đêm nhằm hủy diệt các căn cứ, đẩy các đơn vị chủ lực Miền ra ngoài biên giới. Sư đoàn 21 bộ binh và liên đoàn 4 biệt động quân ngụy chốt chặn tuyến biên giới thuộc miền Tây Nam Bộ, ngăn chặn tuyến vận tải từ cảng Công Pông Xom (Campuchia) lên các căn cứ của Miền ở miền Đông. Chúng chà sát dữ dội các cơ sở của ta, đốt phá nhiều kho tàng, cơ sở vật chất mà từ lâu ta đã chuẩn bị được.

Ngoài ba tuyến phòng thủ xung quanh Sài Gòn, đầu năm 1969, chúng tổ chức thêm một tuyến nữa kéo dài từ nam Kông Pông chàm, qua Mê Mốt, Snun về đến biên giới để án ngữ không cho các đơn vị chủ lực Miền về tác chiến ở Nam Bộ.

Ở đồng bằng Nam Bộ, ba sư đoàn chủ lực ngụy (7, 9, 21) và sư đoàn 9 bộ binh Mỹ càn quét khốc liệt, hỗ trợ lực lượng bảo an, dân vệ bình định nông thôn, vơ vét kiểm soát chặt chẽ lúa gạo của dân, phong tỏa các cửa khẩu thu mua của ta, ngăn chặn các hành lang vận tải từ đồng bằng lên các căn cứ rừng núi.

Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1969, chúng đóng thêm 1.000 đồn bốt, kiểm soát thêm một triệu dân, làm cho việc chuyển tân binh và thu mua, vận chuyển gạo, thuốc chữa bệnh… của ta từ đồng bằng lên các căn cứ gặp nhiều khó khăn. Trên tuyến hậu cần chiến lược Bắc – Nam, địch phong tỏa chặt chẽ tuyến đường biển, sử dụng máy bay B-52, máy bay chiến thuật đánh mạnh trên toàn tuyến đường Trường Sơn, đặc biệt là ở các cửa khẩu, gây cho Đoàn 559 nhiều tổn thất về phương tiện vận tải và hàng hóa.

Tháng 9 năm 1969, các kho hậu cần của Miền chỉ còn 2.000 tấn gạo, không đủ cho bộ đội ăn trong một tháng. Một số đơn vị phải ăn bữa sắn bữa cơm.

Giữ hay phân tán và sử dụng các đơn vị chủ lực như thế nào trở thành vấn đề được đặt ra gay gắt ở tất cả các chiến trường từ Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 đến miền Đông Nam Bộ. Trước hết, đây là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch vì âm mưu chiến lược của địch là làm cho các đơn vị chủ lực ta phải phân tán, không tập trung đánh lớn được và không còn chỗ đứng ở chiến trường miền Nam.


(1) Hội nghị Pari bắt đầu họp ngày 123-5-1968 giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa với Hoa Kỳ. Từ ngày 25-1-1969 bắt đầu hội nghị bốn bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa (ngụy quyền Sài Gòn).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:13:53 pm »

Trong nội bộ cán bộ ta cũng có những ý kiến khác nhau. Một số cho rằng không thể giữ được các đơn vị với đội hình tập trung sư đoàn, trung đoàn vì không có căn cứ đứng chân và không giải quyết được vấn đề bảo đảm hậu cần. Lúc này địch đang bình định quyết liệt ở nông thôn đồng bằng, cần phải phân tán chủ lực về các địa phương đánh địch hỗ trợ nhân dân và các lực lượng vũ trang chống bình định, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân.

Đây là một thực tế khách quan ở chiến trường, một vấn đề đã trở thành đòi hỏi cấp bách, trước mắt. Nhưng để giải quyết, không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi một chiến trường, một đơn vị cụ thể. Lúc này, phân tán sẽ giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt. Nhưng phân tán là mất chủ lực, một thành quả mà quân và dân ta đã xây dựng trong nhiều năm. Trong khi đó quy luật phát triển của chiến tranh là ngày càng tiến lên tập trung, đánh lớn, cần có đòn quyết định của chủ lực. Do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là vai trò có ý nghĩa quyết định của hậu phương lớn miền Bắc để giữ vững khối chủ lực ở chiến trường. Chỉ có như vậy mới phá được thế bao vây chiến lược của địch, từng bước khôi phục, phát triển thế và lực của ta, đưa cuộc chiến tranh cách mạng phát triển lên một bước mới, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy.

Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chủ trương khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn về người và vật chất để giữ vững khối chủ lực; đồng thời mở tiếp các đợt hoạt động mới trong mùa xuân và mùa hè năm 1969 nhằm duy trì thế tiến công địch ở chiến trường, phối hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân phá kế hoạch “bình định” của địch. Các sư đoàn chủ lực có nhiệm vụ củng cố tổ chức, huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu, kiên quyết đánh địch bảo vệ căn cứ; đồng thời tích cực tăng gia sản xuất, khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, tham gia mở đường và bảo vệ các hành lang vận tải từ tuyến chiến lược đến các căn cứ của Miền.

Để khôi phục và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân chống địch “bình định” và chuẩn bị địa bàn cho bộ đội chủ lực hoạt động khi có thời cơ, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền và các quân khu đã điều động một số trung đoàn bộ đội chủ lực về hoạt động ở đồng bằng.

Cán bộ chỉ huy Sư đoàn 9 có sự thay đổi. Theo quyết định điều động của Bộ, anh Tạ Minh Khâm, Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Tòng, Chính ủy sư đoàn chuyển sang cương vị công tác mới ở cơ quan Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền. Anh Lê Văn Nhỏ (Hai Lâm) được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng và anh Nguyễn Văn Quảng (Năm Phòng) được bổ nhiệm làm chính ủy sư đoàn. Một thời gian sau, do yêu cầu của chiến trường anh Lê Văn Nhỏ chuyển về Khu 8 (miền Trung Nam Bộ). Anh Nguyễn Thới Bưng (Út Thới) được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng. Tháng 4 năm 1969, tôi được bổ nhiệm Tham mưu tưởng sư đoàn. Đến tháng 7 năm 1969, tôi được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Sư đoàn 9.

Cùng với các sư đoàn bạn trong khối chủ lực Miền, mùa thu năm 1969, Sư đoàn 9 tiếp tục hoạt động ở khu vực Tây Ninh, Bình Long, đánh địch bảo vệ các căn cứ trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.

Ngày 12 tháng 8 năm 1969, Bộ Tư lệnh Sư đoàn chủ trương tập kích cụm bộ binh cơ giới thuộc trung đoàn 15 quân ngụy ở cua chữ S. Tôi được anh Út Thới phân công đi chỉ huy Trung đoàn 1 đánh trận này.

Tôi đến Trung đoàn 1, gặp các đồng chí Trung đoàn thống nhất sử dụng Tiểu đoàn 2. Tôi đi thẳng xuống Tiểu đoàn 2. Người đón tôi là Lê Văn Dũng (Bảy Dũng)(1) – Chính trị viên tiểu đoàn. Sau khi nghe anh báo cáo phương án và quyết tâm của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2, tôi nói:

- Phương án và quyết tâm của các đồng chí như vậy là ngon rồi. Vấn đề bây giờ là tổ chức thật chu đáo, phân công cán bộ đi từng mũi. Ưu tiên hỏa lực cho mũi chủ yếu.

Bảy Dũng trả lời:

- Chúng tôi đã phân công. Tôi sẽ đi với Đại đội 7 chủ công. Xin bảo đảm với Sư đoàn phó, trận này Tiểu đoàn 2 nhất định giành thắng lợi.

Nhìn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của Chính trị viên Bảy Dũng, tôi thầm nghĩ “tay này rồi sẽ làm nên chuyện đây”.


(1) Lê Văn Dũng sau này là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:16:02 pm »

Trận chiến đấu diễn ra đúng theo phương án đề ra. Kết quả Tiểu đoàn 4 loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên, phá hủy 60 xe (có 30 xe tăng, xe bọc thép), bắn rơi 5 máy bay.

Tiếp đó, tiểu đoàn vận động phục kích chi đoàn xe thiết giáp (thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ) ở đông bắc Sở Tư, phá hủy 26 xe, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên Mỹ.

Cùng ngày 12 tháng 8, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 tập kích ấp chiến lược Sở Tư, diệt 1 đại đội bảo an ngụy; sau đó chuyển sang phục kích đánh quân Mỹ lên giải tỏa, bắn cháy 54 xe quân sự, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên. Ngoài một số trận trên đây, các trận đánh khác của Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 trên hướng Bình Long và của Trung đoàn 3, trên hướng Tây Ninh đều là những trận đánh quân địch khi chúng hành quân càn quét vào các khu vực, căn cứ quy mô nhỏ (tiểu đoàn), hiệu suất thấp.

Từ giữa năm 1969, sau khi bình định, kiểm soát được phần lớn nông thôn, đồng bằng, quân địch lấn tới, càn quét, đánh phá ngày càng ác liệt, nhất là bằng máy bay chiến lược B-52 nhằm đẩy các sư đoàn chủ lực ta ra ngoài biên giới.

Giữa những ngày mùa mưa năm 1969 gian khổ ác liệt ấy, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 vô cùng đau đớn nhận được tin Bác Hồ kính yêu từ trần. Ở Sư đoàn, một số cán bộ đã vinh dự được gặp Bác trước ngày lên đường vào chiến trường; nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa một lần được gặp Bác, nhưng tất cả có chung một nguyện ước: đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Sài Gòn để đón Bác vào thăm. Ước nguyện ấy đã trở thành nguồn sức mạnh, đưa sư đoàn vượt qua biết bao hy sinh, thử thách, càng chiến đấu càng trưởng thành, càng đánh càng mạnh trong những năm qua.

Đau thương, mất mát càng làm cán bộ, chiến sĩ sư đoàn xiết chặt thêm hàng ngũ, nắm chắc thêm tay súng, quyết lập công đền ơn Bác, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh quan gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Đó là niềm tin, là ý chí sắt đá, là Di chúc của Bác cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đó cũng là mục tiêu chiến đấu mà Bác Hồ đã từng chỉ thị cho quân đội ta: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Ngày 5 tháng 9 năm 1969, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 tất cả đều mang băng tang trên áo, vận động phục kích, đánh thiệt hại nặng 1 đoàn xe thiết giáp Mỹ ở Bình Phú.

Ngày 6 tháng 9, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 3B đánh quân Mỹ ở Bà Chiêm; Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 đánh thiệt hại nặng 2 đại đội thiết giáp Mỹ và 1 đại đội biệt kích ngụy ở Bình Phú, Sở Tư… Đây là những trận đánh mở đầu đợt hoạt động “biến đau thương thành hành động cách mạng, lập công đền ơn Bác” của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9.

Tháng 10 năm 1969, theo quyết định điều động của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Trung đoàn 3B (tức Trung đoàn 88) chuyển thành trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền, Trung đoàn 95C được biên chế về Sư đoàn 9.

Ngày 12 tháng 3 năm 1970, dưới áp lực của Mỹ, tập đoàn Lonnon – Xirich Matắc ở Campuchia đóng cửa càng Kông Pông Xom. Sáu ngày sau, ngày 18 tháng 3, Mỹ chủ mưu cuộc đảo chính, lật đổ Hoàng thân Xihanúc, đưa Lonnon lên cầm quyền. đây là nước cờ đã được Níchxơn tính toán kỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với tham vọng lớn và ý đồ rất thâm hiểm là xóa bỏ nước Campuchia trung lập, dựng nên một tập đoàn tay sai trung thành với Mỹ, đưa nước Campuchia và quỹ đạo của Mỹ; đồng thời tiến thêm một bước quyết định trong việc ngăn chặn các tuyến vận tải chiến lược đường bộ và đường biển của ta từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, tiếp tục theo đuổi mục tiêu đánh phá hủy diệt các cơ quan, kho tàng của ta trên tuyến biên giới, làm cho các đơn vị chủ lực Miền không còn chỗ đứng ở miền Nam cũng như trên đất bạn Campuchia.

Để hỗ trợ cho quân ngụy Lonnon, Mỹ điều sư đoàn kỵ bay lên Thiện Ngôn, Tà Xia, Bà Điếc (phía tây quốc lộ 22, sát biên giới). Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới Mỹ nống ra Trại Bí, Mỏ Còng (quốc lộ 22) và Trà Vong, Ke Don (lộ 4); đồng thời đưa 2 tiểu đoàn dù ngụy lên án ngữ khu vực phía tây và đông lộ 4. Quân ngụy Sài Gòn phối hợp với quân ngụy Lonnon hoạt động ở hai bên đường biên giới, gây nhiều khó khăn cho việc cơ động lực lượng, vận tải hàng và trú quân của ta. Một tiểu đoàn quân ngụy Lonnon đóng chốt ở Sóc Chàu, Tà Súa (Lò Gò); một tiểu đoàn khác bao vây khu vực Mỏ Vẹt (Bà Hút, Bà Thu), chặn ta qua lại quốc lộ 1 (đoạn Chi Pu – Mộc Bài).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:17:12 pm »

Nhưng Mỹ đã chủ quan, đánh giá không đúng tinh thần cách mạng của nhân dân Campuchia, tình đoàn kết chiến đấu đã có truyền thống từ lâu đời của nhân dân các dân tộc Đông Dương và sự nhạy bén, tài giỏi trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Ở nhiều nơi, nhân dân Campuchia đã nổi dậy chống lại ngụy quyền Lonnon. Lực lượng ủng hộ Xihanúc tiếp tục chống đối. Quân ngụy Lonnon bất lực, hoang mang, nhiều đơn vị phải co về Phnôm Pênh và các thành phố, thị xã.

Ngày 4 tháng 4 năm 1970, Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền phải chuẩn bị sẵn lực lượng và kế hoạch tác chiến để khi bạn yêu cầu sẽ giúp nhân dân bạn giành quyền làm chủ ở 10 tỉnh tiếp giáp với nước ta.

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 đã bổ sung nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị tích cực chuẩn bị đánh quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn phản kích qua biên giới; đồng thời có kế hoạch chiến đấu bảo vệ và sơ tán kho tàng từ Xa Mát (quốc lộ 22) đến bắc lộ 1.

Ở bắc và tây bắc thị xã Tây Ninh, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 liên tiếp vận động tập kích và phục kích, gây nhiều thiệt hại cho lữ đoàn 1 (sư đoàn kỵ binh bay Mỹ) ở bắc Thiện Ngôn, tây đường 22. Ngày 26 tháng 3, Tiểu đoàn 4 diệt một đại đội Mỹ ở Mét Mua, thu 24 khẩu súng.

Đêm 28 tháng 3, Tiểu đoàn 9 diệt một cụm quân Mỹ ở Cần Lê, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, phá hủy 30 xe bọc thép, 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay lên thẳng. Đêm 31 tháng 3, Tiểu đoàn 6 diệt cụm quân Mỹ ở Tà Xia, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, phá hủy 30 xe quân sự, 15 khẩu pháo, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng.

Do lữ đoàn 1 (sư đoàn kỵ binh bay) bị tổn thất nặng trong một thời gian ngắn, Mỹ buộc phải điều tiểu đoàn 1 trung đoàn 11 thiết giáp, tiểu đoàn 1 lữ đoàn 5 của sư đoàn 25 bộ binh cơ giới và một tiểu đoàn của lữ đoàn 5 kỵ binh bay lên Tà Xia để tăng cường lực lượng đóng chốt, càn quét, đẩy các đơn vị chủ lực ta về phía sau, giữ ngã ba Krếch và con đường chiến lược số 7 nối với quốc lộ 22 từ Thiện Ngôn lên Kông Pông Chàm.

Sở chỉ huy phía trước của sư đoàn gồm các anh Nguyễn Văn Quảng, Bùi Thanh Vân và tôi (Trương Văn Đàng) thống nhất với Tỉnh ủy Tây Ninh mở mặt trận tiến công dọc theo quốc lộ 1.

Ngày 15 tháng 4 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3 tập kích cụm quân Mỹ ở trảng Bà Điếc diệt 200 tên, phá hủy 30 xe quân sự, 10 khẩu pháo. Ngày 16 tháng 4, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3 tập kích Tà Xia lần thứ hai và Trảng Tròn tây bắc Lò Gò, diệt hai cụm quân Mỹ. Ngày 13 tháng 4, ta đánh chiếm chi khu Krếch, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2, diệt một tiểu đoàn quân ngụy Lonnon ở Krabap; tiếp đó, Sư đoàn 9 phối hợp với nhân dân bạn giải phóng Kimchaimia, Côngpôngtrạch. Nhiều nơi, vùng giải phóng mở rộng và sâu đất bạn 30 đến 40 kilômét.

Ở tây nam thị xã Tây Ninh, các đơn vị của Sư đoàn 9 diệt một số “ấp chiến lược” đánh địch phản kích ở Bến Cầu, khu vực Rừng Dầu, Xóm Lò, Tiên Thuận, Cây Me, nam bắc lộ 1… Tuy chưa diệt nhiều sinh lực địch, nhưng các hoạt động của ta trên hướng này đã gây sức ép mạnh, buộc địch phải điều thêm lính bảo an ở các tiểu khu và quân chủ lực Mỹ - ngụy ở tuyến trung gian lên giải tỏa.

Ở Campuchia, quân ngụy Lonnon sử dụng Chi Pu làm bàn đạp để triển khai cơ giới xuống vùng biên giới và bắn pháo vào khu vực tập kết lực lượng của ta. Để phá tan âm mưu này của địch, ngày 3 tháng 4 năm 1970, Bộ Tư lệnh Sư đoàn chúng tôi lệnh cho Trung đoàn 1 đánh chiếm Chi Pu, diệt một tiểu đoàn quân ngụy Lonnon. Ngày 13 tháng 4 chúng tôi lại lệnh cho Tung đoàn 2, diệt đồn Mộc Bài, làm chủ một đoạn dài 20 kilômét trên đường số 1 (Sài Gòn – Phnôm Pênh). Ngày 26 tháng 4, Trung đoàn 2 tiến công hai chi khu quân sự Chúp và Prasốt, diệt 2 tiểu đoàn quân ngụy Lonnon, bắt được tù binh, thu nhiều vũ khí.

Những đòn tiêu diệt này làm quân ngụy Lonnon rất hoảng sợ, không còn tinh thần chiến đấu mỗi khi gặp chủ lực ta. Quân đoàn 3 ngụy Sài Gòn buộc phải điều trung đoàn 49 và hai tiểu đoàn biệt động quân lên giải tỏa, phản kích ta ở vùng Ba Thu, Bà Hút.

Hoạt động của Sư đoàn 9 trong thời gian từ sau khi Mỹ đảo chính ở Campuchia đến cuối tháng 4 năm 1970 đã góp phần bảo vệ địa bàn, kho tàng, mở rộng vùng giải phóng của ta, đập tan ý đồ củng cố và tăng cường chi khu Krếch, chiếm giữ quốc lộ 22 của địch, bước đầu làm thất bại âm mưu cấu kết giữa Mỹ, ngụy Sài Gòn và ngụy Lonnon để đẩy lực lượng ta ra khỏi khu vực biên giới. Đây là thắng lợi rất quan trọng, tạo điều kiện cho quân và dân hai nước đánh bại các bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:18:30 pm »

*

Ngày 29 tháng 4 năm 1970, Níchxơn huy động một lực lượng lớn, quân Mỹ có sư đoàn kỵ binh bay và sư đoàn bộ binh cơ giới 25 “tia chớp nhiệt đới”, quân ngụy Sài Gòn có 6 sư đoàn (5, 25, 18, 7, 9, 21), 3 lữ đoàn dù và lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng dự bị chiến lược, 5 liên đoàn biệt động quân (chiếm 33,8 phần trăm lực lượng chiến đấu của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn) mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia trên toàn tuyến biên giới. Theo sự tính toán của địch, đây là bước quyết định để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta và các đơn vị chủ lực Miền, triệt phá các căn cứ hậu cần của ta trên đất bạn, hoàn thành kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời nhằm đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Campuchia.

Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, quân đội ta đã nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đẩy mạnh hoạt động phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng của Campuchia, chủ động “tiến mạnh về phía tây”, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh liên tục, kiên quyết đập tan cuộc tiến công xâm lược của địch.

Từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5 năm 1970, quân đoàn 3 ngụy tổ chức ba chiến đoàn 225, 318, 333 càn quét khu vực nam và bắc đường số 1 (khu vực Ba Thu, Bà Hút, Bố Ba Tây) nhằm triệt phá các kho tàng của ta, giành lại các thị trấn đã mất (Chi Pu, Prasốt, Chúp, Côngpôngtrạch), thuộc tỉnh Svây Riêng. Bị Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3 chặn đánh quyết liệt, không chiếm được Chúp, địch điều chiến đoàn 318 sang phía tây thi trấn, tiến về Côngpôngtrạch. Chiến đoàn này bị Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 chúng tôi đánh thiệt hại nặng ở Cramka, Tà Y, Chônâyxa. Trong khi đó, một đoàn giang thuyền gồm 37 chiếc của địch từ Bến Sỏi theo Rạch Tràm tiến lên Côngpôngtrạch với ý định hợp điểm với chiến đoàn 318. Phân đội công binh của Trung đoàn 3 đã phục kích, bắn chìm và bắn cháy 7 chiếc. Số tàu còn lại buộc phải quay trở lại Bến Sỏi.

Lữ đoàn 1 sư đoàn 25 bộ binh cơ giới Mỹ bị Trung đoàn 3 và các đơn vị binh chủng của Sư đoàn 9 chặn đánh liên tục ở khu vực Lò Gò, Trảng Trâu, Tà Súa, Tà Dăng. Chỉ tính từ ngày 6 đến ngày 14 tháng 5, ta diệt và làm bị thương 400 tên, phá hủy 17 máy bay, phá hủy 38 xe bọc thép, bốn khẩu pháo 105 của lữ đoàn này.

Phát triển tiến công, ngày 10 tháng 5, Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 9 (anh Vân, anh Quảng và tôi) chỉ huy Trung đoàn 2 giải phóng Chúp, Suông, diệt và làm tan rã một lữ đoàn quân ngụy Lonnon, làm chủ đường số 7, một con đường có vị trí chiến lược ở đông bắc Campuchia; đồng thời giản phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở hai tỉnh Prây Veng, Kông Pông Chàm, áp sát bờ sông Mê Kông.

Đợt một chiến dịch phản công quân Mỹ và ngụy Sài Gòn xâm lược nhiều sinh lực địch, giải phóng một số địa bàn chiến lược, bảo vệ được lực lượng kho tàng. Nhưng do các đơn vị hoạt động phân tán trên nhiều hướng, sư đoàn đã bỏ lỡ nhiều thời cơ có thể tiêu diệt lớn quân địch, một số trận đánh hiệu suất thấp.

Bước vào đợt chiến đấu mới, từ cuối tháng 5 đến tháng 7 năm 1970, Sư đoàn 9 kịp thời rút kinh nghiệm, nắm vững tư tưởng chỉ đạo “tiến mạnh về phía tây”, cùng với nhân dân bạn đánh địch, mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn, đồng thời tập trung lực lượng đánh chiếm thị xã Prây Veng và phản kích địch trên một số hướng.

Ngày 20 tháng 5 năm 1970, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn mở tiếp các cuộc hành quân tiến sâu hơn vào đất Campuchia. Chiến đoàn 333 tiếp theo đường số 7. Chiến đoàn 318 theo đường số 1 lên giải tỏa áp lực của ta ở Prây Veng, rồi theo đường số 15 lên Chúp.

Với tinh thần chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 chúng tôi cơ động lực lượng và tổ chức chiến đấu nhanh, nhằm đúng đối tượng chính là quân ngụy Sài Gòn, đã kịp thời chuyển sang phản công, đánh hai trận lớn ở Prây Veng (ngày 15 tháng 6) và Bình Cheng (25 tháng 6) và một số trận khác ở Tô Tịa, Xoài An Tô, phum Bà Rài, Prây Xa Năng, Bung Băng, Trại Bí… loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.000 tên địch, phá hủy 174 xe quân sự (có 146 xe tăng, xe bọc thép), đánh thiệt hại nặng một số tiểu đoàn, chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn. Trong đó có chiến đoàn 318 của quân ngụy Sài Gòn bị thương vong trên 800 tên, bị phá hủy 50 xe bọc thép. Ngày 4 tháng 6 năm 1970, địch buộc phải rút hai chiến đoàn 318, 333 về Tây Ninh. Quân ngụy Lonnon, buộc phải bỏ ý đồ giành quyền kiểm soát đường số 7 và chiếm lại Chúp, Suông.

Cùng với các đơn vị bạn trong khối chủ lực Miền và được sự phối hợp chiến đấu của quân và dân nước bạn. Sư đoàn 9 chúng tôi đã góp phần giải phóng vùng nông thôn rộng lớn giáp liền nhau thuộc bốn tỉnh Soài Riêng, Prây Veng, Kông Pông Chàm, Căng Đan.

Trong quá trình chiến đấu, chúng tôi đã giúp bạn tổ chức trang bị và huấn luyện 3 tiểu đoàn bộ binh với tổng số quân là 2.082 người; thành lập nhiều đội vũ trang và mở lớp huấn luyện cho 1.019 dân quân các phum, sóc. Thực hiện chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 đã đi xuống từng phum, sóc, cùng nhân dân bạn dựng lại nhà ở, ra đồng gặt lúa, đào hầm tránh máy bay, cắt tóc cho trẻ em, người lớn, mở lớp đào tạo y tá, cứu thương, cùng với bạn tổ chức chính quyền nhân dân, xây dựng cuộc sống mới. Nhân dân Campuchia coi bộ đội Việt Nam như con em của mình. Ở đâu, cán bộ chiến sĩ sư đoàn cũng được nhân dân tận tình giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động và chiến đấu.

Ngày 12 tháng 8 năm 1970, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền họp nhận định về đợt hoạt động xuân hè năm 1970. Tiếp đó là từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 8 mở hội nghị tổng kết đợt hoạt động. Về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn 9, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đánh giá: Sư đoàn đã hoạt động liên tục 4 tháng, đã nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trên địa bàn rất rộng (cả miền Nam Việt Nam và Campcuhia) và đánh nhiều đối tượng khác nhau (quân Mỹ, ngụy Sài Gòn và ngụy Lonnon); đã tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị, nhất là chiến đoàn 318 ngụy Sài Gòn và lữ đoàn 1 (sư đoàn kỵ binh bay Mỹ), hai lần đánh bại âm mưu chiến lại đường số 7 của địch; đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, kho tàng, đặc biệt là bảo vệ các kho vũ khí đạn và thương binh. Khi chuyển sang chiến trường mở rộng Campuchia, Sư đoàn đã vừa tác chiến tiêu diệt địch, vừa mở rộng vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang. Cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện cả về chính trị, quân sự, vận dụng tốt nhiều hình thức chiến thuật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:19:49 pm »

Tháng 8 năm 1970, tại hội nghị tổng kết chiến dịch chúng tôi đã nêu lên một số kinh nghiệm. Trước hết đối với chiến dịch dài ngày, công tác củng cố và xây dựng lực lượng có ý nghĩa quyết định để thực hiện yêu cầu tác chiến liên tục và đạt hiệu suất cao. Trong quá trình chiến dịch phải căn cứ vào thời cơ mà tổ chức đợt cao điểm, trong đợt cao điểm tập trung cho quyết chiến điểm nhằm đạt yêu cầu tiêu diệt lớn, gây thối động lớn và phù hợp với khả năng bộ đội, với việc chuẩn bị và bổ sung vật chất. Quân ngụy Sài Gòn hành quân sâu vào đất Campuchia xa hậu phương, phi pháo hạn chế, công sự chướng ngại mỏng, yếu là thời cơ để sư đoàn có thể tập trung đánh lớn, diệt từng cánh, từng cụm hai đến ba tiểu đoàn địch trong một trận đánh, có thể phát huy cách đánh gấp, đánh bồi, mạnh dạn xuất kích đánh ngày… Chiều hướng phát triển tổ chức và sử dụng lực lượng của địch là bộ binh cơ giới hỗn hợp. Muốn đánh thắng địch là phải xem trọng nghiên cứu, bổ sung trang bị cho thích hợp với chiến trường, đặc biệt là súng, mìn chống tăng, khí tài thông tin đảm bảo chỉ huy và hiệp đồng…

Qua chiến dịch xuân hè năm 1970, sư đoàn nói chung và các trung đoàn nói riêng đã có bước tiến bộ mới về khả năng chiến đấu. Trung đoàn có khả năng diệt một tiểu đoàn hoặc một cụm tương dương trong một trận đánh. Sư đoàn có khả năng tập trung một trung đoàn tăng cường hoặc hai trung đoàn trên một khu vực quyết chiến điểm của chiến dịch để diệt từ 2 đến 3 tiểu đoàn địch trong trận đánh căn cứ hành quân mới được thiết lập hoặc một cánh quân địch; có khả năng tham gia các chiến dịch trong đội hình cấp trên hoặc độc lập tác chiến trên hướng chủ yếu hay thứ yếu của chiến dịch.

Sau hội nghị tổng kết, Bộ tư lệnh sư đoàn chúng tôi mở liên tục sáu hớp tập huấn cho 410 cán bộ gồm 5 cán bộ cấp sư đoàn, 14 cán bộ trung đoàn, 391 cán bộ tiểu đoàn về các nội dung đã được tổng kết. Đồng thời, triển khai kế hoạch học tập chính trị và huấn luyện quân sự cho các cơ quan và phân đội. Nội dung huấn luyện là các hình thức chiến thuật (tập kích, phục kích, vận động, đánh gấp, đánh đêm chuyển sang đánh ngày, đánh bồi…), rèn luyện, sức dẻo dai, ý thức chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, mệnh lệnh hiệp đồng và chủ động hiệp đồng… đối với cán bộ, nhất là chủ trì, chú trọng giáo dục tinh thần trách nhiệm, tác phong chỉ huy tỉ mỉ, chính xác, khẩn trương…

Để bổ sung quân số tiêu hao trong chiến đấu, trong năm 1970, Bộ Tư lệnh Sư đoàn chúng tôi chủ trương củng cố các “khung huấn luyện” mở lớp bồi dưỡng tại chức cho 4.526 lượt cán bộ từ tiểu đội trưởng đến trung đoàn trưởng. Trường huấn luyện cán bộ trung đội của sư đoàn mở được bốn khóa, đào tạo 455 cán bộ (có 136 cán bộ pháo binh), riêng cán bộ đặc công mở được 5 khóa gồm 109 cán bộ. Các đại đội huấn luyện của ba trung đoàn mở được bốn khóa đào tạo 132 tiểu đội trưởng. Căn cứ vào biên chế cơ bản do Bộ Tư lệnh Miền quy định và được bổ sung 204 cán bộ trung cấp, sơ cấp do Miền đào tạo, sư đoàn đã từng bước chấn chỉnh tổ chức các đơn vị, đặc biệt là các tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng.

Năm 1970, Sư đoàn chúng tôi tổ chức thêm 2 đại đội đặc công cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2, một đại đội công binh thay cho Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 2 được Bộ Tư lệnh Miền điều động đi nhận nhiệm vụ mới.

Hoạt động trên một chiến trường mở rộng, chống lại âm mưu và hành động phản kích quyết liệt và trên nhiều mặt rất phức tạp của địch trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn và các cấp đã thường xuyên giáo dục bộ đội ý thức cảnh giác cách mạng, chống chiến tranh tâm lý, chiêu hồi của địch, hạn chế thương vòng ngoài chiến đấu, giảm thấp nhất số quân nhân đào ngũ…

Theo hướng dẫn của Cục Chính trị Miền, sư đoàn đã mở cuộc vận động “cảnh giác chống địch, phòng gian giữ bí mật”; cuộc vận động “Quản lý quân số, trang bị, tài sản, tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”; cuộc vận động “Đề cao kỷ luật, rèn luyện tác phong”… Các mặt công tác bảo đảm cho việc xây dựng và chiến đấu như nắm địch, nắm ta, chuẩn bị vũ khí, đạn, sơ cứu thương binh… được các đơn vị thực hiện với tinh thần chủ động, tự lực khắc phục khó khăn, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu mới của nhiệm vụ chiến đấu.

Có thể nói, đến cuối năm 1970, với thắng lợi trong chiến dịch xuân hè và kết quả củng cố tổ chức, huấn luyện bộ đội, tổng kết rút kinh nghiệm… Sư đoàn 9 chúng tôi đã bước đầu vượt qua những khó khăn, tổn thất trong năm 1968. Sư đoàn không phân tán, lui về tác chiến du kích như ý đồ của địch mà đã cùng các đơn vị bạn tạo ra thế mới, lực mới, phát triển tiến công địch ở một chiến trường mới có nhiều thuận lợi cho ta, bất lợi cho địch. Đồng thời, sư đoàn đã từng bước củng cố lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tạo ra những khả năng mới để thực hiện các nhiệm vụ đúng với chức năng của một sư đoàn chủ lực cơ động trong khối chủ lực Miền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:22:17 pm »

*

Bước vào mùa khô 1970 – 1971, Trung ương Cục, Quân ủy Miền phán đoán, đế quốc Mỹ và bọn tay sai sẽ có những cố gắng mới. Chúng sẽ đẩy mạnh bình định ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long và xung quanh Sài Gòn; đồng thời tập trung quân chủ lực ngụy Sài Gòn được Mỹ chi viện hỏa lực không quân và hậu cần đánh sang đông bắc Campuchia nhằm phá cơ quan, kho tàng, cắt hành lang, tiêu hao kiềm chế chủ lực ta, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cứu nguy cho tập đoàn tay sai Lonnon – Xirích Matắc ở Campuchia.

Chủ trương của Trung ương Cục (Hội nghị lần thứ 10) là đẩy mạnh đánh phá bình định đồng thời với việc ra sức xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tạo ra thế tiến công chiến lược mới trên chiến trường miền Nam, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và xung quanh Sài Gòn; kiên quyết đánh bại cuộc tiến công mùa khô của địch trên chiến trường biên giới đông bắc Campuchia, tích cực giúp bạn xây dựng lực lượng và củng cố vùng giải phóng, giữ vững hành lang chiến lược thông suốt trong bất cứ tình huống nào.

Đối với chiến trường biên giới và đông bắc Campuchia, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định sử dụng toàn bộ khối chủ lực mở chiến dịch phản công lớn và dài ngày tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của quân ngụy Sài Gòn, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn, chi đoàn, tiến tới tiêu diệt 1 đến 2 chiến đoàn địch, đánh bại phong trào đánh phá bình định ở miền Nam. Trên chiến trường Campuchia, giữ thế tiến công địch trên các hướng, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân ngụy Lonnon, cắt đứt các đường giao thông quan trọng, bao vây uy hiếp Phnôm Pênh, giúp đỡ bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và củng cố vùng giải phóng.

Từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 9 năm 1970, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến tình hình chiến trường mùa khô năm 1970 – 1971 và giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7 tác chiến trên hướng chủ yếu của chiến dịch (tây bắc tỉnh Tây Ninh). Khu vực tác chiến của Sư đoàn từ bờ tả ngạn sông Mê Kông xuống bắc quốc lộ 1, sang Suông, Tà Bao Đầm Be (bắc đường 7). Hướng chủ yếu của sư đoàn là trục đường 7 (Suông, Chúp) vá trục đường 2 Ba Thiết – Đầm Be. Sư đoàn có nhiệm vụ tác chiến độc lập hoặc phối hợp với Sư đoàn 7 diệt một đến hai chiến đoàn địch, đánh thiệt hại nặng các chiến đoàn khác, bẻ gãy cánh quân địch trên hướng của sư đoàn; đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, căn cứ, tích cực giúp đỡ và cùng với quân vá dân nước bạn thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị ở địa phương. Qua chiến đấu mà rèn luyện nâng cao trình độ chính trị và quân sự của cán bộ, chiên sĩ, nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị.

Để bảo đảm cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Miền tăng cường cho Sư đoàn 9 một tiểu đoàn pháo mặt đất và một tiểu đoàn cao xạ 12,7 ly. Mỗi tiểu đoàn bộ binh có từ 150 đến 270 cán bộ, chiến sĩ. Đại đội bộ binh có 40 đến 50 tay súng. Các đơn vị có đủ tiểu liên AK, súng chống tăng B40 và đạn B40.

Đến giữa tháng 10 năm 1970, cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn đã được học tập tình hình nhiệm vụ, quán triệt chỉ thị của Quân ủy Miền về công tác chính trị trong mùa khô, được thảo luận dân chủ về yêu cầu và cách đánh tiêu diệt gọn, tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn. Nhiều đơn vị tổ chức diễn tập chủ trương và cơ quan hai cấp, diễn tập tiểu đoàn và trung đoàn theo phương án tác chiến. Thời gian mỗi cán bộ, chiến sĩ sư đoàn được học tập trước khi bước vào mùa khô 1970-1971 khoảng từ 50 đến 70 ngày, cao nhất trong khối chủ lực Miền.

Chuẩn bị cho hoạt động mùa khô 1970-1971, từ tháng 7 năm 1970 Mỹ - ngụy bắt đầu tập trung hầu hết lực lượng địa phương và một bộ phận chủ lực thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt”, tiếp sau đó là “bình định bổ sung”, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động của ta trên chiến trường miền Nam. Lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng cơ động của các quân khu ráo riết chuẩn bị mở những cuộc hành quân lớn trên hai hướng chiến lược là Đường 9 – Nam Lào (Lam Sơn 719) và đông bắc Campuchia.

Trên chiến trường Campuchia, địch ra sức phát triển quân ngụy Lonnon, sử dụng quân ngụy Lonnon và quân ngụy Sài Gòn mở các cuộc hành quân quy mô 1 đến 2 tiểu đoàn có cơ giới trên các hướng tây nam, bắc Công Pông Chàm và Xiêm Riệp nhằm thăm dò lực lượng, ngăn chặn vận chuyển phá sự chuẩn bị của ta.

Theo kế hoạch hoạt động mùa khô đã được Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền thông qua, Bộ tư lệnh Sư đoàn 9 sử dụng một bộ phận lực lượng chặn đánh các cuộc hành quân của địch ở các khu vực Chăn Tung, Pra Thiếc, Kha Na, gây cho địch một số thiệt hại, đánh bại âm mưu giành lại quyền kiểm soát đường số 7 của chúng. Cuối tháng 11 năm 1970, Trung đoàn 2 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn điều động sang chuẩn bị chiến trường ở khu vực đường 22. Tại đây, trung đoàn đã đánh nhiều trận tiêu diệt quân ngụy Lonnon ở Piêm Chi Căng, Bùm Luông, Prây Xtung…

Piêm Chi Căng là một thị trấn thuộc tỉnh Công Pông Chàm do 3 tiểu đoàn quân ngụy Lonnon chiếm giữ. Chúng dựa vào chướng ngại thiên nhiên là sông Mê Kông và một nhánh sông khác bao bọc ba phía, quân địch tổ chức phòng thủ khá vững chắc.

Nhận nhiệm vụ đánh chiếm Piêm Chi Căng, bộ Tư lệnh Sư đoàn phân công tôi đi cùng Trung đoàn 2 do anh Di Thiện Tích, Trung đoàn trưởng và anh Võ Văn Nhậm, Chính ủy chỉ huy. Chúng tôi đã hành quân liên tục bốn ngày đêm, vượt qua sông Mê Kông, đưa các lực lượng áp sát, bao vây thị trấn. Sau 3 ngày chiến đấu, bộ đội ta dập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Những tên sống sót chạy vào trong thị trấn, quân địch thêm hoang mang, chỉ huy rối loạn.

Chớp thời cơ thuận lợi, tôi ra lệnh cho chỉ huy Trung đoàn 2 nhanh chóng thọc sâu vào thị trấn, diệt và làm tan rã hoàn toàn ba tiểu đoàn địch, bắt sống 500 tên, thu 1.500 khẩu súng các loại và 40 tấn đạn. Thị trấn Piêm Chi Căng có trên 10.000 dân được giải phóng.

Đây là một trong những trận thắng nhanh, diệt gọn, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí… của đoàn Đồng Xoài. Thắng lợi của trận đánh đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, củng cố niềm tin vào khả năng đánh lớn, đánh tiêu diệt trong cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2019, 03:23:52 pm »

*

Ngày 30 tháng 1 năm 1971, trên 30.000 quân ngụy Sài Gòn do Mỹ chỉ huy và được Mỹ yểm trợ mạnh về hỏa lực, bảo đảm cơ động, hậu cần… mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, đánh ra khu vực Đường 9 – Nam Lào. Bốn ngày sau, ngày 4 tháng 2 năm 1971, toàn bộ lực lượng chủ lực cơ động của quân đoàn 3 ngụy Sài Gòn gồm 3 sư đoàn bộ binh (5, 25, 18), 1 liên đoàn biệt động quân ngụy, 5 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép (450 chiếc), 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo (160 khẩu) và nhiều đơn vị binh chủng khác, số quân khoảng 23.000 tên do Mỹ chỉ huy và được 15 phi đoàn (262 chiếc) máy bay Mỹ yểm trợ, mở cuộc hành công “Toàn thắng 1-71” đánh sang vùng đông bắc Campuchia. Đây là hai cuộc hành quân lớn nhất, điển hình của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ý đồ của địch là đánh bại lực lượng chủ lực cơ động miền Bắc và khối chủ lực Miền, đánh phá hậu phương, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam.

Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch phản công đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch ở Đường 9 – Nam Lào và đông bắc Campuchia, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị chủ lực cơ động của quân ngụy Sài Gòn, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta tiến lên một bước mới. Đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia, tạo ra một cục diện mới trên chiến trường ba nước Đông Dương.

Ở khu vực Đường 9 – Nam Lào, từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 23 tháng 3 năm 1971, ta đã tập trung một lực lượng chiến đấu tới 60.000 người, gồm nhiều đơn vị binh chủng hợp thành mở chiến dịch phản công quy mô lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy.

Ở chiến trường đông bắc Campuchia, từ cuối tháng 1 năm 1971, quân ngụy Sài Gòn đã tập trung ở vùng biên giới 31 tiểu đoàn bộ binh và nhiều đơn vị binh chủng, chuẩn bị mở cuộc hành quân lớn. Phân tích thế và lực của ta và của địch trước khi chúng xuất quân, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chỉ rõ; quân địch có chỗ mạnh tạm thời do tập trung lớn lực lượng, sử dụng nhiều cơ giới (5 trung đoàn, khoảng 450 xe) làm lực lượng đột kích. Nhưng cuộc hành quân diễn ra vào lúc Mỹ đang rút một bộ phận quân viễn chinh, toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược bị hút vào khu vực Đường 9 – Nam Lào, các chiến trường khác phải căng ra để thực hiện kế hoạch bình định. Ta đã triển khai lực lượng ở thế sẵn sàng phản công, các đơn vị đã có một thời gian củng cố rút kinh nghiệm chiến dịch xuân hè, học tập chính trị, quân sự, nâng cao trình độ chiến đấu. Vật chất dự trữ trên các hướng tương đối đầy đủ. Do đó, đây là thời cơ để ta tiêu diệt quân chủ lực ngụy Sài Gòn trên một chiến trường mở rộng đã được chuẩn bị, có lợi cho ta, không có lợi cho địch.

Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực, mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” của địch phối hợp với Đường 9 – Nam Lào và phong trào đánh phá bình định ở chiến trường miền Nam.

Yêu cầu cụ thể là tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, diệt gọn từng tiểu đoàn bộ binh, chi đoàn cơ giới, không cho địch lấn chiếm đường 7, bảo vệ cơ quan, kho tàng, tạo ra thế mới, lực mới. Ngày 4 tháng 2 năm 1971, dưới sự chỉ huy của Mỹ, quân ngụy Sài Gòn bắt đầu mở cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71”.

Hướng chủ yếu, 5 chiến đoàn bộ binh (333, 5, 43, 52, 48), lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp, liên đoàn 6 biệt động quân và 5 trung đoàn thiết giáp, 6 tiểu đoàn pháo binh tiến quân theo trục đường 7. Để tạo thế bất ngờ, nhanh chóng bao vây quân ta ở Sở cao su Chúp, quân địch lợi dụng thời tiết mùa khô, sử dụng cơ giới vượt qua đường trống lên chiếm Tô Tịa; dùng máy bay lên thẳng đổ quân chiếm ngã ba Sở Nhật; tiểu đoàn 212 quân ngụy Lonnon từ Tou Le Béc tiến xuống cầu Miek Mong và lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp tổ chức mũi vu hồi thọc lên Phum Kô.

Hướng thứ yếu, chiến đoàn 9 bộ binh (6 tiểu đoàn), một chi đoàn thiết giáp và một trung đoàn pháo tiến theo đường 13 lên Snun. Hướng phối hợp địch sử dụng một chiến đoàn bộ binh (4 tiểu đoàn), một trung đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn pháo binh tiến quân theo trục đường số 1.

Ý định của địch là nhanh chóng chiếm đường số 7, bao vây tiêu diệt lực lượng chủ lực ta ở Suông, Chúp; tiếp đó là chiếm Đầm Be, đẩy chủ lực ta ra xa, phá cơ quan, kho tàng của ta, củng cố bàn đạp trên đường số 7, từng bước giao các địa bàn đã đánh chiếm cho quân ngụy Lonnon. Sau đó, sẽ đánh lên Sơ Loong, phối hợp với hướng Snun và tỏa ra đánh phá các căn cứ của ta ở hai bên đường số 2. Trong quá trình hành quân sẽ ra sức tuyên truyền gây ảnh hưởng chính trị nhằm phối hợp với cuộc hành quân “Lam Sơn 719” ở Đường 9 – Nam Lào và cuộc hành quân “Quang Trung 4” ở Tây Nguyên đánh ra ngã ba biên giới.

Theo kế hoạch của bộ Tư lệnh Miền, Sư đoàn 9 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Thới Bưng, Chính ủy Nguyễn Văn Quảng và tôi (Trương Văn Đàng – Phó tư lệnh được tăng cường Trung đoàn 174 Sư đoàn 5, cùng với Trung đoàn 12 Sư đoàn 7 đảm nhiệm hướng chủ yếu của chiến dịch. Khi địch mở cuộc hành quân, Trung đoàn 1 đang hoạt động đường 22, khu vực Xa Mát – Trại Bí. Trên hướng đường 7, Suông, Chúp lực lượng chiến đấu của sư đoàn chỉ có Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3.

Đêm 5 tháng 2, chúng tôi cho Trung đoàn 2 (thiếu 1 tiểu đoàn) vận động tập kích cụm quân địch ở nam sân bay Chúp, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 36 biệt động quân, một chi đoàn xe thiết giáp ngụy Sài Gòn. Địch buộc phải đưa lực lượng chủ yếu của chiến đoàn 333 và một trung đoàn thiết giáp lên sân bay Chúp để giải tỏa và thu dọn tổn thất. Đêm 6 tháng 2, Bộ tư lệnh Sư đoàn tập trung cả hai trung đoàn (2 và 3) vận động tập kích cánh quân giải tỏa này ở làng Núi, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, phá hủy 30 xe bọc thép.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM