Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:15:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức miền Đông  (Đọc 16638 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:16:34 am »

Tên sách: Ký ức miền Đông
Tác giả: Đại tá Trương Văn Đàng
Thể hiện: Đại tá Lê Hải Triều
Nhà xuất bản: Lao động
Năm xuất bản: 2012
Số hóa: macbupda

MỜ ĐẦU

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê kênh rạch, nước nổi thuộc xã Tân Hòa Tây, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Quê tôi nghèo lắm, ruộng tuy nhiều nhưng chỉ tập trung vào một số nhà giàu. Dòng họ Trương của tôi toàn nông dân nghèo cả, chỉ giỏi việc đồng áng, cày bừa.

Ba tôi là Trương Văn Cự (ông mất năm 1945). Má tôi là Trần Thị Cảnh. Ba má tôi sinh được 11 người con. Anh trai Trương Văn Tỉnh, chị gái Trương Thị Nhung, Trương Thị Xuyến, Trương Thị Mín, tôi thứ năm Trương Văn Đàng. Các em Trương Văn Bình, Trương Văn Ký, Trương Văn Lưu, Trương Văn Dương, em gái Trương Thị Út và Trương Thị Thôi (ba tôi nói Thôi là không đẻ nữa). Cô Thôi mất khi mới được hơn một tuổi do bị bệnh hiểm nghèo.

Tôi có sáu anh em trai thì cả sáu anh em đều đi bộ đội. Có ba người hy sinh là Trương Văn Tỉnh, khi hy sinh là tiểu đội trưởng, chiến đấu với lực lượng Hòa Hảo, Trương Văn Bình, khi hy sinh là đại đội trưởng Tiểu đoàn Tây Đô tỉnh Cần Thơ; Trương Văn Ký, khi hy sinh là trung đội trưởng cũng ở Tiểu đoàn Tây Đô. Vì có ba người con hy sinh nên mẹ tôi được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên năm 1994.



Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cảnh
Thân mẫu Đại tá Trương Văn Đàng

Còn chú Trương Văn Lưu lúc nghỉ hưu là Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô. Chú Trương Văn Dương, sau giải phóng chuyển ngành làm Trưởng phòng Lao động tiền lương ga Sài Gòn. Bốn chị em gái cũng đều tham gia cách mạng ở địa phương.

Nhà đông con nên chúng tôi chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Tôi cũng chỉ học đến lớp 2 trường làng. Lên 7 tuổi tôi đã phải theo má đi coi trâu, làm thuê, làm mướn, mót lúa (nhặt những bông người ta cắt còn sót lại) giúp má kiếm chén gạo nuôi gia đình. Má tôi là người hiền lành, chịu thương chịu khó, dù khổ đến thế nào bà cũng cắn răng chịu đựng, không kêu ca phàn nàn. Có những ngày đi mót lúa tới đói lả, thấy vậy, má bỏ liềm chạy lại bế tôi lên, vỗ vỗ vào má tôi. Bà nói:

- Tỉnh lại Năm Đàng. Đừng làm cho má sợ!

Một lúc sau tôi tỉnh lại, ôm tôi vào lòng, má nói:

- Ngày mai con ở nhà, đừng theo má nữa.

Tôi nói với má:

- Con không sao đâu má ạ. Con thương má nhiều lắm. Con muốn được phụ má.

Nhà nghèo như gia đình chúng tôi không có ruộng chỉ làm thuê, làm mướn cho nhà giàu, ngày mùa đi nhặt những hạt thóc rơi vãi và sót lại về mà ăn. Tôi và má gần gũi nhau suốt thời thơ ấu của tôi, tôi học được ở bà đức tính cần cù, thật thà, tháo vát. Những lúc ngồi nghỉ, má thường kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, căn dặn tôi điều hay lẽ phải. Cứ thể tôi lớn lên trong tình thương của má.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:11:00 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:17:50 am »

Năm tôi 16 tuổi, phong trào yêu nước chống Pháp, kháng Nhật nổ ra khắp cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cũng như bao thanh niên khác tôi mong có một cuộc đổi đời. Mấy anh em tôi tình nguyện đi bộ đội. Trước ngày lên đường tôi nói với má:

- Con đi làm cách mạng má ạ. Bây giờ nước nhà đã giành độc lập, con phải tham gia lực lượng vũ trang bảo vệ chính quyền Việt Minh.

- Nhưng con còn nhỏ quá. Má rất thương con, không biết con có chịu được không? Con vào Cộng hòa vệ binh là gian khổ, vất vả có khi phải hy sinh tính mạng đấy, con có xác định được chưa?

- Con đã xác định rồi má ạ. Con nhất định chiến đấu dũng cảm, lập công. Má hãy tin con.

Ôm tôi vào lòng, má xoa xoa đầu tôi:

- Má tin con, gắng lên con nhé!

Tôi được biên chế vào trung đội Cộng hòa vệ binh do anh Doanh làm trung đội trưởng, nhiệm vụ là bảo vệ Mặt trận Việt Minh tỉnh Cần Thơ từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, sau đó tôi chuyển sang Chi đội 22 Đại đội 2082 chiến đấu ở Long Châu Hà. Năm 1949 tôi chuyển về Đại đội 2062, rồi chuyển về Đại đội 201 Tiểu đoàn 410 hoạt động ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Tuy là đơn vị chủ lực nhưng trang bị vũ khí của chúng tội lúc này vừa ít lại vừa kém. Giáo mác nhiều hơn súng đạn. Mỗi đại đội chỉ có vài khẩu súng trường cũ kỹ, đủ loại, đủ kiểu. Đơn vị chúng tôi có súng dùng súng, không có súng thì dùng giáo mác, gậy tầm vông.

Việc bảo đảm ăn mặc cho bộ đội lúc này vô cùng khó khăn. Chủ yếu dựa vào dân. Nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ tuy còn thiếu đói nhưng đã nhịn ăn, bớt mặc, góp gạo, quần áo cho bộ đội chúng tôi. Bộ đội đóng quân nơi nào nơi ấy đảm nhiệm việc cung cấp. Bộ đội có rau ăn rau, có cháo ăn cháo mặc lành mặc rách sẵn sàng chịu đựng gian khổ, cần kiệm xây dựng đơn vị.

Vừa chiến đấu vừa xây dựng. Ngơi chiến đấu là chúng tôi bước vào huấn luyện. Nội dung huấn luyện lúc này chủ yếu là động tác cảnh giới, trinh sát, sử dụng vũ khí, động tác chiến đấu cá nhân, cách hành quân, trú quân, đánh phục kích, tập kích… Tài liệu huấn luyện dựa vào tài liệu thu được của quân Pháp và quân đội Nhật, đồng thời chúng tôi rất coi trọng kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Chúng tôi phần lớn là nông dân bao năm tủi nhục vì thất học, nay được cách mạng, được bộ đội tạo điều kiện ai cũng ham học. Trong các buổi sinh hoạt, cán bộ chiến sĩ được trao đổi ý kiến về chủ trương chính sách của Đảng, được thông báo tình hình trong nước và quốc tế, được hát những bài ca cách mạng, mọi người tôn trọng nhau, hết lòng giúp đỡ nhau, thân thiết như anh em một nhà.

Thời gian này, Tiểu đoàn 410 chúng tôi đã đánh hơn 30 trận lớn nhỏ, diệt hàng trăm tên địch. Tôi nhớ nhất là trận đánh Sóc Xoài vào tháng 7 năm 1948 và các trận Chằm Chẹt, Giồng Giềng, Bến Nhất tháng 3 năm 1950. Rồi chiến dịch Xẻo Me huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng tháng 5 năm 1951, đến chiến dịch Long Châu Hà tháng 3 năm 1952… là những trận những chiến dịch Tiểu đoàn 410 chúng tôi lập được nhiều chiến công lớn. Trong chiến đấu tôi cũng trưởng thành qua từng trận được bổ nhiệm cán bộ tiểu đội, trung đội rồi đại đội.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đất nước tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời do chính quyền Ngô Đình Diệm quản lý. Theo hiệp định, đến năm 1956 sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Một phần lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc chờ ngày tổng tuyển cử. Lúc này tôi là cán bộ đại đội thuộc Đại đội 201 Tiểu đoàn 410 Trung đoàn Tây Đô, được đi ra Bắc tập kết. Hôm chia tay má, tôi nói:

- Con ra Bắc tập kết, 2 năm sau có sẽ trở về. Má gắng giữ gìn sức khỏe.

Nắm tay tôi má nói:

- Con ra miền Bắc được học tập, được gặp Bác Hồ, con gắng lên nhé cho bằng anh bằng em.

- Con hứa với má sẽ cố gắng.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Năm, 2019, 07:26:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:21:32 am »

Tháng 11 năm 1954 tạm biệt má và các em tôi lên đường về Cà Mau. Tàu của Liên Xô, Ba Lan giúp ta chuyển bộ đội, cán bộ miền Nam ra Bắc rất đông. Lênh đênh trên biển, nhiều người không chịu được sóng biển nôn mật xanh mật vàng. Qua 7 ngày tàu cập bến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, những ai là bộ đội sẽ được xe đưa về Miếu Môn, Ba Thá, Xuân Mai và một số địa phương khác, còn cán bộ dân chính sẽ được phân đi các nơi theo kế hoạch.

Tháng 3 năm 1955, tôi vào học khóa X Trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây. Tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 5 – Tiểu đoàn chính trị, chương trình đào tạo 3 năm.

Thời gian này ở miền Nam, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, chúng hô hào; “Bắc tiến”, “lập sông Bến Hải”. Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước xem ra còn lâu dài, lúc này tôi đã 28 tuổi, nên nghĩ phải lập gia đình.

Ngày 24 tháng 2 năm 1957, tôi xây dựng gia đình. Nhà vợ tôi ở số nhà 20 phố Cửa Tiền, khu phố 3, thị xã Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Bố vợ tôi là ông Khuất Văn Dương, mẹ là bà Vũ Thị Nại (bà mất năm 2008, thọ 98 tuổi). Ông bà sinh được sáu người con. Chị cả Khuất Thị Liễu, sau đến vợ tôi Khuất Thị Tùng, em trai Khuất Hồng Mai, Khuất Văn Hồng, Khuất Văn Đức, em gái Khuất Thị Điệp. Ba người con trai đi bộ đội, cậu Khuất Hồng Mai chiến đấu và hy sinh tại Mặt trận Sài Gòn, Tết Mậu Thân 1968.

Lễ cưới của chúng tôi tổ chức đơn giản, chỉ trà thuốc bánh kẹo. Lớp học Trường Sĩ quan lục quân, bạn bè cùng tập kết ra Bắc được tin tôi lấy vợ cũng rủ nhau về. Họ hàng, bà con khu phố thấy đám cưới có nhiều bộ đội nên kéo đến rất đông.



Sau ngày cưới 1957

Ngày 10 tháng 11 năm 1958, chúng tôi sinh cháu trai đặt tên là Trương Minh Hoàng. Ba năm sau ngày 16 tháng 11 năm 1961, chúng tôi sinh cháu gái thứ hai đặt tên là Trương Thị Tuyết Nga.



Đại tá Trương Văn Đàng và phu nhân cùng con trai Trương Minh Hoàng



Trương Minh Hoàng và Trương Thị Tuyết Nga

Năm 1959 ra trường, tôi được điều về làm chính trị viên đại đội thuộc Tiểu đoàn 15 công binh công trình Sư đoàn 338 đóng quân ở Xuân Mai, tỉnh Hà Đông, (sau là Hà Tây và hiện nay thuộc Hà Nội).

Vào những ngày cuối năm 1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn 2 (lúc đầu Bộ ý định thành lập lữ đoàn 2, sau đó để tiện thống nhất tổ chức ở chiến trường nên đặt là Trung đoàn 2).

Ngày 24 tháng 11 năm 1961, Trung đoàn 2 có lệnh lên đường vào miền Đông Nam Bộ. Trước khi lên đường đi chiến đấu, tranh thủ về nhà, tôi nói với Tùng:

- Anh được cấp trên cho đi học ở Liên Xô. Em ở nhà nuôi dạy các con thay anh.

- Anh đi mấy năm?

- Ba năm em ạ.

- Sao anh đi gấp thế?

- Anh đi trong diện được bổ sung nên không có thời gian chuẩn bị, anh phải đi ngay.

Thấy tôi nói vậy, Tùng tin là thật nên cô ấy không nói gì.

Lúc này Hoàng 3 tuổi, còn Nga mới được 7 ngày tuổi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:23:01 am »

Chúng tôi bí mật hành quân bằng ô tô từ Xuân Mai đến làng Ho, tây Vĩnh Linh – trạm đầu tiên của Đường 59. Từ đây chúng tôi bát đầu cuộc hành quân bộ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Chúng tôi mang theo súng bộ binh Mas, tiểu liên Tômxơn, Sten và một số súng hỏa lực như cối 82, ĐKZ 57.

Chúng tôi hành quân từ sáng sớm đến chiều tà thì dừng lại nghỉ. Mỗi người mang trên người thường từ 30 đến 35kg. Trọng lượng chủ yếu đè lên hai vai, một phần đeo quanh bụng, móc vào thắt lưng. Bao gạo nặng trên dưới 7kg lúc thì vắt lên vai. Lúc lại đeo quanh người. Khi hành quân bộ, chỉ một vài chặng đầu mọi người không ai bảo ai, đều tự mình xem xét lại các thứ mang vác của mình, từ quần áo, chăn màn, tăng võng, gạo muối, lương khô tới thuốc men, vũ khí… xem có thể bớt được những gì.

Đường mòn, rừng rậm, núi cao, dốc đứng cả đoàn quân lầm lũi bám theo nhau, chỉ nghe thấy tiếng chân đi lép nhép. Thi thoảng có tiếng “uỵch” của ai đó vừa ngã. Bốn mươi năm phút hay một tiếng đại đội trưởng ra lệnh nghỉ giải lao. Nhưng đường đất lầy, nhão chẳng ai bỏ được quai ba lô ra khỏi vai. Có người tựa vào thân cây đổ, hay tảng đá để nghỉ. Cứ giải lao là tôi lại tìm chỗ đặt ba lô rồi quay lại mang đỡ anh em khẩu súng hay vác đỡ bao gạo.

Chúng tôi đã đi trên con đường mòn xuyên Trường Sơn mà những người lính Đoàn 559 thời đánh Mỹ gọi một cách trịnh trọng và tự hào: “Đường Hồ Chí Minh”.

Con đường len lỏi trong núi rừng Trường Sơn giữa biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Con đường máu lửa chi viện cho miền Nam với nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, cũng như bao điều kỳ tích được làm nên bởi những người lính lái xe, công binh, pháo binh, thông tin, những chiến sĩ giao liên, thanh niên xung phong, kho trạm… những con người kiên cường sông chết vì con đường.

Thời gian này chưa có bãi trạm khách giao liên nên chúng tôi phải tự phát cây rừng mắc tăng võng.

Lại nói đến chuyện mắc võng, căng tăng để ngủ. Đây là những công việc tưởng như đơn giản, nhưng thật ra lại rất khó đối với cán bộ chiến sĩ chúng tôi trong những ngày đầu. Trước khi mắc võng, chúng tôi phải chọn khu vực bằng phẳng, không có những tảng đá to, nếu có phải dọn sạch, rồi chặt cây con, mà phải chặt sát đất, không để thành mũi nhọn như mũi chông dễ xiên vào người khi không may bị ngã. Buộc võng vào hai cây to vừa phải, không to quá và cũng không nhỏ quá cách nhau hơn hai sải tay.

Lúc đầu chúng tôi buộc trực tiếp dây võng vào gốc cây. Kho trời mưa nước theo cây chảy qua dây võng làm người ướt sũng. Sau chúng tôi cải tiến dùng hai cọc phụ, một đầu cắm xuống đất còn đầu kia buộc vào gốc cây đã chọn. Võng sẽ buộc vào đầu cọc phụ. Như vậy, nếu trời mưa, nước sẽ chảy theo thân cọc phụ xuống đất, không chảy vào võng. Buộc võng cũng có cách riêng, chắc chắn để khi nằm không bị tuột, mà khi di chuyển gấp chỉ cần giật nút là tháo võng được ngay.

Cách mắc tăng tuy đơn giản nhưng cũng phải làm đúng kỹ thuật. Trước hết buộc một sợi dây (sau này dùng cây sào) rồi vắt tăng qua. Dùng dây buộc bốn góc tăng ra bốn phía thật căng, khi trời mưa nước trôi đi hết, không đọng lại. Nhưng nếu để chỗ trũng trên tấm tăng sẽ trở thành những bọc nước và tới một lúc nhất định cả bọc sẽ đổ ào vào võng. Ngoài mắc võng, căng tăng, chúng tôi còn làm giá phía dưới võng để kê ba lô, bao gạo cho khỏi ướt.

Tăng và võng thực sự là sáng kiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là phương tiện tối cần thiết trong hành trang người chiến sĩ trên đường ra trận, là ngôi nhà che chở bộ đội khi hành quân. Nếu bị thương thì võng trở thành cáng khiêng đưa anh em về nơi điều trị. Không may ai đó hy sinh thì tấm tăng, chiếc võng trở thành tấm vải liệm đưa họ về cõi vĩnh hăng thay cho tấm da ngựa của các hiệp sĩ thời xưa.

Những ngày hành quân trên đường giao liên chúng tôi phải tổ chức cho đơn vị nấu cơm. Thức ăn là đồ hộp, mắm kem, mỳ chính với rau và măng rừng. Tuy nấu nướng tạm bợ nhưng chúng tôi thấy ngon miệng thế. Trong hành quân, nấu ăn là vất vả nhất, thao tác trong cảnh mưa gió thất thường, không được để có khói lửa đề phòng máy bay địch, thời gian lại khẩn trương.

Dòng dã bốn tháng trời đến ngày 18 tháng 3 năm 1962, chúng tôi đến Mã Đà thuộc Chiến khu Đ.

Từ đây, tôi gắn bó cuộc đời mình với chiến trường miền Đông Nam Bộ một thời binh lửa, với những trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch. Thời gian đầu, ta chỉ có vũ khí thô sơ, hỏa lực mang vác ĐKZ 57 ly, cối 82, súng máy phòng không 12,7 ly. Còn địch thì có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, máy bay trực thăng, máy bay phản lực rồi máy bay chiến lược B-52. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và lòng yêu nước quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Và các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” mà Mỹ khoe khoang là không sức mạnh nào của đối phương ngăn cản được. Rồi đến các chiến thuật “phượng hoàng vồ mồi”, “bủa lưới phóng lao”, “quét và giữ”, “bình định cấp tốc”… vô cùng thâm độc, cũng lần lượt bị quân và dân ta đánh bại làm cho chúng phá sản. Quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, lực lượng vũ trang ta ngày một lớn mạnh cả về tổ chức biên chế và vũ khí trang bị để rồi cuối cùng buộc Mỹ phải cút khỏi nước ta, ngụy quyền Sài Gòn phải sụp đổ trước cơn lốc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:24:36 am »

CHƯƠNG MỘT
NHỮNG TRẬN ĐẦU THẮNG LỚN

Sau gần 3 tháng hành quân bộ vượt Trường Sơn, ngày 18 tháng 3 năm 1962, khối Trung đoàn bộ và Tiểu đoàn 6 vào đến Mã Đà, Chiến khu Đ. Ít ngày sau, Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 và một số phân đội binh chủng, phục vụ cũng đến Mã Đà.

Tháng 6 năm 1962, Trung đoàn 2 do anh Nguyễn Văn Cộng làm trung đoàn trưởng, anh Nguyễn Đăng Bảy làm chính ủy, anh Tạ Minh Khâm làm Trung đoàn phó – tham mưu trưởng làm lễ thành lập tại Chiến khu Đ. Thời gian này trên bổ sung cho Trung đoàn 2 chúng tôi hơn 400 chiến sĩ quê miền Bắc. Để giữ bí mật Trung đoàn 2 mang phiêu hiệu Q762 và C900.

Trước đó, Trung đoàn 1 được thành lập mang phiêu hiệu Q761.

Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 là hai trung đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta ở chiến trường miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong khoảng thời gian một năm, quân và dân ta đã tổ chức được hai trung đoàn chủ lực ở một chiến trường xa hậu phương, nhưng có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Kết quả đó nói lên quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất cao của Đảng ta, nhân dân và quân đội ta; khẳng định vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời thể hiện đường lối độc lập, tự chủ của Đảng ta.

Ngay sau khi hành quân vào chiến trường và làm lễ ra mắt, hai trung đoàn phân chia khu vực hoạt động, căn cứ vào chức năng của bộ đội chủ lực cơ động và nhiệm vụ mà Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền giao. Lấy sông Sài Gòn làm chuẩn, phía tây chủ yếu là địa phận tỉnh Tây Ninh (khu B), là địa bàn hoạt động của Trung đoàn 1; phía đông gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Thành (tỉnh Bình Dương ngày nay) (khu A) là địa bàn hoạt động của Trung đoàn 2.

Nhưng trước đòi hỏi của nhiệm vụ trước mắt là hỗ trợ phong trào quần chúng phá “ấp chiến lược”, đã điều động cả hai trung đoàn chủ lực về hoạt động ở một số vùng nông thôn đồng bằng. Trung đoàn 1 xuống Bời Lời, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Trung đoàn 2 xuống Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng.

Thời gian đầu, phương thức phá “ấp chiến lược” bằng lực lượng quần chúng ở trong ấp nổi dậy (nội công), phối hợp với bộ đội địa phương và du kích (có nơi có cả một bộ phận chủ lực) ở bên ngoài ấp đánh vào (ngoại kích) có kết quả tốt. Năm 1962, quân và dân Nam Bộ phá hoàn toàn 200 ấp, phá lỏng hoặc phá rã gần 1.000 ấp khác. Nhưng khi địch chuyển sang càn quét lớn, dài ngày và dùng bom pháo đánh phá ác liệt, hỗ trợ cho lực lượng bảo an, dân vệ đi gom dân và giữ ấp, xây dựng tháp canh, hào lũy kiên cố hơn xung quanh ấp thì nhiều nơi, phong trào bị chững lại, bộ đội địa phương và kích không đủ sức đối phó với quân chính quy có xe tăng, xe bọc thép lội nước và máy bay lên thẳng yểm trợ trong các cuộc hành quân càn quét của chúng. Có nơi, bộ đội địa phương không bám được địa bàn, du kích phải “ly hương” sang xã khác hoặc rút lên căn cứ.

Hoạt động xây dựng và tác chiến của bộ đội chủ lực cũng gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị phải thường xuyên di chuyển để tránh phi pháo và đối phó với các cuộc hành quân càn quét của địch. Do đường vận chuyển tiếp tế từ đồng ằng lên căn cứ bị địch kiểm soát gắt gao nên sinh hoạt của các đơn vị rất thiếu thốn. Có thời gian chúng tôi phải ăn cháo hàng tuần liền. Mỗi bữa một biểu đội được một, hai lon gạo nấu với rau hoặc măng rừng.

Về tác chiến, trong năm 1962, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 chỉ đánh được một số trận nhỏ. Đáng kể nhất là trận tao ngộ giữa Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 với một trung đoàn của sư đoàn 5 ngụy ở Bàu Buông (bắc Sông Bé). Trận này ta diệt gần 50 tên địch chết tại trận, đều do bị đạn ta bắn vào đầu. Chúng la lối ầm ĩ về sự xuất hiện của bộ đội chính quy Bắc Việt.

Đầu năm 1963, trên quyết định điều tôi từ chính trị viên phó Tiểu đoàn 4 về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2. Thời gian này hai Trung đoàn 1 và 2 tiếp tục hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược” và chống càn bảo vệ căn cứ. Chúng tôi đã đưa hàng vạn dân ra khỏi ấp chiến lược về vùng giải phóng.

Trong hai năm 1962 – 1963, miền Bắc đã dùng tàu biển chuyển một số vũ khí hỏa lực vào các bến Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre nhưng chưa chuyển lên căn cứ của Miền được. Bộ đội chủ lực miền Đông thiếu súng đạn, nhất là vũ khí diệt máy bay, xe bọc thép. Cả Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 lại bị phân tán vào những nhiệm vụ trước lắt là đánh đồn bảo an, dân vệ và hỗ trợ nhân dân phá “ấp chiến lược”, chiến đấu bảo vệ căn cứ hoặc giải quyết những khó khăn về hậu cần. Một số đơn vị vận dụng máy móc các kỹ thuật, chiến thuật đã được huấn luyện chính quy trên miền Bắc, thiếu kết hợp với thực tế chiến trường vá đối tượng tác chiến mới, làm hạn chế kết quả huấn luyện và hiệu suất chiến đấu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:26:02 am »

Tình hình ở miền Đông Nam Bộ những năm 1962 – 1963 là, về quy luật phát triển của chiến tranh và trước đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ chiến đấu, vai trò của bộ đội chủ lực ngày càng trở nên quan trọng. Nhưng do một số hạn chế trước mắt đã làm nảy sinh trong một số cán bộ biểu hiện không tin, thậm chí chê bai bộ đội chủ lực, nhất là đối với các đơn vị từ miền Bắc hành quân vào chiến trường. Từ đó đã có những chủ trương không đúng trong xây dựng và sử dụng bộ đội chủ lực. Đó là những nguyên nhân rất cụ thể, làm cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 mặc dù đã được xây dựng từ sớm, nhưng chưa phát huy được vai trò của mình trong những năm đầu chiến tranh.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Chính trị chủ trương phát động toàn Đảng, toàn dân xây dựng lực lượng vũ trang và phát triển chiến tranh du kích rộng khắp ở miền Nam. Các chiến trường, các đơn vị vũ trang tập trung cần nghiên cứu kỹ hơn nữa các quy luật hành quân và các nhược điểm về kỹ thuật, chiến thuật của địch, tổng kết kinh nghiệm tác chiến trong thời gian vừa qua để phá cho được các cuộc hành quân chớp nhoáng và dài ngày của địch, tranh thủ điều kiện có lợi đánh tiêu diệt ác đơn vị chính quy và biệt kích đường bộ, đường không của địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá “ấp chiến lược”.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10 năm 1963 Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam trực tiếp làm Bí thư Quân ủy Miền. Trung tướng Trần Văn Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào miền Nam làm Tư lệnh Miền. Một thời gian sau, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử vào chiến trường, làm Chính ủy Miền. Cùng vào chiến trường đợt này có Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Trần Độ, đại tá Hoàng Cầm và nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp, có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ huy đánh lớn. Các trung đoàn bộ binh 1 và 2, Đoàn pháo binh 80 được củng cố về tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền. Đồng chí Nguyễn Thế Truyện được cử làm trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Văn Nhỏ được cử làm chính ủy Trung đoàn 1. Đồng chí Tạ Minh Khâm được cử làm trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng được cử làm chính ủy Trung đoàn 2.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương còn đề ra nhiều chủ trương cụ thể nhằm tăng cường lực lượng vào chiến trường, đẩy mạnh hoạt động trên tuyến vận tải chiến lược Bắc – Nam dọc theo dãy Trường Sơn do Đoàn 559 phụ trách. Riêng đối với Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ là chiến trường xa nhất, tuyến vận tải cơ giới đường bộ chưa vào đến nơi thì hết sức phát huy tuyến vận tải chiến lược đường biển. Năm 1962 Đoàn 759 bắt đầu mở đường và đưa được bốn chuyến (112 tấn, chủ yếu là vũ khí) vào Cà Mau. Năm 1963, khởi hành 23 chuyến, có 21 chuyến tới các bến Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Đoàn 759 đã đưa vào chiến trường Nam Bộ 1.318 tấn hàng, trong đó có nhiều súng cối cối, ĐKZ, súng máy cao xạ 12,7… là những loại vũ khí có khả năng diệt được xe bọc thép và bắn rơi máy bay lên thẳng của địch.

Được Trung ương tăng cường lực lượng và vật chất, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền tích cực tổ chức các tuyến vận tải vũ khí từ các bến ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre lên căn cứ, đồng thời tổ chức lại các căn cứ hậu cần A, B, C, E thành các đoàn hậu cần 81, 82, 83, 84. Địa bàn hoạt động của Đoàn 81 là chiến khu Đ (khu A); Đoàn 82 là Chiến khu Dương Minh Châu (khu B); Đoàn 83 là vùng Bến Cát, Thủ Dầu Một (khu C); Đoàn 84 là khu vực Bà Rịa (khu E). Với phương thức hoạt động cơ động hơn, mỗi đoàn hậu cần có thể bảo đảm cho một trung đoàn chủ lực tác chiến trên một hướng chiến dịch. Để giảm bớt khó khăn cho bộ đội, các đoàn hậu cần đưa gạo, muối, súng, đạn, thuốc chữa bệnh lên gần khu vực các đơn vị đóng quân. Lúc bình thường bộ đội đi lấy gạo không quá 2 ngày. Trường hợp đặc biệt, không quá nửa ngày (cả đi và về) trong mùa khô và mùa mưa. Các Trung đoàn bộ binh 1, 2, 3 đều được biên chế một đại đội vận tải, quân số khoảng 100 cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là gùi bộ và sử dụng một số xe đạp thồ. Khó khăn về hậu cần được giải quyết từng bước, bảo đảm cho các đơn vị có thể tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu.

Những năm này, rừng miền Đông chưa bị bom, pháo và chất độc hóa học Mỹ tàn phá. Chỉ cần phát, dọn các cây nhỏ là một bãi tập vừa kín đáo vừa mát mẻ dưới các tán lá cây của rừng già. Giáo viên và trợ giáo là những sĩ quan, hạ sĩ quan đã được đào tạo qua trường trên miền Bắc nên nắm vững kỹ thuật, chiến thuật cơ bản. Với quyết tâm đánh thắng địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ các trung đoàn đều miệt mài học tập. Các môn kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê; động tác tiềm nhập, cắt hàng rào, sử dụng bộc phá, các chiến thuật vận động tập kích và vận động phụ kích, đánh điểm và diệt viện, đánh địch trong công sự vững chắc, tập hành quân xa, cơ động… là những bài luyện tập ngày đêm của mỗi cán bộ, chiến sĩ và từng đơn vị. Chiến sĩ cũ tập cùng chiến sĩ mới để giúp đỡ lẫn nhau. Các phân đội hỏa lực tập cơ động với bộ binh, ngắm bắn trực tiếp theo yêu cầu chiến thuật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:29:04 am »

Trong khi chưa có vũ khí diệt xe bọc thép M113 của địch, các đơn vị đã nghiên cứu lựa chọn một số xạ thủ giỏi, khi gặp xe địch sẽ nhắm bắn trúng tên lái và tên bắn súng đại liên trên xe. Khi xe địch không chạy được nữa mới ném lựu đạn làm đứt xích, diệt xe.

Đối phó với chiến thuật “trực thăng vận” của địch, các đơn vị vừa chú ý phát huy vai trò của súng máy cao xạ 12,7, vừa huấn luyện bộ đội và phát động phong trào bắn máy bay lên thẳng bằng các loại súng bộ binh. Kinh nghiệm chống càn, diệt xe bọc thép và máy bay lên thẳng vũ trang địch của quân và dân Mỹ Tho trong trận Ấp Bắc (ngày 2 tháng 1 năm 1963) được trao đổi ở từng phân đội. Phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi trong huấn luyện và chiến đấu.

Tháng 10 năm 1963, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 tiêu diệt đồn Bàu Cỏ, mở rộng khu căn cứ Dương Minh Châu.

Ngày 18 tháng 10 năm 1963, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 2 tiến công đồn Cây Trường thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Đây là một đồn lớn nằm sâu trong vùng giải phóng của ta nên địch cho một đại đội bảo an đóng giữ và thiết lập hệ thống công sự hỏa điểm, hầm ngầm, hàng rào kẽm gai để bảo vệ khá chắc chắn. Từ đồn Cây Trường, binh lính địch thường bung ra ngăn chặn ta hoạt động, hỗ trợ bọn dân vệ, ác ôn kìm kẹp dân trong các “ấp chiến lược”, và phối hợp với quân chính quy trong các cuộc hành quân càn quét.

Trung đoàn dùng Tiểu đoàn 5, được tăng cường đại đội đặc công tiến công đồn Cây Trường.

Sau khi vượt qua các lớp rào, bờ tường và diệt các cứ điểm bên ngoài, bộ đội ta tràn vào đồn. Lực lượng còn lại của địch rút xuống hầm ngầm chống trả quyết liệt. Các chiến sĩ đã ném đến quả lựu đạn và thủ pháo cuối cùng. Một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương. Ở giây phút vô cùng khẩn trương căng thẳng đó, tiểu đội trưởng đặc công Trừ Văn Thố đã lao lên, lấy thân mình lấp lỗ châu mai dập tắt hỏa điểm cuối cùng của địch. Từ các hướng, bộ đội ta ào ạt xông lên, diệt và bắt những tên địch còn ngoan cố chống cự. Đồn Cây Trường bị tiêu diệt nhờ tinh thần hy sinh anh dũng của Trừ Văn Thố.

Tôi được biết, Trừ Văn Thố sinh năm 1938, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thạnh Hóa, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho(1). Bước vào tuổi thanh niên khi quê hương chìm trong sự cai trì và khủng bố của bè lũ Mỹ - Diệm, anh đã cùng lớp trai làng hăng hái tham gia phong trào “Đồng khởi” và từ giã mẹ già, vợ và hai con nhỏ xung phong vào bộ đội giải phóng. Anh được nghe đồng chí Chính trị viên Đại đội đặc công kể cho toàn đơn vị về gương hy sinh của Anh hùng Phan Đình Giót trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh tâm sự với chính trị viên: “Nếu gặp tình huống như anh Giót, em cũng sẽ làm như thế” và Trừ Văn Thố đã hành động đúng theo suy nghĩ của mình.

Khắp chiến trường miền Đông, nhân dân và bộ đội vô cùng khâm phục gương hy sinh quên mình của liệt sĩ Trừ Văn Thố. Anh được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất (1965) anh được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là chiến sĩ bộ đội chủ lực đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam được tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Tấm gương Trừ Văn Thố sống mãi cùng với đất nước, trong lòng nhân dân và các thé hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 chúng tôi.

Phát hiện hoạt động của bộ đội chủ lực ta, tháng 12 năm 1963, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên “chiến dịch Đại phong 35”, càn quét khu vực Bắc Bến Cát. Lực lượng địch trong “chiến dịch Đại Phong 35” gồm sư đoàn bộ binh 5 (ba trung đoàn 7, 8, 9), hai tiểu đoàn biệt động (36 và 37), hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến (92 và 3); một chi đoàn thiết xa vận; một tiểu đoàn pháo 105 (12 khẩu); một trung đội pháo 155 (2 khẩu); một hải đoàn xung phong; 10 máy bay các loại. Tiểu đoàn biệt động quân 32 mang tên “Cọp đen” do cố vấn Mỹ huấn luyện và chỉ huy làm nhiệm vụ “cánh chìm” trong chiến dịch. Đây là đơn vị quen thuộc địa hình vùng Thanh Tuyền (Bắc Bến Cát) có lần đã chạm súng với bộ đội ta nên phần nào đã nắm được trang bị và cách đánh của ta.

Sáng ngày 31 tháng 12, trong khi Trung đoàn 2 chúng tôi đang tập trung cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên ở ấp Đường Long xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu thì nhận được tin của trinh sát báo cáo: địch mở cuộc càn lớn và một tiểu đoàn địch đã hành quân đến Bàu Đưng (cách ấp Đường Long 1 kilômét về phía tây bắc). Chúng đang hướng về khu vực đóng quân của trung đoàn. Phán đoán đúng âm mưu và hành động của địch, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 (có cả hai đồng chí trung đoàn trưởng và chính ủy cũ đã bàn giao xong nhưng chưa chuyển đi đơn vị mới) đã hội ý cấp tốc, hạ quyết tâm: tập trung lực lượng toàn trung đoàn, bao vây tiêu diệt địch bằng cách ngăn chặn ở chính diện, tiến công ở bên sườn và vu hồi vào sau lưng địch. Trung đoàn trưởng Tạ Minh Khâm viết mệnh lệnh cho Tiểu đoàn 5 tổ chức lực lượng ngăn chặn.


(1) Nay là tỉnh Tiền Giang.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:30:11 am »

Nhận được lệnh Trung đoàn, tôi điện đề nghị Trung đoàn trưởng cho trinh sát dẫn đường. Từ đầu dây bên kia, Trung đoàn trưởng nói:

- Anh phải tự tìm đường, vận động theo tiếng súng nổ.

Trước thái độ kiên quyết của anh Khâm, tôi bàn với chính trị viên:

- Nhiệm vụ được giao như vậy, bây giờ ta phải chấp hành. Tôi sẽ cùng tiểu đội trinh sát đi trước nắm địch, còn anh ở lại khẩn trương tổ chức đơn vị.

Chính trị viên tiểu đoàn nhất trí ý kiến của tôi và bắt tay vào công tác chuẩn bị cho xuất kích ngay.

12 giờ 45, tiểu đoàn biệt động quân 32 hành quân đến bờ tây nam suối Xuy Nô. Năm máy ba lên thẳng vũ trang bắn nhiều loạt đại liên và hỏa tiễn chế áp bìa rừng, yểm hộ cho bộ binh địch đột phá liên tục vào sườn trái đội hình Tiểu đoàn 5. Trong hai giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 5 đã tập trung hỏa lực của các phân đội nhỏ, đánh mạnh vào quân địch, và đã ba lần đẩy lui bộ binh địch. Nhưng bộ đội ta không tiến lên được vì bị hỏa lực địch ngăn chặn. Phát hiện lực lượng ở chính diện của ta không mạnh, địch huy động hai đại đội tổ chức xung phong lần thứ tư vào lúc 15 giờ.

Chờ địch đến thật gần, bộ đội ta mới nổ súng, diệt và làm bị thương hàng chục tên. Súng cối 60 ly của tiểu đoàn bắn trúng vị trí chỉ huy của địch, diệt tên đại úy cố vấn Mỹ và làm bị thương nặng tên tiểu đoàn trưởng. Đợt xung phong thứ tư của địch bị bẻ gãy. Chúng phải dừng lại củng cố lực lượng, gọi thêm máy bay lên thẳng vũ trang đến bắn mạnh vào trận địa của ta.

Địch quyết vượt qua khu vực đồng trống, chiếm lấy bìa rừng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 5 lệnh cho bộ đội củng cố trận địa và tích cực bắn máy bay địch. Ba máy bay lên thẳng vũ trang của địch đã bị bắn cháy. Các điểm trực thăng có thể xuống để lấy xác đồng bọn bị hỏa lực cối và đại liên của ta chế áp.

Trước nguy cơ tiểu đoàn biệt động quân 32 bị tiêu diệt, bọn chỉ huy “chiến dịch Đại phong 35” tuy vẫn còn lực lượng dự bị trong tay nhưng không dám tổ chức cứu viện mà chỉ cho máy bay lên thẳng vũ trang bắn phá tạo một “hành lang” và lệnh cho lực lượng còn lại của tiểu đoàn 32 “cố mở đường máu rút về Bến Súc cách Đường Long 7 kilômét theo trục chuẩn bị của máy bay”.

Thời cơ tiêu diệt hoàn toàn quân địch đã tới. Ban chỉ huy trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 4 chúng tôi rời bìa rừng, tiếp cận, xiết chặt vòng vây và chỉ nổ súng khi đã bám sát địch.

Hướng Tiểu đoàn 4 chúng tôi đã nhìn thấy địch. Tôi lệnh cho cối 60 ly của tiểu đoàn bắn cấp tập vào đội hình của chúng rồi cho bộ đội xung phong. Trận đánh của Tiểu đoàn 4 chúng tôi với lính tiểu đoàn biệt động quân 32 diễn ra quyết liệt. Bộ đội ta dùng AK, trung liên, lựu đạn diệt địch. Trước sức tiến công của quân ta, tiểu đoàn biệt động mạnh đứa nào đứa nấy chạy xuống suối Xuy Nô.

Lúc này trời tối hẳn. Tôi lệnh cho các đại đội phối hợp chặt chẽ, chỉ nổ súng khi phát hiện hỏa điểm địch, đồng thời kêu gọi địch đầu hàng, tránh tình trạng bắn nhầm phải nhau. Không còn lối thoát, nên chuẩn úy đại đội trưởng dẫn một số lính mang theo súng ra hàng (có 4 khẩu trung liên). Nhiều tên bị bộ đội ta bắt sống. Tiếng súng ngừng hẳn lúc 18 giờ 30 phút.

Tiểu đoàn biệt động quân “Cọp đen”, một trong những đơn vị được Mỹ rất tin tưởng và ca ngợi đã bị xóa sổ ở Bỗu Cá Trê. Trên 250 tên, gồm cả ban chỉ huy tiểu đoàn và tên cố vấn Mỹ bị chết và bị thương (địch chết tại trận 85 tên), 58 tên bị bắt làm tù binh; 3 máy bay lên thẳng vũ trang bị bắn cháy; ta thu 110 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Tiểu đoàn 4 có 4 đồng chí hy sinh, 13 đồng chí bị thương.

Ngày 1 tháng 1 năm 1964, địch điều hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến, ngày hôm sau điều thêm một tiểu đoàn bộ binh (sư đoàn 5) lên cứu lực lượng còn lại của tiểu đoàn 32. Bọn này tiến quân rất dè dặt vì sợ bị phục kích và khi vượt sông hai cánh quân đã bắn nhầm phải nhau làm chết và bị thương thêm hơn hai chục tên. Ngày 4 tháng 1 năm 1964, Mỹ - ngụy buộc phải kết thúc “chiến dịch Đại phong 35” trước kế hoạch.

Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, Trung đoàn 2 mà chủ yếu là Tiểu đoàn 4 đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân chính quy ngụy. Một trong những biện pháp chiến thuật chủ yếu của Mỹ - ngụy trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là dùng quân chính quy ngụy hành quân càn quét, hỗ trợ bảo an dân vệ gom dân lập “ấp chiến lược” đã bước đầu bị đánh bại.

Trận đánh góp phần giải quyết nhận thức không đúng trong một số cán bộ cho rằng chống càn là bị động, không thể diệt được địch trong chiến đấu chống càn ở địa hình rừng rậm… Vai trò của bộ đội chủ lực được khẳng định thêm. Trung đoàn bộ binh 2 tích lũy được một sô kinh nghiệm về đánh vận động. Truyền thống “Đi là thắng, đánh là dứt điểm”, hiệp đồng theo tiếng súng của Trung đoàn 2 bắt đầu hình thành từ trận này. Trung ương cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định tặng Trung đoàn 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng ba.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:31:15 am »

*

Hai chiến tháng có tiếng vang lớn, một của quân và dân miền Trung Nam Bộ ở Ấp Bắc (đầu năm 1963) và một của Trung đoàn 2 ở Đường Long, Bến Cát (cuối năm 1963), cùng với bước phát triển mới của phong trào “phá ấp chiến lược” và phong trào đấu tranh của quần chúng ở các đô thị đánh dấu một cục diện mới của tình hình miền Nam.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tăng cường lực lượng và đẩy mạnh hoạt động của Đoàn 559 trên tuyến đường bộ, Đoàn 125 trên tuyến đường biển, đưa thêm nhiều lực lượng, vũ khí trong đó có những trung đoàn bộ binh và tiểu đoàn binh chủng với đầy đủ số quân và trang bị theo biên chế vào chiến trường.

Ở miền Nam, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền bổ sung quân số và trang bị, biên chế đủ cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2, mỗi trung đoàn có ba tiểu đoàn bộ binh và ba đại đội trợ chiến (súng cối 81, ĐKZ 57 và súng máy cao xạ 12,7) đồng thời củng cố tổ chức của Trung đoàn 3 để có thể sớm đưa trung đoàn này ra chiến đấu. Trong năm 1964, hai trung đoàn 1 và 2 tiếp tục hoạt động độc lập dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Trên địa bàn đã được phân công (Trung đoàn 1 ở tỉnh Tây Ninh và Củ Chi; Trung đoàn 2 ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Thủ Dầu Một), cả hai trung đoàn đều tích cực huấn luyện, nâng cao trình độ đánh tập trung tiểu đoàn và trung đoàn, thực hiện yêu cầu diệt đại đội, tiểu đoàn bảo an và quân chính quy ngụy. Nhiều cách đánh mới được vận dụng có hiệu quả trong chiến đấu chống cà và phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương phá “ấp chiến lược”.

Phía đông sông Sài Gòn, Trung đoàn 2 phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đánh lui nhiều cuộc hành quân càn quét, tiêu hao và tiêu diệt một số đại đội, tiểu đoàn quân chính quy và bảo an ngụy. Đáng kể nhất là các trận vận động tập kích tháng 2 năm 1964 diệt một đại đội thuộc trung đoàn 48 ngụy ở Bình Mỹ; và tháng 3 năm 1964 trong trận An Nhơn Tây đánh thiệt hại nặng một đại đội (thuộc sư đoàn 5 ngụy); tháng 5 năm 1964, Tiểu đoàn 4 vận động phục kích diệt tiểu đoàn 37 biệt động quân ở Bàu Cá Trê, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá “ấp chiến lược” Sình Bà Đã; tháng 7 năm 1964, Tiểu đoàn 4 chúng tôi lại phục kích ở Cần Đâm đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 34 biệt động quân, phá hủy 20 xe quân sự, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng, diệt tên cố vấn Mỹ.

Ngày 16 tháng 10 năm 1964, Tiểu đoàn 4 chúng tôi phục kích một đoàn xe cơ giới địch hành quân càn quét trên đường 13, đoạn đi qua huyện Bến Cát (Thủ Dầu Một). Tại Bàu Trầm, tôi còn nhớ pháo thủ ĐKZ 57 ly Lý Văn Só đã bám công sự, chờ xe địch đến gần, bắn cháy hai xe bọc thép M113. Chiến sĩ Phan Văn Tám bắn cháy một chiếc khác. Lý Văn Só và Phan Văn Tám là những chiến sĩ đã được huấn luyện chính quy trên miền Bắc dẫn đầu về diệt xe bọc thép địch.

Sau trận đánh, Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 đã tổ chức cho hai chiến si của tiểu đoàn tôi đi các đơn vị kể chuyện đánh xe, phổ biến kinh nghiệm tiếp cận, bắn cháy xe M113 địch. Cơ quan tham mưu trung đoàn xây dựng thao trường huấn luyện có mô hình xe M113, rèn luyện bộ đội diệt xe địch bằng lựu đạn, thủ pháo.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Năm, 2019, 10:05:54 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2019, 07:32:46 am »

*

Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở Bình Giã. Mục đích chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy và bọn bảo an, dân vệ; đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ nhân dân phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng; nối liền các căn cứ miền Đông với vùng ven biển Khu 6, bảo vệ các bến tiếp nhận hàng bằng đường biển do miền Bắc đưa vào và rè luyện, nâng cao trình độ đánh vận động của bộ đội chủ lực.

Đầu tháng 11 năm 1964, Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 và Đoàn 80 pháo binh (gồm 4 tiểu đoàn) hành quân về chiến trường Bà Rịa. Vượt sông Đồng Nai, băng qua đường số 20, đường số 1, ngày 20 tháng 11 năm 1964, Trung đoàn 1 tập kết ở nam Xuân Sơn; Trung đoàn 2 chúng tôi tập kết ở đông nam núi Nghệ. Các đoàn hậu càn Miền đã đi trước một bước, vừa thu mua, vừa vận chuyển đến các khu tập kết 500 tấn vũ khí, 200 tấn lương thực, thực phẩm.

Mở màn chiến dịch này, ngày 2 tháng 12 năm 1964, bộ đội pháo binh tập kích hỏa lực vào chi khu quân sự Đức Thạnh; Đại đội 445 tiến công “ấp chiến lược” Bình Giã thuộc huyện Đất Đỏ. Đây là những trận đánh khơi ngòi, dụ quân chính quy ngụy ra ứng cứu, tạo cơ hội cho hai trung đoàn 1 và 2 đánh vận động, diệt địch ngoài công sự. Nhưng do lực lượng tiến công ít, ta không diệt được tiểu đoàn 38 biệt động quân khi chúng ra giải tỏa. Bộ đội ta phải tạm di chuyển ra khỏi khu vực Bình Giã.

Sáng ngày 29 tháng 12 năm 1964, trước áp lực ngày càng tăng của ta, địch mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” cho chi đoàn 3 (thiết đoàn 1) giải tỏa dọc đường số 2 lên Bình Giã, Đức Thạnh.

Tiểu đoàn 4 chúng tôi được giao nhiệm vụ bố trí đội hình, ém quân ở phía đông núi Nghệ, chờ đoàn xe địch. Với quyết tâm rất cao, chúng tôi đề ra tư tưởng của trận đánh là: “đánh chắc thắng”, “chặn thật chặt, khóa thật chắc, cắt thật bén”, “đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”.

“Thiết xa vận” là một trong những biện pháp chiến thuật chủ yếu của Mỹ - ngụy trong cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Với vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động trên nhiều loại địa hình phức tạp và tiếng gầm rú của động cơ uy hiếp tinh thần đối phương, địch thường sử dụng xe M113 dẫn đầu các cuộc hành quân càn quét.

Vào năm 1964, bộ đội chủ lực ở chiến trường miền Đông mới được trang bị một số khẩu ĐKZ 57 và 75 ly. Ngòi việc tận dụng hai loại súng này, các đơn vị đề tranh thủ huấn luyện bộ đội đánh gần, dùng súng bộ binh kiềm chế, sau đó áp sát, ném lựu đạn hoặc thủ pháo diệt xe.

Khoảng gần trưa ngày 9 tháng 12, đài quan sát báo cáo tôi đoàn xe địch đang đi tới. Tôi liền lệnh cho Tạ Quang Tỷ (Bảy Tỷ), Đại đội trưởng Đại đội 1 làm nhiệm vụ chặn đầu đoàn xe địch. Bộ đội ta lập tức nổ súng. Có chiến sĩ đứng thẳng người bắn trung liên. Đại đội trưởng Tạ Quang Tỷ nằm sát mép đường chỉ mục tiêu cho khẩu ĐKZ 75 bắn chiếc xe đi đầu. Xe địch trúng đạn bốc cháy. Chớp thời cơ, Tạ Quang Tỷ nhảy lên dùng tiểu liên diệt địch và quay súng trên xe địch về phía sau bắn chế áp các xe khác.

Quân địch dựa vào vỏ thép dày che chắn chống trả quyết liệt. Các phân đội phía sau phải vận động dưới tầm hỏa lực của địch, kiên quyết áp sát, chia cắt, diệt từng xe.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Xộn 20 tuổi bị xích xe địch nghiền nát một tay đã dùng tay còn lại ném lựu đạn làm đứt xích xe địch. Chi đoàn xe M113 gồm 14 chiếc bị tiêu diệt hoàn toàn, cùng với hơn 100 lính ngụy, 9 cố vấn Mỹ. Bộ đội ta bắt sáu tên tù binh, thu hơn 80 khẩu súng, trên 3 vạn viên đạn.

Trung đoàn 2 được tặng thượng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba về chiến công xuất sắc này.

Đại đội trưởng Tạ Quang Tỷ được đồng đội yêu mến, khâm phục tặng danh hiệu “Đại đội trưởng chặn đầu”. Đánh cơ giới địch trở thành một sở trường và truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 2.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM