Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:48:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trang trại Hoa hồng  (Đọc 10993 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2019, 03:13:37 pm »

2

Tôi có cả một buổi chiều dài để được ở bên chú Hoài.

Hôm mới đến trại Đầm Vịt, tôi thu xếp cho chú ngủ lại trong căn phòng của cha tôi. Căn phòng ấy là nơi tôn nghiêm đối với tôi trong ngôi nhà này. Cha mất rồi, hầu như chỉ một mình tôi ra vào. Chị giúp việc được tôi cho phép cứ hai ngày một lần mở khóa cửa phòng chính, mở toang cửa sổ để lau chùi sàn nhà, giường tủ, giá sách và đón gió từ thung lũng và ngoài hồ nước lùa vào. Ngôi nhà luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Người duy nhất tôi cho ngủ trong căn phòng đặc biệt này chỉ có chú Hoài. Chú cũng giữ một thói quen cố hữu là không bao giờ ngủ trên chiếc giường của cha mẹ tôi đã từng nằm. Chú Hoài nằm nghỉ trên một cái giường nhỏ, đối diện với chiếc bàn nước, nơi chú và cha tôi ngồi mỗi lần ngủ dậy. Họ giống nhau như hệt. Cùng thức dậy sớm, vệ sinh cá nhân. Ấm nước điện sôi sùng sục. Một trong hai người kẻ tráng cốc, phin cà phê; kẻ pha trà, cho cà phê bột vào phin. Và khói thuốc lá tỏa ra từ ô cửa sổ, lan sang cả phòng tôi... Tôi đã quen với mùi thuốc lá của cha tôi từ nhỏ. Không còn thấy khó chịu khi khẽ chạm vào cái mùi thuốc lá vốn luôn dị ứng với các cô gái.

Chú Hoài sau mấy lần đi viện và mổ đã hút thuốc lá ít đi, chỉ hút thuốc nhẹ, thơm. Ngồi trước mặt khách, trong bàn tiệc, trong bữa ăn, chú không hút. Tôi chỉ bắt gặp chú hút thuốc mỗi khi ngồi một mình tĩnh lặng, xa cách mọi người. Như thể vào lúc ấy, hồn cốt chú ở một nơi nào đó xa vắng. Thuốc lá giải tỏa cho chú Hoài giảm bớt stress, đỡ ức chế. Chú bảo tôi vậy. Còn tôi cho rằng chú lấy cái lý sự cùn của mấy ông nhà báo không muốn từ bỏ thói quen ích kỷ của mình.

Vợ chồng thầy Năm Bê trong bữa cơm chiều qua cũng đã nói với tôi sáng nay hai vợ chồng thầy xuôi Phan Rang. Thầy Năm Bê phân bua với tôi lý do phải về để đón đoàn khách từ Sài Gòn ra nghỉ ở Phong Lan đông cả trăm người. Thầy phải về kiểm tra việc ăn ở, cơm nước cho khách và lo cho đàn chim yến đang mùa sinh nở.

Cô Lan, vợ thầy cười “móc chồng” chẳng kể gì sự có mặt của tôi và chú Hoài:

- Ông ấy lo về đi chợ thì có. Vắng ông ấy, chợ Phan Rang mất vui.

Thầy Năm Bê nghe vợ nói vậy cười vang. Cả tôi và chú Hoài cũng cười ngất.

Cô Lan xem chú Hoài như em, coi tôi như con. Chị chỉ vào mặt chú Hoài nói:

- Chú lo mà cười vợ đi, kẻo già rồi không có người hương khói.

Chú Hoài quay sang tôi:

- Tôi có chút vốn gửi sổ tiết kiệm, có chuyện chi nhờ cháu Bông...

Chú Hoài có tật xấu là không bao giờ kêu tôi bằng tên thật. Chú cứ mang cái tên cúng cơm ra để gọi tôi. Tôi nghe riết thành quen, lại thấy thích, gần gũi. Cha mẹ tôi cũng gọi tôi vậy.

Chú Hoài nhìn thấy thầy Năm Bê đang hí hoáy sửa lại mấy chậu hoa kiểng, nói:

- Anh Năm ơi! Ngồi uống chén nước đã. Làm chi vậy... Để đó, em còn ở chơi với Bông vài ngày, em làm thay anh.

- Lười và bút nghiên như chú cả ngày thì biết làm chi thứ này.

Nói vậy, nhưng thầy Năm Bê cũng dừng tay, ngồi uống cà phê với chúng tôi.

Thầy Năm Bê bây giờ là ông chủ khách sạn Phong Lan. Ông chủ khách sạn cứ 4 giờ sáng, sau tuần hương thắp trên bài vị Bác Hồ, thầy Năm Bê lại tất tưởi cưỡi trên chiếc xe honda dựng dưới gốc cây xoài, tới chợ. Các bà chủ sạp cá, sạp rau đã quen với dáng vẻ nhanh nhẹn, tất bật của thầy xếp rau, xếp thịt, cá... vào từng bao để sẵn. Lát nữa có xe đưa những món hàng thầy đặt mua về khách sạn chuẩn bị bữa ăn cho khách. Hàng thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn ngày nào ít, thầy Năm Bê cột lên phía sau xe honda, tự chở về nhà.

Đã có lần chú Hoài hỏi:

- Sao anh Năm khổ thế. Không thuê người quản lý thay anh đi mua hàng.

Thầy Năm Bê cười ha hả:

- Tính tôi nó quen rồi, chú à. Mình đi mua chọn món tươi ngon cho khách. Đi chợ với tôi cũng là lao động. Rảnh rỗi, tôi chơi với bầy chim yến... Nghe chúng hót mỗi sáng và khi chiều tà lúc về tổ.

Tôi nghe chuyện thơ của thầy nhiều rồi. Nhưng cả ngàn con chim yến từ biển bay về nhà thầy Năm Bê làm tổ thì là chuyện hy hữu.

Tôi và chú Hoài nâng ly trà đá, chia tay với thầy.

Thầy Năm Bê và cô Lan về rồi. Tôi buồn ngơ ngẩn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2019, 03:16:29 pm »

*
*        *

Trời chiều. Nắng nhẹ. Gió se se lạnh.

Tôi đưa chú Hoài leo ngược lên phía sườn đồi phía sau nhà có rừng thông và bạch đàn.

Qua chỗ đặt mộ của bà nội, của cha mẹ tôi, chú Hoài và tôi dừng lại. Chú Hoài đã mang sẵn một nắm nhang. Thứ nhang thơm dịu chú mang từ Hà Nội vào để giỗ. Tôi ôm theo một bó hoa hồng, lưu ly, hoa cúc lặng lẽ cắm vào ba chiếc bình hoa đặt trên những ngôi mộ.
Nắm nhang cháy tỏa mùi hương thơm ngát.

Chú Hoài dừng lại trước mộ bà nội, mộ mẹ tôi. Chú đứng trước mộ ba tôi lâu hơn. Gương mặt chú trầm tư. Miệng lẩm nhẩm, chả hiểu chú khấn vái cha tôi điều gì. Nét mặt chú Hoài lúc ấy xúc động lắm. Hẳn chú lại hoài niệm về những chuyện xưa cũ.

Tôi không thích vậy. Nhưng tôi không dám động vào cõi thiêng của người đã chết và của cả người đang sống. Tôi biết một điều, những tuýp người như cha tôi, như chú Hoài hay sống với quá khứ, với kỷ niệm. Tôi trẻ, thực tế hơn, và ở một khía cạnh nào đó, thực dụng hơn. Không chỉ trong chuyện làm ăn trong đời sống, nó còn ẩn chứa cả trong tư tưởng và xúc cảm. Trong những hoàn cảnh nhất định, mỗi khi đứng trước những con người như chú Hoài, ngoài sự trân trọng, tôn kính, tôi không khỏi có chút mặc cảm, tự ti, thậm chí xấu hổ trước những suy nghĩ nhỏ mọn của chính mình.

- Đi đâu đây, cô bé? - Chú Hoài hỏi tôi lúc rời khỏi ngôi mộ.

Tôi đáp:

- Tới “chỗ cũ” chăng?

- Đồng ý.

Chú Hoài đáp cụt lủn. Và vượt lên phía trước.

Cái “chỗ cũ” ấy là một tảng đá nằm ở ven Đầm Vịt, phía sau tảng đá là một sườn núi, thuộc đất của trang trại, trồng rừng đã nhiều năm. Những cây thông, những cây bạch đàn đường kính tới 20 centimet. Gỗ đã có thể khai thác được. Nhưng tôi chả bán gỗ làm gì. Những thân cây ấy đã một thời in dấu tay cha con tôi. Nhiều chủ xưởng gỗ ở Đà Lạt, ở Đồng Nai đánh tiếng hỏi mua, tôi chối thẳng thừng.

Cây rừng ở đây là hình bóng của cha tôi. Xa hơn là mẹ tôi, là bà nội tôi.

Chú Hoài đã tới bên tảng đá, nhưng chú không ngồi lên bờ cao mà xoải chân, tụt giầy ngồi xuống vạt cỏ mịn màng, sát bên đầm.

Nắng từ phía tây đổ xuống mặt đầm một khoảng sáng. Sườn núi che khuất một phần hồ, nơi tôi và chú Hoài đang ngồi. Theo chú, tôi cũng tụt đôi dép và ngồi xuống bên.

Tôi hỏi chú Hoài, điều mà tôi biết chắc chú không muốn nghe:

- Lâu nay chú có tin tức gì của cô và em Hoa bên Nga không?

Chú Hoài nhìn tôi chưa trả lời mà lại rút ra từ trong chiếc túi mìn claymo cũ bao thuốc lá Salem và chậm rãi châm lửa rít từng hơi dài. Mùi thuốc Salem phảng phất hương liệu bạc hà, hăng hăng, dễ chịu.

Đã hơn 15 năm nay, người vợ của chú, một phụ nữ xinh đẹp đã bỏ rơi chú. Chị ta đã có đứa con thứ hai với anh sĩ quan người Nga làm việc ở một đơn vị phòng cháy, chữa cháy. Hơn chục năm rồi chú đã ký vào tờ đơn xin ly hôn của chị vợ cũ và làm thủ tục cho con gái theo mẹ sang Matxcơva đi học. Những năm ấy, chú Hoài đang là sĩ quan quân đội, theo các đơn vị chốt giữ đuổi đánh bọn Khmer Đỏ ở Xiêm Riệp, Biển Hồ. Tờ giấy ly hôn đó sau này chú Hoài phải nhờ một người bạn ở Nga mang về. Ngày con gái xa cha, chú không có mặt.

Chú Hoài đã từng thú nhận với tôi:

- Chú là một người cha không tốt cháu à... Chú không đủ tiền nuôi vợ con. Không có nhiều thời gian đưa vợ đi chơi, đi du lịch. Mỗi lần về phép, ở với vợ con mươi ngày, nửa tháng... rồi đi. Mà nhu cầu phụ nữ bây giờ cần nhiều thứ. Nhà cửa, xe pháo, áo quần... Một người lính như chú không biết kiếm tiền mang về cho vợ. Chú biết những gì vợ con mình cần, cả chú cũng cần nhưng chú không làm được chuyện đó...

Cha tôi ngày còn sống biết nỗi đau buồn của chú Hoài nên rất thương chú. Vợ bỏ đi, mỗi kỳ nghỉ phép hay khi đã về công tác tại một tờ báo ở thành phố, rảnh rỗi chú tìm về trại Đầm Vịt chơi với cha con tôi. Tôi thân với chú Hoài, những mối tình thời sinh viên tôi kể cho chú nghe hết. Kể cả chuyện của Khang; chuyện Khang đưa cha con tôi về lại làng Lôi thắp hương cho ông nội trong một đêm hãi hùng và chuyện tôi tìm ra ngôi mộ của anh...

Chú Hoài chăm chú lắng nghe, có lúc chú xúc động. Tôi hỏi:

- Nghe chuyện yêu đương của cháu, chú ghét không?

- Sao lại ghét, cô bé. Chú sẽ lưu giữ...

- Chú giữ làm chi?

- Để mai này chú đưa vào tiểu thuyết.

Tôi cười ré lên như một đứa thần kinh. Nhìn tôi cười, chú Hoài tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Cháu cười làm chú sợ...

- Sao lại sợ?

- Tưởng cháu bị tâm thần.

Tôi nhõng nhẽo đẩy chú ngã soài xuống chiếc ghế băng lúc chú đang ngồi gõ máy tính...

Bây giờ ngồi đây, trong không gian tĩnh lặng của buổi chiều tà bên Đầm Vịt, tôi lại hỏi chú Hoài điều ngớ ngẩn.

Chú Hoài rít một hơi thuốc dài rồi búng điếu thuốc vào vạt cỏ lau ven hồ:

- Con gái chú nay đã vô đại học. Còn cô ta sống hạnh phúc với người đàn ông Nga. Ngó bộ cũng giàu có... Mừng cho cô ấy. Con gái chú lâu lâu vẫn gọi điện thoại hỏi thăm bố. Nó quên nhiều từ tiếng Việt, nói chen tiếng Nga... Chú chả hiểu nó nói gì.

Tôi quay sang chú Hoài:

- Chú phải nói thiệt cho cháu điều này nghe! Sao cô chú bỏ nhau lâu rồi mà chú không lấy vợ?

Chú Hoài nhìn tôi:

- Lấy vợ nữa làm gì? Chú chưa đủ vui buồn ư?

- Chú thiệt kỳ cục. Tuổi chú chưa già... Sức khỏe chú chưa đến nỗi nào... Chú cần lấy vợ, phòng khi mai kia già còn có người chăm sóc.

Chú Hoài nhìn tôi rồi chỉ xuống khoảng đồi nơi có phần mộ cha tôi, bảo:

- Ngày sau, chú có chuyện gì thì nhờ cháu cho chú một vuông đất đồi cạnh chỗ cha cháu... Đêm đêm, chú và cha cháu ngồi trò chuyện, uống trà.

Tôi nói to:

- Chú đừng có gở miệng! Cháu ghét chú nói đến chuyện chết chóc. Chú không sợ hãi khi nghĩ tới cái chết ư? - Tôi véo tai chú Hoài: - Chú ơi là chú!... Cháu ghét chú!

Chú Hoài cũng đáo để:

- Chị còn ghét tôi hoài à!... Này, tôi hỏi chị, đời người ta ai tránh khỏi cái chết nào? Những người vĩ đại còn chết huống chi “thân cò, thân vạc” như tôi.

- Nhưng chú phải lấy vợ - Tôi gào lên, bất chấp chú có nghe hay không.

Chú Hoài không nhìn tôi, quay mặt ra phía đầm nước. Nắng đã tàn sau đỉnh núi, chỉ còn ráng đỏ hắt lên nền trời xanh đang tím dần lại... Không gian im ắng, thanh sạch. Gió lào xào len lách qua tán cây rừng...

Chú Hoài như thể không chỉ nói cho tôi nghe. Chú như đang trò chuyện thầm thì với ai trong khoảng không gian bao la của trời đất, cỏ cây:

- Đời chú đã đi qua bao cửa chết. Nhiều không đếm xuể. Năm 18 tuổi, trận sốt ác tính đầu tiên quật ngã chú ở chân dốc Chè, người Mỹ gọi là điểm cao 1078. Mỹ đang càn vùng tây bắc Huế. Bom ném ngả nghiêng các cánh rừng. Chú sốt cả đêm, tưởng chết. Mũi Nivaquyn của người y tá tiêm thẳng vào ven, nào ngờ chú tỉnh lại, lết được ra khỏi căn hầm kèo đã bị bom B57 ném sập một góc cửa hầm. Một lần khác ở giáp ranh Hương Trà, lính Ngụy phục kích chú với một người lính trinh sát của KX tên Xu. Chú Xu giờ vẫn còn sống ở Huế. Hai thằng chú chết hụt ở Dốc Đu, lạc rừng cả ngày trời. Năm “bẩy hai” bom B52 ném sập hàng chục căn hầm khi cả tiểu đoàn đang họp quân chính dưới chân đồi Đức Mẹ ở miền tây Phong Điền. Những anh lính trẻ cùng với chú vừa qua trận chiến ở Sêpôn, ở đường 12, được Quân khu cho ra Quảng Bình nhận tân binh, cấp trên ưu ái cho về quê một tháng. Anh nào cưới vợ, trận bom ném xuống sườn đồi dốc Đức Mẹ chiều ấy chết cả. Chú chui lên từ căn hầm sập, giữa những xác người, mặt bê bết máu. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Ngọc Ngạn thêm một lần nữa đọc điếu văn và kêu tên từng anh cán bộ trung đội, đại đội đã hy sinh... Chỉ tháng trước, những người cán bộ ấy khoe từng tấm ảnh về cô vợ mới cưới quê ở Thanh Hóa, Hải Hưng, Quảng Bình... Họ gửi lại quê vợ và cả những đứa con còn nằm trong bào thai, chưa biết mặt để lầm lũi đeo ba lô, vác súng leo ngược Trường Sơn vào trận chiến xuân 1972... Chưa kịp đánh địch, những người lính ấy đã ra đi.

Rồi cái đợt xuân “bẩy nhăm”, những trái đạn rốc két của chiếc A37 bắn tan nát đội hình của Đại đội 1, đại đội chủ công của chú ở Phú Lương B. Liên lạc, y tá và cả một khẩu đội cối đi theo chú nằm lại bên cửa Ngã Ba Sình... Trong cái thân xác gầy gò, ọp ẹp, thương tích của chú đầy rẫy vi trùng, đêm ngày quậy cựa...

Chú vẫn còn nhớ trong đêm đánh về chợ Sịa, đại đội của chú phải vượt qua một con hói rộng. Hai ngày trước, cả đại đội lo đánh chống càn. Bộ đội hành quân cả đêm thoát vòng vây, vừa mệt, đói và khát. Gặp được nước, giữa đêm tối trời, “cha con” vục mồm xuống uống, bất kể rong rêu, miễn sao cho đã cơn khát. Bánh lương khô Trung Quốc ăn vội đã hết veo. Đến sáng, chú bò ra bãi sông quan sát, nghe ngóng địch. Hỡi ôi, con đường bộ đội hành quân đêm qua đầm nước đầy vết chân trâu. Mới khua động một chút, bầy đỉa đói thi nhau lao ra, uốn lượn giữa dòng nước hôi tanh mùi bùn.

Vậy tật bệnh, chết là cái chắc...

Chú Hoài cười, gương mặt dãn ra, trông chú trẻ lại cả mươi tuổi. Như thể chú lấy cái chết để đùa giỡn, trêu chọc tôi. Nghe chuyện của chú, tôi vừa sợ vừa ghê nhưng vẫn thích nghe. Tiếc là những câu chuyện của chú chưa được ghi chép lại. Nếu những chuyện này được viết thành sách thì hàng ngày tôi và đám bạn bè, các ông quan chức, đám doanh nhân đi trên những chiếc xe sang trọng ra vào giữa các nhà hàng, hotel với những thực đơn đắt tiền chẳng phải sẽ có những giây phút áy náy lương tâm lắm sao.

Chú Hoài lại lặng im hút thuốc. Bất chợt chú bảo tôi:

- Nhiều đêm chú sống trong những cơn mơ. Mơ rừng núi đã đành. Mơ gặp những gương mặt người xưa cũ. Cha mẹ chú hiện về. Bà ngoại chú trong giấc mơ tay cầm gậy trúc. Bà mở chiếc thắt lưng rút ra hai đồng bạc còn thơm mùi cau trầu dúi vào tay chú, cho chú mang theo ngày chú đi nhập ngũ. Hình bóng cô bạn học mặc tấm áo xanh màu cỏ úa kiễng chân, vẫy tay. Mẹ chú cố dúi vào tay chú nắm cơm đã nguội ngắt...

Chú mơ thấy những thằng bạn học với chú một thời. Chúng cùng đi bộ đội với chú, nhưng chúng nó chết cả rồi. Họ nằm lại trên những miền rừng vùng A So, A Lưới, Rào Trăng, Rào Lu, Cocava, Dốc Chè, Khe Trái, địa đạo 310, Dốc Tranh, Đồi Trổi, Chóp Nón... Họ ngã xuống, người có bia, kẻ chẳng có bia... Những chàng trai luôn xanh tuổi 18 cùng với những cánh rừng, đồi núi mọc đầy lau, mua, cỏ dại... Những gương mặt ấy hiện lên như muốn hỏi chú rằng: Mi sống ra răng? Có còn nhớ đến chúng tao? Vậy thì cái chết với chú bây giờ có ý nghĩa gì...

- Thôi chú đừng nói nữa - Tự nhiên tôi hét to - Chú không được nghĩ tới cái chết. Chú không được chết...!

Tiếng tôi âm vang, vọng vào vách đá, dội xuống mặt nước hoang vắng, tan vào thinh không tĩnh lặng.

Chú Hoài nhìn tôi. Tôi nhìn chú. Cả hai giàn giụa nước mắt. Tôi không còn là chính tôi. Tôi ôm lấy chú và gục vào một bên vai, nức nở. Lúc tôi nhìn lên, gương mặt chú cũng đầy nước mắt.

Trái tim tôi nhói đau. Tôi ôm ghì lấy gương mặt ấy, hôn lên mắt, lên môi, lên trán, lên mái tóc khô xác thơm mùi nắng.

Tôi như kẻ điên dại và hét lên:

- Hoài ơi! Anh không được chết...

Lúc tôi ngồi dậy trên vạt cỏ, Hoài đã không còn ở đấy nữa. Chỉ có chiếc áo khoác ngoài của người tôi yêu còn nằm trên lớp cỏ mịn màng.

Tôi thẫn thờ nhìn ra mặt hồ đang gợn sóng.

Tít ngoài xa, Hoài đang sải tay bơi. Hoài quay lại nhìn tôi, giơ tay vẫy. Tôi đứng lên gò cao giơ mũ vẫy lại.

Tôi gọi to:

- Hoài ơi! Em yêu anh...!

Tiếng tôi vang vọng dội vào vách đá, rừng cây.

Trời chưa tối hẳn. Một làn sương mỏng giăng giăng. Vẳng lên tiếng chim “bắt cô trói cột” trong khoảng rừng già. Tiếng con bìm bịp kêu khan ở một đám lau ven đầm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2019, 03:18:07 pm »

CHƯƠNG KẾT

Gia đình tôi có chuyến hành hương về thăm quê đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Tôi gọi gia đình vì bây giờ tách ngược đường ra Bắc, tôi không còn phải thân cô, thế cô đi một mình. Chồng tôi - không ai khác chính là Hoài. Thêm bé Ly Ly vừa bước sang tuổi thứ tư. Thoa là người quản gia của gia đình, vừa trông nom bé Ly Ly vừa muốn có một chuyến trở lại làng Lôi, nơi Thoa được sinh ra và bỏ đi đã mấy chục năm.

Hà Nội sau ngày đại lễ tưng bừng, cờ hoa rợp trời, người và cảnh vật đều mệt mỏi, tơi tả sau những trận mưa thu kéo dài, rả rích.

Con đường cao tốc đưa tôi về làng chỉ hơn một giờ đồng hồ đã qua Nam Định. Cậu lái xe chiều tôi, cho xe dừng lại giữa cây cầu Tân Đệ để ngắm dòng sông Hồng căng phồng, đỏ cuộn dòng nước hối hả, vươn ra cửa Ba Lạt. Hoài dắt bé Ly Ly đi dọc thành cầu, chỉ cho con xem những con thuyền đang căng buồm chở than, cát, sỏi xuôi theo dòng nước. Hai cha con tỏ ra rất vui. Tôi đứng sát thành cầu, mở Ipad ra chụp hình con sông đang hừng đỏ trong buổi sớm mai. Gọi là chụp hình cho có lệ, kỳ thực tâm trí tôi về lại khoảng không gian xa tít. Đấy là cái buổi chiều u ám, cha đã đưa tôi lần đầu về thăm quê cha đất tổ. Tôi như sờ thấy gương mặt non tơ của Khang trong bộ quần áo lính tuềnh toàng, dính lem dầu mỡ. Cả ánh mắt anh nhìn tôi, một đứa trẻ con mới 14 tuổi, vừa qua tuổi con nít, rất đỗi xa lạ với con người và cảnh vật xứ Bắc. Anh lấy con dao găm trong cốp xe, chặt đôi từng củ ấu có hai đầu gai sắc nhọn, tách nhân cho tôi ăn. Tôi chưa từng được ăn thứ quà lạ ấy bao giờ. Ngon và bùi, bở tơi như hạt mít trại Đầm Vịt.

Nay Khang đã là người thiên cổ. Một phần thân xác Khang vẫn còn nằm lại đâu đó trong những cánh rừng gần khu đền Ăng-co. Phần còn lại được đồng đội đưa về rừng Đức Cơ.

Khu vườn nhà của ông bà nội tôi rộng hơn hai sào, có bờ tre gai bao bọc. Sau ngày ông nội mất, bà nội tôi bỏ đi, lấy cớ nhà vắng chủ, chính quyền và hợp tác xã giữ làm trại chăn nuôi, làm kho. Tôi đã có đơn gửi các nơi. Uy tín của một chủ doanh nghiệp có nhiều gắn bó với quê hương, giấy của tỉnh, của huyện gửi về, khu đất của tổ tiên nay đã được hợp tác xã trao trả lại sau nhiều năm bị “mượn”. Vài năm trước, tôi đã thuê thợ dựng lại trên nền đất cũ ngôi nhà thờ nhỏ để thờ phụng tổ tiên. Ngày khánh thành ngôi nhà thờ ông bà nội, tôi đang ở cữ Ly Ly. Chỉ một mình Hoài về làm cỗ đãi cả họ. Câu chuyện về bà cụ Mít bỏ làng, đeo tang chồng đi ăn xin suốt hai tháng dọc đường để vào Huế, vào Nha Trang tìm con đã được người làng thêm thắt, thêu dệt như chuyện cổ tích thời hiện đại. Bé Ly lần đầu về quê, thoạt nhìn thấy ảnh thờ ông bà nội, cha mẹ tôi, con bé la to:

- Mẹ ơi! Đây cũng có ảnh ông bà cố, có cả ảnh ông ngoại, bà ngoại nè. Ảnh giống hệt như ở nhà ta...

Tôi cười bảo Ly Ly:

- Đúng rồi! Đây là nhà của ông bà cố. Ông ngoại con sinh ra ở đây.

Ly Ly có vẻ thích với không gian vườn rộng rãi. Nó ôm từng gốc cau đang mùa ra trái, bứt những bông hoa nhài cho vào rổ rồi bảo cô Thoa:

- Cô mang lên bàn thờ cúng ngoại!

Làng Lôi bây giờ không còn nhà nào lợp tranh, vách trát đất nữa. Cả làng cũng chả tìm đâu ra “đống rơm, đống rạ”. Nhà nhà lên tầng, mái ngói. Té ra, cái mặt hàng mây tre nứa lá, đan lát vốn là nghề phụ của vùng quê nghèo, tưởng đã chết từ lâu, do Công ty của tôi tìm được đầu ra cho xuất khẩu sang Tây Âu, Hoa Kỳ, Nga... từ những năm “chín mươi”, trở thành những vật phẩm có giá trị, lại là một phần nguồn sống của dân làng Lôi, làng Vàng, làng Mây suốt hàng chục năm nay. Nhiều gia đình trở nên giàu có, trở thành những chủ vựa đi gom hàng cả tỉnh, sang cả Nam Định, Hưng Yên lùng sục nguyên liệu; hoặc vừa tổ chức sản xuất vừa gom hàng.

Buổi chiều, sau bữa cơm cỗ, tiệc tùng, khách khứa họ mạc đã về cả. Hoài bảo với tôi, anh lên thành phố thăm thầy giáo cũ và bạn bè. Quãng ba giờ, tôi lững thững một mình ra thăm mộ ông nội. Ngôi mộ ông tôi đã được xây to, ốp đá đen ngay dưới gốc một cây đa ngoài cánh đồng. Con đường đất đã được dân làng Lôi đổ đá trải nhựa từ đầu làng ra tới nghĩa trang. Tôi cố tìm lại khóm dứa dại ngày trước, nhưng người ta đã chặt bỏ đi cả. Tôi vẫn chưa quên nỗi sợ hãi, run rẩy khi cha dắt tôi ra nghĩa địa giữa đêm khuya. Vừa lạnh, vừa sợ ma. Ánh lửa đốt vàng mã trong đêm nhập nhòa. Và tôi càng kinh hãi khi lão Ca bất ngờ hiện ra sau bụi dứa dại, quỳ xuống chân cha con tôi vái sống xin tha tội. Ngày ấy, tôi còn nhỏ, chẳng hiểu gì về mối quan hệ của họ. Nhiều năm sau, cha tôi mới kể chuyện, chính lão Ca, sau 1975 xuất ngũ mới phao tin cha tôi không hy sinh mà “chiêu hồi” theo Mỹ - Ngụy. Mà lão không biết rằng cha tôi đã từng là cơ sở in ấn cho Tỉnh ủy K. Cái “án oan” ấy đã làm cả gia đình tôi khốn đốn mất mấy năm. Nhưng giời có mắt. Những ngày tháng ở trại Ngân Điền, cha tôi đã gặp được những người tốt. Lao động dạy cho cha tôi biết nghề trồng hoa và hiểu thêm về cuộc sống và con người.

Tôi, Hoài và những người thân, bà con họ hàng ở trại Đầm Vịt luôn biết ơn cha mẹ tôi, vì họ đã mang đến cho nhiều gia đình một cuộc sống no đủ, giàu có trên vùng đất cao nguyên xa xôi.

Và bây giờ, tôi về đây, đứng trên mảnh đất làng vái tạ.

Làng chiều im ắng, thỉnh thoảng mới có tiếng xe máy, không còn nghe thấy một tiếng chó sủa râm ran như đêm nảo đêm nao cha con tôi về làng thắp hương cho ông. Cụ Lỗ Tấn đã từng hỏi: “Con người ta có linh hồn không?” Nhiều lần đứng trước bàn thờ cha mẹ và bà nội ở trại Đầm Vịt sau tuần nhang, tôi cũng từng tự hỏi: “Con người có linh hồn không ha?” Tôi cũng không dám hỏi Hoài, sợ anh cười.

Song câu hỏi ấy luôn ám ảnh trong tôi mỗi khi đứng trước những người đã khuất. Và nếu có thật, vũ trụ kỳ vĩ và huyền diệu biết bao. Cũng như chưa ai trả lời được trong bầu trời cao rộng, thiên la địa võng kia, có một tinh thể nào giống như trái đất không? Có cỏ cây, hoa lá, sông núi và những sinh linh bé nhỏ không? Tôi chỉ cầu mong sao nếu có, con người hãy đừng phải gánh chịu những khổ đau, tội ác, chết chóc mà cuộc sống của con người trần thế từng trải... Ý tưởng của tôi cũng thật viển vông, như bầu trời, như những vì sao. Bây giờ, chỉ có những ngọn gió tươi đang mơn man trên da mặt tôi mang theo hương lúa sớm là thật, trong sạch và thuần khiết.

Tôi sững người khi nghe tiếng chuông nhà thờ báo lễ buổi chiều. Và gần ngay đó là tiếng mõ tụng kinh của các nhà sư trong ngôi chùa làng. Lâu rồi tôi mới được nghe lại những âm thanh của làng quê, thật ấm áp, thánh thiện. Chả thế, mình đã có lần nói với tôi: Một thời trai trẻ, anh và đám bạn bè của mình đã dám sống và cả dám chết bởi những ký ức và nỗi ám ảnh thân thuộc đó của quê hương”.

Tôi tin điều Hoài nói là thật.


Hà Nội, 2015
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2019, 03:20:01 pm »

LỜI CẢM TẠ

Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, tôi xin tỏ lòng biết ơn:

Hương hồn các anh hùng - liệt sĩ của tiểu đoàn X. Công trường V - Quân khu Trị - Thiên - Huế

Cảm tạ, tri ân tới: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Tùng Điển, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PGS. Trần Thế Phiệt, ông Hoàng Ngọc Ngạn (KX), ông Đàm Khánh Hạ, ông Đoàn Ứng Viên, ông Đoàn Ngọc Châu, sư cô Oanh (Tokyo), ông Dương Văn Bướm, ông Nguyễn Mạnh Tung, bà Lê Thy Thy, Tôn nữ Liễu, Nguyễn Thu Hồng, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thu Hương, Thu Hồng (Phú Yên), o Lành, Ngọc Anh, Xu (Huế); cùng vợ và các con tôi là bà Trần Thị Thái Phan, Đỗ Nguyễn Anh Tuấn, Quỳnh Trâm... đã giúp đỡ, động viên, khích lệ trong quá trình hoàn thành tác phẩm này.






Trang trại Hoa Hồng đưa ta đến những không gian rộng lớn từ đồng bằng Bắc Bộ đến chiến trường Trị Thiên - Huế, từ Nha Trang tới cao nguyên với những người lính, người dân quê, những người ông, người bà, người mẹ, và con cháu của họ suốt mấy mươi năm bom đạn chiến tranh rồi hòa bình. Một gia đình với ba thế hệ phải chịu đựng biết bao đau buồn, tủi nhục và cả niềm hạnh phúc tuy ít ỏi, muộn màng nhưng phải trả bằng những giá đắt của cuộc sống. Mỗi trang của cuốn tiểu thuyết tha thiết tình người, tình đời và luôn cháy lên niêm tin vào sự tử tế, tốt đẹp của con người.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông không phản ánh những chiến công, sự khốc liệt trong chiến trận. Anh đi vào những cảnh huống éo le, cảnh ngộ oái oăm, đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đế từ đó khám phá tâm hồn, cốt cách con người...


Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG






Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM