Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:05:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trang trại Hoa hồng  (Đọc 10992 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 09:34:35 am »

9

Tập vở Cogido số 3.

Tôi không rõ vì lý do gì, trong tập ghi chép này bị mất mười mấy trang. Thậm chí nhiều trang giấy mực bị nhòe, như thể bị mưa ướt khiến cho nhiều chỗ đọc không ra chữ.

Vẫn là nét chữ của cả cha và mẹ tôi đan cài nhau từng đoạn từng khúc.

Bắt đầu từ trang số 16, cha viết:

Thế là y hết đường lên xanh. Thêm một vết đạn vào xương bánh chè. Một mảnh găm vào ngực. Con mắt bên trái y nhìn không rõ nữa. Chỉ nghe ông Sáu nói chỏn lỏn:

- Chú không chết là may... Chúa còn thương tôi đưa chú về được đến đây.

Y đã không còn ở trong hốc chẹt của nhà kho nữa. Ông Sáu giấu y ngoài căn hầm tránh pháo của gia đình ở góc vườn phía sau nhà. Tre gai, bụi chuối, dứa dại phủ um tùm. Căn hầm đào sâu vào gốc tre, rộng chừng ba mét vuông, đà ngang đà dọc chắc chắn, lót mái bằng tấm ghi sắt của Mỹ. Đây là hầm trú pháo của gia đình ông Sáu đào từ Tết Mậu Thân, phòng khi pháo bắn vô làng. Nền hầm lót bằng sạp gỗ, có lỗ thông hơi nên thoáng mát nhưng kín đáo. Hầm ngay sát với đầm nước của làng. Đầm nước rộng hàng mẫu, quanh bờ đầm mọc đầy cỏ lác. Một phần đầm nước dân làng trồng sen. Một phía của đầm là bãi mồ mả. Y không tiện hỏi chú Sáu, vì sao đêm 23 tháng 7 đi không lọt. Y chỉ nhớ láng máng rằng, lúc hai chú cháu lần mò trong đêm tới sát đường quốc lộ. Y đã nhìn thấy lùm tre đen và mái nhà tôn của quán mụ Tr. phía xa thì giật mình nghe tiếng mìn nổ ngay phía hướng quán. Đạn bắn như vãi thóc trên đồng. Có địch phục kích. Chú Sáu kéo ngược y chạy trở lại đường cũ... Chỉ vài phút đã nghe tiếng cối 81 ở chi khu Hương Trà bắn ra. Rồi pháo Từ Hạ. Y không còn nhớ gì nữa.

Đến khi tỉnh lại, y thấy mình nằm ở đây, băng bó đầy mình.

Thêm một lần y đội ơn ông Sáu Đến cứu mạng.

Buổi tối, ông Sáu mang cháo, mang sữa cho y. Ông nói cụt ngủn.

- Tối hôm tôi đưa chú đi, ai ngờ gặp địch. Tụi bảo an phục quân ở đường rày (đường xe lửa). Sáng hôm sau, lính quận về bắt mụ Tr. đi rồi. Lúc tôi đưa chú trở lui, bị pháo bắn... Đưa chú về được đến đây, tôi nghĩ trận này e chú chết... Lạy Chúa! Mạng chú còn to lắm đó.

- Sao chú Sáu lại đưa tôi ra trú ở đây? Không sợ lộ sao... - Y hỏi nhỏ.

- Giấu chú chỗ ni mới bất ngờ. Ở đây khuất nẻo, bên ngoài là đầm lầy, sau nữa là bãi mồ mả sát sông Bồ, ít người dòm ngó. Chú cứ tạm ở yên đây, tôi lo thuốc thang cho chú... Cái chân chú hỏng thiệt rồi. May mà không nhiễm trùng...

Ông Sáu Đến nói với y rằng: Ngay buổi sáng 24, đài phát thanh Tự do Huế đưa tin, trong đêm Đại đội bảo an số 23 đã tiêu diệt được 9 cộng quân tại cây số 14 và ấp xóm Mới. Quân đội quốc gia thu hai súng phun lửa B40, 3 cây AK Trung Cộng và bắt sống được một tù binh bị thương nặng.

Ai là người lính giải phóng hay quân của huyện xã trong chuyến đi giải cứu cho y không may bị phục kích, lại còn bị bắt? Y đã rụng rời chân tay khi nghe tin mụ Tr. cũng bị lính quận về giải đi. Có lẽ hơn ai hết ngoài cấp chỉ huy chỉ có mụ Tr. và ông Sáu hiểu rõ nguyên nhân vụ nổ súng ở cây số 14. Hẳn nhiên, bộ đội, cán bộ huyện xã về đón y. Liệu mụ Tr. có khai ra y và ông Sáu Đến không?

Nghe y nói ra điều phấp phỏng lo sợ ấy, ông Sáu Đến nhìn y, rồi bảo:

- Chú đừng ngại! Mụ Tr. vào nhà giam ở quận như đi chợ. Bữa mô bộ đội về đánh ở vùng này, lính quận, mấy ông ở xã chả lôi mụ lên tra hỏi. Lính quận thừa biết mụ Tr. và dân trong các ấp Phú ổ, La Chữ, Văn Xá bán gạo, đồ hộp cho V.C nhưng ngó lơ, nếu không chúng bán hàng lậu cho ai. Vả lại, mụ Tr. có con làm to ở Sài Gòn, chỉ cần một cuộc gọi của con trai mụ ở Sài Gòn ra, đám lính quận phải thả ngay. Ai dám dây vào một mụ già đã gần đất xa trời lại có con là tay chân của ông Thiệu?

Con trai mụ Tr. là ai? Làm gì mà có quyền thế đến vậy. Ông Sáu không đả động đến. Ông Sáu còn kể lại rằng, mụ Tr. ngày bán Lare, thuốc lá, buôn gạo, đồ hộp của lính, đêm mụ bí mật bán hàng của nhà binh cho bộ đội, du kích. Lần nào địch tra hỏi mụ Tr. cũng chỉ một câu trả lời:

- Tui làm nghề buôn bán, phải kiếm lời. Có vậy mới đủ tiền nuôi thằng Năm Biên ăn học, giờ làm việc cho ông Thiệu.

Đến ngữ ấy, đám lính tra mụ đành chịu.

Dễ có đến hàng chục đêm y không dám chợp mắt. Lòng thấp thỏm lo sợ, phòng xa. Và day dứt với ý nghĩ, thêm một lần mắc nợ với đồng đội và người dân xứ này. Đã có lúc đầu y muốn nổ tung với ý nghĩ “thà y trúng đạn chết đi cho xong”. Chết... Y sẽ không còn vương vấn nợ đời. Không còn phải lo nghĩ, hối tiếc. Không còn phải đau đớn vì vết thương. Không còn những giây phút phấp phỏng lo sợ giữa đêm bò ra dỏng tai nghe ngóng động tĩnh. Hóa ra là tiếng con chồn, con cáo chạy loạt soạt ngoài bờ tre. Lũ chuột ở đây đã quen y đến mức không còn biết sợ người. Y cũng biến chúng thành bạn. Sau lúc ăn, bao giờ y cũng dành cho bầy chuột chút cơm nguội, mẩu bánh mì để đêm khuya mấy con chuột ra ăn, tha về tổ. Chúng kêu chi chít bên tai.

Y tự an ủi mình rằng, đây là vùng sâu, địa hình hiểm trở, chẳng có thằng nghĩa quân, dân vệ, lính bảo an nào lại nghĩ có V.C trốn ngay trong vườn nhà một ông “nguyên” là ấp phó. Bất ngờ là ở đấy. Dẫu vậy, sau ngày mụ Tr. bị bắt, y vẫn phấp phỏng lo sợ. Không ngủ được. Mãi đến gần sáng, mệt quá y thiếp đi. Chỉ đến khi nghe tiếng con chim ngũ sắc lảnh lót hót trong bụi tre, y mới bừng tỉnh...
Ngoài đầm nước, sương chưa tan. Vào mùa hạ, những cây sen mọc cao trên mặt nước, hoa sen thơm ngát. Hàng ngày, trong làng vẫn có người ra hái sen. Đâu đó, phía bên kia đầm có tiếng người khua cá, giăng lưới... Tiếng chuông nhà thờ lại đổ nhịp rung vang. Âm thanh trong trẻo, yên bình, tưởng như vùng đất quê này chưa hề có chiến sự...

Trong ngày, thời gian với y là vô tận. Cái hốc hầm trú ẩn dưới bụi tre gai và chiếc sạp gỗ là thế giới riêng dành cho y. Y xoay trở trong cái hốc chẹt chưa đầy hai mét vuông được phủ kín bằng những cành tre gai, những khóm dứa dại...

Ăn, nghỉ, uống thuốc, dưỡng thương. Ông Sáu Đến lệnh cho y như vậy. Mọi việc để tôi tính.Y có cảm giác mình hệt như một anh lính đã bị tước mất vũ khí. Bị loại ra khỏi vòng chiến. Chân cẳng như thế này, y có lên được căn cứ, đơn vị cũng đưa đi viện và cho ra Bắc sớm. Chỉ ý nghĩ được trở lại quê hương đã làm y sung sướng... Thậm chí, y còn tự huyễn hoặc mình cái giây phút trở lại với con đường làng Lôi thân thuộc. Như thể y còn ngửi thấy được cả mùi phân bò, phân trâu hăng nồng trên con đường đất lầy lội sau đêm mưa. Mùi khói tỏa ra từ mái rạ của căn bếp lụp xụp... Ai sẽ là người đầu tiên hiện ra trước mắt y...

Chỉ đến khi nghe tiếng cành rào tre loạt soạt ở bên ngoài, y mới bừng tỉnh, phá tan giấc mơ khi nhận ra bóng áo đen của ông Sáu lấp ló sau bụi chuối.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 09:36:23 am »

10

Dấu yêu ạ!

Đọc những dòng anh viết, em muốn khóc.

Anh không được chết.

Anh càng không có quyền được chết.

Anh thật sự muốn chết vậy sao?

Anh không nghĩ rằng, nếu anh chết, rời xa thế giới này một cách vô ích, anh mang tội với cha em, với những người mà anh gọi là “đồng đội”. Và phụ lòng cả với em.

Cha em đã vì anh vượt qua bao hiểm nguy để cứu sống anh, chữa chạy thuốc men cho anh... Anh nỡ bỏ ông sao?

Em biết anh đang day dứt về chuyến lên rừng không thoát, lại còn bị thương. Đấy là sự không may, hên xui ở đời. Nào ai muốn... Nhưng máu đã đổ. Anh phải nghĩ, cả cha em và anh còn sống nguyên lành về được đến đây đã là may mắn lắm rồi. Còn với riêng em, từ trong sâu thẳm, em cảm ơn trời Phật, cảm ơn cha em đã run rủi cho em được gặp anh... Nghe chừng phi lý phải không? Một đứa con gái suốt bao năm trời chỉ biết làm nũng bà dì, dè chừng khép nép mỗi khi gặp cha đẻ, ăn và đi học, vui chơi cùng bạn bè và những tưởng cuộc đời này hoa hồng đang trải rộng để đón vào đời. Được cưng nựng, trìu mến. Và ao ước một ngày kia được trở thành một cô giáo có đám trò nhỏ vây quanh. Chuyện chiến tranh, đôi bên bắn giết nhau... Em có nghe nhưng ở đâu xa lắm. Những ngày Huế mưa dầm dề trắng trời, thối đất, em cùng lũ nhỏ bạn cúp cua ra ngồi trong quán cà phê, nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Lòng buồn da diết, bâng khuâng. Nghe tiếng pháo, tiếng bom nổ ùng oàng, xa vắng. Tụi bạn kháo nhau:

- Pháo ông Thiệu bắn đó.

Đứa khác cãi:

- Xì, cóc phải. Pháo “bên tê”.

Chỉ đến một ngày xuân “kinh hoàng” Mậu Thân, em mới thật hiêu thế nào là chết chóc, là chiến tranh. Từ chiều Ba mươi Tết, em và dì Bảy đã đóng cửa hàng ngoài chợ, thu dọn đồ về làng ăn tết với ông ngoại. Em đã phải sống một đêm giao thừa hãi hùng. Ông ngoại vừa thắp xong tuần nhang cúng gia tiên. Em theo dì Bảy tới bàn thờ cúng mẹ đã nghe thấy tiếng súng nổ râm ran ở phía bên kia sông, phía làng Nham Biều. Chỉ ít phút sau, một tiếng nổ lớn ở phía Kim Long. Ngoài con đường đá phía bên chùa Thiên Mụ, tiếng xe ôtô rú còi. Có một ai la to:

- V.C tấn công...

Dì Bảy hoảng hồn vội kéo tay em chui vào trong buồng. Ở đây, ông ngoại em không rõ từ bao giờ đã đào sẵn một căn hầm tránh pháo. Nắp hầm phía trên có bộ ngựa dày, hàng ngày ngoại hay nằm và khi nào có động, ngoại thường chui xuống căn hầm đào ngay trong nền nhà tránh đạn.

Làng Xuân Hòa, mé trên là làng An Ninh Thượng, V.C hay về, đụng độ với lính bảo an, dân vệ thường xuyên. Sợ tên bay đạn lạc nên ít khi ngoại cho phép dì Bảy và em ở lại làng ban đêm. Tết này, nghe bảo hai bên ngừng bắn để cho dẫn ăn Tết. V.C về làng... Vậy là đánh nhau to rồi.

Sáng mồng Một Tết, em vẫn nghe súng nổ râm ran trong Thành Nội, nghe có cả tiếng pháo bắn. Phía bên kia sông, làng Long Thọ có khói bốc cao. Phía ngoài con đường kiệt chạy qua trước cửa nhà, nghe rõ tiếng chân người chạy. Em sợ, vẫn nằm im trong hầm. Dì Bảy từ ngoài đi vào, ghé tai em nói nhỏ.

- Con ở nguyên trong nhà. Không ra ngoài. Giải phóng về đầy làng... E phen ni đánh nhau to hung!

Em bảo dì:

-Ta về nhà trên Huế đi dì. Ở đây con sợ lắm...

- Đi răng được. Bộ đội giải phóng về đầy ở Kim Long... Cầu Bạch Hổ, cầu Tràng Tiền, lính hai bên đang đánh nhau, về nhà răng được? Cứ ở yên đây. Khi mô êm thì dì cháu ta đi.

Lần đầu tiên em được nhìn thấy bộ đội giải phóng, anh à! Họ chẳng giống chút nào như những hình người trong tấm tranh vẽ dán ở phòng thông tin “bảy người đu một cọng đu đủ không gãy”. Toàn là điều nhảm nhí.

Bây giờ em được gặp anh, ngay trong nhà cha em. Được nhìn tận mắt, sờ tận tay... Hóa ra, V.C cũng là người bằng da, bằng thịt, hiền lành và... thật dễ thương. Em càng không thể nào tin những người lính như anh cũng thuộc thơ tình Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... Nghe thầy giáo em bảo “ngoài nớ cấm thơ tình”. Các ông ấy bị chính quyền đưa đi lao động, cải huấn cả rồi... Điều ấy có thật không anh?

Em càng ngạc nhiên hơn khi cái lần anh đọc thầm cho em nghe từng đoạn dài bài giới thiệu “Một thời đại trong thi ca” của các ông Hoài Thanh - Hoài Chân. Em được đám nhỏ bạn gọi đùa là con mọt sách mà còn chả thuộc. Thật xấu hổ... Em hiểu ra một điều, “ngoài tê” họ cũng không cấm học sinh đọc thơ tình. Thầy giáo của em lại bảo “họ cấm tuốt”.  Nghe em hỏi vậy, sao anh lại cười... Em cứ nghĩ hoài câu nói của anh. Anh nói răng hè? “Cuộc chiến tranh làm phân ly đất nước ta, mới chỉ có hơn mười lăm năm đã làm cho người dân một nước thành người xa lạ... Đáng sợ thật! Chẳng lẽ những người lính giải phóng như các anh đây không biết yêu... Không được đọc thơ tình... V.C, bộ đội giải phóng hay ai nữa, cũng là con người, là dân một nước...”.

Nhưng đến khi anh nói câu này thì em không giữ được dòng nước mắt cố kìm nén, bật tuôn trào. “Em có biết điều mơ ước nhất của anh lúc này là gì không? Được một lần trở về úp mặt vào lòng mẹ để tạ lỗi với bà. Được ngồi cùng cha mẹ anh bên mâm cơm ăn bát canh cua đồng...”.

“Canh cua đồng là răng anh?”. Em muốn hỏi mà lại ngại, sợ anh chê con gái Huế không biết nấu ăn.

Từ ngày quen biết anh, em vỡ ra nhiều điều trước nay chưa từng biết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 09:44:49 am »

11

Về nghỉ hè, Hương Giang có một món quà đặc biệt dành cho y. Đó là chiếc đài radio, hiệu National 3 pin đại. Nàng còn đưa cho y cả chiếc tai nghe có sợi dây màu đen. Muốn nghe đài, nghe nhạc y chỉ việc cắm chiếc tai nghe vào chiếc đài, vậy là y nghe thoải mái, âm thanh không phát ra ngoài.

Nàng bảo y:

- Để anh nghe nhạc cho đỡ buồn!

Suốt ngày nằm trong nơi ẩn nấp phía sau vườn, đầu óc y luôn căng thẳng. Dỏng tai nghe ngóng từng động tĩnh phía trong nhà, ngoài con đường kiệt băng qua khu vườn nhà ông Sáu. Chỉ khi màn đêm buông xuống, làng xóm yên tĩnh, đầu óc y mới thảnh thơi, bớt căng thẳng.

Vết thương ở chân mỗi ngày một khá hơn nhờ những mũi thuốc kháng sinh và thuốc uống của cha con ông Sáu mua ở Huế mang về. Hàng đêm y chờ đợi tiếng chân của ông Sáu, của con Xíu bí mật mang cơm cháo ra tiếp tế. Vào mỗi buổi chiều thứ Bảy, y còn mong ngóng tiếng xe Honda của nàng từ Huế về thăm nhà.

Từ khi biết tin ông Sáu làm chuyện động trời, nàng hay về làng Dương thăm cha. Nàng lấy cớ ở Huế đắt đỏ, về làng chở gạo, rau cho dì Bảy. Có bữa nàng còn mua cả một xe balua chở đầy kiệu, rau, củ, quả để cho dì Bảy bán buôn ở chợ Đông Ba. Y biết rõ đây là cách ông Sáu và nàng muốn che mắt tụi tề điệp. Nhưng cũng vì nàng hay về nhà mấy người bạn học cũ của nàng trong ấp, trong xã ngày trước bỏ học ở nhà lấy chồng, giúp việc buôn bán cho gia đình hay ghé thăm chơi. Một số thanh niên dân vệ, lính tráng đóng quân ở chi khu cũng hay lảng vảng vô nhà lấy cớ ghé thăm ông Sáu, tán tỉnh nàng. Ông Sáu Đến biết đấy là một việc làm nguy hiểm nhưng không có cách gì ngăn cản được đám thanh niên cũng như lời khuyên ngăn con gái.

Hương Giang bảo cha:

- Ba đừng ngại, con có về thăm ba mấy ông không nghi... Còn chuyện mấy thằng lính tới nhà tán tỉnh ba cứ để con lo.
Có một buổi chiều, Hương Giang đi trên một chiếc xe Jeep về làng Dương. Lái xe là một viên trung úy Ngụy. Những người quen biết gia đình ông Sáu ở chợ Hương Cần, ở quận, ở làng Cổ Liễu, làng Dương nhìn thấy Hương Giang đi cặp kè với anh trung úy, ai cũng tin hai người cặp bồ. Họ kháo nhau Hương Giang dẫn người yêu về thăm ông Sáu Đến. Đám lính dân vệ, thanh niên trong làng nhìn thấy viên sĩ quan có phong độ oai vệ, lại có Hương Giang cặp kè bên, ai cũng ngại.

Ít ngày sau nàng mới cho y hay, viên sĩ quan Ngụy trẻ đẹp trai ấy là anh họ của nàng đang làm việc ở Vùng 2 chiến thuật có công chuyện mang máy móc thiết bị ra cho đơn vị đóng quân ở sân bay Phú Bài, nhân thể ghé thăm nhà. Hương Giang mượn người anh họ che chắn cho nàng. Thông tin ấy phá tan mối nghi ngờ ở ngay chính y khi cứ thắc mắc hoài về người sĩ quan Ngụy.

- Anh họ em tên Đào, ở Nha Trang - Hương Giang bảo y vậy - Anh ấy có vợ rồi. Hai vợ chồng có một cháu nhỏ ba tuổi. Anh biết không, em phải đưa anh Hai về làng để dọa đám lính và thanh niên trong làng không đeo em.

Y tin điều nàng nói là thật. Y còn linh cảm mơ hồ rằng từ lúc quen biết y, hiểu rõ hoàn cảnh của y, nàng có cảm tình với y, cùng với cha che giấu y trong nhà. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng trở thành một cái vỏ bọc quan trọng thứ hai cho y trong căn hầm trú ẩn này.

Chiếc radio đối với y trở thành báu vật. Chỉ cần cắm tai nghe, bật volume y đã dò ra sóng của đài Tiếng nói Việt Nam, đài Giải phóng. Rõ nhất là đài Phát thanh Tự do Huế, đài Sài Gòn. Y còn lần mò ra được cả sóng của đài RFI, BBC, đài VOA... Chiếc tai nghe nhỏ bằng đầu đũa trở thành sợi dây giao cảm giữa y với thế giới bên ngoài. Mỗi lần mở đài Hà Nội, y nín thở để nghe giọng cô phát thanh viên đưa những tin tức sốt dẻo về miền Bắc. Ngong ngóng đợi chờ coi thử có mẩu tin nào về vùng quê nơi có cái làng Lôi nhỏ bé của y. Vẫn là chuyện muôn thuở. Máy bay Mỹ vẫn tiếp tục ném bom miền Bắc mỗi ngày một thêm quyết liệt, dữ dội. Tin bộ đội, du kích, dân quân bắn rơi Thần sấm, Con ma. Hạm tàu Mỹ nã pháo vào Cồn Cỏ, Vĩnh Linh. Thanh niên xung phong mở đường cứu xe, cứu pháo... Trai gái các làng hăng hái tòng quân lên đường. Có nhiều tấm gương điển hình ở các làng, các xã. Thanh niên, học sinh lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy dệt Nam Định, Bến Thủy bị bom ném. Hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương nô nức học tập theo phong trào “Cờ Ba nhất, gió Đại phong”, các nơi noi gương nông dân Vũ Thắng làm bèo hoa dâu xây dựng cánh đồng năm tấn.

Làng Lôi của y cách không xa cái hợp tác xã Vũ Thắng tiên tiến ấy. Vào năm học cấp 3, nhà trường có tổ chức cho một số học sinh đi tham quan điển hình hợp tác xã Vũ Thắng. Y có dịp được lội xuống ruộng thả bèo hoa dâu, nghe chị đội phó đội sản xuất dạy cho cách nuôi bèo, bón phân cho lúa. Sướng nhất là đám học trò nghèo vốn luôn chịu đói được hợp tác xã đãi một bữa cơm trưa ăn no với cá diếc kho tương. Còn năm học lớp 4 nhờ chăm chỉ, y thi đỗ vào cấp 2. Để thưởng cho con, thầy y đã cho đi chơi lễ hội chùa Keo. Hội mở vào tháng Chín âm lịch hằng năm. Cả đêm trước, y chộn rộn náo nức không ngủ. Tới khuya, y len lén nhìn qua cánh màn nâu thấy mẹ vẫn ngồi nắm hai vắt cơm to như cái đấu đặt trên cái mâm gỗ đang tỏa hơi nghi ngút. Mùi vừng rang thơm phức. Mẹ y ngồi chờ cho vắt cơm nguội để gói vào tàu lá chuối đã hơ qua lửa.

Gà gáy canh năm, y đã vùng trở dậy. Thầy y đã gọn ghẽ trong bộ quần áo nâu, khoác bên ngoài một chiếc áo đại cán cũ. Vắt cơm nắm đã cho vào chiếc bị cói được cột chặt ở giàn xe phía trước. Y ngồi ở gacbaga phía sau. Hai cha con khấp khởi đi trẩy hội. Con đường từ làng Lôi đến chùa Keo phải qua Vũ Thắng, qua chợ Thông, chợ Bồng... Lần đầu tiên trong đời y cảm nhận được niềm vui của một đứa trẻ đi hội. Chiếc xe đạp của cha con y băng qua những làng mạc, những cánh đồng lúa đang kỳ trổ đòng. Làng quê yên lành sau những năm chiến tranh. Nơi nào cũng giăng đầy khẩu hiệu hô hào nông dân hăng hái thi đua sản xuất xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, ủng hộ đồng bào miền Nam đánh Mỹ - Diệm, đấu tranh thống nhất đất nước.

Những khẩu hiệu giăng đầy ở các con đường làng, được viết trên những tấm bảng thông tin xây bằng gạch, bằng gỗ nơi cửa đình, bờ tường hợp tác xã. Con đường đến gần chùa Keo người càng đông. Có một đoạn đi dọc theo bờ đê sông Hồng, thầy y phải xuống xe dắt bộ. Đường bờ đê nhớp nháp sau mưa, cỏ mọc xanh rì, trơn trượt nhưng không vì thế mà giảm đi không khí náo nhiệt của lễ hội. Lần đầu tiên y được nhìn thấy những chú rối bơi lội nhảy múa trên mặt ao. Người đứng xem đông đặc, vây kín vòng trong vòng ngoài. Ở một bãi cỏ trước cửa chùa, chiếc đu tre cất lên cao vút có đôi thanh niên nam nữ đang nhún nhẩy. Dải lụa đỏ trên đỉnh cột cờ phấp phới bay...

Dạo ấy chiến tranh phá hoại của Mỹ chưa lan ra miền Bắc. Hội hè còn được mở, chưa bị nghiêm cấm. Người trong vùng đổ ra đi hội Keo rất đông. Trên con đường gạch dẫn vào chùa, người chen chân nhau. Y vừa sợ, nhưng vừa cố sức leo cho lên được tháp chuông chùa Keo. Bậc cầu thang gỗ dựng ngược. Y nhỏ người, luồn lách mãi sau cũng leo lên được tầng thượng, vươn cổ ra ngoài nhìn đám rước Thánh đi vào chùa và đón ngọn gió mát từ ngoài sông Hồng thổi vào. Quá trưa, hai cha con trở ra đến chỗ gửi xe đạp, bùn đất dính lem áo quần. Hỡi ôi, chiếc bị cói có hai nắm cơm vắt giành cho bữa trưa đã không cánh mà bay.

Thầy y làu bàu chửi thằng ăn cắp. Y vừa mệt, vừa đói lại buồn ngủ. Chỉ đến khi hai cha con đèo nhau về tới chợ Cọi ăn được mấy miếng bánh đúc y mới tỉnh cả người.

Bây giờ chùa Keo có bị bom Mỹ ném không? Đã lâu rồi từ ngày Mỹ ném bom ra miền Bắc, chẳng còn ai nhắc tới hội hè nữa. Thanh niên trai tráng đến tuổi lo đi nhập ngũ. Ngày giao quân là ngày hội của các làng các xã. Chuyện bộ đội đi Nam, đã có nơi này, nơi kia báo tử. Đấy là chuyện nhỏ, là nỗi lo, là nỗi đau của một gia đình; của các bà mẹ có con đi B. Đến như ngay ở quê nhà bom ném xuống cầu Bo, ném vào nhà thờ, phá tan hoang thị xã. Bom ném Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Người dân của làng quê y đã quen dần với những câu chuyện như thế. Họ quan tâm nhiều tới việc hôm nay bom ném vào các nhà máy, cầu cống ở đâu. Bộ đội bắn được mấy chiếc máy bay phản lực? Có bắt được phi công Mỹ hay không?.. Còn chuyện bom ném vào các trận địa tên lửa, các ụ pháo. Bom ném xuống cánh đằng làng trước khi máy bay phản lực Mỹ bay ra biển... Chỗ nào mà chả có người chết, nhà cháy?

Cùng đi một đợt nhập ngũ vào Nam với y có 17 đứa. Tất cả đều tốt nghiệp phổ thông cấp 3. Một đại đội tân binh 120 người lúc bàn giao cho Công trường V ở Rừng Thông chỉ còn được 80 tay súng. Một phần tư số tân binh đã không đến được chiến trường, họ rơi rớt dọc đường. Kẻ thì đào ngũ, người thì ốm đau nằm lại ở các bệnh xá dọc đường giao liên. Y biết những người ấy không đủ nghị lực và lòng dũng cảm để vượt qua sông Bến Hải, vượt qua dãy Trường Sơn... Đến cả đám bạn học với y vốn luôn bị mấy anh chính trị viên đại đội, cán bộ trung đội hay soi mói nhòm ngó tưởng trụ được cả, không có ai đào tẩu, thoái lui. Vậy mà chỉ sau vài năm về KX bám ở vùng giáp ranh Hương Trà, Phong Quảng cũng lần lượt rủ nhau ra đi.

Thắng - thằng bạn nối khố với y từ ngày còn mặc quần thủng đít đá bóng mất ở ngã ba Hương Trà trong một chuyến lạc rừng. Chiến Kỳ Bá mười ngày trước được nhận Huân chương Chiến công diệt bọn bảo an ở Phú Ổ... Chỉ ít ngày sau đã dính mìn Claymo của tụi lính Mỹ mũ nồi xanh phục kích ở An Đôn. Nghi “phở”, lính trinh sát của tiểu đoàn hi sinh khi về bám dân ở Lai Bằng. Nam “mực” liên lạc cho tiểu đoàn trưởng Bậu trúng bom ở Dốc Đoác. Thành, Tí “bẹp” bị bom trong chuyến đi gùi gạo ở hang đá. Nuôi “lò mổ” hi sinh khi bám địch ở dốc Đất Đỏ. Sơn “xạ thủ đại liên” bị thương khi giữ chốt ở Địa đạo 310 lúc lính Mỹ vào càn ở hậu cứ. Tùng “cháy”, Thịnh, Hiển, Cường, Kỳ... Những người lính trong đại đội tân binh luôn mơ ước một ngày được trở lại giảng đường trường đại học, kẻ sốt rét, người bị thương đã nằm lại dọc đường.

Y đã đi qua bao trận đánh lớn nhỏ. Bị thương vài lần nhưng không nguy hiểm, sốt rét đã thành mãn tính kinh niên. Sau những trận đánh, y trở thành kẻ lọc lõi trong chiến trận. Có nhiều kinh nghiệm khi bám địch. Xem qua con đường lính Ngụy, lính Mỹ đạp trong rừng, dấu lá nón còn tươi hay đã khô, biết rõ địch đi hướng nào, quân đông hay ít. Nhưng y không ngờ gặp nạn trên con đường sắt dẫn vào làng Bầu Tháp... May mắn là y không chết. Phúc lớn cho y gặp được cơ sở cách mạng cứu sống. Ác thay, thương tật đã loại y ra khỏi vòng chiến, nằm giữa vòng vây địch, không có đường lên xanh. Đồng đội đã không quên y. Đã có những người vì y mà chết, bị địch bắt, tra khảo, tù đầy.

Nếu không có cái neo bám cuối cùng là căn hầm trú ẩn này cùng với ông Sáu và nàng... Y sẽ ra sao đây?

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 09:49:16 am »

12

Ông Sáu Đến báo cho y một tin không vui.

Sự cố ở quán mụ Tr. trong trận phục kích bộ đội, du kích về cây số 14 chỉ là bước khởi đầu cho một chiến dịch càn quét, thanh lọc có quy mô rộng lớn ở vùng ven đô Huế.

Suốt những tháng mùa khô, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đưa quân lên càn miền Tây. Những trận đánh lớn của Sư đoàn 324 phối hợp với bộ đội đặc công, pháo binh quân khu chặn đánh Mỹ ở Dốc Chè, Động Chuối, Bốt Đỏ, đường 12. Còn vùng hạ lưu sông Bồ, sồng Hương, vùng giáp ranh với đồng bằng, lính Ngụy thuộc Sư đoàn 1 bộ binh đổ quân cắm chốt ngăn chặn các đơn vị bộ đội địa phương về bám dân. Mục tiêu trọng điểm của địch là nhanh chóng xây dựng các cứ điểm ở Hòn Vượn, ở điểm cao 360, ở Chóp Nón, Động Dài. Căn cứ Bình Điền ở đường 12 được tăng cường phòng thủ. Suốt ngày vùng giáp ranh, hàng trăm đợt máy bay vận tải H34 chở quân, chở vật liệu xây dựng, lô cốt, dây kẽm gai gia cố các căn cứ. Máy bay trinh sát OV10 quần đảo suốt ngày trên bầu trời giáp ranh. Máy bay trực thăng vũ trang, cán gáo rà thấp trên các cánh rừng bắn rốc-két đạn 40 ly vào các điểm nghi ngờ có V.C đóng quân. Chỉ cần một quả pháo điểm khói bốc cao, lát sau các trận địa pháo ở đồng bằng đã bắn lên phá nát các cánh rừng.

Hòn Vượn, một điểm cao nằm ở phía tây bắc Huế chính thức trở thành một cứ điểm mạnh của địch. Có trận địa pháo, có xe tăng và lính bộ binh. Những năm trước đây đã có lần Đại đội 3 của y tăng cường cho Tiểu đoàn pháo K35 từng đưa pháo ĐKB lên đỉnh Hòn Vượn để bắn vào Mang Cá. Hòn Vượn như con mắt độc nhìn thẳng vào Huế khống chế một dải đồng bằng ven biển và chi viện cho vùng rừng núi thượng nguồn sông Bồ, sông Hương bằng hỏa lực pháo binh. Vì vậy, quân Ngụy có người Mỹ yểm trợ quyết biến Hòn Vượn thành một bức tường thép án ngữ ở phía tây. Một con đường chạy vòng quanh Hòn Vượn, được công binh Ngụy khai thông đủ cho xe kéo pháo, đưa xe tăng lên đỉnh. Xung quanh cứ điểm Hòn Vượn địch giăng hàng rào dây thép gai hàng chục lớp xen giữa là các bãi mìn. Đỉnh Hòn Vượn bị cạo trọc, đường hào, lô cốt vây quanh. Các khoảng rừng già dưới chân cứ điểm pháo cối nã xuống đêm ngày không theo một quy luật nào cả. Tướng Ngụy Ngô Quang Trưởng đã từng bay trực thăng lên đỉnh Hòn Vượn và tuyên bố trên Đài Tự do Huế. “Đặc công V.C có cho kẹo cũng không đủ sức đánh Hòn Vượn”. Quả thật, bộ đội trinh sát quân khu nhiều lần mật tập vào Hòn Vượn đều dính mìn.

Ba vị trí khác là đồi Am Cây Sen, Từ Hạ, Đồng Lâm trở thành ba trận địa pháo của quân Ngụy hỗ trợ cho miền tây bắc Huế. Ở làng Dương, ban ngày nằm trong hầm y cũng nghe rõ tiếng đềpa của các trận địa pháo mỗi khi bắn lên rừng.

Không biết vì vô tình hay cố ý, ông Sáu Đến còn cho y biết thêm: Chị Nguyệt, chị Chồn, O Cúc bị lật hầm. Địch bêu đầu chị Nguyệt ở chợ La Chữ để thị uy người dân trong vùng. Mụ Tr. từ bữa bị bắt đến nay chưa được thả về. Nghe bảo địch đưa vô nhà giam Đà Nẵng. Y không tiện hỏi ông Sáu Đến lấy nguồn tin ấy từ đâu ra. Vả chăng có hỏi chắc gì ông đã nói. Nhưng y biết trên xanh đang gặp khó. Vào những lúc trong làng yên tĩnh, không có địch, y đã mạo hiểm bò ra sát mép bờ tre quan sát. Trời xanh ngằn ngặt, bằng mắt thường y cũng có thể thấy được những rặng núi xa mờ in trên nền trời phía tây. Hướng ấy, ban ngày không lúc nào ngớt tiếng nổ của bom, của pháo. Tiếng máy bay trực thăng phành phạch. Tiếng máy bay trinh sát OV10 quần đảo trên bầu trời. Một vài tốp máy bay phản lực rít bay qua đầu... Trên cánh đồng làng Dương vẫn im ắng như tờ, thấp thoáng bóng những người dân đang cuốc cỏ lầm lũi.
Y còn chôn chân ở đây đến bao giờ? Ai sẽ là người về đây giải thoát cho y trở lại rừng?


*
*     *

Trời Huế đổ mưa.

Mưa rả rích suốt cả tuần liền. Những trận mưa ở Huế thật đáng sợ. Bầu trời như sụp xuống trong những cơn mưa sầm sập kéo dài không bao giờ dứt suốt cả ngày trời. Mưa đêm rồi lại mưa ngày. Tạnh được một lúc tưởng bớt nhưng chỉ một lát sau những cơn mưa lại kéo đến. Nước từ trên rừng ào ạt đổ về các sông suối vùng giáp ranh và đồng bằng như thác lũ. Những con suối biến thành những dòng sông. Nước mênh mang tràn bờ nhấn chìm những cánh đồng trồng lúa, trồng màu, xóa sạch những con đường liên thôn, liên xã. Tất cả biến thành một biển nước chỉ còn chồi lên những dải tre xanh bao quanh các làng trông như những hòn đảo chơ vơ, cô quạnh. Trời đã đổ mưa, lâu lâu sét đánh, chớp nhì nhằng ngoài cánh đồng.

Rất may căn hầm nơi y trú ẩn nằm trên gò đất cao.

Nước lụt vô đường làng, lấp sấp trong vườn nhưng không tới được chỗ sạp nằm. Chỉ có điều trời mưa khiến cho căn hầm trở nên tối tăm, ẩm mốc, hôi hám.

Suốt những ngày qua không thấy ông Sáu Đến xuất hiện đưa cơm cháo cho y. Sẩm tối, không rõ mặt người mới thấy con Xíu vạch bờ rào gai chui vào, quần áo ướt như chuột lột. Nó mặc chiếc quần ống xắn cao quá gối, khoác mành pông-xô của Mỹ ôm chặt chiếc cặp lồng và mấy hộp sữa Ông Thọ.

- Ông Sáu đâu? - Y hỏi con Xíu.

- Cháu không rành! Ông biểu đi Huế thăm cô Hai. Đi từ hôm tê kia.

Tới khuya con Xíu còn mang ra cho y một tấm mền. Nó nói nhỏ vào tai y:

- Bữa ni mấy ông lính về nằm đầy ở sân nhà thờ chú Hai à.

Trời mưa. Tụi lính dân vệ kéo nhau về sân nhà thờ đóng quân. Y dặn dò con Xíu cẩn thận. Ngay từ chiều, lúc trời còn sáng, con Xíu đã đóng chặt cửa ngõ. Nằm ở phía sau vườn y nghe rõ tiếng chặt tre, tiếng tụi lính dân vệ gọi nhau í ới. Chúng đang căng tăng đóng trại và nổi lửa nấu cơm. Chừng hơn 8 giờ tối, tự nhiên đám lính dân vệ có lệnh rút ra khỏi làng Dương. Hai chiếc xe GMC từ ngả Hương Cần bật đèn pha sáng quắc chở đám lính về chi khu.

Có địch ở gần y không dám chợp mắt. Dỏng tai nghe ngóng mọi động tĩnh. Biết đâu tụi lính rút đi nhưng vẫn gài người ở lại. Chờ cho tới lúc hai chiếc xe chở lính đi đã lâu, kiểm tra thật kỹ lưỡng, y mới rời khỏi căn hầm ẩm thấp. Trời không mưa nữa. Đám mây giăng cũng tan loãng để lộ ra trên bầu trời một vầng trăng nhợt nhạt, ẩm ướt.

Không gian yên ắng đến đáng ngờ. Quãng quá nửa đêm, y nghe thấy tiếng súng con, tiếng cối cá nhân nở rộ ở hướng đường quốc lộ. Không lẽ mưa lụt như thế này bộ đội, du kích cũng về làng? Có thể, y nghĩ vậy. Đã nhiều lần y đã từng cùng với cánh lính biệt động của đội anh Đoàn, anh Có, chị Tâm về làng bám dân giữa những ngày mưa lụt đó sao. Đi đồng bằng ngày mưa dễ tạo ra sự bất ngờ. Tụi lính địch chốt chặt trên các ngả đường thấy trời đổ mưa thường vào trú trong các lều bạt dễ bị cánh lính trinh sát phát hiện. Đi lại giữa đồng nước khó khăn nhưng một khi đã bám được vào dân thì ít bị địch phục kích. Hoặc nếu có địch đóng trong làng cũng dễ phát hiện ra nơi chúng đóng quân. Chỉ cần vào được dân là có gạo, thực phẩm.

Còn nhớ mùa lụt năm ngoái, đơn vị của y theo chị Tâm về La Chữ mua gạo. Cả đại đội đã chịu đói nhiều tháng trời. Vất vả mất năm ngày, y cùng với bốn người lính trinh sát và chị Tâm mới đạp được con đường từ chân Động Ngang ra ngoài giáp ranh qua ngả khe Đá Liếp. Trời mưa lụt đồng bằng trắng nước. Các đơn vị lính Ngụy rút cả về lưng đồi. Toán trinh sát lọt được về đồng bằng cứ nhắm theo hướng ngọn đèn đỏ nhấp nháy trên tháp truyền hình. Hướng ấy là Phu Văn Lâu. Là kinh thành Huế. Lội giữa cánh đồng nước mênh mông suốt ba tiếng đồng hồ, cả tốp trinh sát mới bám được vào làng La Chữ. Con hói rộng vài chục mét ngày thường bao quanh làng bị mưa lụt nhấn chìm trở thành một dòng sông rộng chảy xiết. Cách vào làng tốt nhất lúc này là liều mạng băng qua cây cầu xi măng. Ngày thường địch hay nằm phục kích ở đây. Y bò về phía chị Tâm nói nhỏ.

- Chị cho anh em yểm hộ, em bò qua cầu. Nếu có địch phục kích phía đầu cầu bên kia chúng sẽ bắn, ta phát hiện được.

Chị Tâm vít đầu y lại gần, nói nhỏ:

- Quan sát kỹ rồi hãy lên cầu nghe em.

Y ép khẩu AK báng gấp sát người bò về phía cầu, dỏng tai nghe ngóng. Phía bên kia làng im ắng. Trăng đã treo cao trên đỉnh đầu. Lâu lâu một tảng mây bay qua làm không gian tối lặng. Y ghé sát tai xuống đất. Không một tiếng động, cẩn thận, y cầm một hòn đất vung tay ném mạnh qua phía đầu cầu bên kia. Tiếng hòn đất rơi bộp. Không có phản ứng gì của địch. Đến lúc ấy y mới băng qua cầu.

Vào hỏi cơ sở, y mới biết đầu giờ chiều có một đại đội bảo an đóng quân ở La Chữ. Trời tối, mưa to, địch sợ lụt rút cả lên đường quốc lộ. Sáu người trinh sát cùng với chị Tâm lọt về ấp mua được gạo, mì chay ông Phật, trà thuốc.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 09:52:13 am »

13

Dấu yêu ạ!

Huế mưa.

Những cơn mưa dầm dề không dứt.

Các con đường trong Đại Nội nước lên lút nửa bánh xe. Mấy đứa bạn em đi ghe máy từ Kim Long xuống biểu nước lên cao cả thước. Có nơi trong làng nước lụt ngang mái nhà. Chợ Đông Ba nước từ ngoài sông Hương tràn vào cũng dâng lên tới sạp. Từ mấy hôm trước thấy trời mưa, hai dì cháu đã thuê xe chở hàng về nhà.

Nước trói chân em trong nhà... Suốt từ sáng đến chiều em bị bao vây giữa những kiện hàng xếp đầy trên giường, trên sạp gỗ. Nấu cơm mấy dì cháu cũng phải kê cao để không bị dính nước.

Ngồi buồn em lại nghĩ tới anh. Cứ phấp phỏng lo sợ nước tràn vô nhà, nhấn chìm anh. Không biết con Xíu ở nhà có lo đủ cơm nước cho anh không? Thương cho cha em! Ông vô Đà Nẵng đến hôm nay đã sang ngày thứ tư vẫn chưa thấy về. Hôm trước gặp em ở nhà dì, ông chỉ nói được một vài câu:

- Ba có công chuyện phải vô Đà Nẵng gấp. Rảnh con thu xếp về qua nhà coi thủ con Xíu ra răng.

Em nhìn cha tỏ rõ vẻ ái ngại. Ông như hiểu được điều băn khoăn của em, lúc bước ra tới cửa ông nói nhỏ:

- Mọi việc ở nhà cha giao cho con Xíu. Nó còn nhỏ nhưng biết lo liệu mọi việc.

Dì Bảy không hiểu mối quan tâm của cha và em, có ý trách:

- Răng anh Sáu không cho con Xíu lên đây chơi với tui. Trời mưa lụt như ri.

Cha nói tránh chớ:

- Ở nhà còn heo gà ai trông. Mưa vài bữa là dứt chớ chi.

Dì Bẩy nhìn trời, chép miệng:

- Trời ni, e lụt. Anh Sáu mau đi rồi về.

Vậy mà trời lụt thiệt, anh à.

Buổi trưa nay trời dứt mưa. Em mặc áo mưa thả bộ ra bến xe Nguyễn Hoàng nghe ngóng. Bãi xe rộng, trời mưa lụt, các bác tài dồn về đây cả trăm xe. Các xe ôtô của hãng Phi Long, xe tải đậu kín trong bến. Những người khách quá giang đường dài bị mưa lụt níu chân đứng ngồi không yên trong các quán trọ. Họ uống cà phê, hút thuốc ngửa mặt nhìn trời. Nước sông Hương lên to. Lính công binh Ngụy đã tháo dỡ cây cầu phao Phú Xuân từ mấy ngày nay sợ bị lũ cuốn trôi. Xuân Mậu Thân (1968) V.C đánh sập một nhịp giữa cầu Tràng Tiền. Chính quyền đã thuê các kiến trúc sư người Pháp cho xây cây cầu mới. Nền cầu mới cao hơn cầu Tràng Tiền cả thước, gọi là cầu Phú Xuân, đến nay vẫn chưa xong. Xe nhà binh, xe tải chở nặng vẫn phải đi qua cây cầu phao để tiếp vận ra phía Bắc.

Đang đứng lơ ngơ trước cổng bến xe, chợt em nghe thấy có cậu lơ xe gọi to:

- Xe về Hương Cần đây! Có ai đi nữa không?

Mới nghe được vậy, em nhào vô chiếc xe đang nổ máy. Không kịp nói với dì Bảy một tiếng. Mặc kệ! Em liều. Em phải về với anh.
Chiếc xe băng qua cổng Thượng Tứ, con đường nhựa lênh láng nước. Ngó qua cửa xe, em nhìn sông Hương mà sợ. Nước lên mấp mé cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ. Nhìn dòng nước cuồn cuộn trên sông Hương, trông cây cầu đang xây dở thật đáng sợ, dòng nước lũ như muốn nhấn chìm. Nước lên to tràn hai bờ, mặt sông mênh mang. Ở phía bờ Nam, những hàng cây xà cừ, cây phi lao và cả khu trường đại học, những mái ngói của trường Quốc học, trường Đồng Khánh cũng nhập nhòa trong làn mưa dày đặc trắng mặt sông. Dòng sông chảy xiết cuốn theo từng mảng rác những cây cành từ rừng đổ về lừng lững trôi ra cửa biển Thuận An.

Chiếc xe khách chạy dầu diezen ra khỏi An Hòa đi trên đường quốc lộ số 1 về đến chi khu Hương Trà thì không đi được nữa. Con đường về Hương Cần bị cắt đứt. Em nhìn về hướng làng chỉ thấy một biển nước mênh mông. Các xóm ấp nổi lên như những gò bãi, chỉ thấy phơ phất những ngọn tre. Nóc nhà thờ làng Dương nhô cao, trông nhỏ nhoi đơn độc. Em chờ đến hai giờ đồng hồ cùng với mấy người đàn ông đi cùng chuyến xe về Hương Cần. Mọi người chèo kéo mãi một chủ đò, cuối cùng mới thuê được đò về làng Cổ Liễu... Giá thuê đò mắc cắt cổ. Không sao. Miễn là em về được với anh. Nhìn thấy anh ngồi co ro, trùm kín trong tấm pôngxô, núp dưới gốc tre, em thương hết nổi.

Và càng kinh ngạc hơn khi em hỏi:

- Anh ước muốn điều gì bây chừ?

Anh đã trả lời.

- Một nồi nước nóng để anh được tắm...

Đặt xoong nước lên bếp dầu, em đã khóc.

Và đêm nay, là đêm đẹp nhất của cuộc đời em. Vì anh, em đã không tiếc cuộc đời con gái. Đến với anh, em không ân hận chi hết. Định mệnh! Cứ cho là như vậy đã cột chặt đời em vào anh. Vào lúc này, em không hình dung cuộc sống rồi đây sẽ đẩy đưa em đi tới mô... Nhưng từ trong sâu thẳm, em thấy mãn nguyện. Em chấp nhận những gì xảy ra với chính mình. Chỉ biết rằng, em đã có được tình yêu của anh! Có những giây phút bên anh trọn vẹn.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 01:52:01 pm »

14

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang.

Y bừng tỉnh giấc. Theo một phản xạ bản năng, y vùng ngồi dậy.

Sao y lại nằm đây trong căn phòng có nệm ấm? Cánh màn trắng buông kín. Ngọn đèn dầu vặn nhỏ, ánh sáng phát ra từ góc nhà chỉ to bằng hạt đậu xanh. Mùi dầu thơm, mùi xà bông Mỹ tỏa ra dịu nhẹ. Tấm chăn mỏng che kín toàn thân gần như lõa thể của y.
Và bên cạnh, nàng cũng vậy, đang thiếp ngủ.

Một gương mặt trắng lòa xòa vài sợi tóc trên trán. Đây là lần đầu tiên y được nhìn nàng rõ và gần. Một gương mặt hiền thục nhưng vẫn ánh lên vẻ phong trần, âu lo. Phải mất một lúc y mới trấn tĩnh trở lại. Trí nhớ như một cuốn phim quay chậm để y hình dung những khoảnh khắc kỳ diệu vừa đi qua.

Xoong nước tắm thoảng thơm mùi lá xả tỏa ra trong căn phòng tắm kín đáo ấm cúng, dễ chịu. Y xấu hổ khi nhìn thấy chính bộ dạng của mình bị phơi trần trước con mắt của nàng. Y gầy gò và thật đáng thương! Nàng chỉ cười và nhẹ nhàng dội lên người y từng ca nước ấm. Mái tóc của y, bốn tháng nay không được cắt tỉa mọc dài che lấp cả tai. Râu ria lởm chởm bó lấy gương mặt gầy xanh. Nàng khoác lên trên người y một chiếc khăn tắm phảng phất mùi nước hoa. Cái mùi thơm ấy với y thật xa xỉ. Lúc nàng tỉa tóc và cạo sạch bộ râu của y, chìa ra một chiếc gương. Y không nghĩ cái gã đàn ông trong gương kia là mình.

Đã bao tháng, bao ngày, niềm ao ước duy nhất của y là được tắm... Mong muốn được tắm gội đi cả vào trong giấc mơ. Lúc tắm xong y đã buông ra một lời ngu xuẩn.

- Em cho anh trở lại hầm, kẻo...

Y kinh ngạc khi nàng nói:

- Không! Đêm nay anh ở lại đây. Ngoài trời đang mưa to. Nước dâng lên ngập hầm. Anh ở ngoài đấy, em không đành.

- Anh sợ... - Y lắp bắp.

- Anh sợ chi? Đêm tối như ri, địch mô dám vô nhà. Lúc em về làng, tụi dân vệ kéo lên chi khu cả rồi. Mưa lụt, nhà mô cũng lo chạy nước. Anh ở lại trong phòng em, mai tính sau. Vả lại có em ở nhà, chả ai dám vô đây.

Y chưa kịp mở miệng nàng đã khóa bằng một nụ hôn đến nghẹt thở... Lần đầu tiên, y biết thế nào là hơi ấm của một người con gái.
Tiếng chuông nhà thờ lại rung lên. Y còn đang lưỡng lự chưa biết tính sao, nàng đã tỉnh dậy và bảo:

- Anh cứ ở yên đây... Mọi việc em thu xếp.





15

Không biết Hương Giang đã nói với ông Sáu Đến những gì.

Buổi tối, ông Sáu mang ra cho y một đĩa xôi, nửa con gà và một phích nhỏ cà phê đã pha sẵn.

Ông Sáu Đến bảo y:

- Con ăn đi cho đỡ đói.

Ông Sáu Đến gọi y bằng từ con nghe vừa xa lạ, vừa trìu mến.

Y ngậm tăm không biết nói gì. Cũng chưa vội ăn ngay. Y định mở miệng xin lỗi ông Sáu và thú thật với ông mọi chuyện. Y chưa kịp ngắt lời, ông Sáu Đến vỗ vai y và bảo.

- Sự thể đã đến nước này... Các con không thể ở lại làng... Tự nhiên ông Sáu Đến làm dấu thánh.

- Cầu Chúa lòng lành thương các con!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 01:56:37 pm »

16

Từ tập vở Cogido thứ tư trở đi, tôi ít gặp những dòng ghi chép của mẹ tôi. Cha tôi viết cũng không thường xuyên nữa. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa họ. Trong cuốn vở này cha tôi viết từng đoạn, từng khúc như thể ông ghi để khỏi quên các sự kiện. Nhiều đoạn ông viết tháu, câu chữ ngắn ngủn, tôi đọc không hiểu gì cả.

Theo ngày tháng ghi trong tập vở, tôi đoán, từ cuối tháng 10 năm 1971 cho đến tháng 3 năm 1973, cha mẹ tôi trốn chạy vào Nha Trang.

Tôi biết chắc điều này vì tờ khai sinh của tôi ghi rõ ngày sinh, nơi sinh. Tôi sinh vào mùa thu, 1972. Còn nơi sinh, đó là một nhà hộ sinh tư nhân ở dưới chân núi Sạn.

Vào năm 2000 tôi về Nha Trang tụ hội với đám bạn sinh viên đại học vài ngày. Tôi đi chơi với bạn bè. Nghe mấy cô tiếp viên du lịch giới thiệu ở gần Tháp Bà Pônaga có suối khoáng nước nóng, tôi giả đò đi tắm nước khoáng nhưng kỳ thực là tìm tới núi Sạn coi thử nơi mình sinh ra sao. Một ngọn núi như trăm nghìn ngọn núi đá của miền Trung trơ trọi. Các xóm nhà dân mọc quanh chân núi. Nhiều nhà cao tầng đã xây lên cùng với khu chung cư. Tôi dò hỏi mấy nhà dân ở gần đó tên nhà hộ sinh Phước Dân. Nhiều người không ai biết. Mãi sau có người chỉ đường cho tôi đến nhà ông Tám Huyệt, một người trông nom mồ mả ở dưới chân núi Sạn. Ông Tám Huyệt cho hay, người chủ nhà hộ sinh Phước Dân đã bỏ nghề từ lâu. Sau ngày giải phóng, nhà nước không cho mở nhà hộ sinh tư nhân nữa. Nền đất cũ của gia chủ đã sang nhượng cho chủ mới, họ xây nhà nghỉ, phòng trọ. Khu vườn rộng phía sau nay trồng dừa, trồng đào lộn hột nằm gần Bệnh viện Da liễu.

Người làm chứng trong tờ giấy khai sinh của tôi là anh họ mẹ tôi, bác Nguyễn Văn Đào. Bác Đào là con ông bà Đạo, một người có họ với bên ngoại tôi ở làng Dưỡng Mông. Bác Đào là người con thứ của ông bà Đạo. Bác Đào đi lính, sống ở Nha Trang. Trong những trang viết của mẹ tôi đã từng mô tả bác là người đẹp trai. Gia đình bác Đào là người cưu mang cha mẹ tôi những ngày trốn khỏi Huế vào Nha Trang sinh sống. Bác Đào, viên trung úy Ngụy đã có lần đưa mẹ tôi về làng. Sau ngày giải phóng, bác cũng phải đi học tập cải tạo ở trại A30 ngoài Tuy Phước một thời gian. Vào năm 1986, bác Đào và gia đình đã sang Mỹ định cư, theo diện HO. Sau ngày cha tôi mất mấy năm, một lần bác Đào về Việt Nam, có ghé Đà Lạt. Gặp được tôi bác Đào mừng lắm. Sức khỏe của bác không tốt sau một lần tai biến, bác không còn nhớ nhiều tới chuyện xưa cũ.

Trong tập vở có một trang cha tôi viết chỉ vài câu ngắn gọn.

Xa rời tổ chuột” (Tổ chuột là cái chi ha? À phải rồi, nơi cha tôi ẩn náu) - Ông Sáu Đ. nói với y ngắn gọn: “Ơn chúa lòng lành cho tụi bay thương nhau trong nghịch cảnh như ri. Từ giờ ai hỏi nhớ nói tên con là Mai Văn Hoàng, hạ sĩ, thương phế binh nghe! Lính của sư đoàn dù, đóng quân ngoài Quảng Trị. Dân Bắc di cư... có vợ người Huế”.

Ở một đoạn khác cha viết:

Nằm lọt thỏm trong chiếc xe balua của Năm Lực. Chật chội. Mùi lá nón phơi nắng hăng nồng. Mồ hôi ướt đầm đìa. Lính chặn xe ở Phú Bài. Biển! Bãi biển nào đầy? Cầu Hai, Lăng Cô... Xe dừng ở hầm đèo Hải Vân. Gió lùa qua khe hẹp, y thấy dễ thở. Mấy ổ mì làm cho y khát nước...

Một đoạn khác cha tôi viết:

Ô tô rồi chuyển sang tàu hỏa ở Đ.N.

Y đã có một chuyến vô Nam bằng tàu hỏa trong goong tàu hàng chở gỗ.

Y nằm trốn chui lủi giữa những cây gỗ còn dính bùn dất nhưng trong cái ô vuông chật hẹp được lèn chặt bởi những cây gỗ tròn, to bằng cả người ôm, như thể ai đó đã cố ý dành cho y. Lại cảm thấy thoải mái, an lành. Chỗ y trú ngụ còn rộng rãi và thoáng mát hơn nhiều chỗ ẩn nấp trong chiếc xe tải chở đầy lá nón của ông Năm Lực.

Con đường sắt xuyên Việt đã có từ đầu thế kỷ XX. Đây là lần đầu tiên y đặt chân lên tàu trong vai một vị khách bất đắc dĩ. Ngày đi B, đơn vị huấn luyện của y đóng quân ở Yên Tử. Lúc xuất quân, cả tiểu đoàn tân binh được đưa lên những chiếc xe tải phủ bạt bịt bùng. Những chuyến xe bí mật chở quân vô Nam ngày nghỉ, đêm đi. Cho đến lúc đơn vị vào tới làng Ho, miền tây QB. thì leo núi. Vùng quê của y không có một ngọn đồi nào cao quá năm mét. Một vài gò đống thấp ở ngoài cánh đồng. Đáng giá nhất là những triền đê chạy dọc sông Hồng, sông Thái Bình, Trà Lý. Bờ đê là đỉnh cao của làng, nơi cất giữ những ngôi chùa, những cây đa có cả ngàn năm tuổi. Nơi đây không có một mét đường sắt chạy qua. Trong ký ức của những đứa trẻ chưa đi ra khỏi lũy tre làng, tiếng còi xe ô tô là biểu trưng cho hiện đại. Thân quen nhất vẫn là tiếng trống hội làng, tiếng trống hộ đê vào mùa lụt bão, tiếng kẻng gọi xã viên ra đồng. Ám ảnh trong giấc ngủ con trẻ là tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ, tiếng mõ lốc cốc tụng kinh của sư bà ngân vang, thanh thoát, quyến rũ trong đêm. Nhiều cụ già chưa từng biết mùi phở, huống chi vượt sông Hồng để được nhìn thấy con tàu hỏa có chiếc đầu máy chạy hơi nước phụt khói trắng trời, thở hổn hển mỗi khi vào ga hay leo dốc. Y là người may mắn hơn vạn đứa trẻ khác là đã có lần nhìn thấy tàu hỏa chạy ngang qua thành Nam. Dạo ấy, thầy y đi bốc thuốc cho mẹ ở một tiệm thuốc bắc gần chợ Rồng. Chả mấy khi cha con ra thành phố. Y được cha cho đi theo. Y được thấy con tàu và những thanh ray sắt... Một lần khác, y theo ông anh họ đi làm trong dịp hè ở tận Chũ trên Bắc Giang, ghé qua Hà Nội được nhìn thấy chiếc tàu điện leng keng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Y chưa bao giờ được một lần ngồi lên con tàu khách sang trọng ấy.

Hóa ra ngồi tàu hỏa có cái thú. Tàu chạy không xóc nẩy đít như đi xe của ông Năm Lực lúc có ổ gà, ổ voi. Đoàn tàu chở đầy gỗ, sắt thép, phế liệu qua các ga, ít bị chú ý. Khi tàu chạy, y không còn phải nằm bẹp như một con gián núp vào chỗ kín, không dám ho he dộng cựa. Khoang tàu chở gỗ có những cây gỗ dài cả chục thước xếp chồng lên nhau chừa ra cho y một khoảng rỗng chừng 2 mét vuông. Bên trên phủ bạt kín mít. Khoảng không gian đủ rộng để y trải bạt nằm, khi mỏi có thể ngồi dậy, ăn uống, đi vệ sinh vào cái bô. Mỗi khi đoàn tàu dừng, có khi tàu dừng cả vài ngày vì đường tắc, lúc yên tĩnh y có thể ngồi ghi chép lại những dòng này mà không sợ ai nhòm ngó. Các nhân viên nhà ga hỏa xa, lính tráng chả mấy ai lai vãng tới các toa tàu đã phủ bạt kín mít.

Sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tuyến đường sắt xuyên Việt chạy từ Sài Gòn ra Huế không còn an toàn, thông suốt. Gần chục năm nay những con tàu chạy trên đường sắt trở thành mục tiêu của bộ đội, du kích tấn công... nhằm vào các chuyến tàu chở lính Ngụy, chở vũ khí, đạn dược. Những trận đánh tàu hỏa xảy ra ở đèo Hải Vân, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, miền tây Phú Yên, Đèo Cả. Quân Ngụy biết V.C ít khi nhằm đánh vào các đoàn tàu chở dân, đám lính an ninh tiết lộ đã bày trò lắp xen kẽ những toa tàu chở khách móc thêm một số toa tàu chở hàng, chở các thiết bị quân sự. Để đề phòng bom mìn của V.C, ở phía trước đầu máy xe lửa chúng thường móc thêm một, hai toa tàu không. Giả sử tàu có bị dính bom mìn chỉ lật được những toa tàu không chở người và hàng. Sợ bị V.C tấn công trên các toa tàu, cánh công chức, thương nhân, sĩ quan Ngụy cao cấp, mỗi khi có công việc tới các tỉnh thường đi máy bay. Các đơn vị lính Ngụy chuyển quân dùng xe cơ giới. Đi qua đoạn đường giáp ranh với vùng giải phóng đều có xe tăng, xe bọc thép hộ tống. Thành thử con đường sắt trở nên vắng vẻ, cô quạnh. Tàu chạy từng chặng, chỉ dám đi ban ngày. Lâu lâu mới có một chuyến tàu hàng kéo theo một vài toa chở khách. Người đi tàu đa phần là dân nghèo, đi những đoạn đường ngắn phải vượt qua vùng đồi núi hiểm trở dễ xảy ra chiến sự, có V.C chặn đường.

Lúc chia tay ông Sáu Đến ở Huế, ông không cho y biết rõ lộ trình, phương tiện đi lại qua vùng có lực lượng quân đội Sài Gòn kiểm soát. Trong người y chỉ có một bọc áo quần dân sự, giấy thông hành và tấm căn cước đã thay tên đổi họ. Ông Sáu còn đưa cho y một xấp tiền Ngụy, trị giá mười ngàn đồng. Ông bảo để phòng thân. Chỉ tới lúc sắp khởi hành cùng với chiếc xe balua chở đầy lá nón, y mới được tiếp xúc với Năm Lực. Ông ta vừa là chủ xe vừa là tài xế đưa y đi khỏi làng Dương. Vào tới chợ Hàn, trời đã tối. Y được Năm Lực bàn giao cho một người có tên là Bi. Quãng nửa đêm, Bi dắt y lên tàu cùng với một bọc cơm nếp, can nước năm lít. Y không bao giờ hiểu được mối quan hệ bí mật giữa ông Sáu Đến với Năm Lực và Bi, nhân viên đi áp tải hàng trên con tàu đã nhận lời che giấu y. Chuyến tàu chở hàng lần này chủ yếu là gỗ, sắt, thép, phế liệu. Trời chưa tối, tàu đã phải dừng lại ở một ga nào đó. Sáng hôm sau yên lành, không bị tấn công, đường sắt an toàn, con tàu mới tiếp tục chuyển bánh.

Từ Huế ra Quảng Trị, con đường sắt vẫn còn đó nhưng tàu không chạy nữa. Mỗi lần băng qua quốc lộ 1 để về vùng sâu, y và những người lính giải phóng đều gặp lại những thanh ray quen thuộc. Hai bên đường có đường sắt chạy qua cỏ mọc dày. Thanh ray lạnh buốt sương đêm. Đã lâu rồi đoạn đường này chẳng có một đoàn tàu nào dám đi qua. Từ những năm 1964, 1965, 1966 bộ đội giải phóng thuộc Công trường IV trụ bám ở vùng Phú Lộc dưới chân đèo Hải Vân đã nổi tiếng với những trận đánh chặn tàu hỏa. Y vẫn còn nhớ trong những buổi học tập chính trị, nhiều lần Trịnh Tố Tâm được nhắc tên. Anh ta là một cán bộ trung đội được tặng huân chương chiến công nhờ những trận gài mìn, tiêu diệt địch, lật tàu ở đèo Hải Vân...


Nhân vật mà cha tôi viết trong tập vở của ông, sau này tôi đã cố lần tìm đọc trong một vài cuốn sử của quân đội từng viết về những trận chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế. Sau này tôi biết, Trịnh Tố Tâm từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 01:59:30 pm »

Cha tôi là người thích đọc báo, thích xem tivi. Vào mỗi buổi sáng ở trại Đầm Vịt, ông tìm mua cho được tờ Thanh niên, tờ Tuổi trẻ, tờ Công an thành phố. Người bán báo ở một sạp bán báo trong thị trấn biết tính cha tôi đã sắp sẵn những tờ báo quen thuộc, khi thấy ông tới là đưa ngay để mang về nhà. Cha tôi vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê vừa đọc báo. Đã có lần tôi thấy ông gạch bút bi đỏ dưới cái tên Trịnh Tố Tâm, hình như lúc ấy ông Tâm đang giữ một chức vụ gì đó quan trọng của chính quyền.

Tôi đang ngồi giải bài toán hình học ngay cạnh nơi cha tôi đang ngồi đọc báo, thấy lạ liền hỏi.

- Có chuyện chi vậy cha?

Cha tôi rít một hơi thuốc dài rồi nói:

- À, một người quen cũ của cha thời trai trẻ.

- Ông ta là chi với cha?

- Chả là gì! Bạn bè đi lính thời trước ấy mà!

Rồi cha tôi cười nói lảng sang chuyện khác.

Bây giờ thì cha tôi không thể bày cho tôi cách giải các bài toán, lý, hóa được nữa. Càng lên cao chương trình học càng khó. Nhưng từ năm tôi học lớp 1 cho đến lớp 7, lớp 8 tôi thường nhờ mẹ và cha tôi giải hộ cho những bài toán khó. Mẹ tôi mất, việc ăn việc học của tôi trông cả vào cha tôi. Ông chăm chút cho tôi nhiều hơn. Từ năm học lớp 9 chuẩn bị thi vào phổ thông trung học, ông đã thuê thầy dạy toán, lý, hóa phụ đạo thêm cho tôi tại nhà. Chỉ lạ một điều đã bao năm bỏ bút nghiên cha tôi vẫn nhớ vanh vách các công thức của môn hình, môn đại, môn vật lý.

Có lần tôi nịnh ông:

- Sao cha nhớ tài vậy? Cha bỏ học lâu rồi mà còn nhớ hơn cả tụi con.

Cha tôi đùa lại:

- Thưa chị cả, ngày trước tôi đã từng đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc.

- Sao cha không vô đại học?

- À, thời chiến chuyện binh đao cần hơn. Thanh niên phải ra trận trước khi nghĩ tới việc học hành, con gái yêu của cha ạ!
Suốt mấy chục năm sống ở miền Nam, cha tôi vẫn giữ nguyên giọng Bắc. Thỉnh thoảng ông mới pha tạp một vài từ khi giao tiếp với người địa phương.

Ở một đoạn khác trong tập vở Cogido, cha tôi viết:

Xưởng gỗ của nhà Hai Nhất rộng rinh rang nằm ngay giữa một vườn dừa. Chỉ riêng gian nhà xưởng đặt máy cưa cũng đã rộng hàng trăm mét vuông. Hai chiếc cưa Mỹ lớn xẻ gỗ như xẻ thịt. Những tấm gỗ đã xẻ sắp lớp xếp cao lên tận mái. Đây là vùng vạn chài cách Đèo Cả không xa. Đứng từ đầy nhìn về phía Bắc, y thấy dãy núi Thạch Bi Sơn lừng lững trong mây. Hôm đoàn tàu chạy từ ga Đông Tác vào tới Hảo Sơn để vượt Đèo Cả. Giữa trưa. Trời nắng chói chang. Đoàn tàu hàng kéo còi leo dốc rồi chui vào hầm tối om. Lúc tàu lao ra ngoài cửa hầm, biển ngay trước mặt. Gió lồng lộng thổi. Con tàu như một con rắn cụt đuôi kéo còi rầm rĩ, hổn hển leo dốc, uốn lượn men theo triền núi đá. Lần đầu tiên y được nhìn thấy biển gần đến vậy. Làng Lôi của y cách biển Đồng Châu, Diêm Điền có bao xa nhưng y chưa một lần ra biển. Còn ngay trên con tàu này qua khe hở hẹp, biển ùa vào trong mắt y. Như thể, y chỉ cần với tay ra là chạm vào những đợt sóng trắng đang đập liên hồi vào những tảng đá nhấp nhô, lởm chởm đua ra biển. Ngay trên đầu, những cây lang rừng, cây muống biên xanh rì đua ra từ các khe đá, giăng mắc trên những cành cày, nở đầy hoa trắng...

Đêm qua, anh Bi mang đồ ăn ra cho y và bảo.

- Hôm nay, tàu qua Vũng Rô. Chú núp cho kỹ nghe, kẻo V.C trên núi bắn bể sọ.

Bi đi rồi, y cười và nghĩ bụng. Giá như có một viên đạn nào của V.C vô tình bắn trúng, y cũng vui lòng và chấp nhận. Từ ngày rời làng Dương, y thấy thật chơi vơi, chạnh nghĩ mình giống một anh hề mang bộ mặt giả đi trên dây thép với cây sào dài cầm trên tay để giữ thăng bằng. Chỉ cần y trượt chân, mất bình tĩnh, hoảng loạn trong tích tắc là anh hề rơi xuống đất. Ngã là chết. Viên đạn lạc của đồng đội nếu vô tình có trúng y... Cũng vậy thôi. Thằng Đệ đã chết. Con đường trở về quê hương với y đã bị cắt đứt. Trong cái thân xác gầy gò, héo mòn giấu trong bộ quần áo dân sự cũ mèm là một thằng thương phế binh giả cầy mà ông Sáu Đến đã phải dùng tiền, vàng mua cho y trong lúc chạy trốn. Chạy đi đâu, về đâu trên con tàu cũng chênh vênh, chắp vá như chính cuộc đời y. Y muốn cười to khi nghĩ tới hoàn cảnh trớ trêu của mình.

Vậy y chết có sao đâu? Chỉ thương cho thầy mẹ y không biết chính xác ngày chết của y, chết ở đâu để thắp cho y một nén nhang... Việc ấy cũng chẳng quan trọng. Thực lòng nếu y phải chết thì chỉ thương số phận đã phụ công ông Sáu, và thương cho nàng. Nàng đã vì y, yêu y mà chịu bao nỗi đắng cay, gian truân, tủi hổ.

Rút cục, cả một đoạn đường đèo tàu chạy xuyên qua hầm, qua những khúc quanh hiểm trở không có một phát súng nào cả. Ở mỗi cửa hầm, y còn nhìn thấy thấp thoáng bóng áo của những người lính an ninh thiết lộ, những người công nhân hỏa xa cầm cờ, báo hiệu bình yên.

Hầm nối hầm. Tối rồi lại sáng. Gió thổi ào ạt ngả nghiêng cây rừng. Biển lại ùa vào mắt y.

Vũng Rô! Phải rồi đây là nơi chiến địa.

Vào những năm 1965, y đã từng nghe đài Sài Gòn hết lời ca ngợi chiến công của không lực, hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa tiêu diệt một con tàu của Bắc Việt chở vũ khí tiếp vận vào Nam. Y còn nhớ rõ giọng tay phát thanh viên của đài Sài Gòn giới thiệu người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã cho trục vớt tàu của V.C bắt được ở Vũng Rô cùng với hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược của Nga Xô và Trung Cộng đem về Sài Gòn triển lãm giới thiệu với báo giới.

Cũng trong một buổi họp quân chính toàn trung đoàn, có một anh phái viên của quân khu xuống truyền đạt nghị quyết cho KX, khi phân tích tình hình thế ta và địch trong những ngày Xuân Ất Tỵ (1965) có nhắc tới trận đánh của bộ đội quân Giải Phóng phối hợp với bộ đội du kích địa phương Phú Yên đã anh dũng bẻ gãy cuộc càn quét lớn của quân Ngụy có cả tàu chiến, không quân, bộ binh vào căn cứ Vũng Rô. Bên “ta” đã tiêu diệt một đại đội biệt kích thuộc lữ đoàn dù, thu vũ khí, bắt tù binh!

Lúc ấy y không hình dung ra được Vũng Rô là ở đâu? Chỉ nghe tin quân ta thắng trận đã là vui...

Nào ai ngờ có một ngày y được tận mắt nhìn biển trời Vũng Rô. Ngơ ngác nhìn những trái núi muôn hình vạn trạng đứng chơi vơi trên biển. Nước biển Vũng Rô xanh thẳm. Nơi ấy đã có những người đồng đội của y ngã xuống trong trận huyết chiến, tử thủ.

Biển đâu chỉ có màu xanh!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 02:06:37 pm »

17

Năm 1994. Tôi tròn 22 tuổi. Sinh viên năm thứ năm của Trường Đại học Thủy lợi 2. Tôi có cả hai tháng trời đi thực tập và tham gia vào đoàn khảo sát các công trình thủy lợi ở vùng Nam Trung Bộ.

Trưởng đoàn khảo sát và hướng dẫn đám sinh viên chúng tôi đi thực tập là thầy Năm Bê. Ngày ấy thầy mới ngoài 50 tuổi nhưng trong ngành thuỷ lợi, thầy Năm Bê được nhiều người biết tiếng và mến mộ. Quê thầy ở vùng Diễn Châu - Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông cấp 3, thầy ra Hà Nội học đại học. Thầy Năm Bê học giỏi có tiếng từ thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của nhà trường. Giải phóng miền Nam chưa lâu, thầy tình nguyện về công tác và giảng dạy ở miền Nam.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước thống nhất nhưng đây cũng là thời kỳ Tổ quốc đang đứng trước những thử thách lớn lao. Cả nước sống trong chế độ bao cấp. Đời sống nhân dân khó khăn.

Súng lại nổ ở biên giới Tây Nam và chỉ ít năm sau, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc; ở Tây Nguyên, Phun-rô mọc lên như nấm độc sau mưa. Những phần tử phản động và cả những người còn mặc cảm với xã hội mới tung tin thất thiệt, gieo rắc hoang mang, bôi xấu chế độ. Một loạt chính sách của nhà nước được ban hành, lấy mô hình từ những năm sáu mươi ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn. Nông dân góp ruộng vào hợp tác xã. Trong các đô thị thành phố, các thành phần thương nhân, tiểu thương bước vào cuộc cách mạng cải tạo “tư bản, tư doanh”. Nhà nhà, người người giương cao ngọn cờ “làm chủ tập thể”. Người dân miền Nam trong các vùng đô thị quen dần với tem phiếu, đi xếp hàng mua gạo, thực phẩm từ ba giờ sáng... Một số phần tử bất mãn với chế độ, thấy cuộc sống ngày một khó khăn, họ không tuyên bố, không công khai, những gia đình ấy còn giấu được chút tiền bạc lặng lẽ rủ nhau vượt biên. Một số cán bộ, công an thoái hóa, biến chất phụ trách địa bàn ở các xã ven biển miền Trung bí mật “bán bãi” cho các chủ ghe, thuyền... Vào những đêm tối trời, ngày nào cũng có những con thuyền đánh cá của ngư dân các làng chài lặng lẽ ra khơi đưa người đi vượt biên tỵ nạn sang Hồng Công, Philippin, Thái Lan... và xa hơn là Hoa Kỳ, Anh quốc, phương Tây. Họ không cần biết sống ở đâu, hiểm nguy sóng gió ngoài khơi xa đang rình rập cướp đi sinh mạng, những kẻ thất vọng đến tột cùng liều mình ra khơi, bất kể sống, chết.

Sáng nào trong khuôn viên trường học của các phường trong thành phố Nha Trang, thị xã Tuy Hòa, Vạn Ninh, Sông Cầu, Tuy An... một vài con thuyền ra đi trong đêm không gặp may hoặc gặp gió bão bị kéo vào bờ. Những kẻ vượt biên không trót lọt phải quay trở về dưới sự giám sát của công an, dân phòng... Nhiều người đã chết vì gặp gió bão ngoài khơi. Người bị bắt. Tàu bị tịch thu. Kẻ đứng người ngồi lê la trên các sân trường học để khai báo cho nhà chức trách sở tại. Có người vượt biên ba, bốn lần bị chính quyền bắt. Bắt chán rồi lại thả. Một thời gian, họ lại góp vàng, mua thuyền tìm cách vượt biên.

Chuyện ra đi bất hợp pháp bằng đường biển của dân nơi này, nơi kia xảy ra như cơm bữa. Thời buổi gạo châu củi quế chả đủ cơm gạo để nuôi báo cô những kẻ “chán nước, bỏ đi”. Người dân quan tâm nhiều hơn tới chuyện lính của Pôn Pốt đang đốt phá làng mạc, chùa chiền, hãm hiếp dân lành, phá tan nhà cửa, cướp lúa gạo của dân ở An Giang, Châu Đốc, Xa Mát. Ở phía Bắc, lính Trung Quốc đang tràn ngập vùng biên ải.

Một số thanh niên bất kể tuổi mười tám, đôi mươi, là người dân quê ở Nam hay Bắc lại có lệnh nhập ngũ lên đường. Những người lính già mới về quê giải ngũ, phục viên một hai năm, giờ có lệnh gọi trở lại quân ngũ. Họ tần ngần ngắm con búp bê, cái khung xe đạp, chiếc radio, mảnh vải mới chỉ vài năm trước chọn mua ở chợ Bến Thành, Chợ Đầm, Chợ Cồn, chợ Đông Ba để đem về làm quà cho con, cho vợ. Không ai nghĩ đến một ngày họ khoác lại bộ quân phục chưa gột hết bụi đỏ Trường Sơn để ngược đường lên ải Bắc, vào biên giới Tây Nam. Và xa hơn là sang đất Chùa Tháp.

Còn cuộc sống của người nông dân ở các làng quê miền Nam sau chiến tranh cơ khổ trăm đường. Bao năm giặc dã, đồng ruộng bị bỏ hoang, các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gần như không có. Dải đất từ Huế trở vào, mùa mưa, mưa thối đất, trắng trời; mùa khô luôn thiếu nước. Khô hạn nhất là vùng núi, vùng đồi trọc, vùng cát, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Đứng trước khó khăn, để giải quyết nguồn nước cho miền Trung, một loạt công trình thủy lợi ra đời. Hồ Núi Một, hồ Cà Giây, hồ Song sắt, hồ Tuyền Lâm, hồ Long Sơn, hồ Quang Trung... Những công trình thủy lợi ấy đều gắn với tên tuổi, công sức của đội ngũ những người kỹ sư thủy lợi Việt Nam, trong đó có thầy Năm Bê. Nhiều người là bạn đồng niên, có người là học trò của thầy.

Thầy Năm Bê quen biết với cha tôi trong những ngày thầy lên khảo sát, thiết kế hồ Tuyền Lâm. Tôi không rõ thầy Năm Bê đã giúp và khuyên nhủ cha tôi những gì trong thời gian hai người kết bạn với nhau. Có hai việc tôi được tận mắt chứng kiến. Việc thứ nhất là, thầy Năm Bê đã giúp cha tôi đào kênh, bắc ống nước từ trong Núi Chúa về trại Đầm Vịt. Nguồn nước sạch đủ cung cấp cho hàng trăm hộ dân ba xã quanh vùng đầm. Việc thứ hai là, theo lời khuyên của thầy Năm Bê, tôi đang học ở Sài Gòn đã xin chuyển về Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu Đại học Thủy Lợi 2.

Thực ra việc tôi chuyển trường còn có lý do riêng. Những cuộc tình không thành thời sinh viên. Và sau chuyện buồn với Khang khi anh nhập ngũ, không liên lạc thư từ với tôi một thời gian dài. Tôi càng suy sụp hơn cho đến ngày tôi tìm thấy mộ anh tại một nghĩa trang ở Tây Nguyên. Tôi rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Tôi muốn rời Sài Gòn để xóa đi những kỷ niệm buồn. Nghe cha tôi và thầy Năm Bê gợi ý về học tại trường của thầy, tôi đồng ý ngay.

Tôi tự biện hộ cho mình đã là đại học, học đâu chả được, chỉ cần trường có thầy giỏi, bản thân mình chăm chỉ không ham vui là có đủ kiến thức ra đời. Thầy Năm Bê cũng bảo tôi vậy. Còn một lí lẽ nữa thuyết phục tôi. Phan Rang - Đà Lạt chỉ cách trở con đèo Sông Pha. Hơn hai giờ xe hơi tôi đã có mặt ở nhà ăn cơm với cha, được ngủ thỏa sức trên cái giường quen thuộc của mình. Được thả bộ trong không gian rộng rãi thoáng mát của trại Đầm Vịt. Được theo cha tôi ra vườn hoa... Hoặc nữa, mang theo cây súng săn cùng ông vào rừng săn thú. Tôi ngó bộ vậy chứ còn là tay súng săn có hạng. Con gái mắt tinh đã đành. Sống với cha tôi nhiều năm nên tôi học được ở ông sự bình tĩnh, tỉnh táo. Có lần cha con tôi bắn được cả sáu, bảy con vẹt núi. Chúng thường về đậu cả đàn trên cành cây thông ăn hạt. Tôi tì súng vào một thân cây, tỉa từng con. Cha con tôi có một cây súng cạc-bin cũ mua lại của đồng bào lượm được ở trong rừng. Đồng bào vô rừng có khi còn lượm được súng AR15, phóng lựu. Đám Phun-rô quậy phá trong núi, nhà tôi ở ven rừng, có khẩu súng lợi hại lắm.

Bầy duộc (vượn) đi ăn trong rừng theo đàn, bao giờ cũng có một anh vượn đực canh chừng cho cả đàn... Duộc mẹ, duộc con bám theo sau, ngồi lắt lẻo trên cành cây cao nghe động tĩnh. Mùa bẻ bắp, không có người canh rẫy, gặp phải đàn duộc đói, mùa ấy coi như mất trắng. Bầy duộc đã bẻ trộm bắp ăn, chúng còn mang về hang giấu ăn dần. Ngày cha con tôi mới về Đầm Vịt, duộc rất nhiều. Muốn bắn duộc núp trên cây chỉ cần ngắm cho trúng, hạ một con rơi xuống. Bầy duộc nghe súng nổ, chạy ào ào trên cây. Khi ấy, bắn một phát chỉ thiên, đám duộc hoảng loạn tìm bụi cây cao lẩn trốn. Có con kéo lá che thân, che mặt, nhưng chúng chẳng thể nào giấu được cái đuôi dài ngoe nguẩy. Muốn hạ tiếp con thứ hai chỉ cần bắn cho trúng đích. Một con duộc nấu cháo cả chục người ăn không hết. Váng mỡ nổi vàng trên xoong cháo.

Nhưng một lần gặp chuyện này, tôi không bao giờ đi săn duộc nữa. Lần ấy, tôi hạ được một con duộc mẹ còn đang cho con bú. Duộc mẹ bị gãy chân, không chạy được, rơi xuống đất. Con duộc con nhỏ như một con mèo gầy cứ đeo lấy mẹ... Con duộc đực đứng ở một cây cao rít lên khèng khẹc. Hẳn nó sợ không dám xuống cứu bạn tình. Lúc tôi bước tới gốc cây nhìn con duộc mẹ ôm con, thấy một bên chân trúng đạn, máu chảy ròng ròng... Tôi và cha tôi đã bế hai mẹ con duộc về trại Đầm Vịt, bó thuốc lá bìm bịp, nấu cháo cho chúng ăn. Hơn mười ngày sau, vết thương ở bàn chân con duộc mẹ tạm lành. Chiều nào cũng thấy con duộc đực về trên cánh rừng bạch đàn, rừng thông phía sau nhà hú dài... Tôi đã thả hai mẹ con duộc vào rừng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2019, 02:08:31 pm »

Những năm tôi theo học đại học, thầy Năm Bê đã vẽ ra cho tôi nhiều khoảng trời đáng mơ ước. Sau khi tôi tốt nghiệp, thầy Năm Bê muốn giữ tôi ở lại trường học thêm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Tương lai tôi sẽ là một cán bộ giảng dạy của trường. Còn tôi không nghĩ vậy. Tôi không muốn bó mình trong cơ quan nhà nước. Kể cả làm việc cho các công ty nước ngoài tôi cũng không muốn. Sớm hay muộn tôi sẽ về với cha tôi. Về với trại Đầm Vịt. Mẹ tôi đã mất, tôi càng ý thức rõ hơn mục tiêu ngấm ngầm của mình. Tôi đã nhìn thấy cuộc sống của một số công chức thời bao cấp và cả thời mở cửa. Tôi không muốn tự trói mình trong những ràng buộc quẩn quanh. Tôi khao khát được bay nhảy tự do. Được làm những việc mình thích, tiêu những đồng tiền do mình làm ra. Và trên hết, tôi được hít thở khí trời trong trẻo của đất rừng. Tôi yêu từng hẻm núi, con suối, triền đồi ở trại Đầm Vịt đã trở thành nỗi ám ảnh từ những năm thơ trẻ của tôi.

Dù sao đi nữa, trong con mắt tôi và đám sinh viên của trường đại học Thủy Lợi, chúng tôi luôn coi thầy Năm Bê là thần tượng. Thầy chẳng còn trẻ để lấy cái thước đo đẹp trai, hào hoa phong nhã, tài giỏi để so sánh. Thầy Năm Bê đúng nghĩa là một ông thầy. Tôi ít thấy có một người thầy nào thương yêu học trò đến vậy. Không chỉ chuyện chuyên môn. Thầy chỉ vẽ tận tình cho chúng tôi những điều trong sách vở, bài giảng và cả trong cuộc sống. Đến bữa cơm thầy xuống tận bếp tập thể coi ngó từng xuất ăn của sinh viên. Mười giờ đêm thầy còn đi với anh cán sự lớp kiểm tra đám sinh viên học hành. Trong mối quan hệ gia đình, thầy Năm Bê coi tôi như con cháu trong nhà.

Chính nhờ chuyến đi thực tập khảo sát miền Trung năm ấy tôi đã đến được Vũng Rô. Một vùng biển đẹp, nước sâu trong vắt ngay dưới chân đèo Cả. Dãy Thạch Bi Sơn hùng vĩ chạy từ Tây Nguyên về tới đây lao ra biển, ôm vòng hình cánh cung, tạo nên vụng nước rộng, sâu, có hàng trăm mỏm núi, ghềnh đá hiểm trở che chắn gió bão Thái Bình Dương. Ở đây có vọng Hải Đài, có ngọn đèn biển nằm trên một mỏm núi, điểm cực đông của Tổ quốc.

Người dẫn đường còn đưa thầy trò chúng tôi xuống thăm cảng cá Vũng Rô. Dấu tích cuộc tập kích của không quân, hải quân Mỹ - Ngụy vào năm 1965 ngày nay chỉ còn một phần vỏ sắt của con tàu “không số” được người địa phương giữ lại để làm bảo tàng ngoài trời giới thiệu với khách du lịch về chiến công của những anh bộ đội hải quân nhân dân Việt Nam, tiếp vận vũ khí vào chiến trường khu Nam Trung Bộ.

Trong các tư liệu tôi thu thập được có tư liệu về con tàu “không số” mang kí hiệu 143. Vào những ngày xuân năm Ất Tỵ, bị địch phát hiện, những người lính hải quân Việt Nam cùng với du kích xã Hòa Hiệp đã buộc phải phá hủy con tàu bằng 500 kg thuốc nổ. Tàu cập cảng trong đêm, bộ đội dân công đã không kịp chuyển hết một trăm tấn vũ khí vào rừng. Trời đã sáng, con tàu “không số” đành phải giấu mình trong vịnh Vũng Rô. Viên trung úy phi công Mỹ James S. Bowers lái chiếc máy bay trực thăng HU 1B trên đường từ Quy Nhơn về sân bay Nha Trang đã phát hiện ra con tàu lạ đã báo ngay cho thiếu tá hải quân Mỹ Harver P. Rodgers, cố vấn cao cấp của Bộ Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật ở Nha Trang. Viên thiếu tá Hồ Văn Thoại, tư lệnh duyên hải Vùng 2 Nam Trung Bộ đã điều máy bay của không lực Việt Nam Cộng hoà ra thám sát Vũng Rô. Nhận ra tầu của V.C, chỉ vài chục phút sau, hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu đã quần đảo các cánh rừng dưới chân Đèo Cả bắn rốc két, đạn 40 li, bom xăng... vào con tàu đang ẩn mình giữa những ghềnh đá... Đại đội thám báo đồn trú trên đỉnh đèo Cả chia thành nhiều mũi tấn công vào các gộp đá, nơi có hàng trăm dân công, du kích đang nghỉ qua đêm. Thêm hai cánh quân từ Hảo Sơn, từ sân bay Đông Tác chi viện chặn đường V.C rút về căn cứ...

Hơn 10 năm sau, tôi đã được đọc điều này trong các tập tư liệu của người Mỹ về trận Vũng Rô. Chú Hoài, một người bạn thân thiết của gia đình tôi, nay đã là một nhà văn, nhà báo khi xưa là lính cùng Đại đội 3 với cha tôi ở Huế. Lúc cha tôi còn sống, hai người đã nhiều lần gặp nhau ở Đà Lạt. Lần nào lên Tây Nguyên, ghé Lâm Đồng chú cũng về thăm trại Đầm Vịt ở lại với cha tôi có khi cả tuần. Cha tôi quý chú Hoài không chỉ là một người cùng quê, cùng đơn vị. Còn đối với tôi, chú Hoài là một người bạn lớn. Nghe tôi kể lại chuyến thăm Vũng Rô, nhìn thấy con tàu “Không số”, một lần lên chơi, chú Hoài đã đưa cho tôi đọc tập hồi ký của ông Trần Suyền, một Khu ủy viên Khu ủy Khu 5, nguyên Bí thư tỉnh ủy Phú Yên trong những năm chống Mỹ.

Hôm đưa cuốn sách cho tôi, chú bảo:

- Cháu đọc cuốn sách này có đoạn nói rõ về sự kiện Vũng Rô - Rồi chú hỏi tôi - Tại sao cháu lại quan tâm tới địa danh ấy?

Tôi thật thà đáp:

- Cháu đọc những trang ghi chép của cha cháu để lại, cháu biết đấy là nơi cha cháu đã đi qua.

Chú Hoài cười bảo tôi:

- Cháu hay thiệt! Cháu muốn hiểu về cha cháu, còn phải đọc nhiều... Đọc nhiều cuốn sách nữa mới đi hết dấu chân ông. Ông là một người lính kỳ dị nhất trong đời chú từng gặp và nể trọng.

Bất chợt chú Hoài hỏi tôi:

- Cháu có muốn nghe chuyện đơn vị chú làm lễ truy điệu cho đại đội phó Đệ không?

Tôi đáp ngờ nghệch:

- Đại đội phó Đệ là ai?

Chú Hoài phì cười:

- Là ba cháu đó! Ba cháu tên Đệ, Nguyễn Văn Đệ.

Bao năm nay, tôi chỉ quen gọi tiếng cha thân thuộc. Giá ai có hỏi, tôi cũng chỉ nhớ tên ổng là Hai Hoàng, Mai Văn Hoàng... Nhà tôi, ấp Đầm Vịt...

Chú Hoài lại đang mở ra trước mắt tôi một trang mới.

Chuyện chi đây?

Hôm ấy, chú Hoài kể cho tôi nghe sau trận đánh về ấp Xóm mới Bầu Tháp của đơn vị chú. Đại đội 3 hi sinh mất tám người, trong đó có cha tôi. Hôm đơn vị làm lễ truy điệu, theo xác nhận của những người tham gia trận đánh vào ấp, chỉ thu gom được năm xác tử sĩ. Ba người lính không tìm thấy xác. Cha tôi là một trong số đó. Ở một địa điểm tại căn cứ trong rừng Hương Trà, chính trị phó tiểu đoàn Hoàng Ngọc Ngạn vừa đọc tên từng liệt sĩ, vừa khóc. Những người như đại đội phó Đệ đã từng theo ông có mặt ở chiến trường Trị Thiên từ những năm 1963. Họ đi qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ... Căng sức phá vây ở làng Dưỡng Mông A, vượt Phá Tam Giang trong những ngày bị địch vây ép sau Mậu Thân 1968... Những người lính KX cứ rơi rụng dần theo từng trận đánh.

Rồi chú Hoài kể tiếp, ngày chú được kết nạp vào Đảng, cha tôi lúc ấy là chỉ huy đơn vị kiêm Bí thư Chi bộ. Ông là người đọc quyết định kết nạp Đảng cho bốn người trong Đại đội 3. Một buổi lễ kết nạp Đảng chỉ có mỗi lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, không ảnh Bác Hồ, không hát quốc ca. Mười bốn gương mặt đảng viên trong chi bộ, già trẻ ngồi sát bên nhau trong căn nhà hầm nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất dưới chần đồi Chóp Nón giơ lên những cánh tay gày guộc, đen đúa sau những cơn sốt rét, thiếu ăn. Vừa làm lễ, mọi người dỏng tai nghe ngóng đề phòng pháo bắn. Cha tôi phát biểu nhỏ đủ để mọi người có mặt trong buổi lễ kết nạp nghe, sợ tụi địch trên đỉnh đồi Trôi phát hiện. Buổi tối hôm ấy Đại đội 3 đi về ấp Phú Ổ mua gạo... Chưa vào được làng, cả đại đội đã gặp tụi bảo an. Đơn vị nổ súng, hai trong số bốn đảng viên trẻ đã hi sinh. Họ chưa một lần được nhìn thấy tấm thẻ Đảng và cả lá cờ Đảng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM