Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:59:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 23003 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #140 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:47:54 am »

22 giờ, lữ 203 chiếm xong tiểu khu, 23 giờ phát triển lên chiếm luôn Căng Ê-xê-pít. Ở Lầu Ông Hoàng ta cũng đã làm chủ hoàn toàn khu vực. Như vậy, Quân đoàn đã làm chủ thị xã Phan Thiết ngay trong đêm 18.

Phối hợp nhịp nhàng với lực lượng trên, chiều tối 16, các lực lượng thị xã từ Phong Nẫm thọc sâu vào nộ ô, đánh chiếm Trinh Tường, kho xăng Duy Tân và các chốt quanh khu vực, tảo trừ tàn binh, bắt nhiều tên, thu nhiều vũ khí. Các ban khởi nghĩa, các đội tự vệ mật nội thành cơ sở bên trong đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước cờ, truyền đơn, khẩu hiệu cách mạng, nhanh chóng chiếm lĩnh trụ sở ấp, phường, các mục tiêu kinh tế - xã hội, truy quét tàn binh, tề điệp, giữ an ninh trật tự. Sáng 19 tháng 4, cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận rữ rỡ khắp nơi. Thị xã Phan Thiết vẫn trật tự an toàn, bảo đảm điện, nước bình thường, đời sống nhân dân ổn định, không hề bị xáo trộn.



Quân Giải phóng tiến vào thị xã Phan Thiết, tháng 4 năm 1975

Anh Đáp và tôi định vào Phan Thiết trong đêm nhưng Quân đoàn 2 yêu cầu để các đơn vị kiểm soát thị xã cho thật bảo đảm, sáng 19, lãnh đạo, chỉ đạo địa phương hãy vào. 5 giờ 19 háng 4, anh Đáp, Trần Thọ và tôi cùng một số cảnh vệ đi xe Jeep vào thị xã, gặp đồng chí Bùi Tùng, chính ủy lữ 203 tăng ngay tại dinh tỉnh tưởng. Trên đường vào, bà con hai bên phố vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng thấy trên xe Jeep cắm cờ Mặt trận có bóng vài nữ Giải phóng quân đội nón tai bèo, mang súng AK không kém phần hiên ngang, oai hùng.

Là lực lượng địa phương thông thạo chiến trường, sáng sớm 19 tháng 4, 812 phái ngay các tiểu đoàn tiến nhanh ra Mũi Né và vào Ngã Hai tấn công giải phóng hai chi khu Hải Long và Hàm Thuận trong buổi sáng hôm đó. Như vậy, sáng 19 tháng 4, toàn tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng. 8 giờ 19 tháng 4, Ủy ban Quân quản Bình Thuận và Phan Thiết bắt đầu thực hiện quyền lực; tàn quân lục tục trình diện, nạp vũ khí. Quân đoàn giao lại tỉnh quản lý thị xã mới giải phóng, rút ra ngoại ô bố trí bảo vệ địa phương. Cơ quan tỉnh, thị vào Phan Thiết trong ngày, triển khai nhiệm vụ mới. Các cơ quan khu 6 đóng ở Phú Tài, Phong Nẫm.

10 giờ, một tốp oanh tạc từ hướng nam bay ra ném một loạt bom làm sập mấy căn nhà ở đường Hải Thượng Lãn Ông, không có ai bị thương vong. Phòng không Quân đoàn bắn dữ dội, cả tốp vội chuồn về Sài Gòn. Từ đó về sau không có tốp nào dám đến Phan Thiết nữa. thị xã yên vui với khí thế chiến thắng.

Trở thành hậu phương, Bình Thuận huy động ngay sức người sức của phục vụ tiền tuyến giải phóng miền Nam. Ngày 20 tháng 4, đại tá Huỳnh Hữu Anh, phó tư lệnh Quân khu 5 đến Phan Thiết đề nghị Bình Thuận huy động gấp 200 xe ô tô vận tải các loại, cả xe hành khách để chỡ Lữ đoàn 52 Quân khu 5 vào Nam tập kết kịp thời gian qui định của trên và đã được đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu.

Trưa ngày 20 tháng 4, Quân đoàn 2 chia thay Quân khu và Bình Thuận lên đường tiếp tục nhiệm vụ mới. Anh Ba Mỳ cùng chúng tôi thay mặt Quân khu cảm ơn và tiễn các đồng chí Bộ Tư lệnh Quân đoàn tại Trường tiểu học Hàm Mỹ, nam Phan Thiết, Các anh rất vui lòng khen ngợi 812 Quân khu 6 và địa phương Bình Thuận đã đánh địch tốt, mở bàn đạp áp sát Phan Thiết, tạo điều kiện và phối hợp đắc lực với Quân đoàn, nhờ đó Quân đoàn đã vượt chỉ tiêu thời gian giải phóng Bình Thuận Phan Thiết được 2 ngày so với kế hoạch Bộ giao. Thời gian là lực lượng, thần tốc, táo bạo, hai ngày trong thời điểm đó thật vô cùng quý giá. Các anh có ý kiến Bộ Tư lệnh Quân khu 6 nên đề nghị trên khen thưởng Huân chương Quân công cho 812 và các lực lượng vũ trang Bình Thuận. Ai cũng hân hoan nhưng công việc bộn bề trước mắt cuốn hút nên rồi sau đó chuyện này cũng qua đi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #141 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:48:48 am »

Đội ngũ Quân đoàn 2/Cánh quân Duyên Hải tiến về Nam trùng trùng điệp, đồng bào hai bên phố cũng như nông thôn trước nay chưa bao giờ được chiếm ngưỡng cảnh tượng xe pháo quân ta kéo dài nghìn nghịt, vô cùng hân hoan cảm động, vẫy tay hoan hô chào tiễn không mỏi. Quân khu cử anh Ba Mỳ, Đỗ Phú Đáp và tôi theo Quân đoàn vào gặp các anh Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, tư lệnh và chính ủy cánh quân Duyên Hải đề nghị chi viện lực lượng giúp Quân khu 6 giải quyết nốt thị xã La Gi – tiểu khu Bình Tuy. Đến Suối Cát – Long Khánh gặp anh Tấn, anh Hòa cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đang ngồi nghỉ mát vệ đường. Nghe đề nghị của Quân khu 6, anh Tấn cười:

- Các đồng chí muốn giải phóng trước chứ không đợi Sài Gòn à? Ta đang đánh Xuân Lộc và sắp đánh Bà Rịa, Vũng Tàu. Xong các nơi đó thì các đồng chí “bất chiến tự nhiên thành” thôi mà!

Chúng tôi im lặng, hơi buồn, nhưng anh đã vui vẻ tiếp:

- Cũng được, giúp khu 6 giải phóng luôn cho trọn vẹn.

Rồi anh quay sang anh Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2:

- Quân đoàn để lại một ít lực lượng chi viện cho Khu 6 đủ giải phóng Hàm Tân, xong về lại đội hình, nhưng phải thật khẩn trương đấy!

Các anh tươi cười bắt tay chúng tôi, lên xe tiến về Nam dưới nắng chiều vàng rực rỡ. Chúng tôi nhìn theo đoàn quân trùng trùng, điệp đệp như vô tận này mà lòng tràn đầy sung sướng, tin tưởng. Anh Hoàng Đan, phó tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ cho anh Bùi Công Ái (tham mưu trưởng Quân đoàn) lấy 1 trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo 130 và một đại đội tăng T54 quay lại giúp Khu 6. Được thêm lực lượng lớn quá mong muốn, trậm đánh chiếm La Gi sẽ rất thuận lợi.

Thời gian chiến đấu giải phóng Phan Thiết, tại Bình Tuy cũng diễn ra các trận chiến giành từng khu vực, từng lõm rất sôi nổi. Ở đây, từ đầu tháng 4, tàn quân địch từ Tây Nguyên, khu 5, trên đường tháo chạy về Sài Gòn, có một số khá đông quân ô hợp dừng lại đóng trên trục lộ 2, quanh sây bay Láng Gòn và bắc La Gi, căng lều trại ở thành từng cụm, xe cộ súng ống ngổn nang, lộn xộn, binh lính chen chúc, giành giật, cướp bóc quấy nhiễu nhân dân, giết chóc lẫn nhau, tạo cảnh hỗn quân hỗn quan cực kỳ rối loạn và gây nhiều tai họa cho đồng bào địa phương. Đại đội 88 cùng các công tác chiến đấu quyết liệt, mạnh mẽ, đã dồn địch xuống sâu thị xã, pháo kích sân bay Láng Gòn làm cháy một máy bay C130 ngay tại đường băng. Địch ở Láng Gòn kéo chạy hết về La Gi.

Trước đó, khi thất thủ Buôn Nam Thuột rồi rút chạy khỏi Tây Nguyên, đến Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung cũng bị mất nốt, tàn quân của quân đoàn 1, quân đoàn 2 ngụy đều tháo chạy vào Sài Gòn, qua các tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Có một toán bị du kích địa phương chặn đánh ở cây số 28 đường 1 nam Phan Thiết, bèn rẽ chạy dọc theo bờ biển Kê Gà để xuôi về La Gi mà vào Sài Gòn. Bọn này là tàn quân vùng chiến thuật 1 và 2 gom nhau lại đến 200 tên do đại tá Quang, sư trưởng sư 1 cầm đầu, có tám xe tăng và thiết giấp. đến Khe Cá hỏng ba xe bỏ lại, đến động cát đèo Đá Dăm – Tân Thành hỏng bỏ luôn năm chiếc còn lại, rồi chúng chia thành hai tốp đi bộ cả đêm, đến bãi biển Kê Gà lúc 20 giờ ngày 9 tháng 4, bị du kích Tân Thành phất hiện đánh tốp đi đầu chạy tán loạn. Ta thu bảy AR15, hai súng ngắn. Bọn đi sau nghe tiếng súng nổ tấp vào động cát nghe nóng rồi ngủ lại để sáng đi tiếp. Xã đội trưởng Binh chỉ huy du kích lùng sục đến 2 giờ 30 phút ngày 10 tháng 4 vừa phát hiện địch liền đánh phủ đầu và gọi hàng, diệt ngay tên Quang. Cả toán đầu hàng có tám sĩ quan gồm hai trung tá, năm thiếu tá, một đại úy, tất cả 160 tên, thu 88 súng có một trọng liên 12 ly 7, một đại liên, hai cối 81; sau đó đi lấy tiếp năm tăng M113 ở đèo Đá Dăm. Trong những ngày lịch sử, khi có thời cơ xuất hiện, xã đội Tân Thành có quyết tâm cao, nắm bắt kịp thời cơ, đánh địch giành thắng lợi lớn chưa từng có trong suốt hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ ở Tân Thành.

Giải phóng xong Bình Thuận, Khu thành lập Bộ Chỉ huy giải phóng Bình Tuy để giải quyết nốt các huyện Hàm Tân, thị xã La Gi, tiểu khu Bình Tuy, phần đất còn lại của tỉnh Bình Tuy. Đồng chí Đỗ Phú Đáp làm chỉ huy trưởng, Ba Thành chính ủy, tôi phó chính ủy, Nguyễn Thanh Đức, Võ Như Loan chỉ huy phó. Lực lượng sử dụng gồm 812 (thiếu), 200C, các lực lượng quân sự chính trị địa phương và số quân chi viện của Quân đoàn 2. Sở Chỉ huy đóng tại một xóm nhỏ cạnh lộ 2, gần chân núi Nhọn. Bộ binh và xe tăng của Quân đoàn đóng dưới chân núi Nhọn. Pháo của Quân đoàn có anh Ái trực tiếp, triển khai bắc cầu Láng Gòn, ngày 22 tháng 4 được tin Xuân Lộc đã chiếm xong, vô cùng phấn khởi, rạo rực chờ tối để tấn công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #142 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:50:45 am »

17 giờ, tiếng động cơ tăng, thiết giáp vang lên rộn rã. Từ trong chân núi từng chiếc xe có cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam lướt qua Sở Chỉ huy tiến trên đường 2. Sau đội hình tăng là đoàn cơ giới chở bộ binh hùng dũng, nối đuôi dài dằng dặc. 20 giờ, pháo hỏa chuẩn bị ào ào chụp xuống tiểu khu Bình Tuy. Cầu Láng Gòn đã bị địch phá sập khi rút chạy về tiểu khu, nhưng mùa khô nước cạn, xe tăng vượt qua sông Dinh dễ dàng, xông thẳng vào trung tâm thị xã. Cũng như ở Phan Thiết, nghe pháo gầm, tăng rú, địch tan rã ngay; lực lượng ta tấn công diệt sở chỉ huy tiểu khu, trung tâm hành quân, tòa tỉnh trưởng thật nhanh gọn. Tại tỉnh đường, một bữa ăn thịnh soạn còn nguyên trên bàn mà đại tá Trần Bá Thành tỉnh trương kiêm tiểu khu trưởng cùng đồng bọn vội chạy thoát thân chưa kịp đụng đến. Sáng sớm 23 tháng 4, trên đường xe chúng tôi chạy vào tỉnh lỵ, xác lính ngụy nằm rải rác, súng ống, giày mũ vứt bỏ đầy đường.

Ở Hàm Tân, cách La Gi hơn 15 cây số, khi được tin hai huyện Tánh Linh – Hoài Đức được giải phóng, tiếp đến Phan Thiết, Bình Thuận cũng giải phóng, đã động viên cổ vũ phong trào địa phương rất lớn, thúc giục nhân dân xã Tân Hiệp – Hàm Tân có truyền thống cách mạng ngày đêm theo dõi địch để nắm bắt thời cơ nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng quê hương với tinh thần xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện. Xã Tân Hiệp gồm ba xã cũ Tân Hải, Văn Mỹ, Hiệp Nghĩa bị địch đột nhập lại, nằm ở đông bắc quận lỵ Hàm Tân, có 8 ấp. Ngoài tề xã, 8 trung đội dân vệ ấp, một tổng đoàn dân vệ xã trang bị mạnh, còn có một đại đội bảo an tang cường giữ xã, vũ khí có đủ đại trung liên, cối 60, M79, bộ đàm PRC25. Về ta, đến 20 tháng 4, chỉ có một bộ phận bộ đội địa phương huyện 460 gồm 10 đồng chí, một chi bộ mật và cơ sở bên rong các ấp, một số nội tuyến trong dân vệ và phòng vệ dân sự, đội công tác Tân Hiệp. Biết địch đang rất hoang mang, dao động, đồng chí Lại Hồng Tháo (bí thư Huyện ủy) cùng Lương Minh Kỉnh (huyện đội trưởng) quyết định huy động toàn lực tại chỗ tấn công giải phóng xã Tân Hiệp rồi thừa thắng giải phóng luôn huyện Hàm Tân vì chi khu, quận lỵ Hàm Tân cũng nằm tại địa bàn xã Tân Hiệp. Quân số địch trong chi khu khá đông, có hai pháo 105 nhưng tinh thần đã rệu rã, bạc nhược nặng. 18 giờ ngày 22 tháng 4, cơ sở lãnh đạo quần chúng bao vây, hù dọa tác động mạnh làm cho đại đội 878 phụ trách năm ấp đóng ở đông bắc chi khu vô cùng hoang mang, kéo chạy về chi khu tác động lớn đến binh lính trong chi khu. 19 giờ, một trung đội bảo an đóng ở Tà Cú cũng tháo chạy hỗn hoạn. Đồng chí Kinh ra lệnh nổ súng, địch vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ quân phục lẩn trốn vào dân. Ta phát loa kêu gọi binh lính đầu hàng cách mạng để được khoan hồng, cả trăm binh lính nạp vũ khí. Ở chi khu, địch cũng rất lộn xộn, đang chuẩn bị chạy bỏ chi khu. Thời cơ giải phóng huyện đã đến. 20 giờ ta mở máy biết trung tá quận trưởng Trần Hữu Giao đang chuẩn bị chạy. Lập tức các mũi vận động nổ súng vào chi khu. Địch bắn trả mấy loạt rồi im bặt. 460 tảo trừ làm chủ chi khu lúc 21 giờ. Như vậy, chỉ trong ngày và đêm 22 tháng 4, địa phương đã giải phóng hoàn toàn hai xã Tân Hiệp, Văn Mỹ và chi khu, cũng là toàn huyện Hàm Tân. Đây là một sự hiệp đồng tự nhiên rất thú vị vì huyện không biết cùng đêm 22 tháng 4, tỉnh tấn công La Gi. Thế là sáng ngày 23 tháng 4, toàn tỉnh Bình Tuy đã được giải phóng.

Ở tại tiểu khu cũng có chuyện nực cười: vào khoảng 5 giờ sáng 23 tháng 4, lúc đó ta còn truy lùng địch quanh thị xã thì nghe trong máy bộ đàm có tiếng một tên xưng là trung tá tham mưu trưởng tiểu khu Bình Tuy gọi về bộ tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn (?) báo cáo Quân giải phóng đã chiếm thị xã La Gi, nhưng lực lượng không nhiều, chỉ có một đại đội tăng T54 và ít bộ binh thôi, hắn xin Sài Gòn chi viện năm phi vụ oanh kích để hắn phản kích tái chiếm lại tiểu khu và thị xã La Gi (!). Đoán bọn khoác lác này đang trốn tại khu vực Đồi Dương sát bờ biển, một lực lượng ra ngay đó lùng sục thì bắt được toàn bộ sậu của Trần Hữu Giao mới từ Hàm Tân chạy về; tưởng tiểu khu còn bình yên, nào ngờ khi đến biết tiểu khu đã bị mất, hết phương đào tẩu, cả bọn bị tóm gọn. Còn tên xưng là tham mưu trưởng Bình Tuy vừa chạy thoát, vừa khoác lác mấy câu cho vẻ khí phách một chút rồi cũng biết số phận, đã cao chạy xa bay nên tìm không ra. Riêng tại chi khu Hàm Tân, huyện thu trên 1.000 súng có hai pháo 105, cả chục tấn đạn dược, máy móc và rất nhiều chiến lợi phẩm khác.

Hoan nghênh huyện Hàm Tân và xã Tân Hiệp, với lực lượng ít ỏi của mình, trong thời cơ lịch sử đã kịp thời chủ động, anh dũng đánh địch, tự giải phóng xã, huyện. Có lẽ ở Bình Thuận và Bình Tuy (cũ) chỉ có nơi này làm được như vậy mà thôi.

Tiếc rằng ở Bình Thuận, do không nắm được địch bỏ trốn Phan Thiết 3 ngày 3, 4, 5 tháng 4 nên mất một thời cơ vàng tỉnh giải phóng tỉnh như Trung ương Cục đã kêu gọi các địa phương nỗ lực xông lên, nắm lấy thời cơ tỉnh, huyện, xã tự giải phóng mình. Thật ra lúc đó ở Tam Giác rất gần Phan Thiết, ta có các tiểu đoàn 200C, 482, Đại đội 5 đặc công, Đại đội 3/430 Hàm Thuận, các đơn vị đặc công thị và các lực lượng chính trị thị, nếu kịp vào Phan Thiết chiếm giữ vài ngày thì đã có Trung đoàn 812 về, càng thêm mạnh. Trong thời điểm đó, khi Đại đội 5 Trinh sát 812 đi trước lên đường 20, thấy địch bỏ trống chi khu Di Linh bèn vào chiếm giữ ngay. Địch có mấy tiểu đoàn lúc rút chạy, biết lực lượng ta chỉ có một đại đội bèn quay lại tái chiếm. Đại đội 5 dũng cảm chiến đấu giữ vững Di Linh, 812 liên tiếp đánh một trận lớn tại Đông Đô diệt hàng trăm tên, thu hàng trăm súng có cả hai pháo 105. Đại đội 5 trinh sát 812 cũng đã có quyết tâm cao làm nên một chuyện lớn hiếm có.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #143 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:51:48 am »

Sáng ngày 23 tháng 4, anh Trần Lê (bí thư Khu ủy, Quân khu ủy, chính ủy Quân khu 6) có mặt ở Sở chỉ huy, cười vui vẻ:

- Thế là toàn bộ đất liền Khu 6 ta đã được giải phóng.

Cũng không lâu, đêm 26 tháng 4, lực lượng huyện Tuy Phong phối hợp với đoàn 382 Hải quân và đặc công Bộ đổ bộ lên đảo Phú Quí (cù lao Thu) đánh chiếm toàn bộ đảo trong 1 giờ. Địch ở đây không tên nào trốn thoát. 7 giờ ngày 27 tháng 4 nhân dân trên đảo tổ chức mít tinh trọng thể mừng chiến thắng giải phóng đảo. Chính quyền cách mạng Phú Quí được thành lập.

Chiều 28 tháng 4, tôi đang ở Phan Thiết thấy năm máy bay từ phía nam bay ra, nghiêng cánh vòng một vòng trên bầu trời thị xã. Nào biết máy bay ta đi oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất về, cũng không được trên thông báo trước, cứ tưởng máy bay địch ở Sài Gòn ra sắp bắn phá thị xã, tất cả hỏa lực phòng không bảo vệ Phan Thiết từ trên các điểm cao, trên các sân thượng nhà tầng, cùng các loại súng dưới đất bắn lên dữ dội. Biết mặt đất lầm, tốp máy bay cất cao bay về hướng bắc. Thì ra, trên đường về bay ngang qua, tốp máy bay này nghiêng cánh chào thị xã giải phóng! Hú vía, may là bắn dở quá, nếu bắn giỏi lỡ rơi một chiếc thì ân hận biết bao!

Trưa 30 tháng 4, chúng tôi cùng đồng bào cả nước vô cùng mừng vui biết đại quân ta đã chiếm Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng; miền Nam thành đồng Tổ quốc sau 30 năm, cùng cả nước chiến đấu bền bỉ kiên cường, nay đã giành thắng lợi hoàn toàn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã khẳng định trong di chúc thiêng liêng của Người, càng nhớ đến Bác kính yêu và tưởng như có Bác trong ngày vui toàn thắng này.

Đất nước sang trang mới. Ngày 15 tháng 5, Phan Thiết, Bình Thuận cũng như khắp nơi làm lễ lớn mừng giải phóng miền Nam, Tổ quốc hoàn toàn độc lập – tự do, tiến tới Nam Bắc thống nhất một nhà.

Cơ quan Quân khu 6 và 812 chuyển lên đóng ở Đà Lạt. Tôi lại cùng đồng chí Phạm Ty đi truy quét Phun-rô một một thời gian ở quanh vùng rừng núi Lang Biang nam Di linh – Lâm Đồng. Quân khu 6 giải thể, các tỉnh thuộc Khu 6 trở thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đóng tại thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận. Các lực lượng vũ trang Quân khu 6 trực thuộc Quân khu 5. Một thời gian ngắn, tỉnh Thuận Lâm lại chia thành 2 tỉnh Thuận Hải, Lâm Đồng; tỉnh lỵ Thuận Hải về đóng ở Phan Thiết. Tôi được bổ nhiệm làm phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thuận Hải.

Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #144 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:53:27 am »

VÀI LỜI KẾT

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, cùng đồng bào, đồng chí, đồng đội, tôi đã đi qua chặng đường chiến đấu 30 năm, từ buổi đầu tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở quê nhà rồi nhập ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đem hết sức mình góp phần từng bước xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu trước lúc đi xa.

Sau tháng 4 năm 1975, tôi còn công tác trong Quân đội, đã kinh qua các nhiệm vụ phó chỉ huy trưởng về chính trị rồi chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh, phó bí thư và bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh. Từ giữa năm 1986, tôi giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh. Tháng 4 năm 1989, tôi được phong quân hàm thiếu tướng. Tháng 7 năm 1992, nghỉ hưu. Tôi cũng đã tham gia một số công tác chính trị - xã hội ở địa phương: ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh, ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa 8, ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ tỉnh, ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Việt Xô hữu nghị tỉnh. Trong các năm 1976-1977 và 1979-1980, tôi được đi học lớp chính trị cao cấp ở Trường Nguyễn Ái Quốc – Cầu Giấy – Hà Nội và Học viện Quân sự cấp cao Hà Nội. Ngày 3 tháng 2 năm 1998, tôi đã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Hiện nay, ngoài sinh hoạt Đảng ở chi bộ khu phố, tôi còn là hội viên Cựu chiến binh, hội viên Người cao tuổi ở khu phố, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh.

Về với đời thường, tôi vẫn giữ vững bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ”, bản chất người đảng viên Cộng sản, dù nay tuổi cao sức khỏe yếu (năm 1994 tôi bị tai biến não), tôi vẫn luôn phấn đấu rèn luyện, tiếp tục con đường cách mạng lâu dài trong giai đoạn mới, tiếp tục góp phần nhỏ bé theo sức mình vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta, đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xin được kết thúc tập hồi ức này bằng mấy câu cảm tác:

Cuộc đời như thoáng bóng mây qua
Thấm thoát mà nay đã tuổi già
Đã sống phải cho nên lẽ sống
Quay nhìn vẫy thấy đẹp lòng ta!

Canh Thìn – 2000
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #145 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:57:00 am »

PHỤ LỤC

MỘT SỐ Ý KIẾN TRONG HỘI THẢO KHOA HỌC
VỀ CHIẾN THẮNG HOÀI ĐỨC – BẮC RUỘNG

1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam:

“… Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Rộng là thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy, là một trong các chiến thắng mở đầu cho bước ngoặt của phong trào chống Mỹ - ngụy, cứu nước ở miền Nam. Hôm nay ta hội thảo chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng, theo tôi, ta phải nêu ý nghĩa lịch sử của nó là đã cùng với các chiến thắng khác như Tua Hai, Trà Bồng… mở ra bước ngoặt chiến lược và lịch sử, dồn đến những thắng lợi liên tục khác, dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.



Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
tại Hội thảo "Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng", ngày 31 tháng 7 năm 1993.

2. Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam:

“… Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng diệt chi khu, giải phóng 5.000 dân là ngọn cờ đồng khởi của tỉnh Bình Thuận, đưa nhân dân nổi đậy phá kềm, làm chủ thôn xóm, phát triển lực lượng cách mạng của Liên tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Đây là sự chấp hành một cách sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng… Lực lượng vũ trang của tỉnh không nhiều, chỉ không đầy một trung đội, trang bị yếu đã tiêu diệt hoàn toàn chi khu quân dự do một đại đội bảo an được trang bị mạnh đóng giữ, đồn bót có công sự tương đối kiên cố và còn đánh chặn một lực lượng địch lớn truy kích, bảo đảm an toàn cho đông đảo nhân dân về đến buôn làng. Điều đó chứng tỏ người chỉ huy hiểu rõ địch ta, dũng cảm hạ quyết tâm đầy tự tin và có trách nhiệm cao. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng là một sự kiện lịch sử mãi mãi đáng ghi nhớ trong thời kỳ đầu chống Mỹ oanh liệt của nhân dân miền Nam thành đồng Tổ quốc…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #146 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:58:14 am »

3. Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Tư lệnh Quân khu 6:

“… Trận tấn công và nổi dậy khởi nghĩa tiêu diệt chi khu quân sự Hoài Đức và khu tập trung Bắc Ruộng đã từng là niềm tự hào có tầm bước ngoặt mở ra một cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của tỉnh và của cả vùng Cực Nam Trung Bộ, góp phần xây dựng truyền thống đấu tranh cách mạng ở địa phương và góp phần vào việc viết lịch sử kháng chiến chung. Trong đặc điểm tình hình bối cảnh lịch sử vô cùng phức tạp của tỉnh Bình Thuận, với một lực lượng rất ít, bằng một phần mười so với địch, đã dám tấn công và nổi dậy khởi nghĩa ở một chi khu quân sự và khu dinh điền kiểu mẫu của địch, giành thắng lợi một cách trọn vẹn; điều đó có ý nghĩa rất lớn đáng tự hào, là một bước ngoặt mở đầu tạo ra bước phát triển nhảy vọt mang tính chất cách mạng ở Bình Thuận và Liên tỉnh 3, tạo ra bước nhảy vọt trong vận dụng phương châm phương thức đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của Nghị quyết 15, mở đầu tạo ra một mô hình mới đồng thời tấn công và nổi dậy khởi nghĩa được kết hợp một cách thành công trong cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Kết hợp tấn công quân sự với nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng, lấy tấn công quân sự của lực lượng vũ trang tập trung phá đồn bót, chi khu, phá kềm, tạo thuận lợi cho lực lượng chính trị, binh vận phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa mà điển hình và cũng là lần đầu tiên đó là trận Hoài Đức – Bắc Ruộng. Ở Hoài Đức – Bắc Ruộng, địch bố trí kềm giữ dân bằng hệ thống chi khu đồn bót, ta muốn giành dân, đưa dân về không có cách nào khác là phải đánh diệt chi khu đồn bót, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Việc kết hợp cùng một lúc giữa tấn công và nổi dậy khởi nghĩa thể hiện tính thực tiễn “địch thế nào, ta phải đánh như thế ấy”. Việc kết hợp này là sự vận dụng sáng tạo trong việc kế thừa và kết hợp giữa mô hình tấn công đơn thuần về mặt quân sự và mô hình khởi nghĩa của quần chúng có lực lượng vũ trang hỗ trợ đã có trong thực tiễn đồng thời việc kết hợp trên là sự vận dụng sáng tạo phương châm phương thức đấu tranh vũ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị của Nghị quyết 15 ở mức cao; nó báo hiệu sự mở đầu trong việc vận dụng quy luật chiến tranh cách mạng góp phần vào việc chuyển giai đoạn chiến lược từ khởi nghĩa vũ trang từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận và Liên tỉnh 3 thực hiện nhiệm vụ xây dựng và mở rộng căn cứ, phát triển phong trào cách mạng, góp phần cùng với Trung ương bảo đảm đường hành lang chiến lược nối liền địa bàn Bắc Tây Nguyên thông qua Nam Tây Nguyên về đến miền Đông Nam Bộ, bước đầu tạo cơ sở và điều kiện để Trung ương quyết định thành lập Quân khu 6 vào năm 1961, một quân khu mà lúc đầu đấu tranh lo bảo đảm hành lang chiến lược vào Nam Bộ và xây dựng căn cứ địa chiến lược lâu dài cho cách mạng ở miền Nam, nơi đứng chân của Trung ương Cục chỉ đạo chung cho cuộc kháng chiến…”.

4. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định:

“… Nếu nhìn lại thời điểm đó chắc ít ai thấy hai mươi mấy con người lại dám đánh cả một chi khu quân sự đông tới 300 người. Nếu ngồi mà phân tích một hồi thì đa số không dám đánh. Đó là một điểm rất lớn trong tư tưởng quân sự, trong tư tưởng cách mạng. Còn nếu không đánh thì không có gì cả và cũng không có khuyết điểm. Tôi nghĩ trong tương quan địch ta như thế mà đưa ra khỏi khu tập trung mấy nghìn con người thành công như thế, tiêu diệt sinh lực địch và thu một số lượng vũ khí lớn như thế thì thành công đó lớn lắm… Trong những năm đầu chống Mỹ, tình hình địa phương còn đen tối mà tạo nên được một chiến thắng như Hoài Đức – Bắc Ruộng là một sự kiện khá đặc biệt. Trong trường hợp này mà chần chừ do dự là rất dở, kết quả diễn ra có thể như thế này thế khác. Ở đây ý chí quyết tâm căn bản đã tạo ra cục diện mới, chẳng những có ý nghĩa lớn đối với hôm nay. Chúng ta hội thảo như thế này là để bồi đắp thêm cho Bình Thuận truyền thống cách mạng mà cũng là để ghi chiến công của những người dám làm nên thắng lợi của trận đánh, ghi nhớ công ơn của biết bao người đã hy sinh, chúng ta trả nợ đó một cách xứng đáng, công bằng…”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #147 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 09:59:44 am »

5. Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Quân khu 5:

“… Như trong đặt vấn đề của Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân và trong bản báo cáo trung tâm đã nêu lên toàn diện đối sách và diễn biến, kết quả. Tôi xin đi sâu 3 điểm:... Bình Thuận có vinh dự được mở đầu đợt hoạt động quân sự do Liên Khu ủy 5 và Liên tỉnh 3 phát động. Đơn vị 2-9 của tỉnh do đồng chí Phạm Hoài Chương (Sáu Nam), đồng chí Lê Văn Triều chỉ huy đánh đồn chi khu quận lỵ Hoài Đức của địch trong đêm rạng 31 tháng 7 năm 1960 có ý nghĩa quan trọng sau 4 năm Mỹ - Diệm không thực hiện tổng tuyển cử mà vẫn ngoan cố âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Kết quả trận đánh đã diệt và bắt hơn 300 tên, bắt nhiều tù binh, thu nhiều súng đạn, ta chỉ thương vong nhẹ ba đồng chí; đặc biệt đã đưa trở về an toàn 5.000 đồng bào các dân tộc bị kềm kẹp trở về làng cũ, trong khi nước lũ, phải tổ chức vượt sông dưới mọi điều kiện thiếu phương tiện và kẻ địch đang cố giành giật, đánh phá. Chiến công này biểu hiện sinh động tinh thần lấy nhỏ thắng to, lấy tinh thần vì dân và bảo vệ dân. Chiến thắng này là bước nhảy vọt làm chuyển biến tình hình ở Bình Thuận, đã lập nên khu căn cứ rộng hàng ngàn ki-lô-mét vuông. Liên tỉnh 3 đã vận dụng kinh nghiệm và tác động của chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã tạo ra, đã chỉ đạo lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công đồn Tà Lú – Mã Ty, hỗ trợ cho hàng ngàn đồng bào dân tộc nổi dậy phá khu tập trung trở về làng cũ. Tính đến cuối năm 1960, đã đấu tranh mở ra vùng giải phóng với trên 30.000 dân thuộc 23 xã liên hoàn của hai huyện Khánh Sơn – Vĩnh Sơn ở Khánh Hòa, hai huyện Di Linh, Tánh Linh ở Bình Thuận. Từ đó đồng bào các dân tộc thực hiện phong trào “tự trị làm chủ núi rừng”.

Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng cùng với chiến thắng giải phóng chi khu quân sự Tu-mơ-rông – Đắc Hà ở bắc Kon Tum và một số nơi khác đã tạo thế tấn công đều khắp trên toàn Miền, bước đầu làm cho địch mất một số vị trí quan trọng ở vùng giáp ranh, mở mảng lớn, tạo ra nguồn nhân tài, vật lực, tạo nên bước ngoặt lịch sử đối với phong trào cách mạng địa phương. Tác động của chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã mở ra hướng Lâm Đồng, Tây Nguyên, tiến xuống đồng bằng phá kềm. Thắng lợi của Hoài Đức – Bắc Ruộng mở đầu phong trào đồng khởi của tỉnh, phát triển nhanh lực lượng vũ tang địa phương, bước đầu làm thất bại âm mưu tập trung kềm kẹp đồng bào các dân tộc, đánh bại “quốc sách” và chính sách “thượng du vận” của địch. Đánh bại cái mà Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho trung tướng Thái Quang Hoàng “mất súng không cần nhưng mất dân Thượng khu dinh điền là không được”.

… Trận đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng chỉ với 28 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị 2-9 phối hợp với cấp ủy địa phương đã đánh một trận, tiêu diệt nhanh ghọn, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí. Đánh lui một lực lượng gồm một trung đoàn của địch lên cứu viện nhằm đuổi theo bắt lại số dân ta giải phóng trên đường trở về làng cũ. Thực sự đây là một trận đánh không chỉ bằng quân sự mà bằng chính trị nhiều hơn, là kết quả của hàng loạt hoạt động phong phú. Trước hết nhằm giải phóng và đưa số dân bị kềm kẹp, trở về làng cũ núi rừng để xây dựng căn cứ địa, làm chỗ đứng chân và chỗ dựa cho cách mạng. Bởi vì không có dân thì không thể xây dựng căn cứ được, có dân là có tất cả.

Đơn vị 2-9 của tỉnh thực chất cũng là một đội quân tuyên truyền làm công tác dân vận tốt. Do được giáo dục kỹ, cán bộ và chiến sĩ của đơn vị biết chịu đựng gian khổ, thương yêu đồng bào, ăn ở với đồng bào, làm nhiều điều tốt với đồng bào và được đồng bào thương yêu, tin tưởng, đoàn kết, giúp đỡ. Với nội bộ 2-9 thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên giáo dục và phát động thi đua đánh thắng trận đầu để phục vụ phong trào địa phương và xây dựng truyền thống cho đơn vị. Được quán triệt quyết tâm “trong bất cứ tình huống nào cũng phải đưa được dân trở về an toàn”, do đó đơn vị đã có kế hoạch chu đáo trong việc đánh đồn, diệt viện và khắc phục khó khăn mưa gió, lũ lụt đưa đồng bào qua sông nhanh chóng. “Lấy ít địch nhiều” đánh lạc hướng và phân tán lực lượng địch, đơn vị biết khéo nghi binh lừa địch như rải truyền đơn, kể cả việc tập nói tiếng Nam Bộ để uy hếp địch, giữ bí mật, đánh bất ngờ. Nét nổi bật ở đây của 2-9 là biết khắc phục mọi điều kiện khó khăn, kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành quả này đạt được trước hết là 2-9 được giáo dục kỹ về động cơ, mục đích vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ, đã đoàn kết, gắn bó với nhân dân, dựa vào dân. Nói như ngày nay là phải biết “lấy dân làm gốc”, xây dựng tinh thần quân với dân một ý chí.

Trận đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng đã đi vào lịch sử nhưng âm vang của nó vẫn mãi mãi hào hùng và đã minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc ta, cho ý chí chiến đấu của quân và dân Bình Thuận. Ôn lại những kỷ niệm chiến đấu oanh liệt của dân tộc ta nói chung, của quân và dân Bình Thuận nõi riêng, nhắc nhở chúng ta phải quý trọng giá trị lịch sử, phải luôn luôn tôn trọng và phát huy sáng tạo truyền thống, nêu cao tinh thần ý chí tự chủ, tự lực, tự cường xây dựng quê hương, ngày càng giàu đẹp. Chính đây là chúng ta đã tôn trọng, giữ gìn xứng đáng với truyền thống chiến công oanh liệt của Hoài Đức – Bắc Ruộng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #148 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 10:00:54 am »

6. Giáo sư Hồ Sỹ Khoách, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh:

“… Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng theo chúng tôi có những nét nổi bật riêng của nó trong phong trào tiến công và nổi dậy những năm 1959-1960. Trước hết, đây là một trận đánh mà số quân của ta không lớn, diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hiệu suất chiến đấu và kết quả rất cao. Tiêu diệt và làm chủ toàn bộ chi khu quân sự quận lỵ Hoài Đức và khu tập trung Bắc Ruộng, diệt và bắt trên 300 tên, thu trên 250 súng. Nếu so sánh tương quan lực lượng đơn thuần thì đã có một tỷ số 1 thắng 10. Tỷ số lại diễn ra trong thời kỳ đầu đấu tranh vũ trang của lực lượng vũ trang mới hình thành ở một sô địa phương miền Nam. So với chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung và chiến thắng Tua Hai thì chiến thắng ở chi khu quân sự Hoài Đức có cái riêng của nó. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã bồi thêm một quả đấm trí mạng vào chính sách bình định của địch ở miền núi, các tỉnh đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, thúc đẩy cao trào nổi dậy đồng khởi năm 1960. Sau khi phá được khu tập trung Bắc Ruộng, ta đã đưa được toàn bộ số dân hơn 5.000 đồng bào Thượng trở về buôn làng cũ, có nơi xa 20 cây số, một cách an toàn trong hoàn cảnh địch truy đuổi và vào giữa mùa mưa ở vùng rừng núi. Chúng ta thử hình dung đây là một cuộc di chuyển của trên 1.000 gia đình với không biết bao nhiêu khó khăn phức tạp, người già, trẻ thơ, người bệnh phải khiêng, đồ đạc, gia súc không thể không mang đi theo. Cuối cùng những khó khăn thử thách nghiêm trọng đó đã được khắc phục, đã đưa được toàn bộ trở về an toàn và trọn vẹn, nguyện vọng thiết tha của hơn 500 đồng bào người Thượng đã được thỏa mãn, mục tiêu phá khu tập trung, giải phóng dân và được thực hiện một cách triệt để. Sau chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng, căn cứ địch ở miền núi Bình Thuận đã được mở rộng hàng ngàn cây số vuông. Đây là ngọn cờ, là chỗ dựa vững chắc cho bước chuyển thế của phong trào cách mạng toàn tỉnh, có điều kiện mở mảng xuống đồng bằng, vào đô thị, mở đầu cho phong trào đồng khởi của Bình Thuận và Liên tỉnh 3 Cực Nam Trung Bộ, cần được đánh giá và ghi nhận. Để giành được thắng lợi cho trận đánh trên cơ sở chuẩn bị chiến trường chu đáo, lãnh đạo và cấp chỉ huy bộ đội có kế hoạch tác chiến toàn diện, chính xác trong tiến công địch địch cũng như trong nhiệm vụ đưa dân về hết sức nặng nề. Thực hiện được trọn vẹn các mục tiêu của trận đánh, đó là những cán bộ chỉ huy dũng cảm, sáng tạo, sâu sát; đó là những chiến sĩ 2-9 đoàn kết gắn bó, biết yêu thương, phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao, chiến đấu ngoan cường, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Những nhân tố này được vun đắp và phát huy trong quá trình của cuộc kháng chiến. Kỷ niệm 33 năm ngày chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng, Đảng bộ, quân và dân Binh Thuận cùng cả nước tự hòa về chiến công đầu này, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cao trào đồng khởi năm 1960 trên toàn Miền. Chiến thắng này phải được đặt vào vị trí xứng đáng của nó trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta…”

7. Thiếu tướng, Phó giáo sư Bùi Công Ái, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng:

“… Cũng phải nói rằng, nếu tôi không nhầm thì đây là trận đánh giải phóng và đưa dân về xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng thắng lợi trọn vẹn nhất, có một không hai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Thắng lợi Hoài Đức – Bắc Ruộng đã phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta, đã góp phần phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, một nền quân sự độc đáo mang màu sắc dân tộc Việt Nam được cách mạng hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nền nghệ thuật quân sự ưu việt hơn nghệ thuật quân sự Hoa Kỳ, một quân đội có tiềm lực quân sự và đã huênh hoang là một quân đội chưa từng thua ai; ta đã đánh thắng chúng với quy luật chiến tranh mạnh thắng yếu. Với một trận đánh mà địch đông hơn ta, hiện đại hơn ta. Lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy đoản chế trường, trận Hoài Đức – Bắc Ruộng đã phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta, đã vận dụng một cách sáng tạo mưu kế thế thời, biến sức chiến đấu của ta ít mà hóa nhiều, yếu mà hóa mạnh; trái lại, địch đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu. Ta thì phát huy sở trường mà địch thì không phát huy được cách đánh của chúng, buộc địch phải đối phó với cách đánh mà ta đã lựa chọn. Một vấn đề khá lý thú về nghệ thuật quân sự đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng là giữ được bí mật, chọn thời điểm tấn công mà địch không ngờ đến, kết hợp với phương thức tác chiến sở trường của ta trong điều kiện lực lượng ta ít mà phải đánh lại một đối phương mạnh, đó là dùng chiến thuật đặc công luồn sâu ém sẵn các mục tiêu, vì vậy mà khi ta bắt đầu nổ súng, địch không kịp trở tay, đối phó lúng túng, thật đúng như Hoàng Lê nhất thống chí đã miêu tả cách đánh của Lê Lợi “Ẩn hiện như quỷ thần, tưởng như trên trời rơi xuống, quân như dưới đất chui lên”. Một nhân tố không kém phần quan trọng trong thắng lợi của trận Hoài Đức – Bắc Ruộng là mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, tác phong chỉ huy sâu sát của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; bình tĩnh xử trí các tình huốn xảy ra đầy tính quyết đoán, sáng tạo và linh hoạt.

Có thể nói rằng chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng là một điểm son đầu tiên trong lịch sử chống My của quân và dân Bình Thuận, là bước ngoặt lịch sử trong việc chuyển từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh vũ trang, một trận đánh với hiệu suất chiến đấu rất cao, đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý báu, vô giá, có ý nghĩa lịch sử rất lớn trong việc xây dựng an ninh quốc phòng trong tình hình mới hiện nay…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #149 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2019, 10:02:26 am »

8. Đại tá, Phó tiến sĩ Phan Minh Thảo, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh:

“… Thắng lợi quan trọng này cùng với chiến thắng Tua Hai ở miền Đông Nam Bộ đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ quân khu 3 và của bộ tư lệnh tối cao Mỹ ở Sài Gòn. Vũ khí và quân trang quân dụng đã góp phần to lớn vào việc phát triển lực lượng vũ trang còn nhỏ bé của tỉnh. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những cây súng đầu tiên lấy được của địch để đánh địch cũng là một tiền lệ để đề ra việc xây dựng hậu cần tại chỗ. Điều đó lại càng có ý nghĩa quan trọng trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, khi mà tuyến đường 559 chưa vào đến vùng Nam Tây Nguyên. Thắng lợi quân sự giòn dã như vậy đã mở ra cho lực lượng vũ trang Bình Thuận một cách nhìn và cách suy nghĩ mới về việc đánh giá tương quan lực lượng giữa địch và ta, về vận dụng phương châm, về sử dụng lực lượng trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh giải phóng. Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng có ý nghĩa quân sự và chính trị to lớn vượt quá tầm vóc của nó, đã làm cho nhân dân Bình Thuận càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, vào khả năng lực lượng vũ trang của tỉnh và cổ vũ họ tiếp tục đứng lên cùng với toàn Miền tấn công địch, thực sự mở dường cho Bình Thuận và Liên tỉnh 3 dũng cảm và đầy tự tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ mới. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng là một chiến thắng kép, nghĩa là ngoài ý nghĩa về quân sự còn đã đánh bại chính sách “thượng du vận” của địch. Sự nổi dậy phá tan tàn khu tập trung Bắc Ruộng và đưa được hơn 5.000 dân về với cách mạng là “cuộc bỏ phiếu bằng chân” biểu lộ sự chọn lựa sáng suốt của người dân Thượng đối với cách mạng. Sự thất bại đau đớn đó đã làm cho Ngô Đình Diệm nổi khủng ra lệnh tung ngay một sư đoàn chia làm hai cánh đuổi theo và chỉ thị rõ là “mất súng không cần nhưng mất dân Thượng là không được”. Vì sao lại có cái mệnh lệnh kỳ quặc đó? Vì Mỹ - Diệm lo sợ thất bại ở Hoài Đức – Bắc Ruộng có thể tạo nên tiền lệ làm hỏng quốc sách khu dinh điền ở vùng Tây Nguyên, mất khu dinh điền là mất luôn chiếc áo giáp bảo vệ hệ thống giao thông chiến lược và làm suy yếu hệ thống phòng thủ của chúng ở vùng rừng núi Bình Thuận và Nam Tây Nguyên. Ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng còn ở chỗ nó còn cung cấp một mô hình mới trong cao trào đồng khởi lúc bấy giờ ở Bình Thuận khác với mô hình đồng khởi ở Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long, khác với các cuộc nổi dậy các nơi ở miền Tây, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận. Các mô hình ở các nơi nói trên tuy về cụ thể có khác nhau nhưng nhìn chung là đi từ sự nổi dậy của quần chúng cách mạng địa phương có sự hỗ trợ của một số it lực lượng vũ trang của xã, của huyện, sau đó chiến đấu du kích, giữ gìn, tích lũy lực lượng và phát triển dần từng bước lên chiến tranh cách mạng. Mô hình Bình Thuận tuy lúc đầu cũng có sự chuẩn bị cho lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang quần chúng tổ chức bí mật bố phòng buôn làng và sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang kéo và rừng sống bất hợp pháp, nhưng điều đặc biệt là ngay từ đầu đã dám sử dụng lực lượng vũ trang của tỉnh đánh lớn, đánh tập trung, tấn công tiêu diệt lực lượng bảo an dân vệ không phải trong các cuộc càn vào căn cứ ta mà đánh ngay vào hang ổ, sào huyệt của chúng và còn đánh phá khu tập trung, giải phóng hàng ngàn người. Yếu tố tấn công của bộ đội chủ lực tỉnh giữ vai trò quyết định và xuất hiện như một yếu tố đòn bẩy tạo nên một cuộc nổi dậy của đồng bào đang bị kềm kẹp ở khu tập trung. Nếu trong thời kỳ đầu đồng khởi ở Bình Thuận có đi chậm hơn các vùng khác thì khi chuyển sang chiến tranh cách mạng, Bình Thuận lại có phần đi nhanh hơn so với một số vùng và chính điều này đã tạo nên những nét đặc thù của Bình Thuận. Mô hình Hoài Đức – Bắc Ruộng đã được Liên tỉnh 3 nhân rộng ra trên toàn Liên tỉnh. Với thắng lợi Hoài Đức – Bắc Ruộng, Bình Thuận mở màn khởi nghĩa vũ trang đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tạo bước ngoặt lớn cho phong trào cách mạng ở Nam Trung Bộ, góp phần khắc phục tình trạng phát triển không đều giữa khu 5 và Nam Bộ. Sự sáng tạo của cách đánh đã làm cho địch bị bất ngờ hoàn toàn và cũng làm cho cả ta cũng bị “bất ngờ” nữa. Giữa năm 1960, ở một vùng rừng núi hẻo lánh mà bỗng xuất hiện một trận diệt chi khu quận lỵ thì thật là hy hữu. Chúng ta đều biết trong kháng chiến chống Pháp muốn diệt một căn cứ chi khu quận lỵ phải mất nhiều năm kể từ khi chiến tranh, thế mà ngay trận đánh đầu ta đã làm được chuyện khó tin đó. Nếu cứ làm như các nơi khác, nghĩa là nỏi lên đánh du kích, đánh nhỏ đánh lẻ, giành lại vài làng, vài trăm dân và cứ thế “tà tà đi lên” thì cũng chẳng ai chê trách các đồng chí vì lực lượng ban đầu chỉ có thế. Nhưng với tinh thần tấn công cách mạng, các đồng chí đã vươn lên quyết giành thắng lợi lớn nhất, làm được những việc mà trước đó nhiều nơi chưa làm được. Và cũng chính vì thế mới có cuộc hội thảo hôm nay.

Bài học tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường đi đúng đường lối quần chúng này ắt hẳn vẫn còn cần thiết cho hôm nay và mai sau. Phương thức tác chiến của trận Hoài Đức – Bắc Ruộng phải nói chủ yếu là dùng mưu trí sáng tạo để đánh địch, trong khi không thể không nhắc tới một sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả lại không nhỏ, đó là sáng kiến nghi binh trong chiến đấu. Nghệ thuật nghi binh bao giờ cũng hư hư thực thực với mục đích cuối cùng là đánh lạc sự phán đoán của địch. Vấn đề để cho đồng chí Thành và anh em 2-9 giả tiếng nói Nam Bộ khi hô khẩu lệnh trong chiến đấu, trong khi giải thích và phóng thích tù hàng binh sau trận chiến đấu không ngờ đã có tác dụng lớn. Sau khi bọn tù binh được phóng thích kể lại nghe anh em ta nói tiếng Nam Bộ, chúng cho là đơn vị đánh Tua Hai ra đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng nên tung ngay hai trung đoàn về hướng Võ Đắc để truy kích chứ không bao giờ nghĩ rằng lực lượng vũ trang Bình Thuận lại có thể làm nên cái chuyện tày trời này. Nghe chuyện này ta cứ ngỡ là nghe chuyện Tam Quốc, Khổng Minh lừa Tào Tháo! Trong nghệ thuật quân sự, bản thân việc rút lui của một đơn vị chủ lực dưới sự truy đuổi của địch cũng là một khó khăn, huống gì lại còn phải hộ tống theo hàng ngàn con người trong một thời gian dài. Cũng may là hồi ấy quân Mỹ chưa vào, máy bay, pháo binh của quân ngụy chưa mạnh, nếu không, với số phi pháo mạnh, không biết anh em ta sẽ xoay sở như thế nào. Tất nhiên, cũng phải có cách nào đó nhưng khó khăn, thương vong sẽ nhiều hơn. Đưa được bộ đội và dân về an toàn và giữ được tổ chức kỷ luật, tinh thần khi rút lui là một thành công lớn về lãnh đạo và chỉ huy, đây cũng là trường hợp thành công hiếm có. Về vận dụng phương châm, chính trong quá trình hình thành quyết tâm đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng, các đồng chí tỉnh ủy lúc bấy giờ cũng biết rằng đã dám làm một chuyện lớn, động trời, là đã vượt qua mức độ của Nghị quyết 15 cho phép, đã đưa đấu tranh vũ trang lên ngang hàng với đấu tranh chính trị, và trong tường hợp này đấu tranh vũ trang là chủ yếu, mức độ mà đến đầu năm 1961 Nghị quyết của Bộ Chính trị mới cho phép. Vì thế, lúc đầu không dám báo cáo quyết tâm với Liên tỉnh, sợ trên không cho đánh. Lúc ấy, đây là trận đánh chui và xé rào cho nên đánh xong cũng không được tuyên truyền, cổ vũ khuếch trương chiến thắng. Tuy nhiên, chân lý bao giờ cũng cụ thể. Tác dụng của chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, nó đã góp phần đưa phong trào Bình Thuận lên khá cao lúc bấy giờ. Nhận rõ tác dụng của chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng, Liên tỉnh đã nhân rộng mô hình Hoài Đức – Bắc Ruộng ra toàn liên tỉnh với những chiến thắng không kém phần vang dội ở Ninh Thuận và Khánh Hòa. Khi đánh Hoài Đức – Bắc Ruộng, các đồng chí Bình Thuận cũng không ngờ rằng mình đã cống hiến một mô hình mới từ khởi nghĩa vũ trang chuyển sang chiến tranh cách mạng. Nếu dùng cách so sánh lịch sử, chúng ta thấy mô hình của Bình Thuận khác rất nhiều so với các nơi khác trong đồng khởi. Trận Hoài Đức – Bắc Ruộng thực sự là một cái mốc chuyển hóa từ khởi nghĩa vũ trang gòm các yếu tố vừa tấn công vừa nổi dậy, vừa nổi dậy vừa tấn công bao gồm cả ba mũi giáp công một cách nhuần nhuyễn. Những phương thức chủ yếu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng đã sớm xuất hiện ở Hoài Đức – Bắc Ruộng. Với tất cả những đặc điểm của mình, Hoài Đức – Bắc Ruộng thực sự đưa đấu tranh vũ trang lên ngang hàng với đấu tranh chính trị và giữ vai trò chủ yếu trong quá trình chiến đấu. Trận Hoài Đức – Bắc Ruộng với những kết quả thực tế của mình đã góp phần cung cấp cho cấp trên những sự kiện đầy thuyết phục rằng cuộc chiến tranh cách mạng đã thực sự bắt đầu, rằng tình hình thực tế đã vượt qua những gì mà Trung ương Đảng đã dự liệu trong Nghị quyết 15 và đòi hỏi một phương châm đấu tranh mới cho toàn Miền, không nên máy móc cứng nhắc. Chúng ta có trách nhiệm hoàn thiện các phương châm bằng những hành động cách mạng của mình. Cụ thể là chúng ta có trách nhiệm góp phần đẩy mạnh, đẩy nhanh cuộc chiến tranh đến ngày toàn thắng. Phương châm của Nghị quyết 15 là để cho thời kỳ đầu, thời kỳ chuyển hướng sang đồng khởi. Ngay bản thân Nghị quyết 15 cũng đã muộn so với tình hình cách mạng miền Nam lúc bấy giờ huống chi ta đã có cao trào đồng khởi ở Nam Bộ trong những tháng đầu năm 1960, trước đó cũng đã có Bác Ái, Trà Bồng, gần đây là có Tua Hai, v.v. Xứ ủy Nam Bộ đầu năm 1960 cũng đã có kiến nghị với Trung ương đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị rồi, tại sao ta lại cứ bó mình theo phương châm cũ khi mà thực tế cách mạng ở Bình Thuận đã cho phép ta vượt lên phía trước? Ở đây cũng có một biểu hiện thực tế là không có ranh giới giữa khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Chính tinh thần tấn công cách mạng, ý chí tiến công tiêu diệt địch đã giúp các đồng chí Bình Thuận vượt qua những hạn chế về thông tin, tính dè dặt lo sợ vi phạm phương châm chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhìn rõ bàn chất và yêu cầu thực tế của tình hình nên đã có quyết tâm đúng. Với tình thế lúc bấy giờ, vận dụng đúng được phương châm là cần thiết, là bảnh lĩnh nhưng vận dụng để phát triển phương châm trong tình hình mới một cách sáng tạo là điều ít người dám làm vì một lẽ dễ hiểu là “thắng ở đây mà thua cũng ở đây” và dĩ nhiên hậu quả của nó là công ở đây mà tội cũng ở đây”. Các đồng chí Bình Thuận đã cung cấp cho chúng ta một tấm gương về tinh thần dũng cảm cách mạng của người lãnh đạo và chỉ huy dám làm, dám chịu và cả bản lĩnh trong việc vận dụng sáng tạo phương châm khi cần thiết.

Cách mạng phát triển cũng chủ yếu nhờ những đảng viên như Lê-nin khi đánh giá một nhân vật lịch sử có nói: “Đánh giá một con người không phải là xem anh ta đã làm được những gì mà chính là xem anh ta đã làm được những gì mà trước đó chưa ai làm được”. Vấn đề là không chỉ xem các đồng chí Bình Thuận đã làm được những gì ở Hoài Đức – Bắc Ruộng mà còn xem trước đó có ai đã làm được như vậy chưa. Chúng tôi thấy quả là hiếm có ai đã làm như vậy. Trừ ở Miền, lực lượng chủ lực đánh được Tua Hai, còn ở cấp tỉnh rất hiếm, ngay từ đầu đã dám đánh lớn, đánh ngay vào chi khu quận lỵ như vậy.

Sau hơn 30 năm, khi mà lịch sử đã tương đối lắng đọng, chúng ta đã có thời gian tạm đủ để nhìn lại trận Hoài Đức – Bắc Ruộng. Có thể khẳng định mà không sợ lầm lẫn rằng trận Hoài Đức – Bắc Ruộng trong thời kỳ chống Mỹ là một trong những cái mốc bằng vàng của lịch sử Bình Thuận. Hoài Đức - Bắc Ruộng mãi mãi là điểm son không phai mờ trong ký ức của người dân Bình Thuận và của chúng ta…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM