Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:05:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 22984 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:13:52 pm »

Đã làm chủ đồn, thu vũ khí chiến lợi phẩm nhưng không sao kiểm soát hết được cả một chi khu quá rộng. Nó vốn là tiểu khu, nhà cửa dãy ngang dãy dọc sâu tối hun hút, một số lính còn sót lẩn trốn không tảo trừ, lùng bắt hết được. Còn một nhà ở góc đồn đánh mấy lần bộc phá đều không nổ, khi quả cuối cùng nổ thì Tâm trung đội phó cũng hy sinh. Trong trận nội, ta thu được một trung liên, một số tôm-xông, tuyn, các-bin, ga-răng, súng ngắn trên 30 khẩu của nhà lính; còn kho vũ khí thì không tìm được. Mười Lang đưa tôi vào quan sát đồn quả là nó rất rộng lớn, đặc công, bộ binh vào lọt thỏm chả biết đâu là đâu. Anh Năm Lương đưa dân công vào đồn thu chiến lợi phẩm. Ngoài súng đạn còn trên 500 bộ quần áo kaki vàng, loại của lính khố đỏ thời Pháp thuộc, nút đồng, dài lòng thòng; về vị trí mấy anh em mặc thử trông thật buồn cười. Ở thị trấn, phạm vi tác chiến càng quá rộng, mỗi mũi chỉ sáu đến bảy người, địch bị đánh tan tác chứ không diệt được bao nhiêu; thu được một số súng chủ yếu là tiểu liên PM, các-bin và súng ngắn; nhưng lấy được nhiều thuốc men và một bộ trung phẫu của bệnh viện Di Linh. Ngoài ra còn có mấy tấn gạo cùng một số thực phẩm, rất cần cho thời gian hoạt động tại chiến trường này. Ở vùng địch hậu xa xôi, lương thực cho cả trăm con người là không đơn giản chút nào, nên cả bộ đội và dân công đều ráng mang thực khẳm. Đội công tác cũng choáng ngợp với cái thị trấn đông đúc này, hàng ngàn truyền đơn thoáng chốc đã phát tán sạch. Sáng rõ lâu rồi ta mới treo cờ Mặt trận rồi thu quân. Bộ đội, dân công kéo đi rầm rập trên đường 20 hân hoan với niềm vui chiến thắng. Sương mù còn dày nhưng bà con hai bên phố cũng nhìn đã mắt những chiến sĩ giải phóng mũ tai bèo, dép cao su; nhiều người vẫy tay chào thân thiện.

Về rẫy Xê-rê-pô dừng nghỉ chân, đồng bào cả xóm đã có mặt đón mừng bộ đội đánh thắng trở về. Mãi quá trưa, quân viện tiểu khu Bảo Lộc mới hùng hổ kéo đến. Nhìn nhà cửa, công sự đổ nát, chúng đi loanh quanh thị trấn, thu một số truyền đơn, giải quyết hậu quả rồi quay về Bảo Lộc chứ không dại gì theo dấu vào rừng cho mệt và dễ bị ăn đòn. Về ta, trận này hy sinh 2, là Tâm trung đội phó đặc công và Bính trung đội trưởng bộ binh; không bị thương ai. Thiếu sót là không đưa được Tâm về, còn Bính thì đồng bào Xêrêpô đã chôn cất tử tế và gìn giữ chu đáo mộ phần.

Đúng là chiến thắng Di Linh có tiếng vang rất lớn. Hồi ấy, đài BBC có đưa tin: “Đêm 15 tháng 5 năm 1961, quân giải phóng miền Nam đã tấn công làm chủ suốt đêm quận lỵ Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng”. Sau đó viết thêm: khi trao đổi tình hình với các sĩ quan tham mưu biệt bộ, Ngô Đình Nhu đã thú nhận là thất bại ở Di Linh và Bù Răng (bị bộ đội Liên tỉnh diệt cùng đêm) là rất đau đối với kế hoạch phòng thủ Tây Nguyên của chúng. 529 và 531 còn phối hợp đội công tác Vũ trang tuyên truyền sở trà Lút Xe và một loạt đồn điền khác dọc đường 20, cơ sở trong công nhân được móc nối xây dựng khá nhanh, phong trào phát triển một bước quan trọng.

Ba tháng sau, chúng tôi lại đánh diệt đồn Gia Bát trên đường 8, phá khu tập trung Gia Bát. Như vậy, sau trận Hoài Đức – Bắc Ruộng một năm, các lực lượng vũ trang Bình Thuận đã lớn mạnh hơn nhiều, lập thành tích xuất sắc, diệt hai chi khu Hoài Đức và Di Linh, các đồn Thiện Phú, Cỏ Mồm, Gia Bát, vũ trang tuyên truyền mở phong trào nhiều nơi, nhất là ở Nam Tây Nguyên; tuy mới bước đầu nhưng rất quan trọng, tạo đà vững chắc tiến lên giành nhiều thắng lợi mới.

Giữa năm 1961, hai khung đại đội từ miền Bắc về tăng cường cho tỉnh, cùng với phong trào phát triển, thanh niên thoát ly nhiều, hai nơi đông nhất là Hàm Thuận và Khu Lê, có đợt cả trăm người, đủ xây dựng mỗi huyện một trung đội còn bổ sung cho tỉnh đủ quân số tổ chức thành hai đại đội bộ binh. Lúc này, phiên hiệu mới của tỉnh là 400 nên các đơn vị trực thuộc của tỉnh đều có phiên hiệu số 4 đứng đầy. 529 nay là 486 có tên Hoành Sơn, là một đại đội đủ; Đại đội 489 thiếu tên là Hồng Phong; 531 nay là 481 với tên Đại Dương, 486 hoạt động phía nam tỉnh, thường đứng ở Hàm Thạnh chống càn, bảo vệ xã giải phóng ngọn cờ đầu của tỉnh, 489 hoạt động ở phía bắc tỉnh, đứng ở Khu Lê, có hậu cứ ở Hàm Trí.

Sau đánh Di Linh, các cơ quan bị đói, phải chặt đọt, hái rau, đi tận núi Bà Xa làm bột Xà bu. Tôi và Tư Thanh ở cơ quan tỉnh tại Bộ Cao ăn bốn người/lon gạo/ một ngày, phải nấu thật nhiều rau rịa ăn độn qua ngày. Các đơn vị chiến đấu ở chiến trường tiếp tế dễ hơn.

Tháng 6 năm 1961, anh Lê Văn Hiền khu ủy viên khu 6 vào làm bí thư Bình Thuận đã bàn đưa các cơ quan của tỉnh xuống khu vực Mắc Cỡ đóng thành một thế liên hoàn với các đơn vị, bố phòng bảo vệ thuận lợi, đi về đồng bằng gần hơn trước nhiều. Lực lượng phá triển nhanh, địch đối phó gắt gao, tiếp tế lương thực khó khăn; một phong trào sản xuất tự túc được phát động rầm rộ, cơ quan đơn vị tích cực phát rẫy trỉa bắp, trồng mì, trồng lang. Vụ bắp năm 1961 trúng lớn, sản xuất có kết quả, tiêu chuẩn khá cao: 24 trái bắp/người/ngày, muốn ăn nướng, luộc, rang tùy ý; lãnh về trại làm thêm phần vui vẻ nhộn nhịp. Tiêu chuẩn mì, lang cũng rộng rãi, không chi li lắm. Đầu 1963, tôi lên Quân khu họp Hội nghị Quân chính, nghe tôi báo cáo tiêu chuẩn ăn của Bình Thuận, các anh Trần Lê (bí thư khu ủy), Tư Khiêm (phó bí thư, chính ủy quân khu) cười, nói: Bình Thuận thế là nhất rồi!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:16:39 pm »

Để phục vụ đồng bào căn cứ, từ giữa 1961, tỉnh đội thành lập một đội văn công gồm 20 thiếu niên thiếu nữ người K’ho do đồng chí Nguyễn Thành Phúc, một cán bộ đại đội phụ trách. Rất ngộ là các em chưa biết tiếng Kinh, đồng chí Phúc không biết tiếng Thượng, vậy mà Phúc đã tập các em hát các bài hát tiếng Việt khá đều và hay như Quốc ca, Hồ Chí Minh muôn năm, Chiến sĩ Việt Nam, Kết Đoàn, Giải phóng miền Nam, v.v. ai cũng khen. Chỉ bằng các tiếng gõ đũa làm nhịp mà các em biểu diễn các động tác múa rất nhịp nhàng, đẹp mắt. Rồi dần dần các em mới thạo tiếng Kinh. Giữa năm 1962, đội được bổ sung nhiều thiếu niên nam nữ Kinh; Phúc đi làm chính trị Huyện đội huyện Thuận Phong, Trần Hoa Phấn thay làm đoàn trưởng, chinh trị viên Lê Trường Ngọc, phó đoàn Ngô Thanh Tâm. Tâm đã là diễn viên Đoàn Cải lương Đồng Ấu Hòa Bình của Nam Bộ trước Cách mạng tháng Tám. Đoàn có tên mới là Đoàn Văn công Thống nhất tỉnh Bình Thuận và được chuyển về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý. Đoàn thường xuyên phục vụ đồng bào miền núi, đồng bằng, có lúc vào sát ấp chiến lược, tận vùng ven thị xã biểu diễn các vở ca múa kịch cách mạng được đồng bào khen ngợi, yêu mến và bảo vệ chu đáo. Đoàn còn phục vụ bộ đội và làm dân công chiến trường.

Khu vực Mắc Cỡ đông vui, sản xuất giỏi, bố phòng tốt, đánh giặc cũng cừ. Cơ quan quân sự bắt đầu tách riêng, hình thành các bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần. Có cơ quan, đơn vị ở gần, đồng bào các thôn Thuận, thôn Hải, thôn Nghĩa, thôn Phú rất phấn khởi, được hướng dẫn bố phòng, huấn luyện du kích, kèm cặp tác chiến. 481, 486, Trường Bạch Đằng, Cao Thắng, cơ quan 400 công tác dân vận giỏi, được nhân dân thương mến; đoàn kết quân dân càng gắn bó, thân thiết.

Trên đường khoảng giữa đèo Sông De và rẫy Mắc Cỡ, có một thân cây lớn đổ ngang đường vừa tầm ngồi nghỉ chân. Có ai đó khắc lên thân cây một khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ - Diệm” nên ai cũng gọi là chỗ cây đả đảo Mỹ - Diệm, lâu thành quen. Có lúc địch càn đến đây, thấy khẩu hiệu này nó cũng không phá.

Hàm Thuận là chiến trường sôi động nhất, đặc biệt là ở Hàm Thạnh và Tam Giác. Ngày 4 tháng 3 năm 1961, địch tiến hành bầu cử Quốc hội bù nhìn. Huyện chủ trương phá cuộc bầu cử bịp bợm này, phối hợp 529 và đội công tác vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng tẩy chay trò hề bầu cử đi đôi với đánh diệt gọn bảo an, biệt kích, hỗ trợ quần chúng phá bầu cử. Chiều ngày 1 tháng 3, được cơ sở báo tin, 529 phục kích tại Cầu Liêm đường 8, hai xe lam chở bọn biệt kích chạy đến trận địa nhưng thấy người trên xe mặc đồ đen, đội nón lá, con phân vân sợ đánh nhầm dân thì xe đã vượt qua. Cơ sở phóng đến hỏi:

- Đúng là biệt kích, sao không đánh?

Biết đã lỡ rồi đành an ủi cho cơ sở khỏi buồn:

- Thôi, để nó sống thêm đêm nay, mai sẽ tính, không muộn gì!

Đêm đó, 529 chia hai bộ phận cùng đội công tác đột hai ấp Bình An và Tầm Hưng, dân vệ bung chạy tán loạn, trốn biệt. Ta làm chủ ấp, giải thích chủ trương phá bầu cử của địch rồi đốt trụi trụ sở hai ấp. Sáng, một toán biệt kích bất ngờ xuất hiện trước đơn vị. Suốt đêm lùng rừng, sáng về ấp, chúng chủ quan, không đề phòng. Bị đánh bất ngờ, mấy tên chết tại chỗ, bọn còn lại bung chạy không đánh trả phát nào. Tư Quyết cho truy theo, diệt thêm mấy tên, quay về cười ha hả:

- Bọn biệt kích chạy giỏi quá!

Bà con khu 1 kéo đến thăm bộ đội rất đông. Quà bánh, gạo, cá, gà vịt mang tới ủng hộ rất nhiều. Bên suối hóng mát, bao nhiêu câu chuyện tâm tình từ những năm xa cách, tình cảm quân dân thật đầm ấm, thân thương. Gần 12 giờ, nắng tháng 3 thật gay gắt; Tam Giác tháng này đồng khô cỏ cháy, gió bụi mù trời. Bỗng có địch đến gần, nên đánh hay rút? Phải đánh thôi, rút không ổn cho dân. Đã rất gần, địch vẫn không phát hiện ta, chúng hò hét ùa qua suối: Coi chừng Việt cộng!

Mười Lang cầm ngay khẩu trung liên của xạ thủ bên cạnh, đứng lên quét cả loạt dài, đơn vị đồng loạt nổ súng. Tối đi đầu đổ gục gần hết. Ỷ đông, bọn sau nằm trên đồng bắn trả dữ dội. Năm Hưng, Tư Quyết dẫn hai mũi lao lên thọc sườn và vòng sau đánh tới. đội hình địch bị chia cắt từng mảnh. Một quả AT rót trúng, khẩu đại liên địch hất tung lên câm bặt. Chúng tan rã tháo chạy. Tiếng xung phong vang vang, nhiều tên giặc chui vào đống rơm, đống củi, chuồng heo lẩn trốn, giấu, vứt súng lung tung. Ta làm chủ chiến trường, kiểm soát trận địa, bắt một tù binh, 60 tên bỏ xác tại trận địa. Ta vô sự; thu 20 súng (có một trung liên). Trận tiêu diệt đại đội bảo an 442 và toán biệt kích của tiểu khu Bình Thuận tại khu 1 Bình Lâm của 529 và Đội công tác là trận đánh xuất sắc đầu năm 1961, phá hậu cứ địch ở Tam Giác, ảnh hưởng lớn khắp vùng, nhân dân càng tin tưởng bộ đội lớn mạnh, thắng to. Đây là trận đầu trong chống Mỹ, một đại đội thiếu của ta cùng Đội công tác nhỏ bé đã diệt một đại đội bảo an, một toán biệt kích ban ngày giữa đồng trống, cách Phan Thiết chỉ 9 ki-lô-mét. Quần chúng tận mắt chứng kiến một trận đánh hay, thắng đậm của bộ đội, càng kiên cường chống địch. Tên tù binh bị thương được ta băng bó chu đáo, giáo dục và thả ngay tại chiến trường đã có tác dụng tốt. Tuy vậy, do đánh ngày ở đồng bằng trống trải, gần thị xã, đơn vị cũng chưa kiểm soát kỹ trận địa, thoát ly chiến trường nhanh nên còn bỏ sót nhiều súng địch giấu, vứt lại, có cả đại liên, trung liên. Đó là khuyết điểm cần khắc phục.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:17:58 pm »

Vừa về đến chiến trường, thượng úy Võ Tương “Chiến sĩ giết giặc số 1 của Nam Trung Bộ” trong chống Pháp, nay là đại đội trưởng 486, thượng úy Hà Văn Tuy, đại đội trưởng 489 đã chỉ huy những trận đánh thắng giòn giã, góp phần tích cực phá ấp, phá kềm, giải phóng một số xã đồng bằng Hàm Thuận, Khu Lê. Đây là trận vũ trang tuyên truyền ấp Long Hoa – xã Long Phú và phục kích trên đường 1 gần ấp Tà Nung. Đêm 27 tháng 9 năm 1961, Võ Tương (tên mới là Tiến) đã chỉ huy đánh diệt hai xe quân sự và một trung đội thủy quân lục chiến, thu hơn chục súng có hai trung liên. Tiếp ngày 9 tháng 10 năm 1961, 486, 489 và 481 đánh một tiểu đoàn thủy quân lục chiến càn lớn vào Bến Ngạch – Khu Lê, diệt 100 tên, buộc tiểu đoàn này phải lui về Phan Thiết ngay chiều đó. Đồn Nha Thiện Phú ở Bàu Thiêu hoảng sợ rút chạy về Mũi Né, Khu Lê từ đó không còn bóng địch. Các xã Nhơn Thiện, Thiện Nghiệp từ Bàu Trắng, Rừng Lớn, Cốc Chua đến Bàu Thiêu, Ô Rô, Giếng Đé, Giếng Triền, Bàu Tàng, Bàu Me đã được giải phóng thành một khu căn cứ lớn và vững chắc ở đồng bằng Bình Thuận.

486, 489 chống càn liên tục, giữ vững vùng mới giải phóng. Ngày 17 tháng 10, 486 chống càn ở Cà Gằng – Hàm Thạnh gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 30 tháng 10, 480 đánh gẫy cuộc càn ở Hàm Trí. Ngày 6 tháng 12, 486 đánh thiệt hại nặng cuộc càn lớn vào Cà Gằng. Sáng ấy, tôi vừa đến 486 thì có báo động. Trong nháy mắt, Tiến đã gọn gàng với vòng lá ngụy trang, áo trật một cánh tay, cười bảo tôi:

- Anh vào hậu cứ Suối Hàng Cau với đại đội bộ đi!

- Không, mình cùng đi tác chiến với các cậu chứ!

Tiến cười:

- Chạy vận động với anh em nổi không?

- Được thôi!

- Thì đi!

Trận này, đơn vị diệt 54 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, địch phải rút, đồng bào Cà Gằng thu hoạch mùa yên ổn. Cùng ngày 17 tháng 12, một trung đội 489 phối hợp với bộ đội địa phương 430 Hàm Thuận truy đuổi bọn biệt kích Chăm, giành lại từng bó lúa cho dân ở Hàm Trí. 489 còn có nhiều trận chống càn bảo vệ vùng mới giải phóng Khu Lê. Ngày 19 tháng 12 đánh càn ở Giếng Triền, diệt hàng chục tên. Ngày 22 tháng 12 dùng xe tập kích ngày vào Lương Sơn diệt gọn một trung đội dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Từ 4 đến 9 tháng 1 năm 1962 liên tục đánh càn ở Khu Lê; nhờ đó mà các xã giải phóng Khu Lê, Tây Hàm Thuận được giữ vững. Tam Giác vẫn là nơi tranh chấp quyết liệt, hoạt động vũ trang, chính trị luôn sôi động. “Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường” càng nổi tiếng suốt cuộc chống Mỹ.

Cuối tháng 7 năm 1961, tôi và anh Tám Hiền (Lê Văn Hiền) đi một chuyến công tác vào Nam Bộ, thật ra cũng đến Bà Rịa và Quân khu miền Đông mà thôi. Đến Hàm Thạnh, cắt qua đường Suối Kiết – Tánh Linh, sang Bà Tá, Bà Giêng, vào địa phận Bà Rịa ở ki-lô-mét 67 (quốc lộ 1, địa đầu Nam Bộ. Vậy là vùng căn cứ miền núi của ta khá rộng, giáp vùng giải phóng Bà Rịa rồi. Nhưng đồng bằng thì đồng khởi chưa rộng mạnh, cần học tập kinh nghiệm Nam Bộ nên có chuyến đi này. Vào cơ quan Quân khu 7, gặp anh Tám Kiến Quốc (tức Nguyễn Hữu Xuyến) Tư lệnh Quân khu, anh Hai Lực chính ủy, Tư Việt Hồng chủ nhiệm chính trị đều là cán bộ trụ lại từ Hiệp định Giơ-ne-vơ. Các anh: Hai Hồng Lâm (tham mưu trưởng), Ba Thành (phó chủ nhiệm chính trị) thì mới về cuối 1959. Các anh làm việc rất thân tình, giúp nhiều kinh nghiệm xây dựng hoạt động của các lực lượng vũ trang tỉnh huyện, đồng khởi và đấu tranh chính trị hợp pháp của các xã giải phóng đồng bằng, xây dựng làng chiến đấu. Bây giờ mới được nghe say sưa về chiến thắng Tua Hai, chiến thắng lớn tác động mạnh đến phong trào cách mang miền Nam và miền Đông Nam Bộ. Khi anh Tám Hiền giới thiệu tôi là trưởng Ban Quân sự Bình Thuận (Nam Bộ vẫn gọi là tỉnh đội trưởng như thời chống Pháp) thì anh Tám Kiến Quốc, Hai Lực xiết chặt tay tôi khen tỉnh đội trưởng Bình Thuận trẻ quá (thật ra năm 1961 tôi đã 33 tuổi rồi, có lẽ vì nhỏ con, hơi trắng trẻo nên các anh cho là còn trẻ đó thôi). Nhìn các ăn ở, làm việc của cơ quan rất có nền nếp, nhà cửa khăn trang, thoáng mát; bấy giờ tôi mới biết ở đây lợp nhà bằng lá trung quân, sạch, bền, đẹp lại không bị cháy như tranh, lá buông trong mùa khô. Đời sống khá hơn Khu 6 nhiều. Hồi ấy Bình Thuận chưa ăn ngày ba bữa như Nam Bộ, chỉ ăn trưa, chiều không phù hợp hoàn cảnh thời chiến. Sau chuyến đi này, ở ta cũng ăn ba bữa. Địa hình miền Đông tương đối giống Bình Thuận nhưng có cái hay là vừa có làng xã chiến đấu đánh địch lại vừa giữ được thế đấu tranh chính trị hợp pháp là điều khác hẳn với ta. Các anh tặng một số tài liệu tổng kết của các xã đồng khởi đưa lên giải phóng điển hình ở Bến Tre, Mỹ Tho, Long An. Đến Bà Rịa, anh Ba Ngọc (bí thư tỉnh ủy) giới thiệu thêm kinh nghiệm đồng khởi của Bà Rịa và đấu tranh chính trị, vũ trang ở đây. Vào thời điểm này, ở Nam Bộ, tỉnh thường có tiểu đoàn, huyện có một, hai đại đội, xã có một, hai trung đội du kích tập trung. Du kích không thoát ly và dân quân thì rộng khắp. Bố phòng vũ khí thí thô sơ không hơn ta nhưng chất nổ (mìn, đạp lôi) thì hơn ta nhiều. Anh Tám Hiền đặt liên lạc giữa Quân khu 6 với Quân khu 7, Bình Thuận với Bà Rịa và kết thúc chuyến thăm học kinh nghiệm bạn. Về hệ thống chỉ huy, lãnh đạo lực lượng vũ trang, Nam Bộ đã thống nhất, ổn định từ khu đến xã. Khu 6 lúc này vẫn còn Ban Quân sự trực thuộc Tỉnh ủy, làm tham mưu cho cấp ủy về quân sự; tiếp đó thực hiện cơ chế bí thư cấp ủy kiêm trưởng ban quân sự, đồng chí chỉ huy quân sự làm phó ban, thực tế này khác hơn Nam Bộ và kéo dài đến 1963 mới tổ chức tỉnh, huyện đội thống nhất cả miền Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:19:33 pm »

Vận dụng kinh nghiệm bạn, anh Tám Hiền chỉ đạo đẩy phong trào đồng khởi rộng mạnh hơn nhiều, xây dựng đều làng chiến đấu ở các các xã giải phóng Khu Lê, tây và nam Hàm Thuận, xã Tiến Lợi ven Phan Thiết, duy trì sức chiến đấu lâu dài. Đến cuối 1961, Bình Thuận có 20 xã giải phóng và căn cứ với hơn hai vạn tư dân; đó là niềm phấn khởi tự hào của tỉnh nhà; nhưng do đặc thù địa phương, xã giải phóng đồng bằng của ta không thể nào đấu tranh chính trị hợp pháp ở như ở Nam Bộ.

Thực hiện phương châm đẩy mạnh tác chiến khắp ba vùng chiến lược, tỉnh chủ trương đưa hoạt động sâu vào thị xã, hỗ trợ tích cực phong trào nội thị, không để hậu phương địch an toàn, tôi bàn với thị đội tổ chức một số đội hoạt động vũ trang tuyên truyền diệt ác trong nội thị và đánh địch ở vùng ven, gây ảnh hưởng, tạo thuận lợi xây dựng phát triển cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh ở Phan Thiết. Trận đánh đầu tiên vào thị xã nhằm vào chi khu Hàm Thuận lúc đó đóng ở phường Phú Trinh, được giao cho 481, 486 và đồng chí Linh chỉ huy quân sự Hàm Thuận phụ trách. Đồng chí Linh vốn là một đặc công, đã ẩn trong cống nước sát chi khu trong đêm 15 và cả ngày 16 tháng 10 để quan sát. Nắm xong mục tiêu, đêm ra căn cứ tổ chức chiến đấu, lực lượng gọn nhẹ gồm hai tổ đặc công 481 do Hội và Linh chỉ huy đánh chi khu, một tổ bộ binh do Trường Sơn trung đội trưởng 486 chỉ huy đánh khu hành chánh quận. Sau 5 phút chiến đấu mãnh liệt áp đảo hoàn toàn địch, đã diệt, làm bị thương 30 địch (có nhiều sĩ quan và một quận phó). Địch không đối phó được gì nhưng vì chỉ cách tiểu khu Bình Thuận mấy trăm mét, ta có đồng chí Phi trung đội phó 481 tử thương nên phải rút nhanh, không thu chiến lợi phẩm. Trận đánh chi khu Hàm Thuận đêm 17 tháng 10 là một trận táo bạo, kết quả lớn, tiếc là ém được trong lòng thị xã sát địch rất lợi hại nhưng thời gian quá ít, không nắm được hết các mục tiêu quan trọng. Thường vụ Tỉnh ủy lại có chỉ thị đánh nhanh, buộc địch phải rút ngay quân đang càn lớn căn cứ để đối phó. Nếu lui thêm vài ngày, nắm địch đầy đủ hơn, dùng lực lượng nhiều hơn thì có thể đây là trận diệt chi khu thứ ba trong 2 năm của Bình Thuận.

Thị đội trưởng Hồ Ngọc Lầu quê Phan Thiết, cùng cán bộ, chiến sĩ 480 bộ đội địa phương Thị đều rất thông thạo đường đi nước bước ra vào nội ô, hiếu khá đầy đủ quy luật hoạt động của địch trong thị xã. Đêm 12 tháng 11 năm 1962, Lầu chỉ huy 12 người, cải trang thành lính cộng hòa, đột nhập thị. Điện đường vừa bật sáng, toàn đội đã ung dung chia thành bốn tổ tiếp cận các mục tiêu. Lầu và tổ 1 đến nhà tên Quế Ẹ (nó nói trọ trẹ, bà con gọi vậy), là cảnh sát của ty phụ trách phường Đức Long khét tiếng gian ác. Lầu gõ cửa: Bác Quế ơi! Cửa đóng chặt không ai trả lời.

- Bác Quế, bác hẹn tôi 6 giờ đến gặp, sao gọi mãi không mở cửa?

- Ai hẹn mày mà tới kêu?

Đang canh bạc mà có người phá đám, nó tức lắm, vừa nói vừa ra mở cửa. Hai phát súng ngắn đã kết liễu đời tên ác ôn. Một tên cảnh sát từ trong chạy ra bị đồng chí Dự đâm một nhát lên đùi, lủi mất. Tổ 2 áp sát nhà Lê Thị Quý, năm 1957 thị là cơ sở ở Bình Thiện, đã phản bội bắt Tư Ngư là cán bộ, bị nhân dân oán ghét cô lập, vợ chồng thị chạy vào Phan Thiết tiếp tục làm tay sai cho địch. Nghe tổ 1 nổ súng, đồng chí Đức đạp cửa xông vào nổ một loạt tiểu liên, đặt bản án lên người thị, rồi bước ra đường phố bình thường. Cùng lúc, tổ 3 xông vào nhà tên Có mật vụ, hắn đang nằm trên giường với vợ, Đệ chĩa súng bắt, mụ vợ liều mạng ôm chặt nó, lợi dụng lúc Đệ gỡ tay mụ đàn bà, hắn vọt qua cửa sổ lủi vào ngõ hẻm. Tại trụ sở phường Đức Long, tổ 4 thu một máy đánh chữ, nhiều tài liệu rồi đốt trụ sở, lửa cháy ngùn ngut. Một tên cảnh sát gần bên chạy đến gặp Vinh bước ra, hắn hỏi: Việt cộng ở đâu mày? Thấy Lầu đang đến gần, Vinh lửa địch:

- Việt cộng đang chạy dưới kia kìa!

Tên cảnh sát lao theo hướng Vinh chỉ, nhưng Lầu đã nổ một phát P38, y ngã gục, ta thu một súng ngắn. Toàn bộ rút an toàn. Nghe tiếng súng nổ nhiều nơi, địch hoảng hốt chạy tán loạn trên đường phố, hò hét, huýt còi, bắn lung tung làm náo động cả thị xã. Khi chúng mò đến thì trụ sở Đức Long cháy rừng rực, truyền đơn trắng xóa trên đường. Xem dòng chữ “Đội võ trang tự vệ của nhân dân thị xã Phan Thiết” trên hai bản án tử hình tên Quế Ẹ và thị Quý cùng truyền đơn, nhiều tên ác ôn bắt đầu ớn lạnh. Bà con Phan Thiết bàn tán xôn xao: Các ông giải phóng giỏi thiệt, cứ như trên trời nhảy xuống, diệt mấy ác ôn rồi biến đi mất!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:35:55 pm »

Một buổi sáng trời quang nắng đẹp, rừng cây bừng dậy sau mấy ngày mưa gió, tôi đi công tác vừa đến cây đả đảo Mỹ - Diệm thì gặp anh Bảy Khanh (phó ban Binh vận tỉnh), Đặng và Bình Danh (cán bộ địch vận và bảo vệ tỉnh đội). Có một tên Mỹ da nâu, tay bị trói cũng đang ngồi nghỉ tại đó. Thấy tôi nhìn tên Mỹ hơi ngạc nhiên, các anh kể: Thị đội Phan Thiết mới giảo tỉnh tên tù binh Mỹ này, hắn tên là Rốc-ma-ta-gu-lay (Rock Matagulay) dân tộc thiểu số ở bang Ca-li-phọc-ni-a, sang Việt Nam 1961, làm cố vấn huấn luyện bảo an Bình Thuận, đang huấn luyện các lớp dân vệ ở Căng Ê-xê-pít. Rốc thường cùng một tên Mỹ khác đi xe Jeep ra láng Chổi Chà cách Căng vài cây số để đôn đốc việc thành lập vành đai ấp chiến lược Đất Đỏ và đi săn. Hồ Ngọc Lâu cùng bốn chiến sĩ đã ém phục sẵn, 14 giờ ngày 2 tháng 7 năm 1962, một xe Jeep từ trong ấp chạy ra cách chỗ phục 100 mét thì dừng xe rồi quay lại. Sợ mất thời cơ Lầu nổ súng xung phong, một tên Mỹ và lái xe bỏ chạy thục mạng về ấp, tên thông ngôn nằm bẹp trên xe. Rốc nằm tại chỗ bị ta tóm cổ cùng tên thông ngôn. Lầu cho toàn đội và hai tù binh lên xe, chiến sĩ Vinh lái về căn cứ. 17 giờ, đại đội bảo an truy tìm tên Mỹ bị tổ phục đánh diệt 9 tên, phải tháo lui. Hôm sau, một tiểu đoàn địch càn xuống xóm Xẩm ven biển bị 460 Hàm Tân đánh diệt 35 tên, phải quay về Phan Thiết. Rốc được giải vào trại tù binh tỉnh. Thấy tôi nhìn đôi tay của Rốc, anh Bình Danh hiểu ý, bảo anh em cởi trói cho Rốc vì đã vào sâu căn cứ rồi. Rốc cảm ơn rối rít.

Chia tay, đoàn anh Bình Danh lên Đèo Nam, tôi bỗng nghe một giọng hát ồ ồ lơ lớ, quay lại thây Rốc hát bài Hành quân xa của anh em ta; thì ra hắn đã nghe và học thuộc bài hát này trên đường đi. Ở trại giam, Rốc chấp hành tốt nội quy trại. Rốc cũng tích cực lượm củi bẻ măng và rất thích ăn măng le xào dầu cải chiến lợi phẩm. Hỏi vì sao anh chấp hành kỷ luật trại tốt như vậy, Rốc trả lời bằng tiếng Việt: “Tôi hiểu chính sách Mặt trận khoan hồng nên chấp hành nghiêm để được sớm trở về với vợ con”.

Năm ấy, Miền chưa có lệnh giải tù binh Mỹ về R, 3 tháng sau tỉnh tha Rốc. Anh Bảy Khanh đến Cà Gằng tổ chức phóng thích, đồng bào vùng giải phóng đến xem rất đông. Rốc xin mặc một bồ bà ba đen mới, đội mũ tai bèo, đi dép cao su, mang bồng, lưng đeo một ca làm bằng ống bom bi và một đèn ló thụt để làm kỉ niệm. Trong buổi lễ, anh Bảy Khanh đọc lệnh phóng thích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, chúc Rốc lên đường khỏe mạnh, gửi lời thăm vợ con Rốc và cám ơn nhân dân tiến bộ Mỹ đã đấu tranh ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc xâm lược Mỹ. Rốc phát biểu cảm tưởng rất xúc động, ngoài những lời cám ơn chính sách nhân đạo của Mặt trận, sự giáo dục và đối xử tử tế của Ban chỉ huy và nhân viên trại, Rốc khẳng định: “Mỹ - Diệm thường xuyên tạc Việt cộng là những người khủng bố và xấu nhưng sự thật không phải như vậy. Việt cộng là những người yêu nước, văn minh, dũng cảm, nhất định Mặt trận Dân tộc Giải phóng sẽ giành được thắng lợi. Về Mỹ, tôi sẽ nói lên sự thật đó với nhân dân Mỹ”. Rồi Rốc hô to: “Đả đảo Mỹ - Diệm! Đả đảo Mỹ - Diệm!”.

Đến Mương Mán, Rốc đi nhanh các quán xá, luôn miệng hô Đả đảo Mỹ - Diệm! Ở Phan Thiết, Rốc cũng làm như vậy. Thấy bất lợi, địch đưa Rốc vào Sài Gòn. Về Mỹ, Rốc có viết báo ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Giải phóng miền Nam và trở thành hạt nhân trong phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ.

Thực hiện chỉ thị của tỉnh đội đánh địch ở vùng ven là thị xã, thị đội đánh liền mấy trận trong nội thị và ven đô gây ảnh hưởng lớn, phục vụ tốt phong trào. Ngày 26 tháng 4 năm 1964, thị đội trưởng Nguyễn Minh Thành chỉ huy 480 đánh sập nát lô cốt cổng chữ Y, diệt gọn địch, thu toàn bộ vũ khí. Địch xây lại cụm lô cốt mới lớn, củng cố công sự, chướng ngại, đề phòng cẩn mật. Ngày 7 tháng 7 năm 1965, đặc công thị lại tấn công cụm lô cốt, diệt hết trung đội đóng giữ, diệt 36, bắt 3, thu 18 súng các loại. Trước đó ngày 10 tháng 3 năm 1965, 480 tập kích ấp chiến lược Đất Đỏ, diệt một đại đội bảo an, thu nhiều súng (có trung liên, cối 60, M70), phá rã ấp. Một thời gian dài địch không dám bén mảng đến. Đêm 16 tháng 2 năm 1966, đồng chí Thành lại đưa 480 đào hầm bí mật ém phục trên quốc lộ 1 gần cầu số 5 giữa Phan Thiết và Ngã Hai, đánh tơi bời đại đội bảo an 127 đi mở đường, diệt 57, bắn bị thương nhiều tên, thu 1 trung liên, hàng chục tiểu liên, súng trường, rút về căn cứ an toàn. Địch hết sức hoang mang vì chúng đã huênh hoang cho rằng nơi đây Quân Giải phóng không lọt vào được, nếu có vào sẽ không có ra! Hơn hai năm đưa tác chiến vào vùng sâu, nội thị, lực lượng vũ trang Phan Thiết đã hỗ trợ đắc lực phá kềm, phát triển cơ sở.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:36:46 pm »

Đầu năm 1962, tỉnh chủ trương phá ấp chiến lược, giải phóng Văn Mỹ, nối liền các xã giải phóng Kim Bình, Tiến Lợi, Hàm Thạnh mở rộng địa bàn Hàm Tân. Hồi ấy chưa có lệ ngừng bắn Tết; kế hoạch là đêm 30 Tết tập kích diệt tiểu đội bảo an biệt kích ở đây, kéo viện chi khu Hàm Tân và tiểu khu Bình Tuy đến đánh lớn; tiếp đó phát triển phá một loạt ấp Tân Thuận, Tân Hải, v.v. của Hàm Tân. Lực lượng gồm 486, 489, 460 và tôi chỉ huy đợt hoạt động này.

Gần Tết, đồng bào sửa soạn đón năm mới và cúng tổ tiên. Mấy hôm rồi tên trung sĩ Phú ác ôn buộc mỗi gia đình phải nộp một vác cây để rào ấp chiến lược và dọa Tết này sẽ diệt đội công tác anh Hai Nghị, truy bắt sạch cơ sở trong ấp. Càng gần Tết, nó càng lùng sục dữ, các má rất lo lắng, tìm cách liên lạc báo tin cho đội công tác đề phòng và gửi quà Tết cho anh em. Quyết diệt được tiểu đội biệt kích ác ôn này để dân yên vui trong dịp Tết, đồng chí Kỉnh tiểu đội trưởng 486 quê Hàm Tân, cùng Minh Hú trung đội trưởng đặc công 481 dẫn một bộ phận tinh gọn lùng sục địch gặp đâu đánh đó vì tuy hăng, tên Phú cũng sợ bị đánh nên thường dời chỗ ngủ. Đã mấy giờ tìm kiếm vẫn chưa gặp, khi vào điếm canh của ấp thấy có người ngủ nhưng không có giày, ngại là thanh niên bị địch bắt ngủ tập trung gác nên không dám đánh. 2 giờ khuya rồi, không khéo sáng mất! Kỉnh bảo nhỏ Liễu, một du kích dẫn đường: Đến nhà bà Tằng. Nhà bà đã thức, xung quanh không có gì, Kỉnh vào hỏi nhỏ nhẹ:

- Bác ơi! Có anh em ông trung sĩ Phú đến đây không bác?

Nhà bầu có mấy cô con gái xinh xắn, bọn chúng thường đến tán tỉnh. Sau vài giây xem xét, bà trả lời:

- Không có. Nghe nói đêm nay ông trung sĩ ở đàng chỗ điếm canh.

Đúng bọn chúng rồi, quay lại nhanh kẻo nó thức di chuyển mất. Gần đến, thấy có ánh lửa hút thuốc, Minh Hú cho toàn bộ đi nhanh vào như kiểu lính trên quận xuống.

- Ai?

Tên lính gác hỏi và chụp khẩu garăng nhưng cả bọn đã bị ăn đạn tới tấp. Tên Phú chết ngay. Chỉ mấy phút, ta đã diệt sạch, thu vũ khí có (một trung liên bar và hai tôm-xông). Bọn tổng đoàn dân vệ ở gần đó nghe súng nổ chạy trốn mất hết.

Trời hừng sáng, Đội Công tác phát loa báo tin chiến thắng diệt gọn tiểu đội tên Phú và mời đồng bào họp mít tinh. Bà con vô cùng phấn khởi kéo đến thăm bộ đội và Đội Công tác. Gần hết xóm là bà con dòng tộc anh Hai Nghị, chú bác cô dì, anh, chị, em, mừng rỡ ríu rít nói cười. Bánh tét, cốm, chuối đủ thứ quà Tết chất đầy bàn, gà vịt, quần dừa để ngỏn ngang dưới đất.

Bộ phận Tư Thanh phục kích tại Cầu Xéo, cách quận lỵ Hàm Tân 4 cây số về phía bắc. 7 giờ có tiếng xe, một chiếc lăng-lơ-vơ trắng, mui kín xuất hiện, không phải xe quân sự, chắc đồng bào không biết ta đánh ấp nên đi thăm Tết sáng mồng một.

Tư Thanh bảo nhỏ xạ thủ trung liên:

- Không bắn, giữ bí mật đừng để dân thấy ta!

Xe qua khỏi cầu 200 mét, bị lầy dừng lại, người trên xe đổ xuống hì hục đẩy. Chết rồi, lính thật! Tư Thanh hô to:

- Lính viện, bắn nhanh!

Trung liên nổ hàng loạt dài, địch chạy tán loạn vào rừng, không kịp chống trả. Bộ đội xung phong lên đường không có tên nào chết, bị thương vì quá xa, lính viện một trung đội không đi xe quân sự mà dùng xe chở khác, chúng vội hay nghi binh? Và ta đã bị lầm. Ở khu Mã Tảo, lực lượng lớn phục kích đánh viện tiểu khu nghe súng nổ mừng quá, Tư Thanh ăn rồi, chuẩn bị đánh viện lớn tiếp thôi. Tư Thanh về báo lại sự việc, thế là phải thay đổi, không đánh viện tiểu khu đến vì chúng đã đề phòng hoặc chúng đi đường khác. Nếu đến không bi đánh chúng cho lực lượng ta chỉ có vậy, đã rút rồi, đường về sẽ chủ quan chắc ăn hơn. 11 giờ, quân Bình Tuy viện rất đông, có một chi đội bọc thép, hơn chục GMC, kéo theo hai pháo 105 để thị uy, bắn cối 81 lung tung. Chúng tôi vận động nhanh ra địa điểm phục giữa nắng trưa gay gắt, cát nóng bỏng. Nào ngờ địch đến ấp xem qua loa rồi quay về ngay. Đơn vị mới đến rừng tràm còn cách đường khá xa thì đoàn xe đã chạy qua mất hút trước mắt. Mất ăn cả viện quận, viện tỉnh do phán đoán không chính xác, diễn biến ngoài dự kiến, ức thật nhưng biết làm sao được! Về lại ấp đã chiều, bà con mời bộ đội một bữa cơm Tết kháng chiến đậm tình quân dân cá nước. Không đạt kế hoạch không vui lắm, nhưng dù sao ngày đầu năm Nhâm Dần 1962 này cũng diệt được một tiểu đội biệt kích ác ôn, đồng bào rất hả dạ, đã phá ấp, kéo vào căn cứ; xã Văn Mỹ giải phóng ra đời trong ngày Tết này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:37:39 pm »

Các “tham mưu con” bàn tán không biết năm nay làm chi khu nào? Chắc là ở đồng bằng, đến phiên chi khu Hàm Tân thôi, thế mà đúng! Đầu tháng 8, tỉnh quyết định đánh diệt chi khu quận lỵ Hàm Tân, giáng một đòn mạnh vào công sự vững chắc, làm địch hoang mang, đưa phong trào đồng bằng ven biển phía nam tỉnh phát triển. Đánh thắng chi khu Hàm Tân sẽ mở ra triển vọng mới về đánh cấp chi khu trong vùng sâu thị trấn, thị xã. Do vậy, đồng chí Lê Văn Hiền, trưởng Ban Quân sự tỉnh trực tiếp làm chỉ huy trưởng trận đánh.

Hành quân suốt buổi chiều và một đêm, qua đường sắt đường một trong mưa gió, bùn sình. Đồng chí Nương, cán bộ Hàm Tân dẫn đường bị nước ăn chân nặng phải khiêng, ngồi trên võng chỉ hướng cho tân binh. Trung Nhẽo vệ binh tỉnh đội phải nhờ người cõng, tôi cũng bó giẻ chân ráng theo đội hình. Tuy vậy không ai bị rớt, trời sáng càng tăng tốc nhanh chóng vào chỗ giấu quân, đề phòng gặp dân, gặp địch. Các đồng chí Cửu Long, Ba Bình (Thường vụ Hàm Tân), Năm Ly (Đội Công tác) tay bắt mặt mừng vô cùng phấn khởi. 486, 481 hoàn tất mọi chuẩn bị cuối cùng để đến đêm tập kích. Địa điểm này lực lượng lớn không thể trú quân lâu. Công sự chướng ngại không phải bất khả xâm phạm đối với 481 nhưng mỗi chi khu đều có một khó khăn dường như không khắc phục được. Chi khu Hàm Tân có điện ban đêm, chỉ tắt 1 giờ cho máy nghỉ từ 23 đến 24 giờ. Liệu trong 1 giở cả đặc công và bộ binh có vượt hết chướng ngại đến vị trí xuất phát xung phong không? Lại còn các chốt vệ tinh án ngữ vòng ngoài mà đụng bọn này thì phải về không, chờ dịp khác. Cưỡng hành đòi hỏi quyết tâm rất cao, hành động chớp nhoáng nhưng vô cùng chuẩn xác; nếu không, hỏa lực địch và chướng ngại vật sẽ chặn đứng các mũi tấn công. Bộc phá không đưa đúng lỗ châu mai, nổ rồi thì không sao có quả thứ hai để đánh tiếp tức khắc. Dũng cảm vô song, nhanh nhẹn tuyệt trần, chính xác cao độ là yêu cầu tài nghệ và bản lĩnh của các mũi đặc công trong trận đánh chi khu thứ tư từ ngày đấu tranh vũ trang chống Mỹ.

Đêm 4 tháng 8 năm 1962, trời vần vũ, gió nhiều, lúc mưa to, khi lất phất; đây là thời tiết thuận lợi cho đặc công đánh đồn bót. Đã thấy rõ một vùng sáng, chi khu Hàm Tân đang đắm mình trong ánh điện ngời ngời. Các chiến sĩ bình tĩnh, thận trọng tiến vào vùng chiến. Đôi lần phía trước báo động, hồi hộp căng thẳng nhưng rồi lại im lặng tiếp tục tiến lên. Phải đến vị trí trước giờ điện tắt. Yêu cầu nghiêm ngặt là không được đến muộn, cũng không sớm, cả hai đều nguy hiểm, dễ dẫn đến không thành công. Trong chi khu yên lặng như tờ, thỉnh thoảng vang lên tiếng kẻng cầm canh. Điện tắt, chi khu chìm trong bóng tối; thời cơ ngắn ngủi đã đến, các mũi nhanh chóng tiềm nhập mục tiêu. Mọi hoạt động khẩn trương, âm thầm thật kỳ diệu. G phải sát trước giờ điện sáng lại.

0 giờ 15 phút, vừa hết G ưu tiên, Cao Ly mũi trưởng chủ yếu nổ bộc phá mở màn trận đánh, mở cửa vào trận nội. Lập tức bộc phá, thủ pháo, tiểu liên nổ mãnh liệt vào các mục tiêu. Ngọc, cơ sở nội tuyến kịp thời phối hợp, dội lựu đạn liên tiếp vào nhà lính. Địch hoàn toàn tê liệt. Phía trụ sở đồn dân vệ Tân Thuận, 460 cũng hiệp đồng chiến đấu nhịp nhàng. Gần 30 phút, ta đã làm chủ trận nội, sở chỉ huy vào đồn. Dân công đi lạc đường, bộ đội phải vừa giải quyết thương vong (hy sinh bốn, bị thương ba), vừa cố chiến lợi phẩm tất cả trên trăm súng có nhiều đại, trung liên, cối, một VTĐ 15 oát, hai ra-gô-nô và sáu máy bộ đàm PRC 10, diệt 136 địch, bắt 5 tù binh.

Phá hủy đồn bót xong, lui quân, ém lại trong chi khu một trung đội. Mờ sáng, đại đội biệt kích Tâm Bô đêm đi lùng ngoài, tưởng bộ đội rút hết, mò vào bị diệt thêm khá nhiều. Địch ở Bình Tuy hoảng sợ, xin Phan Thiết chi viện, một tiểu đoàn kéo vào đến xóm Trạm bị 460 chặn đánh, diệt một số. Phát hiện lực lượng lớn của ta đang vận động đến, chúng vội rút về Phan Thiết để giữ thị xã. Ta tiếp tục phá kềm ở Tân Thuận, Tân Hải, tề diệp co lại, địa phương xây dựng phát triển cơ sở, mở rộng tranh chấp, lỏng kềm. Chiến thắng này đã hỗ trợ phá banh 36 ấp chiến lược trong năm 1962.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin diệt chi khu Hàm Tân; đồng thời nắc lại tin của BBC nhận xét về “cái chi khu quân sự của chính quyền miền Nam ở vùng ven biển Nam Trung Bộ này, cùng sáu chiếc máy thông tin hiện đại của Mỹ mới trang bị cho đồn để báo động khi bị tấn công, đã không cánh mà bay mất trong một đêm mưa gió…”. Đài BBC còn bình luận thêm: “Chắc nó (các máy PRC10) lại sẽ giúp cho Quân Giải phóng trong việc tấn công nhiều chi khu khác dễ dàng hơn”. Các lực lượng vũ trang giải phóng Bình Thuận đã được Bộ Chỉ Giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba cho chiến thắng này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:38:17 pm »

Diệt xong chi khu Hàm Tân, tôi và 481 về trước; đến căn cứ thì gặp ngay cuộc càn lớn Sơn Dương I của địch đánh vào xã Hàm Thạnh và khu vực Mắc Cỡ. Cuộc càn bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 năm 1962, huy động trung đoàn 44, một tiểu đoàn thủ quân lục chiến, nhiều đại đội bảo an, nhiều phi pháo đánh trên Búng Tròn, đèo Quan Hân, đèo Sông Đe, Mắc Cỡ. 486, 489 còn ở chiến trường. Căn cứ chỉ có các cơ quan, các bộ phận sản xuất; có 481 về cùng 430 và dân quân du kích tích cực chống càn, bảo vệ dân. Kết hợp hầm chông, chất nổ, bám rẫy, đường đi, mé rừng, bờ suối, anh em liên tục tiêu hao bộ binh, bắn máy bay khá kết quả. Từ 6 đến 20 tháng 8, các lực lượng trên đã đánh hàng chục trận, diệt và làm bị thương trên 100 địch; riêng 481 diệt 30, bắn rơi một trực thăng gần rẫy đơn vị. Hơn nửa tháng càn, không gây thiệt hại gì lại bị tiêu hao không ít, địch phải rút quân. Không lâu sau đó chúng lại mở cuộc hành binh Sơn Dương II đánh rộng cả miền núi, đồng bằng, Hàm Tân và Khu Lê gần 1 tháng.

Địch đang càn Sơn Dương I thì Quân khu triệu tập tôi đi dự Hội nghị Chính trị toàn Miền lần thứ nhất. Cùng đi với tôi có Sơn (chính trị viên 489) và Phong (trưởng Ban Quân sự Hàm Thuận). Khi đoàn lên bắc đường 20 thì gặp đoàn Quân khu có đồng chí phó chủ nhiệm chính trị Quân khu, trưởng Ban Tổ chức, chính ủy Trường Quân chính Quân khu. Vượt chặng đường gần 1 tháng, qua sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, chiến khu Dương Minh Châu, ngày đêm chịu đựng mưa lũ, qua lộ căng thẳng, qua trảng mút mắt, giữa tháng 9 thì đến vùng giải phóng Tây Ninh. Điều lạ lùng, thích thú đối với cán bộ khu 6 mà phong trào còn lắm khó khăn gian khổ thì thì vùng giải phóng Nam Bộ quả là thần tiên. Ban đêm, giao liên đưa đoàn qua xóm giải phóng, nhà cửa tre lá tuy nhỏ nhưng đèn măng-xông sáng rực, có máy may, đặc biệt nhà nào cũng vang lên tiếng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đi ngang nhà nghe lớn, qua xa một chút nghe nhỏ, tiếp đến nhà khác lại lớn lên, cứ thế qua hết xóm thì nghe đủ một bản tin! Đến nơi dừng nghỉ qua đêm, lại là ở trong xóm nhà đông đúc, vườn tược tươi tốt; đoàn ở trong các nhà dân. Không thấy phổ biến nấu cơm ăn, cơm dỡ ngày mai, hỏi thì giao liên bảo không cần, mai sẽ nấu sau.

- Nấu ăn ban ngày không sợ máy bay sao?

- Ồ, đây là vùng giải phóng hợp pháp, khi có địch càn, đồng bào đấu tranh hợp pháp, không việc gì đâu!

Trời, sướng vậy à? Mới lạ, khác xa Khu 6. Ngủ thẳng giấc, khỏi dậy khuya nấu cơm ăn, cơm vắt như đi trong rừng. Sáng, giao liên lại bảo:

- Các chú vào quán làm chút đỉnh lót bụng, chừng 9 giờ đi gần thôi.

Chà, lại có chuyện vào quán kéo ghế, cứ thử xem sao! Vào một quán bên đường gọi tô phở, cốc cà phê, thêm đĩa bánh ngọt, bình trà thật thú vị, mà cũng rẻ thôi. Bỗng nghe tiếng leng keng, ngó ta thì là xe ngựa chở khách, kiểu xe thổ mộ ở Sài Gòn – Thủ Đức hồi trước Cách mạng tháng Tám. 9 gờ lên đường, một tiếng sau đến trạm đón tiếp của R. Đây là xóm Tờ-băng-rơ-bol giải phóng, vùng Lò Gò, nghe nói không xa biên giới Cam-pu-chia mấy.

Hội nghị trong rừng già, có hầm phòng không. Hội trường, nhà ở lớp lá trung quân, kín đáo nhưng rộng rãi, thoáng mát. Cuộc sống ở Hội nghị khá thư thả. Gặp các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Miền: anh Mười Út (Nguyễn Văn Linh) bí thư Trung ương Cục, chính ủy Miền, anh Hai Hậu (Trần Lương) chủ nhiệm chính trị và nhiều cán bộ lãnh đạo Cục Chính trị. Có một điều tôi rất cảm động là khi giảng bài tình hình nhiệm vụ mới, nhắc lại thời kỳ đấu tranh chính trị hợp pháp một chiều đã qua, khi còn là bí thư Khu ủy khu 5, anh Hai Hậu nói: “Hồi đó địch tố cộng, diệt cộng, đánh phá phong trào ác liệt, gây nhiều tổn thất cho cách mạng, quần chúng nhiều lần kiến nghị phải có sử dụng bạo lực, diệt ác, có đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị hay biết bao nhiêu, mà mình cứ sợ trật phương châm, bảo thủ, máy móc duy trì đấu tranh chính trị hợp pháp đơn thuần, không đề đạt kịp thời lên Trung ương; trong khi đó Nam Bộ vận dụng phương châm đấu tranh rất sáng tạo, hạn chế được tổn thất, giữ và phát triển được phong trào…”. Tuy đã lâu rồi, nhưng sự tự phê bình chân thành, cơi mở của một cán bộ cao cấp cũng làm mọi người thực sự cảm động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:41:50 pm »

Dự Hội nghị gần một tháng, tiếp thu được biết bao nhiêu điều mới mẻ về tình hình nhiệm vụ cách mạng, công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng các cấp trong toàn Miền, hệ thống tổ chức Đảng, lãnh đạo trong Quân đội và nhiều vấn đề quan trọng khác. Sau hội nghị chính trị, đoàn Bình Thuận được triệu tập dự tiếp Hội nghị Du kích chiến tranh toàn Miền lần thứ nhất do đồng chí Trần Văn Quang (Bảy Tiến), tham mưu trưởng Miền chủ trì. Đã có mặt đồng chí Hồ Hồng, trưởng Ban Dân quân Bình Thuận. Tại hội nghị, chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của các tỉnh bạn Nam Bộ, những nơi có nhiều thành tích về phong trào du kích chiến tranh, xây dựng làng xã chiến đấu ở đồng bằng như Mỹ Tho, Long An, Bến Tre, v.v. Tuy nhiên, hoàn cảnh, điều kiện mỗi nơi một khác, bạn lại khá giả hơn mình, đông dân nhiều của, tiềm lực lớn, học vận dụng thế nào thì còn phải nghiên cứu sâu hơn. Bình Thuận được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba về thành tích phong trào du kích chiến tranh. Sau hội nghị chung, khi làm việc riêng với một số tỉnh, anh Bảy Tiến có hỏi tôi một vấn đề mà tôi rất khó trả lời suôn sẻ:

- Vì sao đồng bằng giải phóng Bình Thuận không có thế đấu tranh hợp pháp như ở Nam Bộ mà không mất dân? Ở Nam Bộ, giải phóng rồi phải giữ được đấu tranh chính trị vì không tương quan địch – ta hiện nay, không thể chỉ dùng đấu tranh vũ trang mà tồn tại vùng giải phóng được. Liệu vùng giải phóng của các đồng chí có tồn tại lâu dài được không?

Suy nghĩ kỹ, tôi đã trình bày với anh là ở Bình Thuận với xóm làng thưa thớt, dân cư ít ỏi, nên đấu tranh chính trị hợp pháp, địch sẽ dùng lưỡi lê, báng súng dồn hết dân. Bộ đội, du kích, đồng bào đều phải chống càn quyết liệt, phải đánh bại các cuộc càn thì mới giữ được các xã giải phóng ở Hàm Thuận, Khu Lê. Sở dĩ các xã Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí, Tiến Lợi, Kim Bình, Văn Mỹ, Nhơn Thiện, Thiện Nghiệp còn giữ được có lẽ còn nhờ có địa thế núi rừng đồng bằng xen kẽ nối tiếp, dân có chỗ dựa tốt để xây dựng làng xã chiến đấu, hình thành các căn cứ lớn liên hoàn hỗ trợ nhau nên mới đánh được địch, giữ được dân từ hai năm nay. Còn lâu dài có giữ được không như anh hỏi thì tôi chưa nói chắc trước được, nhưng dù sao cũng phải giữ vững lợi thế này đến cùng.

Anh Bảy Tiến cười, cho có lẽ đó là đặc thù của Bình Thuận về miền Trung rất quan trọng nhưng anh cũng e khó giữ được lâu dài. Thực tế nhiều năm về sau, các xã giải phóng đồng bằng Bình Thuận vẫn tồn tại với du kích chiến tranh, làng xã chiến đấu, dù vô cùng quyết liệt, hy sinh, không có việc tản cư ngược để địch đối phó bị động như ở Nam Bộ. Có lúc mỗi xã chỉ còn vài ba trăm dân, thậm chí xã Hồng Liêm chỉ có mấy chục. Riêng xã Tiến Lợi đến chiến tranh cục bộ chỉ còn ba gia đình, chỉ cách căng Ê-xê-pít hơn ki-lô-mét nên dù có chông, chất nổ, chiến hào lớp lớp, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường nhưng đến năm 1970 cũng không trụ nổi với bọn Mỹ tàn ác.

Dự hai hội nghị ở Miền về, Khu 6, Bình Thuận vẫn giữ Ban Quân sự tỉnh, huyện; bí thư cấp ủy kiêm trưởng Ban Quân sự; nhưng Đảng ủy Quân sự tỉnh, huyện thì đã chuyển thành Ban Cán sự Quân sự như toàn Miền. Lúc này, tôi vẫn là phó Ban Quân sự, phó bí thư Ban Cán sự Quân sự tỉnh. Đồng chí Năm Hưng chuyển đi làm bí thư huyện Phan Lý nên Tư Thanh làm chủ nhiệm hậu cần; các đồng chí Nguyễn Cang (Đảng), Nguyễn Ngọc Châu (Nguyễn) mới ở A về làm tham mưu trưởng và trưởng Ban chính trị; cơ quan Quân sự được củng cố một bước. 486 thành một đại đội bộ binh mạnh với ba trung đội bộ binh, ba trung đội hỏa lực (đại liên, cối, ĐK); 489 đủ ba trung bộ binh, một trung hỏa lực; 481 thành một trung đội đầy đủ; trường tiểu đội (Bạch Đằng), Công binh, Cao Thắng đều được bổ sung quân số, tăng cường cán bộ. Các huyện đều có đủ cán bô quân sự chỉ huy, lực lượng cũng mạnh hơn; mỗi huyện đều có trung đội; Hàm Thuận, Hòa Đa (Khu Lê) có đại đội. Dân quân du kích rộng và đều khắp. Vụ mùa 1961, 1962 đều trúng, bảo vệ mùa màng là một nhiệm vụ quan trọng của bộ đội. Đi đôi với sản xuất tự túc một phần, chỉ vụ mùa 1961 riêng ở các xã Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí tỉnh đã thu và vận động ủng hộ được 1.700 xe lúa; nhờ đó bảo đảm đủ lương thực cho bộ đội, cơ quan và có dự trữ một phần.

Đầu tháng 3 năm 1963, tôi đi dự Hội nghị Quân chính Quân khu 6. Hơn 1 tháng theo đường giao liên, vượt qua thung lũng Đầm Ròn (Tây Bắc Đà Lạt) mới đến nơi. Gặp lúc địch càn lớn dài ngày, hội nghị có lúc phải di chuyển tránh càn và tiếp tục họp. Sinh hoạt đời sống cơ quan Quân khu căng thẳng, thiếu gạo, lạt muối, phải xuống Phú Yên, Khánh Hòa mang muối đi về hai tháng hết sức vất vả, nguy hiểm. Tại đây, quân khu quán triệt hưởng ứng phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” của Miền phát động trong toàn Quân Giải phóng miền Nam, sau trở thành phong trào Thi đua Quyết thắng cho đến nay. Cũng tại Hội nghị, tôi được tin ở nhà vừa đánh thắng một trận khá lớn mở đầu thi đua Ấp Bắc của tỉnh.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Một, 2021, 06:44:02 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2019, 03:42:52 pm »

Đánh giao thông là sở trường của bộ đội Bình Thuận từ trong chống Pháp, còn ghi dấu son rực rỡ. đánh giao thông thường thắng to, diệt nhiều sinh lực địch, bồi dưỡng lớn mà ít tổn thất hơn đánh đồn, chống càn. Mấy năm đầu thập kỷ 60 này, ngoài số súng các đoàn mang từ Bắc về thì quân khu chưa trang bị cho địa phương, chủ yếu là thu súng chiến lợi phẩm Đầu 1961 Liên tỉnh còn điều của Bình Thuận ba chiến sĩ và ba tôm-xông; năm 1962, quân khu điều một trung đội tân binh; năm 1965 điều một đại đội có vũ khí. Vì thế, trong tác chiến có một yêu cầu quan trọng là phải tận thu chiến lợi phẩm, cả vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng, lương thực, thuốc men. Bình Thuận đã tự lực trang bị vào loại khá nhất của quân khu, đặc biệt là vũ khí đạn dược. Đánh giao thông đường sắt còn thu nhiều lương thực với số lượng lớn.

Trên quốc lộ 1, xe cộ qua lại suốt ngày nườm nượp, địch cũng thường chuyển quân bằng cơ giới. Ta chọn được đường gần núi Rễ thuộc xã Hồng Liêm, bắc Phan Thiết 30 ki-lô-mét làm trận địa phục kích độn thổ đánh này. Mùa khô, đồng trống cỏ cháy, đất cứng, chỉ có đào hầm ngụy trang thì mới bí mật bất ngờ. Trận địa có thể gói gọn năm đến sáu xe. Lực lượng đánh gồm 486, 489 và 450 Thuận Phong, du kích Hồng Liêm do các anh Đảng, Tư Thanh chỉ huy. Hành quân từ Hàm Trí qua, phải mang cây làm hầm, chông bố phòng, nặng nề, lỉnh kỉnh, nhưng tất cả đều nỗ lực hoàn tành trong đêm. Trưa ngày 29 tháng 3 năm 1963, trời nắng chói chang, nóng như thiêu đốt, ngồi dưới hầm ngột ngạt, khát cháy cổ, nước bình toong cạn sạch mà vẫn cố dốc từng giọt. Một sự chịu đựng vô cùng căng thẳng. Có tín hiệu của đài quan sát xa: Trâu ra – Trâu gì? Tại sao có câu hỏi tiếp: Trâu gì trên bộ đàm? Chưa biết ai nói nhưng rõ ràng là có địch rồi!

Một tiếng mìn vang trời, chiếc xe đầu có rơ-moóc chở đầy ắp lính không lật nhưng bị đẩy sát tổ chặn đầu. Anh em tung hầm, kẹp súng lia dồn dập vào xe, địch đổ gục chống chất lên nhau. Hai xe sau cũng ăn đạn dữ dội. Kèn xung phong vang vang. Cả đoàn ba xe địch bị diệt gọn trong vòng 20 phút, diệt 110 tên, bắt 30 tù binh, thu 150 súng (có 1 đại liên, 1 cối 60, 10 trung liên), một số bộ đàm PRC10. Xe hành khách dồn lại đông đặc, đồng bào kẻ nằm người nép tránh đạn. Khi thấy bộ đội xung phong khí thế ngất trời thì đứng hẳn lên xem; có người còn leo lên nóc xe nhìn cho đã; nhiều người vỗ tay hoan hô Quân giải phóng. Ta làm chủ chiến trường, lấy hai xe GMC còn tốt chở hết chiến lợi phẩm vào bìa động. 500 dân công có sẵn chuyển tiếp vào căn cứ. Bộ đội phân phát truyền đơn cách mạng rồi lưu luyến vẫy tay đồng bào. 15 giờ, Phan Thiết viện đến giải quyết hậu quả; hai máy bay oanh tạc gầm rú nhào lộn dội bom bắn phá xung quanh trận địa không người. Hôm sau, địch càn lớn vào Hồng Liêm, bị 450 và du kích đánh diệt nhiều tên, buộc chúng rút ngay.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch khôi phục và sử dụng tối đa đường sắt xuyên Việt vào mục đích quân sự. Ở Bình Thuận đã có mấy lần đánh xe lửa. Ngày 10 tháng 12 năm 1961, 486 đánh một tàu lửa ở nam ga Mương Mán, diệt một tiểu đội áp tải, thu hết súng và một số hàng hóa, phá hủy đầu máy. Ngày 17 tháng 1 năm 1962, đánh một tàu, thu một số thuốc tây và vài tấn bột mì. Đầu tháng 2 năm 1962, đánh tiếp một trận tại Râm Tối, nam Mương Mán, diệt 1 trung đội bảo an đường sắt, bắt 16 tù binh, thu 30 súng các loại, nhiều lương thực, thực phẩm. Từ đó, xe lửa không dám chạy đêm; ban ngày thì có tuần tra đường sắt và hộ tống các đoàn tàu bằng “xe nồi đồng”, còn gọi là “bù lu Mã Lai” – đó là xe bọc thép Vích-kham do nước Anh sản xuất, dùng chống lại du kích Mã Lai, nay Mỹ trang bị cho quân ngụy. Xe được thay bánh sắt, chạy trên đường ray nhanh và êm, tiến lui dễ dàng. Mỗi xe có sáu tên, trang bị một đại liên, một trung liên, còn lại súng trường, súng ngắn, tiểu liên, lựu đạn đầy đủ. Hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, mỗi tốp ba chiếc, cự ly 100 mét/chiếc, tốp xe nồi đồng quả là rất lợi hại. Việc hành quân qua lại đường sắt ban ngày là khá nguy hiểm vì xe xuất hiện rất nhanh, bất ngờ. Chưa nghe chiến trường nào đánh xe nồi đồng để học kinh nghiệm, nhưng nếu không đánh diệt nó thì không còn đánh được các đoàn tàu nữa, hành lang giữa miền núi và đồng bằng dễ bị đứt. Tuy nhiên, xe nồi đồng cũng có nhược điểm, khi đường sắt bị cắt thì không còn cơ động được. Chúng tôi quyết đánh xe nồi đồng, đập tan chiến thuật này của địch.



Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM