Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:45:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 23185 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2019, 07:17:03 pm »

Tôi hơi chợn trước câu hỏi bất ngờ, cụt ngủn của anh Năm.

- Trường là bạn cùng học lớp chính trị viên trung đội hồi cuối 1947, thường gặp khi Trường ra chiến khu báo cáo cong tác với trung đoàn. Trường đã gặp tôi ở Hàm Tân.

Anh nghiêm mặt, không nói gì. Tôi thấy không ổn. Một chặp, anh nói tiếp:

- Mình là cán bộ chính trị, đi công tác rủi bị địch bắt, vấn đề chỉ là khí tiết cách mạng.

Anh cười, tôi bớt lo một phần, anh là thầy dạy lớp chỉnh Đảng hồi tháng 5 năm 1954, bài khí tiết là bài quan trọng và hay nhất đối với mỗi cán bộ cách mạng khi đối đầu trực diện với địch mà anh đã giảng trong lớp ấy.

- Còn cậu là cán bộ quân sự, địch ở đây biết rõ, vào thị xã mà lỡ bị bắt, địch biết có bộ đội ở lại thì khó, địch sẽ tố cáo ta vi phạm Hiệp định.

Tôi cố chống chế, bảo vệ việc mình vào Phan Thiết.

- Trường, Minh Quốc, Tô Vân, Mai đều là cán bộ tiểu đoàn cả mà anh!

- Anh em đó có việc của họ nhưng nếu bị bắt cũng rất bất lợi. Thôi, tốt nhất là cậu không vào thị xã, chỉ đi các huyện thôi.

Anh ném cho tôi một nụ cười mỉm. Tôi biết anh không bằng lòng nhưng cũng đồng ý việc tôi về báo cáo xin phép chứ không tự động. Tôi đang ở chiến trường nếu cứ làm trót lọt rồi về, ai biết? Nhưng hồi ấy vấn đề giữ nguyên tắc công tác là đòi hỏi rất nghiêm ngặt đối với mỗi cán bộ. Tôi không phạm lỗi lầm nghiêm trọng nên sau đó anh cũng không bao giờ nhắc lại chuyện này. Tôi về Hàm Tân, ra Bắc Bình. Sau đợt công tác, tôi đã làm được một bản đề án về công tác binh vận tương đối, được anh Năm duyệt, gửi đi các địa phương thực hiện.

Một lần, đồng chí Thắng đưa tôi sang Khu Lê. Cùng đi có một cán bộ Liên tỉnh còn trẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát; đó là anh Tám Hiền về họp Liên tỉnh ở Rừng Lớn – Cốc Chua. Tại hội nghị này, anh Tám Hiền đã trao đổi, giúp tôi nhiều kinh nghiệm về công tác binh vận. Anh đã đi công tác hợp pháp nhiều thành phố, thị xã, hiểu biết địch rất nhiều cũng như hiểu phong trào chính trị ở cả nông thôn và đô thị.

Đầu 1956, anh Năm A trực tiếp nắm, chỉ đạo công tác binh vận. Tôi lại về Khu Lê nắm bộ phận công tác tiếp tục xây dựng căn cứ và phong trào địa phương cho đến đầu 1958 thì giao lại cho Sanh, tôi về văn phòng, cùng anh Hoàng Từ lo cho tờ Hòa Bình – Thống Nhất một thời gian.

Sau tháng 7 năm 1956, địch không thực hiện Hiệp thương tổng tuyển cử. Ngô Đình Diệm tự tôn làm tổng thống, lập quốc hội phi pháp ở miền Nam, tuyên bố biên giới Hòa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17, hò hét lấp sông Bến Hải, Bắc tiến để thống nhất Bắc Nam. Chúng ra sức bắt lính, đôn quân, dòn dân, tố cộng, đánh phá phong trào khốc liệt. Tỉnh ủy dốc sức củng cố giữ phong trào, tổ chức học chính trị cho cán bộ, đảng viên nâng cao quan điểm, lập trường, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, giữ vững khí tiết cách mạng, quyết một mất một còn với kẻ thù, xác định đấu tranh cho thống nhất nước nhà là một cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ, đầy quyết liệt, hy sinh nhưng cuối cùng nhất định thắng lợi, củng cố lòng trung thành với Đảng và Bác Hồ. Học tập đã tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, tăng cường đoàn kết gắn bó, bền gan chiến đấu đến cùng, giải quyết được băn khoăn thắc mắc qua hai năm vẫn không có Hiệp thương tổng tuyển cử.

Giữa năm 1957 và đầu 1958, tỉnh chủ trương cho một số cán bộ, đảng viên ra miền Bắc chữa bệnh, học tập và công tác như các đồng chí Minh Quốc, Tiểu Oai Nghị, Trần Văn Đống, Nguyễn Văn Diễn… Số cảnh vệ, giao liên có Bảng, Cao Ly, Vệ, Điếu. Anh Dư và anh Sáu Tú hỏi tôi:

- Sáu Nam có muốn ra Bắc không?

- Muốn thì cũng muốn, ra Bắc được học tập, xây dựng trong hòa bình, nhưng tôi vẫn xin ở lại, cùng đồng bào, đồng chí tiếp tục đấu tranh đến cùng cho sự nghiệp thống nhất, dù gian khổ, hy sinh cũng một lòng một dạ với miền Nam.

- Nếu phải đi hợp pháp thì cậu có thể đi đâu, làm gì để sống bước đầu?

- Tôi không thể vào Phan Thiết, ta và địch nhiều người biết tôi, vào Sài Gòn cũng không tiện, ở dấy đông đảo, mấy năm rồi anh em ra hợp pháp nhiều, dễ bị lộ. Tôi nên đi nơi hẻo lánh như Mũi Né hoặc như miền Tây Nam Bộ. Tôi có nghề sắp chữ in (typographe), biết cày bừa, cấy gặt; làm lao động kiếm sống đối với tôi không khó.

- Vậy thì được, khi cần thiết sẽ bố trí phù hợp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2019, 07:17:42 pm »

Tôi, Hội, Bảo, Chín Quý, Sanh vui lòng ở lại chiến đấu đến cùng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì như từ buổi ban đầu ở lại và chúng tôi đã về lực lượng vũ trang tỉnh sau Nghị quyết 15. Phong trào dù hết sức khó khăn nhưng cũng có nhiều điều phấn khởi. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt nhiều thắng lợi, đường dây liên lạc Bắc Nam thông suốt, sách báo miền Bắc vẫn vào đến tỉnh. Tỉnh ủy vẫn liên lạc với Xuyên Mộc – Bà Rịa, nhờ đó hiểu hơn tình hình đấu tranh của các tỉnh phía trong tiến bộ nhiều, không đến nỗi như ở ta. Rồi cũng qua được các thắc mắc lo lắng ban đầu về sai lầm cải cách ruộng đất, về bạo động phản cách mạng ở Pô-dơ-nan, ở Bu-đa-pét, về chống sùng bái cá nhân Stalin của Khơ-rút-sốp. Cơ quan nhận được báo Cứu Quốc, báo Thống Nhất, họa báo của ta, Liên Xô, Trung Quốc, tiểu thuyết Thép đã tôi thế dấy, Đất nước đứng lên, Vượt Côn Đảo, Thượng Cam Lĩnh. Thị ủy cũng gửi ra một số báo chí xuất bản trong vùng địch để nghiên cứu rút ra những vấn đề cần thiết chỉ đạo đấu tranh. Sách báo miền Bắc rất quý, là những bài học về niềm tin và ý chí cho nộ bộ, cho bản thân mỗi người, là tài liệu tuyên truyền giáo dục rất bổ ích để củng cố phong trào vận động quần chúng đấu tranh. Do sách quá ít, tôi đa bền bỉ hết ngày này qua ngày khác, chép tay Thép đã tôi thế đấy, Đất nước đứng lên, Vượt Côn Đảo, Thượng Cam Lĩnh, chuyền tay nhau đọc rất say sưa, được giữ gìn cẩn thận.

Song đặc biệt và thôi thúc hơn cả là những tin tức diệt ác, hỗ trợ quần chúng đấu tranh ở Nam Bộ làm phấn chấn lòng người; đó là hy vọng, niềm tin và biện pháp cách mạng mới. Nhiều cán bộ muốn học tập vận dụng ở ta, nhất là chúng tôi, những anh bộ đội ở lại miền Nam trong những ngày dài đấu tranh chính trị bằng phương pháp hòa bình, gắn bó với phong trào, trước cảnh dầu sôi lửa bỏng, có súng trong tay mà không diệt ác để hỗ trợ phong trào như ở Nam Bộ. Lúc này, anh Năm A đã tách ra đưa cơ quan Liên tỉnh ba ra Khánh Hòa từ giữa năm 1956, đem theo bốn đặc công Thu, Chín, Hòa, Đáng. Ở Bình Thuận, bí thư là anh Dư, phó bí thư là anh Sáu Tú. Tôi và Hội, Bảo đã mạnh dạn đề nghị với lãnh đạo Bình Thuận, nhưng đề nghị diệt ác của chúng tôi không được chấp nhận lại còn kiểm thảo về tư tưởng vũ trang phiêu lưu manh động, trái với đường lối hòa bình của ta và Liên Xô cùng phe xã hội chủ nghĩa. Nào chúng tôi đã đề nghị phát động chiến tranh, đấu tranh vũ trang gì đâu mà chỉ muốn ở ta cũng có diệt ác phục vụ phong trào như ở Nam Bộ mà thôi. Khi vào Xuyên Mộc liên lạc với Bà Rịa, các đồng chí huyện ủy Xuyên Mộc có nói với anh Tiên tỉnh ủy viên, là Bình Thuận diệt ác thì phong trào lên ngay, trong này Thường vụ huyện ủy đã có quyền quyết định diệt ác rồi. Là những cán bộ quân sự, chúng tôi thiết tha muốn được làm như Nam Bộ, ngặt nỗi lãnh đạo tỉnh cho là Nam Bộ khác, ta khác, vẫn không chủ trương thì biết làm sao được! Cán bộ cơ sở và quần chúng không phải không có ý kiến đề bạt cấp trên cho diệt ác, một đôi nơi như Bàu Thiêu, Tiến Lợi bức xúc quá đã bí mật thủ tiêu rồi giấu nhẹm, huyện, tỉnh nào có hay biết gì. Cũng chỉ đỡ một chút thôi rồi đâu lại vào đấy vì hành động tự phát, đơn lẻ, hiếm hoi đó không thể gây chuyển biến phong trào được. Được báo Thời luận xuất bản trong vùng địch, thấy có bài viết của Nghiêm Thiện tỏ ra rất sợ việc diệt ác của ta như bài “Làm sao bảo vệ tính mạng của nhân viên chính quyền ở hương thôn”. Rõ ràng là Nam Bộ diệt ác có tác động mạnh đến địch, ảnh hưởng tốt cho phong trào cách mạng. Tôi lại lần nữa đề nghị cho diệt ác thì anh Sáu Tú hỏi lại tôi:

- Ai bảo anh là Đảng ta chủ trương diệt ác?

- Thì báo Thời luận đã nói rõ đó!

- Đó chỉ là các giáo phái ở Nam Bộ mâu thuẫn sát hại lẫn nhau thôi. Ta không thù oán gì cá nhân chúng, không khủng bố cá nhân chúng, chỉ đấu tranh lật đổ cả chế độ nó mà thôi.

Tôi đành chẳng có lý do gì để đề nghị nữa. Đấu tranh chính trị lật đổ chế độ nó từ 1954 đến 1957 là không được rồi, còn lật đổ nó bằng cách nào thì các anh cũng chẳng biết gì hơn là đấu tranh chính trị theo đường lối hòa bình mà thôi. Ta không thù oán cá nhân nó nhưng còn thù chung của cả dân tộc thì sao? Ở đây quan điểm của lãnh đạo là chỉ đấu tranh chính trị hợp pháp đơn thuần, hữu khuynh thúc thủ thì tất nhiên phong trào bị tổn thất và ngày càng khó khăn. Có tên ác ôn ở Hàm Tân là Giáo Thử, chủ tịch xã Tân Thuận, chi hủy viên trong chống Pháp; ta vừa tập kết, hắn đã phản bội đầu hàng địch ngay, làm chủ tịch phong trào cách mạng quốc gia xã Tân Thuận; hắn là rẻ Hộ Cang, địa chủ phản động. Tên Thử đánh phá phong trào ác liệt. Hắn đã nói với đồng bọn là: “Việt cộng ở Bình Thuận không dám giết cán bộ quốc gia như ở Nam Bộ đâu, nên phải tranh thủ chặt đầu Việt cộng càng nhiều càng tốt”. Trong một cuộc mít tinh tố cộng, hắn kêu gào diệt cộng, hô khẩu hiệu: “Chặt đầu Việt Cộng”, nhưng bà con không ai thèm hô, hắn bẽ mặt, lui mất. Đồng bào bị kềm kẹp ghê gớm vẫn có cách chống địch, vậy mà ta thì không có hành động hữu hiệu nào để hỗ trợ đồng bào cả. Giữa năm 1957, Võ Xuân V. Thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận dao động sợ chết, đào ngũ đầu hàng địch, ăn cắp súng và nhiều tiền vàng của tỉnh. Nó vừa chạy, tôi đề nghị anh Sáu Tú cho tôi dẫn một tổ đặc công theo về nhà y bắt đem về cho tỉnh xử tôi. Anh đồng ý nhưng lại bảo chúng tôi phải cặp kè đưa êm nó ra như kiểu anh em bạn cặp tay nhau đi chơi ban đêm trong xóm.

- Nó có súng, lại có võ nghệ, anh em mình chỉ biết vài miếng phòng thân, có tài nghệ cao cường như anh đâu (anh Sáu Tú có thể đánh gục vài chục người), nếu nó chống cự, không bắt êm được thì cho chúng tôi xử nó tại chỗ được không?

- Không được, như vậy sẽ kích động địch gây rắc rối, không bắt êm được thì không đi nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2019, 07:18:26 pm »

Thế là chúng tôi không đi bắt tên V nữa. Sau đó, tên V cùng với tên Hồng Đ nghe nói cũng là một tên phản Đảng ở Bình Định chạy vào đây làm trưởng ban tố cộng của ngụy quyền Bình Thuận, đánh phá phong trào gây biết bao tội ác với nhân dân gây tổn thất lớn cho cách mạng ở Hàm Thuận, Bắc Bình. Cán bộ, đồng bào vô cùng căm phẫn; họ hỏi tại sao tỉnh cứ để cho tên V và bọn ác ôn lộng hành mà không có làm gì nó cả. Nhiều cán bộ, anh em quân sự chúng tôi rất đau lòng về việc này. Khi đã chiến đấu vũ trang, tôi có hỏi anh Sáu Tú:

- Vì sao hồi đó anh không cho diệt ác như Nam Bộ, lại nói giáo phái giết nhau, Nam Bộ khác, ta khác là sao?

- Mình cũng muốn lắm, nhưng trên không có chủ trương, phải chịu như vậy chứ biết sao!

Thì ra, không phải các anh dửng dưng với việc diệt ác; nhưng các anh giữ nguyên tắc và chấp hành một các cứng ngắc đến lạnh lùng, không dám chịu trách nhiệm với trên, không dám mạnh dạn như Nam Bộ, cũng không đề đạt lên trên nguyện vọng của cán bộ, nhân dân chỉ nắm chặt đấu tranh chính trị hợp pháp một chiều nên phong trào khó khăn kéo dài, bị nhiều tổn thất.

Đầu năm 1958, Tỉnh ủy Bình Thuận nhận được bản: “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn viết từ tháng 7 năm 1956, do Tỉnh ủy Bà Rịa gửi ra. Tỉnh ủy in rô-nê-ô văn kiện đó và tổ chức cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ học tập để củng cố niềm tin. Song tiếc thay, anh Dư lại tự tiện cắt bỏ khả năng ba trong bản đề cương, tức là khả năng khởi nghĩa giành chính quyền như Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Vấn đề cốt lỗi của đề cương là thời kỳ đấu tranh chính trị hợp pháp đơn thuần đã qua, bấy giờ là lúc cách mạng miền Nam phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Diệm để giải phóng mình. Đề cương đề ra ba khả năng giành chính quyền, anh Dư lại chia ra hai khả năng đấu tranh thành ba thì chung quy cũng chỉ là xây dựng lực lượng, đấu tranh chính trị chuyển hóa quốc hội ngụy và tranh thủ một bộ phận ngụy quân ngụy quyền ngã về phía nhân dân để giành chính quyền mà thôi. Nếu không có khả năng ba, thì chỉ với hai khả năng kia làm sao lật đổ chúng? Học xong, anh Mười Râu, bí thư Khu Lê phát biểu: “Phấn khởi nhưng luôn buồn!”. Đó là chuyện có thật. Tôi được anh hoàng Tứ đưa cho dọc bản gốc khi mới nhận về văn phòng nên tôi biết rõ nội dung bản đề cương chính có ba khả nặng, có khả năng tổng khởi nghĩa như Cách mạng tháng Tám. Trong học tập ở cơ quan, tôi hỏi anh Dư:

- Vì sao tài liệu ta học đây không có khả năng ba của đề cương, đồng chí Lê Duẩn viết?

- Sao anh biết?

- Tôi được anh Từ cho mượn xem bản gốc ở Bà Rịa gửi ra.

- Nam Bộ khác, ta khác – Anh Dư lại cũng nói như vậy.

- Sao cùng chung một Đảng lãnh đạo mà Nam Bộ khác ta khác?

- Thì tôi nói như vậy đó!

Tôi không nói gì được nữa và tôi biết anh Hoàng Từ đã bị kiểm thảo vì cho tôi mượn đọc nên tôi biết các anh ấy sửa tài liệu mới hỏi như vậy. Anh Dư bị bệnh mất hồi tháng 5 năm 1958 nên khi vũ trang đánh Mỹ - Diệm, tôi không hỏi được anh ấy vì sao lúc bầy giờ anh có chủ trương động trời như vậy vì các anh thừa biết đồng chí Lê Duẩn là Thường vụ Trung ương Đảng, bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Dù có bị kiểm thảo tư tưởng vũ trang, chúng tôi cũng không hề bi quan, dao động mất niềm tin, vẫn một lòng chờ đợi và tin chắc sớm muộn gì cũng có sự chuyển biến như ở Nam Bộ thôi. Trong thời gian đó cũng có một số ít người tiếu tin cách mạng thắng lợi, sinh tiêu cực bỏ việc, khi bị địch bắt không giữ vững khí tiết, đã đầu hàng khai báo như M (Ba răng vàng), bí thư Hàm Thuận, thậm chí có kẻ phản bội, đánh mất danh hiệu đảng viên cao quý, làm tay sai địch gây tổn thất cho cách mạng như Võ Xuân V.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2019, 07:18:54 pm »

Tôi còn bị một trận đau nặng vào giữa năm 1957, thật đặc biệt nên không bao giờ quên, cũng là một kỷ niệm sâu sắc trong đời chiến đấu của mình. Hôm ấy, tôi đi công tác ra huyện Phan Lý, đến trạm Bá Ghe đặt trên một đỉnh núi cao do đồng chí Dương Thế Thọ làm trạm trưởng. Nói là trạm nhưng chỉ có một mình Thọ ở đây đưa đón cán bộ, nhận chuyển công văn, tài liệu, đi móc nối xây dựng cơ sở, giải quyết tiếp tế, v.v… Thọ tự nấu ăn, may vá, cắt tóc, chỉ có một chiếc gương nhỏ và một cái kéo Thọ tự cắt tóc cho mình, tuy việc nhỏ nhưng mấy ai làm được. Hơn hai năm một mình phụ trách đường dây thông suốt, cán mẫn, lúc rảnh hát nghêu ngao hoặc chia bài tú lơ khơ ngồi đánh một mình. Có biết bao chuyện lý thúc, đặc biệt về Thọ, kể không xiết, có thể viết một quyển sách dày… Chiều vừa đến trạm thì tối tôi ngã bệnh, người nóng như lửa đốt, nằm li bì, ăn uống chút gì đều bị nôn sạch, đầu đau như búa bổ, cả đêm không chợp mắt được. Sáng ngày Thọ mang bồng đến cạnh nói tỉnh khô:

- Tôi đi mười ngày, nếu không về, anh tự quyết. Tôi gửi anh lại gốc cây này nhé! Có sẵn gạo và một bồng nước đó.

Tôi bần thần trong người, nếu chuyến Thọ phải đi, may rủi ai biết được, Thọ cho biết hàng ngày dưới chân núi có lính Nùng sư đoàn 5 đi chặt gỗ và săn bắn, lúc nào cũng nghe tiếng súng đì đùng. Ở một mình lại bị sốt nặng lỡ nó lên đây sẽ rao sao?

- Tôi bệnh thình lình không đi nổi. Thọ chờ tôi vài ngày được không?

- Chuyến liên lạc Ninh thuận có một ngày dự bị, thôi thì tôi chờ anh một ngày.

Hôm sau còn sốt cao, đầu nặng trĩu, mắt hoa, người ê ẩm rã rời nhưng cũng phải cố đi hôi. Càng đi càng mệt lả, mồ hôi ướt đẫm, trời lại mưa không ngớt, lội suối leo đèo vô cùng vất vả, có lúc đi gần xóm Thọ nói có địch, căn lắm, không sao dừng lại nghỉ, phải gắng qua nhanh, dù sao có choàng nilông mà người vẫn ướt như tắm, có lẽ do người quá nóng nên không bị nhiễm lạnh chăng? Mỏi mệt cơ hồ muốn gục ngã nhưng rồi cũng có vượt qua. Hai giờ khuya lên một đồi thông mắc võng ngủ, đồi cao gió lộng mát mẻ, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Thật kỳ lạ, sáng tỉnh dậy người bớt nóng, đầu óc nhẹ nhàng, tỉnh táo. Gần trưa, Thọ chia tay, tôi rẽ vào cơ quan huyện, anh Đặng Chế Hoa, bí thư Phan Lý Hải đãi một bữa bắp tươi đầu mùa, nướng và luộc, ngọt thơm ngon hết biết, tôi như khỏe ra, khỏi bệnh hẳn.

Mấy hôm sau tôi và anh Tám Triều thường vụ tỉnh ủy trở lại trạm Núi Đá Ba-bắc Hàm Trí; ở trạm chỉ còn một mình đồng chí Ba trạm trưởng. Địch đang càn, cơ quan dời, chúng tôi phải ở trạm chờ có người đến đón mới về được. Ăn cháo hai ngày thì hết sạch gạo phải ăn măng tươi luộc không muối, tôi và anh Tám đành nhịn đói uống nước cầm hơi. Ba là thanh niên mà ăn kiểu đó cũng bị Tào Tháo đuổi suốt ngày. Núi Đa Già là núi đá trọc, không có rau trái gì cả, để chúng tôi nhịn đói không đành, chưa đến chuyến, Ba cũng đi đột cơ sở.

- Quá 3 giờ mà em không về thì các anh tự lo liệu lấy.

Đêm trời đổ mưa dồn dập, lúc xối xả, khi lai rai, gió lùa qua vách đá lạnh buốt tận xương. Không ngủ được, chúng tôi vừa chuyện trò vừa thấp thỏm đợi cờ. Anh Tám lúc trẻ đọc rất nhiều truyện tàu, từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh, nay đã già, anh vẫn nhớ làu làu, kể lại thật mạch lạc hấp dẫn. Tôi cũng từng đọc Tống Địch Thanh, Tiết Nhơn quý Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, mà nghe anh kể cũng rất thích thú say mê, vừa đỡ sốt ruột. Quá 3 giờ, rồi 4 giờ mà Ba vẫn chưa về, càng lâu càng lo âu căng thẳng. Đói run chân, mắt hoa tai ù, nhưng cảnh giác cách mạng phải đề phòng. Cơ quan chưa biết đến đón biết về đâu? Mà ở trạm bây giờ là báo động rồi. Ba là giao liên người địa phương, thông thạo đường đi lối lại, nhanh nhẹn tháo vát, đi đêm rất giỏi, nhất định không phải lạc đường, biết đâu cậu ta gặp chuyện không may. Núi Đá Gia có hang hố chứa được cả trung đoàn nhưng bồng không hạt gạo, nếu có địch, ở đây lâu sao được! Dù sao cũng phải cố leo lên đầu núi trước sáng để quan sát chuẩn bị đối phó tình huống xấu nhất. Chúng tôi lần dò từng bước theo đường hành lang trong hang đá mò mẫm xuống bếp, bốn bề im lặng, thỉnh thoảng có vài tiếng khua động. Đêm còn tối mờ mờ, bạo gan đến gần bếp, thì ra Ba đang lúi húi nấu ăn. Chúng tôi ôm Ba mừng đến rơi nước mắt.

- Em vừa đến nhà má Sếp (cở một của trạm), má mừng quá, biết mình khó khăn mới đi đột xuất, má vội xếp các thứ đầy bồng, dặn đi nhanh và thật cẩn thận, địch lùng sục liên tục, mới vừa kéo ngang qua đây. Ra bìa rừng thì đụng địch, chúng bắn loạn xạ, hò hét truy bắt, may mà em thoát được. Về đến nhà hơn 4 giờ, tính nấu cơm nước xong sẽ báo các anh xuống ăn luôn.

Thế là tai nạn khỏi. Bữa cơm nóng với cá mắm nướng thật mặn mòi, cùng bình trà, điếu thuốc, bánh ngọt sao mà ngon đến thế! Trưa có Phấn giao liên bên Khu Lê sang. Hội trên cơ quan xuống, bày bàn cờ tướng giải trí, đời lại tươi vui ấm cúng lạ thường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2019, 07:19:30 pm »

Từ giữa 1958, chỉ thị của liên tỉnh đã có nhiều điểm mới:

1. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện

2. Diệt ác hỗ trợ quần chúng đấu tranh

3. Miền núi tích cực phá đồn, đưa dân về lại xóm làng cũ xây dựng căn cứ địa vững mạnh làm bàn đạp phát triển lên Nam Tây Nguyên và mở phong trào đồng bằng.

Ngày 20 tháng 7 năm 1958, tại suối Kháng Hành trên núi Tiên Sơn – Hàm Phú, anh Sáu Tú (bí thư Bình Thuận) làm lễ thành lập đội vũ trang tự vệ của tỉnh trong chống Mỹ gồm bốn người: Nghị, Lựu, Thắng và tôi làm đội trưởng, bí thư chi bộ. Anh căn dặn:

- Nhiệm vụ chính của đội là diệt ác, hỗ trợ quần chúng đấu tranh. Trước mắt đội phải xây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị vật chất (lúc này lương thực thực phẩm dù chỉ cho một bộ phận mấy người cũng rất khó khăn) tạo bàn đạp vững chắc để hoạt động ở Hàm Thận, lâu dài là ở toàn tỉnh. Phải nắm vững đây chỉ là biện pháp của chỉ đạo chứ không phải phương pháp đấu tranh mới. Phương châm chung vẫn là đấu tranh chính trị bằng phương pháp hòa bình nên hoạt động phải bí mật, thận trọng, không để lộ là ta diệt ác mà phải làm sao cho địch tưởng lầm là nội bộ chung mâu thuẫn trừ khử lẫn nhau. Khi cần diệt ác tên nào phải do tôi (tức anh Sáu Tú) xét duyệt mới được thi hành.

Dù còn nhiều điều chưa được giải thích thông suốt, lực lượng đội lúc đầu quá ít, số đặc công hiện nay chỉ còn sáu mà anh vẫn còn giữ Bảo, Hội ở cơ quan, tuy vậy chúng tôi vô cùng phấn khởi, xúc động, cùng đưa tay tuyên thệ dưới cờ và ảnh Bác Hồ, hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thành lập ngày 20 tháng 7 nhắc nhở chúng ôi gắng sức đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất trong hoàn cảnh mới đang sục sôi nóng bỏng.

Khẩn trương ôn tập nghiệp vụ, dự trữ lương thực, xác định mục tiêu để có thể hoạt động sớm. Tôi bồi dưỡng anh em kinh nghiệm xây dựng cơ sở chính trị, cách bắt rễ xâu chuỗi, lo tạo thế dựa vững chắc lâu dài. Hàm Thuận là nơi phong trào mạnh nhất tỉnh cũng là nơi địch đánh phá ác liệt nhất, khó khăn vô chừng. Ác ôn thì nhiều, tên nào cũng cần diệt nhưng động đến thì rất khó vì những ràng buộc ngặt nghèo. Làm sao diệt mà phải như nội bộ nó trừ nhau? Thấy bí quá, anh em phải thốt: Kiểu này thì Tết mới diệt được ác! Và quả vật, đã hơn tháng trời chúng tôi chẳng tìm ra cách nào để diệt ác như ý kiến của lãnh đạo, các huyện trong tỉnh cũng chẳng ai diệt được tên ác nào theo kiểu đó cả. Mây năm ở Khu Lê, tôi xây dựng cơ sở trong khi địch dồn dân, tố cộng, đánh phá dữ dội nhưng cơ sở rất vững chắc, hoạt động khôn khéo, không bể vỡ một ai. Tuy vậy, đó là hoạt động hoàn toàn bí mật, ngăn cắt, bây giờ khác rồi, diệt ác làm sao không động đến địch, đến phong trào? Chúng sẽ đối phó quyết liệt hơn. Mới vài tháng chưa diệt được tên ác ôn nào mà đội liên tiếp bị tổn thất. Trác bị cơ sở phản bắt, mất một tiểu liên, bị tù đầy một tháng và bị thủ tiêu. Thắng trên đường công tác đụng địch bắn bị thương và bị bắt, mất một súng ngắn. Mười hôm sau tôi và Nghi đột cơ sở ở Hàm Thạnh. Vừa tối, chúng tôi quan sát thấy bếp có lửa và tiếng cô Liễu, con gái chị năm Đường. Nghị nói nhỏ:

- Ổn rồi, hai anh em cùng vào giây lát rồi ra anh nhé!

Lâu ngày ở rừng, nay đến xóm làng cũng muốn vào chơi thăm hỏi bà con chút đỉnh cho vui, nhưng giữ nguyên tắc không để cho cơ sở biết nhiều người, chị Năm chỉ biết Nghị, tôi bảo:

- Thôi, nên giữ bí mật, Nghị vào một mình, làm việc xong ra ngay, choàng dù lên, đi cẩn thận, mình chở ở đây, có động đón nhau ở điểm dự bị.

Bóng Nghị khuất dần trong màn đêm yên tĩnh. Bỗng một loạt tiểu liên vang lên, tiếp theo là nhiều tiếng súng trường và la lớn:

- Bắt lấy nó!

Tiếng súng im, tôi linh cảm có điều gì xảy ra, bị lộ rồi sao? Khẩu các bin đã lên nòng, chỉ cần bấm cò là nổ. Tôi suy nghĩ lại, bắn thì dễ nhưng không biết tình hình thế nào, mình ở ngoài bắn vào nhà, tên bay đạn lạc, rủi trúng nhầm cơ sở thì ân hận biết bao! Còn Nghị nữa, tôi thấy nóng ruột quá, lại một loạt súng rộ lên rồi im bặt. Tôi hy vọng địch sẽ không đuổi kịp Nghị, cậu ấy có thể chạy thoát nhờ màn đêm nên tôi đến điểm hẹn. Chờ lâu vẫn không thấy Nghị, trăng đã lên cao, tôi cảm thấy buồn vô cùng và thương Nghị quá, một mình lui về chân núi ngủ qua đêm, nằm mà tôi cứ trông trời sáng. Tinh mơ tôi vội đến trạm giao liên anh Năm Nhẫn nhờ anh nắm tình hình, được biết địch nghi gì đó nên bắt cơ sở tra khảo, dù chị không khai gì chúng vẫn phục liên tiếp bốn ngày thì gặp chúng tôi. Nghị vào nhà, đến sát bọn chúng mới thấy bóng, bắn loạn xạ; Nghị nằm im, chúng tưởng đã chết, khi đến kiểm tra, Nghị bung chạy và lần này suông đạn hy sinh.

Tôi được lệnh chuyển về Đội Vũ trang Miền Núi có chín anh em, là người Thượng tôi làm đội trưởng, bí thư chi bộ. Hội đội phó, bí thư chi đoàn. Đội có năm đảng viên, bốn đoàn viên. Anh em về chính trị rất tốt nhưng khả năng hạn chế, ở căn cứ chưa có việc gì cần thiết nên chúng tôi chỉ lo xây dựng nâng cao trình độ cho anh em. Mãi về sau tôi vẫn băn khoăn: đã tổ chức đội vũ trang có nhiệm vụ diệt ác nhưng tại sao chỉ là biện pháp của chỉ đạo chứ không phải phương châm đấu tranh cách mạng? Ném đá giấu tay thì diệt ác có tác dụng gì? Chúng tôi lại chỉ đơn độc một mình, không được lên hệ với địa phương, lại còn phải xây dựng cơ sở trong khi anh em không phải là cán bộ chính trị, là đội công tác phong trào. Sau này tôi không hỏi lại lãnh đạo nữa vì sự việc cũng đã qua lâu. Về diệt ác, tỉnh và Hàm Thuận có chủ trương diệt tên Văn Công Cần tức Cửu Xe, xã tưởng Tân Phú Xuân, một ác ôn khét tiếng và có nhiều nợ máu với nhân dân, đồng bào rất căm phẫn. Tiếc thay phương pháp diệt ác vẫn là ném đá giấu tay. Hai anh Năm Nhẫn và Bảy Tâm huyện ủy viên Hàm Thuận thực hiện nhiệm vụ này. Tuy anh Năm Nhẫn có mang một tiểu liên tuyn, anh Bảy Tâm có một khẩu súng ngắn ru-lô xanh ê-chiên nhưng lại chỉ được diệt ác bằng chém rựa. Hai anh đóng vai người đi nhắp cá ở ruộng, vác cần câu, mang vịt, vác rựa đột vào nhà, nó đang nằm trên giường, vừa nhổm dậy thì anh Bảy Tâm đã chém một nhát vào đầu nó né trúng vai, rựa kẹt xương quai xanh không dứt ra chém tiếp được, chùng nhùng nhằng thì các con nó nhào ra hô hoán, một đứa có võ judo khóa cổ tay anh Bảy Tâm để bắt, một đứa ẩu đả với anh Năm Nhẫn, đánh rớt khẩu mi-kẹt-cát không bắn được, trung đội dân vệ gần đó nghe động ùa đến vây bắt hai người. Anh Năm Nhẫn có sức mạnh đã dũng cảm đánh gục đứa con Cửu Xe thoát ra ngoài. Anh Bảy Tâm bị khóa nghẹt cổ; nhanh trí, anh rút khẩu ru-lô ở thắt lưng, đưa ra sau dí mũi súng vào cổ tên này bóp có; rất may súng nổ tên ấy ngã gục chết, anh cũng kịp chạy ra. Nhờ thạo địa hình, hai anh thọc sâu xuống đồi Lại An Hạ rồi mới vòng lên, về núi thoát nạn. Bọn dân vệ tuy đông nhưng lạc lối, chỉ truy lùng lên hướng bắn nên mất mồi. Cái rựa bị kẹt trong vai Cửu Xe, chúng gỡ ra biết là của người rong xóm, cả cái cần câu và cái vịt cũng vậy, ở xóm quen biết nhau biết ngay là của ai, chúng bắt đánh đập tàn nhẫn[343] và bỏ tù cơ sở. Tất nhiên cơ sở rất kiên cường không khai gì, nhưng đó là một khuyết điểm lớn của kế hoạch gây hại cơ sở, ảnh hưởng phong trào. Cửu Xe không chết, nó càng điên cuồng chống phá cách mạng. Ác ôn các nơi biết ta bắt đầu diệt ác, ra sức đề phòng, mặt khác càng đánh phá phong trào dữ dội hơn. Có chủ trương diệt ác nhưng thực hiện không ra sao, ác ôn vẫn chưa chùn tay. Tại sao các anh Năm Nhẫn, Bảy Tâm được trang bị súng lại không được nổ ngay mấy phát diệt gọn nó mà chỉ chém, cuối cùng thì cũng phải nổ súng mới thoát được, nếu không đã chẳng diệt được ác, lại mất hai huyện ủy viên, cơ sở bị bắt, đau biết chừng nào! Từ đó đến tháng 7 năm 1960 toàn tỉnh không có vụ diệt ác nào nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2019, 02:41:06 pm »

2. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng.

Tháng 7 năm 1959, tôi dự hội nghị tỉnh ủy mở rộng; nội dung đã có tinh thần Nghị quyết 15. Trong hội nghị có bàn một số vấn đề rất mới lạ và vô cùng hứng thú. Cấp trên tham khảo ý kiến các tỉnh về tổ chức Mặt trận ở Miền Nam sắp đến nên lấy tên là gì? Cờ của Mặt trận nên như thế nào? Tổ chức và hoạt động của các lực lượng vũ trang ra sao để đẩy mạnh phong trào lên một bước mới?... Hội nghị thảo luận rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đề ghị đủ các loại tên, cũng có ý kiến cho là cứ để tên là Mặt trận Tổ quốc như ở miền Bắc cho thống nhất Bắc Nam là hay và có ý nghĩa nhất, sao lại phải đặt tên khác làm gì. Về cờ, đa số đều muốn giữ nguyên cờ đỏ sao vàng. Anh Tám Kiên (LâmVĩnh Minh) bí thư Hàm Thuận đã bảo vệ đến cùng lập luận của mình:

- Cờ đỏ sao vàng là cờ duy nhất của Tổ quốc, Bác Hồ đã đưa từ Việt Nam ra quốc tế, ai cũng biết và ngưỡng mộ, tại sao ở miền Nam lại thay? Không ai có quyền được thay đổi cả. Nhân dân miền Nam không bao giờ chấp nhận một lá cờ khác!

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng đây là trên tham khảo ý kiến cấp dưới, trong một giai đoạn cách mạng nhất định, theo một yêu cầu nhất định cũng cân có các hình thức tổ chức linh hoạt phù hợp với tình hình. Tôi cũng có suy nghĩ và phát biểu ý kiến của mình:

- Theo tôi, tên của mặt trận đề nghị là Mặt trận giải phóng dân tộc hoặc Mặt trận nhân dân thống nhất, như vậy cũng phù hợp với nhiệm vụ giải phóng miền Nam hiện nay. Về cờ thì đây cũng là cờ của Mặt trận ở miền Nam mà thôi. Lúc hòa bình 1954, ta cũng có cờ hòa bình màu xanh da trời và chim bồ câu trắng, nay nên chăng lá cờ vẫn giữ sao vàng ở giữa còn nền thì nửa đỏ trên, nửa xanh ở dưới cũng được chứ sao? Một số cũng đồng tình ý kiến của tôi, tất nhiên đây mới chỉ là thảo luận trong hội nghị để góp ý cho trên thôi. Riêng vấn đề tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang thì tất cả đều rất phấn khởi nhưng ai đi sâu cụ thể nổi được? Gay go nhất là trong tình hình bấy giờ, làm sao rút được thanh niên đủ để xây dựng cho tỉnh trước mắt có một trung đội, huyện có một tiểu đội. Biên chế hiện của các huyện ủy đều rất thiếu, không thể rút ra bớt người nào góp cho tỉnh, còn ở phong trào thì không huyện nào rút được một người bổ sung cho cơ quan, nói gì đến việc rút để lập bộ đội. Tôi suy nghĩ là số cơ sở của tôi ở xã Nhơn Thiện, vẫn còn nguyên đó, họ còn có liên hệ với một số quần chúng tốt, có thể vận động thoát ly. Tôi đề nghị và được thường vụ tỉnh ủy đồng ý, giao tôi phụ trách việc ấy. Sau hội nghị, tôi về Khu Lê liên lạc với đồng chí Tạo (em rể anh Hai Xiềng) là giao liên đường thủy của Liên tỉnh, đang sống hợp pháp tại Bình Nhơn, cùng lo việc rút người. Khó khăn lớn nhất là làm sao rút được một số lượng lớn mà chỉ trong một xã, vừa bí mật, vừa đảm bảo cho gia đình họ trong lúc địch đang rêu rao luật 10/59, o ép, khống chế chặt từng gia đình! Tôi dựa vào tổ công tác hiện còn Sanh, Quý để rút người. Đợt đầu chỉ lấy bốn làm thí điểm rút kinh nghiệm, đợt sau chuẩn bị thật kỹ, lấy một loạt nhanh gọn để địch bất ngờ không kịp đối phó. Bốn thanh niên cơ sở Anh, Xuân, Hùng, Thơ đã đặt kế hoạch vắng mặt hợp pháp dài hạn ra êm, rồi số này trực tiếp móc ráp rút số đông tiếp theo. Vốn giàu lòng yêu nước, đầy nhiệt tình cách mạng và lòng hăng hái của tuổi trẻ, chỉ thời gian ngắn tôi đã có đủ số lượng theo yêu cầu nhưng khi đi thì gặp một số vấp váp suýt đổ vỡ kế hoạch và tổn thất. Số là, đáng lẽ phải bố trí ra đi phân tán từng nhóm nhỏ, đến điểm hẹn ở Hố Đất mới tập trung, thì Tạo thấy tình hình ổn nên tập họp một đoàn tại xóm cùng ra một lần cho tiện. Mới ra đến đầu xóm, bất ngờ gặp địch đi tuần, chúng hỏi, anh em bung chạy, địch bắn lung tung, trong xóm đánh trống mõ báo động liên hồi làm náo động cả đêm khuya. Chưa biết gì địch vẫn lùng sục suốt đêm. Sáng ra, biết có một số đông thanh niên trốn đi, chúng càng truy lùng, khống chế chặt các gia đình này. Đang chờ ở Hố Đất, tôi nghe nhiều tiếng súng, tiếng trống mõ văng vẳng kéo dài, biết có sự cố, lòng bần thần lo sợ bị hỏng kế hoạch, lại khó khăn cho địa phương. Mấy giờ sau, anh em lần lượt tập trung đầy đủ, chỉ thiếu vài người bí mật lộn trở về nhà, dịp khác lại ra. Tạo cũng có cách quay về trước sáng. Như vậy tôi cũng có gần đủ số đưa về núi an toàn. Địch rất cay cú vì bất thình lình bị Việt cộng nẫng một lúc mấy chục thanh niên, nhưng sợ làm quyết liệt sẽ náo động lớn gây phản tác dụng nên lờ đi. Anh em biết gia đình không việc gì, nên yên tâm làm nhiệm vụ. Nhơn Thiện từ lâu là cái gai nhọn trước mắt địch nên chúng không bao giờ để yên. Anh Mười Râu thỉnh thoảng gặp tôi, trách:

- Ông Sáu Nam hại tôi quá!

- Thì có trục trặc chút đỉnh, nhưng tỉnh được bộ đội, anh được phong trào qua thử thách càng vững là tốt quá rồi, còn gì mà trách cứ nhau!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2019, 02:41:54 pm »

Sau thời gian giáo dục, động viên, anh em xác định quyết tâm tốt, ngày 2 tháng 9 năm 1959, anh Sáu Tú làm lễ công bố quyết định thành lập đơn vị 2-9, tôi là chỉ huy trưởng kiêm chính trị viên, bí thư chi bộ kiêm y tá, Nguyễn Hội chỉ huy phó, bí thư chi đoàn phụ trách hậu cần. 2-9 có ba tiểu đoàn, hai tiểu đội người Kinh là số thanh niên Nhơn Thiện, một tiểu đội người Thượng; năm đảng viên, năm đoàn viên. Trong lễ thành lập, các anh Sáu Tú, Tám Triều, Tiên, Hoàng Từ, Tám Cảnh thay mặt tỉnh và huyện Di Linh thăm hỏi, động viên từng chiến sĩ. Vô cùng xúc động trước sự chăm sóc của lãnh đạo, cùng với niềm vinh dự tự hào đơn vị được mang tên ngày Quốc khánh, là anh Bộ đội Cụ Hồ trong chống Mỹ, cứu nước, tất cả nguyện trung với Đảng, hiếu với dân, quyết tâm vượt mọi khó khăn, đánh thắng địch, hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị đóng trong rừng A Ra – Xa Lôn, hoàn toàn bí mật với cơ quan và dân. Địa phương chỉ hai đồng chí Văn Giang và Dèm, bí thư Xa Lôn và Ara được tiếp xúc với chúng tôi để thông báo tình hình địch và tiếp tế một phần. Còn thì đồng chí Bảy Hân, trưởng ban tiếp tế tỉnh lo tất cả nhu cầu cho đơn vị. Anh Tám Triều và tôi đi lấy số vũ khí giấu ở núi Ông năm trước về trang bị cho đơn vị đầy đủ trung liên, tiểu liên, súng trường, lựu đạn, chất nổ. Chúng tôi huấn luyện cho đơn vị có trình độ cơ bản, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng được yêu cầu khi lãnh đạo có chỉ thị, nhiệm vụ. Cà Dòn vẫn giữ được thế hợp pháp, là một xã thuộc quận Hoài Đức bên kia sông La Ngà rất xa, thỉnh thoảng địch mới đi tuần tra một lần, thực hiện chính sách có mặt, đi đường lớn, ăn uống nhậu nhẹt rồi về. Tề là cơ sở nên nhìn chung thôn xóm yên ổn, chúng tôi luôn có thông tin về địch để đề phòng. Các chiến sĩ Kinh người đồng bằng, lần đầu trong đời thấy căn cứ núi rừng trùng điệp bao la, vật chất không bằng ở gia đình, song không đến nỗi kham khổ lắm, khí hậu trong lành nước non thừa thãi, sinh hoạt thoải mái, ca hát vui vẻ rộn ràng nên rất hăng say học tập, tiến bộ nhanh. Ăn cơm gạo mẹ, xôi nếp than, canh rau rịa, cá lơ sông La Ngà, cả đọt mây đắng rồi cũng quen và ghiền nữa là khác. Trưa trưa đi chặt đọt, nướng chấm muối ngon cực kỳ nào thua gì thịt cá. Thường xuyên tập thể dục thể thao, chơi xà đơn xà kép, chạy bộ, dai sức nhảy cao, nhày dài, sức khỏe tốt, tươi tắn hồng hào. Tỉnh đến thăm cũng vui lòng.

Đầu 1960, khi vào truyền đạt Nghị quyết 15 của tỉnh, anh Năm A cười nói với anh Sáu Tú và tôi: Mấy cha làm ăn dở quá, rút thanh niên không ra làm sao cả! Tuy vậy, anh cũng thông cảm khó khăn của tỉnh, dù sao Bình Thuận cũng có một trung đội khá sớm. Thật ra, sau này có thể xác định Bình Thuận còn chưa thoát ra khỏi dấu ấn quá đậm của đấu tranh chính trị hợp pháp đơn thuần. (Ngô Minh Thưởng, thường vụ tỉnh ủy trong tham luận đọc tại hội thảo khoa học Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng năm 1993 (tham luận có anh Hoàng Từ tham gia viết) có nói: “Trong quá trình lãnh đạo, tỉnh ủy có phạm sai lầm, khuyết điểm là trong giai đoạn đầu tư tưởng nặng về dựa vào pháp lý Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh chính trị đơn thuần, sợ đấu tranh võ trang vi phạm Hiệp định, phê phán hành động bạo lực của quần chúng và sử dụng vũ trang của cán bộ. Do tư tưởng hữu khuynh đó dẫn đến tác hại là đại bộ phận dân vùng du kích bị dồn, cơ sở bị bắt, bị hy sinh nhiều, phong trào khó khăn kéo dài và cũng từ đó mà chậm đề ra kết hợp vũ trang với chính trị nên việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang chậm…”. Thế là rõ.

Chiều ngày 31 tháng 12 năm 1959, tôi được tỉnh bảo cho một tổ 2-9 đến Đèo Nam – Xa Lôn để trưa ngày 1 tháng 1 năm 1960 đón khách đưa về đơn vị. Khách nào mà về đơn vị tôi? Lâu nay ngoài các đồng chí nói trên thì không ai biết và được đến đơn vị tôi cả. Tỉnh không nói khách nào, tôi chịu không đoán ra. Chiều hôm ấy một đoàn 11 khác về, vừa gặp mặt, chúng tôi cùng reo lên, ôm nhau mừng vui khôn xiết: đó là 11 cán bộ quân sự, bạn chiến đấu ở Trung đoàn 812 tập kết năm 1954 sau những năm tháng xây dựng chính quy, hiện đại trên miên Bắc xã hội chủ nghĩa, nay được Đảng, Bác Hồ đưa về tăng cường cho cách mạng miền Nam, cho tỉnh nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Văn Lâu, các trung úy Nguyễn Minh Quyết, Hồ Kim Việt, Phạm Đức Chánh, thiếu úy Nghê Hùng Dũng, các chuẩn úy Trần Linh Giang, Nguyễn Quý, Nguyễn Thông, Nguyễn Hồi, Nguyễn Văn Tâm và thượng sĩ Trần Văn Thành. Gần nửa năm trời, các đồng chí đã vượt bao gian nguy, bênh tật, xẻ dọc Trường Sơn về đây. Chúng tôi cũng biết có nhiều đoàn đã vào khu 5, Liên tỉnh, vào Miền và còn tiếp tục về. Vô cùng vui sướng, chúng tôi hàn huyên không dứt, còn các chiến sĩ 2-9, họ trầm trồ, lạ lẫm với số khách đặc biệt này. Tuy vật chất không lấy gì đầy đủ, bữa ăn đầu tiên mừng khách quý cũng có cá đồng um, thịt rừng nướng, chuối già hương đậm đà hương vị quê nhà. Sau đó đại úy Nguyễn Thanh Đức, các thượng úy Nguyễn Hữu Ích, Hồ Hồng, các trung úy Lê Ngọc Quang, Võ Thanh Phong, Trần Kim Tuyển, thiếu úy Nguyễn Lâm cùng về đến đơn vị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2019, 02:42:48 pm »

Cuối tháng 1 năm 1960, tôi đi dự Hội nghị tỉnh ủy mở rộng, anh Năm A đi họp trung ương về, vào quán triệt Nghị quyết 15 cho Bình Thuận. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ khá đầy đủ những nội dung cơ bản làm nức lòng người. Được Nghị quyết 15 soi sáng, với sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh, về nhiệm vụ quân sự đến, tỉnh ủy xác định 2-9 là lực lượng tập trung cơ động tỉnh; nhưng trước mắt, để phù hợp tình hình thực tế còn quá khó khăn và phục vụ trực tiếp xây dựng căn cứ địa Miền Núi, đơn vị được bổ sung cán bộ mới về, điều chỉnh lại thành một trung đội thiếu gồm hai tiểu đội Kinh, tiểu đội Thượng thì đưa về lại Di Linh, Tánh Linh làm nòng cốt để thành lập bộ đội huyện. Ban chỉ huy 2-9 bốn người; Nguyễn Thanh Đức (Tư Thanh) chỉ huy trưởng, Nguyễn Văn Lâu (Mười Lang) chính trị viên, Nguyễn Minh Quyết (Tư Quyết) và Nguyễn Hội chỉ huy phó. Cán bộ tiểu đội gồm Nghê Hùng Dũng (Vinh), Nguyễn Thông (Sơn), Nguyễn Hồi (Phi), Nguyễn Văn Tâm (Tâm), Trần Văn Thành (Công Hải); chiến sĩ là số tân binh Nhơn Thiện. Số cán bộ khác làm chỉ huy quân sự các huyện và thị xã Phan Thiết. Tôi về cơ quan tỉnh ủy làm chỉ huy trưởng quân sự tỉnh. 2-9 trước mắt phân tán từng tiểu đội làm công tác dân vận ở Cà Dòn, Tố La, mỗi tổ phụ trách vài ba xóm, giúp dân bố phòng, lập căn cứ bí mật, cất giấu tài sản, xây dựng lực lượng du kích, sẵn sàng đưa lên du kích chiến tranh khi cần thiết. Nhưng hiện tại Cà Dòn, Tố La còn sống hợp pháp nên chỉ bố phòng ở rẫy xem như giữ thú. Bộ đội giấu súng làm cán bộ chính trị, khi có địch chỉ tránh lánh, chưa có lệnh Liên tỉnh thì chưa được nổ súng. Tuy vậy, nào có qua mắt được dân, bà con cũng thấy xuất hiện ở thôn xóm nhiều cán bộ trẻ, ăn nói dễ thương, tâm tình hiền hậu, vui vẻ lễ phép, kính già yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ, đoàn kết với thanh niên, cần mẫu giúp dân việc nhà việc rẫy, “nói lời Đảng rất hay”, ăn ở rất vui bụng bà con; dù không thấy súng nhưng cán bộ huyện Kinh, Thượng lâu này có những ai đều biết rõ từng người, bà con tinh ý hiểu ngầm nhưng cũng không hỏi, cứ làm công việc theo hướng dẫn, thương yêu anh em như con trong nhà, giữ gìn bí mật và bảo vệ anh em. Bà con Thượng khi đã tin tưởng thì từ người già đến em bé đều một “bụng” với nhau, thật hay, thật quý.

Là người phụ trách quân sự, học Nghị quyết 15 rồi, khi bàn nhiệm vụ cụ thể tôi hỏi anh Năm A về hoạt động quân sự sắp đến của 2-9; anh chỉ cười, nói:

- Phương châm chính trị vũ trang, hiện nay là như vậy. Cụ thể trước mắt cứ làm như đã bàn, khi tình hình phát triển, trên có chỉ thị mới, Liên tỉnh sẽ phổ biến thêm dần. Điều quan trọng là bội đội phải tích cực củng cố phong trào chính trị. Cà Dòn, Tố La cần duy trì thế hợp pháp lâu dài, do vậy 2-9 chưa cần có hoạt động gì lúc này. Tuy chưa được nổ súng, nhưng bộ đội thì dù phân tán làm dân vận cũng phải có thời gian tập trung nhất định để xây dựng huấn luyện, không được lề mề, lỏng lẻo kỷ luật. Không nâng cao trình độ quân sự, không sẵn sàng chiến đấu thì sẽ không làm tròn nhiệm vụ khi cần có đột phá để chuyển tình thế.

Anh Năm đã là chủ nhiệm chính trị Liên khu 5 từ 1950 nên ý kiến chỉ thị thật toàn diện, chặt chẽ sâu sắc, tôi yên tâm là nhiệm vụ về hoạt động để phục vụ phong trào đắc lực hơn. Lúc ấy, trừ Cà Dòn, Tố La ở miền núi, còn đồng bằng vẫn chưa ra khỏi thời kỳ thoái trào đen tối. Tuy vậy, tôi vẫn chưa nghĩ được là nên mạnh dạn đưa lên đấu tranh vũ trang ở miền núi vì miền núi đấu tranh vũ trang là chủ yếu, đồng bằng nông thôn là kết hợp, còn đô thị mới đấu tranh chính trị là chủ yếu. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, chính trị trọng hơn quân sự, song vừa ra đời đã đánh Phay Khắt, Nà Ngần, tạo chuyển biến lớn phong trào Việt Bắc ngay. Tất nhiên là hồi ấy tôi cũng chưa biết ở Nam Bộ đã có hoạt động quân sự rất lớn như trận Gò Quảng Cung – Giồng Thị Đam và sát đó là trận Tua Hai tác động rất lớn đối với phong trào. Có lẽ ở Bình Thuận nhờ có vùng căn cứ miền núi Cà Dòn, Tố La khá vững vàng, thoải mái nên còn vương vấn mãi cái thế chính trị hợp pháp chăng? Lúc đó cũng chưa ai nhận ra là thế hợp pháp này cũng mỏng manh thôi, trước sau gì địch cũng phá bỏ (quả là thế hợp pháp này chỉ tồn tại được hai tháng nữa mà thôi). Tại sao ta không chủ động trước như ở Nam Bộ mà anh Năm A nói là Trung ương khen Nam Bộ dũng cảm phụ trách, dám nghĩ dám làm. Hai tháng 3 và 4 năm 1960, 2-9 làm dân vận thuận lợi, yên ổn nhưng không ai dự kiến được tình hình đột biến, vì vậy không có sự đối phó sẵn sàng với diễn biến thì bị động, lúng túng khó khăn nhất là vì cái quy định “chưa có lệnh thì không được nổ súng” mà Liên tỉnh thì ở xa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2019, 02:43:25 pm »

Từ đầu năm 1957, địch thành lập tỉnh Bình Tuy trên cơ sở tách hai huyện Hàm Tân và Tánh Linh, của Bình Thuận, chia Tánh Linh thành hai huyện Hoài Đức và Tánh Linh, đưa xã La Gi thành xã Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy, Cà Dòn, Tố La thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng, nay thành hai xã của huyện Hoài Đức. Đến 1959, địch dồn xong ba xã giải phóng miền Đông Tánh Linh là Bình Hòa, Mỹ Hòa, Thạnh Hòa và ba xã giải phóng miền Bắc Tánh Linh là La Dạ, La Ngâu, Mãng Tố. Đưa một số lớn dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vào các khu tập trung, địa điểm dinh điền ở Hoài Đức, Tánh Linh. Cả một vùng căn cứ rừng núi rộng lớn không còn xóm làng. Ở miền Đông Tánh Linh chỉ còn mấy xóm nhỏ dân sống lẻ tẻ bí mật quanh chân núi Ông. Ở miền Bắc Tánh Linh chỉ còn vài gia đình ở vàm sông Tà Mỹ, xã La Ngâu có gia đình vợ chồng anh Bái bí thư Tánh Linh và mấy gia đình ở Ca Rì – Ca Liêng – La Dạ ven sông La Ngà. Riêng xã Cà Dòn có 1.700 dân, 14 xóm, xã Tố La trên 2000 dân nối liền các Tổng Nộp, Bà Xa, Đinh Trang Hạ, còn sống hợp pháp nhưng ở xa quận Hoài Đức, địch khó kiểm soát. Chúng cũng biết rõ ở đây có các cơ quan huyện ủy Di Linh, Tánh Linh và Tỉnh ủy Bình Thuận đứng xây dựng căn cứ, nắm đồng bào rất chặt. trong một tài liệu của trung tướng Mỹ Mác-ga mà ta lấy được, chúng có vẽ hai điểm son ở Bình Thuận, ghi chú là hai mật khu quan trọng vững chắc của Việt cộng mà chính phủ quốc gia không kiểm soát được, đó là mật khu Lê Hồng Phong ở đồng bằng và mật khu A Ra – Xa Lôn (Cà Dòn) ở miền núi. Cho đến đầu 1960, địch chưa dồn Cà Dòn, Tố La cũng là một ngoại lệ; chắc là địch không thể buông lỏng nơi này lâu dài. Ta cũng muốn duy trì lợi thế này mà không tính được việc địch sẽ dồn dân Cà Dòn, Tố La một ngày không xa nữa cũng là một điều bất cập.

Sáng sớm 6 tháng 5 năm 1960, đồng bào Cà Dòn đang làm mùa thì một tiểu đoàn lính cộng hòa cùng nhiều đơn vị bảo an, dân vệ, bình định nông thôn của quận Hoài Đức ập đến bao vây các xóm, đốt nhà, dí súng vào quần chúng dồn 9000 dân về địa điểm dinh điền Bắc Ruộng. Tiếp ngày 8 tháng 5 cũng lực lượng này dồn 1.800 dân Tố La về Bắc Ruộng. Tố La vì chưa cất giấu tài sản lương thực vào rừng như Cà Dòn nên bị đốt trụi hết tại xóm. Cà Dòn nhờ một số đi rẫy, rừng nên còn được 700 có hai xóm Đạch, Tân Bưởi đã chạy sống bất hợp pháp trước đó. Tố La còn khoảng 300 là ba xóm núi Nhùm, Tố Nỏ, Teng Làng cũng đã sống bất hợp pháp trước địch dồn. Cộng với số dân bị dồn từ trước, dân số dinh điền Bắc Ruộng lên tới 5000 người. Đồng bào bị dồn bất thần, không có lãnh đạo trước của cán bộ huyện, xã, 2-9 chỉ tránh lánh, bà con đành gạt nước mắt theo địch về khu tập trung. Anh Tư Thanh đang ở xóm Đăng Xôn vội cắt rừng về tỉnh báo cáo về việc địch dồn dân. Đáng lẽ chỉ đi nửa ngày nhưng bị lạc nên phải mất bốn ngày rưỡi, nhịn đói, nhịn khát, khi đến nơi thì tỉnh đã biết từ lâu. Anh em bèn dặt thêm một cái tên là Tư Lạc để kỷ niệm chuyến đau khổ này.

Chiều 6 tháng 5, tỉnh biết dân Cà Dòn bị dồn, đoán thế nào địch cũng dồn Tố La nhưng không sao báo tin kịp. Thật ra, Tố La có ba xóm, Cà Dòn hai xóm, không bị dồn đều có lý do. Đạch, Tân Bưởi tự rút vào rừng, huyện vận động về lại xóm, bà con không chịu, tự lo bố phòng đánh địch. Sau này kiểm tra lại, có trên 30 dấu vết máu, bông băng địch bỏ lại quanh khu vực hai xóm này. Lòng dân đã quyết thì họ có cách đánh địch, bảo vệ mình. Ở Tố La, các xóm Tố Nỏ, Teng Làng, Núi Nhùm cũng dứt khoát không ở xóm hợp pháp. Họ nói đúng, nếu ở xóm, địch tới dí súng bắt đi, làm sao chống lại, sao bằng vào rừng cho yên thân trước. Cán bộ chiều theo ý dân, hướng dẫn bố phòng, do vậy còn nguyên ba xóm không bị địch dồn. Cho hay, người dân có khi còn nhạy cảm và xử lý đúng hơn cán bộ! Sau bị dồn Tố La, Cà Dòn, cả một vùng căn cứ rộng lớn giữ được từ bao năm nay không còn bao nhiêu người, trở thành vùng trắng, địch cho các toán biệt kích nhỏ liên tiếp đột sâu vào chỗ ở bí mật của số dân Cà Dòn còn lại quyết dồn cho bằng hết. Ở Cà Dòn, dân còn khoảng 700 nhưng xóm nào, gia đình nào cũng có người bị dồn nên không khí lo âu, buồn bã, căng thẳng kéo dài.

Để bảo vệ số dân còn lại, tỉnh cho đưa hết vào rừng, tổ chức bố phòng, canh gác. Cơ quan tỉnh ủy, huyện ủy, Ban Cán sự miền Tây, 2-9 được bố trí thành các nhóm công tác, cùng ăn ở với các xóm, ổn định sinh hoạt, củng cố tinh thần, đẩy mạnh bố phòng, tiếp tục sản xuất. 2-9 dĩ nhiên không giấu súng nữa, nhưng Liên tỉnh chưa có lệnh nổ súng nên tỉnh chưa phát động đánh du kích chống càn, chống đột mà chỉ đào hầm, cắm chông và hướng dẫn tránh lánh. Các anh Tám Triều, Hoàng Từ, tôi, Tư Thanh, Mười Lang cùng một tiểu đội 2-9 phụ trách Cà Dòn, cũng gần cơ quan để lo việc chung của cả tỉnh. Các xóm Tố La do Ban Cán sự miền Tây phụ trách. Có cán bộ, bộ đội ở trong xóm, bà con rất tin tưởng. Chẳng mấy chốc đã có một hệ thống canh gác, bố phòng chặt chẽ, rẫy hái được chăm sóc, lúa bắp lên xanh. Tố La khó khăn hơn vì ba xóm còn lại chẳng bao nhiêu người.

Một hôm, tôi và Đẽo (liên lạc người Thượng) lên Con Rum Nhỏ. Đến gần xóm biết có hầm chông nhưng không sao phát hiện, sau cơn mưa, lá ngụy trang bằng phẳng chỗ nào cũng như chỗ này. Gần ngã rẽ vào xóm, tôi sụp hầm, chân phải bị một mũi chông xuyên thủng dép tới gót may không sâu lắm, chân trái bị một mũi xốc vào bắp chân khá sâu. Đẽo kéo tôi lên hầm, tôi rút mũi chông ra, băng vết thương, ngụy trang lại hầm, xóa vết máu rồi ráng vào xóm. Tối hôm đó dù rất đau nhức, tôi vẫn cố chuyện trò, bàn việc bình thường với mọi người; bởi nếu lộ, bà con cho mình bị chông của mình tức “ông bà” không cho làm, họ sẽ phá bỏ hết thì uổng công bao ngày vận động, lại ảnh hưởng xấu đến các xóm khác. Sáng hôm sau, nhân lúc bà con đi làm rẫy vắng, người cơ quan đến khiêng tôi về. Thế là ổn. Nhờ bố phòng rộng khắp, các toán biệt kích cũng bị xốc chông, sụp hầm. Anh Nộp, du kích xóm Đăng Min đã dũng cảm chém chết một tên lính ngụy, quẳng xác xuống sông La Ngà mà địch không biết. Biệt kích đột liên tục, chỉ phòng thủ thụ động như vậy thì rồi cũng bị tổn thất. Ngày 22 tháng 5 năm 1960, một toán đã đột trúng xóm Quao. Chị Hát đã dẫn gia đình và một số bà con băng qua làn đạn địch chạy thoát. Không may còn sáu người già và trẻ em trúng đạn. Bọn giặc rất dã man, đốt trụi và ném hết người chết, bị thương vào lửa. Nghe súng nổ, chiến sĩ Tụ của 2-9 ở xóm Tà Giang vội cắt rừng chạy đến thì chúng đã rút. Nhìn cảnh tượng đau lòng, căm thù bốc cao, Tụ vừa theo dấu địch vừa suy nghĩ có nên nổ súng không vì chưa có lệnh, nếu nổ thì mình bị kỷ luật nhưng trả thù được cho đồng bào; xác định quyết tâm rồi, khi đến một chòi rẫy, thấy chúng đang làm thịt heo, Tụ nhắm tên chỉ huy đang nằm trên võng, nện một phát, nó rú lên và lăn kềnh xuống đất. Bọn khác bắn bậy mấy phát rồi khiêng tên bị thương chạy thẳng. Tạ thu một dao găm, một tấm bông sô, một băng gô, một số đạn tôm-xông rồi về căn cứ báo cho đồng chí An, cán bộ huyện Di linh phụ trách khu vực này. Tụ nổ súng khi chưa có lệnh, nhưng chúng tôi rất vui lòng, chiến sĩ ta đã dám trừng trị địch; tuy nhiên hồi ấy đâu đã dám khen thưởng Tụ. Sự việc không dừng lại ở đó, trước tình hình bọn biệt kích lộng hành, đánh phá căn cứ như vào chỗ không người, thế nào cũng có lúc đồng bào bị tai họa, tôi đã đề nghị với các anh Tám Triều, Hoàng Từ, anh Tiên cho dùng 2-9 đánh biệt kích. Anh Sáu Tú đi công tác Nam Bộ chưa về, anh Tám Triều đồng ý. Tôi gọi Tư Thanh giao nhiệm vụ tổ chức phục kích đánh diệt bọn biệt kích trên đường về với yêu cầu chắc, gọn, bí mật vì cho đến lúc ấy Liên tỉnh vẫn chưa cho lệnh nổ súng. Ngẫu nhiên cũng hôm ấy, anh Tám Cảnh đi Bắc Ruộng liên lạc với đồng bào Cà Dòn bị dồn trở về, ghé 2-9 cùng bàn với Đồng việc đánh biệt kích. Đồng đưa tiểu đội đi phục ở dốc rẫy La Hon đêm 22 thì sáng 23 toán biệt kích bị Tụ bắn hôm qua khiêng tên bị thương về lọt vào ổ phục kích, ta nổ súng, bắt bốn tên thu bốn tôm-xông tháo bá. Khai thác tù binh biết còn một toán nữa đi sau. Đồng bèn dẫn quân đi phục kích cách một đoạn để đánh tiếp. Một mình Linh Giang ở lại giữ tù binh khai thác thêm. Đã không trói tù binh, Linh Giang còn ngồi trên võng hỏi cung. Là lính, thấy đối phương ít lại sơ hở, chúng bung chạy, Giang bắn theo một loạt tiểu liên. Toán biệt kích đi sau nghe súng nổ phía trước cắt đi ngã khác. Từ đó địch không dám cho biệt kích lên đánh căn cứ nữa. Trận La Hon đã bẻ gẫy chiến thuật biệt kích nhỏ của địch, bảo vệ được dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2019, 02:44:13 pm »

Trận La Hon và cách giải quyết tù binh của Đồng vừa đúng vừa sai cũng thật độc đáo. 2-9 đưa hai tù binh về gần chỗ ở để tiện giữ chờ xin chỉ thị tỉnh, không sao tránh khỏi sơ hở, tù binh biết lực lượng ta không nhiều. Trận đánh không đạt yêu cầu chỉ đạo, địch chỉ sáu, có một bị thương, phải khiêng thế mà mất bốn, lại để sẩy hai tên (có tên bị thương), tiếp để chạy hai, chỉ còn hai, rõ ràng xạ kích kém, không chết bị thương tên nào dù có diệt hai tù binh thì cũng không sao giữ được bí mật. Tỉnh cũng lúng túng, chỉ trách cứ anh Tám Cảnh mà không nhanh chóng giải quyết tù binh cho anh em. Đồng chờ lâu bèn tự động là một việc khá lạ lùng. Đồng cho rằng giáo dục chính sách rồi thả tù binh là có lợi. Được Tư Thanh báo cáo trận đánh, tôi vừa vui vừa buồn, vừa mừng vừa lo vì trận đánh thắng lợi nhưng không đúng ý đồ chỉ đạo, không gọn nên không giữ được bí mật. Còn việc thả hay không thì không thuộc thẩm quyền của tôi. Tôi xin ý kiến anh Tám Triều thường vụ, các anh cũng cân nhắc dù gì thì trận đánh không gọn, bọn chạy thoát về thì địch cũng biết ta đánh rồi, nhưng thường vụ chưa kịp trả lời thì Đồng báo cáo la đã thả. Đồng mở một phiên tòa quân sự có khẩu hiệu cách mạng và cờ đỏ sao vàng. Đồng làm chánh án, vừa làm công tố việc buộc tội vừa quyết định án. Đồng cho đào hai hầm, giải hai tù binh ra đứng bên miệng hầm, hai tù binh này một Kinh tên Nguyễn Thiếp quê Hàm Tân, một Thượng tên Mang Dỏ ở Hoài Đức; cả hai thấy ra tòa và có hầm sợ kinh khiếp muốn ngất xỉu. Chánh án luận tội và tuyên bố xử tử hình, hai tù binh run cầm cập. Nhưng tiếp đó, Đồng tuyên bố cách mạng có chính sách khoan hồng, nay tha tội chết, nhưng về không được đi lính chống cách mạng, lần sau trừng trị không tha. Chúng tạ ơn, hứa về sẽ bỏ ngũ làm ăn lương thiện. Khi về Hoài Đức, cả hai tên đều nói tốt cách mạng, bốn tên chạy thoát, dẫn một đại đội lên khảo sát trận địa, lượm lại một tôm-xông, chúng kết luận đây chỉ là một toán du kích nhỏ.

Xét về mặt quân sự, trận La Hon có nhiều khuyết điểm về tổ chức chiến đấu và xạ kích, về xử lý các tình huống, cũng không nhất thiết phải mở tòa án, nếu tù binh biết chút ít về luật sẽ thây ta làm không đúng quy cách gì thì cũng không hay, chỉ cần giáo dục rồi thả là được, tốt nhất là chờ ý kiến của tỉnh thì hơn. Nhưng về mặt chính trị, trận đánh đã bẻ gẫy chiến thuật biệt kích nhỏ vào căn cứ rất nguy hiểm. Còn lo lắng về trận La Hon thì anh Sáu Tú về, có đồng chí Nguyễn Cảnh (Bảy Thành) một cán bộ quân sự của Quân khu miền Đông Nam Bộ cử ra giúp liên tỉnh ba và Bình Thuận về xây dựng và hoạt động của các lực lượng vũ trang. Có lẽ biết Nam Bộ đã đánh nhiều rồi nên khi nghe tôi báo cáo trận La Hon, anh chỉ cười nói: “Chà anh em lấy được tôn-xông ngon quá hà!”. Rồi không nói gì nữa không khen cũng không quở trách. Chúng tôi thở phào sung sướng, cho qua luôn cả việc Tụ nổ súng ở Quao. Dân Cà Dòn – Tố La mới bị dồn và tất cả số trong dinh điền Bắc Ruộng nghe tin bộ đội đánh biệt kích ở La Hon hết sức vui mừng, mong sao bộ đội về đánh để bà con về lại xóm làng, rừng núi ông bà.

Anh Sáu Tú mang về nhiều tài liệu, có một bản “tin chiến sự” thu hút tôi lạ thường. Đó là bản tin chiến thắng Tua Hai đêm 26 rạng 27 tháng 1 năm 1960. Lực lượng vũ trang nhân dân miền Đông Nam Bộ đã tấn công tiêu diệt căn cứ trung đoàn 32 sư đoàn 5 ngụy ở Trảng Sụp cách thị xã Tây Ninh 7 ki-lô-mét, diệt bắt trên 1000 địch, thu 1700 súng các loại. Tiếp đó là thống kê các loại vũ khí thu được cả trang dài: ĐK 57, ĐK75, đại liên bờ-rốt-nin, trung liên, cối 81, cối 60, tôm-xông, các bin, súng ngắn, súng trường, máy VTĐ 15 oát, xe GMC, đạn dược, quân trang, quân dụng, v.v… thật sướng cả bụng! Chiến thắng vô cùng to lớn, nhân dân vô cùng phấn khởi, kẻ địch kinh hồn, bạt vía. Là bộ đội, tôi biết giá trị quý báu của trận Tua Hai trong tình hình cách mạng miền Nam sau Nghị quyết 15. Lòng hết sức khâm phục. Tất nhiên tôi cũng biết trận đánh sử dụng lớn cỡ tiểu đoàn hoặc hơn của cấp quân khu, có dùng đặc công kết hợp nội tuyến nên đạt kết quả lớn đến mức như vậy. Tôi cũng mong địa phương mình có hoạt động phục vụ phong trào dù với sức ta thì “mèo nhỏ bắt chuột con”. Có điều tôi cũng băn khoăn là mong tin chiến thắng về rồi cất chứ không tuyên truyền gì và cũng chẳng đề cập việc học tập vận dụng ra sao. Anh Bảy Thành cũng có trao đổi về diệt ác ở Nam Bộ là rộng, mạnh khắp các tỉnh nên phong trào không đến nỗi khó khăn như ở Bình Thuận, để bọn ác ôn còn lộng hành, đòi chặt đầu Việt cộng.

Biết chiến thắng Tua Hai, tôi nghĩ ngay đến việc đánh dinh điền Bắc Ruộng, phá đồn, đưa dân về để xây dựng căn cứ địa như chỉ thị của Liên tỉnh từ cuối 1958. Ở miền núi, phương châm đấu tranh vũ trang là chủ yếu, có bố phòng, xây dựng du kích, bộ đội, nhưng cũng phải có đánh địch giành lại dân thì mới xây dựng được căn cứ. Đất trống người thưa thế này thì làm sao xây dựng căn cứ địa? Có thể còn phải chống càn lớn mà vẫn không nổ súng thì làm sao giữ được số ít ỏi dân còn lại ở Tố La, Cà Dòn? Đánh như thế nào, đó là vấn đề phải tính kỹ. Ở cơ quan nay có anh Bảy Thành rất phù hợp nhau khi bàn chuyện đánh đá. Anh Bảy Thành người Củ Chi, cao lớn phốp pháp, nói năng rổn rảng, vui vẻ, cởi mở, là đại đội trưởng khi ở lại, được Đảng bố trí vào làm tư lệnh giáo phái Bình Xuyên, đã làm tổng tư lệnh Thiên Cao Bình Hòa chống Diệm với danh xưng trung tá Huỳnh Long. Lực lượng Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo này rất phức tạp, một thời gian chúng rã đám hết. Anh đưa lực lượng Bình Xuyên do ta nắm xây dựng lâu nay về lại căn cứ miền Đông. Anh có tham gia trận Tua Hai. Có anh ủng hộ, tôi mạnh dạn đề nghị thường vụ tỉnh ủy cho đánh Bắc Ruộng đưa dân về. Nay đã đầu tháng 6, mùa mưa lâu rồi; để lâu mưa lụt càng khó khăn. Địch ở quận Hoài Đức có đại đội bảo an 512 đóng ở đồn chi khu, công an cảnh sát ở quận lỵ, dân vệ và thanh niên cộng hòa ở dinh điền Bắc Ruộng cách quận lỵ chỉ mấy trăm mét. Kế hoạch của tôi là phải sử dụng 2-9 lấy đặc công đánh đồn bảo an chi khu, bộ binh đánh quận lỵ và dinh điền để đưa dân về. Tuy kế hoạch có táo bạo, tương quan ta – địch cách biệt, nhưng nếu có chuẩn bị chiến trường kỹ, tranh thủ địch sơ hở, bất ngờ chủ động, xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị, thì nhất định thắng. Ý kiến của tôi là nếu không tranh thủ đánh trước lúc này, để đến lúc địch càn căn cứ, ta phải bị động đánh càn sẽ không có điều kiện đánh sâu hậu phương địch nữa, tất nhiên cũng không sao phá đồn đưa dân về được. Lý lẽ thì như thế, nhưng khi đề nghị, dù có anh Bảy Thành hết sức ủng hộ, tỉnh ủy cũng đặt ra biết bao vấn đề rắc rối phải giải đáp cho được. Đánh nhau là thành bại, thắng thua, xương máu nên phải thật chắc chắn, thận trọng là đúng; nhưng vấn đề đặt ra thật hóc búa mà không giải quyết được thì cũng không sao đánh được. Các vấn đề đó là : Liệu tôi và 2-9 có bảo đảm đánh nổi chi khu quận lỵ Hoài Đức và dinh điền Bắc Ruộng đưa dân về mà địch thì đông gấp mười ta? Hoặc chỉ nên, theo ý kiến anh Sáu Tú, là dùng một nửa 2-9 (tức một tiểu đội) vây đồn bảo an chi khu, nửa còn lại hỗ trợ Tánh Linh phát động quần chúng nổi dậy đưa dân về? Hoặc một cách khác là dùng 2-9 diệt các tên ác ôn đầu sỏ: quận trưởng, chi khu trưởng, chi trưởng công an và địa điểm trưởng dinh điền Bắc Ruộng để hạ uy thế địch, còn Tánh Linh thì phá dinh điền đưa dân về. Như vậy khỏi đánh lớn, không sợ sai phương châm. Việc đưa dân về cũng có hai ý kiến: một là, chỉ đưa về trước một số nòng cốt, nhiều nhất cũng chừng 1000 (trong số 5000 dân ở dinh điền), đưa về hết không giải quyết được nạn đói; hai là, đưa hết về vì để sau thì không biết đến bao giờ mới đánh lại được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM