Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:01:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 23010 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:24:15 pm »

Rồi anh xiết chặt tay chúng tôi ngầm tiễn và chúc chiến thắng. Chúng tôi cảm động biết bao với tình cảm của người chỉ huy luôn luôn đi sát cấp dưới trong nhiều trận chiến đấu, Sông Dinh, Căng. Trận này cũng vậy, không bao giờ anh vắng mặt. Đến trước sân ga trống trải, tiếp chiến dừng lại nấp dưới một hố sâu lớn, tối. Chiếc xe lửa một án ngay trước mặt, chiếc đầu máy vẫn nổ xình xịch đều đều. Chúng tôi nín thở theo dõi. Đoàn lính cải trang bình thản vòng sau đuôi xe lửa một rồi quay lại đồn. Một chiến sĩ vướng dây súng kẹt mấy mấy giây, bị đứt quãng, số đi sau phải chạy theo cho kịp. Bọn lính trên xe lửa một gọi lớn:

- Lính đi tuần về tới đồn mà chạy làm gì?

Toán lính chơi trên sân ga nghe vậy nhìn nhau cười, chúng chẳng biết gì cả.

Đến cổng đồn GVF, tên lính ngụy đứng gác thấy quan tây vội bồng súng chào. Quan Tây phớt lờ đi thẳng vào đồn. Viên thiếu úy đồn trưởng thấy cấp trên bèn đứng dậy chào. Quan hai đi kề nổ một phát súng ngắn, hắn đổ gục. Trận chiến bắt đầu, tất cả tràn vào chiếm các lô cốt, ụ súng. Tiếng tiểu liên, lựu đạn vang rền, lính trong đồn hoàn toàn bất ngờ, huyên náo nhưng vì quân đông nên quần nhau với ta quyết liệt, đánh giáp lá cà, ôm vật, đâm lê, dao găm. Lính Xung Kích khỏe mạnh, thiện chiến, diệt nhiều địch, chiếm lĩnh nhiều mục tiêu quan trọng trong trận nội. Bộ phận đánh đồn Bang Tá cũng xông vào đánh vài phút. Ngư gặp đồng chí Nhi bèn nói:

- Anh Nhi, đồn Bang Tá bên kia kìa!

Biết lạc mục tiêu, trung đội trưởng Nhi vội dẫn đội hình mình quay sang đồn Bang Tá thì địch ở đây đã sẵn sàng chặn ta. Nhi bị thương nặng ở cổng đồn Bang Tá (Sau này đồng chí Nhi cho là mình không đi lạc và 5 phút sau mới bị thương trong đồn Bang Tá). Lính địch ngoài sân ga nghe súng nổ bất thần chạy tán loạn. Xe lửa một chưa phân biệt được gì, bắn tứ tung ra ngoài, quét đại liên dọc đường sắt. Ngư từ trong đồn cho bắn AT vào xe một, toa cuối bốc cháy ngùn ngụt, nổ dữ dội. Xe một bỏ chạy về hướng Phan Thiết, đến suối Dầu dừng lại chữa cháy. Xe một vừa chạy khỏi, tiếp chiến vượt ngay đường sắt vào đồn GVF, tôi gặp anh Phương tại cổng. Tiểu đội trưởng Hồ Hồng đặt khẩu bờ-ren án ngữ trên nóc bằng lô cốt cổng đồn. Có tiếp chiến vào tăng thêm sức diệt địch, tảo trừ, làm chủ đồn trong 30 phút. Bên dồn Bang Tá, tiếng súng vẫn nổ dữ dội. Anh Hấp và Phương sang đó chỉ huy, tôi ở lại đồn GVF chờ liên lạc anh Năm Châu và cho đưa dân công vào thu chiến lợi phẩm trong lúc tiếng súng trong khu vực còn vang rền. Dân công Tam Giác thật dũng cảm, SKZ bắn hai phát diệt xong lô cốt chính. Anh em phá cổng đồn Bang Tá xông vào trận nội, thêm vài chục phút nữa ở đây cũng giải quyết xong. Dân công đưa ra hàng trăm thùng đạn chất đống tại sân ga để chuyển dần đi. Mấy quả cối 81 của xe lửa một bắn rơi trúng đội hình dân công làm hy sinh hai, bị thương bảy, một số bung chạy lạc, cũng mất thêm một số chiến lợi phẩm.

Anh Năm Châu, anh Hược đến cổng đồn, nghiên cứu câu trúc công sự, tổ chức phòng thủ và bố trí chướng ngại vật. Đây là điều anh Năm rất quan tâm trong mỗi trận đánh điểm. Khẩu pháo 75 trong ụ súng đen sì, nước thép còn bóng, súng ghếch cao. Sướng quá, lại có thêm một đại bác nhưng rồi cũng đành phá hủy. Làm chủ khá lâu, chiến lợi phẩm nhiều vô kể. Ngoài thu súng ống, đạn dược thì không còn sức đâu mà thu cho hết mọi thứ, thấy im tiếng súng, xe một biết ta đã chiếm đồn nên bắn cối phá hoại và sát thương ta. Anh Năm cho lui quân. Đồng chí nhật trung đội trưởng công binh dùng chất nổ, vật liệu cháy phá hủy toàn bộ hai đồn, cả khẩu pháo 75. Ra khá xa, tôi vẫn thấy ngọn lửa cháy dữ dội cùng các phát cối “phối hợp” điên cuồng của xe một. Thế là xong đời yếu khu Mương Mán. Kết quả đã diệt, làm bị thương trên 300 địch, bắt 12 tù binh (có tên Chút phó mật thá thị trấn Mương Mán), thu trên 200 súng (có hai cối 81, hai đại liên bờ-rốt-nin và vích-ke, nhiều trung, tiểu liên). Ở đây có 25 tiểu liên PM (pistolet mas) đạn 6,57 và sáu súng ngắn colt 12, vích-ke, hẹt-tan-ben-gích mới toanh. Đạn nhọn, đạn cối, lựu đạn còn nhiều hơn trận Căng. Bộ đội bị thương năm, không hy sinh ai. Đơn vị rất phấn khởi. Chiến thắng lớn liên tục, phục vụ tốt phong trào, nhân dân vui mừng, hết lòng ủng hộ bộ đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:29:54 pm »

Về Tam Giác một hôm, do chiều hành quân chiến đấu bị một trận mưa to ướt đẫm, vất vả ngày đêm, tôi bị cảm sốt nặng phải đưa về Triền gửi ở nhà dân, bệnh càng nặng phải đưa đi bệnh viện trung đoàn ở Bình Thuận. Mẹ tôi được tin tôi bệnh nặng, từ Ô Rô xuống Triền rồi theo luôn đi bệnh viện chăm sóc tôi. Thời gian nằm bệnh viên ở hậu phương thật yên bình. Gần tháng, tôi ra viện. Thời gian tôi đi viện, đồng chí Lê Văn Khuê, trưởng ban tổ chức ở tỉnh đội về thay tôi; còn tôi, sau khỏi bệnh về cơ quan làm trưởng ban tổ chức cán bộ.

Nhớ lại năm 1951, tiểu đoàn tổ chức đánh một trận xe lửa khá “độc đáo”. Kế hoạch là một tổ công tác đột nhập Mương Mán vào chập tối, chiếm một đầu máy xe lửa đang làm ma nơ, móc mấy toa hàng quân sự kéo chạy ra rừng cho tiểu đoàn diệt. Đồng chí Thăng Long, quân báo trung đoàn trước Cách mạng tháng Tám đã làm việc ở Mương Mán, biết lái tàu, biết quy luật tàu chạy và làm ma nơ tại ga. Thăng Long sẽ chiếm đầu máy móc một số toa xe kéo vào phái nam ga Suối Vận, dừng tại chỗ tiểu đoàn phục sẵn, ta sẽ cho nổ ba-dô-min từ trên xuống nóc xe, diệt địch, thu chiến lợi phẩm. Đều kỳ lạ là đánh mìn từ trên xuống. Xưa nay thường chôn mìn dưới đất gọi là đánh địa lôi, nay anh em gọi vui là đánh “thiên lôi”. Nghe rất hay mà rất khoa học, chắc ăn.

Chiều hôm ấy, tiểu đoàn hành quân đến vị trí phục chờ xe. Chiến đấu thế này thì vô cùng hấp dẫn. Nhưng đến 21 giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi. Có sự cố gì chăng? Nếu đúng thì 20 giờ thôi, xe lửa ngày nào không chạy theo giờ? 22 giờ có liên lạc đến thông báo lệnh anh Năm Châu cho ngụy trang trận địa, về vị trí. Thì ra do nắm tình hình không chắc; khi Thăng Long nhảy lên đầu máy thì ngoài lái tàu còn có một tên lính Pháp có vũ khí ngồi cùng. Thăng Long vội nhảy xuống và báo cáo lại với anh Năm, không cách nào giải quyết êm thấm tên lính Pháp được phải dừng kế hoạch. Cũng may chưa lộ. Trận đánh không thành. Chúng tôi chờ xem một thời gian có làm lại không vì nó hết sức lạ lùng, thú vị, như trong tiểu thuyết, khen thay ai nghĩ ra cách đánh độc đáo ngộ nghĩnh này, thời gian trôi qua, hết hoạt động này đến hoạt động khác, kế hoạch này rơi vào quên lãng. Hơn 10 năm sau, có lẽ nhờ sáng kiến đó mà bộ đội Bình Thuận lại áp dụng lối đánh thiên lôi, diệt gọn đoàn xe lửa ngày 30 tháng 10 năm 1963, cũng tại đoạn Suối Vận này. Cách đánh thiên lôi thành công nhưng cũng chỉ diễn ra độc nhất một lần trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1953, gạo trong căn cứ rất thiếu. Cơ quan phải ăn gạo lức độn thêm khoai đậu; thức ăn rất đạm bạc. Khoai lang Khu Lê nhiều và ngon, củ nào cũng tròn lăn, bột ăn nghẹn cổ nhưng rất ngọt. Sản xuất tự túc rất nhiều nên anh nuôi cho ăn không hạn chế. Cứ mỗi bàn dài mấy chục người ăn thì hai đầu là hai thúng khoai lang luộc, giữa một thúng cơm. Ai cũng ăn cơm trước, sau mới đến vài ba củ khoai. Tôi thì ăn khoai mấy cũng không ngán, cứ chọn các củ tròn mập; ăn khoai thật đã, xem lại còn cơm thì bới một chén, hết cũng chẳng sao. Ăn khoai mau đói hơn ăn cơm, nhưng cũng khỏe mạnh bình thường, lại nhuận trường. Đi công tác được đồng bào cho ăn cơm gạo trắng vẫn nhớ khoai; về cơ quan ăn khoai rất thích thú. Tôi thường đi công tác mỗi đợt nửa tháng hoặc một tháng; đi các địa phương Hàm Thuận, Hàm Tân, chủ yếu là các xã giải phóng, căn cứ, giúp địa phương làm vũ khí thô sơ, đẩy mạnh bố phòng, chống càn quét, biệt kích, phát triển du kích chiến tranh, nắm tình hình cho tỉnh tổng kết. Tôi còn làm công tác vận động thanh niên tòng quân; đã bổ sung cho Xung Kích mấy đợt tân binh. Tôi thường cùng giao liên đi đêm qua đường 8, đường sắt, đường 1. Qua đường sắt ở Suối Dầu, Giò Gà, qua đường 1 nam Ngã Hai, nhiều đoạn bị địch phục đánh tổn thất, qua lại rất căng thẳng, nguy hiểm. Đi quen rồi cũng thạo đường ngang, lối tắt, có lúc tôi chỉ đi một mình cũng an toàn. Ở Tam Giác, bọn biệt kích thường thọc sâu bất ngờ đánh vào cơ quan xã huyện, các nơi dân cư ở tập trung. Bộ đội địa phương A, B từng trung đội đóng độc lập; cán bộ trung đội về đại đội họp có khi bị bắn hy sinh như đồng chí Xuân, trung đội trưởng A, cô Hải dân quân gương mẫu Bà Chơn, v.v. Nhưng Tam Giác lại là nơi phong trào mạnh, có du kích nhiều, cả dân quân gương mẫu cũng đánh giặc giỏi, bố phòng dày. Dân và du kích lên đường sắt lấy dây sắt về chặt, đập làm chông suốt ngày, thi đua bố trí dày đặc chông sắt, chông tre. Địch rất sợ nên hạn chế nhiều việc lùng sục của bọn biệt kích, bọn càn. Có trường hợp đóng chông sắt vào gốc cây cạnh bờ suối, bờ mương. Địch đi nắng mệt, gặp bóng cây mát có nước trong, sà vào rửa ráy, uống nước, nghỉ ngơi, đạp chông không rút ra được, bị du kích bắn; hoảng quá, có lần chúng chặt bàn chân của tên bị chông bỏ lại mà khiêng chạy cho nhanh. Bố phòng chông rất có lợi. Tuy nhiên làm quá nhiều, quản không xiết, nơi nào cũng có người đạp chông. Tỉnh đội đã tổng kết rút kinh nghiệm cho các nơi phát huy tác dụng chống địch nhưng cũng đừng để ta bị chông ta. Phong trào bố phòng ở Hàm Tân không rộng mạnh bằng Hàm Thuận, có lẽ một phần vì Hàm Tân giải phóng lâu, là căn cứ xa địch, chúng không đủ sức càn quét nhiều như Tam Giác. Ở Hàm Tân cuộc sống bình yên, thoải mái, sản xuất, sinh hoạt tiện lợi, dễ dàng
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:36:41 pm »

Dù sao thì cũng chỉ ở Khu Lê Hồng Phong mới là “thủ đô kháng chiến” của tỉnh. Từ năm 1946 – 1947 trở đi, Khu Lê là nơi đứng lâu dài vững chắc của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Cực Nam, trung đoàn, tỉnh đội, Bệnh viện 812, Trường Trung học bình dân, binh công xưởng, các ty, ban, ngành tỉnh và huyện Hòa Đa. Ở dây còn có một số cơ quan, đơn vị của Ninh Thuận, Lâm Đồng đứng an dưỡng, huấn luyện. Đồng bào một lòng một dạ kháng chiến, trung thành với Chính phủ Cụ Hồ, hy sinh gian khổ mấy cũng vững tin kháng chiến thắng lợi. Từ năm 1951, vùng đất này được phát động xây dựng thành căn cứ địa của tỉnh, chính thức có tên Khu Lê Hồng Phong là đơn vị cấp huyện. Các xã đều lấy tên Hồng như Hồng Sơn, Hồng Liêm, Hồng Lâm, Hồng Chính, Hồng Thắng, Hồng Tân… Tỉnh đội đóng ở Triền, Tỉnh ủy, Ủy ban, Cực Nam đóng ở ÔRô, Bàu Thiêu, Bệnh viện ở Bình Thiện, 86 ở Hồng Sơn, Giếng Chanh, Giếng Đé. Trong rừng ÔRô điểu còn có điện đài, giao bưu, binh công xưởng đều đứng yên ổn cho đến tập kết. Cuộc sống từ 1949 trở đi cũng yên như Hàm Tân, nhưng sinh hoạt kháng chiến sôi động, nhộn nhịp hơn nhiều vì có đông bộ đội và cơ quan Dân, Chính, Đảng. Chợ kháng chiến ở Dầu Bà Én Hồng Sơn, ở Cây Xây râm tre Hàm Nhơn thật đông vui, tấp nập, đã cung cấp nhiều nhu cầu cho căn cứ và giao lưu kinh tế với vùng tạm chiếm.

Tháng 7 năm 1952, tỉnh đội tổ chức huấn luyện đặc công do 3 đồng chí Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đôi và Nguyễn Thắng Nê, trên đường từ Nam Bộ ra Việt Bắc được đồng chí Lê Duẩn để lại một thời gian giúp Bình Thuận xây dựng bộ đội đặc công với kỹ thuật và cách đánh đồn bót rất mới lạ, hiệu quả. Tôi không còn ở Xung Kích, không trực tiếp việc này, nhưng khoảng cuối tháng 8 có dịp đến Xung Kích công tác nên cũng quen các đồng chí Liêm, Đôi, Nê. Liêm có tài bắn súng ngắn tuyệt vời, bách phát bách trúng mà không cần ngắm lâu, đưa lên đúng tầm là nổ. Bách văn bất như nhất kiến, từng nghe tài nhiều đơn vị Nam Bộ bắn súng tuyệt chiêu, nay mới thấy tận mắt. Kiêm chỉ cho tôi một cành khô nhỏ, lắt lẻ trên ngọn cây dầu một gò mối, cách hơn chục mét, nói; “Tôi sẽ bắn nó gãy đôi rơi xuống nè!” Một tiếng nổ, cành khô bé nhỏ không còn nữa, nó bứt thành hai mẫu nằm dưới chân gò mối, ai cũng lắc đầu, lè lưỡi phục sát đất. Liêm cười:

- Bắn vào miệng chai đặt trên bờ tường hoặc liệng trái chanh lên, bắn đón lúc nó rớt xuống chỉ là chuyện thường thôi!

Định đãi Liêm và hai bạn một bữa cháo gà, chúng tôi hỏi chịu chủ nhà mua vài con gà trống tơ, chị lắc đầu nguầy nguậy:

- Ban ngày làm sao bắt được mà bán?

- Chị cứ rải lúa cho gà xúm lại ăn, chị bán con nào tôi bắn con đó thôi. Liêm cười nói.

- Đâu được, tôi bán con này anh bắn con kia rồi sao?

- Tôi chỉ bắn con nào chị đồng ý bán thôi, đừng sợ.

Chúng tôi đốc thêm, chị chủ nhà cũng xiêu lòng, cú gà rải lúa cho ăn. Mấy chục con trống mái, lớn nhỏ xúm xít qua lại rối cả mắt, thế mà Liêm cười, hỏi:

- Chị bán con nào?

Chủ nhà chỉ một con trống tơ nhưng dáng xấu. Liêm bảo chúng tôi:

- Tôi bắn què giò nó thôi, bắn bể đầu cũng uổng, bắn què giò không mất gì hết. Khẩu vít-ke nòng dài chĩa vào con gà nổ, bầy gà bay nhay kêu quang quác. Con gà trống nằm tại chỗ vùng vẫy, bắt lên đúng là nó chỉ bể nát đầu gối thôi. Không sai chút nào. Mua con thứ hai, chị chủ tin rồi, nhưng phải đuổi theo và Liêm trổ tài một lần nữa, con gà xấu số bị què giò y chang! Tiếng đồn tài bắn súng như thần của các cha Nam Bộ thật không ngoa, tài đến thế là cùng. Sau khi huấn luyện và đưa đi thực tập xong cho đặc công Bình Thuận, tổ Liêm ra Liên khu 5.



Đồng chí Trần Thắng Nê và Nguyễn Hữu Đôi (trái) trong tổ đặc công
do đồng chí Lê Duẩn để lại huấn luyện đặc công cho LLVT Bình Thuận tháng 7 năm 1952
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:37:48 pm »

Tôi đi công tác Hàm Tân, do vậy chỉ biết chiến thắng Ngã Hai ngày 18 tháng 9 năm 1952 như mọi người. Nhưng tôi còn biết đây là chiến thắng của kỹ chiến thuật mới và cách đánh đặc công đã thành công ở Bình Thuận. Tiếp theo chiến thắng sông Quao cũng bằng đặc công, bộ đội càng tin tưởng và nắm được cách đánh độc đáo, hiệu quả to lớn này. Trận đánh đặc công trúng ngay vào sở chỉ huy quân Pháp trong cuộc nhảy dù càn lớn ở Hồng Sơn càng làm cho giặc Pháp kinh hoàng, bẻ gẫy lập tức cuộc càn dự định đánh dài ngày vào căn cứ. Chỉ cách Phan Thiết 30 ki-lô-mét, có quốc lộ 1 chạy qua mà giặc Pháp phải huy động hàng chục chiếc đa-cô-ta chở quân đến nhảy xuống bất ngờ chiếm đóng Hồng Sơn, từ đó đánh rộng ra, hội quân với cánh bộ từ đơn vị, cơ quan đầu não kháng chiến của Bình Thuận. Lúc Xung Kích đang đánh quyết liệt cánh quân bộ Phan Thiết lên và chặn đứng tại Xa Ra thì ở Hồng Sơn, đặc công đang đóng quân tại bìa xóm, thấy máy bay thả dù vội chạy ra xem, lại còn khen: Nó thả cái gì tròn tròn đẹp quá. Do chạm đất, địch bắn xối xả mới bắn trả loạn xạ rồi rút ra rừng. Nhưng chỉ đến đêm, các trinh sát đặc công này đã nện đúng chỉ huy sở dù một đòn đau, diệt 40 tên có nhiều sĩ quan úy, tá, thu 30 chiếc dù bông. Vì đòn tập kích này mà địch phải rút chạy ngay sáng hôm sau. Quân dù đã chuồn thì quân bộ cũng chẳng lên Hồng Sơn làm gì. Cuộc càn lớn dài ngày theo dự kiến đã chấm dứt không kèn không trống. Trận đặc công đánh sở chỉ huy cuộc càn quan trọng biết chừng nào! Chỉ đặc công mới làm được nhanh chóng, đúng lúc, kết quả như vậy.

Gặp anh em đánh Ngã Hai mới biết thêm nhiều điều thú vị. Dù là những chiến sĩ dạn dày trận mạc, đã qua kỳ tập, cường tập đánh đồn, mà khi tiếp thu kỹ thuật đặc công, đi chuẩn bị chiến trường, luồn sâu ém sát vào bên trong mục tiêu, ngồi dưới mũi súng địch, đèn pin, đèn pha quét trên đầu, vào trong đồn lúc nấp ở cửa, địch đi ra đi vào, khi nằm dưới gầm giường địch ngáy bên trên, cũng phát run!

Đêm nằm ngoài rào trời khuya lạnh lẽo, mưa gió, muỗi mồng, lúc người giữa các lớp rào cạnh lỗ châu mai, sát nòng đại trung liên địch, về tâm lý cơ thể, tự nhiên muốn bật ho, đánh rắm, tè, ị. Cố gắng chịu, gay go nhất là lúc này, giữa cái sống và cái chết, giữa diệt địch và bảo vệ mình, giữa thất bại và chiến thắng… Một số ít không giữ được, cái ho nó muốn tuôn ra hàng tràng, lộ bí mật là chết cả đám, đành phải ra để anh em khác hoàn thành nhiệm vụ, phần lớn vượt qua được, vài lần chịu đựng cũng quen. Có lúc còn đùa nghịch, khi đánh Ngã Hai, đã ém mục tiêu, sẵn sàng chờ G nổ, lạnh quá, không nín được, phải tè nhè nhẹ, lại nghịch ngợm lấy tay hứng đưa lên mũi bạn giật mình suýt bật ngửa; nghịch trước mũi súng địch đến thế thật hết chỗ nói. Ngã Hai là trận đầu đánh đặc công, để chắc ăn 100 phần trăm, đã dùng chất nổ nhiều hơn quy định nê lô cốt, nhà lính sập ná thành đồng gạch vụn, chôn vùi cả giặc và vũ khí, tuy thu toàn bộ chiến lợi phẩm nhưng vũ khi thì không nhiều. Thành công lớn là trận đánh đặc công đầu đã thắng lợi hoàn toàn. Rút kinh nghiệm, các trận sau chỉ dùng chất nổ đủ diệt địch để còn thu súng đạn. Cũng nhờ đặc công mà trận Thạch Long – Mũi Né ngày 14 tháng 4 năm 1953 thắng rất lớn. Đặc công diệt đồn chính Thạch Long, thu một pháo 94, đưa pháo sang bắn bức hàng tiếp đồn Bang Tá, làm chủ Mũi Né 10 ngày.

Thời gian này tôi không ở Xung Kích nên chưa trực tiếp học kỹ chiến thuật đặc công. Đầu 1954, tỉnh chủ trương xây dựng đặc công ở các đơn vị bộ binh; khi công tác ở đại đội A tôi mới có dịp tập luyện kỹ thuật đặc công với số đặc công của A. Trước chiến dịch miền Tây tháng 4 năm 1954, làm chính trị viên đại đội 225, tôi càng luyện tập thực sự để sắp đến cùng đơn vị đánh La Giày. Được các đặc công kỳ cựu giúp đỡ, tôi có thể cùng đánh với đặc công được nhưng chỉ mới loại hai nghĩa là chưa độc lập chuẩn bị chiến trường nổi. Điều quan trọng đối với một cán bộ chỉ huy là khi đã nắm được kỹ thuật đặc công thì có thể cùng đi với anh em kiểm tra kết quả chuẩn bị, có khả năng đánh giá tình hình để hạ quyết tâm, chọn hướng, mũi chủ yếu, thứ yếu, sử dụng lực lượng, kết hợp đặc công mở cửa với bộ binh tiếp chiến đánh trận nội…

Công tác ở phạm vi nghiên cứu rộng lớn, thường xuyên làm việc với chỉ huy lãnh đạo, được học tập, nâng cao trình độ. Thường xuyên quan hệ phối hợp với các ngành Dân, Chính, Đảng nên nắm biết tình hình toàn diện hơn lúc ở đơn vị chiến đấu. Tết năm 1954, cơ quan Tỉnh đội đón một cái tết rất vui vẻ, yên lành ở chiến khu, càng thấy rõ kháng chiến thắng lợi ngày một gần. Đã chỉnh huấn Hiệu triệu của Hồ Chủ tịch về trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh nhất định thắng lợi, chỉnh huấn Quân đội nhân dân. Tuy không ai đoán định còn bao nhiêu năm nữa, nhưng “Kháng chiến nhứt quyết thành công” thì đã chắc như đinh đóng cột. Thu đông 1953 ở Bình Thuận, một số cuộc càn Na Va – Nà Sản quy mô hơn chục tiểu đoàn cơ động Âu Phi bừa Tam Giác, cũng gây cho A và du kích một số tổn thất, căng thẳng. Cuối cùng, quân Ru Lăng đó cũng cuốn xéo, địa phương lại đẩy mạnh hoạt động. Chiến trường chính thắng to ở Tây Bắc, cùng bạn thắng lớn ở Thượng Trung Hạ Lào, mở Đông Bắc Cam-pu-chia, đang gấp rút chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Đối với tôi, Tết này ở cơ quan cũng là cái tết đáng ghi nhớ từ ngày nhập ngũ. Tình hình năm 1953 đã khác trước xa, căn cứ địa Lê Hồng Phong đông vui, yên ổn lạ thường. Cơ quan tỉnh đội chuẩn bị một cái Tết chiến khu khá lớn cả tinh thần lẫn vật chất. Chăn nuôi có sẵn mấy con heo béo, cả trăm gà vịt mà món tiết canh thì nhiều người ưa thích. Đồng chí Hải, quân khí viên là một chàng trai có tài săn bắn lại rất tích cực, mấy ngày giáp tết đã đem về một heo rừng lớn, mấy con đỏ chà, vậy cũng đã quá đầy đủ. Cơ quan còn cho đi Bào Tàn, Mũi Né mua hải đặc sản tôm sú, cá thu, mực, phía Phú Hài – Phan Thiết là trà sữa, thuốc bịch, cà phê, ca cao, rượu mùi, thật đúng tết. Việc gói bánh tét, đóng cốm hộc, tráng bánh tráng, làm mứt kẹo thì các cô gái cơ quan thừa sức. Ban chính trị vẽ một bản đồ hình thái chiến trường Thu đông 1953 thật đẹp cùng bản tin chiến thắng kèm theo, đó là một tài liệu lý tưởng cho giới chính trị dùng trong nội vận, dân vận mấy ngày Tết. Các buổi nói chuyện thời sự ở cơ quan mình, cơ quan bạn, địa phương đều được hoan nghênh nhiệt liệt vì chiến thắng lớn quá, càng làm hào hứng thêm ngày xuân. Chương trình liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao giữa các cơ quan quanh vùng, các cuộc thăm chúc Tết địa phương và nhân dân diễn ra thường xuyên. Có thể nói: Tết đầu năm 1954 này cũng là một cái Tết chiến thắng, là Tết đầy đủ nhất, thong dong nhất trong kháng chiến chống Pháp. Suốt mấy ngày, dường như địch cũng quá mệt mỏi nên không càn, không đột, không oanh kích.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:41:08 pm »

Rồi cũng qua mấy ngày nghỉ ngơi vui Tết, lại bắt đầu các công việc nặng nề quan trọng phục vụ chỉ đạo, phục vụ phong trào. Ở cơ quan chỉ huy, tôi biết xuân này ta cũng có hoạt động quân sự lớn. Đặc công đang chuẩn bị chiến trường nhiều mục tiêu. Ngày 11 tháng 2 năm 1954, ta đã diệt gọn đồn Sông Cạn cấp đại đội, sát nách chi khu Hòa Đa. Tiếc là đồng chí Lê Văn Luyến, đồng hương Xuân Hội và đồng đội, nhập ngũ một ngày vào Đại đội Quang Trung năm 1946, nay là đại đội phó đặc công tỉnh không còn nữa.

Cuối tháng 3 năm 1954, anh Linh cử tôi đi báo cáo với Ban Cán sự Cực Nam và Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về kế hoạch hoạt động tháng 4 năm 1954 để mở vùng giải phóng phía tây Tỉnh và phối hợp với Điện Biên Phủ. Từ giữa tháng 3, ta đã nhận được tin chiến thắng lớn ban đầu: Him Lam, Độc Lập. Say sưa theo dõi diễn tiến của chiến dịch, chúng tôi cũng trông ngày nổ súng phối hợp của tỉnh nhà. Kỳ này tỉnh ra quân rất lớn, trong một đêm cùng đánh 3 điểm: 1 chi khu, 2 yếu khu mà lực lượng địch đông mạnh, phòng thủ kiên cố. Điều đó trước đây không làm nổi; nay ta đã lớn mạnh hơn nhiều, có đặc công tinh nhiều thì chắc chắn làm được. Nghe tôi báo cáo xong, anh Nguyễn Côn – bí thư và các đồng chí thường vụ đều hải lòng, các đồng chí rất quan tâm việc bộ đội phải phối hợp địa phương tranh thủ mở phong trào, phát triển du kích chiến tranh vùng mới giải phóng.

Cực Nam và tỉnh ủy đã phê chuẩn phương án tác chiến, chỉ định lãnh dạo chỉ huy mặt trận ở các hướng. Nghe báo cáo xong, anh Lịnh nhìn tôi, nói:

- Cậu lâu nay thường có nguyện vọng muốn ra đơn vị chiến đấu nhưng làm việc gì cũng cần cả - anh cười nhìn tôi ý nhị - thời gian cậu công tác ở cơ quan cũng tốt đấy, có khác gì chiến đấu ở đơn vị đâu?

Chưa biết anh định nói gì tiếp nên tôi chỉ im lặng.

- Còn bây giờ, cần cậu đi chiến đấu, được không?

- Thưa, được.

- Vậy cậu đến 225 làm chính trị viên thay Đức Hữu, cùng anh Mì chuẩn bị tham gia chiến dịch. Phải diệt La Giày rồi nhanh chóng lên đường 20, mở phong trào Nam Tây Nguyên. Thời gian không còn nhiều, thăm anh em cơ quan rồi về đơn vị sớm.

Tôi rất mừng, cám ơn người chỉ huy mà tôi đã công tác gần gũi suốt hai năm nay, vừa phục vụ vừa được sự chỉ bảo ân cần. Tôi nhớ ngày đầu gặp anh cũng có hơi ngại người chính ủy nổi tiếng sắc sảo và nghiêm nghị, nhưng rồi ngày càng kính trọng, quý mến anh. Trong Đại hội Thui đua Tỉnh năm 1953, tôi đã hết lòng giúp anh mọi việc, góp một phần vào sự thành công của Đại hội. Lần này, anh đã nhắc nhở tôi rất ân cần, tôi nhủ lòng sẽ cố hoàn thành nhiệm vụ.

Đại đội 225 mới về Hàm Thuận về Giếng Đế. Ở đây có rừng mát, bãi trống để xây dựng mô hình cứ điểm địch; lại có nhiều nước, không xa chợ Dầu Bà Én nên việc ăn ở sinh hoạt đều thuận lợi. Khí hậu Khu Lê mát mẻ, trong lành rất lý tưởng khi về đây nghỉ ngơi, luyện tập. Tôi đến 225 thay Đức Hữu nghỉ phép về thăm vợ ở Hàm Tân. Chị Quý sắp sinh nên rất cần sự giúp đỡ của anh vì gia đình chị ở trong thành. Đức Hữu xiết tay tôi chúc chiến thắng. Chúng tôi là bạn thân từ 1950, khi anh mới từ khu 5 vào Cực Nam công tác ở Ban Chính trị Trung đoàn, sau về Xung Kích làm phó chính trị viên với tôi một thời gian. Anh không tham gia đợt này, tôi cũng rất tiếc cho bạn. Anh tâm sự:

- Vợ chồng mình không có ai thân thuộc ở Hàm Tân cả; một mình Quý khó khăn trong thời kỳ sinh nở mẹ yếu con thơ. Chắc cũng chưa kết thúc kháng chiến ngay trong đợt này đâu, phải không Chương?

Tôi thông cảm bạn, chúc anh lên đường an toàn, chúc Quý mẹ tròn con vuông, cháu khỏe và xinh đẹp. Đức Hữu cười rất vui, chia tay lên đường. Tôi nghiệp, anh không về được với chị, lúc qua đường 1 ở ki-lô-mét 12 nam Phan Thiết, Đức Hữu đã bị địch bắn hy sinh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:43:22 pm »

Tôi chuẩn bị một tập Báo Quân đội nhân dân Liên khu 5, có nhiều chuyện chiến đấu dũng cảm, ngoan cường rất cảm động; có gương sáng của Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Triều Tiên, chí nguyện quân Trung Quốc; có gương các chiến sĩ Liên khu 5, có chuyện đại đội trưởng M thắng lợi ở Sơn Hà hiện là đại đội trưởng 225. Đem các gương chiến đấu đó động viên đơn vị trước khi vào chiến dịch là rất thích hợp, đã làm cho huấn luyện quân sự thêm hào hứng. Tôi cho anh em biết đại đội trưởng M là anh Mì đại đội trưởng 225 bây giờ càng làm anh em thích thú, tin tưởng người chỉ huy trong chiến đấu tới. Tất nhiên là tôi cũng ra sức luyện tập kỹ thuật đặc công để cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi tối đi tập về, có bữa được bồi dưỡng cháo gà đậu xanh hoặc chè đậu. Tiêu chuẩn bốn người một kí đường, nửa kí đậu (công thức hai đường một đậu). Nhân dân nhớ chuyện Võ Tương ăn ngọt. Tương cũng nói tiếng về ăn béo nhưng thua anh Cang; anh Cang ăn một lần 2 ký thịt mỡ, Tương chỉ làm nổi 1 ký. Còn ăn ngọt, Tương ăn một hơi 2 ký đường tán, anh Cang chỉ 1 ký thôi. Một hôm, đơn vị ăn chè, Tương bận nên anh nuôi để phần. Cứ 6 người 1 thau chè mà phần lớn ăn không hết, chỉ hai phần ba tiêu chuẩn là giỏi. Ăn béo, ăn ngọt khi đã ngán thì có ráng một ít cũng không vô nổi, “ớn tới óc”. Biết Tương ăn chè khỏe, anh nuôi để phần anh một thau. Ăn hết thau chè, Tương cười:

- Chưa nhét kẽ răng, còn không?

- Còn.

Tương bợ hai thau nữa làm sạch luôn?

- Cũng chưa thấm thía gì, còn nữa không?

- Còn một thau, giỏi thì ăn hết luôn đi!

Tương ăn hết thau thứ tư (24 phần), vẫn bảo: “Nếu còn, mình ăn vài thau nữa như chơi”. Anh nuôi trố mắt ngạc nhiên nhưng cũng múc hết số chè còn trong thùng được hơn nửa thau. Anh chàng ăn hết tuốt rồi vỗ bụng:

- Chà, chè hết rồi, còn đâu mà ăn nữa!

Súc miệng xong, Tương cười hề hề: “Còn nữa ăn nữa”. Thấy anh em phục sát đất, Tương tiếp:

- Nói chơi thôi, đã rồi, còn cũng không ăn nữa.

Rồi đi ngủ, sáng dậy vẫn mạnh khỏe, làm việc bình thường. Trong chống Mỹ, tôi còn thấy Tương ăn một hơi 80 cái bánh xèo (một mủng lớn) ở nhà ông Mười Chút – cha cô Chín ở Hàm Thạnh. Không hiểu bụng ở đâu mà chã hết chừng ấy chè, chừng ấy bánh! Ngày xưa, ông Lê Như Hổ ăn một lần bằng 30 người, có lần ăn một con lợn béo, hai mâm xôi. Tương cũng thuộc lớp người đặc biệt, như vậy. Nhưng cũng chỉ là trổ tài thôi; ngày thường, Tương ăn uống cũng như mọi người, không có gì khác.

Đơn vị hành quân qua Hàm Phú, đến suối Khánh Hành trong núi Tiên Sơn thì có hai du kích Ara-Xalôn tên Tiên, Viên đón dẫn đi tiếp một đêm nữa. Đi đêm trong rừng núi được đốt đuốc lồ ô sáng rực cũng đỡ phần vất vả. Nhưng ngán nhất là đi lội theo suối, cứ một đoạn đi trên bờ lại một đoạn lội dưới suối, đi cả đêm, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Người chiến sĩ đồng bằng không quen như bà con dân tộc, họ đi chân không mà vững vàng nhanh nhẹn làm sao. Mình mang dép đi trên đá bị nước bào mòn trơn lẩn, dù chỏi gậy mỏi cả tay, súng ống, không bị trật tay, gãy chân là may. Thấy lên bờ đã mừng, nào ngờ lát sau lại xuống suối, chán hết sức, càng mỏi mệt thêm. Cuối cùng, 4 giờ sáng cũng đến địa điểm tạm dừng. Bẻ lá trải dưới đất nằm, các y tá có võng cứu thương, ai có võng dù, võng vải treo nằm sướng như tiên. Chỉ chốc lát mọi người đã đánh giấc say sưa. Thương anh nuôi hành quân mang nặng, cồng kềnh, vừa đến đã lo ngay nấu nước, để ngủ dậy mọi người có cơm sốt canh nóng no lòng.

15 giờ nghe bộ phận chuẩn bị chiến trường báo cáo kết quả chuẩn bị rất tốt, các mục tiêu đều đến nơi, chắc ăn rồi. Trước đây, mỗi đồn thường chuẩn bị 3 đến 4 tháng, nay mới bắt đầu đêm tháng trước, đêm tháng này đã đánh được rồi, đặc công giỏi thật. Chiều qua sông La Ngà, mùa khô nước cạn lội được, dù khá vất vả. 22 giờ đêm tạm dừng cách đồn 300 mét, chờ đặc công tiềm nhập. Đêm khuya cao sù sụ, người đám rấm, người tách khỏi hàng để tè, ị. 24 giờ đến sát chân rào ngoài, rào tre rất cao, kiểu con nhím và đan miếng chả, rào này chỉ chặn vượt rào chứ làm sao quan sát bên ngoài? Các lớp rào trở thành vật che khuất của ta. Đặc công đang luồn ép mục tiêu, SKZ đã sẵn sàng nhả đạn khi đến G hoặc lúc bất trắc. Tiếp chiến triển khai dọc bìa rào. Tôi và anh Mì, y tá Bùi Minh, trợ lý tác chiến Tư Nhe ngồi ngay cửa mở. Đánh giặc mà y hệt tập ở nhà, thật lý tưởng. Trời đất! Một số anh em không nín nổi, úp miệng xuống đất mà ho, chúng tôi đứng cả tim. Biết làm thế nào được, đây là sống chết ai cũng rõ, đành chịu. Nhờ đồn nằm trên đỉnh đồi cao, tứ bề trống trải, gió thổi ù ù, địch không sao nghe được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:47:18 pm »

Gần G ưu tiên, phải để Tánh Linh nổ trước, dù cả Tánh Linh, Gia Bát đều rất xa không ai nghe tiếng súng ai. Tùng, Thanh ra gặp chúng tôi báo cáo đã ép mục tiêu xong, anh Mì cho lệnh nổ. Nhìn bóng đặc công chui vào lại rào, tôi thấy lòng trào dâng một tình cảm yêu thương rất mực, có họ chiến đấu thì thuận lợi, chắc ăn biết bao! Từng đánh đồn từ thời chiến sĩ, tôi hiểu thế nào là mở cửa vào trận nội, bây giờ có đặc công mở cửa bí mật, tiết kiệm xương máu và tin tưởng vô cùng. Khu đồn chìm trong vắng lặng, chỉ có gió rít từng hồi. Một ánh chớp sáng lòa cùng tiếng nổ vang trời, tiếp theo cả loạt bộc phá hổ, tiểu liên, thủ pháo, xít-mốc chát chúa. Bỗng hai tiếng nổ lớn, khói đen mù mịt trùm hết cả đồn, mọi người ho sặc sụa. Tôi mới vừa nói: SKZ nổ rồi, khói độc ghê hà! Thì anh Mì đã lệnh:

- Tiếp chiến vào!

Hồng trung đội trưởng SKZ muốn chắc ăn bắn luôn hai phát kể cũng uổng. Các lô cốt đều bị diệt, địch trong các nhà lính, sỹ quan bị khói SKZ không thấy gì càng hoảng loạn. Tiếp chiến tung hoành trong tung thâm. Bị bất ngờ, địch chịu chết. Thiếu ủy đồn trưởng La Giày chết ngay tại nhà chỉ huy, số chui rúc các xó xỉnh đều bị tảo trừ, bắt sạch. Một chiến sĩ nào đó dại dột ném một quả xít-môc vào lô cốt 3 đã bị diệt, làm bùng cháy dữ dội, mất hết chiến lợi phẩm. Sau 30 phút ta làm chủ đồn La Giày. Ta chỉ bị thương nhẹ 1. Hừng sáng, nhanh chóng làm mấy việc:

1. Giao Huyện Di Linh giữ khu vực đồn, tận thu chiến lợi phẩm, giải quyết thương tử địch và tù hàng binh; họ đều là con em bà con dân tộc các xóm xung quanh.

2. Phát động nhân dân bố phòng, đánh du kích chống càn quét tái chiếm La Giày, bảo vệ vùng mới giải phóng.

3. Đại đội phó Lê Thượng Cầu đưa khẩu đội SKZ và các chiến lợi phẩm: cối, đại liên, trung liên, đạn cối, chất nổ, VTĐ 15 oát và đồng chí thương binh về tỉnh.

Đơn vị bổ sung trang bị rồi cấp tốc hành quân lên đường 20 mở Nam Tây Nguyên. Anh Võ Dân, ủy viên Ban Cán sự Cực Nam cùng đi với chúng tôi. Tuy rất mệt nhọc nhưng vô cùng phấn chấn, bắt tay các đồng chí huyện mừng thắng lợi rồi vội vã lên đường khi sương mù cao nguyên còn dày đặc, sương đêm còn ướt đẫm cỏ cây, đi khá xa mà chưa có tia nắng nào trên đường. Phải chạy đua không để địch ở Di Linh kịp trở tay đối phó, đôi chân chiến sĩ bước dồn, khỏi cần động viên. Buổi sáng Tây Nguyên mát lạnh, không khí trong lành, cảnh đẹp núi rừng bên đường cũng làm chiến sĩ đồng bằng vơi đi một phần vất vả. Ở đây xa địch, khỏi cắt rừng lội suối, có cán bộ địa phương thạo đường, đêm nay đánh kịp Lút Xe (Loussetr) trên đường 20 là lý tưởng. Năm 1949, anh Mì đã đánh diệt Lút Xe một lần nhưng hồi đó chỉ là đồn tiểu đội. Nay đơn vị mù tịt tình hình Lút Xe, cứ lên đường 20 sẽ tính. Nhưng địa phương tính toán không chính xác, đi đường cái nhanh vậy mà hơn 16 giờ mới được nửa đường đành dừng nghỉ đêm khi còn xa địch cho an toàn, lấy sức cho ngày đêm mai. Rừng già, suối trong, nhiều rau rừng, anh nuôi thật cừ, đã mang theo nhiều thịt heo tươi mổ vội ở đồn La Giày, bộ đội mới có món canh thịt nấu rau rịa ngon tuyệt. Một đêm ngủ đẫy giấc vơi bao mệt nhọc, lại câp tốc hành quân, tốc độ gấp rưỡi hôm qua mà 18 giờ mới đến xóm Con Cá là xóm nằm sâu hơn cả nam đường 20. Phải đột vào xóm hỏi dân nắm tình hình, nhờ họ dẫn đến đồn điền trà Lút Xe. Một tổ 225 cùng cán bộ Thép, vào xóm. Một người đàn ông đứng tuổi, đội bêrê đen, áo vét tông, mang giầy nhưng đóng khố, cầm xà gạt bước ra sân; thấy người lạ, anh giơ xà gạc địch chém nhưng thấy bộ đội cầm súng, phải hạ xà gạt. Thép nói tiếng K’ho một hòi. Anh ta tên Rú, là cặp rằng ở sở Lút Xe vừa về nhà. Rú bằng lòng dẫn bộ đội đến Lút Xe. Có người tại chỗ dẫn, đơn vị mới qua được các bưng sình bằng các cầu nhỏ xíu, nếu không thì chẳng thể nào qua được. Bây giờ mới biết trên đường 20 có nhiều sở trà chứ đâu phải có một sở Lút Xe như 5 – 6 năm về trước. 22 giờ đến bìa đồn điền; anh Rú lại dẫn đặc công vào trinh sát đồn. Chờ rất lâu, sốt ruột cũng phải đợi, biết làm sao, dù đã gần 2 giờ sáng rồi, nó là đồn trung đội thì đâu nhanh được. 2 giờ 30, Trịnh ra báo cáo có lực lượng lớn đóng dày đặc trong sở, tại đồn cũng nhiều lính, không phải một trung đội, chắc ngày mai bọn này xuống tái chiếm La Giày. Như vậy không thể diệt đồn Lút Xe nhưng đây lại là thời cơ đánh địch từ xa, chống tái chiếm, bảo vệ vùng mới giải phóng La Giày có hiệu quả nhất. Dù cả tiểu đoàn cũng phải đánh, diệt càng nhiều địch càng tốt, đó là yêu cầu chính trị nổi bật lúc này. Chúng tôi quyết định đặc công đánh đồn, bộ binh đánh các cụm địch khác. Anh Võ Dân hoàn toàn đồng ý quyết tâm của chúng tôi. Hơn 4 giờ, bộc phá đánh đồn Lút Xe mới lên tiếng và tiếng súng cũng đồng loạt rộ lên khắp nơi. Sau này, ta biết trong đồn có một đại đội; tất cả có đến một tiểu đoàn., đó là tiểu đoàn ngự lâm quân Hoàng Triều Cương Thổ của Bảo Đại. Khi tiểu khu Di Linh biết mất La Giày, xin viện, chúng từ Đà Lạt đến Lút Xe tối nên anh Rú không biết, nếu không bị đánh, sáng chúng xuống La Giày. Tiếng súng vang rền trong đêm khuya cao nguyên, địch bắn đại liên, trung liên, súng cối 60, 81 ra xung quanh nhiều vô kể. Sức ta có hạn chỉ đánh đồn và ba cụm khác mà súng địch nổ rất nhiều nơi; hơn 5 giờ sáng vẫn nổ ác liệt, không ngớt. Thấy gần sáng, chúng cố giữ chờ viện tiếp, 6 giờ, chỉ huy sở và trung đội 1 ra điểm hẹn thì không có bộ phận nào ra về. Đánh hăng quá, anh em quên mất thời gian chăng? Sương mù dày đặc, cách 4 – 5 mét không thấy gì cả. Sợ anh em ra lạc, anh Mì định cho đi tìm thì họ lần lượt ra đủ. Chiến sĩ dạn dày trận mạc nên khá tinh khôn, thừa biết địch bị đánh mạnh, thế nào cũng rát, đâu dám truy theo; sương mù mờ mịt làm sao truy được nên cứ từ từ đợi gom nhau. Sáng rõ từ lâu mà sương mù vẫn chưa tan, nhờ có Rú nên vòng ra rất nhanh. Khi vào ban đêm nào thấy gì cứ bám người đi trước, giờ ra ban ngày, ôi đường là đường, sao nhiều đường đến thế, đường nào cũng lớn, thẳng tắp, y chang nhau, mới đi một lần không tài nào phân biệt nổi. Tiếng súng nổ giòn sau lưng nhưng xa dần. Thật may, đánh nhiều, đánh dữ như vậy – mới được bổ sung nhiều đạn từ La Giày – mà chỉ bị thương ba có một phải khiêng. Diệt địch nhiều nhưng không cụ thể là bao nhiêu, cũng chẳng thu được súng. Địch thiệt hại nặng chỉ giải quyết hậu quả rồi rút về. La Giày yên ổn. Anh Võ Dân mừng trận đánh thật đúng lúc, dù không diệt được đồn, thu súng được nhưng giá trị rất to lớn: đã phá tan âm mưu địch tái chiếm La Giày. Nếu tiểu đoàn này đến La Giày thì vùng mới giải phóng gặp phải khó khăn không nhỏ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:48:34 pm »

Về chiến khu huyện nghỉ hai ngày. Huyện bán cho một con nai lớn, cá sông La Ngà nhiều, ngon cùng vô số rau rừng, mít, thơm, đu đủ. Theo điện của tỉnh, anh Mì cùng một bộ phận về ngay chuẩn bị cho đợt tiếp; tôi và một trung đội 225 ở lại cùng huyện vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng xây dựng du kích chiến tranh các tổng Cà Dòn, Tố La, Đinh Trang Hạ, Nộp và Bao Tuân là vùng tạm chiếm lâu ngày. Được tin ở Tánh Linh và Gia Bát cùng đêm với La Giày đều nổ súng và thắng lợi cả. Như vậy, mở màn đã giải phóng một vùng rất rộng nên anh Võ Dân quyết định chúng tôi phải ở một tháng. Thời gian ấy, số đặc công của Trịnh chuẩn bị lại đồn Lút Xe và đồn cầu Đại Nga bắc Bảo Lộc; các mục tiêu xa xôi này đầy hứa hẹn, có Rú tình nguyện theo luôn bộ đội nên rất thuận lợi.

Bộ đội đến từng xóm làm mít tinh, vận động dân làm bố phòng, cất giấu tài sản vào rừng; cán bộ huyện xây dựng cơ sở chính trị và du kích, đưa lên đánh địch, chống giặc giữ làng vì trước đây là vùng trắng chưa có phong trào. Cùng đi có các cán bộ huyện: Nguyễn Xuân Du, Trần Đình Mai, Hà Tấn Linh (người Kinh), Lam Sơn, Thép (người Thượng). Cán bộ Kinh cũng nghe và nói giỏi tiếng Thượng, làm phiên dịch cho chúng tôi và lo việc bắt rễ xâu chuỗi, xây dựng cốt cán, tranh thủ già làng… Họ tiếp xúc, nói chuyện dễ dàng với đồng bào và dễ thân ngay; tuy vậy, có bộ đội họ mới phát huy được tác dụng. Tôi là đại diện bộ đội, nói chuyện với đồng bào trong các cuộc mít tinh. Cán bộ huyện dịch từng câu vì bà già, phụ nữ, trẻ em chưa biết tiếng Kinh. Bà con đã biết bộ đội đánh ở La Giày, nay nói thêm các chiến thắng Tánh Linh, Gia Bát, Suối Kết. Tin chiến thắng thì rất hấp dẫn, dù bà con trước nay chưa hiểu biết nhiều về cách mạng, họ cũng chăm chú nghe và cũng hiểu được các công việc cách mạng mà họ sẽ phải làm. Khi được mời dự mít tinh thì cả làng từ ông bà già, người lớn tuổi, thanh thiếu niên, phụ nữ cũng địu con, tay dắt em bé đi hét xóm, chẳng cần để ai giữ nhà; chúng tổi rất phấn khởi. Nghe từng câu, họ đều vỗ tay vang dội làm không khí luôn sôi động, hào hứng. Nói chuyện xong, bộ đội hát một số bài hát rất hay! Ở đâu cũng vậy, sau mít tinh, bà con đều mời bộ đội ăn cơm đoàn kết với dân và họ đã chuẩn bị từ trước mít tinh. Bộ đội đã được phổ biến kỹ việc tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào, từ việc ăn uống, nói năng, lúc lên sàn vào nhà, v.v. sao cho dân vui lòng, đừng để họ phật ý, nhất là khi mới tiếp xúc ban đầu. Anh em đã làm đúng nên gây được tình cảm ngay. Các món ăn của bà con đơn giản mà khá ngon. Các má, các chị nấu cơm gạo dẻo ngon không chê vào đâu được; nướng khoai, sắn, chuối rất tuyệt. Canh tổng hợp bí, mướp, bắp, rau rừng rất lạ miệng và ngon. Cá nướng chấm muối ớt – muối giã với cà chua, ớt hiểm, sả, é – thật hấp dẫn, cay, chua, thơm, mặn ngon lạ lùng. Bộ đội ăn thực sự, vừa no vừa được lòng dân. Cứ mấy hôm thì có một tối liên hoan văn nghệ đoàn kết quân dân cho một khu vực năm ba xóm. Văn nghệ thì ở đâu cũng lôi cuốn, dễ cảm tình, thêm thân thiết. Mấy cuộc mít tinh đầu được anh Dân và huyện đánh giá cao, rất có lợi cho phong trào, rút kinh nghiệm công tác càng có kết quả hơn. Một điều quan trọng là phải được các già làng ủng hộ vì họ là người đứng đầu dẫn dắt bà con; tiếng nói việc làm của họ rất cần thiết để thúc đẩy mọi người. Cũng phải nắm số Tổng lý vì họ có thế lực; trước đây từng khống chế o ép quần chúng, nay cách mạng lên mạnh, quần chúng đứng lên làm cách mạng, trước mắt họ cũng phải theo, phải làm cho họ tán thành và làm theo các chủ trương của cách mạng, không chống đối, phá hoại ngầm; họ tích cực làm các việc bố phòng, cất giấu tài sản, v.v. thì đồng bào mới yên tâm, mọi việc thuận lợi. Mặt khác, điều chủ yếu là cán bộ phải đi sâu xây dựng cốt cán lãnh đạo tại chỗ. Chúng tôi đã mở rộng khắp các xóm Đặng Sôn, Đăng Min, Con Rum, Hàng Bọt qua Tố La lên Đinh Trang Trang Hạ, sang Nộp, Bao Tuân… Công tác liên tục không nghỉ, càng làm được nhiều cho phong trào càng phấn khởi, say mê, càng có kinh nghiệm mới, càng được đồng bào tiếp đón nồng nhiệt. Phong trào phát triển cả bề rộng và bề sâu. Trước đây chưa có lần nào bộ đội làm công tác quần chúng dài ngày, kết quả như vậy nên huyện rất vui lòng. Tất nhiên, đơn vị cũng sẵng sàng chiến đấu đề phòng địch phản kích. Nhờ thế lực cách mạng cả nước lên mạnh, kháng chiến thắng to khắp nơi, địch suy yếu rõ rệt nên nửa tháng công tác trên một địa bàn rộng lớn vẫn yên ổn.

Khi làm vũ trang tuyên truyền ở Cà Dòn, đơn vị đóng tại xóm Đăng Min bên bờ sông La Ngà, mùa khô nước cạn rất tiện cơ động. Sang bên kia sông là các xóm Hàng Bọt, La Gung của Tố La, xuống nam là Đăng Sách, Ba Diu, Ra Pú, lên bắc còn Com Rum, Con Cá, Con Xip, Con Gàng… Đăng Min là xóm loại vừa, trên trăm khẩu, nhà nào cũng sạch sẽ, lúa bắp đầy kho, nhiều heo, dê, gà, đời sống no đủ. Đăng Min là một xóm tích cực đi đầu thực hiện công tác cách mạng theo giáo dục của cán bộ. Anh em cũng giúp đồng bào bố phòng, mang tài sản lương thực vào căn cứ bí mật, v.v… Lần đầu mang xà bớ (gùi lớn) đầy lúa, đi chệnh choạng muốn té ngửa, rồi cũng quen. Xà bớ mang được nhiều không thua một gánh ở đồng bằng, phải hơi chúi người về trước lấy thăng bằng mới vững bước; Bà con thấy bộ đội chịu thương chịu khó cùng ăn cùng làm với dân nên càng thương yêu. Trong xóm có hai chị em vừa lớn, rất mặn mà nhất là cô em, da trắng hồng, thân hình thon thả cân đối, mặt mũi, chân tay đều xinh xắn, duyên dáng, đúng là gái đẹp. Theo phong tục, họ ở trần tự nhiên, không e thẹn gì khi các chàng trai thỉnh thoảng ngắm nhìn các cô. Đơn vị tôi hầu hết là trẻ, có cậu Thông người La Gàn, điển trai, vui vẻ, là dân miền biển. Thông bơi lội rất giỏi, khi đơn vị được phép ném quả lựu đạn xuống búng sâu để cải thiện, ngoài số ít cả nổi lên ngay, còn phải lặn xuống búng mới bắt được nhiều cá lớn ngắc ngư còn chìm; nếu không lặn bắt hết, khi cá chết nổi lên thì đã ươn. Thông lặn sâu, dài hơi, bắt được nhiều cá to, có ăn và biếu đồng bào ăn đoàn kết. Bà mẹ hai cô gái rất thương, muốn bắt cậu ta làm rể, hỏi Thông muốn cô em hay chị thì mẹ gả, Thông mắc cỡ bỏ chạy không dám vô nhà chơi như trước. Hai cô thường ngồi chơi ở cầu thang sân nhà, hát nghêu ngao, tươi cười nhìn bộ đội qua lại. Bộ đội ta cũng tìm cách lại qua để ngắm nhìn hai đóa hoa rừng xinh đẹp. Các cô trong xóm thường giã lúa; thế là bộ đội xúm vào giã giúp; cứ một cô một cậu giã một cối, các cô giã thật ung dung duyên dáng, còn anh em thì lúng ta lúng túng, mỗi lần giã chệch vào thành cối, gạo văng tứ tung, các cô cười rũ rượi, càng dễ thương ra phết. Các cô gằn gạo bằng nia trái tim, đơn giản, thoải mái mà hay hết cỡ, gạo một bên, lúa một bên, anh em cố bắt chước mà không sao gằn được, lắc lia lịa mà lúa gạo cứ chạy lung tung không hề nhóm lại, làm các cô càng cười giòn tan, tình cảm càng thêm đậm đà, thân mật. Cũng chỉ ở mức đó, không đi quá xa, không có điều gì phiền lòng đồng bào. Đơn vị được nhận xét là dân vận tốt. Hoạt động vùng cao xa lạ, mới lần đầu mà gần gũi thân thương làm sao. Tình dân quân cá nước, bất cứ ở đâu, miền xuôi hay miền ngược, làm đúng 123 điều kỷ luật dân vận thì được dân tin, dân yêu, rất có lợi cho việc vận động cách mạng, đặc biệt là vùng giải phóng. Đợt này, huyện chọn xây dựng đưa lên khá nhiều làm cán bộ ở mỗi xóm. Đồng bào một bụng chung sức kháng chiến đánh Tây, tôi cũng quen nhiều người tốt. Ở Đăng Min thăm gia đình ông Cây, ở Đăng Sôn gia đình ông Giây, ở Quao gia đình anh Hào, còn ở Con Rum gia đình ông Pịu, v.v… đều là cốt cán của phong trào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:49:50 pm »

Tỉnh gọi bộ phận tôi cùng số đặc công về Khu Lê gấp. Chúng tôi vội vã lên đường sau khi kiểm điểm đợt công tác dân vận vừa qua. Huyện rất vui vì sự đóng góp của 225 cho phong trào địa phương. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Huyện đề nghị tỉnh khen thưởng cho 225 về thành tích dân vận vùng dân tộc. Theo yêu cầu của huyện, tôi để lại sáu chiến sĩ giúp huyện mở tiếp phong trào ở đông đường 8, nối ra Ru Săng – Tà Mau và Oan Tà Líp – Bắc Bình. Hơn tháng sau, số này mới trở về đơn vị. Lưu luyến chia tay Huyện ủy Di Linh, cũng rất nhớ đồng bào K’ho mà mình đã vận động cách mạng nhưng về lại đồng bằng với nhiệm vụ mới vẫn đầy sức cuốn hút. Đến vị trí đóng quân thì anh Mì đã nhận nhiệm vụ mới rồi. Tình hình chuyển biến rất nhanh, đợt hoạt động tháng 4 ở miền Tây thắng lợi rất lớn, chỉ mấy ngày đã diệt một chi khu, ba yếu khu và một số vị trí khác, đưa hoạt động lên tận đường 20, Đồng Nai Thượng, mở một vùng giải phóng rộng 5 ngàn ki-lô-mét vuông với hơn một vạn dân, thu trên 400 súng (có một đại bác 94) và rất nhiều chiến lợi phẩm. Đặc biệt đây là vùng đồng bào dân tộc, trước chưa có phong trào, là vùng giáp ranh ba tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai Thượng, Biên Hòa; làm cho căn cứ tỉnh mở động, bắc giáp Ninh Thuận, tây giáp miền Đông Nam Bộ, nam liền dải với Hàm Tân, Khu Lê. Tình hình thật sáng sủa, đầy triển vọng.

Lại chuẩn bị ngày đêm cho đợt mở mảng ở bắc tỉnh đầu tháng 5 phối hợp tích cực với đợt cuối của Điện Biên Phủ. 225 làm dự bị cho Xung Kích đánh yếu khu Lương Sơn rồi cùng phát triển ra Tuy Phong. Cùng đêm, 216 cũng đánh yếu khu Duồng. Thế lực mới cho phép tác chiến phạm vi rộng, nhiều mục tiêu. Trời chưa thực sự sang mùa mưa nên có nhiều thuận lợi trong hành, trú quân, tác chiến. Tuy đã ra phía bắc nhưng còn trong đất Khu Lê. Yếu khu Lương Sơn là một đồn lớn, độc lập, xa Chi khu Hòa Đa hơn 20 ki-lô-mét, vừa xây dựng mới rất kiên cố, lô cốt thấp, nhà hầm âm, giao thông hào nối khắp tung thâm, rào kẽm gai đủ loại, nhều lớp, là thử thách lớn đối với đặc công mở cửa và bộ binh đánh trận nội. Anh em vượt mọi khó khăn, chuẩn bị yêu cầu ở mức cưỡng hành thì cũng đánh được.

Đêm 6 tháng 5, toàn lực lượng tiếp cận đồn. Chúng tôi ở trên động cát cao, đồn Lương Sơn nằm dưới thung lũng thấp, đêm càng khuya, không khí giờ G lúc nào cũng nôn nao, căng thẳng. Là dự bị nên chúng tôi sẵn sàng xung trận khi cần thiết. Bỗng có tiếng mìn và tiếng nổ vang, pháo sáng vụt lên liên tục, chưa đến G, vậy lộ rồi sao? Chỉ có tiếng mìn nổ ngoài rào và tiếng súng từ trong đồn bắn ra, chưa phải tiếng súng bắn nhau. Độ 10 phút tiếng súng im, đêm khuya lại vắng lặng. Thế có nghĩa là địch nghi ngờ gì đó bắn bậy thôi. Dù sao lòng vẫn thương vô hạn số đặc công nằm giữa rào, dưới ánh đèn và mũi súng địch bất kể hiểm nguy và địch đã báo động rồi!

Nổ rồi! Bây giờ mới là đánh thật sự; bộc phá, thủ phá, lựu đạn, tiểu liên nổ liên hồi. Quen nhiều chiến trận, chúng tôi biết rõ từng quả bộc phá nổ ở từng hướng, biết rõ tiếng súng ta trong trận nội, tiếp chiến đã vào tung thâm là ăn thôi. Khoảng nửa tiếng, đặc công và Xung Kích đã làm chủ hoàn toàn yếu khu Lương Sơn; dự bị chưa cần xuất chiến. Theo báo cáo ban đầu thì ta đã diệt 60, bắt 120 (có trung úy Ngân yếu khu trưởng), thu toàn bộ chiến lợi phẩm. Từ cối 60, 81, đại, trung liên, tôm-xông, các-bin, ga-răng đều toàn súng mới trang bị gần đây. Mọi người xiết chặt tay nhau mừng vui hết cỡ vì đối với người chiến sĩ có sung sướng nào bằng niềm vui chiến thắng! Tội nghiệp Tùng, một trung đội phó đặc công cừ khôi, trên 20 tuổi mà tưởng như học sinh 18, cùng đánh La Giày với chúng tôi, đã anh dũng ngã xuống khi đang dẫn đầu một mũi xông vào trận nội.

Anh Mì cùng 225 (thiếu) hành quân tiếp với Xung Kích ra phía bắc. Tôi và một trung đội, được phối thuộc một trung đội 218, bộ đội địa phương Khu Lê đảm nhiệm vùng giải phóng, hỗ trợ địa phương phá khu tập trung đưa 2000 đồng bào vào Bằng Xe Lương tổ chức xã Lương Sơn căn cứ. Tôi còn có sáu đặc công để chuẩn bị đánh yếu khu Sông Lũy cách Lương Sơn 7 ki-lô-mét.

Xung Kích đi ngay từ sáng sớm. Tôi cho lực lượng ở ngay trong đồn, lợi dụng công sự địch, bảo vệ địa phương tiếp tục thu dọn chiến lợi phẩm, có cả xe GMC, súng ống, đạn dược nhất là đạn cối 60, cối 81 đúp, chất nổ,… lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng đầy ắp các kho, cần đưa ra nhanh, phòng địch ném bom hủy diệt. Quá 8 giờ, một L19 quần đảo từ xa đến gần, có lẽ nó hướng dẫn cho bộ binh ra tái chiếm Lương Sơn. Lúc nó lượn vòng trên khu vực đồn, tất cả các cỡ súng bắn dữ dội. Với khí thế vừa chiến thắng, sẵn đạn lu bù, anh em nổ tha hồ. Chưa được huấn luyện bắn máy bay, nào biết ước lượng cự ly và cách bắn đón, cứ đặt đại trung liên lên nóc lô cốt, gác súng trường lên cọc rào, nhằm thẳng máy bay mà nện. Vì vậy bắn đỏ trời mà chẳng trúng. Tôi cũng gác một khẩu ga-răng lên rào, nổ hết gắp đạn này đến gắp đạn khác. Bị bắn dữ quá, chiếc đầm già cũng sợ vọt lên cao rồi chuồn thẳng. Đề phòng địch oanh tạc vì chúng biết còn nhiều lực lượng ở trong đồn, chúng tôi nhanh chóng ra bìa rừng, chỉ để trinh sát bám địch. Một đoàn xe địch từ Phan Thiết ra, công binh nổ mìn diệt từ xa hai chiếc; nhưng đoàn xe vẫn đến nơi, vào đồn quan sát cảnh tượng đổ nát hoang tàn, chỉ độ nửa giờ đã vội quay về Phan Thiết. Dự đoán địch ra đông ở lại tái chiếm Lương Sơn; nếu chúng vào rừng sẽ có chúng tôi “tiếp đón”; nếu chúng chỉ co cụm trong đồn thì đến đêm chúng tôi sẽ tập kích và đánh liên tục khi chúng ở nhiều ngày. Nào ngờ chúng rút nhanh quá, thật đáng tiếc. Cả ngày 7 tháng 5 thật yên tĩnh, thu dọn chiến lợi phẩm cả ngày đêm. Đồng bào khu tập trung về căn cứ thuận lợi. Lúc đó chúng tôi đâu biết trận Lương Sơn đã phối hợp tuyệt đẹp với Điện Biên Phủ!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2019, 04:50:24 pm »

Khuya 6 tháng 5 ở Duồng 216 cũng chiếm đồn Quân Vụ và đồn Bang Tá mà địch gọi là Ma Thiên Lãnh bất khả chiến bại. Ở đây còn lấy được một đại bác 37 ly. Hơn 5000 đồng bào Duồng nổi tiếng đông dân nhiều của, có truyền thống cách mạng từ đầu kháng chiến đã được giải phóng.

Sông Lũy chỉ có một khu mấy trăm dân cạnh đồn mà vì là một ga quan trọng, các đoàn tàu lửa thường dừng lại để lấy củi nước, móc thêm hoặc thay toa nên địch cũng tổ chức thành yếu khu quân sự đường ắt với một đại đội đóng giữ thuộc sắc lính GVF, có một số lo cốt quanh đồn vào ử Cầu Mống, công sự chưa kiên cố, lâu nay chưa bị đòn nên còn nhiều sơ hở. Biết Lương Sơn thất thủ, thấy bị quá cô lập, lại không phải lính chiến nên hoang mang dao động tợn. Dù sức chừng đó nhưng đây là thời cơ, mạnh dạn thì làm nên chuyện và cũng phải thi đua với Xung Kích. Đêm 10 tháng 5, đặc công nổ quả bộc phá tấn công Sông Lũy, tiếp chiến tràn vào quét địch, tảo trừ rất nhanh; địch không ít nhưng đã quá rệu rã nên đánh cũng dễ dàng, ta làm chủ chiến trường và vô sự. Sáng 11 tháng 5, toàn cảnh ga Sông Lũy bày ra trước mắt thật thú vị: nhà ga, đồn lính, lô cốt, tháp nước, nhà cửa kho tàng, đường sắt ngang dọc, đầu máy toa xe sừng sững im lìm, xa xa phái bắc là chiếc Cầu Mống đồ sộ đen ngòm. Các đống gỗ, nhiên liệu của xe lửa, xếp thẳng hàng dài mấy trăm mét, trông thật thích mắt. Phải phá hoại kỳ hết cơ sở vật chất này của địch. Bà con khu tập trung, phần lớn là công nhân đường sắt cho biết địch rất sợ nên bộ đội vừa nổ súng là bung chạy cả. Chắc trong số này cũng có lính nên mới rõ như vậy. Họ xin cho đi các nơi làm ăn, ở đây bây giờ không có việc gì làm. Bắt tay phá mới thấy khó, trừ số gỗ cho một mồi lửa là xong, còn lại là bê tông, sắt thép, phá thế nào đây? Có sáng kiến: lấy gỗ đun đầy lô cốt, chất ngập quanh chân tháp nước, đốt suốt ngày đêm, dùng búa tạ đập vỡ nhẹ nhàng, không tóe lửa, phòng tay nữa. Phá Cầu Mống thì gay go, gom hết chất nổ, ghép vào các thanh cầu, cho nổ tất cả các thanh, đà lớn nhưng nó quá nhiều, chẳng chịt, cắt đứt ba phần tư rồi mà không trúc sập xuống sông được, nó cứ đung đưa, lơ lửng, mặc gió rung, cầu quằn. Công binh lại có cách mới, lấy các viên đạn cối 81 đúp buộc từng chùm vào tất cả các thanh, đà cầu còn lại, cho nổ đồng loạt; khói tan, chiếc cầu sập xuống sông Lũy to lớn, nước chảy ào ào. Có một điều thú vị: phá cầu mà được rất nhiều cá, cá nổi lên trắng cả khúc sông, đủ loại cá lớn và ngon cho bộ đội cải thiện. Đồn địch còn có nhiều heo, dê, thỏ, gà, bồ câu, đơn vị có thêm nguồn thực phẩm dồi dào bồi dưỡng suốt thời gian làm chủ ở đây. Suốt mấy ngày đêm, ta phá tan tành cơ đồ địch tạo dừng từ bao năm. Tỉnh lại khen 225 về thành tích bảo vệ Lương Sơn, diệt sông Lũy và nhất là công tác phá hoại ở sông Lũy. Trên suốt đường sắt qua Bình Thuận, duy nhất chỉ có chiếc cầu sắt sông Lũy là bị đánh trúc xuống sông. Sau này địch tốn khá nhiều công sức mới khôi phục lại được chiếc cầu. Ở cả tuần tại Lương Sơn – sông Lũy bình yên, mặc sức thu tất cả những gì có thể thu được, phá sạch những gì cần và có thể phá; khu vực đồn Lương Sơn – sông Lũy đã thành bình địa.

Ba hôm sau, Xung Kích đánh chi khu Long Hương không thành công. Việc đánh giá địch chưa đúng và quyết tâm không chính xác. Đặc công dù có ý chí cao nhưng muốn đánh thắng thì phải có chuẩn bị. Long Hương là chi khu có quân đông, đồn bốt kiên cố, địch đang đối phó ta tấn công mà ta đánh kiểu trong hành tiến thì không ăn là đương nhiên. Giá đừng nôn nóng để chậm ít ngày, đặc công có chuẩn bị nhất định, địch chưa phải hoang mang nặng, chưa bỏ Long Hương chạy đi đâu cả, chắc ăn hơn. Trong đợt cũng có một trận tốt: một đại đội khinh quân đi càn về đang ngủ ở sân ga Sông Lòng Sông đã bị đặc công và Xung kích diệt gọn. Kết thúc đợt, Xung Kích về Hàm Thuận. Sau này lại biết ta cũng bỏ mất thời cơ “ăn” một trận lớn đã ở trong tầm tay, khi triển khai tấn công yếu khu Ma Lâm. Thấy có xe lửa một đứng tại ga (nhưng sau đó nó đã chạy đi) chỉ huy đã cho lui quân. Giá có anh Năm Châu thì sự thể đã khác. Trong tháng 6, đặc công tỉnh và Hàm Thuận đã đánh trận Bàu Già rất hay, diệt một đại đội địch trong công sự mới rất kiên cố. Nhưng vào thời điểm đó, chiến trường cả nước thắng như chẻ tre, kháng chiến chống Pháp gần kết thúc thì đây cũng chỉ là một trận thắng nhỏ lẻ mà thôi. Trận Sông Dinh đêm 31 tháng 7 là trận tranh thủ cuối cùng trước giờ ngừng bắn có hiệu lực.

Tôi được lệnh trả trung đội 218 cho Khu Lê; 225 về Triển còn tôi về Hố Đất dự lớp chính Đảng của Liên khu 5 mở cho các tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Khi sắp xong khóa học thì Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Chưa được học kỹ Hiệp định nên cũng có lắm điều băn khoăn nhưng đây là kháng chiến thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình. Tôi về cơ quan tỉnh đội, tất cả đang chuẩn bị tập kết thật rộn rịp. Tôi là cán bộ quân sự, chắc chắn đi tập kết thôi. Tôi được lệnh đi làm chính trị viên phó Tiểu đoàn 86 mới lập lại; đồng chi Lê Thành Công tiểu đoàn trưởng, Lê Bình chính trị viên và Quách Tử Hấp tiểu đoàn phó. Tôi nhận hai bộ quân phục xi ta xám mới, võng, tăng, balô, dép râu, thắt lưng da và một khẩu súng ngắn. Tôi đã có vài bình toong Mỹ và chiếc ca-nốc rất đẹp. Với trang bị mới, trông tôi cũng ra dáng chính quy lắm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM