Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:34:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 22986 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 04:56:23 pm »

Xong lớp, sáu anh em Quang Trung chúng tôi về đơn vị đều giữ chức vụ tiểu đội phó. Tôi vẫn ở trung đội 2. Tiểu đội trưởng lúc này là Phan Văn Võ, một học sinh trung học người Huế. Trong một trận đánh càn ở cầu Ông Soạn – Thái An, đại đội đã đuổi giặc ra quốc lộ 1 chạy về Hòa Đa. Anh Nhật bị thương phải đi bệnh viện, tôi thay làm tiểu đội trưởng. Anh Thiệt (xạ thủ trung liên của tiểu đội) người cao to, nhanh nhẹn, vác trung liên nhẹ như khẩu súng tường, hành quân đến nơi chỉ vài tiếng anh đã đào xong công sự đủ cho anh, tôi và đồng chí tiếp đạn. Anh Thiệt bắn súng máy rất điệu nghệ, khi thật cần lắm mới bắn loạt, còn chỉ điểm xạ vài viên một, rất chẩn xác, lợi hại.



Khẩu trung liên do đồng chí Thiệt là xạ thủ đã bắn và diệt trên 100 tên địch

Mấy tháng sau, tôi đi học Lớp Chính trị Huỳnh Thúc Kháng của tỉnh mở tại Ô Rô cho cán bộ chính trị, quân sự các cơ quan tỉnh, huyện. Thầy dạy chính trị là đồng chí Nguyễn Côn, Bí thư khu ủy khu 6. Được một cán bộ cao cấp lên lớp, chúng tôi nghe rất say sưa, hứng thú, tiếp hu nhiều điều mới mẻ, sâu sắc. Ban đêm, học viện phải gác từ 24 giờ đến sáng. Tôi còn nhỏ, ham ăn ngủ, một khi đã ngủ phải có người đánh thức lúc đến phiên gác. Tôi nhận phiên gác lúc 24 giờ, nhưng yêu cầu các bạn cho tôi gác phiên kế tiếp hoạch gác hai phiên để bù cho người gọi tôi. Anh em thông cảm, nhưng anh Bảy Vĩnh (huyện đội trưởng Hòa Đa) dứt khoát không chịu, bảo tôi phải khắc phục, không ai làm hộ cả. Đêm ấy tôi phải cố thức đến 24 giờ, gác xong phiên rồi mới đi ngủ. Sáng ngày, anh Bảy Vĩnh nhìn tôi cười, nửa như khen nửa như mỉa:

- Có vậy mới tự lực được, nếu không cứ ỷ lại người khác mãi thôi!

Tôi không vui nhưng cũng chịu là phải và cũng là dịp rèn luyện mình. Nhớ lại hồi mấy tháng đầu nhập ngũ, có một chiến sĩ cùng tiểu đội tên Nhơn, một hôm hành quân đến Lương Sơn đã hơn 2 giờ sáng; ác thay Nhơn trúng phiên gác đầu; tuổi trẻ, quá mệt. Nhơn ngủ gục tại vọng gác. Chiến sĩ Choi (trung đội 10 đi đổi gác thấy, chạy vào bao cáo tiểu đội trưởng đi kiểm tra, biết rõ sự việc. Sáng, đại đội ra lệnh xử bắn Nhơn vì tội ngủ gác tại mặt trận. Ai cũng biết tội nặng nhưng hoàn cảnh cũng đáng thương, các trung đội trưởng cùng đến đại đội xin tha để Nhơn lập công chuộc tội nhưng đại đội không chấp nhận. Ôi, kỷ luật chiến trường phải nghiêm, nhưng sao mà nghiệt ngã đến thế! Từ đó, anh em nhắc nhở nhau thà hy sinh vì chiến đấu cho oanh liệt, đừng để chết vì xử tử thì nhục vô cùng!

Một đêm khác, tôi đi đổi gác cho Bá, một chiến sĩ lớn tuổi trong tiểu đội, quê Tuy Phong. Thấy Bá đứng ngủ, súng dựng một bên, tôi rất lạ: tại sao người ta đứng ngủ được? Không tựa vào đâu thì phải ngã chứ, hay anh ta đùa tôi? Không phải, vụ án Nhơn ai cũng còn lạnh gáy cơ mà! Tôi đến bên, Bá không hề hay biết, anh ta ngủ thật. Tôi lấy khẩu súng, vỗ vai gọi khẽ:

- Anh Bá, dậy đổi gác.

Bá giật mình thấy mất súng hoảng hồn, ôm chầm lấy tôi, nói nhỏ:

- Đừng báo cho tiểu đội trưởng biết nghen!

- Anh quá mệt nên lỡ ngủ, tôi không báo đâu, nhưng nhớ đừng tái phạm, gặp người như Choi thì nguy hiểm.

Mấy ngày qua, Bá thấy cũng là tôi không báo trên, anh rất mừng và cảm động. Tôi còn có những bạn tốt như Lê Quang Đẩu (quê xã Tân Hải – Hàm Tân), nhập ngũ trước tôi mấy tháng. Đẩu được cấp phát hai bộ quần áo xita, một đôi giày da cao cổ, một ca lô xita (quân trang của Liên khu 5 đưa vào bằng đường biển, Đại đội chỉ nhận được một lần, sau đó ghe không vào được nữa). Đẩu thấy tôi thường đi tiên binh dẫm gai góc nên cho tôi một đội giày cùng một bộ ka-ke, bê-rê, còn Đẩu thì mặc xita và đội ca lô lệch “mốt” hơn. Nhờ vậy, tôi có quần áo thay và đội chân thật dễ chịu. Sau Đẩu chuyển về binh công xưởng ở Hàm Tân; năm 1954 không đi tập kết. Sau giải phóng 1975, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp thăm nhau, tình bạn vẫn như 50 năm trước.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2019, 08:38:27 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 04:56:52 pm »

Ở chiến khu, chiến sĩ gác mỗi đêm một giờ; tiểu đội trưởng đốc gác nửa đêm, tiểu đội phó nửa đêm. Một đêm, tôi gác phiên lúc 2 giờ; gác mãi mà không thấy ai ra đổi gác, không thể bỏ vọng gác vào hỏi, buồn ngủ quá, mệt và giận hết sức, chắc tiểu đội phó ngủ quên rồi. Khi đổi gác, tôi vào thì đã 4 giờ rưỡi. Bực quá, tôi hỏi hơi sẵng:

- Anh Hùng, sao để tôi gác lâu quá vậy?

Anh vừa ngáp vừa nói:

- Bậy quá, mình lỡ ngủ quên may mà trung đội không kiểm tra, nếu có kiểm tra thì mình cũng chết, thôi bỏ qua đừng giận nghen!

Tôi cũng hết giận, lại thấy thương anh thức từ 24 giờ, ai mà không có lúc vấp váp. Chúng tôi xiết tay nhau thông cảm, tình đồng đội trong chiến đấu gian khổ hy sinh là cao hơn những chuyện nhỏ bình thường.

Ở doanh trại, chiến sĩ có nhiều việc như luân phiên trực nhật trung đội, sáng đánh thức toàn trung đội tập thể dục. Kháng chiến không có đánh kẻng. Trung đội ăn xong tập trung xoong, thau, ca, muỗng gánh xuống bàu rửa, v.v… Một chiều, tôi gánh một gánh đang xuống dốc bàu thì gặp các chị Khánh Thu, Hồng Anh, Ánh Hồng cán bộ cán bộ phụ nữ Hòa Đa đi học tỉnh. Thấy tôi gánh một gánh lổn cổn, lảng cảng, các chỉ cười:

- Đời chiến sĩ vất vả qua anh Chương hỉ!

Hồi ở nhà là cán bộ cùng hoạt động, thân tình gặp thế này tôi cũng mắc cỡ, hơi ngỡ ngàng, lúng túng nhưng tôi kịp trở lại bình thản, tự nhiên:

- Làm chiến sĩ tất nhiên phải gian khổ, hy sinh chứ sao!

Tất cả cười vang. Qua câu chuyện trên đường, tôi biết gia đình vẫn mạnh khỏe, phong trào làng Xuân Hội vẫn vững vàng. Tôi cũng biết một số mất mát ở quê nhà: các anh Bảy Thăng, Đãi, Giáo Em đã hy sinh khi đi công tác. Người anh em bà con dẫn dắt tôi từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám, một cán bộ lãnh đạo nhiệt tình, đầy uy tín không còn nữa. Ông Lê Vui (cha của Công), anh Năm Hoàng cũng mới hy sinh vì địch tập kích vào cơ quan xã. Các anh là lớp liệt sĩ đầu tiên của huyện Hòa Đa. Các chị chia tay lên đường, tôi thong thả xuống bàu, lòng bùi ngùi nhớ đến những người thân thiết ở quê hương đã vĩnh viễn ra đi.

Một chiều tháng 10 năm 1947, các đại đội Quang Trung, Phan Đình Phùng tập hợp sau làng Thái An để thành lập Tiểu đoàn 89. Tiểu đoàn 86 đã thành lập trước đó mấy tháng ở Tam Minh – Hàm Tân. Tiểu đoàn 89 có hai đại đội, nhưng tôi cũng biết trung đoàn đang xây dựng thêm đại đội Lý Thường Kiệt (sẽ là đại đội ba của tiểu đoàn). Tiểu đoàn trưởng là Đoàn Tứ Bảy, chính trị viên là Trần Quốc Thái, tiểu đoàn phó là Lâm Bình Phước. Đại đội trưởng Quang Trung này là Nguyễn Minh Khương, chính trị viên Nguyễn Bá Di, đại đội phó Nguyễn Cang. Tôi vẫn là tiểu đội trưởng ở trung đội 2, Quang Trung. Ngày 22 tháng 12 năm 1947, tôi và đồng chí Ngô Thiên Tạo được kết nạp vào Đảng. Tôi chân thành biết ơn đồng chí Lâm Bình Phước, người trung đội trưởng kính mến đã giáo dục, giác ngộ để tôi có bước trưởng thành này. Tiếp đó, các bạn Cần, Trác, Lý cũng được đứng trong hàng ngũ của Đảng tiền phong. Lúc này, Cần là trung đội phó trung đội 1, Trác về ban chính trị, Lý về ban quân báo trung đoàn.

Tôi đi học lớp chính trị viên trung đội khóa 1 mở tại Triền. Chính ủy trung đoàn Lâm Hồng Phấn trực tiếp giảng các bài chính. Tất cả học viên là Đảng viên nên đều cố gắng học tập để đạt kết quả cao nhất. Anh Phấn là cán bộ Đảng từ trước tổng khởi nghĩa, người Huế, nhanh nhẹn hoạt bát, rất hiền từ, gần gũi cấp dưới cũng như học viên trẻ chúng tôi. Anh nói năng rất lưu loát, giảng các bài khó đối với trình độ chúng tôi như công tác chính trị, tư tưởng trong bộ đội, công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu, nhiệm vụ người chính trị viên v.v…. rất mạch lạc, hấp dẫn, dễ tiếp thu; chúng tôi rất mến phục người Chính ủy đáng kính này. Ăn uống không bằng lúc đại đội ở trong dân, tuy vậy vì là lớp chính trị viên đầu tiên, cấp trên quan tâm nhiều nên không đến nỗi khổ, ăn gạo chứ không trộn khoai đậu như cơ quan; thức ăn thường xuyên là cá, thỉnh thoảng có ít thịt, chứ không canh toàn quốc, nước chấm đại dương.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2019, 10:18:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 04:57:25 pm »

Có báo động địch càn ở Rẫy Thơm, Dân Thạnh, lớp học tản cư ra Suối Nước gần Rạng, học sinh thành một trung đội trang đội trang bị đầy đủ súng để chiến đấu tự bảo vệ và bảo vệ đồng bào quanh vùng. Mai Hữu Lý, học viên của Phan Đình Phùng làm trung đội trưởng, Nguyễn Thành Công ở Phạm Hồng Thái 86 làm trung đội phó và tôi, chính trị viên. Gần một tuần, địch rút. Cuộc tản cư của lớp được nhà trường đánh giá tốt cả về ý thức tổ chức kỷ luật, sẵn sàng tác chiến; lớp học của các chính trị viên tương lai mà! Tôi rất phấn khởi đạt thủ khoa, về tôi được bổ nhiệm Chính trị viên trung đội 3, cùng trung đội trưởng Ngô Thiên Tạo chăm lo xây dựng trung đội vững về chính trị và chiến đấu khá.

Đại đội hành quân đi đánh phục kích giao thông ở Dốc Tơ Hồng gần núi Nạn – Tuy Phong. Trận địa gói được ba đến bốn xe. Trung đội 2 chặn đầu bắn mìn, đánh xe đầu; trung đội 1 ở giữa; trung đội 3 phía sau; trung đội Phan Đình Phùng tăng cường làm khóa đuôi và chặn địch ngoài trận địa. Địa hình mé nam cao hơn mặt đường 1,50 – 2 mét, nên anh Tạo đặt hai trung liên. Lề bắc thấp, bố trí tiểu đội xung lực. Tôi đi với xung lực do tiểu đội trưởng Bành Khai Đức chỉ huy. Sát đường là rừng tâm lang có dây tơ hồng bao phủ xanh mịt kín đáo. Sáng ngày dân đi lại trên đường chuyện trò rôm rả. Có cô gái sà vào bên đường tiểu tiện, tưởng không ai, nào ngờ lính ta ẩn kín dưới hầm sát cạnh mà không biết, cứ thoải mái giải quyết. Cô đi khỏi một đỗi, anh em bùng cười giòn tan, ghẹo cậu lính suýt bị tè vào đầu! Dù sao cũng là hiếm có, không biết là may hay rủi cho cậu rai tơ trong trận này? Chắc là may, nữ tử vi hảo mà!

Đã nghe tiếng xe từ xa. Chúng tôi ở dưới thấp sát đường, chẳng thấy xe lính gì cả, chỉ chờ súng nổi mới xông lên. Hình như tiếng xe đầu mà đã quá xa mà không nghe mìn và trung liên chặn đầu nổ. Chiếc thứ 2, 3 qua, trận địa vẫn im lặng. Bống chiếc xe thứ tư đến quá trung đội tôi thì dừng lại. Lính trên xe nhảy xuống, giày chông trên đường đá rõ mồn một. Có lẽ hết xe rồi, chỉ có bốn chiếc ngon quá mà vì sao không đánh? Mất ăn rồi chăng? Vừa nghe tên Pháp nói một câu khá rõ: Ồ, tại sao ở đây có nhiều vết chân không thế này? (Oh, pourquoi ici ilya beaucoup des traces piednue). Mấy loạt súng máy nổ vang, tôi nhảy lên hầm, cùng Đức dẫn tiểu đội vọt lên mặt đường. Trên thùng xe, tên lính bắn trung liên cúi đầu chĩa họng súng lên cao nổ một loạt dài. Thì ra, lính Tây cũng có đứa nhát như thỏ đế! Trung đội phó Nguyễn Văn Lộc chỉ huy tiểu đội mã tấu “quyết tử” đánh thốc vào, hai tiểu đội giáp nhau tại chiếc xe, trung liên địch im bặt. Chiến sĩ quyết tử Võ Tương và chiến sĩ Nguyễn Hữu Lai của tiểu đội Đức nhảy lên xe lấy khẩu bờ-ren. Lai nắm trúng nòng súng nóng bỏng rụt tay lại. Tương nắm trúng bá vác nhảy xuống reo to:

- Lấy được bờ-ren đầu bạc rồi!

Trung đội phó trung đội 1 Giồng Tố vừa chạy đến vội tống vào xe một chai cháy, lửa bốc lên rừng rực, tiếng đạn, lựu đạn trên xe nỏ dữ dội. Toàn bộ lính chết, bị thương và vũ khí, quân trang quân dụng trên xe cháy rụi. May mà lấy được khẩu trung liên, chậm một chút nó cũng mất tiêu! Hơn chục tên Pháp chết gục bên đường, đứa bị đạn, đứa bị mã tấu chém chẻ đầu, xả vai nằm cả đống to như con lợn ta. Kết quả, trong vài phút, ta đã diệt gọn và thiêu hủy chiếc xe cùng một trung đội địch; nhưng chỉ thu được 13 súng (có một trung, một tiểu liên, một súng ngắn). Ta vô sự. Từ dốc Bàu Đá, một đoàn xe dài hơn ki-lô-mét đang đổ đến trận địa. Khóa đuôi nổ súng đánh kịch liệt. Chúng đến nơi thì chỉ còn chiếc xe đã cháy rụi. Đây là đoàn xe 34 chiếc từ Sài Gòn ra, chiếc thứ tư dừng trước trận địa nên bị đánh và ta chỉ diệt gọn chiếc ấy thôi. Địch cũng chẳng hiểu vì sao chỉ bị diệt chiếc thứ tư? Về ta, một số anh em khi xông ra là vội vã ném chai cháy. Sau trận Bàu Đá đã rút kinh nghiệm, thế mà trận này cũng chính đồng chí ấy lặp lại khuyết điểm nên chỉ ăn non. Vì sao cả ba chiếc chạy trước đều không bị đánh? Nếu đại đội diệt gọn ba chiếc, khóa đuôi diệt luôn chiếc thứ tư thì chiến thắng lớn hơn nhiều! Lý do là quả mìn phát lệnh do chiến sĩ Cang giật bị lép. Đại đội lại không có lệnh rõ cho trung đội 1 là trung liên cũng phải nổ cùng lúc với mìn. Còn một điều nữa, nếu chặn đầu vì lý do gì đó không nổ, các trung đội kế tiếp cứ đánh xe mình phụ trách thì cũng ăn được ba xe. Hôm ấy chiếc thứ tư không dừng lại thì chắc cả đoàn xe qua đều không bị đánh. Kế hoạch tác chiến của đại đội không tính được nhiều tình huống nên chỉ một sự cố nhỏ là trận đánh không được như kế hoạch. Các anh Khương, Di, Kiến đều biết tiếng Pháp, nghe tên chuẩn úy nói có nhiều dấu chân nên cho đánh, nhờ đó vớt vát được.

Trận dốc Tơ Hồng tuy có trục trặc nhưng cũng là một trận đánh hay, độc đáo, ta vô sự là điều mừng nhất của chỉ huy cũng như chiến sĩ sau mỗi trận đánh. Địch rất lạ lùng, cả đoàn xe lớn mà bị bộ đội Việt Minh diệt một chiếc trong nháy mắt, chỉ huy cả đoàn xe đành thúc thủ. Chúng rất sợ bị đại đao chém bay đầu, bứt hông, chết không kịp ngáp, lính Âu Phi kinh hồn kiểu chết chém hơn là chết đạn. Bọn Âu Phi ở Hòa Đa – Phan Thiết kháo nhau: gặp Đại đội Quang Trung phải tẩu thoát nhanh, đừng để bị chết kiểu đó khủng khiếp lắm!
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Ba, 2019, 05:06:11 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 04:58:20 pm »

Một tuần sau, đại đội lại phục kích một lần nữa ở nam dốc Tơ Hồng vài ki-lô-mét, chắc chắn kỳ này sẽ không để mất ăn to. Đại đội sẽ diệt năm đến sáu chiếc xe, xe ra vào đều đánh, chặn đầu đánh khóa đuôi, mìn và trung liên nổ nhất loạt. Trung đội tôi ở giữa đội hình, tôi vẫn ở xung lực nằm giữa láng trống lề nam đường. Nhưng oái oăm thay, tình huống lại cứ xảy ra ngoài dự kiến. Đoàn xe địch 12 chiếc, có ba bọc thép đi trước, chưa đến chặn đầu, còn ở giữa, ngay trung đội tôi thì dừng hết lại, mấy chiếc bọc thép đứng ngay trước mặt anh Khương, con chó nằm cạnh hực lên, anh Di vỗ đầu, nó biết ý chủ nín lặng. Toàn mặt trận im phăng phắc. Bọn lính mà nhảy xuống xe là thấy tiểu đội tôi ngay vì hầm trống không nắp. Địch nói om sòm và mấy phút sau dường như tên chỉ huy thấy đội hình đến đủ, cách dốc Tơ Hồng khá xa, “an toàn rồi” nên ra lệnh avancer (tiến lên), cả đoàn xe ầm ầm lao qua mặt đại đội an toàn một cách thật. Chúng tôi lên hầm, bên kia đại đội trưởng và chính trị viên cũng đứng ở lề đường, con chó ngoe ngoảy đuôi ngơ ngác. Anh Khương cười gòn:

- Bỏ mẹ, lại mất ăn rồi!

Anh Di tiếp:

- Lại cũng cứ bị bất ngờ, lần này thì mất ăn thật.

Địch đến đây chờ nhau, chẳng đề phòng, nhưng đại đội trưởng cũng bất ngờ, chưa kịp xử lý tình huống thì xe đã chạy hết. Chặn đầu không thấy đại đội nổ vào bọn lính trước mặt, không hiểu tại sao nên khi xe qua cũng im. Thế là về không, chờ dịp khác. Anh Khương không cho đánh cũng phải thôi, hôm ấy mà chặn đầu nổ thì sẽ phức tạp, bầm dập, địch nhiều gấp hai lần dự kiến, lại có bọc thép mà ta không có súng đánh tăng. Về lại nơi đóng quân, không vui cũng không buồn, trận nào không giống trận nào và đều không suôn sẻ, hụt ăn luôn cũng tiếc, nhưng thôi, đường dài chiến đấu còn nhiều dịp.

Đã gần Xuân, đại đội về Thái An ăn Tết, đêm hành quân qua đông ruộng Trường Thịnh xuống gần Hòa Đa. Trung đội tôi đi đầu, nghỉ gần xóm nên cấm hút thuốc. Tôi đang ngồi trên bờ ruộng, đại đội trưởng từ sau lên đầu đội hình, vỗ vai tôi:

- Ngồi xuống ruộng – dường như anh nghĩ gì đó nên nói tiếp nho nhỏ - Tôi đi chỉ một mình, các đồng chí cả hàng dài ngồi trên bờ cao dễ lộ lắm, Chương nhắc anh em nhé!

- Vâng! – Tôi mỉm cười trong bóng tối. Đại đội trưởng cảnh giác thật. Nói vậy, anh cũng lom khom đi trở lại phía sau.

Có tiếng chạy thình thịch và tiếng anh Tạo gọi trung liên bắn, tức thì khẩu ép-em-đót-nốp-xăng-keng “thùng thùng” một loạt dài. Khẩu bà già của Pháp ra đời từ thế chiến thứ nhất, về đại đội qua bao trận, thành tích cũng không nhỏ. Có lẽ địch đi tuần cũng chạy xa rồi, qua nhanh thôi, tránh tác chiến tao ngộ đêm là hơn.

Gần sáng tới bìa ruộng, các lò đường đang ép mía. Đường tỉn Thái An ăn khá ngon, đường non dẻo như kẹo mạch nha. Ghé nghỉ, chủ lò múc từng tô mời cả đại đội một cách nhiệt tình, anh em sẵn sàng nhận không chút khách sáo. Đường non quết lên bánh tráng nướng thì tuyệt. Được bồi dưỡng đúng lúc, khỏe lại ngay. Mía cả đám, lò đường nấu hàng chục chảo đụn nên tha hồ. Về vị trí đóng quân, ở lại các nhà quen thuộc thân thiết như gia đình. Tối liên hoan lửa trại ngay. Vở kịch ngắn kể lại chiến thắng Dốc Tơ Hồng do trung đội 1 sáng tác thật hấp dẫn. Vui nhất là lúc Tương và Lai cùng nắm khẩu bờ ren; Tương có thời cơ thu được súng, Lai cười thẹn thùng đã không thu được súng lại bị phỏng tay. Tương cười hể hả thật đắc ý. Bà con trầm trò khen ngợi tiểu đội Quyết tử. Luân tiểu trưởng Quyết tử nở mũi làm lại động tác vung mã tấu chém giặc rất oai phong, đó là kết quả huấn luyện của võ sư Phi Hùng từ năm trước.

Một kỷ niệm không quên của tôi là thời chiến sĩ luôn hành quân ở tổ tiên binh, tiểu đội phó đi đầu trên đường mòn, hai chiến sĩ đi tiếp có tôi, rộng hai bên thành hình chữ A. Hồi ấy chưa có dép cao su, một ít chỉ huy mới có giầy chiến lợi phẩm. Đi chân không thì đạp sỏi đá, gai góc vừa đau vừa bị chảy máu, vẫn phải dẫm bừa lên đất cát dơ bẩn vì mắt phải quan sát đảm bảo cho đội hình đi sau. Dẫm gai cổ sầu thì đau nhức phát khóc được, biết làm sao, không ai thay nhiệm vụ cho mình cả, may mà không ai bị uốn ván. Lúc làm cán bộ, hết đi tiên binh dẫm bừa gai góc đau điếng càng thương đồng đội còn phải làm việc đó. Từ năm 1950, dép cao su bốn quai ra đời chấm dứt việc đi chân không của tiên binh.

Có lúc đang đi sau thì có lệnh chuyển lui thì thầm: Dừng lại tản khai, tiên binh ngửi thấy mùi bơ! Nằm tại chỗ giương súng sẵn sàng, hồi hộp căng thẳng, một lát rồi phía trước đứng lên tiếp tục đi. Tiến tới một chút quả có mùi thơm thoang thoảng như mùi bánh bơ (bích quy), đó là một loại cỏ bông có mùi thơm na ná bánh bơ. Mọi người bật cười, ở cái xứ động cát này lại có mùi cỏ bông giống mùi bơ kể cũng ngộ.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Ba, 2019, 05:06:46 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 04:59:40 pm »

“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” câu đó có từ ngày xưa, ở quê tôi ai cũng biết. Bây giờ ma đâu có thấy, còn cọp thì cả ở núi và động đều rất nhiều nên lại có câu “Thái An chiến khu cọp”. Cọp rất dữ, vọng gác phải đứng hai người đâu lưng vào nhau để chống cọp vồ từ sau tới. Anh Hồ Thế Xuân Sanh lúc này là trưởng đoàn ăn công Tiểu đoàn 89 bị bệnh điều trị ở bệnh xá, đêm ngủ bị cọp chụp tha chạy ra rừng, anh em đuổi theo giành lại được thì anh đã chết! Bộ đội hành quân đêm bỗng có người kêu “cọp!” thế là cả hành quân dậm chân thình thích vang cả rừng khuya, không sợ Tây nữa mà chỉ sợ cọp. Ngủ đêm từng trung đội thành vòng trong, trung liên đặt giữa có cọp là nổ ngay. Sau trận đánh, Tây bỏ xác lại thì cọp ra thu dọn hết, đó là điều có thật ở rừng Thái An này. Kiến cũng thật ê ẩm, loại kiến mối đầu đen bóng, càng to, đêm cũng hành quân cả đoàn dài dằng dặc. Bộ đội đi chân đất, dẫm phải đội hình chúng thì chúng xúm lại cắn chân, kẹp không thả, đau khiếp, chỉ giết nó rồi mới gỡ càng được. “Kiến, kiến”! Có nhiều tiếng xuýt xoa. Vậy là cả đoàn quân dậm chân thình thịch vang động cả đêm khuya, chạy khỏi đám kiến rồi mới tiếp tục đi. Thật buồn cười, Tây không sợ mà sợ cọp, sợ kiến. Chỉ huy cũng đành chịu, không có phép nào hữu hiệu hơn để giữ bí mật. Chuyện này cũng là kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, nó không phải súng nổ đạn bay, đầu rơi máu chảy hãi hùng mà cho đến nay nói đến cọp, đến kiến mối cũng còn rờn rợn.

Trong chống Pháp ở Bắc Bình không ai không biết danh “Tiếng mõ Thái An”, việc báo động dây chuyền bằng tiếng mõ rất tài và hiệu quả. Từ Ngọc Sơn đến Thái An, lên An Hòa, Thanh Sơn, mỗi nơi đều có tín hiệu tiếng mõ báo động hễ nghe là biết địch đã tiến lui đến đâu mà đối phó rất kịp thời. Địch rất sợ mà cũng rất ghét tiếng mõ. Một đêm, chúng đột kích vọng gác mõ Thái An, bắt được anh dân quân Chung Ngọ giết ngay, nhưng một dân quân khác chạy thoát và tiếng mõ báo động lại vang lên gióng giả, truyền đi khắp chốn. Địch hết sức dã man, có lần bắt được người đánh mõ, chúng kê đầu người ấy lên mõ, dùng dao chặt đầu. Địch tưởng rằng sự tàn ác của chúng làm dân quân nhụt chí không dám gác mõ nữa nhưng địch đi đến đâu, tiếng mõ vang lên đến đấy, truyền xa, báo cho nhân dân kịp thời tránh lánh hoặc cứ yên tâm sản xuất; dân quân du kích, bộ đội chủ động bố trí tác chiến. “Tiếng mõ Thái An”, tiếng mõ của lòng dũng cảm và trí thông minh, tiếng mõ bảo vệ nhân dân, tiếng mõ của chiến tranh du kích đánh giặc giữ làng. Năm tháng trôi qua, “Tiếng mõ Thái An” như còn vang vọng mãi mãi.

Từ đầu năm 1948 ở địa phương nhà, địch cũng giảm các cuộc càn quét đánh phá vùng giải phóng, lo củng cố vùng tạm chiếm, giữ đồn bốt, trục giao thông. Tiểu đoàn 89 đóng ở nhà dân xóm Thái An, một trong bốn xóm của xã Minh Hưng huyện Hòa Đa (Ngọc Sơn, Thái An, An Hòa, Thanh Sơn) đều nằm dọc động cát từ đông sang tây, cách quốc lộ 1A hướng bắc 3 ki-lô-mét, trước mặt là đồng ruộng, sau lưng là rừng thưa, rừng già kéo dài đến tận Bình Nhơn, Bình Thiện sát biển. Xóm lúc đó có 500 dân, là làng kháng chiến, cơ quan xã, huyện, bộ đội có chiến khu trong rừng già. Thái An càng bị giặc đốt phá, người dân càng chống giặc kiên cường. Dạo cuối năm 1946, Thái An đã tiêu thổ kháng chiến. Nhà ở chỉ che tạm thành túp lều tránh nhỏ gọn vừa đủ tránh nắng mưa; có báo động, mọi của cái thu gọn trong gùi, gánh, mang chạy vào rừng; khi yên trở về làm ăn sản xuất. Đời sống kháng chiến có gian lao nhưng lại tự do, vui vẻ, nhất là khi có bộ đội đóng quân. Trung đội tôi đóng trong nhà ông Bộ Chí, một nhà tự bằng gạch, lớn, vách đã đập trống, chỉ còn cái khung gỗ rất chắc, mái ngói trước dỡ hết nay lợp sơ lại để bộ đội che nắng mưa. Gia đình ở nhà tranh nhỏ phía sau, đơn vị ở trong nhà, trải chiếu nốp dưới gạch để sinh hoạt, nghỉ ngơi. Ông Bộ trước là một nhà giàu, nay không còn gì ngoài một đàn trâu bò và một đám ruộng ngoài Đồng Mới. Ông có con trai tên Quế, y tá cơ quan huyện đội Hàm Tân. Là gia đình bộ đội nên đối xử với bộ đội rất tốt. Khi biết cha tôi vối là người quen, trước có dạy học ở Thái An thì tình cảm của ông với tôi và đơn vị càng thêm thân mật; ông thường xuyên chuyện trò với tôi về thời cuộc, về chuyện chiến đấu của đại đội và trung đoàn, càng củng cố thêm niềm tin vào Chính phủ và Bác Hồ, vào thắng lợi của kháng chiến.

Đóng ở Thái An hơn tháng, ăn Tết với đồng bào thật vui vẻ. Bà con rất thương yêu Đại đội Quang Trung. Phan Đình Phùng mới ở Hàm Tân về Hòa Đa lúc thành lập tiểu đoàn nhưng do công tác dân vận giỏi nên cũng quen biết, cảm tình nhiều.

Tết này, tiểu đoàn say sưa bài hát “Trung đoàn 82 quân hành khúc” do hai tác giả Mỹ Đức – Vân Kha mới sáng tác. Mỹ Đức là Dương Minh Đẩu, Vân Kha là Vương Gia Khương, cả hai là nhạc sĩ, cũng là cán bộ chỉ huy lãnh đạo của trung đoàn. Anh Đẩu rất trẻ, chiến đấu từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến ở Sài Gòn, ra Bình Thuận cuối 1945, là chính trị viên Đại đội Phan Đình Phùng. Anh Khương là cán bộ cách mạng trước 1945, đã bị giặc Pháp bỏ tù; trong tù anh học giỏi cả chính trị, quân sự, văn hóa. Là trưởng ban cán bộ trung đoàn, anh rất gần gũi mọi người, được anh em kính mến. Bài “Trung đoàn 82 quân hành khúc” đã nhanh chóng đi vào lòng người, giục giã chiến đấu, đem lại niềm vinh dự, tự hào của người chiến sĩ Cực Nam Trung Bộ; bài hát tươi vui, hùng tráng, càng hát càng say mê, hào hứng lạ thường.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2019, 10:18:38 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 10:08:00 am »

Trong chống Pháp ở Bắc Bình không ai không biết danh “Tiếng mõ Thái An”, việc báo động dây chuyền bằng tiếng mõ rất tài và hiệu quả. Từ Ngọc Sơn đến Thái An, lên An Hòa, Thanh Sơn, mỗi nơi đều có tín hiệu tiếng mõ báo động hễ nghe là biết địch đã tiến lui đến đâu mà đối phó rất kịp thời. Địch rất sợ mà cũng rất ghét tiếng mõ. Một đêm, chúng đột kích vọng gác mõ Thái An, bắt được anh dân quân Chung Ngọ giết ngay, nhưng một dân quân khác chạy thoát và tiếng mõ báo động lại vang lên gióng giả, truyền đi khắp chốn. Địch hết sức dã man, có lần bắt được người đánh mõ, chúng kê đầu người ấy lên mõ, dùng dao chặt đầu. Địch tưởng rằng sự tàn ác của chúng làm dân quân nhụt chí không dám gác mõ nữa nhưng địch đi đến đâu, tiếng mõ vang lên đến đấy, truyền xa, báo cho nhân dân kịp thời tránh lánh hoặc cứ yên tâm sản xuất; dân quân du kích, bộ đội chủ động bố trí tác chiến. “Tiếng mõ Thái An”, tiếng mõ của lòng dũng cảm và trí thông minh, tiếng mõ bảo vệ nhân dân, tiếng mõ của chiến tranh du kích đánh giặc giữ làng. Năm tháng trôi qua, “Tiếng mõ Thái An” như còn vang vọng mãi mãi.

Từ đầu năm 1948 ở địa phương nhà, địch cũng giảm các cuộc càn quét đánh phá vùng giải phóng, lo củng cố vùng tạm chiếm, giữ đồn bốt, trục giao thông. Tiểu đoàn 89 đóng ở nhà dân xóm Thái An, một trong bốn xóm của xã Minh Hưng huyện Hòa Đa (Ngọc Sơn, Thái An, An Hòa, Thanh Sơn) đều nằm dọc động cát từ đông sang tây, cách quốc lộ 1A hướng bắc 3 ki-lô-mét, trước mặt là đồng ruộng, sau lưng là rừng thưa, rừng già kéo dài đến tận Bình Nhơn, Bình Thiện sát biển. Xóm lúc đó có 500 dân, là làng kháng chiến, cơ quan xã, huyện, bộ đội có chiến khu trong rừng già. Thái An càng bị giặc đốt phá, người dân càng chống giặc kiên cường. Dạo cuối năm 1946, Thái An đã tiêu thổ kháng chiến. Nhà ở chỉ che tạm thành túp lều tránh nhỏ gọn vừa đủ tránh nắng mưa; có báo động, mọi của cái thu gọn trong gùi, gánh, mang chạy vào rừng; khi yên trở về làm ăn sản xuất. Đời sống kháng chiến có gian lao nhưng lại tự do, vui vẻ, nhất là khi có bộ đội đóng quân. Trung đội tôi đóng trong nhà ông Bộ Chí, một nhà tự bằng gạch, lớn, vách đã đập trống, chỉ còn cái khung gỗ rất chắc, mái ngói trước dỡ hết nay lợp sơ lại để bộ đội che nắng mưa. Gia đình ở nhà tranh nhỏ phía sau, đơn vị ở trong nhà, trải chiếu nốp dưới gạch để sinh hoạt, nghỉ ngơi. Ông Bộ trước là một nhà giàu, nay không còn gì ngoài một đàn trâu bò và một đám ruộng ngoài Đồng Mới. Ông có con trai tên Quế, y tá cơ quan huyện đội Hàm Tân. Là gia đình bộ đội nên đối xử với bộ đội rất tốt. Khi biết cha tôi vối là người quen, trước có dạy học ở Thái An thì tình cảm của ông với tôi và đơn vị càng thêm thân mật; ông thường xuyên chuyện trò với tôi về thời cuộc, về chuyện chiến đấu của đại đội và trung đoàn, càng củng cố thêm niềm tin vào Chính phủ và Bác Hồ, vào thắng lợi của kháng chiến.

Đóng ở Thái An hơn tháng, ăn Tết với đồng bào thật vui vẻ. Bà con rất thương yêu Đại đội Quang Trung. Phan Đình Phùng mới ở Hàm Tân về Hòa Đa lúc thành lập tiểu đoàn nhưng do công tác dân vận giỏi nên cũng quen biết, cảm tình nhiều.

Tết này, tiểu đoàn say sưa bài hát “Trung đoàn 82 quân hành khúc” do hai tác giả Mỹ Đức – Vân Kha mới sáng tác. Mỹ Đức là Dương Minh Đẩu, Vân Kha là Vương Gia Khương, cả hai là nhạc sĩ, cũng là cán bộ chỉ huy lãnh đạo của trung đoàn. Anh Đẩu rất trẻ, chiến đấu từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến ở Sài Gòn, ra Bình Thuận cuối 1945, là chính trị viên Đại đội Phan Đình Phùng. Anh Khương là cán bộ cách mạng trước 1945, đã bị giặc Pháp bỏ tù; trong tù anh học giỏi cả chính trị, quân sự, văn hóa. Là trưởng ban cán bộ trung đoàn, anh rất gần gũi mọi người, được anh em kính mến. Bài “Trung đoàn 82 quân hành khúc” đã nhanh chóng đi vào lòng người, giục giã chiến đấu, đem lại niềm vinh dự, tự hào của người chiến sĩ Cực Nam Trung Bộ; bài hát tươi vui, hùng tráng, càng hát càng say mê, hào hứng lạ thường.

Sáng ngày 15 tháng 03 năm 1948, một tiểu đoàn Âu Phi đang tiến vào Thái An. Tất cả ra sau rừng bố trí theo kế hoạch. Tiếng mõ Thái An gióng giả, rộng ràng. Trung đội 1 Quang Trung đến miếu Thái An hỗ trợ lớp huấn luyện tân binh của tiểu đoàn vừa rút vào rừng xong thì đụng một toán giặc Pháp ập tới cổng miếu. Trung đội trưởng Lương Văn Nghĩa thét xung phong, bắn một phát súng ngắn, tên giặc ngã gục nhưng anh cũng bị đạn, hy sinh. Trận chiến ác liệt ngay từ đầu. Trung đội 3 bố trí vừa xong, bên phải là trung đội 2, tiếp theo là Phan Đình Phùng. Tôi ngồi bên một mô cát; cạnh tôi là tiểu đoàn phó Lâm Bình Phước, chếch trái một chút là một chiến sĩ trong tư thế nằm bắn. Anh Khương và Tạo đi kiểm tra đội hình vừa khuất thì địch nổ súng vào trung đội, anh em bắn trả dữ dội; đánh cả bọn trước mặt và bên hông. Chúng rất đông, định xé đội hình ta ra thành tửng mảnh nhưng đã vấp phải sức chống trả kiên cường, mãnh liệt. Tiếng súng rền vang khắp trận địa Quang Trung, ta địch sát nhau trong gang tấc, giành nhau từng lùm cây, mô cát vô cùng quyết liệt. Trung đội 1 lui vào, nhanh chóng hình thành một mũi vu hồi lợi hại, phối hợp kịp thời với chúng tôi đánh bật cánh địch này ra hướng ruộng. Một cánh địch từ Ngọc Sơn tiến lên gặp Phan Đình Phùng chặn đánh; tiếng súng nổ giòn không ngớt. Một cánh thứ ba từ ruộng vào tiếp tục đột phá vào Quang Trung nhưng bị hỏa lực ta ghìm tại chỗ và vu hồi tạt vào sườn địch. Trận đánh kéo dài đến trưa, địch xung phong, ta phản xung phong, toàn tiểu đoàn đọ súng quyết liệt với bọn lê dương Âu Phi. Khẩu a-via-xông của Phan Đình Phùng bắn như xé gió; các khẩu bờ-ren, vanh-cách vang rền; đại liên hốc-kít nổ từng tràng đĩnh đạc, oai hồng áp đảo bắn địch; từng lúc xen lẫn tiếng hô xung phong đánh giáp lá cà của các chiến sĩ tiểu đoàn với tiếng a-lát-xô ồm ồm của bọn Âu Phi. Những nhát mã tấu hiểm hóc, nhanh như chớp lại lần nữa làm cho lính Âu Phi kinh hồn, bạt vía. Chịu không nổi sức tấn công mãnh liệt của tiểu đoàn, địch núng thế dần, phải kết thúc trận chiến. Tiểu đoàn cũng không truy kích, lo giải quyết thương vong rồi về xóm tính chuyện ngày mai.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2019, 10:18:59 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 10:09:44 am »

Đây là trận đánh lớn và ác liệt nhất của tiểu đoàn từ ngày thành lập. Tiểu đoàn đã đủ sức đánh lui một đơn vị nhà nghề thiện chiến, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Quang Trung hy sinh tám, bị thương chín; Phan Đình Phùng hy sinh hai, bị thương năm. Trung đội tôi bị thương hai, hy sinh sáu (có anh Tạo và Khánh, đồng đội cùng nhập ngũ một ngày với tôi). Dù bọn Âu Phi hôm nay bị nặng thì chúng vẫn còn ba đại đội lê dương cơ động của Hòa Đa, ngày mai địch sẽ còn vào tiếp. Tiểu đoàn cho vào sâu 1 ki-lô-mét, lấy đường xe bò từ Bàu Trắng làm chuẩn, hướng ra ruộng; Quang Trung bên trái phía tây đường, Phan Đình Phùng phía đông bên phải đường, sở chỉ huy tiểu đoàn ở giữa; cấu trúc xong công sự, đêm ngủ tại trận địa.

Ngày 16 tháng 3, tôi thay chỉ huy trung đội, bố trí bên trái ngoài cùng của đại đội, rút kinh nghiệm ngày qua, tôi cho hai tiểu đội hỏa lực ở phía trong, liên lạc trung đội 2, tiểu đội hỏa lực ở ngoài nhưng thành góc thước thợ bảo vệ sườn, vừa vu hồi khi cần. Tôi và anh Thiệt có một hầm trung liên đứng bắn khá thong thả. Đúng dự kiến, địch tiến vào rừng bằng hai mũi theo hai bên đường xe bò. Một toán đã đến đầu trung liên của Thiệt, cách 20 mét; tôi vỗ vai anh, khẩu bờ-ren vang lên mở đầu một trận đánh sáng nay. Toàn trung đội phát dương hỏa lực, nhiều tên Âu Phi gục trước trận địa. Hốc-kít trung đội 2 cũng nổ dữ dội, địch bị chặn đúng. Tiếc là lúc đầu ham đánh loạn xạ, tôi chưa cho các tổ xung lực xuất kích nên địch đã kéo hết thương tử, tất nhiên là súng bọn này cũng không còn. Trời Thái An sáng nay lại vang rền tiếng súng của hai bên một cách đáng sợ. Với con nhà lính quen trận mạc thì hôm nay quả là ta đánh thong thả hơn nhiều, chẳng hiểu tại sao địch chỉ tấn công chính diện vào cả tiểu đoàn mà không có mũi vu hồi nào nên ta dễ dàng bẻ gẫy hết đợt đột kích này đến đợt đột kích khác; ở trong công sự, tha hồ sát thương địch khi chúng vào tầm bắn. Ỷ đông, chúng đánh dai dẳng đến trưa. Tôi bảo Thiệt:

- Anh đưa trung liên tôi bắn vài loạt, Tây còn mò vào kia kìa!

- Bắn tiết kiệm nghen, chỉ điểm xạ, bắn loạt dài nó không sợ đâu.

Tôi nhấp cò, từng loạt ngắn vài ba viên rời nòng găm vào những tên địch lom khom trước mặt. Tôi đã học xạ kích trung liên ở lớp tiểu đội nên cũng không đến nỗi tồi.

- Khá lắm! Ngã mấy thằng rồi, thôi đưa súng lại cho tôi.

Tiểu đội trưởng Vạn cũng giục:

- Anh đừng ham bắn nữa, lo quan sát để chỉ huy!

Cũng lạ, sao hôm nay bọn này chỉ xông lên chính diện để ăn đạn. Có lẽ đại đội còn chờ địch sứt đầu mẻ trán nặng rồi mới cho toàn thể xuất kích tiêu diệt chăng? Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Cái nắng trưa như thiếu đốt này bọn Tây không chịu nổi nên phải chấm dứt cuộc chiến và bỏ cuộc luôn. Ngày 17 tháng 3, toàn bộ lính Âu Phi cơ động về Phan Thiết. Cuộc càn lớn dài ngày vào Thái An để tiêu diệt Tiểu đoàn 89 và các cơ quan huyện Hòa Đa đã thất bại thảm hai. Trong hai ngày đọ sức, Tiểu đoàn 89 đã diệt 80, làm bị thương 50 tên lê dương Âu Phi; ta hy sinh 10, bị thương 19. Hôm nay, trung đội tôi không thương vong ai, tiếc là tôi đã bỏ mất một thời cơ xuất kích ngắn thu súng lúc đầu. Quân dân Hòa Đa, Thái An rất vui mừng, căn cứ được bảo vệ, đồng bào, cơ quan an toàn, càng thêm tin tưởng tiểu đoàn, nhất là Đại đội Quang Trung, đơn vị từ lâu gắn bó thân thiết với bà con. Liên hoan lửa trại được tổ chức rất đông vui. Bà con cho biết địch: đưa thương tử về Hòa Đa rất nhiều và chúng rất buồn bã. Địch buồn thì ta vui! Bọn chỉ huy Pháp lắc đầu, cho Thái An là “đất máu” (terre rouge) làm bọn ngụy quân càng khiếp đảm. Từ đó danh hiệu “Thái An đất máu” và “mặt trận 15 – 16” tháng 3 nổi tiếng khắp Bắc Bình

Ở vùng rừng này còn có nhiều trận đánh của Quang Trung và Phan Đình Phùng, có hai trận của Phan Đình Phùng do đại đội trưởng Dương Minh Đẩu chỉ huy; anh càng tỏ rõ tài năng của một chỉ huy quân sự, anh em đơn vị rất tin tưởng. tiếc rằng trong trận Dốc Cám – Bàu Trắng, anh bị thương nặng ở ống chân phải về công tác ở cơ quan, là một chủ nhiệm chính trị trung đoàn xuất sắc. (Sau giải phóng, anh Đẩu làm Giám đốc Điện ảnh Quân đội rồi Giám đốc Trung tâm nghe nhìn Việt Nam, cùng với con trai là thượng tá Dương Minh Đức đều là nghệ sĩ ưu tú. Hiếm có hai cả hai cha con được phong tặng danh hiệu vẻ vang này cùng một ngày). Đại đội Quang Trung cũng đánh mấy trận ở Đồn Găng do đại đội trưởng Bùi Xuân Diễn chỉ huy. Anh Diễn là một trí thức, một chỉ huy quân sự tài năng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thái An là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược; là niềm tự hào của quân dân địa phương. Sau ngày giải phóng, Thái An vinh dự là một thôn của xã Hồng Thái anh hùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 10:12:33 am »

Giữa tháng 4 năm 1948, Tiểu đoàn 89 hành quân vào rừng Điều tập kết cùng 86, làm cuộc hội quân lớn nhất trước nay của trung đoàn. Hai tiểu đoàn có năm đại đội: Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Tuấn, Phạm Hồng Thái. Trung đoàn bộ có tham mưu, chính trị, hậu cần, một đại đội hỏa lực và đại đội bộ binh Lý Thường Kiệt. Chỉ huy là trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Tuyến và trung đoàn phó tham mưu trưởng Nguyễn Minh Châu. Lúc tập họp toàn trung đoàn, chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào với lực lượng hùng mạnh, mỗi động tác đều răm rắp, mạnh mẽ. Tất cả đều vinh dự được đứng trong hàng ngũ trung đoàn chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc, cho Trung đoàn như lời ca: Thân nam nhi nào tiếc hiến cho Trung đoàn 82. Hồi ấy chưa sửa lời: Thân nam nhi nào tiếc tiến theo Trung đoàn 812.

Trung đoàn phục kích đánh giao thông lớn trên quốc lộ 1, đoạn cua Bàu Sen, Bắc Phan Thiết 30ki-lô-mét. Phía bắc, 89 chặn đầu và một phần chủ yếu; 86 có đại đội hỏa lực phụ trách chủ yếu, khóa đuôi. Trung đoàn nắm dự bị Lý Thường Kiệt. Dự kiến diệt gọn 10 – 15 xe. Đánh giao thông là sở tường của 86 – 89 nên ai cũng tin tưởng. Điều thú vị là hệ thống thông tin liên lạc làm bằng bồ cạp tre, giật báo chuyền theo tín hiệu quy định: tập thử rõ ràng là rất đơn giản, bí mật như dân giật bồ cạp đuổi thú. Đài quan sát nắm địch xa đặt trên đỉnh núi Tà Đôn, cách trận địa hơn chục ki-lô-mét, khi có một đoàn xe địch dưới 10 chiếc thì đốt một đống khói báo hiệu, trên 10 chiếc đốt hai đống khói. Sau đó có đoàn xe thứ hai thì đốt khói lần thứ hai. Trước trận địa về phía bắc quốc lộ 1A và đường sắt có núi Tà Dôn, phất cơ báo cho mặt trận. tôi phụ trách một tổ ba người lên núi Ách để đánh tín hiệu cho sở chỉ huy. Khẩu hiệu xung phong là toàn bộ lực lượng xông ra mặt đường hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Trước 5 giờ ngày 15 tháng 4 năm 1948, trận địa đã sẵn sàng. Tôi ngồi trên đỉnh núi Ách quan sát đỉnh Tà Dôn và mặt trận rõ mồn một. 7 giờ, trên đỉnh Tà Dôn có hai ngọn khói. Vậy là có đoàn xe hơn 10 chiếc. Chiến sĩ Hạ phất cờ, sở chỉ huy nhận đủ. Có thêm hai ngọn khói nữa. Báo tiếp xong, chúng tôi xếp cờ ngồi chờ xem nổ súng. Đã nghe thấy tiếng động cơ, có lẽ đoàn xe tới cầu Bằng Lăng chỉ còn cách mấy cây số. Nhưng khá lâu mà chưa thấy xe đến trận địa. Chúng tôi trên núi còn sốt ruột thì ở trận địa càng nóng nảy biết bao! Chờ mãi, bất ngờ, từ khu vực chân núi Rễ, mé nam đường, ở khoảng vị trí Phan Đình Phùng tiếng súng đột nhiên rộ lên dữ dội, tiếng súng từ sau đánh tới chứ không phải ở mặt đường. Không có mìn nổ, xe cháy, không có tiếng hô Hồ Chí Minh muôn năm. Nhưng rõ là tiếng súng đánh nhau ở khu vực Phan Đình Phùng chứ không diễn ra trên toàn trận địa. Phía 86 thì im lặng hoàn toàn. Tôi thấy rõ từng tốp người đổ ra quốc lộ, vượt qua đường sắt và tiếng súng hai bên đánh nhau vẫn nổ giòn, ác liệt. Ở phía Quang Trung, các hỏa lực hốc-kít, bờ-ren, vanh-cách cũng nổ hàng loạt dài. Mọt-ta, trôm-lông, VB câu liên tục. Cả tiếng rồi mà cường độ trận đánh không hề giảm. Một chiến sĩ nói nhỏ: Có lính đi dưới chân núi rất đông! Quản thật, có một hàng lính rất dài, có lẽ cả tiểu đoàn đi bộ từ hướng nam ra, tiến về phía tiếng súng nổ. Chắc chắn đây là quân của đoàn xe thứ hai ra chi viện. Chúng tôi vội tụt xuống chân núi Ách sườn phía bắc, đi về hướng đông vài ki-lô-mét, vượt sang nam đường, chờ. Quá trưa tiếng súng mới im. Đợi về chiều tổ tôi đến sau trận địa thì gặp anh Trần Quốc Thái:

- Ở nhà lo cho các cậu quá.. Khi súng nổ, các cậu ở đâu?

Tôi báo cáo vắn tắt và anh nói:

- Chắc có lộ sao đó nên ở trận địa nghe tiếng xe rất lâu mà không thấy đến. Đang nóng lòng chờ đợi thì địch xuất hiện từ chân núi Rễ thọc ra đánh sau lưng Phan Đình Phùng. Anh em chống trả quyết liệt, nhưng rồi cũng bị bạt qua đường 1, khi bám đường ắt mới trụ lại cùng Quang Trung chặn đứng chúng, tạo được thế chuyển sang phản kích. Tiểu đoàn đề nghị trung đoàn cho 86 vận động lên cùng bao vây diệt bọn này, nhưng trung đoàn cho là tác chiến bị động nên ra lệnh lui. Thấy bỏ thời cơ uổng quá, bọn mình đề nghị lần thứ hai bằng giấy thì cũng được lệnh lui bằng giấy lần thứ hai.

- Như vậy thì từ đầu đến cuối, 86 đều không đánh?

- 86 đã lên liên lạc với Quang Trung thì có lệnh rút. Anh An Duy Vĩ, tiểu đoàn trưởng 86 cũng bị thương đấy!

- Tôi thấy có một cánh quân địch lớn đi từ chân núi Ách đến trận địa.

- Có, cánh đó đến phối hợp với bọn trước nên phải đánh lâu. Bây giờ ta đang đưa anh em hy sinh về rừng Điều mai táng.

- Ta thương vong bao nhiêu?

- Hy sinh 22, bị thương 30. Anh Khương, Thu huy sinh rồi. Mình và anh Bảy lúc ác chiến với chúng nó tưởng cũng không còn. Mình bắn cả ổ đạn, hạ mấy đứa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 10:14:40 am »

Tôi nắm chặt bàn tay anh, mừng các chỉ huy an toàn nhưng cũng bùi ngùi thương tiếc anh Khương, Thu và những đồng đội không còn. Anh Khương, người đại đội trưởng Quang Trung dũng cảm, ngoan cường được đơn vị rất tin yếu mới chuyển về Phan Đình Phùng sau trận 15 – 16 tháng 3. Anh Thu, một trung đội trưởng xuất sắc vừa lên đại đội phó nay cũng đã ra đi. Giá 86 lên thì đã làm nên chuyện. Sau đó tôi nghe: có lẽ do hậu cần mượn nhiều cảo đụn của dân nên bị lộ. Theo tin quân báo, địch chết, bị thương 125 tên, chở xác về Dân Thạnh bằng xe bò để xe quân sự từ Phan Thiết lên đưa về. Chúng ta cũng phái cả 89 tập trung khiêng thương binh về bệnh xá tiểu đoàn ở Trủng Tây và bệnh viện trung đoàn ở Bình Thiện. Trung đoàn đã bổ sung cả đại đội Lý Thường Kiệt cho Phan Đình Phùng và Quang Trung. Trung đoàn đánh giá đây là một trận đánh ác liệt nhất của trung đoàn trong chống Pháp, là một trận “không thắng không thua”.

Gần 40 năm sau, trong cuộc hội thảo thông qua “Lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp của tỉnh Thuận Hải” ở Phan Thiết có anh Nguyễn Đức Tuyến về dự. Nói về trận đánh này, anh đã phát biểu rất chân thành. Lúc đó tôi cho rằng đã bị động thì không nên đánh nên tôi kiên quyết cho lui. Không ngờ Phan Đình Phùng bị thiệt hại nặng và 89 đã tạo được thế tốt. Nếu tôi đồng ý đề nghị của 89 thì chắc chắn sẽ có lợi cho ta. Anh tỏ ý tiếc là mình có khuyết điểm trong trận đó. Như vậy cũng tốt. Đúng là trận ác liệt không thắng không thua, nhưng cán bộ chiến sĩ 89 tỏ ra rất thiện chiến, dũng cảm, ngoan cường. Năm 1963, trong chống Mỹ, cũng tại đây lại diễn ra một trận phục kích độn thổ của hai đại đội 486, 489 Bình Thuận; diệt gọn ba xe địch, giết 110, bắt 30, thu 100 súng có 10 trung liên, một đại liên, một cối 60, lấy hai xe GMC chở toàn bộ chiến lợi phẩm về căn cứ xã Hồng Liêm, lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công. Tháng 8 năm 1948, 89 đánh một trận nhỏ tại Thuận Long, diệt gọn một trung đội Âu Phi thu toàn bộ vũ khí. Sau trận này tôi nhận chính trị viên Đại đội Quang Trung, bí thư chi bộ. Cuối năm thì làm trưởng tiểu ban cán sự 89 và được bổ sung vào Đảng ủy 89. Tháng 10 năm 1948, 89 tập trung về một địa điểm gần Dốc Cám làm lễ kỷ niệm “Đề nhất Chu niên tiểu đoàn”. Sân lễ tại một láng lớn, đông nam là Bàu Trắng nước trong xanh, vườn tược hai bờ sầm uất; phía đông là Dốc Cám cao cao, xen kẽ rừng xanh và động cát vàng nối nhau gần chục ki-lô-mét đến tận Hưng Long giáp biển; phía bắc là rừng già liên đến Dốc Găng, Thái An. Khẩu hiệu, băng cờ, hoa lá làm cho sân khấu, khán đài hết sức rực rỡ. Có cả sân vận động lớn để diễu binh, bóng đá, điền kinh. Xung quanh hàng quán đông đảo, chưa đến lễ mà đã nhộn nhịp đông vui. Nhân dân căn cứ và vùng sau lưng địch nô nức kéo ra thăm bộ đội, dự lễ đến mấy ngàn người. Bộ đội hết lòng bảo vệ và giúp dân trong ăn ở, sinh hoạt. Cơ quan trung đoàn, huyện Hòa Đa - Phan Lý và cá xã Bình Nhơn, Thái An có mặt đông đủ càng thêm long trọng vui vẻ. Các thiếu nữ Chăm xinh đẹp, duyên dáng đến thăm bộ đội, biểu diễn các bài múa uyển chuyển,dịu dàng, hấp dẫn làm cho các chàng trai trẻ tiểu đoàn nao lòng, tìm cảm da diết chẳng muốn rời.

Có một điều cả các chỉ huy quân sự dày dạn cũng không tính đến địa thế trống trải, sân lễ lồng lộng như vậy, có máy bay bắn phá thì làm sao bảo vệ cho hàng ngàn con người? Đứng trên Dốc Cám mắt thường cũng thấy toàn bộ sân lễ, có đầm già quần đảo thì làm sao che giấu được? Trước lễ một hôm, người đã đông nghịt, quán xá nhộn nhịp vui vẻ lạ thường. Đêm đến ánh điện sáng rực cả vùng, cảnh tượng không không khác gì một thị tứ. một ngày yên ổn, mong sao ngày mai cuộc lễ cũng thành công trọn vẹn như lễ Đệ nhất chu niên Trung đoàn năm rồi, cũng tại sân banh Quang Trung cách đây không xa.

8 giờ ngày 10 tháng 10, có tiếng máy bay và tiếng bom xa xa ở Hưng Long, Trung Lòng Mang rồi gần hơn, ở sân bay Quang Trung đầu Bàu Trắng. Tất cả đổ xô về mé rừng nhưng sân lễ, khán đài, quán xã thì không dời đi đâu được, cũng chẳng làm sao ngụy trang. Có lẽ khi máy bay phát hiện sân lễ thì đã hết bom nên cả hai chiếc kít-bít-phay chỉ lượn một vòng lấy đích sà xuống bắn hai loạt dài dọc mé rừng rồi đi thẳng. Tôi đang nằm ở mé rừng, thấy ánh lửa lóe sáng, một tràng đạn ca-nông-vanh xả xuống, cát bụi tung tóe, mù mịt, khét lẹt. Người đàn ông nằm cạnh tôi trúng đạn vào đầu! Tiểu đoàn lệnh bộ đội hướng dẫn, bảo vệ đồng bào rút vào rừng sâu. Tôi gọi ban cứu thương đến giải quyết người bị nạn và lấy mấy tổ đưa số bà con rất đông lên hướng Dốc Găng.

Vài giờ sau, hai chiếc oanh tạc đến thẳng sân lễ ném bom, bắn phá dữ dội cho đến hết sạch bom đạn mới chuồn. Hồi ấy chưa học kỹ thuật bắn máy bay, nên bắn nhiều mà không có kết quả. Số đông đã sơ tán, số ít còn lại đủ hầm nấp nên không bị thiệt hại về người. Dần về tối, bà con trở lại sân lễ lo ăn uống, hàng quán lo dọn dẹp. Bộ đội tổ chức đưa đồng bào về các hướng chu đáo. Cuộc lễ không thành nhưng mừng nhất là chỉ có một người bị đạn máy bay lần đầu thôi. Tôi may mắn không bị trúng đạn, chỉ thương người nằm cạnh tôi rủi ro.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 10:15:54 am »

Năm 1949, tình hình trong tỉnh khá hơn nhiều, các hình thức tấn công địch mạnh và phong phú. Công tác địch vận thu được nhiều kết quả. Chị Nở, cán bộ địch vận huyện Hòa Đa đã vận động được hai binh sĩ ở chi khu Hòa Đa mang ra hai trung liên bờ-ren, một súng trường Anh, rồi ở luôn vùng giải phóng tham gia kháng chiến. Tôi đã gặp hai người này, một hạ sĩ tên Ngọc Chiến, một lính tên Hắc Hổ khi họ được đưa đến Tiểu đoàn 89. Anh Bảy Khanh, cán bộ Việt Minh xã Phan Rĩ Cửa cũng giác ngộ được sáu bảo an của bót Lò Vô mang súng về với cách mạng. Có lẽ việc hai binh sĩ mang hai súng máy ra Chiến khu thì ở Bình Thuận trong kháng chiến chống Pháp chỉ có một. Sau ngày giải phóng, chị Nở là bác sĩ cùng chồng là trung tá Hồng Sơn nghỉ hưu ở thị xã Phan Rang, Ninh Thuận.

Các năm 1948-1949, đại đội Quang Trung đóng quân ở các xã giải phóng của Hòa Đa – Tuy Phong, đêm thường về làm công tác vũ trang tuyên truyền ở các vùng địch hậu. Ở Duồng chỉ cần một vọng gác đồn là đơn vị có thể yên ổn làm mít tinh, vào nhà thăm viếng bà con. Có lần công tác về Duồng, tôi vẫn ở trong nhà ban ngày, có báo động địch sang Hà Thủy mới váo vách đôi khá an toàn. Anh Lâm Bình Phước cũng đã cải trang thành một thanh niên quần áo bảnh bao, đi ban ngày vào Phan Rí Cửa, ở cả tuần tại nhà ba vợ để điều nghiên đồn Cầu Bà Bốn.

Một chiều tối năm 1948, Quang Trung hành quân vào Duồng để đi Tăng Phú về Hưng Long. Duồng và Tăng Phú đều ở ven biển mà Phan Rí Cửa lại ở giữa hai nơi này, không rõ đại đội đi bằng đường nào mà chỉ đêm ấy về đến Hưng Long? Các má chiến sĩ và địa phương đã chiêu đãi đơn vị một bữa thật thịnh soạn. 22 giờ, khi cả đại đội xuống hết sáu chiếc thuyền lớn thì chúng tôi mới vỡ lẽ đây là một cuộc hành quân trên biển khá mạo hiểm nhưng cũng rất thú vị. Các trung liên và khẩu hốc-kít được buộc dây vào thuyền. Đề phòng vậy thôi, còn người và công trường, tiểu liên thì sao? Đâu phải ai cũng bơi năm bảy cây số như thủy thủ con nhà biển! Tôi mà rớt xuống thì chẳng mấy lúc sẽ ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh thôi! Hành quân theo đội hình nấc thang để hỗ trợ lẫn nhau và tiện xạ kích khi tác chiến; ven biển Phan Rí Cửa thường có ca nô của đồn tuần tiễu đêm.

Qua khỏi Phan Rí Cửa một lúc thì trời lặng gió, thuyền gần như đứng một chỗ. Còn cách Tăng Phú không xa nhưng phải đến trước sáng, ban ngày lênh đênh trên biển thì thật nguy hiểm. Bây giờ chẳng còn nấc thang gì nữa, thuyền đi đầu tụt lại sau, thuyền sau lại lên trước, thuyền đi lộng thấy bờ mờ mờ, thuyền đi khơi chỉ thấy biển cả mênh mông. Thuyền tôi đi đường như chỉ có một mình trên biển, trước sau, phải trái đều chẳng thấy thuyền bạn nào. Một số người say sóng nôn nằm liệt, có tình huống thì chẳng đánh đấm gì được. Nhưng khoảng 4 giờ sáng đã thấy bờ, rồi cũng đến mép nước. Lên bãi cát, tôi bống thấy nôn nao, lảo đảo và ngã nằm xuống cát rất lâu. Khi khỏe lại, nhìn bên thấy Thi, thư ký đại đội cũng nằm cạnh. Nhiều người đều như thế, gọi là “say sóng bờ”. Dần dần các thuyền cũng cập bến đủ. Đại đội đóng quân ở Hưng Long, còn gọi là vườn Đá Hang, nơi đây bao đời là vườn trầu, cau, chuối, đu đủ… Suối nước chảy trong vườn quanh nằm trong vắt nhưng nước rễ cau rất độc, vườn rậm rạp thiếu ánh nắng mặt trời, muỗi nhiều nên đa số dân bị sốt rét, bụng ỏng đít eo, da vàng mắt bét. Người ta tin Hưng Long ở ngay miệng rồng, sinh con, rồng ăn hết, khó nuôi. Bàu Trắng là bụng rồng nên đẻ con nuôi, đầy đàn, to lớn mạnh khỏe!

Tôi còn có lần đi thuyền từ Phan Rí ra Cửa Duồng. Trời trăng, gió thuận, thuyền đi vun vút, xa xa đèn thuyền câu mực sáng như thành phố. Những người ngồi ganh thật tài, họ ngồi vắt vẻo trên ganh thật dễ sợ mà cứ như không, theo điều khiển của tài công, họ ra xa, vào gần be thuyền để thuyền thăng bằng lướt nhanh trên sóng, sơ xuất một tý là rơi xuống biển ngay. Có người cũng bị rớt nhưng họ bơi giỏi, thuyền quay lại và họ lại lên thuyền ngồi ganh cho đến hết lộ trình.

Thời gian công tác tại cơ quan tiểu đoàn ở chiến khu rừng Thái An, công việc đi vào nền nếp không như lúc ở đơn vị cơ động chiến đấu, việc gì cũng khẩn trương cập rập. Giờ rảnh, tôi tập đàn măng-đô-lin, chiều chiều chơi bóng bàn, bóng chuyền; tôi chơi rất xoàng; hồi nhỏ nhà nghèo đâu biết chơi thứ gì ngoài việc chạy, nhảy, leo dây, xà đơn… Thỉnh thoảng đi công tác các đại đội, đi liên hệ các huyện, xã, tiếp xúc đồng bào vùng căn cứ, nhờ đó khi ra lại đơn vị có thêm kinh nghiệm công tác dân vận.

Từ năm 1949, trung đoàn tổ chức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, phía nam có bộ đội A rồi đổi thành bộ đội B ở Hàm Thuận, ngoài Hòa Đa, Tuy Phong có bộ đội C nhưng chỉ thời gian ngắn thì chuyển lại thành Tiểu đoàn 86 tập trung tỉnh. Các đại đội độc lập ra đời 216 ở phía nam, 214 ở phía bắc. Đại đội độc lập duy trì cho đến 1954 mới tập trung về lại Trung đoàn 812 đi tập kết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM