Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:42:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 22983 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 02:49:37 pm »

Chúng tôi nhờ thạo địa hình, biết tổ chức nắm địch, biết rõ chúng đi ngày nào, sáng chiều, quân số, trang bị, hành động, v.v… ghi chép đầy đủ cả xe cộ vận chuyển trên cầu như kiểu nhật ký nắm tình hình địch. Giá lúc đó có một đơn vị bộ đội liên lạc với chúng tôi để nắm địch tác chiến thì hay biết bao nhiêu! Trái lại, việc làm đó chẳng những vô bổ, lại sinh rắc rối, suýt mang họa. Huyện hỏi thanh niên Xuân Hội sao không tản cư mà ở lại xóm? Ai cho phép nắm địch, nắm để làm gì? Thật là một tin sét đánh. Hồi ấy, khi có điều gì nghi ngờ thường bị quy chụp là Việt gian và xử tử không phải là không có. Chúng tôi vội giải tán, đi theo gia đình tản cư, chưa đến mùa màng nên chỉ ăn chơi, trốn địch chứ chẳng làm được gì có ích cho kháng chiến và cho gia đình.

Thật ra thanh niên Xuân Hội cũng có tự động tìm cách đánh giặc theo cách của mình. Hai anh Nguyễn Nhỏ, Nguyên Me vốn là lính bảo an tỉnh ở Phan Thiết. Cách mạng tháng Tám trở thành Giải phóng quân, giặc đến, đánh mấy trận, đơn vị cho tạm về nhà. Là lính, các anh có kỹ năng quân sự và dạn dĩ. Một đêm hai người mò vào đồn Xóm Lụa quan sát địch. Đêm khuya yên lặng, vào sân đồn thấy mở cửa, bèn mò vào luôn, định tranh thủ chộp vài khẩu súng (!). Bỗng đụng chiếc cà mèn phát ra tiếng động, một tên Pháp đâu đó trong bóng tối hỏi: Cái gì? (quesque), cả hai vội bung chạy ra, tưởng mèo chuột khuya, nó chỉ bắn một phát pháo sáng rồi in luôn. Anh Nhỏ sau Hiệp định sơ bộ mùng 6 tháng 3, trên đường về đơn vị, đến Tăng Phú bị địch đi càn bắt về Hòa Đa, biết là Giải phóng quân, địch dụ dỗ không được đã bắn anh. Tấm gương trung thành với Tổ quốc, thà chết không theo giặc đã gây xúc động lớn trong đồng bào Hòa Đa. Nghe huyện có ý định đặt tên huyện Hòa Đa là huyện Nguyễn Nhỏ. Có lẽ do bận kháng chiến liên tục nên rồi không ai nhắc đến chuyện đó nữa.

Mò được vào tận đồn địch mà không lấy được súng tiếc quá! Ca, Nên và tôi bàn làm lại thử xem sao. Đêm ấy, ba chúng tôi ra hướng đồn, đi luồn từ nhà này sang nhà khác; đên lò rèn ông Kiểm Xồm cách đồn độ trăm mét chợt thấy trong căn nhà trống để ống bễ có nhiều người nằm ở sân gạch, quan sát kỹ thì đúng là địch ngủ, thấy đầu nó có súng. Một ý nghĩ lóe trong đầu, mỗi đứa cuỗm một khẩu súng. Chưa kịp chui vào thì một tên lính không biết từ đâu xuất hiện đi vòng quanh sân, tay lăm lăm khẩu súng. Hoảng hồn, cả bọn vội lui ra, bỏ mồi! Vừa tiếc, vừa ức, giá mỗi người có một quả lựu đạn thì tuyệt. Cho hay, dù là đi ăn trộm súng bí mật mà tay không thì cũng chẳng dễ ăn!

Anh em phát hiện: ban đêm có vài chục tên lính ngủ trên lòng cầu Xóm Lua; thanh niên xóm tôi lại bàn việc đánh bọn này theo tinh thần xáp chiến kiểu Cao Thắng. Cầu có tám nhịp, giữa hai mố là bảy trụ cầu, buộc dây vào năm chân giữa, dùng năm cặp để tấn công. Nối nhau leo lên mặt cầu, bất ngờ xông vào diệt bọn lính ngủ, cướp súng, theo dây tụt xuống nước bơi vền lên bến Xóm Tằm là xong. Kế hoạch rất táo bạo, rất hay, ai cũng hào hứng tham gia đội cảm tử. Nói thì hay, làm được thì lại càng tuyệt vời; song đánh giặc thật không phải như đánh giặc giả thời học trò. Cho một cặp leo lên mép thành cầu quan sát mới thấy bao nhiêu là cái khó. Đánh hai cặp thì nhanh nhưng không gọn, đánh nhiều thì khó giữ bí mật và làm sao tấn công nhất loạt? Nhưng khó nhất là không sao giải quyết được gọn gác lưu động chứ không phải bọn lính ngủ. Tính mãi không xong, cả những người hăng hái nhất cũng không gỡ được đành xếp lại. Chẳng lẽ thanh niên Xuân Hội không làm được việc gì sao? Anh Hai Phê lại đi xem địa thế trong làng. Có một đoạn đường có thể phục kích được. Bên nhà ông Bộ Thiện là hàng rào thuốc dấu rất dày, rậm rạp. Đối diện bên vườn ổi anh Giáo Lý là hàng trụ long cao, có thể khoét lỗ ngồi ém dưới chân rào. Địch thường đi một tiểu đội, ta sẽ dùng 12 cặp, mỗi cặp phụ trách một tên giặc. Khi cặp đầu xông ra ôm tên đi đầu, hô xung phong thì tất cả đồng loạt ào ra nhằm tên phụ trách mà hành động. Vũ khí là mác, phản, rựa cụt cán là gọn nhất. Quyết ăn cho được cú này. Nhưng… lại cũng như! Cao Thắng đánh ở rừng núi thành công rực rỡ, sử sách đã ghi chép, còn ở đây là xóm làng xem két kỹ thấy cũng không ổn. Khoét thử mấy lỗ thấy chỗ kín chỗ trống không sao giữ bí mật cho cả 24 người, nó phát hiện nổ súng trước thì nguy to, chắc chắn bị thất bại. Tính đi tính lại, chỉ huy Hai Phê cũng lắc đầu:

- Chưa được, để tính thêm, nhưng không bỏ đâu!

Nói thì chắc như vậy, nhưng sau đó có tin huyện hỏi thanh niên Xuân Hội không đi tản cư, ở lại xóm định làm gì. Thế là rã đám. Chỉ với tay không, chẳng súng, chẳng lựu đạn, không được giúp đỡ, khuyến khích mà nguy cơ đến tính mạng lơ lửng trên đầu. Thanh niên Xuân Hội muốn đánh địch một trận để có lợi cho kháng chiến mà không làm được. Trong khi đó ở Hòa Đa lại có một chuyện tay không lấy súng giặc thật tuyệt vời. Trường tiểu học Hòa Đa sát đường số 1 bỏ trống vì chạy giặc, các đoàn xe Pháp thường vào nghỉ trưa rồi đi. Một hôm, có đoàn xe ghé trường, lính ăn xong lăn ra ngủ mê mệt, súng ống bỏ ngổn ngang trong phòng. Anh cai trường vào phòng, địch chẳng biết gì, nhìn đống súng thèm quá, anh nảy ý định lấy một khẩu. Súng máy thì dài, nặng, khó giấu, súng trường thì không ngon, đã liều phải cho đáng giá. Thấy một khẩu vừa, gọn, anh lấy đút vào kệ dưới bàn thầy giáo. Địch vội vã hành quân, lộn xộn thế nào mà quên khẩu súng, anh liền xách súng nạp cho xã. Mừng quá mà không ai biết súng gì. Khẩu súng được đưa về huyện trang bị cho bộ đội địa phương. Đây là khẩu tôm xông, chiến lợi phẩm đầu tiên của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Pháp. Khi trung đoàn rút một trung đội địa phương huyện thì khẩu tôm xông này về với đại đội Trần Quốc Tuấn. Trong một trận chống càn ở Ô Rô, nó đã nổ một loạt xâu táo hạ ba tên Pháp. Trường tiểu đội có mượn nó về giản bài binh khí học nên tôi biết rõ lai lịch khẩu súng này. Nhân dân ta thật anh hùng, khi có thời cơ thì tay không cũng làm nên việc lớn. Hồi đó không ai quan tâm khen thưởng chiến công này. Sau ngày giải phóng huyện Bắc Bình viết lịch sử truyền thống thì không tìm ra được anh cai trường này nữa!
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2019, 10:39:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 02:50:34 pm »

Tôi vào Ngọc Sơn với gia đình. Một đêm, có anh Tạ Viết Quý, trung đội trưởng Đại đội 1 chi đội 1 đi công tác ghé xóm, tôi ngỏ ý xin theo anh đi bộ đội, anh nhận lời báo chờ ba hôm nữa anh quay lại dẫn đi. Tôi chờ mãi không thấy, vậy là lỡ một cơ may tòng quân.

Một hôm, anh Bảy Thăng nhắn tôi đến nhà làng Khánh Tài họp bàn công tác kháng chiến. Từ ngày giặc chiếm quê tôi cho đến lúc đó, Ủy ban và Việt Minh Xuân Hội ngừng hoạt động, ngay được gọi đi họp, tôi mừng vô hạn. Tại cuộc họp có các ông Trương Đình Nga, Lê Văn Vui, Nguyễn Hoàng và Văn Thảo. Anh Bảy Thăng động viên mọi người ra sức góp phần vào sự nghiệp kháng chiến. Huyện đã chia thành mười khu (như xá sau này), các làng Hòa Thuận, Đa Phước, Xuân An, Xuân Hội là khu 6. Anh chỉ định ông Nga làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu 6, ông Vui phó chủ tịch, Nguyễn Hoàng thư ký, Văn Thảo chủ nhiệm Việt Minh khu, tôi phó chủ nhiệm. Trước mắt là vận động toàn dân chống địch lập tề, đồng thời tích cực xây dựng lại các đoàn thể cứu quốc. Phương thức hoạt động là bí mật, bất hợp pháp, giữ gìn lực lượng. Công việc ban đầu là rải truyền đơn, dán biểu ngữ, treo băng cờ, làm cho nhân dân tin tưởng kháng chiến.

Anh Bảy Thăng là ủy viên Việt minh huyện và là bí thư Thanh niên Cứu quốc huyện nên còn bàn thêm công tác thanh niên và bổ sung tôi vào Ban Chấp hành thanh niên huyện phụ trách thanh niên khu 6. Mọi người nghiêm trang tuyên thệ dưới quốc kỳ và ảnh Bác Hồ, nguyện trung thành với chính phủ, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đẩy phong trào địa phương lên, góp phần với huyện, tỉnh và cả nước. Ra về, lòng tôi tràn đầy sung sướng vì có sự chỉ đạo của trên, không lơ lửng như thời gian qua phí công vô ích. Rủi thay, chỉ một tuần sau, Văn Thảo hy sinh trên đường công tác ở Thương Thủy. Tôi thay thế nhiệm vụ Thảo. Tôi gặp Trường Cần, em bà con, cũng là bạn học của tôi; Cần là một thanh niên đầy nhiệt huyết, vui lòng nhận ngay nhiệm vụ bí thư Thanh niên khu 6. Cần tập hợp thêm hai bạn Trác, Lý thành một bộ ba rất hăng say, năng nổ. Về Phụ nữ cứu quốc, tôi vận động Trương Thị Kim Cúc làm bí thư Phụ nữ khu 6. Tôi cũng liên lạc với anh Lương Tri, một cán bộ nông dân ở Liêm Công để phụ trách đoàn thể nông dân. Chỉ một thời gian ngắn, Việt Minh khu 6 đã hình thành lại hệ thống các hội cứu quốc, khôi phục sinh hoạt, phát triển lực lượng, trước hết là củng cố lòng trung thành với Chính phủ Cụ Hồ, chống các chủ trương của địch. Phong trào khu 6 khá mạnh và được giữ vững lâu dài.

Ai cũng biết hoạt động là rất nguy hiểm, có thể bị tù đày, hy sinh nhưng công tác cách mạng rất quan trọng, vẻ vang, có tích cực hoạt động mới là thực sự kháng chiến, trung thành với Tổ quốc, với Bác Hồ. Mỗi lần sinh hoạt mừng công tác có kết quả, lòng vui khấp khởi, càng ra sức phát triển phong trào. Tôi vẫn nắm tổ chức thanh niên Xuân Hội; cùng Ca, Nên giáo dục lãnh đạo sinh hoạt và hoạt động; các em đã làm được nhiều việc, bám nắm địch, rải truyền đơn, treo băng cờ, đặc biệt là canh gác bảo vệ các cuộc họp.

Bấy giờ đã có số đông bà con về xóm sống hợp pháp làm ăn, kháng chiến trong vùng địch kiểm soát nên chúng tôi bám xóm làng hoạt động là có nhiệm vụ hẳn hoi, không phải tự động như trước. Là học sinh, anh em viết băng rôn, trình bày truyền đơn biểu ngữ với các loại chữ lớn nhỏ rất đẹp. Ca viết chữ hoa, chữ in, chữ rông, chữ gô tích không chê vào đâu được. Phông nền của các biểu ngữ áp phích đều rẩy mực tạo thành nền trời xanh có cờ đỏ sao vàng. Địch thì gỡ phá còn đồng bào thì trầm trồ khen ngợi. Có khi chỉ một ngày đã quần với địch vài ba lần. Truyền đơn, khẩu hiệu xuất hiện buổi sáng, địch lượm, gỡ hết thì trưa đã có số khác nhiều hơn, đẹp hơn. Chúng lại thu nhặt, la lối hăm dọa dân, chiều vẫn có tiếp. Việt Minh ở cạnh đây thôi, địch mệt đừ với các em thiếu niên cứu quốc dũng cảm này.

Đối đầu như vậy có lần cũng suýt bị nguy hiểm. Chợ Lầu là chợ làng Xuân Hội, các làng lân cận đến họp chợ hàng ngày rất đông đúc. Đầu chợ có một cái lầu nhỏ, có lẽ do vậy nên gọi là chợ Lầu. Địch dùng nhà lầu này làm nhà tuyên truyền, trình bày tranh ảnh khoe khoang sức mạnh của hải, lục, không quân Pháp hòng bắt đồng bào ta khuất phục, hợp tác với chúng. Tôi trà trộn vào xem và thấy nó rất nguy hiểm vì một số người xem cũng trầm trồ thán phục. Chúng tôi quyết phá phòng tuyên truyền. Chuẩn bị đầy đủ cờ, khẩu hiệu, áp phích, truyền đơn nói về cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta nhất định thắng lợi, kêu gọi quân viễn chinh Pháp chống lại cuộc xâm lược phi nghĩa của thực dân Pháp. Viết bằng hai chữ tiếng Việt – Pháp, trình bày công phu, đẹp. Đêm đó, tôi cùng Ca, Nên xuống chợ Lầu, bố trí canh gác rồi cả ba leo lên mái lầu, xuống chợ Lầu, bố trí canh gác rồi cả ba leo lên mái lầu, nảy vào bên trong, bên ngoài cửa vẫn khóa. Xé gỡ hết hình ảnh trưng bày của địch, treo cờ, dán áp phích lên vách, để đầy truyền đơn ta lên bàn. Có ám hiệu báo địch. Tắt đèn ngồi im, nếu chúng mở khóa thì không đường nào thoát vì nhà chỉ có một cửa vào, chúng tôi lại không có vũ khí gì cả. Tiếng giày đinh rầm rập, tiếng nói ồn ào xung quanh càng uy hiếp chúng tôi dữ dội. Có tên còn lúc lắc khóa để kiểm tra. Mỗi giây phút trôi qua là cái chết như sắp đổ xuống đầu. Một chập, chúng kéo đi. Hú vía! Xong việc, leo lên nóc chui ra nhảy xuống, sung sướng ra về. Chắc chắn ngày mai địch bị một vố đau. 8 giờ, địch ở đồn Cầu Xóm Lụa xuống chợ, vào phòng tuyên truyền, chúng sửng sốt rồi ra chợ truy hỏi nhưng chẳng ai thấy Việt Minh đâu cả. Chúng giận dữ bắn bậy một ồi, dọa lần sau còn xảy ra sẽ bắn hết cả chợ. Tất nhiên, chúng tôi cũng biết tin này và chẳng dại gì làm một lần nữa để địch giết hại đồng bào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 02:51:44 pm »

Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 đến thật bất ngờ, vui mừng không thể tả. Thắng lợi rồi! Nam Bộ kháng chiến gần nửa năm, tỉnh ta mới hơn một tháng! Trong lịch sử đánh quân Nguyên đời Trần lần thứ nhất cũng chỉ 21 ngày. Lúc này, chúng tôi mới có lòng trung thành, sự tin tưởng tuyệt đối Chính phủ và Bác Hồ, chứ trình độ chính trị thì còn non yếu nên vẫn thắc mắc: tại sao nước ta chỉ là một quốc gia tự do, lại còn ở trong khối Liên hiệp Pháp? Tại sao Bác Hồ và Chính phủ lại cho địch lên miền Bắc với 15 ngàn quân và 5 năm mới rút hết?

Mấy hôm sau nghe một số người đi qua trước đồn Xóm Lụa cũng không sao, có tên lính ngụy còn nói là đã có hiệp định, hết chiến tranh rồi, dân cứ đi lại làm ăn bình thường. Để biết thực tế, chúng tôi bàn đi trực tiếp quan sát. Tôi Ca, Nên và anh Nguyễn Ngọc Cẩn, người Xóm Tằm, đang học ban tú bài, về ăn Tết bị kẹt không ra Hà Nội được, còn ở xóm tản cư với chúng tôi. Ba giờ chiều, khi đã thấy cầu và tên gác rõ mồn một thì chột dạ cũng không lui lại được nữa. Qua cầu, đến cổng đồn một lính Pháp cùng hai lính ngụy ra hiệu chúng tôi dừng lại:

- Đi đâu?

- Đi tản cư về.

- Về đâu.

- Về Xóm Tằm.

Tôi chỉ vào hướng Xóm Tằm. Một tên ngụy nhìn chúng tôi chòng chọc rất ác cảm. Tên Pháp hỏi, tên ngụy thông ngôn lại bằng tiếng bồi:

- Bốn anh bạn này đi từ nơi trốn về nhà (quatre camarades parti de la fuite à la masion).

Tên Pháp gật đầu không nói gì. Chúng tôi bình tĩnh đi qua đồn. Tên ngụy kia nói với theo:

- Bắt lại giam, đánh chết mẹ nó đi, nó nói láo đó.

- Người ta về lại xóm là tốt, bắt làm gì?

Vừa khuất bóng giặc, chúng tôi bươn bả vào xóm làng chưa hết sợ, nếu chúng trở mặt gọi lại thì nguy. Về nghĩ lại thấy việc qua đồn cũng khá liều lĩnh, vẫn có tên có thái độ rất hằn học mà mình đều là thanh niên, dù anh Cẩn giỏi tiếng Pháp cũng chưa chắc gì đã yên. Sau đó anh Cẩn ra Nha Trang, nhờ giỏi tiếng Pháp nên được chúng cho đi ra khu 5, khu tư và lên Việt Bắc đậu kiến trúc sư, phó tiến sĩ. Ngày giải phóng, anh là phó giáo sư, phó tiến sĩ, Vụ trưởng vụ Kế hoạch, Bộ giao thông vận tải.

Giặc Pháp ngày càng phá hoại hiệp định sơ bộ. Hội nghị Đà Lạt không kết quả. Hội nghị Phông-ten-nờ-blô cũng khó khăn. Ở địa phương không có dấu hiệu gì địch muốn thi hành tạm ước 19 tháng 4, phải chiến đấu thôi. Huyện giải thể các khu, lập các xã. Khu 6 thành xã Thuận Thành; chủ tịch xã là ông Lê Vui, phó chủ tịch là Nguyễn Hoàng, tôi làm thư ký kiêm chủ nhiệm Việt Minh xã. Địch đẩy mạnh chiến tranh, tôi càng muốn đi bộ đội. Theo Hiến pháp 1946, thanh niên phải làm nghĩa vụ quân sự 3 năm, giá hồi đầu năm, anh Tạ Viết Quý trở lại Ngọc Sơn như đã hẹn thì tôi đã đi bộ đội rồi, nay phải xin phép, rắc rối quá. Bạn bè và các anh ở xã đều ủng hộ, riêng anh Bảy Thăng dứt khoát không cho.

- Để anh em khác đi cũng được, cậu đang có nhiệm vụ, phải ở lại hoạt động cho địa phương.

Tôi biết bộ đội tỉnh ta đã có hoạt động, trận Hòn Nghề ở Bình Thiện cuối tháng 5 ta diệt một trung đội Pháp, thu nhiều súng, có hai trung liên. Chiến thắng được truyền nhanh rộng, trong địch hậu cũng rất phấn khởi. Một đêm cuối tháng 7, tôi đang ngủ, giật mình choàng dậy vì súng máy đồn Xóm Lụa nổ dồn dập dữ đội, đường đạn bay trên mái nhà thật khiếp. Cả giờ trôi qua, tiếng súng thưa dần rồi tắt hẳn, đêm vắng lặng. Sáng rõ, một số ở gần đồn kéo ùa vào mới biết khi đêm bộ đội đánh diệt đồn, lấy súng, thiêu hủy hết đồn rồi. Địch xây đồn mới, lực lượng tăng thêm một trung đội. Tiếc là đánh xong, bộ đội ở thu dọn lâu mà không cho nổ sập cầu Xóm Lụa.

Giặc Pháp không thi hành tạm ước 19 tháng 4, càng thúc giục tôi nôn nóng nhập ngũ để làm tròn nghĩa vụ người trai “xếp bút nghiên”. Là cán bộ Việt Minh và Ủy ban xã, tôi phải được sự đồng tình ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo. Thời đó dù đi bộ đội mà không được tổ chức đồng ý vẫn bị xem là đào ngũ. Tôi đã quyết nên mỗi khi họp là tôi kiên trì vận động. Cuối cùng anh Bảy Thăng cũng xiêu lòng:

- Nó muốn đi qua mình cũng không nỡ cản. Vậy là mất một cán bộ thanh niên rồi!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 02:57:10 pm »

4. Nhập ngũ.

Dịp may đã đến. Đầu tháng 10 năm 1946, các anh Ba Cường và Bảy Sách, chiến sĩ Đại đội Quang Trung về làng vận động nhập ngũ. Bảy anh em Xuân Hội tòng quân. Tôi ở tuổi thanh niên nhưng nhỏ con, ốm yếu, Công và Khánh mới 16 tuổi, là ba người nhỏ con nhất. Ai cũng nói chắc tôi bị loại thôi, ốm yếu như vậy làm sao đánh giặc nổi. Hơi buồn nhưng tôi cứ quyết đi. Có người trốn cả cha mẹ, vợ con để đi, tội nghiệp. Tôi thì không, khi xin phép bà nội và mẹ không cản nhưng ý chứng không muốn tôi đi vì tôi là con trai lớn. Cha tôi nói nhẹ nhàng:

- Con đi là đúng. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Cha đã già rồi, nếu còn trẻ cha cũng đi.

Tôi cảm động không nói nên lời, nắm chặt tay ông và lòng biết ơn vô hạn. Cha tôi đã động viên, chắp cánh cho tôi. Mẹ cho hai chục đồng bạc Việt Nam và dặn:

- Con phải ráng sao cho bằng anh bằng em.

Tạm biệt gia đình ruột thịt, xóm làng, bạn bè thân yêu ra đi vì nước, thỏa chí tang bồng, mai này đất nước độc lập, thanh bình, nếu còn sống, ta sẽ về lại mái nhà từng gắn bó từ ngày thơ ấu, sống lại cuộc đời vui tươi nơi thôn đã yên lành. Mẹ tôi đi tiễn một đoạn đường. Bà bưng một rổ lớn nói là đi Thái An hái dâu tằm nhưng tôi biết ý định của mẹ là đi trước “trinh sát” bảo vệ cho chúng tôi vì bà dặn khi nào giở nón lá là có địch, ở sau phải lách tránh. Từ Thái An, đoàn đi vào đường xe bò xuống Bàu Trắng. Mẹ đứng nhìn đến khi chúng tôi khuất xa mới rẽ vào xóm. Đến Dốc Găng ghé vào một chòi rẫy nghỉ. Chủ nhà hỏi:

- Đi đâu mà toàn thanh niên vậy?

- Chúng tôi đi bộ đội. Xin bác một ít nước để ăn trưa rồi đi tiếp.

Nước ở Khu Lê rất khó, nhưng chủ nhà còn vui vẻ bưng ra một rổ khoai lang luộc mời khách. Khoai đất cát rất ngon, củ nào cũng tròn lẳn, mới thấy đã thèm. Chúng tôi ăn sạch cả rổ khoai rồi để hết cơm nắm biếu lại chủ nhà. Ở rẫy thường ăn cơm độn khoai đậu, nay có vắt trắng thì tuyệt rồi. Bốn giờ chiều, anh Cường vào đơn vị báo cáo. Ba mươi phút sau có hai người ra gặp. Một chỉ huy to cao đẹp trai, đầu đội bê rê bát, đính sao có vành vàng, quân phục xanh dương, nịt xanh tuya rông, một bên đeo xắc cốt, một bên đeo súng ngắn hơi trễ xuống, giầy da cao cổ rất oai. Một người đeo xác cốt, mặt xita xám, ca lô xám có sao vành chỉ bạc. Đại đội trưởng nhìn kỹ từng người, tự nhiên tôi thấy hồi hộp như sắp trải qua một cuộc sát hạch. Bỗng ông hỏi tôi:

- Tên gì?

- Dạ, Phạm Hoài Chương.

- Bao nhiêu tuổi? (có lẽ ông thấy tôi nhỏ con).

- Dạ, mười tám.

- Văn hóa đến đâu?

- Dạ, cơ thủy. (không biết sao tôi không nói tiểu học. Hồi đó có lúc người ta cũng nói tiểu học là cơ thủy).

- Cơ thủy là gì? Primaire, Diplôome hay Bachelier? (tiểu học, thành chung, tú tài)

Chà, hách quá. Tôi lúng túng nhưng rồi cũng giữ được bình tĩnh.

- Dạ. Primaire.

- Chịu được gian khổ, hy sinh không?

Tôi phấn chấn hẳn lên:

- Dạ được!

- Chắc không?

- Dạ chắc.

Bây giờ đại đội trưởng mới mỉm cười:

- Thế thì tốt.

Tôi nhẹ cả người, vậy là đã qua sát hạch thắng lợi. Có lẽ ông thấy tôi ốm, nhỏ con nên chỉ hỏi một mình tôi. Như thế cả ba người nhỏ nhất đều được nhận, bốn người kia tất nhiên rồi, vì đều khỏe mạnh, rắn chắc. Sáng hôm sau, y tá trưởng Liễn ra khám từng người, cũng sơ sơ thôi, đo chiều cao bằng đứng dựa vào cột chòi. Nghe tim, phổi, gõ đầu gối, không đo huyết áp, không cân ký, may quá!

- Được hết!

Tôi và Công về trung đội 2. Trung đội trưởng trung đội 2 tên Nguyễn Uẩn, người Huế, bố trí cả hai làm liên lạc trung đội. Tôi xin được ở tiểu đội chiến đấu và đã toại nguyện. Tôi về tiểu đội 2, tiểu đội trưởng tên Kiểm (người Bắc), trong đoàn quân Nam tiến vào tháng 10 năm 1945. Từ đây tôi là chiến sĩ Đại đội Quang Trung, Trung đoàn 82 – Bình Thuận.

Vào bộ đội, tôi và nhiều bạn đều mong sao qua được 3 năm quân ngũ để làm tròn nghĩa vụ quân sự của người thanh niên theo Hiến pháp quy định. Sau đó lâu thêm bao nhiêu càng tốt. Nào ngờ chống Pháp 9 năm, và chống Mỹ 21 năm nữa!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 02:58:10 pm »

*
*   *

Mấy ngày đầu trong đại đội, tôi vừa vui vừa thoáng buồn. Vui vì đã thành người chiến sĩ trong đại gia đình quân đội cách mạng; có buồn đôi chút vi đây là lần đầu xa gia đình, làng xóm, bạn bè đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Nhưng trước mắt là nhiệm vụ cao cả của người chiến sĩ tiền phương, tôi lại nhớ đến gương các anh hùng hào kiệt được học ở trường, được xem trong “sách cấm” ngày nào, nhớ đến lời dặn dò của cha mẹ, tôi hăng hái phấn chấn hẳn lên, nhanh chóng hòa vào cuộc sống của đơn vị. Trung đội trưởng bố trí tôi làm cấp dưỡng một thời gian để rèn luyện thử thách. Anh em trong tiểu đội động viên:

- Ai cũng phải qua bước này cả, đậu thì ở lại chiến đấu, rớt thì cho về. Cậu là học trò chắc hiểu biết điều đó. Bọn mình thi đầu hết mới được mang súng đấy.

Không biết các anh ấy có thi không nhưng tôi cũng cười, nói chắc nịch:

- Tôi đậu thôi, sau thời gian thử thách, tôi sẽ lại về lại tiểu đội thôi mà!

Tôi thầm nghĩ chắc mọi người cho tôi là học trò ở nhà sung sướng chứ biết đâu tôi đã lao động dạn dày, việc thử thách này không có gì làm tôi phải lo lắng. Cùng đến quản lý đại đội nhận việc còn có một số tân binh khác. Bác quản lý già thấy tôi nhỏ con tỏ vẻ thông cảm:

- Ráng lên đừng lùi bước, hết thời gian quy định lại về trung đội mang súng thôi!

- Cám ơn bác, người khác làm được thì tôi cũng làm được.

Hôm sau đại đội hành quân chiến đấu. Mười anh em đi phục vụ nuôi quân có tôi. Đường hành quân qua động cát Bàu Tráng ra Tăng Phú. Đại đội đóng quân ở Tăng Phú rồi đi phục kích bên Phan Rí Cửa. Chúng tôi kiếm củi nấu ăn, vắt cơm cho đơn vị về lấy. nặng nhọc nhất là lúc hành quân qua động cát, tôi cùng một tân binh khác khiêng bao gạo bằng một cây đòn sò đo. Dù được anh giúp đỡ, để tôi khiêng đầu trước và đoạn tôi hơi dài nhưng tôi thấp, trọng lượng lại dồn về phía tôi nhiều hơn thành ra càng vất vả. Khi đổi vai, tôi lại phải dừng lại, chùn chân lấy sức, hai tay nâng đòn qua đầu, có lần nặng quá nâng không nổi bị đòn gánh đánh lên đầu đau điếng, cát lún, chân đi xếu xáo, bao gạo như nặng hơn; chẳng có đoạn nào đất cứng cho đỡ một chút, toàn là cát, mồ hôi đầu đìa đầu tóc, mặt mày quần áo. Gần hai giờ khuya đến nơi, thở phào nhẹ nhõm. Việc nặng nhất đã qua, các việc khác bây giờ chỉ cần siêng năng là được. Cơm nước thì bác quản lý ưu đãi, ăn thoải mái, khỏi chia phần. Thời gian rồi cũng qua, tôi về tiểu đội với cái nhìn vui vẻ của mọi người.

- Được rồi, giờ lo huấn luyện để đi đánh giặc, mà đánh giặc mới là thử thách quyết liệt nhất.

- Tôi cũng đậu nữa thôi!

Tiểu đội trưởng và các chiến sĩ cũ đều hết lòng giúp đỡ chỉ bảo nhưng lại giao cho tôi mang một khẩu súng trường Nhật dài đẫm đễnh, súng không có dây quai, tôi phải vào rừng lột mẩu bện thành dây; làm sao êm bằng dây bờ-rờ-ren? Súng quá dài, mũi súng cao hơn đầu tôi cả tấc, đế súng thòng quá gối vài tấc! Găng nhất là cái nắp sắt đậy cơ bấm, mỗi lần lên đạn kêu rổn rảng thật đáng ghét mà cũng đáng sợ. Quân Nhật đánh chính quy cả binh đoàn không cần bí mật, ta đánh du kích thì bất lợi vô cùng. Mọi người an ủi:

- Súng Nhật bắn rất êm. Người cậu yếu, bắt mút-cờ-tông giật mạnh không chịu nổi. Đạn Nhật bắn đâu nổ đó, hạ giặc ngon ơ, không lép như đạn đam (đạn Pháp), nhiều lúc mất ăn, tức chết được.

Tôi mang khẩu súng cả trung đội trưởng, trung đội phó thấy cũng cười nhưng cũng không bảo đổi khẩu khác. Về sau, tôi bắn mút-cờ-tông thì không phải tất cả đạn đều lép và cũng không giật mạnh lắm, tôi chịu dư sức. Thì ra, lính cũ cũng đùn cho lính mới thứ súng dài thườn thượt, không thích mà thôi.

Tôi tập bắn, ném lựu đạn ngoài thao trường các buổi sáng, chiều. Trưa thì ngắm điểm chạm tại doanh trại, tối sinh hoạt, hát tập thể. Mấy ngày sau có lệnh đẽo kiếm gỗ để võ sư Phi Hùng (cũng lính đại đội) dạy bốn đường kiếm chém, đâm, đỡ, gạt cả bốn cửa trước, sau, phải, trái. Đại đội trưởng động viên:

- Ngày xưa, binh sĩ Tây Sơn ra trận xông lên như gió lốc, chém rụng đầu giặc như sung, quân địch bạt vía kinh hồn. Bây giờ, quân Pháp cũng rất sợ ta dùng bạch binh đánh giáp lá cà, phải cố tập cho giỏi.

Ở đại đội, tôi thấy có nhiều mã tấu thật. Một hôm, tôi đang tập đứng bắn, chính trị viên Phạm Hương từ sau đến nắm lấy đầu súng đẩy mạnh ra sau làm tôi suýt ngã.

- Anh ni là dở nhất!

Tôi ngượng quá, từ đó hết sức cảnh giác khi thấy cán bộ đến gần. Nhờ bị chê mà tôi tập môn xạ kích không đến nỗi nào. Ba bạn Cần, Lý, Trác cũng vừa mới nhập ngũ, tôi có thêm bạn thân càng vui. Cần, Lý to con, khỏe mạnh, tập tiến bộ nhanh. Trác bị cận nặng phải mang mắt kính có quai ra sau ót, chỉ sợ khi tác chiến mà rớt, hoặc bể kính thì nguy; tuy vậy cho đến tập kết, Trác mang kính cận đằng đẳng tám năm vẫn không hề gì.

Đại đội hành quân lên Thái An phục kích tại mé rừng hướng ra ruộng. Tôi ở tổ xung lực cạnh trung liên phát lệnh của trung đội 2. Tôi hy vọng cùng đồng đội lập công trận này. Phục ba ngày không địch, lòng nhủ lòng chờ dịp khác. Ở Thái An mấy tháng trước, trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám vá Quốc khánh 2 tháng 9 đã diễn ra một trận đánh của đại đội, ta thu một trung liên đầu bạc, mà mất lại một trung liên đầu đen, xem như hòa, nhưng giặc Pháp cũng nể Quang Trung và sợ Thái An không dám đi càn thường xuyên như trước. Mấy ngày phục kích cũng làm cho tôi quen với việc chọn địa hình vừa che khuất vừa che đỡ, để quan sát, có lợi thế xạ kích, bổ ích cho các trận đánh sau này.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cả nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ đứng lên toàn quốc kháng chiến. Trước lúc xuất quân, Đại đội Quang Trung tổ chức mít tinh ở xóm Bình Thiện, nhân dân các làng xung quanh đến dự rất đông. Đại đội trưởng Đinh Ngọc Hằng đăng đàn diễn thuyết, ông nói rất hùng hồn, hấp dẫn, khi dứt lời, tất cả vỗ tay như sấm dậy và hô khẩu hiệu vang động cả khu rừng, thể hiện ý chí muôn người như một, tin tưởng Chính phủ Cụ Hồ, quyết tâm kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Sau mít tinh là một đêm lửa trại theo kiểu hướng đạo. Xung quanh đống lừa hồng rực sáng, các tiết mục cây nhà lá vườn nhưng không kém phần đặc sắc, đủ cả đơn ca, đồng ca, hề độc diễn. Vở kích ngắn tả lại trận Bình Thiện, địch đang lùa trâu bò xuống huyện, bị đội đội nổ súng, chúng bò lê bò càng làm mọi người cười lăn cả ra. Liên hoan đoàn kết quân dân đậm tình cá nước là cuộc động viên chính trị đặc sắc mà đơn vị thực hiện rất thành công. Trong thời kỳ đầu chống Pháp, Đại đội Quang Trung với những chiến công rực rõ và công tác quần chúng xuất sắc đã tạo được niền thương mến, tin yêu không bao giờ phai nhạt trong đồng bào các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 03:03:15 pm »

5. Rèn luyện.

Đại đội đánh đồn Thượng Chánh – Phan Rí Cửa, do một tiểu đội địch đóng giữ. Một bộ phận bí mật áp sát đồn chờ địch tập hợp chào cờ sáng thì nổ súng. Một bộ phận phục kích tại chợ Phan Rí Cửa, cách đồn vài trăm mét chặn viện Hòa Đa. Trung đội 2 đảm nhận đánh viện cũng chia hai bộ phận. Hai tiểu đội có trung liên bố trí tại chợ sẽ diệt hai đến ba xe. Một tiểu đội xung lực bố trí trên các lầu cách chợ 100 mét đánh chặn các xe sau. Tôi nằm trong tiểu đội ở trên lầu. Nhiệm vụ tiểu đội tôi vừa nhẹ vừa nặng: địch viện ít thì chỉ đủ cho trung đội diệt, không còn phần chúng tôi; địch nhiều thì nhiều mấy cũng diệt cho bằng được, như vậy sẽ rất nặng và phải đánh ác liệt để bạn hoàn thành nhiệm vụ. Quân Âu Phi cơ động Hòa Đa có tới 3 đại đội, nhất định chúng sẽ đi nhiều, chúng tôi không sợ chỉ ngồi xem bạn đánh.

Đêm Phan Rí Cửa về khuya im lìm lặng lẽ. Bà con thấy bộ đội đến bố trí rất sợ, ta động viên chủ nhà cứ bình tĩnh núp kín tránh đạn, họ không nói gì, còn đem quà bánh ra ủng hộ. Hồi đó, một tiểu đội có 12 người chia thành 2 bán đội. Bán đội tôi có tiểu đội phó Thiên bố trí trên lầu hai nhà. Lần đầu tham gia đánh địch trong vùng sâu, dân cư đông đúc, nhưng nhà cửa san sát, có thể che đỡ tốt nên tôi cũng bình tĩnh cùng anh em chờ giờ nổ súng.

Một loạt trung liên rền vang, tiếp theo tiếng lựu đạn, súng trường dồn dập. Đánh rồi! Có tiếng ôtô.

- Địch viện nhanh thế? Mấy chiếc?

- Một.

- Sao ít thế?

- Nào ai biết vì sao?

Mấy tên lính Pháp ngồi trong thùng xe to đùng. Xe đến chợ, khẩu trung liên của trung đội khạc rất giòn. Trên lầu, tôi thấy anh em tràn ra đường. Anh Uẩn đứng rạng chân, miệng thổi còi liên tục. Chiếc xe bốc cháy rừng rực. Có liên lạc đến cho biết: đây là chiếc xe mang máy điện thoại xuống đồn, nó ra khỏi Hòa Đa, ta mới nổi súng nên chưa phải là quân viện, ta diệt sáu tên, thu sáu súng trường Anh, một số máy và dây điện thoại. Trung đội tiếp tục phục đánh quân viện cho đồn. Trung đội đánh thắng đã làm khí thế đơn vị lên rất cao.

Hơn 15 phút mà súng ở đồn vẫn còn nổ, tiếng trung liên bắn qua lại không dứt, xen kẽ tiếng súng trường, lựu đạn ầm ầm. Kiểu này là chưa dứt điểm, sẽ đánh viện to. Bỗng có lệnh: Đại đội cho trung đội 2 lui, xuống đò qua Hà Bớ. Dưới bến đã có nhiều thuyền dân chở bộ đội. Lên đất Hà Bớ, tôi thấy bóng dáng cao lớn của đại đội trưởng và chính trị viên Trần Quốc Thái phía trước. Đang trên đường ra Tân Phú thì nghe tiếng xe ầm ĩ bên chợ, tiếp đó thấy khói lửa ngút trời. địch đã sang sông đốt làng Hà Bớ ở sát biển, hàng trăm nhà lá san sát nên cháy sạch cả. Quân viện không bị đánh, không dám đuổi bộ đội mà quay ra hại dân, tội ác giặc Pháp thật chồng chất. Về Tăng Phú được biết do ban ngày quá trống, ta không áp sát được sân đồn, địch tập hợp chào cờ nhưng xa, mấy loạt trung liên đầu không diệt hết địch, tên xếp và tên xạ thủ trung liên còn sống sót xách được khẩu trung liên chạy vào đồn bắn trả quyết liệt. Không chiếm được đồn, kéo dài sẽ bị kẹt không sang sông được nên đại đội cho lui. Bọn viện đến nghe dân hù là bộ đội đông lắm nên chỉ đốt nhà dân trả thù. Thương đồng bào Hà Bớ bị tai họa, may là không ai bị giết. Ta chỉ thương nhẹ vài đồng chí khi đánh đồn. Đồng chí Trương Cần đánh trận rất dũng cảm, được đại đội biểu dương. Tôi xiết chặt tay mừng bạn lập được thành tích.

Đại đội hành quân ra Tuy Phong, đóng trong rừng không xa đồn ga Sông Lòng Sông mấy, các tham mưu con đoán chắc sẽ đánh đồn tiếp. Quả là hôm sau đại đội phổ biến kế hoạch đánh ga Sông Lòng Sông. Trung đội 2 phụ trách đánh dãy nhà lính của đồn. Trung đội chia thành 3 mũi vào sát sân rào cách vách đồn trên 30 mét. Đồng chí Văn (tân binh) phụ trách tiểu đội phó đi kiểm tra đội hình, thấy tôi nằm trong một hố trũng hơi chệch không đúng hình chữ V như học ở nhà, liền bảo tôi phải dịch lại cho đúng, tôi không cãi nhưng ra trận điều quan trọng là phải biết lợi dụng địa hình địa vật cho có lợi khi tác chiến, xê dịch chút ít chả sao, việc gì phải đúng chữ V, chữ A!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 03:04:44 pm »

Súng máy trung đội một nổ giòn giã, tiếng súng trường lựu đạn liên hồi. Địch bắn trả như vãi đạn. Chúng tôi tập trung bắn vào những nơi có ánh lửa tóe ra. Tôi ném một quả lựu đạn vọt qua rào, lăn lông lốc vào phía vách đồn, nổ dữ dội nhưng vì ngoài vách nên chẳng ăn thua gì. Trung đội trưởng cho đưa trung liên và một số xung lực vượt rào. Anh Kiểm leo rào, chạy vọt qua sân vào trong được một lựu đạn thì trúng đạn hy sinh. Trung liên chưa vào được, pháo sáng rọi thấy nhau rõ mồn một, địch bắn rát, trung đội trưởng thấy bộ đội bị chặn ngoài rào, nếu dây dưa, thương vong càng nhiều, nên cho lui. Anh Kiểm hy sinh, không đem về được.

Xuất quân đánh hai trận không kết quả nhưng tất cả vẫn quyết tâm chiến đấu lập công. Chiều 18 tháng 01 năm 1947, đơn vị ra quốc lộ 1 phục đánh giao thông đêm tại dốc Bàu Đá – xã Chí Công. Tiểu đội tôi nằm lề bắc đường chỉ cách mé lộ vài mét, ban đêm càng sát địch đánh càng dễ. Một xác ô tô con nằm cạnh đường được đẩy ra chắn ngay giữa lộ. Tiểu đội trưởng của tôi là anh Hồ Thế Sanh (quê Duồng, học sinh trung học, hiền, dễ mến) dặn tất cả đánh trận phải làm động tác bắt chước cho nhanh, bắn bao nhiêu đạn phải lượm hết vỏ về nạp. Tôi biết anh muốn kiểm tra chiến sĩ báo cáo bắn mấy viên thì phải có đủ số vỏ đạn nạp lại. Tiểu đội trưởng dẫu không dặn là không được ngủ quên thì tôi vẫn không chợp mắt được, bụng cứ nôn nao đợi giờ xe đến! Có lẽ hơn 3 giờ, chùm sao Bắc Đẩu đã chênh ngang tây. Có tiếng động cơ, tôi lên đạn, nhô đầu quan sát mặt đường. Ánh đèn pha sáng lóa trước mắt. Bị vật cản, chiếc xe đầu dừng lại. Các hỏa lực hốt-kít, bờ-ren đồng loạt trút đạn vào xe địch. Tiếng súng toàn trận nổ giòn giã. Tôi nhằm số lính trên xe đầu bắn liền ba phát thì anh Sanh xung phong, tôi nhảy vọt lên theo anh ra đường. Đêm lại tối như mực, đang dò tìm xác địch dưới đường để thu súng thì nghe một tiếng nổ lớn, lửa bốc cháy rừng rực cùng tiếng đạn nổ lớn, lửa bốc cháy rừng rực cùng tiếng đạn nổ như bắp rang trên xe, mùi khói súng, mùi thịt người khét lẹt tởm lợm. Một đồng chí nào đó đã vội vã ném chai cháy vào thùng xe, không ai dám lên xe thu súng. Chiếc xe thứ hai phía sau cũng cháy nhổ như vậy nên mọi người chỉ còn sục sạo hai bên đường. Có lệnh rút, tôi sực nhớ, vội quay lại hầm mò lấy đủ ba vỏ đạn. Về Thuận Long được phổ biến: kết quả ta đã diệt, thiêu hủy hai xe, bắn bị thương một xe, chiếc này chưa lọt vào ổ phục kích vội quay lại, bị bắn xép lốp sau, thương vong một số trên xe, nó vẫn cố lết về Duồng. Gần hết một đại đội Âu Phi cơ động của chi khu Hòa Đa đã bị diệt, nhưng ta chỉ thu được hơn chục súng trường Anh và mấy tiểu liên vì số lớn vũ khí bị cháy rụi cùng số lính chết trên hai xe. Địch ném một quả lựu đạn chày trúng hầm hốc-kít làm ba hy sinh (trong đó có đồng chí Phan Nhân Cương, trung đội trưởng trung đội 3, đồng chí xạ thủ hốc-kit và ba bị thương. Bọn này là lính lê dương thiện chiến nên cũng có tên kịp chống trả, gây cho ta tổn thất. Dù vậy, đây vẫn là một chiến thắng lớn, giòn giã của đại đội. Calvet, đại úy chi khu trưởng Hòa Đa, từng khoác lác sẽ bóp chết Đại đội Quang Trung trong một tháng; nhưng lâm trận đã tháo chạy thục mạng, bỏ mặc lính bị tiêu diệt. Quá trưa, địch mới đến trận địa, bắt dân xung quanh thu dọn xác chết, lượm lại súng đạn của bọn lính chết. Nếu đại đội để gần sáng mới rút hoặc để lại một số trinh sát sẽ thu thêm khá nhiều súng, có cả trung liên và mọt-ta. Âu cũng là thời kỳ đầu chiến tranh, chỉ huy và chiến sĩ chưa có mấy kinh nghiệm trong tác chiến và xử lý tình huống. Tôi được đại đội trưởng biểu dương không phải vì diệt địch thu súng mà vì đã nộp đủ ba vỏ đạn. Có lẽ không ai trong đại đội làm như vậy nên đại đội đánh giá cao để nêu gương. Thời ấy, mỗi súng chỉ có 10 – 15 viên đạn, phải nộp lại vỏ đạn như cho binh công xưởng rờ sạt thì mới có phát tiếp. Chiến thắng Bàu Đá có ý nghĩa và tác động lớn đối với phong trào địa phương.

Rừng chiến khu Thuận Phong –Nha Mé hôm nay tươi đẹp làm sao, gió sớm mát lành, cành lá xanh tươi mơn mởn, những cành mai vàng càng tô điểm thêm cho cảnh sắc ngày xuân. Tết đến với chiến sĩ! Vừa lập được chiến công để hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Đại đội Quang Trung như tươi trẻ hẳn lên, vui vẻ phấn chấn lạ thường. Mới hôm kia về đây còn âm thầm lặng lẽ với cảnh rừng không mông quạnh, chả có gi đặc biệt, có lẽ vì đang ém quân, nhưng hôm nay lại thấy nó xôn xao sôi động, tươi tắn lạ thường. Người vui cảnh cũng vui theo! Kế hoạch mấy ngày xuân của đại đội thật hấp dẫn. Chiều 29 và sáng 30 ăn Tết nội bộ; chiều 30 đi La Gàn ăn Tết đoàn kết quân dân; sau đó đi Duồng, Long Hương. Được đi thăm viếng và ăn Tết với đồng bào mấy bữa đầu năm thì thật là thú vị. Chiều 29, đại đội ăn Tết sớm. Chờ quản lý dọn các món, quản ca đại đội bắt nhịp bài Ra đi vì nước, rồi từng trung đội thi nhau hát các bài tù của mình.

- Đây mới là bữa ăn Tết sớm. – Quản lý Lương Văn Nghĩa nghiêng mình rất điệu nghê: - Trưa mai 30 ăn Tết chính thức lớn hơn.

- Có ngon không ạ? – Một chiến sĩ nào đó lém lỉnh chen vào.

- Chắc chắn là ngon rồi. – Anh Nghĩa tươi cười tiếp: - Chiều 30 xuống La Gàn. Đại đội cùng địa phương lo chu đáo rồi!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 03:08:56 pm »

Một tràng vỗ tay tán thưởng rầm rộ. Nói là sơ bộ nhưng tôi thấy nào là thịt dồi cà chua, cá thu kho với thịt heo và tôm sú ăn cùng bánh tét, bún với thịt hầm, thịt xào chua, bánh tráng nướng, toàn là những món ăn ngày Tết chính cống. Vài mòn bánh ít, bánh nậm tráng miệng không chê vào đâu được. Sơ bộ mà thế này thì quá thần tiên, còn hơn ở nhà nhiều. Bữa Tết kháng chiến này thật là sang! Mấy ông quản lý thật giỏi và nhờ có sự ủng hộ chí tình của bà con Phan Rí Cửa, Duồng, La Gàn, Long Hương mới được vậy. Sau thời gian hành quân chiến đấu, nay về chiến khu ăn Tết vui Xuân thật phấn khởi. Ai cũng náo nức sẽ đi thăm viếng và ăn Tết với đồng bào cho thỏa tình quân dân cá nước rồi lại tiếp tục hành trình kháng chiến, giành thêm nhiều chiến thắng cho rạng danh Đại đội Quang Trung, góp phần tích cực vào công cuộc chống Pháp, cứu nước.

Cái vui nhất trong sinh hoạt tập thể vẫn là thi thố tài năng ca hát của từng trung đội hoặc đơn ca, song ca đối với những người có giọng hát hay. Anh Hồ Thế Xuân Sanh là cây đơn ca hay nhất đại đội. Anh có giọng ca ấm áp mượt mà; những bài Chiến sĩ trong đêm Xuân, Đàn chim Việt, Nhớ chiến khu, anh hát nghe như gần, như xa, lúc sâu lắng, khi dâng trào, thánh thót như rót vào lòng người, nhất là bài Thiên thai anh hát sao mà ngọt ngào say mê quyến rũ đến thế! Mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ một câu của bài Chiến sĩ trong đêm xuân:… “Kìa lác đác rơi bông hoa mai trắng, chống kiếm bên đường vắng, xuân sang chiến sĩ chờ”… Lời hát có phần mộng mơ, lãng mạn nhưng thật là hay và hát trong đêm xuân thì cũng thật thích hợp. Hồi ấy chúng tôi cũng chẳng thấy ảnh hưởng gì đến tinh thần giết giặc, ngược lại còn thúc giục mạnh mẽ hơn là khác. Ngay bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, câu đầu cũng là; Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường! Anh Sanh không chỉ hát hay các bài trữ tình mà còn hát rất hay các bài hùng tráng như Thanh niên hành khúc, Không quân Việt Nam (Văn Cao), Bạch Đằng Giang… Trung đội 2 chúng tôi được chấm nhất bài Bắc Sơn. Trung đội 1 thì lúc nào cũng Ra đi vì nước thật hùng tráng, dồn dập. Trung đội 3 thì nổi tiếng với các bài ruột mà nay tôi chỉ nhớ là khi trung đội hát đến đoạn “Dấn bước lên đường, tiến tới chiến trường, nơi sa trường phủ lớp màn sương… thì cả trung đội như nhổm hết lên, ca gõ muốn bể và người hát cũng muốn đứt cả cổ! Đêm ấy tất cả ngủ một giấc thật yên ả ngon lành.

Sáng 30 Tết trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, gió ban mai mát lành. Tạm gác chuyện chiến đấu đã qua, trước mắt rạo rực chờ chiều nay xuống La Gàn. Tôi tính sẽ mặc chiếc áo sơ mi trắng may để mừng Tết độc lập nhưng rồi kháng chiến cất mãi, nay vẫn còn mới toanh. Áo này mặc với chiếc quần âu màu xanh dương chắc là rất nổi. Đi thăm đồng bào ngày Tết làm dáng một chút vậy mà.

Liên lạc đại đội đến thông báo có một cánh địch lớn đang tiến về hướng đại đội. Các trung đội lập tức kéo lên đồi phía sau, cách khoảng trăm mét. Ba dãy động cao, động sau cao hơn động trước, từ dãy cuối đổ xuống là rừng già kéo đến quốc lộ 1. Đại đội bố trí trên đồi thứ nhất. Đồng chí Thiên (tiểu đội phó) và tôi gác dưới chân đồi. Ban chỉ huy đại đội đi qua trước mặt, tôi hỏi đại đội phó Phạm Xuân Ngô:

- Địch đến, chúng tôi được bắn không hay chỉ bí mật lên báo cáo?

Đại đội phó không trả lời chỉ làm điệu bộ lên cu-lát rồi cùng đại đội trưởng, chính trị viên lên đồi. Tổ tôi nấp trong một lùm kín đợi địch, đến thật gần. Những tên Pháp cao to, mặc kaki vàng, đội calô, miệng hò hét a-lát-xô, vừa bắn vừa chạy đến chân động để lên chiếm đỉnh đồi. Nghe tiếng nổ trên đầu, nhìn lên thấy khẩu bờ-ren của trung đội đang nhả đạn. địch quá gần, tổ tôi hạ hai tên, chúng bắn như vãi đạn. Thiên gọi:

- Chạy!

- Chưa có lệnh sao dám lui?

- Anh em trên động lui hết rồi. Chạy nhanh theo trung đội kẻo bị kẹt.

Gặp anh Sanh mừng quá, anh bảo:

- Địch rất đông, bắn nhanh đi Chương!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 03:11:12 pm »

Hai anh em bắn từng phát. Anh Sanh súng trường Anh, tôi mút-cơ-tông,cứ nhằm mấy thằng chạy đầu mà nện, nó to dềnh dàng, nheo ngon lắm.

- Mình hạ được ba tên rồi!

- Tôi cũng bắn gục hai đứa, thấy bụng nó xịt khói rõ ràng.

Tôi bắn được năm viên, đang thay gắp đạn thì Thiên chạy đến gọi:

- Anh Sanh rút mau, đại đội lui rồi.

- Sao không thấy lệnh anh Uẩn.

- Không biết, anh em đi hết, tiểu đội mình cũng phải lui thôi.

Bên trái không còn trung liên bắn chặn nữa, cả tiểu đội vượt qua khoảng trống cuối cùng lên đồi ba. Ở đây là tuyến chiến đấu cuối cùng trên cao, nếu bỏ đồi tụt xuống rừng ở dưới thấp thì rất bất lợi. Nhìn xa xa bên trái, tôi thấy đại đội trưởng đứng cạnh khẩu hốc-kít đang khạc đạn, miệng nhai nhai một vạt áo, thói quen của anh khi đánh trận. Có lẽ phía trung đội 1 mé bên trái, địch đã lên đồi ba rồi nên có đạn bắn xuyên hông chúng tôi. Và kìa, cả ban chỉ huy đại đội đang tụt xuống rừng. trung đội 2 cũng yểm hộ nhau rút xuống. Mất điểm cao nhưng biết làm sao được, thế trận đã vỡ, bạn đã lui, có muốn giữ cũng không được. Địch thì nhí nhố vang trên đồi và quét từng loạt dài trung liên xuống rừng. Vào sâu mấy trăm mét, đại đội dừng lại bố trí chặn địch đuổi theo. Có lẽ bị thương vong nhiều nên chúng chẳng dám đuổi theo nữa, chỉ chiếm điểm cao rồi càn sục vào khu vực đóng quân của đại đội thôi.

Trời về trưa nóng ghê gớm. Dưới thấp bị đồi che khuất, không gió càng oi bức dữ, nước bình toong đã hết từ bao giò, cơn khát cháy cổ, dày vò hơn đói. Chiều tối về lại vị trí, một cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt: tất cả đồ đạc cất giấu đều bị xáo tung đốt sạch, các thùng son thịt cá, các bao bánh Tết đều bị đâm thủng, dẫm nát. Càng mệt, đói, càng căm tức bọn giặc dã man độc ác. Đây là tiểu đoàn Âu Phi cơ động từ Phan Thiết ra phản ứng trận Bàu Đá vừa rồi. Ta hy sinh sáu (có đồng chí Tuy trung đội trưởng, Nguyễn Thanh Châu tiểu đội trưởng trung đội 1, quản ca đại đội và bác quản lý già), bị thương năm. Cũng may là đại đội chỉ đóng quân trong rừng, nếu cắt đường xuống La Gàn thì sẽ lọt ổ phục kích của một tiểu đoàn lê dương khác đang đón lõng vì chúng biết Quang Trung có kết hoạch xuống La Gàn ăn Tết. đêm ấy, tất cả ngủ tại công sự. Ngày mai địch càn tiếp thì trụ đánh tại chỗ. Tuổi trẻ nên việc ăn ngủ cũng dễ dàng, chỉ một giấc ngủ sâu là hồi phục sức khỏe. Bây giờ không ai nhắc việc đi La Gàn ăn Tết nữa.

Mờ sáng có một tiểu đoàn Âu Phi đang tiến vào hướng đại đội. Tứ bề yên lặng, chờ nổ súng rất căng thẳng. Nếu địch vào gặp ta đánh, tất nhiên chúng sẽ chiếm đồi, ta sẽ ở thế rất bất lợi. Mấy tiếng qua, có lẽ địch đã ra hết quốc lộ 1. Trưa đó có một cánh quân khác từ La Gàn lên hợp điểm ở quốc lộ 1 rồi cùng về hướng Hòa Đa. Hôm nay, đại đội trụ tại chỗ mà không có tác chiến. Địch chắc nể hoặc đoán sai là Quang Trung đã thoát vây đi xa rồi. Bà con Duồng, Phan Rí Cửa, Chợ Mới, Long Hương, La Gàn, Chợ Lầu vội gửi bánh trái, thịt cá cho đơn vị ăn Tết muộn và quần áo cho cả đại đội đủ mặc. Lòng dân như biển cả, nhờ vậy anh em cũng ấm lòng trong mấy ngày Xuân kháng chiến thoạt vui sướng, thoạt khổ ải này. Từ đó, các địa phương trên nổi tiếng là “vú sữa” của Đại đội Quang Trung.

Hôm sau đại đội cho một tổ gồm đồng chí Thiên, Tâm và tối đưa thương binh về bệnh viện trung đoàn ở Hố Đất. Cả tổ tôi đều xin ở lại chiến đấu nhưng các anh Uẩn, Sanh động viên chúng tôi nhanh chóng đưa thương binh rời khỏi vòng chiến. Chúng tôi lên đường khi ta, địch còn quần nhau, đường đi xa xôi dịu vợi, qua nhiều ngày đêm vất vả, thật không dễ dàng gì.

Tổ tôi về chiến khu ít hôm thì đại đội cũng về. Anh Uẩn về ban tham mưu trung đoàn; anh Lâm Bình Phước thay. Trung đội phó Bùi Xuân Diễn sang làm trung đội trưởng trung đội 1, anh Nguyễn Thân trung đội trưởng trung đội 3. Tôi được bầu làm chiến sĩ chính trị tiểu đội 2, công việc gần giống như chính trị viên trung đội; người chiến sĩ chính trị chỉ là chiến sĩ, không phải cán bộ chỉ huy như tiểu đội trưởng, tiểu đội phó, phải tích cực, gương mẫu trong học tập, công tác, chiến đấu và phải được anh em tín nhiệm. Nhiệm vụ vừa nặng nề vừa phải rất tế nhị, tránh đụng chạm với cán bộ tiểu đội và cả với chiến sĩ. Anh Lâm Bình Phước rất trẻ, chỉ hơn tôi một tuổi, có học vấn cao, hiền hậu, đẹp trai, anh em trung đội thường nói: Cô gái nào thấy anh cũng “cảm” ngay! Là một cán bộ quân sự, chính trị song toàn, nay làm trung đội trưởng nhưng chỉ ít lâu đã là chính trị viên đại đội, đại đội trưởng, tiểu đoàn phó. Tiếc là anh hy sinh quá sớm, vào giữa năm 1950 đang độ tài năng phát triển thật sung mãn, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình và đồng đội. Tôi được anh Phước tuyên truyền, giác ngộ về chủ nghĩa Cộng sản Đông Dương, về Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, tôi càng ra sức phấn đấu để được trở thành đảng viên, suốt đời chiến đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cũng là của mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 03:14:12 pm »

Đại đội hành quân, đánh một trận rất táo bạo, độc đáo, tiếc thay, không thành công. Đồng chí Tâm (chiến sĩ Nam Tiến) lái một xe ôtô chở một quả bom 500 ký có Chiêu liên lạc (người địa phương) dẫn đường. Xe dừng trước cổng đồn Lương Sơn, Hạ đốt dây cháy chậm rồi cả ba phóng nhanh xuống bực hầm bến nước Lương Sơn. Một tiếng nổ long trời, tên lính trên chòi gác và tên lính ra xét xe đều bị bay mất xác. Binh lính trong đồn lịm đi đến mấy phút. Do bom nổ ngoài cổng còn xa vách đồn nên sức phá hoại không ghê gớm như ta tưởng, ta lại phục quá xa vì cũng sợ sức ép của bom. Sau tiếng nỏ, tưởng địch chết cả rồi, nhưng khi chạy đến gần, địch hoàn hồn bắn ra như mưa; may mà không gây sát thương ai. Điều nghiên không kỹ, trận đánh nổ ra đúng kế hoạch mà không ăn, tiếc công lao và tức anh ách!

Đầu tháng 4 năm 1947, tôi và các bạn Cần, Lý, Trác, Khuyến, Dũng đi học lớp “Quân chính tiểu đội” của trung đoàn mở tại Ô Rô. Một hôm, trung đoàn phó Nguyễn Đức Tuyến lệnh cho trường đi bảo vệ cơ quan trung đoàn bộ dời sang Lệ Nghi – Bá Ghe bên núi vì địch càn lớn các vùng Ô Rô – Hố Đất. Tạm nghỉ học, chỉ làm cảnh vệ, hàng ngày ngoài việc canh gác tuần tra còn giúp việc cho nhà bếp. Ở đây măng nhiều vô kể và tắm suối cả ngày, đặc biệt món thịt heo hầm măng ngon tuyệt, ở đồng bằng khó có. Hơn một tuần lễ ở lại Ô Rô. Có lần cả lớp đi thực địa ở Bàu Thiêu để thực hành bài tập: “Đánh một đại đội đi càn đóng quân dã ngoại ở Bàu Thiêu”. Trong cuộc càn vừa rồi có một đại đội địch đóng ở gần Bàu Thiêu thật. Là học sinh lớp tiểu đội mà ai cũng dùng một đại đội để tấn công, mỗi người đánh một kiểu mà bài nào đại đội ta cũng diệt gọn đại đội địch (!). Riêng anh Ngọ (học sinh của cơ quan trung đoàn) có cánh đánh đặc biệt nhất: anh sử dụng một tiểu đoàn vây kín, dồn địch xuống Bàu Diều diệt sạch không sót một tên. Xem bài đánh của Ngọ, ai cũng cười:

- Đánh như ông thì dễ ăn quá, chẳng cần kỹ thuật, chiến thuật gì ráo trọi.

Ngọ tỉnh bơ:

- Tôi dùng quân gấp ba lần địch thì ăn chắc là nhất định rồi. Tại sao chỉ dùng lực lượng ngang địch như các ông mới được?

Anh ta cũng có lý, trường “cho” địch một đại đội và có hạn chế sử dụng quân đâu! Còn cách đánh thì mỗi người một vẻ, bất tất ai phải giống ai. Hồi đó chúng tôi chưa học phòng ngự thì một đánh ba, còn tấn công thì ba đánh một. Ông Nguyễn Tương (chỉ huy tự vệ chiến đấu tỉnh) đến thăm trường cũng tham gia ý kiến. Theo ông, địch càn căn cứ thì ít nhất cũng một đại đội trở lên, nhưng anh chỉ dùng vài tổ quấy rối tiêu hao, rồi dùng nhiều tổ phục đánh nhiều nơi khi địch rút thì vừa sức ta mà địch bao nhiêu, đi mấy đường đều đánh cả. Cũng là ý hay nhưng anh là du kích nên có cách đánh của du kích. Chúng tôi, những chỉ huy tương lai của chủ lực thì lại thích cách đánh tiêu diệt, chính quy! Trường chỉ ra bài tập vậy thôi, không có chấm điểm, còn các học viên thì coi là mình đậu tất.

Tham mưu trưởng trung đoàn Phan Hạo cũng đến thăm trường và chỉ thị lớp học tham gia lễ kỷ niệm “Đệ nhất chu niên Trung đoàn 82” ngày 25 tháng 6 năm 1947. Học sinh quân là một khối diễu binh, mặc đồng phục vải ta trắng, đội ca lô trắng có sao vàng nền đỏ, mang súng mút-cờ-tông. Trong lễ, đội hình học sinh quân nổi bật nhất trong các khoa mục cơ bản biểu diễn cũng như lúc diễu binh, được hoan nghênh nhiệt liệt. Có cả 3 đại đội (Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung) diễu binh. Mỗi đại đội có một vẻ riêng nhưng Hoàng Hoa Thám trội nhất vì cái gì cũng thống nhất 100 phần trăm. Ban chỉ huy đại đội cưỡi ngựa, mặc kaki vàng, đeo xắc-cốt và súng ngắn có dây bờ-rờ-ten chéo, đội bêrê có sao vàng. Các trung đội trưởng cũng cưỡi ngựa, quân phục kaki xanh dương, mang kiếm dài. Đội hình đều tăm tắp, đẹp hết ý. Tiểu đội trưởng mặc kaki ăng lê xanh nhạt, mang tiểu liên, ca lô cùng màu. Chiến sĩ âu phục, vải đen mới, quần rút ống, xanh tuya-rông, có hai bao đạn, mang toàn súng trường mát 36 (chiến lợi phẩm). Ai cũng khen Hoàng Hoa Thám giàu, khéo tổ chức. Đại đội Phan Đình Phùng ăn mặc giản dị hơn, đặc biệt là toàn đại đội đều đội mũ tôn gò tròn như mũ sắt, mang súng trường mút-cờ-tông khá ngộ. Quang Trung thì chỉ huy, chiến sĩ đều mặc kaki vàng mới nguyên nhưng súng thì đủ loại (nhiều nhất là súng trường Anh), khẩu đại liên hốc-kít chân thấp cũng rất hiên ngang.

Sân lễ thật hoành tráng, rực rỡ. Buổi sáng sau lễ kỷ niệm chính thức là biểu diễn quân sự, diễu binh, tiếp theo là điền kinh. Các vận động viên Minh Quốc, Nguyễn Suất của Hoàng Hoa Thám chạy cự ly ngắn nước rút rất cừ nhưng đến 800 và 1.500 mét thì phải nhường cho Lê Văn Nhật (Quang Trung). Nhảy cao nhất 1,60 mét là Đỗ Hoàng Sửu (của Hoàng Hoa Thám). Còn nhảy dài nhất cũng lại là Lê Văn Nhật. Buổi chiều là bóng chuyền, bóng đá vô cùng sôi nổi. Buổi tối, đoàn văn công Sao Vàng của trung đoàn biểu diễn văn nghệ hay hết ý. Các diễn viên thật tài nghệ không kém gì các đoàn hát chuyên nghiệp. Không ai ngờ là buổi tối toàn sân rực rỡ trong ánh điện nào khác gì ở Phan Thiết. Lễ kỷ niệm gây ấn tượng thật sâu sắc cả với bộ đội và hàng ngàn đồng bào Khu Lê, Tam Giác, Bắc Bình, Phan Thiết; ai cũng khâm phục. Tất nhiên, họ càng tin tưởng kháng chiến lớn mạnh, nhất định thắng lợi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM