Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:47:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường chiến đấu  (Đọc 23238 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:44:48 am »

Tên sách: Đường chiến đấu
Tác giả: Thiếu tướng Phạm Hoài Chương
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số hóa: macbupda

“Đường chiến đấu”
ở dạng bản thảo đã được giải thưởng:
- Giải nhất, do Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Bình Thuận trao
- Tặng tưởng VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NĂM 2002 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (ngày 23 tháng 12 năm 2002).

Tôi chân thành cám ơn Hội Văn nghệ Bình Thuận, Ban Khoa học lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Thận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cùng bạn bè, đồng chí đã giúp đỡ tư liệu và góp nhiều ý kiến bổ ích để tôi hoàn thành tập hồi ký này.

PHẠM HOÀI CHƯƠNG


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:08:54 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:45:59 am »

PHẦN MỘT

TRỞ THÀNH CHIẾN SĨ
Kháng chiến chống Pháp

1. Đến trường.

Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên đến trường làng Xuân Hội học lớp tư (lớp 2 ngày nay). Vào trường so với các bạn cùng lớp thì tôi nhỏ tuổi và nhỏ con nhất nên thầy xếp ngồi ở dãy bàn đầu. Ngồi bàn đầu gần thầy, phải nghiêm chỉnh, không được trò chuyện hoặc nghịch ngợm chút đỉnh như một số học trò ngồi các bàn sau nhưng điều đó lại làm cho mình có một nếp sinh hoạt tốt trong trường ngay từ buổi đầu. Tôi cũng nhớ mãi bài tập đọc đầu tên: “Năm nay tôi lên bảy, đã lớn, tôi đi học, không chơi bời lêu lổng như mấy năm còn bé…”. Đặc biệt, những bài học về luân lý đã ăn sâu vào tâm khảm và cùng đi với tôi suốt cả cuộc đời

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…”



“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy…”

Và bài học lịch sử: “Hai mươi lăm triệu đồng bào con Hồng cháu Lạc, cha Rồng mẹ Tiên. Vua Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ – một bầu trăm trứng trăm con. Mười tám đời Hùng Vương dựng nước và giữ nước Văn Lang…

Nhìn những khẩu hiệu trên tường viết rất đẹp: “Tiên học lễ, hậu học văn – Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – Trật tự, kỷ luật, sạch sẽ…”; các bản hình vẽ hoặc in về các môn học Cách trí, Sử ký, Địa dư làm tôi rất vui thích và thấy sự hiểu biết rộng mở hơn nhiều. Trường tôi có hai lớp: lớp năm (Đồng Ấu) và lớp tư (Dự bị). Qua những ngày cùng học, tôi có nhiều bạn bè, ngày ngày cắp sách đến trường vui đùa, chuyện trò, cùng nhau học tập, ngày càng yêu mến, gắn bó với trường.

Cha tôi trước cũng là một thầy giáo trường làng, khi tôi lớn thì ông đã nghỉ dạy. Cha con tôi rất thân mật, ông thường dặn dò chuyện học hành, lòng kính trọng thầy, tình cảm đối với bạn bè. Khi tôi lớn hơn, ông nói cả truyện đời, đôi khi còn luận bàn về thời cuộc. Mẹ tôi làm nội trợ, bà học đến sơ học yếu lược nên thường nhắc nhở giờ giấc học tập, kiểm tra bài vở của tôi, do vậy một phần lớn cũng làm cho tôi siêng năng chăm chỉ, không thể lười biếng được.

Năm đầu, mới quen trường quen lớp, cuối năm tôi chỉ đứng thứ 5 trên 36 sĩ số, nhưng vì là học sinh nhỏ nhất lớp nên nhận được một phần thưởng khuyến khích gồm một giấy khen, năm tập vở trắng, và một hộp bút chì màu. Tôi còn ở trường Xuân Hội một năm lớp tư nữa vì chưa đủ tuổi lên lớp 3 (sơ đẳng). Năm này tôi đứng nhất lớp, cứ sau mỗi kỳ thi tấn ích (kỳ thi ba tháng một lần) thì tôi nhận được một bằng khen; mẹ tôi đóng khung treo trên tường, đó là một vinh dự, tôi càng cố gắng để luôn giữ vị trí cho đến cuối năm học.

Sau nghỉ hè, tôi chuyển lên lớp ba ở trường Phan Lý. Là trường huyện nhưng từ trước cho đến năm tôi học vẫn chỉ có ba lớp. Hết học thầy Thê, tôi vẫn luôn thăm thầy, nhất là trong các dịp nghỉ hè và Tết. Kháng chiến, tôi đi chiến đấu xa, thầy ở trong vùng tạm bị chiếm; sau ngày giải phóng, tôi lại tiếp tục thăm viếng, mừng thọ cho đến khi thầy qua đời. Tôi rất kính trọng thầy và thầy vẫn thương yêu tôi như ngày nào còn nhỏ, các sáng chủ nhật thường đến nhà giúp thầy cộng điểm của lớp trong tuần.

Cuối năm thi yếu lược, tôi đỗ đầu toàn huyện. May mắn làm sao, vừa lúc nhà nước cho trường Phan Lý mở thêm lớp nhì nhỏ, chúng tôi khỏi đi học trường huyện Hòa Đa có sáu lớp nhưng xa hơn bảy cây số. Gia đình tôi không có xe đạp, nếu học ở Hòa Đa phải tìm nhà trọ, tốn kém, nhà nghèo không kham nổi. Thầy Vấn (dạy tôi) trong chống Pháp là cán bộ Ty Giáo dục Bình Thuận, nhưng không đi tập kết, nghe nói sau đó thầy đưa gia đình vào Sài Gòn rồi tìm cách ra được Khu 4 ở quê hương giải phóng. Đến nay, tôi vẫn không biết thầy cô và gia đình như thế nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:46:49 am »

Lên lớp nhì lớn, một lần nữa trường tôi lại được mở thêm lớp vào năm sau có tiếp lớp nhất. Khi khai giảng lớp nhì lớn, trường làm lễ khánh thành có thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục Phạm Quỳnh, công sứ Pháp và tuần vũ Bình Thuận về dự. Có một nghịch lý là tuy còn nhỏ nhưng chúng tôi vẫn có thể thấy là: khi thầy trò lớp tôi chụp ảnh kỳ niệm có ba vị quan lớn thì viên công sứ Pháp đầu tỉnh lại ngồi chễm chệ ở ghế giữa, còn thượng thư và tuần vũ Nam triều thì ngồi ghế hai bên. Rõ ràng Công sứ Đại pháp oai vệ hơn thượng thư và tuần vũ Nam triều. Thầy lớp nhì lớn tên là Lê Võ Thám, người Quảng Nam, chưa vợ, mạnh khỏe, khôi ngô, thường mặc âu phục, chơi ten nít giỏi. Thầy có lối dạy rất sắc sảo, luôn được Huấn đạo, Kiểm học nhận xét tốt về sư phạm. Cách mạng tháng Tám, tôi nghe nói thầy ở Bộ chỉ huy mặt trận Nha Trang, sau công tác ở vùng tự do Liên khu 5. Trong chống Pháp, tôi không ra học ở Liên khu 5 nên không có điều kiện để tìm thăm thầy. Sau năm học, các thầy Tích, Thám, Phú đều đổi đi dạy ở nơi khác.

Tuy chỉ học mỗi thầy một năm, nhưng tình thầy trò rất đậm đà, thân thiết. Tôi ghi nhớ mãi công ơn các thầy đã dạy dỗ, dìu dắt tôi những bước đầu trên đường học hỏi kiến thức và xây dựng nhân cách ở đời; dù từ khởi đầu tuổi học trò cho đến khi rời ghế nhà trường tôi cũng chỉ mới tuổi 13 nhưng nhờ sự bồi dưỡng giáo dục về hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết ơn tổ tiên nòi giống, biết tôn sư trọng đạo, nhân nghĩa lễ trí tín trong đối nhân xử thế; từ đó lòng yêu nước thương nòi tuy chưa sâu sắc nhưng cũng đã hình thành và qua năm tháng đã được nâng lên. Từ năm lên lớp nhì nhỏ tôi được học bổng, thời đó với học bổng ít ỏi này cũng đủ mua sách vở, giấy bút, quần áo mặc trong năm, đỡ một phần cho gia đình. Học bổng thời ấy là số tiền nhà nước giúp cho những học sinh nghèo học giỏi, sau này lớn lên ra đời làm việc thì phải hoàn lại bằng cách trừ tiền lương hàng tháng cho đến hết số tiền được cấp. Tôi chỉ nhận học bổng ba năm, sau đậu tiểu học thì ở nhà giúp việc gia đình. Cách mạng tháng Tám, tôi khỏi phải trả món nợ học bổng cho “nhà nước Đại Pháp”.

Năm tôi học lớp nhất, Bảo Long lên ngôi Hoàng thái tử, mỗi trường huyện chọn một học sinh nhận giải thưởng của Bảo Long. Tôi may mắn nhận được giải thưởng này gồm một bức ảnh Bảo Long, mặc long bào, đội mũ mang hia và một quyển từ điển tiếng Pháp (La Rousse). Ảnh Bảo Long xem chơi nhưng quyền từ điển thì có ích cho học vấn. Cũng là một kỷ niệm đẹp thời học sinh.

Là học sinh giỏi ở trường Phan Lý, nhưng năm 1940 vào Phan Thiết thi tiểu học (nay là trường tiểu học Đức Thắng I), tôi không khỏi lo lắng “học tài thi phận”. Không may cho tôi, đầu tiên gặp bài chính tả tiếng Pháp là bài Leriz, tôi không nhớ cụm từ Leriz est le don du ciel (hạt gạo là của trời cho). Thầy đọc giọng mũi điệu như giọng đầm rất khó nghe, tôi không phân biệt đây là một hay ba từ. Liếc sang thí sinh bên cạnh thấy anh ta viết ba chữ. Hỏi nhỏ như anh ta sợ liên lụy, không đáp mà còn che kín bài viết, tôi đành viết đại là dounbuissiel thật là ẩu vì không có nghĩa gì cả.

Ở nhà đã biết bài chính tả tiếng Pháp là quan trọng quyết định, nên bị hột gà thì cả 5 còn lại: toán tiếng Pháp, văn tiếng Pháp, văn tiếng Việt, tập viết, tập vẽ đều bị loại, không chấm nữa. Mà rớt thi viết, không được vào thi vấn đáp tức rớt luôn. Bài chính tả chỉ được phạm hai lỗi, còn lại là đề phòng cho dấu phẩy, chấm phẩy, xuống hàng, gạch nối v.v… Các dấu thầy không đọc, tự mình phải xử lý. Sau ngày thi viết, tôi rất buồn vì đã phạm ba lỗi một lúc, vậy các bài khác có giỏi cũng bằng thừa. Hai ngày chờ đợi kết quả thi viết, tôi thẫn thờ ăn ngủ không ngon, đi chơi cũng chẳng thích thú gì. May mắn làm sao lúc xướng danh số 270 thí sinh đủ điểm vào thi miệng có tên tôi. Tôi không tin vào tai mình nữa, lúc đó chỉ sơ tuyển số đủ điểm vào thi miệng nên chỉ công bố tên theo thứ tự A, B, C chứ không theo điểm cao thấp. Tên tôi vần C nên dò cũng nhanh. Đây rồi, có tên Phạm Hoài Chương, không có tên Chương nào nữa. Tôi mừng không thể tả, có qua được bước này mới hy vọng ở bước sau, tôi như mở cờ trong bụng. Ngày thi miệng khá trót lọt. Bài thi dịch tiếng Việt sang tiếng Pháp là bài Làng tôi. Tôi mới dịch được độ một phần ba bài, thầy cho tôi. Liếc theo quản bút, tôi thấy con số 9. Đến bài sử ký Pháp thì rắc rối, bài Napoléon, tôi chỉ nhớ Napoléon sinh ở đảo Coóc mà không nhớ làng nào nên bỏ qua điểm này. Thầy chặn lại hỏi Napoléon sinh ở làng nào? Tôi bí. Thầy cười. Phần sau nói khá đầy đủ. Lúc thầy cho thôi, tôi nhìn thấy con số 7. Tiếc ơi là tiếc, chỉ quên cái tên làng sinh của Napoléon mà không được điểm cao, nhưng tại sao phải biết Napoléon sinh ở làng nào mới được nhỉ? Cha tôi ngoài hành lang theo dõi các bài thi vấn đáp của tôi với vẻ hài lòng. Cuối này, ông vui vẻ nói: chắc con đậu.

Những buổi học cuối năm thật thong thả, thoải mái. Chúng tôi lưu luyến từ giã những người thầy đã hết lòng dạy dỗ mình trong những bước đi đầu tiên để vào đời. Từ biết trường Phan Lý thân yêu sau bốn năm miệt mài học tập, tôi và nhiều bạn cùng lớp biết rằng từ đây phải rời ghế nhà trường vì nhà nghèo không thể thi vào ban thành chung được. Thời ấy chỉ ở Sài Gòn, Hà Nội mới có nhiều trường công, tư ở bậc thành chung. Ở Huế cũng chỉ có trường Đồng Khánh cho nữ và trường Khải Định cho nam mà thôi. Cho nên phải học giỏi nhưng cũng phải là con nhà khá giả mới có thể học lên bậc cao hơn được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:48:14 am »

2. Lao động.

Khi lớn hơn một chút, tôi được bà nội và mẹ cho biết ông nội tôi là người Hà Tĩnh, khi triều đình Huế bỏ các khoa thi chữ Hán thì ông học chữ quốc ngữ và các nghề thuốc bắc, thợ may. Có lẽ vì sinh kế, ông đi lần vào phía nam, đến ở xóm Tằm, làng Xuân Hội và gặp bà tôi. Ông làm thầy giáo ở trường làng ở Liêm Công, sau nghỉ dạy, ông làm thợ may và làm ruộng. Bà tôi nuôi tằm kéo kén thành tơ và làm nội trợ. Khi già, ông tôi thường bị bệnh, cuộc sống khó khăn hơn. Cha tôi vừa học chữ Hán vừa học chữ quốc ngữ, làm thầy giáo trường làng ở Thái An; khi tôi đến tuổi đi học thì cha tôi đã hết dạy từ lâu.

Mẹ tôi làm gạo hàng xáo, tráng bánh tráng, đi nhổ cỏ thuê, mót lúa ngày mùa. Khi tôi đi học thì nhà đã nghèo, nếu không ai đau bệnh thì cũng đủ sống. Hết học, tôi thường theo cha đi rập cu cườm và đánh cá.

Ở nông thôn, có mảnh bằng tiểu học cũng được coi trọng nhưng để bước vao đời thì cũng không dễ dàng. Chỉ một số ít con nhà khá giả, có thân thế thì mới chạy được làm giáo viên trường làng, không dễ như thời ông và cha tôi đâu. Tôi có người chú họ tên là Nguyễn Như Hương có anh bà con làm xếp ga ở Thủ Đức nên được làm nhân viên nhà ga. Cách mạng tháng Tám, chú vào thanh niên tiền phong, chiến đấu, hy sinh ở mặt trận Cầu Bông – Thị Nghè. Một người anh em bà con khác được học y tá ở nhà thương Phan Thiết. Tôi biết hoàn cảnh mình không được như vậy, thôi thì cứ lao động chân tay theo kiểu con nhà nghèo. Cha mẹ muốn tôi chọn lọc một trong các nghề thợ may, cắt tóc, thợ kim hoàn để khỏi nắng mưa vất vả nhưng tôi lại không muốn làm các nghề suốt ngày đứng ngồi một chỗ ấy mà chỉ muốn lao động làm thuê như các bạn cùng lứa. Năm 1941, cha mẹ cho tôi đi Sài Gòn học nghề sắp chữ in (typo graphe). Chủ nhà in tên là Trần Công Định ở 92 Pellerin, có quen biết cha tôi nên gia đình gửi tôi làm học nghề ăn cơm không, khỏi tốn tiền học việc, sau đó tôi có nghề để nuôi sống và giúp đỡ gia đình chút ít. Được đi đây đó, biết Sài Gòn cũng thích, tôi đồng ý. Học đến Tết, tôi đã có thể bước đầu kiếm một đồng/ngày; công nhân lành nghề một đồng rưỡi trở lên. Tôi định sau Tết sẽ xin đi làm ở nhà máy in Albert Portail lớn, có thể phát triển nghề nghiệp. Ở đó, tôi có một số bạn bè; vả lại, tay nghề mức đó mà chỉ làm ăn cơm không thì không tương ứng với sức lao động của tôi làm cho chủ. Trong thời gian học nghề, tôi còn làm thêm việc một lon ton.

Gần một năm học nghề ở Sài Gòn, tuy còn nhỏ tuổi, sau này tôi cũng nghiệm ra đó là một bước ngoặt của cuộc đời. Ở đó, đặc biệt có anh Toàn, một thợ sắp chữ, lớn hơn tôi chừng bảy, tám tuổi, tánh tình hiền hậu, điềm đạm, tuy không nói gì về cách mạng với tôi – vì tôi còn nhỏ - nhưng chính anh đã bí mật cho tôi mượn các “sách cấm” như sách viết về vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trấn Ba Đình (Đinh Công Tráng). Anh còn hứa sau Tết sẽ cho tôi mượn đọc nhiều “sách quý hơn nữa để có những hiểu biết mới về người ta”. Cũng mãi sau Cách mạng tháng Tám, tôi mới biết năm 1940, không lâu sau khi tôi vào Sài Gòn, Nam Kỳ Khởi nghĩa long trời lở đất đã nổ ra và bị địch dìm trong bể máu mà nào tôi có hay biết chút gì. Đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu mà bưng bít thật tài nên số đông đồng bào Sài Gòn chẳng biết được sự kiện này. Dù sao cũng có một việc địch không thể giấu, đó là Mỹ ném bom ở Xóm Chiểu làm chết hàng trăm lính nhật, đồng bào ta cũng có một số bị vạ lây. Cũng vì việc này mà sau Tết, cha mẹ không cho tôi vào Sài Gòn nữa vì “không biết rồi sẽ ra sao, lỡ có bề nào, gia đình chỉ có một mình mày là trai”. Tôi lại trở về với cảnh đồng quê yên ả giữa xóm làng. Tôi vui vẻ, hăng hái đi làm. Mùa cày gieo, tôi làm thuê cho các nhà nông thiếu lao động nên tôi sớm biết cày bừa, cả bên tá, bên dí đều thạo. Còn nhỏ nên người ta không cho gieo lúa vì gieo phải có kỹ thuật cao hơn.

Mùa nào việc ấy, tôi còn đi cuốc cỏ bắp, cỏ bông, nhổ mạ, cấy… Lớn chút nữa, đến mùa lúa chín, tôi đi gặt và ăn công đồng như mọi người. Các ông bầu gặt làng tôi có tinh thần đoàn kết tương trợ “trâu béo kéo trâu gầy”; không như bạn gặt Phan Rang vào, họ chia công nhứt, nhì, ba, tư rất sòng phẳng. Nếu vậy thì tôi mới chỉ đạt công nhì. Tôi rất thích gặt lúa vì đây cũng là một nghệ thuật, vừa phải dùng sức mạnh cơ bắp trong từng xác hái, vừa phải lùa lúa nhanh, nhiều, đều, không sót, chét không bị đứt gié lúa, đầu rạ bằng như thái.

Sức còn yếu mà lao động gặt quá nặng nên cứ gần trưa là tôi bị chảy máu cam, phải ngửa mặt lên hít mạnh, nhét trầu vào mũi rồi lại tiếp tục gặt. Đồng tiền làm ra từ lao động cật lực và đổ biết bao mồ hôi công sức mà lao động gặt là nặng nề nhất, đổ sức từng xác hái. Cơ thể cũng biết tự điều chỉnh, độ năm bảy ngày thì quen không chảy máu cam nữa. Ra sức suốt ngày, tối về nằm ê ẩm cả người, có điều ăn khỏe, ngủ ngon, qua mùa gặt lớn và rắn chắc hơn. Mùa gặt kéo dài hơn tháng, đây là làm khoán, đổ hết sức, ông bầu có nhiều kinh nghiệm nên giá trị ngày công khá cao, thường gắp hai ba lần làm công nhật. Ngoài tiền còn một phần lúa tương đương với tiền, lợi ích kinh tế cao. Cộng lúa hai cha con tôi gặt cùng số lúa của mẹ và hai em tôi mót thì ra Tết gia đình tôi có lúa cho nửa năm ăn.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2019, 10:45:32 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:49:18 am »

Năm 1943, cha mẹ tôi thường bị bệnh, bà nội tôi sau nhiều năm bị đau đầu đông, đã bị mù, các em gái nhỏ, em trai út mẹ tôi vừa sanh còn quá bé, đời sống gia đình tôi sa sút, lo chạy bữa ăn hàng ngày cũng là gánh nặng. Lúa trong cà tăng vơi đi nhanh chóng vì cả cái ăn và thuốc thang. Năm 1944, cha mẹ khỏe lại, gia đình đi phát miếng rẫy hơn một héc ta ở Sông Sỏi, bắc Sông Mao vài cây số, trồng bông cho Nhật, mỗi hộ được ứng trước hai mươi đồng để canh tác, đến thu hoạch phải bán hết cho Nhật, đáp ứng yêu cầu chiến tranh của chúng. Miệt mài lao động chăm sóc, cây bông lên đều, tốt. Tròng xen với bắp; thu hoạch bắp, cả nhà ăn bắp tươi luộc trừ cơm ăn hơn một tháng, ngon bổ, ai cũng mập mạp, hồng hào. Sắp đến mùa bông, hy vọng đời sống dễ chịu hơn. Cha con tôi ở chòi giữ rẫy chờ ngày bông nở. Bỗng một đêm tối, một đoàn vài chục người, gánh giỏ to, trang bị côn rựa, phản mác, đến vây chòi, lớn tiếng dọa:

- Ở yên trong chòi thì không việc gì, la lối chống cự thì chết. Bọn tao chỉ hái lứa đầu thôi, chủ nhà ăn lứa hai, lứa ba là được rồi, đừng dại chết uổng mạng, không ai tới cứu được đâu.

Nghe giọng nói biết đâu là số dân tỉnh ngoài đến ở xung quanh ga Sông Mao. Tiếng đồn họ võ nghệ cao cường và rất hung dữ; họ ăn cướp công khai, côn đồ chứ không lén lút. Tức chết mà không làm gì được vì thế cô sức yếu. Sáng ra xem lại thì trái đã nở và trái già bị lặt sạch, nghe đâu họ chở ghe bầu lùi ra Quảng bán rất được giá. Đến lứa thứ hai, một lần nữa họ lại đến cướp sạch. Có nhà xót của xông ra chặn bị họ đánh gần chết, của mất tật mang. Chỉ còn một vài lứa chót, may mà vừa đủ nạp trừ tiền ứng trước đầu mùa cho Nhật. Công sức mấy tháng trời đổ sông đổ biển. Gia đình tôi lại gồng gánh trở về làng cũ làm thuê như trước.

Sau khi ở Sài Gòn về, tôi hơi lớn, đọc các “sách cấm” về vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng… tôi càng ngưỡng mộ các bậc anh hùng hào kiệt, đã có những suy ngẫm của mình, dù chưa có hiểu biết gì về cách mạng, về chống Pháp, cứu nước. Tôi cũng khâm phục ông Cao Hành, một thủ lãnh nghĩa quân Cần Vương người làng tôi, đã lập chiến khu đánh Pháp một thời gian ở ngay khu rừng dưới xóm Sủng. Ôi! các cụ ngày trước có gan, có chí đánh Pháp cứu nước nhưng việc đánh giặc sao mà quá đơn giản. Học sử ký có trường thầy cũng có giảng là nghĩa quân thấy lính Pháp đi ôpa (đi đều) cho là chúng không có đầu gối bèn hái ổi non phơi khô đem rải trên đường rồi phục kích, chờ giặc đi qua giẫm lên trượt té không đứng dậy được mà xung phong tiêu diệt; thế là bị thất bại. Cha tôi cũng có kể lại việc này của nghĩa quân Cao Hành, tôi hỏi:

- Anh nói cho cha biết về ông Cao Hành?

- Ông nội.

- Dân làng mình có đi lính cho ông Cao Hành không?

- Có. Lính ông Cao Hành có một cơ, khoảng trăm rưỡi người.

- Ông nội có tham gia lính ông Cao Hành không?

- Không biết, ông nội không nói. Sau thất bại, giặc giết nhiều lắm, nếu ông nội có tham gia thì cũng đã trốn được, bởi nếu lộ thì đã bị họ chém đầu rồi.

- Cha biết chỗ đóng quân của ông Cao Hành không?

- Biết, ở đám rừng xuống xóm trường làng Xuân An.

- Sao chiến khu lại ở gần thành Bình Thuận dữ vậy?

- Hồi đó rừng còn rậm rạp lắm. Nghĩa quân canh gác ngày đêm, đánh trống mõ tùng tùng, cắc cắc rất nghiêm.

- Ông Cao Hành có bị chém đầu không?

- Ông chạy thoát được, về sau không nghe nói nữa. (Sự thật là sau đó ông cũng bị giặc Pháp bắt và hành hình ở Phan Thiết rất dã man).

- Số bị chém nhiều không?

- Ở Xuân Hội, Xuân An bị chém 12 người, bêu đầu ở Bến Tượng, đầu cầu Xóm Lụa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:51:38 am »

Trong tâm trí non trẻ của tôi hiện ra những tưởng tượng về ông Cao Hành, tuy không thấy sử sách ghi lại như Phan Đình Phùng, Đề Thám, Đinh Công Tráng nhưng quê tôi cũng có phong trào Cần Vương cứu nước, tôi thật sung sướng trong lòng. Tôi rủ cha tôi dẫn đi xem khu vực đóng quân ngày xưa của ông Cao Hành. Chiều con, ông dẫn tôi đi xem. Bây giờ ở đây còn một con đường mòn đi từ sau nhà ông Hào Liệu qua một đám gai chùm lé chứ không còn là rừng nữa, đường trổ ra xóm trường, ở miễu Xuân An. Phía sau lưng và bên hông xóm hiện cũng chỉ là một khu gò mả trống với một ít bụi gai góc lưa thưa. Sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Thuận viết lịch sử truyền thống có nhắc đến tên ông Cao Hành trong phong trào Cần Vương ở Bình Thuận. Trong cuốn sử Nam Trung Bộ kháng chiến cũng có tên ông Cao Hành. Giờ đây, làng Xuân Hội đặt tên con đường chính của làng, đi từ quốc lộ 1 qua giữa xóm đến xóm Sủng là đường Cao Hành.

Trong xóm có nhà anh Cao Đàm, một người anh họ nhà giàu. Cách mạng tháng Tám, Cao Đàm là lý trường đương nhiệm, giao chính quyền Xuân Hội cho Cách mạng xong, anh tham gia công tác Việt Minh luôn cho đến sau giải phóng, nghỉ hưu. Điều đặc biệt tôi muốn nói là anh Đàm có một tủ sách rất nhiều loại mà tôi được mượn đọc tùy thích. Sách hay có, dở có, chính trị có, tiểu thuyết có. Thời đó tôi đã biết gì về chính trị, thích thì mượn đọc, tôi rất thích đọc sách nên đọc gần như hết tủ sách. Mà cũng lạ, anh mua được nhiều sách hay, như Đông Kinh nghĩa thục, Vợ ba Đề Thám, Tôi trốn sang Tàu, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ… các sách này bổ sung thêm kiến thức cho tôi sau các sách cấm tôi được đọc ở Sài Gòn, làm tôi càng ngưỡng mộ các hào kiệt chí sĩ ấy. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi biết Quốc dân đảng là phản động, còn lúc đó thì tôi vẫn trân trọng người nữ đảng viên Quốc dân đảng dám vượt gian khổ, hiểm nguy xuất ngoại mưu đồ giành độc lập. Tôi cũng được nhiều sách, tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, tiểu thuyết thứ bảy như Dưới bóng tre xanh, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên, Lá ngọc cành vàng, Gánh hàng hoa, v.v… một loại sách mà tôi cũng mê say đọc là Trung Nhật chiến tranh, Nhật Nga chiến kỷ, Trung Nhật yếu nhân, nên tôi biết nhiều chính khách, võ tướng Anh, Mỹ, Nga, Tàu, Pháp, Đức, Ý, Nhật v.v… Cuốn “Nhật Bản 30 năm Duy Tân” cho tôi biết Minh Trị Thiên Hoàng là người bỏ chính sách bế quan tỏa cảng, thực hành cải cách kinh tế, đưa nước Nhật thành một đế quốc hùng cường. Trong khi đó thì vua Tự Đức bỏ ngoài tai những bản điều trần tuyệt vời của Nguyễn Trường Tộ về cải cách kinh tế, xã hội nước ta.

Với số kiến thức tuy lộn xộn nhưng dù sao nó cũng mở mang tầm hiểu biết của một thiếu niên trẻ tuổi như tôi hồi ấy, cũng gạn lọc, hình thành dần trong tôi lòng ngưỡng mộ các nhà cách mạng yêu nước của ta. Những bậc siêu quần xuất chúng của thế giới. Tôi rất muốn noi gương các bậc tiền hiền thời ấy dù đâu biết phải làm gì.

Về Bác Hồ, nghe phong thanh là có một thanh niên Việt Nam yêu nước, cách mạng, tài nghệ siêu quần, đang hoạt động ở hải ngoại, lo việc giành độc lập cho Tổ quốc, tên là Nguyễn Ái Quốc, cái tên đẹp và cao quý làm sao! Có lúc lại nghe đồn Nguyễn Ái Quốc đang ở Nhật, sẽ đưa quân về đánh đuổi đế quốc Pháp nên cũng chỉ hy vọng, mong đợi vậy thôi, bởi có sách báo nào viết rõ, có ai giải thích đâu.

Ông nội mất lúc tôi mới lên ba, để lại một số sách quý, ngoài các sách học bậc cơ sở, toán pháp, cách trí, địa chí Trần Văn Thông, còn có các sách Tam tự kinh, Tam thiên tự, Ấu học Hán tự tân thư, Đại Nam quốc sử diễn ca, Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều, Nam Hải dị nhân liệt truyện, Hưng Đạo Đại Vương truyện… Sự giáo dục của nhà trường, gia đình, việc đọc được một số sách hay đã nhen nhóm vun đắp cho tôi từ ấy lòng yêu nước thương nòi và có lẽ cả lòng ham thích quân sự cũng manh nha từ các sách về chiến tranh, từ những trận đánh giặc giả thời học trò chăng?

Từ cuối năm 1944, máy bay Mỹ thường bay dọc theo đường sắt, ném bom cầu sắt Nha Môn bắc ga Sông Mao, ném bom cầu xóm Lụa trên quốc lộ 1, chỉ cách nhà tôi mấy trăm mét. Có lần thấy máy bay Mỹ đuổi máy bay Nhật chạy tới bời. Có một trận đánh lớn giữa Mỹ và Nhật trên vùng biển Bình Thuận, không xa bờ lắm, dân ven biển Phan Rí Cửa, Duồng, La Gàn, Long Hương,… đều thấy rõ. Hàng đàn phi cơ Mỹ oanh tạc một đoàn tàu chiến lớn của Nhật chạy từ hướng nam ra, đội hình kéo dài đâu từ Vũng Tàu đến tận Mũi Dinh. Cao xạ Nhật bắn trả cũng dữ nhưng không thấy hạ được chiếc máy bay Mỹ nào, cũng không thấy máy bay Nhật tham chiến. Lính Nhật chết, bị thương, sống sót bơi và trôi tấp vào bờ rất nhiều. Dân không dám ăn các loại cá lớn vì trong thịt cá có nhiều sâu như là múi bưởi, người ta nói đó là do ăn xác lính Nhật. Có điều là dân biển vớ bẩm, ngư dân vớt được rất nhiều của trôi, các loại cờ rếp vàng rất đẹp bán cho thợ giầy đóng đế xăng đan, đế giày bán rất đắt. Dầu tàu thủy thì nhiều vô kể. Thời chiến tranh rất khan hiếm hàng hóa, phải thắp sáng bằng dầu cá, lơ mờ, hôi hám, nay thắp dầu xăng thì thật tiện lợi nhưng hay phựt ngọn, rất hao. Ai đó đã có sáng kiến rất hay, cứ bỏ vài hột muối vào mỗi lít dầu thì thắp sáng bình thường như dầu lửa, không hao, không phựt, giá lại rất rẻ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:53:37 am »

Tôi có một người bà con tên là Trần Quang Lý làm thầy giáo, khi nghỉ dậy thì làm thầy thuốc bắc và bán cao đơn hoàn tán.

Năm 1948 anh Trần Quang Lý là bí thư huyện ủy Hòa Đa đầu tiên và đã mất vài chục năm nay.

Cha tôi có mua vài tháng nhật báo Sài Gòn. Lúc này ở phía nam có hai tờ báo hàng ngày là Sài Gòn và Điện Tín. Dù bị giặc Pháp kiểm duyệt gắt gao, tờ báo vẫn nói được một phần sự thật về thế chiến thứ hai. Tôi còn nhớ một bài báo có tựa đề là “Gấu Ó tranh hùng hay cuộc chiến tranh Nga – Đức” có đoạn viết: quân Đức hùng mạnh chỉ một thời gian ngắn đã chiếm gần hết châu Âu, đang cố gắng thôn tính Liên Xô, nhưng càng vào sâu nước Nga càng gặp nhiều bí ẩn khôn lường. Mùa đông giá rét kinh khủng đã gây nhiều khó khăn cho cuộc tiến công. Trận Xít-ta-lingờ-rát kéo dài nhiều tháng, quân Nga vẫn cầm chân quân Đức tại chỗ. Hai bên đánh nhau ác liệt, giành giật từng căn nhà, góc phố. Đức đã bị sa lầy ở mặt trận này của Nga Xô.

Ngày 8 tháng 3 năm 1945, Nhật lật Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương, trao độc lập cho Nam triều. Chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời. Lý hương vẫn làm việc, vẫn đóng thuế thân, thuế chợ, cuộc sống không có gì khác trước, chỉ có người Nhật thì chuyên quyền. Một số ít người Nhật trước đây không thấy, không nghe nói đến, nay xuất hiện ở Hòa Đa, Tuy Phong, cũng đội mũ mềm kiểu Nhật, mang kiếm dài, đi giầy ống, nói vài tiếng Nhật, dù cũng không thấy họ làm gì.

Tôi vừa tuổi 18, bị làng bắt vào thanh niên phòng vệ; ai cũng phải vào, cả trai, gái, mặc đồng phục áo sơ mi trắng, quần sọc nâu, nón lá buông vành to bốn múi kiểu hướng đạo, trang bị một gậy dài 1,6 mét và một khoanh dây. Hàng ngày tập quân sự cơ bản, tập mótxơ, xêmapho, do các huynh trưởng huấn luyện. Để khi có việc, thanh niên phòng vệ phối hợp quân Nhật bảo vệ độc lập nước nhà (!). Tập quân sự, học mótxơ lúc đầu mới lạ cũng thích nhưng sau thì chán vì không thấy lợi ích gì, lại mất công việc làm ăn nên dần dần cũng nguội lạnh rồi tịt luôn. Nhưng có một phong trào khác lại thu hút số đông tuổi trẻ, đó là “Truyền bá quốc ngữ” dạy cho các em nghèo không được đến trường, dạy chữ cho bà con lớn tuổi còn mù chữ. Chúng tôi tham gia hăng hái vì đây là việc có ích mà mình có thể giúp bà con được. Lớp học dùng đình làng, các nhà rộng cũng vui lòng cho mượn. Các em học ban ngày, người lớn học buổi tối. Lần đầu tiên chúng tôi biết một phương pháp dạy học mới vừa vui, hay, dễ nhớ:

i tờ giống móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang, i tờ, tờ i ti…

… O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, ơ thì mang râu…

Nhiều người lớn, em nhỏ thông minh, mới một tháng đã biết đọc, biết viết.

Máy bay Mỹ đánh phá giao thông ngày càng nhiều, xóm làng được lệnh tổ chức “phòng không thụ động”, nhà nhà đào hầm ẩn nấp, các nơi công cộng cũng có hầm, một số được huấn luyện cứu thương, cứu sập. Một hôm, tôi cùng một số người đang đi trên cầu Xóm Lụa, nghe tiếng máy bay, chạy hụt hơi chưa khỏi cầu thì máy bay đã ở trên đầu, may sao nó đi thẳng, chẳng thấy đội Thần Phong đâu cả! Thời gian này có hàng đoàn người từ bắc kéo vào tìm việc làm, xin ăn, có người bán hoặc cho con nhỏ thật tội nghiệp. Đó là nạn đói khủng khiếp ở Bắc Bộ mà hồi ấy mọi người chưa biết là tội ác do giặc Nhật gây ra cho đồng bào ta. Bắt đầu có phong trào quyên góp và chở gạo ra Bắc giúp đồng bào bị nạn đói rất sôi nổi. Các thầy nhì Nguyễn Đình Huề, thầy nhất Thái Đức Cư đóng kịch rất hay, thường biểu diễn ở rạp hát Chợ Lầu, thu được bộn tiền mua gạo ủng hộ đồng bào ngoài Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:55:18 am »

3. Tham gia Cách mạng.

Một chiều cuối tháng 8 năm 1945, tôi và một số bạn bè được anh Nguyễn Xuân Thăng bảo đến nhà anh giáo Ích để bàn việc quan trọng. Việc gì nhỉ? Anh Bẩy Thăng không phải là huynh trưởng thanh niên phòng vệ nhưng chính là người đã nói Trần Trọng Kim là bù nhìn của Nhật và đôn đốc chúng tôi tham gia truyền bá quốc ngữ. Tin anh, tôi đến họp, có khá đông người dự, nhìn qua tôi biết là người tốt. Anh Bảy tuyên bố mình là đại diện Việt Minh huyện phụ trách việc cướp chính quyền ở đây. Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh. Hôm kia, Việt Minh tỉnh cũng đã cướp chính quyền ở Phan Thiết xong. Anh cho xem cờ Việt Minh đỏ tươi có sao vàng năm cách trên góc và giải thích ngắn gọn chương trình Việt Minh. Thật bất ngờ và mới lạ biết bao. Trước đây ở xóm tôi chưa ai biết gì về Việt Minh và cướp chính quyền cả. Anh cũng có nói chuyện với tôi về thời cuộc nhưng cũng chỉ nói chung chung là rồi đây sẽ có thay cũ đổi mới. Hồi Cách mạng tháng Tám, học chính trị thường định nghĩa Cách mạng là thay cũ đổi mới, kinh tế là kinh bang tế thế v.v…. Anh cũng không giao làm việc cụ thể gì nên tôi đâu biết anh là cán bộ Việt Minh, có lẽ trước đây anh chỉ coi tôi là một quần chúng tốt thôi. Anh dặn ngày mai tập trung mang theo cây, dây, giáo, mác cho thêm sức mạnh của quần chúng vũ trang đi cướp chính quyền làng Xuân Hội. Đêm ấy tôi không sao ngủ được, đầu óc miên man nhớ đến các cuộc khởi nghĩa Cần Vương và bao nhiều cuộc cách mạng khác đều không thành, nay Việt Minh lãnh đạo cách mạng thành công khắp nước, ngày mai làng Xuân Hội cũng giành chính quyền, đánh đổ đế quốc, phong kiến, đem lại độc lập thực sự cho toàn dân. Rồi đêm cũng qua, tôi vội xách cây, dây ra đi. Trên trăm người hàng ngũ chỉnh tề, đi đầu là anh Bảy Thăng rồi đến một thanh niên giương cao cờ đỏ sao vàng. Đoàn người rầm rập kéo vào đình làng Xuân Hội. Ngũ hương đang làm việc, bất ngờ, ngơ ngác. Anh Bảy Thăng nói dõng dạc:

- Hôm nay Việt Minh cướp chính quyền làng Xuân Hội. Hãy đầu hàng Việt Minh và bàn giao chính quyền ngay!

Cũng người quen và anh em họ hàng trong xóm cả thôi nên không có gì gay go, náo động cả. Anh Hội nói tiếp:

- Việt Minh đã cướp chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ở Phan Thiết, tỉnh trưởng Huỳnh Dư đầu hàng Việt Minh ngày 24 tháng 8 rồi.

Lý trưởng Cao Đàm phục tùng ngay. Anh Bảy Thăng đại diện Việt Minh cùng lý trưởng Cao Đàm ký biên bản bàn giao chính quyền êm thấm và nhanh chóng. Tiếp đó hạ cờ quẻ ly, làm lễ kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ của đình làng. Mọi người nghiêm trang, chào cờ theo kiểu mới của Việt Minh và hô to các khẩu hiệu cách mạng:

- Việt Minh độc lập muôn năm!

- Mặt trận Việt Minh muôn năm!

- Đả đảo phát xít Nhật – Pháp!

Chúng tôi hát vang bài ca Lên đàng, Thanh niên hành khúc, Bắc Nam Trung, Bạch Đằng Giang thật sau sưa, hào hùng. Lúc ấy chưa biết các bài Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Diệt phát xít.

Sáng hôm sau, xóm tôi lại đi cướp chính quyền huyện Phan Lý. Gậy gộc, giáo mác tua tủa, khí thế hùng dũng lạ thường, ra đường quốc lộ nhập đám với đoàn các làng Thương Thủy, Tịnh Mỹ, Xuân Quang, v.v… Có lẽ huyện biết trước nên khi đoàn người kéo đến huyện nha, đã thấy tri huyện Phạm Ngọc Cẩn cùng các đề lại, thừa phái khăn áo chỉnh tề đón sẵn tại cửa huyện đường và nói ngay: “Chúng tôi đầu hàng và xin theo Việt Minh”. Các anh Nguyễn Xuân Thăng, Lê Thượng Ích, Nguyễn Em cùng tri huyện ký biên bản, thu con dấu, chìa khóa kho và súng của lính lệ. Sau khi anh Bảy Thăng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và làm lễ chào cờ đỏ sao vàng, tất cả mọi người tuyên thệ trung thành với cách mạng.

Hai hôm sau, toàn thể làng Xuân Hội từ 18 tuổi trở lên đi bầu cử Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời làng Xuân Hội, lần đầu tiên hưởng quyền dân chủ chính trị trực tiếp lựa chọn người thay mặt cho mình nắm chính quyền. Hồi đó chưa quy định người ứng cử phải 21 tuổi. Tôi được giới thiệu và trúng cử chức danh Ủy trưởng tuyên truyền. Chủ tịch là ông Lê Văn Vui; Ủy trưởng tư pháp là anh Huỳnh Mai, Ủy trưởng quân sự là anh Nguyễn Phê, v.v… Ủy ban bắt đầu nhận công văn, chỉ thị của huyện. Các báo Cứu Quốc, Quyết Thắng rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức ban đầu. Rồi chúng tôi cũng biết về Chính phủ Cách mạng lâm thời của nước ta, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự phổ biến miệng: Cụ Hồ là lãnh tụ vĩ đại chính là Nguyễn Ái Quốc càng làm chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục và kính yêu Bác. Các làng phía nam huyện Hòa Đa từ Tăng Long đến Lương Sơn thành một cấp chính quyền gọi là Nam Bộ Hòa Đa. Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc các làng xã được nhanh chóng tổ chức. tôi còn phụ trách đoàn trưởng thiếu niên nhi đồng Xuân Hội và trưởng Đoàn Tuyên truyền xung phong Xuân Hội. Phan Nên và Nguyễn Ca, hai bạn, thời tiểu học với tôi là ủy viên trong ban tuyên truyền. Nên còn là đoàn phó thiếu niên nhi đồng và đoàn phó tuyên truyền xung phong. Chúng tôi cùng nhau làm việc hăng say, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sinh hoạt đoàn thể nhanh chóng xây dựng cho các em có tính đoàn kết, kỷ luật, lễ phép, ham học tập, tiến bộ rõ nên cha mẹ các em tin tưởng đoàn thể, thiếu niên nhi đồng cứu quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:56:37 am »

Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, các làng của Nam Bộ Hòa Đa tập trung tại sân vận động trường Phan Lý làm mít tinh chào mừng, biểu thị lòng trung thành và ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ. Nhìn cả rừng cờ đỏ sao vàng cùng vô số băng rôn, với các khẩu hiệu cách mạng, mọi người tràn ngập vui sướng và xúc động. Khi chào cờ, ai cũng rưng rưng nước mắt tự hào về nền độc lập thật sự của Tổ quốc do Cách mạng tháng Tám đem lại. Tất cả hô vang trời các khẩu hiệu mới:

- “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”

- “Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh!”

- “Hồ Chủ tịch muôn năm!”

Hơn tháng đã qua, một chuyển biến mới hết sức kỳ diệu, mọi người sống một cuộc sống cách mạng vô cùng sôi nổi, hào hứng, đoàn kết thương yêu nhau, chan hòa tình nghĩa, các thói hư, tật xấu hình như biến mất. Sáng tinh sương, nhiều người lớn cùng thanh thiếu niên chạy tập thể dục khắp đường làng. Một số được anh Hai Phê điều khiển luyện tập võ nghệ để tăng sức mạnh phục vụ đất nước. Hoạt động của đoàn tuyên truyền xung phong nhằm vào các nhiệm vụ chính trị một cách tích cực và có hiệu quả: Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, tăng gia sản xuất tiết kiệm, cứu đói miền Bắc, Tuần lễ Vàng, chuẩn bị bầu cử Quốc hội, v.v…. Noi gương Bác Hồ mỗi tuần nhịn ăn một bữa bỏ vào hũ gạo cứu quốc. Bản thân tôi làm rất nghiêm túc và bàn gia đình cùng làm. Truyền bá quốc ngữ nay thành Bình dân học vụ để diệt giặc dốt. Địa phương cũng bắt đầu chuẩn bị chống xâm lược bởi giặc Pháp đang mở rộng chiến tranh ra ngoài phạm vi Sài Gòn – Gia Định. Đoàn tuyên truyền xung phong Xuân Hội thường tổ chức các đêm lửa trại. Đồng bào rất hài lòng thấy con em mình hoạt bát dễ thương, biết ca múa, đóng kịch thể hiện các nhiệm vụ cách mạng một cách sinh động. Một hôm, đoàn đang cắm trại tại sân vận động Tịnh Mỹ thì có một ô tô con từ phía nam ra, thấy trại thiếu nhi bèn ghé vào. Đây là xe đồng chí Nguyễn Nhơn, Chủ tịch tỉnh ra công tác các huyện phía bắc, vào thăm nói chuyện với các em, điều đó khích lệ các em rất nhiều.

Tuy hăng say công tác, tôi vẫn đi làm kiếm sống vì cán bộ xã thôn phải tự túc. Mùa thu hoạch năm đó, bạn gặt Xuân Hội ra gặt tận Tuy Phong, Phan Rang đến tháng chạp mới về. Bấy giờ xe lửa là của ta, chúng tôi ngồi trên xe hát vang, lòng vui phơi phới và một sức sống mạnh mẽ dâng trào. Hành khách lạ, quen đều chan hòa ấm cúng như bà con một nhà, gọi nhau bằng đồng chí thật trìu mến, thân mật. Các bài Bắc Nam Trung, Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Diệt phát xít, Chiến sĩ Việt Nam, Biết ơn Cụ Hồ được hát đi hát lại nhiều nhất và hăng say nhất

Dạo này có một trung đội Giải phóng quân đóng ở miễu làng Đa Phước. Hàng ngày, thanh niên đến thăm bộ đội và tập quân sự rất vui. Trung đội trưởng là Phạm Xuân Ngó, đồng chí tiểu đội phó Nguyễn Cang đang huấn luyện. Xem hay nhất là động tác bịt mắt tháo lắp súng đạn, đồng chí làm mẫu thật thuần thục, đẹp mắt. Bộ đội cho mượn súng trường anh đô-si-noa và mút-cơ-tông để tập nên rất ham, chủ yếu chúng tôi tập bắn súng để biết sử dụng khi cần thiết. Có một điều kích thích chúng tôi rất mạnh là đơn vị có một số nữ giải phóng quân rất trẻ, làm cứu thương mặt trận, đây là điều khiến thanh niên chúng tôi chạnh lòng. Phụ nữ dám xông pha chiến đấu nơi tiền tuyến, sao con trai mình không làm được việc đó. Điều băn khoăn này thường trở lại với tôi mỗi khi nhớ việc đi tập quân sự hôm ấy.

Giặc Pháp đã chiếm rộng cả Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ vùng lên chống giặc kiên cường. Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến rất cao. Tỉnh tổ chức một đơn vị vào Nam Bộ tham gia chiến đấu ở mặt trận Cầu Bông – Thì Nghè. Không khí chuẩn bị chiến đấu ở địa phương rất sôi sục. ta vừa mới đuổi giặc Nhật khỏi Phan Thiết nhưng phải tích cực chuẩn bị đánh Pháp khi chúng đến, chưa biết lúc nào nhưng chắc không còn xa mấy nữa. Lệnh phá đường, đào hầm, ngã cây ở quốc lộ 1 được thi hành rất triệt để. Đoạn quốc lộ 1 từ Phan Rí đến Tuân Giáo hai hàng me bên lề đường đều bị đốn ngã chắn ngang cùng với hầm chữ chi xen kẽ dày đặc. Đường quốc lộ từ Phan Thiết đi Xuân Lộc cũng bị phá hoại nặng, chỉ các cầu cống là chưa phá. Tiếc rằng công tác phá hoại lớn, thế mà anh Nguyễn Thế Lâm chỉ huy mặt trận Nha Trang không biết, nên lúc ra Bắc, khi Bác Hồ hỏi ở Cực Nam có phá hoại giao thông không thì anh không trả lời được cho Bác vui lòng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 06:58:11 am »

Một hôm, tôi sang làm việc ở trụ sở thì nghe tin báo có quân Pháp nhảy dù xuống Bình Nhơn. Anh Hai Phê tập hợp hơn 100 thanh niên đi bắt giặc Pháp. Khí thế hừng hực, không ai tính toán giặc có súng còn ta chỉ có gậy gộc giáo mác, đánh nhau sẽ có hy sinh, mà chỉ chung một ý nghĩ, một hành động là phải nhanh chóng đi bắt giặc mà thôi. Tôi cùng Ca, Nên xếp ngay công việc, có mặt trong hàng ngũ lên đường. Đi trên chục cây số thì thấy mấy đoàn các làng đi trước quay về vì máy bay Pháp chỉ quần đảo chứ không đổ quân. Chúng tôi quay lại, tuy mệt nhưng rất vui, coi đây là cuộc tập dượt để sắp tới đánh Pháp.

Ban tuyên truyền tập trung vận động đồng bào bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bình Thuận bầu hai đại biểu Quốc hội mà số ứng cử đến mười mấy người. Có người tôi biết như thầy nhì Nguyễn Đình Trà ở làng Phan Lý trước đây nhưng nhiều người chưa hiểu gì. Ông Nguyễn Tương được Việt Minh tỉnh giới thiệu là một cán bộ cách mạng từng bị đế quốc bắt tù đày, ông đã lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh nhà, chắc là được ủng hộ cao.

Ngày bầu cử mùng 6 tháng 1 năm 1946 là một ngày hội lớn. Tất cả bà con đi bầu nhanh chóng, đầy đủ đúng theo hướng dẫn. Chưa biết mấy về các ứng cử viên nên cũng khó lựa chọn; chỉ ông Nguyễn Tương được tất cả dân Xuân Hội bầu còn đại biểu thứ hai thì phân tán. Kết quả do tỉnh công bố, chỉ có ông Nguyễn Tương đắc cử. Vậy thì phải bầu lần thứ hai. Lần này, tỉnh giới thiệu bác sĩ Huỳnh Tấn Đối và ông đã trúng cử.

Sáng 29 Tết Bính Tuất, tôi định đi chợ một chút thì bỗng có một số thanh niên ở gần đường số 1 chạy hớt hải vào xóm báo có đoàn xe tăng chở giặc Pháp đang kéo qua cầu Xóm Lụa. Tiếp theo có một số người gánh gồng lỉnh kỉnh, có người chỉ kịp xách một cái túi đổ xô vào xóm Tằm. Thế là già trẻ, giá trai làng Xuân Hội cũng bung chạy xuống bến Ông Đình lội sang Lò Ngòi để rút vào Ngọc Sơn. Một lúc sau lại có tin tiếp là đoàn xe giặc đã kéo hết vào phía nam rồi. Tất cả trở về làng trong tâm trạng băn khoăn, lo lắng. Sự việc diễn ra bất ngờ, nhanh chóng quá, không thể hiểu hết nổi. Chiến tranh rồi sao? Chẳng thấy trên thông báo gì cả. Là một cán bộ, tôi cũng có nhiều suy nghĩ, tính toán: bây giờ Ủy ban Xuân Hội sẽ làm gì? Rõ ràng là không có Tết hòa bình nữa đâu, phải kháng chiến như Nam Bộ thôi. Ăn uống qua quít, chuẩn bị gồng gánh sẵn sàng khi có lệnh thì đi tản cư theo kế hoạch.

Sau khi chiếm huyện lỵ Hòa Đa, giặc để lại một đại đội Âu Phi đóng tại trụ sở Ủy ban huyện rồi tiến vào Phan Thiết. Huyện đã kịp rút về Ngọc Sơn, chỉ thị các xóm làng ven quốc lộ 1 phải làm vườn không nhà trống và tản cư sâu vào thôn quê, tổ chức ăn ở, canh gác chu đáo, không để địch đánh bất ngờ.

Việc làm vườn không nhà trống không được gì vì phải lo tản cư, công sức đâu mà đập phá nhả cửa. Đó là một thực tế. Sau này tôi chỉ thấy ở Thái An và Bầu Trắng là vùng sâu nên có làm nhà không vườn trống Một số bà con Xuân Hội chạy sang Khánh Tài, Lò Ngói cho gần, chiều tối có thể về coi nhà cửa, tài sản. Số khác chạy xa vào Ngọc Sơn cách quốc lộ 1 hơn ba cây số. Gia đình tôi ban đầu ở Lò Ngói. Tại đây có con đường đất rộng chạy lên giáp cầu Xóm Lụa chỉ hơn cây số. Sau đó tôi mới thấy mình không quàn sợ chút nào. Ngồi trong nhà ở Lò Ngói thấy rất rõ cầu Xóm Lụa và các đoàn xe địch chạy qua lại. Nếu xe địch theo đường này thì chỉ vài phút là đến xóm. Sau lưng xóm là đồng trống kéo dài đến bìa động Ngọc Sơn, địch ập đến thì không sao chạy thoát được. Quả nhiên mấy tháng sau, có một lần địch càn Lò Ngói, bắn chết bảy người.

Tản cư nhưng không sao đem hết tải sản, lương thực đi được, một số thanh niên cứu quốc Xuân Hội chúng tôi phải bám xóm làng trông coi của cải cho đồng bào. Bà con rất đồng ý. Cũng chỉ làm theo ý nghĩ của mình vì thấy là cần thiết. Đã ở lại xóm thì tất nhiên phải tổ chức nắm địch để bảo vệ mình, chúng tôi lập các tổ Mai Ca Nên, Chương Me nhỏ, Dung, Thuận, Huấn, v.v…. để bảo vệ dân và nắm địch. Từ đó mới nảy sinh việc ghi chép thống kê hành động hàng ngày của địch. Hơn mười ngày sau, địch Hòa Đa đưa một tiểu đội đến đóng đồn tại bờ bắc cầu Xóm Lụa để giữ cầu, đường và kiểm soát các làng xung quanh. Giặc Pháp gọi Phan Thanh Cần (một đề lại già của huyện Hòa Đa trước đây) ra làm huyện trường. Phan Thanh Giác người Chăm, chủ tịch huyện Phan Lý bị địch bắt trong một trận càn cũng đã nhận làm huyện trưởng Phan Lý Chăm, tiếp tay cho người Pháp nắm người Chăm. Lính Pháp ở đồn cầu Xóm Lụa (gọi là đồn cầu số 4) thường sục vào các làng lân cận tìm các lý trưởng cũ gọi ra làm tề. Cũng có người chịu ra làm xã trường như Đoàn Kế Nga ở Xuân An.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM