Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:26:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đề Yêm chống Pháp  (Đọc 12590 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 01:58:43 pm »

Đề Yêm chống Pháp

Tác giả: Trọng Văn
Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam, 2003

Nguồn: Thư viện tỉnh Hà Nam








« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2021, 03:22:11 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:06:34 pm »

LỜI NÓI ĐẦU

Có một câu chuyện tôi nghe từ hồi còn nhỏ, làm cho tôi nhớ mãi và cũng thắc mắc mãi đến bây giờ là chuyện Đề Yêm làm “giặc”.

Lúc còn để chỏm, tôi được một người chị dâu họ thường kể cho nghe câu chuyện trên, vì chị là người cùng làng Đồng Lạc với Đề Yêm.

Tôi còn được nghe mẹ tôi kể thêm rằng: “Lúc quân Đề Yêm đốt xóm Lò bên kia sông Đáy thuộc làng Đinh Xá, bên làng Quyển Sơn ta liền thu xếp các thứ gọn gàng. Xóm nào xóm ấy đều có người ra bến sông để quan sát, hễ quân bên đó xuống đò bơi sang thì làng ta sẽ phải chạy vào núi ngay. Nhưng quân Đề Yêm không sang”.

Khi đi học ở trường huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tôi lại được mấy người bạn quê ở Đinh Xá kể chuyện về Đề Yêm. Chung quy câu chuyện nói về làng Đồng Lạc huyện tôi có thủ lĩnh Đề Yêm đánh nhau với quân Pháp, có đốt phá và giết người. Song, đầu đuôi câu chuyện ra sao, lúc chưa làm “giặc” thì Đề Yêm làm gì? Tại sao lại đi làm giặc, quá trình hoạt động và kết thúc thế nào thì chưa ai nói rõ cho tôi biết.

Mấy năm gần đây, tôi chú ý sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử tỉnh Hà Nam, trong đó có một số nhân vật mà tiếng tăm vẫn còn lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Tôi nghĩ rằng: Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, các nhân vật lịch sử ấy từ trong quần chúng mà ra và làm nên những chiến công, sự tích hiển hách. Nhiều vị chưa được sử sách ghi chép, nhưng họ vẫn sống trong ký ức và sự ngưỡng mộ của nhân dân địa phương. Ngược lại, một số vị còn bị thực dân Pháp xuyên tạc về chiến công cũng như nhân cách. Chúng cũng ghi chép, nhưng cắt đầu cắt đuôi, khuếch đại, tô vẽ những điểm gì có lợi cho chúng. Còn những vấn đề gì thuộc về nhân dân, về phẩm chất anh hùng của các thủ lĩnh khởi nghĩa thì chúng ghi chép qua loa, sơ lược hoặc bỏ qua không đề cập gì, thậm chí còn vu khống.

Huyện Kim Bảng có những người yêu nước như Đề Yêm ở thôn Đồng Lạc, xã Đồng Hóa; Quản Cầu ở thôn Lưu Xá, xã Nhật Tân; Lý Tài ở thôn Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn; Cả Quẳng tức Lãnh Quẳng ở xã Khả Phong v.v...

Không kể Lãnh Tràng, tức Đinh Công Tráng, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa (1886-1887) mà sử sách đã viết, còn lại các cuộc khởi nghĩa khác chống giặc Pháp ở các địa phương thì việc ghi chép hầu như không đáng kể. Nếu chúng ta không mau mau sưu tầm, nghiên cứu những cuộc nổi dậy ấy thì 10-15 năm tới, những người có thể cung cấp tài liệu, tư liệu cho ta sẽ không còn nữa. Sự nghiệp của các nhân vật đáng kính ấy sẽ mờ dần với thời gian và mất hẳn, nếu chúng ta không khẩn trương tiến hành công việc rất cần thiết trên.

Một điều nữa tôi muốn nói là đương lúc quân xâm lược Pháp thế hùng lực mạnh, vua quan nhà Nguyễn với thân phận trâu ngựa đã can tâm làm tay sai cho giặc để đè nén bóc lột nhân dân ta. Ngược lại, các sĩ phu tiến bộ, các nhà yêu nước một lòng vì nước, vì dân kiên cường, khảng khái, dám đứng lên lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu khiến cho bọn cướp nước và lũ bán nước phải nhiều phen khiếp sợ. Vậy thì tại sao ta lại nỡ gọi họ là “giặc” như kẻ thù gọi. Trước đây, một số người ở các vùng Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Đông) thì gọi nghĩa quân là “loạn Tuyết Sơn”.

Sở dĩ thực dân Pháp và bọn phong kiến bán nước Nam triều gọi những người đối địch với chúng là “giặc”, là “loạn” là lẽ đương nhiên, bởi vì họ quyết tâm sống chết, tiêu diệt chúng.

Khi Đảng Cộng sản chưa ra đời, giai cấp công nhân chưa thực sự trở thành lực lượng tiền phong duy nhất lãnh đạo cách mạng thì những cuộc khởi nghĩa, chống đối giặc Pháp và ngay cả một số cuộc cách mạng sau này cũng không đạt được kết quả mỹ mãn, nhiều khi bị thất bại đau xót. Tuy nhiên, các nhà yêu nước, cách mạng ấy đã hết lòng xả thân vì nghĩa lớn, sự nghiệp có thành công đến chừng mực nhất định nào hay thất bại đi nữa thì hành động anh hùng và phẩm cách sáng ngời của các vị rất đáng được nêu cao, làm gương cho hậu thế.

Bởi những lẽ trên, nên tôi đã bỏ nhiều trí tuệ, công sức, thời gian để sưu tầm, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của mấy nhân vật nổi tiếng yêu nước ở huyện Kim Bảng, đáng kể nhất là thủ lĩnh Đinh Quang Lý, tức Đề Yêm. Đối với Đề Yêm, tôi xin thay từ “giặc” thành hai từ “thủ lĩnh” nghĩa quân, xin thay từ “loạn” bằng hai từ “khởi nghĩa” 1.

Hà Nam, tháng 1/1965
           Tác giả





-----------------------------------------------------------------------------
1. Tác giả Trần Hà trong bài “Về quê hương người vẽ cờ Tổ Quốc” viết: “Các thế hệ học sinh trong xã còn nhớ thầy Nguyễn Hữu Tiến có lần kể chuyện ông Đề Yêm, một tướng giỏi của Nguyễn Thiện Thuật trong cuộc nổi dậy khởi nghĩa ở Bãi Sậy. Đề Yêm đã có lần hành quân qua đất Duy Tiên. Dân trong vùng đón tiếp, giúp đỡ hết lòng, có người còn cho cả con cháu đi theo nghĩa quân....” (Báo Nhân Dân hàng tháng), số 29 (9-1999) (BT).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:09:15 pm »

BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN CUỘC KHỞI NGHĨA

Đầu thế kỷ 19, nhân dân ta đói khổ dưới ách thống trị của triều đại nhà Nguyễn. Nạn lụt lội, mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên. Không những thế, sự nhũng nhiễu, tham ô, bóp nặn của bọn phong kiến suy tàn, trên từ vua dưới đến quan ra tay, chồng chất lên đầu lên cổ người dân Việt Nam bao nhiêu nỗi ê chề, không bút nào tả xiết được. Bởi vậy, các cuộc nổi dậy của nông dân chống đối triều đình nổ ra không ngớt. Vua tôi nhà Nguyễn hầu như không đủ sức giữ gìn trật tự nữa. Kho tàng của Nhà nước (của vua) cũng không còn gì để đắp vào những lỗ hổng đó. Tự Đức cho đánh thuế thuốc phiện, định thuế hàng năm cho người Minh Hương (tức là Hoa Kiều lai người Việt), cho bán ruộng đất công, ruộng đất bỏ hoang, lấy tiền nộp vào công phí, cho các tù nhân được nộp của chuộc tội, định lệ quyên tiền được hưởng hàm từ hoàng thân, công chúa, quan lại đến tổng lý, sĩ, dân; đồng thời còn sai quan đi tìm mỏ vàng, kẽm, đồng và đánh thuế mỏ. Tóm lại là tìm mọi cách để vơ vét của dân.

Trước tình hình chính trị rối loạn, kinh tế kiệt quệ đến cao độ, năm 1847 mượn cớ Thiệu Trị sát đạo, thực dân Pháp đến gây hấn ở Đà Nẵng.

Trước đó, từ thế kỷ thứ 17, thực dân Pháp đã phái bọn cố đạo, con buôn đến nước ta mượn cớ giảng đạo, buôn bán mà thăm dò lực lượng, gây cơ sở bên trong để làm nội ứng. Bá-đa-lộc (Aveque dAdrand) giúp Nguyễn Ánh (1874), Pen-lơ-ranh (Pellerin), Sác-ne (Charner) xúi giục, giúp đỡ Tạ Văn Phụng nổi loạn ở Bắc Kỳ (1861).

Kể từ lúc thực dân Pháp thực sự đánh chiếm thành Gia Định (18-2-1859) cho đến khi đánh chiếm cửa biển Thuận An, Huế (1884), triều đình nhà Nguyễn ký hết hiệp ước này đến hiệp ước khác, nhượng bộ hết bước này lùi sang bước khác trước thực dân Pháp. Ngày 6/6/1884, triều đình Huế ký hiệp ước Pa-tơ-nô-tơ-rơ (Patenôtre) - một văn tự bán nước cuối cùng của triều đình Huế, chứng nhận sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.Rõ ràng là trước kẻ thù cướp nước, nguy hiểm, nhà Nguyễn đã tỏ ra hèn nhát và bất lực. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là ngay trong triều đình Huế đã phân hóa làm 2 phái: chủ chiến và chủ hòa.

Tiêu biểu cho phái chủ hòa là một loạt con cháu nhà Nguyễn như: Tự Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa và bọn quan lại như Nguyễn Bá Nghi, Trần Đình Túc, Nguyễn Hữu Độ... Bọn người này khiếp sợ trước kẻ thù nên đã thỏa hiệp, đầu hàng không điều kiện. Chẳng những họ không lo chống giữ đất nước mà còn ra tay ngăn chặn những cuộc nổi dậy chống giặc ngoại xâm, tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân. Tự Đức lo xây dựng Vạn Niên cơ, nơi yên nghỉ cuối cùng của ông ta bằng bao nhiêu xương máu của nhân dân lao động. Đương thời đã có câu ca dao ai oán:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Còn phái chủ chiến như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết... có chủ trương, đối sách chống Pháp phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân. Tuy vậy, phái này vẫn ở trong vòng cương tỏa, điều khiển của triều đình.

Do không biết dựa vào sức mạnh hùng hậu của nhân dân và với tiềm lực quân sự của một nước phong kiến lạc hậu phải đương đầu với đội quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại của một nước tư bản lớn mạnh, vì vậy phái chủ chiến tránh sao khỏi thất bại.

Mặc cho triều đình phong kiến suy nhược, tinh thần quật khởi của nhân dân ta vẫn bùng lên mãnh liệt từ Nam chí Bắc. Có thể nói đó là chỗ dựa tinh thần chắc chắn cho phái kháng chiến và tới khi phái này đổ vỡ thì cuộc kháng chiến tự vệ của nhân dân ta vẫn kéo dài. Chính giặc Pháp đã phải thừa nhận: cần phải chinh phục lại những vùng đất đã chinh phục rồi.

Trong toàn cõi nước ta, kể từ lúc đầu, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, chúng đã bị nhân dân ta nổi lên chống đối và mãi về sau cũng thế. Ở Nam Bộ có các cuộc khởi nghĩa của Trương Định (1860-1864), Nguyễn Hữu Huân (1868), Trương Quyền và nhà sư Pu-cầm-bô người Khmer (tiếp tục sự nghiệp của Trương Định kéo dài đến năm 1876)....  Ở Trung Bộ có những cuộc nổi dậy của Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh, Nghệ An (1885-1896), Phạm Bành, Đinh Công Tráng và Hà Văn Mao tại Thanh Hóa (1886-1887)... Ở Bắc Bộ có các cuộc khởi nghĩa của Tạ Quang Hiệu tại Thái Bình (1886), Nguyễn Thiện Thuật tại Bãi Sậy, Hưng Yên (1885-1889)... Tại huyện Kim Bảng (Hà Nam) có thủ lĩnh Đề Yêm lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, kế tục sự nghiệp của khởi nghĩa Bãi Sậy. Sau khi Nguyễn Thiện Thuật thoát sang Trung Quốc vào khoảng giữa năm Kỷ Sửu (1889), Đề Yêm chuyển vùng hoạt động từ Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên sang vùng Hà Nam, Hà Đông, về tài liệu thành văn viết về nghĩa quân Đề Yêm có ít, nhưng ảnh hưởng của nghĩa quân vẫn còn nhiều trong trí nhớ của nhân dân Hà Nam, Hà Đông. Chúng tôi đã bước đầu sưu tầm, tìm hiểu về thân thế và quá trình hoạt động của Đề Yêm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:11:17 pm »

VÀI NÉT VỀ ĐỀ YÊM

Đề Yên tên thật là Đinh Quang Lý, người làng Đồng Lạc, tổng Kim Bảng hồi đó thuộc phủ Lý Nhân, nay thuộc xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Danh hiệu “đề” là chức đề đốc do các nhà yêu nước chống thực dân Pháp tự phong cho nhau và được nhân dân suy tôn như: Đề Thám (Hoàng Hoa Thám), Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Tràng, Hiệp Cường.

Nguyên làng Đồng Lạc có 2 họ Trương. Họ Trương lớn có một ngành đổi ra họ Đinh. Gia phả họ Đinh này bắt đầu ghi từ cụ Đinh Chi Hương, tự là Chính Trực, đỗ sinh đồ (tú tài), làm tổng trưởng (chánh tổng) tổng Kim Bảng, có mua hậu thần cả xã. Cụ Hương sinh năm 1708, mất ngày 9/6/1772, sinh được 4 người con trai là Đinh Quang Cơ, Đinh Quang Cát, Đinh Quang Tùng. Gia phả còn ghi thêm các đời kế tiếp nhưng không thấy ghi tên Đề Yêm. Ông Đinh Tự Lập là trưởng tộc, đối với Đề Yêm là cháu 6 đời cho biết: sở dĩ như vậy vì Đề Yêm là ngành thứ, lại đi làm “giặc”, người đương thời sợ liên lụy và ngành đó không còn ai là con trai nối dõi tông đường, nên gia phả chỉ ghi ngành trưởng thôi. Ngôi đất ở của Đề Yêm đã thay chủ mấy lần, hiện nay (1963), gia đình đồng chí Trương Mạnh Tường, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Đồng Lạc và gia đình đồng chí Đinh Quang Do ở đấy.

Theo lời bà cụ Huân, 73 tuổi (1963) và nhiều người trong họ Đinh ở làng Đồng Lạc cho biết thì Đề Yêm có nước da ngăm ngăm, tầm vóc to lớn, rắn chắc, khỏe mạnh, võ thuật giỏi, đặc biệt có đôi mắt xếch. Ông lấy vợ cùng làng, tên là Tiêm, họ Hoàng, con gái bà Nhang Nghiên.

Đề Yêm làm lý trưởng, người anh con ông bác là Đinh Quang Đa, tức phó Đa làm phó tổng. Vào khoảng tháng 5 năm Đinh Hợi 1887, căm tức quân Pháp đến cướp nước nên khi thu thuế gần xong, Đề Yêm liền đem theo cả tiền thuế để đi khỏi làng. Phó Đa cùng phó lý Nai tìm báo cho bọn quan Tây biết việc này. Lập tức chúng cho phát mại tài sản của Đề Yêm để bồi thường tiền thuế. Phó lý Nai còn cho rời nhà Đề Yêm ra đồng đốt sạch. Sau đó, hắn được bổ làm lý trưởng. Song, mọi hành động của phó Đa, phó lý Nai đều không qua được mắt Đề Yêm. Tiếng là đi khỏi làng, nhưng ông chưa đi ngay mà còn nằm ở nhà một người kéo vó là ông chùm Đọ, họ Chu ở làng Yên Lạc (làng trên) để quan sát động tĩnh. Đề Yêm ở Yên Lạc độ 5 tháng mới ra đi thật. Ông sang Bãi Sậy (Hưng Yên) theo ngọn cờ tụ nghĩa Cần Vương chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật). Sau khi Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, năm 1889 Đề Yêm đem quân về hoạt động ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên (Hà Nam), Ứng Hòa, Phú Xuyên (Hà Đông) rồi vào lập căn cứ gây cơ sở ở vùng Tuyết Sơn, Hương Tích thuộc huyện Mỹ Đức để chống Pháp.

Trong thời gian ở Tuyết Sơn, Đề Yêm có về thăm họ hàng, làng mạc hai lần, vào những đêm tình hình chiến sự êm êm. Thường thường mỗi chuyến đi rất ít người, chỉ có 2 hộ vệ cầm giáp đi theo bảo vệ Đề Yêm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:15:49 pm »

DIỄN BIẾN CUỘC KHỞI NGHĨA

Thời đó ở tỉnh Hà Nam chưa có kè đập, đê điều chưa đâu ra đâu. Dòng sông Đáy hiền hòa hay hung dữ còn hoàn toàn phụ thuộc vào lưu lượng nước sông Hồng. Năm nào cũng thế, cứ nước sông Hồng lên to là nước sông Đáy tràn bờ. Vì vậy, hàng năm, làng mạc ở hai bên bờ hai con sông này đều bị ngập lụt suốt bốn, năm tháng.

Năm Kỷ Sửu (1889), tức là năm Thành Thái nguyên niên, về tháng 6 (âm lịch), vùng Kim Bảng lúc ấy cũng nằm trong tình trạng trên. Đường sá, ruộng đồng đều chìm dưới nước. Những chòm cây xanh lỗ chỗ để lộ ra mấy nếp nhà tranh hoặc một vài mái đình chùa nhô lên khỏi mặt nước, trông xa cứ tưởng đó là những hòn đảo nổi. Đó đây một vài chiếc thuyền câu của người đi thả lưới, đánh lờ, bắt cá lênh đênh trên mặt nước... hoặc mấy chiếc thuyền nan bơi vội vàng từ làng nọ sang làng kia dưới trời mưa nặng hạt.

Vào khoảng hai giờ chiều ngày 16, người làng Yên Lạc lấy làm ngạc nhiên khi trông thấy 3 chiếc thuyền đại lững thững xuất hiện. Trống rong, cờ mở, thuyền lao vun vút về phía đường Thần Nông. Tiếng loa gọi trên thuyền dõng dạc: “Loa... oa. Bớ lý trưởng làng Yên Lạc ra đình hầu quan lớn. Loa... oa”. Đoạn, quân lính ở dưới thuyền tất cả đổ bộ lên bờ. Dân làng sợ quá, bàn nhau cử mấy cụ già nhất ra gặp thủ lĩnh nghĩa quân. Hàng ngũ quân lính tề chỉnh, gươm giáo sáng choang, tinh kỳ phấp phới dưới sân đình. Chủ tướng chính là Đê Yêm mời các cụ cùng ngồi và cho mời cụ chùm Đọ ra gặp. Cụ liền được Đề Yêm kéo ghế mời ngồi ngang hàng. Dân làng dõi theo thấy vậy mới yên dạ. Về sau, cụ chùm Đọ được Đề Yêm giao cho nhiệm vụ bảo vệ khu vực đóng quân. Những kẻ xấu lò dò đến do thám đều bị cụ trừng trị. 12 tên đã bị xử tử. Vì vậy, bọn do thám của Pháp hay của quan lại Nam triều phái đến đây đều khiếp sợ nghĩa quân. Chúng chỉ dám đến quấy quá những làng ở xa Yên Lạc rồi chuồn thẳng.

Hôm ấy, vào khoảng 4 giờ chiều, mặt trời đã chếch về phía Tây, đột nhiên xuất hiện một chiếc thuyền bồng chở một tướng và 7 quân lính được phái xuống Đồng Lạc, làng bên của Yên Lạc. Thuyền ghé vào nhà phó tổng Đa, nhưng hắn đi vắng. Con trai hắn là Thiều, 18 tuổi chạy lên, nhưng nhìn thấy người đang sục sạo tìm bố, hắn liền chạy xuống thuyền bơi trốn. Quân Đề Yêm gọi lại, nhưng Thiều vẫn cứ cắm cổ bơi đi. Tức quá, một nghĩa quân liền lập tức nổ súng. “Đoàng”. Thiều trúng đạn từ sườn qua bụng, chiếc thuyền tròng trành rồi từ từ chìm lỉm. Lúc đó, mẹ phó tổng Đa ra chắp tay lạy Đề Yêm xin tha tội chết cho con. Đề Yêm cung kính chắp tay lạy lại và nói:
- Cháu lạy bác. Anh Đa dại lắm, bác cứ bảo vợ chồng anh ấy ra đây.

- Vợ chồng nhà nó sợ chạy đi đâu rồi.

- Bác cứ bảo ra đây, cháu sẽ đưa tiền làm ma cho thằng Thiều. Nó cũng như con của cháu mà. Vì nó cứ bơi thuyền chạy đi nên chẳng may quân của cháu bắn trúng, biết làm thế nào được.

Số là Đề Yêm căm thù phó tổng Đa, định trừ khử hắn. Còn thằng Thiều là con Đa, nhưng nó là dòng dõi ngành trưởng của họ hàng nên Đề Yêm động lòng thương. Nó còn hương khói cúng giỗ ông bà, nên nói xong Đề Yêm cũng khóc. Cùng lúc đó, nghĩa quân lần lượt khuân vác tiền kẽm, tiền đồng, thóc lúa xuống thuyền. Có người vô tình khuân cả đồ thờ, Đề Yêm trông thấy liền quở mắng, bắt trả lại đâu vào đấy.

Trong khi nghĩa quân chưa rút thì phó tổng Đa về. Hắn đi bằng thuyền. Ngõ nhà hắn bổ tre rào từ lâu, chỉ thuyền con mới vào được. Đa bèn ghé thuyền lên nền chòi vịt ở cách nhà độ sáu, bảy thửa ruộng. Hắn đứng gọi đầy tớ “Ngát ơi! ơi Ngát. Cho thuyền ra, tao về”. Ngát đang nấp bờ tre đáp lại nhưng không dám nói to: “Trong nhà có cướp đấy”.

Phó tổng Đa tai lại nghễnh ngãng không nghe rõ, cứ to tiếng gọi. Nghe tiếng gọi mãi, nghĩa quân đoán là Đa về. Họ cứ: “Dạ, dạ” rồi lẳng lặng chèo thuyền ra. Cách Đa độ hai thửa ruộng, hắn mới giật mình biết là có biến liền nhảy tùm xuống nước lặn, nấp vào bờ tre, rét run cầm cập. Một lúc sau hắn được người nhà chèo thuyền chở chạy trốn sang thôn Điền Xá, nay thuộc xã Văn Xá, cùng huyện.

Thu dọn xong quân lương, Đề Yêm cùng binh sĩ rút đi. Lập tức phó tổng Đa đi tìm quân Pháp để báo cáo và mời một tên quan ba Tây về chữa cho con hắn. Xem vết thương của Thiều, hắn lắc đầu bởi không chữa được, vì Thiều đã bị chảy nhiều máu (năm sau thì chết). Hai hôm sau, thuyền nghĩa quân lại xuống ghé vào nhà lý phó Nai. Hắn nhanh chân trốn thoát. Nai chui xuống gầm bục cót lúa, chỉ để hở có hai lỗ mũi và đôi mắt thôi. Nghĩa quân sục sạo tìm mãi mà không thấy. Bố lý Nai là Trương Văn Thạc. Nai có 2 con (một trai, một gái), tên là Lý và Trí. Em rể hắn là Hoàng Văn Trưởng, lúc ấy đương làm phó lý cũng bị bắn chết.

Đề Yêm cho gọi loa để ổn định tinh thần nhân dân, cho quân canh bốn mặt, không cho một người nào ra ngoài. Bắt đầu từ ngày hôm sau, Đề Yêm cho loa gọi, truyền lệnh cấm cửa 3 ngày. Tất cả già trẻ, trai gái được mời ra đình làng ăn khao. Ba ngày liền dân làng được ăn uống no nê. Đề Yêm còn tổ chức hát chèo, bà con nô nức đi xem như xem hội.

Được ít lâu, Đề Yêm lại ra đi, để vợ ở lại nuôi mẹ già. Khi ông trở về nhà thì bà cụ vừa mới chết. Đề Yêm cúng mẹ một tuần rượu rồi đón vợ xuống thuyền cùng đi. Trước lúc ra đi, ông đã tế cờ ở đình.

Đề Yêm đạt giấy chiêu mộ nghĩa dũng và báo cho các xã, tổng trong vùng cung cấp lương thực.

Một lần, ông cho dân nghèo các làng Yên Lạc, Phương Xá, Lạc Nhuế đi theo thuyền xuống nhà chánh Thủy, tức chánh Kinh - một cường hào giàu có ở làng Điền Xá để lấy thóc chia cho bà con.

Các cụ ở làng Lạc Nhuế kể lại rằng: hồi các cụ còn nhỏ cứ nghe thấy tiếng trống đánh tong tong và trông thấy vài ba chiếc thuyền ván con cắm cờ ngũ sắc lướt qua ngoài ao làng thì đoán biết đó là quân Đề Yêm đi lấy lương và chiêu mộ nghĩa dũng.

Về việc chém giết người nhà phó lý Nai kể trên, một số người ở làng Đồng Lạc và quanh vùng cho là Đề Yêm trả thù, báo oán. Có đúng như thế không? Theo ý chúng tôi thì chưa hẳn như vậy, vì sau đó Trương Văn Duyên ra làm lý trưởng làng Đồng Lạc có thù oán gì với Đề Yêm đâu mà ngày 11 tháng 8 (âm lịch), Đề Yêm cũng cho người về giết ở ao dừa (vì có trồng dừa ở bò ao). Sau đó cho treo đầu lên ngọn tre, hạn 3 ngày mới được lấy xuống và cho gọi loa kể tội Duyên đi báo Tây làm tay sai cho chúng. Điều đó chứng tỏ Đề Yêm cũng như nhiều người yêu nước khác đương thời coi giặc Pháp là loại dị chủng (khác giống), tóc quăn, mũi lõ, da trắng, mắt xanh, thường gọi là loài bạch quỷ. Bọn chúng là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân ta. Những kẻ làm tay sai cho chúng, tức là nối giáo cho giặc, giết chúng cũng là một cách đánh vào đầu giặc. Mặt khác, đây cũng là lời cảnh cáo những tên tay sai hoặc những kẻ lăm le làm tay sai cho giặc. Chẳng bao lâu ở làng Hội Xá, huyện Mỹ Đức, cánh cai Để, đội Đao - tướng của nghĩa quân cũng giết mẹ tổng Mỹ và đốt sạch một ngôi nhà của anh em tổng Mỹ, vì hắn làm tay sai cho giặc Pháp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:24:17 pm »

Nghĩa quân Đề Yêm đóng ở làng Đồng Lạc một thời gian ngắn thì bị lộ. Giặc Pháp đem quân theo dõi, nhưng chúng đóng cách xa. Trước tình hình ấy, nghĩa quân rất cơ động, khi thì đóng ở làng này, khi thì đóng ở làng khác. Có lần đóng ở làng Lạc Nhuế, cứ ban đêm thì đến, ban ngày lại đi, cả thảy độ 10 ngày.

Đối với những làng như Đinh Xá (xóm Lò), Thọ Xuân (xóm Dí) và Lạc Nhuế kháng cự nghĩa quân thì Đề Yêm cho đốt mỗi nơi độ mươi nóc nhà.

Do lụt lội diễn ra liên miên, nhân dân vùng Kim Bảng cũng như các vùng khác bị nạn đói trầm trọng. Lương thực nuôi nghĩa quân không còn cách nào khác là phải lấy ở các nhà giàu. Làng Lưu Xá hồi đó có nhiều nhà giàu nhất ở phủ Lý Nhân, vì có nhiều ruộng, lại có nghề phụ dệt vải, tiền dư thóc tích. Nghĩa quân đạt giấy lấy thóc, nhưng lý trưởng làng này không tiếp, vì vậy có rào tre dày đặc, lấp hết cả lối vào.

Một buổi trưa ngày cuối tháng 6 (âm lịch), trai làng Lưu Xá sau khi đã đánh trâu đi cày mò ruộng chiêm, về đến cổng làng, họ ngồi nghỉ dưới gốc đa cổ thụ. Người nọ chờ người kia cho đông, chứ đi lẻ thì cổng làng không mở. Họ ngồi trên bắp cày, trên gốc đa, hút thuốc, chuyện trò râm ran. Tại gốc đa này cũng có một người ăn mặc quê mùa quần nâu áo vải, bên nách lại đem một bọc quần áo cũ đang ngồi hút thuốc lào với ba anh chàng đồng nát có mang quang sọt lổng chổng những thau thủng, xanh bẹp, cái cân cũ kỹ để trên mẹt. Người ăn mặc quê mùa nói rằng: “Mình là tay cày bừa rất giỏi, làm bờ làm đỗi thẳng tắp như sợi chỉ vạch. Mình vào làng hỏi xem có ai thuê thì làm mướn”. Còn ba anh chàng đồng nát kia thì khỏi phải nói, tha hồ mà huyên thuyên: nào là giá đồng cao, giá đồng hạ; nào cái cô gái ông chủ mua đồng lại cong cớn nhưng trông cũng được: da trắng, mắt bồ câu... Mỗi người thêm vào một câu, rồi họ cười như nắc nẻ. Mấy chàng trai Lưu Xá cũng ghé xuống rít hơi thuốc lào, vui lấy vui để, cười ròn rã.

Khi thợ cày về đông rồi, cổng làng mới mở. Trâu và người lũ lũ lượt đi vào. Anh đi làm thuê và ba anh hàng đồng cũng gồng gánh theo vào. Người đi nhanh tiến lên ngõ trên. Người đi chậm đứng ở ngõ dưới. Dường như họ đã sắp đặt trước. Họ đứng ở cổng làng và ba ngõ dưới. Nhanh như cắt, họ dở vũ khí trong bọc và ở dưới gánh hàng ra. Bỗng dưng, người đi làm thuê thét lớn: “Cứ mở cổng ra”. Tiếng vang như sét đánh khiến cho mấy người giữ cổng đang đóng lại hồn vía lên mây. Nhìn lên, họ chỉ thấy ngọn kiếm loang loáng múa tay trên người đứng trước, khiếp sợ quá nên đành phải mở cổng. Thế là nghĩa quân Đề Yêm chờ sẵn ở bên ngoài ập vào. Lần này họ mới lấy được lương thực của mấy nhà giàu nhất làng Lưu Xá. Số là Đề Vang, một tướng cũ của khởi nghĩa Bãi Sậy, quê ở Quảng Yên lúc này đã đứng trong hàng ngũ nghĩa quân đóng vai anh thợ cày đi làm mướn kể trên.

Vào đầu tháng 7 (âm lịch) năm ấy (1889), đúng mùa nước to, ngập cả cánh đồng, việc đi lại trong thôn xóm đều phải dùng thuyền. Quân Đề Yêm kéo vào làng Ngang (nay là thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên), đóng ở đình làng và cho dịch loa: “Bớ lý trưởng ra đình hầu quan lớn”. Trong làng cứ “dạ” ran lên. Lo sợ quá, lý trưởng Nguyễn Văn Đức chạy đến lạy cụ đồ Phạm Văn Quang (thường gọi là cụ đồ Tá hay cụ đồ Hai)ra nghênh tiếp hộ. Cụ đồ Tá đang chít khăn, mặc áo chuẩn bị ra đình thì anh trai là cụ đồ cả lên gàn, vì lo lắng cho em. Song, cụ đồ Tá không nghe. Cụ ngồi trên chiếc đò nan mà trong đó lý trưởng Đức đã sắp sẵn một buồng cau để trên chiếc mâm đồng rồi cho người chở cụ bơi ra phía đình. Khi bước vào sân đình, cụ đồ chắp tay vái. Có tiếng trong đình nói vọng ra: “Cho vào”. Mấy nghĩa quân đứng ở hiên đình nhắc lại: “Cho vào”. Cụ đồ thong thả bước vào sân đình, nhìn lên thấy chánh tướng Đề Yêm ngồi với mấy phó tướng ở sập giữa, còn các cấp dưới ngồi hai biên. Cụ đồ được mời ngồi. Cụ ngồi ở sập dưới, nhưng Đề Yêm mời cụ lên cùng ngồi ở sập trên. Trong khi trao đổi đàm luận, Đề Yêm có hỏi ý kiến cụ đồ về việc vừa qua nghĩa quân đốt xóm Dí, làng Thọ Lão (xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng). Cụ đồ Tá thẳng thắn nói: “Các ngài đi mở nước, giết giặc ngoại xâm, trừ hại cho dân mà lại đốt nhà dân, e rằng nhân dân ta thán”. Đề Yêm phân trần: “Dân xóm Dí không tiếp chúng tôi thì thôi, đằng này họ còn bổ tre, rào xóm chống cự và chửi bới chúng tôi. Sự trừng phạt đó chỉ là bất đắc dĩ mà thôi”.

Các tướng lĩnh của Đề Yêm ngỏ ý sẽ cho quân vào các nhà giàu trong làng Ngọc Động để lấy lương thực nuôi quân, nhưng cụ đồ Tá xin đừng làm. Rồi cụ đồ cáo ra về. Cụ bảo lý trưởng trù biện đem ra một con lợn xúc và mấy thúng gạo cho nghĩa quân. Cụ đồ Tá và lý trưởng Đức (ẵm cả cậu con trai Tài theo) đi thuyền chở số lương thực, thực phẩm đó ra đình làng. Thuyền cập bến, thủ lĩnh Đề Yêm ra tận nơi đón và vui vẻ bế bé Tài. Sau đó nghĩa quân bổ tre rào cổng ngoài ngõ cụ tổng Ba.

Đến 3-4 giờ chiều, nghĩa quân gọi loa thông báo cho dân làng yên tâm làm ăn, ngày mai cứ đến họp chợ ở sân đình như thường.

Sáng hôm sau, dân làng Ngọc Động vui vẻ đi chợ. Trẻ con, người lớn tò mò đến xem các thuyền của nghĩa quân đóng ở ngay sau đình. Trong các thuyền có nhiều gạo, gà, vịt và một số thức ăn khác. Có những đứa trẻ nhảy cả xuống thuyền để xem. Dân làng có người được nghĩa quân cho cả nồi tư thịt để mang về ăn.

Số quân của Đề Yêm về làng Ngọc Động có độ 50 người, thủ lĩnh Đề Yêm đã có ống nhòm để quan sát. Khi nhìn thấy quân Pháp ở mạn An Phú, Thọ Lão đi lên, có nghĩa quân đòi đánh. Dân làng sợ Pháp sẽ làm hại làng nên xin Đề Yêm đừng đánh, vì địch còn ở xa. Đề Yêm đồng ý. Cuối buổi chiều hôm sau, nghĩa quân cho gọi dân làng đến bảo: “Thôi chúng tôi đi đây, kẻo ở lâu khi đánh nhau, dân làng sẽ bị thiệt hại”. Rồi tất cả thu xếp xuống thuyền. Thuận buồm xuôi gió, thuyền lướt nhanh vun vút lao về phía Đồng Văn để nhằm hướng ra thôn Bùi Nguyễn (chợ Lương hiện nay).

Vũ khí của nghĩa quân lấp lánh dưới ánh nắng vàng, bao gồm dáo mác, súng hỏa mai và 35 khẩu súng khai hậu của Pháp (loại súng mới nhất lúc đó của giặc). Nghĩa quân quý từng viên đạn một, không bắn phí.

Đoàn thuyền lại kéo về thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng. Trống rong cờ mở, nghĩa quân kéo vào đóng ở nhà bá Nho (người giàu nhất làng mua chức bá hộ) rồi gọi dân làng đến làm lợn, gà cùng vui vẻ. Nghĩa quân ở đây một ngày một đêm rồi lại ra đi.

Trong hoàn cảnh thiếu lương ăn, nhưng các chiến sĩ vẫn vui vẻ ca hát. Vì đều xuất thân từ nông dân nên họ rất yêu mến những người cùng khổ, tuyệt đối không tơ hào của cải của nhân dân. Nghĩa quân chỉ lấy thóc lúa ở những nhà giàu có. Đôi khi họ còn giúp đỡ các gia đình nông dân nghèo.

Nghĩa quân Đề Yêm xuôi thuyền về tới làng Dộc, nay là thôn Thụy Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng. Lúc này quân số của Đề Yêm đã lên vài trăm người. Thuyền đậu trên sông san sát như lá tre (cả thuyền ván lẫn thuyền nan). Bữa ăn của quân sĩ thịt thái hàng nong, cơm thổi rất nhiều. Dân làng có người hiểu lầm, sợ hãi. Biết vậy, có nghĩa quân nói: “Chúng tôi có làm gì mà các ông, các bà ngại, cứ yên tâm”. Họ còn âu yếm bế cả trẻ con và cho ăn xôi, thịt.

Sau đó, đoàn thuyền nghĩa quân kéo ngược lên Cầu Go (nay là ấp Thọ Cầu, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng). Ở đây họ được các bậc đàn anh trong làng nghênh tiếp chu đáo rồi cho trai tráng mổ bò làm tiệc thết đãi.

Ăn uống xong, nghĩa quân chèo thuyền tắt qua cánh đồng phía Tây vào đóng ở chùa Tam Giáo, thuộc làng Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh. Chùa nằm ở phía trong hang núi, chỗ chân dãy núi con Chắm. Dãy núi này phía đầu ngoảnh về phương Bắc có vực thẳm chùa Ông, cuối là phía Nam, giáp cánh đồng làng Thụy Sơn. Đằng lưng là phía Tây có sông Đáy chảy qua về phía trước mặt, phương Đông có cánh đồng các làng Quang Thừa, Cầu Go, Thụy Sơn, Lạc Nhuế... Nghĩa quân đóng ở chùa Tam Giáo độ gần một tháng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:26:22 pm »

Một hôm về đầu tháng 8 (âm lịch), mặt trời lên cao được độ 2 con sào, 3 tiếng mõ nổi lên ở vọng canh tiền tiêu, đầu mỏm đá cao ngoài mỏm núi, người đốc canh chạy ra. Một nghĩa quân đứng canh, tay chỉ về phía trước nói: “Chiếc thuyền kia chèo gấp lắm, chắc có chuyện gì? Đằng sau chiếc thuyền ấy sao lắm thuyền thế?”. Đốc canh liền đánh 3 hồi mõ, mỗi lần 5 tiếng. Lần lượt các hốc đá, hốc cây, từng chặng một có người đánh như thế, chuyền dây vào tận trong chùa. Lập tức Đề Yêm ra ngay thực địa. Cùng đi có mấy lính hộ vệ. Đến sân, Đề Yêm đứng sát cây nhãn to, đưa đôi ống nhòm đeo ở ngực lên nhìn. Sau đó, ông truyền lệnh báo động và cho người ra bến đón người đang chèo chiếc thuyền con tới. Thuyền vừa cập bến, chủ thuyền liền nhảy lên bờ và rảo cẳng đi lên gặp chủ tướng. Đề Yêm cùng người đó bước đi, chỉ thấy ông gật đầu lia lịa. Quản Cẩm cầm lấy chiếc loa đồng của chủ tướng đi ra và dõng dạc dịch: “Loa...oa. Lệnh truyền cơ nào đạo ấy, sẵn sàng đến vị trí chiến đấu của mình chờ lệnh. Loa...oa”.

Thì ra người ngồi thuyền lúc nãy là một trong những nghĩa quân đi lấy lương về. Nhìn thấy thuyền của Pháp và lính tập, nghĩa quân liền chèo vào đổ bộ lên xóm làng hòa mình với dân làng và không quên cho một người chèo thuyền về để báo tin cho chủ tướng. Không khí diễn ra khẩn trương. Người cầm kiếm, cầm đao, người cầm súng, chỉ nghe thấy tiếng chân người chạy rầm rập. Họ thoăn thoắt trèo lên sườn núi nấp vào các hòn đá cao hay cổ thụ. Chừng dập bã trầu, các cơ, các đội, đâu vào đấy. Tiếng loa lại nổi lên báo: “Đoàn thuyền địch đang chèo gấp về phía ta, tất cả sẵn sàng chờ lệnh”. Trống cái, trống con trong chùa nổi lên ầm ầm. Người nào cũng dán mắt nhìn về phía trước. Những con mắt căm hờn, với bầu máu nóng của nghĩa quân sẵn sàng tiêu diệt quân thù. Có người nghiến răng nhìn quân địch đang chèo tới.

Tiếng trống trong chùa mỗi lúc một dữ dội, khiến thuyền địch dừng lại cả. Chúng bắn hàng loạt đạn vào chùa, tiếng đạn chiu chiu, nổ chan chát vào đá, loé lửa. Địch bắn rất nhiều, nhưng không dám tiến. Nghĩa quân chỉ thúc trống, không bắn trả lại. Một chiếc thuyền của địch tách ra khỏi đoàn , tiến thẳng vào phía chùa. Khi địch đến gần ,tiếng trống bỗng ngắt . Súng ròn rã nổi. Hai thằng Tây (một quan một, một quan hai) lộn nhào xuống sông. Chúng phải vội vã chèo lùi ra. Nghĩa quân bồi thêm một loạt đạn nữa. Lập tức hai tên lính lăn quay tại chỗ . Thế là địch phải ù té tháo chạy.

Một cuộc họp chớp nhoáng được Đề Yêm triệu tập trong chùa. Sau khi nhận định tình hình, các tướng lĩnh đều nhất trí rút vào căn cứ địa mà Đề Yêm đã phái Hiệp Cường đi tìm trước rồi.

Nghĩa quân hoạt động không sao tránh khỏi con mắt rình mò, theo dõi của giặc Pháp. Chúng đóng quân ở xa tại thôn Bài Lễ, nay là Do Lễ thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, nhưng vẫn chú ý các hoạt động của Đề Yêm. Có một kẻ manh tâm ở thôn Quang Thừa đã đi báo Tây nên chúng mới cho quân đến vây đánh nghĩa quân như đã nêu ở trên.

Hôm ấy, độ 2 giờ chiều, nghĩa quân mới rút đi... Đoàn thuyền tiến thẳng về phía thôn Mã Não, thuộc xã Ngọc Sơn cùng huyện và đóng ở đình làng. Dân làng giết lợn làm cỗ bàn thết đãi binh lính. Trong làng này có tên Cà Vẹt, trước đã đi lính cho Pháp, nay đi báo tin cho Tây. Thế là hôm sau, địch kéo quân về vây làng Mã Não.

Được tin trên, Đề Yêm ra lệnh cho các quân sĩ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đình làng được bố trí thành công sự. Các cối đá cắm tàn, lọng cột gỗ, sập ngồi v.v.... đều được vần ra chắn cửa và có chừa khe hở làm lỗ châu mai. Tuy công việc đối phó khẩn trương như vậy, nhưng trong đình vẫn nổi trống phách hát chèo, như không có chuyện gì xảy ra.

Thuyền của quân Pháp vây quanh làng, nhưng dè dặt không dám xông vào. Mãi sau chúng phái một chiếc thuyền con chở thằng quan ba Tây, thằng tri phủ và mấy tên nữa, lượn ngoài xa rồi sấn vào cửa đình. Nghĩa quân đã chú ý, nhưng chờ cho chúng vào gần mới nổ súng.Thằng quan ba Tây trúng đạn ngã kêu rống lên. Thằng tri phủ sợ hãi quá, nằm nép vào mạn thuyền và ra lệnh cho thuyền rút mau. Chúng đóng đen cả cánh đồng rồi nã tất cả các cỡ súng vào làng. Từng tràng, từng tràng đạn bắn, đến nỗi cây cối gần như trụi lá.Cả một vùng vang tiếng súng. Chỗ thằng Tây bị bắn là giếng Lập, nay chỗ đó vẫn còn tên gọi như vậy.

Đêm ấy, Đề Yêm cho treo lên nóc đình một ngọn đèn và cho ông từ đánh trống rền đến sáng. Địch cứ nhòm ngọn đèn mà bắn vào. Còn nghĩa quân thì ung dung rút về làng Thụy Xuyên (tên Nôm là làng Thượng, xã Ngọc Sơn, cùng huyện) bằng thuyền.

Ngày hôm sau, tức là ngày thứ 3, kể từ lúc nghĩa quân đến, dân làng Mã Não bồng bế con cái lên ngôi chùa ở đầu làng để ẩn. Trống trong đình thôi không đánh nữa. Mặt trời lên cao.

Giặc Pháp vẫn dập dờn, không dám vào làng. Sau đó chúng cho quân kéo vào đầu làng, nhưng rất dè dặt và sợ sệt. Chúng xua lính khố xanh đi trước đến gốc đê, cách chùa một cái sân và một góc vườn, ước chừng 25 m. Nó cho lính bắn vào chùa để xem động tĩnh. Một tiếng kêu thét lên. Một người trong chùa bị trúng đạn, chính là con bà từ Cầu. Đạn còn trúng cả vào tượng Phật trong chùa. Lúc ấy trong đình đầy đàn bà, trẻ con không chạy được mới kéo nhau lên đây. Bà đội Xúc, quê ở Vân Đình (Hà Đông) xuống đây buôn bán mới kêu to lên: “Trong này chỉ có đàn bà và trẻ con thôi, đừng bắn”. Mọi người kêu khóc ầm ĩ nên chúng thôi không bắn nữa. Chúng phái hai tên lính vào dò xem thực hư và hỏi xem có còn “giặc” ở trong làng hay không. Hỏi đi hỏi lại thật kỹ rồi chúng mới dám tiến vào làng. Từng tốp, từng tốp rụt rè, lấm lét nhìn ngang liếc dọc. Một tiếng động nhỏ, chúng cũng rúm lại với nhau và lên đạn lách cách. Bỗng tên đi đầu thụt xuống báo cho đồng bọn chuẩn bị chiến đấu. Bất ngờ, một người mặc áo tơi lá đi ra. Bọn lính cuống cuồng, hấp tấp nấp vào hai bên cổng nhà dân. Chúng nắm chắc cò súng rồi cho một thằng ra hỏi. Thằng này mồm thì hỏi nhưng tay súng run lên bần bật. Thì ra người mặc áo tơi nói trên chỉ là một người dân bình thường. Mấy thằng Tây lại tiếp tục thúc lính tiến, vào sâu trong xóm. Lâu lắm chúng mới vào được trong làng. Mấy hôm sau Tây bắt tất cả dân làng ra triệt hạ ngôi đình, gỗ thì chở về Phủ Lý. Ngôi đình làng Mã Não bây giờ là do dân làng làm về sau này.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:30:30 pm »

Ở miền Bắc nước ta, mỗi năm vào độ đầu xuân, từ cuối tháng giêng sang đầu tháng ba, người miền ngược đổ về, người miền Đông đổ sang, miền xuôi kéo ngược, nườm nượp chảy về phía Tây tỉnh Hà Đông để “Dạo cảnh chùa Hương ngắm nước non”, sau đó đến chợ Đục Khê, xuống Phú Yên, vào chùa Tuyết; chỗ nào cũng có sơn, có thủy, có hang, có động. Trong một cuốn sách do Ty văn hóa - thông tin tỉnh Hà Đông xuất bản đã giới thiệu thắng cảnh Hương Sơn và chùa Tuyết Sơn như sau:

Chùa Tuyết Sơn thuộc hệ thống chùa Hương Tích, nhưng nằm khuất mãi ở giữa vùng núi rừng trùng điệp. Từ xưa, chùa Tuyết Sơn đã nổi tiếng là nơi cảnh đẹp, linh thiêng. Phan Huy Chú trong cuốn sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết: “Tuyết Sơn có nhiều lượt núi cao, trong núi có động rất đẹp. Trong động có nhũ đá rủ xuống, chồng chập hiện ra, coi như một dãy tán, cảnh trí xanh tốt âm u...
Trên cửa động Tuyết Sơn có ba chữ lớn “Ngọc Long Động” (Động con rồng ngọc), tương truyền là Tĩnh vương Trịnh Sâm đề. Trong động có nhũ đá, đẹp như ổ rồng, cây bạc và pho tượng Phật tạc vào đá.

Trịnh Tĩnh Vương có đề thơ ở đây
”.

Như vậy là ta mới biết Tuyết Sơn về phương diện phong cảnh, lịch sử, còn về vị trí quân sự của nó thì chưa mấy ai chú ý đến. Có chăng người nào tò mò sẽ biết thêm được ở đây có câu phương ngôn nói lên những điểm đặc điểm của mấy làng trong vùng này là: “Gái Hội Xá, cá Phú Yên, tiền Yến Vĩ”.

Làng Hội Xá có nhiều con gái đẹp, làng Yên Vĩ thu được nhiều tiền đò suối, vì khách đi trảy hội Chùa Hương rất đông. Còn làng Phú Yên có cửa sa bắt được nhiều cá, vì đến mùa mưa, nước sông Hồng tràn, về sông Đáy suốt từ Ba Thá đổ xuôi, nước cũng như cá xuôi theo chân dãy núi từ Hòa Bình đổ về đến Phú Yên mới có lối ra sông Đáy. Làng Phú Yên lại có Tuyết Sơn, một vị trí quân sự liên quan đến lịch sử chống Pháp của Việt Nam mà con mắt Đê Yêm đã nhìn thấy cách đây ngót một trăm năm. Sau đó, Tuyết Sơn cũng vẫn là nơi dụng binh của các nhà yêu nước chống Pháp. Năm 1917, một cánh quân 16 người của Đội Cấn nổi dậy ở Thái Nguyên kéo về đây. Hồi Nhật sắp đảo chính Pháp (9/3/1945), một cánh quân Pháp, kể cả lính Tây và lính khố đỏ đóng ở Nam Định đã bỏ trại kéo theo đường đồng lên Hà Nam rồi vào Tuyết Sơn, đi xuyên qua Hòa Bình. Hồi kháng chiến chống Pháp, tỉnh đội Hà Đông đã lấy Tuyết Sơn làm căn cứ địa. Lúc đánh Pháp ở đồn Yến Vĩ, ta cũng lấy Tuyết Sơn làm nơi đồn trú của bộ đội và dân công.

Tuyết Sơn có một ngôi chùa ở trong động, từ thung lên cao chừng vài chục thước. Trước động là một cái thung, đi từ chùa Bảo Đài vào đây là 1 km, từ động vào trong cùng cũng dài bằng từ Bảo Đài vào động. Diện tích thung này bây giò nhân dân vỡ hoang trồng trọt trên 100 mẫu Bắc bộ (mỗi mẫu có 3600 m2).

Vào Tuyết Sơn ngoài con đường chính phải qua chùa Bảo Đài ra còn 2 con đường nữa: một là Cổng Dại ra lối cánh đồng Yên Vĩ, Đục Khê; hai là quèn Gánh Gạo qua quèn Côm, núi Vua, qua núi Kính Lão ngược lên mạn Hoà Bình hay suối Chi Lê (Hoà Bình), Nho Quan (Ninh Bình). Còn phía trong cùng thung có núi đá vôi đứng thẳng như tường. Hồi đó, đường vào rậm rạp, khúc khuỷu, gập ghềnh. Lối chính vào chùa Bảo Đài, đến chỗ đường hẹp, hai bên vách đá, mỗi bên một người cầm ngọn giáo đứng canh không ai có thể qua được. Địa hình này thật là “một người giữ ải, vạn người bó tay”. Thuở ấy, thực dân Pháp chưa có máy bay, lợi dụng địa thế hiểm yếu này, nghĩa quân Đề Yêm sau khi rút đến làng Thụy Xuyên, ra sông Đáy, rồi kéo ngược đoàn thuyền, gồm cả ván lẫn thuyền nan có trống rong, cờ mở. Người ngồi đầu mũi thuyền cầm lá cờ là Nguyễn Văn Quang, người làng Vĩnh Sơn (Kim Bảng) lúc đò chảy qua, người làng đều thấy cả.

Đến gần Phú Yên, đoàn thuyền chia làm 2 cánh: một kéo vào cuối làng Phú Yên, một đi ngược ngòi vào Đục Khê, Hội Xá. Dân làng lúc đầu do không hiểu nên nhìn thấy nghĩa quân sợ quá, bỏ chạy, nhất là quan viên hai họ đang dự đám cưới cô tổng Ngem ở Đục Khê bỏ cả cỗ bàn. Hai cánh quân đi vòng kiềng gặp nhau ở đình Phú Yên. Lúc ấy, vào cuối tháng 8 (âm lịch) năm 1881. Nghĩa quân đóng ở đây 5 ngày có tổ chức hát chèo cho dân làng xem. Trước khi kéo vào Tuyết Sơn có làm lễ tế cờ. Một tiểu đội đóng ở đình này. Rồi lệnh “cấm cửa” được ban bố, nghĩa là chỉ những nghĩa sĩ mới được ra vào. Còn người thường thì cấm hẳn, không được vào. Nghĩa quân đạt giấy đi các nơi chiêu mộ nghĩa dũng và lấy lương thực của các nhà giàu có. Nhân dân các làng xung quanh hưởng ứng rất sôi nổi. Hàng chục người được cử vào phục vụ nghĩa quân. Trong lúc nghĩa quân thiếu người cấp dưỡng, lập tức cụ Đinh Văn Phê và mấy cụ bô lão nữa ở Đục Khê tình nguyện xin vào làm.

Nghĩa quân vào đến Tuyết Sơn liền bắt tay vào việc xây đồn, đắp lũy, đào hào. Hiệp Cường - một tướng của Đề Yêm được chỉ định chỉ huy việc này.

Nghĩa quân đóng một đồn chính ở động chùa Tuyết và 4 đồn nữa là: Bảo Đài, cổng Dại, quèn Gánh Gạo, Đồng Hến (cuối thung), ở Bảo Đài, chùa hẹp nên chỉ đóng được một tiểu đội. Trại quân phải đóng dịch vào chỗ bể Cạn, vì đây là một đồi đất. Đề Yêm đóng ở đồn chính, còn 4 hiệp quản đóng ở 4 đồn kia, trong đó có Tác Vi đóng ở Ba Tòa rồi sau rút vào Bảo Đài. Mỗi đồn đều có bếp rèn để đánh vũ khí như: dáo, mác, mã tấu và đúc súng thần công 1. Tổng số có 6 bếp rèn, mỗi bếp có mấy bễ sắt. Để phục vụ sản xuất vũ khí, nghĩa quân đã huy động nhiều thuyền chở vật liệu tới. Ngoài ra, có một đồn tiền tiêu đóng bí mật ở chợ Dầu (Kim Bảng) do Hiệp Cường đốc xuất và một đồn nữa ở thung Côm thuộc xã Hòa Lạc, huyện Mỹ Đức, ở phía Bắc dãy núi chùa Hương, cách Tuyết Sơn độ 10 km. Đồn này đóng thành doanh trại 2.

Sự canh phòng trong căn cứ Tuyết Sơn rất nghiêm ngặt. Từ đồn Bảo Đài vào đồn chính phải qua cả thảy 5 trạm canh nữa. Đồn chính được xây dựng dựa vào vách núi, trong chia làm 2 phần: một bên dành cho chủ tướng Đề Yêm rộng hơn (nơi đây kiêm cả làm phòng hội họp của các tướng lĩnh), một bên dành cho vợ Đề Yêm nghỉ thì hẹp hơn. Những buổi họp bắt đầu từ sáng đến non trưa, các tướng lĩnh đều tề tựu đông đủ.




----------------------------------------------------------------
1. Theo một số cụ già cho biết thì nghĩa quân đúc được 2 khẩu súng thần công. Theo tài liệu của Pháp “Lính khố xanh Đông Dương” thì địch bắt được 1 khẩu thần công (loại nhỏ) lúc nghĩa quân tan rã.

2. Hiện nay nền nhà và chỗ vách núi làm nơi ăn uống còn dấu vàng ám khói.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 02:34:21 pm »

Về tuyển quân thì ví dụ sau minh họa cụ thể: Vương Văn Trí, Vương Văn Hậu là hai anh em họ, quê ở làng Đục Khê xung phong xin gia nhập nghĩa quân. Sau khi hỏi han quê quán, ý nghĩ của mỗi người, rồi Vương Văn Trí được nhận, còn Vương Văn Hậu thì được cho về, vì anh mắc phải cái tật chống gáy dễ nghe người khác nói và tật chống hơi nữa, người anh lại không được khỏe. Xem ra cách tuyển quân của Đề Yêm không những kén người khỏe mạnh mà còn kén cả tướng người.

Về huấn luyện: Quân sĩ được chia ra các cơ, đội, có tập luyện các môn võ côn, quyền, sử dụng dáo, mác, mộc và tập bắn súng.

Thủ lĩnh Đề Yêm và những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa rất chú trọng đến việc trang bị và cấp dưỡng cho nghĩa quân. Nhiều thầy đồ ở vùng Vân Đình, huyện Ứng Hòa chuyên làm mũ bằng da và áo dầy bằng giấy bản cũ bồi lại, làm xong cất giấu xuổng hầm. Khi nào tiện thì chuyển vào Tuyết Sơn, cung cấp cho nghĩa quân.

Trong Tuyết Sơn có dự trữ được nhiều thóc lúa, muối ăn; trâu bò thì hàng đàn. Trước cửa đền chính dưới thung, chỗ cạnh gốc cây thị đi vào về bên tay phải có dựng một căn nhà để xay lúa giã gạo suốt ngày đêm, lấy gạo nuôi quân, về ăn uống, nghĩa quân có tổ chức ban cấp dưỡng hẳn hoi 1.

Ngoài ra, nghĩa quân còn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, bên kia gốc thị về tay trái có dựng một rạp hát thường xuyên diễn chèo, tuồng để động viên, kích thích tinh thần yêu nước, chí cám thù giặc xâm lược của quân sĩ và cũng để cho họ giải trí nữa. Nguyên là trong hàng ngũ nghĩa quân từ Bãi Sậy về đây đã có một đội tuồng chèo rồi. Vì vậy, khi đến các làng Yên Lạc, Đồng Lạc, Phú Yên, nghĩa quân đều tổ chức hát chèo cho quân lính và đồng bào xem. Ở các làng Tam Giáo, Mã Não, nghĩa quân vừa đánh nhau với Pháp, vừa đánh trống hát chèo. Khi nghĩa quân về đến Tuyết Sơn, gánh hát của ông trùm Thỉnh ở làng Hữu Vĩnh, huyện Ứng Hòa liền gia nhập hàng ngũ của thủ lĩnh Đề Yêm 2.

Nghĩa quân vào đóng ở Tuyết Sơn được độ mươi hôm, bọn Pháp đánh hơi và kéo quân về đàn áp. Chúng đến bằng hai đường: một từ Ba Thá, huyện Mỹ Đức đi theo bờ sông Đáy qua kênh đào Phù Lưu Tế xuống; một về bên bờ trái qua Vân Đình, Bài Lâm sang. Đầu tiên chúng đến Đục Khê đóng ở đấy rồi cho người đi do thám, dò hỏi nhân dân. Không những ở làng Đục Khê này mà ở các làng xung quanh, tất cả những ai theo nghĩa quân thì đã vào căn cứ Tuyết Sơn. Số còn lại đều là những người dân hiền lành, chất phác một lòng một dạ ủng hộ nghĩa quân Đề Yêm. Khi Pháp dò hỏi, họ đều một mực trả lời: “Không biết”. Chúng dụ dỗ nói ngon nói ngọt rồi cho quân đi lấy thóc lúa của những làng khác về phát cho dân, thậm chí còn dùng tiền bạc để mua chuộc mọi người. Rốt cục, chúng vẫn không đạt được mục đích đen tối. Chúng quay sang dọa nạt, khơi mào, gợi ý, song cũng chỉ biết được rằng nghĩa quân đã vào Tuyết Sơn.

Ba ngày sau, quân Pháp xuống đến Tiên Mai rồi đến Phú Yên. Khi biết tin giặc sắp tràn về, dân làng Phú Yên rút hết vào rừng, kiên quyết thực hiện khẩu hiệu “vườn không, nhà trống”, làm cho chúng không còn chỗ dựa nào.

Tiểu đội nghĩa quân đóng ở đình Phú Yên cũng rút vào đóng ở Ba Tòa. Đây là tốp tiền tiêu do Tác Vi, người làng Dộc (Thụy Sơn) đốc xuất. Đứng trước một khoảng núi non trùng điệp, hiểm trở, trong đó có những kẻ đối địch với mình, lại chưa biết lợi thế nơi này ra sao, chưa nắm được tình hình của đối phương thế nào nên quân Pháp đành phải lui về Đục Khê đóng lại. Cách đó ba hôm, chúng lại mò về Phú Yên và đóng ở đình. Một mặt chúng cho dụ người về làng, đồng thời mở một cuộc họp gồm có chánh, phó công sứ Pháp, chánh, phó quản đạo Mỹ Đức và các võ quan khác để bàn mưu tính kế. Chúng dùng chước quỷ: cho lính đi lấy thóc ở các vùng xung quanh đem về phát chẩn cho dân làng. Ai nói nhà có nhiều người, chúng cho lưng thúng. Mặt khác, chúng cho người đi bắt dân phu các làng đến đắp ụ ở các cánh đồng Ngà (Phú Yên), Bùi (Đục Khê). Hiện nay, hai ụ súng ấy vẫn còn. Quân Pháp làm như vậy là để nấp và đặt bệ súng trên ụ nhằm bắn thẳng vào chùa Bảo Đài.

Một hôm, từ tờ mờ sáng, chưa có tiếng chim kêu, người còn ngái ngủ, bỗng vang lên tiếng súng “đùng, đoàng” từ hai ụ đất bắn vào chùa Bảo Đài. Thì ra quân Pháp đã khởi thế công. Chúng bắn rất nhiều đạn vào núi, vào cây, có viên rơi cả xuống nước. Ngược lại, nghĩa quân bắn lại ít, có lúc còn im bặt, hình như không có chuyện gì xảy ra. Đến độ 8 giờ, nghĩa quân ở Ba Tòa mới nổ súng bắn xuyên sườn quân Pháp. Chúng bị đánh đòn bất ngờ, thành ra lúng túng phải chia hỏa lực về hai nơi và vội vã rút lui. Lúc ấy, Tác Vi nằm trên mái đền Ba Tòa truyền lệnh cho nghĩa quân bắn theo. Thằng quan một Pháp trúng đạn. Chúng cho lính khố xanh tập trung bắn trả lại nghĩa quân và một số xúm lại khiêng xác thằng quan một chạy.

Hôm sau, chúng lại khởi thế công. Tờ mờ sáng, từ chỗ ụ đất chúng nổ súng vào Ba Tòa. Cánh quân này xả súng bắn lia lịa vào đó, lâu lắm chúng mới dám lên đền thì té ra nghĩa quân không đóng ở đấy nữa mà đã rút vào Bảo Đài từ đêm hôm qua rồi. “Đùng, đoàng”, chúng bắn thêm ít phát súng nữa rồi rút về đình Phú Yên. Ít hôm sau, chúng dùng thuyền để tiến nhưng chết một nỗi, hễ thuyền nào nhô lên khỏi Ba Tòa là nghĩa quân rót đạn tới. Một chiếc thuyền bị đắm, hai chiếc thuyền bị thương, luống cuống cả với nhau. Cuối cùng chúng phải rút lui. Rồi sau mấy lần thuyền cứ thập thò ra khỏi mỏm núi là bị nghĩa quân bắn ngay, địch không sao tiến được.





---------------------------------------------------------------
1. Ông Hiền, ông Hương Mát là người làng Phú Yên. Lúc giặc Pháp đến vùng này lần đầu tiên, hai ông cùng nhân dân chạy vào Tuyết Sơn để tránh khủng bố. Hai ông đã tự nguyện đến ban cấp dưỡng này để nhận nhiệm vụ phân phối thức ăn và cơm nước cho dân làng.

2. Ở Vĩnh Sơn, huyện Kim Bảng có một người trước có gia nhập nghĩa quân Tuyết Sơn, sau lại theo Đề Thám. Khi về, ông ấy lại kể rằng: “Không có “loạn” nào lại vui như “loạn Tuyết Sơn” chỗ hát cứ hát, chỗ đánh nhau cứ đánh nhau.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2019, 04:23:11 pm »

Một ngày khác, địch tiến bằng đường bộ theo lối Ba Quèn. Nhưng quân địch cứ chớm lên chân quèn là bên trong nghĩa quân đã biết rồi, vì có mật gác. Nghĩa quân sẵn sàng nghênh chiến, tiêu diệt giặc. Mấy lần địch cố gắng sống chết tiến, nhưng đều bị thiệt hại nặng, không sao xông vào được. Có lần, cánh quân bộ của chúng đến Ba Quèn. Một tên lính Pháp mò vào bãi lầy có sậy mọc um tùm, lập tức bị nghĩa quân nổ súng trừng trị. Trong đồn có tiếng loa truyền “Loa... oa. Bớ ba quân, ai lấy được đầu Tây, thầy sẽ trọng thưởng. Loa...oa”. Tiếng loa vừa dứt, một người một tay cầm mộc, một tay cầm mã tấu, lộn mộc xông ra, đó là đốc Nghễ, quê ở làng Dộc. Gần tới nơi, thằng Tây nhổm dậy bắn luôn một phát, đốc Nghễ trúng đạn sổ ruột ra, chạy được về đến đồn mới chết, cả thảy, giặc Pháp xông vào khu vực nghĩa quân 4 trận, nhưng trận nào cũng không tiến được. Kết quả chúng chết một tên quan một Pháp, một số tên bị chết và bị thương. Chúng đành phải quay về nhưng để lại ở Phú Yên một bộ phận gồm 3 tên lính Pháp, còn toàn là lính tập (sau này chúng lấy vợ ở đây như sếp Tý lấy Nguyễn Thị Cảnh, đội Sán lấy bà Tề).

Trong thời gian trên, chùa Hỏa Quang 1 có 5 gian, 2 trái bị địch sửa lại thành trại đóng quân. Chúng còn khoét cả tường ra làm lỗ châu mai. Mục đích của chúng đóng quân ở đây để làm án ngữ, chặn đứng đường liên lạc tiếp tế của nghĩa quân. Mặc dù vậy, nghĩa dũng các nơi và lương thực vẫn liên tiếp đổ vào Tuyết Sơn bằng cách đi vòng sang bên trái hoặc sang bên phải làng Phú Yên để che mắt giặc.

Quân Pháp có một tàu chiến nhỏ thường thường chạy từ Phủ Lý lên để tiếp tế lương thực, đạn dược cho bọn lính đóng ở chùa Hỏa Quang. Nghĩa quân Đề Yêm cắm trên núi cửa Bịa một lá cờ. Cứ sáng sáng tàu chiến Pháp mò lên là chúng nhằm lá cờ mà bắn 4 phát đại bác. Chiều về, chúng lại bắn 3 phát. Chiếc tàu trên có nhiều khi đậu ở bờ tay phải sông Đáy, chỗ cánh đồng Quan Dã của làng Tiên Mai.

Tuy quân Pháp án ngữ xông xáo, nhưng nghĩa quân vẫn giữ được sự giao thông bình thường. Mỗi chuyến đi độ năm, ba chiếc thuyền để liên lạc, trao đổi tin tức với bên ngoài hoặc đi lấy lương thực. Nghĩa quân còn mang lúa gạo, cỗ lòng và thủ trâu, thủ bò giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Việc phân phối đó do ban cấp dưỡng của nghĩa quân chịu trách nhiệm. Một lần, thuyền nghĩa quân đi lấy lương thực về qua núi Vu Ốc ở cánh đồng Phú Yên, liền gọi: “Bớ bố Chỉ có lấy cơm thì ra đây cho”. Ông Chỉ là một người nghèo ở núi Vu Ốc, ngày ngày kiếm cá sinh sống, đời sống hết sức khó khăn. Nghe tiếng gọi, ông liền bơi thuyền ra và được nghĩa quân cho một xanh bảy thịt rang, một nồi thịt luộc và một thúng cơm. Nghĩa quân đi đi, về về trên sông Đáy là thường, nhưng phải có ám hiệu. Một lần, nghĩa quân do Hiệp Cường chỉ huy ở bên làng Phú Dư, tả ngạn sông Đáy sang. Người cầm cờ vừa ló ra liền bị quân Pháp bắn ngay. Nghĩa quân đành lui lại và tản vào bãi mía de 2 um tùm rồi rút về Phú Dư, không ai việc gì cả. Trận này xảy ra vào mùng một tháng 9 (âm lịch), năm Kỷ Sửu (1889).

Một lần khác, bất thần Pháp đem quân ập vào làng Hữu Vĩnh. Lúc đó, một số nghĩa quân đi tuyên truyền cổ động và dẫn nghĩa dũng nhập ngũ vừa về đến làng. Nghĩa quân liền dấu phăng vũ khí đi: Vì không có ai mách bảo nên địch có mắt cũng như mù, nghĩa quân đứng ngay trước mặt mà chúng không biết. Chúng tìm mãi mà không thấy gì, đành phải cút thẳng. Nghĩa quân ra đi, vũ khí lại sẵn sàng trong tay.

Trong thời gian ở Tuyết Sơn, nghĩa quân có đi “mở bạc” hai lần ở chợ Đại thuộc huyện Kim Bảng, gần ga Đồng Văn bây giờ. Chợ Đại hồi ấy là chợ trâu bò to nhất của tỉnh Hà Nam. Nghĩa quân lấy tất cả trâu bò, đánh về hàng đàn qua đường 60 đến chợ Dầu rồi vào căn cứ. Được nhân dân ủng hộ, nên hai chuyến ra quân đều trót lọt. Có lần nghĩa quân đón trên sông, trưng thu cả một thuyền muối (xem phần: Chuyện về một số tướng của nghĩa quân).

Vì ở bến Đục Khê và các làng Tiên Mai, Phú Yên đều có bốt đồn Tây khống chế nên sự ủng hộ của nhân dân phải rất kín đáo. Bên các làng Bài Lâm, Hữu Vĩnh, Phú Dư nhân dân ủng hộ nghĩa quân rất sôi nổi, có việc gì, hễ cứ ba hồi mõ nổi lên là hết thảy trai tráng, dân làng, mỗi người một thứ vũ khí như: gậy tầy, thiết lĩnh, dáo, mác... đến đủ mặt.

Trong các tướng lĩnh của nghĩa quân có Tác Vi giữ đồn Bảo Đài là tướng cũ của khởi nghĩa Bãi Sậy và Tác Hoắm đều là họ Phan, người cùng làng Dộc, sát cánh cùng đốc Nghễ, nhiều đêm đã lội qua ngòi sang cánh đồng Quan Lã, thuộc làng Tiên Mai ra bờ sông Đáy, chỗ chiếc tàu của Tây đậu để quan sát. Họ tính toán dùng mưu phá tàu bằng cách lặn xuống nước đục tàu hoặc tìm phương pháp khác, nhưng vì địch canh phòng ngặt quá mà vũ khí của nghĩa quân còn thô sơ nên họ đành không thực hiện được ý định đó.

Ngót một năm vào Tuyết Sơn lập căn cứ chống quân Pháp, Đề Yêm đã tính đến bước đường có thể xảy ra, cho nên ông đã có những cuộc bàn luận và cho đem nhiều thứ vũ khí, đồ đạc bằng đồng cất giấu vào chùa Âm. Quân sĩ phải vận chuyển mấy ngày mới hết.






----------------------------------------------------------------
1. Chùa Hỏa Quang nay không còn, nền chùa hiện nay còn cao hơn đất xung quanh và là ngôi nhà ở của cụ Hà Văn Dĩ.

2. Mía de là một thứ mía cây nhỏ ngắn, vỏ cứng, trồng không bóc bẹ lá.
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM