Đề Yêm chống Pháp

(1/5) > >>

hoi_ls:
Đề Yêm chống Pháp

Tác giả: Trọng Văn
Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam, 2003

Nguồn: Thư viện tỉnh Hà Nam








hoi_ls:
LỜI NÓI ĐẦU

Có một câu chuyện tôi nghe từ hồi còn nhỏ, làm cho tôi nhớ mãi và cũng thắc mắc mãi đến bây giờ là chuyện Đề Yêm làm “giặc”.

Lúc còn để chỏm, tôi được một người chị dâu họ thường kể cho nghe câu chuyện trên, vì chị là người cùng làng Đồng Lạc với Đề Yêm.

Tôi còn được nghe mẹ tôi kể thêm rằng: “Lúc quân Đề Yêm đốt xóm Lò bên kia sông Đáy thuộc làng Đinh Xá, bên làng Quyển Sơn ta liền thu xếp các thứ gọn gàng. Xóm nào xóm ấy đều có người ra bến sông để quan sát, hễ quân bên đó xuống đò bơi sang thì làng ta sẽ phải chạy vào núi ngay. Nhưng quân Đề Yêm không sang”.

Khi đi học ở trường huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tôi lại được mấy người bạn quê ở Đinh Xá kể chuyện về Đề Yêm. Chung quy câu chuyện nói về làng Đồng Lạc huyện tôi có thủ lĩnh Đề Yêm đánh nhau với quân Pháp, có đốt phá và giết người. Song, đầu đuôi câu chuyện ra sao, lúc chưa làm “giặc” thì Đề Yêm làm gì? Tại sao lại đi làm giặc, quá trình hoạt động và kết thúc thế nào thì chưa ai nói rõ cho tôi biết.

Mấy năm gần đây, tôi chú ý sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử tỉnh Hà Nam, trong đó có một số nhân vật mà tiếng tăm vẫn còn lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Tôi nghĩ rằng: Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, các nhân vật lịch sử ấy từ trong quần chúng mà ra và làm nên những chiến công, sự tích hiển hách. Nhiều vị chưa được sử sách ghi chép, nhưng họ vẫn sống trong ký ức và sự ngưỡng mộ của nhân dân địa phương. Ngược lại, một số vị còn bị thực dân Pháp xuyên tạc về chiến công cũng như nhân cách. Chúng cũng ghi chép, nhưng cắt đầu cắt đuôi, khuếch đại, tô vẽ những điểm gì có lợi cho chúng. Còn những vấn đề gì thuộc về nhân dân, về phẩm chất anh hùng của các thủ lĩnh khởi nghĩa thì chúng ghi chép qua loa, sơ lược hoặc bỏ qua không đề cập gì, thậm chí còn vu khống.

Huyện Kim Bảng có những người yêu nước như Đề Yêm ở thôn Đồng Lạc, xã Đồng Hóa; Quản Cầu ở thôn Lưu Xá, xã Nhật Tân; Lý Tài ở thôn Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn; Cả Quẳng tức Lãnh Quẳng ở xã Khả Phong v.v...

Không kể Lãnh Tràng, tức Đinh Công Tráng, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa (1886-1887) mà sử sách đã viết, còn lại các cuộc khởi nghĩa khác chống giặc Pháp ở các địa phương thì việc ghi chép hầu như không đáng kể. Nếu chúng ta không mau mau sưu tầm, nghiên cứu những cuộc nổi dậy ấy thì 10-15 năm tới, những người có thể cung cấp tài liệu, tư liệu cho ta sẽ không còn nữa. Sự nghiệp của các nhân vật đáng kính ấy sẽ mờ dần với thời gian và mất hẳn, nếu chúng ta không khẩn trương tiến hành công việc rất cần thiết trên.

Một điều nữa tôi muốn nói là đương lúc quân xâm lược Pháp thế hùng lực mạnh, vua quan nhà Nguyễn với thân phận trâu ngựa đã can tâm làm tay sai cho giặc để đè nén bóc lột nhân dân ta. Ngược lại, các sĩ phu tiến bộ, các nhà yêu nước một lòng vì nước, vì dân kiên cường, khảng khái, dám đứng lên lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu khiến cho bọn cướp nước và lũ bán nước phải nhiều phen khiếp sợ. Vậy thì tại sao ta lại nỡ gọi họ là “giặc” như kẻ thù gọi. Trước đây, một số người ở các vùng Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Đông) thì gọi nghĩa quân là “loạn Tuyết Sơn”.

Sở dĩ thực dân Pháp và bọn phong kiến bán nước Nam triều gọi những người đối địch với chúng là “giặc”, là “loạn” là lẽ đương nhiên, bởi vì họ quyết tâm sống chết, tiêu diệt chúng.

Khi Đảng Cộng sản chưa ra đời, giai cấp công nhân chưa thực sự trở thành lực lượng tiền phong duy nhất lãnh đạo cách mạng thì những cuộc khởi nghĩa, chống đối giặc Pháp và ngay cả một số cuộc cách mạng sau này cũng không đạt được kết quả mỹ mãn, nhiều khi bị thất bại đau xót. Tuy nhiên, các nhà yêu nước, cách mạng ấy đã hết lòng xả thân vì nghĩa lớn, sự nghiệp có thành công đến chừng mực nhất định nào hay thất bại đi nữa thì hành động anh hùng và phẩm cách sáng ngời của các vị rất đáng được nêu cao, làm gương cho hậu thế.

Bởi những lẽ trên, nên tôi đã bỏ nhiều trí tuệ, công sức, thời gian để sưu tầm, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của mấy nhân vật nổi tiếng yêu nước ở huyện Kim Bảng, đáng kể nhất là thủ lĩnh Đinh Quang Lý, tức Đề Yêm. Đối với Đề Yêm, tôi xin thay từ “giặc” thành hai từ “thủ lĩnh” nghĩa quân, xin thay từ “loạn” bằng hai từ “khởi nghĩa” 1.

Hà Nam, tháng 1/1965
           Tác giả





-----------------------------------------------------------------------------
1. Tác giả Trần Hà trong bài “Về quê hương người vẽ cờ Tổ Quốc” viết: “Các thế hệ học sinh trong xã còn nhớ thầy Nguyễn Hữu Tiến có lần kể chuyện ông Đề Yêm, một tướng giỏi của Nguyễn Thiện Thuật trong cuộc nổi dậy khởi nghĩa ở Bãi Sậy. Đề Yêm đã có lần hành quân qua đất Duy Tiên. Dân trong vùng đón tiếp, giúp đỡ hết lòng, có người còn cho cả con cháu đi theo nghĩa quân....” (Báo Nhân Dân hàng tháng), số 29 (9-1999) (BT).

hoi_ls:
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN CUỘC KHỞI NGHĨA

Đầu thế kỷ 19, nhân dân ta đói khổ dưới ách thống trị của triều đại nhà Nguyễn. Nạn lụt lội, mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên. Không những thế, sự nhũng nhiễu, tham ô, bóp nặn của bọn phong kiến suy tàn, trên từ vua dưới đến quan ra tay, chồng chất lên đầu lên cổ người dân Việt Nam bao nhiêu nỗi ê chề, không bút nào tả xiết được. Bởi vậy, các cuộc nổi dậy của nông dân chống đối triều đình nổ ra không ngớt. Vua tôi nhà Nguyễn hầu như không đủ sức giữ gìn trật tự nữa. Kho tàng của Nhà nước (của vua) cũng không còn gì để đắp vào những lỗ hổng đó. Tự Đức cho đánh thuế thuốc phiện, định thuế hàng năm cho người Minh Hương (tức là Hoa Kiều lai người Việt), cho bán ruộng đất công, ruộng đất bỏ hoang, lấy tiền nộp vào công phí, cho các tù nhân được nộp của chuộc tội, định lệ quyên tiền được hưởng hàm từ hoàng thân, công chúa, quan lại đến tổng lý, sĩ, dân; đồng thời còn sai quan đi tìm mỏ vàng, kẽm, đồng và đánh thuế mỏ. Tóm lại là tìm mọi cách để vơ vét của dân.

Trước tình hình chính trị rối loạn, kinh tế kiệt quệ đến cao độ, năm 1847 mượn cớ Thiệu Trị sát đạo, thực dân Pháp đến gây hấn ở Đà Nẵng.

Trước đó, từ thế kỷ thứ 17, thực dân Pháp đã phái bọn cố đạo, con buôn đến nước ta mượn cớ giảng đạo, buôn bán mà thăm dò lực lượng, gây cơ sở bên trong để làm nội ứng. Bá-đa-lộc (Aveque dAdrand) giúp Nguyễn Ánh (1874), Pen-lơ-ranh (Pellerin), Sác-ne (Charner) xúi giục, giúp đỡ Tạ Văn Phụng nổi loạn ở Bắc Kỳ (1861).

Kể từ lúc thực dân Pháp thực sự đánh chiếm thành Gia Định (18-2-1859) cho đến khi đánh chiếm cửa biển Thuận An, Huế (1884), triều đình nhà Nguyễn ký hết hiệp ước này đến hiệp ước khác, nhượng bộ hết bước này lùi sang bước khác trước thực dân Pháp. Ngày 6/6/1884, triều đình Huế ký hiệp ước Pa-tơ-nô-tơ-rơ (Patenôtre) - một văn tự bán nước cuối cùng của triều đình Huế, chứng nhận sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.Rõ ràng là trước kẻ thù cướp nước, nguy hiểm, nhà Nguyễn đã tỏ ra hèn nhát và bất lực. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là ngay trong triều đình Huế đã phân hóa làm 2 phái: chủ chiến và chủ hòa.

Tiêu biểu cho phái chủ hòa là một loạt con cháu nhà Nguyễn như: Tự Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa và bọn quan lại như Nguyễn Bá Nghi, Trần Đình Túc, Nguyễn Hữu Độ... Bọn người này khiếp sợ trước kẻ thù nên đã thỏa hiệp, đầu hàng không điều kiện. Chẳng những họ không lo chống giữ đất nước mà còn ra tay ngăn chặn những cuộc nổi dậy chống giặc ngoại xâm, tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân. Tự Đức lo xây dựng Vạn Niên cơ, nơi yên nghỉ cuối cùng của ông ta bằng bao nhiêu xương máu của nhân dân lao động. Đương thời đã có câu ca dao ai oán:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Còn phái chủ chiến như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết... có chủ trương, đối sách chống Pháp phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân. Tuy vậy, phái này vẫn ở trong vòng cương tỏa, điều khiển của triều đình.

Do không biết dựa vào sức mạnh hùng hậu của nhân dân và với tiềm lực quân sự của một nước phong kiến lạc hậu phải đương đầu với đội quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại của một nước tư bản lớn mạnh, vì vậy phái chủ chiến tránh sao khỏi thất bại.

Mặc cho triều đình phong kiến suy nhược, tinh thần quật khởi của nhân dân ta vẫn bùng lên mãnh liệt từ Nam chí Bắc. Có thể nói đó là chỗ dựa tinh thần chắc chắn cho phái kháng chiến và tới khi phái này đổ vỡ thì cuộc kháng chiến tự vệ của nhân dân ta vẫn kéo dài. Chính giặc Pháp đã phải thừa nhận: cần phải chinh phục lại những vùng đất đã chinh phục rồi.

Trong toàn cõi nước ta, kể từ lúc đầu, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, chúng đã bị nhân dân ta nổi lên chống đối và mãi về sau cũng thế. Ở Nam Bộ có các cuộc khởi nghĩa của Trương Định (1860-1864), Nguyễn Hữu Huân (1868), Trương Quyền và nhà sư Pu-cầm-bô người Khmer (tiếp tục sự nghiệp của Trương Định kéo dài đến năm 1876)....  Ở Trung Bộ có những cuộc nổi dậy của Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh, Nghệ An (1885-1896), Phạm Bành, Đinh Công Tráng và Hà Văn Mao tại Thanh Hóa (1886-1887)... Ở Bắc Bộ có các cuộc khởi nghĩa của Tạ Quang Hiệu tại Thái Bình (1886), Nguyễn Thiện Thuật tại Bãi Sậy, Hưng Yên (1885-1889)... Tại huyện Kim Bảng (Hà Nam) có thủ lĩnh Đề Yêm lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, kế tục sự nghiệp của khởi nghĩa Bãi Sậy. Sau khi Nguyễn Thiện Thuật thoát sang Trung Quốc vào khoảng giữa năm Kỷ Sửu (1889), Đề Yêm chuyển vùng hoạt động từ Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên sang vùng Hà Nam, Hà Đông, về tài liệu thành văn viết về nghĩa quân Đề Yêm có ít, nhưng ảnh hưởng của nghĩa quân vẫn còn nhiều trong trí nhớ của nhân dân Hà Nam, Hà Đông. Chúng tôi đã bước đầu sưu tầm, tìm hiểu về thân thế và quá trình hoạt động của Đề Yêm.

hoi_ls:
VÀI NÉT VỀ ĐỀ YÊM

Đề Yên tên thật là Đinh Quang Lý, người làng Đồng Lạc, tổng Kim Bảng hồi đó thuộc phủ Lý Nhân, nay thuộc xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Danh hiệu “đề” là chức đề đốc do các nhà yêu nước chống thực dân Pháp tự phong cho nhau và được nhân dân suy tôn như: Đề Thám (Hoàng Hoa Thám), Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Tràng, Hiệp Cường.

Nguyên làng Đồng Lạc có 2 họ Trương. Họ Trương lớn có một ngành đổi ra họ Đinh. Gia phả họ Đinh này bắt đầu ghi từ cụ Đinh Chi Hương, tự là Chính Trực, đỗ sinh đồ (tú tài), làm tổng trưởng (chánh tổng) tổng Kim Bảng, có mua hậu thần cả xã. Cụ Hương sinh năm 1708, mất ngày 9/6/1772, sinh được 4 người con trai là Đinh Quang Cơ, Đinh Quang Cát, Đinh Quang Tùng. Gia phả còn ghi thêm các đời kế tiếp nhưng không thấy ghi tên Đề Yêm. Ông Đinh Tự Lập là trưởng tộc, đối với Đề Yêm là cháu 6 đời cho biết: sở dĩ như vậy vì Đề Yêm là ngành thứ, lại đi làm “giặc”, người đương thời sợ liên lụy và ngành đó không còn ai là con trai nối dõi tông đường, nên gia phả chỉ ghi ngành trưởng thôi. Ngôi đất ở của Đề Yêm đã thay chủ mấy lần, hiện nay (1963), gia đình đồng chí Trương Mạnh Tường, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Đồng Lạc và gia đình đồng chí Đinh Quang Do ở đấy.

Theo lời bà cụ Huân, 73 tuổi (1963) và nhiều người trong họ Đinh ở làng Đồng Lạc cho biết thì Đề Yêm có nước da ngăm ngăm, tầm vóc to lớn, rắn chắc, khỏe mạnh, võ thuật giỏi, đặc biệt có đôi mắt xếch. Ông lấy vợ cùng làng, tên là Tiêm, họ Hoàng, con gái bà Nhang Nghiên.

Đề Yêm làm lý trưởng, người anh con ông bác là Đinh Quang Đa, tức phó Đa làm phó tổng. Vào khoảng tháng 5 năm Đinh Hợi 1887, căm tức quân Pháp đến cướp nước nên khi thu thuế gần xong, Đề Yêm liền đem theo cả tiền thuế để đi khỏi làng. Phó Đa cùng phó lý Nai tìm báo cho bọn quan Tây biết việc này. Lập tức chúng cho phát mại tài sản của Đề Yêm để bồi thường tiền thuế. Phó lý Nai còn cho rời nhà Đề Yêm ra đồng đốt sạch. Sau đó, hắn được bổ làm lý trưởng. Song, mọi hành động của phó Đa, phó lý Nai đều không qua được mắt Đề Yêm. Tiếng là đi khỏi làng, nhưng ông chưa đi ngay mà còn nằm ở nhà một người kéo vó là ông chùm Đọ, họ Chu ở làng Yên Lạc (làng trên) để quan sát động tĩnh. Đề Yêm ở Yên Lạc độ 5 tháng mới ra đi thật. Ông sang Bãi Sậy (Hưng Yên) theo ngọn cờ tụ nghĩa Cần Vương chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật). Sau khi Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, năm 1889 Đề Yêm đem quân về hoạt động ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên (Hà Nam), Ứng Hòa, Phú Xuyên (Hà Đông) rồi vào lập căn cứ gây cơ sở ở vùng Tuyết Sơn, Hương Tích thuộc huyện Mỹ Đức để chống Pháp.

Trong thời gian ở Tuyết Sơn, Đề Yêm có về thăm họ hàng, làng mạc hai lần, vào những đêm tình hình chiến sự êm êm. Thường thường mỗi chuyến đi rất ít người, chỉ có 2 hộ vệ cầm giáp đi theo bảo vệ Đề Yêm.

hoi_ls:
DIỄN BIẾN CUỘC KHỞI NGHĨA

Thời đó ở tỉnh Hà Nam chưa có kè đập, đê điều chưa đâu ra đâu. Dòng sông Đáy hiền hòa hay hung dữ còn hoàn toàn phụ thuộc vào lưu lượng nước sông Hồng. Năm nào cũng thế, cứ nước sông Hồng lên to là nước sông Đáy tràn bờ. Vì vậy, hàng năm, làng mạc ở hai bên bờ hai con sông này đều bị ngập lụt suốt bốn, năm tháng.

Năm Kỷ Sửu (1889), tức là năm Thành Thái nguyên niên, về tháng 6 (âm lịch), vùng Kim Bảng lúc ấy cũng nằm trong tình trạng trên. Đường sá, ruộng đồng đều chìm dưới nước. Những chòm cây xanh lỗ chỗ để lộ ra mấy nếp nhà tranh hoặc một vài mái đình chùa nhô lên khỏi mặt nước, trông xa cứ tưởng đó là những hòn đảo nổi. Đó đây một vài chiếc thuyền câu của người đi thả lưới, đánh lờ, bắt cá lênh đênh trên mặt nước... hoặc mấy chiếc thuyền nan bơi vội vàng từ làng nọ sang làng kia dưới trời mưa nặng hạt.

Vào khoảng hai giờ chiều ngày 16, người làng Yên Lạc lấy làm ngạc nhiên khi trông thấy 3 chiếc thuyền đại lững thững xuất hiện. Trống rong, cờ mở, thuyền lao vun vút về phía đường Thần Nông. Tiếng loa gọi trên thuyền dõng dạc: “Loa... oa. Bớ lý trưởng làng Yên Lạc ra đình hầu quan lớn. Loa... oa”. Đoạn, quân lính ở dưới thuyền tất cả đổ bộ lên bờ. Dân làng sợ quá, bàn nhau cử mấy cụ già nhất ra gặp thủ lĩnh nghĩa quân. Hàng ngũ quân lính tề chỉnh, gươm giáo sáng choang, tinh kỳ phấp phới dưới sân đình. Chủ tướng chính là Đê Yêm mời các cụ cùng ngồi và cho mời cụ chùm Đọ ra gặp. Cụ liền được Đề Yêm kéo ghế mời ngồi ngang hàng. Dân làng dõi theo thấy vậy mới yên dạ. Về sau, cụ chùm Đọ được Đề Yêm giao cho nhiệm vụ bảo vệ khu vực đóng quân. Những kẻ xấu lò dò đến do thám đều bị cụ trừng trị. 12 tên đã bị xử tử. Vì vậy, bọn do thám của Pháp hay của quan lại Nam triều phái đến đây đều khiếp sợ nghĩa quân. Chúng chỉ dám đến quấy quá những làng ở xa Yên Lạc rồi chuồn thẳng.

Hôm ấy, vào khoảng 4 giờ chiều, mặt trời đã chếch về phía Tây, đột nhiên xuất hiện một chiếc thuyền bồng chở một tướng và 7 quân lính được phái xuống Đồng Lạc, làng bên của Yên Lạc. Thuyền ghé vào nhà phó tổng Đa, nhưng hắn đi vắng. Con trai hắn là Thiều, 18 tuổi chạy lên, nhưng nhìn thấy người đang sục sạo tìm bố, hắn liền chạy xuống thuyền bơi trốn. Quân Đề Yêm gọi lại, nhưng Thiều vẫn cứ cắm cổ bơi đi. Tức quá, một nghĩa quân liền lập tức nổ súng. “Đoàng”. Thiều trúng đạn từ sườn qua bụng, chiếc thuyền tròng trành rồi từ từ chìm lỉm. Lúc đó, mẹ phó tổng Đa ra chắp tay lạy Đề Yêm xin tha tội chết cho con. Đề Yêm cung kính chắp tay lạy lại và nói:
- Cháu lạy bác. Anh Đa dại lắm, bác cứ bảo vợ chồng anh ấy ra đây.

- Vợ chồng nhà nó sợ chạy đi đâu rồi.

- Bác cứ bảo ra đây, cháu sẽ đưa tiền làm ma cho thằng Thiều. Nó cũng như con của cháu mà. Vì nó cứ bơi thuyền chạy đi nên chẳng may quân của cháu bắn trúng, biết làm thế nào được.

Số là Đề Yêm căm thù phó tổng Đa, định trừ khử hắn. Còn thằng Thiều là con Đa, nhưng nó là dòng dõi ngành trưởng của họ hàng nên Đề Yêm động lòng thương. Nó còn hương khói cúng giỗ ông bà, nên nói xong Đề Yêm cũng khóc. Cùng lúc đó, nghĩa quân lần lượt khuân vác tiền kẽm, tiền đồng, thóc lúa xuống thuyền. Có người vô tình khuân cả đồ thờ, Đề Yêm trông thấy liền quở mắng, bắt trả lại đâu vào đấy.

Trong khi nghĩa quân chưa rút thì phó tổng Đa về. Hắn đi bằng thuyền. Ngõ nhà hắn bổ tre rào từ lâu, chỉ thuyền con mới vào được. Đa bèn ghé thuyền lên nền chòi vịt ở cách nhà độ sáu, bảy thửa ruộng. Hắn đứng gọi đầy tớ “Ngát ơi! ơi Ngát. Cho thuyền ra, tao về”. Ngát đang nấp bờ tre đáp lại nhưng không dám nói to: “Trong nhà có cướp đấy”.

Phó tổng Đa tai lại nghễnh ngãng không nghe rõ, cứ to tiếng gọi. Nghe tiếng gọi mãi, nghĩa quân đoán là Đa về. Họ cứ: “Dạ, dạ” rồi lẳng lặng chèo thuyền ra. Cách Đa độ hai thửa ruộng, hắn mới giật mình biết là có biến liền nhảy tùm xuống nước lặn, nấp vào bờ tre, rét run cầm cập. Một lúc sau hắn được người nhà chèo thuyền chở chạy trốn sang thôn Điền Xá, nay thuộc xã Văn Xá, cùng huyện.

Thu dọn xong quân lương, Đề Yêm cùng binh sĩ rút đi. Lập tức phó tổng Đa đi tìm quân Pháp để báo cáo và mời một tên quan ba Tây về chữa cho con hắn. Xem vết thương của Thiều, hắn lắc đầu bởi không chữa được, vì Thiều đã bị chảy nhiều máu (năm sau thì chết). Hai hôm sau, thuyền nghĩa quân lại xuống ghé vào nhà lý phó Nai. Hắn nhanh chân trốn thoát. Nai chui xuống gầm bục cót lúa, chỉ để hở có hai lỗ mũi và đôi mắt thôi. Nghĩa quân sục sạo tìm mãi mà không thấy. Bố lý Nai là Trương Văn Thạc. Nai có 2 con (một trai, một gái), tên là Lý và Trí. Em rể hắn là Hoàng Văn Trưởng, lúc ấy đương làm phó lý cũng bị bắn chết.

Đề Yêm cho gọi loa để ổn định tinh thần nhân dân, cho quân canh bốn mặt, không cho một người nào ra ngoài. Bắt đầu từ ngày hôm sau, Đề Yêm cho loa gọi, truyền lệnh cấm cửa 3 ngày. Tất cả già trẻ, trai gái được mời ra đình làng ăn khao. Ba ngày liền dân làng được ăn uống no nê. Đề Yêm còn tổ chức hát chèo, bà con nô nức đi xem như xem hội.

Được ít lâu, Đề Yêm lại ra đi, để vợ ở lại nuôi mẹ già. Khi ông trở về nhà thì bà cụ vừa mới chết. Đề Yêm cúng mẹ một tuần rượu rồi đón vợ xuống thuyền cùng đi. Trước lúc ra đi, ông đã tế cờ ở đình.

Đề Yêm đạt giấy chiêu mộ nghĩa dũng và báo cho các xã, tổng trong vùng cung cấp lương thực.

Một lần, ông cho dân nghèo các làng Yên Lạc, Phương Xá, Lạc Nhuế đi theo thuyền xuống nhà chánh Thủy, tức chánh Kinh - một cường hào giàu có ở làng Điền Xá để lấy thóc chia cho bà con.

Các cụ ở làng Lạc Nhuế kể lại rằng: hồi các cụ còn nhỏ cứ nghe thấy tiếng trống đánh tong tong và trông thấy vài ba chiếc thuyền ván con cắm cờ ngũ sắc lướt qua ngoài ao làng thì đoán biết đó là quân Đề Yêm đi lấy lương và chiêu mộ nghĩa dũng.

Về việc chém giết người nhà phó lý Nai kể trên, một số người ở làng Đồng Lạc và quanh vùng cho là Đề Yêm trả thù, báo oán. Có đúng như thế không? Theo ý chúng tôi thì chưa hẳn như vậy, vì sau đó Trương Văn Duyên ra làm lý trưởng làng Đồng Lạc có thù oán gì với Đề Yêm đâu mà ngày 11 tháng 8 (âm lịch), Đề Yêm cũng cho người về giết ở ao dừa (vì có trồng dừa ở bò ao). Sau đó cho treo đầu lên ngọn tre, hạn 3 ngày mới được lấy xuống và cho gọi loa kể tội Duyên đi báo Tây làm tay sai cho chúng. Điều đó chứng tỏ Đề Yêm cũng như nhiều người yêu nước khác đương thời coi giặc Pháp là loại dị chủng (khác giống), tóc quăn, mũi lõ, da trắng, mắt xanh, thường gọi là loài bạch quỷ. Bọn chúng là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân ta. Những kẻ làm tay sai cho chúng, tức là nối giáo cho giặc, giết chúng cũng là một cách đánh vào đầu giặc. Mặt khác, đây cũng là lời cảnh cáo những tên tay sai hoặc những kẻ lăm le làm tay sai cho giặc. Chẳng bao lâu ở làng Hội Xá, huyện Mỹ Đức, cánh cai Để, đội Đao - tướng của nghĩa quân cũng giết mẹ tổng Mỹ và đốt sạch một ngôi nhà của anh em tổng Mỹ, vì hắn làm tay sai cho giặc Pháp.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page