Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:31:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận mạc và giảng đường  (Đọc 14647 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 08:25:15 am »

*
*   *

Tháng 9 năm 1972, Trung đoàn 141 được lệnh chuyển sang hoạt động ở khu vực bắc Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trung đoàn tổ chức vượt đường 13 từ khu vực căn cứ Lông Mễn, lộ Cây Trường ở tây nam Chơn Thành sang phía đông đường. Sau khi trinh sát bám sát lộ, đội hình Trung đoàn bộ bắt đầu cơ động từ lúc 18 giờ. Đi vừa được 30 phút, cụm pháo của địch ở Bàu Bàng bắn phá liên tục vào khu vực Lông Mễn. Một quả pháo xẹt xẹt xé không khí rồi nổ ngay đội hình tôi đang đi. Anh Phạm Văn Trùy – Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn đi trước tôi, anh Nhĩ y sĩ và đồng chí Lương đi sau hy sinh, đồng chí Lê Hữu Thắng đi sát tôi bị thương vào mông. Tôi may mắn còn nguyên vẹn, kịp kéo anh Thắng xuống hầm chiến đấu băng bó. Trung đoàn tổ chức mai táng cho các đồng chí hy sinh, chuyển thương binh về phía sau rồi lại tiếp tục hành quân.

Chúng tôi về Bình Mỹ, Bình Cơ, Bố Lá thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương. Đây là địa bàn trung du giáp thành phố, các rừng non mới tái sinh lại sau những đợt dội bom B52 và rải chất độc hóa học trong những năm 1966, 1967, 1968. Mặt trận chống bình định, giành dân lúc này rất quan trọng. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Lối, Trung đoàn 141 chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đánh phá các ấp chiến lược, làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích ở địa phương. Chúng tôi xây dựng sở chỉ huy ở nhiều căn cứ, lúc thì ở Chánh Lưu, lúc thì ở cầu Thơ Út (gần khu trù mật Tân Phước Khánh), lúc lại về khu vực lộ Phú Hưng. Bọn lính ngụy kiểm soát ban ngày rất chặt chẽ, phát hiện nơi có Quân giải phóng, chúng đổ quân xuống những cánh đồng, những trảng trống để đối phó. Đồng chí Tý – Đại đội phó Đại đội trinh sát đã hy sinh trong trường hợp như vậy.

Một đêm ở sở chỉ huy Trung đoàn gần cầu Thơ Út, tôi bị đau bụng dữ dội. Đồng chí y sĩ của Trung đoàn bộ khám, cho uống thuốc giảm đau. Nhưng cuối cùng đau quá, đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn Trần Xuân Ban cử bốn đồng chí (Lê Hữu Thắng trợ lý quân lực, Bùi Hữu Lũng nhân viên bảo mật và hai chiến sĩ vệ binh) càng tôi về bệnh xá của Trung đoàn cách sở chỉ khuy khoảng 10km. Về tới bệnh xã, các bác sĩ trực khám, kết luận tôi bị viêm ruột thừa và quyết định mổ ngay trong đêm. “Phòng mổ” của bệnh xá rất đơn giản, được bố trí trong hầm thùng không có nắp. Đồng chí Toàn y tá phụ trách dụng cụ mổ hôm đó đi hộ tống thương binh nên không có mặt. Lúc mổ chủ yếu gây tê tại chỗ, tôi vừa nằm chịu mồ vừa nói chuyện với các y bác sĩ. Khi mổ xong hết thuốc tê, mới cảm thấy đau đớn. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai vẫn cứ sốt liên miên, cơn sốt cao lên tới 40, 41 độ. Các bác sĩ chẩn đoán hay là còn gạc ở trong đó, sao lại nhiễm trùng cao như vậy? Nếu quên gạc chỉ còn cách mổ lại. Tôi nằm bên trong hầm nghe thấy vậy vô cùng lo lắng. Nhưng đồng chí Thu – Chủ nhiệm Quân y lúc đó chỉ đạo cứ điều trị kháng sinh liều cao khoảng hai, ba ngày nữa xem thế nào rồi tính sau. Quả là sau đó tình hình khá hơn, tôi giảm sốt và dần phục hồi sức khỏe.

Sau khi tôi mổ được ba ngày, người trực tiếp mổ cho tôi là bác sĩ Hưng quê Long An ra chiêu hồi ở khu trù mật Tân Phước Khánh. Ngày hôm sau từ khu trù mật Tân Phước Khánh, địch đưa một đại đội đi càn quét đánh vào khu bệnh xá của chúng tôi. Khi ra khỏi khu trù mật Tân Phước Khánh, đến cánh đồng thì chúng dừng lại dùng súng AR15 bắn chỉ thiên rất nhiều. Tốp đi đầu còn cách mép rừng của bệnh xá khoảng 500 mét thì dừng lại. Trong bệnh xá, lúc này cán bộ, chiến sĩ đến triển khai ra giao thông hào sát mép rừng để sẵn sàng chiến đấu, tất cả hết sức bí mật, không được nổ súng trước. Tôi cũng được trang bị một khẩu súng AK ra nằm sát giao thông hào mặc dù vết mổ còn rất đau và cơ thể đang sốt rất cao. Một tình huống xảy ra là bọn địch chỉ tiến vào cách chúng tôi chừng hơn 300 mét, rồi dừng lại bắn liên tục, nhiều loạt súng chỉ thiên, sau đó chúng không tiến thêm nữa mà quay về khu trù mật. Tôi nói với anh em:

- Có lẽ quân ngụy không muốn đánh nhau với Việt Cộng nữa rồi!

Sau đó một tuần, tôi được cắt chỉ và trở lại Trung đoàn. Buổi sáng về đến nơi thì buổi chiều (khoảng 15 giờ), đồng chí Nguyễn Tư Duy trinh sát kỹ thuật nhận được tin 23 giờ đêm nay địch sẽ dùng B52 dội bom xuống khu vực cầu Thơ Út. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Lối nhất trí với đề xuất của Tham mưu trưởng Trần Xuân Ban để một tổ thông tin, một tổ trinh sát, tổ vệ binh ở lại cùng Tham mưu trưởng, còn tất cả khẩn trương, bí mật chuyển về vị trí sở chỉ huy dự bị ở tây bắc Chánh Lưu. Đây là một tình huống rất đặc biệt. Người thì cơ động để tránh B52, người thì ở lại giữ căn cứ sẵn sàng đội bom rải thảm. trong lúc chia tay đồng chí Tham mưu trưởng ở lại, ai cũng có tâm trạng, cái bắt tay như buổi chia ly không có ngày gặp lại. Với khuôn mặt cương nghị và vững vàng, đồng chí Tham mưu trưởng nói:

- Các đồng chí cứ về bên đó, căn cứ này chúng tôi sẽ giữ vững, sẵn sàng đón các đồng chí trở lại đây để tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 08:26:53 am »

Đêm hôm đó, ba tốp B52 của Mỹ dội bom xuống đúng vị trí. Rạng sáng hôm sau, tôi cùng một số anh em được phái trở lại, nhìn lõm rừng chồi xa xác đất đá, cây cỏ bị cày xới lởm chởm tưởng chừng như không ai còn sốt sót. Đến nơi nhìn thấy Tham mưu trưởng. Chỉ mới sau một đêm, trông anh như già đi mấy tuổi. Anh bùi ngùi kể:

- Hầm mình trú bị sập một góc do trúng một quả bom ở đợt đầu, mình bị sức ép sơ thôi, sau đó mấy anh em nhảy xuống nép người vào góc bố bom khét lẹt chờ những loạt tiếp theo.

Anh chỉ cho chúng tôi bới hố bom bên cạnh để tìm lượm từng phần thi thể của ba đồng chí hy sinh và đưa một đồng chí bị thương về trạm phẫu Trung đoàn.

Trong lúc Trung đoàn 141 đang tập trung đánh địch ở khu vực đông bắc căn cứ Phú Lơi, từ căn cứ Lai Khê, sư đoàn bộ binh 5 ngụy cho chiến đoàn 8 (thiếu 1 tiểu đoàn) hành quân ra khu vưc Bến Tranh, Rạch Bắp, Bến Súc, Thanh An hướng tới làng 13 Dầu Tiếng để mở rộng địa bàn lấn chiếm khu vực tây đường 13. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong lệnh cho Trung đoàn 141, lực lượng chủ yếu của sư đoàn, cơ động sang cùng Trung đoàn 290 làm nhiệm vụ bao vây tiến công tiêu diệt chiến đoàn này. Lúc này, tôi đã tương đối khỏe nên được đi cùng sở chỉ huy Trung đoàn đến địa bàn chiến đấu mới.

Chiến đoàn 8 đi đến đâu được hỏa lực, pháo binh, không quân địch chi viện đến đó. Chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân mở rộng địa bàn lấn chiếm, nối liền Lai Khê với vùng cao su Dầu Tiếng. từ ngày 10 tháng 1 năm 1973, Trung đoàn 141 cùng các lực lượng của Sư đoàn thực hiện bao vây ngăn chặn, làm chậm khả năng cơ động của chiến đoàn 8. Địch đi đến đâu, các lực lượng của Sư đoàn 7 chặn đến đó, không cho địch phát triển được vào khu vực lộ 48 rừng cao su Dầu Tiếng. Sức cơ động của chúng đã bị sứt mẻ và suy yếu dần. Cuộc chặn đánh ngày 19 tháng 1 là trận đánh quyết định nhất của Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209. Đêm 18-1-1973, theo lệnh của Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong, dưới sự điều hành của Tham mưu trưởng Sư đoàn Đỗ Mạnh Thứ, hai trung đoàn trưởng (Nguyễn Văn Lối – Trung đoàn 141 và Vũ Việt Hồng – Trung đoàn 209) chỉ huy hai đơn vị phải có mặt ở lộ 6 Chéo (mép rừng cao su Dầu Tiếng, nơi đang có một đại đội của Sư đoàn làm nhiệm vụ chốt chặn) để hiệp đồng chiến đấu, với yêu cầu không cho một tên địch nào vượt qua được vào rừng cao su cũng như không cho chúng chạy về Lai Khê. Ngày 10-1-1973, cuộc tấn công tiêu diệt chiến đoàn 8 (thiếu) diễn ra theo đúng kế hoạch. Trận đánh kéo dài từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Tin chiến thắng từ các đơn vị liên tục báo về sở chỉ huy Trung đoàn. Khoảng 1 giờ chiều, đồng chí Nguyễn Tư Duy phụ trách trinh sát kỹ thuật báo cáo với Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Lối:

- Tên chiến đoàn trưởng chiến đoàn 8 đi trên trực thăng báo cáo về sở chỉ huy sư đoàn 5 ngụy: Thế là hết tất cả rồi, hãy làm cơm để cúng cho chúng nó.

Các đơn vị của Sư đoàn 7 đã đánh một trận tiêu diệt gọn chiến đoàn 8 thiếu. Súng đạn chúng ta thu được rất nhiều. Xác lính ngụy thương vong nằm ngổn ngang trên các rừng chồi. Tù, hàng binh rồng rắn hành quân về nơi quy định. Đây là chiến công đầu tiên đánh cấp sư đoàn vận động tiến công kết hợp với chốt để tiêu diệt chiến đoàn 8 (thiếu) ở khu vực rừng cao su Dầu Tiếng, góp phần làm suy yếu một lực lượng quan trọng của sư đoàn 5 chủ lực ở phía bắc Sài Gòn của quân đội ngụy. Đây là trận đánh có hiệu suất cao nhất, thể hiện tính kiên quyết, sáng tạo của người chỉ huy trong việc chọn lựa địa hình, hiệp đồng tiến công tạo thế chia cắt giữa phía trước là chiến đoàn 8 với phía sau là hậu cứ sư đoàn 5 của địch ở Lai Khê. Tinh thần chiến đấu và ý thức chấp hành kỷ luật của các đơn vị rất cao.

Lúc này vết mổ của tôi chưa được lành hẳn. Không hiểu sao cắt chỉ rồi mà nước vàng vẫn còn rỉ ra mãi, mỗi lần tắm phải bịt lại để không cho nước thấm vào. Trong vòng một tháng, ngày nào các đồng chí y tá thay băng cũng phải rửa cho tôi. Có một hôm, đồng chí y tá Nguyễn Hải Đảo (sau này là bác sĩ, đã mất tháng 12-1998) nói:

- Anh cho em mổ rạch nó ra xem ở đó có cái gì mà lâu khỏi thế?

Tôi đồng ý. Đồng chí Đảo lấy lưỡi lam cho vào nước sôi sát trùng xong rạch ra. Tại lỗ rò, có thêm một sợi chỉ không tiêu nằm ở đó, rút ra, ngày hôm sau thì khỏi hẳn.

Sau chiến thắng tiêu diệt chiến đoàn 8 (thiếu), sư đoàn 5 ngụy ở khu vực đông Dầu Tiếng của Sư đoàn 7 khoảng hơn một tuần, tại Pari, ngày 27-1-1973, Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Khi nghe thông báo kết quả của Hiệp định, chúng tôi rất phấn khởi và nghĩ rằng hòa bình sắp đến. Thế nhưng, Hiệp định ký chưa ráo mực, Nguyễn Văn Thiệu xua quân đi lấn chiếm. Những vụ tranh chấp, đụng độ, thường xuyên xảy ra ở các khu vực giữa đồn bốt của ngụy với nhân dân ở vùng giải phóng kế cận. Có nơi chúng tổ chức lực lượng cấp trung đoàn, sư đoàn hành quân ra chiếm đóng một vùng giải phóng rộng lớn của ta. Lúc đầu ta có bị động, sau đó, từng bước giành thế chủ động đấu tranh đánh trả buộc chúng phải thi hành các nội dung của Hiệp định đã được ký kết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 08:28:07 am »

*
*   *

Đầu tháng 4-1973, tôi được cấp trên điều động lên làm Trợ lý quân lực của Sư đoàn. Sau khi bàn giao mọi công việc của Trưởng tiểu ban quân lực Trung đoàn cho đồng chí Phạm Ngọc Hải, tôi lên Sở chỉ huy Sư đoàn lúc này ở khu vực hai bên bờ suối Thôn, giáp vùng Sông Bé ở hướng đông bắc của huyện Chơn Thành. Sở chỉ huy được xây dựng rất khang trang, nhà lá, đường đi lại dưới tán cây rất đẹp và mát mẻ. Khu vực này khá bí mật, mặc dù ở lâu nhưng không quân, thám báo biệt kích của địch cũng không phát hiện được. Ban quân lực Sư đoàn do đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, quê Vĩnh Phúc làm Trưởng ban (anh Khoa nguyên là Trưởng tiểu ban quân lực của Trung đoàn 141 cùng đi B với chúng tôi vào chiến trường, đồng chí Phạm Thiện là phó ban, đồng chí Nguyễn Đình Bảng và đồng chí Nguyễn Văn Nam (quê Hải Dương) phụ trách quân số. Tôi được Ban phân công phụ trách về trang bị, đảm bảo súng đạn thường xuyên đủ và có dự trữ phục vụ cho tác chiến của Sư đoàn. Ở cùng với bộ phận tôi có anh Nguyễn Văn Chiến là trợ lý thống kê, anh Dương Bình trợ lý trang bị. Trong Ban có 15 đồng chí, tổ chức thành một chi bộ và một bếp ăn riêng. Lúc này, vùng giải phóng đã phát triển. Tuy ở trong rừng nhưng các bộ phận của cơ quan Sư đoàn bộ đều có chăn nuôi gà, heo. Sư đoàn phát động phong trào 4 tốt: “Đánh giặc tốt, huấn luyện và kỷ luật tốt, thể dục thể thao tốt, tăng gia sản xuất văn hóa văn nghệ tốt”. Sở chỉ huy có sân bóng chuyền và tôi cũng là một trong những thành phần trong đội bóng chuyền của Phòng Tham mưu Sư đoàn.

Buổi chiều một ngày đầu mùa mưa năm 1973, tại sở chỉ huy Sư đoàn, tôi nhận được thư của gia đình gửi vào theo đường giao liên. Mở thư xem, bố mẹ vẫn mạnh khỏe, cô em gái đã xây dựng gia đình. Cả buổi tối nằm mà không tài nào ngủ được, nước mắt cứ lưng tròng. Tuy rằng cô em đã xây dựng gia đình với người chồng ở ngay sát nhà tôi nhưng nghĩ cảnh bộ mẹ già, người nấu cơm, người dọn cơm, người rả bát thay nhau trong mỗi buổi sáng, trưa, chiều. Tôi vừa mừng cho em gái đã trưởng thành, vừa vô cùng thương bố, thương mẹ.

Do mỗi lần tôi được ngồi trực chiến ở hầm tác chiến của Trung đoàn, Sư đoàn, tôi luôn quan sát và học tập các đồng chí trợ lý tác chiến làm nhiệm vụ trực chiến sau đó dùng bút chì màu xanh, màu đỏ thể hiện những khu vực dự kiến địch đổ bộ rồi vẽ vòng vèo dự kiến đường cơ động của địch, vẽ những hướng, mũi quân ta tiến công theo ký hiệu quân sự quy định. Cứ vẽ miết như thế bằng hai bút chì mỡ trên giấy bóng kính thấy nó cũng gọn nét, sạch sẽ dễ coi và khẩu khí cũng có gì mang nét chỉ huy. Có lần trong một buổi giao ban của Bộ chỉ huy Sư đoàn, đồng chí Hùng – Trưởng ban tác chiến bảo:

- Lợi ơi mày chuyển nghề đi, bỏ nghề “phóng văn lình” qua nghề tác chiến chỉ huy (ý anh cho nhiệm vụ chuyên môn của tôi là nghề lính văn phòng).

Tin này đến tai Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong. Sư trưởng theo dõi và giúp đỡ tôi từ đó. Tuy tôi làm trợ lý quân lực nhưng cuối năm 1973 khi chuẩn bị xuống hoạt động ở vùng bắc Bình Dương, Tân Uyên, núi Bà Cẩm, trong một lần đi trinh sát trận địa, đồng chí gọi tôi đi cùng với nhiệm vụ vừa làm trợ lý quân lực vừa làm việc như một trợ lý tác chiến. Khu vực Bình Cơ, Bình Mỹ là nơi mà những năm 1968-1969, Trung đoàn hoạt động ở đó nên tôi rất thuộc địa hình. Sau khi trinh sát về, Sư đoàn tổ chức cho Trung đoàn 165 xuống tác chiến ở khu vực núi Bà Cẩm. Một buổi chiều tháng 11 năm 1974, Sư đoàn trưởng gọi tôi lên và căn dặn:

- Lợi chuẩn bị ra Bắc đi học về làm chỉ huy và có điều kiện thăm gia đình, nhớ công tác và học tập cho tốt.

Lời căn dặn của thủ trưởng tôi còn nhớ mãi trong trí óc của mình. Tôi nghĩ đây là sự quan tâm của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Sư đoàn, đó là phần thường cho quá trình phấn đấu công tác, chiến đấu ở cơ sở cũng như khi làm công tác chuyên môn ở cơ quan tham mưu Trung đoàn 141 và Phòng Tham mưu Sư đoàn 7.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Hai, 2019, 02:55:09 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:29:38 am »

Chương ba

TRỞ LẠI HẬU PHƯƠNG

Trước những năm 1950, bố mẹ tôi sinh sống ở thôn Đông Hối, xã Tân Hương. Sau năm 1950, gia đình chuyển vào thôn Đan Bối, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Nơi chôn rau cắt rốn và gắn bó với tôi suốt quãng đời thơ ấu là một vùng nông thôn nghèo khó và cũng chính từ vùng quê ấy tôi bước vào đời quân ngũ. Có thể tóm tắt qua mấy câu thơ như sau:

Năm 47 nước nhà nguy biến
Mẹ sinh con, Pháp tái chiếm lần hai
Gia tài nhẹ gánh trên vai bố
Mẹ bồng con vô tổng Ninh Thành
Điện Biên kết thúc chiến tranh
Pháp về nước Pháp, con được học hành như ai
Tuổi mười tám sức trai cường tráng
Đời nghiệp binh con theo Đảng từ đây


Hải Dương là một tỉnh đông dân, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, nơi có nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Xưa có Trần Hưng Đạo ba lần thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và trên dãy núi vòng cung Đông Triều kéo xuống huyện Kinh Môn. Tại núi An Phụ, có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phục của Trần Hưng Đạo) và tượng Trần Hưng Đạo. Mùa thu năm 2000, nhân một dịp về thăm quê, tôi được đồng chí Nguyễn Văn Chiền, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương (nay là Chánh Văn phòng Chủ tịch nước) đưa đi viếng Đức Thánh Trần. Một vùng đồi trung du đẹp như tranh vẽ. Dãy núi vòng cung An Phụ được phủ xanh bằng rừng bạch đàn, chân núi là cánh đồng lúa đang thì con gái, trên đỉnh núi, phía trước đền thờ, giếng nước trong vắt quanh năm, tất cả tạo nên một không khí trang nghiêm và huyền bí lạ thường. Trên đường ra về, ngồi trên xe, tôi hỏi mượn anh Chiền cái bút để làm mấy câu thơ. Anh đưa bút cho tôi, miệng mỉm cười tưởng tôi nói chơi. Về đến nhà khách Tỉnh ủy, tôi đọc cho mọi người nghe mấy câu thơ vừa sáng tác:

Hải Dương đắc địa linh, nhân, kiệt
Tiết thu văn cảnh viếng hùng anh
Trái thơm lòng kính thắp hương Người
Thượng sơn An Phụ thờ Thánh Thượng
Ngang sơn tượng Thánh đứng giữa trời
Oai phong danh tiếng để lại đời
Nguyên Mông tan tác ba lần bại
Rạng rỡ sơn hà Đại Việt ta.


Sâu xuống xã Hưng Đạo – Chí Linh có đền Kiếp Bạc – thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và cả gia quyến tại đây. Đi qua xã Cộng Hòa – Chí Linh có đền Côn Sơn thờ Nguyễn Trãi. Xa hơn nữa có đền thờ Khúc Thừa Dụ, ông vua đầu tiên của dân tộc ta. Đền được xây dựng tại làng Cúc Bồ, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, rất hoành tráng, ghi công lao của ông trong thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước, đánh đuổi ách đô hộ của phương Bắc, lập nên nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên.

Trong những năm đánh Pháp, tiếng súng đường 5 như một phong trào “Đồng khởi” của nhân dân Hải Dương. Ngày 10-10-1954, Hải Dương được giải phóng, là ngày truyền thống hàng năm của tỉnh.

Bên cạnh truyền thống đấu tranh cách mạng, Hải Dương còn nổi tiếng là một tỉnh đồng bằng trù phú với nhiều thế mạnh, trong đó có vải thiều và bánh đậu xanh đã trở thành một thương hiệu:

Hè về vải trĩu tình thêm đậm
Quanh năm bánh đậu ngọt muôn quê
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2019, 09:35:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:30:36 am »

Huyện Ninh Giang quê tôi là vùng chiêm trũng, nông nghiệp thuần phác, có bánh gai nổi tiếng. Người dân Ninh Giang ở vùng đồng bằng chiêm trũng, hàng năm thường có bão lụt nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên truyền thống cách mạng thì nhân dân Ninh Giang lúc nào cũng có. Nhiều xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kỳ hòa bình xây dựng, mặc dù đã có đường lối đổi mới của Đảng nhưng các khu công nghiệp ở quê tôi chưa được phát triển. Mạng lưới đường sá giao thông còn yếu chưa thể phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống của nhân dân tuy có khá hơn trước nhưng so với các huyện khác trong tỉnh thì vẫn còn kém.

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống chính vẫn dựa vào đồng ruộng. Thời gian rảnh rỗi người dân quê tôi thường buôn bán thêm. Tân Hưng và Ninh Thành cũng ra nơi sản sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Khi vào thôn Đan Bối, xã Ninh Thành sinh sống, gia đình vẫn làm nghề nông là chủ yếu, nhưng trên mảnh đất mới, mẹ tôi có thể buôn bán thêm dễ dàng hơn. Bố tôi là một nông dân, sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em. Vốn lao động nên bố khỏe mạnh. Bố tôi tham gia du kích trong kháng chiến chống Pháp được ba năm, còn lại chủ yếu ở nhà cùng mẹ tôi để buôn bán làm ăn và nuôi hai anh em tôi. Tôi là con trai cả trong nhà. Dưới tôi còn có cô em gái út tên là Đào Thị Gái, sinh năm 1955, kém tôi 8 tuổi. Bố tôi là người cương trực, tính tình nóng nảy thẳng thắn, văn hóa chỉ dừng lại ở việc biết đọc, biết viết. Mẹ tôi vốn mắt kém từ lúc còn bé cho nên các việc làm trong gia đình từ nặng đến nhẹ thường đo bố tôi đảm nhiệm, còn mẹ tôi đi lại làm ăn ngoài chợ là chủ yếu. Mẹ không biết một chữ nào, nhưng có trí nhớ rất tốt, tính nhẩm bằng miệng nhanh cho nên mẹ dạy chúng tôi phép toán cộng, trừ, nhân, chia từ rất sớm. Chúng tôi cũng nhanh chóng được học các phép tính đơn giản và thừa hưởng từ mẹ cách tư duy nhanh nhạy đó.

Tuy gia đình tôi rất nghèo, cuộc sống quanh năm chỉ lo sao có đủ cơm ăn ngày hai bữa, nhưng bố mẹ tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để anh em chúng tôi được học hành nên người. Những năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, các trường học còn rất ít. Khó khăn như vậy nhưng bố mẹ tôi vẫn mời một thầy giáo về lại làng để dạy cho bốn em trong xóm, trong đó có tôi. Nhờ vậy, tôi được học hành rất cơ bản từ những nét chữ đầu tiên cho đến các phép tính toán phức tạp. Có thể so với chương trình trong sách giáo khoa thì không bằng nhưng tôi đã là may mắn lắm rồi. Tôi được học như vậy cho đến lớp hai. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cùng với sự sáng dạ vốn có anh em chúng tôi đều viết chữ rất đẹp, ngay hàng thẳng lối. Sau đó, khoảng những năm 1958-1960, tôi được học tiếp ở một trường tư thục khu chợ Hôm, tại nhà bà Cai Vát xã Tân Hương. Mang tiếng là trường nhưng thực tế chỉ có khoảng 15 đến 17 học trò lớn bé. Các thầy giáo tôi còn nhớ có thầy Quỳnh người ở Hà Nôi, thầy Trình là người ở dưới khu Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Các thầy dạy rất tận tâm và chúng tôi rất chịu khó cho nên kết quả học tập luôn được các thầy đánh giá tương đối tốt. Tôi học cho hết năm lớp bốn, cũng là lúc xã Tân Hưng xây xong trường cấp 1, cấp 2. Từ đó tôi còn trường theo học tiếp cho đến hết những năm cấp 2.

Tôi không thể tiếp tục theo học cấp ba vì hai lý do. Một là hoàn cảnh gia đình lúc này rất khó khăn, bố mẹ chỉ kiếm đủ cơm cho hai anh em tôi ăn; hai là trường cấp ba của huyện quá xa, ở thị trấn Ninh Giang cách nhà tôi bảy cây số đi bộ. Tôi nhớ có những ngày hai anh em ngồi nhà đun nước sôi chờ mẹ đi chợ mua gạo về bỏ vào nồi sao mà mẹ đi lâu về đến thế. Cứ đun cạn hết nồi nước sôi này đến nồi nước sôi khác mà vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu. Những kỷ niệm đó còn mãi mãi trong tâm trí của anh em tôi, nó sinh động và vẫn còn nguyên vẹn như mới vừa diễn ra hôm qua. Mỗi sáng đi học tôi đều được mẹ phần cho bát cơm nguội hoặc củ khoai, củ sắn luộc để lót dạ. Cứ như vậy những năm tháng cấp hai tôi đi bộ hàng ngày khoảng 4 – 5 cây số lượt đi lượt về từ Ninh Thành sang Tân Hương để đi học. Những ngày hè thì không sao, khổ nhất là những ngày đông ở miền Bắc, trời mưa dầm gió bấc rét như cắt da cắt thịt, ngồi trong nhà còn rét co ro huống hồ phải ra đường từ sáng sớm để tới trường còn chân đất và quần áo không đủ ấm. Tới trường anh nào anh nấy chân tay tím tái, hai hàm răng va vào nhau run cầm cập.

Học hết cấp hai, tôi ở nhà, trở thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp, hàng ngày đi làm công tính điểm cho hợp tác xã. Điều đó cũng giúp ích được cho bố mẹ tôi, góp phần tạo điều kiện cho cô em gái được đi học (xã Ninh Thành đã có trường học và em gái tôi theo học tại đó).

Bố mẹ tôi tuy nghèo nhưng rất thương người và tôn trọng lẽ phải. Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, gia đình tôi luôn đóng góp rất đầy đủ theo quy định của hợp tác xã để chi viện cho chiến trường (lương thực, thực phẩm). Trường cấp 1, cấp 2 của xã bị bom Mỹ đánh phá, bố mẹ tôi đã cho xã mượn đất vườn của nhà để làm trường học, đồng thời nhận ba thầy giáo: thầy Thang, thầy Ngân, và gia đình thầy Lại ở thị trấn Ninh Giang về sơ tán ở cùng nhà. Trong thôn xóm gia đình nào gặp khó khăn, bố mẹ tôi đều giúp đỡ theo khả năng của mình. Có lẽ tính tình, phong cách của bố mẹ với hoàn cảnh trong gia đình góp phần quan trọng hình thành nên tính cách của tôi sau này.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2019, 09:32:02 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:33:31 am »

*
*   *

Cuối năm 1974, thế và lực của Quân giải phóng miền Nam ngày càng phát triển. Các binh chủng chiến đấu, xe tăng, cơ giới, pháo xe kéo, pháo phòng không được đưa vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đường ống dẫn dầu theo dọc trục đường 559 đã vào tới khu vực Lộc Ninh. Khi Quân đoàn 4 chuẩn bị đánh chi khu Đồng Xoài, một lần đi trinh sát, đồng chí Đỗ Mạnh Thứ - Tham mưu trưởng Sư đoàn gọi tôi đi cùng để chuẩn bị đưa đồng chí Hoàng Cầm – Tư lệnh Quân đoàn vào trinh sát. Tôi đến vị trí tập kết chuẩn bị làm nhiệm vụ thì nhận được lệnh của Sư đoàn gọi về để chuẩn bị ra miền Bắc học tập. trên đường từ Đồng Xoài trở về căn cứ của Sư đoàn ở suối Thôn, trong lòng tôi cứ lâng lâng một niềm vui khó tả. Khi về tới sở chỉ huy Sư đoàn, anh em Ban quân lực ai nấy đều bắt tay chúc mừng rồi dặn dò đủ thứ. Trưởng ban Lê Duy Toàn tổ chức bữa cơm liên hoan thân mật và nhắc tôi hoàn tất giấy tờ theo quy định. Cùng đi lớp này có rất nhiều anh em, cán bộ pháo binh, cán bộ chính trị, riêng của Sư đoàn gồm 12 đồng chí. Tôi được chỉ định làm đoàn trưởng trong tốp cán bộ của Sư đoàn 7. Trong buổi liên hoan chia tay, thay mặt cho anh em, tôi hứa với thủ trưởng Sư đoàn là cố gắng học tập, giữ gìn sức khỏe và chấp hành tốt mọi nhiệm vụ sau khi học xong.

Sau buổi liên hoan, Sư đoàn tổ chức đưa chúng tôi lên khu vực tập trung ở Lộc Ninh. Đến đây, có rất nhiều cán bộ ở các đơn vị khác về tập trung, khoảng gần 100 đồng chí, ai cũng tưởng đi luôn, nhưng vì lý do gì đó nên đoàn phải dừng lại đến hết tháng 2, đầu tháng 3 năm 1975 mới chính thức lên đường đi ra Bắc. Trong lúc tập trung chờ đợi ở Lộc Ninh tâm trạng tôi lúc nào cũng chỉ mong sớm được lên đường. Có bao đêm không ngủ được, cứ chợp mặt là hình ảnh quê hương, gia đình, bố mẹ già, em nhỏ lại tái hiện. Cứ nghĩ lúc được gặp mẹ mình phải ôm chầm lấy mẹ, cho mẹ thỏa sức khóc, bõ bao ngày thương nhớ. Thời gian phải chờ đợi lâu ở Lộc Ninh cũng đến tai Sư đoàn. Mặc dù rất bận rộn với chiến dịch đường 14 Phước Long (6-1-1975, giải phóng thị xã Phước Long), nhưng các thủ trưởng của Sư đoàn vẫn cho người tớm thăm động viên, tặng chúng tôi những món quà chiến lợi phẩm tại Phước Long để anh em sử dụng.

Chúng tôi được biên chế thành các bộ phận, mỗi bộ phận từ 15 đến 25 đồng chí để tiện đi trên một xe cơ động ra miền Bắc. Thực sự là ngược đường Trường Sơn rồi. Cảnh hành quân mang vác nặng, đi bộ suốt hơn bốn tháng trời nay đã thành ký ức. Dù chỉ được ngồi trên những chiếc xe tải cũ kỹ song chúng tôi đều rất sung sướng, cứ như sau này trong thập niên 80 được đi máy bay. Quân tư trang được cấp trên bổ sung đầy đủ nhưng khi nghỉ ở trạm giao liên, gặp mấy anh em ở quê hương hành quân vào, sau một hồi nói chuyện, tôi cho gần hết. Trong lòng chỉ muốn sao cho nhẹ nhàng và cơ động nhanh nhất để sớm về quê hương. Hành quân đi ra bằng ô tô cũng có cái rất vất vả. Có chặng đường có thể đi ban ngày nhưng cũng có những chặng phải đi ban đêm. Xe Giải phóng, xe Gát 69 chở vũ khí trang bị thực phẩm vào chiến trường và khi ra thì đưa anh em chúng tôi Xe cũ không kính chiếu hậu, thường có một đèn, thành xe đầy vết đạn và mảnh bom pháo. Đường Trường Sơn do công binh hoặc thanh niên xung phong mở nên rất gồ ghề, xe chạy từ 10 – 20km/h, chạy chậm cũng như khi chạy nhanh lúc nào cũng xóc cứ như đánh vật trên tùng xe. Có lúc xóc quá, anh em trên xe la hét, có người còn nặng lời với đồng chí lái xe. Mỗi chặng hành quân như vậy, đến nơi nghỉ người nào cũng mệt nhoài lăn ra ngủ để lấy sức đi tiếp. Hết chặng này qua chặng khác, càng ngày càng gần vĩ tuyến 17, càng làm anh em phấn chấn, hăng hái và quên hết mệt nhọc. Dọc đường Trường Sơn chúng tôi gặp từng đoàn hậu cần vận chuyển bằng cơ giới đưa lương thực, thực phẩm vào chiến trường, hoặc những đoàn tân binh đang hối hả hành quân bằng cơ giới tăng cường cho miền Nam. Khi đến trạm nghỉ dù rất mệt song ai cũng ra khu tập kết của tân binh để tìm người quen cùng quê đi vào.

Căn cứ hậu phương vững chắc của chiên trường đã được thể hiện đầy đủ ở hai bên đường mòn Hồ Chí Minh do Đoàn 559 bố trí dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cuối năm 1973, nhà thơ Tố Hữu đi thăm đường dây 559 vào chiến trường B2, đã viết bài thơ “Nước non ngàn dặm”. Tôi rất thích hai câu:

Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình


Đi trên con đường Trường Sơn, càng gân tới hướng hậu phương phía Bắc càng thấy sự chi viện lớn lao, với một quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Khi được thông báo gần đến và sắp vượt khu làng Ho rồi qua cầu Hiền Lương, ký ức tám năm về trước trong tôi hiện về, cái đêm 30-1-1966, chúng tôi âm thầm, bí mật lội suối vượt nguồn sông Bến Hải. Hôm nay chúng tôi trở lại một cách đường hoàng, ung dung đi bằng ô tô, mới thấy hết sự kiêu hãnh của một dân tộc không bị hủy diệt bởi chiến tranh, bom đạn. Một buổi chiều giữa tháng 3, đoàn ra tới đất Quảng Trị. Khi vượt cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải tôi dặn đồng chí lái xe “khi qua cầu xe chạy càng chậm càng tốt đồng chí nhé”. Đáp lại mong muốn của chúng tôi, đồng chí ấy cho xe đi trên cầu với tốc độ chậm nhất có thể. Tất cả anh em trên xe đều đứng dậy ngắm nhìn hai bên cầu, ngắm dòng sông nơi đã chia cắt đất nước, thành hai miền, trong hơn mấy chục năm qua và bây giờ đang được nối liền. Chúng tôi im lặng trong niềm xúc động dâng trào, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của những ngày sắp tới, mảnh đất này sẽ hồi sinh và thịnh vượng cùng đất nước. Vượt qua Vĩnh Linh, chúng tôi vào trạm nghỉ giao liên ở khu vực Quảng Bình và cuối cùng nghỉ tại trạm Hưng Nguyên, thành phố Vinh. Tại đây chúng tôi được đi thăm thành phố quê Bác, đến tối thì lên tàu hỏa hành quân ra Bắc. Đêm cuối cùng đó có lẽ không ai ngủ được. Tàu chạy và mỗi khi đến ga, thì anh em lại xôn xao thông báo cho nhau biết. Ai nấy đều mang một tâm trạng sắp về gặp người thân, gia đình, làng xóm quê hương và con đường học hành sẽ mở ra phía trước.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2019, 03:40:04 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:35:00 am »

Gặp lại người thân

Theo kế hoạch cả đoàn về tập kết ở Đoàn 8761 tại khu vực Cầu Chui, Gia Lâm. Tại đây, chúng tôi được kiểm tra lại quân tư trang và cấp phát những trang bị mới phù hợp với quân đội nhân dân ở phía Bắc, sau đó hành quân về xã Đa Tốn huyện Gia Lâm nghỉ ngơi, bồi dưỡng, chuẩn bị tổ chức biên chế về các trường, các học viện theo từng chuyên ngành khác nhau. Khi ở Đoàn 781 cũng như khi về Đa Tốn, hầu hết anh em trong trung đội của tôi đều xin phép tranh thủ về gặp gia đình, riêng tôi do làm cán bộ cho nên cấp trên nhắc nhở là phải quản lý quân số, quản lý đơn vị để khi nào cho về phép thì mới được về. Trong lòng rất nôn nóng mong được về nhà từng giây, từng phút, nhưng vì trách nhiệm nên cứ nén lại. Tôi có thư về báo cho bố mẹ và em gái biết.

Vào một chiều cuối tháng 3, tôi đang làm việc ở sân kho, thì cô em từ đâu chạy tới gọi:

- Anh ơi!

Tôi chỉ biết chạy đến ôm chầm cô em gái, nhìn em sao lớn quá và nước mắt cứ tuôn trào. Em bảo có bố lên cùng, hiện bố đang nghỉ ở nhà anh đóng quân. Hai anh em dắt tay nhau về, nhìn thấy bố khỏe mạnh, nhanh nhẹn trong lòng tôi sung sướng lắm, nhưng do ở trọ trong gia đình người ta, chỉ biết đến ôm lấy bố và hỏi:

- Bố ơi, bố khỏe không? Mẹ ở nhà có khỏe không bố?

Bố ôm và xoa đầu tôi giống như khi tôi còn bé, bố nói:

- Thấy con khỏe mạnh, lành lặn như thế này là bố sung sướng lắm rồi.

Bố mang theo một con gà và cho tôi 3.000 đồng. Lúc đó 3.000 đồng là rất lớn, có thể mua được ba chiếc hon đa. Tôi nói bố cầm tiền về sau này con sẽ về tiêu sau, còn con gà thịt ăn ngay buổi chiều hôm đó. Đến tối, ba bố con ngồi nói chuyện. Anh em trong đơn vị trêu:

- Ông để cho anh Lợi làm rể ở đây đi!

Bố tôi nói:

- Con phải về quê xây dựng gia đình ở nhà, bố mẹ không thể một lúc tiếp hai người khách được.

Câu nói ngắn gọn, giản dị của bố, tôi hiểu thời gian qua bố mẹ đã sống những năm tháng không có con bên cạnh rất vất vả nên chỉ mong có người con giúp đỡ khi nắng khi mưa. Ba bố con không ngủ, cứ nói chuyện cho tới lúc trời sáng. Sáng ra, giữ thế nào bố tôi cũng không ở, nhất định đòi về quê. Tiễn bố, em gái và anh Úy (người cùng đi thăm tôi) ra thị trấn Trâu Quỳ trên đường số 5 để về nhà. Dọc đường đi, tôi hỏi:

- Sao bố vội về thế?

Bố chỉ nói với tôi:

- Lúc bố đi, mẹ con dặn ông lên nhìn xem con có khỏe mạnh, có lành lặn không hay là nó lại bị thương tích gì mà người ta cho về, ông phải về báo cho tôi ngay.

Có lẽ bố tôi cũng không xa mẹ tôi bao giờ cho nên xa một ngày một đêm là nhiều rồi, với lại bố cũng muốn về báo tin cho mẹ tôi mừng là tôi vẫn mạnh khỏe, lành lặn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:36:09 am »

Sau đó một tuần, cấp trên cho về phép đồng loạt và tôi cũng được về phép thăm gia đình, thời gian một tháng. Trên đường về, đi qua những thị trấn, thị xã, những làng mạc ở quê cứ ngày một tới gần. Mảnh đất Ninh Giang, cái nơi địa đầu của một vùng quê chiêm trũng đây rồi. Thôn Đan Bối hiện dần ra trước mắt vừa như thực, như ảo ảnh. Quê hương chưa thay đổi nhiều, vẫn quang cảnh từng gắn với tôi những kỷ niệm thời thơ ấu.

Việc tôi về được báo trước cho nên họ hàng bà con làng xóm hầu như đến chơi đông đủ. Từ đường bờ mương rẽ vào nhà, người đón tôi đầu tiên là mẹ tôi. Mẹ mắt kém, được các cháu dẫn ra. Khi gặp tôi, mẹ ôm chầm ghì chặt tôi vào lòng cứ như thể tôi còn bé bỏng, tay mẹ sờ hết từ chân đến vai, lên đầu, lên khắp người. Mẹ chỉ nói:

- Con ơi, mẹ nhớ lời con dặn, me mừng quá mẹ không khóc đâu!!

Tôi dìu mẹ về nhà. Bước vào cổng, tiếng chào, tiếng hỏi râm ran của hàng xóm. Ai nấy đều chạy ra để nhìn xin tôi về có khỏe mạnh không. Ai cũng xoa vai, xoa lưng, xoa tay. Tôi mời mọi người uống nước chè xanh, hút điêu thuốc lá mà bố tôi đã chuẩn bị sẵn.

Đó là một buổi trưa rất ấm áp tình người. Bà con lối xóm tới thăm rất đông. Có những người đang làm cỏ ở ruộng lúa khi thấy tôi về cứ để chân bùn như thế chạy lên hỏi “Có phải em là Lợi về đó không”, “Khỏe không?”, “Về được lâu không?”… Trong nhà lúc nào cũng nghe tiếng hỏi: “khỏe không? ở trong chiến trường có gặp ai không?”. Tôi cứ trả lời hết người này đến người khác không biết mệt là gì và chỉ thấy một niềm hạnh phúc vui dâng trào, niềm sung sướng khi được gặp lại người thân. Bố và mẹ liên tục nở nụ cười cám ơn bà con tới thăm hỏi. Cô em gái rót nước chào họ hàng, miệng cũng liến thoắng trả lời các câu hỏi của bà con hàng xóm. Cứ như thế cho đến tận buổi chiều bà con mới ra về.

Trong lúc đến thăm, nhiều người mừng cho gia đình tôi, nhưng cũng không không ít người đến thăm với một tâm tư khó tả, bỏi vì trong những người thân của họ ra đi có người mãi mãi không trở về. Trong làng tôi đã có rất nhiều anh em hy sinh có giấy báo tử về địa phương. Cũng rất nhiều gia đình đã lâu không có tin tức gì về con em họ. Đêm hôm đó, đêm đầu tiên sau chín năm được về sống trong cảnh gia đình, ông bác (bố anh Triệu) cũng sang chơi từ sáng và ngủ lại. một chiếc giường nhỏ nhưng bác tôi, bố tôi và tôi, ba người nằm chung. Cả đêm chỉ hỏi chuyện chiến trường, đi lại, ăn ở, chiến đấu và hành quân như thế nào, ra đây làm gì, rồi cuối cùng dẫn đến việc phải xây dựng gia đình. Tôi cũng rất đồng tình với cách đặt vấn đề của bác và của bố mẹ, còn lấy ai, thời điểm nào thì phải chờ có thời gian và tìm hiểu cho kỹ lưỡng.

Việc tôi lấy vợ diễn ra rất tình cờ. Nhà tôi là nông dân, xã viên hợp tác xã hông nghiệp. Nhà có bốn chị em, cô là người thứ ba và tôi được một ông anh sống tại làng đó giới thiệu để chúng tôi gặp nhau. Nó như một duyên số định mệnh. Ngay từ buổi đâu gặp nhau, chúng tôi đã đồng cảm. Cô ấy đồng ý và tôi cũng rất tán thành. Sau thời gian tìm hiểu khoảng một tháng, tôi báo cáo và được hai bên bố mẹ cho phép. Sau đó, tôi đặt vấn đề tổ chức đám cưới. Đám cưới đơn giản, không trang điểm, không áo dài, áo vét, không có xe cộ đưa rước, loa đài náo nhiệt. Được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, chúng tôi tổ chức kết hôn theo đời sống mới. Buổi rước dâu, cả hai họ, bà con cô bác, bạn bè cùng đi bộ. Về tới nhà trai, chỉ có nước trà, thuốc lá, bánh kẹo mời hai họ, bà con, cô bác, uống nước, hút thuốc, nghe mấy bài hát của mấy bạn thanh niên, sau đó rồi đâu về đấy.

Với một tấm lòng thương yêu thực sự, chúng tôi sống hạnh phúc trong mấy chục năm qua, bây giờ đã trở thành ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại, các cháu cũng đã trưởng thành. Tôi xây dựng gia đình vào ngày 20-4-1975, lúc này chiến thắng ở chiến trường, dặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh đang giành thắng lợi lớn. Ngày 30-4-1975, chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước từ đây sẽ về một mối. Tiếc rằng tôi không có mặt cùng đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn trong thời khắc lịch sử ấy, song bù lại tôi được hưởng niềm vui hạnh phúc với gia đình người thân trong ngày đại thắng của dân tộc. Đầu tháng 5 năm 1975, tôi trở về Đoàn 871 để nhận nhiệm vụ mới.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2019, 04:04:24 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:37:19 am »

Học tập chiến thuật, chiến dịch

Tại Đoàn 871, tôi được nhận quyết định về Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Lục quân) để học tập. Do quân số ở chiến trường ra rất ít cho nên lớp của chúng tôi chỉ có 22 đồng chí từ nhiều đơn vị ở các chiến trường khác nhau. Quân hàm cũng rất chênh lệch, có đồng chí thượng úy như tôi, có đồng chí đã là trung tá. Chúng tôi được biên chế học lớp bổ túc K22C với nhiệm vụ là bổ túc chiến thuật phân đội cấp trung, sư đoàn, thời gian một năm.

Sau một thời gian ổn định biên chế và làm quen với nhau, anh em bắt đầu bước vào nhiệm vụ học tập. Đây là lần đầu tiên tôi được bước chân vào nhà trường của quân đội để đào tạo sĩ quan chiến thuật, khác với những đồng chí khác đã được đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 hoặc được đào tạo ở các trường do Bộ Tư lệnh từng chiến trường mở phục vụ kịp thời cho chiến đấu trước mắt. Còn tôi do trưởng thành từ cơ sở nên chưa có kinh nghiệm, ban đầu rất bỡ ngỡ. Tôi tập trung nghe giảng bài, nghe hướng dẫn của thầy giáo, nghe bạn bè các anh đi trước học tập nắm được nội dung, lý luận, nguyên tắc cơ bản từng hình thức chiến thuật để vận dụng vào tập bài. Trong thời gian học tập, tôi tâm đắc nhất là môn học bài tập chiến thuật đối kháng. Một bộ khung thực hành nhiệm vụ tấn công, còn một bộ khung làm nhiệm vụ phòng ngự cùng diễn ra ở trên một địa hình, cùng vận dụng nguyên tắc chiến thuật của ta trong một không gian chung dưới sự điều hành thống nhất của ban chỉ đạo. Anh em diễn tập được các thầy giáo đạo diễn nêu nhiều tình huống, tạo ra một không khí huấn luyện rất sôi nổi, rất năng động cho từng cường vị tập luyện. Tôi nghĩ tập như thế rất có hiệu quả cho người sĩ quan chỉ huy. Sau này, khi làm cán bộ chỉ huy huấn luyện ở nhà trường, tôi kiên quyết đưa nội dung này vào để dạy bảo anh em sĩ quan hiện tại. Tháng 3 năm 1976, Học viện di chuyển vào thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Lớp học của chúng tôi đi theo Học viện vào xây dựng học tập ở vị trí mới. Thời gian ở Đà Lạt chủ yếu là học tập lý luận trên giảng đường, việc đi thực hành huấn luyện, dã ngoại hầu như không có. Tới tháng 5 năm 1976 lớp bổ túc K22C của chúng tôi ra trường. 22 anh em được trả về 22 đơn vị khác nhau, làm nhiệm vụ công tác, huấn luyện và chiến đấu khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra.

Nhân kể chuyện đi học, tôi trình bày luôn ở đây việc đi học về chiến dịch chiến lược ở Học viện Quốc phòng. Đầu năm 1983 khi Binh đoàn Cửu Long hành quân về nước, tôi lúc này là Phó phòng Tác chiến Quân đoàn, được các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn cho đi học lớp bổ túc văn hóa để hoàn thành chương trình cấp 3 tại trường Quân sự của Quân đoàn. Tháng 3-1985, bộ ra quyết định triệu tập tội và đồng chí Nguyễn Văn Giáp – Phó phòng Quân huấn Quân đoàn về học lớp đào tạo cáo bộ chiến dịch, chiến lược ở Học viện Quốc phòng. Ngày lên đường ra Bắc học, trong bối cảnh đất nước đang cuối thời bao cấp gặp rất nhiều khó khăn. Tôi được anh em chuẩn bị rất chu đáo, mua giúp từ kem đánh răng, xà bông tới các đồ dùng sinh hoạt cá nhân mang để phục vụ học tập trong thời gian ở Học viện.

Tới Học viện, chúng tôi được biên chế vào lớp đào tạo 7. Hớp học có 47 học viên, ở khắp mọi miền đất nước, khắp mọi chiến trường về với nhiều thành phần khác nhau. Có đồng chí đã được học qua đào tạo hoặc học bổ túc ở một số học viện, có đồng chí được học, đào tạo ở các trường quân sự, học viện nước ngoài, nhiều binh chủng, quân chủng khác nhau. Tuổi tác, quân hàm, chức vụ của các thành viên trong lớp không chênh lệch lắm, có một đồng chí giữ cương vị cán bộ sư đoàn (Đồng chí Hùng – Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Quân khu 5), còn lại hầu hết là cán bộ trung đoàn và trợ lý cơ quan, tham mưu chiến dịch. Tiểu đội tôi do đồng chí Nguyễn Văn Thông, người Nghệ An, làm tiểu đội trưởng. Sau một thời gian ổn định tổ chức, chúng tôi bước vào nghiên cứu học tập. Buổi học đầu tiên nghiên cứu về đối tượng tác chiến trước mắt để tổ chức những khu vực, những chiến dịch phòng thủ, phòng ngự, những trận đánh tiến công, phản công để khôi phục giữ gìn biên cương Tổ quốc. Sau đó nghiên cứu về đối tượng cơ bản, lâu dài để bảo vệ toàn cõi lãnh thổ của đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2019, 10:39:49 am »

Khi diễn tập sư đoàn hay khi diễn tập nghệ thuật chiến dịch cấp quân đoàn, quân khu, tôi thường được chủ nhiệm lớp và giảng viên hướng dẫn bố trí ở cương vị chỉ huy. Sau mỗi lần diễn tập, được các thầy giáo trong Học viện đạo diễn trực tiếp, chúng tôi trưởng thành rất nhiều. Có một lần diễn tập, tôi đảm nhiệm vai Tư lệnh Quân đoàn trong phần nghe đề đạt quyết tâm của các cơ quan (buổi tập có Giám đốc Học viện – Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo cùng ngồi dự). Sau khi nghe đồng chí Chủ nhiệm Pháo binh báo cáo xong, tôi nói đồng chí ngồi lại để cùng nghe đồng chí Chủ nhiệm Phòng không, chủ nhiệm Công binh báo cáo, các đồng chí đó có đề nghị, đề đạt gì với Tư lệnh hoặc có liên quan tới các binh chủng thì ba chủ nhiệm cùng với tư lệnh giải quyết ngay cho kịp thời. Đây là một phương pháp làm khác với đạo diễn của Học viện. Học viện đạo diễn cứ mỗi chủ nhiệm bao cáo xong lại về cho nên những đề đạt đó chỉ đến tai người tư lệnh và được truyền dạt giải quyết cho đến các chủ nhiệm có liên quan thường thông qua tham mưu trưởng rất mất thời gian có khi hiệu quả lại thấp. Khi từng chủ nhiệm pháo binh, phòng không, công binh đề đạt xong, các đồng chí đó tự nêu vấn đề rồi tự hiệp đồng giải quyết công việc trước sự chứng kiến, chuẩn y của Tư lệnh. Sau khi ba đồng chí chủ nhiệm ra về, đồng chí Hoàng Minh Thảo hỏi tôi:

- Tại sao đồng chí làm như thế? Tôi trả lời:

- Thưa Giám đốc, chúng tôi ở đon vị đã huấn luyện và tổ chức diễn tập như vậy. Giải quyết những vấn đề và đề xuất nhanh nhất là sự có mặt của các chủ nhiệm có liên quan trước sự chứng kiến của cấp trên. Như thế mới khẩn trương, chính xác và diễn ra kết quả tốt nhất.

Đồng chí Giám đốc khen việc diễn tập như thế là sáng tạo và nhắc các đồng chí đạo diễn có thể vận dụng phương pháp này để chỉ đạo các lớp sau.

Đến cuối năm thứ hai của chương trình đào tạo, Học viện tổ chức cho học viên ổn luyện làm luận văn tốt nghiệp. Một lần nữa, tôi lại được chọn làm học viên báo cáo điểm để rút kinh nghiệm cho toàn lớp học. Thế nhưng đến ngày chuẩn bị diễn tập thì bố tôi mắc bệnh nặng. Tôi và gia đình đưa bố ra bệnh viện ở Hà Nội thuốc men xong rồi về học, trưa lại ra lo cho bố tôi rồi về học buổi chiều, tối ra ngủ cùng bố. Do bệnh hiểm nghèo lại tuổi cao, bố tôi ra đi mãi mãi. Buổi bảo vệ hôm đó không tiến hành được, tôi phải báo cáo với Giám đốc xin lùi lại để lo việc riêng. Ban Giám đốc Học viện đồng ý. Khi lo việc cho bố xong, tôi trở lại Học viện tiếp tục bảo vệ thử theo kế hoạch. Thi tốt nghiệp quốc gia, môn công tác đảng, công tác chính trị được thi trước. Giám khảo bàn thi hôm đó có ba đồng chí, do đồng chí Bùi Công Ái – Tư lệnh Quân đoàn 2 làm Trưởng tiểu ban. Sau khi tôi bốc câu hỏi và trả lời xong các nội dung chính, đồng chí Trưởng tiểu ban nhận xét:

- Đồng chí trả lời như vậy rất tốt, riêng tôi có thể cho đồng chí 9 điểm. Song tôi hỏi thêm một câu hỏi phụ, đồng chí có thích làm cán bộ chính trị không?

Đây là một câu hỏi có lẽ rất khó. Sau giây lát đắn đo, tôi mạnh dạn trả lời:

- Thưa đồng chí, tôi không thích làm cán bộ chính trị, vi mấy lý do. Thứ nhất, từ khi nhập ngũ đến nay, tôi liên tục làn cán bộ quân sự. Thứ hai, tôi chưa được đào tạo một lớp nào về cán bộ chính trị nên chưa có chuyên môn làm cán bộ chính trị. Và lý do thứ ba là tôi thấy công tác chính trị có sự bận rộn mà bản thân chưa đáp ứng được. Đây là một khiếm khuyết của bản thân tôi. Còn nếu trên có yêu cầu chuyển tôi sang làm cán bộ chính trị thì tôi sẵn sàng nhận nhưng với điều kiện phải cho tôi đi đào tạo nghiệp vụ về công tác đảng, công tác chính trị, lúc đó mới hoàn thành nhiệm vụ được.

Tôi không biết Ban giám khảo nghĩ sao, nhưng trong lòng thấy thoải mái vì bản thân vốn trực tính nghĩ sao nói vậy. Tôi sẵn sàng đón nhận sự phán xét từ đồng chí Trưởng tiểu ban:

- Đồng chí trả lời như vậy là rất đúng, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc kiểm tra hôm nay.

Tôi chào báo cáo và ra về, trong lòng vừa phấp phỏng lo lắng sợ tổ chức đánh giá mình, vừa thấy thoải mái vì mình đã nói được đúng suy nghĩ của mình. Các ngày tiếp theo lần lượt bảo vệ luận văn về ý định chiến dịch theo đầu bài đã được chuẩn bị từ trước và cuối cùng là trả lời những câu hỏi về lý luận nguyên tắc nghệ thuật quân sự trong các hình thức chiến dịch cấp quân đoàn và quân khu. Kết quả thi tốt nghiệp quốc gia, tôi đạt loại giỏi cả ba môn. Còn nhớ khi bảo vệ xong đề tài luận văn về chiến dịch tiến công cấp quân khu, đồng chí cố vấn Liên Xô đến bắt tay và chúc mừng tôi. Đồng chí quay sang nói với đồng chí Giám đốc Học viện Quốc phòng:

- Đây là một đồng chí có thể ở lại làm giảng viên huấn luyện tốt cho học viện.

Giám đốc Hoàng Minh Thảo hỏi tôi:

- Cố vấn phát hiện như thế, đồng chí nghĩ thế nào?

Tôi trả lời:

- Trước hết, xin cám ơn Giám đốc, cám ơn đồng chí cố vấn. Tôi được biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập ở Học viện, tôi được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 bố trí về chỉ huy một sư đoàn đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Kra Ché – Campuchia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM